Ngày 18-09-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tập phục vụ để xứng đáng là môn đệ của Chúa
Lm Jude Siciliano OP
00:15 18/09/2009
CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN (B)

Is 50: 5-9a; Tv 59; Gc 2: 14-18; Mc 8: 27-35

Qua bài phúc âm hôm nay, thánh Mác-cô đã không để các môn đệ ngơi nghỉ?. Chúa Giêsu vừa dạy các ông về những sự đau khổ Ngài sắp phải chịu là sự chết và sự sống lại. Thánh Mác-cô cho chúng ta biết là các môn đệ không hiểu điều Chúa Giêsu dạy các ông. Các ông như muốn đổi đề tài, và có lẽ chúng ta cũng muốn làm như vậy.

Sau khi đến Ca-phác-na-um Chúa Giêsu hỏi các ông bàn tán điều gì trên đường đi. Các ông lặng thinh và sau đó thưa với Chúa Giêsu rằng các ông bàn nhau xem ai là người lớn nhất. Những lời bàn cãi đó bộc lộ ra những tham vọng của các ông. Có lẽ các môn đệ không hiểu gì về những điều Chúa Giêsu nói về sự ruồng bỏ, sự đau khổ, và sự chết của Ngài. Đáng lẽ các ông bàn luận với nhau về ý nghĩa của sự đau khổ, sự chết, và sự sống lại từ cõi chết của Thầy, hay về việc các ông sẽ làm gì nếu Thầy các ông bị ngược đãi, thế mà các ông lại bàn với nhau về tương lai của các ông. Chẳng lẽ các ông thờ ơ đối những điều Chúa Giêsu vừa nói sao? Điều gì đã làm các ông nghĩ đến tương lai sẽ ra sao khi theo Chúa? Chắc không thể là được ngồi trên ngai quyền lực rồi!.

Thánh Mác-cô không nói lời nhẹ nhàng che chở các môn đệ. Thánh Mác-cô mô tả các ông đúng sự thật. Các môn đệ và người cùng theo các ông đều mong đợi đấng Mê-sia, đến lật đổ kẻ thù và lập lại một dân tộc Israel hùng mạnh như trước kia. Tuần vừa qua chúng ta nghe thánh Phê-rô nói Chúa Giêsu là Đức Kitô (Mc 8:27-35). Các môn đệ cùng đi với Chúa Giêsu tưởng mình đang đi với đấng Mê-sia. Nên đã thấy vinh quang trước mắt họ, và thế là họ bàn cãi với nhau xem ai sẽ ngồi chỗ nào bên ngai của Đấng Mê-sia đó. Nhưng họ hiểu sai về Đấng Mê-sia trong Chúa Giêsu là như thế nào. Các ông cần được dạy để biết quyền lực của Đấng Mê-sia trong Chúa Giêsu là cung cách phục vụ người hèn kém. Đó chính là cách Thiên Chúa thể hiện tình yêu của Ngài đối với chúng ta.

Tôi tự hỏi, các người lãnh đạo trong giáo hội tiên khởi, có đòi hỏi chức quyền như vậy không? Thánh Mác-cô viết phúc âm như vậy là để nhắc đến lời dạy của Chúa Giêsu về trách nhiệm của người phục vụ là “phải biết giúp đỡ cho người hèn kém nhất” trong cộng đoàn của họ. Qua đó cũng nói đến các người có trách nhiệm trong giáo phận: Trưởng ban phụng vụ, Trưỡng hội đồng giáo xứ, Phụ trách tài chính, các giáo chức v.v… Chúng ta cần được nhắc nhở thường xuyên là chúng ta là những phục vụ, kể cả họ là Giám mục, linh mục, là doanh nhân, người có phẩm hàm trong giáo hội, kẻ đứng trên bục giảng để dạy dỗ người khác.

Khi nghĩ đến những việc đó, có thể chúng ta nghĩ đến chức vụ, quyền hành, nhưng thật ra chúng ta không có quyền hành gì, cho dù phẩm trật và chức vị chúng ta có thế nào đi nữa. Vì khi chúng ta dự tính cho tương lai những chương trình tốt đẹp, Thường chúng ta dễ bị thất bại. Các môn đệ cũng vậy, muốn tìm vị trí cao trọng cho bản thân mình, sẽ gặp chán nản ngay. Chúa Giêsu dạy các ông hãy chuyển sự quan tâm sang lãnh vực khác, và hướng đến tương lai vững chắc, không hề thất bại. Đó là các ông cần theo gương Thầy và làm các việc như Thầy đã làm, là xử dụng tất cả những quyền năng gì có được để phục vụ kẻ khác.

“Ai là người lớn nhất?”. Nếu các môn đệ muốn được trọng vọng lâu dài thì các ông phải sẵn sàng làm tôi tớ cho tất cả. Và hơn thế nữa, hảy có tâm tình con trẻ vì danh Chúa Giêsu. Thời Chúa Giêsu, các trẻ thơ không có chức phẩm gì cả, cũng không có ân huệ gì. Trẻ thơ là của cha mẹ chúng, và chúng dễ bị đối xử tàn tệ. Người môn đệ phải nên như con trẻ vậy. Chúa Giêsu nói “hãy đón đứa trẻ” vào đời sống mình, là hãy chấp nhận mình có thể bị đối xử tồi tệ, và như vậy sẽ dựa hoàn toàn vào Thiên Chúa.

Và hơn nữa, đáng lẽ tìm nơi cao sang quyền quý trong xã hội và trong giáo hội để phục vụ, thì người môn đệ nên tìm đến người nghèo, cô thế, như trẻ thơ không địa vị gì cả. Trong những lời dạy khác của Chúa Giêsu nói chúng ta sẽ gặp Ngài trong những người thấp bé nhất trong xã hội. Trong bàn Tiệc Thánh hôm nay, chúng ta tìm thấy “sự hiện diện thật sự” của Chúa Giêsu, chúng ta thử nghĩ xem đã gặp được Ngài ở đâu chưa. Chúng ta có thể tìm Ngài ở nơi những người hèn kém trong xã hội. “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.

Phúc âm có thể khác biệt, đối nghịch với những điều chúng ta suy nghĩ, những giá trị chúng ta đặt ra, và phúc âm có thể không thực tế mấy. Thí dụ về cách đặt chổ trong các hãng hàng không đối với khách. Chúng ta có thể truy cập trang mạng của hãng trong 24 giờ trước khi lên máy bay để chọn chỗ ngồi mình thích. Người nào chọn trước thì người có được chỗ trước. Trong tiệm ăn hay các nơi công cộng, người nào đến trước thì người đó được phục vụ trước. Các suy nghĩ chúng ta trái hẳn với phúc âm. Chúa Giêsu không dạy chúng ta suy nghĩ theo sự thường đó, nhưng suy nghĩ theo những điều Ngài dạy các môn đệ. Chúa Giêsu thúc đẩy chúng ta tin tưởng và chấp nhận mầu nhiệm của Nước Trời hiện diện trong Đức Kitô. Đúng vậy, Thiên Chúa làm như vậy qua Chúa Giêsu. Chúa Giêsu trong con người phục vụ, Ngài sẵn sàng bỏ lại quyền uy vinh quang của Thiên Chúa, để chấp nhận hoàn cảnh yếu hèn của loài người, cho đến sự chết trên cây thập giá.

Thánh Gia-cô-bê cho chúng ta thấy điều kiện của con người thực tế ra sao. Chúng ta có những yếu hèn gì. Trong tâm hồn của một người yếu hèn, chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn khi nghe lời dạy của Chúa Giêsu: Hảy đón nhận trẻ thơ trong đời sống chúng ta. Nhưng, dù lời Chúa Giêsu dạy khó đến đâu đi nữa cũng luôn kèm theo ơn sức giúp đỡ của Thiên Chúa.

Đôi khi một câu ngắn trong Kinh Thánh cũng đủ để giúp chúng ta hiểu biết với đầy hy vọng ngập tràn ơn sũng Thiên Chúa. Hôm nay đối với tôi, lời Kinh Thánh chủ đạo là “Đức Giêsu và các môn đệ ra khỏi đó, và bắt đầu lên đường…”

Nếu chúng ta cảm thấy bị bí lối về tinh thần, hay bị vấp phải một tình trạng thiêng liêng bất ổn nào, chúng ta có thể cùng Chúa Giêsu bỏ nơi đó để lên đường đi nơi khác. Nơi nào? Chúng ta có thể lên đường đi về đường hướng để trở thành một môn đệ Chúa. Đây là câu Kinh Thánh giúp tôi ngày hôm nay. “Chúa Giêsu và các môn đệ lên đường đi…” Chúng ta chưa đến nơi đó, chúng ta chưa là môn đệ hoàn toàn, vì môn đệ là phải bỏ hết mọi sự để theo Thầy. Chúng ta chưa là môn đệ ngoan ngoãn biết hy sinh chính mình, chúng ta chưa biết bỏ lại uy quyền để tìm phục vụ người yếu hèn nhất.

Đáng lẽ chúng ta chán nản vì chúng ta chưa được là môn đệ hoàn toàn, thì chúng ta hãy để hết tâm tình vào việc đó. Chúng ta chưa đạt đến đích, nhưng chúng ta đang trên đường để thành môn đệ xứng đáng mà Chúa Giêsu đã muốn chúng ta được như vậy. Chúng ta đã lên đường đi với Chúa Giêsu, và chúng ta không phải tự chúng ta cố gắng đi một mình, nhưng chúng ta cùng đi với Chúa Giêsu như thánh Mác-cô đã nhắc. Tiệc Thánh hôm nay là một chặng đường đi làm môn đệ. Nơi đây chúng ta được nghe lời Chúa đầy phúc lộc, và chúng ta được bữa ăn để giúp chúng ta lên đường để thành “người nhỏ nhất, và là người tôi tớ cho tất cả”.

Chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP
 
Miếng tiếng
Lm Vũđình Tường
05:48 18/09/2009
Miếng và tiếng không mấy khi sống đời độc thân. Người ta luôn tìm cách cho chúng kết hôn. Đủ miếng ăn rồi, cần phải có chút danh phận với đời. Miếng và danh thứ nào đến trước cũng được miễn là chúng chung đôi. Có miếng mà thiếu tiếng không mấy ai hài lòng. Chính vì thế khi ăn uống không còn là mối lo, người ta kiếm danh. Có kẻ hám danh, thèm tiếng đến độ nhịn ăn, dành tiền, mua sắm, chưng diện, mong có tiếng.

Hám danh là nguyên nhân của nhiều sự tội, đầu mối của tranh chấp, bất hoà. Mọi tai tiếng đều bởi đó sinh ra. Có danh phận vẫn chưa xong, còn phải học cách ăn uống, sinh hoạt xã hội hợp với danh phận. Mấy ai vào đường ăn chơi tránh khỏi truỵ lạc.

Kẻ thực tài, sống chân thành phát triển tài năng Chúa ban. Không mong danh, danh vẫn đến và danh tồn tại lâu dài. Kẻ hám danh, nếu có cũng chỉ vang bóng một thời. Thời vang bóng nhập nhóm có danh phận. Đổi đời. Không bao lâu sau, tiếng vang chìm vào dĩ vãng. Bóng lập loè qua đi. Đời đã lỡ hoá thân, đổi kiếp, giờ mất hết phẩm chất, cả tiếng lẫn miếng. Danh mất, phận không còn. Trở về tình trạng khố rách, áo ôm, tệ hơn thời chưa nổi tiếng. Nhận ra chân lí, khi đời đã tàn, sức đã kiệt.

Tai tiếng

Tư tưởng muốn được lừng danh, muốn được mọi người biết đến nảy sinh khi có của ăn, của để. Đã không tạ ơn Chúa, thương người nghèo. Trái lại mong lột xác, chào tạm biệt giai cấp trước. Học làm trưởng giả, tập làm sang bằng cách dán vào mình nhiều nhãn hiệu mới. Thay đổi nhãn hiệu bên ngoài thì dễ; xoá nhoà thực chất bên trong mới khó. Xưa có tình trạng mua quan, bán tước. Nay, mấy ai bán danh tiếng. Giả như có cũng chỉ mua được ‘tiếng hám danh’, không mua được tiếng tốt.

Để có tiếng, phải đeo sắt đá. Làm đẹp cho xã hội hay tự nhận sống đời lệ thuộc. Hám danh lệ thuộc miệng lưỡi thiên hạ. Vui khi được khen. Buồn bực khi bị bình phẩm. Cũng từ miệng đến tai, nhưng là miệng thiên hạ, tai mình. Rõ khổ. Đã mất của lại thiếu tự do. Không sống cho mình, vì mình. Sống vui nhờ lời khen.

Vòng danh lợi

Xã hội hưởng thụ ca tụng kẻ biết cách phơi bày sắc đẹp. Lanh lẹ, lợi khẩu để nổi danh, bất kể, lành mạnh hay sa đoạ. Thành công trên thương trường, sáng tác nghệ thuật, nổi tiếng nhờ khám phá khoa học, kĩ thuật vẫn đi sau làn son, lớp phấn. Thời buổi nhung lụa, son phấn dẫn đầu. Thành tài nhờ lươn lẹo cũng là một cách, miễn sao qua mặt được luật pháp. Có trường sở dậy cách mau thành công, chóng nổi tiếng. Đời sống đạo, đức hạnh, việc lành, bác ái bị coi là thứ yếu. Các tông đồ của Chúa cũng không bị gạt khỏi cái vòng danh lợi. Đi theo Thầy các ông không sợ đói khát. Không phải lo miếng ăn, các ông manh nha tìm chút tiếng tăm.

Đường lối Chúa

Dọc dường các ông tranh biện với nhau ai sẽ là người nổi tiếng hơn ai.

Về đến nơi Đức Kitô hỏi dọc đường các ông tranh luận gì sôi nổi thế?

Các ông nhìn nhau, mắc cở, thẹn thùng không dám nói.

Hám danh còn biết mắc cở vẫn còn thuốc chữa. Đức Kitô dậy. Đường lối Chúa là chọn sống khiêm nhường. Hạ mình xuống phục vụ. Muốn làm đầu hãy học làm bề tôi trước. Muốn được phục vụ thì hãy đi phục vụ. Hãy trở nên giống như Ngài trong lời nói, hành động. Ngài mong các môn đệ bắt chước, thực hành, sống khiêm nhường, không phải một ngày mà mọi ngày trong đời.

Nguyên nhân

Hám danh, ham của vì nội tâm trống rỗng. Một tâm hồn trống rỗng, nghèo đói giá trị tinh thần. Không sai lầm nào nguy hại hơn là chọn lối sống ảo vọng, theo hình, bắt bóng. Danh lợi, vật chất không thoả mãn cơn đói tâm linh. Đời trống vắng vì giá trị đời người nương nhờ vào vật chất. Vật đổi, sao dời đời hụt hẫng. Dùng Lời Chúa nuôi dưỡng tâm linh. Dựa vào Bí Tích, các nhân đức là sống khôn ngoan trong Chúa.

Chúa ban cho mỗi người, từ lúc tạo dựng, một giá trị cao quí, độc nhất vô nhị. Kẻ danh chính ngôn thuận đâu cần đeo vào mình đá quí, kim cương, cẩm thạch mà vẫn nổi danh. Vấn đề là biết phát triển tài năng Chúa ban, bắt chúng sinh hoa, kết trái. Làm giầu đời sống thiêng liêng bằng thực hành bác ái, yêu thương. Chính những giá trị chân truyền này mang lại niềm vui thật, niềm vui nội tâm, lâu bền; cần chi đến niềm vui giả tạo tiếng đời ban cho.

Gặp gỡ Đức Kitô

Bình an thật, niềm hoan lạc vững bền phát xuất từ tâm tình phục vụ với lòng yêu mến. Kẻ sống khiêm nhường an thân vì không ai tranh sống khiêm nhường. Trái lại tiếng và miếng có lắm kẻ giành, nhiều người giật. Ngày đêm sống bất an. Lúc nào cũng sợ mất tiếng và miếng.

Nghèo tinh thần nên nương nhờ vật chất. Dùng tiền của che đậy cái nghèo nội tâm. Dùng quyền lực che đậy thế đứng bấp bênh. Nhờ nịnh nọt, tâng bốc mong khoả lấp khát khao tình yêu thật. Đeo đuổi lợi danh là chọn sống đời lục bình. Sống nhờ biết nương sóng, đón gió.

Gặp gỡ Đức Kitô để được biến đổi, được thánh hoá, được trở nên tốt lành. Muốn được em nhỏ đón nhận hãy trở nên giống, đơn sơ như em. Hiểu em, cảm thông với em sẽ được em cảm thông, đón nhận.

Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là đón tiếp Thầy; và ai đón tiếp Thầy thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy. Mc 9,37
 
Ai sẽ ngồi chiếc ghế ấy đây?
Gioan Lê Quang Vinh
08:41 18/09/2009
Chúa Nhật 25 thường niên B

Ngày ấy Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi hay nói đùa với tôi: “Con thấy không, người ta bảo làm chi cũng chẳng làm chi, dẫu có thế nào cũng chẳng làm sao”. Lúc đó tôi còn quá trẻ chưa hiểu hết nghĩa sâu xa của sự nhận định về phù vân trong mấy câu ấy. Rồi có lần ngài nhận được thư mời của một cộng đoàn nọ, ngài đưa cho tôi xem mấy từ “kính mời Đức Cha quang lâm…” và ngài cười bảo: “lại là quang lâm!”. Đức Cha muốn nói việc ngài đến không nên diễn tả quá mức như thế, và ngài dạy cho mọi người điều mà Đức Giêsu nói với các môn đệ: những vinh quang và quyền lực trên cõi đời này chẳng là gì cả. Giá trị thật còn nằm ở nơi xa hơn.

Các môn đệ đi theo Chúa Giêsu, nghe Người giảng và kết hiệp mật thiết với Người, nhưng lại đòi những điều có vẻ nhỏ nhặt: ai sẽ có chức vị cao hơn. Nghe thì thấy lạ thật, và dường như ai đọc đoạn Tin Mừng này cũng đều ngạc nhiên hỏi “Sao lại thế?”. Tuy nhiên, ngày hôm nay, khi con người đã được mạc khải trọn vẹn mầu nhiệm về Đấng Thiên Sai và về Vương quốc vĩnh cửu, họ vẫn bị cám dỗ cứ phải băn khoăn và khắc khoải về chỗ đứng của mình bây giờ và mai sau.

Thật ra nhu cầu được khẳng định vị trí là nhu cầu lành mạnh và căn bản của con người xét trong tương quan với xã hội. Và giáo huấn của Hội Thánh cũng dạy rằng con người là nhân vị, và hơn nữa, nhân vị ấy hướng về siêu việt và đã được chính Con Thiên Chúa cứu chuộc. Cao quí lắm, vĩ đại lắm chứ. Chúa Giêsu không dạy con người huỷ bỏ địa vị cao quí và cao sang ấy.

Nhưng bi kịch của kiếp người là ở chỗ khi nhận thấy mình được Chúa ban cho một địa vị, thì họ lại muốn đòi chỗ cao hơn, không phải để phục vụ anh em mà là để hưởng thụ và để tỏ uy quyền. Địa vị tự nó là tốt, nhưng lòng người và cách hành xử làm cho địa vị bị hỏng đi. Chúa không lên án người có quyền hành, Chúa còn bảo “nếu ai muốn làm người đứng đầu”. Điều Chúa muốn dạy cho con cái Người là phục vụ khiêm hạ.

Ngày Đức Cha Phaolô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh chọn khẩu hiệu giám mục “khiêm tốn phục vụ” thì có một cha, học trò của ngài, nói đùa “phục vụ mà hơi tốn”. Tôi ngẫm lại thấy cũng hay. Làm mục tử, làm người đứng đầu là để phục vụ, mà phục vụ là phải hao đi, phải cho đi, phải chịu thua thiệt, thậm chí còn bị kết án nặng nề. Tôi không có ý đề cao Đức Tổng Giám Mục Giuse của Hà nội, nhưng mỗi lần nghĩ đến sự phục vụ và hy sinh, hình ảnh của ngài cứ hiện ra trong tôi như một khích lệ và dạy bảo có ảnh hưởng rất đáng kể.

Chúa Giêsu dùng hình ảnh trẻ nhỏ để diễn tả mầu nhiệm Nước Trời. Nơi trẻ nhỏ, người ta “đọc” thấy sự hồn nhiên, vô vị lợi và sống hết mình. Không một trẻ em nào tính toán sẽ được gì khi bước ra sân chơi hay ngồi vào ghế với bạn bè. Chiếc ghế được đặt giữa nhà, chẳng có em nhỏ nào nghĩ tới việc giành ngồi lên đó. Cho nên những thái độ nhắm chỗ, chuẩn bị địa vị… đều xa lạ và mâu thuẫn với giáo huấn của Đức Kytô, Chúa chúng ta.

Đức Maria, Mẹ chúng ta là mẫu gương tuyệt vời của tinh thần phục vụ không đòi hỏi. Địa vị cao sang của Mẹ Thiên Chúa là nơi máng cỏ, hang lừa, là nơi âm thầm lặng lẽ chẳng ai nhìn đến và là nơi khổ đau dưới chân Thánh Giá. Và chính nhờ phục vụ quên mình khiêm hạ nhất, Mẹ được Chúa Trời tôn phong làm Nữ Vương muôn đời. Xin Mẹ dạy con bài học về cuộc đời của Mẹ, Mẹ ơi.
 
Ghen tuông: tật bệnh của con người
Anmai, CSsR
08:43 18/09/2009
Chúa Nhật 25 thường niên B (Kn 2, 12.17-20; Gc 3,16-4,3; Mc 9, 30-37)

Mở lại những trang đầu của Thánh Kinh, ta thấy hình như cái máu ghen tuông nó bắt đầu manh mún nơi ông bà nguyên tổ thì phải. Vì không đón nhận những gì mình có, vì muốn bằng Thiên Chúa, ghen tuông với Thiên Chúa nên hai ông bà hái trái cấm để cho được hơn Thiên Chúa. Thế nhưng, sau khi hái trái cấm thì mọi sự đã được sáng tỏ. Con người mãi mãi là thụ tạo trong lòng bàn tay của Thiên Chúa.

Máu ghen tuông của ông bà nguyên tổ đã truyền sang cho con cái của hai ông bà là Cain. Cain đã đành tâm giết em của mình vì em của mình được lòng Thiên Chúa. Không chỉ dừng ở đó, suốt hành trình lịch sử cứu độ, sự ghen tuông vẫn còn và vẫn còn mãi. Sự ghen tuông ấy đã gây ra không biết bao nhiêu hậu quả cho con người.

Trang sách khôn ngoan mà chúng ta vừa nghe nói lên lòng thâm độc, nham hiểm của kẻ ghen tuông:

"Ta hãy gài bẫy hại tên công chính,
vì nó chỉ làm vướng chân ta,
nó chống lại các việc ta làm,
trách ta vi phạm lề luật,
và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo.
Ta hãy coi những lời nó nói có thật không,
và nghiệm xem kết cục đời nó sẽ thế nào.
Nếu tên công chính là con Thiên Chúa,
hẳn Người sẽ phù hộ và cứu nó khỏi tay địch thù.
Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó,
để biết nó hiền hoà làm sao,
và thử xem nó nhẫn nhục đến mức nào.
Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã,
vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm."
(Kn 2, 12.17-20)

Không chỉ rắp tâm hại mà còn thách thức Thiên Chúa nữa.

Và, hôm nay, trang tin mừng mà chúng ta vừa nghe Thánh Matthêu thuật lại cho chúng ta về thái độ ghen tuông, thái độ hơn thua của các môn đệ.

Trang Tin mừng theo Thánh Máccô mà chúng ta vừa nghe, xét về phương diện biên soạn, nếu so sánh trình thuật này với bản văn của Matthêu và Luca, chúng ta nhận thấy rằng: lời giáo huấn của Chúa Giêsu dạy các môn đệ “ở cuối hết mọi người và làm tôi tớ mọi người", được các thánh ký trình bày theo các bối cảnh khác nhau:

Matthêu 18, 3-4 viết: "Quả thật Ta bảo các ngươi nếu các ngươi không hoán cải mà nên như trẻ nhỏ, các ngươi sẽ không được vào Nước Trời. Vậy ai kể mình hèn hạ như trẻ nhỏ này, thì người ấy là kẻ lớn hơn trong Nước Trời". Bối cảnh ở đây liên hệ tới Nước Trời.

Luca đặt cuộc tranh luận vào khung cảnh bữa tiệc ly: "Người lên giường tiệc làm một với các tông đồ... giữa họ đã xảy ra một cuộc tranh chấp ai phải được kể là lớn nhất trong nhóm. Nhưng Người bảo họ:. ..ai lớn hơn cả nơi các ngươi thì hãy nên như người nhỏ nhất, và kẻ làm đầu, thì ở như người hầu hạ... Còn Ta, Ta ở giữa các ngươi như kẻ hầu bàn" (Lc 24, 14,23-27). Thánh ký Luca nhấn mạnh đến sự ưu tiên của việc phục vụ tha nhân.

Nơi Tin Mừng Maccô, thánh ký trình bày một cách rõ nét sự phản đề căn gốc giữa địa vị làm đầu và địa vị cuối hết (câu 35).

Cách miêu tả phản đề đó của thánh ký Maccô phô diễn ý muốn của Giêsu nhằm đến sự đảo lộn các bậc thang giá trị theo như các môn đệ đánh giá. Họ phải thay đổi cái nhìn về các bậc thang giá trị trong cuộc sống làm môn đệ của Người. Vì chưng, trong vương quốc tình yêu của Thiên Chúa, quyền hành được ban cho để làm tôi tớ mọi người, nhất là những ai thấp hèn hơn, bị khinh chê hơn, như hình ảnh của đứa bé là biểu tượng.

Họ đến Caphácnaum. Vào nhà, Người hỏi họ: dọc đường các ngươi tranh luận gì với nhau? Họ làm thinh vì dọc đường họ đã tranh luận với nhau: ai lớn hơn (Câu 33-34):

Như chúng ta đã ghi nhận, trong hành trình tiến dần về cuộc khổ nạn ở Giêrusalem, Chúa Giêsu băng qua Galilêa, và giờ đây, người và các môn đệ đã đến Caphácnaum; Thực ra, địa dư này cũng nằm trong ý nhắm thần học của Maccô Caphácnaum là thành phố ở đó Chúa Giêsu thường ở tại nhà (x. Mc 21,1) tức là nhà của Simon và Anrê (x. Mc 1,29). Trong nhãn quan thần học Maccô, cách miêu tả vào nhà cùng với bối cảnh Carphanaum gợi nhắc tới một lời giáo huấn quan hệ và quí báu mà Chúa Giêsu muốn ngỏ cho các môn đệ.

Đang khi tâm trí của Chúa Giêsu hướng đến viễn ảnh khổ nạn trong cuộc hành trình lên Giêrusalem, thì các môn đệ của Người lại tranh luận với nhau thử xem ai lớn. Đó là sự trái ngược phản tương cũng đã từng xảy ra nơi cuộc loan báo thương khó lần thứ nhất giữa Người và các môn đệ mà Phêrô là đại diện tiêu biểu (Mc 8,31t).

Và như vậy cuộc tranh luận về địa vị lớn nhỏ bộc lộ cho thấy các môn đệ khó vượt thoát các tâm tư trần tục trên con đường theo Chúa.

Ngồi xuống, Người gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói với họ: Ai muốn làm đầu, thì hãy ở cuối hết mọi người và làm tôi tớ mọi người (Câu 35)

Ngồi: Nói lên tư thế của vị Thầy ngồi giáo huấn các môn đệ (Mc 4,1; 13,3). Ngồi xuống, Người gọi Nhóm Mười Hai lại để ngỏ lời nhắn nhủ quan hệ cho họ, trong tư thế họ là những đại diện của gia đình mới (Mc 3,13; 6,7)

Trong nhãn quan thần học Maccô Nhóm Mười Hai còn nói lên hình ảnh của nhóm môn đệ đồng hành với Chúa Giêsu trên con đường khổ nạn, (x. Mc 10,32; 11,11; 14,17): Người muốn đưa dẫn họ và qua họ, đưa dẫn toàn thể những ai tin theo Người đi trên con đường mà Người bước tới, và chính trong bối cảnh đó mà Người ngỏ lời cho họ: Ai muốn làm đầu thì ở cuối hết mọi người, làm tôi tớ mọi người.

Chúa Giêsu đòi hỏi kẻ muốn tìm kiếm địa vị hàng đầu phải là kẻ cuối hết và làm tôi tớ cho mọi người. Trong nhãn quan thần học Maccô gắn liền với Giáo hội sơ khai, yêu sách đó của Chúa Giêsu mang một tầm vóc quan hệ đặc biệt.

Vì chưng, đối với người môn đệ của Chúa Giêsu làm đầu tức là làm cuối hết mọi người và làm tôi tớ mọi người. Người đời thường vẫn cảm thấy nhu cầu muốn đánh giá mình, muốn được kẻ khác nhìn nhận và muốn hành xử một thứ quyền hành nào đó trên kẻ khác. Môn đệ của Chúa Giêsu phải có cái nhìn đảo ngược lại. Thầy của họ đã đến giữa trần gian này "như kẻ hầu bàn" (Lc 24,27), những ai chọn theo Nguời phải cảm nhận sâu sắc rằng quyền đuợc ban cho là để phục vụ mọi người. Họ phải vén mở cho thế giới chung quanh thấy chiều kích cánh chung nơi cuộc sống họ, ngang qua sự phục vụ làm tôi tớ mọi người, qua sự tự hiến cho tha nhân.

Đó là cung cách phải có của những người môn đệ Chúa Giêsu trong tương quan với mọi người. Sống giữa thế giới bị ám ảnh bởi quyền lực thống trị, Giáo hội có nguy cơ lượng giá rập theo khuôn mẫu người đời cũng như sử dụng quyền được ban cho không phải để phục vụ song để tạo ưu quyền. Lời giáo huấn của Chúa nói lên sự cảnh giác đối với cuộc sống về người môn đệ của Người phải chọn theo: "Đừng rập theo đời này, trái lại hãy canh tân lương tri, mà biến hình đổi dạng... Đừng có tự cao quá điều lượng được về mình, mà là tự lượng lấy mình sao cho khiêm tốn, mỗi người tùy theo lường đức tin Thiên Chúa đã phân phối cho. Vì cũng như nơi thân mình ta, tuy nó là một, thế mà ta lại có nhiều chi thể và các chi thể hết thảy lại không đồng một việc. Cũng vậy, chúng ta tuy là nhiều người, ta chỉ là một thân mình trong Đức Kitô, còn thì ai tùy phận nấy, mà làm chi thể lẫn cho nhau...

Trong tình huynh đệ, hãy mến nhau tha thiết; bởi kính trọng nhau, hãy coi kẻ khác hơn mình. Nhiệt thành không bê trễ, tâm thần đầy sốt sắng mà làm tôi Chúa... Hãy vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc. Cùng nhau tâm đồng ý hợp, đừng quá cao vọng về mình; trái lại hãy biết bỏ mình, chuộng phần hèn kém (x. Rm 12,2-16).

Hôm nay, không những chúng ta được nghe Chúa Giêsu nói về thái độ hơn thua, ghen tuông và nhắc nhở chúng ta về thái độ ấy nhưng còn có cả người trong cuộc nữa. Thánh Giacôbê tông đồ vừa nói với chúng ta qua thư của Ngài. Chắc có lẽ cái kinh nghiệm xương máu về chuyện hơn thua có trong Ngài nên Ngài vừa khuyên chúng ta: “vậy, ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa. Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao? Thật vậy, anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau. Anh em không có, là vì anh em không xin; anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc”.

Trái lại với cái chuyện hơn thua ấy, thánh Giacôbê mời gọi chúng ta hãy biết sống sao cho khôn ngoan vì: “Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hoà, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình. Người xây dựng hoà bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hoà bình, là cuộc đời công chính”.

Thật ra, ai cũng biết mình phải sống thanh khiết, sau là hiếu hoà, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình. .. nhưng rồi cái xấu nhiều khi nó lấn át con người của ta, nó làm cho cái tốt trong ta bị đè bẹp. Chúng ta vẫn biết rằng xây dựng hoà bình thì thu hoạch được hoà bình nhưng chúng ta thường làm ngược lại.

Nguyện xin Chúa Giêsu là Chúa, là Vua của sự khiêm hạ đến và ở lại trong ta để trong mọi hoàn cảnh sống, trong mọi môi trường sống chúng ta luôn luôn khiêm hạ và nhỏ bé trước mặt Thiên Chúa và tha nhân để chúng ta bớt đi sự ghen tuôn, sự hơn thua với anh chị em đồng loại.
 
Cha sở tôi!
Hai Tôm Cần Giờ
08:48 18/09/2009
Số phận Hai Tôm tôi đây cũng thay đổi theo cuộc đời. Mẹ Hai Tôm kể lại trước ngày 30 tháng 4 năm ấy gia đình Hai Tôm cũng không đến nỗi nào. Thế nhưng sau cái ngày 30 tháng 4 năm ấy gia đình đã lụn bại. Bôn ba đủ nơi đủ chổ để tìm kế sinh nhai. Chẳng hiểu cuộc đời đưa đẩy thế nào đấy để rồi giờ trú ngụ ở mảnh đất Cần Giờ.

Về với mảnh đất này khá lâu mới biết được bà con ở đây toàn là “đạo mới”. Trước đây, họ không biết gì về Chúa cả nhưng nghe người này mách, người kia bảo nên một số kha khá đã “trở lại đạo”. Lân la lâu ngày mỗi khi có dịp Hai Tôm tranh thủ tiếp cận với Cha Sở vùng truyền giáo nơi Hai Tôm cư ngụ. Cha Sở ở đâu cũng có những khó khăn ở đó cả nhưng phải nói là Cha Sở ở cái vùng truyền giáo này có cái khó khăn đặc biệt của vùng truyền giáo.

Nhìn vẻ bề ngoài của Cha thì Cha có thân hình gầy guộc nhỏ, chẳng biết do phải thiếu ăn hay là do lo lắng cho bà con giáo nhiều quá !

Hình như cả hai lý do trên đều đúng vì chẳng thấy Cha có “bà bếp”. Gần đến giờ ăn thấy Cha lục đục cái gì đó ở trong bếp chút xíu và xong mọi việc. Có hôm tò mò vào thì thấy thật đơn giản: dĩa khổ qua xào chưa kịp chín và tô canh chua với vài cái lá “mía màu”. Khổ qua và lá “mía màu” là “cây nhà lá vườn” do chính tay Ngài vun xới. (Phải nói thêm là Cha Sở của Hai Tôm rất thích làm vườn, lúc nào rảnh là Ngài ôm cây cuốc ra sau vườn đào đào bới bới. Cũng nhờ đào đào bới bới mà Cha phụ tá có những trái khổ qua, lá mía màu, trái bí và những trái đu đủ chín cây thật ngon). Hôm nào sang hơn một chút thì có chén súp với vài cục xương và vài củ cà rốt, khoai tây. Thế đấy ! Bữa ăn của cha Sở Hai Tôm đạm bạc là như thế.

Lý do lo cho bà con giáo dân nhiều đến độ mệt thì cũng chẳng sai. Cứ phải chạy chỗ này, xin chỗ kia để có một chút gì đó lo cho bà con giáo dân nghèo. Mà đâu phải chỉ có giáo dân, cả những người chưa “trở lại” khi ngõ lời thì Cha Sở cũng đâu có nỡ lòng nào mà từ chối.

Sáng, vừa ăn sáng về phòng chưa kịp ăn sáng thì “cóc ! cóc !”:

- “Cha ơi ! Cho con xin tiền đóng tiền học cho con của con”
- “Cha ơi ! Cho con xin học bổng cho con của con”

Mới ngồi chưa kịp nóng ghế thì “cóc !, cóc !”

- “Cha ơi ! Cho con xin đăng ký đi mổ mắt miễn phí”
- “Cha cho con xin viên thuốc cảm, chồng con đau quá !”
- “Cha cho con gởi hai đứa cháu nội, nó bị bệnh chậm phát triển không đi học ngoài trường được !”
Chiều tối, vừa dâng Lễ xong cũng “cóc ! cóc !”
- “Cha ơi ! Cha cho con xin chai dầu nóng !”
- “Cha ơi ! Cha cho con xin bịch cá khô !”
- “Cha ơi ! Cho con xin mấy cuốn tập !”
- “Cha ơi ! Cha cho con xin cái cặp-táp”
- “Cha ơi ! Nhà con 4 đứa đi học, xin gởi Cha 2 đứa nuôi dùm !?”

Chuyện “cóc, cóc” gõ cửa xin cái này cái kia không còn là chuyện thi thoảng nữa mà là chuyện “thường ngày ở huyện” ở cái giáo điểm truyền giáo nghèo này.

Thật sự ra mà nói, chẳng ai muốn xin, chẳng ai muốn làm phiền Cha Sở của mình như vậy đâu nhưng ngặt nỗi gia đình nghèo quá biết sao giờ. Gõ cửa xin Cha Sở cũng là điều chẳng đặng đừng chứ có ai muốn đâu. Người xin thì cũng chẳng muốn mà người cho cũng chẳng ham. Người cho không ham vì lẽ có đâu để mà cho ? Thấy con cái mình còn nghèo và đời sống còn thiếu trước hụt sau nên Cha Sở cầm lòng sao đặng ?

Với Cha Sở của Hai Tôm, Ngài chỉ biết làm sao cho bà con giáo dân đủ ăn đủ mặc chứ chẳng thiết tha gì cho cái phận của mình cả.

Dù phải chạy tới chạy lui để lo cho con cái hay là phải đi dâng lễ ở một giáo điểm xa giáo điểm mẹ hay đi đọc kinh gia đình nhưng phương tiện đi lại của Cha thật đơn giản. Hiện tại Cha chỉ sử dụng cho mình “con ngựa sắt” già nua tuổi tác lại thêm nhiều tiếng “cọc cà cọc cạch” mỗi khi đề máy. Không phải khả năng gia đình Ngài không mua nổi con ngựa khác mới hơn, tốt hơn nhưng với Cha Sở, Ngài chỉ dùng con ngựa như thế là đủ rồi.

Một lần nọ, cái điện thoại “cùi bắp” của Ngài ngưng hoạt động do “tuổi già sức yếu” nhưng Ngài cũng cố đi sửa cho bằng được. Sửa hoài cũng bằng cái mua mới để rồi có một người thấy thế bèn tặng Ngài cái khác. Không đơn giản để tặng cho Ngài dẫu cái điện thoại hết sức đơn giản vì Ngài chẳng bao giờ mở miệng xin cho riêng mình điều chi cả. Cứ vào phòng của Cha Sở thì sẽ biết Cha Sở nhưng chả có sở hữu thứ gì đáng giá và quý giá cả.

Mới đây, cái TV trong phòng của Cha Sở cũng đã phai màu theo năm tháng nhưng cứ mãi dùng nó. Bí lắm, Cha Sở bèn lấy cái TV cũ khác đem về thay thế cho cái TV mất hình tắt tiếng mà Ngài đang sử dụng. Hết sức nài nỉ để Cha dùng cái TV mới nhưng Ngài không chịu là không chịu …

Ai nào đó vô phòng Cha Sở của Hai Tôm sẽ không khỏi ngạc nhiên vì trên nóc tủ của Ngài có 5 cái thau nhựa. Chẳng cần hỏi thì đều biết đó là 5 cái thau hứng nước mưa. Phòng Cha Sở có cái đặc biệt là ở ngoài trời mưa thì ở trong biết liền ! Biết vì lẽ nước mưa ở đâu nó cứ tỏn tỏn xuống mấy cái thau trên nóc tủ của Ngài.

Thế đấy ! Hình ảnh Cha Sở của Hai Tôm là hình ảnh một mục tử hết sức đơn giản.

Điều đậm nét nơi Cha Sở đó chính là lòng thương người nghèo ! Với Cha, Cha sao cũng được cả. Bất cứ người nghèo nào đến “nhỏ to tâm sự” Ngài đều lo lắng cả. Tấm lòng bao dung và quãng đại của Ngài đôi khi bị lợi dụng. Có những người không phải vì nghèo nhưng vì tham là chính nên cứ mãi lợi dụng tấm lòng bao dung đó. Có những lúc không còn tiền trong túi nhưng Ngài cũng cố vay mượn để lo cho người nghèo.

Nhiều lúc Hai Tôm cũng cảm thấy tức vì những người chuyên gia lợi dụng lòng tốt của Cha Sở nhưng Ngài có tấm lòng bao dung, đại lượng như vậy Hai Tôm đây cũng đành chịu.

Phải thật sự mà nói nhiều lúc Hai Tôm cảm thấy bực Ngài ở cái điểm Ngài lo cho người nghèo như vậy. Giá như cái sự lo của Ngài được bù đắp bằng một chút gì đó thì cũng cho cam. Nhưng không, những người vui vẻ đến đòi hỏi nơi Ngài nhưng ít khi nào thấy họ hiện diện trong các Thánh Lễ cũng như trong các giờ kinh nguyện. Dù biết như thế nhưng Ngài vẫn vô tư và vui vẻ sống nơi vùng truyền giáo nghèo này. Ngài vẫn kiên nhẫn, kiên nhẫn chờ đợi sự trở lại của họ.

Dẫu biết rằng con người linh mục vẫn còn đó những ngổn ngang do phận người mỏng dòn và yếu đuối nhưng cũng cần ghi nhận, cần trân trọng những nỗ lực, những cố gắng hết sức của vị mục tử.

Hai Tôm tôi đây chẳng là thánh hay cũng chẳng có quyền gì để mà xét đoán nhưng có cái quyền nhận định. Điều gì tốt thì ta cần nhân rộng và phát huy, điều gì chưa tốt thì ta nên giảm thiểu và dẹp bỏ.

Cha Sở Hai Tôm chắc chắn không phải là người hoàn thiện, Cha Sở Hai Tôm không phải là tốt nhất, Ngài vẫn còn đó những yếu đuối, những thiếu sót của phận người. Những thiếu sót, những yếu đuối của phận người cần uốn nắn, cần cân chỉnh nhưng nét đẹp của lòng chạnh thương người nghèo phải được ghi nhận, phải được nhân rộng.

Năm nay là năm linh mục, cùng với dòng chảy của Giáo Hội là cầu nguyện đặc biệt cho các linh mục thì Hai Tôm tôi đây cũng chỉ biết thêm lời cầu nguyện cho các linh mục, cách riêng cầu nguyện thật nhiều cho cái ông Cha Sở dễ thương của Hai Tôm đang ở cái vùng biển mặn này.

Tạ ơn Chúa đã ban cho Hai Tôm hạnh phúc và may mắn ở cái vùng truyền giáo nghèo này. Ở đây nghèo thì nghèo thật nhưng tấm lòng của vị mục tử đang chăm lo cho đoàn chiên không hề nghèo. Vị mục tử ở đây sẵn sàng hy sinh cả tính mạng mình cho đoàn chiên và vì đoàn chiên.

Bài học tuyệt vời và sâu sắc mà Hai Tôm học được đó chính là bài học về tình thương đối với người nghèo và lòng bao dung với tất cả mọi người.

Nguyện xin Chúa Giêsu là vị Mục Tử Tối Cao ban nhiều ơn lành trên Cha Sở của Hai Tôm, của cộng đoàn giáo điểm truyền giáo nghèo này để tình thương, lòng nhân hậu của Chúa cứ toả hương, cứ thơm ngát nơi cái vùng biển mặn này.
 
Nền văn minh mới
+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
09:05 18/09/2009
Chúa Nhật XXV Thường niên

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA (Mc 9, 29-36)

Chúa Giêsu và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Galilê. Nhưng Chúa Giêsu không muốn có ai biết, vì Người đang dạy các môn đệ rằng: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và Người bị giết chết, rồi sau ba ngày Người sẽ sống lại." Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.

Sau đó, Chúa Giêsu và các môn đệ đến thành Caphácnaum. Khi về tới nhà, Chúa Giêsu hỏi các ông: "Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy ?" Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. Rồi Chúa Giêsu ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người." Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: "Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Ðấng đã sai Thầy".


II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

Vào năm 2000, hàng tỷ người trên thế giới say mê theo dõi những cuộc tranh tài giữa các vận động viên hàng đầu của hành tinh trong Đại hội Olympic Sydney. Điểm đặc biệt của Olympic cuối cùng của thiên niên kỷ này là có sự tham dự của các vận động viên phụ nữ. Đây là một điểm son không của riêng Olympic mà của cả nhân loại. Điều đó chứng tỏ phụ nữ đang đựơc trân trọng. Càng ngày vị trí của người phụ nữ càng được nâng cao. Nữ giới đang đi vào bình đẳng với nam giới trên hầu hết mọi lĩnh vực. Thế giới đang đi vào một nền văn minh mới mà Chúa Giêsu tha thiết truyền dạy cho các môn đệ trong bài Tin mừng hôm nay.

Thời xa xưa, khi còn sống hoang dã, con người ta đối xử với nhau thật tàn nhẫn. Người ta tranh giành thực phẩm. Người ta tranh chấp đất đai. Tất cả đều theo định luật cạnh tranh sinh tồn. Trong cuộc cạnh tranh thì dĩ nhiên mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé.

Khi con người đã biết tổ chức thành xã hội, sự cạnh tranh được định chế hoá trong giai cấp, quyền chức. Người có quyền có chức bao giờ cũng được lợi. Người dân đen thấp cổ bé miệng bao giờ cũng phải chịu thiệt thòi. Người nghèo không được có tiếng nói. Chính vì thế, ai cũng cố gắng vượt lên trên người khác hoặc bằng tiền bạc hoặc bằng chức quyền. Ai cũng muốn làm người đứng đầu. Ai cũng muốn làm lớn. Vì thế luôn luôn có sự cạnh tranh ngôi thứ. Trong cuộc cạnh tranh, người ta nhìn nhau như đối thủ cần phải chà đạp, cần phải loại trừ.

Hôm nay, khi thấy các môn đệ có dấu hiệu ham hố chức quyền, cạnh tranh ngôi thứ, Chúa Giêsu đã nhân cơ hội dạy cho các ông biết tinh thần mới mà người môn đệ trong Nước Thiên chúa phải có. Đó là: “Ai muốn làm đầu, thì phải làm người rốt hết và làm tôi tớ mọi người”.

Đây thật là một cuộc cách mạng. Vị trí trong xã hội bị đảo lộn. Người đứng đầu không còn phải để ra lệnh, nhưng để phục vụ. Người làm lớn không còn ăn trên ngồi trốc, nhưng chọn chỗ hèn mọn nhất. Người bé nhỏ nhất trở nên người lớn nhất. Người yếu đuối nhất trở nên người được trọng vọng nhất.

Đây là một cuộc cách mạng không đổ máu. Vì người đứng đầu trở thành người phục vụ không phải vì bị ép buộc nhưng do tự nguyện. Vì người làm lớn xuống chỗ hèn mọn nhất không buồn sầu nhưng trong niềm vui. Thế giới biến đổi không do những đấu tranh giành quyền lợi, nhưng do người có quyền tự nguyện từ bỏ đặc quyền đặc lợi.

Với lời dạy dỗ ấy, Chúa Giêsu đã mở ra một nền văn minh mới. Trong nền văn minh mới này, người ta không còn nhìn nhau như những đối thủ phải loại trừ trong cuộc cạnh tranh. Người ta nhìn nhau như những người anh em phải yêu thương nâng đỡ. Sẽ không còn tranh giành. Sẽ không còn xâu xé, chà đạp nhau. Sẽ chỉ có yêu thương. Sẽ chỉ có quan tâm nâng đỡ. Người mạnh sẽ quan tâm dắt dìu người yếu. Người lớn sẽ cúi xuống bồng bế người bé. Chức quyền là để phục vụ lợi ích của mọi người. Địa vị chỉ là sự phân công hợp lý. Mỗi người một việc vì lợi ích của tập thể.

Để làm gương cho ta, chính Chúa Giêsu đã tự hạ mình trước. Là Thiên chúa, nhưng Người đã tự nguyện trở nên người phàm. Là Đấng cầm quyền, nhưng Người đã tự nguyện vâng lời. Là thầy nhưng Người đã tự nguyện phục vụ môn đệ. Là người lãnh đạo, nhưng Chúa Giêsu không đòi hỏi đặc quyền đặc lợi, trái lại Người sẵn sàng hiến mạng sống để cứu chuộc nhân loại.

Người đã hoá thân làm một con người bé nhỏ, nghèo túng, hèn yếu nhất. Để từ nay, ai đón tiếp một người bé nhỏ nhất là đón tiếp chính Người. Ai giúp đỡ một người yếu hèn nhất là giúp đỡ chính Người. Ai yêu mến một người nghèo túng nhất là yêu mến chính Người.

Với sự hạ mình của Người, số phận con người từ nay thay đổi tận gốc rễ. Người bé nhỏ trở thành đối tượng được quan tâm phục vụ. Người yếu đuối được nâng niu chăm sóc. Người nghèo hèn được kính trọng yêu thương. Vì họ đã trở thành hình ảnh của chính Thiên chúa.

Từ nay, nhân loại đi vào một nền văn minh mới, nền văn minh của tình thương. Nhân loại không còn tranh chấp nhau, nhưng trở nên anh em đoàn kết thương yêu nhau. Sức khoẻ, của cải, chức quyền không phải là những phương tiện để chà đạp, nhưng là những phương tiện phục vụ. Lãnh đạo không còn là một quyền lợi, nhưng trở thành một nhiệm vụ nặng nề vì phải quan tâm phục vụ mọi người.

Suy gẫm Lời Chúa dạy hôm nay hẳn phải khiến ta giật mình lo lắng. Không những ta không đi vào con đường Chúa đã vạch ra, mà rất nhiều khi còn chống lại Lời Chúa dạy bảo. Ta vẫn nuôi những tham vọng thống trị người khác. Ta vẫn muốn chiếm giữ những địa vị quan trọng. Ta vẫn coi thường những người bé nhỏ, hèn yếu. Ta đang đi ngược trở lại thời tiền sử. Ta đang đi ngược lại con đường Chúa đã đi.

Hôm nay Chúa mời gọi ta hãy trở lại con đường của Chúa. Hãy tự nguyện trở thành người bé nhỏ khiêm nhường. Hãy biết nâng dậy những số phận hẩm hiu. Hãy biết kính trọng những mảnh đời nghiệt ngã. Hãy góp phần xây dựng nền văn minh mới, trong đó những người yếu đuối như phụ nữ và trẻ em được quan tâm và được kính trọng.

Lạy Trái Tim Chúa Giê-su hiền lành và khiêm nhường, xin uốn lòng con nên giống Trái Tim Chúa.

III. TẤM BÁNH HÓA NHIỀU

1- Ngày nay, trẻ em, phụ nữ, những người bệnh tật được quan tâm hơn ngày xưa. Bạn có thấy đó là dấu hiệu Lời Chúa dạy đang được thực hiện không ?
2- Tại sao Chúa Giê su sinh làm một người bé nhỏ, nghèo hèn ?
3- Tại sao con người không nên tranh chấp nhau nhưng phải yêu thương phục vụ nhau ?
 
Tuyển chọn làm chứng nhân: Linh mục
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
09:08 18/09/2009
... Lãnh bí tích Rửa Tội vào năm 18 tuổi, tôi được Tình Yêu Đức Chúa GIÊSU KITÔ chiếm đoạt, cùng lúc, Ngài ban cho tôi hồng ân yêu mến Ngài. Một thời gian ngắn sau khi được rửa tội, tôi lãnh bí tích Thêm Sức.

Với ơn Chúa Thánh Linh thúc đẩy, tôi cố gắng đem ra thực hành - với trọn lòng can đảm - tất cả những gì tôi học và hiểu được trong thời gian chuẩn bị từ bí tích Rửa Tội tiến đến bí tích Thêm Sức. Tôi dấn thân phục vụ giáo xứ. Tôi trở nên thành viên của Hội Thanh Niên Thánh Thể. Trong Hội Đoàn Thánh Thể, tôi đào sâu Đức Tin Công Giáo cùng với các bạn trẻ và nhờ các bạn trẻ. Cứ mỗi chiều thứ bảy, chúng tôi họp nhau để suy tư về Phúc Âm. Thỉnh thoảng các hội viên chúng tôi linh hoạt Thánh Lễ và tổ chức các buổi dạo chơi chung.

Thời gian dần trôi. Tôi ước muốn trở thành giáo lý viên. Nhưng vì không có nhiều kinh nghiệm và có tính hơi nhút nhát nên tôi khởi sự từ từ. Tôi bắt đầu dạy giáo lý cho các trẻ em lớp hai. Sau đó tôi chuyển dần dần lên các lớp cao hơn. Tôi rất thích liên lạc và gặp gỡ các Linh Mục phụ trách giáo xứ, đặc biệt với Cha Eugène Weber, vị Thừa Sai người Pháp. Một hôm, Cha nói với thân phụ tôi trước sự hiện diện của tôi:

- Ông Victor à, tôi đã già và bệnh tật hằng rình rập trước cửa. Ngày nào tôi chết, ai sẽ thế chỗ cho tôi đây??? Phải một thời gian lâu lắm mới học và nói được ngôn ngữ của quí vị!

Khi tai tôi nghe lời này từ miệng vị Linh Mục Thừa Sai, tôi cảm thấy mình cũng dự phần trách nhiệm đối với xứ đạo và dân tộc Antilles của tôi. Lời nói của Ngài gởi thẳng đến cho riêng tôi. Tôi tiến lên trước mặt Cha Eugène Weber và thưa với ngài:

- Con sẽ xem nếu con có thể trở thành Linh Mục sau khi học xong hay không!

Kể từ giây phút đáng ghi nhớ ấy, Cha Sở và gia đình tôi cùng hiệp lực và góp ý để giúp tôi nhận ra con đường nào Đức Chúa GIÊSU KITÔ muốn tôi dấn thân vào. Sau đó tôi theo học tại Đại Chủng Viện Issy-les-Moulineaux thuộc vùng phụ cận thủ đô Paris.

Tại Chủng Viện, tôi học cách thức trở thành tôi tớ Đức Chúa GIÊSU KITÔ ở bất cứ nơi đâu và phục vụ bất cứ xứ đạo nào mà tôi được gởi đến để chu toàn công tác mục vụ.

Tôi từng được giúp đỡ, ấp ủ và yêu thương, giờ đây đến phiên mình, tôi cũng ao ước giúp đỡ người khác. Tôi muốn chia sẻ niềm vui giống như người khác đã chia sẻ niềm vui cho tôi. Đó là lý do giải thích tại sao tôi vẫn tiếp tục dạy giáo lý và đồng hành với các thiếu niên bằng nhiều sinh hoạt khác nhau.

THIÊN CHÚA CHA đã nhận ra thảm trạng thân phận loài người nên Ngài đã gởi Con Một Ngài là Đức Chúa GIÊSU xuống thế cứu chuộc con người. Ngày nay thì THIÊN CHÚA gởi chúng ta đến nơi chúng ta đang sống để giúp đỡ dân Ngài và Giáo Hội của Ngài.

Riêng tôi, tôi biết rằng THIÊN CHÚA nói với tôi qua Kinh Thánh và qua sự thinh lặng của các biến cố. Con đường tôi chọn để bước theo Chúa không dễ dàng. Nhưng sức mạnh không đến từ tôi mà đến từ THIÊN CHÚA, bởi lẽ THIÊN CHÚA biết rõ giới hạn và yếu đuối của tôi. Chính THIÊN CHÚA chọn tôi làm chứng nhân cho Ngài từ ngày tôi lãnh bí tích Rửa Tội giống như mọi tín hữu Công Giáo khác.

Đôi khi tôi cảm thấy chán nản bị cám dỗ muốn bỏ cuộc vì nghĩ rằng mình sẽ không đủ sức đi đến cùng. Nhưng cứ mỗi lần như thế, tôi lại phó thác trong vòng tay nhân từ của THIÊN CHÚA. Và ngay tức khắc, THIÊN CHÚA xuất hiện để nâng đỡ tôi thoát qua cơn gian nan khốn khó. Thêm vào đó, cuộc sống nơi Đại Chủng Viện trao ban tình huynh đệ chân thành. Tôi không bao giờ cảm thấy cô đơn trong cơn chiến đấu trên hành trình tiến lên thiên chức Linh Mục.

Trên đường lữ thứ trần gian chúng ta có Vị Tôn Sư Tối Cao đồng hành. Đó là Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Vào những lúc chúng ta nghi nan do dự và hoang mang, Ngài sẽ bất ngờ xuất hiện như từng xuất hiện với hai môn đệ trên đường trở về làng Emmau xưa. Ngài đến để trao ban cho chúng ta can đảm, sức mạnh và niềm hy vọng, một niềm Hy Vọng vượt xa mọi niềm hy vọng thế trần.

Chứng từ của của Cha Herman Bleii, người Guyane, thuộc quần đảo Antilles, Trung Mỹ.

... Từ xa, THIÊN CHÚA đã hiện ra nói với tôi: ”Cha đã yêu con bằng mối tình muôn thưở, nên Cha vẫn dành cho con lòng xót thương. Cha sẽ lại xây con lên, và con sẽ được xây lại, hỡi trinh nữ Israel. Con sẽ lại nên xinh đẹp; với những chiếc trống cơm, con sẽ xuất hiện giữa đám nhảy múa tưng bừng. Con sẽ trồng nho lại trên núi đồi Samari; những kẻ trồng cây sẽ trồng cây, và được hưởng hoa lợi” (Giêrêmia 31,3-5).

(”Église en Guyane”, Avril 2005, trang 12)
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:08 18/09/2009
CUỘC THI CỦA NÚI VÀ NƯỚC

Núi nói:

- “Tôi nhìn cao hơn anh”.

Nước nói:

- “Tôi đi xa hơn anh”.

Thế là, núi trơ trọi lâu dài, nước cả ngày bôn ba.

(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")

Suy tư:

Những tư tưởng lớn gặp nhau, hợp nhau, thì đúng là họ nói chuyện quên cả ngày giờ, thật tương đắc.

Nhưng những con người kiêu ngạo mà gặp nhau thì đúng là chiến tranh bùng nổ, vì không ai biết nghe ai, ai cũng nói tài tôi cao hơn anh, trí tôi xa hơn anh.

Tài cao như núi, trí rộng như biển mà cứ kênh kênh kiệu kiệu trong mớ kiến thức của mình, thì chỉ làm người cô độc không ai muốn đến gần.

Có vấn đề cần tranh luận, thì cứ tranh luận, nhưng tranh luận trong hoà bình, nghĩa là khiêm tốn nhận ra cái lý của anh em chị em.

Trong một chương trình giải trí vui chơi trên truyền hình của các nghệ sĩ thủ đô Đài Loan, người dẫn chương trình giới thiệu một đôi vợ chồng trẻ, chị bán tạp hoá, anh đang đi nghĩa vụ quân sự, hai vợ chồng đã có một em bé, người dẫn chương trình hỏi cô vợ:

- “Anh chị còn trẻ, vậy thì có lúc nào anh chị to tiếng đến nỗi động thủ với nhau không ?”

Cô vợ trả lời:

- “Hồi trước anh ấy còn ở nhà, em biết anh ấy đi làm về mệt, nên mọi việc đều tự tay làm và không để cho anh ấy mệt thêm, nên ít khi có chuyện to tiếng với nhau”.

Người chồng nói tiếp:

- “Cứ mỗi lần tôi lớn tiếng thì vợ tôi im lặng, và khi vợ tôi lớn tiếng thì tôi im lặng và bỏ đi chỗ khác”.

Cả hội trường vỗ tay ầm ầm.

Đúng là đôi vợ chồng trẻ dễ thương, bởi vì chồng không nói tôi là chồng của cô nên tôi có quyền, và vợ không nói tôi đi làm tiền lương nhiều hơn ông nên tôi có quyền...

---------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 25 B)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:11 18/09/2009
CHỦ NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mc 9, 30-37

“Con người sẽ bị nộp. Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải phục vụ mọi người.”


Bạn thân mến,

Cuộc sống con người nếu không có những tham vọng thì sẽ rất bằng phẳng, sẽ rất hiền hoà như nguyên tổ A-dong và E-va của chúng ta hồi ở trong vườn địa đàng, nhưng con người thì luôn có tham vọng, cái tham vọng này nhiều lúc vượt qua khả năng của con người: muốn làm lớn.

Chúa Giêsu đã ân cần dặn dò các môn đệ: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” , Ngài muốn các môn đệ phải học nơi Ngài sứ mệnh “làm lớn” tức là sứ mệnh phục vụ tha nhân trong chính bổn phận của mình. Bởi vì có nhiều người “làm lớn” nhưng không thích phục vụ; có nhiều người thích ăn trên đầu ngồi trên cổ người khác, nhưng lại chỉ tay năm ngón và coi việc phục vụ như là công việc đê hèn của các đầy tớ, đó là nguyên nhân của những bất hoà, phe phái và chiến tranh.

Chúa Giêsu đã phục vụ và Ngài coi phục vụ chính là tiêu chuẩn để làm lớn trong Nước Trời.

“Muốn làm lớn thì phải làm nhỏ” không ai lớn cho bằng Đức Giê-su, Ngài chính là Thiên Chúa, là vua vũ trụ; nhưng cũng không ai nhỏ cho bằng Đức Giê-su, Ngài chính là con người, một con người nghèo khó nhất giữa loài người, và không ai đề cao việc phục vụ như Ngài, bởi vì chính Ngài đã phục vụ trong yêu thương cho đến chết, và chết rất tội nghiệp trên cây thập giá. Đó chính là hình ảnh sống động của người “làm lớn”, là mẫu gương phục vụ cho những người muốn “làm lớn” trong cộng đoàn của mình.

Con người ta ai cũng thích được làm ông này bà nọ -trong đó có bạn và tôi- ai cũng thích được có quyền hành để sai người này bảo người kia, nhưng rất ít có người thích phục vụ người khác như một tôi tớ. Có những lúc chúng ta phục vụ mà trong tâm hồn vẫn còn vướng mắc cái mắc cỡ, coi phục vụ là việc xấu xa đê tiện của hạng đầy tớ, cho nên chúng ta miễn cưỡng khi cúi xuống vung tay vứt nắm đồng tiền cho người ăn xin bên vệ đường, và nhanh chân bước đi mà không thèm ngoái cổ nhìn lại...

Bạn thân mến,

Người làm lớn tức là người có chức có quyền trong xã hội và Giáo Hội, nhưng chức quyền của họ không làm cho người khác lớn lên trong tình thương nếu họ không biết phục vụ, trái lại, người biết phục vụ vì yêu thương sẽ có ảnh hưởng lớn mạnh trên mọi người, mà không cần có một thế lực nào của người đời nâng đỡ, bởi vì chính Thiên Chúa là Đấng yêu thương sẽ luôn ở với họ.

Có người phục vụ tha nhân, nhưng không yêu thương.

Có người phục vụ tha nhân, nhưng cách miễn cưỡng.

Có người phục vụ tha nhân, nhưng phục vụ chiếu lệ.

Có người phục vụ tha nhân, nhưng lẩm bẩm chửi thề...


Chỉ có những ai thành tâm yêu mến Chúa Giê-su trong tha nhân mới có cung cách phục vụ chân chính, và như thế họ là những người lớn nhất trong Nước Trời vậy !

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

---------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:12 18/09/2009
N2T


59. Phàm là người khiêm tốn khi người khác khuyến cáo chỉ trích họ, thì họ cảm thấy đau khổ bởi vì họ phạm khuyết điểm; người kiêu ngạo khi có người chỉ trích họ, thì họ cũng cảm thấy đau khổ, nguyên nhân họ đau khổ là vì người khác phát hiện khuyết điểm của họ.

(Thánh John Christostom)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:15 18/09/2009
N2T


231. Cuộc sống vẫn là dùng phương pháp bất thành văn của mình để chi phối nhân loại.

 
Tâm Sự Với Chúa Mỗi Ngày - Tuần 25 Thường Niên
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
23:48 18/09/2009
Thứ hai sau Chúa nhật 25 TN

Lc 8,16-18

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là ánh sáng trần gian. Chúa đã mang đến cho nhân loại chúng con ánh sáng của chân lý, của tin yêu và hy vọng. Ánh sáng của Chúa dẫn dắt chúng con ra khỏi tăm tối của đam mê tội lỗi. Ánh sáng của Chúa sưởi ấm tình người cho nhân loại chúng con. Xin cho chúng con biết tiếp nhận ánh sáng của Chúa để bóng tối sự xấu không còn che mờ hình ảnh Chúa nơi chúng con. Xin cho chúng con cũng trờ thành ánh sáng cho trần gian hôm nay.

Nhưng Chúa ơi! cuộc đời chung quanh sao có quá nhiều bóng tối. Bóng tối của bất công, hận thù. Bóng tối của đam mê truỵ lạc. Bóng tối cùa ghen ghét, chia ly. Bóng tối làm cho tình người bị ngăn cách. Bóng tối làm cho con người mê muội và sai lầm, dẫn đến biết bao tội lỗi làm mất đi vẻ đẹp của phẩm giá làm người. Xin Chúa giúp chúng con đừng nuôi dưỡng sự xấu của hận thù, của mánh mung, của lừa đảo. Xin giải cứu chúng con khỏi bóng tối của tâm hồn còn đầy những tư tưởng thiếu trong sạch, những đam mê lầm lạc. Xin cho chúng con bước đi trong ánh sáng của Chúa để chúng con tìm được sư bình an tâm hồn, và nhìn thấy vẻ đẹp của hình ảnh Chúa nơi tha nhân.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn là ánh sáng đem lại tin yêu cho đời, và thắp sáng tình yêu cho nhân thế hôm nay. Amen

Thứ ba sau Chúa nhật 25 TN

Lc 8,19-21

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con thật hạnh phúc vì được kết hợp với Chúa qua bí tích Thánh Thể. Chúa còn cho chúng con được trở nên gia đình của Chúa khi Chúa cho chúng con cùng tham dự bàn tiệc Thánh Thể của Chúa. Xin cho chúng con biết nhìn nhận nhau là anh em để cùng nhau tôn vinh danh Chúa, và sống liên đới với nhau trong tình bác ái chân thành.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa yêu thương nên đã ban lời hằng sống để hướng dẫn chúng con. Xin cho chúng con biết siêng năng đọc lời Chúa, chăm chỉ học lời Chúa, và nhất là biết đem ra thực hành trong cuộc sống. Xin cho chúng con biết đối xử với nhau trong tư cách anh em một nhà luôn yêu thương, kính trọng lẫn nhau, luôn chia vui sẻ vui buồn với nhau trong cuộc sống, luôn cùng nhau kiến tạo một thế giới an bình, một không gian hạnh phúc để danh Chúa được cả sáng.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn ý thức mình thuộc về gia đình của Chúa, để chúng con luôn biết sống đúng tinh thần phúc âm của Chúa. Xin cho những ai đang xa đàng lạc lối, được tác động bởi Chúa Thánh Linh biết trở về sống trong tình hiệp nhất yêu thương. Amen

Thứ Tư sau Chúa nhật 25 TN

Lc 9,1-6

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con thật hạnh phúc vì được chọn làm môn đệ của Chúa. Chúng con còn hạnh phúc hơn vì được đón nhận chính sự sống thần linh của Chúa qua bí tích Thánh Thể nuôi dưỡng chúng con. Xin cho chúng con biết chu toàn bổn phận làm chứng nhân cho tình yêu của Chúa giữa thế gian. Xin Chúa Giê-su Thánh Thể nâng đỡ và thêm sức để chúng con biết loan báo tin mừng với trọn niềm tin yêu.

Lạy Chúa, xin thương ban cho chúng con quyền năng của Chúa, để chúng con có thể đẩy lùi sự dữ và những điều xấu xa ra khỏi môi trường chúng con đang sống. Xin gìn giữ chúng con khỏi những mưu chước hiểm độc của ma quỷ đang tìm cách làm ô uế linh hồn của chúng con. Xin đừng để chúng con rơi vào cạm bãy của ma quỷ, khiến chúng con đánh mất vẻ đẹp của phẩm giá con người là luôn hướng về sự thiện, và luôn sống theo lẽ phải.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin ở bên chúng con và bước đi cùng với chúng con. Xin hộ phù và gìn giữ chúng con luôn trung tín theo đường lối Chúa. Amen

Thứ năm sau Chúa nhật 25 TN

Lc 9,7-9

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa đã đến trần gian để làm chứng cho sự thật. Chúa chấp nhận đi vào cái chết để bảo vệ sự thật. Chúa không thể nói sai về mình. Chúa không thể khuất phục sự dữ để bỏ lỡ cơ hội làm chứng về Chúa Cha, về Nước Trời vĩnh hằng. Xin Chúa cũng khơi lên trong lòng chúng con ngọn lửa yêu mến Chúa, để chúng con dám làm chứng con Chúa. Xin cho chúng con luôn nhớ rằng mình là ngôn sứ của sự thật, để chúng con dám chấp nhận từ khước những bổng lộc trần gian, dám chấp nhận những thiệt thòi khi sống cho niềm tin của mình.

Lạy Chúa, thói đời thường gian dối, quanh co. Thế gian còn nặng tính hận thù, ghen ghét. Ở đời sao chẳng còn mấy ai dám sống tử tế với anh em! Chúa mời gọi chúng con phải là ngôn sứ của Chúa, khi chúng con không sống theo thói đời tội lỗi. Chúa mời gọi chúng con phải sống ngay thẳng. Chúa dạy chúng con đừng bao giờ nuôi dưỡng hận thù. Chúa mời gọi chúng con phải sống tử tế với nhau. Xin giúp chúng con dám sống cải mến yêu để làm chứng cho tin mừng của Chúa. Xin thương hướng dẫn chúng con trở về với Chúa mỗi lần chúng con lầm lỗi xúc phạm đến Chúa và anh em. Xin cho chúng con biết lắng nghe và thực thi lời Chúa truyền dạy để luôn xứng đáng là ngôn sứ trong thời đại hôm nay.

Lạy Chúa Giêu mến yêu, Chúa là tình yêu. Xin cho chúng con biết họa lại tình yêu của Chúa cho anh em. Một tình yêu hiến dâng.Một tình yêu bao dung. Một tình yêu dám chết cho người mình yêu. Amen

Thứ sáu sau Chúa nhật 25 TN

Lc 9,18-22

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con xin mượn lời của Thánh Phê-rô để tuyên xưng Chúa là Đấng hằng sống. Xin ban cho chúng con một đức tin mạnh mẽ để chúng con dám dấn thân cho niềm tin của mình, dù phải vượt qua chông gai, dù phải đối diện trước nghi nan, nhưng chúng con vẫn một niềm son sắt vác thập già mình mà theo Chúa.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, nhân loại mọi thời đều có nhiều cái nhìn khác nhau về Chúa. Tuy nhiên, những cái nhìn khác nhau đó đều tuỳ thuộc vào đời sống ky-tô hữu của chúng con. Chính chúng con sẽ là tấm gương để người khác nhận ra Chúa nơi chúng con. Xin cho chúng con biết mặc lấy tâm tình của Chúa để chúng con sống cho tha nhân. Xin loại trừ trong chúng con những hành vi ngược lại đức bác ái yêu thương. Xin giúp chúng con biết rèn luyện mình mỗi ngày nên tốt hơn hầu xứng đáng là hình ảnh của Chúa.

Lạy Chúa, chúng con luôn thâm tín rằng dù sự chết hay bất cứ quyền lực nào, không có gì có thể tách chúng con ra khỏi tình yêu Chúa, trong Đức Kitô. Xin cho chúng con luôn trung tín theo Chúa cho đến cùng. Amen

Thứ bảy sau Chúa nhật 25 thường niên

Lc 9,43-56

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Người ta vẫn thường nói rằng: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?”. Cuộc đời cần có những con người biết hy sinh, biết quên mình tự hiến vì anh em. Cuộc đời sẽ thêm gánh nặng nếu chúng con chỉ biết chọn việc nhẹ nhàng và đùn đẩy trách nhiệm cho tha nhân. Xin Chúa giúp chúng con biết sống một cuộc đời như Chúa, biết cho đi mà không tính toán, biết quên mình để được phần phúc đời sau, biết quên lợi danh để mua lấy Nước trời mai sau.

Nhưng Chúa ơi, xin tha thứ cho nhân loại chúng con, vì có quá nhiều người thiếu hy sinh mà làm hại tha nhân, mà gây nên bao điều tai ác. Vì thiếu hy sinh mà biết bao bà mẹ đã đang tâm giết hại các thai nhi. Vì thiếu hy sinh mà biết bao người đã bỏ rơi cha mẹ, vợ chồng, anh em đang lâm cảnh bệnh tật, cơ hàn. Vì thiếu hy sinh mà chúng con đã trở nên gánh nặng cho gia đình, cho cộng đoàn chúng con đang sống. Xin Chúa hãy sửa đổi cách sống của chúng con. Xin cho chúng con hiểu rằng giá trị của cuộc sống không phải là những gì mình có, mà là những gì mình cống hiến cho tha nhân. Cuộc đời chúng con càng có giá trị khi chúng con càng biết quên mình phục vụ tha nhân.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa đã sống một cuộc đời hy sinh và phục vụ mọi người. Chúa đã trở nên cao cả qua cái chết cứu độ trần gian. Xin giúp chúng con can trường sống hy sinh và vị tha như Chúa. Amen
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cha Viện trưởng Notre Dame đã hối cải?
Trần Mạnh Trác
12:25 18/09/2009
South Bend, Ind, 17 tháng 9 năm 2009 / 07:07 (CNA). - Vài tháng sau khi mời Tổng thống Barack Obama phát biểu tại Đại học Notre Dame và đã gây tranh cãi sôi nổi, Cha viện trưởng John I. Jenkins, CSC, mới công bố một số sáng kiến phò sự sống. Cha còn nói rằng ngài sẽ tham dự cuộc diễn hành phò sự sống tại Washington DC.

Viết email hôm thứ Năm cho giảng viên, sinh viên và những người liên hệ với trường Notre Dame, Cha Jenkins cho biết rằng ngài đã thành lập lực lượng Đặc nhiệm để xem xét và đề nghị cách thức mà nhà trường có thể hỗ trợ sự thánh thiêng của cuộc sống. Lực lượng đặc nhiệm sẽ được đồng chủ tịch bởi Giáo sư Margaret Brinig, phó khoa trưởng trường Luật, và Giáo sư John Cavadini, khoa trưởng Thần học.

"Công tác cuả Lực lượng đặc nhiệm sẽ là bắt đầu thảo luận nghiêm túc và cụ thể về việc thăng tiến một cách hợp lý điều khoản bảo vệ lương tâm; tìm cách thức hiệu quả nhất để hổ trợ phụ nữ mang thai, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất; và tìm chính sách tốt nhất cho việc nhận con nuôi," ngài cũng thêm rằng lực lượng đặc nhiệm cũng có thể đề nghị hổ trợ những hoạt động hiện có cuả các nhóm phò sự sống.

Cha viện trưởng Jenkins cho biết ngài có chương trình tham gia cuộc diễn hành phò sự sống tại Washington DC để tưởng niệm quyết định Roe v. Wade cho phép phá thai cuả Tòa án tối cao Mỹ.

"Tôi xin mời các thành viên của gia đình Notre Dame tham gia và tôi hy vọng chúng ta có thể dâng một Thánh lễ phò sự sống trong dịp này," ngài cho biết các chi tiết sẽ được công bố sau.

Cha Jenkins cũng khuyến khích hổ trợ trung tâm Women’s Care Center (Chăm sóc phụ nữ), ngài mô tả là trung tâm Công Giáo lớn nhất cuả quốc gia cung cấp tài nguyên cho sản phụ mà ngài có chân trong ban giám đốc. Ngài cho biết trung tâm đã gặt hái nhiều thành quả trong việc cung cấp dịch vụ "chuyên nghiệp, không có ý xét đoán" cho các phụ nữ "mang thai ngoài ý muốn", giúp đỡ họ trong thời kỳ mang thai và hổ trợ họ sau khi sinh.

Ông Thomas Brejcha, tốt nghiệp 1965 từ Notre Dame, chủ tịch và tư vấn trưởng của hội Thomas More Society tại Chicago, nói với LifeNews.com rằng các email cuả Cha Jenkins là một sự thay đổi.

"Mọi tuyên bố hoặc tín hiệu mà chúng tôi đã nhận được từ Notre Dame kể từ tháng Năm vừa qua đều mang thái độ thù địch hoặc nếu khá hơn thì là thái độ vô tư đối với phong trào phò sự sống, làm chúng tôi cảm thấy rằng trường đại học đã thoát ly ra khỏi phong trào hoặc là, tệ hơn, đã chống lại phong trào".

"Chúng tôi đợi xem Cha Jenkins có kèm theo thông báo này bằng những quyết định tích cực cụ thể và đúng hướng – như là ngưng truy tố những người bị bắt hồi tháng Năm".

88 người biểu tình phò sự sống, kể cả bà Norma McCorvey, là nhân vật "Jane Roe" trong vụ án Roe v. Wade, đã bị bắt giữ vì tội xâm nhập bất hợp pháp vào khuôn viên trường Notre Dame trong ngày Tổng thống Obama phát biểu. Một số lãnh đạo phò sự sống đã kêu gọi trường đại học nên bãi nại, nhưng Cha Jenkins đã không trả lời.

Patrick J. Reilly, Chủ tịch hội Cardinal Newman Society, là tổ chức đã tập hợp hơn 300.000 chữ ký phản đối lời mời Tổng thống Obama cuả Cha Jenkins, đã đáp lại lời công bố rằng các bước xa hơn "để giải hoà việc Notre Dame phản bội các giám mục Hoa Kỳ và Giáo Hội Công Giáo hồi cuối mùa xuân" là cần thiết.

Ông Reilly đề nghị rằng Cha Jenkins trước tiên "thừa nhận những bê bối đã tôn vinh công khai một người phò phá thai liên lỉ qua việc mời phát biểu và trao văn bằng danh dự, và xin lỗi các giám mục Hoa Kỳ, các sinh viên tốt nghiệp Notre Dame 2009, và tất cả tín đồ Công giáo."

Về vấn đề của gần 100 người đã bị bắt giữ tại Notre Dame, Reilly nói Cha Jenkins "nên miễn tố hình sự đối với những người, mà qua các phương pháp hòa bình và bất tuân dân sự, đã phản đối lễ ra trường tháng Năm" và "phát triển vững chắc các chính sách để ngăn chặn các vụ bê bối trong tương lai."

Cuối cùng, Ông Reilly đã chỉ trích là Cha Jenkins đã không hề đề cập đến một chương trình mới là Notre Dame Fund to Protect Human Life (Quĩ Bảo Vệ sự sống cuả Notre Dame).
 
Bảy đức Thượng Phụ theo nghi lễ Đông Phương họp với Đức Thánh Cha.
Nguyễn Long Thao
17:39 18/09/2009
VATICAN 18/09/09.- Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI sẽ gặp 7 đức Thượng Phụ thuộc Giáo Hội Đông Phương tại Tòa Thánh Vatican vào ngày 19 tháng 9 năm 2009 để thảo luận vấn đề dân quân Hồi Giáo đang gây ra những khó khăn cho khối người Công Giáo vùng Trung Đông.

Các đức Thượng Phụ thuộc giáo hội Công Giáo Đông Phương đã đề nghị Đức Thánh Cha triệu tập phiên họp này để thảo luận vấn đề người Kitô Giáo tại Trung Đông ngày càng gặp nhiều khó khăn với dân quân Hồi Giáo và về viễn tượng thiết lập quan hệ với Hồi Giáo.

Cuộc họp cũng đề cập đến mối liên hệ giữa các Tòa Thượng Phụ Đông Phương và Tòa Thánh Vatican. Ngoài ra phiên họp cũng nêu vấn đề cung cấp mục vụ thích ứng cho các công nhân ngoại quốc đến làm việc tại các nước Hồi Giáo ở vùng Vịnh.

Giới thạo tin tại Vatican cũng cho biết, cuộc họp này còn bàn đến việc chuẩn bị cuộc họp Thượng Hội Đồng Giám Mục khu vực Trung Đông sẽ được triệu tập trong tương lai.

Bảy đức Thượng Phụ thuộc Giáo Hội Đông Phương đến Vatican lần ngày là các đức Thượng Phụ Nasrallah Sfeir của Giáo Hội Maronite, đức Gregory III Laham của Giáo Hội Melkite, đức Thượng Phụ Emmanuel III Delly của Giáo Hội Chaldean, đức Thượng Phu Catholicos Bedros XIX của Giáo Hội Armenia, đức Thượng Phụ Ignace Joseph III Younancủa Syria, đức Thượng Phụ Antonios Naguib của Giáo Hội Coptic, đức thượng phụ Fouad Twai thuộc giáo hội theo nghi lễ Latin ở Jerusalem.
 
Top Stories
Vietnam: Streit um Schule (tiếng Đức)
Radio Vatikan
14:40 18/09/2009
Beim Versuch einer katholischen Gemeinde bei Hanoi, eine Schule zu erhalten, kam es zu starken Auseinandersetzungen mit örtlichen Ordnungskräften. Die Gläubigen forderten den Besitz einer Schule, die im Jahre 1975 durch Gewalt beschlagnahmt worden war. Anfang September hatten die örtlichen Autoritäten beschlossen, das alte Schulgebäude abzureißen. In der Nacht auf Montag zerstörten sie erste Mauerstücke ein. Seither gibt es wieder starke Konflikte zwischen der Gemeinde und den Ordnungskräften.

(Source: http://www.oecumene.radiovaticana.org/TED/Articolo.asp?c=317511)
 
Eight Vietnam dissidents to be tried next week: relatives
Antara News/AFP
14:41 18/09/2009
Hanoi (ANTARA News/AFP, September 18, 2009) - Eight Vietnamese dissidents, who allegedly hung banners on bridges and called for political pluralism, will be tried next week, relatives said on Friday.

The accused have been in custody for about a year and include the writer Nguyen Xuan Nghia.

He is charged with propaganda against the state and will be tried with five others next Thursday in the northern port city of Haiphong, his wife, Nguyen Thi Nga, told AFP.

A conviction on the charge could lead to several years in prison.

Nga said he is not guilty. "He is patriotic.... He committed no crime," she said.

Officials in the one-party communist state have not responded to AFP`s inquiries about the trial.

Nghia is a leader of the outlawed pro-democracy group Bloc 8406 which takes its name from the April 8, 2006 date it was founded.

Their alleged crimes included distributing leaflets, hanging banners on bridges, writing poems and articles and disseminating articles on the Internet calling for democracy, human rights and political pluralism, New York-based Human Rights Watch said.

The group said it had obtained a copy of a police report on the case.

Two other activists are expected to be tried separately on the same charge but in the capital Hanoi, relatives said.

Poet Pham Van Troi, 37, will be tried on Thursday in Hanoi, said his wife, Nguyen Thi Huyen Trang.

"He only expressed his opinion peacefully and fought for democracy and human rights in Vietnam. He did not oppose the government," she said.

The wife of Vu Hung, another activist, said she heard from lawyers that he would be tried next Friday in Hanoi.

Hung, 42, was arrested for writing slogans against the state displayed on a banner in public, his wife Ly Thi Tuyet Mai said.

He called for a multi-party system, "but I think it`s the aspiration of the people," she said.

"We think he did not do anything that could be considered a crime," Mai said.(*)

(Source: http://www.antaranews.com/en/news/1253268895/eight-vietnam-dissidents-to-be-tried-next-week-relatives)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hành Hương Theo Bước Chân Thầy (7)
Vũ Văn An
20:24 18/09/2009
Bêlem

Trong khi chờ xe búyt tới đưa đi Bêlem, chúng tôi lại có dịp ngồi trước Nhà Thờ Hấp Hối để nhìn về Tường Thành Giêrusalem. Khung cảnh hôm nay hoàn toàn khác với đêm qua. Giêrusalem sinh động hẳn lên. Tường thành nay rõ mồn một dưới ánh nắng chói chang. Tuy nhiên, trái với dự đoán của tối hôm trước, từ phía trước Nhà Thờ Hấp Hối, chúng tôi không nhìn thấy khu đền Đá Tảng của Hồi Giáo vốn là địa điểm xây Đền Thờ Giêrusalem của cả Salômôn lẫn Hêrốt. Tường Thành vẫn vây kín mọi sự trong vòng ôm thật cao và thật chắc của nó.

Tường Phân Cách Bêlem
Tuy nhiên, chưa nghe có ai muốn hủy bỏ bức tường ấy. Trái lại, cách Giêrusalem chưa quá 10 kilô mét, có một bức tường bị khá nhiều người muốn phá bỏ và phá bỏ ngay lúc này. Đó là bức tường người Do Thái cho dựng giữa Bêlem và Giêrusalem để ngăn ngừa nạn khủng bố tự sát khỏi tấn công người dân và các cơ sở của họ. Bức tường xi măng cốt sắt cao tới 8 mét này được người Do Thái gọi là “hàng rào an ninh” nhưng người Palestine gọi nó là “bức tường kỳ thị chủng tộc. Việc dựng nó gây ảnh hưởng nặng nề lên Bêlem cả về chính trị, xã hội và kinh tế. Và dư luận quốc tế nhất loạt lên án nó, có khi còn nặng nề hơn Bức Tường Bá Linh dạo nào. Tòa án Quốc Tế bảo nó “đi ngược lại luật pháp quốc tế”. Người Palestine muốn băng qua nó phải có giấy phép và giấy phép này mang theo những điều kiện khó khăn.

Cách cả mấy trăm mét, chúng tôi đã thấy nó với hình dáng sừng sững và mầu xám xấu xí dưới nền trời trong xanh của Bêlem. Tới trạm gác, người tài xế chở chúng tôi ngồi trong xe nói vọng ra: Vitnam (đọc và viết đều không có chữ E), và xe chúng tôi được cho phép chạy tiếp để rồi dừng lại trước một tiệm ăn “Tầu” do người Palestine làm chủ và đầu bếp, không xa trạm gác bao nhiêu. Tiệm ăn này nằm đối diện ngay với bức tường, nên chúng tôi có dịp được đọc những hàng chữ viết dọc theo nó phần lớn nội dung là: Hãy hủy bức tường ngay bây giờ! Tiếc rằng người viết hàng chữ đó “không có gang có thép” như Ronald Reagan, nên chắc chắn hiệu quả chẳng có nhiêu, như đối với bức tường Bá Linh ngày nào. Dùng cơm trưa xong, chúng tôi rẽ qua một cửa hàng bán đồ kỷ niệm trước khi thực sự khám phá Bêlem.

Bêlem vốn là thành tuổi trẻ của vua Đavít và cũng là sinh quán của Chúa Giêsu; đồng thời là địa điểm hành hương của Kitô hữu kể từ ngày Nhà Thờ Giáng Sinh được xây dựng tại đây vào thế kỷ thứ 4. Thành này cũng là một trung tâm đơn tu gần như cùng một thời. Quả vậy, thế kỷ thứ 5, Thánh Giêrônimô đã lập một đan viện tại đây. Và với sự giúp đỡ của các giáo sĩ Do Thái, ngài đã dịch Bộ Cựu Ước từ nguyên bản Hi-bá-lai sang tiếng Latinh, vốn được Giáo Hội Công Giáo coi là tiêu chuẩn. Bêlem vốn phồn thịnh cho tới thời Thập Tự Quân, nhưng dân số dần dần giảm đi trong các thế kỷ sau đó và chỉ khá hơn sau cuộc chiến 1948 với việc ngụ cư của hàng ngàn người tị nạn Palestine.

Kể từ năm 1995, Bêlem được đặt dưới quyền kiểm soát của Thẩm Quyền Quốc Gia Palestine. Thẩm quyền này đã khởi sự một chương trình phục hưng kinh tế
Phụ Nữ Bêlem
và du lịch. Dù số lượng khổng lồ khách hành hương kéo tới đây và đô thị được phát triển hỗn độn, Bêlem vẫn duy trì được bầu không khí cố hữu của nó nhất là tại khu trung tâm gần Công Trường Máng Cỏ và khu buôn bán ở phía tây.

Về phương diện hành chánh, Bêlem hiện là thủ phủ của Tòa Thống Đốc Bêlem thuộc Thẩm Quyền Quốc Gia Palestine. Dân số khoảng 30,000 người. Bêlem cũng được coi là một trung tâm văn hóa và du lịch của Palestine. Nó cũng là nơi sinh sống của các cộng đoàn Kitô hữu kỳ cựu nhất trên thế giới, nhưng con số đã giảm nhiều do di dân.

Theo lịch sử, nó nằm dưới sự thống trị của người Hồi Giáo ít nhất cũng từ năm 637. Người Anh đã chiếm lại nó từ tay Đế Quốc Thổ trong Thế Chiến I và năm 1947, nó được sát nhập vào khu vực quốc tế trong Kế Hoạch Phân Chia Palestine của Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, trong cuộc chiến tranh Ả Rập và Do Thái năm 1948, Gióc-đan đã sát nhập nó vào lãnh thổ của mình. Trong cuộc chiến Sáu Ngày vào năm 1967, Do Thái đã chiếm lại Bêlem. Rồi kể từ năm 1995, nó được Thẩm Quyền Quốc Gia Palestine điều hành, như trên đã nói, theo hiệp ước Oslo ký kết giữa Do Thái và Phong Trào Giải Phóng Palestine, dưới sự trung gian của Mỹ.

Trong Thánh Kinh, nó được nhắc đến lần đầu như là nơi chôn cất Rachel, người vợ sủng ái của Israel (Giacóp), ông tổ trực tiếp của Dân Do Thái (St 48:7). Mộ của Bà nằm ngay cửa ngõ dẫn vào Bêlem. Rất tiếc, đoàn hành hương của chúng tôi không tới thăm ngôi mộ nổi tiếng này. Rút và mẹ chồng là Naômi từng mót lúa ở Bêlem trong cánh đồng của Bôát và trở thành bà cố của Đavít sau này. Cũng chính tại đây, Đavít được tiên tri Samuen xức dầu tấn phong làm vua thứ hai của Israel, trở thành quân vương văn võ song toàn, được người Do Thái muôn đời xưng tụng… Sau ông, Bêlem rơi vào quên lãng, dù tiên tri Mikha trong thế kỷ thứ 7, thứ 8 trước công nguyên (khoảng những năm 735-687) từng tiên đoán “Phần ngươi, hỡi Bêlem, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mệnh thống lãnh Israel” (Mk 5:1).

Công Trường Nhà Thờ Giáng Sinh
Đấng ấy, như mọi người biết chính là Chúa Giêsu, sinh ra trong một máng chiên lừa ở Bêlem. Vô danh đến nỗi, nếu không có ngôi sao chỉ đường, chắc ba nhà thông thái Phương Đông đành quay về cố hương, không đến được Bêlem. Tuy nhiên, sự kiện ấy hình như đã lọt vào tiềm thức Hadrian, hoàng đế La Mã, nên ông đã xua quân tiến chiếm Bêlem trong các năm 132-135 và cho xây tại chính địa điểm Giáng Sinh một đền thờ dâng kính thần Adonis, một vị thần của tái sinh và mùa màng. Năm 326, hoàng hậu Helena, mẹ hoàng đế Constantinô, đã cho xây một ngôi nhà thờ trên nền đền thờ ấy khi bà viếng Bêlem. Như trên đã nói, năm 614, đế quốc Sassanid của Ba Tư đánh chiếm Bêlem. Lý do họ không phá hủy đền thờ Giáng Sinh là vì ở đó có tranh ghép ba nhà thông thái trong trang phục Ba Tư. Thập Tự Quân chiếm lại Bêlem trong một thời gian ngắn. Sau đó, nó rơi vào tay Saladin năm 1187. Kitô hữu vẫn được tự do lui tới các địa điểm thánh tại Bêlem, tuy nhiên luôn có sự tranh chấp giữa hai giáo hội Chính Thống và Công Giáo về quyền kiểm soát các địa điểm thánh này, nhất là dưới thời Đế Quốc Thổ, mặc dù trước đó gần như đã có thỏa thuận là Công Giáo sở hữu đan viện sát cạnh nhà thờ Giáng Sinh, còn chính nhà thờ Giáng Sinh thì thuộc quyền kiểm soát của Chính Thống, và hai bên chung quyền kiểm soát Động Sữa.

Về phương diện dân số, năm 1947, Kitô hữu (Chính Thống và Công Giáo) chiếm 75% tổng dân số Bêlem, nhưng tới năm 1998, họ trở thành thiểu số, chỉ chiếm 23%. Thẩm Quyền Palestine chính thức cam kết duy trì chính sách bình đẳng cho các khu dân cư Kitô Giáo của Thành Phố, mặc dù vẫn có những vi phạm từ phía lực lượng an ninh và dân quân. Nói chung, Kitô hữu, dù vẫn tiếp tục rời bỏ Thành Phố, nhưng họ có thiện cảm với người Hồi Giáo. Một cuộc thăm dò năm 2006 do Trung Tâm Nghiên Cứu và Đối Thoại Văn Hóa Palestine thực hiện, đã cho thấy 90% Kitô hữu có bạn bè Hồi Giáo, 73.3% nhất trí rằng Thẩm Quyền Quốc Gia Palestine rất tôn trọng các di sản Kitô Giáo trong Thành Phố và có tới 78% qui việc ra đi của Kitô hữu cho Israel, vì đã hạn chế đi lại trong khu vực này.

Hiện nay, Bêlem sống nhờ du lịch. Ngành này hiện chiếm 65% nền kinh tế của Thành Phố và 11% nền kinh tế của cả Thẩm Quyền Quốc Gia Palestine. Nhà thờ Giáng Sinh dĩ nhiên là một trong các địa điểm lôi cuốn khách du lịch nhiều nhất và là kim nam châm thu hút khách hành hương Kitô Giáo. Nó tọa lạc tại trung tâm thành phố, là một phần của Công Trường Máng Cỏ, được xây trên một chiếc hang gọi là Hang Thánh, nơi Chúa Giêsu sinh ra. Gần đó là Động Sữa nơi Thánh Gia trú ẩn trên đường qua Ai Cập lánh nạn, và bên cạnh là động nơi Thánh Giêrônimô sống 30 năm để phiên dịch Bộ Cựu Ước sang tiếng Latinh.

Nhà thờ Giáng Sinh

Khi đã vượt qua “bức tường phân biệt chủng tộc”, bạn nhanh chóng quên đi thân phận của người Palestine mà phần không nhỏ là hậu duệ của các Kitô hữu từ những thuở ban đầu. Nhà thờ Giáng Sinh cũng là một thực tại Kitô Giáo sống còn lâu đời nhất tại Đất Thánh.

Đây là nơi tương truyền Chúa Giêsu đã sinh ra. Trình thuật Chúa sinh ra tại Bêlem được kể rõ trong hai Phúc Âm Mátthêu (2:1) và Luca (2:4-7). Cả hai trình thuật đều không nhắc chi tới một cái hang, nhưng non một thế kỷ sau, cả Thánh Justinô Tử Đạo và Phúc Âm Đầu Hết của Giacôbê đều nói Chúa Giêsu sinh tại một cái hang. Điều này có lý vì phần lớn các nhà tại khu vực này được cất trước một cái hang. Nếu Đức Mẹ và Thánh Giuse tìm không ra phòng ở các nhà trên, thì phần chắc là phải tìm tới phía sau các căn nhà ấy mà sinh con.

Bằng chứng đầu tiên về việc một chiếc hang ở Bêlem được tôn kính như là nơi Chúa Giêsu sinh ra tìm thấy trong các trước tác của Thánh Justinô Tử Đạo (khoảng năm 160). Và truyền thống ấy đã được Origen và Eusebius củng cố vào thế kỷ thứ 3. Năm 326, Hoàng Đế Constantinô và mẹ là thánh nữ Helena đã cho xây một nhà thờ trên chiếc hang ấy. Nhà thờ này được cung hiến vào ngày 31 tháng 5 năm 339, có sàn hình bát giác. Ở giữa, có một lỗ rộng 4 mét có hàng rào để người ta nhìn thấy hang. Ngày nay, vẫn còn lại một phần tranh ghép sàn của thời ấy. Năm 530, Hoàng Đế Justinianô cho phá nhà thờ do Constantinô xây để dựng một nhà thờ rộng hơn, tức nhà thờ còn tồn tại đến bây giờ. Như trên đã nói, người Ba Tư khi chiếm Bêlem vào năm 614, đã không phá hủy nhà thờ vì kính trọng bức tranh ghép ba nhà thông thái ăn vận theo phong tục của họ. Điều này đã được một công đồng họp tại Giêrusalem trong thế kỷ thứ 9 trích dẫn để chứng minh sự ích lợi của tranh ảnh đạo.

Thời Đế Quốc Thổ Nhĩ Kỳ, Nhà Thờ Giáng Sinh bị bỏ bê, tuy không bị phá hủy. Phần lớn các đá hoa cương của nhà thờ bị lấy đi đem về trang trí cho Núi Đền
Bên trong Nhà Thờ Giáng Sinh
tại Giêrusalem. Trận động đất năm 1834 và trận hỏa hoạn năm 1869 vẫn không phá hủy được Nhà Thờ. Năm 1847, việc đánh cắp ngôi sao bạc dùng để đánh dấu chính xác nơi Chúa Giêsu sinh ra đã là nguyên cớ cho một khủng hoảng quốc tế dẫn tới Cuộc Chiến Crimée (1854-1856). Năm 1852, nhà thờ được đặt dưới sự chăm sóc chung của cả ba Giáo Hội: Công Giáo, Ácmêni và Chính Thống Hy Lạp. Tuy nhiên, người Hy Lạp được quyền kiểm soát Hang Giáng Sinh.

Bước vào bên trong, chúng tôi thấy lòng nhà thờ khá rộng, mái cao, sàn nhà, hai bên tường và cả trần nhà cũng như các cột lớn (44 chiếc) đều được trang trí bằng hình ảnh đạo kiểu Hy lạp. Nhà thờ khá đông khách hành hương, nhất là về phía dẫn xuống Hang Giáng Sinh. Các tu sĩ phục vụ Nhà Thờ lúc này hoàn toàn thuộc Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp, những người rất giống “người tôn giáo” Do Thái chúng tôi gặp ở Hồng Kông, nghĩa là phớt tỉnh Ăng-lê, cứ thản nhiên đồng ca kinh chiều, giữa cái ồn ào của khách hành hương đến từ muôn phương.

Cao điểm vẫn là kiên nhẫn xếp hàng về phía tay phải của lòng Nhà Thờ để tiến về phía Hang Giáng Sinh nằm ở phía đầu Thánh Đường. Nhưng người chờ đông quá, nên chúng tôi đổi hướng đi thăm hang Thánh Giêrônimô trước, nơi ngài từng sống 30 năm để phiên dịch Thánh Kinh, tọa lạc ngay cạnh Nhà Thờ Giáng Sinh. Con mắt người hiện đại khó mà nhận ra lý do tại sao Thánh Nhân lại sống trong một cái hang “tối tăm” để làm việc trong một thời gian khá dài như thế. Bình thản trở lại, mới hay thời ấy rất có thể hang không tối tăm và khó ra vào như bây giờ, vì chưa có những toà nhà bên cạnh như Nhà Thờ Thánh Catarina, án ngữ hay các lối vào không bị thay đổi, bít kín như bây giờ. Có xuống đấy mới hay không phải chỉ là nơi Thánh Nhân ngủ nghỉ mà còn là nơi ngài làm việc, cử hành phụng vụ, tiếp đãi người quen, bạn bè. Hang cũng là nơi sinh sống của nhiều Kitô hữu thời ấy nữa. Một hàng chữ Latinh trên vách đá viết theo kiểu xưa “Locus sancti Hieronymi presbyterii & Ecclesiae doctoris” (Nơi của Thánh Giêrônimô linh mục và tiến sĩ Hội Thánh) chắc là mới viết sau này. Nhìn qua bên trái, nhiều hàng chữ khác viết Ave Maria (Kính mừng Maria) không rõ từ hồi nào, nhưng được viết trên vách đá của một căn hộ tiên khởi. Dù sao, cũng xin ngả mũ chào những vách đá từng bầu bạn với một trong những vị đại thánh tiến sĩ của Giáo Hội mà công trình vẫn còn được Giáo Hội trân trọng cho đến tận nay.

Nhà Thờ Thánh Catarina
Rời Hang Thánh Giêrônimô, chúng tôi tới thăm nhà thờ Thánh Catarina thành Alexandria nằm sát bên trái Nhà Thờ Giáng Sinh và nối với Hang Thánh Giêrônimô bằng một đường cầu thang bằng đá. Tương truyền, nhà thờ này được xây trên địa điểm Chúa Giêsu hiện ra với Thánh Nữ và tiên đoán bà sẽ được phúc tử đạo (khoảng năm 310). Nhà thờ được nhắc đến lần đầu vào thế kỷ 15 và rất có thể bao gồm một phần của đan viện thời Thập Tự Quân vào thế kỷ 12. Dấu vết của đan viện do Thánh Giêrônimô lập vào thế kỷ thứ 5 cũng tìm thấy ở đây. Năm 1881, nhaàthờ này được nới rộng do các cha Dòng Phanxicô và được kiến trúc sư Antonio Barluzzi canh tân vào năm 1948. Hiện nay nhà thờ có vóc dáng hiện đại, hết sức sáng sủa, với những kính mầu và một dàn ống đàn organ tân tiến. Lúc chúng tôi ở đây, các sinh viên đại học Paris cũng có mặt. Gặp họ ở đâu, tôi đều thấy thái độ nghiêm túc trong suy niệm, học tập và cầu nguyện, khiến tôi cũng lắng đọng tâm hồn, giữa cái nóng chẩy mồ hôi của Bêlem, vốn thuộc Sa Mạc Giuđêa.

Rời nhà thờ Thánh Catarina, chúng tôi trở lại Nhà Thờ Nhà Thờ Giáng Sinh và dù khách hành hương vẫn còn rất đông, chúng tôi đành phải xếp hàng với họ. Được một điều: ai đến đây cũng lịch thiệp, không chen lấn, dù hàng nối đuôi xem ra như không hề nhúc nhích. Nhìn ngang nhìn dọc, nhìn về phía trước chỉ thấy ảnh Đức Mẹ, ảnh Chúa, ảnh các thiên thần và các thánh “đáp lễ”. Hang Giáng Sinh không biết ở mô? Nhưng rồi cũng đến lúc miệng Hang “sáng láng” hiện ra. Sáng láng thật vì các chùm đèn từ dưới Hang chiếu ra làm cửa vào Hang sáng rực, trái với khung cảnh âm u của lòng Nhà Thờ. Dùng camera, tôi quẹt một đường thì thấy ở cửa Hang, các khuôn mặt đạo hạnh của muôn dân nước đang háo hức nhìn vào bên trong, chờ đến lượt. Ai cũng một nét mặt hạnh phúc trông chờ, cùng lắm chỉ kém nét hạnh phúc của người nông dân Bảo Gia Lợi mà Morton gặp ở Mồ Thánh đầu thế kỷ 20.

Sau cùng, vợ chồng tôi cũng xuống được tới Hang. Hang Giáng Sinh hình chữ nhật, nằm dưới Nhà Thờ, được coi là tiêu điểm của Nhà Thờ này. Nó chính là nơi
Hôn Sao Giáng Sinh
ít nhất từ thế kỷ thứ 2, Kitô hữu vẫn tôn kính như là nơi Chúa Giêsu được Đức Mẹ sinh ra. Rồi Ngôi Sao Bạc nằm dưới một bàn thờ cũng đã được nhìn thấy, nó đánh dấu chính nơi Chúa sinh ra với hàng chữ “tại đây Chúa Giêsu Kitô đã được Trinh Nữ Maria sinh ra”. Nó mới chính là tiêu điểm và nó mới chính là nguyên nhân tạo nên sự kiên nhẫn chờ đợi. Ai cũng muốn nán lại, không những hôn kính, mà còn để quay phim chụp hình. Dù vị tu sĩ Chính Thống Giáo luôn miệng “quickly, please”. Mà hôn được, chụp hình được mình hôn ngôi sao ấy quả là hả hê, sẵn lòng theo lệnh vị tu sĩ xếp hàng bước ra khỏi Hang. Nếu không, chỉ còn đường kiên nhẫn bắt đầu xếp hàng trở lại để thoả lòng mong ước.

Điều ấy khó lòng xẩy ra với chúng tôi, bởi người trưởng đoàn luôn hối thúc đi thăm nơi khác. Trạm tiếp theo là Động Sữa, không xa nhà thờ Giáng Sinh. Vừa băng qua Công Trường Máng Cỏ và một dẫy phố bán đồ kỷ niệm, động ấy đã xuất hiện về bên tay phải. Trái với Công Trường Máng Cỏ và sân nhà thờ Giáng Sinh, Động Sữa thật yên tĩnh và êm ả, dù một số công nhân đang dùng các dụng cụ chạy bằng điện để sửa và thay một số cửa ra vào. Ngang với mặt đường là một nhà nguyện do các cha Dòng Phanxicô xây dựng bên trên động. Chúng tôi được dẫn theo một đường vòng để xuống chính động và nghe dẫn giải về sự tích của nó. Tương truyền đây là nơi Thánh Gia trú ngụ lúc Hêrốt cho tàn sát các trẻ sơ sinh của Bêlem, trước khi lánh nạn qua Ai Cập, thoát bàn tay hung hiểm của tên bạo chúa này. Tương truyền cũng cho rằng trong khi cho con bú, Đức Mẹ đã để rơi một giọt sữa xuống nền động, biến động thành trắng xóa như sữa mẹ.
Đức Mẹ cho Can bú
Nơi chúng tôi nghe thuyết chỉ có một số hình ảnh về Thánh Gia, nhất là bức tranh sống động vẽ cảnh Thánh Giuse đi chân đất, trong hành trang chạy loạn, đang vừa tiến bước vừa ái ngại nhìn hai mẹ con trong cảnh màn trời chiếu đất. Ơn quan phòng và trái tim người chồng, người cha thật kỳ diệu, dù người chồng này và người cha này từng kinh qua những giây phút nát lòng vì sự kiện người vợ này người con này không hẳn thuộc về mình theo nghĩa thể lý. Ra khỏi động, chúng tôi còn được chứng kiến nhiều hình ảnh đẹp hơn nữa về tác phong chăm bẵm con thơ. Người mẹ đồng trinh tuyệt diệu nhất trần gian này cũng là người mẹ đã dùng cả thân xác phàm nhân của mình mà chăm bẵm người con thần thánh. Bức tượng Đức Mẹ cho Chúa Hài Đồng bú ở trên mặt tiền nhà nguyện là hình ảnh nói lên cụ thể nhất: Người giống chúng ta mọi đàng, chỉ trừ tội lỗi. Vú mẹ là nguồn sống của con. Tiếc thay, xã hội và nền văn hóa hiện đại đã làm méo mó hẳn ý nghĩa vừa sinh học vừa nhân bản ấy, biến cặp vú người đàn bà trở thành một món đồ mua bán, mua vui, không còn ý nghĩa gì khác. Tuy nhiên, bức tượng này, có lẽ vì vị trí công cộng của nó, nên vẫn còn nhiều đặc tính “e lệ”. Chúa Con “rúc” vào ngực Mẹ để bú, che lấp hết cả vú Mẹ. Trái lại, một bức tranh trưng bày phía bên trong nhà nguyện cho thấy trọn bầu vú Mẹ và Chúa Con dù đã no nê vẫn chưa chịu nhả vú Mẹ ra. Hình ảnh ấy quả đã nói lên hết tính nhân bản của tình mẫu tử. Nghệ thuật thánh quả đã khởi đi từ những thực tại hết sức nhân bản như thế.

Cánh Đồng Chiên và lời chúc hòa bình

Từ Động Sữa, chúng tôi qua viếng Cánh Đồng Chiên, một cánh đồng từ thời xa xưa đã được nhận diện như là cánh đồng của những người chăn chiên tới chiêm ngưỡng Chúa Hài Đồng. Người ta tin như thế, vì cánh đồng này cho đến nay vẫn là một cánh đồng mầu mỡ, chắc chắn là nơi những người chăn chiên kia đưa chiên của mình tới gặm cỏ. Tuy nhiên, cảnh thiên thần hiện ra với họ chính xác xẩy ra ở chỗ nào thì người Chính Thống Hy Lạp và các tu sĩ Phanxicô không nhất trí với nhau. Người nhận ở chỗ này kẻ nhận ở chỗ kia. Cả hai địa điểm đều đã được khai quật và người ta đã tìm thấy các nhà thờ và đan viện ở cả hai chỗ ấy từ thế kỷ thứ 4 hay sớm hơn. Cả Egeria (năm 384) lẫn Arculf (năm 670) đều nhắc đến những nhà thờ và đan viện này. Đây cũng là cánh đồng nơi Rút và mẹ chồng mót lúa của Bôát.

Nhà Thờ Hang Chăn Chiên
Như thế, hiện nay tại Cánh Đồng Chiên, có tới 5 nhà thờ. Chúng tôi chỉ đi thăm hai nhà thờ do các cha Dòng Phanxicô trông coi. Đó Nhà Thờ Hang Tự Nhiên tại Khirbat Siyar al-Ghanim và nhà thờ có hình chiếc lều du mục do kiến trúc sư Antonio Barluzzi xây năm 1954. Hang tự nhiên hay hang trú bằng đá này tọa lạc tại một khu vực đẹp mắt, từ đó, bạn có thể thấy được những ngọn đồi chung quanh. Kể từ năm 1859, hang tự nhiên này lôi cuốn nhiều khách hành hương hơn. Tại đây, một cuộc khai quật từng phần đã được C. Guarmani thực hiện năm 1859 nhưng mãi đến những năm 1951-1952, nó mới được khai quật đầy đủ bởi linh mục V. Corbo. Các cuộc khai quật này đã khám phá ra cơ sở đan viện làm nghề nông với đủ máy ép, bể nước, kho chứa và những nơi trú ẩn.

Hang quay về hướng đông, tránh được các ngọn gió tây và thu nhận đủ cái ấm áp của những tia nắng ban mai. Hang cũng mở ra một thung lũng hẹp, nơi súc vật có thể tụ lại lúc gặp nguy hiểm. Điều ấy càng chứng tỏ nơi này chính là nơi các mục đồng trú ngụ khi họ được thiên thần hiện ra báo tin vui. Các cha Dòng Phanxicô đã biến hang này thành một nhà nguyện có nhiều ý nghĩa. Mái đá tự nhiên của nó được phủ bằng một lớp mồ hóng đen như muốn chứng tỏ rằng nơi đây vốn được dùng làm chỗ tạm trú từ lâu.

Lúc chúng tôi ở đây, không hiểu từ đâu có những tiếng đồng ca bài “O come ye, all faithful, yoyful and triumphant, O come ye, o come ye to Bethlehem”, nhìn chung quanh chỉ thấy dăm ba người Á Châu đang trố mắt quan sát hang. Sau mới biết, bài hát đó vọng sang từ ngôi nhà thờ của Barluzzi, cách đó không xa. Điều đặc biệt là dù nhà thờ tại hang tự nhiên này mang đủ tính chất cổ kính, nó vẫn được trang hoàng bằng bức ảnh Đức Mẹ Guadalup khá lớn gần ngay bên bàn thờ. Ở đây, chúng tôi được suy niệm bài trình thuật mục đồng nghe tin vui và rủ nhau lên đường về Bêlem bái kính “Đấng Cứu Độ”.

Cách nhà thờ hang tự nhiên mấy bước là tàn tích của nhà thờ và đan viện thời Byzantine được các nhà khảo cổ định niên biểu thuộc thế kỷ thứ 4. Lên một chút
Nhà Thờ Chăn Chiên của Barluzzi
nữa, trên một nọn đồi nhỏ, các cha Dòng Phanxicô đã trao cho kiến trúc sư Antonio Barluzzi xây một nhà thờ khác trông giống như một chiếc lều du mục để tưởng nhớ các biến cố chung quanh việc thiên thần hiện ra với các mục đồng và sự kiện họ hân hoan lên đường đi bái kính Chúa Giêsu. Các biến cố này được vẽ lại trên ba bức bích hoạ lớn, do Noni thực hiện bên trong nhà thờ. Bức vui nhất chính là bức vẽ cảnh các người chăn chiên đủ lứa tuổi đang kéo nhau tiến về Bêlem. Người vui nhất vẫn là cậu bé, vừa đi vừa nhẩy mừng, có con chó cùng đồng hành trong những bước đi nhẹ nhõm. Cụ già dù không còn sức nhẩy múa như thế, nhưng cũng vác chiên trên vai, thẳng lưng tiến về nơi “Đấng Cứu Độ” sinh ra. Barluzzi mặc cho ngôi nhà thờ này một vẻ hân hoan trông thấy qua hàng chuông 3 chiếc trên nóc lối vào nhà thờ. Về hàng chuông này, Morton từng nhận xét: tại Bêlem, chỉ có một giọng Hồi Giáo mời gọi tín hữu cầu nguyện (muezzin) nhưng chuông thì nhiều lắm. Trên cổng vào là hàng chữ Latinh: Ecce angelus Domini stetit super illos” (Này thiên thần Chúa đứng trên họ). Nguyên bản Phổ Thông ghi là juxta illos, bên cạnh họ chứ không trên họ. Có lẽ ở đây, người ta muốn cho câu nói phù hợp hơn với bức bích hoạ của Noni bên trong nhà thờ chăng?

Lúc chúng tôi từ giã Cánh Đồng Chiên và cũng là từ giã Bêlem, mặt trời vẫn còn khá cao. Ánh nắng vẫn chan hòa khắp nơi. Xe buýt chở chúng tôi lại phải băng qua trạm kiểm soát của Do Thái trước khi thẳng đường trở lại Giêrusalem. Không như lần vào, trong lần ra này, tiếng “Vitnam” không có hiệu quả gì, mặc dù khuôn mặt của chúng tôi mười mươi khác khuôn mặt người Palestine. Tuy không phải xuống xe như hàng chữ lớn trên tấm bảng chỉ dẫn ở bên ngoài trạm kiểm soát nói rõ, chúng tôi vẫn được một nhân viên an ninh Do Thái thân hành lên tận xe xem mặt và yêu cầu xuất trình giấy thông hành. Câu các thiên thần hát trong lúc các người chăn chiên vây quanh Chúa Hài Đồng và được ghi một hàng trên mái vòm nhà thờ của Barluzzi: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an cho người thiện tâm dưới đất” chắc chắn bị lực lượng an ninh Do Thái ở đây cũng như các nhà cầm quyền của họ không lưu ý bao nhiêu.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Cướp đêm là giặc, cướp ngày đảng ta
Mi Chinh
08:37 18/09/2009
Cướp đêm là giặc, cướp ngày đảng ta

Ở trường cô dạy đảng ta
Ra đường em thấy đảng. ..là đảng ai ?
đảng gì chẳng biết đúng sai
Thị quyền ỷ thế trộm ngày cướp đêm !
Trường quê một thuở êm đềm
Bây giờ đảng đến trường em mất rồi
Ruộng nương làng mạc núi đồi
đảng về mất hết. Thôi rồi! còn đâu ??? !!!

Giặc còn hơn đảng
(Giặc ngó thế chứ còn nhân nghĩa;
đảng, Trời ơi, mất hết tính người!)


Giặc với Đảng tuy hai là một
đảng với Giặc tuy một mà hai
Giặc thì đôi lúc có sai
đảng thì chẳng có lúc nào đúng đâu !
Giặc ngó thế, nhưng còn nhân nghĩa
đảng đừng hòng! sống chết mặc bây
đảng ta ! quen thói quan thầy
Tàu sao, đảng vậy! Có sai chút nào!
Tàu xâm chiếm núi non hải đảo
đảng ăn theo cướp đất của dân
Dân thì tay trắng phân trần
đảng thì ngạo ngược đánh dân phủ đầu !
...
Đâu rồi bộ đội dép râu ?
Bây chừ thoái hóa đổi mầu hại dân
Thôi thì ta cứ phân trần
Trắng tay, tay trắng ! nợ nần – đảng ơi !

Khâm Sứ - Thái Hà – Tam Tòa - Loan Lý...
 
Cộng sản Tàu lại nhốn nháo… vì một người đàn ông
Hà Long
14:56 18/09/2009
München (Munich) – Tuần trước tại Đức đã có ngày hội thảo Symposium tại học viện Frankfurter Cervantes-Institut vào thứ bảy và chủ nhật, 12-13/9/2009 với đề tài "China und die Welt - Wahrnehmung und Wirklichkeit" (Tàu và Thế Giới – Tri giác và Hiện thực) để chuẩn bị cho Hội Chợ Triển Lãm Sách vào mùa thu ở thành phố Frankfurt từ ngày 14 đến 18/10/2009, nơi hội tụ các nhà văn lớn của thế giới và năm 2009 được chọn tiêu đề nước Tàu cho hội chợ sách này.

Tại đây nhà văn Dai Qing, một người phụ nữ 68 tuổi, có danh tiếng tại Tàu về nghề nghiệp phóng viên môi trường đã làm cho cộng sản Tàu tức giận vì sự hiện diện bất ngờ của bà tại buổi hội thảo. Bà Dai Qing đã viết nhiều sách và đặc biệt các tài liệu cảnh báo về nguy hiểm môi trường từ các đập ngăn nước tại dòng sông Dương Tử gây ra. Mùa xuân 1989 bà Dai Qing, qua chức vụ nhà bình luận cho thời báo Guangming được các sinh viên khen ngợi là nữ anh hùng vì các bài viết của bà bênh vực cuộc biểu tình ôn hòa của giới sinh viên ở Thiên An Môn. Sau cuộc thảm sát Thiên An Môn bà bị bắt ngày 04/6/1989 và bị xử án 10 tháng tù giam. Sau án tù bà Dai Qing tự ý trước công luận từ bỏ đảng cộng sản Tàu và sống bằng việc viết sách. Năm 1992 bà Dai Qing nhận giải thưởng Tự Do của Hội Văn Bút quốc tế.

Cộng sản Tàu muốn „khóa chặt miệng“ nữ nhà văn Dai Qing từ quốc nội cho đến quốc ngoại và tại buổi hội thảo họ làm áp lực với Ban tổ chức phải thu lại lời mời tham dự của bà Dai Qing, nhưng Tàu hoàn toàn thất bại và phái đoàn Tàu không nói một lời rời bỏ phòng họp khi bà Dai Qing được mời lên bàn cử tọa phát biểu phê bình về văn hóa Tàu.

Hàng trăm tờ báo Đức đồng loạt lên tiếng chỉ trích hành động „côn đồ“ của cộng sản Tàu đang thực hiện tại quốc gia này.

Một chi tiết quan trọng bây giờ mới được tỏ ra cho công luận biết rõ là cộng sản Tàu đang bỏ ra 5 triệu Euro để được chọn tiêu đề về nước Tàu cho hội chợ sách 2009. Ban tổ chức tối mày tối mặt về nguồn lợi kinh phí quá lớn lao này mà ít khi họ nhận được từ một quốc gia nào khác. Cho nên, từ đó mới có những sự tréo cẳng ngỗng làm tổn thương đến danh dự của cộng sản Tàu tại Đức.

Tiếp theo, hôm thứ hai, 14/9/2009 chuyện bà Dai Qing chưa làm nguôi ngoai cơn giận của cs Tàu thì lại đến chuyện một người đàn ông danh tiếng: Họa sĩ và nhà Thiết kế Ai Weiwei (Ai Vị Vị) đã đến thành phố Munich, Đức quốc chữa bệnh. Họa sĩ Ai Weiwei được thế giới biết đến qua Thế Vận Hội 2008 tại Peking với công trình „Sân vận động quốc gia Peking“, còn được gọi là "Tổ Chim" (Bird's Nest), đó là một công trình kiến trúc lạ kỳ lấy ý tưởng từ thiên nhiên và không giống bất kỳ nơi nào trên thế giới. Chính họa sĩ đương đại Ai Weiwei là vị cố vấn nghệ thuật cho thiết kế "Tổ Chim" khổng lồ này. Một tổ chim ấm cúng có sức chứa tới 100.000 người và được đan chéo chằng chịt với những búi thép với nhau, mà các khán giả ngồi trong không gian mới lạ độc đáo đó được ví như những trứng chim đang trong thời kỳ ấp nở chờ đợi vào ngày mai tươi sáng.

Ông Ai Weiwei đã đến Munich để được điều trị về những chấn thương sọ não, một dị tật do cộng sản Tàu đàn áp đánh đập gây ra cho ông cách đây 4 tuần vào tháng 8.

Từ Olympia 2008, họa sĩ Ai Weiwei trở nên nổi tiếng tại Tàu và ông cũng là một nhà viết Blog thường xuyên có khuynh hướng phê bình chế độ. Qua việc giám sát gắt gao phương tiện Internet của cs Tàu ông Ai Weiwei can đảm lên tiếng kêu gọi giới viết Blog đứng dậy phản đối chính quyền. Thay vì Tàu sẽ xiết chặt xa lộ thông tin từ ngày 01/7/2009 bằng cách gài một nhu liệu mềm đặc biệt vào từng máy tính gọi là Ðê Xanh (Green Dam) để ngăn chặn và kiểm duyệt từng cá nhân nối mạng, thì bộ thông tin Tàu cho hoãn lại việc này. Trang Blog của Ai Weiwei (http://twitter.com/aiww) lan rộng trong quần chúng và có số độc giả lên đến hàng triệu lần vào đọc Blog của ông. Đó là một chiến thắng chung của giới Blogger, đặc biệt của ông Ai Weiwei.

Trước đó phải kể đến hành động can đảm của ông Ai Weiwei chống lại gian dối, xảo trả và bưng bít sự thật của cs Tàu về các con số nạn nhân thiệt mạng trong cơn động đất, nhất là trẻ em học sinh bị vùi dập trong các trường học tại tỉnh Tứ Xuyên vào tháng 5/2008. Tiếng ai oán vang vọng tới trời làm cho người dân Tàu từ từ can đảm gióng tiếng công khai chỉ trích thái độ mờ ám của chính quyền, trong đó tiếng nói của ông Ai Weiwei tố cáo rất mạnh về điều này. Kèm theo hành động, chính ông lên đường kêu gọi thêm 50 người thiện nguyện viên khác đi điều tra về số học sinh bị chết vì các ngôi trường sập đổ do xây dựng cẩu thả đồng loạt trong những năm qua. Một điều ai cũng nhìn thấy chỉ có các ngôi trường bị thiệt hại sập đổ trầm trọng trong khi các ngôi nhà chung quanh gần đó vẫn còn đứng vững. Khủng khiếp cho con số 14.000 trường học và nhà trẻ bị sập đổ do động đất gây ra. Một danh sách riêng do nhóm ông Ai Weiwei lập ra thu thập được 5.205 học sinh đã chết vì trường sập.

Sự điều tra này do nhóm của ông Ai Weiwei thực hiện đều bị các quan chức địa phương gây bao nhiêu khó khăn, có khi bị xua đuổi, còn bị đánh đập, giam giữ và nhiều kết quả thu lượm được đều bị cướp mất đi. Đồng thời các gia đình thân thích của các nạn nhân bị chính quyền địa phương hù họa và bị chèn ép tứ bề cho đến cả việc họ bị cấm tụ họp. Tất cả đều bị khóa chặt miệng!

Việc ông Ai Weiwei phải nhập viện ở Munich là do hậu quả của việc đi tìm tung tích các trẻ em thiệt mạng trong trận động đất ở tỉnh Tứ Xuyên. Theo lời ông kể lại đã bị công an cảnh sát đánh đập cách đây 4 tuần trong một khách sạn tại Chengdu, khi đang trên đường đến đó tham dự phiên tòa xử người đi thu thập tin tức về học sinh, ông Tan Zuoren. Ông Ai Weiwei đến toà để làm chứng chống lại án tòa. Trong đêm tối, lúc 3 giờ sáng khoảng 30 công an cảnh sát đột nhập vào khách sạn đàn áp kể cả đánh đập ông Ai Weiwei cùng với 10 người cộng tác viên thiện nguyện đang ngủ tại đây. Công an giam giữ họ cho đến trưa và thả ra, khi đó phiên tòa xử ông Tan Zuoren đã vừa chấm dứt.

Chấn thương sọ não của ông Ai Weiwei được các bác sĩ Đức nhà thương Klinikum Großhadern nói rằng vết thương là hậu quả của sự đánh đập gây ra và rất nguy hiểm cho tính mạng nếu không được chữa trị kịp thời. Các bác sĩ phải khoan 2 lỗ vào sọ não để hút các máu đọng dồn ứ trong đó. „Cuộc giải phẫu tốt đẹp và tôi đang bình phục“, ông Ai Weiwei viết trong Blog.

Những ngày còn nằm viện tại Klinikum Großhadern ông Ai Weiwei cho công bố các hình ảnh bệnh tật trên trang Blog của Twitter. Bệnh tình của ông đã được hơn 210 tờ báo ở Đức đưa tin nhanh chóng. Các bình luận cá nhân được viết vào khuyến khích và ủng hộ lập trường của ông Ai Weiwei.

Chương trình vào tháng 10/2009 của ông Ai Weiwei tại Munich sau khi bình phục sẽ thực hiện một cuộc triển lãm tranh ảnh tại Nhà Văn Hóa thành phố về các hình ảnh của thành phố Tứ Xuyên trong cuộc động đất 2008 nhằm tưởng nhớ các nạn nhân động đất.

Sức khỏe của ông Ai Weiwei đang trên đường bình phục, đã đỡ nhức đầu do đòn đánh của công an. Ông vẫn can đảm tố cáo tội ác cộng sản Tàu khi nói với báo chí: „Mọi người biết rất rõ những gì đã xảy ra nơi tôi. Tất cả đều nhìn thấy chúng tôi đang sống trong một chế độ tại Tàu mà các công dân yêu chuộng hòa bình đã bị công an hiếp đáp hành hạ dã man cho đến chấn thương sọ não. Thật tội nghiệp cho các nạn nhân này không hưởng được sự chăm sóc thuốc men thượng hạng như tôi đang được may mắn điều trị tại đây.“

Cộng sản Tàu đang hoang mang choáng váng về người phụ nữ mang tên Dai Qing, bây giờ lại thêm ông Ai Weiwei làm cho họ đau đầu kinh niên, nhất là gần đến ngày mừng 60 năm quốc khánh Cộng Hòa Nhân Dân vào ngày 01/10/2009 lại bị một nam và một nữ tố cáo tội ác của Tàu trước công luận thế giới. Hai nhà dân chủ hòa bình này với đôi tay không đang làm được chuyện lớn, thật đáng khen ngợi!

Công an Tàu đàn áp, đánh đập ông Ai Weiwei chẳng khác gì bọn đàn em Việt Nam đã làm tại Toà Khâm Sức, Thái Hà và Tam Tòa: đánh đổ máu các phụ nữ, tạt hơi cay ban đêm tại Thái Hà. Đàn áp bắt bớ 19 giáo dân Tam Tòa và công an Quảng Bình đã đánh đập linh mục Phêrô Ngô Thế Bính (chính xứ Hà Lời, giáo hạt Troóc, Quảng Bình) và anh Trường, giáo dân xứ Đông Yên. Tội ác này do tên Nguyễn Công Thuật, phó chủ tịch tỉnh Quảng Bình, hẹn gặp và làm việc với cha Bính tại bệnh xá, nơi cha Phaolô Nguyễn Đình Phú được điều trị vì bị đánh trọng thương. Khoảng 10 phút sau, ông Phó Chủ tịch (chủ mưu) ra về, bỏ mặc cha Ngô Thế Bính cho hơn 100 côn đồ đuổi đánh, trước sự chứng kiến của các nhân viên công an. Kết cục cha Phêrô Ngô Thế Bính bị côn đồ đánh trọng thương và ngất xỉu.

Mới đây nhất qua bản tin VietCatholic, từ ngày 12 đến 16/9/2009 một lực lượng hùng mạnh của csVN tại Loan Lý bao gồm cả hàng trăm thành phần: Cảnh sát giao thông, bộ đội biên phòng, cán bộ nam nữ gồm đủ mọi ban ngành các cấp, côn đồ, quần chúng nhân dân tự phát. Với lực lượng xe cộ hùng hậu: xe xịt nước, xe trang bị sung phóng hơi ngạt, xe cần cẩu, xe ben chở vật liệu xây dựng, lựu đạn cay, dùi tre, tấm chắn bảo hộ để đàn áp giáo dân tay không tấc sắt tại ngôi trường Giáo lý Loan Lý với những phương pháp đàn áp thật bỉ ổi tồi tệ: đánh đập phụ nữ, xổ đẩy những người già và trẻ em, xô đẩy các Linh Mục, cô lập những người dân vô tội…

Chỉ vì một lý do duy nhất họ muốn CƯỚP ĐẤT của giáo xứ. Một bức tường ô nhục được dựng lên nhanh chóng vây quanh ngôi trường Loan Lý. Một bức tường ô nhục của kẻ cướp!

Quá đau thương và ô nhục! Cộng sản Việt Nam đang bám gót thật sát „ông chủ“ cs Tàu trong việc gia tăng đàn áp dân lành, tuy nhiên Việt Nam vẫn chưa tìm ra được những gương mặt nổi bật như bà Dai Qing và ông Ai Weiwei để tố cáo rõ ràng những hành xử bất công thô bạo của một chế độ độc tài đảng trị.

Có thể hy vọng những hạt giống âm thầm như Nguyễn Văn Lý, Lê Thị Công Nhân, Điếu Cầy, Mẹ Nấm, Lê Công Định, Lê Trần Luật… sẽ từ từ nẩy mầm trong nay mai như bà Dai Qing và ông Ai Weiwei đang gặt được hoa trái tốt đẹp cho cuộc đấu tranh chính nghĩa chống lại bạo quyền.
 
Tin Đáng Chú Ý
Hà Nội, sắp ra ngõ đụng… “tiến sĩ”
Tư Ngộ/Người Việt
14:33 18/09/2009
Câu tục ngữ “ra ngõ gặp gái” để chỉ sự xui xẻo bất ngờ. Mai kia nếu ở Hà Nội, người ta phải đổi câu này thành “ra ngõ đụng... tiến sĩ.”

Chẳng mấy chốc, tiến sĩ sẽ “bò lổm ngổm như lợn con” đầy Hà Nội.

Theo một kế hoạch được ông Tiến Sĩ Lê Anh Sắc, “chuyên viên cao cấp của Sở Nội Vụ Hà Nội”, thành phố Hà Nội đang soạn thảo kế hoạch nhân sự cán bộ công chức “khối chính quyền” thì từ nay đến năm 2020 “Hà Nội phấn đấu có 100% cán bộ diện thành ủy quản lý có trình độ tiến sĩ, 100% cán bộ diện UBND thành phố quản lý có trình độ trên đại học, trong đó một nửa cần đạt trình độ tiến sĩ, 100% cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn có trình độ đại học, trong đó 50% trên đại học.”

Nếu kế hoạch này thi hành thì chắc Việt Nam sẽ vượt xa nước Mỹ. Hiện nay người ta không có thống kê nào cho thấy có bao nhiêu viên chức chỉ huy cấp thành phố hay cấp quận ở Mỹ là các ông bà tiến sĩ. Chắc không nhiều. Họ cũng không thấy có một kế hoạch nào như vậy cho đến năm 2020.

Ông Tiến Sĩ Lê Anh Sắc là “thành viên soạn thảo chiến lược cán bộ, công chức khối chính quyền thành phố” Hà Nội.

Theo ông này, qua lời phát biểu trong cuộc phỏng vấn của ký giả Cao Nhật, báo điện tử VietnamNet ngày 16 Tháng Chín, 2009, cho rằng “Trong hệ thống đào tạo của ta hiện nay cũng như thông lệ quốc tế thì đề xuất ra cái mới, có khả năng tư duy đột phá phải là những người đã được cấp bằng tiến sĩ, được công nhận bởi một hội đồng khoa học cấp nhà nước.”

Có thật vậy không? Phải là tiến sĩ mới nghĩ được cái mới? Tư duy mới “đột phá?”

Có người hỏi rằng ông Sắc đã “đột phá” cái gì chưa mà cả làng cả nước chưa ai nghe thấy, nhìn thấy? Hay cái ý tưởng phải có 100% cán bộ quận huyện quản lý có bằng tiến sĩ là cái “đột phá” của ông Tiến Sĩ Sắc?

Người ta chỉ biết ông Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Giáo Dục Nguyễn Thiện Nhân (cũng là một ông tiến sĩ) đưa ra chương trình đào tạo tiến sĩ bị nhiều người chỉ trích. Ông Nhân còn nổi tiếng với câu tuyên bố, đa số các trường học lớn nhỏ ở Việt Nam không có cầu tiêu thì đừng hỏi ông ấy.

Một cách gián tiếp, ông Sắc cho thấy các quan chức của nhà nước Hà Nội dốt nát ù lỳ, chẳng biết gì “đột phá”. Nay phải rước về thật nhiều tiến sĩ cho nó “đột phá”. Ấy gọi là chương trình “tiến sĩ đột phá.”

Ký giả Cao Nhật của VietnamNet khi phỏng vấn ông Tiến Sĩ Lê Anh Sắc ngày 16 Tháng Chín, 2009 có “đột phá” cái phong bì nào không? Vì mới ngày 25 Tháng Tám, 2009, ký giả Thoại Mi, cũng của VietnamNet, cũng đã có bài viết về cùng đề tài này mà lại còn chi tiết hơn nữa.

Trong bản tin của ký giả Thoại Mi, tác giả này viết “Trước mắt, trong thời hạn ngắn hơn (đến 2012), Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu 100% cán bộ khối chính quyền diện thành ủy quản lý có trình độ trên đại học, trong đó 50% là tiến sĩ; tất cả cán bộ diện thành phố quản lý (chi cục trưởng, phó chi cục trưởng; trưởng phòng, phó trưởng phòng các sở, đơn vị trực thuộc sở và tương đương; trưởng phòng, phó trưởng phòng các phòng thuộc UBND quận, huyện, thị xã và đơn vị trực thuộc) trình độ trên đại học, trong đó 25% thạc sĩ, 25% tiến sĩ.”

Vậy thì chỉ trong vòng ba năm, Hà Nội đã có đầy trí thức làm cho nhà nước rồi, nhà cầm quyền cũng có lẽ vì thế mà không cần trí thức “phản biện” nên ông Nguyễn Tiến Dũng mới ra cái quyết định 97/QÐ/TTg buộc đám trí thức IDS từ ngày 15 Tháng Chín, 2009 muốn nói gì, chỉ được phép nộp phản biện cho quan chức (sẽ toàn là trí thức tiến sĩ), còn nghe hay không tùy họ, chứ không được hô hoán lên cho thiên hạ biết (mà dĩ nhiên là đầy phản động).

Hai năm trước, Bộ Giáo Dục Việt Nam có kế hoạch đề nghị đào tạo 20,000 tiến sĩ trong 10 năm, nhiều người chê là không thực tế. Nhưng nếu hiểu cái vận hành của hệ thống hậu đại học ở Việt Nam thì làm được chứ sao không? Bởi vì, như một ông (cũng là) tiến sĩ hiệu trưởng một trường đại học ở Việt Nam nhìn nhận qua lời kể của ông Nguyễn Thiện Nhân như thế này: “Có lần tôi gặp hiệu trưởng một trường ÐH có uy tín về đào tạo tiến sĩ. Tôi có hỏi trong luận án tiến sĩ của NCS ở trường có gì mới không. Vị hiệu trưởng này trả lời không có gì mới cả. Vì những cái mới, thế giới đã làm hết rồi”. (theo báo Tổ Quốc).

Còn tờ Thể Thao & Văn Hóa hồi Tháng Giêng, 2006 viết một bài về tình trạng đào tại tiến sĩ ở Việt Nam với rất nhiều đặc điểm không thể có trên thế giới.

Sau khi dẫn lời ông Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận Việt Nam có 2,500 tiến sĩ “yếu”, Thể Thao & Văn Hóa viết, “Bằng cấp với nhiều người chỉ để làm đẹp hồ sơ, tạo cơ hội cho sự thăng tiến. Có 1,001 lý do để ra đời những thế hệ ‘tiến sĩ giấy’.”

Tờ báo này kể, “Một nghiên cứu sinh cho biết: ‘Việc cơ quan nhàn rỗi, quan hệ vợ chồng trục trặc, không có gì hay ho nên đi học tiến sĩ cho vui!’ Không phải là chuyện tiếu lâm Việt Nam, mà là chuyện thật 100%.”

Chuyện nhờ người khác viết luận văn, thuê người “chép” luận văn của người khác không phải là chuyện họa hiếm.

Học sinh phổ thông quay cóp đã đành, tiến sĩ cũng quay cóp. Ði thi đầu vào còn quay cóp, thế nên chuyện xào luận văn người khác, ăn cắp chất xám của người khác cũng không phải là chuyện hiếm. Vì không phải hiếm nên nhiều người làm mà không xấu hổ.” TT&VH viết.

Tờ TT&VH thuật cuộc họp tổng kết về đào tạo sau ÐH của Bộ GD-ÐT, Thứ trưởng Bộ GD-ÐT Bành Tiến Long đã thừa nhận, “Nhiều cơ sở đào tạo đã chạy theo số lượng, tổ chức tuyển sinh chưa nghiêm, chưa ngăn chặn được các hiện tượng tiêu cực trong thi cử, các điều kiện dự tuyển được xử lý mang tính đối phó với quy chế. Bởi vậy không ít cơ sở đã cho 100% nghiên cứu sinh dự tuyển đỗ cả, không hề có sự sàng lọc.”

Còn ông GS Lê Quang Minh, hiệu trưởng Trường ÐH Cần Thơ, cho biết, “Nếu như ở các nước, đánh giá để ‘chấm’ một tiến sĩ, người ta căn cứ vào nhiều thứ... thì theo quy định của Việt Nam, các cơ sở chỉ đánh giá thông qua đề cương nghiên cứu của nghiên cứu sinh.”

GS Minh kể cho một thí dụ, “Tôi mới trực tiếp chấm 5-6 luận án, thì có đến 2 luận án đề cập đến cùng một vấn đề. Như vậy nếu xét ở số lượng luận án lớn hơn, số trùng nhau sẽ nhiều đến thế nào?!”

Chương trình đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam là thế đó, nên nếu thành phố Hà nội có lập kế hoạch trong 3 năm nữa, nếu cái thủ đô này muốn tất cả cán bộ công chức đều có bằng tiến sĩ cả, thì cũng làm được chứ sao! Bỏ ít tiền đầu tư cho cái bằng “tiến sĩ tư duy”, rồi sau đó lấy lại vốn bằng tiền bồi dưỡng “tư duy” một vốn 100 lãi chẳng đi đâu mà thiệt. Chỉ làm vẻ vang cho cái nước dân chủ gấp triệu lần tư bản thôi.

(Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=101396&z=157)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Những Cánh Diều Thành Phố
Đặng Đức Cương
22:08 18/09/2009

NHỮNG CÁNH DIỀU THÀNH PHỐ



Ảnh của Đặng Đức Cương

Nhìn những diều bay, biển cuối hè

Nhớ ngày xưa cũ cánh diều quê

Vút bay trong gió trên đê nhỏ

Và sáo vi vu quyện nắng chiều.

(nđc)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Từ Điển Thuật Ngữ Công Giáo
Từ Điển Thuật Ngữ Báo Chí Công Giáo: Matrimony - Metanoia
Nguyễn Trọng Đa
17:28 18/09/2009
Matrimony
Hôn phối. Là hôn nhân, nhưng với từ ngữ thích hợp hơn với ứng dụng pháp lý và tôn giáo. Đây là từ ngữ riêng cho bí tích hôn phối, và quy chiếu đến mối quan hệ giữa chồng và vợ hơn là đến nghi thức hoặc tình trạng hôn nhân.
Mattathias
Mattathias, ông Mát-tít-gia. Là thân phụ của năm người con trai và là người lập nên gia đình Maccabee (Ma-ca-bê). Vua Hi Lạp cố gắng loại trừ mọi dấu vết Do thái giáo, giết hết những ai ngoan cố chống lại ông. Mattathias rất phẫn nộ về các nỗ lực ấy, và từ chối việc “ngồi đó mà nhìn Thành Thánh bị nộp vào tay quân thù, nhìn Thánh Điện rơi vào tay những kẻ ngoại bang" (I Mcb 2:7). Khi thánh chỉ của Vua được thực thi trong thành ở của Mattathias, ông này giết chết vị đại diện của nhà vua và cùng với năm con trai trốn đi nơi khác. Ông tổ chức lực lượng chiến đấu và khuyến khích các con tiếp tục chiến dịch kháng cự sau khi ông đã qua đời. Họ thành công đến nỗi trong nhiều năm họ đã duy trì được các tự do tôn giáo và chính trị của Israel (I Mcb 2).
Matter
Vật chất, chất thể. Là chất tạo thành một vật thể. Nó không phải là tinh thần và có một số đặc tính, như lực hấp dẫn, trương độ, có thể chia làm nhiều phần, kích thước, trọng lượng, khối lượng và thể tích; nó cũng có thể đo lường được trong không gian hay thời gian.
Matter, Sacramental
Chất thể bí tích. Là các yếu tố vật chất hoặc các hành vi giác quan của con người, xét là cần thiết cho việc lãnh bí tích. Các chất thể này tiếp nhận ý nghĩa từ các lời nghi thức đi kèm theo. Chất thể thành sự phải được sử dụng và là cần thiết cho bí tích thành sự.
Matter Of A Sacrament
Chất thể của bí tích. Là phần của một bí tích, được sử dụng để thực thi nghi thức bí tích. Đây là phần của bí tích, mà điều gì đó cần làm với nó hoặc nhờ nó để ban ân sủng, chẳng hạn nước trong bí tích Rửa tội, dầu thánh trong bí tích Thêm sức, bánh và rượu trong bí tích Thánh thể.
Matthew
Thánh Mátthêu. Là một trong Mười hai Tông đồ và là tác giả của Tin mừng thứ nhất. Ngài là một người thu thuế cho chính quyền Roma. Các thánh Máccô và Luca cho biết rằng Mátthêu (còn gọi là Levi, Lê-vi) đang làm việc tại trạm thu thuế khi Chúa Giêsu kêu gọi ngài gia nhập nhóm các môn đệ của Chúa, và Mátthêu nhanh chóng vâng lời Chúa (Mc 2:14). Sau đó, khi ngài tiếp đãi Chúa Giêsu và các môn đệ trong bữa ăn ở nhà ngài, người ta thấy rõ ràng là người Do Thái đã bực bội và khinh miệt các người thu thuế biết bao (Lc 5:27-32). Người ta không biết gì thêm về tiểu sử của ngài qua các bút tích của ngài, vì ngài không hề nói về mình trong Tin Mừng của ngài. Mục đích viết của ngài là cố gắng thuyết phục các Kitô hữu gốc Do Thái giáo rằng Chúa Giêsu là Đấng Messiah (Mê-si-a, Thiên Sai), và hoàn thành lời hứa của các ngôn sứ. Do đó, không ngạc nhiên chút nào khi Mátthêu trích dẫn Cựu Ước nhiều hơn so với các thánh Máccô và Luca. (Từ nguyên Hi Lạp mathhaios hay matthaios; từ tiếng Aramaic mattai, chữ tắt của tử ngữ Do thái cổ mattanyah, quà tặng của Đức Chúa.)
Matthias
Matthias, thánh Mát-thi-a. Là người thay thế cho Judas (Giu-đa) làm một Tông đồ. Người ta ít biết về tiểu sử của ngài. Có lẽ ngài là một trong 72 môn đệ mà thánh Luca đã nói tới (Lc 10:1), bởi vì thánh Phêrô, khi sắp xếp việc thế chỗ cho Judas, đã nhấn mạnh rằng người này phải là người “đã cùng chúng tôi đi theo Chúa Giêsu suốt thời gian Người sống giữa chúng ta." Matthias và Barsabbas (Ba-sa-ba) được chọn làm ứng viên sáng giá. Và Matthias đã được chọn qua việc rút thăm (Cv 1:21-26).
Maurists
Tu sĩ Dòng Thánh Maur. Là các đan sĩ Biển Đức người Pháp thuộc Dòng thánh Maur, được thành lập dưới thời Richelieu năm 1621. Từ năm 1672 trở về sau, tu sĩ Dòng này chuyên về nghiên cứu học thuật và sản sinh nhiều người nổi tiếng như Mabillon, Massuet, và Aubert. Khi một số tu sĩ tham gia phái Jansen (đạo lý khắc khổ), kỷ luật Dòng sút giảm và cuối cùng Dòng bị Đức Giáo hoàng Piô VII giải tán năm 1818.
May
Tháng Năm. Tháng sùng kính đặc biệt Đức Trinh Nữ. Tục lệ này phát sinh từ thế kỷ 16, được tạo ra đề chống lại sự không trung thành với giáo lý và sự vô luân của nhiều người. Đức Giáo hoàng Piô VII chấp thuận và ban ân xá cho các kinh nguyện đặc biệt được người ta dâng lên Đức Mẹ trong tháng Năm. Các Đức Giáo hoàng Lêô XIII và Piô XII đã ban bố một số văn kiện có ý nghĩ và lòng sùng kính Đức Mẹ, ủng hộ việc sùng kính tháng Năm khắp trong Giáo hội.
May Crowning
Rước kiệu Đức Mẹ trong tháng Năm. Là cuộc rước kiệu trọng thể trong tháng năm, và kết thúc cuộc rước là tượng Đức Mẹ được đội triều thiên bằng vòng hoa hồng hoặc vật trang trí thích hợp. Có vinh dự đặc biệt cho người được chọn để đội triều thiên cho tượng Đức Mẹ. Rước kiệu Đức Mẹ trong tháng Năm thường là đỉnh cao của lòng sùng kính Đức Mẹ ở một giáo phận, giáo xứ, một học hiệu hoặc một hội đoàn Công giáo.
May Laws
Bộ luật tháng Năm. Là bộ luật được áp dụng tại Đức do Quốc hội Phổ (Prussian Landtag) ban bố năm 1873; luật này nhằm đưa Giáo hội Công giáo ở Đức hoàn toàn ở dưới sự kiểm soát của Nhà nước, và do đó tách rời khỏi Roma. Chính quyền dân sự Đức là trọng tài duy nhất của luật lệ Giáo hội; giáo sĩ có thể rời chức vụ của mình bằng cách tỏ lộ sự mong muốn của mình với một thẩm phán thế tục; việc bổ nhiệm các chức vụ Giáo hội chỉ tùy thuộc việc xem xét của Nhà nước mà thôi; sự cách chức giáo sĩ phải do Nhà nước kiểm soát; các tòa trống ngôi trở thành nơi Nhà nước cai trị; cộng đòan Dòng tu bị xóa bỏ, chỉ trừ các Dòng chăm sóc bệnh nhân. Mọi sự bất đồng ý kiến nào của giáo sĩ sẽ mất hết mọi tài sản. Các luật trên có hiệu lực cho đến năm 1887, khi chúng được sửa đổi rất nhiều. Chúng không bị hủy bỏ cho đến năm 1905.
M.C.
M.C., Master of ceremonies, Trưởng nghi, trưởng ban nghi lễ.
Mean
Trung gian, trung bình, trung độ, trung lưu. Nói chung, đây là cái gì nằm ở giữa so với các cái khác. Đây có thể là trung bình trong sự so sánh, hoặc là trung độ giữa hai thái cực. Trong hành xử luân lý, đây là cách thức ôn hòa và hợp lý nhất của hành động, mà không thất bại do thái quá hoặc bất cập, như lòng can đảm ở giữa tính liều lĩnh và tính nhát gan. Do đó có trung độ của nhân đức luân lý, vốn làm điều đúng theo cách thức đúng, trong biện pháp đúng, đúng lúc, đúng chỗ, và do đúng người làm. Trong chính trị, từ ngữ có nghĩa là ôn hòa, là điều kiện của Nhà nước kiếm soát toàn dân bằng giai cấp trung lưu. (Từ nguyên Latinh medianus, từ chữ medius, ở giữa, trung gian.)
Meaning
Ý nghĩa. Là điều được nhắm tới trong bất cứ thông tin tư tưởng nào. Trong giáo huấn của Giáo hội, đó là sự thật được chuyển trong ngôn ngữ dễ hiểu, mà những người đã sẵn sàng đón nhận nó, sẽ tiếp nhận nó từ định nghĩa, tuyên bố hoặc quyết định của phẩm trật Giáo hội.
Means
Phương tiện, phương thế, biện pháp, cách thức. Là điều gì được nhắm tới không vì lợi ích của chính nó, nhưng vì lợi ích của một sự vật khác; nó được gọi là phương tiện bởi vì nó nằm giữa tác nhân và mục đích, và sự sử dụng nó đem tác nhân đến một mục đích hoặc cùng đích. Từ ngữ này cũng có nghĩa là vừa phương tiện vừa mục đích, trong khía cạnh khác nhau, vì nó có thể được tìm kiếm vì chính lợi ích của nó và vì lợi ích của điều gì tốt hơn. Và như thế nó được gọi là cùng đích trung gian, và có thể một loạt cùng đích trung gian, chẳng hạn khi một người muốn A để có B, rồi muốn B để có C,...
Means-End
Phương tiện-Mục đích. Là điều gì tốt mà một người tìm kiếm vì chính nó, và đó cũng là mục đích; nhưng nó là cũng như một cách thức để tìm ra điều khác, do đó nó là một phương tiện. Hầu hết hành vi con người có đối tượng là điều gì vừa là được ước muốn trong chính nó, vừa hữu ích để tìm kiếm một mục đích ước muốn khác.
Means Of Social Communication
Phương tiện truyền thông xã hội. Là mọi phương tiện sẵn có để thông tin ý tưởng, sự kiện, và kinh nghiệm nhằm cho chúng có tác động đến hạnh phúc của xã hội con người.
Measure
Biện pháp, đo lường. Là sự lọai suy với một chuẩn tính tóan số lượng, và tiêu chuẩn phán đóan, đánh giá hoặc so sánh. Được Chúa Kitô dùng để mô tả lòng Chúa thương xót chúng ta được đo lường bằng lòng thương xót của chúng ta với tha nhân. Nó là một cơ sở của giá trị, vì sự hợp tác của một người với ơn Chúa quyết định phần thưởng siêu nhiên cho người ấy. Sự đo lường được dùng để mô tả một tỉ lệ, độ, mức độ, chẳng hạn “Bình đẳng là sự đo lường của công lý."
Meat
Thịt. Là thịt của động vật và chim được con người ăn, như được hiểu trong luật của Giáo hội. Việc ăn thịt bị cấm vào các ngày kiêng thịt, và việc ăn chay có một giá trị thiêng liêng, phát sinh từ thời Cựu Ước và được thực thi từ thời các thánh Tông đồ. “Luật kiêng thịt cấm ăn thịt, nhưng không cấm trứng, sản phẩm từ sữa hoặc đồ gia vị làm từ mỡ động vật" (Đức Giáo hoàng Phaolô VI, Paenitemini, Điều III, 1).
Mechanism
Bộ máy, guồng máy, cơ chế. Là thuyết cho rằng mọi sinh vật, không lọai trừ linh hồn con người, là các bộ máy phức tạp ít hay nhiều. Trong quan điểm này, mọi sự sống hữu cơ chỉ là một chức năng hoặc biến thái của vật chất, tuân theo các luật nền tảng của lý hóa.
Mechitarists Or Mekhitarists
Tu sĩ Dòng Mechitar hoặc Dòng Mekhitar. Là một cộng đòan tu sĩ công giáo Armenia, được thành lập tại Constantinople năm 1701 và tuân giữ luật Biển Đức sửa đổi. Cộng đoàn này được thành lập bởi Mechitar thành Sebaste, một linh mục Armenia tuân phục Roma, và cộng đòan rời khỏi Constantinople và cư ngụ trong lãnh thổ của Venice, cuối cùng đến sống trên đảo San Lazzaro. Có một nhóm khác đến sống ở Vienna, Áo. Dòng Mechitar dấn thân vào công tác giáo dục và truyền giáo, và đã xuất bản nhiều tác phẩm quan trọng bằng tiếng Armenia. Họ dùng Phụng vụ Armenia.
Medals
Ảnh đeo, huy chương. Là miếng kim lọai hình tròn như đồng bạc mang hình ảnh Chúa Kitô, Đức Mẹ và vị thánh, hoặc một đền thánh hay một sự kiện thánh. Các ảnh đeo này được Giáo hội làm phép và sử dụng để gia tăng lòng mộ đạo. Việc sử dụng ảnh đeo đã có từ thuở xưa; nhiều ảnh được tìm thấy trong các hang tọai đạo, một số có biểu tượng chi-rho. Trong thời Trung Cổ người hành hương, khi rời địa điểm hành hương, được tặng ảnh đeo có hình đền thánh. Ngày nay người hành hương đến Roma, Lộ Đức, và các nơi khác đều mua ảnh đeo để làm kỷ niệm chuyến đi. Hiệu quả của việc đeo ảnh này tùy thuộc vào đức tin của người đeo, và vào ân xá Giáo hội ban cho nhờ việc đeo ảnh ấy. Có vô số ảnh đeo được Giáo hội chấp thuận. Trong số các ảnh được đeo nhiều nhất, có áo Đức Bà và ảnh Đức Mẹ hay làm phép lạ nhằm tôn kính Đức Trinh Nữ.
Mediator
Đấng Trung Gian. Là một tước hiệu của Chúa Kitô như một Đấng hòa giải Thiên Chúa với lòai người. Tước hiệu này dựa vào lời dạy của thánh Phaolô, khi ngài nói “chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Ki-tô Giê-su, Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người" (I Tm 2:5-6). Chúa Kitô là đấng có tư cách nhất để làm Đấng Trung gian, nghĩa là một Đấng đem mọi bên đạt thỏa thuận với nhau. Là Thiên Chúa, Chúa Kitô là Đấng mà với Ngài nhân lọai cần phải được hòa giải; là con người, Ngài đại diện cho những người cần sự hòa giải. Chúa Kitô tiếp tục công trình trung gian của Ngài, không còn thưởng ơn tha thứ cho con người, nhưng thông ban ơn đã chiến thắng trên Thánh giá. Hơn nữa, không có ai khác ngoài Chúa Kitô đáng được gọi là Đấng Trung gian theo nghĩa thứ yếu, “nghĩa là họ cộng tác trong sự hòa giải của chúng ta; sắp xếp và chăm sóc sự kết hiệp của con người với Thiên Chúa” (Thánh Tôma Aquinas, Summa Theologica, III, 48, 1). Thật ra mỗi người chúng ta, khi cộng tác với ơn Chúa, là một thứ trung gian giữa chính bản thân mình với Chúa rồi. (Từ nguyên Latinh mediator, từ chữ mediare, đứng giữa hay chia ở giữa.)
Mediator Dei
Thông điệp Mediator Dei. Thông điệp “Đấng Trung gian của Thiên Chúa” của Đức Giáo hoàng Piô XII về Phụng vụ (ngày 30-11-1947). Đây là một văn kiện lịch sử, tóm tắt sự phát triển phụng vụ trong Giáo hội cho đến ngày nay, và đặt nền móng cho các cải cách phụng vụ của Công đồng chung Vatican II. Văn kiện định nghĩa rõ ràng ý nghĩa phụng vụ là sự thờ phượng công khai chính thức của Giáo hội; nhấn mạnh đến ưu tiên của của sự thờ phượng ở nội tâm; nhấn mạnh đến nhu cầu cho phụng vụ phải thuộc về phẩm trật trong Giáo hội; kể lại sự phát triển của phụng vụ kể từ Công đồng chung Trent, nhưng nhấn mạnh rằng để có hiệu lực sự phát triển này không thể giao cho sự phán đóan riêng tư; văn kiện tuyên bố rằng Bí tích Thánh Thể là đỉnh cao và là trung tâm của Kitô giáo; thúc giục tín hữu tham gia tích cực và mạnh mẽ vào việc phượng tự, nhất là trong Thánh lễ; giải thích cách thức hoa quả của việc Rước lễ được gia tăng bằng sự chuẩn bị tốt hơn và việc cám ơn Chúa sốt sắng; khen ngợi những ai sùng kính Sự Hiện Diện Thật sự của Chúa và cổ vũ lòng sùng kính này nơi tín hữu; đặt Kinh Thần tụng bên cạnh Thánh Thể như là một phần của đời sống phụng vụ của Giáo hội; nêu ra rằng niên lịch phụng vụ nên xoay chung quanh các mầu nhiệm cuộc đời, cuộc Thương khó, Tử nạn và Phục sinh của Chúa Kitô; và khuyến khích các việc đạo đức ngòai phụng vụ để gia tăng lòng đạo đức của các linh mục, tu sĩ và giáo dân.
Medieval Music
Âm nhạc Trung Cổ. Thời kỳ từ năm 600 đến năm 1400 được xem như là thời kỳ Trung Cổ. Trong thời kỳ này, âm nhạc phụng vụ và hát đơn ca thế tục ở vào thời phát triển lớn nhất. Nhạc đa âm đạt các hình thức nghệ thuật tinh tế và nhạc Bình ca đang ở thời kỳ đầu, như âm nhạc Ambrosian ở miền bắc nước Ý, âm nhạc Gallican ở Pháp, và âm nhạc Visigothic ở Tây Ban Nha. Nhu cầu cho phụng vụ thống nhất trở nên rõ ràng nhất, vì mỗi vùng địa lý lý luận rằng âm nhạc của họ thắng thế hơn Roma cho đến thế kỷ 11, khi đó phụng vụ Roma được buộc áp dụng khắp nơi, trừ một vài địa phương mà thôi. Thời gian từ năm 700 đến năm 800 chứng kiến mọi bài ca được tô điểm bằng lời ca mới, dạo khúc mở đầu và thời gian nghỉ giữa hai phần nhạc. Ca tiếp liên xuất hiện từ thế kỷ 12, và trở nên quá công phu trau chuốt đến nỗi Công đồng chung Trent cảm thấy buộc phải cấm mọi ca tiếp liên trừ các ca tiếp liên sau đây: Lauda Sion (Hỡi Sion hãy ngợi khen), Veni Creator Spiritus (Lạy Chúa Thánh Thần Tạo Dựng, xin ngài hãy đến), Victimae Paschali Laudes (Tán tụng Chiên Vượt Qua), và Dies Irae (Ngày thịnh nộ), sau đó một thời gian chấp nhận thêm Stabat Mater (Mẹ đứng đó). Một danh sách lớn các bài ca thế tục xuất hiện trong cùng thế kỷ 12, nhưng ảnh hưởng của chúng vào nhạc đạo là rất nhỏ. Giai điệu của các chàng hát rong xuất hiện ở miền nam nước Pháp, lan lên miền bắc rồi lan đến các minnesinger của Đức. Các chàng trai hát rong chiếm các vị trí hàng đầu trong lịch sử âm nhạc thời Trung Cổ, với Tây Ban Nha, Ý và Anh có nhiều bài thánh ca nhất. Thế kỷ 13 chứng kiến thánh ca chầu Phép lành phát triển, bằng cách sử dụng lời Kinh thánh, nhưng sau đó các khía cạnh phụng vụ của ngôn từ không còn được quan tâm, nhường chỗ cho giai điệu chàng hát rong và các điệu múa. Nhiều nhịp điệu khác nhau được phát triển vào giữa thế kỷ 13; nhịp điệu ba phách thống trị trong âm nhạc đa âm. Hình thức ballad xuất hiện trong thế kỷ 14, với các nét điệu tô điểm và nhịp chỏi bất thường được thử sử dụng. Khi thời kỳ này kết thúc, một sức đẩy âm nhạc mới phát sinh từ Anh -- nghệ thuật mới khai thác quãng ba và quãng sáu, rất quan trọng cho âm nhạc.
Meditation
Suy niệm. Là việc cầu nguyện bằng suy tư. Đây là hình thức tâm nguyện, trong đó tâm trí, trước sự hiện diện của Chúa, suy nghĩ về Chúa và về các sự thánh thiện. Trong khi tình cảm có thể là tích cực, sự nhấn mạnh trong suy niệm này là vai trò của tâm trí. Vì vậy có có thể gọi là tâm nguyện tản mác. Các đối tượng suy niệm chủ yếu là: các mầu nhiệm đức tin; sự hiểu biết tốt hơn của con người về điều Chúa muốn mình làm; và ý Chúa, để hiểu cách thức Chúa muốn được phụng sự bởi người đang suy niệm. (Từ nguyên Latinh meditatio, suy nghĩ về.)
Meekness
Hiền lành, ôn hòa, nhu mì. Là nhân đức làm dịu sự nóng giận và các tác dụng rối lọan của nó. Đây là một hình thức của tính điều độ, kiểm soát mọi cử động bất thường của sự oán giận đối với tính tình hoặc cách hành xử của người khác.
Melancholic Temperament
Tính khí đa sầu. Là một trong bốn tính khí cổ điển, với đặc điểm là trầm ngâm và thận trọng. Những người có tính khí này thích ở một mình, dễ buồn nản, và phải đấu tranh để vượt qua xu hướng tự nhiên về bi quan.
Melancholy
U sầu, ưu sầu, u buồn, sầu muộn, đa sầu. Là một trạng thái thường xuyên của sự nản lòng. Đây là kết quả của sự rối loạn tình cảm, trong đó tư tưởng của một người thừa nhận một tính tình đa sầu khi gặp một kích thích dù là nhẹ.
Melchizedek
Melchizedek, ông Men-ki-xê-đê. Là Vua thành Salem (Sa-lem) và là tư tế. Khi Abraham (Áp-ra-ham) từ trận chiến trở về sau khi cứu ông Lot (Lót), ông Melchizedek chào đón ông và chúc phúc để mừng chiến thắng của ông (St 14:18-20). Đổi lại Abraham biếu một phần mười chiến lợi phẩm do chức tư tế của ông. Trong một Thánh vịnh nói về vai trò vừa là tư tế vừa là vua, David (Đa-vít) kêu lên “ĐỨC CHÚA đã một lần thề ước, Người sẽ chẳng rút lời, rằng: "Muôn thuở, Con là Thượng Tế, theo phẩm trật Men-ki-xê-đê" (Tv 110:4). Chỉ có hai quy chiếu đến tư tế-vua trong Cựu ước. Trong Tân Ước, Thư gửi tín hữu Do thái (Dt) liên kết chức linh mục của Chúa Kitô với chức tư tế của Melchizedek, bằng cách đưa vào ba chương liên tiếp lời khẩn cầu của Tv 110: “Chúa Kitô trở thành vị Thượng Tế đời đời theo phẩm trật Men-ki-xê-đê." Đây cũng là nền tảng Kinh thánh cho giáo lý Công giáo, nói rằng một người khi được truyền chức Linh mục, thì trở nên giống như “Chúa Kitô là vị Thượng Tế đời đời theo phẩm trật Men-ki-xê-đê" (Dt 5, 6, 7).
Melitian Schism
Ly giáo Melitius. Là sự ly giáo trong Giáo hội ở Ai cập trong thế kỷ thứ tư. Cuộc ly giáo này được khởi đầu bởi Melitius, Giám mục giáo phận Lycopolis, Ai Cập, khi ông chống đối cách thức hòa giải mà thánh Phêrô, Tổng Giám mục Alexandria, đang làm cho các người Công giáo sa ngã trở về với Giáo hội. Là một ly giáo khác, mang cùng tên, diễn ra tại Antioch trong cuộc tranh cãi giữa hai phe chính thống về ngai tòa giám mục. Thánh Melitius (qua đời năm 381), người cho là mình đúng lý, phải sống lưu đày và tạm thời xa rời khỏi Roma do sự trình bày sai lệch của các người Arian chống đối ngài.
Melkites
Giáo hội bảo hoàng. Là các Kitô hữu Byzantine hậu duệ của các người trung thành với Công đồng Chalcedon (năm 451), khi phần lớn người ở Cận Đông chấp nhận lạc thuyết Nhất tính. Họ dần dần tùy thuộc vào Thượng phụ ở Constantinople và liên kết với ngài trong cuộc Ly khai Hi Lạp từ thế kỷ thứ chín đến thế kỷ 11. Họ trở về hiệp nhất với Roma trong thế kỷ 18 dưới thời Thượng phụ Cyril VI, là người cùng với các người kế vị đại diện cho hàng giám mục chính thống của Antioch. Kể từ thế kỷ 12, họ tuân giữ Nghi lễ Byzantine, và chủ yếu sử dụng tiếng Ả rập.
Memento Of The Dead
Kinh tưởng nhớ người chết. Là kinh tưởng nhớ các tín hữu đã qua đời, sau phần Truyền phép của Thánh lễ. Trong Lễ quy Roma, Kinh tưởng nhớ người chết luôn được đọc thầm, sau lời loan báo ngắn: “Lạy Chúa, xin cũng nhớ đến (những) tôi tớ Chúa là T... (và T...) được ghi dấu đức tin, đã ra đi trước chúng con và đang nghỉ giấc bình an, nhất là những ngưởi chúng con đang cầu nguyện cho hôm nay.” Trong các Lễ quy khác, có một Kinh tưởng nhớ chung cho người chết, và trong Thánh lễ cầu hồn, có kinh đặc biệt nêu tên các người qua đời được Thánh lễ ấy cầu nguyện cho. (Từ nguyên Latinh memento, xin hãy nhớ [mệnh lệnh cách].)
Memento Of The Living
Kinh cầu cho người sống. Là kinh cầu trong Thánh lễ cho những người mà linh mục và giáo dân muốn cầu nguyện cho cách đặc biệt. Trong Lễ Quy Roma, kinh cầu này diễn ta trước khi Truyền Phép, và những người ấy được nêu tên âm thầm, sau đó là kinh cầu chung cho người sống. Trong các Lễ quy khác, chỉ có một kinh cầu chung cho Giáo hội, chứ không có Kinh cầu đọc thầm cho người sống.
Memorare
Memorare, Kinh Hãy Nhớ. Là kinh cầu bầu với Đức Trinh nữ Maria, thường được gán tác giả là thánh Bernard ở Clairvaux (1090-1153), có lẽ bởi vì kinh được Claude Bernard, “vị Linh mục nghèo” (1588-1641), phổ biến. Còn tác giả thật là ai thì không rõ. Bản kinh đầu tiên được biết đến từ thế kỷ 15. Kinh thường được các Đức Giáo hoàng ban ân xá, và hiện nay có tiểu xá cho mỗi lần đọc kinh này. Bản kinh trong tiếng Việt đọc là: “Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria là Mẹ rất nhân từ, xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ xin bầu chữa cứu giúp mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhậm lời. Nhân vì sự ấy, con hết lòng trông cậy than van chạy đến sấp mình xuống dưới chân Đức Mẹ là Nữ Đồng Trinh trên hết các kẻ đồng trinh, xin Đức Mẹ đoái đến con là kẻ tội lỗi. Lạy Mẹ là Mẹ Chúa Cứu thế, xin chớ bỏ lời con kêu xin, một dủ lòng thương và nhậm lời con cùng. Amen." (Từ nguyên Latinh memorare, kêu mời nhớ đến.)
Memorial
Tưởng nhớ, hồi niệm, lễ nhớ. Là các việc tưởng nhớ tôn giáo, nhất là Hy tế Tạ ơn. Tuy nhiên, không như các cuộc tưởng nhớ khác, Thánh lễ không phải là việc tưởng nhớ bình thường. Thánh lễ thực sự nhớ lại các mầu nhiệm của cuộc đời Chúa Kitô, và nhất là việc Chúa chịu đóng đinh. Tuy nhiên, Thánh lễ “không chỉ là cuộc tưởng nhớ trống không về cuộc tử nạn và cái chết của Chúa Giêsu Kitô, mà là một hành động hy tế thật sự và đúng nghĩa, qua đó vị Linh mục Thượng Phẩm, với sự hiến tế không đổ máu, tự hiến mình làm lễ vật được Chúa Cha vui lòng chấp nhận, như chính Ngài chết trên thập giá vậy" (Đức Giáo hoàng Piô XII, thông điệp Mediator Dei, 68). (Từ nguyên Latinh memorialis, thuộc về hoài niệm, từ chữ memoria, hoài niệm, kỷ niệm.)
Memory
Trí nhớ, ký ức. Là khả năng của một người để lưu giữ, tái hiện và nhắc lại y chang các kinh nghiệm quá khứ của mình. Luyện trí nhớ là quan trọng cho đời sống luân lý đúng. Nó được thực hiện bằng cách phát triển tập quán nhắc nhớ thường xuyên các ý tưởng hoặc tâm trạng, vốn tác động cách cư xử tốt, chẳng hạn sự hiện diện của Chúa, gương Chúa Kitô. Tâm nguyện, ngoài các lợi ích khác, cũng giúp củng cố trí nhớ cho điều tốt luân lý.
Mendacity
Nói dối, xuyên tạc, nói điêu. Là một rối loạn nhân cách xui khiến nói dối thường xuyên, hoặc cố tình lừa gạt người khác. (Từ nguyên Latinh mendax, nói dối, giả tạo, láo, xuyên tạc.)
Mendicant Friars
Tu sĩ Dòng Hành Khất. Là thành viên của các Hội Dòng cấm có tài sản riêng trong cộng đòan, do đó họ cần lao động hoặc đi xin ăn để sống, và không bị ràng buộc vào một cộng đòan bởi lời khấn sống cố định một chỗ lâu dài. Thuở đầu tên gọi này là dành cho Dòng Phanxicô và Dòng Đaminh. Sau đó tên và quyền lợi được mở rộng cho Dòng Carmêlô (năm 1245), các thầy ẩn tu của thánh Âu Tinh (năm 1256), và Dòng Tôi tớ Đức Mẹ (năm 1424). Một thời gian sau, các Dòng khác cũng nhận danh hiệu này. Theo luật Giáo hội, tu sĩ Dòng Hành khất được phép đi khất thực trong khu vực có tu viện của mình, khi được phép của bề trên Dòng. Ở các nơi khác, họ phải xin phép của Giám mục địa phương. (Từ nguyên Latinh mendicus, ăn mày; và người tàn tật, người đáng thương.)
Menology
Liệt truyện các thánh. Là bộ sưu tập hạnh các thánh trong Giáo hội Hi Lạp, được sắp xếp theo tháng và ngày; cũng là một lịch Giáo hội chứa các bài học từ Kinh thánh theo ngày lễ từng vị thánh. Ở Đông phương, Liệt truyện các thánh là một cuốn sách dùng riêng cá nhân theo tháng và ngày, có tiểu sử một số người thánh thiện nổi tiếng nhưng chưa được phong thánh. Liệt truyện các thánh cũng được sưu tập cho từng tu viện hoặc cho tòan bộ cộng đòan của Dòng, ghi lại tóm tắt tiểu sử và thành quả của các thành viên nổi tiếng đã từ trần. (Từ nguyên Hi Lạp m_nos, tháng + logos, bài diễn văn, hiểu biết.)
Mensa
Mensa, mặt bàn thờ, bàn, một phần tài sản. Là mặt phẳng của một bàn thờ cố định hay được cung hiến. Viên đá bàn thờ di động đôi khi dùng để chỉ cả bàn thờ lẫn mặt bàn thờ. Từ ngữ này cũng áp dụng cho một phần của tài sản nhà thờ được dành để hỗ trợ đời sống cho vị giám chức hoặc thừa tác phục vụ. Trong nghĩa giáo luật, mensa đòi hỏi rằng tài sản nhà thờ được chia đều giữa phần thuộc về giáo sĩ và phần thuộc về cộng đòan nhà thờ. (Từ nguyên Latinh mensa, cái bàn.)
Mental Prayer
Tâm nguyện. Là hình thức cầu nguyện trong đó các tình cảm được diễn tả là tình cảm của chính người đó chứ không phải của người khác, và sự diễn tả các tình cảm này là chủ yếu, nếu không phải là trọn vẹn, ở nội tâm, chứ không diễn tả ra ngoài. Tâm nguyện được hoàn thành bởi các hành vi bên trong của tâm trí và tình cảm, và là sự suy niệm đơn thuần hoặc chiêm niệm. Là suy niệm, nó là sự suy xét trầm ngâm và yêu mến các chân lý tôn giáo hoặc một mầu nhiệm đức tin. Là chiêm niệm, nó là sự suy xét trực giác và yêu mến, cùng là sự chiêm ngắm các chân lý tôn giáo hoặc các mầu nhiệm đức tin. Trong tâm nguyện, có ba sức mạnh của linh hồn tham gia: trí nhớ, vốn cung cấp chất liệu trí tuệ cho suy niệm hoặc chiêm niệm; trí tuệ, vốn cân nhắc hay nhận thức trực tiếp ý nghĩa của một chân lý tôn giáo, và các hàm ý để đem ra thực hành; và ý chí, vốn diễn tả cách tự do các tình cảm của đức tin, cậy, mến, và nếu cần, đưa ra các quyết định tốt, dựa vào điều mà trí nhớ và trí tuệ giúp cho ý chí hiểu được.
Mental Reservation
Tiềm chế ý nghĩa. Là lời nói mà trong đó nghĩa chung và rõ ràng của từ ngữ bị giới hạn vào một ý nghĩa đặc biệt. Luân lý tính của loại lời nói này tùy thuộc vào liệu người nghe có thể kết luận cách hợp lý từ hoàn cảnh mà một tiềm chế ý nghĩa được sử dụng hay không.
Menticide
Sự tẩy não, sự gieo rắc nghi ngờ. Là một nỗ lực có hệ thống để bẻ gãy các niềm tin và lòng trung thành của một người bằng các phương tiện vật lý hay tâm lý, nhằm thay thế bằng các niềm tin của mình. Cũng còn gọi là sự tẩy não, nó có thể được thực hiện chủ yếu nhờ các phát minh mới trong tâm lý học, và sự sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng. (Từ nguyên Latinh mens, tâm trí + -cidium, giết chết.)
Mercedarians
Dòng Đức Bà Thương Xót. Là một Dòng tu nam giới, do thánh Phêrô Nolasco thành lập khoảng năm 1220, và do đó còn gọi là Dòng Nolascan. Lúc ban đầu Dòng này có hai mục đích chính là chăm sóc bệnh nhân và giải thoát các Kitô hữu bị người Hồi giáo bắt giữ. Luật Dòng phái sinh từ luật thánh Raymond Peñafort (1175-1275). Ngoài việc khấn ba lời khấn thường lệ, các tu sĩ Dòng còn khấn trở thành con tin nếu cần, để giải cứu các tù nhân Kitô hữu. Một Dòng nữ tương ứng cũng được thành lập tại Seville, Tây Ban Nha, năm 1568. Dòng Đức Bà Thương Xót lấy tên như hiện nay từ truyền thống sùng kính Đức Bà Thương Xót. Còn tên chính thức của Dòng là Orden de Nuestra Señora de la Merced. Hiện nay tu sĩ Dòng dấn thân trong việc rao giảng, công tác ở bệnh viện và việc mục vụ.
Mercy
Thương xót, từ bi, khoan dung, nhân hậu. Là sự sẵn sàng sống dễ thương và tha thứ. Dựa trên nền tảng lòng trắc ẩn, lòng thương xót khác với sự thương cảm (compassion) hoặc cảm tình thông cảm (sympathy), khi đặt tình cảm này vào thực hành với sự sẵn lòng giúp đỡ. Do đó, nó là sự mong muốn sẵn sàng giúp đỡ người khác đang cần mình, nhất là cần sự tha thứ hay hòa giải.
Messalians
Phái duy cầu nguyện. Là một phái hành khất đạo đức, còn gọi là Euchite (phái duy kinh nghiệm), với danh từ này có nghĩa là “người duy cầu nguyện.” Phát sinh trong thế kỷ thứ tư ở Lưỡng Hà Địa (Mesopotamia), họ bị Công đồng Ephesus lên án năm 431, nhưng vẫn tồn tại cho đến thế kỷ thứ bảy. Họ chủ trương rằng, do tội của ông Adam (A-đam) mỗi người chúng ta có một con quỷ hiệp nhất chặt chẽ với linh hồn mình. Con quỷ này bị trục xuất một phần khi con người được rửa tội, và chỉ có thể bị trục xuất hoàn tòan bởi việc cầu nguyện liên lỉ và sống khổ hạnh. Bằng chứng cho sự giải thoát hoàn toàn này là sự loại bỏ mọi dục vọng và ước muốn xấu xa. Những ai đạt đến tình trạng ấy sẽ hưởng sự chiêm ngắm Chúa Ba Ngôi ngay ở đời này.
Messiah
Messiah, Đấng Mê-si-a, Đấng Thiên Sai. Tiếng Do Thái cổ này có nghĩa là “Đấng Chịu Xức Dầu.” Từ ngữ tương đương trong tiếng Hi Lạp là Christos. Trong Cựu Ước đôi khi từ ngữ được áp dụng theo nghĩa chung cho vị ngôn sứ và tư tế (Xh 30:30), nhưng một cách đặc biệt từ ngữ quy chiếu về sự sẽ đến của một vị báo hiệu một thời kỳ công chính và chiến thắng tội lỗi và sự dữ (Dn 9:26). Trong Tân Ước, các Thánh sử nói rõ ràng rằng người ta biết Chúa Giêsu là một Đấng Messiah được mong đợi từ lâu(Cv 2:36; Mt 16:17; Gl 3:24-29). Những người từ chối chấp nhận Chúa Giêsu, giải thích vương quốc được hứa là một vương quốc trần gian, và mong đợi một đấng messiah phải là thủ lĩnh quân đội để giúp Israel chiến thắng mọi quân thù của họ.
Messianic Banquet
Bàn tiệc Thiên sai. Là bàn tiệc tượng trưng được mô tả trong các Cuộn da Biển Chết, trong đó bánh và rượu được làm phép để dự báo Đấng Messiah (Đấng Mê-si-a) sẽ đến.
Metanoia
Metanoia, sám hối, cải thiện, thay đổi tâm thức. Theo nghĩa đen là sám hối, ăn năn. Từ ngữ này thường được dùng trong Tân Ước bằng tiếng Hi Lạp, đặc biệt trong các Tin Mừng và việc rao giảng của các thánh Tông đồ. Sám hối được diễn tả bằng lòng tin, phép rửa tội, việc xưng tội, và tạo ra các hoa quả xứng đáng với sự sám hối. Nó có nghĩa là sự thay đổi tâm hồn khỏi tội lỗi và thực thi nhân đức. Là cuộc trở lại, sám hối là nền tảng cho giáo huấn của Chúa Kitô, là điều đầu tiên mà thánh Phêrô đòi hỏi vào ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, và được xem là cần thiết cho việc theo đuổi đường trọn lành Kitô giáo. (Từ nguyên Hi Lạp metanoein, thay đổi ý nghĩ, ăn năn, sám hối, từ chữ meta- + noein, nhận thức, na ná chữ Hi Lạp Greek noos, tâm trí.)