Ngày 24-07-2011
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chúa nhật hôn nhân
Vũ Văn An
04:00 24/07/2011
Tại Sydney, Chúa nhật hôm nay, 24 tháng 7, là Ngày Hôn Nhân. Nhân dịp này, Trung Tâm Sự Sống, Hôn Nhân Và Gia Đình của Tổng Giáo Phận cho phổ biến tài liệu “Hôn Nhân Là Gì? Tại Sao Ta Cần Nó?” (What is Marriage? Why do we need it?” trong các nhà thờ của Tổng Giáo Phận.

Tại sao ta cần hôn nhân?

Dù nhiều người ngày nay vẫn trân qúy hôn nhân và đặt nhiều hy vọng nơi nó, nhưng đa số không biết chắc tầm quan trọng của nó đối với xã hội nói chung. Một phần có lẽ vì người ta đã đánh mất cảm thức cộng đồng, coi nó phụ thuộc bản thân. Họ cho rằng điều ta, trong tư cách cá nhân, chọn lựa, mong muốn, ước ao phải ưu tiên hơn nhu cầu và hoài mong của gia đình và cộng đồng. Thành ra, thật khó duy trì được một cái nhìn chung, có tính xã hội đối với hôn nhân. Hôn nhân như một định chế với những đặc điểm có thực và hết sức chủ yếu đang mỗi ngày một ít hiển nhiên hơn đối với ta và ý niệm hôn nhân như một điều dễ thay đổi, dễ có thể đẽo gọt cho hợp với ý thích cá nhân, đã trở thành phổ biến hơn.

Muốn đánh giá ý nghĩa chân thực của hôn nhân, ta phải nhìn nó dưới hai viễn tượng. Hôn nhân vừa là một định chế vừa là một thực tại nhân bản sống động. Nó còn có các chiều kích tự nhiên, khế ước và bí tích để làm ta phong phú cả trong tư cách cá nhân lẫn trong tư cách xã hội (1). Việc đặc biệt nhấn mạnh tới mỗi chiều kích này thay đổi tùy theo thời gian, nhưng tính liên hệ của chúng với ta thì chủ yếu vẫn còn đó.

Hôn nhân một trật tự tự nhiên

Hôn nhân không hẳn là một nhu cầu đặc trưng nhân bản mà người ta thường cho là chủ yếu như thực phẩm hay nhà ở. Nhưng quả hôn nhân có điều gì đó đáp ứng, xếp đặt và thoả mãn các khuynh hướng và ước muốn nhân bản nền tảng của ta. Thánh Kinh rõ ràng cho thấy lòng thèm khát sự thân mật chỉ được thể hiện cách đặc thù ra sao khi hai hữu thể có tính bổ túc cho nhau đến với nhau để trở nên “một thân xác” (Mt 19:5). Đối với phúc lợi xã hội, sự xếp đặt tự nhiên trong cam kết độc chiếm vợ chồng này và khả năng sản sinh ra sự sống mới của nó luôn được coi có tính sinh tử hơn chính nhà nước. Nhà triết học Hy Lạp Aristốt từng nói rằng “tự bản chất, con người thiên về việc sống thành cặp hơn là liên kết về chính trị, vì gia đình là điều có trước và cần thiết hơn nhà nước”.

Hôn nhân tự nhiên qui hướng vào việc tạo ra sự sống mới nhờ các hành vi yêu thương, sinh sản giữa vợ chồng. Đó là cách duy nhất nhờ đó con cái được tạo ra và hoàn toàn được tôn trọng như những con người. Hôn nhân cũng có lợi cho con cái vì giá trị tự nhiên và cố hữu của khả năng dưỡng dục nơi nó. Như Thánh Tôma Aquinô từng nhận định: nhờ hôn nhân, người cha tham dự vào liên hệ mẹ và con thơ để bảo đảm việc chăm sóc và dưỡng dục thỏa đáng cho đứa con trong suốt thời gian lâu dài nó lệ thuộc hai người cả về phương diện vật chất lẫn phương diện giáo dục (2). Mối liên hệ bổ túc và hỗ tương giữa người đàn ông và đàn bà trong hôn nhân cũng cung cấp cho con cái cơ hội để phát triển thích đáng dựa trên mẫu của cha mẹ là những người đã tạo ra chúng bằng tình yêu và tiếp tục dưỡng dục và chăm sóc chúng. Làm cha và làm mẹ là những kinh nghiệm giá trị nhưng chúng rõ ràng là những phương thế khác nhau góp phần vào phúc lợi và việc phát triển lành mạnh của con cái.

Hôn nhân như một khế ước

Trước đây, hôn nhân thường được gia đình hay dòng tộc sắp xếp. Ngay cả ngày nay, của hồi môn hay giá mua cô dâu cũng không hẳn là chuyện họa hiếm trong một số nền văn hóa. Tuy nhiên, trong giáo huấn Kitô Giáo, khía cạnh khế ước của hôn nhân đặt căn bản trên sự ưng thuận hỗ tương. Giáo Hội dạy rằng việc tự do và hỗ tương ưng thuận giữa hai người phối ngẫu là điều thiết yếu đối với hôn nhân, vì hôn nhân không phải là một khế ước trao đổi hàng hóa, mà là một giao ước giữa những con người. Hôn nhân chắc chắn đem lại một “chất keo” xã hội quan trọng để nối kết các gia đình và các xã hội lại với nhau. Nhưng từ thời Trung Cổ, ước muốn của người đàn ông và của người đàn bà được tự do cam kết với nhau trong một liên hệ độc chiếm và vĩnh viễn để tạo ra sự sống mới, xét cho cùng, mới là căn bản tạo ra hôn nhân.

Hôn nhân mời gọi hai người phối ngẫu hiến thân cho nhau suốt đời và ngăn cấm bất cứ việc tắc trách thiếu bổn phận nào về phương diện vợ chồng và cha mẹ. Người ta không thể đơn giản bỗng dưng “bước chân ra khỏi” hôn nhân vì cộng đồng vốn coi nó như một khế ước có ý nghĩa đối với cả quốc gia lẫn những người liên hệ. Nhất quán với viễn tượng khế ước này, Thế Giới Kitô Giáo Tây Phương đã khai triển ra cả một bộ giáo luật để bảo vệ và qui định hôn nhân (3). Bộ giáo luật này bảo vệ viên đá tảng xây nền cho hôn nhân, tức việc vợ chồng tự do ưng thuận nhau, và ngăn cấm một số hành vi như ngừa thai và bất trung, những điều ai cũng thừa nhận là phá hoại hôn nhân. Thời gian gần đây, việc quan tâm đến vấn đề giáo dục hôn nhân tại Úc (4) được dựa trên việc hiểu hôn nhân như một thiện ích xã hội quan trọng đáng được nhà nước hỗ trợ.

Hôn nhân như một bí tích

Trong Giáo Hội Công Giáo, khi được kết ứơc đúng cách và được hoàn hợp, thì cuộc hôn nhân của các Kitô Hữu được coi là một bí tích. Sự kết hợp yêu thương suốt đời giữa một người đàn ông và một người đàn bà trong hôn nhân hé cho ta thấy hình ảnh tình yêu khôn lường mà Chúa Kitô vốn dành cho Giáo Hội của Người. Những người chồng và những người vợ được mời gọi sống cuộc đời họ theo cách có thể đại biểu cho sự kết hợp đời đời mà Chúa Kitô vốn có đối với mỗi người chúng ta. Nhờ cách đó, vợ chồng trở thành nguồn ơn thánh hóa cho chính họ trong tư cách đôi lứa và cho cả cộng đồng Giáo Hội rộng lớn. Hai mục đích của hôn nhân nói lên lý do tại sao cần có hôn nhân: “Hôn nhân và gia đình được sắp đặt vì thiện ích của đôi bạn và để sinh sản và giáo dục con cái” (5).

Trong hôn nhân, vợ chồng được mời gọi “trở nên một thân xác” để sống cho nhau và để chào đón cũng như dưỡng dục con cái như hoa trái tình yêu của mình. Hôn nhân Kitô Giáo là một bí tích và là nguồn ơn thánh. Nó phản ảnh tình yêu độc chiếm, trung trinh, lâu bền và đầy hoa trái mà Chúa Kitô đã mạc khải qua giao ước của Người với nhân loại. Hôn nhân là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Kitô và cho thấy sự tham dự của vợ chồng vào mầu nhiệm vĩ đại và kỳ diệu. Thánh Tông Đồ Phaolô nói rõ điều này như sau: “Hỡi những người chồng, các anh hãy yêu thương vợ mình như Chúa Kitô yêu thương Giáo Hội và hiến mình cho Giáo Hội để Người có thể thánh hóa Giáo Hội… Vì lý do đó, người đàn ông sẽ rời cha mẹ mình và gắn bó với vợ, và cả hai sẽ trở nên một. Đây là một mầu nhiệm lớn, tôi muốn ám chỉ Chúa Kitô và Giáo Hội” (Eph 5:25-26, 31-32).

Những nền đạo đức và cách hiểu tương phản

Ngày nay, đối với nhiều người, dù khởi đầu dựa trên cảm xúc, nhưng hôn nhân dần dần được lên khuôn qua diễn trình trao đổi hoài mong và thương lượng. Đối với những người có cái nhìn này, hôn nhân phần lớn trở thành việc làm sao có được một cuộc mà cả nhẹ nhàng với người phối ngẫu (6). Còn việc phải phản ứng ra sao nếu mọi hy vọng và mơ ước của mình không được toại nguyện trên căn bản thường xuyên thì ít khi được bàn tới, hay ít nhất ít khi được bàn tới một cách thấu đáo. Dường như họ chấp nhận rằng nếu một trong hai người không được toại nguyện hay thỏa mãn thích đáng, người ấy có quyền kết liễu mối liên hệ để tiến theo ngả khác. Khế ước không còn ích lợi hỗ tương nữa thì nên tuyên bố vô hiệu cho xong. Ở đây, nên phân biệt với hoàn cảnh ly thân là những hoàn cảnh hết sức đau lòng nhất là khi một bên bị loại bỏ mà không hề do lỗi của mình.

Ngược với nền đạo đức trên, là nền đạo đức dựa vào “việc mong ước điều tốt cho người khác”, luôn coi người phối ngẫu của mình như một “cùng đích”, như một chủ thể đáng được kính trọng vì họ là một con người, một bản vị, chứ không bao giờ coi họ là phương tiện để đạt được một điều gì khác. Nền đạo đức này nói rằng: “Anh hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời anh”. Mối liên hệ này dựa trên việc hiểu hôn nhân như giao ước thánh chứ không phải như một khế ước thương mại. Hôn nhân hiểu như giao ước mời gọi ta sống cuộc sống theo cách có thể phát huy được sự triển nở chân thực của chồng, của vợ và của con cái, như hoa trái của tình yêu hỗ tương vợ chồng. Hôn nhân như thế sẽ được hiểu như một phần của thực tại trường cửu và siêu việt: “Giao ước giữa hai người phối ngẫu được tích nhập vào giao ước của Thiên Chúa với con người: tình yêu vợ chồng được tiếp thu vào tình yêu Thiên Chúa” (7).

Những mưu toan tái định nghĩa hôn nhân

Hôn nhân có tính cách bản thân nhưng lại không phải là một định chế tư riêng. Hôn nhân có bộ mặt công và phục vụ sự thiện công. Nó đòi một người đàn ông và một người đàn bà công khai cam kết sống với nhau, chỉ có liên hệ vợ chồng với nhau, hỗ trợ nhau và cùng nhau nuôi dạy con cái do tình yêu của mình tạo ra. Bản chất các hành vi vợ chồng giữa hai người phối ngẫu cho thấy cả sự dị biệt bổ sung giới tính lẫn xu hướng muốn tạo ra sự sống mới trong tư cách lứa đôi. Ngay các cặp vợ chồng không thể có con, nhưng bằng hành vi vợ chồng của mình, họ cũng làm chứng cho xu hướng tạo sinh vốn nội tại trong hôn nhân đó.

Những người mưu toan tái định nghĩa hôn nhân để nó bao gồm luôn những liên hệ đồng tính đều là những người đang phá hoại hôn nhân một cách triệt để, dù cố ý hay không. Cho phép các cặp đồng tính ‘kết hôn’ là thay đổi triệt để nhận thức của ta về hôn nhân. Nó không còn được coi là định chế lấy đứa con làm trung tâm nữa, một định chế được thiết lập trên xu hướng tự nhiên muốn sinh sản. Thay vào đó, nó sẽ được coi như một điều gì đó chủ yếu dựa trên thèm muốn của người lớn cũng như các liên hệ xúc cảm. Điều đó sẽ làm giảm ý nghĩa của hôn nhân và loại bỏ bất cứ căn bản thích đáng nào khiến nhà nước can dự vào vì các chính phủ làm gì có tư cách điều hướng các mối liên hệ xúc cảm của công dân.

Hôn nhân giữa một người đàn ông và một người đàn bà phản ảnh một chân lý vượt thời gian; đó là đàn ông và đàn bà tuy khác nhau nhưng bổ túc cho nhau và do cấu trúc thân xác, họ được tạo dựng cho nhau. Sự kết hợp tính dục của họ là hình thức yêu thương duy nhất đem lại sự sống mới. Trong tư cách ấy, việc dành riêng hôn nhân cho những người khác phái hoàn toàn là việc công chính và thích đáng. “Tình bạn giữa những người đồng phái không thể là hôn nhân vì chúng thiếu cả tính bổ sung giới tính lẫn xu hướng tạo sinh vốn là các đặc điểm chủ yếu của hôn nhân… Khi Giáo Hội và nhà nước dành riêng hôn nhân cho các cặp dị tính và ban đặc ân cho hôn nhân nhiều cách để hỗ trợ hôn nhân và gia đình, thì đó không phải là kỳ thị bất công” (8).

Ghi chú

(1) Browning, D. ‘What is marriage? An exploration’ trong cuốn The Book of Marriage, do D. Mack và D. Blackenhorn chủ biên, 2001.
(2) Thánh Tôma Aquinô, Summa Contra Gentiles, cuốn III, ii, chương 122.
(3) J. White jnr, From Sacrament to Contract, Marriage, Religion and Law in the Western Tradition, 1997.
(4) To have and to hold, Uỷ Ban Luật Pháp và Hiến Pháp Sự Vụ của Hạ Nghị Viện, 1998.
(5) Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, số 2201.
(6) Browning,D. Đã trích.
(7) Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, số 1639.
(8) Xem Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Về Các Đề Nghị Trong Việc Thừa Nhận Các Cuộc Kết Hợp Đồng Tính, 2003.
 
Hồng Y chỉ trích đề nghị phải có các phương pháp ngừa thai trong các chương trình y tế
Bùi Hữu Thư
06:15 24/07/2011
Hoa Thịnh Đốn (CNS) -- Một Hồng Y Hoa Kỳ bầy tỏ sự chống đối mạnh mẽ ngày 19 tháng 7 về một đề nghị là mọi chương trình bảo hiểm sức khoẻ phải bao gồm bất cứ hình thức ngừa thai nào được Nha Thực Phẩm và Dược Phẩm (Food and Drug Administration) chấp thuận và không cần bệnh nhân phải trả một khoản tiền 'co-pay' theo đạo luật cải tổ y tế mới.

Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo, tổng giáo phận Galveston-Houston nói đề nghị của một nhóm nghiên cứu của Viện Y Khoa cho thấy "có một ý thức hệ đang hoạt động.. . việc này vượt trên bất cứ một thẩm định khách quan nào về những nhu cầu sức khoẻ của phụ nữ và trẻ em."

Uỷ Ban các Dịch Vụ Phòng Ngừa cho Phụ Nữ của Viện Y Khoa (The institute's Committee on Preventive Services for Women) đã công bố ngày 19 tháng 7 một danh sách các đề nghị cho Bộ Y Tế và Dịch Vụ Con Người (Department of Health and Human Services). Uỷ ban này có trách nhiệm quyết định những dịch vụ y tế nào sẽ được đòi hỏi phải cung ứng theo đạo luật Bảo Vệ Bệnh Nhân và Chữa Trị mà bệnh nhân có đủ sức trả tiền (the Patient Protection and Affordable Care Act.)

Ngoài việc đề nghị khám nghiệm xem các phụ nữ có thai có mắc bệnh tiểu đường và HIV hay không, trợ giúp cho việc cho con bú vú và cung cấp các tiếp liệu, và tham vấn về bạo hành gia đình, ủy ban gồm 16 thành viên này nói: tất cả mọi người đàn bà trong lứa tuổi có thể mang thai phải được hưởng "toàn bộ các phương pháp ngừa thai, triệt sản (sterilization procedures,) giáo dục và khuyến cáo bệnh nhân do Nha Thực Phẩm và Dược Phẩm chấp thuận."

Đức Hồng Y DiNardo, chủ tịch Uỷ Ban Hành Động Phò Sự Sống của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ (U.S. bishops' Committee on Pro-Life Activities) nói: Nếu bộ trưởng Bộ Y Tế và Dịch Vụ Con Người Kathleen Sebelius chấp nhận đề nghị đó, thì "những thực hành có thể gây ra tranh luận này sẽ được đòi hỏi cho mọi chương trình bảo hiểm -- công và tư -- mà bất cứ ai được hưởng thụ cũng không cần phải trả một khoản tiền 'co-pay'."

Ngài tiếp: "Nếu không có đầy đủ những bảo vệ pháp lý cho quyền hành xử lương tâm (rights of conscience), thì một đòi hỏi như vậy sẽ bắt buộc tất cả mọi người nam, nữ và trẻ em phải có những chương trình bảo hiểm sức khoẻ vi phạm đến những niềm tin sâu xa về luân lý và tôn giáo của nhiều người."
 
Lào: Người Công giáo giữ trẻ em tránh xa bom đạn
Phạm Kim An
08:41 24/07/2011
Lào: Người Công giáo giữ trẻ em tránh xa bom đạn

Xaibouathong, Lào - "Chúng mình hãy đi kiếm bom chơi nhé” thực sự là không phải điều bạn muốn nghe từ các em nhỏ.

Tuy nhiên, ở Lào, một quốc gia giáp với Việt Nam, bạn không bao giờ biết những gì bạn sẽ nghe về các chất nổ chết người.

Tôi đang ngồi với Bounma, một thiếu niên có chân phải lỗ chỗ nhiều vết sẹo mảnh bom.

Khi Bounma lên bảy tuổi, em và một đứa bạn đi vào rừng, để bắn chim. Đứa bạn biết là một số bom có kích thước và hình dạng của quả bóng quần vợt nằm rải rác xung quanh. Đứa bạn biết là hai đứa sẽ vui.

Bounma và đứa bạn của mình tìm thấy một quả bom màu vàng. Hai đứa ném quả bom qua lại vài lần, nhưng không gì xảy ra. Sau đó, đứa bạn quyết định ném bom vào một mảnh kim loại, và nó phát nổ.

Đứa bạn chết ngay tại chỗ.

Bounma được đưa tới bệnh viện - ở nông thôn Lào, có nhiều con trâu đi trên đường, nên nó không thể "đi nhanh" được - và sống sót.

Câu chuyện của Bounma diễn ra năm này qua năm khác, nhiều thập kỷ sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam. Trong chiến tranh, Lào đã trở thành quốc gia bị đámh bom nhiều nhất thế giới, nếu tính số lượng bom ném xuống so với đầu người của Lào.

Không phải tất cả các quả bom đều phát nổ tại chỗ; hầu hết các tổ chức ước tính rằng hàng triệu quả bom nhỏ vẫn phát nổ.

Bạn có thể nghĩ rằng sau 40 năm các bom ấy sẽ sét gỉ hoặc không hoạt động nữa, nhưng không phải như vậy.

Đồng nghiệp Lào của tôi tại Cơ quan Cứu Trợ Công Giáo nói: “Tôi không hề biết đường mòn Hồ Chí Minh chạy qua Lào".

Tôi cảm thấy tốt hơn về sự thiếu hiểu biết của mình. Đường mòn này – được người Việt Nam dùng để vận chuyển thiết bị quân sự - chỉ có một phần nhỏ tại Việt Nam, phần lớn con đường này nằm trên đất Lào.

Để cắt đường tiếp tế thiết bị quân sự, các máy bay ném thả tất cả các loại bom - bao gồm cả bom dài hình ngư lôi và bom nhỏ như trái bóng quần vợt, được gọi là bom chùm, vốn được thả ném khi một quả bom lớn hơn mở ra. Sau đó, bom chùm nằm phân tán khắp nơi.

Một số trẻ em không biết bom là gì; các em lượm bom và chơi với bom. Các em khác biết bom là gì, nhưng cứ nghĩ rằng nếu mình ném bom đi thật xa, thì bom không gây thương tích cho mình.

Một trong các đồng nghiệp của tôi ở Cơ quan Cứu trợ Công giáo làm như thế hồi cậu lên 11 tuổi. Anh nói: “Tôi là một đứa trẻ mà. Tôi muốn nghe tiếng nổ bùm của bom”. May mắn cho anh, anh không bị thương. (CNA 23-7-2011)

Phạm Kim An
 
Tây Ban Nha: Hội nghị đại diện của 90 trường đại học Công giáo
Phạm Kim An
08:42 24/07/2011
Tây Ban Nha: Hội nghị đại diện của 90 trường đại học Công giáo

Avila, Tây Ban Nha – Hội nghị thế giới các trường Đại học Công giáo sẽ được tổ chức từ ngày 12 đến 14-8 tại thành phố Avila, Tây Ban Nha, với sự tham dự của đại diện 90 trường đại học thuộc 40 quốc gia.

Hội nghị sẽ là cơ hội để "phản ánh vai trò các trường đại học Công Giáo trên thế giới, và sự đóng góp của các đại học này cho xã hội ngày nay", theo ông Rosario Saez Yuguero, trưởng ban tổ chức hội nghị.

Đức Hồng Y Zenon Grocholewski, Tổng Trưởng Thánh bộ Giáo dục Công giáo của Vatican, sẽ khai mạc hội nghị, và Đức Hồng Y Antonio Rouco Varela, tổng giáo phận Madrid, sẽ chủ toạ lễ bế mạc hội nghị.

Ngày 19-8, một nhóm các Viện trưởng, Giáo sư và sinh viên dự Hội nghị sẽ gặp gỡ với ĐTC Biển Đức XVI, nhân chuyến thăm của Ngài đến Tây Ban Nha để tham dự Đại hội Giới trẻ Thế giới.

Hội nghị sẽ bao gồm nhiều hoạt động khác nhau, trong đó có màn trình diễn âm thanh và ánh sáng ngày 13-8 trên bức tường nổi tiếng của Avila, gần vị trí nơi ĐTC Gioan Phaolô II đã cử hành Thánh Lễ vào năm 1982, trong chuyến thăm của Ngài đến thành phố. (CNA/Europa Press 23-7-2011)

Phạm Kim An
 
”Chợ biên giới” đầu tiên giữa Bangladesh và Ấn Độ
Nguyễn Trọng Đa
08:44 24/07/2011
”Chợ biên giới” đầu tiên giữa Bangladesh và Ấn Độ

Dhaka - Bộ trưởng Thương mại Bangladesh Muhammad Faruk Khan và Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Anand Sharma đã chính thức khánh thành chợ biên giới (haat) đầu tiên tại Kalaichar, huyện West Garo Hills (bang Meghalaya, miền đông bắc Ấn Độ), và Baliamari, huyện Kurigram, Bangladesh, để làm cho các làng biên giới của hai nước được thịnh vượng hơn, thông qua sự tiếp cận thị trường cho hàng hoá sản xuất địa phương.

Người ta ước tính rằng thương mại trị giá 20 triệu USD sẽ diễn ra hàng năm tại Chợ Biên giới (Haat), một khi chợ được mở ra.

Một quan chức của Bộ thương mại Ấn Độ cho biết: “Các mặt hàng buôn bán là rau địa phương, các loại thực phẩm, trái cây, gia vị; các sản phẩm rừng địa phương như tre, măng, và cán chổi, cũng như các mặt hàng gia đình nông nghiệp sản xuất tại chỗ, và hàng may mặc sản xuất tại địa phương".

Chợ biên giới giới thiệu một chương mới trong quan hệ thương mại giữa hai quốc gia, vốn đã bị cắt bởi cuộc chiến tranh 1971, làm dẫn đến việc quốc gia Bangladesh ra đời. Trong hai năm qua, hai bên đã cố gắng để đổi mới các mối quan hệ của họ.

Việc mở cửa chợ biên giới này diễn ra sau một cuộc điều tra dân số chung ở Ấn Độ và Bangladesh (từ ngày 14 đến 18-7), để xác định số lượng các cộng đồng trên lãnh thổ hai bên. Bangladesh có 111 cộng đồng người Ấn Độ, trong khi Ấn Độ có 51 cộng đồng người Bangladesh.

Động thái này là có ý nghĩa chính trị nhiều hơn ý nghĩa xã hội. Các cộng đồng, vốn luôn ủng hộ việc buôn lậu, dân quân nổi loạn đi lại và người nhập cư bất hợp pháp, đã nhìn thấy căng thẳng gia tăng, vì trong thời gian qua người dân đã mất liên lạc với nước gốc của mình, và không thực hiện bất kỳ quyền nào trong đất nước bao quanh các cộng đồng của họ. Trong nhiều dịp khác nhau, nước chủ nhà đã cố gắng hồi hương họ. (AsiaNews 23-7-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
ĐTC nói: Xã Hội Lệ Thuộc và Những Lương Tâm được Đào Luyện Kỹ Càng
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
17:46 24/07/2011
Castel Gandolfo, Ý Đại Lợi, Ngày 24 tháng 7, 2011 / 01:09 pm (CNA/EWTN News) - Hôm nay ĐTC Bênêđictô XVI đã suy niệm về việc vua Salômon đã chọn xin Thiên Chúa ban cho ông một lương tâm được đào luyện kỹ càng, một hồng ân mà ĐTC cho là thiết yếu cho xã hội và cho dân chúng để trở nên tốt lành thật sự.

ĐTC nói: “Thực ra, phẩm chất thật của chính cuộc đời chúng ta và của xã hội lệ thuộc vào việc lương tâm của một người được đào luyện đúng, và vào khả năng của mọi người trong việc nhận ra điều lành và phân biệt nó với điều dữ, cùng cố gắng kiên nhẫn dùng nó mà tham gia vào mục tiêu công lý và hòa bình.”

Ngài nói thêm rằng các chính trị gia “đương nhiên là có trách nhiệm nặng nề hơn, và như thế, giống như vua Salômon, họ càng cần đến Thiên Chúa nhiều hơn.”

ĐTC nói lên điều này ngay trước khi đọc Kinh Truyền Tin ở Castel Gandolfo. Bài suy niệm của ngài dựa trên bài đọc Thứ Nhất của Thánh Lễ hôm nay, được trích ra từ Quyển Thứ Nhất của Sách Các Vua.

Trong bài đọc, Vua Salômon xin Thiên Chúa ban cho ông “một con tim hiểu biết”, mà ĐTC nói rằng có thể hiểu như “một lương tâm biết cách lắng nghe, tức là một lương tâm nhạy cảm với tiếng nói của chân lý, và như thế có thể phân biệt điều lành và điều dữ.”

Mặc dù lời cầu xin của vua Salômôn được thúc đẩy bởi vai trò của ông như một vị vua của Israel, ĐTC Bênêđictô đã ghi nhận rằng gương của ông được áp dụng cho mọi người.

ĐTC nói rằng mỗi người có một lương tâm để người ấy có thể, theo một nghĩa nào đó, hành động như một “đức vua.” Người ta có khả năng thực thi vương lệnh này bằng cách chọn lựa làm theo lương tâm của mình, là làm lành lánh dữ.

Ngài kết thúc bằng cách cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, là Tòa Khôn Ngoan, giúp dân chúng đào luyện “một lương tâm luôn luôn cởi mở và nhạy cảm với chân lý, công lý và việc phục vụ Nước Thiên Chúa.”
 
Đức Thánh Cha Benedict XVI: Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới là nơi thinh lặng và trang trọng
Bùi Hữu Thư
19:33 24/07/2011
VATICAN (CNS) -- Đức Thánh Cha Benedict XVI đã đóng dấu ấn riêng của ngài cho việc cử hành Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới của giáo hội, và đặc biệt rất minh bạch về những giờ phút tụ họp để cầu nguyện.

Tại Cologne, Đức, sáu năm về trước -- nơi Đức Thánh Cha Benedict tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần đầu tiên với tư cách giáo hoàng -- ngài làm cho giới trẻ ngạc nhiên trong giờ canh thức cầu nguyện đêm Thứ Bẩy khi ngài yêu cầu họ im lặng.

Chương trình tại Cologne là nơi ngài khởi sự một truyền thống mới cho Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới: thay vì chấm dứt đêm canh thức bằng một chương trình ca nhạc ồn ào, ngài đã kết thúc bằng một buổi chầu Thánh Thể -- với hàng vạn người trẻ quỳ gối thinh lặng trong một cánh đồng. Khung cảnh này đã được lập lại tại Úc năm 2008.

Trong Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2011, được dự trù vào tháng Tám từ ngày 16 đến 21 tại Madrid, giờ chầu Thánh Thể một lần nữa sẽ kết thúc việc tham dự của Đức Thánh Cha trong buổi canh thức. Chầu Mình Thánh và cầu nguyện cũng sẽ tiếp tục suốt đêm tại vòng đai của phi trường quân sự nơi nhiều giới trẻ sẽ cắm trại qua đêm.

Thực vậy, ban tổ chức hoạch định sẽ dựng 17 căn lều làm các nhà nguyện để chầu Thánh Thể suốt đêm.

Tiêu điểm để nhìn ngắm khi Đức Thánh Cha hướng dẫn giờ chầu Thánh Thể và ban phép lành sẽ là một Mặt Nhật gắn vào một kiến trúc Gô-tích thế kỷ 16 bằng vàng và bạc thường được lưu giữ trong nhà thờ Chánh Tòa Toledo.

Ban tổ chức nói: Cảm giác truyền thống và trang trọng do Mặt Nhật Toledo gợi nên cũng sẽ được nhắc đến trong suốt các nghi lễ của chuyến đi của Đức Thánh Cha.

Linh mục Javier Cremades, phối trí viên các nghi thức tại Madrid nói: "Mục đích để đề cao nhân vật trọng tâm của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới là Chúa Giêsu Kitô, và Đức Thánh Cha đến để tuyên xưng Người."

Tuy nhiên, không hẳn là tất cả mọi kế hoạch của cha Cremades đều nhấn mạnh đến hình thức nghiêm túc.

Cha nói: "Chúng tôi sẽ đánh thức các bạn trẻ bằng nhạc mariachi" vào buổi sáng ngày 21 tháng Tám, nhiều giờ trước khi Đức Thánh Cha đến để dâng Thánh Lễ Bế Mạc tại phi trường quân sự 'Gió Bốn Phương' Cuatro Vientos.

Ngài nói: "Giới trẻ sẽ đến Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới để cùng cử hành với Đức Thánh Cha. Nếu họ không muốn tham dự một nghi thức theo kiểu của Đức Giáo Hoàng thì họ sẽ không đến. "

Các thanh thiếu niên nam nữ sẽ đọc các bài đọc Phúc Âm trong Thánh Lễ và đọc lời nguyện giáo dân; các chủng sinh sẽ phụ trách giúp lễ. Sẽ có tới 6.000 ca viên dưới 25 tuổi -- thành viên của các ca đoàn trên toàn thế giới -- hát các bài thánh ca trong Thánh Lễ.

Chân Phước Gioan Phaolô là vị giáo hoàng nổi tiếng về khả năng quy tụ và kích động hàng ngàn người trẻ Công Giáo và đặc biệt là rút tiả được năng lực nơi họ..

Nhưng trong một đoạn văn, dường như ngài ngạc nhiên về ảnh hưởng của nghi lễ đối với ngài, Đức Thánh Cha Benedict nói với phóng viên phỏng vấn ngài, "các Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới này đã thực sự biến thành một quà tặng đích thực đối với tôi.."

Trong cuốn sách "Ánh Sáng Thế Gian" (Light of the World,) ngài nói với ông Peter Seewald là ngài bị đánh động bởi một "niềm vui sâu đậm" và "tinh thần hồi tâm, đã lan tràn cách lạ lùng trong chính các Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới."

Nói đến cảm nghiệm về Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Sydney năm 2008, ngài nói, "Hầu như chỉ có niềm vui chung về đức tin đã lôi cuốn chúng tôi và đã khiến cho hàng trăm ngàn người giữ được thinh lặng trước Thánh Thể và do đó đã trở nên một."

Đức Thánh Cha Benedict đã nhấn mạnh là những giây phút thinh lặng thực sự và kéo dài đã được thêm vào mọi nghi thức ngài cử hành.

Viếng thăm Sulmona, Ý, năm 2010, ngài nói, "Ngày nay chúng ta sống trong một xã hội trong đó mọi không gian và thời gian phải 'được chất đầy' bằng những dự án, hoạt động và tiếng động,: khiến cho không còn thời gian để lắng nghe và đối thoại.

Ngài nói, "Các anh chị em thân mến, xin đừng sợ hãi sự thinh lặng bên ngoài và nội tâm chúng ta, nếu chúng ta không những chỉ muốn nghe tiếng Chúa mà còn muốn nghe được tiếng nói của tất cả mọi người gần bên chúng ta."

Yago de la Cierva, giám đốc điều hành Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Madrid, nói rằng trong khi ban tổ chức, các linh mục và cả Đức Thánh Cha cũng không thể kiểm xoát những gì Chúa Thánh Thần làm việc trong các khách hành hương trẻ tuổi, họ phải cẩn trọng trong việc chuẩn bị cho có một bầu khí, trong đó hoạt động của Chúa Thánh Thần có thể nhận biết được.

Ông nói, "Một điều quan trọng là phải chăm lo cẩn thận cho các nghi lễ, để cho người trẻ sẽ nói, "Ối chao! Thánh Lễ đẹp biết bao."
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Cộng Đoàn Revesby ở Sydney mừng kính Lễ Bổn Mạng
Diệp Hải Dung
09:06 24/07/2011
SYDNEY - Sáng Chúa Nhật 24/7/2011 Giáo đoàn Revesby đã long trọng mừng kính Lễ Thánh Tử Đạo Andrê Phú Yên Quan Thầy của Giáo đoàn tại nhà thờ St. Luke Revesby, Sydney.

Xem hình ảnh

Đúng 10 giờ 45 tất cả mọi người tập trung tại khuôn viên trường học nhà thờ St Luke Revesby và sau 3 hồI chiêng trống cổ truyền VN, Father Robert Chính xứ Revesby xông hương tượng Thánh Tử đạo Andrê Phú Yên kế tiếp kiệu tượng Thánh Andrê Phú Yên rước vào trong nhà thờ. Cuộc kiệu rất nghiêm trang và long trọng, các Hội Đoàn, Đoàn Thể trong Cộng Đồng, các Giáo đoàn bạn và quan khách Úc đều đến tham dự đông đủ.

Khi kiệu tiến vào trong nhà thờ, các em Thiếu Nhi cử một hồi trống rất hoành tráng hiệp với Ca đoàn Revesby trong nhạc phẩm Khải Hoàn Ca mừng đón kiệu Thánh Tử Đạo Anrê Phú Yên . Anh Đinh Kiên Giang đại diện Giáo đoàn đọc sơ lược tiểu sử anh hùng của Thánh Andrê Phú Yên, trong khi đó thì màn ảnh Projector chiếu bản tiểu sử của Thánh Andrê Phú Yên bằng Anh Ngữ cho các quan khách Úc đọc để biết về vị Thánh trẻ tuổi kiên cường Việt Nam đã anh dũng chấp nhận cái chết để gieo hạt giống Đức Tin và sau đó là phần dâng Thánh lễ tạ ơn gồm quý Cha Nguyễn Văn Tuyết Đặc Trách Giáo Đoàn Revesby, Cha Paul Văn Chi, Cha Mai Đào Hiền, Cha Dương Thanh Liêm, Cha Nguyễn Thái Hoạch, Cha Robert Chính xứ Revesby và Thầy Phó Tế Vĩnh Phú phụ giúp Lễ.

Trong bài giảng Cha Nguyễn Văn Tuyết đã nói về hạt lúa mì Anrê Phú Yên gieo vào lòng đất mẹ Việt Nam sau 366 năm hôm nay đã bừng lên một mùa lúa tốt. Ngài can đảm mở đường Tử Đạo để hôm nay chúng ta cùng với một Cộng Đoàn hơn 6 triiệu ngườI Việt Nam cũng như ở hải ngoại hân hoan nhịp bước cùng nhau khám phá nơi Thánh Anrê Phú Yên những nhân đức, những con đường gợi mở giúp chúng ta nhận ra được đâu là kho tàng của sự thánh thiện giữa thế gian.

Cha Đắc Lộ đã viết trong nhật ký của Ngài về Thánh Anrê Phú Yên “Đây là kho tàng mà Thánh Anrê Phú Yên đã tìm thấy và mua được bằng chính mạng sống của Ngài và truyền giao lại cho chúng ta…

Trước khi kết thúc Thánh lễ, cô Nathalea Ambrose đại diện Hội Đồng Giáo Xứ Revesby chúc mừng Bổn Mạng của Giáo Đoàn, Kế tiếp ông Hoàng Đức Tình Phó Chủ tịch CĐCGVN Sydney đại diện Cộng Đồng lên ngỏ lời chúc mừng bổn mạng của Giáo đoàn. Sau cùng ông Giuse Trần Văn Hòa Trưởng Ban Mục Vụ Giáo đoàn Revesby thay mặt Giáo Đoàn ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Sơ, quý Quan Khách và toàn thể mọi người đã đến tham dự Lễ mừng kính Quan Thầy của Giáo Đoàn hôm nay và kính xin mọi người hãy cầu nguyện cho Giáo Đoàn luôn được thăng tiến trong Cộng Đồng, Giáo xứ và Giáo Phận.

Sau khi kết thúc Thánh lễ mọi người ở lại cùng chung vui bữa tiệc thân mật trong khuôn viên trường học nhà thờ và thưởng lãm Văn Nghệ bỏ túi cây nhà lá vườn do Ca đoàn Revesby phối hợp với ban nhạc Giới Trẻ cùng trình diễn và kèm theo phần xổ số may mắn lấy hên. Sau đó kết thúc bế mạc vào lúc 2.30pm.
 
Lớp Ca Trưởng tại Giáo phận Phát Diệm và ngày mãn khóa
Maria Thủy Tiên
11:37 24/07/2011
PHÁT DIỆM - Nhạc sư Phạm Đức Huyến cùng Ban Giảng Huấn đã khai giảng các khóa Huấn Luyện Ca Trưởng ở ba Giáo Phận: Phát Diệm, Thái Bình, Hải Phòng, tại giáo phận Phát Diệm. Khóa học Ca Trưởng Cấp 1 đợt 2 đã bắt đầu từ thứ hai, ngày 18/07 và kết thúc thi mãn khóa vào thứ bảy, ngày 23/07, với một chương trình học khá dày gồm xướng âm, thanh nhạc, nhạc bình ca, cách đọc tiếng Latinh, kỹ thuật tập hát, điều khiển hợp xướng, phụng vụ Thánh Nhạc, từ 7g30 sáng đến 17g30 mỗi ngày.

Xem hình ảnh

Ngoài những giờ học chung với nhạc sư Phạm Đức Huyến, các học viên có nhiều thời gian được hướng dẫn và thực tập theo nhóm với các thầy cô phụ giáo: thầy Phó tế Phạm Văn Hào, Soeur Hồ Thị Sum, Soeur Trần Thị Mến, Soeur Lê Thị Huyền, Soeur Yến Linh, Nhạc sĩ Đinh Thiện Bản, Nhạc sĩ Văn Duy Tùng, Ca trưởng Lê Đình Hùng, Ca trưởng Viên Bích Hòa, Ca trưởng Kiều Văn Tập, Ca trưởng Đào Tiến Thắng, Ca trưởng Nguyễn Thanh Triều, Ca trưởng Hà Minh Tâm. Có những học viên miệt mài học không kể sáng trưa chiều tối, học chung, học nhóm, học riêng từng người với các thầy, các Soeur, nhất là những học viên lo ngại không kịp tiến bộ cùng anh em. Nhờ sự tận tâm của quý thầy cô trong Ban Giảng Huấn mà hơn 250 học viên đã đạt trình độ khá đều nhau và được nhận chứng chỉ mãn khóa Cấp 1.

Sáng thứ hai, ngày 18/07, Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, Giám mục Giáo phận Phát Diệm đã đến khai mạc khóa huấn luyện Ca Trưởng Cấp 1, đợt 2 của giáo phận. Trong lời Huấn Từ Ngài đã nêu lên tầm quan trọng của Thánh Nhạc trong Phụng Vụ “Thánh Nhạc là một phần quan trọng trong Phụng Vụ.... Ca viên, ca trưởng giúp cho Phụng Vụ được cử hành trang nghiêm, sốt sắng hơn.. Một bài Thánh ca được hát lên với một tâm hồn đạo đức sẽ đưa nhiều người trở về với Chúa.” Tiếp đến, Ngài thay mặt Giáo phận Phát Diệm chào chúc và cám ơn Nhạc sư Giuse Phạm Đức Huyến và phu nhân cùng Ban Giảng Huấn từ Mỹ, Sài Gòn, Huế đã hy sinh thời giờ, sức khỏe, công việc và còn hỗ trợ kinh phí cho khóa học, điều đó biểu lộ một tâm huyết của thế hệ cha anh yêu mến Thánh Nhạc và mong muốn Thánh Nhạc ngày càng phát triển hơn. Đồng thời, Ngài cũng nhắn nhủ các học viên tận dụng cơ hội tốt Chúa ban, để có được kiến thức, kỹ thuật, nhờ kinh nghiệm của quý thầy cô, và nhất là đạt đến một đời sống kinh nguyện trong thánh nhạc.

Thay mặt cho Ban tổ chức, Cha Giuse Nguyễn Văn Yêm, Trưởng Ban Thánh Nhạc của giáo phận Phát Diệm chia sẻ “Cái ưu tư của Đức Cha với nền Thánh Nhạc của Giáo Hội cũng chính là ưu tư của Giáo phận.....”.

Hiểu thấu điều đó, Nhạc sư Phạm Đức Huyến nguyện cùng quý thầy cô trong Ban Giảng Huấn sẽ hết mình truyền đạt những kinh nghiệm, những kỹ thuật thánh và mỹ thuật thánh của người Ca trưởng cho các học viên đê tạo nên một vườn hoa Thánh Nhạc cho Giáo phận Phát Diệm. Nhạc sư còn chia sẻ tâm tình “Thật là hạnh phúc khi trong Ca đoàn có một Ca trưởng cầu nguyện trong Thánh Nhạc sẽ giúp các ca viên cùng cầu nguyện trong Thánh Nhạc... Người Ca trưởng Công giáo cần phải có phong cách khiêm nhu, chỉ viết phục vụ, phục vụ và phục vụ...”

Sau phần khai mạc, các học viên bắt đầu ngay với chương trình khóa học đợt 2 qua phần luyện thanh, đọc tiếng Latinh và kỹ thuật đánh nhịp, đạo đức của người Ca Trưởng...đồng thời ôn tập phần xướng âm, lý thuyết và kỹ thuật đánh nhịp các bài hát cơ bản để chuẩn bị thi mãn khóa cấp 1.

Dẫu phải tranh thủ với một chương trình dày đặc trong một thời gian ngắn ngủi, trong điều kiện thời tiết nóng bức khắc nghiệt, Ban Giảng Huấn đã phải chia thành hai nhóm để thay phiên Huấn luyện ở Giáo phận Phát Diệm và Giáo phận Thái Bình (khai giảng sau Giáo phận Phát Diệm hai ngày)

Buổi chiều thứ sáu, 22/07/2010, các học viên phấn khởi vì đã qua một ngày thi khá căng thẳng về lý thuyết, xướng âm và vẫn còn hồi hộp chờ đến phần thi thực hành đánh nhịp.

Đến 19g00 tối, Thánh Lễ Tạ Ơn và cầu nguyện cho Cố Nhạc sĩ Hải Linh cùng các Nhạc sĩ Công giáo đã qua đời, được Đức Cha chủ tế tại nhà thờ chính tòa Phát Diệm- ngôi nhà thờ được giới báo chí đánh giá là một trong những ngôi nhà thờ đẹp nhất Việt Nam, cùng đồng tế có Cha Trưởng Ban Thánh Nhạc Giáo phận và Cha phó giáo xứ Chính Tòa. Rất đông giáo dân và các bạn trẻ giáo phận cùng tham dự Thánh Lễ với khóa học. Có nhiều cụ ông cụ bà sung sướng được nghe lại, được hát lại bộ lễ De Angelis của một thời xa xưa mình còn là ca viên ca đoàn trong những ngày rất ban sơ của Giáo Hội Việt Nam, cũng có nhiều giáo dân cảm thấy Thánh Lễ tạ ơn hôm nay thật sốt sắng và lạ lẫm vì lần đầu tiên họ được dâng Thánh Lễ có hát tiếng Latinh.

Sau Thánh Lễ Tạ ơn, màn đêm đã bao trùm lên khuôn viên Tòa Giám Mục, khung cảnh trở nên vắng lặng hơn, người ta chỉ còn biết cảm nhận ở đây dường như những gì thô mộc nhất lại trở nên tinh tế nhất, thâm sâu nhất. Và có lẽ cũng chẳng có mấy nơi giống như nơi này, nơi mà đá đồng nghĩa với mềm mại uyển chuyển, với rực rỡ thanh cao.

Từ trong màn đêm ấy, các học viên nội trú không ngừng ôn luyện tay nhịp để chuẩn bị cho phần thi thực hành đánh nhịp ngày hôm sau. Những cánh tay nhịp, những lời ca vang “Xin dâng lời cảm tạ hồng ân Thiên Chúa..”, “Con sẽ hân hoan tiến vào Cung Thánh....”, “Kính lạy Thánh Giuse...”, khiến cho bầu khí Tòa Giám Mục thêm phần thiêng liêng và sống động hơn đến nỗi Đức Cha phải ví những cánh tay nhịp như những “cánh vạc kêu sương”.

Thiết nghĩ, cả công trình nhà thờ Phát Diệm đã là một bản hòa tấu du dương, hùng tráng mà mỗi nét chạm trổ chính là những âm ba trầm bổng khác nhau. Hôm nay, lại thêm những cánh tay nhịp uyển chuyển với những giọng ca vang, cùng những người Ca trưởng tâm huyết và cả một ca đoàn tổng hợp của Giáo phận, sẽ tạo nên một giai điệu độc đáo mang nghĩa sâu sắc hơn.

Đến sáng ngày 23/07, các học viên nhộn nhịp theo phiếu bốc thăm và nhóm của mình bắt đầu phần thi thực hành đánh nhịp. Những cánh tay nhịp đầy tự tin và sắc bén đã tạo nên niềm vui lớn cho Ban Giảng Huấn cũng như cho các học viên, nhất là những tay nhịp nhỏ tuổi hứa hẹn một thế hệ kế thừa dồi dào của Giáo phận.

Sau phần thi mãn khóa, các bạn trẻ sinh viên Cổ Nhuế- Hà Nội đã đóng góp một tiết mục kịch vui nhưng chứa đựng biết bao tình cảm và gói trọn phần nào ý nghĩa, nội dung của Khóa học.

Trước mặt Đức Cha, Nhạc sư Phạm Đức Huyến vui mừng tuyên bố “các học viên Giáo phận Phát Diệm xứng đáng được nhận chứng chỉ mãn Khóa Ca Trưởng Cấp 1”, trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt của mọi người. Cuối cùng, Đức Cha cùng Ban Giảng Huấn đã trao chứng chỉ cho 10 học viên xuất sắc đại diện. Các học viên được Đức Cha, thầy Phạm Đức Huyến trao chứng chỉ mãn khóa rất vui mừng, vừa cảm nhận một vinh dự, một hồng ân, đồng thời, cũng là một trách nhiệm đặt lên vai người ca trưởng.

Trong lời cám ơn của đại diện học viên đã cảm nhận rằng “Sau khóa học nhiều người chúng con đều cảm thấy tự tin hơn về tay nhịp và can đảm bước vào môi trường phục vụ giáo xứ, cộng đoàn địa phương....”

Để tỏ lòng quý mến của Giáo phận, Đức Cha đã trao tặng Ban Giảng Huấn những bó hoa tươi thắm tượng trưng cho vườn hoa Thánh Nhạc của Giáo phận Phát Diệm, cùng với những phần quà giá trị vật chất có thể không lớn nhưng giá trị tinh thần vô cùng lớn, là niềm mong mỏi, tự hào và ý chí của con dân Phát Diệm, để dù ở nơi xa, Ban Giảng Huấn luôn nhớ về Phát Diệm.

Kết thúc Khóa học là những tấm hình lưu niệm, bữa cơm trưa thân mật, chan hòa tình Cha- con, tình thầy-trò, tình bạn bè đồng môn, đồng xứ, đồng quê... Phút chia tay với Thầy Phạm Đức Huyến và Ban Giảng Huấn giữa trưa đầy lưu luyến, tri ân, và kính mến.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Ánh Đèn Mầu
Tâm Duy, Lm
21:20 24/07/2011
ÁNH ĐÈN MẦU
Ảnh của Tâm Duy, Lm
Buồn trong tiếng nhạc lắng cho đời mê say
Cười trong ánh đèn sáng cho người mua vui
Rồi khi ánh đèn tắt lặng lẽ cô đơn
Chìm theo bóng đêm, người ta lãng quên bẽ bàng…
(Trích lời Việt ca khúc của Charlie Chaplin)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền