Ngày 13-07-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa Nhật Thứ 15 Mùa Quanh Năm 14/7 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
00:03 13/07/2024

BÀI ĐỌC 1  Am:7: 12-15

Bài trích sách ngôn sứ A-mốt.

Ngày ấy, tư tế đền thờ Bết Ên là A-mát-gia nói với ông A-mốt:

“Này thầy chiêm ơi, mau chạy về đất Giu-đa, về đó mà kiếm ăn, về đó mà tuyên sấm! Nhưng ở Bết Ên này, đừng có hòng nói tiên tri nữa, vì đây là thánh điện của quân vương, đây là đền thờ của vương triều.”

Ông A-mốt trả lời ông A-mát-gia:

“Tôi không phải là ngôn sứ, cũng chẳng phải là người thuộc nhóm ngôn sứ. Tôi chỉ là người chăn nuôi súc vật và chăm sóc cây sung. Chính Đức Chúa đã bắt lấy tôi khi tôi đi theo sau đàn vật, và Đức Chúa đã truyền cho tôi: ‘Hãy đi tuyên sấm cho Ít-ra-en dân Ta.’”

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2  Ep 1:3-14

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô.

Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.

Trong Đức Ki-tô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần.

Trong Đức Ki-tô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người.

Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giê-su Ki-tô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu.

Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Người.

Ân sủng này, Thiên Chúa đã rộng ban cho ta cùng với tất cả sự khôn ngoan thông hiểu.

Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô.

Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô.

Cũng trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự theo quyết định và ý muốn của Người, đã tiền định cho chúng tôi đây làm cơ nghiệp riêng theo kế hoạch của Người, để chúng tôi là những người đầu tiên đặt hy vọng vào Đức Ki-tô, chúng tôi ngợi khen vinh quang Người.

Trong Đức Ki-tô, cả anh em nữa, anh em đã được nghe lời chân lý là Tin Mừng cứu độ anh em; vẫn trong Đức Ki-tô, một khi đã tin, anh em được đóng ấn Thánh Thần, Đấng Thiên Chúa đã hứa.

Thánh Thần là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta, chờ ngày dân riêng của Thiên Chúa được cứu chuộc, để ngợi khen vinh quang Thiên Chúa.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG  

Alleluia, Alleluia!
Xin Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, soi trí mở lòng cho chúng ta thấy rõ, đâu là niềm hy vọng, mà ơn Người kêu gọi đem lại cho chúng ta.

Alleluia

TIN MỪNG  Mc 6:7-13

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.

Khi ấy, Đức Giê-su gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ. Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo. Người bảo các ông:

“Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi. Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.”

Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.

Đó là Lời Chúa.
 
Một trung tâm, một khuôn mặt
Lm. Minh Anh
18:29 13/07/2024
MỘT TRUNG TÂM, MỘT KHUÔN MẶT
“Chúa Giêsu gọi nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi”.

Một nhóm du khách Công Giáo thăm Trung Đông, họ tìm thăm một nhà ẩn tu đạo hạnh nổi tiếng. Đến nơi, họ phát hiện ông sống trong một túp lều đơn sơ. Tất cả những gì bên trong là một chiếc giường thô sơ, một chiếc ghế, một cái bàn và một chiếc lò cũ kỹ. Họ đã sốc khi thấy vị ẩn tu có ít tài sản đến mức nào. Một số buột miệng hỏi, “Ồ, đồ đạc của ngài đâu?”. Vị ẩn sĩ hỏi lại họ, “Đồ đạc của các bạn đâu?”. Họ lắp bắp, “Tất nhiên là ở nhà. Chúng tôi đang đi du lịch!”; “Tôi cũng vậy!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Tôi cũng vậy!”. Vị ẩn sĩ đang sống nguyên tắc căn bản của Tin Mừng: Kitô hữu phải tập trung tình cảm của mình vào Chúa Kitô, chứ không vào những điều tạm bợ trên trần gian này. Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay chỉ ra phong cách của người truyền giáo vốn có thể tóm tắt ở hai điểm: sứ mệnh truyền giáo ‘có một trung tâm’, có ‘một khuôn mặt’.

Trước hết, người môn đệ có một trung tâm để quy chiếu là Chúa Giêsu. Trình thuật chỉ ra điều này bằng cách sử dụng một loạt các động từ mà “Chúa Giêsu” làm chủ ngữ: “Ngài gọi nhóm Mười Hai, sai đi”; “Ngài ban quyền” và “Ngài chỉ thị”. Ngài chủ động tất cả để việc ra đi của nhóm Mười Hai hầu như phải toả ra từ ‘một trung tâm’. Điều này chứng tỏ rằng, các tông đồ ‘không có gì’ để công bố, cũng ‘không có khả năng’ để công bố; đúng hơn, họ nói và hành động như những “sứ giả” của chính Ngài.

‘Trung tâm’ này áp dụng không chỉ cho các Linh mục mà còn cho tất cả những ai đã được rửa tội để làm chứng cho Tin Mừng trong nhiều lĩnh vực. Thật vậy, sứ mệnh này chỉ đích thực khi có ‘một trung tâm’ không thay đổi của nó là Chúa Giêsu; vì lẽ, đó không phải là sáng kiến của các cá nhân hay cộng đoàn và thậm chí, của các sự kiện tụ họp lớn. Đó là sứ mệnh của Giáo Hội vốn không thể tách rời khỏi Chúa của mình. Vì thế, không Kitô hữu nào “tự rao giảng”, mà chỉ được sai đi bởi Giáo Hội trong Chúa Kitô.

“Đồ đạc của các bạn đâu?”. Thứ đến, phong cách của người truyền giáo còn có ‘một khuôn mặt’: nghèo khó! Trang bị của Chúa Giêsu chỉ đáp ứng tối thiểu những gì họ cần, “Chỉ trừ cây gậy!”; “Được đi dép, nhưng không được mặc hai áo!”. Ngài không muốn chúng ta dựa vào những nỗ lực cá nhân, những công nghệ tiên tiến hay yếu tố nào khác để bảo đảm an toàn hoặc thành công. Ngài là ‘nguồn mọi thành công’ và chỉ có Ngài mới mang lại sự an toàn thực sự trong cuộc đời mỗi người. Ngài bảo các tông đồ đừng mang theo gì trong hành trình rao giảng của mình, ‘ngoại trừ Ngài!’.

Anh Chị em,

“Đồ đạc của các bạn đâu?”. Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài tự do và không bị cản trở, cũng không vướng bận với bất cứ thứ gì, với bất cứ ai; một chỉ quy về trung tâm - chính Ngài - và tín thác vào tình yêu quan phòng của Đấng sai họ đi, cũng là Đấng củng cố họ bởi Lời của Ngài mà họ loan báo. Trong cuộc sống, chúng ta không thường gặp những đám đông dễ tiếp thu, cởi mở và háo hức muốn nghe về Chúa Kitô. Thành công hay thất bại, chúng ta hãy tin tưởng vào Ngài và nhớ rằng, bạn và tôi được kêu gọi trung thành, không nhất thiết phải thành công theo quan điểm con người.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con lệch tâm khi không còn lấy Chúa làm trung tâm; đừng để con mang theo gì trong hành trình rao giảng, ngoại trừ một mình Ngài!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Liên Khúc, Đừng…
Nguyễn Trung Tây
19:49 13/07/2024
□ Nguyễn Trung Tây
Liên Khúc, “Đừng…” (Mark 6:8-10)

"Người chỉ thị cho các ông đừng mang theo gì đi đường, chỉ trừ gậy; đừng mang theo lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; được đi dép, nhưng đừng mặc hai áo (Mark 6:8-10).

Chúa ơi,

Chúa sai con đi với sứ vụ tới những làng mạc, mà Chúa lại bảo đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép.
Vậy rồi đói, con ghé vô đâu ăn trưa, ăn tối. Chúa cứ nghĩ thiên hạ hoặc chủ quán mở cửa buôn bán chỉ để cho con ghé vào ăn ké,“Vâng, vâng, em mời bác vào uống miếng nước. Mời bác cứ tự nhiên bước đi”.

Chúa dặn đừng mang theo hành lý bao bị. Vậy rồi nhỡ may con lỡ độ đường, đêm khuya con màn trời chiếu đất, nằm dưới gốc cây à

Vừa mới rao bán được mấy gánh than, Chúa hiện ra ngay. Ngài ôn tồn giải thích,
- “Ðừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường,” ý Chúa muốn con tập trung vào đàn chiên mà Thầy trao cho con chăm sóc, giáo dân họ đang khao khát Lời Chúa, chứ không phải là điều gì khác.
- Chúa dặn con đừng mang theo hành trang bởi Chúa muốn nhắc nhở con nhân chi sơ tính bổn thiện, con gõ cửa, người ta sẽ cho con ngủ nhờ;
- Đừng chào hỏi ai, ý Chúa muốn nói, con hãy tập trung vào sứ vụ loan báo Tin Vui.


Chiêm Niệm: Lời Ngài là sức sống đời con!
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:07 13/07/2024

20. Để thực hành tốt việc cầu nguyện thì không cần nói nhiều lời, chúng ta biết Thiên Chúa ở đâu -Thánh Thể trong nhà tạm- chỉ cần mở rộng con tim thì hưởng được tình thân của Ngài, đó chính là sự cầu nguyện tốt nhất.

(Thánh John Vianney)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:16 13/07/2024
6. NẤU CHÍN THỊT CHÓ

Đời nhà Đường, thu quan thị lang Địch Nhân Kiệt và quan lang Lô Hiến cả hai thường chế nhạo lẫn nhau.

Một hôm, Địch Nhân Kiệt dùng chữ “lô盧” (1) của Lô Hiến để đùa chơi, nói:

- “Anh phối ngựa thế là làm lừa﹝驢﹞”.

Lô Hiến cũng cười nhạo nói:

- “Nếu từ bên trong bẻ tay của anh thành hai đoạn thì là hai con chó”.

Địch Nhân Kiệt không phục nói:

- “Chữ “địch” ﹝狄﹞là chữ khuyễn﹝犬hoặc犭﹞đứng một bên thêm một chữ lửa﹝火﹞, làm gì có hai con chó chứ?”

Lô Hiến nói:

- “Tôi có cách giải thích khác mới hơn, anh vốn là khuyễn (chó), đưa tay ra thì biến thành hai con chó, thì vẫn là nấu chín thịt chó vậy !”

Cả hai cười ha ha.

(Nhã Ngược)

Suy tư 6:

Con người ta khi đã hiểu biết nhau thì thường nói năng không có gì là “giữ kẽ”, bởi vì cái hay cái xấu, cái khuyết điểm của bạn bè thì mình đã hiểu, và đồng thời cũng biết thông cảm nhau, đó chính là tri kỷ.

Người có chút sĩ diện, hoặc tự cho mình là người đáng kính trọng, thì ít khi chấp nhận người khác nói mình là “chó” dù đó là lời nói giỡn giữa bạn bè với nhau, bởi vì họ coi mình đáng được nể trọng hơn là những lời nói đùa của bạn bè.

Đem tên của bạn bè ra chiết tự cho vui thì không có gì là tội cả, nhưng đem cuộc sống của người khác ra đùa giỡn, nói xấu, bôi đen thì là chuyện không nên, bởi vì con người ta ai cũng có một khoảnh sâu thẳm nằm bên trong một tâm hồn, mà chỉ có Thiên Chúa mới biết được lòng dạ của họ mà thôi, cho nên đừng chiết tự tên của người khác là “chó” là “heo” là “dê”, rồi cho rằng người đó có cuộc sống giống như chó, giống như heo, giống như dê là tội lớn lắm, vì Đức Chúa Giê-su đã dạy chúng ta đừng đoán xét để khỏi bị đoán xét...

Ai có tai thì nghe vậy !

(1) Chữ lô ﹝盧﹞ghép thêm chữ ngựa (mã)﹝馬﹞phía trước thì thành chữ lừa ﹝驢﹞.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Ngày 15/07: Đổi mới triệt để – Lm. Vinh-sơn Nguyễn Văn Định, CS
Giáo Hội Năm Châu
23:24 13/07/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu,

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà.

“Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Ai tìm giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.

“Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.

“Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính.

“Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.”

Khi Đức Giê-su ra chỉ thị cho mười hai môn đệ xong, Người rời chỗ đó, đi dạy dỗ và rao giảng trong các thành thị trong miền.

Đó là lời Chúa
 
Văn Hóa
Truyền thống Trí thức Công Giáo trong Thế kỷ Hai mươi, Thay lời bạt
Vũ Văn An
15:36 13/07/2024

Thay lời bạt: Kho Báu Chúng Ta Có: Truyền Thống Trí Thức Công Giáo
Robert Royal, Ngày 1 tháng 8 năm 2023

Truyền thống trí thức Công Giáo là truyền thống phong phú nhất, rộng rãi nhất, sâu sắc nhất và lâu đời nhất trên toàn thế giới và có lẽ trong toàn bộ lịch sử nhân loại. Nó đề cập đến tất cả các lĩnh vực mà chúng ta coi là “trí thức”: thần học, triết học, văn học, nghệ thuật, lịch sử, chính trị, nhân chủng học, tâm lý học, thiên văn học, v.v. - ngay cả khi nó vẫn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho những người bình thường. Nếu chúng ta quan tâm (nên là như vậy) với những gì chúng ta cần bây giờ, thì tôi sẵn sàng nói rằng điều chúng ta cần hơn bất cứ điều gì là tập hợp các chân lý và thực hành đầy đủ, cân bằng và lành mạnh của truyền thống.

Ở Mỹ, đạo Công Giáo đôi khi được xếp cùng loại với phái duy Phúc âm (evangelicalism) như một loại chủ nghĩa chính thống cực đoan (fundamentalism). Đặc điểm đó không thể phù hợp với sự thân quen đơn giản nhất với những gì Giáo hội đã tiếp thu và nuôi dưỡng trong hơn hai thiên niên kỷ, trong khi vẫn tồn tại những thay đổi lớn về văn hóa và chính trị cũng như sự thăng trầm của toàn bộ nền văn minh. Sức sống bền vững của truyền thống được thể hiện rõ ràng qua các ghi chép lịch sử, nơi nó được kiểm tra một cách công bằng. Nó rộng lớn và sống động đến mức không ai có thể biết hết hay mô tả nó một cách trọn vẹn. Cuốn sách của tôi về truyền thống trí thức Công Giáo, A Deeper Vision [Tầm nhìn sâu sắc hơn], dài hơn 600 trang chỉ nói về thế kỷ 20 và thậm chí ngay thời này, cũng đã phải lược bỏ rất nhiều.

Vì vậy, mặc dù theo một cách nào đó, việc nói một cách toàn diện về “truyền thống” là một nhiệm vụ bất khả, chúng ta hãy cố gắng giúp bạn hiểu được hình dạng chung của nó bằng cách bàn tới một số điểm chính, bắt đầu bằng một chiều kích thường bị bỏ qua. Bởi vì ngay cả khi Giáo hội đang giao tiếp với thế giới ở bình diện văn hóa cao nhất, chúng ta vẫn biết rằng nó chạm đến cuộc sống của những người bình thường, những người sẽ không bao giờ được gọi là trí thức, và một cách khá sâu sắc bởi vì sự lành mạnh về đạo đức và tâm linh của Giáo hội có một sức mạnh đối với mọi người - “lời kêu gọi nên thánh phổ quát”, như Vatican II đã trình bày. Và điều đó đã thay đổi toàn bộ tiến trình lịch sử và đời sống xã hội phương Tây.

Chẳng hạn, một nhân vật vĩ đại như Socrates có thể sẵn sàng chết vì sự thật và truyền cảm hứng cho những triết gia họa hiếm nhất làm điều tương tự. (Aristốt được cho là đã có lúc chạy trốn kẻo Athens phạm tội hai lần chống lại triết học.) Nhưng ngay từ những ngày đầu tiên, các Ki-tô hữu không những sẵn lòng bị gạt ra ngoài lề xã hội và đau khổ, mà còn sẵn lòng chết vì sự thật—và điều đó bao gồm cả các vị giám mục vĩ đại tiên khởi và những nhà tư tưởng nổi bật như Polycarp hay Justin Tử Đạo, cũng như những phụ nữ giản dị như Felicity và Perpetua. Người La Mã nghĩ – và nhiều người cùng thời với chúng ta cũng nghĩ – việc sẵn lòng chịu đau khổ và chết vì sự thật là chủ nghĩa cuồng tín. Nhưng những nhân chứng tiên khởi đó - và thậm chí còn rất nhiều người mới bị giết mỗi ngày hiện nay - đã nâng cao cả vị thế của sự thật trong xã hội cũng như vị thế của mỗi chúng ta như những hữu thể có lý trí, được tạo ra và dành cho Sự thật. Socrates chọn cái chết cho sự thật; các Ki-tô hữu tin rằng Thiên Chúa - Đấng vốn là Sự thật - yêu cầu điều đó khi cần thiết.

Nhưng thậm chí còn có nhiều hơn nữa trong xu hướng này. Những câu nói thường đơn giản của Chúa Ki-tô có quy mô lớn đến mức phải mất hàng thiên niên kỷ các nhà thần học, triết gia, các vị thánh, nhà thần bí, các vị tử đạo, linh mục, giám mục và giáo hoàng mới bắt đầu hiểu được những gì Người nói. Tuy nhiên, đồng thời, lời của Người đã chạm đến trái tim của những người bình thường, định hình cuộc sống và hành động của họ, không chỉ trong thời đại của Người, mà còn qua nhiều thời đại, trong các nền văn hóa “đa dạng”, bất chấp những trở ngại dường như không thể xảy ra. Thánh Tôma Aquinô nghĩ rằng có lẽ phép lạ vĩ đại nhất của Ki-tô giáo là làm thế nào một số ngư dân và những người đàn ông khiêm tốn khác phát xuất từ một vùng văn hóa lạc hậu đã có thể biến đổi đế quốc vĩ đại nhất (Rome) đang hiện hữu. Đó hoàn toàn là sự kiện lịch sử—và ngài đã sống trước khi Đức tin lan rộng khắp Châu Mỹ, Châu Phi, Châu Á và toàn thế giới.

Việc tất cả những điều này hiện nay xem ra đang bị đe dọa, và trên mọi mặt trận, điều này khiến chúng ta yên tâm một cách nào đó; nó gợi ý rằng dù mọi thứ dường như đen tối như hiện tại, trong cả Giáo hội lẫn thế giới, Tin Mừng đã cho thấy nó có một sức mạnh không thể nghi ngờ, không thể đoán trước được. Nó luôn vượt quá những gì chúng ta có thể mong đợi một cách “hợp lý”. Và có thể làm như vậy bất cứ lúc nào, kể cả hôm nay.

Vì vậy, thật đáng để quay lại với những sự thật cơ bản nhất về truyền thống. Những dòng đầu tiên của sách Giáo lý Baltimore cũ là:

1.Hỏi: Ai đã tạo ra thế giới?
Trả lời: Chúa tạo ra thế giới.


Và xa hơn một chút:

6. Hỏi: Tại sao Thiên Chúa lại tạo ra bạn?
Trả lời: Thiên Chúa tạo ra tôi để biết Người, yêu mến Người, phục vụ Người ở đời này và hạnh phúc với Người mãi mãi ở đời sau.


Nói một cách đơn giản, có hai câu hỏi lớn ở đây: thứ nhất, chúng ta suy nghĩ và hành động như thế nào trong thế giới này, và thứ hai, cái gì—ai?—chúng ta phải tìm kiếm ở thế giới tiếp theo?

Tất nhiên, hai lĩnh vực này có mối liên hệ với nhau. Bạn không thể lên Thiên đàng nếu không biết, yêu mến và phục vụ Thiên Chúa trên Trái đất. Trong truyền thống trí thức của chúng ta, sự hiểu biết này đã dẫn tới sự tương tác vô tận và hiệu quả giữa đức tin và lý trí. Cảm thức của chúng ta về những điều tối thượng giúp ổn định lý trí, như Hegel đã nói, và như Đức Giáo Hoàng Bênêđictô nhiều lần nhắc nhở chúng ta, lý trí có chiếc “mũi bằng sáp” và có thể xoay theo bất cứ hướng nào. Đây là lý do tại sao chúng ta thấy nhiều lập luận có vẻ “hợp lý” được đưa ra để ủng hộ đủ loại điều điên rồ, đặc biệt là cơn sốt Trans [chuyển đổi] vào thời điểm hiện tại.

Giáo hội đã sử dụng hai truyền thống thế tục làm phương tiện suy nghĩ về sự mặc khải theo Do Thái và Kitô giáo, những truyền thống này đã phục vụ khá tốt cho Giáo hội và tất cả chúng ta trong các nền văn minh phương Tây. Ý tôi muốn nói các nền triết lý được chúng ta liên kết với Platông và Aristốt. Hãy đồng ý với tôi về điều mà thoạt đầu có vẻ như là một vấn đề phụ. Cả hai người Hy Lạp vĩ đại này đều không tin vào câu trả lời đầu tiên trong Sách Giáo lý Baltimore, rằng Thiên Chúa đã tạo ra thế giới. Nhưng họ đã có thể lý luận theo cách của họ một cách đủ tỉnh táo, đến mức nó cung cấp một luận lý vững chắc trong suốt hai thiên niên kỷ.

Mặc dù trong vài thế kỷ đầu tiên, Platông là hiện diện triết học chính trong Giáo hội, trước tiên tôi muốn nói một chút về Aristốt, người đã giúp đỡ, đặc biệt sau này ông được Thánh Tôma Aquinô và các nhà tư tưởng kinh viện vĩ đại sử dụng.

Làm sao vậy? Bởi vì ông là người kiên định trong việc làm sáng tỏ những điều được hầu hết chúng ta tiếp thu (bây giờ chỉ ít hơn so với trước đây) khi sống trong một gia đình hoặc ít nhất một cộng đồng ổn định đã hình thành nên chúng ta. Như Đức Hồng Y Newman, không phải là người theo phái Aristốt hay Tôma, từng đã viết:

Mặc dù chúng ta là những con người, nhưng ở một mức độ lớn hơn, chúng ta không thể không trở thành những người theo Aristốt, vì bậc Thầy vĩ đại chỉ phân tích những suy nghĩ, cảm xúc, quan điểm và ý kiến của loài người. Ông đã cho chúng ta biết ý nghĩa của lời nói và ý tưởng của chúng ta trước khi chúng ta được sinh ra. Trong nhiều chủ đề, suy nghĩ đúng đắn là suy nghĩ giống như Aristốt, và chúng ta vẫn là đệ tử của ông dù muốn hay không, mặc dù chúng ta có thể không biết điều đó. (The Idea of a University [Ý tưởng về một đại học).

Đằng sau những kỹ thuật, sự tinh tế và phức tạp của Aristốt và Aquinô là điều được Chesterton gọi là “sự lành mạnh [sanity]”, bắt nguồn sâu xa từ thực tế, không phải “được xây dựng về mặt xã hội” như những người ngụy biện trong mọi thời đại chủ trương, mà là những hiểu biết sâu sắc thiết yếu về bản chất của thế giới trong đó chúng ta sống và bản chất của chúng ta là những tạo vật có lý trí.

Ảnh hưởng của Aristốt không nổi lên mạnh mẽ trong Giáo Hội Công Giáo La Mã cho đến khi nhiều tác phẩm của Hy Lạp được khám phá lại vào thời Trung Cổ, ngoại trừ một ngoại lệ. Các bản dịch của Boethius về tác phẩm luận lý của Aristốt vẫn sống còn—có nghĩa là có rất nhiều bản sao được lưu hành—trong khi nhiều tác phẩm khác của ông thì không. Ở Trung Đông, các học giả người Syria đã dịch Aristốt sang tiếng Ả Rập, điều này đã dẫn đến một sự bùng nổ trí thức ngắn ngủi ngay ở đó, và khi các tác phẩm lớn của Aristốt cuối cùng đã đi vào tư tưởng phương Tây vào thế kỷ 12, ngay từ ban đầu đã nhờ các bản dịch từ các phiên bản tiếng Ả Rập.

Trong khi chúng ta coi Aristốt là người đề xướng sự lành mạnh — trong Inferno, Dante gọi ông là Il maestro di color che sanno (“Bậc thầy của những người biết”)—khi ông lần đầu tiên được phát hiện lại, nó giống như thuốc nổ trí thức. Tôma Aquinô, người sử dụng các phạm trù mà Aristốt đã phát triển trong các tác phẩm luận lý của mình và cũng viết bình luận về các văn bản lớn hơn của Aristốt như Chính trị Đạo đức, được cho là mang tính cách mạng trong việc tiếp thu kiến thức mới. Trên thực tế, một số phần trong tác phẩm của ngài đã bị Stephen Tempier, tổng giám mục Paris, coi như dị giáo trong thời gian ngắn vì những dẫn đầu trí thức táo bạo của ngài, mặc dù người ta nhanh chóng nhận ra rằng ngài không hề dị giáo chút nào.

Thánh Augustinô và Aristốt là hai người có ảnh hưởng chính đến Thánh Tôma, và ngài đã cân bằng truyền thống Platông lâu đời hơn được ngài tìm thấy nơi Thánh Augustinô, Dionysius the Areopagite, và nhiều nhà văn huyền nhiệm thời Trung cổ đi trước ngài với những nghiên cứu mới hơn về Aristốt ở mức độ tuyệt vời đến độ khi Hồng Y Cajetan, bản thân vốn là một triết gia và nhà thần học đáng gờm, muốn ca ngợi Thánh Tôma, đã nói về ngài rằng ngài “dường như đã thừa hưởng trí tuệ của tất cả mọi người”. Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, người đã khai mạc cuộc phục hưng vĩ đại của học thuyết Tôma cũng như tư tưởng xã hội Công Giáo hiện đại, đã trích dẫn câu nói đó của Cajetan khi ngài đề xuất học thuyết Tôma như phương thuốc vĩ đại cho xã hội hiện đại trong thông điệp Aeterni Patris của ngài.

Vì vậy, sự rõ ràng và tính hợp lý nhất quán của Aristốt/Tôma là một xu hướng lớn trong truyền thống. Nhưng còn chủ nghĩa Platông thì sao? Chủ nghĩa Platông cũng có một lịch sử phức tạp cả bên trong lẫn bên ngoài Công Giáo. Trên thực tế, vào khoảng thời gian Chúa Giêsu còn sống trên trái đất, Philo—một triết gia Do Thái ở Alexandria—làm việc dựa trên bản dịch Cựu Ước bằng tiếng Hy Lạp và chủ nghĩa Platông, vốn phổ biến trong thế giới theo văn hóa Hy Lạp cổ thời, đã tạo ra một sự tổng hợp đáng lưu ý giữa hai phương thức tư duy này. Đó là một sự kết hợp khôn khéo được thực hiện dễ dàng hơn phần nào bởi sự kiện có khía cạnh tâm linh đầy nhiệt huyết của Platông trong các cuộc đối thoại. Và không giống như những người phủ nhận thế giới bên kia trong cả truyền thống Hy Lạp lẫn Do Thái, người anh hùng vĩ đại Socrates của Platông bình tĩnh uống thuốc độc bởi vì, như ông nói với bạn bè, ông sẽ ở bên các vị thần. Và có sự nhấn mạnh vào tình yêu theo nghĩa vũ trụ trong một số cuộc đối thoại theo trường phái Platông, đặc biệt là trong Phaedrus. Thật đáng để đọc cuốn sách nhỏ về cuộc đối thoại đó của Joseph Pieper (một trong những người theo chủ nghĩa Tôma Platông vĩ đại của thế kỷ 20) để hiểu cách có thể hiểu trạng thái xuất thần huyền nhiệm trong bối cảnh đó.

Các Giáo phụ tiên khởi của Giáo hội và thậm chí nhiều nhân vật thời Trung cổ—Dante đặc biệt dựa vào Bernard xứ Clairvaux trên đỉnh Paradiso—dành sức lực của họ để tìm kiếm “Tình yêu làm dịch chuyển mặt trời và các vì sao khác”. Chủ nghĩa Tân Platông, xuất hiện vào khoảng một thế kỷ trước Thánh Augustinô, thậm chí còn khai triển chi tiết Ba Ngôi của riêng mình—Đấng Duy Nhất, Trí tuệ và Linh hồn—điều này khiến công việc của các nhà tư tưởng Ki-tô giáo tiên khởi trở nên dễ dàng hơn. Không lâu trước khi những người theo chủ nghĩa Platông nói rằng các vị thần trong thần thoại nên được coi là thiên thần chứ không phải ác quỷ, như một cách để giải quyết thách thức ngày càng tăng từ những lập luận hợp lý của Ki-tô giáo chống lại các vị thần cổ điển và thậm chí chống lại chính thuyết đa thần.

Tuy nhiên, Ki-tô giáo đã mang đến một điều gì đó mới mẻ cho tư tưởng triết học. Nó thừa nhận một Thiên Chúa Tạo Dựng, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Y-sa-ác và Gia-cóp, những người thực sự yêu thích Sự sáng tạo của Người và duy trì nó trong hiện hữu vào mọi thời điểm. Đó đã là một sự thay đổi lớn lao so với Đấng Duy Nhất thờ ơ trong các triết gia vĩ đại và các nhà huyền nhiệm Platông như Plotinus và Porphyry. Đấng Duy Nhất không biết gì về thế giới vốn bằng cách nào đó phát sinh từ Bản thể Tinh khiết của ngài—và không quan tâm đến việc biết về nó—hoặc bất cứ điều gì khác. Thiên Chúa của các triết gia có thể được chứng minh một cách hợp lý là hiện hữu, nhưng ngoài nỗ lực huyền nhiệm để thấy ngài vượt qua những thay đổi không ngừng của thế giới, đó không phải là một tầm nhìn gây cảm hứng về thế giới đối với bất cứ điều gì ngoại trừ rất hiếm triết gia.

Tuy nhiên, nó vẫn có sức mạnh đối với họ. Trong cuốn Tự Thú của mình, khi Thánh Augustinô cuối cùng đến Milan và gặp gỡ nhóm các triết gia tân Platông xung quanh vị tổng giám mục vĩ đại St. Ambrose, họ đã giúp đỡ ngài rất nhiều. Nhưng một trong những phản bác của ngài là chủ nghĩa Platông có những giới hạn của nó. Trong Tự Thú VII, ngài đưa ra lời cầu nguyện này:

Chúa đã cung cấp cho con, bằng phương tiện của một người hài lòng với niềm kiêu hãnh hết sức tự nhiên, một số cuốn sách của những người theo chủ nghĩa Platông, được dịch từ tiếng Hy Lạp sang tiếng Latinh. Và trong đó con đọc, thực sự không phải bằng lời nói, mà với cùng một mục đích, được củng cố bởi nhiều lý do khác nhau, rằng Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa...Một lần nữa con đọc ở đó, rằng Lời Thiên Chúa được sinh ra không phải bởi thịt hay máu, cũng không phải do ý muốn của người đàn ông, cũng không phải do ý muốn của xác thịt, mà là của Thiên Chúa. Nhưng con không đọc được rằng Lời đã trở nên xác thịt và ở giữa chúng ta.

Nền văn hóa của chúng ta, vốn đã tồn tại hàng thế kỷ với quan niệm Kitô giáo về Thiên Chúa, không thể cảm nhận được sức mạnh của sự khác biệt này, tôi nghĩ, rõ ràng như Thánh Augustinô đã cảm nhận. Nhưng đối với nhiều người ở nhiều nền văn hóa khác nhau, đây là một cú sốc hữu ích. Khi Thánh Juan Diego gặp Đức Mẹ Guadalupe, ngài có phần nào ở cùng quan điểm với những người theo chủ nghĩa Platông thời xưa. Nền văn hóa ban đầu của ngài, Chichimecs, tin vào một vị thần tối cao trong số nhiều vị thần thấp hơn. Nhưng vị thần tối cao đó quá cao và xa vời nên ngài chưa bao giờ dính dáng gì đến những việc thấp kém của trần gian. Tuy nhiên, khi Thánh Juan Diego nhìn thấy Đức Trinh Nữ đang mang thai, trên váy của ngài, trên cái bụng căng phồng của ngài, là bông hoa gắn liền với vị thần cao cả đó. Nói cách khác, nó tượng trưng cho việc vị thần xa xôi đã đến gần với con người, trong trường hợp này là thông qua một người phụ nữ mang hai dòng máu châu Âu và bản địa da trắng. Điều này khác xa với Thánh Augustinô của những người theo chủ nghĩa Tân Platông, nhưng vẫn là một ví dụ cụ thể về cách được Ki-tô giáo hợp nhất giữa người cao và người thấp - và trong trường hợp này, đã tạo ra sự biến đổi của cả một lục địa, một sức mạnh tâm linh chưa từng có.

Tất nhiên, có rất nhiều điều mà những thế kỷ gần đây dựa trên những điểm nhấn khác nhau trong truyền thống đã mang đến cho chúng ta, nhất là cuộc điều tra hợp lý về một Sự sáng tạo được hình thành bởi logos. Nhưng những điều này có quan trọng với chúng ta ngày nay không? Đây chỉ là cách đọc của cá nhân tôi trong 150 năm qua - kể từ khi Đức Lêô XIII kêu gọi một thuyết Tôma mới, sáng tạo làm nền tảng cho sự đổi mới các quan niệm của chúng ta về con người và xã hội loài người. Như ngài đã nói trong thông điệp đó:

Vì những lời dạy của Thánh Tôma về ý nghĩa thực sự của tự do, mà vào thời điểm này đang được cho phép, về nguồn gốc thiêng liêng của mọi quyền lực, về luật pháp và sức mạnh của chúng, về sự cai trị của người cha và công bằng của các hoàng tử, về sự vâng phục các quyền lực cao hơn, dựa trên lòng bác ái lẫn nhau, đối với tất cả những đối tượng này và cùng loại - có sức mạnh rất lớn và bất khả chiến bại để lật đổ những nguyên tắc của trật tự mới vốn được biết đến là nguy hiểm đối với trật tự hòa bình và an toàn công cộng.

Chúng ta, những người đã chứng kiến sự trỗi dậy tàn khốc của chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa Quốc xã, chủ nghĩa phát xít, và thậm chí cả “những con quỷ trong nền dân chủ” sẽ ghi nhớ những lời của Đức Lêô.

Nửa đầu thế kỷ 20 đã tạo ra một làn sóng đáng kinh ngạc các tác phẩm tân kinh viện. Khoảng nửa sau của thế kỷ này, mặc dù bắt đầu sớm hơn một chút với cuốn sách Catholicism [Đạo Công Giáo] năm 1938 của Henri de Lubac—một cuốn sách mà cả Karol Wojtyla và Joseph Ratzinger đều cho là không thể thiếu—là sự hồi phục của các Giáo phụ thời kỳ đầu và cách đọc Kinh thánh mang tính Platông hơn của họ—một cách tiếp cận mang tính tinh thần hơn, theo chủ nghĩa nhân vị, dựa vào cộng đồng, thậm chí thần bí hơn mà sau này được gọi là ressourcement [trở về nguồn] tại Vatican II.

Chúng ta thật may mắn, tuy nhiên hiện nay có nhiều tình trạng hỗn loạn đang hiện hữu trong Giáo Hội và thế giới, ngay phía sau chúng ta, một vài thế hệ theo chủ nghĩa Aristốt/Tôma được đổi mới cũng như chủ nghĩa nhân vị và chủ nghĩa cộng đồng theo kiểu Platông/Augustinô hơn. Đây là những đóng góp rất nhiều và to lớn cho Giáo hội và thế giới chỉ từ vài thập niên trước, đáng được nghiên cứu trong những ngày đầy khó khăn của chúng ta. Nền móng cũ không thể mất mãi mãi vì không thể mất được. Chắc chắn chúng chỉ đang chờ chúng ta hồi sinh chúng bằng những sự thích ứng sáng tạo phù hợp với thời điểm của chúng ta.

Và bây giờ chúng ta có thách thức chính rõ ràng trước mắt. Chesterton đã nhìn thấy nó cách đây một thế kỷ:

Khi một kế hoạch tôn giáo bị tan vỡ (như Kitô giáo đã bị tan vỡ trong cuộc Cải cách), thì đó không chỉ là những thói xấu được thả lỏng. Quả thực, những thói xấu được thả lỏng, chúng lang thang và gây thiệt hại. Nhưng đức hạnh cũng bị buông lỏng; và những đức tính lang thang một cách hoang dã hơn, và những đức tính gây ra thiệt hại khủng khiếp hơn. Thế giới hiện đại chứa đầy những đức tính Kitô giáo cũ đã trở nên điên rồ. Các đức tính đã phát điên vì bị cô lập và lang thang một mình. Vì vậy một số nhà khoa học quan tâm đến sự thật; và sự thật của họ là tàn nhẫn. Vì vậy một số nhà nhân đạo chỉ quan tâm đến lòng thương hại; và lòng thương hại của họ (tôi rất tiếc phải nói) thường không thành thật.

Điều này giải thích phần lớn những gì chúng ta đang phải chịu đựng. Từ lâu, nó đã trở thành một phần trong sự hiểu biết của chúng ta về các vấn đề đạo đức, chẳng hạn, như Thánh Augustinô từng nói, cái ác là sự thiếu vắng một số điều tốt, hoặc là thứ lẽ ra phải có nhưng lại không có, hoặc nó ở một mức độ quá lớn hoặc quá ít. Nói cách khác, vì Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa của tất cả những gì hiện hữu và mọi thứ Người tạo ra đều tốt, nên điều bị chúng ta gọi là cái ác, theo một cách nào đó, là một sự chệch hướng khỏi trật tự đầy đủ của vũ trụ của chúng ta. Giáo hội là “Công Giáo” chính xác bởi vì nó “phổ quát”, kata-holos trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “theo tổng thể”.

Cơn sốt “chuyển giới” là một ví dụ phản bác hoàn hảo. Đầu tiên, việc tin rằng phẫu thuật biến dạng hoặc dùng thuốc ngăn chặn tuổi dậy thì có thể biến nam thành nữ hoặc ngược lại đi ngược lại với nhận thức đơn giản về thực tại. Ngay những trang đầu tiên của Sách Sáng Thế đã nói, “Người đã tạo ra họ có nam và nữ,” và đó là sự hiểu biết về cơ bản của toàn bộ loài người cho đến vài năm gần đây ở một số quốc gia siêu phát triển. Đạo Công Giáo, giống như bản chất con người, có tính nhị phân.

Nhưng còn nhiều điều đang diễn ra hơn là các nhóm và cá nhân cực đoan thúc đẩy việc cắt xẻo trẻ em dưới chiêu bài “chăm sóc khẳng định giới tính”. Một đức tính – lòng trắc ẩn đối với những người trẻ phân biệt giới tính – đã phình to đến mức nó làm lu mờ mọi thứ, từ những sự thật đơn giản về sinh học cho đến hàng ngàn năm kinh nghiệm của con người. Hãy thử nghĩ xem ý nghĩa của việc các nhân viên y tế được đào tạo nói về “giới tính được gán cho khi sinh ra” [gender assigned at birth], như thể quan sát thông thường rằng một đứa trẻ sơ sinh là con trai hay con gái chỉ là quy ước của một người ấn định vô danh, và có lẽ thiên vị nào đó.

Lòng trắc ẩn quá mức này, hoàn toàn thờ ơ với thực tại và sự thật, tạo cơ hội cho truyền thống trí thức Công Giáo, bởi vì với sự tôn trọng toàn bộ thực tại, truyền thống của chúng ta có vị trí đặc biệt tốt để trả lời những câu hỏi cấp tiến mà nền văn hóa nói chung không thể, và kết quả, đang ở trong một nguy cơ nghiêm trọng. Ngay cả Rome ngày nay cũng ít cam kết về sự rõ ràng và tỉnh táo hơn mức cần thiết. Đó sẽ là một thách thức trong Giáo hội trong tương lai gần. Nhưng con đường khắc phục vấn đề đó đã rõ ràng từ lịch sử lâu đời của chúng ta.

Tôi nghĩ chúng ta cũng phải thêm vào những đức tính đã thành điên rồ của Chesterton rằng có yếu tố ma quỷ ngày càng rõ ràng trong tất cả những điều này. Có thể nói, Ác quỷ không có hàng hóa để bán. Nó chỉ có thể sử dụng hàng hóa do Tạo hóa tạo ra để cố gắng làm cho chúng ta mất trật tự, nói dối hoặc che giấu sự thật bằng cách báng bổ những sự thật khác. Một trong những nhiệm vụ khó khăn được giao cho các Kitô hữu trong thế hệ hiện nay là chống lại những sự thật phiến diện, gọi tên những nhân đức hỗn loạn, nhắc nhở toàn thế giới về trật tự hiện hữu và sự thật mà hàng thế kỷ suy nghĩ cẩn thận và quảng đại đã đưa ra ánh sáng. Và chống lại những lời gièm pha về thành kiến và thù ghét, bằng cách khẳng định sự thật trọn vẹn—và tình yêu. Không có nhiệm vụ nhỏ hoặc dễ dàng. Nhưng chúng ta được kêu gọi đến nơi mà Chúa Quan Phòng đã chỉ định.

Tôi đau đớn nhận ra mình thậm chí còn chưa đụng tới được bao nhiêu. Linh đạo của các giáo phụ sa mạc, những đóng góp to lớn của Thánh Phanxicô Assisi và phong trào Phanxicô, Hildegard thành Bingen, Inhaxiô Loyola, Erasmus, Blaise Pascal, Chateaubriand, Thánh Edith Stein, và nghệ thuật Công Giáo, các nhà khoa học và nhạc sĩ vĩ đại, các nhà thơ và tiểu thuyết gia, những phân tích quan trọng về văn hóa của Christopher Dawson, và nhiều hơn thế nữa. Nhưng đó là điều không thể tránh khỏi trong bất cứ cách xử lý nào về “kho báu mà chúng ta có, truyền thống trí thức Công Giáo”.

Tôi sẽ kết thúc bằng lời của một nhân vật vĩ đại khác trong truyền thống, Hilaire Belloc, mà tôi thường nhắc đến khi mọi người hỏi tôi tại sao tôi lại là biên tập viên của một trang web với cái tên vô duyên, đối với một số người, The Catholic Thing: “Giáo Hội Công Giáo là người ủng hộ Thực tại. Đúng thế. Giáo lý của nó ở những điều lớn và nhỏ là những phát biểu về điều gì là. Đây là điều mà hành động cuối cùng của trí thông minh chấp nhận.... Kết luận của tôi – và của tất cả những người đã từng nhìn thấy nó – là Đức tin. Một giáo huấn hợp đoàn, có tổ chức, một nhân cách. Một điều, không phải một lý thuyết. ."

________________________________________________________________________________________________________________________

Robert Royal là tổng biên tập tờ The Catholic Thing và là chủ tịch Viện Đức tin & Lý trí ở Washington, D.C. Những cuốn sách gần đây nhất của ông là Columbus and the Crisis of the West A Deeper Vision: The Catholic Intellectual Tradition in the Twentieth Century [Columbus và Cuộc khủng hoảng của phương Tây và Tầm nhìn sâu sắc hơn: Truyền thống trí tuệ Công Giáo trong thế kỷ 20]. Tiểu luận này được phỏng theo Khóa giảng khai mạc MacFarlane tại Viện Thomas More (Fort Worth, Texas) vào tháng 5 năm 2023, có thể tìm thấy ở địa chỉ: https://whatweneednow.substack.com/p/this-treasure-we-have-the-catholic?
 
Church Documents
Các Giám Mục Ukraine: Nga ném bom vào bệnh viện nhi đồng là một tội ác kêu thấu đến trời cao
VietCatholic Media
18:07 13/07/2024


1. Công bố Tài liệu Làm việc Thượng Hội đồng Giám mục thứ 16

Hôm mùng 09 tháng Bảy năm 2024, Tài liệu Làm việc của Thượng Hội đồng Giám mục thứ 16, khóa thứ hai đã được công bố, để làm căn bản cho các cuộc thảo luận, tiến hành từ ngày 02 đến ngày 27 tháng Mười tới đây, về đề tài: “Tiến tới một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ mạng”.

Văn kiện này dài 36 trang, chia làm 112 đoạn, ngoài phần dẫn nhập và các nền tảng, và kết luận, còn được chia làm ba phần về những tương quan (I), những hành trình (II) và các nơi (III).

Văn kiện tiếp nối toàn thể tiến trình công nghị đã khởi sự từ năm 2021 và đưa ra những đề nghị để Giáo hội ngày càng gần gũi dân chúng và trong đó, tất cả các tín hữu đã chịu phép rửa, tham gia vào đời sống Giáo hội. Trong số những điểm suy tư, có sự đề cao vai trò nữ giới và những đòi hỏi của sự minh bạch và trách nhiệm.

Tài liệu làm việc cho phiên họp tháng 10 của Thượng Hội đồng về Tính đồng nghị tránh thảo luận về các vấn đề gây tranh cãi, thay vào đó tập trung vào quá trình thực hiện tầm nhìn đồng nghị về Giáo hội.

Tài liệu làm việc là đỉnh điểm một quá trình chuẩn bị với những đề xuất từ khắp nơi trên thế giới được sàng lọc thông qua quá trình biên tập tạo ra một bản tổng hợp dài 30 trang.

Trong khi những công tác chuẩn bị ban đầu cho Thượng Hội đồng về tính đồng nghị đã chứng kiến những cuộc tranh luận thường xuyên về đồng tính luyến ái, phong chức linh mục cho phụ nữ và các vấn đề “nóng bỏng” khác, thì tài liệu làm việc đã gạt những vấn đề cụ thể đó sang một bên, bày tỏ hy vọng rằng “có thể đạt được một sự đồng thuận” trên phạm vi rộng hơn về tính đồng nghị, “được coi như một con đường hoán cải và cải cách”.

Đồng thời, tài liệu lưu ý rằng trong khi Thượng Hội đồng thảo luận vào tháng 10, 10 “nhóm nghiên cứu” đã được thành lập để xem xét các vấn đề cụ thể. “Họ sẽ hoàn thành nghiên cứu chuyên sâu trước tháng 6 năm 2025, nếu có thể, nhưng sẽ đưa ra một báo cáo tiến độ cho Thượng hội đồng vào tháng 10 năm 2024”.

2. Đức Cha Krivitsky lên án vụ Nga phóng hỏa tiễn vào bệnh viện nhi đồng ở Kyiv

Đức Cha Vitaliy Krivitsky, Giám mục Giáo phận Kyiv-Zhytomyr, mạnh mẽ lên án vụ Nga phóng hỏa tiễn vào nhà thương nhi đồng, tại thủ đô Kyiv và gây thiệt hại nặng nề cho nhà thương nhi đồng Okhmatdyt tại đây, làm cho ít nhất 20 người thiệt mạng.

Bệnh viện Nhi đồng ở Kyiv, lớn nhất của Ukraine, là một trong nhiều mục tiêu bị Nga tấn công bằng hỏa tiễn, khoảng 10 giờ sáng, ngày 08 tháng Bảy vừa qua, tại nhiều thành phố ở Ukraine làm cho 40 người thiệt mạng và 140 người bị thương. Tại Kryvyi Rih, nơi sinh trưởng của Tổng thống Zelenskiy, có 10 người thiệt mạng. Ông đã kêu gọi triệu tập Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc và đề nghị có câu trả lời mạnh mẽ hơn của Tây Phương.

Đức Cha Vitaliy đã đến ngay nhà thương nhi đồng bị pháo kích. Ngài nói với hãng tin Sir của Hội đồng Giám mục Ý rằng “Cuộc tấn công này là một sự phạm thượng, thêm một bằng chứng cho thấy Nga là một nước khủng bố. Họ tấn công một nhà thương nhi đồng chăm sóc các trẻ em bệnh nhân. Rất tiếc các cuộc tấn công vẫn tiếp tục”.

Đức Cha Vitaliy nói với Âu châu rằng: “Từ nơi bị thương này, chúng tôi kêu gọi các xã hội Âu châu: Quý vị hãy giúp chấm dứt sự tàn ác này. Chúng tôi xin cầu nguyện cho các trẻ em và gia đình. Các nạn nhân cuộc tấn công này là các trẻ em, các em bị bệnh. Các nạn nhân này nói lên sự đau khổ của chúng tôi và là một lời cảnh giác các dân tộc Âu châu, hãy tích cực ngăn chặn Putin. Xin hãy giúp bảo vệ các trẻ em của chúng tôi”.

3. Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk lên án cuộc tấn công vào bệnh viện nhi đồng: Đây là một tội lỗi kêu thấu đến trời cao

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đã lên án cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào bệnh viện nhi đồng Okhmatdyt, và khẳng định “Đây là một tội lỗi kêu thấu đến trời cao”.

Hôm Thứ Hai, 08 Tháng Bẩy, quân xâm lược Nga đã tiến hành một cuộc tấn công hỏa tiễn lớn vào Ukraine. Đáng chú ý, một trong những tòa nhà của Bệnh viện Nhi đồng Okhmatdyt và một bệnh viện phụ sản tư nhân ở Kyiv đã bị trúng hỏa tiễn. Nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương đã gọi tội ác này của Nga là “tội lỗi kêu thấu đến trời cao”.

Ngài bày tỏ nỗi đau buồn sâu sắc: “Thật kinh hoàng khi chứng kiến những đứa trẻ đến điều trị tại trung tâm thận nhân tạo lại bị bọn tội phạm Nga giết hại một cách tàn nhẫn”. Theo ngài, nhiều người trong số họ đang cận kề cái chết - họ đang phải sử dụng thiết bị thông khí phổi nhân tạo. Nhiều người đang trải qua phẫu thuật vào thời điểm đó. Việc mất điện khiến mạng sống của họ gặp nguy hiểm.

“Nhân danh Thiên Chúa, với tất cả quyết tâm của mình, chúng tôi lên án tội ác chống lại loài người này”, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav nói. “Đây không chỉ là tội ác chống lại luật lệ và quy tắc của con người, cụ thể là các quy tắc chiến tranh quốc tế. Đây là một tội lỗi kêu thấu đến trời cao đòi phải trả thù, theo đạo đức Kitô giáo.”

Nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương kêu gọi tất cả những người có thiện chí cùng tham gia lên án tội ác và làm mọi cách có thể để ngăn chặn và truy tố kẻ gây hấn.

“Hôm nay chúng ta khóc với tất cả các nạn nhân, chúng ta cầu nguyện cho tất cả những người thiệt mạng, đặc biệt là những trẻ em vô tội. Chúng ta muốn bao bọc tất cả những người bị thương bằng tình yêu Kitô giáo của chúng ta, đặc biệt là tất cả những người đang bị tổn thương nhiều nhất”, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav nói.

Đức Tổng Giám Mục cũng bày tỏ lời chia buồn chân thành tới gia đình và bạn bè của những người đã thiệt mạng và bị thương, đồng thời cảm ơn các nhân viên y tế Ukraine vì sự cống hiến và tinh thần anh hùng của họ: “Chúng tôi thấy họ đã cứu sống ngay cả khi mặt họ chảy máu. Vào những khoảnh khắc này, các nhân viên y tế và tình nguyện viên đang đứng thành dây chuyền tháo dỡ những viên đá để cứu thêm những đứa trẻ có trái tim đang đập dưới đống đổ nát. “

“Lạy Chúa, nhờ quyền năng của Chúa, xin khơi dậy trong chúng con niềm hy vọng bảo vệ sự sống của những trẻ em và phụ nữ của chúng con. Lạy Thiên Chúa nhân từ, xin ban phúc lành cho mảnh đất Ukraine đang đau khổ của chúng con bằng nền hòa bình công chính của Ngài!”

Trước hậu quả của cuộc tấn công hỏa tiễn của quân xâm lược vào Kyiv, ngày 9 tháng 7 được tuyên bố là Ngày Quốc tang của Ukraine. Chỉ tính riêng ở Thủ đô Kyiv đã có 33 người thiệt mạng và 117 người bị thương.


Source:UGCC
 
VietCatholic TV
Ukraine đảo ngược tình thế Hắc Hải. Nga lộ ra sau ngưng bắn là gì? Úc bắt gián điệp Nga. TQ la làng
VietCatholic Media
02:50 13/07/2024


1. Chiến tranh Ukraine khiến biên giới Nga với Trung Quốc suy yếu

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine War Leaves Russia's Border With China Weakened”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hình ảnh vệ tinh tiết lộ rằng cuộc chiến của Putin ở Kyiv đã làm suy yếu nghiêm trọng biên giới phía nam của đất nước ông ta tiếp xúc với Trung Quốc. Hình ảnh vệ tinh tiết lộ một số hệ thống hỏa tiễn phòng không đã được tháo dỡ; có khả năng chúng được chuyển đến mặt trận Ukraine.

AS-22, chuyên về tình báo hình ảnh và tình báo nguồn mở, đã đưa ra một loạt ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy số lượng bệ phóng hỏa tiễn phòng không S-300 và S-400 tại các căn cứ ở phía đông Novosibirsk, một khu vực nằm ở phía tây nam Siberia, đã biến mất.

S-300 và S-400 là các hệ thống hỏa tiễn đất đối không di động do Nga sản xuất, có khả năng bắn hạ máy bay cũng như hỏa tiễn hành trình và hỏa tiễn đạn đạo. Theo Dự án Phòng thủ Hỏa tiễn của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, S-400 gần như có thể so sánh với hệ thống phòng không Patriot của Mỹ đang phục vụ Ukraine.

AS-22 tuyên bố rằng kể từ khi Putin xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022, khoảng 105 hệ thống phòng không di động, gọi tắt là TEL, được triển khai tại 11 căn cứ của Nga đã được di chuyển. Ví dụ, ở Khabarovsk, nằm cách biên giới Nga-Trung 47 km, 11 trong số 17 TEL được triển khai tại căn cứ đã được di dời.

Trên đảo Sakhalin, nằm cách đảo Hokkaido của Nhật Bản chỉ 40 km về phía bắc, tất cả 7 chiếc TEL đều đã được chuyển khỏi căn cứ của chúng.

Ukraine đã nhiều lần sử dụng vũ khí tầm xa, bao gồm cả máy bay điều khiển từ xa sản xuất trong nước, để thực hiện các cuộc tấn công xuyên biên giới trên đất Nga, buộc Mạc Tư Khoa phải tăng cường khả năng phòng không dọc biên giới phía Tây Nam.

Đây không phải là lần đầu tiên Nga loại bỏ các hệ thống hỏa tiễn phòng không khỏi căn cứ của họ trong chiến tranh. Theo phân tích hình ảnh vệ tinh, một số thiết bị được triển khai trên các đảo Iturup và Kunashir, mà người Nhật gọi là Etorofu và Kunashiri, ở Viễn Đông cũng bị loại bỏ, theo phân tích hình ảnh vệ tinh.

Báo cáo dẫn lời giảng viên Yu Koizumi tại Đại học Tokyo cho biết, thiết bị phòng không này có thể đã được tái triển khai tới biên giới Nga với Ukraine.

Hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy một số hỏa tiễn phòng không đã được di dời từ khu vực tây bắc Nga xung quanh St. Petersburg về phía Ukraine, đài truyền hình Yle của Phần Lan đưa tin vào tháng 9 năm 2022.

Nga phải đối mặt với nhu cầu cao về vũ khí tấn công mặt đất có độ chính xác cao khi nước này tiếp tục bắn phá Ukraine. Kyiv tuyên bố rằng quân đội Nga đã tái sử dụng hỏa tiễn đất đối không S-300 cho các cuộc tấn công mặt đất.

Trang web tin tức quốc phòng The War Zone đưa tin, hỏa tiễn S-300 được sử dụng làm vũ khí đất đối đất rất khó để các đơn vị phòng không Ukraine đánh chặn vì tốc độ và chế độ tấn công gần như bằng hỏa tiễn đạn đạo của chúng.

Việc tái triển khai các hệ thống hỏa tiễn phòng không từ các vùng khác của đất nước cho phép Nga sử dụng chúng làm vũ khí phòng thủ và tấn công cho cuộc chiến ở Ukraine.

2. Thụy Điển sẵn sàng gửi Gripens tới Ukraine sau khi 'chương trình F-16 hoàn thành', quyết định thuộc về Kyiv

Stockholm sẵn sàng cung cấp cho Ukraine chiến đấu cơ Gripen sau khi “chương trình F-16 hoàn thành”, nhưng các bước tiếp theo phụ thuộc vào Kyiv, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom nói với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm Thứ Năm, 11 Tháng Bẩy.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson cho biết các đối tác khác đã yêu cầu Stockholm chờ đợi các kế hoạch khả thi về việc gửi chiến đấu cơ Gripen tới Ukraine, vì trọng tâm hiện nay là cung cấp máy bay F-16 cho Kyiv.

Theo Billstron, chính phủ Thụy Điển không từ chối gửi Gripens cùng với chiến đấu cơ F-16 từ các đồng minh khác, nhưng Ukraine kết luận rằng việc áp dụng đồng thời hai hệ thống máy bay sẽ khó quản lý.

“Chúng ta đang nói về hệ thống. Vấn đề không chỉ là máy bay và đào tạo phi công. Đây là những hệ thống phức tạp và sẽ rất khó để triển khai cả hai cùng một lúc”, Billstron nói trong cuộc phỏng vấn.

“Nhưng điều đó không có nghĩa là Thụy Điển không sẵn sàng tiếp tục với Gripens nếu và khi chương trình F-16 hoàn thành.”

Kyiv dự kiến sẽ nhận được ít nhất 85 chiếc F-16 từ Hòa Lan, Đan Mạch, Bỉ và Na Uy. Thời hạn được cho là để hoàn thành “chương trình F-16” vẫn chưa rõ ràng, vì Bỉ có kế hoạch tiếp tục giao máy bay của mình cho đến năm 2028.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết lô máy bay đầu tiên đang trên đường từ Hòa Lan và Đan Mạch tới Ukraine và sẽ đến vào mùa hè này.

Vào cuối tháng 5, Thụy Điển đã công bố gói viện trợ quân sự lớn nhất trị giá 1,3 tỷ Mỹ Kim cho Kyiv, bao gồm hai máy bay trinh sát và điều khiển radar ASC 890.

3. Medvedev tuyên bố Nga sẽ chiếm 'những vùng đất còn lại của Ukraine' sau lệnh ngừng bắn

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia To Occupy 'Remaining Ukrainian Lands' After Ceasefire: Medvedev”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hôm Thứ Năm, 11 Tháng Bẩy, theo giờ địa phương Mạc Tư Khoa, Dmitry Medvedev, cựu tổng thống và thủ tướng Nga, cho biết Nga sẽ tìm cách chiếm giữ “những vùng đất còn lại của Ukraine” ngay cả khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đồng ý với các điều kiện hòa bình gần đây nhất của Điện Cẩm Linh.

Medvedev, hiện là phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, “tái khẳng định rằng Nga sẽ không chấp nhận hoặc tuân thủ bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào được đàm phán với Kyiv ngoại trừ việc Ukraine đầu hàng. Nga sẽ phá hủy toàn bộ nhà nước Ukraine và xâm lược toàn bộ Ukraine”.

Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết trong phân tích mới nhất về cuộc xung đột ở Ukraine rằng tuyên bố của Medvedev cho thấy Nga hoàn toàn không có thiện chí đàm phán hòa bình.

Triển vọng đàm phán hòa bình giữa Kyiv và Mạc Tư Khoa đã được nêu ra nhiều lần kể từ khi Putin phát động cuộc tấn công toàn diện vào Ukraine vào tháng 2/2022.

Điện Cẩm Linh đã nêu rõ một số điều kiện mà Nga coi là không thể thương lượng, bao gồm cả việc Ukraine phải chấp nhận việc sáp nhập bốn khu vực của nước này vào tháng 9 năm 2022—Luhansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia—sau các cuộc trưng cầu dân ý do Putin kêu gọi bị cộng đồng quốc tế coi là bất hợp pháp.

Hôm 14 Tháng Sáu, Putin cho biết Ukraine cũng phải từ bỏ mọi kế hoạch gia nhập liên minh quân sự NATO.

Trong khi đó, Ukraine tuyên bố rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng phải vô hiệu hóa việc sáp nhập lãnh thổ của họ vào tháng 9 năm 2022 và Bán đảo Crimea, mà Putin đã sáp nhập vào năm 2014, một lần nữa phải được coi là một phần của Ukraine.

Trong một video trên kênh Telegram của mình, Medvedev cho biết nếu Zelenskiy đồng ý với các điều kiện hòa bình gần đây nhất của Putin, thì điều đó sẽ không cấu thành việc “kết thúc hoạt động quân sự của Nga” ở Ukraine.

“Ngay cả khi đã ký giấy tờ và chấp nhận thất bại, những kẻ cấp tiến còn lại sau khi tập hợp lại lực lượng sớm muộn gì cũng sẽ quay trở lại nắm quyền, lấy cảm hứng từ những đối phương từ phương Tây của Nga. Và rồi sẽ đến lúc phải tiêu diệt loài bò sát này. Để đóng một chiếc đinh thép dài vào nắp quan tài ở trạng thái gần như giống Bandera,” ông ta nói.

Nga cuối cùng sẽ trả lại “những vùng đất còn lại của Ukraine về lòng đất Nga”, Medvedev tuyên bố.

Stepan Bandera, mà Medvedev vừa đề cập đến, là một người Ukraine chủ trương giải phóng dân tộc khỏi tay Liên Xô bằng cách cộng tác với Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai. Ông được người Ukraine ca ngợi là anh hùng, trong khi người Nga mô tả ông là một cộng tác viên Quốc Xã.

ISW cho biết Medvedev đã nói một cách thẳng thừng không che đậy rằng “Điện Cẩm Linh có kế hoạch tiếp tục chinh phục Ukraine ngay cả sau khi một thỏa thuận hòa bình đã đạt được”.

Ông ta “cũng chỉ ra rằng Điện Cẩm Linh tin rằng việc chinh phục hoàn toàn Ukraine sẽ dễ dàng hơn nếu Kyiv chấp nhận các thỏa thuận ngừng bắn và nhượng bộ không được lòng dân ở giai đoạn hiện tại của cuộc chiến.”

ISW cũng dự đoán rằng Nga sẽ tăng cường các cuộc không kích nhắm vào dân thường Ukraine như trong vụ tấn công vào Bệnh viện Nhi đồng Kyiv nhằm gây áp lực lên xã hội Ukraine đến mức người dân sẽ yêu cầu thay đổi chính phủ có thể có lợi cho Điện Cẩm Linh”.

“Tuy nhiên, trước đây, Điện Cẩm Linh đã hiểu sai tình cảm trong nước của Ukraine. Các quan chức của Kyiv từ lâu đã cảnh báo rằng Điện Cẩm Linh đã phát động một chiến dịch thông tin phức tạp 'Maidan 3', nhằm mục đích làm suy yếu chính phủ Ukraine nhằm kích hoạt sự thay đổi chính phủ và thành lập một chính phủ thân Điện Cẩm Linh ở Ukraine”, ISW cho biết thêm.

Konstantin Sonin, một nhà kinh tế chính trị gốc Nga tại Đại học Chicago, cho biết tuyên bố của Medvedev rằng Nga sẽ tiếp tục chiến tranh cho đến khi “sự hủy diệt hoàn toàn bất kỳ quốc gia Ukraine độc lập nào” là “vô nghĩa”.

Sonin cho biết: “Hoàn toàn là vô nghĩa nếu cho rằng Medvedev đang nói sự thật vì đây chính xác là sự thật mà các chính trị gia che giấu chứ không tiết lộ.”

“Tất nhiên, có thể hiểu những tuyên bố của Medvedev là một kiểu dụ dỗ hay nịnh bợ nào đó.”

4. Orban thảo luận về 'phương cách hòa bình' với cựu Tổng thống Trump ở Florida

Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orban đã gặp cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Florida vào hôm Thứ Sáu, 12 Tháng Bẩy, nhà lãnh đạo Hung Gia Lợi cho biết trên mạng xã hội.

Chuyến thăm, được Orban mô tả là “sứ mệnh hòa bình 5.0.”, diễn ra tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của cựu Tổng thống Trump sau hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington, nơi các đối tác đưa ra Hiệp ước Ukraine, một khuôn khổ an ninh được 32 đồng minh ký kết.

Trước đó, nhà lãnh đạo Hung Gia Lợi đã đến thăm Ukraine, Nga và Trung Quốc trong nỗ lực thúc đẩy lệnh ngừng bắn và đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine. Trong chuyến thăm Kyiv, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã bác bỏ đề xuất ngừng bắn của Orban.

“Chúng tôi đã thảo luận các cách để tạo dựng hòa bình. Tin tốt trong ngày: ông Trump sẽ giải quyết được vấn đề này,” Orban viết trên X.

Ứng cử viên tổng thống được cho là của Đảng Cộng hòa đã nhiều lần nói rằng ông có thể chấm dứt chiến tranh ở Nga trong vòng 24 giờ nếu được bầu làm tổng thống mà không nêu rõ các bước để đạt được thỏa thuận hòa bình giữa Kyiv và Mạc Tư Khoa.

“Cảm ơn Viktor. Phải có hòa bình và nhanh chóng”, ông Trump nói sau cuộc gặp.

Zelenskiy nói rằng ông “có khả năng sẵn sàng” gặp cựu Tổng thống Trump và kêu gọi ông tiết lộ kế hoạch chấm dứt cuộc chiến của Nga với Ukraine để Kyiv có thể chuẩn bị cho mọi rủi ro mà kế hoạch này có thể gây ra.

5. Ukraine đảo ngược tình thế phong tỏa Hắc Hải của Putin

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine Turns Tables on Putin's Black Sea Blockade”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Ukraine bắt giữ một tàu chở hàng được cho là đang xuất khẩu trái phép nông sản từ Nga qua khu vực Crimea do Nga sáp nhập.

Ukraine từ lâu đã cáo buộc Nga xuất khẩu trái phép ngũ cốc của họ từ các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm kể từ khi Mạc Tư Khoa xâm chiếm Ukraine bắt đầu vào tháng 2 năm 2022.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Sáu, 12 Tháng Bẩy, Thuyền trưởng Trung Tá Dmytro Pletenchuk, phát ngôn nhân Hải Quân, cho biết hiếm khi xảy ra những vụ bắt giữ như thế này. Ông tiết lộ rằng con tàu treo cờ Trung Phi này đã nhiều lần cập cảng Sevastopol ở Crimea để tải các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine mà ông mô tả là “bị cướp bóc”. Con tàu sau đó đang vận chuyển hàng hóa đến Trung Đông để bán thay mặt cho Nga.

Trong một tuyên bố riêng, Văn phòng Tổng công tố Ukraine cho biết con tàu này đã vào Sevastopol vào tháng 11 năm ngoái với hơn 3.000 tấn nông sản dành cho một công ty Thổ Nhĩ Kỳ, rồi rời cảng. Con tàu quay trở lại vào tháng 5, nơi nó dỡ hàng từ Thổ Nhĩ Kỳ, trước khi rời đi một lần nữa, có vẻ như là đến Istanbul. Văn phòng Tổng công tố Ukraine cho biết con tàu trên thực tế đã đến Moldova vào ngày 2 Tháng Bẩy sau khi tắt hệ thống theo dõi.

Hải Quân Ukraine đã quyết định bắt giữ con tàu khi nó đến cảng Reni, trên sông Danube ở Ukraine.

Văn phòng Tổng công tố Ukraine cho biết thuyền trưởng đến từ Azerbaijan và SBU tiết lộ rằng ông này có liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp cùng với thủy thủ đoàn 12 thành viên của mình. Thuyền trưởng bị nghi ngờ đã vô hiệu hóa thiết bị theo dõi GPS của tàu và làm sai lệch nhật ký tuyến đường để ngụy trang cho hoạt động xuất khẩu bất hợp pháp. SBU cho biết anh ta phải đối mặt với án tù 5 năm.

Năm ngoái, Nga đã rút khỏi thỏa thuận do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian cho phép tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc qua Hắc Hải.

Sáng kiến Ngũ cốc Hắc Hải nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu trong khu vực, một thỏa thuận quan trọng do tầm quan trọng của Ukraine là nước xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp như lúa mì, lúa mạch và dầu hướng dương.

Bất chấp trở ngại, Ukraine vẫn có thể xuất khẩu số lượng đáng kể - với 20 triệu tấn hàng hóa được vận chuyển đến 24 quốc gia trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 12 năm ngoái.

Trong một diễn biến khác, hôm Thứ Năm, 11 Tháng Bẩy, cựu tổng thống và thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho biết Nga sẽ tìm cách xâm lược “các vùng đất còn lại của Ukraine” sau khi ngừng bắn.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh của Mỹ, ông Medvedev “tái khẳng định rằng Nga sẽ không chấp nhận hoặc duy trì bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào được đàm phán với Kyiv ngoại trừ việc Ukraine đầu hàng. Medvedev thề sẽ phá hủy toàn bộ nhà nước Ukraine và xâm lược hoàn toàn Ukraine”.

Cuộc thăm dò gần đây cho thấy Putin có thể đang mất đi sự ủng hộ của Nam bán cầu sau cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào năm 2022 của ông.

Theo Pew, khi được hỏi liệu họ có tin tưởng vào Putin “làm điều đúng đắn liên quan đến các vấn đề thế giới hay không”, 73% thiếu niềm tin vào nhà lãnh đạo Nga.

Cuộc thăm dò được thực hiện từ Tháng Giêng đến tháng 5, khảo sát 35 quốc gia trên khắp Á Châu - Thái Bình Dương, Âu Châu, Mỹ Châu Latinh, Trung Đông và Phi Châu cận Sahara.

Niềm tin vào Putin đã giảm ở nhiều quốc gia bao gồm Á Căn Đình, Brazil, Columbia, Ghana, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ.

Ở Ấn Độ, tỷ lệ ủng hộ đã giảm từ 42% vào năm 2019 xuống còn 39% trong năm nay và ở Brazil giảm 2% trong năm ngoái.

6. Zelenskiy phát biểu trước các thống đốc Hoa Kỳ ở Utah

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã tới thăm Thành phố Salt Lake, tiểu bang Utah, hôm Thứ Sáu, 12 Tháng Bẩy, để phát biểu trước các thống đốc các tiểu bang Mỹ tại cuộc họp mùa hè của Hiệp hội Thống đốc Quốc gia.

Chuyến thăm bất ngờ tới Utah diễn ra sau khi ông Zelenskiy ở Washington, DC để dự hội nghị thượng đỉnh NATO hàng năm. Các đồng minh đã tập trung tại thủ đô của Hoa Kỳ để phác thảo sự hỗ trợ thêm cho Kyiv trước sự xâm lược của Nga.

“Chúng tôi rất vinh dự được chào đón Tổng thống Volodymyr Zelenskiy và Đệ nhất phu nhân Zelenska đến Utah và Hiệp hội Thống đốc Quốc gia,” Thống đốc bang Utah Spencer J. Cox cho biết.

“Utah ủng hộ Ukraine và chúng tôi mong muốn được nghe thông điệp của ông ấy tới các thống đốc quốc gia.”

John Freedman, lãnh sự danh dự của Ukraine tại Utah, cho biết chuyến thăm của Zelenskiy diễn ra sau ba tuần làm việc chăm chỉ và theo lời mời của Cox, người hiện là chủ tịch Hiệp hội Thống đốc Quốc gia.

“Tôi kỳ vọng rằng Tổng thống Zelenskiy sẽ nói về hoàn cảnh hiện tại mà họ đang phải đối mặt,” Freedman nói, đề cập đến cuộc tấn công chết người ngày 8 tháng 7 của Nga nhằm vào Bệnh viện Nhi đồng Okhmatdyt ở Kyiv.

Theo lãnh sự danh dự, các nhà lãnh đạo Utah cũng sẽ ký kết mối quan hệ chị em với tỉnh Kyiv.

Zelenskiy kết thúc chuyến thăm Washington với cam kết hỗ trợ bổ sung từ các đồng minh, bao gồm gói viện trợ quân sự mới từ Washington.

Cuộc họp kết thúc bằng việc ký kết Hiệp ước Ukraine, một khuôn khổ an ninh được tất cả 32 quốc gia thành viên ủng hộ nhằm tạo ra “một cấu trúc an ninh thống nhất và toàn diện để hỗ trợ Ukraine hôm nay và trong tương lai, trong chiến tranh và hòa bình”.

7. Tổng thống Biden hay Trump? Đối với tổng thống Ba Lan, điều đó không thành vấn đề.

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Biden or Trump? To the Polish president, it doesn’t matter.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Nhà lãnh đạo Ba Lan đến Washington với một thông điệp đơn giản không phụ thuộc vào ai ở Tòa Bạch Ốc: Chiến tranh Lạnh đã quay trở lại.

Tổng thống Andrzej Duda, người đã ăn tối ở New York với cựu Tổng thống Donald Trump vào mùa xuân năm nay, cho biết ông sẽ rất vui khi được làm việc với bất kỳ ai được cử tri Mỹ chọn làm tổng thống tiếp theo của họ - miễn là người đó chia sẻ mục tiêu bảo vệ Âu Châu khỏi Nga.

Duda nói với POLITICO trong cuộc phỏng vấn tại đại sứ quán Ba Lan: “Chúng ta phải thành thật và tự nhủ rằng tình hình Chiến tranh Lạnh đã quay trở lại và nguyên nhân không phải do hành động của Hoa Kỳ mà là do tham vọng đế quốc của Nga đang trỗi dậy”.

Hoa Kỳ đang tổ chức hội nghị thượng đỉnh năm nay trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine và triển vọng tái đắc cử của cựu Tổng thống Trump.

Điều đó đặt Duda vào tình thế khó khăn khi đứng trước một cuộc chiến đã đưa hàng ngàn người tị nạn Ukraine đến đất nước của ông và những mối đe dọa do Putin gây ra.

“Chính người dân Mỹ sẽ quyết định ai sẽ là tổng thống của họ, và với tư cách là Tổng thống Ba Lan, tôi chỉ có thể trả lời như sau: Chúng tôi sẽ chấp nhận và hoan nghênh bất kỳ lựa chọn nào do người dân Mỹ đưa ra.”

Duda đã dành nhiều lời khen ngợi cho cựu Tổng thống Barack Obama, người đã gửi thêm quân Mỹ đến Ba Lan, cũng như dành cho cựu Tổng thống Trump và Tổng thống Biden, những người mà ông cũng ca ngợi vì đã tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ ở Ba Lan và Đông Âu.

Trong nhiều năm, tổng thống Ba Lan tìm mọi cách để kết thân với Ông Trump. Vào năm 2018, ông đã thúc giục Mỹ triển khai thêm quân đội và thiết bị tới đất nước của mình, đồng thời đề nghị Ba Lan xây dựng “Pháo đài Trump” để làm nơi đồn trú cho quân đội Mỹ và Ba Lan ở đó.

Ông nói: “Tôi tin tưởng sâu sắc rằng công việc của tổng thống Ba Lan là xây dựng mối quan hệ tốt đẹp nhất có thể với đồng minh lớn nhất trong NATO, và đó là Hoa Kỳ”.

Đó là một phần trong thông điệp bao quát của tổng thống Ba Lan gửi tới các đồng minh ở Washington trong tuần này: Trong khi Mỹ phải dẫn đầu, Âu Châu không thể bỏ cuộc nhưng phải thể hiện sức mạnh chống lại Mạc Tư Khoa.

Chính phủ Duda đi đầu trong nỗ lực tái vũ trang ở Âu Châu, chi ra gần 4% GDP cho quốc phòng - tăng gấp đôi mục tiêu của NATO là 2% - và đã gửi mọi thứ từ chiến đấu cơ, xe tăng cho đến hệ thống phòng không tới Kyiv.

Những động thái đó đã bảo đảm cho Ba Lan một vị trí là cường quốc quân sự mới nhất của liên minh, một vai trò khiến Warsaw trở thành một bên tham gia trong liên minh NATO và Liên Hiệp Âu Châu, theo cách chưa từng có trong những năm trước.

Ông nói: “Chúng ta có thể thấy rằng có sự thiếu hụt lớn về an ninh ở Âu Châu”, đồng thời cho biết thêm rằng điều quan trọng là, trong hội nghị thượng đỉnh liên minh hàng năm, NATO phải gửi cho thế giới “một thông điệp về sự đoàn kết của NATO - điều này rất quan trọng”. Và thông điệp quan trọng thứ hai cần gửi đi là NATO rất mạnh và NATO nhận thấy mối đe dọa đến từ Nga”.

Ba Lan, giống như nhiều quốc gia Trung và Đông Âu khác, từ lâu đã cảnh báo về mối đe dọa từ nước Nga của Vladimir Putin đối với Âu Châu, và mặc dù họ không hoan nghênh cuộc chiến ở Ukraine nhưng các nhà lãnh đạo trong khu vực cũng phần nào vui mừng vì phương Tây cuối cùng đã công nhận những cảnh báo này..

Sau khi Nga xâm lược Georgia năm 2008 và chiếm Crimea năm 2014, “phương Tây đã không phản ứng theo cách thích hợp”, Duda nói, chứng tỏ rằng các biện pháp trừng phạt và những tuyên bố mạnh mẽ không đủ để ngăn cản Putin.

Ngày nay, “Nga đã và đang xây dựng và tăng cường sự hiện diện quân sự của mình ở Kaliningrad”, vùng đất nằm ngoài lãnh thổ của Nga giữa Ba Lan và Lithuania, “và ngày nay đây là vùng đất được quân sự hóa mạnh mẽ nhất trên thế giới. Nga cũng công khai nói về việc triển khai vũ khí hạt nhân tới Belarus,” những bước đi này của Nga thể hiện một “mối đe dọa mới chống lại NATO, vì vậy phản ứng của NATO ngày nay phải tương xứng với mức độ của mối đe dọa này”.

Duda đến Washington trong tuần này để tìm kiếm thêm cam kết cho các hệ thống phòng không Âu Châu nhằm bảo vệ liên minh khỏi hỏa tiễn của Nga, đồng thời cũng đang tìm kiếm các cam kết mới về sự hỗ trợ cho Ukraine và tăng chi tiêu quốc phòng trên toàn liên minh.

Ông nói: “Điều chúng tôi mong đợi là một chính sách rất nhất quán và cứng rắn của NATO với tư cách là một tập thể do Hoa Kỳ lãnh đạo để tăng cường chính sách quốc phòng của chúng tôi” trong toàn liên minh. “Chúng ta phải xây dựng lại các ngành công nghiệp quốc phòng của mình và chúng ta phải bổ sung nguồn dự trữ cũng như kho đạn dược, chúng ta phải làm điều đó cùng nhau và hôm nay chúng ta cũng phải hỗ trợ Ukraine không ngừng nghỉ.”

Một nỗ lực lớn tại hội nghị thượng đỉnh tuần này sẽ là ký kết một số thỏa thuận mua sắm quốc phòng nhằm tăng cường sản xuất đạn dược cho pháo binh, phòng không và máy bay, tất cả đều đã cạn kiệt trong hai năm chiến đấu vừa qua.

Duda nói: “Lời kêu gọi của tôi là chúng ta tăng cường tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 3% như thời Chiến tranh Lạnh”. Trong khi 23 trong số 32 thành viên liên minh sẽ đạt được mục tiêu 2% trong năm nay, đề xuất bảo đảm mục tiêu 2,5% tại hội nghị thượng đỉnh này đã bị bác bỏ trước lễ khai mạc.

Một mục tiêu của chính phủ Ba Lan – đưa Ukraine vào liên minh NATO – đang tiến gần hơn, khi một thông cáo dự kiến được công bố trong tuần này sẽ tuyên bố rằng con đường trở thành thành viên của Ukraine sẽ “không thể đảo ngược”. Đó là cụm từ Duda đặc biệt sử dụng khi nói về Ukraine, ngay cả khi việc gia nhập NATO của Kyiv vẫn còn nhiều năm nữa.

8. Úc buộc tội cặp vợ chồng gốc Nga âm mưu làm gián điệp cho Mạc Tư Khoa

Cảnh sát Australia đã bắt giữ hai công dân Australia gốc Nga bị tình nghi lấy tài liệu quân sự của nước này để chia sẻ với chính quyền Nga, Tập đoàn Phát thanh Australia (ABC) đưa tin hôm Thứ Sáu, 12 Tháng Bẩy.

Các vụ gián điệp liên quan đến Nga trên khắp Âu Châu đã gia tăng trong những tháng gần đây, với những người bị nghi ngờ là gián điệp hoặc kẻ phá hoại bị bắt ở Anh, Ba Lan, Đức, Hy Lạp, Áo, Latvia, Ý, Estonia và các quốc gia khác.

Igor Korolev, 62 tuổi và Kira Koroleva, 40 tuổi, được cho là đã bị giam giữ tại nhà của họ ở Công viên Everton, ngoại ô Brisbane vào ngày 11 tháng 7.

Cặp vợ chồng bị buộc tội chuẩn bị cho tội gián điệp, có thể phải chịu hình phạt lên tới 15 năm tù. ABC đưa tin đây là lần đầu tiên chính quyền Australia cáo buộc các cá nhân phạm tội gián điệp kể từ khi nước này thông qua luật can thiệp nước ngoài vào năm 2018.

Koroleva là binh nhì trong Lực lượng Phòng vệ Úc. Theo cảnh sát, cô đã đến thăm Nga trong thời gian nghỉ phép dài hạn và không thông báo cho chỉ huy về việc này. Khi ở Nga, Koroleva bị cáo buộc đã yêu cầu chồng đăng nhập vào tài khoản công việc của cô và truy cập tài liệu để gửi cho cô.

Liệu thông tin có được chia sẻ với chính quyền Nga hay không vẫn là đối tượng của cuộc điều tra.

Bản cáo trạng cáo buộc Igor Korolev có quan hệ với các quan chức tình báo Nga.

Hai vợ chồng này đã ở Úc hơn 10 năm trước khi bị cáo buộc phạm tội. Họ có thể phải đối mặt với cáo buộc tiếp theo khi cuộc điều tra tiếp tục.

9. Tổng thống Biden nói: Các đồng minh Âu Châu sẵn sàng cắt giảm đầu tư của Trung Quốc vì sự ủng hộ của nước này dành cho Nga

Hôm Thứ Năm, 11 Tháng Bẩy, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết các nước Âu Châu trong NATO sẵn sàng hạn chế đầu tư vào Trung Quốc vì nước này ủng hộ cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine.

Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh NATO coi Bắc Kinh là “người quyết định” cuộc chiến của Nga do dòng hàng hóa và thiết bị có công dụng kép đang chảy từ Trung Quốc sang Nga. Cuộc tập trận gần đây giữa Trung Quốc và Belarus chỉ cách biên giới với Ba Lan có 5km cũng là một yếu tố gây ra lo ngại.

Đây là một sự thay đổi căn bản đối với NATO, vì nhiều thành viên Âu Châu từ lâu đã ngần ngại công khai chỉ trích Trung Quốc do nước này đóng vai trò là đối tác kinh tế quan trọng.

“Chúng ta phải bảo đảm rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hiểu rằng sẽ phải trả giá cho việc gây ra tình trạng bất an ở cả lưu vực Thái Bình Dương cũng như Âu Châu”, Tổng thống Biden nói trong hội nghị thượng đỉnh NATO ở Mỹ. thủ đô.

Tổng thống Mỹ cảnh báo rằng Bắc Kinh “sẽ không được hưởng lợi về mặt kinh tế” và sẽ không nhận được “loại đầu tư mà họ đang tìm kiếm” nếu tiếp tục cung cấp cho Mạc Tư Khoa “các cơ chế” cho phép nước này thúc đẩy nỗ lực chiến tranh.

Sự hấp dẫn của Trung Quốc đối với các công ty Liên Hiệp Âu Châu đã giảm sút, trong đó các doanh nghiệp Âu Châu cho rằng lý do chính là tình trạng dư thừa năng lực trong các ngành và ưu đãi đối với các công ty trong nước.

“Hiện tại tôi đang làm việc với Tập – tôi có liên hệ trực tiếp với ông ấy,” Tổng thống Biden nói mà không giải thích thêm.

Trung Quốc đã tăng cường quan hệ kinh tế với Nga trong cuộc xâm lược toàn diện và ủng hộ nước này chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây nhưng khẳng định họ không ủng hộ bên nào trong cuộc chiến, nhấn mạnh sự cần thiết phải có một “giải pháp hòa bình”.

Bất chấp tuyên bố rằng họ kiểm soát chặt chẽ dòng hàng hóa có công dụng kép, dữ liệu cho thấy Trung Quốc đã trở thành nguồn cung cấp nguyên liệu hàng đầu cho Nga. Các đồng minh cảnh báo rằng sự hỗ trợ có thể còn sâu rộng hơn ở hậu trường và có thể bao gồm cả thông tin tình báo không gian địa lý.

Kyiv đã nhiều lần kêu gọi Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Mạc Tư Khoa để giúp chấm dứt chiến tranh, nhưng những nỗ lực này phần lớn đã không thành công khi quốc gia Đông Á này từ chối hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu vào tháng 6 ở Thụy Sĩ.

10. Trung Quốc bác bỏ khẳng định của NATO rằng nước này là 'người quyết định đánh hay hòa' trong cuộc chiến của Nga chống Ukraine

Trung Quốc bác bỏ quan điểm cho rằng họ đang ủng hộ cuộc chiến toàn diện của Nga chống lại Ukraine vào ngày 11 tháng 7, coi cáo buộc của NATO là “khiêu khích”.

Một ngày trước đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng các thành viên liên minh đồng ý rằng Trung Quốc là “người tạo điều kiện quyết định” cho cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine.

Tuyên bố chung của các thành viên NATO cũng đề cập rằng Trung Quốc là mối đe dọa đối với lợi ích và an ninh của liên minh, điều mà Stoltenberg nói là “lần đầu tiên tất cả các thành viên NATO nêu rõ điều này trong một tài liệu đã thống nhất”.

Hôm Thứ Sáu, 12 Tháng Bẩy, trong cuộc họp báo tại Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh nói rằng tuyên bố của NATO “chứa đầy tâm lý Chiến tranh Lạnh và những lời lẽ hiếu chiến”.

“Các đoạn văn liên quan đến Trung Quốc mang tính khiêu khích với những lời dối trá và bôi nhọ rõ ràng. Chúng tôi kiên quyết bác bỏ và lấy làm tiếc về những cáo buộc này và đã gửi những phản ánh nghiêm chỉnh tới NATO.”

Mao Ninh nói tiếp: “Chúng tôi không bao giờ cung cấp vũ khí sát thương cho bất kỳ bên nào trong cuộc xung đột và thực hiện kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt đối với hàng hóa có công dụng kép, bao gồm cả máy bay điều khiển từ xa dân sự”.

Trung Quốc tự cho mình là trung lập trong cuộc chiến đang diễn ra nhưng đã tăng cường quan hệ kinh tế với Nga và trở thành nguồn cung cấp hàng hóa lưỡng dụng hàng đầu của Mạc Tư Khoa để cung cấp cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga.

Lãnh đạo Trung Quốc trước đây phủ nhận việc ủng hộ cả hai bên trong cuộc chiến và tuyên bố rằng mối quan hệ của họ với Nga không vượt quá giới hạn của một mối quan hệ “bình thường”, đồng thời nhấn mạnh mối quan hệ đối tác chặt chẽ với Mạc Tư Khoa.
 
Tài liệu giải mật: Đánh Kharkiv, Nga thảm bại ra sao? Chiêu độc của Putin ở Đức lộ rồi! F16 và NASAM
VietCatholic Media
15:02 13/07/2024


1. Quân đội Nga thương vong 70.000 người trong 2 tháng qua

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian army had 70,000 casualties in past 2 months, UK reports”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hôm Thứ Bẩy, 13 Tháng Bẩy, Bộ Quốc phòng Anh cho biết quân đội Nga đang phải đối mặt với tỷ lệ tổn thất cao nhất trong cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine cho đến nay, với hơn 70.000 binh sĩ có thể thiệt mạng hoặc bị thương trong tháng 5 và tháng 6.

Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết sự gia tăng này có liên quan đến việc Nga mở mặt trận mới ở khu vực Kharkiv trong khi vẫn duy trì mức áp lực tương tự trên toàn bộ chiến tuyến dài 1.000 km ở phía đông và phía nam Ukraine.

Tuyên bố cho biết: “Mặc dù đường lối mới này đã làm tăng áp lực lên tiền tuyến nhưng hệ thống phòng thủ hiệu quả của Ukraine và việc thiếu sự đào tạo của Nga đã làm giảm khả năng của Nga trong việc khai thác bất kỳ thành công chiến thuật nào mặc dù đã cố gắng kéo dài tiền tuyến hơn nữa”.

Bộ Quốc phòng dự đoán tỷ lệ thương vong của Nga có thể sẽ tiếp tục ở mức trung bình khoảng 1.000 binh sĩ mỗi ngày trong hai tháng tới, khi Nga tiếp tục cố gắng áp đảo số lượng lớn các vị trí của Ukraine. Người Nga đang dần tiến lên chống lại lực lượng Ukraine ở khu vực Donetsk với cái giá phải trả là tổn thất lớn.

Ukraine không tiết lộ con số chính xác về tổn thất chiến tranh của mình, nhưng tỷ lệ tại mặt trận chiến tranh là một binh sĩ Ukraine trên sáu người Nga, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Philadelphia Inquirer vào tháng trước.

Chính phủ Nga cũng không tiết lộ tổn thất chính thức trong cuộc chiến chống Ukraine, tuy nhiên tuần trước The Economist đưa tin 462.000 và 728.000 binh sĩ Nga đã bị loại khỏi vòng chiến tính đến giữa tháng 6 – vượt qua con số sĩ quan và binh lính mà Nga có vào tháng 2 năm 2022.

Một chính quyền khu vực của Nga đã bắt đầu trả tiền cho những người dân nào thuyết phục được bạn bè và gia đình chiến đấu ở Ukraine.

2. Âm mưu sát hại trùm vũ khí Âu Châu của Nga bị Mỹ và Đức phá vỡ

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian plot to kill European weapons chief foiled by US and Germany”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Rheinmetall là nhà sản xuất đạn pháo 155ly lớn nhất của Đức, một nguồn tài nguyên quan trọng để người Ukraine tự vệ trước cuộc chiến của Nga.

Mỹ và Đức đã phá vỡ âm mưu của Nga nhằm sát hại giám đốc điều hành của nhà sản xuất vũ khí Đức Rheinmetall, Armin Papperger.

Hôm Thứ Sáu, 12 Tháng Bẩy, CNN dẫn lời các quan chức tình báo Mỹ và phương Tây đưa tin, kế hoạch giết Ban Giám đốc Rheinmetall là một phần trong hàng loạt âm mưu của Nga nhằm ám sát các giám đốc điều hành ngành công nghiệp quốc phòng trên khắp Âu Châu.

“Dựa trên những báo cáo mới nhất về Rheinmetall, đây thực sự là những gì chúng tôi đã trao đổi ngày càng rõ ràng hơn trong những tháng gần đây. Nga đang tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược hỗn hợp”, Annalena Baerbock, Ngoại trưởng Đức, cho biết tối thứ Năm bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington.

“Chúng tôi đã thấy rằng đã có những cuộc tấn công nhằm vào người dân trên lãnh thổ Âu Châu. Chúng tôi đã thấy rằng đã có những cuộc tấn công vào các nhà máy. Và điều này nhấn mạnh một lần nữa rằng chúng ta, những người Âu Châu, phải tự bảo vệ mình tốt nhất có thể và không được ngây thơ,” bà tiếp tục.

Một quan chức cao cấp của chính phủ Đức nói với CNN rằng các cơ quan tình báo Mỹ đã phát hiện ra âm mưu giết Papperger vào đầu năm nay, sau đó thông báo cho Đức, cơ quan an ninh của nước này sau đó đã có thể ngăn chặn âm mưu này.

Phát ngôn nhân của Rheinmetall xác nhận với POLITICO rằng công ty đã được chính quyền thông báo về mối đe dọa đã bị ngăn chặn. Ông nhấn mạnh rằng chưa có nỗ lực cụ thể nào để giết Papperger mà chỉ là một “âm mưu”.

Rheinmetall là nhà sản xuất đạn pháo 155ly lớn nhất và thành công nhất của Đức, là tài sản quan trọng của người Ukraine trong cuộc chiến chống Nga. Theo CNN, công ty này cũng sẽ mở một nhà máy sản xuất xe thiết giáp bên trong Ukraine trong những tuần tới, một diễn biến khiến Nga lo ngại.

Đây không phải là lần đầu tiên Nga bị cáo buộc âm mưu ám sát trên đất Đức.

Năm 2021, Vadim N. Krasikov, người mà chính quyền Đức xác định là nhân viên của FSB, cơ quan gián điệp nội địa của Nga, bị kết tội sát hại một cựu quân ly khai Chechnya giữa thanh thiên bạch nhật tại một công viên ở Berlin hai năm trước đó. Sau khi bị kết án, Đức đã trục xuất hai nhà ngoại giao Nga và căng thẳng giữa hai nước leo thang rõ rệt.

Vào tháng 6, các quan chức an ninh phương Tây đổ lỗi cho Nga về vụ hỏa hoạn tại nhà máy kim loại thuộc công ty sản xuất quốc phòng Diehl ở Berlin.

Sara Nanni, Nghị sĩ Đảng Xanh của Đức và là thành viên ủy ban quốc phòng, cho biết trong một bài đăng trên X rằng “tất cả đây là một phần trong cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine”.

“Nhưng chúng tôi phải nói rõ: chúng tôi cũng đang bị nhắm tới. Mục đích của những hành động như vậy là ngăn cản chúng tôi tham gia tích cực vào việc bảo vệ Ukraine và bảo vệ chính chúng tôi”

3. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh ngày Thứ Sáu, 12 Tháng Bẩy

Trong bản tin tình báo mới nhất, được công bố hôm Thứ Sáu, 12 Tháng Bẩy, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định liên quan đến con số thương vong của Nga trong thời gian gần đây.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Thương vong trung bình hàng ngày của người Nga bao gồm chết và bị thương ở Ukraine trong suốt tháng 5 và tháng 6 năm 2024, tăng lên mức cao nhất trong cuộc xung đột lần lượt là 1262 và 1163. Tổng cộng Nga có thể đã bị loại khỏi vòng chiến hơn 70.000 nhân lực trong hai tháng qua.

Tổn thất gia tăng phản ánh việc Nga mở mặt trận mới ở khu vực Kharkiv, trong khi vẫn duy trì tỷ lệ hoạt động tấn công tương tự ở phần còn lại của mặt trận. Mặc dù cách tiếp cận mới này đã làm tăng áp lực lên tiền tuyến, nhưng hệ thống phòng thủ hiệu quả của Ukraine và việc Nga thiếu đào tạo đã làm giảm khả năng của Nga trong việc khai thác bất kỳ thành công chiến thuật nào, mặc dù đã cố gắng kéo dài tiền tuyến hơn nữa.

Tỷ lệ thương vong của Nga có thể sẽ tiếp tục ở mức trung bình trên 1.000 mỗi ngày trong hai tháng tới khi Nga tiếp tục cố gắng áp đảo các vị trí của Ukraine với quân số đông đảo.

4. Tình báo quân sự cho biết xe chạy dưới lòng biển sâu của Nga bị hư hỏng sau vụ va chạm ở Biển Na Uy

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Sáu, 12 Tháng Bẩy, Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Đại Úy Andriy Yusov, cho biết một xe chạy dưới lòng biển sâu của Nga đã bị hư hại nặng trong quá trình thử nghiệm ở biển Na Uy.

Theo cơ quan này, thủy thủ đoàn trên tàu Mikhail Rudnitsky của Hạm đội phương Bắc, đã “mất kiểm soát” khi phóng AS-36 vào ngày 1 Tháng Bẩy. Chiếc xe sau khi được phóng xuống biển đã đánh một vòng cung, lao vào thân con tàu. Lý do là do người điều khiển chưa thành thạo.

Đại Úy Yusov cho biết: “Hậu quả của sự việc là xe di chuyển dưới biển sâu của Nga bị hư hỏng nên không thể tiếp tục thử nghiệm”.

Ông cho biết AS-36 đã được hiện đại hóa tại xưởng đóng tàu ở St. Petersburg từ năm 2017. Nga hiện đang đánh giá thiệt hại và thời gian cần thiết để sửa chữa chiếc xe này.

Hải quân Ukraine hồi tháng 6 cho biết tàu chống ngầm Đô đốc Levchenko của Nga đã bốc cháy ở Biển Barents sau khi một động cơ gặp trục trặc và bốc cháy.

Theo quân đội Ukraine, khoảng 30% Hạm đội Hắc Hải của Nga đã bị lực lượng Ukraine tiêu diệt tính đến tháng 12 năm 2023.

5. Orbán nói cựu Tổng thống Trump 'sẽ giải quyết' cuộc chiến Nga-Ukraine

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Trump’s ‘going to solve’ Russia-Ukraine war, says Orbán”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán tuyên bố rằng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ “giải quyết” cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

“Thật vinh dự được đến thăm cựu Tổng thống Trump ngày hôm nay. Chúng tôi đã thảo luận các cách thế để tạo dựng hòa bình. Tin tốt trong ngày: ông ấy sẽ giải quyết được nó!” Orbán cho biết sau cuộc gặp với cựu Tổng thống Trump tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ứng cử viên Đảng Cộng hòa năm 2024 ở Florida.

Ông Trump đồng ý với Orbán. “Phải có hòa bình và nhanh chóng. Quá nhiều người đã chết trong một cuộc chiến đáng lẽ không bao giờ nên bắt đầu!” ông nói trong một bài đăng trên nền tảng Truth Social của mình.

Chiến dịch hòa bình Ukraine do nhà lãnh đạo Hung Gia Lợi tự tuyên bố hiện đã đến Kyiv, Mạc Tư Khoa, Bắc Kinh và Palm Beach, đồng thời bao gồm các cuộc gặp với nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelenskiy, Putin, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và bây giờ là cựu Tổng thống Trump.

Nhưng Ukraine đã không yêu cầu Orbán hỗ trợ, thay vào đó đang tìm kiếm kế hoạch hòa bình của riêng mình và trừng phạt Nga vì cuộc xâm lược toàn diện của nước này đã kéo dài gần hai năm rưỡi.

“ Với tất cả sự tôn trọng dành cho tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, chúng tôi phải nói rằng không phải nhà lãnh đạo nào cũng có thể đàm phán. Bạn cần phải có những quyền hạn và sức mạnh nhất định cho việc này”, ông Zelenskiy nói khi bình luận về sứ mệnh hòa bình của nhà lãnh đạo Hung Gia Lợi trong cuộc họp báo hôm Thứ Năm, 11 Tháng Bẩy.

Về phần mình, Orbán đã lặp lại những quan điểm của Nga về cuộc chiến, đồng thời thúc đẩy các sáng kiến hòa bình khác, như kế hoạch của Trung Quốc nhằm đóng băng xung đột và không hỗ trợ tài chính cho Ukraine.

Kể từ khi Hung Gia Lợi đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên minh Âu Châu vào đầu tháng 7, Orbán tuyên bố ông đang sử dụng chức vụ chủ tịch để thực hiện các bước hướng tới hòa bình trong cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine - mặc dù thực tế là vai trò của Budapest không mang lại cho ông địa vị ngoại giao đặc biệt nào..

Sau cuộc gặp với Putin và Tập, Orbán tiến tới Washington, nơi ông triệu tập các nhà lãnh đạo NATO tại hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập liên minh.

Đảng Fidesz của Orbán vừa phải hứng chịu kết quả yếu nhất trong 15 năm tại cuộc bầu cử Âu Châu, và một đối thủ mới đã xuất hiện. Péter Magyar là đồng minh lâu năm của Orbán, nhưng vào tháng 2, ông ta đã chống lại chính quyền Budapest, bắt đầu một phong trào công khai trở thành một đảng - và giành được gần 30% số phiếu bầu tại thùng phiếu. Đây là màn thể hiện mạnh mẽ nhất của một đảng đối lập ở Hung Gia Lợi trong 15 năm qua.

Sau một cuộc suy thoái nghiêm trọng và ngân sách trống rỗng, Orbán có rất ít điều có thể mang lại cho công chúng để có thể giành được sự ủng hộ của người dân Hung Gia Lợi, hay còn gọi là Hungary. Tuy nhiên, ông ta có thể cố thể hiện mình là một “người kiến tạo hòa bình”, giống như ông ta đã làm trong chiến dịch bầu cử.

“Orbán có truyền thống xây dựng một câu chuyện chính sách đối ngoại mở rộng trên thực tế kể từ năm 2014-2015. Kết quả rõ ràng hiện nay của điều này là câu chuyện về 'Sứ mệnh hòa bình', nhưng thực chất là việc theo đuổi lợi ích kinh tế của riêng mình và được ông ấy xây dựng rất nhiều cho số cử tri nòng cốt của mình trong cuộc bầu cử vừa qua,” Botond Feledy, một nhà phân tích địa chính trị tại Red Snow, nói với POLITICO.

Cựu Tổng thống Trump, người dẫn đầu Tổng thống đương nhiệm Tổng thống Joe Biden trong cuộc bỏ phiếu ở một số bang xung đột quan trọng cho cuộc bầu cử vào tháng 11, cũng đã nhiều lần nói rằng ông sẽ nhanh chóng kết thúc chiến tranh - ngay cả trước khi ông lên nắm quyền tổng thống.

6. Truyền thông Nga đưa tin máy bay chở khách Nga rơi gần Mạc Tư Khoa, 3 người thiệt mạng

Truyền thông nhà nước Nga ngày 12 Tháng Bẩy đưa tin một chiếc máy bay chở khách của Nga đã rơi xuống một khu rừng gần thủ đô Mạc Tư Khoa, khiến cả 3 thành viên phi hành đoàn trên máy bay thiệt mạng.

Theo hãng tin TASS, chiếc Superjet 100 được thiết kế trong nước đang thực hiện chuyến bay thử nghiệm sau khi được bảo trì theo lịch trình và bị rơi chỉ hơn một giờ sau khi cất cánh.

Hãng thông tấn RIA cho biết thảm họa xảy ra tại một khu rừng thuộc quận Kolomensky, cách Mạc Tư Khoa khoảng 60 km về phía đông nam.

Một cuộc điều tra đã được tiến hành để tìm hiểu nguyên nhân vụ tai nạn.

Gọi là Superjet, nhưng chiếc máy bay này không siêu một chút nào. Superjet 100 đã liên quan đến một số vụ tai nạn chết người khác kể từ khi được giới thiệu vào năm 2011.

Năm 2019, một máy bay phản lực bốc cháy khi hạ cánh khẩn cấp xuống phi trường Sheremetyevo ở Mạc Tư Khoa, khiến 41 người thiệt mạng.

Vào tháng 5 năm 2012, một chiếc khác bay vào một ngọn núi lửa không hoạt động ở Indonesia, khiến toàn bộ 45 người trên máy bay thiệt mạng.

7. F-16, Patriot và NASAM: Ukraine đang tiến xa đến mức nào sau Hội nghị thượng đỉnh NATO

Tờ Newsweek đưa ra câu hỏi trên trong bài tường trình nhan đề “F-16s, Patriots and NASAMS: What Ukraine Is Getting So Far from NATO Summit”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Bước vào ngày cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh NATO, Ukraine đã đạt được những cam kết mới về viện trợ quân sự, với những thông báo mới vẫn được mong đợi trước khi kết thúc cuộc họp của liên minh ở Washington.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra hôm thứ Ba rằng Washington, Berlin và Bucharest sẽ cung cấp thêm ba khẩu đội phòng không Patriot cho Ukraine.

Tổng thống cho biết Hòa Lan và “các đối tác khác” sẽ đóng góp các thành phần để đưa tổ hợp Patriot mới thứ tư vào hoạt động, đồng thời cho biết thêm rằng Ý sẽ gửi một hệ thống phòng không SAMP-T khác của mình.

“Ngoài ra, trong những tháng tới, Mỹ và các đối tác có ý định cung cấp cho Ukraine hàng chục hệ thống phòng không chiến thuật”, Tổng thống Biden nói. Điều này sẽ bao gồm pháo phòng không tự hành Gepard do Đức sản xuất, hệ thống phòng không tầm trung NASAMS và các biến thể của hệ thống IRIS-T.

Các hệ thống phòng không và việc cung cấp hỏa tiễn để duy trì hoạt động là ưu tiên hàng đầu của Kyiv khi nước này phải đối mặt với các cuộc bắn phá liên tục của hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa của Nga.

Trong một tuyên bố riêng, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết Canada đã hứa viện trợ quân sự thêm 500 triệu CAD, tương đương khoảng 367 triệu Mỹ Kim. Tuyên bố từ văn phòng tổng thống Kyiv không nêu rõ nội dung của gói viện trợ.

Phát biểu bên lề hội nghị thượng đỉnh, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết chiếc chiến đấu cơ F-16 đầu tiên được cam kết - mà Ukraine đã yêu cầu từ lâu - đang trên đường đến Ukraine từ Đan Mạch và Hòa Lan.

Trong một tuyên bố riêng với Tổng thống Biden, Thủ tướng Hòa Lan Dick Schoof và Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen do Tòa Bạch Ốc công bố, ba nước cho biết “quá trình chuyển giao những chiếc F-16 này hiện đang được tiến hành và Ukraine sẽ vận hành những chiếc F- 16 vào mùa hè này. “

Ukraine được cho là sẽ có tổng cộng 85 máy bay phản lực, trong đó một số máy bay đóng quân bên ngoài lãnh thổ Kyiv để bảo vệ họ khỏi các cuộc tấn công của Nga.

Tuy nhiên, các mốc thời gian để đưa các máy bay tiên tiến này vào hoạt động trong nước đã bị trì hoãn. Trước khi các máy bay phản lực cất cánh, các nước tài trợ F-16 cho biết, nhân viên Ukraine phải hoàn thành các chương trình đào tạo của họ và cơ sở hạ tầng cũng như cơ sở vật chất cần thiết phải được đưa vào sử dụng ở nước này.

Các máy bay phản lực này sẽ là sự nâng cấp đáng kể cho lực lượng không quân Ukraine, vốn đã bị vùi dập sau hơn hai năm chiến tranh chống lại một lực lượng không quân lớn hơn và vượt trội của Nga. Nga đã sử dụng máy bay của mình, bay ngoài tầm với của lực lượng phòng không Kyiv, để thực hiện các cuộc tấn công bằng bom dẫn đường trên không có sức tàn phá lớn vào Ukraine.

Vào ngày cuối cùng, đã có thêm những cam kết viện trợ trong tương lai từ 32 thành viên NATO trước khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh.

Trong bài phát biểu tối hàng ngày hôm Thứ Năm, 11 Tháng Bẩy, Tổng thống Zelenskiy cũng loan báo cho quốc dân đồng bào một thông báo mới về máy bay phản lực do phương Tây sản xuất. Ông nói rằng: “Sẽ sớm có quyết định liên quan đến F-16. Chúng tôi đang tăng số lượng máy bay có sẵn cho Ukraine.”

NATO cũng xác nhận hôm thứ Tư rằng các thành viên của tổ chức này sẽ cung cấp “khoản tài trợ cơ bản tối thiểu” trị giá hơn 43 tỷ Mỹ Kim để hỗ trợ an ninh cho Ukraine trong năm tới.

Ngay trước hội nghị thượng đỉnh, Mỹ đã công bố viện trợ quân sự mới tập trung vào các hệ thống phòng không và hỏa tiễn đánh chặn, cũng như đạn pháo và hỏa tiễn chống tăng.

Hôm Chúa Nhật, Bộ trưởng Quốc phòng mới của Vương quốc Anh, John Healey, cho biết trong chuyến thăm thành phố Odesa phía nam Ukraine rằng Luân Đôn sẽ gửi một gói viện trợ mới cho Ukraine, trong đó sẽ có thêm các hệ thống pháo, 250.000 viên đạn và gần 100 hỏa tiễn chống tăng và hỏa tiễn có độ chính xác cao.

Chính phủ Anh hôm Chúa Nhật cho biết, một đợt viện trợ mà Anh cam kết vào tháng 4, bao gồm khoảng 1.600 hỏa tiễn cho cả hệ thống phòng không và tấn công tài sản của đối phương, sẽ đến Ukraine trong vòng 100 ngày.

8. Phó Thủ tướng Ukraine cho biết số lượng nữ quân nhân tăng vọt với hơn 10.000 phụ nữ phục vụ ở tiền tuyến

Phó Thủ tướng phụ trách hội nhập Âu Châu và Âu Châu-Đại Tây Dương Olha Stefanishyna xác nhận vào ngày 11 Tháng Bẩy rằng hơn 10.000 phụ nữ hiện đang thực hiện vai trò chiến đấu trên tiền tuyến của Ukraine.

Tổng số này đánh dấu sự gia tăng đáng kể về số lượng phụ nữ phục vụ trong vai trò chiến đấu tích cực, lên tới khoảng 5.000 phụ nữ trong năm đầu tiên của cuộc xâm lược toàn diện.

Stefanishyna cho biết tại một hội thảo về lãnh đạo nữ tại Diễn đàn công cộng NATO: “Ngày càng có nhiều phụ nữ phục vụ trong lực lượng phòng thủ, với hơn 10.000 phụ nữ hiện đang thực hiện nhiệm vụ chiến đấu ở tiền tuyến”.

Stefanishyna nói thêm: “Người Ukraine đang đoàn kết chống lại sự xâm lược của Nga - cả nam giới và nữ giới”.

Bộ Quốc phòng Ukraine trước đó đã báo cáo rằng hơn 67.000 phụ nữ phục vụ trong Lực lượng Vũ trang Ukraine - tăng từ 41.000 vào năm 2022. Tổng số cập nhật bao gồm 19.000 nhân viên làm việc trong các vai trò phi quân sự, số còn lại là quân nhân.

Phụ nữ hiện không bị điều động, chỉ áp dụng cho nam giới trong độ tuổi từ 25 đến 60.

Vào tháng 12 năm 2023, Bộ Quốc phòng Ukraine đã phê duyệt áo giáp được thiết kế đặc biệt dành cho phụ nữ - loại áo giáp đầu tiên thuộc loại này.

Áo khoác mới có tấm áo giáp cong và phần vai hẹp hơn để mang lại cảm giác vừa vặn hơn cho các nữ quân nhân và được công ty Ukraine Armor sản xuất trong nước.

9. Nga thề đáp trả 'quân sự' khi vũ khí siêu thanh của Mỹ hướng tới Âu Châu

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Vows 'Military' Response as US Hypersonic Weapons Head to Europe”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một quan chức hàng đầu của Nga tuyên bố sẽ có “phản ứng quân sự” sau khi Mỹ tuyên bố sẽ triển khai vũ khí siêu thanh đang phát triển ở Âu Châu.

Sergei Ryabkov, Thứ trưởng Ngoại giao Nga phụ trách quan hệ với Mỹ, đặc trách về các hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và kiểm soát vũ khí, đã đưa ra cảnh báo bên lề Diễn đàn Nghị viện BRICS lần thứ 10 tại St. Petersburg, hãng thông tấn nhà nước Tass đưa tin hôm Thứ Năm, 11 Tháng Bẩy.

Nhà ngoại giao Nga cho biết: “Chúng tôi sẽ phát triển phản ứng quân sự trước mối đe dọa mới một cách bình tĩnh và với cái đầu lạnh”.

Ông phát biểu như vậy sau khi Mỹ và Đức tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh liên minh quân sự NATO ở Washington rằng vào năm 2026, Mỹ sẽ triển khai hỏa tiễn tầm xa ở Đức.

Mối quan hệ giữa Washington và Mạc Tư Khoa ngày càng trở nên căng thẳng sau quyết định của Putin tiến hành một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Các quan chức Nga và khách mời trên truyền hình nhà nước Nga thường xuyên kêu gọi tấn công vào đất Mỹ vì viện trợ và vũ khí do Mỹ cung cấp tới Kyiv.

Tuyên bố chung từ Đức và Hoa Kỳ cho biết hai nước sẽ bắt đầu “triển khai từng đợt khả năng hỏa lực tầm xa của Lực lượng đặc nhiệm đa miền của mình ở Đức vào năm 2026, như một phần trong kế hoạch duy trì các khả năng này trong tương lai”.

“Khi được phát triển đầy đủ, các đơn vị hỏa lực tầm xa thông thường này sẽ bao gồm SM-6, Tomahawk và vũ khí siêu thanh đang phát triển, có tầm bắn xa hơn đáng kể so với các hỏa lực trên đất liền hiện nay ở Âu Châu.

Hoa Kỳ và Đức cho biết việc thực hiện “các khả năng tiên tiến” này sẽ “thể hiện cam kết của Hoa Kỳ với NATO và những đóng góp của nước này đối với khả năng răn đe tổng hợp của Âu Châu”.

Đó là “một chiến thuật đe dọa, gần như là nền tảng của chính sách mà NATO và Mỹ theo đuổi đối với Nga hiện nay. Chúng tôi sẽ đưa ra phản ứng một cách bình tĩnh và chuyên nghiệp”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga nói.

Thứ Năm đánh dấu ngày cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington. NATO đã đưa ra một thông cáo hôm thứ Tư nói rằng liên minh quân sự gồm 32 thành viên sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine “trên con đường không thể đảo ngược để hội nhập hoàn toàn vào Euro-Atlantic, bao gồm cả tư cách thành viên NATO”.

NATO sẽ “có thể đưa ra lời mời Ukraine gia nhập liên minh khi các đồng minh đồng ý và các điều kiện được đáp ứng”.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trong một cuộc họp báo: “Vấn đề không phải là nếu, mà là khi nào”.

Ngài Christopher Harper, một thành viên cao cấp không thường trú tại Trung tâm Chiến lược và An ninh Scowcroft, cho biết trong phân tích của tổ chức tư vấn Hội đồng Đại Tây Dương rằng từ “không thể đảo ngược” liên quan đến con đường trở thành thành viên NATO của Ukraine là “mạnh mẽ và quan trọng”.

Harper nói: “Người ta không nên đánh giá thấp việc đạt được sự đồng thuận về vấn đề này sẽ khó khăn đến mức nào.” Tuyên bố mạnh mẽ này ngụ ý là con đường này không thể bị đảo ngược trong bất kỳ cuộc đàm phán nào có thể xảy ra với Nga.

10. Bloomberg cho biết Nga phải đối mặt với tháng tăng giá thứ 6 liên tiếp

Nga đang phải đối mặt với tháng thứ sáu liên tiếp giá cả tăng cao, đặc biệt ảnh hưởng đến chi phí thực phẩm và nhiên liệu, Bloomberg đưa tin hôm 10 Tháng Bẩy, trích dẫn dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Liên bang Nga.

Nga đang phải gánh chịu gánh nặng chi tiêu quốc phòng khổng lồ bắt nguồn từ cuộc chiến toàn diện chống lại Ukraine, vốn đã tăng lên gần 30% ngân sách vào năm 2024.

Cuộc chiến toàn diện của Nga chống lại Ukraine đã góp phần thúc đẩy lạm phát giá cả trên toàn cầu, một phần do nguồn cung cấp thực phẩm và năng lượng bị gián đoạn. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây cũng đã cô lập nền kinh tế Nga trong khi chi tiêu của chính phủ tiếp tục tăng cao.

Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Nga trong tháng 6 là 8,59%, tăng từ mức 8,30% của tháng trước. Con số này cao hơn đáng kể so với Mỹ, dự kiến vào khoảng 3,1% trong tháng Sáu.

Theo số liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tỷ lệ lạm phát của Nga cũng cao hơn mức trung bình của Đông Âu và các nước láng giềng Nga.

Giá các mặt hàng thực phẩm quan trọng ở Nga đã tăng đáng kể—rau có giá cao hơn 19% so với thời điểm này vào năm 2023 và giá khoai tây đã tăng gần 34% so với tháng trước.

Giá nhiên liệu cũng tăng đều đặn trong những tuần gần đây.

Ngân hàng Nga đã giữ lãi suất ở mức 16% kể từ tháng 12 năm 2023, nhưng giám đốc của nó, Elvira Nabiullina, cảnh báo rằng có thể cần phải tăng “đáng kể” nếu tỷ lệ lạm phát hiện tại không giảm.

Bloomberg viết rằng những số liệu này cho thấy ngân hàng có “ít lựa chọn ngoài việc thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ”, dẫn đến khả năng tăng lãi suất tại cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Nga dự kiến vào ngày 26 tháng 7.

11. Úc công bố viện trợ quân sự 168 triệu Mỹ Kim cho Ukraine

Bộ Quốc phòng Australia hôm 11 Tháng Bẩy đã công bố khoản hỗ trợ quân sự trị giá 250 triệu đô la Australia hay 168 triệu Mỹ Kim cho Ukraine, đây là gói viện trợ lớn nhất mà nước này cung cấp kể từ khi bắt đầu cuộc chiến toàn diện.

Gói này sẽ bao gồm hỏa tiễn phòng không, vũ khí không đối đất, bao gồm vũ khí dẫn đường, vũ khí chống tăng, đạn pháo, đạn dược và giầy quân sự.

Phó Thủ tướng và Bộ Quốc phòng Richard Marles cho biết: “Việc cung cấp các khả năng phòng không có năng lực cao và các loại đạn có độ chính xác không đối đất là gói hỗ trợ lớn nhất của Australia dành cho Ukraine và sẽ đóng góp to lớn vào nỗ lực chấm dứt xung đột theo các điều kiện của Australia”.

Úc cũng sẽ tham gia sáng kiến huấn luyện và an ninh mới của NATO dành cho Ukraine, dựa trên chương trình huấn luyện của chính Australia dành cho binh sĩ Ukraine đóng tại Anh.

Với việc bổ sung các quỹ mới được công bố, tổng viện trợ của Úc cho Ukraine đã lên tới 1,3 tỷ đô la Úc hay 878 triệu Mỹ Kim, bao gồm 1,1 tỷ đô la Úc hay 743 triệu Mỹ Kim hỗ trợ quân sự.

Bộ Quốc phòng cho biết, mặc dù Australia không phải là thành viên NATO nhưng Marles đã tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington và gặp Tổng thống Volodymyr Zelenskiy.

12. Các cuộc tấn công của Nga vào tỉnh Donetsk khiến 6 người thiệt mạng, 19 người bị thương

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Bẩy, 13 Tháng Bẩy, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska, cho biết lực lượng Nga đã thực hiện một số cuộc tấn công nhằm vào tỉnh Donetsk vào sáng cùng ngày, khiến 6 người thiệt mạng và ít nhất 19 người khác bị thương.

Thị trấn Lyman ở quận Kramatorsk bị pháo kích khiến 7 người bị thương. Nhà dân và ít nhất một phương tiện cá nhân đã bị phá hủy.

Tại khu vực Pokrovsk, 4 người thiệt mạng và 9 người khác bị thương, trong đó có một trẻ em, do vụ pháo kích.

Ít nhất hai người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát ở thành phố Kostyantynivka sau trận pháo kích dữ dội và hỏa hoạn tại một trong các tòa nhà. Ít nhất 3 người khác cũng bị thương. Trong quá trình cấp cứu, các nhân viên cấp cứu đã vớt được hai thi thể từ đống đổ nát.

Nga đang tiến hành các cuộc tấn công dữ dội ở nhiều khu vực ở mặt trận phía đông, bao gồm cả tỉnh Donetsk, sau khi chiếm được thành phố Avdiivka vào tháng 2.
 
Cựu Tổng thống Trump bị bắn trong một vụ mưu sát khi đang vận động tranh cử. F-16, Patriot và NASAM
VietCatholic Media
18:08 13/07/2024


1. Cựu Tổng thống Trump bị bắn trong một vụ mưu sát khi đang vận động tranh cử

Ký giả Will Potter của tờ Daily Mail cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Trump appears to be SHOT in the ear and is left with blood strewn across his face during rally in Pennsylvania”, nghĩa là “Cựu Tổng thống Trump dường như bị bắn vào tai để lại vệt máu trên mặt trong cuộc vận động tranh cử ở Pennsylvania”.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Những phát súng nổ ra tại cuộc vận động tranh cử của cựu Tổng thống Donald Trump ở Pennsylvania khi cựu tổng thống được nhìn thấy với vết máu trên mặt.

Diễn biến này xảy ra vào khoảng 6 giờ chiều Thứ Bẩy, 13 Tháng Bẩy, tức là 5 giờ sáng Chúa Nhật, 14 Tháng Bẩy, theo giờ Việt Nam.

Donald Trump dường như bị bắn vào tai khi những phát súng được bắn vào cựu tổng thống tại một cuộc biểu tình ở Pennsylvania rõ ràng là muốn giết chết ông ấy.

Cựu Tổng thống Trump được nhìn thấy giơ tay đỡ một bên mặt và máu bắn tung tóe trên má ông khi người ta nghe thấy một số âm thanh lốp bốp của tiếng súng.

Tuy nhiên, cựu tổng thống nhanh chóng tung nắm đấm lên trời, hướng vào đám đông để cho những người ủng hộ thấy rằng ông không bị thương nặng, trong khi các nhân viên mật vụ chạy lên sân khấu để đưa ông đi. Tổng thống đã được đưa lên một chiếc SUV và lái nhanh ra khỏi hiện trường. Cho đến nay, có thể khẳng định ông ấy không bị nguy hiểm đến tính mạng.

Vụ nổ súng diễn ra khi cựu Tổng thống Trump phát biểu trước những người ủng hộ tại một cuộc vận động tranh cử ở Butler, Pennsylvania.

Cảnh tượng điên cuồng diễn ra khi tiếng súng vang lên khi những người ủng hộ cựu Tổng thống Trump tìm cách thoát thân khỏi sự kiện.

Khi Trump giơ nắm đấm trước đám đông, một số người đã hò reo tên ông và hô vang 'Hoa Kỳ' và 'Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại'.

Không có thông tin ban đầu về kẻ xả súng có thể là ai hoặc liệu có bất kỳ vụ bắt giữ nào được thực hiện tại sự kiện này hay không.

2. Quân đội Nga thương vong 70.000 người trong 2 tháng qua

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian army had 70,000 casualties in past 2 months, UK reports”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hôm Thứ Bẩy, 13 Tháng Bẩy, Bộ Quốc phòng Anh cho biết quân đội Nga đang phải đối mặt với tỷ lệ tổn thất cao nhất trong cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine cho đến nay, với hơn 70.000 binh sĩ có thể thiệt mạng hoặc bị thương trong tháng 5 và tháng 6.

Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết sự gia tăng này có liên quan đến việc Nga mở mặt trận mới ở khu vực Kharkiv trong khi vẫn duy trì mức áp lực tương tự trên toàn bộ chiến tuyến dài 1.000 km ở phía đông và phía nam Ukraine.

Tuyên bố cho biết: “Mặc dù đường lối mới này đã làm tăng áp lực lên tiền tuyến nhưng hệ thống phòng thủ hiệu quả của Ukraine và việc thiếu sự đào tạo của Nga đã làm giảm khả năng của Nga trong việc khai thác bất kỳ thành công chiến thuật nào mặc dù đã cố gắng kéo dài tiền tuyến hơn nữa”.

Bộ Quốc phòng dự đoán tỷ lệ thương vong của Nga có thể sẽ tiếp tục ở mức trung bình khoảng 1.000 binh sĩ mỗi ngày trong hai tháng tới, khi Nga tiếp tục cố gắng áp đảo số lượng lớn các vị trí của Ukraine. Người Nga đang dần tiến lên chống lại lực lượng Ukraine ở khu vực Donetsk với cái giá phải trả là tổn thất lớn.

Ukraine không tiết lộ con số chính xác về tổn thất chiến tranh của mình, nhưng tỷ lệ tại mặt trận chiến tranh là một binh sĩ Ukraine trên sáu người Nga, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Philadelphia Inquirer vào tháng trước.

Chính phủ Nga cũng không tiết lộ tổn thất chính thức trong cuộc chiến chống Ukraine, tuy nhiên tuần trước The Economist đưa tin 462.000 và 728.000 binh sĩ Nga đã bị loại khỏi vòng chiến tính đến giữa tháng 6 – vượt qua con số sĩ quan và binh lính mà Nga có vào tháng 2 năm 2022.

Một chính quyền khu vực của Nga đã bắt đầu trả tiền cho những người dân nào thuyết phục được bạn bè và gia đình chiến đấu ở Ukraine.

3. Âm mưu sát hại trùm vũ khí Âu Châu của Nga bị Mỹ và Đức phá vỡ

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian plot to kill European weapons chief foiled by US and Germany”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Rheinmetall là nhà sản xuất đạn pháo 155ly lớn nhất của Đức, một nguồn tài nguyên quan trọng để người Ukraine tự vệ trước cuộc chiến của Nga.

Mỹ và Đức đã phá vỡ âm mưu của Nga nhằm sát hại giám đốc điều hành của nhà sản xuất vũ khí Đức Rheinmetall, Armin Papperger.

Hôm Thứ Sáu, 12 Tháng Bẩy, CNN dẫn lời các quan chức tình báo Mỹ và phương Tây đưa tin, kế hoạch giết Ban Giám đốc Rheinmetall là một phần trong hàng loạt âm mưu của Nga nhằm ám sát các giám đốc điều hành ngành công nghiệp quốc phòng trên khắp Âu Châu.

“Dựa trên những báo cáo mới nhất về Rheinmetall, đây thực sự là những gì chúng tôi đã trao đổi ngày càng rõ ràng hơn trong những tháng gần đây. Nga đang tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược hỗn hợp”, Annalena Baerbock, Ngoại trưởng Đức, cho biết tối thứ Năm bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington.

“Chúng tôi đã thấy rằng đã có những cuộc tấn công nhằm vào người dân trên lãnh thổ Âu Châu. Chúng tôi đã thấy rằng đã có những cuộc tấn công vào các nhà máy. Và điều này nhấn mạnh một lần nữa rằng chúng ta, những người Âu Châu, phải tự bảo vệ mình tốt nhất có thể và không được ngây thơ,” bà tiếp tục.

Một quan chức cao cấp của chính phủ Đức nói với CNN rằng các cơ quan tình báo Mỹ đã phát hiện ra âm mưu giết Papperger vào đầu năm nay, sau đó thông báo cho Đức, cơ quan an ninh của nước này sau đó đã có thể ngăn chặn âm mưu này.

Phát ngôn nhân của Rheinmetall xác nhận với POLITICO rằng công ty đã được chính quyền thông báo về mối đe dọa đã bị ngăn chặn. Ông nhấn mạnh rằng chưa có nỗ lực cụ thể nào để giết Papperger mà chỉ là một “âm mưu”.

Rheinmetall là nhà sản xuất đạn pháo 155ly lớn nhất và thành công nhất của Đức, là tài sản quan trọng của người Ukraine trong cuộc chiến chống Nga. Theo CNN, công ty này cũng sẽ mở một nhà máy sản xuất xe thiết giáp bên trong Ukraine trong những tuần tới, một diễn biến khiến Nga lo ngại.

Đây không phải là lần đầu tiên Nga bị cáo buộc âm mưu ám sát trên đất Đức.

Năm 2021, Vadim N. Krasikov, người mà chính quyền Đức xác định là nhân viên của FSB, cơ quan gián điệp nội địa của Nga, bị kết tội sát hại một cựu quân ly khai Chechnya giữa thanh thiên bạch nhật tại một công viên ở Berlin hai năm trước đó. Sau khi bị kết án, Đức đã trục xuất hai nhà ngoại giao Nga và căng thẳng giữa hai nước leo thang rõ rệt.

Vào tháng 6, các quan chức an ninh phương Tây đổ lỗi cho Nga về vụ hỏa hoạn tại nhà máy kim loại thuộc công ty sản xuất quốc phòng Diehl ở Berlin.

Sara Nanni, Nghị sĩ Đảng Xanh của Đức và là thành viên ủy ban quốc phòng, cho biết trong một bài đăng trên X rằng “tất cả đây là một phần trong cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine”.

“Nhưng chúng tôi phải nói rõ: chúng tôi cũng đang bị nhắm tới. Mục đích của những hành động như vậy là ngăn cản chúng tôi tham gia tích cực vào việc bảo vệ Ukraine và bảo vệ chính chúng tôi”

4. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh ngày Thứ Sáu, 12 Tháng Bẩy

Trong bản tin tình báo mới nhất, được công bố hôm Thứ Sáu, 12 Tháng Bẩy, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định liên quan đến con số thương vong của Nga trong thời gian gần đây.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Thương vong trung bình hàng ngày của người Nga bao gồm chết và bị thương ở Ukraine trong suốt tháng 5 và tháng 6 năm 2024, tăng lên mức cao nhất trong cuộc xung đột lần lượt là 1262 và 1163. Tổng cộng Nga có thể đã bị loại khỏi vòng chiến hơn 70.000 nhân lực trong hai tháng qua.

Tổn thất gia tăng phản ánh việc Nga mở mặt trận mới ở khu vực Kharkiv, trong khi vẫn duy trì tỷ lệ hoạt động tấn công tương tự ở phần còn lại của mặt trận. Mặc dù cách tiếp cận mới này đã làm tăng áp lực lên tiền tuyến, nhưng hệ thống phòng thủ hiệu quả của Ukraine và việc Nga thiếu đào tạo đã làm giảm khả năng của Nga trong việc khai thác bất kỳ thành công chiến thuật nào, mặc dù đã cố gắng kéo dài tiền tuyến hơn nữa.

Tỷ lệ thương vong của Nga có thể sẽ tiếp tục ở mức trung bình trên 1.000 mỗi ngày trong hai tháng tới khi Nga tiếp tục cố gắng áp đảo các vị trí của Ukraine với quân số đông đảo.

5. Tình báo quân sự cho biết xe chạy dưới lòng biển sâu của Nga bị hư hỏng sau vụ va chạm ở Biển Na Uy

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Sáu, 12 Tháng Bẩy, Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Đại Úy Andriy Yusov, cho biết một xe chạy dưới lòng biển sâu của Nga đã bị hư hại nặng trong quá trình thử nghiệm ở biển Na Uy.

Theo cơ quan này, thủy thủ đoàn trên tàu Mikhail Rudnitsky của Hạm đội phương Bắc, đã “mất kiểm soát” khi phóng AS-36 vào ngày 1 Tháng Bẩy. Chiếc xe sau khi được phóng xuống biển đã đánh một vòng cung, lao vào thân con tàu. Lý do là do người điều khiển chưa thành thạo.

Đại Úy Yusov cho biết: “Hậu quả của sự việc là xe di chuyển dưới biển sâu của Nga bị hư hỏng nên không thể tiếp tục thử nghiệm”.

Ông cho biết AS-36 đã được hiện đại hóa tại xưởng đóng tàu ở St. Petersburg từ năm 2017. Nga hiện đang đánh giá thiệt hại và thời gian cần thiết để sửa chữa chiếc xe này.

Hải quân Ukraine hồi tháng 6 cho biết tàu chống ngầm Đô đốc Levchenko của Nga đã bốc cháy ở Biển Barents sau khi một động cơ gặp trục trặc và bốc cháy.

Theo quân đội Ukraine, khoảng 30% Hạm đội Hắc Hải của Nga đã bị lực lượng Ukraine tiêu diệt tính đến tháng 12 năm 2023.

6. Orbán nói cựu Tổng thống Trump 'sẽ giải quyết' cuộc chiến Nga-Ukraine

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Trump’s ‘going to solve’ Russia-Ukraine war, says Orbán”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán tuyên bố rằng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ “giải quyết” cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

“Thật vinh dự được đến thăm cựu Tổng thống Trump ngày hôm nay. Chúng tôi đã thảo luận các cách thế để tạo dựng hòa bình. Tin tốt trong ngày: ông ấy sẽ giải quyết được nó!” Orbán cho biết sau cuộc gặp với cựu Tổng thống Trump tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ứng cử viên Đảng Cộng hòa năm 2024 ở Florida.

Ông Trump đồng ý với Orbán. “Phải có hòa bình và nhanh chóng. Quá nhiều người đã chết trong một cuộc chiến đáng lẽ không bao giờ nên bắt đầu!” ông nói trong một bài đăng trên nền tảng Truth Social của mình.

Chiến dịch hòa bình Ukraine do nhà lãnh đạo Hung Gia Lợi tự tuyên bố hiện đã đến Kyiv, Mạc Tư Khoa, Bắc Kinh và Palm Beach, đồng thời bao gồm các cuộc gặp với nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelenskiy, Putin, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và bây giờ là cựu Tổng thống Trump.

Nhưng Ukraine đã không yêu cầu Orbán hỗ trợ, thay vào đó đang tìm kiếm kế hoạch hòa bình của riêng mình và trừng phạt Nga vì cuộc xâm lược toàn diện của nước này đã kéo dài gần hai năm rưỡi.

“ Với tất cả sự tôn trọng dành cho tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, chúng tôi phải nói rằng không phải nhà lãnh đạo nào cũng có thể đàm phán. Bạn cần phải có những quyền hạn và sức mạnh nhất định cho việc này”, ông Zelenskiy nói khi bình luận về sứ mệnh hòa bình của nhà lãnh đạo Hung Gia Lợi trong cuộc họp báo hôm Thứ Năm, 11 Tháng Bẩy.

Về phần mình, Orbán đã lặp lại những quan điểm của Nga về cuộc chiến, đồng thời thúc đẩy các sáng kiến hòa bình khác, như kế hoạch của Trung Quốc nhằm đóng băng xung đột và không hỗ trợ tài chính cho Ukraine.

Kể từ khi Hung Gia Lợi đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên minh Âu Châu vào đầu tháng 7, Orbán tuyên bố ông đang sử dụng chức vụ chủ tịch để thực hiện các bước hướng tới hòa bình trong cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine - mặc dù thực tế là vai trò của Budapest không mang lại cho ông địa vị ngoại giao đặc biệt nào..

Sau cuộc gặp với Putin và Tập, Orbán tiến tới Washington, nơi ông triệu tập các nhà lãnh đạo NATO tại hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập liên minh.

Đảng Fidesz của Orbán vừa phải hứng chịu kết quả yếu nhất trong 15 năm tại cuộc bầu cử Âu Châu, và một đối thủ mới đã xuất hiện. Péter Magyar là đồng minh lâu năm của Orbán, nhưng vào tháng 2, ông ta đã chống lại chính quyền Budapest, bắt đầu một phong trào công khai trở thành một đảng - và giành được gần 30% số phiếu bầu tại thùng phiếu. Đây là màn thể hiện mạnh mẽ nhất của một đảng đối lập ở Hung Gia Lợi trong 15 năm qua.

Sau một cuộc suy thoái nghiêm trọng và ngân sách trống rỗng, Orbán có rất ít điều có thể mang lại cho công chúng để có thể giành được sự ủng hộ của người dân Hung Gia Lợi, hay còn gọi là Hungary. Tuy nhiên, ông ta có thể cố thể hiện mình là một “người kiến tạo hòa bình”, giống như ông ta đã làm trong chiến dịch bầu cử.

“Orbán có truyền thống xây dựng một câu chuyện chính sách đối ngoại mở rộng trên thực tế kể từ năm 2014-2015. Kết quả rõ ràng hiện nay của điều này là câu chuyện về 'Sứ mệnh hòa bình', nhưng thực chất là việc theo đuổi lợi ích kinh tế của riêng mình và được ông ấy xây dựng rất nhiều cho số cử tri nòng cốt của mình trong cuộc bầu cử vừa qua,” Botond Feledy, một nhà phân tích địa chính trị tại Red Snow, nói với POLITICO.

Cựu Tổng thống Trump, người dẫn đầu Tổng thống đương nhiệm Tổng thống Joe Biden trong cuộc bỏ phiếu ở một số bang xung đột quan trọng cho cuộc bầu cử vào tháng 11, cũng đã nhiều lần nói rằng ông sẽ nhanh chóng kết thúc chiến tranh - ngay cả trước khi ông lên nắm quyền tổng thống.

7. Truyền thông Nga đưa tin máy bay chở khách Nga rơi gần Mạc Tư Khoa, 3 người thiệt mạng

Truyền thông nhà nước Nga ngày 12 Tháng Bẩy đưa tin một chiếc máy bay chở khách của Nga đã rơi xuống một khu rừng gần thủ đô Mạc Tư Khoa, khiến cả 3 thành viên phi hành đoàn trên máy bay thiệt mạng.

Theo hãng tin TASS, chiếc Superjet 100 được thiết kế trong nước đang thực hiện chuyến bay thử nghiệm sau khi được bảo trì theo lịch trình và bị rơi chỉ hơn một giờ sau khi cất cánh.

Hãng thông tấn RIA cho biết thảm họa xảy ra tại một khu rừng thuộc quận Kolomensky, cách Mạc Tư Khoa khoảng 60 km về phía đông nam.

Một cuộc điều tra đã được tiến hành để tìm hiểu nguyên nhân vụ tai nạn.

Gọi là Superjet, nhưng chiếc máy bay này không siêu một chút nào. Superjet 100 đã liên quan đến một số vụ tai nạn chết người khác kể từ khi được giới thiệu vào năm 2011.

Năm 2019, một máy bay phản lực bốc cháy khi hạ cánh khẩn cấp xuống phi trường Sheremetyevo ở Mạc Tư Khoa, khiến 41 người thiệt mạng.

Vào tháng 5 năm 2012, một chiếc khác bay vào một ngọn núi lửa không hoạt động ở Indonesia, khiến toàn bộ 45 người trên máy bay thiệt mạng.

8. F-16, Patriot và NASAM: Ukraine đang tiến xa đến mức nào sau Hội nghị thượng đỉnh NATO

Tờ Newsweek đưa ra câu hỏi trên trong bài tường trình nhan đề “F-16s, Patriots and NASAMS: What Ukraine Is Getting So Far from NATO Summit”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Bước vào ngày cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh NATO, Ukraine đã đạt được những cam kết mới về viện trợ quân sự, với những thông báo mới vẫn được mong đợi trước khi kết thúc cuộc họp của liên minh ở Washington.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra hôm thứ Ba rằng Washington, Berlin và Bucharest sẽ cung cấp thêm ba khẩu đội phòng không Patriot cho Ukraine.

Tổng thống cho biết Hòa Lan và “các đối tác khác” sẽ đóng góp các thành phần để đưa tổ hợp Patriot mới thứ tư vào hoạt động, đồng thời cho biết thêm rằng Ý sẽ gửi một hệ thống phòng không SAMP-T khác của mình.

“Ngoài ra, trong những tháng tới, Mỹ và các đối tác có ý định cung cấp cho Ukraine hàng chục hệ thống phòng không chiến thuật”, Tổng thống Biden nói. Điều này sẽ bao gồm pháo phòng không tự hành Gepard do Đức sản xuất, hệ thống phòng không tầm trung NASAMS và các biến thể của hệ thống IRIS-T.

Các hệ thống phòng không và việc cung cấp hỏa tiễn để duy trì hoạt động là ưu tiên hàng đầu của Kyiv khi nước này phải đối mặt với các cuộc bắn phá liên tục của hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa của Nga.

Trong một tuyên bố riêng, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết Canada đã hứa viện trợ quân sự thêm 500 triệu CAD, tương đương khoảng 367 triệu Mỹ Kim. Tuyên bố từ văn phòng tổng thống Kyiv không nêu rõ nội dung của gói viện trợ.

Phát biểu bên lề hội nghị thượng đỉnh, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết chiếc chiến đấu cơ F-16 đầu tiên được cam kết - mà Ukraine đã yêu cầu từ lâu - đang trên đường đến Ukraine từ Đan Mạch và Hòa Lan.

Trong một tuyên bố riêng với Tổng thống Biden, Thủ tướng Hòa Lan Dick Schoof và Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen do Tòa Bạch Ốc công bố, ba nước cho biết “quá trình chuyển giao những chiếc F-16 này hiện đang được tiến hành và Ukraine sẽ vận hành những chiếc F- 16 vào mùa hè này. “

Ukraine được cho là sẽ có tổng cộng 85 máy bay phản lực, trong đó một số máy bay đóng quân bên ngoài lãnh thổ Kyiv để bảo vệ họ khỏi các cuộc tấn công của Nga.

Tuy nhiên, các mốc thời gian để đưa các máy bay tiên tiến này vào hoạt động trong nước đã bị trì hoãn. Trước khi các máy bay phản lực cất cánh, các nước tài trợ F-16 cho biết, nhân viên Ukraine phải hoàn thành các chương trình đào tạo của họ và cơ sở hạ tầng cũng như cơ sở vật chất cần thiết phải được đưa vào sử dụng ở nước này.

Các máy bay phản lực này sẽ là sự nâng cấp đáng kể cho lực lượng không quân Ukraine, vốn đã bị vùi dập sau hơn hai năm chiến tranh chống lại một lực lượng không quân lớn hơn và vượt trội của Nga. Nga đã sử dụng máy bay của mình, bay ngoài tầm với của lực lượng phòng không Kyiv, để thực hiện các cuộc tấn công bằng bom dẫn đường trên không có sức tàn phá lớn vào Ukraine.

Vào ngày cuối cùng, đã có thêm những cam kết viện trợ trong tương lai từ 32 thành viên NATO trước khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh.

Trong bài phát biểu tối hàng ngày hôm Thứ Năm, 11 Tháng Bẩy, Tổng thống Zelenskiy cũng loan báo cho quốc dân đồng bào một thông báo mới về máy bay phản lực do phương Tây sản xuất. Ông nói rằng: “Sẽ sớm có quyết định liên quan đến F-16. Chúng tôi đang tăng số lượng máy bay có sẵn cho Ukraine.”

NATO cũng xác nhận hôm thứ Tư rằng các thành viên của tổ chức này sẽ cung cấp “khoản tài trợ cơ bản tối thiểu” trị giá hơn 43 tỷ Mỹ Kim để hỗ trợ an ninh cho Ukraine trong năm tới.

Ngay trước hội nghị thượng đỉnh, Mỹ đã công bố viện trợ quân sự mới tập trung vào các hệ thống phòng không và hỏa tiễn đánh chặn, cũng như đạn pháo và hỏa tiễn chống tăng.

Hôm Chúa Nhật, Bộ trưởng Quốc phòng mới của Vương quốc Anh, John Healey, cho biết trong chuyến thăm thành phố Odesa phía nam Ukraine rằng Luân Đôn sẽ gửi một gói viện trợ mới cho Ukraine, trong đó sẽ có thêm các hệ thống pháo, 250.000 viên đạn và gần 100 hỏa tiễn chống tăng và hỏa tiễn có độ chính xác cao.

Chính phủ Anh hôm Chúa Nhật cho biết, một đợt viện trợ mà Anh cam kết vào tháng 4, bao gồm khoảng 1.600 hỏa tiễn cho cả hệ thống phòng không và tấn công tài sản của đối phương, sẽ đến Ukraine trong vòng 100 ngày.

9. Phó Thủ tướng Ukraine cho biết số lượng nữ quân nhân tăng vọt với hơn 10.000 phụ nữ phục vụ ở tiền tuyến

Phó Thủ tướng phụ trách hội nhập Âu Châu và Âu Châu-Đại Tây Dương Olha Stefanishyna xác nhận vào ngày 11 Tháng Bẩy rằng hơn 10.000 phụ nữ hiện đang thực hiện vai trò chiến đấu trên tiền tuyến của Ukraine.

Tổng số này đánh dấu sự gia tăng đáng kể về số lượng phụ nữ phục vụ trong vai trò chiến đấu tích cực, lên tới khoảng 5.000 phụ nữ trong năm đầu tiên của cuộc xâm lược toàn diện.

Stefanishyna cho biết tại một hội thảo về lãnh đạo nữ tại Diễn đàn công cộng NATO: “Ngày càng có nhiều phụ nữ phục vụ trong lực lượng phòng thủ, với hơn 10.000 phụ nữ hiện đang thực hiện nhiệm vụ chiến đấu ở tiền tuyến”.

Stefanishyna nói thêm: “Người Ukraine đang đoàn kết chống lại sự xâm lược của Nga - cả nam giới và nữ giới”.

Bộ Quốc phòng Ukraine trước đó đã báo cáo rằng hơn 67.000 phụ nữ phục vụ trong Lực lượng Vũ trang Ukraine - tăng từ 41.000 vào năm 2022. Tổng số cập nhật bao gồm 19.000 nhân viên làm việc trong các vai trò phi quân sự, số còn lại là quân nhân.

Phụ nữ hiện không bị điều động, chỉ áp dụng cho nam giới trong độ tuổi từ 25 đến 60.

Vào tháng 12 năm 2023, Bộ Quốc phòng Ukraine đã phê duyệt áo giáp được thiết kế đặc biệt dành cho phụ nữ - loại áo giáp đầu tiên thuộc loại này.

Áo khoác mới có tấm áo giáp cong và phần vai hẹp hơn để mang lại cảm giác vừa vặn hơn cho các nữ quân nhân và được công ty Ukraine Armor sản xuất trong nước.

10. Nga thề đáp trả 'quân sự' khi vũ khí siêu thanh của Mỹ hướng tới Âu Châu

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Vows 'Military' Response as US Hypersonic Weapons Head to Europe”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một quan chức hàng đầu của Nga tuyên bố sẽ có “phản ứng quân sự” sau khi Mỹ tuyên bố sẽ triển khai vũ khí siêu thanh đang phát triển ở Âu Châu.

Sergei Ryabkov, Thứ trưởng Ngoại giao Nga phụ trách quan hệ với Mỹ, đặc trách về các hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và kiểm soát vũ khí, đã đưa ra cảnh báo bên lề Diễn đàn Nghị viện BRICS lần thứ 10 tại St. Petersburg, hãng thông tấn nhà nước Tass đưa tin hôm Thứ Năm, 11 Tháng Bẩy.

Nhà ngoại giao Nga cho biết: “Chúng tôi sẽ phát triển phản ứng quân sự trước mối đe dọa mới một cách bình tĩnh và với cái đầu lạnh”.

Ông phát biểu như vậy sau khi Mỹ và Đức tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh liên minh quân sự NATO ở Washington rằng vào năm 2026, Mỹ sẽ triển khai hỏa tiễn tầm xa ở Đức.

Mối quan hệ giữa Washington và Mạc Tư Khoa ngày càng trở nên căng thẳng sau quyết định của Putin tiến hành một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Các quan chức Nga và khách mời trên truyền hình nhà nước Nga thường xuyên kêu gọi tấn công vào đất Mỹ vì viện trợ và vũ khí do Mỹ cung cấp tới Kyiv.

Tuyên bố chung từ Đức và Hoa Kỳ cho biết hai nước sẽ bắt đầu “triển khai từng đợt khả năng hỏa lực tầm xa của Lực lượng đặc nhiệm đa miền của mình ở Đức vào năm 2026, như một phần trong kế hoạch duy trì các khả năng này trong tương lai”.

“Khi được phát triển đầy đủ, các đơn vị hỏa lực tầm xa thông thường này sẽ bao gồm SM-6, Tomahawk và vũ khí siêu thanh đang phát triển, có tầm bắn xa hơn đáng kể so với các hỏa lực trên đất liền hiện nay ở Âu Châu.

Hoa Kỳ và Đức cho biết việc thực hiện “các khả năng tiên tiến” này sẽ “thể hiện cam kết của Hoa Kỳ với NATO và những đóng góp của nước này đối với khả năng răn đe tổng hợp của Âu Châu”.

Đó là “một chiến thuật đe dọa, gần như là nền tảng của chính sách mà NATO và Mỹ theo đuổi đối với Nga hiện nay. Chúng tôi sẽ đưa ra phản ứng một cách bình tĩnh và chuyên nghiệp”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga nói.

Thứ Năm đánh dấu ngày cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington. NATO đã đưa ra một thông cáo hôm thứ Tư nói rằng liên minh quân sự gồm 32 thành viên sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine “trên con đường không thể đảo ngược để hội nhập hoàn toàn vào Euro-Atlantic, bao gồm cả tư cách thành viên NATO”.

NATO sẽ “có thể đưa ra lời mời Ukraine gia nhập liên minh khi các đồng minh đồng ý và các điều kiện được đáp ứng”.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trong một cuộc họp báo: “Vấn đề không phải là nếu, mà là khi nào”.

Ngài Christopher Harper, một thành viên cao cấp không thường trú tại Trung tâm Chiến lược và An ninh Scowcroft, cho biết trong phân tích của tổ chức tư vấn Hội đồng Đại Tây Dương rằng từ “không thể đảo ngược” liên quan đến con đường trở thành thành viên NATO của Ukraine là “mạnh mẽ và quan trọng”.

Harper nói: “Người ta không nên đánh giá thấp việc đạt được sự đồng thuận về vấn đề này sẽ khó khăn đến mức nào.” Tuyên bố mạnh mẽ này ngụ ý là con đường này không thể bị đảo ngược trong bất kỳ cuộc đàm phán nào có thể xảy ra với Nga.

11. Bloomberg cho biết Nga phải đối mặt với tháng tăng giá thứ 6 liên tiếp

Nga đang phải đối mặt với tháng thứ sáu liên tiếp giá cả tăng cao, đặc biệt ảnh hưởng đến chi phí thực phẩm và nhiên liệu, Bloomberg đưa tin hôm 10 Tháng Bẩy, trích dẫn dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Liên bang Nga.

Nga đang phải gánh chịu gánh nặng chi tiêu quốc phòng khổng lồ bắt nguồn từ cuộc chiến toàn diện chống lại Ukraine, vốn đã tăng lên gần 30% ngân sách vào năm 2024.

Cuộc chiến toàn diện của Nga chống lại Ukraine đã góp phần thúc đẩy lạm phát giá cả trên toàn cầu, một phần do nguồn cung cấp thực phẩm và năng lượng bị gián đoạn. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây cũng đã cô lập nền kinh tế Nga trong khi chi tiêu của chính phủ tiếp tục tăng cao.

Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Nga trong tháng 6 là 8,59%, tăng từ mức 8,30% của tháng trước. Con số này cao hơn đáng kể so với Mỹ, dự kiến vào khoảng 3,1% trong tháng Sáu.

Theo số liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tỷ lệ lạm phát của Nga cũng cao hơn mức trung bình của Đông Âu và các nước láng giềng Nga.

Giá các mặt hàng thực phẩm quan trọng ở Nga đã tăng đáng kể—rau có giá cao hơn 19% so với thời điểm này vào năm 2023 và giá khoai tây đã tăng gần 34% so với tháng trước.

Giá nhiên liệu cũng tăng đều đặn trong những tuần gần đây.

Ngân hàng Nga đã giữ lãi suất ở mức 16% kể từ tháng 12 năm 2023, nhưng giám đốc của nó, Elvira Nabiullina, cảnh báo rằng có thể cần phải tăng “đáng kể” nếu tỷ lệ lạm phát hiện tại không giảm.

Bloomberg viết rằng những số liệu này cho thấy ngân hàng có “ít lựa chọn ngoài việc thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ”, dẫn đến khả năng tăng lãi suất tại cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Nga dự kiến vào ngày 26 tháng 7.

12. Úc công bố viện trợ quân sự 168 triệu Mỹ Kim cho Ukraine

Bộ Quốc phòng Australia hôm 11 Tháng Bẩy đã công bố khoản hỗ trợ quân sự trị giá 250 triệu đô la Australia hay 168 triệu Mỹ Kim cho Ukraine, đây là gói viện trợ lớn nhất mà nước này cung cấp kể từ khi bắt đầu cuộc chiến toàn diện.

Gói này sẽ bao gồm hỏa tiễn phòng không, vũ khí không đối đất, bao gồm vũ khí dẫn đường, vũ khí chống tăng, đạn pháo, đạn dược và giầy quân sự.

Phó Thủ tướng và Bộ Quốc phòng Richard Marles cho biết: “Việc cung cấp các khả năng phòng không có năng lực cao và các loại đạn có độ chính xác không đối đất là gói hỗ trợ lớn nhất của Australia dành cho Ukraine và sẽ đóng góp to lớn vào nỗ lực chấm dứt xung đột theo các điều kiện của Australia”.

Úc cũng sẽ tham gia sáng kiến huấn luyện và an ninh mới của NATO dành cho Ukraine, dựa trên chương trình huấn luyện của chính Australia dành cho binh sĩ Ukraine đóng tại Anh.

Với việc bổ sung các quỹ mới được công bố, tổng viện trợ của Úc cho Ukraine đã lên tới 1,3 tỷ đô la Úc hay 878 triệu Mỹ Kim, bao gồm 1,1 tỷ đô la Úc hay 743 triệu Mỹ Kim hỗ trợ quân sự.

Bộ Quốc phòng cho biết, mặc dù Australia không phải là thành viên NATO nhưng Marles đã tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington và gặp Tổng thống Volodymyr Zelenskiy.

13. Các cuộc tấn công của Nga vào tỉnh Donetsk khiến 6 người thiệt mạng, 19 người bị thương

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Bẩy, 13 Tháng Bẩy, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska, cho biết lực lượng Nga đã thực hiện một số cuộc tấn công nhằm vào tỉnh Donetsk vào sáng cùng ngày, khiến 6 người thiệt mạng và ít nhất 19 người khác bị thương.

Thị trấn Lyman ở quận Kramatorsk bị pháo kích khiến 7 người bị thương. Nhà dân và ít nhất một phương tiện cá nhân đã bị phá hủy.

Tại khu vực Pokrovsk, 4 người thiệt mạng và 9 người khác bị thương, trong đó có một trẻ em, do vụ pháo kích.

Ít nhất hai người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát ở thành phố Kostyantynivka sau trận pháo kích dữ dội và hỏa hoạn tại một trong các tòa nhà. Ít nhất 3 người khác cũng bị thương. Trong quá trình cấp cứu, các nhân viên cấp cứu đã vớt được hai thi thể từ đống đổ nát.

Nga đang tiến hành các cuộc tấn công dữ dội ở nhiều khu vực ở mặt trận phía đông, bao gồm cả tỉnh Donetsk, sau khi chiếm được thành phố Avdiivka vào tháng 2.