Ngày 25-09-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ai Là Người Làm Theo Ý Cha?
Lm. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
09:22 25/09/2011
Ai Là Người Làm Theo Ý Cha?

Tin Mừng Chúa nhật XXVI trong mùa Thường Niên tuần này nối tiếp chủ đề của tuần trước về dụ ngôn mượn những người tá điền đến làm vườn nho (xMt 20, 1-16a).

Chúa Giêsu hôm nay đi sâu vào gia đình hơn, không phải là mượn những người ngoài, mà nhờ ngay những người con trong gia đình (xMt 21, 28-31). Người con thứ nhất được mời gọi đi làm vườn nho. Người con thứ hai cũng được mời gọi đi làm vườn nho. Và cả hai đều đã thưa vâng với người cha. Nhưng kết thúc thì chỉ có một người đi làm. Và người đi làm ấy là người nghĩ lại, vì lúc trước anh đã nói “Không” sau suy nghĩ lại và đi làm. Người con thứ hai mau mắn thưa “Vâng”, nhưng sau nghĩ lại thì lại không đi. Trong hai lựa chọn ấy, Chúa Giêsu đã chú ý đến điều thực hành. “Vâng, con đi”. Đó là lời vâng may mắn. Nếu lời vâng ấy mà tiếp tục thực hiện trong suốt cuộc đời, như tiếng “Xin vâng” của Mẹ Maria, đó là tiếng “Xin vâng” có phúc. Nhưng trong dụ ngôn này, người con thứ hai xin vâng, rồi sau lại không đi. Trong khi đó, người con đầu đã nói thật là không muốn đi, sau nghĩ lại, vì mến cha đã bỏ ý riêng mình và đi làm. Như vậy, trong hai ý lựa chọn thì người con thứ nhất chọn theo ý cha, còn người con thứ hai khởi sự là vâng ý cha, nhưng kết thúc là theo ý mình.

Với một cách thức trên, việc thực hành bao giờ cũng quan trọng và thực hành theo ý cha mới là điều khôn ngoan. Trong Kinh Lạy Cha, Chúa đã dạy chúng ta điều đó:

“Chúng con nguyện danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến.Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.”

Chúa Giêsu trong tư cách là người con. Ở vườn Gietsimani, Ngài cũng đã sốt sắng cầu nguyện với Cha rằng: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cất chén này khỏi con. Nhưng xin theo ý Cha, đừng theo ý con”(Mt 26,39). Ý của người cha là luôn chọn những gì tốt đẹp nhất cho con. Ý của người cha bao giờ cũng xuất phát từ một tình yêu thương và lo cho con cái. Bởi vậy, xin cho “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”, nghĩa là ơn cứu độ được phổ quát trên khắp thế giới. Nói như vậy, thì việc “làm theo ý cha” cũng là để chúng ta được hạnh phúc, được ơn cứu độ và được bình an trong cuộc sống. Người ta đặt câu hỏi xem Chúa Giêsu có ý ám chỉ người con thứ nhất, người con thứ hai vào những thành phần nào trong cộng đồng dân Chúa không? Nhưng tất cả dường như chỉ toát lên điều này: Ai là người làm theo ý Cha?

Người con thứ nhất hay người con thứ hai? Không quan trọng. Vâng lời, mau mắn hay là lưỡng lự, còn phải chờ đợi đến kết quả xem có đi hay không? Như vậy, điểm mút cuối cùng mà Chúa Giêsu muốn chú ý tới là thực hành. “Ai nghe và thực hành Lời Ta, thì giống như người xây nhà. Người khôn ngoan xây nhà trên đá” (Mt 7,24). Và bao giờ, thực hành cũng là điều quan trọng. Sở dĩ có một nghịch lý, mà một nghịch lý đến đảo lộn cả thế giới này, là những người tội lỗi và đĩ điếm lại vào Nước Trời trước cả những người được coi là giới đạo đức Do Thái (xMt 21,31b). Không phải là ai nói điều đó, mà chính Chúa Giêsu đã khẳng định điều đó. Sở dĩ có như vậy là vì đĩ điếm – như Maria Madalena – đã hoán cải cuộc đời và suốt cả cuộc đời còn lại, chị đã dâng làm tông đồ đi theo Chúa Giêsu và hoán cải đời sống để trở nên con người mới, trong Đức Giêsu Kitô. Mattheu cũng vậy, ông được coi là quân thu thuế và tội lỗi, như nhau. Nhưng Mattheu đã trở nên tông đồ thánh sử. Giakeu, trưởng những người thu thuế, thì cũng đã được Đức Giêsu đến nhà và tuyên bố: “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ”. Sở dĩ có những sự kiện “tày đình” như thế. Là bởi vì, những đĩ điễm, những thu thuế, những người bị coi là tội lỗi kia đã thực lòng hối cải ăn năn và biến đổi. Người tỗi lỗi cuối cùng trên Thập Giá, bị đóng đinh cùng với Chúa Giêsu. Anh ta đã biến đổi vào giây phút cuối cùng. Anh ta nhận biết mình bị như thế này là đích đáng. Nhưng mà anh đã nói với người trộm thứ hai – “Còn Ngài đây, Ngài có tội gì xấu đâu?”. Và anh ta lấy lòng tin mà thưa với Chúa: “Lạy Ngài, khi nào Ngài về Nước Ngài, xin nhớ đến tôi” (Lc 23,42). Chúng ta là những người con cái của Giáo Hội, chỉ mong mỏi trong những giờ sau hết, được Chúa hứa một câu tương tự như Chúa đã hứa với người trộm kia: “Thật hôm nay Ta cho ngươi ở nơi vui vẻ cùng Ta” (Lc 23, 43).

Nhưng liệu có ai trong chúng ta dám chắc chắn điều đó không? Lời chắc chắn ấy được dành cho tử tội bị đóng đinh với Chúa Giêsu. Bởi vì anh ta đã hoán cải, đã tin vào danh Đức Giêsu Kitô. Trong khi những người đóng đinh Chúa Giêsu lại là những người kết án Chúa Giêsu là những người thượng tế Do Thái, là những người Hội đồng lãnh đạo Do Thái. Những người được coi là giới đạo đức, lãnh đạo dân riêng của Chúa thì kết án Chúa và đã giết chết Chúa. Còn người đầu trộm đuôi cướp đến nỗi phải đóng đinh cùng với Đức Giêsu thì lại được hứa: “Hôm nay Ta cho ngươi ở nơi vui vẻ cùng Ta”. Chúa Giêsu đã không làm điều gì can thiệp một cách cắt ngang quyền tự do của mỗi người. Nhưng bằng thực hành của mỗi con người, với lòng sám hối, với sự canh tân, với đức tin và lòng trông cậy. Những con người hôm nay, có thể là người tội lỗi, đĩ điếm, là những người xấu xa nhưng một lúc được ơn Chúa, họ biến đổi, canh tân, họ được ơn cứu độ. Ngược lại, chúng ta hôm nay tưởng mình là người tốt, là hạt giống tốt, là mảnh đất tốt. Nhưng chỉ một giây phút, như thánh Phaolo nói: “Ai tưởng mình đứng vững, hãy ý tứ kẻo ngã”( 1Cr 10,12). Và khi chúng ta ngã xuống thì không ai có thể cứu chúng ta được. Bởi vậy, đây chính là một lời mời gọi để mỗi người chúng ta đặt ra trước mắt mình để lựa chọn. Hoặc là chúng ta đi làm vườn nho cho Chúa. Chúng ta làm theo ý của Cha. Chúng ta đọc kinh để “Xin cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Hoặc ngược lại, chúng ta cứ theo ý riêng của mình để chúng ta thực hành.

Thời đại ngày nay, văn minh, vật chất, hưởng thụ. Khi chúng tôi tới thăm Las Vegas, thấy mức độ hưởng thụ, tiêu xài tiền của vật chất ở thành phố cháy bỏng 400C giữa sa mạc mới ghê gớm làm sao. Sức hút của đồng tiền, sức hút của hưởng thụ văn minh vật chất đã chiến thắng cả những cơn nóng lửa cháy bỏng ở giữa sa mạc, đã từng là những nơi lưu trú của mafia, tội phạm. Bây giờ lại trở thành một thành phố sang trọng, và lại có thể là giầu nhất nhì nước Mỹ. Bởi vì ở đó, người ta đã dựng nên bao nhiêu những Hotel, những Casino – sòng bạc. Người ta về đó để hưởng thụ và người ta về đó để tiêu những đồng tiền vật chất. Nhưng cũng chính ở nơi đó, mọc lên Đền Đức Mẹ La Vang Việt Nam. Cũng ở nơi đó, những người con đức tin qui tụ lại, “đất sét trạch vàng”. Chính những người Công giáo ấy lại đang tiếp tục cầu nguyện để biến cái nóng cháy của sa mạc trở thành nóng bỏng của tình yêu, biến những đồng tiền bạc vàng kia trở thành tấm lòng vàng để cầu nguyện cho những gia đình được đoàn tụ trong yêu thương.

Chúng ta thấy, như thánh Phaolo nói: “Ở đâu tội lỗi tràn đầy, thì ân sủng càng chứa chan” (Rm 5,20). Ở những nơi người ta hưởng thụ thì ở nơi đó cũng xuất hiện những tấm gương, những cộng đoàn cầu nguyện tha thiết. Và ở những nơi đâu, mà như Tin Mừng hôm nay Chúa nói: “Có tội lỗi, có thu thuế, có đĩ điếm, ở đấy có ơn cứu độ”. Tất cả là do quyền năng và ơn thánh của Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ duy nhất đã đến trong thế gian và kêu gọi con người hãy đi theo ý của Cha trên trời.

Lạy Chúa Giêsu Kitô,

Chúng con đang đắm chìm trong ý riêng của mình
và chết trong sa mạc khô cằn của ích kỷ,
hưởng thụ văn minh vật chất.
Nhưng cũng như những cộng đoàn tín hữu ở giữa sa mạc nóng cháy,
Chúng con cũng thắp lên nhiều ngọn lửa của tình yêu:
Xin cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Xin cho ơn thánh của Chúa hoán cải những tội nhân,
biến đổi những thu thuế tội lỗi và đĩ điếm lại trở thành dân của Nước Trời.
Xin Chúa gìn giữ chúng con đừng theo ý riêng của mỗi người,
đừng theo ý con, nhưng theo ý Cha.
Giúp chúng con hăng say làm vườn nho cho Cha
để đạt tới hạnh phúc Nước Trời, hạnh phúc đời. Amen.
 
Tinh Thần Phục Vụ Của Linh Mục
LM Phêrô Bùi Trọng Khẩn
09:27 25/09/2011
TINH THẦN PHỤC VỤ CỦA LINH MỤC

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (Mc 9,31-35)

“Khi ấy, Chúa Giêsu dạy các môn đệ rằng: ‘Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại’. Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người. Sau đó, Đức Giêsu và các môn đệ đến thành Capharnaum. Khi về tới nhà, Đức Giêsu hỏi các ông: ‘Dọc đường anh em bàn tán điều gì vậy?’ Các ông làm thinh, vì khi đi đường các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. Rồi Đức Giêsu ngồi xuống, gọi nhóm Mười hai lại mà nói: ‘Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người’”. Đó là Lời Chúa.

Người giáo dân sẽ nghĩ như thế nào, khi Đức Giáo hoàng và các Đức Giám mục cãi nhau?! Thế mà HĐGM đầu tiên trên thế giới đã cãi nhau! Các đấng cãi nhau ngay ngoài đường về vấn đề quyền bính trước mặt Đức Giêsu, nhưng Ngài đã nín nhịn. Về tới nhà Ngài mới hỏi: “Dọc đường anh em bàn tán với nhau chuyện gì thế?” Chúa hỏi là ‘bàn tán’ cho nó nhẹ nhàng thôi, chứ thực ra là các cụ nhà mình vừa cãi nhau một trận cũng tương đối đấy!

Cụ Giám mục Giacôbê đã có kinh nghiệm về sự cãi nhau, ghen tương là không tốt, là nguy hiểm, nên trong thư cụ viết cho bà con ta như sau: “Đâu có ghen tương và tranh chấp, đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa… Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải bởi điều này sao: là chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em: anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ghen ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột nhau, gây chiến với nhau” (x. Gc 3,16; 4,1-2).

Tại sao các Thánh Tông đồ lại cãi nhau để tranh giành quyền bính, vai vế cao thấp, mà lại không ai dám tranh nhau về việc phục vụ? Mạnh Tử cho rằng: “nhân chi hoạn, tại hiếu vi nhân sư”, nghĩa là: cái bệnh của người đời là hay thích làm thầy thiên hạ. Cha Henri Nouwen đã nói: “Chúng ta đã không ngừng bị cám dỗ dưới quyền lực thay thế cho tình yêu. Chúa Giêsu đã trải qua cơn cám dỗ ấy một cách vô cùng đau thương, từ sa mạc đến thập giá. Còn lịch sử dài và đau thương của Giáo Hội là lịch sử của những con người chọn lựa quyền lực thay cho tình yêu, chọn lựa thống trị thay cho thập giá, chọn lựa làm lãnh đạo thay cho được lãnh đạo”. Thánh Phaolô đã có kinh nghiệm và mời gọi người môn đệ thân yêu của mình là Timôthê hãy can đảm: “Con hãy làm việc lao nhọc và chịu đựng như là một người lính tốt của Chúa Kitô” (2 Tm 2,3).

Nhưng theo Chúa Giêsu, quyền bính và phục vụ phải gắn liền với nhau làm nên bản chất người môn đệ. Chúa Giêsu luôn phải vất vả dạy lại bài học và môn học khó nhất trên đời, nhưng lại là môn học phổ thông nhất (giống như văn hoá phổ cập), đó là môn học yêu thương phục vụ: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. Thánh Phêrô đã ngỡ ngàng vì Thầy quỳ xuống rửa chân cho mình và tất cả anh em. Nhưng Chúa đã nói trước rằng: “Thầy sống giữa anh em như người đầy tớ”. Môn học này người ta phải học cả đời mà không có ngày ra trường, mãn khoá; vì thực sự học tới chết mà vẫn không xong, không đạt kết quả để đến khi vào thiên đàng vẫn bị loại ra cả đống! Quả thật đây là môn khó học, khó dạy và khó thực hành nhất trên đời. Nó nằm trong chương trình quy hoạch tổng thể bao trùm mọi công việc của người môn đệ mà Chúa Giêsu luôn đòi hỏi gay gắt, quyết liệt.

Theo Chúa, bao gồm cả sự cho đi tận tuyệt, trọn vẹn. Chúa không đòi hỏi chúng ta phải là con người siêu việt. Điều đòi hỏi đơn giản là người ta trước hết phải nhận biết những yếu đuối của mình để được cứu chuộc: “Sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12,9).

Để hiểu được Chúa Giêsu thì cần phải chịu đau khổ với Ngài, theo Ngài bằng sự từ bỏ con người của mình. Ai thực sự hiểu được Chúa Giêsu, người đó chính là vị tử đạo, tử đạo không chỉ bằng lời nói mà còn bằng những hành động nữa, người đó đã quảng diễn cuộc đời của mình cho đến cuối cùng. Chúng ta sẽ được hoà nhập vào mầu nhiệm của Chúa Giêsu trong chiều kích chúng ta sẵn sàng chịu đau khổ với Ngài, và lúc đó chúng ta sẽ không hổ thẹn về Ngài và về những lời Ngài.

Chính vì người ta quên mất mình là môn đệ Chúa Kitô nên cứ mải mê phấn đấu đạt được những tiêu chuẩn kiểu thời đại thực dụng. Chính vì đánh mất hương vị của tình yêu đích thực nên người ta ra sức tìm những vỏ bọc hời hợt, giả tạo để che lấp. Dáng dấp của sự phục vụ hôm nay có mang theo nhiều thứ tinh vi khôn lường của ma quỷ. Có khi người ta còn hy sinh nhiều hơn cho kế hoạch ấy mà lại cứ tưởng là đang phụng sự Chúa! Biết bao nhiêu sự tranh đấu, tranh chấp, dấn thân sai mục tiêu. Đức hồng y Carlo Martini nói: “Điều cơ bản là không phải đấu tranh tới chỗ đổ máu, mà là tìm được sự hoà thuận và những đường lối thích hợp”.

“Nguy cơ cho giáo hội ngày nay không phải là vì bách hại mà là đánh mất hương vị của mình, thiếu những người làm chứng rõ rằng thánh giá, toàn thánh giá trong Chúa Kitô có thể nên vinh hiển, nguồn mạch cứu độ” (ĐHY. Josef Tomko giảng tại Đài Loan 23/11/2009). Chúng ta đánh mất hương vị của mình khi chối từ đau khổ; khi không dám ghé vai vác thập giá được trao ban ngoài ý muốn.

Những thứ chủ nghĩa và các mối quan hệ công chúng trong xã hội hiện đại hôm nay đang làm chao đảo và điên đảo con người. Tính ‘hợp pháp tinh vi’ của quyền hành và sự hưởng thụ cá nhân đang lôi kéo chúng ta xa rời tâm tình dấn thân phục vụ và sự hy sinh vô vụ lợi của người tông đồ. Những sự bao che, ngụy biện của một ‘lương tâm có vấn đề’ đang lấn lướt cuộc sống bình an của chúng ta từ hành vi cử chỉ nhỏ nhặt cho tới những ứng xử hằng ngày. Thánh Augustinô nhận định: “Trong đời sống người kitô hữu, có một cuộc chiến đấu giữa hai thứ tình yêu: yêu Thiên Chúa cho đến từ bỏ bản thân mình và yêu bản thân cho đến nỗi chối bỏ Thiên Chúa”. Đó là sự thật luôn được chứng minh cụ thể.

Thánh Têrêsa Avila nói: “Chúa không cần việc làm của chúng ta, Người chỉ muốn tình yêu thúc đẩy những công việc ấy”. Còn Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu thì nói: “Thiên Chúa chẳng cần đến việc làm của chúng ta nhưng Người khát tình yêu của chúng ta”. Thiên Chúa không chờ đợi nơi chúng ta những việc làm, những hoạt động, sản phẩm của một việc lành nếu không làm vì tình yêu. Thánh Gioan Thánh Giá bảo: “Tình yêu luôn biết lợi dụng tất cả, điều lành cũng như điều dữ”. Tình yêu biết lợi dụng những cảm động cũng như những khô khan, những tư tưởng cũng như những trống rỗng, nhân đức cũng như tội lỗi.

Thực trạng của đời sống tu trì hôm nay, cái làm cho người ta ngại sống không phải là nếp sống khó nghèo mà là những chuyện khác. Chuyện khác đó là những đối diện trực tiếp trong các mối tương giao con người trong một thời đại đang quan niệm tự do dân chủ, tự do nhân quyền; khiến mình dù trong bậc tu cỡ nào cũng phải đòi cho bằng được một chút quyền mà quên mẫu gương Thầy Giêsu: “Dù là Thiên Chúa nhưng không nhất thiết phải duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa... đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá”. Đó là điều chính yếu trong đời dâng hiến phải có, nếu không chỉ là lối sống vô nghĩa hay sống để lừa đảo, tranh giành hơn thua với nhau mà thôi.

Liên Hội đồng Giám mục Á Châu năm 2000 đã đưa ra cái nhìn khái quát về người linh mục hôm nay là: con người của sự đối thoại, con người của sự thiêng thánh; con người trưởng thành và con người khiêm tốn phục vụ. Vì thế, Chúa Giêsu dạy: “Giả như có làm xong việc thì cũng hãy nói: chúng tôi là đầy tớ vô dụng, chúng tôi chỉ làm công việc bổn phận đấy thôi”.

Giáo dân càng ngày càng đòi hỏi sự phục vụ của chúng ta ở mức độ cao. Và xem ra tương quan cuộc sống con người hôm nay nhiều khi được nhìn như một siêu thị để mà chọn lựa và bình phẩm hàng hoá. Do đó, đôi khi người giáo dân cắm cúi đi tìm nơi người tu hành một sự nâng đỡ vật chất và chỉ coi đó là tiêu chuẩn cao để đánh giá bậc tu hành. Đó là điều sai lầm. Cần phải chỉnh đốn và giáo dục cho họ ý thức lại cho đúng. Bởi nó sẽ dẫn tới hậu quả không tốt cho họ và cho chính nhà tu hành. Quả thật, cũng có phần đáng sợ khi cuộc sống chỉ coi nhau như món hàng hay sự giá trị về mặt kinh tế: khi nào còn tốt thì sử dụng khi hết hạn thì vất đi. Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II chia sẻ: “Sự ác trong thời đại chúng ta trước hết hệ tại ở chỗ hạ giá và tầm thường hoá tính độc đáo duy nhất nền tảng của mỗi một con người. Cái ác này không chỉ ở trên bình diện đạo đức nhưng sâu xa hơn, trên bình diện hữu thể. Đối diện với cái ác này, cái ác mà những hệ tư tưởng vô thần cổ súy, chúng ta phải chống lại, không chỉ bằng những tranh biện vô bổ nhưng phải tìm cách ‘khôi phục’ huyền nhiệm về con người như một ngôi vị” (Hiệp Thông số 64/2011, tr.171).

“Giáo Hội phục vụ tất cả những gì làm nên cuộc sống con người, trong lao động, trong gia đình, trong xã hội, để tất cả được hoàn thành trọn vẹn cho lợi ích của con người. Đó không phải là một chiến thuật để lôi kéo họ về với Giáo Hội. Nhưng đó là một dịch vụ Kitô giáo (service Chrétien) để cho con người được sống và được hạnh phúc tràn đầy. Với danh hiệu đó, người kitô hữu, giáo dân và linh mục phải có mặt và hoạt động trọn vẹn và chân thành trong chính cuộc sống của thế giới” (Hồng y François Marty).

Người ta kể về cha Mesrchler như sau: “Cho đến phút cuối cùng, ngài vẫn làm việc không mệt mỏi, bút viết luôn cầm trong tay. Ngài là một bạn đồng nghiệp luôn có những câu đối đáp dí dỏm, một người bạn luôn có lời ủi an, một người biết cầu nguyện trong thinh lặng và kiên trì, một mẫu gương đơn sơ như trẻ em, một sự vô tư trọn vẹn. Ngài không bao giờ tìm tư lợi cho bản thân trong bất cứ điều gì”.

Nói về việc đề cao linh mục, một người hỏi cha Gioan Maria Vianney: “Nhưng thưa cha xứ, tuy vậy có rất nhiều vị tử tế trong hàng giáo phẩm chứ? Ngài nói: ‘Bạn nói sao? dĩ nhiên là có nhiều người lương thiện giữa chúng tôi chứ. Nếu không có ở đó, lạy Chúa Trời cao cả, thì ở đâu mới có?’ Nhưng muốn dâng thánh lễ, phải là một Sêraphim. Nếu người ta biết được thánh lễ là gì người ta sẽ lăn ra chết đấy. Chúng ta chỉ có thể hiểu được hạnh phúc được dâng thánh lễ ở trên trời mà thôi. Hỡi bạn! nguyên nhân của mọi thảm hoạ và của sự sa sút nơi các linh mục là vì người ta không chú ý đến thánh lễ. Vô phúc thay! Vị linh mục thật đáng chê trách khi dâng lễ như làm một việc tầm thường. Có những vị đã bắt đầu thật tốt, thật sốt sắng trong vài tháng! Và sau đó… Ôi! khi mình nghĩ tới Thiên Chúa cao cả của chúng ta đã muốn giao công việc ấy cho những tên khốn nạn như chúng ta! Cái tai ác, là chính những tin tức thế giới ấy, những câu chuyện ấy, báo chí, chính trị ấy, người ta nhét đầy đầu rồi sau đó người ta đi dâng thánh lễ, đọc kinh nhật tụng. Ao ước lớn của tôi là rút về Fourvière không còn lo lắng về ai nữa, và sau khi đã cầu nguyện thật sốt sắng, đi thăm bệnh viện. Ôi được vậy, tôi sẽ sung sướng biết bao! Nhưng bạn này, đừng mất tin tưởng. Nhưng nghe này! Đọc sách nhật tụng thì nhẹ như lông hồng! Cái làm hư hỏng các linh mục là cứ mãi đi thăm nhau. Lâu lâu thăm viếng một anh bạn linh mục để giúp nhau, để xưng tội thì tốt. Nhưng cứ chạy xuôi chạy ngược, vô phúc thay! Bạn còn là phụ phó tế, ôi! Phúc cho bạn! một khi đã là linh mục rồi người ta chỉ còn thì giờ để khóc than sự khốn nạn của mình! Để trở nên thánh phải là điên rồ. Điều khiến chúng ta, những linh mục không nên thánh được chính là thiếu suy nghĩ. Chúng ta không chịu hồi tâm lại và chẳng còn biết mình làm cái gì nữa. Điều chúng ta cần đó là sự suy nghĩ, tâm niệm, sự kết hiệp với Thiên Chúa. Khốn thay một linh mục thiếu mất tính nội tâm! Nhưng muốn vậy phải có sự thanh thản, im lặng, tĩnh tâm bạn ạ! Tĩnh tâm! Chính trong cô tịch mà Thiên Chúa thường ngỏ lời. Đôi khi tôi nói với Đức cha Devie: ‘Nếu Đức cha muốn hoán cải giáo phận của mình, ngài phải biến tất cả các cha xứ của ngài thành những vị thánh. Phương tiện để sống tốt đối với một linh mục là sống như ở chủng viện. Nhưng đâu phải lúc nào cũng làm được’” (Gioan Maria Vianey, Cha sở họ Ars, tr. 73).

Xưa nay, rất nhiều người đã công phu cố gắng phác họa chân dung người linh mục với tất cả vẻ đẹp, sự sang trọng, thánh thiêng và quý giá của nó. Khi suy nghĩ những dòng suy niệm này, con cũng đã cố gắng bỏ ra rất nhiều thời gian để vẽ tiếp thêm mấy cái râu ria cho chân dung linh mục hôm nay xem có phù hợp không. Con thấy đời sống linh mục càng ngày càng phức tạp, rắc rối, luôn bị giằng co, khó xử, bên cạnh những mối liên hệ và những cái nhìn sau đây trong bài phát biểu của Fouad Twal, Thượng phụ Latinh Giêrusalem:

“- Con người càng ngày càng dễ độc ác hơn với nhau và khó tha thứ…
- Người ta khó đón nhận những đổ vỡ.
- Sự pha trộn của các khía cạnh tốt xấu trong các lãnh vực ngày càng nhiều và tinh vi do khuynh hướng toàn cầu hoá.
- Các quyền lực xem ra bế tắc trong vấn đề giải quyết các mối xung đột.
- Các lực lượng của chủ nghĩa cực đoan đang phát triển và có nhiều người đi theo, ủng hộ.
- Những khả năng cho một giải pháp công bằng đang nhanh chóng suy giảm.
- Ở đâu người ta cũng tìm cách tránh né cô đơn và sự thật kể cả ngay trong lương tâm của mỗi người. Hậu quả là những lối sống buông thả, tự do, cuồng nhiệt, thác loạn, cạnh tranh, giành giật, hư đốn…”.

Những sự khủng hoảng phát sinh từ sự bế tắc đó. Cho nên, các linh mục cần phải thường xuyên đi tìm chỗ “tầm quất, massage” cho linh hồn mình để cho nó đỡ đi! Nơi Chúa Giêsu hiển hiện rõ nét của những mối ưu tư này. Có khi Ngài phác họa, loan báo; có khi Ngài ra tay, dấn thân cao độ; có khi Ngài tìm nơi chốn, người cộng tác thích hợp; có khi Ngài áp dụng phương pháp thi hành: sự cứng rắn hay mềm dẻo tùy hoàn cảnh, tình huống. Hằng ngày Chúa Giêsu vẫn phục vụ chúng ta như một nhân viên massage, tầm quất tuyệt vời! Ngài “massage, tầm quất” linh hồn chúng ta bằng sự an ủi, vỗ về, nâng niu, chiều chuộng, nũng nịu để cho chúng ta được nghỉ ngơi thư giãn phần hồn, nếu Ngài không chiều chuộng như thế thì chúng ta đã chết hết rồi!

Dịp hội ngộ linh mục tại Rôma ngày kết thúc Năm thánh Linh mục 2010, ĐTC Bênêđictô XVI nhắn nhủ các linh mục đừng cố gắng làm đủ mọi việc, nhưng nên chú trọng trên những lãnh vực chính yếu đó là: cử hành bí tích, rao giảng thật tốt, giúp đỡ người thiếu may mắn. Ngài cũng nhắn nhủ các linh mục đừng quên củng cố đời sống tâm linh, và khi cần thiết phải biết tìm thấy can đảm và khiêm nhu để nghỉ ngơi (Hiệp Thông số 59, tr. 59). Thiếu tinh thần hiệp thông cũng làm cho tinh thần phục vụ bị giảm sút; có khi dẫn tới sự khủng hoảng và những lệch lạc nghiêm trọng. Linh mục rất cần có thời gian để phục hồi chức năng, tập huấn, thường huấn, bồi dưỡng, bổ túc bằng sự tĩnh tâm, để trong cầu nguyện mới biết rằng: đôi khi phải hành động, đôi lúc chỉ nên đón nhận. Đôi khi phải nghỉ ngơi, đôi lúc phải chiến đấu. Thời gian này, chúng ta cần nhắc lại câu nói của thánh Augustinô: “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con”; và của thánh Phanxicô Salêsiô: “Lạy Chúa, con chỉ là củi khô: xin Chúa hãy châm lửa!”.

Thinh lặng trong sự cô đơn, kể cả thất bại trở thành cần thiết cho tâm hồn biết suy nghĩ và tận dụng nó như một ân ban. Ân ban đó chính là cuộc gặp gỡ thân mật riêng tư hơn với Thiên Chúa: “Khi nào ta đánh mất đi sự đụng chạm với sự hiện diện của Đấng Cứu Chuộc yêu thương, thì khi ấy cuộc sống sẽ trở nên một gánh nặng không thể chịu đựng được, và ta sẽ chỉ thấy phải xoá đói giảm nghèo, phải vạch mặt bất công, phải chiến thắng bạo động, phải chấm dứt chiến tranh và phải xoá bỏ cô đơn. Tất cả những thứ ấy đều là những vấn đề nghiêm trọng và kitô hữu phải cố gắng giải quyết; tuy nhiên, khi quan tâm của ta không còn xuất phát từ việc ta đích thân gặp gỡ Đức Kitô hằng sống nữa, ta sẽ thấy một sức nặng khủng khiếp” (Henri Nouwen, Chỉ có một điều cần thôi, tr. 29tt).

“Cuộc sống nào không có một nơi vắng vẻ, nghĩa là, cuộc sống nào không có một trung tâm thanh vắng, sẽ dễ dàng bị hủy diệt. Khi chỉ biết bám vào những kết quả của các hoạt động của ta như một cách duy nhất để khẳng định chính mình, ta sẽ trở nên ích kỷ và lo âu; và sẽ có khuynh hướng nhìn anh chị em mình như những kẻ thù phải xa tránh, chứ không phải là những bạn hữu ta đang chia sẻ những ân huệ của sự sống. Trong sự thinh lặng nội tâm, ta có thể dần dần lật tẩy sự ảo tưởng của tính tham lam, và sẽ khám phá ra ngay tại cõi lòng của mình rằng ta không phải là những gì ta có thể chinh phục, mà chỉ là những gì đã được ban cho ta. Mình có thể nghe tiếng của Đấng đã nói với mình trước khi mình biết nói lên lời, đã chữa lành cho mình trước khi mình có thể giơ tay kêu cứu, đã giải thoát mình từ lâu trước khi mình có thể giải thoát kẻ khác, và đã yêu thương mình trước khi mình có thể yêu thương tha nhân. Mình khám phá ra rằng những gì mình là quan trọng hơn những gì ta có, và bản thân ta giá trị hơn mọi thành quả của ta; ta khám phá ra rằng sự sống của ta không phải là một gia tài cần bảo vệ, nhưng là một quà tặng cần được chia sẻ. Chính lúc chia sẻ ấy mà ta nhận ra rằng những lời nói có tính chữa lành ta nói ra không phải là của ta, nhưng là những lời được ban cho ta; tình yêu ta có thể diễn tả là một phần của tình yêu vĩ đại hơn; và cuộc sống mới ta đem đến không phải là gia tài phải bám lấy mà chỉ là một quà tặng được đón nhận” (Henri Nouwen, Sđd, tr. 39).

“Thời đại này mời gọi chúng ta phải lo ngại về sự lan rộng của bóng tối, sự bành trướng của cái ác, sự sai lầm của ‘cái tôi’, sự lạm dụng của quyền lực, sự hưởng thụ của ích kỷ của cá nhân… đang đe dọa và lấn át đời sống chứng nhân của chúng ta. Làm thế nào để đương đầu, làm sao để giải gỡ những bế tắc cho một xã hội, một tổ chức, một cơ quan, một cá nhân khi mà nền tảng của họ đã không được thấm nhuần tinh thần Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô? Chính trong Thiên Chúa mà ta tìm được đồng loại và khám phá ra trách nhiệm của ta đối với họ. Thậm chí ta có thể nói rằng chỉ trong Thiên Chúa đồng loại của ta mới trở nên đồng loại đích thật, chứ không phải là một cái gì đó bám vào sự độc lập của ta, và chỉ trong và nhờ Thiên Chúa ta mới có thể phục vụ” (Henri Nouwen, Sđd, tr. 79). Đối với chúng ta, làm việc cho công lý hoà bình và trở nên những người hoạt động đích thật theo nghĩa tốt của từ ngữ ấy, chính là làm mà không phải vì ta cần chứng minh cho mình hoặc cho ai khác rằng ta đáng yêu. Nhưng, vì chính ta đụng chạm được tư cách là con yêu dấu của Thiên Chúa mà ta tự do hành động theo sự thật, ta hoạt động cho công lý hoà bình bất cứ khi nào ta thấy cần và khước từ bất công. Nếu như Thiên Chúa săn sóc ta, thì điều rất quan trọng là ta cũng phải săn sóc Thiên Chúa trên trần gian này! Thiên Chúa trở nên một Thiên Chúa vấp ngã, đã ngã gục trên thập giá, đã chết cho ta, và đã hoàn toàn cần đến tình yêu thương. Thiên Chúa đã làm thế để ta có thể gần gũi Ngài (cũng như người ta dễ gần gũi người hèn mọn hơn người cao sang). Thiên Chúa, Đấng yêu thương ta là một Vị Thiên Chúa trở nên mỏng dòn, lệ thuộc trên thập giá.

Sự vươn lên và vươn ra thế giới, xã hội và con người hôm nay cũng kéo theo cả căn tính và sứ vụ của linh mục nữa. Đôi khi chúng ta muốn bắt chước cho kịp thời đại. Đôi khi chúng ta cũng muốn hội nhập, hoà nhập. Đôi khi chúng ta cũng muốn chạy đua về phương tiện, phương pháp, phương hướng như một công chức nhà nước… Người trẻ có cơ hội này hơn người già. Người đi sau thích ứng dụng hơn người đi trước. Giáo Hội và xã hội có những lãnh vực, phương diện cần hợp tác, nhưng có những thứ phải độc lập hoàn toàn. Ranh giới đạo, đời, Giáo Hội, xã hội, tinh thần, vật chất, thánh thiêng, phàm tục… nhiều khi rất khó phân biệt, rất dễ lẫn lộn, và có khi bị đảo lộn! Chính con người chúng ta làm cho nó bị đảo lộn. Linh mục phải giữ được sự thăng bằng trước hết từ trong chính tâm hồn và căn phòng riêng của mình. Không có bậc sống nào đòi hỏi phải có một sự hài hoà và kết hợp chặt chẽ, một bên là các nhân đức bản thân và bên kia là các bổn phận nghiệp vụ cho bằng bậc linh mục. Đức cha Bùi Tuần viết: “Cái nguy hiểm của người môn đệ Chúa Kitô hôm nay là đang thích hưởng thụ ở chế độ cao”. Người trẻ thích hưởng thụ hơn người già. Cũng có người già tranh thủ hưởng thụ kẻo hết đời! Sự tinh vi, tinh tế của ma quỷ quả là thế. Chính chúng ta cũng có lúc muốn biện minh theo chiều hướng của ma quỷ và sự dữ. Lối sống lành mạnh và quân bình trong đời sống tận hiến rất khó và rất quan trọng. Thách đố biết giữ lấy sự quân bình đã là anh hùng lắm rồi.

Đức Giám mục Tổng thư ký xuất sắc của HĐGM tiên khởi là thánh Gioan Tông đồ đã dám viết về người bạn của mình là ông Giám mục Giuđa đang giữ chức Chủ tịch UBBAXH trong câu chuyện xức dầu thơm tại Bêtania như sau: “Y (Giuđa) giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung chứ không phải là để lo cho người nghèo” (Ga 12,5-6). Cũng may Giuđa chết trước Gioan, chứ nếu ông mà đọc được điều này thì Gioan cũng bị khốn khổ đấy!

Hãy bắt chước thánh Phaolô mà thú nhận rằng: “Thật vậy, tất cả chúng ta nữa, xưa kia chúng ta cũng ngu xuẩn, không vâng lời, lầm lạc, làm nô lệ cho đủ thứ đam mê và khoái lạc, sống trong gian ác và ganh tị, đáng ghét và ghen ghét lẫn nhau. Nhưng Thiên Chúa đã cứu độ chúng ta, đã biểu lộ lòng nhân hậu và lòng yêu thương của Người đối với nhân loại. Không phải vì tự sức chúng ta đã làm nên những việc công chính, nhưng vì Người thương xót, nên Người đã cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần để chúng ta được tái sinh và đổi mới” (Tt 3,3-5). Thánh nhân còn lặp lại điều ấy trong thư gửi tín hữu Êphêsô: “Tất cả chúng tôi xưa kia cũng thuộc hạng người đó, khi chúng tôi buông theo các đam mê của tính xác thịt, thi hành những ước muốn của tính xác thịt và của trí khôn. Bẩm sinh chúng tôi là những kẻ đáng chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, như những người khác. Nhưng Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã Người cũng cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ” (Ep 2,3-6).

Tìm nghe lại tiếng gọi từ lương tâm, tiếng gọi từ trách nhiệm, tiếng gọi từ sứ vụ tông đồ, tiếng gọi từ thánh chức, tiếng gọi vì phần rỗi đời đời sẽ là những động lực cơ bản, cần thiết giúp chúng ta suy nghĩ hằng ngày. Đồng thời cũng là những thách đố cho sứ vụ tông đồ và cũng là bản xét mình thường xuyên để cập nhật vậy. Amen.

LM Phêrô Bùi Trọng Khẩn
chia sẻ với linh mục đoàn giáo phận Bùi Chu
dịp tĩnh tâm tháng 9/2011
tại TGM Bùi Chu
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Indonesia: Trung tâm âm nhạc dạy thánh nhạc cho giới trẻ Công giáo Malaysia
Nguyễn Trọng Đa
07:34 25/09/2011
Jakarta – Linh hoạt việc cử hành phụng vụ, và thông qua âm nhạc, truyền bá Lời Chúa – đó là nhiệm vụ truyền giáo của Trung tâm Âm nhạc Phụng vụ Indonesia (PML) nổi tiếng, vốn trong những ngày gần đây đã “tác động” các chức năng tôn giáo của Giáo phận Kinangau, Sabah, một khu vực phía đông của Malaysia.

Linh mục Karl-Edmund Prier, đồng giám đốc của Trung tâm Âm nhạc Phụng vụ Indonesia (PML) cùng với Widayawan Paul, nói với hãng tin AsiaNews rằng cha đã nhận được yêu cầu từ giáo phận này của Malaysia, để tổ chức một khóa học chuyên sâu về âm nhạc hợp xướng cho khoảng 300 thanh niên Công giáo.

Vị linh mục Dòng Tên người Đức nói: “Sự kiện hàng năm này được hàng trăm thanh niên tham dự, với những bài học dành cho hát thánh ca và âm nhạc hợp xướng".

Trong khóa học tại Malaysia, khía cạnh gây ấn tượng nhất cho linh mục Prier và Paul Widyawan là "việc sáng tác bài ca riêng của học viên", hơn là "chơi thánh nhạc do người khác sáng tác”. Vào cuối khóa học, mỗi nhóm sáng tác vài bài thánh ca cho Mùa Vọng, hoặc bài lấy cảm hứng từ các Thánh Vịnh, để biểu diễn trên sân khấu trong lễ hội ca đoàn, sự kiện cuối cùng nhằm bế mạc khóa học.

Linh mục nhấn mạnh rằng 300 người trẻ Công giáo Malaysia đã đáp ứng "với lòng nhiệt thành" cho lễ hội âm nhạc. Cha Prier nói: "Họ là những thanh thiếu niên nam nữ trong độ 15-25, và họ tự hào thể hiện tài năng âm nhạc và sự nhiệt tình của họ ". Widayawan, đồng giám đốc, cũng là một nhạc sĩ và giáo viên lâu năm, đã rất vui mừng để "đáp ứng sự mong đợi của họ", và truyền bá kiến thức của mình cho giới trẻ.

Ban Giám đốc Trung tâm Âm nhạc Phụng vụ Indonesia (PML) nói thêm, việc học thánh nhạc là chủ đề ngày càng được quan tâm nhiều và rộng rãi ở Indonesia, bởi vì nó là một phương tiện để truyền tải di sản văn hóa của Giáo Hội và đất nước.

Họ khẳng định, chúng tôi có hàng trăm yêu cầu cho khóa học sẽ bắt đầu trong năm nay. Linh mục Prier cho biết rằng hiện nay Trung tâm Âm nhạc Phụng vụ Indonesia (PML) có “69 học sinh trung học phổ thông, 32 học sinh trung học cơ sở, và 118 học sinh tiểu học”.

Khóa học về thánh nhạc được tổ chức bởi Trung tâm Âm nhạc Phụng vụ Indonesia (PML) từ ngày 1 đến ngày 5-9 tại Tambun, cách Kota Kinabalu, bang Sabah, Malaysia, khoảng 100 km. Lúc bế mạc khóa học, nhiều người bày tỏ mong muốn tiếp tục học thêm, và trở thành ca trưởng hoặc người chỉ huy dàn nhạc nhà thờ, đào sâu kiến thức của họ tại Trung tâm có trụ sở tại Yogyakarta, Trung Java, Indonesia. (AsiaNews 24-9-2011)
 
Trung Quốc đang thầu xây nhà thờ cho Kitô hữu tại châu Phi
Phạm Kim An
07:38 25/09/2011
Nairobi – Các công ty Trung Quốc đang xây dựng nhà thờ ở châu Phi, cho nhiều Giáo hội Kitô giáo, giành công việc xây dựng trước đây của châu Âu, và của các công ty Mỹ gần đây. Chẳng hạn, tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Gia ở Nairobi, Công ty Xây dựng Zhongxing của Trung Quốc đang xây dựng một tòa nhà mới cho văn phòng của tổng giáo phận Nairobi.

Một giám chức của tổng giáo phận nói: “Chúng tôi đã làm việc với họ trước đây, và chúng tôi đã có một kinh nghiệm tích cực. Chúng tôi tổ chức đấu thầu công khai, và họ đã trình bày phương án tốt nhất". Trong quá khứ, thường các nước gửi các nhà truyền giáo đến châu Phi cũng lo xây dựng nhà thờ nữa.

Đức Giám mục Anh giáo ở Uganda, Stanley Ntagali, giáo phận Masindi-Kitara, cho biết trong một cuộc phỏng vấn: "Các anh em của chúng tôi trong đức tin, cùng với các công ty của họ đã giúp xây dựng nhà thờ chúng tôi trước kia. Nhưng bây giờ Trung Quốc đã trở thành một cường quốc thế giới, và cũng muốn bám víu vào Châu Phi”.

Tại Kenya, người Trung Quốc đang xây dựng tòa nhà làm việc của Tổng Giáo Phận Nairobi, cũng như đang xây dựng một nhà thờ giáo phái Ngũ Tuần quốc gia, gọi là Thừa tác viên Tin mừng của Đức tin. Một công ty khác, Fubeco Ltd (Funshin Trung Quốc), đang xây dựng nhà thờ Công Giáo Đức Mẹ Mân Côi, tại Kiambu gần Nairobi. Công ty này đã xây dựng Luther Plaza, trụ sở của Giáo Hội Lutherô của Kenya.

Hơn nữa, Trung Quốc là một đối tác hàng đầu trong thương mại với châu Phi, trong năm 2009, vượt cả Pháp và Anh. Và trong lĩnh vực xây dựng, các công ty Trung Quốc thường đánh bại các đối thủ cạnh tranh, do đưa ra chi phí thầu xây dựng thấp hơn.

Trung Quốc cũng đang in phần lớn các ấn bản Kinh Thánh được Kitô hữu sử dụng ở châu Phi, mặc dầu sự tự do tôn giáo ở Trung Quốc, đặc biệt là đối với các giáo phái Kitô giáo không được chế độ công nhận, đã bị từ chối.

Công ty In ấn Hữu nghị (APC) đã tăng gấp đôi số lượng sách Kinh Thánh in trong năm 2007, từ sáu triệu lên đến 12 triệu cuốn. Và hầu hết các sách này tràn ra khắp thị trường châu Phi. Ông Jesse Mugambi, một giáo sư xã hội học về tôn giáo tại Đại học Nairobi, đã nói: “Các hợp đồng đều về tay các công tyTrung Quốc để in sách Kinh Thánh, bởi vì họ đưa ra giá in thấp hơn so với bất kỳ quốc gia nào ở phương Tây". (AsiaNews 24-9-2011)
 
Erfurt: ĐTC Biển Đức XVI nói đức tin Công giáo có một tương lai
Nguyễn Trọng Đa
07:42 25/09/2011
ĐTC chào mọi người kiên trì trong đức tin, dù sống trong các chế độ độc tài

ROMA - ĐTC Biển Đức XVI chào mừng tất cả những người đã kiên trì trong đức tin, mặc dù các chế độ độc tài phát xít và cộng sản "đã tạo ra hiệu ứng trận mưa axít trên đức tin Kitô giáo”. "Đức tin Công Giáo có một tương lai như một sức mạnh công cộng ở Đức", - ĐTC Biển Đức XVI đã nói như thế, bằng cách nêu ra chứng tá của các vị thánh quan thầy Giáo phận Erfurt: thánh Elizabeth thành Thuringia, thánh Boniface và thánh Kilien.

Trước khi rời Erfurt, thủ phủ bang Thuringia, để đi Freiburg, chặng cuối cùng của chuyến tông du thứ ba của Ngài tại Đức, ĐTC Biển Đức XVI đã chủ sự một thánh lễ tại Quảng trường Nhà thờ chính tòa Erfurt, tôn vinh vị nữ thánh quan thầy của giáo phận, thánh Elizabeth thành Thuringia.

ĐTC Biển Đức XVI đã được Đức Giám Mục giáo phận Erfurt, Đức Giám mục Joachim Wanke, tiếp đón. Theo Đài phát thanh Vatican, trong bài diễn văn chào mừng, Đức Giám mục Wanke đã khẳng định: “Chúng con nhìn thấy trong chuyến thăm của cha một dấu hiệu khích lệ cho tất cả mọi người Công giáo ở Đông Đức cũ, là những người vẫn trung thành trong đức tin Công giáo dưới thời cộng sản".

Trước khoảng 30.000 người tụ tập tại quảng trường của nhà thờ chính tòa Erfurt, ĐTC Biển Đức XVI nói về bối cảnh lịch sử của Thuringia, lúc ấy còn thuộc Cộng hòa Dân chủ Đức, vốn đã phải “chịu đựng một chế độ độc tài nâu [Đức Quốc xã] và một chế độ độc tài đỏ [Cộng sản], là các chế độ đã đã tạo ra hiệu ứng trận mưa axít trên đức tin Kitô giáo”.

ĐTC Biển Đức XVI khẳng định: "Rất nhiều hiệu ứng của thời kỳ này vẫn còn được cảm nhận, đặc biệt là trong lĩnh vực tri thức và tôn giáo. Đa số người dân của đất nước này kể từ đó đã sống xa đức tin vào Chúa Kitô và sự hiệp thông của Giáo Hội".

Theo Ngài, "sự tự do mới", nếu nó cho phép các cơ hội mới cho Giáo Hội, đã không làm phát triển đức tin. Ngài tự hỏi: “Người ta không cần tìm các gốc rễ sâu xa của đức tin và của đời sống Kitô hữu ở nơi khác, hơn là chỉ tìm nơi sự tự do xã hội sao?".

“Chính trong tình hình của sự đàn áp bên ngoài mà nhiều người Công giáo kiên định vẫn trung thành với Chúa Kitô và Giáo Hội. Họ đã chấp nhận sự bất lợi trên bình diện cá nhân để sống đức tin của họ", - Ngài đã khẳng định như thế, trong khi cám ơn các linh mục và giáo dân đã chăm sóc mục vụ cho người tị nạn, và các bậc cha mẹ “giữa cộng đồng tha phương và trong bầu khí chính trị thù địch với Giáo Hội, đã giáo dục con cái của họ trong đức tin Công Giáo. Xin Chúa thưởng công nhiều cho những người kiên vững trong đức tin như vậy”.

Trong bài giảng, ĐTC Biển Đức XVI đã nói nhiều về chứng tá đức tin của các thánh quan thầy Giáo phận Erfurt, thánh Elizabeth thành Thuringia, thánh Boniface và thánh Kilien. Các vị thánh này có một điểm chung: "các vị chứng tỏ cho chúng ta rằng có thể và cần sống một cách quyết liệt mối quan hệ với Thiên Chúa, đặt Thiên Chúa ở vị trí hàng đầu, chứ không phải như một thực tại giữa các thực tại khác”.

Ngài giải thích rằng đức tin này là một đức tin cùng với các người khác. "Sự việc có thể tin Chúa, trước tiên là nhờ Chúa”, nhưng cũng còn nhờ “những người gần gũi với tôi, những người đã tin trước tôi, và những người đang tin với tôi". "Chữ với này, nếu không có nó là không có đức tin cá nhân, chính là Giáo Hội".

Ngài nhấn mạnh: “Nếu chúng ta mở lòng cho toàn đức tin trong toàn lịch sử và trong các chứng tá của toàn Giáo Hội, đức tin Công Giáo có một tương lai như một sức mạnh công cộng ở Đức. Đồng thời, hình ảnh các thánh mà tôi vừa nhắc đến cho thấy sự phong nhiêu lớn của một đời sống thánh thiện, của tình yêu triệt để với Thiên Chúa và với tha nhân. Các thánh, mặc dù cả khi có ít thánh thôi, đang thay đổi thế giới này". (Zenit.org 24-9-2011)
 
Tường thuật ngày thứ 3 chuyến viếng thăm Cộng Hòa Liên Bang Đức
Linh Tiến Khải
07:53 25/09/2011
Thứ bẩy 24-9-2011 là ngày thứ ba trong chuyến viếng thăm Cộng hòa Liên Bang Đức bốn ngày của Đức Thánh Cha. Đức Thánh Cha đã có 5 sinh hoạt chính: lúc 9 giờ sáng ngài chủ sự thánh lễ kính thánh nữ Elidabét Thueringen trong nhà thờ chính tòa Erfurt. Tiếp đến ngài ra phi trường Erfurt lấy máy bay đi Freiburg. Tại đây Đức Thánh Cha đã viếng thăm nhà thờ chính tòa trước khi có lễ nghi chào đón tại quảng trường Muenster của thành phố. Sau 5 giờ chiều Đức Thánh Cha gặp gỡ đại điện các Giáo Hội chính thống trong đại chủng viện Freiburg, rồi nói chuyện với các chủng sinh. Tiếp đến ngài gặp Hội đồng Ủy ban trung ương công giáo Đức, và vào lúc 7 giờ tối Đức Thánh Cha chủ sự buổi canh thức với giới trẻ tại khu vực hội chợ của thành phố Freiburg. Sau đây là chi tiết các sinh hoạt của Đức Thánh Cha.

Lúc 8 giờ 15 sáng thứ bẩy Đức Thánh Cha đã đi xe bọc kính từ Đại chủng viện đến quảng trường nhà thờ chính tòa Erfurt cách đó 3 cây số để chủ sự thánh lễ kính thánh nữ Elidabét Thueringen.

Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha mời gọi mọi người cảm tạ Chúa, hiên ngang sống đức tin và noi gương các thánh Kilian, Bonifazio, Adelar, Eoban và Elisabét Thueringen đã từng sống và hoạt động tại đây, để đi đến với tha nhân và mời họ cùng khám phá ra sự phong phú tràn đầy của Tin Mừng.

Một trong những lý do để cảm tạ Thiên Chúa đó là các thay đổi chính trị xã hội. Trong năm thánh nữ Elidabét 1981, tức cách đây 30 năm khi Erfurt còn là vùng đất của Đông Đức, có ai ngờ được rằng chỉ ít năm sau bức tường ngăn cách hai miền Tây và Đông Đức sụp đổ? Rồi lùi lại 70 năm nữa, tức vào năm 1941 dưới thời Đức quốc xã, có ai có thể thấy trước là bốn năm sau đó thì “Vương quốc ngàn năm” chìm nghỉm trong tro tàn đổ nát? Người dân vùng Thueringen này đã phải gánh chịu hai chế độ độc tài ”nâu” của Đức Quốc Xã và ”đỏ” của Cộng Sản, và chúng đã gây ra hậu qủa giống như một trận mưa át xít. Có biết bao nhiêu hậu qủa còn phải được tiêu hóa, nhất là trên bình diện trí thức và tôn giáo. Đa số dân chúng bang này đã xa rời niềm tin nơi Chúa Kitô và sự hiệp thông của Giáo Hội. Nhưng các biến cố trong hai mươi năm qua cũng cho thấy các kinh nghiệm tích cực, chứng minh cho thấy Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta và dẫn đưa chúng ta bước đi trên các con đường mới.

Tiếp tục bài giảng Đức Thánh Cha nhận định như sau:

Chúng ta tất cả xác tín rằng sự tự do mới đã giúp trao ban cho cuộc sống con người một phẩm giá lớn hơn và mở ra nhiều khả thể mới. Cả đối với Giáo Hội, với lòng biết ơn, chúng ta cũng có thể nêu bật nhiều dễ dãi: các khả thể mới đối với các sinh hoạt xứ đạo, việc tái thiết và mở rộng các nhà thờ và các trung tâm giáo xứ, các sáng kiến mục vụ hay văn hóa giáo phận. Nhưng các khả thể ấy có giúp gia tăng đức tin hay không? Có phải tìm gốc rễ đức tin và cuộc sống kitô ở đâu khác chứ không phải nơi sự tự do xã hội hay không?... Nhiều tín hữu đã chấp nhận các thiệt thòi, miễn là có thể sống đức tin của họ. Đặc biệt trong vùng Eichsfeld nhiều tín hữu công giáo đã kháng cự lại ý thức hệ cộng sản. Sự hiện diện của Thiên Chúa được biểu lộ trong cuộc đời của các thánh. Chứng tá của các vị trao ban can đảm cho cuộc thức tỉnh mới. Đó là các thánh bổn mạng của giáo phận Erfurt. Bắt đầu là thánh nữ Elidabét gốc Hungari, sống đời cầu nguyện sâu đậm, hãm mình và khó nghèo. Từ lâu đài Wartburg thánh nữ thường xuyên xuống thành phố Eisenach để săn sóc các người nghèo đói bệnh tật, và tuy qua đời năm 24 tuổi thánh nữ đã để lại hoa trái thánh thiện phong phú. Tiếp đến là thánh Bonifazio, ”Tông đồ dân Đức”, từ Anh quốc đến thành lập giáo phận Erfurt năm 742 và chết tử đạo cùng với hai cộng sự viên là các thánh Eoban và Adelar có mộ trong nhà thờ chính tòa này. Trước đó đã có thánh Kilian, thừa sai người Ailen, tử đạo tại Wuerzburg cùng với hai bạn đồng hành vì dám phê bình lối sống sai lạc của quận công Thueringen. Ngoài ra còn có thánh tích của Đức Cha Severino Giám Mục Ravenna bên Italia được đưa về Erfurt năm 836. Đức Thánh Cha nêu bật sứ điệp của các thánh như sau:

Vâng, các thánh chỉ cho chúng ta thấy rằng có thể và thật là tốt đẹp sống tương quan với Thiên Chúa một cách triệt để, dành chỗ nhất cho Thiên Chúa chứ không phải ở xa giữa các thực tại khác. Các thánh minh nhiên rằng chính Thiên Chúa hướng tới chúng ta trước, đã và đang tự tỏ hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu. Chúa Kitô đến gặp chúng ta, nói với chúng ta và mời gọi chúng ta đi theo Ngài.

Đức tin luôn luôn có chiều kích tập thể. Tôi có thể tin là nhờ Chúa thương nhìn đến tôi và nhóm lên ngọn lửa đức tin nơi tôi. Nhưng một cách cụ thể, tôi phải cám ơn các anh chị em khác đã tin trước tôi và cùng tin với tôi. Chính việc ”tin với” ấy làm thành Giáo Hội, và Giáo Hội không đừng lại trước các hiên giới. Nếu chúng ta rộng mở cho toàn đức tin trong toàn lịch sử và trong các chứng tá của toàn Giáo Hội, thì khi đó đức tin công giáo có một tương lai và là sức mạnh cho cả nước Đức nữa.

Thánh lễ đã kết thúc sau hai giờ đồng hồ. Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đi xe ra phi trường để lấy máy bay đi Freiburg, cách Erfurt 380 cây số. Sau một giờ bay máy bay đã đến phi trường Lahr của thành phố Freiburg. Tiếp đón Đức Thánh Cha tại chân thang máy bay có ông Windfried Kretschmann, Bộ trưởng chủ tịch bang Baden-Wuertenberg và phu nhân cũng như Đức Cha Robert Zollitsch, Tổng Giám Mục Freiburg kiêm Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức. Bang Baden-Wuertenberg rộng gần 36.000 cây số vuông có 10,7 triệu dân và là bang lớn thứ ba của Liên Bang Đức. Phân nửa diện tích dành cho nông nghiệp, và 1/3 là rừng gọi là Rừng Đen. Bang này nổi tiếng có kỹ thuật cao, đặc biệt trong việc dùng năng lượng măt trời, có thức ăn và nhiều thứ rượu ngon, dân chúng trẻ trung và số người thất nghiệp thấp nhât trong nước.

Từ phi trường Đức Thánh Cha đã đi xe vào thành phố cách đó 50 cây số. Thành phố Freiburg có 200.000 dân trong đó có 30.000 sinh viên. Được thành lập năm 1091 thành phố phát triển mạnh nhờ các mỏ bạc trong Rừng Đen. Năm 1457 Quận công trưởng Albrecht VI cho xây đại học và giao cho các tu sĩ dòng Tên điều khiển. Vì dân chúng thành phố chống lại cuộc cải cách tin lành Freiburg trở thành pháo đài kiên cố của Công Giáo vùng sông Rhein Thượng. Trong thời đệ nhị thế chiến thành phố bị hư hại nặng vì các cuộc dội bom, nhưng các dinh thự lịch sử đã được tái thiết như cũ. Thành phố sống về nghề du lịch.

Tổng giáo phân Freiburg được thành lập năm 1821 có hơn 4,7 triệu dân, 42% theo công giáo, với 1.075 giáo xứ, 949 linh mục triều, 215 linh mục dòng, 299 tu huynh, 1.709 nữ tu, 226 Phó tế vĩnh viễn và 70 đại chủng sinh. Giáo Hội điều khiển 1.012 cơ cấu giáo dục và 620 trung tâm từ thiện bác ái.

Sau khi tới thành phố Đức Thánh Cha đã đổi sang xe bọc kính để đến quảng trường Muenster và viếng thăm nhà thờ chính tòa Đức Bà. Nhà thờ chính tòa được xây theo kiểu gô tích giữa thế kỷ XII và XVI, có tháp chuông cao 116 mét, biểu tượng cho thành phố và bao gồm 19 qủa chuông lớn nhỏ khác nhau trong đó có một qủa cổ xưa nhất tại Đức gọi là ”Chuông Hosanna” đúc năm 1258. Bên trong nhà thờ có các kính mầu thuộc các thế kỷ XIII-XVI và nhiều tác phẩm nghệ thuật, trong đó có bàn thờ chính của điêu khắc gia Hans Baldung Grien.

Đức Thánh Cha đã được Kinh sĩ đoàn nhà thờ tiếp đón. Bên trong có 800 người gồm các nam nữ tu sĩ và một nhóm người tàn tật. Sau khi viếng Mình Thánh Chúa Đức Thánh Cha đã đọc kinh truyền tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người. Ngài đã ký vào sổ vàng của bang và thành phố, trước khi có lễ nghi chào đón chính thức tại quảng trường.

Ngỏ lời với mọi người Đức Thánh Cha đã bầy tỏ niềm vui được viếng thăm giáo phận Freiburg trong tư cách là Người Kế Vị Thánh Phêrô, để cầu nguyện với tín hữu, loan báo lời Chúa và cử hành thánh lễ. Đức Thánh Cha xin mọi người cầu nguyện cho các ngày viếng thăm đem lại nhiều hoa trái, để Thiên Chúa củng cố đức tin, niềm hy vọng và gia tăng lòng mến của mọi người.

Lễ nghi chào đón kết thúc lúc 2 giờ rưỡi chiều, sau đó Đức Thánh Cha lên xe về đại chủng viện Borromeo, cách đó 300 mét để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi chốc lát.

Lúc 16.50 Đức Thánh Cha đã gặp gỡ nguyên thủ tướng Helmut Kohl và phu nhân. Ông Kohl sinh năm 1930 gia nhập đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo năm 1947. Ông đã từng là bộ trưởng chủ tịch bang Rheinland-Pfalz giữa các năm 1969-1976, và được bầu làm Thủ tướng Liên Bang Đức giữa các năm 1982-1989, rồi là Thủ tướng của nước Đức thống nhất cho tới năm 1998.

Vào lúc 17.15 Đức Thánh Cha đã gặp gỡ 15 đại diện các Giáo Hội chính thống cùng với các Hồng Y và Giám Mục tùy tùng cũng như hai Giám Mục chuyên viên đại kết của Hội Đồng Giám Mục Đức.

Các tín hữu chính thống tại Đức bắt nguồn từ ba đợt di cư: đợt đầu tiên từ Nga hồi năm 1917; đợt thứ hai từ Hy Lạp và Serbia trong thập niên phát triển kinh tế 1960; và đợt thứ ba từ các nước Đông Âu sau khi chế độ cộng sản sụp đổ và chiến tranh cựu Yugoslavia. Theo nhu cầu các nhân viên mục vụ được gửi sang giúp các tín hữu, và các giáo phận được chính thức thành lập sau đó. Theo thống kê hồi tháng 4 năm nay các Giáo Hội chính thống tại Đức có 467 cộng đoàn với 17 Giám Mục, trong đó có 12 vị thường trú, 267 linh mục và 40 phó tế. Số tín hữu được khoảng 1,3 triệu, trong đó có 400 ngàn thuộc Tòa Thượng Phụ chính thống Costantinopoli, 300 ngàn thuộc Tòa thượng phụ chính thống Rumani, 200 ngàn thuộc Tòa Thượng phụ chính thống Serbi, 250 ngàn thuộc Tòa thượng phụ chính thống Matscơva, 60 ngàn thuộc Tòa thượng phụ chính thống Bulgari, 13 ngàn thuộc Tòa thượng phụ chính thống Antiokia, và 10 ngàn thuộc Tòa thượng phụ chính thống Georgia.

Liên quan tới các tín hữu chính thống đông phương, có 80 ngàn thuộc Giáo Hội chính thống Siro Antiokia, 40 ngàn thụộc Giáo Hội chính thống tông truyền Armeni, 20 ngàn thuộc Giáo Hội chính thống Etiopi, 6.000 thuộc Giáo Hội chính thống Copte Alessandria và 1.000 thuộc Giáo Hội chính thống Eritrea.

Đáp lời chào của Đức Tổng Giám Mục Augostinos, Đức Thánh Cha bầy tỏ nỗi vui sướng được gặp các vị đại diện các Giáo Hội chính thống và đông phương. Ngài chia vui với các vị về sự phát triển và củng cố cơ cấu của các Giáo Hội trong đại lục Âu châu nói chung và trong Cộng hòa Liên bang Đức nói riêng. Ngài nói:

Trong bối cảnh này tôi sẵn sàng lập lại điều tôi đã nói ở nơi khác rằng: giữa các Giáo Hôi và cộng đoàn kitô, trên bình diện thần học Giáo Hội Chính Thống gần gũi với chúng tôi nhất; các tín hữu công giáo và chính thống đều có cùng một cơ cấu của Giáo Hội ban đầu. Như thế, chúng ta có thể hy vọng rằng không còn xa lắm ngày chúng ta có thể cùng nhau cử hành bí tích Thánh Thể.

Đức Thánh Cha nhắc lại rằng ngay từ khi còn là giáo sư thần học tại Bonn và là Tổng Giám Mục Muenchen Freising, ngài đã vun trồng tình bạn với các vị dại diện của Giáo Hội chính thống. Và trong thời gian này Hội Đồng Giám Mục Đức cũng đã thành lập ủy ban hỗn hợp công giáo chính thống để thăng tiến sự hiểu biết, củng cố và phát triển các tương quan giữa hai Giáo Hội.

Đức Thánh Cha cũng bầy tỏ lòng biết ơn đối với công việc của Ủy ban quốc tế đối thoại thần học giữa Giáo Hội công giáo và các Giáo Hội chính thống đông phương. Trong khuynh hướng của thời đại hiện nay muốn giải phóng cuộc sống chung khỏi Thiên Chúa, các Giáo Hội Kitô tại Đức càng cần phải cùng nhau dấn thân bước đi trên con đường thăng tiến sự hiểu biết và hiệp thông giữa các dân tộc, bảo vệ phẩm giá và sự sống con người từ khi thụ thai cho tới khi chết tự nhiên, mạnh mẽ chống lại mọi lèo lái sự sống con người, và thăng tiến giá trị của hôn nhân và gia đình khỏi mọi giải thích sai lạc.

Sau khi gặp gỡ đại diện các Giáo Hội chính thống Đức Thánh Cha đã nói chuyện với các đại chủng sinh trong nhà nguyện đại chủng viện.

Vào lúc 18,15 phút Đức Thánh Cha đã tiếp kiến hội đồng Ủy ban trung ương tín hữu công giáo Đức. Ủy ban này đã được thành lập năm 1952 và kế thừa Ủy ban trung ương tổ chức Đại hội công giáo Đức thành lập năm 1848, nhằm mục đích bảo vệ Giáo hỘi công giáo khỏi sự kiểm soát của nhà nước. Ngày nay Ủy ban gồm đại diện của các Hội đồmg giáo phận, các tổ chức công giáo, các hiệp hội tông đồ giáo dân và các nhân vật của Giáo Hội và xã hội.

Ngỏ lời với mọi người Đức Thánh Cha đề cập tới chương trình trợ giúp phát triển, trong đó giới chức hữu trách chính trị, kinh tế và giáo hội sang sống một thời gian với dân nghèo bên Phi châu, Á châu hay châu Mỹ Latinh, chia sẻ cuộc sống thường ngày của họ, nhìn cuộc đời với đôi mắt của họ để học hiểu phải liên đới với họ như thế nào. Áp dụng nó ngay trên đất Đức này chúng ta sẽ thấy có nhiều nghèo nàn trong tương quan giữa con người với nhau và nghèo nàn trong lãnh vực tôn giáo.

Chúng ta đang sống trong một thời đại trong đó chủ thuyết tương đối thấm nhập mọi lãnh vực cuộc sống. Đôi khi nó trở thành hiếu chiến và chống lại những người cho rằng họ biết tìm sự thật hay ý nghĩa cuộc sống ở đâu. Chúng ta nhận thấy chủ nghĩa tương đối đó ngày càng ảnh hưởng trên các tương quan giữa con người với nhau và trên xã hội. Nó cũng được diễn tả ra

trong sự không bền chí và liên tục của biết bao nhiêu người và trong một cá nhân chủ gnhĩa thái qúa.

Có người không còn có khả năng khước từ một điều gì đó hay hy sinh cho người khác. Cả việc dấn thân cho công ích, trong các lãnh vực xã hội và văn hóa cũng như cho những người cần giúp được giúp đỡ cũng suy giảm. Có người khác thì không thể trung thành sống với một người bạn đường một cách vô điều kiện. Người ta hầu như không tìm ra can đảm hứa trung thành với nhau và tùy thuộc nhau suốt đời nữa, hay quyết định sống chung thủy, chân thực và cùng nhau thành tâm tìm giải pháp cho các vấn đề.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói trong thế giới tây âu giầu có này cũng có sự thiếu thốn: biết bao nhiêu người thiếu kinh nghiệm về lòng lành của Chúa. Tại sao họ lại không tìm thấy điểm tiếp cận nào với các Giáo Hội và các cơ cấu truyền thống? Tìm trả lời cho câu hỏi này là nhiệm vụ của Hội Đồng Tòa Thánh Tái Truyền Giảng Tin Mừng cho Âu châu, nhưng nó cũng liên quan tới mọi ngưới chúng ta. Tại Đức Giáo Hội đươc tổ chức rất tuyệt hảo. Nhưng đàng sau các cơ cấu ấy có sức mạnh tinh thần và niềm tin nơi Thiên Chúa hằng sống hay không? Phải thành thật nhìn nhận rằng có nhiều cơ cấu hơn là Thần Khí. Cuộc khủng hoảng đích thật của thế giới tây âu là một cuộc khủng hoảng đức tin. Nếu chúng ta không đi tới chỗ canh tân đích thực trong lòng tin, thì mọi cải cách cơ cấu đều không hữu hiệu. Do đó phải tìm ra các con đường mới của việc loan báo Tin Mừng. Một trong những con đường đó là các cộng đoàn nhỏ, trong đó có thể sống tình bạn, cùng nhau thờ lậy Chúa; trong đó tín hữu có thể chia sẻ kinh nghiệm đức tin trong nơi làm việc và trong gia đình, giữa những người thân quen và làm cho Giáo Hội tới gần xã hội hơn. Điều quan trọng là sự gắn bó với nhựa sống là bí tích Thánh Thể, vì không có Chúa Kitô chúng ta không thể làm được gì.
 
Đức Thánh Cha nói có nhiều người thiếu kinh nghiệm về Thiên Chúa
Bùi Hữu Thư
09:00 25/09/2011
Ngài nói nước Đức đang đau khổ vì nghèo khó về tinh thần

FREIBURG, Đức, 24 tháng 9, 2011 (Zenit.org).- Đức Thánh Cha hôm nay trình bầy một phân tích về xã hội Đức khi ngài tiếp xúc với Uỷ Ban Trung Ương của người Công Giáo Đức, ngài nói rằng trong khi quốc gia này có nhiều đặc tính tốt, nhưng lại thiếu sót trong lãnh vực tương quan và tôn giáo.

Ngài mời gọi nhưng người hiện diện tại chủng viện của Tổng Giáo Phận Freiburg ở Breisgau hãy xem xét cách thức người ngoại quốc có thể học biết về lối sống của người Đức và nền văn hóa của quốc gia này nếu họ sẽ đến sống một tuần trong một gia đình trung bình.

Đức Thánh Cha đề nghị, "Họ sẽ thấy có nhiều điều để thán phục tại đây, chẳng hạn, sự phồn thịnh, sự trật tự và hữu hiệu. Nhưng nếu nhìn với cặp mắt không thiên vị, họ cũng sẽ thấy nhiều sự nghèo khó: nghèo về tình nhân loại và nghèo khó về lãnh vực tôn giáo."

Đức Thánh Cha khẳng định, "Chúng ta đang sống trong một thời đại có tính cách tương đối cao đã xâm nhập vào mọi khía cạnh của đời sống. Đôi khi chủ nghĩa tương đối này trở nên quá khích, khi chống lại những ai nói rằng họ biết đâu là sự thật và ý nghĩa của đời sống."

"Và chúng ta nhận thấy rằng chủ nghĩa tương đối này ngày càng có ảnh hưởng nhiều hơn đối với các mối tương quan của nhân loại và đối với xã hội. Điều này phản ảnh, trong nhiều điều khác nữa, trong sự bất thường trực và đổ nát của nhiều đời sống con người và trong chủ nghĩa cá nhân thái quá."

Đức Thánh Cha Benedict XVI nói rằng trong nhiều xã hội tân tiến, "dường như không còn có thể có được bất cứ hình thức từ bỏ mình hay làm một hy sinh cho kẻ khác."

Đức Thánh Cha tiếp, "Chúng ta thấy rằng trong thế giới Tây Phương giầu có, nhiều người thiếu kinh nghiệm về sự tốt lành của Thiên Chúa."

Đức Thánh Cha ghi nhận rằng trong Giáo Hội Đức tổ chức chu đáo, "chúng ta phải thành thật mà công nhận rằng chúng ta đã có đầy đủ về cấu trúc nhưng thiếu về ThầnTrí. Tôi muốn thêm rằng: cuộc khủng hoảng thật sự Giáo Hội Tây Phương đang phải đối phó là cuộc khủng hoảng về đức tin."

"Nếu chúng ta không tìm được phương cách để canh tân đức tin chân thật, thì mọi cải tiến về cấu trúc sẽ vẫn không hữu hiệu."
 
Top Stories
100.000 faithful at pope's final Mass in Germany
Juergen Baetz & Victor Simpson /AP
08:13 25/09/2011
FREIBURG, Germany (AP) — Pope Benedict XVI celebrated the third and final Mass of his visit to his native Germany on Sunday, making a strong appeal for unity among Catholics and with the Vatican.

Some 100,000 faithful filled an airfield beside Freiburg's airport under a crystal clear blue autumn sky. It was the largest turnout of the pontiff's four-day trip, police and the local diocese said.

Benedict strongly urged the pilgrims to let their lives be guided by their faith, saying even those who doubt God's existence "are closer to the kingdom of God than believers whose faith is routine and who regard the church merely as an institution, without letting their hearts be touched by faith."

The pope's remarks to his German flock are "an encouragement to follow the path of faith in today's society," said the head of the country's Bishops Conference, Archbishop Robert Zollitsch.

But the pope is visiting a Germany where church teaching on such issues as priestly celibacy, contraception, homosexuality and a ban on women becoming priests are heavily contested, while a clerical sex abuse scandal is one of the reasons cited for the departure of tens of thousands of Catholics from the German church.

"The church in Germany will continue to be a blessing for the entire Catholic world if she remains faithfully united with the successors of St. Peter and the Apostles," Benedict said in a homily urging German Catholics to "work together in unity."

"Dear friends, in the last analysis, the renewal of the church will only come about through openness to conversion and through renewed faith," he said from an altar set up on a small hill.

But not all faithful were convinced.

"The pope spoke about humility and responsibility. But he failed to mention the church's own responsibility regarding the issue of sexual abuse cases," said Stefan Haak.

"The church, too, is fallible," said the 46-year-old from Freiburg, who had brought his two children to attend the Mass.

The pope has drawn large crowds at his stops in Berlin and in mainly Protestant eastern Germany, but the numbers were largest in this heavily Catholic southwestern city.

There have also been scattered protests, the largest drawing thousands in Berlin.

Benedict alluded to the dissent in Catholic ranks on Saturday night, when he said that through the years "damage to the church comes not from opponents, but from uncommitted Christians."

Many in Sunday's crowd waved yellow and white Vatican flags beneath a bright blue sky as they waited for the Mass to begin.

"It is beautiful to realize that one is not alone. It gives you a feeling of greater community," said Thamah Huyen Nguyen, a 26-year-old pilgrim from Freiburg.

Julia Eibeck, from Stuttgart, appeared moved by the pope's homily.

"He made it clear that the church must be lively, that it's not about the organization but about what one has in his heart," Eibeck said.

Others said experiencing a Mass led by the pope combined with the feeling of community was a unique experience for them.

"It's all about a joint experience, you see how many people turn out to pray with the pope, that creates a dynamic of its own," said Joachim Zimmermann, 51, from Freiburg.

The 84-year-old pope has seemed tired at times during the four-day-visit, but his spokesman said "he's extraordinarily well" despite the heavy schedule.

"We are surprised that he managed so well this trip that was so intense. It's a great satisfaction for us," Federico Lombardi said.

The pope was scheduled to return to Rome later Sunday.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
GM Thái Bình thăm mục vụ giáo họ Rồi Công Đông
Văn Chiến
07:04 25/09/2011
THÁI BÌNH - Sáng nay 25.09.2011, trong khuôn khổ chương trình thăm viếng mục vụ các giáo họ trong giáo phận, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ đã tới giáo họ Rồi Công Đông. Đây cũng là dịp giáo họ này mừng kính thánh quan thầy Micae, khánh thành nhà giáo lý và làm phép chuông nhà thờ.

Rồi Công Đông là một giáo họ thuộc giáo xứ Cao Mộc, Giáo hạt Thái Thụy, tọa lạc bên cạnh bờ sông Diêm Hộ, được đón nhận tin mừng vào khoảng năm 1755 và được sắc phong thành lập giáo họ vào năm 1930. Khung cốt ngôi nhà thờ cổ kính bằng gỗ lim, chạm trổ theo lối kiến trúc Á Đông mà giáo họ hiện có, được mua lại của giáo xứ Phục Lễ và hoàn thành việc xây cất vào năm 1993. Trải qua những thăng trầm lịch sử hình thành và phát triển, Rồi Công Đông ngày càng thêm thăng tiến về đời sống đức tin, với số nhân danh hiện tại là 370, trong đó các em độ tuổi đi học là trên dưới 60. Để củng cố và thăng tiến đời sống đức tin cho thế hệ tương lai, cha xứ Phêrô Đinh Văn Hùng và cộng đoàn giáo họ đã nỗ lực xây dựng ngôi nhà giáo lý với chiều dài là 17m, chiều rộng 7m và chiều cao 4,5m.

Trong chương trình đón tiếp của giáo họ Rồi Công Đông, Đức cha đã ngỏ lời chào thăm cộng đoàn và khích lệ giáo họ tiếp tục tạo điều kiện cho con em mình được thăng tiến không chỉ về đức tin, nhưng cả về học thức và văn hóa. Đức cha cũng dành ít phút để lắng nghe ý kiến đóng góp và giải đáp những thắc mắc của đại diện giáo hữu nơi đây.

Vào lúc 9h15 ngày 25.09.2011, Đức cha Phêrô đã làm phép nhà giáo lý và làm phép quả chuông nhà thờ giáo họ Rồi Công Đông trước sự tham dự của quí cha và giáo hữu.

Thánh lễ kính Tổng lãnh thiên thần Micae, quan thầy giáo họ được cử hành lúc 9h30 cùng ngày với sự hiệp thông của Đức giám mục giáo phận, quí cha trong giáo hạt, quí tu sĩ, chủng sinh và đông đảo giáo hữu trong vùng.

Trong bài giảng Thánh lễ, khởi đi từ bài tin mừng Chúa Nhật XVI TNA, Đức cha nhắc lại niềm tin căn bản của người tín hữu Chúa Kitô, chứa đựng trong kho tàng giáo lý của Giáo Hội Công Giáo và mời gọi cộng đoàn khơi lại ngọn lửa đức tin của đời mình. Ngài nói: “Với những tác động của thời cuộc, đôi khi chúng ta vùi mình trong sự giả dối, sống không đúng với căn tính của mình. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta yêu bằng hành động chứ không phải chỉ là lời nói suông. Xét về hình thức, chúng ta được đánh giá là rất sốt mến, nhưng liệu thực chất có phải như vậy không? Vậy mỗi người trong chúng ta hãy canh tân lại đời sống của mình, chú trọng đời sống đức tin tới việc làm hơn là lời nói. Tôi ước mong đời sống đức tin của anh chi em được lớn mạnh trong tình yêu Thiên Chúa”

Trong dịp mừng năm thánh nhân kỷ niệm 75 năm thành lập giáo phận, Đức giám mục giáo phận đã ban phép lành toàn xá cho các giáo hữu tham dự trong thánh lễ này.

Sau Thánh lễ, Đức cha cũng trao cho các thiếu nhi trong vùng những phần quà, nhằm khích lệ các em thêm nhiệt thành trong việc thăng tiến bản thân, nhất là về đời sống đức tin và văn hóa. Cũng từ nay, giáo họ Rồi Công Đông bước sang trang sử mới, khi lần đầu tiên dấu chân vị chủ chăn giáo phận viếng thăm. Đó chính là niềm an ủi và khích lệ lớn để Rồi Công Đông thăng tiến trong sứ vụ truyền giáo và tái truyền giáo, nhằm đạt tới vinh dự được nâng lên hàng giáo xứ trong mơ ước của mình.
 
Liên đoàn sinh viên Công giáo Việt Nam tổ chức mừng Lễ Quan Thầy trọng thể
Liên Đoàn SVCG
07:12 25/09/2011
TNCG - Với sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ nhiều tháng qua. Hôm nay ngày 24 tháng 9 năm 2011, Liên Đoàn Sinh Viên Công giáo Việt Nam tổ chức mừng lễ quan thầy trọng thể tại Nhà thờ Thái Hà.

Xem hình ảnh

Từ 13h30 các bạn sinh viên đã tiến hành đón khách và tổ chức sinh hoạt nhóm. Đoàn rước trọng thể Chân Phước đức Giáo hoàng Gioan Phao Lô II được tiến hành lúc 15h30 và bắt đầu vào thánh lễ lúc 4h00 chiều.

Thánh lễ đồng tế do cha Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, cha linh hướng của Liên Đoàn chủ tế, Cha Giuse Đinh Tiến Đức chia sẻ lời Chúa. Cha đã sơ lược tiểu sử vị Quan Thầy của Liên Đoàn là Chân Phước Cố Giáo Hoàng Gioan Phao Lô II và dựa vào chủ để của Lễ Quan Thầy năm nay là “Như Cha đã sai Thầy…” Cha gợi mở nhiều suy tư cho giới trẻ thời đại hôm nay để cố gắng ra đi và hành động đúng nhằm xây dựng đất nước, con người.

Sau Thánh lễ là phần phát Kinh Thánh cho tân sinh viên. Gần 1000 cuốn Kinh Thánh do Cộng đoàn Doanh Trí Công giáo tài trợ đã được phát cho các em mới thi đỗ vào các trường đại học cao đẳng. Ngoài các em trực tiếp nhận Kinh Thánh, hàng trăm cuốn còn được đóng gói gửi đến những sinh viên ở các tỉnh không có dịp về dự.

Tiếp đó các sinh viên đã chia nhau thành 8 nhóm ra thảo luận tại công viên Thái Hà là nơi đã xẩy ra tranh chấp 2 năm trước. Khi ngồi vào chuẩn bị để thảo luận thì các bảo vệ đã đến yêu cầu giải tán một số nhóm do “ngồi lên cỏ” mặc dù trong công viên đó tất cả mọi người vẫn thường xuyên bán hàng, trải chiếu và ngồi lên thảm cỏ. Các em sinh viên đã không gây căng thẳng mà ôn hòa lựa chọn chỗ trống có lát gạch để tiếp tục sinh hoạt.

Dù vậy các nhóm đã sôi nổi chia sẻ với nhau về chủ đề: “Sinh viên có thể đóng góp được gì trong công việc Truyền giáo và Tái truyền giáo tại quê hương Việt Nam”. Các trò chơi và lời ca tiếng hát tôn giáo của các nhóm vang lên trong công viên gợi lên cho những người tham dự nhiều hoài niệm và suy tư về những ngày cầu nguyện trước đây, trước sự chứng kiến đầy cau có của một số bảo vệ và những người không thiện chí.

Sau Thánh lễ lúc 7h00 các Sinh viên đã tổ chức thắp nến cầu nguyện cho quê hương đất nước, cho giáo hội Việt Nam và cho những người mới bị bắt được đối xử công bằng, đúng theo pháp luật và luôn được bình an. Phần cầu nguyện ngắn gọn nhưng thật ý nghĩa và với số lượng tham dự viên thật đông, đến từ nhiều vùng của toàn tổng giáo phận Hà Nội.

Buổi tối chương trình sinh hoạt thật đẹp, sôi nổi và đầy ấn tượng với gần 15 tiết mục được bắt đầu từ 20h00. Điểm nổi bật trong chương trình là phần hùng biện của 3 sinh viên về chủ đề Đức Tin, Giới trẻ và Công việc truyền bá Phúc Âm. Nữ sinh viên trường Khoa học xã hội và Nhân văn, Trần Thị Liên, đến từ địa phận Phát Diệm đã dành giải nhất bằng bài hùng biện gây xúc động mạnh cho mọi người.

Xen giữa chương trình văn nghệ là phần phát học bổng cho 20 sinh viên nghèo học giỏi đã được lựa chọn. Mỗi suất học bổng toàn phần là 4 triệu đồng, học bổng bán phần là 2 triệu. Đại diện nhóm bảo trợ học bổng cho sinh viên hy vọng năm sau sẽ tìm được 40 em để có thể trao thêm học bổng cho các em. Đại diện một bạn trẻ thi thủ khoa đến từ Quảng bình đã phát biểu cảm tưởng.

Phần cuối cùng của chương trình văn nghệ đầy ấn tượng của Linh Mục và là Nhạc Sỹ Xuân Đường mới ra Hà Nội. Bài hát của Ngài thúc giục và gợi mở cho sinh viên nhận biết Chúa Giê su, thôi thúc các thanh niên cùng bước đi và đã cùng nhau bước lên sân khấu, toàn thể các em đã hát chung bài của Liên Đoàn Sinh Viên Công Giáo.

Chương trình thánh lễ kết thúc vào lúc 22h00 trong rộn rã tiếng cười.
 
Thánh lễ ban phép bí tích Thêm Sức tại giáo xứ Nam Biên
Văn Chiến
09:22 25/09/2011
THÁI BÌNH - Chiều nay, 25.09.2011, Đức cha Phê rô Nguyễn Văn Đệ đã về chủ tế Thánh lễ và cử hành Bí tích Thêm Sức tại Giáo xứ Nam Biên.

Nam Biên trước đây là một họ giáo thuộc giáo xứ Kẻ Mèn (ngày nay là giáo xứ Trung Đồng), Giáo hạt Tiền Hải, cách Tòa giám mục Thái Bình khoảng 32 km về hướng Đông Nam. Trước năm 1905, dưới thời cha già Cần, rồi đến cha Tuệ coi sóc giáo xứ Kẻ Mèn, Giáo họ Nam Biên vẫn chỉ là một giáp thuộc nhà xứ Trung Đồng, gọi là giáp Nam. Từ năm 1905, giáo dân trong giáp phát triển ngày một đông thêm, Bề trên đã nâng giáp Nam lên thành một họ giáo, gọi là Nam Biên. Lúc đó, giáo họ có khoảng 215 nhân danh và ngôi nhà thờ tường đất, mái rạ với diện tích 80m2. Trải qua dòng thời gian với phong ba bão tố và chiến tranh, ngôi nhà thờ Nam Biên đã xuống cấp. Do vậy, năm 1936 dưới thời cha già Túc đã đôn đốc kêu gọi giáo dân xây lại ngôi nhà thờ với tường gạch, mái rạ.

Năm 1957, trong điều kiện giáo dân ngày một đông, nhà thờ lại nhỏ bé nên cha Vinh sơn Nguyễn Lịch Thiệp cùng giáo dân xây ngôi nhà thờ mới rộng hơn, tường gạch, mái ngói. Năm 1986, cơn bão số 6 đã làm đổ tường và tốc mái nhà thờ, cha già Vân cho xây dựng lại.

Năm 1987, cha Đaminh Trịnh Đức Tính về coi sóc giáo xứ Trung Đồng, họ giáo Nam Biên lúc đó đã phát triển thành 3 giáp. Với số nhân danh ngày càng đông, nhà thờ lại xuống cấp; do vậy, ngày 01.11.2002, dưới thời cha Vinh sơn Đỗ Cao Thăng, lễ đặt viên đá đầu tiên đã diễn ra để rồi sau một thời gian, ngôi thánh đường mới, khang trang và rộng lớn hơn được mọc lên.

Ngày 02.12.2006 Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang đã ban Sắc phong giáo họ Nam Biên lên thành giáo xứ. Đây là hồng ân lớn lao mà Thiên Chúa đã ban cho cộng đoàn giáo xứ Nam Biên.

Năm 2007, cha Giuse Nguyễn Thuân được bổ nhiệm về coi sóc giáo xứ. Dưới sự dìu dắt của ngài, cộng đoàn giáo xứ không ngừng lớn lên về mọi phương diện trong tình yêu thương của Thiên Chúa và sự quan tâm của các Đấng các Bậc.

Ngày nay, ngoài họ nhà xứ với 720 tín hữu, giáo xứ Nam Biên còn có ba họ giáo khác: Minh Châu với 370 tín hữu, được thành lập năm 1817; Biên Hải với 175 tín hữu, được thành lập năm 1998; Bạch Sa với 235 tín hữu, được thành lập ngày 23.12.2005.

Thánh lễ Kính Chúa Thánh Thần được Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ cử hành vào lúc 16h30 ngày 25.09.2011 với sự hiệp thông của quí cha, quí tu sĩ và giáo dân trong giáo xứ và vùng lân cận.

Trong bài giảng Thánh lễ, Đức cha nói: “Giáo phận chúng ta đang có nỗ lực thăng tiến đời sống đức tin và văn hóa cho thế hệ tương lai. Trong giáo phận chúng ta, mặc dù đi tới đâu chúng ta cũng gặp dấu chứng đức tin của cha ông để lại, song những thử thách của thời đại ngày nay không khỏi làm cho chúng ta lo ngại về đời sống đức tin của giới trẻ. Trong Thánh lễ ban bí tích Thêm Sức hôm nay, chúng ta có dịp suy nghĩ về sự trưởng thành về đời sống đức tin. Sự trưởng thành đức tin là sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần làm cho đời sống đức tin được thăng tiến và đứng vững trước những thử thách trong cuộc sống. Cộng tác với Chúa Thánh Thần để làm cho con em mình được thăng tiến cả về đức tin lẫn hiểu biết văn hóa sẽ mở ra cho gia đình, Giáo Hội và xã hội một tương lai tốt đẹp”.

Đối với các em lãnh nhận bí tích Thêm Sức trong thánh lễ này, Đức cha nói: “chúng con hãy ngoan ngoãn vâng lời cha mẹ và những người có trách nhiệm trên chúng con. Cha mong muốn đừng ai trong chúng con bỏ học, nhưng hãy nỗ lực để tương lai của các con trở nên tốt đẹp. Sự đền đáp của các con cho cha mẹ không gì khác chính là những thành công của các con sau này”. Đức cha cũng nhắc lại những thống kê gần đây về học sinh sinh viên công giáo trong giáo phận và bày tỏ sự quan ngại về tỉ lệ thành công ít hơn con số thực tế. Đức cha cũng mong muốn các bạn trẻ, các em thiếu nhi hãy nỗ lực hơn nữa trong thời gian học tập, nhờ đó tương lai của bản thân các em và của giáo phận được thăng tiến.

Trong Thánh lễ hôm nay, Đức cha cử hành nghi thức ban Bí tích Thêm sức cho 81 em thuộc giáo xứ Nam Biên, sau thời gian các em hoàn tất chương trình giáo lý dành cho lứa tuổi của mình.

Thánh lễ được khép lại lúc 18h00 cùng ngày, nhưng sứ vụ của những người lãnh nhận bí tích Thêm Sức hôm nay, cũng như của giáo hữu nơi đây vẫn tiếp diễn mãi cho tới khi hoàn tất trong tình yêu Thiên Chúa.
 
Tinh thần phục vụ của Linh mục
LM Phêrô Bùi Trọng Khẩn
09:25 25/09/2011
Bài chia sẻ với linh mục đoàn dịp tĩnh tâm tháng 9/2011 tại giáo phận Bùi Chu

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (Mc 9,31-35)

“Khi ấy, Chúa Giêsu dạy các môn đệ rằng: ‘Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại’. Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người. Sau đó, Đức Giêsu và các môn đệ đến thành Capharnaum. Khi về tới nhà, Đức Giêsu hỏi các ông: ‘Dọc đường anh em bàn tán điều gì vậy?’ Các ông làm thinh, vì khi đi đường các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. Rồi Đức Giêsu ngồi xuống, gọi nhóm Mười hai lại mà nói: ‘Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người’”. Đó là Lời Chúa.

Người giáo dân sẽ nghĩ như thế nào, khi Đức Giáo hoàng và các Đức Giám mục cãi nhau?! Thế mà HĐGM đầu tiên trên thế giới đã cãi nhau! Các đấng cãi nhau ngay ngoài đường về vấn đề quyền bính trước mặt Đức Giêsu, nhưng Ngài đã nín nhịn. Về tới nhà Ngài mới hỏi: “Dọc đường anh em bàn tán với nhau chuyện gì thế?” Chúa hỏi là ‘bàn tán’ cho nó nhẹ nhàng thôi, chứ thực ra là các cụ nhà mình vừa cãi nhau một trận cũng tương đối đấy!

Cụ Giám mục Giacôbê đã có kinh nghiệm về sự cãi nhau, ghen tương là không tốt, là nguy hiểm, nên trong thư cụ viết cho bà con ta như sau: “Đâu có ghen tương và tranh chấp, đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa… Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải bởi điều này sao: là chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em: anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ghen ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột nhau, gây chiến với nhau” (x. Gc 3,16; 4,1-2).

Tại sao các Thánh Tông đồ lại cãi nhau để tranh giành quyền bính, vai vế cao thấp, mà lại không ai dám tranh nhau về việc phục vụ? Mạnh Tử cho rằng: “nhân chi hoạn, tại hiếu vi nhân sư”, nghĩa là: cái bệnh của người đời là hay thích làm thầy thiên hạ. Cha Henri Nouwen đã nói: “Chúng ta đã không ngừng bị cám dỗ dưới quyền lực thay thế cho tình yêu. Chúa Giêsu đã trải qua cơn cám dỗ ấy một cách vô cùng đau thương, từ sa mạc đến thập giá. Còn lịch sử dài và đau thương của Giáo Hội là lịch sử của những con người chọn lựa quyền lực thay cho tình yêu, chọn lựa thống trị thay cho thập giá, chọn lựa làm lãnh đạo thay cho được lãnh đạo”. Thánh Phaolô đã có kinh nghiệm và mời gọi người môn đệ thân yêu của mình là Timôthê hãy can đảm: “Con hãy làm việc lao nhọc và chịu đựng như là một người lính tốt của Chúa Kitô” (2 Tm 2,3).

Nhưng theo Chúa Giêsu, quyền bính và phục vụ phải gắn liền với nhau làm nên bản chất người môn đệ. Chúa Giêsu luôn phải vất vả dạy lại bài học và môn học khó nhất trên đời, nhưng lại là môn học phổ thông nhất (giống như văn hoá phổ cập), đó là môn học yêu thương phục vụ: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. Thánh Phêrô đã ngỡ ngàng vì Thầy quỳ xuống rửa chân cho mình và tất cả anh em. Nhưng Chúa đã nói trước rằng: “Thầy sống giữa anh em như người đầy tớ”. Môn học này người ta phải học cả đời mà không có ngày ra trường, mãn khoá; vì thực sự học tới chết mà vẫn không xong, không đạt kết quả để đến khi vào thiên đàng vẫn bị loại ra cả đống! Quả thật đây là môn khó học, khó dạy và khó thực hành nhất trên đời. Nó nằm trong chương trình quy hoạch tổng thể bao trùm mọi công việc của người môn đệ mà Chúa Giêsu luôn đòi hỏi gay gắt, quyết liệt.

Theo Chúa, bao gồm cả sự cho đi tận tuyệt, trọn vẹn. Chúa không đòi hỏi chúng ta phải là con người siêu việt. Điều đòi hỏi đơn giản là người ta trước hết phải nhận biết những yếu đuối của mình để được cứu chuộc: “Sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12,9).

Để hiểu được Chúa Giêsu thì cần phải chịu đau khổ với Ngài, theo Ngài bằng sự từ bỏ con người của mình. Ai thực sự hiểu được Chúa Giêsu, người đó chính là vị tử đạo, tử đạo không chỉ bằng lời nói mà còn bằng những hành động nữa, người đó đã quảng diễn cuộc đời của mình cho đến cuối cùng. Chúng ta sẽ được hoà nhập vào mầu nhiệm của Chúa Giêsu trong chiều kích chúng ta sẵn sàng chịu đau khổ với Ngài, và lúc đó chúng ta sẽ không hổ thẹn về Ngài và về những lời Ngài.

Chính vì người ta quên mất mình là môn đệ Chúa Kitô nên cứ mải mê phấn đấu đạt được những tiêu chuẩn kiểu thời đại thực dụng. Chính vì đánh mất hương vị của tình yêu đích thực nên người ta ra sức tìm những vỏ bọc hời hợt, giả tạo để che lấp. Dáng dấp của sự phục vụ hôm nay có mang theo nhiều thứ tinh vi khôn lường của ma quỷ. Có khi người ta còn hy sinh nhiều hơn cho kế hoạch ấy mà lại cứ tưởng là đang phụng sự Chúa! Biết bao nhiêu sự tranh đấu, tranh chấp, dấn thân sai mục tiêu. Đức hồng y Carlo Martini nói: “Điều cơ bản là không phải đấu tranh tới chỗ đổ máu, mà là tìm được sự hoà thuận và những đường lối thích hợp”.

“Nguy cơ cho giáo hội ngày nay không phải là vì bách hại mà là đánh mất hương vị của mình, thiếu những người làm chứng rõ rằng thánh giá, toàn thánh giá trong Chúa Kitô có thể nên vinh hiển, nguồn mạch cứu độ” (ĐHY. Josef Tomko giảng tại Đài Loan 23/11/2009). Chúng ta đánh mất hương vị của mình khi chối từ đau khổ; khi không dám ghé vai vác thập giá được trao ban ngoài ý muốn.

Những thứ chủ nghĩa và các mối quan hệ công chúng trong xã hội hiện đại hôm nay đang làm chao đảo và điên đảo con người. Tính ‘hợp pháp tinh vi’ của quyền hành và sự hưởng thụ cá nhân đang lôi kéo chúng ta xa rời tâm tình dấn thân phục vụ và sự hy sinh vô vụ lợi của người tông đồ. Những sự bao che, ngụy biện của một ‘lương tâm có vấn đề’ đang lấn lướt cuộc sống bình an của chúng ta từ hành vi cử chỉ nhỏ nhặt cho tới những ứng xử hằng ngày. Thánh Augustinô nhận định: “Trong đời sống người kitô hữu, có một cuộc chiến đấu giữa hai thứ tình yêu: yêu Thiên Chúa cho đến từ bỏ bản thân mình và yêu bản thân cho đến nỗi chối bỏ Thiên Chúa”. Đó là sự thật luôn được chứng minh cụ thể.

Thánh Têrêsa Avila nói: “Chúa không cần việc làm của chúng ta, Người chỉ muốn tình yêu thúc đẩy những công việc ấy”. Còn Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu thì nói: “Thiên Chúa chẳng cần đến việc làm của chúng ta nhưng Người khát tình yêu của chúng ta”. Thiên Chúa không chờ đợi nơi chúng ta những việc làm, những hoạt động, sản phẩm của một việc lành nếu không làm vì tình yêu. Thánh Gioan Thánh Giá bảo: “Tình yêu luôn biết lợi dụng tất cả, điều lành cũng như điều dữ”. Tình yêu biết lợi dụng những cảm động cũng như những khô khan, những tư tưởng cũng như những trống rỗng, nhân đức cũng như tội lỗi.

Thực trạng của đời sống tu trì hôm nay, cái làm cho người ta ngại sống không phải là nếp sống khó nghèo mà là những chuyện khác. Chuyện khác đó là những đối diện trực tiếp trong các mối tương giao con người trong một thời đại đang quan niệm tự do dân chủ, tự do nhân quyền; khiến mình dù trong bậc tu cỡ nào cũng phải đòi cho bằng được một chút quyền mà quên mẫu gương Thầy Giêsu: “Dù là Thiên Chúa nhưng không nhất thiết phải duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa... đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá”. Đó là điều chính yếu trong đời dâng hiến phải có, nếu không chỉ là lối sống vô nghĩa hay sống để lừa đảo, tranh giành hơn thua với nhau mà thôi.

Liên Hội đồng Giám mục Á Châu năm 2000 đã đưa ra cái nhìn khái quát về người linh mục hôm nay là: con người của sự đối thoại, con người của sự thiêng thánh; con người trưởng thành và con người khiêm tốn phục vụ. Vì thế, Chúa Giêsu dạy: “Giả như có làm xong việc thì cũng hãy nói: chúng tôi là đầy tớ vô dụng, chúng tôi chỉ làm công việc bổn phận đấy thôi”.

Giáo dân càng ngày càng đòi hỏi sự phục vụ của chúng ta ở mức độ cao. Và xem ra tương quan cuộc sống con người hôm nay nhiều khi được nhìn như một siêu thị để mà chọn lựa và bình phẩm hàng hoá. Do đó, đôi khi người giáo dân cắm cúi đi tìm nơi người tu hành một sự nâng đỡ vật chất và chỉ coi đó là tiêu chuẩn cao để đánh giá bậc tu hành. Đó là điều sai lầm. Cần phải chỉnh đốn và giáo dục cho họ ý thức lại cho đúng. Bởi nó sẽ dẫn tới hậu quả không tốt cho họ và cho chính nhà tu hành. Quả thật, cũng có phần đáng sợ khi cuộc sống chỉ coi nhau như món hàng hay sự giá trị về mặt kinh tế: khi nào còn tốt thì sử dụng khi hết hạn thì vất đi. Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II chia sẻ: “Sự ác trong thời đại chúng ta trước hết hệ tại ở chỗ hạ giá và tầm thường hoá tính độc đáo duy nhất nền tảng của mỗi một con người. Cái ác này không chỉ ở trên bình diện đạo đức nhưng sâu xa hơn, trên bình diện hữu thể. Đối diện với cái ác này, cái ác mà những hệ tư tưởng vô thần cổ súy, chúng ta phải chống lại, không chỉ bằng những tranh biện vô bổ nhưng phải tìm cách ‘khôi phục’ huyền nhiệm về con người như một ngôi vị” (Hiệp Thông số 64/2011, tr.171).

“Giáo Hội phục vụ tất cả những gì làm nên cuộc sống con người, trong lao động, trong gia đình, trong xã hội, để tất cả được hoàn thành trọn vẹn cho lợi ích của con người. Đó không phải là một chiến thuật để lôi kéo họ về với Giáo Hội. Nhưng đó là một dịch vụ Kitô giáo (service Chrétien) để cho con người được sống và được hạnh phúc tràn đầy. Với danh hiệu đó, người kitô hữu, giáo dân và linh mục phải có mặt và hoạt động trọn vẹn và chân thành trong chính cuộc sống của thế giới” (Hồng y François Marty).

Người ta kể về cha Mesrchler như sau: “Cho đến phút cuối cùng, ngài vẫn làm việc không mệt mỏi, bút viết luôn cầm trong tay. Ngài là một bạn đồng nghiệp luôn có những câu đối đáp dí dỏm, một người bạn luôn có lời ủi an, một người biết cầu nguyện trong thinh lặng và kiên trì, một mẫu gương đơn sơ như trẻ em, một sự vô tư trọn vẹn. Ngài không bao giờ tìm tư lợi cho bản thân trong bất cứ điều gì”.

Nói về việc đề cao linh mục, một người hỏi cha Gioan Maria Vianney: “Nhưng thưa cha xứ, tuy vậy có rất nhiều vị tử tế trong hàng giáo phẩm chứ? Ngài nói: ‘Bạn nói sao? dĩ nhiên là có nhiều người lương thiện giữa chúng tôi chứ. Nếu không có ở đó, lạy Chúa Trời cao cả, thì ở đâu mới có?’ Nhưng muốn dâng thánh lễ, phải là một Sêraphim. Nếu người ta biết được thánh lễ là gì người ta sẽ lăn ra chết đấy. Chúng ta chỉ có thể hiểu được hạnh phúc được dâng thánh lễ ở trên trời mà thôi. Hỡi bạn! nguyên nhân của mọi thảm hoạ và của sự sa sút nơi các linh mục là vì người ta không chú ý đến thánh lễ. Vô phúc thay! Vị linh mục thật đáng chê trách khi dâng lễ như làm một việc tầm thường. Có những vị đã bắt đầu thật tốt, thật sốt sắng trong vài tháng! Và sau đó… Ôi! khi mình nghĩ tới Thiên Chúa cao cả của chúng ta đã muốn giao công việc ấy cho những tên khốn nạn như chúng ta! Cái tai ác, là chính những tin tức thế giới ấy, những câu chuyện ấy, báo chí, chính trị ấy, người ta nhét đầy đầu rồi sau đó người ta đi dâng thánh lễ, đọc kinh nhật tụng. Ao ước lớn của tôi là rút về Fourvière không còn lo lắng về ai nữa, và sau khi đã cầu nguyện thật sốt sắng, đi thăm bệnh viện. Ôi được vậy, tôi sẽ sung sướng biết bao! Nhưng bạn này, đừng mất tin tưởng. Nhưng nghe này! Đọc sách nhật tụng thì nhẹ như lông hồng! Cái làm hư hỏng các linh mục là cứ mãi đi thăm nhau. Lâu lâu thăm viếng một anh bạn linh mục để giúp nhau, để xưng tội thì tốt. Nhưng cứ chạy xuôi chạy ngược, vô phúc thay! Bạn còn là phụ phó tế, ôi! Phúc cho bạn! một khi đã là linh mục rồi người ta chỉ còn thì giờ để khóc than sự khốn nạn của mình! Để trở nên thánh phải là điên rồ. Điều khiến chúng ta, những linh mục không nên thánh được chính là thiếu suy nghĩ. Chúng ta không chịu hồi tâm lại và chẳng còn biết mình làm cái gì nữa. Điều chúng ta cần đó là sự suy nghĩ, tâm niệm, sự kết hiệp với Thiên Chúa. Khốn thay một linh mục thiếu mất tính nội tâm! Nhưng muốn vậy phải có sự thanh thản, im lặng, tĩnh tâm bạn ạ! Tĩnh tâm! Chính trong cô tịch mà Thiên Chúa thường ngỏ lời. Đôi khi tôi nói với Đức cha Devie: ‘Nếu Đức cha muốn hoán cải giáo phận của mình, ngài phải biến tất cả các cha xứ của ngài thành những vị thánh. Phương tiện để sống tốt đối với một linh mục là sống như ở chủng viện. Nhưng đâu phải lúc nào cũng làm được’” (Gioan Maria Vianey, Cha sở họ Ars, tr. 73).

Xưa nay, rất nhiều người đã công phu cố gắng phác họa chân dung người linh mục với tất cả vẻ đẹp, sự sang trọng, thánh thiêng và quý giá của nó. Khi suy nghĩ những dòng suy niệm này, con cũng đã cố gắng bỏ ra rất nhiều thời gian để vẽ tiếp thêm mấy cái râu ria cho chân dung linh mục hôm nay xem có phù hợp không. Con thấy đời sống linh mục càng ngày càng phức tạp, rắc rối, luôn bị giằng co, khó xử, bên cạnh những mối liên hệ và những cái nhìn sau đây trong bài phát biểu của Fouad Twal, Thượng phụ Latinh Giêrusalem:

“- Con người càng ngày càng dễ độc ác hơn với nhau và khó tha thứ…
- Người ta khó đón nhận những đổ vỡ.
- Sự pha trộn của các khía cạnh tốt xấu trong các lãnh vực ngày càng nhiều và tinh vi do khuynh hướng toàn cầu hoá.
- Các quyền lực xem ra bế tắc trong vấn đề giải quyết các mối xung đột.
- Các lực lượng của chủ nghĩa cực đoan đang phát triển và có nhiều người đi theo, ủng hộ.
- Những khả năng cho một giải pháp công bằng đang nhanh chóng suy giảm.
- Ở đâu người ta cũng tìm cách tránh né cô đơn và sự thật kể cả ngay trong lương tâm của mỗi người. Hậu quả là những lối sống buông thả, tự do, cuồng nhiệt, thác loạn, cạnh tranh, giành giật, hư đốn…”.

Những sự khủng hoảng phát sinh từ sự bế tắc đó. Cho nên, các linh mục cần phải thường xuyên đi tìm chỗ “tầm quất, massage” cho linh hồn mình để cho nó đỡ đi! Nơi Chúa Giêsu hiển hiện rõ nét của những mối ưu tư này. Có khi Ngài phác họa, loan báo; có khi Ngài ra tay, dấn thân cao độ; có khi Ngài tìm nơi chốn, người cộng tác thích hợp; có khi Ngài áp dụng phương pháp thi hành: sự cứng rắn hay mềm dẻo tùy hoàn cảnh, tình huống. Hằng ngày Chúa Giêsu vẫn phục vụ chúng ta như một nhân viên massage, tầm quất tuyệt vời! Ngài “massage, tầm quất” linh hồn chúng ta bằng sự an ủi, vỗ về, nâng niu, chiều chuộng, nũng nịu để cho chúng ta được nghỉ ngơi thư giãn phần hồn, nếu Ngài không chiều chuộng như thế thì chúng ta đã chết hết rồi!

Dịp hội ngộ linh mục tại Rôma ngày kết thúc Năm thánh Linh mục 2010, ĐTC Bênêđictô XVI nhắn nhủ các linh mục đừng cố gắng làm đủ mọi việc, nhưng nên chú trọng trên những lãnh vực chính yếu đó là: cử hành bí tích, rao giảng thật tốt, giúp đỡ người thiếu may mắn. Ngài cũng nhắn nhủ các linh mục đừng quên củng cố đời sống tâm linh, và khi cần thiết phải biết tìm thấy can đảm và khiêm nhu để nghỉ ngơi (Hiệp Thông số 59, tr. 59). Thiếu tinh thần hiệp thông cũng làm cho tinh thần phục vụ bị giảm sút; có khi dẫn tới sự khủng hoảng và những lệch lạc nghiêm trọng. Linh mục rất cần có thời gian để phục hồi chức năng, tập huấn, thường huấn, bồi dưỡng, bổ túc bằng sự tĩnh tâm, để trong cầu nguyện mới biết rằng: đôi khi phải hành động, đôi lúc chỉ nên đón nhận. Đôi khi phải nghỉ ngơi, đôi lúc phải chiến đấu. Thời gian này, chúng ta cần nhắc lại câu nói của thánh Augustinô: “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con”; và của thánh Phanxicô Salêsiô: “Lạy Chúa, con chỉ là củi khô: xin Chúa hãy châm lửa!”.

Thinh lặng trong sự cô đơn, kể cả thất bại trở thành cần thiết cho tâm hồn biết suy nghĩ và tận dụng nó như một ân ban. Ân ban đó chính là cuộc gặp gỡ thân mật riêng tư hơn với Thiên Chúa: “Khi nào ta đánh mất đi sự đụng chạm với sự hiện diện của Đấng Cứu Chuộc yêu thương, thì khi ấy cuộc sống sẽ trở nên một gánh nặng không thể chịu đựng được, và ta sẽ chỉ thấy phải xoá đói giảm nghèo, phải vạch mặt bất công, phải chiến thắng bạo động, phải chấm dứt chiến tranh và phải xoá bỏ cô đơn. Tất cả những thứ ấy đều là những vấn đề nghiêm trọng và kitô hữu phải cố gắng giải quyết; tuy nhiên, khi quan tâm của ta không còn xuất phát từ việc ta đích thân gặp gỡ Đức Kitô hằng sống nữa, ta sẽ thấy một sức nặng khủng khiếp” (Henri Nouwen, Chỉ có một điều cần thôi, tr. 29tt).

“Cuộc sống nào không có một nơi vắng vẻ, nghĩa là, cuộc sống nào không có một trung tâm thanh vắng, sẽ dễ dàng bị hủy diệt. Khi chỉ biết bám vào những kết quả của các hoạt động của ta như một cách duy nhất để khẳng định chính mình, ta sẽ trở nên ích kỷ và lo âu; và sẽ có khuynh hướng nhìn anh chị em mình như những kẻ thù phải xa tránh, chứ không phải là những bạn hữu ta đang chia sẻ những ân huệ của sự sống. Trong sự thinh lặng nội tâm, ta có thể dần dần lật tẩy sự ảo tưởng của tính tham lam, và sẽ khám phá ra ngay tại cõi lòng của mình rằng ta không phải là những gì ta có thể chinh phục, mà chỉ là những gì đã được ban cho ta. Mình có thể nghe tiếng của Đấng đã nói với mình trước khi mình biết nói lên lời, đã chữa lành cho mình trước khi mình có thể giơ tay kêu cứu, đã giải thoát mình từ lâu trước khi mình có thể giải thoát kẻ khác, và đã yêu thương mình trước khi mình có thể yêu thương tha nhân. Mình khám phá ra rằng những gì mình là quan trọng hơn những gì ta có, và bản thân ta giá trị hơn mọi thành quả của ta; ta khám phá ra rằng sự sống của ta không phải là một gia tài cần bảo vệ, nhưng là một quà tặng cần được chia sẻ. Chính lúc chia sẻ ấy mà ta nhận ra rằng những lời nói có tính chữa lành ta nói ra không phải là của ta, nhưng là những lời được ban cho ta; tình yêu ta có thể diễn tả là một phần của tình yêu vĩ đại hơn; và cuộc sống mới ta đem đến không phải là gia tài phải bám lấy mà chỉ là một quà tặng được đón nhận” (Henri Nouwen, Sđd, tr. 39).

“Thời đại này mời gọi chúng ta phải lo ngại về sự lan rộng của bóng tối, sự bành trướng của cái ác, sự sai lầm của ‘cái tôi’, sự lạm dụng của quyền lực, sự hưởng thụ của ích kỷ của cá nhân… đang đe dọa và lấn át đời sống chứng nhân của chúng ta. Làm thế nào để đương đầu, làm sao để giải gỡ những bế tắc cho một xã hội, một tổ chức, một cơ quan, một cá nhân khi mà nền tảng của họ đã không được thấm nhuần tinh thần Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô? Chính trong Thiên Chúa mà ta tìm được đồng loại và khám phá ra trách nhiệm của ta đối với họ. Thậm chí ta có thể nói rằng chỉ trong Thiên Chúa đồng loại của ta mới trở nên đồng loại đích thật, chứ không phải là một cái gì đó bám vào sự độc lập của ta, và chỉ trong và nhờ Thiên Chúa ta mới có thể phục vụ” (Henri Nouwen, Sđd, tr. 79). Đối với chúng ta, làm việc cho công lý hoà bình và trở nên những người hoạt động đích thật theo nghĩa tốt của từ ngữ ấy, chính là làm mà không phải vì ta cần chứng minh cho mình hoặc cho ai khác rằng ta đáng yêu. Nhưng, vì chính ta đụng chạm được tư cách là con yêu dấu của Thiên Chúa mà ta tự do hành động theo sự thật, ta hoạt động cho công lý hoà bình bất cứ khi nào ta thấy cần và khước từ bất công. Nếu như Thiên Chúa săn sóc ta, thì điều rất quan trọng là ta cũng phải săn sóc Thiên Chúa trên trần gian này! Thiên Chúa trở nên một Thiên Chúa vấp ngã, đã ngã gục trên thập giá, đã chết cho ta, và đã hoàn toàn cần đến tình yêu thương. Thiên Chúa đã làm thế để ta có thể gần gũi Ngài (cũng như người ta dễ gần gũi người hèn mọn hơn người cao sang). Thiên Chúa, Đấng yêu thương ta là một Vị Thiên Chúa trở nên mỏng dòn, lệ thuộc trên thập giá.

Sự vươn lên và vươn ra thế giới, xã hội và con người hôm nay cũng kéo theo cả căn tính và sứ vụ của linh mục nữa. Đôi khi chúng ta muốn bắt chước cho kịp thời đại. Đôi khi chúng ta cũng muốn hội nhập, hoà nhập. Đôi khi chúng ta cũng muốn chạy đua về phương tiện, phương pháp, phương hướng như một công chức nhà nước… Người trẻ có cơ hội này hơn người già. Người đi sau thích ứng dụng hơn người đi trước. Giáo Hội và xã hội có những lãnh vực, phương diện cần hợp tác, nhưng có những thứ phải độc lập hoàn toàn. Ranh giới đạo, đời, Giáo Hội, xã hội, tinh thần, vật chất, thánh thiêng, phàm tục… nhiều khi rất khó phân biệt, rất dễ lẫn lộn, và có khi bị đảo lộn! Chính con người chúng ta làm cho nó bị đảo lộn. Linh mục phải giữ được sự thăng bằng trước hết từ trong chính tâm hồn và căn phòng riêng của mình. Không có bậc sống nào đòi hỏi phải có một sự hài hoà và kết hợp chặt chẽ, một bên là các nhân đức bản thân và bên kia là các bổn phận nghiệp vụ cho bằng bậc linh mục. Đức cha Bùi Tuần viết: “Cái nguy hiểm của người môn đệ Chúa Kitô hôm nay là đang thích hưởng thụ ở chế độ cao”. Người trẻ thích hưởng thụ hơn người già. Cũng có người già tranh thủ hưởng thụ kẻo hết đời! Sự tinh vi, tinh tế của ma quỷ quả là thế. Chính chúng ta cũng có lúc muốn biện minh theo chiều hướng của ma quỷ và sự dữ. Lối sống lành mạnh và quân bình trong đời sống tận hiến rất khó và rất quan trọng. Thách đố biết giữ lấy sự quân bình đã là anh hùng lắm rồi.

Đức Giám mục Tổng thư ký xuất sắc của HĐGM tiên khởi là thánh Gioan Tông đồ đã dám viết về người bạn của mình là ông Giám mục Giuđa đang giữ chức Chủ tịch UBBAXH trong câu chuyện xức dầu thơm tại Bêtania như sau: “Y (Giuđa) giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung chứ không phải là để lo cho người nghèo” (Ga 12,5-6). Cũng may Giuđa chết trước Gioan, chứ nếu ông mà đọc được điều này thì Gioan cũng bị khốn khổ đấy!

Hãy bắt chước thánh Phaolô mà thú nhận rằng: “Thật vậy, tất cả chúng ta nữa, xưa kia chúng ta cũng ngu xuẩn, không vâng lời, lầm lạc, làm nô lệ cho đủ thứ đam mê và khoái lạc, sống trong gian ác và ganh tị, đáng ghét và ghen ghét lẫn nhau. Nhưng Thiên Chúa đã cứu độ chúng ta, đã biểu lộ lòng nhân hậu và lòng yêu thương của Người đối với nhân loại. Không phải vì tự sức chúng ta đã làm nên những việc công chính, nhưng vì Người thương xót, nên Người đã cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần để chúng ta được tái sinh và đổi mới” (Tt 3,3-5). Thánh nhân còn lặp lại điều ấy trong thư gửi tín hữu Êphêsô: “Tất cả chúng tôi xưa kia cũng thuộc hạng người đó, khi chúng tôi buông theo các đam mê của tính xác thịt, thi hành những ước muốn của tính xác thịt và của trí khôn. Bẩm sinh chúng tôi là những kẻ đáng chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, như những người khác. Nhưng Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã Người cũng cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ” (Ep 2,3-6).

Tìm nghe lại tiếng gọi từ lương tâm, tiếng gọi từ trách nhiệm, tiếng gọi từ sứ vụ tông đồ, tiếng gọi từ thánh chức, tiếng gọi vì phần rỗi đời đời sẽ là những động lực cơ bản, cần thiết giúp chúng ta suy nghĩ hằng ngày. Đồng thời cũng là những thách đố cho sứ vụ tông đồ và cũng là bản xét mình thường xuyên để cập nhật vậy. Amen.
 
Trung tâm Mai Hòa mừng lễ thánh Vinh Sơn
Liên Đoàn SVCG
07:27 25/09/2011
Trong dòng chảy lịch sử của Giáo Hội, mỗi vị thánh vẽ một chấm, một phết của hình ảnh một Chúa Giêsu nhập thể và nhập thế. Mỗi vị thánh được mời gọi họa lại hình ảnh của Chúa Giêsu bằng đời sống của mình. Thánh Vinhsơn Phaolô, vị sáng lập tu hội truyền giáo và nữ tử bác ái đã để lại cho đời, cho giáo hội một đời sống đậm nét yêu thương người nghèo. Thánh nhân đã hiến mình cho người nghèo và người nghèo cứ như ôm chặt cuộc đời Ngài vậy.

Xem hình ảnh

Hòa cùng niềm vui của Giáo Hội, niềm của Tu Hội Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn, trung tâm Mai Hòa do các sơ Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn phụ trách hân hoan mừng vị bổn mạng của Tu Hội. Năm nay, ngoài những bệnh nhân đang trú ngụ trong trung tâm còn có những “khách mời” đặc biệt là những bệnh nhân đã một thời nương ẩn trong mái ấm này nhưng nay đã hồi phục về với cộng đồng. Bên cạnh đó còn có sự hiện diện của nhóm Tiếng Vọng - chuyên phục vụ những bệnh nhân sida - hết sức thân quen với Mai Hòa, nhóm các bà Hội bác ái Vinh Sơn, những thân chủ ở quanh Trung Tâm và những người có liên hệ cách này hay cách khác với Trung Tâm.

Trong bài chia sẻ Tin mừng, Cha giảng Lễ mời gọi mỗi người nhìn lên cuộc đời của Thánh Vinh Sơn. Thánh Vinh Sơn có một ơn gọi hết sức đặc biệt là yêu thương người nghèo. Thánh nhân không nói nhưng thánh nhân làm. Từng hành động, từng cách sống của Ngài, Ngài đã diễn tả một Thiên Chúa là tình yêu giữa cuộc đời này.

Để có tình yêu thương anh chị em đồng loại, đặc biệt là người nghèo, Cha giảng mời gọi mỗi người nhìn lại cuộc đời mình để thấy Thiên Chúa yêu thương mình hơn bao nhiêu người khác. Những ai ở trung tâm này, có thể cảm thấy khó khăn với những nội quy, quy luật nhưng sẽ cảm thấy hạnh phúc vì sự phục vụ ở đây sạch sẽ, chu đáo hơn nhiều nơi khác. Những ai cảm thấy mình còn nghèo, còn khó khăn thì hãy nhớ đến những người bất hạnh thì mình sẽ nhận ra mình hạnh phúc hơn người khác, được Chúa yêu thương hơn nhiều người khác. Khi mình nhận ra Thiên Chúa yêu thương mình thì mình sẽ dễ dàng sẻ chia tình yêu đó cho anh chị em đồng loại.

Trước khi Thánh Lễ kết thúc, lời cảm ơn đơn sơ được gởi đến mọi người qua sơ Phụ trách Trung Tâm. Một tràng pháo tay thật to đáp lại lời cảm ơn của sơ Phụ trách.

Niềm vui ngày Đại Lễ hôm nay được nối tiếp với bữa cơm gia đình hết sức thân mật.

Bữa cơm hôm nay, tôi được may mắn ngồi cùng mâm với những thân chủ ở gần Trung Tâm : Họ là những người nghèo, họ là những người già lão cô thế cô thân, họ là những người khiếm thị. Bữa cơm gia đình này sẽ là hết sức bình thường của những người bình thường nhưng với những người nghèo này quả thật là quá lớn. Họ thưởng thức những món ăn một cách hết sức là ngon miệng, có lẽ ít khi nào họ được hưởng một niềm vui đầy đủ như ngày Lễ hôm nay. Nhìn những người nghèo trong bàn cơm hôm nay mà tôi cảm thấy chạnh lòng. Mình chẳng giàu có, mình chẳng khá giả nhưng với thực đơn hôm nay có lẽ hết sức bình thường nhưng với những người nghèo quả là xa lạ. Nhìn những người nghèo, đặc biệt những người khiếm thị ăn sao thấy thương quá.

Một bệnh nhân ghé vào tai tôi nói nhỏ : “Chú ơi ! Phiền chú nói với sơ Bảo (sơ phụ trách Trung Tâm) là mỗi năm sơ tổ chức 2 lần mừng Lễ Thánh Vinh Sơn nhé !” Câu nói như gợi lên rằng những người nghèo, những bệnh nhân mong lắm có những niềm vui như thế này. Với những người bình thường thì thật bình thường nhưng với những người nghèo, những người bệnh quả là quá lớn.

Cũng thầm ước làm sao cho Mai Hòa có nhiều bữa cơm như thế này để cho những người bệnh được thưởng thức chút gì đó của những ngày còn lại thật mong manh của cuộc đời.

Lễ cũng hết, tiệc cũng tàn nhưng rồi hình ảnh của những con người trong mái ấm này cũng như những ai có liên hệ cách này cách khác cứ đọng lại. Quả thật, đây là những người thể hiện một cách hết sức thiết thực tình yêu của Chúa Giêsu ở giữa trần gian này.

Chỉ biết qua lời chuyển cầu của Thánh Tổ Phụ, xin cho Tu Hội ngày càng phát triển cũng như có nhiều ân nhân sẻ chia để Tu Hội chia sẻ lại với những thân phụ nghèo đang nương tựa vào tình thương của Tu Hội.
 
Đêm Giới Trẻ tại giáo xứ Thanh Đa
Hồ Anh Minh
07:31 25/09/2011
SAIGÒN - Đêm hạnh phúc: đó là cảm nghĩ chung của tất cả các bạn trẻ Giáo xứ Thanh Đa trong đêm hội Hưởng Ứng Đại hội Giới trẻ Thế giới 2011 và Thánh lễ Khai giảng Năm học mới cho Sinh viên – Học sinh được tổ chức vào lúc 19h tối thứ Bảy 24/9/2011.

Xem hình ảnh

Hạnh phúc vì đêm hội đã không theo phương cách truyền thống, không còn khoảng cách giữa khách và chủ, giữa người dẫn chương trình và khán giả. Cha Chủ tế Giuse Lê Quang Uy cũng là người dẫn chương trình cùng với MC Lynh Thư, đã đưa các bạn trẻ gần lại với nhau, gần với Thầy Giêsu hơn.

Sau màn múa khởi động hào hứng của Nhóm Trẻ Don Bosco với tác phẩm Nối Mãi Vòng Tay, cử tọa được xem video clip tóm tắt Đại hội GT TG 2011, sức nóng từ biển người tham dự tại Madrid cùng với Đức Giáo hoàng Bênêdictô làm con tim của các bạn rung động, quả thật, đức tin và niềm say mê vào thần tượng Giêsu hơn 2000 năm qua vẫn mãnh liệt nơi người trẻ ngày nay.

Để dẫn vào phần I của chương trình với chủ đề “Hãy Đến Mà Xem”, dựa theo cảm hứng của phúc âm Thánh Gioan, khi hai môn đệ của Gioan hỏi Chúa Giêsu: Thưa Thầy, Thầy ở đâu? Chúa Giêsu bảo: Hãy đến mà xem. (Ga 1,35-39)

Cha Giuse đã mời gọi tất cả các bạn “hãy đến” gần hơn với Thầy Giêsu đang hiện diện trong Nhà Tạm trên Cung Thánh. Với cây ghita và giọng hát trầm ấm qua bài hát cùng chủ đề, Cha Giuse đã dẫn dắt cộng đoàn khám phá Thầy Giêsu: nơi những con người bơ vơ, lạc loài, nơi các bệnh nhân phong, AIDS hấp hối tại Trung tâm Trọng Điểm (Bình Phước) hay Mai Hòa (Cú Chi), nơi những căn nhà không số hay những vùng quê xa xôi, và Thầy cũng ở ngay đây: nơi các bạn trẻ đang tập họp để cầu nguyện vì Danh Thầy.

Sau một phút lắng đọng, Cha Giuse mời gọi các bạn thảo luận với nhau và tự mình ghi lên miếng giấy được phát sẵn: theo bạn, Giêsu còn ở đâu nữa trong cuộc đời này?

Phần II của chương trình được Cha Giuse giải đáp cách trực quan, dễ hiểu, dễ làm trong bài giảng: gặp được Thầy Giêsu rồi, các bạn sẽ làm gì? Phải chăng, chúng ta sẽ dấn thân để cùng trở nên như Giêsu trong cách sống yêu thương và phục vụ.

Cha đưa ra 3 phương cách để các bạn trẻ dễ “gặp” Thầy Giêsu:

Mỗi lần nghe tiếng chuông điện thoại, bạn đừng bắt máy vội, hãy dành 5, 10 giây để hồi tâm, và nghĩ rằng, Giêsu đang gọi bạn đó, dâng lên Ngài những ưu tư, mệt nhọc.
Đọc chậm rãi 1 kinh Lạy Cha hay Kính mừng khi dừng xe trước ngã tư lúc đèn đỏ, như thế, mỗi ngày đi học hay đi làm, bạn có thể đọc mười kinh.
Luôn mang theo tràng chuỗi Mân Côi trong người, để những lúc rãnh rỗi cùng với Mẹ Maria dâng lên lời cảm tạ, ngợi khen Thiên Chúa.

Phần Thánh lễ thật ấm cúng, không còn khoảng cách giữa bàn thờ và giáo dân, mà chỉ còn những con tim bừng cháy với Chúa Giêsu Thánh Thể: thật gần, thật gần.

Sau lời nguyện hiệp lễ, Ban Tổ chức mời Cha Sở Đaminh Nguyễn Đình Tân, cùng Cha Chủ tế Giuse trao học bổng Đaminh cho các em Sinh viên – Học sinh giỏi, có hoàn cảnh khó khăn.

Cha Sở chúc mừng, động viên các em cố gắng hơn nữa trong học tập và trở nên những chứng nhân sống động trong môi trường học tập của mình. Ngài hy vọng chương trình này sẽ mở rộng thêm cho nhiều đối tượng trong năm tới.

Nghi thức Lên Đường được cử hành với việc trao Thánh giá cho người trẻ, Cha Chủ tế dẫn lời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II : “Các Bạn trẻ thân mến, khi bế mạc Năm Thánh này, Cha trao cho các con Dấu Chỉ của Năm Thánh: Thánh Giá Chúa Kitô! Các con hãy mang Thánh Giá này đi khắp thế giới như là biểu tượng của Tình yêu của Chúa Kitô cho nhân loại, và các con hãy loan truyền cho mọi người rằng: chỉ nơi Sự Chết và Phục Sinh của Chúa Kitô, chúng ta mới có thể tìm thấy ơn Cứu độ và sự Giải thoát!”

Đã đến lúc chia tay, nhưng nhiều bạn vẫn còn nấn ná trong Nhà thờ để chia sẻ cảm xúc về buổi gặp gỡ, một bạn nói rằng: tôi đã được mở mắt và nhìn ra Giêsu đang ở gần mình quá, vì thời gian gần đây, ngày nào tôi cũng vào bệnh viện để chăm sóc mẹ, nhìn những cảnh đời khó nghèo mà chẳng cảm được gì, giờ đây, tôi biết sẽ gặp Thầy Giêsu ở đâu rồi.

Giáo xứ xin chân thành cảm ơn quý ân nhân đã tích cực hưởng ứng và tài trợ cho quỹ Học bổng Đaminh năm 2011:

- Các hội đoàn trong giáo xứ: Khu giáo Mẹ Lên Trời, Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm, Hội Các Bà Mẹ Công giáo, Hội Mân Côi Cầu Nguyện, Ca đoàn Gioan Bosco.
- Công ty Thái Trang, Kỷ Nguyên Số
- Ông Gioan Phạm Văn Minh, Ông Giuse Dương Anh Thiệu, Bà Catarina Maria Nguyễn Thị Phương, Bà Têrêsa Trần Thị Mai Trinh và hai ân nhân ẩn danh.
- Đặc biệt, Cha Giuse Nguyễn Kim Long –St Callistus Catholic Church - USA, nhân ghé thăm giáo xứ Thanh Đa ủng hộ 300 USD.

Xin Chúa trả công và chúc lành cho quý ân nhân, quý hội đoàn đã giúp đỡ cho học bổng này.
 
Văn Hóa
Chúa nơi phương nào?
Tuyết Mai
06:59 25/09/2011
Chúa Trong Lòng Ta

Cả tháng nay tôi có cảm tưởng như người bị bệnh. Không biết có phải Chúa ban cho tôi một bài học mới chăng?. Một bài học mà có thể được gọi là bài học thử thách ở cấp độ cao hơn?. Để qua đó mà nhận biết thế nào là chia sẻ và cảm thông cho người đang có bệnh?. Chẳng phải cái bệnh xoàng xoàng như ông xã nhà tôi đâu. Đã rất lâu tôi rất cảm phục những nữ tu, thường xuyên chăm sóc bệnh tật cho những con người nghèo khổ, mà xã hội ruồng bỏ, hay không đếm xỉa tới họ. Để cho ai chết thì chết, ai thất tha thất thểu thì mặc kệ, bữa no bữa đói, khùng khùng vất vưởng ngoài chợ đời. Các sơ và các nữ tu, đã tìm thấy họ mà đem lòng thương, mời họ về nhà tình thương để chăm sóc và lo lắng cho họ, ngày cũng như đêm.

Cảm nhận được như thế mà sao gia đình tôi, tôi không thể có được tấm lòng bác ái và độ lương như các sơ hay các nữ tu?. Tôi dằn vặt ông nhà tôi, để được điều gì hay được lợi điều chi?. Hiện giờ chẳng lẽ trong tôi đã dần thiếu bóng Thiên Chúa?. Trái tim tôi như đã ra chai lì?. Mà tôi rất thường tự hào được Người ban cho những Hồng Ân từ trên. Sao giờ tôi không còn cảm nhận được những Hồng Ân (energy) Chúa ban cho như trước nữa?. Mà có cảm tưởng như là Người đã rời xa tôi, để cho tự tôi phải chống đỡ. Mà nghĩ là chống đỡ thì có phải quá đáng hay không?. Hiện nay tôi chỉ còn trông nom có một người bệnh, mà đó là chồng của tôi, người chồng đã yêu thương tôi suốt mấy chục năm qua. Ông nhà tôi đã làm gì thái quá, để cho tôi phải hất hủi ổng chứ?. Để cho tôi muốn xa lánh ổng?. Để cho tôi có những suy nghĩ thật tiêu cực và thật thiếu lạc quan, chứ chưa đến nỗi phải dùng chữ bi quan.

Phải nói thật sự đau đớn con mắt của ông nhà tôi đã làm cho tôi phải rạc cả người, may mà so với các sơ và các nữ tu, tôi không bằng một góc của họ. Có thể trong tôi nghĩ rằng ông nhà tôi đã quá mức nhõng nhẽo, như nhà giầu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột. Tôi không cảm được cái đau nhức của chồng tôi. Làm sao tôi có thể cảm được?. Vì có sai lắm không khi tôi đem ông ra so sánh với những con người thật đau khổ, như những con người sắp chết ngoài kia mà mẹ Têrêsa đã không ngần ngại mà đem họ về để chăm sóc?. Và so thế nào được cơ chứ khi tôi chẳng phải là mẹ Têrêsa thật dũng cảm kia, và tràn đầy tình yêu thương của Chúa luôn rực lửa trong trái tim yêu của mẹ. Chắc hay là thà mình được chăm sóc cho những con người ngoài đường để chúng ta có thể đem hết tình yêu thương để bù đắp cho đầy những gì họ cả đời bị túng thiếu, bị khinh chê, bị ruồng bỏ?. Còn người trong gia đình của chúng ta thì không thể nào so sánh bằng, để có thể đáng được chúng ta chăm sóc kỹ càng như mẹ Têrêsa từng chăm sóc cho bệnh nhân của mẹ?.

Chúng ta có nên suy nghĩ lại mà xem chúng ta có thực tế lắm không?. Ngay trong gia đình mà chúng ta từng sống với nhau chung một mái nhà, ngủ cùng giường, ăn cùng bàn, lại rất sạch sẽ, mà chúng ta còn không có trái tim yêu thương; thì thử hỏi ai (hình ảnh của Chúa) chúng ta có thể chăm sóc trong tình yêu thương chân thật cho được chứ!?. Có phải chúng ta là những con người sống đạo đức giả hay không?. Đạo đức giả ngay chính mình, thì ai sẽ thực sự để cho chúng ta chăm sóc?. Sao chúng ta có thể nhìn thấy ai dơ bẩn ngoài kia, bệnh hoạn, những bệnh rất lây, mà mời họ về nhà để chúng ta chăm sóc cho ư!?. Thật quả cảm và thật đáng ca ngợi thay những sơ và nữ tu đã có thể thấy được họ là hình ảnh của Chúa Giêsu, mà hết lòng cho họ tình thương mà họ một đời chẳng bao giờ biết cảm nhận tình thương là gì.

Tinh thần của tôi yếu đuối quá!. Tôi còn không thể chìu ông nhà tôi được thêm chút nào nữa!. Tôi đã như đẩy xa ổng ra, khi ổng rất cần đến tôi trong lúc này. Có phải những lúc này tôi mới cần phải trở thành một y tá đúng nghĩa hay không?. Có phải lúc này tôi mới cần phải chứng minh với ông nhà tôi là mình thực sự là một y tá có trái tim giống Chúa. Là hiền từ, nhẹ nhàng, chăm sóc cho bệnh nhân với những lời ăn tiếng nói để họ được cảm thấy an ủi và làm cho họ cảm thấy phấn khởi để bệnh mau lành. Tôi đã không làm được như thế với chồng tôi. Vì con người giả dối ngoài đời đã làm cho tôi trở thành chai nguội. Những năm trước đây khi tôi chưa nhìn thấy những con người giả hình, giả bệnh, để lợi dụng tiền của chính phủ, nên tôi vẫn sống rất đầy tình người. Tôi đã dốc hết nghị lực và thời giờ của tôi, để chăm sóc cho tất cả người già, cần được chăm sóc.

Nhưng những năm sau này, tôi đã có dịp nhìn ra tất cả mọi sự thật, diễn tuồng trước mặt tôi, đã làm cho tôi thất vọng vô cùng. Từ đó họ đã làm cho tôi mất đi thật nhiều tình cảm và sự kính trọng mà tôi đáng lý ra (nếu họ có bệnh thật) không cần mất nhiều thời giờ với họ như thế!. Nói đúng ra những con người này họ đã lợi dụng mọi người quá đáng. Bắt chúng tôi phục vụ cho họ như chúng tôi là người đầy tớ của họ vậy!. Thật đáng tiếc thay những con người này họ đã làm cho tất cả bác sĩ, y tá, hay những người làm công việc bác ái, trở thành những con người được gọi là lương y (thật sự) thành kế mẫu. Bây giờ tôi mới hiểu ra vì sao có rất nhiều bác sĩ không giống như một bác sĩ để bắt tôi phải nể trọng họ. Nhưng vì hầu hết bệnh nhân xem bác sĩ như là cái máy robot để phục vụ theo sự đòi hỏi của bệnh nhân. Học lực của họ bị bệnh nhân coi thường quá!. Hà huống chi là y tá quèn như chúng tôi.

Thất vọng quá tôi đâm ra bất mãn với những con người chỉ biết sống lợi dụng mà không cần biết sự lợi dụng của mình, làm tiêu tan hết cả những gì gọi là niềm hy vọng, liêm chính, công bằng, và bác ái. Họ trơ trẽn quá!. Và họ trở thành là những phạm nhân, gian lận tiền chính phủ, để hưởng mọi quyền lợi, mà chính ra họ chẳng đáng được nhận ngay cả một ngày. Họ làm tai tiếng quá!. Họ là những con sâu làm rầu nồi canh của cả một dân tộc, đang cố gắng sống đàng hoàng, và đang đóng thuế để cho họ hưởng. Sự gian dối của họ đáng ghét lắm!. Họ là những con người thật ích kỷ chẳng cần biết tương lai con cái, cháu chắt của họ, ra sao??. Họ không biết rằng đời cha ăn mặn thì đời con chúng khát nước hay sao?.

Nghĩ suy tôi thấy tội nghiệp cho ông nhà tôi, vì những bất mãn tôi gặp ngoài đời, mà đã đối xử với ông không đẹp tí nào. Tôi đã gán ghép cho ông những gì tôi đã suy nghĩ về ông. Tôi đã sống rất hạn hẹp và không làm gương cho ông thấy rằng tôi đã được Chúa yêu thương và đã được Chúa biến đổi. Quan trọng và thiết yếu lắm thay nếu chúng ta là con cái Chúa mà để tấm gương (tấm kiếng soi) của chúng ta ra mờ mịt và trầy trụa, thì ai có thể dùng được tấm gương soi ấy????. Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng (mea cupa, mea cupa).
 
Êm đềm
Jos. Tú Nạc, NMS
07:00 25/09/2011
Những niềm vui và che chở thế gian
Không ai có quyền, được phép lấy đi.
Giây phút êm đềm
Giây phút êm đềm
Giây phút êm đềm …
Tôi biết Người qua kỳ diệu thế gian,
Và khao khát bao điều hơn thế nữa.
Tôi hát cho Người muôn lời tán tụng
Người đổ trên tôi tình yêu mênh mang.
Tôi vươn cao gặp gỡ ánh quang Người
Và nghiêng mình trước hiện diện của Người.
Giây phút êm đềm
Giây phút êm đềm
Giây phút êm đểm …
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Ngõ Sau Thành Phố
Nguyễn Bá Khanh
21:17 25/09/2011
NGÕ SAU THÀNH PHỐ
Ảnh của Nguyễn Bá Khanh
Mặt trái của thành phố tráng lệ huy hoàng,
là những ngõ sau.. nghèo nàn dơ bẩn!

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
VietCatholic TV
Thánh Lễ sáng Chúa Nhật tại phi trường Freiburg
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
08:37 25/09/2011
Sáng nay Chúa Nhật 25/9, là ngày cuối trong chuyến tông du 4 ngày tại Đức quốc, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã cử hành thánh lễ đại trào tại phi trường Freiburg. Đồng tế với ngài có Đức Tổng Giám Mục Robert Zollitsch, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức và cũng là chủ chăn của tổng giáo phận Freiburg. Ngoài ra còn có đông đảo các vị Hồng Y, Giám Mục và các linh mục Đức. Hơn 200,000 anh chị em tín hữu đã tham dự thánh lễ bắt đầu lúc 10h sáng.

Đức Thánh Cha đã chào thăm anh chị em tín hữu như sau:

Anh chị em thân mến, thật là xúc động để một lần nữa tôi hiện diện nơi đây để cử hành Phụng Vụ Thánh Thể, một lễ Tạ Ơn, với đông đảo anh chị em đến từ các miền trên đất nước Đức và từ các quốc gia lân bang. Chúng ta cám tạ trên hết là Thiên Chúa, trong Ngài chúng ta sống và hoạt động. Nhưng tôi cũng muốn cám ơn tất cả anh chị em về những lời cầu nguyện để cho người Kế Vị Thánh Phêrô này có thể tiếp tục thực thi sứ vụ của mình với niềm vui và hy vọng, để ngài có thể củng cố các anh chị em của ngài trong đức tin.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:

Có những thần học gia, những người đối diện với những sự ác tệ hại xảy ra trong thế giới hôm nay, chủ trương rằng Thiên Chúa không thể là Đấng Toàn Năng. Đáp lại với những luận điểm như thế chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa, là Đấng Toàn Năng dựng nên trời đất.

Chúng ta cần phải ý thức rằng Thiên Chúa hành xử quyền năng của Ngài khác với cách thức thông thường của chúng ta. Ngài đã đặt giới hạn trên quyền lực của Ngài khi nhìn nhận tự do của các tạo vật. Chúng ta vui mừng và cám tạ ơn Chúa về hồng ân tự do. Tuy nhiên, khi chúng ta đối diện với những sự ác thê thảm là hậu quả của tự do, chúng ta kinh sợ. Chúng ta hãy tín thác nơi Chúa, Đấng mà quyền năng Ngài thể hiện cao cả nhất nơi lòng thương xót và thứ tha. Thiên Chúa đã tôn trọng tự do của chúng ta. Ngài không hạn chế chúng ta.

Trong phần kết luận Đức Thánh Cha nói:

Chúng ta hãy khẩn khoản xin cùng Chúa ơn can đảm và khiêm nhường để bước theo con đường đức tin, kín múc từ sự hào phóng lòng thương xót của Ngài, và dán mắt vào Chúa Kitô, là Ngôi Lời, là Đấng làm mới mẻ mọi sự và là “đường, là sự thật và sự sống, là tương lai của chúng ta Amen.
 
Đức Thánh Cha: Giáo Hội có nên thay đổi trước sự sa sút thực hành đạo?
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:40 25/09/2011
Trước khi rời cố hương của ngài để quay lại Rôma, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ các thành viên trong các tổ chức Công Giáo tại một phòng hòa nhạc tại Freiburg.

Trong diễn từ với các tổ chức Công Giáo Đức, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã trình bày những suy tư của ngài về một vấn đề thời sự nhức nhối trong Giáo Hội tại Đức nói riêng và nhiều Giáo Hội địa phương khác trên thế giới là vấn đề làm sao chặn đứng sự sút giảm trong việc thực hành đạo.

Ngài nói: “Trong nhiều thập niên, chúng ta đã và đang phải chứng kiến một sự sa sút trong việc thực hành đức tin và một con số đáng kể những người đã chịu phép rửa tội nay đang xa dần cuộc sống Giáo Hội. Điều này dẫn đến câu hỏi là liệu Giáo Hội có nên thay đổi hay không?”

Theo Đức Thánh Cha, chắc chắn là có những điểm có thể và phải thay đổi nhưng ngài nhấn mạnh rằng những thay đổi ấy cần phải cải thiện sứ vụ mà Chúa Giêsu đã ủy thác cho Giáo Hội.

Ngài cảnh cáo rằng để thực sự trở nên chính mình theo đúng nghĩa, Giáo Hội phải xa lánh khuynh hướng “trần tục hóa” vì “khi chiều theo những yêu sách và những đòi buộc của thế gian, chứng tá của chúng ta bị che mờ, những mối quan hệ bị tha hoá và sứ điệp của chúng ta dựa trên một thứ chủ nghĩa tương đối”.

Đức Thánh Cha nói tiếp là Giáo Hội cần phải loại bỏ những ồn ào hời hợt quanh mình. Giáo Hội cần phải giải thoát mình khỏi những gánh nặng chính trị và thế tục đang lôi kéo Giáo Hội xa dần sứ vụ thực sự của mình.

“Hãy đem đến cho Giáo Hội căn tính thực sự của mình và loại bỏ đi những gì xem ra là liên quan đến đức tin nhưng sự thật chỉ là tập tục hay thói quen”.

Cùng một ý tưởng như thế trong bài giảng sáng Chúa Nhật tại phi trường Freiburg, Đức Thánh Cha nói rằng “Những người hoài nghi, những người thường xuyên vật lộn với câu hỏi về Thiên Chúa, những ai trông ngóng một con tim thanh sạch nhưng phải đau khổ vì gánh nặng tội lỗi, thì gần nước Thiên Chúa hơn các tín hữu mà đời sống đức tin đơn thuần là một ‘tập quán’, và những ai xem Giáo Hội chỉ đơn thuần là một cơ chế và không để lòng mình rung động bởi đức tin”.

Đức Thánh Cha nhìn nhận rằng trong bất cứ trường hợp nào, đức tin Kitô luôn luôn sẽ bị thách đố bởi vì đức tin ấy dám nhìn nhận rằng Thiên Chúa đã chịu đóng đinh để mang đến sự phục sinh cho chúng ta.

Trước khi rời khỏi phòng hòa nhạc, Đức Thánh Cha đã cám ơn những người Công Giáo đã dấn thân cải thiện đời sống hàng ngày của Giáo Hội. Ngài nhấn mạnh rằng chỉ có một cuộc sống thân mật với Thiên Chúa mới có khả năng đến được với tha nhân.

Lúc 18h15, nghi thức chia tay đã diễn ra tại phi trường Lahr. Tổng thống Christian Wulff đọc diễn văn cám ơn Đức Thánh Cha đã đến thăm Đức. Đức Thánh Cha cũng cám ơn lời mời của tổng thống Đức và những đón tiếp nồng hậu dành cho ngài.

Lúc 19g15, máy bay đã cất cánh từ phi trường Lahr và lúc 20g45, Đức Thánh Cha đã về đến phi trường Ciampino, Roma.
 
Thánh Lễ với giới trẻ Freiburg
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:15 25/09/2011
Lúc 12h50 hôm thứ Bẩy 24/9, Đức Thánh Cha đã đáp máy bay đã đến phi trường Lahr của thành phố Freiburg. Từ phi trường Đức Thánh Cha đã đi xe vào thành phố cách đó 50 cây số. Thành phố Freiburg có 200,000 dân trong đó có 30,000 sinh viên. Tổng giáo phân Freiburg được thành lập năm 1821 có hơn 4,7 triệu dân, 42% theo Công Giáo, với 1.075 giáo xứ, 949 linh mục triều, 215 linh mục dòng, 299 tu huynh, 1.709 nữ tu, 226 Phó tế vĩnh viễn và 70 đại chủng sinh. Giáo Hội điều khiển 1.012 cơ cấu giáo dục và 620 trung tâm từ thiện bác ái.

Sau khi tới thành phố Đức Thánh Cha đã viếng thăm nhà thờ chính tòa Đức Bà. Nhà thờ chính tòa được xây theo kiểu gô tích giữa thế kỷ XII và XVI, có tháp chuông cao 116 mét, biểu tượng cho thành phố và bao gồm 19 qủa chuông lớn nhỏ khác nhau trong đó có một qủa cổ xưa nhất tại Đức gọi là ”Chuông Hosanna” đúc năm 1258. Bên trong nhà thờ có các kính mầu thuộc các thế kỷ XIII-XVI và nhiều tác phẩm nghệ thuật, trong đó có bàn thờ chính của điêu khắc gia Hans Baldung Grien.

Đức Thánh Cha đã được Kinh sĩ đoàn nhà thờ tiếp đón. Bên trong có 800 người gồm các nam nữ tu sĩ và một nhóm người khuyết tật. Sau khi viếng Mình Thánh Chúa Đức Thánh Cha đã đọc kinh truyền tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người. Ngài đã ký vào sổ vàng của bang và thành phố, trước khi có lễ nghi chào đón chính thức tại quảng trường.

Ngỏ lời với mọi người Đức Thánh Cha đã bầy tỏ niềm vui được viếng thăm giáo phận Freiburg trong tư cách là Người Kế Vị Thánh Phêrô, để cầu nguyện với tín hữu, loan báo lời Chúa và cử hành thánh lễ. Đức Thánh Cha xin mọi người cầu nguyện cho các ngày viếng thăm đem lại nhiều hoa trái, để Thiên Chúa củng cố đức tin, niềm hy vọng và gia tăng lòng mến của mọi người.

Ngài nói như sau: Tôi chào thăm anh chị em và cám ơn anh chị em vì những lời chào mừng tốt đẹp. Sau những cuộc gặp gỡ tuyệt vời tại Berlin và Erfurt, tôi vui mừng hiện diện nơi thành phố Freiburg này với anh chị em. Xin cám ơn đặc biệt đến Đức Tổng Giám Mục Robert Zollitsch vì lời mời của ngài và những lời chào đón thân tình.

Khẩu hiệu của chuyến tông du này nhắc chúng ta rằng: “Nơi đâu có Thiên Chúa, nơi đấy có tương lai”. Trong tư cách là người kế vị thánh Phêrô, người đã được Chúa ủy thác cho việc củng cố anh em ngài, tôi nhiệt thành đến đây để cầu nguyện chung với anh chị em, công bố Lời Chúa, và cử hành Phụng Vụ Thánh Thể. Xin anh chị em cầu nguyện để những ngày này mang lại hoa trái, để Thiên Chúa đào sâu đức tin trong ta, tăng cường đức cậy và đức mến trong chúng ta. Trong những ngày này, xin cho chúng ta một lần nữa ý thức rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta biết bao và Ngài nhân lành đến ngần nào, để chúng ta tín thác đặt mình và tất cả những lo toan trong tay Ngài. Trong Ngài tương lai chúng ta được bảo đảm: Ngài mang đến ý nghĩa cho cuộc sống chúng ta và mang đời ta đến chỗ viên mãn. Xin Thiên Chúa đồng hành với anh chị em trong bình an và biến đổi anh chị em nên những sứ giả của vui mừng!

Lễ nghi chào đón kết thúc lúc 2 giờ rưỡi chiều, sau đó Đức Thánh Cha lên xe về đại chủng viện Borromeo, cách đó 300 mét để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi chốc lát.

Lúc 16h50 Đức Thánh Cha đã gặp gỡ nguyên thủ tướng Helmut Kohl và phu nhân. Ông Kohl sinh năm 1930 gia nhập đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo năm 1947. Ông đã từng là bộ trưởng chủ tịch bang Rheinland-Pfalz giữa các năm 1969-1976, và được bầu làm Thủ tướng Liên Bang Đức giữa các năm 1982-1989, rồi là Thủ tướng của nước Đức thống nhất cho tới năm 1998.

Lúc 19h Đức Thánh Cha đã gặp gỡ 20,000 bạn trẻ Đức trong đêm canh thức tại quảng trường thành phố Freiburg.

Ngỏ lời với các bạn trẻ, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng họ đừng sợ nhìn nhận những gian lao vẫn thường tồn tại trong cuộc sống. Ngài khuyên họ đừng bị cám dỗ để trở nên ngần ngại hay biếng nhác khi nghĩ đến những điều thiện nên làm.

Ngài nói:

“Các bạn trẻ thân mến, Chúa Kitô không quá quan tâm đến biết bao lần trong cuộc sống các con vấp ngã và trỗi dậy. Ngài không đòi hỏi những thành quả le lói nhưng Ngài muốn thấy ánh sáng Ngài dõi chiếu trên các con”.

Các bạn trẻ được khích lệ để trở nên những chứng nhân đích thực cgo đức tin bằng cách chia sẻ khả năng của họ và cùng với Giáo Hội và tha nhân.

“Các con hãy can đảm đem tài năng và những hồng ân Chúa ban để phụng sự nước Chúa và cho đi chính mình như ngọn nến sáp để Chúa có thể xua tan bóng đêm qua các con”.

Đức Thánh Cha đã mời gọi các bạn trẻ sống một cuộc sống thánh thiện. Đừng ngại quá khứ của mình nhưng hãy hướng đến tương lai vì không có vị thánh nào chưa từng phạm tội.

“Hãy dám tỏa sáng như các thánh, là những người nơi ánh mắt và con tim của họ ánh lên tình yêu Chúa Kitô và qua đó chiếu tỏa ánh sáng cho thế giới. Cha tin chắc rằng các con và đông đảo các bạn trẻ tại Đức là những tia hy vọng không bị che lấp đi. Các con là ánh sáng của thế giới.”

Ngày mai Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ tại phi trường Freiburg trước khi trở về Rôma kết thúc chuyến viếng thăm 4 ngày tại Đức.