Ngày 22-07-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Bánh trường sinh
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
06:51 22/07/2015
Chúa Nhật XVIII THƯỜNG NIÊN, năm B
Xh 16, 2-4.12-15 Ep 4, 17.20-24 Ga 6, 24-35

BÁNH TRƯỜNG SINH

Đề tài bánh luôn gây tò mò và thắc mắc cho con người, đặc biệt khi nói về Bánh Trường Sinh, vấn nạn ấy luôn nổi cộm đối với những người kém lòng tin, không có đức tin. Các bài đọc hôm nay cho chúng ta hiểu rõ về Bánh Trường Sinh, Bánh Ban Sự Sống mà Chúa Giêsu tặng ban cho nhân loại, cho con người…

Vâng, có lẽ người Do Thái xưa khi đi trong sa mạc vào Đất Hứa, đã cảm nghiệm sâu xa, cái đói, cái khát và Manna, chim cút qua lời khẩn cầu của Môsê, Thiên Chúa đã gửi xuống hằng ngày cho họ…Có lẽ ngày nay nhiều người sẽ tự đặt vấn đề không hiểu: Chúa Giêsu, Môsê mới có nuôi họ và giải thoát họ ra khỏi nô lệ như ông Môsê xưa không ? Trước thắc mắc đó, Chúa Giêsu càng kích thích tính tò mò của con người, gợi lên lòng tin vô điều kiện của họ vào Người. Đối với Chúa Giêsu :” của ăn đích thực của con người là đức tin “. Người Do Thái khi xưa đâu có hiểu được ! Ngày nay nhờ Lời Chúa, nhờ Giáo lý, các lời Giáo huấn của Giáo Hội và nhất là đức tin, nhiều người đã nhận ra Chúa và tin vào Chúa, tin Mình Máu Thánh của Chúa. Ngược lại dòng lịch sử, đọc lại Tin Mừng, ngay tuần trước, chúng ta nhận ra khi Chúa làm phép lạ hóa “ Bánh và Cá “ ra nhiều để nuôi nhiều ngàn người ăn, no nê, thỏa thích. Biết dân chúng muốn tôn mình lên làm vua theo ý nghĩ nhân loại, Chúa Giêsu đã lẻn lên núi môt mình để lánh mặt họ…Tuy nhiên, hôm nay khi gặp đám đông hôm trước, Chúa Giêsu đã tấn công họ ngay “…các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê “. Xem ra câu nói của Chúa Giêsu có vẻ rất cứng cỏi.

Thực ra, Chúa Giêsu đang nói với đám nông dân Galilê, đám dân chân lấm tay bùn chỉ mong được mùa để họ có thể nuôi sống họ, nuôi sống gia đình của họ. Đám nông dân đã hiểu thế nào là no, thế nào là đói, thế nào là khát…Nhu cầu vật chất luôn là nhu cầu số một đối với họ. Do đó, nói ngay về những sự mầu nhiệm, những sự cao siêu, chắc chắn họ sẽ rất khó lãnh hội được. Như người phụ nữ bên thành giếng Giacóp, Chúa Giêsu đã đi từ cái khát bình thường, đến nước uống không bao giờ khát nữa để kích thích sự ước muốn của chị và rồi Chúa đã giải thích cho chị về Nước Thiên Chúa : “ thứ nước không hề khát chỉ có Ngài mới ban được mà thôi!” Chúa đã đi từ những nhu cầu thực tế hằng ngày để dẫn họ tới mầu nhiệm mà chỉ có đức tin họ mới nhận ra được. Đối với con người ngày nay cũng vậy, cơm, bánh, gạo, tiền, danh vọng, quyền lực là những nhu cầu, khuynh hướng thực tế của con người, nếu chỉ nói tới những thực tại cao siêu mà quên đi những điều, những nhu cầu trần gian, chắc chắn nhiều người sẽ bỏ Chúa, như xưa khi nghe nói về “ Bánh Trường Sinh “, nói về Mình Máu Chúa, nhiều môn đệ đã bỏ Ngài mà đi nơi khác…

Chúa Giêsu không dạy con người biếng nhác, không chịu lao động, làm ăn, Ngài không dạy con người “ ngồi chờ sung rụng “, vì lương thực, vật chất hằng ngày vẫn luôn cần thiết…Nhưng Ngài hướng con người lên cao hơn, lương thực, vật chất cần thiết thật nhưng còn có một thứ lương thực không hề hư mất, đó là Bánh Trường Sinh : “ Mình Máu Thánh của Ngài “, chính Ngài : Đức Kitô Giêsu.

Chúa Giêsu đã không cho Manna từ trời rơi xuống để con người phải lượm, phải nhặt hằng ngày mà nuôi thân. Nhưng Chúa ban cho con người Bánh Trường Sinh, Bánh Ban Sự Sống để những ai tin và ăn Bánh ấy thì có sự sống đời đời :” Chính Ta là Bánh ban sự sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói, ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ “ ( Ga 6, 35 ).

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con luôn tin vào Chúa vì Chúa mới có Lời ban sự sống đời đời. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Đám đông tìm lại gặp Chúa để làm gì ?
2.Ai đã cho dân Do Thái đi trong sa mạc về Đất Hứa ăn Manna ?
3.Manna có nuôi sống con người mãi không ?
4.Bánh Trường Sinh là gì ?
5.Con người cần có điều kiện gì mới chấp nhận Bánh Trường Sinh ?
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tòa Thánh ủng hộ các nỗ lực thăng tiến phát triển để nhổ tận gốc rễ nạn nghèo đói trên thê giới
Linh Tiến Khải
08:16 22/07/2015
NEW YORK: ĐTGM Bernardito Auza, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc, đã khẳng định như trên trong bài phát biểu trước phiên họp thương thảo giữa các chính quyền về việc phát triển sau năm 2015, tại New York hôm 20 tháng 7 vùa qua.

Vị đại diện Tòa Thánh bầy tỏ sự hài lòng trước lời tuyên bố ghi trong tài liệu nói rằng một trong những biện pháp thành công sẽ là không có ai bị bỏ lại đàng sau, và chương trình nghị sự sẽ không thành toàn, nếu nó không nhấn mạnh các nhu cầu của mọi quốc gia và dân nước, đặc biệt là các nhu cầu của người nghèo dễ bị tổn thưong nhất. Tuy nhiên, Tòa Thánh đề nghị tài liệu diễn tả một cách trực tiếp hơn tầm quan trọng và sự không thể tách biệt giữa ba chiều kích của việc phát triển có thể chịu đựng được: đó là các chiều kích kinh tế, xã hội và môi sinh. Cả ba cột trụ ấy đi với nhau, vì không thể ưu tiên cho việc che chở môi sinh hay phát triển kinh tế, mà không chú ý trước nhất đến phẩm giá con người và công ích của toàn xã hội, như ĐTC Phanxicô đã khẳng định trong Thông điệp “Laudato si’”

Phái đoàn Toà Thánh cũng khích lệ việc huy động các nguồn tài chánh và không tài chánh cho chương trình phát triển diệt nạn nghèo đói, qua mọi ngõ có thể, bao gồm cả khả năng xây dựng và khoa học, kỹ thuật và việc trợ giúp canh tân, đặc biệt cho các nước ít phát triển nhất, các nước đang trên đường phát triển, và phát triển các đảo quốc nhỏ, cũng như các quốc gia đang có xung đột hay đang ở trong tình trạng hậu chiến tranh, và các nước có các tình trạng đặc biệt cần được yểm trợ (SD 22-7-2015)
 
ĐTC cảnh báo các hệ lụy tiêu cực của nạn tàn phá môi sinh
Linh Tiến Khải
08:19 22/07/2015
VATICAN: ĐTC Phanxicô khích lệ các giới chức lãnh đạo dân sự toàn thế giới ý thức săn sóc môi sinh và đừng tàn phá thụ tạo, vì các hệ lụy tiêu cực đảo lộn cuộc sống con người.

ĐTC đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến hàng trăm thị trưởng và giới chức lãnh đạo dân sự các thành phố lớn toàn thế giới, tham dự hai hội nghị về các đề tài “Nô lệ mới và các thay đổi khí hậu: dấn thân của các thành phố”, “Sự phong phú, các dân tộc và hành tinh”, do Hàn lâm việc các Khoa học và Khoa học xã hội Tòa Thánh tổ chức.

Phát biểu buông trong buổi gặp gỡ mọi người tại phòng Thượng Hội Đồng Giám Mục trong nội thành Vatican chiều ngày 21 tháng 7 vùa qua ĐTC khẳng định rằng săn sóc môi sinh có nghĩa là có một thái độ của môi sinh nhân bản. Không thể tách rời con người khỏi môi sinh, vì môi sinh bao giờ cũng toàn vẹn và liên quan tới con người. Sự quân bình trong tương giao hai chiều ấy vô cùng quan trọng, vì khi thiên nhiên bị khai thác tàn bạo không thương tiếc và bị đối xử tàn tệ, thì nó sẽ nổi loạn chống lại con người. Đó là điều tôi đã đề cập đến trong Thông điệp “Laudato si’”. Nó không phải là một thông điệp “xanh” như có người nói, mà là một thông điệp xã hội. Khi môi sinh không được săn sóc và các thành phố lớn lên qúa khổ, thì sẽ tao ra các khu xóm nghèo ổ chuột ven biên, nơi dân chúng không có cơ may tại đồng quê tìm về sinh sống.

Nạn tôn thờ chế độ kỹ thuật ăn cướp công ăn việc làm và tạo ra cảnh thất nghiệp là tệ nạn ngày càng phổ biến hiện nay. Có những nơi có tới 40%, 47%, 50% người trẻ 25 tuổi trở lên thất nghiệp. Tương lai của họ là một bóng ma sinh ra biết bao nhiêu tệ nạn khác: buồn nản, nghiện ngập, tuyệt vọng vì cuộc sống vô nghĩa, tự tử, trở thành du kích quân hay chạy theo một lý tưỏng tiêu cực nào khác.

Chế độ kỹ thuật trị, việc sử dụng các hóa chất trong các lãnh vực kỹ nghệ nông nghiệp khiến cho không khí và các nguồn nước bị nhiễm độc gây ra mọi thứ tật bệnh cho con người.

Việc tàn phá hai vùng Amazzonia và Congo, là hai lá phổi lớn của thế giới, gây ra hiện tượng phá rừng và nạn di cư. Nạn di cư làm nảy sinh ra tệ nạn làm việc lậu, buôn bán người và nô lệ trong việc khai thác các quặng mỏ, dùng các khoáng chất tẩy lọc gây bệnh giết dân chúng. Bên cạnh đó là nạn khai thác tình dục trẻ em tại các nước có chiến tranh. Và chiến tranh cũng lã yếu tố gây ô nhiễm và tan phá môi sinh vv…

Thiên Chúa truyền cho con người phải săn sóc thiên nhiên. Khi con người không săn sóc thiên nhiên, nhưng chiếm đoạt nó, thì việc không vun trồng nó sẽ hủy diệt con người. ĐTC xin Chúa cho mọi người ý thức đuợc vấn đề tàn phá mà chính con người đang làm, khi không biết săn sóc môi sinh nhân bản và không có ý thức về môi sinh như món quà Thiên Chúa ban cho, để biến cái không vun trồng ban đầu trở thành việc vun trồng, và dừng lại, để không biến việc vun trồng trở thành không vun trồng (SD 21-7-2015)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Nhân Hòa giáo phận Vinh hành hương về Nhà thờ Chính Tòa Xã Đoài
Jos Trọng Tấn
09:08 22/07/2015
Giáo xứ Nhân Hòa giáo phận Vinh: Cuộc hành hương về Nhà thờ Chính Tòa Xã Đoài

Sáng 22/7/2015, gần 2.300 bà con giáo xứ Nhân Hòa đã tổ chức cuộc hành hương đi bộ về Nhà thờ Chính Tòa Xã Đoài, con tim của cả giáo phận Vinh, điểm hội tụ của niềm tin, điểm hẹn của sự hiệp nhất, để cùng với giáo phận sống Năm Thánh kỷ niệm 170 năm thành lập. Đó là tâm tình cảm tạ mà bà con Nhân Hòa dâng lên Thiên Chúa vì muôn hồng ân Người đã ban cho giáo phận trong suốt chặng đường 170 qua và 101 năm từ khi Nhân Hòa được nâng lên hàng giáo xứ.

Xem Hình

Những bước chân trong ân sủng

Như cây về cội, nước về nguồn, đoàn con cái Nhân Hòa cùng chung một tâm tình tri ân cảm tạ về với Nhà thờ Chính Tòa Xã Đoài, mái nhà chung của giáo đoàn Vinh. Đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, Tòa Ân Giải Tối Cao và bề trên giáo phận, gần 2.300 bà con Nhân Hòa đã tổ chức cuộc đi bộ hành hương về Nhà thờ Chính Tòa Xã Đoài. Đoàn hành hương khởi hành lúc 6h30, đi hàng đôi dài gần 2km, di chuyển một cách trật tự, nghiêm trang từ nhà thờ giáo xứ Nhân Hòa, vượt qua 6km đường bộ về với giáo đô Xã Đoài. Đây quả là một việc làm thể hiện tinh thần hiệp nhất và dấu ấn đặc biệt của giáo xứ Nhân Hòa, một giáo xứ gắn với lịch sử hào hùng của các bậc tiền nhân, với bề dày truyền thống đạo hạnh, vùng địa linh nhân kiệt đã sinh ra biết bao anh tài cho giáo phận, đặc biệt phải kể đến là Đức cố Giám mục Phêrô Gioan Trần Xuân Hạp, người con kiệt xuất của Nhân Hòa đang yên nghỉ tại giáo đô.

Những bước chân của bà con Nhân Hòa hôm nay diễn tả trọn vẹn hành trình sống ơn gọi làm Kitô hữu của mỗi người. Trên quãng đường dài 6km đó, bà con đã phải vượt qua cánh đồng hoang vắng như diễn tả những bước chân cô đơn trên đường theo Chúa, đi qua Chợ Quán, nơi đô hội, muôn màu cuộc sống như diễn tả những ồn ào, náo nhiệt, bon chen, lo lắng phận người trên đường đời. Thế nhưng, tất cả những cô đơn, lo lắng, mệt nhọc, bon chen sẽ tan biến nếu như có Chúa cùng đồng hành. Quả thế, quãng đường dài 6km dường như chẳng đáng kể gì khi trên suốt hành trình bà con được kết hiệp với Chúa qua những lời kinh, những bài suy niệm… Đường đời sẽ bình an khi bà con biết cậy dựa và bước đi trong ân sủng Chúa, để rồi niềm vui vỡ òa khi đặt chân đến giáo đô Xã Đoài, về với Nhà Chúa.

Những bước chân của bà con còn diễn tả chặng đường dài mà giáo phận và cách riêng giáo xứ Nhân Hòa đã đi qua. Vượt lên những thăng trầm của thời cuộc, những biến chuyển của xã hội, 170 năm qua con thuyền giáo phận Vinh vẫn băng băng lướt sóng đời. Đến nay, đã trải qua 101 năm giáo xứ Nhân Hòa được chính thức thành lập, những bước chân mà con người Nhân Hòa đã đi qua đong đầy những mồ hôi, nước mắt và cả những đau thương, nhưng cũng không thiếu niềm vui, hạnh phúc, bình an và ân sủng của Chúa.

Thánh lễ kính nhớ Thánh nữ Maria Mađalêna – cao điểm cuộc hành hương

Lúc 8h00, đoàn hành hương đã về đến Nhà thờ Chính Tòa Xã Đoài. Ngay sau đó là thánh lễ kính nhớ Thánh Maria Mađalêna, cao điểm cuộc hành hương. Thánh lễ do cha Fx. Võ Thanh Tâm - giám đốc Nhà Hưu Xã Đoài chủ tế, đồng tế với ngài có cha Fx. Hoàng Sỹ Hướng – quản hạt Xã Đoài, quý cha đang phục vụ tại Tòa Giám mục.

Gợi hứng từ gương sống của Thánh nữ Maria Mađalêna, cha Fx. Hoàng Sỹ Hướng đã khai triển những thay đổi trước và sau khi gặp Chúa của Thánh nữ, để rồi rút ra những bài học quý báu cho đời sống Kitô hữu. Trước hết, nhìn vào những bước chân lầm lỗi của Thánh nữ trước khi gặp Chúa để mỗi người nhìn nhận thân phận yếu đuối, tội lỗi của mình mà khiêm nhường xin Chúa tha thứ. Thứ đến, nhìn vào bước chân sám hối của Thánh nữ để rồi mỗi người luôn biết mở lòng đón Chúa để Ngài đổi mới mình mỗi ngày nên giống Ngài hơn. Cuối cùng, nhìn vào bước chân loan báo Tin mừng Phục Sinh của Thánh nữ để noi gương ngài mà ra đi truyền giáo bằng chính đời sống chứng tá của mỗi người.

Cuộc hành hương kết thúc, đoàn con cái Nhân Hòa ra về trong niềm vui và bình an. Cuộc hành hương hôm nay không chỉ dừng lại ở đây, nhưng sẽ được bà con Nhân Hòa kéo dài trong cuộc đời mỗi người. Để rồi, với những ân phúc đã được lãnh nhận từ Thiên Chúa, những giá trị tốt đẹp được thừa hưởng từ các bậc tiền nhân, bà con sẽ không ngừng ra đi đem Chúa đến cho mọi người. Cả giáo phận đang hướng đến đại lễ mừng Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời, Quan thầy giáo phận và cũng là ngày cao điểm của Năm Thánh, thì cuộc hành hương của bà con Nhân Hòa như một bông hoa thiêng liêng tươi thắm cùng với giáo phận dâng lên Mẹ Quan Thầy.

Jos. Trọng Tấn
 
Dòng Phanxicô Cù Lao Giêng,Gp Long Xuyên : Mừng ngân khánh khấn dòng
Martinô Lê Hoàng Vũ
16:44 22/07/2015
Dòng Phanxicô Cù Lao Giêng,Gp Long Xuyên: Thánh lễ tạ ơn ngân khánh khấn dòng

Lúc 10 giờ sáng thứ ba ngày 21.07.2015,tại Nhà nguyện của Tu viện Dòng Anh Em Hèn Mọn Phanxicô Cù Lao Giêng, An Giang,Giáo phận Long Xuyên đã diễn ra thánh lễ tạ ơn mừng ngân khánh khấn dòng của cha Giuse Chu Quang Vượng và quý tu sĩ cùng lớp.

Xem Hình

Thánh lễ diễn ra trong bầu khí cầu nguyện do Cha Giuse Chu Quang Vượng chủ tế,cùng đồng tế có quý cha bề trên Tỉnh Dòng,cha hạt trưởng Chợ Mới,quý cha trong hạt,quý cha thân hữu,quý cha quê nhà của cha Vượng.Ngoài ra, còn có sự tham dự đông đảo quý nữ tu, và cộng đoàn dân Chúa hiện diện.

Trong bài chia sẻ Tin Mừng,cha Giuse đã nói về hành trình ơn gọi của mình là được chính Chúa Giêsu yêu thương chọn gọi,để trở thành tu sĩ trong Dòng Anh Em Hèn Mọn và là Linh mục của Chúa.Chúa Giêsu đã nói: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em”.Chúa đã tín nhiệm chọn gọi các ngài,yêu thương và ban sức mạnh cho các ngài.Chính Chúa đã dẫn đưa các ngài qua những chặng đường khó khăn mà tưởng chừng như muốn buông xuôi không theo đuổi ơn gọi được nữa.Chúa là gia nghiệp,là tất cả của đời sống tu sĩ.Các ngài thuộc về Chúa và Chúa cũng thuộc về các ngài.Cha Thánh Phanxicô dạy rằng: chúng ta xác tín rằng mình chẳng có gì khác ngoài nết xấu và tội lỗi.Trong ngày mừng lễ tạ ơn là dịp các tu sĩ nhìn lại ơn gọi của mình,xin Chúa gìn giữ đời sống ơn gọi luôn sáng trong,nhưng cũng xin cộng đoàn thương tiếp tục cầu nguyện cho các ngài,quảng đại bỏ qua những lầm lỗi thiếu sót cho các ngài.

Sau bài giảng là Nghi thức khấn lại của các tu sĩ mừng ngân khánh khấn dòng,trước sự chứng kiến của cha Antôn Nguyễn Ngọc Kính,cố vấn Tỉnh Dòng.

Trước khi kết thúc thánh lễ cha Giuse Vượng có đôi lời cám ơn quý Đức Cha, quý cha trong hạt,quý cha dòng và linh tông cùng quý tu sĩ nam nữ thuộc các hội dòng và cộng đoàn đã tham dự thánh lễ cầu nguyện cho ngài,nhân ngày mừng kỷ niệm khấn dòng.

Liền sau đó, cha Hạt trưởng Chợ Mới với tư cách đại diện Giáo phận Long Xuyên chúc mừng quý tu sĩ mừng lễ tạ ơn hôm nay, chaccũng nói về việc Đức Cha Giuse Trần Xuân Tiếu, và cha Tổng đại diện giáo phận Long Xuyên không thể đến dâng lễ được vì lý do sức khỏe.

Thánh lễ tạ ơn kết thúc với bài hát Kinh Hòa Bình quen thuộc của Dòng Anh Em Hèn Mọn.Xin Chúa giúp các tu sĩ Phanxicô sống trọn vẹn ơn gọi của mình hằng ngày để trở nên chứng nhân của Chúa Kitô về đời sống khó nghèo,đơn sơ và yêu thương mọi người.

Martino Lê Hoàng Vũ
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Ngả mũ với ông Phùng Quang Thanh
Ngô Nhân Dụng
10:33 22/07/2015
Ngả mũ với ông Phùng Quang Thanh

Trong cuốn Đèn Cù, nhà văn Trần Đĩnh kể lần đầu từ Hà Nội vào Sài Gòn ông chứng kiến một cảnh khiến ông suy nghĩ: Một đám tang đi qua, một thanh niên đứng bên đường dừng chân lại, bỏ mũ, cúi đầu. Lâu lắm Trần Đĩnh mới được thấy cảnh đó, dấu hiệu của một xã hội biết giáo dục trẻ em.

Trước năm 1954 trẻ em ở Hà Nội vẫn được dậy cử chỉ đó: Dừng chân, ngả mũ, để tỏ lòng kính trọng thi hài người đã chết. Vì vậy, khi viết về chuyện Tướng Phùng Quang Thanh đã chết hay chưa chết, đang gây dư luận sôi nổi, tôi xin theo lời các thầy giáo, huynh trưởng dạy mình từ thuở bé. Xin bỏ mũ trước. Nếu ông đã qua đời tôi cũng không thất lễ.

Trước khi nghe tin ông Phùng Quang Thanh tạ thế, nhà báo Phạm Chí Dũng đã nhận xét trên Người Việt rằng những tin tức trong vụ ông đi chữa bệnh quá nhiều mâu thuẫn. Báo chí nhà nước Việt Nam đăng hình Tướng Phùng Quang Thanh chụp với bộ trưởng Quốc Phòng Pháp, nhưng không loan tin tướng Thanh nói chuyện gì, ông làm gì ở Pháp. Phạm Chí Dũng nhận xét trong cả tháng qua, “Trên báo Nhân Dân và đặc biệt Quân Đội Nhân Dân là cơ quan ngôn luận của Bộ Quốc Phòng Việt Nam, người ta không thể tìm ra dấu vết hiện diện của viên tướng bốn sao.” Và, “Cùng với sự thay đổi đồng loạt hai cấp tướng tư lệnh và chính ủy của Bộ Tư Lệnh Quân Khu Thủ Đô vào đầu Tháng Bảy, 2015, tức chỉ ít ngày sau khi tướng Phùng Quang Thanh - người chịu trách nhiệm chỉ đạo trực tiếp khối đơn vị vài chục ngàn quân này - bị MIA.” MIA nói về các quân nhân mất tích, không tìm thấy xác.

Ngày Chúa Nhật, 19 Tháng Bảy, hãng thông tấn Đức Deutsche Presse-Agentur (DPA) loan tin ông Thanh đã qua đời tại bệnh viện Georges Pompidou vào tối hôm đó; họ dựa vào một nguồn tin của một nhân viên Bộ Quốc Phòng. Ngày hôm sau, Trung Tướng Võ Văn Tuấn, phó Tổng Tham Mưu Trưởng nói với các báo trong nước rằng tin này sai. Tướng Võ Văn Tuấn xác định, “...tôi gọi điện thoại cho đại tướng Phùng Quang Thanh vào chiều 19 tháng 7. Đại tướng nói chuyện nghe giọng rất thoải mái...” Hôm sau, hãng DPA làm tin mới, cho biết chính quyền Việt Nam đã cải chính rằng Tướng Phùng Quang Thanh còn sống. Nhưng hãng thông tấn này không viết một lời nào phủ nhận tin đã viết hôm trước. Bản DPA tin mới còn nói thêm rằng họ nhận được tin ông qua đời “từ bệnh viện,” để người đọc thấy chắc chắn hơn.

Tướng Võ Văn Tuấn dùng các báo nhà nước để cải chính bản tin của DPA. Nhưng tại sao không cải chính một cách mạnh mẽ, rõ ràng hơn? Tin ông bộ trưởng Quốc Phòng một nước còn sống hay đã chết là một tin khá quan trọng. Nếu sai, đáng lẽ chính Bộ Quốc Phòng phải cải chính, trong một cuộc họp báo; ít nhất cũng làm một bản thông cáo chính thức. Báo trong nước chỉ thuật lời Tướng Võ Văn Tuấn mà không kèm theo một bài phỏng vấn đầy đủ để được nghe ông trả lời rất nhiều thắc mắc trong dư luận cả tháng nay. Đúng như nhà báo Phạm Chí Dũng kết luận, đây là một “Thất bại của hệ thống tuyên giáo đảng.” Cả Đảng Cộng Sản bị mất mặt vì lúng túng ném ra những thông tin chậm trễ, mơ hồ, trái nghịch, chỉ trong câu chuyện một người “mất tích” không biết chết hay sống.

Nhưng “hệ thống tuyên giáo đảng” bị tội oan. Cảnh “tang gia bối rối” diễn ra do nhiều nguyên nhân phức tạp, ngoài khả năng của các ông bà tuyên giáo. Người sống bên ngoài cũng thấy trong vụ này tất cả Đảng Cộng Sản đang lúng túng, có thể nói cả nhóm lãnh đạo đang “kẹt cứng.” Chắc họ không biết phải “xử lý tình huống” cách nào, cho nên đành lộ cảnh tang gia bối rối, mất mặt cũng đành chịu.

Guồng máy tuyên truyền của đảng phơi bày tình trạng lúng túng này. Mạng Infonet và báo Một Thế Giới cho biết Tướng Võ Văn Tuấn đã “khẳng định” rằng hãng tin DPA đã “xin đính chính.” DPA không hề đính chính; cho nên, hoặc ông Võ Văn Tuấn nói dối, hoặc có người ra lệnh các báo trên nói dối. Thông tấn xã của nhà nước còn trâng tráo hơn, viết một điều hoàn toàn sai sự thật, “DPA đã cải chính về sức khỏe Bộ Trưởng Phùng Quang Thanh.”

Các thủ đoạn che đậy, gian dối, “cả vú lấp miệng em” trên đây đã tập huấn lâu đời. Thói quen nói láo đã thấm vào xương tủy Đảng Cộng Sản từ thời còn làm báo in thạch bản ở trong hang. Nhưng đem dùng thủ đoạn đó trong thời đại Internet, năm 2015, chỉ khiến người ta khinh. Bởi vì nếu Đảng Cộng Sản muốn chứng tỏ ông Phùng Quang Thanh còn sống thì họ chỉ cần trưng ra một tấm hình ông đang cầm trên tay tờ báo Le Monde xuất bản ngày 19 hay 20 Tháng Bảy - dù ông đủ sức khỏe đọc được báo hay không! Giản dị hơn nữa, là nhờ vợ con ông lên tiếng cải chính với hãng DPA - mà theo tin của nhà nước thì gia đình ông đã qua Paris săn sóc ông từ tháng trước. Tại sao cả gia đình không ai nói một câu nào khi cả nước bàn tán không biết chồng, cha của họ đã chết hay chưa? Họ đâu phải người rưng nước lã?

Không ai trong Đảng Cộng Sản cải chính theo cách giản dị này. Lý do vì nó nằm ngoài khả năng cả đám người cầm quyền. Họ không thể làm gì được. Hoặc vì ông Thanh đã qua đời rồi. Hoặc vì gia đình ông không cộng tác. Hoặc cả hai.

Nhưng nếu Tướng Phùng Quang Thanh thật đã mãn phần thì tại sao guồng máy Đảng Cộng Sản lại phải lúng túng che đậy, để người dân coi càng khinh, càng ghét như vậy?

Người ngoài không biết đủ các tin tức trong đảng của họ với nhau, cho nên chúng ta chỉ có thể suy diễn, dựa trên các sự kiện được tiết lộ.

Một điều ai cũng biết là trong cuộc tranh giành quyền lực chuẩn bị đại hội đảng sang năm, họ đang đấu đá nhau tận mạng. Riêng ông Phùng Quang Thanh và người con, một đại tá chủ tịch nhiều công ty, đã bị lôi lên mạng phơi bày đủ các trò lạm quyền, tham nhũng làm giàu. Ông Thanh cũng bị gắn cho nhãn hiệu một người “thân Trung Quốc.”

Ở Việt Nam, muốn chửi ai thì cứ bảo người đó theo đuôi Trung Cộng. Nhưng chúng ta biết rằng chẳng ai trong Đảng Cộng Sản dám cưỡng lại Trung Cộng. Toàn thể Đảng Cộng Sản Việt Nam đã bị Trung Cộng thao túng từ Hội Nghị Thành Đô 1992 đến giờ; không ai có thể ngoi lên ghế lãnh đạo nếu cưỡng lại. Nước Việt Nam bị Trung Cộng lấn áp đủ mặt: kinh tế, quốc phòng, chính trị, ngoại giao. Nguyễn Tấn Dũng mới lên chức thủ tướng đã dâng cho Trung Cộng món quà Bô Xít. Trương Tấn Sang qua Tàu ký thỏa ước hợp tác đủ trăm ngành không thiếu thứ gì. Từ khi Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng thì hầu hết các món thầu lớn đều lọt vào tay các công ty Trung Cộng, đường sá, phi trường, hầm mỏ tới điện lực. Nguyễn Phú Trọng, Phùng Quang Thanh chưa ai lập được những công trạng đáng khen thưởng như vậy.

Tất cả Đảng Cộng Sản Việt Nam “thân Trung Quốc,” không anh nào thoát được, nếu muốn sống. Họ tranh giành nhau các chức quyền trong đảng; nhưng không thể bước ra ngoài vòng giới hạn Bắc Kinh vẽ ra. Nằm trong cái giọ đó, các con cua tha hồ chen chân đạp lên nhau. Lâu lâu có anh được phép nói những lời bất kính với thiên triều cho dân chúng xì hơi. Không sao, miễn khi làm việc anh cứ làm theo ý các cố vấn. Lâu lâu có anh lại nói một lời nịnh bợ, vì cả Bộ Chính Trị đang lo bị thiên triều “hiểu lầm.” Trò phân biệt hai phe, “thân Trung Quốc” và “chống Trung Quốc” là một ảo tưởng bày ra để ru ngủ dân chúng. Nhiều người cũng thích được ru ngủ, vì nghe sướng tai hơn sự thật. Họ có thể tự an ủi rằng trên đầu mình không phải chỉ toàn những thằng bán nước ngồi.

Vì vậy, các vụ đánh Phùng Quang Thanh trên mạng gần đây hoàn toàn do tranh giành quyền lực ở bên trong đảng với nhau. Nếu ông Thanh qua đời vì bệnh nan y thì cuộc giành giựt này vẫn tiếp tục, chắc còn gay go hơn. Bởi vì một người chết đi để lại nhiều thứ mà những người còn sống sẽ được dịp chia nhau. Nhiều đám tang từng bị trì hoãn, chỉ vì họ không biết chia chác di sản ra sao. Xác Tề Hoàn Công để thối trong cung, vì ba ngàn năm trước bên Tàu chưa có phòng lạnh.

Trong số di sản ông Thanh để lại, nếu ông qua đời, có các chức vụ ông đã giữ và tài sản ông nắm trong tay. Những người còn sống chưa “nhất trí” được với nhau sẽ chia chác ra sao. Tướng Phùng Quang Thanh rất nhiều quyền, Bộ Chính Trị, quân ủy, chính phủ; ông còn được coi là người giàu nhất nước Việt Nam, chỉ thua Nguyễn Tấn Dũng. Ông ký giấy mua các thứ vũ khí, máy bay, chiến hạm, tầu ngầm, vân vân. Công nghệ quốc phòng Nga nổi tiếng là bao giờ cũng hậu tạ các khách hàng. Ông giành toàn quyền sử dụng đất đai của quân đội hay được quân đội trưng dụng, rộng bát ngát khắp nước và nằm trên nhiều địa điểm kinh tế “chiến lược.” Nhiều khu đã được thương mại hóa hay biến thành cư xá sang trọng, con trai ông thường trúng thầu. Những tài sản này trị giá nhiều tỷ Mỹ kim, còn tiếp tục sinh lợi hàng thế kỷ nữa, chưa biết ai sẽ hưởng.

Trong các xã hội bình thường có luật pháp thì gia đình ông Phùng Quang Thanh sẽ được hưởng gia tài của ông. Nhưng xã hội Việt Nam không bình thường, từ cách tạo dựng tài sản, thủ đắc cho tới sử dụng tài sản. Đây có thể là một lý do khiến gia đình ông, nhất là những người đang ở Paris bên cạnh ông, trong mấy ngày qua không cộng tác với bộ máy tuyên truyền của đảng Cộng sản. Họ chưa biết Đảng Cộng Sản sẽ chia cho họ thế nào khi ông Phùng Quang Thanh ra đi, hay đã qua đời rồi. Đảng Cộng Sản cũng chưa trả lời dứt khoát được, vì ngay việc phân chia giữa họ với nhau cũng chưa ngã ngũ. Việc chia nhau di sản quyền và tiền ông Phùng Quang Thanh để lại cũng liên quan đến tất cả những cuộc mặc cả khác, trước khi đảng họp đại hội năm tới. Dù sao, khi nào được tin ông Phùng Quang Thanh qua đời chúng tôi sẽ ngả mũ lần nữa, cầu nguyện và mừng ông thoát được cõi ta bà đại hội này.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Khủng hoảng nợ công Hy Lạp
Hà Minh Thảo
16:47 22/07/2015
KHỦNG HOẢNG NỢ CÔNG HY LẠP

Sau Thế chiến thứ 2, các quốc gia Âu châu, thắng trận (Pháp, Bỉ, Hòa lan, Lục xâm bảo) và thua (Đức, Ý), với nguyện vọng ngăn ngừa chiến tranh tái phát bằng đẩy mạnh sự hợp tác kinh tế để cùng phát triển, đã ký kết Hiệp định Rôma ngày 25.03.1957 và có hiệu lực từ ngày 01.01.1958 để thành lập Cộng đồng Kinh tế Âu châu (European Economic Community, tiếng Anh và Communauté Economique Européenne, tiếng Pháp). Năm 1973, thêm 3 quốc gia (Đan mạch, Aùi nhĩ lan, Anh) thành 9. Năm 1981, thêm Hy lạp. Năm 1986, tăng thành 12 với Tây ban nha và Bồ đào nha. Năm 1993, danh xưng được chính thức đổi thành Liên hiệp Âu châu (European Union, tiếng Anh và Union Européenne, tiếng Pháp) qui định bởi Hiệp định Maastricht ký ngày 07.02.1992 và có hiệu lực ngày 01.11.1993 nhằm tiến hành việc thiết lập một Đồng Tiền Chung Âu châu.

Nhân dịp khủng hoảng Nợ Công Hy lạp, chúng ta cùng nhắc lại sự hình thành của đồng Euro và các trách nhiệm của những lãnh đạo Âu châu cùng sự đối phó chính trị do Chính phủ đương nhiệm dựa vào Dân Ý (điều mà nhà nước Việt Nam hiện nay rất sợ qua những thảo luận ở Quốc hội về Trưng cầu Dân Ý) và các quyết định của Quốc hội.

I.- ĐỒNG TIỀN CHUNG ÂU CHÂU.

A. Sự Hình thành.

Từ ngày 01.07.1990, bắt đầu việc lưu chuyển tư bản được tự do giữa các nước trong Liên hiệp Âu châu. Kế đến, ngày 01.01.1994, Viện Tiền tệ Âu châu, tiền thân của Ngân hàng Trung ương Âu châu (Eropean Central Bank, tiếng Anh và Banque centrale européenne, tiếng Pháp) được hình thành để nghiên cứu các chính sách kinh tế và tìm cách lập mối tương quan giữa những nền kinh tế các quốc gia thành viên hầu tiến tới sự hình thành Đồng Tiền Chung. Ngày 16.12.1995, Hội đồng Âu châu (European Council, tiếng Anh và Conseil européen, tiếng Pháp, gồm Tổng thống hay Thủ tướng các quốc gia thành viên) đặt tên loại tiền tệ mới là ‘Euro’.

B. Điều kiện Tham gia Euro.

Ngày 13.12.1996, Tổng trưởng Tài chính các quốc gia Liên hiệp Âu châu đồng thỏa thuận về Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng (Stability and Growth Pact, tiếng Anh và Pacte de stabilté et de croissance, tiếng Pháp) nhằm bảo đảm các nước thành viên giữ kỷ luật về ngân sách và, qua đó, bảo đảm giá trị của Đồng Tiền Chung (tiêu chỉ hội nhập):

- Lạm phát không vượt quá 1,5% so với mức trung bình 3 quốc gia có mức lạm phát thấp nhất;

- Thâm hụt ngân sách không vượt quá 3% Tổng sản lượng nội địa (TSLNĐ) thường được gọi là GDP (Gross Domestic Product, tiếng Anh hay Produit Intérieur Brut (PIB), tiếng Pháp;

- Công nợ không vượt 60% TSLNĐ và biên độ giao động tỷ giá giữa các đồng tiền ổn định trong hai năm theo cơ chế chuyển đổi;

- Lãi suất (tính theo lãi suất công trái thời hạn từ 10 năm trở lên) không quá 2% so với mức trung bình của 3 nước có lãi suất thấp nhất.

- Lạm phát không vượt quá 1,5 điểm trên tỉ xuất thấp nhất của 3 quốc gia thành viên;

Trong kỳ họp Hội đồng Âu châu ngày 01-03.05.1998 chấp thuận 11 quốc gia (trừ Hy lạp) tham gia Khu vực Euro (Euro Zone) là những nước đã đạt những tiêu chỉ hội nhập trên. Các nước Anh, Đan mạch và Thụy điển từ chối tham gia, dù hội đủ các tiêu chỉ này. Ngày 31.12.1998, tỷ giá hối đoái giữa nội tệ các nước và Euro được tuyên bố một cách cố định. Ngày 02.01.1999, Euro chính thức đi vào sổ sách kế toán thay thế các nội tệ những nước thành viên. Ngày 19.06.2000, Hội đồng này nhận định Hy lạp cũng đã đạt những tiêu chỉ này để gia nhập Khu vực Euro ngày 01.01.2001, dựa theo những cam kết của Chính phủ Hy lạp, dù nhiều thành viên Hội đồng nghi ngờ tính chính xác từ các chỉ số thống kê do họ cung cấp, nhưng cũng vì bệnh ‘thành tích’, nên không lên tiếng.

Ngày 01.01.2002, tiền mặt Euro được lưu hành trong đời sống thường nhật tại 12 quốc gia. Năm 2004, Hy lạp tổ chức Thế vận hội thất bại do những chi tiêu hoang phí và tốn gần một tỷ euro để bảo đảm an ninh sau vụ khủng bố ở Hoa kỳ ngày 11.09.2001 khiến công nợ năm đó đã tăng lên tới 168 tỷ euro, trong đó chi phí tổ chức Thế vận hội chiếm đến 5,30% số đó, tức 8,90 tỷ euro.

Hiện nay, Liên hiệp Âu châu có 28 quốc gia thành viên, nhưng chỉ 19 nước tham gia Khu vực Euro. Hai cơ chế này có một mâu thuẫn căn bản và nội tại là Liên hiệp Âu châu không có thực quyền đối với chính sách kinh tế từng thành viên và Khu vực Euro bao gồm nhiều nền kinh tế mạnh yếu khác nhau và có sức cạnh tranh rất cách biệt nên lợi tức thu cũng khác nhau. Sau chín năm hiện hữu, các mâu thuẫn này đã dẫn tới cuộc khủng hoảng, từ năm 2009.

II.- TRƯỜNG HỢP HY LẠP.

A. Khủng hoảng ngân sách.

Các số liệu thống kê Hy lạp cho thấy quốc gia này có bách phân khiếm hụt ngân sách lên đến 12,70%, năm 2009, và 9,40% TSLNĐ năm 2010. Công nợ lên đến 113,40% (410 tỷ mỹ kim), năm 2009, và 120,80% TSLNĐ, năm 2010.

Ngày 04.10.2009, Đảng Xã hội của ông George Papandreou thắng cuộc bầu cử Quốc hội. Trong tháng 10 này, các số liệu về tài chính công cho thấy mức thâm hụt ngân sách 12% và công nợ đến 113,4% TSLQN, năm 2009. Đây là một bất ngờ đối với tân chánh phủ vì họ chờ một sự thâm hụt ngân sách chỉ 6% TSLNĐ. Do đó, Ủy ban Âu châu (European Commission, tiếng Anh và Commission européenne, tiếng Pháp) đòi hỏi một điều tra ‘toàn diện’ để giải thích sự khác biệt này. Tuy nhiên, sự bất ngờ này có thật không khi người ta tin rằng thâm hụt ngân sách Hy lạp trung bình từ 1991 đến 2007 là 6,8% TSLNĐ, chứ không là 3% để gia nhập Khu vực Euro.

Ngày 24.12.2009, Quốc hội đã thông qua ngân sách năm 2010, bằng giảm thâm hụt còn 9,1% TSLNĐ vào năm 2010. Từ ngày 06 đến 08.01.2010, các chuyên gia từ Ủy ban Âu châu và Ngân hàng Trung ương Âu châu để kiểm tra tài chính công Hy lạp. Ngày 13.01.2010, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, theo lời yêu cầu của Hy lạp, nghiên cứu những khả năng hỗ trợ kỹ thuật để giúp xây dựng lại nền tài chính mình. Ngày 14.01.2010, Chính phủ công bố kế hoạch khắc khổ mà mục tiêu là củng cố tài chính thông qua việc giảm chi tiêu công tới 47,7% TSLNĐ năm 2013, so với 52% trong năm 2009. Ngày 15.01.2010, Chính phủ Hy lạp nạp chương trình khắc khổ (austerity program, tiếng Anh và programme d'austérité, tiếng Pháp) cho Ủy ban Âu châu. Trong đó, để giảm thâm hụt ngân sách 4% TSLNĐ năm 2010, công chức sẽ bị cắt 25% tiền lương, ngưng tuyển nhân viên, bãi bỏ các ưu đãi về thuế. Ngày 19.01.2010, Tổng trưởng Tài chính George Papaconstantinou trình bày với các đồng nghiệp Âu châu các biện pháp để giảm thâm hụt Hy lạp.

Ngày 25.01.2010, Bộ Tài chính Hy lạp phát hành trái phiếu đầu tiên trong năm đã đạt được thành công lớn, với năm lần cao hơn dự kiến, thu được 25 tỷ euro. Ngày 28.01.2010, năng suất các trái phiếu Hy lạp tăng cao tới mực chưa từng thấy từ ngày nước này gia nhập khu vực Euro là 7,15%. Tại Diễn đàn Davos (Thụy sĩ), Thủ tướng Hy lạp Georges Papandréou lên án những cuộc tấn công so với euro. Một vài quốc gia (Hy lạp, Tây ban nha, với thâm hụt ngân sách 11,40% TSLNĐ, và Bồ đào nha, 9,30% TSLNĐ…) được xem là những nước yếu kém và đang bị nhắm vào để đánh phá. Ngày 03.02.2010, Ủy ban Âu châu chấp thuận kế hoạch tiết kiệm ngân sách của Hy lạp, đồng thời đặt Hy lạp dưới sự giám sát và mở một cuộc điều tra những vi phạm vì số liệu thống kê không đáng tin cậy.

B. Các biện pháp thắt lưng buột bụng (kiệm ước).

Hy lạp nhận được sự tài trợ bởi Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Trung ương Âu châu và Quỹ bình ổn tài chính Âu châu (European Financial Stability Facility, tiếng Anh và Fonds européen de stabilité financière, tiếng Pháp)* bằng những khoản nợ để thoát khủng hoảng nhưng, trái lại, Chính phủ nước này phải cam kết thi hành những biện pháp mất cảm tình nơi đồng bào cử tri như :

1. Tăng thuế. Năm 2011, Chánh phủ Hy lạp phải tận thu thêm 2,32 tỷ euro thuế và lần lượt là 3,38 tỷ, 152 triệu và 699 triệu trong 3 năm kế tiếp. Trong đó, thuế trị giá gia tăng (Value-Added Tax, tiếng Anh và Taxe sur Valeur Ajoutée, tiếng Pháp) sẽ tăng từ 19% lên 23% (một loại thuế gián tiếp, không đau nhưng rất độc, đánh vào người giàu cũng như nghèo).

2. Đánh thuế vào những hàng xa xỉ như du thuyền, hồ bơi và ô tô. Thuế xuất đặc biệt đánh vào các công ty làm ăn thu lợi nhuận lớn, bất động sản giá trị lớn và các cá nhân có lợi tức cao.

3. Đánh thuế vào một số mặt hàng tiêu dùng nội địa như nhiên liệu, thuốc lá, thức uống có cồn sẽ tăng 33,33%.

4. Giảm chi tiêu công 15%.

5. Giảm chi tiêu quân sự. Năm 2012, chi tiêu này sẽ bị cắt giảm 200 triệu euro và từ năm 2013 đến 2015, mỗi năm sẽ giảm 333 triệu euro.

6. Giảm chi tiêu giáo dục bằng cách đóng cửa hoặc sát nhập 1.976 trường học.

7. Giảm chi tiêu cho an sinh xã hội. Năm 2011, 1,09 tỷ euro. Từ 2012 đến 2015, số cắt giảm lần lượt sẽ là 1,28 tỷ euro, 1,03 tỷ, 1,01 tỷ, và 700 triệu. Ngoài ra, mức tuổi về hưu sẽ tăng từ 61 lên 65 tuổi.

8. Tư hữu hóa một số các xí nghiệp công (doanh nghiệp nhà nước) như Hellenic Postbank, Hellenic Telecom… và bán cổ phần quốc gia tại Athens Water, Hellenic Petroleum, …

9. Giảm số công chức. Năm 2011, cứ 10 người thì sẽ có 1 người bị sa thải. Những năm sau, tỷ lệ sa thải sẽ là 1/5 người.

10. Giảm chi tiêu y tế. Năm 2011, mức giảm sẽ là 310 triệu euro và từ 2012 đến 2015 sẽ giảm 1,81 tỷ euro.

Những biện pháp này làm cho cuộc sống của người dân đã khó càng trở nên khó khăn hơn. Trong một nước dân chủ như Hy lạp, người dân cử tri đã sử dụng lá phiếu để chế tài Chính phủ.

* Quỹ đặc biệt được tài trợ bởi các thành viên Liên hiệp Âu châu để giải quyết những cuộc khủng hoảng nợ công các nước này, đã được đồng thuận ngày 09.05.2010.

III. BƯỚC SANG NĂM 2015.

A. Khả năng ‘thắt lưng buộc bụng’ đã cạn.

Đến cuối tháng 09.2011, số bách phân thất nghiệp Hy lạp đã lên đến 16% lực lượng lao động. Từ giữa năm 2010, Hy lạp đã được hỗ trợ tài chính 110 tỷ euro để thoát khỏi phá sản, và lời hứa một gói cứu viện thứ hai trị giá 159 tỷ euro, nếu chính quyền Athens đồng ý một kế hoạch tiết kiệm 28 tỷ euro hầu, đến năm 2015, giảm được 12% trong tỷ lệ khiếm hụt ngân sách so với TSLQN. Mục tiêu là có tiền thanh toán nợ 350 tỷ euro đang bóp nghẹt Hy lạp và làm lành mạnh hóa nền tài chính và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế nước này.

Các chủ nợ (Liên hiệp Âu châu, Ngân hàng Trung ương Âu châu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế), bất chấp lời khuyến cáo của các chuyên gia kinh tế cho rằng nước này không còn có khả năng gánh chịu thêm những biện pháp khắc khổ nữa để nếu muốn họ tháo khoán khoản tín dụng 8 tỷ euro đã hứa cấp hầu tránh được tình trạng phá sản.

(Còn tiếp)

Hà Minh Thảo
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Con Ếch Xanh
Richard Drysdale
21:31 22/07/2015
CON ẾCH XANH
Ảnh của Richard Drysdale
Ếch ngồi đáy giếng thèm say
Chung quanh nước lã trường chay rau bèo.
(Trích thơ của Bụt sĩ Lưu Văn Vịnh)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu: 14/07 – 20/07/2015: Dư âm chuyến tông du Ecuador, Bolivia và Paraguay
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:59 22/07/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha nói về cây thánh giá của tổng thống Bolivia

Trong cuộc họp báo trên chuyến bay từ Paraguay về Roma vào ngày 12 tháng 7, Đức Thánh Cha đã đưa ra nhận xét của chính ngài về cây thánh giá tổng thống đã trao tặng cho ngài.

Trong dịp trao đổi quà tặng tại dinh Tổng Thống ở La Paz tối thứ Tư 8 tháng 7, vị Tổng thống thiên tả cuả Bolivia, Evo Morales, đã bất ngờ trao cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô một "cây thánh giá cộng sản", có hình Chúa Kitô chịu đóng đinh trên một cái búa dựng trên một ngọn đồi có hình lưỡi liềm.

Món qùa này đã gây nên một làn sóng phẫn nộ trong dư luận những người Công Giáo nói tiếng Tây Ban Nha.

Cha James Bretzke, một nhà thần học tại Boston College ở Massachusetts, Hoa Kỳ nói: ‘Đó là một món quà 'vô vị' sử dụng với một ý đồ chính trị.’

Trong khi đó, Chính Quyền Bolivia đính chính rằng: “Đó là một tác phẩm diễn tả một tình cảm trung thực và tuyệt vời”

Cha Lombardi, phát ngôn viên cuả Vatican, trong một nổ lực tìm cách 'hạ nhiệt' những việc tranh cãi nói: “Đó là một biểu tượng của sự mong muốn có đối thoại”

Khi được hỏi về cảm tưởng của ngài trong cuộc họp báo trên chuyến bay từ Paraguay về Roma, Đức Thánh Cha nói:

“Tôi đánh giá nó là một tác phẩm để phản kháng, mà trong một số trường hợp có thể là xúc phạm”.

Nhưng xét tới bối cảnh cuả tác phẩm, Đức Giáo Hoàng nói thêm rằng Ngài thông cảm cái ý tưởng đằng sau cây thánh giá, và "đối với tôi nó không phải là một hành vi xúc phạm."

Ngài nhắc lại một cuộc triển lãm ở Buenos Aires vài năm trước đây, trong đó một cố nghệ sĩ người Á Căn Đình, mà Ngài mô tả là "một nhà điêu khắc tốt, có óc sáng tạo", đã thực hiện một tác phẩm tương tự miêu tả Đức Kitô chịu đóng đinh trên một chiếc máy bay.

"Đó là nghệ thuật để phản kháng, như tôi nhớ lại, mô tả Đức Kitô chịu đóng đinh trên một chiếc máy bay ném bom đang rơi xuống. Đó vẫn là (nghệ thuật) Kitô giáo, nhưng còn là một lời chỉ trích nói rằng Kitô giáo đang liên minh với chủ nghĩa đế quốc, được biểu lộ bằng chiếc máy bay ném bom. "

Nhắc lại 'cây thánh giá cộng sản' với hình Chuá chịu đóng đinh trên buá và lưỡi liềm là một bản sao cuả một sáng tác do cố linh mục Luis Espinal Camps, dòng Tên, đã bị giết năm 1980 dưới chế độ độc tài ở Bolivia.

Đức Giáo Hoàng nói rằng Ngài đã không biết rằng linh mục Espinal, ngoài công việc làm báo, cũng là một nhà điêu khắc và một nhà thơ.

Đức Giáo Hoàng lưu ý rằng linh mục Espinal lúc đó nổi danh trong Dòng là một người đề xuất cách giải thích về Thần Học Giải Phóng theo ý nghĩa của chủ nghĩa Mác Xít, mà tại thời điểm đó đang được phổ biến rộng rãi ở Nam Mỹ.

Áp dụng phương pháp "diễn giải" ("hermeneutic") - là phương pháp suy diễn từ các sự kiện nhưng cũng chú ý tới những lời đối thoại cuả nhân vật - Đức Giáo Hoàng đã đưa ra một phân tích về thời đại ấy, nói rằng LM Espinal "là một người đam mê không chỉ phương pháp phân tích kiểu Mác Xít mà thôi, mà còn đam mê việc áp dụng chủ nghiã Mác Xit vào nền Thần Học."

Cách áp dụng chủ nghiã Mác Xit như thế đã bị Dòng Tên chỉ trích ngay trong những năm 1980, và sau đó vào năm 1984 thì Bộ Giáo lý Đức tin cũng chống đối trong tờ tường trình đầu tiên về Thần học Giải phóng. Bộ Giáo lý Đức tin chống nền Thần Học này, vì phương pháp giải phóng theo nghiã Mác Xít có nghĩa là cách mạng vũ trang đổ máu.

Từ một quan điểm như thế mà linh mục Espinal đã tạo ra một tác phẩm như thế, Ngài nói, thêm rằng ngay cả thơ cuả cố linh mục cũng "thuộc loại phản kháng này."

"Nhưng, đó là cuộc sống của anh ta, đó là cách suy nghĩ của Anh. Anh là một con người đặc biệt, rất lỗi lạc theo cách cuả con người, và đã chiến đấu với một thành ý, phải không? "

Sau khi phân tích như thế, Đức Giáo Hoàng nói thêm: "Tôi thông cảm trường hợp cuả tác phẩm. Đối với tôi thì không có xúc phạm."

2. Kitô hữu là mục tiêu của nạn bắt cóc tại thủ đô Baghdad

Trong hai tuần vưà qua tại thủ đô Baghdad cuả Iraq đã có bốn Kitô hữu bị bắt cóc và hai người khác bị giết bất kể các khoản đòi tiền chuộc đã được thanh toán, theo lời tường thuật cuả thông tín viên Fides.

Được biết có hai gia đình Kitô giáo chỉ nhận được thi thể của các nạn nhân vụ bắt cóc, sau khi đã trả 25,000 đồng để họ được trả tự do. Một con tin khác đã được trả tự do, sau khi thanh toán 50 ngàn đô la Mỹ tiền chuộc. Chỉ có một trong số các nạn nhân bị bắt cóc đã được trả tự do mà không phải thanh toán tiền chuộc vì cảnh sát đột kích vào các căn cứ của kẻ bắt cóc người này kịp thời.

Việc hãm hại nhắm vào các Kitô hữu khiến ông Imad Youkhana Yako, một thành viên theo Thiên Chuá Giáo của quốc hội Iraq đã thách thức các giới chức phụ trách an ninh phải đảm bảo an toàn cho nhóm tù nhân thiểu số là các Kitô hữu.

3. Trung Quốc: Hồi giáo và Công Giáo có số lượng tín hữu trẻ tương đối cao.

Một tường thuật trên tờ báo quốc doanh tại Trung quốc cho thấy đạo Hồi và Công Giáo tại đây có số tín hữu trẻ tuổi tương đối cao, là điều ngược lại với Phật giáo và Lão giáo.

"Hồi giáo có số lượng tín hữu trẻ lớn nhất trong các tôn giáo là 22,4% trong độ tuổi dưới 30," tờ Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times) đưa tin. "Công Giáo đứng thứ hai với 22%. "Phật giáo ngược lại có số lượng tín đồ lớn tuổi (60 trở lên) chiếm tới 54,6% còn Lão giáo là 53,8%."

Một vị giáo sư được trích lời trong bài tường thuật viết : "Hầu hết các tín đồ của Hồi giáo thuộc các nhóm dân tộc thiểu số và những tín đồ phụ nữ thuộc nhóm này thường sinh nhiều con. Những đứa trẻ này rồi cũng vẫn là người Hồi giáo, nhưng rất hiếm khi thấy có người thành niên nào cải sang đạo Hồi."

4. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ dành ra $ 4.2 triệu đô la nhằm hỗ trợ Giáo Hội tại Châu Mỹ La Tinh và Haiti

Tiểu ban châu Mỹ Latinh của Hội Đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã cấp hơn 3.3 triệu đô la cho 228 dự án hỗ trợ mục vụ của Giáo Hội tại Châu Mỹ La Tinh và vùng Caribbean, thêm $ 920,750 đô la cho việc trùng tu các nhà thờ cũng như các dự án khác ở Haiti.

Một thông cáo báo chí của Hội Đồng Giám Mục viết:"Những quốc gia nhận tài trợ đầu tiên trong chu kỳ tài trợ to lớn này là Colombia, Peru, Haiti, Mexico, và Ecuador"Dự án bao gồm các mục vụ đào tạo giáo lý viên, thừa tác viên phụ trách thanh thiếu niên, truyền giáo, và truyền thông."

5. Đức Thánh Cha nói với người nghèo tại Banado Norte: đức tin không liên đới là đức tin không có Chúa Kitô

Tại nhà nguyện Thánh Gioan Tẩy Giả ở khu Banado Norte, Paraguay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với người nghèo tụ họp tại đây rằng ngài “rất mong được ở bên họ”; ngài “không thể đến Paraguay mà lại không dành thời gian hiện diện với họ, ngay tại lãnh thổ của” họ.

Ngài nói thêm: “nhìn thấy gương mặt anh chị em, con cái anh chị em, người cao niên của anh chị em và được nghe nói về các trải nghiệm của anh chị em và mọi điều anh chị em trải qua để sống ở đây, để có một cuộc sống xứng đáng và một mái nhà che đầu anh chị em, chịu đựng thời tiết xấu và lụt lội của mấy tuần lễ trước… Tất cả những điều ấy làm tôi nghĩ tới tiểu gia đình ở Bêlem. Các cuộc chiến đấu của anh chị em đã không lấy mất giọng cười, niềm vui và niềm hy vọng của anh chị em. Những cuộc chiến đấu không làm giảm ý hướng liên đới của anh chị em nhưng bất chấp mọi điều, đã làm nó lớn lên”.

Ngài thuật lại truyện của tiểu gia đình Bêlem trên: họ buộc phải rời bỏ mái ấm, gia đình và bạn bè, bỏ hết những gì họ có để đi tới một nơi “không biết ai, không nhà ở hay gia đình”. Trẻ Giêsu đã ra đời trong hoàn cảnh ấy.

Ngài bảo “đó là cách họ đem Chúa Giêsu đến cho ta. Họ cô đơn, trên đất lạ, chỉ có ba người. Rồi đột nhiên, các người chăn chiên xuất hiện. Những người giống như họ cũng phải bỏ nhà cửa để tìm các cơ hội tốt hơn cho gia đình họ. Cuộc sống họ bị ảnh hưởng bởi thời tiết và cả nhiều loại khổ cực khác nữa. Khi nghe biết Chúa Giêsu sinh ra, họ tới gặp Người. Họ trở thành hàng xóm. Ngay lập tức họ trở thành một gia đình đối với Đức Maria và Thánh Giuse. Gia đình Chúa Giêsu”.

Đức Phanxicô bảo họ: “đó là điều xẩy ra khi Chúa Giêsu bước vào đời sống ta. Đó là điều xẩy tới với đức tin. Đức tin làm chúng ta gần nhau hơn. Nó làm chúng ta thành hàng xóm. Nó lôi cuốn ta gần lại hơn với đời sống người khác. Đức tin đánh thức dấn thân của ta, tình liên đới của ta. Việc Chúa Giêsu sinh ra đã thay đổi cuộc sống ta. Đức tin nào không lôi kéo ta vào liên đới là đức tin chết. Nó là thứ đức tin không có Chúa Kitô, một đức tin không có Thiên Chúa, một đức tin không có anh chị em. Người đầu tiên chỉ ra tình liên đới là Chúa chúng ta, Đấng đã chọn sống giữa chúng ta”.

Rồi ngài bảo họ: “tôi đến với anh chị em như những người chăn chiên trên. Tôi muốn là hàng xóm của anh chị em… Tôi đến tham gia với anh chị em trong việc dâng lời cảm tạ, vì đức tin đã trở thành hy vọng, và hy vọng, đến lượt nó, đã đốt lên ngọn lửa yêu thương. Đức tin mà Chúa Giêsu khơi dậy trong ta là đức tin giúp ta có khả năng mơ về tương lai và làm việc cho tương lai ấy ngay ở đây và ngay lúc này…”

Ngài khuyên họ phải có một đức tin liên đới, đừng chia rẽ. “Ma qủi muốn anh chị em đánh nhau vì nó muốn chia rẽ anh chị em, đánh bại anh chị em, và cướp mất đức tin của anh chị em”.

Sau khi đọc kinh Lạy Cha với họ, ngài chúc lành cho họ và dặn dò lần cuối cùng: “Anh chị em hãy ra đi, và đừng để ma qủi chia rẽ anh chị em!”.

6. 1 triệu người dự thánh lễ chót của Đức Thánh Cha tại Paraguay

Trong thánh lễ cuối cùng sáng Chúa Nhật 12-7 kết thúc cuộc viếng thăm Mỹ châu, Đức Thánh Cha kêu gọi hơn 1 triệu tín hữu thực thi tinh thần hiếu khách.

Sáng Chúa Nhật, sau khi viếng thăm khu phố nghèo Banado Norte, Đức Thánh Cha đã đến Đền thánh “Nu Guazú - Thánh Giá thánh Gioan Phaolô 2” để cử hành thánh lễ cho các tín hữu. Chính tại nơi này, trong chuyến viếng thăm cách đây 27 năm, ngày 16-5 năm 1988, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chủ sự thánh lễ để tôn phong hiển thánh cho cha Roque Gonzalez Thánh Giá và các bạn tử đạo. Cánh đồng rộng lớn này ở trong khu vực một căn cứ không quân và có thể tiếp nhận 1 triệu 500 ngàn người.

Từ thứ bẩy hôm trước, 11-7, 150 ngàn người đã đến đây để chuẩn bị tham dự thánh lễ cuối cùng của Đức Thánh Cha trong cuộc viếng thăm.

Đến nơi vào lúc quá 9 giờ 15 phút sáng, Đức Thánh Cha đã dành gần nửa tiếng đồng hồ tiến qua các lối đi để chào thăm hơn một triệu tín hữu tụ tập tại đây, trong bầu không khí rất nồng nhiệt, trong đó cũng có hàng trăm ngàn người từ Argentina láng giềng qua đây để dự lễ với Đức Thánh Cha, xét vì theo chương trình, năm tới ngài mới trở về thăm quê hương. Hiện diện trong thánh lễ cũng có tổng thống Horadio Cartes của Paraguay và bà tổng thống Kristin Kirchner của Argentina.

Đồng tế với Đức Thánh Cha có hàng trăm Giám Mục, trong đó có 22 GM Paraguay, 50 GM Ecuador và Bolivia cùng với các Giám Mục khách, và đông đảo các linh mục.

Lễ đài thật là đặc biệt do nghệ sĩ Delfin Roque Ruiz thực hiện với rất nhiều bắp ngô màu vàng và vỏ dừa nâu, do hàng ngàn nông dân tặng. Với các chất liệu đó, Ông Roque Ruiz đã ghép thành huy hiệu của dòng Tên, hình thánh Phanxicô Assisi và thánh Ignaxio Loyola. Trên các vỏ dừa ở phần dưới lễ đài có ghi nhiều sứ điệp của Đức Thánh Cha.

Trong bài giảng Thánh Lễ, Đức Thánh Cha đã quảng diễn bài Tin Mừng ghi lại lời Chúa Giêsu nhắn nhủ các môn đệ khi ngài sai họ đi rao giảng Tin Mừng: đừng mang theo gậy, bị, tiền bạc, hai áo, và ngài nhấn mạnh đến một từ là chìa khóa của linh đạo Kitô giáo, trong kinh nghiệm làm môn đệ Chúa, đó là lòng hiếu khách, sự đón tiếp. Chúa Giêsu như một bậc thầy, một nhà sư phạm giỏi, sai các môn đệ đi sống lòng hiếu khách. Chúa nói với họ: “Các con hãy ở lại nơi mà họ đón tiếp các con”. Chúa sai họ đi để học một trong những đặc tính cơ bản của cộng đồng tín hữu. Chúng ta có thể nói rằng Kitô hữu là người đã học cách đón tiếp. Đức Thánh Cha nói:

“Chúa Giêsu không sai họ đi như một kẻ hùng mạnh, như những chủ nhân, thủ lãnh, đầy những luật lệ, qui tắc; trái lại Ngài chỉ cho họ thấy con đường của Kitô hữu là biến đổi con tim. Học cách sống một cách khác, với một luật khác, theo một qui tắc khác. Đó là tiến từ đường hướng ích kỷ, khép kín, đụng độ, chia rẽ, tự tôn, tiến tới một hướng đi bênh vực sự sống, nhưng không, yêu thương. Từ thái độ thống trị, đè nén, lèo lái, tiến sang thái độ đón tiếp, tiếp nhận, săn sóc. Đó là hai thái độ, hai cách thức đối đầu với cuộc sống, sứ vụ.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Bao nhiêu lần chúng ta quan niệm sứ vụ dựa trên những dự phóng hoặc chương trình. Bao nhiêu lần chúng ta tưởng nghĩ việc loan báo Tin Mừng xoay quanh hàng ngàn chiến lược, chiến thuật, “mánh mung” và thủ đoạn, tìm cách hoán cải người khác bằng những lý luận. Hôm nay, Chúa nói với chúng ta thật là rõ ràng theo tiêu chuẩn của Tin Mừng: chúng ta không thuyết phục bằng những lý lẽ, chiến lược, chiến thuật, nhưng bằng cách học đón tiếp.

Đức Thánh Cha nói tiếp:

“Giáo Hội là người mẹ có tâm hồn rộng mở biết đón tiếp, đón nhận, nhất là những người đang cần được săn sóc nhiều nhất, những người ở trong tình trạng khó khăn lớn hơn. Giáo Hội là căn nhà đón tiếp. Chúng ta có thể hoạt động tốt đẹp dường nào nếu chúng ta khích lệ nhau học ngôn ngữ hiếu khách, đón tiếp! Bao nhiêu vết thương, bao nhiêu tuyệt vọng có thể chữa trị tại nơi mà người ta cảm thấy mình được đón nhận.

Hiếu khách đối với người đói khát, người nước ngoài, kẻ trần trụi, người bệnh, tù nhân (Xc Mt 25,34-37), với người phong cùi, bất toại. Hiếu khách đối với những người không nghĩ như chúng ta, không có tín ngưỡng hoặc đã đánh mất. Hiếu khách với người bị bách hại, thất nghiệp. Hiếu khách với những nền văn hóa khác.. hiếu khách với người tội lỗi.

Đức Thánh Cha cũng cảnh giác rằng: “Có một sự ác dần dần làm tổ trong tâm hồn chúng ta và ăn mòn sức sinh động của chúng ta, đó là sự cô đơn. Cô đơn có thể do nhiều nguyên do, nhiều động lực. Nó tách rời chúng ta khỏi người khác, khỏi Thiên Chúa, khỏi cộng đoàn. Nó khép kín chúng ta vào mình. Nhưng Chúa mở chúng ta vào một đường hướng mới. Thiên Chúa không bao giờ khép kín cách chân trời, Ngài không bao giờ thụ động trước sự sống và đau khổ. Ngài vĩnh viễn là một chân trời mới, vĩnh viễn là một Lời Mời cho bao nhiêu tình trạng loại trừ, băng hoại, khép kín, cô lập. Ngài là một lời phá vỡ sự im lặng của cô đơn.

Cuối thánh lễ, Đức Thánh Cha đã chủ sự kinh Truyền Tin và trong bài huấn dụ ngắn, ngài khích lệ các tín hữu Paraguay hãy tín thác đến cùng Mẹ Maria, cởi mở tâm hồn, phó thác cho Mẹ niềm vui nỗi buồn, hy vọng và đau khổ. Ngài cung cầu xin Mẹ Maria canh giữ Giáo Hội và củng cố các mối dây huynh đệ giữa mọi phần tử của Giáo Hội với nhau. Với ơn phù trợ của Mẹ Maria, Giáo Hội được trở thành một căn nhà biết đón tiếp, một người mẹ của mọi dân tộc.

Sau thánh lễ, Đức Thánh Cha đã về tòa Sứ Thần Tòa Thánh cách đó 8 cây số, rồi gặp riêng 22 GM, chủ chăn của 15 giáo phận Paraguay tại trung tâm văn hóa của tòa Sứ Thần. Hiện diện trong dịp này cũng có các GM Ecuador và Bolivia, hai nước vừa được Đức Thánh Cha viếng thăm.

7. Chứng từ trong cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và hơn 200 ngàn bạn trẻ Paraguay

Hoạt động cuối cùng của Đức Thánh Cha tại Paraguay trước khi lên đường trở về Roma, kết thúc cuộc viếng thăm 8 ngày tại Nam Mỹ, là gặp gỡ hơn 200 ngàn bạn trẻ Paraguay chiều Chúa Nhật 12-7.

Lúc 4 giờ 15 chiều, Đức Thánh Cha đã giã từ tòa Sứ Thần ở thủ đô Asunción của Paraguay, tới khu vực ven sông gọi là Costanera, không xa phủ Tổng Thống, để gặp gỡ các bạn trẻ và những người thiện nguyện đã góp phần vào việc tổ chức và tiến hành cuộc viếng thăm của ngài.. Hơn 200 ngàn bạn trẻ đã tụ tập tại đây hằng giờ trước đó, sinh hoạt, ca hát vui vẻ.

Mở đầu cuộc gặp gỡ dưới hình thức một buổi phụng vụ Lời Chúa là nghi thức rước Thánh Giá hành hương tiến lên lễ đài..

Sau lời giới thiệu của Đức Cha Ricardo Jorge Valenzuela Ríos GM đặc trách giới trẻ thuộc HĐGM Paraguay, các bạn trẻ đã trình bày một hoạt cảnh nói lên thực tại trẻ trung của đất nước. Hai đại diện một nam một nữ đã trình bày chứng từ.

- Trước tiên là anh Manuel de los Santos Aguiler, 18 tuổi một nông dân ở thành phố San Pedro. Anh trải qua thời niên thiếu rất khó khăn, gia đình nghèo, thân phụ phải lên thủ đô làm việc, còn lại anh ta với mẹ ở nhà, làm công trong một nông trại để sống. Rồi mẹ anh ta qua đời vì bị bệnh. Manuel ở bên bờ vực thẳm ma túy.

Nhờ quen biết với những người trong ban mục vụ giới trẻ, qua các cuộc tính tâm, Manuel cảm thấy Chúa hiện hữu thực. Từ đó, mặc dù các phương tiện eo hẹp, Manuel vẫn vui sống và tìm cách phục vụ người khác. Anh hỏi Đức Thánh Cha: chúng con đang chiến đấu để sống đức tin ngôn sứ, cử hành và thừa sai, nhưng chúng con cần những hành trình vững chắc hơn, tiệm tiến và toàn diện trong việc huấn luyện về đức tin. Ngoài ra, trước viễn tượng tương lai bất định, khó kiếm công ăn việc làm, không được học nhiều, chúng con có thể làm gì?

- Bạn trẻ thứ hai là cô Liz Fretes 25 tuổi, thuộc ban mục vụ giới trẻ ở thành phố San Berdanernio và có cử nhân về y tá.

Cô sống với bà ngoại già yếu và bệnh tật. Cách đây 2 năm, cô bị Chúa “đánh động”, mẹ cô bị bệnh Alheimer (suy thoái não bộ) và trở nên như một em bé. Từ đó cô phải săn sóc mẹ, thay tã cho mẹ. Bà cứ tưởng rằng cô Liz là mẹ của bà. Cô kể: thoạt đầu con không được chuẩn bị trước tình cảnh như vậy. Nhưng con được may mắn không lẻ loi. Nhờ một bà dì và các bạn hữu, con đã đương đầu được với hoàn cảnh.

Liz được một người giúp đỡ học hành, đi học ban tối ở đại học. Hồi Ngày quốc tế giới trẻ ở Rio de Janeiro, các bạn của cô đều đi được, cô cũng muốn đi nhưng trúng vào kỳ phải bảo vệ luận văn tốt nghiệp y tá, nên không đi được. Nay cô được gặp Đức Thánh Cha Phanxicô, cô khóc vì vui mừng và cảm a Chúa đã nhớ đến cô. Cô nói: Chỉ cần nhìn thấy Đức Thánh Cha cũng là một an ủi và chữa lành những vết thương của con. Ngày nay con cũng nhận thức rằng tình trạng bệnh tật của mẹ con làm cho con trưởng thành và vững mạnh hơn. Ngày nay, con đang tìm kiếm con đường Chúa muốn con đi.”

Tiếp đến mọi người đã nghe bài Tin Mừng theo thánh Marco đoạn 5 (1-2) ghi lại lời Chúa Giêsu: Các con hãy vui mừng và hân hoan, vì phần thưởng của các con thật lớn lao ở trên trời. Anh Orlando đã đọc bài này rồi đến chào Đức Thánh Cha, xin ngài cầu nguyện cho tự do.

8. Huấn từ của Đức Thánh Cha với giới trẻ Paraguay


Khi ngỏ lời với các bạn trẻ, ngài trao cho Đức GM đặc trách giới trẻ bài huấn dụ ngài đã dọn sẵn để phổ biến sau đó, và ngài ứng khẩu trả lời các bạn trẻ. Đức Thánh Cha nói: “tự do là phúc lành mà tất cả chúng ta giờ đây cùng cầu xin. Vì tự do là một món quà của Thiên Chúa, nhưng cần biết đón nhận tự do ấy, cần có một con tim được giải thoát khỏi bao nhiêu ràng buộc, như sự bóc lột, thiếu các phương tiện sinh sống, nghiệp ngập ma túy, sầu muộn.

“Tất cả những điều ấy tước đoạt tự do của chúng ta. Tự do là có một con tim không bị ràng buộc, có thể nói và làm điều mình nghĩ và cảm thấy.”

Và Đức Thánh Cha mời gọi các bạn trẻ cầu nguyện: Xin Chúa ban cho con một con tim tự do không làm nô lệ cho tất cả những lường gạt của thế gian, của cuộc sống tiện nghie, những tật xấu, những tự do giả tạo, thứ tự do này là làm điều mình thích trong mọi lúc. Chúng ta phải cầu xin một con tim tự do.

Đề cập đến chứng từ của cô Liz, Đức Thánh Cha nhận xét rằng Liz dạy chúng ta không cần phải làm như quan Pontio Pilato: không cần rửa tay. Liz đã có thể đưa mẹ và bà ngoại vào một nhà dưỡng lão. Nhưng cô đã hoán cải, trở thành một người phục vụ, đúng hơn là một người tôi bộc cho mẹ và bà, và cô làm điều đó với tình thương yêu. Mới 25 tuổi, cô đã đốt cuộc sống của mình qua việc phục vụ mẹ và bà. Tình liên đới của những người khác, của các bạn hữu đã mang lại cho cô sức mạnh để tiến bước. Ở đây có giới răn thứ tư: hãy thảo kính cha mẹ. Cô đạt tới mức độ rất cao của tình yêu.

Nhắc đến trường hợp của Manuel: Anh đã không được một cuộc sống dễ dàng, bị bóc lột, ngược đãi, cô đơn. Nhưng thay vì trả thù cuộc đời, Manuel đi làm. Và Đức Thánh Cha cầu nguyện cho tất cả những trẻ em đang phải sống trong những hoàn cảnh khó khăn. “Chỉ có Chúa mới có thể cứu các em trong những tình cảnh ấy.. Gặp gỡ Chúa Giêsu là hy vọng và can cảm, và tất cả chúng ta đang cần những điều ấy ngày nay”, những người trẻ sống mệt mỏi, với bộ mặt buồn chán.

Từ đó “lòng can đảm, mạnh mẽ” trở thành một từ nòng cốt mà Đức Thánh Cha đã nghị với các bạn trẻ Paraguay trong cuộc gặp gỡ. Ngài nhắc nhở họ rằng các mối phúc thật vừa đọc trong bài Tin Mừng là một kế hoạch của Thiên Chúa dành cho chúng ta, một kế hoạch đi ngược dòng, so với quan niệm thịnh hành trong thế giới”.

Cuối bài nói chuyện, Đức Thánh Cha mời gọi các bạn trẻ cùng với ngài lập lại lời cầu nguyện cho những người trẻ không biết Chúa là sức mạnh là lòng can đảm của họ, những người trẻ sợ sống hạnh phúc, sợ mơ ước: Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con sức mạnh, xin ban cho chúng con một con tim tự do, xin ban cho chúng con hy vọng, tình thương. Xin dạy chúng con phục vụ”.

9. Đức Thánh Cha lên đường về lại Rôma

Cuộc gặp gỡ kéo dài như thể các bạn trẻ không muốn Đức Thánh Cha rời họ để ra đi. Lúc gần 7 giờ chiều, ngài giã từ và lên đường ra phi trường thủ đô. Dọc đường ngài dừng lại làm phép tại nơi tên là Ycuá Bolanos. Trung tâm thương mại tại đây đã bị một trận hỏa hoạn dữ dội tàn phá cách đây 11 năm (2004), một biến cố chưa từng có trước đó, làm cho 400 người chết và 500 người bị thương, trong đó có nhiều trẻ em.

Tại phi trường, Đức Thánh Cha đã được Tổng thống Horacio Cartes, các quan chức chính phủ và các Giám Mục tiễn biệt, với hàng quân danh dự, quốc thiều. Máy bay Airbus A330 của hãng Alitalia, chở Đức Thánh Cha, 30 người thuộc đoàn tùy tùng và 75 ký giả quốc tế cất cánh lúc 7 giờ 39 phút giờ địa phương. Trong điện văn gửi đến Tổng thống và quốc dân Paraguay khi rời không phận nước này, Đức Thánh Cha “bày tỏ lòng biết ơn và quí mến đối với dân tộc Paraguay yêu quí mà tôi mang trong con tim.. Rời Paraguay để trở về Roma, tôi xin gửi lời chào nồng nhiệt đến Tổng Thống. Tôi cầu xin Chúa ban ân phúc dồi dào cho tất cả mọi người và xin Chúa giúp họ tiến triển trong tình huynh đệ và hòa hợp”.
 
Thánh Ca
Thánh Ca: Dòng Suối Ơn Lành - Trình bày: Thùy Loan - Mai Hương - Minh Nguyệt
Minh Trung
23:17 22/07/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây