Ngày 11-07-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:38 11/07/2021

30. Giống như người cầm bánh lái trong cơn giông tố, lực sĩ thi đấu trong thao trường, người lính trên sa trường và người anh dũng bị thử thách trong khó khăn, thì người Ki-tô hữu cũng phải tôi luyện mình trong cám dỗ như vậy.

(Thánh Basil)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:44 11/07/2021
98. TIẾP KIẾN CẤP TRÊN

Có một cử nhân tìm mọi cách để được làm quan huyện ở huyện nọ, lần đầu tiên đến tiếp kiến thượng quan, khi dẫn ngang nhà kho, thì không biết làm thế nào để nói xã giao, đột nhiên hỏi:

- “Đại nhân danh tánh là gì?”

Thượng quan thấy anh ta không biết lễ phép và không có trí tuệ gì cả thì rất kinh hãi, miễn cưỡng đáp:

- “Họ mỗ.”

Huyện quan ấy cúi đầu suy nghĩ rất lâu rồi lại nói:

- “Họ của đại nhân trong bá tánh không ai có cả.”

Thượng quan càng thêm kinh hãi, nói:

- “Ta ở dưới cờ (Mãn tộc) ông không biết sao?”

Huyện quan lại đứng thẳng người hỏi:

- “Đại nhân ở cờ nào?”

Thượng quan nói:

- “Giữa cờ đỏ.”

Huyện quan nói:

- “Giữa cờ vàng là tốt nhất, tại sao đại nhân không đứng giữa cờ vàng?”

Thượng quan phẫn nộ, hỏi:

- “Ông người thuộc tỉnh nào?”

Huyện quan trả lời:

- “Quảng Tây.”

Thượng quan nói: “Quảng Đông là tốt nhất, tại sao ông không ở Quảng Đông?”

Huyện quan nhất thời không trả lời được, nên cáo từ lui về, qua ngày hôm sau được lệnh cưỡng chế mất chức trở về nhà, thật đáng buồn ông ta chỉ làm huyện quan được một tháng.

(Tiếu Tiếu lục)

Suy tư 98:

Dùng tiền bạc để mua chức quan, thì trước sau gì cũng mất chức quan; dùng tài nịnh hót của mình để được tiến thân, thì trước sau gì cũng thân bại danh liệt, bởi vì cái chức quan do tiền mua và tiến thân cách hèn hạ, thì chỉ có những người vô tài bất tướng mới làm như thế…

Học hành không ra gì mà được làm quan lớn là một tai họa cho xã hội, thiệt hại lợi ích công cộng của bá tánh, đó là một tệ nạn của xã hội cần phải làm sạch như bệnh truyền nhiễm.

Giáo Hội rất ý thức về chuyện này, cho nên đòi hỏi các ứng sinh làm linh mục phải là những con người thật thà, trưởng thành và can đảm trong cách học hành, và rất mong muốn họ trở nên những linh mục vừa có tri thức vừa có đạo đức, vừa có sự thông minh và vừa có sự khiêm tốn, để họ ý thức được mình chỉ là “đầy tớ vô dụng” của Thiên Chúa mà thôi…

Linh mục là người được Thiên Chúa chọn, chứ không phải là chức quan do tiền mua được, ai có đức tin thì hiểu…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Hai hạng tiên tri
Lm. Minh Anh
01:04 11/07/2021
HAI HẠNG TIÊN TRI
“Ngươi hãy đi nói tiên tri cho Israel dân Ta!”.

Một vị vua nọ cho gọi một trong những tiên tri của mình đến và hỏi, vua sẽ sống được bao lâu. Tiên tri trả lời, “Tâu đức vua, ngài sẽ sống để chứng kiến tất cả các con trai, con gái của mình chết”. Nhà vua nổi cơn thịnh nộ, giao tiên tri cho lính xử tử. Sau đó, vua cho gọi một tiên tri khác và hỏi một câu tương tự. “Tâu đức vua”, tiên tri nói, “Ngài sẽ sống cho đến khi chết!”. Vua ban thưởng cho tiên tri này nhiều vàng bạc. Cả hai được gọi là tiên tri, nhưng một người là vì ‘lợi nhuận’, dua nịnh nhưng thiếu khôn ngoan; người kia thẳng thắn, nói lên sự thật cách khôn khéo!

Kính thưa Anh Chị em,

Sẽ rất thú vị khi qua phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay cũng nói đến tiên tri, và chúng ta khám phá ra rằng, ở mọi thời, sẽ luôn luôn có đến ‘hai hạng tiên tri!’.

Tên gọi công việc của ai đó biểu thị chức năng và xác định danh tánh của họ. Một thầy giáo, một bác sĩ có thể coi công việc của họ là một ơn gọi từ trên cao, hoặc họ có thể coi đó chỉ là một nghề để kiếm sống. Về vấn đề này, một tiên tri của Chúa không có sự lựa chọn nào khác; tiên tri đúng nghĩa sẽ không thể trở thành một tiên tri vì ‘lợi nhuận’; ở đây, lợi nhuận thế tục hoàn toàn không liên quan. Bài đọc thứ nhất cho biết, Amos đang làm phiền những người quyền lực giàu có ở Israel với Lời của Thiên Chúa, Đấng bảo ông nói. Không giống các tiên tri khác, Amos là người chăn gia súc và hái trái sung khi Chúa gọi ông, “Ngươi hãy đi nói tiên tri cho Israel dân Ta!”; thế mà, ông đã dám thách thức Israel, đòi họ thay đổi đời sống, và kết quả là Amos bị thù ghét. Một hạng tiên tri khác, ở đây là các tư tế; họ không muốn bị xáo trộn; họ sống thoải mái, nói những lời dễ chịu và tránh tranh cãi. Điển hình là tư tế Amasia; ông cáo buộc Amos là kẻ gây rối, chống lại vua; và Amasia thúc giục Amos, “Hãy trốn sang đất Giuđa, kiếm ăn và nói tiên tri ở đó!”, Amasia muốn Amos trở thành một tiên tri ‘nghề nghiệp’.

Như thời của Amos, ngày nay, nhiều người muốn Giáo Hội im lặng về những giáo lý truyền thống liên quan đến đạo đức, luân lý. Nhiều người Công Giáo bị đẩy ra khỏi chính trường, thậm chí ra khỏi cộng đồng. Chúng ta bị buộc tội áp đặt đạo đức của mình, được miêu tả như là những kẻ cố chấp đầy thù hận vì tin vào sự mặc khải của thần thánh và lý trí đúng đắn. Tệ nhất, chúng ta liên tục bị phản bội bởi anh em mình; họ là những con sói vốn biết rằng, chúng có quyền tự do thao túng đoàn chiên một khi có những mục tử độ lốt chiên, cổ súy cho sự dối trá, bất đồng chính kiến; đó là những tiên tri ‘lợi nhuận’ bỏ phiếu cho hôn nhân đồng tính, phá thai hoặc cái chết êm dịu. Hay như Amasia, những hy vọng vào một Amos rồi đây, trở thành một tiên tri ‘nghề nghiệp’.

Kitô hữu không phải là những tiên tri ‘nghề nghiệp’, các môn đệ được sai đi trong Tin Mừng hôm nay không phải là những tiên tri ‘lợi nhuận’. Chúa Giêsu sai các ông đi, “Rao giảng sự thống hối, trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân”. Từ ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội, như các môn đệ, mỗi người chúng ta cũng được sai đi với tư cách là những tiên tri của Chúa, chúng ta có kho tàng đức tin để chia sẻ với người khác, điều mà bài đọc thứ hai gọi là “sự phong phú của ân sủng Thiên Chúa đã ban cho chúng ta”; chúng ta được “đóng ấn bởi Thánh Thần”. Như vậy, chúng ta không có lợi nhuận thế tục, lợi nhuận ở đây chính là ơn cứu độ như Thánh Vịnh đáp ca xác tín, “Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy tình thương của Chúa, và ban ơn cứu độ cho chúng con!”.

Anh Chị em,

Lý tưởng là vậy, lý thuyết là vậy; thế nhưng, trong thực tế, nơi chính mỗi người chúng ta, vẫn có đủ ‘hai hạng tiên tri’. Chúng ta luôn bị cám dỗ trở thành một tiên tri ‘nghề nghiệp’; chúng ta dễ thoả thiệp với thế gian, không muốn bị xáo trộn; chỉ muốn sống thoải mái, nói những lời dễ chịu và tránh tranh cãi. Thật dễ dàng để rao giảng một Phúc Âm như thế và dễ dàng đắm mình trong một ‘phiên bản tiên tri’ mà thế gian hồ hởi đón nhận; vậy mà Chúa Giêsu đã nói, “Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế”. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta trở nên những tiên tri đích thực của Chúa; đó là những con người chỉ biết cậy dựa vào một mình Thiên Chúa, đi con đường hẹp Chúa Giêsu đã đi, trao tặng yêu thương và sứ điệp lòng thương xót của Ngài; tiếp tục hiện diện như Thiên Chúa đang hiện diện, tiếp tục chữa lành, kêu gọi sám hối và luôn sống một cuộc sống chứng tá của Tin Mừng dẫu cho bị thù ghét và chống đối.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con biết, con thuộc về Chúa, được sai đi để sống và nói Lời của Chúa, mặc cho thế gian ghét bỏ; vì điều con sợ nhất luôn là trở nên một tiên tri giả, một Kitô hữu giả”, Amen.
(Tgp. Huế)
 
Ngày 12/7: Thầy không đến để đem hòa bình, nhưng đem gươm giáo – Lm. Anthony Nguyễn Hữu Quảng SDB
Giáo Hội Năm Châu
02:41 11/07/2021

PHÚC ÂM: Mt 10,34 – 11,1

“Thầy không đến để đem hòa bình, nhưng đem gươm giáo”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con chớ tưởng rằng Thầy đến để mang hoà bình cho thế gian: Thầy không đến để đem hoà bình, nhưng đem gươm giáo. Vì chưng, Thầy đến để gây chia rẽ con trai với cha mình, con gái với mẹ mình, nàng dâu với mẹ chồng mình: và thù địch của người ta lại là chính người nhà mình. Kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy. Kẻ nào yêu con trai con gái hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy. Kẻ nào không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó. Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy, và kẻ nào đón tiếp Thầy, là đón tiếp Đấng đã sai Thầy. Kẻ nào đón tiếp một tiên tri với danh nghĩa là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của tiên tri; và kẻ nào đón tiếp người công chính với danh nghĩa người công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính. Kẻ nào cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã mà thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với các con: người ấy không mất phần thưởng đâu”. Sau khi Chúa Giêsu truyền dạy xong các điều ấy cho mười hai tông đồ, Người rời khỏi đó để đi dạy dỗ và rao giảng trong các thành phố của các ông.

Đó là lời Chúa.
 
Được Sai Đi Giữa Mùa Đại Dich Covid-19 or Delta
Lm Francis Lý văn Ca
07:40 11/07/2021
Marcô 6:7-13

Lời Dẫn Nhập:

Khuya ngày thứ Bảy tôi nhận được bài hát ‘XIN’ từ một người bạn ở Việt Nam gửi sang như một lời mời gọi chia sẻ với tình trạng đang đau khổ ở quê nhà trong cơn đại dịch đang bùng phát dữ dội… tôi cho phổ biến bài hát bất hủ nầy trên trang Vietcatholic để như một lời mời gọi cùng ‘Hiệp Thông’ cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Phanxicô đang tĩnh dưỡng sau cuộc phẫu thuật cắt bỏ một phần đại tràng bên trái vào tối Chúa Nhật 4 tháng 7. Như toàn văn thông báo của Phòng Báo Chí Toà Thánh như sau:

“Đức Thánh Cha Phanxicô đã trải qua một ngày yên tĩnh với các tiến triển lâm sàng bình thường. Ngài tiếp tục ăn uống đều đặn và điều trị theo lịch trình. Đức Thánh Cha đã đi tản bộ trên hành lang và tiếp tục công việc của ngài, xen kẽ đó là những giây phút đọc các văn bản.

Vào buổi trưa, ngài cử hành Thánh lễ trong nhà nguyện của phòng bệnh riêng của mình, với sự tham dự của tất cả những người đang hỗ trợ ngài trong thời gian nằm viện. Sau một khoảng thời gian ngắn bị sốt nhẹ, Đức Thánh Cha hiện không còn sốt. Ngày Chúa Nhật tới, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin từ tầng 10 của Bệnh viện Đại học Agostino Gemelli.

Đức Thánh Cha cám ơn về rất nhiều những điện văn yêu thương và gần gũi mà Ngài nhận được hàng ngày và yêu cầu chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho Ngài…”

Ngoài ra, chúng ta cùng hiệp thông với Giáo Hội và Đồng Bào nơi Quê Nhà trong những ngày nầy… chúng ta cùng cầu nguyện cho cơn đại dịch này mau chống qua để mọi sinh hoạt của Xã Hội và Tôn Giáo được sớm trở lại bình thường để cuộc sống của mỗi người mỗi gia đình được bình thường hóa.

Dựa vào bài Tin Mừng của Chủ Nhật thứ 15 Mùa Quanh Năm B hôm nay và đặc biệt là bài suy niệm sau đây của Lm. Phanxicô Xaviê Lê Văn Nhạc đăng trong website của GP Long Xuyên… (Tin Mừng Mc 6: 7-13: Hôm nay, Chúa Giêsu phục sinh cũng sai chúng ta đến với thế giới...)

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta về nhóm Mười Hai tông đồ lên đường. Đâu là hành trang của người tông đồ? Chúa Giêsu trả lời: "Không được mang gì khi đi đường". Không bánh trái, không bao bị, không tiền bạc, không mặc hai áo. Như thế, các ông lên đường với tất cả sự nhẹ nhàng... Càng nhẹ nhàng thì càng dễ thi hành sứ mạng và càng được tự do hơn. Tuy nhiên sự nhẹ nhàng này thật là một thách đố. Khi người tông đồ phải lên đường với hai bàn tay trắng, không có lộ phí, không có lương thực dự trữ, lúc đó họ phải hoàn toàn lệ thuộc vào lòng nhân hậu của Thiên Chúa và lòng tốt của tha nhân. Ra đi tay trắng như thế là chấp nhận đủ mọi bất trắc có thể xảy ra dọc đường, nhưng cũng là đặt mình thường xuyên dưới sự quan phòng của Chúa. Chính Chúa lo mọi sự cho tôi, để tôi chuyên tâm lo việc của Chúa. Sự an toàn của tôi không dựa vào những phương tiện trần thế, nhưng vào chính Thiên Chúa.

Chúa Giêsu cũng dạy cho các ông biết thái độ phải có khi đến với dân chúng. Nếu được đón tiếp thì hãy ở lại, không tìm một nhà khác tiện nghi hơn. Người tông đồ cần có đời sống nghèo, đón nhận những gì được trao cho mình với lòng biết ơn. Nếu không được đón tiếp thì cũng không nên nản lòng. Cử chỉ giũ chân ra đi cho thấy người tông đồ chẳng hề muốn lấy đi điều gì ở nơi đã từ chối đón tiếp mình.

Hôm nay, Chúa Giêsu phục sinh cũng sai chúng ta đến với thế giới. Thế giới không phải là chuyện xa xôi. Thế giới là nơi chúng ta đang sống, đang làm việc. Thế giới là gia đình, bạn bè, là trường học, cơ quan, xí nghiệp. Thế giới là nơi giải trí, nơi du lịch, bãi biển. Thế giới là sách báo, phim ảnh, video, quảng cáo. Thế giới là mọi ngành khoa học, nghệ thuật, văn chương. Chúng ta ở trong thế giới và Chúa muốn sai chúng ta đi vào thế giới của mình trong tư cách là người kitô hữu. Kitô hữu là người có khả năng biến đổi thế giới mình đang sống để nó biến thành thế giới của Thiên Chúa. Các tông đồ đã rao giảng, đã mời gọi con người hoán cải để đón nhận Nước Thiên Chúa gần bên. Chúng ta cũng phải có can đảm kêu gọi mọi người hoán cải, để tất cả những gì phá hủy phẩm giá con người, loại trừ sự sống của Thiên Chúa, đều phải bị loại trừ. Kitô hữu là người phải hoán cải trước khi mời gọi người khác hoán cải, phải tỉnh thức trước khi đánh thức người khác, phải thuộc về Chúa trước khi trừ quỷ.

Thế giới hôm nay cũng là một thế giới bị thương tích, cần được chữa lành. Bệnh tật của thân xác và bệnh tật của tinh thần vẫn hoành hành trên thế giới. Con người đau khổ vì mất niềm tin, lo âu, tuyệt vọng. Con người nô lệ cho chính những sản phẩm của mình. Tiến bộ khoa học kỹ thuật lại đặt ra những vấn đề mới mà tự sức con người không giải quyết được. Kitô hữu là người tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu, băng bó vết thương của thế giới bằng sự hiện diện đầy yêu thương.

Chúng ta không rõ nếu hôm nay Chúa phục sinh chỉ thị cho chúng ta, thì Ngài sẽ nói gì trước khi sai chúng ta ra đi. Chắc Ngài sẽ nói khác với đoạn Tin Mừng hôm nay, nhưng ý chính vẫn không thay đổi. Ngài dạy chúng ta tin cậy vào quyền năng của Thánh Linh hơn là vào khả năng và phương tiện tự nhiên của mình. Ngài nhắc nhở chúng ta tín thác vào Cha trên trời và chuyên cần cầu nguyện, vì chẳng ai có thể rao giảng Tin Mừng nếu không có tình bạn thân thiết với Chúa.

Mỗi thánh lễ Chúa Giêsu tập họp chúng ta lại thành một cộng đoàn môn đệ của Ngài, để rồi sai chúng ta ra đi loan truyền Tin Mừng phục sinh của Ngài cho mọi người ở mọi nơi. Tin Mừng này chỉ có thể được công bố bằng cuộc sống làm chứng của mỗi người chúng ta và của cả Giáo Hội, một cuộc sống trung thành với Chúa Giêsu nghèo khó và chịu đóng đinh thập giá. Đó là bằng chứng đáng tin của tình thương cứu độ cho mọi người…

Thay Lời Kết:

Nhìn về Giáo Hội Việt Nam và Quê Hương Việt Nam thân yêu…. Mọi sinh hoạt xã hội và Tôn Giáo dường như bình đình trệ hay ngưng hoạt động… còn chúng ta Linh Mục, Tu Sĩ và Giáo Dân ở Hải Ngoại… vẫn còn ‘sống-vươn lên’ thỉnh thoảng vì Virus Covid-19 hay Delta thì bị cách ly ngắn hay gia hạn tùy địa phương hay tiểu bang...

Chúng ta ngay cả Linh mục vẫn hưởng trợ cấp của Giáo Hội hay của chính phủ cũng như công dân trong một đất nước tự do… còn ở Việt Nam Linh mục và giáo dân hoàn toàn ‘đói meo’. Nghe bài hát ‘XIN’ và dựa vào những suy tư của Lm Phanxicô Xaviê Lê Văn Nhạc. tôi mời gọi Anh Em Linh Mục và giáo dân ở hải ngoại hãy nhìn vào cuộc sống của chính chúng ta để nhận ra ‘những điều may mắn’ mà chúng ta đang thừa hưởng để rồi chúng ta có thể làm một cái gì đó có thể trong phạm vi của từng người, từng cá nhân cho Giáo Hội và Quê Hương Thân Yêu Việt Nam trong những ngày đau khổ nhất như hiện nay… để Thiên Chúa, qua lời cầu bầu của Mẹ La Vang. Mẹ Việt Nam và Các Thánh Của Quê Hương ban cho thế giới và đặc biệt là Quê Hương được sớm thoát cơn đai dịch kinh hoàng hiện nay. Như lời kết của Lm Fx Lê văn Nhạc trong bài chia sẻ: “Một cuộc sống trung thành với Chúa Giêsu. nghèo khó và chịu đóng đinh thập giá. Đó là bằng chứng đáng tin của tình thương cứu độ cho mọi người”.


Lm Francis Lý văn Ca - Perth, Tây Úc 10.7.2021
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Huấn dụ của Đức Thánh Cha buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 11/7/2021 tại bệnh viện Gemelli.
J.B. Đặng Minh An dịch
05:21 11/07/2021
Chúa Nhật 11 tháng Bẩy Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 15 Mùa Thường Niên. Bài Tin Mừng trình bày với chúng ta câu chuyện Chúa Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi, Người ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế. Và Người truyền các ông đi đường, đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo. Người lại bảo: “Đến đâu, các con vào nhà nào, thì ở lại đó cho đến khi ra đi. Ai không đón tiếp các con, cũng không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi đó, phủi bụi chân để làm chứng tố cáo họ”. Các ông ra đi rao giảng sự thống hối. Các ông trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân.

Bài Tin Mừng thật trùng hợp với việc Đức Thánh Cha đang nằm trong bệnh viện Gemelli.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin từ tầng 10 của bệnh viện, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tôi rất vui vì có thể giữ buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật ngay tại bệnh viện Đa khoa Gemelli này. Tôi cảm ơn tất cả anh chị em: Tôi cảm nhận được sự gần gũi của anh chị em và sự hỗ trợ từ những lời cầu nguyện của anh chị em. Cảm ơn anh chị em rất nhiều! Bài Tin Mừng chúng ta đọc trong Phụng vụ hôm nay thuật lại rằng các môn đệ của Chúa Giêsu, được Người sai đi, đã “xức dầu cho nhiều người bệnh và chữa lành họ” (Mc 6:13). “Dầu” này cũng khiến chúng ta liên tưởng đến bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, mang lại sự thoải mái cho tinh thần và thể xác. Nhưng “dầu” này còn là sự lắng nghe, gần gũi, quan tâm, dịu dàng của những người chăm sóc các bệnh nhân: nó như một cái vuốt ve làm cho người ta cảm thấy dễ chịu hơn, xoa dịu và làm giảm đi nỗi đau. Tất cả chúng ta, tất cả chúng ta, dù sớm hay muộn, đều cần đến sự “xức dầu” của sự gần gũi và dịu dàng này, và tất cả chúng ta có thể trao nó cho người khác, bằng một lời thăm hỏi, một cuộc điện thoại, một bàn tay dang rộng cho những người cần giúp đỡ. Chúng ta hãy nhớ rằng, trong Matthêu chường 25 một trong các tiêu chí trong cuộc phán xét cuối cùng là liệu chúng ta có gần gũi với người bệnh hay không.

Trong những ngày nằm bệnh viện này, một lần nữa tôi đã cảm nhận được tầm quan trọng của một dịch vụ y tế tốt, dành cho tất cả mọi người, như ở Ý và ở các nước khác. Một dịch vụ y tế miễn phí, bảo đảm một sự phục vụ chu đáo cho tất cả mọi người. Tài sản quý giá này không được để mất. Chúng ta phải giữ nó! Và để được như thế, tất cả chúng ta phải dấn thân, vì nó phục vụ mọi người và yêu cầu sự đóng góp của mọi người. Ngay cả trong Giáo hội, đôi khi cũng xảy ra trường hợp một cơ sở y tế nào đó, do quản lý không hiệu quả, hoạt động kinh tế không tốt, và ý nghĩ đầu tiên đến với chúng ta là hãy bán nó đi. Nhưng trong Giáo Hội ơn gọi không phải là có tiền, mà là làm công việc phục vụ, và việc phục vụ luôn miễn phí. Đừng quên điều này: hãy giữ lấy các tổ chức miễn phí.

Tôi muốn bày tỏ sự cảm kích và khích lệ tới các bác sĩ và tất cả các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và nhân viên của bệnh viện này cũng như các bệnh viện khác. Họ làm việc chăm chỉ! Và chúng ta cầu nguyện cho tất cả những bệnh nhân. Ở đây có một số trẻ em bị bệnh… Tại sao trẻ em bị bệnh? Tại sao trẻ em phải chịu đựng là một câu hỏi làm rúng động đến con tim. Chúng ta hãy đồng hành với các em bằng lời cầu nguyện và hãy cầu nguyện cho tất cả những các bệnh nhân, đặc biệt cho những người có hoàn cảnh khó khăn: đừng để một ai bị bỏ lại một mình, mọi người phải có thể nhận được sự xức dầu của lắng nghe, gần gũi, dịu dàng và chăm sóc. Chúng ta cầu xin điều này nhờ sự chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ của chúng ta, Sức khỏe của những các bệnh nhân.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm:

Anh chị em thân mến,

Những ngày gần đây, những lời cầu nguyện của tôi thường hướng đến Haiti, sau khi Tổng thống bị giết và vợ ông bị thương. Tôi hiệp nhất trong lời kêu gọi chân thành của các Giám mục đất nước này xin cho mọi người hãy “hạ vũ khí xuống, chọn cuộc sống, chọn phong cách sống với nhau trong tình huynh đệ vì lợi ích của tất cả mọi người và vì lợi ích của Haiti”. Tôi gần gũi với những người dân Haiti thân yêu; Tôi hy vọng rằng vòng xoáy bạo lực sẽ chấm dứt và quốc gia sẽ có thể tiếp tục hành trình hướng tới một tương lai hòa bình và hòa hợp.

Hôm nay là “Chúa Nhật Của Những Người Làm Nghề Hàng Hải”, dành riêng cho những người đi biển và những người có nguồn công việc và nguồn sống trên biển. Tôi cầu nguyện cho họ và tôi kêu gọi mọi người hãy quan tâm đến đại dương và biển cả. Hãy chăm sóc sức khỏe của biển: xin đừng đổ nhựa xuống biển!

Tôi nhớ đến và chúc lành cho tất cả những ai ở Ba Lan hôm nay tham gia cuộc hành hương của Gia đình Radio Maria đến Đền thờ Czestochowa.

Hôm nay cũng là lễ Thánh Biển Đức, Tu viện trưởng và là Bổn mạng của Âu Châu. Một cái ôm dành cho vị thánh bảo trợ của chúng ta! Chúng ta cầu chúc các tu sĩ dòng Biển Đức trên toàn thế giới. Và những lời chúc tốt đẹp nhất đến Âu Châu, nơi được thống nhất trong các giá trị sáng lập nên nó.

Chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật vui vẻ! Đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc một bữa trưa ngon miệng và xin tạm biệt!
Source:Holy See Press Office
 
Những kẻ phá hoại phỉ báng Tượng Chúa Kitô 7 tầng với biểu ngữ Chúa chúc lành cho phá thai ở Arkansas
Đặng Tự Do
17:40 11/07/2021


Những kẻ phá hoại đã xúc phạm bức tượng Chúa Kitô ở Ozarks cao bằng bảy tầng lầu ở Eureka Springs, Arkansas vào sáng sớm thứ Sáu. Đây là bức tượng Chúa Giêsu cao nhất trên toàn cõi Hoa Kỳ.

Các thành viên của nhóm Indecline đã nhận trách nhiệm về hành vi báng bổ này. Nhóm này nói họ không phải là những người “ủng hộ sự sống hay chống lại sự sống”, nhưng tin rằng phá thai là một “phép lạ đáng để ăn mừng”.

Sự mạo phạm được đưa ra để đáp lại luật Arkansas nghiêm cấm hầu hết các trường hợp phá thai. Nhóm này cho biết “chỉ có một phòng khám phá thai” ở Arkansas là “thái quá”.

Giải thích trên các mạng xã hội, nhóm này nói:

“Chúng ta không nhất thiết phải lựa chọn ủng hộ hay phản đối sự sống. Chúng tôi chỉ nghĩ rằng phá thai là một phép lạ đáng được ăn mừng”.

Giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về phá thai cho biết như sau:

“Sự sống con người, ngay từ lúc tượng thai, phải được tôn trọng và bảo vệ cách tuyệt đối. Ngay từ giây phút bắt đầu hiện hữu, các thụ tạo nhân linh phải được nhìn nhận có các quyền lợi của một nhân vị, trong đó có quyền được sống là quyền bất khả xâm phạm của mọi thụ tạo vô tội” - Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo số 2270.

“Ngay từ thế kỷ thứ nhất, Hội Thánh đã khẳng định mọi vụ phá thai đều là tội ác luân lý. Giáo huấn đó không thay đổi. Giáo huấn đó vẫn luôn luôn không thể thay đổi. Việc phá thai trực tiếp, nghĩa là, hoặc được muốn như mục đích hoặc được muốn như phương tiện, đều trái ngược một cách nghiêm trọng với luật luân lý” - Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo số 2271
Source:ChurchPOP
 
Nicolas Maduro tuyên bố cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng nhưng tiếp tục bách hại Giáo Hội tại Venezuela
Đặng Tự Do
17:41 11/07/2021


Trong cuộc họp khoáng đại của các giám mục Venezuela, Đức Cha chủ tịch Hội Đồng Giám Mục nhận xét rằng chua chát rằng nhà độc tài Nicolas Maduro tuyên bố cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng nhưng lại tiếp tục bách hại Giáo Hội tại Venezuela. Ngài nhấn mạnh rằng một trong những trận chiến chính cần phải chiến đấu trong nước là yêu cầu chấm dứt vi phạm nhân quyền.

Trận chiến hôm nay bao gồm “sử dụng tất cả các cơ chế hiến pháp và pháp lý để yêu cầu chấm dứt các vi phạm nhân quyền” và người Công Giáo “phải nhận thức được sự suy thoái cả nước đã phải chịu đựng và tạo ra các quyết định cần thiết cho một sự thay đổi trong hàng lãnh đạo để các nhà lãnh đạo mới có một dấn thân lớn hơn với người dân chứ không phải là với các lợi ích đảng phái hay ý thức hệ của họ,” Đức Tổng Giám Mục José Luis Azuaje Ayala của Maracaibo đã đưa ra lập trường trên ngày 7 tháng Bảy.

Ngài cũng nhấn mạnh rằng các cuộc chiến khác mà đất nước phải tham gia bao gồm “xác lập mình như một quốc gia dân tộc và một lần nữa nhận lại thiên chức làm công dân, cuộc chiến giành lại phẩm chất giáo dục, và nhìn nhận bản thân là những sinh vật có phẩm giá và làm việc cùng nhau trong việc xây dựng tình huynh đệ và tình bạn xã hội”.

Dưới chính quyền xã hội chủ nghĩa của Nicolas Maduro, Venezuela đã bị tàn phá bởi bạo lực, biến động chính trị và xã hội, với tình trạng thiếu lương thực và thuốc men trầm trọng, tỷ lệ thất nghiệp cao, mất điện và siêu lạm phát. Hơn bốn triệu người Venezuela đã di cư kể từ năm 2015.

Tổ chức phi chính phủ độc lập Provea của Venezuela đã báo cáo ngày 9 tháng 3 năm 2021, rằng ít nhất 2,853 người đã thiệt mạng bởi lực lượng vũ trang của nhà nước vào năm 2020.

Mạng lưới Monitor de Víctimas đã báo cáo 87 vụ hành quyết phi pháp từ ngày 1 tháng 6 năm 2020 đến ngày 22 tháng 3 năm 2021, theo một tài liệu được công bố hồi tháng 6 năm 2021 biết Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
Source:Catholic News Agency
 
Giám mục Mễ Tây Cơ đăng quảng cáo tìm kiếm linh mục trừ tà
Đặng Tự Do
17:42 11/07/2021


Trong một trường hợp thật hi hữu, Đức Cha José Armando Álvarez Cano của Tampico đã đăng quảng cáo tìm kiếm một linh mục trừ tà cho giáo phận. Việc đăng quảng cáo như thế cho thấy một mức độ cấp bách của tình hình tại giáo phận này.

Một quảng cáo được đăng ngày 7 tháng 7 trên tạp chí của giáo phận cho biết nhà trừ tà phải “quan tâm đến một số tình huống đã xảy ra trong vài tháng qua tại giáo phận Tampico”.

Ấn phẩm cũng cho biết một số linh mục của giáo phận gần đây đã tham gia vào một khóa đào tạo do Tổng giáo phận Mễ Tây Cơ tổ chức. Tuy nhiên, số các linh mục trừ tà trong giáo phận vẫn không đủ.

Trừ tà là một phương thuốc để giải thoát các nạn nhân bị quỷ nhập.

Cha Jordan Aumann, một tu sĩ dòng Đa Minh ở Miền Trung Mễ Tây Cơ qua đời năm 2007, đã viết rằng “để trừ tà trọng thể, cần phải xác minh một cách chắc chắn thực tế của việc bị quỷ nhập và sau đó xin một lệnh khẩn cấp của vị giám mục bản quyền cho phép trừ tà”.

Ngài nói thêm rằng người trừ tà nên chuẩn bị tinh thần bằng cách xưng tội, ăn chay và cầu nguyện, và thực hiện nghi thức trong nhà thờ hoặc nhà nguyện.

Khi ma quỷ đã được xua đuổi, “người trừ quỷ nên cầu xin Chúa ra lệnh cho ma quỷ không bao giờ được nhập vào cơ thể người nó vừa mới bỏ đi. Người trừ tà nên tạ ơn Chúa và khuyên bệnh nhân được giải thoát hãy chúc tụng Chúa và cẩn thận tránh xa tội lỗi kẻo lại rơi vào sự thống trị của ma quỷ”.
Source:Catholic News Agency
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đền Thánh Martino Hố Nai - Ngày Đầu Phong Tỏa Vì Dịch Corona
Lm Lê Văn La Vinh, OP
08:08 11/07/2021
Đền Thánh Martino Hố Nai - Ngày Đầu Phong Tỏa Vì Dịch Corona

Thông tin về các ca nhiễm bệnh virus Côrona ở Biên Hòa - Đồng Nai mỗi ngày mỗi tăng cao. Và nhiều biện pháp của nghành chức năng đã đưa ra để cứu vãn tình hình... nhưng con virus Vũ Hán hình như... không biết sợ... nó cứ nhỡn nhơ từ chỗ này qua chỗ khác. Từ tỉnh tới quê. Từ chợ về nhà. Từ cơ quan đến gia đình và các cá nhân... Thế là biện pháp quyết liệt cần thiết phải đưa ra để ngăn chặn đường lây lan của cơn đại dịch: LỆNH PHONG TỎA.

Nghe được từ thông tin thì tỉnh Đồng Nai vừa dẹp bỏ nhiều chợ lớn nhỏ. Phong tỏa nhiều phường. Trong đó có phường Tân Biên nơi Đền thánh Martino tọa lạc.

Thế là cửa đóng then cài... mọi người giản cách... đường phố ngõ hẻm dăng giây...

Hai tháng nay, từ khi cơn dịch lần 4 bùng phát... không khí xã hội... phố phường và các cá nhân đã buồn... nay lại buồn hơn gấp bội khi ngày đầu phong tỏa đã tới.

Đền thánh Martino là một địa chỉ hành hương quen thuộc và thân thiện với rất nhiều người. Nơi đây khách thập phương và người bản địa vẫn lui tới mỗi ngày thật đông để khấn xin, để nguyện cầu với vị thánh Martino khả ái. Nhất là mỗi ngày chúa nhật... mật độ và số lượng người đến với Đền thánh càng đông hơn bội phần...

Thế mà nay, trong tình trạng phong tỏa tại địa phương... phố phường vắng vẻ... nhà nhà lặng yên và lúc này là 15g00 của một ngày chúa nhật. Đền thánh Martino thật đìu hiu và cô quạnh...

Không còn tiếng cầu kinh, không nghe tiếng xe gầm rú bóp còi của xe lớn xe nhỏ... xin chỗ đậu; các dãy ghế đá bụi phủ lá rơi; cửa nhà thờ khóa chặt... Thánh giá Chúa đang chờ tiếng cầu kinh. Thánh Martino đứng cô đơn không người đến viếng... lặng lẽ, đơn côi, trầm buồn...

Xin ghi lại đôi nét và gởi đến mọi người vài tấm hình như một chút thông tin... như một lời chia sẻ.

Kính chúc mọi người, mọi gia đình bình an trong những ngày phòng chống đại dịch.

Xin thánh Martino là đấng thương xót nhìn đến đoàn con đang khốn khó trong cơn đại dịch này. Cầu cho chúng con. Amen.

Đền Thánh Martino Hố Nai 11/7/2021

Lm Lê Văn La Vinh, OP
 
Thông báo của Tòa Giám Mục Xuân Lộc trước tình hình nhiều nơi bị phong tỏa
Giáo Hội Năm Châu
18:08 11/07/2021

Kính thưa Quý Cha Quản hạt, Quý Cha, Quý Bề trên, Quý Phó tế,
Quý Tu sĩ nam nữ, Quý Chủng sinh và Cộng đoàn dân Chúa Giáo phận,

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng như nhiều nơi khác trong cả nước, tình hình đại dịch Covid đang ngày càng nghiêm trọng hơn. Tại Giáo phận Xuân Lộc, nhiều đoạn đường, nhiều khu vực đã phải phong tỏa và áp dụng theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (cách ly nhà với nhà, ấp với ấp…), nhất là toàn bộ khu vực Gia Kiệm (dọc Quốc lộ 20, từ Gx. Hưng Bình cho đến Núi Cúi). Do việc phong tỏa, cách ly diễn ra khá đột ngột và kéo dài, nhiều người, nhiều gia đình đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về lương thực. Nhiều người khác, tuy không nằm trong khu vực phong tỏa, cũng đang chịu những tác động tiêu cực của dịch bệnh (thất nghiệp, sức khỏe, giáo dục…). Hơn nữa, dịch bệnh chưa có dấu hiệu giảm bớt mà có thể kéo dài và lan tới một số khu vực khác.

Đối diện với cảnh huống này, trong mối quan tâm, ưu tư và lo lắng, Đức cha Gioan - Giám mục Giáo phận, gửi lời thăm hỏi đến Quý Cha, Quý Tu sĩ - Chủng sinh và hết mọi người trong các nơi đang bị phong tỏa. Ngài ghi nhận và khuyến khích các Giáo xứ đã tổ chức việc đón nhận, phân phối và chia sẻ lương thực cũng như có sáng kiến tổ chức các giờ cầu nguyện tại gia. Đức Cha xin anh chị em tin tưởng vào Chúa, gia tăng lời cầu nguyện, sống yêu thương, quan tâm đến nhau hơn và thể hiện bằng những việc bác ái cụ thể:

1. Tại các Giáo xứ có những khu vực nhỏ bị phong tỏa: Xin Quý Cha và Quý chức tìm ra những phương cách để mọi người trong Giáo xứ có thể sống tinh thần bác ái Kitô giáo, góp phần trợ giúp các gia đình đang gặp khó khăn;

2. Tại những khu vực lớn như tại Giáo hạt Gia Kiệm: Xin Quý Cha trong khu vực và các Cha thân quen tại các nơi, trực tiếp liên hệ với nhau để có thể có những sự trợ giúp kịp thời. Xin Ban Caritas – Bác ái Xã hội của Giáo phận, của Giáo hạt Gia Kiệm và các Giáo hạt khác, nghiên cứu các phương án khả thi, để việc trợ giúp được thực hiện một cách có tổ chức, lâu dài và hiệu quả hơn.

Chúng ta cùng hướng lòng lên trời, nài xin Thiên Chúa Ba Ngôi, nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria – Mẹ Hằng Cứu Giúp, và Thánh cả Giuse, thương cứu chữa nhân loại chúng ta.
----------------------------------
Vp. TGM xin kính báo
Lm. Fx. Đỗ Đức Lực
 
Cộng Đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm Melbourne chào đón 14 em xưng tội rước lễ lần đầu.
Trần Văn Minh
19:03 11/07/2021
Melbourne, Thánh lễ 5 giờ chiều Chúa Nhật, Ngày 11/7/2021. Tại Cộng Đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm, đã tổ chức cho 14 em xưng tội rước lễ lần đầu thật trọng thể. Thánh lễ đồng tế do Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Long, Giám mục Giáo phận Parramatta, Sydney nhân dịp Ngài đến thăm cộng đoàn chủ tế, cùng với hai cha tuyên úy cộng đoàn là quý Cha Phạm Minh Ước và Phạm Văn Ái đồng tế. Ca đoàn Cecilia phụng vụ thánh ca thật xuất sắc đã giúp buổi lễ thêm phần long trọng và sốt sắng.
Bé Mimi rước lễ lần đầu


Xem hình

Đây là buổi lễ sau mùa lockdown, mà các em được hai giáo lý viên kỳ cựu là bà Hồ Thanh và chị Thủy dìu dắt đã lâu, bị hoãn nhiều lần do lệnh giãn cách không cho phép tổ chức. Các em thuộc đủ mọi lứa tuổi, mà gia đình muốn cho các em về cộng đoàn để học giáo lý, và xưng tội, rước lễ cho vinh dự. Các em đã đón nhận Bí Tích Hòa Giải vào tối Thứ Tư 7/7/21.

Trong bài chia sẻ lời Chúa, đại ý Đức Cha đã nói về Tiên Tri Amos, và chia sẻ về Tin Mừng của Thánh Mc 6, 7-13. Chúa Giêsu sai các môn đệ đi nhưng lại nói các ông ra đi như những người khó nghèo, không mang bánh, không mang theo bao, bị, không mang tiền trong túi, và đừng mặc hai áo. Nhưng Ngài ban cho các ông quyền phép trên các thần ô uế. Và các ông đã trừ được nhiều quỷ, chữa lành cho nhiều người và xức dầu cho các bệnh nhân. Đức Cha cũng nhắn nhủ các em, đây là một vinh dự cho các em được rước Chúa vào lòng, và trở nên một phần tử trong nhiệm thể của Chúa trong Bí Tích Mình Thánh Chúa.

Cuối lễ, Cha Tuyên úy Phạm Minh Ước đã thông báo đến cộng đoàn, và cùng chúc mừng 10 năm Giám mục của Đức Cha Vincent. Sau đó, Đức Cha Vincent và hai cha tuyên úy đã đứng chụp hình với các em và gia đình từng em trong niềm vui của cộng đoàn sau mùa cách ly tránh dịch.

Cũng trong dịp gặp gỡ lại vị khách quý của cộng đoàn là Đức Cha Vincent, cộng đoàn cũng có mời Đức Cha Vincent dùng một bữa cơm đúng nghĩa, không có tiệc mừng hội ngộ. Và để đánh dấu kỷ niệm 10 năm Giám mục của Đức Cha Vincent, cộng đoàn cũng mời Đức Cha Vincent cắt bánh kỷ niệm do một thành viên trong cộng đoàn cô Tiffany (Bouquet Cakes By Tiffany) làm chiếc bánh công phu với nhiều ý nghĩa kỷ niệm 10 của Đức Cha Vincent.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Cầu Khẩn
Sr. Huyền Trần
16:37 11/07/2021
CẦU KHẨN
Ảnh của Sr. Huyền Trần (SSpS)

Xin sai Thánh Thần Chúa đến
để Người đổi mới mặt đất này
(Trích Đáp ca)
 
VietCatholic TV
Vụ kiện lố bịch nhất nước Mỹ: Cha giảng không hài lòng, kiện, đòi 25,000, bị Tòa Phúc Thẩm cảnh cáo
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:06 11/07/2021


Gia đình một thiếu niên 18 tuổi đã kiện một linh mục ra tòa đòi tiền thiệt hại vì ngài đã mạnh mẽ chỉ trích việc thiếu niên này tự tử ngay trong đám tang của anh ta. Vụ kiện này là một trong các vụ kiện gây sốc nhất và lố bịch nhất tại Hoa Kỳ kéo dài từ năm 2019 cho đến nay.

Hôm thứ Năm 9 tháng 7, trong phiên xử tại Tòa án phúc thẩm Michigan, 3 thẩm phán đã đồng thanh đưa ra phán quyết vị linh mục hoàn toàn vô tội, ngài được bảo vệ bởi các điều khoản liên quan đến tôn giáo của Tu chính án thứ nhất.

Trước đó một thẩm phán tại Quận Monroe, đã bác bỏ đơn kiện của bà mẹ anh thanh niên Maison Hullibarger. Tuy nhiên, gia đình chống án lên Tòa án phúc thẩm Michigan.

Chúng tôi xin được tóm tắt lại vụ việc như sau.

Trong một vụ kiện được coi là lố bịch nhất khiến nhiều tín hữu Công Giáo tại tổng giáo phận Detroit bất bình, một gia đình Công Giáo đã đâm đơn kiện cha sở của họ đòi bồi thường 25,000 Mỹ Kim vì vị linh mục này đã can đảm nói lên một chân lý đức tin trong bài giảng tại thánh lễ an táng đứa con của họ.

Gia đình này nói rằng cha LaCuesta đã gây ra cho họ những tổn thương và đau đớn không thể khắc phục được vì trong đám tang con trai của họ, cha LaCuesta đã nhiều lần nhắc đến chuyện con trai họ đã chết vì tự tử, và thúc giục cộng đoàn cầu nguyện một cách đặc biệt cho linh hồn của người quá cố.

Maison Hullibarger, mười tám tuổi, đã tự sát vào ngày 4 tháng 12 năm 2018. Bốn ngày sau đó, tức là vào ngày 8 tháng 12 năm 2018, cha LaCuesta đã cử hành Thánh lễ an táng Maison tại giáo xứ Đức Mẹ Núi Carmelô ở Temperance, Michigan.

Một năm sau, cha mẹ Maison, là ông Jeff và bà Linda Hullibarger, đã đệ đơn kiện cha LaCuesta, giáo xứ Đức Mẹ Núi Carmelô, và cả Tổng giáo phận Detroit để đòi 25,000 đô la thiệt hại.

Trong một tuyên bố được các luật sư của gia đình công bố hôm 14 tháng 11, họ nói rằng:

“Không có bậc làm cha làm mẹ nào, không có người anh, người chị, người em nào, không có thân bằng quyến thuộc nào trong gia đình, phải ngồi chịu trận như chúng tôi trong thánh lễ an táng này”.

Trong bài giảng của ngài, cha LaCuesta nói rằng tự tử là một hành động chống lại thánh ý Chúa, nhưng ngài cũng kêu gọi cộng đoàn trông cậy vào lòng thương xót Thiên Chúa, và đừng tuyệt vọng nhưng phải cầu nguyện đặc biệt sốt sắng cho người quá cố.

Trong đơn kiện, ông Jeff, cha của Maison, nói rằng ông đã tiến lên bục giảng trong khi cha LaCuesta đang giảng và yêu cầu ngài “Xin làm ơn đừng nói đến chuyện tự tử nữa.” Nhưng cha LaCuesta vẫn tiếp tục bài giảng của ngài theo chiều hướng đó.

Cho nên, cuối năm 2019, cha mẹ Maison, là ông Jeff và bà Linda Hullibarger, đã đệ đơn kiện cha LaCuesta, giáo xứ Đức Mẹ Núi Carmelô, và cả Tổng giáo phận Detroit để đòi 25,000 đô la thiệt hại.

Vụ kiện này đang gây ra một làn sóng bất bình không chỉ trong tổng giáo phận Detroit mà còn nhanh chóng lan rộng ra các giáo phận khác của Hoa Kỳ. Các chuyên gia về Phụng Vụ tại Hoa Kỳ nói Cha LaCuesta giảng hoàn toàn đúng, hoàn toàn phù hợp với sách giáo lý của Giáo Hội Công Giáo; và cho biết thêm rằng vị giảng thuyết trong thánh lễ là người duy nhất có quyền quyết định nội dung bài giảng. Việc gia đình chạy lên bục giảng yêu cầu chủ tế giảng theo ý mình là quá đáng.

Sau tang lễ, gia đình Hullibargers đã phàn nàn với Tổng giáo phận Detroit, đe dọa thưa kiện và đòi cha LaCuesta phải bị thuyên chuyển đi nơi khác.

Để tránh bị thưa kiện, Đức Tổng Giám Mục Allen Vigneron đã đồng ý gặp gỡ gia đình này; và một ngày sau đó, cụ thể là ngày 17 tháng 12 năm 2018, Tổng giáo phận Detroit đã đưa ra một tuyên bố về vấn đề này.

Tuyên bố của tổng giáo phận Detroit là một sự nhượng bộ rõ rệt trước những phản ứng gay gắt của gia đình Hullibargers. Tuyên bố này có đoạn viết như sau:

“Hy vọng của chúng tôi là luôn mang lại niềm an ủi cho những tình huống đau đớn tột cùng, thông qua các nghi lễ an táng tập trung vào tình yêu và sức mạnh chữa lành của Chúa Kitô. Thật không may, điều đó đã không xảy ra trong trường hợp này. Chúng tôi hiểu rằng có thể chúng tôi đã gây ra một tình huống thậm chí còn khó khăn hơn, và chúng tôi xin lỗi về điều này.”

“Chúng tôi biết rằng gia đình đã bị tổn thương hơn nữa bởi sự lựa chọn của Cha LaCuesta khi ngài muốn chia sẻ giáo huấn của Giáo hội về hành vi tự tử. Trong khi, lẽ ra ngài nên nhấn mạnh hơn đến sự gần gũi của Chúa với những người than khóc.”

Tuy nhiên, Tổng giáo phận không đồng ý với yêu sách của gia đình đòi cha LaCuesta phải bị thuyên chuyển đi nơi khác. Tuyên bố chỉ nói một cách nhân nhượng rằng cha LaCuesta sẽ không giảng trong các thánh lễ an táng những người tự tử nữa, hay nếu không có linh mục thì bài giảng của ngài sẽ được một vị nào đó duyệt qua. Đó là một nhượng bộ mà gia đình Hullibargers cho là quá ít, không thể chấp nhận.

Trong đơn kiện, gia đình Hullibarger cáo buộc rằng Đức Tổng Giám Mục Allen Vigneron tuy đồng ý gặp gỡ họ nhưng khi bà mẹ của người quá cố là bà Linda Hullibarger bắt đầu công kích cha LaCuesta thì Đức Tổng Giám Mục tỏ vẻ không hài lòng. Ngài đứng dậy và yêu cầu chấm dứt cuộc họp với gia đình.

Gia đình Hullibarger cũng tố cáo cha LaCuesta đã cố gắng ngăn cha mẹ của Maison không cho đọc điếu văn cho con trai của họ trong Thánh lễ, mặc dù đã được thỏa thuận ngay trước khi thánh lễ được cử hành.

Tổng giáo phận đã không bình luận về cáo buộc cho rằng cha LaCuesta đã đồng ý cho phép Hullibargers đọc điếu văn con trai của họ, và sau đó đổi ý.

Đức Ông Robert Dempsey, cha sở giáo xứ Lake Forest, Illinois và là giáo sư về luật phụng vụ tại Đại Chủng viện Mundelein, của tổng giáo phận Chicago, nói với thông tấn xã CNA rằng quy tắc phụng vụ chính thức của Giáo hội cấm hành vi đọc điếu văn trong Thánh lễ an táng, nhưng ngài cho biết các quy tắc phụng vụ của Giáo hội đưa ra khả năng một thành viên hoặc một người bạn của gia đình nói ít lời tưởng nhớ đến người quá cố sau phần hiệp lễ ngay trước lời chào cuối lễ. Khả năng đó thường được xác định bởi quy chế giáo phận.

“Tang lễ Công Giáo không phải là một lễ kỷ niệm cuộc sống của người quá cố, mà là một lễ kỷ niệm sự tham gia của các tín hữu được rửa tội trong cuộc đời và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô,” Đức Ông Demsey giải thích.

“Lời nói tưởng nhớ ấy, nên nói ngắn gọn và nên tập trung vào việc người quá cố làm chứng trong cuộc đời của người ấy với những gì chúng ta tuyên xưng trong mầu nhiệm vượt qua.”

Các quy tắc tang lễ cho Tổng giáo phận Detroit cho phép khả năng nói vài lời ‘tưởng nhớ’ trong Thánh lễ an táng, nhưng nhấn mạnh rằng đó không được là một điếu văn.

Thành ra, có, hay không có, chuyện cha LaCuesta đã hứa cho gia đình đọc một điếu văn, và sau đó ngài đổi ý, không phải là điều quan trọng, vì nó không phù hợp với luật Phụng Vụ.

Cha Pius Pietrzyk, dòng Đa Minh, khoa trưởng khoa mục vụ tại Chủng viện St. Patrick ở Menlo Park, California, nói với CNA rằng theo quan điểm của ngài, vụ kiện dân sự sẽ không thành công vì “không có tòa án nào, dù là tòa án ở Michigan, hay tòa án liên bang, và chắc chắn càng không phải là Tòa án tối cao, sẽ ủng hộ một chuyện kiện cáo vô lý như thế, và chắc chắn họ sẽ không bao giờ yêu cầu Giáo hội loại bỏ một linh mục như thế.”

“Cặp vợ chồng có thể có những bất đồng với bài giảng và cách thức thánh lễ an táng được tiến hành, nhưng ý kiến cho rằng đây là vấn đề pháp lý, và các tòa án nên tham gia vào việc này, trái với tất cả các tiền lệ của Hiến pháp Mỹ. Nó sẽ không đi đến đâu, và cũng không nên đi đến đâu”.

“Ngay cả khi ta có thể đồng cảm với hoàn cảnh của cặp vợ chồng này, vì ta nên thông cảm với hoàn cảnh của bất kỳ cha mẹ nào mất con, vấn đề về quyền dân sự, và pháp lý lại là một vấn đề khác. Vì thế, tôi nghĩ ta có thể và phải chỉ trích vụ kiện dân sự này, ngay cả khi chúng ta nên thông cảm trước nỗi buồn của cặp vợ chồng ấy.”
Source:Crux
 
Hình ảnh mới nhất: Đức Thánh Cha xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên sau cuộc giải phẩu
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
07:12 11/07/2021

1. Đức Thánh Cha xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên sau cuộc giải phẩu

Lúc gần 12 giờ trưa theo giờ địa phương Rôma, tức là gần 5g chiều theo giờ Việt Nam ngày Chúa Nhật 11 tháng 7, hàng ngàn người đã tụ tập trong khuôn viên của bệnh viện Agostino Gemelli để có dịp đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật với Đức Thánh Cha và gặp gỡ ngài.

Đông nhất là các y tá và nhân viên y tế trong bệnh viện.

Đúng 12g trưa ngài bước ra cùng với các thiếu nhi đang được điều trị tại bệnh viện này. Sau một cuộc giải phẩu lớn như thế, Đức Thánh Cha trông có vẻ mệt nhọc nhưng vẫn rất linh hoạt. Đây là lần đầu tiên Đức Thánh Cha xuất hiện trước công chúng sau cuộc giải phẩu.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin từ tầng 10 của bệnh viện, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tôi rất vui vì có thể giữ buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật ngay tại bệnh viện Đa khoa Gemelli này. Tôi cảm ơn tất cả anh chị em: Tôi cảm nhận được sự gần gũi của anh chị em và sự hỗ trợ từ những lời cầu nguyện của anh chị em. Cảm ơn anh chị em rất nhiều! Bài Tin Mừng chúng ta đọc trong Phụng vụ hôm nay thuật lại rằng các môn đệ của Chúa Giêsu, được Người sai đi, đã “xức dầu cho nhiều người bệnh và chữa lành họ” (Mc 6:13). “Dầu” này cũng khiến chúng ta liên tưởng đến bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, mang lại sự thoải mái cho tinh thần và thể xác. Nhưng “dầu” này còn là sự lắng nghe, gần gũi, quan tâm, dịu dàng của những người chăm sóc các bệnh nhân: nó như một cái vuốt ve làm cho người ta cảm thấy dễ chịu hơn, xoa dịu và làm giảm đi nỗi đau. Tất cả chúng ta, tất cả chúng ta, dù sớm hay muộn, đều cần đến sự “xức dầu” của sự gần gũi và dịu dàng này, và tất cả chúng ta có thể trao nó cho người khác, bằng một lời thăm hỏi, một cuộc điện thoại, một bàn tay dang rộng cho những người cần giúp đỡ. Chúng ta hãy nhớ rằng, trong Matthêu chường 25 một trong các tiêu chí trong cuộc phán xét cuối cùng là liệu chúng ta có gần gũi với người bệnh hay không.

Trong những ngày nằm bệnh viện này, một lần nữa tôi đã cảm nhận được tầm quan trọng của một dịch vụ y tế tốt, dành cho tất cả mọi người, như ở Ý và ở các nước khác. Một dịch vụ y tế miễn phí, bảo đảm một sự phục vụ chu đáo cho tất cả mọi người. Tài sản quý giá này không được để mất. Chúng ta phải giữ nó! Và để được như thế, tất cả chúng ta phải dấn thân, vì nó phục vụ mọi người và yêu cầu sự đóng góp của mọi người. Ngay cả trong Giáo hội, đôi khi cũng xảy ra trường hợp một cơ sở y tế nào đó, do quản lý không hiệu quả, hoạt động kinh tế không tốt, và ý nghĩ đầu tiên đến với chúng ta là hãy bán nó đi. Nhưng trong Giáo Hội ơn gọi không phải là có tiền, mà là làm công việc phục vụ, và việc phục vụ luôn miễn phí. Đừng quên điều này: hãy giữ lấy các tổ chức miễn phí.

Tôi muốn bày tỏ sự cảm kích và khích lệ tới các bác sĩ và tất cả các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và nhân viên của bệnh viện này cũng như các bệnh viện khác. Họ làm việc chăm chỉ! Và chúng ta cầu nguyện cho tất cả những bệnh nhân. Ở đây có một số trẻ em bị bệnh… Tại sao trẻ em bị bệnh? Tại sao trẻ em phải chịu đựng là một câu hỏi làm rúng động đến con tim. Chúng ta hãy đồng hành với các em bằng lời cầu nguyện và hãy cầu nguyện cho tất cả những các bệnh nhân, đặc biệt cho những người có hoàn cảnh khó khăn: đừng để một ai bị bỏ lại một mình, mọi người phải có thể nhận được sự xức dầu của lắng nghe, gần gũi, dịu dàng và chăm sóc. Chúng ta cầu xin điều này nhờ sự chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ của chúng ta, Sức khỏe của những các bệnh nhân.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm:

Anh chị em thân mến,

Những ngày gần đây, những lời cầu nguyện của tôi thường hướng đến Haiti, sau khi Tổng thống bị giết và vợ ông bị thương. Tôi hiệp nhất trong lời kêu gọi chân thành của các Giám mục đất nước này xin cho mọi người hãy “hạ vũ khí xuống, chọn cuộc sống, chọn phong cách sống với nhau trong tình huynh đệ vì lợi ích của tất cả mọi người và vì lợi ích của Haiti”. Tôi gần gũi với những người dân Haiti thân yêu; Tôi hy vọng rằng vòng xoáy bạo lực sẽ chấm dứt và quốc gia sẽ có thể tiếp tục hành trình hướng tới một tương lai hòa bình và hòa hợp.

Hôm nay là “Chúa Nhật Của Những Người Làm Nghề Hàng Hải”, dành riêng cho những người đi biển và những người có nguồn công việc và nguồn sống trên biển. Tôi cầu nguyện cho họ và tôi kêu gọi mọi người hãy quan tâm đến đại dương và biển cả. Hãy chăm sóc sức khỏe của biển: xin đừng đổ nhựa xuống biển!

Tôi nhớ đến và chúc lành cho tất cả những ai ở Ba Lan hôm nay tham gia cuộc hành hương của Gia đình Radio Maria đến Đền thờ Czestochowa.

Hôm nay cũng là lễ Thánh Biển Đức, Tu viện trưởng và là Bổn mạng của Âu Châu được cử. Một cái ôm dành cho vị thánh bảo trợ của chúng ta! Chúng ta cầu chúc các tu sĩ dòng Biển Đức trên toàn thế giới. Và những lời chúc tốt đẹp nhất đến Âu Châu, nơi được thống nhất trong các giá trị sáng lập nên nó.

Chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật vui vẻ! Đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc một bữa trưa ngon miệng và xin tạm biệt!
Source:Holy See Press Office

2. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cầu chúc Đức Thánh Cha mau bình phục

Đức Tổng Giám Mục José H. Gomez của Los Angeles, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, cho biết Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ “gửi những lời cầu nguyện chân thành và những lời chúc tốt đẹp” cầu mong Đức Thánh Cha Phanxicô sớm bình phục.

“Với tâm tình tạ ơn, chúng tôi đã nhận được tin tức về sự thành công trong cuộc phẫu thuật của Đức Thánh Cha vào cuối tuần vừa qua,” Đức Tổng Giám Mục cho biết trong một tuyên bố ngày 9 tháng 7. “Ngay cả khi đang hồi phục trong bệnh viện, Đức Thánh Cha của chúng ta, với vai trò là mục tử toàn thể đoàn chiên Chúa, đã thể hiện sự gần gũi một cách quên mình với những người bệnh tật và những người cần được chăm sóc nhất.”

Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết hôm 9 tháng 7 rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp tục làm việc và cử hành thánh lễ cho những người chăm sóc ngài trong nhà nguyện nhỏ nằm trong dãy phòng dành riêng cho các vị giáo hoàng tại bệnh viện Gemelli ở Rome. “Ngài tản bộ trên hành lang và tiếp tục công việc của mình, xen kẽ nó với những giây phút đọc văn bản.”

Đức Giáo Hoàng đã phải nhập viện ngày 4 tháng 7 để phẫu thuật ruột kết theo kế hoạch diễn ra vào ngay tối hôm đó.

Đức Tổng Giám Mục Gomez nói thêm trong bản tuyên bố:

“Liên đới với giáo hội hoàn vũ, chúng tôi dâng lời cầu nguyện cho tất cả những ai bị bệnh và đang cần đến sự chữa lành của Thiên Chúa, và cho những người làm việc không mệt mỏi trong việc chăm sóc sức khỏe để mang lại sự thoải mái và những chăm sóc y tế cho những người đau khổ. Xin Mẹ Maria, Mẹ của ơn Chữa lành và Hy vọng, cầu bầu cho chúng ta!”

Các giám mục, giáo sĩ và giáo dân Công Giáo trên khắp thế giới đã tweet những thông điệp cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Phanxicô và những lời chúc tốt đẹp cho sự bình phục hoàn toàn của ngài sau cuộc phẫu thuật. Nhiều dòng tweet bao gồm cả lời cầu nguyện cho tất cả những người đang bị bệnh.

Đức Tổng Giám Mục Gomez đã tweet vào hôm 5 tháng 7 rằng:

“Lạy Chúa, cầu mong cho vị mục tử của chúng con và tất cả những người đang ở bệnh viện để chữa bệnh trong những ngày này tìm thấy sức mạnh và niềm an ủi trong tình yêu của Chúa”.

Vào ngày 4 tháng 7, Đức Tổng Giám Mục Gustavo García-Siller của San Antonio đã tweet đơn giản như sau: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô thân mến, chúng con cầu nguyện cho ngài.”

Ông Matteo Bruni, giám đốc văn phòng báo chí Vatican, cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 11 tháng 7 từ phòng của ngài trên tầng 10 của bệnh viện Gemelli.

Sáng 10 tháng 7, sau khi đo nhiệt độ, các bác sĩ của Đức Giáo Hoàng đã tiến hành chụp CT bụng và ngực cũng như kiểm tra định kỳ để bảo đảm rằng ngài không bị nhiễm trùng, một biến chứng phổ biến sau khi phẫu thuật đường ruột. Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết kết quả CT và xét nghiệm là âm tính.

CT là chữ viết tắt của Computed Tomography, nghĩa là quy trình sử dụng máy tính được liên kết với máy X-quang để tạo ra một loạt các hình ảnh chi tiết về các khu vực bên trong cơ thể. Các bức ảnh được chụp từ các góc độ khác nhau và được sử dụng để tạo ra các góc nhìn 3 chiều về các mô và cơ quan. Thuốc nhuộm có thể được tiêm vào tĩnh mạch hoặc nuốt vào miệng để giúp các mô và cơ quan hiển thị rõ ràng hơn. Chụp CT có thể được sử dụng để giúp chẩn đoán bệnh, lập kế hoạch điều trị hoặc tìm ra hiệu quả của việc điều trị.
Source:Crux
 
Giám mục Mexico đăng quảng cáo tìm gấp các linh mục trừ tà. Vụ phỉ báng tượng Chúa Kitô lớn nhất Mỹ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:39 11/07/2021


1. Những kẻ phá hoại phỉ báng Tượng Chúa Kitô 7 tầng với biểu ngữ “Chúa chúc lành cho phá thai” ở Arkansas

Những kẻ phá hoại đã xúc phạm bức tượng Chúa Kitô ở Ozarks cao bằng bảy tầng lầu ở Eureka Springs, Arkansas vào sáng sớm thứ Sáu. Đây là bức tượng Chúa Giêsu cao nhất trên toàn cõi Hoa Kỳ.

Các thành viên của nhóm Indecline đã nhận trách nhiệm về hành vi báng bổ này. Nhóm này nói họ không phải là những người “ủng hộ sự sống hay chống lại sự sống”, nhưng tin rằng phá thai là một “phép lạ đáng để ăn mừng”.

Sự mạo phạm được đưa ra để đáp lại luật Arkansas nghiêm cấm hầu hết các trường hợp phá thai. Nhóm này cho biết “chỉ có một phòng khám phá thai” ở Arkansas là “thái quá”.

Giải thích trên các mạng xã hội, nhóm này nói:

“Chúng ta không nhất thiết phải lựa chọn ủng hộ hay phản đối sự sống. Chúng tôi chỉ nghĩ rằng phá thai là một phép lạ đáng được ăn mừng”.

Giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về phá thai cho biết như sau:

“Sự sống con người, ngay từ lúc tượng thai, phải được tôn trọng và bảo vệ cách tuyệt đối. Ngay từ giây phút bắt đầu hiện hữu, các thụ tạo nhân linh phải được nhìn nhận có các quyền lợi của một nhân vị, trong đó có quyền được sống là quyền bất khả xâm phạm của mọi thụ tạo vô tội” - Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo số 2270.

“Ngay từ thế kỷ thứ nhất, Hội Thánh đã khẳng định mọi vụ phá thai đều là tội ác luân lý. Giáo huấn đó không thay đổi. Giáo huấn đó vẫn luôn luôn không thể thay đổi. Việc phá thai trực tiếp, nghĩa là, hoặc được muốn như mục đích hoặc được muốn như phương tiện, đều trái ngược một cách nghiêm trọng với luật luân lý” - Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo số 2271
Source:ChurchPOP

2. Nicolas Maduro tuyên bố cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng nhưng tiếp tục bách hại Giáo Hội tại Venezuela

Trong cuộc họp khoáng đại của các giám mục Venezuela, Đức Cha chủ tịch Hội Đồng Giám Mục nhận xét rằng chua chát rằng nhà độc tài Nicolas Maduro tuyên bố cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng nhưng lại tiếp tục bách hại Giáo Hội tại Venezuela. Ngài nhấn mạnh rằng một trong những trận chiến chính cần phải chiến đấu trong nước là yêu cầu chấm dứt vi phạm nhân quyền.

Trận chiến hôm nay bao gồm “sử dụng tất cả các cơ chế hiến pháp và pháp lý để yêu cầu chấm dứt các vi phạm nhân quyền” và người Công Giáo “phải nhận thức được sự suy thoái cả nước đã phải chịu đựng và tạo ra các quyết định cần thiết cho một sự thay đổi trong hàng lãnh đạo để các nhà lãnh đạo mới có một dấn thân lớn hơn với người dân chứ không phải là với các lợi ích đảng phái hay ý thức hệ của họ,” Đức Tổng Giám Mục José Luis Azuaje Ayala của Maracaibo đã đưa ra lập trường trên ngày 7 tháng Bảy.

Ngài cũng nhấn mạnh rằng các cuộc chiến khác mà đất nước phải tham gia bao gồm “xác lập mình như một quốc gia dân tộc và một lần nữa nhận lại thiên chức làm công dân, cuộc chiến giành lại phẩm chất giáo dục, và nhìn nhận bản thân là những sinh vật có phẩm giá và làm việc cùng nhau trong việc xây dựng tình huynh đệ và tình bạn xã hội”.

Dưới chính quyền xã hội chủ nghĩa của Nicolas Maduro, Venezuela đã bị tàn phá bởi bạo lực, biến động chính trị và xã hội, với tình trạng thiếu lương thực và thuốc men trầm trọng, tỷ lệ thất nghiệp cao, mất điện và siêu lạm phát. Hơn bốn triệu người Venezuela đã di cư kể từ năm 2015.

Tổ chức phi chính phủ độc lập Provea của Venezuela đã báo cáo ngày 9 tháng 3 năm 2021, rằng ít nhất 2,853 người đã thiệt mạng bởi lực lượng vũ trang của nhà nước vào năm 2020.

Mạng lưới Monitor de Víctimas đã báo cáo 87 vụ hành quyết phi pháp từ ngày 1 tháng 6 năm 2020 đến ngày 22 tháng 3 năm 2021, theo một tài liệu được công bố hồi tháng 6 năm 2021 biết Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
Source:Catholic News Agency

3. Giám mục Mễ Tây Cơ đăng quảng cáo tìm kiếm linh mục trừ tà

Trong một trường hợp thật hi hữu, Đức Cha José Armando Álvarez Cano của Tampico đã đăng quảng cáo tìm kiếm một linh mục trừ tà cho giáo phận. Việc đăng quảng cáo như thế cho thấy một mức độ cấp bách của tình hình tại giáo phận này.

Một quảng cáo được đăng ngày 7 tháng 7 trên tạp chí của giáo phận cho biết nhà trừ tà phải “quan tâm đến một số tình huống đã xảy ra trong vài tháng qua tại giáo phận Tampico”.

Ấn phẩm cũng cho biết một số linh mục của giáo phận gần đây đã tham gia vào một khóa đào tạo do Tổng giáo phận Mễ Tây Cơ tổ chức. Tuy nhiên, số các linh mục trừ tà trong giáo phận vẫn không đủ.

Trừ tà là một phương thuốc để giải thoát các nạn nhân bị quỷ nhập.

Cha Jordan Aumann, một tu sĩ dòng Đa Minh ở Miền Trung Mễ Tây Cơ qua đời năm 2007, đã viết rằng “để trừ tà trọng thể, cần phải xác minh một cách chắc chắn thực tế của việc bị quỷ nhập và sau đó xin một lệnh khẩn cấp của vị giám mục bản quyền cho phép trừ tà”.

Ngài nói thêm rằng người trừ tà nên chuẩn bị tinh thần bằng cách xưng tội, ăn chay và cầu nguyện, và thực hiện nghi thức trong nhà thờ hoặc nhà nguyện.

Khi ma quỷ đã được xua đuổi, “người trừ quỷ nên cầu xin Chúa ra lệnh cho ma quỷ không bao giờ được nhập vào cơ thể người nó vừa mới bỏ đi. Người trừ tà nên tạ ơn Chúa và khuyên bệnh nhân được giải thoát hãy chúc tụng Chúa và cẩn thận tránh xa tội lỗi kẻo lại rơi vào sự thống trị của ma quỷ”.
Source:Catholic News Agency
 
Huấn dụ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 11/7/2021 tại bệnh viện Gemelli.
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
18:16 11/07/2021


Chúa Nhật 11 tháng Bẩy Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 15 Mùa Thường Niên. Bài Tin Mừng trình bày với chúng ta câu chuyện Chúa Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi, Người ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế. Và Người truyền các ông đi đường, đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo. Người lại bảo: “Đến đâu, các con vào nhà nào, thì ở lại đó cho đến khi ra đi. Ai không đón tiếp các con, cũng không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi đó, phủi bụi chân để làm chứng tố cáo họ”. Các ông ra đi rao giảng sự thống hối. Các ông trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân.

Bài Tin Mừng thật trùng hợp với việc Đức Thánh Cha đang nằm trong bệnh viện Gemelli.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin từ tầng 10 của bệnh viện, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tôi rất vui vì có thể giữ buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật ngay tại bệnh viện Đa khoa Gemelli này. Tôi cảm ơn tất cả anh chị em: Tôi cảm nhận được sự gần gũi của anh chị em và sự hỗ trợ từ những lời cầu nguyện của anh chị em. Cảm ơn anh chị em rất nhiều! Bài Tin Mừng chúng ta đọc trong Phụng vụ hôm nay thuật lại rằng các môn đệ của Chúa Giêsu, được Người sai đi, đã “xức dầu cho nhiều người bệnh và chữa lành họ” (Mc 6:13). “Dầu” này cũng khiến chúng ta liên tưởng đến bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, mang lại sự thoải mái cho tinh thần và thể xác. Nhưng “dầu” này còn là sự lắng nghe, gần gũi, quan tâm, dịu dàng của những người chăm sóc các bệnh nhân: nó như một cái vuốt ve làm cho người ta cảm thấy dễ chịu hơn, xoa dịu và làm giảm đi nỗi đau. Tất cả chúng ta, tất cả chúng ta, dù sớm hay muộn, đều cần đến sự “xức dầu” của sự gần gũi và dịu dàng này, và tất cả chúng ta có thể trao nó cho người khác, bằng một lời thăm hỏi, một cuộc điện thoại, một bàn tay dang rộng cho những người cần giúp đỡ. Chúng ta hãy nhớ rằng, trong Matthêu chường 25 một trong các tiêu chí trong cuộc phán xét cuối cùng là liệu chúng ta có gần gũi với người bệnh hay không.

Trong những ngày nằm bệnh viện này, một lần nữa tôi đã cảm nhận được tầm quan trọng của một dịch vụ y tế tốt, dành cho tất cả mọi người, như ở Ý và ở các nước khác. Một dịch vụ y tế miễn phí, bảo đảm một sự phục vụ chu đáo cho tất cả mọi người. Tài sản quý giá này không được để mất. Chúng ta phải giữ nó! Và để được như thế, tất cả chúng ta phải dấn thân, vì nó phục vụ mọi người và yêu cầu sự đóng góp của mọi người. Ngay cả trong Giáo hội, đôi khi cũng xảy ra trường hợp một cơ sở y tế nào đó, do quản lý không hiệu quả, hoạt động kinh tế không tốt, và ý nghĩ đầu tiên đến với chúng ta là hãy bán nó đi. Nhưng trong Giáo Hội ơn gọi không phải là có tiền, mà là làm công việc phục vụ, và việc phục vụ luôn miễn phí. Đừng quên điều này: hãy giữ lấy các tổ chức miễn phí.

Tôi muốn bày tỏ sự cảm kích và khích lệ tới các bác sĩ và tất cả các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và nhân viên của bệnh viện này cũng như các bệnh viện khác. Họ làm việc chăm chỉ! Và chúng ta cầu nguyện cho tất cả những bệnh nhân. Ở đây có một số trẻ em bị bệnh… Tại sao trẻ em bị bệnh? Tại sao trẻ em phải chịu đựng là một câu hỏi làm rúng động đến con tim. Chúng ta hãy đồng hành với các em bằng lời cầu nguyện và hãy cầu nguyện cho tất cả những các bệnh nhân, đặc biệt cho những người có hoàn cảnh khó khăn: đừng để một ai bị bỏ lại một mình, mọi người phải có thể nhận được sự xức dầu của lắng nghe, gần gũi, dịu dàng và chăm sóc. Chúng ta cầu xin điều này nhờ sự chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ của chúng ta, Sức khỏe của những các bệnh nhân.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm:

Anh chị em thân mến,

Những ngày gần đây, những lời cầu nguyện của tôi thường hướng đến Haiti, sau khi Tổng thống bị giết và vợ ông bị thương. Tôi hiệp nhất trong lời kêu gọi chân thành của các Giám mục đất nước này xin cho mọi người hãy “hạ vũ khí xuống, chọn cuộc sống, chọn phong cách sống với nhau trong tình huynh đệ vì lợi ích của tất cả mọi người và vì lợi ích của Haiti”. Tôi gần gũi với những người dân Haiti thân yêu; Tôi hy vọng rằng vòng xoáy bạo lực sẽ chấm dứt và quốc gia sẽ có thể tiếp tục hành trình hướng tới một tương lai hòa bình và hòa hợp.

Hôm nay là “Chúa Nhật Của Những Người Làm Nghề Hàng Hải”, dành riêng cho những người đi biển và những người có nguồn công việc và nguồn sống trên biển. Tôi cầu nguyện cho họ và tôi kêu gọi mọi người hãy quan tâm đến đại dương và biển cả. Hãy chăm sóc sức khỏe của biển: xin đừng đổ nhựa xuống biển!

Tôi nhớ đến và chúc lành cho tất cả những ai ở Ba Lan hôm nay tham gia cuộc hành hương của Gia đình Radio Maria đến Đền thờ Czestochowa.

Hôm nay cũng là lễ Thánh Biển Đức, Tu viện trưởng và là Bổn mạng của Âu Châu được cử. Một cái ôm dành cho vị thánh bảo trợ của chúng ta! Chúng ta cầu chúc các tu sĩ dòng Biển Đức trên toàn thế giới. Và những lời chúc tốt đẹp nhất đến Âu Châu, nơi được thống nhất trong các giá trị sáng lập nên nó.

Chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật vui vẻ! Đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc một bữa trưa ngon miệng và xin tạm biệt!
Source:Holy See Press Office