Ngày 10-09-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:07 10/09/2022

56. Chúng ta là loại thụ tạo thấp hèn nên phải đem tất cả tình yêu dâng hiến cho Thiên Chúa, để nhờ tình yêu của Ngài mà tình yêu của chúng ta mới được vô hạn.

(Thánh Pi-ô Năm Dấu)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:09 10/09/2022
94. RẮN VÀ RÙA BÀN VỀ QUAN

Dưới bảo tọa của Chân Võ Đế mà đạo giáo tôn thờ có hai viên đại tướng là rắn và rùa, một hôm chúng nó nói chuyện phiếm.

Rắn nói:

- “Tôi rất muốn dành dụm tiền để mua một chức quan chơi”.

Rùa cười nói:

- “Nhìn cái tướng đầu nhọn bịp bợm của anh, thân hình như cây côn (gậy), sao làm quan được? Nên học tôi đây thụt đầu ra vô an phận tí đi”.

Rắn nói:

- “Anh không biết mà thôi, hôm nay người nào làm quan trên thế gian mà lại không xuất thân từ đứa du côn? Đến cái tướng đầu nhọn bịp bợm thì càng không nên nói, nếu không bịp bợm luồn lọt thì trên chóp mũ quan sao đỏ được, vị trí của quan sao mà cao được? Nếu tôi mà luồn lọt thì chắc chắn sẽ hơn họ, thong thả đợi tôi được công danh, luồn lọt được chức quan, vơ vét sạch đã, rồi tìm đến học cái dáng thụt vô ra của anh cũng không muộn”.

(Yết hậu ngữ)

Suy tư 94:

Tướng mạo bên ngoài, đôi lúc cũng ảnh hưởng đến tương lai sự nghiệp của bản thân, nó có thể làm cho người khác thích thú và cũng có thể làm cho người khác không thích, bởi vì con người ta thường đánh giá bên ngoài và “coi mặt mà bắt hình dong”.

Xét theo tướng học, thì có sáu tướng khổ cực (lục cực), sáu tướng hạ tiện (lục tiện), sáu tướng hại (lục hại), sáu tướng ác (lục ác), và có mười tuống sát (thập sát). Ở đây xin kể ra tướng lục ác:

- Đầu quá nhỏ: bần tiện, ngu độn.

- Mắt dê: chết thảm hoặc đoản mệnh.

- Môi túm cong lên, răng lởm chởm: nghèo túng.

- Yết hầu lộ: khắc vợ, muộn con, hay gặp tai vạ.

- Tam đình bất quân xứng, hạ đình đặc biệt dài và nhọn chủ về nghèo khổ, cô đơn lúc về già.

- Đi thân hình lắc lư như rắn bò, bước chân nhún nhảy như chim chìa vôi: long đong khốn quẩn.

Người ta thì xét theo hình dáng bên ngoài, nhưng Thiên Chúa thì nhìn con người ta bằng tâm hồn bên trong, cho nên nếu tướng dạng xấu mà luôn sống ngay thẳng, biết làm điều lương thiện thì sẽ trở nên người tốt, ai cũng yêu mến. Ngược lại, nếu tướng tá khôi ngô tuấn tú, mặt đẹp như chim sa cá lặn nhưng tâm hồn u ám, luôn kiếm chuyện hại người, kiêu ngạo, tham lam.v.v...thì cũng trở thành xấu, và ai cũng lánh. Làm quan mà tướng xấu quá thì dân mất cảm tình, nhưng nếu quan có tướng xấu mà tâm hồn ngay thẳng, thiện lương, chí công, thương người, thì là hạnh phúc của dân vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Chấp nhận đồng bàn, khát khao đồng phận
Lm. Minh Anh
23:21 10/09/2022

CHẤP NHẬN ĐỒNG BÀN, KHÁT KHAO ĐỒNG PHẬN
“Ông này đón tiếp phường tội lỗi, và ngồi ăn uống với chúng!”.

Tổng thống Woodrow Wilson nói, “Chúng ta thường đến với nhau cách hung hăng, hiếu chiến; đó là con đường dài chứ không phải con đường ngắn. Nhưng nếu bạn đến với tôi và nói, ‘Chúng ta hãy ngồi xuống và nói chuyện’. Bạn và tôi sẽ thấy, chúng ta không quá xa nhau; rằng, những khác biệt là rất ít, tương đồng là rất nhiều. Và nếu đủ kiên nhẫn, cùng với lòng nhiệt thành để mong muốn đến được với nhau, chúng ta sẽ đến được với nhau!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay còn đi xa hơn lòng hiếu hoà của Wilson. Trong đó, sự khiêm hạ của Thiên Chúa hiện nguyên hình, một sự khiêm hạ phát xuất từ lòng thương xót vô ngần của Ngài. Đó là một Thiên Chúa sẵn sàng ngồi xuống, ‘chấp nhận đồng bàn, khát khao đồng phận’ với tội nhân, đến nỗi bị kêu trách, “Ông này đón tiếp phường tội lỗi, và ngồi ăn uống với chúng!”.

Sách Xuất Hành cho thấy Israel là một dân bội nghĩa; họ đúc tượng bò con mà thờ. Chúa nổi giận! Ngài bộc bạch với Môisen, “Dân này là một dân cứng cổ. Ta sẽ huỷ diệt chúng”. Môisen van vái và Ngài lại xiêu lòng ‘ngồi xuống’, bỏ qua cho dân, “Chúa đã nguôi cơn giận, không thực hiện điều dữ”. Với bài đọc hai, Phaolô tâm sự cùng Timôthê về lòng thương xót đó, “Đức Kitô đã đến trong thế gian để cứu độ những người tội lỗi; trong số ấy, cha là người thứ nhất”. Đặc biệt với bài Tin Mừng, khi nghe các biệt phái kêu trách, “Ông này đón tiếp phường tội lỗi, và ngồi ăn uống với chúng!”, Chúa Giêsu kể ra một chuỗi ba dụ ngôn về lòng thương xót; qua đó, Ngài mặc nhiên chứng tỏ, Thiên Chúa ‘chấp nhận đồng bàn, khát khao đồng phận’ với tội nhân.

Vậy, trình thuật này đang nói gì với bạn và tôi? Nó nói rằng, tình yêu Thiên Chúa luôn lớn hơn tội của con người! Chúa Giêsu đồng bàn với tôi; Ngài bỏ qua sự bất xứng của tôi để được gần tôi, nên giống tôi, hầu có thể cứu tôi. Và điều này thu hút tôi! Tôi biết tội lỗi mình và không cảm thấy bị phán xét, vì vậy tôi đến gần Ngài. Lối sống của tôi không hơn lối sống của một “thu thuế” hay một “tội nhân”; vậy mà Chúa Giêsu ‘chấp nhận đồng bàn, khát khao đồng phận’ với tôi, bất chấp những chỉ trích của người khác, đến nỗi, tôi có thể ‘ngồi xuống’ với Ngài đến mức ‘ngang hàng’. Tại sao? Chỉ vì Ngài hạ mình xuống, hầu có thể nâng tôi lên!

Với Chúa Kitô, mọi linh hồn đều vô giá! Không tội nhân nào có thể thoát khỏi tầm với đôi tay cứu chuộc của Ngài, Đấng đổ máu mình, vượt qua sự chết để cứu những linh hồn đã chết và làm cho sống. Tất cả những gì tôi phải làm là nghe cho được giọng nói của Giêsu mục tử. Chỉ cần để bản thân được tìm thấy, Ngài sẽ ôm tôi vào lòng, xua tan sợ hãi bằng hơi ấm tình yêu, và đưa tôi trở lại đoàn chiên. Để từ đó, mọi tội lỗi của tôi được thú nhận, nhân đức mới của tôi nảy sinh, và tất cả những gì nơi tôi là chiến thắng của ân sủng từ Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ.

Anh Chị em,

“Ông này đón tiếp phường tội lỗi, và ngồi ăn uống với chúng!”. Dẫu chúng ta thuộc “phường tội lỗi” bất xứng, trong Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu vẫn ‘chấp nhận đồng bàn, khát khao đồng phận’ với chúng ta mỗi ngày. Vậy, chớ gì việc rước Mình Máu Thánh Chúa không khiến chúng ta phạm sự thánh, nhưng ngày càng giúp chúng ta biết sợ tội hơn, ngay cả những tội nhẹ. Và điều quan trọng là quyết định của chúng ta phải như quyết định của người con thứ, “Tôi sẽ chỗi dậy, trở về với Cha tôi” như Thánh Ca Tin Mừng nhắc nhở. Mặt khác, Chúa đã đồng bàn với tôi; đến lượt mình, bạn và tôi ‘chấp nhận đồng bàn’ với tha nhân! Đây là một trong những hoa trái đẹp nhất khi linh hồn kết hợp với Thân Thể Mầu Nhiệm Chúa Kitô; từ đó, hiệp thông với các chi thể của Ngài. Và điều này tạo ra niềm vui, không chỉ cho chúng ta, mà cho cả thiên đàng!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa ‘chấp nhận đồng bàn’ với con, cốt để con được ‘hân hoan đồng bàn’ với Chúa; xin cho con biết sà vào lòng thương xót Chúa, hầu có thể xót thương anh chị em con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Thánh lễ Chúa Nhật Thứ 24 Mùa Thường Niên 11/9 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
01:25 10/09/2022

BÀI ĐỌC 1 Xh 32:7-11,13-14

Bài trích sách Xuất hành.

Ngày ấy, Đức Chúa phán với ông Mô-sê rằng: “Hãy đi xuống, vì dân ngươi đã hư hỏng rồi, dân mà ngươi đã đưa lên từ đất Ai-cập. Chúng đã vội đi ra ngoài con đường Ta truyền cho chúng đi. Chúng đã đúc một con bê, rồi sụp xuống lạy nó, tế nó và nói: Hỡi Ít-ra-en, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai-cập.”

Đức Chúa lại phán với ông Mô-sê: “Ta đã thấy dân này rồi, đó là một dân cứng đầu cứng cổ. Bây giờ cứ để mặc Ta, cứ để cơn thịnh nộ của Ta bừng lên phạt chúng, và Ta sẽ tiêu diệt chúng. Nhưng Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn.”

Ông Mô-sê cố làm cho nét mặt Đức Chúa, Thiên Chúa của ông, dịu lại. Ông thưa: “Lạy Đức Chúa, tại sao Ngài lại bừng bừng nổi giận với dân Ngài, dân mà Ngài đã giơ cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ra khỏi đất Ai-cập? Xin Ngài nhớ đến các tôi tớ Ngài là Áp-ra-ham, I-xa-ác và Ít-ra-en; Ngài đã lấy chính danh Ngài mà thề với các vị ấy rằng: Ta sẽ làm cho dòng dõi các ngươi đông đúc như sao trên trời, và sẽ ban cho dòng dõi các ngươi tất cả miền đất ấy, là miền đất Ta đã hứa; chúng sẽ được thừa hưởng miền đất ấy đến muôn đời.” Đức Chúa đã thương, không giáng phạt dân Người như Người đã đe.

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2 1Tm 1:12-17

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi ông Ti-mô-thê.

Anh thân mến, tôi tạ ơn Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta, Đấng đã ban sức mạnh cho tôi, vì Người đã tín nhiệm mà gọi tôi đến phục vụ Người.

Trước kia, tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người thương xót, vì tôi đã hành động một cách vô ý thức, trong lúc chưa có lòng tin. Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta, đã ban cho tôi đầy tràn ân sủng, cùng với đức tin và đức mến của một kẻ được kết hợp với Người. Đây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận: Đức Ki-tô Giê-su đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi.

Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giê-su Ki-tô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người, để được sống muôn đời. Kính dâng Vua muôn thuở là Thiên Chúa bất diệt, vô hình và duy nhất, kính dâng Người danh dự và vinh quang đến muôn thuở muôn đời. A-men.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG 2Cr 5:19

Alleluia. Alleluia. Alleluia.

Trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Người, và giao cho chúng tôi công bố lời hoà giải. Alleluia. Alleluia. Alleluia.

TIN MỪNG Lc 15:1-32

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.

Khi ấy, các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này:

“Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.’ Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.

Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được? Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất.’ Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.”

Rồi Đức Giê-su nói tiếp: “Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng: ‘Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng.’ Và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình. Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho.

Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: ‘Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.’ Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.

Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. Bấy giờ người con nói rằng: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa...’ Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: ‘Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.’ Và họ bắt đầu ăn mừng.

Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. Người ấy trả lời: ‘Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ.’ Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. Cậu trả lời cha: ‘Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!’

Nhưng người cha nói với anh ta: ‘Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.’”

Đó là Lời Chúa.

LỜI NGUYỆN TÍN HỮU

Chủ tế: Anh chị em thân mến, Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, Ngài luôn tha thứ, chờ đợi những người tội lỗi thống hối ăn năn. Tin tưởng với tình thương của Chúa, chúng ta tha thiết cầu nguyện.

1. “Ông này đón tiếp những phường tội lỗi và ăn uống với chúng”. Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa cho các mục tử trong Hội Thánh nhiệt tâm đem tình thương của Chúa cho mọi người, nhất là những người tội lỗi bằng chính đời sống thánh thiện, yêu thương và sốt sáng cử hành các Bí Tích của các ngài. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

2. “Thưa Cha, con đã đắc tội với trời và với Cha”. Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa cho các Kitô hữu đã chối bỏ đức tin, sống trong tội lỗi, được ơn trở về với Chúa, để lãnh nhận ơn tha thứ và lòng thương xót hải hà của Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

3. “Đức Kitô đến để cứu những người tội lỗi”. Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa cho các bạn trẻ đang sống trong những cơn nghiện của đam mê tính dục, cờ bạc, rượu chè, trộm cắp, sớm nhận ra hạnh phúc đích thực là Nước Trời mai sau mà thay đổi cách sống đời mình theo Lời Chúa dạy. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

4. “Trên trời cũng vui mừng vì một người tỗi lỗi ăn năn”. Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta biết sống chan hòa yêu, sẵn lòng đón nhận nhau với những giới hạn của yếu đuối tội lỗi để cùng nhau loan truyền lòng thương xót của Chúa cho những người xung quanh. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

Chủ tế: Lạy Chúa, Chúa đã cho Đức Giêsu Kitô - Con một Chúa xuống trần gian để cứu những người tội lỗi khỏi chết muôn đời. Xin cho chúng con là những kẻ tội lỗi, yếu đuối, bất toàn, biết trở về với Chúa để được tha thứ và chữa lành. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Câu chuyện đằng sau bức tượng khổng lồ ở Vatican Chúa Giêsu phục sinh sau vụ nổ hạt nhân
Đặng Tự Do
05:09 10/09/2022


Bất kỳ người hành hương nào đã từng tham dự buổi yết kiến với Đức Giáo Hoàng tại Hội trường Phaolô Đệ Lục ở Vatican chắc chắn sẽ nhận thấy điều đó. Trang web của tạp chí Dòng Tên Hoa Kỳ giải thích sự hiện diện của tác phẩm điêu khắc bằng đồng kỳ lạ có kích thước 66 feet x 23 feet x 10 feet, nằm phía sau ghế của Đức Giáo Hoàng: “Nhà điêu khắc Pericle Fazzini đã thiết kế tác phẩm, 'Sự phục sinh', mô tả Chúa Giêsu đang vươn lên từ vụ nổ bom hạt nhân”.

Tác phẩm nghệ thuật này đã được thực hiện theo yêu cầu cá nhân của Đức Phaolô Đệ Lục vào năm 1970 và được khánh thành vào năm 1977. Nó chứng kiến một “kỷ nguyên lan rộng của nỗi sợ hãi về sự hủy diệt hạt nhân” và là một trong những biểu tượng mạnh mẽ nhất về cam kết của Tòa Thánh chống lại vũ khí hạt nhân.

Bức tượng không phải là không gây ra tranh cãi, kể cả về chiều hướng thẩm mỹ của nó. Nhà hoạt động chống hạt nhân người Mỹ Martha Hennessy, cháu gái của Dorothy Day, tự hỏi liệu tác phẩm điêu khắc có thực sự khiến mọi người “nhận thức rõ hơn về sự khủng khiếp của sự hủy diệt hạt nhân” hay lại thực sự góp phần vào một hình thức làm mẫn cảm về chủ đề này. Tờ American Magazine nhắc nhở chúng ta rằng Đức Thánh Cha Phanxicô gần đây mạnh mẽ, và khẳng định rõ ràng rằng việc sở hữu kho vũ khí hạt nhân là “vô đạo đức”.
Source:American Magazine
 
Thai phụ ung thư giai đoạn cuối sống sót, lựa chọn cuộc sống
Đặng Tự Do
05:09 10/09/2022


Jessica Hanna, bà mẹ 4 con, được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú giai đoạn cuối khi mang thai được 14 tuần. Một số bác sĩ khuyên cô nên phá thai nhưng cô từ chối, thay vào đó chọn cuộc sống.

Trong một cuộc phỏng vấn với EWTN Pro-Life Weekly vào ngày 1 tháng 9, cô ấy đã mô tả lần mang thai này rất khác so với lần mang thai trước đó của cô ấy như thế nào với câu nói: “Đây là Chúa kêu gọi tôi đến với một điều gì đó quá lớn lao”.

Trước khi mang thai, Hanna đã nhận thấy một vết lõm trên ngực. Các bác sĩ đã chẩn đoán sai và nói rằng nó lành tính. Hai tuần sau cô phát hiện mình có thai. Tại buổi hẹn khám phụ khoa đầu tiên, cô ấy đã nhờ các bác sĩ xem xét lại. Sau đó, rõ ràng là cô ấy bị ung thư vú. Ban đầu, các bác sĩ cho rằng đó là một khối u nhỏ, giai đoạn 1. Tuy nhiên, sau khi trải qua cuộc phẫu thuật, cô được thông báo khối u đã có kích thước 13 cm, và ở giai đoạn 4 - có nghĩa là ung thư có khả năng đã ở giai đoạn cuối.

Là một người nhiệt thành ủng hộ cuộc sống, Hanna đã công khai chia sẻ niềm tin của mình trên mạng và với những người trong cuộc sống của mình, Hanna giải thích việc mang thai đã thúc đẩy cô thực sự sống theo niềm tin Công Giáo vững chắc.

Là một người Công Giáo sùng đạo, Hanna đã hướng đến đức tin của mình để giúp cô vượt qua những giai đoạn khó khăn. Sau mỗi đợt hóa trị, cô cầu nguyện tại ngôi mộ của Chân phước Cha Solanus Casey, một vị thánh sắp được an táng tại Detroit, quê hương của cô.

Cô nhớ lại: “Tôi đã cầu nguyện tại ngôi mộ của ngài cho tôi được chữa lành một cách kỳ diệu và con trai tôi trở nên xinh đẹp và khỏe mạnh”.

Một vị thánh khác mà cô hướng đến là Thánh Gianna Beretta Molla. Thánh Gianna cũng được chẩn đoán mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng khi đang mang thai. Hanna giải thích rằng, tương tự như Thánh Gianna, cô ấy đã chọn thực hiện một số phương pháp điều trị khi mang thai để không gây nguy hiểm cho em bé của mình.

“Nhiều người không biết rằng hóa trị có thể thực sự khá an toàn trong thai kỳ,” Hanna giải thích. “Tôi đã chọn con đường ở giữa, rằng tôi sẽ thực hiện một số hóa trị với một số sửa đổi”

Sau khi được chẩn đoán, cô cảm thấy Chúa đang kêu gọi cô đến một điều gì đó. Không chắc chắn về tương lai của chính mình, cô ấy đã lập một tài khoản mạng xã hội hai ngày sau khi chẩn đoán bệnh để chia sẻ hành trình của mình với những người khác và tạo ra một cộng đồng cầu nguyện, nơi cô ấy có thể cầu nguyện với những người theo dõi mình và dâng lên nỗi đau khổ vì ý định của họ.

“Tôi nghĩ rằng không có đau khổ nào sẽ trở nên lãng phí,” Hanna nói. “Tôi không biết Chúa đang đưa tôi đi đâu. Có phải Ngài sẽ đưa tôi đến con đường mà tôi cần chỉ cho mọi người cách chết một cách duyên dáng, với sự ân cần và lòng thương xót của Chúa không? Hay Chúa sẽ thể hiện một phép lạ? “

Cô ấy tiếp tục, “Tôi quyết định sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để minh chứng rằng bất kể bạn nghĩ điều gì sẽ xảy ra, niềm tin vào Chúa là điều quan trọng nhất… bạn sẽ từ bỏ những ham muốn và mong muốn của chính mình và bạn sẽ ra đi dưới chân Thánh giá và hãy để Người chăm sóc cho bạn”.

Hanna đưa ra ba lời khuyên cho những phụ nữ rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Đầu tiên, là một dược sĩ, cô ấy khuyến khích phụ nữ luôn luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi đưa ra quyết định.

Cô ấy đã nhận được từ 8 đến 10 ý kiến trước khi tiếp tục điều trị. Một vài bác sĩ yêu cầu cô ấy phải chấm dứt thai kỳ và cô ấy giải thích rằng “điều đó không cần thiết chút nào. Kế hoạch điều trị của tôi không thay đổi - có thai hay không mang thai”.

Thứ hai, hãy đến với Đức Mẹ.

Cô nhấn mạnh: “Đức Trinh Nữ Maria là người biết cảm giác đau buồn khi nói đến con bạn và nỗi sợ hãi. Vì vậy, nếu bạn đến với Mẹ, Mẹ sẽ mang lấy những nỗi sợ hãi đó, Mẹ sẽ mang những âu lo ấy đến với con trai mình và Mệ sẽ cầu thay nguyện giúp để Ngài giải thoát và tuôn đổ lòng thương xót của Người lên bạn và con bạn.”

Cuối cùng, hãy liên kết đau khổ của bạn với Thập tự giá của Chúa Kitô.

Sau khi cô sinh con, kết quả siêu âm của cô rất rõ ràng - không có dấu hiệu cho thấy ung thư đã di căn đến các cơ quan khác hoặc các hạch bạch huyết. Căn bệnh ung thư thời kỳ cuối cùng của cô ấy giờ đã có thể chữa được.

Cô đặt tên cho con trai mình là Thomas Solanus. Trường hợp của cô ấy đã được đệ trình để xin phong thánh cho Cha Solanus Casey.
Source:Catholic News Agency
 
Đức Tân Hồng Y Marengo cho biết chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng đến Kazakhstan sẽ thúc đẩy Giáo Hội ở trung tâm Á Châu
Đặng Tự Do
17:22 10/09/2022


“Tôi nghĩ rằng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đến đất nước xinh đẹp nơi có nhiều tôn giáo này chắc chắn sẽ nêu gương tốt về sự hợp tác hiệu quả cho tất cả mọi người,” Đức Tân Hồng Y người Mông Cổ, Giorgio Marengo, nói về chuyến công du sắp xảy ra của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Kazakhstan, từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 9.

Vị Giám Quản Tông Tòa 48 tuổi của Ulaanbaatar, thành viên trẻ nhất của Hồng Y Đoàn, cho biết ngài rất kỳ vọng vào chuyến thăm. Ca ngợi “truyền thống tuyệt vời của Kazakhstan là đoàn kết mọi người và phát triển nhận thức về tầm quan trọng của hòa bình, hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau trong thời điểm khó khăn như hiện nay”, ngài hy vọng rằng chuyến thăm của người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo sẽ có “tác động tích cực đến các quốc gia khác trong khu vực, bao gồm cả Mông Cổ, mặc dù chúng tôi ở xa một chút”. Ngài cũng hy vọng rằng đây sẽ là “một ví dụ điển hình về cách Giáo Hội Công Giáo nhấn mạnh đối thoại giữa các tôn giáo, trong sự hợp tác với những người thuộc các tôn giáo khác nhau”.

Vị Hồng Y cũng nói về những thách thức của công việc truyền giáo ở một đất nước mà “việc trở thành một người Công Giáo không được coi là một điều gì đó hoàn toàn bình thường.” “Người ta phải rất quyết tâm và can đảm để đưa ra quyết định quan trọng trong cuộc đời này”
Source:UCANews

 
Đức Thánh Cha Phanxicô nói đùa rằng ngài hoặc Đức Giáo Hoàng Gioan 24 sẽ tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới vào năm sau
Đặng Tự Do
05:08 10/09/2022


Với Ngày Giới trẻ Thế giới tiếp theo chỉ còn chưa đầy một năm nữa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã hứa rằng sẽ có một vị giáo hoàng tham dự, nhưng nói đùa rằng đó có thể là “Giáo hoàng Gioan 24”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói với CNN Bồ Đào Nha trong một cuộc phỏng vấn truyền hình phát sóng vào ngày 4 tháng 9 rằng ngài có kế hoạch tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới 2023, cuộc tụ họp thanh niên Công Giáo quốc tế lớn nhất dự kiến diễn ra tại Lisbon vào tháng 8 tới.

“Tôi định đi. Đức Giáo Hoàng sẽ đến đó - Phanxicô hoặc Gioan 24 - nhưng Đức Giáo Hoàng sẽ đi.”

Ngài đưa ra câu trả lời trên sau nhiều tháng đồn đoán trên các phương tiện truyền thông rằng vị giáo hoàng 85 tuổi có thể sắp nghỉ hưu. Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các nhà báo trong chuyến trở về từ Canada vào tháng Bảy rằng ngài “để ngỏ” khả năng nghỉ hưu nếu ngài nhận thấy đó là thánh ý Chúa.

Đức Thánh Cha Phanxicô không giải thích lý do tại sao ngài đoán người kế vị của mình có thể lấy tông hiệu là Giáo hoàng Gioan 24. Ngài đã nói đùa như thế nhiều lần kể từ khi ngài tuyên thánh cho Thánh Giáo hoàng Gioan 23, vị giáo hoàng cuối cùng lấy tên Thánh Gioan, cái quản Giáo Hội từ năm 1958 đến năm 1963.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha đã nói rằng Ngày Giới trẻ Thế giới năm tới là một cơ hội tuyệt vời “để giới trẻ từ các vùng khác nhau trên thế giới kết nối với nhau”.

Cuộc tụ họp kéo dài nhiều ngày, do Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II thiết lập vào năm 1985, thường được tổ chức ở một lục địa khác nhau ba năm một lần với sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng. Tại một số Ngày Giới trẻ Thế giới vừa qua, số người tham dự đã lên đến hàng triệu người.

Cuộc họp tại thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha dự kiến diễn ra từ ngày 1 đến 6 tháng 8 năm 2023.

Phát biểu về Ngày Giới trẻ Thế giới, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Khi bạn đến dự một cuộc gặp gỡ với những người trẻ, bạn phải chuẩn bị để nghe một ngôn ngữ khác. Người trẻ có ngôn ngữ riêng của họ. Và điều đó đến từ văn hóa của chính họ vì có văn hóa giới trẻ. Và điều đó cũng đến từ sự sáng tạo của chính họ”.

Ngài nói thêm: “Chúng ta phải nói chuyện với ngôn ngữ của giới trẻ… Họ có văn hóa của họ và một ngôn ngữ tiến bộ để tiến lên, phải không? Vì vậy, bạn phải lắng nghe họ theo cách họ diễn giải mọi thứ và trả lời họ theo cách mà họ có thể hiểu được. Tôi không thể trả lời cho một người trẻ đang gặp khó khăn với một cuốn sách thần học cũ… Họ sẽ không hiểu… bạn phải trả lời họ bằng ngôn ngữ mà họ hiểu và theo kinh nghiệm họ đang sống, phải không? “

Cuộc phỏng vấn của CNN Bồ Đào Nha, được ghi lại vào ngày 11 tháng 8, cũng đề cập đến tội lỗi lạm dụng của hàng giáo sĩ và cuộc chiến ở Ukraine. Phần sau của cuộc phỏng vấn đã được phát sóng vào đêm 5 tháng 9.
Source:Catholic News Agency
 
Nhật ký trừ tà số 205: Phải chăng là di tích của Thập tự giá thật?
Đặng Tự Do
17:23 10/09/2022


Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #205: Relic of the True Cross?”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 205: Phải chăng là di tích của Thập tự giá thật?”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một trong những người trừ tà của chúng tôi có một thánh tích được cho là lấy từ cây thánh giá thật trong giáo xứ của ngài. Không có bất kỳ tài liệu nào xác nhận điều đó. Một số người đặt câu hỏi liệu những mảnh gỗ này có thực sự là từ thập tự giá của Chúa Giêsu hay không.

Người ta nói rằng Thánh Helena, mẹ của Hoàng đế Constantine, đã khai quật được ba cây thánh giá từ địa điểm được cho là nơi Chúa Giêsu bị đóng đinh tại đồi Can-vê. Để xác định cây thánh giá nào là cây thánh giá thật, cô đã cho ba cây thánh giá chạm vào cơ thể của một người phụ nữ sắp chết vì bệnh nan y. Chỉ khi chạm vào một trong số chúng, cô ấy đã được chữa khỏi. Gỗ này đã được tôn là cây thánh giá thực sự kể từ đó.

Nhà trừ tà của chúng tôi đang tự hỏi liệu mảnh vỡ của ngài có phải là xác thực hay không. Ngài giấu cây thánh giá trong túi và mang đến một buổi trừ tà. Đó là một trường hợp đặc biệt khó khăn với sự hiện diện của ma quỷ mạnh mẽ. Giữa buổi trừ tà, ngài đứng đằng sau người bị quỷ ám giờ đây đang tràn đầy năng lượng biểu lộ ra ngoài. Đứng đằng sau người đó, khi ngài thò tay vào túi, những con quỷ hét lên, “Di tích của cây thánh giá thật!” Họ quằn quại và rõ ràng đang bị dày vò. Vẫn ở sau lưng người bị quỷ ám, ngài đặt thánh tích vào gáy người ấy. Một lần nữa những con quỷ lại hét lên, “Di tích của thập tự giá thật!” Một lần nữa, họ lại quằn quại trong đau khổ.

Ma quỷ thường nói dối. Phải chăng chúng đang cố gắng đánh lừa vị linh mục trừ tà? Có thể. Nhưng có những lúc Chúa buộc quỷ phải nói ra sự thật. Nhà trừ quỷ tin rằng đây là trường hợp đó, Chúa buộc những con quỷ làm chứng cho thập tự giá thật của Người.

Có rất nhiều thánh tích trong nhà nguyện nhỏ của chúng tôi, nơi các lễ trừ tà được thực hiện. Thánh tích của thập tự giá thực sự có một vị trí đáng tôn vinh. Và cho dù đó không phải là gỗ thực sự từ thập tự giá của Chúa Giêsu, nó vẫn được sử dụng trong các buổi trừ tà của chúng tôi với đức tin. Chúng tôi tin tưởng vào sự chiến thắng của cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, và chúng tôi tin rằng khi chúng tôi sử dụng thánh tích này trong đức tin, Chúa đã quảng đại ban cho một ân sủng đặc biệt. Sự chứng kiến của những con quỷ cho chúng ta thêm niềm tin vào tính xác thực và sức mạnh đáng nể của thánh tích này.
Source:Catholic Exorcism
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hạt Phú Thọ, Sàigòn : Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm thực thi bác ái Tết Trung thu 2022
Văn Minh
08:49 10/09/2022
Hạt Phú Thọ: Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm thực thi bác ái Tết Trung thu 2022

“Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).

Thực thi Lời Chúa trên đây, Ban Chấp hành (BCH) và các thành viên Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu (GĐPTTTCG) giáo hạt Phú Thọ đã tổ chức chuyến ra đi chia sẻ những tấm bánh Trung thu, những chiếc lồng đèn cho các em thiếu nhi kém may mắn không phân biệt tôn giáo tại họ đạo Vị Hưng, giáo phận Cần Thơ, cùng nhau vui đón tết Trung thu.

Thực thi bác ái:

Xem Hình

Vào lúc 5g sáng thứ Năm ngày 8-9-2022, các thành viên GĐPTTTCG giáo hạt Phú Thọ cùng các vị ân nhân, gồm 95 người trên 2 chuyến xe khởi hành từ giáo xứ Tân Phước đi thực thi bác ái. Khi xe của đoàn ra khỏi TPHCM, đoàn cùng nhau đọc mười kinh Mân Côi và cầu xin Đức Mẹ ban cho đoàn đi trên đường được mọi sự bình an.

Trên đường đi, đoàn giao cho họ đạo Đại Hải (cha Nam) 1.500 hộp bánh. Đúng 12g, đoàn tới thánh đường giáo xứ Tắc Sậy, kính viếng và cầu nguyện cùng cha Phanxicô Trương Bửu Diệp. Sau khi dùng cơm trưa xong, lúc 13g, đoàn tiếp tục đi đến họ đạo Vị Hưng lúc 17g. Khi xe của đoàn tới, được linh mục (Lm) Chánh xứ Anphongsô Lê Kim Thạch, các vị đại diện Hội đồng Mục vụ ra đón rất thân tình. Vì họ đạo nằm bên kia sông, nên xe lớn không thể vào được mà phải dùng phà của họ đạo đưa người và hành lý qua con sông Xà No. Sau cái bắt tay thăm hỏi của Lm Anphongsô đến từng người đi trong đoàn, ngài mời mỗi người một ly nước mát do chính người giáo dân của họ đạo làm, ai nấy đều vui mừng đón nhận và cùng nhau thưởng thức vì sau mười tiếng đồng hồ ngồi trên xe, đối với những người lớn tuổi thì đó là cả một sự hy sinh của các cụ. Tại đây, đoàn đã trao 30 tượng Chúa chịu nạn, 2150 hộp bánh, 6200 cây kẹo mút, 750 quả bóng bay, 200 kg gạo, 3 thùng sữa, cùng một số mùng mền và quần áo các loại khác cho họ đạo.

Đúng 18g, các thành viên GĐPTTTCG cùng hiệp dâng Thánh lễ đồng tế dành cho các em thiếu nhi mừng đón tết Trung thu do Lm Chánh xứ Anphongsô Lê Kim Thạch và Lm phó Grêgôriô Nguyễn Thành Nhân đồng tế.

Sau Thánh lễ, Lm Chánh xứ AnPhongsô, Lm phó Grêgôriô, các soeur cùng các em rước đèn xung quanh nhà thờ. Sau đó, là tiết mục văn nghệ được mở màn với màn múa Lân do các em Ban Lễ sinh thể hiện đã diễn ra rất sôi động và ấn tượng. Trước khi ra về, các anh chị huynh trưởng phát cho mỗi em đi tham dự một hộp bánh không phân biệt lương giáo. Xong công việc, đoàn được Lm Chánh xứ mời dùng cơm tối và nghỉ đêm tại đây.

Sáng hôm sau, lúc 5g, các thành viên tham dự Thánh lễ cùng cộng đoàn do Lm Anphôngsô chủ sự. Sau bữa điểm tâm sáng, lúc 9g, đoàn lên xe trở về Sài Gòn, kết thúc chuyến đi thật tốt đẹp.

Trên đường về, đoàn tới Trung tâm Hành hương Đình Khao, Giáo phận Vĩnh Long, kính viếng các Thánh Tử Đạo. Đặc biệt, là cha Thánh Philipphê Phan Văn Minh, bị trảm quyết tại cây đa ngoài bờ sông phía trước mặt. Tại đây, ông Giuse Phạm Quang Thúy, đại diện trao cho soeur 150 hộp bánh. Sau bữa cơm trưa bình dân tại Trung tâm Hành hương Đình Khao do các souer Dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum tiếp đãi, đoàn trở về TPHCM lúc 16g30 cùng ngày trong sự bình an.

Ngoài ra, nhân mùa Trung thu, GĐPTTTCG giáo hạt Phú Thọ đã chuyển đến Lm Khánh và Lm Kha, thuộc Giáo phận Long Xuyên 800 hộp bánh, Dòng Saint Paul Kon Tum 200 hộp bánh, Saint Paul Ninh Thuận 200 hộp bánh, và các em thiếu nhi giáo xứ Tân Phước, Sài Gòn 700 hộp bánh.

Tổng số tiền trong chuyến đi thực thi bác ái và giúp các em thiếu nhi vui tết Trung thu số tiền là: 94.000.000đ (chín chục triệu đồng). Số tiền này do các thành viên và các vị ân nhân trong GĐPTTTCG giáo hạt Phú Thọ cùng nhau đóng góp.
 
Văn Hóa
Tầm nhìn Nga và Ukraine về Các khía cạnh hiện đại trong tư tưởng chính trị và pháp lý của Jacques Maritain
Vũ Văn An
15:19 10/09/2022

Ảnh hưởng tư tưởng chính trị, luật pháp và cả giáo dục của Jacques Maritain khá sâu rộng và ngày nay cả Nam Mỹ, Bắc Mỹ và thậm chí khối Nga cũng tìm về tư tưởng này. Trong bài sau đây của Sergey S. Shestopal, Kateryna V. Astakhova, và Victor V. Astakhov, thuộc Đại học kinh tế và dịch vụ bang Vladivostok, 690014, Gogolya 41, Vladivostok, Nga (https://www.academia.edu/74425052/Modern_Dimensions_of_Jacques_Maritains_Political_and_Legal_Personalism), chúng tôi xin mời độc giả xem qua phân tích của hai tác giả Nga nói về quan điểm của Jacques Maritain với các thách thức thời hiện đại trong đó nổi bật là thuyết nhân vị và đa nguyên. Trong hai bài kế tiếp, chúng tôi sẽ trình bầy ảnh hưởng của ông đối với nền chính trị Hoa kỳ và Nam Mỹ.



1. Dẫn nhập

Ở đây chúng ta sẽ xem xét đóng góp căn bản của triết học luật pháp: chủ nghĩa nhân vị và chủ nghĩa đa nguyên của Jacques Maritain (1882 - 1973), một trong những đại diện sáng giá nhất của triết học và lý thuyết pháp luật cổ điển Pháp. Ngày nay, những vấn đề này dường như đặc biệt đáng lưu ý và phù hợp: sự biến đổi chủ quyền trong thời đại hoàn cầu hóa, sự biến đổi bản sắc và các truyền thống quốc gia về chính trị và bản thân, tâm trí và xã hội một bên và bên kia là sự tích hợp và hoàn cầu hóa châu Âu là những thách thức của thời đại. Chủ nghĩa nhân vị chính trị và pháp lý và chủ nghĩa đa nguyên, vốn là những phạm trù triết học và pháp lý căn bản của xã hội, luôn đối đầu và thâm nhập vào nhau. Sự hợp nhất và mâu thuẫn thường trực của chúng luôn là một trong những động lực cơ bản cho sự phát triển chính trị xã hội của xã hội. Rõ ràng là những phạm trù triết học và pháp lý này cực kỳ phù hợp trong các thực tại của hoàn cầu hóa ngày nay nói chung và tích hợp Châu Âu hay Châu Á nói riêng. Những điểm đặc thù được du nhập vào xã hội và các định chế luật pháp của nó, do cấu trúc của thời đại, có đặc điểm bảo vệ rộng rãi các nhân quyền, tự do cá nhân, (“Tự do thuộc yếu tính của mọi hữu thể trí thức.” “Tự do trong Thế giới Hiện đại” [Maritain 1996].), đặc biệt quan tâm và tôn trọng các cá nhân và quyền riêng tư của họ, chủ nghĩa đa nguyên và hoàn cầu hóa, liên kết với việc phi lãnh thổ hóa [deterritorialization (*)], đã làm tăng tính nối kết xã hội qua lại giữa các ranh giới địa lý và chính trị hiện có và tốc độ nhanh chóng của hoạt động xã hội. Những va chạm liên tục của lãnh vực thông tin hoàn cầu có tính bản vị, đa nguyên và bỏ qua mọi ranh giới làm cho xã hội hiện đại trở nên mâu thuẫn và căng thẳng nội bộ hơn bao giờ hết. Các lực lượng va chạm nhau của diễn trình hoàn cầu hóa, bản địa hóa và nhân vị hóa đang đặt ra một thách thức cho nhân loại. Đây là lời kêu gọi đầy gợi ý cho các trụ cột của triết học hiện đại. Học thuyết xã hội hiện đại của Pháp dựa trên các định đề lịch sử hàng nghìn năm của các giá trị gia đình Kitô giáo. Những vấn đề căn bản của chủ nghĩa đa nguyên và chủ nghĩa nhân vị trong xã hội cũng như các khía cạnh triết học và luật pháp của chúng theo truyền thống vốn nằm trong tập chú của các nhà triết học Pháp. Những truyền thống này có từ thời Abelard, Albert Cả, Thomas Aquinas, Boden, Descartes, Pascal, Malebranche, Montesquieu, Voltaire, Maine de Biran, de Maistre, Cousin, Renouvier. Những tiến bộ lý thuyết của những đại diện hàng đầu của triết học luật pháp thế kỷ XX như Jacques Maritain, Etienne Gilson, Emmanuel Mounier, Gabriel Marcel đã có tác động không nhỏ đến cộng đồng thế giới. Học thuyết triết học xã hội của Maritain kế thừa vô số quan niệm và khái niệm (với ông, ngoài hệ thống đào tạo, truyền thống Tôma với các thành tố vẫn còn của Aristốt), bắt đầu với "Nhà nước" của Platông, các ý tưởng của Phong trào Ánh sáng và kết thúc với các nghiên cứu của trường phái xã hội học Chicago. Bergson, E. Mounier và Berdyaev có ảnh hưởng trực tiếp đến ông. Nhà thơ Mỹ nổi tiếng Thomas Stearns Eliot từng gọi Jacques Maritain là “nhân vật dễ thấy nhất và có lẽ là thế lực mạnh mẽ nhất trong triết học đương thời”. Theo quan điểm của Maritain, việc tuân theo chủ nghĩa nhân bản có ba nguyên tắc nền tảng: chấp nhận giá trị của cá nhân, mọi người chung sống trong khát vọng vì lợi ích chung, cũng như xu hướng Kitô giáo-hữu thần, sẽ dẫn đến sự hiện hữu của một xã hội trong đó các khả năng của con người có thể cởi mở và nhận ra chính mình một cách đầy đủ nhất và tự do của con người cũng sẽ được thi hành. Biết rõ rằng các nguyên tắc cai trị như vậy sẽ không thể hiện hữu trong một nhà nước quốc gia riêng biệt bao quanh bởi một nhà nước với những nguyên tắc cai trị khác thế, Maritain đề nghị lối giải quyết mâu thuẫn một cách hữu hiệu bằng "một liên minh thế giới của các xã hội chính trị" với quyền tự chủ đáng kể và công dân có thể di chuyển tự do trên khắp các liên bang của các tiểu bang nếu họ muốn (Shestopal, 2014). “Jacques Maritain trước nhất là một triết gia Công Giáo vĩ đại, một trong những người đã đóng góp nhiều hơn cả vào việc phục hồi Thánh Tôma Aquinô. Nhờ sức mạnh của sự việc, ông cũng là một triết gia chính trị để lại một công trình phong phú, một công trình, ở thời không có cột mốc của ta, hơn bao giờ hết vẫn có tính hiện thực để suy nghĩ lại tương lai Kinh thành chính trị” (Maritain, Philosophe De La Cité, Christophe Geffroy, Nguồn: La Nef N ° 248 DE MAI 2103) Nhưng «Trên thực tế, triết học phương Tây chưa bao giờ tự giải thoát khỏi Kitô giáo: bất cứ nơi nào Kitô giáo không nhúng tay vào việc xây dựng một triết học hiện đại thay vào đó nó được coi như một chướng ngại vật ” (J.Maritain. An Essay on Christian Philosophy (1955), p. 51).

2. Quan niệm của Maritain và những thách thức của thời hiện đại

Jacques Maritain là người đầu tiên trong lịch sử thế kỷ XX, đã liên kết lý thuyết triết học và nhân học (chủ nghĩa nhân vị) với việc tham gia thực tế vào việc soạn thảo Bản Tuyên ngôn Nhân quyền, nhằm chống lại sự xâm phạm toàn trị đối với những quyền này. Đối với Maritain, Chủ nghĩa Tôma là nguồn gốc của những ý tưởng và mô hình phương pháp luận trong suốt cuộc đời sáng tác của ông (Villey, 2002; Corduan, 2007; Crosson, 1983; Fay, 1991 & Lyubashits, Mordovtsev & Mamychev, 2015). Nói đến chủ nghĩa đa nguyên và chủ nghĩa nhân vị, Maritain dựa vào tác phẩm của chính mình, "Freedom in the Modern World [Tự do trong thế giới hiện đại]" (1936), Ch. I, và " Integral humanism [Chủ nghĩa nhân bản toàn diện]", Ch. V. Tóm tắt những điểm chính của chúng, Maritain trình bầy "hệ thống nhân vị và đa nguyên mới". Nhu cầu về một quy chế chung cho nhà nước phải biến mất với sự ra đời của hệ thống mới, và tất cả các hình thức tự nhiên của hoạt động kinh tế và xã hội, dù là lớn nhất, sẽ bắt nguồn từ bên dưới, từ sáng kiến tự do và khả năng cạnh tranh của một số nhóm, tổ chức công đoàn, các tổ chức hợp tác xã, hiệp hội, các nhà sản xuất và người tiêu dùng thống nhất với nhau trên cơ sở các hiệp đoàn liên bang - các tổ chức được định chế công nhận ở các bình diện khác nhau. Nhà nước, dành cho các tổ chức xã hội khác nhau sáng kiến độc lập và tự kiểm soát trong mọi hoạt động vốn có của họ, sẽ giữ lại cho mình đặc quyền đích thực duy nhất là "trọng tài và giám sát tối cao qui định các hoạt động độc lập và tự chủ này theo quan điểm chính trị cao nhất về ích chung” (Maritain, 1951). Xã hội chính trị, khi dành cho nhà nước thẩm quyền kiểm soát và các thẩm quyền vì lợi ích chung, đòi hỏi nhà nước không những duy trì trật tự công cộng mà còn phải tôn trọng công lý. Maritain nhấn mạnh tầm quan trọng của khả năng xã hội chính trị thực hiện quyền kiểm soát tối cao đối với nhà nước, vốn được ban cho các chức năng quản trị và kiểm soát. Nhưng vì thẩm quyền tối cao này do nhà nước có được từ một xã hội chính trị, tức là từ người dân, chính nhà nước không sở hữu quyền tự nhiên được hưởng quyền lực tối cao (Maritain, 1951), tức chủ quyền. Tuy nhiên, theo nghĩa được Maritain đưa vào khái niệm "chủ quyền" như một quyền tự nhiên và bất khả chuyển nhượng của thẩm quyền tối cao siêu việt hoặc riêng biệt, thì không có bất cứ chủ thể trần thế nào sở hữu quyền đó: "thực vậy, không phải vua, cũng không phải hoàng đế là những người có chủ quyền, nhưng họ có một thanh gươm và các thuộc tính của chủ quyền. Nhà nước không phải là một thực thể có chủ quyền và ngay cả người dân cũng không có chủ quyền. Chỉ một mình Thiên Chúa là có chủ quyền» (Maritain, 1951). Quan điểm cực đoan này về chủ quyền là hoàn toàn tự nhiên, có thể chấp nhận được, và thậm chí là cần thiết về mặt luận lý đối với một nhà tư tưởng tôn giáo, nhưng hầu như không thể chấp nhận được đối với triết lý luật pháp thế tục. Việc chấp nhận một lối bàn như thế về chủ quyền đã tạo cơ hội cho một kiểu giải thích và đánh giá khá võ đoán về điều tốt nhất của chủ quyền cần thiết để bảo đảm tính hợp pháp thực sự của nhà nước và cuối cùng của xã hội chính trị, mà Maritain vốn đồng nhất hóa với người dân. Sự mâu thuẫn giữa lý thuyết tôn giáo - triết học với thực tiễn này là một điểm yếu trong quan niệm của Maritain, người cố gắng tạo ra một khái niệm nhất quán về quyền tối cao của xã hội chính trị (người dân) so với nhà nước. "Nói về người dân, cũng như về cộng đồng chính trị, chúng ta nên nói rằng cả người dân lẫn cộng đồng chính trị đều không có chủ quyền, nhưng họ có quyền tự nhiên được độc lập hoặc tự trị hoàn toàn" (Maritain, 1951). Nhưng nếu người dân có "quyền tự nhiên được độc lập hoàn toàn", thì điều này có nghĩa là người dân có chủ quyền, theo ngay ý nghĩa mà Maritain đưa ra cho khái niệm chủ quyền. Hiện nay, rất khó để lượng định liệu Maritain có nhận thấy sự mâu thuẫn mà ông đã thừa nhận hay không, nhưng những lập luận tiếp theo của ông chỉ có nghĩa thuận lý khi cho rằng nhân dân dù sao cũng có chủ quyền. "Người dân sử dụng quyền này khi nhận được hiến pháp thành văn hoặc bất thành văn của xã hội chính trị, hoặc khi một bộ phận của họ được kết hợp thành một nhóm chính trị nhỏ, để tranh đấu quyền lợi hoặc để đưa ra quyết định, hoặc khi họ bầu ra đại diện của họ. Người dân luôn có quyền như vậy. Chính nhờ quyền này mà người dân kiểm soát nhà nước và các quan chức chính phủ của nó "(Maritain, 1951). Các phương pháp kiểm soát như vậy bao gồm việc ủy quyền để làm luật và cai trị qua các cuộc bầu cử theo định kỳ và với một số quyền hạn nào đó cho một dân cử. Bằng cách trao thẩm quyền cho những người cụ thể này, người dân, ở cùng một mức độ, hạn chế quyền cai trị của chính họ, nhưng không mất quyền này, vì họ quản trị qua các người đại diện và các cơ quan đặc biệt của họ. "Nhưng con người không hề vì Nhà nước. Nhà nước vì con người." (Maritain, 1951) - đây là luận điểm căn bản của Maritain. Maritain tin rằng nếu nền dân chủ bước vào giai đoạn lịch sử tiếp theo "với đầy đủ trí hiểu và sức sống", thì nó sẽ không bỏ qua tôn giáo, như nền dân chủ tư sản đã làm trong quá khứ. Đồng thời, ngược lại, đối với triết gia Công Giáo này, rất có thể nền dân chủ "nhân vị chủ nghĩa" được đổi mới này sẽ là một nền dân chủ đa nguyên, nghĩa là đặc biệt khoan dung đối với các tôn giáo đa tuyên tín và các dị biệt về quan điểm. Sự phát triển các ý tưởng của Maritain về sự cần thiết của việc biến đổi một niềm tin thế tục thành các giá trị nhân bản và sự hỗ trợ toàn diện đối với chúng trong xã hội chính trị (dân sự) có thể tạo cơ sở cho các biện pháp thiết thực hơn nữa để tăng cường sự đoàn kết của quốc gia, không phân biệt sắc tộc, văn hóa, khác biệt tôn giáo hoặc vô thần. Bước đầu tiên theo hướng này có thể là việc cải tiến Hiến pháp của một nhà nước có chủ quyền, thế tục, dân chủ, xã hội, trong đó các tín hữu và những người không theo tín ngưỡng nào có chung một mục đích chính trị - củng cố quyền lực và thẩm quyền trong tư cách người bảo đảm các quyền và tự do của công dân. Theo Maritain, chỉ có xã hội theo chủ nghĩa nhân vị mới có thể thực sự dân chủ. Để hình thành ra nó, cần phải hoàn tất việc thiết lập các quyền dân chủ. Maritain nhìn thấy giai đoạn đầu tiên của sự hình thành này trong thời Trung cổ, khi có những nỗ lực to lớn để xây dựng đời sống xã hội dựa trên sự thống nhất giữa các xác tín thần học và niềm tin tôn giáo, lý thuyết chính trị và luật pháp và cuộc sống thực tiễn. Điều đó đã khả hữu trong một vài thế kỷ - phần lớn các nhà nước châu Âu cận đại và các hệ thống pháp luật đã được hình thành trong thời kỳ này. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của Phong trào Cải cách, thời kỳ này đã kết thúc, "và việc quay trở lại mô hình thời Trung cổ thánh thiêng là điều trở thành bất khả" (Maritain, 1951). Như kết quả của Phong trào Cải cách, xã hội dân sự hoặc chính trị ngày càng tách rời khỏi thẩm quyền thiêng liêng của Giáo Hội và đã xây dựng một trật tự "thế tục" "trần đời" trong đó, các dị biệt về chính trị và luật pháp giữa những công dân có bối cảnh khác nhau và các tôn giáo khác nhau đã bị xóa nhòa. Diễn trình “thế tục hóa” xã hội chính trị trong thời kỳ Mới gia tăng do những nỗ lực xây dựng đời sống của xã hội dựa trên “lý trí thuần túy” tách rời khỏi mọi tôn giáo. Nhưng khi những trận đại hồng thủy trong hai thế kỷ trước đã xảy ra, "lý trí thuần túy" đã chứng tỏ không có khả năng cung cấp sự thống nhất tinh thần cho nhân loại. Do đó, Maritain kết luận: "Ngay khi các biến cố bi thảm trong những thập niên gần đây bác bỏ chủ nghĩa duy lý tư sản của thế kỷ XVIII và XIX, chúng ta đã nhận thức được rõ ràng hơn sự kiện này là tôn giáo và siêu hình học là một thành tố thiết yếu của nền văn hóa nhân bản, nguồn gốc và những động lực cần thiết của đời sống xã hội ”(Maritain, 1951). Do đó, nền dân chủ được đổi mới trong tương lai không nên làm ngơ tôn giáo và nên là loại đa nguyên và duy nhân vị, nghĩa là tập chú vào các cá nhân. Trong xã hội chính trị theo chủ nghĩa nhân vị này, những người thuộc các khuynh hướng triết học hoặc tôn giáo khác nhau, có thể và nên làm việc với nhau vì các mục tiêu chung và ích chung, nếu họ chấp nhận các nguyên tắc căn bản của một xã hội của những người tự do.

3. Đâu là các nguyên tắc căn bản của nền dân chủ theo chủ nghĩa nhân vị?

Trước hết, nền dân chủ nên mang trong nó sự ủng hộ và bảo vệ niềm tin của những người bình thường vào tự do. Maritain cho rằng giáo điều của chủ nghĩa tự do tư sản, một giáo điều hệ ở ý tưởng cho rằng một xã hội dân chủ nên cung cấp diễn đàn công cộng cho các cuộc thuyết trình về các cơ sở của đời sống xã hội, trong đó, cũng như trong thị trường tự do, các ý tưởng và chủ trương đang đối diện và cạnh tranh nhau thậm chí một cách phá hoại nhất đối với các quyền lợi và các tự do, là một sai lầm lớn. Sự dung túng có tính ý thức hệ ấy của nền dân chủ tư sản thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX hiện hữu dưới khẩu hiệu "tự do có ý kiến" đã biến thành trung lập ngay cả đối với chính tự do của họ.

Maritain từng viết: "Vì nó (tức giai cấp tư sản) không có ích chung thực sự, nên nó không có tư duy chung thực sự, không có ý thức chung, mà chỉ có bộ óc trống rỗng thờ ơ, bao quanh bởi những tấm gương: không có gì đáng ngạc nhiên khi trước Thế Chiến thứ hai ở những quốc gia chịu ảnh hưởng tuyên truyền của phát xít, của phân biệt chủng tộc hoặc cộng sản thối nát, xã hội đã đánh mất bất cứ ý tưởng nào về chính mình và niềm tin vào chính mình, một loại niềm tin chung, có thể khuyến khích họ đối đầu với các diễn trình tiêu cực”(Maritain, 1999). Niềm tin này có tính chất dân sự hoặc trần tục, không phải tôn giáo. Với tất cả sự cần thiết phải có nó trong một nền dân chủ thực sự, niềm tin như vậy không thể được áp đặt lên công dân dưới hình thức một số loại khái niệm triết học nào đó. Maritain tin chắc rằng "trong thời đại của chúng ta, khái niệm này chỉ có thể tạo ra sự giả tạo vô nhân đạo, tàn ác hoặc giả hình được cung ứng bởi các nhà nước độc tài tự cho mình có đức tin, tình yêu và sự tôn trọng của một người tôn giáo đối với Thiên Chúa; nó phát sinh ý hướng của các quốc gia này muốn áp đặt niềm tin của chính họ lên ý thức của quần chúng bằng sức mạnh tuyên truyền, dối trá và bộ máy cảnh sát” (Maritain, 1951). Những người có nhiều quan điểm triết học và tôn giáo khác nhau có thể đến với loại đức tin thế tục như thế. Đức tin này không nói tới các nguyên tắc ý thức hệ và thực tiễn, gây ra bởi sự phát triển của ý thức đạo đức về nhu cầu phải cùng nhau phấn đấu vì ích chung.

Xã hội chính trị có quyền và nghĩa vụ phát triển và hỗ trợ nơi các công dân một đức tin thế tục, mà cộng đồng quốc gia và ý thức công dân vốn tùy thuộc vào. Dù vì lợi ích chung, điều quan trọng là các tình huống thực tế, vốn là cơ sở của luật pháp của xã hội, phải đúng trong chính chúng, các nhà nước dân chủ không tự chiếm cho mình đặc quyền đánh giá sự thật của những điều khoản này, phải để chúng cho chính người dân công nhận và chấp thuận. Maritain cho rằng luật dân chủ theo chủ nghĩa nhân vị phải bao gồm các điều sau đây:

-Các quyền lợi và tự do của con người, các quyền lợi và tự do chính trị, các quyền lợi và tự do xã hội và trách nhiệm tương ứng;
-Các quyền và trách nhiệm của các ngôi vị vốn là thành phần của xã hội gia đình cũng như tự do và các trách nhiệm của họ đối với cộng đồng chính trị;
-Các quyền và trách nhiệm hỗ tương của Nhà nước và các nhóm xã hội; việc cai trị dân, do dân và vì dân; các chức năng thẩm quyền trong nền dân chủ chính trị và xã hội, nghĩa vụ đạo đức có ý thức liên quan đến cả luật pháp và Hiến pháp, bảo đảm cho người dân các quyền tự do khác nhau;
- Loại trừ các điều kiện để có thể gây ra các cuộc cách mạng chính trị trong một xã hội thực sự tự do, và được cai trị bởi luật pháp, mà các thay đổi và phát triển phụ thuộc vào đa số của quốc gia;
- Bình đẳng giữa người dân, công bằng trong các mối liên hệ giữa cá nhân và xã hội chính trị, hòa hợp dân sự và lý tưởng huynh đệ, tự do tôn giáo, khoan dung và tôn trọng lẫn nhau giữa các cộng đồng tâm linh khác nhau và các trường phái tư tưởng, đức hy sinh dân sự và tình yêu Tổ quốc, tôn trọng lịch sử và di sản của nó, và cả sự hiểu biết về các truyền thống khác nhau vốn đan xen tạo thành sự thống nhất của nó;
- Những cam kết của mỗi cá nhân liên quan đến lợi ích của xã hội và cam kết chính trị của mọi quốc gia vì lợi ích chung của xã hội văn minh và nhu cầu nhận thức được tính thống nhất của thế giới và sự hiện hữu của cộng đồng các dân tộc (Maritain, 1999). Maritain nhấn mạnh rằng mặc dù những dự khoản này của nền dân chủ theo chủ nghĩa nhân vị phát xuất từ học thuyết Kitô giáo, nhưng trong một xã hội dân chủ, không nên có áp lực tôn giáo đối với những người không phải là Kitô hữu, những người có quyền xây dựng đức tin dân chủ của họ trên các cơ sở tư tưởng khác: "Quyền lực dân sự và nhà nước nên quan tâm đến một điều duy nhất là đức tin thế tục chung bên trong luật thế tục chung" (Maritain, 1999).

4. Đâu là các nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa đa nguyên trong chế độ dân chủ? Làm thế nào ngôi vị được tích nhập vào Xã hội Dân chủ?

Maritain duy trì phần nào trong trí tưởng tượng của ông một thế giới duy tâm chắc chắn có tính đa nguyên, nhưng dĩ nhiên, ông cũng đặt vào thế giới này một viễn kiến Kitô giáo về con người làm cơ sở. Triết lý của ông về triết học thực hành (**) và chính trị được ông định nghĩa là "chủ nghĩa nhân bản Kitô giáo toàn diện", thậm chí là "chủ nghĩa nhân bản qui thần [theocentric]. Một số thành tố siêu việt trong các quan niệm về số phận và niềm tin của con người luôn hiện diện trong các lý thuyết chính trị của ông; và như chúng ta đã đề cập ở trên, sự công nhận vượt trội về chủ quyền của Thiên Chúa. Chắc chắn, với sự hòa nhập vào thế giới này nền dân chủ và trọn vẹn phẩm giá, tự do và ý thức về mình, là những hữu thể nhân bản vốn là các cá nhân theo kiểu nói của Maritain. Maritain mô tả xã hội với sự thống trị của luật pháp. Nhà lý thuyết này đã phân loại bốn loại lề luật chính: luật vĩnh cửu, luật tự nhiên, 'thường luật văn minh' (droit des gens hoặc jus gentium), và luật thực định (droit positif).

Vì bản chất của đức tin dân chủ không phải là giáo thuyết mà là thực hành, nên tiêu chuẩn can thiệp của Nhà nước trong lĩnh vực phát biểu các ý tưởng cũng phải mang tính thực tiễn chứ không phải ý thức hệ. Nhà nước không cần phán quyết liệu một lý thuyết chính trị có dị giáo hay không. Chỉ cần nó cung cấp các bảo đảm cho công lý và tính hợp pháp là đủ để quyết định xem liệu những kẻ dị giáo chính trị có đe dọa quyền dân chủ bằng hành động của họ hay họ có nhận trợ cấp của nhà nước ngoại quốc để tuyên truyền chống dân chủ hay không. "Mỗi lần chính phủ làm ngơ sự thật căn bản này, vốn tùy thuộc vào bản chất riêng của nó, lý lẽ sẽ bị hy sinh. Và mỗi lần khi lý lẽ trả thù, thì cuối cùng xã hội chính trị phần nào đó cũng sẽ bị hy sinh" (Maritain, 1951).

Tuy nhiên, các hạn chế không nên quan trọng nhất trong việc bảo vệ xã hội khỏi những kẻ dị giáo chính trị. Có nhiều phương thế tích cực và xây dựng trong nền dân chủ vững ổn có hiệu quả hơn nhiều. Maritain tin rằng hoạt động của các nhóm và nghiệp đoàn chuyên nghiệp gồm những công dân tận tụy với sự phát triển của triết lý dân chủ, giáo dục người dân về các vấn đề thường luật và đấu tranh trí thức chống lại các phong trào chính trị ưa lật đổ là những phương tiện như vậy. Chính nhà nước có thể thông báo cho người dân biết về những ý thức hệ phản dân chủ, trao nhiệm vụ cho những người nổi tiếng về "khôn ngoan và trong sáng đạo đức để đấu tranh." Điều quan trọng là nâng cao cảm thức trách nhiệm trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông để tạo điều kiện cho xã hội chính trị "sử dụng sức ép tự phát của lương tâm chung và dư luận công cộng bắt nguồn từ các nhóm sắc tộc quốc gia đã được xác nhận rõ ràng, nhằm ngăn chặn quyền lực của những kẻ dị giáo chính trị" ( Maritain, 1951). Nhưng công cụ có ý nghĩa quan trọng nhất mà xã hội chính trị có được - đó là nền giáo dục dân chủ nhằm dạy niềm tin vào quyền dân chủ và nhu cầu hữu cơ phải có nó.

Một nền giáo dục như vậy hầu hết phụ thuộc gia đình chứ không phải nhà nước. Maritain tin rằng việc làm quen với luật tự nhiên về mặt tinh thần là một chức năng của hệ thống giáo dục công cộng và là phụ giúp cho gia đình. Giáo dục công cộng nên cung cấp điều mà gia đình không thể cung cấp - cung cấp cho trẻ em trọn lượng kiến thức cần thiết cho việc đào tạo một con người văn minh. "Quan điểm của tôi nằm ở chỗ, thực hiện vai trò hỗ trợ chung này, hệ thống giáo dục của nhà nước nên cung cấp cho các công dân tương lai không những các kho kỹ năng, kiến thức và khôn ngoan (giáo dục nhân đạo [humanitarian] tổng quát chung cho mọi người), mà còn tạo cho họ một niềm tin sâu sắc và công phu về các quyền dân chủ nói chung, đó là quyền cần thiết cho sự thống nhất của cộng đồng chính trị "(Maritain, 1951).

Maritain thấy rõ vấn đề nan giải của giáo dục tôn giáo trong trường học dân chủ hiện đại, một điều có thể được giải quyết theo hai cách: hoặc các ý tưởng tôn giáo khác nhau quan trọng đối với quốc gia được tích hợp vào hệ thống trường công, hoặc trên cơ sở của mỗi ý tưởng này, chỉ nên dạy tại các trường tư thục.

Cuối cùng, là vấn đề nối kết qua lại giữa giáo dục công lập và giáo dục gia đình. Nhân cách có được những nét đặc trưng của nó ở đâu, trong gia đình hay trong trường học? Maritain tìm kiếm sự hòa hợp giữa các gia đình có giáo dục và các trường công lập dân chủ. Thậm chí, ông còn quy định sự cần thiết của giáo dục nhân đạo [humanitarian] (nghĩa là việc dẫn nhập và hiện hữu thoải mái của con người trong giai đoạn văn minh hiện đại) cho mọi người, sống trong xã hội dân chủ tiên tiến. Ngày nay, vấn đề này vẫn còn rất cấp bách (Raley, 2010; Tabachnick, 2012; Astakhova, 2013 & Mordovtsev, Mordovceva & Mamychev, 2015), và chúng ta phải đóng góp những nỗ lực đáng kể vào diễn trình phát triển và giải quyết vấn đề này.

5. Kết luận

Như vậy, từ những phân tích trên, chúng ta thấy rõ sự đồng điệu của nhiều ý tưởng của lý thuyết gia người Pháp với tính hiện đại. Ở đây điều thích đáng là trích dẫn tác phẩm hàng đầu của Maritain (Maritain, 2007) "Triết gia là một người tìm kiếm sự khôn ngoan. Trên thực tế, sự khôn ngoan không nằm trong số những thiện ích quá nổi tiếng; chưa bao giờ có sự sản xuất quá mức trong lĩnh vực này. Chủ đề được nhà triết học giả thiết lưu ý càng hiếm hoi, thì xu hướng nghĩ rằng xã hội đặc biệt cảm thấy cần có nhà triết học càng bộc lộ mạnh mẽ hơn". Và bất chấp sự ngây thơ biểu kiến trong một số ý tưởng của ông đối với xã hội kỹ trị hiện đại, người ta phải công nhận tính liên quan và hữu ích của nhiều thành quả lý thuyết của ông trong cộng đồng hoàn cầu đang phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc, xóa bỏ không chỉ biên giới của các nhà nước mà còn cả các biên giới của nhân cách nữa.

___________________________________________________

(*) Thoát dịch thuật ngữ deterritorialization, trong lý thuyết phê phán, deterritorialization là diễn trình qua đó một liên hệ xã hội, được gọi là lãnh thổ (territory) có tổ chức và bối cảnh hiện thời của nó bị thay đổi hay hủy diệt.

(**) thoát dịch thuật ngữ “Low Philosophy”: một nền triết học được coi là “low” khi có xu hướng không tập chú vào một cấu trúc đã hoàn tất, nhưng tập chú vào tư tưởng gia sống động; không tập chú vào các suy nghĩ tất yếu hay phổ quát, mà vào các điểm đặc thù đã sống vốn gợi hứng, làm cơ sở và vượt quá chúng; không tập chú vào điều vĩnh cửu và khách quan, nhưng vào điều cận kề và có tính chủ quan. Điều nhà tư tưởng là, làm, và nói quan trọng hơn sách vở, các luận điểm chính thức, và xây dựng hệ thống. Nói tóm lại, một nền triết học “bên dưới” tập chú vào đức tính và sự hoàn hảo của nó.

Tham khảo

Astakhova,E. (2013) Education as a socio-economic market the product in the new historical conditions // Educational potential of the Kharkiv region: monograph / Nar. Ukr. Acad. Kharkiv. Section. 3.1. pp. 282-289.

Chiesa, S.B. (1980) Cultura e politica in Jacques Maritain / B. Sorge // Civilta cattolica. – Roma, 1980.

Corduan, W. (2007) Neo-Thomism (Electronic resource) / W. Corduan. Mode of access: http://mb-soft.com/believe/txo/neothomi. htmlastupdatedon 05/31/2007.

Crosson, F.J. (1983) Maritain and natural rights / F.J. Crosson // Rev. of metaphysics. Wash. Vol. 36, 4. pp. 897–912.

Fay, Th.A. (1991) Maritain on rights and natural law / A.Th. Fay // Thomist. Wash. Vol. 55, 3. pp. 439–448.

Lyubashits, V.Y., Mordovtsev, A.Y. & Mamychev, A.Y. (2015) State and Algorithms of Globalization // Mediterranean Journal of Social Sciences. Vol 6, No 3 S6. pp. 269-277.

Maritain, J. (1996) Integral Humanism, Freedom in the Modern World, and A Letter on Independence, Revised Edition (ND Maritain Collected Works). pp. 368.

Maritain, J. (1987) l’Ordre des concepts (logique) / J. Maritain // Jacques et Raissa Maritain. Oeuvres completes. Fribourg (Suisse): Editions universitaires / Paris Editions Saint–Paul. Vol. II. pp. 277–765.

Maritain, J. (1999) La loi naturelle ou loi non ecrite / J. Maritain // Jacques et Raissa Maritain. Oeuvres completes. Fribourg (Suisse): Editions universitaires. Paris: Editions Saint–Paul. Vol. XVI. pp. 918.

Maritain, J. (1951) Man and the State. University of Chicago Press, Chicago, ILL. pp. 196.

Maritain, J. (2007) Le philosophe dans la cité. Editeur Parole et Silence (6 septembre 2007). Paris. pp. 227.

Miller, F.D. & Biondi, Carrie-Ann (2015) A Treatise of Legal Philosophy and General Jurisprudence. Volume 6: A History of the Philosophy of Law from the Ancient Greeks to the Scholastics. Springer, 2015. pp. 444.

Mordovtsev, A.Y. & Mordovceva, T.V. & Mamychev, A.Y. (2015) The Convergence of Law: The Diversity of Discourses // Mediterranean Journal of Social Sciences. Vol. 6, 3. pp. 257-26.

Possenti, V. (1983) Philosophie du droit et loi naturelle selon Jacques Maritain / V. Possenti // Revue thomiste. Paris; Bruxelles. T.83, No.4. pp. 598–608.

Raley, Y. & Preyer, G. (2010) Philosophy of Education in the Era of Globalization, Taylor & Francis, NY, Routledge. pp. 246.

Shestopal, S. (2014) Political and Legal personalism and pluralism J. Maritain’s concept and treatment // Theory and practice of jurisprudence, 1(5), pp. 32. Retrieved from: http://nauka.jur-academy.kharkov.ua/download/el_zbirnik/1.2014/13.3.pdf.

Sorge, B. (1980) Chiesa, cultura e politica in Jacques Maritain / B. Sorge // Civilta cattolica. Roma. A.131, vol. 4, 3130. pp. 356–366.

Tabachnick, D. & Koivukoski, T. (2012) Globalization, Technology, and Philosophy, SUNY Press. pp. 257

 
VietCatholic TV
Quân Nga tan rã, buông vũ khí đầu hàng, thành phố chiến lược Kupyansk hoàn toàn giải phóng
VietCatholic Media
15:23 10/09/2022


1. Quân Nga buông vũ khí đầu hàng, thành phố chiến lược Kupyansk hoàn toàn giải phóng

Trong bản tin sáng thứ Bẩy 10 tháng 9, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết quân Ukraine đã tới bên ngoài thành phố Kupiansk, nằm cách trung tâm thành phố Kharkiv 117km. Phát ngôn nhân Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết:

Các lực lượng vũ trang Ukraine đã tiếp cận thành phố quan trọng là trung tâm cung ứng và hậu cần quan trọng Kupyansk ở khu vực Kharkiv, một bức ảnh định vị địa lý của CNN cho thấy như trên.

Trên các mạng xã hội đã xuất hiện những bức ảnh chụp những người lính Ukraine cầm cờ trước một biển chỉ dẫn, ở lối vào phía nam của thành phố. Lực lượng Ukraine vẫn chưa vào bên trong thành phố. Tuy nhiên, Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ cho rằng không quá 72 giờ nữa họ sẽ chiếm được thành phố này.

Kupyansk là một trung tâm tiếp tế và hậu cần quan trọng cho các lực lượng Nga không chỉ ở Izium và Lyman, ngay phía nam mà còn cho một số khu vực thuộc khu vực Luhansk và Donestk.

Các lực lượng Ukraine đã giương cao lá cờ của đất nước họ tại khu định cư Shevchenkove ở Kharkiv, nằm cách nút hậu cần quan trọng của Kupyansk khoảng 30 km. Hình ảnh do CNN định vị địa lý cho thấy lá cờ Ukraine bay phía trên tòa nhà chính quyền địa phương.

Dự đoán của Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ là trong vòng 72 giờ nữa quân Ukraine sẽ chiếm được thành phố Kupiansk. Tuy nhiên, không cần đến 72 giờ, chỉ vài giờ sau đó, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết Kupiansk đã được hoàn toàn giải phóng. Điều khôi hài là thành phố đã được giải phóng bởi lực lượng cảnh sát quốc gia Ukraine, chứ không phải lính Dù hay Biệt Động Quân. Các lực lượng này đã vượt qua thành phố này đánh thẳng về hướng Izium; giao lại trách nhiệm giải phóng thành phố cho cảnh sát quốc gia Ukraine. Tin sơ khởi cho biết các lực lượng Nga trong thành phố đã bỏ vũ khí đầu hàng.

Kupiansk là thành phố chiến lược vì đây là đầu mối giao thông của miền Kharkiv và miền Donbas. Quân Nga tập trung một lượng lớn khí tài chiến tranh để phân phối cho chiến trường Donetsk, Luhansk và Kharkiv. Những kho vũ khí khổng lồ của Nga đã bị tịch thu.

Do vị trí chiến lược, thành phố đã bị Đức Quốc xã chiếm đóng trong Chiến tranh thế giới thứ hai từ ngày 24 tháng 7 năm 1942 đến ngày 3 tháng 2 năm 1943.

Trong cuộc xâm lược của Putin vào Ukraine, Kupiansk bị quân Nga chiếm đóng từ rất sớm, cụ thể là vào ngày 27 tháng 2. Mặc dù quân đội Ukraine đã phá hủy một cây cầu đường sắt để làm chậm bước tiến của Nga ba ngày trước đó, Thị trưởng Kupiansk là Hennadiy Matsehora, thành viên của đảng Đối lập - Vì sự sống, đã đầu hàng, trao thành phố cho Quân đội Nga để đổi lấy việc chấm dứt các hành động thù địch, vì người Nga đe dọa sẽ chiếm thành phố bằng vũ lực. Kết quả là chính phủ Ukraine đã truy tố Matsehora về tội phản quốc vào ngày hôm sau. Ngày 28 tháng 2, Matsehora bị chính quyền Ukraine bắt giữ. Sau đó, Kupiansk trở thành trụ sở trên thực tế của chính quyền quân sự-dân sự Kharkiv do Nga thành lập.

Vào ngày 8 tháng 9, phát ngôn nhân của Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine thông báo rằng các lực lượng Ukraine đã chiếm lại hơn 20 khu định cư ở vùng Kharkiv và ở một số khu vực đã xâm nhập vào các vị trí phòng thủ của Nga tới 50km. Cùng ngày, chính quyền chiếm đóng của Nga tuyên bố rằng 'quân đội Nga đã bắt đầu bảo vệ thành phố' và 'quân tiếp viện từ Nga đang bổ sung vào khu vực'. Hôm thứ Sáu, 9 tháng, các lực lượng Ukraine tiến vào vùng ngoại ô Kupiansk, bắt đầu trận Kupiansk. Đến sáng ngày 10 tháng 9, các lực lượng Ukraine đã chiếm lại hội đồng thành phố. Cuối ngày, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine tuyên bố Kupiansk hoàn toàn giải phóng và ghi công cho lực lượng cảnh sát quốc gia Ukraine.

2. Phóng viên quân đội Nga bị mắng là đồ ngu vì chiếu đoạn phim tiếp viện của Nga đến vùng Kharkiv

Một nhà báo quân sự Nga ở khu vực Kharkiv đã đưa tin về sự xuất hiện của đoàn quân tiếp viện xung quanh hai địa điểm quan trọng hiện đang bị đe dọa bởi các cuộc tấn công của lực lượng Ukraine.

Phóng viên Yevgeniy Poddubny đã chiếu video trên kênh Telegram của anh ta về những chiếc trực thăng vận tải đang đến khu vực phía đông, với ít nhất một chiếc được nhìn thấy đang chở một chiếc xe bọc thép.

Anh ta nói trong video: “Để tái triển khai quân dự bị tới Kupiansk và Izium, Bộ chỉ huy quân sự Nga đang sử dụng trực thăng Mi-26, đưa quân và xe bọc thép tăng cường cho các đơn vị quân đội Nga ở vùng Kharkiv.

“Các trực thăng đang hạ cánh tại các bãi đáp dọc theo giới tuyến. Lực lượng tiếp viện sẽ giúp ngăn chặn bất kỳ bước tiến nào nữa của chế độ Kyiv.”

Các lực lượng Ukraine đang ở ngoại ô phía tây của thành phố Kupiansk và cũng đã tấn công về phía nam tới Izium sau khi phát động một cuộc tấn công bất ngờ vào đầu tuần.

Trong một báo cáo sau đó, Poddubny nói rằng “Kupiansk vẫn đang ở dưới hỏa lực của kẻ thù,” và nói thêm rằng “quân dự bị của chúng ta đang đến tiền tuyến. Cầu không vận đã hoạt động cả ngày hôm nay “.

Trên Telegram của mình, Poddubny nói rằng do hậu quả của hành động của Ukraine, cây cầu bắc qua sông Oskil ở Kupiansk đã bị hư hại nghiêm trọng.

Anh ta nói: “Thành phố hiện đang hứng chịu các cuộc tấn công bằng pháo của Lực lượng vũ trang Ukraine.”

“Việc bảo vệ Kupiansk vẫn tiếp tục. Các lực lượng dự bị tiếp tục tiếp cận.”

Kupiansk là một trung tâm đường sắt quan trọng để tiếp tế cho Nga. Thị trấn Izium đã nằm trong tay Nga từ tháng 4 và là điểm phát động cho các cuộc tấn công về phía nam vào khu vực Donetsk.

Các bình luận của phóng viên Yevgeniy Poddubny đã bị Igor Girkin, một cựu chỉ huy của quân đội Nga từng đóng một vai trò trung tâm trong việc chiếm Crimea, mắng là “đồ ngu”, vì các tường trình như thế có thể gây tổn thất cho quân đội Nga. Theo Igor Girkin, người Ukraine đang chờ sẵn và sẽ giáng những đòn HIMARS vào đoàn quân tiếp viện của Nga khi họ rơi vào tầm bắn của thứ vũ khí lợi hại này.

Sau một cuộc họp giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và các tư lệnh quân đội, cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak đã kêu gọi người dân các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời và Crimea do Nga chiếm đóng chuẩn bị hầm tránh bom và tích trữ nước uống.

Ông Podolyak nói: “Chúng tôi yêu cầu cư dân của các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, bao gồm cả bán đảo Crimea, tuân theo các khuyến nghị của các quan chức trong các biện pháp giải phóng vùng bị tạm chiếm. Đặc biệt, hãy chuẩn bị hầm tránh bom, hãy tích trữ đủ lượng nước và sạc điện cho các tấm pin. Mọi thứ sẽ thuộc về Ukraine.”

Tay phóng viên Yevgeniy Poddubny đưa ra bình luận rằng cuộc họp quan trọng tại Kyiv là bàn về cuộc tấn công giải phóng Crimea. Anh ta phê bình đó là ảo tưởng hoang đường của Kyiv, hay chỉ là cách để vòi thêm viện trợ quân sự của Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu.

Theo nhãn quan của một quân nhân chuyên nghiệp, Igor Girkin cho rằng đó là một động tác giả của người Ukraine. Thật ra, cuộc họp đó có thể chẳng bàn gì đến việc giải phóng Crimea, nhưng bàn về việc đánh Kharkiv. Yevgeniy Poddubny và nhiều ký giả trong các phương tiện truyền thông Nga đã trúng kế của Kyiv.

Theo nhận định của mình, Igor Girkin cho rằng Putin được tường trình rộng rãi là đã ra lệnh cho quân đội của mình thời hạn cuối cùng vào ngày 15 tháng 9 để chiếm toàn vùng Donetsk. Để làm hài lòng Putin, các tướng lãnh Nga đã điều quân từ vùng Kharkiv sang Donetsk với ý đồ giải quyết cuộc chiến giằng dai không đi đến đâu trong mấy tháng qua, và với giả định rằng quân Ukraine đang tấn công ráo riết ở miền Nam sẽ không thể tấn công ở miền Bắc. Trong một diễn biến thật bất ngờ, quân Ukraine đã chụp ngay cơ hội bằng vàng, bí mật không vận Lữ đoàn Dù số 25 đang tham gia cuộc tổng phản công ở Kherson ra miền Bắc để cùng với Lữ đoàn Dù 80 và Lữ đoàn Biệt Động Quân 92 tấn công giải phóng vùng Kharkiv. Kết quả là những thảm bại khó lòng cứu vãn gây ra bởi những thằng ngu, ám chỉ các ký giả Nga, và thằng hề, ám chỉ Putin.

Trong cuộc xâm lược Ukraine của Nga, Girkin đã kêu gọi một cuộc tổng động viên vào ngày 29 tháng 3. Vào ngày 21 tháng 4, Girkin đưa ra quan điểm rằng “nếu không có ít nhất một sự huy động một phần ở Liên bang Nga, sẽ không thể và rất nguy hiểm để phát động một cuộc tấn công chiến lược sâu chống lại Ukraine”.

Vào ngày 13 tháng 5, Girkin chỉ trích gay gắt Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, cáo buộc ông này có “ngu dốt một cách hình sự” trong việc tiến hành cuộc xâm lược.

Vào ngày 15 tháng 8, Girkin được cho là đã bị giam giữ tại Crimea khi đang cố gắng đi đến chiến tuyến gần Kherson.

Vào ngày 23 tháng 8, Girkin gọi Putin là một tên hề.

Igor Girkin được coi là đại công thần trong việc chiếm Crimea và vùng Donbas vào năm 2014 cho nên trong mấy ngày qua, ông ta tha hồ chửi mà Putin và các cận thần không dám làm gì ông ta.

3. Quân đội Ukraine tuyên bố tỷ lệ đào ngũ của Nga đang tăng

Quân đội Ukraine tuyên bố rằng tình trạng đào ngũ của các lực lượng Nga đang gia tăng ở khu vực phía nam Kherson khi đối mặt với cuộc phản công của Ukraine.

Trong một bản cập nhật hoạt động hôm thứ Sáu, Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết “do tổn thất đáng kể và không sẵn sàng chiến đấu, tình trạng tinh thần và tâm lý của các đơn vị chiếm đóng đang xấu đi đáng kể và số lượng đào binh ngày càng tăng”.

Bộ Tổng tham mưu nói rằng tại một thị trấn gần Crimea, người Nga đã sử dụng máy bay trực thăng “để tìm kiếm những kẻ đào tẩu và đưa họ về vị trí chiến đấu.”

Trong một diễn biến khác, họ cho biết các đơn vị Ukraine đã chặn đứng một số cuộc tấn công của kẻ thù ở khu vực Kharkiv và Donetsk, cách xa khu vực nơi tiếp tục tiến công của Ukraine.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cũng cho biết các máy bay chiến đấu của Ukraine đã thực hiện hơn 10 cuộc không kích ở cả Donetsk và miền nam.

Không quân Ukraine dường như đã hoạt động tích cực hơn trong những tuần gần đây, nhờ vào các hỏa tiễn của Mỹ có khả năng tìm kiếm và tiêu diệt các đơn vị phòng không của Nga.

Bộ chỉ huy chiến dịch miền Nam của quân đội cho biết các đơn vị Ukraine tiếp tục đánh phá “các điểm tập trung nhân lực và thiết bị chiến đấu, cầu vượt ở khu vực Darivka và cây cầu tạm thời ở khu vực Nova Kakhovka,” mà người Nga đã dựng lên để cố gắng tiếp tế cho lực lượng ở bờ Tây của sông Dnipro.

4. Cựu chỉ huy quân đội Nga cho rằng quân đội của Putin có hai ngày để tấn công hoặc đối mặt với thất bại

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin's Troops Have Two Days to Attack or Face Defeat: Ex-Military Leader”, nghĩa là “Cựu chỉ huy quân đội Nga cho rằng quân đội của Putin có hai ngày để tấn công hoặc đối mặt với thất bại.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Quân đội của Tổng thống Vladimir Putin có một hoặc hai ngày để tiến hành các cuộc phản công chống lại Ukraine gần thành phố bị chiếm đóng Izium ở miền đông Kharkiv, hoặc có thể buộc phải rời khỏi khu vực này, theo một cựu chỉ huy của quân đội Nga.

Igor Girkin, người cũng được gọi là Igor Strelkov, đã cập nhật tình hình gần Izium trong một bài đăng trên Telegram vào hôm thứ Sáu, viết rằng Nga có khả năng không thể khôi phục đường dây liên lạc trên bộ giữa Izium và thành phố Kupyansk trong khung thời gian đó, và điều đó cũng có thể phần nào dẫn đến quyết định có nên rút lui hay không. Ông nói thêm, các lực lượng Nga thậm chí có thể phải rời khỏi Izium tùy thuộc vào thời điểm và khi Nga bắt tay vào cuộc phản công chống lại các bước tiến của Ukraine.

“Vấn đề đặt ra về thời điểm phản công rất gay gắt: nếu địch, tức là quân Ukraine, cố thủ được ở những vị trí đã chiếm được, kéo pháo và phòng không đến đó, thì các đơn vị của ta, tức là người Nga, sẽ vô cùng khó khăn để phản công nếu thực sự có một cuộc phản công như thế (do quân số cực kỳ thấp, đặc biệt là bộ binh)”.

Trong khi tiến hành một cuộc phản công ở khu vực phía nam Kherson vốn đã dẫn đến “những tổn thất đáng kể” cho Mạc Tư Khoa, các lực lượng Ukraine cũng đã giành được nhiều thành tựu ở khu vực Kharkiv trong những ngày gần đây.

Chuẩn tướng Oleksiy Gromov, đại diện của Bộ Tổng tham mưu Ukraine, cho biết tại cuộc họp báo hôm thứ Năm rằng quân đội Ukraine đã tiến sâu 50 km hay 31 dặm vào sâu trong lãnh thổ do Nga chiếm đóng trước đây gần Kharkiv. Tài khoản Twitter Bản đồ Chiến tranh Ukraine cũng nêu tên một số khu định cư ở Kharkiv vào hôm thứ Tư mà họ cho biết đã được giải phóng bởi quân đội Ukraine, bao gồm Semenivka, Volokhiv Yar, Vovchyi Yar và Kalynivka.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, một tổ chức tư vấn của Mỹ, đã viết trong đánh giá chiến dịch hôm thứ Năm rằng các lực lượng Ukraine ở Kharkiv đã tiến gần đến phạm vi 20 km, hoặc khoảng 12 dặm, từ “trung tâm hậu cần quan trọng” của Nga ở Kupyansk.

ISW cho biết thêm: “Các lực lượng Ukraine có thể sẽ chiếm được Kupyansk trong 72 giờ tới, làm suy giảm nghiêm trọng nhưng không cắt đứt hoàn toàn các đường dây liên lạc trên bộ của Nga tới Izium”.

Strelkov dự báo trong đánh giá Telegram của mình rằng các nỗ lực chính của các lực lượng Ukraine, sẽ tập trung vào việc vượt qua Izium từ phía đông bắc, cũng như vượt qua và chiếm Kupyansk.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để xác nhận về đánh giá và bình luận của Strelkov về tình hình hiện tại của quân đội Putin trong khu vực. Bộ Quốc phòng Ukraine cũng đã được liên hệ để đưa ra bình luận về các thành tựu ở Kharkiv đã được báo cáo.

5. Vương quốc Anh cho rằng rất khó có khả năng là đồng minh hàng đầu của Putin sẽ gửi quân đến Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin's Top Ally 'Highly Unlikely' to Send Troops to Ukraine: U.K”, nghĩa là “Vương quốc Anh cho rằng rất khó có khả năng là đồng minh hàng đầu của Putin sẽ gửi quân đến Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Theo Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh, “rất khó xảy ra” là các cuộc tập trận thường kỳ do Belarus, một đồng minh hàng đầu của chế độ Tổng thống Nga Vladimir Putin, phát động trong tuần này, có nghĩa là quốc gia Đông Âu sẽ gửi quân đến Ukraine.

Hôm thứ Năm, một bài đăng trên Telegram từ Bộ Quốc phòng Belarus thông báo rằng các cuộc diễn tập nhằm thực hành giải phóng “các lãnh thổ bị kẻ thù tạm thời chiếm đóng” và khôi phục quyền kiểm soát đối với các khu vực biên giới. Các cuộc tập trận, bắt đầu vào thứ Năm và sẽ kéo dài đến ngày 14 tháng 9, đang diễn ra gần thành phố Brest của Belarus ở biên giới Ba Lan, cũng như xung quanh thủ đô Minsk và ở khu vực đông bắc Vitebsk.

“Mặc dù Nga đã sử dụng lãnh thổ Belarus là công cụ trong cố gắng thất bại trong mưu toan chiếm Kyiv trong những ngày đầu của cuộc xâm lược, nhưng các lực lượng Belarus có khả năng tấn công rất hạn chế và rất ít khả năng họ đã triển khai lực lượng vào Ukraine”, Bộ Quốc phòng Anh viết trong thông tin cập nhật tình báo hôm thứ Sáu. “Rất ít khả năng rằng những cuộc tập trận này là dấu hiệu chuẩn bị cho sự tham gia trực tiếp của Belarus vào cuộc chiến Ukraine.”

Trong khi Putin phải đối mặt với sự lên án rộng rãi vì cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, thì chế độ của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko là một trong số ít những người đứng về phía nhà lãnh đạo lâu năm của Nga. Lukashenko đã không gửi quân vào Ukraine, nhưng đã đóng một vai trò trong cuộc chiến khi cho phép Mạc Tư Khoa điều quân vào bên trong và tiến hành các cuộc không kích từ lãnh thổ của mình. Ông Putin phát biểu tại một diễn đàn song phương ở thành phố Grodno của Belarus vào tháng 7 rằng các biện pháp trừng phạt “chưa từng có” áp đặt lên cả Nga và Belarus nhằm đáp trả cuộc xâm lược Ukraine đang thúc đẩy hai nước tiến tới “thống nhất”.

Đã có một số dấu hiệu cho thấy Putin muốn sự can dự vào cuộc chiến của đồng minh tiến xa hơn. Mark Voyger, cựu cố vấn của Quân đội Hoa Kỳ, nói với Daily Express vào tháng 6 rằng có những lo ngại rằng Putin đang gây áp lực buộc Belarus phải bổ sung quân vào cuộc tấn công Ukraine.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, một tổ chức tư vấn của Mỹ, cũng đưa ra đánh giá tương tự. Trong bản cập nhật ngày 11 tháng 7, ISW viết rằng Lukashenko có khả năng “đang cố gắng hỗ trợ cho cuộc chiến của Putin ở Ukraine trong bối cảnh không có sự can thiệp quân sự trực tiếp của Belarus nhằm đáp lại sức ép mà Putin có thể gây ra cho mình.”

Với những tiến bộ gần đây của Ukraine trên các mặt trận ở cả khu vực miền nam Kherson và miền đông Kharkiv, cũng như tình trạng thiếu hụt nhân lực cho Nga, Putin được tường trình mong muốn nhận được viện trợ trực tiếp từ Belarus có thể còn cao hơn bây giờ.

Tuy nhiên, ISW đã viết trong bản cập nhật tháng 7 rằng “khả năng Belarus tham gia trực tiếp vào cuộc chiến ở Ukraine vẫn còn rất thấp do ảnh hưởng có thể có đối với sự ổn định và thậm chí là sự tồn tại của chế độ Lukashenko.”
 
Cây thánh giá kỳ lạ của một linh mục Mỹ. 15 năm miền Nam Nga mới có một tân linh mục
VietCatholic Media
17:20 10/09/2022


1. Linh mục đầu tiên từ 15 năm nay tại giáo phận Saratov, Nam Nga

Ngày 07 tháng Mười tới đây, giáo phận thánh Clemente ở Saratov, miền nam Liên bang Nga, sẽ có cuộc truyền chức linh mục đầu tiên kể từ 15 năm nay.

Đó là thầy phó tế Denis Maria Smolko, 30 tuổi, sinh năm 1992, quốc tịch Nga, sinh trưởng trong một gia đình Chính thống, nhưng cách đây 12 năm, thầy đã gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Sau những năm tiền chủng viện ở thành phố Novosibirk ở miền Siberia, thầy Denis được Đức Tổng Giám Mục bản quyền gửi sang Chủng viện Ars, bên Pháp. Thầy theo học tại đây từ năm 2014 đến 2020 và trong thời gian này, thầy gia nhập tu đoàn linh mục thánh Gioan Maria Vianney.

Năm 2020, thầy Denis trở về Nga và ngày 08 tháng Mười Hai năm ngoái (2021), được chịu chức phó tế tại nhà thờ Chúa Kitô ở thành phố Marx, thuộc vùng Saratov và nay đang thi hành sứ vụ phó tế tại giáo phận Tôn Vinh Thánh Giá ở Ufa, thủ phủ Cộng hòa Bashkortstan thuộc liên bang Nga.

Thông cáo của Tòa giám mục Saratov cho biết thầy Denis Maria Smolko chuẩn bị cho việc chịu chức linh mục từ 10 năm nay. “Đối với giáo phận chúng tôi, đây là một biến cố rất có ý nghĩa, vì lễ truyền chức linh mục trước đây tại giáo phận này cách đây 15 năm”.

Giáo phận Saratov do Đức Cha Klemens Pickel gốc Đức cai quản và chỉ có 19.000 tín hữu Công Giáo, thuộc 51 giáo xứ với 21 linh mục giáo phận và 28 linh mục dòng. Lãnh thổ giáo phận này rộng một triệu 400.000 cây số vuông, quá bốn lần Việt Nam, nhưng chỉ có 45 triệu dân cư.

2. Đức Tân Hồng Y Marengo cho biết chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng đến Kazakhstan sẽ thúc đẩy Giáo Hội ở trung tâm Á Châu

“Tôi nghĩ rằng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đến đất nước xinh đẹp nơi có nhiều tôn giáo này chắc chắn sẽ nêu gương tốt về sự hợp tác hiệu quả cho tất cả mọi người,” Đức Tân Hồng Y người Mông Cổ, Giorgio Marengo, nói về chuyến công du sắp xảy ra của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Kazakhstan, từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 9.

Vị Giám Quản Tông Tòa 48 tuổi của Ulaanbaatar, thành viên trẻ nhất của Hồng Y Đoàn, cho biết ngài rất kỳ vọng vào chuyến thăm. Ca ngợi “truyền thống tuyệt vời của Kazakhstan là đoàn kết mọi người và phát triển nhận thức về tầm quan trọng của hòa bình, hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau trong thời điểm khó khăn như hiện nay”, ngài hy vọng rằng chuyến thăm của người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo sẽ có “tác động tích cực đến các quốc gia khác trong khu vực, bao gồm cả Mông Cổ, mặc dù chúng tôi ở xa một chút”. Ngài cũng hy vọng rằng đây sẽ là “một ví dụ điển hình về cách Giáo Hội Công Giáo nhấn mạnh đối thoại giữa các tôn giáo, trong sự hợp tác với những người thuộc các tôn giáo khác nhau”.

Vị Hồng Y cũng nói về những thách thức của công việc truyền giáo ở một đất nước mà “việc trở thành một người Công Giáo không được coi là một điều gì đó hoàn toàn bình thường.” “Người ta phải rất quyết tâm và can đảm để đưa ra quyết định quan trọng trong cuộc đời này”


Source:UCANews

3. Nhật ký trừ tà số 205: Phải chăng là di tích của Thập tự giá thật?

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #205: Relic of the True Cross?”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 205: Phải chăng là di tích của Thập tự giá thật?”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một trong những người trừ tà của chúng tôi có một thánh tích được cho là lấy từ cây thánh giá thật trong giáo xứ của ngài. Không có bất kỳ tài liệu nào xác nhận điều đó. Một số người đặt câu hỏi liệu những mảnh gỗ này có thực sự là từ thập tự giá của Chúa Giêsu hay không.

Người ta nói rằng Thánh Helena, mẹ của Hoàng đế Constantine, đã khai quật được ba cây thánh giá từ địa điểm được cho là nơi Chúa Giêsu bị đóng đinh tại đồi Can-vê. Để xác định cây thánh giá nào là cây thánh giá thật, cô đã cho ba cây thánh giá chạm vào cơ thể của một người phụ nữ sắp chết vì bệnh nan y. Chỉ khi chạm vào một trong số chúng, cô ấy đã được chữa khỏi. Gỗ này đã được tôn là cây thánh giá thực sự kể từ đó.

Nhà trừ tà của chúng tôi đang tự hỏi liệu mảnh vỡ của ngài có phải là xác thực hay không. Ngài giấu cây thánh giá trong túi và mang đến một buổi trừ tà. Đó là một trường hợp đặc biệt khó khăn với sự hiện diện của ma quỷ mạnh mẽ. Giữa buổi trừ tà, ngài đứng đằng sau người bị quỷ ám giờ đây đang tràn đầy năng lượng biểu lộ ra ngoài. Đứng đằng sau người đó, khi ngài thò tay vào túi, những con quỷ hét lên, “Di tích của cây thánh giá thật!” Họ quằn quại và rõ ràng đang bị dày vò. Vẫn ở sau lưng người bị quỷ ám, ngài đặt thánh tích vào gáy người ấy. Một lần nữa những con quỷ lại hét lên, “Di tích của thập tự giá thật!” Một lần nữa, họ lại quằn quại trong đau khổ.

Ma quỷ thường nói dối. Phải chăng chúng đang cố gắng đánh lừa vị linh mục trừ tà? Có thể. Nhưng có những lúc Chúa buộc quỷ phải nói ra sự thật. Nhà trừ quỷ tin rằng đây là trường hợp đó, Chúa buộc những con quỷ làm chứng cho thập tự giá thật của Người.

Có rất nhiều thánh tích trong nhà nguyện nhỏ của chúng tôi, nơi các lễ trừ tà được thực hiện. Thánh tích của thập tự giá thực sự có một vị trí đáng tôn vinh. Và cho dù đó không phải là gỗ thực sự từ thập tự giá của Chúa Giêsu, nó vẫn được sử dụng trong các buổi trừ tà của chúng tôi với đức tin. Chúng tôi tin tưởng vào sự chiến thắng của cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, và chúng tôi tin rằng khi chúng tôi sử dụng thánh tích này trong đức tin, Chúa đã quảng đại ban cho một ân sủng đặc biệt. Sự chứng kiến của những con quỷ cho chúng ta thêm niềm tin vào tính xác thực và sức mạnh đáng nể của thánh tích này.
Source:Catholic Exorcism
 
Bí quyết Ukraine thắng quá nhanh ở Kharkiv. Thua đau, tướng Nga khóc lóc, mắng Putin là thằng hề
VietCatholic Media
03:34 10/09/2022


1. Tướng Nga chửi bới Putin là thằng hề và báo cáo rằng lính Nga bỏ chạy khỏi các vị trí trong cuộc phản công Kharkiv

Igor Girkin, một cựu chiến binh tình báo và chỉ huy quân đội, người từng là Bộ Trưởng và từng là trung tâm trong việc chiếm Crimea và các phần của vùng Donbas vào năm 2014, đã bày tỏ sự hằn học đối với Putin vì những thất bại quân sự từ hôm thứ Tư 7 tháng 9 cho đến nay. Tháng trước, Girkin nói rằng Zelenskiy thường bị gắn mác 'chú hề' vì anh ấy là một diễn viên hài truyền hình trước khi được bầu làm tổng thống. Tuy nhiên, thực ra Putin mới là một thằng hề. Trong mấy ngày qua, ông tiên đoán rằng quân Nga đã thua rồi.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russians Abandoning Positions in Kharkiv Counter-Offensive: Report”, nghĩa là “Báo Cáo Cho Thấy Quân Nga Bỏ Chạy Khỏi Các Vị Trí Tại Kharkiv Trong Cuộc Phản Công”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Quân đội Nga được cho là đang bỏ chạy khỏi các vị trí của họ ở Kharkiv trong bối cảnh có những báo cáo về một cuộc phản công của Ukraine ở khu vực hiện đang bị chiếm đóng.

Nhà phân tích quân sự Rob Lee đã chia sẻ điều mà ông gọi là các phúc trình “bi quan” từ một nguồn tin Nga trên ứng dụng nhắn tin Telegram vào ngày 7 tháng 9.

Nguồn tin viết rằng các lực lượng Nga ở khu vực Kharkiv đang bỏ chạy khỏi các vị trí không được kiên cố cho lắm và rằng các lực lượng Ukraine đang bỏ qua các thị trấn và các cuộc giao tranh đô thị để tiến sâu hơn vào phía sau phòng tuyến của Nga.

Igor Girkin cho biết: “Quân đội Ukraine không tham gia vào các cuộc giao tranh trong thành phố... nhưng bỏ lại phía sau người của chúng ta, bao vây họ và pháo kích họ”. Ông nói thêm rằng quân Nga bị bỏ lại “không có vũ khí hạng nặng và họ đơn giản là không thể chống lại người Ukraine”.

“Lực lượng của chúng ta, tức là người Nga, đã tung một số quân vào Shevchenko để kìm chân kẻ thù. Nhưng Ukraine đơn giản là vượt qua thị trấn này dọc theo vùng ngoại ô, tung một phần lực lượng của mình để kiềm chế quân đội của chúng ta, và thành công tiến đến Kupyansk.”

“Một giờ trước, phía sau Shevchenko, tôi nhận thấy một hàng dài xe quân Ukraine đang hướng về Kupyansk một cách vinh quang.”

Phúc trình của Igor Girkin nói thêm rằng nhìn chung, mọi thứ ở Kharkiv thật là “tồi tệ”.

“Không có nhiều sự phản kháng từ phía chúng ta trong ngày thứ ba. Quân đội của chúng ta bỏ chạy khỏi các vị trí không được kiên cố và rút lui”.

Igor Girkin, một cựu lãnh đạo quân đội Nga, đã than phiền về cuộc phản công được báo cáo của Kyiv ở Kharkiv, và đánh giá rằng quân đội Nga có thể bị bao vây ở Balakliya, một thị trấn bị chiếm đóng.

Girkin, người thích được gọi là Igor Strelkov, đã công bố đánh giá của mình về tình hình trên kênh Telegram của mình khi các báo cáo xuất hiện rằng các lực lượng vũ trang Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ vào mặt trận Kharkiv trong tuần này.

Cựu lãnh đạo quân đội, trích dẫn các nguồn tin, cho biết quân đội Nga đã thất bại trong việc kiềm chế binh lính Ukraine. Girkin cũng cho biết các tân binh Nga không biết sử dụng vũ khí hạng nặng ở Balakliya, và cho rằng đã có một “sự thiếu đào tạo đáng tiếc”.

Girkin cũng trích dẫn các nguồn tin của mình nói rằng Ukraine đang thực hiện các cuộc tấn công với “sự táo bạo vượt trội” và “trên áo giáp và bánh xe, họ chiếm lĩnh các vị trí.”

Ông thừa nhận các báo cáo rằng hai đơn vị SOBR, tức là Đơn vị phản ứng đặc biệt, của Nga đã bị bao vây trong khu vực.

Các kênh Telegram thân Nga cũng đã đưa tin về việc quân đội Ukraine chiếm lĩnh các vị trí và thành công trong khu vực, nói rằng các chiến binh của các đơn vị đặc nhiệm từ khu vực Samara và Bashkortostan đã bị quân đội Ukraine bao vây.

Một kênh Telegram ủng hộ Điện Cẩm Linh do blogger Volodymyr Romanov điều hành đã đưa tin rằng một đơn vị Nga đã bị bao vây gần Balakliya. Kênh Rosich Telegram cũng viết rằng các chiến binh của SOBR đã bị bao vây.

Hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti đưa tin hôm thứ Năm rằng các nhà chức trách do Điện Cẩm Linh cài đặt ở Kharkiv đang di tản phụ nữ và trẻ em khỏi các quận Kupyansk và Kupyansky do bị Ukraine pháo kích.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để đưa ra bình luận.

2. Viện Nghiên cứu Chiến tranh Hoa Kỳ cho rằng Nga thất bại tại Kharkiv là do Putin ham tuyên truyền

Putin được tường trình đã ra lệnh cho quân đội của mình thời hạn cuối cùng vào ngày 15 tháng 9 để chiếm toàn vùng Donetsk. Để làm hài lòng Putin, các tướng lãnh Nga đã điều quân từ vùng Kharkiv sang Donetsk với ý đồ giải quyết cuộc chiến giằng dai không đi đến đâu trong mấy tháng qua, và với giả định rằng quân Ukraine đang tấn công ráo riết ở miền Nam sẽ không thể tấn công ở miền Bắc. Trong một diễn biến thật bất ngờ, quân Ukraine đã chụp ngay cơ hội bằng vàng, bí mật không vận Lữ đoàn Dù số 25 đang tham gia cuộc tổng phản công ở Kherson ra miền Bắc để cùng với Lữ đoàn Dù 80 và Lữ đoàn Biệt Động Quân 92 tấn công giải phóng vùng Kharkiv.

Bàn về diễn biến này, tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Exploiting Putin's September Deadline With 'Opportunistic' Advances”, nghĩa là “Ukraine Lợi Dụng Thời Hạn Tháng Chín Để Có Các Chiến Thắng Cơ Hội”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Các lực lượng Ukraine ở khu vực đông nam Kharkiv đang tận dụng sự vắng mặt của các lực lượng Nga, nhằm thực hiện một cuộc phản công “cơ hội” trong khu vực, khi một số đơn vị Nga đã được phân bổ sang Donetsk nhằm đáp ứng cho hạn chót của Putin vào ngày 15 tháng 9, để chiếm thêm đất đai.

Tuần trước, Chuẩn tướng Oleksiy Gromov, Phó cục trưởng Cục Tác chiến của Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine, cho biết tại một cuộc họp báo rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho các lực lượng của ông phải tiến tới biên giới hành chính của khu vực Donetsk phía đông Ukraine, hạn chót là vào ngày 15 tháng 9.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, trích dẫn các nguồn tin của Nga, đã viết trong đánh giá chiến dịch hôm thứ Tư rằng quân đội Nga đã bắt đầu gửi quân tiếp viện đến khu vực Kharkiv để giúp bảo vệ nó trước những bước tiến của Ukraine. Ngoài ra, “lực lượng của Nga trong khu vực này có khả năng bị giảm sức mạnh do các đợt điều động trước đó của Nga nhằm hỗ trợ các nỗ lực liên tục chiếm phần còn lại của vùng Donetsk và hỗ trợ trục phía nam”.

Các bước tiến của Ukraine ở khu vực Kharkiv, đã diễn ra song song với một cuộc phản công ở khu vực phía nam Kherson, theo báo cáo đã khiến Nga phải chịu “thiệt hại đáng kể”. Những tổn thất này đối với quân đội của Putin ở Kherson chủ yếu bao gồm các cuộc không kích vào các căn cứ của Nga, cũng như việc Ukraine tái chiếm thị trấn Vysokopillia ở Kherson vào hôm Chúa Nhật.

Vào đầu tháng 7, hãng tin AP đưa tin rằng các lực lượng Nga được cho là đang nắm giữ khoảng một nửa vùng Donetsk trong những tuần gần đây, nhưng không rõ mọi thứ đang ở đâu trong khu vực. Trong bản cập nhật thông tin tình báo hôm thứ Hai, Bộ Quốc phòng Anh viết rằng việc Nga chiếm được toàn vùng Donetsk trước thời hạn mà Putin đưa ra “rất khó xảy ra”.

“Bất chấp các nỗ lực của Nga nhằm kiềm chế các hành động tấn công gần đây của Ukraine, nỗ lực chính của Nga ở Ukraine gần như chắc chắn vẫn là hoạt động tấn công Donetsk”, bản cập nhật viết. “Các trục tiến chính của nó ở Donbas vẫn ở Avdiivka gần Thành phố Donetsk và 60 km về phía bắc, xung quanh Bakhmut. Mặc dù Nga được kể là thành công nhất trong khu vực này, nhưng các lực lượng của họ vẫn chỉ tiến được cùng lắm là khoảng 1km mỗi tuần về phía Bakhmut”.

Việc Nga tập trung vào cuộc phản công Kherson cũng có thể mở đường cho những bước tiến của Ukraine ở đông nam Kharkiv.

ISW viết: “Các lực lượng Ukraine có thể đã sử dụng chiến thuật bất ngờ để tiến ít nhất 50 km vào lãnh thổ do Nga nắm giữ ở phía đông Kharkiv Oblast vào ngày 7 tháng 9, chiếm lại khoảng 700 km vuông đất đai”.

ISW nói thêm rằng cuộc tổng phản công Kherson của Ukraine đã “buộc các lực lượng Nga phải chuyển trọng tâm của họ về phía nam, tạo điều kiện cho các lực lượng Ukraine tiến hành các cuộc phản công cục bộ nhưng hiệu quả cao ở khu vực Izium.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để đưa ra bình luận và xác nhận về những tiến bộ của Ukraine ở Kharkiv.

3. Báo cáo cho thấy: Lực lượng Nga chứng kiến 'đào ngũ hàng loạt' trong khi Putin thúc giục tuyển quân

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Force Sees 'Mass Desertion' Amid Putin's Recruitment Push: Report”, nghĩa là “Báo cáo cho thấy: Lực lượng Nga chứng kiến 'đào ngũ hàng loạt' trong khi Putin thúc giục tuyển quân.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo tình báo quân sự Ukraine, một nhóm quân đội Nga ở khu vực Moldova do Nga hậu thuẫn đang gặp phải tình trạng “đào ngũ hàng loạt” trong khi Nga đang thúc đẩy việc tuyển quân tại khu vực này.

Cục Tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết trong một báo cáo mới hôm thứ Năm rằng các cư dân của Transnistria đang từ chối ký hợp đồng với quân đội Nga bất chấp những lời hứa về “thanh toán tiền mặt cao, các gói xã hội và khả năng có nhà ở”. Báo cáo cũng nói rằng đã có sự gia tăng số lượng các trường hợp đào ngũ trong số những “nhóm hoạt động của quân đội Nga ở Transnistria.”

“Và do số lượng lực lượng quân sự có hạn, người Nga không thể thu hút các nguồn lực cần thiết để tìm kiếm những người đào ngũ”

Thông tin tình báo Ukraine là một trong những dấu hiệu mới nhất cho thấy Nga đang phải vật lộn với quân đội của mình trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine. Trong bản cập nhật thông tin tình báo hôm Chúa Nhật, Bộ Quốc phòng Anh viết rằng các lực lượng Nga đang gặp phải “các vấn đề về tinh thần và kỷ luật” ở Ukraine, với các vấn đề như mệt mỏi trong chiến đấu, thương vong cao và vấn đề thanh toán là một trong những bất bình chính.

Vào cuối tháng 8, một quan chức Mỹ giấu tên nói với hãng tin AP rằng Nga đang phải đối mặt với “tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng” và đang tìm cách giải quyết thâm hụt bằng cách yêu cầu những người lính bị thương trước đó quay trở lại cuộc xung đột Ukraine, cũng như tuyển mộ từ tư nhân, các công ty an ninh và cả nhà tù.

Trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hoặc các quan chức khác không công khai thừa nhận đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực, Tổng thống Nga cai trị lâu năm đã ra lệnh cho quân đội của mình vào tháng trước bổ sung 137.000 quân để nâng tổng số quân lên 1,15 triệu người.

CNN đưa tin rằng Transnistria là một lãnh thổ ly khai ở Moldova từng là nơi đón nhận tân binh xung vào hàng ngũ lính Nga trong nhiều thập kỷ. Theo báo cáo của Ukraine, “lý do chính” khiến người dân địa phương không đồng ý gia nhập quân đội Nga là họ không thích tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine.

“Hiện tại,” nhóm vận động “đã tăng cường đào tạo nhân sự. Tính đến kinh nghiệm của các cuộc chiến ở Ukraine, những điều chỉnh đáng kể đã được thực hiện đối với chương trình đào tạo. Đặc biệt, số lớp học liên quan đến c1c đơn vị hậu phương, và quân y ngày càng nhiều “.

Báo cáo nói thêm rằng “cơ sở vật chất - kỹ thuật của hậu phương lạc hậu không cho phép nâng cao chất lượng trình độ sẵn sàng của các đơn vị hậu cần”.

4. Những chiếc HIMARS, và F-35 của Hoa Kỳ sản xuất tại Ba Lan tạo ra thành đồng vững chắc chống lại Putin

Putin biện minh cho cuộc xâm lược Ukraine của mình là nhằm tăng cường an ninh cho Nga. Tuy nhiên, tình hình xem ra đang diễn biến theo chiều ngược lại. Thụy Điển và Phần Lan đã xin gia nhập NATO; và các quốc gia khác đang có chương trình tái vũ trang. Ba Lan là một ví dụ.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Poland's U.S.-Made HIMARS, F-35s Provide Bulwark to Putin—U.S. Ambassador”, nghĩa là “Đại Sứ Hoa Kỳ Cho Rằng Những Chiếc Himars, Và F-35 Của Hoa Kỳ Sản Xuất Tại Ba Lan Tạo Ra Thành Đồng Vững Chắc Chống Lại Putin.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Theo đại sứ Mỹ tại Ba Lan, chương trình tái vũ trang “chưa từng có” của Ba Lan sẽ giúp Hoa Kỳ và các đồng minh NATO chuẩn bị cho bất kỳ hành động xâm lược nào của Nga ở Âu Châu.

Mark Brzezinski, phát biểu với Newsweek tại đại sứ quán ở Warsaw, cho biết: “Hàng tỷ Mỹ Kim đang được người Ba Lan dùng để mua HIMARS, xe tăng Abrams, Patriots, F-35 và danh sách tiếp tục tăng lên, với số lượng nhiều hơn nữa.”

Mỹ đang bán cho Ba Lan 32 máy bay chiến đấu F-35, 250 xe tăng chiến đấu Abrams, 500 HIMARS và một số khẩu đội hỏa tiễn Patriot bổ sung.

“Theo định nghĩa, điều đó sẽ dẫn đến sự liên kết giữa cơ sở an ninh của chúng ta và của Ba Lan, bởi vì đó là thiết bị tinh vi nhất mà không phải bất kỳ đồng minh hoặc bạn bè đặc biệt nào cũng có thể mua,” Brzezinski nói.

“Chúng tôi không để bất cứ ai mua thiết bị quân sự đó từ chúng tôi.”

Mỹ đã mở rộng đáng kể dấu chân quân sự của mình ở Ba Lan, quốc gia có đường biên giới dài 330 dặm với Ukraine và đường biên giới dài 144 km với khu vực Kaliningrad của Nga, để đối phó với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

Đầu năm nay, Tòa Bạch Ốc đã cử thêm 1.700 lính Mỹ đến Ba Lan để đối phó với việc Nga tăng cường quân sự dọc biên giới Ukraine - nâng tổng số quân nhân Mỹ lên khoảng 10.000 người.

Vào tháng 6, Tổng thống Joe Biden đã công bố một trụ sở thường trực cho Quân đoàn 5 của Quân đội Hoa Kỳ tại thành phố Poznan, miền đông Ba Lan.

Brzezinski ca ngợi “khả năng huy động nhanh chóng” của Ba Lan, so sánh quốc gia này với phản ứng tập thể của Mỹ đối với cuộc tấn công Trân Châu Cảng hoặc cuộc chạy đua không gian dưới thời Chiến tranh Lạnh.

“Đó rõ ràng là tài sản của đất nước và là tài sản của phương Tây, khi chúng ta đối phó với cuộc tấn công của Nga vào Ukraine”. Ông nói, điều này cũng đúng trong lĩnh vực nhân đạo, đồng thời lưu ý rằng việc Ba Lan tiếp nhận tới 2 triệu người tị nạn Ukraine.

“Thực tế là Ba Lan là một quốc gia tuyến đầu của cuộc khủng hoảng, theo định nghĩa, mang lại cho nó một vị trí địa chính trị chiến lược, quan trọng và mang tính lịch sử.”

Brzezinski cho biết có hơn 100 dự án cơ sở hạ tầng được lên kế hoạch tại các căn cứ quân sự của Ba Lan “để hỗ trợ quân đội Mỹ luân phiên qua Ba Lan và thúc đẩy các cuộc tập trận chung về an ninh, khả năng tương tác, huấn luyện chung gửi thông điệp rằng chúng ta đang cùng nhau.”

Đại sứ cho biết hiện chưa có kế hoạch triển khai thêm. “Tại thời điểm này, chúng tôi cảm thấy mình có thể giải quyết mọi tình huống bất ngờ,” ông nói. “Tôi được các nhà lãnh đạo quân đội của chúng ta bảo đảm rằng chúng ta đã sẵn sàng cho mọi tình huống bất ngờ.”

Đại sứ cho biết chia sẻ thông tin tình báo đã mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia.

Ông nói: “Cuộc đối thoại đó đang diễn ra hàng ngày, do vị trí địa chính trị của Ba Lan bên cạnh Ukraine và thực tế là chúng tôi không biết Putin sẽ làm gì tiếp theo. Chúng ta phải sẵn sàng cho bất cứ điều gì và mọi thứ.”

Ông Brzezinski nói: “Mỹ, Ba Lan và các đồng minh NATO của họ” đều đang tìm hiểu về khả năng lãnh đạo của Putin. Những gì tôi có thể báo cáo với bạn là một trong những thông điệp mạnh mẽ nhất đối với chủ nghĩa Putin,” Ông Brzezinski cho rằng chủ nghĩa Puti, xét về mặt chiến lược là hoàn toàn sai lầm.

“Ông ta xâm lược Ukraine để rồi Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO. Ông ta đã xâm lược Ukraine để Mỹ và người Ba Lan có thể xích lại gần nhau hơn chưa từng có trong lịch sử — về mặt quân sự, giữa các cá nhân, và giữa các doanh nghiệp với nhau. Ông ta đã xâm lược Ukraine để chứng kiến sự tăng cường các biện pháp an ninh ở các khu vực khác của Trung Âu.”

“Và vì vậy chúng tôi thấy rằng ông ta đã sai lầm. Trước thảm kịch đang diễn ra ở Ukraine, có một sự đồng bộ trong việc đáp ứng thách thức ở khu vực này của thế giới, điều đó thực sự chưa từng có.”

Brzezinski nói rằng tổng thống Nga, đã đánh cắp tương lai của đất nước ông.

Ông nói: “Putin đã lấy đi của những người trẻ Nga những hy vọng và khát vọng gắn bó với phương Tây, tham gia kinh doanh ở phương Tây, học tập ở phương Tây, phát triển cùng phương Tây, như một phần của cộng đồng toàn cầu.”

“Đối với tôi, đó là một điều khủng khiếp đối với thế hệ trẻ.”

Hôm thứ Tư, ông Putin nói rằng Nga đã không “mất gì” trong cuộc xâm lược thảm khốc vào Ukraine. “Tôi không hiểu sao ông ta lại có thể nói rằng người Nga chẳng mất gì cả,” Brzezinski nói

“Và tuyên bố của ông ta diễn ra ngay trước những cái chết của những người lính Nga mà ông ta đã hy sinh trên các cánh đồng của Ukraine, điều này sẽ tiếp tục chừng nào ông ta còn ở đó.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để yêu cầu bình luận.

5. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Blinken nói với Tổng thống Zelenskiy chiến tranh đang ở 'thời điểm quan trọng'

Ngoại trưởng Mỹ, Anthony Blinken, nói với Volodymyr Zelenskiy rằng cuộc chiến với Nga đang ở trong “thời điểm quan trọng” khi quân đội Ukraine tiếp tục phản công ở miền nam đất nước.

Blinken đã có chuyến thăm bất ngờ tới thủ đô Kyiv của Ukraine vào hôm thứ Năm sau khi Mỹ tiết lộ gần 2,7 tỷ USD hỗ trợ quân sự mới cho Ukraine và các nước Âu Châu khác bị Nga đe dọa.

AP báo cáo rằng Blinken nói với Zelenskiy:

Chúng tôi biết đây là thời điểm quan trọng, hơn sáu tháng sau cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của Nga, vì cuộc phản công của các bạn hiện đang được tiến hành và tỏ ra hiệu quả.

Zelenskiy trả lời:

Chúng tôi rất biết ơn vì tín hiệu này, vì sự hỗ trợ to lớn này mà Hoa Kỳ đang cung cấp hàng ngày.
 
Thai phụ phò sinh thoát bệnh ung thư ở giai đoạn cuối một cách lạ lùng. Bức tượng khổng lồ ở Vatican
VietCatholic Media
05:06 10/09/2022


1. Đức Thánh Cha Phanxicô nói đùa rằng ngài hoặc Đức Giáo Hoàng Gioan 24 sẽ tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới vào năm sau

Với Ngày Giới trẻ Thế giới tiếp theo chỉ còn chưa đầy một năm nữa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã hứa rằng sẽ có một vị giáo hoàng tham dự, nhưng nói đùa rằng đó có thể là “Giáo hoàng Gioan 24”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói với CNN Bồ Đào Nha trong một cuộc phỏng vấn truyền hình phát sóng vào ngày 4 tháng 9 rằng ngài có kế hoạch tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới 2023, cuộc tụ họp thanh niên Công Giáo quốc tế lớn nhất dự kiến diễn ra tại Lisbon vào tháng 8 tới.

“Tôi định đi. Đức Giáo Hoàng sẽ đến đó - Phanxicô hoặc Gioan 24 - nhưng Đức Giáo Hoàng sẽ đi.”

Ngài đưa ra câu trả lời trên sau nhiều tháng đồn đoán trên các phương tiện truyền thông rằng vị giáo hoàng 85 tuổi có thể sắp nghỉ hưu. Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các nhà báo trong chuyến trở về từ Canada vào tháng Bảy rằng ngài “để ngỏ” khả năng nghỉ hưu nếu ngài nhận thấy đó là thánh ý Chúa.

Đức Thánh Cha Phanxicô không giải thích lý do tại sao ngài đoán người kế vị của mình có thể lấy tông hiệu là Giáo hoàng Gioan 24. Ngài đã nói đùa như thế nhiều lần kể từ khi ngài tuyên thánh cho Thánh Giáo hoàng Gioan 23, vị giáo hoàng cuối cùng lấy tên Thánh Gioan, cái quản Giáo Hội từ năm 1958 đến năm 1963.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha đã nói rằng Ngày Giới trẻ Thế giới năm tới là một cơ hội tuyệt vời “để giới trẻ từ các vùng khác nhau trên thế giới kết nối với nhau”.

Cuộc tụ họp kéo dài nhiều ngày, do Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II thiết lập vào năm 1985, thường được tổ chức ở một lục địa khác nhau ba năm một lần với sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng. Tại một số Ngày Giới trẻ Thế giới vừa qua, số người tham dự đã lên đến hàng triệu người.

Cuộc họp tại thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha dự kiến diễn ra từ ngày 1 đến 6 tháng 8 năm 2023.

Phát biểu về Ngày Giới trẻ Thế giới, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Khi bạn đến dự một cuộc gặp gỡ với những người trẻ, bạn phải chuẩn bị để nghe một ngôn ngữ khác. Người trẻ có ngôn ngữ riêng của họ. Và điều đó đến từ văn hóa của chính họ vì có văn hóa giới trẻ. Và điều đó cũng đến từ sự sáng tạo của chính họ”.

Ngài nói thêm: “Chúng ta phải nói chuyện với ngôn ngữ của giới trẻ… Họ có văn hóa của họ và một ngôn ngữ tiến bộ để tiến lên, phải không? Vì vậy, bạn phải lắng nghe họ theo cách họ diễn giải mọi thứ và trả lời họ theo cách mà họ có thể hiểu được. Tôi không thể trả lời cho một người trẻ đang gặp khó khăn với một cuốn sách thần học cũ… Họ sẽ không hiểu… bạn phải trả lời họ bằng ngôn ngữ mà họ hiểu và theo kinh nghiệm họ đang sống, phải không? “

Cuộc phỏng vấn của CNN Bồ Đào Nha, được ghi lại vào ngày 11 tháng 8, cũng đề cập đến tội lỗi lạm dụng của hàng giáo sĩ và cuộc chiến ở Ukraine. Phần sau của cuộc phỏng vấn đã được phát sóng vào đêm 5 tháng 9.
Source:Catholic News Agency

2. Câu chuyện đằng sau bức tượng khổng lồ ở Vatican Chúa Giêsu phục sinh sau vụ nổ hạt nhân

Bất kỳ người hành hương nào đã từng tham dự buổi yết kiến với Đức Giáo Hoàng tại Hội trường Phaolô Đệ Lục ở Vatican chắc chắn sẽ nhận thấy điều đó. Trang web của tạp chí Dòng Tên Hoa Kỳ giải thích sự hiện diện của tác phẩm điêu khắc bằng đồng kỳ lạ có kích thước 66 feet x 23 feet x 10 feet, nằm phía sau ghế của Đức Giáo Hoàng: “Nhà điêu khắc Pericle Fazzini đã thiết kế tác phẩm, 'Sự phục sinh', mô tả Chúa Giêsu đang vươn lên từ vụ nổ bom hạt nhân”.

Tác phẩm nghệ thuật này đã được thực hiện theo yêu cầu cá nhân của Đức Phaolô Đệ Lục vào năm 1970 và được khánh thành vào năm 1977. Nó chứng kiến một “kỷ nguyên lan rộng của nỗi sợ hãi về sự hủy diệt hạt nhân” và là một trong những biểu tượng mạnh mẽ nhất về cam kết của Tòa Thánh chống lại vũ khí hạt nhân.

Bức tượng không phải là không gây ra tranh cãi, kể cả về chiều hướng thẩm mỹ của nó. Nhà hoạt động chống hạt nhân người Mỹ Martha Hennessy, cháu gái của Dorothy Day, tự hỏi liệu tác phẩm điêu khắc có thực sự khiến mọi người “nhận thức rõ hơn về sự khủng khiếp của sự hủy diệt hạt nhân” hay lại thực sự góp phần vào một hình thức làm mẫn cảm về chủ đề này. Tờ American Magazine nhắc nhở chúng ta rằng Đức Thánh Cha Phanxicô gần đây mạnh mẽ, và khẳng định rõ ràng rằng việc sở hữu kho vũ khí hạt nhân là “vô đạo đức”.
Source:American Magazine

3. Thai phụ ung thư giai đoạn cuối sống sót, lựa chọn cuộc sống

Jessica Hanna, bà mẹ 4 con, được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú giai đoạn cuối khi mang thai được 14 tuần. Một số bác sĩ khuyên cô nên phá thai nhưng cô từ chối, thay vào đó chọn cuộc sống.

Trong một cuộc phỏng vấn với EWTN Pro-Life Weekly vào ngày 1 tháng 9, cô ấy đã mô tả lần mang thai này rất khác so với lần mang thai trước đó của cô ấy như thế nào với câu nói: “Đây là Chúa kêu gọi tôi đến với một điều gì đó quá lớn lao”.

Trước khi mang thai, Hanna đã nhận thấy một vết lõm trên ngực. Các bác sĩ đã chẩn đoán sai và nói rằng nó lành tính. Hai tuần sau cô phát hiện mình có thai. Tại buổi hẹn khám phụ khoa đầu tiên, cô ấy đã nhờ các bác sĩ xem xét lại. Sau đó, rõ ràng là cô ấy bị ung thư vú. Ban đầu, các bác sĩ cho rằng đó là một khối u nhỏ, giai đoạn 1. Tuy nhiên, sau khi trải qua cuộc phẫu thuật, cô được thông báo khối u đã có kích thước 13 cm, và ở giai đoạn 4 - có nghĩa là ung thư có khả năng đã ở giai đoạn cuối.

Là một người nhiệt thành ủng hộ cuộc sống, Hanna đã công khai chia sẻ niềm tin của mình trên mạng và với những người trong cuộc sống của mình, Hanna giải thích việc mang thai đã thúc đẩy cô thực sự sống theo niềm tin Công Giáo vững chắc.

Là một người Công Giáo sùng đạo, Hanna đã hướng đến đức tin của mình để giúp cô vượt qua những giai đoạn khó khăn. Sau mỗi đợt hóa trị, cô cầu nguyện tại ngôi mộ của Chân phước Cha Solanus Casey, một vị thánh sắp được an táng tại Detroit, quê hương của cô.

Cô nhớ lại: “Tôi đã cầu nguyện tại ngôi mộ của ngài cho tôi được chữa lành một cách kỳ diệu và con trai tôi trở nên xinh đẹp và khỏe mạnh”.

Một vị thánh khác mà cô hướng đến là Thánh Gianna Beretta Molla. Thánh Gianna cũng được chẩn đoán mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng khi đang mang thai. Hanna giải thích rằng, tương tự như Thánh Gianna, cô ấy đã chọn thực hiện một số phương pháp điều trị khi mang thai để không gây nguy hiểm cho em bé của mình.

“Nhiều người không biết rằng hóa trị có thể thực sự khá an toàn trong thai kỳ,” Hanna giải thích. “Tôi đã chọn con đường ở giữa, rằng tôi sẽ thực hiện một số hóa trị với một số sửa đổi”

Sau khi được chẩn đoán, cô cảm thấy Chúa đang kêu gọi cô đến một điều gì đó. Không chắc chắn về tương lai của chính mình, cô ấy đã lập một tài khoản mạng xã hội hai ngày sau khi chẩn đoán bệnh để chia sẻ hành trình của mình với những người khác và tạo ra một cộng đồng cầu nguyện, nơi cô ấy có thể cầu nguyện với những người theo dõi mình và dâng lên nỗi đau khổ vì ý định của họ.

“Tôi nghĩ rằng không có đau khổ nào sẽ trở nên lãng phí,” Hanna nói. “Tôi không biết Chúa đang đưa tôi đi đâu. Có phải Ngài sẽ đưa tôi đến con đường mà tôi cần chỉ cho mọi người cách chết một cách duyên dáng, với sự ân cần và lòng thương xót của Chúa không? Hay Chúa sẽ thể hiện một phép lạ? “

Cô ấy tiếp tục, “Tôi quyết định sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để minh chứng rằng bất kể bạn nghĩ điều gì sẽ xảy ra, niềm tin vào Chúa là điều quan trọng nhất… bạn sẽ từ bỏ những ham muốn và mong muốn của chính mình và bạn sẽ ra đi dưới chân Thánh giá và hãy để Người chăm sóc cho bạn”.

Hanna đưa ra ba lời khuyên cho những phụ nữ rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Đầu tiên, là một dược sĩ, cô ấy khuyến khích phụ nữ luôn luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi đưa ra quyết định.

Cô ấy đã nhận được từ 8 đến 10 ý kiến trước khi tiếp tục điều trị. Một vài bác sĩ yêu cầu cô ấy phải chấm dứt thai kỳ và cô ấy giải thích rằng “điều đó không cần thiết chút nào. Kế hoạch điều trị của tôi không thay đổi - có thai hay không mang thai”.

Thứ hai, hãy đến với Đức Mẹ.

Cô nhấn mạnh: “Đức Trinh Nữ Maria là người biết cảm giác đau buồn khi nói đến con bạn và nỗi sợ hãi. Vì vậy, nếu bạn đến với Mẹ, Mẹ sẽ mang lấy những nỗi sợ hãi đó, Mẹ sẽ mang những âu lo ấy đến với con trai mình và Mệ sẽ cầu thay nguyện giúp để Ngài giải thoát và tuôn đổ lòng thương xót của Người lên bạn và con bạn.”

Cuối cùng, hãy liên kết đau khổ của bạn với Thập tự giá của Chúa Kitô.

Sau khi cô sinh con, kết quả siêu âm của cô rất rõ ràng - không có dấu hiệu cho thấy ung thư đã di căn đến các cơ quan khác hoặc các hạch bạch huyết. Căn bệnh ung thư thời kỳ cuối cùng của cô ấy giờ đã có thể chữa được.

Cô đặt tên cho con trai mình là Thomas Solanus. Trường hợp của cô ấy đã được đệ trình để xin phong thánh cho Cha Solanus Casey.
Source:Catholic News Agency