Ngày 31-07-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đồng thanh cảm tạ
Lm. Minh Anh
01:38 31/07/2021
ĐỒNG THANH CẢM TẠ
“Ước gì chư dân cảm tạ Ngài, lạy Thiên Chúa, chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài!”.

Trong một cuộc nghiên cứu về các em mãi dâm ở tuổi vị thành niên, một nhà tâm lý hỏi, “Có một điều gì đó bạn cần nhất và không thể có được?”. Phản ứng của các em, luôn đi kèm với nỗi buồn và những giọt nước mắt, là đồng thanh đáp, “Điều tôi cần nhất là, một ai đó lắng nghe tôi. Một người đủ quan tâm để lắng nghe tôi!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Các em trong cuộc phỏng vấn của nhà tâm lý đã đồng thanh cho biết một điều thật đáng buồn! Vậy mà, Thánh Vịnh đáp ca của phụng vụ Lời Chúa hôm nay lại nói đến một sự đồng thanh khác, một sự đồng thanh vui tươi, cũng là ước ao của mỗi người chúng ta, “Ước gì chư dân cảm tạ Ngài, lạy Thiên Chúa, chư dân phải ‘đồng thanh cảm tạ’ Ngài!”.

Bài đọc Lêvi hôm nay tiết lộ, chư dân sẽ nhận biết Chúa; và sẽ ‘đồng thanh cảm tạ’ Ngài khi họ nhìn thấy con cái Thiên Chúa sống yêu thương, công bằng với đồng loại, đặc biệt trong năm được gọi là Năm Toàn Xá, Năm Thánh của Thiên Chúa. Bài đọc thứ nhất hôm nay kết thúc, “Không ai trong các ngươi được làm thiệt hại người đồng bào, nhưng hãy kính sợ Thiên Chúa của mình!”. Lòng kính sợ Thiên Chúa được thể hiện bằng tình bác ái đối với anh em đồng loại.

Vậy mà các nhân vật của câu chuyện Tin Mừng lại cho thấy điều trái ngược, ngoại trừ một mình Gioan Tẩy Giả! Các nhân vật đó là bộ ba quận vương Hêrôđê, bà Hêrôđia, tình nhân của ông và Salômê, con gái riêng của bà, một đứa trẻ ngây thơ. Vì lòng dục xấu xa và bất chấp lề luật cha ông, Hêrôđê đã lấy vợ anh mình; và Gioan đã lên tiếng. Hậu quả là, Hêrôđê đã hành xử sai trái khi bỏ tù Gioan, một người lành thánh bảo vệ sự thật; và khi cơ hội đến, dịp sinh nhật vua, chỉ với một điệu múa, Hêrôđia đã nham hiểm xúi giục vua phạm một tội tầy đình khi bảo đứa trẻ vô tội ‘nhúng tay vào máu’, đòi cho được chiếc đầu của Gioan. Một người có thể gây nên một điều ác, nhưng một điều ác lớn hơn thường bắt nguồn từ nhiều người cùng chủ tâm gây nên nó! Cách hành xử của Hêrôđê, Hêrôđia và con gái bà đã dẫn đến một sai lầm nghiêm trọng. Họ là những con người tỏ ra không kính sợ Thiên Chúa, tàn nhẫn với đồng loại; điều đó cho thấy họ đã không nhận biết Thiên Chúa và thay vì ‘đồng thanh cảm tạ’ Ngài, họ sỉ nhục Ngài!

Đang khi Gioan Tẩy Giả, một con người thuộc về Thiên Chúa đã hiến dâng mạng sống để bảo vệ chân lý, bảo vệ lề luật Ngài. Chúng ta thường coi Têphanô là vị tử đạo đầu tiên của Kitô giáo và Gioan thì không được vậy; nhưng thật ra, Gioan đúng là một vị tử đạo cho Chúa Giêsu về mọi mặt, ‘trừ danh nghĩa’, vì công việc tiền hô của Gioan là chuẩn bị gần cho Chúa Giêsu mà vì đó, ông đã bị giết. Gioan trả giá bằng mạng sống mình cho sự chính trực, cho ơn gọi tiên tri của mình; Gioan không phải là “cây sậy rung rinh trước gió”, không đơn giản bổ theo hướng của bất cứ luồng gió nào mạnh nhất; Gioan là cây sậy có ‘chất thép’. Làm chứng cho các giá trị của Tin Mừng thường có nghĩa là đứng vững trước những cơn gió ‘thịnh hành’ của thời đại! Chứng tá của Gioan làm hiển danh Thiên Chúa; Kitô hữu mọi thời sẽ ‘đồng thanh cảm tạ’ Thiên Chúa vì Gioan đã là nguồn cảm hứng cho mọi thời.

Anh Chị em,

Cả chúng ta, chúng ta cũng có thể trở nên nguồn cảm hứng cho thời đại hôm nay khi chúng ta dám toả sáng cả khi ‘ánh sáng về sự hiện diện’ của Thiên Chúa xem ra rất le lói và ít ỏi. Gioan đã trải nghiệm thực tế này khi sống tăm tối ở chốn lao tù; cách tương tự, trong những ngày dịch bệnh này, khi chúng ta đang đối mặt với một hoàn cảnh nghiệt ngã, Thiên Chúa muốn chúng ta cũng hãy cho phép ánh sáng đức tin của mình ngời sáng ánh quang Tin Mừng ngay trong những ngày không mấy thuận lợi này. Bằng cách này cách khác, chúng ta cố giữ cho ánh sáng Chúa Kitô luôn chói sáng với những việc làm yêu thương trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chúa Giêsu và Thánh Thần của Ngài đang đồng hành để nâng đỡ chúng ta, giúp chúng ta làm một điều gì đó cho hiển vinh danh Ngài. Nhờ đó, những ai chung quanh chúng ta chưa nhận biết Thiên Chúa, họ sẽ nhận ra Ngài; vì khi thấy những việc lành chúng ta làm, họ cũng sẽ ‘đồng thanh cảm tạ’ Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin ban cho con một lương tâm trong sạch như Gioan, để con trở nên nguồn cảm hứng cho anh em con; vì qua con, họ sẽ nhận biết Chúa và sẽ ‘đồng thanh cảm tạ’ Ngài”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Thánh Lễ Chúa Nhật 18 Mùa Quanh Năm 1/8/2021 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
01:39 31/07/2021

BÀI ĐỌC I: Xh 16, 2-4. 12-15

“Ta sẽ cho bánh từ trời rơi xuống như mưa”.

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, toàn thể cộng đoàn con cái Israel kêu trách Môsê và Aaron, họ nói với hai ông rằng: “Thà chúng tôi chết trong đất Ai-cập do tay Chúa, khi chúng tôi ngồi kề bên nồi thịt và ăn no nê. Tại sao các ông dẫn chúng tôi lên sa mạc này, để cả lũ phải chết đói như vầy?”

Chúa liền phán cùng Môsê rằng: “Đây Ta sẽ cho bánh từ trời rơi xuống như mưa: dân chúng phải đi lượm bánh ăn mỗi ngày, để Ta thử coi dân có tuân giữ lề luật của Ta hay không. Ta đã nghe tiếng kêu trách của con cái Israel: ngươi hãy nói với họ rằng: ‘Chiều nay các ngươi sẽ ăn thịt, và sáng mai sẽ ăn bánh no nê, như thế các ngươi sẽ biết rằng Ta là Thiên Chúa các ngươi'”.

Chiều hôm ấy, có chim cút bay tới che rợp các trại, và sáng hôm sau có sương sa xuống quanh trại. Tới lúc sương tan trên mặt đất, thì thấy có vật gì nho nhỏ tròn tròn như hột sương đông đặc trên mặt đất. Con cái Israel thấy vậy, liền hỏi nhau rằng: “Man-hu”, có nghĩa là: “Cái gì vậy?” vì họ không biết là thứ gì. Môsê liền nói với họ: “Đó là bánh do Chúa ban cho anh em ăn”.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 77, 3 và 4bc. 23-24. 25 và 54

Đáp: Chúa đã ban cho họ được bánh bởi trời (c. 24b).

1) Điều mà chúng tôi đã nghe, đã biết mà tổ tiên đã thuật lại cho chúng tôi hay, chúng tôi sẽ kể lại cho thế hệ tương lai: đó là những lời khen ngợi và quyền năng của Chúa.

2) Nhưng Người đã ra lệnh cho ngàn mây trên cõi cao xanh, và Người đã mở rộng các cửa trời. Người đã làm mưa man-na xuống để họ ăn, và Người đã ban cho họ được bánh bởi trời.

3) Con người được ăn bánh của những bậc hùng anh; Người ban cho họ lương thực ăn tới no nê. Người đưa họ vào nơi thánh địa của Người, tới miền núi non mà tay hữu Người tậu sắm.

BÀI ĐỌC II: Ep 4, 17. 20-24

“Hãy mặc lấy người mới đã được tác thành theo thánh ý Chúa”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, tôi nói với anh em điều này, và chứng thực trong Chúa là anh em chớ ăn ở như Dân Ngoại ăn ở, chiều theo sự giả trá của tâm tư mình. Phần anh em, anh em không hề học biết Đức Kitô như thế đâu, nhưng nếu anh em đã nghe biết Người và đã được thụ giáo trong Người, như sự chân thật trong Đức Giêsu dạy, là anh em hãy khử trừ lối sống xưa kia, hãy lột bỏ con người cũ, đã bị hư theo những đam mê lầm lạc. Anh em hãy trở nên mới trong lòng trí anh em, hãy mặc lấy người mới đã được tác thành theo thánh ý Chúa trong sự công chính và thánh thiện xứng với sự thật.

Đó là lời Chúa.

ALLELUIA:

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin mở lòng chúng con, để chúng con nghe lời Con Chúa. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Ga 6, 24-35

“Ai đến với Ta sẽ không hề đói, ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, lúc đám đông thấy không có Chúa Giêsu ở đó, và môn đệ cũng không, họ liền xuống các thuyền và đến Caphar-naum tìm Chúa Giêsu. Khi gặp Người ở bờ biển bên kia, họ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?” Chúa Giê-su đáp: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm Ta, không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê. Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Đấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu”.

Họ liền thưa lại rằng: “Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?” Chúa Giêsu đáp: “Đây là công việc của Thiên Chúa là các ngươi hãy tin vào Đấng Ngài sai đến”.

Họ thưa Chúa Giêsu: “Ngài sẽ làm dấu lạ gì để chúng tôi thấy mà tin Ngài? Ngài làm được việc gì? Cha ông chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như đã chép rằng: “Người đã ban cho họ ăn bánh bởi trời”. Chúa Giêsu đáp: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, không phải Môsê đã ban cho các ngươi bánh bởi trời, mà chính Cha Ta mới ban cho các ngươi bánh bởi trời đích thực. Vì bánh của Thiên Chúa phải là vật tự trời xuống, và ban sự sống cho thế gian”.

Họ liền thưa Người rằng: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi”. Chúa Giêsu nói: “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ”.

Đó là lời Chúa.
 
Khi Tấm Bánh Mang Hương Vị Tình Yêu
LM. Giuse Trương Đình Hiền
08:57 31/07/2021
Khi Tấm Bánh Mang “Hương Vị Tình Yêu”

Chúa Nhật 18 Thường Niên (B 2021)

Sau phép lạ “hoá bánh ra nhiều” và Thầy trò “sang bờ bên kia” thì nhiều người Do Thái cũng đôn đáo đi tìm Chúa Giêsu, để thêm một lần được thưởng thức thứ bánh vật chất do tay Ngài “hoá phép thực hiện” !

Thì ra, không phải chỉ có thời đại hôm nay con người mới bon chen đi tìm bánh mì, khi, cũng bấy nhiêu diện tích địa cầu đó, nhưng nhân loại đã hơn 7 tỉ người, mà cách đây 2000 năm, dân Do Thái cũng đã đôn đáo chạy tìm lương thực. Quả thật, ngày nay, nhu cầu khát đói, khủng hoảng lương thực không là chuyện tính toán với những con số trên bàn, mà là những tiếng kêu thảm thiết vang lên trên mọi miền thế giới. Trong những ngày “giản cách xã hội theo chỉ thị 16” nầy tại Việt nam, nhu cầu “khát đói” lại trở nên thiết yếu; nhất là đối với những gia đình thu nhập thấp, những bà mẹ buôn gánh bán bưng, những cụ già, em thơ bán vé số; những công nhân “tay làm hàm nhai”, “làm buổi mai ăn buổi chiều”…

Thế nhưng, khi đối diện với đám dân Do Thái “đi tìm bánh”, Chúa Giêsu đã phản ứng và truyền dạy điều gì? Ngài vừa gọi mời: “Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Đấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu”; vừa truyền tải một đề tài giáo lý đặc biệt: BÁNH HẰNG SỐNG: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, không phải Môsê đã ban cho các ngươi bánh bởi trời, mà chính Cha Ta mới ban cho các ngươi bánh bởi trời đích thực. Vì bánh của Thiên Chúa phải là vật tự trời xuống, và ban sự sống cho thế gian” (…). “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ”.

Mới đọc qua, cứ tưởng câu chuyện về “Bánh” trên chỉ liên quan đến đám đông người Do Thái và Chúa Giêsu cách đây hai ngàn năm mà nội dung cốt lõi chính là “cuộc tranh luận liên quan đến “Bánh”, “Manna” và “Bánh ban sự sống”.

Không ! Còn hơn thế nữa. “Bánh” chỉ là “cơ hội” để nhờ đó “thanh lọc đức tin”, không chỉ cho tín đồ Do Thái khi xưa mà cho những người Kitô hữu hôm nay, một cuộc “thanh lọc dứt khoát” mà theo ngôn ngữ của Thánh Phaolô trong Bài đọc 2, Thư gởi giáo đoàn Êphêsô, đó là “hãy khử trừ lối sống xưa kia, hãy lột bỏ con người cũ, đã bị hư theo những đam mê lầm lạc. Anh em hãy trở nên mới trong lòng trí anh em, hãy mặc lấy người mới đã được tác thành theo thánh ý Chúa trong sự công chính và thánh thiện xứng với sự thật”.

Vâng, “cuộc sống xưa”, “con người cũ” của mỗi người chúng ta phải chăng đó chính là lối sống đạo “vụ hình thức”, theo Chúa cách “vụ lợi”, thực hành đức tin cách hời hợt, giả hình, ấu trỉ, mà nếu dùng ngôn ngữ của chính Giêsu trong sứ điệp Tin Mừng hôm nay, thì đó là: “các ngươi tìm Ta, không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê”. Đó cũng là thái độ muốn quay về đời sống nô lệ, là sự biến chất niềm tin, mất lòng trông cậy, mà những người Do Thái đã trải qua trong thời “Xuất Ai Cập”: Trong những ngày ấy, toàn thể cộng đoàn con cái Israel kêu trách Môsê và Aaron, họ nói với hai ông rằng: “Thà chúng tôi chết trong đất Ai-cập do tay Chúa, khi chúng tôi ngồi kề bên nồi thịt và ăn no nê. Tại sao các ông dẫn chúng tôi lên sa mạc này, để cả lũ phải chết đói như vầy?” (Bđ 1).

Trong một bối cảnh “Do Thái giáo” đang thời “mạt pháp”; giới tăng lữ, luật sĩ và phái Pharisiêu tác oai tác quái, đang nhào nặn một tâm thức đức tin giả hình, khô cứng, xa rời tinh tuý của Luật, của lời dạy các ngôn sứ…, Đức Kitô muốn dân Chúa làm một cuộc đại thanh tẩy, một cuộc “hoán cải và tin vào Tin Mừng”, mà điều cốt thiết tiên khởi là mở lòng tin nhận Ngài: “Đây là công việc của Thiên Chúa là các ngươi hãy tin vào Đấng Ngài sai đến”.

Nhưng, trong sứ điệp “Bánh Hằng Sống” nầy, Lời Chúa còn muốn nói với chúng ta rằng: Không chỉ Thiên Chúa gọi mời chúng ta thanh lọc niềm tin mà còn ra tay đáp ứng và nuôi sống chúng ta bằng tình yêu chăm sóc trọn hảo, bằng “bánh Hằng Sống”, vượt xa điều chúng ta khát mong: “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ”.

Để hiểu được quà tặng “Bánh Hằng Sống”, chúng ta đừng quên:

- Chúng ta cần một nồi thịt, Chúa cho chim cút hằng hà sa số !

- Chúng ta cần một tấm bánh mì, Chúa cho Manna sa đầy mặt đất.

- Chúng ta cần của ăn vật chất, Chúa ban lương thực “bánh Trường Sinh” nuôi dưỡng linh hồn.

- Chúng ta cần đáp ứng nhu cầu cơm ăn áo mặc, Chúa trao ban tình yêu và ơn cứu độ.

- Chúng ta cần dấu lạ để tin, Chúa sẵn sàng ban tặng Người Con Một yêu dấu.

- Chúng ta cần được chăm sóc, phục vụ, Chúa sẵn sàng hy sinh đến trao ban mạng sống…

Và dĩ nhiên, khi chúng ta biết mở lòng đón nhận “quà tặng tình yêu của Chúa”, thì mọi nhu cầu của chúng ta trở thành “nhỏ rứt”; hay đúng hơn, tất cả đều được biến đổi để trở thành “quà tặng tình yêu” dâng hiến và tôn vinh Ngài.

Vâng, quà tặng “Đức Kitô - Bánh Hằng Sống” chính là “Tấm Bánh Tình Yêu trọn hảo nhất”, có sức để mang lại niềm hy vọng và sức sống cho thế giới điêu linh hôm nay; bởi vì, một thế giới thiếu tình yêu là một thế giới đang hấp hối; chẳng khác nào “người thương binh Tây ban Nha, không chịu ăn bất cứ thứ gì để nhịn đói cho chết…; cho tới khi nhận được “tấm bánh do chính tay của người mẹ làm gởi đến”, anh mới chịu ăn. Nhờ đó mà anh được cứu sống. Đơn giản, tấm bánh của người mẹ là kết tinh của một tình yêu, tình mẫu tử; một “tấm bánh mang hương vị tình yêu” !

Trương Đình Hiền
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:31 31/07/2021

7. Đức ái có thể làm cho việc cầu nguyện có sức mạnh, nhưng nương cậy có thể làm cho việc cầu nguyện có hiệu lực.

(Thánh Thomas Aquinas)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:36 31/07/2021
14. LẤY BÚN ĐỔI LÒ ĐỒNG

Có tên vô lại trên đường đi thì gặp người bà con, muốn tiếp đãi nhưng trong túi không có đồng xu nào.

Hắn ta lì đòn mời người bà con vào quán rượu, sau khi uống rượu xong, thì nói với nhà bếp đem đến một bát bún, và nói với khách:

- “Đợi tôi đem bát bún này về cho mẹ tôi đã, sau đó đến hầu tiếp ngài”.

Hắn ta về đến nhà thì đem bát bún ấy đổi qua cái bát của nhà mình, bê đến trong một tiệm nhỏ, thì thấy một phụ nữ đang đứng hai chân đạp trên cái lò bằng đồng lớn, hắn ta bèn nói dối:

- “Nhà nọ tổ chức sinh nhật, nhờ tôi đem bát bún này đến để bà ăn.”

Người phụ nữ đứng dậy bày tỏ sự cám ơn.

Hắn ta liền nói:

- “Nhà nọ khách rất nhiều, e rằng bát không đủ, xin bà đem bún đựng vào cái bát khác và đưa bát không cho tôi”.

Người phụ nữ lập tức bưng bát bún đi vào, tên vô lại ấy vội vàng lấy cái lò đồng đi đổi một vài đồng tiền, về nhà lấy cái bát không trở lại quán rượu, cùng với người khách quen tiếp tục ăn uống thả cửa.

(Tiếu Tiếu lục)

Suy tư 14:

Cùng có một sự thông minh giải quyết vấn đề hay, thì người ta dùng chữ khôn ngoan dành cho người đạo đức, nhưng lại dùng chữ gian ngoan thì dành cho người ba trợn, ma giáo. Tại sao vậy? Thưa là vì người đạo đức dùng sự khôn ngoan của mình để mưu ích cho người khác, còn người ma giáo, gian xảo thì dùng cái khôn ngoan của mình để làm hại người bằng các thủ đoạn.

Dù là người Ki-tô hữu nhưng dùng thủ đoạn để làm hại người khác để có lợi cho mình, thì cũng được liệt vào hàng ma giáo gian ngoan, thế mới biết, lợi dụng cái “mác” người Ki-tô hữu đề làm những chuyện gian ngoa thì án phạt càng nặng nề hơn.

Tên vô lại cũng có cái khôn ngoan của nó, nhưng cái khôn ngoan ấy là để phục vụ cho lòng tham của mình; người Ki-tô hữu cũng có cái khôn ngoan của người Ki-tô hữu, nhưng khôn ngoan ấy được Thánh Thần hướng dẫn để làm sáng danh Thiên Chúa và phục vụ tha nhân giữa xã hội này…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 18 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:39 31/07/2021
CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN

Tin Mừng: Ga 6, 24-35.

“Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ."


Bạn thân mến,

Trong lịch sử thế giới có những ông vua từng tuyên bố ai theo ông sẽ không chết đói và được giàu sang phú quý, nhưng làm vua được vài năm thì bị hạ bệ, và những kẻ theo ông ta cũng lây lất tù tội; thời nay cũng có những nhà tư bản tuyên bố ai theo họ thì sẽ không thiếu thứ gì, nhưng khi kinh tế toàn cầu suy sụp thì họ sa thải công nhân và nhân viên không nương tay, và những người theo họ thất nghiệp trong đau khổ; gần nhất là bên cạnh nhà bạn và nhà tôi, đều có những người nhà giàu tuyên bố của cải mình ăn ba đời cũng không hết, nhưng “đùng” một cái dịch covid-vuhan xảy ra, họ cũng điêu đứng như những người nghèo khác...

Đức Đức Chúa Giê-su tuyên bố ai đến với Ngài thì sẽ không hề phải đói, và ai tin vào Ngài thì sẽ không phải khát bao giờ. Lời tuyên bố này luôn làm cho những kẻ tôn thờ chủ nghĩa vật chất, ham muốn cuộc sống hưởng thụ chống đối và nhạo cười, bởi vì không ai dại gì tin và đi theo một con người chết trần truồng trên thập giá. Nhưng đói và khát mà Đức Đức Chúa Giê-su nói đây chính là đói chân lý và khát khao yêu thương, bởi vì chân lý và yêu thương là căn bản của hạnh phúc và niềm vui của con người.

1. Đói chân lý.

Ở đâu có quyền lực mà không có đạo đức, thì ở đó có bất công và đàn áp; ở đâu mà tiền bạc làm thẩm phán, thì ở đó có oan ức và chân lý bị dìm chết bởi kim tiền, do đó mà con người ta –qua mọi thời đại- rất đói chân lý và công bằng, bởi vì chỉ có chân lý mới đem lại hạnh phúc công bằng cho mọi người mà thôi.

Vì đói chân lý nên có nhiều nơi trên thế giới con người nổi loạn, và gây nhiều đau thương cho đồng bào dân tộc mình; vì đói chân lý nên con người ta -hễ ai có lương tri- liền chạy đến với Thiên Chúa là Đấng Chân Thiện Mỹ Thánh để cầu xin cho chân lý mau ngự trị. Đức Đức Chúa Giê-su là chân lý, Ngài đã đến và ngự trị trong tâm hồn những kẻ yêu thích điều ngay thẳng, Ngài đã và đang ở trong những kẻ đi tìm chân lý cách ôn hòa và nhẫn nại...

2. Khao khát yêu thương.

Thế giới đang sống trong những chủ nghĩa: chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa quốc gia, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa hận thù, chủ nghĩa ích kỷ và chủ nghĩa hưởng thụ cá nhân.v.v... cho nên thế giới chưa từng có yêu thương và hòa bình, bởi vì con người ta ai cũng đặt ích lợi cá nhân trên yêu thương và tha thứ. Đức Chúa Giê-su đã đến, chính Ngài là tình yêu, là nhân tố của yêu thương khi Ngài tha thứ cho những kẻ đã đóng đinh mình vào thập giá, và sự yêu thương tha thứ này đã trổ hoa tốt đẹp ngay trên đồi Golgotha: kẻ đâm vào cạnh sườn của Đức Chúa Giê-su đã đấm ngực hối lỗi và nhìn nhận Ngài là Con Thiên Chúa.

Trong xã hội ngày nay con người ta đang khát, khát vật chất và tinh thần. Khát vật chất thì người ta còn có thể kham khổ chịu đựng, nhưng khi con người ta khát tinh thần là khát yêu thương, thì con người ta sẽ đối xử với anh chị em đồng loại như với thú dữ; khi con người ta không còn yêu thương thì hận thù sẽ trỗi dậy, và như thế thì con người ta chỉ biết chém giết nhau, hại nhau mà thôi.

Khao khát yêu thương là khao khát tình đồng loại, là khao khát tha thứ cho nhau và phục vụ nhau như Đức Chúa Giê-su đã làm và đã dạy chúng ta –những người Ki-tô hữu- cũng phải làm như thế.

Bạn thân mến,

Đã có nhiều lần bạn thất vọng vì tin vào lời hứa của ông chủ, của cấp trên, bởi vì họ hứa mà không thực hiện; cũng đã có nhiều lần bạn cảm thấy hụt hẩng khi đặt tin tưởng vào những người có quyền thế trong đạo cũng như ngoài đời.

Đến với Đức Chúa Giê-su thì bạn và tôi sẽ luôn an tâm và hạnh phúc vì Ngài là chân lý, là sự thật và là Đấng không hề lừa dối ai; tin vào Đức Chúa Giê-su thì bạn và tôi sẽ được no thỏa tình yêu thương, vì từng giây từng phút trong cuộc đời của chúng ta, Ngài luôn yêu thương quan tâm và hướng dẫn, để chúng ta luôn mãi là chứng nhân của Ngài ở trần gian này.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các giám mục và linh mục Hoa Kỳ thuộc cộng đồng Cuba hải ngoại gửi tin nhắn video về nước
Đặng Tự Do
04:01 31/07/2021


Trong một đoạn video dài 8 phút, khoảng 30 giám mục và linh mục trong cộng đồng Cuba ở Hoa Kỳ đã gửi lời cầu nguyện và thông điệp ủng hộ những người biểu tình trên đảo.

Đức Cha Nelson Jesús Pérez, Tổng Giám Mục Philadelphia, có cha mẹ đều là người Cuba, nói trong video: “Đây là một thông điệp dành cho người dân Cuba, những người đang phải chịu đựng những thời khắc khó khăn, bất công, áp bức và thiếu tôn trọng nhân quyền. Xin anh chị em biết rằng chúng tôi vẫn luôn cầu nguyện cho anh chị em, tình yêu của chúng tôi, tình cảm và sự đoàn kết của chúng tôi với tất cả anh chị em. Cầu xin Đức Mẹ Bác ái nghe lời cầu nguyện của chúng ta, bảo vệ anh chị em và mang lại hòa bình”.

Đức Cha Felipe de Jesús Estévez của Saint Augustine, Florida, người gốc Cuba, nói rằng “lòng bác ái gắn kết tất cả những người sinh ra ở Cuba”. Ngài cũng yêu cầu Đức Mẹ Bác ái, đấng bảo trợ của đất nước, hãy “cứu Cuba”.

Đức Cha Manuel Aurelio Cruz, Giám Mục Phụ Tá người Mỹ gốc Cuba của tổng giáo phận Newark, bày tỏ “sự kính trọng và tình đoàn kết với người dân Cuba” của ngài.

“Tôi biết nỗi đau, nỗi khổ của đồng bào chúng ta và đã đến lúc quê hương chúng ta phải có tự do. Lạy Đức Mẹ Bác ái Mỏ Đồng, xin hãy cứu lấy người dân Cuba của chúng con. Amen”.

Cha Fernando Hería, một linh mục người Cuba và Giám đốc Đền thánh Đức Mẹ Bác ái Quốc gia ở Miami nói “Là một người Cuba, tôi chân thành cầu nguyện cho tất cả anh chị em. Cộng đồng Cuba hải ngoại chúng tôi chỉ xin một điều: Lạy Đức Mẹ Bác ái, hãy cứu đồng bào của chúng con ở Cuba”

Đức Ông Willie Peña, một linh mục gốc Cuba và là Cha sở của nhà thờ St. Bernadette ở San Juan, Puerto Rico, đồng thời là người dẫn chương trình tiếng Tây Ban Nha “Khi thế giới xoay chuyển” trên EWTN, đã cam đoan với đồng bào của mình rằng “chúng tôi đồng hành cùng anh chị em trong lời cầu nguyện và tình đoàn kết”.

“Tôi gửi cho anh chị em một cái ôm bằng cả trái tim mình. Hãy tiếp tục đứng vững vì chúng tôi đồng hành cùng anh chị em. Lạy Đức Mẹ Bác ái, hãy cứu lấy Cuba!”
Source:Catholic News Agency
 
Nữ tu phục vụ quên mình suốt 59 năm, cuối cùng lại phải ngồi tù ở tuổi 79
Đặng Tự Do
04:02 31/07/2021


Một nữ tu đã nghỉ hưu bị cáo buộc đánh bạc bằng tiền của một trường Công Giáo nơi sơ làm hiệu trưởng đang phải đối mặt với án tù liên bang sau khi nhận tội hôm thứ Năm.

Sơ Mary Margaret Kreuper, 79 tuổi, đã nhận tội ăn cắp hơn 830,000 Mỹ Kim từ quỹ của nhà trường để trả cho các chuyến đi đánh bạc và các chi phí cá nhân khác.

Các luật sư của Sơ Kreuper đã đưa ra một tuyên bố nói rằng sơ ấy rất hối hận và nhận toàn bộ trách nhiệm về những gì đã xảy ra.

Sơ Kreuper trở thành một nữ tu ở tuổi 18 và cống hiến cuộc đời mình trong 59 năm tiếp theo để giúp đỡ người khác.

Tổng giáo phận Los Angeles cho biết có một thời gian Sơ Kreuper bị bệnh tâm thần khiến khả năng phán đoán không được tốt. Bác sĩ đã khuyên Sơ Kreuper đến các chỗ đông người chứ đừng sống khép kín bệnh trầm cảm sẽ thêm trầm trọng. Chẳng may, chốn đông người mà Sơ Kreuper thường lui tới mà không phải phiền hà ai là casino. Ban đầu chỉ đánh cho vui, sau phát triển thành nghiện ngập.

Các công tố viên cho rằng Sơ Kreuper đã chỉ đạo nhân viên tiêu hủy hồ sơ tài chính trước các cuộc kiểm toán của nhà trường.

Tổng giáo phận Los Angeles đã đưa ra một tuyên bố cho biết:

“Cộng đồng đức tin tại St. James đã bị sốc và đau buồn vì những hành động này và giáo xứ, trường học và tổng giáo phận đã báo cáo vấn đề và hợp tác đầy đủ với chính quyền trong cuộc điều tra tội phạm. Chúng tôi tiếp tục cầu nguyện cho tất cả những người bị ảnh hưởng bởi vấn đề này".
Source:Local 12
 
Đại dịch đang làm bùng nổ các cáo buộc lạm dụng tính dục nhắm vào hàng giáo sĩ
Đặng Tự Do
04:03 31/07/2021


Một luật sư đã nhận xét rằng hoàn cảnh kinh tế khó khăn có thể là một lý do chủ yếu dẫn đến việc rộ lên các cáo buộc lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ.

Nhà lãnh đạo Công Giáo ở New Hampshire “dứt khoát phủ nhận” những cáo buộc gần đây cho rằng ngài đã lạm dụng tình dục khi đang làm linh mục ở New York vào những năm 1980.

Đơn kiện được đệ trình ngày 14 tháng 7 tại tòa án tiểu bang New York cáo buộc Đức Cha Peter Libasci của Giáo phận Manchester lạm dụng nhiều lần một nam thanh niên trong hai năm 1983 và 1984. Việc lạm dụng dẫn đến “những tổn thương về thể chất, tâm lý và tình cảm và cần phải được đền bù”, đơn kiện cho biết.

Trong một tuyên bố đại diện cho Đức Cha Libasci, luật sư Michael Connolly cho biết cáo buộc này là hoàn toàn không đúng sự thật.

“Đức Cha Libasci đã cống hiến hơn 43 năm để phục vụ những người khác với tư cách là một linh mục Công Giáo, trong thời gian đó, ngài đã nổi tiếng về việc đối xử với mọi cá nhân một cách yêu thương và tôn trọng nhân phẩm,” Connolly viết. “Trong khi Đức Cha Libasci có lòng trắc ẩn rất lớn đối với các nạn nhân bị lạm dụng tình dục, ngài sẽ buộc phải mạnh mẽ bảo vệ mình trước những cáo buộc sai trái này trước tòa”.

Đơn kiện cáo buộc rằng Đức Cha đã lạm dụng một cậu bé 12 tuổi trong khi là Cha sở tại Nhà thờ Công Giáo Hai Thánh Cyrilô và Methodiô và phụ trách trường Hai Thánh Cyrilô và Methodiô ở Deer Park, New York. Trường này năm nay đã sáp nhập với một trường khác để trở thành Trường Đức Mẹ Guadalupe.
Source:Crux
 
Vatican công bố Logo của Hội nghị Gia đình Thế giới X
Thanh Quảng sdb
06:24 31/07/2021
Vatican công bố Logo của Hội nghị Gia đình Thế giới X

Logo chính thức cho Hội nghị Gia Đình Thế Giới sắp tới được công bố. Đây là một sáng kiến của Cha Marko Ivan Rupnik, hình ảnh diễn tả đám cưới tại Cana. Cuộc gặp gỡ các gia đình thế giới lần thứ 10 đang được chờ mong, sẽ diễn ra tại Rome từ ngày 22 đến ngày 26 tháng 6 năm 2022, sau khi bị trì hoãn vì đại dịch coronavirus.

(Tin Vatican)

“Tình yêu bí tích giữa một người nam và một người nữ, phản ánh tình yêu bất khả phân ly và sự hiệp nhất giữa Chúa Kitô và Giáo hội: Chúa Giêsu đã đổ máu Người ra vì yêu thương chúng nhân.” Đây là ý nghĩa nằm sau logo của Hội nghị Gia Đình Thế Giới lần thứ mười.

Tác phẩm mang tên “Vén mở Bí mật tuyệt vời” (trích thư của Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Ê-phê-sô, 5:32), được Cha Marko Ivan Rupnik SJ, một họa sĩ và thần học gia phác họa.

Logo mô tả đám cưới tại Cana, với cô dâu và chú rể ở hậu cảnh bên trái, được che bởi một tấm màn. Người ta thấy Chúa Giêsu và Mẹ Maria đang trao đổi với nhau: “Họ hết rượu rồi!”. Phía trước là người quản lý, với khuôn mặt Thánh Phaolô như đã được phác họa trong thời cổ đại. Chính Thánh Phaolô “đã vén bức màn che phủ đám cưới, để thốt lên: “Bí ẩn này thật tuyệt vời; nói lên mối tương quan giữa Chúa Kitô và Giáo hội!”.

Logo mà Cha Rupnik vẽ làm biểu tượng chính thức thứ ba được xuất bản; cùng với lời cầu nguyện được dùng như một công cụ mục vụ cho việc chuẩn bị và thảo luận của các gia đình hướng tới Hội nghị Gia Đình Thế Giới năm 2022. Một sự kiện được Thánh Bộ Giáo dân, Gia đình và Đời sống của Tòa Thánh tổ chức cùng với Giáo phận Rôma, sẽ được diễn ra nhân dịp kỷ niệm sáu năm thông điệp “Niềm Vui Tình Yêu” (Amoris laetitia) phát hành và bốn năm kể từ ngày Tông huấn “Hãy vui lên và hãy ngợi ca” (Gaudete et exsultate) ra đời.

Cuộc gặp gỡ Hội nghị Gia Đình Thế Giới lần thứ mười được tổ chức theo một mô thức chưa từng có, được trình bày như một qui hướng từ "nhiều trung tâm và nhiều hội thảo". Rôma sẽ là địa điểm chính, nhưng vào những ngày diễn ra sự kiện của Giáo hội trên toàn thế giới, mỗi giáo phận đã có những cuộc họp địa phương cho các gia đình và cộng đồng của mình. Mọi gia đình trên thế giới đều có thể là những thành viên tham dự...

Trong thông điệp video ngày 2 tháng 7 vừa qua nhân dịp trình bày về mô thức họp bất thường này, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng "tất cả mọi người có thể tham gia, ngay cả những người không thể về Rôma."

Đức Thánh Cha thúc giục các cộng đoàn trong giáo phận, bất cứ nơi nào có thể, hãy hoạch định những sáng kiến dựa trên chủ đề của Cuộc gặp gỡ: “Tình yêu gia đình: ơn gọi và con đường nên thánh”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Cha yêu cầu các con hãy năng động, tích cực và sáng tạo trong việc tổ chức biến cố này với các gia đình sao cho phù hợp với những gì sẽ diễn ra ở Rome. Đây là một cơ hội tuyệt vời để cống hiến với lòng nhiệt thành vào việc mục vụ gia đình, vợ chồng cha mẹ con cái, cả gia đình và các linh mục cùng nhau làm việc...
 
Một linh mục Công Giáo bị bắt vì những nhận xét chống lại Thủ tướng Modi
Đặng Tự Do
17:06 31/07/2021


Đảng cầm quyền Ấn Giáo cực đoan BJP đang xoay qua bắt bớ các linh mục và giáo dân tại Ấn Độ trong mưu toan hướng sự chú ý và phẫn nộ của dân chúng sang một hướng khác sau những thất bại về kinh tế, và đặc biệt là những thất bại về phòng chống đại dịch coronavirus dẫn đến cái chết của ít nhất là 5 triệu người.

Trong bối cảnh đó, một linh mục Công Giáo đã bị bắt tại quận Kanyakumari vì những nhận xét bị cho là miệt thị Thủ tướng Narendra Modi, Bộ trưởng Nội vụ Amit Shah và 'Bharat Mata.'

Cha George Ponnaiah được cho là đã đưa ra nhận xét tại một cuộc họp tại thị trấn Arumanai gần đây.

Một đoạn video về bài phát biểu của ngài đã lan truyền trên mạng xã hội, sau đó các nhà lãnh đạo Ấn Giáo và đảng cầm quyền BJP đã nộp đơn tố cáo ngài và ngài đã bị bắt.

Cảnh sát cho biết ngài đã bị buộc tội theo nhiều điều khoản khác nhau của Bộ luật Hình sự Ấn Độ và Đạo luật Dịch bệnh vì tụ họp đông người, cụ thể là 10 người.

Điều trớ trêu là nhiều thành viên BJP, đã tổ chức một cuộc biểu tình ở Coimbatore với hàng người, yêu cầu vị linh mục đang bị giam giữ phải bị trừng phạt nặng theo Đạo luật Goondas vì những nhận xét của ngài.

Trái với các thông tin ban đầu liên quan đến việc bắt giữ Cha George Ponnaiah, Bharat Mata không phải là một vị thần Ấn Giáo.

Bharat Mata chỉ là một nhân vật hư cấu có 4 tay, được họa sĩ người Ấn Độ Abanindranath Tagore vẽ vào năm 1905. Tác phẩm này mô tả một người phụ nữ tên là Bharat Mata mặc áo choàng mầu vàng nghệ, bốn tay cầm một cuốn sách, những bó lúa, một mảnh vải trắng và một vòng hoa. Bức tranh là minh họa những lý tưởng của phong trào Swadesh, một phong trào đòi độc lập của Ấn Độ.

Kitô Giáo bị coi là tôn giáo ngoại lai, ý tưởng ở đây là cáo buộc Cha George Ponnaiah chống lại nền độc lập của Ấn Độ hơn là chống lại một vị thần của Ấn Giáo.
Source:The Week
 
Cha con noi gương lẫn nhau. Kết quả: Cha là phó tế, con là linh mục.
Đặng Tự Do
17:06 31/07/2021


Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, số ra ngày 26 tháng 7, đã tường trình câu chuyện hai cha con noi gương lẫn nhau. Kết quả: Cha là phó tế, con là linh mục.

Hai cha con đã truyền cảm hứng cho nhau trên con đường phân định ơn gọi của họ. Năm 2009, ông Michael được phong chức phó tế, và cùng năm đó, con trai của ông, Matthew, đang học năm thứ nhất tại một chủng viện.

Phó tế Michael cho biết đã trở thành một phó tế như thế nào:

“Tôi chỉ đơn giản cảm thấy như Chúa kêu gọi tôi làm điều gì đó nhiều hơn những gì tôi đang làm. Tôi đã tình nguyện làm một số việc khác nhau và đã tham gia vào một số thừa tác vụ và đoàn Hiệp sĩ Kha Luân Bố. Và tôi nghĩ ý tưởng trở thành một phó tế sẽ chỉ đơn giản là một hoạt động khác mà tôi có thể tình nguyện”.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng việc này sẽ liên quan đến bao nhiêu công việc, bao gồm cả 5 năm đào tạo và phân định. Trên đường đi, Michael đã có những lúc nghi ngờ. Vì vậy, anh quyết định cầu nguyện xin Chúa hướng dẫn anh trong quyết định của mình. Và Chúa đã đáp lại.

Phó tế Michael không hề hay biết, con trai ông là Matthew đã được truyền cảm hứng từ cuộc hành trình đức tin của cha mình:

“Nhìn thấy cha tôi, với tư cách là một người cha, ngày càng phát triển trong mối quan hệ của ông với Chúa, thực sự có ảnh hưởng đến ước muốn theo Chúa của tôi. Nhìn vào sự can đảm của cha tôi trong việc phân định ơn gọi của chính mình và tuân theo kế hoạch của Chúa trong cuộc sống của ông đã cho tôi sức mạnh và can đảm để cởi mở với điều tương tự trong cuộc sống của tôi… Cha tôi đóng một vai trò rất quan trọng, cho dù cha tôi có biết điều đó hay không vào thời điểm đó, và liệu tôi có biết điều đó hay không vào thời điểm đó”.

Trong khi đó, nhìn thấy con trai mình ngày càng đến gần với Chúa, người cha tiếp tục ơn gọi của mình, và thầm nghĩ: “Nhìn thấy một thanh niên khoảng 20 tuổi sẵn sàng đi theo Chúa đến hết đời cũng cho tôi can đảm để tiếp tục trong cuộc hành trình của chính mình.”

Chứng kiến cha mình hoàn thành kế hoạch của Chúa đã tác động tích cực đến mối quan hệ cha con của họ. Vị linh mục đã chia sẻ một khoảnh khắc rất đặc biệt mà hai cha con đã chia sẻ tại bàn thờ, khi cha của vị linh mục gọi ngài là “cha”.

“Đó là một khoảnh khắc thực sự đặc biệt đối với tôi. Ba tôi chắc chắn là cha ruột của tôi và đã nuôi dưỡng tôi. Nhưng sau đó có một điều gì đó khác biệt khi chúng tôi ở trên bàn thờ với tư cách là giáo sĩ - có một sự đảo ngược vai trò kỳ lạ khi chúng tôi cung cấp chất dinh dưỡng tinh thần cho mọi người.”

Nhìn thấy ơn quan phòng của Chúa đã củng cố ơn gọi và mối dây gia đình của họ. Trong khi Phó tế Michael Magee phục vụ tại Giáo xứ Đức Mẹ Loreto ở Foxfield, con trai của ông đã làm linh mục thư ký cho Đức Tổng Giám Mục Samuel J. Aquila trong vài năm và sẽ sớm nhận chức vụ mới với tư cách là cha sở tại Giáo xứ St. Thomas Aquinas ở Boulder.
Source:Aleteia
 
Giáo phận Paterson hoàn tất tiến trình điều tra án tuyên thánh cho Thầy Marinus Leonard Larue
Đặng Tự Do
17:07 31/07/2021


Đức Cha Kevin Sweeney, Giám mục giáo phận Paterson cho biết giáo phận Paterson đã hoàn tất tiến trình điều tra án tuyên thánh cho Thầy Marinus Leonard Larue, người được mô tả là có hai cuộc đời.

Thuyền trưởng Leonard LaRue điều hành chiếc thương thuyền SS Meredith Victory trong một chuyến cứu người tỵ nạn mà Cục Hàng hải Hoa Kỳ cho biết “cuộc cứu hộ của thương thuyền này là một cuộc cứu hộ tỵ nạn vĩ đại nhất trong lịch sử”.

Công cuộc giải cứu tỵ ngày 23 tháng 12 năm 1950, được kết thúc vào ngày Giáng sinh, vì vậy mà cuộc cứu hộ này được gọi là “Phép lạ Giáng sinh”.

Trong số những người được giải cứu có cha mẹ của Timothy Moon Jae-in, đương kim tổng thống Hàn Quốc.

Leonard LaRue sinh tại Philadelphia vào ngày 14 tháng 1 năm 1914, theo học tại Trường Hàng hải Bang Pennsylvania và tốt nghiệp năm 1934. Ban đầu ông làm việc tại cảng New York trên các tàu buôn... Năm 1942, ông gia nhập Đoàn Tầu Moore-McCormack.

Năm 1944, ông được thăng chức thuyền trưởng, chỉ huy một con tàu và cuối cùng, ông trở thành thuyền trưởng của thương thuyền Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ trên chiếc SS Meredith Victory nặng 7.600 tấn.

Khi Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, LaRue khởi hành từ Norfolk, Virginia. Ông được lệnh đi qua kênh đào Panama và băng qua Thái Bình Dương để đến một căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản. Ông được giao nhiệm vụ tải đạn dược và xe bọc thép đến cảng Hungnam ở bờ biển phía đông Bắc Triều Tiên, tiếp vận cho quân đội Hoa Kỳ đang chiến đấu với các lực lượng cộng sản Bắc Triều Tiên và Trung Quốc.

Khi LaRue đến gần bờ, ông đã chứng kiến cảnh tượng hãi hùng của hàng ngàn người tị nạn tràn vào cảng Hungnam, vì chạy trốn khỏi làn đạn của cộng sản. Khoảng 200 tàu của Liên hợp quốc chở đầy người tị nạn đã sẵn sàng nhổ neo giữa các cuộc đang tấn công dữ dội.

LaRue nói: “Qua ống kiếng nhìn vào bờ, tôi đã chứng kiến một cảnh tượng hãi hùng đáng thương…

Thuyền trưởng LaRue là một người đạo đức đã sẵn sàng làm bất cứ điều gì để giải cứu những người tị nạn Triều Tiên đang bị bao vây. Nhưng sức chứa của con tàu chở hàng dài 139 mét rất hạn chế - không gian cabin chỉ chứa tối đa 47 thủy thủ và một chục hành khách, cộng với năm tầng hầm chở hàng.

Ông ra lệnh dỡ bỏ tất cả những gì không cần thiết, bao gồm hàng hóa và vũ khí, đồng thời cho phép càng nhiều người tị nạn xuống tầu... Khoảng 14.000 người xuống tàu, nằm ngồi la liệt không còn một chỗ trống!

Con tàu đi về phía nam và đến Pusan (nay là Busan) vào đêm Giáng sinh, nhưng nó không được phép cập cảng vì cảng đã quá tải với những người tị nạn ở đó.

Nên con tàu lại phải lênh đênh thêm 80 km về phía tây nam của Pusan và đến đảo Koje Do, nơi tất cả những người tị nạn đã được đưa vào bờ bằng hai tàu đổ bộ của hải quân Mỹ. Cám ơn Chúa mọi sự bình yên, không có sự cố nào xảy ra, dù những người tị nạn lo sợ bị đem con đi bỏ chợ! Hơn nữa, có cả năm em bé được sinh ra trong chuyến cứu nạn kỳ diệu này.

Ông LaRue sau này mỗi khi nhớ lại, ông phải tự thú: “Tôi tin rằng Chúa đã cùng đồng hành với chúng tôi trong ba ngày đó. Chính Chúa đã chèo lái con tàu của tôi”,

Theo tờ Báo Times Catholic thì: Ngày nay, con cháu của những người tị nạn được giải cứu ước tính khoảng một triệu người, theo đạo Công Giáo ở Hàn Quốc.

Trong công cuộc giải cứu vĩ đại này cũng mang lại cho Thuyền trưởng LaRue một tiếng gọi đặc biệt.

Năm 1954, ông gia nhập Dòng Biển Đức và được gọi là thầy Marinus (tiếng Latinh có nghĩa là “biển cả”). Thầy đã dành phần đời còn lại của mình để cầu nguyện và sống ẩn dật tại Tu viện Thánh Phaolô ở Newton, New Jersey, nơi ngài qua đời vào ngày 14 tháng 10 năm 2001.

Giám Mục Phụ Tá Elias Lorenzo của Tổng giáo phận Newark, người đã tham dự thánh lễ an táng, nhớ lại: “Nhiều người từ Hàn Quốc đã tham dự để tưởng nhớ và cám ơn Thầy vì những việc anh dũng thầy đã thực hiện.
Source:Net TV New York
 
Các thành viên của Quốc hội Hoa kỳ: Phá thai không phải là chăm sóc sức khỏe
Vũ Văn An
20:34 31/07/2021

Theo hãng tin CNA, trong bản tin ngày 30 tháng 7, hơn 25 thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã viết thư cho chính phủ Biden trong tuần này cảnh báo rằng một quy tắc được đề nghị sẽ cho phép đồng tiền liên bang trợ cấp bảo hiểm phá thai.

“Phá thai không phải là chăm sóc sức khỏe, và những người đóng thuế Mỹ không nên bị buộc phải trợ cấp cho nó,” các thượng nghị sĩ cho biết trong bức thư. Các thành viên bao gồm các Thượng nghị sĩ Marco Rubio (R-Fla.), Cindy Hyde-Smith (R-Miss.) Và Steve Daines (R-Mont.), Chủ tịch của Nhóm Thượng Nghị Sĩ Phò Sinh (Senate Pro-Life Caucus).

Theo Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng năm 2010, các nhà cung cấp bảo hiểm của “các chương trình sức khỏe đủ tiêu chuẩn” phải thu các khoản tiền đóng góp chi phí bảo hiểm riêng biệt cho việc bảo hiểm phá thai tự ý, để bảo đảm chương trình trợ cấp của liên bang không phải chi cho việc phá thai. Quy tắc này nhằm thực hiện Tu chính án Hyde, tức chính sách liên bang từ năm 1976 cấm tài trợ cho các ca phá thai.

Tuy nhiên, một báo cáo của Văn phòng Giải trình của Chính phủ năm 2014 cho thấy nhiều công ty bảo hiểm đã không tách biệt thích đáng việc thanh toán bảo hiểm phá thai với bảo hiểm cho các loại thuốc và thủ tục khác trong kế hoạch.

Vào năm 2019, chính quyền Trump yêu cầu các chương trình y tế theo Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng phải có hóa đơn riêng và tài khoản riêng cho phí bảo hiểm phá thai tự ý. Ba tòa án liên bang đã ngăn, không cho quy tắc này có hiệu lực.

Sự thay đổi quy tắc được đề nghị của chính quyền Biden sẽ cho phép thanh toán bảo hiểm phá thai cùng với các khoản khác, trong các kế hoạch bảo hiểm theo Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng. Quy tắc mới được đề nghị, được công bố vào ngày 1 tháng 7, sẽ chỉ yêu cầu một hóa đơn duy nhất và thanh toán các dịch vụ do liên bang đài thọ, bao gồm bảo hiểm phá thai.

Một số nhà lãnh đạo phò sinh, trong nhiều năm, đã cảnh báo về khả thể tiền liên bang trợ cấp bảo hiểm phá thai trong các kế hoạch này, nếu việc viết hóa đơn không được thực hiện riêng biệt.

Hôm thứ Tư, Matt Bowman, cố vấn cao cấp của nhóm pháp lý Liên minh Bảo vệ Tự do, cho biết : “Quy tắc đề nghị của chính phủ Biden sẽ mở rộng cánh cửa cho các kế hoạch bảo hiểm Obamacare sử dụng tiền đóng thuế để chi trả cho việc phá thai — một động thái vi phạm luật liên bang”.

Các thượng nghị sĩ cho biết, "Khi hiểu ‘riêng biệt’ có nghĩa là ‘cùng nhau’, Quy tắc đề nghị sẽ cho phép bất hợp pháp các công ty bảo hiểm thu các khoản thanh toán kết hợp cho bảo hiểm phá thai tự ý, thay vì các khoản thanh toán riêng biệt như luật yêu cầu".

Các thượng nghị sĩ lưu ý rằng quy tắc này sẽ "làm giảm sự minh bạch của người tiêu dùng" và có tiềm năng dẫn đến việc người tiêu dùng "trả tiền cho việc phá thai, vi phạm lương tâm hoặc niềm tin tôn giáo của họ".

Các thượng nghị sĩ cáo buộc quy định này là một mưu toan nhằm “gia tăng việc người đóng thuế tài trợ cho việc phá thai theo yêu cầu, vì lợi ích tài chính của Planned Parenthood và ngành kỹ nghệ phá thai”.

Planned Parenthood là hệ thống các nhà cung cấp dịch vụ phá thai lớn nhất quốc gia.

Bowman nói: “Các yêu cầu thanh toán riêng biệt cho các kế hoạch chăm sóc sức khỏe là cách tốt nhất để bảo đảm việc các luật phổ biến ngăn ngừa phá thai tự ý do tiền thuế tài trợ được tôn trọng”.

Các thượng nghị sĩ khác đã ký vào bức thư ngày 28 tháng 7 là: Thượng nghị sĩ Mike Rounds (RS.D.), Roger Wicker (R-Miss.), James Lankford (R-Okla.), Jerry Moran (R-Kan.), John Boozman (R-Ark.), Joni Ernst (R-Iowa), Cynthia Lummis (R-Wyo.), James Inhofe (R-Okla.), Mike Braun (R-Ind.), Ben Sasse (R-Neb.), Deb Fischer (R-Neb.), Ted Cruz (R-Texas), Jim Risch (R-Idaho), John Thune (RS.D.), Marsha Blackburn (R-Tenn.), Todd Young (R-Ind.), Josh Hawley (R-Mo.), John Cornyn (R-Texas), John Hoeven (RN.D.), John Barrasso (R-Wyo.), Roger Marshall (R-Kan.), Tom Cotton ( R-Ark.) Và Bill Hagerty (R-Tenn.)
 
Văn Hóa
Tôi Cử Hành Ngày Ông Bà Và Người Cao Niên Lần Thứ Nhất
Anna, Giáo xứ Ba Thôn, Sài Gòn
08:34 31/07/2021
Tôi Cử Hành Ngày Ông Bà Và Người Cao Niên Lần Thứ Nhất

Con rất vui khi được Đức Thánh Cha Phanxicô lập ra một ngày để cả thế giới cầu cho Ông Bà và Người Cao Niên. Hưởng ứng lời mời gọi của ngài, hôm 25/07/2021, sáng sớm con đã gọi điện chia sẻ với một vài người cùng tuổi. Thấy họ vui, con phấn khởi lên chương trình gọi điện thăm hỏi trò chuyện với các vị cao niên trong gia tộc, trong giáo xứ, bạn bè, người đồng hương và cả các ông bà sui gia.

Tuy nhiên, suốt một ngày, con chỉ nói chuyện được với hơn 30 vị, bởi có những vị con chỉ vấn an sức khỏe dăm bảy phút là xong nhưng lắm vị lâu lắm mới có người gọi điện thoại hỏi thăm, cứ nói chuyện huyên thuyên không dứt.

Ông Năm là một người anh họ. Ông có nghe ai đó nói hôm nay cầu cho các Ông Bà và người cao tuổi nhưng không rõ nghĩa là gì. Nghe giải thích ý nghĩa của ngày lễ, ông rất ngạc nhiên. Thấy thế con nhắc thêm về các điều kiện hưởng ơn toàn xá, trong đó có việc thăm hỏi Ông Bà và người cao niên. Ông cười không dứt và cứ rối rít cảm ơn.

Một vị khác là ông Tân. Nghe nhắc đến ngày lễ này, ông cười, nói:

- Tui có biết gì đâu!

- Vậy hôm nay ông nhớ dự lễ để hưởng ơn toàn xá nhé!

- Làm sao mà đi lễ được. Trước đây tôi thường đi lễ, từ hôm giãn cách xã hội, không còn được đi lễ nữa, tôi nhớ nhà thờ lắm.

- Thời gian này, Giáo hội cho phép chúng ta được tham dự thánh lễ trực tuyến. Hôm nay ông dự lễ trực tuyến, Chúa cũng ban ơn toàn xá cho ông.

- Thánh lễ trực tuyến là sao? Tôi dự lễ đó ở đâu.

- Nhà ông có máy vi tính mà! Ông bảo mấy đứa con hướng dẫn chút là ông biết ngay, dễ lắm! Tiện thể, ông nói nó chỉ thêm để ông biết mở xem tin tức của Giáo phận, Giáo hội,… Vào trang của Giáo phận ông sẽ biết thêm nhiều điều hay và thiết thực cho việc giữ đạo nữa ông ạ. Trên đó còn cả có truyện ngắn Công Giáo nữa, truyện nào cũng hay hết ông ạ!

- Vậy để tôi nói con tôi nó chỉ cho tôi. Cả tuần chả biết làm gì, cứ ngồi xem mãi chương trình thế vận hội cho qua thời giờ

Một ngày qua đi với nhiều bận rộn nhưng con rất vui. Vui nhất là có một cụ ông đã nói:

- Đức Giáo Hoàng nhiều tuổi hơn tôi mà còn nghĩ đến người cao niên và tổ chức ngày lễ này để bọn trẻ nhớ tới người già, tôi cảm động quá!

Con cám ơn Đức Thánh Cha đã có sáng kiến để cử hành lễ này hàng năm. Con tin rằng nhiều cụ ông cụ bà sẽ được an ủi và hưởng nhiều niềm vui trong ngày lễ này của những năm kế tiếp.

Con gọi mừng một linh mục trong gia tộc đã 75 tuổi và kể cho ngài nghe. Ngài hỏi:

- Cô năm nay bao nhiêu rồi?

- Tuổi ta là 69.

- Vậy thì chúc mừng cô và xin Chúa ban phúc lành. Bây giờ cô giúp tôi một việc nhé. Cô viết lại câu chuyện của cô ngày hôm nay để tôi đưa lên mạng, chắc sẽ có người bắt chước để gọi điện thăm các cụ già, không riêng ngày 25/7 mà cả những ngày khác trong năm nữa chứ. Ai biết khi được có người gọi hỏi thăm, các cụ vui biết chừng nào!

ANNA, Giáo xứ Ba Thôn, Sài Gòn
 
VietCatholic TV
TGP Los Angeles đau buồn: Nữ tu phục vụ quên mình suốt 59 năm, cuối cùng lại phải ngồi tù ở tuổi 79
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
03:59 31/07/2021


1. Các giám mục và linh mục Hoa Kỳ thuộc cộng đồng Cuba hải ngoại gửi tin nhắn video về nước

Trong một đoạn video dài 8 phút, khoảng 30 giám mục và linh mục trong cộng đồng Cuba ở Hoa Kỳ đã gửi lời cầu nguyện và thông điệp ủng hộ những người biểu tình trên đảo.

Đức Cha Nelson Jesús Pérez, Tổng Giám Mục Philadelphia, có cha mẹ đều là người Cuba, nói trong video: “Đây là một thông điệp dành cho người dân Cuba, những người đang phải chịu đựng những thời khắc khó khăn, bất công, áp bức và thiếu tôn trọng nhân quyền. Xin anh chị em biết rằng chúng tôi vẫn luôn cầu nguyện cho anh chị em, tình yêu của chúng tôi, tình cảm và sự đoàn kết của chúng tôi với tất cả anh chị em. Cầu xin Đức Mẹ Bác ái nghe lời cầu nguyện của chúng ta, bảo vệ anh chị em và mang lại hòa bình”.

Đức Cha Felipe de Jesús Estévez của Saint Augustine, Florida, người gốc Cuba, nói rằng “lòng bác ái gắn kết tất cả những người sinh ra ở Cuba”. Ngài cũng yêu cầu Đức Mẹ Bác ái, đấng bảo trợ của đất nước, hãy “cứu Cuba”.

Đức Cha Manuel Aurelio Cruz, Giám Mục Phụ Tá người Mỹ gốc Cuba của tổng giáo phận Newark, bày tỏ “sự kính trọng và tình đoàn kết với người dân Cuba” của ngài.

“Tôi biết nỗi đau, nỗi khổ của đồng bào chúng ta và đã đến lúc quê hương chúng ta phải có tự do. Lạy Đức Mẹ Bác ái Mỏ Đồng, xin hãy cứu lấy người dân Cuba của chúng con. Amen”.

Cha Fernando Hería, một linh mục người Cuba và Giám đốc Đền thánh Đức Mẹ Bác ái Quốc gia ở Miami nói “Là một người Cuba, tôi chân thành cầu nguyện cho tất cả anh chị em. Cộng đồng Cuba hải ngoại chúng tôi chỉ xin một điều: Lạy Đức Mẹ Bác ái, hãy cứu đồng bào của chúng con ở Cuba”

Đức Ông Willie Peña, một linh mục gốc Cuba và là Cha sở của nhà thờ St. Bernadette ở San Juan, Puerto Rico, đồng thời là người dẫn chương trình tiếng Tây Ban Nha “Khi thế giới xoay chuyển” trên EWTN, đã cam đoan với đồng bào của mình rằng “chúng tôi đồng hành cùng anh chị em trong lời cầu nguyện và tình đoàn kết”.

“Tôi gửi cho anh chị em một cái ôm bằng cả trái tim mình. Hãy tiếp tục đứng vững vì chúng tôi đồng hành cùng anh chị em. Lạy Đức Mẹ Bác ái, hãy cứu lấy Cuba!”
Source:Catholic News Agency

2. Bài học từ trường hợp một nữ tu vào tù vì lấy cắp hơn 800 nghìn đô la từ trường Công Giáo

Một nữ tu đã nghỉ hưu bị cáo buộc đánh bạc bằng tiền của một trường Công Giáo nơi sơ làm hiệu trưởng đang phải đối mặt với án tù liên bang sau khi nhận tội hôm thứ Năm.

Sơ Mary Margaret Kreuper, 79 tuổi, đã nhận tội ăn cắp hơn 830,000 Mỹ Kim từ quỹ của nhà trường để trả cho các chuyến đi đánh bạc và các chi phí cá nhân khác.

Các luật sư của Sơ Kreuper đã đưa ra một tuyên bố nói rằng sơ ấy rất hối hận và nhận toàn bộ trách nhiệm về những gì đã xảy ra.

Sơ Kreuper trở thành một nữ tu ở tuổi 18 và cống hiến cuộc đời mình trong 59 năm tiếp theo để giúp đỡ người khác.

Tổng giáo phận Los Angeles cho biết có một thời gian Sơ Kreuper bị bệnh tâm thần khiến khả năng phán đoán không được tốt. Bác sĩ đã khuyên Sơ Kreuper đến các chỗ đông người chứ đừng sống khép kín bệnh trầm cảm sẽ thêm trầm trọng. Chẳng may, chốn đông người mà Sơ Kreuper thường lui tới mà không phải phiền hà ai là casino. Ban đầu chỉ đánh cho vui, sau phát triển thành nghiện ngập.

Các công tố viên cho rằng Sơ Kreuper đã chỉ đạo nhân viên tiêu hủy hồ sơ tài chính trước các cuộc kiểm toán của nhà trường.

Tổng giáo phận Los Angeles đã đưa ra một tuyên bố cho biết:

“Cộng đồng đức tin tại St. James đã bị sốc và đau buồn vì những hành động này và giáo xứ, trường học và tổng giáo phận đã báo cáo vấn đề và hợp tác đầy đủ với chính quyền trong cuộc điều tra tội phạm. Chúng tôi tiếp tục cầu nguyện cho tất cả những người bị ảnh hưởng bởi vấn đề này".
Source:Local 12

3. Đại dịch đang làm bùng nổ các cáo buộc lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ

Một luật sư đã nhận xét rằng hoàn cảnh kinh tế khó khăn có thể là một lý do chủ yếu dẫn đến việc rộ lên các cáo buộc lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ.

Nhà lãnh đạo Công Giáo ở New Hampshire “dứt khoát phủ nhận” những cáo buộc gần đây cho rằng ngài đã lạm dụng tình dục khi đang làm linh mục ở New York vào những năm 1980.

Đơn kiện được đệ trình ngày 14 tháng 7 tại tòa án tiểu bang New York cáo buộc Đức Cha Peter Libasci của Giáo phận Manchester lạm dụng nhiều lần một nam thanh niên trong hai năm 1983 và 1984. Việc lạm dụng dẫn đến “những tổn thương về thể chất, tâm lý và tình cảm và cần phải được đền bù”, đơn kiện cho biết.

Trong một tuyên bố đại diện cho Đức Cha Libasci, luật sư Michael Connolly cho biết cáo buộc này là hoàn toàn không đúng sự thật.

“Đức Cha Libasci đã cống hiến hơn 43 năm để phục vụ những người khác với tư cách là một linh mục Công Giáo, trong thời gian đó, ngài đã nổi tiếng về việc đối xử với mọi cá nhân một cách yêu thương và tôn trọng nhân phẩm,” Connolly viết. “Trong khi Đức Cha Libasci có lòng trắc ẩn rất lớn đối với các nạn nhân bị lạm dụng tình dục, ngài sẽ buộc phải mạnh mẽ bảo vệ mình trước những cáo buộc sai trái này trước tòa”.

Đơn kiện cáo buộc rằng Đức Cha đã lạm dụng một cậu bé 12 tuổi trong khi là Cha sở tại Nhà thờ Công Giáo Hai Thánh Cyrilô và Methodiô và phụ trách trường Hai Thánh Cyrilô và Methodiô ở Deer Park, New York. Trường này năm nay đã sáp nhập với một trường khác để trở thành Trường Đức Mẹ Guadalupe.
Source:Crux
 
Một Đêm Không Thể Ngủ - Ký sự của một nữ tu trên tuyến đầu
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:44 31/07/2021


Hôm nay, tôi trực ca đêm và cảm thấy thấm thía câu nói của tiền nhân: “Thức đêm mới biết đêm dài”.

Trước giờ trực đêm, thấy tôi thao thức, trở mình hoài nên cô điều dưỡng bảo: "Tranh thủ chợp mắt tí cho đỡ mệt". Vâng, mắt tôi vẫn nhắm nhưng không sao ngủ được, phần vì sắp đến ca trực, phần vì thương các bệnh nhân. Vừa nằm xuống thì cảnh tượng các bệnh nhân thở thoi thóp với bao nhiêu dây nhợ xung quanh lại hiện ra trước mắt. Hơi thở là gì mà khiến cho biết bao người phải khổ sở vì nó? Tiền bạc, địa vị, danh vọng...phải chăng có thể mua được sự sống?

Suy nghĩ đến đây, tôi cảm thấy mình thật hạnh phúc vì được dùng “máy thở tự nhiên” mà Chúa ban tặng; hạnh phúc vì được chứng kiến những hình ảnh cảm động của các bác sĩ thức suốt đêm lo cho bệnh nhân; hạnh phúc vì mình được góp một phần nhỏ bé vào việc phục vụ các bệnh nhân covid. Nơi đây thật sự là gia đình, không phải vì có ba có mẹ, có người thân yêu, nhưng vì nó chứa đựng tình yêu thương nhân loại đong đầy. Đó là nơi các bác sĩ tận tâm vì bệnh nhân, nơi các nhà hảo tâm đổ tràn tình thương bằng cách lo những bữa cơm cho các tình nguyện viên. Đây cũng là nơi các bác tài vui vẻ đưa đón tình nguyện viên đi làm, nơi các bác bảo vệ ngày đêm chờ các đoàn xe đi về, nơi không còn sự phân biệt tôn giáo nhưng tất cả vì bệnh nhân thân yêu, nơi biết bao lời cầu nguyện và lời thăm hỏi từ hậu phương gởi đến để khích lệ tinh thần chúng tôi. Tôi đã lặng người và cảm thấy xót xa khi nhìn thấy túi đồ của bệnh nhân vì bên trong chỉ vỏn vẹn mấy hộp sữa và mấy cái mền có lẽ do quá vội nên chưa kịp xếp gọn gàng. Tôi đã bàng hoàng khi vừa bước vào ca trực thì một bệnh nhân đã ra đi...

Làm sao có thể ngủ khi xung quanh các bệnh nhân còn sống cũng như đã ra đi không có sự chăm sóc hay tiếng khóc than của người thân mà chỉ có tiếng máy “pin...pin..pin”. Tài sản duy nhất của họ chỉ có một chiếc điện thoại bỏ trong túi nilon, không người thân, không địa chỉ. Có những bệnh nhân ra đi mà tìm một lúc mới thấy địa chỉ và số điện thoại, nhưng bác sĩ chỉ kịp báo cho người nhà một câu ngắn gọn: “Bệnh nhân T.. đã ra đi rồi nha”. Khi các bệnh nhân ra đi, họ chỉ được đặt vào một cái túi đựng thi hài rồi chuyển ra xe. Tôi tưởng tượng cảnh người nhà đau khổ thế nào khi đưa bệnh nhân đi là thân hình nguyên vẹn nhưng khi nhận về chỉ là hũ tro. Nghĩ tới đó tôi không dám tưởng tượng tiếp, nước mắt tôi chảy dài trên má mà tôi cứ ngỡ đó là mồ hôi.

Trở về với công việc của mình, tôi nhớ: Mỗi khi tiễn đưa bệnh nhân xong thì ai vào việc nấy. Tôi lau người cho từng bệnh nhân. Khi lau người cho họ, tôi cảm nhận được nhịp thở của họ thật yếu, có người hoàn toàn bất động. Những người này khi còn khỏe đều tự làm mọi thứ, tự tắm rửa, tự ăn uống. Bây giờ, họ phải phó thác số phận cho các bác sĩ và điều dưỡng ở đây chăm sóc. Trong phòng tôi làm có hai người còn tỉnh táo. Một bác nhắn: Nếu nhắn về được cho gia đình, xin báo cho gia đình bác biết là bác vẫn bình an. Tôi thấy thương bác quá! Bản thân bị bệnh nặng mà còn nghĩ cho người khác. Còn một bác khác là cựu chiến binh, bác nói: "Là cựu chiến binh, bao nhiêu khổ cực bác cũng chịu được nhưng nay lại không thể chịu nổi một con virus bé tí. Nó hành hạ bác đau lắm, nóng lắm, trong phổi và cổ họng như lửa đốt". Hèn chi tôi thấy bác cứ gồng lên từng cơn mỗi khi nhiệt độ tăng. Tôi đã tưởng mình làm bác đau nên hỏi: "Con làm bác đau hả?" Bác trả lời: "Không đau...con làm nhẹ nhàng mà...cảm ơn con nhiều lắm".

Tôi cũng nhìn thấy hình ảnh của các anh chị em thiện nguyện khác đang lau người bệnh nhân. Hình ảnh ấy thật đẹp, giống như các chị em của Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta đang chăm sóc bệnh nhân vậy. Tôi tự hỏi, nếu những người đang nằm đây là người thân hay bản thân mình thì sẽ ra sao nhỉ??? Kì lạ, thay vì cảm giác lo lắng tôi lại cảm thấy thật bình an. Bình an vì tin rằng có Chúa luôn đồng hành. Bình an bởi nơi đây có những người chị em mới, tuy không cùng dòng tu, không cùng tôn giáo nhưng chung một chí hướng. Bình an vì tôi tin ở nhà - “hậu phương vững chắc” - vẫn không ngừng cầu nguyện cho tôi.

Đêm nay, một đêm tôi không ngủ với bao suy nghĩ: Nghĩ về bệnh nhân và nghĩ về bản thân mình, nghĩ về phận người và nghĩ về cuộc đời. Hơi thở là chi mà biết bao người phải nỗ lực để giành giật lấy? Thế mới thấy quý “cái máy thở tự nhiên” mà Chúa ban cho và biết trân quý những giây phút được đoàn tụ bên người thân, bên gia đình. Nơi đây, tôi muốn gởi tới mọi người lời nhắn nhủ đơn sơ: "Hãy tranh thủ thời gian ở nhà để cùng gia đình nấu những bữa cơm thật ấm cúng và chia sẻ với nhau những giây phút vui tươi, hạnh phúc nhiều hơn. Và cũng đừng quên dành thêm thời gian chăm sóc sức khỏe tinh thần nữa nhé!"

Thủ Đức, ngày 25.7
Nữ tu Têrêsa Nguyễn Thị Vui,
Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục
 
Hi hữu: Cha con noi gương lẫn nhau. Kết quả: Cha là phó tế, con là linh mục.
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:05 31/07/2021


1. Một linh mục Công Giáo bị bắt vì những nhận xét chống lại Thủ tướng Modi

Đảng cầm quyền Ấn Giáo cực đoan BJP đang xoay qua bắt bớ các linh mục và giáo dân tại Ấn Độ trong mưu toan hướng sự chú ý và phẫn nộ của dân chúng sang một hướng khác sau những thất bại về kinh tế, và đặc biệt là những thất bại về phòng chống đại dịch coronavirus dẫn đến cái chết của ít nhất là 5 triệu người.

Trong bối cảnh đó, một linh mục Công Giáo đã bị bắt tại quận Kanyakumari vì những nhận xét bị cho là miệt thị Thủ tướng Narendra Modi, Bộ trưởng Nội vụ Amit Shah và 'Bharat Mata.'

Cha George Ponnaiah được cho là đã đưa ra nhận xét tại một cuộc họp tại thị trấn Arumanai gần đây.

Một đoạn video về bài phát biểu của ngài đã lan truyền trên mạng xã hội, sau đó các nhà lãnh đạo Ấn Giáo và đảng cầm quyền BJP đã nộp đơn tố cáo ngài và ngài đã bị bắt.

Cảnh sát cho biết ngài đã bị buộc tội theo nhiều điều khoản khác nhau của Bộ luật Hình sự Ấn Độ và Đạo luật Dịch bệnh vì tụ họp đông người, cụ thể là 10 người.

Điều trớ trêu là nhiều thành viên BJP, đã tổ chức một cuộc biểu tình ở Coimbatore với hàng người, yêu cầu vị linh mục đang bị giam giữ phải bị trừng phạt nặng theo Đạo luật Goondas vì những nhận xét của ngài.

Trái với các thông tin ban đầu liên quan đến việc bắt giữ Cha George Ponnaiah, Bharat Mata không phải là một vị thần Ấn Giáo.

Bharat Mata chỉ là một nhân vật hư cấu có 4 tay, được họa sĩ người Ấn Độ Abanindranath Tagore vẽ vào năm 1905. Tác phẩm này mô tả một người phụ nữ tên là Bharat Mata mặc áo choàng mầu vàng nghệ, bốn tay cầm một cuốn sách, những bó lúa, một mảnh vải trắng và một vòng hoa. Bức tranh là minh họa những lý tưởng của phong trào Swadesh, một phong trào đòi độc lập của Ấn Độ.

Kitô Giáo bị coi là tôn giáo ngoại lai, ý tưởng ở đây là cáo buộc Cha George Ponnaiah chống lại nền độc lập của Ấn Độ hơn là chống lại một vị thần của Ấn Giáo.
Source:The Week

2. Cha con noi gương lẫn nhau. Kết quả: Cha là phó tế, con là linh mục.

Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, số ra ngày 26 tháng 7, đã tường trình câu chuyện hai cha con noi gương lẫn nhau. Kết quả: Cha là phó tế, con là linh mục.

Hai cha con đã truyền cảm hứng cho nhau trên con đường phân định ơn gọi của họ. Năm 2009, ông Michael được phong chức phó tế, và cùng năm đó, con trai của ông, Matthew, đang học năm thứ nhất tại một chủng viện.

Phó tế Michael cho biết đã trở thành một phó tế như thế nào:

“Tôi chỉ đơn giản cảm thấy như Chúa kêu gọi tôi làm điều gì đó nhiều hơn những gì tôi đang làm. Tôi đã tình nguyện làm một số việc khác nhau và đã tham gia vào một số thừa tác vụ và đoàn Hiệp sĩ Kha Luân Bố. Và tôi nghĩ ý tưởng trở thành một phó tế sẽ chỉ đơn giản là một hoạt động khác mà tôi có thể tình nguyện”.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng việc này sẽ liên quan đến bao nhiêu công việc, bao gồm cả 5 năm đào tạo và phân định. Trên đường đi, Michael đã có những lúc nghi ngờ. Vì vậy, anh quyết định cầu nguyện xin Chúa hướng dẫn anh trong quyết định của mình. Và Chúa đã đáp lại.

Phó tế Michael không hề hay biết, con trai ông là Matthew đã được truyền cảm hứng từ cuộc hành trình đức tin của cha mình:

“Nhìn thấy cha tôi, với tư cách là một người cha, ngày càng phát triển trong mối quan hệ của ông với Chúa, thực sự có ảnh hưởng đến ước muốn theo Chúa của tôi. Nhìn vào sự can đảm của cha tôi trong việc phân định ơn gọi của chính mình và tuân theo kế hoạch của Chúa trong cuộc sống của ông đã cho tôi sức mạnh và can đảm để cởi mở với điều tương tự trong cuộc sống của tôi… Cha tôi đóng một vai trò rất quan trọng, cho dù cha tôi có biết điều đó hay không vào thời điểm đó, và liệu tôi có biết điều đó hay không vào thời điểm đó”.

Trong khi đó, nhìn thấy con trai mình ngày càng đến gần với Chúa, người cha tiếp tục ơn gọi của mình, và thầm nghĩ: “Nhìn thấy một thanh niên khoảng 20 tuổi sẵn sàng đi theo Chúa đến hết đời cũng cho tôi can đảm để tiếp tục trong cuộc hành trình của chính mình.”

Chứng kiến cha mình hoàn thành kế hoạch của Chúa đã tác động tích cực đến mối quan hệ cha con của họ. Vị linh mục đã chia sẻ một khoảnh khắc rất đặc biệt mà hai cha con đã chia sẻ tại bàn thờ, khi cha của vị linh mục gọi ngài là “cha”.

“Đó là một khoảnh khắc thực sự đặc biệt đối với tôi. Ba tôi chắc chắn là cha ruột của tôi và đã nuôi dưỡng tôi. Nhưng sau đó có một điều gì đó khác biệt khi chúng tôi ở trên bàn thờ với tư cách là giáo sĩ - có một sự đảo ngược vai trò kỳ lạ khi chúng tôi cung cấp chất dinh dưỡng tinh thần cho mọi người.”

Nhìn thấy ơn quan phòng của Chúa đã củng cố ơn gọi và mối dây gia đình của họ. Trong khi Phó tế Michael Magee phục vụ tại Giáo xứ Đức Mẹ Loreto ở Foxfield, con trai của ông đã làm linh mục thư ký cho Đức Tổng Giám Mục Samuel J. Aquila trong vài năm và sẽ sớm nhận chức vụ mới với tư cách là cha sở tại Giáo xứ St. Thomas Aquinas ở Boulder.
Source:Aleteia

3. Giáo phận Paterson hoàn tất tiến trình điều tra án tuyên thánh cho Thầy Marinus Leonard Larue

Đức Cha Kevin Sweeney, Giám mục giáo phận Paterson cho biết giáo phận Paterson đã hoàn tất tiến trình điều tra án tuyên thánh cho Thầy Marinus Leonard Larue, người được mô tả là có hai cuộc đời.

Thuyền trưởng Leonard LaRue điều hành chiếc thương thuyền SS Meredith Victory trong một chuyến cứu người tỵ nạn mà Cục Hàng hải Hoa Kỳ cho biết “cuộc cứu hộ của thương thuyền này là một cuộc cứu hộ tỵ nạn vĩ đại nhất trong lịch sử”.

Công cuộc giải cứu tỵ ngày 23 tháng 12 năm 1950, được kết thúc vào ngày Giáng sinh, vì vậy mà cuộc cứu hộ này được gọi là “Phép lạ Giáng sinh”.

Trong số những người được giải cứu có cha mẹ của Timothy Moon Jae-in, đương kim tổng thống Hàn Quốc.

Leonard LaRue sinh tại Philadelphia vào ngày 14 tháng 1 năm 1914, theo học tại Trường Hàng hải Bang Pennsylvania và tốt nghiệp năm 1934. Ban đầu ông làm việc tại cảng New York trên các tàu buôn... Năm 1942, ông gia nhập Đoàn Tầu Moore-McCormack.

Năm 1944, ông được thăng chức thuyền trưởng, chỉ huy một con tàu và cuối cùng, ông trở thành thuyền trưởng của thương thuyền Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ trên chiếc SS Meredith Victory nặng 7.600 tấn.

Khi Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, LaRue khởi hành từ Norfolk, Virginia. Ông được lệnh đi qua kênh đào Panama và băng qua Thái Bình Dương để đến một căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản. Ông được giao nhiệm vụ tải đạn dược và xe bọc thép đến cảng Hungnam ở bờ biển phía đông Bắc Triều Tiên, tiếp vận cho quân đội Hoa Kỳ đang chiến đấu với các lực lượng cộng sản Bắc Triều Tiên và Trung Quốc.

Khi LaRue đến gần bờ, ông đã chứng kiến cảnh tượng hãi hùng của hàng ngàn người tị nạn tràn vào cảng Hungnam, vì chạy trốn khỏi làn đạn của cộng sản. Khoảng 200 tàu của Liên hợp quốc chở đầy người tị nạn đã sẵn sàng nhổ neo giữa các cuộc đang tấn công dữ dội.

LaRue nói: “Qua ống kiếng nhìn vào bờ, tôi đã chứng kiến một cảnh tượng hãi hùng đáng thương…

Thuyền trưởng LaRue là một người đạo đức đã sẵn sàng làm bất cứ điều gì để giải cứu những người tị nạn Triều Tiên đang bị bao vây. Nhưng sức chứa của con tàu chở hàng dài 139 mét rất hạn chế - không gian cabin chỉ chứa tối đa 47 thủy thủ và một chục hành khách, cộng với năm tầng hầm chở hàng.

Ông ra lệnh dỡ bỏ tất cả những gì không cần thiết, bao gồm hàng hóa và vũ khí, đồng thời cho phép càng nhiều người tị nạn xuống tầu... Khoảng 14.000 người xuống tàu, nằm ngồi la liệt không còn một chỗ trống!

Con tàu đi về phía nam và đến Pusan (nay là Busan) vào đêm Giáng sinh, nhưng nó không được phép cập cảng vì cảng đã quá tải với những người tị nạn ở đó.

Nên con tàu lại phải lênh đênh thêm 80 km về phía tây nam của Pusan và đến đảo Koje Do, nơi tất cả những người tị nạn đã được đưa vào bờ bằng hai tàu đổ bộ của hải quân Mỹ. Cám ơn Chúa mọi sự bình yên, không có sự cố nào xảy ra, dù những người tị nạn lo sợ bị đem con đi bỏ chợ! Hơn nữa, có cả năm em bé được sinh ra trong chuyến cứu nạn kỳ diệu này.

Ông LaRue sau này mỗi khi nhớ lại, ông phải tự thú: “Tôi tin rằng Chúa đã cùng đồng hành với chúng tôi trong ba ngày đó. Chính Chúa đã chèo lái con tàu của tôi”,

Theo tờ Báo Times Catholic thì: Ngày nay, con cháu của những người tị nạn được giải cứu ước tính khoảng một triệu người, theo đạo Công Giáo ở Hàn Quốc.

Trong công cuộc giải cứu vĩ đại này cũng mang lại cho Thuyền trưởng LaRue một tiếng gọi đặc biệt.

Năm 1954, ông gia nhập Dòng Biển Đức và được gọi là thầy Marinus (tiếng Latinh có nghĩa là “biển cả”). Thầy đã dành phần đời còn lại của mình để cầu nguyện và sống ẩn dật tại Tu viện Thánh Phaolô ở Newton, New Jersey, nơi ngài qua đời vào ngày 14 tháng 10 năm 2001.

Giám Mục Phụ Tá Elias Lorenzo của Tổng giáo phận Newark, người đã tham dự thánh lễ an táng, nhớ lại: “Nhiều người từ Hàn Quốc đã tham dự để tưởng nhớ và cám ơn Thầy vì những việc anh dũng thầy đã thực hiện.
Source:Net TV New York