Ngày 27-08-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Chúa Nhật Thứ 22 Mùa Thường Niên 28/8 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
01:05 27/08/2022

BÀI ĐỌC 1

Bài trích sách Huấn ca.

Con ơi, hãy hoàn thành việc của con một cách nhũn nhặn,

thì con sẽ được mến yêu hơn người hào phóng.

Càng làm lớn, con càng phải tự hạ,

như thế, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa.

Vì quyền năng Đức Chúa thì lớn lao:

Người được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường.

Kẻ kiêu ngạo lâm cảnh khốn cùng thì vô phương cứu chữa,

vì sự xấu xa đã ăn sâu mọc rễ trong nó.

Người sáng trí để tâm nghiên cứu các ẩn dụ,

kẻ khôn ngoan ao ước có tai thính để nghe.

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2 Hr 12:18-19,22,24a

Bài trích thư gửi tín hữu Híp-ri

Thưa anh em, khi tới cùng Thiên Chúa, anh em đã chẳng tới một quả núi sờ thấy được, có lửa đang cháy, mây mù, bóng tối và giông tố, có tiếng kèn vang dậy, và tiếng nói thét gầm, khiến những kẻ nghe phải van xin đừng để lời ấy thốt ra với họ nữa.

Nhưng anh em đã tới núi Xi-on, tới thành đô Thiên Chúa hằng sống, là Giê-ru-sa-lem trên trời, với con số muôn vàn thiên sứ. Anh em đã tới dự hội vui, dự đại hội giữa các con đầu lòng của Thiên Chúa, là những kẻ đã được ghi tên trên trời. Anh em đã tới cùng Thiên Chúa, Đấng xét xử mọi người, đến với linh hồn những người công chính đã được nên hoàn thiện. Anh em đã tới cùng vị Trung Gian giao ước mới là Đức Giê-su.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG Ga 14:6

Alleluia. Alleluia. Alleluia.

Chúa nói: Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường..

Alleluia. Alleluia. Alleluia.

TIN MỪNG Lc 14:1,7-14

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.

Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người.

Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này:

“Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: ‘Xin ông nhường chỗ cho vị này.’ Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: ‘Xin mời ông bạn lên trên cho.’ Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

Rồi Đức Giê-su nói với kẻ đã mời Người rằng:

“Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.”

Đó là Lời Chúa.
 
Khiêm nhường Yêu thương được Chúa thưởng
Lm. Nguyễn Xuân Trường
05:09 27/08/2022

KHIÊM NHƯỜNG YÊU THƯƠNG ĐƯỢC CHÚA THƯỞNG

Ai cũng vui sướng khi được khen thưởng, vì vừa được quà tặng vật chất, vừa được sự công nhận thành tích, tôn vinh tinh thần. Và chúng ta sẽ vui sướng dường bao khi được Chúa ban thưởng. Muốn được Chúa thưởng, hãy sống khiêm nhường và yêu thương.

1. Khiêm nhường. Qua dụ ngôn khách chọn chỗ trên dưới trong bữa tiệc, Chúa bảo chúng ta hãy sống khiêm nhường: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” Thoáng nghe có vẻ nghịch lý nhưng lại chính là quy luật sống rất thực tế. Khi muốn nhảy về phía trước, ta phải lùi lại phía sau lấy đà; khi muốn nhảy lên cao, ta phải hạ thấp đầu gối xuống mới có sức bật lên. Nước ở nơi thấp sẽ trở thành biển lớn và từ đó bốc hơi lên chín tầng mây trên trời cao vời vợi. Chính Chúa Giêsu khi đến trong bàn tiệc cuộc đời này đã chọn chỗ thấp nhất, để rồi Chúa Cha đã tôn vinh Ngài vượt trên muôn loài.

2. Yêu thương. Chúa Giêsu bảo: “Khi mở tiệc, đừng mời bạn bè, anh em, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại mình. Trái lại, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù.” Có phải Chúa chỉ muốn tiệc dành cho người khuyết tật ngồi xe lăn mà ăn? Không. Chúa đã giải thích, mời những người đó vì “họ không có gì đáp lễ.” Thì ra là thế. Chúa muốn chúng ta vượt qua lối sống thường ngày trong xã hội “có đi có lại mới toại lòng nhau,” để bước tới lối sống yêu thương không mong đáp đền như thơ ca bảo là tình cho không biếu không. Thiên Chúa yêu thương vô điều kiện.

Như vậy, khi Chúa bảo sống khiêm nhường và yêu thương, Ngài muốn biến đổi bàn tiệc đời này thành bàn tiệc Nước Trời. Nơi chỉ có yêu thương chia sẻ chứ không còn chuyện tranh giành tính toán; Nơi mọi người chan chứa niềm vui vì được Chúa ban thưởng: Chúa nâng cao những người khiêm nhường, Chúa đáp lễ những người sống yêu thương. Đó là phần thưởng hưởng phúc thiên đàng. Amen.
 
Tôi Là Người Khiêm Tốn Nhất Trần Gian!
Lm.Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:26 27/08/2022
Tôi Là Người Khiêm Tốn Nhất Trần Gian!

(Chúa Nhật XXII TN C)

Xưa lẫn nay người khiêm tốn đều đáng được người đời mến phục, kính yêu, còn kẻ kiêu ngạo thì bị chê trách. Nếu họ là người quyền cao, chức trọng thì người ta có thể sợ, nhưng không hề kính chút nào. Sách Huấn ca cho ta những lời dạy thiết thực: “Con ơi… càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa. Vì quyền năng Đức Chúa thì lớn lao: Người được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường. Kẻ kiêu ngạo thì vô phương cứu chữa, vì sự xấu xa đã ăn sâu mọc rễ trong nó”(Hc 3,18.20.28).

Bài Tin Mừng Chúa Nhật XXII TN C hôm nay tường thuật chuyện Chúa Giêsu nhân thấy nhiều người thích chọn chỗ nhất trong bữa tiệc nên đã lên tiếng dạy về đức khiêm nhường. Chắc hẳn Chúa Giêsu không muốn dạy chúng ta sống khiêm nhượng kiểu “ống điếu”, tức là cố tình hạ mình xuống để được người ta nâng lên. Với kiểu nói ngoa ngữ như ngụ ngôn, Chúa Giêsu đã làm nổi rõ cái hậu quả rất khác biệt giữa người khiêm tốn và kẻ kiêu ngạo. Vậy thế nào là khiêm tốn đích thực? Không gì hơn hãy nhìn vào cuộc đời, thái độ sống của Giêsu Kitô, Đấng đã minh nhiên mời gọi hãy học cùng Người vì Người hiền lành và khiêm nhượng (x.Mt 11,28-30). Qua cuộc đời của Đấng Cứu Độ, chúng ta có thể nói rằng khiêm tốn là nhìn nhận sự thật, sống trong sự thật và làm chứng cho sự thật (x.Ga 18,37).

Sự thật thứ nhất: Nhìn nhận những gì chúng ta là, chúng ta có đều là do bởi lãnh nhận. Chúa Giêsu đã nhiều lần khẳng định Người bởi Chúa Cha mà ra và mọi sự Người có đều do Cha ban tặng (x.Ga 7,29; 16,28; 17,1-26). Vì sao có nhiều người ngông cuồng, tự cao tự đại? Xin thưa rằng trên hết, trước hết là vì họ vô tình hay chủ ý quên mất sự thật này: họ được tạo thành chứ không phải tự mình mà có. Nếu xác tín rằng ngay chính sự sống cùng những khả năng, chức phận, những thành quả hay công nghiệp của mình đều do bởi đã lãnh nhận, thì chắc chắn sẽ không có lý do gì để chúng ta lên mặt, tự mãn trong cao ngạo hay ngông cuồng.

Sự thật thứ hai: Nhìn nhận rằng chúng ta chỉ thực sự là mình nếu biết sống và hoạt động theo ý Đấng tạo nên chúng ta. Chúa Kitô nhiều lần khẳng định rằng Người đến thế gian này không phải làm theo ý riêng mà để chu toàn thánh ý Chúa Cha (x.Ga 6,38; 7,17). Người nhìn nhận việc thực thi thánh ý Chúa Cha chính là lẽ sống của Người. “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người”(Ga 4,34). Khi đã tin nhận rằng những gì chúng ta đang là, đang có đều do bởi đã lãnh nhận từ ai đó thì việc sử dụng sự sống mình, các khả năng của mình theo ý người ban tặng là lẽ tất yếu đương nhiên. Một trong những ý nghĩa của cuộc đời con người đó là sống cho tha nhân, sống vì tha nhân. “Con Người đến thế gian này không phải để được hầu hạ, nhưng để hầu hạ người ta và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người (x.Mt 20,28).

Khi truyền bảo những người dọn tiệc đãi khách thì đừng mời những người thân quen, chức cao quyền lớn, mà hãy mời những người tàn tật, đui mù, nghèo hèn.. chắc chắn Chúa Giêsu muốn dạy người đương thời và chúng ta mọi thời rằng những gì chúng ta đang có như của cải, quyền uy đều do đã lãnh nhận và phải sử dụng chúng theo thánh ý Cha trên trời, Đấng muốn chúng ta phải yêu thương nhau một cách vô vị lợi, không chút tính toán thiệt hơn. Thể hiện tình yêu với những người nghèo hèn, bé mọn là một cách thế sống tình yêu vô vị lợi cách rõ nét.

Trong một dịp tĩnh tâm, một linh mục bạn thân dí dỏm: “Thưa các cha, con đây học hành kém cỏi, khả năng thì hạn chế. Tóm lại, tài thì mọn và đức cũng kém, cái gì cũng xin thua các cha, may ra có đức khiêm tốn thì trỗi vượt tất cả. Con thành thật thú nhận mình khiêm tốn nhất trần gian!”. Quả thật, dù là giám mục hay linh mục, dù là tu sĩ hay giáo dân trong bậc hôn nhân, đang độc thân hay góa bụa, dù có chút địa vị hay chỉ là hạng “phó thường dân”, hết thảy chúng ta đều vướng phải cái tội của tổ tiên đó là sự kiêu ngạo. Sự kiêu căng ở đây chủ yếu không phải là thái độ cao ngạo, hống hách cách hịch hỡm đáng ghét, nhưng chính là tình trạng xa rời sự thật. Tên cám dỗ của vườn địa đàng thuở nào đã khiến tiên tổ và cả chúng ta mọi thời quên mất sự thật là chúng ta vốn là loài thụ tạo (x.St 3,1-7). Hữu ý hay vô tình lãng quên sự thật này thì chúng ta dễ lầm tưởng rằng những gì tốt đẹp chúng ta đang là, đang có là do chính bàn tay chúng ta làm nên. Đây chính là căn nguyên của sự kiêu ngạo đáng trách và cũng đáng phạt.

Trong hỏa ngục rất có thể có những người rộng rãi bố thí cho người nghèo. Cũng rất có thể có nhiều người đã từng làm nhiều phép lạ, những người giảng dạy các chân lý cao sâu…nhưng chắc chắn sẽ không hề có bóng dáng một người sống khiêm nhu, biết nhìn nhận và sống trong sự thật. “Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm…Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” (Lc 23,41-42). Khi biết nhìn nhận sự thật, người gian chịu treo bên phải Chúa Giêsu năm nào đã nhận được thành quả của sự khiêm nhu: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43).

Lm.Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột.

 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:44 27/08/2022

44. Ai vì tình yêu thì họ sẽ làm tất cả mọi sự, và làm với sự trung tín nhất, nhiệt thành nhất.

(Thánh Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:47 27/08/2022
82. RỒNG THẬT THIÊN TỬ

Ở quê có một thầy đồ gàn đọc quyển “Ấu học chuyện kể Quỳnh Lâm”, nhìn thấy câu “rồng là thủ lĩnh của trăm trùng”, bèn thâm tín bất nghì.

Có một thư sinh rất hiểu sự tình nói:

- “Thứ rồng này, không có thật để có thể kiểm chứng, e rằng không thể tin tưởng, từ cổ đến kim mặc dù có cách nói ấy, nhưng từ trước đến nay không ai thấy qua con rồng, đó là chuyện ngụ ngôn của người xưa”.

Thầy đồ gàn thôn quê biện luận:

- “Nó là thủ lĩnh của loại trùng, tự nhiên tôn quý, không dễ gặp người và cũng không để người tùy tiện nhìn thấy. Ví dụ như rồng thật thiên tử: hoàng đế, là thủ lĩnh của bá tính cũng không dễ dàng thấy người, người cũng không dễ dàng thấy ông ta, anh và tôi hai người cũng chưa thấy qua hoàng đế. Lẽ nào hoàng đế ở Bắc Kinh cũng là không thực để có thể kiểm chứng, là chuyện ngụ ngôn của người xưa sao?”

(Yết hậu ngữ)

Suy tư 82:

Con rồng thật thì không có, nhưng con rồng được vẻ lại theo trí tưởng tượng của con người thì có đầy trên giấy, trên những bức tường, trên nóc cung điện, chẳng hạn như rồng thiên tử, rồng làm mưa, rồng hút nước, hoặc như lưỡng long tranh châu.v.v...

Thời nay có một vài người thích vẽ “rồng” theo trí tưởng tượng của mình: họ vẽ con rồng này phải giương hai cái nanh nhọn ra để ăn tươi nuốt sống đối thủ, vẽ con rồng kia phải phun lửa đốt cháy những người vô thần, và có khi họ vẽ con rồng rất xấu theo trí tưởng tượng và quan niệm của họ, họ chưa một lần vẽ con rồng dang tay đón nhận tất cả mọi người trong vòng tay của nó. Tại sao vậy? Thưa, là vì trong tâm hồn họ không có lòng yêu thương và khiêm tốn của Đức Chúa Giê-su.

Con rồng thì không có thật, nhưng anh em chị em mình thì có thật, đừng lấy lòng thù hận để vẽ anh em mình thành con rồng dữ tợn, bởi vì nếu chúng ta làm như thế, thì ngay cả người thân của mình cũng sẽ bị chúng ta vẽ thành con rồng dữ tợn xấu xí, thế là con rồng sa tan trong hỏa ngục sẽ đắc thắng rung đùi cười ha ha...

Ai hiểu được thì hiểu.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Con đường đi lên nhanh nhất là đi xuống
Lm. Minh Anh
22:23 27/08/2022

CON ĐƯỜNG ĐI LÊN NHANH NHẤT LÀ ĐI XUỐNG
“Càng hạ mình trong mọi sự, con càng đẹp lòng Chúa!”.

Một học giả tâm sự, “Chớ gì tôi đủ trung thực để thừa nhận mọi thiếu sót của tôi; đủ sáng suốt để chấp nhận những lời xu nịnh mà không khiến tôi trở nên kiêu ngạo; đủ khôn ngoan để nhận ra những sai lầm của mình; đủ khiêm tốn để đánh giá cao sự vĩ đại của người khác; đủ sâu để cúi xuống hầu có thể ngẩng lên. Bởi lẽ, ‘con đường đi lên nhanh nhất là đi xuống!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Con đường đi lên nhanh nhất là đi xuống!’. Thật thú vị! Đó cũng là những gì Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay tiết lộ. Người ta mở cửa đón Chúa Giêsu vào nhà dùng bữa, cốt để dò xét Ngài; Ngài bất ngờ lật ngược tình thế, mở cửa ‘lòng họ’, nói cho họ ‘nghệ thuật đi lên, là biết đi xuống!’.

Luca rất chi tiết, “Họ cố dò xét Ngài”. Rõ ràng, các biệt phái đã mời Chúa Giêsu dùng bữa với mục đích dò xét Ngài, xu hướng của họ là tìm lỗi nơi những ai không thuộc nhóm mình. Bỗng “Thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi”, Chúa Giêsu bất ngờ hoán đổi vị thế! Ngài mời họ mở cửa trái tim, xem lại niềm kiêu hãnh; mời họ học cách xử thế khôn ngoan của Chúa thay vì của người đời. Mời Chúa Giêsu bước vào cuộc sống luôn có nghĩa là mở lòng mình cho một thách đố! Ngài sẽ ân thưởng cho sự hào hiệp này qua việc chỉ cho chúng ta con đường dẫn đến sự thánh thiện cao cả hơn; nghĩa là, Ngài sẽ tiết lộ những điểm yếu của chúng ta, thách thức mỗi người trở nên tốt hơn. Kitô giáo không bao giờ thoải mái! Hãy sẵn sàng để khám phá ra rằng, chúng ta không thánh thiện và tốt đẹp như mình tưởng. Khiêm tốn là nhân đức cần thiết cho bất cứ ai muốn nên thánh; ‘con đường đi lên nhanh nhất là đi xuống!’. Vậy, chúng ta có dành cho Chúa Giêsu vị trí đầu tiên trên bàn ăn cuộc đời mình không; và liệu chúng ta có thực sự lắng nghe Ngài để vượt qua những khiếm khuyết và lớn lên trong sự thánh khiết không?

Bài đọc Huấn Ca hôm nay cũng nói đến khiêm nhường, “Càng hạ mình trong mọi sự, con càng đẹp lòng Chúa!”. Thánh Vịnh đáp ca có chung một tâm tình, “Chúa đã chuẩn bị chỗ định cư cho kẻ cơ bần”. Khiêm tốn đôi khi thật khó, vì tự nhiên, chúng ta thường cho mình là trung tâm; đang khi với Chúa Giêsu, khiêm nhường là chìa khoá ngôi nhà hạnh phúc. Nếu chỉ tìm kiếm bản thân, tìm kiếm “cỗ nhất”, chúng ta sẽ thất vọng; vì những gì thuộc về thế gian chỉ là ngõ cụt chẳng bao giờ thoả mãn đủ. Chúa không thưởng cho lòng tự ái! Những gì con người tặng trao như danh dự, quyền lực, niềm vui… luôn giới hạn về thời gian và số lượng, không thể no thoả tâm hồn, vốn luôn khát khao Chúa. Chúa sẽ nâng chúng ta lên đến sự viên mãn thực sự chỉ khi chúng ta bước xuống khỏi tháp ngà chủ nghĩa vị kỷ. ‘Con đường đi lên nhanh nhất là đi xuống!’.

Anh Chị em,

“Càng hạ mình trong mọi sự, con càng đẹp lòng Chúa”. Để đẹp lòng Chúa, Lời Chúa dạy rất rõ: “Đi xuống!”. Hơn ai hết, Chúa Giêsu đã làm đẹp lòng Chúa Cha trong mọi sự; Ngài sống những gì Ngài dạy. Ngài đã xuống tận nơi sâu thẳm nhất, cùng tột nhất, mà một tội nhân tàn tệ nhất bị đối xử. Ngài chấp nhận chết trong tủi hổ như một đại tội nhân để cứu lấy một nhân loại tội lỗi. Vì thế, “Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài, tặng ban một danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu”. Như vậy, nếu khiêm tốn tìm cách phụng sự Chúa thay vì cung phụng bản thân, chúng ta giao lại tất cả cho Chúa; Ngài sẽ cho chúng ta một vị trí trong kế hoạch tốt nhất của Ngài. Phần thưởng của Chúa, sự sống vĩnh cửu và hạnh phúc thiên đàng, luôn tốt hơn phần thưởng của thế gian. Nếu cuộc sống ví như bữa tiệc Lời Chúa hôm nay, thì thời gian của chúng ta trên thế giới này chỉ là món khai vị; “Điều mắt chưa hề thấy, tai chưa hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, ấy là điều Chúa đã sắm sẵn cho những ai yêu mến Ngài”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con đường đi xuống nhanh nhất của con, là cố tìm cách đi lên theo kiểu thế gian. Xin cho con biết đi lên theo cách của Chúa, hạ mình để được Chúa nâng lên!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thành phần Hồng Y đoàn và tương lai bầu tân Giáo Hoàng
Vũ Văn An
06:16 27/08/2022

Ngày mai sẽ là ngày họp mật nghị Hồng Y đoàn, nhân dịp Đức Phanxicô thiết lập thêm 20 tân Hồng Y, tạp chí the Pillar có hai bài viết về thành phần Hồng Y đoàn và bộ mặt cử tri bầu tân Giáo Hoàng khi Đức Phanxicô hoặc qua đời hoặc hưu trí như vị tiền nhiệm Bênêđíctô XVI.



Về thành phần Hồng Y đoàn, ký giả Brendan Hodge của the Pillar cho hay: Vào thứ Bảy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ bổ sung 20 thành viên mới vào Hồng Y đoàn, trong đó có 16 vị cuối cùng thực sự đủ điều kiện để giúp bầu vị kế nhiệm Đức Phanxicô.

Hodge cho hay ông dựa vào dữ kiện của catholic-hierarchy.org, để thu thập các chi tiết liên quan đến thành phần Hồng Y đoàn kể từ lúc Công đồng Vatican I kết thúc, vào năm 1870.

Khi Đức Phanxicô chính thức phong tân Hồng Y vào ngày 27 tháng 8, sẽ có 226 thành viên của Hồng Y đoàn - nếu không có vị nào qua đời từ bây giờ đến lúc đó - với 132 vị đủ điều kiện để bầu giáo hoàng. Các vị sẽ đến từ mọi châu lục, trừ Antartica, với tỷ lệ lớn nhất đến từ châu Âu.

Cho đến Thế chiến thứ hai, người Ý chiếm đa số trong Hồng Y đoàn. Hồng Y đoàn nhỏ hơn vào thời điểm đó: thành phần của nó đã được định ở 70 thành viên vào thế kỷ 16; giới hạn đó vẫn được duy trì cho đến khi Đức Gioan XXIII tăng số Hồng Y vào năm 1958.

Hồng Y đoàn đã tăng gấp đôi trong những năm 1960 và 1970. Trong những thập niên đó, nó bắt đầu bao gồm nhiều thành viên không phải là người châu Âu.

Năm 1971, Đức Phaolô VI đã ấn định độ tuổi bỏ phiếu tối đa là 80, lần đầu tiên tách các Hồng Y cử tri khỏi các Hồng Y khác.

Sau đó vào năm 1975, Đức Phaolô VI đã ấn định con số tối đa mới là 120 Hồng Y trong độ tuổi bầu cử.

Mặc dù các vị giáo hoàng kể từ thời điểm đó đã thực hiện các cuộc bổ nhiệm làm tăng nhanh số Hồng Y cử tri lên trên 120 - như Đức Phanxicô sẽ làm vào thứ Bảy - nói chung, các ngài đã tuân thủ giới hạn đó.

Kể từ năm 2000, số lượng Hồng Y cử tri trong bất cứ năm nào đạt trung bình 118 vị.

Trong khi năm 1870 Hồng Y đoàn hoàn toàn là người châu Âu, thì năm 1875, Đức Piô IX đã bổ nhiệm vị Hồng Y đầu tiên của Bắc Mỹ, Đức Tổng Giám Mục John McCloskey của New York.

Năm 1886, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII bổ sung thêm hai vị Hồng Y đến từ Bắc Mỹ: Đức Tổng Giám Mục Elzear-Alexandre Taschereau của Québec và Đức Tổng Giám Mục James Gibbons của Baltimore.

Năm 1905, vị Hồng Y người Mỹ Latinh đầu tiên được bổ nhiệm vào Hồng Y đoàn: Joaquim Arcoverde de Albuquerque Cavalcanti, Tổng giám mục của Sao Sebastiao do Rio de Janeiro.

Hồng Y người châu Á đầu tiên được bổ nhiệm vào năm 1946, khi Đức Giáo Hoàng Piô XII bổ nhiệm Thomas Tien Ken-hsin, Đại diện Tông Tòa của Thanh Đảo, vào Hồng Y đoàn.

Hồng Y người châu Phi đầu tiên được bổ nhiệm thời hiện đại là Giám mục Laurean Rugambwa của Giáo phận Rutabo ở Tanzania, người được Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII bổ nhiệm vào năm 1960.

Ý đã chứng kiến sự sụt giảm lớn nhất trong thành phần Hồng Y đoàn. Người Ý chiếm 71% Hồng Y đoàn vào năm 1873, trong khi sau cuộc bầu cử năm nay, các vị người Ý sẽ chỉ nắm giữ 16% số ghế biểu quyết trong Hồng Y đoàn. Tuy nhiên, đối với một quốc gia đơn nhất, Ý vẫn rất khá trong Hồng Y đoàn - nước này vẫn có số lượng Hồng Y tương đương với lục địa châu Á.

Xét về số lượng Hồng Y cho mỗi người Công Giáo, Ý vẫn vượt trội hơn nhiều. Tính đến năm 2022, Ý có dưới 60 triệu người Công Giáo, trong khi châu Á có hơn 150 triệu người. Nhưng những ngày mà người Ý chiếm toàn bộ 2/3 đa số phiếu bầu của Hồng Y đoàn đã qua từ lâu.

Thật vậy, xét về số người Công Giáo trên mỗi Hồng Y ở bình diện châu lục, châu lục được đại diện nhiều nhất là Châu Đại Dương, nơi ba vị Hồng Y - Tổng giám mục Wellington NZ, Giám mục Tonga, và Tổng giám mục Port Moresby, New Guinea - đại diện cho 10 triệu người Công Giáo Châu Đại Dương.

Trên cơ sở số lượng, người Công Giáo Châu Đại Dương được đại diện tốt hơn một chút so với người Công Giáo Ý ở Hồng Y đoàn.

Cứ 2.4 triệu người Công Giáo ở Châu Đại Dương thì có một vị Hồng Y, trong khi cứ 3.0 triệu người Công Giáo ở Ý thì có một vị Hồng Y sinh ra ở Ý.

Xuất thân từ vùng ngoại vi?

Ba vị Hồng Y đến từ Châu Đại Dương đại diện cho chủ đề chính trong các cuộc bổ nhiệm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: bổ nhiệm các vị Hồng Y từ các giáo phận mà theo truyền thống không được coi là “tòa Hồng Y”.

Năm 2015, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phong Đức Tổng Giám Mục John Dew làm Hồng Y từ thị trấn Wellington, New Zealand, nơi đã có ba Hồng Y trước đó.

Nhưng trước đây chưa bao giờ có một Hồng Y từ Tonga hoặc từ New Guinea.

Trong khi đó, Tổng giáo phận Sydney, Úc, nơi mà từ năm 1946 thường thấy các tổng giám mục của mình phong làm Hồng Y, đã chứng kiến Tổng giám mục Anthony Fisher vẫn không đội mũ đỏ kể từ khi được thánh hiến làm tổng giám mục vào năm 2014 (một năm sau khi Đức Phanxicô lên làm giáo hoàng).

Trong số 16 Hồng Y cử tri được bổ nhiệm năm nay, 11 vị đến từ các giáo phận mà theo truyền thống không được xem là tòa Hồng Y, và 3 vị đến từ các văn phòng của Vatican, chỉ còn lại hai - Tổng Giám mục Marseille và Tổng Giám mục Brasília - là các giám mục của các giáo phận đã có Hồng Y trong quá khứ gần đây.

Bốn mươi tám phần trăm trong số 94 Hồng Y mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm cho đến năm 2022 là giám mục đầu tiên từ giáo phận của họ trở thành Hồng Y. Đây là tỷ lệ tân Hồng Y cao nhất đối với bất cứ vị giáo hoàng nào sau Thế chiến II.

Đức Giáo Hoàng Piô XII đã bổ nhiệm tỷ lệ Hồng Y cao thứ hai từ các giáo phận không có Hồng Y trước đó, với 41% các bổ nhiệm của ngài là các tòa Hồng Y mới.

Đức Piô XII cũng là vị giáo hoàng đầu tiên mở rộng Hồng Y đoàn ra ngoài Tây Âu. Trong số các giáo phận được ngài bổ nhiệm làm Hồng Y lần đầu tiên có các tổng giáo phận Lima, St. Louis, Sao Paolo, Toronto, Bombay, Los Angeles và Montreal.

Các tòa Hồng Y mới do Đức Thánh Cha Phanxicô tạo ra là những cái tên ít quen thuộc hơn đối với người Mỹ: Cotabato, Les Cayes, Yangon, Tonga, Tlalnepantla, Huancayo, Taomasina và Ekwulobi.

Hodge tự hỏi: Xu hướng của Giáo hội muốn có các Hồng Y được bổ nhiệm “từ các vùng ngoại vi” có ý nghĩa gì đối với tương lai của Giáo hội?

Ông cho rằng, chức năng chính của Hồng Y đoàn là chọn giáo hoàng mới sau khi giáo hoàng cũ qua đời hoặc nghỉ hưu. Việc bổ nhiệm vào Hồng Y đoàn của Đức Phanxicô bảo đảm rằng khi điều đó xảy ra, những vị có nhiệm vụ bầu giáo hoàng mới sẽ xuất thân từ các quốc gia và kinh nghiệm đa dạng hơn bao giờ hết.

Nhiều vị trong số các ngài sẽ không biết rõ về nhau. Không có hội đồng giám mục quốc gia hoặc khu vực nào sẽ có đa số. Ngoài 21% giữ một số chức vụ ở Vatican, thay vì làm giám mục giáo phận, nhiều Hồng Y sẽ không dành nhiều thời gian cho nhau.

Liệu điều đó có ảnh hưởng đến sự xem xét của các ngài, và sự lựa chọn của các ngài cho vị giáo hoàng tiếp theo không? Điều đó chúng ta vẫn còn phải chờ xem.



Viễn ảnh bầu tân Giáo Hoàng

Về viễn ảnh bầu vị Giáo Hoàng tương lai, Hodge cho hay: Nếu một mật nghị bầu giáo hoàng được triệu tập vào tuần tới, thì cuộc họp các Hồng Y sẽ được định hình chủ yếu bởi sự bổ nhiệm của Đức Phanxicô.

Sáu mươi bốn phần trăm Hồng Y cử tri tại mật nghị bầu giáo hoàng giả định vào tháng 8 năm 2022 - 85 trong số 132 cử tri - sẽ là người được Đức Phanxicô bổ nhiệm, chỉ thiếu 2% là đạt đa số tuyệt đối 2/3 cần thiết để bầu một vị giáo hoàng.

Nếu các Hồng Y do Đức Phanxicô bổ nhiệm bỏ phiếu thành một khối, các ngài sẽ chỉ cần ba Hồng Y cử tri khác tham gia cùng với các ngài để chọn một giáo hoàng mới.

Do một quy tắc do Đức Phaolô VI đặt ra - các Hồng Y phải dưới 80 tuổi mới được bỏ phiếu trong mật nghị bầu Giáo Hoàng - các Hồng Y mới sẽ già và ra khỏi nhóm bỏ phiếu mỗi năm.

Trong năm tới, hai trong số chín Hồng Y cử tri do Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm sẽ tròn 80 tuổi.

Tám vị do Đức Bênêđíctô XVI bổ nhiệm, và một vị do Đức Phanxicô bổ nhiệm cũng thế.

11 vị Hồng Y sẽ bước sang tuổi 80 trong năm tới sẽ đem tổng số Hồng Y cử tri xuống còn 121 vào ngày 28 tháng 8 năm 2023.

Tại thời điểm đó, 84 trong số 121 Hồng Y cử tri sẽ là những vị do Đức Phanxicô bổ nhiệm, chiếm 69% tổng số cử tri của mật nghị viện bầu Giáo Hoàng.

Căn cứ vào hồ sơ lưu trữ trong quá khứ, trước đại dịch, chắc chắn Đức Phanxicô sẽ bổ nhiệm thêm nhiều Hồng Y mới vào mùa hè hoặc mùa thu năm 2023.

Nếu Đức Phanxicô tiếp tục bổ nhiệm các Hồng Y mới với đà mà ngài đã làm trong chín năm đầu tiên của triều đại giáo hoàng, những vị được bổ nhiệm của ngài sẽ chiếm 81% số Hồng Y trong độ tuổi bầu cử vào tháng 8 năm 2025 và 85% trong 5 năm kể từ bây giờ, vào năm 2027.

Đến tháng 8 năm 2027, chỉ có bốn vị Hồng Y do Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm vẫn đủ điều kiện bỏ phiếu: Hồng Y Peter Turkson của Cape Coast, Hồng Y Josip Bozanic của Zagreb, Hồng Y Philippe Barbarin của Lyon, và Hồng Y Peterl Erdo của Esztergom-Budapest.

Hồng Y Erdo là người trẻ nhất trong số bốn vị, và sẽ vẫn còn đủ trẻ để bỏ phiếu trong mật nghị bầu Giáo hoàng vào cuối năm 2032.

Số lượng Hồng Y còn sống trên 80 tuổi đã tăng lên đáng kể kể từ năm 1971, khi Đức Phaolô VI thiết lập giới hạn tuổi cho các cử tri.

Tính đến thời điểm hiện tại, có 65 vị Hồng Y trong độ tuổi bầu cử khi được bổ nhiệm nhưng hiện đã ngoài 80, mặc dù vẫn còn sống.

Trong số 41 Hồng Y cử tri còn sống do Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm, chỉ có 9 vị vẫn còn trong độ tuổi bầu cử, trong khi 32 vị hiện đã trên 80. Và trong khi chỉ 13 trong số các cử tri do Đức Bênêđíctô XVI bổ nhiệm đã qua đời, 23 vị hiện đã quá già để tham gia một mật nghị bầu Giáo Hoàng.

Các nhà bình luận đưa ra nhiều tiêu đề đùa cợt và suy đoán về thành phần của Hồng Y đoàn có thể có ý nghĩa như thế nào đối với mật nghị bầu Giáo Hoàng tiếp theo.

Nhưng các điển hình trong quá khứ cho thấy khó có thể dự đoán nếu chỉ dựa vào các con số.

Tất cả ba mật nghị cuối cùng bầu giáo hoàng đều có đa số do vị giáo hoàng tiền nhiệm bổ nhiệm. Trong trường hợp của cả Đức Gioan Phaolô II lẫn Đức Bênêđíctô XVI, những đa số này rất lớn.

Chín mươi phần trăm Hồng Y trong mật nghị bầu Đức Gioan Phaolô II đã được Đức Phaolô VI bổ nhiệm.

Sau 27 năm làm giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II, 97% Hồng Y nhóm họp để bầu Đức Bênêđíctô XVI đã được Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm.

Ngay cả sau triều đại giáo hoàng của Đức Bênêđíctô chưa đầy tám năm, 58% các Hồng Y tụ họp tại mật nghị bầu Đức Phanxicô đã được Đức Bênêđíctô bổ nhiệm.

Dù bất cứ mật nghị bầu Giáo Hoàng nào trong tương lai hầu hết sẽ bao gồm các Hồng Y do Đức Phanxicô bổ nhiệm, thực tế đó sẽ không làm cho nó khác biệt đáng kể so với các mật nghị bầu Giáo Hoàng trước đó.

Thật vậy, ngay cả khi Đức Phanxicô vẫn còn là giáo hoàng thêm năm năm nữa, tỷ lệ các Hồng Y do Đức Phanxicô bổ nhiệm tại mật nghị bầu Giáo Hoàng tiếp theo vẫn sẽ ít hơn tỷ lệ các Hồng Y của Đức Phaolô VI tại mật nghị bầu Giáo Hoàng năm 1978 để bầu Đức Gioan Phaolô II.

Thêm sự kiện nhiều cuộc bổ nhiệm của Đức Phanxicô đã đến tay các Hồng Y “từ các vùng ngoại vi”, hướng đi của mật nghị bầu Giáo Hoàng trong tương lai có thể rất khó đoán.
 
Thêm một vẻ vang cho dân Việt: ĐGH khuyên các tân Hồng Y hãy noi gương cố HY Nguyễn Văn Thuận.
Trần Mạnh Trác
11:58 27/08/2022


Hôm nay, 27/8/2022 ĐTC đã chủ trì nghi lễ trao mũ đỏ cho 20 tân HY, (một vị đang nằm bệnh viện không có mặt.) Trong bài giảng, ĐTC đã khuyên các tân HY hãy mang ngọn lửa của Chúa Giêsu noi theo gương cuả Thánh Charles de Foucauld, cố HY Casaroli và cố HY Nguyễn Văn Thuận.

Nguồn tin AsiaNews như sau:

Thành phố Vatican (AsiaNews) - Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi 20 tân Hồng Y được long trọng phong tước chiều nay tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô trong triều đại giáo hoàng thứ tám của ngài, để mang đến cho thế giới ngày nay ngọn lửa của lòng nhiệt thành truyền giáo, nhưng cũng là ngọn lửa của sự hiền lành của Chúa Giêsu.

Như vậy con số HY còn sống là 226 vị, trong số đó có 132 vị sẽ tham gia đại cử tri đoàn trong trường hợp một mật nghị bầu GH được triệu tập trong tương lai.

Trích dẫn phúc âm thánh Lu-ca, đoạn Chúa Giê-su nói ngài đến "để mang lửa đến trái đất," Đức Giáo Hoàng mời chúng ta nhìn vào hai khuôn mặt của ngọn lửa này: Một là "ngọn lửa quyền năng của Thánh Linh, tình yêu nồng nàn thanh tẩy, tái sinh và biến đổi mọi thứ, Hai là, "cũng là than hồng" nhu mì và ẩn giấu "mà bên cạnh đó, Chuá đã ngồi chờ các môn đồ sau khi họ đi đánh cá về, là một cuộc bỏ lưới kỳ diệu trên Hồ Ga-li-lê, đã được kể lại trong phúc âm của thánh Gioan.

ĐGH giải thích: “Ngọn lửa mạnh mẽ là ngọn lửa đã thúc đẩy sứ đồ Phao-lô trong việc rao giảng Phúc âm không mệt mỏi, trong 'cuộc chạy đua' truyền giáo, luôn được Thánh Linh và Ngôi Lời thúc đẩy. Đó là ngọn lửa của rất nhiều nhà truyền giáo đã trải nghiệm qua niềm vui, mệt mỏi và ngọt ngào cuả việc truyền giáo, và chính cuộc sống của họ đã trở thành phúc âm vì họ là những nhân chứng đầu tiên và quan trọng nhất."

Nhưng nó (Ngọn lửa mạnh mẽ ) không thể tách rời khỏi khuôn mặt chứng nhân khác, đó là sự cao cả và hiền lành: về điểm này, Đức Giáo Hoàng trích dẫn gương của Thánh Charles de Foucauld, người đã "ở lại rất lâu trong một môi trường phi Cơ đốc giáo, trong sự cô độc của sa mạc, tập trung mọi sự vào sự hiện diện: sự hiện diện của Chúa Giêsu hằng sống, trong Ngôi Lời và trong Bí tích Thánh Thể, và sự hiện diện cuả bác ái, thân thiện, huynh đệ của chính ngài."

Thêm hai gương mặt nữa đã trau dồi cả hai (điểm trên), làm gương mẫu và họ là hai người tiền nhiệm của các tân HY. "Một vị Hồng Y", Đức Phanxicô nói, "yêu mến Giáo hội, luôn luôn có cùng ngọn lửa thiêng liêng, dù giải quyết những vấn đề lớn hay giải quyết những việc nhỏ; dù gặp gỡ những người vĩ đại của thế giới hay những người nhỏ bé, vốn cũng là những người vĩ đại trước mặt Thiên Chúa. Tôi đang nghĩ đến Đức Hồng Y Casaroli nổi tiếng với cái nhìn rộng mở, với cuộc đối thoại khôn ngoan và kiên nhẫn, để hỗ trợ những chân trời mới của một Châu Âu trong Chiến Tranh Lạnh.

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục: "Tuy nhiên trong mắt Chúa, những chuyến thăm mà ngài thường xuyên đi tới các tù nhân trẻ tuổi trong một nhà tù dành cho trẻ vị thành niên ở Rome, nơi ngài được gọi là 'Don Agostino', đều có giá trị như nhau."

Nhưng bên cạnh vị (cố ) ngoại trưởng cuả Vatican từ những năm đối thoại với Đông Âu (nói trên,) Đức Giáo Hoàng còn muốn chỉ thêm một vị Hồng Y Việt Nam, cố HY François-Xavier Nguyễn Văn Thuân, “người được kêu gọi chăn dắt dân Chúa trong một kịch bản quan trọng khác của thế kỷ 20, đồng thời, được thôi thúc bởi ngọn lửa tình yêu của Chuá Kitô mà lo lắng cho linh hồn của người cai ngục đang đứng gác trước cửa phòng giam của ngài."

"Chúa Giêsu," Đức Giáo Hoàng kết luận với các tân Hồng Y, "hôm nay cũng muốn đốt ngọn lửa này trên trái đất; Người muốn thắp sáng lại ngọn lửa trên bờ những câu chuyện hàng ngày của chúng ta. Người gọi chúng ta bằng tên, nhìn vào mắt chúng ta. và hỏi chúng ta: Cha có thể tin tưởng vào các con không? "

Tiếp theo đó, Đức Phanxicô trao mũ, nhẫn và tước hiệu màu đỏ cho 19 trong số 20 tân Hồng Y: một vị Hồng Y, Richard Kuuia Baawobr, giám mục Wa, người Ghana, đã không thể có mặt tại buổi lễ vì ngài đã phải nhập viện do một vấn đề sức khỏe phát sinh sau khi đến Rome.

Trong số các tân Hồng Y có tới sáu vị là người châu Á, tất cả đều ở tuổi nằm trong danh sách đại cử tri đoàn: là HY Lazarus You Heung-sik người Hàn Quốc, cựu tổng giám mục của Daejeon, và hiện là tổng trưởng giáo hạt Giáo Sĩ, Tổng giám mục Virgilio do Carmo da Silva của Dili ở Đông Timor, hai giám mục Ấn Độ là Filipe Neri António Sebastião do Rosário Ferrão, Tổng giám mục Goa và Anthony Poola Tổng giám mục Hyderabad, Tổng giám mục Singapore William Goh Seng Chye, và Giorgio Marengo người Ý, thuộc khu truyền giáo Consolata và là giám quản tông tòa Ulanbaatar ở Mông Cổ.

Cũng ngày hôm nay, có tin tiết lộ rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhận lời mời chính thức đến thăm Mông Cổ. Nó được đưa ra bởi phái đoàn chính thức đến từ Ulan Batar do cựu Tổng thống Enkhbayar dẫn đầu, ông là người đã chuyển thông điệp chính thức từ Tổng thống đương nhiệm Khürelsükh. “Đức Giáo Hoàng,” theo lời Hồng Y Marengo kể lại, “đã bày tỏ rất quan tâm đến đề xuất này và cho biết ngài dự định thực hiện chuyến đi, phù hợp với tình trạng sức khỏe và những cam kết trước đó của ngài.

Cuối cùng, trong buổi lễ, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã chấp thuận việc tuyên phong hai vị thánh mới - ĐGM Giovanni Battista Scalabrini, giám mục Piacenza, người sáng lập Dòng Thừa sai Thánh Charles và Dòng các Nữ tu Truyền giáo của Thánh Charles Borromeo, và Thày Artemide Zatti, một giáo dân 'trợ sĩ ' Salêdiêng người Argentina - sẽ được phong thánh vào Chủ nhật, ngày 9 tháng 10, năm 2022.
 
Bài Giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong công nghị tấn phong 20 tân Hồng Y
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
15:02 27/08/2022


Lúc 4 giờ chiều ngày thứ Bẩy, tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tấn phong Hồng Y cho 20 tân Hồng Y.

Trong phần Phụng Vụ Lời Chúa diễn ra ngay trước nghi thức tấn phong Hồng Y, cộng đoàn đã nghe bài Tin Mừng theo Thánh Luca (12:49-50).

Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Những lời của Chúa Giêsu, ngay giữa sách Phúc Âm Luca, đâm vào chúng ta như một mũi tên: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (12:49).

Khi cùng các môn đệ tiến về Giêrusalem, Chúa công bố điều này theo phong cách tiên tri tiêu biểu, sử dụng hai hình ảnh: lửa và phép Rửa (xem 12: 49-50). Ngài đến là để mang lửa vào thế giới; phép rửa là phép rửa chính Người sẽ lãnh nhận. Tôi xin được tập trung quanh hình ảnh của lửa, ngọn lửa mạnh mẽ của Thần Khí Thiên Chúa, là chính Thiên Chúa, là “lửa đốt cháy” (Đnl 4:24; Dt 12:29). Một tình yêu nồng nàn thanh lọc, tái tạo và biến đổi vạn vật. Ngọn lửa này - nhưng cũng là “phép rửa” - được bày tỏ trọn vẹn trong mầu nhiệm Vượt qua của Đức Kitô, khi Người, như cột lửa, mở ra con đường dẫn đến sự sống qua biển đen tội lỗi và sự chết.

Tuy nhiên, có một ngọn lửa khác, ngọn lửa than mà chúng ta tìm thấy trong lời tường thuật của Thánh Gioan về sự xuất hiện lần thứ ba và cuối cùng của Chúa Giêsu Phục sinh với các môn đệ trên bờ biển Galilê (xem 21: 9-14). Đó là một ngọn lửa nhỏ mà chính Chúa Giêsu đã đốt lên gần bờ, khi các môn đệ đang trên thuyền, kéo lưới đầy cá một cách kỳ diệu. Simon Phêrô đến trước, nhảy xuống nước, lòng tràn đầy vui mừng (xem câu 7). Ngọn lửa than đó tuy êm và nhẹ nhàng nhưng lại cháy lâu hơn và được dùng để nấu nướng. Ở đó trên bờ biển, ngọn lửa ấy tạo ra một khung cảnh quen thuộc, nơi các môn đệ, ngạc nhiên và xúc động, thưởng thức sự gần gũi của họ với Chúa của mình.

Hôm nay, cũng thế thưa anh chị em thân mến, chúng ta hãy cùng nhau suy niệm về hình ảnh ngọn lửa dưới cả hai hình thức này, và dưới ánh sáng của nó, để cầu nguyện cho các vị Hồng Y, đặc biệt là cho những người trong anh chị em trong buổi cử hành này sẽ nhận được phẩm giá và nhiệm vụ mà phẩm giá ấy đòi hỏi.

Với những lời được tìm thấy trong Tin Mừng Luca, Chúa kêu gọi chúng ta một lần nữa theo Người trên con đường truyền giáo. Một sứ mệnh rực lửa - giống như sứ mệnh của tiên tri Êlia – không chỉ vì những gì vị tiên tri ấy đã đến để hoàn thành mà còn vì cách ngài ấy hoàn thành sứ mệnh ấy. Và đối với chúng ta, những người trong Giáo Hội đã được chọn trong số dân Chúa cho một chức vụ phục vụ cụ thể, điều đó giống như thể Chúa Giêsu đang trao cho chúng ta một ngọn đuốc được thắp sáng và nói với chúng ta: “Hãy cầm lấy cái này; như Chúa Cha đã sai Thầy, thì nay Thầy cũng sai các con” (Ga 20:21). Bằng cách này, Chúa muốn ban cho chúng ta lòng can đảm tông đồ của chính Ngài, lòng nhiệt thành của Ngài đối với ơn cứu rỗi của mọi người, không trừ một ai. Ngài muốn chia sẻ với chúng ta về sự cao cả, tình yêu vô bờ bến và vô điều kiện của Ngài, vì trái tim của Ngài luôn rực cháy lòng thương xót của Chúa Cha. Lòng thương xót của Chúa Cha là điều nung nấu trong lòng Chúa Giêsu. Và trong ngọn lửa này, cũng có sự căng thẳng mầu nhiệm trong sứ mệnh của Người, giữa lòng trung thành với dân tộc của Người, với vùng đất hứa, với những người mà Chúa Cha đã ban cho Người, và đồng thời, một sự cởi mở với tất cả các dân tộc. - sự căng thẳng phổ quát đó - vươn tới các chân trời của thế giới, đến các vùng ngoại vi vẫn chưa được biết đến.

Đây cũng chính là ngọn lửa mạnh mẽ đã thúc đẩy Tông đồ Phaolô trong việc phục vụ Phúc Âm không mệt mỏi, trong “cuộc chạy đua” của ngài, lòng nhiệt thành truyền giáo của ngài không ngừng được Thần Khí và Lời Chúa soi dẫn. Đó cũng là ngọn lửa của tất cả những người truyền giáo nam nữ, những người đã biết đến niềm vui mệt mỏi nhưng ngọt ngào của việc truyền giáo, và chính cuộc sống của họ đã trở thành một phúc âm, vì trước đó họ đã là những nhân chứng.

Thưa anh chị em, đây là ngọn lửa mà Chúa Giêsu đã giáng trần để “mang đến cho thế gian”, ngọn lửa mà Chúa Thánh Thần nung nấu trong lòng, trong bàn tay và bàn chân của tất cả những ai theo Người. Ngọn lửa của Chúa Giêsu, ngọn lửa mà Chúa Giêsu mang đến.

Sau đó có ngọn lửa khác, ngọn lửa của than. Chúa cũng muốn chia sẻ ngọn lửa này với chúng ta, để giống như Ngài, với sự hiền lành, trung thành, gần gũi và dịu dàng - là phong cách của Chúa: gần gũi, từ bi và dịu dàng - chúng ta có thể dẫn dắt nhiều người để họ thưởng thức được sự hiện diện của Chúa Giêsu sống động giữa chúng ta. Một sự hiện diện dù mầu nhiệm nhưng rất đỗi hiển nhiên đến mức không cần phải hỏi: “Ngài là ai?” Vì chính trái tim của chúng ta nói với chúng ta rằng đó là Người, đó là Chúa. Ngọn lửa này bùng cháy cách đặc biệt trong lời cầu nguyện tôn thờ, khi chúng ta im lặng đứng trước Thánh Thể và đắm mình trong sự hiện diện khiêm nhường, kín đáo và kín nhiệm của Chúa. Như ngọn lửa than ấy, sự hiện diện của Người trở thành hơi ấm và là chất nuôi dưỡng cho cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Ngọn lửa đó khiến chúng ta liên tưởng đến tấm gương của Thánh Charles de Foucauld, người đã sống nhiều năm trong một môi trường không Kitô Giáo, trong sự cô độc của sa mạc, ngăn cản mọi sự hiện diện: sự hiện diện của Chúa Giêsu hằng sống, trong lời nói và trong Thánh Thể, và sự hiện diện của chính Người, tình huynh đệ, thân thiện và bác ái. Nó cũng khiến chúng ta nghĩ đến những anh chị em của chúng ta, những người sống đời dâng hiến giữa đời thường, trong thế giới, nuôi dưỡng ngọn lửa âm thầm và bền bỉ trong nơi làm việc của họ, trong các mối quan hệ giữa các cá nhân, trong những hành động nhỏ của tình huynh đệ. Hoặc của những linh mục kiên trì trong chức vụ quên mình và khiêm tốn ở giữa giáo dân của họ. Một cha sở của ba giáo xứ, ở đây, ở Ý này, nói với tôi rằng ngài có rất nhiều việc. Tôi nói, “Cha có thể đến thăm tất cả mọi người không?” “Vâng, con biết tất cả mọi người!” “Cha có biết tên của mọi người không?” “Vâng, ngay cả tên những con chó trong các gia đình.” Đây là loại lửa ôn hòa dưỡng nuôi hoạt động tông đồ dưới ánh sáng của Chúa Giêsu. Cũng thế, có ngọn lửa tương tự là sự thánh thiện của vợ chồng, hàng ngày sưởi ấm cuộc sống của vô số cặp vợ chồng Kitô hữu, luôn rực cháy bởi những lời cầu nguyện đơn giản, “tự làm”, những cử chỉ và ánh mắt dịu dàng, và tình yêu kiên nhẫn đồng hành cùng con cái của họ trong hành trình trưởng thành. Chúng ta cũng không thể bỏ qua ngọn lửa luôn cháy của những người cao tuổi: - họ là một kho tàng, kho báu của Giáo hội – là lò sưởi của ký ức, cả trong gia đình và cuộc sống của cộng đồng. Ngọn lửa của người già mới quan trọng biết bao! Xung quanh đó, các gia đình đoàn kết và học cách giải thích hiện tại theo kinh nghiệm quá khứ và đưa ra các quyết định khôn ngoan.

Thưa các vị Hồng Y, anh em thân mến, bởi ánh sáng và nhờ sức mạnh của ngọn lửa dẫn dắt dân thánh và trung tín của Chúa mà từ đó chúng ta đã được chọn - chúng ta, những người được chọn từ dân Chúa –chúng ta đã được sai đến với họ như các thừa tác viên của Chúa Kitô. Ngọn lửa gấp đôi này của Chúa Giêsu, ngọn lửa vừa mạnh mẽ vừa dịu nhẹ, nói gì một cách đặc biệt với tôi và với anh em? Tôi nghĩ điều đó nhắc nhở chúng ta rằng một người có lòng nhiệt thành tông đồ được thúc đẩy bởi ngọn lửa của Thánh Linh phải biết can đảm quan tâm đến cả những việc lớn lẫn những việc nhỏ, vì “non coerceri a maximo, contineri tamen a minimo, divinum est”. Hãy nhớ rằng Thánh Tôma, trong Prima Pars, nói: Non coerceri a maximo, không bị giới hạn bởi cái lớn nhất, contineri tamen a minimo, nhưng cũng không bị cô đọng trong cái nhỏ nhất, divinum est, là thần thánh.

Một vị Hồng Y yêu mến Giáo Hội, luôn luôn có cùng ngọn lửa thiêng liêng ấy, khi phải đối phó với những câu hỏi lớn lao hay trong những vấn đề thường ngày – là điều mà ngài thường phải làm – trước quyền năng của thế giới này hay trước những người bình thường nhưng vĩ đại trong mắt Chúa. Tôi nghĩ đến tấm gương của Đức Hồng Y Agostino Casaroli, người rất nổi tiếng về sự cởi mở thúc đẩy, thông qua đối thoại, một người nhìn xa trông rộng và kiên nhẫn về những triển vọng mới mở ra ở Âu Châu sau Chiến tranh Lạnh - xin Chúa ngăn chặn sự thiển cận của con người đang đóng lại những triển vọng mà Ngài đã mở ra! Tuy nhiên, trong mắt Thiên Chúa, những chuyến thăm mà ngài thường xuyên đến thăm các tù nhân trẻ tuổi trong nhà tù dành cho trẻ vị thành niên ở Rôma, nơi ngài được gọi đơn giản là “Don Agostino”, cũng quan trọng không kém. Ngài là một nhà ngoại giao vĩ đại - một người tử vì đạo của lòng kiên nhẫn, đó là cuộc sống của ngài - cùng với chuyến thăm hàng tuần đến Casal del Marmo, để thăm những người trẻ tuổi. Có bao nhiêu ví dụ tương tự khác xuất hiện trong tâm trí anh em! Tôi nghĩ đến Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, được kêu gọi để chăn dắt dân Chúa trong một thời khắc quan trọng khác của thế kỷ hai mươi, người được dẫn dắt bởi ngọn lửa tình yêu của Ngài dành cho Chúa Kitô để chăm sóc linh hồn của những người cai ngục đã trông chừng Ngài trước cửa phòng giam của mình. Những người như thế không sợ “vĩ đại” hay “cao nhất”; và họ cũng tương tác với những “người nhỏ bé” mỗi ngày. Sau một cuộc họp, trong đó Đức Hồng Y Casaroli đã thông báo cho Thánh Gioan Phaolô II về sứ mệnh mới nhất của ngài - tôi không biết đó là ở Slovakia hay Cộng hòa Tiệp, một trong những quốc gia đó - khi ngài rời đi, Đức Giáo Hoàng đã gọi ngài và nói, “Đức Hồng Y, còn một điều nữa: ngài có còn đi thăm các tù nhân trẻ tuổi không?” “Dạ có.” “Đừng bao giờ bỏ rơi họ!” Những vấn đề lớn về ngoại giao và những vấn đề nhỏ về mục vụ. Đây là trái tim của một linh mục, trái tim của một Hồng Y.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy một lần nữa chiêm ngắm Chúa Giêsu. Chỉ một mình Ngài biết được bí mật của sự hùng vĩ thấp hèn này, sức mạnh vô song này, tầm nhìn phổ quát này chú ý đến từng chi tiết cụ thể. Bí mật về ngọn lửa của Thiên Chúa, từ ngọn lửa trên trời giáng xuống, làm sáng bầu trời từ đầu này đến đầu kia, đến ngọn lửa nấu chín thức ăn của các gia đình nghèo, những người di cư và vô gia cư. Hôm nay cũng vậy, Chúa Giêsu muốn đem ngọn lửa này đến thế gian. Ngài muốn thắp sáng nó một lần nữa trên những bờ biển của cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Chúa Giêsu gọi đích danh chúng ta, mỗi người trong chúng ta, Người gọi đích danh chúng ta: chúng ta không phải là một con số; Ngài nhìn vào mắt chúng ta - mỗi người chúng ta hãy tự cho phép mình được nhìn vào mắt - và Ngài hỏi: con, là một Hồng Y mới - và tất cả các con, các anh em Hồng Y -, Thầy có thể tin tưởng vào các con không? Đó là câu hỏi của Chúa.

Tôi không muốn kết thúc mà không nhắc nhớ đến Đức Hồng Y Richard Kuuia Baawobr, Giám mục của Wa, người hôm qua, khi đến Rôma, cảm thấy yếu quá và phải nhập viện vì một vấn đề về tim và tôi nghĩ rằng họ đã thực hiện một số loại phẫu thuật. Chúng ta hãy cầu nguyện cho người anh em đáng lẽ phải hiện diện ở đây nhưng đang phải nằm bệnh viện. Cảm ơn anh chị em.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Các tân Hồng Y và Đức Giáo Hoàng Phanxicô viếng thăm Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô XVI
Đặng Tự Do
20:44 27/08/2022


Đức Thánh Cha Phanxicô và các tân Hồng Y đã đến thăm Giáo hoàng Danh dự Bênêđictô XVI tại Tu viện Mẹ Giáo Hội sau thánh lễ tấn phong Hồng Y được tổ chức vào chiều thứ Bảy tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi nhưng đầy xúc động, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào Đức Bênêđíctô XVI một cách đầy tình cảm và làm dấu thánh giá trên trán ngài. Sau đó, các tân Hồng Y lần lượt giới thiệu về mình và trao đổi những thông điệp ngắn gọn.

Văn phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết “sau khi nhận được phép lành, cùng với lời chúc của Đức Thánh Cha Phanxicô và cùng nhau đọc Kinh Salve Regina tức là Kinh Lạy Nữ Vương, các vị tân Hồng Y đã đến Dinh Tông Tòa hoặc Hội trường Phaolô Đệ Lục để tiếp các vị khách đến chúc mừng”.

Đức Bênêđíctô XVI, 95 tuổi, đã đích thân tham gia vào hai trong số công nghị tấn phong Hồng Y được Đức Thánh Cha Phanxicô triệu tập: ngày 22 tháng 2 năm 2014 và ngày 15 tháng 2 năm 2015.

Kể từ năm 2015, sau khi tham gia mở Cửa Thánh cho Năm Thánh Ngoại thường Lòng Chúa Thương Xót, sự hiện diện công khai của Đức Bênêđíctô XVI đã giảm đi đáng kể và kể từ công nghị tấn phong Hồng Y 2016, các tân Hồng Y luôn đến thăm Đức Giáo Hoàng Danh dự tại Tu viện Mẹ Giáo Hội.

Đức Thánh Cha Phanxicô có phong tục viếng thăm Đức Bênêđíctô XVI vào Lễ Phục sinh và Lễ Giáng Sinh. Chuyến thăm cuối cùng của ngài là vào ngày 13 tháng 4 năm 2022, vào đêm trước Lễ Phục sinh và ba ngày sau sinh nhật lần thứ 95 của Giáo hoàng Danh dự.
Source:Catholic News Agency
 
Cuộc đàn áp dữ dội của Ortega đối với Giáo Hội đã đặt vấn đề đối với Giao thức Gallagher của Vatican
J.B. Đặng Minh An dịch
21:54 27/08/2022


Linh mục Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada, vừa có bài nhận định về thái độ im lặng của Tòa Thánh trước sự bách hại công khai của chế độ Daniel Ortega. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Ortega’s Intense Persecution of the Church Calls Into Question the Vatican’s ‘Gallagher Protocol’

Fr. Raymond J. de Souza

Cuộc đàn áp dữ dội của Ortega đối với Giáo Hội đã đặt vấn đề đối với 'Giao thức Gallagher' của Vatican


Để đối phó với cuộc đàn áp Giáo Hội ở Nicaragua, Tòa Thánh đang tuân thủ nghiêm ngặt Giao thức Gallagher.

Nhưng Giao thức Gallagher không được tuân theo ở những nơi khác, thậm chí ngay cả ở Ý. Khi các Hồng Y từ khắp nơi trên thế giới đến Rôma trong tuần này, liệu chính Đức Tổng Giám Mục Gallagher có thể thuyết phục họ kiềm chế các cuộc phản đối liên quan đến một giám mục anh em bị chế độ của Daniel Ortega bắt đi không?

Vào tháng 6 năm 2021, Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Bộ Trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh đã giải thích lý do tại sao Tòa Thánh im lặng trước cuộc đàn áp khốc liệt đối với Giáo Hội ở Hương Cảng.

Đức Tổng Giám Mục Gallagher nói: “Ta có thể nói rất nhiều, có thể nói được là, những từ thích hợp để được báo chí quốc tế và nhiều nơi trên thế giới đánh giá cao, nhưng tôi - và nhiều đồng nghiệp của tôi – thấy vẫn chưa thuyết phục rằng lên tiếng như thế sẽ tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào”.

Hãy gọi đó là Giao thức Gallagher. Giao thức ấy có nghĩa là những người Công Giáo dưới sự đàn áp của các chế độ không bị lay chuyển bởi các phản đối ngoại giao đừng nên mong đợi sự ủng hộ hùng hồn từ Vatican. Cuộc đàn áp càng khốc liệt, Vatican càng im lặng.

Giao thức Gallagher giải thích tại sao Tòa Thánh lại mở rộng, nếu không muốn nói là cuồng nhiệt, trong các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, nhập cư, vũ khí thông thường và hạt nhân, đầu cơ tài chính, giảm nợ, sử dụng nhựa và thất nghiệp. Nó cũng có thể giải thích tại sao một số cuộc xung đột trên thế giới - ví dụ như trường hợp người Rohingya ở Miến Điện - được Đức Giáo Hoàng lên án, nhưng sự đàn áp ở Trung Quốc, Venezuela và Nicaragua thì không. Các nhà ngoại giao của Tòa Thánh, dẫn đầu bởi Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Tổng giám mục Gallagher, không tin rằng điều đó sẽ tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào.

Đó là một tuyên bố khó thuyết phục đối với lời khai của những người bất đồng chính kiến, những người báo cáo đã được nâng đỡ tinh thần bởi sự minh bạch của các nhà lãnh đạo ở nước ngoài. Ví dụ, hãy xem xét trường hợp Natan Sharansky giải thích cách anh ta nghe thấy trong một nhà tù của Liên Xô rằng Tổng thống Ronald Reagan đã gọi Liên Xô là một “đế chế xấu xa”. Khi đó anh biết rằng chủ nghĩa cộng sản đã đến hồi kết thúc.

Tuy nhiên, Giao thức Gallagher ngự trị ở Rôma, như đã thấy rõ khi Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân bị bắt vào tháng Năm. Các quan chức cấp cao của Vatican đã im lặng, và văn phòng báo chí của Tòa Thánh chỉ lưu ý rằng họ “quan tâm đến vụ bắt giữ” và đang “theo dõi diễn biến của tình hình với sự chú ý cao độ”.

Chế độ của Daniel Ortega ở Nicaragua đã gia tăng các cuộc tấn công vào Giáo Hội trong nhiều năm, với việc chính Ortega tố cáo các giám mục của đất nước là “những kẻ khủng bố”. Các ngài đã phản đối những nỗ lực của ông nhằm nâng cao quyền lực hơn bao giờ hết cho bản thân bằng cách thay thế một cách hiệu quả nền dân chủ của Nicaragua bằng một nhà nước độc đảng.

Đức Cha Rolando Álvarez của Matagalpa là giám mục nổi bật nhất phản đối sự đàn áp của Ortega ở một quốc gia mà theo báo The New York Times, “Giáo Hội Công Giáo Rôma là thể chế duy nhất đã thoát khỏi sự kiểm soát của Ortega sau 15 năm cai trị không ngừng nghỉ”.

Ortega đang cố gắng thay đổi điều đó. Ông ta đã đóng cửa các đài phát thanh Công Giáo, bắt giữ các giáo sĩ và thậm chí còn đuổi đoàn Thừa sai Bác ái của Mẹ Teresa ra khỏi đất nước. Tòa Thánh đã chọn một thái độ im lặng, điều đó cũng đã được báo trước khi Ortega trục xuất sứ thần Tòa Thánh, là Tổng giám mục Waldemar Sommertag, vào tháng 3 năm 2022.

Đức Cha Álvarez đã bị giam lỏng hai tuần trong Tòa Giám Mục của mình, không được phép vào nhà thờ chính tòa của ngài. Vào thứ Sáu, ngày 19 tháng 8, cảnh sát đột kích vào nhà của Đức Cha, bắt ngài và tám người bạn đồng hành, bao gồm cả các chủng sinh, và quản thúc họ tại Managua.

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã từ chối không đề cập đến tên vị giám mục hoặc việc bắt giữ ngài, mà chỉ giới hạn trong việc kêu gọi “đối thoại cởi mở và chân thành”. Giao thức Gallagher đã có hiệu lực đầy đủ.

Tuy nhiên, ở những nơi khác, Giao thức Gallagher không được tuân thủ.

Rõ ràng là từ chối thẳng những lời kêu gọi “đối thoại” của Đức Giáo Hoàng, Giám mục Nicaragua Silvio Báez nói, “Cần phải đòi hỏi tự do. Chúng ta không được thương lượng với Ortega. Chúng ta phải đòi tự do, vì họ vô tội “.

Giám mục Báez là Giám Mục Phụ Tá của Managua. Vào năm 2019, sự phản đối thẳng thắn của ngài đối với sự đàn áp của Ortega khiến ngài liên tục bị đe dọa tử vong. Đáp lại, và trái với ý muốn của ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ra lệnh lưu đày Đức Cha Báez vì sự an toàn của bản thân. Ngài hiện sống ở Miami.

Với việc Đức Cha Báez bị lưu đày và Đức Cha Álvarez bị quản thúc tại gia, Ortega đã đối phó với hai nhà phê bình thẳng thắn nhất của ông ta trong số các giám mục. Các giám mục anh em của họ sẽ tiếp nhận sự nghiệp của họ - và không chỉ ở Nicaragua mà thôi.

Thật vậy, trong một tuyên bố đáng chú ý, Đức Hồng Y Matteo Zuppi - một cộng sự viên thân cận của Đức Thánh Cha Phanxicô, vừa được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý - đã xé toạc Giao thức Gallagher trong một bản tố cáo chi tiết về cuộc đàn áp tôn giáo của Ortega.

“Với sự thất vọng và hoài nghi, chúng tôi nhận được tin tức về những cuộc đàn áp khắc nghiệt mà dân Chúa và các mục tử của họ đang phải trải qua vì lòng trung thành với Phúc âm của công lý và hòa bình,” Đức Hồng Y Zuppi viết trong một bức thư công khai gửi các giám mục Nicaragua. “Trong những tuần gần đây, chúng tôi lo ngại về các quyết định của chính phủ đối với cộng đồng Kitô giáo, cũng được thực hiện thông qua việc sử dụng vũ lực của quân đội và lực lượng cảnh sát. Gần đây, chúng tôi đã biết về việc bắt giữ Đức Cha Rolando José Álvarez Lagos, Giám mục của Matagalpa, cùng với những người khác, bao gồm các linh mục, chủng sinh và giáo dân.”

Gọi đó là “hành động hết sức nghiêm trọng”, các giám mục Ý kêu gọi khôi phục quyền tự do tôn giáo hoàn toàn ở Nicaragua.

Các giám mục Tây Ban Nha cũng đã đưa ra một tuyên bố tương tự.

Đức Hồng Y Leopoldo Brenes của Managua sẽ ở Rome khi Hồng Y Đoàn nhóm họp. Các Hồng Y anh em của ngài sẽ muốn nghe về chuyến thăm của ngài đến gặp Đức Cha Álvarez đang bị quản thúc tại gia. Và họ sẽ muốn nghe về việc liệu Giao thức Gallagher là một niềm an ủi hay một gánh nặng cho người Công Giáo Nicaragua.
Source:National Catholic Register
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ngày Hiền Mẫu Miền Kon Tum
BTTGPKonTum
09:16 27/08/2022
Ngày Hiền Mẫu Miền Kon Tum (25/08/2022)

26-08-2022.- Ngày lễ kính thánh nữ Mônica hàng năm (27/08) là ngày lễ bổn mạng và cũng là ngày gặp mặt truyền thống của các bà mẹ Công Giáo Giáo phận Kon Tum.

Sau hơn 2 năm không thể tổ chức do dịch bệnh covid-19, năm nay Ngày Hiền Mẫu được tổ chức trở lại tại 2 Miền Kon Tum và Gia Lai.

Xem Hình

Tại Kon Tum, nhà thờ giáo xứ Tân Hương là nơi được chọn để đón tiếp các hiền mẫu thuộc 3 Giáo hạt: Kon Tum, Đăk Hà và Đăk Mót qui tụ về gặp mặt, sinh hoạt và dâng thánh lễ mừng bổn mạng, vào Thứ Năm ngày 25/08/2022.

Công tác chuẩn bị cho ngày hội đã diễn ra khẩn trương, tích cực từ nhiều ngày trước với sự quan tâm của Đức Cha Giáo phận, dưới sự điều hành của quý cha phụ trách, quý cha trong ban tổ chức…và sự cộng tác nhiệt thành của ban điều hành hiền mẫu Miền Kon Tum cũng như hiền mẫu các Giáo hạt.

Sáng sớm ngày 25/08/2022 trời đổ mưa nặng hạt, nhưng đến 6 giờ thì cơn mưa bỗng dưng tạnh hẳn, báo hiệu phúc lành của Chúa ban xuống cho một ngày đầy ắp những sinh hoạt sống động và bổ ích. Thời điểm này cũng là lúc các mẹ lần lượt qui tụ về ngôi nhà thờ Tân Hương thân thương và cổ kính của Giáo phận. Dòng người ngày một đông dần đầy kín trong nhà thờ và cả chung quanh – dưới những mái vòm bằng bạt và dù che. Trong số đó có rất nhiều các mẹ đến từ các buôn làng giáo xứ sắc tộc. Một màn hình led khổ lớn lắp đặt bên ngoài trước tiền đường nhưng cũng không đủ cho tất cả mọi người.

Khi các mẹ chưa qui tụ đầy đủ và cũng chưa đến giờ khai mạc, nhưng một bầu khí sinh hoạt sôi động đã diễn ra với băng reo, cử điệu, hát.v.v. do các Sơ Dòng Đaminh Tam Hiệp và các Thầy hướng dẫn đồng hành.

Đúng 8 giờ 30, chương trình chính thức bắt đầu. Cha đặc trách Hiền Mẫu Miền Kon Tum Bênêđictô Nguyễn Văn Bình, tuy đang bị bệnh nhưng đã cố gắng đến khai mạc, cùng với cha Đaminh Trần Văn Vũ, thay mặt ngài tổ chức ngày họp mặt hôm nay.

Cha Đaminh đã giới thiệu những vị sẽ đồng hành, chia sẻ với các hiền mẫu qua những giờ thuyết trình, cầu nguyện, sinh hoạt.v.v., gồm: Sơ Maria Nguyễn Thị Hồng Quế, Sơ Maria Nguyễn Thị Ánh Hồng, Sơ Maria Nguyễn Thị Kiều Tú (thuộc Hội Dòng Đaminh Tam Hiệp); và 2 Thầy: Anrê Nguyễn Nhật Trường và Giuse Nguyễn Văn Giang.

Nhân dịp này cũng giới thiệu thành phần Ban Điều Hành Hiền Mẫu của Miền Miền Kon Tum và của 3 Giáo hạt.

Cha Bênêđitô chủ sự kinh khai mạc với kinh Chúa Thánh Thần, lời cầu nguyện và tuyên bố khai mạc Ngày Hiền Mẫu Miền Kon Tum với chủ đề: “Mônica lan tỏa Tin Mừng trong gia đình”, với khoảng 4.700 các bà mẹ Công Giáo đang hiện diện, đến từ 41 giáo xứ.

Buổi sáng, các hiền mẫu được chia sẻ về 2 đề tài:

+Sr Maria Hồng Quế chia sẻ đề tài: “Mônica lan tỏa Tin Mừng từ trong gia đình”. Sơ đã làm sống động lại niềm vui được làm con Chúa của người tín hữu, và giúp mọi người dừng chân nhớ lại những gương sáng trong cuộc đời của thánh Mônica để đem Tin Mừng vào trong gia đình, qua: 1. Cầu nguyện, 2. Hy sinh chịu đựng, và 3. Niềm tin son sắt vào Chúa.

+Sau ít phút giải lao và sinh hoạt tập thể, các tham dự viên bước vào phần tiếp theo: “Mônica kết nối yêu thương”, do Sơ Maria Ánh Hồng chia sẻ. Như Mônica, chúng ta được mời gọi kết nối yêu thương: 1. Kết nối với Thiên Chúa (qua cầu nguyện), 2. Kết nối với gia đình (cha mẹ nội ngoại, chồng, con…), và 3. Kết nối với tha nhân.

Xen kẽ phần thuyết trình là những câu chuyện kể, phút cầu nguyện hoặc sinh hoạt với náo hoạt viên chính là các nữ tu và các thầy.

Mọi người nghỉ giải lao và dùng cơm trưa. Dù con số tham dự viên vượt tính toán của BTC, nhưng chị em vui vẻ chung chia nhau từng hộp cơm trong tình gắn kết, thân ái.

Trở lại trong giờ giao lưu, các hiền mẫu hân hạnh và vui mừng được ca sĩ Dương Quyết Thắng góp mặt với các ca khúc và chia sẻ về mẹ. Ca sĩ Dương Quyết Thắng bị khuyết tật mất cả 2 cánh tay, nhưng với nghị lực vươn lên không ngừng, nhờ người mẹ đạo đức, tần tảo, yêu thương luôn là tấm gương sáng – như lời anh tâm sự, đã giúp anh vượt qua nghịch cảnh và có được như ngày hôm nay.

Tiếp tục chương trình trong buổi chiều, mọi người được mời gọi bước vào những phút hồi tâm, lắng đọng. Nhìn vào gương thánh Mônica và nhìn thật sâu vào hồn mình, gia đình mình để hồi tâm: yêu thương tha thứ, và tha thiết cầu xin Chúa ban ơn bình an cho gia đình, cho bản thân.

Với tâm tình hướng vào nội tâm sâu lắng đó, toàn thể cộng đoàn chuẩn bị bước vào thánh lễ tạ ơn mừng kính thánh Mônica, bổn mạng các hiền mẫu.

Thánh lễ được cử hành lúc 15 giờ 30, do Đức Cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị, Giám mục Giáo phận Kon Tum chủ tế. Cùng đồng tế có cha Giuse Đỗ Hiệu, Tổng đại diện đồng thời chính xứ Tân Hương; cha Đaminh Trần Văn Vũ, trưởng BTC ngày Hiền Mẫu, cha quản hạt Kon Tum và một số cha trong Giáo phận.

Trước khi bước vào thánh lễ, đại diện ban điều hành Hiền Mẫu Miền Kon Tum đã có lời chào mừng, cảm ơn và tặng hoa Đức Cha Giáo phận và quý cha. Cô Maria Lê Thị Hồng Hạnh, trưởng đại diện hiền mẫu Miền Kon Tum đã nói lên tâm tình cảm ơn Đức Cha, cha Tổng đại diện cũng là cha xứ Tân Hương, cha phụ trách Hiền Mẫu, cha Đaminh Trần Văn Vũ, quý cha đồng tế; cảm ơn quý Sơ Đaminh Tam Hiệp, quý Thầy đồng hành; cha chính xứ Phương Nghĩa, quý Chức việc, Người cha Công Giáo 2 giáo xứ Tân Hương và Phương Nghĩa, các ban ngành đoàn thể thuộc giáo phận hay giáo xứ đã giúp đỡ, cộng tác cách này cách khác cho Ngày Hiền Mẫu được diễn ra tốt đẹp.

Mở đầu thánh lễ, Đức Cha tỏ ý vui mừng vì sau một thời gian mọi hoạt động bị đình trệ do dịch bệnh, hôm nay đông đảo các hiền mẫu qui tụ về đây và được trải qua một chương trình sinh hoạt rất sôi động và vui vẻ. Đức Cha mời gọi tất cả cộng đoàn cùng tạ ơn Thiên Chúa vì những ơn lành Chúa ban cho chúng ta, trong đó có yếu tố thời tiết khá thuận lợi; và ngày hôm nay các mẹ, các chị em đã lĩnh hội được nhiều điều đáng suy nghĩ trong cuộc sống.

Trong phần chia sẻ Lời Chúa, Đức Cha nhấn mạnh trong những buổi sinh hoạt qui tụ đông đảo như thế này, thường cao điểm là Thánh lễ. Qua Thánh lễ, chúng ta gặp gỡ Chúa để ca khen, chúc tụng, cảm tạ Chúa và để cầu nguyện cùng Chúa cho những nhu cầu cần thiết. Qua Thánh lễ chúng ta còn gặp gỡ nhau, đem lại niềm vui cho nhau, liên kết với nhau trong đời sống đạo. Khi tham dự Thánh lễ, người tín hữu tham dự bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể để được nuôi dưỡng phần hồn phần xác.

Dựa vào bài đọc Cựu ước và bài Tin Mừng, đều đề cập đến người phụ nữ, Đức Cha tiếp tục chia sẻ: Sách Huấn ca ca tụng người phụ nữ kiểu mẫu với những đức tính tốt trong đời sống gia đình; Bài Tin Mừng thuật chuyện bà góa thành Na-in đang trên đường đi chôn cất con trai duy nhất của mình…Cả hai mẫu người phụ nữ này đều có hình ảnh của thánh nữ Mônica trong đó. Mônica là một người vợ, người mẹ đức hạnh, đảm đang nhưng vô cùng đau khổ. Tuy nhiên, thánh nhân đã vượt qua tất cả vì kiên nhẫn và tuyệt đối tin tưởng vào Chúa. Cuộc đời thánh nhân là gương mẫu cho các bà mẹ trong các gia đình.

Thánh lễ diễn ra trong bầu khí trang nghiêm, sốt sắng.

Cơn mưa nhẹ đã bắt đầu rơi từ lúc mới bước vào thánh lễ, nhưng đó chỉ là cơn mưa mùa Tây Nguyên, làm trời thêm mát mà lòng người thêm sốt mến, và nó cũng kịp ngưng lại khi thánh lễ vừa kết thúc. Thật là hồng ân tiếp nối hồng ân!

Đức Cha chụp hình lưu niệm với quý cha, quý Sơ, quý thầy và Ban điều hành Hiền Mẫu Miền Kon Tum. Mọi người ra về mang theo biết bao điều đã lãnh nhận trong suốt ngày vừa qua, rất là gần gũi, rất là thiết thực cho đời sống của người Hiền Mẫu trong gia đình và trong xã hội hôm nay.

Minh Sơn

Hình ảnh: BTTGPKonTum

WGPKT(26/08/2022) KONTUM
 
Thông Báo
Bà cô Martha Nguyễn Thị Liên thân mẫu LM Trương Đình Hiến qua đời
Vietcatholic
13:35 27/08/2022
VietCatholic trân trọng thông báo:

Bà cố MARTHA NGUYỄN THỊ LIÊM

Thân mẫu của Cha Giuse Trương Đình Hiền, Tổng Đại Diện Giáo phận Qui Nhơn.
Cộng tác viên thường trực của Việtcatholic từ năm 2000
Cha Phaolô Trương Đình Tu, Chánh xứ giáo xứ Qui Hòa.
Cha Tôma Trương Đình Sơn (C.Ss.R), thuộc Dòng Chúa Cứu Thế.
Cha Gioan Baotixita Trương Đình Hà, Giáo phận Bà Rịa.
Nữ Tu Agata Trương Thị Minh Đức, Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn.
- Qua đời vào lúc 18:45 Thứ Tư, ngày 24.08.2022
- Tại gia đình, ấp Hưng Long, xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai

Bà cố MARTHA NGUYỄN THỊ LIÊM

- Sinh 04.08.1921 (Tân Dậu)
- Nguyên quán xã Phổ Văn, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, giáo phận Qui Nhơn.
- Hiện đang ở tại ấp Hưng Long, xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, thuộc giáo xứ Thanh Bình, Giáo phận Xuân Lộc

Chương trình An Táng:

- Nghi thức tẫn liệm: 20:00, Thứ Năm, ngày 25.08.2022
- Thánh lễ an táng: 9:00, Thứ Bảy, ngày 27.08.2022 : tại nhà thờ giáo xứ Thanh Bình, Giáo phận Xuân Lộc, ấp Hưng Long, xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai
- An táng tại nghĩa trang giáo xứ Thanh Bình

Xin hiệp ý cầu nguyện cho linh hồn MARTHA được hưởng nhan thánh Chúa.

Thành kính phân ưu

LM Văn Chi
và toàn ban biên tập Việtcatholic
 
VietCatholic TV
Đại tang nước Nga: Bộ Tư Lệnh Dù trúng HIMARS, hơn 200 lính tử trận. Tiệp tịch thu ngân hàng Nga
VietCatholic Media
03:38 27/08/2022


1. Bộ Tư Lệnh Lữ Đoàn Dù Nga bị tấn công, hơn hai trăm lính Dù Nga tử trận

Sáng sớm ngày thứ Sáu 26 tháng 8, quân Ukraine đã bắn cường tập vào một khách sạn được dùng làm Bộ Tư Lệnh Lữ Đoàn Dù Nga ở Kadiivka trong vùng Luhansk.

Thống đốc vùng Luhansk, là ông Serhii Haidai, tuyên bố 200 lính dù Nga thiệt mạng trong cuộc tấn công vào khách sạn Donbas. Theo lời ông, những người thiệt mạng thuộc một đơn vị Nhảy dù tinh nhuệ của Nga.

Truyền thông Nga cho rằng Ukraine đã bắn đến 10 hỏa tiễn HIMARS vào sáng sớm ngày thứ Sáu trong khi khách sạn này đầy ắp các lính Dù Nga.

Theo các quan sát viên, chiến thuật của Nga có thể giúp họ chiếm được các vùng lãnh thổ nhưng lại khiến họ gặp khó khăn trong việc giữ được các lãnh thổ ấy. Quân Nga thường pháo kích tan nát các thị trấn trước khi mở cuộc tấn công. Hậu quả là trong các thị trấn đó không còn bao nhiêu chỗ có thể ở được. Chiến tranh hiện đại có một vũ khí khác với một thập kỷ trước là sự hiện diện của các máy bay không người lái. Người Ukraine có thể dùng các máy bay không người lái để trinh sát chỗ ở của quân Nga và pháo kích vào đó.

Các vụ nổ đã làm rung chuyển thành phố Kadiivka do Nga chiếm đóng ở Luhansk, miền đông Ukraine, vào sáng sớm thứ Sáu.

Những hình ảnh được Euromaidan Press chia sẻ cho thấy đống đổ nát âm ỉ của một khách sạn đang được lực lượng của Putin sử dụng làm doanh trại và trụ sở.

Theo các nguồn tin Ukraine, gần 46.000 binh sĩ Nga được cho là đã thiệt mạng kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột, mặc dù Nga phản đối những con số này.

Sự tiến bộ của Nga phần lớn đã bị đình trệ, nhưng quân của Putin vẫn kiểm soát một số lãnh thổ dọc theo bờ biển Hắc Hải và Biển Azov của Ukraine.

Giao tranh vẫn tiếp diễn ở các tỉnh miền đông Donetsk và Luhansk, được gọi chung là Donbas.

Diễn biến này xảy ra khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cảnh báo Âu Châu đã suýt rơi vào thảm họa hạt nhân sau khi một nhà máy hạt nhân bị Nga loại bỏ khỏi lưới điện.

Zelenskiy cho biết thảm họa kiểu Chernobyl đã được ngăn chặn trong gang tấc sau khi lực lượng của Vladimir Putin pháo kích gây ra hỏa hoạn khiến nguồn cung cấp điện của nhà máy bị ngắt.

Hỏa hoạn làm hư hỏng đường dây điện khiến hai lò phản ứng cuối cùng tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia bị mất điện không thể làm mát các lò phản ứng nhưng các nhân viên đã nhanh chóng kích hoạt máy phát điện chạy dầu diesel.

“Nga đã đặt Ukraine và tất cả người dân Âu Châu vào tình thế chỉ còn một bước nữa là có thể xảy ra thảm họa phóng xạ”, Tổng thống Zelenskiy cho biết trong bài phát biểu hàng đêm.

“Nếu nhân viên của chúng tôi không phản ứng kịp sau khi mất điện, thì chúng ta đã buộc phải đối diện với những hậu quả thê thảm của một tai nạn phóng xạ.”

Công ty hạt nhân nhà nước Ukraine Energoatom cho biết một lò phản ứng tại nhà máy hiện đã được kết nối lại với lưới điện Ukraine và một lần nữa cung cấp điện cho đất nước.

Quân đội Nga vẫn đóng quân tại Zaporizhzhia, chỉ cách các lò phản ứng hạt nhân của nhà máy vài mét.

Các bức ảnh do Bộ Quốc phòng Anh chia sẻ cho thấy các thiết giáp và xe tải chở hàng quân sự của Nga chỉ cách các lò phản ứng ở Zaporizhzhia, miền nam Ukraine 60 m.

“Vào ngày 21 tháng 8 năm 2022, hình ảnh cho thấy Nga duy trì sự hiện diện quân sự tăng cường tại địa điểm nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, với các thiết giáp được triển khai cách lò phản ứng số 5 trong vòng 60 mét,” Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh cho biết.

“Quân đội Nga có thể đã cố gắng che giấu các phương tiện bằng cách đậu chúng dưới các đường ống và giàn khoan trên cao.”

“Nga có lẽ đã chuẩn bị để khai thác bất kỳ hoạt động quân sự nào của Ukraine gần Zaporizhzhia cho các mục đích tuyên truyền.

“Trong khi Nga duy trì sự chiếm đóng quân sự đối với nhà máy, các rủi ro chính đối với hoạt động của lò phản ứng có khả năng vẫn là gián đoạn hệ thống làm mát của lò phản ứng, hư hỏng nguồn cung cấp điện dự phòng hoặc những sai lầm do công nhân vận hành dưới áp lực.”

2. Báo cáo của NATO: Nga rút máy bay phản lực khỏi Crimea giữa các cuộc tấn công từ Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Withdrawing Jets From Crimea Amid Attacks From Ukraine – Report”, nghĩa là “Báo cáo của NATO: Nga rút máy bay phản lực khỏi Crimea giữa các cuộc tấn công từ Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Nga đang rút các máy bay chiến đấu khỏi Crimea sau nhiều cuộc tấn công được cho là do Ukraine thực hiện, theo báo cáo của NATO.

Cuộc chiến giữa Ukraine và Nga gần đây đã vượt qua mốc sáu tháng mà chưa có hồi kết rõ ràng.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Business Insider Đức đã được dịch sang tiếng Anh, Nga đã chuyển ít nhất 10 máy bay chiến đấu của họ từ Crimea trở lại Nga.

Business Insider Đức đã xem báo cáo bí mật của NATO nêu chi tiết tình hình.

Crimea, mà hầu hết các nước công nhận là thuộc Ukraine nhưng đã bị Nga chiếm đóng từ năm 2014, đã phải hứng chịu các cuộc tấn công trong những tuần gần đây. Ukraine đã ám chỉ rằng những điều này sẽ tiếp tục mặc dù họ không chính thức nhận trách nhiệm về các vụ tấn công vừa qua.

Các cuộc tấn công bằng pháo binh và máy bay không người lái tầm xa nhắm vào các căn cứ không quân, trung tâm vận tải, kho hậu cần và trung tâm chỉ huy, đã khiến người Nga ở Crimea hoảng sợ và tạo niềm tin cho người Ukraine.

Vào ngày 9 tháng 8, căn cứ không quân Saky trên bờ biển phía tây của Crimea đã bị rung chuyển bởi ít nhất 12 vụ nổ, và một số vụ nổ đã được các du khách Nga gần đó ghi lại tại một khu nghỉ mát trên bãi biển. Sau cuộc tấn công, các hình ảnh vệ tinh cho thấy sự tàn phá trên diện rộng khắp căn cứ không quân.

Một số đoạn phim hài hước được Chính phủ Ukraine công bố khi họ khuyến cáo du khách Nga không nên đi nghỉ ở Crimea.

Theo các tài liệu của NATO, “Nga rất có thể sẽ phân tán lực lượng không quân của mình ở Crimea để ngăn chặn các cuộc tấn công tiếp theo của Ukraine.”

Báo cáo cho biết thêm rằng 10 máy bay phản lực được cho là đã được chuyển đến Nga bao gồm 6 máy bay chiến đấu SU-35S và 4 máy bay đánh chặn MiG-31BM.

Ước tính có khoảng 32 máy bay chiến đấu của Nga vẫn đóng tại đây, hầu hết trong số này là máy bay chiến đấu SU-27.

Đầu tuần này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tuyên bố sẽ giành lại Crimea từ tay lực lượng Nga.

Ông cũng nói rằng chiến tranh sẽ kết thúc với Crimea khi ông đã có một bài phát biểu lạc quan về cuộc chiến đang diễn ra.

Zelenskiy đã phát biểu kỳ họp thứ hai của Nền tảng Crimea vào hôm thứ Ba, đó là một cuộc họp trực tuyến của 60 quốc gia và tổ chức quốc tế.

Zelenskiy nói: “Ukraine đủ mạnh và đủ sức để nhìn ra viễn cảnh cho Crimea của Ukraine. “Chúng tôi sẽ mang lại tự do cho các công dân Ukraine ở Crimea, và chúng tôi sẽ khôi phục công lý cho tất cả những người phải chịu sự đàn áp và lạm dụng của quân xâm lược Nga Nga.”

“Tôi biết rằng Crimea của Ukraine, đang chờ chúng tôi trở về. Tôi muốn tất cả các bạn biết rằng chúng tôi sẽ trở lại. Chúng ta cần phải giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại sự xâm lược của Nga. Do đó, chúng ta cần giải phóng Crimea khỏi sự chiếm đóng”.

“Cuộc xâm lược bắt đầu với Crimea, nó sẽ kết thúc với Crimea,” Zelenskiy nói về cuộc chiến của Ukraine với Nga, trích lời nhà hoạt động Crimea Nariman Dzhelyal bị bỏ tù.

Newsweek đã liên hệ với NATO và Bộ Ngoại giao Nga để đưa ra bình luận.

3. Máy bay không người lái ong bắp cày đen là gì? Thử tìm hiểu máy bay không người lái siêu nhỏ tiên tiến được tặng cho Ukraine

Một loại máy bay không người lái siêu nhỏ ít bị chú ý vừa được Thủ tướng Anh Boris Johnson tặng cho Ukraine. Tờ Newsweek có bài tường thuật nhan đề “What Are Black Hornets? The Cutting-Edge Micro-Drones Donated to Ukraine”, nghĩa là “Máy bay không người lái ong bắp cày đen là gì? Máy bay không người lái siêu nhỏ tiên tiến được tặng cho Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã thông báo hôm thứ Tư trong chuyến thăm bất ngờ tới Ukraine rằng 850 máy bay không người lái siêu nhỏ Black Hornet, hay ong bắp cày đen có thể dễ dàng nằm gọn trong lòng bàn tay con người, sẽ được trao cho Ukraine khi nước này tiếp tục chiến đấu chống lại sự xâm lược của Nga.

Được thiết kế để do thám, máy bay không người lái siêu nhỏ đặc biệt hữu ích cho chiến đấu trong đô thị, nơi chúng có thể kiểm tra xem kẻ thù đang ở trong tòa nhà nào trước khi binh lính tiến lên.

Các máy bay không người lái đang được tặng như một phần của chương trình hợp tác giữa Vương quốc Anh và Na Uy, trong đó Na Uy đóng góp 9 triệu USD, theo Defense News.

Máy bay không người lái siêu nhỏ Black Hornet, giống như một chiếc trực thăng thu nhỏ bằng kích thước của một quả bóng tennis, có tầm bay tối đa khoảng 1,2 dặm và có thể bay trong 25 phút, đạt tốc độ tối đa 11 dặm một giờ. Chúng được trang bị ba camera có độ phân giải cao, có thể gửi cảnh quay trở lại trạm chỉ huy và được trang bị thiết bị nhìn ban đêm.

Máy bay không người lái được sản xuất tại Na Uy bởi công ty Teledyne FLIR có trụ sở tại Hoa Kỳ. Ban đầu chúng được thiết kế bởi công ty Prox Dynamics của Na Uy, sau đó đã được tiếp quản bởi công ty Mỹ.

Chúng được thiết kế để lặng lẽ đi vào các tòa nhà mà không bị những người bên trong nghe thấy, khiến chúng hoàn hảo cho việc trinh sát. Máy bay không người lái siêu nhỏ, vào thời điểm đó có giá khoảng 80.000 bảng Anh hay 94.274 USD một chiếc, được quân đội Anh sử dụng lần đầu tiên ở Afghanistan vào năm 2013.

Phát biểu với Daily Mail vào năm 2013, Thiếu tá Adam Foden cho biết: “Trước đây, chúng tôi đã cử binh sĩ tới trước để xem liệu có bất kỳ chiến binh nào của kẻ thù ẩn náu bên trong một tập hợp các tòa nhà hay không. Giờ đây, chúng tôi đang triển khai Black Hornet để xem xét bên trong và khai thông một tuyến đường xuyên qua các không gian do kẻ thù trấn giữ “.

David Hambling, tác giả của Swarm Troopers: Máy bay không người lái nhỏ sẽ chinh phục thế giới như thế nào, nói với The Telegraph rằng Black Hornets có một lịch sử hỗn hợp.

“Quân đội Anh đã bay chúng trong một số năm nhưng vì chúng đắt tiền và dễ vỡ (một số bị cho là bị thất lạc hay bị dẫm đạp) nên họ đã từ bỏ. Tuy nhiên, thế hệ hiện tại có thể tốt hơn”, Hambling nói.

“Điểm quan trọng là nó rất nhỏ và yên tĩnh, và do đó hữu ích hơn cho việc trinh sát cận cảnh hơn là các máy bay không người lái thương mại được sử dụng rộng rãi bởi các lực lượng Ukraine có thể nghe thấy từ một số khoảng cách. Black Hornet được cho là có thể xâm nhập vào các tòa nhà thông qua các ô cửa và cửa sổ mở, khiến nó trở thành một trinh sát hữu ích trong chiến đấu đô thị.”

Các lực lượng Ukraine đã sử dụng rộng rãi máy bay không người lái, cả quân sự và thương mại kể từ khi đất nước của họ bị Nga xâm lược vào tháng Hai.

Máy bay không người lái Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất đã được triển khai để tấn công các mục tiêu của Nga, đôi khi sâu đáng kể ở phía sau chiến tuyến, bằng bom và hỏa tiễn.

Nói với BBC Haluk và Selçuk Bayraktar, người điều hành công ty sản xuất Bayraktar TB2, cho biết họ ủng hộ Ukraine và sẽ không bán máy bay không người lái của mình cho Nga “bất kể chúng tôi được trả bao nhiêu tiền.”

4. Tòa án Praha tuyên bố phá sản công ty con của ngân hàng Nga Sberbank ở Tiệp

Tòa án thành phố Praha đã tuyên bố Sberbank CZ, một công ty con của Ngân hàng Sberbank của Nga, phá sản.

Điều này đã được đưa tin bởi Đài phát thanh quốc tế Praha.

Cuối tháng 7, Tòa án thành phố Praha đã đưa ra các thủ tục tố tụng trong vụ phá sản Sberbank CZ. Ngân hàng mất khả năng thanh toán và theo dữ liệu của tháng 6, ngân hàng có khoản nợ quá hạn hơn 61 tỷ kroner hay 2,3 triệu euros.

Báo cáo viết: “Trong thời gian phá sản, tài sản của con nợ được bán và số tiền thu được được phân phối cho các chủ nợ của anh ta”.

Vào ngày 6 tháng 10, tòa án sẽ tổ chức phiên điều trần thứ hai về vụ kiện của các chủ nợ. Cùng ngày, một cuộc họp chủ nợ sẽ được tổ chức, để chia các tài sản bị tịch thu của ngân hàng Nga.

Vào đầu tháng 5, Ngân hàng Quốc gia Tiệp, gọi tắt là CNB, đã thu hồi giấy phép hoạt động trong ngành ngân hàng của Sberbank CZ, sau đó Tòa án thành phố Praha đã tiến hành các biện pháp thích hợp để thanh lý ngân hàng này.

Ngân hàng Trung ương Ukraine cũng đã thu hồi giấy phép phản ứng trước tình hình xấu đi của công ty con Sberbank do các thân chủ rút khẩn cấp số tiền của họ sau khi Nga xâm lược Ukraine.

Như đã đưa tin, vào tháng 7, Liên minh Âu Châu đã gia hạn các biện pháp trừng phạt đối với Ngân hàng Sberbank của Nga như một phần của gói hạn chế kinh tế thứ bảy.

5. Lực lượng Ukraine bắn thủng mặt cầu Darivka để quân Nga không sử dụng được

Trong bản báo cáo sáng thứ Bẩy 27 tháng 8, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết cầu Darivka ở khu vực Kherson hiện không thể sử dụng được sau khi các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh Ukraine bắn thủng thêm một số đoạn trên mặt cầu.

“Các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ hỏa lực, bao gồm cả việc bảo đảm quyền kiểm soát Cầu Darivka.” Phát ngôn nhân Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine nói.

Phát ngôn nhân cũng nói thêm rằng một cặp máy bay cường kích Mi-8 của Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công hiệu quả vào các vị trí nhân lực, vũ khí và thiết bị của đối phương gần Vysokopillia.

27 binh sĩ Nga và một khẩu súng cối 120ly đã bị loại khỏi vòng chiến.

6. Công ty Energoatom cho biết nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đã kết nối lại với lưới điện, tạo ra điện cho Ukraine

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đã được kết nối lại với lưới điện của Ukraine và đang sản xuất điện cho đất nước.

Công ty Sản xuất Năng lượng Hạt nhân Energoatom của Ukraine cho biết như trên trong một tuyên bố hôm thứ Bẩy 27 tháng 8.

“Hôm qua, ngày 26 tháng 8 năm 2022, lúc 14:04, một trong những lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, đã ngừng hoạt động ngày hôm trước, đã được kết nối lại với lưới điện. Nó đang sản xuất điện cho Ukraine.”

“Các kỹ thuật viên hạt nhân của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia là những anh hùng thực sự! Họ bảo đảm không mệt mỏi và kiên quyết an toàn bức xạ và hạt nhân của Ukraine cũng như toàn bộ Âu Châu và làm việc quên mình để đất nước quê hương của họ có điện duy trì sự sống,” Energoatom nói.

Ngày 25/8, hỏa hoạn tại nhà máy nhiệt điện Zaporizhzhia đã khiến đường dây điện cuối cùng còn lại của nhà máy hạt nhân bị ngắt hai lần. Ba đường dây điện khác của nhà máy đã bị hư hại do hỏa lực của địch. Kết quả là hai lò phản ứng đang hoạt động của nhà máy đã bị ngắt khỏi điện lưới. Do đó, hành động của những kẻ xâm lược đã khiến nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia bị ngắt hoàn toàn khỏi lưới điện, lần đầu tiên trong lịch sử của nó.
 
Kitô Hữu Trung Quốc dồn dập tin buồn. Sau 465 năm, tổng giáo phận Goa của Ấn Độ có vị Hồng Y
VietCatholic Media
05:24 27/08/2022

1. Công an Trung Quốc đột kích các nhà thờ tại gia

Tổ chức nhân quyền International Christian Concern, gọi tắt là ICC, báo cáo rằng bọn cầm quyền Trung Quốc đã đột kích vào một số nhà thờ tư gia trên khắp đất nước và bắt giữ một số nhà lãnh đạo tôn giáo trong tuần qua.

Báo cáo cho biết trong số những người bị bắt vào ngày 17 tháng 8 có Mục sư Liên Trang Niên (Lian Chang-Nian, 连长年) và vợ ông là bà Quách Cửu Cúc (Guo Jiuju, 郭九菊)con trai ông là Mục sư Liên Húc Lương (Lian Xuliang, 梁旭良) và con dâu là Trương Quân (Zhang Jun, 张军) cùng với con trai 9 tuổi của họ.

Cũng bị bắt giữ còn có nhà truyền giáo Hình Phu Quyên (Xing Fu Juan, 邢傅娟) và em gái là nữ tu Hình Ái Biền (Xing Aiping, 邢爱平) từ Nhà thờ Tây An.

Các nhà chức trách buộc tội các thành viên nhà thờ “tụ tập bất hợp pháp”, trong một “địa điểm bất hợp pháp” và “thu tiền bất hợp pháp.”

Một thành viên nhà thờ chứng kiến vụ bắt giữ nói với ICC rằng Mục sư Liên Húc Lương bị đánh bể đầu máu me lai láng và bị thương ở cánh tay.

Bản báo cáo cho biết vợ của mục sư Liên Húc Lương, và nữ tu Hình Ái Biền sau đó đã được thả, nhưng Mục sư Liên Trang Niên và nhà truyền giáo Hình Phu Quyên được báo cáo là mất tích.

Vào ngày 19 tháng 8, một cuộc tập hợp gồm ít nhất 70 thành viên của Nhà thờ Giao Ước Mưa Sớm Mai ở tỉnh Sơn Tây cũng bị đột kích.

Vào ngày 21 tháng 8, nhà thờ Ánh Sáng ở Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm đã bị cảnh sát đột kích trong buổi thờ phượng bình thường vào ngày Chúa Nhật.

Bọn cầm quyền được tường trình đã bắt giữ Mục sư Trương Dũng (Zhang Yong, 张勇) và hai giáo dân.

Các Kitô hữu bị giam giữ sau đó đã được thả vào ngày 22 tháng 8 nhưng được yêu cầu báo cáo lại với cảnh sát vào cuối tuần này.

Các cuộc đột kích diễn ra một tuần sau khi các thành viên của Nhà thờ Giao Ước Mưa Sớm Mai có trụ sở tại Thành Đô và Bắc Kinh bị bắt trong một buổi lễ vào Chúa Nhật.

Nhận định về các cuộc bắt bớ này, Giám Mục Giuse Lý Sơn, vừa được bầu làm chủ tịch Hội Công Giáo Yêu Nước Trung Quốc nói: “Các giới hữu trách Công Giáo cần phải phục tùng chế độ; người ta phải lắng nghe đảng.”

Gina Goh, giám đốc khu vực Đông Nam Á của ICC, cho biết chính phủ Trung Quốc “lo sợ về nhiều thứ; đặc biệt họ lo sợ những người có niềm tin tôn giáo.”

“ Họ muốn bảo đảm công dân Trung Quốc trung thành với hệ tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc và không có gì khác,” cô nói và nói thêm rằng nó được chuyển dịch thành đàn áp Giáo Hội, “trại cải tạo” cho người Duy Ngô Nhĩ, và phá dỡ các bức tượng Phật giáo, cũng như bổ nhiệm các giáo sĩ thờ hai ba chủ.
Source:Licas

2. Ủy ban Công lý và Hòa bình của các giám mục tại Thánh địa kêu gọi Israel tôn trọng quyền của dân Palestine có nước dùng.

Trong thông cáo công bố hôm 18 tháng Tám vừa qua, Ủy ban Công lý Hòa bình tố giác rằng trong khi người Israel được nước dùng 24 trên 24 tiếng đồng hồ, thì người Palestine phải đương đầu với tình trạng thiếu nước, nhất là trong những tháng mùa hè.

Israel kiểm soát ngặt nghèo các nguồn nước ở Palestine và không thăng tiến và bảo trì các cơ cấu hạ tầng về việc cung cấp nước. Tình trạng này đưa tới sự thiếu nước, suy giảm chất lượng nước dùng cho người Palestine. Hàng chục cộng đoàn bị nhà cầm quyền Israel cấm cản, không được nối với các hệ thống cung cấp nước, và những người làm nghề nông bị thương tổn nặng nề. Họ buộc lòng phải mua nước của tư nhân với giá cao. Vì nhiều nông dân không thể mua được nên họ phải từ bỏ đất canh tác.

Ủy ban Giám mục Công lý và Hòa bình tố cáo Israel cổ võ chính sách định cư của người Israel trên lãnh thổ của Palestine bằng cách coi rẻ quyền của dân Palestine tại các lãnh thổ này được nước dùng đầy đủ và trong lành. Đất canh tác bị bỏ hoang vì thiếu nước, và do đó có thể bị Israel trưng thu. Ngoài ra, quân đội và những người Israel định cư trên đất Palestine phá hủy các bồn chứa nước, khiến cho dân chúng Palestine phải di tản, nhất là đi ra khỏi những vùng mà Israel muốn định cư sau đó.

Thông cáo của các giám mục nói rằng: Israel cần đáp ứng nhu cầu cơ bản về nước và để cho dân cư Palestine thiết lập các bồn chứa nước và sửa chữa những bồn chứa đã bị phá hủy để hứng và chứa nước mưa và nước đã mua”.

3. Sau 465 năm, tổng giáo phận Goa của Ấn Độ có vị Hồng Y đầu tiên

Đức Tổng Giám Mục Filipe Neri António Sebastião do Rosário Ferrão là tổng giám mục đầu tiên trong lịch sử của tổng giáo phận Goa và Daman được nâng lên hàng Hồng Y. Việc đề cử này càng có ý nghĩa hơn vì tổng giáo phận Goa, được thành lập vào năm 1557, là ngôi nhà mà từ đó đức tin Kitô đã lan tỏa ở Ấn Độ và rộng rãi hơn trên lục địa Á Châu.

Chính tại Goa, một tiểu bang trên bờ biển phía tây nam của Ấn Độ trên biển Ả Rập, nhà truyền giáo Dòng Tên là Thánh Phanxicô Xaviê sinh năm 1506 và qua đời năm 1552 đã lên đường xuống tàu và tại đó, hài cốt của nhà truyền giáo vĩ đại của Ấn Độ và Nhật Bản này nằm lại trong Vương cung thánh đường Bom Jesus. Hôm nay, 465 năm sau khi giáo phận được thành lập dưới thời thuộc địa của Bồ Đào Nha, Goa sẽ kỷ niệm “Hoàng tử của Giáo hội” đầu tiên của tổng giáo phận. “Đó chắc chắn là một tin tuyệt vời vì Tổng Giáo phận của chúng tôi là một trong những nơi lâu đời nhất ở miền Đông,” cha Aleixo Menezes, hiệu trưởng của Chủng viện Rachol của tổng giáo phận, nói với Catholic Herald.

Đối với nhà viết kịch Công Giáo người Ấn Độ Agnelo Fernandes, được phỏng vấn bởi cùng hãng tin Catholic Herald., vị Hồng Y tương lai “được biết đến và rất dễ tiếp cận với dân Chúa”. Vị Tân Hồng Y, người được tiếng là kín đáo, đã không đưa ra bất kỳ tuyên bố công khai nào về việc được tấn phong Hồng Y

Đức Tổng Giám Mục Filipe Neri António Sebastião do Rosário Ferrão, 69 tuổi, sinh ngày 20 tháng 1 năm 1953 tại Aldona, thuộc Tổng giáo phận Goa. Sau khi học thần học, ngài được thụ phong linh mục vào ngày 28 tháng 10 năm 1979, ở tuổi 26. Sau đó, ngài theo học về thần học Kinh thánh tại Đại học Urbanô của Rôma, và dạy giáo lý và mục vụ tại Trung tâm Quốc tế Lumen Vitae của Đại học Công Giáo Louvain, Bỉ.

Ngày 20 tháng 12 năm 1993, Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Giám Mục Phụ Tá của Goa và Daman. Ngài được tấn phong giám mục vào ngày 10 tháng 4 năm 1994 tại giáo phận quê hương, chọn phương châm giám mục của mình là “Xin cho họ nên một” (Giăng 17:21). Ở cấp độ Hội đồng Giám mục Ấn Độ về Nghi thức Latinh, ngài đã làm chủ tịch Ủy ban Giáo dân và tham gia vào các vấn đề công lý và phát triển. Ngài cũng là thành viên của nhóm phụ trách chuyến viếng thăm tông tòa do Tòa Thánh yêu cầu tới các chủng viện và học viện đào tạo ở Ấn Độ trong hai năm 1998 và 1999.

Vào ngày 25 tháng 11 năm 2006, ngài được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI bổ nhiệm làm Tổng giám mục Goa và Daman, qua đó nhận được tước hiệu danh dự truyền thống là “Thượng phụ Đông Ấn” và Giáo chủ của Ấn Độ.

Đức Cha Filipe Neri Ferrão nói tiếng Konkani, là ngôn ngữ của hơn 2 triệu người ở bờ biển phía tây của bán đảo Ấn Độ, tiếng Anh, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Ý, tiếng Pháp và tiếng Đức.

Tại một đất nước có trên 80% dân theo Ấn Giáo, Đức Cha Filipe Neri Ferrão là mục tử của một trong số ít các ốc đảo của Công Giáo. Một phần tư số người ở Goa được rửa tội. Trong những năm qua, vị giám mục đã tạo nên tên tuổi của mình trong một số trường hợp bằng cách tố cáo sự tham nhũng của các chính trị gia và bằng cách đưa ra hướng dẫn bỏ phiếu cho các công dân Công Giáo.
Source:Aleteia
 
Ukraine pháo kích nhân vật số 2 Kremlin và chủ tịch Duma Nga. Putin đốt cả 10 triệu USD gas một ngày
VietCatholic Media
15:26 27/08/2022


1. Truyền thông Nga cáo buộc Hoa Kỳ cung cấp tin tình báo sau khi nhân vật số hai của Điện Cẩm Linh suýt mất mạng vì cuộc tấn công dữ dội của Ukraine

Nhân vật số hai của Điện Cẩm Linh và chủ tịch Hạ Viện Nga được tường trình suýt chết trong hai cuộc tấn công riêng biệt diễn ra cách nhau 2 ngày.

Sergey Kiriyenko là cựu thủ tướng Nga, hiện là phó chánh văn phòng Điện Cẩm Linh và là bạn rất thân của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Hôm thứ Sáu 26 tháng 8, Kiriyenko đang trao phần thưởng cho các chiến binh thuộc Tiểu đoàn Somalia, một đơn vị quân đội của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng, gọi tắt là DPR, thì vụ pháo kích xảy ra khiến anh ta phải chạy trốn vào một boongke.

Hầu hết, các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, ngoại trừ Nga, coi DPR về mặt pháp lý vẫn là một phần của Ukraine chứ không phải là một quốc gia độc lập.

Syria trở thành quốc gia đầu tiên chính thức công nhận hai phần của Ukraine là các nước cộng hòa độc lập. Bắc Hàn là quốc gia tiếp theo công nhận DPR.

Các cuộc pháo kích tiếp tục xảy ra sau khi Kiriyenko, 60 tuổi và lãnh đạo DPR Denis Pushilin, 41 tuổi, chạy vào boongke. Trong điều kiện không có nhiều đạn dược, cuộc tấn công sử dụng đến ba hỏa tiễn đã khiến các phương tiện truyền thông Nga quả quyết Mỹ đã cung cấp các tin tình báo cho Ukraine về chuyến thăm của ông ta.

Nhân vật thứ hai của Điện Cẩm Linh đã được cho xem một mảnh đạn pháo từ ngọn lửa “khổng lồ”. “Nó vẫn còn nóng”, ông nói và nói thêm rằng cuộc tấn công bằng trọng pháo tự hành 152ly đang ở “ngay trước mắt chúng tôi”.

Pushilin cũng có mặt hai ngày trước đó khi một tay sai khác của Putin, chủ tịch Duma hay Hạ Viện Nga, Vyacheslav Volodin, sống sót “một cách thần kỳ” sau một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn HIMARS do Mỹ cung cấp. Hỏa tiễn đã bắn trúng một tòa nhà hành chính chỉ bảy phút sau khi chính trị gia hàng đầu của Mạc Tư Khoa kết thúc bài phát biểu của mình.

Cả Kiriyenko và Volodin đều được tường trình có thể sẽ là người kế vị Putin trong tương lai.

Vào tháng trước, Kiriyenko cũng đã bị nhắm đến trong chuyến thăm đến Nova Kakhovka ở vùng Kherson bị chiếm đóng.

Kiriyenko từng giữ chức thủ tướng trong 5 tháng dưới thời cựu tổng thống Boris Yeltsin vào năm 1998 và sau đó là người đứng đầu Rosatom, tập đoàn năng lượng hạt nhân nhà nước của Nga.

Putin hiện đang sử dụng ông ta để thiết lập các cơ quan hành chính của Nga tại các vùng lãnh thổ bị xâm lược của Ukraine, tuy nhiên, sự chống trả phối hợp từ các lực lượng của Kyiv đang khiến nhiệm vụ này trở nên khó khăn và nguy hiểm.

Sergey Kiriyenko có cha là người Nga và mẹ là người Ukraine. Người cha đã bỏ rơi hai mẹ con vì thế ông lấy họ Sergey là họ mẹ.

2. Sự tàn bạo của Putin: Thay vì chuyển khí đốt cho Đức, Putin ra lệnh đốt bỏ cả 10 triệu USD một ngày

Trong một diễn biến cho thấy sự tàn bạo của Vladimir Putin, người ta đã chứng kiến cảnh người Nga mỗi ngày đốt bỏ một lượng khí đốt trị giá hàng chục triệu Mỹ Kim, thay vì bán cho người Đức. Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Burning Off Natural Gas Which Would Have Gone to Germany – Report”, nghĩa là “Báo cáo cho thấy người Nga đang đốt bỏ khí đốt tự nhiên mà lẽ ra sẽ đưa đến Đức”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Theo phân tích, Nga đang đốt cháy một lượng đáng kể khí đốt tự nhiên trị giá hàng triệu đô la hàng ngày, mà lẽ ra sẽ đến Đức thông qua đường ống Nord Stream 1.

Các chuyên gia tại Rystad Energy có trụ sở tại Na Uy đã phát hiện ra rằng một cơ sở khí đốt tự nhiên hóa lỏng, gọi tắt là LNG, mới ở phía tây bắc St.Petersburg, gần biên giới của Nga với Phần Lan, đang đốt lượng khí đốt ước tính trị giá 10 triệu USD mỗi ngày, gây lãng phí và hủy hoại môi trường và làm giá năng lượng tăng vọt, BBC News đưa tin.

Nhà máy LNG nằm gần một trạm nén ở đầu đường ống Nord Stream 1, vận chuyển khí đốt đến Đức dưới biển thông qua đường ống Biển Baltic. Gazprom, tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga, đã tuyên bố vào tháng 7 rằng họ sẽ giảm các chuyến hàng khí đốt tự nhiên qua đường ống xuống 20% công suất.

Quyết định đó được đưa ra sau các lệnh trừng phạt của Liên minh Âu Châu đối với cuộc chiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin chống lại Ukraine, mặc dù Mạc Tư Khoa đã nhấn mạnh động thái này chỉ là vì có các vấn đề kỹ thuật. Đức cho biết động thái này có động cơ chính trị và nhằm tăng chi phí năng lượng.

Các chuyên gia Rystad Energy cho biết việc giám sát vệ tinh về mức nhiệt bức xạ tại nhà máy LNG cho thấy hoạt động đốt khí tự nhiên đã diễn ra kể từ ngày 11/7 và 4,34 triệu mét khối khí đang được đốt mỗi ngày.

Các công dân Phần Lan qua biên giới lần đầu tiên nhận thấy điều gì đó đang diễn ra tại cơ sở khi họ nhìn thấy một ngọn lửa lớn ở đường chân trời vào đầu mùa hè này, theo BBC News.

Các chuyên gia cho biết, mặc dù đốt gas là một thực tế phổ biến tại các nhà máy chế biến, nhưng quy mô đốt gas tại nhà máy LNG là chưa từng có. Đốt gas thường được thực hiện vì lý do kỹ thuật hoặc an toàn - nhưng không phải trên quy mô mà Rystad Energy nhìn thấy.

Tiến sĩ Jessica McCarty, một chuyên gia về dữ liệu vệ tinh từ Đại học Miami ở Ohio, nói với BBC News: “Tôi chưa bao giờ thấy một nhà máy LNG đốt gas nhiều như vậy. “Bắt đầu từ khoảng tháng 6, chúng tôi đã thấy đỉnh núi khổng lồ này, và nó không biến mất. Nó vẫn ở mức rất cao bất thường.”

Miguel Berger, đại sứ của Đức tại Vương quốc Anh, nói với BBC rằng ông tin rằng Nga đang đốt cháy khí đốt tự nhiên vì họ không muốn bán cho Đức và không thể bán nó ở nơi khác.

Berger nói: “Họ không có nơi nào khác để bán khí đốt của mình, vì vậy họ phải đốt nó”.

Nga là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới và là nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai trên thế giới sau Ả Rập Xê-út. Trước khi Nga xâm lược Ukraine, Nga đã cung cấp 40% lượng khí đốt được sử dụng ở Âu Châu.

Newsweek đã liên hệ với Gazprom để bình luận.

3. Nga răn đe các nước Âu Châu bằng cách phát hành video cho thấy cuộc tập trận của hải quân ở Bắc Cực

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Releases Video Showing Naval Exercise in the Arctic”, nghĩa là “ Nga phát hành video cho thấy cuộc tập trận của hải quân ở Bắc Cực”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Đoạn phim này cho thấy tàu tuần dương Nga, Pyotr Velikiy, bắn một hỏa tiễn hành trình ở Biển Bắc Cực để thể hiện sức mạnh quân sự. Newsweek có được đoạn video từ Bộ Quốc phòng Liên bang Nga vào ngày 24/8.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết: “Là một phần của cuộc tập trận theo kế hoạch với một nhóm các lực lượng tấn công đa dạng của Hạm đội phương Bắc diễn ra trên vùng biển Barents, kỳ hạm của Hạm đội phương Bắc - tàu tuần dương hỏa tiễn hạt nhân hạng nặng Pyotr Velikiy, gọi tắt là TARKR —đã phóng một hỏa tiễn hành trình Granit vào một vị trí mục tiêu trong quần đảo Novaya Zemlya.

“Theo dữ liệu kiểm soát khách quan, mục tiêu huấn luyện hàng hải đã trúng đích thành công ở khoảng cách hơn 124 dặm”.

“Hơn nữa, là một phần của cuộc tập trận bảo vệ thông tin liên lạc trên biển ở Bắc Cực, thủy thủ đoàn của tàu tuần dương đã thực hành tác chiến pháo binh hải quân với một tàu giả của đối phương. Cuộc bắn súng được thực hiện bởi kíp chiến đấu của một khẩu đội cỡ nòng phổ thông – cụ thể là một bệ pháo AK-130, 130 ly.

“Trước đó, tàu Pyotr Velikiy TARKR phối hợp với tàu khu trục Đô đốc Ushakov đã tiến hành bắn thực tế hỏa tiễn phòng không và pháo binh vào các mục tiêu trên không. Khu vực biển Barents, nơi tiến hành bắn hỏa tiễn, đã bị đóng cửa trước đối với các chuyến bay hàng không và hàng hải dân dụng”.

Pyotr Velikiy (có nghĩa là Peter Đại đế) được thiết kế bởi Phòng thiết kế Severnoye và được đóng tại Nhà máy đóng tàu Baltic ở Saint Petersburg. Nó được đặt đóng vào năm 1986 và ra mắt một thập kỷ sau đó.

Đoạn phim được đưa ra ngay sau khi cuộc xâm lược Ukraine của Nga vượt qua mốc 6 tháng.

Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 trong cái mà Điện Cẩm Linh vẫn gọi là “một chiến dịch quân sự đặc biệt”. Hôm thứ Sáu đánh dấu ngày thứ 184 của cuộc chiến.

Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine báo cáo rằng từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 26 tháng 8, Nga đã mất khoảng 46.250 binh sĩ, 1.936 xe tăng, 4.251 xe chiến đấu bọc thép, 1.040 đơn vị pháo binh, 272 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 148 hệ thống phòng không, 234 máy bay chiến đấu., 202 máy bay trực thăng, 834 máy bay không người lái, 196 hỏa tiễn hành trình, 15 tàu chiến, 3.162 phương tiện cơ giới và tàu chở nhiên liệu, cùng 99 đơn vị thiết bị đặc biệt.

Nga cho biết thương vong của họ đã thấp hơn nhiều nhưng cung cấp thông tin cập nhật không thường xuyên về các số liệu mới nhất.

Theo công ty năng lượng hạt nhân Ukraine Energoatom, nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, lớn nhất Âu Châu, đã tạm thời bị ngắt kết nối với lưới điện quốc gia của Ukraine lần đầu tiên sau gần 40 năm hoạt động, do vụ pháo kích cắt đứt đường dây điện cuối cùng còn lại của nhà máy.

Herman Halushchenko, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine, cho biết cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc có thể đến nhà máy trong “những ngày tới”.

Tòa Bạch Ốc đã kêu gọi Nga chấp nhận một khu vực phi quân sự xung quanh nhà máy sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói chuyện hôm thứ Tư, Ngày Độc lập lần thứ 31 của Ukraine.

Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh tăng quy mô lực lượng vũ trang của Nga từ 1,9 triệu lên 2,04 triệu binh sĩ.

Latvia đã hạ gục một tháp pháo có từ thời Liên Xô ở thủ đô Riga của nước này trong bối cảnh bị Nga chỉ trích và có những phản đối từ người dân tộc thiểu số Nga ở Baltic. Tháp tưởng niệm cao gần 79m là trung tâm của đài kỷ niệm chiến thắng của Hồng quân trước Đức Quốc xã của trùm phát xít Adolf Hitler.

Hậu quả của việc Nga xâm lược Ukraine là Latvia đã ban hành một sắc lệnh quy định rằng tất cả các tượng đài tôn vinh chế độ độc tài toàn trị sẽ bị tiêu hủy trước ngày 15/11.

4. Các kho quân sự của Nga gần Melitopol bị tấn công

Những tiếng nổ đã được nghe thấy ở cộng đồng Novobohdanivka, Quận Melitopol, nơi quân chiếm đóng của Nga thiết lập căn cứ quân sự của họ.

Thị trưởng Melitopol, Ivan Fedorov đã cho biết như trên. Ông nói: “Một vụ nổ khác tại các kho của kẻ thù trong cộng đồng lãnh thổ thống nhất Novobohdanivka, Quận Melitopol vừa xảy ra. Cư dân địa phương đã nghe thấy một số tiếng nổ, và bây giờ khói bốc lên cao”.

Vài giờ sau thông báo này, Ivan Fedorov xác nhận một căn cứ khác của quân chiếm đóng Nga đã bị phá hủy.

5. Bộ trưởng Y tế Ukraine cho biết Ukraine đang tích trữ các thuốc cần thiết trong trường hợp tai nạn hạt nhân

Chính phủ đã mua một lượng thuốc cần thiết để bảo vệ tuyến giáp trong trường hợp xảy ra tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân.

Bộ trưởng Bộ Y tế Viktor Liashko đã đưa ra tuyên bố liên quan trong cuộc hội thảo quốc gia trong bối cảnh căng thẳng đang diễn ra xung quanh Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia, đã bị lực lượng xâm lược của Nga chiếm giữ kể từ ngày 4 tháng 3 năm 2022.

Các loại thuốc, được thiết kế để ngăn chặn iốt phóng xạ ảnh hưởng đến tuyến giáp, sẽ được cấp khi cần thiết. Liashko cho biết tất cả các cơ sở chăm sóc sức khỏe trong khu vực có khả năng bị ảnh hưởng đã được cung cấp thuốc nói trên.

Bộ trưởng cho biết thêm, các kho khu vực do Bộ Y tế điều hành cũng dự trữ đủ lượng thuốc này để kịp thời chuyển đến các cơ sở y tế, có tính đến hướng phát tán bụi phóng xạ nếu tai nạn xảy ra tại các cơ sở y tế gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Đồng thời, Liashko kêu gọi người dân Ukraine không mua thuốc chứa i-ốt ở các hiệu thuốc.

Bộ trưởng nhấn mạnh rằng: “Không cần thiết phải mua các loại thuốc có chứa i-ốt vì chúng tôi đã mua thuốc theo đúng liều lượng mà các nhà nghiên cứu của chúng tôi khuyến nghị. Một viên thuốc sẽ đủ cho giai đoạn đầu. Đó là tất cả. Nhưng hiện tại, nếu nó không được phân phát cho mọi người, đó chỉ là vì lý do không cần thiết phải làm như vậy, hoặc để bảo đảm rằng mọi người không lấy nó cho mục đích phòng ngừa, vì sợ hãi. Thuốc chữa bệnh không phải là đồ ngọt, chỉ nên dùng khi cần thiết, khi có chỉ định của bác sĩ “.

Theo báo cáo của Ukrinform, Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia, lớn nhất ở Âu Châu, đã bị quân đội Nga tấn công và chiếm giữ vào ngày 4 tháng 3. Kể từ đó, những kẻ xâm lược đã triển khai thiết bị quân sự và đạn dược trong khuôn viên của nhà máy, pháo kích vào khu vực xung quanh.

Liên minh Âu Châu đã lên án các hoạt động quân sự của Nga xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia và kêu gọi Liên bang Nga ngay lập tức giao lại quyền kiểm soát nhà máy này cho Ukraine.
 
Từ là người tị nạn, người Công Giáo Việt Nam làm nên một phần sôi động của Giáo hội Hoa Kỳ ngày nay
VietCatholic Media
18:00 27/08/2022


Từ cố gắng sống còn đến phát triển mạnh mẽ: Từ là người tị nạn, người Công Giáo Việt Nam làm nên một phần sôi động của Giáo hội Hoa Kỳ ngày nay

Tờ National Catholic Register của Công Giáo Hoa Kỳ vừa có bài viết rất hay về người Công Giáo Việt Nam có nhan đề “From Surviving to Thriving: Once Refugees, Vietnamese Catholics Make Up Vibrant Part of US Church Today”, nghĩa là “Từ cố gắng sống còn đến phát triển mạnh mẽ: Từ là người tị nạn, người Công Giáo Việt Nam làm nên một phần sôi động của Giáo hội Hoa Kỳ ngày nay”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Vài ngày trước khi quân đội Cộng sản chiếm được thủ đô Sài Gòn cũ của miền Nam Việt Nam vào tháng 4 năm 1975, cha mẹ của Cha Timothy Trần đã bỏ trốn bằng thuyền cùng với đứa em trai và em gái năm tuổi của ngài.

Động cơ trên chiếc thuyền nhỏ mà họ đi cùng nhiều người Việt Nam khác không hoạt động, và chỉ khi những người tị nạn trên biển, họ mới phát hiện ra chiếc thuyền nhỏ cũng bị rò rỉ, cha Trần, một linh mục của Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc, nói với tờ National Catholic Register.

Sau khi chống chỏi liên tục từ chiếc thuyền mong manh trong nhiều ngày, họ được một chiếc tàu của Hoa Kỳ đón họ đến trại tị nạn ở Phi Luật Tân - một bước trên hành trình đến Hoa Kỳ, nơi Cha Timothy, 46 tuổi, được sinh ra.

“Khi cha mẹ tôi ra đi, các ngài không biết mình sẽ đi đâu,” vị linh mục, là người quản lý các vấn đề liên quan đến công chúng sự vụ của nhà dòng và cũng phục vụ tại giáo phận Thánh Giuse của Kansas City cho biết. “Các ngài chỉ đơn giản là phóng ra ngoài đại dương và cầu nguyện và hy vọng các vị sẽ tìm thấy đất ở một đất nước khác, hoặc ai đó sẽ đến đón các ngài.”

Các thành viên gia đình của Cha Trần nằm trong số một triệu người rời Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) trong vòng hai năm sau khi thành phố bị sụp đổ, theo số liệu của nhà cầm quyền Việt Nam. Đến năm 1995, ba triệu người tị nạn đã rời khỏi Việt Nam, Lào và Campuchia, với hơn một triệu người cuối cùng tái định cư ở Hoa Kỳ, theo kênh Lịch sử.

Trong số hơn 2,1 triệu người Việt Nam hiện nay ở Mỹ, khoảng 700.000 người là người Công Giáo, theo Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Tông đồ, gọi tắt là CARA, tại Đại học Georgetown. Nhiều người có những câu chuyện tương tự về việc chịu đựng gian khổ với sự giúp đỡ của đức tin.

Nhiều thập kỷ sau, trong các gia đình và cộng đồng gắn bó trên khắp đất nước, người Công Giáo Việt Nam tiếp tục thực hành đức tin và sống văn hóa của họ, và cố gắng truyền lại đức tin cho những người con sinh ra ở Mỹ của họ.

Tôn vinh đức tin và văn hóa

Để có bằng chứng về sự sống động của Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, không cần tìm đâu xa hơn Carthage, Missouri, vào những ngày đầu tháng Tám. Hàng năm kể từ năm 1978, thị trấn nhỏ này là nơi diễn ra các Ngày Thánh Mẫu, thời điểm để những người Công Giáo người Mỹ gốc Việt đến với nhau để cử hành đức tin, gia đình và văn hóa. Hội dòng của Cha Timothy, được thành lập tại Việt Nam và có tu viện tỉnh dòng ở Carthage, tổ chức sự kiện thường niên.

Lễ hội kéo dài bốn ngày, nhằm củng cố đức tin của cộng đồng người Mỹ gốc Việt và giữ cho truyền thống độc đáo của họ tồn tại, thu hút tới 50.000 người từ khắp Hoa Kỳ và xa hơn nữa đến với khuôn viên tu viện rộng 28 mẫu Anh của Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc, nằm cách thành phố Kansas khoảng 140 dặm về phía nam.

Phản ánh lòng sùng kính mạnh mẽ của người Công Giáo Việt Nam đối với Mẹ Maria và Trái tim Vô nhiễm của Mẹ, lễ hội bao gồm một cuộc rước tượng Đức Mẹ được rước từ Fatima, Bồ Đào Nha, nơi Đức Mẹ hiện ra. Những người tham dự cầu nguyện, nghe các bài nói chuyện và phụ giúp trong các Thánh lễ do các giám mục và linh mục chủ tế. Phụ nữ và một số nam giới mặc áo dài truyền thống: áo dài xẻ ngang hông và mặc ngoài quần dài. Cha Timothy cho biết, các bài hát và điệu múa truyền thống và món ăn Việt Nam là một phần của lễ kỷ niệm, tạo cơ hội cho các gia đình và bạn bè sống ở các vùng khác nhau đến với nhau.

“Tôi nghĩ rằng một trong những điều mà chúng ta thường thấy trong Các Ngày Thánh Mẫu là mọi người đến chỉ để tạ ơn vì đã họ có được cơ hội đến đây một cách an toàn và hơn thế nữa còn có thể phát triển ở Hoa Kỳ,” ngài nói với tờ National Catholic Register.

Lòng sùng mộ ở Quận Cam

Một nơi khác mà người Công Giáo Việt Nam đến với nhau là Quận Cam thuộc vùng đô thị Los Angeles. Quận Cam có dân số người Mỹ gốc Việt lớn nhất tại Hoa Kỳ, bao gồm 85.000 người Công Giáo Việt Nam, theo Linh mục Vinh Sơn Phạm Ngọc Hùng, Giám đốc Trung tâm Công Giáo Việt Nam của Giáo phận Orange và là người liên lạc của Giám mục với cộng đồng Công Giáo Việt Nam.

Quận Cam là nơi có khu Little Saigon lớn nhất ở Hoa Kỳ, nơi có nhiều người Việt Nam sinh sống và kinh doanh trong một quận có khí hậu mà Cha Vinh Sơn mô tả là giống với khí hậu của Việt Nam. Vị linh mục của giáo phận này đã sống ở Quận Cam từ năm 1985, khi ngài di cư một mình từ Việt Nam ở tuổi 16.

Hai năm trước, Giáo phận Orange đã bắt đầu Ngày lễ Đức Mẹ của riêng mình để có một lễ hội gần nhà hơn, đặc biệt là cho những người cao tuổi, Cha Vinh Sơn, người chủ trì sự kiện cho biết. Lễ kỷ niệm của giáo phận tập trung xung quanh thánh địa Đức Mẹ La Vang gần Nhà thờ Chính tòa ở Garden Grove. Ngôi đền, trong đó có tượng Đức Mẹ cao 12 foot, là nơi thờ Đức Mẹ Maria hiện ra năm 1798 cho những người Công Giáo Việt Nam ẩn náu trong rừng để họ thực hành đức tin của mình trong thời gian bị bách hại.

Lễ hội kéo dài hai ngày của giáo phận có một cuộc rước và Thánh lễ chữa lành.

Truyền thống tụng kinh xuất phát từ người Việt theo đạo Phật, chiếm 43% dân số Việt Nam tại Hoa Kỳ, theo một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Pew. Người Công Giáo Việt Nam chia sẻ một số truyền thống với Phật tử, bao gồm cả việc đón mừng năm mới của người Việt Nam, hay Tết, thường diễn ra một tháng sau năm mới của phương Tây.

Bắt nguồn từ Chúa Kitô

Nhà thờ Công Giáo Việt Nam mà cha mẹ Liz Chi Pham tham dự khi cùng gia đình đến Minnesota năm 1977 là nguồn an ủi và sức mạnh để họ có thể thờ phượng bằng ngôn ngữ của mình.

Sinh ra ở Pennsylvania hai ngày sau khi cha mẹ cô đến Hoa Kỳ, cô lớn lên đôi khi cảm thấy không hoàn toàn là người Việt Nam hay người Mỹ. Nhóm trẻ tại giáo xứ của gia đình, St. Anne-St. Joseph Hien ở Minneapolis, đã ủng hộ cô cũng như cha mẹ cô.

“Việc thấm nhuần trong tôi rằng căn tính của tôi là trong Chúa đã giúp định hình tôi trở thành ai, và tôi chỉ cảm thấy thực sự may mắn vì tôi đã có nhóm thanh niên đó giúp định hướng tất cả những điều đó và hình dạng tôi ngày nay,” Liz Chi Pham nói với Register.

Hiện 46 tuổi và là một trong những trưởng nhóm thanh niên, cô giúp những người trẻ Công Giáo Việt Nam tìm thấy bản sắc của họ trong Chúa Kitô đồng thời kết nối với cộng đồng và văn hóa Việt Nam của họ. St. Anne-St. Giuse Hiền là một trong 140 giáo xứ của Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam tại Hoa Kỳ, một tổ chức phi lợi nhuận nhằm dạy thanh thiếu niên trở thành những Kitô hữu nhân đức, truyền giáo và phục vụ tha nhân.

Liz Chi Pham cho biết khoảng 250 thanh thiếu niên, từ tiểu học đến trung học, có mặt tại giáo xứ cho nhóm trẻ vào các tối thứ Bảy, bao gồm chầu Thánh Thể, hát các bài hát Việt Nam, và các bài học về Thánh Thể và dạy giáo lý. Cả tiếng Việt và tiếng Anh đều được sử dụng.

“Họ tìm thấy sự thống nhất với các đồng nghiệp khác, những người hiểu họ đang ở đâu trong toàn bộ bản sắc người Mỹ gốc Việt đó,” cô nói.

Giọng hát Việt

Liz Chi Pham lần đầu gặp Cha Tim Trần, khi vị linh mục tương lai của Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc đến với nhóm trẻ khi mới 7 tuổi, và không có quan hệ họ hàng trực tiếp.

Là một sinh viên đại học dự định trở thành một bác sĩ, anh ấy tiếp tục giữ vai trò trưởng nhóm. Liz Chi Pham nhìn thấy những năng khiếu của anh ấy và bắt đầu đề nghị anh ấy xem xét chức linh mục. Cuối cùng, Cha Tim nhận lời đề nghị và được truyền chức linh mục cho Tổng Giáo Phận St. Paul-Minneapolis vào năm 2020. Cùng với tầm quan trọng của gia đình, Cha Tim cho biết Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể Việt Nam mà ngài lớn lên là một “hạt giống cho các ơn gọi”.

Theo một cuộc khảo sát của CARA, người Công Giáo Việt Nam chỉ chiếm khoảng 1% dân số Hoa Kỳ nhưng chiếm đến 4% trong số người được phong chức linh mục trong năm 2022.

Cha Tim cho biết, nhiều linh mục Việt Nam tại Mỹ được sinh ra tại Việt Nam, nơi các ơn gọi đang nở rộ. Một tỷ lệ cao hơn cũng thuộc về các dòng tu nơi các linh mục nước ngoài có thể tìm thấy an toàn và được chào đón.

Linh mục Dòng Tên Quang Trần sinh ra ở New Orleans, và được thu hút vào Dòng Tên. Mặc dù không phải là yếu tố lớn nhất khiến ông gia nhập Dòng Tên, nhưng Cha Quang lưu ý rằng các thành viên của Dòng Tên là những người đầu tiên truyền giáo tại Việt Nam, và nhà truyền giáo Thánh Phanxicô Xaviê nói riêng rất được người Công Giáo Việt Nam sùng kính.

Khi cha Quang cử hành thánh lễ đầu tiên vào năm 2015, ngài có một người đồng tế đặc biệt - một người chú đã bị chính quyền Cộng sản từ chối truyền chức linh mục trong 20 năm sau khi chọn ở lại Việt Nam vào năm 1975. Trong suốt nhiều thập kỷ, quá trình đào tạo chủng viện của ngài bị gián đoạn. Chú của cha Quang đã từng làm giáo lý viên, tuồn bánh và rượu đựng trong chai xì dầu vào nhà tù nơi các linh mục bị giam giữ sẽ thánh hiến để ông mang đến các giáo xứ. Vị tổng giám mục anh hùng của người giáo lý viên này không ai khác chính là Đức Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận, người đã bị biệt giam 9 năm.

Trong bài giảng trong Thánh lễ đầu tiên của Cha Quang, chú của ngài và tân linh mục người Mỹ gốc Việt đều nói về “cách Chúa đưa chúng ta đến với tất cả những điều này và đưa chúng tôi đến điểm này,” lần lượt bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Cha Quang, 38 tuổi, lớn lên ở New Orleans East, một cộng đồng Công Giáo Việt Nam đang phát triển mạnh, tập trung quanh giáo xứ Đức Mẹ Maria, Nữ Vương Việt Nam. Cộng đồng người Việt ở New Orleans East phát triển sau khi Đức Tổng Giám Mục Philip Hannan, lãnh đạo Tổng Giáo phận New Orleans từ năm 1965 đến năm 1988, khuyến khích người tị nạn Việt Nam đến giáo phận của ngài. Cha Quang, người đang hoàn thành bằng tiến sĩ tâm lý học tại trường Cao đẳng Boston, lưu ý rằng lời mời của Đức Tổng Giám Mục Hannan hoàn toàn khác so với sự đón nhận của người tị nạn Việt Nam ở các vùng khác của Hoa Kỳ.

Trong khi nhiều người mới đến những nơi có đông người Việt sinh sống hơn như New Orleans East, Orange County, Houston, San Jose, và Dallas, những người tị nạn Việt Nam khác lại định cư trong các cộng đồng nhỏ hơn. Tại thành phố Bay, Texas, nơi Cha Timothy của Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc lớn lên, những cư dân Việt Nam duy nhất khác là họ hàng của ngài. Gia đình định cư ở đó vì họ đã tìm được việc làm, ngài nói. Mặc dù giáo xứ của họ không phải là giáo xứ Việt Nam, nhưng gia đình này rất tích cực hoạt động, và cha của Cha Timôthê đã được phong chức phó tế vĩnh viễn.

Nguồn sức mạnh

Bất cứ nơi nào họ cắm rễ trên đất nước mới, người Công Giáo Việt Nam kể những câu chuyện về những gì họ phải chịu đựng trong bối cảnh của một đức tin mang lại hy vọng, cha Quang nói.

Ngài lưu ý rằng trong điện thờ trong phòng khách của cha mẹ ngài - một đặc điểm thường thấy trong các ngôi nhà Việt Nam - là một cây thánh giá bằng bạc mà bà anh mang theo khi chạy trốn khỏi chủ nghĩa cộng sản ở miền Bắc Việt Nam vào những năm 1954 và mẹ ngài đã mang từ Sài Gòn ra nước ngoài hai thập kỷ sau đó.

“Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều có thể đồng ý rằng chính đức tin Công Giáo đã cho cha mẹ chúng tôi sức mạnh để có được ngày hôm nay,” Cha Quang nói. “Chúng tôi không thể phủ nhận điều đó. Dù tin hay không chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng đó chính là nơi mà họ đã rút ra sức mạnh của mình”.

Cha của Cha Tim đã trải qua 5 năm tù tại một trong những trại “cải tạo” của cộng sản và ông cho rằng sự sống còn của mình là cho Chúa. Vì nền tảng quân sự của mình, Cha của Cha Tim và gia đình đã có thể đến Hoa Kỳ vào năm 1993 khi Cha Tim được ba tuổi rưỡi. Thay vì chọn khí hậu ấm áp, cha Tim đưa gia đình đến Minnesota vào mùa đông vì cộng đồng tín hữu Công Giáo Việt Nam rất mạnh.

“Tôi vẫn nhớ cánh cửa xe taxi mở ra và bước đầu tiên của tôi trong tuyết,” vị linh mục trẻ của giáo phận nói.

Liz Chi Pham, người cũng đến tiểu bang miền Bắc khi còn nhỏ, cho biết cô rất biết ơn khi được thực hiện cuộc hành trình sống và đức tin của mình với cộng đồng Việt Nam.

Cô mời những người Công Giáo khác tham dự một Thánh lễ Việt Nam, bất chấp sự khác biệt về ngôn ngữ, để xem tất cả chúng ta được kết nối như thế nào thông qua Chúa Giêsu Kitô.

“Mặc dù chúng tôi đang thực hiện Thánh lễ bằng tiếng Việt, chúng tôi rất cởi mở và chào đón những người khác đến và cử hành cùng chúng tôi,” Liz Chi Pham nói. “Tôi nghĩ rằng điều đó thực sự hợp nhất tất cả chúng ta khi chúng ta có thể đến bất kể ngôn ngữ đó là gì, để cử hành Bí tích Thánh Thể.”
Source:National Catholic Register