Ngày 07-08-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 08/08: Sứ Vụ của Chúa ở trần gian – Thánh Đaminh – Lm. Vinh-sơn Nguyễn Văn Định, CS
Giáo Hội Năm Châu
03:06 07/08/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ tụ họp ở miền Ga-li-lê, Người nói với các ông: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy.” Các môn đệ buồn phiền lắm.

Khi thầy trò tới Ca-phác-na-um, thì những người thu thuế cho đền thờ đến hỏi ông Phê-rô: “Thầy các ông không nộp thuế sao?” Ông đáp: “Có chứ!” Ông về tới nhà, Đức Giê-su hỏi đón ông: “Anh Si-môn, anh nghĩ sao? Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế? Con cái mình hay người ngoài?” Ông Phê-rô đáp: “Thưa, người ngoài.” Đức Giê-su liền bảo: “Vậy thì con cái được miễn. Nhưng để khỏi làm cớ cho họ sa ngã, anh hãy ra biển thả câu; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra: anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan; anh lấy đồng tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh.”

Đó là lời Chúa
 
Tính quyết liệt của Tin Mừng
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
06:01 07/08/2022

CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN
TÍNH QUYẾT LIỆT CỦA TIN MỪNG
Gr 38,4-6.8-10; Dt 12,1-4; Lc 12,49-53

Ở Chúa Nhật vừa rồi, chúng ta đã định nghĩa: tin không phải là tin vào một cái gì, vào một học thuyết, một ý thức hệ; tin không đơn thuần tuân giữ một số lề luật và một số tín điều; nhưng tin chính là gặp gỡ, gắn bó và bước theo Đức Kitô. Và như thế tin cũng có nghĩa là chọn cách sống, con đường, và giá trị mà Giêsu đề ra làm lý tưởng cho cuộc đời chúng ta để vươn tới.

1- Phải lội ngược dòng

Nhưng việc sống theo Giêsu đòi buộc chúng ta phải trả giá và hy sinh, nếu không muốn nói là phải lội ngược dòng của cuộc sống, để trung thành với những giá trị mà Đức Kitô đã đề ra. Chính vì thế, cuộc sống của người Kitô hữu được xem một cuộc chiến liên lỉ với sự dữ và bất công của xã hội. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay là một lời minh chứng cho chúng ta về điều đó.

Ở bài đọc I, tiên tri Giêrêmia được lệnh của Thiên Chúa để lên án sự giả dối của các tiên tri giả chỉ nói những lời xu nịnh làm vui lòng nhà vua và thuộc hạ của ông. Sự thật mất lòng! Tiên tri phải trả giá, bị bắt và bỏ xuống giếng cho chết đói. May thay vua đã đổi ý và còn cứu sống ông (x. Gr 38,4-9).

Đó là sứ vụ của vị ngôn sứ đích thực. Đó cũng là sứ vụ của mỗi Kitô hữu đích thực. Sứ vụ phải lội ngược dòng xã hội để chiến đấu với điều giả dối và bất công. Bởi thế, tác giả của bài đọc II mời gọi: “Chúng ta hãy trút bỏ tất cả những gì làm cho chúng ta nặng nề và tội lỗi bao quanh chúng ta. Chúng ta hãy kiên quyết xông pha chiến trận đang chờ đợi chúng ta” (Dt 12,1).

2- Lửa của Đức Kitô

Cũng trong chiều hướng đó, bài Tin Mừng hôm nay là một trong những lời “chói tai” của Chúa Giêsu: Trước hết Chúa nói: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (Lc 12,49). Theo các nhà chú giải Kinh Thánh, “lửa” ở đây đó là: Chân lý, là Tin Mừng, là Thần Khí và là Tình yêu của Thiên Chúa. Người muốn cho “lửa” đó được bùng lên có nghĩa là Người muốn cho mọi người khắp nơi trên thế giới được nhận biết chân lý và tình yêu của Thiên Chúa. Và mỗi người được lửa là Thánh Thần nung nấu, đốt nóng, và thanh luyện những tính hư tật xấu, để được nên giống Chúa Kitô.

Tiếp theo, Chúa Giêsu có một câu nói làm cho các môn đệ và cả chúng ta cũng phải ngạc nhiên: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau: ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống đối lại con trai, con trai chống lại cha, mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ, mẹ chồng chống lại nàng dâu và nàng dâu chống lại mẹ chồng” (Lc 12,51-53).

Tại sao lại có sự phân rẽ này? Như chúng ta đã nói: theo Chúa là chúng ta quyết sống theo những giá trị mà Chúa đã đem đến trong thế gian này. Và để trung thành với những giá trị của Tin Mừng đó, nhiều lúc đòi buộc chúng ta phải quyết liệt hy sinh những giá trị khác, phải đi ngược lại với những cách hành xử của những người xung quanh và người thân trong gia đình. Từ đó, sự chống đối và chia rẽ sẽ xuất hiện giữa cha mẹ với con cái, giữa anh với em.

Các nhà chú giải Kinh Thánh nói rằng: sự phân rẽ ở đây không phải là mục đích của Chúa Giêsu nhưng là hậu quả của việc theo Người. Và cuộc chiến ở đây không phải là một cuộc chiến giữa con người chống con người, nhưng là cuộc chiến chống lại sự dữ, điều xấu trong con người; đó là sự va chạm giữa các chọn lựa và các giá trị của người theo và không theo Chúa. Nhưng chính nhờ sự phân rẽ này mà con người có thể thiết lập lại bậc thang giá trị cuộc sống, với những giá trị đích thực và với sự bình an đích thực trên trái đất. Vâng, theo Chúa là chúng ta phải lội ngược dòng đời, phải chấp nhận sự đối kháng của người khác, phải chiến đấu với thế lực sự dữ và ma quỷ.

3- Một ví dụ điển hình

Thánh Phanxicô Assisi là một ví dụ điển hình trong sự dấn thân theo Chúa đành phải chấp nhận đối đầu với cha mình. Người cha đưa con ra tòa với hy vọng thuyết phục người con từ bỏ con đường điên rồ mà anh đang dấn thân vào. Nhưng trước mặt quan tòa và mọi người, Phanxicô đã cởi bỏ quần áo trả lại cho cha, và dõng dạc tuyên bố: “Của cha, con xin trả lại cho cha, từ nay, con chỉ có một cha, là Cha trên trời.”

Đấy là tính quyết liệt của Tin Mừng, là cái giá phải trả đối với những ai dám bước theo Chúa trong cuộc sống hôm nay.

Lạy Chúa, chúng con biết rằng những ai tin vào Chúa thì không bao giờ cô đơn trong cuộc chống lại sự dữ, xin cho lửa tình yêu và chân lý của Chúa luôn bừng cháy trong tim của chúng con, để chúng con luôn cam đảm chọn lựa và sống theo những giá trị Tin Mừng mà Chúa dạy. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Địa Chỉ Của Hộ Chiếu Kitô Hữu
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
08:58 07/08/2022
Địa Chỉ Của “Hộ Chiếu Kitô Hữu”

(Chúa Nhật 19 TN C 2022)

Trong tiến trình lịch sử cứu độ, có lẽ chúng ta đã quá quen với hai giai đoạn liên quan đến hai nhân vật Cựu Ước: Giai đoạn khởi đầu dòng tộc Israel với tổ phụ Abraham và giai đoạn “Israel chính thức trở thành một dân tộc, dân của Giao ước”, giai đoạn Xuất Hành với lãnh tụ Môsê. Vâng, một người là Tổ phụ của dân Israel, được mệnh danh là “Cha của những kẻ có niềm tin”; một người là nhà Giải phóng và vị Lãnh Đạo xuất chúng của dân ưu tuyển của Thiên Chúa, được mệnh danh là vị “Đại Tiên tri” và nhà thiết lập lề Luật cho dân tộc của Giao ước cũ. Và cả hai đều là “biểu tượng”, là hình ảnh tiên trưng đậm nét về Đấng Mêsia, Đấng Cứu Thế phải đến để thiết lập “Triều đại nước Thiên Chúa”.

Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay trân trọng nhắc đến hai nhân vật vĩ đại nầy:

Nếu thư Do Thái (Bđ 2) đã dành nhiều dòng để ca tụng Tổ phụ Abraham như: “Nhờ đức tin, Abraham đáp lại tiếng Chúa gọi, để ra đi đến xứ ông sẽ được lãnh làm gia nghiệp, và ông ra đi mà không biết mình đi đâu. Nhờ đức tin, ông đến cư ngụ trong đất Chúa hứa, như trong đất khách quê người, sống trong lều trại, cũng như Isaac và Giacóp, những kẻ đồng thừa tự cùng một lời hứa... Nhờ đức tin, khi bị thử lòng, Abraham đã dâng Isaac. Ông hiến dâng con một mình...”, thì sách Khôn Ngoan (Bđ 1), mặc dù không minh nhiên nhắc đến tên Môsê, nhưng đã nhấn mạnh đến niềm tin của các “vị cha ông” thời Xuất Hành, những kẻ phó thác hoàn toàn cho “Lời hứa” của Thiên Chúa: “Chính đêm ấy, cha ông chúng ta đã biết trước, để biết chắc mình đã tin tưởng vào lời thề nào mà được can đảm...”...

Phải chăng đây chính là những sứ điệp để giúp chúng ta có được những “chìa khoá thích hợp” mà đi sâu vào nội dung sứ điệp của Chúa Giêsu về “thái độ tỉnh thức khôn ngoan” và mạnh mẽ sống phút giây hiện tại như Tin Mừng Luca vừa được công bố: “Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức... Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người đó trông coi tất cả gia sản mình.”

Từ những hướng dẫn của Lời Chúa đó, chúng ta có thể nhận ra sứ điệp đầu tiên được chuyển tải: thế giới hôm nay, Giáo Hội hôm nay cần thiết biết bao những “Abraham đích thực”, những con người dám đặt điểm tựa cuộc đời trên chính Lời Giao Ước của Thiên Chúa ! Bởi nếu không, thế giới, Giáo Hội hay mỗi người cho dù đang sống đó, nhưng là một cuộc sống bấp bênh, vô định, nếu không nói là sẽ dẫn tới bến bờ của thất vọng, bế tắt... Chính khi đặt cuộc đời mình, những bước đi của cuộc sống mình trên Lời Giao ước của Thiên Chúa, mà Abraham đã trở thành “Cha của một dân tộc như sao trên trời như cát bãi biển…”. Vâng, một cuộc đời, cho dù có phiêu lưu tới những chân trời xa xôi bát ngát, cho dù phải cô độc với tuổi già vô sinh, cho dù chỉ có mỗi một người con một mà đành phải hy sinh hiến tế… nhưng vì một cuộc đời đã “ký giao ước với Thiên Chúa là tình yêu và trung tín”, nên Abraham đã “chẳng sợ hãi gì”, cứ thế mà ung dung lên đường, tiến về phía trước. Cần thiết biết bao những “người cha như thế’ trong đại gia đình thế giới hôm nay !

Cũng vậy, ngày hôm nay, cần biết bao những Môsê cùng với dân tộc của ông trong những giây phút quyết định của “đêm định mệnh” Vượt Qua: những con người vĩ đại, dám chọn lựa dứt khoát: sẵn sàng dứt bỏ Pharaon với kiếp đời tăm tối nô lệ, cho dù an yên bên nồi thịt với củ hành củ tỏi, để ra đi về miền đất hứa với lời Giao ước của Giavê, cho dù phải đối diện với không biết bao nhiêu gian nan khổ ải.

Vâng, cũng như Abraham, hòn đá tảng để Môsê và dân Israel đặt niềm tin lại cũng chính là “Lời hứa hẹn của Thiên Chúa”: “Ta đã thấy nỗi khổ của dân ta, và Ta muốn giải thoát chúng” ! Và họ đã chiến thắng nỗi sợ hãi để cùng nhau sát cánh lên đường.

Nói cho cùng, “một dân tộc như sao trên trời, như cát đại dương” đối với Abraham, hay một “miền đất hứa chảy sữa mật ong” đối với Môsê không phải là một thực tại xa vời huyễn tưởng, mà là một hiện thực, một “bàn tay của Thiên Chúa” đang nắm, một lối bước của Giavê đang đồng hành. Chính niềm tin sắt đá và sống động như thế, đã làm cho các ngài trở nên vĩ đại và đã làm cho dân tộc các ngài và muôn dân trong quan hệ đức tin với các ngài cũng trở nên bất tử.

Nhưng dân tộc mà Abraham là tổ phụ và Môsê giải thoát và chính các ngài, tất cả đều chỉ là tiên trưng, là ngón tay trỏ hướng về một Đấng Mêsia từ trời và một Vương Quốc bao la vĩnh cửu, không dừng lại ở “mười hai chi tộc” và hạn chế với một rẻo đất hẹp khô cằn bên bờ Địa Trung Hải.

Vâng, đó chính Là Đức Kitô, Đấng đến để mạc khải mầu nhiệm Nước Trời và đưa toàn thể nhân loại đi vào trong Vương Quốc đó.

Với dụ ngôn “người tôi tớ thắt lưng đàng hoàng, cầm đèn cháy sáng, trong tư thế đợi chủ trở về…”, Đức Kitô muốn làm sống lại hình ảnh của một Abraham luôn tỉnh thức trước tiếng gọi mời lên đường của Tiên Chúa; nhất là của một Môsê và dân Israel canh thức trong đêm Vượt Qua khỏi cuộc đời tăm tối nô lệ Ai Cập để lên đường xuất hành về đất hứa. Vâng, cuộc đời của những ai được gọi mời theo Đức Kitô, cũng phải chọn thái độ “đừng sợ” và sắp sẵn với giây phút hiện tại để đón gặp chính Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ và dẫn đưa chúng ta vào tham dự bàn Tiệc Nước Trời.

Trong cuộc hành trình của đời sống hôm nay, làm sao tránh khỏi những “đêm tối thập giá”, những đau thương vụn vỡ như muối xát vào tim, những thấp thỏm lo âu trước bao nhiêu giới hạn và nhỏ bé của kiếp phận con người… Thế nhưng, như Đức Cố Hồng Y, Tôi tớ Chúa, F.X. Nguyễn Văn Thuận, giữa những ngày đen tối tù ngục, ngài đã chọn con đường “đong đầy giây phút hiện tại bằng tình yêu”. Vâng, vị mục tử và là chứng nhân của niềm hy vọng, đã hoàn tất cuộc đời dương thế như “người tôi tớ tốt lành”, đang chờ ngày Giáo Hội tôn vinh trên bàn thờ hiển thánh.

Như vậy, sứ điệp Lời Chúa hôm nay có thể tóm tắt thành một “công thức”: Sống giây phút hiện tại trong tỉnh thức phục vụ, và hướng về tương lai trong tin yêu phó thác. Đó chính là cuộc sống đức tin của các Tổ Phụ như Abraham, Môsê… hiện thực trong những cuộc “xuất hành” thời cựu ước; hay cũng chính là thái độ tỉnh thức phục vụ của người đầy tớ khôn ngoan mà Đức Kitô đã hàm ý trong dụ ngôn trong Tin Mừng. Chúng ta cùng nối tiếp cuộc lên đường vượt qua của những Abraham, Môsê, Đức Kitô, để biến cuộc đời hôm nay, những chọn lựa của hiện tại nầy, là những quyết định thuộc về Thiên Chúa và ra tay xây dựng những “kho tàng trên trời”, những kho tàng mà trong mắt Đức Kitô, lại là những người nghèo ốm đói cần sẻ chia, những bệnh nhân, tội nhân cần thăm viếng, những người đui què mẻ sứt cần được yêu thương phục vụ...

Như vậy, cho dù đang đứng trước một thế giới đầy bấp bênh của dịch bệnh, chiến tranh, thiên tai, đói nghèo..., người Kitô hữu không được quyền nãn lòng, thất vọng, buông xuôi.. mà vẫn mỉm cười đón nhận cách thanh thản và đầy tràn tin yêu. Bởi, như lời của Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, tất cả những đám mây đen đó, tiêu cực đó, khổ đau hoạn nạn đó... chỉ là “khúc dạo đầu của niềm vui và hy vọng mà đức tin dẫn đến” đích điểm chính là “Nước Trời đã được dọn sẵn”.

Vâng, trong tấm căn cước của người Kitô hữu, hay tấm “hộ chiếu mang danh Kitô hữu”, địa chỉ chính thức, cả nơi sinh và nơi đến, thường trú hay tạm trú..., đơn giản, đó chính là “NƯỚC TRỜI” ! Amen.

Trương Đình Hiền

 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:43 07/08/2022

25. Thà rằng không phù hợp với người thế gian, nhưng không thể lỗi nghĩa với Đức Chúa Giê-su.

(sách Gương Đức Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:47 07/08/2022
63. KHÔNG THIẾU MỘT TẤC

Giáp mượn Ất một số tiền, nói rõ ràng tiền lời là hai phân, đúng kỳ hạn là trả sạch. Nhưng ai ngờ Giáp mượn xong thì không thấy mặt mày đâu nữa, Ất nhiều lần đến đòi nợ mà không gặp, bèn viết một bức thư hỏi cho ra lẽ.

Thế là, Giáp trả lại trước một số tiền, qua mấy tháng sau lại trả thêm một số tiền nữa, một năm sau mới trả hết được tiền vốn, đến tiền lời thì một xu cũng không trả, lại còn nói:

- “Tiền vốn tôi không mượn một xu, cái mà để được lợi chẳng qua là lợi tức mà thôi”.

Ất ôm hận trong lòng, bèn mượn lại của Giáp một cái áo dài vải lụa Nam Kinh, mượn xong rồi thì đi mất tiêu mấy tháng sau mới trở về trả một tấc lụa Nam Kinh, lại còn viết:

- “Mượn áo dài, trước trả một tay áo.”

Lại qua mấy tháng nữa đem trả thêm ba tấc nữa, nói:

- “Hôm nay đem trả thêm một vạt áo”.

Qua hai năm sau mới từ từ trả hết cái áo.

Ất nói với Giáp:

- “Mượn áo dài, không thiếu một tấc, cái mà được lợi chẳng qua là tiền công may áo mà thôi”.

(Yết hậu ngữ)

Suy tư 63:

Ở đời con người ta ai cũng có mắc nợ nhau: nợ tình thương là giúp đỡ và phục vụ; nợ hận thù là lấy oán báo oán; nợ vật chất được quy ra nơi tiền bạc, áo quần, thức ăn.v.v...; nợ tinh thần được thể hiện ra nơi lời nói an ủi động viên, hành động cao thượng.v.v...Cho nên không ai được phép nói là mình không mắc nợ ai cả, bởi vì chúng ta đang sống chung, sống với, sống cùng những người chung quanh chúng ta.

Ai cũng mắc nợ nhau, người Ki-tô hữu càng hiểu rõ điều đó hơn, do đó họ cố gắng tỉm cách để “trả nợ” ấy ở đời này: họ giúp đỡ người khác vô vị lợi, họ chia sẻ niềm vui nỗi buồn với tha nhân, họ sẵn sàng hy sinh thời giờ tiền bạc để người khác được hạnh phúc.v.v...bởi vì họ xác tín rằng, khi họ hết lòng phục vụ tha nhân là họ “trả nợ” tình thương của Đức Chúa Giê-su đối với họ.

Chúng ta không cách gì “trả nợ” tình thương mà Đức Chúa Giê-su đã dành cho mình, nhưng chúng ta có thể “trả nợ” ấy nơi những người bất hạnh khốn khổ chung quanh chúng ta, bởi vì họ chính là hình ảnh đau khổ của Đức Chúa Giê-su trên thánh giá, đó là hình ảnh của yêu thương.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Người ngoài
Lm. Minh Anh
23:55 07/08/2022

‘NGƯỜI NGOÀI’
“Simon, con nghĩ sao? Vua chúa trần gian thu thuế hạng người nào? Đòi con cái mình hay người ngoài?”. Ông thưa rằng, “Đòi người ngoài!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay bất ngờ tiết lộ một thực tế xót xa đến nỗi, trái tim Chúa Giêsu hẳn phải tan nát. Người ta xem Ngài như một ‘người ngoài!’. Phần chúng ta, chúng ta chào đón Ngài vào cuộc sống mình với một ý nghĩa hoàn toàn khác, nó phải hơn là một cảm xúc ấm áp!

Tin Mừng hôm nay cho thấy, không có kẽ hở về thuế, ngay cả đối với Chúa Giêsu! Từ Phêrô, Chúa Giêsu rút ra một thừa nhận rằng, những người thu thuế đền thờ không coi Ngài là Con Thiên Chúa; không coi đền thờ là nhà của Cha Ngài. Vì thế, họ nghĩ, Ngài phải nộp thuế. Trên thực tế, khi buộc Chúa Giêsu nộp thuế, họ ngụ ý rằng, Ngài là ‘người ngoài!’. Kết hợp với lời tiên báo cuộc khổ nạn Ngài sắp chịu, Matthêu mời chúng ta lùi lại lời tựa Phúc Âm Gioan, “Ngài có trong thế gian, và thế gian đã nhờ Ngài mà có, mà thế gian đã không biết Ngài. Ngài đã đến nhà của Ngài, mà người nhà đã không tiếp nhận Ngài”. Điều này hẳn phải làm cho trái tim của Chúa Giêsu quặn đau khi cảm nhận sự ruồng rẫy bởi những con người Ngài đến để cứu chuộc!

Phần chúng ta, phải chăng chúng ta cũng thường để Chúa Giêsu một mình trong các nhà thờ và nhà nguyện của mình; ở đó, không ai đến thăm hoặc thừa nhận sự hiện diện của Ngài! Vậy thì việc chào đón Chúa Kitô vào đời sống có ý nghĩa gì? Nó phải còn hơn là một cảm xúc! Đúng hơn, chúng ta phải mở lòng đón nhận sự hiện diện của Ngài; Ngài đến, không những ‘xây tổ’ giữa chúng ta mà còn xây nên cuộc đời mỗi người chúng ta bây giờ và đời đời. Ngài đang chia sẻ cuộc sống tân toan của chúng ta. Đón nhận Chúa Kitô vào linh hồn và cuộc sống mình có nghĩa là nhận biết Ngài không phải là một ‘người ngoài’ đến từ xa để áp đặt điều này điều kia; nhưng Ngài là Chúa, là Thầy, là Cha, là Bạn, là Chủ và là Đấng Cứu Rỗi! Và kết quả của việc đón nhận này sẽ là ngập tràn bình an và niềm vui sâu sắc.

Một xã hội không có Chúa Kitô thì trống rỗng và rối ren! Ngày nay, mức độ Chúa Kitô bị thế giới từ chối xảy ra thường xuyên hơn, và tần suất Ngài bị gạt ra ngoài lề gia tăng bởi rất nhiều người trong số những người có ảnh hưởng lớn trong xã hội và trong các nền văn hoá.

Người ta cố tình loại Ngài khỏi thế giới chính trị, thế giới khoa học, nghệ thuật, kinh doanh, luật pháp và y học. Thông thường, Chúa Giêsu chỉ bị xử tệ trên các phương tiện truyền thông khi người ta chế nhạo Ngài; nhưng sẽ tàn tệ hơn cho Ngài ngay chính trong đời sống ‘như không có Chúa’ của những ai được mệnh danh là con cái Ngài. Êzêkiel trong bài đọc hôm nay, cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa và bàn tay Ngài đặt trên ông; và như Êzêkiel, chúng ta cũng phải nóng lòng cho “Trời đất rạng ngời vinh quang Chúa” như Thánh Vịnh đáp ca ao ước.

Anh Chị em,

“Đòi người ngoài!”. Không có một luật nào đòi lấy thuế của con cái. Ấy thế, Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Chủ Đền Thờ lại bị đòi thuế! Ngài chấp nhận bị coi là ‘người ngoài’; và để tránh cớ vấp phạm cho sự phi lý và tầm thường đó, Ngài làm một phép lạ vừa đủ để Phêrô có được đồng bạc từ miệng cá để nộp thuế cho Thầy và trò! Vì bị coi là ‘người ngoài’ nên Chúa Giêsu bị bứng khỏi mặt đất khi người đương thời nghĩ Thiên Chúa, Đấng chỉ dành cho những ‘người trong!’. Vậy mà, lạ lùng thay, bị coi là ‘người ngoài’, Chúa Giêsu lại đang hiện diện trong nơi sâu thẳm nhất của mọi tâm hồn những ai đón nhận Ngài; Đấng đang là Chủ mọi gia đình và Chủ Tể cả nhân loại. Hôm nay, Ngài đang chờ đợi bạn và tôi sống thật gần gũi, trìu mến với ‘Người Ngoài’ có tên Giêsu đang sống ấy để yêu Ngài trọn cả con tim; đồng thời, thể hiện cho người khác thấy Ngài đang sống động trong tâm hồn mình bằng phong cách của một người có Chúa cư ngụ.
Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, người nhà của con, xin cho con luôn là người nhà của Chúa; và không chỉ là người nhà, linh hồn con ‘còn là nhà’ Chúa ngự nữa!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 7 tháng 8
Đặng Tự Do
07:24 07/08/2022


Chúa Nhật 7 tháng 8, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 19 Mùa Quanh Năm.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em.

Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá. Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó.

Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ. Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ. Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.”

Bấy giờ ông Phêrô hỏi: “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?” Chúa đáp: “Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc? Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta. Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình. Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: ‘Còn lâu chủ ta mới về’, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín. Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Trong bài Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay, Chúa Giêsu nói với các môn đệ để trấn an các ngài khỏi nỗi sợ hãi và mời gọi các ngài cảnh giác. Chúa Giêsu đề cập đến hai lời khuyên căn bản đối với môn đệ: thứ nhất là “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ hãi” (Lc 12,32); thứ hai là, “Hãy sẵn sàng” [bản dịch theo nghĩa đen của câu 35 được sử dụng trong bản gốc tiếng Ý]. “Đừng sợ hãi” và “hãy sẵn sàng”. Chúng là hai từ khóa để chinh phục những nỗi sợ hãi đôi khi khiến chúng ta tê liệt, và để vượt qua sự cám dỗ của một cuộc sống thụ động, uể oải. “Đừng sợ hãi” và “Hãy sẵn sàng”. Chúng ta hãy xem xét hai lời mời này.

Đừng sợ. Trước hết, Chúa Giêsu khuyến khích các môn đệ. Ngài vừa nói xong với họ về sự chăm sóc yêu thương và quan phòng của Cha, Đấng chăm sóc hoa huệ ngoài đồng và chim trời, và do đó, tất cả những điều đó còn hơn thế nữa đối với con cái của Ngài. Vì vậy, không cần phải lo lắng và băn khoăn vì cuộc sống của chúng ta nằm vững chắc trong tay Chúa. Chúng ta được khích lệ bởi lời mời gọi đừng sợ hãi của Chúa Giêsu. Thật vậy, đôi khi chúng ta cảm thấy bị giam cầm bởi cảm giác thiếu tin tưởng và lo lắng. Đó là nỗi sợ thất bại, không được thừa nhận và yêu thương, nỗi sợ không thể thực hiện được kế hoạch của mình, không bao giờ được hạnh phúc, v.v. Và vì vậy, chúng ta phải vật lộn để tìm ra giải pháp, tìm một không gian để thoát ra khỏi vòng quay, tích lũy hàng hóa và của cải, để có được sự an toàn. Và điều này sẽ đưa chúng ta đến đâu? Nó đưa chúng ta đến với những lo lắng và không ngừng lo lắng. Thay vào đó, Chúa Giêsu trấn an chúng ta: Đừng sợ! Hãy tin cậy nơi Cha, Đấng muốn ban cho anh chị em tất cả những gì anh chị em thực sự cần. Ngài đã ban cho anh chị em Con Ngài, Nước của Ngài, và Ngài sẽ luôn đồng hành với anh chị em với sự quan phòng, chăm sóc anh chị em mỗi ngày. Đừng sợ - đây là điều chắc chắn mà trái tim của anh chị em nên gắn bó! Đừng sợ - một trái tim gắn liền với sự chắc chắn này. Đừng sợ.

Nhưng biết rằng Chúa quan sát chúng ta với tình yêu thương không cho phép chúng ta ngủ gật, và để mình bị khuất phục trước sự lười biếng! Ngược lại, chúng ta phải tỉnh táo, đề cao cảnh giác. Thật vậy, yêu có nghĩa là quan tâm đến đối phương, nhận thức được nhu cầu của người ấy, sẵn sàng lắng nghe và chào đón, sẵn sàng.

Lời thứ hai. Hãy sẵn sàng. Đây là lời mời thứ hai trong ngày hôm nay. Đây là sự khôn ngoan của Kitô hữu. Chúa Giêsu lặp lại lời mời này nhiều lần. Và hôm nay Ngài làm như vậy qua ba dụ ngôn ngắn, xoay quanh chủ nhân của một ngôi nhà, người đầu tiên, người bất ngờ trở về sau một bữa tiệc cưới; thứ hai, không muốn bị bất ngờ bởi những tên trộm; và thứ ba, trở về sau một cuộc hành trình dài. Thông điệp trong tất cả những dụ ngôn này là cần phải tỉnh thức, không được ngủ quên, nghĩa là không được phân tâm, không được chiều theo sự nhàn rỗi bên trong, vì Chúa đến ngay cả trong những tình huống mà chúng ta không mong đợi về Người. Chăm chú hướng với Chúa, đừng ngủ quên. Chúng ta cần phải cảnh giác.

Và vào cuối cuộc đời của chúng ta, Ngài sẽ gọi chúng ta để hạch toán hàng hóa mà Ngài đã giao phó cho chúng ta. Do đó, cảnh giác cũng có nghĩa là có trách nhiệm, nghĩa là bảo vệ và quản lý những hàng hóa đó một cách trung thực. Chúng ta đã nhận được rất nhiều thứ: cuộc sống, niềm tin, gia đình, các mối quan hệ, công việc, mà còn cả những nơi chúng ta sống, thành phố của chúng ta, sự sáng tạo. Chúng ta đã nhận được rất nhiều thứ. Chúng ta hãy thử tự hỏi: Chúng ta có chăm sóc cơ nghiệp Chúa đã để lại cho chúng ta không? Chúng ta có bảo vệ vẻ đẹp của nó hay chúng ta sử dụng những thứ chỉ cho bản thân và cho sự thuận tiện trước mắt của chúng ta? Chúng ta phải suy nghĩ một chút về điều này - chúng ta có phải là những người bảo vệ sự sáng tạo đã được ban cho chúng ta?

Thưa anh chị em, chúng ta hãy bước đi mà không sợ hãi, với niềm tin chắc rằng Chúa luôn đồng hành với chúng ta. Và chúng ta hãy tỉnh thức kẻo chúng ta ngủ quên khi Chúa đi ngang qua. Thánh Augustinô từng nói: “Tôi sợ Chúa đi ngang qua và tôi không nhận ra”. Đừng ngủ, và không để ý rằng Chúa đi ngang qua. Nhưng hãy cảnh giác! Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp đỡ chúng ta, những người đã chào đón cuộc viếng thăm của Chúa và sẵn sàng và quảng đại nói: “Tôi đây”.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Tôi muốn chào đón một cách hài lòng khi thấy những con tàu đầu tiên chở đầy ngũ cốc rời khỏi các cảng của Ukraine. Bước này chứng tỏ rằng có thể đối thoại và đạt được kết quả cụ thể vì lợi ích của mọi người. Do đó, sự kiện này cũng tự thể hiện như một dấu chỉ của hy vọng, và tôi thành thật hy vọng rằng, theo hướng này, chiến tranh có thể kết thúc và một nền hòa bình công bằng và lâu dài có thể đạt được.

Tôi rất buồn khi biết về vụ tai nạn xe hơi xảy ra vào sáng ngày hôm qua ở Croatia. Một số người hành hương đến Medjugorje đã mất mạng và những người khác bị thương. Xin Đức Mẹ chuyển cầu cho tất cả họ và cho những người thân của họ.

Hôm nay là ngày cuối cùng của Cuộc Hành hương Giới trẻ Âu Châu đến Santiago de Compostela bị hoãn lại từ Năm Thánh Compostela năm ngoái. Với niềm vui, tôi chân thành chúc phúc cho từng bạn trẻ đã tham gia, và tôi cũng chúc phúc cho tất cả những người đã làm công tác tổ chức và đồng hành cùng sự kiện này. Cầu chúc cho cuộc sống của anh chị em luôn là một cuộc hành trình, một cuộc hành trình với Chúa Giêsu, một cuộc hành trình hướng về Thiên Chúa và hướng về anh chị em của mình, một cuộc hành trình phục vụ và trong niềm vui!

Và bây giờ tôi gửi lời chào đến anh chị em, những người đến từ Rôma và những người hành hương từ các quốc gia khác nhau, đặc biệt là các tín hữu đến từ Malta. Tôi chào đón nhóm từ Crevalcore, những người trẻ từ giáo phận Verona, và những người từ Phòng thí nghiệm “Don Bosco” ở Tollmezzo.

Chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật an lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Đại sứ quán Trung Quốc đăng tải hoạt hình chống Công Giáo nhân chuyến thăm Đài Loan của Pelosi
Vũ Văn An
22:53 07/08/2022

Theo ký giả Jonah McKeown của hãng tin CNA, vào ngày có chuyến thăm Đài Loan gây tranh cãi của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi, Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp đã đăng trên Twitter một bức tranh biếm họa chính trị bị nhiều người chỉ trích vì thông điệp chống Công Giáo rõ ràng.



Hình ảnh được tạo ra bởi một nghệ sĩ và nhà tuyên truyền người Trung Quốc tên là Wuheqilin, cho thấy một người phụ nữ gầy gò, đội mũ trùm đầu và giống như phù thủy – đầu có hào quang các ngôi sao, gợi nhớ đến Đức Mẹ Đồng trinh - nhảy qua cửa sổ nhà trẻ, cố gắng giật một đứa trẻ khỏi nôi của em. Một người đàn ông lực lưỡng cầm một cái búa, một biểu tượng rõ ràng của chủ nghĩa cộng sản, đang trông chừng.

Khuôn mặt của người phụ nữ là khuôn mặt của Pelosi, chú thích của bức biếm họa cũng nói rõ bằng hai hashtags: #Taiwan và #Pelosivisit. Tuy nhiên, dòng tweet cũng bao gồm tiêu đề của bức tranh bằng tiếng Trung Quốc, mang ý nghĩa thứ hai: "Mary, Kẻ trộm Trẻ con."

Pelosi là một trong những người Công Giáo nổi tiếng nhất trong chính trường Hoa Kỳ, chỉ đứng sau Tổng thống Joe Biden. Chuyến thăm hôm thứ Ba của bà tới đảo Đài Loan - nơi mà Hoa Kỳ không chính thức công nhận là độc lập với Trung Quốc -, như tờ Washington Post đưa tin, là chuyến thăm cấp cao nhất của một viên chức Hoa Kỳ tới hòn đảo tự quản trong nhiều thập niên.

Chú thích trên đầu bức tranh được viết bằng tiếng Anh: "Không ai thích chiến tranh, nhưng không người cha nào cho phép ai đó đánh cắp con mình". Trên tường có bản đồ Trung Quốc cũng như hình ảnh một con ếch trên đầu em bé.

Trong một bài nhận định viết cho UCA News, nhà thần học và nhân chủng học văn hóa Michel Chambon nhận định rằng đã có tiền lệ về hình ảnh một con ếch được sử dụng ở Trung Quốc như một lời gièm pha để chỉ người dân Đài Loan. Ông cũng cho biết hoạt hình mô tả Pelosi là "một phù thủy muốn cướp Đài Loan khỏi quê cha đất tổ."

Benedict Rogers, một nhà đấu tranh nhân quyền người Anh nghiên cứu về Trung Quốc, gọi bức tranh này là “cực kỳ thô thiển, phạm thánh và xúc phạm sâu xa đến người Công Giáo và nhiều Kitô hữu thuộc các truyền thống khác khắp thế giới”.

Rogers nói trong các bình luận viết cho CNA: “Đây là một thí dụ cho thấy chế độ côn đồ, đồi trụy, ghê tởm và vô nhân đạo nhất của chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời báo hiệu sự sẵn lòng muốn tấn công Nancy Pelosi vì đức tin Công Giáo của bà cũng như nền chính trị của tình hình”.

“Điều này báo hiệu điều mà những người theo dõi Trung Quốc chúng ta đã biết từ lâu - chế độ thù địch tuyệt đối của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với tôn giáo. Trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng của việc đàn áp các Kitô hữu, bao gồm cả Công Giáo, và một cuộc đàn áp nghiêm trọng đối với tự do tôn giáo nói chung ”.

Tác giả bài viết cho UCA News nhận định rằng Tòa thánh là một trong những thực thể duy nhất có “ý nghĩa hoàn cầu” vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, trong khi Đài Loan tuyên bố độc lập.

Chambon viết: “Đối với những nhà tuyên truyền Trung Quốc mắc hội chứng bách hại, việc kết hợp chính sách của Hoa Kỳ với Công Giáo hoàn cầu là một bước dễ dãi".

Newsweek đưa tin, Đại sứ Trung Quốc tại Pháp, Lu Shaye, đã nói tới chuyến viếng thăm của Pelosi như một "hành động khiêu khích không cần thiết" và cho biết trong tuần này rằng một khi Trung Quốc đạt được mục tiêu từng được họ tuyên bố là thiết lập quyền kiểm soát đối với Đài Loan, thì sau đó sẽ là một quá trình "cải tạo" người dân trên đảo. Điều này dường như ám chỉ một quá trình tương tự như những gì đang diễn ra hiện nay ở Tân Cương, theo đó hàng triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ trong những năm gần đây đã bị dồn vào các trại “cải tạo” và bị buộc phải hòa nhập vào văn hóa Trung Quốc.

Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự lớn trong tuần này, bao gồm việc phóng tên lửa lớn ra vùng biển xung quanh Đài Loan nhân chuyến viếng thăm.

Chambon, người phụ trách chuyên mục của UCA News, nhận định rằng bức tranh được tweet “không chỉ gây khó chịu mà còn báo hiệu việc ngầm quay trở lại với ý thức hệ cộng sản thuở đầu có thể gây hại cho nhiều người”. Ông giải thích rằng một lớp ý nghĩa khác của bức ảnh có thể gợi nhớ lại một “huyền thoại” được chính phủ tuyên truyền vào những năm 1950 rằng “các trại trẻ mồ côi Công Giáo là nhà máy để ăn cướp và giết trẻ sơ sinh Trung Quốc”.

Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền vô thần chính thức, và các tín hữu tôn giáo thuộc mọi tuyên tín đã phải đối diện với sự đàn áp ở Trung Quốc trong nhiều năm. Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc bị chia rẽ giữa Giáo Hội Công Giáo “hầm trú”, bị đàn áp và trung thành với Đức Giáo Hoàng, và Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc, bị chính phủ kiểm soát.

Năm 2018, Vatican đã đạt được một thỏa thuận tạm thời chưa được công bố với chính phủ Trung Quốc nhằm mang lại sự thống nhất của Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc được nhà nước công nhận và Giáo hội hầm trú hiệp thông với Rome. Thay vào đó, cuộc đàn áp đối với Giáo hội hầm trú vẫn tiếp tục và theo một số người, ngày càng gia tăng. Đức Hồng Y Joseph Zen của Hồng Kông, 90 tuổi, một nhà phê bình lớn tiếng đối với thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc, sẽ phải đối diện với phiên tòa vào tháng 9 cùng với bốn nhà vận động dân chủ nổi tiếng khác.

Hoa Kỳ không có quan hệ ngoại giao với Đài Loan nhưng có điều Bộ Ngoại giao gọi là “một mối quan hệ không chính thức mạnh mẽ”, bao gồm các mối quan hệ thương mại sâu xa không chính thức. Trong nhiều năm, Hoa Kỳ đã hoạt động theo “chính sách một Trung Quốc” để tránh làm cho chính phủ Trung Quốc tức giận. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken đã nói rằng chuyến thăm không phải là dấu hiệu cho thấy chính sách của Hoa Kỳ về Đài Loan đã thay đổi.

Rogers, người chỉ trích gay gắt về thỏa thuận năm 2018 của Vatican với Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục, cho rằng sự thù địch rõ ràng của chính phủ Trung Quốc đối với Công Giáo - đã được biết đến từ lâu nhưng được hiển thị đầy đủ trong hoạt hình - cung cấp “một lý do khác khiến Vatican nên suy nghĩ lại mối quan hệ của họ với Bắc Kinh.”

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết ngài hy vọng thỏa thuận giữa Vatican với Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục Công Giáo sẽ được gia hạn trong thời gian hai năm lần thứ hai vào tháng 10.

Rogers nói với CNA “Khi thời hạn gia hạn thỏa thuận với Bắc Kinh đến gần, Vatican nên xem xét việc đình chỉ thỏa thuận vì tội ác diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ, phá bỏ các quyền tự do của Hồng Kông, vụ bắt giữ Đức Hồng Y Hồng Kông 90 tuổi Joseph Zen, sự đàn áp nghiêm trọng đối với các Kitô hữu ở Trung Quốc và bây giờ đây là sự xúc phạm trắng trợn đối với những người Công Giáo trên toàn thế giới”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Vui buồn xứ đạo: Lẻ Loi? Cha xứ Gx ĐMHCG-Garland TX kỷ niệm 25 năm hồng ân LM
Trần Mạnh Trác - Phạm Thái Hùng
12:22 07/08/2022
Xem hình ảnh

Hai chữ 'Lẻ Loi' nói trên là nỗi lo lắng cuả các bà trong Gx khi thấy việc tổ chức ngân khánh 25 năm hồng ân LM cuả cha chánh xứ Phaolô Nguyễn Tất Hải, DCCT, có nguy cơ 'vắng người' vì rơi đúng vào dịp "Ngày Thánh Mẫu" ở Missouri, mà thông thường thì gần nửa giáo dân rủ nhau đi tham dự...thêm vào đó, các cha DCCT ở quanh vùng Dalat cũng đi qua Long Beach CA để tiễn chân Cha Phêrô Nguyễn Đức Mầu, DCCT, đi về 'Nhà Cha.'

Nhưng trên thực tế, sự lo lắng đó đã không xảy ra bởi vì, ngay từ thứ Hai, bắt đầu với hội 'Làm đẹp Nhà Chuá' (xin coi hình và video đầu album) và sau đó là các hội đoàn khác đã liên tiếp 'lấy hẹn' để họp mặt ăn mừng 'riêng' với cha, hoặc để cáo lỗi trước khi lên đường đi Missouri...Cha xứ Hải đã bận đến nỗi vào chiều thứ Sáu có một buổi họp mặt cuả những anh em cùng lớp cựu Đệ Tử DCCT (cựu Chủng Sinh cùng học nội trú) đã phải chờ đợi tới 9 giờ tối, sau khi tiệc tàn, thì ngài mới tới được.

Buổi họp mặt đã được hoạch định từ nhiều tháng trước sau khi bị gián đoạn vì 3 năm cách ly. Qui tụ về đây không chỉ có các gia đình từ nhiều tiểu bang HK mà còn có người từ VN qua.

Cho nên, theo thiển ý cuả tôi thì, ngài sẽ 'thở phào nhẹ nhõm' nếu được người ta bỏ cho 'lẻ loi' vào tuần sau... để được dưỡng sức.

Ngày thứ Bảy một buổi lễ long trọng đã được cử hành với nhiều bề trên các nhà dòng nam nữ ở vùng Dalat và ngạc nhiên thay, các linh mục và tu sĩ DCCT đông đảo cũng đã đổ dồn về đây sau đám tang bên Cali, đặc biệt có cha Phêrô Bùi Quang Tuấn, bề trên giám phụ tỉnh DCCT Hải Ngoại, và cũng là vị chánh xứ tiền nhiệm.

Sau lễ là một tiệc mừng với những màn văn nghệ đố vui độc đáo. Quan khách tới đầy hội trường...
 
VietCatholic TV
Phòng tuyến sụp đổ, Bộ chỉ huy Lữ Đoàn Dù Nga tháo chạy. Vụ ám sát giữa ban ngày chấn động Kherson
VietCatholic Media
03:26 07/08/2022


1. Thị trưởng do Nga dựng nên bị hành quyết giữa ban ngày

Trong bản báo cáo sáng Chúa Nhật 7 tháng 8, Ông Serhii Khlan, Phó Hội đồng Khu vực Kherson cho biết Vitaliy Gura, một kẻ phản bội quê hương, cộng tác với quân Nga, và được phong làm thị trưởng Nova Kakhovka, đã bị hành quyết ngay giữa ban ngày vào sáng thứ Bẩy.

“Một trong những kẻ trở cờ đón gió theo người Nga của thành phố Nova Kakhovka, là Vitaly Gura, đã bị bắn chết. Anh ta đã bị hành quyết, nhưng vẫn còn sống trong một thời gian. Anh ta đang được di tản đến Crimea, nhưng theo các báo cáo sơ bộ, anh ta đã không bao giờ đến được đó. Anh ấy đã chết. Đó là số phận của tất cả những kẻ phản bội.”

Các phương tiện truyền thông của Ukraine cho biết Vitaliy Gura vừa đến tòa thị chính, thì bị một người phụ nữ đứng gần đó rút súng bắn nhiều phát liên tiếp. Tất cả diễn ra trong tích tắc và người phụ nữ thoát đi trên một xe hơi do một người phụ nữ khác lái, đang chờ sẵn. Nga đã ra lệnh truy bắt hai phụ nữ này nhưng vẫn chưa bắt được.

Vụ hành quyết Vitaliy Gura, gây một tiếng vang lớn và trùm lên những kẻ phản bội một bầu không khí khiếp đảm.

Volodymyr Saldo, thị trưởng của Kherson do Nga dựng nên đã cáo ốm và đã được đưa đến Mạc Tư Khoa để điều trị. Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, ông ta vẫn trong tình trạng hôn mê, không phải do bệnh tật nhưng do y tế gây ra.

Ông Serhii Khlan cũng cho biết thêm những kẻ xâm lược Nga đã bắt cóc Olena Peleshok, người đứng đầu Cộng đồng Zelenyi Pid.

“Khoảng 02:00 chiều, ngày 5 tháng 8 năm 2022, quân đội Nga có vũ trang đã bắt cóc Olena Peleshok, người đứng đầu Cộng đồng lãnh thổ làng Zelenyi Pid của quận Kakhovka, từ nhà của cô ấy”.

Quân xâm lược Nga cũng đã bắt cóc một lái xe của hội đồng làng. Sau đó, anh ta được trả tự do. Xin nhắc lại rằng, vào ngày 3 tháng 8 năm 2022, Phó Trưởng ban thứ nhất của Hội đồng Vùng Kherson Yurii Sobolevskyi báo cáo rằng quân đội Nga đã bắt cóc Tetiana Tkachenko, hiệu trưởng trường Havrylivka, trong cộng đồng Kalanchak của Vùng Kherson.

2. Bộ chỉ huy Lữ Đoàn Dù tháo chạy, tập đoàn quân bị bao vây, sáu kho đạn nổ tung

Trong bản báo cáo sáng Chúa Nhật 7 tháng 8, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết các đơn vị của Lực lượng vũ trang Ukraine đã phá hủy sở chỉ huy và trạm quan sát của các nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn ở Bruskinske và khu vực tập trung vũ khí và trang thiết bị ở Oleshky, vùng Kherson. Sáu kho đạn ở các quận Berislav và Kherson, cũng như đài chỉ huy và quan sát của các nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn địch ở Bruskinske đã bị hỏa lực pháo binh phá hủy.

Quân đội Ukraine đã tấn công dữ dội vào bộ chỉ huy của Lữ đoàn Dù số 76 và Tập đoàn quân số 49 ở Chornobaivka. Lữ đoàn Dù số 76 tháo chạy về hướng Kherson, bỏ lại xác 79 đồng đội, bốn xe tăng T-72, hai pháo tự hành Msta-S, một hệ thống pháo binh, một radar, hai xe chỉ huy, 10 xe chiến đấu bọc thép, và 11 xe tải quân sự. Tập đoàn quân số 49 của Nga đang bị vây. Cuộc giao tranh vẫn đang tiếp diễn.

Trong khi đó, 9 tàu chiến của Nga đang điều động ngoài khơi bờ biển Crimea trên Hắc Hải, trong khi số còn lại đang trú ẩn tại các căn cứ của họ.

3. Nhà ngoại giao Ba Lan phàn nàn rằng Biden thiếu quyết đoán. Nếu HIMARS sớm được giao cho Ukraine 'bi kịch' Mariupol đã không xảy ra

Đại sứ Ba Lan tại Ukraine Bartosz Cichocki nói rằng lực lượng của Kyiv có thể đã ngăn chặn được “thảm kịch” khi Nga bao vây Mariupol nếu họ nhận được Hệ thống Hỏa tiễn Pháo binh Cơ động Cao, gọi tắt là HIMARS, sớm hơn.

Việc chuyển giao HIMARS cho Ukraine từ Hoa Kỳ đã được các nhà phân tích quân sự mô tả là một “yếu tố thay đổi cuộc chơi” đối với quốc gia này vì Ukraine giờ đây có thể tự bảo vệ mình trước hành động gây hấn vô cớ của Mạc Tư Khoa. Cuộc bao vây Mariupol, dẫn đến vô số dân thường thiệt mạng, đã kéo dài từ đầu cuộc chiến vào ngày 24 tháng 2 cho đến ngày 20 tháng 5, khi các lực lượng Ukraine còn lại trong thành phố đầu hàng. Trong khi đó, lô hàng đầu tiên của HIMARS phải đến cuối tháng 6 mới đến nơi.

“Chúng ta hoàn toàn biết rằng nếu HIMARS đến Ukraine sớm hơn, thảm kịch Mariupol có thể đã không xảy ra. Người Ukraine chỉ đứng cách thành phố này có 100 km, nhưng họ không thể làm gì. Họ bị ngăn cách bởi một khu vực bằng phẳng, họ không thể di chuyển ra tiền tuyến và buộc phải đứng nhìn thảm cảnh của đồng đội mình”, Cichocki nói trong một cuộc phỏng vấn với Polskie Radio.

Vị Đại sứ Ba Lan phàn nàn sự thiếu quyết đoán của chính quyền Biden và đặt câu hỏi: “Chúng ta phải tự hỏi mình, liệu chúng ta có cần phải chứng kiến Ukraine kiệt sức? cuối cùng giành chiến thắng, và sau đó phải mất nhiều thập kỷ để phục hồi? Điều này cũng sẽ dẫn đến tình trạng bất ổn lâu dài dọc theo biên giới của chúng ta. Hay tốt hơn bây giờ chúng tôi nỗ lực hơn nữa và đẩy nhanh chiến thắng này và kết quả là rút ngắn thời gian phục hồi?”

Nhà ngoại giao Ba Lan nói rằng ông không thấy Ukraine có thể thua Nga trong cuộc chiến này bất kỳ trên phương diện nào khi nước này tiếp tục chống lại Nga, đồng thời nói thêm rằng lực lượng của Kyiv sẽ chỉ chùn bước nếu các quốc gia phương Tây trong “một số bước ngoặt không thể hiểu nổi” từ bỏ sự ủng hộ của họ đối với quốc gia Đông Âu này.

Theo ước tính, hàng nghìn dân thường đã được lực lượng Nga chôn cất trong những ngôi mộ tập thể ở Mariupol trong cuộc vây hãm kéo dài gần 3 tháng. Khoa sản của một bệnh viện cũng như một nhà hát nơi trú ẩn của hàng trăm thường dân trong thành phố cũng bị quân đội Mạc Tư Khoa ném bom. Chính quyền địa phương cho biết ít nhất 90% các tòa nhà của thành phố đã bị hư hại trong vụ tấn công.

“Cuộc tấn công của lực lượng Nga vào Mariupol dựa trên các cuộc tấn công và chiến thuật dẫn đến thiệt hại nhân mạng bừa bãi và không cân xứng”, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết trong một tuyên bố vào giữa tháng Sáu.

“Các lực lượng Nga buộc phải chịu trách nhiệm về các vụ tấn công trái pháp luật và các vi phạm nghiêm trọng khác đối với luật nhân đạo quốc tế trong thành phố. Việc ghi lại tất cả các trường hợp như vậy sẽ mất thời gian.”

Mỹ, Ba Lan và các đồng minh NATO khác đã cung cấp cho Ukraine hàng tỷ đô la hỗ trợ quân sự và nhân đạo kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, bao gồm cả HIMARS. Kyiv và các quan chức quân sự phương Tây đã ca ngợi rằng các hệ thống hỏa tiễn này sẽ hỗ trợ lực lượng của Ukraine. Ukraine đã đẩy lùi cuộc xâm lược ban đầu của Nga, buộc Mạc Tư Khoa phải tập trung nỗ lực vào khu vực Donbas, đông nam của đất nước. Tổng thống Nga Vladimir Putin và các quan chức Điện Cẩm Linh khác được cho là tin rằng họ sẽ nhanh chóng nắm quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ Ukraine và lật đổ chính phủ của nước này khi họ tiến hành cuộc xâm lược cách đây hơn 5 tháng.

Các nhà lãnh đạo Điện Cẩm Linh tiếp tục cố gắng biện minh cho cuộc tấn công vào Ukraine bằng cách tuyên bố kỳ quái rằng đất nước này do Đức Quốc xã điều hành. Trên thực tế, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy là người Do Thái và có các thành viên trong gia đình đã chết trong thảm họa diệt chủng Holocaust do Đức Quốc xã gây ra trong Thế chiến thứ hai. Khi Zelenskiy đắc cử với gần 3/4 số phiếu bầu vào năm 2019, thủ tướng Ukraine cũng là người Do Thái.

4. Quân Nga đặt mìn nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia

Trong bản báo cáo sáng Chúa Nhật 7 tháng 9, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine đã xác nhận rằng quân đội Nga đã đặt mìn các cơ sở chính của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

“Ủy Ban Nguyên Tử Lực thế giới, Liên Hiệp Quốc và tất cả các cơ quan khác không kiểm soát được tình hình tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Hơn nữa, các cuộc điều tra quốc tế đã được tiến hành và công khai, cho thấy rõ cách người Nga vận chuyển vũ khí, thiết bị và chất nổ vào lãnh thổ của các nhà máy điện hạt nhân. Có thông tin xác nhận nói rằng lực lượng chiếm đóng của Nga đã đặt mìn tại các nguồn điện của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Enerhodar”

Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng nhấn mạnh rằng toàn thế giới nên gióng lên hồi chuông cảnh báo để ngăn chặn sự lặp lại có thể xảy ra của các kịch bản khác nhau - một trong số đó là sự lặp lại của “Olenivka hạt nhân”.

Như đã đưa tin, trong ngày 5/8, quân đội Nga đã nổ súng hai lần từ nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Đến 02h30, ba tiếng nổ đã được ghi nhận gần khu công nghiệp của nhà máy.

5. ISW giải thích lý do lực lượng Nga sử dụng nhà máy điện làm lá chắn hạt nhân

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, đã cho biết trong báo cáo mới nhất của mình rằng các lực lượng Nga có khả năng sử dụng nhà máy điện hạt nhân bị chiếm để đánh vào nỗi lo ngại của phương Tây về một thảm họa hạt nhân ở Ukraine.

Báo cáo được công bố trên trang web của ISW vào hôm thứ Bẩy 6 tháng 8

“Các lực lượng Nga có khả năng sử dụng nhà máy điện hạt nhân để đánh vào nỗi lo ngại của phương Tây về thảm họa hạt nhân ở Ukraine trong nỗ lực làm suy giảm ý chí của phương Tây trong việc hỗ trợ quân sự cho cuộc phản công của Ukraine, đồng thời sử dụng nhà máy này như một lá chắn hạt nhân rất hiệu quả trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công của Ukraine”.

Hiện nay, quân Nga đang núp trong nhà máy pháo kích bừa bãi vào thường dân. Hỏa lực của kẻ thù đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho một đơn vị nitro-oxy và một tòa nhà phụ trợ. Có những mối đe dọa về sự rò rỉ hydro và bắn tung tóe chất phóng xạ. Nguy cơ hỏa hoạn cũng cao.

Theo Thị trưởng Enerhodar Dmytro Orlov, quân đội Nga giấu vũ khí trong nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và có thể đã đặt mìn trên lãnh thổ của nhà máy.

6. Kẻ phản bội quê hương ở Kherson nhập viện, kiếm cớ để bỏ chạy

Trong cuộc họp báo hôm thứ Bẩy 6 tháng 8, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine cho biết những kẻ trở cờ đón gió, phản bội quê hương tại Kherson, đang tìm cách cáo ốm để bỏ chạy sang Nga. Volodymyr Saldo là một thí dụ điển hình.

Volodymyr Saldo, người được Điện Cẩm Linh bổ nhiệm lãnh đạo vùng Kherson phía nam của Ukraine sau khi khu vực này bị chiếm giữ trong cuộc chiến của Vladimir Putin, đã tuyên bố phải nhập viện khi Ukraine tiến hành cuộc phản công nhằm chiếm lại thành phố chiến lược này.

Quan chức mà Nga tuyên bố là “người đứng đầu cơ quan quản lý quân sự dân sự Kherson” sau khi quân Nga giành được quyền kiểm soát lãnh thổ trong giai đoạn đầu của cuộc xâm lược, hôm thứ Năm tuyên bố rằng ông ta đã phải nhập viện và rằng ông ta đang giao “quyền hạn” của mình cho Sergei Eliseev — một cựu sĩ quan của Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB.

Saldo nói rằng sau cuộc họp với chính phủ do Điện Cẩm Linh cài đặt ở vùng Kherson, “bộ trưởng bộ y tế” đã tiếp cận anh ta và sau khi “nhìn vào ngoại hình của tôi, bắt đầu yêu cầu kiểm tra y tế ngay lập tức..”

“Tất nhiên, tôi từ chối, nhưng Bộ trưởng đưa bác sĩ vào phòng, sau khi kiểm tra, họ nhất quyết phải nhập viện ngay. Sau khi thảo luận với các đồng nghiệp, tôi quyết định đồng ý với đề xuất của các bác sĩ”, Saldo cho biết thêm.

Ông cho biết Eliseev sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình trong thời gian vắng mặt. Theo hãng tin độc lập Meduza có trụ sở tại Latvia, Eliseev trước đây từng phục vụ trong FSB và từng làm việc trong chính phủ vùng Kaliningrad của Nga.

Saldo, người từng là thị trưởng Kherson từ năm 2002 đến 2012, đã công khai lên tiếng ủng hộ cuộc chiến chống Ukraine của Putin. Vào tháng 3, chỉ vài tuần sau khi chiến tranh bắt đầu, Saldo tuyên bố rằng “Kherson là Ukraine”, nhưng một tháng sau, ông được tuyên bố là người đứng đầu chính quyền khu vực do Nga kiểm soát.

Vào tháng 7, các quan chức do Nga bổ nhiệm ở Kherson tuyên bố rằng họ đã ngăn chặn một nỗ lực nhằm lấy mạng của Saldo. Hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti dẫn lời các quan chức nói rằng một quả bom đã được gài trên con đường mà Saldo đang đi, nhưng nó đã được “phát hiện và giải quyết kịp thời”.

Các quan chức cho biết vào thời điểm đó, Saldo có sức khỏe tốt và “tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình.”

Tin tức về tình trạng sức khỏe kém của Saldo được đưa ra trong bối cảnh một cuộc phản công lớn của Ukraine nhằm chiếm lại Kherson.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy ngày 24/7 cho biết quân đội của ông đang tiến “từng bước” để giải phóng hoàn toàn Kherson.

Quyền thống đốc Kherson Dmytro Butriy cho biết trên truyền hình Ukraine hôm thứ Ba: “Tính đến thời điểm hiện tại, 53 khu định cư đã được xác nhận là đã được giải phóng”.

Trong những tuần gần đây, pháo binh, lực lượng đặc biệt và các đảng phái của Ukraine đã phá hủy các trung tâm trọng yếu của Nga, tấn công các tuyến đường sắt và cầu quan trọng, một phần nhờ sự trợ giúp của Hệ thống hỏa tiễn cơ động cao M142 do Washington cung cấp, còn được gọi là HIMARS, Newsweek đưa tin trước đó.

Newsweek đã liên hệ với Điện Cẩm Linh và Bộ Ngoại giao Ukraine để đưa ra bình luận.

7. Ukraine 'Chủ động định hình' Chiến tranh 'Lần đầu tiên'

Ukraine đang “tích cực định hình” cuộc chiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin “lần đầu tiên” kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu hơn 5 tháng trước, một tổ chức tư vấn của Mỹ cho biết trong một đánh giá.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, đánh giá rằng quân đội Nga có khả năng đáp trả các nỗ lực phản công của Ukraine ở khu vực miền nam Kherson hiện đang bị chiếm đóng bằng cách đẩy mạnh việc đưa quân và thiết bị quân sự đến Kherson và các pháo đài phía tây Zaporizhzhia.

Lực lượng Nga cũng đang triển khai lại các thiết bị quân sự - đặc biệt là pháo binh và Không Quân - tới khu vực Crimea đã sáp nhập, từ những nơi khác ở Ukraine.

Các chuyên gia lưu ý rằng trước đó các lực lượng Nga, dành ưu tiên cho việc đánh chiếm khu vực Luhansk ở vùng Donbas, miền đông Ukraine vào tháng 5. Nhưng nay, họ đã rút lui hoặc đình chỉ các hoạt động tấn công ở nhiều thành phố để tập trung vào cuộc chiến ở phía nam.

“Nhưng họ đã làm như vậy không theo sáng kiến của riêng họ nhưng dựa trên các ưu tiên thay đổi của tình hình thực tế gây ra bởi các hoạt động của phía Ukraine”.

Trong trường hợp này, quân đội của Putin phải đáp trả mối đe dọa phản công của Ukraine ở khu vực Kherson thay vì có thể tự do chọn mục tiêu để tập trung nỗ lực.

Báo cáo nhấn mạnh rằng ngay cả sau khi Ukraine đẩy lùi mục tiêu của Nga trong giai đoạn đầu của cuộc chiến là chiếm Kyiv, thủ đô của Ukraine, quân đội Nga vẫn có thể “tự do lựa chọn” để tập trung chiến dịch ở phía đông.

“Sự chuẩn bị của Ukraine cho cuộc phản công ở Kherson và các hoạt động ban đầu trong cuộc phản công đó kết hợp với sự suy yếu đáng kể của lực lượng Nga dường như cho phép Ukraine lần đầu tiên bắt đầu chủ động định hình tiến trình của cuộc chiến “.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Nga để đưa ra bình luận.

Đánh giá mới nhất của ISW được đưa ra vài ngày sau khi báo cáo rằng cuộc phản công được chờ đợi từ lâu của Ukraine có thể đã bắt đầu và ngay sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết quân đội của ông đang tiến “từng bước” để giải phóng hoàn toàn Kherson.

Trong những tuần gần đây, pháo binh Ukraine, lực lượng đặc biệt và các đơn vị đã đặt nền móng bằng cách phá hủy các trung tâm trọng yếu của Nga, tấn công các tuyến đường sắt và các cây cầu quan trọng, một phần, với sự trợ giúp của Hệ thống Hỏa tiễn Pháo binh Cơ động cao M142, còn được gọi là HIMARS do Washington cung cấp.

Các quan chức Ukraine cho biết, các loại vũ khí tầm xa và độ chính xác cao mới có được đã cho phép quân đội nước này phá hủy 50 kho đạn và nhiên liệu của Nga trong những tuần gần đây.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Andriy Zagorodnyuk nói với Newsweek tuần trước rằng các chiến binh Ukraine “cần phải di chuyển lực lượng Nga ra khỏi Kherson càng sớm càng tốt” trong khi chuyên gia an ninh Ukraine Alexander Khara gợi ý rằng một cuộc phản công của Ukraine trong khu vực “có cơ hội thành công rất tốt”

Khara nói: “Người Nga phải chịu đựng những rắc rối về tinh thần, hậu cần và nỗi kinh hoàng của HIMARS”
 
Nigeria: Đức Hồng Y Onaiyekan than thở vị tổng thống bất tài. Không ai an toàn tại Nigeria
VietCatholic Media
05:20 07/08/2022

1. Anh giáo dự kiến triệu tập Đại hội hoàn cầu của Giáo hội

Liên hiệp Anh giáo dự kiến sẽ triệu tập Đại hội hoàn cầu lần đầu tiên từ 60 năm nay, với sự tham dự không những của giáo sĩ, nhưng cả giáo dân và có thể sẽ diễn ra tại một nước ở nam bán cầu.

Dự án trên đây được đề ra tại Hội nghị Lambeth, đang tiến hành tại Canterbury bên Anh quốc cho tới ngày 08 tháng Tám tới đây, với sự tham dự của hơn 600 giám mục nam nữ thuộc Liên hiệp.

Đại hội Anh giáo lần đầu tiên hồi năm 1908 đã tiến hành tại Luân Đôn với sự tham dự của 17.000 người. Đại hội thứ hai tại Toronto bên Canada hồi năm 1963 được sự tham dự của 16.000 người. Quyết định triệu tập đại hội thứ ba được đề ra trong phần thảo luận về đề tài “Căn tính Anh giáo”. Một trong những kết luận là cần dành ưu tiên cho những lớp tín hữu ở ngoài lề hơn, đặc biệt là các phụ nữ, trẻ em, người trẻ và các thổ dân bản địa.

Các giám mục tại Hội nghị Lambeth đã ủy cho Ban thường vụ của Liên hiệp Anh giáo cứu xét xem có thể triệu tập Đại hội vừa nói hay không và sẽ tường trình cho khóa họp vào tháng Ba năm tới của Hội đồng tư vấn Liên hiệp Anh giáo nhóm tại thành phố Accra bên Ghana. Quyết định chung kết sẽ được vị Tổng thư ký đề ra, sau khi thảo luận với Đức Tổng Giám Mục Justin Welby, Giáo chủ Liên hiệp Anh giáo.

Dự án trên đây được đề ra theo sau một tuần đầy sóng gió trong hội nghị đầu tiên kể từ năm 2008, trong bối cảnh tranh chấp về giáo huấn của Anh giáo liên quan đến hôn nhân đồng tính. Những điều này tập trung vào “lời kêu gọi đến phẩm giá con người” được công bố vào tuần trước như là một trong mười tuyên bố dự thảo để các giám mục thảo luận, trong đó khẳng định rằng “tâm thức của Hiệp thông Anh giáo nói chung là không công nhận cái gọi là hôn nhân cùng giới tính”.

Sau khi bị phản đối, nhóm soạn thảo đã loại bỏ tuyên bố này. Thay vào đó, tài liệu sửa đổi, được công bố vào thứ Ba ngày 26 tháng 7, lưu ý rằng “nhiều tỉnh Anh Giáo tiếp tục khẳng định rằng hôn nhân đồng giới là không được phép”, trong khi những tỉnh khác “đã chúc phúc và hoan nghênh các kết hợp đồng giới sau khi suy xét thần học cẩn thận”.

Trong hội nghị Lambeth lần này có báo cáo cho rằng một số giám mục đã không rước lễ trong một số buổi cử hành Thánh Thể với lý do họ “không hiệp thông” với những người khác hiện diện.

Các giám mục Nigeria, Rwanda và Uganda đã từ chối tham dự hội nghị với lý do tương tự.

2. Đức Hồng Y Onaiyekan: Không ai an toàn tại Nigeria

Đức Hồng Y John Onaiyekan, nguyên Tổng giám mục thủ đô Abuja, Nigeria, tố cáo tình trạng bất an ngày càng gia tăng tại nước này, không ai ở trong tình trạng an toàn.

Lên tiếng tại Đại hội lần thứ 19 của Liên Hội đồng Giám mục Phi châu và Madagascar, gọi tắt là Secam, kết thúc hôm 31 tháng Bảy vừa qua tại Accra bên Ghana, Đức Hồng Y báo động rằng “Có một tình trạng bất an rất trầm trọng trên toàn quốc, mỗi ngày đều có những người bị giết, những tên cướp và khủng bố dường như được tự do hành động. Chúng tôi không biết các lực lượng an ninh ở đâu. Tình trạng an ninh ở Nigeria đang vuột khỏi tay. Không ai được an toàn, chứ không phải chỉ có các tín hữu Kitô mà thôi. Như thể chính phủ đã mất sự kiểm soát. Mức độ thiếu an ninh lên tới độ chưa từng đó”.

Theo Đức Hồng Y Onaiyekan, cả người Công Giáo lẫn Hồi giáo đều là nạn nhân của bạo lực do các nhóm bất lương, giết những người vô tội.

Từ năm 2009, khi bộc phát cuộc nổi dậy của Boko Haram, một trong những nhóm Hồi giáo cực đoan lớn nhất ở Phi châu, với đối tượng là biến Nigeria thành một Nhà nước Hồi giáo. Nigeria bị những vụ tấn công khủng bừa bãi chống nhiều đối tượng khác nhau, kể cả các nhóm tôn giáo và chính trị, cũng như dân sự. Tình trạng trở nên phức tạp hơn với sự can dự của những người Fulani chuyên chăn súc vật, đa số theo Hồi giáo. Họ được gọi là những dân quân Fulani, thường đụng độ với những nông dân Kitô giáo.

Đức Hồng Y Onaiyekan cho biết “các dân quân này giết nhiều người Hồi giáo hơn Kitô giáo. Điều này chứng tỏ đây không phải là cuộc chiến của người Hồi giáo chống Kitô hữu. Nhiều người Hồi giáo cũng chịu đau khổ như chúng tôi. Khi một linh mục bị giết thì cả thế giới biết, nhưng khi họ ám sát 50 dân làng Hồi giáo tại bang Katsina, thì không ai biết. Chúng tôi chắc chắn rằng có nhiều người Hồi giáo chết hơn là các Kitô hữu, vì trung tâm bạo lực là ở các bang miền bắc, có đa số dân theo Hồi giáo”.

Đức Hồng Y Onaiyekan nói trước đại hội Secam rằng người ta không thể tiếp tục tình trạng này, “nếu chính phủ không can thiệp, thì có nghĩa là các nhóm võ trang được tự do hoạt động, dù là nhóm Boko Haram hay là bất kỳ nhóm bất lương nào khác. Vấn đề ở đây không phải là Kitô hữu hay người Hồi giáo, nhưng là vấn đề tôn trọng và bảo vệ sự sống con người”.

Theo Đức Hồng Y, rất tiếc là nhiều kẻ giết người như thế tiếp tục mang lá cờ Hồi giáo. “Câu trả lời của tôi là: Kitô hữu phải tiếp tục kiên cường là Kitô hữu và biết làm thế nào để trung thành với tôn giáo của mình và đồng thời chúng ta có quyền tự bảo vệ chống lại những kẻ gian ác. Tôn giáo chúng ta không nói rằng chúng ta phải ngồi đó để bị giết. Chúng ta có quyền tự vệ!”

Nigeria sắp có cuộc bầu cử tổng thống, phó tổng thống, các thượng nghị sĩ và đại biểu quốc hội, dự kiến vào khoảng tháng Hai và tháng Ba năm tới 2023.
 
Tình báo Anh: Hàng loạt tướng Nga ra đi. Siêu xe tăng 3.7 triệu USD bị lộ bí mật, hết siêu
VietCatholic Media
17:31 07/08/2022


1. Tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh. Hàng loạt tướng Nga bị cách chức.

Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh vừa công bố bản tin tình báo mới nhất, theo đó hàng loạt tướng lãnh Nga bị cách chức. Một số tướng lãnh đột nhiên biến mất trong một thời gian dài, không rõ họ còn sống hay đã chết, được điều động đi nơi khác hay đã bị bắt. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng

Hiệu suất kém của các lực lượng vũ trang Nga trong cuộc xâm lược Ukraine đã gây tổn thất nặng nề cho giới lãnh đạo quân sự của Nga, rất có thể đã dẫn đến việc cách chức ít nhất 6 tướng lãnh cao cấp của Nga kể từ khi bắt đầu chiến sự vào tháng 2 năm 2022.

Chỉ huy các quân khu phía Đông và phía Tây của Nga rất có thể bị mất chức. Thượng Tướng Aleksandr Chayko bị cách chức Tư lệnh Quân khu phía Đông vào tháng 5 năm 2022.

Thượng Tướng Aleksandr Zhuravlev, người đã chỉ huy Quân khu phía Tây từ năm 2018, đã vắng mặt trong Ngày Hải quân của Nga ở St Petersburg vào ngày 31 tháng 7 năm 2022 và rất có thể đã bị thay thế bởi Trung tướng Vladimir Kochetkov.

Đại Tướng Aleksandr Vladimirovich Dvornikov đã bị cách chức sau khi được trao quyền chỉ huy tổng thể chiến dịch ở Ukraine, và Đại Tướng Sergei Surovikin đã nhận quyền chỉ huy Tập Đoàn Quân phía Nam từ Đại Tướng Gennady Valeryevich Zhidko. Những việc sa thải này còn trầm trọng hơn khi tính đến ít nhất 10 tướng Nga thiệt mạng trên chiến trường Ukraine. Ảnh hưởng tích lũy đến tính nhất quán trong chỉ huy có thể góp phần gây ra những khó khăn về chiến thuật và hoạt động của Nga.

2. Siêu xe tăng của Nga được chứng thực là hết siêu, nổ tung trên những cánh đồng của Ukraine

Trong bản báo cáo tối Chúa Nhật 7 tháng 8, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết trong 24 giờ qua, 3 xe tăng, 4 thiết giáp, 3 hệ thống hỏa tiễn hàng loạt, 5 hệ thống phòng không, 8 trực thăng và 8 tầu thuyền của Nga bị phá hủy.

Trong 3 chiếc xe tăng bị phá hủy có một chiếc siêu xe tăng T-90 trị giá 3.7 triệu Mỹ Kim bị nổ tung trên bầu trời Kharkiv khi lực lượng bộ binh Ukraine bắn trúng kho đạn bên trong, gây ra một vụ nổ long trời.

Vũ khí chiến tranh trị giá 3.7 triệu Mỹ Kim được cho là một trong những loại xe tăng hàng đầu thế giới, nhưng hàng loạt vụ phá hủy kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu đã khiến huyền thoại này trở nên đáng nghi ngờ.

Xe tăng T-90 của Nga có biệt danh là 'Vladimir’ là loại xe tăng tiên tiến nhất của Nga, được đưa vào sử dụng từ năm 1992. Việc sản xuất loại xe tăng này đã được đẩy mạnh vào cuối những năm 2000.

Nguồn tin tình báo mở Onyx cho biết, ít nhất 20 xe tăng T-90 của Nga đã bị phá hủy trong cuộc xâm lược vào Ukraine. Bên cạnh đó, còn có 2 chiếc T-90M tiên tiến, được chế tạo lần đầu vào năm 2016 cũng bị bắn cháy. T-90M là phiên bản mới nhất của loại xe tăng T-90, được đưa vào sử dụng lần đầu tiên vào năm 2016.

Nga được cho là có khoảng 1.000 chiếc T-90 và T-90M cộng chung, so với khoảng 5.000 chiếc T-72.

Từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 6 tháng 8, quân phòng thủ Ukraine đã phá hủy 1.805 xe tăng Nga, 4.055 thiết giáp, 958 hệ thống pháo, 260 hệ thống hỏa tiễn hàng loạt, 132 hệ thống phòng không, 223 máy bay, 191 máy bay trực thăng, 750 máy bay không người lái tác chiến-chiến thuật, 182 hỏa tiễn hành trình, 15 tàu thuyền, 2.978 phương tiện vận tải và xe chở nhiên liệu, và 86 đơn vị thiết bị đặc biệt.

Phần lớn những chiếc xe tăng bị bắn cháy trong ngày đầu cuộc chiến 24 tháng 2 là các chiếc T-72.

Đoạn phim đầu tiên xuất hiện về việc T-90 bị binh lính Ukraine phá hủy xuất hiện vào đầu tháng 5, tuy với một số tổn thất nhưng đã khiến Kyiv phấn khích, đặc biệt phía Nga cũng thừa nhận vụ bắn hạ này.

Vài ngày sau khi chiếc T-90 đầu tiên bị phá hủy, một chiếc thứ hai trong số những chiếc siêu xe tăng này đã bị phá hủy với một bệ phóng hỏa tiễn của Thụy Điển trị giá 21.700 Mỹ Kim.

Chiếc thứ ba được tường trình đã bị nổ tung bởi một quả hỏa tiễn trị giá có 480 Mỹ Kim. Những chiếc xe tăng tiên tiến của Nga có một bộ phận nạp đạn tự động, cho phép nó bắn rất nhanh so với trường hợp xạ thủ phải tự nạp đạn. Đồng thời, tiết kiệm được nhân lực đi trên xe. Tuy nhiên, vì có bộ phận nạp đạn tự động, chiếc xe tăng đời mới của Nga có một kho đạn trong chiếc xe tăng. Bắn trúng kho đạn đó, chiếc xe tăng nổ tung, siêu xe tăng trở nên hết siêu. Đồng thời, nỗi kinh hoàng nhất của lính thiết giáp trên những chiếc xe tăng tiên tiến này là chết mất xác khi vụ nổ xảy ra.

Khu vực Kherson gần Crimea đã nằm dưới sự kiểm soát của Điện Cẩm Linh kể từ ngày 2 tháng 3 sau trận chiến đẫm máu kéo dài 6 ngày. Tuy nhiên, những kẻ xâm lược đã phải đối mặt với sự đẩ phản công dữ dội của Ukraine trong những tuần gần đây, và Kyiv hiện tin tưởng rằng họ sẽ giải phóng khu vực vào tháng 9.

Theo cập nhật tình báo hàng ngày của Bộ Quốc phòng Anh sáng thứ Bẩy 6 tháng 8: 'Các đoàn xe dài tiếp tục di chuyển khỏi khu vực Donbas của Ukraine và đang hướng về phía Tây Nam”.

Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh cho biết thêm: 'Các nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn, bao gồm từ 800 đến 1.000 quân, đã được triển khai đến Crimea và gần như chắc chắn sẽ được sử dụng để hỗ trợ quân đội Nga ở khu vực Kherson.

'Các lực lượng Ukraine đang tập trung tấn công vào các cây cầu, kho đạn dược và các tuyến đường sắt với tần suất ngày càng tăng ở các khu vực phía nam của Ukraine.

'Cuộc chiến của Nga đối với Ukraine sắp bước vào một giai đoạn mới, với cuộc giao tranh nặng nề nhất chuyển sang chiến tuyến khoảng 350 km trải dài về phía tây nam từ gần Zaporizhzhia đến Kherson, song song với sông Dnepr.

Trong khi đó, đoạn phim được Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine đăng lên Telegram cho thấy hỏa tiễn của Ukraine đang tấn công một nhóm xe bọc thép của Nga - có khả năng nằm trong 'đoàn xe dài' được cho là đang trên đường đến Kherson.

3. Đồng minh Putin dọa giết nhà báo Đức đưa tin từ Ukraine

Trong một diễn biến đang gây xúc động mạnh trên thế giới, một Dân biểu Nga đã lên tiếng mạ lỵ và dọa giết một ký giả người Đức vì anh này tường trình về cuộc chiến đang diễn ra tại Ukraine. Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Ally Threatens to Kill German Journalist Reporting From Ukraine”, nghĩa là “Đồng minh Putin dọa giết nhà báo Đức đưa tin từ Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thúy Nga.

Dân biểu Aleksey Zhuravlyov, thành viên Duma, tức là Hạ Viện Nga và là đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin, gần đây đã đe dọa giết một phóng viên người Đức đưa tin về cuộc chiến Nga-Ukraine.

Kể từ khi Putin phát động cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2, Điện Cẩm Linh đã thẳng tay đàn áp quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận ở Nga, và những người lên tiếng phản đối cuộc chiến đang phải đối mặt với sự đàn áp. Trong khi đó, truyền hình do Điện Cẩm Linh hậu thuẫn đã trở thành kênh truyền thông chủ chốt của các nội dung tuyên truyền ủng hộ chiến tranh, thường đưa ra những lời đe dọa chống lại phương Tây.

Trong lần xuất hiện trên chương trình thời sự 60 Minutes của Nga, Zhuravlyov - lãnh đạo đảng Rodina ủng hộ Putin - đã đưa ra lời đe dọa đối với Björn Stritzel, phóng viên của hãng tin Đức Bild, người đã đưa tin về cuộc chiến từ Ukraine. Một đoạn video về nhận xét của ông đã được nhà báo Julia Davis, người theo dõi hoạt động tuyên truyền của Nga, đăng lên Twitter hôm thứ Bảy.

“Tôi không quan tâm, tôi muốn nói với tên Đức Quốc xã này rằng: Quỷ tha ma bắt mày, tất cả chúng tao sẽ đến và giết tất cả các người,” ông ta nói trong video, được dịch bởi Davis.

Tuy nhiên, nhận xét của anh ta đã nhận được một số phản đối từ người dẫn chương trình truyền hình nhà nước Nga Yevgeny Popov, người đã mắng anh ta vì “đe dọa người khác trong chương trình của chúng tôi”.

“Họ là những nhà báo. Họ là những người tuyên truyền, nhưng chúng ta đừng như thế. Đừng giết ai cả,” anh ta nói.

Tuy nhiên, Dân biểu Zhuravlyov cho biết anh ta “không quan tâm” khi người ta chê trách anh ta việc đe dọa giết các nhà báo, những người thường được coi là dân thường và hành động hăm dọa họ bị coi là vi phạm luật nhân đạo quốc tế. Nga đã phải đối mặt với các cáo buộc về tội ác chiến tranh bao gồm các cuộc tấn công có chủ đích vào các nhà báo và dân thường khác trong những tháng gần đây, và hơn một chục tổ chức đang điều tra các cáo buộc tội ác chiến tranh của quân đội Nga.

Trong một tuyên bố với Newsweek, Stritzel đã lên án những lời đe dọa mà nhà lập pháp Nga đưa ra.

“Nó nói lên rất nhiều điều về xã hội Nga khi có một chương trình kỳ quặc như vậy là chương trình tin chính yếu của họ. Mặc dù những lời đe dọa chống lại những người phương Tây như tôi là điều đáng buồn cười, nhưng điều quan trọng hơn mà chúng ta cần nhớ là cái chế độ sử dụng những tên hề thảm hại như thế, đang hàng ngày tra tấn và giết hại người Ukraine và tống giam các nhà báo Nga dũng cảm như Vladimir Kara-Murza hoặc giết họ như đã làm với Anna Politkovskaya.”

Những người dẫn chương trình Bild của Đức, trong buổi phát sóng của chính họ, đã lên án Zhuravlyov vì đã đe dọa một trong những người của họ.

Một người dẫn chương trình cho biết: “Chúng tôi đã phát hoảng ở đây khi nhìn thấy những gì tuyên truyền viên Nga đang làm và cách họ nói về phóng viên tuyệt vời của chúng tôi”, đồng thời cho biết thêm rằng mối đe dọa này theo sau một báo cáo từ Stritzel về việc quân đội Ukraine đã sử dụng các loại pháo do Đức cung cấp trên tuyến phòng thủ của họ.

Một số nhà báo, từ Ukraine và các báo cáo nước ngoài, đã thiệt mạng kể từ cuộc xâm lược. Quân đội Nga phải đối mặt với cáo buộc hành quyết Maks Levin, phóng viên của tờ báo Left Bank của Ukraine. Theo một cuộc điều tra về cái chết của ông do tổ chức Phóng viên không biên giới tiến hành, quân đội Nga có thể đã tra tấn ông trước khi giết ông.

Các nhà báo khác bị giết ở Ukraine bao gồm Brett Renaud, một nhà làm phim Mỹ bị quân đội Nga bắn chết bên ngoài Kyiv; Yevhenii Sakun, một nhân viên quay phim người Ukraine thiệt mạng khi lực lượng Nga nã pháo vào một tháp truyền hình ở Kyiv; Pierre Zakrzewski, một nhà quay phim của Fox News đã thiệt mạng khi xe của anh ta bị cháy bên ngoài Kyiv; Oksana Baulina, một nhà báo Nga bị giết ở Kyiv; Mantas Kvedaravičius, một nhà làm phim người Lithuania bị giết ở Mariupol; và Frédéricd Leclerc-Imhoff, một nhà báo Pháp thiệt mạng khi đang đưa tin về các nỗ lực di tản dân thường ở vùng Luhansk.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để đưa ra bình luận.

4. Ukraine cảnh báo vụ tấn công nhà máy hạt nhân có thể ngang với 'sử dụng bom nguyên tử'

Ukraine cảnh báo rằng các cuộc tấn công của Nga nhằm vào một nhà máy điện hạt nhân có thể tương đương với “việc sử dụng bom nguyên tử” sau khi các cuộc pháo kích của Nga gây ra thiệt hại cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia vào hôm thứ Sáu.

Nga đã tiến hành cuộc xâm lược vào quốc gia Đông Âu vào cuối tháng 2, tuyên bố rằng họ muốn “giải phóng” khu vực ly khai Donbas và loại bỏ chính phủ Ukraine của Đức Quốc xã - mặc dù Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy là người Do Thái. Hơn 5 tháng sau cuộc chiến, lực lượng phòng thủ Ukraine mạnh hơn dự kiến đã buộc các cuộc giao tranh phải tập trung ở miền Đông Ukraine, nơi có cơ sở hạt nhân lớn nhất Âu Châu, nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Lo ngại quân đội Nga có thể gây ra thiệt hại cho nhà máy, do đó làm tăng nguy cơ xảy ra khủng hoảng hạt nhân, đã diễn ra kể từ tháng 3, khi quân đội của Mạc Tư Khoa chiếm giữ nhà máy và bắt đầu pháo kích. Những lo ngại này đã được tăng thêm vào hôm thứ Sáu khi quân đội Nga được cho là đã nổ súng từ nhà máy một lần nữa.

Bộ Ngoại giao Ukraine hôm thứ Sáu đã đưa ra một tuyên bố lên án vụ nổ súng, đồng thời cảnh báo rằng bất kỳ hành động nào được thực hiện nhằm vào nhà máy đều có thể gây ra những tác động tàn phá tiềm tàng.

Bộ Ngoại giao Ukraine viết: “Hậu quả có thể xảy ra khi va vào một lò phản ứng đang hoạt động tương đương với việc sử dụng bom nguyên tử.” Nga đã chuyển các xe tải quân sự chở đầy vũ khí tới nhà máy vào đầu tháng này.

Tuyên bố cho biết vụ pháo kích bị cáo buộc đã gây ra thiệt hại cho đường dây cung cấp điện cao thế của nhà máy. Nó cũng làm hư hỏng trạm nitro-oxy của nhà máy và “tòa nhà phụ trợ kết hợp”, theo công ty điện hạt nhân nhà nước Ukraine Energoatom.

Các cuộc tấn công cũng dẫn đến nguy cơ rò rỉ hydro, bắn tung tóe các chất phóng xạ và nguy cơ hỏa hoạn cao.

5. Thêm bốn tàu chở lương thực rời cảng Hắc Hải

Các quan chức Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ cho biết 4 tàu chở thực phẩm của Ukraine đã khởi hành từ các cảng ở Hắc Hải của Ukraine vào ngày Chúa Nhật như một phần của thỏa thuận nhằm mở lại các hoạt động xuất khẩu đường biển của nước này.

Bốn tàu hàng vừa rời bến đã chở hơn 160.000 tấn ngô và các loại thực phẩm khác. Việc nối lại xuất khẩu ngũ cốc đang được giám sát bởi Trung tâm Điều phối chung, gọi tắt là JCC, ở Istanbul, nơi các nhân viên Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc đang làm việc.

Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã làm trung gian cho thỏa thuận này vào tháng trước sau khi Liên Hiệp Quốc cảnh báo về khả năng bùng phát nạn đói ở nhiều nơi trên thế giới do việc vận chuyển ngũ cốc từ Ukraine bị đình trệ đã làm giảm nguồn cung và khiến giá tăng cao.

Trước cuộc xâm lược, Nga và Ukraine đã cùng nhau chiếm gần một phần ba lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu.

JCC đã cho phép khởi hành tổng cộng năm tàu mới qua hành lang Hắc Hải: bốn tàu xuất phát từ Chornomorsk và Odesa chở 161.084 tấn thực phẩm và một tàu đến Odesa.

Thông tin chi tiết về các tàu đã rời cảng Ukraine. Họ bao gồm tầu Glory, với một chuyến hàng 66.000 tấn ngô đến Istanbul, và Riva Wind, chở 44.000 tấn ngô, hướng đến Iskenderun của Thổ Nhĩ Kỳ.

Hai tàu khác đã rời Ukraine là Star Helena, với 45.000 tấn thực phẩm hướng đến Trung Quốc và Mustafa Necati, chở 6.000 tấn dầu hướng dương và hướng đến Ý.

JCC cũng cho biết họ đang gần hoàn tất các thủ tục vận chuyển để chính thức hóa các hoạt động nhằm hỗ trợ thực hiện thương vụ ngũ cốc. Các thủ tục dự kiến sẽ được công bố vào đầu tuần này.

Đại sứ quán Ukraine tại Lebanon cho biết, con tàu đầu tiên rời cảng Ukraine theo thỏa thuận sẽ không đến Li Băng vào hôm Chúa Nhật như kế hoạch. Razoni rời Odesa hôm thứ Hai tuần trước mang theo 26.527 tấn ngô. Đại sứ quán nói với Reuters rằng con tàu “bị chậm trễ” và “không đến nơi hôm nay”, không có chi tiết về ngày đến hoặc nguyên nhân của sự chậm trễ. Dữ liệu vận chuyển trên MarineTraffic.com cho thấy tàu Razoni ở ngoài khơi bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ vào sáng hôm Chúa Nhật.
 
Giới trẻ Bồ Đào Nha hành hương Đền thánh Santiago de Compostela để cổ vũ WYD
VietCatholic Media
17:35 07/08/2022


1. Các bạn trẻ Bồ Đào Nha cổ võ Ngày Quốc tế Giới trẻ tại Lisbon

Phái đoàn các bạn trẻ Công Giáo Bồ Đào Nha tham dự cuộc hành hương giới trẻ Kitô Âu châu tại Đền thánh Santiago de Compostela, tây bắc Tây Ban Nha, cho biết sẽ cổ võ các bạn trẻ từ các nước khác đến tham dự Ngày Quốc tế Giới trẻ năm tới tại Lisbon, Bồ Đào Nha.

Trong những ngày này, từ ngày 03 đến 07 tháng Tám, có khoảng 12.000 bạn trẻ Kitô đang tham dự cuộc hành hương của giới trẻ Kitô Âu châu, tại Đền thánh Compostela, nơi có mộ của thánh Giacôbê tông đồ và ngay từ thời Trung Cổ, là nơi hành hương thu hút các tín hữu từ các nước Âu châu. Cuộc hành hương có chủ đề là: “Hỡi người trẻ, hãy trỗi dậy và làm chứng nhân”, diễn ra trong Năm Thánh Giacôbê.

Ban tổ chức cho biết cũng có 55 giám mục từ Tây Ban Nha, Ý và Bồ Đào Nha, cùng với 370 linh mục và 400 tu sĩ nam nữ hiện diện tại cuộc hành hương.

Trong số các tham dự viên, có một đoàn 117 bạn trẻ Bồ Đào Nha. Cha Felipe Dini, Giám đốc toàn quốc về mục vụ giới trẻ Bồ Đào Nha, nói với hãng tin Ecclesia của Bồ rằng các bạn trẻ Bồ Đào Nha chính là “những sứ giả” của Ngày Quốc tế Giới trẻ, từ 01 đến 06 tháng Tám năm tới tại Lisbon. Hy vọng họ sẽ khuyến khích các bạn trẻ đồng lứa từ các nước khác đến tham dự.

Thánh giá Ngày Quốc tế Giới trẻ cũng như ảnh Đức Mẹ hiện diện đặc biệt trong những ngày này tại Santiago de Compostela. Theo cha Dini, “Sự hiện diện của các biểu tượng này cũng giúp thăng tiến Ngày Quốc tế Giới trẻ năm tới”.

Một buổi canh thức tại khu vực gọi là “Monte do Gozo”, Núi Hoan Lạc, sẽ được cử hành vào tối thứ Bảy, 06 tháng Tám. Đây là nơi đầu tiên các tin hữu hành hương nhìn thấy nhà thờ chính tòa Santiago, nơi có mộ thánh tông đồ, mục tiêu cuộc lữ hành của họ. Chúa nhật hôm sau, 07 tháng Tám, Đức Hồng Y Antonio Augusto dos Santos Marto, nguyên giám mục giáo phận Leiria-Fatima, Bồ Đào Nha, đặc sứ của Đức Thánh Cha, sẽ cử hành thánh lễ cho các bạn trẻ, với sự đồng tế của các giám mục và linh mục.

2. Tổ chức trợ giúp Giáo hội đau khổ hỗ trợ năm triệu Euro cho Ukraine

Từ đầu chiến tranh tại Ukraine hồi tháng Hai đến nay, tổ chức bác ái Công Giáo quốc tế “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ” đã trợ giúp cấp thời khoảng năm triệu Euro cho dân chúng tại Ukraine.

Ngân khoản này được chuyển tới Giáo Hội Công Giáo Latinh cũng như Giáo Hội Công Giáo nghi lễ đông phương tại nước này.

Trong thông cáo công bố hôm ngày 03 tháng Tám vừa qua, tại thành phố Vienne và Munich, bà Magda Kaczmarek, Giám đốc về dự án của tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ” cho biết bà vẫn giữ liên lạc hằng ngày với những người trách nhiệm ở Ukraine để được thông tin về những dự án trợ giúp ưu tiên: “Lo lắng lớn là về mùa đông năm nay. Nhưng chúng tôi cũng đã lo về số lượng lương thực và xăng dầu, vào cuối tháng Tám này bắt đầu khan hiếm”.

Trong số các ngân khoản được tổ chức bác ái này trợ giúp, ngay từ đầu đã có một triệu 300.000 Euro được chuyển cho các giáo phận ở vùng chiến tranh, để góp phần bảo đảm sự sống còn và hoạt động của các linh mục và nữ tu trong các cộng đoàn, các trung tâm, và nơi trú ngụ của những người tị nạn.

800.000 Euro dưới dạng bổng lễ được dành cho các linh mục Công Giáo Latinh và Đông phương. Vì các linh mục tại Ukraine có số thu nhập rất ít, nên bổng lễ là một hỗ trợ quan trọng cho chi phí thường nhật của các vị. Đồng thời có những sáng kiến về mục vụ và xã hội. Từ đầu chiến tranh, nhiều linh mục phải di chuyển nhiều giờ hơn trên những con đường gồ ghề và nguy hiểm để có thể chăm sóc về lương thực và tinh thần cho các giáo dân ở những vùng hẻo lánh.

Thông cáo cũng cho biết các tu viện, nhà đào tạo và tĩnh tâm, đặc biệt tại miền tây Ukraine cũng được tài trợ 650.000 Euro, nhờ đó các cơ sở này có thể đón nhận những người di tản nội địa. Ngoài ra, có 450.000 Euro để hỗ trợ phương tiện sinh sống của các tu sĩ, và nâng đỡ các nữ tu già yếu.

Tuy Ukraine vẫn còn ở trong chiến tranh và chưa biết bao giờ chấm dứt, tại một số miền, công việc tu bổ các nhà cửa bị thiệt hại cũng đã bắt đầu. Về phương diện này, tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ đã dành một triệu 100.000 Euro để giúp đỡ; ví dụ, Đại chủng viện của Công Giáo Latinh ở ngoại ô thủ đô Kiev đã bị quân lính Nga chiếm đóng và cướp bóc.

Một nhu cầu đặc biệt tại Ukraine trong lúc này là phương tiện chuyên chở để có thể phân phát các đồ cứu trợ và thực phẩm. Vì thế, tổ chức bác ái này đã dành 600.000 Euro để sắm 29 chiếc xe. 100.000 Euro khác được dành để tài trợ các dự án mục vụ nhỏ trong các phương tiện truyền thông và đào tạo của Giáo hội.

Có những hậu quả tệ nhất của chiến tranh thường không được nhận thấy ngay, đó là những hậu quả về tâm lý, tinh thần, thể lý và nhân đạo, chỉ về sau người ta mới nhận rõ. Chỉ có Thiên Chúa với có thể chữa lành những thương tích sâu đậm. Nhưng ông Thomas Heine-Geldern, Chủ tịch tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ nói rằng, dầu vậy chúng tôi tìm cách hỗ trợ các Giáo hội địa phương để họ đáp ứng các nhu cầu cấp thiết nhất và tiếp tục thi hành sứ mạng.

Ngân khoản năm triệu Euro nói trên đến từ các ân nhân ở hai mươi ba quốc gia, nơi tổ chức bác ái này có văn phòng chi nhánh. Nguyên tại Áo, có 700.000 Euro được các ân nhân trợ giúp cho các nạn nhân chiến tranh ở Ukraine.