Ngày 10-08-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Dự tiệc nước trời
LM. Anphong Trần Đức Phương
16:21 10/08/2009
DỰ TIỆC NƯỚC TRỜI

(CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN, NĂM B)

Các Bài Đọc trong Chúa Nhật này tiếp tục hướng tâm trí chúng ta về của ăn nuôi dưỡng đời sống tinh thần, đời sống thiêng liêng của chúng ta.

Bài Đọc I (Sách Phương Ngôn 9: 1-6) nói đến Bữa Tiệc Nước Trời được dọn sẵn để mọi người đến dự. Đây là lời mời gọi của Thiên Chúa là chính Sự Khôn Ngoan để những ai đến và sống theo lời chỉ dẫn khôn ngoan của Chúa, thì được bước đi trong đường hoàn thiện và được vào dự Tiệc Nước Trời.

Bài Phúc Âm (Gioan 6: 51-58) tiếp tục bài Giảng của Chúa Giêsu về Bánh Hằng Sống. Trong đoạn này, Chúa Giêsu nói rõ của ăn và của uống thiêng liêng nuôi sống linh hồn chúng ta chính là Mình và Máu Thánh Chúa hiện diện thực sự trong Hình Bánh và Hình Rượu. Khi chúng ta rước Mình và Máu Thánh Chúa là chúng ta được dự Bữa Tiệc thiêng liêng Nước Trời; được ăn, uống chính Mình và Máu Thánh Chúa; được Chúa ngự thật vào lòng chúng ta và chúng ta được sống trong Chúa và được Chúa sống trong chúng ta: “Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì được ở trong Ta và Ta ở trong người ấy.” (Gioan 6: 56). Hơn nữa, chúng ta còn được bảo đảm cuộc sống đời đời: “Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì được sống đời đời, và Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại trong ngày sau hết.” (Gioan 6: 54).

Tư tưởng Bài Đọc I và Phúc Âm hôm nay nhắc nhở chúng ta nhớ đến đoạn Tin Mừng về Bữa Tiệc đã dọn sẵn (Matthêu 22: 1-14, Luca 14: 15-24) mà mọi người được mời đến dự, nhưng nhiều người lại lấy những lý do phàm tục để từ chối tham dự, nên một số người khác được mời vào dự; nhưng những ai tham dự thì đều phải “mặc áo cưới” tức là phải mặc lấy con người mới hầu xứng đáng dự Bữa Tiệc Nước Trời. “Phúc thay ai được dự bữa tiệc trong Nước Thiên Chúa! (Luca 14: 15).

Những tư tưởng trong Bài Đọc II (Êphêsô 5: 15-20) hôm nay cũng nhắc nhở chúng ta phải biết “sống khôn ngoan theo Thánh Ý Chúa. Phải biết chăm lo đến đời sống thiêng liêng của chúng ta. Phải biết nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của chúng ta bằng cách dành thời giờ để cầu nguyện, suy gẫm Lời Chúa, ca tụng ngợi khen Chúa, dự Tiệc Thánh Thể, rước Mình và Máu Thánh Chúa. Con người có cả xác và hồn. Quá lo về đời sống vật chất, hoặc quá chìm đắm trong đời sống say sưa theo thú tính mà quên đời sống tinh thần, đời sống thiêng liêng, đời sống của Linh hồn, thì chúng ta đã sống như những kẻ dại dột, nhắm mắt đi vào đường diệt vong!

Vậy, trong Thánh Lễ hôm nay, chúng ta hãy cùng cộng đồng Dân Chúa hân hoan dâng Thánh Lễ sốt sáng thờ phượng Chúa, dự Tiệc Thánh Thể, đồng thời cảm tạ, ngợi khen Chúa vì muôn ơn lành Chúa đã thương ban cho chúng ta, gia đình chúng ta, giáo xứ chúng ta. Đặc biệt trong “Năm Linh Mục” này, chúng ta cũng cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng, các Đức Giám Mục, các Linh Mục được “đầy ơn Chúa Thánh Thần” để khôn ngoan và yêu thương hướng dẫn đoàn chiên Chúa đi theo con đường thánh thiện dẫn đến cuộc sống muôn đời. Xin Mẹ Maria, Thánh Giuse và các Thánh chuyển cầu cho chúng ta.
 
Đời sống cầu nguyện
LM Thái Nguyên
21:18 10/08/2009
SỐNG ĐỜI CẦU NGUYỆN

Phải cầu nguyện luôn …”. (Lc 18, 1)

Đối với người Kitô hữu, tin không chỉ là chấp nhận một hệ tư tưởng hay một hệ thống luân lý, nhưng trước hết và trên hết là bước vào mối quan hệ yêu thương với Đấng mình tin. Vì thế, khi chúng ta tuyên xưng các chân lý đức tin, cử hành niềm tin và sống niềm tin, chúng ta phải luôn có một quan hệ sống động và cá nhân với Thiên Chúa. Mối quan hệ yêu thương này chính là cầu nguyện.

“Chính ở nơi Chúa mà chúng ta sống, cử động và hiện hữu” (Cv 17, 28). Đức tin dẫn ta đến chỗ nhìn nhận Chúa là sự sống và là tất cả của chúng ta. Vì thế, phải hít thở Thiên Chúa như hít thở không khí, nghĩa là phải cầu nguyện không ngừng (x. Lc 18, 1). Nhưng ta không thể cầu nguyện liên lỉ nếu không có những giây phút cầu nguyện đặc biệt mà dư âm được kéo dài trong suốt từng ngày sống.

Cần xác định rằng, cầu nguyện trước hết là quà tặng của Thiên Chúa cho con người. Chính Thiên Chúa đang khao khát và tìm đến gặp gỡ, ngỏ lời trước với con người (x. Ga 4, 7). Đồng thời Ngài khơi dậy nơi lòng người nỗi khát khao sâu thẳm, giúp con người khám phá ra Ngài là Đấng duy nhất có thể lấp đầy nỗi khát khao đó (x. Ga 4, 10). Do đó, khi cầu nguyện, ta phải đến với Chúa bằng tất cả con người mình: tâm tình, tư tưởng, thái độ, lời nói, cử chỉ… đặc biệt nhất là tấm lòng: nơi sâu kín nhất để gặp gỡ Chúa. Thiếu tấm lòng thì mọi hình thức và phương cách cầu nguyện đều vô ích. Vì cầu nguyện là sự kết hợp thân mật giữa ta với Chúa, là đi vào quan hệ giao ước yêu thương với Chúa Cha, nhờ Chúa Con, bởi Chúa Thánh Thần. Chính nhờ vậy, mà tác dụng diệu kỳ của cầu nguyện là đưa ta đến sự hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi.

Theo định nghĩa thời xưa, “cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Chúa”. Ta có cảm tưởng Chúa ở quá cao xa, vượt ra bên ngoài của cuộc sống đời thường, quá thiêng liêng và mang tính nhị nguyên, vì chỉ còn là tinh thần. Thật ra, thể chất và tinh thần đều cùng là đơn vị chủ yếu giúp ta cảm nhận sâu xa rằng, Chúa không phải là Đấng bên ngoài mình. Chúa là nguồn cội của sự sống, là thực tại của bản thể vô cùng, và Ngài muốn nắm bắt chúng ta vừa một cách chung vừa một cách riêng tư. Đó là một Thiên Chúa không thể dò tìm được, nhưng cũng là một Thiên Chúa rất gần gũi, sinh động ngay trong toàn thể con người ta, luôn đang chờ đợi ta, và muốn để ta “sờ chạm” đến Ngài trong sự kết hợp thâm sâu nhờ cầu nguyện.

1. Chúa Giêsu cầu nguyện

Vào thời niên thiếu, cũng như những trẻ Do thái khác, Con Thiên Chúa làm người cũng phải học cầu nguyện từ Mẹ Maria và Thánh Giuse, từ lời kinh của Dân Chúa nơi hội đường và Đền thờ. Đặc biệt biến cố năm 12 tuổi, Đức Giêsu đã bộc lộ suối nguồn thầm kín trong cầu nguyện bằng tâm tình hiếu thảo với Chúa Cha (x. Lc 2, 49).

Bước vào cuộc sống công khai, Đức Giêsu cho ta thấy Người thường xuyên cầu nguyện hầu như mọi nơi mọi lúc: nơi cô tịch, trên núi cao, giữa đêm khuya, ngay khi rao giảng và chữa lành bệnh tật. Đặc biệt Người cầu nguyện trong những thời điểm có tính quyết định trong sứ vụ của mình: chịu phép rửa, chọn 12 tông đồ, biến hình… Lời nguyện của Người luôn là tâm tình chúc tụng, ngợi khen, tạ ơn Chúa Cha trong sự nồng thắm tình yêu và hiệp thông sâu xa. Tính cách, hành động, thái độ và nội dung rao giảng tuyệt vời của Người cho ta thấy Người bộc lộ những gì sâu kín nhất trong cầu nguyện, bởi vì Người cầu nguyện thế nào, thì Người cũng sống và thể hiện như vậy.

Trong thời gian cuối cuộc sống, việc cầu nguyện của Đức Giêsu đạt tới đỉnh cao khi mà cầu nguyện và tự hiến chỉ còn là một. Người đã chu toàn ý định yêu thương của Cha cho đến cùng, bằng cách mang vào mình mọi lo âu thống khổ và tội lỗi của nhân loại, cũng như mọi lời van xin và chuyển cầu sâu thẳm nhất trải dài trong toàn thể lịch sử cứu độ. Trong giây phút cuối cùng Người đã hoàn toàn phó thác vào tay Cha và dâng lên Cha tất cả. Chúa Cha đã đón nhận Người trong vinh quang, vượt quá mọi niềm hy vọng khi cho Người sống lại từ cõi chết.

Quả thật, trọn đời sống Chúa Giêsu là cầu nguyện. Người sống đời cầu nguyện trong sự kết hiệp liên lỉ với Chúa Cha trong tình yêu, một tình yêu hiến tế chính thân mình để làm giá cứu chuộc con người. Hình ảnh Chúa Giêsu giang tay trên Thánh giá luôn mãi là tư thế cầu nguyện, mời gọi chúng ta bước vào đời sống cầu nguyện với Người, nhờ Người và trong Người để được thông phần vào sự sống mới trong vinh quang của Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần.

2. Chúa Giêsu dạy ta cầu nguyện

Chúa Giêsu không chỉ dạy ta bằng Kinh Lạy Cha, mở ra cho ta ý hướng và tâm tình cầu nguyện, mà còn bằng cả thái độ và cách thế khi cầu nguyện.

- Thái độ đầu tiên phải có để cầu nguyện là việc hoán cải tâm hồn, nghĩa là sẵn sàng làm hòa, yêu thương tha thứ cho kẻ thù, cả những kẻ bách hại mình (x. Mt 5, 23). Cầu nguyện phải phát xuất từ đáy lòng, với tâm hồn chân thật và tha thiết tìm kiếm Chúa.

- Đi liền với việc hoán cải là lòng tin táo bạo đầy tình con thảo vượt trên những gì ta cảm thấy và hiểu biết, vì “mọi sự đều có thể đối với người tin” (Mc 9, 23).

- Lời cầu nguyện trong niềm tin không dừng lại ở miệng lưỡi: “Lạy Chúa, lạy Chúa” nhưng là sẵn sàng thi hành thánh ý Cha (Mt 7, 21). Đồng thời biết cảnh giác mình trước những cám dỗ để luôn qui hướng về Chúa trong mọi sự.

- Chúa Giêsu còn dạy chúng ta phải cầu nguyện nhân danh Người: Bất cứ điều gì anh em xin Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em” (Ga 15, 16).

☼ Ba dụ ngôn chính về việc cầu nguyện đã được thánh Luca ghi lại là:

- Người bạn quấy rầy (Lc 11, 5-13). Ý nghĩa dụ ngôn cho thấy Thiên Chúa không thể không ban ơn cho những ai thành tâm và tha thiết kêu cầu Ngài. “Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao ?" (Lc 11, 13). Nếu ta không nhận được điều mình xin, không phải vì Chúa không sẵn lòng ban ơn, nhưng Ngài ban theo cách thức của Ngài hơn là theo dự định của ta, và Ngài có ơn phúc tốt hơn để dành cho ta. Trong sự khôn ngoan vô cùng của Thiên Chúa là Cha từ ái, Ngài biết Ngài phải làm gì, và biết ta thật sự cần gì hơn hết để làm triển nở cuộc đời ta.

- Bà góa phụ quấy rầy (Lc 18, 1-8). Dụ ngôn này dạy ta phải biết cầu nguyện luôn, kiên trì trong đức tin không mệt mỏi, và đừng bao giờ nản chí trước mọi tình thế. Thiên Chúa chẳng bao giờ muốn trì hoãn hay đòi ta phải van lơn như một kẻ ăn mày, nhưng Ngài là Cha hết lòng yêu thương con cái, và luôn có một dự định rất tuyệt vời cho cuộc đời mỗi người chúng ta. Tâm ý cầu nguyện lớn lao nhất của đời ta là “ý Cha được nên trọn” trong cuộc đời mình, chứ không dừng lại ở những thỏa mãn riêng tư và nhỏ nhoi trong cuộc đời này.

- Người biệt phái và người thu thuế ( (Lc, 18, 9-14). Dụ ngôn này dạy ta phải khiêm nhường thật lòng khi cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Người kiêu ngạo và khinh dể anh em mình thì không thể cầu nguyện. Cửa lên trời rất thấp nên chỉ những ai biết quỳ gối xuống mới vào được. Cần nhớ rằng mình là thành phần của nhân loại đang phạm tội, đang đau khổ, đang âu sầu, tất cả đang quỳ gối trước nhan thánh Chúa. Người biệt phái đã quá cao ngạo khi tự cho mình là người tốt. Không thể có cái tốt trong một vài việc làm, mà là cái tốt của một con người đang sống trong Chúa. Cũng không thể có con người tốt trong việc đưa mình lên, nhưng luôn có cái tốt trong con người khiêm hạ. Chỉ có cầu nguyện thật khi ta biết đặt đời sống mình bên cạnh Chúa. Vấn đề không phải là “Tôi có tốt như người khác không? Nhưng là “Tôi có tốt như Chúa không?”.

Trong cầu nguyện, Chúa Giêsu làm cho ta tuyệt đối vững tin vào Ngài khi nói: “Không có Thầy, anh em không thể làm gì được. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái” (Ga 15, 5). Ở lại trong Chúa Giêsu chính là ý nghĩa thâm sâu của đời sống cầu nguyện. Mọi chương trình hành động, mọi dự phóng của việc tông đồ, cũng như mọi nỗ lực giải quyết vấn đề trong cuộc sống sẽ là một thất bại và nhiều khi là một sức nặng đè bẹp đời sống ta, nếu chúng không phát xuất từ việc đích thân gặp gỡ Đức Kitô hằng sống. Đừng ảo tưởng về bản thân và những công việc của mình, nếu không ta sẽ trở thành trò hề cho ma quỉ, và gây đổ vỡ công trình của Thiên Chúa trên đời sống của mình và mọi người. Trước tiên bản thân ta phải được thấm nhập con người của Đức Kitô và chìm sâu trong tình yêu Người, để chính Người sẽ khởi đầu, tiến hành và hoàn thành tất cả nơi ta.

3. Những suối nguồn cầu nguyện

a. Lời Chúa. Lời Chúa giúp ta “học biết Chúa Kitô” (Pl 3, 8). Nhờ đọc, học, suy, chiêm, mà cầu nguyện thực sự trở thành cuộc tìm kiếm, gặp gỡ, đối thoại và khám phá ra thánh ý Chúa trong cuộc đời. Lời Chúa không nói một cách chung chung, mà nói trực tiếp với ta. Điều quan trọng không phải là suy nghĩ về Lời Chúa cho bằng để Lời Chúa thấm sâu trong ta, để Lời ấy tỏa lan vào mọi cảm xúc khiến ta cảm động, thêm tin tưởng và tươi vui hẳn lên. Hãy để Lời Chúa vang dội trong ta, chữa lành hồn xác, làm ta phấn khởi và bừng sáng lên.

b. Bí tích. Bí tích công bố, hiện tại hóa và chuyển thông ơn cứu độ cho ta. Nếu biết cử hành bí tích với tất cả tấm lòng thành thì chính tấm lòng ta trở nên như bàn thờ, trên đó mầu nhiệm cứu độ được tái diễn từng giây phút trong đời ta.

c. Các nhân đức đối thần. Đức Tin giúp ta đón nhận Chúa qua Lời Chúa và Bí tích. Đức Cậy cho ta chan chứa niềm hy vọng và Đức Ái giúp ta đạt tới tình yêu mến Chúa thẳm sâu, tới sự kết hợp mật thiết làm một với Chúa, là đỉnh cao cầu nguyện.

d. Các kinh nguyện. Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, trong quyển sách của ngài về luyện đàng thiêng liêng, nói với chúng ta rằng trong cuộc đời ngài, có những thời gian dài ngài đã không thể cầu nguyện được và ngài đã phải bám lấy những kinh nguyện của Giáo Hội như kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng và các kinh nguyện phụng vụ. Cầu nguyện phải luôn luôn có sự pha trộn giữa lời cầu nguyện chung và cá nhân. Đây là cách thế chúng ta có thể thân thưa với Chúa và Chúa nói với chúng ta.

e. Mọi hoàn cảnh trong đời thường. Chính trong những hoàn cảnh của đời thường hôm nay mà ta đón nhận Thánh Linh là dòng nước hằng sống, mà ta gặp được Chúa: “Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người! Đừng cứng lòng!” (TV 95, 7-8). Việc cầu nguyện như thế trở thành tấm men làm cho cả nắm bột cuộc đời dậy lên một sức sống mới.

Những giờ cầu nguyện là những nhịp mạnh của đời sống, nhưng tinh thần cầu nguyện phải được trải dài qua mọi giây phút để làm nên cuộc sống. Chúa không chỉ ở trong nhà thờ, trong các giờ kinh nguyện hay trong các bí tích. Chúa không hiện diện ở một lúc nào đó, mà hiện diện trong toàn thể, trong mọi môi trường và mọi sinh hoạt đời thường. Giới hạn sự hiện diện của Chúa trong giờ cầu nguyện thôi là giới hạn chính cuộc sống của mình trong một ngõ ngách.

Thiên Chúa là chất liệu của đời sống ta, là hơi thở của tâm hồn ta. Ngài luôn kêu gọi ta ngày càng mở rộng lòng ra với cuộc sống để nhận ra Ngài, để hòa nhịp với Ngài trong mọi giây phút sống, biết lắng nghe Ngài trong mọi tình huống hầu luôn tạo nên một bầu khí thiêng liêng trong trái tim mình (một trái tim chất chứa những tình tiết ngổn ngang và những chuyện phù du bên ngoài, với các đòi hỏi đủ loại, có những khi quay cuồng vì ganh tị và tham vọng), để làm sao cho Chúa sống trọn vẹn trong ta, để Thần Khí của Ngài làm sinh động con người của ta.

4. Những cách diễn tả cầu nguyện

Có nhiều cách diễn tả tâm tình cầu nguyện, nhưng truyền thống Kitô giáo thường nói đến 3 hình thức:

a. Khẩu nguyện (bằng lời).

“Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi” (Ep 6,18). Chính Chúa Giêsu đã cầu nguyện bằng lời nói với Cha (x. Mt 11, 25-26; Mc 14, 36), và dạy chúng ta Kinh Lạy Cha. Lời cầu nguyện tha thiết nhất là lời khẩn cầu với cả tâm hồn và thân xác. Lời kinh đích thực phải phát xuất từ đáy thẳm của tâm hồn, từ một đức tin cá vị. Thiên Chúa muốn mọi người phải thờ phượng Ngài trong Thần Khí và Sự Thật, nghĩa là phát xuất tự đáy lòng: “Lời kinh của ta có được nhận lời hay không, không tùy thuộc ở số lượng, mà tùy thuộc vào nhiệt tình của tâm hồn”. (Gioan Kim Khẩu).

b. Trí nguyện (bằng suy niệm)

“Tôi sẽ cầu nguyện với tấm lòng, nhưng cũng cầu nguyện với trí khôn nữa” (1Cr 14,15). Để suy niệm phải vận dụng trí tuệ, trí tưởng tượng, cảm xúc, ước muốn, với chủ đích đào sâu đức tin, hoán cải con tim và quyết tâm theo Chúa. Ngoài những yếu tố khác, thì Lời Chúa là chủ yếu giúp ta đi vào suy niệm. Suy niệm là đem những điều mình đọc đối chiếu với bản thân và cuộc sống, đồng thời đi vào sự hiệp thông với Chúa Kitô trong tình yêu.

c. Tâm nguyện (bằng chiêm niệm)

Chiêm niệm là đỉnh cao của cầu nguyện, trong sự kết hiệp mất thiết với Chúa trong tình yêu: “Tôi nhìn Chúa và Chúa nhìn tôi”. Cái nhìn chiêm ngưỡng của trái tim đầy lòng yêu mến; cái nhìn không ý đồ, khiến ta quên đi chính mình, không còn muốn níu giữ điều gì ngoài một mình Chúa. Đó là cảm nhận hạnh phúc được ở bên Đấng mà mình luôn tìm kiếm và khao khát.

“Chiêm niệm chẳng là gì khác hơn sự chia sẻ thân tình giữa hai người bạn, là thường xuyên dành thời gian ở lại một mình với Đấng mà Ta biết là Ngài yêu thương ta” (Têrêsa Avila). Tình yêu ấy không quá mang nặng cảm tính theo từng lúc nhưng chủ yếu là vẫn luôn trung thành trong mọi lúc khó khăn và thử thách. Không phải lúc nào cũng có thể suy gẫm tốt, nhưng lúc nào cũng có thể chiêm ngắm Chúa ở ngay trong lòng mình: một tấm lòng khao khát được chìm sâu trong Chúa. “Cách thế duy nhất để cầu nguyện liên lỉ là lòng khao khát. Lòng khao khát liên tục cũng chính là lời kinh nguyện triền miên” (Augustinô).

Phân biệt ba hình thức trên để ta biết vận dụng từng khả năng để đi vào cầu nguyện, nhưng trong thực tế cả ba thường luôn hòa hợp với nhau làm một. Vì cầu nguyện là đi vào cuộc gặp gỡ Thiên Chúa bằng tất cả con người của mình: linh hồn, trí khôn, thân xác, và để cuộc gặp gỡ ấy chi phối toàn bộ cuộc đời ta.

5. Tiến bước trong cầu nguyện

Cầu nguyện không chỉ là một bộc phát nội tâm hay những kiến thức bên ngoài, mà còn đòi hỏi phải suy gẫm, nghiền ngẫm, học hỏi và cảm nghiệm những thực tại thiêng liêng. Đó là điều mà chính Chúa Thánh Thần sẽ dạy dỗ, mở lòng, soi sáng cho chúng ta trong cầu nguyện. Phần chúng ta là luôn trung thành và nỗ lực không ngừng để tìm hiểu, khám phá và đi sâu vào cầu nguyện.

Cầu nguyện là một tiến trình lâu dài và chậm rãi. Theo ngày tháng, người ta có kinh nghiệm gặp Chúa hơn trong cầu nguyện. Chẳng ai dám nói mình biết cầu nguyện (thâm sâu và hữu hiệu), vì chẳng ai có thể nắm bắt Chúa theo một số cách thức nào đó. Tất cả đều hệ tại vào lòng khao khát của ta và ân ban của Chúa (x. Rm 8, 26-27). Vì thế, mà cứ phải xin Chúa Giêsu dạy cho ta biết cách cầu nguyện như các tông đồ xưa (x. Lc 11, 1).

Theo Thánh Augustinô, con người đã được tạo dựng cho sự cao cả, cho chính Thiên Chúa. Tuy nhiên, tâm hồn con người thì quá nhỏ bé so với sự cao cả đó, nên cần được mở rộng ra. Cầu nguyện chính là làm cho trái tim ta “giãn nở”, rộng mở để có thể đón nhận chính Chúa. Bởi vậy “Khi trì hoãn [ban ân huệ], Thiên Chúa củng cố lòng muốn của chúng ta; qua lòng muốn Ngài nới rộng linh hồn chúng ta và khi mở rộng, Ngài gia tăng sức chứa của nó [để đón nhận Ngài]”. Augustinô đã sử dụng một hình ảnh rất đẹp để mô tả tiến trình mở rộng và chuẩn bị tâm hồn con người như sau:

a. Đổ bỏ cái cũ để tiếp nhận cái mới: “Giả dụ Thiên Chúa muốn lấp đầy tâm hồn bạn bằng mật ong [một biểu tượng về sự dịu dàng và lòng tốt của Thiên Chúa]; nhưng nếu lòng bạn đầy dấm chua, bạn đổ mật ong vào nơi nào?”

Đức Bênêđíctô XVI giải thích rằng, tâm hồn ta trước tiên phải được nới rộng và sau đó rửa sạch, không còn dấm và mùi vị của nó nữa. Điều đó đòi phải làm việc cật lực và gây đau đớn, nhưng chỉ theo cách ấy thì chúng ta mới có khả năng đón nhận và chứa đựng Thiên Chúa, đồng thời mở rộng lòng tiếp nhận mọi người. Điều đó cho ta hiểu rằng, cầu nguyện không phải là đi ra khỏi lịch sử và rút lui vào góc hạnh phúc riêng mình, nhưng là trải qua một tiến trình thanh luyện bên trong. Sự thanh luyện đó mở lòng ta ra với Thiên Chúa và với tha nhân.

b. Thanh luyện lương tâm để lắng nghe sự Thiện: Trong cầu nguyện ta phải biết điều ta có thể xin Thiên Chúa - điều xứng đáng với Thiên Chúa. Ta không thể cầu nguyện chống lại người khác, cũng như không thể cầu xin những điều nông cạn và những tiện nghi như mình mong muốn, vì niềm hy vọng nghèo nàn, giả tạo dẫn ta xa lìa Thiên Chúa. Phải biết thanh luyện ước muốn và khát vọng của mình, cũng như phải biết tự giải thoát khỏi những giả dối ẩn khuất gây nên thất vọng. Thiên Chúa thấy rõ chúng, và khi ta đến trước mặt Chúa, chúng ta cũng bị bắt buộc nhận ra chúng. Vịnh gia đã cầu nguyện: “Nhưng nào ai thấy rõ lầm lỗi mình? Xin Ngài tha các tội con phạm mà chẳng hay” (Tv 19,12 ).

Thất bại trong việc nhìn nhận lầm lỗi của mình, ảo tưởng về sự vô tội của mình không làm tôi nên công chính và không giải thoát tôi. Nếu Thiên Chúa không hiện hữu, có lẽ tôi cần tìm nơi trú ẩn trong những lọc lừa ấy, bởi vì không ai có thể tha thứ cho tôi; không ai là tiêu chuẩn đích thực. Tuy nhiên sự gặp gỡ với Thiên Chúa thức tỉnh lương tâm của tôi, vì nó không còn nhắm đến sự công chính hoá bản thân, không còn là một suy nghĩ đơn thuần của tôi và của những người đương thời đang uốn nắn suy nghĩ của tôi, nhưng nó trở thành một khả năng lắng nghe chính sự Thiện.

6. Những trở ngại và khó khăn trong việc cầu nguyện

Cầu nguyện là một hồng ân của Thiên Chúa, nhưng luôn đòi hỏi một sự đáp trả quyết liệt. Bước vào đời cầu nguyện là bước vào cuộc chiến đấu: chiến đấu với chính mình, với dư luận chung quanh, và nhất là chiến đấu chống lại Tên Cám Dỗ muốn tìm mọi cách để ta không còn muốn cầu nguyện nữa.

a. Những trở ngại.

Trước hết là những quan niệm sai lạc về cầu nguyện. Có người cho đó chỉ là hoạt động tâm lý đơn thuần, hay chỉ là nỗ lực tập trung tư tưởng để đạt tới trạng thái chân không thanh tịnh. Vẫn có những Kitô hữu coi cầu nguyện như là chuyện phụ thuộc, thậm chí còn mất giờ và cảm thấy vô ích. Tất cả đều bộc lộ một thiếu sót cơ bản là họ quên rằng, cầu nguyện không chỉ là việc của con người, nhưng còn là của Thánh Thần Thiên Chúa.

Thêm vào đó là những não trạng của thời đại chi phối như: não trạng duy lý và thực nghiệm; não trạng sản xuất và tiêu thụ; não trạng dựa vào giác quan và tiện nghi như tiêu chuẩn để đánh giá Chân Thiện Mỹ; Não trạng duy hoạt động; và cuối cùng là những thất bại trong đời cầu nguyện vì thấy không đưa tới đâu.

Để vượt qua những trở ngại trên, cần phải khiêm tốn, kiên nhẫn và tín thác vào Chúa.

b. Những khó khăn.

Nỗi khó khăn thường gặp là sự chia trí, thiếu tập trung vào lời cầu nguyện và vào Đấng mà mình phải hướng tới. Sự chia trí cho thấy tâm hồn mình đang nghiêng chiều và gắn bó với cái gì. Muốn vượt qua khó khăn này, cần tỉnh thức nhận diện vấn đề mà mình đang mắc phải để khiêm tốn quay về với Chúa, và tin rằng Chúa đang đến với ta trong lúc này để sẵn sàng đón tiếp Ngài.

Nỗi khó khăn khác là tình trạng khô khan, không cảm thấy được niềm an ủi và dịu ngọt trong cầu nguyện. Đây là thách đố thiêng liêng cần phải kiên trì vượt qua với Chúa Giêsu hấp hối và chịu mai táng trong mồ, để tin rằng hạt lúa có bị chôn vùi và thối đi thì mới sinh nhiều bông hạt ( x. Ga 12, 24).

Cơn cám dỗ thường xuyên là thiếu đức tin. Ta có thể làm rất nhiều việc đạo đức, rất hăng say và nhiệt thành trong việc tông đồ, nhưng ẩn khuất bên trong là sự thiếu vắng đức tin chân thật, thiếu lòng khiêm tốn sâu xa để nhận ra rằng: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5).

Có thể là sự nguội lạnh, một hình thức lười biếng thiêng liêng phát sinh từ sự buông thả không tỉnh thức và lơ là chểnh mảng việc đạo đức. Cần thay đổi lối sống và bắt đầu lại trong ơn thánh Chúa.

7. Hiệu quả đời sống cầu nguyện

Biến đổi đời sống nên giống Chúa hơn là kết quả của cầu nguyện hằng ngày. Biến đổi một phần, biến đồi dần dần hay biến đổi tận căn thì còn tùy thuộc ơn thánh và lòng khao khát chìm sâu trong Chúa. Dù sao, cầu nguyện vẫn luôn là một cuộc hành trình tìm kiếm, gặp gỡ và khám phá không ngừng Đấng ở trong ta, nhưng cũng là Đấng ở trong mọi sự, nơi mọi người.

Cầu nguyện không phải để có được điều gì, nhưng là để sống với điều gì mình đang có; cũng không phải để trở nên điều mình mong ước, nhưng là mong ước điều mình sẽ trở nên. Việc cầu nguyện đích thực không bao giờ trông mong kết quả. Vì trong cầu nguyện chính Chúa mới là Đấng có thật, và là Đấng làm nên tất cả, không phải như ta mong, nhưng như Ngài muốn.

Đừng coi Chúa như là người đứng đó để ban phát mọi thứ ơn, nhưng là Đấng khao khát ta trước khi ta khao khát Ngài. Cầu nguyện là để học sống với sự hiện diện của Chúa, để thấm nhập sự hiện diện này vào trong trong lòng cho đến khi ta chìm sâu trong thinh lặng hoàn toàn, và cảm thấy sự hiện diện của Chúa lấp đầy lòng ta.

Kết quả là tâm hồn an vui, con tim đầy tình yêu mến, trí óc được thông thoáng và chiếu sáng, phấn khởi đi vào cuộc sống dấn thân phục vụ bằng sự hiện diện khiêm tốn, cảm thông, chia sẻ, và trở nên thân cận với mọi người. Cầu nguyện như vậy giúp ta dần dần xóa đi cái “tôi” cứng cỏi, mang nặng hư danh và ảo tưởng, để thay vào đó sự hiện diện tràn đầy của Chúa trong tâm tình, tư tưởng và lối sống, nghĩa là để cho Chúa được thành hình và lớn lên trong ta, cho ta được bước vào chính Sự Sống.

Cầu nguyện như vậy giúp ta đặt hy vọng vào Chúa, không còn quá hy vọng vào mình hay vào những công việc của mình. Nên nhớ rằng, ngay cả cái tốt cũng có thể làm quả tim ta chai cứng và tắc nghẽn, nhất là khi ta làm việc tốt không phải vì nó tốt, nhưng vì nó đem đến danh thơm tiếng tốt, khiến ta tự mãn và cảm thấy an toàn. Lúc đó, ta tin vào mình chứ không tin vào Chúa.

Chỉ có cầu nguyện đích thực mới giúp ta bước ra khỏi con người dầy đặc chính mình, không buông mình vào những tự mãn thiêng liêng, không cho mình là người Chúa chọn riêng, không mong có được tài năng hay đức độ sâu rộng, không tìm cách thể hiện mình dưới mọi góc độ của cuộc sống, cũng không chứng minh nơi mình điều chi hết. Đơn giản một điều là làm những gì phải làm, nhất là làm sao để đắm mình trong sự hiện diện của Chúa cho tới khi tất cả trở nên trong Chúa, hay Chúa trở nên tất cả.

Vì thế, không thể dựa vào một số điều gì đó để khẳng định về bản thân mình. Mọi khẳng định như thế đều là đánh lừa mình. Sự khẳng định nào cũng phải qui hướng về Chúa để có thể phủ bỏ cái tôi ưa chiếm đoạt của mình. Ta không phải là những gì ta đạt được hay chiếm được, mà chỉ là những gì ta đón nhận thôi. Bao lâu ta còn mãi quanh quẩn có khẳng định mình, hoặc để người khác khẳng định mình, thì ta vẫn còn mù quáng đối với Đấng đã yêu ta trước, Đấng vẫn đang ở trong lòng ta, và đang thực sự là bản ngã đích thật của ta.

Thiên Chúa thì bừng cháy, sung mãn hơn tất cả mọi sự. Không thể tìm kiếm mình nơi những gì bên ngoài Chúa, vì tất cả đều thô thiển, tạm bợ và quá nhỏ nhen. Chúng không thể khỏa lấp một tâm hồn khao khát sự sống đích thực là chính Chúa. Nói thế cũng không có nghĩa là đi tìm mình nơi Thiên Chúa, mà là tìm Chúa nơi chính mình, Đấng mà nhờ Ngài ta hiện hữu và sống phong phú. Trong đời sống cầu nguyện, cái tuyệt đối mà ta đi tìm chỉ duy nhất là Chúa.

Chính trong sự tịnh tâm để chìm sâu trong Chúa mà ta nhận ra con người thật của mình, để ta không còn bị lệ thuộc vào lời khen tiếng chê của những người chung quanh, và càng được tự do để hành động trong tình yêu mà Chúa đã yêu ta. Ta không còn lo sợ trước những phê phán của người đời và ngay cả những người có “bề thế” bên cạnh ta, vì trong cầu nguyện ta dần dần nhận ra rằng, giá trị đích thực của ta là ở nơi Chúa. Ta không mong tìm được vị thế hay tốt đẹp trước mặt người khác, nhưng chỉ mong được hòa nhập và bén rễ sâu trong Đấng đã làm cho ta hiện hữu.

Chỉ trong cầu nguyện ta mới nhận ra rằng, mình không thuộc về thế gian này: một thế gian xây dựng trên những tiêu chuẩn tạm bợ, những ước lệ nông cạn và tình cảm nông nổi của con người nay còn mai mất, chứ không đặt trên nền tảng là Thiên Chúa, Đấng sẽ thâu hóa mọi sự, và mọi sự phải kết thúc trong Ngài. Quả thật, cầu nguyện là chết đi đối với thế gian này để ta có thể sống cho Thiên Chúa cách trọn vẹn. Chính nhờ cầu nguyện mà ta được nâng lên sự sống vĩnh cửu của Đấng Hằng Hữu muôn đời.

Việc sống đời cầu nguyện đem lại niềm hy vọng và bình an cho ta biết bao giữa cuộc đời đầy những nhiễu nhương, đổi thay, lo âu và bất trắc. Đức Bênêđíctô XVI đã nói lên điều đó như sau:

“Khi không còn ai lắng nghe tôi nữa, Chúa vẫn nghe tôi. Khi tôi không còn có thể tâm sự hay kêu cầu được với ai, tôi luôn luôn có thể thưa với Chúa. Khi không còn ai giúp tôi biết xử sự thế nào trước nhu cầu hay mong đợi vượt quá khả năng hy vọng của con người, Chúa có thể giúp tôi. Dù tôi bị đắm chìm ngập lụt trong cô liêu hoàn toàn...; nếu tôi cầu nguyện thì tôi không bao giờ hoàn toàn đơn côi”.

Đức Thánh Cha còn nêu lên trường hợp cụ thể của Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận, bị 13 năm tù đầy, trong một tình trạng hầu như tuyệt vọng hoàn toàn, nhưng nhờ việc ngài có thể lắng nghe và chuyện vãn với Chúa đã trở nên một sức mạnh hy vọng ngày càng gia tăng, khiến ngài sau khi ra khỏi tù, đã trở nên một chứng nhân hy vọng cho mọi người trên toàn thế giới – chứng nhân của một niềm hy vọng lớn lao không tàn lụi ngay cả trong những đêm tối của cô đơn.

“Cầu nguyện là sự hô hấp của tâm hồn” (Martino). Khi không còn ham muốn cầu nguyện nữa là dấu chỉ của một tâm hồn suy giảm sự sống. Sự chết chỉ có thể hoành hành nơi những ai đã đánh mất đời cầu nguyện.

Tâm hồn cũng chỉ được nuôi dưỡng, lớn lên và sống trong sự an toàn nhờ cầu nguyện. Chính vì vậy mà “Sự cầu nguyện là thành lũy lớn nhất của tâm hồn” (Augustino). Trong thành lũy đó chất chứa “sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Cv 13, 52). Tương lai của thành lũy đó là chính Đức Kitô: là niềm vui bất tận và sự sống sung mãn muôn đời cho ta trong Thiên Chúa (x. Ga 10, 28).

Lạy Chúa!
Cuộc sống con sẽ đi về đâu nếu từng ngày đời con vắng Chúa?
Bao công việc con làm có ý nghĩa gì nếu lòng con xa Chúa?
Bao điều con đạt được có giá trị gì nếu tâm con thiếu Chúa?
Bao điều con hiểu biết có ích chi nếu trí con bên ngoài Chúa?
Bao điều con tìm kiếm có lợi gì nếu bản thân con không gặp Chúa?
……………………………………………………………..?

Tất cả chỉ là trống rỗng nếu không có Chúa ở trong con.
Mọi cái chỉ là hư vô nếu con không ở trong Chúa.
Ai sẽ cứu độ con ngoài một mình Chúa?

Lạy Chúa!
Một mình Chúa con mãi đợi trông…
Một mình Chúa luôn khát mong…
Tâm hồn con tháng năm mỏi mòn…
Như đất đai khô cằn trông trời mưa rơi.
Mỗi ngày xin cho con biết đặt mình bên cạnh Chúa, được sống với Chúa, được nhìn ngắm Chúa, được lắng nghe tiếng Chúa, được gặp gỡ Chúa, và được chìm sâu trong Chúa, Đấng cứu độ con. Amen.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:44 10/08/2009
HOA BÌM BÌM KHIÊM TỐN

N2T


Hoa bìm bìm kể lể với Đấng tạo hóa:

- “Cây Bông Gạo cao to anh tuấn, dung mạo xuất chúng; hoa Dành Dành học vấn uyên thâm, tài cao bá cháy; cây Phượng Hoàng nhiệt tình không chấp vặt, duyên dáng cực đẹp.v.v...những cái ưu điểm ấy con không thể bì nổi”.

Hoa bìm bìm rủ mặt xuống, nén giọng thấp, nói: “Sở trường duy nhất của tôi là: tôi rất khiêm tốn”.

(Trích: Truyện đồng thoại dành cho người lớn)

Suy tư:

Có người luôn ao ước cái này cái nọ nhưng không được; có người suốt đời cứ phân bì mình với anh em chị em mà không bắt tay vào làm cái gì cả.

Thấy cái hay cái tốt của người ta mà thèm.

Nhìn sự giàu có người khác mà ước mơ.

Nhưng cuối cùng ước mơ không thành thì lại tự mình an ủi mình: thôi như thế này cũng được rồi.

Nếu ngay từ đầu mà nói được như thế thì làm được bao nhiêu là việc, vì khi ta chấp nhận cuộc sống hiện tại, là ta đã nỗ lực canh tân tâm hồn ta được một nửa, phần còn lại là bắt tay vào thực hành.

Các thánh nam nữ trên thiên đàng đều làm như thế khi các ngài còn ở dưới thế gian này.

-----------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:45 10/08/2009
N2T


22. Một chút cần thiết cũng không nên ảnh hưởng đến sự hoàn mỹ của bản thân chúng ta, nhưng nên đem tất cả những thứ ấy quy về Thiên Chúa.

(Thánh Thánh Francis de Sales)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:47 10/08/2009
N2T


194. Đời sống của con người rất ngắn, nhưng nếu sống qua đời sống này cách thấp hèn, thì nó quả là dài.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Khi khước từ Thiên Chúa, con người biến cuôc sống trần gian thành hỏa ngục.
Linh Tiến Khải
15:04 10/08/2009
Các trại tập trung đức quốc xã là biểu tượng tột cùng của sự dữ và chủ thuyết hư vô ngày nay chứng minh cho thấy các nguy cơ con người gặp phải khi lãng quên Thiên Chúa. Nhưng các thánh, đặc biệt là các thánh tử đạo, chứng minh cho thấy tình yêu thương của Thiên Chúa chiến thắng sự dữ và cái chết.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trước 4000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin chung trong sân nhà nghỉ mát và ở quảng trường thành phố Castel Gandolfo trưa Chúa Nhật 9-8-2009.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã nhắc tới một số gương mặt các thánh mà phụng vụ giáo hội kính nhớ trong các ngày này và nói: Ngoại trừ trinh nữ Chiara thành Assisi, là người có lòng yếu mến Chúa nồng nhiệt trong cuộc sống dâng hiến thường ngày của đời cầu nguyện và cuộc sống cộng đoàn, các thánh khác là các vị tử đạo, trong đó có hai vị bị giết chết trong trại tập trung Auschwitz: đó là thánh nữ Terexa Được chúc phúc của Thập Gía tức Edith Stein và thánh Massimiliano Kolbe. Thánh Edith Stein là người đã sinh ra trong lòng tin do thái, bị Chúa Kitô chinh phục vào tuổi trưởng thành, trở thành nữ tu dòng kín Cát Minh và đóng ấn cuộc đời mình với việc tử đạo. Còn thánh Massimiliano Kolbe là người con của nước Ba Lan và của thánh Phanxiô thành Assisi và là vị tông đồ lớn của Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Thế rồi chúng ta cũng gặp thấy các gương mặt rạng ngời khác của các vị tử đạo của Giáo Hội Roma như thánh Giáo Hoàng Ponziano, thánh Hippolito Linh Mục, thánh Lorenzo Phó Tế. Giáo Hội đề nghị với chúng ta các mẫu gương thánh thiện tuyệt diệu biết bao nhiêu! Các vị thánh này là chứng nhân của lòng mến, yêu thương”cho tới cùng” và không chú ý đến sự dữ phải chịu, nhưng chiến đấu chống lại nó bằng sự thiện (x. 1 Cr 13,4-8). Từ các vị chúng ta - đặc biệt là các linh mục - chúng ta có thể học hỏi được sự anh hùng của Tin Mừng thôi thúc chúng ta không sợ hãi trao ban sự sống cho phần rỗi của các linh hồn. Tình yêu chiến thắng cái chết!

Đức Thánh Cha nêu bật ý nghĩa chứng tá của các thánh và các vị tử đạo của Giáo Hội như sau: Tất cả các thánh - đặc biệt là các vị tử đạo - là các chứng nhân của Thiên Chúa là Tình Yêu: Deus caritas est. Các trại tập trung đức quốc xã cũng như mọi trại tù hủy diệt có thể được coi như biểu tượng tột cùng của sự dữ, của hỏa ngục mở ra trên trái đất này, khi con người lãng quên Thiên chúa và thay thế Ngài, bằng cách tiếm quyền quyết định điều gì là thiện điều gì là ác, trao ban sự sống hay trao ban cái chết. Nhưng rất tiếc là hiện tượng đáng buồn này không chỉ hạn hẹp trong các trại tập trung. Nói đúng hơn chúng chỉ là chóp đỉnh của của một thực tại rộng rãi và phổ quát hơn nhiều, thường khi có các biên giới vượt thoát tầm nhìn của chúng ta.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Các thánh, mà chúng ta vừa nhắc tới một cách vắn tắt trên đây, khiến cho chúng ta suy tư về các khác biệt sâu xa giữa thuyết nhân bản vô thần và thuyết nhân bản kitô. Nó là một phản đề dọc dài toàn lịch sử nhân loại, nhưng vào cuối ngàn năm thứ hai, với thuyết hư vô hiện đại, nó đã đạt một diểm định đoạt, như nhiều nhà văn và tư tưởng gia đã nhận thức ra, và như các biến cố xảy ra đã minh chứng một cách rộng rãi. Một đàng, có các triết thuyết và ý thức hệ, và các kiểu suy tư hành xử ngày càng đề cao sự tự do như nguyên lý duy nhất của con người, như khả năng quyết định, thay thế cho Thiên Chúa, và như thế biến con người thành một thiên chúa, nhưng là một thiên chúa sai lầm lấy khả năng quyết định làm hệ thống hành xử riêng của mình. Đàng khác, chúng ta có các thánh, là những người khi thực thi Tin Mừng yêu thương, trao ban lý do cho niềm hy vọng của mình. Các vị cho thấy gương mặt đích thật của Thiên Chúa là Tình Yêu, và đồng thời, cho thấy gương mặt đích thật của con người, được tạo dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa.

Kết luận bài huấn dụ Đức Thánh Cha mời gọi mọi người như sau: Anh chị em thân mến chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, để Mẹ giúp tất cả mọi người - trước hết là các linh mục - trở nên thánh như các chứng nhân anh hùng của lòng tin và lòng hy sinh cho tới chỗ tử đạo. Yêu thương trong sự thật: đó là cách thức duy nhất cống hiến một câu trả lời đáng tin cậy và rốt ráo cho các phản bác nhân bản và tinh thần đang khơi dậy cuộc khủng hoảng sâu rộng trong thế giới ngày nay.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người. Rồi ngài chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Bằng tiếng Ba Lan Đức Thánh Cha đặc biệt chào những ai trong tháng 8 này đi hành hương Đền Thánh Đức Bà Jasna Gora và các Trung Tâm Thánh Mẫu khác.
 
Say mê Chúa Kitô để chống lại chủ thuyết duy lý và duy tương đối
Linh Tiến Khải
15:06 10/08/2009
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã mời gọi các linh mục noi gương thánh bổn mạng Gioan Maria Vianney Cha sở họ Ars, say mê Chúa Kitô để chống lại chủ thuyết duy lý và duy tương đối đang hành khổ con người.

Đức Thánh Cha đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến chung hơn 4.000 tín hữu và du khách hành hương tại nhà nghỉ mát Castel Gandolfo sáng thứ tư 5-8-2009. Vì sân nhà nghỉ mát chỉ có 2.000 chỗ nên số người còn lại phải đứng ngoài quảng trường phía trước nhà nghỉ mát.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã gợi lại vài nét trong cuộc đời của thánh Gioan Maria Vianney, cha sở họ Ars, bổn mạng các linh mục, mà Giáo Hội mới mừng kính 150 năm qua đời ngày mùng 4 tháng 8 vừa qua. Đức Thánh Cha nói:

Gioan Maria Vianney chào đời ngày mùng 8 tháng 5 năm 1786 trong một gia đình nghèo vật chất nhưng giầu nhân bản và lòng tin. Theo thói quen thời đó chú bé được rửa tội trong cùng ngày. Suốt cả tuổi thơ và thời niên thiếu Gioan Maria Vianney sống và làm các công việc khiêm tốn ngoài đồng và chăn đàn vật, vì thế năm lên 17 tuổi mà vẫn mù chữ.

Nhưng cậu thuộc lòng các kinh nguyện mẹ dậy, và dưỡng nuôi mình bằng bầu khí đạo hạnh trong gia đình. Gioan Maria Vianney muốn trở thành linh mục và đã đạt ước nguyện sau biết bao nhiêu khó khăn, hiểu lầm và nhờ sự trợ giúp của các linh mục khôn ngoan nhận ra sự thánh thiện đặc biệt của người. Sau bao nhiêu nghi nan, thất bại và nước mắt, năm 1815 thầy Gioan Maria Vianney được lãnh chức Phó Tế và năm sau đó được thụ phong linh mục để hạnh phúc bước lên bàn thờ Chúa và hiện thực mộng ước cuộc đời mình.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nhấn nạnh rằng cha Vianney rất coi trọng chức linh mục. Cha thừờng nói: ”Ôi, chức linh mục lớn lao biết bao! Người ta chỉ hiểu biết nó thật sự khi lên Trời... nếu trên trái đất này mà hiểu được nó thì người ta sẽ chết mất, không phải vì hoảng sợ nhưng vì yêu mến” (Abbé Monnin, Esprit du Curé dÀrs, tr. 113). Ngay từ ngày còn bé Vianney đã tâm sự với mẹ: ”Nếu con là linh mục, con sẽ chinh phục nhiều linh hồn” (Abbé Monnin, Procès de l'ordinaire, tr. 1064). Và qủa thế, cha xứ vô danh của một làng quê hẻo lánh miền nam nước Pháp đã sống làm một với chức thừa tác của mình đến độ trở thành một Chúa Kitô khác, một cách hữu hình và phổ quát, một hình ảnh của Chúa Chiên Lành hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên (x. Ga 10,11).

Cuộc sống của thánh nhân đã là một bài giáo lý sống động, đặc biệt hữu hiệu, khi người dân thấy người cử hành Thánh Lễ, dừng lại trước Nhà Tạm hay ngồi lâu giờ trong tòa giải tội. Như thế, trung tâm cuộc sống của thánh nhân là Thánh Thể, mà người cử hành và thờ lậy với lòng đạo đức và kính trọng. Nét đặc thù khác trong gương mặt linh mục ngoại thường của người là thừa tác giải tội. Người nhận ra trong bí tích sám hối việc thành toàn có luận lý và tự nhiên của nhiệm vụ linh mục, vâng theo lênh truyền của Chúa Kitô: ”Chúng con tha tội cho ai, thì người ấy được tha, chúng con cầm buộc ai thì người ấy bị cầm buộc” (x. Ga 20,23). Thánh Gioan Maria Vianney đã là một cha giải tội và bậc thầy thiêng liêng tuyệt vời và không mệt mỏi. Từ bàn thờ ngài bước sang tòa giải tội, và ngồi tòa cả ngày để qua lời giảng dậy và khuyên răn, tìm cách làm cho tín hữu nhận ra ý nghĩa và vẻ đẹp của bí tích sám hối, bằng cách cho thấy nó là một đòi buộc thân tình của Sự Hiện Diện Thánh Thể.

Các phương thế mục vụ của thánh Gioan Maria Vianney xem ra ít thích hợp với các điều kiện xã hội và văn hóa thay đổi ngày nay. Nếu có đúng thật là thời thế đã thay đổi và con người có nhiều đặc sủng khác nhau, thì cũng có một kiểu sống và một khát vọng thâm sâu mà mọi người đều được kêu mời vun xới. Nhìn kỹ ra thì điều làm cho cha sở họ Ars nên thánh đó là sự trung thành khiêm tốn của người với sứ mệnh mà Chúa đã mời gọi người thực hiện: đó là sự phó thác liên lỉ, tràn đầy tin tưởng nơi bàn tay của Chúa Quan Phòng. Ngài đánh động được con tim của con người không phải bằng các khả năng của phàm nhân, cũng không phải nhờ sự dấn thân của ý chí. Người chinh phục các linh hồn, kể cả các linh hồn chai lì nhất, bằng cách thông truyền cho họ điều người sống một cách thân thiết, đó là tình bạn với Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha khai triển điểm này như sau:

Thánh nhân say mê Chúa Kitô, và bí quyết đích thật sự thành công mục vụ của người đã là tình yêu của người đối với Mầu Nhiệm Thánh Thể được loan báo, cử hành và sống. Chứng tá của người nhắc nhớ cho chúng ta biết rằng đối với mỗi một tín hữu được rửa tội và còn hơn thế nữa đối với mỗi một linh mục, Thánh Thể không chỉ đơn thuần là một biến cố với hai nhân vật, một cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và tôi. Sự hiệp thông thánh thể hướng tới một biến đổi hoàn toàn cuộc sống. Nó mở rộng toàn cái tôi của con người và tạo ra một chúng tôi mới” (Joseph Ratzinger, La Communione nella Chiesa, tr. 80)

Như thế không được giản lược gương mặt của thánh Gioan Maria Vianney vào một mẫu gương của nền tu đức thế kỷ XVIII, cho dù là một mẫu gương đáng ca tụng đi nữa. Trái lại, cần phải tiếp nhận được sức mạnh ngôn sứ nơi con người nhân bản và linh mục của thánh nhân. Trong nước Pháp thời hậu cách mạng sống kinh nghiệm một loại ”độc tài của chủ trương duy lý” nhằm xóa bỏ chính sự hiện diện của các linh mục và Giáo Hội giữa lòng xã hội, trong các năm thời niên thiếu thánh nhân đã sống một tình trạng lén lút anh hùng, bằng cách liều chết đi bộ nhiều cây số ban đêm để tham dự Thánh Lễ. Rồi sau khi làm linh mục, người đã có một sáng kiến mục vụ đặc thù và phong phú chứng minh rằng chủ thuyết duy lý thống trị khi đó thực ra không thỏa mãn được các nhu cầu đích thật của con người và vì thế rốt cuộc nó không thể sống được.

150 năm đã trôi qua kể từ khi Cha thánh họ Ars qua đời, các thách đố của xã hội ngày nay cũng đòi buộc các linh mục dấn thân không kém thời của thánh nhân. Trái lại có lẽ chúng còn phức tạp hơn. Nếu hồi đó có ”sự độc tài của chủ trương duy lý”, thì trong thời đại ngày nay trong nhiều môi trường người ta cũng ghi nhận ”sự độc tài của chủ trương duy tương đối”. Cả hai đều là những câu trả lời không thích hợp cho vấn nạn chính đáng của con người trong việc dùng trọn vẹn lý trí riêng của mình như yếu tố phân biệt và tạo thành căn tính riêng của con người.

Chủ trương duy lý không thích hợp, vì nó đã không chú ý tới các hạn hẹp của con người và yêu sách nâng cao lý trí lên trên mọi sự và biến nó thành một nữ thần. Còn chủ trương duy tương đối ngày nay thì lại hành khổ lý trí, vì nó đi tới chỗ khẳng định rằng con người không thể hiểu biết gì một cách chắc chắn ngoài lãnh vực khoa học thực nghiệm. Nhưng ngày nay cũng như thời đó, con người ”ăn mày ý nghĩa và sự thành toàn” luôn kiếm tìm các câu trả lời thỏa đáng trọn vẹn cho các vấn nạn nền tảng, mà nó không ngừng đặt ra.

Các Nghị Phụ Công Đồng Chung Vaticăng II đã nghĩ tới ”nỗi khát khao sự thật đó” bừng cháy trong con tim của từng người, khi khẳng định rằng các linh mục là ”những nhà giáo dục lòng tin” có nhiệm vụ đào tạo ”một cộng đoàn Kitô đích thật”, có khả năng rộng mở ra cho tất cả mọi người con đường dẫn đưa tới Chúa Kitô, và thực hành cử chỉ làm mẹ đối với họ, bằng cách chỉ cho người không tin ”con đường dẫn tới Chúa Kitô và Giáo Hội Ngài”, và là một khích lệ, dưỡng nuôi và nâng đỡ đối với người đã tin trong cuộc chiến tinh thần” (Presbyterorum ordinis, 6).

Giáo huấn của Cha thánh họ Ars cho thấy linh mục phải là người có được sự kết hiệp thân tình với Chúa Kitô, vun trồng và làm cho nó lớn lên mỗi ngày. Chỉ như thế mới có thể đánh động được con tim của con người và rộng mở họ cho tình yêu thương xót của Chúa. Và chỉ như thế linh mục mới có thể trao ban niềm hăng say và sức sinh động tinh thần cho các cộng đoàn Chúa trao phó. Chúng ta hãy cầu nguyện để, qua lời bầu cử của thánh Gioan Maria Vianney, xin Chúa ban cho Giáo Hội các linh mục thánh thiện, và để cho tín hữu ước mong nâng đỡ và trợ lực các ngài trong sứ vụ linh mục.

Sau khi chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, đặc biệt là các bạn trẻ sẻ tham dự đại hội tình bạn các dân tộc diễn ra tại Rimini trung Italia trong các ngày 23-29 tháng 8, và cầu chúc họ mùa hè vui khỏe, Đức Thánh Cha đã ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
 
''Thuyết nhân bản Kitô giáo'' hoàn toàn khác biệt với ''Thuyết nhân bản vô thần''
Nguễn Hoàng Thương
16:16 10/08/2009
"Thuyết nhân bản Kitô giáo" hoàn toàn khác biệt với "Thuyết nhân bản vô thần"

Castel Gandolfo (AsiaNews) – Nhắc lại một số vị thánh sẽ được tưởng nhớ trong vài tuần sắp tới, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI khẳng định rằng họ làm chứng cho "Thuyết nhân bản Kitô giáo" vốn hết sức khác biệt với "Thuyết nhân bản vô thần".

Đức Thánh Cha đặc biệt nhắc đến hai Thánh tử đạo Maximilian Kolbe và Edith Stein: Quả thật các vị thánh là nhân chứng của "phản đề dọc theo chiều dài lịch sử, nhưng vào cuối thiên niên kỷ thứ hai, với chủ thuyết hư vô đương thời, chúng ta đã đi đến một giai đoạn then chốt, như là các nhà văn lớn và các nhà tư tưởng lớn đã nhận biết, và như các sự kiện đã chứng minh một cách đầy đủ".

Đức Thánh Cha giải thích: Thánh Edith Stein đã được "sinh ra trong đức tin Do Thái và khi ở độ tuổi trưởng thành đã bị Chúa Kitô chinh phục, ngài đã trở thành một nữ tu dòng kín Cát Minh và ghi dấu đời mình bằng việc tử đạo", Thánh Maximilian Kolbe, là một "người con của đất nước Ba Lan và của Thánh Phanxicô Assisi, là một vị Tông Đồ lớn của Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội". Cả hai là những người tử vì đạo trong trại tập trung Auschwitz. Ngài nói thêm: "Các tập trung của Đức quốc xã cũng như bất kỳ trại tập trung hủy diệt nào, có thể được coi là biểu tượng tột cùng của sự ác, của địa ngục đến cho trần gian khi mà con người lãng quên Thiên Chúa, và khi Ngài bị thay thế, tiếm quyền của Ngài trong việc định đoạt điều gì thiện và điều gì ác, ban sự sống hay lấy đi sự sống. Đúng hơn, nó là tột đỉnh của một thực tại rộng lớn và phổ biến mà những đường ranh giới thường mờ đục".

Thực tại này chính là những phản đề vốn trở nên rõ ràng vào cuối thiên niên kỷ thứ hai, "sự đối lập giữa Thuyết nhân bản vô thần và Thuyết nhân bản Kitô giáo, giữa Tính thiêng liêng là Thuyết hư vô". Đức Thánh Cha giải thích thêm: "Một mặt, có các học thuyết triết học và các hệ tư tưởng, nhưng cũng có những đường lối tư duy và hành động theo chiều hướng ngày càng gia tăng, theo đó cổ súy tự do của con người như là nguyên tắc duy nhất, như là sự thay thế cho Thiên Chúa, và do đó biến con người thành một thiên chúa mà hệ thống hành xử mang bản chất độc đoán. Mặt khác, chúng ta để ý đến các thánh nhân, những người thực thi Tin Mừng của tình yêu, làm thành lý do của niềm hy vọng nơi họ, họ biểu lộ khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa là Lình yêu, và đồng thời, biểu lộ khuôn mặt đích thực của con người, vốn được sáng tạo theo hình ảnh và giống hình ảnh Thiên Chúa".

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cũng đề cập đến Thánh Clara, và nhất là các thánh tử vì đạo, Thánh Giáo Hoàng Pontian và Thánh Phó tế Lawrence. Cũng như trong các buổi đọc Kinh Truyền Tin các tuần trước, ngài trình bày về các vị thánh và các vị tử vì đạo này "trong bối cảnh của Năm Linh Mục" để họ trở thành những mẫu gương cho tất cả những người được phong chức và cho hàng linh mục. "Thật là những mẫu gương thánh thiện tuyệt diệu mà Giáo Hội đề cử cho chúng ta! Những vị thánh này là các chứng nhân cho tình yêu vốn yêu thương 'đến cùng', và bỏ qua sự ác nhận được, nhưng chống lại sự ác bằng sự thiện (x. 1 Cr 13,4-8). Từ họ chúng ta, nhất là anh em linh mục, có thể học được đức tính anh hùng Tin Mừng, vốn thúc bách chúng ta mà không sợ hãi, ban cho sự sống chúng ta sự cứu rỗi các linh hồn. Tình yêu chế ngự sự chết!".

Trước khi đọc kinh cầu Đức Maria, ngài đi đến kết luận: "Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cầu Đức Trinh Nữ Maria giúp đỡ tất cả chúng ta – trước hết là các linh mục - được nên thánh như những chứng nhân anh hùng của đức tin và thậm chí hiến thân tử vì đạo. Cách thức duy nhất mang đến câu trả lời đáng tin cậy và toàn diện cho những vấn đề nhân bản và thiêng liêng, vốn làm nảy sinh cuộc khủng hoảng sâu sắc trong thế giới ngày nay, đó chính là: tình yêu trong sư thật".
 
Top Stories
Candlelight protests throughout the diocese of Vinh
Emily Nguyen
05:05 10/08/2009
Church full of placards demanding the release of detained Catholics
Amid a widely circulated threat of an imminent crackdown, the entire diocese of Vinh, with half a million Catholics, held massive protests again on Saturday, demanding the immediate release of 3 Catholics who have been detained since the incident at Tam Toa.

On Saturday night Aug. 08, 2009, all 178 parishes of the diocese of Vinh held simultaneous protests. The protestors marched on the streets in seas of lights, receiving applauses from bystanders standing on sidewalks who look up to them with eyes widened in admiration for their courage to stand up against the tyranny regime.

After marching, protestors gathered at local churches where one could see a sea of placards. Some accused ongoing persecutions against Catholics. Others asked for the requisition of Church and individual properties seized illegally by police, or demanded an immediate halt to the ongoing distortion of truth, defamation of religion, and promotion of hatred between Catholics and non-Catholics via state media.

Other dioceses throughout the country also held candlelight vigils to stand in solidarity with victims of police and government contracted –gangsters, and the safety of Catholics in the region of Dong Hoi. On Saturday night, 3000 Catholics joined in a candlelight vigil at Thai Ha. The next day, 2500 Catholics in Saigon joined in another candlelight vigil at Saigon Redemptorist Monastery.

There have been rumors that local authorities in Vinh diocese have been actively looking for tougher measures to deal with Catholics’ ongoing protests. Disaffected youth, army veterans and members of Communist Youth League have been asked to join Para-military groups to attack Catholics while state media keep spreading negative image of Catholic by ongoing distortion of truth, the defamation of religion, and the promotion of hatred between Catholics and non-Catholics.

The state media campaign seems to have some negative results against Catholics. Food stalls along road sides in Quang Binh reportedly have refused to sell food to anyone wearing a Catholic symbol. The action might also be a consequence from a policy of local government of Quang Binh province to isolate Catholics. The owner of a food stall in Quang Trach - a town of Quang Binh - disclosed that local authorities had forbidden her to do so.

Despite Catholics’ mass protests, Vietnam government seems not to be willing to settle for peaceful dialogues. In a statement released on Aug 6, Fr. Anthony Pham Dinh Phung, the chief secretary of Vinh Diocese, stated that local government of Quang Binh province had asked representatives of the Bishop’s Office of Vinh to come to Dong Hoi to discuss on the Tam Toa incident. However, "negotiation should be held in the Bishop’s Office of Vinh for the safety of the diocese’s representatives," Fr. Anthony Pham insisted.

So far, officials of Quang Binh province have not replied the diocese’s suggestion.
 
Nuove veglie di protesta nella diocesi di Vinh. Difficili spiragli di dialogo col governo
Asia-News
12:46 10/08/2009
Veglia a lume di candela nelle 178 parrocchie della diocesi di Vinh per chiedere la fine delle violenze contro i cattolici e la liberazione di 3 fedeli tenuti in carcere. Il governo di Quang Binh invita rappresentanti del clero a parlare, ma si teme per l’incolumità dei preti.

Hanoi (AsiaNews) – Lo scorso 8 agosto sera in tutte le parrocchie di Vinh si sono tenute marce e veglie di preghiera. Distribuiti fra le 178 parrocchie, la veglia ha radunato circa 500 mila fedeli. Portando cartelli che domandano la libertà religiosa, i fedeli chiedono il ritorno delle proprietà della Chiesa requisite dal governo; i beni sequestrati dalle case dei fedeli; la fine della campagna di odio anti-cattolico sui media governativi e la liberazione dei 3 cattolici, arrestati il 20 luglio scorso per aver costruito una tenda come luogo di preghiera davanti alle rovine della chiesa di Tam Toa (cfr. 21/07/2009 Percosse e arresti per sacerdoti e fedeli nella storica chiesa di Tam Toa).

Altre diocesi hanno espresso solidarietà ai fedeli di Vinh, alcuni dei quali – preti e laici - hanno subito battiture e violenze da parte di poliziotti in borghese o teppisti al servizio della polizia. Lo stesso 8 agosto sera, 3 mila cattolici si sono radunati alla parrocchia di Thai Ha (Hanoi); il giorno dopo, a Ho Chi Minh City, 2500 persone hanno manifestato nella chiesa dei redentorista.

Vi sono voci secondo cui il governo locale sta aggregando scontenti, giovani della Lega comunista e veterani dell’esercito per raid violenti contro i cattolici. Intanto la stampa continua ad accusare i fedeli di offese alla patria e disturbo dell’ordine pubblico. A Quang Trach i venditori di cibo e provviste hanno ricevuto l’ordine di non vendere i loro prodotti ai cattolici.

Mentre cresce la tensione, il governo locale di Quang Binh ha chiesto ai rappresentanti della diocesi di andare a Dong Hoi per discutere dell’incidente di Tam Toa. P. Anthony Pham Dinh Phung, segretario della diocesi, insiste però che il dialogo avvenga negli uffici diocesani di Vinh, per garantire la sicurezza dei rappresentanti cattolici.

Nei giorni precedenti, un sacerdote di Vinh, p. Peter Nguyen The Binh, accompagnato dal vice-governatore locale, è stato lasciato solo e picchiato fino a farlo cadere in coma (cfr. 28/07/2009 Prete in coma perché picchiato dalla polizia. Proteste dei cattolici in tutto il Vietnam).
 
More protest vigils in the diocese of Vinh. Difficult glimmers of dialogue with the government
Asia-News
12:49 10/08/2009
A candlelight vigil throughout the 178 parishes of the diocese of Vinh to demand an end to violence against Catholics and the release of 3 faithful kept in prison. The government of Quang Binh invites representatives of the clergy to speak, but there are fears for the safety of the priests.

Hanoi (AsiaNews) - On the evening of August 8 last in all the parishes of Vinh marches and prayer vigils were held. Throughout the 178 parishes, the vigil brought together some 500 thousand faithful. Carrying signs calling for religious freedom, the faithful asked for the return of Church property requisitioned by the government, the property seized from the homes of the faithful, the end of the anti-Catholic propaganda in government media and the release of 3 Catholics, arrested on July 20 last for having built a tent as a place of prayer in front of the ruins of the church of Tam Toa (see 21/07/2009 Beatings and arrests of priests and faithful in the historic church of Tam Toa).

Other dioceses have expressed solidarity with the faithful of Vinh, some of them - priests and lay people – were subjected to beating and violence by police and plainclothes thugs employed by police. The same evening, August 8, 3 thousand Catholics gathered in the parish of Thai Ha (Hanoi), the next day, in Ho Chi Minh City, 2500 people demonstrated in the Redemptorist Church.

There are rumours that the local government is gathering malcontents from the Communist Youth League and army veterans to launch a series of violent raids on Catholics. Meanwhile the press continues to accuse the faithful of offenses against the homeland and the disturbance of public order. In Quang Trach food sellers and suppliers have been ordered not to sell their products to the Catholics.

As the tension grows, the local government of Quang Binh has asked representatives from the diocese to go to Dong Hoi to discuss the Tam Toa incident.Fr. Anthony Pham Dinh Phung, secretary of the diocese, however, insists that the dialogue take place in the diocesan offices of Vinh, in order to ensure the safety of Catholic representatives.

In previous days, a priest from Vinh, Fr. Peter Nguyen The Binh, accompanied by the local vice-governor, was beaten into a coma (see Priest 28/07/2009 Priest beaten into a coma by police. Catholics Protest throughout Vietnam).
 
Wietnam: Trwają masowe protesty katolików
Emily Nguyen/VietCatholic News
21:14 10/08/2009
Wietnamscy katolicy nadal domagają się uwolnienia trzech osób aresztowanych 20 lipca w związku z incydentem w kościele Tam Toa, zwrotu własności kościelnej i zaprzestania oszczerczej kampanii lansowanej przez władze – informuje agencja Vietcatholic.

Minionej soboty – mimo szeroko kolportowanych pogróżek władz o bezpośrednich akcjach represyjnych – w całej diecezji Vinh pół miliona katolików uczestniczyło w zbiorowym proteście, domagając się niezwłocznego uwolnienia pozostałych trzech katolików, którzy zostali aresztowani podczas wydarzeń w Tam Toa.

We wszystkich 178 parafiach diecezji Vinh odbyły się jednoczesne protesty. Protestujący przemaszerowali ulicami w morzu świateł, otrzymując od stojących na chodnikach świadków oklaski uznania. Świadkowie spoglądali na protestujących z oczyma pełnymi podziwu dla odwagi protestujących przeciwko tyranii reżimu - napisano w informacji VietCatholic.

Po przemarszach protestujący zgromadzili się w swoich miejscowych kościołach, gdzie można było dostrzec morze plakatów. Niektóre piętnowały trwające prześladowania katolików. Inne domagały się zwrotu kościelnej i prywatnej własności, która została nielegalnie zawłaszczona przez policję. Jeszcze inne domagały się natychmiastowego zaprzestania trwającej kampanii kłamstw, zniesławiania religii i podżegania w państwowych mediach do nienawiści między katolikami i niekatolikami.

Również w innych diecezjach całego kraju odbyły się czuwania ze świecami, aby zamanifestować solidarność uczestników z ofiarami bojówek zorganizowanych przez milicję i władze rządowe oraz modlić się o bezpieczeństwo katolików w obwodzie Dong Hoi. W sobotę wieczorem 3000 katolików spotkało się na czuwaniu ze świecami w Thai Ha. Następnego dnia 2500 katolików spotkało się na innym czuwaniu w Sajgonie, w klasztorze redemptorystów.

Wedle pogłosek władze szukały silniejszych środków, by rozprawić się z przetaczającymi się protestami katolików.Wyalienowana młodzież, weterani armii i członkowie komunistycznej organizacji młodzieżowej otrzymali propozycję przyłączenia się do paramilitarnych bojówek, aby atakować katolików, podczas gdy państwowe media kontynuują oszczerczą kampanię przeciw Kościołowi przez jawne kłamstwa, zniesławianie religii i podżeganie nienawiści między katolików i niekatolików.

Negatywna kampania państwowych mediów przeciw Kościołowi wydaje się przynosić negatywne skutki dla katolików. Właściciele ulicznych straganów z żywnością w Quang Binh podobno nie chcieli obsługiwać osób noszących katolickie symbole (krzyżyki, medaliki). Ta akcja jest następstwem polityki miejscowych władz w prowincji Quang Binh, by odizolować katolików od reszty społeczeństwa. Właścicielka jednego ze straganów w miasteczku Quang Trach ujawniła, że to lokalne władze zakazały jej obsługiwania katolików.

Pomimo masowych manifestacji katolików, wydaje się, że wietnamski rząd nie ma zamiaru podjąć pokojowego dialogu. W oświadczeniu wydanym 6 sierpnia br. ks. Antoni Pham Dinh Phung, kanclerz kurii biskupiej w Vinh stwierdził, że lokalne władze w prowincji Quang Binh poprosiły reprezentację Kurii Biskupiej w Vinh o stawienie się w mieście Dong Hoi, aby porozmawiać o incydencie w Tam Toa. Jednak – według Kurii – „ze względu na bezpieczeństwo reprezentacji diecezjalnej, negocjacje takie powinny się odbyć w pomieszczeniach Kurii Biskupiej w Vinh.”

Jak do tej pory urzędnicy Quang Binh nie odpowiedzieli na tę sugestię Kurii diecezjalnej.

(Source: http://info.wiara.pl/doc/309362.Wietnam-Trwaja-masowe-protesty-katolikow)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Chân dung linh mục Việt Nam: Linh mục Giuse Maria Hoàng Gia Huệ
GP Bùi Chu
01:44 10/08/2009
Mẫu gương đời sống mục vụ và tinh thần hy sinh

Cha GIUSE MARIA HOÀNG GIA HUỆ (1886 – 1954)

1886: Sinh tại giáo xứ Phú Nhai, giáo phận Bùi Chu
13/8/1904: Nhập Tiểu Chủng viện Bùi Chu
13/8/1910: Đại Chủng viện Bùi Chu
1912-1914: Phụ giảng tại Tiểu Chủng viện Bùi Chu
1914-1918: Học thần học tại Đại Chủng viện Bùi Chu
1918: Thụ phong linh mục tại nhà thờ Chính Toà Bùi Chu
1918-1921: Phó xứ Báo Đáp
1921-1925: Phó xứ Quần Phương
1925-1927: Phó xứ Lục Thuỷ
1927-1928: Chánh xứ Ngọc Tiên
1928-1930: Làm việc mục vụ tại đảo Phú Quốc, giáo phận Nam Vang (Campuchia)
1930-1936: Chánh xứ kiêm quản hạt Ninh Cường
1936-1937: Giám đốc Tiểu Chủng viện Trung Linh
1937-1938: Giám đốc Tiểu Chủng viện Ninh Cường
1938-1940: Giám đốc Đại Chủng viện Phú Nhai
1940-1951: Giám đốc Đại Chủng viện Quần Phương
1951-1954: Chánh xứ kiêm quản hạt Quần Phương
30/6/1954: Qua đời trên đường đi lao tù ở Thanh Hoá.

Mẫu gương đời sống mục vụ

Nhìn vào đôi dòng tiểu sử của cha Giuse Maria Hoàng Gia Huệ, chúng ta có thể thấy được hình ảnh của một vị mục tử luôn mải miết với những công việc mục vụ trong suốt cuộc đời, từ khi lãnh nhận thiên chức linh mục cho đến khi qua đời. Với mỗi giáo xứ nơi cha Huệ đến làm công tác mục vụ, cha luôn để lại cho các tín hữu một ấn tượng, một mẫu gương tốt đẹp về một vị mục tử tốt lành, thánh thiện, vui tươi, khiêm nhường, đức độ trong lời ăn tiếng nói cũng như trong đời sống thường ngày: “Ngài là một linh mục gương mẫu mà chúng tôi hằng ngưỡng mộ và cố gắng noi theo. Ngài có một nền đạo đức vui tươi, không lộ vẻ gì khắc khổ, tuy thật sự, đời sống của ngài rất nhiệm nhặt” (Lm. Phạm Châu Diên, Hồi ký đời tôi).

Nhà nguyện là nơi ngài dành nhiều thời giờ hơn hết. Chính nhờ những giờ phút cầu nguyện bên Chúa Giêsu Thánh Thể, mà ngài đã kín múc được những ân sủng, giúp thăng tiến đời sống thiêng liêng và mục vụ của ngài và làm lan toả những ân huệ đó cho các tín hữu.

Khi nói về đời sống mục vụ của cha Huệ, tất cả những ai đã từng tiếp xúc đều nhận thấy nơi ngài có cách cư xử của một người mục tử nhân lành, thấm nhuần sự khôn ngoan và tinh tế với một tinh thần khiêm nhu, bác ái, đặc biệt đối với những người nghèo khổ. Đối với các chủng sinh, ngài không bao giờ lớn tiếng, nhưng lại rất công bình. Khi cần phải góp ý, ngài nhắc nhở nhẹ nhàng, kín đáo đầy tình thương yêu xứng bậc làm thầy.

Ngài có lòng sùng kính Thánh Thể cách đặc biệt và cổ võ cho các tín hữu làm theo. Vì vậy, các bài giảng trong thánh lễ ngài cử hành luôn đầy những lời lẽ thúc giục các tín hữu đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, là lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng đời sống đức tin. Đồng thời ngài cũng ra sức cổ võ Kinh Mân Côi và việc siêng năng lần hạt Mân Côi: đâu đâu trong các giáo xứ, giáo họ của cha cũng thấy vang lên những lời kinh kính Đức Mẹ thật tốt lành và sốt sắng. Ngoài ra, ngài cũng hay dành thời gian đến hỏi thăm những gia đình trong xứ đạo, khuyến khích động viên họ giữ đạo sốt sắng, sống hoà thuận, yêu thương nhau, biết giúp đỡ nhau trong những lúc gặp khó khăn hoạn nạn. Với những người khô khan nguội lạnh, cha tìm lời lẽ khuyên răn, lôi kéo nhiều tâm hồn lầm lạc trở về với Chúa. Nhờ vậy, đời sống đạo nơi các giáo xứ cha coi sóc ngày một thăng tiến.

Một trong những điểm nhấn về sự hy sinh phục vụ của cha Huệ là vào năm 1928, cha vâng lời bề trên và vì thương những tín hữu “bơ vơ không người chăn dắt”, ngài đã rời giáo phận mẹ Bùi Chu thân yêu để đến đảo Phú Quốc làm mục vụ cho hơn 2000 giáo dân thuộc giáo phận nhà đang làm việc tại đây do hợp đồng đưa người lao động và gia đình của họ từ Bùi Chu di cư lập ấp đến quê hương mới. Tại Phú Quốc, ngài đã giúp các tín hữu ổn định cuộc sống mới và củng cố đời sống đạo cho họ bằng việc cổ võ lòng sùng kính mến yêu Thánh Thể, siêng năng lần hạt Mân Côi. Bản thân ngài hy sinh đến từng nhà để thăm hỏi, động viên, khuyến khích họ sống và giữ đạo sốt sắng trong hoàn cảnh hoàn toàn mới mẻ. Nhờ đó, chỉ qua một thời gian ngắn, đời sống đạo ở đây đã có những tiến bộ. Tuy nhiên, khi cuộc sống tạm thời đi vào ổn định thì công ty tại đảo Phú Quốc bị phá sản, cha Huệ lại phải lo liên hệ với hai giáo xứ Rạch Giá và Hà Tiên thuộc giáo phận Nam Vang (Campuchia) để sát nhập hơn 2000 tín hữu tại Phú Quốc vào hai giáo xứ này. Nhờ ơn Chúa và Đức Mẹ thương, việc này cũng đã diễn ra tốt đẹp. Từ đây các tín hữu này đã có một quê hương mới tươi đẹp hơn, nhờ vị mục tử khôn ngoan và đạo đức.

Trong suốt những năm mục vụ của cha, người ta nhận thấy có một sức sống mới nơi các xứ đạo. Ngài đã hướng tín hữu đến một đức tin sống động thay vì những tập tục phô trương. Trong các nhà thờ nơi ngài cử hành thánh lễ có nhiều người tham dự không kể sáng tối, ngày thường cũng như ngày Chúa Nhật. Giáo hữu tham dự thánh lễ sốt sắng và rước lễ rất đông vì ngài chịu khó ngồi toà giải tội. Tất cả những thành quả đó, ngoài ơn Chúa và Đức Mẹ giúp, còn có công lao khó nhọc, tấm lòng mục tử vì đoàn chiên mà cha Huệ đã thực hiện trong suốt cuộc đời mình.

Mẫu gương tinh thần hy sinh

Tinh thần hy sinh của cha Huệ được thể hiện cụ thể nơi cách cư xử, lối sống thường ngày của ngài. Ngài không những hy sinh chay tịnh phần xác, mà còn hy sinh chay tịnh trong tâm hồn nữa. Cố linh mục Giuse Phạm Châu Diên đã ghi lại trong Hồi ký đời tôi như sau: “Bữa sáng, món điểm tâm của ngài là một bát nước cơm, hay một ly cà phê. Bữa trưa, tuy đồng bàn với các cha, nhưng ngài dùng cơm của chủng sinh, viện cớ là để theo dõi cho biết mà sửa chữa khi cần. Buổi tối, ngài chỉ ăn cháo qua loa [...]. Áo trong của ngài phần nhiều là cũ vá, như khi đi tắm biển với ngài, tôi đã từng thấy. Ngài thường lấy các mảnh giấy vụn mà viết thư [...]. Phòng ngài ở rất đơn sơ, không có một thứ gì đáng giá. Bàn giấy giám đốc chỉ là một cái bàn nhỏ, xách một tay còn nhẹ”.

Tinh thần hy sinh vì đoàn chiên của cha Huệ còn thể hiện cách đặc biệt nơi toà giải tội. Ngài là vị tông đồ miệt mài nơi toà giải tội như cha thánh Gioan Maria Vianney. Có những ngày đông người, ngài phục vụ liên tục từ 15-16 giờ đồng hồ, vì cha luôn tâm niệm rằng: không để ai đã chịu khó bỏ công việc, đến nhà thờ dọn mình xưng tội mà không được vào toà xưng tội. Những việc làm này của cha, không phải để cho thiên hạ thấy, mà vì lòng mến Chúa thúc đẩy, như lời thánh Phaolô tông đồ đã nói: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (2 Cr 5,14). Đó cũng là lý tưởng và mục đích đời tu của cha Huệ.

Nhìn vào cuộc đời của cha Giuse Maria Hoàng Gia Huệ, chúng ta thấy ánh lên mẫu gương về một vị mục tử tốt lành, luôn hy sinh cho lợi ích phần rỗi các linh hồn. Cái chết thảm thương của ngài là một chứng từ sống động của đức tin kiên trung, niềm hy vọng vững vàng và lòng yêu mến thiết tha đối với Chúa và với Giáo Hội.

Qua gương sáng và đời sống của ngài, chúng ta cảm tạ Chúa vì Chúa đã ban cho Giáo Hội những vị mục tử thánh thiện, nhiệt thành. Những lời của Công đồng Vaticanô II thật phù hợp để áp dụng vào đời sống chứng tá của Cha Huệ: “Là những vị cai quản và chăn dắt dân Chúa, các ngài được tình yêu của Chúa Chiên nhân lành thúc đẩy hiến mạng sống cho con chiên, và sẵn sàng hy sinh đến tột bậc, theo gương của nhiều linh mục, ngay cả trong thời hiện đại, không quản ngại hiến mạng sống mình. Là những nhà giáo dục trong đức tin và ‘được lòng can đảm bước vào nơi chí thánh nhờ Máu Chúa Kitô’ (Dt 10,19), các ngài tới gần Thiên Chúa, ‘với một tấm lòng chân thành tràn đầy đức tin’ (Dt 10,22); các ngài gây niềm hy vọng vững vàng cho các tín hữu của mình, để nhờ chính sự khích lệ mà Thiên Chúa đã khích lệ các ngài, các ngài có thể an ủi họ trong mọi cơn thử thách, là những vị hướng dẫn cộng đoàn, các ngài thực hành việc khổ chế riêng biệt của vị chăn dắt các linh hồn: từ bỏ những tiện nghi riêng, không tìm kiếm tư lợi nhưng tìm lợi ích cho nhiều người, để họ được cứu rỗi, luôn tiến bộ trong việc chu toàn hoạt động mục vụ cách hoàn hảo hơn và khi cần, các ngài sẵn sàng đi vào những con đường mục vụ mới mẻ, dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần tình yêu, Đấng thổi nơi nào Ngài muốn” (Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục Presbyterorum Ordinis, 13).
 
Tổng Giáo Phận Saigòn: Lời Chủ Chăn tháng 9 năm 2009
+ ĐHY Gioan B. Phạm Minh Mẫn
07:33 10/08/2009
Giáo dục đức tin sống mầu nhiệm Thánh Thể
trong hoàn cảnh xã hội hôm nay


Anh em linh mục, cùng anh chị em tu sĩ giáo dân trong gia đình giáo phận

1. Cốt lõi của công cuộc giáo dục đức tin là gây ý thức và nhắc nhở, tạo cơ hội và nêu gương cho mọi người tín hữu, đặc biệt là người trẻ, sống tình yêu mà Thiên Chúa đã đổ vào lòng mỗi người chúng ta từ ngày lãnh bí tích Thánh Tẩy. Tình yêu đó là tình yêu cứu độ mà Chúa Giêsu Thánh Thể đã thể hiện đến cùng. Mục đích của giáo dục đức tin là soi sáng và trợ lực cho người tín hữu bước theo Chúa Giêsu trên con đường tình yêu dẫn đến sự sống thật, sự sống dồi dào, sự sống trong yêu thương và an bình, bây giờ và mãi mãi.

2. Đặc điểm của hoàn cảnh xã hội hôm nay. Một là công việc giáo dục học đường hiện tại thiếu môn giáo dục dạy sống đạo làm người trong trời đất cũng như trong thiên hạ, song cùng với xã hội lại thừa cách dạy sống thực dụng trong gian dối, sống cá nhân hưởng thụ trong ích kỷ, từ đó phát sinh nhiều tệ nạn và bệnh tật xã hội. Hai là Giáo Hội không có những hoạt động xã hội, và đời sống Giáo Hội thu hẹp trong khuôn viên nhà thờ.

3. Bị thu hẹp trong khuôn viên nhà thờ, song kỳ thực người tín hữu có được tự do cầu nguyện và chiêm ngắm Chúa Giêsu, đặc biệt Chúa Giêsu Thánh Thể. Ngài vừa là hiện thân tình yêu cứu độ của Cha trên trời, vừa là Đấng tự nguyện làm tấm bánh dưỡng nuôi sức sống mới và tình yêu mới lớn lên trong ta, vừa là Thầy dạy con đường tình yêu. Do đó chúng ta hãy chuyên cần nuôi dưỡng lòng tin cậy mến đối với Chúa Giêsu Thánh Thể, và học tập nơi Ngài phương hướng và phương pháp giáo dục đức tin trong thực tế cuộc sống hôm nay.

4. Như cuộc đời tại thế của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy, phương hướng và phương pháp giáo dục của Ngài là dùng Lời Chúa là ánh sáng chân lý soi dẫn đường đời, dùng đời sống cầu nguyện để hiệp thông và kết hợp với Chúa Cha cùng Chúa Thánh Thần là cội nguồn sự sống và tình yêu, dùng gương sống dấn thân yêu thương và khiêm tốn phục vụ cho sự sống con người, để giáo dục cho các môn đệ mặc lấy tâm tình và tư tưởng, thái độ và hành vi yêu thương của Ngài, và bước đi trong đường lối yêu thương tới cùng của Ngài.

5. Trong thời gian qua, chúng ta đã tổ chức công cuộc giáo dục đức tin qua những sinh hoạt trong tầm tay, nay những người có trách nhiệm hãy đối chiếu với tấm gương Chúa Thánh Thể, đánh giá cách làm của mình, và cải tiến sao cho có hiệu quả hơn.

5.1 Tại đa số giáo xứ, mỗi Chúa nhật có nhiều Thánh lễ, mỗi Thánh lễ dành cho một giới. Đa số các giáo xứ có từ 3,4 đến 7, 8 ca đoàn, và có nhiều nhóm lễ sinh, mỗi ca đoàn, mỗi nhóm lễ sinh phục vụ trong một thánh lễ. Có lẽ nhờ ơn Chúa ban và những cố gắng của các linh mục cũng như của anh chị em giáo dân cùng các gia đình mà trong các Thánh lễ ngày Chúa nhật, 200 nhà thờ trong Thành phố này đều đầy người dự lễ, một số đầy tràn ra sân, ra đường. Có lẽ điều cần làm thêm là quan tâm chuẩn bị dọn bữa tiệc thánh, tiệc Lời Chúa cũng như tiệc Thánh Thể, cho thích hợp hơn với tâm thức cùng trình độ văn hoá của con người hôm nay. Trung thành với những quy định của Giáo Hội về cử hành phụng vụ là điều không thể thiếu trong việc chuẩn bị đó.

5.2 Từ nhiều năm nay, nhiều chục giáo xứ tổ chức chầu Thánh Thể suốt ngày, một số ít chầu thâu đêm. Gần đây, tại nhiều nhà thờ, có những nhóm giáo dân tự tổ chức giờ cầu nguyện trước Chúa Giêsu Thánh Thể hay trước tượng đài Chúa hoặc Đức Mẹ. Qua những phản ảnh, tôi nghĩ rằng họ cần được hướng dẫn giúp họ tránh chỉ chạy theo tính hiếu kỳ và tình cảm hẹp hòi, là những nguyên nhân dễ gây bất đồng, chia rẽ, xáo trộn trong cộng đoàn. Đồng thời mọi người cần được tạo điều kiện sống tình yêu cứu độ của Chúa Giêsu trong đời sống làm con Chúa và làm anh em của mọi người.

5.3 Các giáo xứ tổ chức các lớp giáo lý các cấp, thường là trước hoặc sau Thánh lễ Chúa nhật. Gần như 100% trẻ theo học các lớp giáo lý đến khi lãnh bí tích Thêm sức, sau đó số % giảm dần. Cần tạo cơ hội cho người trẻ thực hành Lời Chúa dạy, đưa những giá trị nhân bản và đạo đức của Tin Mừng vào trong đời sống gia đình và xã hội.
5.4 Khuyến khích các gia đình kiên tâm duy trì giờ kinh tối trong gia đình, trợ lực cho gia đình phát huy vai trò làm cái nôi của sự sống, mái ấm của tình thương, ngôi trường đầu tiên giáo dục đức tin cho con em, nêu gương sống những đức tính nhân bản cùng Tin Mừng trong gia đình.

5.5 Đồng hành với 23 đoàn thể tông đồ giáo dân, tạo thuận lợi cho họ tổ chức những nhóm nhỏ học hỏi Lời Chúa, chia sẻ cho nhau kinh nghiệm sống Lời Chúa và giáo dục con em, đồng thời tạo cơ hội cho họ thi hành sứ vụ yêu thương và phục vụ mọi người quanh cận, đặc biệt người nghèo khổ.

5.6 Trung Tâm Mục Vụ của giáo phận, hình thành năm 2004, tổ chức các khoá học, tĩnh tâm, hội thảo, lễ hội, cho giới trẻ và các giáo lý viên, cho các đoàn thể tông đồ giáo dân, cho các gia đình, nhằm tạo khả năng và kỹ năng giúp họ sống những giá trị nhân bản và đạo đức của Tin Mừng. Đó là cách mở đường cho họ làm toả sáng tình yêu cứu độ của Chúa Kitô trong xã hội hôm nay. Hãy tạo điều kiện cho anh chị em giáo dân tích cực tham gia vào công cuộc giáo dục đức tin nầy.

5.7 Trung Tâm Văn Hoá Công Giáo, được ĐHY Sepe khánh thành năm 2005, là nơi mọi người có thể tìm gặp ngọn đuốc đức tin của các tiền nhân cùng chứng nhân đức tin sáng soi cho cuộc đời mình.

6. Ngày nay có nhiều du khách đến VN quan sát đời sống Giáo Hội từ Bắc chí Nam, đâu đâu họ cũng thấy nhà thờ, nhà tu, Đại Chủng viện đầy người, nên hỏi tôi đâu là bí quyết và tôi nghĩ gì về tương lai của Giáo Hội tại Việt Nam. Câu trả lời của tôi là trước hết nhờ ân huệ Chúa thương ban, nhờ Chúa là người gieo giống đồng hành cùng dân Người, và đã gieo nhiều hạt giống hồng ân cứu độ, hạt giống ơn đức tin, ơn gọi linh mục, tu sĩ, trên cánh đồng Việt Nam.

Đồng thời cũng nhờ ơn Chúa thương ban cho người tín hữu VN có lòng đạo bẩm sinh và trung thành với những giá trị nhân bản và đạo đức của Tin Mừng cũng như của truyền thống văn hoá lành mạnh của dân tộc. Chúa còn ban ơn cho những người trung thành với niềm tin kitô giáo biết dùng đời sống cầu nguyện và bác ái hy sinh, hoà với máu của Chúa Giêsu Thánh Thể cùng các chứng nhân đức tin và các thánh tử đạo Việt Nam, vun tưới cho các hạt giống ơn thánh phát triển xanh tươi.

7. Thế nhưng tình hình xã hội Việt Nam ngày nay đang chuyển biến. Việc đất nước mở cửa cho nền kinh tế thị trường cùng khuynh hướng toàn cầu hoá, đồng nghĩa với việc du nhập vào đất nước mình những giá trị mới, như chủ nghĩa thực dụng cùng chủ nghĩa cá nhân hưởng thụ duy vật chất. Những giá trị mới nầy cuốn hút nhiều người, đặc biệt là những bạn trẻ, và đang từng bước thay thế những giá trị Tin Mừng cùng truyền thống văn hoá lành mạnh trong đời sống xã hội hôm nay, đồng thời đe doạ tàn phá mùa màng của các hạt giống ơn thánh.

8. Do tình thế đã đổi thay, nếp sống đạo và truyền thống đạo đức xưa nay, dù vẫn rất cần thiết, xem ra không còn đủ sức bảo vệ đời sống đức tin của nhiều bạn trẻ hôm nay. Tình hình nầy đòi hỏi giới hữu trách cùng các bậc phụ huynh cùng nhau thực hành lời Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI nhắn nhủ dân Chúa tại Việt Nam như sau:
(1) chú tâm phát huy tình liên đới giữa mọi người cùng mọi gia đình, cũng như giữa các thành phần dân Chúa với nhau, liên đới bảo vệ đời sống tin cậy mến, liên đới chu toàn sứ vụ làm chứng nhân Tin Mừng và lưu truyền đức tin.
(2) cùng nhau quan tâm mở rộng và nâng cao kiến thức đức tin cho mọi người, giúp cho mọi người ý thức và quyết tâm =sống ơn bí tích Thánh Tẩy là theo gương Chúa Giêsu sống đạo làm con Chúa và làm anh em của mọi người.
(3) tổ chức mục vụ thích hợp nhằm chăm sóc các bạn trẻ hôm nay, đặc biệt là các bạn trẻ di dân, các bạn trẻ nạn nhân các tệ nạn xã hội cùng các bệnh tật thời đại.

Công việc tổ chức mục vụ thích hợp đòi hỏi trước hết là học tập gương Chúa Giêsu đồng hành, đồng cảm, quảng đại bao dung đối với các bạn trẻ, yêu thương phục vụ họ, đem lại bình an cho họ. Mục đích là nhằm củng cố niềm tin của các bạn trẻ, giúp họ cảm thấy Chúa thực sự yêu thương họ, và yêu thương tới cùng. Để tình yêu cảm hoá họ, trợ lực cho họ bền tâm vững chí bước theo Chúa yêu thương cứu độ như là lẽ sống cho cuộc đời họ. Đó cũng là giúp họ tái sinh thành con người mới, con người cùng với Chúa Kitô Phục Sinh sống đời sống mới, cùng với Chúa Giêsu Thánh Thể sống yêu thương đến cùng.

+ Gioan B. Phạm Minh Mẫn
Giám mục của anh chị em
 
Các em được Rước lễ lần đầu tại Giáo xứ Thuận Nghĩa GP Vinh
Fx. Tiến Dũng
17:51 10/08/2009
VINH – Chiều Chúa Nhật XIX, ngày 09/8.2009, 194 em của giáo xứ Thuận Nghĩa đã được rước lễ lần đầu. Các em thật vui sướng, hạnh phúc vô cùng vì được Chúa Giêsu Thánh Thể ngự vào lòng, thật là một hồng ân lớn lao mà Chúa ban cho các em. Để có được hồng ân này, Trước hết là nhờ tình thương vô vàn của Thiên Chúa tình yêu. Thứ đến là nhờ sự quan tâm lo lắng của Cha quản xứ, với biết bao công việc vất vả của Giáo phận, Giáo hạt, Giáo xứ đang đè nặng lên đôi vai gầy yếu của Cha. Nhưng chỉ vì tình thương của Vị Mục tử mà Cha đã quan tâm, lo lắng, tận tình săn sóc và tạo mọi điều kiện cho các em được học giáo lý đầy đủ. Cùng với sự tận tình của Quý Thầy, Quý xơ, Quý ban hành giáo, Quý thầy cô giáo lý, Quý ông bà, cha mẹ, cùng toàn thể cộng đoàn đã cầu nguyện và hướng dẫn dạy dỗ các em.

Sau Thánh lễ, các em đã dâng lời cảm tạ Chúa, cám ơn Cha quản xứ, Qúy thầy, Qúy xơ và toàn thể cộng đoàn bằng tấm lòng thành đơn sơ qua bó hoa tươi thắm. Với ơn Chúa giúp, các em đã nói lên lòng quyết tâm rằng: sẽ cố gắng siêng năng chăm chỉ học Giáo lý, tham dự Thánh lễ và thực hành Lời Chúa; nguyện can đảm cùng ra khơi với Mẹ Maria để loan báo Tin mừng; quyết chí khắc sâu tận đáy lòng mọi ân huệ và sống thật tốt như lòng Chúa mong muốn.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Giáo xứ Vĩnh Giang GP Vinh thắp nến cầu nguyện cho Tam Toà
PV Vĩnh Giang
02:34 10/08/2009
VINH - Tối nay, 09.08.2009, Giáo xứ Vĩnh Giang hiệp cùng với toàn thể giáo dân cầu nguyện cho anh chị em Tam Toà. Sau khi nghe Cha xứ đọc hai văn thư của Toà Giám Mục gửi cho Chính Quyền Quảng Bình và Ban Tôn Giáo Chính Phủ, mọi ngưởi đều cảm thấy đau đớn, xót xa:

Xem hình ảnh

- Đau đớn, xót xa vì những người giáo dân vô tội bị đánh đập, bắt bớ, giam cầm.
- Đau đớn, xót xa vì những người giáo dân bị vu cáo, bỏ vạ.
- Đau đớn, xót xa vì một những người lương thiện bị biến thành “bọn côn đồ”.
- Đau đớn, xót xa vì một thế hệ bị nhồi nhét bởi những sự gian dối, xuyên tạc của sách báo, truyền hình.
- Đau đớn, xót xa vì những người lãnh đạo không biết dùng cán cân luật pháp để xử sự mà lại phải sử dụng “bọn côn đồ”.
- Đau đớn, xót xa vì những người có trách nhiệm bảo đảm sự an toàn cho dân lại đứng im cho “bọn côn đồ” đánh đập dân.

Người ta hy vọng sẽ có một giải pháp hợp tình hợp lý sau khi một vị lãnh đạo cao cấp tới Toà Khâm Sứ, Thái Hà và nay tới Tam Toà, nhưng đau đớn thay sau khi vị lãnh đạo cao cấp tới lại là “giải pháp” dùi cui, roi điện, bọn côn đồ, xuyên tạc sự thật…

Đau đớn thay ! Xót xa thay !
 
Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang tại Portland Oregon thắp nến hiệp thông cầu nguyện cho Giáo xứ Tam Tòa
Phan Hoàng Phú Quý
04:32 10/08/2009
PORTLAND, Oregon - Trong tinh thần hiệp thông cầu nguyên cho Giáo Hội Việt Nam nói chung và cách riêng cho Giáo Phận Vinh cũng như Giáo Xứ Tam Tòa, cộng đồng công giáo Việt Nam tại Giáo xứ Đức Mẹ La Vang thuộc thành phố Portland, tiểu bang Oregon đã long trong tổ chức thánh lễ và thắp nến cầu nguyện vào lúc 6 giờ chiều thứ Bảy 7/8/2009 vừa qua.

Trước khi bắt đầu Thánh lễ, vị chủ tế đã nêu lên ý nghĩa chính cho thánh lễ cầu nguyện hôm nay, Ngài nói: Người công giáo không làm chính trị, nhưng không phải vì thế mà chúng ta đứng ngoài, hoặc đứng bên lề xã hội, trái lại chúng ta cần phải lên tiếng để bênh vực cho hòa bình, cho công lý, một trong những vấn đề chúng ta có thể làm được hiện nay, đó là hiệp thông cầu nguyện để xin Thiên Chúa gìn giữ những vị chủ chăn, những giáo dân tại giáo phận Vinh, nhất là giáo dân giáo xứ Tam Tòa hiện nay đang bị chính qquyền cọng sản đánh đập, bắt bớ và giam cầm trái phép.

Bài thánh ca Mẹ Giáo Phận Vinh, Mẹ Tam Tòa được cất lên làm tâm hồn mọi người trào dâng xúc đông:

Ôi Mẹ Maria ôi, Ôi Mẹ, Mẹ Giáo Phận Vinh
Con xin dâng giáo phận cho Mẹ
Ôi Mẹ Maria ôi, Ôi Mẹ, Mẹ Giaó Phận Vinh
Xin dâng Mẹ đoàn chiên xứ Tam Tòa

Xin Me luôn giữ gìn qua cơn nguy khốn
Cho đoàn con vững lòng tin tưởng trông cậy
Xin Mẹ ban sức mạnh đức tin kiên vững
Ban bình an và ban ý chí kiên cường

Xin Mẹ cho những người ra tay bắt bớ
Biết nhận ra đâu là Công Lý Sự Thật
Cho Việt Nam tôn trọng tự do tín ngưỡng
Xây dựng nên Việt Nam đất nước thanh bình.

Trong bài chia sẽ hướng về Quê hương Việt Nam, linh mục Anh Khôi cũng nêu lên vấn đề bất công, chà đạp nhân quyền và thiếu tự do tại quê nhà, chúng ta không chỉ cấu nguyện, nhưng còn cần phải tìm cách bảo vệ hai điều căn bản, đó là sự sống con người và tôn thờ Thiên Chúa, Ngài cũng nhắc lại lời kinh thánh “ Cái gì thuộc về Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa, cái gì thuộc về thế gian, trả lại cho thế gian.

Sau thánh lễ là giờ thắp nến cầu nguyện, mọi người với ngọn nến trong tay hướng lòng về Quê Hương, vế Gíáo Phận Vinh, về Giáo xứ Tam Tòa, dâng lên lời ca nguyện cho Quê Hương

Mẹ ơi ! Đoái thương xem nước Việt Nam
Nạn tham nhũng bất công lan tràn
Mẹ hãy giơ tay ban phúc bình an
Đưa Việt Nam qua phút nguy nan

Mẹ ơi ! Đoái thương xem nước Việt Nam
Đời gian khó đức tin gông cùm
Mẹ hãy ban ơn giảI thoát Việt Nam
Cho toàn dân no ấm khang an.

Một vị đại diện cho Đồng Hương Tam Tòa tại Hải Ngoại đã ngỏ lời tri ân quý linh mục, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể cộng đoàn dân Chúa đã đến hiệp dâng thánh lễ hiệp thông cầu nguyện, đồng thời cũng đã trình bày sơ lược về giáo xứ Tam Tòa từ ngày thánh lập đến nay, những hình ảnh các giáo dân, các linh mục bị đánh đập, hành hung cũng đã được chưng bày để mọi người nhìn thấy sự dã man của chính quyền cộng sản đối với giáo xứ Tam Tòa trong những ngày vừa qua.
 
Cộng Đồng Người Việt Vùng Tây Bắc họp mặt, biểu tình hiệp thông cùng giáo xứ Tam Tòa
Phạm Xuân Hùng
04:43 10/08/2009
TACOMA, WA - Đáp lại thư mời kêu gọi của Ban Chấp Hành Cộng Đồng Việt Nam Tacoma & Pierce County, hơn cả trăm đồng hương đại diện cho các tổ chức hội đoàn, thân hào nhân sĩ đã hiện diện tham gia buổi họp mặt tố cáo tội ác đàn áp tôn giáo của bạo quyền CSVN, đồng thời lên tiếng hỗ trợ cho đồng bào Công Giáo Giáo Xứ Tam Tòa, Đồng Hới, Quảng Bình đang bị chính quyền CSVN bức hại. Cuôc họp mặt hiệp thông và biểu tình tuần hành được tổ chức vào lúc 9 giờ sáng ngày 8 tháng 8 2009 tại bãi đậu xe trước văn phòng Bác Sĩ Nguyễn Xuân Dũng, cũng là văn phòng Ban Chấp Hành Cộng Đồng Việt Nam Tacoma và Pierce County, địa điểm có đôi cột cờ Việt Mỹ cao vút, lộng gió ngày đêm tại thành phố Tacoma.

Mặc dầu là ngày cuối tuần lại vào sáng sớm, nhưng nhiều đồng hương từ tận thành phố Seattle phía bắc như các ông cựu ĐT Hứa Yến Lến, Phan Rang, Nguyễn Trọng Nghị, Nghiêm Hòa, Bùi Đức Ly, Đổ Thành Trung, Lê Quyết Thắng, Tôn Thất Hồng. .. hay từ thủ phủ Olympia phía nam có các ông Tân Thục Đức. ...đã không quản ngại đường xa có mặt từ sáng sớm kết hợp cùng đông đảo đồng hương tại điạ phương. Đại diện các cơ quan truyền thông tại địa phương như Phương Đông, Người Việt Tây Bắc, Việt Báo Miền Nam, Người Viêt Ngày Nay cũng hiện diện trong buổi lễ. Đặc biệt xen lẫn trong hàng ghế quan khách có mặt tham dự cón có các vị dân cử và viên chức Mỹ tại địa phương là bà Jan Shabro, Auditor và ông Dick Muri, nghị viên quận hạt Pierce County.

Quang cảnh tại hiện trường, ngay dưới chân cột cờ là hai biểu ngữ vàng kẻ chữ đỏ to lớn " Đả đảo cộng sản Việt Nam đàn áp giáo dân Tam Tòa", " Nhiệt liệt ủng hộ tinh thần giáo xứ Tam Tòa"; chạy dọc tiếp nối theo hàng cờ Vàng Ba Sọc Đỏ từ bờ tường của khu nhà, cách bày trí đơn giản nhưng không kém phần trang trọng. Sau nghi thức chào cờ mặt niệm được điều họp bởi ông Lê Trọng Diệp, Bác sĩ Nguyễn Xuân Dũng chủ tịch Ban Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt Tacoma & Pierce County qua bài diễn văn khai mạc đã tuyên đọc lý do buổi lễ, đồng thời lên án hành động vô nhân của CS Hà Nội thể hiện lần nữa qua hành động đàn áp dã man Giáo Xứ Tam Tòa, Đồng Hới, Quảng Bình.

Tiết mục đáng ghi nhận tiếp theo, khi hai diễn giả Mỹ bà Jan Shabro và ông Dick Muri bằng sự trải nghiệm cá nhân cho thấy sự vô nhân tính của các chế độ độc tài toàn trị cộng sản, chia xẻ và đồng cảm với cộng đồng Việt Nam tại điạ phuơng, cực lực lên án chính sách đàn áp tôn giáo hiện nay của bạo quyền CSVN, và cam kết sát cánh cũng như ủng hộ công cuộc đấu tranh đòi hỏi dân chủ và các quyền căn bản cho đồng bào quốc nội nói chung và Giáo Dân Tam Tòa nói riêng, của cộng đồng Việt Nam tại Tacoma quận hạt Pierce.

Tiếp theo chương trình là các bài phát biểu của đại diện đoàn thể và thân hào nhân sĩ trong khu vực như của cựu ĐT Hứa Yến Lến, Ông Phan Rang - Đại Việt cách Mạng Đảng, Ông Lê Quyết Thắng- Đại Diện Đảng Dân Tộc, Ông Võ Lê Thành Đông- Báo Phương Đông.....nội dung các bài phát biểu lên án mạnh mẽ hành động đàn áp dã man của nhà cầm quyền CSVN đối với Linh Mục và Giáo Xứ Tam Tòa thuộc Giáo Phận Vinh, đòi hỏi nhà cầm quyền Việt Cộng phải trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho các giáo dân vô cớ bị hành hung vẫn cọn bị giam giữ, đồng thời bày tỏ việc yểm trợ tinh thần và hiệp thông cầu nguyện cho Giáo Xứ Tam Tòa.

Cử tọa và quan khách tham dự đã đặc biệt xúc động trong bài phát biểu của em Quỳnh An, một thiếu nữ trạc vừa đôi chín, như đại diện cho tiếng nói chung của những người trẻ tuổi trong khu vục còn quan tâm đến hiện tình đất nước, quê hương. Bằng giọng nữ trong, dịu dàng em trình bày với đồng hương hiện diện: " Giáo Xự Tam Tòa là một Giáo Xứ lâu đời. Nơi đây nhiều văn sĩ, trí thức, và nhiếu người nổi tiếng đã sinh ra và được chịu phép rửa tội như nhà thơ Hàn Mặc Tử... Trong những ngày qua, nhà cầm quyền Quảng Bình ngang nhiêm chiếm đoạt khu đất toàn bộ khuôn viên nhà thờ và các cơ sở mục vụ nhằm mục đích triệt hạ Công Giáo nơi đây. ...Tòa Giám Mục Giáo Phận Vinh đã có các buổi làm việc để yêu cầu nhà cầm quyền trả lại cho giáo dân để có nơi tiến hành phụng tự, bởi không thể ngang nhiên chiếm đất của nhà thờ để làm một việc là ghi nhận mối hận thù không phù hợp với đường lối " đem yêu thương vào nơi oán thù" của người Công Giáo. Nhưng họ vẫn hứa hẹn lần này đến lần khác bằng đủ mọi lý do, thậm chí họ còn kêu gọi công an và công an trá hình du đãng đến chửi bới, đánh đập dã măn. Nhưng người dân ở đây vẫn một lòng quyết tâm tranh đấu bằng lý lẽ, kêu gào và nước mắt nhưng tất cả chỉ là con số 0. Chúng ta hãy thách thức nhà câm quyền CSVN, nếu có gan thì hãy đấu tranh đòi lại Trường Sa và Hoàng sa, đó là đất tổ tiên của người Việt chúng ta.

Chúng con rất bàng hoàng cho những gì đang xảy ra đến tại Giáo Xứ Tam Tòa. Tất cả những gì chúng con biết về hành động của họ từ ông bà, báo chí, và internet đã phần nào cho chúng con hiểu được thế nào là chế độ cộng sản và tất cả những gì con người đã chịu đựng. Và như tiếng nói của thế hệ trẻ, chúng con nghĩ chúng ta hãy đứng lên đấu tranh, đòi lại công bằng và lẽ phải. Chúng ta nên đánh động lương tâm thế giới hiểu rõ hơn thế nào là Cộng Sản Phi Nhân."

Ban tổ chức cùng toàn thể quan khách tham dự đã nhất tề ra đưa một tuyên cáo nhằm phản đối nhà cầm quyền CSVN và tố cáo hành động vô nhân này trươc công luận thế giới

Buổi lễ được tiếp nối qua cuộc tuần hành kèm theo biểu ngữ hòa cùng các khẩu hiệu được đoàn biểu tình hô to vang dội khắp khu phố, dọc một đoạn trên đường 38, nơi có rất đông người Việt cự ngụ và sinh hoạt thương mại. Ðược biết các cộng đồng người Việt khắp hải ngoại đang tổ chức những buổi cầu nguyện hiệp thông tương tự để ủng hộ tinh thần giáo xứ Tam Tòa.

Buổi Lễ Hiệp Thông với giáo xứ Tam Tòa và tuần hành tố cáo tội ác CSVN do Cộng Đồng Việt Nam Tacoma và Pierce County tổ chức đã kết thúc vào gần 12 giờ trưa cùng ngày.
 
Ánh nến trong màn đêm
Lý Việt Thắng
04:46 10/08/2009
Một ánh nến
rồi ngàn triệu ánh nến
thắp sáng lên xua bóng tối hận thù
Mang chân lý
vào thế giới âm u
của bạo quyền lũ côn đồ gian ác
Lời em hát
làm xô nghiêng giáo mác
Tiếng nguyện cầu vang vọng giữa đêm thâu
trong ánh nến
lung linh quá nhiệm mầu
ngời niềm tin dù cay đắng thương đau
Mong quê hương
tự do sẽ thắm màu
cho nhân ái mọi người biết thương nhau

Mẹ già hỡi !

hãy lau khô ngấn lệ
sắp qua rồi kiếp nhục nhằn lê thê
Từ lao tù
rồi anh sẽ quay về
khi đất nước không còn bày ác thú
Gác chuông xưa
gió mưa thôi vần vũ
tiếng kinh chiều xua chinh chiến mùa thu
Trên quê hương
không còn dấu căm thù
bầy quỷ đỏ đã bao lần gieo rắc
Xuân thanh bình
bao trùm Trung Nam Bắc
lòng muôn người sẽ nở rộ ngàn hoa
Từ Tam Tòa
cho tới tận miền xa
từ cao nguyên đến biển cả bao la
Ôi ! thiết tha
cùng vang khúc thái hòa
Việt Nam hỡi ! ta yêu người mãi mãi.
 
Cộng đoàn CGVN Vermont hiệp thông cầu nguyện cho Tam Tòa
CGVN Vermont
05:21 10/08/2009
VERMONT - Hôm Thứ Bảy 8/8/2009 Cộng đoàn CGVN tại Vermont đã tổ chức một cuộc hành hương đến Đền thánh An-Na trong tiểu bang nhân dịp đón mừng Lễ Mẹ Lên Trời, bổn mạng của Cộng đoàn. Nhân dịp này Cộng đoàn cũng đã hướng lòng về Tam Tòa, nơi Giáo dân đang chịu cảnh áp bức bởi nhà cầm quyền cộng sản.

Khoảng 10:00AM đoàn hành hương đã tề tựu đông đủ tại địa điểm. Ngay sau khi ổn định tại vị trí, mọi người đã kéo đến cầu nguyện trước tượng đài Đức Mẹ. Tại đây mọi người đã được nghe qua về tình hình tại Tam Tòa. Ai nấy đều bất bình về những thủ đoạn ném đá giấu tay của nhà cầm quyền Quảng Bình nên đã sốt sắng cùng nhau hợp ý cầu nguyện cho Tam Tòa.

Trong buổi làm việc kính Đức Me, Cộng đoàn đã đọc kinh Dâng Nước Việt Nam Cho Trái Tim Mẹ với ý xin Đức Mẹ soi sáng giúp hàng gíao phẩm có đủ khôn ngoan để hướng dẫn đoàn chiên trong mọi tình huống và cũng xin Mẹ nâng đỡ anh chị em giáo hữu tại Tam Tòa “Xin Mẹ gìn giữ Giáo Hội Việt Nam. Xin Mẹ soi sáng hàng giáo phẩm, dìu dắt và thánh hóa các linh mục. Xin Me giúp sức cho toàn thể giáo dân được trung thành giữ luật Chúa, và sốt sắng làm việc tông đồ. Xin Mẹ nâng đỡ và ủi an những anh em của chúng con đang phải khốn khó vì Đạo Chúa”. Lời kinh cũng cầu nguyện cho đất nước và xin Đức Mẹ hướng dẫn nhà cầm quyền: “Xin Mẹ chúc lành cho Tổ Quốc Việt Nam. Xin Mẹ hướng dẫn các nhà lãnh đạo dân tộc”.

Buổi chiều Cộng đoàn đi viếng chặng đường thánh gía. Trong suốt 14 chặng thương khó mọi người đã có dịp suy gẫm về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu để cầu xin cho anh chị em ở Tam Tòa biết noi gương Chúa cả Trời đất mà chấp nhận những nỗi bất công, oan ức họ đang phải gánh chịu mà theo chân Đức Chúa Giêsu cho đến trọn đời.

Kết thúc buổi hành hương là thánh lễ và chầu Thánh Thể. Một lần nữa mọi người lại hướng lòng về Tam Tòa trong Lời Nguyện Giáo Dân: “Trong thánh lễ hôm nay chúng con cũng cầu xin cho tất cả những ai đang phải chịu khổ đau vì niềm tin của họ, cách riêng cho anh chị em ở giáo xứ Tam Tòa đang phải chịu những sự chèn ép, trù dập bất công. Xin Chúa nâng dỡ và ủi an những anh chị em này để họ luôn giữ vững niềm tin và phó thác mọi sự vào sự quan phòng của Chúa”. Bài hát Dâng Mẹ Xứ Đạo kết thúc buổi chầu Thánh Thể như nhắc nhở mọi người về sự liên kết cần thiết giữa chủ chiên và đàn chiên nhất là trong những hoàn cảnh đầy khó nguy, thử thách “Mẹ thương kết hợp đoàn chiên được luôn liên kết với chủ chiên. Cho dù bao khó nguy trên đuờng, đồng tâm nhất trí trong tình thương”

Trong giờ ăn cũng như khi ngồi chuyện trò với nhau, câu chuyện về Tam Tòa được rất nhiều người quan tâm, bàn tán. Ai nấy đều ghê tởm về hành động “ném đá giấu tay” của nhà cầm quyền Quảng Bình. Có người nói cho dù đứa con nít ba tuổi cũng thừa biết cái bọn “nhân dân tự phát” kia là ai thế mà nhà cầm quyền vẫn cố gỉa nai một cách trơ trẽn. Người khác cho rằng gỉa tỉ có “tự phát” thật sự đi nữa thì công an cũng không thể đứng nhìn bọn “tự phát” gây hại cho người khác và khi bắt người gọi là để ổn định trật tự thì cũng không thể chỉ bắt Giáo dân mà dung túng bọn “tụ phát”. Có ý kiến dứt khoát rằng nhà cầm quyền mà không bảo vệ được sinh mạng dân chúng thì phải chịu trách nhiệm hoàn toàn chứ không thể chối quanh bằng lý do nọ lý do kia.

Qua sự kiện Tam Tòa ai cũng thấy rõ nhà cầm quyền Quảng Bình chỉ muốn đối đầu với người Công giáo và chủ trương tiêu diệt tôn giáo này chứ họ không muốn thỏa mãn những nguyện vọng chính đáng của Giáo dân. Nhưng tất cả những gì họ đã làm và đang dự định làm nhằm làm nhụt nhuệ khí của người Công giáo sẽ hoàn toàn vô ích. Người Công giáo không bao giờ giờ chịu khuất phục trước bất cứ thủ đoạn nào nhằm đè bẹp niềm tin của họ.

Vermont 9/8/2009
 
Thánh lễ và thắp nến hiệp thông cầu nguyện cho Tam Tòa tại Đào Viên, Tân Trúc, Đài Loan
Phương Ý
07:40 10/08/2009
ĐÀI LOAN - Chiều Chủ Nhật ngày 9 tháng 8 năm 2009 vào lúc 6:30 chiều, tại giáo xứ Trái Tim Đức Mẹ Vô Nhiễm, Đào Viên, giáo phận Tân Trúc, Đài Loan, cộng đoàn anh chị em nhân công và cô dâu Việt Nam đã cùng nhau hiệp dâng thánh lễ hiệp thông cầu nguyện cho anh chị em giáo dân giáo xứ Tam Toà, giáo phận Vinh. (Chủ Nhật ngày 26-8 vừa qua anh chị em công nhân và cô dâu Việt Nam cũng đã dâng 2 thánh lễ tại Tân Trúc và Đào Viên để hiệp thông cầu nguyện cho giáo Xứ Tam Toà.)

Mặc dù đang trong cơn bão lớn, số anh chị em tham dự thánh lễ vẫn đông gần 200 người; mà gần 1 phần 3 là những đứa con yêu của giáo phận Vinh. Vị chủ tế và giảng thuyết trong thánh lễ là linh mục Nguyễn Văn Hùng; phần thắp nến hiệp thông cầu nguyện do linh mục Nguyễn Hùng Cường hướng dẫn.

Trước bài ca nhập lễ, cha Cường hướng ý thánh lễ và kêu gọi anh chị em hiệp tâm hiệp ý cầu nguyện cho giáo xứ Tam Tòa và những anh chị em bị đánh đập và bắt giữ bởi công an và chính quyền Quảng Bình trong ngày 20 tháng 7 vừa qua. Sau khi đọc Phúc Âm, cha chủ tế trong bài giảng đã vắn tắt thuật lại sự việc xẩy ra tại giáo xứ Tam Toà để anh chị em hiểu rõ và nắm bắt được sự thật những gì đã và đang xẩy ra tại Tam Toà. Sau đó một đoạn hình ảnh ngắn về giáo xứ Tam Toà được chiếu trên màn ảnh lớn để anh chị em theo dõi.

Sau bài giảng, đèn điện được tắt đi và tất cả những ngọn nến trên tay của mỗi người hiện diện được thắp sáng và mọi người đứng thẳng nghiêm trang hướng lòng và tâm trí về Tam Toà, nơi có những người con can đảm tuyên xưng Đức Tin và bị bách hại bởi niềm tin của mình. Trong ánh sáng lung linh của 200 ngọn nến, nhiều người đã xúc động không cầm được nước mắt.

Trong khi đó, cha Cường hướng dẫn anh chị em về ý nghĩa của việc hiệp thông cầu nguyện và ý nghĩa của việc thắp nến dưới ánh sáng của Đức tin Công Giáo. Tiếp theo là các lời nguyện cho giáo xứ Tam Toà, cho các anh chi em giáo dân bị đánh đập, đàn áp và còn đang bị giam giữ bất công bởi công an và chính quyền Quảng Bình, cho quê hương Việt Nam, cho Giáo Hội cũng như cho hàng Giáo Phẩm Việt Nam và cuối cùng là cho đức tin của mỗi người đang hiện diện được thắp sáng lên nhờ những tấm gương can đảm của anh chị em giáo dân Tam Toà.

Sau phần lời nguyện anh chị em xếp hàng lần lượt đem nến cháy đặt ngay trước bàn thờ tượng trưng cho những lời nguyện thiết tha và những tấm lòng chân thành hiệp thông cầu nguyện cho giáo xứ Tam Toà và Giáo Phận Vinh. Trong khi anh chi em đưa nến đặt trước bàn thờ, cả cộng đoàn cùng hát vang lời Kinh Hoà Bình thật sốt sáng và cảm động.

Xin cho công lý và hoà bình mau chóng được hiển trị trên Giáo Xứ Tam Toà, Giáo Phận Vinh và trên toàn nước Việt Nam thân yêu.

Cuối lễ mọi người cùng thiết tha khấn xin Mẹ Maria thương nhìn đến quê hương thân yêu Việt Nam để cầu bầu cùng Chúa ban cho con dân Việt Nam được thực sự hưởng nền công lý, dân chủ, tự do tôn giáo và hòa bình chân chính.

Ngoài trời mưa vẫn rơi và gió vẫn bay, ảnh hưởng của cơn bão mấy ngày chưa tan. Anh chị em ra về, trở lại với những công việc nặng nhọc của kiếp tha hương lao nô xứ người. Nhưng chắc chắn trong lòng ai cũng ngậm ngùi nhớ đến những anh chị em Tam Toà bị bách hại vì Đạo Chúa trong tinh thần hiệp thông sâu xa của những chi thể trong thân thể màu nhiệm Chúa Kitô.

Xin xem hình ảnh của thánh lễ và nghi thức hiệp thông cầu nguyện cho Tam Toà của cộng đoàn Công Giáo Đào Viên, Giáo Phận Tân Trúc, Đài Loan.

Đào Viên đêm ngày 9 tháng 8 năm 2009.
 
Giáo xứ Cầu Răm thắp nến cho Tam Tòa và cầu xin cho ''Giáo Hội được hưng thịnh''
PV Cầu Răm
17:57 10/08/2009
GIÁO XỨ CẦU RẦM XIN CHÚA CHO GIÁO HỘI ĐƯỢC HƯNG THỊNH

VINH - Rất âm thầm và sâu lắng nhưng đầy mãnh liệt và hết sức bền bỉ của sức sống đức tin, cũng giống như tất cả các giáo xứ khác trên lãnh thổ giáo phận Vinh, hôm qua, tối 9/8/2009, bà con giáo dân xứ Cầu Rầm, thành phố Vinh tiếp tục thắp nến cầu nguyện đặc biệt cho công lý và hoà bình, với chủ đề “XIN CHO GIÁO HỘI ĐƯỢC HƯNG THỊNH”. Mọi người quy tụ đông đủ trước tượng Mẹ, Mẹ Giáo Phận Vinh, để nhờ Mẹ, với Mẹ và trong Mẹ dâng lên Chúa lời tạ ơn và cầu xin tha thiết của mình.

Khác với tâm trạng của những lần cầu nguyện trước là bàng hoàng, nghi ngại và pha chút lo âu cho một tương lai bế tắc, lần này chúng tôi nhận thấy trên khuôn mặt của những người tham dự toát lên sự phấn khởi vui tươi và đầy tin tưởng. Phấn khởi vui tươi bởi Lời Chúa trong thánh lễ Chúa Nhật XIX Thường Niên mà họ vừa được nghe đã tăng thêm sức mạnh và niềm hy vọng. Cũng như tiên tri Êlia xưa đã “lội ngược dòng đời” để bảo vệ Chân Lý Chúa và Ông đã chiến thắng nhờ có Chúa ở cùng, thì nay, dân Chúa, cách riêng là con cái giáo phận Vinh cũng đang phải “lội ngược dòng đời” để bảo vệ cho công lý và hoà bình (x. 1V19,4-8). Những điều này đã được nhắc lại cách chắc chắn trong bài Tin Mừng khi Chúa Giêsu quả quyết ai tin vào Ngài và ăn Thịt Máu Ngài thì sẽ vượt thắng mọi thế lực sa tan và có sự sống đời đời (x. Ga 6,41-51). Do đó, họ tin tưởng tuyệt đối cho dù có phải đối mặt với những thử thách nghiệt ngã nhất thì kết cục họ cũng sẽ chiến thắng vì Chúa luôn ở cùng họ.

Lại nữa, hơn lúc nào hết, trong những ngày chuẩn bị mừng lễ Mẹ Linh Hồn và Xác lên trời, bà con giáo dân giáo phận Vinh tin tưởng Trái Tim Tân Khổ và Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria là từ mẫu hằng âu yếm chăm lo đến mọi hành động trong ngoài của Giáo phận Vinh, trong những ngày con cái Mẹ bị bách hại nhiều cách, khốn khó nhiều bề bởi những mưu sâu độc ác của ma quỷ thì Mẹ sẽ ban ơn thêm sức để họ sốt sắng giữ đạo, can đảm tuyên xưng đức tin trong các cơn áp bức khủng bố.

Được biết, kể từ khi biến cố 20/7/2009 xảy ra, đáp lại lời mời gọi khẩn thiết của linh mục quản xứ Cầu Rầm, tất cả giáo dân nơi đây không ngừng cầu nguyện, làm việc lành phúc đức, dâng các hy sinh trong cuộc sống để xin Chúa đoái thương đến dân Việt, cho công lý và hoà bình thực sự đến trên đất nước này, đồng thời xin Chúa cho Giáo hội được ngày một hưng thịnh hơn.
 
Giáo xứ Mỹ Dụ tổ chức tuần chầu Thánh Thể và hiệp thông cầu nguyện cho giáo dân Tam Toà
PV Mỹ Dụ
18:10 10/08/2009
VINH - Từ ngày 3/8/2009 đến ngày 9/8/2009, giáo xứ Mỹ Dụ tổ chức tuần chầu Thánh Thể và hiệp thông cầu nguyện cho giáo dân Tam Toà nói riêng và giáo dân Quảng Bình nói chung. Mặc dù trời mưa, và giáo xứ Mỹ Dụ lại ở trong vùng thấp trủng, nhưng số lượng người tham dự các buổi lễ và chầu Thánh Thể rất đông, đến nỗi giáo dân phải đứng cả trên đường ven Sông Lam. Chúng tôi thấy có sự hiện diện của các cha trong và ngoài giáo phận.

Ấn tượng nhất là đêm thắp nến cầu nguyện vào Thứ Bảy: Sau khi mọi người xem lại các băng hình liên quan đến biến cố Tam Toà, cha quản xứ Mỹ Dụ giải thích thế nào là tội gây rối trật tự công cộng, và bác bỏ lời kết tội của nhà cầm quyền Quảng Bình đối với giáo dân Tam Toà. Cộng đoàn còn được nghe đoạn phỏng vấn linh mục Hồ Thái Bạch và nhận ra sự gian dối của báo Sài Gòn Giải Phóng.

Tiếp đến một số giáo dân phát biểu ý kiến của mình. Ông Phêrô Nguyễn Văn Dung - thành viên Mặt trận huyện Hưng Nguyên - nói: "Chúng ta lên án việc hành hung các linh mục và giáo dân Tam Toà. Công an đáng ra phải hành động công chính và phục vụ an ninh, đằng này lại đánh đập nhân dân tàn nhẫn, kể cả linh mục cũng bị đánh. Chúng ta hãy làm đơn khiếu kiện lên Quốc Hội và chính quyền Trung Ương."

Ông Nguyễn Văn Ngọc, xóm trưởng xóm 10, thì phát biểu: "Một mặt chúng ta cực lực lên án bọn côn đồ và bọn đội lốt côn đồ; mặt khác, chúng ta cần tìm hiểu sự thật về Tam Toà và giải thích cho anh em lương dân biết, nhằm tránh sự hiểu lầm do họ chỉ nghe thông tin một chiều."

Còn cha quản xứ Mỹ Dụ cho biết là ngài đã gửi các tài liệu liên quan đến Tam Toà cho cán bộ xã và huyện. Ngài nói với một cán bộ mặt trận huyện rằng: "Chúng tôi chỉ treo các băng rôn phản ánh sự thật, tại sao cán bộ xã chụp mũ cho chúng tôi là phạm pháp. Báo đài nhà nước có những thông tin xuyên tạc về biến cố Tam Toà. Các ông cần phải nghe thông tin hai chiều để biết đâu là sự thật." Ông cán bộ này cám ơn và nói: "Chúng tôi cũng cần phải xem để tìm hiểu sự thật". Hi vọng là còn có một số cán bộ chính quyền có thiện chí và nghe được thông tin hai chiều.

Chúng tôi thấy các băng rôn tại giáo xứ Mỹ Dụ có nội dung như sau: "Cầu nguyện cho giáo dân Tam Toà bị công an Quảng Bình đánh đập và bắt giữ"; "Cầu nguyện cho hai linh mục bị đánh trọng thương tại Tam Toà"; "Cầu nguyện cho nhà thờ Tam Toà bị chính quyền Quảng Bình chiếm đoạt.
 
Giáo xứ Thuận Nghĩa dâng Thánh lễ và rước nến hiệp thông cầu nguyện cho giáo xứ Tam Tòa
Fx. Tiến Dũng
18:35 10/08/2009
VINH - Chiều ngày 9/8/2009, giáo xứ Thuận Nghĩa đã tổ chức Thánh lễ và rước nến để cầu nguyện cho giáo xứ Tam Tòa. Bà con giáo dân trong giáo xứ về tham dự Thánh lễ và buổi rước nến cầu nguyện rất đông, với số lượng khoảng 10.000 người.

Trong buổi cầu nguyện, chính các em học trò và các hội đoàn, các đoàn thể đã quỳ gối trước Thánh giá Chúa để dâng lên những ước nguyện của mình: “Xin Chúa cho chúng con biết phải làm gì khi những chứng nhân của Đức Kitô bị giam cầm và đàn áp, khi nhà Chúa ngang nhiên bị chiếm đoạt bất công, khi quyền tự do tối thiểu được pháp luật ghi nhận lại bị nhà cầm quyền chà đạp, khi Thánh giá Chúa bị xúc phạm nặng nề và xin cho chúng con biết phải làm sao để công lý và hoà bình được ngự trị trong cuộc sống?” Với tất cả tâm tình đó, mọi người đã giơ cao ngọn nến sáng trên tay, hiệp ý với Linh mục chủ sự trong lời nguyện kết thúc: “Lạy Chúa, Chúa đã mặc khải cho nhân loại rằng những ai xây dựng hòa bình sẽ được phúc gọi là con cái Chúa. Xin giúp chúng con luôn biết khao khát tìm công lý Chúa đã dạy. Vì chỉ có thế, chúng con mới được hưởng một nền hòa bình đích thực và trường cửu. Xin Chúa trợ giúp soi lòng mở trí những người Chúa đã đặt làm lãnh đạo các cấp chính quyền, để họ có thể hoàn thành sứ mạng Chúa trao phó trong tinh thần tôn trọng luật Chúa, xin cho họ biết nhận ra Chân lý của Chúa, để đem lại hòa bình và tự do cho dân nước.Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.”

Kết thúc buổi cầu nguyện, mọi người cùng hợp ý với nhau và cất cao lời kinh hoà bình của thánh Phanxicô Assisi. Xin Chúa ban bình an trên quê hương đất nước, trên giáo phận, cách riêng là giáo xứ Tam Tòa. Xin cho mỗi người biết luôn kết hiệp với Chúa, đoàn kết nhất trí với nhau để làm chứng cho công lý và sự thật.

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Ngày Vắng Khách
Lm. Tâm Duy
06:19 10/08/2009

NGÀY VẮNG KHÁCH



Ảnh của Lm. Tâm Duy.

Bạn bè của tôi,

Từng chiếc lá trong trận bão dân tộc

Tuổi trẻ đôi mươi bị lãng phí như cỏ rác thôi

Thằng thật tài ba thì đạp xích lô...

(Trích Ca khúc Bạn Bè Của Tôi của Phan Văn Hưng)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền