Ngày 23-09-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Chúa Nhật Thứ 25 Mùa Quanh Năm 24/09/2017 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
03:58 23/09/2017
Bài Ðọc I: Is 55, 6-9

"Tư tưởng Ta không phải là tư tưởng các ngươi".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Hãy tìm Chúa khi còn tìm được, hãy kêu cầu Người khi Người còn ở gần. Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình, và kẻ bất lương, hãy bỏ những tư tưởng mình, hãy trở về với Chúa, thì Người sẽ thương xót; hãy trở về với Thiên Chúa chúng ta, vì Chúa rộng lòng tha thứ.

Vì tư tưởng Ta không phải là tư tưởng các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta, Chúa phán như vậy. Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối Ta vượt trên đường lối các ngươi, và tư tưởng Ta cũng vượt trên tư tưởng các ngươi thế ấy.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 144, 2-3. 8-9. 17-18

Ðáp: Chúa ở gần mọi kẻ kêu cầu Người

Xướng: Hằng ngày tôi sẽ chúc tụng Chúa, và tôi sẽ khen ngợi danh Chúa tới muôn đời. Chúa vĩ đại và rất đáng ngợi khen, sự vĩ đại của Chúa không thể đo lường được.

Xướng: Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi người, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa.

Xướng: Chúa công minh trong mọi đường lối, và thánh thiện trong việc Chúa làm. Chúa gần gũi mọi kẻ kêu cầu Người, mọi kẻ kêu cầu Người cách thành tâm.

Bài Ðọc II: Pl 1, 20c-24. 27a

"Ðối với tôi, sống là Ðức Kitô"

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.

Anh em thân mến, dù tôi sống hay tôi chết, Ðức Kitô sẽ được vẻ vang trong thân xác tôi. Vì đối với tôi, sống là Ðức Kitô, còn chết là một mối lợi. Nhưng nếu sống trong xác thịt này đem lại cho tôi kết quả trong việc làm, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Tôi đang lúng túng trong hai điều này: là ước ao chết để được ở với Ðức Kitô thì tốt hơn bội phần, nhưng cứ ở lại trong xác thịt thì cần thiết cho anh em. Anh em hãy sống xứng đáng với Tin Mừng của Ðức Kitô.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 19, 38

Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến; bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. - Alleluia.

Hoặc đọc: Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin mở lòng chúng con, để chúng con lắng nghe lời của Con Chúa

Phúc Âm: Mt 20, 1-16a

"Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: "Nước trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người làm vườn nho mình. Khi đã thoả thuận với những người làm thuê về tiền công nhật là một đồng, ông sai họ đến vườn của ông. Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác đứng không ngoài chợ, ông bảo họ rằng: "Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng". Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu và thứ chín, ông cũng trở ra và làm như vậy.

Ðến khoảng giờ thứ mười một ông lại trở ra, và thấy có kẻ đứng đó, thì bảo họ rằng: "Sao các ngươi đứng nhưng không ở đây suốt ngày như thế?" Họ thưa rằng: "Vì không có ai thuê chúng tôi". Ông bảo họ rằng: "Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta".

Ðến chiều chủ vườn nho bảo người quản lý rằng: "Hãy gọi những kẻ làm thuê mà trả tiền công cho họ, từ người đến sau hết tới người đến trước hết." Vậy những người làm từ giờ thứ mười một đến, lãnh mỗi người một đồng.

Tới phiên những người đến làm trước, họ tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn, nhưng họ cũng chỉ lãnh mỗi người một đồng. Ðang khi lãnh liền, họ lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: "Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao"? Chủ nhà trả lời với một kẻ trong nhóm họ rằng: "Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng sao?" Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng? Như thế, kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết".

Ðó là lời Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha Phanxicô bất ngờ viếng thăm một trung tâm phục hồi chức năng ở Rôma
Đặng Tự Do
04:55 23/09/2017
Chiều thứ Sáu 21 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện một chuyến thăm bất ngờ đến một trung tâm phục hồi chức năng ở Rome dành cho các bệnh nhân bị các chứng bệnh về thần kinh.

Một tuyên bố của văn phòng báo chí Tòa thánh cho biết chuyến viếng thăm này là một sự tiếp nối sáng kiến "Thứ Sáu của Năm Thánh Lòng Thương Xót" mà Đức Thánh Cha đã đưa ra để khuyến khích các cử chỉ liên đới thực tế với những ai đang trong tình cảnh khó khăn.

Trung tâm phục hồi chức năng Santa Lucia, nằm về phía nam của thành phố Rome, nổi tiếng về việc chăm sóc các bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi các khuyết tật về thể chất hoặc tinh thần do tai biến mạch máu não, bệnh tủy xương, chứng Parkinson và chứng đa xơ.

Đến nơi Đức Thánh Cha Phanxicô đã được nồng nhiệt chào đón bởi ban giám đốc và nhân viên của trung tâm, cũng như các bệnh nhân và các thành viên trong gia đình họ. Đức Thánh Cha đã dành thời gian để nói chuyện và cười đùa với nhiều đứa trẻ. Ngài đặc biệt chú ý đến các phương pháp giúp các trẻ em có thể cử động bình thường trở lại.

Ngài cũng gặp những bệnh nhân lớn tuổi hơn, từ 15 đến 25 tuổi, nhiều người trong số họ bị các khuyết tật nghiêm trọng do tai nạn xe cộ.
Trước khi rời khỏi trung tâm, Đức Giáo Hoàng đã viếng thăm một phòng tập thể dục phục hồi chức năng cho người già và sau đó dành vài phút cầu nguyện trong một nhà nguyện trong trung tâm này.
 
CARA: Xu hướng sử dụng điện thoại cầm tay để cầu nguyện đang tăng mạnh
Đặng Tự Do
05:51 23/09/2017
Các sách lễ Công Giáo được in công phu trên những tờ giấy thượng hạng càng ngày càng khó bán vì số người sử dụng điện thoại cầm tay thay cho các sách lễ đang tăng mạnh tại Hoa Kỳ. Một nghiên cứu mới của Trung tâm nghiên cứu ứng dụng trong các hoạt động Tông Đồ, gọi tắt là CARA của Đại học Georgetown đã cho biết như trên.

Nghiên cứu này cho thấy xã hội Hoa Kỳ đang phụ thuộc ngày càng nhiều vào các thiết bị điện tử để tiêu thụ thông tin. Số lượng báo in đang giảm mạnh và lần lượt bị thay bằng các trang tin trực tuyến, có khả năng chuyển tải thông tin tức thì và bao gồm cả các videos, là điều báo in không thể làm được. Sách bìa cứng cũng được thay thế bằng sách điện tử. Ngay cả sách giáo khoa và sách dành cho trẻ em cũng đang được chuyển qua sử dụng kỹ thuật số.

Bên cạnh đó, khả năng truy cập vào các tác phẩm thời danh của các tác giả được yêu thích với giá $0.99, thậm chí là miễn phí, khiến cho sách in không còn có khả năng cạnh tranh với sách điện tử.

Chỉ trong năm 2016, chỉ tính trên hệ điều hành Android, tại Hoa Kỳ đã có thêm ít nhất 350 chương trình ứng dụng, mà từ chuyên môn gọi là apps, dành cho giới Công Giáo bao gồm các kinh nguyện hàng ngày, các kinh nguyện dành cho Giờ Kinh Phụng Vụ, những bài suy niệm, những bài chú giải Kinh Thánh, hạnh tích các thánh, giáo lý Công Giáo, và cả các thánh lễ. Hầu hết, các chương trình ứng dụng này là miễn phí.

Vì thế, ngày càng có nhiều người Công Giáo tại Hoa Kỳ sử dụng điện thoại cầm tay để cầu nguyện.

Lợi ích lớn nhất họ thấy được là sự tiện lợi. Rõ ràng, mang theo một cuốn sách kinh hàng ngày hoặc cuốn Kinh Thánh bất tiện hơn nhiều so với mang theo điện thoại cầm tay, là thiết bị dù sao cũng phải mang theo bên người. Tiến sĩ Mark Gray của Đại học Georgetown cho biết nhiều người được phỏng vấn nói họ dùng điện thoại cầm tay để cầu nguyện hàng ngày khi di chuyển bằng các phương tiện giao thông công cộng.

Cameron Garden viết trên tờ Catholic Herald rằng ngay cả trong chốn riêng tư như trong nhà, ông cũng sử dụng điện thoại cầm tay để cầu nguyện. Nhiều ứng dụng Công Giáo bao gồm những chức năng giúp tìm kiếm nhanh hơn rất nhiều so với sách in. Hơn thế nữa, nội dung lại được cập nhật không ngừng.

Tuy nhiên, báo cáo ghi nhận rằng sử dụng điện thoại cầm tay để cầu nguyện làm cho nhiều người phân tâm. Để bước vào trạng thái cầu nguyện sâu sắc, chúng ta cần một trái tim yên tĩnh. Chúng ta không thể thực sự cầu nguyện nếu não chúng ta vẫn trong một cơn bão xoáy của sự phân tâm và lo lắng. Nhiều người cảm thấy các thiết bị điện tử tạo ra một sự bồn chồn trong tâm hồn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng màn hình kích thích bộ não của chúng ta hơn là làm cho chúng ta bình tĩnh, và đó là lý do tại sao nhiều chuyên gia về giấc ngủ khuyên bạn nên tránh sử dụng điện thoại cầm tay ít nhất một giờ trước khi đi ngủ.

Báo cáo cũng ghi nhận cho đến nay rất ít người Mỹ dùng điện thoại cầm tay để cầu nguyện trong nhà thờ.

Ý kiến của chị Maria Heather có thể tiêu biểu cho ý kiến chung của nhiều người.

“Tôi sử dụng điện thoại cầm tay để cầu nguyện tại nhà, trên xe điện, xe bus nhưng tôi không dùng nó trong nhà thờ. Những người xung quanh không biết tôi đang cầu nguyện hay đang check mail. Tôi không muốn gây gương mù cho người khác,” chị nói.
 
Toà Thánh Ký kết hiệp ước về Ngăn Cấm Vũ Khí Hạch Nhân
Vũ Văn An
19:52 23/09/2017
Ngày 20 tháng Chín vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Bộ Trưởng Ngoại Giao của Tòa Thánh, đã đại diện Tòa Thánh và Thị Quốc Vatican, ký hiệp ước về Ngăn Cấm Vũ Khí Hạch Nhân, đã được thông qua ngày 7 tháng 7 năm nay, vào lúc kết thúc Hội Nghị Liên Hiệp Quốc nhằm thương thảo một văn kiện luật pháp có tính cách bó buộc để ngăn cấm các vũ khí hạch nhân.

Việc ký kết trên được tổ chức trong một buổi lễ long trọng tại Dinh Liên Hiệp Quốc tại New York. Nhân dịp này, Đức Cha Gallagher đã đọc một bài diễn văn sau đây, theo bản tiếng Anh của Phòng Báo Chí Tòa Thánh:

Thưa Ông Chủ Tịch

Hiệp Ước Ngăn Cấm Toàn Diện Việc Thử Hạch Nhân là một trong các viên đá nền tảng xây nên các cơ cấu pháp lý khó khăn lắm mới đặt để được để kiểm soát sự đe dọa hoàn cầu do các vũ khí hạch nhân áp đặt và để từ từ tiến tới một thế giới không có các vũ khí hạch nhân.
Tòa Thánh phê chuẩn và tuân hành Hiệp Ước Ngăn Cấm Việc Thử Hạch Nhân như một cử chỉ nói lên xác tín lâu đời của mình rằng việc ngăn cấm thử nghiệm hạch nhân, việc cấm lan tràn vũ khí hạch nhân, và việc giải giới vũ khí hạch nhân “có liên hệ mật thiết với nhau và phải đạt được càng nhanh càng tốt dưới sự kiểm soát hữu hiệu của quốc tế” (1).

Do đó, Tòa Thánh bối rối khi thấy tiếp tục thiếu sự tiến bộ trong việc hiệu lực hóa Hiệp Ước Ngăn Cấm Việc Thử Hạch Nhân. Hai thập niên không có việc hiệu lực hóa Hiệp Ước đã là hai thập niên bị mất đi trong mục tiêu chung của chúng ta về một thế giới không có vũ khí hạch nhân. Nhưng cùng một lúc, Tòa Thánh hài lòng khi được tham dự Hội Nghị này, được tham gia với các Quốc Gia khác đã phê chuẩn Hiệp Ước Ngăn Cấm Việc Thử Hạch Nhân trong việc lặp lại lời kêu gọi của chúng ta với các Quốc Gia còn lại mà sự phê chuẩn rất cần để hiệu lực hóa Hiệp Ước. Khi ký hiệp ước này, các quốc gia đó sẽ có cơ hội chứng tỏ sự khôn ngoan, tài lãnh đảo can đảm, và một cam kết đối với hòa bình và ích chung cho mọi người.

Hiệu lực hóa Hiệp Ước Ngăn Cấm Việc Thử Hạch Nhân lại càng khẩn thiết hơn khi chúng ta xem xét các đe dọa hiện nay đối với hòa bình, từ các thách thức liên tục của việc lan tràn hạch nhân tới các chương trình hiện đại hóa lớn lao và mới mẻ của một số quốc gia có vũ khí hạch nhân. Cả hai việc lan tràn hạch nhân và các chương trình hiện đại hóa mới đều đi ngược lại các mục đích của Hiệp Ước Ngăn Cấm Việc Thử Hạch Nhân và quan trọng hơn nữa, chúng phá hoại nền an ninh quốc tế. Các căng thẳng gia tăng đối với chương trình hạch nhân đang lớn mạnh của Bắc Hàn thật là cấp bách. Cộng đồng quốc tế phải đáp ứng qua việc tìm cách làm sống lại các cuộc thương thuyết. Sự đe dọa hay sử dụng sức mạnh quân sự không hề có chỗ đứng trong việc chống lại việc lan tràn hạch nhân, và sự đe dọa hay sử dụng vũ khí hạch nhân để chống lại việc lan tràn hạch nhân là điều đáng trách. Chúng ta phải để lại sau lưng các đe dọa hạch nhân, sự sợ sệt, ưu thế quân sự, ý thức hệ, và chủ nghĩa đơn phương từng khuyến khích việc lan tràn và các cố gắng hiện đại hóa cũng như việc làm sống lại thứ luận lý học của Chiến Tranh Lạnh.

Thưa Ông Chủ Tịch, hôm nay, nhân Hiệp Ước về việc Ngăn Cấm Vũ Khí Hạch Nhân được mở ra để ký nhận, tôi muốn tập chú đặc biệt vào Hiệp Ước Ngăn Cấm Việc Thử Hạch Nhân như là một bổ túc chủ yếu đối với các cố gắng giải giới hạch nhân rộng lớn hơn. Ngày 25 tháng 9 năm 2015, Đức Giáo Hoàng Phanxicô thúc giục Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc “làm việc cho một thế giới không có vũ khí hạch nhân, qua việc áp dụng Hiệp Ước Không Lan Tràn, theo chữ nghĩa và theo tinh thần, với mục tiêu là hoàn toàn ngăn cấm các loại vũ khí này”. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói thêm: “Một nền đạo đức và luật lệ dựa trên việc đe dọa tận diệt lẫn nhau, và có thể tận diệt cả nhân loại, là những điều tự mâu thuẫn và là một lăng mạ đối với toàn bộ khuôn khổ Liên Hiệp Quốc, một khuôn khổ có lẽ kết cục sẽ trở thành “các quốc gia liên hợp bởi sợ hãi và bất tin tưởng nhau”. Trong lá thư gửi cho Mệnh Phụ Elayne Whyte Gómez, Chủ Tịch Hội Nghị Liên Hiệp Quốc về việc ngăn cấm hạch nhân, ngài thúc giục cộng đồng quốc tế “vượt quá việc gián chỉ (deterrence) hạch nhân… [và] chấp nhận các chiến lược tiên tiến để cổ vũ mục tiêu hòa bình và ổn định và tránh các phương thức thiển cận đối với các vấn đề xung quanh an ninh quốc gia và quốc tế” (2).

Dù không hề ảo tưởng đối với các thách thức liên quan tới việc đạt được một thế giới không có vũ khí hạch nhân, nhưng các thách thức đặt ra bởi hiện trạng trước khi có chiến tranh (status quo ante) của các căng thẳng gia tăng, tức việc tiếp tục lan tràn (vũ khí hạch nhân) và các chương trình hiện đại hóa mới, là điều làm chúng ta thoái chí hơn nhiều. Vũ khí hạch nhân đem lại một thứ cảm thức giả tạo về an ninh. Nền hòa bình đầy lo lắng do gián chỉ hạch nhân hứa hẹn đã chứng tỏ đi chứng tỏ lại là ảo tưởng một cách bi thảm. Vũ khí hạch nhân không thể tạo nên một thế giới ổn định và an ninh. Hòa bình và ổn định quốc tế không thể xây dựng trên việc chắc chắn hủy diệt lẫn nhau hay trên sự đe dọa tận diệt.

Thưa Ông Chủ Tịch,

Thứ hòa bình nào dựa trên sự cân bằng của sức mạnh, với đe dọa và phản đe dọa, và cuối cùng là sợ sệt, là thứ hòa bình bất ổn và giả tạo. Để có thể đáp ứng một cách thích đáng các thách thức của thế kỷ 21, điều chủ yếu là thay thế thứ luận lý học sợ sệt và bất tín bằng nền đạo đức học trách nhiệm, và nhờ thế cổ vũ bầu không khí tin tưởng, biết trân trọng cuộc đối thoại đa phương qua việc hợp tác nhất quán và có trách nhiệm giữa mọi thành viên của cộng đồng quốc tế. Các qui định ghi trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, luật nhân đạo, các qui ước kiểm soát vũ khí, và các yếu tố khác của luật quốc tế đại biểu cho một cam kết tuyệt đối cần thiết đối với nền an ninh có tính hợp tác và là hiện thân pháp lý của nền đạo đức học trách nhiệm có tính hoàn cầu.

Việc hiệu lực hóa Hiệp Ước Ngăn Cấm Việc Thử Hạch Nhân sẽ là một biểu hiện quan trọng của việc cam kết đối với nền đạo đức học trách nhiệm này. Hai thập niên đã quá dài để chờ đợi việc chứng tỏ cam kết này.

Xin cám ơn Ông Chủ Tịch.

[1] Tuyên Bố của Tòa Thánh kèm theo Văn Kiện công nhận Hiệp Ước Ngăn Cấm Việc Thử Hạch Nhân, 24 tháng 9 năm 1996.
[2] Thư của Đức Giáo Hoàng Phanxicô gửi Mệnh Phụ Elayne Whyte Gómez, Chủ Tịch Hội Nghị Liên Hiệp Quốc để Thương Thảo Một Văn Kiện Có Tính Trói Buộc Về Pháp Lý Ngăn cấm Các Vũ Khí Hạch Nhân, Dẫn Tới Việc Hoàn Toàn Loại Bỏ Chúng, 23 tháng 3 năm 2017.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Có thể tùy chọn đọc chứ không buộc đọc các Thánh vịnh thay thế
Nguyễn Trọng Đa
10:13 23/09/2017
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Con có vài thắc mắc về sách Thần Vụ và cách giải thích các hướng dẫn của nó. 1) Trong các thánh vịnh của Giờ kinh giữa (daytime prayer): thí dụ ngày lễ Đức Trinh Nữ Maria, trong tập IV Sách Nhật tụng (các tuần 18-34 Mùa Thường niên), trang 1646, về "Giờ kinh giữa", sách Thần Vụ nói: "... thay cho Thánh vịnh 122, Thánh vịnh 129, 1185 có thể được đọc, và thay cho Thánh vịnh 127, Thánh vịnh 131 có thể được đọc". Câu hỏi của con là: Có phải luật phụng vụ nói rằng chúng ta phải thay đổi hai thánh vịnh, và lật sách qua lại chăng? Sự lộn xộn này về các Thánh vịnh giờ kinh giữa cũng được áp dụng cho lễ Đức Trinh Nữ, các thánh Tông đồ, lễ cung hiến thánh đường, và tuần III Sách Nhật tụng (Thứ Hai-Thứ Tư). 2) Vào ngày 29-8, lễ thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết, tử đạo: Liệu chúng ta đọc các Thánh vịnh trong tuần, hay phải đọc các Thánh vịnh của phần Chung một vị tử đạo? Chúng ta được chọn đọc một trong hai nhóm Thánh vịnh này không? Loại lễ nhớ này dễ gây lẫn lộn, bởi vì nó trông giống như một lễ kính - M. I., California, Hoa Kỳ.


Đáp: Các qui chiếu trang sách, mà bạn đọc này nêu ra, là theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ ở Hoa Kỳ. Còn tôi sẽ trích dẫn từ bản dịch ba cuốn ở Anh và Ireland.

Để trả lời câu hỏi thứ nhất, chúng ta cần phải xem xét cấu trúc của Giờ kinh giữa. Có ba bộ giờ kinh giữa gọi là giờ ba (terce, midmorning), giờ sáu (sext, midday) và giờ chín (none, afternoon). Các giờ kinh ngắn này thường bao gồm ba Thánh Vịnh, mỗi Thánh vịnh đều có một điệp ca. Thánh vịnh đầu tiên trong ba Thánh vịnh gần như luôn luôn là một số câu của Thánh Vịnh 118, vốn là Thánh vịnh dài nhất. Sau các Thánh vịnh, là một bài đọc vắn, câu xướng và lời nguyện thay đổi tùy ngày, tùy mùa và tùy lễ. Giờ kinh kết thúc với câu tung hô: “Nào ta chúc tụng Chúa: Tạ ơn Chúa".

Trong các mùa phụng vụ chính như Mùa Vọng, mùa Giáng Sinh, Mùa Chay, và mùa Phục Sinh, cũng như hầu hết các lễ trọng, một điệp ca duy nhất được sử dụng cho cả ba Thánh vịnh và được đọc trước Thánh vịnh đầu và sau Thánh vịnh cuối. Lời nguyện kết thúc là giống như lời nguyện của Giờ kinh Sách, nhưng dùng câu kết thúc vắn "Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con”.

Sách Thần Vụ có cả ba bộ giờ kinh giữa, nhưng những người có nghĩa vụ đọc Các Giờ Kinh Phụng vụ có thể chỉ đọc một trong ba giờ kinh này. Đây là sự thực hành phổ biến nhất, ngoại trừ các người sống trong các tu viện chiêm niệm. Cá nhân hoặc cộng đoàn có thể chọn một giờ kinh giữa, và công thức mà họ sẽ sử dụng.

Tuy nhiên, nếu một cá nhân hoặc một cộng đoàn quyết định đọc nhiều hơn một giờ kinh giữa, sách nhật tụng cung cấp các Thánh vịnh bổ sung, để các Thánh vịnh giống nhau không phải lặp đi lặp lại hai lần hoặc ba lần trong cùng một ngày.

Các Thánh vịnh bổ sung này là các Thánh vịnh 119, 120 và 121 cho Giờ ba; các Thánh vịnh 122, 123 và 124 cho Giờ sáu; và các Thánh vịnh 125, 126 và 127 cho Giờ chín.

Trong một số ngày nào đó, một trong các thánh vịnh này đã có trong sách Nhật tụng cho giờ kinh nào đó, và do đó sách Nhật tụng đưa ra các lựa chọn, để tránh lặp lại cùng một Thánh vịnh hai lần trong ngày.

Thí dụ, trong phần Chung của lễ cung hiến thánh đường, Thánh vịnh 121 được dự đoán là một phần của Kinh chiều, hoặc Kinh tối. Trong trường hợp này, chữ đỏ cho lời nguyện của giờ giữa nói: “Nếu các Thánh vịnh bổ sung được sử dụng, thì Thánh vịnh 121 có thể được thay thế bởi Thánh vịnh 128". Một tình huống tương tự cũng xuất hiện cho phần Chung của lễ Đức Trinh Nữ Maria, trong đó Thánh vịnh 121 và Thánh vịnh 126 được dùng cho Kinh chiều.

Một lần nữa, trường hợp này sẽ chỉ nảy sinh, nếu một cộng đoàn cử hành nhiều hơn một giờ giữa. Trong hầu hết các trường hợp, các sự trùng hợp này không xảy ra. Trong mọi trường hợp, bởi vì biểu thức nói rằng các Thánh vịnh "có thể được thay thế", có nghĩa là đây là sự tùy chọn. Và nếu không ai thấy phiền khi sử dụng cùng một Thánh vịnh hai lần trong cùng một ngày, thì cứ vẫn thực hiện.

Một điều tương tự xảy ra với điệp ca mở đầu của Giờ kinh. Sự lựa chọn thông thường cho điệp ca mở đầu là Thánh vịnh 94, nhưng các Thánh vịnh 99, 66 hoặc 23 cũng có thể được sử dụng. Một lần nữa, nếu một trong các Thánh vịnh này xuất hiện trong một giờ kinh ngày ấy, nó có thể được thay thế bằng Thánh vịnh 94.

Đối với câu hỏi thứ hai về lễ nhớ thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết: Chúng ta phải nhớ rằng Thần Vụ đã phát triển trong một thời gian dài, và do đó, sự hợp lý hoàn hảo trong việc phân phối của nó là không được mong đợi.

Có một số lễ mừng, mà các giờ kinh không phù hợp với thể loại phụng vụ của chúng, nhưng được phát triển đầy đủ hơn sau đó cho một số lễ kính. Đây là trường hợp của lễ nhớ này. Một số thí dụ khác là lễ nhớ (mới đây nâng lên lễ kính) của thánh nữ Maria Magđala (ngày 22-7) và lễ nhớ thánh Martinô thành Tours (ngày 11-11). Thánh Martinô thực sự là vị không tử đạo đầu tiên được mừng lễ theo phụng vụ, và tầm quan trọng của Ngài trong thời Trung cổ như là bổn mạng của nước Pháp đã để lại cho chúng ta một di sản phụng vụ đáng kể trong Thần vụ. Do đó, Ngài có các điệp ca riêng cho Giờ kinh Sáng và Giờ kinh Chiều, và người ta buộc phải sử dụng các Thánh vịnh của Chúa Nhật Tuần I cho Giờ kinh Sáng, và các Thánh vịnh của phần Chung của thánh mục tử cho Giờ kinh Chiều. Cùng một nguyên tắc sẽ áp dụng cho các Giờ kinh của lễ nhớ thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết.

Ngoài các trường hợp ngoại lệ đặc biệt này, quy tắc chung cho việc cử hành các lễ nhớ là khá đơn giản. Đối với lễ nhớ buộc, chỉ những gì được in dưới tiêu đề trong ngày là bắt buộc. Điều này thường bao gồm việc đọc bài thứ hai, và xướng đáp của Kinh Sách. Thỉnh thoảng, có một điệp ca riêng cho Thánh ca “Chúc tụng Đức Chúa” (Benedictus), và Thánh ca “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa (Magnificat), dành cho Giờ kinh Sáng và Giờ kinh Chiều, và lời nguyện kết thúc riêng.

Mọi thứ khác thường là tùy chọn; có nghĩa là, người ta có thể đọc Thánh thi, lời cầu Thánh vịnh và các thành phần khác của ngày.

Nếu muốn, người ta có thể lựa chọn phần Chung của vị thánh tương ứng. Người ta cũng có thể chọn làm như vậy cho một Giờ kinh, thí dụ Giờ kinh Sách, và tuân theo các nguyên tắc chung cho các Giờ kinh khác. (Zenit.org 22-9-2017)

Nguyễn Trọng Đa
 
Văn Hóa
Dụ ngôn thợ làm vườn nho : Dẫu có là ''Người công nhân đến trễ''
Sơn Ca Linh
10:16 23/09/2017
Chúa Nhật chiều nay nhiều người đến muộn ?
Thế nên, đành chọn hàng ghế cuối cùng…
Ai thế nhĩ ? Từ ký ức mông lung,
Anh chị em con có ai người xa lạ !

Đó là chú xe ôm ở bên khu nhà lá,
Đã nghèo thôi lại “dấn” một bầy con.
Chắc hôm nay lỡ chuyến cuối xe ôm,
Đường dài quá đành làm “người đến trễ” !

Kìa “bác Tư” người taxi tài xế,
Tóc trên đầu đã lốm đốm muối tiêu.
Đi sớm về trưa luôn cả buổi chiều,
Rày đây mai đó nên thường lễ muộn !

Có lạ gì kia “chị Hai rau muống”,
Nghe đâu chồng bỏ đã mấy năm.
Gái một con nên ong bướm lăm xăm,
Buôn gánh bán bưng nên thường trễ lễ !

Ngồi co ro ở cuồi cùng dãy ghế,
Áo thun quần bò cái mặt khờ đanh.
Cô bé sinh viên mái tóc còn xanh,
Tranh thủ làm thêm luôn ngày Chúa Nhật !

Ngồi bên cạnh có anh dự tòng lất cất,
Chắc hai người đang “tính kế trăm năm”.
Ngồi dự lễ mà mắt cứ xa xăm,
Đã đi lễ muộn lại còn chia trí.

Đây nữa, thầy giáo “Lam” nghe đâu vừa li dị,
Bị “treo tòa” nên lơ láo bâng khuâng.
Chúa Nhật nào cũng đến muộn lưng chừng,
Có khi đã đọc xong phần Tin Kính…

Vườn Nho Cha đủ muôn dân bách tính,
Kẻ nửa mùa, người đến trước, đi sau.
Khố rách áo ôm, trí thức sang giàu,
Bệnh hoạn, tật nguyền, nghèo hèn, tội lỗi…

“Một đồng thôi”, dẫu có người đến vội,
Lương bổng hồng ân Chúa muốn chia đều.
Muốn hết mọi người ai cũng được yêu,
Dẫu có là “người công nhân đến trễ” !

Sơn Ca Linh
(Chúa Nhật 24/9/2017)







 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chiếc Lá Đầu Thu
Nguyễn Đức Cung
08:26 23/09/2017
CHIẾC LÁ ĐÂU THU
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Lá phong một chiếc bay vèo
Thì ra trời đã chạm vào mùa thu.
(nđc)