Ngày 31-07-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:55 31/07/2014
BUỒN RẦU CỦA HẢI CẨU
N2T

Hải cẩu nhìn thấy hoàn cảnh chung quanh càng ngày càng dơ bẩn bừa bãi, sinh thái bị phá hoại, sông ngòi bị ô nhiễm, chịu không nổi, âu sầu rầu rỉ nói:
- “Lạy Chúa, ban đầu Chúa sáng tạo trời đất đâu phải như thế này! Ngài coi, thế giới này càng ngày càng xấu xí.”
- “Đó là vì tâm hồn của chúng con ngày càng không đẹp đấy chứ.”
Hải cẩu nói:
- “Như vậy, nếu chúng con muốn phục hồi tình trạng cũ thì sự sạch sẽ phải bắt đầu từ đâu?”
- “Phải bắt đầu từ tâm hồn của chúng con trước.”

(Hạnh Lâm Tử)

Suy tư:
Các nhà xã hội học nghiên cứu tận căn những tệ đoan của xã hội và đưa cách trị cho các nhà giáo dục; các nhà giáo dục thì chạy đến nhờ các tâm lý gia cố vấn; các nhà cố vấn tâm lý lại hợp đồng nghiên cứu với các nhà xã hội học. Và cứ thế xã hội rối loạn vẫn cứ rối loạn, tệ nan vẫn cứ tệ nạn.
Các nhà chuyên môn này quên mời một chuyên gia cố vấn về tâm hồn, đó là các linh mục, vâng, tôi nói lại, đó là các linh mục Công Giáo.
- Có ai nghe đựơc những lời sâu kín nhất của tội nhân bằng các linh mục.
- Có ai vừa là quan toà kết án và giải án cho tội nhân, vừa là luật sư biện hộ cho tội nhân, lại vừa là bác sĩ trị liệu cho tội nhân như các linh mục Công Giáo.
Xã hội có quá nhiều tệ nạn, phong hoá xã hội có quá nhiều ô nhiễm. Bắt đầu làm lại không phải chỉ là giải quyết nhà ổ chuột, xây chung cư, lập nhiều đội cảnh sát hình sự, lập thêm nhiều trại cải huấn, những điều này, chỉ cần vốn tri thức tự có của nhà nước cũng có thể làm được.
Xây dựng lại không phải bằng quy hoạch khu đất này mặt bằng nọ, nhưng bắt đầu lại từ trong tâm hồn của mỗi con người. Mà bắt đầu lại từ mỗi tâm hồn thì cần phải có tôn giáo tham gia, bởi vì, tôn giáo là cơ sở tạo nên nhân cách của con người, bởi vì bản chất con người là “nhân chi sơ, tính bổn thiện”, và vì hoàn cảnh môi trường đã làm con người mất đi tính bản thiện, do đó, cần phải có những nhà tôn giáo cộng tác, để đem lại cho mọi thành phần trong xã hội một niềm tin, một sức sống mới, sức sống của tình thương đại đồng.
Đúng là phải bắt đầu lại từ tâm hồn với những bác sĩ và kỷ sư của linh hồn, đó chính là các linh mục Công Giáo.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch và viết suy tư

--------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:59 31/07/2014
N2T

35. Yêu thì cần chú ý để song phương cùng được yêu.

(Thánh Ignatius de Loyola)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch trong “Cách ngôn thần học tu đức”

------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hiệu ứng Phanxicô và biến cố Caserta
Vũ Văn An
20:36 31/07/2014
Đức Phanxicô làm nhiều người ngạc nhiên và ngỡ ngàng khi gặp mục sư Giovanni Traettino và cộng đoàn Ngũ Tuần của ông tại Caserta vào hôm thứ Hai, 28 tháng 7 vừa qua. Nhận xét về biến cố này, Phil Lawler cho rằng Đức Phanxicô đã thay đổi cung cách thế giới nhìn ngôi vị giáo hoàng.

Thực vậy, không cần chờ cuộc cải tổ nghiệp vụ truyền thông tại Vatican, một cuộc cải tổ vừa được phát động với việc đề cử cựu tổng toàn quyền Hồng Kông của Anh làm phối trí viên, và như thế, mới đang ở giai đoạn đặt kế sách, biến cố Caserta cho thấy Vatican đã thay đổi cung cách xử lý tin tức rồi.

Chỉ cần nhìn cung cách đưa tin của Sở Thông Tin Vatican (VIS) về biến cố này cũng đủ chứng minh nhận định trên. Song song với việc tường trình các phát biểu của Đức Phanxicô tại Caserta, một điều dĩ nhiên VIS phải làm, cơ quan này cũng đã tường trình đầy đủ không kém các phát biểu của chủ nhà là mục sư Giovanni Traettino.

Lawler cho rằng ông đã đọc các bản tin của VIS cả 20 năm nay và thấy rằng trong suốt 20 năm này, khi nào Đức Giáo Hoàng là một trong hai hay ba diễn giả tại một biến cố công cộng, Vatican ít khi nào nhắc tới các diễn giả kia; tập chú bao giờ cũng chỉ là Đức Giáo Hoàng. Bài diễn văn của Thượng Phụ Đại Kết Constantinople hay của Đức HY Quốc Vụ Khanh may ra được tóm lược, nhưng không bao giờ đầy đủ như bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng. Nhưng ở đây, sở thông tin Vatican đã cung cấp một tóm lược hết sức chi tiết bài nói của vị mục sư Ngũ Tuần.

Tường thuật của tờ L’Osservatore Romano cũng thế, dành cùng một không gian cho các nhận xét của Đức Phanxicô và của mục sư Traettino. Lawler cho rằng không phải vì Vatican đã sa vào chủ nghĩa dửng dưng tôn giáo, đặt vị mục sự Thệ Phản ngang hàng với Đức Giáo Hoàng. VIS là một cơ quan đưa tin, phục vụ các nhà báo. Lời tuyên bố của Đức Giáo Hoàng đương nhiên có thế giá hơn lời tuyên bố của một mục sư Thệ Phản, nhưng nó không nhất thiết phải có giá trị hơn về phương diện tin tức. Hiển nhiên, VIS muốn lưu ý tới lời lẽ Mục Sư Traettino chào mừng Đức Giáo Hoàng.

Phương thức đưa tin như trên, theo Lawler, cũng cho thấy một thay đổi đáng kể trong cung cách các viên chức Vatican quan niệm chức vụ giáo hoàng, một thay đổi mà chính Đức Phanxicô hết sức cố gắng cổ vũ. Phương thức “cũ” coi Đức Giáo Hoàng như nhà quân chủ thế kỷ 18, và muốn gợi ý để mọi người thấy: khi ngài có mặt ở đâu, mọi người khác phải biến thành vô nghĩa. Phương thức “mới” coi Đức Giáo Hoàng như một con người bình thường, tuy đang lãnh trách nhiệm phi thường và một thẩm quyền lớn lao, nhưng cũng đang nói chuyện với những con người khác rất có thể có những điều lý thú để nói.

Rõ ràng Đức Giáo Hoàng đang phát động chiến dịch nhắc nhở thế giới, và dĩ nhiên cả các phụ tá của ngài tại Vatican, nhớ rằng: Giám Mục Rôma không phải là nhà chuyên chế thế tục, và thẩm quyền thiêng liêng của ngôi vị giáo hoàng không được ngụy trang bởi những mũ áo cân đai của nền quân chủ lỗi thời. Sứ điệp này đang bắt đầu được lắng nghe và thi hành.

Cần một điển hình khác? Lawler cho rằng điển hình khác này cũng đã xẩy ra tại Caserta khi Đức Phanxicô gặp gỡ các linh mục của giáo phận. Tường trình của Đài Phát Thanh Vatican có kèm theo một bức hình: Đức Phanxicô ngồi bên cạnh Đức Cha Giovanni D’Alise, giám mục Caserta, chứ không ngồi trên ngai hay trên một chiếc ghế cao hơn. Ngài ngồi bên cạnh vị giám mục anh em như bất cứ ai khác cùng ngồi với đồng nghiệp trong một cuộc họp công vụ. Hết sức tự nhiên. Nhưng không hề tự nhiên trong hơn 20 năm qua. Lawler cho rằng trong các năm này, người ta không bao giờ thấy một sắp xếp chỗ ngồi giống như thế khi có sự hiện diện của Giám Mục Rôma.

Xin lỗi thay cho các anh chị em Công Giáo thiếu hiểu biết

Theo tin Zenit ngày 29 tháng 7, hôm Thứ Hai vừa qua, tại Caserta, miền Nam nước Ý, Đức Phanxicô đã xin lỗi người Ngũ Tuần thay cho các người Công Giáo từng bách hại họ trong quá khứ, vì thiếu hiểu biết; đồng thời kêu gọi hợp nhất trong đa dạng.

Sau khi gặp riêng người bạn lâu năm của mình là Mục Sư Giovanni Traettino, Đức Phanxicô đã nói chuyện với khoảng 200 người, phần lớn là Ngũ Tuần đến từ Ý, Mỹ và Á Căn Đình. Ngài bảo: cuộc đối thoại đại kết cần được tiếp tục bất kể một số người Công Giáo tìm cách trì hoãn nó.

Trong một bầu khí vui tươi và thân mật, Mục Sư Traettino nói với bạn mình là Đức GH Phanxicô rằng :Với những người như ngài, người Kitô hữu chúng tôi có nhiều hy vọng”.

Đáp lời Mục Sư Traettino rằng “sự hiện diện của Chúa Giêsu và việc bước đi trước nhan Người phải là tâm điểm đời ta”, Đức Phanxicô cho hay “Việc bước đi ấy chính là giới răn thứ nhất của Thiên Chúa truyền cho dân Người, được đại diện bởi Ápraham: ‘hãy trung thành bước đi trước mặt Ta và hãy vô tì vết!’”

Ngài nói tiếp: “tôi không hiểu được việc một Kitô hữu đứng im! Tôi không hiểu được việc một Kitô hữu mà lại không muốn bước đi! Kitô hữu là phải bước đi, vì nếu họ đứng im, họ làm sao tiến lên phía trước được, chắc chắn sẽ trở thành hủ hóa”.

Đức Giáo Hoàng bảo rằng: khi ta bước đi trước nhan Thiên Chúa, ta sẽ tìm được tình huynh đệ. Còn nếu thay vào đó mà dừng lại, mà dò xét lẫn nhau, mà hành tỏi nhau, ta sẽ chia rẽ Giáo Hội.

Đức Phanxicô quan niệm rằng hành tỏi bắt đầu từ giây phút đầu tiên Giáo Hội bị chia rẽ. Chúa Thánh Thần không tạo ra chia rẽ, Người chỉ tạo ra đa dạng trong Giáo Hội, “một đa dạng phong phú và tươi đẹp”.

Cùng với đa dạng, Chúa Thánh Thần cũng dựng nên hợp nhất. Do đó, không những “Giáo Hội là một trong tính đa dạng của mình” mà còn có sự hợp nhất “với nhiều thành phần khác nhau, mỗi phần với tính đặc thù và đặc sủng của mình”. Ngài nói thêm: “Đây là sự hợp nhất trong đa dạng. Đây là con đường các Kitô Hữu cần đi, khi cho nó cái tên thần học là đại kết”.

Khi ghen tương và đố kị chia rẽ ta, ta phải trì chí trên con đường tiến tới hợp nhất này. Ngài nói: “một số những người ban hành các đạo luật này, và một số những người bách hại, tố cáo các anh em Ngũ Tuần là vì họ ‘quá hứng chí’, gần như ‘điên loạn’, chính họ làm hỏng cuộc thi đua”

Rồi Đức Phanxicô tỏ lời xin lỗi: “Tôi là một mục tử của người Công Giáo, nên tôi xin lỗi về việc này. Tôi xin lỗi nhân danh các anh chị em Công Giáo thiếu hiểu biết và bị ma qủy cám dỗ. Tôi cầu xin Chúa ban ơn biết nhìn nhận và tha thứ”.

Đức Phanxicô nói thêm: “Chúng ta đang trên đường hợp nhất giữa anh em. Một số người sẽ ngạc nhiên nói ‘Đức Giáo Hoàng đi với người Tin Mừng! Ngài đi gặp anh em của ngài! Đúng! Vì, sự thật là họ đã đến với tôi trước, tại Buenos Aires. Và do đó, tình bạn này đã bắt đầu, sự gần gũi giữa các mục tử của Buenos Aires, và hôm nay ở đây”.

Sau đó, ngài cám ơn cộng đoàn và xin họ cầu nguyện cho ngài vì ngài rất cần lời cầu nguyện của họ.

Ngài là người của hòa giải, đúng hơn, tiên tri của hòa giải

Đó là câu phát biểu của Mục Sư Giovanni Traettino, mục tử của cộng đoàn Ngũ Tuần tại Caserta dưới tên: Giáo Hội Tin Mừng Hòa Giải, ngỏ với Đức Phanxicô, trước khi ngài nói chuyện với cộng đoàn này.

Ông thưa với ngài bằng những từ ngữ thân thương nhất: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô rất thân mến, người anh em yêu dấu của tôi”. Ông cho rằng cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng là niềm vui cho bản thân ông, cho gia đình ông và cho toàn thể cộng đoàn và cho toàn bộ gia đình thiêng liêng “của chúng tôi”… “Chúng tôi yêu ngài rất nhiều. Và có một điều ngài cần biết là: ngay nơi người Tin Mừng chúng tôi, người ta hết sức âu yếm con người của ngài, và rất nhiều người chúng tôi cầu nguyện cho ngài hàng ngày… Dù sao, yêu ngài rất nhiều cũng là điều dễ dàng. Một ít người trong chúng tôi còn tin rằng việc bầu ngài làm Giám Mục Rôma là do chính Chúa Thánh Thần thực hiện. Một hồng ân trước nhất cho toàn thể Kitô Giáo trong việc đương đầu với thế giới: đó là điều bản thân tôi vẫn nghĩ. Với nghĩa cử hôm nay của ngài, một nghĩa cử hoàn toàn không ai ngờ và gây ngạc nhiên lớn, ngài đã đem lại tính hữu hình và tính cụ thể cho điều xem ra càng ngày càng là lý do hàng đầu đối với cuộc đời ngài và do đó, đối với thừa tác vụ của ngài, vì sự sống luôn đi trước thừa tác vụ. Chỉ bằng một nghĩa cử, ngài đã vượt qua mọi cái phức tạp của nghi lễ, ngài biết cách đi thẳng vào trái tim sự sống và các tương quan nhân bản và cách riêng, vào mối tương quan với người ngài nhận là anh em: gặp gỡ người anh em của mình, gặp gỡ người này ngay tại nơi họ ở, họ có thế nào gặp gỡ họ thế ấy. Rồi, trong trường hợp của chúng tôi, để thăm chúng tôi, ngài thực sự đã phải chịu cực tới hai ngày. Chúng tôi hết sức biết ơn ngài!”

Chưa hết, mục sư nói tiếp: “Đối với ngài, tín thác một văn kiện hay một thông điệp là điều không đủ… Hiển nhiên, ngài đã suy niệm nhiều về việc Nhập Thể của Chúa Giêsu Kitô: ngài muốn đụng tới chúng tôi, ngài muốn đích thân tới, đích thân ôm lấy chúng tôi. Ngài đã tỏ một lòng can đảm lớn lao, tự do và can đảm! Và ngài vốn hiến mình, trong đơn sơ và yếu đuối, cho sự đa dạng của chúng ta, nhưng còn cho cả việc chúng ta ôm lấy nhau nữa. Thưa Đức Giáo Hoàng Phanxicô yêu dấu, với những người như ngài, các Kitô hữu chúng tôi có nhiều hy vọng. Cho tất cả! Với chỉ một nghĩa cử, ngài đã mở rộng cánh cửa, ngài đã gia tốc việc thể hiện giấc mơ của Thiên Chúa. Ngài đã trở thành thành phần của lời Chúa Giêsu cầu xin: cho chúng tất cả nên một. Và ngài làm thế với sự vinh quang mà Tin Mừng Gioan đoạn 17 từng nói tới: với sự vinh quang mà không có nó ta không thể xây đắp hợp nhất. Tôi muốn nói tới sự vinh quang của lòng khiêm nhường. Như một ai đó vốn nói, lòng khiêm nhường nằm ở tâm điểm của vinh quang…”

Mục sư không quên nhắc tới bài giảng hàng ngày của Đức Phanxicô tại Nhà Thánh Mácta, trong đó có nói tới “chân lý là một gặp gỡ”, gặp gỡ trước nhất với Chúa Giêsu Kitô. Ông cho rằng: “sự thật này nằm ở tâm điểm cuộc sống của ngài, là chất sống cho cuộc hiện sinh thiêng liêng của ngài, là động lực gây hứng cho cuộc đời ngài. Đối với tôi, người quan sát ngài, không thể nào khác thế. Nó làm tôi tràn đầy hân hoan vì Chúa Kitô cũng là viên ngọc qúy, xin lỗi, Người là viên ngọc qúy của mọi Kitô Hữu, của cả người Tin Mừng chúng tôi nữa…”.

Theo Mục Sư Traettino, chính nhờ thế, người Tin Mừng “chúng tôi cũng đang sống và trải nghiệm cách mới mẻ bản sắc Tin Mừng của mình, một bản sắc không còn được nuôi dưỡng bằng chủ nghĩa bài Công Giáo, như từng có trước đây, nữa, nhưng là một bản sắc biết thừa nhận gốc rễ của mình trong thân cây lịch sử của Kitô Giáo, trong đó, có cả Công Giáo lẫn Cải Cách”.

Mục Sư cho rằng đấy cũng là phương thức của Đức Phanxicô: “Ngài đã học được cách liên hệ một cách xây dựng và đầy cứu vớt với những người ngài thừa nhận là cha và là anh em của ngài và lấy ra được từ kho báu của ngài điều cũ điều mới, như Sách Tin Mừng vốn nói. Ngài đã học được rằng cần phải mua cả cánh đồng, như lời Chúa Giêsu dạy ở một chỗ khác, để có thể chiếm hữu được trọn của qúy. Ta phải có trọn cánh đồng mới có thể khám ra châu báu, không bỏ qua việc biện phân bằng Lời Thiên Chúa, nhưng phải khảo sát mọi sự để chỉ giữ lấy điều tốt. Nhờ phương thức này, ta ít bị nguy cơ coi thường các đóng góp của anh em, giập tắt Thần Khí hay ngay cả gán cho các nguồn khác những điều vốn là của Thiên Chúa, như Thánh Phaolô từng khuyên nhủ ta trong thư gửi tín hữu Texalônica: “Đừng giập tắt Thần Khí, đừng khinh thường ơn nói tiên tri, nhưng hãy khảo sát mọi sự và giữ lấy điều tốt. Và một lần nữa, mỗi người phải xa lánh mọi thứ xấu xa” (xem 1Tx 5:19-22).

Mục Sư cho rằng tâm điểm lời giảng của người Tin Mừng cũng là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, nó là sứ điệp chính, là hạt nhân, là DNA của Phúc Âm; nó là “lãnh địa trên đó đắp xây mọi cuộc đối thoại có thể có giữa chúng ta và là con đường hợp nhất giữa các Giáo Hội”. Mục sư cho rằng những vị như Cha Raniero Cantalamessa, Đức Hồng Y Piovanelli của Florence và Đức HY Kaspers cũng có cùng những tâm tư như thế.

Dĩ nhiên đó là bình diện đức tin. Nhưng ta cũng sống trong bình diện lịch sử, bình diện cảm nghiệm, “trong đó chúng ta trải nghiệm nỗi nhục của chia rẽ, của chiến tranh giữa các Kitô hữu, của thù nghịch, của bách hại, ngay tại Ý: bất hạnh thay, trong nhiều năm, chúng ta đã chịu bách hại, đặc biệt là người Ngũ Tuần, trong các năm từ thập niên 35 tới thập niên 55, thời gian khét tiếng… Ở giữa là thời gian của hòa giải, thời gian của đạo đức, nếu ngài muốn, là thời gian yêu thương, thời gian trách nhiệm, cần được chu toàn bởi những người nam nữ của hòa giải. Bằng cuộc thăm viếng của ngài ở đây, một cuộc thăm viếng chứng minh rằng ngài coi rất trọng việc hòa giải, ngài đã cho thấy ngài là người của hòa giải, tôi muốn nói, là tiên tri của hòa giải”.

Liên Minh Tin Mừng Thế Giới xin lỗi

Hiệu ứng Phanxicô không chỉ có thế. Theo tin Zenit ngày 30 tháng 7, Tổng Thư Ký của Liên Minh Tin Mừng Thế Giới, Mục Sư Tunnicliffe, vừa lên tiếng ca ngợi cuộc viếng thăm người Ngũ Tuần tại Caserta hôm thứ Hai vừa qua của Đức Phanxicô và đáp lại lời ngài xin lỗi về sự thiếu hiểu biết của người Công Giáo bằng cách xin người Công Giáo tha thứ cho người Tin Mừng về các kỳ thị của họ đối với người Công Giáo.

Trong một cuộc phỏng vấn của Đài Phát Thanh Vatican vào Thứ Tư hôm qua, Mục Sư Tunnicliffe đã trình bày một số suy tư về nghĩa cử viếng thăm hơn 200 thành viên của Giáo Hội Hoà Giải Ngũ Tuần Caserta. Được hỏi về tác động của cuộc gặp gỡ này, Mục Sư trả lời: “tôi nghĩ việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô bắt tay với người Tin Mừng là điềm báo rất hay cho những cuộc đàm thoại tương lai, vì nó sẽ giúp chúng ta đi sâu hơn vào các tương tác của chúng ta với nhau”.

Mục Sư nói thêm: “Trong ít năm qua, Liên Minh Tin Mừng Thế Giới, một liên minh đại diện cho khoảng 650 triệu Kitô hữu khắp thế giới, càng ngày càng có nhiều tương tác hơn với Vatican và Giáo Hội Công Giáo. Chúng tôi vừa kết thúc cuộc đối thoại thần học chính thức lần thứ hai; cuộc đối thoại này nhận diện được nhiều phạm vi hai bên cùng quan tâm và các phạm vi hai bên hiện còn khác biệt”.

Nhận định về lời xin lỗi của Đức Phanxicô đối với người Tin Mừng và Ngũ Tuần, Mục Sư Tunnicliffe cho rằng lời xin lỗi này hợp với Thánh Kinh và “phản ảnh sứ điệp của Chúa Kitô”. Sau khi hy vọng rằng nghĩa cử này của Đức Giáo Hoàng sẽ gửi “một thông điệp mạnh mẽ ra khắp thế giới , nhất là các nước vẫn còn nhiều căng thẳng đáng kể giữa người Công Giáo và người Tin Mừng”, nhà lãnh đạo Tin Mừng này đã ngỏ lời xin lỗi như sau: “Tôi cũng cần nói điều này: Tôi nhìn nhận rằng trong lịch sử từng có những tình huống trong đó, người Thệ Phản, trong đó có người Tin Mừng, đã kỳ thị chống lại các Kitô hữu Công Giáo và tôi thực sự đau buồn về các loại hành động như thế, vì dù ta có thể bất đồng về thần học, nhưng việc này không bao giờ nên dẫn ta tới kỳ thị hay bách hại người khác. Tất cả chúng ta cần thừa nhận các sai sót của mình” và theo gương Đức Phanxicô, Mục Sư nói “hãy yêu cầu từng người khác tha thứ”.
 
Những Thách Đố về Mục Vụ Gia Đình trong Bối Cảnh Phúc Âm Hoá (4)
Phaolô Phạm Xuân Khôi
14:37 31/07/2014

Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục Ngoại Thường III

Những Thách Đố về Mục Vụ Gia Đình trong Bối Cảnh Phúc Âm Hoá



Chương IV

Gia đình và ơn gọi của con người trong Đức Kitô



Gia đình, con người và xã hội

31. Gia đình được nhìn nhận như một tài sản vô giá trong Dân Thiên Chúa, như môi trường phát triển tự nhiên của đời sống, một trường học của lòng nhân đạo, yêu thương và hy vọng cho xã hội. Nó tiếp tục là một không gian đặc quyền mà ở đó Đức Kitô tỏ lộ mầu nhiệm và ơn gọi của con người. Bên cạnh việc xác định những dữ kiện căn bản được chia sẻ này, phần lớn những người được hỏi cho biết gia đình có khả năng là nơi đặc quyền này, trong khi đề ra, và đôi khi ghi nhận một cách rõ ràng, một khoảng cách đáng lo ngại giữa gia đình dưới hình thức mà nó được biết đến hiện nay và giáo huấn của Hội Thánh về vấn đề này. Khách quan mà nói thì gia đình đang ở trong một thời điểm rất khó khăn, với những hoàn cảnh thực tiễn, những câu chuyện và những đau khổ phức tạp, là những điều cần phải có một cái nhìn nhân từ và thông cảm. Cái nhìn này là điều cho phép Hội Thánh đồng hành với các gia đình trong khi họ đang sống trong thực tại này và từ đó rao giảng Tin Mừng về gia đình theo nhu cầu cụ thể của họ.

32. Người ta nhận ra trong các câu trả lời rằng qua nhiều kỷ nguyên, gia đình đã đóng một vai trò quan trọng trong xã hội: thực ra, gia đình là nơi đầu tiên mà con người được hình thành trong xã hội và cho xã hội. Được công nhận là nơi tự nhiên cho việc phát triển của con người, gia đình cũng là nền tảng của bất cứ xã hội và quốc gia nào. Tóm lại, gia đình được mô tả là “xã hội đầu tiên của nhân loại.” Gia đình là nơingười ta truyền lại và học ngay từ những năm đầu đời về các giá trị như tình huynh đệ, lòng trung thành, yêu chân lý, thích làm việc, sự tôn trọng và đoàn kết giữa các thế hệ, cũng như nghệ thuật giao tế và niềm vui. Nó là không gian đặc quyền để sống và phát huy phẩm giá và quyền lợi của con người. Gia đình, được thiết lập trên hôn nhân, đặc trưng cho môi trường hình thành toàn diện những công dân tương lai của một quốc gia.

33. Một trong những thách đố lớn của gia đình hiện đại là cố gắng tư nhân hóa của nó. Người ta có một nguy cơ là quên rằng gia đình là “đơn vị cơ bản của xã hội, ở đó chúng ta học cách sống chung với nhau trong sự khác biệt và thuộc về người khác” (EG 66). Cần phải giới thiệu một cái nhìn mở rộng về gia đình, là nguồn tài sản của xã hội, nghĩa là, các đức tính cần thiết cho đời sống chung. Chính trong gia đình mà chúng ta học điều gì là công ích, bởi vì trong đó chúng ta có thể cảm nghiệm sự tốt lành của việc cùng nhau chung sống. Nếu không có gia đình, con người không thể thoát ra khỏi chủ nghĩa cá nhân, bởi vì chỉ có gia đình mới là nơi chúng ta học được sức mạnh của tình yêu để bảo tồn sự sống, và “nếu không có một tình yêu đáng tin cậy, không có gì thực sự có thể làm cho con người thực lòng hợp nhất với nhau. Sự hợp nhất của họ có thể hiểu được là chỉ dựa trên tiện ích, trên toan tính về những lợi ích hoặc sợ hãi trái ngược nhau, nhưng không dựa trên sự tốt lành của việc cùng nhau chung sống, cũng không dựa trên niềm vui mà sự hiện diện đơn thuần của tha nhân có thể mang lại” (LF 51).

34. Chúng ta cần phải suy nghĩ về ý nghĩa của việc quảng bá một mục vụ có khả năng khuyến khích các gia đình tham gia vào xã hội ngày nay. Gia đình không chỉ là một đối tượng của sự bảo vệ của quốc gia, nhưng phải tìm lại vai trò của họ như những chủ thể xã hội. Có nhiều thách đố xuất hiện trong bối cảnh này đối với các gia đình: mối quan hệ giữa gia đình và sở làm, giữa gia đình và giáo dục, giữa gia đình và y tế; khả năng kết hợp các thế hệ khác nhau, ngõ hầu những người trẻ và những người già không bị bỏ rơi; sự phát triển của một luật gia đình bao gồm những mối liên hệ cụ thể của nó; việc cổ võ những luật công bằng, chẳng hạn như những luật đảm bảo việc bảo vệ sự sống con người từ lúc thụ thai và những luật quảng bá sự tốt đẹp về mặt xã hội của hôn nhân đích thực giữa người nam và nữ.

Theo hình ảnh của đời sống của Chúa Ba Ngôi

35. Một số câu trả lời nhấn mạnh đến hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi được phản ánh trong gia đình. Kinh nghiệm của việc yêu thương lẫn nhau giữa hai vợ chồng giúp chúng ta hiểu đời sống của Chúa Ba Ngôi như tình yêu: qua kinh nghiệm về sự hiệp thông được sống trong gia đình, trẻ em có thể có một thoáng nhìn về Thiên Chúa Ba Ngôi. Gần đây, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại trong bài giáo lý của ngài về các bí tích rằng, “Khi một người nam và một nữ cử hành Bí Tích Hôn Phối, chúng ta có thể nói là Thiên Chúa được ‘phản ánh’ trong đó, Ngài đánh dấu họ bằng những đặc điểm của Ngài và căn tính không thể xóa được của tình yêu của Ngài. Hôn nhân là biểu tượng của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta. Thực ra, ngay cả Thiên Chúa cũng là sự hiệp thông Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần sống từ muôn thủa và đời đời trong sự hiệp nhất hoàn hảo. Và đây là mầu nhiệm của Hôn Nhân: Thiên Chúa làm cho hai vợ chồng thành một cuộc sống duy nhất.” (Triều Yết Chung, ngày 2 tháng 4 năm 2014).

Thánh Gia Nagiaret và giáo dục về tình yêu

36. Bằng một cách hầu như đồng nhất, các câu trả lời nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Thánh Gia Nagiaret như một mô hình và mẫu gương cho các gia đình Kitô hữu. Mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời trong một gia đình cho chúng ta thấy rằng gia đình là một nơi đặc biệt cho việc mặc khải của Thiên Chúa dành cho con người. Thực ra, gia đình được nhìn nhận như một nơi thông thường và hàng ngày để gặp gỡ Đức Kitô. Các Kitô hữu nhìn lên Thánh Gia Nagiaret như một mẫu gương về mối liên hệ và tình yêu, như một điểm tham chiếu cho mỗi thực tại của gia đình và như niềm an ủi trong lúc hoạn nạn. Hội Thánh hướng về Thánh Gia Nagiaret và phó thác các gia đình trong những thực trạng vui mừng, hy vọng và đau khổ cụ thể của họ.

37. Các câu trả lời nhận được làm nổi bật tầm quan trọng của tình yêu được sống trong gia đình, được định nghĩa là “dấu chỉ hiệu quả của sự hiện hữu của tình yêu Thiên Chúa”, “nơi trú ẩn của tình yêu và đời sống.” Kinh nghiệm đầu tiên về tình yêu và sự liên hệ xảy ra trong gia đình: cần phải nhấn mạnh đến việc mỗi trẻ em cần được sống trong sự đầm ấm và che chở chăm sóc của cha mẹ dưới một mái nhà là nơi có bình an. Các trẻ em phải có khả năng nhận ra rằng Chúa Giêsu ở với các em và các em không bao giờ cô đơn. Sự cô đơn của trẻ em gây ra bởi sự lỏng lẻo trong các liên hệ gia đình, đặc biệt ở một vài vùng địa lý. Việc sửa dạy con cái cũng phải nhằm mục đích đảm bảo rằng trẻ em có thể lớn lên trong một môi trường gia đình mà ở đó có tình yêu và cha mẹ nhận ra ơn gọi của mình là cộng tác viên của Thiên Chúa trong sự phát triển của gia đình nhân loại.

38. Phải liên tục nhấn mạnh đến giá trị đào luyện của tình yêu trong gia đình, không những chỉ cho trẻ em, mà còn cho tất cả các thành viên của gia đình. Do đó, gia đình được mô tả là “trường học tình yêu”, “trường học hiệp thông”, “trường thực tập liên hệ,” nơi ưu tuyển mà chúng ta học để xây dựng các mối quan hệ có ý nghĩa, trợ giúp sự phát triển của con người cho đến khi có khả năng tự hiến. Một số câu trả lời nhấn mạnh rằng sự hiểu biết về mầu nhiệm và ơn gọi của con người có liên quan đến việc công nhận và chấp nhận những tài năng và khả năng khác nhau của mỗi người trong gia đình. Chúng ta thấy ở đây ý tưởng về gia đình là “trường học đầu tiên của nhân loại”: trong đó, nó được coi là không thể thay thế được.

Những khác biệt, hỗ tương và lối sống gia đình

39. Vai trò của cha mẹ, những nhà giáo dục đầu tiên trong đức tin, được coi là cần thiết và quan trọng. Người ta thường nhấn mạnh đến chứng từ của việc chung thuỷ, và đặc biệt, vẻ đẹp của sự khác biệt của họ; đôi khi tầm quan trọng của vai trò riêng biệt của cha mẹ được nhấn mạnh. Trong trường hợp khác, người ta nhấn mạnh đến bản chất tích cực của tự do, sự bình đẳng giữa vợ chồng và sự hỗ tương của họ, cũng như sự cần thiết phải có sự tham gia của cả cha lẫn mẹ, cả trong việc giáo dục con cái lẫn việc nội trợ, như được nêu lên trong một số câu trả lời, đặc biệt là của những người từ Âu châu.

40. Đề cập thêm về sự khác biệt, có một số người nhấn mạnh đến sự phong phú của sự khác biệt giữa các thế hệ có thể có, được cảm nghiệm trong gia đình, trong đó có những biến cố quan trọng như sinh, tử, thành công và thất bại, mục tiêu đạt được và thất vọng. Qua những biến cố này và những biến cố khác, gia đình trở thành một nơi mà trẻ em lớn lên trong việc tôn trọng sự sống, trong việc hình thành cá tính của các em, qua tất cả các mùa của cuộc đời.

41. Có những câu trả lời kiên quyết nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đức tin được cha mẹ chia sẻ và bày tỏ cách rõ ràng, bắt đầu bằng cách sống của các cặp vợ chồng trong mối liên hệ giữa họ và con cái, mà cũng qua việc chia sẻ sự hiểu biết và ý thức của họ về Đức Kitô - như được liên tục tái khẳng định - phải ở trung tâm của gia đình. Trong bối cảnh của một xã hội đa dạng, cha mẹ có thể cho con cái của họ một định hướng cơ bản cho đời sống của các em, là điều có thể nâng đỡ các em thậm chí sau thời thơ ấu. Đó là lý do tại sao chúng ta nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tạo ra một không gian và thời gian để ở bên nhau như một gia đình, cũng như sự cần thiết phải giao tiếp cởi mở và chân thành trong một cuộc đối thoại liên tục.

42. Các câu trả lời đồng tâm nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc cầu nguyện trong gia đình, như một Hội Thánh tại gia (x. LG 11), để nuôi dưỡng một “nền văn hóa gia đình cầu nguyện” thật sự. Sự hiểu biết thật về Đức Chúa Giêsu Kitô thực sự được cổ võ trong gia đình qua việc cầu nguyện cá nhân, và đặc biệt dưới các hình thức cụ thể cùng việc sử dụng các nghi thức trong gia đình, được coi là một cách hiệu quả để truyền thụ đức tin cho con cái. Người ta cũng nhấn mạnh nhiều đến việc đọc Thánh Kinh chung, cùng các hình thức cầu nguyện khác, chẳng hạn như chúc lành cho bữa ăn và Kinh Mân Côi. Tuy nhiên, chắc chắn rằng gia đình, Hội Thánh tại gia, không thể thay thế cộng đồng giáo xứ; ngoài ra, người ta cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tham gia của gia đình vào đời sống bí tích, Thánh Lễ Chúa Nhật và các bí tích Khai Tâm Kitô Giáo. Nhiều câu trả lời cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Bí Tích Hòa Giải và việc sùng kính Đức Mẹ Maria.

Gia đình và sự phát triển toàn diện

43. Các câu trả lời nhấn mạnh đến tầm quan trọng của gia đình trong sự phát triển toàn diện của con người: gia đình tối cần thiết cho sự trưởng thành của tiến trình tình cảm và nhận thức, là những điều quyết định trong việc cấu tạo con người. Như một môi trường sống còn mà trong đó con người được hình thành, gia đình cũng là nguồn mạch từ đó con người rút ra ý thức rằng mình là con cái Thiên Chúa, được mời gọi để yêu thương. Những chỗ khác cũng đóng góp vào sự phát triển của con người, chẳng hạn như đời sống xã hội, sở làm, đời sống chính trị và Hội Thánh; tuy nhiên, người ta công nhận rằng những nền tảng nhân bản nhận được trong gia đình cho phép con người đến gần những mức độ tiếp theo của việc xã hội hoá và cấu tạo.

44. Theo nhiều câu trả lời cho biết thì gia đình phải đương đầu với nhiều khó khăn và thử thách hàng ngày. Việc là một gia đình Kitô giáo không tự động đảm bảo là họ có thể được miễn những khủng hoảng, đôi khi sâu xa, tuy nhiên, qua đó chính gia đình được củng cố, và đưa đến việc nhận ra mục đích nguyên thủy của nó trong kế hoạch của Thiên Chúa, với sự nâng đỡ của hoạt động mục vụ. Gia đình là một thực tại “đã được quy định” và đảm bảo bởi Đức Kitô, và đồng thời được “xây dựng” mỗi ngày với lòng kiên nhẫn, cảm thông và tình yêu.

Đi cùng ước muốn mới của gia đình và những khủng hoảng

45. Một thực tại quan trọng được vạch ra từ những câu trả lời là, ngay cả khi đối diện với những tình cảnh rất khó khăn, nhiều người, nhất là người trẻ nhận thức được giá trị của mối dây liên hệ ổn định và lâu dài, một ước muốn thực sự về hôn nhân và gia đình, trong đó người ta thực hiện được sự chung thuỷ và bất khả phân ly của tình yêu, trong đó cung cấp sự an lành cho việc phát triển nhân bản và tâm linh. “Ước muốn lập gia đình” này tỏ ra là một dấu chỉ thực sự của thời đại, phải được hiểu như một cơ hội để làm mục vụ.

46. Hội Thánh cần phải chăm sóc cho các gia đình đang sống trong những tình trạng khủng hoảng và căng thẳng; các gia đình cần được đồng hành trong suốt chu kỳ đời sống. Phẩm chất của các liên hệ trong gia đình phải là một trong những quan tâm quan thiết yếu của Hội Thánh. Sự nâng đỡ đầu tiên đến từ một giáo xứ sống như “gia đình của các gia đình,” được nhìn nhận như trung tâm của một cuộc canh tân mục vụ, chào đón và đồng hành, sống trong nhân từ và ân cần. Người ta cũng vạch ra tầm quan trọng của các tổ chức giáo xứ để nâng đỡ các gia đình.

47. Hơn nữa, trong một số trường hợp, cần phải khẩn cấp trợ giúp những hoàn cảnh mà trong đó mối liên hệ gia đình đang bị đe dọa bởi tình trạng bạo lực trong gia đình, với những hành động can thiệp hỗ trợ có thể chữa lành vết thương, và loại trừ những nguyên nhân đã được xác định. Ở nơi nào lạm dụng, bạo hành và bỏ bê thống trị, thì ở đó không thể có sự tăng trưởng cũng như bất cứ ý thức nào về giá trị của gia đình.

48. Cuối cùng, người ta cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự hợp tác chặt chẽ giữa gia đình/nhà và giáo xứ, trong sứ mệnh loan báo Tin Mừng, cũng như sự cần thiết của việc gia đình tham gia tích cực vào đời sống giáo xứ, qua các hoạt động bổ trợ và đoàn kết với các gia đình khác. Về vấn đề này, sự giúp đỡ qu‎ý hoá của cộng đồng bao gồm các gia đình. Việc là thành viên của các phong trào hoặc các hiệp hội cũng có thể đặc biệt quan trọng trong việc nâng đỡ.

Việc đào tạo liên tục

49. Những câu trả lời thường nhấn mạnh đến sự cần thiết của một mục vụ gia đình nhằm mục đích đào tạo liên tục và có hệ thống về giá trị của hôn nhân như một ơn gọi, và việc tái khám phá ra rằng làm cha mẹ là một hồng ân. Việc đồng hành với các cặp vợ chồng không nên chỉ hạn chế trong việc chuẩn bị hôn nhân, tuy nhiên, về điều này người ta ghi nhận rằng cần phải xét lại những phương thức. Đúng hơn, rõ ràng là cần phải đào tạo liên tục và có hệ thống hơn về: Thánh Kinh, thần học, tâm linh, nhưng cũng cả về con người và đời sống. Người ta đặc biệt mong ước rằng việc dạy giáo lý có một chiều kích liên thế hệ, tích cực liên quan đến cha mẹ trong hành trình khai tâm Kitô giáo của con cái. Một số câu trả lời vạch ra một lưu tâm đặc biệt về các lễ phụng vụ, như mùa Giáng Sinh và quan trọng nhất là lễ Thánh Gia, như những lúc quý giá để chứng tỏ tầm quan trọng của gia đình và hiểu được bối cảnh con người nơi Chúa Giêsu lớn lên, học nói, học yêu, học cầu nguyện và làm việc. Người ta cũng đề ra sự cần thiết của việc giữ ngày Chúa Nhật như ngày của Chúa, thậm chí theo quan điểm dân sự, như một ngày trong đó việc gặp gỡ nhau trong gia đình và với các gia đình khác được khuyến khích.

(còn tiếp)



Nguyên bản: http://www.vatican.va/roman_curia/synod/documents/rc_synod_doc_20140626_instrumentum-laboris-familia_it.html
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Phỏng vấn Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm về chương trình giáo lý 100 tuần
Gioan Lê Quang Vinh
07:20 31/07/2014
PHỎNG VẤN Đức Cha PHÊRÔ NGUYỄN VĂN KHẢM VỀ CHƯƠNG TRÌNH GIÁO LÝ 100 TUẦN

1. Kính thưa Đức Cha, chúng con xin thay mặt cho độc giả của Thông Tấn Xã Vietcatholic xin chúc mừng Đức Cha vừa được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Giám Mục Chính Toà giáo phận Mỹ Tho.

Chúng con được biết trong những năm vừa qua Đức Cha có loạt bài giảng Kinh Thánh 100 tuần rất hữu ích cho Dân Chúa và được nhiều người tìm học, trong lớp và trên băng đĩa hay Internet. Chúng con xin Đức Cha vui lòng cho chúng con biết đôi nét về điểm khởi đầu của chương trình này.


Xin chân thành cảm ơn tất cả quý độc giả đã chúc mừng và cầu nguyện cho tôi trong dịp này. Khi nhận được quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô, tôi tự nhủ mình sẽ lên đường trong tư thế một người học trò, cần phải học hỏi nhiều về địa lý, con người, văn hóa vùng miền nơi mình được sai đến, để có thể phục vụ tốt hơn. Xin quý độc giả tiếp tục cầu nguyện cho tôi.

Về chương trình Học Kinh Thánh trong 100 Tuần, tôi nhớ lại là khoảng năm 2006, tôi sang Hàn Quốc dự Đại hội của các giám mục Á châu (FABC). Lúc đó, tôi chưa làm giám mục nhưng dự đại hội với tư cách thư ký của Đức Hồng Y Tổng giám mục Sài Gòn. Sau Đại hội, chúng tôi đến thăm Tổng giáo phận Seoul. Ở đó, tôi nghe một linh mục nói đến chương trình Học Kinh Thánh trong 100 Tuần và cho tôi tài liệu bằng tiếng Anh. Tài liệu này do một vị thừa sai người Pháp đang truyền giáo tại Nhật Bản, cũng là một giáo sư Kinh Thánh, soạn thảo. Khi đọc tài liệu, tôi thấy phương pháp này có nhiều điều hay vì (1) giúp người tín hữu có cơ hội trực tiếp đọc Kinh Thánh, mỗi tuần một chút; (2) đọc toàn bộ Kinh Thánh từ đầu đến cuối; (3) đọc rồi chia sẻ cho nhau những cảm nghiệm khi tiếp cận Lời Chúa; (4) được hướng dẫn học hỏi thêm về Kinh Thánh. Tuy nhiên, để áp dụng tại Việt Nam, tôi nghĩ cần phải có cách trình bày khác, sao cho cụ thể và sống động hơn. Vì thế, tôi đã biên soạn lại và áp dụng tại Trung tâm mục vụ giáo phận, đến nay đã được 3 khóa, và quý độc giả có thể đọc trong cuốn Đường về Emmaus.

Riêng về việc phổ biến trên Internet hoặc qua băng đĩa, đây là sáng kiến của anh chị em tín hữu tham dự khóa học, và tôi rất vui khi thấy Lời Chúa được loan báo nhờ những phương tiện truyền thông hiện đại. Còn bản thân tôi chỉ là người tôi tớ phục vụ LỜI.

2. Đức Cha có dự tính tiếp tục thực hiện chương trình giáo lý 100 tuần khi Đức Cha đã nhận sứ vụ mới không ạ?

Tôi chưa có dự tính nào cả, xin để Chúa Thánh Thần dẫn dắt trong từng hoàn cảnh, để biết làm những gì cho “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.

3. Thưa Đức Cha, nếu người khác muốn thực hiện một lớp giáo lý 100 tuần như Đức Cha đã thực hiện thì cần có những điều kiện gì?

Theo tôi biết, có một số linh mục, tu sĩ cũng như giáo dân đã áp dụng phương pháp này trong giáo xứ hoặc cho một nhóm nhỏ. Về điều kiện, tôi nghĩ điều cần thiết là phải có nhiệt tâm và kiên nhẫn (100 tuần cơ mà!), ngoài ra phải có sự chân thành và cởi mở thì việc chia sẻ Lời Chúa mới mang lại ích lợi. Đồng thời, nên có một người hướng dẫn (có hiểu biết về Kinh Thánh) để giúp tìm hiểu những bản văn khó trong Kinh Thánh.

4. Trong cương vị là chủ tịch Uỷ Ban Giám Mục về Truyền Thông Xã Hội, Đức Cha đánh giá thế nào về vai trò của truyền thông trong việc loan báo Lời Chúa?

Tôi hết làm chủ tịch Ủy ban Truyền Thông Xã Hội rồi, nhưng tôi nghĩ trong thời đại ngày nay với những phát triển vượt bậc về các phương tiện truyền thông, hiển nhiên là truyền thông đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc loan báo Lời Chúa. Cần phải vận dụng tất cả những phương tiện có thể (sách báo, audio, video, youtube, mạng xã hội…) để loan truyền Lời Chúa. Đức Thánh Cha Phanxicô đang làm gương cho chúng ta khi những bài giảng hằng ngày của ngài được đưa lên mạng, và những tin nhắn của ngài xuất hiện trên Twitter. Muốn được như vậy, cùng với những hiểu biết về kỹ thuật, còn cần có trái tim biết lắng nghe và phân định.

5. Thưa Đức Cha, theo Đức Cha thì đâu là cách tiếp cận và giới thiệu Kinh Thánh một cách đơn giản mà hiệu quả nhất?

Xin thưa ngay: Lectio divina, thường được hiểu là Đọc Kinh Thánh trong tâm thế cầu nguyện. Không chỉ đọc cho qua hoặc để tìm hiểu bản văn nhưng là bước vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa, Đấng đang muốn ngỏ lời với chúng ta và cũng đang lắng nghe nỗi niềm của chúng ta. Đọc Kinh Thánh như thế, Lời Chúa không chỉ ngừng lại trên bình diện tư duy nhưng sẽ chạm đến tâm hồn mình. Và khi Lời Chúa chạm đến chiều sâu tâm hồn, Lời ấy cũng sẽ tác động trên cách nghĩ và cách sống của chúng ta. Đó là lý do tôi hay nói đến việc cá nhân hóa và nội tâm hóa Lời Chúa. Xin anh cầu nguyện cho tôi thực hiện được điều đó mỗi ngày.

Chúng con xin cám ơn Đức Cha và một lần nữa xin chúc mừng Đức Cha.

Gioan Lê Quang Vinh thực hiện
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Càng ''định hướng'' càng ''chệch hướng''
Phạm Trần
17:21 31/07/2014
CÀNG “ĐỊNH HƯỚNG” CÀNG “CHỆCH ĐƯỜNG”

"Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) từ Trung ương xuống Cơ sở đã bị “tê liệt thần kinh ” bởi hai vi khuẩn “kiên định” và “định hướng” nên đất nước và người dân càng ngày càng lạc hậu, chậm tiến mà Đảng là “lực cản” thì cứ “ì ra” trước nguy cơ Bắc thuộc thêm lần nữa."

Trước hết là chuyện tiếp tục kiện định lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh đã phá sản để hão huyền xây dựng đất nước “qúa độ lên xã hội chủ nghĩa”.

Ai cũng biết thế giới Cộng sản không còn từ khi Liên bang Xô viết chính thức tan rã năm 1991, tiếp theo sau hàng loạt các chính phủ Cộng sản Đông Âu bị nhân dân nổi lên lật đổ. Ngay tại nước Nga, nơi ra đời của Đế quốc Cộng sản để lãnh đạo một nửa Thế giới được ngụy danh là “khối các nước Xã hội Chủ nghĩa”, sau 70 năm thống trị, cũng đã phải đầu hàng trước sức mạnh vùng lên đạp đổ bạo quyền của người dân trong cuộc cách mạng không đổ máu năm 1990.

Bây giờ cả thế giới chỉ còn lại 4 nước Trung Hoa, Việt Nam, Bắc Triều Tiên và Cuba tiếp tục ôm lấy Chủ nghĩa vô sản Mác-Lênin làm kim chỉ nam hành động, theo nhu cầu và điều kiện riêng của mỗi nước.

Riêng Trung Cộng, từ khi Lãnh tụ tối cao Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping) lên nắm quyền lãnh đạo Trung Hoa từ trong bóng tối năm 1975, đã từ bỏ chủ trương của các Chính phủ tiền nhiệm thời Mao Trạch Đông để mở cửa cho Trung Hoa nhìn ra nước ngòai và mời Doanh nhân các nước Tư bản vào làm ăn để xây dựng đất nước.

Nhưng ông Đặng không làm kinh tế “hà khắc” theo Chủ nghĩa Mác-Lênin mà chủ trương một nước Trung Hoa phồn thịnh dựa vào “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc “ .

Không có sách vở hay tài liệu nào giải thích tường tận về thế nào là “đặc sắc Trung Quốc” , nhưng Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân (Jiang Zemin) khi cầm quyền từ ngày 24 tháng 6 năm 1989 (đến ngày 15 tháng 11 năm 2002), đã làm sáng tỏ chính sách mới của giai cấp lãnh đạo hậu Mao là làm theo chủ thuyết ba Đại diện: “Đảng cộng sản Trung Quốc đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến, đại diện nền văn hóa tiên tiến và đại diện lợi ích của đông đảo nhân dân Trung Quốc.”

Chính sách vươn lên, hay còn được gọi là “chỗi dậy” của Trung Quốc khổng lồ có trên 1 tỷ dân đã được Tổng Bí thư đảng kiêm Chủ tịch Nhà nước Hồ Cẩm Đào, người thay thế Giang Trạch Dân và sau đó, từ năm 2012, đến phiên Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Tập Cận Bình tiếp tục khai phóng tòan diện trên tất cả mọi lĩnh vực trọng yếu gồm kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, ngọai giao và quốc phòng để đưa Trung Hoa lên hàng cường quốc kinh tế, chỉ đứng sau Hoa Kỳ và đang canh tân hóa quốc phòng để cạnh tranh với Nhật Bản ở Á Châu.

Trong khi đó thì hai nước Cộng sản nhỏ Bắc Triều Tiên và Cuba còn tiếp tục chính sách độc tài một đảng cầm quyền vì sợ mở cửa cho Tư bản vào làm ăn sẽ mất quyền lãnh đạo. Họ chỉ tồn tại nhờ phần lớn vào sự giúp đỡ tài chính và đầu tư của Trung Cộng, Nga và viện trợ nhân đạo của Liên Hiệp Quốc.

Riêng Việt Nam Cộng sản thì đã có cơ hội “thóat Cộng” từ năm 1990, nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng) Đỗ Mười đã bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng khi ăn phải bùa cùng chung bảo vệ “ ý thức hệ Cộng sản” của Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân tại Hội nghị bí mật ở Thành Đô (Tứ Xuyên) năm 1990.

Trong 2 ngày Hội nghị 03/09 – 04/09 (1990), phái đòan Việt Nam còn có Cố vấn Phạm Văn Đồng tham dự, đã hoang tưởng sa vào cạm bẫy để thỏa mãn theo yêu cầu và quyền lợi của Trung Quốc ở chiến trường Cao Miên và ở Việt Nam để được nối lại bang giao với Bắc Kinh, sau thời gian hai nước gián đọan từ cuộc chiến tranh biên giới năm 1979.

Sau Hội nghị Thành Đô, hai nước không công bố bất cứ tin tức nào nhưng sau khi quân Việt Nam rút khỏi Cao Miên năm 1989 thì nước này đã “nằm gọn” vào tay Trung Quốc và sự lệ thuộc kinh tế và chính trị của Ai Lao vào Bắc Kinh sau đó cũng đã khiến cho Việt Nam bị Trung Quốc bao vây ở biên giới phía Tây.

Riêng đối với Việt Nam thì những nhượng bộ về biên giới, vịnh Bắc bộ, dự án khai thác Bauxite ở Tây Nguyên và sự có mặt của các Doanh nghiệp Trung Quốc trong 90% dự án kinh tế cũng đã qúa đủ để trả lời câu hỏi: Tại sao lãnh đạo Việt Nam đã bị kiểm soát bởi Bắc Kinh.

Vì vậy, không có gì để ngạc nhiên khi thấy “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” được chấp thuận tại Đại hội đảng Khóa VII năm 1991 đưa ông Đỗ Mừơi thay Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã viết bằng giọng điệu hồ hởi: “ Chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ là tổn thất lớn đối với phong trào cách mạng thế giới, nhưng một số nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, trong đó có Việt Nam, vẫn kiên định mục tiêu, lý tưởng, tiến hành cải cách, đổi mới, giành được những thành tựu to lớn, tiếp tục phát triển; phong trào cộng sản và công nhân quốc tế có những bước hồi phục.... Hiện tại, chủ nghĩa tư bản còn tiềm năng phát triển, nhưng về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công. Những mâu thuẫn cơ bản vốn có của chủ nghĩa tư bản, nhất là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hoá ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, chẳng những không giải quyết được mà ngày càng trở nên sâu sắc. Khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội vẫn tiếp tục xảy ra. Chính sự vận động của những mâu thuẫn nội tại đó và cuộc đấu tranh của nhân dân lao động sẽ quyết định vận mệnh của chủ nghĩa tư bản....”

Quan điểm chật hẹp và đầy hoang đường của đảng CSVN còn nói thêm rằng:”Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại là các nước với chế độ xã hội và trình độ phát triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sẽ có những bước tiến mới. Theo quy luật tiến hoá của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội.”

Giờ đây, 24 năm sau Hội nghị Thành Đô mà lối suy luận mơ màng “loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội” vẫn còn được lập lại trong kỳ Đại hội đảng XI năm 2011 khi Cương lĩnh 1991 được “bổ sung, phát triển”.

Thái độ không thực tế và không chịu nhìn vào sự thật là thế giới ở Thế kỷ 21 không còn là thời kỳ “đồng đá” mà là thời đại của điện tử với mọi việc có thể thay đổi từng giây nên Lãnh đạo Cộng sản Việt Nam cứ tiếp tục ngủ quên trong giấc mơ hư ảo để “qúa độ lên xã hội chủ nghĩa” mà vẫn chưa biết “cửa thiên đàng” ở đâu, sau khi đã “qúa độ” từ thập niên 60 !

ĐỊNH HƯỚNG ĐI ĐÂU ?

Thảm trạng không dám “thoát Cộng” rồi bây giờ không dám “thoát Trung” sau vụ giàn khoan Hải Dương 981 tự do đến ngày 02/05 (2014) rồi thanh thản ra đi khỏi vùng biển Việt Nam ngày 15/07 (2014) đã cho ta thấy rõ cái não trạng sợ hãi và ươn hèn của đảng CSVN đối với nhiệm vụ bảo quyền lợi của dân và của nước bi thiết đến nhường bao ?

Một thái độ “im hơi lặng tiếng” đến lạnh người của đảng và nhà nước CSVN từ sau khi gìan khoan HD 981 rút về phía nam đảo Hải Nam (Trung Cộng) dường như đã phản ảnh sự hài lòng tự mãn của lãnh đạo vừa ra khỏi cơn ác mộng.

Cũng từ khi gìan khoan rút đi, không còn thấy Việt Nam bắn tiếng “đã chuẩn bị sẵn hồ sơ đấu tranh pháp lý” với Trung Quốc nữa.

Phản ứng về HD 981 rút lui đến sớm nhất từ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại pohiên họp của Chuính pohủ ngày 16/07/2014.

Bản tin của Chính phủ viết : “ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam luôn kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc bằng sức mạnh tổng hợp và các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế; yêu cầu Trung Quốc không tái diễn hành vi hạ đặt trái phép giàn khoan cũng như các hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên vùng biển của Việt Nam.”

Trong khi đó, tại cuộc họp báo thường lệ ngày 24/07/2014 khi được hỏi: “Trung Quốc di chuyển giàn khoan có khiến Việt Nam từ bỏ việc kiện Trung Quốc không? Việt Nam có theo dõi tiếp hành động của Trung Quốc ở Biển Đông?”

Người phát ngôn Bộ Ngọai giao Việt Nam, Lê Hải Bình, đáp : “ Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình bằng biện pháp hòa bình. Hiện cơ quan chức năng Việt Nam đang theo dõi chặt chẽ hoạt động các bên liên quan ở Biển Đông.”

Phản ứng của các chuyên viên Việt Nam và nước ngòai trên các diễn đàn, kể cả tại cuộc Hội thảo Quốc tế về Biển Đông tại Đại học Tôn Đức Thắng ở Sài Gòn trong hai ngày 25 và 26/07/2014, đã khuyên Chính phủ Việt Nam nên nghĩ đến việc sử dụng luật pháp Quốc tế và Luật biển Liên Hiệp Quốc năm 1982 để bảo vệ quyền lợi của mình trước Tòa án Quốc tế, sau khi các giải pháp ngoại giao với Trung Cộng không đem lại kết qủa.

Cho đến khi HD 981 rút đi, Việt Nam đã chủ động ít nhất 30 cuộc tiếp xúc với các cấp liên hệ của Trung Cộng nhưng thất bại, vậy mà Chính phủ Việt Nam vẫn không dám kiện thì phải có lý do tại sao họ sợ.

Lá bài tẩy của Trung Cộng có trong tay nhiều hay ít thì phải hỏi các nguyên Tổng Bí thư đảng CSVN Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh và đương kim Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Họ là nhóm 6 người biết rõ mọi việc, không ai khác, hiểu rất rõ hai chữ “đại cục” là “những chuyện lớn” của hai nước Việt-Trung đã được thảo luận ở Thành Đô năm 1990 mà nguyên Bộ trưởng Ngọai giao Nguyễn Cơ Thạch từng cảnh báo :”Một thời kỳ Bắc thuộc rất nguy hiểm đã bắt đầu.”

Đây là hậu qủa nhãn tiền của Hội nghị Thành Đô khi các ông Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Phạm Văn Đồng đã bằng lòng với “lý tưởng tương đồng”, hay “cùng chung bảo vệ lý tưởng Cộng sản” để đẩy đất nước và dân tộc vào ổ khoá của Bắc Kinh từ đó đến nay mà vẫn chưa “tởn tóc gáy” với những phản bội của Trung Cộng ở chiến tranh biên giới 1979, cuộc chiến Trường Sa năm 1988 và đe dọa mất Biển Đông năm 2014.

Cũng với chiều hướng bị động này là chủ trương “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.”

Khác với nền kinh tế làm theo “chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc” của Bắc Kinh, kinh tế Việt Nam “theo định hướng xã hội chủ nghĩa” đích thực là nền kinh tế làm theo chủ nghĩa Tư Bản mà đảng CSVN không dám thừa nhận.

Sở dĩ nền kinh tế “giở giăng giở đèn” này của Việt Nam chưa được Hoa Kỳ và nhiều nước tư bản khác nhìn nhận là “nền kinh tế thị trường” để được hưởng các quyền lợi thuế quan khi xuất khẩu vì đảng CSVN chưa từ bỏ quyền “chủ qủan” nền kinh tế và dành cho Doanh nghiệp Nhà nước nhiều đặc quyền và điều kiện kinh tế, tài chính, thuế khóa, thuê mướn mặt bằng hơn các công ty nước ngòai.

Chính sách đối xử của Nhà nước giữa các công ty nước ngòai, đặc biệt với các doanh nghiệp không phải của Trung Quốc cũng có nhiều chênh lệch, bất công.

Ngoài ra quyền của người lao động cũng không được bảo đàm trong nhiều lĩnh vực từ lương bổng đến điều kiện làm việc và nghiệp đòan đều do Nhà nước qủan lý qua Tổng Công đòan Lao động Việt Nam.

Vì vậy, tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN (Nghị quyết số 21-NQ/TW) ngày 14/07/2014, các diễn gỉa đã kết luận:”Chất lượng thể chế kinh tế chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới mạnh mẽ sang kinh tế thị trường, chưa trở thành động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia; nhận thức về phạm trù, nội hàm của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhất là định hướng XHCN còn chưa đủ rõ; chưa có đột phá lớn trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội theo cơ chế thị trường; môi trường kinh doanh, vẫn chưa thực sự đảm bảo cạnh tranh công bằng, lành mạnh giữa các doanh nghiệp, thành phần kinh tế; việc gia nhập, hoạt động và rút lui khỏi thị trường của doanh nghiệp còn gặp nhiều rào cản, chi phí gia nhập thị trường còn lớn; công tác quản lý, điều hành giá còn lúng túng, bất cập.”

Bản tin của Cổng thông tin Chính phủ viết tiếp: “ Nhiều ý kiến đề xuất cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; thực sự tạo “sân chơi” bình đẳng giữa các doanh nghiệp; dứt khoát thực hiện giá cả theo thị trường, tính đúng, tính đủ các yếu tố hình thành giá, đi liền với đó là thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ người nghèo, người yếu thế trong xã hội; từng bước thoát khỏi tư duy bao cấp trong xây dựng và thực thi thể chế kinh tế…”

“Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, báo cáo sơ kết phải bám sát nghị quyết để đánh giá những mặt được, những mặt chưa được, chỉ rõ nguyên nhân và đề ra mục tiêu, giải pháp theo tinh thần cái nào còn phù hợp tiếp tục khẳng định; mặt nào cần bổ sung, phải tiếp tục bổ sung.”

Ông Dũng nói : “Những gì làm chưa tốt phải chỉ đích danh, cụ thể, phải điểm mặt những gì chưa làm được theo nguyên tắc thị trường; những gì phải sửa, để thực sự là thị trường, thực sự là minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh, nhất là vấn đề về giá, nếu chưa thực hiện theo thị trường phải tiến tới thực hiện giá thị trường; việc phân bổ nguồn lực cũng phải phân bổ theo nguyên tắc thị trường; đã là kinh tế thị trường phải vận hành đầy đủ theo quy luật thị trường.”

Như vậy đã hai năm rõ mười về tính “mơ hồ” và “đi trên mây trên gió” của những cái đầu Lãnh đạo CSCVN đối với những con vi khuẩn độc hại vê “kiên định” và “định hướng” chưa, hay còn phải thảo luận tiếp tại Hội nghị Trung ương 10 sắp tới và sau đó tại Đại hội đảng XII năm 2016 thì may ra “đảng ta” mới “sáng mắt sáng lòng” ?

Phạm Trần

(07/014)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bay Giữa Trời Xanh
Lê Trị
21:36 31/07/2014
BAY GIỮA TRỜI XANH
Ảnh của Lê Trị
Đôi cánh thiên thần gỏ cửa trời xanh
Gởi ước mơ theo ngọn gió trong lành…
(Trích thơ của Tóc Mai)
 
VietCatholic TV
Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 24/07 -30/07/2014 : Câu chuyện Người Samaritanô Nhân Lành
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
18:18 31/07/2014
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Buổi đọc kinh Truyền Tin Trưa Chúa Nhật 27 tháng 7

Chúa Giêsu Kitô và Nước Thiên Chúa là kho tàng vĩ đại vô giá chúng ta cần tìm kiếm và hy sinh mọi sự để chiếm hữu.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi đoc kinh Truyền Tin tại quảng trường thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 27 tháng 7.

Đặc biệt, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã nhắc tới ngày kỷ niệm 100 năm Đệ Nhất Thế Chiến bùng nổ và kéo dài bốn năm trời, khiến cho hàng triệu người phải chết và gây ra các tàn phá mênh mông; một cuộc chiến mà Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã định nghĩa là một “sự tàn phá vô ích”, cuối cùng kết thúc bằng một nền hòa bình còn mong manh hơn. Ngài cầu mong dịp kỷ niệm biến cố thê thảm này khiến cho người ta đừng lập lại các sai lầm qúa khứ, nhưng chú ý đến bài học lịch sử, bằng cách để cho các lý lẽ của hòa bình luôn luôn thắng thế qua một cuộc đối thoại kiên nhẫn và can đảm. Đức Thánh Cha đặc biệt mời gọi mọi người hiệp ý với ngài cầu nguyện cho ba vùng đang gặp khủng hoảng nặng là vùng Trung Đông, Iraq và Ukraine. Xin Chúa ban cho các dân tộc và các chính quyền các vùng đó sự khôn ngoan và sức mạnh cần thiết để cương quyết theo đuổi con đường hòa bình, bằng cách vượt thắng mọi đả kích với sức mạnh của hòa giải và với sự kiên trì trong đối thoại. Ước chi ở trung tâm của mọi quyết định người ta đừng đặt để các lợi lộc riêng tư, nhưng chú ý trên hết đến công ích và việc tôn trọng mỗi người. Chúng ta hãy nhớ rằng mọi sự đều mất với chiến tranh, và không có gì để mất với hòa bình.

Đức Thánh Cha tha thiết kêu mời như sau:

“Anh chị em thân mến, không bao giờ chiến tranh! Không bao giờ chiến tranh! Tôi đặc biệt nghĩ tới các trẻ em, mà người ta đã cướp đi niềm hy vọng của một cuộc sống xứng đáng, đã cướp đi tương lai của chúng. Tôi nghĩ đến các trẻ em bị chết, các trẻ em bị thương, các trẻ em bị què cụt, các trẻ em mồ côi, các trẻ em có đồ chơi là các tàn tích chiến tranh, các trẻ em không biết cười. Tôi xin qúy vị, hãy dừng lại! Tôi xin qúy vị điều đó với tất cả con tim. Đã đến lúc dừng lại, hãy dừng lại, tôi van xin qúy vị!”.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đề cập đến ý nghĩa của các so sánh nói về Nước Trời trong chương 13 Tin Mừng theo thánh Mátthêu. Trong số đó có hai tuyệt tác: đó là các dụ ngôn về kho tàng chôn dấu trong ruộng và dụ ngôn viên ngọc qúy. Chúng nói với chúng ta rằng việc khám phá ra Nước Thiên Chúa có thể xảy ra một cách bất thình lình, như bác nông phu khi cầy cuộng, bất ngờ tìm thấy kho tàng mà ông không dám mơ, hay như người buôn ngọc, sau thời gian tìm kiếm lâu dài, tìm được viên ngọc vô cùng qúy báu mà ông đã hằng ao ước từ lâu. Nhưng trong cả hai trường hợp chúng ta thấy điều này là đối với bác nông phu và ông thương gia kho tàng và viên ngọc có giá trị hơn tất cả mọi của cải khác, và vì thế khi tìm thấy chúng, thì họ từ bỏ mọi sự để có thể mua chúng cho bằng được. Họ không cần lý luận hay suy đi nghĩ lại: họ nhận ra ngay giá trị không thể nào so sánh được của điều họ đã tìm ra, và sẵn sàng mất tất cả để có nó. Nước Thiên Chúa cũng thế: ai tìm được nó đều không nghi ngờ, đều cảm thấy rằng đó là điều họ đã tìm kiếm, đã chờ đợi và đáp ứng các khát vọng đích thật nhất của họ.”

Đức Thánh Cha giải thích điểm này như sau:

“Qủa thật là như thế: ai biết Chúa Giêsu, ai gặp Người một cách cá vị, thì bị mê hoặc, lôi cuốn bởi biết bao điều tốt lành, biết bao sự thật, biết bao vẻ đẹp, và tất cả trong một sự khiêm tốn và đơn sơ lớn lao. Tìm kiếm Chúa Giêsu, gặp gỡ Chúa Giêsu: đó là kho tàng vĩ đại!

Có biết bao nhiêu người, biết bao nhiêu thánh nam thánh nữ, khi đọc Tin Mừng với con tim rộng mở, đã hoàn toàn bị Chúa Giêsu đánh động đến mức trở về với Người. Chúng ta hãy nghĩ tới thánh Phanxicô thành Assisi: ngài đã là một kitô hữu, nhưng môt kitô hữu “loại nước hoa hồng”. Khi đọc Phúc Âm trong một thời khắc định đoạt của tuổi trẻ, ngài đã gặp Chúa Giêsu và khám phá ra Nước Thiên Chúa; và khi đó tất cả các giấc mộng vinh quang trần thế của ngài đều biến mất. Phúc Âm làm cho anh chị em biết Chúa Giêsu đích thật, khiến cho anh chị em hiểu biết Chúa Giêsu sống động; nói với con tim anh chị em và thay đổi cuộc sống của anh chị em. Và khi đó anh chị em từ bỏ tất cả. Anh chị em có thể thay đổi kiểu sống một cách thực sự, hay tiếp tục làm những gì anh chị em làm trước đó, nhưng anh chị em là một người khác, một người đã được tái sinh: anh chị em đã tìm thấy điều trao ban ý nghĩa, điều trao ban mùi vị, trao ban ánh sáng cho tất cả, cả những mệt nhọc, cả những khổ đau và cả cái chết nữa.

Hãy đọc Phúc Âm. Chúng ta đã nói tới điều này rồi anh chị em có nhớ không? Mỗi ngày đọc một đoạn Phúc Âm, và mang theo một cuốn Phúc Âm nhỏ, trong túi, trong sắc tay, ở tầm tay. Và ở đó khi đọc một đoạn chúng ta sẽ tìm thấy Chúa Giêsu.

Đức Thánh Cha giải thích thêm như sau:

Mọi sự có ý nghĩa khi trong Phúc Âm bạn tìm thấy kho tàng này, mà Chúa Giêsu gọi là “Nước Thiên Chúa”, nghĩa là Thiên Chúa ngự trị trong cuộc sống bạn, trong cuộc sống chúng ta. Thiên Chúa là tình yêu, an bình và niềm hy vọng trong từng người và trong tất cả mọi người. Đó là điều Thiên Chúa muốn, đó là điều vì thế mà Chúa Giêsu trao ban chính mình cho tới chết trên thập giá, để giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của tối tăm và đưa chúng ta vào vương quốc của sự sống, vẻ đẹp, sự tốt lành và niềm vui. Đọc Phúc Âm là tìm thấy Chúa Giêsu, và nhờ ơn của Chúa Thánh Thần, chúng ta có được niềm vui Kitô.

Anh chị em thân mến, niềm vui tìm thấy kho tàng của Nước Thiên Chúa trong sáng và phải nên tỏ tường. Kitô hữu không thể dấu đức tin của mình, bởi vì nó tỏa rạng ra trong mọi lời nói, mọi cử chỉ cả trong những cử chỉ đơn sơ thường ngày: tỏa rạng tình yêu mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta qua Chúa Giêsu. Chúng ta hãy cầu nguyện, qua lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria, để nước tình yêu, công lý và hòa bình của Thiên Chúa đến giữa chúng ta.

2. Câu chuyện Người Samaritanô Nhân Lành

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Chúng ta phải đau lòng nhận thấy ngày nay bạo lực trên thế giới ngày càng có khuynh hướng lan rộng. Trong khi đó, lại có nguy cơ là người ta quen dần với thảm trạng này và quên đi các nạn nhân hằng ngày, quên đi những đau khổ khôn tả mà hàng triệu người tị nạn, trong đó có người già và trẻ em, đang phải đau khổ và nhiều khi đang chết vì đói và bệnh tật do chiến tranh gây ra.

Sự dửng dưng này làm đau lòng! Một lần nữa chúng ta phải lập lại cái tên của căn bệnh làm cho chúng ta rất đau buồn trên thế giới ngày nay, đó là hiện tượng toàn cầu hóa sự dửng dưng.

Nhân sinh quan “đèn nhà ai người nấy rạng”, “sống chết mặc bay” khiến chúng ta thờ ơ, không nhìn ra nơi những người đau khổ khuôn mặt của Chúa Kitô và không coi họ là những anh chị em của mình.

Câu hỏi: Ai là anh chị em của tôi vẫn vang vọng từ ngàn xưa đến nay.

Có người thông luật kia đứng lên hỏi Ðức Giêsu để thử Người rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?" Người đáp: "Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?" Ông ấy thưa: "Ngươi hãy yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi và anh chị em ngươi như chính mình". Ðức Giêsu bảo ông ta: "Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống".

Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Ðức Giêsu rằng: "Nhưng ai là người anh chị em với tôi?"

Ðức Giêsu đáp: "Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. ình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lêvi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi.

Nhưng một người Samaritanô kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: "Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiều, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác". Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người anh em với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?"

Người thông luật trả lời: "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy". Ðức Giêsu bảo ông ta: "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy".

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Bình luận về câu chuyện Người Samaritanô Nhân Lành, hôm 7 tháng 10 năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô nói chúng ta có mở lòng mình ra để Thiên Chúa can thiệp vào cuộc sống của chúng ta, dẫn dắt chúng ta đi chệch khỏi các dự kiến của chúng ta hay không?

Đức Thánh Cha nói:

"Tôi tự hỏi bản thân mình, và tôi muốn hỏi tất cả anh chị em: Chúng ta có để cho Thiên Chúa viết lên cuộc sống của chúng ta không? Hay chúng ta muốn tự viết lấy?”

Vị tư tế và thầy Lêvi khi bỏ mặc người bị cướp đánh dở sống, dở chết bên đường đã “trực tiếp” và “tinh vi” chạy trốn khỏi Thiên Chúa.

“Dù là Kitô hữu, là người Công Giáo, là linh mục, là Giám Mục, là Giáo Hoàng đi nữa.. tất cả chúng ta đều có nguy cơ chạy trốn khỏi Thiên Chúa. Cám dỗ hàng ngày của chúng ta là không lắng nghe tiếng nói của Ngài, không nghe trong tim ta lời đề nghị, lời mời gọi của Ngài”

Đức Thánh Cha nhận xét rằng:

“Thầy tư tế đi ngang qua, xúng xính trong chiếc áo lễ, một tư tế sáng giá, tốt lắm. Nhưng khi thấy con người sống dở, chết dở kia thì tự nói với lòng mình: Ta sẽ dâng lễ trễ mất. Và ông ta dông thẳng. Ông không nghe tiếng của Thiên Chúa ở đó”.

Cũng thế, thầy Lêvi có thể đổ thừa cho phiên tòa sắp diễn ra để bỏ mặc nạn nhân, và lờ đi tiếng nói của Thiên Chúa.

Ngược lại, "người duy nhất có khả năng hiểu được tiếng nói của Thiên Chúa lại là một trong những người thường xa Chúa, một kẻ có tội, một người Samaritanô. Người Samaritanô này xa cách Thiên Chúa, nhưng anh nghe thấy tiếng nói của Thiên Chúa và đến gần. Anh không có thói quen thực hành tôn giáo, và đời sống luân lý, thậm chí có những sai lầm thần học bởi vì người Samari thờ Thiên Chúa ở một nơi không xứng hợp.”

Dù thế, người Samaritanô "hiểu rằng Chúa đã gọi anh ta, và anh ta đã không bỏ chạy. Thật vậy, ông đã dành cả tiền bạc và thời gian của mình cho người bị cướp”

Trong khi đó, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, "vị linh mục đến kịp giờ cho Thánh Lễ, và tất cả các tín hữu hài lòng; người Lêvi cũng đã một ngày yên tĩnh, phù hợp với những gì ông đã lên kế hoạch để thực hiện vì ông chẳng dính líu gì với người đàn ông nửa sống nửa chết.

Trái tim của họ đã đóng lại, và khi trái tim của anh chị em đóng lại, anh chị em không thể nghe thấy tiếng nói của Thiên Chúa. Thay vào đó, người Samaritanô khi thấy người bị thương trên đường, anh chạnh lòng thương: trái tim nhân bản của anh được mở ra và anh được thu hút tới gần với Thiên Chúa.”

Đức Thánh Cha nói tiếp:

“Chúng ta có ngoan ngoãn lắng nghe Lời Ngài? Nhiều người nói rằng, ‘Chắc chắn rồi!’. "Nhưng anh chị em có sẵn sàng để lắng nghe và cảm nhận ra tiếng nói của Ngài không? Anh chị em có sẵn sàng để tìm kiếm Lời Chúa trong cuộc sống hàng ngày không, hay chỉ có những ý tưởng của riêng của anh chị em mới có quyền quy định tất cả mọi thứ, không để cho Chúa nói gì với anh chị em? "
 
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 24-31/07/2014: Tình cảnh các tín hữu Kitô Iraq
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
20:35 31/07/2014
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Sau chuyến tông du Hán Thành, Đức Thánh Cha sẽ thăm Á Châu lần thứ hai vào tháng Giêng năm tới

Trong cuộc họp báo hôm thứ Ba 29 tháng 7, Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ tông du Á Châu trong vòng 1 tuần lễ kể từ ngày 12 đến 19 tháng Giêng năm tới

Văn phòng báo chí Tòa Thánh cho biết Đức Giáo Hoàng sẽ viếng thăm Sri Lanka từ ngày 12 đến 15, sau đó ngài sẽ thăm viếng Phi Luật Tân. Chương trình chi tiết chuyến thăm viếng của Đức Thánh Cha tại hai nơi sẽ được công bố sau.

Giới quan sát tại Vatican nhận định công cuộc truyền giáo tại lục điạ Á Châu là một trong những ưu tiên của Giáo Hội Công Giáo. Lục địa này chỉ có 3.2% dân số là người Công Giáo. Tuy nhiên, số tín hữu mỗi ngày một gia tăng, ơn gọi linh mục và tu sĩ nam nữ cũng gia tăng một cách đáng khích lệ. Do vậy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã dành hai chuyến tông du đến lục điạ này. Một là cuộc thăm viếng Nam Hàn trong các ngày 14 đến 18 tháng 8 tới đây. Hai là đến Phi Luật Tân và Sri Lanka từ ngày 12 -19 tháng Giêng năm tới.

Chuyến viếng thăm Sri Lanka của Đức Giáo Hoàng là nhằm thúc đẩy tiến trình hòa giải giữa hai nhóm chủng tộc Sinhalese và Tamil vì cuộc nội chiến kéo dài từ năm 1983-2009 có nguy cơ làm tan vỡ sự thống nhất ngay trong khối 7% người Công Giáo ở Sri Lanka.

Tại Phi Luật Tân nơi có 90 triệu người, tức 83% dân số là người Công Giáo, Đức Giáo Hoàng sẽ viếng thăm những vùng bị tàn phá nặng nề do cơn bão Yolanda vào năm 2013.

2. Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc nói: sẽ không có bên nào thắng trong cuộc chiến tại dải Gaza

Đức Tổng Giám Mục Silvano Tomasi là quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva đã lặp lại lập trường chính thức của Đức Giáo Hoàng về cuộc xung đột Palestine-Israel, và kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức.

Ngài nói:

"Về lâu dài, không có ai là người chiến thắng trong thảm kịch hiện nay, chỉ chồng chất thêm những đau khổ. Hầu hết các nạn nhân là dân thường, là những người mà luật nhân đạo quốc tế cho rằng cần phải được bảo vệ."

Đức Tổng Giám Mục Tomasi đã không đổ lỗi cho một bên nào cụ thể trong việc leo thang xung đột tại Thánh Địa trong những ngày vừa qua. Tuy nhiên, ngài mô tả là "không thể chấp nhận" được con số rất lớn các thường dân Palestine bị thiệt mạng, cũng như tình trạng các tên lửa được bắn bừa bãi vào lãnh thổ Israel.

Sau khi nhắc lại chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng tới Thánh Địa vào tháng Năm vừa qua, cũng như buổi cầu nguyện cho hòa bình vào tháng Sáu tại Vatican, Đức Tổng Giám Mục Tomasi nói thêm:

"Với bạo lực, những người nam nữ trong vùng đất này sẽ tiếp tục sống như những kẻ thù truyền kiếp, nhưng với hòa bình họ có thể sống như anh chị em với nhau."

Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Geneva đã triệu tập một phiên họp đặc biệt để thảo luận về cuộc tấn công Gaza. Nhưng Hội Đồng này xem ra càng ngày càng mất dần uy tín. Tổng số các nghị quyết chống lại Israel do Hội Đồng thông qua nhiều những nghị quyết chống lại tất cả các nước khác cộng lại, trong khi Hội Đồng chẳng hề đoái hoài gì đến các vấn đề nhạy cảm khác. Các nhà phê bình cũng tố cáo sự tham gia trong Hội Đồng của các nước thường xuyên chà đạp dân chủ, vi phạm nhân quyền trầm trọng hàng đầu trên thế giới như Việt Nam.

3. Đức Thánh Cha thăm viếng giáo phận Caserta

Thượng tuần tháng 7 vừa qua, Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết là Đức Giáo Hoàng sẽ đến Caserta, một thành phố ở phiá Nam Rôma để thăm một người bạn trong kỳ nghỉ hè của ngài và chuyến viếng thăm này hoàn toàn có tính riêng tư.

Tuy nhiên, trước sự khẩn khoản của Đức Giám Mục địa phương muốn mời ngài đến thăm thành phố nhân lễ kính thánh Anna, thân mẫu Đức Mẹ, và là bổn mạng của thành phố, Đức Thánh Cha đã phải đổi kế hoạch để đến thăm thành phố này đến hai lần cách nhau chưa đến 48 giờ.

Lúc 3:00 giờ chiều thứ Bẩy 26 tháng 7, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đáp trực thăng từ Vatican đến Caserta. Chuyến bay kéo dài chỉ 45 phút. Tại sân trực thăng của học viện không quân thành phố, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ với các linh mục giáo phận.

Hai giờ sau đó, lúc 06:00 giờ chiều, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ ở phía trước Cung điện Hoàng gia thành Caserta trước sự hiện diện của 200,000 người.

Giảng trong thánh lễ, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mọi người hãy ước mong, và kiếm tìm Chúa Giêsu là kho tàng, là viên ngọc qúy, mà chúng ta cần hy sinh hết mọi sự để chiếm hữu và đặt lên hàng đầu trong cuộc sống.

Giải thích ý nghĩa Bài Phúc Âm Chúa Nhật Thứ 17 Mùa Quanh Năm, Đức Thánh Cha nói:

“Chúa Giêsu dùng các dụ ngôn để trình bầy Nước Trời giúp chúng ta hiểu rằng Nước Trời có khả năng thay đổi thế giới như men làm dậy bột, như hạt cải mọc lên thành cây lớn. Sự hiện diện của Chúa Giêsu là kho tàng, là viên ngọc qúy, biến đổi cuộc sống con người, khiến cho chúng ta rộng mở lòng mình đối với các nhu cầu của tha nhân. Đó là một sự hiện diện mời gọi chúng ta tiếp đón các anh chị em ngoại kiều, những người di cư ty nạn. Chúng ta có thể gặp gỡ Chúa nơi họ vì chính Chúa đi tìm chúng ta và chờ đợi chúng ta, trong nhiều thời điểm và trạng huống khác nhau, nhiều khi rất tình cờ.

Cuộc gặp gỡ khám phá ra Thiên Chúa trao ban niềm vui, sự hăng say, biến đổi lối sống của chúng ta theo luận lý của tình yêu thương và phục vụ vô vị lợi. Để chiếm hữu Nước Trời phải để chỗ nhất cho Thiên Chúa, phải có can đảm nói không với sự dữ, với bạo lực, đàn áp, để sống một cuộc đời phục vụ tha nhân, thăng tiến công ích, biết nói không với mọi hình thức gian tham hối lộ, phục vụ chân lý, tôn trọng thiên nhiên và môi sinh.”

Đức Thánh Cha đã trở về Vatican ngay sau khi Thánh Lễ kết thúc. Tuy nhiên, ngài trở lại Caserta chỉ hai ngày sau đó vào ngày thứ Hai 28 tháng 7. Lần này, ngài gặp riêng với Giovanni Traettino, một mục sư Tin Lành và là người bạn thân của ngài”.

4. Đức Thánh Cha gặp gỡ người phụ nữ Sudan anh hùng

Hôm 24 tháng 7, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp bà Meriam Ibrahim và gia đình chỉ vài giờ sau khi bà đến được Rôma theo sau một dàn xếp ngoại giao giữa Ý và Sudan.

Đức Thánh Cha đã nồng nhiệt cám ơn chứng tá đức tin của bà Meriam Ibrahim. Bà đã bị bỏ tù, bị đe đọa giết chết nếu không từ bỏ đức tin Công Giáo. Bà cũng bị cáo buộc tội ngoại tình với hình phạt đánh 100 roi vì đã kết hôn với người theo Kitô giáo. Luật Hồi giáo ở Sudan cấm người Hồi giáo không được kết hôn với người tôn giáo khác, phủ nhận các hôn phối này và kết tội ngoại tình với những bản án nặng nề.

Đức Thánh Cha tiếp bà Meriam Ibrahim và gia đình trong vòng 30 phút tại nhà khách của nhà trọ Thánh Martha. Gia đình bà gồm chồng là ông Danien Wani, người Mỹ, và hai người con là Martin, một tuổi và Maya 2 tháng tuổi được sinh ra khi bà Meriam Ibrahim đang trong tù.

Cha Federico Lombardi cho biết Đức Thánh Cha đã tỏ ra hết sức thương cảm cho hoàn cảnh tù đầy của bà và đã ngỏ lời tri ân bà vì đã can đảm giữ vững đức tin.

Tưởng cũng nên nhắc lại: Vào tháng 5 năm, 2014, tòa án Sudan kết tội bà Meriam Ibrahim vì đã bỏ Hồi Giáo với lập luận rằng bà có gốc Hồi giáo vì có thân phụ là người Hồi giáo. Tuy nhiên, ông bố này đã bỏ mẹ con bà lúc bà Meriam được 6 tuổi và mẹ bà đã nuôi dưỡng bà trong đức tin Kitô giáo.

Khi toà án Sudan tuyên án tử hình cho bà Meriam Ibrahim thế giới và các tổ chức nhân quyền phản đối và gây áp lực nên tòa án tại Sudan đã thu hồi án tử hình. Ngày 23 tháng 6 bà Meriam Ibrahim cùng chồng và gia đình ra phi trường Kharthoum rời khỏi Sudan. Nhưng tại đây bà lại bị nhà cầm quyền Sudan bắt lại với tội danh giả mạo giấy tờ. Sau hai ngày bị giam giữ, tội danh của bà cũng được tha và gia đình bà đã về trú ngụ tại tòa đại sứ Ý ở thủ đô Khartoum từ ngày 26 tháng 6 cho đến khi rời khỏi Sudan vào ngày 23 tháng 7.

Theo báo Corriere della Sera phát hành ở Ý thì trên chuyến bay từ Khartoum về Rome, gia đình bà Meriam đã được ông Lapo Pistelli,Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao Ý đi cùng vì ông này đặc trách hồ sơ bà Meriam. Ngoài ra, khi đến phi trường Roma, Thủ Tướng Ý là ông Matteo Renzi đã đón gia đình bà Meriam Ibrahim và gọi đây là ngày mừng rỡ.

Báo chí cho biết gia đình bà Meriam Ibrahim đã ở lại Ý vài ngày trước khi lên đường sang New York.

5. Đức Thánh Cha Gửi Sứ Điệp Nhân Kỷ Niệm 50 Năm Đền Thánh Pantaleone Ở Buenos Aires

Trong sứ điệp gửi các tín hữu tổng giáo phận Buenos Aires nhân kỷ niệm 50 năm Đền thánh Pantaleone, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khích lệ mọi người tiếp tục tiến bước trong việc làm chứng tá cho Chúa và trong đời sống cầu nguyện.

Sứ điệp của Đức Thánh Cha có đoạn viết: “Tôi ước mong gần gũi anh chị em trong dịp này để sống lại các lần tôi đã có thể đền Đền thánh giúp các linh mục giải tội. Tôi trở về nhà được củng cố trong tinh thần bởi chứng tá đức tin của anh chị em. Không thể tưởng tượng được tất cả thiện ích tôi đã nhận được, và tôi xin cám ơn anh chị em về thiện ích đó. Xin Chúa thưởng công tràn đầy cho anh chị em. Tôi cầu nguyện cho anh chị em, cho gia đình của anh chi em, cho đền thánh và cho các linh mục”.

Đức Thánh Cha cho biết nhiều gương mặt, nhất là của các cộng sự viên, đi qua trong tâm trí ngài. Biết bao nhiêu cử chỉ hy vọng trong khi xếp hàng để kính viếng ảnh tượng thánh Pantaleone. Tất cả chứng tá đó giúp ngài tin tưởng và cầu nguyện nhiều hơn. “Đền thánh như một đền thờ xem ra đứng yên, nhưng dân Chúa hành hương làm cho nó di chuyển. Và như thế đền thờ đã bước đi trong 50 năm qua trong con tim của biết bao nhiêu tín hữu đến tôn kính thánh nhân, để xin ơn khỏe mạnh và tuyên xưng đức tin của họ. Như thế đền thánh đã bước đi trong khu phố và dãi tỏa ra toàn thành phố. Tôi cầu xin Chúa ban cho anh chị em ơn tiếp tục bước đi, tiếp tục cuộc hành hương này trong con tim và trong toàn thành phố. Tôi gần gũi anh chị em, và xin anh chị em cũng đừng quên cầu nguyện cho tôi”.

Để chuẩn bị cho ngày hành hương kỷ niệm 50 năm đền thánh vào Chúa Nhật 27 tháng 7, tín hữu tổng giáo phận đã làm tuần cửu nhật bắt đầu từ ngày 18-7. Ngày 27 tháng 7 đền thánh đã mở cửa từ lúc 5 giờ sáng cho tới nửa đêm và đã có 10 thánh lễ được cử hành. Chiều ngày mùng 3-8 sẽ có buổi rước kiệu kết thúc tháng kính thánh Pantaleone, thầy thuốc thành Nicodemia, là vị thánh bổn mạng của đền thánh.

6. 46 năm Thông điệp Humanae Vitae 25/7/1968 – 25/7/2014

Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục công bố bảy thông điệp trong triều đại giáo hoàng kéo dài 15 năm của ngài.

Thông điệp cuối cùng là Humanae Vitae, có lẽ một trong những tài liệu gây tranh cãi nhất trong lịch sử gần đây của Giáo Hội.

Cha Roberto Regoli thuộc Đại học Giáo hoàng Gregoriô nói:

"Đối với ngài, cuộc tranh luận dữ dội về tài liệu này khiến ngài bị sửng sốt đến mức từ năm 1968 cho đến khi qua đời, ngài không công bố một thông điệp nào khác. Ngài đã viết các tài liệu khác, những tông huấn, tông thư, tông hiến, nhưng không có một thông điệp nào khác."

Năm 1968, Hoa Kỳ và nhiều nước trong thế giới phương Tây đã trải qua những thay đổi đáng kể về phương diện văn hóa và xã hội.

Các thế hệ sinh viên mới của những năm cuối thập niên 1960 đã nổi dậy chống lại các giá trị của cha mẹ, đặc biệt là trong các lĩnh vực đạo đức và tình dục.

Cha Roberto Regoli nói thêm:

"Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục đã phải thực hiện những thay đổi sâu rộng được Công đồng Vatican II đưa ra giữa một cuộc khủng hoảng rộng lớn hơn, vượt ra ngoài Giáo Hội, đó là một cuộc khủng hoảng xã hội, chính trị và văn hóa."

Ngài đã quyết định viết Humanae Vitae. Tài liệu làm sáng tỏ trách nhiệm của những bậc cha mẹ và đề cập đến các vấn đề đạo đức như việc sử dụng các biện pháp tránh thai của người Công Giáo, trong đó, Đức Giáo Hoàng đã viết rằng " hành động hôn nhân phải gắn liền với ý nghĩa của sự hiệp nhất và sinh sản."

Giáo Hội đã dự kiến sẽ vấp phải những chống đối từ các thành phần không phải là người Công Giáo trong xã hội, nhưng điều gây kinh ngạc là những chống báng đã đến từ ngay cả nhiều người Công Giáo.

Cha Roberto Regoli cho biết:

"Đó là một điều chưa từng xảy ra trong Giáo Hội. Nhiều thông điệp bị chỉ trích trong thập kỷ 1800 từ các thành phần cấp tiến, nhưng chưa bao giờ có những chống đối lan rộng bên trong Giáo Hội như vào năm 1968. Các nhà thần học, dân Chúa, và ngay cả một số giám mục từ chối Huấn Quyền của ngài."

Trong thông điệp, Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục đã cảnh báo về những hậu quả mà phong cách sống mới này có thể gây ra cho gia đình. Những hậu quả như ngoại tình, mất sự tôn trọng đối với phụ nữ, và các biện pháp tránh thai trở thành quốc sách của các nhà nước trên thế giới.

Trong một cuộc phỏng vấn được công bố tháng Ba vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng thông điệp Humanae Vitae có tính tiên tri và Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục đã có "can đảm đi ngược lại với đa số," khi quyết liệt "bảo vệ kỷ luật đạo đức."

Chủ đề của Thượng Hội Đồng đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô cũng là về gia đình. Và thật là một bất ngờ nho nhỏ vì ngày sau đó Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục sẽ được phong chân phước vào ngày 19 tháng 10, ngày cuối cùng của Thượng Hội Đồng.

7. Đức Thánh Cha an ủi Đức Thượng Phụ Louis Sako trước sự dửng dưng của thế giới

Chiều thứ Sáu 25 tháng 7, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi điện thoại an ủi Đức Hồng Y Louis Sako, là Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ Chanđê thành Babylon. Ngài bày tỏ sự gần gũi và chia sẻ liên đới với các tín hữu Kitô đang bị bách hại tại Iraq.

Đức Thượng Phụ Louis Sako cho biết trong mấy ngày gần đây, bọn khủng bố Hồi Giáo ISIS đã vẽ chữ “N” bằng tiếng Ả Rập lên tường phiá trước nhà của Kitô hữu, có nghĩa là “Nazara” (Kitô hữu). Những người Hồi Giáo Shiite cũng cùng chịu chung số phận. Bọn khủng bố Hồi Giáo Sunni viết chữ “R” nghĩa là “Rwafidh” (thệ phản hay bác bỏ) trước nhà của họ.

Trước cung cách đe dọa tàn bạo như thế, ban đêm các Kitô hữu đã phải lặng lẽ bỏ trốn tiền bạc, của cải nhà cửa ruộng vườn của họ bị người Hồi cưỡng chiếm. Phụ nữ, trẻ em, người già và các bệnh nhân phải đi bộ rời khỏi thành phố với hai bàn tay trắng. Đã vậy, họ còn bị chặn lại và cướp sạch mọi thứ trên người ngoại trừ bộ quần áo che thân.

Ngày 24 tháng 7 Đức Thượng Phụ Sako đã viết thư cho ông Ban Ki Moon, Tổng thư Ký Liên Hiệp quốc, và kêu gọi cộng đồng thế giới đừng ngồi yên nhìn các bạo lực tàn ác xảy ra cho các tín hữu Kitô tại Iraq, cũng như các vi phạm nhân quyền trầm trọng, do các lực lượng Hồi cuồng tín gây ra cho họ.

Đức Thượng Phụ Sako than thở rằng: “Tình hình Iraq ngày càng thê thảm vì đất nước này bị tàn phá bởi liên tiếp các cuộc xung đột giữa các lực lượng Sunni và Shiite. Tình hình bất ổn càng gia tăng thì càng có nhiều những cuộc tấn kích nhắm vào các Kitô hữu và các nhóm thiểu số.”

Đức Thượng Phụ cũng cho biết rằng ngày càng có nhiều nhà thờ và tu viện bị các lực lượng Hồi cướp bóc và đốt phá.

Đầu tuần qua, nhà tranh đấu nhân quyền của Iraq là bà Pascale Warda đã từ Baghdad tới Hoa Thịnh Đốn để báo động với Bộ Ngoại Giao và các thành viên Quốc Hội. Bà được tháp tùng bởi Đức Cha Yousif Habash, Giám Mục giáo phận Qaraqosh, một thị trấn cách Mosul 15 dặm, vừa bị ISIS tràn ngập. Người Kitô hữu tại đây vẫn còn nói tiếng Aramaic, là tiếng nói mà chính Chúa Giêsu từng sử dụng hàng ngày.

Chuyến đi của Đức Cha Habash và bà Pascale Warda thất bại. Hoa Kỳ, và hầu hết các nước dửng dưng và tỉnh bơ trước những tiếng kêu tuyệt vọng của các tín hữu Kitô Iraq.

8. Tòa Thánh gửi tiền trợ giúp các Kitô hữu bị đuổi khỏi Mosul.

Hội Đồng Giáo Hoàng Cor Unum đã khẩn cấp gửi 40,000 Mỹ kim trợ giúp những Kitô hữu bị đuổi khỏi Mosul phía bắc Iraq. Họ bị lực lượng quá khích Hồi Giáo Sunni ra lệnh muốn ở lại Mosul, phải cải sang Hồi Giáo, hoặc trả thuế, nếu không sẽ bị tử hình. Do lệnh này mà hàng ngàn tín hữu Thiên Chúa Giáo đã phải bỏ nhà cửa rời khỏi Mosul.

Tất cả nhà cửa đất đai của các người Thiên Chúa Giáo rời bỏ Mosul bị nhà nước Hồi Giáo gọi tắt ISIS tịch thu làm tài sản nhà nước.

Số tiền 40,000. Mỹ Kim chỉ là tiền cứu trợ ban đầu. Điều đó có nghiã là Vatican sẽ còn tiếp tục gửi tiển trợ cấp cho các nạn nhân Iraq.

Hôm thứ Hai ngày 21/7 /2014 Hội Đồng An Ninh Liên Hiệp Quốc lên án nhóm phiến quân Sunni quá khích đã khủng bố người Thiên Chúa Giáo và các nhóm thiểu số khác, đồng thời Hội Đồng cũng cảnh cáo việc khủng bố như thế bị coi là tội ác chống nhân loại.

Trước năm 2003 là năm Mỹ đem quân vào Iraq thì nước này có khoảng hơn hơn 1,000,000 người Thiên Chúa giáo, trong đó 600,000 sống ở Baghdad và 60,000 sống ở Mosul, còn lại sống ở các thành phố có dầu hoả là Kirkuk và Basra.

Nhà nước Hồi Giáo, gọi tắt là ISIS đã được bọn khủng bố Sunni quá khích tuyên bố thành lập hôm 29 tháng Sáu tại giải đất phía bắc Iraq và Syria. Như vậy, sau lệnh buộc phải cải đạo thì ngày nay, Mosul thủ phủ Kitô Giáo đã có từ thời các thánh Tông Đồ không còn người Kitô hữu nào sinh sống.

9. Xuất bản tem bưu chính về Đức Thánh Cha Phanxicô

Ngày 03 tháng Tư vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Nữ hoàng Elizabeth lần đầu tiên. Tin tức đó đã là đầu đề của báo chí quốc tế. Bây giờ thời điểm đó đang được tái hiện lại một lần nữa, thông qua các tem bưu chính.

Đảo quốc St. Vincent và Grenadines đã phát hành một loạt các tem đánh dấu cuộc gặp gỡ đầu tiên tại nhà trọ Santa Marta của Vatican. Một số là những hình ảnh được chụp trực tiếp từ cuộc họp đó. Những hình khác được thiết kế bao gồm gương mặt của Đức Giáo Hoàng và Nữ hoàng.

Cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Đức Giáo Hoàng hôm 27 Tháng 3, cũng được đánh dấu bằng một con tem. Trong hình, hai vị đang ngồi trò chuyện, và sau đó có một bộ tem, về thời điểm khi họ trao đổi quà tặng.

Không chỉ có đảo quốc St. Vincent và Grenadines, Bolivia cũng phát hành một bộ tem riêng về Đức Giáo Hoàng Phanxicô với những hàng chữ rất tự hào, "Vị Giáo Hoàng đầu tiên của Nam Mỹ."

10. Những tweets phổ biến nhất của Đức Giáo Hoàng cho đến nay

Một hoặc hai ngày, Đức Thánh Cha Phanxicô tweets một tin nhắn trên account @ Pontifex của mình. Ngài truyền tải không chỉ những tin nhắn, nhưng cả sự gần gũi và khiêm nhường của mình. Trên tất cả, ngài đưa ra những lời khuyên và xin mọi người cầu nguyện cho ngài.

Tweet phổ biến nhất của Đức Giáo Hoàng đưa ra vào lễ Phục sinh năm 2014, và chỉ dài bốn từ. Nó được retweet 39,400 lần, nghĩa là được người xem gởi tiếp cho những người khác, và được 36,000 người đưa vào danh sách những tweets được ưa thích.

Lòng hâm mộ Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã không ngừng tăng lên từ ngày ngài được bầu vào ngôi Giáo Hoàng. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi ngài đứng thứ hai trong danh sách những người có đông người theo dõi trên Tweeters, và cái tweet đầu tiên của ngài được retweet 36,000 lần.

Một vài ngày sau đó, Đức Thánh Cha đã đưa ra tin nhắn về một Giáo Hội nghèo cho người nghèo trong đó ngài nêu bật vai trò của Giáo Hội trong việc giúp đỡ "những người nghèo, những người yếu đuối, dễ bị tổn thương." Tin nhắn này có 24,700 retweets.

Đức Thánh Cha Phanxicô liên tục sử dụng Twitter để tố cáo “nền văn hóa loại bỏ” và "sự toàn cầu hóa sự thờ ơ." Thông điệp của ngài thỉnh cầu những lời cầu nguyện cho các nạn nhân cơn bão ở Philippines đã được retweeted bởi 34,000 người theo dõi.

Đức Giáo Hoàng cũng có một vị trí đặc biệt cho những người trẻ tuổi. Ngài yêu cầu họ tin tưởng vào Thiên Chúa, và sử dụng tài năng Thiên Chúa ban cho họ trong việc thăng tiến cuộc sống.

Trong những tweets hàng đầu của ngài, ta cũng tìm thấy những tham chiếu đến thể thao, bao gồm cả World Cup vừa qua, hoặc những trách nhiệm mà Đức Thánh Cha kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới phải đối mặt. Và tất nhiên, tweet "Xin hãy cầu nguyện cho tôi," là một trong những tweet phổ biến nhất.

11. Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tháng Tám

Ý chung: Cầu cho những người tị nạn, buộc phải rời bỏ quê hương mình vì bạo lực, nhận được sự tiếp đón quảng đại và bảo đảm được các quyền lợi của mình.

Ý truyền giáo: Cầu cho các Kitô hữu tại Châu Đại Dương biết hân hoan truyền bá đức tin cho các dân sống trong đại lục mình.

12. Trên 280 Luật Gia Tây Ban Nha ký tên vào Tuyên Ngôn Yêu Cầu Bảo Vệ Quyền Của Thai Nhi

Trong những ngày vừa qua trên 280 luật gia Tây Ban Nha ký tên ủng hộ một tuyên ngôn kêu gọi bảo về quyền căn bản của các thai nhi.

Tuyên ngôn nói trên đã được đề ra trong khuôn khổ các giới hàn lâm tại Madrid và Barcelona và rồi truyền đi qua mạng Internet. Chỉ trong vòng 3 tuần lễ, đã có trên 270 luật gia tên tuổi ký tên ủng hộ. Trong số này, có trên 100 giáo sư thuộc 39 đại học Tây Ban Nha, cùng với nhiều dân biểu, thượng nghị sĩ và nhiều nhân vật nổi bật trong ngành lập pháp và hành pháp. Các luật gia này yêu cầu chú trọng đến việc nhìn nhận và bảo vệ các quyền căn bản của sự sống con người ngay cả trong giai đoạn tiên khởi của nó, khi còn ở trong lòng mẹ. Tuyên ngôn nói trên, theo các luật gia, là cơ hội duy nhất để xã hội có thể tiến triển trên lãnh vực luân lý và xã hội, nhìn nhận toàn bộ quyền pháp nhân của các phôi thai và bảo vệ cho phụ nữ trước khi mang thai.

Các luật gia ký tên ủng hộ tuyên ngôn này minh xác quyền của phôi thai được bảo vệ sự sống, hoàn toàn tách biệt ra khỏi phạm vi quyền của người mẹ. Họ xác tín rằng phá thai không phải là quyền của phụ nữ theo tinh thần hiến chương quốc gia và hiến pháp của tòa án châu Âu về quyền con người. Chính quyền các nước phải đề ra những chính sách bảo vệ thai nghén nhất là đối với những phụ nữ mang thai và khẳng định rằng quy chế cho phép phá thai phải tôn trọng quyền phản kháng vì lương tâm của các nhân viên y tế trong lãnh vực này.

13. Khủng bố Hồi Giáo nổ bom đánh sập ngôi hầm mộ tiên tri Giôna

Hôm 24 tháng 7, quân khủng bố Hồi Giáo ISIS đã đặt bom làm nổ tung khu hầm mộ của tiên tri Giôna. Khu hầm mộ với hàng trăm năm lịch sử và truyền thống đã biến mất chỉ trong một vài giây.

Khu hầm mộ này ghi dấu nơi chôn cất tiên tri Giôna, được tôn kính trong nhiều thế kỷ bởi cả người Hồi giáo và người Kitô Giáo. Hôm thứ Năm, địa điểm này đã trở thành nạn nhân mới nhất trong chiến dịch tàn phá các đền đài bởi bọn khủng bố Hồi Giáo cực đoan ISIS.

Video thu được bởi người dân địa phương cho thấy hậu quả của sự phá hủy khu hầm mộ này. Toàn bộ các phần của cấu trúc bị sụp đổ. Những phần khác xem ra vẫn đứng vững, nhưng bị hư hỏng nặng.

Một đoạn video khác do chính bọn khủng bố ISIS tung lên YouTube cho thấy một tên khủng bố đang sử dụng một búa tạ để phá hủy các bia mộ thiêng liêng cổ đại.

Điều đáng nói là khu hầm mộ chôn cất tiên tri Giôna này nằm trong một đền thờ Hồi Giáo, và được người Hồi Giáo địa phương rất sùng mộ.

Hôm 29 tháng Sáu, quân khủng bố Hồi Giáo ISIS đã tuyên bố thành lập nhà nước Hồi Giáo bao gồm cả Iraq và Syria. Từ đó, nhiều đền thờ Hồi Giáo Shiite và các nhà thờ Kitô Giáo lần lượt bị đặt bom để đánh sập.

Trong một diễn biến tệ hại khác, hôm thứ Bảy 19 tháng 7, người Kitô hữu cuối cùng của Mosul, nơi đã từng là thủ phủ Kitô Giáo trong 16 thế kỷ, đã phải rời khỏi thành phố theo sau một tối hậu thư của bọn khủng bố Hồi Giáo ISIS. Các Kitô hữu ở thành phố Mosul bị buộc phải từ bỏ Kitô giáo và nhận Hồi giáo làm tôn giáo của mình, hoặc phải nộp thêm thuế cho các tòa án Hồi giáo Sharia, nếu không sẽ bị tử hình.

Cho đến nay, thành phố, nơi đã từng có 60,000 Kitô hữu trước khi cuộc chiến Iraq bắt đầu, đã không còn một sự hiện diện Kitô giáo nào.

Liên Hiệp Quốc đã mô tả cuộc đàn áp chống người Kitô hữu này là tội ác chống lại nhân loại.

14. Đức Hồng Y Louis Sako viết thư cho Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon yêu cầu bảo vệ các tín hữu Kitô Iraq

Trong bản văn, được công bố trực tuyến trên Website của Đài phát thanh Vatican hôm thứ Sáu 25 tháng 7, Đức Hồng Y Louis Sako là Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ Chanđê, đã cảm ơn Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã ra nghị quyết lên án sự đàn áp tàn bạo của bọn khủng bố Hồi Giáo ISIS.

Tuy nhiên, Thượng Phụ Sako nói ra nghị quyết lên án thôi thì không đủ. Ngài kêu gọi Liên Hiệp Quốc gây áp lực với chính phủ Iraq để bảo vệ tất cả các nhóm thiểu số, cũng như để tăng tốc độ phân phối viện trợ "khẩn cấp".

Đức Thượng Phụ nói rằng các Kitô hữu Iraq "gánh chịu nặng nề hơn bất cứ ai trong chính sách tàn bạo này." Ngài tố cáo cuộc đàn áp các cộng đồng Kitô kỳ cựu ở Mosul là một cuộc “thanh lọc sắc tộc”.

Bức thư của Đức Thượng Phụ kết thúc bằng một thỉnh cầu Liên Hiệp Quốc hãy tìm mọi cách để "bảo vệ và bảo tồn các di sản của chúng tôi đang bị cướp phá và đốt cháy bởi quân khủng bố Hồi Giáo ISIS."

Đức Thượng Phụ đã công bố lá thư này cùng với một lá thư của tất cả các tổng giám mục thuộc mọi hệ phái Kitô tại Mosul.

Tuyên bố của các nhà lãnh đạo Kitô giáo tại Mosul cũng kêu gọi việc bồi thường các tài sản bị hư hỏng như các nhà thờ và tu viện. Các ngài cũng kêu gọi người dân Iraq và thế giới áp lực với bọn khủng bố Hồi Giáo để chặn đứng việc phá hủy các nơi thờ phượng, trong đó có nhiều địa điểm có lịch sử hàng nhiều thế kỷ.

15. Caritas Mali Tái Kêu Gọi Hòa Giải Quốc Gia

Trong các ngày vừa qua ông Theodore Togo, tổng thư ký tổ chức Caritas Mali, đã tố cáo các xung đột giữa các nhóm dân địa phương khiến cho dân chúng lo sợ trở thành nạn nhân của các cuộc bắn giết này.

Ông Tổng thư ký Caritas Mali đã đúc kết tình hình hiện nay tại miền bắc Mali, là nơi đã diễn ra những trận giao tranh ác liệt hồi trung tuần tháng 7 này, làm cho gần 40 người thiệt mạng. Theo tin chính thức, thì thủ phạm là hai lực lượng phiến quân hoạt động tích cực tại đây; đó là Mặt trận Ảrập Azawad, gọi tắt là MAA, và phong trào giải phóng quốc gia Azawad, gọi tắt là MNLA, là phong trào đòi độc lập cho các nhóm dân người Tuareg và đã từng tham gia làn sóng chống chính quyền hồi năm 2012.

Vụ xung đột này xảy ra trong một thời điểm tế nhị. Tại Algeri, cuộc thương thuyết gay go giữa chính quyền Bamako và các phe phiến quân vừa tái mở lại. Một trong những vấn đề được bàn thảo là tương lai của miền bắc, mệnh danh là Azawad. Các nhóm phiến quân vũ trang muốn vùng này được thể chế tự trị rộng rãi, trong khi chính quyền Bamako chỉ đồng ý thảo luận về một hình thức tổ chức hành chánh tốt hơn mà thôi. Hướng đến cuộc đối thoại này, ông tổng thư ký Caritas Mali đã kêu gọi cả hai bên hãy nghĩ đến vấn đề chung của tất cả mọi người, lắng nghe tiếng nói của dân chúng miền Bắc, và ngồi vào bàn hội nghị với ý thức trọn vẹn về mọi vấn đề. Nếu không, những thỏa hiệp đạt được sẽ chỉ nằm trên giấy tờ mà thôi.

Theo ông Togo, cần phải giải quyết vấn đề nghiêm trọng và rộng rãi hơn cả là vấn đề hòa giải quốc gia. Để thực sự hòa giải quốc gia, cần phải tôn trọng và giải quyết những lo âu của cả hai bên, nhất là của dân chúng, chứ không phải chỉ chú trọng đến các nhóm vũ trang mà thôi. Ông cũng cho biết là Caritas địa phương nỗ lực cứu trợ dân chúng, nhất là trong các lãnh vực thực phẩm, thuốc men và nước uống, nhưng cuộc khủng hoảng hiện nay có rất nhiều chiều kích khác nhau. Các nhóm hồi giáo quá khích vẫn chưa hoàn toàn bị đánh bại. Bằng chứng là cuộc đánh bom tự sát hôm 14 tháng 7 tại GAO do nhóm khủng bố Al Murabtun, phò Al Qeda, thực hiện khiến cho một binh sĩ Pháp bị thiệt mạng. Ngày hôm trước đó, chính quyền Paris đã chính thức tuyên bố chấm dứt chiến dịch SERVAL khởi đầu hồi tháng giêng 2013 để trợ lực quân đội chính quy Mali tái chiếm miền Bắc nước này.

16. Cuộc Biểu Tình Ủng Hộ Tín Hữu Kitô Iraq.

Tại thủ đô Baghdad của Iraq, khoảng 200 người Hồi giáo đã tụ họp trước nhà thờ thánh Giorgio của Giáo Hội Công Giáo Chanđê để bày tỏ liên đới với các tín hữu Kitô, nạn nhân của bạo lực mù quáng đang chịu bách hại từ phía quân binh thánh chiến hồi giáo ISIS.

Hôm Chúa Nhật 20 tháng 7, trong bài giảng thánh lễ, Đức Thượng Phụ Maronít Liban Bechara Rai có đề cập đến hạn tối hậu mà lực lượng của lãnh tụ hồi Al- Baghdadi đưa ra cho các tín hữu Kitô ở Mossul và ngài đã hỏi là “Những người Hồi Giáo ôn hòa nói gì về điều này?”

Cuộc biểu tình của các tín hữu Hồi vừa nói trên đây có thể được xem như là câu trả lời cho vấn nạn Đức Thượng Phụ Bechara Rai đưa ra. Có rất nhiều người mang những biểu ngữ viết hàng chữ “Kulluna Masihiyyun”, chúng tôi đều là người Kitô, hay là mặc áo có mang chữ N, là dấu hiệu mà bọn khủng bố Hồi Giáo ghi lại trên cửa gia cư của các tín hữu Kitô. Sau thánh lễ tại nhà thờ thánh Giorgio, các tín hữu Kitô ra khỏi nhà thờ và cùng đoàn người Hồi Giáo biểu tình, hát quốc ca, trước khi kết thúc bằng lời kinh Lạy Cha của Công Giáo và đoạn sura 1 của kinh Coran. Đức Tổng Giám Mục Louis Sako của Baghdad đã cám ơn ban tổ chức cuộc biểu tình liên đới này.

Ngài nói: “Cuộc biểu dương liên đới này mang lại hy vọng cho một nước Iraq mới. Tôi nghĩ đến người trẻ, là những người có bổn phận và sứ mạng thay đổi cục diện hiện nay. Thật là điều đáng xấu hổ và là một tội ác khi đánh đuổi những người vô tội ra khỏi nhà cửa và tịch thu gia sản của họ chỉ bởi vì họ là người Kitô. Toàn thế giới phải vùng lên chống lại những hành vi kinh khiếp ấy. Đức Cha Sako cũng bày tỏ hy vọng là hai cộng đoàn Kitô và Hồi Giáo sẽ tiếp tục hiệp nhất với nhau để xây dựng một quốc gia Iraq mới.

17. Các nhà lãnh đạo Hồi Giáo lên án chính sách tận diệt các Kitô hữu của bọn khủng bố Hồi Giáo ISIS

Hai trong số những tiếng nói hàng đầu trong thế giới Hồi giáo đã lên án cuộc đàn áp chống lại các Kitô hữu tại Iraq, dưới bàn tay của những kẻ cực đoan vừa tuyên bố hình thành một Nhà nước Hồi giáo bao trùm Iraq và Syria.

Lên tiếng mạnh mẽ nhất là giáo sĩ Iyad Madani Ameen, Tổng thư ký của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, đại diện cho 57 quốc gia, và 1,4 tỷ người Hồi giáo.

Trong một tuyên bố, ông chính thức lên án "việc cưỡng bức trục xuất" các Kitô hữu, gọi đó là một "tội ác không thể dung thứ." Vị tổng thư ký cũng cố gắng tách biệt Hồi giáo với các hành vi của bọn khủng bố ISIS. Ông nói rằng những hành vi của ISIS “không dính líu gì với Hồi giáo.” Ông giải thích rằng nguyên tắc của Hồi Giáo là tôn trọng công lý, lòng nhân ái, công bằng, tự do tôn giáo và sự cùng tồn tại.

Trong khi đó, giáo sĩ hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ, là người kế thừa tinh thần của nhà nước Hồi Giáo thuộc Đế quốc Ottoman, cũng đề cập đến chủ đề này trong một hội nghị hòa bình quy tụ các học giả Hồi giáo.

Giáo sĩ Mehmet Gormez thẳng thừng bác bỏ tính cách hợp pháp của ISIS trong thế giới Hồi Giáo và tuyên bố rằng "một thực thể bất minh như thế không có thẩm quyền tuyên bố chiến tranh chống lại một nhóm chính trị, tôn giáo hay cộng đồng nào." Ông nói rằng người Hồi giáo không nên thù địch với "những người có quan điểm, hay các giá trị và niềm tin khác mình, và không thể xem họ như là kẻ thù."

Nhận xét của các nhà lãnh đạo Hồi Giáo đã được đưa ra sau khi các nhà lãnh đạo Kitô Giáo ở Iraq kêu gọi các nhà lãnh đạo Hồi giáo trên toàn thế giới lên tiếng tố cáo bạo lực chống các tín hữu Kitô nước này.

18. Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Anh và xứ Wales về chính sách tận diệt các tín hữu Kitô Iraq của khủng bố Hồi Giáo ISIS

Ngày 25 tháng 7 vừa qua thay mặt cho các Giám Mục Anh và xứ Wales, Đức Cha Declan Lang, Giám Mục giáo phận Clifton, chủ tịch Ủy Ban Quốc Tế đã ra tuyên bố sau:

Trong tư cách là Chủ tịch của Ủy Ban Quốc Tế thuộc Hội đồng Giám mục Anh và xứ Wales, tôi trịnh trọng lên án với những lời lẽ mạnh nhất tối hậu thư của quân khủng bố Hồi Giáo ISIS gởi cho các tín hữu Kitô Mosul buộc họ phải cải đạo sang Hồi Giáo, đóng thuế tôn giáo hay dọn ra khỏi thành phố.

Việc đe dọa này trên người dân Iraq là một tội ác chống lại Thiên Chúa và vi phạm sự sống. Chúng ta không được quên rằng các Kitô hữu đã sống và là những chứng nhân ở Iraq trong gần hai thiên niên kỷ. Sự mạo phạm các nơi thánh ở Mosul và những nỗ lực có hệ thống để thay đổi bối cảnh văn hóa và tôn giáo của thành phố cổ này là một tội ác chống lại nhân loại.

Tôi kêu gọi các chính phủ, các tổ chức tôn giáo và thế tục ở Anh, hãy bảo vệ và cung cấp các biện pháp bảo vệ cho các cộng đồng đã phải chịu đựng đau khổ quá lâu tại Iraq.

Tôi nhắc nhở cộng đồng quốc tế rằng Điều 18 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền bảo vệ các quyền cơ bản của mỗi cá nhân được thực hành tôn giáo mà họ lựa chọn và quyền này không thể bị khước từ bởi ác ý, bởi sự phân biệt đối xử hoặc vì quyền lợi của bất kỳ phe nhóm hay chế độ nào ở Iraq và trên toàn thế giới. Kinh Qur'an của người Hồi Giáo nói rõ ràng rằng sẽ không có sự ép buộc trong tôn giáo (Surah [2)] al-Baqarah: câu 256). Các điều kiện vô lý áp đặt bởi cái gọi là ISIS chống lại những người dân vô tội, phụ nữ và trẻ em là không thể chấp nhận và dung thứ được.

Hiệp cùng với Hội đồng Các Giáo Hội Trung Đông, Đức Thượng Phụ Raphael Louis Sako và nhiều nhà lãnh đạo Giáo Hội trên toàn thế giới, tôi cực lực lên án những tội ác chống lại các Kitô hữu ở Mosul.

+ Đức Giám Mục Declan Lang
Giám Mục giáo phận Clifton
Chủ tịch Ủy Ban Quốc Tế Hội Đồng Giám Mục Anh và xứ Wales