Ngày 16-08-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 17/08: Các Tôn Giáo là những người làm vườn Nho – Lm. Phaolô Nguyễn Trọng Thiên, SVD
Giáo Hội Năm Châu
03:23 16/08/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này: “Nước Trời giống như chuyện chủ nhà kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. 4 Ông cũng bảo họ: ‘Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng.’ Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: ‘Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?’ Họ đáp: ‘Vì không ai mướn chúng tôi.’ Ông bảo họ: ‘Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!’ Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: ‘Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất.’ Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn chủ nhà: ‘Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt.’ Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: ‘Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?’ Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót.”

Đó là lời Chúa
 
Nổi tiếng
Lm. Minh Anh
06:49 16/08/2022

NỔI TIẾNG
“Nhiều kẻ trước hết sẽ nên sau hết, và kẻ sau hết sẽ nên trước hết”.

“Let Us Live”, một trong những bài thơ nổi tiếng nhất thế giới. Thi sĩ Latin Catullus viết, “Hãy để chúng ta sống; hãy để chúng ta yêu, hãy để chúng ta xét lại mọi đồn thổi của những con người đứng tuổi đi trước mà giá trị chỉ đáng một xu. Mặt trời có thể lặn rồi mọc dậy; nhưng với con người, khi ánh sáng ngắn ngủi chìm xuống, chúng ta phải ngủ một đêm dài vĩnh viễn bất tận!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Mọi lời đồn thổi, huyễn danh, hay sự ‘nổi tiếng’ của một con người rồi cũng chỉ đáng một xu! Sẽ khá bất ngờ khi tư tưởng của nhà thơ La Mã cổ đại được gặp lại trong Lời Chúa hôm nay! Cách nào đó, hai bài đọc đều nói đến sự ‘nổi tiếng’; ‘nổi tiếng thế gian’, ‘nổi tiếng thiên đàng!’.

Trước hết, Êzêkiel nói đến sự ‘nổi tiếng thế gian!’. Tirô, một con người giàu có; cậy mình lắm của, sinh lòng kiêu ngạo; vua tự cho mình là thần. Và Thiên Chúa đã để ngoại bang đánh phá tơi bời và vua đã chết thê thảm giữa trùng khơi. Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Chúa phán, Ta là Đấng cầm quyền sinh tử!”. Với bài Tin Mừng, sau câu hỏi của Phêrô, “Chúng con sẽ được gì?”, Chúa Giêsu nói, “Đến thời tái sinh, các con sẽ ngồi trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Israel”; Ngài nói đến sự ‘nổi tiếng’, nhưng sự ‘nổi tiếng’ Ngài nói là ‘nổi tiếng thiên đàng!’. Và Chúa Giêsu kết luận, “Nhiều kẻ trước hết sẽ nên sau hết, và kẻ sau hết sẽ nên trước hết”. Câu nói của Ngài cho thấy sự mâu thuẫn giữa ‘thành công thế gian’ và ‘thành công thiên đàng!’.

“Nhiều kẻ trước hết”, họ là ai? Để hiểu điều này, chúng ta cần lưu ý sự khác biệt giữa “thế gian” và “Nước Trời”. Thế gian luôn luôn đề cao sự ‘nổi tiếng!’: thành công, uy tín, hư danh, và những thứ tương tự đi kèm. Thật ra, ‘nổi tiếng’, tự nó chẳng có gì là xấu, nhưng say mê nó đến độ bất chấp tất cả, đánh đổi tất cả, thì đó là cạm bẫy kìm chân chúng ta đến với Thiên Chúa và tha nhân. Đương thời, Chúa Giêsu cũng rất ‘nổi tiếng’; từ khắp nơi, người ta tuôn đến với Ngài, thậm chí bắt Ngài, tôn làm vua. Đang khi ma quỷ, chúa thế gian, luôn tìm cách bang trợ những ai phục vụ ý muốn của nó, kể cả Chúa Giêsu! Một khi mắc mưu ma quỷ, chúng ta để mình bị lôi kéo đến mê muội vào việc tìm kiếm sự ‘nổi tiếng’ này; và xu hướng chung, ai cũng thích nó. Chúa Giêsu cho biết, ai bị cuốn hút vào lối sống này, sẽ là người “sau hết” trong Nước Trời!

Tương phản với những con người “sau hết” này là những người “trước hết” trong Nước Trời. Đó là những linh hồn thánh thiện vốn có thể được tôn vinh hoặc không được tôn vinh bởi người đời; một số có thể được nhìn nhận và thế giới tôn vinh họ, chẳng hạn, Mẹ Têrêxa. Nhưng rất thường, không ai biết đến họ; họ bị hạ thấp, bị coi là lập dị. Vậy tại sao chúng ta không muốn bắt chước Chúa Giêsu và những con người thánh thiện để làm người ‘nổi tiếng’ trong việc yêu mến Chúa và âm thầm phục vụ tha nhân? Thật ra, người ‘nổi tiếng’ theo cách này thì lặng lẽ, khiêm hạ và với thế gian, họ là những kẻ “sau hết”; nhưng với Thiên Chúa, họ là “trước hết!”.

Anh Chị em,

“Nhiều kẻ trước hết sẽ nên sau hết, và kẻ sau hết sẽ nên trước hết”. Câu nói nghịch thường này hoàn toàn đúng nơi Chúa Giêsu. Ngài là “phiến đá thợ xây loại bỏ trở nên đá tảng góc tường”; là “kẻ bị khinh thị, không ai thèm để mắt” nhưng lại là Đấng đánh bại thần chết và phục hồi sự sống cho nhân loại. Ngài là “kẻ sau hết đã nên trước hết!”. Ai nổi tiếng bằng Chúa Giêsu? Vậy với bạn, điều nào quan trọng? Bạn thực sự thích một điều gì đó cho đời đời hay thích những gì ‘nổi tiếng’ nhưng rất đỗi phù du? Bạn muốn được mọi người nghĩ tốt trong cuộc sống này ngay cả khi điều đó làm tổn hại đến giá trị và sự thật? Hay bạn đang dán mắt vào Chúa Giêsu, sự thật và phần thưởng vĩnh cửu? Đừng để những ước muốn thế tục này thống trị hoặc ngăn bạn để mắt đến sự ‘nổi tiếng thánh thiện’, ‘nổi tiếng thiên đàng’, như một điều đáng ao ước!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con gạt bỏ mọi lo lắng thế tục về sự ‘nổi tiếng’ thế gian; cho con chỉ tìm cách làm đẹp lòng Chúa và thao thức cho sự ‘nổi tiếng thánh thiện’, ‘nổi tiếng thiên đàng!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Phấn đấu đi qua cửa hẹp để vào Nước Trời
Lm. Đan Vinh
06:53 16/08/2022

CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN C
Is 66,18-21; Dt 12,5-7.11-13; Lc 13,22-30
PHẤN ĐẤU ĐI QUA CỬA HẸP ĐỂ VÀO NƯỚC TRỜI

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG : Lc 13,22-30

(22) Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. (23) Có kẻ hỏi Người : “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” Người bảo họ : (24) “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào. Vì tôi nói cho anh em biết : Có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được”. (25) Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khóa cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa mà nói : “Thưa Ngài, xin mở cho chúng tôi vào !”, thì ông sẽ bảo anh em : “Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến !” (26) Bấy giờ anh em mới nói : “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt Ngài, và Ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi”. (27) Nhưng ông sẽ đáp với anh em : “Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt Ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính !” (28) “Ở đó anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. (29) Thiên hạ sẽ từ Đông Tây Nam Bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. (30) Và kìa, có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót”.

2. Ý CHÍNH :
Trong Tin mừng hôm nay, Lu-ca ghi lại Lời Đức Giê-su trả lời cho hai câu hỏi: Câu hỏi một : Ai sẽ được ơn cứu độ? Thưa hết mọi người đều được hưởng ơn cứu độ với các tổ phụ của dân Do thái, đang khi chính dân này lại bị loại ra ngoài. Câu hỏi hai : Muốn được hưởng ơn cứu độ ta cần làm gì? Thưa ta phải chiến đấu để vào Nước Trời qua cửa hẹp.

3. CHÚ THÍCH :
- C 22-24 : + Đức Giê-su ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy : Trên đường từ miền Ga-li-lê (Bắc), theo đường bộ về Thủ đô Giê-ru-sa-lem thuộc miền Giu-đê (Nam), Đức Giê-su đã đi ngang qua nhiều thành thị làng mạc. + Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không? : Thời Đức Giê-su có hai quan niệm về ơn cứu độ trái ngược nhau : Phe lạc quan thì cho rằng bất cứ ai gốc Do thái, tuân giữ Luật pháp Mô-sê, thì đương nhiên sẽ được ơn cứu độ. Còn phe bi quan, chịu ảnh hưởng của sách mạo thư (4 Esdra) thì chỉ có rất ít người được ơn cứu độ mà thôi. + Hãy chiến đấu để qua được cửu hẹp mà vào : Đức Giê-su không trả lời trực tiếp câu hỏi của người kia, mà Người khuyên hãy cố gắng phấn đấu và bền chí để được cứu thoát (x. Lc 16,16; Mt 11,12; 24,13). + Có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được : Không vào được vì thời gian quá muộn (x. c. 25), hoặc vì muốn đi con đường không phù hợp là đường rộng thênh thang sẽ dẫn tới chỗ diệt vong (x. Mt 7,13-14), hay không đi lọt qua được cửa hẹp để vào Nước Trời do lòng tham muốn chiếm đoạt tiền của bất công và thói đam mê hưởng thụ các lạc thú bất chính.
- 25-27 : + Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khóa cửa lại : “Cửa khóa lại” là biểu tượng của ngày tận thế chung toàn thể nhân loại hay giờ chết riêng của mỗi người. Những kẻ không sống theo ý Chúa, khi phải ra trước tòa Chúa phán xét thì đã muộn, vì bấy giờ cửa đã khóa lại. + “Thưa Ngài xin mở cửa cho chúng tôi vào !” : Đợi đến lúc chết hay lúc tận thế mới chịu hồi tâm sám hối và nài xin vị Thẩm phán mở cửa cho vào thì đã muộn. + “Ta không biết các anh từ đâu đến !” : Đây là kiểu nói Do thái, tương đương với câu : “Ta không biết các ngươi là ai”. Vị Thẩm phán không nhận những người Do thái xấu xa làm gia nhân. Để được làm dân Thiên Chúa thì nguyên việc thuộc dòng giống Áp-ra-ham không đủ (x. Lc 3,8; Ga 8,33-41), mà còn phải biết đón nhận Đức Giê-su, nghĩa là phải được vị Thẩm phán cánh chung nhận biết nữa (x. Lc 13,25-27). + Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt Ngài, và Ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi : “Chúng tôi” trong câu này ám chỉ những người Do thái sống đồng thời với Đức Giê-su, đã được mắt thấy tai nghe những lời giảng dạy và các phép lạ Người làm. Họ tưởng rằng sự liên hệ ấy là bảo đảm cho họ được vào Nước Thiên Chúa. Nhưng họ đã lầm. + “Ta không biết các anh từ đâu đến” : Lời tuyên bố được lặp lại hai lần nói lên sự dứt khoát từ chối những kẻ cố chấp không tin Đức Giê-su và không chịu ăn năn sám hối được vào Nước Thiên Chúa. + “Cút đi cho khuất mắt Ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính !” : Hình phạt đau khổ nhất trong hỏa ngục là không được chiêm ngưỡng thánh nhan Thiên Chúa, không được nhận Người là Cha của mình.
- C 28-30: + Ở đó anh em sẽ khóc lóc nghiến răng : Kiểu nói này diễn tả hình phạt hỏa ngục, dành cho những kẻ làm điều gian ác. Trong hỏa ngục, chúng sẽ phải khóc lóc đau khổ và nghiến răng tức giận. + Khi thấy các ông Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp cùng tất cả ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa : Những ai đi qua cửa hẹp nghĩa là sống công chính sẽ được về với các Tổ phụ dân Do thái là Áp-ra-ham, I-sa-ác, Gia-cóp và các Ngôn sứ, nghĩa là sẽ được hưởng ơn cứu độ. Giống như trường hợp La-da-rô nghèo khổ khi chết được thiên thần đem vào lòng Tổ phụ Áp-ra-ham (x. Lc 16,22). + Còn mình lại bị đuổi ra bên ngoài : Những người Do thái cố chấp không chịu đón nhận Tin mừng Đức Giê-su rao giảng sẽ bị loại ra ngoài và chịu hình phạt. + Những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót : Người Do thái luôn được ưu tiên đón nhận ơn cứu độ (x. Cv 3,26). Nhưng họ đã từ chối, nên Tin mừng đã được rao giảng cho dân ngoại (x. Cv 13,46; 18,6). Như vậy là có sự thay đổi thứ tự trước sau giữa dân Do thái và dân ngoại.

4. CÂU HỎI :
1) Đức Giê-su dạy phải đi con đường nào để được ơn cứu độ?
2) Hành động của ông chủ khóa cửa lại diễn tả điều gì?
3) Muốn được ơn cứu độ thì nguyên việc thuộc dòng giống Do thái, và được sống đồng thời với Đức Giê-su đã đủ chưa? Đòi người ta phải có những điều kiện quan trọng nào khác?
4) Điểm nổi bật nhất giúp phân biệt giữa thiên đàng với hỏa ngục là gì và những ai sẽ bị loại ra khỏi Nước Thiên Chúa?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA : “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào” (Lc 13,24).
2. CÂU CHUYỆN :

1) CON ĐƯỜNG RỘNG RÃI SẼ DẪN ĐẾN ĐAU KHỔ BẤT HẠNH :
Một đôi vợ chồng trẻ kia đều là công nhân trong xí nghiệp may. Họ mới lấy nhau và sống hòa hợp hạnh phúc trong một căn phòng chật hẹp. Họ bàn nhau phải kiếm nhiều tiền để mua một căn nhà khang trang đầy đủ tiện nghi hơn. Nhưng với đồng lương công nhân như hiện nay thì đủ sống được cũng còn là may. Rồi một hôm cô vợ được một người quen giới thiệu chỗ làm mới là làm chiêu đãi viên trong một quán bia ôm. Công việc này lại được tiền “bo” của khách cao gấp chục lần so với đồng lương công nhân trước đó. Anh chồng vì muốn sớm đổi đời nên đã đồng ý cho vợ đi làm. Anh hy vọng sau một thời gian vài ba năm ăn nhịn để dành, hai vợ chồng sẽ mua được ngôi nhà ưng ý và sẽ cho vợ nghỉ làm. Nhưng sự việc xảy ra lại không đơn giản như họ nghĩ. Từ khi đi bán bia ôm, cô vợ làm ra nhiều tiền và được nhiều người vừa giàu có lại vừa có địa vị theo đuổi tán tỉnh, dần dần cô đã thay đổi tính nết trở thành một con người khác hẳn. Cô không còn mặn nồng với người chồng mà giờ đây cô đánh giá là kẻ bất tài, lười biếng và chỉ biết ăn bám vào vợ. Từ suy nghĩ trên, cô thường tỏ thái độ khinh thường chồng. Do nhiễm thói hư của các cô bạn cùng chỗ làm, cô cũng hay gắt gỏng và la mắng chồng bằng những lời thô tục, khiến anh cảm thấy buồn bực. Anh ta chỉ còn biết bầu bạn với rượu bia để giải sầu. Cuộc sống chung của hai người không còn nồng ấm và vui vẻ như trước. Cuối cùng họ đã nộp đơn ra tòa xin ly hôn. Thật đúng như lời Chúa phán : “Con đường rộng rãi là đường dẫn tới hư mất” (Mt 7,13), và người đời cũng có câu : “sự thành công không đến ngẫu nhiên, nhưng chính là kết quả của những cố gắng liên tục kèm theo sự kiên trì dài lâu”.

2) SỐ PHẬN CỦA CHIẾC TÀU HỎA KHÔNG ĐI THEO ĐƯỜNG RAY :
Một hôm chiếc tàu hỏa nghĩ rằng “Tại sao ta lại phải gò bó đi trên hai làn đường sắt? Tại sao ta lại không được chạy nhảy như hươu nai, chạy qua đồi núi, băng qua cánh đồng như bao muông thú khác?” Thế rồi nó đã vượt qua hai làn đường sắt gò bó, để được tự do… Hậu quả của sự chọn lựa nầy là chiếc tàu hoả đã bị ngã đổ xuống vực sâu tan tành. Nếu chiếc tàu hỏa chịu đi trên hai làn đường ray chật hẹp, thì nó đã về đến bến ga an toàn rồi.
Trong gia đình, một hôm chị vợ tự nghĩ : thật uổng phí cả cuộc đời thanh xuân khi ngày nào mình cũng phải làm các công việc như : nấu ăn, rửa chén, quét nhà… để phục vụ chồng con. Tại sao ta không tự giải phóng mình thoát khỏi công việc nhàm chán này? Tại sao ta lại không đi chơi thoải mái như các cô gái ở các vũ trường hộp đêm?
Thế rồi cô đã bỏ nhà ra đi để sống tự do phóng đãng, và kết cục là gia đình bị đổ vỡ ly tán, và cô đã trở thành một người đàn bà bất hạnh không còn ai đoái hoài…

3) CUỘC CHẠY ĐUA GIỮA THỎ VÀ RÙA :
Trong các chuyện ngụ ngôn của LA-PHÔNG-TÊN (Lafontaine) có câu chuyện chạy đua giữa thỏ và rùa : Con thỏ rất nhanh chân, còn rùa thì bước đi chậm chạp. Thế nhưng kết cuộc rùa chậm lại thắng thỏ nhanh. Chính là do rùa đã biết thân biết phận, nên đã cố gắng phấn đấu hết khả năng để vượt chặng đường đua qui định. Rùa vẫn biết khả năng thắng cuộc rất mong manh. Nhưng với sự cần cù vượt khó : vượt qua nỗi mệt nhọc, vượt qua khả năng giới hạn, vượt qua sự chê cười của đối phương... Chính sự cố gắng đó đã đưa rùa đến chiến thắng vẻ vang.
Còn thỏ, do quá ỷ lại vào tài năng, nên bắt đầu cuộc thi vẫn rong chơi thoải mái, tìm thưởng thức của ăn dọc đường. Rồi thỏ còn ỷ y nằm ngủ ngon lành. Khi chợt tỉnh dậy, thỏ không còn nhìn thấy rùa đâu nữa bèn tăng tốc, nhưng đã không kịp nữa, rùa đã đến đích trước. Thỏ đành ôm hận và chịu thất bại do thái độ ơ hờ khinh địch của mình.
Có tài năng, nhưng quá ỷ lại, không biết cố gắng phấn đấu thì tài năng cũng trở thành vô ích. Còn nếu biết vượt khó, chắc chúng ta sẽ đạt thành công. Do đó, Đức Giê-su đã khuyên các môn đệ như sau : “Hãy cố gắng qua cửa hẹp để vào Nước Trời”.

4) “CÓ NHỮNG KẺ ĐỨNG CHÓT SẼ LÊN HÀNG ĐẦU…” :
Một buổi trưa hè yên tĩnh, thánh Phê-rô đang nghỉ trưa thì nghe thấy có tiếng kèn kêu “pin pin !” trước cổng thiên đàng, rồi một người đàn bà sang trọng đeo nhiều vàng bạc trang sức từ trong chiếc xe hơi sang trọng bước ra khỏi xe, cùng anh tài xế đi đến cổng để xin vào thiên đàng. Thánh Phê-rô liền ra mở cổng dẫn vào. Ngài dẫn hai người đi tới khu biệt thự sang trọng, rồi khi đến trước ngôi nhà khang trang tốt đẹp, ngài lấy ra bộ chìa khóa ngôi nhà trao cho anh tài xế. Bà chủ nghĩ thầm : “Gã tài xế của mình mà còn được ở trong ngôi nhà khang trang như thế, thì chắc mình sẽ được ở một dinh thự đẳng cấp gấp bội !”. Nhưng sau đó thánh Phê-rô lại dẫn bà chủ đến một túp lều tranh lụp xụp ở cuối vườn nhà anh tài xế và nói :
- Cái chòi này là nhà của bà.
Bà nhà giàu liền tỏ vẻ bất bình nói với thánh Phê-rô :
- Ngài có bị lộn không đó? Tôi mà phải ở trong cái chòi tồi tàn này sao?
Thánh Phê-rô trả lời :
- Thưa bà, ta không lộn đâu. Vì với số vật liệu ít oi bà gởi lên thiên đàng hằng ngày, ta chỉ có thể làm được một cái chòi như vậy cho bà mà thôi !
Đó thật là một bất ngờ lớn cho “những kẻ đứng đầu”. Họ là những người được Chúa ban cho danh vọng giàu có, nhưng lại có lối sống ích kỷ, chỉ biết lo cho bản thân, mà không biết chia sẻ giúp đỡ người đau khổ bất hạnh. Chính thói tham lam ích kỷ đã biến họ lẽ ra đứng hàng đầu lại trở thành kẻ đứng hàng chót trong Nước Trời.

5) VIỆC BÁC ÁI CHỈ CÓ GIÁ TRỊ NẾU BIẾT THỰC HIỆN KHI CÒN SỐNG :
"Một ông nhà giàu đã than phiền với một người bạn thân : "Nhiều người không thích tôi. Họ cho rằng tôi là một người ích kỷ và keo kiệt. Nhưng họ đâu biết rằng tôi đã nhờ luật sư làm chúc thư, trong đó tôi hứa sau khi chết, sẽ tặng tất cả tài sản để làm việc bác ái từ thiện giúp đỡ người nghèo".
Ông bạn kia liền nói : "Ồ, câu chuyện của ông làm tôi liên tưởng đến cuộc trò chuyện giữa con bò và con heo. Một hôm heo phàn nàn với bò : “Cả hai chúng ta đều cho loài người những gì mình có : Bạn cho họ sữa tươi để uống, còn tôi cho họ nhiều hơn thế : nào là thịt làm dăm bông, tiết canh, lòng heo và cả giò heo nữa… Thế mà loài người lại khinh thường tôi, nhưng lại vuốt ve bạn. Tại sao họ lại cư xử bất công với loài heo chúng tôi như thế?”
Bò suy nghĩ một lát rồi chậm rãi nói cho heo biết nguyên nhân : “Bạn nói đúng lắm. Nhưng có sự khác biệt giữa lòng tốt của tôi và của bạn : bạn chỉ cho loài người các món ăn ngon sau khi bạn chết; còn tôi cho họ sữa tươi uống mỗi ngày ngay khi đang sống !"

3. THẢO LUẬN :
1) Tôi hiện đang mắc thói hư nào nghiêm trọng nhất?
2) Trong những ngày này, tôi sẽ làm gì cụ thể để tu sửa thói hư ấy hầu xứng đáng được Chúa đón nhận vào Nước Trời đời sau?

4. SUY NIỆM :
Tin mừng hôm nay trình bày về những điều kiện để được gia nhập vào Nước Thiên Chúa do Đức Giê-su thiết lập là : Phải đi qua cửa hẹp, phải vào kịp giờ trước khi cửa đóng, và phải có đủ một số điều kiện khác nữa.

1) PHẢI VÀO NƯỚC THIÊN CHÚA NGANG QUA CỬA HẸP :
- Đức Giê-su đã tự ví mình là cửa chuồng chiên : “Tôi là cửa cho chiên ra vào” (Ga 10,7). Người cũng đòi những ai muốn vào Nước Thiên Chúa phải đi qua cửa hẹp : “Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào”. Bước qua cửa hẹp là sống khắc khổ hãm mình, là can đảm chống lại các cám dỗ của ma quỷ, thế gian và xác thịt, và luôn vâng theo thánh ý Chúa Cha như Chúa Giê-su dạy : ”Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : “Lạy Chúa ! Lạy Chúa !” là được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21).
- Bước qua cửa hẹp là chọn cách sống phù hợp với Tin Mừng : là chấp nhận con đường leo dốc ít người muốn theo; Là bỏ ý riêng để vâng ý Chúa Cha (x Lc 22,41); Là chấp nhận thập giá các khó khăn gặp phải để vác đi theo sau Người (x. Lc 9,23).
- Bước qua cửa hẹp đòi phải loại trừ “cái tôi” : “cái tôi” ích kỷ, cái tôi nặng nề vì những vun quén cá nhân, “cái tôi” phình to ra vì tự mãn, sĩ diện hão và tham vọng cao. Thật ra cửa vào sự sống không hẹp bao nhiêu, nhưng trở nên hẹp là do “cái tôi” quá khổ. Cần phải làm cho “cái tôi” ấy nhỏ lại giống trẻ thơ mới vào được Nước Trời (x. Mt 18,3), bằng cách sống khiêm tốn tự hạ (x. Mt 18,3-7). Hãy noi gương khiêm hạ của Gio-an Tẩy giả khi trả lời môn đệ về mối liên quan giữa ông với Đức Giê-su : “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3,30).

2) ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC VÀO NƯỚC THIÊN CHÚA :
- Phải chiến đấu mới vào được Nước Trời :
Đời sống Ki-tô hữu là một cuộc chiến đấu không ngừng để vượt qua “cái tôi” ích kỷ và chiến đấu với bản thân mình. Ước gì đừng bao giờ chúng ta tự hào vì đã biết Chúa, nhưng phải sống khiêm hạ, để được Chúa biết và nói với chúng ta : “Khá lắm ! Hỡi người đầy tớ tài giỏi và trung thành ! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh !” (Mt 25,21). Nhiều người Do thái đã đến chậm khi cửa Nước Trời đã đóng lại. Họ gõ cửa xin vào. Họ tưởng mình chắc sẽ có chỗ trong bàn tiệc Nước Trời, nhưng họ đã bị từ chối với lý do : “Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt Ta, hỡi những quân làm điều bất chính !” (Lc 13,27).
- Chúng tôi phải làm gì? :
+ Có khi nào chúng ta nghĩ mình cũng có thể bị xua đuổi vì đã làm điều xấu xa; Vì đã không sống Lời Chúa là “bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà đi theo Chúa” không?
+ Nhiều người trong chúng ta hôm nay cũng có thể chữa mình giống dân Do Thái xưa : “Chúng tôi đã được rửa tội làm con Thiên Chúa, đã siêng năng tham dự thánh lễ và rước lễ tại nhà thờ, đã đọc và suy niệm lời Chúa trong gia đình, đã là thành viên Hội đồng Mục vụ Giáo Xứ, là Hội Viên các hội đoàn Tông Đồ Giáo Dân …” Tại sao không được vào Nước Trời.
+ Nhưng điều kiện Chúa đòi chúng ta không chỉ là làm các việc đạo đức hình thức, nhưng là sống đức tin bằng việc thực thi đức Cậy và đức Mến như sau :
Là phải đi theo con đường hẹp, bỏ mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo chân Chúa.
Là quyết loại trừ các thói hư, chu toàn việc bổn phận và luôn xin vâng thánh ý Thiên Chúa.
Là thực hành các việc bác ái cụ thể như Chúa phán : “Xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han. cho kẻ đói ăn, kẻ khát uống, quần áo che thân, thăm viếng an ủi những người tù đày, phục vụ những người đau khổ… hay không?” (Mt 25,35-36).

5. LỜI CẦU :

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Hôm nay Chúa dạy chúng con “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp vào Nước Trời”. Chúa muốn chúng con vượt qua cửa hẹp là can đảm chịu đựng các đau khổ trong cuộc sống; Là quyết tâm loại trừ các đam mê tội lỗi bất chính… Qua cửa hẹp cũng chính là mời gọi chúng con thực thi lối sống tin yêu, khiêm nhường phục vụ Chúa đang hiện thân nơi những người nghèo đói bất hạnh. Ước gì mỗi ngày chúng con biết đi qua cửa hẹp để được vào dự bàn tiệc Nước Trời với Chúa muôn đời.- AMEN.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:56 16/08/2022

34. Tôi tận lực làm tất cả mọi việc là chỉ vì để Thiên Chúa vui lòng.

(Thánh Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:59 16/08/2022
72. CHÓ GẶP NHÀ GIÀU

Chó rất giỏi nịnh ông chủ, lại còn ức hiếp người nghèo và yêu thích người giàu, nhìn thấy người quần áo rách bươm thì nhất định lớn tiếng sủa cắn không thôi.

Một hôm, nó chạy ra ngoại ô và gặp một con báo có bộ lông vàng kim tuyến thì nghĩ trong bụng:

- “Cái thứ mặc lễ phục màu vàng kim tuyến này, thì nhất định là công tử con nhà giàu, ta phải kết thân với nó mới được.”

Nghĩ xong bèn chạy lên phía trước làm thái độ vẫy đuôi xin xỏ.

Nhưng nào ngờ, con báo màu vàng kim tuyến ấy nhảy lên há to cái miệng muốn xơi tái con chó, con chó thất kinh hồn vía quay đầu chạy thoát thân, nhưng sợ quá hồn bất phụ thể.

May mắn gặp con trâu, con trâu cười nói:

- “Mày không thông thạo việc đời, lẽ nào mày không nghe nói rằng gần đây người trên thế gian càng có tiền thì càng ăn người hay sao?”

(Yết hậu ngữ)

Suy tư 72:

Thời nay, có các đại gia bên Trung Quốc, bên Nhật ăn thịt các thai nhi để được cường dương bổ thận; thời nay có các minh tinh người mẫu ở Đài Loan dùng thai nhi để làm thuốc uống và thoa cho da mặt mịn màn trẻ mãi không già. Đại gia và minh tinh người mẫu đều lả những triệu phú, tỉ phú xài tiền như đốt giấy, đúng là người ta càng có tiền thì càng ăn thịt đồng loại.

Con chó vì thích chơi với những ai giàu có và những ai có cái mả hào nhoáng bên ngoài nên suýt toi mạng. Cũng vậy, những ai quá chú trọng đến sự hưởng thụ của thân xác, quá chú trọng đến vẻ đẹp của thân xác mà dùng tiền để làm những việc ác đức như: ăn thai nhi, mua thai nhi làm thuốc uống.v.v...đều là những con chó đội lốt người ăn thịt đồng loại, coi chừng sẽ có ngày các thai nhi sẽ tố cáo trước mặt Thiên Chúa đấy.

Tiền bạc chỉ là thứ phù vân nay còn mai mất, nhưng biết dùng cái phù vân để làm việc lành, dùng cái nay còn mai mất ấy để mua Nước Trời, đó chính là sự khôn ngoan của người Ki-tô hữu được Chúa cho quản lý gia tài vật chất ở đời này. Do đó người Ki-tô hữu càng có tiền thì càng làm việc bác ái, càng nhận ra Thiên Chúa đã chọn mình thay mặt Ngài để an ủi, để giúp đỡ và để phục vụ tha nhân vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tạp chí The Atlantic nhạo báng chuỗi Mân Côi, coi đó là biểu tượng của bạo lực và cực đoan cực hữu.
Trần Mạnh Trác
11:33 16/08/2022
Về tạp chí "The Atlantic"

Tạp chí "The Atlantic Monthly" là một tờ 'nguyệt san' (báo hàng tháng) xuất bản ở Boston từ năm 1857 và được coi là một tờ báo cuả những người trí thức ở Hoa Kỳ. Tờ báo đăng tải ý kiến cuả nhiều nhân vật nổi tiếng về đủ mọi vấn đề thời sự, phân chia theo tiết mục chính trị, ngoại giao, thương mại, kinh tế, văn học, nghệ thuật, kỹ thuật và khoa học.

Sau 144 năm, vì lỗ lã, tờ báo giảm số phát hành xuống còn 11 số mỗi năm (2001) rồi xuống 10 số (2003) và đổi tên là "The Atlantic" (2007, bỏ chữ Monthly). Trong thời gian đó tạp chí cũng đổi chủ nhiều lần. Chủ báo sau cùng (ngày nay) là bả quả phụ cuả ông Steve Jobs, bà Laurene Powell Jobs.

Từ những năm 2013 trở về sau, để kiếm lời, tờ báo bắt đầu đăng tải các tiết mục được bảo trợ (sponsor), thí dụ cuả giáo phái Church of Scientology, trình bày như là những bài bình luận, nhưng chỉ đăng những gì có lợi và cắt bỏ những gì bất lợi cho đương sự. Sự trá hình đó đã bị phản đối và tờ báo sau cùng đã phải xoá những bài như vậy trên website và "xin lỗi".

Năm 2019, thi hành một cú "đánh lớn", tờ báo liên tiếp trong 3 số, loan truyền những huyền thoại ghê gớm kiểu "#Me Too" về đạo diễn Bryan Singer làm cho sự nghiệp cuả ông này tiêu tán. Nhưng việc "tập trung đánh phá" ấy đã làm cho nhiều người đặt câu hỏi về sự nghiêm túc cuả nội dung tờ báo, và ngay cả ông chủ bút cuả tờ báo là Jeffrey Goldberg cũng phài thừa nhận rằng: "Họ (ban biên tập) phóng đại một câu chuyện mà đáng lẽ chỉ là một loại tin tức công cộng, vì lý do gì? tôi không rõ."

Cũng vì tìm kiếm những cái "giật gân" mà tháng 11 2020, tờ The Atlantic một lần nữa phải "cải chính" một bài có tên là ("The Mad, Mad World of Niche Sports Among Ivy League–Obsessed Parents". Bài viết dựa vào những sai lầm, và bị lật tẩy, cuả một phóng viên cuả tờ Washington Post. Trong mục 'ý kiến toà soạn', tờ báo viết "Chúng tôi không thể chứng minh rằng tác giả cuả bản tin là đáng tin cậy, do đó chúng tôi cũng không thể quả quyết tính xác thực cuả bản tin đó"

Nhưng điều làm cho tờ 'The Atlantic' mất vẻ nghiêm túc là việc họ trở thành một tờ báo tuyên truyền chính trị.

Năm 2016, 'toà soạn' chính thức ủng hộ ứng viên tổng thống cuả đảng Dân Chủ là bà Hillary Clinton chống lại ông Donald Trump. Đây là lần thứ 3 trong lịch sử mà họ ủng hộ một ứng viên tổng thống, nhưng khác với 2 lần trước (Abraham Lincoln, Lyndon B. Johnson), lần này họ thua.

Sau 2016, tờ báo tiếp tục trở thành công cụ tuyên truyền chính trị cho đảng Dân Chủ để chống lại ông Trump, họ kêu gọi cách chức ông (2019), thậm chí đăng tải những nguồn tin vu vơ chống lại ông Trump như viết rằng 'ông gọi các cựu chiến binh HK là những người thất bại (losers)'. Ông Trump gọi đó là 'fake story' (tin phịa) và tiên đoán tờ báo sẽ 'out of business' (sạt nghiệp)không sớm thì chày.

Về kinh Mân Côi

Trong bối cảnh đó, tờ The Atlantic vào hôm Chúa Nhật vừa qua, 14/8/2022, đăng một bài 'nghiên cứu' cho rằng chuỗi hạt Mân Côi trở thành biểu tượng của chủ nghĩa cực đoan cánh hữu, bạo lực ở Hoa Kỳ.

Theo CNA thì bài báo gây ra một làn sóng phản ứng dữ dội giữa những người theo đạo Công Giáo, một số người kết án đó là những tuyên truyền chống Công Giáo.

Tạp chí The Atlantic, cũng như những lần bị hố trước, vội vàng thay đổi tiêu đề của bài báo từ "Làm thế nào Kinh Mân Côi trở thành một biểu tượng cực đoan" thành "Văn hóa về vũ khí cực đoan đang cố gắng đồng sở hữu Kinh Mân Côi như thế nào."

Họ cũng sửa đối một số hình ảnh, thí dụ hình ảnh một tràng hại Mân Côi là các lỗ đạn đã được thay thế bằng hình ảnh một chuỗi hạt bình thường.

Tuy nhiên, những thay đổi bề ngoài này vẫn không giấu giếm được luận điểm của bài báo là kinh Mân Côi liên hệ với chủ nghĩa cực đoan.

Daniel Panneton, tác giả bài báo, viết: “Kinh Mân Côi đã mang một ý nghĩa quân phiệt đối với những người Công Giáo truyền thống cực đoan.”

“Văn hóa dân quân, chủ nghĩa cuồng tín của nền văn minh phương Tây và sự lo lắng về nam tính đã trở thành trụ cột của cánh hữu ở Mỹ — và những người Công Giáo (ông gọi là rad-trad) đã cư trú trong nhóm này,” Panneton viết.

Ông liên kết lập luận cuả mình với nhiều kết nối với những hàng hoá cuả một cửa hàng trực tuyến có tên là Roman Catholic Gear, là một cửa hàng Công Giáo bán cho những người lính trong quân đội.

Ông mô tả các chuỗi hạt Mân Côi “được làm bằng vỏ đạn và cây thánh giá sơn màu cuả một khẩu súng”, cùng với những (hình ảnh) meme có chủ đề chiến binh và các hàng hoá phục vụ cho những những đề tài 'thoát hiểm, sống còn'.

Phản ứng của người Công Giáo

Khi được yêu cầu bình luận về bài báo, Ông Robert P. George, giáo sư lý thuyết chính trị tại Đại học Princeton và cựu chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF), nói với CNA:

"Đối với tôi, có vẻ như gã đang chính trị hóa chuỗi tràng hạt và coi nó như một vũ khí trong cuộc chiến văn hóa… Daniel Panneton là ai? Tôi không biết gì về anh ta ngoài những gì anh ta nói trong bài báo. Tôi chưa nghe nói về anh ta. Mặc dù thật khó để tha thứ những câu 'nói xéo' cổ điển chống Công Giáo trong bài viết, nhưng có lẽ anh ta thực sự không phải là một người cố chấp. Có lẽ anh ấy chỉ làm việc quá sức và cần phải uống một hoặc hai viên aspirin và nằm nghỉ một lúc. "

Ông Chad Pecknold, giáo sư thần học tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, nói với CNA rằng việc xuất bản bài báo cho thấy có một cuộc xung đột "chính trị" trong văn hóa.

"Tầng lớp chính trị ưu tú cuả cánh tả ghét nền văn minh phương Tây và họ có ý lật đổ mọi dấu hiệu tự nhiên và siêu nhiên của nó. Đó là lý do tại sao họ không chỉ đơn giản là viết một bài chống nền văn hóa về súng cuả cánh hữu, nhưng họ phải tìm cách gắn nó vào một cái gì đó vốn là trung tâm thần học của nền văn minh mà họ cảm thấy đe dọa nhất đến nền văn minh tiến bộ của họ. Đó là dấu hiệu của xung đột chính trị - chính trị hiện đang đeo bám chúng ta; thậm chí, họ còn đánh giá thấp quyền năng của Đức Mẹ trong việc chiến thắng cái ác ", Pecknold nói.

Cha Pious Pietrzyk, OP, một linh mục dòng Đa Minh của Tỉnh Dòng Thánh Giuse, nói với CNA, "Bài báo là một luồng dài hạn về những điều không chính xác, ngụy biện và xuyên tạc."

Ngài nói, tác giả không hiểu rằng "khái niệm 'chiến đấu tinh thần' đã có với Giáo hội từ thời xa xưa. Hãy nhớ rằng quan điểm về Bí tích Thêm sức là nó biến một người trở thành 'chiến sĩ cuả Chúa Kitô.'"

Cha Pietrzyk nói thêm: "Vấn đề là The Atlantic không hiểu ẩn dụ là gì. Chẳng bao giờ người Công Giáo coi cuộc chiến đấu bằng chuỗi Mân Côi là một hành động bạo lực thể chất."

Trên Twitter, Cha Aquinas Guilbeau, OP, đã trả lời bài báo bằng một bức ảnh chụp hai tu sĩ mặc áo dòng mầu trắng đeo chuỗi hạt Mân Côi trên thắt lưng với một chú thích châm biếm: “CẢNH BÁO: Hình ảnh bên dưới có chuỗi tràng hạt.”

Tiểu thuyết gia Walter Kirn nhận xét rằng căn bản cuả bài báo trên The Atlantic là một ví dụ về “chủ nghĩa cực đoan”.

Ông Eduard Habsburg, Đại sứ của Hungary tại Tòa thánh, đã trả lời bằng cách thừa nhận rằng chuỗi hạt thực sự là một vũ khí - được sử dụng trong nhiều thế kỷ để chống lại cái ác:

Niềm tin Công Giáo được coi là cực đoan

Panneton nói rõ trong bài báo của mình rằng ông ta không chỉ nói về chuỗi hạt.

Trong quá trình lập luận của mình, ông đề cập đến niềm tin Công Giáo như là bằng chứng của “chủ nghĩa cực đoan”.

Ông thấy có quan điểm cực đoan về nam tính trong đức tin Công Giáo. Ông viết: “Chủ nghĩa quân phiệt tôn vinh tâm lý chiến binh và bản lĩnh đàn ông và sức mạnh nam giới. Sự kết hợp tính nam giới và quân đội bắt nguồn từ những lo lắng về nam giới cuả người Công Giáo. "

“Nhưng đối với những người đàn ông Công Giáo truyền thống cực đoan, những lo ngại như vậy có xu hướng cực đoan, đó là những tưởng tượng về việc bảo vệ gia đình và nhà thờ của một người đàn ông trước những toán quân cướp thô bạo,” ông tiếp tục.

Theo Panneton, việc Giáo hội bảo vệ quyền sống của trẻ sơ sinh là bằng chứng về mối quan hệ với những kẻ cực đoan cánh hữu.

Ông viết: “Sự hội tụ trong chủ nghĩa dân tộc Cơ đốc được củng cố bởi những nguyên nhân chung chẳng hạn như sự thù địch đối với những người ủng hộ quyền phá thai,”.

Cha Pietrzyk, linh mục dòng Đa Minh được CNA phỏng vấn cho biết, "Tác giả lấy những lập trường cơ bản của Công Giáo về bản chất của Giáo hội, đạo đức Kitô giáo, và những thứ tương tự, và cho rằng bằng cách nào đó họ 'cực đoan'." Đây là một hành động sai lạc rất thông thường. "

Chuỗi Mân Côi, một “vũ khí” được ưa chuộng trong nhiều thế kỷ

Kinh mân côi, lần đầu tiên được Dòng Đa Minh quảng bá vào thế kỷ 16, là một hình thức cầu nguyện dựa trên những suy niệm về cuộc đời của Chúa Kitô. Chuỗi hạt là một công cụ để đếm các lời cầu nguyện.

Kể từ năm 1571, các vị giáo hoàng đã thúc giục người Công Giáo lần hạt Mân Côi. Khi làm như vậy, họ thường sử dụng các thuật ngữ quân sự cho những “vũ khí” cầu nguyện này. Năm 1893, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII coi kinh Mân Côi như một liều thuốc giải độc cho tệ nạn bất bình đẳng sinh ra từ Cách mạng Công nghiệp, và trong Thế chiến II, Đức Piô XI đã thúc giục các tín hữu cầu nguyện kinh Mân Côi với hy vọng rằng “kẻ thù của thánh danh (... ) cuối cùng có thể bị bẻ cong và dẫn đến sự đền tội và trở lại con đường ngay thẳng, tin tưởng vào sự chăm sóc và bảo vệ của Mẹ Maria ”.

Gần đây hơn, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Đức Bênêđíctô XVI và Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyến nghị Kinh Mân Côi như một công cụ tinh thần mạnh mẽ.
 
Vị Giám mục ở Kazakhstan nhận định: Chuyến đi của Giáo hoàng là cơ hội để gửi một thông điệp đến thế giới
Đặng Tự Do
17:13 16/08/2022


Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tới Kazakhstan để tham gia Hội nghị các tôn giáo thế giới từ ngày 13 đến 15 tháng 9, nơi ngài sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo của các tôn giáo lớn nhất thế giới để thúc đẩy hòa bình giữa các nhóm tôn giáo khác nhau.

Đức Cha José Luis Mumbiela, Chủ tịch, Hội đồng Giám mục Trung Á nhận xét rằng:

Chúng ta có thể nói các nguyên tắc chung sống hòa bình giữa các tôn giáo khác nhau, các dân tộc và các nền văn hóa khác nhau. Họ coi đó là ơn gọi cụ thể của riêng họ mà tôi nghĩ là đặc biệt căng thẳng trong thế giới chúng ta đang sống.

Đức Cha José Luis Mumbiela là Giám mục giáo phận Almaty, Kazakhstan nói rằng tiếng nói của Đức Giáo Hoàng sẽ là một đóng góp quan trọng cho hội nghị của các nhà lãnh đạo của các tôn giáo lớn nhất thế giới, đặc biệt là trong thời gian xung đột này.

Từ một điểm địa lý cụ thể gần với Nga, Trung Quốc, Ukraine, ở trung tâm của Âu-Á, nơi hiện đang được thế giới và truyền hình hướng đến, Đức Thánh Cha sẽ có thể gửi một thông điệp không chỉ đến Kazakhstan, mà còn thông qua một chuyến thăm đến Kazakhstan gửi nó đến toàn thế giới.

Cuộc chiến ở Ukraine đã gây chia rẽ cho người dân Kazakhstan do lịch sử của đất nước này là một nhà nước thuộc Liên Xô cũ. Đức Cha Mumbiela nói rằng ngài hy vọng chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng, và cuộc gặp có thể với Đức Thượng phụ Kirill, sẽ gửi một thông điệp về sự đoàn kết.

Bạn có thể thấy sự chia rẽ đau đớn do xung đột gây ra, đôi khi trong các cộng đồng nhỏ, với một số người ở phe này và một số người ở phe khác, và nó rất đau đớn. Bởi đây là những người luôn sống hòa thuận hòa thuận, nhưng những yếu tố bên ngoài đã dẫn đến chia rẽ nội bộ.

Kazakhstan là quốc gia được đánh dấu bởi sự đa dạng tôn giáo. 72% dân số theo đạo Hồi và 26% dân số theo Kitô Giáo, phần lớn trong số họ xác định là các tín hữu Chính Thống Giáo Nga.
Source:Rome Reports
 
Chúng ta có thể sống cùng nhau: Ngôi thánh đường giúp bắc cầu chia rẽ sâu sắc của Bosnia
Đặng Tự Do
17:14 16/08/2022


Nhiều thập kỷ sau khi giao tranh đẫm máu giữa người Công Giáo và người Hồi giáo chia cắt Bugojno của Bosnia, một nhà thờ mới đã mang đến cơ hội hiếm có để bắc cầu chia rẽ ở đất nước Balkan bị rạn nứt sâu sắc.

Vẫn đang trong quá trình xây dựng, nơi thờ tự Công Giáo ở thị trấn trung tâm Bosnia đang được xây dựng trên đất do Husejn Smajic, một cư dân Hồi giáo 68 tuổi, hiến tặng, sau khi ông phát hiện ra nền móng của một nhà thờ thời Trung cổ trên tài sản của mình.

Đối với Smajic, nhà thờ mới đại diện cho một bước nhỏ trong nhiệm vụ xây dựng lại sự hòa hợp cộng đồng chung ở Bosnia trước chiến tranh vào những năm 1990.

“Tôi đã làm điều này để mọi người có thể thấy rằng tất cả chúng ta có thể sống cùng nhau. Không thể có vẻ đẹp của cuộc sống ở đây mà không có sự kết hợp của các cộng đồng. Đó là sự giàu có của chúng ta,” Smajic nói với AFP.

Giữa lúc Nam Tư tan rã một cách đẫm máu, Bosnia nổ ra một cuộc nội chiến tàn khốc khiến người Serb Chính thống, người Croatia Công Giáo và người Hồi giáo Bosniak của đất nước chống lại nhau trong một cuộc xung đột khiến khoảng 100.000 người thiệt mạng.

Bugojno đã bị ảnh hưởng nặng nề trong cuộc chiến tranh được xác định bằng những cuộc thanh trừng sắc tộc, di dời hàng loạt và những hành động tàn bạo do tất cả các bên gây ra.

Hầu hết người Croatia Công Giáo của thị trấn, chiếm hơn một phần ba trong số 47.000 cư dân của Bugojno, đã bị trục xuất bởi lực lượng Hồi giáo Bosniak.

Gần ba thập kỷ sau, nhiều chia rẽ trầm trọng hơn do cuộc xung đột đã khiếm ba nhóm chính của Bosnia trở nên cực đoan hơn và hiếm khi hòa trộn với nhau.

Một thỏa thuận hòa bình thành công trong việc chấm dứt chiến tranh đã khiến đất nước bị chia cắt và kiểm soát bởi các đảng phái chính trị tôn giáo dân tộc, những người đã lợi dụng sự chia rẽ của Bosnia trong nỗ lực duy trì quyền lực.

Với ít cơ hội kinh tế, hàng trăm nghìn người đã ra nước ngoài để tìm kiếm một tương lai tốt đẹp và ổn định hơn.

Sự rạn nứt của Bosnia đặc biệt gây đau đớn cho những người như Smajic, người đang có một cuộc hôn nhân hỗn hợp với người vợ Công Giáo của mình.

Trước chiến tranh, hôn nhân hỗn hợp từng phổ biến trên khắp Bosnia, nhưng giống như nhiều khía cạnh của cuộc sống, nó ngày càng trở nên hiếm hoi.

Nhưng việc phát hiện ra nhà thờ thời trung cổ trên đất của ông - nơi có thể đã bị cướp phá vào thế kỷ 15 trong cuộc xâm lược Bosnia của Ottoman - đã tạo cơ hội cho Smajic.

Sau khi quyên góp một phần tài sản của mình cho Giáo Hội Công Giáo, Smajic đã hướng dẫn để giúp hoàn thành dự án, chứng minh các cộng đồng của đất nước vẫn có thể cùng nhau xây dựng, thay vì phá hủy.

Smajic - người sở hữu một xưởng cưa gần đó và hai nhà máy thủy điện nhỏ - đã tài trợ một phần lớn hoạt động, trong khi các thành viên của cộng đồng Croat, Hồi giáo và Serb cũng quyên góp tiền và vật tư.

Trong buổi lễ cung hiến nhà thờ, hàng trăm người đã tham dự lễ kỷ niệm và các lễ hội sau đó, bao gồm tiệc nướng xúc xích và khiêu vũ truyền thống của Bosnia.

“Chúng ta có thể sống cùng nhau nếu chúng ta tôn trọng nhau,” Đức Hồng Y Vinko Puljic, chủ sự việc thánh hiến nhà thờ mới nhận xét như trên.

Những nỗ lực của Smajic đã được chứng minh là nguồn cảm hứng cho những người khác.

“Nếu tất cả chúng ta đều giống như anh ấy, nếu tất cả chúng tôi dành tình yêu cho nhau, tôi nghĩ đất nước này sẽ hạnh phúc như hôm nay và sẽ không ai chuyển đến Đức, Áo hay Thụy Sĩ nữa.”
Source:France 24
 
Sau khi bị tạp chí The Atlantic nhạo báng là cực đoan, chuỗi Mân Côi đã bán được như tôm tươi ở Mỹ.
Trần Mạnh Trác
17:23 16/08/2022
(Tin CNA, Boston, Mass., Ngày 16 tháng 8 năm 2022) Ba cửa hàng trực tuyến bán chuỗi Mân Côi đã báo cáo số chuỗi bán được tăng vọt sau khi bài báo gây tranh cãi được xuất bản vào Chủ nhật trên tạp chí The Atlantic, trong đó tác giả đã cố gắng liên kết tràng hạt với chủ nghĩa cực đoan cánh hữu ở Hoa Kỳ.

Trong bài, ông Daniel Panneton tuyên bố, "Chuỗi hạt Mân Côi mang một ý nghĩa quân phiệt đối với những người Công Giáo truyền thống cực đoan (ông gọi là " rad trad ")."

“Văn hóa dân quân, chủ nghĩa tôn sùng nền văn minh phương Tây, và sự lo lắng về chủ nghĩa nam tính đã trở thành trụ cột của cánh hữu ở Hoa Kỳ — và những người Công Giáo rad-trad hiện đã cư ngụ cùng với nhóm này,” ông tiếp tục.

Bài báo đã gây ra một làn sóng bình luận phẫn nộ trên mạng xã hội, cùng với những chia sẻ hình ảnh về chuỗi hạt của họ. Một số nhận xét rằng luận điểm của bài báo có thành kiến ​​chống Công Giáo.

Bà Shannon Doty, Giám đốc điều hành của thương hiệu Rugged Rosaries, nói với CNA hôm thứ Hai rằng bà đã thấy “doanh số bán hàng tăng khá tốt” trên cả hai trang web, RuggedRosaries.com và MonkRosaries.com trong bối cảnh phản ứng về bài báo.

Thương hiệu Rugged Rosaries bán những tràng hạt bền, bắt chước những cỗ tràng hạt từng được sử dụng trong quân đội trong Thế chiến thứ nhất.

Bà Doty nói rằng cả hai trang web đều có lượng khách hàng trung thành và nói thêm rằng “chúng tôi không nản lòng, và trên thực tế, chúng tôi đang củng cố quyết tâm tạo ra những tràng hạt bền chắc cho mọi người”.

Bà Doty bắt đầu làm chuỗi hạt Mân Côi bằng giây thừng 'nhảy dù' cho bạn bè của con trai bà trong quân đội hơn mười năm trước. Bà gọi là "Tràng hạt cuả Lính Chiến" và nó dần dần trở thành một công việc kinh doanh.

Ông Jonathan Conrad, người sáng lập ra Công ty Catholic Woodworker (người Thợ mộc Công Giáo,) nói với CNA hôm thứ Ba rằng công ty của ông đã có một ngày bán hàng tốt nhất trong tháng.

“Đó không phải là điều gì đặc biệt trong năm, nhưng là tốt nhất trong tháng này,” ông nói.

Ông nói, sứ mệnh của Thợ mộc Công Giáo, "là trang bị cho các gia đình chiến đấu trong thế giới hiện đại, với sự nhấn mạnh cuả kinh thánh rằng chúng ta không tranh giành bằng xương bằng thịt, mà là chống lại cường quyền, chống lại quyền lực của bóng tối hiện tại."

Tổ chức Tông đồ Thế giới của Fatima Hoa Kỳ ở Asbury, New Jersey, cũng báo cáo sự gia tăng doanh số bán chuỗi Mân Côi kể từ khi bài báo The Atlantic xuất bản.

Ông David Carollo, giám đốc điều hành của tổ chức tông đồ nói với CNA hôm thứ Ba rằng doanh số bán chuỗi Mân Côi và các mặt hàng tôn giáo khác đã tăng lên rõ ràng. Ông cho biết đã có rất nhiều lời xì xào ("buzz") kể từ khi bài báo "xúc phạm hoàn toàn" xuất hiện và nói thêm rằng ông ấy dự định sẽ có phản hồi bằng bài báo của mình. Ông nói, mạng xã hội của Tổ chức Tông đồ cũng tăng lượng người theo dõi.

“Chúng tôi không cầu nguyện chống lại ai, chúng tôi cầu nguyện cho mọi người,” ông nói thêm. "Đó là tất cả những gì về chuỗi hạt."
 
Chung quanh biến cố Đức Hồng Y Ouellet bị kiện ở Canada
Đặng Tự Do
18:21 16/08/2022
Đức Hồng Y Marc Ouellet, Tổng trưởng Bộ Giám mục, bị buộc tội tấn công tình dục trong một vụ kiện dân sự chống lại Tổng giáo phận Quebec.

AFP đưa tin đơn kiện tập thể, được đệ trình ngày 16/8, bao gồm lời khai của 101 người nói rằng họ đã bị tấn công tình dục bởi các giáo sĩ hoặc nhân viên trong các tổ chức của Giáo Hội từ năm 1940 đến nay. Tám mươi tám giáo sĩ phải đối mặt với những lời buộc tội trong vụ kiện.

Đức Hồng Y Ouellet bị cáo buộc bởi một phụ nữ, là người nói rằng ngài đã tấn công cô nhiều lần khi cô làm thực tập sinh mục vụ cho tổng giáo phận Quebec từ năm 2008 đến năm 2010, trong khi ngài là Tổng giám mục của Quebec. Cô mô tả ngài có ý muốn hôn cô và động chạm cô.

Những lời tố cáo này rất khó chứng minh, và cũng rất khó để phủ nhận. Công tâm mà nói, bất cứ giáo sĩ nào cũng đều có thể bị cáo buộc tương tự. Các phương tiện truyền thông bài Công Giáo, như CBC, cố ý làm tăng tính chất thuyết phục của những cáo buộc này khi cho rằng các sự việc bị cáo buộc liên quan đến Đức Hồng Y Ouellet xảy ra tại các sự kiện công cộng. Mặc dù, CBC chẳng đưa ra được một nhân chứng nào.

Đơn kiện nói rằng nạn nhân bị cáo buộc đã viết thư cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô về Đức Hồng Y Ouellet vào tháng Giêng năm 2021, và cô ấy nhận được một email vào ngày 23 tháng 2 năm 2021 đã chỉ định Cha Jacques Servais điều tra vị Hồng Y. Lần liên lạc cuối cùng của cô với Cha Servais là vào tháng Ba, và cho đến nay “chưa có kết luận nào liên quan đến các khiếu nại chống lại Đức Hồng Y Marc Ouellet”.

Đức Hồng Y Ouellet, 78 tuổi, được thụ phong linh mục cho Giáo phận Amos năm 1968, ở tuổi 23.

Ngài từng là Tổng Giám mục của Quebec từ năm 2002 đến năm 2010, khi được bổ nhiệm làm tổng trưởng Bộ Giám mục và chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Mỹ Châu Latinh.

Vụ kiện này gây kinh ngạc. Trong Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng năm 2013, Đức Hồng Y Ouellet là một trong 12 Papabile, tức là những vị có khả năng được bầu làm Giáo Hoàng. Hơn thế nữa, Đức Hồng Y Ouellet là một tiếng nói mạnh mẽ chống lại tội lỗi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ và nhấn mạnh đến nhu cầu đào tạo các linh mục một cách chặt chẽ.

Tại cuộc họp năm 2018 của các Chủ tịch Hội đồng Giám mục Âu Châu, ngài nói rằng “Chúng ta cần sự tham gia của nhiều phụ nữ hơn trong việc đào tạo các linh mục” để ngăn chặn lạm dụng.

Ngài nhắc lại quan điểm này trong một cuộc phỏng vấn năm 2020 với Donne Chiesa Mondo, và nói rằng, “đối với linh mục, học cách liên hệ với phụ nữ trong bối cảnh đào tạo là một yếu tố nhân bản thúc đẩy sự cân bằng giữa nhân cách và tình cảm của người nam.”

Đức Hồng Y cho biết ngài nghĩ Giáo hội sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ sự hiện diện ngày càng nhiều của phụ nữ trong các đội ngũ đào tạo chủng viện, với tư cách là những giáo viên thần học, triết học và tâm linh, và “đặc biệt là trong việc biện phân ơn gọi”.
Source:Catholic News Agency
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Mừng lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời - bổn mạng giáo họ Mông Triệu 2022
Văn Minh
07:55 16/08/2022
“Sau khi hoàn tất cuộc đời ở nơi dương thế, Đức Maria đã được Thiên Chúa đưa về trời cả hồn lẫn xác, từ đây đã mở ra cho chúng ta một niềm tin, một hy vọng vào quê hương Nước Trời mai sau”.

Linh mục (Lm) Gioakim Lê Hậu Hán, đã mở đầu Thánh lễ mừng kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời – bổn mạng của giáo họ Mông Triệu giáo xứ Vĩnh Hòa – diễn ra lúc 17g30 thứ Hai ngày 15-8-2022.

Xem Hình

Thánh lễ trọng thể do Lm Gioakim Lê Hậu Hán, nguyên chánh xứ giáo xứ Vĩnh Hòa – chủ tế. Đồng tế cùng ngài có Lm Giuse Phạm Duy Thạch SVD, Dòng Ngôi Lời, cùng đông đảo các em thiếu nhi và cộng đoàn dân Chúa tham dự.

Trong phần chia sẻ Tin Mừng, khởi đi từ phụng vụ Lời Chúa thứ Hai (Lc 1, 39-56), Lm Giuse Phạm Duy Thạch đã sơ lược về cuộc đời của Đức Trinh Nữ Maria trên nơi dương thế. Sau khi hoàn tất cuộc đời ở nơi dương thế, Đức Maria được về trời cả hồn lẫn xác là một tín điều mà đã được Đức Giáo Hoàng Pio XII công bố ngày 1-11-1950, qua hiến chế “Munificentissimus Deu”. Trong hiến chế này, Đức Giáo Hoàng cũng tuyên bố bốn đặc ân mà Thiên Chúa ban cho Đức Mẹ, ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội, ơn trọn đời đồng trinh, ơn làm Mẹ Thiên Chúa và ơn được về trời cả hồn lẫn xác.

Kết thúc bài giảng, Lm Giuse nhấn mạnh: Đức Mẹ về trời, từ đây đã mở ra cho chúng ta một niềm tin, một hy vọng vào quê hương Nước Trời mai sau. Vì thế, ngay hôm nay, mỗi người chúng ta cũng phải bắt chước và đi theo con đường giống như Mẹ, sống tinh thần khiêm tốn và vâng phục, luôn biết quan tâm đến những người xung quanh, và mang niềm vui và hạnh phúc đến cho người khác. Được như vậy, mai sau nầy chúng ta mới được hưởng vinh quang cùng Mẹ trên quê trời.

Thánh lễ nối tiếp với lời nguyện tín hữu và dâng của lễ.

Sau lời nguyện hiệp lễ, vị đại diện giáo họ Mông Triệu cảm ơn các Lm, cùng mọi thành phần dân Chúa đã đến hiệp dâng Thánh lễ cầu nguyện cho giáo họ Mông triệu hôm nay được tốt đẹp.

Đáp từ, Lm Gioakim thay mặt cộng đoàn có lời cảm ơn Lm Giuse và chúc mừng giáo họ Mông Triệu, cùng các bà và các chị nhân ngày mừng bổn mạng được tràn đầy hồng ân của Chúa bằng một tràng pháo tay giòn giã của cộng đoàn.

Thánh lễ kết thúc lúc 18g30, cộng đoàn hân hoan lãnh nhận ơn bình an ra đi làm chứng cho Tin Mừng giữa môi trường sống xung quanh của mình.

Được biết hiện nay, giáo họ Mông Triệu có 175 hộ gia đình Công Giáo, với 580 nhân danh. Trong đó có 02 Lm, và 02 nữ tu. Ngoài ra, Ban Chấp hành giáo họ đưa tượng Đức Mẹ và mời gọi bà con giáo dân cùng nhau đọc kinh luân phiên tại các gia đình sau Thánh lễ chiều thứ Hai hằng tuần.
 
Đại lễ Đức Maria hồn xác lên trời tại Nhà thờ Chính tòa Hà Nội 2022
BBT - TGP Hà Nội
08:31 16/08/2022
Đại lễ Đức Maria hồn xác lên trời tại Nhà thờ Chính tòa Hà Nội 2022

“Mẹ lên trời giữa một ngày rực ánh sáng, đàn ca các thánh tung hô, nhân loại vui ca hát mừng, vì xác hồn vẹn tuyền Mẹ về thiên cung”. Tâm tình hân hoan của bài hát trên đây đã được vang ca trong ngôi thánh đường cổ kính của Nhà thờ Chính Tòa Hà Nội vào ngày mừng Đại lễ Đức Trinh Nữ Maria linh hồn và xác lên trời. Thánh lễ do Đức Tổng Giám Mục (TGM) Giuse Vũ Văn Thiên long trọng cử hành lúc 10h00 ngày 15/8/2022.

Xem Hình

Ngày mồng 1 tháng 11 năm 1950, qua Tông hiến Munificentissimus Deus (Thiên Chúa vô cùng quảng đại), Đức Giáo Hoàng Piô XII đã long trọng định tín Mẹ Maria linh hồn và xác lên trời là một tín điều buộc mọi người phải tin. Ngày hôm nay, cùng với toàn thể Giáo Hội Công Giáo trên khắp hoàn cầu, gia đình Tổng Giáo phận Hà Nội thêm một lần nữa xác tín về tín điều đó trong Thánh lễ trọng thể mừng kính Đức Maria hồn xác lên trời.

Hiệp thông cùng Đức TGM Giuse trong Thánh lễ, có sự hiện diện của Đức cha Lôrenxô, Cha Tổng Đại diện Antôn, quý Cha trong giáo hạt Chính tòa, Thầy Phó tế, quý Tu sĩ và đông đảo cộng đoàn dân Chúa là đại diện cho mọi thành phần dân Chúa trong Tổng Giáo phận.

Đức Maria là một điềm lạ của Thiên Chúa

Cuộc đời của Đức Mẹ là một điều kỳ diệu lạ lùng, cả 4 tín điều mà Giáo hội tuyên tín về Đức Maria đã chứng minh điều đó: Trọn đời đồng trinh, Vô nhiễm nguyên tội, Mẹ Thiên Chúa, và Lên trời cả hồn lẫn xác.

Tiếp tục nhấn mạnh về điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đã thực hiện trên cuộc đời của Đức Maria, trong bài giảng lễ, Đức TGM Giuse mời gọi cộng đoàn cùng chiêm ngưỡng “điềm lạ” về một người nữ được mô tả trong sách Khải Huyền của Thánh Gioan: người nữ đó mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao. Trong ngôn ngữ của người Việt Nam, điềm lạ bao giờ cũng mang ý nghĩa là dấu chỉ báo trước về tương lai. Giáo Hội Công Giáo đã nhìn qua hình ảnh của người nữ đó để thấy tương lai của mình. Bởi Đức Maria là Mẹ và là tương lai của Giáo hội. Đó là Giáo hội lữ hành đang bước đi mỗi ngày, phải chấp nhận đối diện với muôn ngàn khó khăn, thử thách để tiến về quê Trời.

Người tín hữu được mời gọi là dấu chỉ cho thời đại

Khi chiêm ngắm Đức Maria là điềm lạ của Thiên Chúa, Đức TGM Giuse cũng mời gọi mỗi kitô hữu hãy trở nên dấu chỉ, nên điềm lạ cho thế giới hôm nay khi biết tỏa rạng ánh sáng thánh thiện trong cuộc đời mình, biết sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian, bởi quê hương đích thực của mỗi tín hữu là ở trên trời.

Ngày Đại lễ được khép lại trong niềm vui với phép lành trọng thể ban Ơn Toàn Xá của Đức TGM Giuse.

Mừng lễ Đức Mẹ lên trời là cơ hội để mỗi người chúng ta cùng dõi theo các gương sáng trong đời sống nhân đức của Mẹ, để cùng với Mẹ chúng ta biết sống thánh giữa đời để mai này được cùng Mẹ chung hưởng hạnh phúc vinh quang.

BBT
 
Văn Hóa
Các đóng góp lớn lao của Jacques Maritain
Vũ Văn An
18:42 16/08/2022

Theo Giáo sư William Sweet trên Bách khoa từ điển triết học Stanford, Jacques Maritain có những đóng góp lớn lao về đủ mọi khía cạnh của triết học Tây Phương.

Về siêu hình, Mặc dù Maritain không đưa ra một bản văn nào cung cấp một tuyên bố toàn diện về siêu hình học của ông, các đóng góp lớn của ông đối với lĩnh vực này được tìm thấy trong Sept leçons sur l'être et les premiers Princecipes de la raison spéculative [Bẩy bài học về hữu thể và các Nguyên lý Đầu tiên của Lý trí Suy lý] (1934, bản tiếng Anh: A Preface to Metaphysics: Seven Lectures on Being [Lời nói đầu dần vào Siêu hình học: Bảy bài giảng về Hữu thê]), Court traité de l'existence et de l'existant [Khảo luận ngắn về Hiện hữu và Thể Hiện hữu] (1947, Bản tiếng Anh Existence and the Existent [Hiện hữu và Thể Hiện hữu]), và De Bergson à Thomas d'Aquin, essais de métaphysique et de morale [Từ Bergson tới Tôma Aquinô, Tiểu luận về siêu hình và luân lý](1944). Việc thảo luận về siêu hình học của ông cũng tìm thấy trong các tác phẩm khác, chẳng hạn như Distinguer pour unir; ou, les degrés du savoir [phân biệt để kết hợp; hay các mức độ của nhận thức] (1932, bản tiếng Anh: The Degrees of Knowledge [Các Mức độ của Nhận thức]), Science et sagesse [Khoa học và Khôn ngoan](1935, bản tiếng Anh Science and Wisdom), Ransoming the Time [Chuộc thời gian](1941), và Raison et raisons [Lý trí và các Lý lẽ] (1948, bản tiếng Anh: The Range of Reason).



Như có lẽ người ta mong đợi, siêu hình học của Maritain theo truyền thống Thánh Tôma, nhưng nó không hề chỉ là việc nhắc lại quan điểm của Thánh Nhân. Đối với Maritain, siêu hình học nói chung luôn cần đổi mới và bảo vệ (xem Dewan 2009), và Maritain xem nhiệm vụ của mình — và nhiệm vụ của phái Tôma nói chung — là “cải tân” tư tưởng của Thánh Nhân, “một nhiệm vụ mà tính mới mẻ có thể còn lớn hơn chính [những người theo chủ nghĩa Tôma] hiểu ra ”( Preface to Metaphysics, 1934 [1939: 12–13]).

Theo chân Thánh Tôma, Maritain cho rằng siêu hình học xử lý vấn đề hữu thể như là hữu thể (ens in quantum ens), tức là nó “nghiên cứu các nguyên tắc đầu tiên của sự vật và nguyên nhân cao nhất của chúng” (Preface to Metaphysics, 1934 [1939: 27]). Và Maritain cũng cho rằng có một số câu hỏi siêu hình căn bản mà câu trả lời của Thánh Tôma phần lớn là chính xác, mặc dù chúng có thể không hoàn chỉnh. Chống lại John Duns Scotus, Maritain chấp nhận quan điểm tổng quát của Thánh Tôma về các thuật ngữ và khái niệm tương tự. Một lần nữa, để trả lời cho vấn đề đơn nhất và đa dạng — thí dụ: làm thế nào một sự vật có thể là cá thể và khác biệt nhưng vẫn là thành viên của một nhóm các sự vật cùng loại? —Maritain theo Thánh Tôma cho rằng chúng ta phải phân biệt điều một vật là (bản chất hoặc yếu tính của nó, cái mà nó có chung với những thứ cùng loại) với sự kiện này là nó hiện hữu (tức là nó có 'hành động hiện hữu' của riêng nó). Khi nói đến việc phân tích bản chất và tính đơn nhất (unity] của các hữu thể khả giác, bao gồm cả con người, Maritain sử dụng sự phân biệt của Thánh Tôma giữa mô thức [form] và chất thể [matter] của một sự vật; bản chất hay yếu tính phản ảnh mô thức, trong khi tính cá thể là do chất thể quyết định.

Tuy nhiên, đóng góp khác biệt của Maritain không phải là đi vào các chi tiết của siêu hình học Tôma, mà là đưa nó vào mối tương quan với khoa học và triết học hiện đại, cũng như giải thích các nền tảng của nó.

Đối với Maritain, tất cả sự tìm hiểu của con người đều có ‘hữu thể’ làm đối tượng của nó; nói cách khác, hữu thể là đối tượng chính thức của trí hiểu (Preface to Metaphysics, 1934 [1939: 25]). Nhưng ‘hữu thể’ có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau, và Maritain phân biệt, chẳng hạn, giữa hữu thể khả giác (“đối tượng trí hiểu con người nắm được trước nhất”) và hữu thể như là hữu thể (là đối tượng của siêu hình học). Cách mà ông làm như vậy phân biệt ông với một số nhà theo thuyết Tôma hàng đầu khác của thế kỷ XX, chẳng hạn như Gilson và Fabro (Contat 2008). Chính vì sự khác biệt về đối tượng này mà Maritain phân biệt (như ông ghi nhận trong nhận thức luận và triết học tự nhiên của ông, được thảo luận dưới đây) giữa các hoạt động của nhà khoa học thực nghiệm, nhà toán học, nhà triết học, nhà thần học và nhà huyền nhiệm.

Maritain cho rằng, cuộc điều tra siêu hình — cuộc điều tra hữu thể như là hữu thể — là một mầu nhiệm; chẳng hạn, hữu thể là một điều gì đó “chứa đầy tính khả niệm” và quá “thuần khiết đối với trí hiểu của chúng ta” (Preface to Metaphysics, 1934 [1939: 4]). Tuy nhiên, mầu nhiệm hữu thể là một “mầu nhiệm khả niệm” (1934 [1939: 83]), và Maritain cho rằng, người ta không thể là một triết gia nếu không làm siêu hình học; “Một triết gia không phải là một triết gia trừ khi họ là một nhà siêu hình học” (Existence and the Existent, 1947 [1948: 29]).

Sự suy tư triết học về hữu thể bắt đầu với trực giác về hữu thể, và Maritain khẳng định rằng người ta cần thứ trực giác “thấu niệm” [eidetic] này để bất cứ nhận thức siêu hình chân chính nào trở thành khả thể. Trực giác hữu thể nào nằm ở gốc rễ của việc tìm hiểu siêu hình không phải là trực giác về “một hữu thể mơ hồ của thường thức [common sense]” (xem Preface to Metaphysics, 1934 [1939: 78]), mà là “trực giác trí thức” (Existence and the Existent, 1947 [1948: 28]) hay nắm bắt "hành động hiện hữu". (Sự nhấn mạnh này của Maritain về trực giác hữu thể vượt xa những gì chúng ta tìm thấy ở Thánh Tôma — một số người đã lập luận rằng nó hoàn toàn xa lạ với ngài [Wippel 2014, Knasas 1992] —và được cho là phản ảnh giải trình của Bergson về trực giác kỳ gian [duration]. Như đã ghi nhận trên đây, một số người lập luận rằng xét một cách tổng quan, Maritain nợ ơn Bergson nhiều hơn chính ông nghĩ [Gwozdz 2010].)

Trực giác hữu thể là một tri nhận trực tiếp và tức thì…. Đó là một cái nhìn rất đơn giản, vượt trội so với bất cứ lý luận hay minh chứng biện luận nào [… về] một thực tại mà nó đụng đến và nắm giữ; (Preface to Metaphysics, 1934 [1939: 50–51]). Maritain nói, nó là ý thức về thực tại của hữu thể mình — một ý thức mang tính quyết định và có đặc tính chi phối. Như thế, quan điểm về trực giác này không phải là quan điểm của linh cảm hay cái nhìn sâu sắc chóng qua; nó cũng không (Maritain tiếp tục) y hệt như trực giác của Bergson. Nó có đặc tính trí thức, là việc nắm được một điều gì đó có thể hiểu được, và đòi hỏi "một mức độ tâm linh trí thức nào đó” (1934 [1939: 49]). Maritain cho rằng trực giác hữu thể này là điều Kant không có (1934 [1939: 48]) và nhiều triết gia tiếp theo cho đến khi, có lẽ, sự xuất hiện của các nhà hiện sinh.

Có những cách tiếp cận mà người ta có thể chấp nhận để có được sự nắm bắt hoặc trực giác này, nhưng không có phương pháp nào mà người ta có thể tuân theo để có thể tạo ra nó một cách dứt khoát. Thí dụ, sự nắm bắt này có thể đạt được bằng cách tập trung vào một điều có thật và sau đó suy nghĩ những gì ẩn sau nó. Do đó, “trực giác thấu niệm” hay “hình dung lập ý” [ideating visualisation] là nơi chúng ta “nhìn… thực tại… trực diện”, trong đó “thực tại [bị] tước bỏ sự hiện hữu thực sự của nó ở bên ngoài tâm trí” và cho thấy “các điều kiện của… một sự hiện hữu của tính khả niệm đang hành động” (Preface to Metaphysics, 1934 [1939: 58]). Như thế, trực giác siêu hình này là một “trực giác lập ý” các sự vật dưới góc độ “giá trị khả niệm” của chúng, chứ không phải dưới góc độ các điều kiện thực tế của “tính ngẫu nhiên và tính đặc thù” của chúng (Science and Wisdom, 1935 [1940: 108]).

Cũng khác biệt trong giải trình của Maritain về siêu hình học là việc nhấn mạnh tới “hành động hiện hữu”. Chính vì điều này mà Maritain đã được gọi là một ‘nhà hiện sinh’; thực sự, cuốn Existence and the Existent của ông, có phụ đề là “một tiểu luận về chủ nghĩa hiện sinh Kitô giáo”, và ông mô tả quan điểm của mình như một “chủ nghĩa trí thức hiện sinh” (Existence and the Existent, 1947 [1948: 70]).

Maritain tin rằng sự nhấn mạnh như vậy là đặc điểm của bất cứ chủ nghĩa Tôma nhất quán nào; điều phân biệt chủ nghĩa Tôma đích thực… chính là tính ưu việt mà [nó] dành cho hiện hữu và trực giác hữu thể hiện sinh. (1947 [1948: 12])

Tuy nhiên, ‘thuyết hiện sinh’ này khá khác biệt với thuyết hiện sinh của Kierkegaard, Gabriel Marcel, hay Jean-Paul Sartre. Maritain viết, "Chủ nghĩa hiện sinh đích thực khẳng định [các] tính ưu việt của hiện hữu, nhưng như ngụ ý và bảo tồn các yếu tính hoặc bản chất, và như thể hiện chiến thắng tối cao của trí hiểu và tính khả niệm. (1947 [1948: 13])

Nó chống lại quan điểm của những người cùng thời với ông, những người đã từ bỏ việc nói tới bản chất hoặc yếu tính hoặc tính khả niệm của chúng, nhưng cũng chống lại những người tưởng tượng rằng yếu tính được tạo ra và sau đó tồn tại. (Đối với Maritain, yếu tính không có trước hiện hữu; tốt hơn nên coi yếu tính như là “khả năng hiện hữu” [1947 [1948: 34]].)

Khi người ta có trực giác hữu thể và theo đuổi cuộc điều tra về hữu thể này, người ta được dẫn vào những câu hỏi truyền thống về siêu hình học và thần học tự nhiên. Maritain chủ trương rằng có bốn nguyên tắc siêu hình học căn bản: nguyên tắc đồng nhất, nguyên tắc túc lý, nguyên tắc nhân quả tác thành và nguyên tắc cứu cánh (tức là mọi tác nhân đều hành động vì một mục đích). Mặc dù sự thật hoặc khả năng áp dụng các nguyên tắc này không được chứng minh trực tiếp, nhưng chúng được xác nhận một cách nhất quán bằng kinh nghiệm và Maritain cho rằng không thể bị phủ nhận mà không mâu thuẫn (Preface to Metaphysics, 1934 [1939: 90]).

Như thế, siêu hình học bao gồm một cách đúng đắn cuộc điều tra về nguyên nhân của hữu thể — tức là Thiên Chúa, trong Người hành động hiện hữu tồn hữu. Tuy nhiên, một số học giả có thiện cảm (như, Yves Floucat) đã đặt câu hỏi liệu cuối cùng Maritain có một quan điểm nhất quán, theo thuyết Tôma về cốt lõi của siêu hình học hay không (Floucat 1996). Dù sao, vì Maritain chủ trương rằng hữu thể là một điều được trực giác nắm bắt, nên người ta không ngạc nhiên khi thấy ông lập luận rằng người ta có thể đạt được kiến thức về sự hiện hữu của Thiên Chúa không những qua năm con đường của Thánh Tôma, mà còn qua trực giác nữa. (Điều này sẽ được thảo luận trong phần 'Thần học Tự nhiên và Triết học Tôn giáo', bên dưới.)

Nhận thức luận

Công trình chính của Maritain về nhận thức luận là Distinguer pour unir; ou, les degrés du savoir [Phân biệt để hợp nhất; hay,các mức độ của nhận thức] (1932, bản tiếng Anh: Distinguish to Unite: or, The Degrees of Knowledge), mặc dù một số người xem tiểu luận năm 1936 của Maritain, “Khoa học và triết học” (trong Quatre essais sur l'esprit [Bốn tiểu luận về tinh thần] 1939), trong đó Maritain đề cập đến các lập luận của Trường phái Vienna, khi hoàn tất giải trình của ông về nhận thức (Malquori 2009). Người ta cũng tìm thấy một số tiểu luận quan trọng về chủ đề này trong Raison et raisons, essais détachés [Lý trí và Các lý lẽ, các tiểu luận tách biệt] (1948, bản tiếng Anh: The Range of Reason). Một lần nữa, Maritain phần lớn theo quan điểm hiện thực chủ nghĩa của Thánh Tôma — mặc dù ông chịu ảnh hưởng đáng kể của John of St Thomas (John Poinsot), Thánh Gioan Thánh giá, và Thánh Augustinô, và cấu trúc của Les degrés du savoir tương tự như thủ tục thấy trong Itinerarium mentis in Deum [Hành trình của linh hồn vào Thiên Chúa, 1259 [1938, 2002] của Thánh Bonaventura.

Chống lại 'triết học hiện đại', Maritain nhấn mạnh tới tính ưu tiên của siêu hình học so với nhận thức luận - thực vậy, ông cho rằng "phê bình nhận thức là một phần của siêu hình học" (The Range of Reason, 1948 [1952: 25]) - và cũng chủ trương rằng cấu trúc và phương pháp của các khoa học khác nhau được xác định bởi bản chất của đối tượng được biết.

Maritain gọi quan điểm của mình là “chủ nghĩa hiện thực phê phán”, và lập luận một cách đặc biệt chống lại các quan điểm duy lý và duy nghiệm thịnh hành lúc bấy giờ về nhận thức. Ông chủ trương rằng, bất chấp các khác biệt giữa chúng, chủ nghĩa Kant, chủ nghĩa duy tâm, chủ nghĩa thực dụng và chủ nghĩa duy nghiệm đều phản ảnh ảnh hưởng của chủ nghĩa duy danh - cho rằng các khái niệm phổ quát là các sáng tạo của tâm trí con người và không có nền tảng trong thực tại. Chủ nghĩa hiện thực phê phán của Maritain cho rằng những gì trí óc biết là đồng nhất với những gì hiện hữu. Biết một điều là để ‘yếu tính’ của nó hiện hữu một cách phi vật chất trong tâm trí. Điều này không có nghĩa là tâm trí phản chiếu hoặc sao chép những điều được nó biết, nhưng, nhờ các thuộc tính nắm được, nó ‘trở thành’ những điều nó biết. Maritain chủ trương rằng nhận thức của chúng ta về thực tại là thông qua ‘khái niệm’ — tức esse intentionale [hữu thể ý hướng]— vốn phi vật chất và phổ quát, mặc dù chính khái niệm là một điều chỉ được biết đến nhờ suy tư. Vì vậy, khi nói đến nhận thức về các đối tượng khả giác, chẳng hạn, tâm trí vừa có vai trò thụ động (tiếp nhận các ấn tượng khả giác) vừa có vai trò chủ động (xây dựng nhận thức từ các ấn tượng này) (xem Deely 1997, Munoz 2012).

Nhận thức luận của Maritain tìm cách giải thích bản chất của nhận thức không những thấy trong khoa học và triết học, mà còn trong cả đức tin và huyền nhiệm học tôn giáo, và một trong các mục đích của ông là chỉ ra các ‘loại’ nhận thức khác nhau và các mối tương quan của chúng với nhau. Ông lập luận rằng có những ‘trật tự’ nhận thức khác nhau và bên trong chúng, những ‘mức độ’ khác nhau được xác định bởi bản chất của đối tượng cần biết và ‘mức độ trừu tượng hóa’ có liên quan.

Đầu tiên, trong trật tự nhận thức thuần lý, người ta có thể nói về nhận thức bản chất khả giác (tức bản chất các đối tượng của khoa học thực nghiệm), khác với nhận thức toán học hoặc các đối tượng 'vật lý-toán học' (vốn có giới hạn vì các đối tượng của nó không có mối tương quan trực tiếp với thực tại), là nhận thức, đến lượt nó, khác biệt với nhận thức về bản chất siêu khả giác hoặc siêu hình.

Tuy nhiên, những 'mức độ nhận thức' này không độc lập với nhau và chúng có điểm chung là đòi hỏi rằng biết một điều là biết tại sao nó như thế:

“Tâm trí không hài lòng khi nó chỉ đạt được một điều […], nhưng chỉ khi nó nắm được điều dựa trên đó dữ liệu được thành lập trong hữu thể và tính khả niệm” (Degrees of Knowledge, 1932 [1959: 23])

Thí dụ, khoa học tự nhiên, vốn dựa trên tri nhận cảm giới, nhằm mục đích xây dựng các quy luật phản ảnh một số đặc điểm nào đó của các đối tượng được tri nhận. Như thế, nhà khoa học chủ yếu quan tâm đến việc tìm kiếm các điều thường có (regularities) trong bản chất, sử dụng điều được Maritain gọi là phương pháp tiếp cận “thực nghiệm” [empiriological] (xem Degrees of Knowledge, 1932 [1959: 178–180]; Philosophy of Nature, 1935 [1951: 49]). (Phân tích thực nghiệm là một cách tiếp cận phi triết học và cụ thể là phi bản thể học để hiểu các hữu thể tự nhiên nhưng không tìm cách biết chúng “về kiểu hiện hữu hay thực tại”, mà chỉ “xét về những biểu hiện thực nghiệm của chúng” (Carlson 2012: 37). Một phân tích như vậy không cung cấp nhận thức về yếu tính của các hữu thể tự nhiên. Maritain đề nghị khoa vật lý toán học như một minh họa cho cách tiếp cận này.) Sản phẩm của phương pháp này là điều được Maritain gọi là nhận thức perinoetical [tiền nhận thức hay gần như nhận thức] (*).

Nhưng để khoa học tự nhiên đạt được vị thế của một khoa học, nó giả thiết khả năng của con người biết được sự vật tách khỏi các đặc điểm cá biệt cụ thể của chúng (mặc dù không tách biệt khỏi sự hiện hữu của chất thể), tức triết học tự nhiên. Triết học tự nhiên "đứng sau" các hiện tượng để khám phá các mối liên hệ và nguyên nhân yếu tính. Như thế, từ điều được trình bày với tri thức khả giác, tâm trí cấu tạo một đối tượng (yếu tính) vốn có tính phổ quát. (Điều này có thể xảy ra bởi vì, như Maritain khẳng định, có những yếu tính hoặc bản chất của sự vật.) Diễn trình ‘nghĩ thông xuyết’ tới bản chất của sự vật này được Maritain gọi là nhận thức dianoetical [nhận thức thấu tới] (**). Do đó, dù khoa học tự nhiên và triết học tự nhiên cả hai đều tập trung vào khía cạnh thể lý, nhưng nhà triết học tự nhiên - không giống như nhà khoa học - quan tâm đến yếu tính của đối tượng và định nghĩa của nó (hoặc, ít nhất, giải thích các thuộc tính khác nhau của nó). Đây là kiến thức ở bình diện của ‘mức độ trừu tượng’ đầu tiên.

Các đối tượng vật lý-toán học (thí dụ: lượng, số và trương độ [extension] nằm ở "mức độ" trừu tượng thứ hai. Dù chúng không thể hiện hữu nếu không có sự hiện hữu của sự vật vật chất, nhưng một khi đã được biết đến, chúng có thể được quan niệm mà không cần tham chiếu đến những vật thể đó. Cuối cùng, nhận thức siêu hình hoặc suy lý đề cập đến các đối tượng hiện hữu ở mức độ trừu tượng thứ ba (tức là độc lập với chất thể), chẳng hạn như bản thể [substance], phẩm chất, sự tốt lành và thể thần linh. Do bản chất của các đối tượng siêu hình học, loại nhận thức cuối cùng này không liên quan đến suy luận hợp luận lý nhiều như suy luận bằng phép loại suy hay điều được Maritain gọi là nhận thức ananoetic [nhận thức trọn vẹn] (***). Nhận thức như thế (thí dụ, về thể thần linh) không thông qua bất cứ sự nắm bắt trực tiếp nào, mà là gián tiếp, thông qua các tạo vật.

Có một phẩm trật giữa các "mức độ nhận thức" này. Những đối tượng nào cao nhất ở tính khả niệm, tính phi vật chất và tiềm năng được biết đến là những đối tượng có mức độ nhận thức cao nhất. Maritain viết:

“Nhà siêu hình học xem xét một đối tượng của việc nhận thức một bản chất và tính khả niệm đặc biệt cao hơn, và từ đó, họ có được một nhận thức thích đáng, một nhận thức khoa học, nhờ các phương thế hoàn toàn vượt xa các phương tiện của nhà vật lý hoặc nhà toán học” (Degrees of Knowledge, 1932 [1959: 37])

Tuy nhiên, dù có những ‘trật tự’ và ‘mức độ’ nhận thức khác nhau, người ta không nên kết luận rằng có những ‘nhận thức’ khác nhau.

Maritain chủ trương rằng việc chứng minh triết học khác với việc chứng minh khoa học tự nhiên hoặc toán học:

“triết học quan tâm đến một lĩnh vực nhận thức khác biệt một cách khách quan và tạo thành một bộ môn thực sự tự trị, sở hữu các phương tiện thích hợp riêng để giải thích lĩnh vực này của nhận thức (Range of Reason, 1948 [1952: 5])

Như vậy, Maritain viết, triết học tự nhiên thâm nhập vào bản chất đối tượng của nó. Siêu hình học – vốn cũng là một loại nhận thức triết học - liên quan đến hữu thể hoàn toàn khả niệm. Tuy nhiên, khoa học cùng lắm có tính ‘thực nghiệm’ — nó không dẫn chúng ta tới chính hữu thể, mà chỉ đến những gì có thể quan sát và đo lường được. Thành thử, sử dụng phương pháp chứng minh khoa học để thiết lập hoặc phê phán các chủ trương về đối tượng của nhận thức siêu hình là một sai lầm về phạm trù theo thuật ngữ cổ điển của Ryle. Chính vì ông cho rằng các nhận thức luận duy nghiệm và duy lý làm điều này, nên Maritain mới đặt vấn đề với họ.

Việc có một trật tự nhận thức thuần lý với 'các mức độ' của nó thế nào, thì cũng có một trật tự và các mức độ khác của nhận thức siêu thuần lý như thế - một sự khôn ngoan cao hơn - vượt ra ngoài 'nhận thức tự nhiên'. Một mặt, đây là ‘khoa học về những mầu nhiệm được mạc khải’ hay ‘khôn ngoan thần học’ và mặt khác, là ‘nền thần học huyền nhiệm’. Ở đây, món nợ của Maritain đối với thánh Augustinô và Thánh Gioan Thánh Giá đặc biệt rõ ràng (xem Barreiro 2008). Theo Maritain, trong khôn ngoan thần học, thể thần linh được biết đến không chỉ dựa vào lý trí mà còn dựa vào đức tin. (Điều này khác biệt với nhận thức siêu hình, một nhận thức, có thể nói, tiếp cận thể thần linh từ 'bên ngoài'.) Nhận thức huyền nhiệm vẫn cao hơn một bình diện — nơi không có sự trung gian của các khái niệm — và “hệ ở việc biết […] Thần tính đúng nghĩa —theo một mô thức vừa siêu nhân vừa siêu nhiên ”(The Degrees of Knowledge, 1932 [1959: 253]). Đây là một nhận thức nhờ đồng bản tính (connaturality), nhưng cũng là một nhận thức có thể được theo đuổi thông qua khoa thực hành ‘chiêm niệm huyền nhiệm’. Bằng cách này, các hữu thể nhân bản có được một loại nhận thức khiến họ yêu thương hơn và tâm linh hơn. (Cần lưu ý rằng, đối với Maritain, nền huyền nhiệm này vượt quá truyền thống Kitô giáo. Ông không những chỉ đề cập đến tấm gương của Ramanuja, mà còn khuyến khích nhà Ấn Độ học tương lai Olivier Lacombe hướng “công trình triết học của mình về việc nghiên cứu nền huyền nhiệm Ấn Độ” [Lardinois 2017: 314].)

Sự phát triển của khái niệm 'nhận thức nhờ đồng bản tính' (hay 'nhận thức đồng bản tính' hoặc 'nhận thức nhờ khuynh hướng'), tiềm ẩn nơi Thánh Tôma (Summa theologiae, II-II, q. 45, a 2), là một trong những đóng góp chính của Maritain cho nhận thức luận. Maritain đặt nhận thức này ở bình diện trí hiểu tiền ý thức. Nó có tính “phi khái niệm và phi thuần lý”, (Natural Law, 2001: 18); ông mô tả nó như “nhận thức tối tăm, không có hệ thống, chủ yếu, nhờ bản năng hoặc thiện cảm, và trong đó trí hiểu, để có thể thực hiện các phán đoán của nó, phải tham khảo các xu hướng bên trong của chủ thể”. (Man and the State, 1951: 91).

Nó cũng không phải là nhận thức về các yếu tính, như phần lớn các nhận thức vốn là. Tuy nhiên, nó vẫn được nối kết với “hành động trí thức” và là một nhận thức chân chính về thực tại. Loại nhận thức này nằm ở nền tảng, không những của kinh nghiệm huyền nhiệm, mà còn của hoạt động nghệ thuật và đạo đức; nó cung cấp nhận thức về Thiên Chúa, về các nguyên tắc đầu tiên của đạo đức và một nhận thức về tính chủ quan của người ta.

Một số câu hỏi đã được nêu ra liên quan đến nhận thức luận của Maritain, đặc biệt liên quan đến việc ông đặc điểm hóa nhận thức triết học. Hơn nữa, dù Maritain tuyên bố rằng có sự khác biệt về phương pháp giữa các khoa học và triết học, một số người lập luận rằng người ta không rõ sự khác biệt đó chính xác là gì (Vitoria 2011). Thí dụ, Maritain theo Thánh Tôma khi cho rằng siêu hình học sử dụng phương pháp demonstratio quia nghĩa là chứng minh từ các hiệu quả. Nhưng có vẻ như khoa học đôi khi cũng sử dụng một phương pháp chứng minh như vậy. Do đó, người ta không rõ nghĩa là gì trong phương pháp (khác với nội dung của các tiền đề) phân biệt bằng chứng siêu hình (thí dụ, về sự hiện hữu của Thiên Chúa) với việc lập luận khoa học thiết lập sự hiện hữu nguyên nhân của một vật thể tự nhiên.

Thứ hai, Maritain chủ trương rằng nhận thức khoa học được phân biệt với nhận thức triết học tùy theo các phương pháp khác nhau và các đối tượng khác nhau của chúng. Nhưng nếu nhận thức khoa học và nhận thức triết học, xem ra không đồng cân sức, thì người ta không rõ bằng cách nào triết học có thể đánh giá, hoặc sửa chữa được các khoa học.

Một số học giả của trường pháo Tôma đã miễn cưỡng chấp nhận việc Maritain khai triển quan niệm của Thánh Tôma về ‘nhận thức nhờ đồng bản tính’, thay vào đó họ thích nói về “nhận thức liên quan với khuynh hướng” (Dewan 2010). Tuy nhiên, có những người đã lập luận rằng sự khai triển này có ý nghĩa sâu rộng, vì khái niệm của Maritain về trực giác hữu thể đã dẫn ông, trong những năm sau khi xuất bản cuốn The Degrees of Knowledge, đến chỗ thừa nhận một vai trò lớn hơn cho “đời sống vô thức và tiền ý thức của tâm trí ”( The Range of Reason, 1948 [1952: 80]; Arraj 2006).

Cuối cùng, có vẻ như mô hình chứng minh được Maritain sử dụng có tính duy nền tảng (foundationalist) và do đó, phải trả lời cho những chỉ trích mà chủ nghĩa phản nền tảng hiện đại đang thu hút được chú ý — thí dụ: họ cho rằng lý thuyết duy nền tảng đặt tiêu chuẩn cho nhận thức không những không có sự biện minh, nhưng là một tiêu chuẩn mà bản thân nó không thể thỏa mãn. Tuy nhiên, một số biện hộ cho nhận thức luận Tôma (thí dụ, Veatch 1990) đề xuất nhiều cách để giải đáp mối quan tâm này.
____________________________________________________________________________________

(*) Perinoetical, theo từ nguyên, peri=gần, noetical=nhận thức, tiền nhận thức hay gần như nhận thức (?)
(**) Dianoetical, theo từ nguyên, dia=qua, thấu; noetical=nhận thức: nhận thức thấu tới (?)
(***) Ananoetical, theo từ nguyên, ana=hoàn tất, noetical=nhận thức: nhận thức trọn vẹn (?)

Kỳ tới: Triết học về tự nhiên
 
VietCatholic TV
Ukraine kiếm chưa ra, ham tuyên truyền ký giả Nga tiết lộ, HIMARS ào ào bay tới, Bộ Chỉ Huy tan tành
VietCatholic Media
03:04 16/08/2022


1. Ham tuyên truyền ký giả Nga chỉ chỗ cho quân Ukraine đánh sập bộ chỉ huy

Tờ Newsweek vừa có bài tường trình nhan đề “Ukraine HIMARS Destroy Wagner HQ After Russian Doxxes Forces: Report”, nghĩa là “Phúc trình cho thấy Hệ thống Hỏa tiễn Pháo binh Cơ động Cao của Ukraine tiêu diệt trụ sở của Wagner sau khi người Nga tiết lộ thông tin của các lực lượng này”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các lực lượng Nga đã bị quân Ukraine tấn công bằng Hệ thống Hỏa tiễn Pháo binh Cơ động Cao, gọi tắt là HIMARS, sau khi một phóng viên chiến trường Nga tiết lộ vị trí của một căn cứ.

Theo hãng truyền thông Ukraine Hromadske, các kênh Telegram của Nga đã chia sẻ những bức ảnh về hậu quả của một cuộc tấn công tại một căn cứ ở Popasna, miền đông Luhansk.

Các bức ảnh cho thấy những người lính bị thương hoặc chết được đưa ra khỏi đống đổ nát cũng như sự phá hủy của tòa nhà. Con số chính thức của những người bị thương và thiệt mạng vẫn chưa được xác nhận.

Căn cứ đã bị tấn công vào hôm Chúa Nhật là căn cứ của Nhóm Wagner, một lực lượng bán quân sự của Nga đang chiến đấu ở Ukraine.

Yuriy Kotenok, một nhà tuyên truyền người Nga, viết trên Telegram rằng, theo một báo cáo của Daily Kos, Ukraine đã sử dụng HIMARS để nhắm vào Nhóm Wagner. Tuy nhiên, cho đến nay, theo yêu cầu của chính tổng thống Ukraine, các lực lượng Ukraine đã giữ im lặng để không làm lộ kế hoạch tác chiến của họ.

Theo báo cáo của Hromadske, Ukraine chỉ được biết về vị trí của căn cứ này sau khi phóng viên chiến trường Nga Serhiy Sreda đến thăm căn cứ này hôm 8/8.

Sreda đã công bố một bức ảnh cho thấy lực lượng bán quân sự đã thiết lập một căn cứ trong một tòa nhà dân cư, coi đó là “trụ sở chính” của nhóm. Một trong những bức ảnh cho thấy tấm biển ghi địa chỉ của hầm trú bom gần nhất, là số 12 phố Myronivska.

Đầu bếp người Nga và người bạn thân tín của Vladimir Putin, Yevgeny Prigozhin cũng xuất hiện ở một trong những bức ảnh chụp với Sreda. Người ta vẫn chưa xác nhận được liệu anh ta có ở căn cứ trong thời gian xảy ra vụ tấn công hay không.

Kênh Telegram của Nga, Radio Liberty cũng xác nhận cuộc tấn công và lưu ý rằng Sreda đã xóa bài đăng của mình kể từ đó, nhưng nó vẫn còn có thể truy cập trên các kênh Telegram khác.

Radio Liberty cũng nói rằng các kênh PMC Telegram của Wagner đã xác nhận rằng họ đã bị một cuộc tấn công.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga và Bộ Quốc phòng Ukraine để đưa ra bình luận.

Cuộc tấn công này diễn ra sau khi Ukraine tuyên bố họ đã gây ra tổn thất đáng kể cho các lực lượng Nga.

Theo Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine quân đội Ukraine đã có thể tiêu diệt gần 20 xe tăng và xe bọc thép trong một cuộc tấn công.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cũng đưa ra ước tính về tổng thiệt hại mà Nga phải đối mặt kể từ khi xung đột bắt đầu vào ngày 24 tháng 2, đồng thời nêu rõ những bổ sung mới nhất.

Tổng cộng 43.550 quân nhân Nga đã thiệt mạng và thêm 150 người thiệt mạng trong 24 giờ qua. Tổng cộng 1.864 xe tăng đã bị phá hủy và thêm 8 xe tăng bị phá hủy vào hôm thứ Bảy.

Bên cạnh đó, còn có 4.126 xe chiến đấu bọc thép đã bị phá hủy, cũng như 11 chiếc bị phá hủy vào thứ Bảy.

Tuần trước, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ về Chính sách Colin Kahl nói rằng Nga đã phải hứng chịu một số lượng thương vong “khủng khiếp” kể từ khi cuộc chiến bắt đầu.

Trong cuộc họp báo ngày 8/8, ông nói: “Người Nga đang phải gánh chịu một con số thương vong to lớn ở phía bên kia của phương trình.

“Về số liệu chính xác, có rất nhiều sương mù trong chiến tranh nhưng tôi nghĩ rằng có thể an toàn khi cho rằng người Nga đã phải chịu 70.000 hoặc 80.000 thương vong trong vòng chưa đầy sáu tháng.

“Đó là sự kết hợp của những binh sĩ tử trận và những người bị thương trong khi chiến đấu. Con số đó với tôi có thể thấp hơn hoặc cao hơn một chút nhưng tôi nghĩ nó là ở lân cận đó.”

Nga không cập nhật thường xuyên về thương vong, nhưng trước đó đã đưa ra số liệu thấp hơn nhiều.

2. Quan chức Ukraine lên tiếng sau khi căn cứ Wagner ở Luhansk bị tấn công

Các video trên mạng xã hội được xác định vị trí địa lý là ở thị trấn Popasna do Nga chiếm đóng cho thấy một căn cứ do các nhà thầu quân sự Wagner sử dụng đã bị trúng đạn pháo hoặc hỏa tiễn vào hôm Chúa Nhật.

Nhóm các nhà thầu quân sự tư nhân Wagner đã đóng một vai trò tích cực trong cuộc giao tranh ở Donbas, thường được triển khai như bộ binh để tiến vào các thị trấn mà lực lượng Ukraine đã rút lui. Nhóm bán quân sự này được xem là quân đội bí mật của Putin.

Trong cuộc họp báo sáng thứ Ba 16 tháng 8, các quan chức Ukraine đã mỉm cười rất vui vẻ trước tin tức bộ chỉ huy của Wagner bị tấn công. Tuy nhiên, theo lệnh của tổng thống Ukraine, họ đã giữ im lặng để bảo đảm không tiết lộ các kế hoạch hành quân.

Serhiy Hayday, thống đốc khu vực Luhansk, cho biết vắn tắt rằng “Lực lượng vũ trang Ukraine một lần nữa đã giáng thành công một đòn chí tử vào sở chỉ huy của đối phương”.

“Lần này là ngày hôm qua ở Popasna, nơi trụ sở của PMC 'Wagner' đã bị đập tan bởi một cú đánh đúng mục tiêu”

“Số người chết đang được làm rõ,” ông nói thêm.

Cuối tuần qua, các tài khoản Telegram thân Nga liên kết với nhóm Wagner cho thấy một tòa nhà ở Popasna bị hư hại nặng và cho biết đã có thương vong rất cao.

3. Nhóm Wagner là ai? Quân đội riêng của Putin chiến đấu ở Ukraine

Nhóm Wagner - một lực lượng bán quân sự tinh nhuệ có liên hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin - hiện đang được điều đến miền Đông Ukraine, theo thông tin tình báo của Bộ Quốc phòng Anh hôm thứ Hai.

“Các lực lượng Nga đang tiếp tục củng cố và tái tổ chức khi họ tập trung lại cuộc tấn công vào khu vực Donbas ở phía đông Ukraine”, bản cập nhật cho biết.

“Quân đội Nga, bao gồm cả lính đánh thuê từ công ty quân sự tư nhân Wagner có liên kết với nhà nước Nga, đang được điều động đến khu vực này.”

Quân đội tư nhân tinh nhuệ — còn được gọi là Liga — được thành lập vào năm 2014, trong cuộc chiến ở Donbas, miền Đông Ukraine trong bối cảnh Nga sáp nhập Crimea.

Nhóm bán quân sự trong bóng tối này nổi lên khi họ giúp lực lượng ly khai ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk tự xưng từ năm 2014 đến 2015. Những khu vực này là một phần của Ukraine, nhưng vào ngày 21 tháng 2, Putin đã ký sắc lệnh công nhận họ là các quốc gia độc lập.

Theo tờ New York Times, tên Wagner được đặt bởi nhà lãnh đạo Dmitry Utkin, một sĩ quan quân đội Nga đã nghỉ hưu, người đã chọn “Wagner” để tôn vinh nhà soạn nhạc cổ điển, được mà nhà lãnh đạo Đức Quốc xã Adolf Hitler rất ưa thích. Wagner cũng được tường trình có nhiều hình xăm Đức Quốc xã.

Tuy nhiên, Tập đoàn Wagner không tồn tại như một thực thể công ty duy nhất dưới tên gọi đó — đúng hơn, nó là một mạng lưới lớn hơn gồm các công ty và nhóm hoạt động cùng nhau.

Các nhà chức trách Hoa Kỳ cho biết Tập đoàn Wagner được tài trợ bởi Yevgeny Prigozhin, một doanh nhân có liên hệ chặt chẽ với Putin.

Prigozhin luôn phủ nhận mọi mối liên hệ với Wagner.

Điện Cẩm Linh cũng cho biết họ không tham gia vào nhóm và phủ nhận nó tồn tại vì các công ty quân sự tư nhân là bất hợp pháp ở Nga.

Các chính phủ và các nhà hoạt động phương Tây đã cáo buộc nhóm này vi phạm nhân quyền ở Phi Châu, cũng như tham gia vào các cuộc chiến ở Libya và Syria. Wagner cũng đã được triển khai ở Mali, Mozambique và Sudan, gây ảnh hưởng của Nga trong các cuộc chiến ủy nhiệm và đôi khi chiếm giữ các mỏ dầu và các lợi ích chiến lược khác.

Tờ Intercept ngày 31/3 đưa tin, lính đánh thuê Wagner đang chiêu mộ thêm nhiều chiến binh ở các quốc gia khác nơi họ hoạt động, bao gồm cả ở Syria.

Ngày 29/3, Newsweek đưa tin nhóm Wagner đang cử 1.000 lính đánh thuê tới miền đông Ukraine. Trước đó vào tháng 3, quân đội Ukraine đã báo cáo về các cuộc đụng độ gần Kyiv với các thành viên của nhóm quân sự tư nhân.

Jeremy Fleming, người đứng đầu cơ quan tình báo Anh, cho biết nhóm lính đánh thuê này có khả năng được sử dụng làm “bia đỡ đạn” để hạn chế tổn thất quân sự chính thức của Nga. Sự hiện diện của nhóm ở Ukraine cũng cho phép Nga giảm thiểu thiệt hại về quân sự và tránh xa các hành vi vi phạm nhân quyền của các chiến binh Wagner.

Jamie Williamson, giám đốc điều hành của Hiệp hội Quy tắc Ứng xử Quốc tế, cho biết đa số những người tham gia trong Wagner là các cựu chiến binh Nga và hoạt động như “một nhóm hợp đồng quân sự” và là một lực lượng trong bóng tối để Putin khống chế các thành phần đối lập.

4. Phóng viên chiến trường Nga Serhiy Sreda ngây thơ hay Putin cố ý muốn thủ tiêu tội ác chiến tranh.

Như chúng tôi đã đưa tin, quân Ukraine chỉ được biết về vị trí của căn cứ Wagner ở Luhansk sau khi phóng viên chiến trường Nga Serhiy Sreda đến thăm căn cứ này hôm 8/8 và công bố một bức ảnh để lộ địa chỉ của căn cứ đó.

Sreda đã công bố một bức ảnh cho thấy Wagner đã thiết lập một căn cứ trong một tòa nhà dân cư, coi đó là “trụ sở chính” của nhóm. Một trong những bức ảnh cho thấy tấm biển ghi địa chỉ của hầm trú bom gần nhất, là số 12 phố Myronivska.

Các kênh Telegram thân Nga kêu gọi Bộ Nội Vụ Nga bắt khẩn cấp phóng viên chiến trường này vì đã để lộ một thông tin gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho cuộc chiến của Nga tại Ukraine.

Cho đến nay, Sreda vẫn chưa bị bắt. Thành ra, có những tin đồn cho rằng phóng viên chiến trường này không ngây thơ nhưng đã được chỉ đạo để cung cấp thông tin quý giá đó cho phía Ukraine. Wagner đã gây ra rất nhiều tội ác chiến tranh tại Ukraine. Giờ đây, trong bối cảnh Putin nhận thức rõ ràng ông ta không thể thắng nổi trong cuộc chiến tại Ukraine, Wagner phải biến mất để thủ tiêu tất cả các chứng tích.

Đây không phải là lần đầu tiên Putin làm trò này. Hôm thứ Sáu 12 tháng 8, Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, cho biết các đơn vị của Nga có liên quan đến vụ giết hại dân thường ở thị trấn Bucha của Ukraine thuộc vùng Kyiv đã bị Putin dàn xếp để quân Ukraine “tiêu diệt trong chiến đấu”.

ISW khẳng định rằng “Thông thường, khi các đơn vị Nga bị tổn thất nhân lực nghiêm trọng như thế trong quá trình chiến đấu, các đơn vị của Nga sẽ bị giải tán và những người sống sót được tái bố trí vào các thành phần chiến đấu khác, nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không giải tán Lữ đoàn súng trường cơ giới số 64”.

Tổng thống Nga đã trao cho lữ đoàn danh hiệu “cảnh vệ” danh dự vào ngày 18 tháng 4, sau khi xuất hiện bằng chứng cho thấy họ đã phạm tội ác chiến tranh ở Bucha; và lữ đoàn đã được gấp rút gởi đi tham chiến ở miền đông Ukraine, nơi đang diễn ra các cuộc chiến ác liệt nhất vào thời điểm đó, sau khi vừa rút quân khỏi Kyiv. Họ không có nhiều thời gian để nghỉ ngơi, tái trang bị, nhận thay thế hoặc phục hồi.

ISW cho biết: “Có nhiều suy đoán vào ngay thời điểm đó rằng Điện Cẩm Linh mong muốn lữ đoàn này bị tiêu diệt trong chiến đấu để tránh bị tiết lộ về tội ác chiến tranh của họ”.

Thành ra, người ta tin rằng khi chụp hình phóng viên chiến trường Nga Serhiy Sreda đã cố ý chụp cả địa chỉ tòa nhà để báo cho quân Ukraine biết Wagner nằm ở đâu mà tiêu diệt. Putin không chỉ ác với người Ukraine, ông ta cũng ác ôn cả với người Nga.

5. Các quan chức của Putin 'đàm phán bí mật với phương Tây để chấm dứt chiến tranh Ukraine'

Thông tấn xã News của Úc Đại Lợi vừa có bài nhan đề “‘Panic-stricken’ Kremlin officials approach the West to end Ukraine invasion: report” nghĩa là “Báo cáo cho thấy các quan chức Điện Cẩm Linh ‘hoảng loạn’ tiếp cận phương Tây để chấm dứt cuộc xâm lược Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các nhà lãnh đạo tình báo cho biết: Các tay chân hoảng loạn của Putin đang bí mật tiếp cận với phương Tây để cố gắng đưa cuộc chiến thảm khốc của Nga ở Ukraine đến hồi kết thúc

Giới chức Nga ngày càng thất vọng về các lệnh trừng phạt áp đặt lên đất nước sau cuộc xâm lược đẫm máu của Putin và đang cố gắng đàm phán để đạt được hòa bình, một quan chức cấp cao của Điện Cẩm Linh được tường trình đã tuyên bố như trên.

Một tài liệu được cho là đã được lưu hành xung quanh các cơ quan tình báo phương Tây và được cho là đã được The Mirror nhìn thấy cho biết: “Một đại diện trong giới nội bộ của Putin đã gửi tín hiệu về mong muốn đàm phán.”

“Tâm trạng của giới tinh hoa Điện Cẩm Linh đang hoảng loạn.”

Quan chức đi đêm sau lưng Putin không được nêu tên trong tài liệu nhưng đã được mô tả là “trụ cột của chế độ” ở Nga.

Ukraine tin rằng các quan chức cấp cao của Điện Cẩm Linh đang cố gắng tiếp cận với các cơ quan tình báo phương Tây sau lưng ông Putin, một nguồn tin ngoại giao của Kyiv nói với The Mirror.

Họ nói: “Đó thường là trường hợp đã xảy ra trong giai đoạn kết thúc của Chiến tranh thế giới thứ hai, các quan chức của một bên lo ngại về tương lai của họ phải đưa ra các phương pháp để bảo đảm điều đó”.

Họ nói thêm rằng nhiều người trong giới thượng lưu Nga đã tận hưởng quyền tự do sống ở phương Tây và lo lắng về việc mất nó, nhưng quá sợ hãi về những gì Putin có thể làm nếu họ lên tiếng.

Bất kỳ quan chức hàng đầu nào chỉ trích cuộc chiến sẽ khiến bản thân và gia đình họ gặp nguy hiểm cao độ nếu họ bị nêu đích danh.

Một số quan chức hàng đầu thậm chí đã đổ bệnh hoặc chết trong những hoàn cảnh bí ẩn trong những tháng gần đây.

Tháng trước, một trong những đối thủ chính của Putin đã bị đầu độc trong một vụ ám sát.

Nikolai Patrushev, người đứng đầu hội đồng an ninh Nga, đã được một số giới mô tả là người duy nhất mà Putin thực sự tin tưởng.

Diễn biến này xảy ra trong bối cảnh cuộc chiến hiện đã bước sang tháng thứ bảy và quân đội vẫn sa lầy trên khắp miền nam và đông Ukraine.

Lo ngại về thảm họa xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Âu Châu ở Zaporizhzhia đang ngày càng gia tăng sau khi quân đội Nga bị cáo buộc biến nó thành căn cứ quân sự.

Tuần trước, căng thẳng bùng lên khi hỏa tiễn hạ cánh chỉ cách nhà máy hạt nhân 10 mét.
 
Hai anh em một LM bị bắt cóc, chỉ có người em sống sót. Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời ở Ba Lan, Ukraine
VietCatholic Media
05:05 16/08/2022


1. Hai anh em một Linh mục Công Giáo bị bắt cóc, chỉ có người em còn sống sau 45 ngày bị giam cầm

Hai anh em của Cha Vitus Borogo đã bị bắt cóc. Vị linh mục 50 tuổi đã bị sát hại dã man tại Kujama thuộc Khu vực chính quyền địa phương Chikun vào hôm thứ Bảy, ngày 25 tháng Sáu.

Em của ngài là anh Cyril Youguhime Borogo cũng bị bắt trong cuộc tấn công và bọn cướp đã đòi số tiền chuộc khổng lồ.

Bạn bè, đồng nghiệp, bạn học cũ và các thành viên trong cộng đồng của họ đã đóng góp tiền để bảo đảm cho anh ta được thả.

Em gái của cố linh mục, cô Priscilla Mamnenge Balogun Jerome, người đã vận động tài trợ, xác nhận rằng anh trai cô đã được thả sau 45 ngày bị giam cầm.

Chủ tịch Cộng đồng Công Giáo Thánh Augustinô Ti cho biết: “Tôi rất vui mừng thông báo với công chúng về việc trả tự do cho em trai của Linh mục Borogo, người đã bị bắt cóc bởi các tay súng vô danh vào ngày 25 tháng 6 năm 2022 sau khi chúng đã chặt đầu vị linh mục là Cha Vitus Viashima Borogo. Ông Cyril Borogo hôm qua đã được thả sau khi trải qua 45 ngày với những kẻ bắt cóc mình”.

Chính phủ Nigeria có mọi thứ cần thiết để ngăn chặn các cuộc tấn công đang diễn ra nhằm vào các tín hữu Kitô giáo, nhưng họ đã từ chối giúp đỡ, một linh mục Công Giáo ở quốc gia Tây Phi cho biết.

Tình hình ở Nigeria đã khiến nhiều người tin rằng những gì đang xảy ra là “chủ nghĩa khủng bố do nhà nước bảo trợ”, Cha Patrick Alumuku, giám đốc truyền thông của Tổng giáo phận Abuja, nói với ACI Africa tại Đại hội Công Giáo Liên Phi về Thần học, Xã hội và Mục vụ Life.

Ngài nói rằng Giáo hội ở Nigeria không có khả năng bảo vệ người dân, bao gồm cả các linh mục từng là nạn nhân của các vụ bắt cóc và giết người, và chính phủ có vai trò trao quyền cho các nhân viên an ninh trong nước để bảo vệ những thường dân vô tội.

“Giáo hội mong muốn bảo vệ nhân sự của chính mình. Nhưng liệu Giáo hội có đủ năng lực để bảo vệ con người không? Giáo hội có quân đội không? Giáo Hội có cảnh sát không? “ vị linh mục người Nigeria nói thêm, “Chính phủ lẽ ra phải cung cấp cho cảnh sát bất cứ thứ gì cần thiết, đạn dược, hậu cần để có thể giải quyết việc này; nhưng có vẻ như chính phủ không quan tâm đến việc giải quyết những thách thức này “.

Ngài nói tiếp rằng, “Chính phủ tỏ ra bất lực. Trên thực tế, có những người cảm thấy rằng đây là chủ nghĩa khủng bố do nhà nước bảo trợ”.

Ngài cảm thấy bối rối khi không có hành vi tàn bạo nào đối với các tín hữu Kitô ở Nigeria đã được giải quyết tại tòa án.

“Trong số tất cả những trường hợp các linh mục bị sát hại, thậm chí không có một người nào bị bắt. Trong số tất cả các linh mục đã bị bắt cóc, thậm chí không có một người nào bị bắt. Trong số tất cả các nhà thờ bị cháy hoặc bom phát nổ, không một người nào bị bắt, bị đưa ra tòa, bị xét xử và bị kết tội,” Cha Alumuku nói.


Source:tori.ng

2. Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời tại Ba Lan

Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời 15 tháng Tám là một trong 13 ngày quốc lễ trong một năm của Ba Lan. Ngay cả trong thời kỳ cộng sản, ngày 15 tháng Tám vẫn là một ngày quốc lễ, mặc dù bọn cầm quyền cộng sản lúc đó gọi là ngày Các Lực Lượng Vũ Trang Ba Lan để kỷ niệm cuộc chiến tại Warsaw vào năm 1920.

Thông tấn xã KAI của Công Giáo Ba Lan cho rằng giải thích của bọn cầm quyền cộng sản chỉ là một lối giải thích miễn cưỡng. Cộng sản không muốn gọi ngày 15 tháng Tám là ngày Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, nhưng cũng không dám mừng ngày Các Lực Lượng Vũ Trang Ba Lan một cách trọng thể vì sợ mất lòng Liên Sô. Cho nên, trong suốt thời cộng sản, ngày 15 tháng Tám, ngày cộng sản gọi là ngày Các Lực Lượng Vũ Trang Ba Lan, không có các cuộc diễn binh, diễn hành trên đường phố, dân chúng được nghỉ ngơi đi nhà thờ, không phải tham gia các cuộc mít-tinh nào cả.

Năm 1920, hồng quân Liên Sô tấn công Ba Lan. Quân Ba Lan liên tục rút chạy tán loạn trước sức tấn công vũ bão của đối phương. Trước đại họa đất nước bị chìm trong họa vô thần, hàng giáo sĩ Ba Lan kêu gọi anh chị em cầu nguyện đặc biệt với Đức Mẹ nhất là khi gần đến ngày Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Ngày 12 tháng Tám, 1920, hồng quân Liên Sô do Nguyên Soái Mikhail Tukhachevsky lãnh đạo tạo thành 2 gọng kềm tiến đánh thủ đô Warsaw và thành phố Modlin Fortress. Tình thế gần như tuyệt vọng đối với người Ba Lan.

Tuy nhiên, một ngày sau Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, là ngày 16 tháng Tám, 1920, tướng Józef Piłsudski của Ba Lan mở cuộc phản công từ phía Nam thủ đô Warsaw. Hồng quân Liên Sô đại bại, rút chạy tán loạn về phía Đông liều lĩnh bơi qua sông Neman để thoát thân. Trong một ngày duy nhất, hơn 10,000 quân Liên Sô tử trận, 500 bị mất tích dưới dòng sông Neman đang chảy như thác lũ, 30,000 quân nhân bị thương và trầm trọng nhất là 66,000 quân nhân bị bắt sống tại mặt trận. Tướng Józef Piłsudski, một quân nhân chuyên nghiệp, đã tạo ra một chiến công hiển hách lưu danh hậu thế. Nhưng ông là một người khiêm nhường, và đầy đức tin. Ông cho rằng chính nhờ Đức Mẹ và niềm tin vào Đức Mẹ mà quân Ba Lan từ tình trạng đang xuống tinh thần trầm trọng đã có thể đánh một trận oai hùng như vậy.

Thừa thắng xông lên, quân Ba Lan lần lượt thắng hết trận này sang trận khác, quét sạch quân Liên Sô ra khỏi bờ cõi đất nước. Cuối năm đó, Lênin đã phải nuốt nhục ký hiệp ước với Ba Lan.

Đại sứ Anh quốc tại Ba Lan là ông Edgar Vincent nhận xét rằng cuộc chiến ngày 16 tháng Tám, 1920 là cột mốc lịch sử. Nhờ cuộc chiến đó, phần còn lại của Âu Châu đã thoát khỏi mưu đồ bành trướng chủ nghĩa cộng sản của Lênin.

3. Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời lên trời trong thầm lặng tại Kharkiv, Ukraine

Người dân Ukraine có lòng sùng kính Đức Mẹ cách đặc biệt. Hàng năm, dân chúng trong các tranh phục truyền thống tuôn đến các nhà thờ mừng kính lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời của Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, là một trong những địa điểm hành hương nổi tiếng. Tuy nhiên, trong năm nay khung cảnh tại đây vắng vẻ. Chiến tranh chắc chắn là một lý do. Nhưng lý do chính là bản thân ngôi thánh đường này đã bị quân Nga ném bom, chưa thể trùng tu được.

Đề cập đến diễn biến này Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói:

Các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và bom của Nga vào các thành phố của Ukraine là một lời thú nhận rằng họ không thể làm gì đáng kể trên đất liền. Tất cả các tuyến phòng thủ của chúng ta được bảo toàn. Địch không thành công trên bất kỳ hướng chiến lược nào. Họ mất tinh thần. Họ đã đi vào con đường diệt vong. Kiev đã sống sót hết đêm này sang đêm khác và chịu được các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và bom. Phòng không của chúng ta đã hoạt động. Kherson, Izyum, tất cả các thành phố khác, nơi những kẻ xâm lược tiến hành các cuộc tấn công từ trên không, đã không từ bỏ bất cứ điều gì. Chernihiv, Sumy, Mykolaiv vẫn đứng vững. Họ cũng muốn tiêu diệt Odesa. Nhưng họ sẽ chỉ nhìn thấy đáy của Biển Đen. Mục tiêu của Nga là nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời ở Kharkiv. Một trong những di tích Chính thống giáo lâu đời nhất của thành phố, di tích của Ukraine. Trong chiến tranh, thánh đường là nơi trú ẩn của cư dân Kharkiv. Nơi trú ẩn cho tất cả mọi người: các tín hữu và cả những người ngoại đạo. Vì mọi người đều bình đẳng trong khu vực linh thánh. Bây giờ ngôi thánh đường bị hư hại bởi chiến tranh. Họ thậm chí không sợ điều đó! Họ thích thú với việc Thiên Chúa không phản ứng ngay lập tức. Nhưng Chúa thấy mọi sự. Và Ngài đáp lại. Ngài đưa ra các câu trả lời để bạn không thể trốn vào đâu được. Không có hầm trú ẩn nào để trốn chạy trước phản ứng của Thiên Chúa. Và chúng tôi sẽ trùng tu nhà thờ để không còn dấu vết chiến tranh. Và ngay cả khi bạn phá hủy tất cả các thánh đường và nhà thờ của chúng tôi, bạn sẽ không phá hủy được niềm tin chân thành của chúng tôi ở Ukraine vào Chúa. Niềm tin vào con người. Chúng tôi sẽ khôi phục lại mọi ngôi nhà, mọi đường phố, mọi thành phố. Và chúng tôi nói với người Nga: hãy học những từ “bồi thường” và “đóng góp”. Bạn sẽ phải trả lại tất cả những gì bạn đã làm chống lại Ukraine. Và chúng tôi sẽ không quên những người đã chết, và Chúa sẽ không quên.

Bạn đã đến để phá hủy các thành phố của chúng tôi. Tiêu diệt người của chúng tôi. Lấy đi của chúng tôi tất cả những gì thân yêu đối với chúng tôi. Bạn đã cắt điện, nước và hệ thống sưởi đối với dân thường ở Ukraine. Bạn bỏ lại mọi người mà không có thức ăn và thuốc men. Bạn đang pháo kích các tuyến đường có thể di tản. Không có vũ khí nào mà bạn không sử dụng để chống lại chúng tôi, chống lại những công dân tự do của Ukraine. Và bây giờ bạn đang nói với những người tuyên truyền của bạn rằng bạn sẽ gửi cái gọi là viện trợ nhân đạo đến Ukraine... Hãy nhớ rằng, những kẻ vô thần: khi hàng triệu người nguyền rủa bạn, bạn không có gì để cứu chính mình.

Chúng tôi đã sống sót trong lịch sử và trên đất của chúng tôi qua hai cuộc chiến tranh thế giới, ba cuộc Holodomors, Holocaust, Babyn Yar, Great Terror, vụ nổ Chornobyl, sự chiếm đóng Crimea và cuộc chiến ở phía đông. Chúng tôi không có một lãnh thổ rộng lớn - từ đại dương này sang đại dương khác, chúng tôi không có vũ khí hạt nhân, chúng tôi không lấp đầy thị trường thế giới bằng dầu và khí đốt. Nhưng chúng tôi có con người và đất đai của chúng tôi. Và đối với chúng tôi - đó là vàng. Đó là những gì chúng tôi đang đấu tranh cho. Chúng tôi không có gì để mất ngoài tự do và phẩm giá của chính mình. Đối với chúng tôi, đây là kho báu lớn nhất. Họ đã muốn tiêu diệt chúng tôi rất nhiều lần. Họ đã thất bại. Họ muốn xóa sạch mặt đất của chúng tôi. Họ đã thất bại. Họ đã đâm sau lưng chúng tôi. Và chúng tôi đang đứng trên đôi chân của mình. Họ muốn chúng tôi im lặng. Nhưng cả thế giới đã nghe thấy chúng tôi. Chúng tôi đã trải qua rất nhiều! Và nếu ai đó nghĩ rằng, sau khi vượt qua tất cả những điều này, người Ukraine - tất cả chúng ta - đều sợ hãi, suy sụp hoặc sẽ đầu hàng, thì người ấy không biết gì về Ukraine. Putin không có gì để làm ở Ukraine. Về nhà đi. Hãy bảo vệ những người nói tiếng Nga, không phải trên toàn thế giới. Ở quốc gia của bạn. Có gần 150 triệu đó. Và đây Vinh quang cho Ukraine!
 
Ukraine đánh Crimea lần 2: Căn cứ quân sự Nga nổ long trời. Putin viết thư cho Kim tính đường chạy
VietCatholic Media
16:22 16/08/2022

1. Quân lực Nga hốt hoảng: Hàng loạt vụ nổ long trời vừa xảy ra trong căn cứ quân sự của Nga ở Crimea

Một tuần sau cuộc tấn công rõ ràng của Ukraine nhằm vào một căn cứ quân sự của Nga ở Crimea bị chiếm đóng, một kho vũ khí thuộc một tổng kho khác đã bị phá hủy giữa những tiếng nổ long trời.

Trong những giờ đầu tiên, như thường lệ các phương tiện truyền thông Nga khẳng định vụ nổ kinh hoàng này là do một đám cháy trong khu vực Dzhankoi. Nhưng vài giờ sau đó, họ thừa nhận là do "phá hoại". Biến cố này khiến quân lực Nga rúng động vì Ukraine có khả năng tấn công phía sau giới tuyến đến gần 200km.

Sau những tiếng nổ long trời tại kho đạn, hai tiếng nổ lớn khác cùng với những đám cháy đã xảy ra tại trạm biến áp điện và tại một ga đường sắt.

Một loạt vụ nổ vào tuần trước đã phá hủy các máy bay chiến đấu của Nga tại một căn cứ ở Hắc Hải trên bờ biển Crimea.

Ukraine chưa bao giờ công khai thừa nhận các vụ tấn công này - nhưng cố vấn văn phòng tổng thống Mykhailo Podolyak mô tả vụ việc mới nhất là "hành động phi quân sự hóa", cho thấy rằng các vụ nổ không phải là ngẫu nhiên nhưng là các nỗ lực của Ukraine nhằm làm giảm khả năng quân sự của Nga.

Một thủ lĩnh người Tatar ở Crimea, Refat Chubarov, đã gọi các vụ nổ là một "cú đánh" có thể nghe thấy "ở khắp các thảo nguyên".

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, cho biết “Vào sáng ngày 16 tháng 8 sau một hành động phá hoại, một nhà kho quân sự đã bị hư hại ở gần khu dân cư Dzhankoy.”

Konashenkov cho biết thêm: ngọn lửa bùng phát tại một kho chứa đạn tạm thời gần làng Maiske vào khoảng 06:15 giờ Mạc Tư Khoa tức là 10:15 sáng thứ Ba 16 tháng 8 theo giờ Việt Nam, và nguyên nhân đang được điều tra.

Bộ Quốc phòng ở Mạc Tư Khoa cho biết không có thương vong "nghiêm trọng", nhưng người đứng đầu khu vực do Nga bổ nhiệm Sergei Aksyonov đã đến thăm địa điểm và cho biết 2.000 người đã được di chuyển từ một ngôi làng gần đó và hai người bị thương.

“Một người đàn ông bị mảnh đạn, và một người bị tường đè lên. May mắn thay, tính mạng của họ không gặp nguy hiểm.”

Crimea đã bị chiếm từ Ukraine và sau đó bị Nga sáp nhập vào đầu năm 2014, và khi các lực lượng Nga tiến hành một cuộc xâm lược mới vào tháng 2, họ đã sử dụng các căn cứ của Ukraine trên bán đảo để đánh chiếm các vùng đất rộng lớn ở miền nam Ukraine.

Sự chiếm đóng của Nga đã trải dài trên hai khu vực phía nam, đặc biệt là Kherson và Zaporizhzhia, và Ukraine tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc phản công để chiếm lại các khu vực do Nga kiểm soát.

Sau khi căn cứ không quân của Nga tại Saky bị tấn công hôm thứ Ba tuần trước, các hình ảnh vệ tinh đã cho thấy thiệt hại đáng kể, với ít nhất 8 máy bay chiến đấu bị phá hủy. Mặc dù Nga nói rằng sự việc đó chỉ là ngẫu nhiên, nhưng rõ ràng rằng căn cứ này đã bị Ukraine tấn công do tính chất chính xác của vụ phá hủy.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết các vụ nổ đã "làm suy giảm đáng kể" năng lực không quân của hạm đội Hắc Hải của hải quân Nga.

Kể từ cuối tháng 6, các lực lượng Ukraine đã sử dụng nhiều bệ phóng hỏa tiễn Himars của Mỹ để bắn trúng ít nhất 50 kho vũ khí của Nga. Các cây cầu ở phía nam cũng bị tấn công, gây nguy hiểm cho các tuyến đường tiếp tế quan trọng từ Crimea đến Kherson.

Khả năng rõ ràng của quân đội Ukraine trong việc tiếp cận xa hơn các chiến tuyến của kẻ thù khiến người Nga phải bối rối đáng kể. Các vụ nổ ở Saky có thể nhìn thấy từ các bãi biển gần đó và các video được đăng tải sau đó trên mạng xã hội cho thấy hàng loạt du khách rời Crimea, băng qua một cây cầu được xây dựng bắc qua eo biển Kerch sau khi Nga sáp nhập.

Các nhà phân tích cho biết Dzhankoi có một trung tâm đường sắt và đường bộ lớn, có khả năng được sử dụng như một tuyến đường cung cấp chính cho tiền tuyến ở khu vực Kherson phía nam của Ukraine.

2. Vladimir Putin và Kim Chính Ân viết thư cho nhau thề sẽ đoàn kết các quốc gia lẻ loi chống lại phương Tây 'thù địch'

VLADIMIR Putin đã viết thư cho bạo chúa Triều Tiên Kim Chính Ân nhằm thành lập một hiệp ước đoàn kết các quốc gia bị cộng đồng thế giới lên án nhằm chống lại phương Tây “thù địch”.

Mối quan hệ gắn bó của hai kẻ này đã làm dấy lên nỗi sợ hãi trong các cơ quan an ninh, những người lo ngại liên minh của họ có thể dẫn đến những hậu quả thảm khốc.

Tổng thống Nga ham chiến tranh đã viết một lá thư đề nghị hai bên làm việc để “mở rộng quan hệ song phương toàn diện và mang tính xây dựng với những nỗ lực chung”.

Ông cũng bảo đảm với nhà Lãnh đạo Tối cao của Triều Tiên rằng điều đó sẽ giúp “tăng cường an ninh và ổn định của bán đảo Triều Tiên”.

Kim gần đây đã cảnh báo chính phủ mới ở đối tác phía nam của Hàn Quốc, cảnh báo rằng ông có thể “tiêu diệt” Tổng thống Doãn Tích Duyệt (Yoon Suk Yeol, 윤석열).

Kẻ hiếu chiến Triều tiên hoan nghênh việc mở rộng tình hữu nghị với Putin, lưu ý rằng mối quan hệ giữa hai quốc gia của họ đã được hình thành trong Chiến tranh thế giới thứ hai với chiến thắng trước Nhật Bản.

Ông tiếp tục nói thêm rằng “sự hợp tác, hỗ trợ và đoàn kết chiến lược và chiến thuật” giữa hai quốc gia đã được nâng lên một tầm cao mới.

Ông Kim cho biết họ đã ràng buộc với nhau trong trận chiến với “các lực lượng quân sự thù địch” - một cụm từ thường được dùng để chỉ Mỹ và các đồng minh phương Tây.

Theo hãng truyền thông nhà nước KCNA, bức thư mới nhất của ông Putin được gửi đến Bình Nhưỡng vào ngày Triều Tiên kỷ niệm biến cố được giải phóng.

Liên minh của các quốc gia bị ruồng bỏ diễn ra khi cuộc xâm lược đẫm máu của Nga vào Ukraine tiếp tục, làm trầm trọng thêm căng thẳng vốn đã mong manh với phương Tây.

Triều Tiên là một trong số ít quốc gia chính thức công nhận hai quốc gia ly khai do Nga hậu thuẫn ở phía đông quốc gia bị chiến tranh tàn phá vào tháng Bảy, sau khi ông Putin ký sắc lệnh tuyên bố hai quốc gia này độc lập.

Ukraine đã cắt đứt mọi quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng để đáp trả.

Thậm chí, có thông tin cho rằng Tổng thống Nga đã có ý định chia Ukraine làm đôi giống như Triều Tiên và Hàn Quốc. Và tương tự như Putin, Kim không ngại thảo luận về kho vũ khí hạt nhân của mình để chế nhạo các kẻ thù.

Hai kẻ hiếu chiến đã thành lập một liên minh kỳ lạ sau cuộc gặp đầu tiên của họ vào năm 2019, với nhận thức rõ rằng liên minh này sẽ khiến các nhà lãnh đạo phương Tây bối rối.

Họ vẫn là bạn bè công khai trong nhiều năm và thậm chí còn tham gia vào các pha nguy hiểm công khai tương tự - chẳng hạn như cả hai cùng cưỡi ngựa để quảng bá hình ảnh những con người cứng rắn.

Putin thậm chí còn trao tặng cho Kim một huy chương chiến tranh hàng đầu để kỷ niệm 75 năm chiến thắng Đức Quốc xã vào năm 2020.

Các quan chức phương Tây hiểu rõ liên minh đáng gờm mà họ có thể hình thành khi thế giới sắp bùng nổ trên bờ vực của Thế chiến thứ 3.

Tuy nhiên, những người đứng đầu cơ quan tình báo tiết lộ những người bạn đang hoảng loạn của Putin đang bí mật liên hệ với các nước đồng minh để cố gắng ngăn chặn cuộc xâm lược bị lừa của ông ta.

Giới chức Nga ngày càng thất vọng về các lệnh trừng phạt áp đặt lên nước này và đang cố gắng đàm phán để đạt được hòa bình, một quan chức cấp cao của Điện Cẩm Linh được cho là đã tuyên bố.

3. Putin hứa sẵn sàng cung cấp cho các đồng minh ở Mỹ Latinh, Á Châu và Phi Châu vũ khí 'tối tân'

Ông Vladimir Putin cho biết hôm thứ Hai rằng Mạc Tư Khoa coi trọng mối quan hệ với các nước Mỹ Latinh, Á Châu và Phi Châu và sẵn sàng cung cấp vũ khí hiện đại cho các đồng minh của mình.

Putin đã sử dụng bài phát biểu tại một triển lãm vũ khí gần Mạc Tư Khoa để tự hào về khả năng vũ khí tiên tiến của Nga và tuyên bố sẵn sàng chia sẻ công nghệ với các nước cùng chí hướng.

Chúng tôi sẵn sàng cung cấp cho đồng minh những loại vũ khí hiện đại nhất, từ vũ khí cỡ nhỏ đến xe bọc thép và pháo binh để chống lại hàng không và máy bay không người lái.

Hầu như tất cả các vũ khí mà ông Putin đề cập đến đều đã hơn một lần được sử dụng trong các hoạt động thực chiến.

Bình luận của Tổng thống Nga được đưa ra chỉ một ngày sau khi ông đề nghị mở rộng quan hệ với Triều Tiên.

Trong một bức thư gửi Kim Chính Ân nhân ngày giải phóng Triều Tiên, ông Putin nói rằng mối quan hệ chặt chẽ hơn sẽ vì lợi ích của cả hai nước và sẽ giúp tăng cường an ninh và ổn định của bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA nói.

Đề nghị của Putin đã gặp phải phản ứng không thuận lợi vì cuộc chiến tại Ukraine đã bộc lộ những hạn chế nghiêm trọng của vũ khí Nga so với phương Tây.

Hôm thứ Hai, Đại sứ Manila tại Washington cho biết Philippines đang tìm cách mua trực thăng Chinook hạng nặng từ Mỹ, sau khi hủy bỏ thỏa thuận với Nga trị giá 12,7 tỷ peso hay 227,35 triệu USD.

Vào tháng 6, vài ngày trước khi Tổng thống Rodrigo Duterte kết thúc nhiệm kỳ 6 năm, Phi Luật Tân đã hủy bỏ thỏa thuận mua 16 máy bay trực thăng vận tải quân sự Mi-17.

Phi Luật Tân đang theo đuổi các cuộc thảo luận với Nga để thu hồi khoản thanh toán 38 triệu USD cho máy bay trực thăng

4. Các sĩ quan Nga đến được Melitopol lại chạy tiếp.

Trong bản báo cáo hôm thứ Ba 16 tháng 8, Thị trưởng thành phố, Ivan Fedorov, cho biết: Sau khi quân du kích và và lực lượng vũ trang Ukraine tích cực hành động, quân đội Nga đang đưa gia đình họ rời khỏi thành phố này.

Trước đó, các sĩ quan Nga được tường trình là đã được lệnh tuỳ nghi di tản từ Kherson về Melitopol, một thị trấn gần bán đảo Crimea hơn. Tại Melitopol, họ có thể hy vọng sẽ nhận được tiếp tế từ Crimea. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo hôm thứ Hai 15 tháng 8, Thị trưởng Melitopol, Ivan Fedorov, cho biết một cây cầu chiến lược trên đường từ Crimea đến Melitopol vừa bị quân du kích đánh sập.

“Một cây cầu đường sắt bị phá hủy ở phía tây nam Melitopol tương đương với sự vắng mặt hoàn toàn của các đoàn tàu Nga từ phía Crimea,” Ông Ivan Fedorov nói.

Thấy tình hình xem ra không xong, có lẽ quân Nga sẽ bỏ chạy về Crimea.

5. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy kêu gọi thế giới đưa ra các biện pháp trừng phạt cứng rắn như một phản ứng đối với “vụ tống tiền hạt nhân” của Nga xung quanh Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

“Các cuộc pháo kích khiêu khích vào lãnh thổ của nhà máy vẫn tiếp tục. Núp trong nhà máy này, những kẻ xâm lược đang pháo kích vào các thị trấn và cộng đồng gần đó. Quân đội Nga giấu vũ khí và thiết bị tại các cơ sở của nhà máy. Trên thực tế, nhà máy điện hạt nhân này đã bị lợi dụng” Ông Zelenskiy cho biết như trên trong bài phát biểu video buổi tối trước quốc dân đồng bào.

“Cần phải chuyển từ các cuộc thảo luận và những lời kêu gọi sang các biện pháp trừng phạt cứng rắn mới đối với Nga, chống lại 'Rosatom' và toàn bộ ngành công nghiệp hạt nhân của nhà nước khủng bố này. Tất cả các lực lượng của Nga phải ngay lập tức rút khỏi lãnh thổ của nhà máy điện hạt nhân và các khu vực lân cận mà không có bất kỳ điều kiện nào.”

Tổng thống Ukraine tuyên bố rằng Nga “phớt lờ” các yêu cầu an ninh của 42 quốc gia kêu gọi nước này rút lực lượng khỏi nhà máy.

“Bất kỳ tai nạn bức xạ nào tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đều có thể là một đòn giáng mạnh vào các quốc gia thuộc Liên minh Âu Châu, Thổ Nhĩ Kỳ, Georgia và các quốc gia từ các khu vực xa hơn. Mọi thứ phụ thuộc vào hướng và sức mạnh của gió. Nếu một thảm họa xảy ra do hành động của Nga, hậu quả có thể giáng xuống ngay cả những người giữ im lặng trong thời điểm hiện tại”, Zelenskiy nói.

“Và nếu bây giờ thế giới thiếu sức mạnh và quyết tâm để bảo vệ một nhà máy hạt nhân, điều đó có nghĩa là thế giới sẽ thua cuộc, thua bọn khủng bố, cho chúng quyền tống tiền hạt nhân thế giới” ông nói thêm.

6. Tình trạng của quân Nga ở miền Nam Ukraine trước sức tấn công của Ukraine

Các quan chức Ukraine nói rằng sự hiện diện của Nga ở khu vực phía nam Kherson và một số khu vực của Zaporizhzhia đang trở nên khó khăn hơn khi các đường tiếp tế bị tấn công hàng ngày bởi các hệ thống tầm xa của Ukraine, được cung cấp bởi các đồng minh phương Tây.

Ivan Fedorov, thị trưởng của Melitopol bị chiếm đóng, nói rằng việc phá hủy một cây cầu đường sắt ở phía tây nam thành phố vào cuối tuần qua đã khiến các tuyến đường tiếp tế của Nga trở nên phức tạp hơn.

Fedorov nói trên truyền hình Ukraine rằng “kẻ thù sử dụng Melitopol làm trung tâm hậu cần cho việc tiếp tế, vận chuyển đạn dược và vũ khí hạng nặng. Quân Nga vận chuyển phần lớn đạn dược bằng đường sắt. Vào đêm 13 rạng sáng 14 tháng 8, một cây cầu đường sắt đã bị nổ tung. Kẻ thù vẫn không thể khôi phục lại nó; đống đổ nát đang được tháo dỡ.

Ông Fedorov cũng tuyên bố: “Chúng tôi thấy các sĩ quan Nga chạy từ Kherson đến Melitopol. Đến đây vẫn không chắc chắn nên nhiều quân nhân đưa gia đình họ rời Melitopol”

Ông cho biết người Nga đã tăng cường an ninh ở Melitopol, thuộc vùng Zaporizhzhia, kiểm tra dân số địa phương. Ông nói: “Việc bắt giữ hàng loạt thường dân địa phương tiếp tục diễn ra ở Melitopol, trong nhà dân, trên đường phố.”

Fedorov cho biết thêm, lực lượng an ninh Nga, gọi tắt là FSB, lực lượng đặc vụ Nga và các đơn vị đặc biệt của Chechnya đã có mặt tại Melitopol.

Ông cho biết có tới 6.000 người đang xếp hàng chờ di tản. Những người chạy về phía Ukraine “chờ đợi từ năm bảy ngày, qua đêm ở hai bên đường”. Những người chạy về hướng Nga ở Crimea thì nhanh hơn.

Trong khi đó, Serhii Khlan, cố vấn của người đứng đầu Cục Quân sự Dân sự Kherson, nói với truyền hình Ukraine hôm thứ Hai rằng các cuộc tấn công tiếp tục của các lực lượng Ukraine vào các cây cầu bắc qua sông Dnipro đã gây ra khó khăn nghiêm trọng cho các lực lượng Nga.

“Việc người Nga không thể cung cấp đạn dược cho phép chúng tôi nói rằng nếu họ không thể giải quyết vấn đề vượt qua hữu ngạn Dnipro trong hai tuần tới, thì họ sẽ không có cơ hội nào khác ngoài việc đầu hàng”.

Một bộ phận đáng kể của lực lượng chiếm đóng của Nga nằm ở hữu ngạn của sông Dnipro, ở thành phố Kherson và xa hơn ở thượng nguồn.

Khlan cho biết thường dân Ukraine tiếp tục rời Kherson, mặc dù việc đi lại đã trở nên khó khăn hơn.

Ông cho biết 40% người Ukraine đang cố gắng đi qua điểm trung chuyển chính thức duy nhất đến lãnh thổ do Ukraine nắm giữ tại Vasylivka là cư dân của vùng Kherson. Ông nói: “Mỗi ngày, có từ 700 đến 2.000 người rời khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.

7. Sáu tàu khác đã được phép đi qua hành lang nhân đạo trên Hắc Hải, theo một tuyên bố của Trung tâm Điều phối chung do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn.

Hai trong số các tàu, Kafkam Etler và Zelek Star, được cho là đã vượt qua kiểm tra ở Biển Marmara và có thể đến Chornomorsk, Odesa, để bốc hàng.

Việc kiểm tra bốn tàu còn lại - Great Arsenal, Zumrut Ana, Ocean S, Kubrosliy - được lên kế hoạch vào thứ Ba. Nếu cuộc kiểm tra thành công, các tàu sẽ đi đến Chornomorsk, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông Ukraine.

Các chuyến hàng là một phần của thỏa thuận do Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian với Kyiv và Mạc Tư Khoa vào tháng 7 để bốc dỡ hàng ngũ cốc ở Hắc Hải.

8. Nga hứa cho các chuyên gia từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế đến thăm nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở miền nam Ukraine

Trong một tuyên bố phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Maria Zakharova cho biết:

Với sự hợp tác chặt chẽ của Cơ quan và ban lãnh đạo của Cơ quan IAEA, chúng tôi sẽ làm mọi thứ cần thiết để các chuyên gia của IAEA có mặt tại nhà máy điện hạt nhân và đưa ra đánh giá trung thực về các hành động phá hoại của phía Ukraine.

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Âu Châu, đã bị Nga chiếm giữ trong cuộc xâm lược Ukraine và kể từ đó trở thành nguồn gốc của cuộc giao tranh dữ dội giữa hai bên.

Cả Mạc Tư Khoa và Kyiv đều cáo buộc nhau gây ra nguy cơ xảy ra tai nạn hạt nhân.

Người đứng đầu IAEA, Rafael Mariano Grossi, trước đây đã mô tả tình hình là “hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát” và đề xuất một cuộc kiểm tra nhà máy.

Tuy nhiên, điều này đã bị chặn bởi Energoatom - nhà điều hành nhà máy điện hạt nhân của Ukraine. Phía Ukraine cho rằng bất kỳ chuyến thăm nào với giấy phép của Nga cũng có thể được xem là hợp pháp hóa việc Nga chiếm đóng khu vực này.
 
Lời kêu cứu của Giáo Hội Nicaragua. Cử chỉ đẹp: Người Hồi Giáo tặng mảnh đất xây nhà thờ ở Bosnia
VietCatholic Media
17:11 16/08/2022


1. Vị Giám mục ở Kazakhstan nhận định: Chuyến đi của Giáo hoàng là cơ hội để gửi một thông điệp đến thế giới

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tới Kazakhstan để tham gia Hội nghị các tôn giáo thế giới từ ngày 13 đến 15 tháng 9, nơi ngài sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo của các tôn giáo lớn nhất thế giới để thúc đẩy hòa bình giữa các nhóm tôn giáo khác nhau.

Đức Cha José Luis Mumbiela, Chủ tịch, Hội đồng Giám mục Trung Á nhận xét rằng:

Chúng ta có thể nói các nguyên tắc chung sống hòa bình giữa các tôn giáo khác nhau, các dân tộc và các nền văn hóa khác nhau. Họ coi đó là ơn gọi cụ thể của riêng họ mà tôi nghĩ là đặc biệt căng thẳng trong thế giới chúng ta đang sống.

Đức Cha José Luis Mumbiela là Giám mục giáo phận Almaty, Kazakhstan nói rằng tiếng nói của Đức Giáo Hoàng sẽ là một đóng góp quan trọng cho hội nghị của các nhà lãnh đạo của các tôn giáo lớn nhất thế giới, đặc biệt là trong thời gian xung đột này.

Từ một điểm địa lý cụ thể gần với Nga, Trung Quốc, Ukraine, ở trung tâm của Âu-Á, nơi hiện đang được thế giới và truyền hình hướng đến, Đức Thánh Cha sẽ có thể gửi một thông điệp không chỉ đến Kazakhstan, mà còn thông qua một chuyến thăm đến Kazakhstan gửi nó đến toàn thế giới.

Cuộc chiến ở Ukraine đã gây chia rẽ cho người dân Kazakhstan do lịch sử của đất nước này là một nhà nước thuộc Liên Xô cũ. Đức Cha Mumbiela nói rằng ngài hy vọng chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng, và cuộc gặp có thể với Đức Thượng phụ Kirill, sẽ gửi một thông điệp về sự đoàn kết.

Bạn có thể thấy sự chia rẽ đau đớn do xung đột gây ra, đôi khi trong các cộng đồng nhỏ, với một số người ở phe này và một số người ở phe khác, và nó rất đau đớn. Bởi đây là những người luôn sống hòa thuận hòa thuận, nhưng những yếu tố bên ngoài đã dẫn đến chia rẽ nội bộ.

Kazakhstan là quốc gia được đánh dấu bởi sự đa dạng tôn giáo. 72% dân số theo đạo Hồi và 26% dân số theo Kitô Giáo, phần lớn trong số họ xác định là các tín hữu Chính Thống Giáo Nga.
Source:Rome Reports

2. 'Chúng ta có thể sống cùng nhau': Ngôi thánh đường giúp bắc cầu chia rẽ sâu sắc của Bosnia

Nhiều thập kỷ sau khi giao tranh đẫm máu giữa người Công Giáo và người Hồi giáo chia cắt Bugojno của Bosnia, một nhà thờ mới đã mang đến cơ hội hiếm có để bắc cầu chia rẽ ở đất nước Balkan bị rạn nứt sâu sắc.

Vẫn đang trong quá trình xây dựng, nơi thờ tự Công Giáo ở thị trấn trung tâm Bosnia đang được xây dựng trên đất do Husejn Smajic, một cư dân Hồi giáo 68 tuổi, hiến tặng, sau khi ông phát hiện ra nền móng của một nhà thờ thời Trung cổ trên tài sản của mình.

Đối với Smajic, nhà thờ mới đại diện cho một bước nhỏ trong nhiệm vụ xây dựng lại sự hòa hợp cộng đồng chung ở Bosnia trước chiến tranh vào những năm 1990.

“Tôi đã làm điều này để mọi người có thể thấy rằng tất cả chúng ta có thể sống cùng nhau. Không thể có vẻ đẹp của cuộc sống ở đây mà không có sự kết hợp của các cộng đồng. Đó là sự giàu có của chúng ta,” Smajic nói với AFP.

Giữa lúc Nam Tư tan rã một cách đẫm máu, Bosnia nổ ra một cuộc nội chiến tàn khốc khiến người Serb Chính thống, người Croatia Công Giáo và người Hồi giáo Bosniak của đất nước chống lại nhau trong một cuộc xung đột khiến khoảng 100.000 người thiệt mạng.

Bugojno đã bị ảnh hưởng nặng nề trong cuộc chiến tranh được xác định bằng những cuộc thanh trừng sắc tộc, di dời hàng loạt và những hành động tàn bạo do tất cả các bên gây ra.

Hầu hết người Croatia Công Giáo của thị trấn, chiếm hơn một phần ba trong số 47.000 cư dân của Bugojno, đã bị trục xuất bởi lực lượng Hồi giáo Bosniak.

Gần ba thập kỷ sau, nhiều chia rẽ trầm trọng hơn do cuộc xung đột đã khiếm ba nhóm chính của Bosnia trở nên cực đoan hơn và hiếm khi hòa trộn với nhau.

Một thỏa thuận hòa bình thành công trong việc chấm dứt chiến tranh đã khiến đất nước bị chia cắt và kiểm soát bởi các đảng phái chính trị tôn giáo dân tộc, những người đã lợi dụng sự chia rẽ của Bosnia trong nỗ lực duy trì quyền lực.

Với ít cơ hội kinh tế, hàng trăm nghìn người đã ra nước ngoài để tìm kiếm một tương lai tốt đẹp và ổn định hơn.

Sự rạn nứt của Bosnia đặc biệt gây đau đớn cho những người như Smajic, người đang có một cuộc hôn nhân hỗn hợp với người vợ Công Giáo của mình.

Trước chiến tranh, hôn nhân hỗn hợp từng phổ biến trên khắp Bosnia, nhưng giống như nhiều khía cạnh của cuộc sống, nó ngày càng trở nên hiếm hoi.

Nhưng việc phát hiện ra nhà thờ thời trung cổ trên đất của ông - nơi có thể đã bị cướp phá vào thế kỷ 15 trong cuộc xâm lược Bosnia của Ottoman - đã tạo cơ hội cho Smajic.

Sau khi quyên góp một phần tài sản của mình cho Giáo Hội Công Giáo, Smajic đã hướng dẫn để giúp hoàn thành dự án, chứng minh các cộng đồng của đất nước vẫn có thể cùng nhau xây dựng, thay vì phá hủy.

Smajic - người sở hữu một xưởng cưa gần đó và hai nhà máy thủy điện nhỏ - đã tài trợ một phần lớn hoạt động, trong khi các thành viên của cộng đồng Croat, Hồi giáo và Serb cũng quyên góp tiền và vật tư.

Trong buổi lễ cung hiến nhà thờ, hàng trăm người đã tham dự lễ kỷ niệm và các lễ hội sau đó, bao gồm tiệc nướng xúc xích và khiêu vũ truyền thống của Bosnia.

“Chúng ta có thể sống cùng nhau nếu chúng ta tôn trọng nhau,” Đức Hồng Y Vinko Puljic, chủ sự việc thánh hiến nhà thờ mới nhận xét như trên.

Những nỗ lực của Smajic đã được chứng minh là nguồn cảm hứng cho những người khác.

“Nếu tất cả chúng ta đều giống như anh ấy, nếu tất cả chúng tôi dành tình yêu cho nhau, tôi nghĩ đất nước này sẽ hạnh phúc như hôm nay và sẽ không ai chuyển đến Đức, Áo hay Thụy Sĩ nữa.”
Source:France 24

3. Các tổ chức phi chính phủ Nicaragua kêu gọi Đức Thánh Cha Phanxicô lên tiếng về tình trạng áp bức tại quốc gia này

Khi áp lực của chính phủ đối với Giáo Hội Công Giáo tiếp tục gia tăng ở Nicaragua, áp lực buộc Vatican phải phá vỡ sự im lặng của mình cũng tăng theo, với hơn 60 tổ chức phi chính phủ và các hiệp hội dân sự đã gửi thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi ngài “đừng bỏ mặc chúng con”.

Họ nói rằng “sự bắt bớ và thù hận của chế độ chống lại Giáo Hội Công Giáo không có gì có thể biện minh”, bởi vì hàng giáo phẩm đã không làm gì ngoài việc “thực hiện điều răn yêu thương và an ủi những người yếu đuối nhất và bị áp bức nhất.”

Tổng thống Daniel Ortega và phu nhân, Phó Tổng thống Rosario Murillo, cáo buộc các giám mục là đồng phạm trong một âm mưu đảo chính. Tuy nhiên, những người viết thư cho Đức Phanxicô viết rằng tất cả những gì hàng giáo phẩm Nicaragua đã làm là tìm kiếm một giải pháp hòa bình và dân chủ cho cuộc khủng hoảng sâu sắc đang tiêu diệt đất nước.

“Chúng con biết những trách nhiệm to lớn đang đặt lên vai Đức Thánh Cha trong những thời điểm khó khăn và phức tạp này đối với nhân loại,” 61 tổ chức đã viết trong bức thư gửi đến Đức Thánh Cha. “Nicaragua là một đất nước nhỏ bé và nghèo khó, nhưng chúng con là một dân tộc chỉ muốn sống trong hòa bình và tự do.”

Họ viết: “Chúng con là một nhóm công dân Nicaragua bị buộc phải sống lưu vong để trốn chạy bạo lực, đàn áp và sự vi phạm thường xuyên nhân quyền”.

Họ cũng đề cập rằng “trong vài năm, chúng con đã phải sống qua cuộc khủng hoảng chính trị ở Nicaragua, cuộc khủng hoảng đã trở nên tồi tệ hơn trong những tháng gần đây. Chúng con là nạn nhân của bạo lực công khai của một nhà nước nằm dưới sự kiểm soát và thống trị của Daniel Ortega, vợ anh ta là Rosario Murillo và những người theo họ một cách mù quáng”.

Mặc dù chỉ có những người Nicaragua lưu vong đã ký tên vào văn bản gởi đến Đức Thánh Cha, nhưng bức thư cho biết “các tổ chức xã hội dân sự và hàng giáo phẩm bên trong Nicaragua đang bị khủng bố nhà nước bách hại đồng ký tên ẩn danh”.

Đức Cha Rolando Alvarez của Matagalpa đã bị quản thúc tại gia từ 9 ngày qua, sau khi cảnh sát phong tỏa các văn phòng của giáo phận, khiến ngài, 5 linh mục và 6 giáo dân phải ở bên trong, không có thức ăn hoặc nước uống.

Crux đã có thể xác nhận với các nguồn tin thân cận rằng chính phủ muốn Đức Cha Alvarez phải ngồi tù hoặc sống lưu vong, và đang cố gắng thương lượng với Vatican. Nếu Đức Giáo Hoàng ra lệnh cho ngài rời Nicaragua, ngài sẽ là giám mục thứ hai bị buộc phải lưu vong: Đức Cha Silvio Baez, phụ tá của Managua, đã sống ở Miami từ cuối năm 2019.

Nếu Ortega quyết định giam giữ Đức Cha Alvarez bất chấp ý kiến của Đức Giáo Hoàng, sẽ có một tiền lệ: Trong lần cầm quyền đầu tiên của mình vào những năm 1980, ông ta đã buộc Đức Cha Pablo Vega ra khỏi quốc gia Trung Mỹ vào năm 1986, cáo buộc ngài chống lại chế độ.

Trong lá thư gửi tới Đức Giáo Hoàng Phanxicô, các tổ chức đã chia sẻ những lạm dụng và vi phạm nhân quyền khác nhau mà chế độ độc tài Ortega đã gây ra đối với người dân, chẳng hạn như vụ sát hại bởi 380 người, nạn nhân của sự đàn áp của nhà nước, bởi cảnh sát và các nhóm dân quân.

Hiện cả nước có ít nhất 180 tù nhân chính trị.

Họ viết: “Ở Nicaragua, sự trừng phạt diễn ra phổ biến và chế độ đã đẩy đất nước vào tình trạng khẩn cấp trên thực tế.”

Năm 2018, khi một loạt các cuộc biểu tình ôn hòa lớn kéo dài thành nhiều tuần bạo lực do chính quyền gây ra, các giám mục được chính quyền Ortega mời đến chứng kiến và tạo điều kiện cho đối thoại quốc gia, nhưng đã thất bại. Một nỗ lực tương tự cũng được Sứ thần Tòa Thánh ở Nicaragua dẫn đầu, nhưng nỗ lực đó cũng thất bại. Đầu năm nay, chính phủ đã trục xuất Đức Tổng Giám Mục Sứ thần Tòa Thánh ra khỏi đất nước.

Họ viết: “Các mục tử của chúng con không thể bị buộc tội đã xúc tiến một cuộc đảo chính”. “Giáo Hội ở Nicaragua đang bị bức hại và tử vì đạo bởi một chế độ tự xưng là Kitô giáo và Công Giáo, chế độ này thao túng những biểu hiện bên ngoài của tôn giáo và lòng sùng kính Đức Mẹ cho mục đích chính trị và điều này xúc phạm đến đức tin Công Giáo.”
Source:Crux