Ngày 14-07-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đắm trong sự thật
Lm. Minh Anh
14:27 14/07/2024
ĐẮM TRONG SỰ THẬT
“Thầy đến để gây chia rẽ!”.

“Thế giới cần những con người có thể nói “Không” với sự nhấn mạnh, dù tất cả phần còn lại của nó nói “Có”; thế giới cần những con người không sợ hãi để bênh vực sự thật, dẫu sự thật đó không được lòng mọi người. Và thế giới cần những con người ‘đắm trong sự thật’ khi phần còn lại của nhân loại chối nhận nó!” - Charles Swindoll.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay thật gây sốc, Chúa Giêsu nói, “Thầy đến để gây chia rẽ!”. Lỗi đánh máy? Không! Ngài nói thế? Đúng! Chúa Giêsu đã nói như thế. Muốn hiểu được điều Ngài đang nói, bạn và tôi phải ‘đắm trong sự thật’ - đúng hơn - đắm trong chính Ngài!

Trình thuật này cần đọc trong ánh sáng của toàn bộ giáo huấn về tình yêu, lòng thương xót, sự tha thứ và ước muốn hiệp nhất của Chúa Giêsu. Ngài đang nói về một trong những tác động của sự thật - gây chia rẽ - vốn có sức mạnh kết hợp chúng ta với Thiên Chúa một cách sâu sắc nhất; nhưng cùng lúc, kéo theo sự phân hoá chúng ta với những ai từ chối kết hợp với Ngài, những ai đối nghịch với sự thật của Ngài.

“Thuyết tương đối” gieo rắc một nền văn hoá cho rằng, những gì ‘tốt và đúng’ với tôi có thể ‘không tốt và không đúng’ với bạn; nhưng dù bạn và tôi có những ‘chân lý’ khác nhau, chúng ta vẫn có thể là một ‘gia đình hạnh phúc!’. Tuy nhiên, đó không phải là sự thật, hạnh phúc thật! Sự Thật, với “T” viết hoa, là điều mà Thiên Chúa đã thiết lập; điều gì là đúng, điều gì là sai. Ngài đặt ra luật luân lý của Ngài trên toàn nhân loại và điều này không thể bị huỷ bỏ; Ngài cũng đã đặt ra những lẽ thật về đức tin và chúng cũng không thể bị mai một. Luật đó đúng với tôi, cũng đúng với bạn và đúng với bất cứ ai.

Tin Mừng cho thấy một thực tế nghiêm túc rằng, bằng cách bác bỏ tất cả mọi hình thức của thuyết tương đối; và bằng cách giữ chặt Sự Thật, chúng ta có nguy cơ chia rẽ, ngay cả với những người trong gia đình. Thật đau đớn và đáng buồn! Và Chúa Giêsu muốn củng cố chúng ta khi điều này xảy ra. Nếu tội lỗi gây chia rẽ, hãy xấu hổ vì nó! Nhưng nếu chia rẽ do Sự Thật, thì cứ ‘đắm trong Sự Thật’, vì đây là đòi hỏi của Tin Mừng. Chính Chúa Giêsu đã bị từ chối và bạn đừng ngạc nhiên nếu điều đó xảy ra với mình.

Anh Chị em,

“Thầy đến để gây chia rẽ!”. Chúa Giêsu không hứa hẹn một hạnh phúc hay một bình an giá rẽ; trái lại, Ngài buộc chúng ta chọn lựa với giá đắt. Đây là cuộc chiến nội tâm trường kỳ cho những ai muốn được Lời Sự Thật tác động. Đây quả là ‘gươm giáo’ trong tâm hồn bạn và tôi ‘nên có’. Vì thế, nhờ ‘đắm trong Sự Thật Giêsu’, chúng ta hưởng nhận bình an đích thực mà Đấng Phục Sinh ban tặng. Isaia đến, gây chia rẽ trong Israel; một số nghe ông, số khác không nghe ông. Isaia không thoả hiệp nhưng lên tiếng kêu gọi, “Hỡi những kẻ làm đầu Sôđôma, hãy nghe lời Đức Chúa phán. Hỡi dân Gômôra, hãy lắng tai nghe Thiên Chúa chúng ta dạy bảo!” - bài đọc một. Thánh Vịnh đáp ca cũng thật sâu sắc, “Ai đi đường ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên Chúa cứu độ!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, trước những mê hoặc của thế gian, cho con dám nói “Không”, dù tất cả phần còn lại của thế giới nói “Có”. Để được vậy, dạy con biết đắm mình trong Chúa!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Nhìn Thiên Chúa và nhìn đám đông
Lm Phêrô Phan Văn Lợi
19:08 14/07/2024
CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN NĂM B: MC 6,30-34

30 Khi ấy, các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. 31 Người bảo các ông: “Anh anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thời giờ ăn uống nữa. 32 Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng.

33 Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. 34 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.


NHÌN THIÊN CHÚA VÀ NHÌN ĐÁM ĐÔNG

Câu chuyện Tin Mừng hôm nay giống như một trò chơi trốn tìm, mà rốt cuộc kẻ muốn trốn người đi tìm lại gặp thất bại. Thầy trò Đức Giê-su mong thoát khỏi đám đông, cuối cùng lại phải chăm lo cho đám đông. Qua câu chuyện này, Mác-cô trình bày cho chúng ta hai bức ảnh cùng với hai bài học về đời tông đồ. Một tấm trình bày Đức Giê-su với môn đệ, một tấm trình bày Đức Giê-su với đám đông.

1. Đức Giê-su với môn đệ

Họ đã trở về, những con người mới đây được Đức Giê-su sai đi trên mọi nẻo đường, không lương thực, tiền bạc, bao bị, nhẹ nhàng như gió Thánh Linh. Họ đã trở về, những con người mới đây thực hiện một chuyến tiễu trừ ma quỷ, chữa kẻ đau ốm, kêu gọi lòng người hoán cải, biến Tin Mừng từ lời nói thành hành động. Giờ đây, quây quần quanh Đức Giê-su, họ báo cáo về những việc mình đã làm. Thiên hạ cũng bu lại theo dõi. Như một nhà huấn luyện lành nghề, Người lắng nghe những kẻ mình đã chọn trở về từ chuyến truyền giáo đầu tiên. Đây là lần duy nhất Mác-cô gọi họ là “Tông Đồ”, chắc hẳn để đánh dấu mối quan hệ mới của họ với Đức Giê-su. Họ kể, họ kể. Đức Giê-su lắng nghe với một sự chăm chú đầy thân tình, họ đã trở thành các cộng tác viên của Người, những kẻ sẽ lôi tới cho Người nhiều đoàn lũ.

Nghe xong, Người bảo họ: “Anh em hãy lánh riêng ra, đến nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Nhóm nhỏ này cần tìm lại được những giây phút thân tình với Thầy để tâm hồn được bồi dưỡng. Thoạt tiên, Người đã chọn các ông để “ở với Người” (Mc 3,14), rồi mới sai các ông đi rao giảng. Ngày mai đây các ông sẽ lại ra đi, nhưng hiện thời thì cần phải được thưởng thức hương vị của tình nghĩa sư đệ. Phải ra đi, rồi phải biết lui về nơi yên tĩnh hoặc trong thanh vắng của tâm hồn, đó luôn luôn là vấn đề sinh tử. Thành thử khó mà không nghĩ rằng thái độ ân cần đáng yêu nầy của Đức Giê-su chính là lời mời gọi cầu nguyện thinh lặng.

Lánh riêng, đến nơi thanh vắng. Tất cả chúng ta đều cần sự đoạn tuyệt hoàn toàn này. Các thất bại trong việc cầu nguyện đều xuất phát từ chỗ ta không biết giật các giây phút đặc biệt ấy khỏi tất cả những gì làm nên cuộc sống thường nhật của ta.

Đó không phải là chạy trốn khỏi các nghĩa vụ, các lo lắng và tình yêu huynh đệ. Ta sẽ trở lại với những cái đó ngay, nhưng với một cách thức khác hẳn và mới mẻ biết chừng nào.

Vì trong ba mươi phút hay một giờ, chúng ta đã chạm đến Thiên Chúa và bình an của Người. “Hãy lánh riêng ra, đến nơi thanh vắng” quả là một cuộc đắm mình trong Thiên Chúa thật sự. Thình lình, những tiếng như “Thiên Chúa là Tình yêu, Thiên Chúa yêu chúng ta, tôi muốn yêu Thiên Chúa” trở nên một thực tại sờ mó được. Có một Đấng yêu tôi, và tôi đứng đó, trước tình yêu ấy, trong tình yêu ấy. Làm sao ra khỏi đó mà tôi lại không yêu mến anh em, yêu mến nghĩa vụ, yêu mến nhân loại cách mới mẻ cho được? Ai kết hợp sâu xa với Chúa thì cũng kết hợp sâu xa với anh em mình, ai hời hợt với Người trong giờ cầu nguyện thì cũng hời hợt với tha nhân trong cuộc sống.

Suốt nhiều năm, thầy già đáng kính Silouane (một đan sĩ người Nga, thuộc Chính thống giáo, tu ở núi Athos Hy-lạp) coi sóc cơ xưởng cho tu viện. Trong xưởng có một số thanh niên nghèo từ miền quê lên làm việc để kiếm tiền giúp gia đình. Một ngày kia các tu sĩ hỏi Silouane: “Thưa Thầy, làm sao thầy có thể bảo bọn thợ kia làm việc chăm chỉ đến thế mà không cần canh chừng họ; trong khi mắt chúng con không rời họ nửa phút mà họ vẫn đánh lừa được chúng con?” Thầy Silounane trả lời: “Tôi cũng không rõ. Chỉ biết rằng mỗi buổi sáng, tôi không bao giờ đến xưởng mà trước tiên không cầu nguyện cho họ; tôi đến với họ bằng quả tim yêu thương. Khi bước vào xưởng, tôi yêu họ với tất cả tình yêu dạt dào của lòng mình. Tôi phân công cho họ rồi ra về với quyết định sẽ cầu nguyện cho họ trong suốt thời gian họ làm việc. Trong phòng riêng, tôi đặt mình trước mặt Chúa và cầu nguyện thì cảm thức về sự hiện diện của Chúa càng xâm chiếm lấy tôi, cho đến một lúc nó trở thành mãnh liệt, đến nỗi tôi không còn nhìn thấy các người thợ với gia cảnh của họ nữa. Nhưng rồi, ngay trong sự hiện diện ấy của Chúa, tôi bắt gặp tình yêu Chúa và trong tình yêu này, tôi gặp lại các bạn thợ cùng với gia đình của họ. Bấy giờ, với tình yêu của Chúa, tôi lại tiếp tục cầu nguyện cho các người bạn của tôi… Có lẽ vì thế mà họ làm việc chăm chỉ !?!”

2. Đức Giê-su với đám đông

Sang tấm ảnh thứ hai: Đức Giê-su đã lại bị quần chúng bắt lấy và Người nhìn họ. Cái nhìn của Người làm ta nhớ lại cái nhìn của ta, các Ki-tô hữu: phải chăng ta nhìn một đám đông như thế?

Mác-cô viết: “Người chạnh lòng thương”. Trong Tin Mừng, thành ngữ này luôn luôn nói lên một sự thổn thức âu yếm, bồn chồn gan ruột. Và Mác-cô cho thấy ngay lý do: Đức Giê-su nhìn họ “như bầy chiên không người chăn giữ”. Đối với nhiều đám đông hôm nay, chúng ta cũng có thể nói thế nhưng theo kiểu hiện đại: đấy là những con người bối rối, chẳng còn biết tại sao mình sống, tại sao mình vất vả.

Thành thử dẫu hết sức mệt mỏi, hết sức cần thư giãn giữa đám môn đồ nhỏ bé, Đức Giê-su vẫn hết lòng với đám đông ấy và bắt đầu “dạy dỗ họ nhiều điều”. Sau đó, sẽ có phép lạ hóa bánh ra nhiều, nhưng không phải vì thứ bánh vật chất nầy mà Đức Giê-su đã đến. Vâng, Người sắp nuôi sống họ, và sau này sẽ chính là bánh sự sống cho họ trong Thánh Thể. Nhưng để họ hiểu Người là ai và mang đến cái chi, trước hết Người phải nói với họ đã.

Nói, phải chăng đó là chạnh lòng thương một đám đông? Chắc chắn rồi, khi ta ngỏ lời với nhiều con người để cho họ thấy các nỗi chờ mong sâu thẳm của họ và giá trị của những gì ta đề nghị với họ. Chỉ mình Đức Giê-su mới có thể làm điều ấy, và chúng ta cũng có thể làm điều ấy khi vang vọng lại lời Người, bằng không, chúng ta chỉ là những tay “lên lớp” bất lực.

Trở thành Đức Giê-su đối với đám đông, đó là nhìn họ như Người, với một con tim thổn thức vì mến yêu, và nói với họ về ý nghĩa cuộc sống. Bằng cách cổ vũ cuộc sống ! Trong nền văn minh rất tiến bộ của chúng ta, biết bao người chết vì đói khát hay bị chiến tranh nghiền nát, điều đó chứng tỏ cho thấy các lãnh tụ đang điều khiển thế giới chẳng nhìn vào đám đông, mà chỉ đếm lui đếm tới các hỏa tiễn của họ.

- Vậy thì chúng ta đâu làm được gì ! Việc suy ngắm về “Đức Giê-su và đám đông” sẽ chẳng thay đổi thế giới. Tốt hơn tôi nên nhìn đến vài người chung quanh mà tôi có thể giúp đỡ và có lẽ giáo dục được.

- Dĩ nhiên, phải làm điều này; nhìn quá xa đôi lúc là một kiểu đào thoát. Nhưng khi khép mình trong mối bận tâm duy nhất về những kẻ thân cận, chúng ta để thế giới lang thang không người chăn dắt. Ai có thể hét to Tin Mừng trên các mái nhà (thời hiện đại là internet), nếu chẳng phải là các Ki-tô hữu? Ai sẽ biết Đức Giê-su có đó, giữa chúng ta, để cứu thế giới, nếu các Ki-tô hữu đều câm miệng? Ai hay được Ki-tô giáo mang lại tự do, nếu các Ki-tô hữu, đặc biệt là các chủ chăn, để cho quyền lực trần gian khống chế bằng mua chuộc hay dọa dẫm? Họ ở đâu, các Ki-tô hữu, các lãnh đạo Ki-tô hữu, những kẻ không biết rằng người ta chờ họ lên tiếng trong cái xã hội duy vật vô thần đang thối rữa vì băng hoại tinh thần và đạo đức này sao?

Hạnh phúc của dân chúng, tiến bộ của xã hội, thịnh vượng của quốc gia tùy thuộc các cuộc bầu cử (tự do), các quốc hội đại diện dân (đích thực), các thảo luận về đạo luật và ngân sách (chẳng bị lèo lái), các cuộc tranh đấu vì công lý và sự thật (không bị đàn áp), các phương tiện truyền thông tạo nên công luận (đúng nghĩa)... Đứng xa tất cả những cái ấy để tới ẩn náu bên Đức Ki-tô, đó là lầm Đức Ki-tô rồi. Đức Ki-tô đích thực, khi nhìn quần chúng, đã thổn thức âu yếm, nhưng là một sự âu yếm mang tính dấn thân. Người đã nói lắm điều với đám đông và đã chết cho họ. Giáo hội Hàn Quốc hiện được coi là Giáo hội phát triển nhất châu Á. Lý do là họ đấu tranh cho công lý không ngừng.

Làm môn đệ của Người, đó là cố gắng nói với các đám đông bằng mọi phương tiện có thể. Đó là đi vào trong những hoạt động lớn lao, có phối hợp, chống lại ngu dốt, đói nghèo, dối trá, áp bức, bất công. Chỉ tình yêu dấn thân mới nói về Đức Ki-tô thật sự.
 
Hai điều chính yếu cho sứ vụ Tông đồ
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
22:35 14/07/2024
CHÚA NHẬT XVI MÙA THƯỜNG NIÊN
Gr 23,1-6; Ep 2,13-18; Mc 6,30-34
HAI ĐIỀU CHÍNH YẾU CHO SỨ VỤ TÔNG ĐỒ

Với Chúa Nhật vừa rồi, chúng ta đã nghe thánh Máccô kể lại việc Chúa Giêsu sai các Tông Đồ đi truyền giáo. Với Chúa Nhật hôm nay, Lời Chúa tường thuật việc các Tông Đồ trở về kể lại cho Chúa Giêsu nghe những thành quả họ đã thực hiện theo sứ vụ đã được ủy thác. Tuy nhiên, để không chạy theo những thành quả bên ngoài mà lơ là đời sống nội tâm, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ và cả chúng ta nữa nuôi dưỡng hai điều cần thiết, đó là “cầu nguyện và có lòng thương xót” khi hoạt động tông đồ.

1. Trở về với đời sống cầu nguyện

Trước hết, chúng ta nói về vai trò của cầu nguyện. Quả thế, sau những ngày miệt mài truyền giáo, Chúa Giêsu thấy các ông cần được nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng nên Người bảo:
“Anh em hãy lánh riêng ra đến nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6,32).
“Lánh vào nơi thanh vắng” có nghĩa là tách mình khỏi sự ồn ào, khỏi sự huyên náo bên ngoài, để đi vào trong thinh lặng nội tâm, cầu nguyện và gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa. Ở đây Chúa Giêsu muốn các môn đệ và chúng ta ý thức rằng: cầu nguyện là việc làm cần thiết cho đời sống Kitô hữu và sứ vụ truyền giáo. Cầu nguyện là linh hồn của đời sống và hoạt động tông đồ: Không cầu nguyện, chúng ta dễ chạy theo hình thức bề ngoài mà thiếu ý nghĩa bên trong; không cầu nguyện, người môn đệ Chúa dễ bị biến chất và tha hóa; không cầu nguyện, chúng ta chỉ là những nhà hoạt động xã hội thuần túy, chứ không phải là chứng nhân của Chúa. Vì thế, cầu nguyện là rất cần thiết.

Vậy thì phải cầu nguyện như thế nào? Chúng ta thường có thói quen cầu nguyện là lôi kéo Thiên Chúa xuống, theo những nhu cầu, ý muốn và toan tính của chúng ta. Cầu nguyện như thế chưa phải là cầu nguyện theo cách thức mà Chúa Giêsu dạy. Theo đó, cầu nguyện là tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa và để cho Người lối kéo chúng ta lên với thế giới của Người, để lắng nghe tiếng Chúa, để có những tầm nhìn và tâm tư của Chúa.

Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong vườn Dầu là một dẫn chứng và khuôn mẫu cụ thể: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con” (Lc 21,42). Nhưng Chúa Giêsu không dừng lại ở đó, Người tiếp tục: “Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha” (Lc 21,42).

Trong kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện:
“Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến” (Lc 11,2).

Đó là ý hướng mà Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta thực hành khi cầu nguyện.

Tuy nhiên, Chúa Giêsu không chỉ dạy chúng ta cầu nguyện, Người còn là mẫu gương tuyệt hảo về cầu nguyện. Người cầu nguyện mỗi ngày: “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi đến một nơi thanh vắng để cầu nguyện ở đó” (Mc 1,35). Người cầu nguyện trước những biến cố quan trọng, như khi chọn các Tông Đồ: “Chúa Giêsu đi ra núi cầu nguyện và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa” (Lc 6,12).
Như thế, đối với Chúa Giêsu, cầu nguyện là tìm kiến thánh ý Thiên Chúa, chứ không phải là muốn kéo Thiên Chúa theo ý riêng mình. Chúa Giêsu còn mời gọi chúng ta hãy cầu nguyện liên lỉ, cầu nguyện mỗi ngày, biết nghỉ ngơi và tĩnh dưỡng trong Chúa để kín múc sức mạnh từ chính Thiên Chúa cho đời sống và sứ vụ chúng ta. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu dạy các Tông Đồ tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.

2. Người chạnh lòng thương

Điều chính yếu thứ hai đó là lòng thương xót. Cũng Tin Mừng Máccô hôm nay kể lại một chi tiết rất ý nghĩa:
“Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều” (Mc 6,32).

Ở đây, chúng ta có một chi tiết quan trọng diễn tả tấm lòng mục tử của Chúa Giêsu: Người “chạnh lòng thương;” Người có một trái tim nhạy bén, một trái tim biết rung cảm và thương xót trước những nỗi đau, khó khăn và cô đơn mà con người đang phải gánh chịu. Trái tim của Chúa Giêsu như trái tim của một người mẹ, đau chính nỗi đau của người con. Nên suốt cuộc đời, Đức Giêsu xuất hiện như sứ giả lòng thương xót của Chúa Cha, Người đến xoa dịu nỗi đau và cứu vớt con người. Khi nhìn thấy đám đông dân chúng bơ vơ, không người chăn dắt, Người chạnh lòng thương xót họ cách sâu xa (x. Mt 9,36). Khi thấy những người đau yếu, bệnh hoạn, tật nguyền, bị quỷ ám, Người chữa lành cho họ (x. Mt 14,14 tt; Mc 5,19). Và lòng thương xót đó đạt tới tột đỉnh khi Người chấp nhận chết trên thập giá và phục sinh để mang lại ơn cứu độ cho con người. Điều này được thánh Phaolô nói trong bài đọc II, nhờ cái chết của Người, Chúa Giêsu đã liên kết dân ngoại và dân Do Thái, hòa giải nhân loại với Thiên Chúa.

Ngoài ra, hình ảnh “một đám người rất đông, bơ vơ, không người chăn dắt” là hình ảnh nói về thế giới và con người hôm nay. Hơn lúc nào hết, chúng ta đang sống trong một thời đại mà sự vô cảm đang lan tràn khắp nơi. Có biết bao nhiêu người phải sống trong cảnh khốn khổ vì nghèo đói, bệnh tật, thất nghiệp và chiến tranh; có biết bao gia đình phải sống trong cảnh bấp bênh, không nhà cửa, không nghề nghiệp, không tương lai; có biết bao người trẻ là nạn nhân của bạo lực, oán thù, lừa lọc, gian dối, họ bị tước đi quyền được đến trường, được học hành; có biết bao người già, người bị bệnh tật, tù đày đang ở trong cảnh cô đơn, loại trừ và bỏ rơi v.v… Họ đang thiếu người giúp đỡ; họ đang cần được hướng dẫn và chăm sóc. Họ đang thiếu vắng lòng thương xót và cần đến lòng thương xót của Chúa.

3. Biết chạnh lòng thương như Chúa

Nếu nói rằng trở nên môn đệ đích thực của Chúa Giêsu là trở nên giống Người, là có những tâm tư tình cảm như Người, thì cũng có nghĩa là biết “chạnh lòng thương” như Chúa và trở nên những thừa tác viên lòng thương xót của Chúa cho anh chị em mình.

Bởi đó, khi khai mạc Công Đồng Vaticanô II, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã chọn “lòng thương xót hơn là nghiêm khắc kết án” làm định hướng mục vụ cho Giáo Hội trong thế giới hôm nay. Giáo Hội phải thực sự là chứng nhân của lòng thương xót Chúa. Đặc biệt, Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn toàn thể Giáo Hội, cách riêng các mục tử của Chúa tiếp tục áp dụng nguyên tắc “thương xót” như là “liều thuốc” để đưa con người thời nay về với Thiên Chúa.

Là môn đệ Chúa Kitô, tất cả chúng ta được mời gọi trở thành những người “biết chạnh lòng thương,” hay nói cách khác, trở thành những người có trái tim biết rung cảm của Chúa Giêsu, để có thể đồng cảm, đồng hành với anh chị em mình, nhất là với những người đau khổ. Vì chỉ có lòng thương xót của Chúa mới thực sự là ngọn lửa thắp lên để sưởi ấm lòng người. Chỉ có lòng thương xót của Chúa mới có thể quy tụ con người lại với nhau bên bếp lửa hồng đó. Và chỉ có lòng thương xót của Chúa mới có thể vực con người đứng dậy, trở về với Thiên Chúa sau những vấp ngã, thất vọng, đổ vỡ trong cuộc đời này. Tắt một lời, cuối cùng chỉ có lòng thương xót của Chúa mới cứu rỗi thế giới và con người.

Như thế, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hai điều: một đàng, chúng ta luôn biết trở về với đời sống nội tâm, tĩnh lặng, nghỉ ngơi để cầu nguyện và gặp gỡ thân tình với Chúa; đàng khác, đối diện thực trạng cuộc sống hôm nay, chúng ta đồng thời được mời gọi hãy biết chạnh lòng thương và trở thành người mang lòng thương xót của Chúa đến cho những ai chúng ta gặp gỡ và phục vụ. Như thế, đời sống Kitô hữu và sứ vụ của chúng ta chắc chắn sẽ mang lại nhiều hoa trái tốt đẹp cho Nước Chúa và ơn cứu độ của anh chị em mình. Amen

! ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê
Nghệ An - Việt Nam
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bị cám dỗ muốn đặt Đức Bênêđictô chống lại Đức Phanxicô? Xin mời đi hành hương Subiaco
Vũ Văn An
14:43 14/07/2024

John L. Allen Jr., trên Crux ngày 11 tháng 7 năm 2024, nhận định rằng trong 11 năm qua, một tầng lớp chuyên gia Công Giáo và những kẻ khiêu khích đã kiếm sống tốt đẹp bằng cách đọ sức giữa Đức Bênêđictô và Đức Phanxicô. Khi làm như vậy, họ đã đào sâu thêm các chiến tuyến trong Giáo hội, khuyến khích sự phân mảnh, chia rẽ và đau lòng.



Đối với tất cả những người đồng lõa trong việc rao giảng câu chuyện đó, tôi có một gợi ý: Một cuộc hành hương sám hối đến cộng đồng Subiaco nhỏ của Ý trên sườn đồi, cách Rome khoảng một tiếng rưỡi về phía đông. Ở đó, có lời mời độc đáo để thay đổi quan điểm và có thể là để thanh lọc tâm hồn.

Nằm bên bờ sông Aniene và dưới chân dãy núi Appenine thấp hơn của Ý, chính tại đây, một quý tộc La Mã trẻ tên là Bênêđictô thành Norcia đã tìm nơi ẩn náu khỏi một thế giới đổ nát vào đầu thế kỷ thứ 6. Theo truyền thống, ngài đã trải qua ba năm sống ẩn dật trong một hang động ở Subiaco, được một đan sĩ tên là Romanus đưa cho ngài bằng một sợi dây thừng lượng thức ăn ít ỏi, sau đó tiếp tục thành lập 13 tu viện trong vùng trước khi di dời xa hơn xuống phía nam Bán đảo Ý đến Monte Cassino.

Năm thế kỷ sau, các tu sĩ tuân theo quy tắc nổi tiếng của ngài đã quyết định tôn vinh người sáng lập của họ bằng cách xây dựng một tu viện trên địa điểm nơi ngài ẩn dật, nơi ngày nay được gọi là Sacro Speco, hay “hang thánh”. Cuối cùng, đan viện sẽ bao gồm hai nhà thờ, một trên và một dưới, cùng với nhiều nhà nguyện nhỏ, tất cả đều được tạc từ đá tạo thành hang động nơi ngài đã sống.

Năm 1223, như một phần của lễ cung hiến khu phức hợp mới, Đức Hồng Y Ugolini di Conti, lúc đó là trưởng Hồng Y đoàn và là Giáo hoàng tương lai Gregory IX, đã được cộng đồng Biển Đức ở Subiaco mời thánh hiến bàn thờ của một nhà nguyện mới nằm trên cấp độ của nhà thờ thấp hơn. (Bây giờ nó được gọi là “Nhà nguyện của Gregory” để vinh danh ngài.)

Di Conti đã thực hiện chuyến đi và mang theo một vị khách đặc biệt – một nhà huyền nhiệm, nhà thơ và người sáng lập một gia đình tu trì hoàn toàn mới tên là Phanxicô thành Assisi. Hai người là bạn bè, vì di Conti đã trở thành người bảo vệ trong giáo hội cho dòng tu mới của Phanxicô vào năm 1220 theo yêu cầu đích danh của Phanxicô. Cuối cùng ngài đã phong thánh cho Phanxicô vào năm 1228, chỉ hai năm sau cái chết của vị thánh.

Để kỷ niệm chuyến viếng thăm, một nghệ sĩ vô danh đã vẽ hình ảnh Phanxicô trên một trong những bức tường của nhà nguyện mới. Bởi vì nó được thực hiện khi Phanxicô vẫn còn sống, nên nó không có vầng hào quang đặc trưng của hình ảnh các vị thánh, và vì nó được vẽ trước năm 1224 nên nó cũng không cho thấy Phanxicô với những dấu thánh mà ngài chỉ có được trong năm đó. Thêm vào vẻ chân thực, nó mô tả Phanxicô với những mũi khâu trên một mắt, phản ảnh việc điều trị bệnh đau mắt hột mà ngài phát triển trong chuyến đi đến Trung Đông vào năm 1219-1220, căn bệnh cuối cùng khiến ngài gần như bị mù.

Bức bích họa hoàn toàn độc đáo bởi vì đây là hình ảnh đầu tiên của Phanxicô còn tồn tại, thể hiện con người thật của vị thánh – qua đó cho phép các thế hệ tương lai có được điều gần gũi nhất có thể với sự tiếp xúc vật lý thực tế. Vợ tôi Elise và tôi gần đây đã có cơ hội đứng trước nó một lúc lâu, một mình, vào một buổi sáng thứ Hai yên tĩnh, và tôi có thể làm chứng rằng đó là một trải nghiệm gợi nhiều liên tưởng sâu sắc. Sau đó, chúng tôi mua một bản sao của bức ảnh và được làm phép bởi vị linh mục trực sáng hôm đó, một tu sĩ Biển Đức tốt bụng người Ý tên là Don Maurizio.

Quan điểm của tôi là thế này: Có một ý nghĩa đặc biệt trong sự kiện là bức ảnh quý giá nhất thế giới của Thánh Phanxicô đã được các con trai của Thánh Biển Đức bảo tồn, bảo vệ và trân trọng suốt 800 năm qua.

Nói cách khác, Sacro Speco là sự xác nhận về mặt vật lý rằng mối liên hệ giữa Thánh Bênêđictô và Thánh Phanxicô trong đời sống Công Giáo là di truyền, không thể tách rời và vĩnh cửu.

Đúng vậy, bản năng đan tu và tông đồ được đại diện bởi Thánh Bênêđíctô và Thánh Phanxicô là khác nhau. Bản năng trước về cơ bản là bảo tồn và duy trì đức tin, bản năng sau là về sự đổi mới và thử nghiệm để mang đức tin đến với thế giới. Trong câu nói nổi tiếng của Chesterton, “Những gì Bênêđictô tích trữ, Phanxicô đã phân tán.”

Tuy nhiên, vấn đề là để đức tin bị phân tán thì trước tiên nó phải được lưu giữ - và tất nhiên, toàn bộ mục đích của việc lưu giữ nó chính là để nó có thể được phân tán. Nói cách khác, Bênêđíctô không có Phanxicô sẽ không trọn vẹn, và Phanxicô không có Bênêđíctô sẽ bất khả.

Cho đến nay, chúng ta đã nói về hai vị thánh, nhưng cái nhìn sâu sắc tương tự cũng áp dụng cho hai vị giáo hoàng trong 11 năm qua từng mang tên các vị.

Đúng vậy, Giáo hoàng Bênêđíctô XVI “bảo thủ” hơn Giáo hoàng Phanxicô về nhiều mặt. Tuy nhiên, nhìn qua lăng kính Công Giáo (trái ngược với lăng kính chính trị), đó không phải là sự đối nghịch mà là sự làm nên trọn.

Đạo Công Giáo, như Đức Bênêđictô XVI đã nhắc nhở thế giới một cách nổi tiếng trong bài phát biểu trước các giáo sĩ của các giáo phận Belluno-Feltre và Treviso của Ý năm 2007, là một truyền thống hoặc/hoặc. Đúng hơn, Công Giáo là cả hai và – một vấn đề “không phải là những loại trừ lớn lao, mà là những tổng hợp”, Đức Bênêđictô nói thế.

Tất nhiên, điều này không có nghĩa là phủ nhận rằng có những phe phái đối địch trong Công Giáo, một số trong đó tuyên bố Đức Bênêđictô hoặc Đức Phanxicô là nhà quán quân của họ. Đó là một thực tế rõ ràng như khoai tây. Vấn đề là khi đưa ra những tuyên bố như vậy, những phe phái đó đã thiếu sót - hoặc tệ hơn nữa là cố tình coi thường - một điều gì đó thiết yếu về bản năng Công Giáo.

Cũng không thể phủ nhận rằng cả Đức Bênêđictô và Đức Phanxicô đều là những vị giáo hoàng không hoàn hảo, các vị đã đưa ra những quyết định gây tranh cãi một cách công bằng, một số trong đó thực sự có thể đã tạo ra nhận thức rằng các vị đại diện cho những lựa chọn mang tính cạnh tranh (trái ngược với những lựa chọn bổ sung).

Tuy nhiên, điểm cốt yếu vẫn là: Ngay từ đầu, Đức Bênêđíctô và Đức Phanxicô đã là cặp song sinh gắn liền với nhau về linh đạo Công Giáo, khác nhau ở nhiều khía cạnh nhưng không thể tồn tại nếu không có nhau. Những nỗ lực nhằm chia rẽ họ, cho dù chúng ta đang nói đến các vị thánh hay giáo hoàng, cuối cùng đều gây thiệt hại cho cả hai.

Tóm lại, đó là bài học của Subiaco. Đó là một quan điểm mà một nhóm quan điểm Công Giáo nhỏ nhưng có tiếng nói lớn và bị kích động ngày nay sẽ rất có lợi nếu tiếp thu.
 
Các nhà lãnh đạo Công Giáo phản ứng với vụ nổ súng Trump: ‘Đất nước chúng ta cần Thiên Chúa’.
Vũ Văn An
15:41 14/07/2024

Hãng tin The National Catholic Register, ngày 13 tháng 7, loan tin: Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành EWTN Michael Warsaw cho biết: “Đây là một ngày rất buồn đối với đất nước chúng ta. Chúng ta cần cầu nguyện cho cựu tổng thống và tất cả những người bị ảnh hưởng bởi vụ việc này. Chúng ta cũng cần phải tăng gấp đôi lời cầu nguyện cho đất nước của mình.”



Các nhà lãnh đạo giáo hội và chính trị Công Giáo trên khắp Hoa Kỳ đã dâng lời cầu nguyện cho Donald Trump sau vụ ám sát cựu tổng thống vào tối thứ Bảy tại một sự kiện tranh cử ở Pennsylvania.

Trong số đó có Đức Giám Mục David Zubik của Giáo phận Pittsburgh, nơi xảy ra vụ nổ súng.

Zubik cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi vô cùng sửng sốt trước những tin tức về vụ nổ súng tại một cuộc biểu tình chính trị dành cho cựu Tổng thống Trump ngay đối diện với một trong những nhà thờ của chúng tôi ở Quận Butler.

Ngài nói thêm: “Chúng tôi rất biết ơn những hành động nhanh chóng của Sở Mật vụ và những người phản ứng đầu tiên tại địa phương của chúng tôi”. “Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện cho sức khỏe và sự an toàn của tất cả mọi người, cho sự chữa lành và hòa bình, cũng như cho việc chấm dứt bầu không khí bạo lực này trên thế giới của chúng ta. Xin Chúa hướng dẫn và bảo vệ tất cả chúng ta.”

Các nhà lãnh đạo khác của Giáo hội Hoa Kỳ bày tỏ mối quan ngại đối với toàn thể quốc gia vốn đang trong cơn sốt phân cực bất thường trước các sự kiện gây chấn động hôm thứ Bảy.

“Cùng với các anh em giám mục của tôi, chúng tôi lên án bạo lực chính trị và chúng tôi dâng lời cầu nguyện cho Tổng thống Trump, và những người bị giết hoặc bị thương,” Đức Tổng Giám Mục Timothy P. Broglio của Tổng Giáo phận Quân đội, Hoa Kỳ, và là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ (USCCB) cho biết trong một tuyên bố vào tối thứ Bảy.

Broglio nói thêm: “Chúng tôi cũng cầu nguyện cho đất nước của chúng tôi và chấm dứt bạo lực chính trị, vốn không bao giờ là giải pháp cho những bất đồng chính trị”. “Chúng tôi kêu gọi tất cả mọi người có thiện chí cùng tham gia cầu nguyện cho hòa bình ở đất nước chúng ta. Lạy Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Bổn Mạng của Châu Mỹ, xin cầu cho chúng con.”

Tổng giám mục Newark, Đức Hồng Y Joseph Tobin, CSSR, cũng kêu gọi sự chuyển cầu của Đức Maria. Ngài kêu gọi những lời cầu nguyện cho sự hồi phục của Trump và tất cả các nạn nhân của vụ xả súng: “Cầu mong gia đình của những người đã chết và bị thương tìm thấy niềm an ủi và hy vọng, và cầu mong sự phẫn nộ này khiến chúng ta, với tư cách là người Mỹ, tố cáo mọi hình thức bạo lực chính trị và súng ống cũng như những hùng biện kích động nó.”

Đức Tổng Giám Mục Gustavo García-Siller, tổng giám mục San Antonio và là thành viên của Dòng Truyền giáo Chúa Thánh Thần, đã cầu xin sự chuyển cầu của Đức Mẹ Guadalupe, nơi ngài đã viếng thăm vương cung thánh đường ở Thành phố Mexico vào chiều thứ Bảy.

Ngài nói trong một tuyên bố từ Thành phố Mexico: “Xung đột chính trị không thể và không được dẫn đến bạo lực”. “Xin Đức Mẹ Guadalupe, mẹ của Chúa Giêsu Kitô và mẹ của chúng ta, hướng dẫn chúng ta trong những thời điểm khó khăn này ở đất nước chúng ta. Cầu mong chúng ta trở thành những người xây dựng hòa bình trong nhà, gia đình, nơi làm việc và quốc gia của chúng ta. Chúng ta cần hòa bình trong thế giới của chúng ta.”

Đức Tổng Giám Mục Nelson J. Pérez của Philadelphia cho biết trong một tuyên bố đăng lên Instagram vào tối thứ Bảy rằng ngài “vô cùng đau buồn và mất tinh thần khi biết về vụ nổ súng”.

“Người Mỹ phải đoàn kết lên án hành động bạo lực chính trị và bạo lực dưới mọi hình thức hiện nay. Cùng nhau hợp tác, chúng ta có thể giải quyết những khác biệt thông qua đối thoại hòa bình và chiến thắng tội lỗi hận thù”, ngài nói.

Đầu mùa hè này, USCCB đã ban hành một tuyên bố về bạo lực chính trị, kêu gọi tất cả các Kitô hữu và những người có thiện chí tránh bạo lực chính trị và thay vào đó “theo đuổi những gì dẫn đến hòa bình và xây dựng lẫn nhau” thông qua đối thoại và tìm kiếm công lý.

“Các sự kiện ngày hôm nay chứng tỏ sự căng thẳng chính trị đang hiện hữu ở đất nước chúng ta,” Đức Giám Mục Larry Kulick của Greensburg, Pennsylvania, nơi lân cận Quận Butler nhưng không bao gồm nó, cho biết.

Ngài nói: “Bạo lực không bao giờ có thể là một phần hợp pháp của tiến trình dân chủ. Tôi xin tất cả các tín hữu của Giáo phận Greensburg cùng tôi cầu nguyện cho những người đã chết, những người than khóc về sự mất mát của họ và những người bị thương.”

Kulick nói thêm: “Những lời cầu nguyện chân thành của tôi gửi đến tất cả những người bị ảnh hưởng bởi sự kiện kinh hoàng này”.

Giám mục Robert Barron của Giáo phận Winona-Rochester, Minnesota, đã đăng lên X, trước đây gọi là Twitter, ngay sau khi tin tức về vụ nổ súng nổ ra.

“Tôi muốn gửi lời cầu nguyện cho Tổng thống Trump và tất cả những người bị thương tại cuộc biểu tình ở Pennsylvania,” ngài nói. “Chúng ta phải từ bỏ con đường bạo lực. Xin Chúa ban phước lành cho đất nước đang gặp khó khăn của chúng ta.”

Đức Giám Mục Walker Nickless của Thành phố Sioux, Iowa, gọi vụ nổ súng hôm thứ Bảy là “một ngày bi thảm đối với đất nước chúng ta”.

“Không có chỗ cho bạo lực chính trị ở Hoa Kỳ. Các sự kiện hôm nay cho thấy nhu cầu cầu nguyện rất lớn – đây là thời gian để cầu nguyện cho hòa bình và cầu nguyện cho việc chấm dứt bạo lực”, ngài nói.

Ngài nói thêm: “Chúng ta cũng phải cầu nguyện cho những người có thể đã thiệt mạng hoặc bị thương trong sự kiện này và gia đình của họ, đồng thời cầu nguyện cho cựu Tổng thống Trump nhanh chóng bình phục”.

“Tiến về phía trước, mong chúng ta biểu lộ tình yêu và sự tôn trọng lẫn nhau ở đất nước tuyệt vời này.”

Đức Tổng Giám Mục Paul Coakley của Thành phố Oklahoma cũng cầu nguyện cho Trump “và những người thiệt mạng, bị thương và bị tổn thương vào thứ Bảy tại cuộc biểu tình ở Pennsylvania.”

Coakley nói thêm: “Chúng ta hãy nhớ rằng bạo lực không bao giờ là câu trả lời cho sự khác biệt của chúng ta. Và xin Chúa ban phước lành cho đất nước chúng ta, vào thời điểm đầy chia rẽ này.”

Đức Giám Mục Michael Olson của Fort Worth, Texas, cũng bày tỏ tình cảm tương tự.

“Xin hãy cầu nguyện cho Tổng thống Trump và gia đình ông cũng như cho linh hồn và gia đình của những người thiệt mạng trong vụ việc khủng khiếp này”, ngài nói. “Xin hãy cầu nguyện cho hòa bình ở đất nước chúng ta.”

Đức Giám Mục Donald Hying, Giám mục Địa phận Madison, Wisconsin, cũng cầu nguyện cho Trump và những người bị thương trong vụ xả súng, đồng thời nói thêm: “Đất nước chúng ta cần cầu nguyện và hoán cải. Đất nước chúng ta cần Chúa.”

Michael Warsaw, chủ tịch hội đồng quản trị và Giám đốc điều hành của EWTN, tổ chức mẹ của CNA, đã đưa ra tuyên bố sau: “Đây là một ngày rất buồn đối với đất nước chúng ta. Chúng ta cần cầu nguyện cho cựu tổng thống và tất cả những người bị ảnh hưởng bởi vụ việc này. Chúng ta cũng cần phải tăng gấp đôi lời cầu nguyện cho đất nước của mình.”

Kevin Roberts, chủ tịch Công Giáo của Quỹ Di sản, cho biết vụ nổ súng “không có gì đáng ngạc nhiên” trong nhiều năm đã có những cuộc tấn công hùng biện gay gắt chống lại Trump.

Roberts cho biết trong một tuyên bố: “Vụ ám sát Donald Trump hôm nay là điều mà nhiều người trong chúng tôi lo lắng”.

Ông nói: “Khi Cánh Tả Cấp tiến dành nhiều năm và hàng triệu đô la để gọi Trump và mọi người bảo thủ là ‘mối đe dọa đối với nền dân chủ’, không có gì ngạc nhiên khi thảm kịch ngày nay sẽ xảy ra”. “Chúng ta phải cầu nguyện cho đất nước và tất cả các nhà lãnh đạo của chúng ta, đồng thời chấm dứt lối hùng biện mang tính kích động này của Cánh Tả và các đồng phạm truyền thông của họ.”
 
Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật
Đặng Tự Do
19:12 14/07/2024
Chúa Nhật, 14 Tháng Bẩy, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật Thứ 15 Mùa Quanh Năm. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, Chúa Nhật vui vẻ!

Hôm nay Tin Mừng kể cho chúng ta về Chúa Giêsu sai các môn đệ đi truyền giáo (x. Mc 6:7-13). Ngài sai họ đi “từng hai người một” và đề nghị một điều quan trọng: chỉ mang theo những gì cần thiết.

Chúng ta hãy dừng lại một chút ở hình ảnh này: các môn đệ được sai đi cùng nhau và chỉ nên mang theo những gì cần thiết.

Chúng ta không rao giảng Tin Mừng một mình, không: Tin Mừng được loan báo cùng nhau, như một cộng đồng, và để làm được điều này, điều quan trọng là phải biết cách giữ gìn sự điều độ: biết cách tỉnh táo trong việc sử dụng của cải, chia sẻ tài nguyên, năng lực và ân sủng, và hoạt động trong sự điều độ. Tại sao? Để được tự do, hãy nhớ điều này những thứ không cần thiết nô lệ hóa anh chị em, và cũng để được tự do, tất cả chúng ta đều cần có những gì cần thiết để sống một cách xứng đáng và tích cực đóng góp cho sứ mạng; rồi tỉnh táo trong suy nghĩ, tỉnh táo trong cảm xúc, từ bỏ những định kiến và từ bỏ tính cứng nhắc, giống như những hành lý vô nghĩa, đè nặng chúng ta và cản trở cuộc hành trình, thay vào đó khuyến khích thảo luận và lắng nghe, và nhờ đó làm chứng hiệu quả hơn.

Chẳng hạn, chúng ta hãy nghĩ đến những gì xảy ra trong gia đình và cộng đồng của chúng ta: khi chúng ta bằng lòng với những gì cần thiết, dù ít, với sự giúp đỡ của Chúa, chúng ta có thể tiến bước và hòa hợp, chia sẻ những gì có, mọi người đều từ bỏ điều gì đó và hỗ trợ lẫn nhau (xem Công vụ 4:32-35). Và đây đã là một lời loan báo truyền giáo, trước và thậm chí còn hơn cả lời nói, bởi vì nó thể hiện vẻ đẹp của sứ điệp Chúa Giêsu trong tính hữu hình của cuộc sống. Thật vậy, một gia đình hay một cộng đoàn sống theo cách này sẽ tạo ra xung quanh mình một môi trường giàu tình yêu thương, trong đó người ta dễ dàng cởi mở hơn với đức tin và sự mới mẻ của Tin Mừng, và từ đó người ta bắt đầu tốt hơn, người ta bắt đầu nhiều hơn và thanh thản hơn.

Mặt khác, nếu mọi người đi theo con đường của mình, nếu chỉ quan tâm đến vật chất – là điều không bao giờ là đủ – nếu người ta không lắng nghe, nếu chủ nghĩa cá nhân và lòng đố kỵ chiếm ưu thế – thì ghen tị là một thứ gì đó gây chết người, một chất độc! – chủ nghĩa cá nhân và sự đố kỵ ngự trị, bầu không khí trở nên nặng nề, cuộc sống trở nên khó khăn, và những cuộc gặp gỡ trở thành một dịp bồn chồn, buồn bã và chán nản, hơn là một dịp vui mừng (x. Mt. 19:22).

Anh chị em thân mến, sự hiệp thông và sự điều độ là những giá trị quan trọng đối với đời sống Kitô hữu của chúng ta: sự hiệp thông, hòa hợp giữa chúng ta và sự điều độ là những giá trị quan trọng, những giá trị không thể thiếu để một Giáo hội truyền giáo ở mọi cấp độ.

Vậy chúng ta có thể tự hỏi: tôi có nếm được niềm vui được loan báo Tin Mừng, mang đến nơi tôi sống niềm vui và ánh sáng đến từ cuộc gặp gỡ với Chúa không? Và để làm được điều này, tôi có cam kết đồng hành cùng người khác, chia sẻ ý tưởng và kỹ năng với họ, với tâm trí cởi mở và trái tim rộng lượng không? Và cuối cùng: tôi có biết nuôi dưỡng một lối sống điều độ, một lối sống quan tâm đến nhu cầu của anh chị em tôi không? Đó là những câu hỏi mà chúng ta nên tự hỏi mình.

Xin Mẹ Maria, Nữ vương các thánh Tông đồ, giúp chúng ta trở thành những môn đệ truyền giáo đích thực, trong sự hiệp thông và đời sống điều độ. Trong sự hiệp thông, trong sự hòa hợp giữa chúng ta và trong sự điều độ của cuộc sống.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến!

Tôi chào anh chị em Rôma và những người hành hương đến từ Ý và nhiều quốc gia. Đặc biệt, tôi chào những người tham dự Đại hội Quốc tế giáo dân của Dòng Thánh Augustinô; Tôi chào các Nữ tu Thánh Gia Nazareth đang cử hành Tổng Tu nghị; Tôi chào các bạn trẻ của giáo xứ Luson, Alto Adige, những người đã hành hương Via Francigena; Hội đồng Giới trẻ Địa Trung Hải, được truyền cảm hứng từ thông điệp của Đấng Đáng kính Giorgio La Pira; và những người trẻ tham gia Khóa học quốc tế dành cho những nhà đào tạo Regnum Christi.

Tôi gửi lời chào mừng đến các tín hữu Ba Lan đang tụ tập tại Đền thờ Đức Mẹ Đen ở Częstochowa, nhân dịp cuộc hành hương hàng năm của gia đình Radio Maria.

Trong Chúa Nhật Biển, chúng ta hãy cầu nguyện cho những người làm việc trong lĩnh vực hàng hải và những người chăm sóc họ.

Xin Mẹ Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta tôn kính ngày mốt là Đức Mẹ Núi Carmel, an ủi và ban hòa bình cho tất cả những người dân bị áp bức bởi sự khủng khiếp của chiến tranh. Xin chúng ta đừng quên Ukraine, Palestine, Israel và Miến Điện đang bị dày vò.

Tôi chào các bạn trẻ của Immacolata.

Tôi chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật vui vẻ. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.


Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Người cha Công Giáo sùng đạo bị giết trong vụ ám sát cựu Tổng thống Trump là người rất tốt trong chúng ta
Đặng Tự Do
19:30 14/07/2024
Theo gia đình ông và thống đốc bang, người chồng và người cha 50 tuổi bị bắn chết hôm thứ Bảy tại cuộc vận động tranh cử của cựu tổng thống Donald Trump bên ngoài Pittsburgh là một Kitô hữu tận tụy và là “người tốt nhất trong chúng ta”.

Corey Comperatore “đi nhà thờ vào mỗi Chúa Nhật. Corey yêu cộng đồng của mình. Đặc biệt nhất, Corey yêu gia đình mình,” Thống đốc bang Pennsylvania Josh Shapiro nói trong cuộc họp báo hôm Chúa Nhật.

Phát biểu với các phóng viên ở phía bắc Pittsburgh, thống đốc đảng Dân chủ cho biết ông đã nói chuyện với vợ và hai con gái của Comperatore.

Shapiro cho biết Comperatore là một “bố của 2 cô con gái” từng làm lính cứu hỏa.

“Tôi đã hỏi vợ của Corey liệu tôi có thể chia sẻ rằng chúng tôi đã nói chuyện không. Và cô ấy đã đồng ý,” Shapiro nói vào Chúa Nhật.

“Cô ấy cũng yêu cầu tôi chia sẻ với tất cả các bạn rằng Corey đã chết như một anh hùng. Corey đã lao vào gia đình anh ta để bảo vệ họ đêm Thứ Bẩy, 13 Tháng Bẩy, tại cuộc vận động tranh cử. Corey là người giỏi nhất trong chúng ta. Cầu mong trí nhớ về anh ấy là một phước lành.”

Thống đốc cho biết thêm, Comperatore là “một người ủng hộ nhiệt thành của cựu tổng thống và rất vui mừng được có mặt ở đó đêm thứ Bẩy cùng ông ấy trong cộng đồng”.

Shapiro cho biết các tòa nhà trong tiểu bang sẽ treo cờ rũ sau thảm kịch.

Comperatore từng là giám đốc Sở Cứu hỏa Thị trấn Buffalo. Thị trấn đó cách Pittsburgh khoảng 30 phút lái xe về phía đông bắc.

Hồ sơ LinkedIn và Facebook của Comperatore nói rằng anh ta là kỹ sư dự án và công cụ tại JSP, một công ty sản xuất.

Một bài đăng trên Facebook hôm thứ Bảy từ vợ của Comperatore, Helen - được đăng trước vụ nổ súng - nói rằng ban đầu gia đình không ngồi trên khán đài phía sau cựu tổng thống.

Cô viết: Phải đến khi một quan chức chiến dịch tiếp cận gia đình và hỏi liệu họ có muốn ngồi ở khán đài phía sau Trump thì họ rất cảm động, nhưng không ngờ điều đó lại khiến anh Comperatore mất mạng.

Dawn Comperatore Schafer, người tự nhận mình là em gái của Corey, nói trên Facebook hôm Chúa Nhật rằng người lính cứu hỏa “là một anh hùng đã che chắn cho các con gái của mình. Vợ và các con gái của anh đã phải trải qua những điều không thể tưởng tượng được. Anh trai tôi vừa bước sang tuổi 50 và còn rất nhiều điều để trải nghiệm”.

Cô nói: “Sự căm ghét dành cho một người đàn ông đã cướp đi sinh mạng của một người đàn ông mà chúng tôi yêu thương nhất. Hận thù không có giới hạn và tình yêu không có giới hạn. Hãy cầu nguyện cho chị dâu, các cháu gái, mẹ, chị gái, tôi và các cháu trai và cháu gái của anh ấy vì điều này giống như một cơn ác mộng khủng khiếp nhưng chúng tôi biết đó là thực tế đau đớn của chúng tôi.”

Một bài đăng trên Facebook của Allyson, con gái của Comperatore đã lan truyền trên mạng vào Chúa Nhật; trong đó cô gọi sự kiện này là “cơn ác mộng trong đời thực”.

Cô viết: “Những gì được cho là một ngày thú vị mà tất cả chúng tôi đều mong chờ (ĐẶC BIỆT là bố tôi), lại trở thành trải nghiệm đau thương nhất mà không ai có thể tưởng tượng ra.

Allyson gọi cha mình là “người cha tốt nhất mà một cô gái có thể yêu cầu”, nói thêm rằng ông “là người của Chúa, yêu mến Chúa Giêsu một cách mãnh liệt và cũng chăm sóc nhà thờ và các thành viên của chúng tôi như một gia đình”.

“Truyền thông sẽ không nói với bạn rằng cha tôi chết như một siêu anh hùng ngoài đời thực. Họ sẽ không nói cho bạn biết cha tôi ta đã xô mẹ tôi và tôi xuống đất nhanh như thế nào đâu,” cô nói.

“Họ sẽ không nói với bạn rằng cha tôi đã che chắn cho cơ thể tôi khỏi viên đạn lao vào chúng tôi. Cha tôi yêu gia đình mình. Cha tôi thực sự yêu chúng tôi đủ để đỡ một viên đạn thực sự cho chúng tôi. Và tôi không muốn gì hơn ngoài việc khóc trước mặt cha tôi và nói lời cảm ơn. Tôi không muốn gì hơn ngoài việc tỉnh dậy và điều này không trở thành hiện thực đối với tôi và gia đình tôi”, cô nói.

Một buổi gây quỹ GoFundMe đã quyên góp được gần 500.000 đô la cho gia đình Comperatore vào tối Chúa Nhật.


Source:Catholic News Agency
 
Vatican lên án bạo lực sau cuộc tấn công vào cựu Tổng thống Trump
Đặng Tự Do
19:36 14/07/2024
Tòa Thánh đã lên án các hành vi bạo lực sau vụ nổ súng khiến cựu tổng thống Mỹ Donald Trump và những người khác bị thương và khiến một người thiệt mạng tại một cuộc vận động tranh cử ở Pennsylvania vào ngày 13 tháng 7.

Một tuyên bố ngắn gọn được phát ngôn nhân Vatican Matteo Bruni cung cấp cho CNA vào ngày 14 tháng 7 cho biết Tòa Thánh bày tỏ “quan ngại về tình tiết bạo lực đêm qua, gây tổn thương cho người dân và nền dân chủ, gây ra đau khổ và chết chóc”.

Bình luận cũng cho biết Tòa Thánh “hiệp kết với lời cầu nguyện của các giám mục Hoa Kỳ cho nước Mỹ, cho các nạn nhân và cho hòa bình trong nước, để động cơ bạo lực không bao giờ thắng thế”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã không bình luận về vụ việc trong lần xuất hiện công khai hàng tuần của ngài trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật.

Các nhà lãnh đạo chính trị trên toàn cầu đã lên tiếng phản đối bạo lực chính trị và ủng hộ nền dân chủ sau vụ ám sát ở Butler, Pennsylvania, tối thứ Bảy.

Trong tuyên bố đăng trên Truth Social ngày 13 Tháng Bẩy, cựu Tổng thống Trump cho biết một viên đạn đã xuyên qua phần trên tai phải của ông. Sau khi được điều trị tại một bệnh viện gần đó, cựu tổng thống đã bay tới New Jersey dưới sự bảo vệ của Cơ quan Mật vụ vào khuya thứ Bảy.

FBI đã xác định kẻ xả súng vào cuộc vận động tranh cử của cựu Tổng thống Trump là Thomas Matthew Crooks, 20 tuổi ở Bethel Park, Pennsylvania. Theo các quan chức, Crooks, người không mang theo giấy tờ tùy thân và được xác định qua phân tích DNA, đã bị một tay súng bắn tỉa của Sở Mật vụ tiêu diệt tại cuộc biểu tình.


Source:Catholic News Agency
 
Các nhà lãnh đạo thế giới đoàn kết ủng hộ dân chủ sau cuộc tấn công vào cựu Tổng thống Trump
Đặng Tự Do
19:42 14/07/2024
Các nhà lãnh đạo chính trị từ khắp nơi trên thế giới đã lên tiếng phản đối bạo lực chính trị và ủng hộ nền dân chủ sau vụ ám sát cựu tổng thống Donald Trump tại một cuộc biểu tình ở phía tây Pennsylvania vào tối thứ Bảy.

Các nhà lãnh đạo cũng chúc cựu tổng thống nhanh chóng bình phục sau khi ông bị thương trong một vụ xả súng vào khoảng 6:13 chiều theo giờ địa phương ở Butler, Pennsylvania, ngay sau khi cuộc vận động tranh cử bắt đầu.

Trong tuyên bố đăng trên Truth Social hôm 13 Tháng Bẩy, Trump cho biết một viên đạn đã xuyên qua phần trên tai phải của ông. Sau khi được điều trị tại một bệnh viện gần đó, cựu tổng thống đã bay tới New Jersey dưới sự bảo vệ của Cơ quan Mật vụ vào tối muộn thứ Bảy.

FBI đã xác định kẻ xả súng vào cuộc biểu tình của Trump là Thomas Matthew Crooks, 20 tuổi ở Bethel Park, Pennsylvania. Theo các quan chức, Crooks, người không mang theo giấy tờ tùy thân và được xác định qua phân tích DNA, đã bị một tay súng bắn tỉa của Sở Mật vụ tiêu diệt tại cuộc biểu tình.

Trong một tuyên bố, FBI cho biết sự kiện này “vẫn là một cuộc điều tra đang diễn ra” và khuyến khích bất kỳ ai có thông tin hãy gọi điện hoặc gửi ảnh hoặc video trực tuyến.

Kevin Rojek, phụ trách đặc vụ FBI Pittsburgh, cho biết trong cuộc họp báo tối thứ Bảy rằng họ vẫn chưa xác định được động cơ của vụ nổ súng, khiến một người tham dự thiệt mạng và hai người trong tình trạng nguy kịch. Cảnh sát cho biết cả 3 nạn nhân đều là nam giới.

Chủ tịch Giám sát Hạ viện James Comer thông báo rằng Quốc hội sẽ tổ chức một phiên điều trần về vụ ám sát, với Giám đốc Sở Mật vụ Kimberly Cheatle được mời tham dự.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi vụ ám sát là “một thảm kịch đối với nền dân chủ của chúng ta”. Ông chúc cựu tổng thống nhanh chóng bình phục và nói thêm rằng “Pháp chia sẻ cú sốc và sự phẫn nộ của người dân Mỹ”.

Justin Trudeau, thủ tướng Canada, cho biết ông “phát ốm” vì vụ nổ súng. “Bạo lực chính trị không bao giờ được chấp nhận. Suy nghĩ của tôi hướng về cựu Tổng thống Trump, những người có mặt tại sự kiện và tất cả người Mỹ,” ông nói.

Trong một bài đăng trên X, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói: “Chúng ta phải kiên quyết chống lại mọi hình thức bạo lực thách thức nền dân chủ” và Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức nói: “Bạo lực chính trị dưới mọi hình thức không bao giờ được chấp nhận trong các nền dân chủ của chúng ta. ”

Thủ tướng Ý, Giorgia Meloni, chúc ông Trump nhanh chóng hồi phục “với hy vọng rằng những tháng vận động tranh cử sắp tới sẽ chứng kiến đối thoại và trách nhiệm lấn át hận thù và bạo lực”.

Phát ngôn nhân của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres đã lên án vụ xả súng và gọi đây là “hành động bạo lực chính trị”.

Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết ông “kinh hoàng trước những cảnh tượng gây sốc” tại cuộc biểu tình. Ông nói: “Bạo lực chính trị dưới mọi hình thức không có chỗ đứng trong xã hội của chúng ta và suy nghĩ của tôi hướng về tất cả các nạn nhân của cuộc tấn công này”.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết ông và phu nhân Sara "bị sốc trước cuộc tấn công rõ ràng nhằm vào Tổng thống Trump".

“Cùng với tất cả các dân tộc yêu chuộng dân chủ trên thế giới, chúng tôi lên án mọi hình thức bạo lực chính trị”, tổng thống Philippines, Ferdinand Marcos Jr., nói trên X và nói thêm: “Tiếng nói của người dân phải luôn là tối cao”.

Thủ tướng Australia Anthony Albanese lặp lại quan điểm của Marcos. Ông nói: “Vụ việc tại sự kiện vận động tranh cử của cựu Tổng thống Trump ở Pennsylvania ngày hôm nay thật đáng quan ngại”. “Không có chỗ cho bạo lực trong tiến trình dân chủ.”

Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán, người đã gặp Trump vào tuần trước khi đến thăm Mỹ dự hội nghị thượng đỉnh NATO, cho biết ông đã cầu nguyện cho cựu tổng thống “trong những giờ phút đen tối này”.

Trong một bài đăng trên X, Tổng thống Á Căn Đình Javier Milei viết rằng cựu Tổng thống Trump có tất cả “sự ủng hộ và đoàn kết”, gọi cựu tổng thống là “nạn nhân của một vụ ám sát hèn nhát khiến mạng sống của ông và hàng trăm người gặp nguy hiểm”.

Tổng thống Á Căn Đình đã tận dụng cơ hội để chỉ ra “sự tuyệt vọng của phe cánh tả quốc tế”, cáo buộc họ có “ý thức hệ tai hại” và sẵn sàng “gây bất ổn cho các nền dân chủ và thúc đẩy bạo lực để giành lấy quyền lực”.

Ông nói: “Vì sợ thua cuộc trong các cuộc thăm dò, họ dùng đến khủng bố để áp đặt chương trình nghị sự ngược dòng và độc tài của mình,” đồng thời kết thúc bằng việc chúc cựu Tổng thống Trump nhanh chóng phục hồi và nói rằng cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ sẽ được tổ chức “công bằng, hòa bình, và một cách dân chủ


Source:Catholic News Agency
 
Linh mục Công Giáo cầu nguyện cho sự an toàn của cựu Tổng thống Trump tại cuộc biểu tình ở Pennsylvania trước khi xảy ra vụ nổ súng
Đặng Tự Do
21:05 14/07/2024
Một linh mục Công Giáo đã ban phép lành trong cuộc biểu tình của cựu tổng thống Donald Trump hôm thứ Bảy đã nói với mọi người rằng họ cần cầu nguyện cho cựu Tổng thống Trump ngay trước khi ông Trump bị bắn và bị thương.

Vị linh mục nói với CNA rằng chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Trump đã liên lạc với ngài vài ngày trước và yêu cầu ngài ban phép lành tại cuộc vận động tranh cử. Trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng trên podcast “Pints with Aquinas” vào tối thứ Bảy, Cha Charron đã kể lại lời cầu nguyện mà ngài đã đưa ra tại sự kiện này.

“Lời cầu nguyện của tôi là lời cầu nguyện bảo vệ. Lời cầu nguyện của tôi là khôi phục các mối quan hệ đúng đắn trong xã hội của chúng ta - các mối quan hệ ở cấp độ cá nhân, cấp độ gia đình, cấp độ xã hội, để đất nước chúng ta sẽ trở nên vĩ đại trở lại trước mắt Chúa. Và một khi đất nước của chúng ta sẽ trở nên vĩ đại trở lại, thế giới của chúng ta cũng sẽ trở nên vĩ đại trở lại, trước mắt Chúa,” Cha Charron nói.

“Tất cả những điều này giả định rằng mọi người, trước hết, bắt đầu sống cuộc sống hàng ngày của mình theo thánh ý Chúa”, vị linh mục nói thêm.

Cha Charron cho biết ngài đã gặp cựu Tổng thống Trump một thời gian ngắn trước khi cựu tổng thống ra ngoài phát biểu trước đám đông tại cuộc vận động tranh cử, diễn ra tại một địa điểm ngoài trời tại Butler Farm Show ở Quận Butler, Pennsylvania.

“Tôi đã nói chuyện với ông ấy về tình hình ở Ukraine và bắt tay ông ấy,” Cha Charron nói.

Khi Cha Jason Charron ra về để chuẩn bị cho thánh lễ Chúa Nhật, một nhóm khoảng 15 đến 20 người đã gọi ngài đến hàng rào chắn trong địa điểm tập hợp xin ngài chúc lành cho họ ngay trước khi cựu Tổng thống Trump bắt đầu phát biểu.

Cha Charron nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với CNA vào tối thứ Bảy: “Tôi nói với họ: Tôi đã cầu nguyện cho ông ấy và sự an toàn của ông ấy, nhưng họ cũng phải cầu nguyện vì có những người muốn giết ông ấy”. “Và tôi không nghĩ nhiều - theo đúng nghĩa đen là vài phút sau có loại âm thanh kinh hoàng này, và mọi người bắt đầu chạy tán loạn, và lúc đó tôi nghe người ta nói rằng đó là một tiếng súng.”

Nhà chức trách cho biết một tay súng đang cố gắng giết cựu Tổng thống Trump đã bắn nhiều phát vào cựu tổng thống, trúng vào tai phải của ông trong khi giết chết một khán giả và làm bị thương hai người khác.

Cha Charron cho biết ngài biết có những tuyên bố chính sách của cựu Tổng thống Trump mâu thuẫn với giáo huấn Công Giáo, bao gồm cả những tuyên bố gần đây của cựu Tổng thống Trump nói rằng ông ủng hộ việc cung cấp thuốc phá thai. Nhưng ngài ám chỉ đến các hành động ủng hộ sự sống của cựu Tổng thống Trump, bao gồm cả việc ông bổ nhiệm ba thẩm phán Tòa án Tối cao Hoa Kỳ khi ông còn là tổng thống, những người đã giúp hình thành đa số để lật ngược phán quyết Roe chống Wade vào tháng 6 năm 2022, cho phép các tiểu bang cấm phá thai.

Cha Charron nói với CNA: “Nếu mọi người thắc mắc tại sao tôi lại có mặt tại một cuộc vận động tranh cử của cựu Tổng thống Trump, thì đó không phải là để phong thánh cho ông ấy hay miễn trừ những khiếm khuyết của ông ấy”.

Cha nói: “Sự nhút nhát gần đây của ông ấy trong việc ủng hộ luật ủng hộ sự sống là điều không mong muốn, và tôi đến đó không phải vì lý do đó mà để khuyến khích ông ấy phát huy những chiến thắng ủng hộ sự sống trong chính quyền đầu tiên của mình”.

Cha Charron được thụ phong linh mục trong Nhà thờ Công Giáo Ukraine cho Giáo phận Thánh Josaphat vào năm 2008. Ngài đã phục vụ tại các giáo xứ ở Bắc Carolina, Tây Virginia và Pennsylvania và hiện là cha sở của Nhà thờ Công Giáo Holy Trinity Ukraine ở Carnegie, Pennsylvania, và Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Wheeling, Tây Virginia.


Source:Catholic News Agency
 
Đức Giáo Hoàng cầu nguyện Kinh Chiều tại Đền Thờ Đức Bà Cả nhân dịp lễ Đức Mẹ Xuống Tuyết
Đặng Tự Do
21:25 14/07/2024
Đức Thánh Cha Phanxicô, người rất coi trọng Đền Thờ Đức Bà Cả, sẽ tham dự Kinh chiều trọng thể Đức Mẹ Xuống Tuyết và Lễ kỷ niệm Cung hiến Vương cung thánh đường vào ngày 5 tháng 8.

Vào ngày 5 tháng 8 hàng năm, các tín hữu ở Rôma và những người hành hương kỷ niệm Lễ Trọng Đức Mẹ Xuống Tuyết tại Đền Thờ Đức Bà Cả, và Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tham gia cùng họ trong năm nay.

Theo Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, Đức Thánh Cha sẽ tham dự các sự kiện Kinh chiều trong ngày vào lúc 5:30 chiều, do Đức Tổng Giám Mục Rolandas Makrickas, Cha Phó của Vương cung thánh đường chủ trì.

Đức Thánh Cha có một tình cảm đặc biệt đối với Đền Thờ Đức Bà Cả trong suốt triều đại giáo hoàng của ngài, được chứng minh bằng nhiều chuyến viếng thăm của ngài, đặc biệt là trước và sau các chuyến tông du của ngài, khi ngài cầu nguyện trước linh ảnh Đức Bà Là Phần Rỗi của Dân Thành Rôma.

Theo truyền thống cá nhân của mình, Đức Thánh Cha có thể sẽ đến thăm Nhà thờ Đức Bà Cả một tháng sau chuyến Tông du tới Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore vào đầu tháng 9.

Theo thông báo hôm thứ Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cùng với các tín hữu Rôma tham dự phụng vụ Lễ trọng và Lễ kỷ niệm cung hiến Vương cung thánh đường.

Trước đó trong ngày, sẽ có Thánh lễ lúc 10 giờ sáng kính Đức Mẹ Xuống Tuyết, trong đó những cánh hoa trắng được thả xuống từ trần nhà.

Trận mưa 'tuyết' tương tự được lặp lại vào giờ Kinh Chiều lúc 5 giờ chiều.

Sau giờ Kinh chiều, Đức Tổng Giám Mục Emilio Nappa, Chủ tịch Hiệp hội Giáo hoàng Truyền giáo, sẽ chủ sự một Thánh lễ khác vào lúc 7 giờ tối.

Truyền thống kể rằng Đức Trinh Nữ Maria đã khiến tuyết rơi trên Đồi Esquiline giữa cái nóng oi bức của tháng 8 năm 352.

Một nhà quý tộc Rôma và vợ ông, những người không có người thừa kế, đã cầu nguyện Chúa chỉ cho họ cách tiêu xài của cải. Trong một giấc mơ được chia sẻ bởi cả nhà quý tộc và Đức Giáo Hoàng Liberiô, Đức Maria bày tỏ mong muốn được xây dựng một nhà thờ tại địa điểm trên Đồi Esquiline.

Bất chấp cái nóng mùa hè thiêu đốt, vào ngày 5 tháng 8 năm 352, tuyết vẫn rơi theo hình chữ nhật và không tan.

Đền Thờ Đức Bà Cả được xây dựng tại chỗ và hoàn thành vào năm 354.

Sự tham gia của Đức Thánh Cha vào truyền thống hàng năm dành cho Đức Mẹ năm nay tiếp theo thông lệ ngài nghỉ hầu hết các hoạt động vào tháng 7, ngoại trừ buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật với các tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Vào ngày 7 tháng 8, Đức Thánh Cha sẽ tiếp tục Buổi tiếp kiến chung vào Thứ Tư hàng tuần tại Vatican.


Source:Vatican News
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh Lễ Cung Hiến & Khánh Thành Nhà Thờ Công Giáo Việt Nam TGP Brisbane
Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Brisbane
04:57 14/07/2024
 
Huy hoàng & Lộng lẫy: Hình ảnh Đại Hội Thánh Mẫu lần 3 tại Linh Đài Đức Mẹ La Vang - Orange County
Thanh Nguyen
18:01 14/07/2024
Xem hình ảnh

Đại Hội Thánh Mẫu Lần 3 tại Linh Đài Đức Mẹ La Vang - Orange County đã diễn ra với sự tham dự của các Đức Giám Mục:

ĐGM Kevin W. Vann
ĐCGM/PT Thomas Nguyễn Thái Thành
ĐCGM/PT Timothy E. Freyer
ĐCGM/PT Michael Cường Phạm/ GP San Diego
ĐCGM Lary Silva/GP Honolulu/Hawaii
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Liên hoa thơ dâng Thánh Nữ
Đinh văn Tiến Hùng
22:15 14/07/2024
***Liên hoa thơ dâng THÁNH NỮ***

* Mẹ ru Chúa Hài Nhi*
Sau khi Mục đồng rời hang đá Belem, từ giã Thánh Gia còn nghe tiếng ru vọng ra.

Con ơi ! Hãy ngủ cho say.
Để mẹ đan xong áo này cho con.
Thân con buốt lạnh hao mòn,
Lòng mẹ đau xót chẳng còn ngại chi,
Mai sau đến lúc chia ly,
Không còn săn sóc được gì nữa đâu,
Nhọc nhằn thương nhớ u sầu,
Cô đơn mòn mỏi đêm thâu một mình.
Ôi! Con bỏ chốn thiên đình,
Xuống trần gánh cả tôi tình thế nhân,
Lòng người phụ bạc bao lần,
Con ! Lòng thương xót ban ân cho đời,
Hồng ân tuôn đổ từ trời,
Hạ sinh nghèo khó làm người trần gian.
Thôi con hãy ngủ cho ngoan,
Để mai khôn lớn lo toan cứu người,
Ngoài kia tuyết lạnh đang rơi,
Máng cỏ súc vật là nơi con nằm,
Ru con mẹ vẫn âm thầm,
Nhanh tay đan áo ấm thân ngọc ngà”.


*BÔNG HỒNG NHỎ*

Từ khi THÁNH NỮ về trời,
Mưa Hoa Hồng xuống trao đời Tình Yêu.

MỘT TÂM HỒN những tháng năm thơ ấu
Người mẹ hiền đã khuất bóng từ lâu,
Nuôi con thơ cha lặng lẽ nguyện cầu,
Dâng cho Chúa niềm tin yêu ký thác.
Tình phụ tử ôi dạt dào man mác,
Ngồi bên cha lòng trải rộng êm đềm,
Nhìn trăng sao lấp lánh giữa màn đêm,
Giơ tay chỉ :’Kìa tên con trên đó ‘ (*)

Cha mỉn cười cầm tay con gái nhỏ :
“Ồ đúng rồi Chúa đã chọn tên con ‘
TÊRÊSA trong danh sách vàng son
Nơi Thiên quốc ngàn năm còn chói sáng

Rồi từ đó tuổi thơ luôn khao khát,
Dâng cuộc đời cho Thiên Chúa Tình Yêu,
Lisiơ Dòng kín một buổi chiều
Đã đón nhận Một Tâm Hồn Bé Nhỏ.

Chín năm trời Người Nữ tu hèn mọn,
Luôn siêng năng trong mọi việc tầm thường,
Khi giặt giũ, quét dọn hay làm vườn….
Hy sinh, cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa.

TÊRÊSA quyết giữ lời tuyên hứa,
Khi không thể truyền giáo phương trời xa
Việc làm nhỏ với lời nguyện thiết tha,
Cũng chính là một Tông đồ truyền giáo.

Cuộc đời Người chẳng có gì vĩ đại
Không phép lạ, không rạng rỡ huy hoàng,
Hai mươi bốn tuổi vĩnh biệt trần gian,
Được nâng lên hàng Tiến sĩ Giáo hội.

Mưa Hoa Hồng lời ngọt ngào nhắn nhủ :
“Hãy hy sinh với cuộc sống khiêm nhường,
Việc Tầm thường sẽ kết quả Phi thường,
MỘT TÂM HỒN nguyện cầu trong yêu mến.

(*) Ghi chú: Có lẽ Cô bé Têrêsa muốn ám chỉ chòm sao Thiên nga, tiếng La-tinh gọi là Cygnus, tiếng Anh gọi là Nothern Cross (Bắc Thập Tự) giống chim giang cánh hình chữ T đang bay trên bầu trời.


*Thánh Nữ Hoan Ca*

MONICA Mẹ tuyệt vời !
Nêu gương sáng chói cho đời noi theo,
Dù đời đau khổ bao nhiêu,
Cậy trông vào Chúa mọi điều sẽ qua.

Hai mươi hai tuổi lập gia đình,
Người chồng ngoại đạo tính tình khó khăn.
Ba mươi năm sống âm thầm,
Chồng con chịu đựng tấm thân hao gầy.
Mẹ luôn cầu nguyện đêm ngày,
Cho chồng hối cải, con quay trở về,
Con trưởng dục vọng đam mê,
Ngang tàng, gian dối chẳng hề hồi tâm,
Lại theo bè rối sai lầm.
Nhìn con lòng Mẹ muôn phần xót xa,
Nguyện cầu xin Chúa thứ tha,
Nước mắt Mẹ đã chan hòa vì con,
Vững tâm nhịn nhục sắt son.
Nhận được trong giấc chiêm bao tin mừng,
Thiên Thần bảo hãy vững lòng,
Con Bà rồi sẽ hồi tâm quay về.

Augustinô gặp Thánh nhân,
Suy lời Ngài dạy dần dần hiểu ra,
Bè rối, dục vọng, sa hoa,
Chỉ là hư ảo mà ta theo đòi.
Người Mẹ lo lắng khôn nguôi,
Chẳng ngại vượt biển đến nơi con mình,
Đêm ngày tha thiết cầu kinh,
Con được hoán cải trong tình thứ tha.
Hồng ân Thiên Chúa bao la,
Đón nhận tình Chúa ngợi ca ơn Ngài,
Chúa đã sắp đặt an bài,
Dẫn đường chỉ lối con trai trở về.
Mẹ Con sung sướng tràn trề
Cảm tạ Thiên Chúa lời thề ghi ơn.

Lạy Chúa ! Chúa đã thương con,
Được làm con Chúa con còn ước chi,
Đời con diễm phúc ai bì,
Suốt đời tình Chúa khắc ghi tâm hồn.
Nhờ Mẹ sốt sáng nguyện cầu,
Nhờ Mẹ giáo dục bấy lâu đêm ngày,
Nhờ Mẹ chẳng quản thân gầy,
Nhẫn nhục khổ cực để ngày hôm nay,
Augustinô giờ đây,
Trở thành vị Thánh tràn đầy nhiệt tâm !

MONICA Mẹ tuyệt vời !
Nêu cao nhân đức cho người neo theo.
Đời Mẹ đau khổ quá nhiều,
Nhưng tin vào Chúa mọi điều đã qua.
Tình Mẹ ôi thật bao la !
Hy sinh từ ái chan hòa đời Con.

*MẸ TERESA CALCUTTA*

Trước cửa chính Dòng Truyền Giáo Bác Ái, đưới chân Thánh Giá là hai chữ ‘Ta Khát’ để nhắc nhớ cho các Đệ tử là Thiên Chúa nhân từ luôn khát khao Tình yêu nhân loại. Vì ‘Sự đói khát ngày nay thì rộng lớn hơn, đó là đói khát Tình thương.’
Cùng với những lời chiêm niệm hàng ngày rất đơn sơ nhiệt thành :

-‘Lạy Chúa Giê-su xin giải thoát con,
Khỏi ao ước được mọi người kính yêu,
Khỏi ao ước được tán dương,
Khỏi ao ước được vinh danh,
Khỏi ao ước được chúc tụng,
Khỏi ao ước được quí trọng,
Khỏi ao ước được hỏi ý kiến,
Khỏi ao ước được cho phép,
Khỏi ao ước được nổi tiếng,
Khỏi sợ hãi bị lăng nhục,
Khỏi sợ hãi bị khinh miệt,
Khỏi sợ hãi bị đau khổ vì khiển trách,
Khỏi sợ hãi bị vu oan,
Khỏi sợ hãi bị quên lãng,
Khỏi sợ hãi bị sai lầm,
Khỏi sợ hãi bị nhạo cười,
Khỏi sợ hãi bị chất vấn.’

*Ôi Mẹ ! Tấm thân nhỏ bé hành động phi thường,
Cả đời dâng hiến để phục vụ yêu thương,
Mẹ là Vĩ Nhân Tông Đồ Lòng Chúa Thương Xót,
Của người cùng khổ xã hội vất bỏ bên đường.

Nhìn gương Mẹ con thấy mình hèn yếu tầm thường,
Cả cuộc đời danh lời luôn đeo đuổi vấn vương,
Để mang theo được gì khi xuôi tay nằm xuống,
Xin hãy dìu dắt con khỏi lạc lối Thiên Đường.


*Thánh MARIA MADALÊNA*

Trong số các phụ nữ đi theo Chúa,
Nhiệt thành nhất là Thánh Madalêna,
Cùng với Chúa bôn ba khắp gần xa,
Ngài chính là môn đồ Tình yêu mến.

Thánh Nữ hăng say hết lòng phục vụ,
Loan báo Tin Mừng cho khắp muôn nơi,
Xa lánh hư danh tìm đến Nước Trời,
Cuộc đời Ngài đã chứng minh điều đó.

Đau xót Chúa bị tra tấn khổ cực,
Thân xác Chúa mang thương tích đầy mình,
Thánh Nữ đầu tiên gặp Chúa Phuc Sinh,
Đồng hành cùng Chúa hướng lên Núi Sọ.

Lạy Thánh Mácđala nêu cao gương sáng,
Xin đưa con xa tục lụy trần gian,
Xin soi sáng con tìm đến Thiên đàng.
Đó mới chính là Quê hương chân thật.

(*) Ghi chú : Thánh Mácđala tiếng Việt gọi Madalêna hay Mai-đệ-Liên- Lễ kính 22/7


*THÁNH MARIA GORETTI*

*Bông Huệ nhỏ tuyết trinh nơi đồng nội,
Vượt lên cao tràn ngập nắng hồng ân,
Gió mưa lay, không vương mắc bụi trần,
Đẹp lòng Chúa, đem về vườn Thiên quốc.

“Xin kính chào Vị Nữ Thánh khả ái !

Hỡi Vị Tử Đạo dưới đất và Thiên Thần trên trời !
Từ nơi vinh quang, xin ghé mắt nhìn xuống đoàn con đây, đang yêu mến, tung hô và chúc tụng Ngài. Trên vầng trán Ngài ghi rõ danh tánh chói sáng hiển vinh của Chúa Kitô chiến thắng. Trên khuôn mặt tinh khiết Ngài tỏa sáng sức mạnh tình yêu và lòng kiên trung với Đức Lang Quân Chí Thánh.

Ngài là Vị Hiền Thê
dùng chính máu đào mình họa lại hình ảnh Chúa Kitô. Hỡi vị Nữ Thánh quyền uy cạnh ngai tòa Chiên Thiên Chúa, xin phó dâng lên Ngài những người đang có mặt nơi đây, cũng như những người đang kết hợp cách thiêng liêng với chúng tôi. Tất cả đều ngưỡng phục lòng anh hùng của Ngài, nhất là muốn bắt chước Ngài trong nhiệt tâm giữ vững đức tin và bảo toàn phong hóa cao quí.
Từ nay các bậc làm cha mẹ chạy đến kêu cầu, xin Ngài trợ giúp trong nhiệm vụ giáo dục con cái.

Xin đặt vào vòng tay Ngài một trẻ thơ, cùng thanh thiếu nữ, hầu Ngài bảo vệ chúng thoát khỏi mọi hiểm độc và an vui bước trên đường đời trong niềm hoan lạc của những con tim trong trắng.
Ước gì được như vậy !

Tuổi trẻ đẹp biết bao đầy sức sống,
Một đóa huệ tươi hiến trọn đời mình,
Dâng lên Thiên Chúa làm lễ hy sinh,
Con cầu theo chân Ngài,Ôi Nữ Thánh !


*Thánh Nữ Cêcilia :
Nhạc Sĩ Đồng Trinh Tử Đạo*

1-Thời thơ ấu
Bé gái từ lúc còn thơ,
Say mê nhạc Thánh, không mơ nhạc trần,
Đêm ngày ấp ủ trong tâm,
Cung nhạc trầm bỗng vang âm thiên đình,
Nhiều khi quên cả thân mình,
Luôn luôn khấn nguyện hy sinh giúp đời,
Đức ái biểu lộ tuyệt vời !
Chúa sai Thiên Sứ không ngơi trợ phù,
Sống đời như Vị chân tu,
Nhạc thần, bác ái hộ phù thế nhân,
Nên khi từ biệt gian trần,
Biết bao nhạc sĩ, Ca đoàn tôn vinh !

2- Đồng Trinh Trong Hôn Nhân :

Nhân loại ngưỡng phục ngỡ ngàng,
Hôn nhân kết ước lại càng khó khăn,
Tình yêu hòa hợp xác thân,
Vợ chồng luyến ái tránh gần khó sao?
Lời nguyền xin Chúa trên cao,
Nên Chúa chấp nhận biết bao ân tình,
Cảm thông cuộc sống đồng hành,
Tháng năm khuyên nhủ bạn tình yên tâm,
Thương yêu tôn trọng xác thân,
Phu phụ vững chí ân cần đỡ nhau,
Cả hai tha thiết nguyện cầu,
Đẹp lòng Thiên Chúa mai sau bên Ngài.


3-Thần Nhạc Tử Đạo Bay Về Thiên quốc:

Đẹp lòng Thiên Chúa Trời Cao !
Đêm mang chôn xác biết bao anh hùng,
Máu đào lai láng tuyên xưng,
Cương quyết gần Chúa vượt cùng gian nan,
Việc bị phát giác đến quan,
Dụ dỗ uy hiếp không màng đớn đau,
Thánh Nữ tâm nguyện trước sau,
Không từ bỏ Chúa mưu cầu vinh thân,
Quan bắt dâng hương tế thần,
Tuôỉ xuân nhan sắc chẳng cần ngại chi,
Trước giờ tử biệt sinh ly,
Chồng, em diễm phúc nào ai sánh bì?
Khóc than nhỏ lệ làm gi?
Hân hoan ngước mặt hướng đi về trời

*THÁNH ANNA THÂN MẪU MẸ MARIA*

Trong tác phẩm được Chúa mặc khải qua thị kiến tựa đề ‘ ‘Tin Mừng như đã mặc khải cho tôi ‘, nữ Tu Maria Valtorta đã ghi lại Thánh Anna loan báo thiên chức làm mẹ Trinh Nữ Maria qua bài Thánh vịnh Huyền nhiệm như sau :

“Vinh danh Chúa toàn năng đã yêu thương con cháu Đa-vít
Vinh danh Chúa từ trời, ơn huệ của Ngài đã viếng thăm con
Cây cằn cỗi đã mọc ra cành non, và con sung sướng.
Hy vọng đã vãi hạt giống vào dịp lễ Ánh Sáng.

Không khí thơm tho của tháng Nissan, thấy nó nảy mầm.
Vào mùa xuân, thân xác tôi sẽ như cây hoa đào đầy hoa.

Vào buổi chiều cuộc đời, thấy nó sinh trái.
Trên cành cây là một bông hồng, một trái cây dịu ngọt nhất.

Một Ngôi Sao lấp lánh, một sự sống thơ ngây trẻ trung.
Đó là niềm vui của gia đình, của vợ chồng.

Ngợi khen Chúa là Thiên Chúa đã thương con !
Ánh Sáng của Người đã loan báo cho con, một Vì Sao sẽ đến với Ngươi.

Vinh quang ! Vinh quang ! Trái cây này sẽ thuộc về Ngài, trái đầu tiên và sau cùng,
Thánh thiện và trong sạch như ân huệ của Chúa.

Nó sẽ thuộc về Ngài và bởi nó niềm vui và bình an sẽ đến trên trái đất

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG -Tổng hợp
 
VietCatholic TV
Trúng cú lừa, Nga mất hệ thống TOR. Nga tàn sát Nga, bỏ trốn. Ông Trump lên tiếng, báo cáo đáng sợ
VietCatholic Media
03:01 14/07/2024


1. Nhân chứng nói kẻ bắn vào Ông Trump trèo lên mái nhà với khẩu súng trong khi cảnh sát đứng nhìn

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Trump Shooter Climbed Roof with Gun as Police Watched, Witness Says”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Merrick Garland cho biết sẽ có một cuộc điều tra đầy đủ về các báo cáo của một cư dân địa phương tên là Greg Smith cho rằng kẻ bắn vào Ông Trump trèo lên mái nhà với khẩu súng trong khi cảnh sát đứng nhìn.

Trong bản tường thuật rùng rợn về những sự kiện dẫn đến vụ nổ súng tại cuộc vận động tranh cử của Donald Ông Trump ở Butler, Pennsylvania, một nhân chứng đã đưa ra những chi tiết đặt ra những câu hỏi nghiêm trọng về các biện pháp an ninh tại sự kiện. Greg Smith, người có mặt ngay bên ngoài cuộc biểu tình, nói với BBC rằng anh ta phát hiện một người đàn ông mang súng trường đang bò trên sân thượng gần địa điểm diễn ra vụ nổ súng vài phút trước khi phát súng đầu tiên diễn ra.

Vụ việc xảy ra vào lúc 6h13 giờ địa phương ngày Thứ Bẩy, 13 Tháng Bẩy, hay 5h sáng Chúa Nhật, 14 Tháng Bẩy, đã gây ra làn sóng chấn động khắp bối cảnh chính trị và khơi dậy các cuộc tranh luận về sự an toàn của các nhân vật của công chúng tại các sự kiện tranh cử. Theo lời khai của Smith, tay súng đã được nhìn thấy trên một tòa nhà ngay bên ngoài khu vực vận động tranh cử khoảng 5 phút sau bài phát biểu của cựu Tổng thống Trump.

Smith kể lại: “Chúng tôi nhận thấy anh chàng gấu đó đang bò lên nóc tòa nhà bên cạnh, cách chúng tôi 15mét. “Anh ta có một khẩu súng trường; chúng tôi có thể thấy rõ một khẩu súng trường.” Theo nhân chứng, những gì xảy ra sau đó là một nỗ lực điên cuồng nhằm cảnh báo chính quyền về mối nguy hiểm sắp xảy ra.

Smith mô tả khung cảnh hỗn loạn và rõ ràng là thiếu sự phối hợp giữa các nhân viên an ninh. “Chúng tôi đang chỉ vào anh ta, cảnh sát ở dưới đó chạy vòng quanh trên mặt đất, chúng tôi nói 'Này anh bạn, có một gã trên mái nhà với một khẩu súng trường'... và cảnh sát không biết chuyện gì đang xảy ra. Nhân chứng ước tính rằng anh ta và những người khác đã cố gắng thu hút sự chú ý đến tay súng trong ba đến bốn phút trước khi vụ nổ súng bắt đầu.

Smith chia sẻ sự bối rối của mình trước sự giám sát rõ ràng là quá lơ là và hỏi: “Tại sao không có Mật vụ trên tất cả những mái nhà ở đây? Đây không phải là một nơi lớn.” Anh khẳng định rõ ràng vụ việc là “lỗi của an ninh, lỗi của an ninh 100%”.

Chuỗi sự kiện được Smith mô tả đã vẽ nên bức tranh về một cuộc khủng hoảng đang diễn ra nhanh chóng. “Tôi đang tự nghĩ 'Tại sao Ông Trump vẫn phát biểu, tại sao họ không kéo ông ấy ra khỏi sân khấu'... điều tiếp theo mà bạn biết đấy, 8 phát súng vang lên,”. Sau tiếng súng, Smith chứng kiến các nhân viên Mật vụ vô hiệu hóa mối đe dọa. “Họ bò lên mái nhà, chĩa súng vào anh ta và chắc chắn rằng anh ta đã chết. Anh ta đã chết, và thế là xong - mọi chuyện đã kết thúc.”

Theo phát ngôn viên Anthony Guglielmi, Cơ quan Mật vụ đã xác nhận rằng các đặc vụ đã “vô hiệu hóa kẻ xả súng” và “nhanh chóng phản ứng bằng các biện pháp bảo vệ”. Vụ việc hiện đang được điều tra như một âm mưu ám sát, nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của vi phạm an ninh.

Số người thiệt mạng trong vụ tấn công còn vượt xa cả cựu tổng thống, người được nhìn thấy với vết máu trên mặt và sau đó báo cáo rằng một viên đạn đã sượt qua tai ông. Đáng thương thay, một thành viên trong đám đông đã thiệt mạng và hai người khác bị thương nặng, theo báo cáo chính thức.

Tác động tâm lý đối với những người tham dự, đặc biệt là trẻ em, là rất đáng kể. Smith sau đó nói với BBC rằng con trai ông đã “khóc và cầu xin tôi đưa nó về nhà” sau vụ nổ súng. “Có rất nhiều đứa trẻ ở đó cùng với chúng tôi đã rất sợ hãi, chúng vẫn còn sợ hãi,” anh nói thêm, nhấn mạnh đến tổn thương sâu rộng hơn mà những người tham gia cuộc biểu tình đã phải gánh chịu.

Ông Trump đã lên tiếng trực tiếp với những người ủng hộ ông sau vụ nổ súng thông qua một bài đăng trên Truth Social thông báo với họ rằng ông vẫn ổn. Ông cũng cảm ơn Sở Mật vụ và cơ quan thực thi pháp luật vì phản ứng nhanh chóng của họ, đồng thời chia buồn với những người ủng hộ thiệt mạng và bị thương, đồng thời cho biết ông vẫn sẽ tới Milwaukee để tham dự Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa.

2. Tấn công bệnh viện là một phần trong kế hoạch của Putin

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đã lên án cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào bệnh viện nhi đồng Okhmatdyt, và khẳng định “Đây là một tội lỗi kêu thấu đến trời cao”.

Hỏa tiễn hành trình Kh-101 của Nga lao vào bệnh viện nhi Okhmatdyt ở Kyiv hồi đầu tuần có thể là tội ác chiến tranh, nhưng đó không phải là tai nạn.

Ngài bày tỏ nỗi đau buồn sâu sắc: “Thật kinh hoàng khi chứng kiến những đứa trẻ đến điều trị tại trung tâm thận nhân tạo lại bị bọn tội phạm Nga giết hại một cách tàn nhẫn”. Theo ngài, nhiều người trong số họ đang cận kề cái chết - họ đang phải sử dụng thiết bị thông khí phổi nhân tạo. Nhiều người đang trải qua phẫu thuật vào thời điểm đó. Việc mất điện khiến mạng sống của họ gặp nguy hiểm.

“Nhân danh Thiên Chúa, với tất cả quyết tâm của mình, chúng tôi lên án tội ác chống lại loài người này”, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav nói. “Đây không chỉ là tội ác chống lại luật lệ và quy tắc của con người, cụ thể là các quy tắc chiến tranh quốc tế. Đây là một tội lỗi kêu thấu đến trời cao đòi phải trả thù, theo đạo đức Kitô giáo.”

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC khẳng định rằng “Tấn công bệnh viện là một phần trong kế hoạch của Putin.” Tờ báo cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Attacking hospitals is part of Putin’s plan”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Nga từ lâu đã tấn công vào các bệnh viện trong các cuộc chiến mà nước này tiến hành ở Ukraine, Syria và Chechnya và mục đích rất đơn giản, dù khủng khiếp: đó là gây sốc cho người dân đến mức người dân gây áp lực buộc chính phủ của họ phải đầu hàng.

“Bằng chứng thực nghiệm cho thấy đây là một chiến thuật của Nga trong chiến tranh thông thường. Fabian Hoffmann, một chuyên gia hỏa tiễn và là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Dự án Hạt nhân Oslo, cho biết, Nga có thành tích tấn công vào các bệnh viện.

Ngoài ra còn có một lý do quân sự. Cuộc tấn công mùa xuân của Nga nhằm vào thành phố thứ hai của Ukraine là Kharkiv đã bị đình trệ. Nga chỉ đạt được những lợi ích nhỏ nhoi theo mặt trận phía đông nhưng với chi phí đáng kinh ngạc về nhân lực và thiết bị.

Ruslan Trad, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Đại Tây Dương, viết trên tờ Moscow Times: “Quân đội Nga đang tấn công các khu vực dân sự để phân tán nguồn lực của lực lượng Ukraine hiện đang tập trung dọc mặt trận”. “Mạc Tư Khoa biết rằng Ukraine cần bổ sung các hệ thống phòng không để bảo vệ các thành phố và bầu trời của mình, và họ đang khai thác điểm yếu này để gây ra những hậu quả tàn khốc”.

Vụ đổ máu do nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin gây ra thật kinh khủng.

Chính quyền Ukraine cho biết, cuộc tấn công hôm thứ Hai vào Okhmatdyt đã làm hơn 30 người bị thương, trong đó có 8 trẻ em và khiến 2 người thiệt mạng, trong đó có một bác sĩ. Nó cũng khiến bệnh viện nhi hàng đầu của Ukraine trở thành đống đổ nát.

“Mặt đất rung chuyển và các bức tường rung chuyển. Cả trẻ em và người lớn đều la hét, khóc lóc vì sợ hãi và đau đớn. Đó thực sự là địa ngục,” Volodymyr Zhovnir, giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Okhmatdyt, nói trong bài phát biểu video hôm thứ Ba trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Nga đã đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của hội đồng vào đầu tháng này.

Đây không phải là lần đầu tiên Nga sử dụng kỹ thuật này.

Bộ Y tế Ukraine báo cáo hồi tháng 6 rằng cho đến nay, Nga đã gây hư hại hơn 1.600 trung tâm y tế và phá hủy hơn 200 bệnh viện ở Ukraine. Lực lượng Nga cũng tấn công vào xe cứu thương và các phương tiện di tản y tế khác ở khu vực tiền tuyến.

Điều tương tự cũng xảy ra ở Syria, nơi Nga bị cáo buộc đánh bom nhiều bệnh viện trong suốt quá trình tham gia chiến dịch quân sự. Bác sĩ vì Nhân quyền, một tổ chức phi chính phủ giám sát các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe, phát hiện ra rằng lực lượng Nga hoặc Syria chịu trách nhiệm tấn công 541 cơ sở y tế trong khoảng thời gian 10 năm.

“Bằng cách bắn vào các bệnh viện và cơ sở hạ tầng dân sự khác, Nga bám vào một động cơ – đó là ép dân thường phải đầu hàng. Buộc quốc gia mà họ tấn công phải tuân theo các điều khoản của Điện Cẩm Linh để chấm dứt chiến tranh”, Nazar Voloshyn, phát ngôn nhân quân đội Ukraine, cho biết.

“Đây là một tên bạo chúa chỉ chấp nhận đầu hàng. Và Putin sẵn sàng giết người với số lượng lớn để khiến chính phủ Ukraine của chúng ta tuân thủ hơn. Và mục tiêu chính của Điện Cẩm Linh là những người dễ bị tổn thương nhất - trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi”, Voloshyn nói thêm.

Cú sốc của cuộc tấn công đã khiến một số người dao động.

Hàng chục blogger về phong cách sống với lượng khán giả lớn và chủ yếu là nữ đã đăng các câu chuyện trên Instagram kêu gọi chính phủ Ukraine chấm dứt chiến tranh bằng mọi giá, tuyên bố “không ai quan tâm đến biên giới năm 1991” và đổ lỗi cho chính phủ về việc thiếu nỗ lực để đạt được thỏa thuận với Nga.

Họ nhanh chóng bị công chúng la hét và nhiều người đã gỡ bài đăng của họ xuống.

Mykola Bielieskov, nhà phân tích quân sự và nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Ukraine, cho biết các cuộc tấn công vào bệnh viện là một ví dụ về đường lối chiến tranh tổng lực được Điện Cẩm Linh ưa chuộng.

Bielieskov nói: “Điểm khác biệt chính giữa chiến tranh tổng lực và chiến tranh cổ điển là, cùng với việc chiến đấu trên tiền tuyến và tấn công các mục tiêu quân sự thuần túy, cơ sở hạ tầng dân sự cũng bị tấn công để làm suy yếu ý chí phản kháng của người dân”.

Mặc dù chiến thuật này nhằm mục đích phá vỡ sự kháng cự chống lại Nga nhưng nó lại mang đến rủi ro cho Mạc Tư Khoa.

Các bệnh viện được bảo vệ đặc biệt theo luật nhân đạo quốc tế. Joyce Msuya, quyền phó tổng thư ký LHQ về các vấn đề nhân đạo và điều phối viên cứu trợ khẩn cấp, cho biết trong cuộc tranh luận tại Hội đồng Bảo an rằng tấn công họ là một tội ác chiến tranh và thủ phạm phải chịu trách nhiệm.

Nó cũng có thể gây bối rối cho các đồng minh của Mạc Tư Khoa.

Thủ tướng Hung Gia Lợi thân Điện Cẩm Linh Viktor Orbán đã tới Mạc Tư Khoa vào cuối tuần qua để gặp Putin trong một nỗ lực hòa bình khiến hầu hết các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu đồng nghiệp của ông phẫn nộ. Ông ấy đã không lên án Mạc Tư Khoa về vụ tấn công. Thay vào đó, trong một bài đăng trên mạng xã hội, ông than thở về “cuộc tấn công bi thảm và khủng khiếp” vốn sẽ khuyến khích “đàm phán ngừng bắn và hòa bình”.

Điện Cẩm Linh cẩn thận không nhận trách nhiệm về những cuộc tấn công như vậy.

Ở Syria, họ đổ lỗi cho cái gọi là Nhà nước Hồi giáo. Ở Ukraine, Kyiv bị đổ lỗi. Dmitry Peskov, phát ngôn nhân của Điện Cẩm Linh, cho biết thảm kịch là kết quả của một hỏa tiễn phòng không Ukraine bắn nhầm và toàn bộ sự việc chỉ là một chiêu trò nhằm tăng cường thiện cảm với Ukraine tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington.

Theo hãng tin chính thức TASS, Peskov cho biết những chiến thuật “bẩn thỉu” như vậy “đã được sử dụng nhiều lần”.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố: “Mục đích của những hành động khiêu khích như vậy là để bảo đảm có thêm nguồn tài chính cho chế độ Kyiv và tiếp tục chiến tranh với người Ukraine cuối cùng”.

Nhưng chẳng có chút nghi ngờ nào về những gì đã xảy ra ở Kyiv hôm thứ Hai 8 Tháng Bẩy.

Cơ quan An ninh Ukraine kết luận rằng một chiếc Kh-101 đã đâm vào bệnh viện và cảnh sát tìm thấy các mảnh vỡ của hỏa tiễn tại hiện trường.

Sau đó, Liên Hiệp Quốc cũng như hàng chục nhà điều tra nguồn mở đã xác nhận đây là hỏa tiễn hành trình cận âm không đối đất chiến lược của Nga.

Hoffman của Dự án Hạt nhân Oslo đã phân tích các video và hình ảnh về cuộc tấn công và kết luận: “Đúng, đây 100% là Kh-101”.

Các bác sĩ và tình nguyện viên rà soát đống đổ nát của bệnh viện Okhmatdyt để tìm kiếm những người bị thương và thiệt mạng đã kiên quyết rằng nỗ lực vấy máu của Nga nhằm buộc đất nước họ đầu hàng sẽ không hiệu quả.

Giám đốc bệnh viện Zhovnir cho biết: “Tấn công bệnh viện nhi, nơi trẻ em đang điều trị ung thư và các bệnh nặng khác, không chỉ là tội ác chiến tranh mà nó vượt xa giới hạn của nhân loại”.

“Các bác sĩ và nhân viên của chúng tôi đã cứu sống trẻ em đến phút cuối cùng, ngay cả dưới hỏa tiễn và hỏa lực. Chúng tôi sẽ không đầu hàng”, ông nói thêm.

3. Những gì chúng ta biết về vụ nổ súng trong cuộc vận động tranh cử của cựu Tổng thống Trump

Cựu Tổng thống Trump đang phát biểu tại một cuộc vận động tranh cử ở Butler, Pennsylvania thì có tiếng động lớn trong đám đông vào lúc 6h13 chiều giờ địa phương ngày Thứ Bẩy, 13 Tháng Bẩy, tức là 5h13 sáng Chúa Nhật, 14 Tháng Bẩy, theo giờ Việt Nam.

Cựu Tổng thống Trump dường như đã bị thứ gì đó tác động vào vùng tai phải khi ông đang nói, và các video cho thấy ông nhanh chóng ôm tai rồi cúi xuống đất, trong khi các nhân viên an ninh và những người khác lao tới trợ giúp.

Một khán giả thiệt mạng và ít nhất hai người bị thương.

Cựu Tổng thống Trump đứng dậy với một bên mặt đầy máu và nói “chiến đấu, chiến đấu” trong khi giơ nắm đấm.

Cựu Tổng thống Trump sau đó nhanh chóng được hộ tống từ sân khấu và lên xe của mình.

Địa điểm tập hợp hiện là hiện trường vụ án đang diễn ra. FBI đã bắt tay vào cuộc điều tra.

Đội ngũ của cựu Tổng thống Trump và Mật vụ xác nhận ông “bình an” và đang được kiểm tra tại cơ sở y tế địa phương.

Cựu Tổng thống Trump sau đó đăng một tuyên bố trên Truth Social, nói rằng ông bị trúng “một viên đạn xuyên qua phần trên tai phải của tôi”. Cũng có thông tin cho rằng cựu tổng thống đã bị mảnh kính đâm vào người.

Luật sư quận Butler xác nhận rằng nghi phạm xả súng đã bị biệt đội bắn tỉa của Cơ quan Mật vụ bắn chết, và một người tham dự cuộc biểu tình đã chết vì lạc đạn của tên sát thủ.

Một người tại cuộc biểu tình đang trong tình trạng nghiêm trọng. Cơ quan Mật vụ sau đó cho biết có hai người bị thương nặng.

Vụ nổ súng đang được điều tra như một vụ cố ý ám sát.

Cơ quan Mật vụ đã chia sẻ thêm thông tin chi tiết về vị trí của kẻ nổ súng và xác nhận rằng kẻ xả súng đứng trên một sân thượng, bắn ít nhất 8 phát súng bằng một khẩu súng trường kiểu AR, trước khi bị Cơ quan Mật vụ tiêu diệt.

Tổng thống Joe Biden cho biết “mọi người phải lên án bạo lực chính trị” trong bài phát biểu ngay sau vụ xả súng. Tòa Bạch Ốc sau đó cho biết tổng thống và ông Trump đã nói chuyện với nhau. Tổng thống Biden đang quay trở lại Tòa Bạch Ốc.

4. Hệ thống hỏa tiễn Tor của Nga bị nổ tung bằng HIMARS sau khi bắn hụt máy bay điều khiển từ xa trinh sát

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia's Tor Missile System Blown Up With HIMARS After Missing Spy Drone”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Quân đội Ukraine hôm thứ Sáu đã công bố đoạn phim chiến đấu cho thấy lực lượng của họ đã làm nổ tung hệ thống hỏa tiễn tầm ngắn di động của Nga.

Đoạn phim quay trên không dài 35 giây lần đầu tiên được chia sẻ bởi Trung tâm Truyền thông Chiến lược của Lực lượng Vũ trang Ukraine, gọi tắt là Stratcom, trên Telegram, cho thấy một máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đang trốn tránh hỏa lực từ hệ thống phòng không Tor của Nga.

Hôm Thứ Sáu, 12 Tháng Bẩy, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết hệ thống phòng không Tor của Nga đã bị phá hủy trong cuộc tấn công bằng Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao, gọi tắt là HIMARS, do Trung đoàn máy bay điều khiển từ xa số 14 của Ukraine thực hiện.

HIMARS do Mỹ cung cấp đã cho phép Ukraine phá hủy các hệ thống hỏa tiễn phòng không tiên tiến nhất của Nga. Hệ thống hỏa tiễn này đã được sử dụng rộng rãi trong suốt cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, hiện đã bước sang năm thứ ba. Washington đã cung cấp cho Ukraine ít nhất 39 HIMARS kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu.

Ukraine thường xuyên tấn công vào các hệ thống Tor của Nga, là một hệ thống tiên tiến có khả năng bắn hạ máy bay, máy bay điều khiển từ xa, hỏa tiễn dẫn đường và các loại vũ khí chính xác khác ở độ cao trung bình đến thấp. Hãng thông tấn nhà nước Nga Tass đưa tin vào tháng 2 năm ngoái, dẫn lời một chuyên gia quân sự, biến thể Tor-M2 có khả năng tiêu diệt máy bay điều khiển từ xa và “các mục tiêu trên không phức tạp khác” khi đang di chuyển.

5. Tuyên bố của cựu Tổng thống Trump

Cựu Tổng thống Trump đã đưa ra tuyên bố sau. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy

Tôi muốn cảm ơn Cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ và tất cả Cơ quan Thực thi Pháp luật vì phản ứng nhanh chóng của họ đối với vụ nổ súng vừa diễn ra ở Butler, Pennsylvania. Quan trọng nhất, tôi muốn gửi lời chia buồn tới gia đình của người thiệt mạng tại cuộc vận động bầu cử và cả gia đình của một người khác bị thương nặng. Thật không thể tin được rằng một hành động như vậy lại có thể diễn ra ở nước ta.

Hiện chưa có thông tin gì về kẻ nổ súng, hiện đã chết. Tôi bị một viên đạn bắn xuyên qua phần trên tai phải. Tôi biết ngay có điều gì đó không ổn khi tôi nghe thấy tiếng rít, tiếng súng và ngay lập tức cảm thấy viên đạn xé toạc da. Chảy máu nhiều nên lúc đó tôi nhận ra ngay chuyện gì đang xảy ra. XIN CHÚA PHÙ HỘ NƯỚC MỸ!

6. 'Kẻ đào ngũ' Nga tàn sát đồng đội trước khi bỏ đơn vị mà không có phép

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian 'Deserter' Massacred Fellow Soldiers Before Going AWOL”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

AWOL có nghĩa là “bỏ đơn vị mà không có phép”, có thể là có ý đào ngũ hay chỉ đi đâu đó một thời gian.

Một lính đào ngũ Nga đã tàn sát đồng đội trước khi bỏ chạy, theo kênh Telegram.

Các kênh Baza và Shot Telegram đưa tin hôm Thứ Sáu, 12 Tháng Bẩy, rằng người quân nhân này đóng quân ở vùng Belgorod của Nga, giáp biên giới với Ukraine, đã bắn chết hai đồng đội của mình và làm bị thương một người khác vào ngày 11 tháng 7 trước khi anh ta mang theo vũ khí đào ngũ khỏi đơn vị của mình.

Kênh Telegram VChK-OGPU, có ý định lấy thông tin nội bộ từ lực lượng an ninh Nga, cho biết vụ nổ súng xảy ra khi các quân nhân đang uống rượu.

“Theo thông tin sơ bộ, hai quân nhân đã xúc phạm một đồng đội, người này đầu tiên đưa ra lời cảnh cáo cho họ và khi hành vi nhạo báng lặp lại, anh ta đáp trả bằng cách giết họ bằng súng máy rồi lẩn trốn.” Kênh này cho biết thêm rằng “kẻ giết người hiện đang bị truy nã.”

Baza đưa tin người lính Nga đã bỏ chạy với khẩu súng máy Kalashnikov và 70 viên đạn, “nhưng vũ khí này có lẽ đã được tìm thấy cách hiện trường vụ việc không xa”.

Mạng tin tức nhà nước Russia Today, gọi tắt là RT, hôm thứ Sáu cho biết nguồn tin của họ xác nhận rằng có thương vong do vụ nổ súng tại một đơn vị quân đội ở vùng Belgorod.

RT đưa tin trên kênh Telegram của mình: “Kẻ tấn công bị buộc hai tội: đào ngũ và cố ý giết người”. “Theo thông tin ban đầu, người đàn ông này đã trốn khỏi đơn vị quân đội của mình do mâu thuẫn nội bộ trong đơn vị.”

Đào ngũ là một vấn đề đối với quân đội Nga trong suốt cuộc xâm lược toàn diện của nhà độc tài Vladimir Putin vào Ukraine. Vào tháng 11 năm 2022, Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh cho biết các tướng lĩnh của Điện Cẩm Linh có thể đã phê chuẩn việc sử dụng vũ khí chống lại những người đào ngũ, “bao gồm cả việc có thể cho phép nổ súng để giết những người bỏ trốn như vậy sau khi cảnh báo được đưa ra”.

Tội danh này có thể bị phạt tù 10 năm. Vào tháng 2, một dự án phản chiến của Nga có tên Get Lost, được thành lập để giúp những người đàn ông Nga trốn tránh nghĩa vụ quân sự ở Ukraine, cho biết các trường hợp đào ngũ khỏi quân đội đã tăng gấp 10 lần trong năm nay.

Hồi tháng 4, cơ quan tình báo quân sự Ukraine, gọi tắt là HUR, cho biết hơn 18.000 quân nhân Nga thuộc Quân khu phía Nam đã bỏ trốn kể từ khi chiến tranh bắt đầu. HUR cho biết trên Telegram rằng khoảng 12.000 người trong số họ thuộc Quân đoàn vũ trang tổng hợp cận vệ số 8, một đơn vị “mà đối phương liên tục tham gia vào các cuộc chiến ở phía đông Ukraine”.

HUR cho biết thêm, khoảng 2.500 binh sĩ đã đào ngũ khỏi Quân đội vũ trang kết hợp cận vệ số 58 của Nga. Newsweek vẫn chưa xác minh những số liệu này.

7. Chiến dịch tranh cử cho biết Trump sẽ xuất hiện tại đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa theo kế hoạch

Cựu Tổng thống Donald Trump vẫn có kế hoạch tham dự đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa ở Milwaukee vào tuần tới, nơi ông dự kiến sẽ chính thức được tái đề cử làm ứng cử viên tổng thống, chiến dịch tranh cử của ông và Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa cho biết.

“Như đã được thông báo vào tối nay, Tổng thống Trump đã khá hơn và biết ơn cơ quan thực thi pháp luật cũng như những người phản ứng đầu tiên vì hành động nhanh chóng của họ,” cố vấn cao cấp chiến dịch tranh cử của Trump là Susie Wiles và Chris LaCivita cùng chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa Michael Whatley và đồng chủ tịch Lara Trump cho biết như trên.

“Tổng thống Trump mong được tham gia cùng tất cả các bạn tại Milwaukee khi chúng tôi tiến hành đại hội để đề cử ông ấy làm Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ. Với tư cách là ứng cử viên của đảng chúng tôi, Tổng thống Trump sẽ tiếp tục chia sẻ tầm nhìn của mình để làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại.”

8. Tuyên bố của Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland về vụ mưu sát cựu Tổng thống Trump

Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland đã đưa ra tuyên bố sau đây sau khi xảy ra vụ nổ súng vào cựu Tổng thống Trump.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tôi đã được thông báo tóm tắt về vụ nổ súng tại cuộc vận động tranh cử của cựu Tổng thống Trump và đã thông báo cho các Giám đốc FBI, ATF, Văn phòng Luật sư Hoa Kỳ tại Quận Tây Pennsylvania và Phòng An ninh Quốc gia của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ hiện đang làm việc với Cơ quan Mật vụ cũng như các đối tác thực thi pháp luật của tiểu bang và địa phương tại Butler, Pennsylvania.

Trái tim tôi hướng về cựu Tổng thống, những người bị thương và gia đình của một người tham dự bị thiệt mạng trong vụ tấn công kinh hoàng này.

Chúng tôi sẽ không dung thứ cho bất kỳ hình thức bạo lực nào và bạo lực như thế này là một cuộc tấn công vào nền dân chủ của chúng ta. Bộ Tư pháp sẽ huy động mọi nguồn lực sẵn có cho cuộc điều tra này.

9. Ba Lan chuẩn bị Quân đoàn Ukraine, 'vài ngàn' người đã ghi danh

Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski ngày 11 Tháng Bẩy cho biết Ba Lan đã bắt đầu chuẩn bị Quân đoàn tình nguyện viên Ukraine đầu tiên với “vài ngàn” người đã ghi danh tham gia.

Quân đoàn được chính thức công bố là một phần của thỏa thuận an ninh được ký kết bởi Tổng thống Volodymyr Zelenskiy và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk vào ngày 8 tháng 7, đặt ra những bước phát triển hơn nữa trong hợp tác chính trị, kinh tế và quân sự giữa Ukraine và Ba Lan.

Không giống như các quân đoàn cụ thể khác trong Lực lượng vũ trang Ukraine, chẳng hạn như Quân đoàn Georgia, Quân đoàn Tự do Nga và Trung đoàn Pahonia Belarus, quân đoàn sẽ bao gồm toàn những người Ukraine.

“Ở Ba Lan, chúng tôi đang bắt đầu chuẩn bị lữ đoàn Ukraine đầu tiên bao gồm các tình nguyện viên ở Ba Lan,” Sikorski cho biết tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington trong bình luận được Interfax đưa tin.

“Chúng tôi có tới một triệu người Ukraine thuộc cả hai giới và hàng ngàn người trong số họ đã ghi danh tham gia.

“Điều thú vị là nhiều người trong số họ thực sự muốn phục vụ nhưng họ nói rằng 'chúng tôi không muốn bị đưa vào trận chiến nếu không được huấn luyện và trang bị phù hợp',” ông nói thêm.

Sikorski xác nhận Ba Lan sẽ huấn luyện và trang bị cho Quân đoàn Ukraine, lực lượng này sẽ được cử đến Ukraine với tư cách một đơn vị và được quyền trở về Ba Lan sau khi hoàn thành đợt luân chuyển.

10. Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson thề 'điều tra đầy đủ' vụ nổ súng tại cuộc vận động bầu cử của cựu Tổng thống Trump

Chủ tịch Hạ viện và là đồng minh của Donald Trump, Dân biểu Mike Johnson, cho biết văn phòng của ông sẽ “tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ” về vụ nổ súng tại cuộc biểu tình của cựu tổng thống hôm nay.

Johnson cho biết họ sẽ yêu cầu câu trả lời từ giám đốc Sở Mật vụ, cùng với các quan chức tại FBI và bộ an ninh nội địa:

Người dân Mỹ xứng đáng được biết sự thật. Chúng ta sẽ có Giám đốc Sở Mật vụ Kimberly Cheatle và các quan chức thích hợp khác từ DHS và FBI xuất hiện để điều trần trước các ủy ban của chúng ta càng sớm càng tốt.

11. Thủ tướng Tiệp: Tôi có thể giúp von der Leyen có được nhiệm kỳ Ủy ban thứ 2

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Czech PM: I can help von der Leyen get a 2nd Commission term”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Nếu Ursula von der Leyen cần phiếu bầu từ nhóm cánh hữu Bảo thủ và Cải cách Âu Châu, gọi tắt là ECR, để giành được nhiệm kỳ chủ tịch Ủy ban thứ hai, cô ấy có thể trông cậy vào sự giúp đỡ của Thủ tướng Tiệp Petr Fiala.

“Tôi ủng hộ Ursula von der Leyen và tôi cũng sẽ cố gắng giành được một số phiếu bầu từ ECR. Nếu có thể, chúng tôi sẽ hỗ trợ cô ấy”, Fiala nói với POLITICO tại văn phòng của ông ở Praha.

Fiala, lãnh đạo Đảng Dân chủ Công dân, gọi tắt là ODS, cho biết: “Cô ấy là một chủ tịch tốt của Ủy ban Âu Châu, cô ấy cũng hiểu các vấn đề của Trung Âu. Cô ấy đã rất rõ ràng ngay từ đầu cuộc xâm lược của Nga”.

Von der Leyen, người thuộc Đảng Nhân dân Âu Châu, gọi tắt là EPP, trung hữu, cần 361 phiếu bầu trong Nghị viện Âu Châu để có được nhiệm kỳ chủ tịch Ủy ban thứ hai (trong số 720 thành viên của Nghị Viện Âu Châu ). Vào năm 2019, cô ấy đã vượt qua rào cản tương tự chỉ với 9 phiếu bầu.

Tháng trước, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, người thuộc đảng Huynh Đệ Ý trong ECR, đã bỏ phiếu trắng khi các nhà lãnh đạo quốc gia bỏ phiếu về việc có nên trao nhiệm kỳ thứ hai cho von der Leyen hay không. Meloni đã bỏ phiếu phản đối Thủ tướng Estonia Kaja Kallas trở thành nhà ngoại giao hàng đầu tiếp theo của Liên Hiệp Âu Châu và cựu lãnh đạo Bồ Đào Nha António Costa đứng đầu Hội đồng Âu Châu. Fiala đã bỏ phiếu ủng hộ cả ba.

Meloni, chủ tịch đảng ECR, phàn nàn rằng cô không được tham gia vào các công việc hàng đầu. Không rõ liệu thành viên của Nghị Viện Âu Châu trong đảng của cô ấy có ủng hộ von der Leyen hay không.

Fiala đồng ý rằng ECR nên có vai trò lớn hơn trong việc quyết định ai sẽ điều hành các tổ chức chính của Liên Hiệp Âu Châu.

Ông nói: “Tôi cũng đã nói điều đó với các đồng nghiệp của mình, tôi nghĩ sẽ hợp lý hơn nếu cuộc thảo luận không chỉ diễn ra giữa những người theo khuynh hướng xã hội, EPP và Renew mà còn với ECR”.

Fiala từ chối hỏi ai sẽ là ủy viên tiếp theo của Tiệp. Ba cái tên đã được nêu: Jozef Síkela, một chủ ngân hàng hiện là bộ trưởng công nghiệp; Danuše Nerudová, một nhà kinh tế từng tham gia cuộc bầu cử tổng thống vừa qua (cả hai đều là những người độc lập); và Marcel Kolaja, cựu phó chủ tịch Nghị viện Âu Châu.

“ Chúng tôi sẽ đưa ra quyết định vào cuối tháng 8,” Fiala nói. “Tôi muốn có một danh mục đầu tư mạnh mẽ. Tôi thích Danuše Nerudová hơn.”

Động cơ Pháp-Đức có truyền thống thúc đẩy Liên Hiệp Âu Châu đang hoạt động kém hiệu quả vì những rắc rối trong nước và trong cuộc bầu cử ở Liên Hiệp Âu Châu cho Olaf Scholz của Đức và Emmanuel Macron của Pháp. Nhưng Fiala không quan tâm.

“Tôi không tin vào động cơ Pháp-Đức ở Liên Hiệp Âu Châu. Tôi nghĩ điều đó không phải lúc nào cũng tốt. Đối với Liên Hiệp Âu Châu, sẽ tốt hơn nếu tiếng nói của các nước cỡ trung bình và các nước nhỏ được lắng nghe.
 
Tiên hạ thủ vi cường: Kyiv đốt tổng kho dầu Nga. 20 F-16 đợt đầu. Nga tố NATO đưa quân vào Ukraine
VietCatholic Media
16:14 14/07/2024


1. Nga sẽ tấn công Ukraine lần nữa từ phía bắc, Tướng Budanov cảnh báo

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia will attack Ukraine again from the north, Budanov says”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo tài liệu tình báo đã được Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh giải mật hôm Thứ Sáu, 12 Tháng Bẩy, Nga đã mất hơn 70.000 quân trong 2 tháng qua, sau khi mở cuộc tấn công vào Kharkiv.

Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm Chúa Nhật, 14 Tháng Bẩy, Trung Tướng Kyrylo Budanov, Giám đốc tình báo quân sự, cảnh báo rằng Nga hoàn toàn có thể sớm mở một cuộc tấn công tương tự.

Phát biểu với hãng tin NV, Tướng Budanov từ chối nêu rõ liệu ông đang nói về một cuộc tấn công ở tỉnh Sumy hay Chernihiv để không “gây hoảng loạn”, nhưng khẳng định đã có những dấu hiệu cho thấy Nga có thể lặp lại sai lầm đã phạm ở Kharkiv.

Ông nói: “Nếu tôi bắt đầu trả lời câu hỏi về nơi xảy ra cuộc tấn công, chúng ta sẽ gây ra sự hoảng loạn. Hãy cứ nói rằng có những vấn đề và chúng có xu hướng trở nên tồi tệ hơn.”

“Không có thảm họa nhưng không thể nào lại không nhìn thấy vấn đề. Tôi đã nói với ai đó từ báo chí phương Tây: Thật không may, tôi sẽ không có nhiều tin tốt trong năm nay,” Budanov nói.

Budanov đang trả lời câu hỏi về kế hoạch của Nga được báo cáo vào tháng 4 nhằm huy động thêm 300.000 binh sĩ trước ngày 1 tháng Sáu.

Khi được hỏi điều này có thể ảnh hưởng như thế nào đến các kế hoạch tấn công của Nga, ông nói tình hình “đối với tôi giống như một trò đùa”.

“Trong hai năm, khi mọi người la hét rằng sắp có một cuộc tấn công mới từ phía bắc, chúng tôi khẳng định điều đó sẽ không xảy ra. Và thực sự là không có gì xảy ra cả”

“Nhưng, vào thời điểm chúng tôi nói rằng sẽ có một cuộc tấn công từ phía bắc, mọi người bắt đầu đặt câu hỏi, 'Có lẽ rốt cuộc điều đó sẽ không xảy ra phải không?'

“Nó sẽ! Nó đã xảy ra rồi”, Tướng Budanov nói.

Mặc dù không cho biết cuộc tấn công mới có thể diễn ra ở đâu, Nga hồi đầu năm nay đã mở một mặt trận mới trong cuộc chiến vào ngày 10 Tháng Năm khi cố gắng tiến vào Kharkiv.

Động thái của Nga ở Kharkiv đã bị sa lầy.

Nó thực sự đã bị sa lầy chỉ trong khoảng hai tuần, khi lực lượng Ukraine phản công gần thị trấn biên giới Vovchansk.

Pravda Âu Châu đưa tin vào ngày 13 tháng 6 rằng theo nguồn tin NATO không được tiết lộ, tổn thất của Nga trong cuộc tấn công là “khủng khiếp”.

Nguồn tin ước tính rằng “Nga có thể phải chịu thiệt hại gần 1.000 người mỗi ngày trong tháng 5”, có khả năng cho thấy con số thậm chí còn cao hơn so với con số mà nhóm Khortytsia đưa ra.

Theo tài liệu tình báo đã được Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh giải mật hôm Thứ Sáu, 12 Tháng Bẩy, Nga đã mất trung bình 1262 sĩ quan và binh lính trong tháng 5, và 1163 trong tháng 6. Tổng số sĩ quan và binh lính Nga bị loại khỏi vòng chiến lên đến 70.000 người trong hai tháng.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết trong một cuộc phỏng vấn ngày 25 Tháng Năm rằng tổn thất của Nga trong cuộc tấn công cao gấp 8 lần so với tổn thất mà Lực lượng vũ trang Ukraine phải gánh chịu.

2. Ba Lan cân nhắc bắn hạ hỏa tiễn Nga trên bầu trời Ukraine giữa làn sóng tấn công kinh hoàng

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Poland mulls shooting down Russian missiles over Ukraine amid wave of deadly attacks”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Warsaw đang xem xét can thiệp sau khi xảy ra các cuộc tấn công tàn phá lưới điện và phá hủy Bệnh viện Nhi đồng lớn nhất Kyiv.

Ba Lan đang cân nhắc xem liệu họ có thể đánh chặn các hỏa tiễn của Nga đang tấn công các thành phố của Ukraine hay không, khi các đồng minh phương Tây tăng cường vận chuyển hệ thống phòng không để giúp bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng.

Trong bài phát biểu trước Viện Doanh nghiệp Mỹ bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington hôm thứ Sáu, Ngoại trưởng Ba Lan Radosław Sikorski cho biết đề xuất này - ban đầu được Kyiv đưa ra - đang được xem xét và đưa vào thỏa thuận phòng thủ chung được hai bên ký kết.

“Ở giai đoạn này, đây là một ý tưởng. Thỏa thuận của chúng tôi đã nói là chúng tôi sẽ tìm hiểu ý tưởng này”, Sikorski nói.

Ông nói thêm rằng Ba Lan có quyền bắn hạ các hỏa tiễn của Nga có nguy cơ bay vào lãnh thổ của mình mà “chúng tôi cho rằng do nhầm lẫn”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao nhấn mạnh rằng, việc chỉ bắn hạ chúng sau khi chúng đã vượt qua biên giới sang Ba Lan là một “tình thế tiến thoái lưỡng nan” vì các mảnh vỡ có thể gây ra thiệt hại cho Ba Lan.

“Người Ukraine đang nói: 'Xin vui lòng, chúng tôi sẽ không bận tâm, hãy làm điều đó trên không phận của chúng tôi khi họ sắp có nguy cơ xâm nhập vào lãnh thổ Ba Lan. Theo tôi, đó là cách tự vệ nhưng chúng tôi đang tìm hiểu thêm ý tưởng này”, Sikorski nói.

Điều đó đánh dấu sự khác biệt với quan điểm trước đây của Warsaw về vấn đề này. Władysław Kosiniak-Kamysz, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng quốc phòng Ba Lan, nói với Đài phát thanh Ba Lan hồi đầu tuần rằng động thái này cần có sự đồng ý của các đồng minh NATO trong bối cảnh có những lo ngại thực tế về khả năng leo thang.

Ông nói: “Nếu NATO không đưa ra quyết định như vậy, Ba Lan sẽ không đưa ra quyết định đó một cách riêng lẻ”.

Nga đã thực hiện một loạt cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu dân sự trong những tuần gần đây, khiến 3 người thiệt mạng và 16 người khác bị thương trong vụ tấn công vào bệnh viện nhi lớn nhất Ukraine hôm thứ Hai.

Liên Hiệp Quốc đã xác nhận “khả năng cao” rằng vụ tàn sát là kết quả của một “cuộc tấn công trực tiếp” bởi hỏa tiễn của Nga, chứ không phải do hỏa tiễn bị bắn hạ như Mạc Tư Khoa đã tuyên bố trong những trường hợp tương tự trước đây. Tòa án Hình sự Quốc tế đã bắt đầu cuộc điều tra về tội ác chiến tranh, Kyiv cho biết hôm thứ Sáu.

Ukraine đã nhận được gói phòng không, bao gồm nhiều hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất, như một phần của thỏa thuận được cam kết trong hội nghị thượng đỉnh NATO tuần này. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc cung cấp nhiều loại bệ phóng và hỏa tiễn đánh chặn cần phải nỗ lực không ngừng, thay vì chỉ thỉnh thoảng thực hiện các giao dịch một lần.

Cựu đại tá tình báo quân đội Anh và nhà hoạch định NATO Philip Ingram nói với POLITICO: “Người Nga đang sử dụng rất nhiều phương pháp tấn công khác nhau và để đánh bại họ, bạn cần có một hệ thống phòng không nhiều lớp”.

“Một số ở cự ly gần hơn, một số có thể bắn trúng đối tượng xa hơn và hỏa tiễn có thể tiêu diệt cả máy bay chuẩn bị ném bom; và đặc biệt là những loại có khả năng tiêu diệt hỏa tiễn đạn đạo và hỏa tiễn siêu thanh.”

Jade McGlynn, giảng viên nghiên cứu chiến tranh tại King's College Luân Đôn, cho biết: “Chính sách gia tăng từ từ của phương Tây không hiệu quả.”

“Nên tập trung ít hơn vào những lo ngại và tập trung nhiều hơn vào việc tiêu diệt ưu thế trên không của Nga - bằng cách tăng cường phòng không, xóa bỏ các hạn chế đối với khả năng của Ukraine trong việc phá hủy các địa điểm ném bom ở Nga - và tài trợ bổ sung để đưa chi tiêu quốc phòng của Ukraine ít nhất đến gần hơn với chi tiêu cho cuộc chiến của Nga.”

3. Phản ứng thách thức của cựu Tổng thống Trump trước vụ nổ súng ngay lập tức trở thành biểu tượng

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Trump's Defiant Reaction to Shooting Becomes Instantly Iconic”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thu Trinh.

Bị bao vây bởi các nhân viên Mật vụ, máu chảy ròng ròng trên mặt, Donald Trump giơ cao nắm đấm. Cựu tổng thống vừa sống sót sau một phát súng từ một kẻ ám sát, và hình ảnh về phản ứng oai hùng đặc trưng của ông ngay lập tức trở thành biểu tượng. Nắm tay giơ lên từ lâu đã là biểu tượng của sự phản kháng chống lại sự áp bức hay quyền lực và là dấu hiệu của chiến thắng.

Một nhiếp ảnh gia đã ghi lại khoảnh khắc trong với lá cờ Mỹ treo ở hậu cảnh và hình ảnh tràn ngập mạng xã hội.

“Ông ấy sẽ không bao giờ ngừng chiến đấu để cứu nước Mỹ,” Donald Trump Jr., đăng dưới dạng chú thích trên X, trước đây gọi là Twitter, kèm theo bức ảnh. Eric Trump cũng chia sẻ bức ảnh, viết trên X rằng đây là “chiến binh mà nước Mỹ cần”.

Với hai ứng cử viên tổng thống đã trên 75 tuổi, cuộc đua tập trung vào việc liệu ông Trump và Tổng thống Joe Biden có đủ điều kiện về tinh thần và thể chất để lãnh đạo đất nước hay không. Tổng thống Biden đã dành những tuần qua để cố gắng phục hồi về mặt chính trị sau màn trình diễn thảm hại trong cuộc tranh luận với cựu Tổng thống Trump; các thành viên trong đảng của ông đã kêu gọi ông từ chức. Phản ứng thách thức của cựu Tổng thống Trump đối với vụ nổ súng tạo nên sự tương phản rõ rệt với những bức ảnh về Tổng thống Biden nhợt nhạt, và dao động.

Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa dự kiến sẽ bắt đầu sau hai ngày nữa, và hình ảnh kiên cường dưới làn đạn của cựu Tổng thống Trump truyền tải thông điệp hoàn hảo cho chiến dịch tranh cử: rằng bất chấp các thế lực dàn trận chống lại ông và thế giới MAGA, cựu Tổng thống Trump sẽ đứng lên và chiến đấu.

Philip Anderson, người bị bắt vì vụ bạo loạn ở Điện Capitol, đã gọi Trump là một “huyền thoại”. Catturd, danh tính trực tuyến của một người có ảnh hưởng cánh hữu nổi tiếng, đã gọi bức ảnh này là “tiếng kêu gọi biểu tình để cứu đất nước của chúng ta”.

Russel Brand đã đăng một đoạn video dựng lại vụ nổ súng và viết trên X rằng tuổi tác không phải là vấn đề trong cuộc bầu cử, nhưng đó là “sức chịu đựng”.

“Cựu Tổng thống Trump đã cho thấy ông ấy có rất nhiều thứ,” Brand viết. “Không hề bối rối.”

Vụ nổ súng xảy ra chỉ vài phút sau bài phát biểu của cựu Tổng thống Trump tại cuộc biểu tình ở Pennsylvania và Sở Mật vụ nhanh chóng vào cuộc. Xung quanh ông Trump, các máy vi âm đã thu được một phần cuộc trò chuyện giữa các đặc vụ và cựu tổng thống. Khi các đặc vụ khẳng định rằng phải cấp tốc đưa cựu Tổng thống Trump khỏi sân khấu, và việc đó có thể diễn ra an toàn, họ nói “đi thôi, thưa ngài, đi thôi nào,” cựu Tổng thống Trump vẫn chưa muốn đi.

“Để tôi lấy đôi giày đã. Hãy để tôi lấy đôi giày đã,” ông trả lời.

Sau đó ông ấy nhanh chóng được hộ tống lên xe và đưa ra khỏi địa điểm, trong khi vẫn giơ nắm đấm lên trời. Phản ứng của cựu tổng thống trước vụ nổ súng đã thu hút sự cổ vũ rất lớn từ đám đông. Ông ấy trông giống như người lãnh đạo mà họ tin tưởng.

Cựu Tổng thống Trump không phải là tổng thống đầu tiên vẫn bất chấp nguy hiểm sau khi sống sót sau một vụ ám sát. Khi Theodore Roosevelt đang vận động tranh cử tổng thống, ông bị bắn vào ngực năm 1912. Viên đạn xuyên qua cơ ngực của ông, nhưng Roosevelt từ chối đến bệnh viện và chọn tiếp tục đọc bài phát biểu dài 50 trang của mình.

“Các bạn, tôi yêu cầu các bạn im lặng nhất có thể,” Roosevelt nói với đám đông sau khi bảo đảm rằng kẻ ám sát của ông sẽ không bị hành hình ngay tại chỗ. “Tôi không biết liệu bạn có hiểu rõ rằng tôi vừa bị bắn hay không - nhưng để giết được một con nai sừng tấm thì cần nhiều hơn thế.”

Vụ ám sát Roosevelt diễn ra ở Milwaukee, Wisconsin, nơi Donald Trump sẽ được đề cử vào tuần tới với tư cách là ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa.

Khi cựu Tổng thống Ronald Reagan bị bắn vào ngực ở Washington, DC năm 1981, ông đi bộ từ chiếc xe limousine đến bệnh viện và mỉm cười với những người chứng kiến. Bên trong, khi đang chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật, ông ấy vui vẻ và nói đùa với đệ nhất phu nhân Nancy Reagan, “Em yêu, anh quên cúi xuống.”

Sự nổi tiếng của Reagan đã tăng lên sau vụ ám sát với tỷ lệ tán thành là 70%.

Các cuộc thăm dò chỉ ra rằng cuộc đua giữa Tổng thống Biden và Trump đã rất gần và có thể chỉ còn một số ít phiếu bầu ở các tiểu bang xung đột quan trọng. Bất kỳ sự thúc đẩy nào mà cựu Tổng thống Trump có thể có được để tập hợp những người ủng hộ ông đi bỏ phiếu có thể cản trở thêm khả năng tái đắc cử của Tổng thống Biden.

Khoảng hai giờ sau vụ nổ súng, cựu Tổng thống Trump đăng trên Truth Social một thông điệp cảm ơn tới Sở Mật vụ và cơ quan thực thi pháp luật. Ông bày tỏ lời chia buồn tới gia đình người thiệt mạng và xác nhận ông bị bắn vào tai phải.

Ông Trump viết: “Tôi biết ngay rằng có điều gì đó không ổn khi tôi nghe thấy tiếng rít, tiếng súng và ngay lập tức cảm thấy viên đạn xé toạc da”.

“Không còn nghi ngờ gì nữa. Donald J Trump đã đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ. Cuộc bầu cử này hiện đã kết thúc”, Candace Owens đăng trên X.

Dave Portnoy, người sáng lập Barstool Sports, ca ngợi phản ứng của Trump và đồng ý rằng cuộc bầu cử đã kết thúc. “Bây giờ họ không thể đánh bại ông ấy”

4. Mạc Tư Khoa tuyên bố đồng minh NATO đang lên kế hoạch 'điều động' quân tới Ukraine

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “NATO Ally Planning to 'Dispatch' Troops to Ukraine, Moscow Claims”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Cơ quan Tình báo Nước ngoài, gọi tắt là SVR, của Nga đã công bố một bản ghi nhớ được giải mật từ một trong những đặc vụ của họ cáo buộc rằng Pháp đang lên kế hoạch triển khai một lực lượng quân sự gồm 2.000 người tới Ukraine để tăng cường phòng thủ cho Kyiv trước cuộc xâm lược của Mạc Tư Khoa.

SVR, do Sergey Naryshkin đứng đầu và chịu trách nhiệm về các hoạt động tình báo và gián điệp bên ngoài nước Nga, đã sử dụng số mới nhất của tạp chí Scout để công bố bức điện mật mã do một đặc vụ dưới bút danh Felix soạn thảo.

Bản ghi nhớ viết: “Theo thông tin có sẵn, quân đội Pháp vẫn đang được chuẩn bị để điều động tới Ukraine”. “Ở giai đoạn đầu, nó sẽ bao gồm khoảng 2.000 người.”

Felix cho biết quân đội Pháp lo lắng về thương vong có thể xảy ra, đồng thời cho rằng “hàng chục công dân Pháp” đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công của Nga vào khu vực gần thành phố Kharkiv hồi tháng Giêng. Báo cáo cho biết: “Những cuộc tấn công như vậy đã trở thành thông lệ trong cuộc xung đột ở Ukraine”.

Felix nói tiếp: “Bộ quân sự Pháp lo ngại rằng một đơn vị quân đội quan trọng như vậy sẽ không thể bị gọi nhập ngũ và đóng quân ở Ukraine mà không bị chú ý”. Vì vậy, nó sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp ưu tiên cho các cuộc tấn công của Lực lượng Vũ trang Nga.”

Nhà lãnh đạo SVR Naryshkin trước đây đã nói rằng một lực lượng lớn quân Pháp sẽ tới Ukraine. Vào tháng 3, nhà lãnh đạo cơ quan tình báo bồi thêm rằng chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron “không quan tâm đến cái chết của người dân Pháp bình thường hay mối lo ngại của các tướng lĩnh”.

Ông nói: “Theo thông tin đến với SVR của Nga, một đội quân sẽ được gửi đến Ukraine đã được chuẩn bị sẵn sàng”. “Ban đầu, nó sẽ bao gồm khoảng 2.000 quân.” Ông nói thêm, Paris “sợ rằng một đơn vị quân đội lớn như vậy không thể được chuyển đến và đóng quân ở Ukraine mà không bị chú ý”.

“Do đó, nó sẽ trở thành mục tiêu ưu tiên hợp pháp cho các cuộc tấn công của lực lượng vũ trang Nga. Điều này có nghĩa là nó sẽ phải chịu số phận của tất cả những người Pháp từng đến thế giới Nga bằng một thanh kiếm”, Naryshkin nói.

Macron là người đi đầu trong các cuộc thảo luận mới bắt đầu của NATO về việc triển khai quân tới Ukraine, mặc dù ông và những người ủng hộ kế hoạch như vậy đã nhấn mạnh rằng sẽ không có lực lượng đồng minh nào tham gia vào các hoạt động chiến đấu.

Thay vào đó, Macron và các nhà lãnh đạo khác gợi ý rằng quân nhân NATO có thể tham gia vào vai trò huấn luyện và cố vấn hoặc được triển khai để bảo vệ biên giới Ukraine và do đó giải phóng quân đội của Kyiv để họ có thể chiến đấu ở tiền tuyến.

Vào tháng 5, ông Macron một lần nữa tỏ dấu hiệu sẵn sàng thảo luận về việc triển khai quân của NATO, đặc biệt nếu lực lượng Nga có thể chọc thủng phòng tuyến của Ukraine. “Tôi không loại trừ bất cứ điều gì bởi vì chúng ta đang đối mặt với một người không loại trừ bất cứ điều gì,” ông Macron nói với The Economist trong một cuộc phỏng vấn.

Cuối tháng đó, nhà lập pháp người Pháp Benjamin Haddad – một thành viên trong đảng Phục hưng của Macron, người được coi là có tiếng nói hàng đầu trong các cuộc thảo luận về chính sách đối ngoại của Pháp – nói với Newsweek rằng động lực “rõ ràng” đang hình thành cho việc gửi lực lượng NATO tới Ukraine.

Haddad nói: “Chúng tôi dành quá nhiều thời gian để lo lắng về việc leo thang khi Nga là quốc gia đang leo thang”.

5. Thống đốc Rostov cho biết kho dầu của Nga bốc cháy sau cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa của Ukraine

Một kho dầu khác ở Nga đã bốc cháy dữ dội vào rạng sáng Thứ Bẩy, 13 Tháng Bẩy.

Thống đốc khu vực này Vasily Golubev cho biết trên Telegram rằng một kho chứa dầu đã bốc cháy hôm thứ Bảy ở khu vực Rostov của Nga sau một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa của Ukraine.

Golubev nói: “Sau một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa, một đám cháy đã bùng phát tại một nhà máy lọc dầu ở quận Tsimlyansky”, đồng thời cho biết thêm rằng không có thương vong.

Khu vực này nằm cách tiền tuyến hàng trăm km.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga thông báo rằng lực lượng của họ đã bắn hạ 4 máy bay điều khiển từ xa của Ukraine - 2 chiếc ở Rostov, một chiếc ở vùng Belgorod giáp Ukraine và một chiếc khác ở Kursk nằm xa hơn về phía bắc.

Cả Mạc Tư Khoa và Kyiv đều đã sử dụng máy bay điều khiển từ xa, bao gồm cả máy bay tự nổ lớn hơn với tầm bắn trải rộng hàng trăm km trong suốt cuộc xung đột bắt đầu vào tháng 2 năm 2022.

6. Kyiv dự kiến sẽ có tới 20 chiếc F-16 vào năm 2024, Bloomberg đưa tin

Ukraine dự kiến sẽ nhận được 6 chiến đấu cơ F-16 đầu tiên vào mùa hè này và lên tới 20 chiếc trong số đó vào cuối năm 2024, Bloomberg đưa tin hôm Thứ Bẩy, 13 Tháng Bẩy, dẫn các nguồn tin trong NATO.

Trong hội nghị thượng đỉnh NATO năm nay, được tổ chức từ ngày 9 đến 11 Tháng Bẩy tại Washington, Mỹ, Đan Mạch và Hòa Lan đã thông báo rằng các chiến đấu cơ F-16 đầu tiên đang “trên đường” tới Ukraine.

Theo Bloomberg, NATO vẫn lo ngại về những khó khăn hậu cần trong việc bảo trì các máy bay này và việc thiếu đường băng phù hợp ở Ukraine.

Bài báo viết: “Những thách thức nghiêm trọng đến mức làm dấy lên nghi ngờ về sự khôn ngoan của việc gửi máy bay tới Ukraine và liệu việc làm như vậy bây giờ có phải là một sự thể hiện sự ủng hộ đối với Tổng thống Volodymyr Zelenskiy hay không”.

Một quan chức NATO giấu tên đã nói chuyện với Bloomberg đã liệt kê ba lý do chính làm dấy lên nghi ngờ về việc chuyển giao máy bay cho Ukraine.

Theo nguồn tin, các chiến đấu cơ phải được cấu hình lại tùy theo nhiệm vụ của chúng, chẳng hạn như trinh sát hoặc chiến đấu, trong khi hậu cần hỗ trợ máy bay rất phức tạp, từ nhu cầu phụ tùng thay thế, nhu cầu bảo trì cho đến tìm kiếm kỹ sư.

Nguồn tin cho biết thêm, Ukraine cũng không có đủ đường băng dài, phẩm chất cao cần thiết cho F-16 cũng như nơi trú ẩn để bảo vệ chúng khỏi các cuộc tấn công của Nga. Một giải pháp trước mắt là các chiến đấu cơ F-16 sẽ được trú ẩn ở Ba Lan hay Rumani.

Một quan chức NATO khác nói với Bloomberg rằng Ukraine đang cố gắng đạt được mục tiêu “trong vài tháng” mà thông thường phải mất “ba đến bốn năm”.

Bloomberg dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết: “Kết quả là Ukraine có thể có khả năng triển khai một phi đội F-16, từ 15 đến 24 máy bay phản lực, thiếu rất nhiều so với con số 300 chiếc mà lãnh đạo nước này yêu cầu”.

Ukraine dự kiến sẽ nhận được những chiếc máy bay phản lực F-16 đầu tiên vào mùa hè này, một năm sau khi Đan Mạch và Hòa Lan thành lập “liên minh chiến đấu cơ” với 9 quốc gia khác tại hội nghị thượng đỉnh NATO trước đó ở Vilnius vào tháng 7/2023.

Ngoài Hòa Lan và Đan Mạch, Kyiv cũng dự kiến nhận được chiến binh từ Bỉ và Na Uy.

Na Uy hôm 10 Tháng Bẩy thông báo sẽ tặng 6 chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine và việc giao hàng sẽ bắt đầu trong năm nay.

7. Nguồn tin cho biết máy bay điều khiển từ xa của SBU đứng sau cuộc tấn công qua đêm vào nhà máy lọc dầu của Nga ở Rostov

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “SBU drones behind overnight strike on Russian oil depot in Rostov Oblast, source says”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Chúa Nhật, 14 Tháng Bẩy, Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Đại Úy Andriy Yusov, nói đùa rằng “Đêm qua trời rất nóng đối với các kho dầu của Nga ở quận Tsimlyansky của Rostov”.

Hôm Thứ Bẩy, 13 Tháng Bẩy, Vasily Golubev, Thống đốc khu vực Rostov của Nga, cho biết các máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã gây ra vụ tấn công qua đêm vào một nhà máy lọc dầu ở tỉnh Rostov của Nga.

Nhà máy lọc dầu Tsimlyansky của Rostov sản xuất xăng và dầu diesel với tổng thể tích 12.500 mét khối.

Như thường lệ, Golubev đã đề cập đến một cuộc tấn công vào cơ sở, báo cáo về một vụ hỏa hoạn lớn nhưng khẳng định không có thương vong.

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố lực lượng phòng không đã bắn hạ hai máy bay điều khiển từ xa trên vùng Rostov, một chiếc trên vùng Belgorod và một chiếc trên vùng Kursk.

Đại Úy Yusov cho biết “Các máy bay điều khiển từ xa của SBU tiếp tục thực hiện 'các biện pháp trừng phạt kinh tế' đối với tổ hợp năng lượng của Nga, nơi đang cung cấp cho cuộc chiến ở Ukraine. Và những 'lệnh trừng phạt' này sẽ chỉ tăng lên.”

Lực lượng Ukraine thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa và các hoạt động phá hoại trên lãnh thổ Nga, nhắm vào các tài sản quân sự, nhà máy lọc dầu và cơ sở công nghiệp.

Theo Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, tổng cộng hơn 30 nhà máy lọc dầu, nhà ga và kho chứa dầu của Nga đã bị lực lượng đặc nhiệm Ukraine nhắm tới tính đến cuối tháng 6.

8. Hạ viện Ba Lan công nhận việc Liên Xô trục xuất người Tatars ở Crimea là tội diệt chủng

Hôm Thứ Sáu, 12 Tháng Bẩy, Sejm, hay hạ viện quốc hội Ba Lan, đã thông qua nghị quyết để tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ diệt chủng người Tatars ở Crimea của Liên Xô năm 1944.

Nghị quyết viết: “Việc trục xuất người Tatar ở Crimea khỏi Crimea vào năm 1944 và hậu quả của nó là một hành động diệt chủng đối với quốc gia Crimea Tatar”.

Crimea Tatars là người dân bản địa của Crimea.

Chính quyền Liên Xô đã trục xuất gần 200.000 người Tatars ở Crimea, bao gồm cả phụ nữ, trẻ em và người già, trên hàng ngàn km từ Crimea đến Trung Á và Siberia vào tháng 5 năm 1944. Ước tính có khoảng 8.000 người Tatars ở Crimea đã chết trong quá trình này. Ước tính tổng số người chết vì điều kiện lưu vong khắc nghiệt dao động từ 34.000 đến hơn 100.000.

Theo một tuyên bố trên trang web của Hạ viện, nghị quyết này được 414 đại biểu ủng hộ, 16 đại biểu bỏ phiếu chống và 2 đại biểu bỏ phiếu trắng.

Nghị quyết cũng đề cập đến việc Nga sáp nhập Crimea bất hợp pháp vào năm 2014, sau đó “Nga bắt đầu đàn áp những người Tatars ở Crimea sống trên bán đảo một cách có hệ thống”.

Nghị quyết viết: “Vào năm 2016, Nga, với những cáo buộc sai trái, đã cấm các hoạt động của Mejlis, là quốc hội Crimea Tatar”.

“Hàng chục nhà hoạt động Tatar Crimea, bao gồm cả chủ tịch lâu năm của Mejlis Mustafa Dzhemilev, một lần nữa bị trục xuất khỏi vùng đất của họ, và những người khác thấy mình ở trong các nhà tù ở Nga trong nhiều năm.”

Hạ viện nhấn mạnh rằng việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 là vi phạm toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine cũng như các quy định của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

9. Bộ Trưởng Ngoại Giao Dmytro Kuleba nói Ukraine không thể đợi thêm 75 năm nữa để kỷ niệm việc gia nhập NATO

Hôm Thứ Bẩy, 13 Tháng Bẩy, trả lời phỏng vấn CNN, Ngoại trưởng Dmytro Kuleba cho rằng Ukraine nên trở thành thành viên NATO càng sớm càng tốt để bảo đảm an ninh, ổn định ở khu vực Euro-Atlantic.

Hội nghị thượng đỉnh NATO kéo dài ba ngày tại Washington đã kết thúc bằng việc ra mắt Hiệp ước Ukraine, một khuôn khổ an ninh được 32 đồng minh ký kết. Ngoài ra, các nước khẳng định con đường trở thành thành viên “không thể đảo ngược” của Kyiv, mặc dù Ukraine không nhận được bất kỳ tin tức dứt khoát nào về thời điểm gia nhập trong tương lai.

“Chúng tôi sẽ chỉ hoàn toàn hạnh phúc khi Ukraine trở thành thành viên NATO và lời hứa về điều này được thực hiện. Chúng tôi đã nghe thấy những thông điệp rất trấn an trong những ngày qua ở tất cả các cấp rằng con đường trở thành thành viên là không thể thay đổi, rằng Ukraine sẽ gia nhập NATO”, ông Kuleba nói.

“Nhưng chúng tôi không thể đợi thêm 75 năm nữa để kỷ niệm việc Ukraine gia nhập.”

Cuộc chiến toàn diện của Nga chống lại Ukraine là trọng tâm chính của hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập Liên minh. Nhiều quốc gia công bố các gói viện trợ và thỏa thuận an ninh.

Theo Kuleba, Ukraine tự tin rằng các cam kết của đồng minh sẽ được thực hiện, nhưng vấn đề chính là thời gian.

“Chúng tôi yêu cầu tất cả các đối tác của mình nhanh chóng thực hiện những gì họ đã hứa vì chúng tôi cần nó ở đây và ngay bây giờ để bảo vệ các thành phố của chúng tôi về cơ sở hạ tầng phòng không và năng lượng. Ngoài ra, để trang bị cho người lính của chúng tôi đủ khả năng để trấn giữ phòng tuyến và tiêu diệt quân xâm lược Nga”, Bộ trưởng nói thêm.

Tổng thư ký NATO sắp mãn nhiệm Jens Stoltenberg cho biết ông hy vọng Ukraine sẽ gia nhập liên minh này trong vòng 10 năm tới.

10. Tổng công tố Ukraine kêu gọi ICC truy tố vụ tấn công của Nga vào bệnh viện Kyiv

Tổng công tố Ukraine Andrii Kostin đã kêu gọi Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, truy tố vụ tấn công hỏa tiễn của Nga vào bệnh viện nhi Okhmatdyt ở Kyiv. Ông cho biết như trên hôm Thứ Bẩy, 13 Tháng Bẩy.

Lực lượng Nga đã tiến hành một cuộc tấn công hỏa tiễn vào Ukraine vào ngày 8 Tháng Bẩy, khiến ít nhất 44 người thiệt mạng và gần 200 người khác bị thương. Một hỏa tiễn của Nga đã tấn công trực tiếp vào Okhmatdyt, trung tâm y tế trẻ em lớn nhất Ukraine.

Vụ tấn công ở đó đã giết chết 3 người, phá hủy một tòa nhà và làm hư hại 4 tòa nhà khác trong khu phức hợp bệnh viện. Ba mươi người đã thiệt mạng ở những nơi khác trong thủ đô.

“Vì lợi ích của công lý quốc tế, những vụ việc như vụ tấn công có chủ ý vào bệnh viện nhi lớn nhất ở Kyiv đáng được đưa lên ICC,” Kostin nói với Reuters khi đang ở The Hague.

Kostin cho biết, nếu ICC bắt đầu điều tra vụ tấn công vào bệnh viện, ICC có thể giúp thiết lập một mô hình tấn công cho thấy Nga đang phạm tội ác chống lại loài người ở Ukraine. Ông nói thêm rằng Kyiv sẵn sàng cung cấp cho tòa án bất kỳ bằng chứng và chi tiết nào về cuộc điều tra của mình.

Một nhóm từ Văn phòng Công tố ICC đã đến thăm địa điểm xảy ra vụ tấn công. Reuters viết: Mặc dù ICC chưa bình luận công khai về cáo buộc mà họ đang điều tra, nhưng họ đã cảnh báo rằng bất kỳ ai chịu trách nhiệm về một cuộc tấn công vào các đối tượng dân sự đều có thể bị truy tố.

Theo dữ liệu sơ bộ mà Cơ quan An ninh Nhà nước, gọi tắt là SBU, thu được, quân đội Nga đã tấn công Okhmatdyt bằng hỏa tiễn hành trình Kh-101. Một nguồn thực thi pháp luật nói với tờ Kyiv Independent rằng hỏa tiễn được phóng theo lộ trình được lập trình sẵn.

Hơn 600 bệnh nhân và nhiều nhân viên đã có mặt tại Okhmatdyt và Trung tâm Phẫu thuật Tim Nhi khoa Ukraine, nằm gần bệnh viện, vào thời điểm xảy ra vụ tấn công.
 
Nga tàn bạo, Chính Thống Ukraine thuộc Tòa Moscow đồng loạt ly giáo. ĐTGM San Francisco thỉnh cầu
VietCatholic Media
17:22 14/07/2024


1. Phản ứng của Tòa Thượng phụ Công Giáo ở Giêrusalem trước cuộc tấn công của Israel

Hãng tin Asia News, truyền đi hôm mùng 08 tháng vừa qua, cho biết Trường Công Giáo Thánh Gia do Tòa Thượng phụ Công Giáo Latinh ở Giêrusalem thành lập năm 1974, được coi là một trong những trường tốt nhất trong vùng, có khả năng cung cấp một nền giáo dục phẩm chất cao, hỗ trợ các cuộc trao đổi văn hóa và cống hiến một môi trường thích hợp và an toàn cho mọi học sinh.

Trong thời gian gần đây, vì chiến tranh ở Gaza nên trường không còn hoạt động như cơ sở giáo dục, nhưng được dùng làm nơi tạm trú cho hàng trăm thường dân tị nạn, không có tu sĩ nào cư ngụ tại trường.

Trong thông cáo, Tòa Thượng phụ mạnh mẽ phản đối và nghiêm khắc lên án những cuộc tấn công các thường dân, đồng thời khẳng định rằng: “Chúng tôi tiếp tục cầu xin lòng thương xót của Chúa và hy vọng các phe đạt tới một thỏa thuận chấm dứt ngay cuộc những vụ đổ máu kinh khủng và thảm họa này về nhân đạo ở trong vùng”.

Theo nguồn tin của đài truyền hình Arập al-Jazeera, hôm mùng 06 tháng Bảy vừa qua, các hỏa tiễn của Israel cũng phóng vào trường al-Jawni ở Nuseirat, do tổ chức Unrwa của Liên Hiệp Quốc quản trị, trong đó có nhiều người Palestine tị nạn trú ngụ trong trường, khiến cho 16 người thiệt mạng. Cuộc tấn công này của Israel cũng nhắm vào trại tị nạn, và tạo nên sự hỗn độn tại nhà thương “Các vị tử đạo al-Aqsa” ở Deir el-Balah. Bệnh viện này có khả năng đón nhận 200 bệnh nhân tại bệnh viện và chữa trị hơn 600 bệnh nhân. Giới chỉ huy quân đội Israel nói rằng trong cuộc tấn công vào nhà thương, mục đích là những “tên khủng bố” đang hoạt động trong vùng. Tuy nhiên, hãng tin Wafa của Palestine cho biết cho biết tòa nhà được dùng làm nơi tạm trú cho những người tị nạn, với hàng trăm phụ nữ và trẻ em. Phía Hamas cũng phủ nhận lập luận của Israel và nói là không có chiến binh nào của mình tại những nơi đó.

Từ khi Israel tấn công vào Gaza, sau cuộc khủng bố ngày 07 tháng Mười năm ngoái của các lực lượng khủng bố Hamas, giết hại 1.195 người Israel, phần lớn là thường dân và bắt cóc 251 người, trong đó 116 người còn bị giam giữ, cho đến nay đã có 38.153 người Palestine bị quân đội Israel làm thiệt mạng, đại đa số là thường dân, phụ nữ và trẻ em.

2. 12 giáo xứ Chính Thống Giáo thuộc Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đã quyết định ly giáo.

Trong bối cảnh của cuộc tấn công tàn bạo nhắm vào hàng loạt các cơ sở vật chất dân sự, nhà dân, và đặc biệt là một bệnh viện nhi khoa và một bệnh viện sản khoa 12 giáo xứ Chính Thống Giáo thuộc Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, gọi tắt là UOC, đã quyết định ly giáo.

Trong một thông cáo báo chí được công bố hôm Thứ Ba, 09 Tháng Bẩy, Đức Thượng Phụ Epiphanius của Chính Thống Giáo Ukraine thống nhất, gọi tắt là OCU, ngài đã nhận được thỉnh cầu của 12 giáo xứ UOC, trong đó các linh mục và giáo dân đồng lòng ly giáo khỏi Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, là nơi hết lòng ủng hộ cuộc xâm lược của Putin. Các thủ tục đón nhận sẽ được nhanh chóng tiến hành.

Các quan sát viên dự đoán rằng trong các giáo xứ còn lại của UOC, các linh mục đang chịu áp lực rất lớn để từ bỏ các liên kết với Thượng Phụ Kirill.

3. Vẻ đẹp khách quan của Thánh lễ Latinh truyền thống có tác dụng truyền giáo

Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của tổng giáo phận San Francisco, có bài viết nhan đề “Objective Beauty of the Traditional Latin Mass Evangelizes”, nghĩa là “Vẻ đẹp khách quan của Thánh lễ Latinh truyền thống có tác dụng truyền giáo”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Khi Nhà thờ Đức Bà Paris bùng cháy vào ngày 15 tháng 4 năm 2019, cả thế giới cùng nhau thương tiếc sự mất mát của vẻ đẹp thiêng liêng, cổ kính, vĩ đại đã lay động trái tim và tâm hồn thậm chí vượt ra ngoài cả những người Công Giáo tôn thờ ở đó và những người Công Giáo trên toàn thế giới.

Khi đó tôi có ấn tượng rất mạnh với hiện tượng đó, và tôi phần nào có ấn tượng bởi một hiện tượng tương tự đang xảy ra hiện nay do có tin đồn rằng Rôma có kế hoạch đặt ra những hạn chế hơn nữa đối với việc cử hành Thánh lễ Công Giáo theo Sách lễ Rôma năm 1962 (thường được gọi là “ Thánh lễ Latinh” hay “Thánh lễ Latinh truyền thống”).

Vào ngày 3 tháng 7, hơn 40 cá nhân nổi tiếng của Anh đã ký một lá thư gửi Đức Thánh Cha Phanxicô, yêu cầu ngài duy trì quyền tham dự Thánh lễ bằng tiếng Latinh. Những người ký tên này bao gồm cả người Công Giáo và người không Công Giáo, người có đức tin cũng như người không có đức tin.

Giống như những người ký tên thỉnh nguyện năm 1971 nhằm bảo tồn Thánh lễ Latinh ở Anh, họ nhấn mạnh, ngoài những mối quan tâm về mặt tâm linh, còn mối quan tâm đối với di sản văn hóa của thế giới nếu Thánh lễ Latinh trở nên khó trải nghiệm hơn. Trong bản kiến nghị của riêng mình, những người ký tên đã trích dẫn ngôn ngữ của bản kiến nghị 'Agatha Christie' năm 1971 để khẳng định rằng “'nghi thức được đề cập, trong văn bản Latinh tuyệt vời của nó, cũng đã truyền cảm hứng cho những thành tựu vô giá... của các nhà thơ, triết gia, nhạc sĩ, kiến trúc sư, họa sĩ và các nhà điêu khắc ở mọi quốc gia và thời đại. Vì vậy, nó thuộc về nền văn hóa phổ quát.”

Đối với mối quan tâm này, các bên ký kết hiện tại bổ sung thêm tiếng nói của riêng mình: “Phụng vụ truyền thống là một 'thánh đường' của văn bản và cử chỉ, phát triển như những tòa nhà đáng kính đã làm trong nhiều thế kỷ. Không phải ai cũng đánh giá cao giá trị của nó và điều đó không sao cả; nhưng phá hủy nó có vẻ là một hành động không cần thiết và thiếu tế nhị trong một thế giới mà lịch sử có thể dễ dàng bị lãng quên.”

Họ nhấn mạnh: “Lời kêu gọi này, giống như lời kêu gọi trước đó, là 'hoàn toàn đại kết và phi chính trị'.... Chúng tôi cầu xin Tòa thánh xem xét lại bất kỳ hạn chế nào nữa đối với việc tiếp cận di sản văn hóa và tinh thần tráng lệ này.”

Việc một trong những người ký tên là nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng Bianca Jagger nhấn mạnh bản chất phi chính trị và phi ý thức hệ của yêu cầu. Chắc chắn “sự cứng nhắc” không thể giải thích được tình yêu tuôn trào phi thường và đa dạng như vậy đối với hình thức phụng vụ này.

Tôi lo ngại rằng ấn tượng sai lệch về những người yêu thích Thánh lễ Latinh đã hình thành do một số kẻ cực đoan trên internet. Như lời thỉnh cầu này và những lời thỉnh cầu trước đó chứng minh, Thánh lễ Latinh có một sức hấp dẫn toàn diện một cách kỳ lạ.

Hầu hết những người tham dự Thánh lễ Latinh cũng tham dự Novus Ordo (thường được gọi là Thánh lễ của Vatican II). Họ biết rằng trở thành người Công Giáo có nghĩa là chúng ta phải ở trong thuyền của Thánh Phêrô, cho dù biển cả có giông bão đến đâu. Họ không chống báng Thánh lễ mới nhưng biện hộ cho hình thức thánh lễ mà họ yêu thích, nó nuôi dưỡng và truyền cảm hứng cho họ - thực sự, đến mức họ chiếm một tỷ lệ hữu hình trong số những người tiếp tục trở thành người sáng tạo nghệ thuật và vẻ đẹp mới mà thế giới chia sẻ và ăn mừng. Đây là lý do tại sao Thánh lễ Latinh đã thu hút được sự ủng hộ của những người không có đức tin, những người hiểu được vai trò quan trọng của nó trong việc tạo dựng nền văn minh phương Tây.

Những người ký tên vào bản kiến nghị gần đây nhất bao gồm nhiều nhạc sĩ cổ điển vĩ đại - ca sĩ, nghệ sĩ piano, nghệ sĩ cello, nhạc trưởng và tất nhiên bao gồm cả Ngài James MacMillan, người dẫn đầu nỗ lực thỉnh nguyện này. MacMillan là nhà soạn nhạc cổ điển Công Giáo nổi tiếng nhất và được biểu diễn nhiều nhất trong thời đại chúng ta. Stabat Mater của ông được Vatican ủy quyền và biểu diễn tại Nhà nguyện Sistina.

Các nghệ sĩ quan trọng khác bao gồm tiểu thuyết gia, nhà biên kịch và đạo diễn phim nổi tiếng Julian Fellowes, người đã giành được Giải Oscar, Giải Emmy và Giải Tony. Fellowes có lẽ được biết đến nhiều nhất với vai trò là tác giả của loạt phim truyền hình dài tập Downton Abbey. Một người ký tên khác, Andrew Lloyd-Webber, có lẽ là người sáng tạo thành công nhất các vở nhạc kịch trong thời đại chúng ta (bao gồm Cats, Evita, Joseph and the Amazing Technicolor Dream Coat và vở kịch Passion hiện đại Jesus Christ Superstar).

Những người ký tên thỉnh nguyện “Agatha Christie” còn bao gồm các nghệ sĩ và nhân vật văn học nổi tiếng, như nhà thơ Robert Lowell, Robert Graves, David Jones và nhà thơ đoạt giải của Anh Cecil Day-Lewis; các tiểu thuyết gia như Graham Greene, Nancy Mitford, Djuna Barnes và Julian Green, cũng như nhà văn truyện ngắn nổi tiếng nhất người Á Căn Đình Jorge Luis Borges, người có tác phẩm văn học đã khai sinh ra phong trào “chủ nghĩa hiện thực ma thuật” vào cuối thế kỷ 20 ở người Tây Ban Nha các nhà văn ở Mỹ Châu. Và hơn thế nữa, những người ký kết bao gồm cả các Giám mục Anh giáo Robert Cecil Mortimer của Exeter và John Moorman của Ripon.

Có một kiến nghị tương tự vào năm 1966, do Christine Campo, dịch giả của Marcel Proust tổ chức (một ví dụ khác về một người Công Giáo bị dán nhãn là lạc hậu, nhưng là người hiểu giá trị của Thánh lễ Latinh trong việc bảo tồn nền văn minh ngay cả theo nghĩa thế tục), và gửi tới Giáo hoàng Phaolô Đệ Lục, yêu cầu rằng Thánh lễ Latinh ít nhất phải được duy trì trong các cộng đồng tu viện. Nó thu thập chữ ký của 37 nhà văn và nghệ sĩ, trong đó có hai người đoạt giải Nobel. Trong số những người ký tên có WH Auden, Evelyn Waugh, Jacques Maritain, tiểu thuyết gia người Pháp đoạt giải Nobel Francois Mauriac, nhà soạn nhạc Benjamin Britten và Gertrud von Le Fort, tác giả cuốn Đối thoại cổ điển của người Carmelites Công Giáo, tác phẩm sau này trở thành nền tảng của một vở opera của Francis Poulenc.

Công đồng Vatican II dạy chúng ta đọc các dấu chỉ thời đại. Một tấm biển hiện đang nhìn chằm chằm vào chúng ta bằng chữ cái lớn là: Vẻ đẹp truyền giáo.

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà chúng ta cần tận dụng sức mạnh của cái đẹp để chạm đến tâm trí, trái tim và tâm hồn, vì vẻ đẹp có phẩm chất của một trải nghiệm thực tế không thể tránh khỏi, một trải nghiệm không thể tranh cãi. Câu châm ngôn văn hóa hiện nay, “Bạn có sự thật của bạn và tôi có sự thật của tôi” dẫn đến việc từ chối thừa nhận thực tế vật lý và sinh học rõ ràng, trong khi vẻ đẹp phá vỡ quá trình nhận thức và chạm thẳng vào tâm hồn. Vẻ đẹp thánh thiêng nâng chúng ta ra khỏi thế giới thời gian và cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua về những gì vượt thời gian, về những gì cuối cùng tồn tại, về mục tiêu và ngôi nhà cuối cùng của chúng ta là: thực tại của Thiên Chúa.

Lấy ví dụ của nhà làm phim Martin Scorsese. Bất chấp tất cả những lời chỉ trích về những mô tả gây tranh cãi của ông về các chủ đề tôn giáo, và thậm chí cả về chính Chúa của chúng ta, Scorsese là một nghệ sĩ hiện đại có trí tưởng tượng được hình thành bởi sự tương phản giữa những gì Thánh lễ Latinh truyền tải và văn hóa cứng rắn của đường phố New York. Như một hồ sơ trên tờ The New York Times năm 2016 đã nêu:

“Bên trong nhà thờ cũ, người ta thấy rõ rằng Scorsese chưa bao giờ quên theo đúng nghĩa đen - không phải sự huy hoàng của nhà thờ, cũng như sự hiện diện của đau khổ và cái chết, tội lỗi và sự cứu chuộc ở gần đó. Cha sở chỉ ra các chi tiết của cuộc trùng tu: các vị thánh được sơn lại theo màu nguyên thủy, đồ đạc trên bàn thờ bằng đá cẩm thạch và đồng thau được khôi phục lại như cũ trước nỗ lực hiện đại hóa vào năm 1970. Scorsese, người rời khu phố vào năm 1965, không cần người hướng dẫn. Anh ta biết từng centimet của nơi này. “Hãy tưởng tượng một cậu bé 8 tuổi đứng ngay đây trong chiếc áo choàng trắng, đọc kinh cầu nguyện bằng tiếng Latinh,” anh trầm ngâm thành tiếng. 'Chính là tôi.' … Tôi yêu cầu anh ta rút ra mối liên hệ giữa bộ phim năm 2016 của anh ta 'Sự im lặng' và những gì anh ta đang nhìn thấy trong nhà thờ cổ. Anh gõ nhẹ vào trán mình bằng hai ngón tay. 'Kết nối là nó chưa bao giờ bị gián đoạn. Nó liên tục. Tôi không bao giờ rời. Trong tâm trí tôi, tôi ở đây mỗi ngày.'

Trong một thời đại đầy lo âu và phi lý, vẻ đẹp là một nguồn lực hầu như chưa được khai thác để tiếp cận mọi người, đặc biệt là giới trẻ, với sứ điệp hy vọng của Tin Mừng. Còn rất nhiều việc phải làm nhưng việc tôn vinh và khuyến khích ơn gọi đặc biệt của các nghệ sĩ là một phần quan trọng của công việc lao động này.

Trong một thời đại phi Kitô giáo ngày càng trở nên khắc nghiệt đối với bất kỳ ý thức tôn giáo truyền thống nào, Giáo hội cần phải hoạt động trên mọi phương diện. Thánh lễ Latinh truyền thống và vẻ đẹp mà nó truyền cảm hứng là một trong những trụ cột đó. Việc ngay cả những người không tin cũng có thể cảm thấy bị thu hút bởi chính Thánh lễ Latinh Truyền thống đã chứng minh điểm này.

Tại sao lại ngăn chặn những phương tiện thành công trong số những phương tiện khác để kết nối với những linh hồn xa cách Chúa Kitô và đưa họ vào cuộc gặp gỡ yêu thương và cứu rỗi với Người trong sự hiệp thông với Hiền thê của Người, là Giáo hội?

Tôi tin tưởng và cầu nguyện rằng lời kêu gọi này của các nghệ sĩ và các nhân vật nổi tiếng khác của Vương Quốc Anh sẽ được nghe và nhìn thấy đúng như bản chất của nó: rằng, thay vì phân chia thế giới dưới danh nghĩa thuần khiết về ý thức hệ, nó là một cơ hội để mang lại cho thế giới cùng nhau vì cái đẹp - một con đường cuối cùng và chắc chắn sẽ dẫn đến Vẻ đẹp luôn cổ xưa, Vẻ đẹp luôn mới.


Source:National Catholic Register