Ngày 30-09-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chăm sóc vườn nho
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
05:24 30/09/2011
Chúa Nhật 27 thường niên A

Bài Tin Mừng là một dụ ngôn và cũng là một ám ngôn, vì vừa hình dung vừa diễn tả sự thật, vừa có tính cách lịch sử vừa có tính cách tiên tri.

Ông chủ vừa trồng xong vườn nho. Ông rất yêu qúy vườn nho của mình. Chung quanh vườn, ông rào cẩn thận. Ở giữa vườn, ông cho đào một bồn ép làm rượu. Ông còn cho xây một cây tháp cao để canh giữ kẻ gian. Ông chăm sóc vườn nho thật chu đáo.

Ông chủ có lòng nhân ái với các tá điền. Họ vốn là những người nghèo khổ, không "một tấc đất cắm dùi" nên ông thương tình và muốn giúp họ sinh sống. Ông chủ thật quảng đại, thay vì chỉ thuê và trả theo lương công nhật, ông lại tin tưởng và giao toàn quyền vườn nho cho họ chăm sóc và trẩy đi phương xa. Các tá điền vui mừng được canh tác theo ý mình. Đến mùa, họ chỉ cần nộp một phần nhỏ hoa lợi cho chủ là xong trách nhiệm. Nhưng con người có lòng tham không đáy "được voi đòi tiên". Dù đã được hưởng phần lớn hoa lợi nhưng họ còn muốn sở hữu luôn cả vườn nho để khỏi phải nộp một phần hoa lợi nào cả! Do đó, khi thấy các đầy tớ ông chủ sai đến để thu hoa lợi như đã hợp đồng, chẳng những họ đã không nộp mà còn hành hạ đánh đập, thậm chí ném đá để giết hại các người đầy tớ đó. Thấy vậy, ông chủ vẫn kiên nhẫn sai thêm một số đầy tớ khác đông hơn trước đến, nhưng số phận của những người này cũng không khá hơn những đầy tớ đến trước. Cuối cùng, ông chủ còn sai người con trai duy nhất đến, với hy vọng bọn tá điền sẽ tôn trọng con trai mình. Nhưng bọn tá điền thấy con trai ông chủ liền bàn nhau giết luôn người thừa tự kia để chiếm đoạt vườn nho cho mình.

Kết thúc dụ ngôn, Chúa Giêsu hỏi về thái độ của ông chủ vườn đối với bọn tá điền bất nhân ác đức kia là gì? Các thính giả nghe dụ ngôn đã đồng thanh trả lời : "Ác giả ác báo, ông chủ sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, nộp phần hoa lợi cho ông". Chúa Giêsu kết luận bằng cách áp dụng vào chính họ : "Tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi".

Dụ ngôn là tóm lược toàn bộ Thánh Kinh về ơn cứu độ của Thiên Chúa. Vườn nho ám chỉ nước Thiên Chúa được trao cho dân Do Thái. Ông chủ vườn nho là Thiên Chúa. Những người thợ làm vườn nho là giới lãnh đạo, đứng đầu trong dân. Các đầy tớ là hàng loạt các ngôn sứ được Thiên Chúa phái đến đều bị ngược đãi hoặc bị giết chết. Trước thái độ bất nhân bất nghĩa đó, nước Thiên Chúa được chuyển sang một quốc gia khác là Hội Thánh, một dân phổ quát và Công giáo, sẽ lan rộng đến tất cả mọi quốc gia.

Dụ ngôn vừa có tính cách lịch sử vừa có tính cách tiên tri. Dụ ngôn diễn tả những biến cố có thực, là những can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử dân Do Thái, và thái độ của dân Do Thái đối với những ngôn sứ Chúa sai đến với họ.

Dụ ngôn nói tiên tri về đạo Chúa sẽ lan rộng khắp các dân tộc. Hơn nữa, dụ ngôn cũng cho thấy rõ thân thế và sứ mạng của Chúa Giêsu. Những người được sai đến trước Ngài, dù nổi tiếng như Êlia, Isaia, Giêrêmia, Gioan Tiền Hô… cũng chỉ là đầy tớ, còn Ngài mới là con trai duy nhất của Chúa Cha.

Mỗi người chúng ta là một tá điền, Thiên Chúa trao phó cho một vườn nho. Đó là những ơn phúc. Mỗi người có bổn phận phải đem hoa lợi về cho Chúa. Mỗi người hoàn toàn tự do sắp xếp công việc theo sáng kiến riêng và chịu trách nhiệm về những việc mình làm.

Những ơn phúc Chúa ban như sự sống, tài năng, sức khỏe, của cải vật chất, chúng ta phải biết sử dụng chúng để sinh lợi. Mỗi người được Chúa trao ban cho một vốn liếng khác nhau không ai giống ai, nhưng ai cũng phải làm lợi ra với số vốn liếng đó.

Thiên Chúa trao cho chúng ta công việc chăm sóc vườn nho của Ngài. Thiên Chúa không ngừng sai những sứ giả đến để nhắc nhở hãy tích cực chăm sóc vườn nho. Vì thế mỗi người có bổn phận biết ơn là dâng lại cho Ngài những điều tốt đẹp, những chùm nho ngon ngọt của việc làm tốt mà chúng ta phải thực hiện trong cuộc sống hằng ngày.

Xin Chúa giúp chúng con luôn biết siêng năng làm việc, chu toàn bổn phận hàng ngày. Xin cho chúng con biết sử dụng tài năng, sức lực, thời giờ, của cải Chúa ban để xây dựng sự nghiệp đời này và sự nghiệp đức tin trên Nước Trời. Amen.

Câu chuyện suy gẫm.

Khi giảng về việc giữ ngày Chúa nhật, một linh mục Trung hoa đã minh họa bằng câu chuyện sau đây : "Một bà kia đi chợ mang theo 7 quan tiền trong túi áo. Khi tới chợ, bà trông thấy một người đàn ông bị què, áo quần rách nát, đang ngồi ăn xin bên vệ đường. Bà thấy tội nghiệp nên đã móc túi ra cho hắn 6 quan tiền và chỉ giữ lại duy một quan đi chợ. Nhưng tên ăn mày này vốn tham lam, thấy bà ân nhân vẫn còn một quan tiền ở trong túi, hắn ta liền bám sát theo và nhân cơ hội bà sơ ý, hắn ta đã ăn cắp nốt quan tiền còn lại. Khi nghe câu chuyện về tên ăn mày tham lam này, có lẽ ai trong chúng ta cũng nghĩ hắn ta đúng là một tên mạt rệp đáng khinh bỉ và trừng phạt !".

Rồi vị linh mục đặt vấn đề với cộng đoàn : Còn chúng ta thì sao ? Trong một tuần lễ, Chúa đã ban cho chúng ta 6 ngày lao động kiếm ăn, thế mà còn duy một ngày Chúa nhật để ta dành ra mà nhớ đến Chúa, làm các việc thờ phượng kính mến Chúa và các việc bác ái phục vụ tha nhân, nhưng nhiều khi chúng ta đã tiếc xót, vẫn làm việc thêm mong kiếm nhiều tiền cho đầy túi tham ! Như vậy, chúng ta sẽ là hạng người nào ?
 
Một bí quyết hạnh phúc
LM Giuse Việt, O.Carm
06:46 30/09/2011
Ông ‘nổi tiếng’ là học rất dốt. Thi đâu trượt đấy trong nhiều năm trời. Thế nhưng cuộc đời của ông lại tỏa sáng trên toàn thế giới vì ông đã chạm vào tâm hồn nhiều thế hệ. Tầm vóc vĩ đại của một người đơn sơ như ông đã đạt đến đỉnh cao khi ông được chọn làm gương mẫu đời sống cho những nhà lãnh đạo tinh thần của Hội Thánh trong vai trò ‘cha chánh xứ’. Trong những bút tích còn lưu giữ của ông, người ta tìm thấy nhiều điều khôn ngoan dẫn đến hạnh phúc. Xin được trích lại nơi đây một ‘bí quyết để hạnh phúc’. Ông viết: “Con người có một điều tuyệt đẹp, đó là khả năng cầu nguyện và yêu thương. Bạn cầu nguyện, bạn yêu thương, đây chính là hạnh phúc của con người trên trái đất này…. Cầu nguyện là nếm hưởng trước Thiên Đàng.” (Gioan-Maria Vianney)

Cầu nguyện là một bí quyết để hạnh phúc. Ai đã có kinh nghiệm trong đời sống cầu nguyện sẽ hiểu rõ điều này. Muốn sử dụng hiệu quả một bí quyết thì phải có phương pháp đúng đắn, khoa học. Phương pháp càng tốt thì càng đạt hiệu quả nhiều. Cầu nguyện càng tích cực thì hạnh phúc càng kết trái đơm bông dồi dào.

Họ là hai người thuộc hai lối sống, hai hoàn cảnh, hai môi trường nghề nghiệp, hai quan niệm khác nhau, nhưng cả hai đều có chung một mục đích trong đời: đi tìm hạnh phúc. May thay, cả hai đều biết đến và thực hành ‘bí quyết để hạnh phúc’ trên, nhưng xem ra mức độ hạnh phúc họ đạt được khá khác biệt.

Khoảng 5 giờ chiều mỗi ngày, Cần thu xếp cửa hàng tạp hóa. Công việc đôi lúc cũng dồn dập đến mệt lả nhưng nói chung làm chủ tiệm thì vẫn chủ động hơn về giờ giấc. Tiệm của mình, mình muốn đóng cửa lúc nào tùy mình. Sau cơm tối, Cần bật tivi lên xem thời sự, nghe ca nhạc hoặc coi một cuốn phim nào đó giải trí. Thói quen cầu nguyện trước khi ngủ là món quà quý giá mẹ Cần đã để lại cho con. Quý giá vì nó hỗ trợ tinh thần cho Cần những lúc căng thẳng giữa dòng đời nổi trôi phức tạp này. Ngồi ngay ngắn, Cần bắt đầu cầu nguyện: “Chúa ơi, hôm nay con mệt quá. Dạo này kinh tế khủng hoảng, làm ăn khó có đồng lời như hồi trước. Không biết bao giờ mới đủ tiền xây căn nhà đàng hoàng mà lấy vợ đây? Xin giúp cho con có thêm khách hàng Chúa nhé. Xin Chúa cũng chữa cho con cái bệnh nhức đầu, chắc tại con suy nghĩ nhiều quá nên bị stress. À, xin Chúa soi sáng cho bà chủ tiệm bên cạnh nhận ra lỗi của bà ta sáng nay. Con không cần lời xin lỗi nhưng…. Con biết Chúa dạy con phải yêu thương cả kẻ thù nữa nhưng bà ta quả là rất khó chịu. Ngày nào cũng gặp một người như thế thật là dễ mất bình an. …”

Nhờ ít phút cầu nguyện mỗi đêm như thế mà Cần cảm thấy bớt ức chế. Ít ra cũng được giải tỏa phần nào về tâm lý khi có Chúa kiên nhẫn lắng nghe. Dẫu vậy, phương pháp cầu nguyện này không có khả năng tạo được sự bình an vững chắc trong lòng Cần giữa biển đời. Con thuyền tâm hồn dễ chòng chành, chao đảo, quay quắt khi sóng gió nổi lên.

Hân rời quê lên thành phố mưu sinh. Dưới quê việc làm khan hiếm, gia đình chỉ có miếng đất nhỏ nên làm chẳng đủ ăn. Cha mẹ Hân cũng đã lớn tuổi, lại còn mấy đứa em nhỏ đang học trường làng. Tụi nó đều muốn nghỉ học nhưng Hân cương quyết không cho. Hân muốn các em sau này có tương lai sáng sủa hơn mình. Lên thành phố, Hân tìm hỏi bạn bè và được nhận vào một nhà hàng lớn. Công việc chính của Hân là rửa chén, lau chùi nhà vệ sinh và làm các việc vặt khác nếu chủ cần đến. Có những lúc đông khách, Hân làm việc quên cả ăn uống, đến gần nửa đêm mới trở về căn nhà trọ cách đó nửa tiếng đi bộ.Về đến nhà, tắm rửa một chút thì mệt lắm rồi. Không biết là hên hay xui, Hân không có tivi mà chỉ có cái radio nhỏ nghe tin tức nên không ‘phải’ thức khuya để …luyện phim chưởng. Trước lúc đi ngủ, Hân có thói quen ngồi nhắm mắt cầu nguyện. Thỉnh thoảng có ngày mệt mỏi quá thì nằm nói chuyện với Chúa và ngủ lúc nào không biết. Từ kinh nghiệm của gia đình cũng như bản thân, mặc dù có những cảm thấy khô khan hoặc làm biếng, cầu nguyện đối với Hân là việc quan trọng phải làm mỗi ngày. Hân thường thủ thỉ với Chúa như thế này: “Cha ơi, một ngày lại đang dần khép lại. Cảm ơn Cha đã giúp con giữ giờ tâm sự này với Cha để con được bình an. Cảm ơn Cha vẫn duy trì sự sống và đức tin cho con. Cảm ơn Cha soi sáng cho con nhận ra sự hiện diện của Cha trong các biến cố ngày hôm nay. Ui, nếu mà không có Cha giúp con nhanh tay chụp lại cái đĩa thì tiền lương của con lại bị trừ mất một ít! Cảm ơn Cha giúp con kiên nhẫn với chị nấu bếp khi chị ấy nổi nóng la con. Cảm ơn Cha cho con biết làm chứng cho Cha qua nụ cười của con. Có mấy người nói rằng con tuy không đẹp nhưng con có duyên nhờ nụ cười. Hì hì hì…. Cha cũng khéo giúp con qua mấy lời khen ấy quá nhỉ! À, Cha ơi, bệnh chị họ của con vẫn chưa thuyên giảm. Con thấy lòng mình lo lắng nhiều. Con xin Cha giúp con trông cậy và phó thác nơi Cha nhiều hơn. Mong sao việc cầu nguyện của con không phải để đòi Cha phải thay đổi theo ý con nhưng để con được biến đổi theo tầm nhìn sâu thẳm và toàn diện của Cha vì cuối cùng chỉ có Cha là người thương chúng con nhất và hiểu rõ chúng con cần ơn gì nhất. Con xin dâng chứng đau lưng kinh niên của con như một hy sinh nhỏ bé để hiệp thông với người bạn thân đang gặp khủng hoảng. Và nếu hợp ý Cha, trong những ơn mà Cha ban cho con hôm nay, con nguyện tặng những ơn cần thiết cho người ấy. Cha, con xin lỗi vì hôm nay có mấy lần con xét đoán người khác trong tư tưởng. Con thấy mình còn nông cạn, hẹp hòi quá! À, thế này, xin Cha tiếp tục nhắc con biết sống cầu nguyện thêm trong ngày, đặc biệt là lúc con làm việc, để con gặp gỡ Cha nhiều hơn nữa. Như thế con sẽ bình an hơn Cha nhỉ! Bây giờ con đi ngủ đây! Úi, suýt nữa con quên cầu nguyện theo lời mẹ dạy: Cho những ai không biết tầm quan trọng của cầu nguyện, con xin cầu nguyện thay cho họ. Cho những ai không biết tạ ơn Cha, con xin tạ ơn thay cho họ. Cho bản thân con, xin Cha giúp con đừng bao giờ dại dột bỏ cầu nguyện. Con xin phó thác hết mọi sự cho Cha. Cảm ơn Cha vẫn luôn yêu con. Con cũng yêu Cha!” Rồi, khò khò khò ò ò ò …

Nhờ thái độ và cách cầu nguyện thực tế, tích cực này mà Hân vững tâm, lạc quan trong cuộc sống.

Còn nhiều câu chuyện về cầu nguyện hữu ích khác mà ta có thể kể cho nhau nghe. Vì thời gian có hạn nên xin được khép lại bài này nơi Thầy Giêsu, đỉnh cao và trung tâm của cầu nguyện.

Trước khi quyết định một việc gì, Thầy đến gặp Cha. Điều này chứng tỏ cầu nguyện có thể giúp định hướng và soi sáng cho ta. Bắt đầu một ngày mới, Thầy đến gặp Cha. Như thế có nghĩa là cầu nguyện giúp ta khởi sự ngày mới trong Thần Khí Thiên Chúa. Ngày sống bận rộn trăm công ngàn việc của Thầy được đặt hoàn toàn trong sự hiệp thông với Thánh Ý của Cha. Điều này chứng minh rằng cầu nguyện giúp ta dễ nhận biết và sống đúng hơn thánh ý Thiên Chúa. Sau một ngày vất vả, Thầy lại dành một không gian và thời gian riêng tư thân mật để gặp Cha. Như thế cầu nguyện cho ta sự nghỉ ngơi bổ dưỡng an lành. Những lúc đối diện với cám dỗ, khó khăn, hiểu lầm, chê bai, ganh ghét, vu khống, thù hận, bách hại…, Thầy nắm chặt lấy tay Cha. Điều này cho thấy cầu nguyện đem lại sức mạnh và vững tâm…. Còn nhiều khía cạnh bổ ích khác về cầu nguyện trong cuộc sống của Thầy mà ta có thể thêm vào đây.

Bạn thân mến, sở dĩ Gioan-Maria Vianney hiểu được “cầu nguyện là hưởng nếm trước Thiên Đàng” là vì ông đã khôn ngoan làm theo lời Thầy Giêsu dạy: “Anh em hãy cầu nguyện luôn.” (Lc 18:1, 21:36; Eph 6:18; 1 Thes 5:16-18)

Để đời ta bình an và hạnh phúc hơn, mình cùng làm theo lời Thầy dạy, bạn nhé.
 
Đường nên thánh của chị Têrêsa
Giuse Trần Nắng Tím
08:47 30/09/2011
Chị thánh Têrêxa khi sống đã gom về cho mình tất cả những gì ngắn ngủi, bé nhỏ, yếu đuối, mỏng dòn, mong manh, nhưng từ ngày chị mất, Giáo Hội đã không ngừng dành cho chị những vinh dự cao cả, lớn lao.

Trong gia đình, chị là em út bé nhỏ. Vào Dòng, chị càng bé nhỏ hơn đến nỗi Mẹ Bề Trên phải băn khoăn không biết bới đâu ra công trạng của chị cho bài điếu văn ngày an táng. Không nổi nang, cũng chẳng làm được việc gì đáng gọi là để đời, ngoại trừ đau ốm quanh năm với căn bệnh lao phổi ngăt nghèo, phải cách ly. Sớm mất mẹ, lại xa cha, chị thánh là một đứa bé mồ côi, bất hạnh dưới mắt người đời. Hơn thế, chết ở tuổi 24 vì đau bệnh, chị thực là người chết yểu, xấu số.

Xem ra những gì mà người đời chê chán, trốn chạy, kinh tởm đều tập trung ở chị: mồ côi, bệnh tật, yếu đuối, chết sớm, ẩn dật, vô danh. Định mệnh an bài và đời chị qủa là một đời người bé nhỏ, yếu đuối, mong manh …

Nhưng chị không gọi mong manh, nhỏ bé, thơ dại, vụng về của đời mình là định mệnh, nhưng cho đó là lựa chọn của ơn gọi làm con. Chị không cho những yếu đuối, bấp bênh, thua thiệt trong đời là bất hạnh, nhưng nhận tất cả như quà tặng của tình cha đầy lòng thương xót.

I. Tình CHA – CON

Đọc tâm sự của chị trong « Một Tâm Hồn », ta thấy :

1. Thiên chúa của chị là một người cha

Người cha tràn đầy tình cha, từng phút giây yêu thương, chăm sóc, âu yếm con mình. Ngưòi cha không biết giận dữ, phẫn nộ, chỉ biết yêu con, thương con, chiều con. Đối với Thiên Chúa, chị không tìm một tương quan nào khác, ngoài tương quan Cha – Con để suốt đời chị mải mê yêu cha và làm vui lòng cha trong mọi sự. Đường nên thánh của chị vì thế rất ngắn, rất dễ, rất nhanh, rất thuận lợi, rất hữu hiệu nhưng rất cao siêu, mầu nhiệm vì đó là đường Tình cha - con. Không đường nào ngắn bằng đường tình, vì chỉ một giây thôi, tình đã là thiên thu, vĩnh cửu; chỉ một nụ cười, ánh mắt thôi đã đủ hiểu nhau, yêu nhau trọn kiếp; chỉ một nụ hôn thôi đã một đời cho nhau không do dự. Đường tình thánh thiện của chị là đường dắt thẳng con người vào cung lòng Thiên Chúa, Đấng đã tự nhận là Tình Yêu. Đường tình của chị cao siêu nhiệm lạ, vì duy nhất con đường này cho con người gọi đúng tên Thiên Chúa và nghe được tiếng Ngài. Chọn đời mình là đường tình, chọn đường tình là lẽ sống, chị thánh đã chọn phần tốt nhất cho đường đời ngắn ngủi, cho mệnh đời mong manh, cho cuộc đời vô thường biến đổi và cho kiếp người trôi nổi bấp bênh của mình.

2. Trong tình cha, chị nhận mình là đứa con bé nhỏ, yếu đuối.

Chị say mê hình ảnh vòng tay cha ôm tròn, bọc kín con thơ dại. Vòng tay cha làm nên đời con, đổi mới đời con, thăng tiến đời con, vì đó là vòng tay cho con tình yêu, an toàn, hạnh phúc. Xác tín mình được yêu, chị bất chấp thiếu sót, lỗi lầm, gìới hạn của mình nhưng lăn xả vào lòng cha nhân hậu. Không thiếu những đêm đen thử thách, những tháng dài khô khan, những cám dỗ nặng nề đã liên tục tấn công lòng cậy trông phó thác và cố tách chị xa khỏi vòng tay phụ tử của Thiên Chúa… nhưng chị đã không để mình rời khỏi bàn tay yêu thương này bằng sống tinh thần đơn sơ phó thác, ngoan ngoãn đợi chờ, và làm mọi sự như ý cha.

Chị cũng đã trải qua những cơn « mệt mỏi chán sống », những đường hầm Đức Tin tăm tối, hun hút dài, những giờ khắc yên lặng, cô đơn đến kinh hoàng, ngộp thở. Như chúng ta, chị có kinh nghiệm khổ đau vì yếu đuối, bệnh hoạn; kinh nghiệm bất xứng vì lầm lỗi, bất toàn; kinh nghiệm mặc cảm vì bất tài, thua kém. Như tấm gương cho chúng ta, chị đã sống tình yêu của đứa con bé nhỏ và phó thác tuyệt đối ở tình cha trên trời.

3. Trong yếu đuối, bé nhỏ, chị muốn thuộc trọn về cha và để cha toàn quyền biến đổi đời mình.

Đây là mục tiêu con đường thơ bé mà chị thánh theo đuổi ; đó là được Thiên Chúa biến đổi toàn diện. Nếu chỉ bé nhỏ, thơ ngây mà không được biến đổi để nên giống Chuá, cha mình thì đường tình của chị sẽ là « đường đi không đến » ; nếu không muốn nói là đường loanh quanh, lòng vòng, chẳng đi đến đâu. Được biến đổi theo ý Cha là ước mơ, mục đích đời chị ; nói đúng hơn, chị muốn được nên một thân, một hình, một sự sống, một cuộc đời với cha, và vui lòng đón nhận mọi cuộc « giải phẫu » dù đau đớn và phải từ bỏ đến mức nào đi nữa. Chị mong đạt cao điểm của tình yêu là trở nên một với người mình yêu : « Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà chính chúa Kitô sống trong tôi » như thánh Phaolô đã cảm nghiệm. Và suốt đời, mối tình cha – con đã liên lỷ thúc bách chị tự hiến tế bằng đốt cháy ý riêng, thiêu rụi tính háo danh và chôn vùi không thương tiếc những ước mơ trần tục để ở chị sẽ « chẳng còn sự gì của con mà không thuộc về cha ».

Không chỉ xin được biến đổi trong tình yêu, chị thánh còn nuôi tham vọng trở thành « Tình yêu trong Hội Thánh ». Vĩ đại thay tình yêu phi thường trong con người bình thường ! Cao cả thay ước vọng ngất trời trong đời thường ẩn khuất của một nữ tu dòng kín vô danh !

Xin được là « tình yêu trong trái tim của Mẹ Hội thánh », chị Têrêxa đã xác tín và quyết liệt sống niềm xác tín này : « chị được sinh ra để yêu » ; vì thế đời chị là đời yêu thương, tự do của chị là để yêu thương, hạnh phúc của chị chỉ có trong yêu thương, và thiên đàng của chị là miền đất hay vùng trời chỉ còn lại yêu thương. Cũng trong niềm xác tín ấy, chị đã biến mọi khổ đau tinh thần và thể xác nên dấu chỉ, dấu ấn, và chứng từ của tình yêu, một tình yêu đến cùng và mạnh hơn sự chết. Khi buông lỏng đời mình trong tình cha của Thiên Chúa, chị đã thực hiện thành công ước mơ làm tình yêu trong Hội Thánh, nhờ được tan biến, kết hợp trong Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu.

II. Bằng cách nào, chị đã thực hiện con đường tình yêu ?

1. Chị đã lên đường với Giáo Hội

Vì ý thức Đức Kitô, Đấng chị yêu mến và hiến thân là thủ lãnh Giáo Hội. Chính Ngài đã nhận Giáo Hội như hiền thê và sẵn sàng hiến mạng sống cho hiền thê yêu dấu. Là hiền thê của chúa Kitô, Giáo Hội được Chuá yêu thương, giữ gìn, bảo bọc, dù Giáo Hội ấy có yếu đuối, tội lụy, bất trung, thất tín. Được yêu thương, Giáo Hội lên đường và cố gắng từng ngày bước theo Đức Kitô, vị thủ lãnh yêu thương để thương con người, yêu nhân loại, thương những con người yếu đuối của một nhân loại tội lỗi đang cần được cứu độ. Chính trên con đường của Giáo Hội mà đường tình của chị thánh trở thành con đường ngắn nhất, nhanh nhất, dễ gặp gỡ Đức Kitô nhất. Chính với Giáo Hội mà những bước chân trên đường thơ bé của chị thánh trực chỉ dẫn đến Tình yêu đích thực là Đức Kitô. Khi lên đường với Hội Thánh, chị Têrêxa đã xác định chỗ đứng của mình trong Giáo Hội và một cách quyết liệt, chị say mê đặt cho mình một mục tiêu phải đạt là trở nên « Tình Yêu trong trái tim Giáo Hội » (Dans le cœur de l’Eglise, je serai l’Amour). Tự chọn cho mình là « Tình yêu trong trái tim Hội Thánh », chị muốn ôm trọn và trở nên « một » với Giáo Hội vì tình yêu nồng nàn, cháy bỏng muốn dành cho Đức Kitô. Ở trong Giáo Hội để yêu Giáo Hội và cùng Giáo Hội yêu thương, phục vụ con người, chị đã xác định tương quan thiết thân của mình và Hội Thánh, đồng thời sống chết vì liên đới này : Tình yêu của trái tim Giáo Hội. Còn chỗ đứng nào quan trọng hơn trái tim trong con người ? Còn giá trị nào lớn hơn, tinh tuyền, thiết yếu hơn tình yêu trong trái tim ? Và vì yêu, chị đã chọn trái tim, cơ quan « tổng hành dinh » của tình yêu vì giá trị không thể thay thế trong thân thể mầu nhiệm Đức Kitô, là Giáo Hội của Ngài.

2. Chị không đi một mình, nhưng đồng hành với nhiều người

Chị đồng hành với toàn thể nhân loại không phân biệt thánh thiện, tội lỗi, có đạo, không đạo, giầu nghèo, thân quen, xa lạ. Chị đã đến với nhiều người, nhiều nơi qua cầu nguyện. Chị đã cầu xin ơn phúc cho những người chưa từng gặp, ơn trở lại cho người tử tội không quen biết … Đường tình yêu muôn ngã, muôn nẻo đem đến cho muôn người Tin Mừng được yêu thương. Trên đường tình này, bằng những bước chân « cầu nguyện », chị thánh đã đồng hành với bao tâm hồn trên đường tìm gặp Đức Kitô. Như thế, linh đạo Têrêxa không là đường nên thánh đơn lẻ, cô độc, « một mình một ngựa », nhưng là đường tình có đông người cùng đi, có nhiều người chung vai sát cánh, có cộng đoàn đồng tâm, hiệp lực.

3. Chị đã đi những bước âm thầm, bé nhỏ

Những bước chân tình nhân thường nhẹ nhàng, âm thầm, không huyên náo ồn ào, không trịch thượng, kệch cỡm, không hống hách, kiêu kỳ. Những bước chân nhẹ như lời tỏ tình, êm như tâm sự đêm khuya, kín đáo như nụ hôn đầu đời, vội vã…là những bước kỷ niệm sâu sắc và khó quên nhất trong các thiên tình sử nổi tiếng.

Đường nên thánh của chị Têrêxa cũng là những chấm rất nhỏ, những điểm rất bé chắt chiu từ những hy sinh vụn vặt, từ bỏ li ti, chọn lựa tầm thường. Vì biết chân mình non nớt không thể làm những bước khổng lồ, nên chị chỉ dám cất từng bước một, những bước ngắn nhỏ, chập chững bằng tận tâm với những việc rất bé, bằng quan tâm đến những người rất nhỏ, bằng chu toàn những công tác rất vô vị, không tên. Với những bước « lần mò, phó thác », chị chọn vị thế thấp nhất, không gian nhỏ nhất, quyền lợi ít nhất, vai trò kém nhất để được thực sư trở nên đứa con bé nhỏ luôn cần lòng xót thương. Nhưng chính trong những chọn lựa « bé nhỏ, tí hon, trẻ con » ấy, chị đã chọn Thiên Chúa là Tình yêu tuyệt đối. Nhờ tính tuyệt đối của Tình Yêu mà những gì nhỏ bé nay trở thành vĩ đại ; những gì tầm thường nay trở nên phi thường ; những gì trẻ con đột biến thành sâu sắc ; những kẻ mọn hèn nay được cất nhắc lên cao. Như thế, linh đạo Têrêxa là làm việc nhỏ với tình yêu lớn ; bước từng bước nhỏ với thao thức bao la ; chu toàn những việc tầm thường với trái tim cháy bỏng nhiệt tình ; và điều đáng buồn, phải tránh là tìm làm việc lớn, chuyện lớn với quả tim khô héo, nghèo nàn, cằn cỗi, cạn kiệt yêu thương.

III. Đường nên thánh cho gìới trẻ hôm nay

Chị Têrêxa được tôn vinh là vị thánh trẻ, trẻ nhờ chết sớm; trẻ vì đơn sơ ; trẻ trên « đường nên thánh » thơ ấu. Bên cạnh những lý do vừa kể, chị còn trẻ vì chung một tâm tư, thao thức, khát vọng với người trẻ; nói đúng hơn chị gần gũi người trẻ ở nhiều điểm:

1. Gần người trẻ vì cùng khao khát tình yêu.

Đa cảm, nhậy bén, dễ xúc động như bao bạn trẻ, chị sống trong nôn nao, rạo rực, thúc bách của tình yêu đến nỗi có lúc chị có cảm tưởng trái tim sẽ nổ tung và thân xác sẽ tan ra trăm mảnh vì sức ép qúa mãnh liệt của tình yêu. Như bao ngừời trẻ trước tình yêu, chị đã sống những ray rứt, băn khoăn, những giằng co, quay quắt do tình yêu đòi hỏi. Tâm hồn chị bị thiêu đốt bởi lửa tình và ngọn lửa ấy lúc nào cũng bùng lên dữ dội như muốn đốt cháy cả địa cầu. Như người trẻ say mê, háo hức yêu, chị đắm đuối trong mối tình tinh ròng nhưng vũ bão dành cho Thiên Chúa. Têrêxa đã coi mình « được sinh ra để yêu và chỉ để yêu thôi », ngoài ra chẳng để làm gì khác. Vì thế mà trên từng giòng tâm sự, người ta chỉ thấy chị yêu và nói về tình yêu. Say mê yêu là giá trị đời sống thánh thiện của chị. Mê man cho một tình yêu và sống cho tình yêu ấy là lẽ sống duy nhất của chị và chị đã sống hết mình những điều mình viết và ước mơ.

Tuổi trẻ hôm nay cũng mơ ước yêu và được yêu. Không tình yêu, người trẻ mất lẽ sống và thất vọng tự hỏi : Sinh ra để làm gi ? Sinh ra để nuốt cái trống vắng vô vị của cuộc đời ? Sinh ra để sống cái phi lí của hư không ? Thiếu vắng tình yêu, người trẻ sẽ rơi vào cái vô lý, vô vị và vô nghiã rất « nôn mửa » của cuộc sống.

Têrêxa muốn chia sẻ với bạn cơn sốt yêu của tuổi trẻ và đề nghị được đồng hành với mỗi người trên hành trình tìm gặp Tình Yêu đích thực. Theo chị, ta sẽ gặp trong tình yêu này niềm vui, thứ tha, hồi sinh, biến đổi, an bình để đời mỗi người được tròn đầy ý nghiã, và giá trị của cả hai phương diện nhân loại và thiêng liêng, vì mỗi người « được sinh ra để yêu và được yêu; được sinh ra để hạnh phúc trong tình yêu »

2. Gần người trẻ vì cùng khao khát tự do.

Tự do là lý tưởng của tuổi trẻ. Những người đi đầu trong các phong trào đòi tự do đều là những người trẻ. Họ say mê tranh đấu cho lý tưởng tự do và sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời, sinh mạng cho tự do. « Tự do hay chết » trở thành khẩu hiệu, phương châm của đại đa số người trẻ. Tuổi trẻ thực sự cần tự do sống, tự do nói, tự do hỏi, tự do lắng nghe, tự do hiểu, tự do làm, tự do khám phá, tự do suy tư, tự do lựa chọn…Không tự do, tuổi trẻ sẽ bùng nổ, nổi loạn. Không tự do, người trẻ không lẽ sống. Tự do quan trọng như tình yêu, vì tình yêu cần tự do như đìều kiện ; tự do cần tình yêu như động lực.

a. Têrêxa đã sống ơn gọi làm đứa con tự do

khi « tự do » đến với Thiên Chuá, tự do yêu mến Ngài, tự do tâm sự, trao đổi với Ngài về mọi chuyện, mọi vấn đề mà không chịu một rào cản, một áp lực, một đe dọa, một luật lệ nào ngăn cấm. Tự do đến với Chúa như con đến với cha vì Thiên Chúa của chị là người cha tốt lành, thương yêu, luôn chăm sóc và tôn trọng con mình. Tự do đến với cha là quyền của con, vì con thuộc về cha, vì Thiên Chúa, cha của chị là người cha dễ thương, dễ gần mà bất cứ ai cũng yêu thương được. Với tinh thần tự do trong tình yêu, chị đã không chấp nhận hình ảnh một Thiên Chúa nghiêm nghị chỉ rình rập trừng phạt. Chị viết: « Tôi không thể sợ một Thiên Chúa, Đấng đã trở nên quá bé nhỏ cho tôi… Tôi chỉ có thể yêu Ngài… vì Ngài là Tình Yêu và lòng Thương Xót » (Œuvres Complètes, Lettre 266, p.624). Ở nhà cũng như trong Dòng, Têrêxa đã nghe nhiều về một tôn giáo nặng giáo điều, lạm dụng hình phạt và chuộng hình thức cơ cấu. Chị cũng nghe có một Thiên Chúa quan tòa thẳng tay trừng trị và một tôn giáo hay dùng hoả ngục để nạt nộ, đe loi. Tôn giáo và Thiên Chúa ấy đáng sợ hơn đáng yêu, dễ thịnh nộ báo thù hơn khoan hồng, thương xót. Và người ta không còn muốn tin ở tôn giáo ấy nữa vì ở đó có một thiên chúa độc tài đáng sợ.

Với tự do làm con, chị đã khám phá dung nhan đích thực của Thiên Chúa, cha mình qua Tin Mừng. Chị đã nhận ra dung mạo thực của Thiên Chúa từ lâu bị che dấu, bóp méo, bôi bác, vẽ vời sai lạc để rồi càng ngày hình ảnh Thiên Chuá càng bị tổn thương, phá hủy đến nỗi trở nên xa lạ, dị hợm trước con người.. Với tự do của con cái, chị đã khám phá một Thiên Chúa khác qua Tin Mừng : một Thiên Chúa là cha.

b. Têrêxa đã diễn tả tình yêu của mình đối với Thiên Chúa một cách tự do,

Không cầu kỳ, khách sáo. Chị nói với Chuá như tâm sự với một người tình. Chị chia sẻ không úp mở với Chúa tất cả tâm tư, trạng thái tâm hồn, công việc đời thường, ước mơ, thao thức bằng ngôn từ dễ dãi, đơn sơ, không « hoa lá cành, cải lương bóng gió » hay « rào trưóc đón sau » và tương quan giữa chị với Chuá luôn trực tiếp, trực diện.

3. Gần người trẻ vì luôn lạc quan, hy vọng

Tuổi trẻ là thời tràn đầy nhựa sống. Sở dĩ nhựa sống đầy tràn vì tuổi trẻ luôn lạc quan hy vọng. Lạc quan hy vọng là dấu hiệu của người yêu đời, ham sống ; là nguồn nghị lực của những người đã tìm ra ý nghĩa và giá trị cuộc đời ; là lời hứa vững chắc, đáng tin cậy của những bàn chân đang đi tới ; là bảo đảm an toàn của hạnh phúc cho cộng đồng nhân loại. Đời vui nhờ lạc quan. Người vui nhờ hy vọng. Tuổi trẻ ham vui, thích vui, tìm vui nên lạc quan, hy vọng. Chính trong hy vọng và với tinh thần lạc quan, người trẻ mới có thể đảm đang trách nhiệm gánh vác tương lai ; cũng niềm hy vọng, lạc quan đó cho họ hưng phấn để dấn thân yêu thương, phục vụ.

Chị Têrêxa là người lạc quan trong mọi hoàn cảnh và luôn sống niềm hy vọng. Với chị, mọi biến cố dù bi thảm, trái ý đến đâu cũng không ngoài chương trình quan phòng yêu thương của Thiên Chúa, Đấng không bao giờ muốn sự dữ cho ai. Có lúc Thiên Chúa xem như vắng mặt, bỏ rơi, quên lãng chị…Rơi vào những tình huống tang thương, bẽ bàng mà Têrêxa gọi là những đêm đen Đức Tin, ở đó niềm hy vọng vào Thiên Chuá là cha của chị càng mãnh liệt gia tăng. Chị bám víu vào Đấng chị yêu với niềm hy vọng tuyệt đối để rồi niềm hy vọng trong tình yêu ấy đã là núi đá cho chị nương thân và bến bờ cho chị an bình ngơi nghỉ. Với hy vọng, lạc quan trong Chúa, chị gọi những đêm đen thử thách là thời khắc đợi chờ, như đợi chờ người yêu, đợi chờ an bình, đợi chờ được âu yếm, cưng chiều bởi một Đấng có trái tim và tình yêu lớn hơn trái tim và tình yêu của chị.

Hy vọng là đặc điểm của tình yêu, nên yêu nhau là hy vọng ở nhau. Một ngày không còn cho nhau hy vọng hay không còn là hy vọng của nhau, ngày đó sẽ là ngày tàn của tình yêu, ngày chết của một cuộc tình. Với Têrêxa, « Tình yêu không bao giờ chết », nên niềm hy vọng, cậy trông cũng không bao giờ được phép đầu hàng, đào ngũ. Tình cha không bao giờ cạn, nên hy vọng, lạc quan của con cái không có lý do cháy rụi, tiêu tan. Hơn ai hết, chị thánh đã sống tâm trạng của giới trẻ và cùng với họ bước đi trên đường tình yêu - hy vọng.

Thế giới hôm nay là thế giới cạnh tranh tiêu thụ nên những gì hoành tráng, vĩ đại thường được ưa chuộng, tìm kiếm. Thế giới ấy không còn để tâm đến những con người bé nhỏ, không đem lại lợi nhuận; càng không đoái hoài những chuyện vụn vặt, thường ngày không đổ được vào trương mục những khoản tiền dễ dãi, kếch sù.

Say mê « làm giả, ăn thiệt » và cuộc đời sặc mùi sân khấu, thế giới không còn khả năng và can đảm tìm kiếm và đối diện sự thật, cả những sự thật căn bản về mình và sự thật trong mọi tương quan.

Thế giới tranh giành quyền lực, và kèn cựa từng phân ly ảnh hưởng nên đánh mất khả năng khiêm tốn lắng đọng để nhận ra nét đẹp « bé nhỏ trong những nhỏ bé », những nét đẹp không gì so sánh được như nụ cười của em bé, khóe mắt long lanh của người thiếu nữ lần đầu yêu, dáng đứng trông ngóng con của mẹ già buổi chiều đầu ngõ.

Thế giới thực dụng, vật chất đang đánh mất chính mình vì mải mê « ăn to nói lớn » nên không còn khả năng tinh tế để cảm nhận nét tuyệt mỹ của cánh hoa đồng nội bé bé, xinh xinh, hay nét đơn sơ của lòng tốt nơi chén cơm dưa muối được chuyền tay chia sẻ giữa chị em công nhân nghèo trong nhà trọ tồi tàn khu công nghiệp.

Thế giới kiêu hãnh của những « con ông cháu cha », thế giới ngông cuồng, kiêu sa của các « ông trời, bà chúa » làm sao còn đủ tinh anh để thấy những gì là thanh cao trong giọt mồ hôi của bà cụ quét chợ, những gì là trong sáng trên vầng trán cháy nắng của chú xe ôm.

Thế giới hôm nay đang mất nhiều… cái mất nhiều và lớn nhất chính là tình yêu. Mất tình yêu, thế giới mất hết con người… vì sống « không tình », con người không thể chấp nhận nhau là đồng loại và không nhận mình được sinh ra từ một Tình Yêu, mang chung một hình ảnh Tình Yêu duy nhất. Thiếu tình, thế gìới loài người phải hư vong vì ngòai tình yêu, không gì kết nối, quy tụ, hiệp nhất được con người ; cũng không gì làm con người có thể sống chung hoà bình và đồng hành hạnh phúc. Kinh nghiệm sống cho thấy, một trong những nguyên nhân lớn giết chết tình yêu chính là đánh mất ý thức về giá trị của những việc nhỏ, chuyện nhỏ trong đời thường của hai người yêu nhau. Đời thường với những chuyện nhỏ, việc nhỏ chính là chiếc nôi bảo vệ Tình Yêu, đất tốt cho Tình yêu mọc, khí trời cho tình yêu sống, phân bón cho tình yêu kết trái trổ bông. Không quan tâm những việc nhỏ, chuyện nhỏ trong đời sống của nhau sẽ dẫn đến tình trạng xa nhau, bỏ nhau vì tình yêu không đâm sâu rễ trong đới thường và sẽ bị bật gốc, tróc rễ, chết yểu. Tình yêu sống nhờ lương thực « bé như hạt cơm, nhỏ như giọt sữa », như những con người yêu nhau cần ở nhau những nụ hôn, những âu yếm vuốt ve, những dấu ái chiều chuộng, những ánh mắt cảm thông, những lời ngọt ngào, chia sẻ. Tất cả tuy nhỏ bé, ngắn ngủi, đơn sơ, dễ thực hiện, nhưng là điều kiện không thể thiếu cho Tình yêu sống.

Con người cần tình yêu. Tình yêu cần « tinh tế, nhỏ bé, đơn sơ, ý nhị ». Tình « ăn to nói lớn », khoác lác, nổ banh thây, tan xác người khác hay tình kiêu hãnh, ngông cuồng, sống sượng không thể là tình thật, vì không mang dáng dấp của tình yêu đích thực. Nó chỉ có thể là một trong những thứ tình vờ vĩnh đào mỏ, tình giẫy chết phòng trọ, tình xòng phẳng đôla, tình gỡ gạc đêm vắng, tình chim chuột cuối đường, tình chợ trời chụp giật, tính trồi sụt hối đóai, tình lên xuống kim hoàn, tình lấp liếm dối gian, tình hên xui đen đỏ…

Để có tình yêu đích thực, ta phải lên « Đường » nhỏ bé, đơn sơ, hiền lành ; phải chọn Đường khiêm tốn, phó thác; phải nhập cuộc bằng con Đường kiên nhẫn, hy sinh ; phải đón nhận những đoạn Đường không còn thấy gì ngoài chút ánh sáng cậy trông ; và sau cùng phải nhẹ nhàng bước đi trên Đường với hành trang lạc quan Hy Vọng.

Ngoài con đường tình thơ ấu thiết tưởng sẽ không còn đường nào ngắn hơn, nhanh hơn, dễ hơn, thuận tiện hơn. Đó chính là đường nên thánh rất « bé nhỏ » của thánh trẻ Têrêxa, Lisieux rất nhỏ bé.
 
Thánh Têrêsa: “Làm việc nhỏ với tình yêu lớn; làm những việc tầm thường với lòng mến phi thường”.
LM Vũ Hưu Dưỡng
10:37 30/09/2011
Cuộc đời này, có những cái thật to nhưng ngược lại giá trị nó thật nhỏ. Ngược lại, có những cái cực nhỏ nhưng giá trị nó lại cực to.

Con người cũng vậy ! Có những người thật to, làm công việc thật lớn nhưng hiệu quả thật nhỏ. Ngược lại, có những người thật nhỏ, làm công việc mà phải nói chẳng có chi nhưng hiệu quả lại thật to.

Trong dòng chảy của lịch sử cứu độ, nhìn qua dòng chảy đó, chúng ta thấy nhiều và nhiều con người thật nhỏ, làm công việc cũng cực kỳ nhỏ nhưng khi qua đời, lại có một vị trí thật to. Một người nhỏ bé và cũng làm những công việc nhỏ bé nhưng hiệu quả cực to đó chính là Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu.

Nhìn lại cuộc đời của thánh nữ, điểm son của cuộc đời thánh nữ là ngài chỉ làm những việc nhỏ. Điểm nổi bật nữa là cuộc đời của thánh nữ quá ngắn, chỉ với 24 năm cuộc đời và 9 năm sống âm thầm trong đan viện. Trong cõi lặng và có thể nói là tầm thường của dòng kín Lisieux, không có những việc phi thường, không có những việc lớn lao, lạ lùng hay những phép lạ “nhãn tiền”, không có những việc mà người ta phải vận dụng đến nhiều khả năng của khối óc mới làm nổi nhưng bằng những khát vọng như vô biên, Têrêsa đã biết biến con người của mình, biến những việc rất tầm thường của mình trở thành cao cả dưới con mắt của Thiên Chúa, thành vĩnh cửu trong tình thương bao la của Người.

Bí quyết sống của thánh nữ hết sức đơn giản : “Làm việc nhỏ với tình yêu lớn; làm những việc tầm thường với lòng mến phi thường”.

Lòng mến bình thường, xem ra đơn giản nhất là yêu thương bác ái với người trong gia đình, trong cộng đoàn hết sức cần thiết nhưng mấy ai đã làm được như Têrêsa ?

Với lòng mến, lòng bác ái mà Thiên Chúa mời gọi mỗi người cũng như mời gọi thánh nữ Têrêsa sống vẫn có những nghịch lý diễn ra từng ngày, từng ngày.

Có những người làm việc bác ái hết sức phi thường nhưng việc bác ái đó nó được thực thi ở đâu đó thật xa xăm, còn ngay trong chính gia đình, trong chính tu viện thì chẳng thấy. Có những gia đình, có những tu viện xem ra thật là bi đát. Bi đát là gia đình, tu viện ấy nổi danh về đời sống bác ái với anh chị em nghèo khổ nhưng chính trong gia đình, trong tu viện ấy lại không có bác ái. Bi đát đến độ mà có những gia đình mà trong đó người em thèm một chút tình thương từ chính những ông anh của mình nhưng không được, trong khi các anh của mình vẫn cứ đi chỗ này chỗ nọ bác ái thật kêu to.

Chuyện cũng dễ hiểu thôi, con người vẫn thích đi làm bác ái, đem tình yêu đến nơi này nơi khác để được người ta hoan hô, để được người ta chúc tụng. Nếu như người ta thực thi bác ái, yêu thương trong gia đình họ thì đâu ai biết được và chẳng thấy được tán dương..

Bác ái ở ngoài đường và bác ái ở trong nhà vẫn là lời mời gọi dành cho mỗi người. Mỗi người vẫn được mời gọi, tùy theo thái độ của mình : Có thể âm thầm mà sâu lắng, nhỏ bé nhưng phi thường như thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Hay có thể to tát, hoành tráng nhưng chỉ là là những bác ái yêu thương kịch cỡm, chỉ để cho thiên hạ tán dương mà thôi.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:36 30/09/2011
CẦU NGƯỜI MAI MỐI
N2T

Có người oán hận bản thân mình quá nghèo, người bên cạnh nói: “Anh cầu cứu người làm mai mối thì sẽ được”.
Người ấy nói: “Người mai mối làm sao có thể làm cho tôi khỏi nghèo được ?”
Người bên cạnh nói: “Tùy theo nhà anh nghèo như thế nào, chỉ cần kinh qua miệng của người làm mối, thì sẽ phất lên mà”.

Suy tư:
Giàu nghèo không phải do bà mai bà mối đem lại, nhưng chính là do nổ lực lao động của bản thân và cái “duyên” của cơ hội mang đến. Mà cơ hội thì chỉ đến có một vài lần trong đời mà thôi, do đó mà phải nổ lực nắm bắt khi thời cơ đến thì mới có cơ hội làm giàu.
Người buôn bán thì cho rằng giàu có là do mình nổ lực làm ăn; người làm áp phe thì cho rằng giàu có là do mình mánh mung; người buôn bán chợ trời thì cho rằng giàu có là do cứ nói dối người mua.v.v...nhưng người Ki-tô hữu thì cho rằng giàu có là do Chúa ban cho, để họ thay mặt Chúa giúp đỡ tha nhân, cho nên dù nghèo hay giàu thì họ vẫn luôn tin tưởng và trông cậy vào Chúa, chứ không phải cậy vào bà mối hay mánh mung.
Chúa Giê-su đã nói người giàu có vào thiên đàng thì còn khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim (Mt 19, 24).
Sự giàu có đích thực chính là tâm hồn đầy ắp lòng nhân ái và bác ái đối với mọi người, lúc đó thì giàu có hay nghèo khó thì cũng như nhau, đều có thể vào Nước Thiên Chúa cách dễ dàng.
-----------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 27 TN A)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:38 30/09/2011
CHỦ NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mt 21, 33-43
“Ông chủ sẽ cho các tá điền khác canh tác vườn nho”.


Anh chị em thân mến,
Câu kết luận của Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay thật rõ ràng minh bạch, Ngài nói: “Nước Thiên Chúa, Người sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi”.

Không làm để sinh hoa lợi là người lười biếng, mà người lười biếng thì không thể gặt được thành quả của mình, đó là điều tất yếu. Nước Trời cũng chắc chắn là không có chỗ cho người lười biếng, như lời thánh Phao-lô dạy: ai không làm việc thì đừng có ăn.

Lười biếng thì thường sinh ra nhiều thứ tội, mà tội thứ nhất là dễ dàng nói xấu người khác khi vô công rỗi nghề, và suy tính tìm cách chiếm đoạt tài sản của người khác. Các tá điền làm vườn nho đã manh tâm sát hại các đầy tớ của chủ vườn nho, vì tính tham lam muốn chiếm đoạt đã thành căn cốt trong tâm hồn của những người lười biếng. Cũng vậy, trong đời sống linh đạo tu đức của người Ki-tô hữu nếu không siêng năng làm việc lành phúc đức, không đem hết tài năng mà Thiên Chúa ban cho ra phục vụ Ngài trong tha nhân, thì ngay cả điều Ngài đã ban cho cũng sẽ bị lấy lại, bởi vì không ai cấp vốn cho người làm biếng và không biết làm việc.

Nước Trời khởi sự ngay từ thế gian này, ân sủng của Thiên Chúa ban cho con người cũng ngay tại thế gian này, để chuẩn bị cho chúng ta Nước Trời trên thiên đàng mai sau. Được trở thành tá điền trong vườn nho của Thiên Chúa là người hạnh phúc, nhưng không muốn làm công việc của một tá điền, thì sẽ bị chủ vườn cho sa thải và rút lại tất cả các ân huệ mà họ đã được hưởng.

- Tôi là tá điền trong vườn nho của Chúa với bổn phận và trách nhiệm là linh mục, nhưng tôi không chu toàn bổn phận của một linh mục vì lười biếng và muốn được người khác phục vụ cung phụng, Thiên Chúa nhất định sẽ rút lại ân huệ đã ban cho tôi ngay khi tôi còn ở đời này.
- Tôi là tá điền làm trong vườn nho của Chúa với bổn phận là một tu sĩ phục vụ tha nhân, nhưng tôi vì cái “mác” tu sĩ như “hàng hiệu”, vì sĩ diện là tu sĩ nên tôi không dám cúi xuống để rửa chân cho tha nhân, Thiên Chúa nhất định sẽ tính sổ với tôi ngay khi còn ở đời này và cả đời sau.
- Tôi là một giáo hữu làm tá điền trong vườn nho của Chúa, so với những người khác thì tôi được ưu đãi nhiều về vật chất cũng như tinh thần, nhưng vì tính lười biếng thực hiện bổn phận kính mến Thiên Chúa và yêu mến tha nhân của mình nên tôi rất ghét những ai cần tôi giúp đỡ, Thiên Chúa nhất định sẽ hỏi tôi về những hành vi và lời nói của tôi với tha nhân, Ngài sẽ lấy đi những gì của tôi có, để trao cho người khác biết làm để sinh hoa lợi thiêng liêng cho anh em...

Anh chị em thân mến,
Làm trong vườn nho của Thiên Chúa tức là thực hiện ý Ngài qua bổn phận hằng ngày của mình, chính trong bổn phận của chúng ta, mà Thiên Chúa làm cho ý Ngài được tỏ hiện và danh Ngài được tỏa sáng giữa muôn dân, đó là một hạnh phúc vô cùng lớn lao cho chúng ta.

Đừng trở nên người thông luật để phản bội lề luật, nhưng hãy trở nên người tôi tớ biết thực hiện ý Thiên Chúa qua cuộc sống của mình, đó là người tá điền tốt vậy !

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
-----------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:39 30/09/2011
N2T

34. Lơ đãng trong việc được phúc trường sinh là một sai lầm cực lớn, bởi vì mất đi linh hồn thì là một sai lầm rất lớn không cách gì bù đắp được.

(Thánh Francis of Assisi)
 
Mỗi tuần một ''Chuyện Rất Ngắn''
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:41 30/09/2011
GIẢNG NHIỀU LẦN
Mẹ nói với con trai đi lễ xong rồi mới về quê dự đám cưới, con trai trả lời:
- “Đi lễ xong thì sợ không kịp giờ”.
- “Sao vậy ?”
- “Vì cha giảng nhiều lần quá: lần thứ nhất trước lễ (sau dấu Thánh Giá) dài khoảng mười lăm phút, lần thứ hai sau Phúc Âm cha giảng gần cả tiếng đồng hồ, lần thứ ba trước khi ban phép lành kết lễ, cha lại "giảng" thêm khoảng hơn mười lăm phút nữa…”

----------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Phụng vụ và việc qùy gối
Vũ Văn An
06:54 30/09/2011
Cùng với việc kiêng thịt ngày thứ sáu quanh năm, nhiều người lưu ý tới các dấu chỉ bề ngoài khác nói lên căn tính Công Giáo. Trong đó có việc qùy gối mà một số nơi tự quyết định bỏ, thậm chí có những nhà thờ được xây dựng mà không có ghế qùy. Trong cuốn “Tinh Thần Phụng Vụ”, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger có phần nói về thần học của việc qùy gối như sau:

Có những nhóm gây ảnh hưởng không nhỏ đang cố gắng nói với ta đừng qùy gối nữa. Họ bảo: “điều ấy không hợp với nền văn hóa của ta (nền văn hóa nào?). Một người đã trưởng thành mà làm điều đó thì không đúng chút nào cả, anh ta nên đối diện với Thiên Chúa trên đôi chân của mình”. Họ còn nói: “Cả đối với một người được cứu chuộc, nó cũng không thích đáng, anh ta đã được Chúa Kitô giải phóng nên không cần phải qùy gối nữa”.

Nếu nhìn vào lịch sử, ta sẽ thấy: người Hy Lạp và người La Mã đều bác bỏ việc qùy gối. Trong một quan điểm coi các vị thần như những người hay cãi vã và đầy bè phái, thì thái độ này hoàn toàn được biện minh. Vì rõ ràng các vị thần này không phải là Thiên Chúa, cho dù bạn lệ thuộc quyền lực thất thường của họ và nếu có thể cố gắng hưởng ơn huệ của họ. Bởi thế, các dân tộc kia cho rằng qùy gối là điều bất xứng đối với những con người tự do, bất xứng với nền văn hóa Hy Lạp, một điều mà chỉ có dân mọi rợ mới thực hành. Plutarch và Theophrastus coi việc qùy gối như một biểu thức mê tín.

Aristotle gọi nó là hình thức man rợ của tác phong (Xem Rhetoric 1361 a36). Thánh Augustinô đồng ý với ông về một phương diện: các thần giả chỉ là mặt nạ của ma quỉ, những tên chuyên buộc con người phải thờ lạy tiền bạc và chỉ đi tìm chính mình, do đó, thực tế đã biến con người thành “nô dịch” và mê tín. Ngài nói rằng đức khiêm nhường và tình yêu của Chúa Kitô, những đức tính tiến xa tới tận Thánh Giá, đã giải phóng ta khỏi các quyền lực ấy. Giờ đây, ta qùy gối trước đức khiêm nhường này. Việc qùy gối của Kitô hữu không phải là một hình thức hội nhập văn hóa vào các phong tục hiện hành. Ngược lại mới đúng, nó là biểu thức của nền văn hóa Kitô Giáo, một nền văn hóa nhằm biến đổi nền văn hóa hiện hành qua việc nhận biết và cảm nghiệm Thiên Chúa một cách mới mẻ và thâm hậu. Qùy gối không phát xuất từ bất cứ nền văn hóa nào, nó xuất phát từ Thánh Kinh và nhận thức của Thánh Kinh về Thiên Chúa. Trong Thánh Kinh, ta có thể thấy sự quan trọng chính yếu của việc qùy gối một cách rất cụ thể. Hạn từ proskynein mà thôi, đã xuất hiện 59 lần trong Tân Ước, trong đó, 24 lần xuất hiện trong Sách Khải Huyền, thường được coi là sách phụng vụ trên trời, và được trình bày cho Giáo Hội làm tiêu chuẩn cho phụng vụ của mình. Quan sát kỹ, ta sẽ biện phân được 3 hình thức thế thân (posture) có liên hệ với nhau. Trước nhất là phủ phục (prostration), nghĩa là nằm úp mặt xuống đất trước uy quyền tối cao của Thiên Chúa; thứ hai, đặc biệt trong Tân Ước, là qùy gối trước một ai đó; và thứ ba, là qùy. Về phương diện phụng vụ, ba hình thức này luôn được phân biệt rõ ràng. Nhưng chúng có thể được phối hợp hay hòa lẫn với nhau.

Phủ phục

Đối với việc phủ phục, để vắn tắt, tôi chỉ muốn nhắc đến một bản văn trong Cựu Ước và một bản văn khác trong Tân Ước. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã hiện ra với Giosuê trước khi chiếm Giêricô. Sự hiện ra này đã được soạn giả thánh cố ý trình bày song hành với việc Thiên Chúa tự mạc khải cho Môsê trong bụi cây bừng cháy. Giosuê thấy “tư lệnh đạo quân của Chúa” và, khi đã nhận ra Người là ai, đã phủ phục dưới đất. Ngay lúc đó, ông nghe thấy những lời từng được phán với Môsê: “Hãy cởi giầy khỏi chân ngươi; vì nơi ngươi đang đứng là nơi thánh” (Gs 5:15). Trong hình dạng lạ lùng của “tư lệnh đạo quân của Chúa”, chính Thiên Chúa dấu ẩn đã nói với Giosuê, và Giosuê đã phủ phục thờ lạy Người. Origen đã giải thích bản văn này một cách rất hay: “Còn vị tư lệnh các đạo quân Thiên Chúa nào khác ngoài Chúa Giêsu Kitô?” Theo quan điểm này, Giosuê quả đang thờ lạy Đấng sẽ đến, Đấng Kitô sắp đến.

Trong Tân Ước, từ đời các Giáo Phụ trở đi, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trên Núi Cây Dầu được coi là rất quan trọng. Theo Thánh Mátthêu (22:39) và Thánh Máccô (14:35), Chúa Giêsu đẽ gieo mình xuống đất... Tuy nhiên, Thánh Luca, trong cả Tin Mừng lẫn Tông Đồ Công Vụ, mới là nhà thần học đặc biệt của lối cầu nguyện qùy gối. Ngài viết rằng Chúa Giêsu qùy cầu nguyện. Lời cầu nguyện này, lời cầu nguyện bước vào cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu này, là một điển hình cho ta cả về cử chỉ lẫn nội dung. Về cử chỉ, có thể nói Chúa Giêsu mặc lấy sự sa ngã của con người, để mình rơi xuống hàng sa ngã của con người, cầu nguyện cùng Chúa Cha từ lũng sâu thăm thẳm của hoang vắng và xao xuyến nhân bản. Người đặt ý chí mình trong ý chí Chúa Cha: “Đừng theo ý Con mà là theo ý Cha”. Người đặt ý chí nhân bản trong ý chí thần linh. Người mang lấy mọi do dự của ý chí nhân bản và chịu đựng nó. Việc đồng phục ý chí nhân bản vào ý chí thần linh này chính là trái tim của cứu chuộc. Vì sự sa ngã của con người hệ ở việc mâu thuẫn giữa các ý chí, ý chí nhân bản chống lại ý chí thần linh, nên tên cám dỗ mới dẫn được con người tới chỗ coi sự mâu thuẫn ấy là điều kiện tạo tự do cho họ: chỉ có ý chí tự lập riêng của họ, một ý chí không tùy thuộc bất cứ ý chí nào khác, mới là tự do. “Đừng theo ý Con, mà là theo ý Cha”, đây mới là lời lẽ của sự thật, vì ý chí Thiên Chúa không hề kình chống ý chí ta, nhưng là cơ sở và là điều kiện tạo ra các khả thể của nó. Chỉ khi nào ý chí ta chịu nghỉ yên trong ý chí Thiên Chúa nó mới trở nên ý chí thực sự và tự do thực sự.

Cơn đau đớn và cuộc chiến đấu tại Diệtsimani chính là cuộc chiến đấu cho sự thật cứu chuộc ấy, cho sự kết hợp điều bị phân chia này, cho sự nên một vốn là hiệp thông với Thiên Chúa này. Giờ đây, ta hiểu tại sao kiểu nói đầy yêu thương của Chúa Con gọi Chúa Cha bằng “Bố” đã xuất hiện ở nơi này (xem Mc 14:36). Thánh Phaolô thấy trong tiếng kêu này lời cầu nguyện mà Chúa Thánh Thần muốn đặt lên môi miệng ta (xem Rm 8:15; Gl 4:6) và do đó, cột chặt lối cầu nguyện đầy Thánh Thần vào lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong vườn Diệtsimani.

Trong phụng vụ của Giáo Hội ngày nay, phủ phục diễn ra trong 2 dịp: vào Thứ Sáu Tuần Thánh và lúc thụ phong. Vào Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày Chúa chịu đóng đinh, phủ phục là biểu thức thích đáng nói lên cảm thức ngỡ ngàng của ta trước sự kiện này: vì tội lỗi của mình, ta chịu trách nhiệm chung đối với cái chết của Chúa Kitô. Ta gieo mình xuống đất và tham dự vào sự ngỡ ngàng của Người, vào việc Người rơi xuống lũng sâu xao xuyến. Ta gieo mình xuống và do đó nhìn nhận ta đang ở đâu và đang là ai: là tạo vật sa ngã mà chỉ có Người mới vực đứng trên đôi chân được. Ta gieo mình xuống, như Chúa Giêsu, trước mầu nhiệm của quyền lực Thiên Chúa đang hiện diện nơi ta, vì biết rằng Thánh Giá là bụi cây bừng cháy thực sự, là địa điểm rực lên ngọn lửa yêu thương của Thiên Chúa, ngọn lửa cháy bùng mà không tiêu diệt.

Lúc thụ phong, phủ phục diễn ra do ý thức rằng mình tuyệt đối bất khả năng, tự mình bất khả năng, không thể đảm nhiệm được sứ mệnh tư tế của Chúa Giêsu Kitô, để có thể nói chữ “Ta” của Người. Khi những người thụ phong phủ phục dưới đất, toàn thể cộng đoàn hát Kinh Cầu Các Thánh. Tôi sẽ không bao giờ quên được việc phủ phục dưới đất lúc tôi thụ phong linh mục và thụ phong giám mục. Khi thụ phong giám mục, cảm nhận cao độ của tôi về sự thiếu sót, sự thiếu khả năng, trước sự lớn lao của trách vụ, càng mạnh mẽ hơn nhiều so với lúc thụ phong linh mục. Sự kiện cả Giáo Hội cầu nguyện đang kêu gọi mọi vị thánh và lời cầu nguyện ấy đang bao bọc tôi, ôm ấp tôi, quả là một an ủi tuyệt vời. Trong cái thiếu khả năng của mình, một sự thiếu khả năng được diễn tả bằng thế thân (posture) phủ phục, lời cầu nguyện ấy, sự hiện diện này của toàn bộ các thánh, của cả người sống lẫn người đã qua đời, quả là một sức mạnh diệu kỳ, nó là điều duy nhất, có thể nói như thế, thực sự nâng tôi dậy. Chỉ có sự hiện diện của các thánh bên tôi mới làm cho con đường trước mắt tôi thành khả thể.

Qùy gối trước người khác

Thứ hai, ta cần nói tới thế thân qùy gối trước một người khác. Thế thân này đã được mô tả 4 lần trong các Tin Mừng (xem Mc 1:40; 10:17; Mt 17:14; 27:29) bằng động từ gonypetein. Ta hãy đơn cử đoạn Mc 1:40. Một người cùi đến với Chúa Giêsu và xin Người cứu giúp. Anh ta qùy gối trước mặt Người và nói: “Nếu ngài muốn, ngài có thể chữa tôi lành sạch”. Thật khó có thể lượng định được ý nghĩa của cử chỉ này. Điều ta thấy ở đây chắc chắn không phải là hành vi thờ lạy đúng nghĩa, mà đúng hơn chỉ là khẩn cầu bằng một hình thức tôn kính thân xác, trong khi tỏ sự tin tưởng vào một quyền năng vượt trên quyền năng nhân bản.

Nhưng, tình thế có khác đối với hạn từ cổ điển chỉ việc qùy gối thờ lạy, tức động từ proskynein. Tôi xin đưa ra hai thí dụ để làm sáng tỏ nan đề của người dịch. Thứ nhất, là trình thuật cho hay sau khi hóa bánh ra nhiều, Chúa Giêsu ở lại trên núi cầu nguyện cùng Chúa Cha, trong khi các môn đệ phải vật lộn vô vọng với sóng gió trên biển hồ. Chúa Giêsu đi trên nước đến với họ. Thánh Phêrô vội chạy tới với Người và được Người cứu khỏi bị chìm. Sau đó, Chúa Giêsu leo lên thuyền và sóng gío im bặt. Bản văn viết tiếp: “Và thủy thủ của thuyền đến, qùy gối dưới chân Người mà nói ‘Thầy quả là Con Thiên Chúa’” (Mt 14:33, theo bản dịch của Đức Ông Knox). Bản dịch khác lại dịch thế này: “(Các môn đệ) trong thuyền thờ lạy (Chúa Giêsu) mà nói…” (Bản Revised Standard Version, tắt là RSV). Cả hai bản dịch đều đúng. Mỗi bản nhấn mạnh tới một khía cạnh của điều đang diễn ra. Bản của Knox nhấn mạnh tới biểu thức thân xác, trong khi bản RSV nhấn mạnh tới điều xảy ra trong tâm hồn. Căn cứ vào cấu trúc của câu truyện, điều hoàn toàn rõ là cử chỉ dùng để nhìn nhận Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, chính là một hành vi thờ lạy.

Ta cũng gặp cùng nan đề này trong Tin Mừng theo Thánh Gioan khi Tin Mừng này thuật lại việc chữa lành cho người đàn ông bị mù từ lúc mới sinh. Trình thuật được kết cấu theo lối “thần kịch” này chấm dứt bằng một cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người được Người chữa lành. Đây là một điển hình cho cuộc đối thoại nhằm việc trở lại, vì cũng phải nhìn trọn bộ trình thuật này như một bản trình bày sâu sắc ý nghĩa hiện sinh và thần học của Phép Rửa.

Trong cuộc đối thoại, Chúa Giêsu hỏi người đàn ông rằng anh ta có tin Con Người không. Người đàn ông mù từ lúc mới sinh trả lời: “Thưa Thầy, xin Thầy cho tôi hay ai là Đấng ấy”. Lúc ấy, Chúa Giêsu mới nói: “Chính là Đấng đang nói với anh”. Người đàn ông bèn tuyên xưng đức tin: “Lạy Chúa, con tin” rồi “qùy gối thờ lạy Người” (Ga 9:35-38, phỏng theo bản của Knox). Các bản dịch trước đó dịch thế này: “Anh ta thờ lạy Người”. Thực thế, trọn cảnh này qui về hành vi đức tin và việc thờ lạy Chúa Giêsu tiếp theo đó. Giờ đây, con mắt tâm hồn, cũng như con mắt thân xác, đã mở ra. Người đàn ông thực sự bắt đầu nhìn thấy.

Đối với việc chú giải bản văn, điều quan trọng cần ghi nhận là: hạn từ proskynein xuất hiện 11 lần trong Tin Mừng theo Thánh Gioan, trong đó, 9 lần xuất hiện trong câu truyện giữa Chúa Giêsu và người đàn bà Samaria bên giếng Giacóp (Ga 4:19-24). Cuộc chuyện trò này hoàn toàn hướng về chủ đề thờ phượng, và điều không thể tranh cãi là ở đây, cũng như ở nơi khác trong Tin Mừng Gioan, hạn từ này luôn có nghĩa là “thờ lạy”. Điều tình cờ là cuộc chuyện trò này cũng kết thúc với việc Chúa Giêsu tự mạc khải về Người như trong câu truyện người đàn ông bị mù tức lúc mới sinh: “Ta, người đang nói với chị, chính là Đấng ấy” (Ga 4:26).

Tôi nấn ná ở các bản văn này, vì chúng đem ra ánh sáng một điều rất quan trọng. Trong hai đoạn mà ta đã xem sét cẩn thận nhất, ý nghĩa tinh thần và ý nghĩa thân xác trong chữ proskynein thực sự không thể tách rời nhau được. Cử chỉ thân xác chính là người mang ý nghĩa tinh thần, tức là chính ý nghĩa của việc thờ phượng. Không có việc thờ phượng, cử chỉ thân xác sẽ vô nghĩa, trong khi, hành động tinh thần, từ bản chất, phải tự biểu lộ qua cử chỉ thân xác, do sự hợp nhất giữa tinh thần và thân xác (psychosomatic unity) con người. Hai khía cạnh đó kết hợp trong một hạn từ, vì chúng vốn thuộc về nhau một cách hết sức sâu sắc. Khi qùy gối chỉ còn là bề ngoài, một hành vi hoàn toàn thể chất, nó sẽ trở thành vô nghĩa. Đàng khác, khi ai đó ráng đem việc thờ phượng trở lại lãnh vực hoàn toàn thiêng liêng và từ khước không cho nó một hình thức thân xác, thì hành vi thờ phượng sẽ tan biến như mây khói, bởi điều gì hoàn toàn thiêng liêng đều không thích hợp với bản chất con người. Thờ phượng là một trong các hành vi căn bản nhất ảnh hưởng tới trọn con người. Chính vì thế, qùy gối trước nhan Thiên Chúa hằng sống là điều ta không thể bãi bỏ.

Nói như thế rồi, ta nên xét tới cử chỉ đặc trưng của việc qùy bằng một hay hai đầu gối. Trong ngôn ngữ Hípri của Cựu Ước, động từ barak, "qùy", có cùng nguồn gốc với chữ berek, "đầu gối". Người Hípri coi đầu gối biểu tượng cho sức mạnh, do đó, gập đầu gối là gập sức mạnh của ta trước Thiên Chúa hằng sống, là nhìn nhận rằng mọi sự ta là ta đều nhận được từ Người. Trong nhiều đoạn quan trọng của Cựu Ước, cử chỉ này xuất hiện như một biểu thức thờ phượng. Trong lễ thánh hiến Đền Thờ, Salômôn qùy “trước sự hiện diện của toàn thể cộng đồng Israel” (2 Sb 6:13). Sau thời Lưu Đày, trong cảnh tang thương của một Israel hồi hương vì vẫn chưa có Đền Thờ, Étra đã lặp lại cử chỉ này lúc cử hành hy lễ buổi chiều: “Tôi… qùy hai đầu gối và giang tay lên Chúa là Thiên Chúa tôi” (Er 9:5). Thánh Vịnh vĩ đại nói về Khổ Nạn, tức Thánh Vịnh 22 (“Lạy Thiên Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi, sao Chúa bỏ tôi?”) kết thúc bằng lời hứa hẹn: “Đúng, trước mặt Người mọi kẻ kiêu hãnh trên trần gian đều qùy gối; trước mặt Người mọi kẻ trở thành tro bụi đều sẽ phủ phục” (câu 29, phỏng theo RSV). Đoạn liên hệ trong Isaia 45:23 nên được xem sét trong ngữ cảnh Tân Ước. Tông Đồ Công Vụ kể cho ta hay Thánh Phêrô (9:40), Thánh Phaolô (20:36) và toàn hể cộng đồng Kitô Giáo (21:5) đều đã qùy cầu nguyện.

Đối vấn đề ta đang bàn, điều đặc biệt quan trọng là trình thuật tử đạo của Thánh Stêphanô. Người chứng thứ nhất bằng máu của Chúa Kitô, trong cơn đau khổ của mình, đã được mô tả như hình ảnh hoàn hảo của Chúa Kitô, từng chi tiết dù nhỏ nhoi. Cuộc Khổ Nạn của Người được lặp lại trong sự tử đạo của người chứng. Một trong các chi tiết đó là Stêphanô, trong lúc qùy gối, đã lặp lại lời cầu xin của Chúa Kitô: “Lạy Chúa, xin Chúa đừng chấp tội họ” (7:60). Ta nên nhớ rằng không như Mátthêu và Máccô, Luca nói tới việc Chúa Giêsu qùy tại Diệtsimani, điều này cho thấy ngài muốn người ta nhìn việc qùy của người tử đạo thứ nhất như là việc ông bước vào lời cầu nguyện của Chúa Giêsu. Qùy không phải chỉ là một cử chỉ của Kitô Giáo, mà còn là một cử chỉ có tính Kitô học.

Tên trên hết các tên

Với tôi, các đoạn quan trọng nhất đối với thần học qùy gối luôn là ca khúc vĩ đại về Chúa Kitô trong thư Philíphê 2:6-11. Trong ca khúc tiền Phaolô này, ta nghe và thấy lời cầu nguyện của Giáo Hội tông đồ và nhận ra trong đó lời tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô của Giáo Hội này. Tuy nhiên, ta cũng nghe thấy tiếng của Thánh Tông Đồ, người đã bước vào lời cầu nguyện này và trao nó lại cho ta, và, sau cùng, ta nhận ra trong đó cả sự thống nhất sâu sắc bên trong giữa Cựu Ước và Tân Ước và chiều kích vũ trụ của Đức Tin Kitô Giáo.

Ca khúc này trình bày Chúa Kitô như một loại hình ngược với Adong Thứ Nhất. Trong khi Adong này ngạo nghễ nắm chặt lấy việc giống như Thiên Chúa, thì Chúa Kitô không kể gì tới việc ngang hàng với Thiên Chúa, là việc vốn là của Người từ bản chất, “một điều cần nắm chặt”, trái lại đã hạ mình chịu chết, và chết trên Thánh Giá. Chính sự hạ mình này, một sự hạ mình vì tình yêu, mới là thực tại thần linh thực sự và đem lại cho Người “cái tên trên hết các tên, đến nỗi khi nghe tên Giêsu, mọi đầu gối đều phải qùy xuống, dù là ở thiên đàng hay ở trần gian hoặc ở dưới lòng đất” (Pl 2:5-10).

Ở đây, ca khúc của Giáo Hội tông đồ đã mang lấy lời lẽ hứa hẹn trong Isaia 45: 23: “Ta lấy chính tên Ta mà thề, lời chân thật này thốt ra khỏi miệng Ta, Ta quyết chẳng bao giờ rút lại: ‘Trước mặt Ta, mọi người sẽ qùy gối và mở miệng thề rằng’”. Trong sự dệt nối qua lại giữa Cựu Ước và Tân Ước, ta thấy rõ: dù bị đóng đinh, Chúa Giêsu đã mang cái “tên trên hết các tên” ấy, cái tên của Đấng Tối Cao, và Người, từ bản chất, vốn là Thiên Chúa. Nhờ Người, nhờ Đấng Chịu Đóng Đinh, lời hứa mạnh bạo của Cựu Ước nay đã nên trọn: mọi người đều gập đầu gối trước Chúa Giêsu, Đấng đã xuống thế, và cúi đầu trước Người như Thiên Chúa duy nhất chân thật trên hết mọi thần minh. Thánh Giá trở thành dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa cho toàn thế giới, và tất cả những gì ta đã nghe trước đây về Chúa Kitô lịch sử và có tính vũ trụ thì nay, trong đoạn này, một lần nữa lại trở lại với tâm trí ta.

Phụng Vụ Kitô Giáo là một phụng vụ có tính vũ trụ chính là vì nó gập đầu gối trước Chúa chịu đóng đinh và được hiển dương. Đây chính là tâm điểm của nền văn hóa chân chính, nền văn hóa của sự thật. Cử chỉ khiêm cung qua đó ta phủ phục dưới chân Chúa lồng ta vào con đường đích thực dẫn ta tới sự sống của vũ trụ.

Còn nhiều điều ta nên nói thêm. Như, câu truyện cảm động do Eusebius thuật trong cuốn lịch sử Giáo Hội của ngài, được ngài coi như một truyền thống có từ thời Hegesippus thế kỷ thứ hai. Câu truyện này kể rằng Thánh Giacôbê, “em của Chúa”, vị giám mục đầu tiên của Giêrusalem và là “đầu” của Giáo Hội Do Thái theo Kitô Giáo, xem ra có chai ở đầu gối, vì ngài luôn qùy thờ lạy Thiên Chúa và xin ơn tha thứ cho tín hữu của mình (2,23,6). Lại còn câu truyện phát sinh từ lời lẽ các Giáo Phụ Sa Mạc, theo đó, Thiên Chúa buộc ma quỉ phải hiện ra với một người tên Abba Apollo. Quỉ trông đen đúa và xấu xí, với tay chân khẳng khiu đến phát sợ, nhưng điều đáng để ý nhất, hắn không có đầu gối. Việc thiếu khả năng qùy này được coi là chính yếu tính của quỉ.

Nhưng tôi không muốn đi vào chi tiết thêm. Tôi chỉ muốn thêm một nhận xét nữa. Lối diễn tả được Thánh Luca sử dụng để nói về việc qùy gối của các Kitô hữu (theis ta gonata) không hề có trong ngôn ngữ cổ điển của Hy Lạp. Ở đây, ta đang nói đến một hạn từ chuyên biệt có tính Kitô Giáo. Với nhận xét này, các suy tư của ta xoay đủ một vòng từ lúc bắt đầu. Rất có thể qùy gối là một việc xa lạ đối với nền văn hóa hiện đại, vì nền văn hóa này đã quay lưng khỏi đức tin và không còn biết Đấng mà trước mặt Người qùy gối là điều đúng, mà thực ra còn là một cử chỉ cần thiết từ trong nội tại nữa. Nhưng người học biết tin cũng phải học biết qùy, và một đức tin hay một phụng vụ không còn quen thuộc với qùy gối nữa là một đức tin bệnh hoạn ngay trong cốt lõi. Nơi nào đánh mất việc ấy, phải tìm lại cho được, để, trong lời cầu nguyện của ta, ta vẫn còn là người hiệp thông với các tông đồ và các tử đạo, hiệp thông với vũ trụ, và nhất là kết hợp với chính Chúa Giêsu Kitô.
 
Đức Thánh Cha gặp gỡ nhân vật đại kết Chính Thống giáo Nga
Bùi Hữu Thư
06:03 30/09/2011
Đức Tổng Giám Mục Chính Tòa Hilarion
VATICAN (CNS) -- Đức Thánh Cha Benedict XVI gặp gỡ nhân vật chính về đại kết của Giáo Hội Chính Thống Nga là Đức Tổng Giám Mục Chính Tòa (Metropolitan) Hilarion, Giáo Phận Volokolamsk ngày 29 tháng 9. Cuộc gặp gỡ được tổ chức tại dinh nghỉ hè của Đức Thánh Cha tại Castel Gandolfo, đây là cuộc gặp gỡ lần thứ ba giữa Đức Thánh Cha và Tổng Giám Mục Chính Tòa.

Nhân vật cao cấp của Giáo Hội Nga nói với đài phát thanh Vatican ngày 29 tháng 9 về Đức Thánh Cha: "Mỗi khi tôi gặp ngài, tôi được khuyến khích bởi tình thần, lòng can đảm và sự tận hiến của ngài cho giáo hội toàn cầu."

Đức Tổng Giám Mục Chính Tòa Hilarion cũng nói là ngài rất thán phục sự hiểu biết của Đức Thánh Cha về truyền thống Chính Thống giáo và cách thức Đức Thánh Cha theo dõi mật thiết những đối thoại chính thức về thần học giữa Công giáo và Chính Thống giáo.

Khi được hỏi về cuộc gặp gỡ có thể xẩy ra giữa Đức Thánh Cha Benedict XVI và Thượng Phụ Chính Thống Nga Kirill ở Moscow -- một cuộc gặp gỡ Vatican đã mong đợi từ lâu -- Đức Tổng Giám Mục Chính Tòa Hilarion nói, "Chúng tôi tin rằng một cuộc tiếp xúc như vậy sẽ xẩy ra trong một tương lai nào đó. Chúng tôi chưa sẵn sàng thảo luận về ngày giờ hay điạ điểm hay thủ tục lễ nghi về một cuộc gặp gỡ như vậy, vì những gì chúng tôi chú trọng đến chính là nội dung của một cuộc gặp gỡ như vậy."

Đức Tổng Giám Mục chính tòa nói: "Cần có sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng, và chúng tôi không thể hối hả, và chúng tôi không nên bị ép buộc phải có cuộc tiếp xúc này vào một thời điểm đặc biệt nào đó." Đây là lời ngài nói để đáp trả một đề nghị là cuộc tiếp xúc có thể xẩy ra vào năm 2013 khi Giáo Hội Chính Thống Serbe sẽ tổ chức một nghi lễ quan trọng đánh dấu ngày kỷ niệm năm thứ 1.700 Sắc dụ Milan, tuyên bố có sự tự do tôn giáo trên toàn thể Đế Quốc La Mã.
 
ĐTC Biển Đức XVI chúc mừng năm mới cho cộng đồng Do thái
Nguyễn Trọng Đa
07:19 30/09/2011
ĐTC Biển Đức XVI chúc mừng năm mới cho cộng đồng Do thái

Khởi đầu các lễ mùa thu

ROMA – ĐTC Biển Đức XVI đã gửi lời chúc mừng năm mới đến cộng đồng người Do Thái ở Roma.

ĐTC Biển Đức XVI đã gửi một điện tín cho Đại Giáo Trưởng (grand Rabbi) Riccardo Di Segni ở Roma, nhân dịp năm mới - Rosh Hashana (năm thứ 5772), ngày 29-9 – Ngày lễ Sám hối Chuộc Tội - Yom Kippur (ngày 7 và 8-10) - và Ngày lễ Lều – lễ Sukkot (từ ngày 13 đến ngày 20-10).

Bức điện viết: “Nhân dịp các ngày lễ Rosh ha-Shanah, Yom Kippur và Sukkot, tôi xin gửi những lời chúc chân thành nhất của tôi đến Đại Giáo trưởng Di Segni kính mến và toàn thể cộng đồng người Do Thái ở Roma, cầu chúc cho các ngày lễ đầy ý nghĩa này là cơ hội cho nhiều phước lành của Chúa vĩnh cửu và nguồn hồng ân vô tận”.

ĐTC Biển Đức XVI cầu chúc rằng “xin cho mọi người chúng ta phát triển ước muốn cổ vũ công lý và hòa bình trong thế giới, vốn rất cần các chứng nhân đích thực của sự thật".

ĐTC Biển Đức XVI kết luận: "Xin Thiên Chúa vô cùng tốt lành che chở cộng đồng Do thái, và giúp chúng ta đào sâu tình hữu nghị giữa chúng ta, tại thành phố Roma này và trên toàn thế giới".

Ngày năm mới Do thái đã bắt đầu từ tối 28-9: người ta chúc nhau một năm "tốt lành và ngọt bùi” ("tova ou metouka"), và trong các món ăn không thể thiếu món táo kèm mật ong, vốn gợi lên sự dịu ngọt.

Sự khởi đầu của năm mới Do thái, tức Rosh Hashanah, đánh dấu việc đi vào một chu kỳ 10 ngày gọi là "Teshuvah": trong thời gian này, các tín hữu được mời gọi để xin sự tha thứ và sửa chữa các lỗi phạm đối với Thiên Chúa và người thân cận.

Mười ngày sau Rosh Hashanah, tức năm mới Do thái, là đến ngày 8 và 9-10-2011, cộng đồng người Do Thái đón lễ Yom Kippur, tức Ngày Sám hối Chuộc Tội: việc ăn chay đánh dấu ngày cầu nguyện và ăn năn này.

Một vài ngày sau lễ Yom Kippur, lễ Sukkot tưởng niệm 40 năm người Do Thái đi trong sa mạc, sau khi họ xuất hành khỏi Ai Cập. Người ta dựng lên các túp lều để nhắc nhở sự mong manh của cuộc Xuất hành. Nói chung, trẻ em thích dùng bữa trong các túp lều dựng lên ở ban công hoặc trong vườn, và vui hưởng ngày lễ. Lễ Sukkot được tổ chức từ ngày 13 khi hoàng hôn, cho đến ngày 19 hoặc 20-10-2011. (ZENIT.org 29-9-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
ĐTC Biển Đức XVI tiếp Tổng giám mục Chính thống giáo Hilarion
Phạm Kim An
07:21 30/09/2011
ĐTC Biển Đức XVI tiếp Tổng giám mục Chính thống giáo Hilarion

ĐTC Biển Đức XVI, một chuyên viên về Chính Thống giáo

ROMA – Sáng ngày 29-9, Tổng Giám mục Hilarion của tổng giáo phận Volokolamsk, Chủ tịch Ủy ban Quan hệ đối ngoại Giáo hội của Tòa Thượng Phụ Mátxcơva (Nga), đã yết kiến ĐTC Biển Đức XVI tại Dinh Tông đồ ở Castel Gandolfo. Tổng Giám mục có ấn tượng tốt vì sự hiểu biết thâm sâu về Chính thống giáo và sự can đảm của Ngài.

Sau cuộc gặp với ĐTC, Tổng Giám mục nói với Đài phát thanh Vatican rằng ĐTC Biển Đức XVI "là con người của đức tin", và rằng mỗi lần Ngài gặp ĐTC, Ngài “được khuyến khích bởi tinh thần, lòng can đảm và sự cống hiến của ĐTC cho đời sống của Giáo Hội trên khắp thế giới".

Tổng Giám mục nói thêm: “Và lẽ tất nhiên, tôi bị đánh động bởi kiến thức của ĐTC về các truyền thống Chính thống giáo, và sự quan tâm của Ngài cho cuộc đối thoại giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo. Cách đây vài ngày, khi ĐTC đến Đức, ĐTC đã gặp gỡ đại diện của Giáo Hội Chính Thống Đức, và nói về cuộc đối thoại đang diễn ra giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Chính Thống. Thái độ này của vị lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo sẽ giúp nhiều trong tương lai cho việc chúng ta hiểu nhau nhiều hơn".

Về một cuộc gặp gỡ có thể diễn ra giữa ĐTC và Đức Thượng Phụ Kirill của Mátxcơva và toàn Nga, Tổng Giám mục Hilarion nói: "Chúng tôi tin rằng sớm hay muộn, cuộc gặp này sẽ diễn ra. Chúng ta chưa sẵn sàng để thảo luận về ngày giờ, địa điểm hoặc thể thức của sự kiện này, bởi vì điều quan trọng là nội dung của cuộc gặp. Một khi chúng ta đồng ý về nội dung, về các điểm mà chúng ta vẫn còn bất đồng với nhau, hoặc về các điểm mà chúng ta có ý kiến khác nhau, thì tôi nghĩ rằng chúng ta có thể có cuộc gặp này. Dẫu sao nó đòi hỏi một sự chuẩn bị cẩn thận, và chúng ta không nên vội vàng, để cho cuộc gặp này được diễn ra vào một thời điểm đặc biệt". (ZENIT.org 29-9-2011)

Phạm Kim An
 
Thái Lan: Người Công giáo chống lại mối đe dọa quốc gia của tham nhũng
Phạm Kim An
07:22 30/09/2011
Thái Lan: Người Công giáo chống lại mối đe dọa quốc gia của tham nhũng

Bangkok - Tham nhũng là một mối đe dọa cho an ninh quốc gia. Nó ảnh hưởng đến xã hội, kinh tế, chính trị và đồng thời làm xói mòn các giá trị đạo đức, vốn là nền tảng cho toàn thể nhân loại.

Vì lý do này, nhiều nhóm của Giáo Hội Công giáo Thái Lan - phong trào thanh niên, doanh nhân, các nhà quản lý, giáo sư và các nhà giáo dục, cùng với Ủy ban Công lý và Hòa bình - vào ngày 27-9 đã tổ chức một hội nghị, với sự tham dự của 200 người, trong đó có nhiều lãnh đạo tôn giáo và công dân.

Cuộc họp tập trung vào chủ đề "Nếu việc tham nhũng ‘không đáng kể’ (chút chút) trở thành chấp nhận được ... làm sao quốc gia Thái Lan có thể sống còn?", vốn là kết quả của cuộc thăm dò dư luận mới đây của Đại học Công giáo Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

Theo số liệu được các nhà nghiên cứu công bố, 62% thanh niên Thái Lan nói rằng một việc tham nhũng "nho nhỏ" là có thể chấp nhận được, trong khi chỉ có 38% người trả lời là "không thể chấp nhận được". ‘Chỉ số Nhận thức tham nhũng’, được thu thập bởi Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International), cho thấy rằng Thái Lan ở vị trí tham những thứ 78 trên thế giới, với chỉ số là 3,5 điểm trong thang điểm 10. Quốc gia có tỉ lệ thấp nhất về tham nhũng là Singapore, với số điểm là 9,3/10.

Ngoài ra, 75% số người được hỏi - trong cuộc khảo sát do Đại học của Phòng Thương mại Thái Lan thực hiện - nói rằng họ không muốn bị "can thiệp" trong trường hợp họ tham gia trong một trường hợp tham nhũng, họ thích người ta "không làm gì cả". Khoảng 56% số người được hỏi xem việc tham nhũng là một ‘vấn đề nghiêm trọng’, 32% số người được hỏi nghĩ rằng "tất cả mọi người" cần làm điều gì đó để chống lại tham những, 20% số người được hỏi chỉ ngón tay vào chính phủ, nói vì "chính phủ không có ý định nghiêm túc” để chống lại tham nhũng.

Chủ tọa nghi thức khai mạc của hội nghị, với sự tham dự của hơn 200 đại biểu, Tổng Giám mục Phanxicô Xavier Kriengsak Kovithavanij, Tổng giáo phận Bangkok, nhắc lại sự quan tâm của ĐTC Biển Đức XVI về cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong thông điệp “Caritas in Veritate” của Ngài.

Tổng Giám mục nói: “Thị trường không phải là một nơi mà người mạnh nhất nghiền nát người yếu nhất. Kinh tế và tài chính, với tư cách là công cụ, có thể bị sử dụng theo ý xấu. Do đó, chúng ta không nên tập trung sự chú ý vào các công cụ này, nhưng tốt hơn nên chú ý đến các cá nhân sử dụng chúng và lương tâm đạo đức của họ, và nhu cầu tuyệt đối cho trách nhiệm xã hội lớn hơn về thị trường".

Ông Banjon Sowmanee, chủ tịch của Quĩ Sứ mạng Hồi giáo, cho biết thêm rằng "các lời dạy của đức tin và luân lý phải là cơ sở duy nhất, trên đó chúng ta cố gắng giải quyết tai họa xã hội này”. Nhà lãnh đạo Hồi giáo nói thêm: “Người dân trong một khung cảnh xã hội không nên quên tầm quan trọng của giáo lý, trái lại, họ phải áp dụng chúng vào thực tế".

Còn bà Kobkan Wattanawarakul, một người cộng tác của cựu chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan (TCC) Dusit Nontanakorn, người đã qua đời ngày 6-9 do bệnh tật từ năm ngoái, đã đồng ý như thế. Bà nhắc lại nhiệm vụ của Phòng Thương mại là thúc đẩy một "nền kinh tế bền vững", và kêu gọi mọi công dân hãy "chiến đấu với quyết tâm trong cuộc chiến chống tham nhũng".

Một thành viên của Ủy ban Chống tham nhũng Quốc gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc điều tra "phòng ngừa", cùng với công việc của các cơ quan khác của chính phủ. Cuối cùng, Giáo sư Virachai Techavijit - một người Công giáo đang giảng dạy tại trường Regent - kêu gọi sự "cải cách giáo dục", vốn tập trung vào các giá trị của tính liêm khiết, sự trung thực, và đạo đức.

Ông cũng kêu gọi sự ‘tự do báo chí’ đầy đủ, và một phương tiện truyền thông có khả năng mạnh mẽ hơn so với việc tham nhũng tràn lan, để chống lại nó. (AsiaNews 29-9-2011)

Phạm Kim An
 
Tuyên Bố Của Hàng Giám Mục Hoa Kỳ Nhân Tháng Tôn Trọng Sự Sống
Nguyễn Kim Ngân
09:15 30/09/2011
TUYÊN BỐ CỦA HÀNG GIÁM MỤC HOA KỲ NHÂN THÁNG TÔN TRỌNG SỰ SỐNG:

“Tôn Giáo và Luân lý: lẽ sống còn của một xã hội yêu chuộng tự do”

Dưới đây là tuyên bố của Đức Hồng Y Daniel DiNardo, Tổng Giám Mục Houston, kiêm chủ tịch Ủy Ban Hành Động Phò-Sự-Sống của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, được công bố vào ngày thứ Hai, 26 tháng 9, 2011, nhân Tháng Tôn Trọng Sự Sống, khởi đầu vào Chúa Nhật mùng 2 tháng 10, 2011.

Tháng Mười này, toàn thể Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ sẽ cử hành Tháng Tôn Trọng Sự Sống, một kỷ niệm truyền thống thường niên, tính đến nay đã tròn 40 năm. Khởi sự từ ngày mùng 2 tháng 10, năm 2011, tức Chúa Nhật Tôn Trọng Sự Sống, giáo dân Công Giáo toàn quốc sẽ cùng nhau làm chứng cho sự bình đẳng cố hữu và giá trị siêu việt của mỗi con người.

Trong các buổi phụng vụ và họp mừng, chúng ta sẽ cảm tạ Chúa vì món quà sự sống con người, cùng cầu xin Ngài hướng dẫn và chúc lành cho chúng ta khi đang nỗ lực bảo vệ những thành phần dễ bị tổn thương nhất trong gia đình nhân loại.

Chúng ta sẽ lên tiếng chống lại sự bất công và tàn ác của việc phá thai, nhân danh các nạn nhân mà tiếng nói đã bị nhận chìm. Chúng ta cũng đồng thời nhắc nhở các nạn nhân sống sót của nạn phá thai--những người mẹ, người cha đang than khóc trước sự mất mát của một người con mà không gì có thể thay thế được--rằng lòng Chúa xót thương thì vượt xa tội lỗi con người, và sự thuyên chữa cũng như niềm an bình sẽ trở lại với họ qua bí tích hoà giải và Tác Vụ Rachel của Giáo Hội.

Chủ đề của Chương Trình Tôn Trọng Sự Sống năm nay là “Ta đến để tất cả được sống và được sống dồi dào” (x. Gioan 10:10). Trong lời giải thích vắn tắt này về sứ mệnh của mình, Chúa Giêsu cùng một lúc đề cập đến niềm hy vọng của ta vào đời sống vĩnh cửu, được hồi phục qua sự chết và phục sinh của Ngài, và đời sống của ta ở trần thế này.

Khi sống theo Giới Răn mới của Chúa Giêsu về lòng thương yêu bất vị kỷ, ta sẽ có được một đời sống phong phú, ngập tràn hân hoan và bình an. Ngược lại, thái độ coi người khác chỉ như phương tiện hay chướng ngại vật ngăn chận mục tiêu vị kỷ, mà không biết yêu thương quảng đại, thì đó là một lối sống nghèo mạt.

Nếu coi cuộc đời như là một trò chơi “zero sum—không tiền” trong đó muốn thắng phải dẹp bỏ hết mọi nhu cầu của người khác, thì tất sẽ đi đến chỗ chai lỳ vô cảm đối với kẻ yếu đuối, không biết tự vệ, và đang cần được giúp đỡ. Thai nhi, các vị làm cha mẹ nay đã luống tuổi--được coi là ‘gánh nặng’ cho hệ thống y tế--những phôi thai ‘thặng dư’ tại các bệnh viện thai sản, người tàn tật, nạn nhân khiếm khuyết tri giác bởi các tai nạn đang cần giúp đỡ về đồ ăn thức uống hầu có thể sống còn--tất cả những người trong số này đang có nguy cơ bị coi là “không đáng sống.”

Lời Chúa Giêsu hứa về ‘đời sống dồi dào’ thật là đặc biệt sâu sắc trong nếp sống hôm nay, khi nền văn hóa của ta, đôi khi cả chính quyền của ta nữa, đang cổ võ các giá trị đi ngược lại với hạnh phúc và thiện ích chân thực của cá nhân và xã hội. Chúng ta đang đối diện với trào lưu loại trừ Thiên Chúa và tôn giáo ra khỏi dòng sống công cộng. Điều này đưa người ta đến chỗ kết luận một cách nguy hiểm rằng con người chẳng nhận được gì từ cái nhân tính mà Thiên Chúa đã ban cho. Hiện nay, có nhiều kẻ cứ ngửi thấy hơi hướng tôn giáo thoát ra từ một người nào hay một cơ sở nào thì sẽ lập tức tìm cách xô đẩy họ ra khỏi các chương trình công cộng, bằng cách cưỡng bức họ vi phạm các xác tín luân lý và tôn giáo, hoặc là ngưng việc phục vụ người cơ cực.

Được tiếp tay chặt chẽ bởi các phương tiện truyền thông quảng cáo và giải trí, các thế lực này tung ra một lối nhìn về dục tính con người thấm đầy chất ích kỷ và trái với nhân phẩm, bằng cách cổ võ khoái lạc tính dục không cần tình yêu, chẳng cần cam kết dấn thân gì cả. Lối nhìn về phái tính mà không cần cam kết, bất chấp hậu quả này đương nhiên không mở ngỏ cho sự sống mới. Thế là ngừa thai được cổ võ nơi giới trẻ như là một cái gì thiết yếu đối với sức khỏe của người phụ nữ, và phá thai được bênh vực như là một kế hoạch dự phòng “cần thiết” khi ngừa thai bị bể kế hoạch. Và đúng như thế. Nghiên cứu cho thấy rằng các phụ nữ nào chọn giải pháp phá thai thì hầu hết đều đã sử dụng các phương cách ngừa thai trong tháng họ cấn thai. Các nghiên cứu liên tục cho thấy càng ngừa thai thì lại càng không giúp giảm thiểu được con số các vụ mang thai và phá thai ngoài kế hoạch.

Cả hai trào lưu này--tức nhãn quan méo mó về dục tính và thái độ khinh miệt tôn giáo--đều xuất đầu lộ diện qua quyết định mới đây của Bộ Sức Khỏe và Phục Vụ Con Người về cái gọi là “các dịch vụ dự phòng,” mà theo luật mới về việc chăm sóc sức khỏe, thì bắt buộc phải được bao hàm trong tất cả mọi chương trình bảo hiểm tư. Bộ này nêu rõ rằng các dịch vụ bó buộc phải có là: giải phẫu triệt sản, các thứ thuốc cũng như dụng cụ ngừa thai đã được Liên bang chuẩn thuận, bao gồm thuốc phá thai “Ella,” tương đương với thuốc viên phá thai RU-486.

Quyết định này sai lầm trên nhiều bình diện. Dịch vụ dự phòng có mục đích ngăn ngừa hoặc phát hiện sớm các căn bệnh (tỉ như thuốc chủng ngừa) hầu chữa trị nhanh chóng (tỉ như xét nghiệm tiểu đường hoặc ung thư). Thế nhưng, thai nghén đâu có phải là bệnh tật gì đâu! Nó là một tình trạng bình thường và lành mạnh qua đó mà mỗi người chúng ta đây đã đến trong cuộc đời này. Chẳng ngăn chận đề phòng bệnh tật gì cả, ngừa thai có thể đem đến những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, tỉ như gia tăng nguy cơ nhiễm các chứng bệnh lây lan qua đường sinh dục, như bệnh AIDS, gia tăng nguy cơ ung thư vú do quá nhiều ‘estrogen,’ và cục máu có thể đưa đến đột qụy do tổng hợp ‘progestin.’ Cưỡng bức phải có các dịch vụ như thế cho thấy không hề có sự tôn trọng đối với sức khỏe và sự tự do của người phụ nữ, cũng chẳng hề tôn trọng lương tâm của những ai không muốn tham dự cái trò sáng kiến mang đầy vấn nạn này.

Cái gọi là ‘đặc miễn tôn giáo của người chủ’ mà Bộ Sức Khỏe đề xướng thật hết sức eo hẹp, chẳng bảo vệ được ai cả. Các cơ sở Công Giáo đang cung ứng việc chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ khác cho người cơ cực có thể buộc phải sa thải những công nhân không phải Công Giáo và rồi ngưng phục vụ người nghèo khổ nào có niềm tin khác (với Công Giáo)--hoặc là phải ngưng tất cả mọi bảo hiểm sức khỏe. Có thể nói rằng ngay cả Chúa Giêsu, hoặc người Samaria nhân hậu (trong dụ ngôn của Ngài) cũng không hội đủ điều kiện để được hưởng quyền đặc miễn này, bởi vì các vị ấy chỉ giúp đỡ những ai không có cùng quan điểm về Thiên Chúa như mình.

Tất cả các nỗ lực này đều nhằm nuôi dưỡng các giá trị giả tạo nơi người trẻ, nhằm bịt cho câm lặng tiếng nói của sự thực luân lý nơi công cộng, và nhằm tước đoạt khỏi người tín hữu cái quyền đã được hiến pháp bảo vệ, đó là quyền sống theo những xác tín tôn giáo của mình. Tất cả các nỗ lực này phải được phi bác bằng giáo dục, bằng khiếu kiện công khai, và trên hết, bằng kinh nguyện.

Các vị lập quốc của chúng ta đã hiểu rằng tôn giáo và luân lý thật sự là lẽ sống còn của một xã hội yêu chuộng tự do. John Adams đã diễn đạt niềm xác tín này khi nói: “Chúng ta không có một chính quyền có đủ sức mạnh đấu tranh với những thói đam mê của con người mà luân lý cũng như tôn giáo cũng chẳng chế ngự được. Hiến Pháp của chúng ta được kiến thiết cho những con người có đạo lý và tôn giáo. Nó hoàn toàn không thích nghi với chính quyền của bất kỳ ai khác.”

Người Công Giáo không được lơi lỏng bổn phận xác nhận các giá trị và nguyên tắc thiết yếu đối với thiện ích chung, khởi đầu với quyền sống của từng người và quyền của mỗi người nam và người nữ trong việc biểu lộ và sống theo niềm tin cũng như theo lương tâm đúng đắn của mình.

Như Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI năm ngoái đã nhắc nhở chúng ta trong dịp các Giám Mục tụ về Giáo Đô, rằng “một xã hội chỉ có thể đứng vững được qua việc liên lỉ tôn trọng, phát huy và giáo huấn về bản chất siêu việt của con người.” Bản chất chung này vượt trên mọi khác biệt bên ngoài về tuổi tác, chủng tộc, sức mạnh, hoặc điều kiện lệ thuộc, chuẩn bị cho ta trở thành một gia đình nhân loại dưới sự che chở của Chúa.

Trong Tháng Tôn Trọng Đời Sống này, khi cử hành món quà lớn lao là sự sống Chúa ban, ta hãy cầu nguyện và suy tư để mỗi người tìm ra cách thức canh tân niềm cam kết và chứng tá “tôn trọng, phát huy và giáo huấn về bản chất siêu việt của con người,” nhờ đó củng cố nền tảng cho một xã hội đang rất cần đến sự hướng dẫn này.

(xin đọc thêm: http://zenit.org/article-33542?l=english

Lễ Tổng Lãnh Các Thiên Thần: Mica-e, Gabri-e & Rapha-e

09/29/2011

Nguyễn Kim Ngân
 
Chủ đề Ngày Thế giới Truyền thông 2012: ‘Thinh lặng và Lời: Con đường Phúc âm hóa’
Nguyễn Trọng Đa
09:44 30/09/2011
Chủ đề Ngày Thế giới Truyền thông 2012: ‘Thinh lặng và Lời: Con đường Phúc âm hóa’

VATICAN – ĐTC Biển Đức XVI đang yêu cầu những người hiến thân chuyên nghiệp cho việc truyền bá sứ điệp, hãy dừng lại và lắng nghe một sứ điệp: thinh lặng và chào đón Lời Chúa.

Ngày 29-9, Tòa thánh công bố chủ đề cho Ngày Thế giới truyền thông lần thứ 46 năm 2012: "Thinh lặng và Lời: con đường Phúc âm hóa"

Ngày Thế giới Truyền thông được tổ chức ở hầu hết các quốc gia vào ngày Chủ Nhật trước Lễ Hiện Xuống (năm 2012, nhằm ngày 20-5).

Thông cáo của Vatican ghi nhận: "Bản chất vô cùng đa dạng của sự đóng góp truyền thông hiện đại cho xã hội đề cao sự cần thiết cho một giá trị, vốn thoạt nhìn có thể là trái với nó. Trong tư tưởng của ĐTC Biển Đức XVI, thinh lặng không được trình bày đơn giản như là một phương thuốc chữa trị cho dòng chảy thông tin liên tục và không ngừng, vốn là đặc điểm của xã hội ngày nay, mà là một yếu tố cần thiết cho việc tiêu hóa thông tin”.

"Sự thinh lặng, bởi vì nó ủng hộ các thói quen phân định và phản ánh, trên thực tế có thể được nhìn thấy chủ yếu như một phương tiện chào đón lời".

Sứ điệp của Tòa thánh làm nản lòng thuyết "nhị nguyên" trong việc xem xét các yếu tố thinh lặng và truyền thông, thay vì làm nổi bật tính chất bổ sung của chúng - "hai yếu tố, khi chúng được tổ chức trong sự cân bằng, phục vụ để làm phong phú giá trị của truyền thông và làm cho nó trở thành một yếu tố quan trọng, để có thể phục vụ việc Tân Phúc âm hóa".

Sứ điệp cũng lưu ý rằng ĐTC Biển Đức XVI phối hợp Ngày Thế giới Truyền thông với chủ đề của Thượng hội đồng Giám mục Thế giới sẽ được tổ chức vào tháng 10-2012, vốn sẽ tập trung vào việc Tân Phúc âm hóa.

Sứ điệp của Đức Giáo Hoàng cho Ngày Thế giới Truyền thông được công bố theo truyền thống vào dịp lễ kính thánh Phanxicô Salêsiô, quan thầy của các nhà văn (ngày 24-1). Ngày thế giới được cử hành đồng loạt theo yêu cầu của Công Đồng chung Vatican II (Sắc lệnh Inter Mirifica, 1963). (Zenit.org 29-9-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Sống trong thiên nhiên
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
10:18 30/09/2011
Sống trong thiên nhiên

Đức Giáo hoàng Benedicô 16. đã về thăm viếng quê hương nước Đức của mình từ ngày 22. – 25. tháng Chín 2011.

Trước chuyến thăm viếng đã có những tổ chức, phe nhóm từ mọi phía, mọi ý thức hệ ồn ào lên tiếng chống đối nghi kỵ ngài và chuyến viếng thăm.

Điều này thuộc về thiên nhiên của một xã hội tự do dân chủ đa dạng.

Vào tuần lễ trước khi Đức giáo hoàng tới thăm, đã có những đòi hỏi yêu cầu ngài phải theo thời đại giải quyết, phải thay đổi như vấn đề giáo lý về luân lý theo luật của Giáo Hội, vấn đề phụ nữ được làm linh mục, vấn đề độc thân linh mục, vấn đề đồng tình luyến ái…

Những đòi hỏi được đặt ra cũng thuộc vào tự do của người muốn đòi hỏi trong xã hội ngày hôm nay.

Chưa hết, sự trông mong chờ đợi cũng được lên giây cót căng cao nêu ra mong muốn Đức giáo hoàng tại quê hương của ngài, cái nôi quê hương của phong trào cải cách đạo cũng như đời, đưa ra giải đáp nhanh chóng vấn đề đại kết, nhất là với Giáo Hội Tin Lành.

Sự trông chờ như thế cũng không có gì sai, dù có khi vượt qúa sự việc trong thực tế cùng không đúng chỗ đúng lúc. Nhưng Giáo Hội, qua Đức Giáo Hoàng đưa ra giải đáp thế nào là quyền cùng bổn phận của Giáo Hội.

Đức giáo hòang đã đến thăm nứơc Đức. Ở Berlin, ở Etzelsbach, ở Erfurt, ở Freiburg tổng cộng hàng trăm ngàn người ( 350.000 người) đã tuốn đến không phải để nhìn xem vị Giáo hoàng 84 tuổi. Nhưng để nghe ngài nói, nghe ngài giảng dậy.

Ngài đã không đưa ra những toa đơn thuốc giải quyết làm thỏa mãn hết những đòi hỏi, những trông mong chợ đợi của mọi người. Nhưng ngài đã nói với con người, và gợi lên những suy tư cho mọi người trong xã hội nước Đức, làm kim chỉ nam cho sống đức tin vào Thiên Chúa.

Trước các vị Dân Biểu Quốc Hội ngày 22.09.2011, Đưc giáo hoàng đã gây điều rất ngạc nhiên bỡ ngỡ đầy thú vị cho mọi người phía phe ủng hộ cũng như phía phe chống đối ngài qua bài diễn văn của ngài. Như một vị giáo sư lỗi lạc uyên bác, trong bài diễn văn ngài nói về nền tảng tự do luật pháp, về lý trí và thiên nhiên, về điều kiện để xây dựng phát triển luật pháp và tự do dân chủ cho cuộc sống con người trong xã hội, về lương tâm. Điểm về thiên nhiên và về lý trí là một trong những điểm trong bài diễn văn, mà báo chí gọi là “bài diễn văn thế kỷ”.

“Chúng ta phải lắng nghe ngôn ngữ của thiên nhiên và có câu trả lời tương xứng.”….Và “ Phải chăng thật sự không có ý nghĩa gì khi suy tư, có phải lý trí khách quan tỏ hiện trong thiên nhiên như điều kiện tiên quyết, là một lý trí sáng tạo, một Thần Linh sáng tạo không?

Thiên nhiên đó là gì? Và như thế nào nhận biết ra lý trí sáng tạo, Thần linh sáng tạo ?

Thiên nhiên nằm ở trong vũ trụ con người đã đang và sẽ còn sinh sống mãi. Nhưng Thiên nhiên vũ trụ có khởi đầu. Sự khởi đầu này có gốc rễ từ lý trí. Nói tắt đi do từ Thần Linh sáng tạo.

Thiên nhiên được hiểu tổng quát là phần tách ra của vũ trụ thế giới. Phần này bao gồm một mặt kinh nghiệm của con người còn mở rộng, mặt khác không lệ thuộc vào sự can thiệp của con người muốn hay có thể nghĩ tới.

Thiên nhiên theo cách suy hiểu của Kytô giáo vừa là, theo nghĩa tiêu cực, được tạo thành

(natura naturata), vừa là, theo nghĩa tích cực, tạo thành (natura naturans). Thiên nhiên theo suy nghĩ hiểu ngày hôm nay không chỉ là về vật chất sự vật, hay sự làm sống lại phục hồi điều tự nhiên, nhưng còn bao gồm tinh thần tâm lý và xã hội nữa.

Trải qua nhiều chặng giai đoạn hiểu về thiên nhiên, có lúc người ta đã hiểu thế giới thiên nhiên lẫn lộn là thế giới văn hóa do con người chế biến làm ra. Nhưng dẫu vậy Thiên Chúa, Đấng sáng tạo thiên nhiên vẫn luôn là thắc mắc suy tư giúp con người phản tỉnh tìm về ý nghĩa chính thực của thiên nhiên. ( Praktiches Lexikon der Spiritualität, Herder 1992, Natur/ Naturwissenschaft)

Và theo suy tư của Đức giáo hoàng Benedictô 16. con người cũng là thiên nhiên.( Bài diễn văn 22.09.2011)

Hồi còn là Hồng Y Ratzinger, Bộ Trưởng Tín lý đức tin ở Vatican, ngài đã có suy tư: Trong Kinh Thánh Cựu ước nơi sách sáng Thế ký viết “ Từ khởi đầu Thiên Chúa sáng tạo trời và đất”. Đây là suy nghĩ của người thời đó về sự sáng tạo vũ trụ. Theo họ sự sáng tạo thế giới hình thể vật chất là điều đặt ra trước. Trái đất có thể nói được như một hình thể nơi chốn. Lối diễn tả này dẫu có đơn giản ngây ngô, nhưng ẩn dấu trong đó một ý nghĩa tinh thần.

Vũ trụ được sáng tạo như nơi chốn không gian cho giao ước giữa Thiên Chúa và con người. Đó là chương trình xây dựng sáng tạo trong thâm sâu về một giao ước. Và Luật lệ ( Thora) thời cựu ước cũng chính là bản giao ước hay như khế ước hôn nhân. Câu đầu tiên của luật Thora trong sách Sáng Thế ký viết:“ Từ khởi đầu Thiên Chúa đã sáng tạo trời và đất”. Sang thời tân ước Thánh Gioan đã lấy lại tinh thần câu đó trong bài tường thuật về sáng tạo viết thành câu “ Từ khởi đầu đã có Ngôi Lời”. ( Gott und die Welt).

Trên cương vị Giáo Hòang ngài cũng vẫn theo đuổi tư tưởng suy nghĩ đó. Và trong bài giảng, ngài đã minh giải về Ngôi Lời : Thế giới vũ trụ được sáng tạo thành hình như sản phẩm của Ngôi Lời ( Logos). Ngôi Lời bao hàm: lý trí, ý nghĩa và lời nói. Ngôi Lời không chỉ nguyên là lý trí xuông trống không, nhưng là lý trí nói năng hoạt động, lý trí truyền thông, lý trí sáng tạo.

Ngôi Lời là lý trí hàm chứa tự mình có ý nghĩa và trao tặng ban cho người khác ý nghĩa. Vũ trụ thế giới là sản phẩm của lý trí sáng tạo. Điều này nói lên: từ khởi thủy tất cả mọi sự được tạo dựng không phải là không hợp lý trí, không có tự do. Nhưng sự khởi thủy của tất cả mọi sự đều nằm trong lý trí sáng tạo, trong tình yêu và trong tự do.

Người tín hữu Chúa Kitô tìm thấy câu trả lời trong bài tường thuật sáng tạo và nơi Thánh Gioan: Từ khởi đầu lý trí đã có mặt. Từ khởi đầu tự do đứng ở đó. Vì thế, thật là điều tốt lành được tạo dựng là một con người.” ( Giáo hoàng Benedictô 16. , Bài giảng đêm phục sinh, Roma ngày 23.04.2011).

Xin cám ơn Đức giáo hoàng Benedictô 16. đã dẫn giải cùng khơi lên suy nghĩ về điều căn bản không chỉ cho đời sống đức tin vào Chúa, nhưng còn cho cả đời sống tự nhiên làm người ở trong thế giới vụ trụ nữa.

30.09.2011

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
 
Xuất phát lại từ Đức Kitô: Loan báo Tin Mừng Đức Kitô trên cánh đồng truyền giáo ở Việt Nam và Á Châu
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
10:33 30/09/2011
XUẤT PHÁT LẠI TỪ ĐỨC KITÔ

Bài chia sẻ nhân dịp Đại Hội truyền giáo Á Châu, 18-22/10-2006 tại Chang Mai, Thái Lan. Bài được cập nhật ngày 27-9-2011 cho lớp Kitô học của Học viện Mến Thánh giá. Nhân dịp lễ Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Bổn Mạng Các xứ Truyền giáo, bài được trình bày cho một ít tu sinh tĩnh tâm tại Đan Viện Cát Minh, 33 Tôn Đức Thắng, Q. 1, Tp.HCM, ngày Chủ Nhật, 2-10-2011. Xin chia sẻ cùng bạn đọc trong tinh thần truyền giáo.

Nhập đề

Một câu hỏi khiến lòng tôi trăn trở từ nhiều năm qua đó là: “Ta phải làm gì để có thể loan báo Tin Mừng Đức Kitô cách hiệu quả trên cánh đồng truyền giáo ở Việt Nam và Á Châu?”.

Khi nêu lên nhận xét công cuộc truyền giáo tại nước tôi hình như không mấy hiệu quả từ vài chục năm nay, nhiều vị lãnh đạo trong Giáo Hội cũng như một số anh em linh mục, nam nữ tu sĩ không bằng lòng với nhận xét này và cảm thấy hoạt động tích cực truyền giáo của họ bị xem thường. Tôi không có ý coi nhẹ hoạt động tông đồ của các vị ấy, nhưng những thống kê về số người theo đạo hay bỏ đạo Công giáo ở VN cũng như ở châu Á và toàn thế giới khiến ta phải quan tâm và đặt vấn đề cho việc truyền giáo của mình. Có người cho rằng những con số thống kê không thể nào nói lên được thực tại nhiệm mầu của đức tin Công giáo, càng không phải là thước đo lòng đạo đức hay sự thành bại của việc truyền giáo. Chúng tôi rất đồng ý về nhận định này. Quả thực, chúng ta có thể dùng những số liệu thống kê như những dấu hiệu nhắc nhở chúng ta về những vấn đề thực tế. Những vấn đề từ việc thiếu hiệu quả trong công cuộc truyền giáo hiện nay đã được thẩm quyền cao cấp nhất của Giáo hội đặt ra trong Bản Đề Cương chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám mục 2012 sẽ họp ở Rôma và mời gọi chúng ta tích cực quan tâm tìm hiểu để đóng góp những đề nghị đúng đắn.

1. Những con số chất vấn

1.1. Tình trạng Giáo Hội Việt Nam và Giáo Hội toàn cầu

Nhìn vào Giáo hội Việt Nam (GHVN) trong suốt 50 năm qua, tỷ lệ người có đạo ngày càng giảm so với dân số cả nước: vào năm 1960, tỷ lệ đó là 7,17%, cuối năm 2010 vẫn là 7,18%. Chúng ta sống đạo như thế nào mà không làm tăng thêm được 1% dân số Công giáo trong suốt 50 năm qua, thậm chí 125 năm qua kể từ năm 1885 đến nay? Giáo Hội châu Á cũng không phát triển hơn trong suốt 50 năm khi mà dân số Công giáo vẫn chỉ ở mức 3% dù có biết bao nỗ lực của hàng trăm ngàn thừa sai, linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân đủ loại. Dân số Công giáo hiện nay ở Á Châu có khoảng 140 triệu người trong số hơn 4,024 tỷ dân. Theo thống kê của Toà Thánh, dân số Công giáo toàn cầu tăng từ 757 triệu vào năm 1978 lên 1.146 triệu người vào cuối năm 2008 (x. Catholic Almanac 2010, NXB Our Sunday Visitor, tr.335). Mỗi năm trên thế giới có khoảng 2,5 triệu người lớn và hơn 14 triệu trẻ em được rửa tội trong ít năm gần đây, tuy nhiên nếu tính theo tỷ lệ dân số, vào năm 1978, người Công giáo chiếm 17,99% dân số thế giới, đến năm 2008 chỉ còn 17,32%.

Tính đến ngày 31-12-2010, GHVN hiện có trên 4.050 linh mục, 3.946 chủng sinh, 2.281 tu sĩ nam, 15.352 tu sĩ nữ, 57.000 giáo lý viên, gần 1 triệu đoàn viên các hội đoàn Công giáo Tiến hành, khoảng 6.400.567 tín hữu giáo dân trên tổng dân số là 89.029.559 (theo thống kê của Văn phòng Tổng Thư ký HĐGMVN), trong khi số dân thật sự theo Thống kê Nhà Nước là 86.930.000 người Việt (x. Cục Thống kê TP HCM, tr.331). Số giáo dân này không chính xác do việc khai báo trùng lắp vì theo số liệu thống kê của Tổng Điều tra Dân số ngày 1-4-2009, số dân Công giáo là 5.677.086 trên tổng số dân là 85.846.997 người, chiếm tỷ lệ 6,61% (x. Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở VN 2009, tr. 281). Số người lớn được rửa tội hằng năm khoảng 30.000 đến 40.000 người nhưng hầu hết là để lập gia đình với người có đạo. Vậy chúng ta tự hỏi ai là người đi loan báo Tin Mừng Đức Giêsu Kitô và truyền giáo có kết quả?

Một thí dụ minh hoạ: năm 2009, giáo phận Huế có 2 giám mục, 136 linh mục, 64 chủng sinh, 92 tu sĩ nam, 967 tu sĩ nữ, 786 giáo lý viên và 68.560 tín hữu, nhưng cả năm chỉ có 94 người lớn được Rửa tội, năm 2008 cũng chỉ có 106 người (x. Thống kê Văn phòng Tổng Thư ký HĐGM VN).

Dù những con số không nói lên hoàn toàn sức sống năng động của người Công giáo nhưng việc giảm sút số người tin theo Đức Kitô đã nói lên phần nào công cuộc truyền giáo toàn cầu cũng như ở châu Á và ở Việt Nam không mấy thành công.

1.2. So sánh với một vài Giáo hội khác

Trong khi đó công cuộc truyền giáo của anh em Hội thánh Tin Lành lại đáng cho chúng ta suy nghĩ. Ở Việt Nam từ 400.000 tín hữu vào năm 1999 đã tăng lên 734.168 người, nghĩa là tăng gần gấp đôi trong vòng 10 năm (x. Tổng Điều tra Dân số 1-4-2009, tr. 281). Trong Hội nghị Hợp nhất Kitô hữu tổ chức vào tháng 7-2006, tại Seoul Hàn Quốc của Hội đồng Giáo hoàng về hợp nhất Kitô hữu do Liên Hội đồng Giám mục Châu Á (FABC) và Hội đồng Giám mục Công giáo Hàn Quốc tổ chức, các tham dự viên được nghe báo cáo về sự phát triển vượt bậc của phái Ngũ Tuần. Từ một vài người cách đây 100 năm giáo hội Ngũ Tuần đã phát triển tới con số 600 triệu người hiện nay, trong đó có 165 triệu đang sống tại châu Á. Nếu so sánh hơn hai ngàn năm truyền giáo tại châu Á, Giáo hội Công giáo đang có 140 triệu người, trong khi anh em phái Ngũ Tuần chỉ mất 100 năm để có 165 triệu người, thì chúng ta phải tự hỏi về kết quả truyền giáo và động lực truyền giáo của cả đôi bên.

2. Đi tìm câu trả lời cơ bản: xuất phát lại từ Đức Giêsu Kitô

2.1. Đã có rất nhiều những hội nghị, hội thảo thuộc đủ các cấp được tổ chức để tìm hiểu và nghiên cứu sâu xa vấn đề truyền giáo của Giáo hội Công giáo nhưng kết quả chưa thu được là bao.

Nhiều tài liệu hướng dẫn cho các thành phần dân Chúa học hỏi về công cuộc truyền giáo đã được soạn thảo và phân phối cho các linh mục, tu sĩ và giáo dân ưu tuyển nhưng hình như chúng vẫn chưa tạo nên những kết quả thiết thực. Vậy chúng ta phải làm gì? Hy vọng Thượng Hội đồng Giám mục 2012 được tổ chức ở Rôma với chủ đề “Tân Phúc Am hoá để truyền bá đức tin Kitô giáo” có thể giới thiệu một đường hướng thiết thực và hiệu quả hơn.

Tông huấn Giáo Hội tại châu Á của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ngày 6-11-1999 là một bản tổng kết những định hướng cơ bản cho hoạt động truyền giáo của Giáo Hội tại lục địa mênh mông này. Tông huấn ấy đã mở ra những chân trời bao la thuộc mọi lĩnh vực xã hội, kinh tế, chính trị, văn hoá và cả đối thoại với những nền văn hoá và tôn giáo khác nhau tại Á Châu sau khi nhấn mạnh đến việc kết hợp với Chúa Ba Ngôi và hợp nhất với Giáo Hội để phục vụ sự thăng tiến con người.

Tuy nhiên, điểm cơ bản mà chúng tôi muốn nhắc đến là Đức Thánh Cha mời gọi từng người chúng ta phải phát xuất lại từ Đức Giêsu Kitô vì Người là món quà quý giá nhất mà Chúa Cha gửi tặng cho châu Á (x. ĐTC Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo hội châu Á, số 10). Đây chính là câu trả lời và là giải pháp đúng đắn cho các vấn đề chúng ta đang quan tâm.

2.2. Thực trạng sống đạo như mời gọi ta phải trở lại với Đức Giêsu Kitô và xuất phát lại từ Người.

Nhìn vào đời sống người Kitô hữu hiện nay chúng ta thấy có một khoảng cách khá lớn giữa điều người ta hiểu và điều người ta sống. Đời sống đạo tập trung vào các nghi lễ, hoạt động bên ngoài hơn là vào niềm xác tín, cảm nghiệm bên trong. Nhiều người có trách nhiệm trong cộng đồng như linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân ưu tuyển chưa được đào tạo để suy tư một cách có hệ thống về Đức Giêsu Kitô qua bộ môn Kitô học, chưa có cảm nghiệm sống động và mạnh mẽ về Đức Kitô để dấn thân làm chứng cho Ngài, chưa dám chết đi cho những tham vọng và dục vọng của chính mình để sống hoàn toàn cho Đức Kitô trong một châu Á có nhiều nền văn hoá và tôn giáo khác nhau.

Dân chúng Thái Lan và nhiều nước theo Phật giáo vẫn dành nhiều thiện cảm cho các nhà sư với chiếc đầu cạo trọc, bộ áo cà sa giản dị và chiếc bình bát mộc mạc, bình thản đón nhận những đồ cúng dường, xem họ như là biểu tượng của tinh thần xả kỷ hy sinh hơn các linh mục, tu sĩ Công giáo. Dân chúng Nam Á và Đông Nam Á với hơn 1 tỷ người theo Hồi giáo lại cảm thấy được trợ lực bởi những giờ kinh đều đặn nhiều lần mỗi ngày của cả cộng đồng dù ở bất cứ nơi nào. Rồi qua lời kinh cầu nguyện, anh em Hồi giáo càng thêm gắn bó chặt chẽ với nhau trong cuộc sống. Đây là nét đẹp rất cuốn hút trong một xã hội châu Á đã từng bị các thế lực ngoại xâm áp dụng chính sách “chia để trị” khiến người ta luôn nghi ngờ và đóng kín với nhau, trong khi rất nhiều cộng đồng Công giáo vẫn giữ tinh thần cục bộ bè phái để chỉ biết có phe nhóm, giáo xứ, giáo hạt, giáo phận, giáo miền của mình. Hơn 1 tỷ người Trung Quốc lại cảm thấy những lời dạy của Đức Giêsu chưa đủ mức khôn ngoan và sâu sắc nếu so sánh với lời dạy của đức Khổng Tử, Lão Tử và nhiều bậc thánh hiền trong văn hoá Đông Phương. Họ chưa nhận ra lời Người có giá trị tuyệt đối, là lời cứu độ của Thiên Chúa, có sức đưa họ vào cuộc sống vĩnh hằng và chia sẻ cho họ thần tính của Thiên Chúa.

Châu Á có rất nhiều người trẻ, hơn 50% dân số dưới tuổi 30. Những người trẻ này đang say mê học hỏi khoa học kỹ thuật để tìm biết sự thật ẩn chứa trong thiên nhiên, con người cũng như xã hội. Nhưng hình như Giáo hội Công giáo, qua trình độ học vấn của các bậc chức sắc, và thái độ ít dấn thân của họ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, chưa thuyết phục được người trẻ hiểu rằng Đức Giêsu chính là con đường dẫn tới sự thật và sự sống, là nguồn của sự khôn ngoan và Người sẵn sàng khai mở tâm trí để con người hiểu biết những sự thật mầu nhiệm ẩn chứa trong con người và vạn vật. Hơn nữa, những người trẻ này cũng đang chạy theo cái đẹp qua sự say mê cuồng nhiệt đối với những cầu thủ, diễn viên, người mẫu, văn nghệ sĩ, với thời trang, âm nhạc… Nhưng hình như Giáo hội Công giáo lại chưa giới thiệu cho họ một Thiên Chúa là chủ của cái đẹp mà lại hô hào họ hãy xoá bỏ thần tượng, sống đơn giản, nghèo khó và quên giới thiệu cho họ một Đức Giêsu hoà mình vào đám đông dân chúng, ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi, khám phá ra cái đẹp trong từng nhánh cỏ, bông hoa của đồng nội cũng như giới thiệu tinh thần nghèo khó thật sự là gì.

3. Muốn xuất phát lại từ Đức Kitô chúng ta phải làm gì?

3.1. Xuất phát lại từ Đức Kitô

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong các lời giáo huấn của mình qua những thông điệp, tông huấn, tông thư, diễn văn, bài nói chuyện… luôn mời gọi tín hữu tập trung vào Đức Kitô để xuất phát lại từ Người.

Quả thật trong 2.000 năm qua, sau một hai thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội sơ khai tập trung vào Đức Kitô và lời dạy của Người, nhất là từ năm 313 trở đi, Giáo Hội mất dần sự quan tâm để chú ý vào những điểm khác như tổ chức cộng đồng với giáo phận, giáo xứ, xây cất các cơ sở tôn giáo như nhà thờ, đền thánh, rồi từ thế kỷ 11,12 vào việc thiết lập các dòng tu và tập trung chú ý noi gương các thánh lập dòng hơn noi gương Chúa Giêsu, thế kỷ 15,16 vào việc lo cho các công tác mục vụ, truyền giáo, thế kỷ 19,20 lo đối phó với những học thuyết sai lạc…

Chỉ từ giữa thế kỷ 20, người ta mới bắt đầu quan tâm đến môn Kitô học nhưng cho tới ngày nay, môn học này vẫn kém phát triển, chưa đạt tới tầm vóc xứng hợp như là môn học nền tảng của Kitô giáo. Công đồng Vaticanô II với các văn kiện của mình như muốn nhắc nhở tín hữu Công giáo tập trung vào Đức Kitô như nền tảng và gương mẫu cho mọi hoạt động Kitô hữu. Huấn thị “Xuất phát lại từ Đức Kitô” của Thánh Bộ Đời sống Thánh hiến và Hiệp hội Tông đồ ban hành ngày 19-5-2002 nhắc nhở tu sĩ nam nữ tìm về nguồn sống là Chúa Kitô thay vì tập trung vào vị Sáng lập dòng.

Nhiều đại học Công giáo hiện nay không có giảng khoá hoàn chỉnh về môn Kitô học do những tranh cãi về quan điểm thần học liên quan tới Đức Kitô nhất là giữa các dòng tu với nhau. Nhiều đại chủng viện vẫn giảng dạy giáo trình Kitô học lỗi thời, thậm chí sai lạc, mà không cập nhật những điểm giáo lý mới mẻ và đúng đắn được trình bày trong các sách như Giáo lý Hội Thánh Công giáo (Bộ Giáo lý Đức tin ban hành ngày 11-10-1992, bản dịch Việt hoàn chỉnh và in năm 2009, NXB Tôn Giáo, Hà Nội), Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo (Hội Đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình công bố năm 2004, bản dịch Việt hoàn chỉnh và in năm 2007, NXB Tôn Giáo, Hà Nội), Đức Giêsu Nazareth tập I và tập II của ĐGH Bênêđictô XVI (Tập I công bố ngày 30-9-2006, bản dịch Việt hoàn chỉnh và in năm 2008, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, tập II công bố ngày 25-4-2010 và chưa có bản dịchViệt ngữ).

Người ta thường nói:”Vô tri bất mộ” (không biết nên không tôn kính). Chính vì chưa hiểu biết rõ ràng, đúng đắn về Đức Kitô nên đời sống đạo của người tín hữu không toả ánh sáng Tin Mừng để có sức thu hút người khác tìm về với Đức Kitô. Vì thế chủ đề của Đại hội Truyền giáo Châu Á 2005 ở Chiang Mai, Thái Lan là “Kể lại câu chuyện Giêsu” như các tông đồ xưa sau khi họ hiểu biết và cùng sống với Người. Chủ đề của Đại hội Truyền giáo Châu Á 2010 ở Seoul, Hàn Quốc cũng lấy lại chủ đề ấy “Công bố câu chuyện Giêsu”, nhưng nâng cao hơn một mức vì “công bố” đòi hỏi ta nói về Đức Giêsu một cách trang trọng, có nghiên cứu, có bài bản mà vẫn dựa trên kinh nghiệm sống động của người làm chứng với Chúa Giêsu Kitô.

3.2. Hiệu quả của việc trở về với Đức Kitô

Trở lại với Đức Kitô là chúng ta sẽ tìm lại được cảm nghiệm sống động của các tông đồ về Đức Giêsu Phục Sinh như là tâm điểm cho mọi hoạt động và suy tư của mình. Đức Giêsu không phải là một mớ thông tin mà ta đã thu thập được trong những giờ học giáo lý hay qua những bài giảng, bài kinh nhưng là một con người đang sống giữa chúng ta và sống trong ta để ta có mối tương quan mật thiết với Người. Để hiểu trọn vẹn về một con người đang sống, ta không phải chỉ cần thông tin mà còn phải gặp gỡ, tiếp xúc, yêu thương và nếu cần, có thể hoà nhập thành một trong nhau “để tôi sống không còn phải là tôi mà là Đức Kitô sống trong tôi” (x. Gl 2,20) như thánh Phaolô cảm nghiệm…

Sống trong một đất nước mà người dân có nhiều tính cách đối nghịch vừa tìm tòi khoa học và coi trọng kỹ thuật, vừa chạy theo những bùa phép với những tác động mê tín dân gian, ta cần phải trở lại với Đức Kitô và hoà nhập thành một với Người để Người chuyển thông quyền năng làm chứng cho Tin Mừng qua các dấu lạ như chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, nói được thứ ngôn ngữ mới lạ của tình thương mà Thánh Thần thúc đẩy trong lòng ta (x. Mc 16,16-20). Đó cũng là một trong những chìa khoá thành công của anh em Giáo hội Ngũ Tuần khi họ gắn bó với Đức Kitô và thở được Thần Khí của Người.

Sống trong một châu lục với nhiều dân tộc có các nền văn hoá và tôn giáo khác nhau, ta cần trở lại với Đức Kitô để thấy Người không phải là của riêng Kitô giáo nhưng là Đấng Cứu Độ của toàn thể nhân loại và vũ trụ. Cha trên trời muốn cứu độ tất cả con cái mình nên đã ban Người Con Một cho chúng ta và Chúa Thánh Thần vẫn đang chuẩn bị cho việc Đức Kitô đến với mọi người cũng như không ngừng nói trong các tôn giáo (x. Tuyên ngôn của CĐ. Vat. II, Nostra aetate, số 1; Giáo hội tại châu Á, số 15,18). Học lại thái độ khoan dung của Đức Kitô, ta sẽ biết phân biệt những hình thức mê tín dị đoan đồng thời biết đánh giá đúng các nghi thức phụng vụ, lời kinh và cách sống của những người không cùng tôn giáo với mình, thậm chí ngay trong việc trừ ma diệt quỷ của họ (x. Mc 9,39-40).

Trở lại với Đức Kitô ta sẽ khám phá ra mầu nhiệm Nhập Thể luôn gắn liền với mầu nhiệm Nhập Thế để can đảm dấn thân vào xã hội trần thế hôm nay. Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở thành Đức Giêsu Nazareth, đã đi vào dòng lịch sử con người, đã đón nhận những yếu tố của vũ trụ vật chất qua thân xác của mình. Người đã đưa tính cách tuyệt đối, vĩnh hằng, thánh thiện, vô cùng của Thiên Chúa vào trong cái tương đối, nhất thời, tội luỵ, hữu hạn của con người và vũ trụ để từ nay tất cả đều được biến đổi và thần hoá. Từ đấy, mỗi con người đều có giá trị vô song dù họ già nua, tàn tật, xấu xa đến đâu chăng nữa. Từ đấy, mỗi công việc đều có giá trị vĩnh hằng, đem lại ơn cứu độ dù nó chỉ kéo dài một vài giây như nụ cười, dù có vẻ tầm thường như các chậu quần áo ta giặt mỗi ngày, dù có vẻ nhơ bẩn như làm vệ sinh, rửa mặt, đánh răng mỗi bữa.

Trở lại với Đức Giêsu Kitô để thấy rằng qua việc Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành con người, thì con người trở thành con đường của Thiên Chúa và cũng là con đường của Giáo Hội để tập trung mọi cố gắng lo cho hàng tỷ con người trong vùng đất châu Á, nhất là những con người nghèo khổ, yếu kém, bị bóc lột và bị gạt ra ngoài lề xã hội, như Đức Giêsu đã tất bật từ sáng sớm đến tối mịt để rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ cho con người.

Trở về với Đức Giêsu cũng có thể là lời kêu gọi các người có trách nhiệm xây dựng cơ sở vật chất trở về với tinh thần nghèo khó thật sự của Người. Những ngôi nhà thờ đồ sộ, những tu viện to lớn với cách bày trí sang trọng, sừng sững giữa các túp lều tranh rách nát, mái tôn han rỉ, cống nước thải lộ thiên trong một số miền ở Việt nam cũng như ở châu Á có thể trở thành những pháo đài kiên cố khiến người ta ngại ngùng không dám tìm gặp Đức Kitô ở đó. Những buổi lễ phụng vụ dài lê thê, với hàng chục ngàn tín hữu tham dự, ngồi bó gối bất động hay đứng chật như nêm cối giữa trời nắng cháy da hay mưa phùn gió bấc để đón tiếp một vị chức sắc quan trọng nào đó, có thể làm cho người chưa tin đạo cảm thấy sợ hãi trong cách diễn tả lòng sùng kính, tôn thờ.

Những cuộc hành hương với vài trăm ngàn người trong các đại hội Thánh Thể, hay Đại hội Thánh Mẫu ở La Vang, Lộ Đức, Tà Pao, trong đó mỗi người ở xa tiêu hàng triệu đồng, người ở gần tốn vài chục ngàn cho việc đi lại ăn ở và nếu tính tổng cộng có thể lên tới hàng chục tỷ, hàng trăm tỷ đồng, trong khi học sinh vẫn còn thiếu lớp, thiếu trường, trong khi nhiều bệnh nhân chưa cầm được bát cháo giúp đỡ thì có khi ta phải nhìn lại cách thức bày tỏ lòng đạo của chúng ta đối với Chúa và Đức Mẹ cho âm thầm, khiêm tốn và thật sự bác ái hơn chăng? Nói như thế không phải là chúng tôi có ý bài bác lòng sùng đạo bình dân nhưng chỉ mời gọi để người tín hữu suy nghĩ để tình bác ái được diễn tả theo đúng sự thật của đất nước, của dân tộc và gia đình nhân loại như ĐTC Bênêđictô mời gọi trong thông điệp Caritas in veritate (ngày 29-6-2009) của ngài.

Lời kết

Có lẽ còn rất nhiều điều, nhiều việc trong nếp sống đạo của người tín hữu ở Việt Nam cũng như ở châu Á cần được nhận định và sửa đổi lại dưới ánh sáng của Đức Giêsu Kitô để biểu lộ được sự thật, sự sống và tình yêu của Người cho các dân tộc đang sống quanh mình. Chúng ta hy vọng sẽ có nhiều người tìm đến với Đức Kitô không phải chỉ qua những nghi lễ trang trọng, việc bác ái từ thiện của người tín hữu nhưng họ gặp được nguồn của tình yêu hạnh phúc, của chân thiện mỹ là chính Đức Kitô khi các Kitô hữu tìm về với Người và xuất phát lại từ Người.

Câu hỏi gợi ý:
1. Bạn nghĩ thế nào về kết quả truyền giáo tại Việt Nam? Bản thân bạn đã loan báo Tin Mừng như thế nào? Kết quả cụ thể ra sao? Bạn có kinh nghiệm truyền giáo nào muốn chia sẻ?
2. Theo bạn, muốn xuất phát lại từ Đức Kitô, người tín hữu chúng ta cần phải làm gì?
3. Bạn nghĩ mình có thể làm gì để tăng thêm sự hiểu biết đúng đắn và có hệ thống về Đức Kitô?
 
Đức Thánh Cha đề nghị các nhà truyền thông phải thinh lặng
Bùi Hữu Thư
21:23 30/09/2011
Đức Thánh Cha nói: ""Im Lặng và Lời: con đường Phúc Âm hóa."
Thông điệp cho Ngày Truyền Thông Quốc Tế được công bố

VATICAN, ngày 29 tháng 9, 2011 (Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI đang yêu cầu những ai đã tận hiến trong ngành chuyên môn là loan truyền một điện văn, hãy ngưng lại và lắng nghe một điệp văn này: là hãy thinh lặng và đón nhận Lời Chúa.

Vatican hôm nay công bố chủ đề của Ngày Truyền Thông Quốc Tế sắp tới: "Im Lặng và Lời: con đường Phúc Âm hóa."

Ngày Truyền Thông Quốc Tế được tổ chức tại đa số các quốc gia vào Chúa Nhật trước Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (trong năm 2012, sẽ là ngày 20 tháng 5).

Bản tin của Vatican ghi nhận: "Bản chất tối đa dạng của sự đóng góp của truyền thông hiện đại cho xã hội đề cao nhu cầu của sự cần thiết phải có một giá trị, thoạt mới xem, thì có vẻ đối nghịch. Theo tư tưởng của Đức Thánh Benedict XVI, im lặng không chỉ được trình bầy như một liều thuốc giải độc cho nguồn tin tức tuôn chẩy không ngừng là đặc điểm của xã hội hiện nay, nhưng như một yếu tố cần thiết cho sự hiệp nhất.

"Thinh lặng, chính bởi vì giúp cho thói quen nhận định và suy tư, có thể thực sự được coi như chính là một phương tiện để đón chào thế giới."

Điệp văn của Vatican ngăn ngừa một "hình thái song đôi" khi xem xét các yếu tố của im lặng và truyền thông, nhưng đề cao bản chất hỗ trợ nhau của hai yếu tố này -- "hai yếu tố khi được giữ cho cân bằng có thể làm cho phong phú giá trị của truyền thông và làm cho truyền thông trở thành một dữ kiện chính để có thể phục vụ cho tân Phúc Âm hóa."

Điệp vănnày cũng ghi nhận là Đức Thánh Cha đang sát nhập chủ đề của Ngày Truyền Thông Quốc Tế với chủ đề của Thượng Hội Đồng Giám Mục sẽ được tổ chức vào tháng 11, và sẽ chú trọng đến việc tân Phúc Âm hóa.

Sứ điệp của Đức Thánh Cha về Ngày Truyền Thông Quốc tế theo truyền thống được phổ biến cùng với ngày kính nhớ Thánh Phanxicô thành Sales, quan thầy các nhà văn (ngày 24 tháng 1). Ngày Quốc Tế này là ngày duy nhất được toàn thế giới tổ chức theo lời mời gọi của Công Đồng Vatican II (Inter Mirifica, 1963).
 
Top Stories
Pope: World Day for Social Communications on ''Silence and Word: path of evangelization''
AsiaNews
05:38 30/09/2011
The theme chosen by Benedict XVI shows a desire to tune the theme of the next World Day with the celebration of the synod of bishops that will be centered on "The New Evangelization for the Transmission of the Christian Faith."

Vatican City (AsiaNews) - '" Silence and Word: path of evangelization” is the theme chosen by Benedict XVI for the upcoming 46th World Communications Day, which will be celebrated in many countries around the world on the Sunday before Pentecost (in 2012, May 20).

Commenting on today's theme chosen by the Pope, the Pontifical Council for Social Communications highlights " to associate the theme of the next World Communications Day with the celebration of the forthcoming Synod of Bishops which will have as its own theme: The New Evangelization for the Transmission of the Christian Faith”.

"The extra-ordinarily varied nature of the contribution of modern communications to society - adds the Pontifical Council - highlights the need for a value which, on first consideration, might seem to stand in contradistinction to it. Silence, in fact, is the central theme for the next World Communications Day Message: Silence and Word: path of evangelization".

"In the thought of Pope Benedict XVI, silence is not presented simply as an antidote to the constant and unstoppable flow of information that characterizes society today but rather as a factor that is necessary for its integration. Silence, precisely because it favors habits of discernment and reflection, can in fact be seen primarily as a means of welcoming the word. We ought not to think in terms of a dualism, but of the complementary nature of two elements which when they are held in balance serve to enrich the value of communication and which make it a key factor that can serve the new evangelization”.

World Communications Day is the only worldwide celebration called for Vatican II (Inter Mirifica, 1963). The Pope's message for the Day is traditionally published on the occasion of the anniversary of St. Francis de Sales, Patron Saint of Journalists (January 24).
 
Persecution still hounds Christians
Roy Mabasa
05:40 30/09/2011
MANILA, Philippines, September 29, 2011 — Christians suffer persecution because of their faith than any other religious group in the world, a high Vatican official said.

The official, Archbishop Dominique Mamberti, secretary for Relations with States for the Holy See, spoke before the United Nations General Assembly in New York City on Wednesday, the final day of the annual general debate.

The Holy See, which is the episcopal jurisdiction of the Catholic Church in Rome, has observer status at the UN.

“Respect for religious freedom is the fundamental path for the construction of peace, the recognition of human dignity and the safeguarding of human rights,” said Mamberti.

“The particular influence of a specific religion in a nation should never imply that citizens belonging to other faiths should be discriminated against in social life or, even worse, that violence against them should be tolerated,” he said.

The archbishop also reiterated the Holy See’s appeal to the authorities and religious leaders for the protection of religious minorities wherever they are threatened.

He cited religious freedom among three challenges he raised, the other two being the duty of the international community to take care of its weakest members, and the prolonged global economic and financial crisis.

Mamberti mentioned the victims of the drought and famine raging in the Horn of Africa, linking it with the responsibility to protect, under which the international community has the duty to intervene if states cannot or will not guarantee that protection.

He noted that the responsibility to protect was invoked in cases of conflict and warned that the use of force should be the very last resort, after all other efforts at prevention have failed.

On the financial crisis, the archbishop stressed that the economy cannot only function by market self-regulation, and even less in accordance with agreements limited to reconciling the interests of the most powerful.

“It needs an ethical basis in order to function for humanity,” he said, calling any other non-ethical basis “ingenuous or cynical, and always fatal.”

Mamberti said the international community should also concern itself with an effective and applicable Arms Trade Treaty.

He said that the goal should not be merely regulating trade and creating obstacles to illegal markets, but also creating respect for human life.

Mamberti added that "courageous decisions also needed to be made for the right of Palestinians to have their own sovereign State and the right of Israel to have security."

The Holy See urged both parties to return to negotiations with determination and resolve, issuing a call to the international community to help foster lasting peace between Israel and Palestine.
 
Pontiff proposes World Communications Day: to stop and hear a message, to be silent and welcome the Word of God.
Zenit
08:20 30/09/2011
VATICAN CITY, SEPT. 29, 2011 (Zenit.org).- Benedict XVI is asking those professionally dedicated to spreading a message, to stop and hear a message: to be silent and welcome the Word of God.

The Vatican announced today the theme for the next World Day of Communications: "Silence and Word: path of evangelization."

World Communications Day is celebrated in most countries on the Sunday before Pentecost (in 2012, May 20).

"The extraordinarily varied nature of the contribution of modern communications to society highlights the need for a value which, on first consideration, might seem to stand in contra-distinction to it," the Vatican communiqué noted. "In the thought of Pope Benedict XVI, silence is not presented simply as an antidote to the constant and unstoppable flow of information that characterizes society today but rather as a factor that is necessary for its integration.

"Silence, precisely because it favors habits of discernment and reflection, can in fact be seen primarily as a means of welcoming the word."

The Vatican message discouraged a "dualism" in considering the elements of silence and communication, instead highlighting their complementary nature -- "two elements which when they are held in balance serve to enrich the value of communication and which make it a key factor that can serve the new evangelization."

The message also noted that the Holy Father is associating World Communications Day with the theme of the synod of bishops to be held in October, which will focus on the new evangelization.

The Pope's message for World Communications Day is traditionally published in conjunction with the Memorial of St. Francis de Sales, patron of writers (Jan. 24). This world day is the only worldwide celebration called for by the Second Vatican Council (Inter Mirifica, 1963).
 
Vietnam: Free Religious Activists Immediately
Human Rights Watch
08:27 30/09/2011
Crackdown Threatening Freedom of Religion

September 30, 2011


The 15 Vietnamese religious activists who
were arrested in July, August and September, 2011
Supporters gather for a vigil at Ky Dong Church
to pray for the 15 religious advocates,
and other prominent activists
These latest arrests demonstrate the Vietnam government’s hostility toward people who seek to practice their faith freely, outside government constraints. The authorities’ actions against these peaceful religious advocates are a telling indicator of Vietnam’s deepening abuses of human rights.

Phil Robertson, deputy Asia director at Human Rights Watch

(New York) – Vietnamese authorities should immediately end their crackdown on religious activists and free 15 people detained for expressing their beliefs, Human Rights Watch said today. The arrests, primarily targeting Catholic Redemptorists, are a new blot on the country’s already problematic record on freedom of religion.

The current wave of arrests began on July 30, 2011, when the police arrested three Catholic activists at Tan Son Nhat airport in Ho Chi Minh City as they returned from abroad. During the next seven weeks, the authorities arrested 12 more religious activists. So far, 10 have been charged with violating penal code article 79, subversion of the administration, which carries a 5-to-15-year sentence for “accomplice” and 12 years to life, or the death penalty, for those designated as “organizers” or those whose actions have “serious consequences.”

“These latest arrests demonstrate the Vietnam government’s hostility toward people who seek to practice their faith freely, outside government constraints,” said Phil Robertson, deputy Asia director at Human Rights Watch. “The authorities’ actions against these peaceful religious advocates are a telling indicator of Vietnam’s deepening abuses of human rights.”

Many of those arrested in the last two months are affiliated with the Redemptorist Thai Ha church in Hanoi and Ky Dong church in Ho Chi Minh City. Over the last six months, both churches have regularly held prayer vigils calling for the safety of activists in prison or in detention, including the legal advocate Dr. Cu Huy Ha Vu, the Buddhist Hoa Hao activist Nguyen Van Lia, the blogger Nguyen Van Hai (Dieu Cay), the blogger Phan Thanh Hai (Anhbasg), and the blogger Pham Minh Hoang. On September 25, the Ky Dong church held another vigil to pray for the 15 religious activists arrested in the last two months, as well as other prominent activists. The Redemptorists, formally known as the Congregation of the Most Holy Redeemer, are a Catholic missionary congregation founded in Italy in 1732 that currently operate in more than 77 countries worldwide.

The arrests of the influential Catholic bloggers Le Van Son and Ta Phong Tan capped a police campaign of harassment, short-term detention, and interrogations against both bloggers related to their writings. On August 2, the morning of Vu’s appeals court hearing, Le Van Son traveled to the area near the People’s Supreme Court to express his support for Vu, and he was closely followed by police. The next morning police arrested him. Ta Phong Tan was arrested on September 5, six days after she posted an analysis of the illegality and arbitrary nature of Le Van Son’s arrest on her blog, dated August 30. Ta Phong Tan was awarded the prestigious Hellman Hammett prize on September 14 for her writings in the face of ongoing persecution.

Pastoral leaders at both churches report they suffer from regular police surveillance and harassment. On July 10, the immigration police at the Ho Chi Minh City airport prevented Father Pham Trung Thanh, the leader of the Redemptorists in Vietnam, from leaving the country to attend a religious meeting in Singapore, stating that he belongs to “the category of those who have not been allowed to leave the country” (thuoc dien chua duoc xuat canh). The police did not provide any explanation of why he has been placed in this category. Two days later, immigration police at the Moc Bai border checkpoint in Tay Ninh prevented another Redemptorist leader, Father Dinh Huu Thoai, from leaving the country. On July 19, Dinh Huu Thoai filed a lawsuit against the officials at that checkpoint for violating his rights, but the People’s Court of Tay Ninh dismissed it on September 26, ruling that the matter is “not under the jurisdiction of the Court.”

“Freedom of movement is a basic human right, enshrined in Vietnam’s Constitution and protected by international human rights covenants ratified by Vietnam,” Robertson said. “By preventing Redemptorist leaders from traveling abroad to attend religious events, the government is showing just how little the rule of law means in Vietnam.”

The most recent arrest occurred on September 19, when Ho Chi Minh City police detained Tran Vu Anh Binh as he returned home from a funeral at the Mother’s Savior Church in the city.

In the recent report on freedom of religion in Vietnam, the US State Department asserted that “[t]here were continued reports of abuses of religious freedom in the country,” and added that “[t]here was no change in the status of respect for religious freedom by the government during the reporting period.”

“Washington needs to publicly acknowledge that Vietnam carries out severe repression against religious dissidents and to press the government to release everyone being held for peacefully expressing the dictates of their conscience rather than the party line,” Robertson said. “Vietnam’s government should acknowledge that freedom of religion does not mean freedom to only behave in ways pre-approved by the government.”
 
Can the pope recapture Europe?
Massimo Franco
08:24 30/09/2011
The Vatican is convinced that Europe must be re-evangelised, but can it overcome 'grassroots relativism'?

On 21 September 2010, Benedict XVI officially declared that the west needed a "new evangelisation" . This was news in itself. It was viewed as an admission of the weakness of the Catholic church, and not a temporary one; and the acknowledgement that today's Catholicism represents a minority in western countries, and a shrinking one. But in a more general perspective, this was a major "geo-religious" step for the pontiff.

The pope is convinced of the strategic relation between Christianity and Europe as its natural geographic and cultural ground for proselytism. And he wants this relation to be reasserted and improved. When, in June 2010, he announced his plans for a new ministry to revive religion, no details were given of its structure, content and goals. There was no secret: the Vatican knew it had to deal urgently with that problem, but hadn't yet figured out how to accomplish this mission. Benedict XVI just felt something very radical had to be done.

Now, a year after its establishment, the pontifical council for the promotion of the new evangelisation represents a significant benchmark to measure the Vatican's capability to regain some influence in what was once "its" Europe. Things are moving on in terms of the organisation and mobilisation of Catholicism in Europe. Under the guidance of a dynamic bishop, Rino Fisichella, former chancellor of the Vatican's Lateranense University in Rome, a network of meetings and initiatives has been planned. But the major challenge is to elaborate a map of western Catholicism, identify its difficulties and check the strategy put in place to succeed. In fact, what the Catholic church is facing is mainly a cultural difficulty, not a religious one.

It has to fight against the slippery enemy of what the Vatican perceives as "the supremacy of the fragments": a cultural approach which tends to isolate and disperse western societies, and by consequence also Catholics: a sort of "grassroots relativism". The first task Fisichella has given to himself and his ministry has been to recall that "do-it-yourself Catholicism" is not a solution to the crisis of the faith. On the contrary, it represents a major danger. It is viewed as the wrong answer to confronting modern times and to adapting to them. The Catholic recipe is to follow the pope's teachings and those of the bishops' conferences; and to reunite a Catholic "army" disoriented and eroded by secularism, painfully hit by sex abuse scandals and the competition both from evangelical Christianity and Islam.

But how? The controversy that greeted Benedict XVI on his visit to Germany is another danger sign. The visit was preceded by a book on the de-Christianization of Germany: Gesellschaft ohne Gott, (A Society Without God)by sociologist Andreas Puttman. "The religious implosion will have epochal dimensions in the long run", he writes.

Furthermore, the Vatican daily Osservatore Romano remarked on 20 September that there are currently more practising Muslims than Catholics in France. Geopolitics and religion don't seem to walk arm-in-arm in Europe. The Vatican's assumption that without Catholicism the west is destined to decline is not as widely shared as might appear.

A further source of misunderstanding is the disconnection between the Vatican and a number of European governments on the handling of sex abuse scandals. The building of a Catholic network and the "Mission Metropolis" project due to organise a unifying religious date in 12 large European cities in 2012, seems aimed at showing that the strength is still there: forces must just be recollected and reoriented. "Identity" is the key word. But which identity? Today's Europe seems the motherland not of a united Catholicism, but of Catholics belonging to different national tribes. This may be a great opportunity, or a persistent handicap.

(Source: http://www.guardian.co.uk/commentisfree/belief/2011/sep/27/pope-recapture-europe-catholic)
 
Bishop Nguyen Văn Thuan: Commit to courageous Christian leadership
+ Bishop James D. Conley
10:29 30/09/2011
Sep. 28, 2011 - On Aug. 15, 1975, Bishop Nguyen Van Thuan was arrested in Saigon. He spent the next 13 years in prison—nine of them in solitary confinement.

His crime? He was appointed coadjutor archbishop of Saigon.

The Communist government believed Bishop Van Thuan’s appointment was a conspiracy between the Vatican and western governments and they believed he was at the heart of this conspiracy.

During his years of confinement, Bishop Van Thuan ministered to thousands of Vietnamese inmates. He provided pastoral care to Catholics, and evangelized guards and non-Christian prisoners. He carved a cross to wear from scraps of wood fastened with electrical wire. He celebrated Mass with hidden hosts and drops of wine. He heard confessions, he preached, he witnessed to truth.

In the face of unjust imprisonment, Bishop Van Thuan found an opportunity to witness to the Gospel of Jesus Christ.

After his release, Bishop Van Thuan was praised for his heroic leadership. But he saw his life as that of an ordinary Christian leader responding to injustice.

“The greatest failure in leadership,” he said, “is for the leader to be afraid to speak and act as a leader.”

Today, more than ever, Christianity needs leaders committed to truth in the face of injustice.

Act TODAY!

To contact the Department of Health and Human Services, visit www.usccb.org/conscience.

Earlier this month, the U.S. Department of Health and Human Services (HHS) announced a rule that requires nearly all private health insurance plans to provide contraceptive and sterilization services to women. Catholic institutions and other religious groups who oppose contraception are not exempted.

This rule is unjust on two levels. First, it treats pregnancy and fertility as diseases instead of gifts. Second, it places a major focus on mandatory coverage for surgical sterilization and all contraceptives approved by the Food and Drug Administration, including the so-called “morning after pill,” which causes an abortion in the early weeks of pregnancy by preventing the implantation of the human embryo.

The rule even mandates “education and counseling” to promote these measures among women of reproductive capacity. By mandating contraceptive care be provided in health insurance, the Department of Health and Human Services sends a message that avoiding pregnancy is a right and expectation for all Americans.

This HHS rule forces virtually all employers to provide contraception coverage to employees. Catholics in the business world, who seek to uphold the dignity of their employees, will be mandated to provide drugs that impede fertility, and in some cases, cause abortion.

Because the religious exemption is so narrowly interpreted, the law does not allow most Catholic institutions to be exempted and it contains no real conscience protection for those who have moral objections to participating in or paying for such plans and procedures.

If the Catholic Church is forced to comply with this rule it will be forced to compromise the core principles of its Christian identity. This is a grave violation of religious liberty and is unacceptable. We can fight this injustice.

Until Sept. 30 the Department of Health and Human Services is conducting a “listening period” on its new rules. By contacting them you can give vital witness to the Gospel. It is imperative that Catholics witness to truth. Please join me in asking HHS to respect human dignity and religious freedom.

If this rule is implemented there could be persecution ahead for Catholic institutions. However, as St. Paul proclaimed, “to die in Christ is to live.” We Catholics can use this unjust law as an opportunity for evangelization.

It is not enough merely to express opposition to laws that violate our religious liberty. Rather, like Bishop Van Thuan, we must engage in Christian leadership in the face of injustice.

In opposing unjust laws we can positively articulate the truth we have been given. In the weeks and months to come, we can witness to the Catholic belief that sexual relations are a beautiful and integral part of marriage, and that contraceptives rob them of their true and full meaning.

Earlier this month, Regis University confirmed that it would not comply with a state law requiring it to provide contraceptive coverage in its student health plan. The university could now face a costly legal battle, limitations on its ministry and significant opposition from those who oppose the Church’s teaching on contraception.

Regis has seized an opportunity to lead—to express what we as Catholics believe and why. This is what a Catholic institution of higher learning should do. This opportunity is a great grace and I commend the university’s witness.

Seize the opportunity to oppose the unjust HHS rules. Imitate the courage of Bishop Van Thuan. Commit to Christian leadership. Let’s join together in witnessing to the truth of the Gospel and the dignity of the human person.

(Source: http://www.archden.org/index.cfm/ID/6892?CFID=31498784&CFTOKEN=15313840, Bishop James D. Conley is apostolic administrator of the Denver Archdiocese)
 
Chine: Mort suspecte d’un missionnaire sud-coréen œuvrant auprès des réfugiés nord-coréens
Eglises d'Asie
10:35 30/09/2011
Eglises d'Asie, 30 septembre 2011 - Le 21 août dernier, un missionnaire protestant sud-coréen œuvrant auprès des Nord-Coréens réfugiés dans les provinces chinoises frontalières avec la Corée du Nord est mort subitement, apparemment foudroyé par un violent poison. La nouvelle a été révélée par le JoongAng Ilbo, l’un des principaux quotidiens sud-coréens, ...

... et la version anglaise de celui-ci, dans son édition du 9 septembre, indique que l’implication d’agents secrets nord-coréens est fortement soupçonnée dans ce qui serait un assassinat ciblé (1).

La victime, identifiée uniquement sous le patronyme de « M. Kim », était âgée de 47 ans. Le 21 août, elle attendait un taxi devant un grand magasin de Dandong, ville située aux bords du fleuve Yalu, qui marque la frontière entre la Chine et la Corée du Nord, lorsqu’elle s’est effondrée, inconsciente. Immédiatement transporté à l’hôpital, « M. Kim » est mort peu après. Un peu plus tard, les autorités chinoises ont déclaré que la cause du décès était un suicide. Toutefois, selon une source proche de l’affaire que cite le journal sud-coréen, « l’hôpital a établi que la victime était décédée suite à un empoisonnement mais les autorités ont voulu présenter sa mort comme résultant d’un suicide ». La famille de la victime aurait par ailleurs informé la police chinoise que M. Kim ne souffrait d’aucune affection ou maladie et qu’étant profondément croyant, il n’avait aucune raison de mettre fin à ses jours.

Moins de 24 heures plus tard, un autre ressortissant sud-coréen, dont l’identité n’a pas non plus été révélée, a subi une tentative d’empoissonnement, heureusement non fatale. Agé de 59 ans, engagé lui aussi dans l’aide aux Nord-Coréens réfugiés en Chine, l’homme a été piqué à la taille à l’aide d’une aiguille alors qu’il sortait d’un établissement de bains publics de Yanji, ville située non loin de la frontière avec la Corée du Nord dans la province du Jilin. Après s’être effondré dans la rue, l’homme a été transporté à l’hôpital où il a pu être soigné. Selon le récit qu’il a fait de son agression aux autorités consulaires sud-coréennes, quelqu’un l’aurait approché par derrière alors qu’il se penchait pour ouvrir la portière de sa voiture et lui aurait planté une aiguille à hauteur de la taille. Les médecins ont confirmé que l’homme avait été victime d’une tentative d’empoisonnement.

Aucun élément matériel tangible ne permet d’incriminer d’éventuels agents nord-coréens déployés en territoire chinois, mais, selon le journal sud-coréen, les autorités sud-coréennes nourrissent de forts soupçons (2). « Cela peut très bien être une attaque délibérée afin de réduire au silence des missionnaires qui viennent en aide aux Nord-Coréens », explique « une source proche des enquêteurs sud-coréens ». Au ministère sud-coréen des Affaires étrangères, on reste très discret sur ces deux affaires, mais ordre a été donné au consulat sud-coréen de Shenyang, capitale du Liaoning, « de demander fermement aux autorités compétentes du gouvernement chinois d’assurer la sécurité des ressortissants sud-coréens dans les provinces frontalières (avec la Corée du Nord) et de prendre toutes les mesures nécessaires afin de prévenir tout nouvel incident de ce type ».

Dans le cas de la mort de « M. Kim », les médecins de l’hôpital auraient proposé à la famille de la victime de procéder à une deuxième autopsie, mais celle-ci aurait décliné l’offre, estimant que l’affaire était close, et a demandé le rapatriement rapide de la dépouille mortelle pour une incinération sans délai. Selon un membre du consulat sud-coréen de Shenyang, « la famille ne voulait pas faire de bruit autour de cette affaire par crainte de mettre d’autres personnes en danger ».

Du côté chinois de la frontière entre la Corée du Nord et la Chine, dans les deux provinces du Jilin et du Liaoning où une minorité d’origine coréenne est fortement implantée, la présence des réfugiés nord-coréens suscite d’intenses trafics. Une grande partie d’entre eux, surtout les femmes, y est exploitée. Pour leur venir en aide, des réseaux se sont mis en place où sont notamment actifs des Eglises chrétiennes sud-coréennes, principalement protestantes mais aussi catholique. Leur action vise soit à leur permettre de gagner un pays tiers avant une émigration définitive en Corée du Sud, soit à leur éviter de tomber dans des circuits où ils seront exploités, avant de repartir en Corée du Nord chargés de biens ou de devises qui font défaut en Corée du Nord. Pour une partie des Eglises protestantes engagées dans ces réseaux, il ne s’agit que de mettre en œuvre une aide humanitaire. Pour d’autres, il s’agit de contribuer à prêcher l’Evangile en Corée du Nord où aucune liberté religieuse n’existe, une entreprise qui n’est pas sans risque.

En novembre 2010, un Américain d’origine coréenne, Jun Young-su, âgé de 60 ans, a été arrêté en Corée du Nord et emprisonné pour avoir cherché à faire connaître la religion chrétienne dans ce pays. Il a été remis en liberté et expulsé vers son pays en mai dernier, « pour raisons humanitaires ». Le 24 décembre 2009, un autre Américano-Coréen, Robert Park, 28 ans, était arrêté en Corée du Nord après avoir traversé à pied le fleuve Tumen, gelé à cette époque de l’année, une bible à la main. Le jeune missionnaire évangélique était expulsé peu après (3). D’autres cas sont plus tragiques. En janvier 2000, le Rév. Kim Dong-shik, un pasteur sud-coréen, était kidnappé à Yanji et transféré en Corée du Nord. Aucune nouvelle de lui n’a depuis transpiré et tout porte à croire qu’il est mort (4). Pour ce qui concerne les Nord-Coréens eux-mêmes, les organismes de défense des droits de l’homme et de la liberté religieuse basés en Corée du Sud ou ailleurs dans le monde rapportent régulièrement des cas d’exécutions : en 2009, une chrétienne âgée de 33 ans, Ri Hyon-ok, était exécuté en place publique pour avoir distribué des bibles ; l’an dernier, trois responsables d’une communauté chrétienne clandestine ont été eux aussi passés par les armes.

Aucune statistique fiable n’existe sur l’ampleur des communautés chrétiennes en Corée du Nord.

(1) Korea JoongAng Daily, 9 septembre 2011.
(2) L’utilisation par les services secrets nord-coréens de techniques du type de celle des ‘parapluies bulgares’ n’est pas inédite. Le 16 septembre dernier, la police sud-coréenne a révélé qu’elle avait arrêté un réfugié nord-coréen installé en Corée du Sud depuis la fin des années 1990, alors qu’il était en possession d’un kit contenant une aiguille empoisonnée. Ce ‘réfugié’ a été arrêté quelques instants avant un rendez-vous qu’il avait fixé avec Park Sang-hak, un autre réfugié nord-coréen en Corée du Sud qui mène, lui, des actions largement médiatisées contre le régime nord-coréen. Park Sang-hak est notamment connu pour les lâchers de ballons qu’il a organisés au-dessus de la DMZ portant des tracts appelant les Nord-Coréens à se rebeller.
(3) Voir dépêche EDA du 16 février 2010 : http://eglasie.mepasie.org/divers-horizons/robert-park-missionnaire-evangelique-emprisonne
(4) Voir dépêche EDA du 16 décembre 2004 : http://eglasie.mepasie.org/divers-horizons/un-tribunal-sud-coreen-a-inculpe-un-sino-coreen


(Source: Eglises d'Asie, 30 septembre 2011)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ tạ ơn cung hiến nhà thờ giáo xứ Mỹ Sơn, giáo phận Lạng Sơn
Giuse Trần ngọc Huấn
07:09 30/09/2011
Bài giảng của Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân
trong Thánh lễ tạ ơn cung hiến nhà thờ giáo xứ Mỹ Sơn, giáo phận Lạng Sơn, ngày 29/09/2011

Kính thưa quý Cha Tổng Đại Diện, quý Cha
Quý Tu sĩ nam nữ, quý Đại Biểu
Quý Ông bà anh chị em thân mến.

Thật vui mừng khi chúng ta hiện diện đông đảo trong Thánh lễ Tạ Ơn và Cung hiến Thánh đường Giáo xứ Mỹ Sơn, Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng; ngày hôm nay cũng là ngày lễ Bổn mạng của Giáo xứ với Vị Tổng Lãnh Thiên Thần Micae.

Xem hình ảnh Thánh lễ tạ ơn cung hiến nhà thờ giáo xứ Mỹ Sơn

Bài Phúc âm mà chúng ta vừa nghe, kể lại hành trình đi tìm Chúa của Ông Giakêu, trưởng quan thuế thành Giêrikô, chính ông là người đã cố gắng đi tìm Chúa và đã gặp được Ngài, để được Ơn của Chúa mà thay đổi cuộc đời mình. Hành trình tìm Chúa của ông Giakêu, cho chúng ta thấy một Giáo xứ Mỹ Sơn đã, đang và luôn tìm kiếm niềm tin Kitô giáo và luôn phấn đấu để gặp gỡ được Chúa, và sống giá trị đức tin trong đời.

* Phấn đấu để đi tìm Chúa Giêsu

Cuộc đời của Giakêu luôn là sự phấn đấu; công đã phấn đấu để thành đạt trong đời, làm người đứng đầu quan thuế tại Giêrikhô. Nhưng xem ra chính lúc ông như có tất cả, thì bản thân ông lại thấy mình thiếu nhiều thứ; thiếu sự cảm thông của người khác, thiếu sự kính trọng của người khác, thiếu sự hiệp nhất với giá trị của niềm tin khi người Do Thái cho rằng ông là hạng tội lỗi. Chính lúc đó ông đã được nghe về Chúa Giêsu, và hôm nay ông nghe nói Ngài đang đi về hướng thành Giêrikhô nơi ông sinh sống và làm việc. Ông đã phấn đấu để đi tìm ngài, trước hết ông phấn đấu để vượt lên định kiến, vượt lên trước những cái nhìn coi thường của người khác, phấn đấu rời khỏi nơi làm việc như bảo đảm cuộc đời mình để đi tìm gặp Chúa Giêsu.

Với cộng đoàn Dân Chúa Giáo xứ Mỹ Sơn, cũng có một thời để nói, để suy tư, để nghiền ngẫm những hồng ân mà Thiên Chúa đã dẫn dắt mình. Với con số giáo dân đông nhất giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng, trải qua nhiều giai đoạn khó khăn vẫn giữ vững và trình bày giá trị đức tin và tình người. Nhờ Ơn Chúa, và sự phấn đấu liên lỉ để vượt lên chính mình mà đi tìm Chúa bằng chính cuộc sống thường nhật. Có thể nói, ngôi nhà thờ này chính là hình ảnh của Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng gần 100 năm qua. Chính nơi đây đã có tiểu chủng viện Têrêsa, khu Nhà Dòng Đaminh và Nhà Dòng Phaolô. Chính anh chị em giáo dân xứ Mỹ Sơn đã cùng hiện diện với ngôi nhà thờ này qua thời gian để nhìn vào Chúa, để lắng nghe Lời Ngài, để hy vọng vào tình thương của Chúa và phấn đấu để hiệp nhất, giữ vững đức tin và phát triển giáo xứ đông nhất giáo phận cho đến ngày nay.

* Phấn đấu để gặp được Chúa Giêsu

Khi thấy mình quá thấp bé, ông đã có sáng kiến trèo lên cây cao để nhìn được Chúa. Chính sự cố gắng phấn đấu của ông mà Ông đã nhìn thấy Chúa, nhưng điều hạnh phúc nhất cho ông là Chúa đã ngước nhìn ông. Giakêu đã phấn đấu để chỉ mong được nhìn thấy Chúa, để lắng nghe lời Ngài, nhưng Chúa Giêsu đã nhìn ông bằng đôi mắt thân thương, và bằng trái tim của Chúa. Ngài đã nói với ông, là ngay hôm nay Ngài sẽ tới thăm căn nhà của ông. Ông đã có sáng kiến để trèo lên cây mong được thấy Ngài, thì chính Ngài đã có sáng kiến đến với gia đình ông. Ông đã mời bạn bè của ông để cùng được lắng nghe Chúa, gặp gỡ Chúa dù những cái nhìn khó hiểu, ngỡ ngàng tức giận của những người Do Thái.

Từ ngôi nhà thờ được xây dựng từ gần một thế kỷ, đến đầu 2004 Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt, lúc đó là Giám mục Chính tòa Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng đã cho trùng tu và xây dựng thêm gian cung thánh với hai cánh thánh giá, biểu lộ niềm tin vững vàng vào Thiên Chúa và giáo hội của giáo dân giáo xứ Mỹ Sơn này. Công trình được hoàn thành vào đầu năm 2007, điều đặc biệt cho Giáo xứ Mỹ Sơn này là luôn có linh mục đồng hành coi sóc, dù giáo phận có lúc chỉ có một linh mục phục vụ. Chính đời sống của toàn thể Dân Chúa phấn đấu tìm Chúa, phấn đấu để gặp được Chúa Giêsu mà giáo xứ Mỹ Sơn trong hành trình lịch sử giáo phận đã ghi dấu ấn đức tin của đời sống đạo của Dân Chúa tại Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng. Chính những giai đoạn khó khăn nhất của giáo phận, các giáo xứ vẫn nhìn vào đời sống đạo của giáo xứ Mỹ Sơn, như một sự khích lệ của hành trình sống ơn gọi Kitô hữu, khích lệ cho việc giữ vững đức tin của mình và hy vọng vào tương lai phát triển của giáo phận như ngày nay.

* Phấn đấu để thay đổi cuộc đời nơi đời sống phục vụ

Trước khi gặp Chúa Giêsu, có lẽ không bao giờ Giakêu lại có thể nghĩ rằng mình sẽ có những quyết định mạnh mẽ để thay đổi cuộc đời như vậy. Ông chỉ mong cuộc đời ông ngoài tiền bạc, nghề nghiệp bảo đảm còn có sự liên đới của tình người, của niềm tin với người khác, và trên tất cả là niềm tin vào Thiên Chúa. Thế mà, giờ đây, sự phấn đấu của ông thật kỳ lạ, tất cả đều bắt đầu và qui về một người: Đức Giêsu Nazareth, chính Người đã biến đổi cuộc đời ông để ông dám tặng hiến, dám cho đi cả quyền lợi danh vọng, tiền bạc của mình, để từ nay cuộc đời ông là lời ca tụng, ngợi khen tình thương của Đấng đã nói: “Hôm nay, Ơn Cứu Độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu của tổ phụ Abraham”.

Ngày hôm nay, nhân ngày lễ Bổn mạng của Giáo xứ Mỹ sơn, hiệp cùng Giáo hội mừng kính lễ các Tổng Lãnh Thiên Thần Micaen, Gabrien và Raphaen. Để vui mừng dâng lễ Tạ Ơn và Cung hiến ngôi thánh đường với lịch sử của niềm tin này, chính mỗi người trong giáo xứ cùng cảm nhận mình đã được thay đổi trong Chúa Giêsu Kitô. Là giáo xứ đổng nhất của giáo phận, hơn 1000 nhân danh giáo dân, nhưng chính Thiên Chúa của lịch sử đã làm nên những điều kỳ lạ. Trải qua bao khó khăn, thử thách, các Đấng chủ chăn của Giáo phận đã cố gắng cùng với Cha xứ luôn hiện diện tại giáo xứ này, mà anh chị em giáo dân thấy cuộc đời tuy còn nhiều khó khăn nhưng chúng ta không thiếu lòng quảng đại, bởi vì chúng ta đã cảm nhận lòng quảng đại bao la của Thiên Chúa, sự quảng đại của Giáo hội và của chính chúng ta trong đời sống đạo. Nhưng cũng như Gia-kêu, khi gặp được Chúa cuộc đời ông đã thay đổi, từ nay ông dấn thân để đổi mới chính mình như lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Hôm nay, ơn Cứu độ đã đến cho nhà này…”, tức cho “giáo xứ này”; cụm từ Hôm nay luôn phải là cụm từ nhắc nhở chúng ta: Hôm nay, tôi phải làm gì cho Chúa, tôi phải làm gì cho Giáo hội, và cho anh chị em; và trước hết, chính tôi phải thay đổi. Mỗi người chúng ta phải noi gương ông Giakêu, thay đổi đời sống của mình cho phù hợp với Lời Chúa. Phải gìn giữ ngôi nhà thờ tâm hồn chúng ta, là biểu lộ giá trị Đức tin, giá trị của sự hiệp nhất yêu thương, giá trị của những lời cầu nguyện Tạ Ơn và niềm hy vọng cho cuộc đời.

Tên của Tổng Lãnh Thiên Thần Micaen có nghĩa “Ai bằng Thiên Chúa”, mỗi khi có việc cần đến sức mạnh diệu kỳ, thì đức Micaen được phái tới, để nhờ hành động và danh hiệu của người, chúng ta hiểu được rằng không ai làm nổi việc mà chỉ có Thiên Chúa mới làm được. Khi được lựa chọn làm Bổn mạng Giáo xứ Mỹ Sơn, Tổng lãnh Thiên Thần Micaen luôn đồng hành với lịch sử của giáo xứ và giáo phận Lạng Sơn. Có thể hôm nay có người bâng khuâng: đây đâu phải là Ngôi thánh đường mới được xây dựng; nhưng với Giáo xứ Mỹ Sơn và Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng: đây chính là Ngôi thánh đường của lịch sử, là lịch sử của Giáo phận Lạng Sơn và là lịch sử của giáo xứ Mỹ Sơn đã vượt qua bao thăng trầm và tàn phá của các cuộc chiến tranh; nhưng đức tin luôn tồn tại và nhà thờ vẫn sừng sững với thời gian và hôm nay được Cung Hiến cho Thiên Chúa để nói lên giá trị của niềm tin, tình yêu trong đời sống đạo của Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng.

Khi người ta nói về một người đã hơn 90 tuổi, thường gọi một cách kính cẩn cụm từ “Cụ”, với Nhà thờ Mỹ Sơn năm nay đã được 96 năm, người ta không gọi là “Cụ Nhà thờ Mỹ Sơn”, bởi mãi mãi Nhà thờ được dùng cụm từ “Hôm nay”, bởi Nhà thờ luôn đồng hành với Dân Chúa, mỗi ngày ghi dấu ấn của Tình Yêu Thiên Chúa, và ngày nào cũng là “Hôm nay Nhà này tràn ơn phúc”.

Mừng lễ Tạ Ơn-Cung hiến Thánh đường và lễ Bổn mạng hôm nay, giáo xứ Mỹ Sơn tiếp tục sứ mạng truyền giáo bằng đời sống đạo của mình như lời mời gọi của Đức Tổng Leopoldo Girelli, Đại Diện Tòa Thánh không thường trú tại Việtnam: “giáo xứ Mỹ Sơn tiếng ngoại quốc đọc như tiếng Mission: có nghĩa là được sai đi, là truyền giáo”...Ước mong mỗi người chúng ta hãy tái truyền giáo bằng Lời Chúa, bằng chứng tá Tin Mừng Tình Yêu cho chính mình, cho gia đình mình, cho Giáo xứ, cho Giáo phận, cho Giáo hội và cho thế giới hôm nay.

Xin Thiên Chúa của tình yêu thương luôn ban tràn đầy Phúc lành trên quý Cha, quý tu sĩ nam nữ, quý Đại Biểu, quý Ông bà anh chị em và cộng đoàn hiện diện. Xin Hồng ân của Chúa Giêsu Kitô luôn là dấu chỉ Hạnh Phúc, Sức khỏe, Niềm vui và An Bình. Amen.

+ Giuse Đặng Đức Ngân – Giám Mục Lạng Sơn
 
Thiếu Nhi Xứ Tử Nê Xưng Tội, Rước Lễ Lần Đầu
GX. Tử Nê
09:24 30/09/2011
THIẾU NHI XỨ TỬ NÊ XƯNG TỘI, RƯỚC LỄ LẦN ĐẦU

MỪNG LỄ BỔN MẠNG

Chiều ngày 30/09/2011, các em thiếu nhi Giáo Xứ Tử Nê long trọng cử hành Thánh Lễ mừng kính Thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giêsu, bổn mạng thiếu nhi Thánh Thể Họ Nhà xứ Tử Nê. Thật là vui! Hôm nay còn có 55 em xưng tội, rước lễ lần đầu.

Xem hình

“Thánh Tê-rê-xa hiến thân hy sinh, sống đơn sơ nhỏ bé khiêm cung. Đoàn con ca vang nguyện xin Thánh Nhân, Người cho mưa hoa trên trời xuống thế.” (Hát về Thánh Nữ Tê-rê-xa). Đúng 19h00’, Cha xứ Pha-xi-cô Nguyễn Văn Huân đã chủ tế Thánh Lễ cầu nguyện cho các em thiếu nhi Thánh Thể. Đặc biệt, cầu nguyện cho các em được rước Chúa lần đầu.

Ngỏ lời với cộng đoàn đặc biệt là các em thiếu nhi, Cha xứ Pha-xi-cô mời gọi trở nên giống Thánh Tê-rê-xa bằng con đường thơ ấu thiêng liêng, bằng cầu nguyện, tham dự thánh lễ, rước Chúa Giêsu Thánh Thể, hy sinh, làm tông đồ qua những công việc thường ngày nhưng làm vì Chúa sẽ giúp mọi người nên thánh. Thánh Lễ diễn ra trong không khí nghiêm trang. Hơn nữa, những bài hát cộng đồng hay và ý nghĩa để Thánh Lễ sốt sắng và ghi nhiều dấu ấn cho các em xưng tội, rước lễ lần đầu.

Kết thúc Thánh Lễ, các em được nhân quà của Cha xứ, Ban Hành Giáo nhân ngày Lễ trọng đại này. Sau đó, đại diện các em thiếu nhi bày tỏ những lời cám ơn chân thành đến Cha xứ Pha-xi-cô, Ban Hành Giáo, Quý phụ huynh cùng anh chị Giáo lý viên đã hy sinh, vất vả để các em được lớn lên trong đức tin và đức mến.

Được biết, để chuẩn bị ngày này cho các em, Cha xứ Pha-xi-cô, Ban Hành Giáo và Giáo lý viên tổ chức các lớp giáo lý chuẩn bị hành trang đức tin cho các em. Trong đó, các em được tập nghi thức xưng tội, rước lễ. Cuối cùng, chiều ngày 29/09/2011, các em được lãnh nhận bí tích Hoà Giải đầu tiên trong đời. Sau đó, Quý phụ huynh tổ chức buổi sinh hoạt cho các em qua các bài hát, trò chơi và tiệc mừng.

Nguyện xin Thánh Tê-rê-xa luôn đồng hành cùng các em, giúp các em thăng tiến trên con đường theo Chúa Giê-su Ki-tô, để các em sống xứng đáng là người Ki-tô hữu. Amen.

Tử Nê
 
Đồng hương Bác Trạch mừng lễ quan thầy Giêronimô tại giáo xứ Tân Phú
Bác Trạch
14:09 30/09/2011
Sài Gòn 30/9/2011, những cơn mưa cuối mùa tan đi, nhừơng chỗ cho những tia nắng đầu của buổi sớm mai Sài Gòn. Từng giọt nắng hoà vào nhau, tiếp thêm niềm vui, dẫn đường cho những người con tha phương Bác Trạch tìm về nơi sum họp, nơi con dân Bác Trạch hiệp dâng lời cảm tạ Thiên Chúa nhân ngày lễ bổn mạng Thánh quan thầy Giêronimô tại thánh đường giáo xứ Tân Phú.

Xem hình ảnh

9h30 trước sân nhà thờ, những cái bắt tay, những cái ôm, những tiếng cười trao nhau. Xa quê, xa nhau thế đấy, để rồi mỗi lần sum họp nơi đất khách lại là những lần trải lòng, những nỗi lòng mà chỉ những người xa nhà mới hiểu.

Đúng 10h, Thánh Lễ đồng tế được long trọng cử hành với sự chủ tế của Cha quý hương Hier. Nguyễn Linh Thao cùng hiệp dâng với Ngài là các Quý Cha của Gp Phú Cường và tgp Sài gòn. Lời bài ca nhập lễ như lời mời gọi mọi người, bỏ lại sau lưng những lo toan, vất vả, những ganh đua đố kị đời thường, hướng lòng lên Chúa trong giờ phút này. Bài giảng hôm nay, Cha nhắc lại tiểu sử thánh Gieronimo, tấm gương sáng của Hội Thánh, Người mất đến 20 năm để dịch xong cuốn Thánh Kinh với niềm tin yêu Giêsu vững bền. Cũng qua tấm gương Thánh quan thầy, Cha nhắc nhở những người trẻ xa nhà, dễ rơi vào cạm bậy cuộc đời, hãy lấy Thánh quan thầy làm gương để canh tân đời sống. Cuối lễ Cha Hier. Nguyễn Linh Thao giới thiệu về ngôi nhà chung đồng hương Bác Trạch miền Nam với cái tên đặc biệt An Hạ. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng tin rằng với lòng nhiệt thành hảo tâm của anh chị em đồng hương, ngôi nhà chung sẽ thật sự trở thành nơi sum họp của những người con Bác Trạch xa quê.

Sau giờ lễ, mọi người cùng quây quần bên bàn tiệc, tiếp tục những câu chuyện thăm hỏi thắm đượm tình quê hương. Anh chị em ca đoàn sau những ngày tập luyện vất vả cũng đã mang lại cho cộng đoàn những tiết mục văn nghệ đặc sắc khó quên...

Là một người con của giáo xứ, qua bài viết này xin được gửi lời cảm ơn đến quý Cha, quý Tu Sĩ nam nữ , ban điều hành hội đồng hương Bác Trạch tại Sài Gòn và toàn thể cộng đoàn dân Chúa, đã đến tham dự đông đủ và chưa bao giờ tình người , tình đồng hương lại được thể hiện một cách sâu đậm qua ánh mắt , qua nụ cười trong bầu không khi tràn ngập yêu thương

Thánh lễ kết thúc, rồi đây, mỗi người một hướng, anh chị em ra đi thực hiện Lời Chúa hôm nay, ra đi để gieo muối cho đời. Nguyện Cha trên trời và Thánh quan thầy luôn đồng hành cùng tất cả mọi người!. Hẹn gặp lại!
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Việt Nam: Cần phóng thích các nhà hoạt động tôn giáo ngay lập tức
Human Rights Watch
08:29 30/09/2011
Các hành động đàn áp đe dọa tự do tôn giáo
September 29, 2011


Những vụ bắt bớ mới nhất nói trên thể hiện mối ác cảm của chính quyền Việt Nam đối với những người muốn tự do thực hành tín ngưỡng của mình bên ngoài sự kiểm soát của chính quyền. Hành động của chính quyền đối với những người vận động tự do tôn giáo một cách ôn hòa nói trên là một chỉ dấu khá rõ về tình trạng vi phạm nhân quyền đang gia tăng ở Việt Nam.

The 15 Vietnamese religious activists who
were arrested in July, August and September, 2011
Supporters gather for a vigil at Ky Dong Church
to pray for the 15 religious advocates,
and other prominent activists
(New York) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tuyên bố chính quyền Việt Nam cần chấm dứt ngay lập tức việc đàn áp các nhà hoạt động tôn giáo và phóng thích 15 người bị bắt vì đã bày tỏ niềm tin của mình. Các vụ bắt bớ, chủ yếu nhằm vào các tín đồ Công giáo Dòng Chúa Cứu thế, là một vết đen nữa trong bảng thành tích vốn đã nhiều vấn đề của Việt Nam về tự do tôn giáo.

Đợt bắt bớ này khởi đầu từ ngày 30 tháng Bảy năm 2011, khi công an bắt 3 nhà hoạt động Công giáo tại sân bay Tân Sơn Nhất thành phố Hồ Chí Minh ngay khi họ vừa từ nước ngoài trở về. Trong bảy tuần tiếp theo, chính quyền tiếp tục bắt thêm 12 nhà hoạt động tôn giáo nữa. Đến thời điểm này, 10 người đã bị khởi tố theo điều 79 bộ luật hình sự, tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền, với mức án quy định là từ 5 đến 15 năm tù đối với người “đồng phạm” và 12 năm đến chung thân hoặc tử hình đối với những người được coi là “tổ chức,” hoặc có hành vi “gây hậu quả nghiêm trọng.”

“Những vụ bắt bớ mới nhất nói trên thể hiện mối ác cảm của chính quyền Việt Nam đối với những người muốn tự do thực hành tín ngưỡng của mình bên ngoài sự kiểm soát của chính quyền,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu. “Hành động của chính quyền đối với những người vận động tự do tôn giáo một cách ôn hòa nói trên là một chỉ dấu khá rõ về tình trạng vi phạm nhân quyền đang gia tăng ở Việt Nam.”

Nhiều người bị bắt trong hai tháng qua có quan hệ với Nhà thờ Thái Hà ở Hà Nội và Nhà thờ Kỳ Đồng ở Thành phố Hồ Chí Minh, đều thuộc dòng Chúa Cứu thế. Trong sáu tháng vừa qua, cả hai nhà thờ thường xuyên tổ chức các buổi thắp nến cầu nguyện cho sự bình an của các nhà hoạt động đang ở trong tù hoặc trại tạm giam, trong đó có nhà hoạt động pháp lý Ts. Cù Huy Hà Vũ, nhà vận động Hòa Hảo Nguyễn Văn Lía, blogger Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), blogger Phan Thanh Hải (Anhbasg) và blogger Phạm Minh Hoàng. Ngày 25 tháng Chín, nhà thờ Kỳ Đồng tổ chức một buổi thắp nến nữa để cầu nguyện cho 15 nhà hoạt động tôn giáo mới bị bắt trong hai tháng gần đây, cùng với các nhà hoạt động nổi tiếng khác. Dòng Chúa Cứu thế, trước đây được biết với tên dòng Chúa Cứu chuộc, là một dòng truyền giáo Công giáo được thành lập ở Italy vào năm 1732, hiện có mặt tại hơn 77 quốc gia trên thế giới.

Vụ bắt giữ hai blogger Công giáo có ảnh hưởng, Lê Văn Sơn và Tạ Phong Tần, là điểm kết của chiến dịch sách nhiễu, câu lưu và thẩm vấn của công an đối với cả hai người về việc viết blog. Buổi sáng ngày mồng 2 tháng Tám, ngày xử phúc thẩm Ts. Vũ, Lê Văn Sơn đến khu vực gần Tòa án Nhân dân Tối cao để bày tỏ sự ủng hộ đối với Ts. Vũ, và bị công an theo sát. Sáng ngày hôm sau ông bị công an bắt. Tạ Phong Tần thì bị bắt ngày mồng 5 tháng Chín, sáu ngày sau khi bà đăng bài phân tích tính chất tùy tiện và trái luật của việc bắt giữ Lê Văn Sơn trên blog của mình vào ngày 30 tháng Tám. Tạ Phong Tần đã được trao giải thưởng uy tín Hellman Hammett vào ngày 14 tháng Chín vì đã dũng cảm viết dù liên tục bị đàn áp.

Lãnh đạo mục vụ của cả hai nhà thờ cho biết họ bị công an giám sát và sách nhiễu thường xuyên. Ngày mồng 10 tháng Bảy, công an xuất nhập cảnh thành phố Hồ Chí Minh ngăn cấm Linh mục Phạm Trung Thành, lãnh đạo Dòng Chúa Cứu thế Việt Nam, xuất cảnh để dự một hội nghị tôn giáo ở Singapore, tuyên bố lý do rằng ông “thuộc diện chưa được xuất cảnh.” Công an không đưa ra được bất cứ lời giải thích nào về việc tại sao ông lại bị xếp vào diện đó. Hai ngày sau đó, công an xuất nhập cảnh ở cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh lại ngăn cấm một vị lãnh đạo khác của Dòng Chúa Cứu thế, Linh mục Đinh Hữu Thoại, xuất cảnh. Ngày 19 tháng Bảy, ông Đinh Hữu Thoại nộp đơn kiện trạm kiểm soát cửa khẩu đã vi phạm quyền tự do của mình, nhưng Tòa án Nhân dân tỉnh Tây Ninh bác đơn kiện đó vào ngày 26 tháng Chín, tuyên bố rằng vấn đề này “không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.”

“Tự do đi lại là quyền cơ bản của con người, được tôn vinh trong Hiến pháp Việt Nam và được bảo hộ bằng các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã tham gia ký kết,” ông Roberson nói. “Qua việc ngăn chặn các lãnh đạo Dòng Chúa Cứu thế ra nước ngoài tham dự các sự kiện tôn giáo, chính quyền Việt Nam đã cho thấy, ở Việt Nam, pháp quyền bị coi rẻ đến mức nào.”

Vụ bắt bớ gần đây nhất diễn ra vào ngày 19 tháng Chín, khi công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt giam Trần Vũ Anh Bình khi ông vừa về nhà sau khi dự một đám tang ở Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu giúp trong thành phố. Tới giờ chính quyền vẫn chưa thông báo lý do bắt ông.

Trong bản báo cáo mới đây về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam, Bộ Ngoại giao Hoa kỳ khẳng định, “Tiếp tục có các báo cáo về tình trạng vi phạm tự do tôn giáo ở nước này,” và bổ sung rằng “Không có sự thay đổi về mức độ tôn trọng tự do tôn giáo từ phía chính phủ trong phạm vi thời gian đánh giá của bản báo cáo này.”

“Washington cần nhận định công khai rằng Việt Nam thẳng tay đàn áp những người bất đồng chính kiến về tôn giáo, và gây áp lực yêu cầu chính quyền Việt Nam phóng thích tất cả những người bị giam giữ vì đã ôn hòa bày tỏ tiếng gọi của lương tâm mình chứ không phải đường lối của đảng,” ông Robertson nói. “Chính quyền Việt Nam cần ghi nhận rằng tự do tôn giáo không có nghĩa là chỉ được tự do hành xử theo cách đã được chính quyền cho phép trước.”

 
Văn Hóa
Thơ kinh nguyện cầu
Đinh Văn Tiến Hùng
05:26 30/09/2011
‘Chúa ơi! Con có gì đâu,
Thơ Kinh tha thiết nguyện cầu dâng lên dâng lên!’

*Tôi không phải là thi nhân Công giáo,
Mà chỉ là người Công giáo làm thơ (*),
Cả đời tôi không biết đến bao giờ,
Mới trở thành một nhà thơ tên tuổi?

*Nhưng điều đó tôi nào đâu tiếc nuối,
Vì cuộc đời đã là một bài thơ.
Sống trọn vẹn với năm tháng ngày giờ,
Đó chính là bài thơ muôn vần điệu.

Thân thể tôi: một tác phẩm kỳ diệu,
Nhịp tim luôn cuộn dòng máu nhịp nhàng,
Dâng sức sống như biển cả mênh mang,
Đem Tình Yêu dệt bài thơ Hằng Sống.

Trí óc tôi: một kỳ công sống động,
Nhanh hơn nhiều muôn làn sóng viễn thông,
Nguồn tư tưởng chất chứa thật mênh mông,
Triệu lời thơ cũng từ đây phát xuất.

Đã khi nào ta tìm ra sự thật,
Bởi do ai mà ta sống bấy lâu,
Buông tay xuống rồi sẽ trở về đâu?
Ôi! Đời sống là bài thơ huyền nhiệm.

Buôi sớm mai khi vầng đông xuất hiện,
Gieo nguồn sống trên khắp mặt địa cầu,
Chim ca hát, hoa khoe sắc muôn màu,
Đẹp hơn cả ngàn bài thơ dệt mộng.

Có khi nào tâm hồn ta rung động,
Trước tang thương khổ lụy của bao người,
Có khi nào ta đem một nụ cười,
Trao nhân thế những lời thơ cứu khổ?

Cuộc sống này đâu có gì bền đỗ,
Bám quanh địa cầu hơi thở mong manh,
Lòng đất sục sôi muốn nổ tan tành,
Biển dâng trào, bão cuốn trôi tất cả!

Đừng kiêu căng khoe công trình vĩ đại,
Đừng tự hào với sáng chế kỳ công,
Trong phút giây sẽ biến vào hư không,
Rồi sẽ bị chìm sâu vào quên lãng!

Vườn E-đen xưa Thiên đàng sáng lạn,
Vạn vật, đất trời mở rộng nguồn thơ,
Nhưng Nguyên Tổ bất kính Chúa tôn thờ,
Nên tội lỗi đã tràn đầy vũ trụ.

Lòng con đây giờ không còn do dự,
Đất trời thơ với muôn vật ngàn hoa,
Đêm huyền diệu nhìn tinh tú ngợi ca,
Ôi! Thượng Đế Đại Thi Nhân Sáng Tạo!

Tôi không phải là thi nhân Công giáo,
Mà chỉ là người Công giáo làm thơ,
Cuộc đời tôi cho đến tận bây giờ,
Chỉ Dâng thơ thay cho Kinh Cầu Nguyện.

(*) Mượn ý tiểu thuyết gia Pháp Francois Mauriac:
“Tôi không phải là tiểu thuyết gia Công giáo,
Mà chỉ là người Công giáo viết tiểu thuyết”
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Nghiêng Nón
Diệp Hải Dung
21:33 30/09/2011
NGHIÊNG NÓN
Ảnh của Diệp Hải Dung, (Australia, Hình chụp tại Auburn - Sydney)
Chỉ là chiếc nón bài thơ
Che nghiêng đón nắng mà ngơ ngẩn lòng
Nụ cười hoa nở trắng trong
Xinh xinh hàm tiếu dáng hồng hồng non...
(Trích thơ của Trần Thùy Trang)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền