Ngày 24-07-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chính anh em hãy liệu cho họ ăn
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
06:05 24/07/2014
Chúa Nhật XVIII THƯỜNG NIÊN, năm A
Mt 14,13-21

CHÍNH ANH EM HÃY LIỆU CHO HỌ ĂN

Các Chúa Nhật trước, Chúa Giêsu đã loan báo Nước Trời. Ngài cho hay rằng Nước Trời bắt đầu rất nhỏ bé nhưng cứ từ lớn dần đến nỗi không ai có thể hiểu nổi tại sao Nước Thiên Chúa lại lớn mạnh đến thế ! Chúa Giêsu trong đoạn Tin Mừng hôm nay nhờ các tông đồ cộng tác với Ngài để Ngài huấn luyện các ông tham gia vào việc thành lập Giáo Hội ở trần gian…

Tin Mừng diễn giải khi được tin ấy, nghĩa là khi nghe kẻ gian ác là Hêrôđê, người đã giết Gioan Tẩy Giả, nhắc tới tên của mình, Chúa Giêsu bỏ nơi đó, lánh đi nơi khác vì chưa tới giờ Ngài được tôn vinh. Chúa Giêsu thường đi vào nơi hoang vắng, yên tĩnh trước mỗi sự việc, biến cố xảy ra với dân chúng và đặc biệt khi người Pharisêu phản kháng lại lời rao giảng của Ngài hay sự cứng đầu cứng cổ, sự cứng tin của dân chúng, để cầu nguyện, tâm sự và lãnh ý Thiên Chúa Cha. Khi thấy đám đông dân chúng đi theo Ngài, Chúa Giêsu thương họ, Ngài không nỡ lòng nào để họ ra đi bụng đói. Do đó, Chúa Giêsu mời gọi các tông đồ tham gia vào việc lo cho dân , dù rằng các ông ngại vất vả, ngại không có giờ nghỉ ngơi, và nếu không có Chúa, các ông chẳng làm được gì cả…Chúa muốn các ông cộng tác,tham gia vào công việc của Chúa.Câu:”…trao cho các môn đệ, để các ông phân phát cho dân “, cho chúng ta hiểu rõ Chúa mời các môn đệ cộng tác vào phép lạ của Chúa. Cử chỉ của Chúa Giêsu giờ này, khiến chúng ta liên tưởng tới Bí tích Thánh Thể mà Chúa sẽ thiết lập trong Bữa Tiệc Ly chiều ngày thứ năm tuần thánh.Chúa Giêsu cho các môn đệ cộng tác vào việc Chúa làm là tìm bánh,và cá để Chúa làm phép lạ. Các môn đệ lãnh nhận trước, rồi trao lại cho dân, sau đó thu những thứ còn sót lại ( Mt 14, 20 ). Những điều các môn đệ làm lúc này, làm chúng ta liên tưởng đến các ngài là trung gian ban phát các bí tích trong Giáo Hội. Trong đoạn này, thánh Matthêu muốn ám chỉ Chúa Giêsu là Môsê mới, cho dân chúng ăn no nê ( Xh 16 ).

Chúa Giêsu với tấm lòng thương xót bao la, tình thương vô biên, Ngài đã không để dân chúng đi theo Ngài, nghe Ngài giảng dạy bị đói, bị khát. Ngài đã làm cho năm chiếc bánh và hai con cá hóa nên nhiều để nuôi dân chúng. Tình thương, lòng nhân từ của Chúa vẫn tồn tại tới ngày hôm nay và cho tới muôn thế hệ. Hôm nay, Ngài không làm phép lạ như xưa, nhưng Ngài đã dùng Lời của Ngài nuôi dưỡng Giáo Hội, dùng Giáo lý của Ngài hướng dẫn Dân Chúa để qua Giáo lý, qua Lời yêu thương, bác ái, qua sự soi trí lòng con người, qua tác động của Chúa Thánh Thần, con người sẽ làm ra lương thực, của cải, sẵn sàng chia sẻ với tha nhân, với người nghèo. Mười hai tông đồ của Chúa lúc xưa không làm phép lạ như Chúa để nuôi dân, nhưng lãnh nhận bánh, cá từ tay Chúa, phân phát cho dân, nuôi dân. Ngày nay, các môn đệ của Chúa không làm được phép lạ hóa bánh, cá ra nhiều để nuôi dân, nhưng bằng Lời Chúa, bằng Giáo lý, các môn đệ của Chúa loan truyền để người người cộng tác vào công trình cứu độ của Chúa, để người người được hạnh phúc vì có Thiên Chúa là Cha, là Đấng nhân từ giầu lòng thương xót vv…Chúa luôn luôn mong muốn con người được hạnh phúc, được có cơm ăn, áo mặc. Chúa luôn soi sáng, nuôi dưỡng con người bằng Lời Chúa và bằng sự trợ giúp của ân sủng của Ngài.

Xin mượn lời của Henri Caro để kết luận bài chia sẻ này :” Đức Giêsu nghe tiếng kêu của đám đông.Khi họ xin bánh, Người biết họ đói một thứ khác, đói một tình yêu trung thành để cho và để nhận.Người cho một dấu hiệu khác : thứ bánh Người ban làm thỏa tất cả mọi cơn đói, và khi mọi người đã no nê thì còn dư lại mười hai thúng, đủ để nuôi cả dân Israen. Bánh này một ngày kia sẽ là Mình Người, sẽ vì yêu mà bị nộp vào tay loài người “.

“Anh em hãy cho họ ăn “ ( Mt 14, 16 ). Đây là lời kêu gọi cho ngày hôm nay. Giờ đây, đến phiên chúng ta phải nuôi sống các đám đông, bằng cách chia sẻ cơm bánh của chúng ta và làm chứng cho đức tin của mình.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết luôn quảng đại chia sẻ cơm bánh, và tình thương cho những người khác vì chính khi chết đi là khi vui sống muôn đời. Amen.


GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.ÔBAC coi của cải trần thế như thế nào ?
2.ÔBAC có biết chia sẻ cơm bánh cho tha nhân không ?
3.Chúa có muốn bần cùng hóa con người không ?
4.Tại sao Chúa lại mời gọi các tông đồ cộng tác vào phép lạ của Chúa ?
5.” Anh em hãy cho họ ăn “, lời của Chúa xưa còn tác dụng với chúng ta hôm nay không ?
6.Thánh Phaolô nói :” Ai không làm việc thì không có quyền ăn “. Câu nói này có ý nghĩa gì ?
 
Kho báu của Thiên Chúa
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
06:53 24/07/2014
Chúa Nhật XVII THƯỜNG NIÊN, năm A
Mt, 13, 44-52

KHO BÁU CỦA Thiên Chúa

Kho báu Tin Mừng của thánh Matthêu nói tới ở đây là bảo vật quí báu : Nước Trời hay chính Đức Giêsu. Chính vì Nước Trời là bảo vật vô song, quí giá đến độ con người phải hy tất cả để chiếm hữu lấy.Nước Trời có hai giai đoạn, lúc đầu kẻ lành, người dữ, sự lành, sự dữ, bóng tối ánh sáng lẫn lộn với nhau, nhưng tới ngày tận thế, Chúa sẽ phân chia, phân rẽ ra rõ ràng.

Kết thúc phần loan báo mầu nhiệm Nước Trời bằng ba dụ ngôn “ Lúa và cỏ lùng “ “ Hạt cải “ “ Nắm men “. Ba dụ ngôn này nói lên giá trị tuyệt đối của Nước Trời. Tuần này, toàn bài Tin Mừng có thể chia thành ba khúc : “ Hai dụ ngôn bảo vật và viên ngọc quí “ “ Dụ ngôn chiếc lưới “ “ Lời kết thúc chung cho các dụ ngôn “. Nước Trời thật giá trị, thật cao quí như bảo vật, như ngọc hiếm. Do đó, người tìm ngọc hay ông thương gia đều rất trân trọng, quyết liệt đòi chiếm hữu chúng cho bằng được.Chúng ta có thể hiểu được rằng trước thời Chúa Giêsu hay chính thời Chúa Giêsu đang sống khi có chiến tranh xẩy đến người ta đem chôn giấu các bảo vật, vàng, ngọc xuống đất để tránh kẻ xâm lăng lấy đi. Khi biết được thửa ruộng, thửa vườn nào có của quí, vàng, ngọc chôn giấu, người ta sẵn sàng bán tất cả để mua lấy thửa vườn, thửa ruộng với ước vọng tìm được của quí giá dưới đất.Nước Trời là nơi người Kitô hữu luôn mong chờ đi đến. Người Kitô hữu sẽ hân hoan vui sướng tìm đủ cách để chiếm hữu với đức tin, với sự cố gắng hy sinh ngay cả phải bỏ cả mạng sống…Nước Trời cũng giống như chiếc lưới thả xuống: dụ ngôn này tương tự dụ ngôn lúa và cỏ lùng. Lúc đầu cá lớn cá bé, cá không ăn được lẫn lộn với nhau nhưng sau đó người ta lựa cá tốt cho vào giỏ, cá xấu quăng đi. Ngày cùng tận của thế giới cũng vậy,Chúa sẽ phân chia kẻ lành, người dữ vv…Chúa nói trong phần cuối của Tin Mừng hôm nay về những Kinh sư, những người am tường thần học, giỏi về luật lệ, nếu họ biết lợi dụng cái tốt cái xấu trong kho, nghĩa là biết dùng kiến thức, sự khôn ngoan để tìm hiểu Nước Trời, họ sẽ chiếm hữu được nó.

Thật thế, Nước Trời nghĩa là Chúa Giêsu và Lời của Ngài đã đến trong trần gian từ lâu lắm rồi. Con người phải biết trân trọng, chóng vánh đón nhận với lòng hân hoan, dạ đơn thành, với sự hân hoan, vui vẻ đến nỗi nếu cần phải hy sinh tất cả để được Nước Trời. Con người và chúng ta đã có thái độ dứt khoát để luôn chân thành lắng nghe Lời Chúa và đón nhận Chúa chưa ? Chúng ta đã để chỗ ưu tiên cho Chúa và Giáo Hội hay chưa hay chúng ta vẫn thờ ơ với Lời Chúa và Nước Thiên Chúa ?

Vâng, những người mà Tin Mừng nói tới là những người khôn ngoan đã biết sàng lọc, chọn lựa, đã biết tìm cho mình cái gì là giá trị, là quý hóa nhất cho mình. Họ khôn ngoan vì biết cân nhắc, biết phân định rõ ràng cái gì xấu, cái gì tốt : lúa và cỏ dại, bảo vật, vàng, ngọc, cá tốt, cá xấu vv…Những người này là những người đã dám từ bỏ, liều mất mạng sống, dám bán hết gia tài sự nghiệp, dám dấn thân vì Chúa, vì Giáo Hội, vì tha nhân để chỉ có một mục đích duy nhất là tìm được Nước Trời.

Xin mượn lời của Philippe Cochinaux, o.p.viết để kết luận bài chia sẻ này : Điều mà Chúa Giêsu và vua Salômôn nhắc nhở chúng ta, ấy là cái kho báu chôn giấu trong ruộng và viên ngọc quí ấy minh họa một lời nói khác của Đức Giêsu, cũng được ghi lại trong Matthêu ” kho tàng anh em ở đâu thì lòng anh em cũng ở đó “. Kho tàng của chúng ta đang ở đâu ? Là câu hỏi được đưa ra, mời chúng ta tự hỏi.Có nghĩa là Thiên Chúa đang ở đâu, trong cuộc đời chúng ta ? Câu trả lời thì đơn sơ, đơn sơ làm sao : ở trong lòng chúng ta.Mà nói như vậy là thế nào ? Điều quan trọng không phải là những ý tưởng tốt lành của chúng ta, ngay cả những lời tuyên bố của chúng ta cũng không phải. Điều quan trọng là chúng ta dùng thời giờ của mình như thế nào, đem sự quan tâm của mình, những tài năng cá nhân, nội tâm của mình, sử dụng vào những điều gì “.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con ơn khôn ngoan như vua Salômôn đã xin với Chúa để chúng con biết tìm kiếm Nước Trời và đừng quá bám víu vào những sự chóng qua ở đời này. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.ÔBAC đã dành cho Nước Trời bao nhiêu phần trăm trong ngày ?
2.ÔBAC có coi Nước Trời là ưu tiên số một trong đời sống của mình chưa ?
3.Vua Salômôn đã xin gì với Thiên Chúa ?
4.Thế nào là khôn ngoan ?
5.ÔBAC đã dám liều thân tìm kiếm Nước Trời hay còn gì cản trở ÔBAC trong việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa ?
 
Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật thứ 18 mùa Thường niên năm A 03-8-2014
Mai Tá
20:24 24/07/2014
Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật thứ 18 mùa Thường niên năm A 03-8-2014

“Tôi với hồn hoa vẫn nín thinh,”
Ngấm ngầm trao đổi những ân tình.
Để thêm ấm áp nguồn tơ tưởng,
Để bóng trời khuya bớt giật mình.”
(Dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)
Mt 14: 13-21

Nhà thơ xưa bỗng giật mình, với bóng trời khuya, với những hồn hoa vẫn nín thinh. Nhà Đạo hôm nay rày tơ tưởng, để thêm ấm áp những ân-tình ngầm đổi trao. Ân-tình ấy, còn là tình-ân nhung-nhớ buổi rời xa, cả Đức Chúa.
Trình-thuật hôm nay, thánh Mát-thêu lại vẫn kể về những ân-tình Chúa để lại với con dân qua sự việc lạ lùng Ngài từng làm qua sự-kiện biến những bánh và cá nhân-bản rất nhiều để con dân Ngài cùng tận-hưởng. Lạ hơn nữa, còn là và vẫn là tình Ngài chan chứa vẫn ở lại để ủi-an cảnh buồn phiền, rất cách ly.
Người xưa có câu: “cách-ly, xa rời Chúa lỗi này do ai?” Câu hỏi này, vẫn luôn hiện đến mỗi khi ta đề cập đến chủ đề được ghi trong bài đọc 2, đại ý thánh Phao-lô viết: “Không có gì tách ta khỏi lòng mến của Đức Kitô”.
Khi chấp nhận hành hình chịu khổ đau, thánh Phao-lô có viết cho cộng đoàn tín hữu ở Rôma để nhắn nhủ các thánh ở đây, rằng: dù có hãi sợ, cách ly, hoặc sầu buồn thế nào đi nữa, không gì có thể cách ly cộng đoàn mình xa rời tình yêu của Đức Chúa.
Điều này cho thấy: mỗi khi ta có cảm giác xa cách Đức Chúa, tức: đã bước xa khỏi nơi Ngài hiện diện. Và, bình thường là qua hành vi đầy huỷ hoại. Hành vi này, thường tạo khoảng cách giữa ta và cội nguồn niềm tin, hy vọng và thương yêu.
Thánh Mát-thêu và tiên tri Isaya đều đã viết cùng một đại ý, nói rằng: không gì có thể cách biệt ta xa rời tình yêu của Thiên Chúa. Sông rộng ngập đầy, ở lời sấm của tiên tri, và câu chuyện 5 tấm bánh và 2 con cá ở Tin Mừng, là tất cả những gì các thánh diễn tả sự sung mãn nơi Vương quốc Đức Chúa. Tức là, sự sung mãn vẫn có nơi tình thương của Chúa.
Rất thường tình, ta hay nhấn mạnh đến phép lạ thật sự tạo biến đổi mà thánh sử đã đề cập trong Tin Mừng do thánh nhân viết, thoạt khi Đức Giê-su “bẻ bánh và phân phát” cho hết mọi người, rất dồi dào. Sung mãn.
Viết như thế, thánh Mát-thêu cũng gợi sự chú ý của mọi người đến các mẩu vụn còn thừa. Thánh sử còn chú trọng hơn phép lạ nhân bản thức ăn, gồm có bánh và cá. Từ con số 5 tấm bánh và 2 con cá, thánh sử Mát-thêu nói đến số 12 giỏ vụn bánh, còn sót lại.
Các con số mà thánh sử viết ở đây, trong Tin Mừng, không là chuyện ngẫu nhiên. May rủi. Trái lại, số 7 là con số biểu tượng cho 7 ngày Thiên Chúa tạo dựng trời đất, mà lúc ấy, mọi người nghe kể, không thể nào không liên tưởng đến.
Truyện kể đây, là kể về việc Đức Giê-su sử dụng hoa quả của nhân trần trái đất làm ra hầu nuôi sống đoàn người đông đảo, lúc bấy giờ. Hệt như thế, 12 giỏ bánh vụn còn sót, là những cơm thừa canh cặn, rơi rớt lại từ bữa ăn no nê, đầy mãn nguyện. Câu truyện đây, vang vọng một dấu chỉ Chúa muốn qui chiếu, qua số 12. 12, là con số ám chỉ các chi tộc Israel, được ghi lại nơi Cựu Ước.
Đối với ta, truyện kể hôm nay còn vang vọng một ủi an. Thánh Mát-thêu kể cho ta nghe việc Đức Giê-su thấy được nhu cầu của từng người. Ngài chẳng khi nào quay mặt bỏ đi. Nhưng, vẫn đến tận nơi ta ở. Gặp ta ngay, vào tình trạng sống, ta kéo dài. Và, Ngài tái tạo con người chúng ta ngang qua sự sung mãn của tình yêu Ngài. Nhờ đó, ta trở thành “dấu chỉ” cho Vương quốc của Ngài, với nhân trần.
Hội thánh của ta cũng thế. Mẹ thánh Giáo Hội luôn tin rằng: việc nuôi sống đám đông quần chúng vào buổi ấy, là ảnh hình về Tiệc Thánh Thể, vẫn diễn ra hằng tuần. Với cộng đoàn. Ở nơi đây, ta đón nhận sự sung mãn ứ tràn của Đức Chúa, qua Lời Ngài, trong cuộc sống. Cuộc sống, của cộng đoàn. Trong các sinh hoạt mục vụ. Và, qua việc linh mục biến đổi rượu bánh thành Mình Máu Chúa.
Phụng vụ hôm nay, là phụng vụ về sự sung mãn. Chúa đem đến cho ta, ân sủng dồi dào; để rồi, ta có thể chuyển đạt lại cho thế giới nhân trần những gì Ngài trao ban, ngõ hầu ta biết chăm sóc, hết mọi người. “Ai được nhiều, sẽ bị đòi nhiều”. Nhưng, vấn đề đối với thế giới hôm nay, là: nhiều người trong chúng ta vẫn sở hữu quá nhiều thứ. Rất sung mãn. Thật dư thừa. Trong khi đó, còn quá nhiều người, chẳng có đến bất cứ thứ gì. Dù là vật dụng nhỏ, để độ thân.
Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, mà ta không thấy bận lòng gì đến việc biến đổi tâm can, hoặc có hành động thích nghi, thì ta chẳng thể nào hiểu được truyện kể mà thánh sử hôm nay viết về lòng Chúa xót thương đám đông quần chúng. Vì, khi Chúa chạnh lòng thương đám đông quần chúng, Ngài không nhắm chỉ riêng ai, hoặc một người nào.
Đôi khi, có người còn nhìn vào cảnh tình nghèo khó hiện xảy ra trên thế giới, rồi tự hỏi: “Nếu Chúa nhân từ, sao lại để việc ấy xảy ra?” Ý nghĩ này, không thể làm ta xa rời Đức Chúa. Nhưng, dưới ánh sáng soi dọi của Chúa như thánh sử ghi lại hôm nay, đoan chắc một điều, là: Ngài ban mọi sự cho chúng ta. Ban một cách sung mãn tràn đầy, để ta có thể sẻ san sự sung mãn ấy, cho mọi người.
Mỗi khi ta có ý nghĩ đặt ra những câu hỏi như thế, và mỗi khi ta có cảm giác rằng mọi sự xảy ra giống như vậy, hãy tự vấn lương tâm, mà hỏi như người xưa, vẫn tự nhủ, rằng: Ai xa rời? rời xa ai? Trả lời được câu hỏi của tiền nhân, tự khắc ta sẽ không còn thắc mắc, nữa.
Cầu Chúa cho ta cảm nhận được các tư tưởng mà thánh sử Mát-thêu viết ra, hôm nay.
Trong tâm-tình nguyện-cầu như thế, ta lại sẽ ngâm thêm lời thơ còn dang-dở, những hát rằng:

“Tôi với hồn hoa vẫn nín thinh,”
Ngấm ngầm trao đổi những ân tình.
Để thêm ấm áp nguồn tơ tưởng,
Để bóng trời khuya bớt giật mình.”
(Hàn Mặc Tử - Huyền Ảo)

Nói cho cùng, việc Chúa làm cho mọi người thường vẫn là những sự việc lạ lùng, ấm áp, đầy ân-tình. Ân-tình và huyền-ảo, vẫn luôn là động-thái Chúa gửi đến để rồi con dân Ngài sẽ mãi mãi trân-trọng, suốt đời mình.

Lm Richard Leonard, sj
Mai Tá lược dịch.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Phụ nữ bị án chết treo ở Sudan đã đến Ý, gặp riêng với Đức Giáo Hoàng
Trần Mạnh Trác
15:17 24/07/2014


Theo các nguồn tin AP, ABC và RomeReports thì người phụ nữ Sudan bị kết án tử hình vì kết hôn với một Kitô hữu và không chịu cải đạo qua Hồi Giáo đã đặt chân an toàn lên đất Ý ngày hôm nay (24-7-2014) và được gặp riêng với Đức Thánh Cha Phanxicô.

Bà Meriam Ibrahim, 27 tuổi, hành nghề bác sĩ và có cửa hàng buôn bán ở Sudan, vào ngày 15-5-2014 đã bị kết án đánh 100 roi vì đã kết hôn với một Kitô hữu (là việc bất hợp pháp, và như thế là phạm tội ngoại tình) và bị kết án treo cổ vì đã bỏ đạo Hồi cuả người cha.

Bà Ibrahim lúc đó đang mang thai 8 tháng, đã bị xiềng xích xuốt thời gian giam cầm và đã sinh một đứa con gái vào ngày 27-5-2014 trong khi tay chân vẫn bị xiềng vào tường.

Đứa con trai lớn Martin Wani, 20 tháng (1 tuổi rưỡi,) cũng bị coi là con rơi, và bị giam giữ không được gặp cha đẻ.

Toà án Sudan đã không coi xét việc bà Ibrahim bị người cha bỏ rơi từ khi mới sinh ra, và trong 4 bậc ông bà thì 3 người đã là Kitô hữu, được giáo dục và rửa tội theo Chính Thống Giáo cuả mẹ, chưa bao giờ biết và thực hành đạo Hồi.



Bà lập gia đình vào năm 2011 với một người Mỹ gốc Nam Sudan là ông Daniel Wani đang sống và làm việc ở New Hampshire. Bà theo chồng chuyển qua Công Giáo từ đó.

Theo luật cuả Hồi Giáo thì vì cha cuả bà theo Hồi Giáo, bà đương nhiên có đạo Hồi. Những người Hồi bỏ đạo phải bị tử hình. Hơn nữa, vì phụ nữ Hồi không được kết hôn với người khác đạo (Nam giới có thể kết hôn với người ngoại đạo), cho nên hôn phối cuả bà với ông Wani vô giá trị, và do thế bà đã phạm tôi ngoại tình phải bị đánh 100 roi.

Một cách thức để bà được tha tội là cải đạo sang Hồi giáo, nhưng bà Ibrahim cương quyết không làm chuyện đó, dù chỉ là một cách gian giối tạm thời.







Bản án khắc nghiệt gây phẫn nộ trên toàn thế giới. Giới ngoại giao gọi đó là 'man rợ'. Chính quyền Sudan đã phải chữa mặt bằng cách dùng Toà Phúc Thẩm tuyên bố bản án cuả bà sai lầm.

Ngày 24-6-2014 bà Meriam Ibrahim được thả. Ngày hôm sau bà và chồng sửa sọan lên phi cơ về Mỹ thì cả gia đình lại bị tạm giữ ở phi trường Khartoum để điều tra vì người em trai khác mẹ cuả bà, Al Samani Al Hadi Mohamed Abdullah, tố cáo là bà có gian lận Visa. Chính người em trai mà bà chưa gặp mặt này là nguyên đơn tố cáo bà trong vụ án tử hình vì anh ta có ý đồ đoạt lấy gia sản của bà.

Ngày 26-6-2014 bà đã được thả ra, nhưng vì người em trai vẫn đe dọa có quyền giết bà theo luật Hồi Giáo cho nên cả gia đình đã được tị nạn tại toà đại sứ Mỹ.





Sau nhiều cuộc thương thảo ngầm với chính quyền Ý, sau cùng thì bà Meriam Ibrahim đã được chính ông phó Ngoại trưởng Lapo Pistelli đem ra khỏi Sudan trên một máy bay cuả chính phủ Ý.

Khi máy bay đáp xuống đất Ý an toàn, ông Lapo Pistelli đã nhắn tin trên twitter như sau: "Họ đã được sống vài phút ở Roma rồi, có Meriam, Maya, Martin và Daniel. Nhiệm vụ hoàn thành." (“With Meriam, Maya, Martin and Daniel, in a few minutes of Rome. Mission accomplished.”)

Associated Press cho biết Đức Giáo Hoàng Francis đã gặp riêng với Ibrahim ngay sau khi phi cơ cuả bà hạ cánh xuống Roma.





Vatican cũng cho biết Đức Giáo Hoàng đã "rất xúc động" khi gặp bà Ibrahim với chồng và hai đứa con nhỏ.

Phát ngôn viên Vatican là Cha Federico Lombardi cho biết trong cuộc gặp gỡ riêng tư dài nửa giờ, "Đức Thánh Cha đã cám ơn gia đình bà vì là những nhân chứng sống đức tin. Gia đình cũng cảm tạ Ngài đã lưu tâm đến họ, qua lời cầu nguyện và qua các hỗ trợ mà họ đã nhận được từ chính Đức Giáo Hoàng và từ Giáo Hội."

Qua cử chỉ ưu ái biểu lộ với gia đình bà Ibrahim, Cha Federico Lombardi nói tiếp "Đức Giáo Hoàng cho thấy Ngài gần gũi và lo lắng cho tất cả những nạn nhân đang bị cấm đoán và đàn áp vì đức tin ".
 
Tin thêm về ĐTC Phanxicô tiếp người phụ nữ Sudan bị tuyên án tử hình vì không chịu bỏ đạo
Nguyễn Long Thao
16:43 24/07/2014
Vatican 24/07/2014.- Các hãng thông tấn quốc tế như AFP, UPI và các tờ báo lớn trên thế giới như Guadian,Washington Post đều đưa tin Đức Thanh Cha Phanxicô đã tiếp đón người phụ nữ Sudan đã không chịu chối bỏ đức tin Công Giáo mặc dù bị toà án Sudan tuyên án tử hình bằng cách treo cổ..

Người phụ nữ đó là bà Meriam Ibrahim. Khi còn ở Sudan, bà đã bị bỏ tù, bị đe đọa giết chết nếu không từ bỏ đức tin Công Giáo. Bà cũng bị cáo buộc tội ngoại tình với hình phạt đánh 100 roi vì đã kết hôn với người theo Kitô giáo. Luật Hồi giáo ở Sudan cấm người Hồi giáo không được kết hôn với người tôn giáo khác.

Đức Thánh Cha tiếp bà Meriam Ibrahim và gia đình trong vòng 30 phút tại nhà khách Thánh Martha, sau khi gia đình đến Ý được vài giờ. Gia đình bà gồm chồng là ông Danien Wani, người Mỹ, và hai người con là Martin, một tuổi và Maya 2 tháng tuổi được sinh ra khi bà Meriam Ibrahim đang trong tù.

Cha Federico Lombardi cho biết Đức Thánh Cha đã tỏ ra hết sức thương cảm cho hoàn cảnh tù đầy của bà và đã ngỏ lời tri ân bà vì đã can đảm giữ vững đức tin.

Tưởng cũng nên nhắc lại: Vào tháng 5 năm, 2014, tòa án Sudan kết tội bà Meriam Ibrahim vì đã bỏ Hồi Giáo với lập luận rằng bà có gốc Hồi giáo vì có thân phụ là người Hồi giáo. Tuy nhiên, ông bố này đã bỏ mẹ con bà lúc bà Meriam được 6 tuổi và mẹ bà đã nuôi dưỡng bà trong đức tin Kitô giáo.

Khi toà án Sudan tuyên án tử hình cho bà Meriam Ibrahim thế giới và các tổ chức nhân quyền phản đối và gây áp lực nên tòa án tại Sudan đã thu hồi án tử hình. Ngày 23 thántg 6 bà Meriam Ibrahim cùng chồng và gia đình ra phi trường Kharthoum rời khỏi Sudan. Nhưng tại đây bà lại bị nhà cầm quyền Sudan bắt lại với tội danh giả mạo giấy tờ. Sau hai ngày bị giam giữ , tôi danh của bà cũng được tha và gia đình bà đã về trú ngụ tại tòa đại sứ Ý ở thủ đô Khartoum từ ngày 26 tháng 6 cho đến khi rời khỏi Sudan vào ngày 23 tháng 7.

Theo báo Corriere della Sera phát hành ở Ý thì trên chuyến bay từ Khartoum về Rome, gia đình bà Meriam đã được ông Lapo Pistelli,Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao Ý đi cùng vì ông này đặc trách hồ sơ bà Meriam. Ngoài ra, khi đến phi trường Roma, Thủ Tướng Ý là ông Matteo Renzi đã đón gia đình bà Meriam Ibrahim và gọi đây là ngày mừng rỡ.

Theo tin, gia đình bà Meriam Ibrahim sẽ ở lại Ý vài ngày trước khi lên đường về New York.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Thiếu tá Hồ chí Minh. ?
Bảo Giang
09:24 24/07/2014
Thiếu tá Hồ chí Minh.

nguồn hình ( thiếu tá Hồ chí Minh trong “ Trung quốc công bố thiếu tá Hồ Quang…”)

Theo ghi chú của tấm hình, tôi đặt tựa cho bài biết này.

Trong mấy chục năm qua, không riêng gì ở Việt Nam, mà còn ở các nước từ Âu sang Á, người ta đã tốn không biết bao nhiêu giấy bút, thời giờ để nói, để viết về Hồ chí Minh mà vẫn chưa tìm ra nguồn gốc đích thực của nhân vật này. Chỉ biết, truớc 1945, HCM là một cái tên qúa xa lạ với cộng đồng Việt Nam, thế giới. Nhưng ngay sau ngày cộng sản cướp chính quyền tại Hà Nội. Rõ hơn là sau ngày chia đôi đất nước 20-7-1954, Cái tên ấy đã nổi lên và trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng với tất cả mọi người. Nó ám ảnh con người khi thức cũng như trong lúc ngủ. Lúc ở ngoài cũng như khi vào tù. Nó như chuyện bị ma ám qủy nhập, chả có lúc nào rời bỏ con người. Dù tệ hại như vậy, câu chuyện về HCM vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại. Bởi vì:

Người thì viết ca tụng Y như thần như thánh, như tiên ông. Kẻ lại gọi, đánh bóng ông ta là “chủ tịch vô vàn kính yêu”, “người thầy vĩ đại của đảng” hoặc là “ bác sống mãi trong đáy quần chúng”! Thôi thì đủ kiểu đủ cách để cho họ thổi bóng bóng cho Y. Nghe nói, chỉ tính riêng việc thổi bong bóng này cũng để lại một chuyện cười ra nước mắt. Một hôm, ngay tại thành Hà Nội vào những năm cực thịnh, khi Hồ chí Minh còn sống. Trên đường phố Hà Nội xuất hiện khá nhiều hình ảnh của ông Tiên, ông Sư, ông Cha và bác Hồ ghép chung lại với nhau bằng một tấm giấy quảng cáo khổ lớn. Nhìn tấm hình treo đầu đường, trên phố, cán bộ nhớn nhỏ phấn khởi, chuyền tai bảo nhau: Không ngờ nhân dân ta qúy “ bác “ đến thế! Mãi đến khi anh phu xe đứng nhìn tờ quảng cáo, chẳng biết phe nào sáng tạo, rồi phì cười. Khi ấy các cơ quan từ trung ương đến phường khóm mới vỡ lẽ ra câu chuyện, vội vã cho người đi thu hồi, tháo tấm quảng cáo “ tiên sư cha bác Hô” xuống, lẳng lặng liệng vào cống, làm cho người Hà Nội một phen cười đến đau bụng.

Cùng với câu chuyện ấy là không biết bao nhiêu triệu triệu người lên án, nguyền rủa Y như một đồ tể của nhân loại. Là kẻ vô đạo, kẻ bán nước hại dân. Xem ra trong cuộc chiến tuyên truyền này, phía nào cũng lo bảo vệ cái lý của mình. Tuy nhiên, có một cái lý lẽ mà không bên nào có thể chối bỏ được là: Hồ chí Minh đứng hàng thứ bảy trong danh sách những kẻ bạo tàn, vô đạo nhất trên thế giới. Y chỉ đứng sau Mao trạch Đông, Lenin, Staline, Hitler. Ponpot! Trong quyển “Death by Government” (Chết do chánh phủ), tác giả Rudolph J. Rummel, giáo sư khoa chính trị học đại học Yale, thì số nạn nhân của những người này được ghi nhận như sau:

(1) Mao’s Regime 76,702,000 ( 1958-1962 là 35,236, 000; PRC từ 1928- 1987 là 76,702,000 người).

(2) Lenine, Staline (Liên Xô) 61,911.000 người.

(3) The Nazi Genocide State ( Hitler 20, 946, 000 ng ư ơ ời i.

(4) Quân phiệt Nhật 5,964.000 người.

(5) Khmer đỏ 2,035.000 người. ( ponpot)

(6) Thổ Nhĩ Kỳ 1,883.000 người.

(7) Hồ chí Minh, Cộng sản Việt Nam 1.670.000 người.

(8) Cộng sản Ba Lan 1.585.000 người.

(9) Cộng sản Nam Tư 1.072.000 người.

Sự việc là thế, nhưng vẫn có người ra điên thành dại ca tụng, đánh bóng ông ta như là “ cha già của dân tộc”. thay vì lên án Y là kẻ diệt chủng tộc Việt. Rồi lại có nhiều kẻ u mê, mất trí ra công ra sức đánh bóng sự gian dối vô đạo của Y bằng thứ ngôn ngữ buồn nôn, rồi tuyên truyền đầu độc giới trẻ “ học tập theo gương đạo đức của bác Hồ”, mà không hề biết bản thân Y là một kẻ vô đạo, bất nhân, bất hiếu, bất nghĩa. Đã thế, còn bầy đoàn xây đài, đúc tượng cho y. Tìm đủ mọi phương cách để chèn ép, bức hại các tôn giáo để đưa cái đầu lâu của y vào chủa, vào đền miếu ngang hàng với thần phật, mà không hề biết rằng bản thân y, một đảng viên đảng cộng sản thì cho đến chết vẫn là một kẻ tôn thờ chủ nghĩa tam vô. Vô thần phật, không cúng kiếng! Theo đó, việc đốt nhang đèn cho y, cho một đảng viên cộng sản, tưởng là chyện hay, chuyện tốt, giúp họ thoát chốn đoạ đày, trầm luân và sớm được quay về với thần thánh nơi miền cực lạc, hóa ra lại là một sự kiện ngược chiều vơi tâm tư người CS. Họ có tin vào thần linh đâu, hồn họ đã về với Mác Lê Mao, cần gì nhang khói? Trên phần mộ của họ nên để cái búa và cái liềm thay vì bát nhang!

Cứ thế, câu chuyện bên bênh, bên chống vẫn chưa ngừng lại. Tuy nhiên, tinh thần vô đạo, vô tôn giáo, và lối sống, lối đào tạo phi nhân bản của tập thể này sau hơn 70 hiện diện trên đất nước Việt Nam, đã đẩy xả hội Việt Nam đến bên bờ vực thẳm của sự hủy diệt. Ở đó, nền tảng luân lý đạo đức của xã hội, cũng như nền phong hóa và văn hóa nhân bản của Việt Nam bị CS tàn phá, bị chôn vùi theo đường dao mã tấu của cs, nên con người phải nói dối nhau mà sống. Sống bằng cuộc tranh dành, cướp đoạt, chụp dựt và ích kỷ. Ở đó, xem ra con người không còn đối xử với nhau theo tính nhân văn của con người, Trái lại, chỉ còn lại sự dối trá, dối trá và dối trá..

Người ta tự hỏi, liệu những thành phần lãnh đạo cộng sản hiện nay có biết đến chuyện xã hội nhân bản Việt Nam bị CS làm cho băng hoại như hôm nay không? Tôi cho rằng, họ biết và biết rất rõ, Nhưng bản chất của họ đã được đào tạo trong cuộc sống là gian dối, là cướp đoạt, là tranh dành là ích kỷ. Họ chỉ biết cho cá nhân của họ bằng việc bảo vệ cái đảng mà không bao giờ nghĩ đến tương lai của cả một dân tộc. Đó chính là căn nguyên của mối họa mà CS di họa cho mọi người, không trừ ai. Và nhờ căn nguyên gây họa này mà HCM trở thành một trong số rất ít người có mặt trên thế giới nhận được những lời ca tụng bóng bẩy, hào nhoáng nhất. Nhưng cũng đồng thời là kẻ phải nhận lấy những lời nguyền rủa cay độc, tồi tệ nhất! Một người như thế, chắc là có nhiều điểm đặc biệt, nôi bật? Đúng thế, Y nổi bật ở trong nhiều cách, nhiều kiểu, nhiều vị thế khác nhau. Tuy thế, chưa có mấy người biết đến tên tuổi của thiếu tá Hồ chí Minh trong quân đội giải phóng nhân dân Trung quốc ra sao!

Thiếu tá Hồ chí Minh tên thật là Huguang ( Hồ Quang) là đảng viên đảng cộng sản Trung cộng, tùng sự tại Bát lộ quân của tướng Chu Đức vào cuối năm 1939. Theo hồ sơ quân bạ được Trung cộng lưu trữ, thiếu tá Hồ chí Minh có phần sơ yếu lý lịch như sau “ Sơ yếu lý lịch của Hồ Quang ( tức Hồ chí Minh) tại Lớp huấn luyện Nam Nhạc /thuộc tỉnh Hồ Nam. Năm 1939. Hồ Quang 38 tuổi- Phụ trách điện đài - Quảng Đông - Thiếu tá - tốt nghiệp Đại học Lĩnh Nam – Giáo viên trường Trung học. Biết ngoại ngữ, quốc ngữ. (ảnh 1, ảnh 2) Nguồn: Lưu trữ Trung Quốc”. 胡光(即胡志明主席)1939年在湖南省南岳培训班的简历。 胡光—电台员---38岁----广东----少校 ----毕业于岭南大学------中学教师。会外语和国语. Với bản lý lịch này, thiếu tá Hồ chí Minh (Huguang) là người mang quốc tịch nào?

1. Nhìn từ phía ngưòi Trung hoa.

Một bản sơ yếu lý lịch đầy đủ thường ghi rõ ngày tháng năm sinh và sinh quán. Tuy nhiên, bản sơ yếu lý lịch của Thiếu tá Hồ chí Minh không có ngày tháng năm sinh và sinh quán. Nó đơn giản hơn. Việc đơn giản này cũng có thể hiểu vì đây có thể là một lờp huấn luyên chuyên môn, nội bộ, ngắn hạn, do các cơ quan gởi người đến, nên nó không dặt nặng về những hình thức thường thấy. Tuy nhiên, bản lý lịch vẫn có đầy đủ những chứng liệu cần thiết cho biết. Học viên Hồ chí Minh năm 1939, 38 tuổi, tốt nghiệp tại Đại học Lĩnh Nam, và đã từng là giáo viên trung học. Hiện mang quân hàm thiếu tá trong quân đội giải phóng nhân dân Trung quôc. Đọc bản lý lịch này thì triệu người Trung Hoa như một đều quả quyết thiếu tá Huguang, sau đổi là Hồ chí Minh là người bản xứ. Ông ta không có một cơ sờ nào để chứng minh là ngưòi ngoại quốc, làm cố vấn cho quân đội của Trung cộng.!

Về phía nhà nươc Trung cộng. Khi họ công khai hóa hồ sơ lý lích này cũng có ít nhất hai lý do. Thứ nhất, nhác nhở cho Hồ chí Minh biết y là con dân của Trung quốc, được đào tạo và đưa sang Việt Nam để hoạt động, dầu như có là chủ tịch của nước Việt Nam thì Y cũng phải biết nguồn gốc của mình ở đâu để thi hành công tác mở đường cho Trung cộng tràn về phương nam. Thứ hai, có ý ngầm báo cho người Việt Nam biết rằng, Hồ chí Minh là ngưòi Trung quốc, Y được đào tạo chính quy từ đại Học Lình Nam đến các khóa chuyên môn tại Nam Nhạc. Đồng thời cũng được đào tạo từ quân đội nhân dân Trung cộng để lãnh đạo cuộc cách mạng vô sản ở Đông Dương và Việt Nam theo chỉ thị của Trung cộng. Đây cũng là đòn đe loi sự phản bội của Hồ chí Minh với mẫu quốc?

2. Từ phía Việt Nam.

Dầu rất muốn, thật cũng khó tìm được đầy đủ những chứng liệu để chứng minh thiếu ta Hồ chí Minh, tên thật là Huguang năm 1939, 38 tuổi, một ngưòi đã tốt nghiệp tại Đại Học Lình Nam, giáo viên một trường Trung Học tại địa phưong, hiện mang quân hàm thiếu tá, phụ trách ngành diện đài trong quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc là người Việt Nam, nói rõ hơn là Nguyễn ái Quốc.. Khó chứng minh là bởi vì:

a. Lý lịch của Nguyễn Sinh Cung

Nguyễn sinh Cung sinh năm 1891, tại Kim Liên Nam Đàn. Khi đang học lớp sáu tại trường quóc học Huế thì bị đuổi ra khỏi trường. Khi đến Pháp, NTT có làm đơn xin vào học trường thuộc địa nhưng bị từ chối. Từ đó cho đến mãi về sau này 1933, không có bất cứ một tài liệu nào cho thấy y trở lại trường học để hoàn tất bậc Trung Học để có thể được ghi tên vào một trường đại học. Hon thế, cho đến năm 1933, ngoài hai năm có địa chỉ chính thức là nhà tù tại Hồng Kông, HCM rày đây mai đó, không có một địa sở nhất định. Cũng chẳng có bất cứ một tài liệu nào cho thấy là Y đã dừng chân và gia nhập học tại Đại Học Lĩnh Nam dù chỉ là một vài ngày.

Ngoài ra, Nguyễn sinh Cung có những trở ngại không thể chứng minh như sau: Nguyễn ái Quốc bị bắt năm 1931- 1933. Sau khi đưọc trả tự do, theo tin của sở mật thám Pháp, NAQ đã chết vì bệnh Lao trên đường đến Liên Sô. Cái chết này đã được tổ chức truy điệu ở trường Đông Dương tại Liên Sô và có một số học viên Việt Nam đến tham dự. Rồi từ năm 1933- đến 1939 không ai có thể tìm ra được tông tích có thể chứng minh là của Nguyễn ái quốc. Tuy có những tên và người được cho là, hay gán ghép cho là Nguyễn ái Quốc thì đều không khả tín. Thí dụ như người mang tên P.Lin đứng ra tổ chức lễ thành hôn cho Lê thị Minh Khai và Lê Hồng Phong tại Mascơva được cho là Nguyễn ái Quốc thì hoàn toàn là sai. Bởi lẽ, Lê thị Minh Khai và Nguyễn ái Quốc, trước đó vài năm từng chung sống với nhau như vợ chồng ở Hồng Kông. Và ngay trong tờ lý lịch của Nguyễn thị Minh Khai khi đến Liên Sô cũng dã khai là có chồng tên là P.Lin. Theo đó, làm sao Nguyễn ái Quốc lại có thể đứng ra làm chủ hôn cho NTM Khai lấy Lê hồng Phong vào năm 1934 tại Liên sô? !

Đó cũng chính là lý do mà bà Sophie Quinn Judge, một học giả Anh quốc cũng là một chuyên gia nghiên cứu về HCM. Bà được qũy Mike và Viên Nghiên cứu Trung Ương Đại Học London tài trợ để làm việc. Bà Sophie đi khắp các nước Đông Nam Á, Việt Nam, sang Trung quốc và Liên Sô, tìm những chứng cứ để đúc kết thành tác phẩm: Ho chi Minh The Missing Years. Tạm dịch, Những năm tháng mất tung tích của Hồ chí Minh. Ở ngay trong phần giới thiệu nơi trang 6 bà viết:” Hồ chí Minh luôn tìm mọi cách để giấu đi qúa khứ của mình. Nhiều năm qua, những thứ mà ông ta cung cấp toàn là những loại phịa, không khả tin, chúng thường mâu thuẫn với nhau, không mấy liên quan đến đời thực. Đầu tiên là tập tự truyện xuất bản vào năm1949 tại Trung Quốc năm 1950 được xuất bản bằng tiếng Pháp tại Paris rồi mấy năm sau xuất bản tại Việt Nam với nhan đề” những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch”. Nhìn chung chỉ là những chuyện tự vẽ ra mà thôi. Nó không có sự kiện nào đúng với thực tế.

b. Phấn cá nhân, Thiếu tá Hồ chí Minh ( Huguang) tự cho biết ông ta là ai?

Trong bài “Đồng chí Nguyễn ái Quốc và tôi”, tôi đã viết: Vào tháng giêng năm 1949, tạp chí "Sinh hoạt nội bộ" kỳ thứ 13 của Việt Nam có đăng tải một bài viết nhan đề "Đảng ta" do Hồ Chí Minh (Huguang) viết dưới bút danh Trần Thắng Lợi. Nhà xuất bản Chính trị Quôc gia đã đưa "Đảng ta" vào Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, trang 547. Bài viết này cũng được TG Hồ tuấn Hùng ghi lại trong Bình Sinh Khảo, thiên II, nhan đề “ ve sầu thoát xác, thật giả kiếp ngưòi”. Hồ chí Minh viết như sau:

" Năm 1929 (chính xác là ngày 19 tháng giêng năm 1929), trong khi đồng chí Nguyễn ái Quốc đi vắng, Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội khai toàn quốc Đại hội ở Hương Cảng. Đại biểu Bắc Kỳ đề nghị tổ chức đảng cộng sản, bị gạt đi, liền bỏ hội nghị ra về….

Cuối năm 1929, đồng chí Nguyễn ái Quốc trở lại Tàu (chính xác là ngày 20 tháng giêng năm 1930), cùng với đại biểu các nhóm khai hội ở Hương Cảng.

Trong 7, 8 đại biểu, ngoài đồng chí Nguyễn ái Quốc và tôi, nay chỉ còn đồng chí Hồ Tùng Mậu và đồng chí Trịnh Đình Cửu, đồng chí Tản Anh và vài đồng chí nữa đều oanh liệt hy sinh cho Đảng và cho dân tộc lâu trước ngày Cách mạng Tháng Tám.

Sau cuộc bàn bạc sôi nổi, và sau lời giải thích rõ ràng của đồng chí Nguyễn ái Quốc, mọi người đều tán thành thống nhất cả ba nhóm thành một đảng. Thế là Đảng ta chân chính thành lập...".( Trần thắng Lợi, tức Hồ chí Minh))

Với sự các nhận này, Thiếu tá Hồ chí Minh (Huguang) và Nguyễn ái Quốc không thể là một người, nhưng là hai người hoàn toàn khác nhau. Họ cũng có lý lịch khác nhau. Xin nhớ, đây không phải là một bài báo thường. Trái lại, bài viết mang tính cách lịch sử của đảng cộng sản Việt Nam. Bởi vì, nó được chính một trong bày ủy viên dự hội nghị còn sống, lại đang giữ vai trò lớn nhất trong đảng, viết lại sự việc thành lập đảng của mình. Theo đó, một câu, một chữ trong bài viết ấy là lịch sử đảng. Tưởng cũng cần nhắc lại là truy theo nguồn tài liệu chính thức của nhà nước Viêt cộng còn lưu giữ. Bảy ủy viên đứng ra thành lập dảng cộng sản vào ngày 3-2-1930 tại Hồng Kông là: Hồ tập Chương (đại diện CSQT) Hồ tùng Mậu, Trịnh đình Cửu, Lê tản Anh, Trần văn Cung, Lê Hồng Sơn và Nguyễn ái Quốc*

Đặc biệt, nhân cuộc tổng đình công tại Hà Nội đưa đến việc sụp đổ chính quyền của Việt Nam lúc bấy giờ, Việt Minh đã cướp lấy chính quyền vào ngày 2-9-1945, nhưng người ta không hề bết Hồ chí Minh là ai. Sau đó, có tin đồn lan ra bên ngoài HCM là Nguyễn ái Quốc. Tuy nhiên chính ông ta đã nhiều lần phủ nhận điều này. Theo ông Hoàng Văn Chí ghi trong "Từ thực dân đến cộng sản - Một kinh nghiệm lịch sử của Việt Nam", thì ông Hồ nhiều lần đã nói ông không phải là Nguyễn Ái Quốc! Rồi về phía người ngoại quốc cũng thế. “Ngay cả khi tướng Salan, đại diện Pháp dự cuộc đàm phán năm 1946, hỏi thẳng vào mặt ông Hồ, Y vẫn một mực chối cãi. Ông không phải là Nguyễn ái Quốc”.

Lại nữa, theo ông Phạm quế Dương trong bài, “ HCM là thiếu tá Hồ Quang” có đoạn: “Ghi chú gia phả và sự nghiệp của Hồ Tập Chương trong hồ sơ HTC 4567 lưu trữ tại Quân Ủy Trung Ưong ( CPC) và tình báo Hoa Nam như sau: Đương sự được đảng cộng sản Trung cộng huấn luyện hơn một thập niên tại học viện Hoàng Phố, Vân Nam…Kết quả, Trung cộng dốc hết nhân lực, tài khi, tài vật lập ra một thế lực mới tại Việt Nam và tình báo Hoa Nam thổi lên một Hồ chí Minh làm chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng Hoà”. Điều này đúng hay sai thì chưa ai dám quả qiuyết, nhưng nó cho thêm một bằng chứng nữa là Thiếu tá Huguang sau đổi là Hồ chí Minh là một người Trung Hoa.

c. Sự nghiệp Hán hóa Việt Nam của thiếu tá Hồ chí Minh.

Tóm tắt. Thiếu tá Huguang năm 1939, 38 tuổi, ( sinh năm1901) sau đổi ra là Hồ chí Minh. Theo tài liệu, ông ta ta đến công tác tại văn phòng bát lộ quân ở Quế Lâm sau đó là Qúy Dương, Côn Minh rồi đến Diên An, căn cứ đầu não của cộng sản Trung Quốc và và Hồng vệ binh của Trung quôc. Thiếu tá Huguang bước vào ( trở về) địa giới Việt Nam lần đầu tiên vào ngày 28 tháng 01năm 1941. Đến tháng 8-1942 ông ta trở lại Trung quốc với cái tên mới là Hồ chí Minh và bị bắt vì giấy tờ đã hết hạn. Đến tháng 9-1944 HCM trở lại Việt Nam và cuối năm 1944 trở lại Côn Minh hoạt động cho tới đầu năm 1945( Wikipedia). Nhân cuộc tổng đình công tại Hà Nội đưa đến việc sụp đổ chính quyền của Việt Nam lúc bấy giờ, Việt Minh đã cướp lấy chính quyền vào ngày 2-9-1945. Tuy nhiên, cho đến lúc này, người ta không hề biết tung tích Hồ chí Minh là ai.

Việc này được kể lại trong” Truyện Hồ chí Minh” của William j. Duiker, trang 449, ( cũng được trích lại trong bình sinh khảo) như sau:”"Vào năm 1946, khi triệu tập Hội nghị Quốc dân đại hội, Bộ trưởng Lao động Nguyễn Văn Thái có đề nghị vinh danh Hồ Chí Minh là "công dân số một" của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Bởi lẽ, lúc ấy thân phận Hồ Chí Minh chưa được xác nhận là Nguyễn Ái Quốc( nhiều người cho rằng). Hồ Chí Minh chính là Hoa kiều tại Việt Nam, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, là phái viên "Quốc tế cộng sản" được cử đến Việt Nam với nhiệm vụ thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.". Như thế họ chấp nhận vai trò lịch sử của HCM là người của quốc tế cộng sản hơn là người Việt nam!

Tuy nhiên, đến năm 1949, tin tức Hồ chí Minh là Nguyễn Sinh Cung dần dần xuất hiện mạnh mẽ hơn. Nó mạnh mẽ mang tính chiếm đoạt hơn là vì cuốn “những mẫu chuyện về đời hoạt động của bác” do Trần dân Tiên viết đã được xuất bản bên Trung quốc. Và vì những người thân huyết thống, và liên hệ gần gũi trong sinh hoạt với Nguyễn ái Quốc từ trước 1932 đã không còn:

- Bà Nguyễn thị Thanh, chị ruột, chưa từng gặp lại Hồ chí Minh từ khi Y vào Huế, rồi bị đuổi khỏi trường quốc học. Bà chết năm 1946.

- Ông Nguyễn sinh Khiêm, anh ruột, nghe nói được Hồ chí Minh tiếp riêng khoảng 5 phút trong một căn nhà không đủ ánh sáng ở Hà Nội và chết năm 1951.

- Cụ Phan chu Trinh, người đỡ đầu cho Nguyễn tất Thành ở Paris qua đời năm 1926.

- Luật sư Phan văn Trường, mất 1933.

- Nguyễn tất Thành, mất 1933?

- Nguyễn an Ninh người anh em kết nghĩa với Nguyễn tất Thành ở Paris, mất 1943.

- Riêng ông Nguyễn thế Truyền, một trong ngũ long tạo ra cái tên chung là Nguyễn ái Quốc để viét báo ở Paris, đã về sống ở Hà nội trước 1945. Ông đã di cư vào miền nam và chưa hề gặp mặt HCM lần nào. đã chết vào 1969.

Đến năm 1951, khi đã vững chân với tên gọi mới, Thiếu tá Hồ chí Minh bắt đầu thực hiện sách lược Hán hóa Việt Nam theo đưòng lôi của Trung quốc. Việc trước tiên là lệnh cho Trường Chinh viết lời kêu gọi “ Việt Minh vận động cho Việt Nam xin làm chư hầu cho Trung quốc”. Đến năm 1958, chỉ đạo cho Phạm văn Đồng viét công hàm công nhận chủ quyền 12 hải lý thuộc Trung cộng trong vùng đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam. Từ đó mở ra cửa ngõ để những kẻ kế tiếp ký hiệp thương và hiệp định biên giới năm 1999 và năm 2000. Kết quả những phần đất của Bản Giốc, Nam Quan, Lão Sơn, bãi biển Tục Lảm và 3/4 vịnh bắc bộ là máu xương của Việt Nam biến thành đất của Trung cộng. Cũng từ đó, nhà nưóc cộng sản tại Việt Nam đã tạo ra cảnh không có biên giới trên biển đông để tàu bè của Trung cộng, cũng như giàn khoan của họ tự do ra vào đánh bắt cá, thăm dò dầu khi trong thềm lục dịa Việt Nam. Trên đất liền cũng có chung một chủ trương. Biên giới mở cửa, quân, cán và dân Trung cộng tha hồ ra vào tự đo. Họ vào định cư và làm việc nhiều đến nỗi chính nhà nước này cũng không còn kiểm soát đươc con số là bao nhiêu.

Trước cảnh bị mất đất, mất biển của cha ông để lại, người dân không được quyền lên tiếng. Nếu có phản đối thì đều bị bắt bớ, bị đánh đập dã man hay bị tù đày. Phần nhà nước, đã có sẵn kế hoạch trước những phản ứng của người dân. Họ liên kết với đối tác Trung cộng, vẽ ra những kế hoạch mới như: Tổ Hợp Khai Thác dầu khí Việt Trung, để cho Trung cộng tự do đưa các dàn khoan ra vào trên biển đông mà người dân không thể thắc mắc thêm. Trên đất liền thì cho Trung cộng thắng đấu thầu xây dựng toàn bộ các cơ sở hạ tầng, đến khu kỹ nghệ, khai thác rừng đầu nguồn, hầm mỏ … tất cả đều hợp lệ. Từ đó, Trung cộng tự do đưa dân quân cán ra vào và từ từ chiếm trọn lấy giang sơn Việt Nam theo kế hoạch Hán hóa dân nam do thiếu tá Hồ chí Minh đã thực hiện từ năm 1939.

Thế là ta mất nước. Người Việt Nam thành dân mất nước ngay trên quê hương minh. Nhìn lại, có lẽ không còn một nỗi đau đớn nào dành cho chúng ta hơn nỗi đau này. Chúng ta đã mất quê hương, đã mất tổ quốc qua từng ngày từ hơn 80 năm qua mà không hay biết. Bởi vì Hồ chí Minh, người được cộng sản ca tụng là lãnh tụ vĩ đại, là người sáng lập đảng CSVN, là chủ tịch đảng, là chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Thậm chí, còn nghêu ngao là “cha già dân tộc”, thực ra chỉ là một đảng viên đảng cộng sản Trung quốc. Là thiếu tá trong quân đội nhân dân Trung quốc. Y được chọn, được đào tạo để xâm nhập vào hàng ngũ CSVN bằng kế sách “ ve sầu lột xác” sau khi Nguyễn tất Thành cũng gọi là Nguyễn ái Quốc chết vào năm 1933.

Ở đây, có cái rủi của thời khắc lịch sử là khi y được xếp đặt, chính thức chiếm đoạt cái tên Nguyễn ái Quốc thì tất cả những người có liên hệ huyết thống hay có sinh hoạt gần gũi với Nguyễn tất thành trước năm 1932 đều đã không còn ( ngoại trừ Hồ tùng Mậu đang ở trung tù và Trịnh đình Cửu mất tích). Nên chẳng có một ai đủ vị thế để lột mặt xác ve ra trước công luận.

Đã có thời khắc rủi ro như thế, những kẻ theo cộng sản vào đầu thập niên 40 như Phạm văn Đồng, Lê Duẫn, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn duy Trinh, Hoàng văn Hoan… có thể không biết chuyện của xác ve do Trung quốc đạo diễn, chỉ thấy Y được Trung cộng dồn hết tài lực vật lực vào hỗ trợ. Lại thấy những đảng viên tên tuổi khác như Hà huy Tập, Trần Phú, Lê hồng Phong… đã chết, nên đã chấp nhận Hồ chí Minh như là một cúu cánh của thời cuộc. Bởi lẽ từ chốn rừng hoang thâm u, nếu không có cơm gạo, lương thực, súng đạn, tiền bạc, nhân sự của Trung cộng gởi sang chi viện, CS lấy gì mà sống, nói chi đến việc tổ chức chiến đấu với Pháp. Nên những thành phần này chẳng còn một lối đi nào khác ngoài việc phải ủng hộ và chấp nhận sự sai khiến của Hồ chí Minh, mà quên hẳn đi cái họa tàu xâm lược nước ta từ hàng nghìn năm trước.

Kết quả, cái lầm lẫn không biết từ buổi ban đầu trở thành cái ngoan cố bệnh hoạn về sau. Nghĩa là, lúc về chiều có lẽ thành phần chóp bu này đã biết được toàn bộ sự thật về câu chuyện ve sầu thoát xác. Nhưng không thể, hay không đủ can đảm mở ra. Hoạc gỉa, cái rễ lệ thuộc của họ bám vào Tàu qúa sâu đậm, nên không thể quay lại được nữa. Họ đành nhắm mắt, ngậm miệng cho qua đời mình rồi nghiệp chướng, nếu có, dành đổ lên đầu những người đi sau. Nói cách khác, họ có thể chết, đảng cộng sản có thể bị tiêu diệt, nhưng sự thật về Hồ chí Minh dầu như có đầy đủ bằng chứng “ve lột xác”, tập đoàn CS cũng không bao giờ dám lên tiếng. Chính cái sự ngoan cố đến bệnh hoạn của tập đoàn lãnh đạo CS này đã là nguyên nhân gây ra cái họa trăm năm cho dân tộc và cho đất nước ta.

Ta phải làm gì đây?

Câu hỏi này buộc vào chúng ta. Theo đó, những người Việt Nam còn có chút lòng với quê hương và với dân tộc Việt Nam, không thể ngồi yên mãi. Trái lại, phải trả lời. Phải cùng nhau đứng dậy. Phải ra khỏi nhà. Phải làm một công việc nhỏ bé nhất, cùng nói với nhau về trường hợp ve sầu thoát xác của Hồ chí Minh. Dĩ nhiên, với sức truyên truyền như thác dội của CS, người dân lúc đầu không để ý, cũng không tin. Nhưng chúng ta vẫn cương quyết làm công việc vạch mặt chỉ tên Hồ chí Minh là đảng viên đảng cộng sản Trung cộng, là thiếu tá trong quân đội nhân dân Trung quốc xâm lược. Y không phải là Nguyễn tất Thành nhưng giả danh nghĩa của Nguyễn Ái Quốc trong mưu đồ Hán hoá Việt Nam. Câu chuyện càng có nhiều ngưòi nói, càng có cơ lan truyền rộng rãi. Khi cả nước đều ồn ào thắc mắc, hoặc giả, khi có 60, 70% dân chúng, cán bộ cùng đặt vấn đề giải mã sự thật về Hồ chí Minh thì đó cũng chính là lúc, ngưòi dân tự đứng lên giải thể chế độ cộng sản. Và Việt Nam sẽ bước vào kỷ nguyên khôi phục lại toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền. Trái lại, nếu chúng ta cứ ngồi yên như thóc ngâm, đảng CSVN không bị giải thể, chuyện con cháu chúng ta phải học tiếng Tàu ngay trên đất mước mình để tìm sống không phải là chuyện xa vời.

Bảo Giang

60 năm ngày 20-7.
 
Từ Genève 1954 đến giàn khoan HD-981
Phạm Trần
14:49 24/07/2014
TỪ GENEVE 1954 ĐẾN GIÀN KHOAN HD-981

60 năm sau ngày Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa (CSVN) đồng ý chia đôi Việt Nam tại Hội nghị Geneve 1954 theo kế họach của Liên bang Xô Viết và Trung Cộng để tiếp tục cuộc chiến 20 năm nồi da xáo thịt Bắc-Nam đang chứng minh là một thảm kịch lịch sử của nhân dân Việt Nam.

Bằng chứng này đã phản ảnh nhan nhản trong các bài viết về kỷ niệm Hội nghị Geneve 1954 (20/7/1954 – 20/07/2014) của phía Nhà nước Cộng sản Việt Nam (CSVN).

Trong văn kiện Đảng CSVN toàn tập của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia năm 2001 thì miền Bắc thời Hồ Chí Minh đã có chủ trương đánh phá miền Nam (VNCH) ngay sau khi ký khi Hiệp định 1954. Tài liệu viết: “Với thắng lợi này, cách mạng Việt Nam cũng như sự phát triển của dân tộc Việt Nam đã bước sang một thời kỳ mới - thời kỳ ra sức phấn đấu để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân chủ trong toàn quốc”

Ông Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng CSVN cũng xác nhận việc miền Bắc bằng lòng chia cắt Việt Nam chỉ để chuẩn bị đánh chiếm VNCH sau này. Ông nói: “Mốc quan trọng nữa là miền Bắc nước ta từ Lạng Sơn đến vĩ tuyến 17 được giải phóng, có thời gian hòa bình nhất định để xây dựng đất nước, trở thành tiền tuyến lớn của cuộc đấu tranh không thể tránh khỏi sau này để chống Mỹ cứu nước. Nếu mà không có hậu phương miền Bắc thì cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam sẽ khó khăn hơn rất nhiều.” (Phỏng vấn của đài Tiếng nói Việt Nam (Voice of Viet Nam, VOV, 17/07/2014)

Nhà nghiên cứu lịch sử ngọai giao của CSVN, ông Nguyễn Khắc Huỳnh, cũng bảo : “Với hiệp định Giơ-ne-vơ, Pháp và các nước công nhận quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, chấm dứt chiến tranh, rút hết lực lượng quân sự Pháp. Việt Nam có miền bắc từ sông Bến Hải (Quảng Trị) trở ra để xây dựng và làm cơ sở đấu tranh giải phóng miền nam. Bản Hiệp định Giơ-ne-vơ là cơ sở pháp lý vững vàng để ta tiếp tục đấu tranh chống Mỹ sau này. Đó là thắng lợi của nhân dân ta qua chín năm chiến đấu hy sinh.”

(Báo Nhân Dân, 20/07/2014)

Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao ngay sau Hiệp định Geneve miền Bắc đã vội xin Liên Xô và Trung Cộng cung cấp vũ khí, đạn dược và lương thực để phát động cuộc chiến phá họai nếp sống hòa bình của nhân dân miền Nam (VNCH), nhưng cho ai và vì cái gì ?

Cả sông máu và núi xương của hàng triệu người dân hai miền Bắc-Nam đã bị hoang phí trong suốt 20 năm nội chiến chỉ cốt để thỏa mãn tham vọng được độc quyền cai trị đất nước của đảng Cộng sản.

Lịch sử cũng đã chứng minh sự cuồng tín vào chủ nghĩa Cộng sản sẽ bá chủ tòan cầu, đã sụp đổ ở nơi nó ra đời là nước Nga năm 1991 nhưng vẫn còn được coi là “kim chỉ nam cho đảng CSVN hoang tưởng để xây dựng đất nước”, đang bị phủ nhận mỗi ngày trong qủang đại quần chúng Việt Nam.

Cũng đã rõ như trắng với đen là kể từ ngày có Hiệp định Gevene 1954, chưa bao giờ miền Nam chủ trương đem quân ra “giải phóng nhân dân miền Bắc khỏi gông cùm Cộng sản”.

Ngược lại, đảng Lao động Việt Nam, khi ấy vừa mới hòan hồn sau cơn ác mộng Cải cách Ruộng đất và nhân dân miền Bắc mới được sống hòa bình sau 9 năm chinh chiến, đã “dựng đứng” lên chuyện phải “giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và bọn tay sai” để tiến hành chiến tranh, theo xúi bẩy của hai quan thầy Nga-Tầu.

NGHỊ QUYẾT DỐI TRÁ

Sự lừa bịp nhân dân của ông Hồ Chí Minh và đảng Lao động Việt Nam lúc đó (sau đổi thành Đảng Cộng sản Việt Nam từ Đại hội đảng IV năm 1976) được thể hiện qua Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III ngày 10-9-1960 về nhiệm vụ và đường lối của Đảng trong giai đoạn mới.

Nghị quyết viết : “Cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện tại có hai nhiệm vụ chiến lược:

Một là, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

Hai là, giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và bọn tay sai, thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước….

“….Vì vậy, tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là nhiệm vụ quyết định nhất đối với sự phát triển của toàn bộ cách mạng Việt Nam, đối với sự nghiệp thống nhất nước nhà. Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc tiến hành trong khi ở miền Nam phải ra sức tập hợp mọi lực lượng dân tộc và dân chủ, mở rộng và củng cố khối đoàn kết dân tộc, cô lập đế quốc Mỹ và bọn tay sai của chúng, thúc đẩy sự nghiệp đấu tranh củng cố hòa bình, thống nhất Tổ quốc. Vì vậy phương châm tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là: xây dựng miền Bắc, chiếu cố miền Nam.”

Chính sách “chiếu cố miền Nam” bằng cuộc “đánh lừa nhân dân vĩ đại” của ông Hồ và đảng CSVN đã làm hao tốn xương máu của hàng triệu thanh niên, thiếu nữ tuấn tú miền Bắc và giết hại nhiều triệu người dân miền Nam trong cuộc nội chiến suốt 20 năm chỉ để chuốc lấy hận thù, chia rẽ và tuyệt vọng của nhân dân hai miền với chế độ từ sau ngày thống nhất 1976.

Vì vậy ở Việt Nam đã có nhiều Nhà Trí thức và cựu đảng viên cao cấp đã công khai đặt vấn đề “viết lại lịch sử ” để làm sáng tỏ “công-tội” của đảng CSVN và ông Hồ Chí Minh trong hai cuộc chiến (1930-1954 và 1954-1975).

Cũng như đinh đóng cột là mãi đến sau ngày 30/04/1975, khi miền Nam trù phú rơi vào tay quân Cộng sản miền Bắc nghèo đói thì bộ đội và nhân dân miền Bắc mới vỡ lẽ ra họ “bị mắc lừa” bởi chiêu bài “giải phóng”.

Thảm họa này đã xác nhận bởi Nghị quyết 10/09/1960: “Trong sự nghiệp hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, thực hiện thống nhất nước nhà, đồng bào ta ở miền Nam có nhiệm vụ trực tiếp đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và bọn tay sai của chúng để giải phóng miền Nam. Cuộc đấu tranh cách mạng của đồng bào miền Nam còn có tác dụng ngǎn chặn âm mưu của Mỹ - Diệm gây lại chiến tranh, tích cực góp phần giữ gìn hòa bình ở Đông Dương, Đông - Nam á và thế giới.”

Tuyên truyền này đã phản bội thực tế khi hai chính phủ Mỹ và VNCH không “gây lại chiến tranh” mà chiến tranh đã do miền Bắc chủ động theo xúi bẩy của Nga và Trung Cộng để rơi vào cạm bẫy “dùng người Việt giết người Việt” cho hai miền Nam-Bắc kiệt quệ và mãi mãi lệ thuộc vào nước lớn như Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa đã bị Chu Ân Lai “bảo sao nghe vậy” tại Hội nghị Geneve 1954.

Sự ràng buộc vào Trung Cộng từ “ý thức hệ” đến “miếng cơm manh áo” của Hà Nội đã khiến Tổng Bí thư đảng “của lực lượng CCSVN đánh thuê” Lê Duẩn phải thú nhận: “Ta đánh Mỹ là đánh cả cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc, cho các nước xã hội chủ nghĩa và cho cả nhân loại, đánh cho cả bọn xét lại đang đâm vào lưng ta.”

(Theo Tác gỉa Vũ Thư Hiên của Đêm giữa ban ngày, Nhà xuất bản Văn Nghệ, 1997)

Giờ đây, 54 năm sau, những gì Nghị quyết của Đại Hội đảng III đề ra để đẩy dân vào chỗ chết vô ích đều đã được chứng minh.

Những chủ trương như :“Tǎng cường đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh giữ vững hòa bình, đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đồng thời đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, thiết thực góp phần tǎng cường phe xã hội chủ nghĩa và bảo vệ hòa bình ở Đông - Nam á và thế giới” đã tan ra mầy khói.

Việt Nam ngày nay, dưới quyền cai trị độc tài, độc đảng của CSVN đã lệ thuộc quân sự-quốc phòng vào nước Nga và kinh tế-chính trị-ngọai giao vào Trung Cộng.

TRUNG CỘNG NGÀY ẤY VÀ BÂY GIỜ

Đối với Trung Cộng tuy miệng nói “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, nhưng cũng đã dậy cho đảng CSVN nhiều bài học cay đắng, bắt đầu từ Hội nghị Geneve 1954.

Các tài liệu của phiá Hà Nội đã chứng minh Phái đòan VNDCCH do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngọai giao Phạm Văn Đồng cầm đầu không được độc lập ở Geneve . Mọi chuyện đều do Trưởng đòan Trung Cộng Chu Ân Lai quyết định. Mọi liên lạc của VNDCCH đều phải qua hai Phái đòan Trung Cộng và Liên bang Xô Viết.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Khoan thì: “Trung Quốc đóng vai trò lớn. Bằng chứng là tháng 8-2008, Nhà xuất bản của Đảng Cộng sản Trung Quốc xuất bản cuốn Chu Ân Lai và Hội nghị Genève của tác giả Tiền Giang công bố rất nhiều tư liệu mới, trong đó tác giả đã trích đăng bức điện ngày 2-3-1954 của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc gửi Trung ương Đảng ta đề nghị: “Nếu muốn đình chiến, tốt nhất nên có một giới tuyến tương đối cố định, có thể bảo đảm được một khu vực tương đối hoàn chỉnh. Trên thực tế, giới tuyến đình chiến hôm nay có thể trở thành ranh giới chia cắt trong ngày mai... Đường giới tuyến này càng xuống phía Nam càng tốt. Có thể tham khảo vĩ tuyến 16 độ bắc” (tư liệu này còn được trích dẫn trong cuốn Cuộc đời Chu Ân Lai do Nhà xuất bản Nhân Dân Trung Quốc xuất bản năm 1997).

Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành đàm phán, phía ta từng đưa ra các phương án về khu vực đình chiến và tập kết quân như giới tuyến tạm thời chạy theo vĩ tuyến 13 (khoảng tỉnh Phú Yên) hoặc vĩ tuyến 14 (khoảng Bình Định). Lúc đầu, Trung Quốc đưa ra vĩ tuyến 16 như trên đã nói (khoảng dưới Đà Nẵng) nhưng cuối cùng đã lấy vĩ tuyến 17 (Quảng Trị) làm giới tuyến.” (Đài Phát thanh Quốc gia (Voice of Vietnam, VOV, 17/07/2014)

“Nhà thơ Việt Phương, thư ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng kể:

“Khi bàn thảo về Hiệp định Geneva, Bộ Chính trị của ta chỉ đồng ý lấy vĩ tuyến 16 là ranh giới cuối cùng của khu phi quân sự tạm thời giữa hai miền Nam – Bắc trong thời gian chờ tổng tuyển cử. Nhưng Trung Quốc với sự ảnh hưởng của mình, đã khăng khăng ép ta phải đồng ý chọn vĩ tuyến 17. Khi chúng ta bàn bạc vấn đề này với Trung Quốc, họ đã nói: “Chúng tôi là tướng ngoài mặt trận. Các đồng chí hãy để cho chúng tôi tùy cơ ứng biến”. Khi nói như thế, người Trung Quốc đã tự cho mình quyền định đoạt số phận của người Việt Nam”.

Ông Việt Phương kể tiếp:” Thời điểm đó, ta đã kiểm soát phần lớn vùng Nam bộ, ngoại trừ một vài đô thị nhỏ. Ở miền Bắc, ta chiến thắng vang lừng ở Điện Biên. Nhưng Trung Quốc đã bắt ta phải ký một hiệp định chia cắt đất nước - một hành động mà sau này như nhiều người nói: “người anh lớn” đã phản bội lại “người em” của mình.

Năm 1972, trong một cuộc trò chuyện với Chu Ân Lai, nhắc lại về Hiệp định Geneva, ông Lê Duẩn đã không ngần ngại lên án: “Năm đó, người Trung Quốc các anh đã bán đứng chúng tôi trên bàn đàm phán”.

Vân theo ông Việt Phương, ông Lê Duẩn là người luôn luôn cảnh giác sự xen lấn và áp lực của Trung Cộng, do đó, đã có lần ông bảo: “Chúng ta không được phép sợ Trung Quốc”

(Theo Báo Một Thế Giới, 08-07-2014)

Lập trường của Pháp khi ấy muốn chia đôi Việt Nam ở Vỹ tuyến 18 (khỏang Đồng Hới, tỉnh Qủang Bình) nhưng rồi cũng đồng ý dung hòa với Chu Ân Lai ở vỹ tuyến 17.

Chuyên gia ngọai giao Nguyễn Khắc Hùynh còn tiết lộ: “… Trung Quốc đến Giơ-ne-vơ với mục tiêu chính là an ninh của Trung Quốc và mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc. Cụ thể là: tranh thủ có hòa bình, đẩy Mỹ xa Đông Dương, làm suy yếu và chia cắt Việt Nam, xóa ảnh hưởng của Việt Nam ở Lào, Cam-pu-chia, phát triển ảnh hưởng của Trung Quốc ở hai nước đó và ở Nam Việt Nam, mở rộng quan hệ với các nước phương Tây, nâng cao vị thế quốc tế của Trung Quốc.

Trong chín bên tham gia hội nghị, chỉ có Việt Nam là bên tham chiến kiên trì lợi ích dân tộc cho nên Trung Quốc liên tục lôi kéo, o ép, hù dọa, thậm chí dùng “đòn ngầm” với Việt Nam để đạt mục tiêu của Trung Quốc. Nắm được chỗ yếu của Pháp, Trung Quốc trở thành bên đối thoại chính với Pháp. Trung Quốc không ủng hộ Việt Nam trên bất cứ vấn đề nào. Đến phút chót, Liên Xô, Trung Quốc ép Việt Nam chấp nhận giới tuyến sông Bến Hải.

Vấn đề lớn thứ hai là thời hạn tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Ta muốn có tổng tuyển cử sớm (sau sáu tháng), nhưng Chu Ân Lai đề nghị tổng tuyển cử vào năm 1956 và thời gian cụ thể do nhà đương cục hai vùng quyết định. Như vậy là trên thực tế đã giao quyền quyết định thời gian tuyển cử cho chính quyền Bảo Đại và Pháp là bên đàm phán chính đang quản lý miền nam không còn trách nhiệm gì.

Với cả ba vấn đề chủ yếu và nổi cộm nhất của giải pháp lập lại hòa bình cho Đông Dương là vấn đề giới tuyến phân vùng, vấn đề tổng tuyển cử và vấn đề Lào - Cam-pu-chia, đoàn Việt Nam đều rất khó khăn và hầu như không bảo vệ được các yêu cầu cơ bản.”

Trớ trêu thay, tình trạng “bị động” của phái đòan Phạm Văn Đồng ở Genev 1954, như tiết lộ của Nhà thơ Việt Phương, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan và ông Nguyễn Khắc Huỳnh đã được “hóa trang” để tuyên truyền sai lạc bởi Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trong bài “Hiệp định Geneva: Thắng lợi to lớn của ngoại giao Việt Nam” (14-07-2014).

Bài viết khoe rằng :“Trong bối cảnh Hội nghị Geneva được tổ chức theo sáng kiến của các nước và chịu sự tác động các nước lớn với những mục tiêu và lợi ích khác nhau, song chúng ta vẫn kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ thể hiện trong việc xác định mục tiêu, nguyên tắc đàm phán, nhưng linh hoạt về sách lược và bước đi.”

Với kinh nghiệm Chu Ân Lai coi thường Việt Nam tại Hội nghị Geneve ngày ấy, chuyên gia Nguyễn Khắc Hùynh cảnh giác : “Một bài học quan trọng từ Giơ-ne-vơ, vận dụng vào thời cuộc hiện nay và cả về sau là ta phải luôn hiểu chiến lược, tính toán của các nước lớn. Đặc biệt, cần làm rõ âm mưu lâu dài của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông. Nay Trung Quốc đang dùng giàn khoan để bành trướng, điều này cho thấy rõ rằng công cuộc xâm lấn Biển Đông đã được Trung Quốc trù liệu từ lâu, nay bước sang giai đoạn triển khai mới mạnh mẽ, hung hăng, quyết liệt hơn, bất chấp đạo lý, pháp lý và dư luận. Vì vậy khái quát bài học này là phải hiểu kỹ Trung Quốc qua các tính toán và hành động cụ thể.”

Bây giờ gìan khoan Hải Dương 981 đã rút khỏi vùng biển của Việt Nam từ ngày 15/7 sau khi đã đến đó thăm dò dầu khí hôm 02/05/2014.

Gìan khoan chỉ rút về đảo Hải Nam của Trung Cộng khi bị bão Thần Sấm (Rammasun) ập đến cắt ngắn kế họach thăm dò đến 30 ngày, nhưng phiá Trung Cộng nói dàn khoan đã hòan tất kê họach tìm thấy dầu tại 2 giếng.

Tuy nhiên Bắc Kinh không cho biết số lượng dự trữ là bao nhiêu và liệu giàn khoan HD 981 có quay trở lại Biển Đông hay không. Pháp ngôn viên Hoa Xuân Oánh từng nói Trung Cộng sẽ tiếp tục gửi các gìan khoan khác đến Biển Đông mà bà Hoa gọi là “Biển Trung Hoa” để thăm dò dầu khí.

Trong suốt thời gian hoạt động của gìan khoan, Trung Cộng đã bác bỏ phản đối của Việt Nam trong 30 cuộc gặp gỡ và lực lượng hải quân, không quân và dân sự của Bắc Kinh đã khống chế lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và các tầu cá của Việt Nam.

Các bài học khắc nghiệt khác mà Trung Cộng đã dành cho CSVN từ khi hai nước tái lập quan hệ ngọai giao năm 1990 gồm có :

1) Không thảo luận với Việt Nam về ai có chủ quyền ở quần đảo Hòang Sa sau khi Bắc Kinh đem quân chiếm tòan bộ từ tay quân lực Việt Nam Cộng Hòa năm 1974.

2) Đã đem từ 400 đến 600 ngàn quân, chiến xa, trọng pháo và máy bay tấn cống vào 6 tỉnh Việt Nam dọc biên giới năm 1979 mà Đặng Tiều Bình, lãnh tụ Trung Cộng khi ấy gọi là “dạy cho Việt Nam một bài học.”

3) Yểm trợ quân Khmer đỏ mở cuộc tấn công qua biên giới Việt Nam ở vùng Tây – Nam từ năm 1975 đến 1978.

4) Đem 30,000 quân đánh chiếm nhiều vị trí của Việt Nam ở Huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Tuyên (nay là Hà Giang) từ 1984 đến 1989, quan trọng nhất là điểm cao 1509 (tức Núi Đất) mà Trung Cộng gọi là núi Lão Sơn.

5) Đem quân chiếm 8 đảo và đá ngầm của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa tháng 03/1988.

Tuy vậy, Lãnh đạo đảng CSVN từ thời Lê Duẩn (1960-1986) đến Nguyễn Phú Trọng (từ tháng 01/2011), xuyến suốt xen qua các “triều đại” Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu và Nông Đừc Mạnh đã không có hành động nào cụ thể để bảo vệ đất nước không bị lệ thuộc vào Trung Cộng.

Giờ đây, dù Việt Nam không còn chiến tranh nhưng sự vẹn tòan lãnh thổ và biển đảo luôn luôn bị Trung Cộng đe dọa đánh chiếm nếu Bắc Kinh muốn.

Trung Cộng cũng đã kiểm soát nền kinh tế của Việt Nam, luôn luôn kìm hãm Việt Nam trong qũy đạo của Bắc Kinh trong các lĩnh vực chính trị và ngọai giao, và quan trọng hơn, đã nắm được một số đầu não quan trọng trong Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN.

Như vậy, nếu áp lực của Trung Cộng tại Hội nghị Geneve chỉ có một thì giờ đây áp lực ấy đã tăng lên gấp trăm lần hơn vì “con cá Việt Nam” đã bị Bắc Kinh “bỏ lên chiếc thớt made in China”.

CỤ TRẦN VĂN ĐỖ

Cũng chính vì hiểu được thân phận của một nước nhỏ nhưng có bản lĩnh vững vàng mà Phái đòan Chính phủ Quốc gia Việt Nam của Trưởng đòan Ngọai trưởng Trần Văn Đỗ (thay ông Nguyễn Quốc Định) đã từ chối ký vào Hiệp định để phản đối quyết định chia đôi Việt Nam của các cường quốc. Cụ Đỗ cho rằng những điểm thỏa hiệp đã đẩy Việt Nam vào tình thế nguy hiểm và vì Pháp tự ý quyết định mọi việc.

Cụ đã đưa ra Tuyên bố tại Geneve:"Việc ký hiệp định giữa Pháp và Việt Minh có những điều khoản gây nguy hại nặng nề cho tương lai chính trị của Quốc gia Việt Nam. Hiệp định đã nhường cho Việt Minh những vùng mà quân đội quốc gia còn đóng quân và tước mất của (Quốc gia) Việt Nam quyền tổ chức phòng thủ. Bộ Tư lệnh Pháp đã tự ấn định ngày tổ chức tuyển cử mà không có sự thỏa thuận với phái đoàn quốc gia Việt Nam... chính phủ Quốc gia Việt Nam yêu cầu Hội nghị ghi nhận một cách chính thức rằng Việt Nam long trọng phản đối cách ký kết Hiệp định cùng những điều khoản không tôn trọng nguyện vọng sâu xa của dân Việt. Chính phủ Quốc gia Việt Nam yêu cầu Hội nghị ghi nhận rằng Chính phủ tự dành cho mình quyền hoàn toàn tự do hành động để bảo vệ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam trong công cuộc thực hiện Thống nhất, Độc lập, và Tự do cho xứ sở."

Bản văn phản kháng và đề nghị của Cụ Trần Văn Đỗ không được Hội nghị bàn tới vì vậy cụ đã bực bội khi nói với báo chí"Từ khi đến Genève, phái đoàn không bao giờ được Pháp hỏi về ý kiến về điều kiện đình chiến, đường phân ranh và thời hạn Tổng tuyển cử. Tất cả nhưng vấn đề đó đều được thảo luận ngoài Hội nghị, thành ra phái đoàn Việt Nam không làm thế nào bầy tỏ được quan niệm của mình.”

Bây giờ cụ Trần Văn Đỗ, Nhà ngọai giao kiên cường của VNCH không còn nữa nhưng khí phách của Cụ tại Geneve sẽ mãi mãi tồn tại với lịch sử vì ngày ấy, Cụ đã không để cho Trung Cộng và Xô Viết lừa đảo và áp chế như lịch sử đã chứng minh./-

Phạm Trần

(07/014)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Ơn Cứu-Chuộc và tội nguyên-tổ
Mai Tá
20:23 24/07/2014
Chương Năm: Ơn Cứu-Chuộc và tội nguyên-tổ
(bài 25)


Phần 2:
Tội Nguyên Tổ,
một ý-tưởng xuất tự thánh Augustinô


Muốn hiểu kỹ Ơn Cứu Chuộc, ta cần giải-thoát ý-tưởng này khỏi mô-hình lâu nay vốn đưa ta vào lịch-sử của loài người. Ý-niệm này, được nhiều người hiểu một cách rất sai-sót, ra như thể: nó xuất-xứ từ Kinh-Thánh, nhất là từ sách Sáng Thế, mà ra. Nhưng kỳ thực, đây là loại-hình tư-tưởng do thánh Augustinô tự mình lập ra.

Cho đến nay, ta cố tìm cách đưa ý-niệm này ra khỏi Sách Thánh, nên đã cảm-kích thấy rằng: Ơn Cứu Chuộc, thật ra, đã vượt quá ý-niệm một thứ thuốc đặc-trị dùng để giải-quyết các vấn-đề khó-xử, nơi người phàm.

Thật ra, ý-niệm “Tội Nguyên Tổ”, như ta minh-định ở những trang trước, không là ý-niệm ta gặp được ở Thánh Kinh. Nhưng, lại do một hiển-thánh từ miền Bắc Châu Phi sáng-chế ra, đó là thánh Augustinô. Thánh Augustinô, là người say mê chuyện giới-tính của con người. (x. Jean Michel Maldame, o.p. Domini, initheo, Le Péché original, 2004). Thật ra, thánh-nhân không trích tư-tưởng này từ bộ sách nào hết của Kinh-thánh. Nhưng, ông lại đã tạo ra một số “bước chân âm-thầm” trước khi đi vào phần cốt-lõi của vấn-đề. Phần lớn tư-tưởng ông đưa ra, đã được hỗ-trợ từ kinh-nghiệm tư-riêng của chính ông.

Trước nhất, ông là người từng hồi-hướng-trở-về từ gốc-nguồn chủ-thuyết Ma-ni-kê-ô. Thuyết này trách-móc Chúa: sao Ngài cứ để cho ác-thần/sự-dữ có mặt nơi gian-trần đến độ thế. Lâu nay, thánh Augustinô lại đã tự đặt mình trong tầm ảnh-hưởng của thuyết Platô và diễn-giải một cách rất chung chung về nghĩa bóng và đặc-biệt thánh-nhân lại dựa trên lập-trường tư-tưởng của thánh Ambrôsiô, nên ông cương-quyết rằng: ác-thần/sự-dữ không thể bắt nguồn từ Thiên-Chúa, được. Từ đó, ông bèn đi đến kết-luận, tự bảo rằng: sở dĩ ác-thần/sự dữ có mặt trên đời là: do trách-nhiệm của con người, hoặc do lỗi/tội của họ gây ra. Ông phân-biệt sự-dữ-ta-làm với ác-thần-ta-chịu vẫn cứ đặt nặng lên các tư-tưởng ta có ở trong đầu, tức: sự-dữ-ta-làm có duyên-do từ ác-thần-ta-gánh-chịu. Cũng từ đó, ông tự thấy mình là người rất tội lỗi.

Hai nữa, khi viết bức thư gửi thánh Giêrônimô, một thư mà hầu hết các nhà bình-luận cho rằng: đây là thời-điểm sản-sinh ra cái-gọi-là “Tội Nguyên-Tổ”, rất thật. Thư này được viết, là để hồi-đáp những phản-bác đối-đầu với lập-trường của ông, khi ông bàn về trách-nhiệm mà con người vẫn có với ác-thần/sự dữ. Phản-bác/đối-đầu mà nhiều vị đưa ra, đó là về “con trẻ”. Bởi, vấn-đề đặt ra, là: làm sao chỉ mới là “trẻ con” thôi, chúng đã phải chịu trách-nhiệm về “ác-thần/sự-dữ” do lỗi-lầm mà chúng không bao giờ vi-phạm cả? Giả như “con trẻ” không bị trói-buộc vào những trách-nhiệm như thế, thì tại sao chúng lại cứ phải chết? Trả lời cho vấn-nạn này, thánh Augustinô cũng từng nói: sở dĩ có chuyện đó, vì con trẻ là hậu-duệ của tội/lỗi, nên đã bị lỗi/tội ghi dấu ấn lên trên người của chúng. Và như thế, chúng không còn là trẻ vô tội, nữa. Chúng tuỳ-thuộc vào gia-đình nhân-loại đã có tội, khởi từ Ađam cho đến bây giờ. Việc này, thánh Augustinô lại nói thêm: cuối cùng thì, khi con trẻ đi vào sự-sống-đời-sau, chúng sẽ không còn phải chịu đau-khổ gì, nữa hết. Nhưng sau này, thánh Augustinô đã đổi ý, mới bảo rằng: ông không còn nghĩ như thế nữa.

Thứ ba, thánh Augustinô đọc sách Sáng Thế dưới ánh-sáng dẫn-đường từ câu nói rất ngắn-gọn được ghi trong thư thánh Phaolô gửi tín-hữu thành Rôma, đoạn 5 câu 12, trong đó thánh Phaolô có ghi: “Mọi người đều đã phạm tội!” Nghe thế, có người lại hiểu rằng: thánh Augustinô đọc câu này, từ bản dịch tiếng La-tinh, nên rất có thể là: ông không bị đánh-động gì từ bức thư nổi tiếng của thánh Phaolô, bởi: nếu ông đọc nguyên-bản lá thư ấy bằng tiếng Hy-Lạp, hẳn ông sẽ nghĩ khác. Nhưng theo tôi, không có gì chắc-chắn là: có sự khác-biệt giữa hai bản dịch nói ở trên. Ngược lại, cũng theo ý của tôi, thì: ảnh-hưởng đích-thực thấy nơi ông, chính là giòng tư-duy ông rút từ kinh-nghiệm sống của chính ông về đời tư của mình và ông diễn-tả điều này trong cuốn sách do ông viết, có tựa đề là “Lời tự thú” xuất-bản vào nhiều năm trước. Ông tự coi mình như tù-nhân của những cuốn-hút rất dục-tình. Ông thấy nơi mình, như có sức mạnh của lỗi/tội thế nào đó, nó cứ đè nặng lên người ông. Và, ông lại đã nhân-cách-hoá Tội/Lỗi ấy bằng một chữ “T” viết rất Hoa. Ông cảm thấy chỉ mỗi ân-huệ Chúa ban, mới có thể cứu-vớt ông, mà thôi. Và, với ông, đây lại là lập-trường về Ơn Cứu Chuộc, rồi.

Thứ tư: trước đây, ông cũng từng xem sách Sáng Thế trên căn-bản rất như thế, và ông lại mường-tượng ra lối diễn-nghĩa mang tính sử-học nơi bản-văn ấy. Với ông, người phàm đích-thực (tức: Ađam và Eva), theo lịch-sử, đã thực-sự sống trong vườn Địa-đàng từ ban đầu, và khi ấy, ông không thấy có vấn-đề nào đặt ra như thế hết, nhưng cặp nam-nữ đầu đời, lại để mất thứ Địa-đàng-trần-gian do họ hành-xử trái với lệnh-truyền của Thiên-Chúa. Và cũng theo ông, lỗi/tội ban đầu này, có gốc-nguồn từ toàn-bộ lịch-sử đầy những tội và lỗi, đối với con cháu của Ađam. Và, chỉ nhờ Đức Kitô thôi, những người như thế mới đoạt lại vườn Địa-đàng ban đầu, được. Và, một ngày nào đó, cũng sẽ có người làm được thế.

Cũng nên ghi thêm ở đây, là: mãi sau này, chính Porphyry mới là người có ý-tưởng về nhân-cách tổng-thể nơi con người, như ta thường nói: toàn-thể nhân-loại cùng chung một giống-loại và nhân-cách.


Thứ năm, thánh Augustinô đã nắm bắt ý-tưởng xảy đến với văn-chương Tân và Cựu-Ước, và một số tư-tưởng khác vẫn có đó, trước cả thời ông xuất-hiện trên đời nữa. Đó là ý-tưởng về cái-gọi-là “hai chiều-hướng nghiêng-ngả” vốn có nơi con người, ở mọi thời. Một đằng, là khát-vọng cao-sang, lành-thánh; còn đằng kia, là xu-hướng tồi-tệ của sự dữ. Nhiều người gọi chiều-hướng sau là “biểu-tượng của tâm-hồn xấu xa, sa đoạ”. Thánh Augustinô đã thôi không còn diễn-nghĩa về bất cứ thứ “quỷ tha ma bắt” nào từng cho thấy: làm sao lỗi/tội con người lại có thể xuất-hiện được. Chẳng hạn như: ngang qua hành-xử của “thiên-thần gẫy cánh”, tiến về hướng nhân-chủng-học hoặc thứ gì đó rất “con người”. Ông suy-nghĩ: “xu-hướng nghiêng-ngả về sự dữ” (tiếng Do-thái gọi là “yetzer hara”) đã có trong nhân-loại từ lúc khởi-thiên-lập-địa sản-sinh ra con người. Kết-quả là, chính Ađam lại đã qui-hàng vào lúc đó, tức: tội/lỗi chứ không chỉ mỗi sự chết, đã di-căn từ thế-hệ này sang thế-hệ khác. Nói như thế, tức bảo rằng: thoạt khi chào đời, con người đã có hướng-chiều nghiêng-ngả vào với ác-thần/sự-dữ, đặc biệt là tình-dục, rồi.

Thứ sáu, thời-gian cứ thế trôi nhanh, thánh Augustinô lại đích-thân bước vào một số cãi-vã/tranh-luận với nhiều tác-giả khác, về nhiều sự việc. Và ông càng cứng lòng hơn, cương-quyết giữ vững lập-trường, mình vẫn có.

Tác-giả Pelagius từ Anh Quốc, là người xuất-thân từ một gia-đình Công-giáo và đã trở thành thầy Dòng ở Rôma; và rồi ông sinh-sống ở Israel một thời-gian, sau khi Alaric phế-bỏ Rôma, năm 410. Thánh Augustinô lại lên tiếng cãi-tranh về đời sống tu-trì với tác-giả này. Và thánh Augustinô, sau chuyến hồi-hướng trở về với Công-giáo, ông đã từ-bỏ mọi quan-hệ tình-dục, quyết sống đời đơn-độc trong cộng-đoàn theo kiểu Dòng-tu rất khắc-kỷ.

Khi được cất-nhắc lên hàng Giám-mục, thánh Augustinô lại đã sắp-xếp hàng giáo-sĩ dưới trướng, buộc họ sống đời độc-thân/đơn chiếc trong cộng-đoàn sống đời tập-thể, và coi đó là “luật Đạo”. Một trong các nhóm tu-hội khổ-hạnh của Pelagius (khi đó là Celestius) có nói: “Thánh-tẩy không cần-thiết cho Ơn Cứu Chuộc”, là bởi vì: chúng ta và tất cả con cháu của chúng ta, đều có khả-năng làm một số điều tốt-lành mà không cần ân-huệ. Khi đó, thánh Augustinô đã nói tiếng “không” bằng câu đáp-trả như sau: “Không có thánh-tẩy, đám con trẻ không thể có Ơn cứu-chuộc, được! Và, nếu trẻ nào chết trong tình-trạng như thế, chúng sẽ đi thẳng vào chốn ngục-tù đầy lửa bỏng. Muốn làm bất cứ điều gì tốt lành, ta tuyệt-đối đều cần đến ân-huệ!” Trọng-tâm tranh-luận này, thực ra là về tính khả-thi của đời sống Dòng tu trong khuôn-khổ thế-trần”.

Thánh Augustinô nói: “Không có ân-huệ, ta không thể làm được việc gì cho ra hồn! Bởi, ở nơi ta, luôn có “chiều-hướng nghiêng-ngả” đi về phía sự-dữ/ác-thần”. Trong khi đó, nhóm của Pelagius lại khẳng-định: một số loại-hình cơ-ngơi/công-ốc có thể là chốn-miền để các thày thực-hiện cuộc sống tu-hội một cách chân-phương, cũng vẫn được.

Thứ bẩy, thánh Augustinô từng cãi-vã với Julian về “dục-tình” (hoặc về hoạt-động của chiều-hướng xấu-xa đầy sự-dữ, trong ta). Julian quả quyết: “Dục-tình, tự bản chất, không có gì xấu, hết. Vả lại, ta vẫn có thể sử-dụng “libido” cách xấu-xa hoặc tốt-lành, đều được”. Trong khi đó, thánh Augustinô lại nhất quyết: “Tình-dục, chính là ác-thần/sự-dữ, tự bản-chất, nó đã là thứ trụy-lạc sẵn có nơi con người, rồi!” Ông cũng đã nhượng-bộ đôi chút, khi bảo rằng: Thật ra, hôn-nhân cần-thiết cho tương-lai của nhân-loại; và như thế, ta “được phép” chứ không được “phê-chuẩn”, để sử-dụng tình-dục trong hôn-nhân; nhưng chỉ vì mục-đích cao-sang/quí-phái như: niềm tin, sự vô-sản, và bí-tích thánh nên mới được phép. Thú-vui dục-tình, không là một trong các mục-đích cao-sang/quí-phái nào hết.

Thứ tám, thánh Augustinô đã tự cho phép mình sử-dụng kinh-nghiệm riêng-tư của chính ông, vào lúc ông hồi-hướng trở về, để nói lên nền thần-học do chính ông tạo ra. Ông từng sống trong tuyệt vọng và nghĩ rằng: thánh Phaolô khi xưa cũng giống thế. Ông còn bảo: “Dục-vọng bám rễ một cách rất triệt-để nơi con người của ông đến độ, tự một mình, ông không thể làm được điều gì tốt-lành mà không nhờ vào ân-huệ. Và, ông vẫn quan-niệm rằng: bất cứ thứ gì ông khao-khát, đều bị tội/lỗi ghi dấu ấn, trong con người của ông. Rồi từ đó, ông tìm cách định-nghĩa “Tội nguyên-tổ” nơi loài người một cách thực-tế như thể con người mình đã ở vào trạng-thái bị dục-vọng ghi dấu ấn, từ lâu rồi.

Thứ chín, ông lại đã chuyển-dịch vào với chủ-nghĩa “Duy-tiêu-cực” theo cách thực-thụ. Ông vẫn coi Ađam là thủy-tổ loài người, và quả-quyết rằng: Ađam có tội lớn vì đã chuyển-giao “Tội nguyên tổ” theo nghĩa tuyệt-đối/không khoan-nhượng, đến với tất cả hậu-duệ lẫn con đàn cháu đống, của chính anh. Với thánh Augustinô, mọi con trẻ ngay khi lọt lòng mẹ, chúng không còn vô-tội như nguyên-tổ Ađam từng được thế, do Chúa ban. Còn con trẻ thì khác, chúng có tội là do kết-quả của việc sản-sinh ra con người. Thánh Augustinô, lại vẫn nghĩ: con trẻ nào lại không ngang qua thánh-tẩy, đều sẽ đi thẳng vào chốn lửa-đỏ nóng-cháy, rất hoả-ngục. Ông lại nghĩ: phần đông nhân-loại, đều sẽ chui tọt vào chốn đó, không có cách gì khác. Và, ông cũng nói nhiều về sự “mất-mát rất lớn-lao”, mà tiếng La-tinh khi đó gọi là “massa perditionis”, tức án-phạt cả-thể rất giống tiếng La-tinh khác, gọi là “massa damnata”.

Thứ mười, kết-cuộc thánh Augustinô đã đi đến mô-hình mang tên “Lịch-sử loài người” qua đó, ông tưởng-tượng rằng: Ađam, đã lãnh-nhận trạng-huống đặc-biệt nhờ quà-tặng siêu-nhiên vượt quá khả-năng mà con người có thể làm được. Điều này, được gọi là sự “Công-minh nguyên-thủy”. Chính điều này, đã khiến cho tội của Ađam thêm phần nghiêm-trọng hơn. Chính vì thế, anh đã chuyển-hoán đến họ-hàng/con cháu mình thứ bản-chất nhân-loại ở tình-trạng để luột mất đi những gì Thiên-Chúa đã tự-do ban cho giòng-họ cũng như con cháu của anh, từ Ađam nguyên-thủy. Và, thánh Augustinô lại cũng quan-niệm: do con trẻ được cưu-mang theo cung-cách tình-dục tội-lỗi, nên chúng thừa-hưởng bản-chất có hằn ghi dấu ấn của sự mất-mát, tức những lỗi và tội, rất nguyên-tổ.

Cuối cùng thì, vào thời Công Đồng Orange năm 529, ngang qua ảnh-hưởng của thánh Prosper thành Aquitaine, vốn là học-trò của thánh Augustinô, Giáo Hội đã đạt thoả-thuận bằng một định-nghĩa đầy tính giáo-điều về “Tội nguyên-tổ” theo đường lối này. Đức Grêgôriô Cả, từng nắm bắt tư-tưởng này và ngài đã phổ-biến nó trong toàn Giáo-hội La Mã, lúc bấy giờ. Đó, cũng là quyết-định của thánh Isidore thành Seville và thánh Beđe thuộc miền Bắc nước Anh. Khi ấy, lại thấy có lập-trường tư-tưởng theo kiểu Platô-mới cứ cho rằng: toàn-thể nhân-loại lập nên tổng-thể do lão tộc-trưởng đầu đời, của nhân-loại.

Từ đó trở đi, người ta đã tập-trung nhấn mạnh nhiều về cái-gọi-là “Dục-vọng”, về chiều hướng sa-đà của ác-thần/sự-dữ. Đó, là những gì mà nhiều người nay lại gọi là quyền-lực cuốn-hút con người vào những gì xấu-xa, sa-đà, tệ-lậu. Đó, là tính xác-thịt nổi lên chống lại tinh-thần. Và chiều-hướng yêu-thương mến-mộ, tức tình yêu, đã bị tha-hoá do tội-lỗi gây nên. Ý-nghĩa chính-đáng của mọi thu-hút nay bị bôi nhọ. Tính-dục, nay cũng bị vấy bẩn. Mọi quan-hệ dục-tình, bị hiểu là có xáo-trộn, sai quấy. Và từ đó, đã bị thứ dục-tình đầy “tội-lỗi” luôn thao-túng.

Ở đây, cũng nên ghi thêm một biến-cố nữa, rắc-rối hơn, đây là lý-do cho ta thấy: tại sao thánh Bernađô lại đã chối-từ không chấp-nhận giáo-điều “Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội”, tức: giáo-điều khi đó chưa được tuyên-xưng vào thời ngài. Theo thánh Bernađô, thì: Đức Mẹ, đã cưu-mang Thiên-Chúa-Làm-Người một cách có dục-tình như người thường, nên Mẹ không thoát-khỏi hậu-quả từ đó dẫn đến.


Tư-tưởng của thánh Augustinô về loài người hôm nay (trong đó có chính ông), thật ra cũng không đáng tin-tưởng theo nghĩa: người bình-thường vẫn thực-sự quan-niệm, đó là tư-tưởng về:

1) Sự áp-đảo của khát vọng rất “quỷ ma” hoặc ác-thần/sự dữ, hoặc bên tiếng Do thái gọi là “yetzer hara”, tức biểu-tượng tâm-hồn xấu-xa, “xác thịt”, đồng-loã với ác-thần quỷ dữ, rất dục-tình;
2) Đây là việc định-vị loài người, ngay từ buổi tạo-dựng con người; và không do tai-nạn riêng-biệt nào trong lịch-sử, mà ra hết;
3) Nói thế có nghĩa:
a) Không trọn-vẹn thuần-phục mọi chức-năng cao-cả lên Thiên Chúa
b) Không trọn-vẹn thuần-phục ý-nghĩa chức-năng vào lý-trí và ý-chí
-nếu thế thì, hướng-chiều tình-cảm đã bị hủ-hoá mất rồi;
-ý-nghĩa của mọi cuốn-hút cao-cả đã bị bôi bẩn (đặc biệt về dục-tính);
-quan-hệ tình-dục đã bị xáo-trộn (về nhiều thứ);
-phẩm-cách con người để mất đi tính cao-sang/quí-phái (vì khinh-khi
chính mình);
c) Không trọn-vẹn thuần-phục những gì dẫn đến linh-hồn/tâm-linh; nên con
nguời lại đã yếu dần đi và mất hết năng-lực tự-nhiên của chính mình;
d) Tạo-vật ở cấp thấp (như thú-vật) không trọn-vẹn thuần-phục con người
e) Có khó-khăn đặc-biệt khi nói đến:
-công ăn việc làm;
-giới-tính;
-cái chết.


Dĩ nhiên, cụm-từ chính nói ở đây là “thuần-phục cách trọn-vẹn”. Như thế có nghĩa, cũng không nhiều quy-phục cho lắm, và chắc-chắn việc thuần-phục như thế cũng không mang số-lượng như ta vẫn nghĩ nó phải có.

Tư-tưởng của thánh Augustinô về thế-giới con người, tức những lỗi cùng tội của thế-gian, trong đó loại-hình mà con người đang sống:


1) Thời hiện-hành (đối với thời-đại đang trờ tới);
2) Con người sống một cách bạo-hành, cứ cuốn-hút lẫn nhau;
3) Chúng ta là nạn-nhân và cũng là tác-nhân vẫn đụng độ nhau, trong đó;
4) Các trẻ nhỏ sinh ra trong đời, được coi như nạn-nhân của những ai có tiềm-năng uy-quyền; chúng lại là nạn-nhân và đồng thời, là kẻ thông-đồng với tội lỗi;
5) Xem như thế, thì lý-lẽ của ác-thần/sự-dữ khiến ta làm nhiều điều xấu xa, sa đà, tệ-lậu hơn, cốt để che-đậy những gì ta và người đi trước, vẫn từng làm


Cuối cùng thì, những gì nói ở đây, lại là kết-quả và cũng là hệ-quả của “tội/lỗi” chứ?


Ở đây, cũng xin mở ngoặc để ghi thêm một khó-khăn khác, trong số rất nhiều khó khăn, là: ta sống trong nhiều thứ “thế-gian” (mọi xã-hội/trần-gian đều của con người; và một số thế-gian như thế cũng vô-tội hơn lối diễn-tả theo kiểu này. Thật ra thì, thế-giới gia-đình (vẫn được nhà Đạo mình gọi là thế-gian) ở trong đó, đứa-trẻ-mới-vừa-chào-đời là sự tương-phản lớn với lối tả cảnh/tả tình về “thế-giới với thế-gian”, theo kiểu này. Và như thế, sẽ còn nhiều thế-giới còn giống nhiều hơn “thế gian” này, trong Giáo Hội mà các bậc mẹ/cha vẫn tiếp-tục đem con mình đến nhà thờ để nhận thánh-tẩy, đấy chứ!


(còn tiếp)


____________________
Lm Kevin O’Shea, CSsR
Mai Tá lược dịch
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Tu Học
Tấn Đạt
21:28 24/07/2014
TU HỌC

Ảnh của Tấn Đạt

Ngã độc kim cương thiên biến linh

…tài chi vô tự thị chân kinh.

Kim cương kinh đọc ngàn lần

Mới hay không chữ mới gần chân kinh.

(Trích thơ của Nguyễn Du,Gs. LVVịnh phóng ngữ)
 
VietCatholic TV
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 18/07 – 24/07/2014 – Trung Đông tang thương trong chiến tranh
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
18:25 24/07/2014
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha bày tỏ sự đau buồn khi người Công Giáo cuối cùng phải rời khỏi Mosul

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi tất cả các tín hữu trên thế giới hãy nhớ đến các Kitô hữu đang phải chạy trốn khỏi thành phố Mosul của Iraq, và tiếp tục cầu nguyện cho những người khác đang bị cuốn hút vào các cuộc xung đột trên thế giới, đặc biệt là ở Trung Đông và Ukraine.

Đức Thánh Cha đã đưa ra lời kêu gọi trên sau khi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu trưa Chúa Nhật 20 tháng 7 tại quảng trường Thánh Phêrô.

Đức Thánh Cha đã được thông báo hôm thứ Bảy là người Kitô hữu cuối cùng của Mosul, nơi đã từng là thủ phủ Kitô Giáo trong 16 thế kỷ, đã phải rời khỏi thành phố theo sau một tối hậu thư của bọn khủng bố Hồi Giáo ISIS. Cho đến nay, thành phố, nơi đã từng có 60,000 Kitô hữu trước khi cuộc chiến Iraq bắt đầu, đã không còn một sự hiện diện Kitô giáo nào.

Đức Thánh Cha nói ngài nhận được tin với sự âu lo và nhắc lại rằng tại Mosul cũng như tại nhiều miền khác của Trung Đông, các Kitô hữu ngay từ thời sơ khai của Kitô Giáo đã "sống hài hoà với đồng bào họ, và đóng góp đáng kể cho lợi ích của xã hội ".

Ngài nói:

"Tôi mời gọi anh chị em nhớ đến họ trong lời cầu nguyện," Đức Giáo Hoàng nói. "Tôi cũng mong anh chị em kiên trì trong lời cầu nguyện cho các tình huống căng thẳng và xung đột vẫn tồn tại trong các phần khác nhau của thế giới, đặc biệt là ở Trung Đông và Ukraine.

"Xin Thiên Chúa của hòa bình truyền cảm hứng cho tất cả mọi người trên thế giới, một mong muốn đích thực cho đối thoại và hòa giải. Bạo lực không thể chế ngự bằng bạo lực. Bạo lực chỉ có thể chiến thắng bởi hòa bình!"

Đức Thánh Cha sau đó dừng lại trong một khoảnh khắc im lặng trước khi cầu nguyện xin sự cầu bầu của Mẹ Maria, Nữ Vương Hòa Bình.

2. Đức Thánh Cha tiếc thương Giám Mục Tin Lành Tony Palmer

Hôm Chúa Nhật 20 tháng 7, Giám Mục Tin Lành Tony Palmer, một người bạn thân của Đức Thánh Cha Phanxicô, đã chết vì tai nạn giao thông. Tai nạn xảy ra khi vị Giám Mục này đang lái một chiếc mô tô tại Anh quốc. Sau nhiều giờ giải phẩu vị Giám Mục của Liên Hiệp Các Giáo Phái Phúc Âm đã qua đời cùng ngày.

Đức Thánh Cha đã bày tỏ sự tiếc thương của ngài trước cái chết của người bạn thân đã từng quen biết nhiều năm với ngài.

Đầu năm nay, hàng trăm các tín hữu Tin Lành thuộc phái Ngũ Tuần đang trong tuần lễ cầu nguyện cho hiệp nhất Kitô Giáo tại Hoa Kỳ đã theo dõi một đoạn video do Giám Mục Tony Palmer ghi bằng iphone trong cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô hôm 14 tháng Giêng. Trong đoạn video này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gởi đến Đại Hội của họ những tâm tình mong muốn sự hiệp nhất Kitô Giáo của ngài.

Qua người vợ Ý thuộc Phong Trào Canh Tân Đặc Sủng Công Giáo, Tony Palmer đã trở thành gạch nối với Giáo Hội Công Giáo và đã từng làm việc với nhiều giới chức Công Giáo tại Rôma. Đặc biệt nhất là trong giai đoạn hoạt động tại Á Căn Đình, ông đã quen biết với Đức Tổng Giám Mục Bergolio từ năm 2006 và nhận Đức Tổng Giám Mục làm linh hướng.

Theo lời ông trình bày trước Đại Hội, thì giữa tháng Mười Hai vừa qua, ông nhận được cú điện thoại từ Đức Phanxicô ngỏ ý muốn gặp ông. Trong cuộc tiếp kiến ngày 14 tháng Giêng tại Vatican, ông cho Đức Phanxicô hay mình sắp sửa tham dự Đại Hội này, nếu Đức Phanxicô có mấy lời nhắn với Đại Hội thì hay biết mấy.

Giám Mục Tony Palmer nói:

"Tôi hỏi: Đức Thánh Cha có muốn tôi viết xuống không? Ngài nói: sao anh không thu một đoạn video? Tôi thực sự đã nghĩ đến chuyện này, tôi luôn có iPhone trong túi. Tôi đã nghĩ đến việc xin ngài điều này.. . nhưng tôi không muốn lạm dụng tình bạn của chúng tôi."

Trong đoạn video Đức Thánh Cha nói bằng tiếng Anh nhưng pha với tiếng Ý:

“Xin lỗi anh chị em vì đôi khi tôi nói bằng tiếng Ý. Nhưng tôi nói chẳng bằng tiếng Anh hay tiếng Ý, nhưng bằng tiếng nói con tim. Đó là thứ ngôn ngữ đơn giản và chân thật hơn, và thứ ngôn ngữ này có từ vựng và văn phạm của nó. Một văn phạm đơn giản với hai luật: Yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu mến tha nhân vì họ là anh chị em của chúng ta. Với hai luật ấy, chúng ta có thể tiến về phiá trước.

Tôi đang ở đây với người anh em mình, với Giám Mục anh em Tony Plamer. Chúng tôi đã là bạn cố tri trong nhiều năm. Ngài bảo với tôi về Đại Hội của anh chị em, về cuộc gặp gỡ của anh chị em. Và tôi thật hân hạnh được chào đón anh chị em với cả niềm vui và nỗi khát khao.

Vui vì thấy anh chị em cùng tụ họp để tôn thờ Chúa Giêsu Kitô là Chúa duy nhất và cầu nguyện cùng Chúa Cha để đón nhận Thánh Thần. Điều này thật vui vì chúng ta có thể thấy Chúa đang hoạt động khắp cùng bờ cõi trái đất. Khát khao vì điều xảy ra là trong chỗ chòm xóm với nhau có những gia đình yêu mến nhau nhưng cũng có những gia đình không ưa nhau. Những gia đình tụ họp cùng nhau và những gia đình phân rẽ. Chúng ta thuộc loại, chop phép tôi được nói, là phân rẽ. Phân rẽ vì tội lỗi đã chia cách chúng ta, tội lỗi của tất cả chúng ta. Những hiểu nhầm xuyên suốt trong lịch sử. Đó là hành trình dài của tội lỗi mà tất cả chúng ta đều dự phần. Trách ai bây giờ?

Tôi khát khao rằng sự phân rẽ này đến hồi kết thúc để chúng ta được hiệp nhất. Tôi khao khát sự chấp nhận lẫn nhau này.

Thánh Kinh đã đề cập đến gia đình của anh em Giuse khi nạn đói xảy ra họ trẩy sang Ai cập để mua cái gì đó để ăn. Họ có tiền nhưng họ không ăn tiền được. Nhưng ở đó họ gặp được cái còn quý hơn thực phẩm: đó là người anh em của mình. Tất cả chúng ta đều có tiền là văn hóa, là lịch sử của chúng ta. Chúng ta giầu có về văn hóa, tôn giáo và chúng ta có những truyền thống dị biệt. Nhưng chúng ta phải gặp gỡ người khác như những anh chị em của mình. Chúng ta phải khóc cùng nhau như Giuse đã từng khóc. Những giọt nước mắt này hiệp nhất chúng ta. Những giọt lệ của yêu thương.

Tôi nói chuyện với quý vị như những anh chị em với nhau bằng những từ ngữ đơn giản. Với niềm vui và nỗi khát khao. Chúng ta hãy để nỗi khát khao được gặp gỡ và ôm lấy nhau tăng trưởng trong chúng ta vì điều này thúc đẩy chúng ta tìm kiếm nhau và chấp nhận nhau. Và cùng tôn thờ Chúa Giêsu Kitô là Chủ Tể của lịch sử, là Chúa và là Chúa duy nhất của Giáo Hội, chúng ta hãy cầu nguyện với Ngài cho sự hiệp nhất.

Tôi chân thành cám ơn anh chị em đã lắng nghe tôi. Tôi chân thành cám ơn anh chị em đã cho tôi nói ngôn ngữ của con tim. Và tôi cũng xin anh chị em hãy cầu nguyện cho tôi vì tôi cần những lời cầu nguyện của anh chị em.

Và chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta được hiệp nhất. Chúng ta là anh chị em với nhau.

Chúng ta hãy tiến về phía trước, chúng ta là anh chị em với nhau và trong tinh thần chúng ta hãy ôm lấy nhau. Xin Chúa hoàn thành công việc Ngài đã bắt đầu. Cơ may này là một phép lạ, phép lạ của tình hiệp nhất đã bắt đầu. Một nhà văn Ý nổi tiếng là Manzoni, đã viết về điều này trong những tiểu thuyết của ông. Ông là một người đơn giản và ông đã viết: ‘Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một phép lạ Chúa đã bắt đầu mà lại không kết thúc nó một cách chính xác.’ Chúa sẽ hoàn thành phép lạ của sự hiệp nhất này."

Thông điệp video của Đức Giáo Hoàng làm sững sờ những người hiện diện. Đức Thánh Cha sau đó đã yêu cầu các tham dự viên cầu nguyện theo ước nguyện của Chúa Kitô “Ut unum sint - Để Chúng Nên Một.” Cộng đồng Ngũ Tuần đáp lại bằng những lời cầu nguyện và gửi đến Đức Thánh Cha một video của họ được thực hiện trong dịp này.

3. Sứ điệp gửi tín hữu Hồi giáo nhân dịp kết thúc chay tịnh Ramadan

Theo truyền thống đã có từ nhiều năm, hôm 18 tháng 07, Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn đã công bố sứ điệp gửi các tín hữu Hồi giáo nhân dịp kết thúc tháng chay tịnh Ramadan.

Sứ điệp mang chữ ký của Đức Hồng Y Jean Louis Tauran chủ tịch và linh mục Miguel Ayuso Guixot, tổng thư ký hội đồng đối thoại liên tôn của Tòa Thánh. Sứ điệp có đoạn viết “Anh chị em Hồi Giáo thân mến, chúng tôi rất vui mừng và thành tâm chúc mừng anh chị em dịp lễ Id al Fitr, chấm dứt tháng chay tịnh Ramadan là tháng dành để cầu nguyện, thanh tịnh và cứu giúp người nghèo. Hồi năm ngoái, trong năm đầu tiên của triều đại giáo hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đích thân gửi điệp văn cho anh chị em nhân dịp này. Các tín hữu Kitô và Hồi Giáo đều là anh chị em với nhau, vì cùng là con cái của một Thiên Chúa duy nhất đã tạo dựng nên gia đình nhân loại. Chúng ta luôn cám ơn Đấng Tối Cao đã ban cho chúng ta nhiều điểm tương đồng, chẳng hạn như phẩm giá con người là con cái Thiên Chúa và lòng tuân phục Người, cùng với tình yêu, công lý, hòa bình và sứ mạng phục vụ giúp đỡ người nghèo khó.

Như mọi người chúng ta đều rõ, thế giới ngày nay đang phải đối diện với những thách đố trước hiểm họa môi sinh, cuộc khủng hoảng kinh tế hoàn vũ và nạn thất nghiệp lên cao, nhất là giữa những người trẻ. Nhân loại ngày nay cần phải chung sức hoạt động để xây những nhịp cầu hòa bình và thăng tiến hòa giải, nhất là tại những vùng mà tín hữu Kitô và Hồi Giáo cùng đang chịu cảnh thương đau của chiến tranh.

Cầu xin tình thân hữu của chúng ta sẽ làm nảy sinh những đường hướng cộng tác mới để giải quyết những thách đố này cách khôn ngoan và thận trọng, để chứng minh rằng các tôn giáo có thể là suối nguồn mang lại hòa hợp và lợi ích cho toàn xã hội. Cùng với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, chúng tôi xin gửi đến toàn thể các anh chị em những lời chúc mừng an vui và thịnh vượng nồng nhiệt nhất.”

4. Sứ điệp ĐTC gửi nhân Hội Nghị về Di cư tại Mễ Tây Cơ

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi tìm ra các hình thức di cư hợp pháp và an ninh, giúp thăng tiến nền văn hóa gặp gỡ và đương đầu với hiện tượng di cư trên thế giới.

Đức Thánh Cha đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong sứ điệp gửi hội nghị về di cư do chính quyền Mễ Tây Cơ tổ chức khai diễn ngày 14 tháng 7 tại thành phố Mễ Tây Cơ. Tham dự hội nghị có Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa thánh, nhiều giới chức đạo đời gồm cả các Giám Mục, linh mục, tu sĩ và các thiện nguyện viên nam nữ làm việc cho người di cư và tị nạn.

Trong sứ điệp Đức Thánh Cha khẳng định rằng việc toàn cầu hóa là một hiện tượng đặt ra cho chúng ta nhiều thách đố mới, trong đó có phong trào di cư. Mặc dù di cư là sự kiện xảy ra trong hầu hết mọi đại lục và các quốc gia trên thế giới, nó vẫn bị coi như một tình trạng cấp bách hay một sự kiện lâu lâu mới xảy ra một lần. Di cư là một hiện tượng đem theo nhiều hứa hẹn lớn, nhưng người di cư vẫn bị kỳ thị và bài trừ, trong khi họ đã phải đau khổ vì bị cưỡng bách ra đi, và thường khi họ bị bó buộc phải rời xa gia đình người thân và chết cách thê thảm trên đường di cư.

Chúng ta tất cả cần phải thay đổi thái độ đối với người di cư tỵ nạn: từ thế thủ và sợ hãi, thờ ơ hay gạt bỏ là thái độ của “nền văn hóa gạt bỏ” đổi sang thái độ cởi mở, quảng đại tiếp đón của “nền văn hóa gặp gỡ”, là nền văn hóa duy nhất giúp xây dựng một thế giới công bằng, huynh đệ và tốt đẹp hơn.

Đức Thánh Cha đã đặc biệt mời gọi lưu ý tới hàng ngàn trẻ em di cư không có cha mẹ và người lớn đi kèm để thoát cảnh nghèo đói và bạo lực. Các em đến từ các nước Trung Mỹ Latinh và tìm sang Hoa Kỳ qua ngã biên giới Mễ Tây Cơ. Cần phải có các cơ cấu tiếp đón và che chở các em. Nhưng cũng cần có các đường lối chính trị thông tin tức chính xác về các nguy hiểm người di cư có thể gặp phải, và nhất là thăng tiến phát triển tại các quốc gia gốc, để người dân có cuộc sống xứng đáng, khỏi phải di cư. Điều này chỉ có thể thực hiện, nếu có các hình thức mới của việc di cư hợp pháp và an ninh.

Phát biểu trong hội nghị, Đức Hồng Y Parolin tái khẳng định phẩm giá và các quyền con người trong đó có quyền tự do tôn giáo, mà mọi quốc gia cần thăng tiến và tôn trọng. Các ý niệm này là kết qủa đóng góp lớn của Kitô giáo cho nhân loại khi rao giảng tình yêu thương huynh đệ đại đồng. Trong số các lý do gây ra nạn di cư có việc vi phạm các quyền căn bản của con người, chiến tranh, bạo lực, bất công, đàn áp, nghèo đói và bần cùng. Bước vào thế kỷ 21 rồi mà thế giới ngày nay vẫn còn có biết bao nhiêu bạo lực chính trị, kinh tế và xã hội, khiến cho con người phải sống trong nghèo đói, bị hạ nhục xúc phạm đến phẩm giá của họ, và đôi khi bị tra tấn hành hạ, bị khai thác bóc lột phải làm việc như nô lệ, bị lạm dụng tính dục, hay rơi vào tay các tổ chức tội phạm và chết trong sự thờ ơ của nhiều người...

Tất cả mọi người và mọi dân nước đều có bổn phận góp phần làm cho thế giới này trở nên tốt lành hơn. Giáo Hội Công Giáo tại Mễ Tây Cơ đã đưa ra rất nhiều sáng kiến nhắm tiếp đón các anh chị em di cư ty nạn để giúp họ có cuộc sống mới an bình và hạnh phúc hơn. Tuy nhiên các tổ chức quốc tế và các chính quyền phải phối hợp với nhau để đưa ra các giải pháp hữu hiệu trên bình diện rộng lớn cho vấn đề di cư tỵ nạn, làm sao để phẩm giá và các quyền của họ được tôn trọng và bảo đảm hơn.

5. Do Thái tổng tấn công vào Gaza. Đức Thánh Cha gọi điện thoại cho tổng thống Israel và Palestine

Nửa đêm thứ Bẩy rạng sáng Chúa Nhật 20 tháng 7, Do Thái xua quân vào dải Gaza. 40 ngày trước, Tổng thống Israel Shimon Peres và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã cầu nguyện cho hòa bình, cùng với Đức Giáo Hoàng tại Vatican. Kể từ đó, điều đáng tiếc là các cuộc đàm phán hòa bình bị đình trệ và xấu hơn nữa đến mức đã phát triển thành một cuộc xung đột đẫm máu, cướp đi sinh mạng của ít nhất 340 người, chủ yếu là người Palestine.

Trước diễn biến mới nhất là Israel phát động một cuộc tổng tấn công trên bộ tại Dải Gaza chống lại các chiến binh Hamas, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi điện cho cả hai ông Peres và Abbas. Theo tuyên bố của Tòa Thánh, Đức Giáo Hoàng đã bày tỏ mối quan tâm của mình về cuộc chiến đang diễn ra, và sự đau khổ của các nạn nhân vô tội.

Đức Giáo Hoàng yêu cầu cả hai nhà lãnh đạo tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình. Tuy nhiên, ngài cũng gọi những cam kết mạnh mẽ hơn từ "các bên liên quan và những người nắm giữ chức vụ chính trị", để đạt được một lệnh ngừng bắn ngay tức khắc.

Đức Giáo Hoàng đã cố gắng làm hết sức mình trong một trạng huống vô cùng khó khăn. Ông Peres, là người có khuynh hướng hòa bình, chỉ còn nắm giữ chức vụ tổng thống cho đến ngày 27 tháng 7. Trong khi đó, Tổng thống Abbas và đảng Fatah của ông bị Hamas đặt ra ngoài trong cuộc xung đột, và các đối thủ Hamas của ông kêu gọi một cuộc tấn công toàn diện ở Gaza, và thẳng thừng bác bỏ một thỏa thuận ngừng bắn được Ai Cập ủng hộ.

Trong bối cảnh cuộc tấn công của Israel, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã gởi điện văn cho linh mục chánh xứ giáo xứ Thánh Gia, là nhà thờ Công Giáo duy nhất trong dải Gaza để thăm hỏi. Theo thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc một số gia đình, kể cả trẻ em và người cao tuổi đang tị nạn bên trong.

Trong điện văn của mình gởi cha Jorge Hernandez, chánh xứ giáo xứ Thánh Gia, là một linh mục đồng hương người Á Căn Đình Đức Giáo Hoàng bày tỏ sự gần gũi của mình với cha Hernandez , các anh chị em, và toàn thể cộng đồng Công Giáo. Ngài nói rằng ngài đã cầu nguyện cho họ, và xin Đức Mẹ bảo vệ họ.

6. Caritas của Giáo phận Roma mở rộng nhà chăm sóc cho người nhiễm vi khuẩn HIV

Trong 25 năm, chi nhánh Caritas của Giáo phận Roma đã có một cách tiếp cận tích cực để chăm sóc cho người bị nhiễm khuẩn HIV. Khi căn bịnh quái ác này lần đầu tiên được đề cập rộng rãi, người ta rất sợ, và những người bị nhiễm khuẩn thường chỉ còn vài nơi để chuyển đến. Một trong những địa điểm đó đặt tại Villa Glori, trong một khu phố sang trọng của kinh thành Rôma. Đó không phải là một trung tâm y tế, nhưng đó là một nơi họ có thể gọi là nhà.

Massimo Raimondi, Giám đốc căn nhà tình thương Villa Glori tâm sự

"Trung tâm chúng tôi bị người ta coi là chỗ bị quỉ ám. Hàng xóm không muốn thấy sự tồn tại một trung tâm như thế. Nhiều người sợ hãi, cho đến bây giờ vẫn còn. Đó là khó khăn lúc đầu, ngay cả những người trong chúng tôi làm việc ở đây cũng sợ hãi."

Hai mươi năm trước, Massimo Raimondi đã trở thành một tình nguyện viên chăm sóc cho người bị nhiễm HIV. Lúc đó, bệnh nhân được cung cấp những chăm sóc cơ bản được cung cấp, nhưng trên hết mọi sự, đó là một ngôi nhà để họ có thể chết với phẩm giá con người. Nhiều bệnh nhân không chống đỡ được lâu với căn bệnh này, họ chết chỉ trong vòng vài tháng. Với những tiến bộ trong việc điều trị căn bệnh này, bệnh nhân bắt đầu sống lâu hơn, và trung tâm cũng chuyển trọng tâm của mình để trở thành một nhà điều dưỡng hơn là một trung tâm chờ vĩnh biệt.

Bây giờ, trong tư cách giám đốc trung tâm, Raimondi trông nom 26 cư dân. Phần lớn trong số họ có một quá khứ khó khăn, bao gồm vô gia cư và sử dụng ma túy. Mục tiêu chính của Raimondi là đem lại cho họ một mái nhà.

Massimo Raimondi cho biết:

"Một trong những bệnh phổ biến nhất là trầm cảm, và điều này có xu hướng tạo ra các vấn đề tâm thần. Chúng tôi tin rằng, để chế ngự được căn bệnh này chỉ thuốc thôi thì không đủ. Chúng ta nên chống lại bệnh tật này với tình cảm, và sự tôn trọng dành cho mỗi người "

Vị giám đốc cho biết nhiệm vụ chính của trung tâm là cung cấp những hỗ trợ, và giống như bất kỳ một gia đình nào khác, trung tâm đứng bên cạnh họ khi họ tìm cách điều trị. Trung tâm chỉ cung cấp gia cư, các dịch vụ y tế và tâm lý không được cung cấp ở đây, mà ở những địa điểm bên ngoài. Bằng cách đó, trung tâm khuyến khích mọi người ra ngoài và gặp gỡ với những người khác.

Trong bốn năm qua, Caritas của Giáo phận Roma có kế hoạch mở rộng trung tâm. Nhờ sự đóng góp rộng rãi của một gia đình lân cận, trung tâm có thêm một nguyện đường nhỏ và chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô tặng cho nhà nguyện chuông để dùng trong thánh lễ.

7. Nhà thờ trang trí bởi những tranh hoạt hình

Cảnh thánh Martin, một người lính La Mã, tặng chiếc áo choàng của mình cho một người ăn xin là một trong những hình ảnh đầy biểu tượng và được nhiều người biết nhất trên thế giới. Ngài là một trong những vị thánh được mộ mến nhất trong Giáo Hội.

Vì vậy, để dạy cho trẻ em biết câu chuyện của Ngài, một giáo xứ Ý đã quyết định trang hoàng tất cả những cột trong nhà thờ với những bản vẽ truyện tranh miêu tả cuộc sống của vị thánh.

Mabel Morri, họa sĩ truyện tranh nói : "Trẻ em rất thích thú với những hình ảnh. Chúng bắt đầu đặt câu hỏi về những ý nghĩa của những tấm hình, bởi vì chúng không biết câu chuyện. Vì vậy, những người không biết câu chuyện của Thánh Martin có thể biết được câu chuyện vì chúng tôi đặt những mô tả bên cạnh các cây cột, và chúng tôi phát hiện ra có rất nhiều người, đã đọc và hiểu ý nghĩa của 60 bức tranh.

Cô Mabel đã rất ngạc nhiên khi giáo xứ yêu cầu cô thực hiện dự án này. Tuy nhiên, nhìn vào phản ứng của mọi người , cô ấy rất hài lòng với những gì cô đã làm.

Cô Mabelchia sẻ thêm: "Chúng ta đang trở lại với cội nguồn của chúng ta vì truyện tranh được hình thành từ Giáo Hội, với những bức bích họa. Chúng ta đang quay lại một điều đã được thực hiện trong nhiều thế kỷ qua, trong lịch sử nghệ thuật."

Kết quả cuối cùng của những gì xảy ra bên trong những ngôi nhà thờ từ xa xưa đến này là việc rao giảng Tin Mừng. Với thiết kế đơn giản và màu sắc sống động, câu chuyện của vị thánh này một lần nữa đi vào cuộc sống , để bất cứ ai viếng thăm nhà thờ đều nhìn thấy.

Nhưng, có lẽ chỉ có một số ít người có thể sánh được với Đức Giáo Hoàng về lòng nhiệt thành khi nói về Thánh Martin. Đức Giáo Hoàng luôn luôn sẵn sàng có huy chương của vị thánh này để tặng cho các nhà lãnh đạo thế giới đến thăm ngài tại Vatican.

8. Anh Giáo chính thức chấp nhận phong chức Giám Mục cho phụ nữ

Trong những ngày vừa qua Giáo Hội Anh giáo đã nhóm Tổng công nghị tại York và đã chấp thuận phong chức Giám Mục cho các nữ mục sư. Vấn đề này đã được thảo luận từ nhiều năm qua và đã bị bác bỏ năm 2012, nhưng nay đã được hai phần ba các thành viên Tổng công nghị gồm các Giám mục, mục sư và giáo dân chấp nhận.

Tổng công nghị là cơ quan quản trị cao nhất của Giáo Hội Anh Giáo. Một kiến nghị chỉ được thông qua với 2/3 số phiếu ủng hộ. Tổng công nghị Anh Giáo gồm: hội đồng giám mục, hội đồng linh mục và hội đồng giáo dân.

Kết quả của cuộc bỏ phiếu như sau:

Hội đồng giám mục: 37 phiếu thuận, 2 phiếu chống, 1 phiếu trắng.

Hội đồng linh mục: 162 phiếu thuận, 25 phiếu chống, 4 phiếu trắng.

Hội đồng giáo dân: 152 phiếu thuận, 45 phiếu chống, 5 phiếu trắng.

Kết quả này cho thấy 351 thành viên đã bỏ phiếu thuận trong khi 72 thành viên bỏ phiếu chống và 10 thành viên bỏ phiếu trắng.

Việc phong chức linh mục và Giám Mục đã gây ra những chia rẽ trong Anh Giáo. Tỉ lệ người đi nhà thờ ngày Chúa Nhật đã giảm xuống còn 0.5%, tức là bình quân trong 200 người nhận mình là Anh Giáo thì chỉ có một người đi lễ ngày Chúa Nhật.

Mục sư Paul Kenedy, chánh xứ nhà thờ Các Thánh ở Winchester lên tiếng ủng hộ việc truyền chức Giám Mục cho phụ nữ cho dù nhà thờ của ngài hiện nay không còn ai đến dự lễ.

Trong khi đó cha Malcolm Jones, là cha sở họ đạo Công Giáo Holy Trinitry ở gần bên nhận định rằng quyết định của Tổng công nghị Anh giáo chấp thuận cho nữ giới làm Giám Mục đã tạo thêm một chướng ngại mới trên con đường tiến về hiệp nhất giữa Anh giáo và Công Giáo.

9. Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ sự đau buồn tột độ trước việc máy bay Malaysia bị bắn rơi ở Ukraine

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ sự thất vọng và đau buồn tột độ trước "bi kịch là chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysian Airlines đã bị bắn rơi ở phía đông Ukraine". Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh Vatican cho biết như trên trong cuộc họp báo ngày thứ Sáu 18 tháng 7. Vụ việc xảy ra gần thành phố Donetsk, gần biên giới Nga vào lúc 17:15 chiều thứ Năm 17 tháng 7 theo giờ địa phương.

Chiếc máy bay gồm 298 hành khách đã bị bắn rơi và không còn ai sống sót sau tai nạn. Cha Federico Lombardi cho biết Đức Giáo Hoàng cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình họ. Ngài cũng tái đưa ra lời kêu gọi hòa bình và đối thoại để chấm dứt xung đột tại Ukraine.

Chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines đã cất cánh từ Amsterdam, và đang trên đường đến Kuala Lumpur. Lúc bị bắn hạ, chiếc phi cơ đang bay ở độ cao hơn 10,000 km.

Những nguồn tin ban đầu nghi ngờ phiến quân thân Nga đã bắn rớt chiếc máy bay vì nhầm là máy bay quân sự của Ukraine. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng quân phiến loạn chỉ là một đám ô hợp, được huấn luyện sơ sài không có khả năng, kiến thức và phương tiện để gây ra bi kịch này. Họ tin rằng chỉ có quân Nga trú đóng gần biên giới với Ukraine để bảo kê cho quân phiến loạn thân Nga ở Donetsk mới có những hoả tiễn địa không Buk 9K37 bắn xa tới độ cao như vậy. Đây là loại hỏa tiễn tầm nhiệt được đưa ra vào năm 1980 được cải tiến từ những hỏa tiễn Mạc Tư Khoa đã cung cấp cho Hà Nội trong chiến tranh Việt Nam.

Trong một thông cáo báo chí, Malaysia Airlines nói họ đã mất liên lạc với chiếc máy bay lúc 14:15 giờ quốc tế khi máy bay đang bay cách phi trường Tamak 30km trên lãnh thổ Ukraine, cách biên giới Nga 50km. Chiếc máy bay Boeing 777 đã cất cánh từ Amsterdam là thủ đô Hoà Lan lúc 12:15 trưa theo giờ địa phương và được dự trù đáp xuống Kuala Lumpur lúc 6:10 sáng giờ địa phương. Trên chuyến bay có 298 người bao gồm 15 người thuộc phi hành đoàn.

10. Sứ điệp của Liên Hội Đồng Giám Mục Phi Châu và Madagascar

Trong sứ điệp công bố sau hội nghị về gia đình do Liên Hội Đồng Giám Mục Phi châu và Madagascar tổ chức trong các ngày từ mùng 6 đến 13 tháng 7, các Giám Mục đã đưa ra 23 đề nghị nhằm củng cố gia đình truyền thống bằng cách gia tăng chương trình chuẩn bị hôn nhân, thăng tiến giáo dục đào tạo gia đình cả trên bình diện tinh thần.

Các chương trình này cần thiết, vì giúp gia đình đương đầu với cuộc khủng hoảng hiện nay hậu qủa của chủ nghĩa cá nhân, duy lợi ích và tham lam, khiến cho người ta quên đi sự nhưng không của tình yêu.

Mười đề nghị đầu liên quan tới việc chuẩn bị hôn nhân chu đáo, bắng cách tái cấu trúc mục vụ gia đình, đào tạo các nhân viên mục vụ gia đình, củng cố đặc thái kitô, giáo dục con cái và người trẻ có tinh thần trách nhiệm và trưởng thành, dấn thân trong các lãnh vực xã hội, luật pháp và chính trị.

Mười đề nghị tiếp theo nêu bật bốn cột trụ của chiều kích tinh thần trong cuộc sống gia đình là: lắng nghe Lời Chúa, thường xuyên tham dự các buổi cử hành Thánh Thể, cầu nguyện chung và siêng năng rước Minh Thánh Chúa.

Các Giám Mục cũng đề cao việc đẩy mạnh tình liên đới với các gia đình nghèo túng và gặp khó khăn, cũng như thanh tẩy các tập tục liên quan tới của hồi môn, chống lại các hiện tượng giáo phái, phù thủy, ma thuật và thăng tiến mục vụ của lý trí

11. Không chấp nhận thứ chính trị loại bỏ

Cần phải đem con người trở lại trung tâm của xã hội, tư tưởng và suy tư, để đừng rơi vào chủ thuyết giản lược nhân chủng học.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên sau bữa ăn trưa với các tham dự viên ngày hội học về “nền kinh tế bao gồm” do Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình cùng tổ chức với Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh trong nội thành Vatican ngày thứ Bẩy 12 tháng 7. Tham dự ngày hội học đã có 70 chuyên viên thuộc nhiều lãnh vực khác nhau. Ban trưa các tham dự viên đã dùng bữa với Đức Thánh Cha trong nhà trọ Thánh Marta.

Lấy lại hình ảnh của nho sau khi được chưng cất trở thành rượu mạnh Grappa, Đức Thánh Cha cảnh báo nguy cơ con người đánh mất đi bản chất là người đích thực của mình, vì bị biến thành một dụng cụ. Trở thành một dụng cụ của hệ thống xã hội, kinh tế, một hệ thống trong đó thống trị và làm mất quân bình cuộc sống.

Khi con người mất đi nhân tính, thì cái gì chờ đợi chúng ta? Xảy ra điều mà tôi gọi là một đường lối chính trị, một xã hội học, một thái độ của sự loại bỏ. Người ta loại bỏ những gì không cần thiết đối với họ. Khi con người không còn ở trung tâm nữa thì người ta loại bỏ trẻ em. Sinh suất tại Âu châu đã xuống đến mức thấp nhất như tất cả chúng ta đều biết rồi. Người ta loại bỏ người già, vì họ không dùng được nữa. Và bây giờ người ta loại bỏ cả một thế hệ người trẻ, và đây là điều vô cùng nghiêm trọng: tôi trông thấy con số 75 triệu người trẻ thất nghiệp, dưới 25 tuổi. Họ là các người trẻ không được học hành và không có công ăn việc làm. Đó là một sự gạt bỏ kinh khủng. Gạt bỏ sắp tới đây sẽ là cái gì?

Xin cám ơn sự đóng góp của qúy vị cho nỗ lực đưa con người trở lại trung tâm của cuộc sống. Con người là vua của vũ trụ. Đây không phải là thần học và triết lý, mà là một thực tại nhân bản

12. Thân phận Kitô hữu tại Iraq: Phải cải sang Hồi Giáo, hoặc trả thêm thuế, hoặc tử hình.

Quân Hồi Giáo cực đoan đang chiếm đóng vùng phía bắc Iraq và Syria đã ra lệnh cho các Kitô hữu ở thành phố Mosul là họ phải bỏ Kitô giáo và nhận Hồi giáo làm tôn giáo của mình, hoặc phải nộp thêm thuế cho các tòa án Hồi giáo Sharia, nếu không sẽ bị tử hình.

Quân khủng bố Hồi Giáo đã thành lập nhà nước Hồi Giáo ở Iraq và Syria, gọi tắt là ISIS hôm 29 tháng 6. Nhà lãnh đạo của nhà nước không được nước nào công nhận này là tên trùm khủng bố Abu Bakr al-Baghdadi, đã ra sắc lệnh và gởi đến cho các nhà lãnh đạo Kitô Giáo tại Mosul.

Sắc lệnh nói rõ rằng nhà lãnh đạo ISIS đã đồng ý để các người Kitô giáo không chịu cải sang Hồi giáo có thể trả thêm thuế nếu muốn sống ở Mosul. Nếu không, họ phải rời bỏ thành phố này trước buổi trưa ngày thứ Bảy 19 tháng 7 năm 2014. Sau thời hạn đó, sắc lệnh của Abu Bakr nói rõ : “không còn lựa chọn nào khác ngoài lưỡi gươm chém đầu.”

Tưởng cũng nên nói thêm nhóm chiến binh thánh chiến ISIS thuộc nhóm Sunni quá khích là một nhóm xuất thân từ Al Qaeda. Trong mấy tháng qua họ chiếm được nhiều vùng đất ở Iraq và Syria và đã thiết lập một nước Hồi giáo mà đặc ngữ chuyên môn gọi là Caliphate. Giáo sĩ Abu Bakr đã tuyên bố ông là nhà lãnh đạo tân quốc gia Hồi Giáo này.

13. Đức Giáo Hoàng đã nhận hàng ''tấn'' thư từ !

Đức Giáo Hoàng có thư. ... .. và rất nhiều thư. Hàng ngàn lá thư nhận được mỗi tuần tại Bưu điện của Vatican. Chúng được phân loại từng cái một. .. ngay tại đây.

Cha Stefano Bortolato thuộc Bưu điện Vatican cho biết "Những lá thư này được gởi cho Đức Giáo Hoàng, các phòng ban của Vatican, các giám mục và Hồng Y cư ngụ tại Vatican."

Người ta ước tính rằng mỗi tuần, Đức Thánh Cha nhận được khoảng 6.000 lá thư, như vậy mỗi năm Ngài nhận khoảng 300.000 bức thư. Các nhân viên lựa riêng thư của Đức Giáo Hoàng sang một bên, và sau đó trao tận tay cho các cộng tác viên của ngài tại Bộ Ngoại giao Tòa Thánh.

Cha Stefano Bortolato cho biết thêm: "Chúng tôi không biết những những bức thư nói gì vì chúng tôi không mở chúng và khi Đức Giáo Hoàng đọc những lá thư này chúng tôi không có ở đó. Điều mà chúng tôi biết là Đức Giáo Hoàng nhận thư trực tiếp, mở thư và đọc một số lá thư"

Trong tư cách là một nhà nước độc lập, Vatican có bưu điện riêng của mình. Bưu điện này gửi và nhận thư từ khắp các nơi trên thế giới.

“Nếu bạn viết thư cho Đức Giáo Hoàng, chính xác bạn sẽ viết gì trong đó?"

Một người đang có mặt tại Bưu điện Vatican nói:

“Tôi sẽ thỉnh cầu Ngài cầu nguyện cho hòa bình thế giới."

Mặc dù ngày nay, thật là dễ dàng viết một e-mail hoặc thậm chí gửi đi một tweet, Đức Giáo Hoàng thích liên lạc theo lối xưa. Cho dù, đó là bằng cách gọi điện thoại, hay trả lời thư trực tiếp.

Một khách hành hương đang có mặt tại Bưu điện Vatican nhận xét:

"Tôi nghĩ rằng điều này đáng kinh ngạc. Đức Giáo Hoàng này rất khác so với Đức Giáo Hoàng tiền nhiệm và Ngài là vị Giáo hoàng đầu tiên đến từ châu Mỹ."

Vatican có hệ thống để xác minh những lá thư nào là hợp lệ. Với những lá thư xin yểm trợ tài chính, chẳng hạn, những thư gởi từ các giáo xứ hay giáo phận thì được coi trọng hơn. Nhưng hầu hết, chỉ đơn giản là xin cầu nguyện.

Cha Stefano Bortolato nói tiếp: "Chỉ cần nhìn các địa chỉ trên các lá thư, chúng tôi có thể nhận ra rằng kể từ khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô được bầu lên, chúng tôi đã nhận được nhiều thư từ châu Mỹ La tinh hơn."

Ở đây, tại quốc gia nhỏ nhất thế giới, trớ trêu thay thư từ lại nhận được từ khắp mọi chân trời góc bể của thế giới. Mặc dù phải chen vai thích cánh với hàng chục ngàn bức thư, người ta vẫn hy vọng rằng bức thư của họ, chỉ cần một bước nữa thôi... dán tem rồi sẽ đến thẳng bàn làm việc của Đức Giáo Hoàng.

14. Xin cho Công Giáo Bắc Hàn được tham dự chuyến tông du của Đức Thánh Cha.

Tin của thông tấn xã AP cho biết vào ngày thứ Ba 15 tháng 7, Công Giáo Nam Hàn đã một lần nữa yêu cầu chính quyền cộng sản Bắc Hàn cho phép đại diện Công Giáo Bắc Hàn, gồm 10 người, được sang Nam Hàn để dự thánh lễ do Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành nhân dịp ngài viếng thăm Nam Hàn vào trung tuần tháng 8 năm 2014.

Theo dự liệu, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm Nam Hàn vào các ngày từ 14 đến 18 tháng 8 năm 2014. Trong chuyến tông du này Đức Thánh Cha sẽ tham dự ngày đại hội giới trẻ, chủ tọa lễ phong chân phước cho 124 người Đại Hàn đã tử vì đạo, đồng thời mang sứ điệp hoà bình đến bán đảo bị chia đôi vì chiến tranh.

Giới chức Công Giáo Nam Hàn cho biết cách đây 6 tháng, Công Giáo Nam Hàn đã yêu cầu chính quyền Bắc Hàn cho phép đại diện Công Giáo Bắc Hàn được tham dự các nghi lễ nhân dịp Đức Thánh Cha viếng thăm Nam Hàn. Tuy nhiên, chính quyền Bắc Hàn đã không trả lời yêu cầu này và hôm nay Công Giáo Nam Hàn lại một lần nữa xin cho đại diện Công Giáo Bắc Hàn được đi Nam Hàn. Theo phát ngôn viên tổng giáo phận Seoul, cha Hur Young-yup, cho biết chính quyền Bắc Hàn có thể sẽ trả lời yêu cầu của Giáo Hội Công Giáo Nam Hàn vào đầu tháng 8.

Tưởng cũng nên nói thêm hiến pháp cộng sản Bắc Hàn ghi rõ bảo đảm quyền tự do tôn giáo, nhưng thực tế, cộng sản Bắc Hàn đã tiêu diệt tôn giáo một cách triệt để. Theo các người Bắc Hàn đào thoát sang Nam Hàn, người nào phân phát Thánh Kinh hay bí mật tổ chức cầu nguyện chung cũng đủ để chính quyền Bắc Hàn xử tử hình hoặc bắt đi trại tù lạo động khổ sai.

Theo linh mục phát ngôn viên của tổng giáo phận Seoul, trước chiến tranh 1950-1953, Bắc Hàn có khoảng 50,000 tín hữu Công Giáo. Hiện nay, theo sự quan sát của các người có dịp đến Bắc Hàn, người ta không thấy có dấu hiệu nào là có sinh hoạt của người Công Giáo.