Ngày 12-07-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 13/07: Chứng Nhân Tin Mừng – Lm. Phaolô Nguyễn Trọng Thiên, SVD
Giáo Hội Năm Châu
00:04 12/07/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu,

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các Tông Đồ rằng: “Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ. Trò được như thầy, tớ được như chủ, đã là đủ rồi. Chủ nhà mà người ta còn gọi là Bê-en-dê-bun, huống chi là người nhà.

“Vậy anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng.

“Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục. Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.

“Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.”

Đó là lời Chúa
 
Ơn gọi và sứ mạng
Lm. Thái Nguyên
00:44 12/07/2024

KÊU GỌI VÀ SAI ĐI
Chúa Nhật 15 Thường Niên năm B : Mc 6,7-13

Suy niệm

Chính Chúa Giêsu chọn gọi và thiết lập nhóm Mười Hai, để các ông ở với Ngài và được sai đi để chia sẻ sứ mạng của Ngài. Các ông “được sai đi từng hai người một ”, để hỗ trợ và nâng đỡ lẫn nhau. Để ra đi thi hành sứ mạng, Chúa Giêsu ban cho các ông quyền trừ quỷ, và được căn dặn rõ ràng là không mang lương thực, bao bị, tiền bạc… Không lương thực để khỏi phải bận tâm để dành; không bao bị để tránh việc gom góp của cải; không tiền bạc để không toan tính theo ý riêng; chỉ trừ mang theo cây gậy. Cây gậy tượng trưng quyền năng của Thiên Chúa. Với cây gậy nhỏ bé, Môsê làm nhiều dấu lạ điềm thiêng trước mặt vua Pharaô (x. Xh 4,2), xẻ đôi Biển Đỏ (Xh 14,16) và làm cho nước tuôn chảy từ một tảng đá (Xh 17,5). Các môn đệ của Đức Giêsu chỉ cầm một cây gậy: cây gậy của niềm tin, để có thể bức phá mọi giới hạn của con người, nhờ cậy dựa vào quyền năng của Lời Chúa mà thôi.

Hành trang lên đường của các Tông đồ xem ra không có gì. Ra đi mà không có một chút bảo đảm, không cảm thấy an toàn. Điều đó đòi các ông phải hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa, Đấng luôn quan phòng mọi sự khi các ông hết lòng với sứ vụ. Chúa muốn tránh cho các ông tất cả những kiểu cách mang lại lợi lộc cho bản thân, cũng như mọi lệ thuộc và trói buộc làm mất tự do của người loan báo Tin Mừng. Các ông cũng không được bỏ nhà này đến nhà kia để tìm kiếm tiện nghi và thoải mái. Cũng không cố thủ một nơi hay đóng đô một chỗ, sẵn sàng đến và cũng sẵn sàng đi, sẵn sàng đón nhận và cũng sẵn sàng buông bỏ: một tâm thế thanh thoát không vướng lụy. Chắc chắn các ông rất vui mừng, vì từ những người đánh cá, nay trở thành nhà rao giảng.

Các Tông đồ loan báo Tin Mừng về Nước Thiên Chúa, nhưng đòi người ta phải sám hối và hoán cải. Đây là điều không ai ưa, nhưng các ông phải can đảm nói lên những điều phải nói: không được giảm bớt những đòi hỏi của Tin Mừng; không dùng Tin Mừng để “chiêu mộ” tín đồ; không mị dân hay vuốt ve dư luận để thu phục tình cảm. Người tông đồ phải chấp nhận mọi hình thức đón tiếp: chân thành nồng hậu hay dửng dưng lạnh nhạt. Ai không đón tiếp thì giũ bụi chân ra đi, không có nghĩa là tỏ sự khinh bỉ, nhưng cho thấy có một sự tách biệt quyết liệt giữa sự lành và sự dữ, giữa tin và không tin, giữa chấp nhận và từ chối. Từ chối sứ giả là từ chối sứ điệp tình yêu của Thiên Chúa.

Ơn gọi và sứ mạng của các Tông đồ cũng là ơn gọi và sứ mạng đời Kitô hữu. Nhiệm vụ của chúng ta hôm nay không khác với nhiệm vụ của Nhóm Mười Hai: đó là loan báo Tin Mừng để giảm thiểu ảnh hưởng của sự dữ. Để chu toàn được sứ mạng này, chúng ta cần phải liên kết mật thiết với Đức Giêsu, khởi sự từ Ngài và quy chiếu về Ngài. Cũng như các Tông đồ, chúng ta được sai đến với mọi người không trừ ai, cũng không ngồi đó mà chờ người ta đến với mình. Quyền Đức Giêsu ban cho các ông không phải là quyền điều khiển người khác, nhưng là quyền để xua trừ ma quỉ, để giải thoát loài người khỏi tay chúng. Đó là một ân ban để chúng ta phục vụ, chứ không phải để được phục vụ, càng không được tạo nên một uy thế để thống trị.

Làm chứng bằng lời nói là một khía cạnh của sứ mạng tông đồ. Tuy nhiên, sứ mạng này sẽ khiếm khuyết nếu việc làm chứng bằng lời nói không được biểu hiện bằng việc làm, bằng chính đời sống mình. Chẳng ai tin người nói suông, người ta chỉ tin vào nhân chứng. Cũng như Đức Giêsu yêu cầu các Tông đồ phải chu toàn sứ mạng trong sự nghèo khó. Đời Kitô hữu cũng không thể để cho mình bị ràng buộc hay bị nô lệ cho tiền bạc của cải hay danh vọng, là những thứ dễ làm tha hóa đời sống mình, đánh mất bản chất của người môn đệ Đức Kitô.

Cần thoát ra khỏi những ham mê vật chất và tiện nghi sung sướng, để sống lý tưởng đời Kitô hữu. Ngày nay, chúng ta có thể mang theo nhiều đồ trang bị hơn xưa, phải có những phương tiện cần thiết để phục vụ cách hiệu quả hơn, nhưng chủ yếu vẫn là cậy dựa vào Chúa. Đừng chạy theo toan tính của mình cũng như cách thức của người đời, kẻo xa lạc với đường nẻo và cách thức của Chúa. Hãy để mình trở nên khí cụ trong bàn tay Chúa, để Ngài cứu chữa thế giới ngày càng có nhiều bệnh tật và đau khổ, do tội lỗi và sự u mê lầm lạc của con người.

Cuộc đời ta cao đẹp biết bao và vinh hạnh biết mấy, vì được góp phần với Chúa để Phúc âm hóa thế giới này. Phúc âm hóa không chỉ là “giảng dạy” hay đem Lời Chúa thấm nhập vào môi trường sống, nhưng còn là “giải thoát”, là “cứu trợ”, là chia sẻ cảnh ngộ của người khác.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Chính Chúa đã chọn gọi các Tông đồ,
để họ được sống cận kề bên Chúa,
và để Chúa sai đi giảng Tin Mừng,
dùng chính cuộc đời mình làm nhân chứng.

Chúa đã ban quyền năng cho các ông,
trừ ma quỷ và chữa lành bệnh tật,
nhưng không được cậy dựa vào vật chất,
mà phải sống niềm phó thác cậy trông,
càng không dựa vào thế lực người đời,
để luôn sống sáng ngời tình yêu Chúa.

Chúng con cũng được gọi và sai đi,
loan báo Chúa nơi nào mình có mặt,
cũng với niềm cậy trông và phó thác,
để mình luôn thanh thoát trên đường đời,
dám sống Tin Mừng Chúa ở mọi nơi,
đem lại cho mọi người sự sống mới.

Hằng ngày con vẫn dâng lời kinh nguyện,
cầu xin cho Nước Cha được trị đến,
nhưng vì tự lòng con chưa yêu mến,
nên chẳng thiết tha đến với mọi người,
đã quen sống ươn lười và khép kín,
nên khiến con xa lạc với lời kinh.

Con cho rằng giữ Chúa Nhật là xong,
rồi ra về với tâm hồn trống rỗng,
không thao thức đem sớt chia sự sống,
mà con đã hiệp thông với Mình Ngài.

Xin cho con từ nay biết hối cải,
đừng sống theo thứ quan niệm đã sai,
nhưng hăng hái loan báo Tin Mừng Ngài,
để Chúa là niềm vui con luôn mãi. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:10 12/07/2024

19. Người không cầu nguyện thì giống như cá không ở trong nước, như lính không có binh khí, như chim không có cánh, như thuyền không có mái chèo, hoàn toàn giống nhau.

(Thánh Christina)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:14 12/07/2024
5. KINH SỢ THỦY TRIỀU

Mỗi khi đến tháng tám, nước biển dâng cao làm chấn động các thị trấn ven biển.

Thời Nguyên mạt đến giữa Chính Niên, có người Mông Cổ tên là Đạt Lỗ Bất Hoa vừa mới lên chức quan, nghe thấy âm thanh sóng biển thì sợ đến nỗi không dám ngủ bèn đi kêu người coi cửa, người coi cửa từ trong mộng tỉnh lại, lỡ miệng nói:

- “Đó là thủy triều đang dâng cao lên bờ đó.”

Đạt Lỗ Bất Hoa kinh khiếp vội kêu vợ dậy nói:

- “Tưởng là làm quan để được vinh hoa phú quý, ai ngờ đêm nay chúng ta đều làm quỷ biển.”

Thế là cả nhà lớn nhỏ ôm nhau mà khóc mãi không thôi.

Quan tuần tra đi bên ngoài sân nghe tiếng khóc thì cho là có chuyện gì đây, lập tức truyền báo khắp nơi cho các quan biết.

Các quan vội vàng lại cứu viện, Đạt Lỗ Bất Hoa sợ nước dâng lên vào nhà nên đóng kín cổng không cho vào, các quan chỉ có cách là leo rào mà vào, thì thấy vợ chồng và các đầy tớ đều đu trên xà nhà kêu cứu mạng.

Sau khi hỏi rõ sự việc thì tất cả nín cười từ từ đi khỏi...

(Nhã Ngược)

Suy tư 5:

Đừng sợ, đó là câu nói mà thánh giáo hoàng Gioan Phao-lô đệ nhị đã biến thành hành động trong hai mươi sáu năm triều đại giáo hoàng của ngài. Ngài không sợ bởi vì ngài cậy trông vào ơn trợ giúp của Thiên Chúa, ngài không sợ vì ngài biết phó thác mọi việc trong triều đại giáo hoàng của ngài cho Đức Mẹ Ma-ri-a, ngài không sợ bởi vì ngài là một nhà lãnh đạo tinh thần của đoàn dân mà Đức Chúa Giê-su đã trao cho ngài –Giáo Hội Công Giáo.

Càng làm quan lớn thì càng phải không sợ, bởi vì một khi người đứng đầu chạy trốn, thì cả đoàn lũ dân chúng sẽ tán loạn, như lời của Đức Chúa Giê-su đã nói: đánh chủ chăn thì đoàn chiên sẽ tan nát.

Nghe tiếng sóng biển mà sợ thì không nên làm quan, nghe lời phê bình góp ý mà sợ thì không nên làm linh mục, bởi vì làm quan thì phải thường xuyên đứng đầu sóng gió, làm linh mục là người của mọi người thì thường nghe lời phê bình góp ý của giáo dân cũng như của mọi người là chuyện bình thường, nghe để phân tích và làm cho tốt hơn, cái “đừng sợ” là ở đó vậy.

Đừng sợ gì cả, duy có một cái nên sợ đó là sợ tội, vì tội lỗi là làm cho chúng ta mất ơn nghĩa của Thiên Chúa đã ban cho trong cuộc sống của mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Ra Đi Mk 6:7-13
Lm Vũđình Tường
02:02 12/07/2024
Mấy tuần qua trên chương trình tin tức cuối ngày, thỉnh thoảng TV trình chiếu hình ảnh các lực sĩ. Hầu hết là những khuôn mặt mới, rất trẻ, ngỡ ngàng, rạng rỡ, vui mừng, hớn hở; miệng tươi cười; hai tay trịnh trọng cầm vé máy bay đã được phóng lớn, để ngay trước ngực, cho biết người lực sĩ trúng tuyển, được ban giám khảo chọn lựa, thay mặt anh em đi dự Thế Vận Hội sắp diễn ra bên Pháp. Chính cá nhân lực sĩ đó và toàn ban giám khảo tràn trề hy vọng những người họ sai đi sẽ mang về, thu hoạch thành tích huy hoàng, vẻ vang. Họ trở về với huy chương đạt được sau nhiều cố gắng tập luyện. Đây là niềm hãnh diện cho chính cá nhân, và cho quốc gia mà họ đại diện.

Đức Kitô sai môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng, Ngài dặn các ông coi nhẹ vật chất nhưng trọng về tâm linh. Đức Kitô dặn các ông ra đi thật đơn sơ. Không cần mang theo lương thực đi đường, bao bị, phụ tùng, quần áo, đồ đạc lỉnh kỉnh, không mang theo tiền. Như thế của cải, vật chất không ảnh hưởng làm phiền đến việc rao giảng Tin Mừng. Các ông hội nhập chung sống như những người đón tiếp các ông. Họ ăn thức ăn gì các ông ăn thức ăn đó; họ ngủ nghỉ ra sao các ông cũng phỏng theo lối sống đó. Dù không thực phẩm dự trữ, dù không tiền dính túi, các ông sống trong bình an, và còn ban bình an cho những người đón tiếp các ông. Nghèo mà sống an bình còn quan trọng hơn cả giầu có mà sống không yên, luôn phập phồng, lo sợ, bất an. Phái đoàn lực sĩ đi theo nhóm riêng và chỉ dự thi môn họ đã dầy công luyện tập. Các tông đồ cũng đi từng nhóm hai người. Các ông là nhân tuyển đa dạng bởi các ông có khả năng làm được mọi công việc Đức Kitô trao phó. Nơi đâu các tông đồ cũng thực hành hai điều: Một là rao giảng Lời Chúa. Hai là ban bình an cho gia đình đón tiếp các ông. Đón tiếp Lời Chúa chính là đón tiếp bình an Lời Chúa mang lại. Đâu có an bình, ở đó có Lời Chúa và ngược lại. Đây không phải là loại bình an vật chất, mà là bình an phát ra từ Lời Chúa. Có Lời Chúa trong tâm hồn, Kitô hữu cảm thấy an bình ngay cả khi sống ở hoàn cảnh bất an. Như thế bình an Chúa ban không lệ thuộc vào vật chất.

Người ta lầm nghĩ có vật chất, danh vọng là có bình an. Điều này không hoàn toàn đúng. Vật chất mang lại bất an bởi nó có thể ra đi bất cứ lúc nào; trong khi bình an Lời Chúa đóng trụ trong tâm hồn; không ai lấy đi được, ngoại trừ chính cá nhân đó lơ là với Lời Chúa. Sai môn đệ ra đi không mang theo của cải, vật chất, Đức Kitô chủ trương dậy môn đệ điều ma quỷ dùng vật chất, danh vọng cám dỗ.
'Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi Lời miệng Thiên Chúa phán ra'(Mat 4:4 ).

Các tông đồ ban phát Lời Chúa. Lời Chúa tác động tâm hồn tín hữu và họ chăm lo cho các ông. Việc chăm lo cho các môn đệ diễn tả tình yêu sâu trong tim tín hữu. Tình yêu này hữu hình qua hành động chăm lo cho người khác.

Phúc Âm không thuật lại khuôn mặt tông đồ lúc được sai đi như thế nào? Các ông vui mừng hớn hở như người lực sĩ trẻ ra đi, tràn trề hy vọng, đầy nhiệt huyết. Rất có thể các tông đồ tâm hồn bồn chồn, nửa vui, nửa lo bởi bài học Thầy dậy, chỗ hiểu chỗ không thông; câu nhớ, câu quên. Đây là lần đầu các ông được sai đi, và Đức Kitô tin các ông làm tốt đẹp sứ mạng trao phó. Đức Kitô ban cho các ông quyền trừ ma quỷ và quyền chữa bệnh. Kitô hữu không được ban cho ơn trừ quỷ và đặt tay chữa bệnh. Kitô hữu được ban cho ơn khác. Đó là ơn can đảm chống lại chước cám dỗ ma quỷ; ơn khôn ngoan biết tránh xa cơ hội dẫn vào đường tội lỗi; ơn sống trung thành với Chúa và kiên tri trong đức mến; ơn biết chạy đến cùng Chúa xin che chở, đỡ nâng. Kitô hữu được kêu gọi tham gia tích cực vào phần thứ hai của Phúc Âm tuần này đó là mang bình an đến cho tha nhân. Khi ta thăm viếng, sinh hoạt, làm việc, ta là nhân chứng của Đức Kitô khi ta sống hài hoà, vui vẻ với mọi người. Kitô hữu được kêu gọi trở thành kẻ kiến tạo hoà bình, đề cao công bằng, công lí và trở thành khí cụ hoà bình.

Phúc Âm không thuật lại tâm tình các tông đồ lúc ra đi nhưng thuật kĩ khi các ông trở về với thành quả ngoài sức các ông mong đợi. Các ông nói với Đức Kitô, nhân Danh Thầy đến ma quỉ cũng phải vâng phục. Đức Kitô nói đó chỉ là hào quang tạm bợ, đến rồi đi. Hào quang quan trọng, vững bền, lâu dài, không bao giờ mất là tên các ông được ghi đặm trên nước trời. Chính thành quả này mới mang lại niềm vui vĩnh viễn. Tên được ghi trên nước trời cho biết Thiên Chúa biết rõ ta hơn cả chính ta biết ta; Ngài biết rõ mọi sinh hoạt bề ngoài lẫn tư tưởng trong tâm hồn. Ngài ghi nhận, thưởng công khi ta yêu thương tha nhân, và làm sáng Danh Thiên Chúa.

TiengChuong.org
 
Thi hành sứ vụ Chúa trao
Lm. Nguyễn Xuân Trường
06:32 12/07/2024
THI HÀNH SỨ VỤ CHÚA TRAO THẾ NÀO

Chúa Cha đã sai Chúa Giêsu xuống trần gian. Chúa Giêsu lại sai các môn đệ nối tiếp sứ mạng của Ngài. Chúa muốn các môn đệ cộng tác vào việc loan báo Tin Mừng, để công bố ơn cứu độ của Thiên Chúa, để làm chứng cho mọi người về Thiên Chúa đầy lòng xót thương.

1. Ai sai đi? Khi thi hành sứ vụ luôn phải khắc ghi rằng Chúa sai mình đi. Thế nên, mình phải thi hành ý Chúa muốn chứ không phải ý dân chúng muốn, càng không phải ý riêng mình. Ngôn sứ rao giảng Lời Chúa có khi nghe chói tai, chứ không phải rao giảng những lời sao cho êm tai người nghe.

2. Mang theo gì? Chúa bảo các môn đệ đi thi hành sứ vụ thì không mang theo lương thực, tiền bạc, đồ đạc. Gay go ghê! Phải chăng Chúa muốn các môn đệ sống thanh thoát, không bám víu vào vật chất, chỉ cần bám chặt vào Chúa, tín thác vào ơn Chúa ban. Sức mạnh của người môn đệ là cậy nhờ ơn Chúa trợ giúp chứ không phải cậy nhờ vật chất và sức riêng mình.

3. Làm những gì? Việc Chúa bảo các môn đệ làm là rao giảng Tin Mừng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối thay đổi đời sống nên giống Chúa mỗi ngày, là trừ quỷ thần ô uế đang làm xấu bẩn tâm hồn con người và cuộc đời, là chữa lành cho nhiều người đang bị bệnh tật thân xác và bị tổn thương tinh thần khiến bao cõi lòng, bao gia đình, bao cộng đoàn tan vỡ.

Ơn gọi đi theo Chúa luôn đi kèm ơn gọi đến với tha nhân. Thế nên, sau mỗi thánh lễ trong nhà thờ luôn có lời sai đi thi hành sứ vụ ngoài thế giới. Noi gương Đức Mẹ đon đả đem Chúa Giêsu đến cho gia đình bà Êlisabét tràn ngập niềm vui, chúng ta cũng hăng hái hân hoan loan báo Tin Mừng của Chúa cho tha nhân, để thế giới này chan chứa niềm vui trong Chúa. Amen.
 
Dạ, con đây
Lm. Minh Anh
14:38 12/07/2024
DẠ, CON ĐÂY!
“Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ đi cho chúng ta?”; “Dạ, con đây, xin sai con đi!”.

Thế kỷ 19, một tờ báo Paris đăng quảng cáo tuyển người đi truyền giáo hải ngoại thế này: “Chúng tôi sẽ cống hiến cho các bạn không lương bổng, không bảo hiểm, không người chỉ dẫn, không chế độ hưu trí; nhưng phải làm rất nhiều công việc nặng nhọc, chỗ ở tồi tàn, rất ít ủi an, nhiều thất vọng, đau ốm thường xuyên, một cái chết đớn đau trong cô đơn và một nấm mồ vô danh!”. Vậy mà đã có rất nhiều người “điên” đã ghi danh xuống tàu đi truyền giáo. Các thừa sai Việt Nam đầu tiên vào những thời kỳ đầu thuộc số điên này.

Kính thưa Anh Chị em,

Ngày nay, dẫu không đến nỗi phải cảnh “một nấm mồ vô danh”, nhưng có lẽ Thiên Chúa cũng đang thực sự lúng túng khi Ngài không biết phải “sai ai đây”. Vì thế, Lời Chúa nói với Isaia - bài đọc một - nói với các nhà thừa sai ngày nào vẫn đang ngỏ với chúng ta, “Ta sẽ sai ai đây?”.

Trình thuật về ơn gọi của Isaia truyền tải một cảm giác về sự khác biệt và uy nghi của Thiên Chúa. Isaia nhìn thấy Chúa “ngự trên ngai rất cao; tà áo của Người bao phủ Đền Thờ” lấp đầy nơi thánh. Nhà tiên tri có một ý thức sâu sắc về sự bất xứng của mình khi đứng trước sự hiện diện của Đấng Thánh Khiết.

Ngược lại, trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói về một Thiên Chúa liên quan mật thiết đến các chi tiết trong công trình sáng tạo của Ngài. Không con chim sẻ nào rơi xuống đất mà Cha trên trời không biết; Ngài là Đấng đếm từng sợi tóc trên đầu mỗi con cái. Nếu con chim sẻ nhỏ bé - hai con có thể mua được một hào ở chợ - là quý trước mặt Chúa Cha thì bạn và tôi quý trọng hơn biết bao, “Các con còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ”.

Không có sự xung đột giữa Thiên Chúa của Isaia và Thiên Chúa của Chúa Giêsu. Ngài là một Thiên Chúa vừa ở bên ngoài chúng ta một cách vô cùng, vừa can thiệp sâu sắc vô hạn các chi tiết bên trong cuộc sống mỗi người. Chính vì Ngài là Cha của chúng ta, nên chúng ta không sợ hãi khi làm chứng cho Chúa Giêsu, tuyên xưng Ngài trước mặt người khác. Hãy nói với Ngài, “Dạ, con đây!” và ‘xuống tàu!’.

Anh Chị em,

“Dạ, con đây!”. Với Isaia, bạn và tôi có thể thưa lên như thế khi biết Đấng sai chúng ta đang đồng hành với chúng ta trên mọi bước đường. Hãy nhớ, “Đấng kêu gọi anh em là Đấng trung tín, và Ngài sẽ trung tín đến cùng!” - Phaolô. Như Isaia, chúng ta có thể cự nự với lý do này lý do khác, “Khốn thân tôi! Vì tôi là một người môi miệng ô uế”. Và còn hơn thế, “Tay con ô uế, trí con ô uế… Con đang sống giữa một xã hội ô uế”. Nhưng Chúa nói, “Hãy nhìn xem, than hồng đã chạm đến lưỡi ngươi, lỗi ngươi được xoá, tội ngươi được tha!”; “Mỗi ngày các Bí tích chạm đến con, Bí tích Hoà Giải tẩy sạch con, chữa lành con; Bí tích Thánh Thể bổ sức con, nuôi dưỡng con!”. Và khi Thiên Chúa nói xong, Isaia không tài nào cưỡng lại, để rồi ậm ự như bạn và tôi cũng sẽ ậm ự, “Dạ, con đây, xin sai con đi!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, dạ, con đây! Chỉ xin cho con hiểu rằng, mức độ con nhận ra sự quan phòng của Chúa ‘tuỳ thuộc’ mức độ con ném mọi âu lo vào lòng thương xót của Ngài!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 15 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:20 12/07/2024
CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mc 6, 7-13

“Đức Chúa Giê-su bắt đầu sai các tông đồ đi rao giảng.”


Anh chị em thân mến,

Được sai đi là một vinh dự, càng vinh dự hơn khi người sai đi chính là Thiên Chúa, mỗi người trong chúng ta đều đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội tức là được trở nên môn đệ của Đức Chúa Ki-tô, và có bổn phận rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho mọi người.

Chúng ta được sai đi không như các tông đồ ngày xưa, và cũng không như các linh mục ngày nay, nhưng chúng ta được sai đi trong môi trường sống của mình là gia đình, là trường học, là chợ búa, là công sở, tóm lại ở đâu có chúng ta là ở đó Tin Mừng của Chúa được rao giảng, bằng các việc làm và lời nói chứa đựng tình yêu của Đức Chúa Giê-su cho mọi người, tuy việc rao giảng Tin Mừng của người tín hữu không giống như của các linh mục, nhưng chỉ thị của Đức Chúa Giê-su cho các tông đồ thì vẫn là chỉ thị cho chúng ta hôm nay:

1. Không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy.

Đi đường mà không mang gì cả thì thật sung sướng, không mang gì cả nhưng được mang cây gậy, đúng là Đức Chúa Giê-su rất cưng các học trò của mình, nhẹ nhàng ra đi truyền giáo với cây gậy làm vật hộ thân khi có sói rừng, khi gặp nguy hiểm, và nhờ có cây gậy mà người đi đường tự tin hơn.

Không mang gì cả đối với người Ki-tô hữu chính là hãy để cho tâm hồn mình bằng phẳng, đơn sơ, thật thà, đừng để tâm hồn chứa đựng nặng nề những ghét ghen, những hờn giận khi đi truyền giáo, cũng đừng chất chứa trong lòng những tham lam ích kỷ khi đi rao giảng Lời Chúa cho mọi người, bởi vì nếu tâm hồn chúng ta mang vác những thứ nặng nề ấy, thì sẽ không còn lòng dạ nào nữa để truyền giáo. Người ta sẽ không chấp nhận một nhà truyền giáo lòng đầy thù hận, ích kỷ nhỏ nhen.v.v... nhưng người ta chỉ hân hoan đón nhận một người truyền giáo thật thà đơn sơ, sống hết mình vì niềm tin của mình.

Cây gậy chính là đức tin của chúng ta, chỉ có đức tin mới làm cho chúng ta xác tín vào Lời Chúa mà không thèm mang gì cả khi ra đi truyền giáo, chỉ có đức tin mới làm cho tâm hồn chúng ta biết tin tưởng phó thác mọi sự trong tay Thiên Chúa, người có đức tin thì cuộc sống của họ tràn đầy ân sủng của Chúa. Khi gặp thử thách, chính đức tin làm cho họ trưởng thành hơn, khi gặp cám dỗ thì đức tin làm cho họ mạnh dạn thêm và chiến đấu đến cùng với ma quỷ.

Người Ki-tô hữu có thể không có gì cả, nhưng ”cây gậy đức tin” thì không thể thiếu, bởi vì nó làm cho người Ki-tô hữu luôn nhìn thấy Chúa hiện diện với họ trong cuộc sống, trong cuộc đời truyền giáo, không có đức tin thì không thể làm gì được kể cả cầu nguyện và đọc kinh, không có đức tin thì công việc truyền giáo của chúng ta chỉ là “hoa trong gương, trăng dưới nước” mà thôi, không tồn tại.

2. Được đi dép, nhưng không được mặc hai áo.

Đi dép là để cho chân của chúng ta được sạch và khỏi bị giẫm gai, đinh nhọn.v.v... tóm lại là để bảo vệ bàn chân của chúng ta, Đức Chúa Giê-su đúng là một vị sư phụ rất quan tâm đến học trò, đi đường mà lỡ đạp gai nhọn thì chỉ có nước mà vào bệnh viện nằm còn làm ăn gì được nữa chứ, mà đi truyền giáo ở thời đại của Đức Chúa Giê-su và các tông đồ thì làm gì có xe cộ, máy bay như bây giờ, lại còn phải vượt qua các đồi núi để giảng đạo, thì việc được phép mang dép là một hồng ân vậy.

“Đi dép” tức là phải có lòng trông cậy vào Thiên Chúa, đi truyền giáo mà chỉ ỷ lại vào các phương tiện của người đời hay là ỷ vào tài năng của mình thì có mà thất bại đau thương. Như bàn chân được đôi dép bảo vệ, người biết trông cậy vào Chúa thì sẽ an toàn trong cuộc sống của mình, vì họ luôn cậy nhờ vào tình thương của Chúa, dù cho thất bại, dù cho gặp nhiều chống đối, dù cho nguy hiểm thì người trông cậy vào Chúa vẫn luôn an toàn không nao núng.

Nhưng không được mặc hai áo, có người giải thích là vì khí hậu ở Pa-lét-ti-na rất nóng, cho nên Chúa muốn các tông đồ đừng mặc nhiều áo để nhẹ nhàng mà đi lại, nhưng chúng ta hiểu là: Chúa muốn người đi rao giảng Tin Mừng đừng có hai lòng ba dạ, nghĩa là cần phải có một tâm hồn công chính minh bạch.

Không được mặc hai áo là đừng có hai lòng ba dạ, đừng có ngoài miệng thì khen lấy khen để, nhưng trong lòng thì ghét cay ghét đắng; đừng có trước mặt thì anh anh chị chị rồi sau lưng thì tìm cách nói xấu chửi bới anh anh chị chị ấy. Một người làm công việc truyền giáo mà có hai lòng ba dạ thì chỉ là công cụ của ma quỷ mà thôi, họ không thật với chính lòng mình thì không thể sống hết mình vì anh chị em.

Anh chị em thân mến,

Có người hàng ngày đều có đến tham dự thánh lễ, nhưng lòng dạ thì vẫn cứ hờn giận ghét ghen người hàng xóm; có người vẫn cười cười nói nói thân thiện với mọi người, nhưng lại nói xấu chê bai họ sau lưng với người khác; lại có người không những “mặc hai áo” mà còn trùm luôn đầu, vì tâm hồn họ chứa đầy mưu mô hãm hại ngừơi anh em chị em, mặc dù ngoài mặt vẫn nắm tay cười cười nói nói...

Hôm nay Đức Chúa Giê-su cũng sai anh chị em ra đi loan báo Tin Mừng Nước Trời cho mọi người, Ngài không sai anh chị em đi như các tông đồ trèo non lặn suối để tìm con chiên lạc, nhưng Ngài muốn anh chị em hãy trở nên những chứng nhân cho Ngài trong gia đình của anh chị em, trong môi trường sống và hoàn cảnh làm việc của anh chị em, bởi vì tất cả chúng ta đều là những môn đệ của Ngài, là những cánh tay nối dài của Ngài để đem tình thương và hạnh phúc của Ngài đến cho mọi người bất hạnh đang chờ đợi chúng ta.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Hình ảnh hành trang đời sống
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
20:30 12/07/2024
Mỗi khi đi đâu xa, như đi nghỉ hè, đi hành hương, hay đi du lịch tham quan thắng cảnh, ai cũng thường sửa soạn hành trang đồ dùng cá nhân cần thiết xếp gói vào Va-li mang theo.

Điều này nói lên sự lo lắng xếp đặt sao cho đời sống được xuôi chảy tốt đẹp, nhất là cha mẹ lo cho con cái.

Nhưng nhiều khi, chắc ai cũng đã có kinh nghiệm, mang nhiều hành trang đồ dùng qúa phải mang xách va-li nặng kéo lê chỉ thêm mệt nhọc. Vì mang theo cả những hành trang đồ dùng ưa thích tưởng là sẽ cần dùng tới, cùng cả đồ không cần dùng tới nữa.

Mang nhiều hành trang cần thiết cùng có cả hành trang ham thích và không cần dùng tới. Nhưng có một hành trang thường hay quên ít được chú ý tới: mục đích của nghỉ hè, mục đích của hành hương! Mà loại thứ hành trang này gọn nhẹ cùng cần thiết nhất!

Chúa Giêsu sai các Tông đồ đi đến với con người, Ngài nhắn nhủ họ rất khác lạ:

„Chúa Giêsu gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ. Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo.“ ( Mc 6,7-13 )

Vào thời buổi ngày hôm nay, cha mẹ hay người nào đó có trách nhiệm, khi sai ai đi đến đâu, sẽ nhắn bảo con cháu, người được sai đi cần phải mang theo những cái gì? Tại sao Chúa Giêsu lại bảo các Tông đồ đi đến với con người nhưng không được mang theo cái gì gây vướng trở kể cả thức ăn nước uống, quần áo đồ dùng? Trong trường hợp gặp lúc đói khát thì xoay trở thế nào đây?

Ai đã có kinh nghiệm khi đi xa bằng xe lửa, hay máy bay…lúc xuống bến trạm phải lôi kéo hành lý túi xách cồng kềnh nặng, rồi còn phải đi đường xa nữa, lúc đó thấm mệt. Vì mang kéo đồ vừa nặng vừa nhiều, nên không đi nhanh được, chỉ đi từng quãng rồi lại dừng nghỉ lấy hơi sức. Rồi lại còn phải chú ý không biết có còn quên gì để lại trên đó không, hay dọc đường bị vướng vào cục đá bậc gồ ghề làm rách vali…

Rồi khi phải đổi tầu ở trạm dọc dường, lúc đó những gói túi va li cồng kềnh là một gánh nặng phải khuân kéo sang bến trạm chỗ khác. Và lúc đó thầm nghĩ: Phải chi mình mang theo ít đồ có phải nhẹ tiện hơn không. Như thế cuộc nghỉ hè, du lịch sẽ vui, có ý nghĩa tốt biết mấy ! Và suy nghĩ đồ đạc đâu quan trọng bằng mục đích của nghỉ hè, của du lịch tham quan thắng cảnh…điều này rộn lên trong tâm trí càng rõ nét hơn.

Với Chúa Giêsu cũng thế. Nên khi sai các Tông đồ, Ngài nhắn bảo các ông mang theo điều quan trọng thôi: mang hình ảnh lời Chúa đến cho con người. Các Tông đồ và Giáo hội của Chúa kể thuật gì về hình ảnh Lời Chúa cho con người?

-Công trình sáng tạo trong thiên nhiên là ngôi nhà do Thiên Chúa sáng tạo dựng nên cho sự sống. Vì thế con người phải gìn giữ bảo vệ cho luôn xanh tốt đổi mới.

-Nguồn năng lượng cho sự sống mọi tạo vật trong vũ trụ do Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, sáng tạo hằng ban cho, cùng đổi mới làm tươi trẻ luôn mãi trong dòng thời gian niên đại của vũ trụ: Ánh sáng, ruộng đất, núi rừng, nước uống, khí trời.

-Sự sống khả năng cơ quan thể xác cũng như trí tuệ tinh thần là món qùa cao qúy, ân đức phúc lộc của Thiên Chúa trao tặng con người.

-Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa từ trời cao xuống thế làm người mang ơn cứu độ phần rỗi linh hồn cho con người thoát khỏi hình phạt tội lỗi, mà loài người hằng mong chờ.

-Chúa Giêsu đến khuyên bảo con người sống theo giới răn tình yêu thương: yêu mến Thiên Chúa và yêu mến kính trọng sự sống trong vũ trụ, trong đó con người là cao điểm triều thiên trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

-Nước Thiên Chúa là nước tình yêu thương, tha thứ làm hòa cho có năng lượng sức khoẻ bình an.

-Con đường hy sinh trong đời sống không là số phận đời sống của con người. Nhưng là gía trị cao đẹp giúp xây dựng đời sống: lửa thử vàng, gian nan thử đức!

Không phải những túi xách vali đồ đạc cồng kềnh nặng nề quan trọng cho cuộc nghỉ hè, cuộc du lịch tham quan thắng cảnh. Nhưng chính cuộc nghỉ hè, cuộc du lịch, cuộc hành hương.

Trong nghỉ hè, đi du lịch, ai cũng muốn nghỉ ngơi, muốn nhìn xem thưởng ngoạn cảnh thiên nhiên, cảnh sinh hoạt nếp sống văn hóa của con người nơi vùng đó. Và cũng muốn có thời giờ để cùng bạn bè hay người quen thân đi dạo, nói chuyện, cùng làm quen với những người lạ gặp gỡ dọc đường. Để thực hiện những điều đó, chỉ cần mang theo loại hành trang nhỏ gọn.

Đến đất nước ngôn ngữ xứ lạ, cuốn từ điển nào cũng không giúp gì bao nhiêu. Nếu quên không biết nói làm sao, chân tay, đôi con mắt, những ngón tay giúp phần nào ra dấu hiệu diễn tả điều ta mong muốn nói gì.

Nụ cười thân thiện là tiếng nói mang lại niềm vui, cùng là tín hiệu cho người khác nhận ra điều gì đang mong cần giúp đỡ.

Hành trang quan trọng trong cuộc sống con người cần mang theo và có thể trao cho người khác được là tình yêu thương., cùng cho cả thiên nhịên vũ trụ nữa.

Thứ lọai hành trang này là hình ảnh vật dụng vừa gọn nhẹ vừa cần thiết ở trong trái tim tâm hồn mỗi người.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long











 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các câu chuyện quanh Thánh Lễ Latinh
Vũ Văn An
17:31 12/07/2024

Ed. Condon của tạp chí The Pillar, ngày 26 tháng 6, 2024 cho hay các trang mạng và truyền thông duy truyền thống Công Giáo, vào tuần trước, đang bàn tán về điều họ cho là “những tin đồng liên lỉ” về một tài liệu đang được Vatican lên kế hoạch, nhằm mục đích dẹp bỏ hoàn toàn việc cử hành hình thức ngoại thường của phụng vụ, thường được gọi là Thánh Lễ Latinh Truyền thống. Tin này nóng hổi một phần vì vụ xử TGM Vigano, tội ly giáo, người không những chỉ cử hành Thánh Lễ La Tinh mà còn liên hệ nó với nền thần học chính thống của Giáo hội, bác bỏ cả nền tảng Vatican II của những cải cách phụng vụ do đó mà ra.



Đó là điều Đức Phanxicô lo âu, khi ngài công bố Traditionis custodes: Ngài “buồn khi việc sử dụng Sách Lễ Rôma năm 1962 thường có đặc tính bác bỏ không những hình thức phụng vụ, mà cả chính Công đồng Chung Vatican II, một cách vô cớ cho rằng, nó phản bội cả Truyền thống lẫn ‘Giáo hội chân thực’”.

Theo tạp chí The Pillar, động thái dẹp bỏ Thánh Lễ Latinh trong lúc này chẳng đạt được hiệu quả chi. Vigano hay các nhóm duy truyền thống chỉ là thiểu số, trong khi những người muốn tham dự Thánh lễ Latinh phần lớn chỉ vì lòng sùng kính, chứ không phải “nổi loạn”. Dẹp bỏ chỉ càng gây thêm chia rẽ và vô tình tách họ ra khỏi Giáo Hội.

Tờ này cũng cho rằng trong bầu khí đồng nghị hiện nay với việc nhấn mạnh đến việc lắng nghe mọi người, dẹp bỏ là chuyện vô cảm, cái tát thẳng vào mặt một chính sách cốt lõi của Đức Phanxicô. Chưa kể đến chuyện “đi ra gặp các nhóm ngoại biên” mà triều giáo hoàng này vốn đánh trống gõ mõ!

Chính vì thế, The Pillar dự đoán, động thái sắp tới có thể là lấy thẩm quyền cho phép cử hành hình thức này khỏi tay các giám mục giáo phận và trao qua tay những định chế như Viện Các Linh Mục Chúa Kitô Vua, mà vị bề trên cả được Đức Phanxicô tiếp kiến tuần trước, Huynh đoàn Linh mục Thánh Phêrô và thậm chí cả Hội Thánh Piô X [Lefèbre].

Trống đánh xuôi kèn thổi ngược?

Thomas Colsv, trên Catholic Herald của Anh, ngày 4 tháng 3, 2024, cho chạy hàng tít: “Pope ‘understanding’ towards FSSP, ‘invites’ Priestly Fraternity to ‘build up’ and celebrate Traditional Latin Mass” (Đức Giáo Hoàng ‘thông cảm’ đối với Huynh đòan Linh mục Thánh Phêrô’, ‘mời gọi’ Huynh đoàn Linh mục ‘bồi đắp’ và cử hành Thánh Lễ Tryuền thống Latinh). Việc này diễn ra ngày 29 tháng Hai, năm 2024 tại Vatican, nơi Đức Phaxicô, dù lúc đó đang có vấn đề sức khỏe phải hủy bỏ nhiều hoạt động, nhưng vẫn tiếp ban lãnh đạo huynh đoàn theo yêu cầu của họ.

Việc này khiến Tiến sĩ Joseph Shaw, chủ tịch Hội Thánh Lễ Latinh, nhận định rằng “điều này có nghĩa chiến dịch chống Thánh Lễ Truyền thống Latinh thực sự không được Đức Giáo Hoàng Phanxicô ủng hộ. Xem ra ngài không tin điều (trước đó) ngài đã viết về tầm quan trọng của một ‘nghi lễ đơn nhất’”.

Ông còn tiên đoán rằng “không những Huynh đoàn Linh mục Thánh Phêrô sẽ yên ổn [mà] cả trọn chương trình chống truyền thống cũng sẽ tan rã”.

Cũng nên biết Huynh đoàn này có 85 “hoạt động tông đồ” và trung tâm khắp nước Pháp, với 249 địa điểm khắp thế giới trong 149 giáo phận hoàn cầu nơi Thánh lễ Latinh thường xuyên được cử hành.

Trong khi đó, mới đây, ngày 9 tháng 7, David Ramos của hãng tin ACI Prensa của Tây Ban Nha, đối tác của CNA, loan tin “Vatican prohibits customary Traditional Latin Mass for pilgrims in Spain” [Vatican cấm thánh lễ Latinh Truyền thống quen thuộc cho các khách hành hương tại Tây Ban Nha]. Việc này diễn ra tại Đền Đức Mẹ ở Covadonga, trong một nghi thức vẫn thường được cử hành để kết thúc cuộc hành hương Đức Bà của Thế giới Kitô giáo hàng năm tại Tây Ban Nha.

Ban tổ chức cuộc hành hương phổ biến lệnh cấm như sau: “Tại Tổng giáo hận Oviedo, họ thông báo với chúng tôi rằng họ nhận được huấn thị từ Bộ Thờ Phượng Thiên Chúa cho hay Thánh lễ Truyền thống không được cử hành tại Covadonga”.

Ban tổ chức cho hay: cuộc hành hương dài tới 60 dặm “độc lập với bất cứ viện, cộng đồng, hay tổ chức tu trì nào”. Theo Tổng giáo phận Oviedo, lòng sùng kính Đức Mẹ này tại nơi nay gọi là đền thánh Covadonga đã có từ “nhiều năm trước trận chiến Covadonga” trong đó, các Ki-tô hữu, do Vua Don Pelayo lãnh đạo, đã đánh bại quân Hồi giáo xâm lăng trong thế kỷ thứ tám CN. Hiện nay, hàng năm, đền thánh thu hút hơn một triệu khách hành hương từ năm châu lục.

Chính vì lệnh cấm này, Thánh lễ dưới hình thức ngoại thường nhằm kết thúc cuộc hành hương sẽ được cử hành không phải tại vương cung thánh đường sở tại mà tại trại hành hương.

Cải tổ Thánh lễ mới (novus ordo)

Larry Chapp, trên National Catholic Register, ngày 8 tháng 7, cho chạy hàng tít: ‘Traditionis Custodes’ 3 Years On: Pope Francis’ Latin Mass ‘Motu Proprio’ Has Generated Division, Not Unity’ (Ba năm tiến hành Traditionis Custodes: ‘tự sắc’ Thánh lễ La Tinh của Đức Giáo Hoàng Phanxicô sản sinh ra chia rẽ, chứ không hiệp nhất).

Và để cứu vãn tình huống, ông gợi ý nên cải tổ phụng vụ mới, nhấn mạnh tới lòng tôn kính, tính siêu việt, và tính hàng dọc [verticality] siêu nhiên, vốn là các nguyên tắc thu hút của Thánh Lễ La Tinh truyền thống.

Không làm thế là chỉ làm cho những người yêu Thánh lễ La tinh bị triều giáo hoàng này bỏ rơi và chế giễu. Đàng khác, việc dẹp bỏ, nếu tiếp diễn, trong khi nhiều giám mục địa phương vẫn cho tiếp tục cử hành sẽ nêu ra câu hỏi làm thế nào cái động thái độc đoán như thế có thể song hành với những lời hoa mỹ của Rome về một Giáo hội đồng nghị hay hiệp hành? Hay nên “có mùi của chiên”? Hay Giáo hội là dành cho tất cả: Todos, Todos! Như chính Đức Phaxicô lớn tiếng bằng tiếng Tây Ban Nha?

Larry cũng cho rằng rõ ràng Vatican nhắm các vấn đề của các giới duy truyền thống hơn là các vấn đề của các giới cấp tiến. Quả có một tiêu chuẩn nước đôi hiện nay trong Giáo Hội. Đàng khác, cái tiêu chuẩn nước đôi này càng trở nên có vấn đề hơn khi người ta nhận ra rằng cánh Giáo Hội công khai bất đồng với giáo huấn lâu đời của Giáo Hội về luân lý hiện trổi vượt và gây ảnh hưởng hơn rất nhiều các nhóm duy truyền thống nhỏ nhoi và hay quàu quạu.

Người Đức vẫn tiếp diễn Con đường Đồng nghị phi chính thống; Hồng Y Jean-Claude Hollerich tiếp tục làm tổng tường trình viên của Thượng hội đồng trong khi bất đồng với giáo huấn về đồng tính luyến ái của Giáo Hội; McElroy đội mũ Hồng Y trong khi cùng một quan điểm như Hollerich; linh mục James Martin chụp hình “quảng bá” với Đức Phanxicô nhiều hơn bất cứ ai. Không ai bảo Đức Phanxicô cùng quan điểm với họ, nhưng rõ ràng ngài có thiện cảm với họ hơn với những “con chiên” chẳng tìm kiếm gì khác ngoài tính thánh thiêng và lành mạnh của phụng vụ.

Theo Larry, phần lớn những người thích Thánh lễ Truyền thống không phải là những người duy truyền thống triệt để. Họ chỉ là những người Công Giáo đơn sơ sùng đạo, không hề quan tâm với Vatican II và những tranh luận chung quanh nó. Họ chẳng lưu ý gì tới những điều như pachamama, Amoris Laetitia, TGM Viganò hay Thượng Hội đồng về Tính đồng nghị. Thậm chí họ cũng không hay biết gì về thượng hội đồng này.Tóm lại, họ không thuộc đoàn ngũ phản động truy tìm dị giáo bị thúc đẩy bởi ý thức hệ.

Thành thử, Traditionis Custodes xem ra gần như múa gậy vườn hoang, đánh một biếm họa người rơm bị nghi ngờ lấp ló khắp chốn.

Larry tố thêm ở điểm Traditionis được công bố sau cuộc thăm dò hàng giám mục hoàn cầu, nhưng kết quả cuộc thăm dò này chưa bao giờ được công bố.

Không thương xót những kẻ yêu Thánh lễ truyền thống?

Đức Ông Charles Fink, trên The Catholic Thing, ngày 26 tháng 6, 2024, có cùng một nhận định với Larry Chapp khi cho rằng: “Tôi không có bất cứ quyền lợi đầu tư nào vào việc cổ vũ Thánh lễ Latinh Truyền thống. Thực vậy, tôi vốn được dưỡng dục trong phái Anh giáo Mỹ (Episcopalian) và do đó, nếu muốn hoài niệm, chắc chắn tôi chọn Bản Kinh Thánh Vua James và nền phụng vụ dựa trên thứ tiếng Anh cao quý của Sách Cầu Nguyện Chung. Đàng khác, tôi gia nhập Giáo Hội Công Giáo sau khi Vatican II kết thúc và không cảm nghiệm Thánh lễ Triđentinô cho tới 30 năm hay gần như thế trong chức linh mục, phục vụ như giám đốc đào tạo tâm linh tại một chủng viện.

Thánh lễ đó được cử hành mỗi lục cá nguyệt một lần, như tôi nhớ lại, để các chủng sinh làm quen với nó. Tôi không thể nói có bao nhiêu người đã được đánh động mạnh bởi trải nghiệm này. Tôi thì không. Đôi khi tôi nói đùa rằng động cơ chính của Chúa Thánh Thần khi cho phép gần như hoàn toàn từ bỏ phụng vụ tiếng Latinh để chuyển sang phụng vụ bằng tiếng bản địa là để giúp tôi có thể được thụ phong, vì tôi vô cùng nghi ngờ rằng liệu tôi có thể thông thạo tiếng Latinh hay không. Và ngay cả bây giờ, nếu đột nhiên các Thánh lễ bằng tiếng Latinh được khôi phục và bắt buộc, có lẽ tôi sẽ phải ẩn mình và xin phép cử hành Thánh lễ riêng bằng tiếng Anh.

Vì vậy, tôi chắc chắn không phải là người ủng hộ hay cổ vũ mạnh mẽ Thánh lễ Latinh truyền thống và thậm chí chắc chắn hơn nữa là không có người đặt câu hỏi về giá trị hay hiệu quả của Thánh lễ mà tôi đã cử hành hàng ngày trong gần năm mươi năm. Điều đó nói lên rằng, tôi có thể khẳng định không chút do dự rằng một số linh mục tốt nhất, tận tâm nhất, mục vụ nhất, trung thành nhất mà tôi biết trong suốt nhiều thập niên qua, các linh mục ở mọi lứa tuổi, đã yêu thích Thánh lễ Latinh truyền thống và mong muốn, và tiếp tục mong muốn rằng nó được cung cấp cho những tín hữu có trải nghiệm về nó rất khác với trải nghiệm của tôi.

Nhiều tín hữu trong số này còn trẻ, và trong số đó có khá nhiều người cảm thấy bị lôi cuốn bởi ơn gọi tu trì. Một số ít trong số này có thể cực đoan khi chỉ trích Novus Ordo và mong muốn, nếu họ được thụ phong, chỉ phục vụ những người có quan điểm phụng vụ trùng với quan điểm của họ. Nhưng họ là ngoại lệ, không phải là quy luật.

Vì vậy, tôi tự hỏi, làm thế nào mà trong một Giáo hội có nhiều nghi thức phụng vụ được phê duyệt và nhiều sự thích nghi văn hóa với thực hành phụng vụ, một Giáo hội sẵn sàng tiếp cận mà không cần dè dặt đối với Trung Quốc Cộng sản (nước đàn áp dã man các nhóm tôn giáo thiểu số) và cộng đồng LGBTQ, gần đây đã biểu lộ sự coi thường hoàn toàn đối với mọi thứ Công Giáo bằng cách biến phụng vụ tang lễ tại Nhà thờ Thánh Patrick ở Thành phố New York thành một rạp xiếc, Vatican lại không thể tìm thấy điều đó với tấm lòng nhân ái và đồng hành của mình để cho phép những người Công Giáo yêu thích Thánh lễ Latinh truyền thống, đã tồn tại trong nhiều thế kỷ, để thờ phượng theo cách họ muốn, với sự chúc lành của Giáo hội.

Làm như vậy thậm chí có thể góp phần giảm bớt căng thẳng khi phải cử hành Thánh lễ bằng hàng chục ngôn ngữ vào bất kỳ Chúa Nhật nào trong cùng một giáo phận.

Cách đây nhiều năm, một bà lớn tuổi trong giáo xứ nơi tôi làm mục tử đã đến gặp tôi với đôi mắt đẫm lệ. Tôi đã không gặp bà ấy khá lâu rồi và bà ấy muốn giải thích. Bà ấy nói, bà ấy yêu giáo xứ của chúng tôi, nhưng đặc biệt là sau cái chết của chồng bà ấy, bà ấy cảm thấy kiệt quệ, đau buồn và cố gắng cảm thấy như ở nhà với Novus Ordo như bà ấy đã có với Thánh lễ Triđentinô. Và vì vậy bà ấy đã thành lập một giáo xứ nơi bà cảm thấy như ở nhà và được an ủi. Bà ấy tiếp tục hỗ trợ giáo xứ của chúng tôi, nhưng vào các Chúa nhật, bà đến một nhà thờ khác, một nhà thờ mà tôi khá chắc chắn rằng vào thời điểm đó chưa được Rome chấp thuận.

Vatican phải nói gì với một người như vậy: ‘Hãy cho bà ăn bánh’? Đúng là bà đã già và có tình cảm gắn bó với điều mà bà thực sự biết và yêu thích nhất trong cuộc đời mình. Phải thừa nhận rằng đây không phải là trường hợp của hầu hết những người hiện đang say mê Thánh lễ Latinh truyền thống. Tuy nhiên, nhiều người trong số những người Công Giáo này đang trải nghiệm Thiên Chúa, ân sủng của Người và tình yêu siêu việt của Người trong Thánh lễ này theo cách mà họ không trải nghiệm được tại Novus Ordo ( tiện thể, xin nhắc lại, tôi vẫn làm vậy). Tại sao lại phủ nhận động cơ của họ? Tại sao lại chế nhạo họ? Tại sao tẩy chay họ?

FBI rõ ràng coi người Công Giáo truyền thống là mối đe dọa nghiêm trọng đối với những gì còn sót lại của nền dân chủ của chúng ta. Nếu đó là điều người ta gọi là giữ an toàn cho chúng tôi thì tôi thực sự cảm thấy rất không an toàn. Vatican, trong một thế giới hỗn loạn về mặt đạo đức, những cuộc đào ngũ hàng loạt khỏi việc đi nhà thờ của những người Công Giáo bình thường, và thậm chí sự mất niềm tin ngày càng lớn hơn vào chân lý cơ bản của Công Giáo, dường như đã sẵn sàng sử dụng vốn đạo đức hạn chế và đang suy giảm của mình để loại bỏ những người Công Giáo mong muốn được theo đạo Công Giáo. Thánh lễ Latinh truyền thống, tiếp cận những người công khai coi thường tất cả những gì chúng ta ủng hộ và nói huyên thuyên về biến đổi khí hậu cũng như các vấn đề thời thượng khác. Nếu đây là điều được cho là khôn ngoan thì hãy cho tôi là kẻ ngốc.

Cách đây không lâu, trong một cuộc phỏng vấn với Colm Flynn của EWTN, Tiến sĩ Jordan Peterson đã bày tỏ lo lắng rằng Giáo Hội Công Giáo đã mất niềm tin vào thông điệp cơ bản của mình. Tôi muốn nghĩ rằng điều đó không đúng, nhưng có vẻ như có điều gì đó đã bị mất đi. Đó có phải là lòng dũng cảm? Rốt cuộc, việc bắt nạt một anh chàng nhỏ bé không phải là mối đe dọa đối với bất cứ ai sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc chống lại những kẻ bắt nạt thực sự, những người đứng về phía họ với hầu hết các phương tiện truyền thông, bao gồm cả ngành giải trí và rất nhiều giới trí thức phương Tây.

Dù sao, đây là một cựu-thành viên phái Anh giáo Mỹ, người thích cử hành Lễ theo Novus Ordo, nhưng lại gửi lời chúc tốt đẹp đến tất cả những người yêu thích Thánh lễ Latinh truyền thống. Ít nhất khi nói đến những điều như thế này, hãy gọi tôi là ‘người ủng hộ sự lựa chọn’”.
 
Văn Hóa
Truyền thống Trí thức Công Giáo trong Thế kỷ Hai mươi: Kết luận
Vũ Văn An
14:26 12/07/2024

Kết Luận: Cảm hứng chủ đạo của truyền thống trí thức Công Giáo



[Thiên Chúa nói:]

Đã một lần nhìn thấy Thánh Louis quỳ gối, người ta không còn muốn nhìn thấy nữa
nô lệ phương đông nằm sấp trên trái đất
Tất cả đều nằm sõng soài trên mặt đất. Để được yêu tự do,
Không gì có thể nặng bằng, không gì có thể đắt bằng.

Đó chắc chắn là phát minh vĩ đại nhất của Ta.
Khi một người đã nếm trải niềm vui
Được yêu tự do
Những gì còn lại không là gì ngoài sự phụ thuộc....
Khi Thánh Louis yêu Ta
Ta biết, Ta hiểu thế nào là được yêu.

(Và đó là tất cả). Chắc chắn ngài kính sợ Thiên Chúa,
Nhưng đó là một nỗi sợ hãi cao quý, tất cả đều tràn đầy, tất cả đều phồng lên,
Tất cả tràn đầy tình yêu, như một trái cây căng đầy nước cốt,
Không hề hèn nhát, một nỗi sợ hãi cơ bản, một nỗi sợ hãi không đứng đắn
Đau như chuột rút ở bụng. Nhưng một nỗi sợ hãi lớn, nhưng một nỗi sợ cao, nhưng một nỗi sợ cao quý,

Sợ làm phật lòng Ta vì ngài yêu Ta, và sợ không vâng lời Ta vì ngài yêu Ta,
Và bởi vì ngài yêu Ta, nỗi sợ hãi
Của việc bị thấy là không làm hài lòng
Không yêu thương và được yêu thương trước nhan Ta. Không xâm nhập vào nỗi sợ hãi cao quý đó
Một nỗi sợ hãi xấu xa và một sự hèn nhát nguy hiểm và hèn hạ.

Và khi ngài yêu Ta thì đó là sự thật. Và khi ngài nói ngài yêu Ta thì đó là sự thật. Và khi ngài nói rằng ngài thà
Mắc hủi còn hơn sa vào tội trọng (ngài yêu Ta lắm), đúng là như vậy.
Với ngài, Ta biết đó là sự thật.

Nó không chỉ đúng vì ngài nói thế. Đó là sự thật bởi vì ngài là sự thật. Ngài không chỉ nói điều đó để nghe cho hay.
Ngài nói điều đó không phải vì ngài đã thấy nó trong sách hay vì ngài được bảo phải nói điều đó.
Ngài nói vậy bởi vì nó là như vậy
. (1)

Đây đã là một cuốn sách dài và, nếu nó thành công chút nào, thì nó phải thuyết phục được người đọc rằng nó có thể – có lẽ là hữu ích – thậm chí còn dài hơn nữa. Từ cuộc canh tân của Đức Lêô XIII đến chứng tá công khai của Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI, từ sự chạy trốn của vợ chồng Maritains khỏi chủ nghĩa duy vật đến sự phản kháng của Czeslaw Milosz đối với chủ nghĩa toàn trị, qua những suy lý của Guardini, de Lubac, Rahner, von Balthasar, và công trình sáng tạo của Claudel, Bernanos, Mauriac, Hopkins, Waugh, Graham Greene, và nhiều người nữa, truyền thống trí thức Công Giáo đã thực hiện những công việc quan trọng trong thế kỷ XX, ngay cả khi nó bỏ ngỏ nhiều câu hỏi—chưa nói đến nhiều vấn đề—cho thời đại của chúng ta. Cuộc đối thoại giữa đức tin và lý trí không bao giờ kết thúc, như Đức Gioan Phaolô II đã viết trong thông điệp Fides et Ratio của ngài. Nhưng cuộc trò chuyện đang diễn ra đó, trên cả hai mặt, là điều cốt yếu đối với việc bảo tồn, không chỉ những điều của Công Giáo, mà còn của tất cả những thứ thực sự của con người ngày nay.

Bởi vì chủ yếu trong tầm nhìn trí thức của Công Giáo, mà Đức Gioan Phaolô II đã mô tả là có “mật độ triết học đặc biệt”, (2) mà tính nhân ái của nhân loại vẫn tìm thấy một sự bảo vệ đáng kể. Trong phần lớn thế kỷ 20, mối đe dọa đối với nhân loại phát xuất từ các hệ thống chính trị phủ nhận quyền tự do của con người và định nghĩa sự hiện hữu của con người theo các thuật ngữ ý thức hệ về cơ bản đã xóa bỏ những điều nhân bản. Trong khoảng một phần tư thế kỷ qua, những mối đe dọa tương tự vẫn tiếp tục, nhưng dưới các hình thức văn hóa tinh vi hơn, chính trị ít thô bạo hơn. Thí dụ, nhà triết học nổi tiếng người Mỹ (và là người vô thần) Thomas Nagel đã xuất bản vào năm 2012 một cuốn sách mỏng có tựa đề Mind and Cosmos: Why the Materialist Neo-Darwinian Conception of Nature Is Almost Certainly False [Tâm trí và Vũ trụ: Tại sao quan niệm Duy vật Tân Darwin về tự nhiên gần như chắc chắn là sai] (3), trong đó ông chỉ lập luận, trong khi vẫn là một người không tin, rằng chúng ta cần một số quan điểm khác về vật chất—có thể nói là một chủ nghĩa duy vật phong phú hơn—nếu chúng ta muốn bảo tồn không những tâm trí mà tất cả các chân lý nhân bản. Vì phẩm chất duy nhất nhưng quan trọng này - và vì lập luận cho rằng có thể có một loại "cứu cánh luận tự nhiên" trong vũ trụ - ông đã bị tấn công dã man. Một trong những người bảo vệ ông lập luận rằng Nagel bị đóng đinh vì ông đã phạm “tội chống lại Chúa Thánh Thần mà các nhà khoa học ngoan đạo được dạy là không bao giờ được tha thứ”. (4)

Tuy nhiên, chủ nghĩa duy vật khoa học, hiện là bối cảnh mặc định [default setting] trong văn hóa hiện đại, phải đối mặt với nhiều bức tường không thể vượt qua. Nó không những không thể giải trình các sự việc nhân bản—nỗ lực của người theo chủ nghĩa Tân Darwin nhằm cột chặt các suy nghĩ, cảm xúc và luân lý vào những lợi ích cho sự sinh tồn của nhóm là một trong những ý tưởng tự bác bỏ mình nhất trong thế giới hiện đại—mà thực tế, nó còn không thể giải thích được việc nó đang hướng tới sự tự bác bỏ triệt để các ý tưởng và suy nghĩ, những điều không phải là vật chất. Đương nhiên, hầu hết mọi người không ý thức được toàn bộ hậu quả của những lập luận “khoa học” này và sẽ rút lui khỏi chúng nếu họ ý thức được. Nhưng đồng thời họ có xu hướng nghĩ rằng những điều này là “đúng sự thật”. Vì vậy, truyền thống trí thức Công Giáo thấy mình ở một vị trí tế nhị khi cần phải khẳng định những điều mà các hình thức “lý trí” đương thời phổ biến nhất và hiếu chiến nhất hiện nay có xu hướng phủ nhận, nếu chúng ta muốn cứu lý trí khỏi chính nó.

Theo cách tương tự, tự do của con người - chính sự hiện hữu của ý chí tự do - đang bị bao vây. Các nhà thần kinh học—vượt ra ngoài lĩnh vực chuyên môn của họ để đi vào các lĩnh vực giá trị và triết học—muốn đồng nhất tâm trí với bộ não và đã coi những ý tưởng truyền thống về ý chí tự do như niềm tin “dân gian”. Vì vậy, trí óc, tinh thần, cảm xúc, trái tim, tự do, trách nhiệm, lòng dũng cảm, sự cao thượng—tất cả những từ ngữ mà chúng ta sử dụng để làm nổi bật những gì đặc biệt của con người và không thể tìm thấy ở bất cứ sinh vật nào khác trên thế giới của chúng ta—đều bị đặt dưới một khai trừ tương tự, một động lực thực sự kỳ lạ nhằm loại bỏ không những Thiên Chúa mà cả bản chất con người trong việc tuân thủ một cách mù quáng một phương pháp khoa học tự hủy hoại. Như C. S. Lewis từng nhận xét, các nhà khoa học duy vật có quan điểm làm cho công trình của họ không khác gì việc chảy nước miếng của con chó. Bạn không cần phải phủ nhận nhiều giới hạn đối với tự do của chúng ta, cả bên trong lẫn bên ngoài, để biết rằng đây là ngõ cụt của con người, một ngõ cụt đe dọa các nhà khoa học cũng như những người theo chủ nghĩa thế tục. Như Đức Gioan Phaolô II đã nhận xét vào đêm vọng của thiên niên kỷ thứ ba, “Sự thật và tự do hoặc song hành với nhau hoặc chúng sẽ cùng chết trong đau khổ.” (5)

Đây là nền tảng siêu hình sâu xa mà đạo Công Giáo phải bảo vệ để bảo tồn cả những gì thực sự thần thiêng và những gì thực sự nhân bản. Và mặc dù về điểm này nó đã thành công trong thế kỷ 20 – bằng chứng là Karl Rahner và Edith Stein và những người khác đã xử lý xuất sắc toàn bộ truyền thống Lục địa như nó tồn tại ở Heidegger, Husserl và các nhà tư tưởng vĩ đại khác; và cách Elizabeth Anscombe và Alasdair MacIntyre phản ứng một cách sáng tạo với toàn bộ truyền thống Wittgenstein và Anh-Mỹ— Đạo Công Giáo không còn là một phần quan trọng trong cuộc đối thoại văn hóa như trong tiền bán thế kỷ XX. Thật vậy, những rạn nứt đã xâm nhập vào chính truyền thống Công Giáo từ thế giới thế tục khiến truyền thống này trở nên kém gắn kết và hiệu quả hơn trong việc đưa ra lý lẽ của riêng mình.

Bên cạnh những câu hỏi triết học sâu sắc, còn có nhiều thách thức thực tiễn và chính trị tức thời hơn. Tôi tin rằng nhiều yếu tố tự mâu thuẫn trong chủ nghĩa thế tục đương thời có thể góp phần vào điều có thể gọi là tính bi ai (pathos) của chủ nghĩa thế tục—một mong muốn chân thành tôn trọng người khác và cổ vũ hạnh phúc con người, kết hợp với sự thiếu các nền tảng triệt để và đau đớn cho niềm tin vào phẩm giá của tất cả mọi người. (6) Một hậu quả của việc không tìm được các cơ sở siêu hình và đạo đức cho niềm tin vào nhân phẩm là việc không có khả năng đem niềm tin đó vào hành động mà không rơi vào một loại tự mâu thuẫn có thể vi phạm phẩm giá và tự nhân bản. Nhiều người—và không phải chỉ là người Công Giáo—đã nhận ra điều này. Trong The Rebel[Kẻ Nổi loạn], Albert Camus đã chỉ ra rằng, kể từ Cách mạng Pháp, khát vọng tự do tuyệt đối và công lý tuyệt đối không bắt nguồn từ điều gì ngoài việc chính con người đã dẫn đến bạo ngược và bất công lan rộng một cách không thể lay chuyển. Điều đó có lẽ là điều không thể tránh khỏi bởi vì, theo quan điểm sâu sắc của Kitô giáo, con đường của Babel, mong muốn xây dựng một thứ gì đó hoàn hảo, một công trình cao vút của con người, mà không nhắc gì tới Thiên Chúa đích thực— Đấng cũng chính là thực tại cơ bản đằng sau mọi sự—luôn dẫn đến sự tự hủy diệt. Bạn hẳn phải trao phó rất nhiều quyền lực cho Caesar nếu bạn muốn ông ấy thành lập một vương quốc tự do và công bằng tuyệt đối. Và như Charles Péguy đã từng nhận xét, điều đã tạo ra nhiều chiến tranh hơn là bất công, đó là sự theo đuổi công lý một cách điên cuồng.

Các nhà tư tưởng Công Giáo đã xử lý khá sáng tạo và thường là một cách hữu hiệu với những thách thức như vậy trong thế kỷ 20. Chúng ta không còn phải đối đầu với các chế độ chuyên chế công khai là Chủ nghĩa Cộng sản, Chủ nghĩa Quốc xã hoặc Chủ nghĩa Phát xít, vì lý do đó mà Nền Dân chủ Kitô giáo—như Maritain, Simon và những người khác đã khai triển—đã phát sinh như một giải pháp thay thế hữu hiệu vào thời của nó. Như mọi quan điểm méo mó về con người đã thể hiện khá nhanh chóng—và chủ nghĩa duy vật phương Tây của chúng ta với việc phá thai, tránh thai và sự sụp đổ nhân khẩu học sau đó có thể sẽ sớm minh họa cho chính nó—các nền văn minh bắt nguồn từ những quan niệm sai lầm về con người hoặc mảnh đất mỏng manh của chủ nghĩa duy lý cũng không tồn tại lâu dài. Thách thức bây giờ sau khi thế kỷ đó đã trôi qua là liệu một thế hệ mới có tìm ra cách đối phó với những mối đe dọa ít rõ ràng hơn nhưng không kém phần ngấm ngầm đối với cả con người và những điều thần thiêng hay không.

Tuy nhiên, liệu nỗ lực đó có thành công hay không còn phụ thuộc vào điều mà chúng tôi đã lưu ý trong lập trường của Péguy ngay từ đầu. Không giống như các truyền thống trí thức khác, truyền thống trí thức Công Giáo phải chịu sự xem xét kỹ lưỡng của hai bộ tiêu chuẩn khác nhau. Tất nhiên, nó phải đúng với bản thân trong tư cách một công trình trí thức, nghĩa là, nó phải có khả năng giữ vững làm của riêng mình tính nhất quán với chính mình, tính chặt chẽ và phạm vi nhân bản, và đồng thời - mặc dù có vẻ như không thể - đáp ứng yêu cầu này là trong kết quả cuối cùng của nó, nó phải tương ứng với sự đơn giản của chính Tin Mừng. Như T. S. Eliot đã từng lưu ý, chúng ta đang sống trong một thời đại phức tạp và sự đơn giản duy nhất có vẻ hợp lệ đối với chúng ta nằm ở phía bên kia của sự phức tạp. Một phần, đó là điều mà Đức Hồng Y Newman vĩ đại—người đã khai triển các lý thuyết ngoạn mục về sự phát triển tín lý, “ý tưởng” của một trường đại học, và sự thuận ý với đức tin vẫn đáng được nghiên cứu— muốn nói khi ngài nói về thần học Kitô giáo như là “nhận thức được mang đến cho trái tim”.

Đo lường trên cơ sở kép này, một số thách thức rõ ràng xuất hiện. Có lẽ quan trọng nhất từ khía cạnh đức tin của cuộc đối thoại là sự hỗn độn nguyên tuyền của tư tưởng đương thời, thế tục cũng như tôn giáo, dường như lấn át bất cứ quan niệm cố định nào về chân lý hay đạo đức trong thế giới hiện đại. Đây là một hiện tượng không thể quy cho bất cứ một nguyên nhân nào, và nó ảnh hưởng đến các nhóm tôn giáo cũng như những nhóm khác tự cho mình là sự thật bên ngoài quỹ đạo Công Giáo. (7) Nhiều người—giáo hoàng, triết gia, nhà thần học, nhà luân lý học, chính trị gia, thậm chí cả nhân vật truyền thông— công khai chỉ trích các mối đe dọa rõ ràng đối với sự hiện hữu của con người do những thái độ phổ biến như thuyết tương đối, chủ nghĩa hoài nghi và chủ nghĩa thực dụng hay chủ nghĩa kỹ thuật nông cạn gây ra. Bất cứ người quan sát rõ ràng nào cũng sẽ nhận thấy sự mất kết nối với văn hóa cao cấp và sự xuống cấp của văn hóa đại chúng, sự thờ ơ với quá khứ và tình trạng không ngụ cư trong hiện tại, đó là những đặc điểm dễ thấy của thế giới chúng ta. Đức Gioan Phaolô II nói thêm rằng một mối đe dọa nữa là chủ nghĩa chiết trung [eclecticism], (8) một khuynh hướng hoan nghênh các quan điểm khác nhau, mà không quan tâm thích đáng đến việc chúng có thể phiến diện đến mức nào, các quan điểm khác cần được điều chỉnh nghiêm túc như thế nào, và cuối cùng, làm thế nào chúng có thể được làm cho phù hợp với nhau, bởi vì sự thật là một. Trong điều có thể chỉ ra một tính bi ai [pathos] trong chính truyền thống Công Giáo đương thời, Đức Gioan Phaolô II đã nêu vấn đề này trong cùng một thông điệp, trong đó ngài khẳng định rằng không có triết học Công Giáo chính thức nào và các ngành trí thức khác nhau phải được tự do theo đuổi các nghiên cứu của mình theo tiêu chuẩn riêng của mình.

Tuy nhiên, cuối cùng, một truyền thống trí thức Công Giáo đích thực phải nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc phát huy điều được Đức Gioan Phaolô II gọi là “sự hiệp nhất bên trong”:

Tôi biết rõ rằng những yêu cầu được lời Chúa áp đặt lên triết học này có vẻ làm cho nhiều người tham gia nghiên cứu triết học ngày nay nản chí. Tuy nhiên, đây là lý do tại sao, trong khi tiếp tục điều đã được các vị Giáo hoàng giảng dạy nhiều lần trong nhiều thế hệ và được chính Công đồng Vatican II tái khẳng định, tôi muốn tái khẳng định mạnh mẽ niềm xác tín cho rằng con người có thể đạt được một tầm nhìn thống nhất và hữu cơ về nhận thức. Đây là một trong những nhiệm vụ mà tư tưởng Kitô giáo sẽ phải đảm nhận trong suốt thiên niên kỷ tiếp theo của kỷ nguyên Kitô giáo. Sự phân khúc nhận thức, với cách tiếp cận chân lý bị chia cắt và hậu quả là sự phân mảnh ý nghĩa, khiến con người ngày nay không thể đạt được sự thống nhất nội tâm. Làm sao Giáo hội có thể không quan tâm đến điều này? Chính Tin Mừng áp đặt trực tiếp nhiệm vụ khôn ngoan này lên các Mục tử của mình, và các ngài không thể chùn bước trước bổn phận phải đảm nhận nó. (9)

Nếu là như thế - và xem ra khó có thể bác bỏ - thì có những nhiệm vụ “mục vụ” phải được thực hiện theo giáo huấn cương quyết về sự thật mà trong một thời gian dài, đặc biệt kể từ Công đồng Vatican II, bị coi là chỉ thuộc về “Giáo hội duy pháp” già nua hơn. Chúng ta có thể không trở lại với các phạm trù của trường phái Tôma của quá khứ, nhưng chúng ta cần một điều gì đó giống như các phạm trù này - một điều gì đó có thực chất và toàn diện - có lẽ là dọc theo các đường lối mà MacIntyre đã mô tả, nếu chúng ta hy vọng có bất cứ cơ hội nào để đương đầu với thách thức.

Với việc bầu chọn Đức Giáo Hoàng Phanxicô có sức lôi cuốn cao vào năm 2013, người, ngay lập tức, đã thu hút được sự chú ý của toàn thế giới vì sự khiêm tốn và giản dị của mình, nhiều người Công Giáo và những người khác cho rằng ngài đang loại bỏ những nỗ lực cũ nhằm khẳng định đức tin và nền luân lý Công Giáo. Trên thực tế, ngay từ những ngày đầu tiên làm giáo hoàng, ngài đã cho thấy, không phải là từ bỏ những sự thật cũ, mà là một chiến lược muốn trình bày chúng theo một cách mới, hữu hiệu hơn:

34. Nếu chúng ta cố gắng đặt mọi điều vào giải pháp truyền giáo, thì điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến cách chúng ta truyền đạt sứ điệp. Trong thế giới truyền thông tức khắc ngày nay và đôi khi các tường thuật thiên vị của phương tiện truyền thông, thông điệp mà chúng ta rao giảng có nhiều nguy cơ bị bóp méo hoặc giản lược thành một số khía cạnh thứ yếu. Bằng cách này, một số vấn đề thuộc giáo huấn luân lý của Giáo hội bị lấy ra khỏi bối cảnh vốn mang lại ý nghĩa cho chúng. Vấn đề lớn nhất là khi thông điệp mà chúng ta rao giảng dường như bị đồng nhất với những khía cạnh thứ yếu, dù quan trọng, nhưng trong chúng và tự chúng không chuyển tải được trọng tâm thông điệp của Chúa Kitô. Chúng ta cần phải thực tiễn và không cho rằng cử tọa của chúng ta hiểu được toàn bộ bối cảnh của những gì chúng ta đang nói, hoặc có khả năng liên hệ những gì chúng ta nói với chính trọng tâm của Tin Mừng vốn mang lại cho nó ý nghĩa, vẻ đẹp và sự hấp dẫn.

35. Mục vụ theo phong cách truyền giáo không bị ám ảnh bởi việc truyền tải rời rạc số đông các tín lý cần được áp đặt một cách nhất quán. Khi chúng ta chấp nhận một mục tiêu mục vụ và một phong cách truyền giáo thực sự đến được với mọi người không trừ ai, thông điệp phải tập trung vào những điều cốt yếu, vào những gì đẹp nhất, vĩ đại nhất, hấp dẫn nhất và đồng thời cần thiết nhất. Thông điệp được đơn giản hóa mà không làm mất đi chiều sâu và sự thật của nó, và do đó trở nên mạnh mẽ và thuyết phục hơn. (10)

Quan điểm truyền giảng Tin Mừng đó cung cấp những gì nên là đá tảng cho tất cả các công việc trí thức Công Giáo.

Đời sống trí thức hiện đại có xu hướng đề cao nghiên cứu, khám phá, ứng dụng thực tiễn mới thông qua kỹ thuật, v.v. Và ở đúng vị trí của chúng, tất cả đều là những phẩm chất hữu ích, thậm chí thiết yếu, của cuộc sống tâm trí. Tuy nhiên, kiến thức và thực hành tôn giáo—“đức tin và luân lý” trong ngôn ngữ cũ—không chủ yếu hệ ở một thái độ như vậy. Mặc dù chúng ta có thể hy vọng rằng triết học và thần học, nghiên cứu Kinh thánh và tư tưởng xã hội, sáng tạo nghệ thuật và văn học có thể mang lại cho chúng ta những phong phú bất ngờ từ truyền thống, nhưng chúng cũng có nền tảng chính là bắt nguồn từ và trung thành với truyền thống đó. Như Chesterton, người luôn khôn ngoan về điểm này và nhiều điểm khác, đã lập luận, sự tiến bộ duy nhất có thể có trong truyền thống Kitô giáo là sự tiến bộ lớn hơn vào và hướng tới sự trọn vẹn của sự thật Kitô giáo. Ở một góc nhìn nào đó, đây là một nghịch lý: một kiểu đổi mới bảo thủ hay duy truyền thống sáng tạo. Nhưng sau nhiều cuộc cách mạng và phản cách mạng thuộc đủ loại trong thế kỷ 20, bản thân sự thật dường như kiệt sức, và chỉ những sự thật rời rạc, khiêm tốn, thuộc loại hậu hiện đại—thường áp dụng cho một số vấn đề bản thân hoặc vấn đề kỹ thuật —xem ra mới còn lại. Như Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, và Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lập luận, chính lý trí có thể vừa nhìn thấy vấn đề này vừa hiểu trách nhiệm giải quyết nó.

Từ lâu, người Công Giáo đã tranh luận rằng mặc khải hiện hữu, đặc biệt là sự xuất hiện của Chúa Kitô trong thế giới, chính là để giải thoát chúng ta khỏi những điểm yếu và giới hạn tự tạo của chúng ta. Theo nghĩa này, mặc khải thực sự giải phóng lý trí để trở thành chính nó một cách đầy đủ hơn. Trong khi các nhà duy lý hiện đại coi mặc khải và thậm chí cả siêu hình học là bất hợp pháp, thì chính đức tin mới có quan điểm rộng hơn ở đây. Khoa học và kỹ thuật đã gợi ý rằng một số sự vật nằm ngoài giới hạn, chẳng hạn như tất cả các câu hỏi cổ điển “tại sao”: Tại sao thế giới tồn tại, chúng ta là gì, chúng ta có thể hy vọng điều gì trong kiếp này và kiếp sau? Khi Spinoza nói rằng chúng ta nên tập trung vào đời này, có lẽ ông đang điều chỉnh sự tập trung quá mức vào đời sau. Nhưng loại khôn ngoan nào của con người - ngay cả những người cổ đại ở đỉnh cao danh tiếng của họ cũng coi trọng điều này - lại không để trước mắt chúng ta sự thật này là chúng ta là loài tử sinh và chắc chắn sẽ chết? Hay điều đó há lại không hỏi xem ta có thể rút ra được những kết luận nào từ sự thật đó?

Trong những trang đầu tiên của tác phẩm này, chúng tôi đã chỉ ra rằng tại Công đồng Vatican II, Giáo hội đã rất đúng khi tìm cách điều hướng mình một cách khác biệt tới thế giới hiện đại. Sự nhấn mạnh có tính duy pháp và định chế hơn vào đầu thế kỷ đã nhường chỗ cho sự tập trung nhiều hơn vào khía cạnh mục vụ và bản thân của Nhiệm thể Chúa Kitô. Trong một số khía cạnh, sự nhấn mạnh sau gần như xóa sạch sự nhấn mạnh trước, trong khi điều cần là sự nhấn mạnh lâu năm của Công Giáo về “cả-lẫn” hơn là “hoặc-hoặc”. Nhưng trong nửa thế kỷ qua, rõ ràng là có một lời kêu gọi triệt để trong đạo Công Giáo đối với một sự lựa chọn bản thân: hoặc người ta tin vào Chúa Giêsu là Con duy nhất của Thiên Chúa và Giáo hội là biểu thức đầy đủ nhất nói lên ý muốn của Người đối với thế giới, hoặc người ta không tin. Hậu quả phát sinh từ sự lựa chọn đó. Trong hầu hết nửa thế kỷ qua, gần như mọi sự đều tương thích với đạo Công Giáo. Có một nhu cầu cấp thiết là phải tôn trọng sự khác biệt và tính phức tạp, nhưng cũng phải khôi phục sự khôn ngoan cổ xưa dạy rằng một số lựa chọn nhất định đặt bạn trong gia hộ, những lựa chọn khác đặt bạn ở bên ngoài. Vì vậy, dù đối với người Công Giáo, “cả-lẫn” thường là quy tắc, thì không thể tránh khỏi sự kiện là tại một số thời điểm, chúng ta phải đối mặt với “hoặc-hoặc”.

Đó có thể là thái độ đau đầu nhất trong thiên niên kỷ mới của Kitô giáo này. Sẽ cần rất nhiều công việc, công việc trí thức, chỉ để làm rõ việc Đạo Công Giáo nói Không đối với một số vấn đề không phải là sự hẹp hòi và loại trừ ra sao. Một trả lời “không” cho một câu hỏi cục bộ diễn ra trong bối cảnh câu trả lời “có” cho một sự thật đầy đủ hơn, thực sự là đầy đủ nhất. Và trò chơi có và không này không chỉ đơn thuần là một chủ nghĩa độc đoán khắc nghiệt nào đó. Nó thậm chí có thể là một sự chung thủy chân thành, biết rằng sự lựa chọn sẽ dẫn đến đau khổ, nhưng phản ảnh tình cảm cao nhất của con người. Hoặc, để nhắc lại, điều mà chính Thiên Chúa đã truyền cảm hứng cho một nhà thơ, cố gắng trung thành, viết cho Đức Mẹ thành Chartres vào thế kỷ 20:

Khi chúng con ngồi xuống tại ngã tư được hình thành bởi hai con đường
Và phải chọn hối tiếc cùng với hối hận
Và số phận kép buộc chúng con phải chọn một đường đi
Và viên đá đỉnh của hai mái vòm cố định cái nhìn của chúng con,

Hỡi cô giáo dạy bí quyết, một mình Mẹ làm chứng
Khúc dốc xuống nơi một con đường đi.
Mẹ biết ngả đường khác mà các bước của chúng con chọn,
Như người ta chọn cây tuyết tùng để làm rương.

Và không phải vì đức hạnh mà chúng con không có.
Chứ không phải vì nghĩa vụ, điều mà chúng con không yêu thích.
Nhưng, khi thợ mộc tìm thấy trung tâm của
Gỗ, để tìm trung tâm của sự khốn khổ.

Và để tiếp cận trục sầu khổ,
Và cho nhu cầu ngu ngốc muốn cảm nhận trọn bộ lời nguyền rủa,
Và làm điều khó hơn và chịu đựng điều tệ hơn,
Và để nhận đòn trong tất cả sự đầy đủ của nó.

Qua sự khéo tay đó, sự tinh ranh đó,
Vốn không bao giờ làm cho chúng con hạnh phúc nữa,
Ôi lạy Nữ Vương, xin Mẹ để chúng con ít nhất bảo vệ danh dự của chúng con,
Và cùng với nó là sự dịu dàng giản dị của chúng con.
(11)

Ghi Chú

1 Charles Péguy, The Mystery of the Holy Innocents [Mầu nhiệm các Thánh Anh Hài], Pansy Parkenham dịch (New York: Harper, 1956), 101-2; có sẵn trực tuyến tại http://www.centropeguy.org/cachepeguy7.htm.

2 Fides et Ratio 80.

3 Thomas Nagel, Mind and Cosmos: Why the Materialist Neo-Darwinian Conception of Nature Is Almost Certainly False [Tâm trí và Vũ trụ: Tại sao Quan niệm Duy vật Tân Darwin về Tự nhiên gần như chắc chắn là Sai] (New York: Nhà xuất bản Đại học Oxford, 2012).

4 David Gelerntner, “The Closing of the Scientific Mind [Sự khép kín của tâm trí khoa học]”, Bình luận, tháng 1 năm 2014: 18.

5 Fides et Ratio 90.

6 Để biết ví dụ về nỗ lực thế tục chân thành, tinh tế và tự nhận thức nhằm cung cấp nền tảng cho hành động nhân đạo bất chấp những nền tảng có thể bảo vệ được, xem Luc Ferry, A Brief History of Thought [Lược sử Tư tưởng], Theo Cuffe dịch (New York: Harper Perennial, 2011). Cuốn sách của Ferry là cuốn sách bán chạy nhất ở một số quốc gia, chứng tỏ sự khao khát những gì ông cố gắng cung cấp, mặc dù thực tế là cuối cùng ông đã thất bại.

7 Điều này đã được cá nhân tôi nhận ra cách đây vài năm khi tôi tham gia vào một cuộc đối thoại Công Giáo-Do Thái tại một hội đường Do Thái ở ngoại ô Washington, D.C., nơi tôi sống. Tôi kêu gọi khán giả, trong đó có một nữ giáo sĩ rất thông thái, người đã tổ chức biến cố này, đừng nghiêm túc coi trọng ý kiến cho rằng mọi điều một người Công Giáo có thể nói đều được Giáo hội dạy: “Các bạn Do Thái, với truyền thống học vấn của các bạn, sẽ không tin rằng hầu hết những người Công Giáo của chúng tôi hoàn toàn không biết gì về truyền thống của chúng tôi. Các cuộc khảo sát cho thấy một tỷ lệ lớn người Công Giáo, ngay cả sau hàng chục năm học trường Công Giáo hoặc hơn, thậm chí không thể liệt kê được Mười Điều Răn.” Tôi chưa nói xong thì bà ấy đã lắc đầu và nói rằng các giáo đoàn Do Thái đang tìm thấy điều tương tự ở những người trẻ tuổi của họ.

8 Fides et Ratio 86.

9 Cùng nguồn, 85.

10 Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn Niềm vui Tin Mừng (24/11/2013), số 34-35 (nhấn mạnh thêm).

11 Charles Péguy, “Prière de liberty” [Kinh cầu Tự do], trong Les Tapisseries [Các Bức Thảm] (Paris: Gallimard, 1968), 132 (bản dịch của tác giả).

Kỳ tới: Thay Lời Bạt, Kho Báu Chúng Ta Có: Truyền Thống Trí Thức Công Giáo
 
VietCatholic TV
Satan gài bẫy Nhà Trừ Tà. Tranh cãi chung quanh Thánh lễ Latinh như một kho báu văn hóa và phụng vụ
VietCatholic Media
02:46 12/07/2024


1. Dòng Ngôi Lời có tân Bề trên Tổng quyền

Lần đầu Dòng Ngôi Lời có một người Mỹ châu Latinh làm Bề trên Tổng quyền, đó là cha Anselmo Ricardo Ribeiro, người Brazil.

Cha Ribeiro đã được Tổng hội thứ 19 của dòng ở trung tâm Nemi, gần Roma, bầu chọn hôm mùng 05 tháng Chín vừa qua, với nhiệm kỳ sáu năm, cho tới năm 2030 tới đây, kế nghiệm cha Paulus Budi Kleden, mới được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Tổng giám mục Giáo phận Ende, bên Indonesia.

Cha Franz Helm, người Áo, một trong các điều hợp viên của Tổng hội, cho biết cha Anselmo Ribeiro từng là Bề trên Tỉnh dòng Ngôi Lời Bắc Brazil, trước khi được bầu làm Tổng cố vấn của dòng. Cha hoạt động mạnh trong lãnh vực truyền thông. Dòng do cha Arnold Janssen, thừa sai người Đức, thành lập năm 1875 tại thành phố Steyl, bên Hòa Lan. Năm tới dòng sẽ mừng kỷ niệm 150 năm thành lập.

Dòng Ngôi Lời hiện nay là dòng nam đông thứ bảy trong Giáo Hội Công Giáo, với gần 5.800 tu sĩ, trong đó khoảng 1.000 tu sĩ đang ở trong giai đoạn huấn luyện. Hơn một nửa số tu sĩ của dòng là người Á châu. Dòng hoạt động tại 1.336 nhà, tại gần 80 nước trên thế giới, dấn thân trong các lãnh vực mục vụ, giáo dục, y tế, tông đồ Kinh thánh, truyền thông, công lý và hòa bình, bảo tồn công trình tạo dựng.

Tỉnh Dòng Ngôi Lời tại Việt Nam hiện có khoảng 200 linh mục, tu sĩ. Từ Tỉnh dòng Việt Nam, có 100 linh mục được sai đi làm việc truyền giáo tại nước ngoài.

Tổng tu nghị Dòng Ngôi Lời sẽ kết thúc vào ngày 14 tháng Bảy tới đây.

2. Nhật ký trừ tà số 299: “Trò chơi” của Satan

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #299: Satan's “A Game”“, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 299: “Trò chơi” của Satan”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hầu hết các lễ trừ tà đều khá đơn giản. Thông thường có một nhóm quỷ nhỏ hơn hiện diện cùng với một thủ lĩnh có thể có hoặc không có tên dễ nhận biết trong Kinh thánh. Đây có thể là điều khó khăn đối với tất cả những người liên quan, nhưng với sự kiên trì và đức tin, cuối cùng lũ quỷ cũng bị xua đuổi. Chúa Giêsu đã ban cho Giáo hội của Người quyền trừ quỷ và điều đó được thể hiện rõ ràng trong việc trừ quỷ. Trong một trận chiến trực diện, lũ quỷ luôn thua.

Nhưng thỉnh thoảng, Satan chơi cái mà tôi gọi là “Trò chơi” của hắn. Nó nỗ lực rất nhiều vào một trường hợp cụ thể vì những lý do mà chỉ nó mới biết. Quyền lực của Satan không phải là vô hạn nên những vụ án như thế chắc chắn phải có ý nghĩa thực sự nào đó đối với kế hoạch của nó. Đáng buồn thay, trong những trường hợp như vậy, người bị quỷ nhập bị bao quanh bởi hàng trăm con quỷ, được dẫn dắt bởi nhiều con quỷ nổi tiếng, cao cấp, mạnh mẽ. Danh sách này giống như “ai là ai” trong địa ngục. Thậm chí có những lúc chính Satan cũng có mặt, mặc dù những trường hợp này rất hiếm (mặc dù những con quỷ cấp thấp hơn thường tự nhận rằng chúng là Satan).

Khi Satan đang chơi “Trò chơi” của hắn, một nhà trừ quỷ đặc biệt gặp nguy hiểm. Trận chiến thực sự không nằm ở phiên trừ tà. Satan biết rất rõ rằng hắn sẽ thua trong cuộc đối đầu trực diện với Giáo hội và các linh mục của Giáo hội. Trận chiến “Trò chơi” thực sự đang diễn ra ở hậu trường. Satan là kẻ thao túng bậc thầy. Nó biết những nút bấm phù hợp về mặt tâm lý và tinh thần để thúc đẩy mỗi người có liên quan.

Đằng sau hậu trường, nó sẽ gieo rắc sự bất hòa và giận dữ, nghi ngờ và sợ hãi, mất lòng tin và những cám dỗ mãnh liệt để kiêu ngạo, đố kỵ, phóng túng tình dục và hơn thế nữa. Nó sẽ chiêu mộ các tay sai của con người để cám dỗ và tấn công nhà trừ quỷ, các thành viên trong nhóm và những người bị ám. Nó sẽ điều khiển các lực lượng và thiên nhiên để đạt được mục tiêu của mình. Thông qua việc thao túng người bị ám, nó sẽ thử sức mạnh, ranh giới và đức tính của nhà trừ quỷ, đe dọa làm cạn kiệt hoặc làm tổn hại đến chức tư tế của Nhà Trừ Tà. Trong thời hiện đại, một số ít đã không chịu nổi.

Các nhà trừ quỷ nên biết rằng bản thân họ không thể sánh được với mưu kế của Ác ma. Họ sẽ luôn đi sau nó một bước. Ngay khi họ nghĩ mình đang thắng, họ mới phát hiện ra rằng Satan đang chơi xỏ họ và họ đang trên đà thua cuộc.

Nhưng có một biện pháp chắc chắn. Hãy tin vào Chúa Giêsu và lắng nghe Chúa Thánh Thần. Và một sự bảo vệ chắc chắn hơn nữa: hãy yêu mến Đức Trinh Nữ Maria và hãy để áo choàng bảo vệ của Mẹ che chở bạn. Thiên Chúa sẽ ban cho Nhà Trừ Quỷ và nhóm của ngài những ân sủng cần thiết để vạch mặt và làm bối rối ngay cả trong “Trò chơi” của Satan.


Source:Catholic Exorcism

3. Thư Agatha Christie 2.0: Thánh lễ Latinh truyền thống như một kho báu văn hóa cũng như phụng vụ

Trong một lá thư gửi cho tờ Times of Luân Đôn, xuất bản ngày 3 tháng 7, hơn 40 người ký tên, Công Giáo và không Công Giáo – bao gồm cả nhà sáng tạo “Downton Abbey” Julian Fellowes, nhà hoạt động nhân quyền Bianca Jagger và ca sĩ opera Kiri Te Kanawa – những người ký tên đã than thở về “những báo cáo đáng lo ngại” từ Rôma rằng Thánh lễ Latinh sẽ bị trục xuất khỏi hầu hết các nhà thờ Công Giáo.”

Linh mục Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada, có bài nhận định nhan đề “Agatha Christie Letter 2.0: The Traditional Latin Mass as a Cultural, as Well as Liturgical, Treasure”, nghĩa là “Thư Agatha Christie 2.0: Thánh lễ Latinh truyền thống như một kho báu văn hóa cũng như phụng vụ”.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Đối với những người Công Giáo theo chủ nghĩa truyền thống ở Anh, bức thư “Agatha Christie” là một biểu tượng của ký ức, được tôn kính như người ta có thể coi đó là một tác phẩm thời Elizabeth được bảo quản trong một ngôi nhà tái sử dụng.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi lá thư được cập nhật để giải quyết những tranh cãi hiện nay về Sách lễ năm 1962, hay Thánh lễ Latinh truyền thống, như cách gọi thông thường của các tín hữu.

Vào tháng 7 năm 1971, tờ The Times ở Luân Đôn đã xuất bản một bức thư ngỏ hoặc bản kiến nghị gửi tới Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, xin một “sự cho phép” để tiếp tục Thánh lễ Latinh Truyền thống ở Anh và xứ Wales. Bức thư được ký bởi hơn 100 nhà văn hóa nổi tiếng, trong đó có tiểu thuyết gia Agatha Christie. Cô ấy không phải là người Công Giáo, nhưng cô ấy rất quý trọng truyền thống Công Giáo. Những người ký kết đáng chú ý khác bao gồm Graham Greene, Kenneth Clark, Iris Murdoch, Joan Sutherland, Yehudi Menuhin và hai giám mục Anh giáo (từ các giáo phận Exeter và Ripon).

Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, bản thân là một người có nền văn hóa vĩ đại, đã xem xét những người ký tên và đặc biệt có ấn tượng mạnh khi nhìn thấy tên Christie. Ngài đã ban cho họ điều mà ngày nay chúng ta gọi là “đặc xá Agatha Christie”.

Những người yêu mến Thánh lễ Latinh Truyền thống coi bức thư như một sự thừa nhận rằng, như bức thư năm 1971 đã nói, “nghi thức được đề cập, trong văn bản tiếng Latinh tuyệt vời của nó, cũng đã truyền cảm hứng cho những thành tựu vô giá… của các nhà thơ, triết gia, nhạc sĩ, kiến trúc sư, họa sĩ và các nhà điêu khắc ở mọi quốc gia và thời đại. Vì vậy, nó thuộc về văn hóa phổ quát.”

Tuần này, một bức thư mới đã được đăng trên tờ The Times. Sáng kiến này được dẫn dắt bởi nhà soạn nhạc người Tô Cách Lan Sir James MacMillan. Là một người Công Giáo, ông được giao nhiệm vụ soạn thánh lễ cho chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 tới Anh (2010) cũng như một bài thánh ca quốc gia cho tang lễ của Nữ hoàng quá cố Elizabeth II (2022).

MacMillan đã tổ chức bức thư ngỏ để đáp lại “các báo cáo đáng lo ngại từ Rôma rằng Thánh lễ Latinh sẽ bị trục xuất khỏi hầu hết các nhà thờ Công Giáo”, loại bỏ khỏi đời sống Công Giáo điều mà họ gọi là “di sản văn hóa và tinh thần tuyệt vời”.

Gọi đây là một “viễn cảnh đau đớn và khó hiểu, đặc biệt đối với số lượng ngày càng tăng người Công Giáo trẻ mà đức tin được nuôi dưỡng bởi Thánh lễ Latinh Truyền thống”, bức thư đề cập cụ thể đến tiền lệ của bức thư tháng 7 năm 1971.

Những người ký tên vào năm 2024 viết: “Phụng vụ truyền thống là một 'thánh đường' của văn bản và cử chỉ, phát triển như những tòa nhà đáng kính đó đã làm trong nhiều thế kỷ”. “Không phải ai cũng đánh giá cao giá trị của nó và điều đó không sao cả; nhưng phá hủy nó có vẻ là một hành động không cần thiết và thiếu tế nhị trong một thế giới mà lịch sử có thể dễ dàng bị lãng quên.”

48 người ký kết đến từ các thế giới văn hóa, học thuật và chính trị, bao gồm người Công Giáo, Tin lành, Do Thái, người theo thuyết bất khả tri và người vô thần. Bên cạnh MacMillan còn có nhà xuất bản tạp chí Sir Nicholas Coleridge, nghệ sĩ piano Dame Imogen Cooper, cựu bộ trưởng nội các Michael Gove, nhà sử học Tom Holland, nhà vận động nhân quyền Bianca Jagger, nhà soạn nhạc Andrew Lloyd-Webber, Công chúa Michael xứ Kent, giọng nữ cao Dame Kiri Te Kanawa và nhà báo AN Wilson. Đó là một danh sách gây ấn tượng mạnh.

Bức thư, giống như lá thư trước đó năm 1971, đưa ra một lập luận từ khía cạnh văn hóa, thay vì khía cạnh thờ phượng nói chung, hay các quy tắc phụng vụ nói riêng. Việc những người không tin Chúa đã ký vào lá thư đã nói rõ điều đó.

Trong những năm gần đây, các cuộc tranh luận về Thánh lễ Latinh truyền thống đã chuyển từ các vấn đề phụng vụ cụ thể hơn sang vấn đề văn hóa, cụ thể là Thánh lễ Latinh Truyền thống tạo ra một nền văn hóa nhất định của riêng mình. Có một sự đồng thuận nhất định về điều đó.

Những người ủng hộ nói về nền văn hóa Thánh lễ Latinh Truyền thống lành mạnh như một giải pháp thay thế cho nền văn hóa trần tục và trụy lạc đang thống trị, một nơi an toàn, tự tin trong đó các năng lượng Phúc âm có thể được nuôi dưỡng và từ đó chúng có thể được phát động. Những người gièm pha nói về một tiểu văn hóa hẹp hòi, khép kín và nuôi dưỡng nhiều khuynh hướng đáng tiếc khác nhau.

Damian Thompson - một nhà báo nổi tiếng ở Luân Đôn và là cựu biên tập viên của tờ Catholic Herald - gần đây đã viết về việc liệu “Giáo hoàng Phanxicô có làm thiệt mạng Thánh lễ Latinh hay không”. Thompson là người bảo vệ Thánh lễ Latinh truyền thống và là người chỉ trích gay gắt Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

“Làm sao Rôma có thể biện minh cho sự tàn ác như vậy?” Thompson hỏi.

“Một lập luận được Đức Phanxicô và giới chống chủ nghĩa truyền thống của ngài sử dụng là những người theo Thánh lễ Latinh Truyền thống, đặc biệt là ở Mỹ, cư xử như một tầng lớp thượng đẳng về mặt tinh thần. Và có một số sự thật trong điều này,” ông viết. “Những 'thợ truyền thống' nhiệt thành hơn đã áp dụng một hình thức ăn mặc sang trọng: đàn ông để râu và hút thuốc; vợ của họ mặc những chiếc váy dài khiêm tốn. Đôi khi họ sử dụng ngôn ngữ trịch thượng khiến những người Công Giáo xa lánh, những người lẽ ra sẽ có thiện cảm với họ”.

Thompson nghĩ rằng những người muốn hạn chế Thánh lễ Latinh Truyền thống không quá quan tâm đến Thánh lễ mà chính là nền văn hóa mà nó tạo ra. Có một số tính hợp pháp trong quan điểm đó.

Khi Đức Thánh Cha Phanxicô hạn chế Thánh lễ Latinh Truyền thống vào năm 2021, ngài đã viết một lá thư kèm theo cho các giám mục. Rõ ràng là Đức Thánh Cha lo lắng về một nền văn hóa tiêu cực nào đó đang phát triển:

“Một cơ hội do Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mang lại, và thậm chí còn cao thượng hơn nữa bởi Đức Bênêđíctô XVI, nhằm khôi phục sự hiệp nhất của một phần của giáo hội với những nhạy cảm phụng vụ đa dạng, đã bị lợi dụng để mở rộng những khoảng cách, củng cố những khác biệt và khuyến khích những bất đồng vốn có làm tổn thương Giáo hội, chặn đường và đẩy Giáo hội vào nguy cơ chia rẽ”.

Thay vì Thánh lễ Latinh truyền thống là nơi đổi mới văn hóa, quan điểm như vậy cho rằng Thánh lễ Latinh Truyền thống đã trở thành một nhóm văn hóa gây rối loạn trong đời sống của Giáo hội. Do đó, việc đưa ra lập luận về văn hóa để bảo vệ Thánh lễ Latinh Truyền thống có thể không phải là tối ưu; có thể có sự đồng thanh rằng nó tạo ra nền văn hóa của riêng mình, nhưng lại có sự bất đồng về việc nền văn hóa đó là lành tính hay ác tính.

Tuy nhiên, bức thư MacMillan năm 2024 đang đưa ra một lập luận văn hóa khá khác biệt. Bức thư đề xuất rằng, qua nhiều thế kỷ, giống như những thánh đường lớn được trồng nhiều trên vùng đất xanh tươi và dễ chịu của nước Anh, Thánh lễ Latinh truyền thống là kho chứa trí tuệ, là nơi chứa đựng lý tưởng và là biểu hiện của khát vọng cao cả. Đó là một lập luận có tiếng vang sâu sắc với một khí chất Anh nhất định.

Nó có thể không được nhìn theo cách tương tự từ Rôma - hoặc từ Thế giới mới. Hình ảnh “thánh đường” mà bức thư sử dụng cũng dẫn đến nhận xét rằng văn hóa tôn giáo Anh có một thiên tài nào đó trong việc duy trì hình thức sau khi đức tin không còn, phong cách không có thực chất.

Các thánh đường vĩ đại của Ely và Canterbury là những tượng đài cho nền văn hóa Anh đẹp nhất, nhưng giờ đây đã bị trao cho những lời tán dương tục tĩu. Vẻ đẹp hình thức bên ngoài không có nghĩa là sự toàn vẹn bên trong. Đối với một tư duy nhất định, nhận thức đầy đủ về sự nhầm lẫn về mặt giáo lý và đạo đức của cộng đồng Anh giáo, một lập luận về các di tích văn hóa Anh có thể không gây được tiếng vang tích cực chút nào. Còn hơn thế nữa khi những người theo thuyết bất khả tri và những người vô thần đang tranh cãi về những di tích đó.

Thật vậy, những người Công Giáo Anh vĩ đại nhất đã tô điểm cho nền văn hóa Anh - John Henry Newman, Ronald Knox, GK Chesterton - đã sẵn sàng lựa chọn chống lại sự vĩ đại về mặt hình thức của kiến trúc, nghi lễ và âm nhạc Anh giáo để ủng hộ đức tin Công Giáo.

Những người theo Thánh lễ Latinh truyền thống sẽ trả lời rằng họ là những người gìn giữ truyền thống đích thực của đạo Công Giáo chính thống. Họ mong muốn sống đức tin một cách toàn diện trong “thánh đường văn bản và cử chỉ” của Thánh lễ Latinh Truyền thống. Chắc chắn đây là một lập luận chân thành ủng hộ một nền văn hóa được đức tin sinh động. Với uy tín của những người ký tên, thông điệp của lá thư chắc chắn sẽ gây tiếng vang.

Nhưng lập luận về văn hóa, dường như đã giành chiến thắng với Thánh Giáo hoàng Phaolô VI, ngày nay có thể được sử dụng để chống lại Thánh lễ Latinh truyền thống.


Source:National Catholic Register
 
Biden vô ý gọi Zelensky là Putin. Phi công Nga mật báo cho Kyiv. NATO bác bỏ những hăm dọa của Orbán
VietCatholic Media
03:12 12/07/2024


1. Tổng thống Joe Biden gọi Zelenskiy là 'Putin' ngay trước cuộc họp báo lớn

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Joe Biden Calls Zelensky 'Putin' Right Before Huge Press Conference”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tổng thống Joe Biden vô tình gọi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy là “Putin” trong bài phát biểu về việc Mỹ ủng hộ Ukraine.

Bình luận của Tổng thống Biden được đưa ra chưa đầy một giờ trước cuộc họp báo mà đảng Dân chủ coi là then chốt để giúp ông tiếp tục là ứng cử viên. Ông phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ các đảng viên Đảng Dân chủ, các nhà tài trợ và những người ủng hộ nổi tiếng yêu cầu ông rút lui khỏi chiến dịch tranh cử tổng thống và trao cho bà Kamala Harris kể từ cuộc tranh luận tổng thống cuối cùng với cựu Tổng thống Trump. Một số đảng viên Đảng Dân chủ đã kêu gọi giữ lại phán quyết cho đến khi ông tổ chức cuộc họp báo tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào tối Thứ Năm, 11 Tháng Bẩy.

Chưa đầy một giờ trước cuộc họp báo, Tổng thống Biden đã tham dự một sự kiện kỷ niệm Hiệp ước Ukraine, một thỏa thuận song phương thống nhất các nước ủng hộ Ukraine. Ông khen ngợi Zelenskiy vì sự quyết tâm và lòng dũng cảm, nhưng khi giới thiệu ông Zelenskiy phát biểu trước máy vi âm thì tổng thống đã mắc sai lầm.

“Và bây giờ tôi muốn giao nó cho tổng thống Ukraine, người có lòng dũng cảm cũng như sự quyết tâm, Tổng thống … Putin,” Tổng thống Biden nói.

Khi mọi người bắt đầu vỗ tay, Tổng thống Biden lại lặp lại với lối nói dài ra như cách người ta vẫn thường giới thiệu một người ra phát biểu “Tổng thống … Putin” và sau đó nói “ông ấy sẽ đánh bại tổng thống Putin”. Tổng thống Biden nói thêm rằng ông ấy “quá tập trung vào việc đánh bại Putin nên chúng ta phải lo lắng về điều đó.”

Khi Zelenskiy cầm lấy micro, vị Tổng thống Ukraine đã coi nhẹ lỗi lầm và nói rằng “Sức khoẻ tôi đã khá hơn”. Tổng thống Biden trả lời, “bạn khá hơn rất nhiều.”

Đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Biden mắc sai lầm khi đề cập đến Zelenskiy. Trước đó, ông đã gọi nhầm Tổng thống Zelenskiy là Vladimir và trong khi lên tiếng ủng hộ Ukraine, vô tình nói rằng hàng viện trợ được gửi đến nhằm mục đích chống lại “sự xâm lược tàn bạo của Ukraine đang xảy ra vì Nga”. Tổng thống Biden có thể muốn nói đến “sự xâm lược tàn bạo” của Nga. Một số nhà ngôn ngữ học nói rằng khi Tổng thống Biden gọi Tổng thống Zelenskiy là Vladimir cũng không sai lắm. Tên của Tổng thống Zelenskiy là Volodymyr, đó là cách nói chữ Vladimir của người Ukraine.

Tuy nhiên, sự hớ hênh hôm thứ Năm xảy ra vào một thời điểm cực kỳ quan trọng đối với Tổng thống Biden. Chưa đầy một giờ sau khi mắc lỗi hớ hênh, Tổng thống Biden sẽ tổ chức cuộc họp báo riêng đầu tiên trong năm nay và đối mặt với những câu hỏi từ các phóng viên. Có khả năng các câu hỏi sẽ tập trung vào cuộc nổi dậy đang diễn ra trong Đảng Dân chủ và những lo ngại về khả năng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử và thậm chí khả năng lãnh đạo đất nước của ông.

David Axelrod, chiến lược gia trưởng trong chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Barack Obama, đã gọi câu nói hớ hênh của Putin là “khúc dạo đầu không may” đối với giới báo chí trong một phân đoạn trên CNN.

2. Phi công Nga tiết lộ dữ liệu nhân sự của sư đoàn Nga không kích vào Bệnh viện Nhi đồng

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian pilot leaked personnel data on Russian aviation division to Ukraine, source says”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Sáu, 12 Tháng Bẩy, phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Đại Úy Andriy Yusov, cho biết một phi công Nga đã chuyển thông tin mật cho cơ quan tình báo quân sự Ukraine, gọi tắt là HUR, giúp xác định danh tính 30 sĩ quan Nga thuộc sư đoàn máy bay ném bom hạng nặng Nga, đã tham gia vào cuộc không kích ngày 8 Tháng Bẩy vừa qua.

Phi công Nga cho biết các sĩ quan trên tùng sự tại Sư đoàn máy bay ném bom hạng nặng số 22. Anh ta cho biết như trên sau cuộc tấn công của Nga vào Bệnh viện Nhi đồng Okhmatdyt. Đại Úy Yusov cho biết thêm, người phi công Nga đã cung cấp thông tin cá nhân, bao gồm ảnh và các tài liệu bí mật khác, về 30 sĩ quan Nga, đặc biệt là kế hoạch tấn công vào Bệnh viện Nhi đồng.

Đại Úy Yusov cho biết: “Anh ta bị sốc trước vụ tấn công vào Bệnh viện Nhi đồng nên quyết định giao cho phía Ukraine các tài liệu liên quan đến hoạt động của đơn vị quân đội của anh ta, cũng như những bức ảnh riêng tư của các nhân viên chỉ huy”.

Sư đoàn máy bay ném bom hạng nặng số 22 đóng tại phi trường Engels ở tỉnh Saratov của Nga, cách Ukraine hàng trăm km. Sư đoàn này thường xuyên tấn công Ukraine bằng hỏa tiễn hành trình Kh-101 sử dụng máy bay ném bom chiến lược.

Lực lượng Nga đã tiến hành một cuộc tấn công hỏa tiễn vào Kyiv hôm 8 Tháng Bẩy, khiến 33 người thiệt mạng và 121 người khác bị thương. Tính chung trên toàn cõi Ukraine, có 44 người bị thiệt mạng và 196 người khác bị thương.

Một hỏa tiễn của Nga đã tấn công thẳng vào Bệnh viện Nhi đồng Okhmatdyt. Vụ tấn công vào cơ sở y tế khiến 2 người thiệt mạng, trong đó có một bác sĩ và 32 người khác bị thương. Cuộc tấn công cũng phá hủy một tòa nhà và làm hư hại bốn tòa nhà khác trong bệnh viện. Một em bé bị thương tại Bệnh viện Nhi đồng sau đó đã qua đời ở một bệnh viện khác vì vết thương quá nặng.

Trong cuộc họp báo tại Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, Tổng Công Tố Ukraine, Andriy Kostin, cho biết cuộc tấn công được thực hiện bằng hỏa tiễn hành trình Kh-101 theo lộ trình được lập trình sẵn. Ông khẳng định rằng cuộc tấn công là có chủ ý, và tài liệu do phi công Nga cung cấp là quan trọng để xác định bọn tội phạm chiến tranh trong Sư đoàn máy bay ném bom hạng nặng số 22 của Nga.

3. Orbán lặp lại như con két những lời của Putin về Ukraine trong bức thư bị rò rỉ gửi nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Orbán parrots Putin’s lines on Ukraine in leaked letter to EU chief”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Bài báo bắt đầu bằng một câu có ý mỉa mai rằng phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov bị gạt ra rìa, bị mất công ăn việc làm, Putin bổ nhiệm Viktor Orbán lên thay.

Trong một bức thư bị rò rỉ mà POLITICO nhìn thấy hôm Thứ Tư, 10 Tháng Bẩy, Thủ tướng Hung Gia Lợi đã nhấn mạnh quan điểm tối đa hóa của Putin đối với Ukraine đến mức ông có thể đang thử giọng cho vai trò phát ngôn nhân của Điện Cẩm Linh.

Bức thư gửi tới Chủ tịch Hội đồng Âu Châu Charles Michel và được chia sẻ với các thành viên khác của Hội đồng Âu Châu, trình bày suy nghĩ của Putin về tình trạng cuộc chiến của ông ở Ukraine - và Orbán cho rằng các bước tiếp theo của Liên Hiệp Âu Châu nên như thế nào.

Nó kết thúc một tuần ngoại giao sôi nổi, trong đó Orbán đến thăm Kyiv, rồi Mạc Tư Khoa và sau đó là Bắc Kinh, trong một “sứ mệnh hòa bình” do Orbán tự mô tả vài ngày sau khi Hung Gia Lợi đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên Hiệp Âu Châu.

Orbán nói với Michel rằng, theo Putin, “thời gian không đứng về phía Ukraine mà đứng về phía lực lượng Nga,” mà không cung cấp bằng chứng cho việc phân tích chiến trường.

Bức thư đề ngày 5 tháng 7 và được chia thành 9 điểm, cũng không đề cập đến việc chính Putin là người phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

Orbán - người phủ nhận rằng ông đưa ra “bất kỳ ý kiến nào thay mặt cho Hội đồng Âu Châu hoặc Liên minh Âu Châu” trong chuyến thăm Mạc Tư Khoa - nói tiếp rằng “phía Nga ước tính tổn thất và thương vong hàng tháng của lực lượng Ukraine là 40 đến 50 ngàn binh lính,” trong khi không đề cập đến tổn thất của Nga trong cuộc chiến.

Ông nói thêm rằng Mạc Tư Khoa “sẵn sàng xem xét bất kỳ đề xuất ngừng bắn nào không phục vụ cho việc tái cơ cấu và tái tổ chức lực lượng Ukraine một cách ẩn giấu” mà không giải thích thêm Putin muốn nói gì với điều đó.

Theo lời kể của Orbán về cuộc họp, ông nói rằng ông đã nhận xét với Putin rằng “nhiều người cho rằng lợi ích của Âu Châu là quay trở lại thời kỳ tăng trưởng kinh tế dựa trên hòa bình lâu dài càng sớm càng tốt,” và nói thêm: “Cơ hội cho hòa bình bị giảm sút bởi thực tế là các kênh ngoại giao bị chặn và không có đối thoại trực tiếp giữa các bên có vai trò dẫn đầu trong việc tạo điều kiện cho hòa bình.”

Liên Hiệp Âu Châu và các nhà lãnh đạo của khối này phần lớn đã cắt đứt liên lạc với Mạc Tư Khoa trong bối cảnh khối này áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt chống lại Nga sau cuộc xâm lược.

Các đại sứ Liên Hiệp Âu Châu tại Brussels sẽ thảo luận về chuyến đi của Orbán. Một nhà ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu đầy mỉa mai, người được giấu tên để thảo luận về chủ đề nhạy cảm, nói với POLITICO: “Nếu cuộc phỏng vấn ngày mai diễn ra với giọng điệu giống như bức thư này, thì đó sẽ là một cuộc gặp vui vẻ”. “Không có gì, nhưng không có gì trong số những nỗ lực của Hội đồng Âu Châu trong 2,5 năm qua được phản ánh trong điều này.”

Orbán đã viết, ở điểm thứ tám, rằng ông tin rằng một lệnh ngừng bắn và các cuộc đàm phán hòa bình vẫn có thể xảy ra, nhưng nói thêm rằng “trong hai tháng tới, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều tổn thất kịch tính và diễn biến quân sự ở tiền tuyến hơn bao giờ hết” nếu chiến tranh không không dừng lại.

Sau đó, ông kết luận rằng Âu Châu nên đi đầu trong nỗ lực đạt được hòa bình ở Ukraine, vì Mỹ ngày càng mất tập trung khi cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 đang đến gần.

Orbán viết: “Sự lãnh đạo chính trị do Hoa Kỳ cung cấp bị hạn chế do chiến dịch bầu cử đang diễn ra”. “Vì vậy, chúng tôi có thể mong đợi sẽ không có đề xuất nào như vậy đến từ Mỹ trong những tháng tới. Chúng ta nên xem xét – trên tinh thần tự chủ chiến lược của Âu Châu – khởi động một sáng kiến của Âu Châu.”

Nhiệm vụ của Orbán, ít nhất là về mặt chấm dứt chiến tranh, khó có thể thành công. Hôm thứ Hai, sau khi lực lượng Nga ném bom một bệnh viện nhi ở Kyiv, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã hủy bỏ nỗ lực đối thoại với Điện Cẩm Linh.

Tuy nhiên, điều đó có thể sẽ không ngăn cản nhà lãnh đạo Hung Gia Lợi.

Orbán ký vào bản ghi nhớ: “Tôi sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán của mình nhằm làm rõ các cơ hội hòa bình vào tuần tới.”

4. FBI đóng cửa trang trại bot trên X khổng lồ của Nga được hỗ trợ bởi Trí Tuệ Nhân Tạo

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “FBI Shuts Down Massive Russian AI-Driven Bot Farm on X”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, Lisa Monaco, cho biết: “Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã thu giữ hai tên miền hay domain name có liên quan đến chiến dịch thông tin sai lệch thời chiến của Nga được sử dụng để truyền bá thông tin sai lệch và tin tức giả trên mạng xã hội.”

Cô cho biết các quan chức FBI đã khám ra hoạt động thông tin được hỗ trợ bởi Trí Tuệ Nhân Tạo bên ngoài Nga bao gồm gần 1.000 tài khoản trên X giả danh người Mỹ.

Cuộc điều tra đã phát hiện ra một trang trại bot của Nga đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra các hồ sơ mạng xã hội giả mạo giả dạng người Mỹ để đăng bài ủng hộ việc Nga xâm lược Ukraine bất hợp pháp.

Cô cho biết, 968 tài khoản mạng xã hội, được cho là có kết nối với Đài truyền hình RT Nhà nước Nga, đã “được các hacker Nga sử dụng để tạo ra một trang trại bot truyền thông xã hội được tăng cường bởi Trí Tuệ Nhân Tạo nhằm truyền bá thông tin sai lệch ở Hoa Kỳ và nước ngoài”.

Nga thường xuyên vũ khí hóa mạng xã hội để truyền bá thông tin sai lệch nhằm gieo rắc sự bất hòa trong các nền dân chủ phương Tây.

Trong các tài liệu tòa án được công bố hôm Thứ Tư, 10 Tháng Bẩy, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết một phó tổng biên tập tờ RT thuộc sở hữu của Điện Cẩm Linh là kẻ chủ mưu đằng sau âm mưu truyền bá thông tin sai lệch.

“Với những hành động này, Bộ Tư pháp đã làm gián đoạn chiến dịch tuyên truyền hỗ trợ bởi Trí Tuệ Nhân Tạo do chính phủ Nga hậu thuẫn nhằm sử dụng trang trại bot để truyền bá thông tin sai lệch ở Hoa Kỳ và nước ngoài”.

Cô nói thêm: “Khi chính phủ Nga tiếp tục tiến hành cuộc chiến tàn khốc ở Ukraine và đe dọa các nền dân chủ trên toàn thế giới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục triển khai tất cả các cơ quan pháp lý của chúng tôi để chống lại sự xâm lược của Nga và bảo vệ người dân Mỹ”.

Cô nhấn mạnh rằng: “Hành động ngày hôm nay chứng tỏ rằng Bộ Tư pháp và các đối tác của chúng tôi sẽ không tha thứ cho các tác nhân chính phủ Nga và đặc vụ của họ triển khai Trí Tuệ Nhân Tạo để gieo rắc thông tin sai lệch và chia rẽ người Mỹ”.

“Khi những kẻ xấu đẩy nhanh việc lạm dụng Trí Tuệ Nhân Tạo để phạm tội, Bộ Tư pháp sẽ phản ứng và chúng tôi sẽ cùng với các đối tác quốc tế và khu vực tư nhân ưu tiên đáp trả các hành động gây rối. Chúng tôi sẽ không ngần ngại đóng cửa các trang trại bot, thu giữ các miền internet có được bất hợp pháp và chiến đấu với đối phương của chúng tôi.”

Giám đốc FBI Christopher Wray cho biết: “Các hành động hôm nay thể hiện hành động đầu tiên trong việc phá vỡ trang trại bot truyền thông xã hội được tăng cường bởi Trí Tuệ Nhân Tạo do Nga tài trợ”.

Ông cảnh báo rằng: “Nga có ý định sử dụng trang trại bot này để phổ biến thông tin sai lệch ở nước ngoài do Trí Tuệ Nhân Tạo tạo ra, mở rộng quy mô công việc của họ với sự hỗ trợ của Trí Tuệ Nhân Tạo nhằm làm suy yếu các đối tác của chúng ta ở Ukraine và gây ảnh hưởng đến các câu chuyện địa chính trị có lợi cho chính phủ Nga”.

Elena Simperl, giáo sư khoa học máy tính tại King's College Luân Đôn nói với Newsweek: “Mối nguy hiểm lớn nhất từ tất cả những điều này là mọi người rơi vào hai thái cực. Thái cực thứ nhất là họ không còn tin tưởng bất cứ ai. Thái cực thứ hai, ngược lại với thái cực thứ nhất là họ tin tưởng vào bất kỳ ai, bất kỳ tổ chức nào. Cả hai thái cực đều dẫn đến việc không tham gia vào việc ra quyết định dân chủ hoặc tập thể một cách hiệu quả”.

RT điều hành các kênh truyền hình bằng tiếng Anh và một số ngôn ngữ khác, nhưng kênh này có vẻ phổ biến hơn trên mạng xã hội so với trên truyền hình phát sóng.

Trang trại bot truyền thông xã hội đã sử dụng các yếu tố của Trí Tuệ Nhân Tạo để tạo ra các hồ sơ truyền thông xã hội hư cấu – thường có mục đích thuộc về các cá nhân ở Hoa Kỳ mà các nhà điều hành sau đó sử dụng để quảng bá tuyên truyền thân Nga, theo các bản khai tuyên thệ được tiết lộ vào hôm thứ Ba, ngày 9 tháng 7.

FBI đã làm việc cùng với các đối tác quốc tế Canada và Hòa Lan trong cuộc điều tra an ninh mạng nhằm ngăn chặn các bot của Nga được hỗ trợ bởi Trí Tuệ Nhân Tạo.

X Corp. đã tự nguyện đình chỉ các tài khoản bot được xác định trong tài liệu tòa án vì vi phạm điều khoản dịch vụ.

5. Tổng thống đắc cử Iran bảo đảm với Putin về việc tiếp tục hợp tác

Tổng thống mới đắc cử của Iran Masoud Pezeshkian đã tái khẳng định liên minh của Tehran với Mạc Tư Khoa trong cuộc điện đàm với Putin qua điện thoại vào ngày 9 Tháng Bẩy, theo hãng tin TASS do nhà nước Nga kiểm soát và các tuyên bố từ Điện Cẩm Linh.

Pezeshkian đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vòng hai ở Iran vào ngày 5 tháng 7, đánh bại Saeed Jalili theo đường lối cứng rắn. Các giám sát viên được quốc tế công nhận đã không có mặt để xác minh kết quả hoặc bảo đảm tính công bằng của cuộc bầu cử.

Iran chuẩn bị ký một thỏa thuận “đối tác chiến lược toàn diện” với Nga tại hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Kazan vào tháng 10, Pezeshkian được cho là đã nói với Putin.

Theo báo cáo của Nga, Putin đã chúc mừng Pezeshkian giành chiến thắng trong cuộc bầu cử và cả hai nhà lãnh đạo đều khẳng định sự hài lòng với mối quan hệ Nga-Iran.

Cuộc bầu cử vòng hai được châm ngòi bởi cái chết của cựu Tổng thống Ebrahim Raisi và bộ trưởng ngoại giao của ông trong một vụ tai nạn trực thăng vào ngày 19 tháng 5.

Iran là một trong những đồng minh thân cận nhất của Nga trên trường quốc tế. Hai nước chỉ tăng cường hợp tác quân sự và chính trị kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

Đáng chú ý, Iran đã cung cấp cho Nga hàng ngàn máy bay điều khiển từ xa cảm tử Shahed kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tổng lực. Vào tháng 2, Reuters cũng đưa tin rằng Tehran đã gửi “một số lượng lớn hỏa tiễn đạn đạo đất đối đất mạnh mẽ” để hỗ trợ cuộc xâm lược của Mạc Tư Khoa.

6. Nga thiếu quân, đạn dược cho cuộc tấn công lớn ở Ukraine, quan chức NATO nói với Reuters

Hôm Thứ Tư, 10 Tháng Bẩy, thông tấn xã Reuters dẫn lời một quan chức cao cấp giấu tên của NATO cho biết Nga thiếu đạn dược và binh lính cần thiết để tiến hành một cuộc tấn công lớn mới ở Ukraine.

Phát biểu trước hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington, quan chức này nói với các phóng viên rằng Nga đã phải chịu tổn thất “rất nặng nề” khi cố gắng giành những lợi ích lãnh thổ hạn chế.

Cuộc tấn công mới vào tháng 5 của Nga ở phía đông bắc tỉnh Kharkiv trên thực tế đã bị dừng lại, nhưng quân đội Mạc Tư Khoa vẫn duy trì áp lực ở tỉnh Donetsk, cố gắng chiếm thị trấn trọng điểm Chasiv Yar.

Quan chức này cho biết: “Những gì họ phải làm là ra lệnh cho các đơn vị thiếu kinh nghiệm di chuyển vào các khu vực để đạt được các mục tiêu phi thực tế”.

Nguồn tin lưu ý: “Để duy trì các hoạt động tấn công thực sự, chúng tôi nghĩ rằng Nga sẽ phải bảo đảm nguồn cung cấp đạn dược đáng kể từ các quốc gia khác ngoài những gì họ đã nhận được từ Iran và Bắc Hàn”, nguồn tin lưu ý và cho biết thêm rằng một làn sóng huy động mới cũng sẽ là cần thiết.

Mạc Tư Khoa đã tăng cường hợp tác quân sự với Tehran và Bình Nhưỡng trong cuộc chiến toàn diện.

Trong khi Iran cung cấp cho Nga máy bay điều khiển từ xa Shahed, và hỏa tiễn dùng để tấn công các thành phố và cơ sở hạ tầng của Ukraine thì Bắc Hàn được cho là đã cung cấp cho Nga hỏa tiễn đạn đạo và hàng triệu quả đạn pháo, thậm chí còn cử các huấn luyện viên quân sự tới nước này.

Theo nguồn tin này, hệ thống phòng thủ của Ukraine đã được cải thiện đáng kể nhưng cũng chịu tổn thất nặng nề. Quan chức này lưu ý rằng sẽ mất một thời gian trước khi Kyiv tích lũy đủ nguồn lực để tiến hành cuộc phản công của riêng mình.

Quân đội Kyiv hồi đầu năm nay rơi vào tình thế khó khăn do sự hỗ trợ của Mỹ bị chậm trễ. Tổng thống Volodymyr Zelenskiy tuần trước cho biết mặc dù Quốc hội Mỹ cuối cùng đã thông qua gói viện trợ trị giá 61 tỷ Mỹ Kim nhưng các thiết bị quân sự vẫn được chuyển đến Ukraine một cách chậm chạp.

Nhà lãnh đạo nhà nước cho rằng, vào lúc này, nói về một cuộc phản công của Ukraine là không thích hợp vì Kyiv phải tập trung vào việc bảo vệ những gì mình có. Ông nói thêm rằng bất kỳ sự phản kháng nào chống lại lực lượng Nga sẽ có thể xảy ra khi có đủ vũ khí.

7. Bloomberg đưa tin Ả Rập Saudi đưa ra những lời đe dọa mơ hồ đối với G7 về việc thu giữ tài sản bị đóng băng của Nga

Các quan chức Saudi Arabia được tường trình đã đưa ra “những lời đe dọa ngầm” đối với nhóm bẩy cường quốc trên thế giới, thường được gọi là G7, ám chỉ rằng vương quốc này sẽ bán một số khoản nợ Âu Châu nắm giữ nếu các đồng minh phương Tây tịch thu khoảng 300 tỷ Mỹ Kim tài sản bị đóng băng của Nga, Bloomberg đưa tin hôm 9 Tháng Bẩy.

Theo các nguồn tin quen thuộc với vấn đề này, các quan chức từ Bộ tài chính Ả Rập Saudi đã phản đối việc các đồng minh phương Tây tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga, ngụ ý rằng việc bán các khoản nợ của Âu Châu sẽ bắt đầu, cụ thể là khoản nợ do kho bạc Pháp phát hành.

Các mối đe dọa mơ hồ xuất hiện trước các cuộc thảo luận của G7 vào tháng 5 và tháng 6, khi các đồng minh ở Âu Châu không đồng ý về các biện pháp thực hiện đối với tài sản bị đóng băng ở nước họ - với một số quốc gia Âu Châu lo ngại rằng việc tịch thu có thể gây bất ổn và làm suy yếu đồng euro.

Tháng trước, các nhà lãnh đạo G7 cuối cùng đã đạt được thỏa thuận về kế hoạch cung cấp cho Ukraine khoản vay 50 tỷ Mỹ Kim vào cuối năm nay, được hỗ trợ bởi khoản lãi phát sinh từ 300 tỷ Mỹ Kim tài sản bị phong tỏa của Nga.

Trong một tuyên bố với Bloomberg, Bộ tài chính Ả Rập Saudi phủ nhận việc gây áp lực lên các nước G7, đồng thời nói thêm rằng “không có mối đe dọa nào như vậy được đưa ra”.

Tuyên bố viết: “Mối quan hệ của chúng tôi với G7 và các nước khác là tôn trọng lẫn nhau và chúng tôi tiếp tục thảo luận về mọi vấn đề thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu và nâng cao khả năng phục hồi của hệ thống tài chính quốc tế”.

Các nguồn tin quen thuộc với vấn đề này nói với Bloomberg rằng không rõ liệu Riyadh có bị gây áp lực phải có hành động đoàn kết với Mạc Tư Khoa hay không, hay họ sợ rằng việc tịch thu tài sản sẽ tạo tiền lệ cho nhiều quốc gia làm như vậy trong tương lai.

Các nguồn tin nói với Bloomberg rằng mặc dù việc Ả Rập Saudi bán trái phiếu Âu Châu và Pháp có thể không gây ra rạn nứt lớn trong nền kinh tế thế giới, nhưng các quan chức Âu Châu lo ngại các quốc gia khác sẽ nối bước Ả Rập Saudi.

Ả Rập Saudi chưa có lập trường cụ thể về việc Nga xâm lược Ukraine khi đã bỏ qua hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu diễn ra vào tháng trước ở Thụy Sĩ và từ chối ký thông cáo chung của hội nghị thượng đỉnh hòa bình lên án Nga.

Ả Rập Saudi trước đó đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh quốc tế về công thức hòa bình của Ukraine vào tháng 8 năm 2023. Nước này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đàm phán trao đổi tù nhân với Nga, giúp Ukraine đạt được một cuộc trao đổi lớn với gần 300 người vào tháng 9 năm 2022.

Đồng thời, Ả Rập Saudi vẫn duy trì mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Nga, mối quan hệ này đã được củng cố sau khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine và sự cô lập kinh tế sau đó của Nga với phương Tây.

8. Truyền thông Ba Lan đưa tin hàng ngàn người muốn gia nhập quân đoàn Ukraine mới ở Ba Lan

Hàng ngàn người Ukraine ở Ba Lan đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập quân đoàn mới của quân đội Ukraine sẽ được huấn luyện ở Ba Lan, chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Volodymyr Zelenskiy công bố kế hoạch, hãng tin RMF của Ba Lan đưa tin hôm 10 Tháng Bẩy.

RMF cho biết “hàng ngàn người Ukraine sống ở Ba Lan đã bày tỏ sự sẵn sàng gia nhập quân đoàn Ukraine”, trích dẫn một nguồn tin không chính thức tại một trong những cơ quan đại diện ngoại giao của Ukraine.

RMF cho biết: “Những người này đã nộp đơn, mặc dù việc tuyển dụng cho đơn vị này vẫn chưa được bắt đầu”.

Quân đoàn được chính thức công bố là một phần của thỏa thuận an ninh được ký kết bởi Tổng thống Volodymyr Zelenskiy và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk vào ngày 8 tháng 7, đặt ra những bước phát triển hơn nữa trong hợp tác chính trị, kinh tế và quân sự giữa Ukraine và Ba Lan.

Không giống như các quân đoàn cụ thể khác trong Lực lượng vũ trang Ukraine, chẳng hạn như Quân đoàn Georgia, Quân đoàn Tự do Nga và Trung đoàn Pahonia Belarus, quân đoàn sẽ bao gồm những người Ukraine.

Ông Zelenskiy cho biết: “Quân đoàn Ukraine sẽ huấn luyện ở Ba Lan và được trang bị với sự giúp đỡ của các đối tác của chúng tôi”.

“Mọi công dân Ukraine quyết định gia nhập quân đoàn sẽ có thể ký hợp đồng với Lực lượng vũ trang Ukraine”, Tổng thống Zelenskiy nói và cho biết thêm rằng “các nhóm của chúng tôi hiện đang nghiên cứu tất cả các chi tiết”.

RMF cho biết ước tính sơ bộ cho thấy “vài ngàn” người Ukraine có thể yêu cầu gia nhập quân đoàn và cơ hội ghi danh có thể mở ra cho những người Ukraine sống ở các nước Âu Châu khác.

RMF cho biết: “Các nỗ lực đang được tiến hành để các nước Liên Hiệp Âu Châu khác tham gia vào chi phí đào tạo và trang thiết bị”, vì Warsaw tin rằng “huấn luyện quân đoàn Ukraine cũng là một khoản đầu tư vào an ninh Âu Châu”.

RMF cho biết, quân đoàn này rất có thể sẽ được huấn luyện tại các căn cứ quân sự đã huấn luyện binh sĩ Ukraine, vì khoảng 20.000 binh sĩ Ukraine đã được huấn luyện ở Ba Lan kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Nga.

Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski ngày 31 Tháng Năm cho biết Warsaw đã xem xét yêu cầu của Ukraine gửi huấn luyện viên quân sự đến Ukraine, nhưng “đi đến kết luận rằng sẽ an toàn hơn và hiệu quả hơn nếu đào tạo một đơn vị Ukraine gồm những người Ukraine ở Ba Lan”.

Sikorski cho biết vào tháng 4 rằng việc buộc những người đàn ông trong độ tuổi nhập ngũ trở lại Ukraine là “mơ hồ về mặt đạo đức” và Ukraine, chứ không phải Ba Lan, sẽ phải “chủ động” trong quá trình này.

9. Mỹ cung cấp giang tốc đỉnh Metal Shark cho Ukraine

Mỹ đã gửi giang tốc đỉnh Metal Shark tới Ukraine cho lực lượng Cảnh sát biển của nước này, Cơ quan Biên phòng Nhà nước đưa tin hôm Thứ Tư, 10 Tháng Bẩy,.

Tuyên bố cho biết tàu này đã được chuyển giao với sự hợp tác của Văn phòng Hợp tác Quốc phòng (ODC) và chương trình Kiểm soát Xuất khẩu và An ninh Biên giới Liên quan (EXBS).

Cơ quan Biên phòng Nhà nước cho biết các tàu này được trang bị hệ thống điều hướng và điều khiển hiện đại, hệ thống chữa cháy tự động cũng như hệ thống giám sát video, giúp chúng có khả năng cơ động, nhanh chóng và tiện dụng.

Lực lượng Bảo vệ Hàng hải Ukraine đã sử dụng tàu thủy trên biển và các con sông gần biên giới quốc gia. Theo tuyên bố, các tàu này cũng bảo đảm an ninh cho hành lang hàng hải ở Hắc Hải.

Kyiv buộc phải thiết lập tuyến xuất khẩu mới ở Hắc Hải vào năm ngoái sau khi Nga đơn phương rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc ở Hắc Hải.

Ban đầu được hình dung như một hành lang nhân đạo cho phép các tàu mắc kẹt ở đó khởi hành kể từ khi bắt đầu cuộc chiến toàn diện, sau đó nó đã phát triển thành một tuyến thương mại toàn diện.

Bộ Cơ sở hạ tầng cho biết tính đến cuối tháng 6, Ukraine đã xuất khẩu 37,4 triệu tấn nông sản qua tuyến đường mới.

10. NATO có thể áp dụng Điều 5 đối với các hoạt động hỗn hợp của Nga ở Âu Châu nếu được yêu cầu, quan chức nói với VoA

Về mặt lý thuyết, bất kỳ quốc gia NATO nào cũng có thể yêu cầu bảo vệ theo Điều 5 của liên minh về phòng thủ chung do các hoạt động kết hợp của Nga, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VoA) đưa tin hôm 10 Tháng Bẩy, dẫn lời một quan chức cao cấp giấu tên của liên minh.

Điều 5 của NATO khẳng định rằng một cuộc tấn công nhằm vào một quốc gia thành viên là một cuộc tấn công chống lại tất cả các quốc gia trong liên minh.

Khi được hỏi phản ứng của NATO đối với các hoạt động hỗn hợp và nỗ lực gây bất ổn ở Âu Châu của Mạc Tư Khoa có thể kích hoạt điều 5 hay không, quan chức này nói rằng “tất cả phụ thuộc vào những hành động mà Nga tiếp tục thực hiện”.

Nguồn tin của VoA cho biết bên lề hội nghị thượng đỉnh của liên minh ở Washington vào thời điểm này, chưa có quốc gia thành viên NATO nào đưa ra yêu cầu này.

Các quan chức tình báo phương Tây được tường trình đã cảnh báo về việc gia tăng các hoạt động phá hoại của Nga trên khắp Âu Châu. CNN đưa tin vào đầu tháng 7, trích dẫn các nguồn giấu tên, rằng mối đe dọa như vậy đã khiến an ninh được tăng cường tại các căn cứ quân sự của Mỹ ở Âu Châu.

Theo Bộ Nội vụ Ba Lan, trong 6 tháng qua, chính quyền Ba Lan đã bắt giữ 18 người vì tình nghi theo đuổi các hoạt động thù địch hoặc phá hoại phối hợp với Nga hoặc Belarus.

Một số nghi phạm khác đã bị bắt trong năm qua ở Đức, Áo, Đan Mạch, Estonia và các quốc gia khác vì bị cáo buộc làm gián điệp cho Nga hoặc các hình thức hợp tác khác với tình báo Nga.
 
Nga kiệt quệ, Kyiv phản công 2 nơi đều thắng. Ý đồ của Orbán. Dính líu Putin, Le Pen có thể ngồi tù
VietCatholic Media
14:30 12/07/2024


1. Bản đồ chiến tranh Ukraine cho thấy Ukraine thắng lớn trong hai 'cuộc phản công cục bộ thành công'

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine War Maps Show Two 'Successful Localized Counterattacks' by Kyiv”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo một đánh giá mới, các lực lượng Ukraine đã thực hiện “các cuộc phản công cục bộ thành công và có ý nghĩa chiến thuật” chống lại quân đội Nga dọc theo hai phần của chiến tuyến, khi các quốc gia thành viên NATO cam kết viện trợ trong tương lai cho các nỗ lực chiến tranh của Kyiv chống lại Mạc Tư Khoa.

Hôm Thứ Năm, 11 Tháng Bẩy, Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, một tổ chức tư vấn của Mỹ, cho biết các chiến binh của Ukraine đã phản công dọc biên giới khu vực Kharkiv phía đông bắc đất nước và xung quanh Kreminna, một thành phố do Nga kiểm soát ở vùng Luhansk phía đông Ukraine, nằm gần biên giới Donetsk.

Đầu tháng 5, Mạc Tư Khoa phát động một cuộc tấn công xuyên biên giới vào khu vực Kharkiv, nhanh chóng chiếm được một số thị trấn bên kia biên giới, bao gồm cả những thị trấn phía bắc Thành phố Kharkiv. Đây là thành phố lớn thứ hai của Ukraine và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nói rằng Kyiv “không thể để mất Kharkiv”.

Quân đội Nga cũng tấn công xa hơn về phía đông dọc biên giới, xung quanh thành phố Vovchansk và Starytsya, một khu định cư ngay phía tây nam Vovchansk.

Các quan chức Ukraine cảnh báo rằng Nga hy vọng sẽ chia cắt nguồn lực khan hiếm của Kyiv, buộc Ukraine phải rút binh lính và trang thiết bị từ các khu vực khác của chiến tuyến. Ukraine cho biết ngay sau khi cuộc tấn công bắt đầu rằng nước này đã ngăn chặn bước tiến của Nga trong khi báo cáo các cuộc tấn công tăng cường từ Mạc Tư Khoa ở phía đông đất nước.

ISW cho biết Ukraine đã phản công dọc biên giới Kharkiv và xung quanh Kreminna trong khoảng hai tháng. Viện nghiên cứu cho biết Nga đã rút các đơn vị lực lượng khỏi các khu vực khác của Ukraine, đây là “dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy các lực lượng Nga đang bắt đầu cảm thấy áp lực rất mạnh từ các cuộc phản công của Ukraine”.

ISW trước đó cho biết Ukraine đã chiếm lại các lãnh thổ rộng lớn ở phía bắc thành phố Kharkiv trong khi Nga chỉ giành được những thắng lợi nhỏ nhoi ở phía đông. Nga “gần đây đã tiến một chút về phía tây bắc Kreminna” trong khi tấn công từ thành phố Kupiansk của Kharkiv đến Svatove, một thành phố Luhansk ở phía bắc Kreminna.

ISW cho biết khả năng “tiến hành các cuộc phản công mạnh mẽ và có tổ chức hơn” của Kyiv được quyết định bởi viện trợ quân sự của phương Tây.

Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ an ninh từ những người ủng hộ quốc tế, đặc biệt là Mỹ, để thúc đẩy nỗ lực chiến tranh của mình. Để duy trì hoạt động của cỗ máy chiến tranh của riêng mình, Nga đã nhanh chóng huy động ngành công nghiệp quốc phòng và các quan chức phương Tây cho biết Mạc Tư Khoa đã nhận vũ khí từ các đồng minh như Bắc Hàn, Trung Quốc và Iran.

Vào cuối tháng 4, Hạ viện Hoa Kỳ đã phê duyệt hơn 60 tỷ Mỹ Kim viện trợ quân sự cho Ukraine sau nhiều tháng trì hoãn và đấu đá chính trị nội bộ. Trong thời gian Quốc hội trì hoãn cấp phép viện trợ, lực lượng Ukraine đã phải vật lộn để duy trì nguồn cung các tài sản quan trọng như đạn dược và hỏa tiễn phòng không.

“Tôi xin lỗi vì đã nhiều tuần không biết chuyện gì đang xảy ra về mặt tài trợ,” Tổng thống Joe Biden nói với Zelenskiy vào đầu tháng Sáu.

Những nước ủng hộ NATO của Ukraine đã tận dụng hội nghị thượng đỉnh tuần này ở Washington để công bố viện trợ mới cho Kyiv, bao gồm 4 hệ thống phòng không Patriot và “hàng chục” hệ thống phòng không khác trong vài tháng tới.

NATO cũng xác nhận hôm thứ Tư rằng các thành viên của tổ chức này sẽ cung cấp “khoản tài trợ cơ bản tối thiểu” trị giá hơn 43 tỷ Mỹ Kim để hỗ trợ an ninh cho Ukraine trong năm tới.

Ngoài ra, Mỹ, Hòa Lan và Đan Mạch cho biết chiếc chiến đấu cơ F-16 đầu tiên mà Ukraine cam kết đang trên đường tới Kyiv.

2. Các quan chức Liên Hiệp Âu Châu tức giận trước sứ mệnh ngoại giao phản bội của Orbán để gặp Putin

Kể từ khi Budapest đảm nhận chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Âu Châu vào tuần trước, nhà lãnh đạo Hung Gia Lợi Viktor Orbán đã lao đi khắp nơi như một con mèo say mê ma túy đá.

Ông ta lao đến Kyiv để gặp Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, rồi nhào sang Mạc Tư Khoa để trò chuyện với nhà độc tài Nga Vladimir Putin, trước khi tới Bắc Kinh để gây ấn tượng với Chủ tịch Tập Cận Bình, thủ tướng Hung Gia Lợi đã thực hiện một chương trình ngoại giao toàn cầu chóng mặt mà theo ông, là được thiết kế để mang lại hòa bình cho Ukraine.

Nhưng màn nhảy lò cò quá khích của Orbán đã khiến các chủ tịch thực sự của Âu Châu phải trợn tròn mắt, nhà lãnh đạo Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen và chủ tịch Hội đồng Âu Châu Charles Michel đều chỉ trích nhà lãnh đạo Hung Gia Lợi khi ông ta đánh cắp sấm sét của họ và khuấy động tình hình ở Brussels.

Sự náo loạn bắt đầu trên mạng xã hội vào thứ Ba tuần trước, ngày thứ hai trong nhiệm kỳ sáu tháng của nhiệm kỳ chủ tịch Hội đồng Liên Hiệp Âu Châu của Hung Gia Lợi, với một đoạn video cường điệu cố tình tô vẽ Orbán như một người đang đi làm nhiệm vụ.

Một đoàn xe lớn hú còi báo động và đèn xanh đỏ nhấp nháy trên con đường “vì hòa bình”. Âm nhạc kịch tính, những cảnh quay theo phong cách phim hành động và – 2.100 km sau, tại thủ đô Ukraine – người đàn ông tuyên bố mình có thể ngăn chặn một cuộc chiến tranh thế giới - đã xuất hiện.

Âm nhạc trở nên mạnh mẽ hơn khi ông đến dinh tổng thống ở Kyiv. Orbán đã ngồi lại với Tổng thống Ukraine Zelenskiy trong “ba giờ đàm phán”, kết thúc bằng nụ cười của cả hai bên và một cuộc họp báo bằng một cái bắt tay.

Chỉ ba ngày sau, Orbán lại tạo ra tranh cãi lớn hơn nhiều giữa các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu, những người khẳng định ông không phát biểu thay mặt họ; và rằng vai trò thủ tướng Hung Gia Lợi của ông khi điều hành Hội đồng Liên Hiệp Âu Châu là không liên quan về mặt ngoại giao.

Lần này, ông đã đề nghị điều tương tự ở Mạc Tư Khoa với Putin, nhà lãnh đạo khát máu của Nga, người đã gây chiến với Ukraine trong nhiều năm và đe dọa cấu trúc an ninh thời hậu chiến tranh thế giới của Âu Châu.

Bất chấp sự phản đối từ Brussels, Orbán tự hào tuyên bố rằng ông đến Mạc Tư Khoa với tư cách là phái viên của Liên minh Âu Châu. Orbán nói tại Điện Cẩm Linh: “Chúng ta không thể đạt được hòa bình nếu không có các kênh đối thoại và ngoại giao. Tôi đã trải nghiệm các quan điểm cách xa nhau, nhưng về việc khôi phục đối thoại, bước quan trọng đầu tiên đã được thực hiện ngày hôm nay.” Ở cuối video chuyến du lịch của mình, logo của tổng thống Hung Gia Lợi xuất hiện với khẩu hiệu kiểu cựu Tổng thống Trump: Làm cho Âu Châu vĩ đại trở lại.

Chuyến thăm của Orbán tới Putin, trong đó ông dường như thiếu một số vẻ dũng cảm rõ ràng trong video ở Kyiv, đã tạo ra hiệu ứng boomerang, khi vào sáng thứ Hai, lực lượng của Putin đã ném bom một Bệnh viện Nhi đồng ở Kyiv.

Theo một người trong cuộc ở Brussels, phái đoàn ngoại giao phản bội đã giết chết vai trò chủ tịch Liên Hiệp Âu Châu của Hung Gia Lợi.

“Các quốc gia thành viên đã khó chịu với phương châm 'MEGA'. Nhưng cuộc gặp với Putin sẽ vĩnh viễn làm lu mờ nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên Hiệp Âu Châu của Hung Gia Lợi”, một nhà ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu nói với POLITICO hôm thứ Sáu, sau khi được giấu tên để thảo luận về vấn đề nhạy cảm. “Với một cuộc họp như vậy, nhiệm kỳ tổng thống sẽ kết thúc trước khi nó thực sự bắt đầu.”

Nhưng Orbán có thực sự quan tâm không? Hay ông ấy đang sử dụng chức vụ tổng thống như một công cụ để hành động giống như những gì những người ủng hộ ông ở quê nhà gọi ông: Nhà lãnh đạo Âu Châu?

Người đàn ông đang thực hiện nhiệm vụ đã ghi được điểm cao ở Bắc Kinh vào sáng thứ Hai khi Nga đang đánh bom Bệnh viện Nhi đồng Kyiv.

“Trung Quốc là cường quốc thế giới duy nhất dấn thân cho hòa bình một cách rõ ràng. Điều này rất quan trọng đối với Hung Gia Lợi và đối với toàn bộ Liên minh Âu Châu,” Orbán nói, quỳ gối trước Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người mà Mỹ – một đồng minh NATO của Hung Gia Lợi – đã cáo buộc ủng hộ hành động xâm lược của Nga ở Ukraine.

Nhưng lý do thực sự dẫn đến cơn lốc của Orbán trong tuần đầu tiên làm chủ tịch Liên Hiệp Âu Châu có thể nằm gần nhà hơn.

Đảng Fidesz của Orbán vừa phải hứng chịu kết quả yếu nhất trong 15 năm tại cuộc bầu cử Âu Châu, và một đối thủ mới đã xuất hiện. Péter Magyar là đồng minh lâu năm của Orbán, nhưng vào tháng 2, ông ta đã chống lại chính quyền Budapest, bắt đầu một phong trào công khai trở thành một đảng - và giành được gần 30% số phiếu bầu tại thùng phiếu. Đây là màn thể hiện mạnh mẽ nhất của một đảng đối lập ở Hung Gia Lợi trong 15 năm qua.

Sau một cuộc suy thoái nghiêm trọng và ngân sách trống rỗng, Orbán có rất ít điều có thể mang lại cho công chúng để có thể giành được sự ủng hộ của người dân Hung Gia Lợi, hay còn gọi là Hungary. Tuy nhiên, ông ta có thể cố thể hiện mình là một “người kiến tạo hòa bình”, giống như ông ta đã làm trong chiến dịch bầu cử.

“Orbán có truyền thống xây dựng một câu chuyện chính sách đối ngoại mở rộng trên thực tế kể từ năm 2014-2015. Kết quả rõ ràng hiện nay của điều này là câu chuyện về 'Sứ mệnh hòa bình', nhưng thực chất là việc theo đuổi lợi ích kinh tế của riêng mình và được ông ấy xây dựng rất nhiều cho số cử tri nòng cốt của mình trong cuộc bầu cử vừa qua,” Botond Feledy, một nhà phân tích địa chính trị tại Red Snow, nói với POLITICO.

Nhưng chiến thuật của Orbán cũng có thể chống lại ông ta. Các đại sứ Liên Hiệp Âu Châu sẽ thảo luận về chức vụ chủ tịch luân phiên và các chuyến đi gần đây của ông tại cuộc họp vào hôm Thứ Tư, 10 Tháng Bẩy, tại Brussels, trong một dấu hiệu đầu tiên cho thấy các quan chức Liên Hiệp Âu Châu có thể chuyển từ việc lên án công khai sang hành động cụ thể nhằm kiềm chế chức vụ chủ tịch luân phiên của Budapest.

Theo một nhà ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu, ngày càng có nhiều lo ngại về Orbán. Nhà ngoại giao nói: “Rõ ràng là ông ấy chỉ đại diện cho đất nước của mình, nhưng thay vào đó, ông ấy lại cố tình để lại nhiều điều mơ hồ”.

Nhà ngoại giao này nói thêm rằng căng thẳng đang tăng cao sau tuần đầu tiên của nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên và dự kiến sẽ còn gia tăng hơn nữa trước Hội đồng Ngoại giao vào ngày 20 Tháng Bẩy, khi Hung Gia Lợi tiếp tục chặn nguồn tài trợ giúp Ukraine có tiền mua vũ khí từ Liên Hiệp Âu Châu.

Một nhà ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu thứ ba, người cũng được giấu tên để thoải mái phát biểu, nói với POLITICO: “Chúng tôi hiện đang thảo luận chính xác những việc cần làm. Có một sự phản đối chính trị rất rõ ràng.”

Khó có khả năng Brussels hủy diệt danh tiếng toàn cầu của Orbán ngay lập tức, mặc dù các nhà phân tích cho rằng có những cơ chế để tước bỏ chức chủ tịch luân phiên của Orbán.

Dániel Hegedűs, một thành viên cao cấp tại Quỹ Marshall Đức, viết: “Nếu họ thể hiện quyết tâm đưa ra phản ứng thích đáng trước chính sách ngoại giao 'gây sốc và kinh hoàng' của Orbán nhằm chế nhạo và chế giễu Liên Hiệp Âu Châu, họ có thể loại bỏ chức chủ tịch luân phiên của Hung Gia Lợi trong vòng vài tuần”..

Sẽ cần phải có đa số 4 phần 5 đủ tiêu chuẩn trong Hội đồng Âu Châu mới có thể viết lại lịch trình luân phiên các nhiệm kỳ tổng thống và dời ngày bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống sắp tới của Ba Lan thêm vài tháng.

Về phần mình, Orbán tỏ ra ít có dấu hiệu chú ý đến lời kêu gọi kiềm chế của Brussels.

3. Lữ đoàn 3 Biệt Động Quân Ukraine thắng lớn ở Borova

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Sáu, 12 Tháng Bẩy, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết hôm Thứ Năm, 11 Tháng Bẩy, các binh sĩ Ukraine thuộc Lữ đoàn 3 Biệt Động Quân đã thắng lớn ở Borova, tỉnh Kharkiv.

Hôm 18 Tháng Sáu, Lữ đoàn này báo cáo rằng các lực lượng Nga đang tăng cường tấn công ở khu vực biên giới của tỉnh Luhansk với mục đích đánh chiếm Borova ở khu vực lân cận. Lực lượng Nga đã bị tổn thất nặng nề nhưng được bổ sung quân số.

Ông cho biết, quân đội Nga muốn thực hiện các cuộc tấn công cục bộ, nhưng Lữ Đoàn đã chủ động tấn công trước khi quân Nga có cơ hội tấn công.

Borova bị lực lượng Nga xâm lược vào tháng 3 năm 2022 và sau đó được giải phóng vào cuối năm đó trong cuộc phản công sâu rộng của Ukraine ở Kharkiv.

Nga đang tiến hành các cuộc tấn công dữ dội ở nhiều khu vực ở mặt trận phía đông, bao gồm cả tỉnh Donetsk, sau khi chiếm được thành phố Avdiivka vào tháng 2.

4. Marine Le Pen bị sốc vì cuộc điều tra về nguồn tài trợ cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2022

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Marine Le Pen hit by shock probe into 2022 presidential campaign funding “. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Văn phòng công tố Paris đã mở cuộc điều tra về việc tài trợ cho chiến dịch tranh cử tổng thống của nhà lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen vào năm 2022.

Văn phòng công tố Paris xác nhận với POLITICO rằng cuộc điều tra, diễn ra sau cuộc điều tra sơ bộ, đã được mở vào tuần trước vì nghi ngờ tham ô, giả mạo, gian lận và một ứng cử viên trong chiến dịch bầu cử đã chấp nhận một khoản vay của Nga.

Năm 2022, Le Pen - khi đó đang nỗ lực lần thứ ba để giành chức tổng thống Pháp với tư cách là người lãnh đạo đảng Tập Hợp Quốc Gia - đã nhận được 41% số phiếu bầu ở vòng hai, thua sít sao Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron.

Đội ngũ báo chí của đảng Tập Hợp Quốc Gia đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Cuộc điều tra bây giờ sẽ được chuyển cho thẩm phán. Diễn biến này xảy ra sau khi một báo cáo từ ủy ban quốc gia xem xét chi tiêu trong chiến dịch tranh cử, gọi tắt là CNCCFP, đã cảnh báo văn phòng công tố Paris.

Một quan chức giấu tên của đảng Tập Hợp Quốc Gia nói với AFP: “Tôi rất ngạc nhiên vì chi phí tranh cử của chúng tôi đã được phê duyệt vào tháng 12 năm 2022 và được hoàn trả vào tháng 2 năm 2023”.

“Chúng tôi không biết người ta đang nói về cái gì. Giống như mọi người khác, chúng tôi chỉ phát hiện ra rằng một cuộc điều tra đã được mở sau khi xem chương trình của đài truyền hình BFMTV,” ông nói.

CNCCFP đã ghi nhận những điểm bất thường trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2022 của Le Pen, và từ chối trả tiền cho các bích chương dán trên xe buýt, là điều được coi là vi phạm các quy tắc quảng cáo của chiến dịch tranh cử.

Theo AFP, năm 2022 Le Pen đã đầu tư gần 11,5 triệu euro vào chiến dịch tranh cử tổng thống không thành công của bà.

Chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2017 của Le Pen cũng đầy rẫy những bất thường. CNCCFP từ chối hoàn trả các khoản vay do đảng của bà và một đảng nhỏ hơn tên là Cotelec của Jean-Marie Le Pen đưa ra cho chiến dịch tranh cử của bà, vì cho rằng lãi suất đặt ra cho các khoản vay này quá cao.

Vào tháng 9, Le Pen cũng sẽ bị đưa ra xét xử cùng với 24 người khác vì cáo buộc lạm dụng quỹ của Liên Hiệp Âu Châu, sau cuộc điều tra kéo dài 7 năm về cáo buộc rằng đảng Tập Hợp Quốc Gia đã sử dụng công quỹ, vốn dành cho các trợ lý nghị viện Liên Hiệp Âu Châu, để trả tiền cho nhân viên của đảng.

Theo Libération, bản thân Le Pen phải đối mặt với cáo buộc tham ô công quỹ, có nguy cơ bị phạt tiền và có thể phải ngồi tù tới 10 năm. Đáng chú ý, Le Pen có nguy cơ bị loại khỏi cuộc bầu cử trong 5 năm, điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng tranh cử của bà trong cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo vào năm 2027.

Đảng Tập Hợp Quốc Gia của Le Pen cũng bị phạt vào năm 2023 vì lạm dụng tài sản công ty, sau cuộc điều tra về việc tính phí quá cao cho các bộ dụng cụ tranh cử của đảng trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2012.

Hôm Chúa Nhật, đảng Tập Hợp Quốc Gia Le Pen đã giành được 142 ghế trong Quốc hội sau khi Macron kêu gọi một cuộc bầu cử lập pháp trước thời hạn vào tháng Sáu. Mặc dù phe cực hữu hiện có một nhóm lớn hơn nhiều trong quốc hội, nhưng hy vọng có thể thành lập chính phủ của họ đã tan thành mây khói.

5. Tổng thống Duda hy vọng Ukraine sẽ nhận được lời mời tham gia liên minh tại hội nghị thượng đỉnh NATO tiếp theo

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda bày tỏ hy vọng Ukraine sẽ được mời gia nhập NATO tại hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của liên minh NATO.

Tuyên bố của ông, được Ukrinform trích dẫn, được đưa ra vào ngày thứ hai của hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington trước khi bắt đầu cuộc họp toàn thể cao cấp nhất của Hội đồng Bắc Đại Tây Dương.

Tổng thống Duda cho rằng Ukraine khó có thể nhận được lời mời chính thức gia nhập NATO tại hội nghị thượng đỉnh này.

Tuy nhiên, ông tin rằng việc đề cập thường xuyên hơn về triển vọng trở thành thành viên của Ukraine trong các bài phát biểu sẽ khiến thời điểm này đến gần hơn.

Duda nói rằng cuộc thảo luận không phải về “quyền” trở thành thành viên NATO của Ukraine mà là về thời điểm Ukraine sẽ gia nhập liên minh. Tổng thống nhấn mạnh rằng cuộc chiến tranh tổng lực của Nga phải kết thúc trước khi Ukraine gia nhập NATO.

Ông cũng bày tỏ hy vọng rằng hội nghị thượng đỉnh năm nay sẽ gửi một tín hiệu rõ ràng rằng con đường Ukraine gia nhập NATO là “không thể đảo ngược” và liên minh này sẽ sẵn sàng chấp nhận Ukraine là thành viên.

Hội nghị thượng đỉnh NATO tiếp theo sẽ được tổ chức tại The Hague từ ngày 24 đến 26 tháng 6 năm 2025.

Kyiv đã bày tỏ hy vọng rằng hội nghị thượng đỉnh sẽ mang lại tín hiệu rõ ràng hơn về tư cách thành viên trong liên minh trong tương lai của Ukraine. Các quan chức Mỹ nói rõ rằng nước này khó có thể nhận được lời mời trong năm nay.

Phó thủ tướng phụ trách hội nhập Âu Châu và Âu Châu-Đại Tây Dương Olha Stefanishyna cho biết, các đối tác bảo đảm với Kyiv rằng sự kiện này sẽ xác định quan điểm cụ thể đối với tư cách thành viên của Ukraine trong liên minh, cụ thể là tính không thể đảo ngược và lộ trình hướng tới điều đó.

6. Zelenskiy né tránh câu hỏi trong đầu mọi người

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Zelenskyy dodges the question on everyone’s mind”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy là một tổng thống thời chiến, người biết khi nào nên ngoại giao. Hôm Thứ Ba, 09 Tháng Bẩy, là một trong những thời điểm đó.

Khi được hỏi về khả năng cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử, nhà lãnh đạo Ukraine có đường lối thực dụng: Ông né tránh.

Zelenskiy, đến Washington để tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO hàng năm, nói với khán giả tại Viện Ronald Reagan rằng ông đã có những cuộc trò chuyện tốt với cựu tổng thống trong quá khứ và lạc quan rằng ông sẽ có những cuộc trò chuyện đó lần nữa nếu Ông Trump trở lại Tòa Bạch Ốc.

“Tôi hy vọng rằng nếu người dân Mỹ bầu Tổng thống Trump, tôi hy vọng rằng chính sách của ông ấy với Ukraine sẽ không thay đổi,” ông nói với người dẫn chương trình Fox, Bret Baier, người điều hành cuộc trò chuyện.

Phản ứng này có thể làm lu mờ mối lo ngại đáng kể - trong chính phủ Ukraine và những người ủng hộ nước này - về khả năng trở lại của cựu Tổng thống Trump.

Zelenskiy thừa nhận rằng những tương tác tích cực của ông với Ông Trump diễn ra trước khi Putin phát động cuộc xâm lược và cuộc bầu cử đang đè nặng lên người Ukraine, nhà lãnh đạo Nga và những người khác.

“Bây giờ, mọi người đang chờ đợi tháng 11. Người Mỹ đang chờ đợi tháng 11. Ở Âu Châu, Trung Đông, Thái Bình Dương, cả thế giới đang hướng tới tháng 11”, ông nói. “Và thực sự mà nói, Putin đang đợi tháng 11.”

Ông cũng cho biết các hành động phải được thực hiện ngay bây giờ để chống lại cuộc xâm lược của Nga. “Đã đến lúc bước ra khỏi bóng tối để đưa ra những quyết định mạnh mẽ và hành động chứ không phải chờ đợi đến tháng 11”.

Những lo lắng đó đã đè nặng lên cuộc tập hợp của các nước NATO diễn ra cách đó vài dãy nhà. Các nhà lãnh đạo NATO đã gấp rút thực hiện các sáng kiến an ninh quan trọng và bảo vệ chúng khỏi các hoạt động chính trị mà họ dự đoán sẽ xảy ra trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Ông Trump. Các nhà lãnh đạo Âu Châu cũng đã điều chỉnh thông điệp của họ về viện trợ cho Ukraine và liên minh NATO với hy vọng thuyết phục được cựu tổng thống.

Về phần mình, cựu tổng thống và các đồng minh của ông khẳng định những lo ngại đã bị thổi phồng quá mức và xuất phát từ sự thù địch không công bằng đối với cựu tổng thống. Ông Trump đã cam kết tiếp tục can dự của Mỹ vào NATO, miễn là các quốc gia thành viên đáp ứng các mục tiêu chi tiêu quốc phòng và tiếp tục đóng góp vào việc bảo vệ Ukraine.

Zelenskiy đã nói chuyện với một khán giả thông cảm, trong đó có Lãnh đạo thiểu số Thượng viện Mitch McConnell, một người ủng hộ viện trợ lâu năm cho Ukraine, người đã đưa ra nhận xét giới thiệu.

Cùng tham dự còn có Michael McCaul, đảng viên Đảng Cộng hòa hàng đầu trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, và Michael Turner, đảng viên Đảng Cộng hòa hàng đầu trong Ủy ban Tình báo Hạ viện. Cả hai người đều lên tiếng ủng hộ viện trợ cho Kyiv khi nước này tiếp tục đẩy lùi cuộc xâm lược kéo dài hai năm của Nga và thúc đẩy Tòa Bạch Ốc giảm bớt các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất để chống lại các mục tiêu trên lãnh thổ Nga.

7. Tổng thống Biden công bố gói viện trợ mới

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 11 Tháng Bẩy công bố gói hỗ trợ an ninh mới trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy ở Washington.

“Chúng tôi đã nói rõ rằng Nga sẽ không thể chiếm ưu thế ở Ukraine. Ukraine sẽ thắng thế. Và tôi muốn bạn biết rằng chúng tôi sẽ đồng hành cùng bạn trên mọi bước đường”, Tổng thống Biden nói bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO.

Đây là gói thứ 8 được Tổng thống Biden thông qua kể từ cuối tháng 4 khi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trong đó có gần 61 tỷ Mỹ Kim cho Ukraine.

phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Thiếu Tướng Pat Ryder, cho biết gói này bao gồm một khẩu đội phòng không Patriot, đạn cho hệ thống hỏa tiễn NASAMS, đạn cho hệ thống hỏa tiễn pháo binh HIMARS, đạn pháo 155ly và 105ly, hỏa tiễn phòng không Stinger và ống phóng, dẫn đường bằng quang học hay dẫn đường bằng dây thiết bị và hỏa tiễn.

Tướng Ryder cho biết thêm Mỹ cũng sẽ cung cấp cho Ukraine hệ thống chống thiết giáp Javelin và AT-4, đạn dược vũ khí nhỏ, đạn phá hủy cũng như các phụ tùng thay thế, bảo trì và các thiết bị phụ trợ khác.

Ông nhấn mạnh rằng: “Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với khoảng 50 đồng minh và đối tác để bảo đảm những người bảo vệ dũng cảm của Ukraine nhận được những khả năng quan trọng cần thiết để chống lại sự xâm lược của Nga”.

Đầu tuần này, Tổng thống Biden tuyên bố rằng Mỹ đang hành động chung với Đức, Rumani, Hòa Lan và Ý để tăng cường khả năng phòng không của Ukraine và cung cấp 5 hệ thống phòng không chiến lược, bao gồm pin Patriot và hệ thống SAMP/T.

Zelenskiy cảm ơn Tổng thống Biden vì sự hỗ trợ và tuyên bố của ông trong đó ông lên án cuộc tấn công hàng loạt trên không của Nga ngày 8 Tháng Bẩy trên khắp Ukraine. Theo Cơ quan Dịch vụ Khẩn cấp Nhà nước, vụ tấn công gần đây đã giết chết 44 người và làm bị thương 196 người ở một số thành phố của Ukraine.

Zelenskiy cũng nhấn mạnh rằng ông muốn thảo luận với Tổng thống Biden về việc bảo vệ Ukraine khỏi bom dẫn đường từ Nga, cũng như việc dỡ bỏ mọi “hạn chế” đối với quân đội Ukraine.

Kyiv vẫn bị cấm sử dụng ATACMS và các loại vũ khí tầm xa khác do Mỹ cung cấp để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, trong các cuộc tranh luận tại Hội Nghị Thượng Đỉnh NATO ở Washington DC trong mấy ngày qua, nhiều tiếng nói đã yêu cầu Hoa Kỳ dỡ bỏ mọi hạn chế.

Tướng Ben Hodges, nguyên Tư Lệnh các lực lượng Hoa Kỳ ở Âu Châu lạc quan tin rằng lệnh cấm sử dụng ATACMS sẽ sớm được dỡ bỏ, một cách lặng lẽ chứ không ồn ào trên các phương tiện truyền thông để khiến người Nga bị bất ngờ.

8. Tàu chiến, chiến đấu cơ Nga bị chặn gần biên giới NATO

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian Warships, Fighter Jets Intercepted Near NATO Borders”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hôm Thứ Năm, 11 Tháng Bẩy, lực lượng NATO đã chặn tàu hải quân và máy bay Nga gần vùng biển và không phận của liên minh, trong bối cảnh các nhà lãnh đạo đang tập trung tại Mỹ.

Đức cho biết chiến đấu cơ Eurofighter Typhoon đang thực hiện nhiệm vụ kiểm soát trên không của NATO đã xuất kích để ngăn chặn hai máy bay phản lực MiG-29 của Nga ngoài khơi bờ biển Latvia, theo một tuyên bố ngắn gọn của Luftwaffe.

Lực lượng Không quân Đức cho biết cặp chiến đấu cơ của Nga đã “bay trong không phận quốc tế trên Biển Baltic mà không có kế hoạch bay hoặc liên lạc với cơ quan kiểm soát không lưu dân dụng”.

Một hình ảnh đi kèm dường như cho thấy hai chiếc MiG-29KR có số sê-ri thuộc một đơn vị không quân hải quân Nga đồn trú tại Hạm đội Phương Bắc ở Severomorsk – một thị trấn khép kín ở vùng Murmansk phía tây bắc nước Nga.

Trước đó, hôm thứ Hai 8 Tháng Bẩy, chỉ huy hải quân Hòa Lan, Phó Đô đốc Rene Tas cho biết ba tàu Nga đã được hộ tống qua vùng biển đặc quyền kinh tế của Hòa Lan kéo dài 200 hải lý tính từ bờ biển nước này.

Tas, đồng thời là Đô đốc Benelux, hay sĩ quan cao cấp nhất phụ trách lực lượng hải quân kết hợp giữa Hòa Lan và Bỉ, đã chia sẻ những hình ảnh trên X cho thấy hai trong số các con tàu—là tàu khu trục Neustrashimy của Nga và một tàu chở dầu lớp Altay, cả hai đều được giao cho lực lượng Hải quân Nga thuộc Hạm đội Baltic.

Tas cho biết cuộc chạm trán xảy ra vào cuối tuần qua, khi hải quân Hòa Lan cũng tham gia vào vụ một tàu khu trục của hải quân Hy Lạp bắn hạ hai máy bay điều khiển từ xa do phiến quân Houthi của Yemen phóng đi ở Biển Đỏ.

Các thành viên NATO bao vây biển Baltic ở mọi phía nên biển này thường được gọi là Hồ NATO. Các tàu chiến của Hạm đội Baltic của Nga đồn trú ở Kaliningrad, vùng đất tách biệt giữa Ba Lan và Lithuania. Hoạt động di chuyển của chúng đến và đi từ Biển Bắc và Bắc Đại Tây Dương rộng lớn hơn đều được theo dõi chặt chẽ.

Tại Washington, DC, hôm thứ Tư, các nhà lãnh đạo NATO họp mặt nhân lễ kỷ niệm 75 năm thành lập liên minh đã tuyên bố Nga là “mối đe dọa trực tiếp và quan trọng nhất” đối với an ninh của họ trong bối cảnh cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine.

“Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ quyền của Ukraine trong việc lựa chọn các thỏa thuận an ninh và quyết định tương lai của chính mình, không bị can thiệp từ bên ngoài. Tương lai của Ukraine là ở NATO. Ukraine ngày càng trở nên có khả năng tương tác và hội nhập về mặt chính trị với Liên minh”, các nhà lãnh đạo cho biết.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh, Dmitry Peskov hôm thứ Năm đã trả lời bằng cách mô tả NATO là “một liên minh được thành lập trong kỷ nguyên đối đầu để duy trì sự đối đầu”. Ông nói: “Liên minh hoàn thành tốt chức năng của mình. Căng thẳng đang leo thang trên lục địa Âu Châu.”

Lần đầu tiên, NATO cho rằng sự gần gũi của Trung Quốc với Nga cũng là mối đe dọa đối với an ninh xuyên Đại Tây Dương.

“Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã trở thành nhân tố quyết định trong cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine thông qua cái gọi là quan hệ đối tác 'không giới hạn' và sự hỗ trợ quy mô lớn cho cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga”, thông cáo cho biết.

“Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không thể kích hoạt cuộc chiến tranh lớn nhất ở Âu Châu trong lịch sử gần đây mà không ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích và danh tiếng của nước này”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh ví tuyên bố này là “sự hù dọa”, và nói thêm: “Các đoạn văn của nó về Trung Quốc chứa đựng vô số thành kiến, bôi nhọ và khiêu khích”.

“Việc NATO vươn tới Á Châu-Thái Bình Dương, tăng cường quan hệ quân sự và an ninh với các nước láng giềng của Trung Quốc và các đồng minh của Mỹ, cũng như hợp tác với Mỹ để thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc và phá vỡ hòa bình và ổn định ở Á Châu-Thái Bình Dương,” Mao Ninh nói.

Để đối phó với tình hình căng thẳng, trong Hội Nghị Thượng Đỉnh NATO đang nhóm tại Washington DC, NATO đã quyết định tăng quân cho sườn phía Đông. Trong video này, quý vị và anh chị em có thể thấy diễn biến này.
 
Giáo dân chặt đầu tượng Đức Mẹ Sinh Nở do cha sở cấp tiến đặt trong nhà thờ. ĐHY Muller lên tiếng
VietCatholic Media
17:11 12/07/2024


1. Đức Hồng Y Müller lên án Tượng Đức Trinh Nữ Maria Sinh nở được trưng bày tại Nhà thờ Áo

Đức Hồng Y Gerhard Ludwig Müller, nguyên nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã lên án một bức tượng gây tranh cãi được trưng bày trong nhà thờ Linz ở Áo mô tả Đức Trinh Nữ Maria hạ sinh và mô tả nó là một hình thức “quảng cáo cho ý thức hệ nữ quyền vi phạm nguyên tắc thẩm mỹ tự nhiên.”

Một người không rõ danh tính đã chặt đầu bức tượng vài ngày sau khi nó được trưng bày. Bức tượng mang danh hiệu “Vương miện”, có thể hiểu là ám chỉ đến lễ đăng quang của Đức Trinh Nữ Maria. Tuy nhiên, thuật ngữ này cũng đề cập đến thời điểm trong khi sinh mà đầu của em bé có thể được nhìn thấy lần đầu tiên khi ló ra khỏi âm đạo người phụ nữ.

Hình ảnh trong nhà thờ Linz thể hiện rõ ràng chính xác sự kiện này: Đức Trinh Nữ Maria dang rộng hai chân và đỉnh đầu của Hài nhi Giêsu ở giữa. Để tránh gây tranh cãi trước một hình ảnh quá sức thông tục, nếu không muốn nói là quá sức khiêu dâm, cả truyền hình và các phương tiện truyền thông khác thường bỏ qua hình ảnh giữa hai chân, tuy nhiên toàn bộ bức tượng vẫn được hiển thị cho tất cả những ai đến thăm nhà thờ Linz.

Giáo phận Linz cho biết tác phẩm này là của Esther Strauss, một nhà điêu khắc, được biết rộng rãi như một nhà hoạt động nữ quyền cực đoan. Giáo phận đã tỏ ra hằn học với những ai phê bình họ rằng không thể mang một bức tượng khiêu dâm như thế đến nhà thờ, và dán nhãn cho những người phê bình là bảo thủ. Trong một cử chỉ thách thức, họ quyết định vẫn để bức tượng trong nhà thờ; cho đến khi có một người vì phẫn nộ trước hình ảnh thông tục này đã quyết định chặt đầu bức tượng.

Đến khi đó, Giáo phận Linz mới nói với trang web kath.net rằng “tác phẩm điêu khắc sẽ vẫn ở trong phòng nghệ thuật Mariendom cho đến khi cuộc triển lãm kết thúc theo kế hoạch vào ngày 16 tháng 7, nhưng sẽ không được trưng bày. “Cửa đóng, đèn tắt.”

Đức Hồng Y Müller nói với kath.net: “Một lời phê bình về việc thay đổi nghệ thuật Kitô từ một phương tiện sùng đạo thành một quảng cáo cho ý thức hệ nữ quyền vi phạm ý thức tự nhiên về thẩm mỹ không thể bị phản bác bằng cách cáo buộc rằng người chỉ trích mình là quá thận trọng, hoặc đang chạy theo một hình thức giả thần học như một biểu hiện của một thái độ cực kỳ bảo thủ.”

“Nếu một bức tranh miêu tả sự ra đời của Chúa Giêsu xúc phạm các tín hữu và gây chia rẽ trong Giáo hội giữa những người tự cho mình là cấp tiến và những người bị chỉ trích là bảo thủ, thì mục đích của nghệ thuật Kitô giáo và đặc biệt là nghệ thuật thánh, là thể hiện vẻ đẹp vô hạn của Thiên Chúa trong các công việc của con người, đã bị bỏ sót”, Đức Hồng Y giải thích.

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng: “Một bức tranh trình bày mầu nhiệm mặc khải về biến cố Giáng Sinh thực sự của Thiên Chúa như một con người phải nhằm mục đích củng cố niềm tin của người xem vào sự nhập thể của Thiên Chúa và tập trung vào Chúa Kitô và tôn thờ Ngài là Thiên Chúa và Đấng Cứu Độ”.


Source:National Catholic Register

2. Vatican cấm Thánh lễ Latinh truyền thống theo phong tục đối với người hành hương ở Tây Ban Nha

Vatican đã cấm cử hành Thánh lễ Latinh truyền thống tại Đền thờ Đức Mẹ Covadonga, một nghi thức thường diễn ra khi kết thúc cuộc hành hương Đức Mẹ hàng năm ở Tây Ban Nha.

Những người tổ chức cuộc hành hương lần thứ tư đã công bố lệnh cấm trong một bài đăng ngày 6 tháng 7 trên X: “Tại Tổng Giáo phận Oviedo, họ đã thông báo cho chúng tôi rằng họ đã nhận được chỉ thị từ Bộ Phụng tự nói rằng Thánh lễ truyền thống không được phép tổ chức ở Covadonga.”

Cuộc hành hương sẽ diễn ra từ ngày 27 đến 29 tháng 7, bắt đầu từ Oviedo. Đức Mẹ Kitô giáo giải thích trên trang web của mình rằng cuộc hành hương “được tổ chức bởi một nhóm giáo dân trung thành Công Giáo tận tâm cử hành Thánh lễ theo hình thức ngoại thường của nghi lễ Rôma”, còn được gọi là Thánh lễ Latinh truyền thống hoặc Thánh lễ Tridentinô.

“Mục đích của cuộc hành hương là thánh hóa linh hồn nhờ những ân sủng Chúa cầu xin, qua sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh, bằng việc cầu nguyện, hy sinh và hãm mình trong ba ngày. Trong những ngày hành hương này, chúng tôi đặc biệt ca ngợi Chúa, quê hương của chúng tôi và Đức Thánh Cha”, trang web viết.

Các nhà tổ chức lưu ý rằng cuộc hành hương khoảng 97 km “độc lập với bất kỳ viện, cộng đồng hoặc tổ chức tôn giáo nào”.

Theo Tổng Giáo phận Oviedo, việc sùng kính Đức Trinh Nữ Maria tại nơi mà ngày nay là đền thờ ở Covadonga bắt nguồn từ “nhiều năm trước trận chiến Covadonga”, trong đó các Kitô hữu do Vua Don Pelayo lãnh đạo đã đánh bại quân đội Hồi giáo xâm lược vào thế kỷ thứ tám sau Chúa Giáng Sinh.

“Hiện tại Covadonga đón hơn một triệu du khách trong suốt cả năm từ năm châu lục”, tổng giáo phận Tây Ban Nha cho biết trên trang web của mình về ngôi đền.

Do bị cấm dâng Thánh lễ Latinh Truyền thống tại vương cung thánh đường khi kết thúc cuộc hành hương, ban tổ chức cho biết trong thông báo của họ rằng năm nay Thánh lễ vào ngày thứ ba sẽ được cử hành tại trại hành hương vào buổi sáng trước khi kết thúc chặng cuối cùng. của cuộc hành hương. Thánh lễ này sẽ được tổ chức dưới hình thức ngoại thường.

“Hoàn cảnh này không phải là một lý do để buồn bã nhưng nên khuyến khích chúng ta kiên trì trong tình yêu và lòng sùng kính mà chúng ta tuyên xưng cho Hy tế Thánh Thể trong Giáo hội Mẹ Thánh”

Thay vì Thánh lễ, “khi đến Covadonga, việc hát Te Deum sẽ diễn ra trước khi Thánh Thể được trưng bày một cách long trọng và việc thánh hiến cho Đức Trinh Nữ sẽ diễn ra để kết thúc cuộc hành hương”, những người tổ chức cuộc hành hương Đức Mẹ Kitô giáo cho biết.


Source:Catholic News Agency

3. Giám mục Ukraine: Số người gặp khủng hoảng đang gia tăng

Đức Cha Pawlo Hontscharuk, Giám mục Công Giáo Latinh ở thành phố Kharkiv, miền đông Ukraine, cho biết con số người tự tử ở những vùng không có giao tranh tại nước này gia tăng.

Đức Cha nói với Tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ”, nhân dịp viếng thăm trụ sở trung ương của cơ quan bác ái này ở thành phố Koenigstein im Taunus, bên Đức. Ngài nói: “Có nhiều người tự tử vì họ không biết tình thế sẽ như thế nào trong tương lai. Báo động phòng không ở vùng Kharkiv hầu như luôn báo động 24 trên 24 giờ đồng hồ”.

Kharkiv chỉ cách biên giới Nga 30 cây số. Các hỏa tiễn bắn từ Nga chỉ cần không đầy một phút là rơi xuống Kharkiv. Hôm mùng 08 tháng Bảy vừa qua, tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ kể rằng Đức Cha cho biết thời gian ngắn ngủi như thế không đủ để báo động tại thành phố lớn thứ hai này của Ukraine. Các trường học và vườn trẻ tại đây đã đóng cửa. Các lớp học nhiều khi được thực hiện trong các trạm xe điện ngầm của thành phố.

Đức Cha cho biết diện tích giáo phận của ngài (170.000 Km2) là một trong những giáo phận lớn nhất tại Âu châu, gấp quá hai lần nước Áo. Tại những vùng thiếu an ninh, không thể gửi các linh mục đến, nhưng sự hiện diện của các linh mục có một ý nghĩa lớn đối với dân chúng. Họ lý luận rằng “Nếu một linh mục ở đó được thì tôi cũng có thể ở lại. Sự cô đơn rất khó chịu nổi, nhất là khi người ta mất một người thân yêu”.

Vì thế, Đức Cha Hontscharuk nhận xét rằng ngoài viện trợ nhân đạo, cả sự trợ giúp về tâm lý cũng rất cần thiết đối với dân chúng. Nhiều người không tin tưởng nơi các nhà tâm ý và cũng có ít các chuyên gia trong lãnh vực này. Đức Cha nói: “Chúng tôi chỉ có một ít chuyên gia và đó là vấn đề. Hiện nay, tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ tài trợ việc huấn luyện cho các linh mục, tu sĩ và những nhân viên cứu trợ khác. Theo Đức Cha, đó là điều quan trọng và chúng tôi rất biết ơn!”

Ngoài trợ giúp vừa nói, trong những tháng qua, cơ quan bác ái Công Giáo quốc tế này cũng giúp cung cấp các lò sưởi để sưởi các nhà xứ và tu viện trong mùa đông, nơi mà nhiều người chạy đến tá túc. Các linh mục và nữ tu hoạt động ở tiền tuyến, cũng được huấn luyện về các phương pháp cấp cứu.

Tuy nguy hiểm đến tính mạng, nhưng cũng có 46 linh mục tuyên úy quân đội, nhiều khi các vị là những người duy nhất để các binh sĩ tiền tuyến chia sẻ các vấn đề tâm linh. Đức Cha nói: “Điều mà những người lính ấy sống trong nội tâm là một ác mộng. Vì thế, vị tuyên úy quân đội là quan trọng. Linh mục lắng nghe những gì xảy đến trong tâm trí con người”.