Ngày 15-09-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mẹ hiệp công cứu độ
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
22:07 15/09/2017
Niềm tin của Mẹ Maria vào thần tính của Đức Giêsu, con của Mẹ khởi đi từ biến cố sứ thần truyền tin. Tuy nhiên niềm tin ấy cần có thời gian để dần được củng cố. Khi tìm gặp con sau ba ngày thất lạc trong dịp đi hành hương ở Giêrusalem và trước câu nói của con trẻ Giêsu: “Sao cha mẹ lại tìm con ? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao ?” (Lc 2,49), thì dù ngay lúc ấy chưa hiểu lắm nhưng sau đó nhờ ngẫm đi suy lại thì Mẹ cũng hiểu thêm phần nào. Và với thời gian dài ở Nagiarét cận kề với Chúa Giêsu thì niềm tin của Mẹ vững vàng hơn nhiều vào căn tính Thiên Chúa của con mình. Trong tiệc cưới ở Cana, chính Mẹ đã kiên trì xin Chúa Giêsu ra tay cứu giúp hai họ thoát cảnh hết rượu. Rồi ròng rã ba năm theo gót chân Chúa Giêsu trên đường rao giảng Tin Mừng thì chắc chắn niềm tin của Mẹ lại càng thêm sắt son.

Công nghiệp mà Mẹ Maria góp phần vào công trình cứu độ của Chúa Giêsu, con của Mẹ trước hết đó là hiến dâng xác hồn để Thiên Chúa thực hiện công cuộc nhập thể giáng trần. Nhiều người nhấn mạnh đến công nghiệp của Mẹ qua những hy sinh của Mẹ, đặc biệt là nỗi khổ đau của mẹ khi chứng kiến cuộc khổ nạn thập giá của con mình và chúng được ví như lưỡi gươm huyền nhiệm đâm thủng trái tim Mẹ như lời ông Simêon tiên báo năm xưa (x. Lc 2,35).

Tuy nhiên thay vì nhìn công nghiệp của Mẹ hiệp dâng vào công trình cứu độ của Chúa Giêsu theo chiều kích “tiêu cực” là hy sinh, xin có cái nhìn về công nghiệp của Mẹ theo chiều kích tích cực đó là Mẹ đã góp phần làm người tri âm, tri kỷ, làm người đồng hành luôn hiện diện bên con mình để Chúa Giêsu có thể hoàn tất công trình cứu độ với khổ hình thập giá đến cùng.

Theo lời tác giả thư gửi tín hữu Do Thái thì khi mang lấy xác phàm nhân loại chúng ta, Chúa Kitô trở nên giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi. Dù đã tiên lượng và đã tiên báo nhưng ba lần, nhưng trước án hình thập giá thì Chúa Giêsu Kitô vẫn nhiều lần xao xuyến và người đã thực sự khiếp sợ, đổ mồ hôi pha lẫn máu trong vườn cây dầu. Chính vì thế Người cần một ai đó, những ai đó hiểu Người, tin Người, hiện diện với Người trong những khoảnh khắc xao xuyến ấy để Người can đảm đi đến cùng con đường thập giá cứu độ. Người đã từng xin ba môn đệ thân tín tỉnh thức với Người một giờ thế mà xem ra chẳng được (x.Mt 26,40).

Có ai hiểu Chúa Giêsu cho bằng Mẹ Maria. Có ai tin Người cho bằng Mẹ. Và chính Mẹ đã làm người đồng hành với Chúa không chỉ những lúc Người được dân chúng hoan hô chúc tụng mà nhất là những lúc Chúa phải chịu đau khổ tột cùng trong tâm hồn cũng như nơi thân xác. Đường thập giá vắng bóng các môn sinh thân tín, nhưng luôn có bóng hình của Mẹ (x.Ga 19,25-27). Sự hiện diện của Mẹ là một nguồn an ủi, động viên cho Chúa Giêsu để Người uống cạn chén đắng thập hình. Có thể nói đây chính là phần công nghiệp lớn lao mà Mẹ đã hiệp dâng để cùng Chúa Giêsu thực thi công trình cứu độ, đem hạnh phúc cho nhân trần.

Xin Mẹ cho Kitô hữu chúng con biết noi gương Mẹ hiệp dâng một chút công nghiệp của mình để đem hạnh phúc cho tha nhân bằng chính sự đồng hành, hiện diện trong liên đới của chúng con. Thế nhưng thử hỏi rằng những ai đang cần đến sự liên đới, hiện diện và đồng hành của chúng ta hôm nay và trong hoàn cảnh lịch sử này ?

Lm. Giuse Nguyễn văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐGH Phanxicô suy tư về Đức Mẹ Sầu Bi
Giuse Thẩm Nguyễn
15:46 15/09/2017
Hôm nay ngày 15 tháng Chín, ĐGH Phanxicô đã nói về hình ảnh Đức Mẹ Sầu Bi, Mẹ của Chúa Giêsu và là Mẹ của chúng ta . Chúng ta cần suy ngẫm “ dấu chỉ trái ngược này vì Chúa Giesu chiến thắng nhưng lại chiến thắng trên Thập Giá”. Quả đó là một sự mâu thuẫn, chúng ta không thể hiểu nỗi. Chỉ có đức tin mới có thể cảm nghiệm được mầu nhiệm này.

Môn đệ đầu tiên

Mẹ Maria đã biết và sống cả đời với một trái tim bị lưỡi đòng đâm thâu. “Mẹ theo chân Chúa Giêsu và đã nghe người ta nói về con mình, có người khen và có kẻ chống. Dù thế nào, Mẹ vẫn luôn luôn ngay sát con mình. Đó là lý do chúng ta gọi Mẹ là môn đệ đầu tiên. Mẹ ghi khắc tất cả những mâu thuẫn ấy trong lòng.

Dưới chân Thánh Giá.

Mẹ đứng đó đến giây phúc cuối, im lặng, dưới chân Thánh Giá, nhìn Con mình. Có thể Mẹ cũng nghe những lời bình phẩm “ Nhìn kìa, Mẹ của một trong ba tên tội phạm đang đứng đó.” Thực ra Mẹ đứng đó vì Con mình, vì “muốn hiện diện với Con trong cơn hấp hối.”

Đây là con của Bà.

Chúng ta cần suy ngẫm về mầu nhiệm này trong im lặng. Trong giây phút dưới chân Thánh Giá, Mẹ Maria đã sinh ra Giáo Hội và sinh ra chúng ta. Chúa Giêsu đã trối lại rằng “Này Bà, Đây là những đứa con của bà.” Chúa không nói “Mẹ” mà nói “Bà”. Người đàn bà can đảm và mạnh mẽ này đứng đó để nói “ Đây là Con tôi. Tôi không chối bỏ Ngài.”

Lời kêu gọi suy ngẫm

ĐGH Phanxicô kêu gọi mọi người hãy suy ngẫm và xin “Chúa Thánh Thần dạy dỗ mỗi người chúng ta tùy theo nhu cầu của mỗi người.”

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Trại Hè Năm 2017 Tại Hội Dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc
Mến Thánh Giá Xuân Lộc
08:39 15/09/2017
“Lạy cha, xin cho chúng nên một,
như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha.
Như vậy thế gian tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17,21)

Ngay từ tinh mơ, lúc trời còn vương những giọt sương ban mai, đâu đó thấp thoáng những bóng dáng hối hả vừa đi vừa xách túi bị. Sau một năm dài làm việc và phục vụ, hôm nay thứ bảy ngày 17/07/2017, tất cả chị em chúng tôi từ khắp bốn phương nơi các cộng đoàn đang sinh hoạt và làm việc mục vụ trở về tham dự ngày trại hè mang tên “Tình Hiệp Nhất”của Hội dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc. Tham dự trại hè hôm nay có sự hiện diện của chị Anna Nguyễn Thị Phượng - Tổng Phụ trách Hội dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc, chị Anna Trần Thị Nguyệt - Phó Tổng Phụ trách Hội dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc và quý chị Tổng Cố vấn. Ban tổ chức gồm có chị Maria Nguyễn Thị Kim Hoa - Tổng Thư ký Hội dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc - Trưởng ban tổ chức trại hè và quý chị trong các Ban ngành. Về tham gia trại hè năm 2017 gồm có 218 trại sinh.

Xem Hình

Đúng 6g30’ tiếng nhạc dồn dập và những băng reo khởi đầu cho ngày trại bắt đầu.

Có lẽ nhìn quý chị em hôm nay là các trại sinh, không ai biết rằng thường ngày chị em đứng trên bục giảng, là những người thầy người chị hướng dẫn anh chị em trong lãnh vực văn hóa, y tế, giáo dục đức tin…

Sau bài hát chủ đề của ngày trại, tất cả các trại sinh làm bài khóa để có thể đi vào cổng trại.
Hiệp nhất để nên một trong tình yêu không phải là dễ. Hôm nay các trại sinh phải đối diện với bao cam go và thách đố, bởi vì hiệp nhất là một ơn cao quý.

Hiệp nhất như một bức tranh mang nhiều màu sắc, hòa quyện với nhau để có thể diễn tả một ý nghĩa hay một chủ đề nào đó. Muốn vào cổng trại, trại sinh phải người này đỡ nâng người kia, chị bước em giữ để có thể đưa nhau vào trại. Họ phải vượt qua sạp gỗ, qua cầu sắt và khung đường đau khổ. Họ nhận thấy cần có nhau và tình yêu không chỉ ở trên môi miệng, nhưng phải qua hành động như lời thánh Giacôbê quả quyết: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2, 17)

Đúng 7g00’, tất cả cả trại sinh tập trung ngay giữa tiền sảnh của Hội dòng để làm lễ khai mạc trại.

Chúng tôi hát kinh Chúa Thánh Thần, xin Ngài ban thần khí, sức mạnh và tình yêu của Ngài để hướng dẫn và thánh hóa các trại sinh sống hiệp nhất trong yêu thương.
Tiếp theo, chị Anna Nguyễn Thị Phượng - Tổng Phụ trách Hội dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc tuyên bố lý do khai mạc trại “Tình Hiệp Nhất”. Một hồi trống dõng dạc của ban tổ chức nổi lên như đánh thức lòng người vươn tới một tình yêu cao quý mãnh liệt, vượt qua thời gian không gian.

Sau đó là các cuộc thi đấu.
Chạy xe đạp chậm để cho thấy, làm sao người ta có thể đi đến hiệp nhất khi không dành cho nhau thời gian lắng nghe, thời gian ở bên nhau để đón nhận nhau.

Nhảy bao bố là khoảng thời gian trại sinh nhận ra tình yêu thương không tự nhiên mà có, nhưng nó được vun đắp từng chút những điều nhỏ và dễ thương trong cuộc sống. Khi chị khó khăn đã có em giúp.

Thi bóng bàn, cầu lông như diễn tả không ai là một hòn đảo. Đời sống cộng đoàn có sự hiệp nhất khi mọi người biết cho đi và biết đón nhận. Bởi lẽ không phải ai cũng biết trao ban và biết nhận lãnh nơi tha nhân.

Cộng đoàn được quy tụ bởi những con người rất khác biệt nhau, khác về quan điểm, tính tình, nếp suy nghĩ và tuổi tác. Cộng đoàn là nơi chị em hợp thành một bản nhạc du dương với những nốt cao, nốt thấp, với phách mạnh và phách yếu. Trò chơi bắt cá giúp chị em hiểu được khả năng mà Thiên Chúa ban cho mỗi người là món quà riêng biệt để sống hiệp nhất.

Đúng 11g00’các trại sinh nghỉ giải lao bên Chúa và bên nhau với kinh phụng vụ trưa và tiệc Agape.

Tiếp theo là phần thuyết trình pano “Đời dâng hiến” và trò chơi “Tôi giỏi nhất” thay cho lời cảm tạ khi lãnh nhận tình yêu Thiên Chúa ban cho chị em qua việc sáng tạo trong ý tưởng cũng như khi suy tư.
Trại hè được kết thúc với đôi lời nhắn nhủ của chị Tổng Phụ trách Anna, chị nói: “Lời cám ơn trước hết của Ban Điều Hành Dòng xin gửi đến Ban tổ chức trại hè đã gắng công góp hết sức lực cho ngày trại hè của Hội dòng. Hội dòng được lớn mạnh và đầy sức sống nhờ có những người dám hy sinh và cống hiến.
Chúc cho các trại viên luôn mãi có được tinh thần hiệp nhất và yêu thương của ngày trại hè. Những tấm pano quý trại sinh thuyết trình hôm nay nói lên sự sáng tạo và mạnh mẽ, nói lên khả năng Chúa ban cho mỗi người để trang điểm cho đời dâng hiến của chị em. Ước mong chị em hãy giữ lại trong trái tim, để mai đây khi nhận lãnh sứ vụ được Thiên Chúa ủy thác qua Hội dòng. Chị em hãy làm cho sự hiệp nhất và yêu thương lớn lên hầu làm chứng cho Thiên Chúa là tình yêu.
Kết thúc ngày trại trong niềm vui tạ ơn lúc 17g00’. Các trại sinh trở về bên Chúa Giêsu, nguồn mạch tình yêu và hiệp nhất. Xin cho trại sinh được kín múc tình yêu từ Thánh Thể Chúa, để có đủ sức mạnh ra đi đến với tha nhân và loan truyền tình yêu Chúa cho mọi người qua đời sống hiệp nhất và yêu thương.

T. T Hội dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc


 
Lễ giỗ lần thứ 15 ĐHY Bậc Đáng Kính Phanxicô Nguyễn Văn Thuận tại Huế
Trương Trí
22:51 15/09/2017
Sáng ngày 16 tháng 9, Lễ Giỗ lần thứ 15 của Đức Cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận, Đấng Đáng Kính được diễn ra trọng thể tại Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam Huế, quê hương của Ngài. Nơi đây đã in nhiều dấu ấn của cuộc đời thơ ấu của Ngài, và hình ảnh Ngài cũng đã để lại trong lòng giáo dân Phủ Cam nhiều tình cảm sâu đậm. Ngôi Từ đường của song thân Ngài hiện do Giáo xứ quản lý và coi sóc cũng là nơi lưu giữ biết bao kỷ niệm của cuộc đời Ngài. Mỗi khi có những vị khách quí từ Tòa Thánh đến thăm Tổng Giáo phận Huế đều đến viếng thăm với tâm tình ngưỡng mộ lòng đạo đức không chỉ của riêng Ngài mà còn của cả gia đình dòng tộc.

Xem Hình

Theo chương trình dự kiến thì Thánh lễ sáng hôm nay sẽ do Đức Tổng Giám mục Giuse chủ tế, nhưng Ngài đang bận công tác mục vụ không về kịp. Nhưng mọi sự đều có Chúa an bài, và cũng là nhờ lời chuyển cầu của Đấng Đáng Kính: Đức Cố Hồng Y Phanxico Xavie, mà sáng hôm nay lại có hai Giám mục dâng Thánh lễ đồng tế.

Đoàn đòng tế tiến lên trước bàn thờ Đức Cố Hồng y và kính cẩn niệm hương. Trước khi đi vào Thánh lễ, Cha Quản xứ Anton Nguyễn Văn Tuyến giới thiệu với cộng đoàn Đức Cha Giuse Trần Văn Toản chủ tế là Tân Giám mục phó Giáo phận Long Xuyên, và Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám mục Giáo phận Đà Nẵng. Cùng đồng tế có Cha Tổng Đại diện Giáo phận Huế Anton Dương Quỳnh, quí Cha tháp tùng hai Đức Cha. Quí Cha trong Giáo phận. Hiện diện và hiệp dâng lời cầu nguyện có bà con linh tông và thân tộc của Ngài từ nơi xa về cũng như hiện đang sống tại Phủ Cam, cùng đại diện tu sĩ nam nữ các Hội Dòng tại Huế.

Mở đầu Thánh lễ, Đức Cha chủ tế chia sẻ: Hôm nay, chúng ta khởi đầu cho Thánh lễ kỷ niệm 15 năm Chúa gọi Đức Hồng y về với Chúa, bằng công đức của Chúa Kitô phục sinh và các môn đệ của Người. Với niềm xác tín Đức Kitô luôn hiện diện giữa chúng ta, cũng chính nhờ xác tín này mà Đức Hồng y Phanxico Xavie đã bày tỏ niềm vui mừng và hy vọng trong suốt cuộc đời của Ngài và đặc biệt trong những lúc đen tối nhất. Và cũng chính niềm tin vào Đức Kitô phục sinh với sự vui mừng và hy vọng. Ngài đã để lại cho chúng ta một tấm gương rạng ngời, chính vì thế mà ngày hôm nay chúng ta quy tụ tại ngôi Thánh đường, nơi thời thơ ấu của Ngài đã từng hiện diện ở đây, và đã bước theo tiếng gọi của Chúa. Hội Thánh đã xúc tiến việc tôn phong Chân phước cho Ngài và tiếp đến là nâng Ngài lên bậc hiển Thánh. Chúng ta hiệp cùng với Đức Hồng y cảm tạ và tôn vinh Thiên Chúa vì những công trình kỳ diệu của Thiên Chúa đã thực hiên trên cuộc đời của Đấng Đáng kính Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận. Chúng ta cùng với Ngài và cùng Giáo hội Việt Nam, cùng với Giáo phận Huế, cũng như Giáo xứ Chính tòa Phủ Cam cùng nhau tạ ơn Chúa, vì Chúa đã trao ban cho Giáo hội Việt Nam, Giáo phận Huế và Giáo xứ Chính tòa Phủ Cam một người con ưu tú. Chúng ta hiệp với bao nhiêu người trên thế giới này, khác tổ quốc, khác tôn giáo nhưng đã lãnh nhận được niềm tin vào Đức Kitô phục sinh trong Sứ điệp niềm vui Tin mừng và Hy vọng, là gia sản của Ngài trong đời sống. Chúng ta Tạ ơn Chúa, tôn thờ Chúa, qua lời chuyển cầu của Đấng Đáng kính mà chúng ta được sống trong niềm tin và hy vọng vào Đức Kitô phục sinh. Chúng ta khẩn cầu Thiên Chúa để cho tiến trình phong Thánh của Đức Hồng y sớm có kết quả tốt đẹp, để Ngài tiếp tục gieo rắc Tin mừng và niềm Hy vọng cho trần gian này.

Trong bài giảng lễ, Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân chia sẻ với một tâm tình hết sức đặc biệt về Đức Cố Hồng y Đấng Đáng kính:

Trong tinh thần uống nước nhớ nguồn, sự hiệp thong sâu xa của cộng đoàn dân Chúa Giáo phận cùng hiện diện trong ngôi Nhà thờ Chính tòa này, để hiệp dâng Thánh lễ cầu nguyện cho Đức Cố Hồng y Phanxico Xavie Nguyễn Văn thuận, Đấng Đáng kính trong ngày lễ Giỗ lần thứ 15 của Ngài. Chúng ta dâng lên Thiên Chúa lời cầu xin chân thành và sốt sắng cho Đấng Đáng kính sớm được phong Chân phước, người chủ chăn can đảm với Đức Tin và tình yêu hết mình vì đàn chiên của Chúa.

Đức Cha cũng đã ôn lại một phần lịch sử của Đức Cố Hồng Y: Ngày 13 tháng 4 năm 1967, khi đang là Tổng Đại diện Tổng Giáo phận Huế, Giám đốc Tiểu Chủng viện Hoan Thiện. Cha Phanxico Xavie được Đức Thánh Cha Phaolo VI bổ nhiệm làm Giám mục Việt Nam tiên khởi của Giáo phận Nha Trang. Khẩu hiệu của Ngài là “Gaudium et Spes” (Vui mừng và Hy vọng), tên của Hiến chế Mục vụ của Công đồng Vaticano II. Sau 8 năm coi sóc Giáo phận Nha Trang, ngày 24 tháng 4 năm 1975, Ngài lại được Đức Thánh Cha Phaolo VI bổ nhiệm làm Tổng Giám mục phó Tổng Giáo phận Sài Gòn. Ngày 7 tháng 5 năm 1975, Đức Tân Tổng Giám mục phó Phanxico Xavie rời Giáo phận Nha Trang đến nhận nhiệm vụ mới tại Sài Gòn, nhưng Ngài bị ngăn trở và không thể thi hành nhiệm vụ mà Tòa Thánh trao phó. Ngài bị quản chế 13 năm , ẩn mình trong thinh lặng khi thì nơi này, lúc nơi khác. Ngài luôn tỏ ra vâng phục trong bình an và hy vọng dựa trên Tahnsh ý của Thiên Chúa. Trong suốt cuộc hành trình đầy chông gai thử thách đó, Ngài luôn xem tất cả mọi người là bạn, xem mọi biến cố là kinh nghiệm quý báu, vì tất cả đều là Hồng ân của Thiên Chúa.

Đức cha kể lại trong thời gian Đức Hồng Y bị giam giữ, Ngài được cùng với Đức Hồng y Trịnh Văn Căn vào thăm, được Ngài chỉ dạy rất nhiều. Đức Cha được thụ phong linh mục vào năm 1987 và được giao trọng trách làm thư ký Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, thì đến năm 1988, khi Đức Hồng y Trịnh Văn Căn bảo lãnh Ngài về ở tòa Tổng Giám mục Hà Nội. Trong suốt 3 năm, Đức Cha đã được Đức Cố Hồng Y Phanxico Xavie thường xuyên chỉ bảo, dạy dỗ rất nhiều, chính vì thế Đức Cha có nhiều kỷ niệm với Ngài.

Sau khi qua Roma chữa bệnh và ở lại đó, năm 1994 Đức Cố Hồng Y Phanxico Xavie được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình. Ngày 24 tháng 6 năm 1998, Ngài được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng thay Đức Hồng y Roger Etchegaray. Ngài đã được Chúa gọi về ngày 16 tháng 9 năm 2002. Đức Cha nhắc lại lời Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II trong bài giảng lễ tại Thánh lễ an táng của Đức Cố Hồng y như sau:

“Trong lúc chào vĩnh biệt Người Sứ giả anh hùng của Chúa Kitô, chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì đã cho chúng ta, nơi con người của Đức Hồng y, một tấm gương sáng ngời về đời sống tín hữu Kitô, phù hợp với Đức Tin, đến độ tử đạo. Ngài (Đức Hồng Y Phanxico Xavie) đã hiểu nền tảng của đời sống Kitô hữu là “Chọn một mình Chúa mà thôi” như các Thánh Tử đạo Việt Nam đã làm trong thế kỷ trước. Chúng ta được mời gọi rao giảng cho tất cả mọi người “Tin mừng và Hy vọng”, và Đức Hồng y giải thích rằng: Chúng ta chỉ có thể chu toàn Ơn Gọi ấy với sự hy sinh quyết liệt, dù phải chịu những thử thách cam go nhất. Đây không phải là sự anh hung, mà là sự trung thành chín chắn, hướng cái nhìn về Chúa Giêsu là mẫu gương cho mọi chứng nhân và mọi vị tử đạo. Một gia sản cần được đón nhận mọi ngày trong cuộc sống đầy yêu thương và dịu hiền.”

Đức Cha tiếp tục nhấn mạnh: Hôm nay, đến lượt mỗi người chúng ta, cho dẫu không phải đối diện với những thách đố như vị tiền bối của mình gặp phải do hoàn cảnh và thời cuộc, nhưng không có nghĩa là không có. Những thách đố vẫn còn đấy, nó khoác những bộ dạng khác nhau, tinh vi hơn, nhạy cảm hơn, đam mê hơn với những tính toán của sự tự do cá nhân. Cần hơn bao giờ hết niềm tin, tình yêu dấn thân và niềm hy vọng để có thể đối diện, mang vác và vượt qua thử thách.

Sau Thánh lễ, Đức Cha Chủ tế xác nhận trước cộng đoàn, chính Ngài là một chứng nhân của phép lạ mà Ngài đã cầu nguyện với Đức Cố Hồng y Phanxico Xavie, và Ngài sẵn sàng làm chứng về những ơn mà Ngài đã được lãnh nhận từ nơi Đức Cố Hồng y.

Kết thúc Thánh lễ, Đức Cha chủ tế mời Đức Cha đồng tế cùng ban phép lành cho cộng đoàn. Đoàn đồng tế tiến về trước bàn thờ của Đấng Đáng kính để cầu nguyện và chụp hình lưu niệm.

Trương Trí
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Hiện Tượng.....và Luận ...
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:14 15/09/2017
Vài hiện tượng:Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa IX (1992 - 1997), ông Võ Văn Kiệt được Quốc Hội Việt Nam bầu làm Thủ Tướng Chính Phủ. Tháng 9 năm 1997 ông hết làm Thủ Tướng. Năm 2005, ông Võ Văn Kiệt khi nghỉ hưu đã phát biểu về ngày 30 tháng 4: "Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu.

Ngày 27- 6 - 2001: tại kỳ họp thứ 9, Quốc Hội khoá X, ông Nguyễn Văn An được bầu làm Chủ tịch Quốc Hội Nước CHXHCN Việt Nam. Tháng 6 năm 2006 ông nghỉ hưu. Năm 2010 Nguyên Chủ Tịch Quốc Hội, Nguyễn Văn An đã nói: Nếu Đảng làm thay, quyết thay thì Nhà nước và dân sẽ trở thành hình thức, hữu danh vô thực, người ta có cảm giác Đảng là vua. Không phải là một ông vua như thời phong kiến mà là vua tập thể thời Cộng hòa XHCN. Như vậy là Đảng chủ chứ không phải dân chủ. Lỗi hệ thống là lỗi từ gốc đến ngọn, từ lý thuyết đến mô hình và đã được cuộc sống kiểm nghiệm là chưa phù hợp với thời đại ngày nay. Vì vậy cần phải chỉnh sửa cái lỗi này.

Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng trong phiên họp Chính Phủ lần cuối ngày 26-3-2016 trước khi nghỉ hưu đã nói: “Chúc các đồng chí kỳ này sẽ nghỉ chính sách và tôi cũng chúc cho cả tôi nữa ráng giữ gìn sức khỏe, bởi sức khỏe là quan trọng nhất, đồng thời làm một công dân tốt, đảng viên tốt. Làm sao ráng làm được như anh Trần Bình Minh nói là người tử tế, sống tử tế”.

Đầu năm 2013, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đặt Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli giữ chức Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore và Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam. Ngày 13 tháng 9 năm 2017, Đức Giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm ngài làm Sứ thần Tòa Thánh tại Israel, kiêm Khâm sứ Tòa Thánh tại Palestine. Chúa Nhật 13.08.2017,trước đó một tháng, tại La Vang, vị Đại diện Tòa Thánh Vatican, Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli đã minh nhiên: tôi muốn ngỏ lời với các “Xê-da Việt Nam” hãy trả về cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa.” Vị Đại diện Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục như sau: “Thực vậy tự do tôn giáo không phải là điều tùy tiện trong tay của các nhà chức trách nhưng tự do tôn giáo là một quyền trong tay của người dân. Nhiều người trên thế giới ước mong quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam phải được tôn trọng hơn, thực thi đầy đủ hơn và Hội Thánh Công Giáo Việt Nam phải được nhìn nhận như một nguồn thiện ích hơn là một vấn nạn cho nước nhà.”

Luận: “Con chim sắp chết hót tiếng bi ai…”…Và ước gì những vị quyền cao chức trọng biết can đảm nói lời lẽ phải và kiên trì bảo vệ chân lý, khi còn đương nhiệm, đương chức. Mong thay! mong thay !

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Văn Hóa
Tản mạn đời tha hương: Ông Cha ''bổn đạo mới'' sao mà tốt thế ?
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thư
22:26 15/09/2017
Vào truyện:

Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo.

Các cụ ngày xưa nói chẳng sai tí ti nào. Khi đọc truyện tích các thánh, bao người đã chẳng say sưa suy gẫm, rồi nhủ mình sẽ phải phần nào bước theo chân các ngài đó sao ? Thành ra trong nhiều tu viện, các bề trên hay cho đọc hạnh các thánh vào cả chính những bữa ăn, để các tu sĩ được ‘thấm’ vào hồn những chứng tích anh hùng cao cả, như nuốt của ăn thiêng liêng, cùng một lượt vớicủa ăn vật chất.

Rất tiếc trong thời đại ‘năm châu bốn bể một nhà’ (toàn cầu hóa) hôm nay, truyền thông báo chí liên tục đưa những tin tiêu cực khắp nơi, 24 giờ một ngày. Nào là trộm cướp, giết chóc, lọc lừa, thù hận…Cái TV và Radio gieo mầm độc vào đầu óc bà con mình từ sáng tới chiều. Bọn trẻ bị ảnh hưởng của những hành động bạo lực, nên chỉ đợi thời cơ đem ra thực hành ! Xã hội vì thế ngày một lún sâu vào băng hoại, hư hỏng.

Giới trẻ trong các cộng đồng Việt Nam tỵ nạn cũng đang bị nhiễm bầu khí đen xám này. Bao bậc phụ huynh lo sốt vó ! Làm sao cứu vãn đây ?

Xin tạm để một bên vị thánh của ‘thời đại’ là mẹ Teresa bên Ấn Độ, lẫy lừng gương nhân đức về tình thương kẻ nghèo hèn, cũng như 2 vị ‘chuẩn phong thánh’ là Đức cố Hồng Y Phan xi cô Nguyễn văn Thuận, cùng với Linh mục ‘đầy dẫy’ ơn lạ là cha Trương bửu Diệp tại miền sông nước Cà Mâu.

Người viết xin mạo muội nêu lên cuộc sống vị tha anh hùng của một Phật tử đã xin theo đạo Chúa, rồi học tu làm Linh Mục, để cùng với cái bằng Bác sĩ, đã sống và chết một cách can cường, không phải bằng võ nghệ hay súng đạn, không phải bằng tù đày giáo gươm, nhưng bằng việc lăn xả vào cuộc đời phục vụ dân nghèo, người phong cùi và bệnh nhân nan y, với một tình thương cao độ, cho đến tận hơi thở cuối cùng, lồng trong một tâm trạng khiêm tốn thẳm sâu, chỉ biết vui trong đời xả thân tuyệt đối…

Mà câu truyện mới xảy ra gần đây, tại quê hương Việt Nam. Nó gây chú ý đặc biệt là tâm hồn 'ông-cha-bổn-đạo-mới' này được 'đánh động' ban đầu bởi tấm gương của vị Giám Mục Pháp Gio An Cassaigne. Rồi kế tiếp là 2 nhân vật, cũng là 2 tu sĩ Công giáo khác.

Người viết xin giới thiệu vị Linh mục 'Tân tòng' kỳ diệu này nhé:

Chân dung linh mục Augustino Nguyễn viết Chung

Năm ấy, vì nhà nghèo nên cậu Chung vừa đi học, vừa đạp xich lô tại Sài gòn để cùng giúp các em mình tiến thân ( giúp cha mẹ nuôi 9 người con). Vào một buổi trưa vắng khách, chàng tình cờ cầm đọc một trang báo Chính Luận, có kể chi tiết về cuộc đời đầy hy sinh vị tha của một Giám mục Công giáo, gốc ngọai quốc, tên là Gio-An Cassaigne, mà dân chúng quen gọi với tên 'Đức cha 'Cải-Sanh' (đã vừa qua đời tại trại cùi Di-Linh). Cảm động quá, chàng thấy như hai hàng lệ chảy xuống gò má, rồi bắt đầu suy tư…(Ước chi rồi mai đây mình sẽ có cơ hội nối gót ‘ông cố Tây’ đã từng bỏ nhà cửa quê hương, qua Việt Nam phục vụ người nghèo khổ…dẫu mình làm thế ở ngay tại đất nước này cũng cứ được đi !)

Thời gian đó là vào năm 1973. Bầu khí thân ái xã hội còn bao trùm toàn thể miền Nam Việt Nam với chế độ Cộng Hòa. Cậu Chung vốn thuộc một gia đình Phật giáo, mà lúc đó cậu chỉ hiểu mù mờ cũng giống 'đạo ông bà'. Chàng dứt khoát sẽ ráng theo ngành Y khoa, để có cơ hội phục vụ người nghèo và chữa bệnh cho đồng loại. Giám mục Cassaigne đã vô hình chung trở thành thần tượng, cấy vào chàng những ước mơ thầm kín, mong có ngày cất cánh bay cao. Từ đó chàng ước muốn có cuộc sống thật ý nghĩa: hạnh phúc là chia sẻ và phục vụ tha nhân.

Vào học trường Y năm đầu 1974, chàng tình cờ làm quen với vị giáo sư gốc nước Bỉ bên trời Âu, dạy môn ‘Mô phôi học’, tên là Marcel Lichenberger (chỉ quen mặc thường phục). Chàng mến ngài vì đức, phục ngài vì tài. Rồi bất ngờ một hôm vị giáo sư này mời chàng và bạn hữu tới dự lễ cầu nguyện cho các ân nhân ngành Y khoa, tại nhà thờ Jeanne d’Arc bên Chợ Lớn. Xúc động tột cùng khi chàng thấy vị chủ sự thánh lễ hôm ấy chính là vị giáo sư quý yêu của mình. Trong bài giảng, ngài tâm sự đã sống bên Trung Hoa nhiều năm để phục phụ người nghèo khổ, và hiện còn muốn tiếp tục lối sống này, như… Giám Mục Cassaigne !

Thế là chàng sinh viên trẻ càng dứt khoát đi theo lý tưởng…phục vụ. Cha Marcel đã đặt vững chãi thêm nền móng cho đời chàng, trên cùng một cội nguồn như thần tượng thứ nhất.

Ra trường năm 1980, với bằng chuyên môn về ‘ký sinh trùng’. Không lâu sau khi khai tờ xin việc, chàng được cử tới sở Y tế Lâm Đồng, dù chàng tha thiết muốn được tới thẵng trại cùi Kala để theo chân đức cha ‘Cải-Sanh’. Nhưng rồi vì không toại nguyện, chàng đành quay về Sài gòn, kiếm vài việc phụ, rồi xin học thêm về bệnh ‘da liễu’ để có thể lo cho người cùi. Mãi tới năm 1992, chàng mới vui sướng được tới làm việc tại trại phong Bến Sắn, gần Bình Dương.

Dần dần, gương hy sinh cao cả dấn thân của các nữ tu ‘Nữ tử bác ái’ phục vụ tại đây khiến chàng ngày đêm mong được theo đạo Chúa. Chàng biết gia đình sẽ không vui với chuyện này. Trong số các nữ tu can đảm này, có sơ Phạm thị Ngọc Loan, được mọi người gọi bằng tên ‘Dì Hai’ đã làm chàng xúc động nhất: sau 17 năm liên tục hiến thân toàn vẹn cho bệnh nhân cùi, chính sơ cũng dính vào căn bệnh quái ác này.

Sau đám tang dì Hai, vừa đúng 20 năm sau dịp đọc bài báo Chính Luận, chàng dứt khoát tìm học đạo nơi các cha Dòng Tên tại Bình Dương gần trại cùi. Rồi chàng được rửa tội vào ngày 15 tháng 5 năm 1994, do tay cha Trần thế Thuận, tuyên úy nhà thương cùi Bến Sắn, với tên thánh là Augutino (gương mẫu trở về với Chúa muộn màng). Rất may là cha mẹ chàng không còn cản trở phản đối.

Tháng 9 năm đó, chàng lên Đà Lạt ngỏ ý xin đi tu với các linh mục truyền giáo thánh Vinh-Sơn (vị thánh cũng sáng lập dòng 'Nữ tử bác ái của 'Dì Loan), và rồi sau một năm, chàng tạm thôi công tác lo cho người cùi, để dành trọn thời gian cho chuyện học làm Linh mục. Rồi chuyện phải tới đã tới, chàng được lãnh chức Linh mục ngày 25 tháng 3 năm 2003, tại nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu giúp Sài gòn. Thế là chàng thấy mình đã thực sự nhìn được cái Mỹ, nghe được cái Thiện và chạm được cái Chân của đời mình: đó chính là Đức Ky tô.

Ra đi gieo rắc tình thương:

Bây giờ thì Linh-mục-Bác-sĩ Chung có cơ hội phục vụ tha nhân cả về đạo lẫn đời. Khởi đầu là những nạn nhân của căn bệnh ‘thế kỷ’ AIDS (HIV), rồi nạn nhân ghiền ma túy, đặc biệt tại miệt Củ Chi. Ngài chữa họ cả xác lẫn hồn, ngày đêm vui sướng được nhân danh Chúa Giê Su xoa dịu vết thương nhân loại. Không biết mệt mỏi. Không tìm nghỉ ngơi. Cha ngày đêm canh cánh bên lòng hình ảnh của những thần tượng riêng: một Giám Mục, một Linh Mục và một Nữ Tu.

Năm 2009, bề trên sai ngài lên phục vụ tại cao nguyên trung phần. Thành ra cha có dịp hết lòng phục vụ những người thiểu số nghèo nàn, mắc nhiều chứng bệnh hiểm nghào, như gương Giám mục Cassaigne ngày nào.

14 năm tuy dài mà rất ngắn theo mộng ước phục vụ của cha. Ngày đêm cha tìm cải tiến đời sống dân nghèo từ giáo dục, y tế tới công ăn việc làm. Người ta nói: nếu trước đây vong linh Giám mục Cassaigne đã gieo vào hồn cha một mùa xuân mới, thì nay cha đang tìm cách cấy niềm vui xuân ấy vào những con người xấu số nghèo nàn cha đang phục vụ.

Những ngày cuối cùng tận lực phục vụ của cha là tại giáo xứ Dăk Tân, giáo phận Kontum (cơ sở của các cha truyền giáo Vinh Sơn). Ngài tạ thế khi về chữa bệnh tại Sài gòn ngày 10 tháng 5 năm 2017, thọ 62 tuổi.

Tạm lời kết:

Đời sống và gương sáng của con người can trường hy sinh vì Chúa và tha nhân trên đây, có đánh động tâm tư bạn chút nào không ? Có thấy mình bị phần nào lôi kéo vì ‘gương bày’ trước mắt không ? Có ao ước bắt chước cha Augutino dứt khoát tìm theo lối bước cao cả của Giám mục Cassaigne và các ‘thần tượng sống’ mình gặp không ?

Phải chăng lúc này chúng ta được phép nhắc bảo nhau rằng: Ai gặp được Thiên Chúa thành thật trong hồn, thì sẽ tìm cách liên đới bằng tình thương với anh em đồng loại, nhất là những kẻ xấu số khốn cùng. Cũng vậy, một khi ta biết liên đới với kẻ cùng khốn, ta sẽ gặp được Chúa trong sâu thẳm lòng mình.

Lòng mến Chúa Giê Su chịu đóng đinh xem chừng đã làm cha Augutino Chung say mê ‘con virus’ trong người của các kẻ nghèo hèn bệnh hoạn ! Mà say mê tới hơi thở cuối cùng.

Mong vị Linh mục anh hùng trên đây sớm được Giáo hội lưu ý, rồi cho phép chúng ta tôn kính cùng với nhiều vị khác trên bàn thờ.

LM. Giuse Nguyễn Văn Thư

---------------------------------------------