Ngày 03-09-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:40 03/09/2018
101. KHÔNG BIẾT HÀN TÍN
Thái uý họ Đảng đi dạo trên phố, nhìn thấy có người bày ra nói chuyện bình sách bèn hỏi:
- “Ông nói cho tôi nghe về chuyện của ai ?”
Người bình sách nói:
- “Nói về Hàn Tín được không ?”
Thái uý nổi giận nói:
- “Ông nói với tôi về Hàn Tín, và khi ông nói với Hàn Tín thì nhất định là sẽ nói về tôi, ông là một người đòn sóc hai đầu.”
Thái uý không cho người bình sách giải thích bèn kêu thủ hạ đánh cho ông ta một trận.
(Ngũ tạp tổ)

Suy tư 101:
Chúng ta bàn về người “đòn sóc hai đầu”.
Cái đòn sóc thì nhọn hai đầu để đâm vào hai bó lúa mà gánh về nhà, nó cũng là vũ khí để tự vệ khi bị tấn công, rất tiện lợi cho nhà nông ở Việt Nam, tóm lại là nó rất lợi hại.
Nhưng người “đòn sóc hai đầu” thì tệ hại vô cùng, nó nói đâm người này nói thọt người kia làm cho họ chia rẽ nhau, oán hờn nhau, hận thù chồng chất lên nhau.
Người “đòn sóc hai đầu” là người có một tâm hồn không thật thà, người luôn tìm ra “sáng kiến” để mọi người xâu xé nhau chơi, là người nguy hiểm cho cộng đoàn và là những cánh tay nối dài của ma quỷ trong việc hại linh hồn người ta.
Người Ki-tô hữu không phải là người “đòn sóc hai đầu”, nhưng là người biết dùng sự khiêm tốn và phục vụ như là hai cái khiên thuẩn để chống trả với “đòn sóc hai đầu” của ma quỷ và những chước cám dỗ của nó, cho nên ở đâu có xích mích bất hoà do người “đòn sóc hai đầu” gây ra, thì ở đó có sự khiêm tốn và phục vụ của người Ki-tô hữu để giải toả những căng thẳng hiềm nghi và ghen ghét do bè lũ của ma quỷ gây ra.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta biết sử dụng tốt các ơn lành mà Ngài đã ban cho...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)

----------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 22 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:42 03/09/2018
Chúa Nhật 22 THƯỜNG NIÊN

Tin Mừng : Mc 7, 1-8a. 14-15.21-23
“Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm.”


Bạn thân mến,
Không biết bài Tin Mừng hôm nay có làm cho tâm hồn bạn cảm thấy như thế nào, chứ riêng tôi mỗi khi nghe đoạn Tin Mừng này thì rất có cảm hứng, cảm hứng bởi vì ý nghĩa nội dung của nó như cái kim chích tâm hồn của con người, ngay cả tôi nữa, mỗi khi rửa tay thì cũng đều nhớ đến đoạn Tin Mừng này, xin chia sẻ với bạn.
1. Rửa tay là một thói quen vệ sinh.
Rửa tay trước khi ăn không phải là lề luật của Thiên Chúa hoặc là của ông Môi-sê, nhưng chỉ là một thói quen của phép vệ sinh, và có lẽ chúng ta đôi lúc cũng quên mất rửa tay trước khi ăn, vì thời buổi hiện đại đã có khăn lau tay rất sạch và thơm.
Rửa tay cho thật sạch, nói năng cho thật văn hoa, bộ điệu cho thật thu hút người khác, nhưng tâm hồn thì tràn đầy những thói hư tật xấu không chịu sửa đổi, thì cũng chỉ là những cái mả tô vôi trắng toát đến phát sợ mà thôi. Có những người khuyên bảo người khác phải ăn ở hiền lành để được Chúa thương, nhưng chính họ thì lại sống không có một chút tình yêu của Phúc Âm, họ như các kinh sư và biệt phái ngày ngày thích đứng giữa ngã ba đường để cho người ta thấy mà chào họ: “Rabbi” !
Rửa tay thì cần thiết cho thân xác khỏi nhiễm bệnh, rửa tâm hồn thì cần thiết cho linh hồn được kiện khang, cả hai đều rửa, nhưng một bên là thói quen của người đời, và một bên thì đúng là lề luật của Thiên Chúa, mà người chú trọng đến hình thức bên ngoài thì đương nhiên rất ít chú trọng đến tâm hồn, đó chính là lệch lạc của người mang danh là Ki-tô hữu nhưng lại thích phô trương, khoe khoang, kiêu ngạo.
2. Thói giả hình là bình phong che đậy tội ác.
Đạo đức giả và thói giả hình thì nhan nhãn khắp nơi trong xã hội mà chúng ta đang sống, ngay cả trong giáo xứ của bạn và của tôi. Đạo đức giả là bức bình phong mà ma quỷ dùng để mê hoặc người mà đức tin không bén rễ trong tâm hồn, những người này rất dễ nhìn thấy, họ cũng đi dâng thánh lễ, cũng tham gia các công việc bác ái từ thiện, nhưng họ tham gia không phải là vì họ yêu thương tha nhân, nhưng là để quảng cáo cho sản phẩm của ma quỷ, đó là ghen ghét, là âm mưu gây chia rẽ trong cộng đoàn.
Thói giả hình cũng là con đẻ của ma quỷ, nó có biệt tài che đậy khuyết điểm của mình, và moi móc khuyết điểm của người khác thì rất giỏi, đó chính là người mà Đức Chúa Giê-su đã nói là thờ Thiên Chúa bằng môi bằng miệng, nhưng lòng trí thì lại xa cách Người.
Bạn thân mến,
Rửa tay hoặc không rửa tay trước khi ăn không phải là tội, nhưng đem chuyện của người khác mà đi la to khắp cùng ngõ hẽm cho người khác nghe biết thì đúng là tội; không rửa tay trước khi ăn thì không có tội, nhưng cố ý rửa tay để che giấu một hành vi tội lỗi của mình thì đúng là có tội thật, bởi vì rửa tay và phạm tội thì không giống nhau, ông quan tổng trấn Phi-la-tô đã rửa tay và tuyên bố mình vô tội trong vụ án của Đức Chúa Giê-su, nhưng lại cho quân dữ đánh đòn và đóng đinh Ngài vào thập giá.
Thánh Phao-lô tông đồ đã mời gọi bạn và tôi hãy rửa tâm hồn trước khi ăn và uống Mình và Máu thánh của Đức Chúa Giê-su, tức là ngài muốn chúng ta phải chuẩn bị tâm hồn cho thật sạch bằng nước mắt sám hối, hòa giải, chứ không phải bằng việc rửa tay hoặc bằng khăn thơm trên bàn ăn...
Rửa tay chỉ là một thói quen tốt của phép vệ sinh, nhưng rửa tâm hồn chính là một thói quen tốt của người Ki-tô hữu nên làm, để không những rước Đức Chúa Giê-su vào lòng, mà còn tránh được những ô nhiễm của thế gian tội lỗi nữa.
Xin Chúa chúc lành cho chúng ta.
-----------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:44 03/09/2018

49. Toàn Hy Sinh là đánh ngã tôi, đó là cách giải thích tuyệt vời nhất, là đánh con người sa đọa của tôi…

(Cha Vincent Lebbe)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

----------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐGH Phanxicô: Hãy tỉnh thức với giả hình, lây nhiễm thế tục.
Giuse Thẩm Nguyễn
09:56 03/09/2018


(Vatican News) Trong buổi đọc kinh Truyền Tin vào hôm Chúa Nhật ngày 2 tháng Chín, ĐGH khuyên người tín hữu hãy nhìn vào ý nghĩa đích thực của tôn giáo, nghĩa là trung thành với Lời Chúa và hãy tỉnh thức chống lại sự ô nhiễm của thói giả hình, hư ảo và tham lam.

Trước khi lần chuỗi Mân Côi, ĐGH Phanxicô đã chia sẻ bài Tin Mừng của Thánh Mac-cô kể về việc Chúa Giêsu đề cập đến sự phản đối của các Luật sĩ và Biệt phái, lên án các môn đệ của ngài khi họ không tuân theo giới luật truyền thống. ĐGH giải thích rằng, Thiên Chúa biết là ngài đang bị thử thách, nhưng ngài muốn kéo những người này ra khỏi sai phạm mà họ đã rơi vào, đó là “lật ngược thánh ý của Thiên Chúa bằng cách bỏ qua các giới răn của Thiên Chúa để nắm giữ tập tục của loài người.”

Bác ái và thức tỉnh.

ĐGH nói rằng sứ điệp Tin Mừng ngày Chúa Nhật được củng cố qua lời của Thánh Gia-cô-bê Tông Đồ. Thánh nhân chỉ cho chúng ta biết thế nào là tôn giáo đích thực, “là viếng thăm trẻ mồ côi và góa bụa, những người đang chịu đau khổ và không bị ô nhiễm bởi thế gian này”. ĐGH nhấn mạnh rằng “Thăm viếng trẻ mồ côi và góa bụa có nghĩa là thực hành bác ái đối với người khác, bắt đầu từ những người nghèo nhất, yếu đuối nhất, bị loại ra ngoài nhất. Họ là những người mà Thiên Chúa dành cho sự chăm sóc đặc biệt, và mời gọi chúng ta cũng làm như vậy.”

Ngài cũng giải thích rằng cụm từ “đừng để mình bị ô nhiễm bởi thế gian này” không có nghĩa là chúng ta tự cô lập mình và đóng kín trước thực tại… nhưng có nghĩa là cần tỉnh thức trong cách nghĩ và hành động của chúng ta để không bị ô nhiễm… bởi hư ảo, tham lam và tự hào.”

Đức Giáo Hoàng mời gọi người tín hữu hãy đón lấy Lời Chúa với “trí khôn và tấm lòng rộng mở”, và rằng hãy thanh lọc trái tim của chúng ta, hành động của chúng ta và mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa và với những người khác và thoát khỏi thói giả hình.

Giữ vững niềm tin vào Tin Mừng

Cuối buổi đọc kinh, ĐGH Phanxicô đã nhắc đến lễ phong Chân Phước cho chị Anna Kolesárová vào hôm Thứ Bẩy. Ngài nói rằng “Chị đã bị giết vì những kẻ muốn xâm phạm phẩm giá và sự trinh khiết của chị.” Cô gái can đảm này giúp những người tín hữu trung kiên với Tin Mừng, ngay cả khi đòi hỏi phải đi ngược dòng và trả giá bằng cuộc sống của mình.

.
Source: Vatican News Pope Angelus: vigilance against hypocrisy, worldly contamination
 
Thánh lễ tại Santa Marta 3/9/2018: “sự thật thì khiêm nhường, sự thật thì im lặng”
Đặng Tự Do
17:52 03/09/2018
Hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tái tục việc cử hành Thánh Lễ hàng ngày tại nhà nguyện Santa Marta. Bình luận về bài Tin Mừng trong ngày, ngài nói rằng “sự thật thì khiêm nhường, sự thật thì im lặng”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tập trung bài giảng ngày thứ Hai tại nhà nguyện Santa Marta vào bài Tin Mừng trong ngày trích từ Phúc Âm theo Thánh Luca (4: 16-30) khi Chúa Giêsu trở về Nazareth và phải đương đầu với những chống đối trong hội đường Do Thái sau khi Ngài bình luận về một đoạn sách của Tiên tri Isaiah. Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến sự im lặng bình thản của Chúa Giêsu không chỉ trong trường hợp này mà còn trong cuộc thương khó.

Không có tiên tri nào được chấp nhận….

Đức Thánh Cha nói rằng khi Chúa Giêsu đến hội đường, Người đã khơi dậy sự tò mò. Mọi người đều muốn nhìn thấy người mà họ đã nghe rằng đang làm nhiều phép lạ ở những nơi khác. Thay vì thỏa mãn sự tò mò của họ, Đức Thánh Cha nói, Con của Chúa Cha chỉ sử dụng đến “Lời của Thiên Chúa”. Đây là thái độ Chúa Giêsu đã áp dụng khi đối đầu với ma quỷ. Đức Thánh Cha nói tiếp rằng sự khiêm nhường của Chúa Giêsu mở cửa cho những lời đầu tiên của Người với ý muốn kiến tạo một nhịp cầu; nhưng những lời ấy lại gieo nghi ngờ ngay lập tức và đã thay đổi không khí “từ hòa bình đến chiến tranh”, từ “kinh ngạc để giận dữ”.

Sự im lặng của Chúa Giêsu

Chúa Giêsu đáp lại với sự im lặng trước những người “muốn ném Ngài ra khỏi thành”, Đức Thánh Cha nói.

Họ không suy nghĩ, nhưng họ la hét. Chúa Giêsu vẫn im lặng… Đoạn Tin Mừng kết thúc bằng những lời này: “Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi”.

Phẩm giá của Chúa Giêsu

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng phẩm giá của Chúa Giêsu tỏa sáng qua “sự im lặng đã chiến thắng” những kẻ tấn công Ngài. Điều tương tự sẽ xảy ra lần nữa vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh, Đức Thánh Cha nói.

Những người đã gào lên “đóng đinh nó đi” trước đó đã từng ca ngợi Chúa Giêsu vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá mà rằng: “Chúc tụng Con Vua David”. Họ đã thay đổi.

Phẩm giá của chúng ta

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng sự thật thì khiêm tốn và im lặng và không ồn ào, trong khi ngài thừa nhận rằng những gì Chúa Giêsu đã làm không dễ dàng đâu. Dù thế, “phẩm giá của Kitô hữu được neo trong quyền năng của Thiên Chúa”. Ngay cả trong một gia đình, ngài nói, có những lúc sự chia rẽ xảy ra vì “các cuộc thảo luận về chính trị, thể thao, tiền bạc”. Ngài đề nghị một sự im lặng và cầu nguyện trong những trường hợp này:

Với những người thiếu thiện chí, với những người chỉ tìm kiếm những vụ tai tiếng, những người tìm kiếm chia rẽ, những người tìm kiếm sự hủy diệt, ngay cả trong gia đình: hãy im lặng, và cầu nguyện.

Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc bài giảng của ngài với lời nguyện sau:

Cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng để biết phân định khi nào chúng ta nên nói và khi nào chúng ta nên giữ im lặng. Điều này áp dụng cho mọi lúc trong cuộc sống: khi làm việc, khi ở nhà, trong xã hội…. Như thế, chúng ta sẽ là người bắt chước Chúa Giêsu nhiều hơn.


Source: Vatican News - Pope at Mass: ‘the truth is humble, the truth is silent’
 
Bài giảng của Đức Giáo Hoàng tại Santa Marta hôm thứ Hai 3 tháng 9 có thể khiến cho tình trạng trầm trọng hơn.
Anthony Nguyễn
19:35 03/09/2018
Bài giảng của Đức Giáo Hoàng tại Santa Marta hôm thứ Hai 3 tháng 9 như được tường trình trên VietCatholic là bài giảng thu gọn, bỏ đi những đoạn có thể gây ra những phản ứng tiêu cực. Bài giảng đầy đủ của ngài như được trình bày trên tờ Quan Sát Viên Rôma và có thể đọc tại đây trên Web site của Tòa Thánh: “La verità sta in silenzio” – “Sự thật thì yên lặng”, được nhiều người cho rằng có thể khiến cho tình trạng trầm trọng hơn.

Dưới đây là bản dịch tiếng Việt.

Im lặng và cầu nguyện “đối với những người thiếu thiện chí, đối với những người chỉ tìm kiếm những vụ tai tiếng, những người tìm kiếm chia rẽ, những người tìm kiếm sự hủy diệt, ngay cả trong gia đình”. Đây là lời đề nghị của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Thánh Lễ được tổ chức vào sáng thứ Hai, ngày 3 tháng Chín, tại Santa Marta - lần đầu tiên sau kỳ nghỉ hè – khi ngài bình luận về đoạn Phúc Âm khi Chúa Giêsu bị trục xuất khỏi hội đường Na-da-rét. Đức Giáo Hoàng mời gọi chúng ta cầu xin Chúa ban cho “ân sủng để biết phân định khi nào chúng ta nên nói và khi nào chúng ta nên giữ im lặng. Điều này áp dụng cho mọi lúc trong cuộc sống: khi làm việc, khi ở nhà, trong xã hội…. Như thế, chúng ta sẽ là người bắt chước Chúa Giêsu nhiều hơn.”

Đề cập đến đoạn Phúc Âm theo thánh Luca (4, 16-30), Đức Giáo Hoàng Phanxicô chỉ ra rằng “Đoạn Phúc âm này làm cho chúng ta suy ngẫm về cách chúng ta hành động trong cuộc sống hàng ngày, khi có những hiểu lầm và tranh cãi”. Nhưng “nó cũng làm cho chúng ta hiểu cách thế cha của những lời dối trá, của kẻ tố cáo, và ma quỷ hành động như thế nào để hủy diệt sự hiệp nhất của một gia đình, của một dân tộc”.

Nhắc lại nội dung của đoạn Tin Mừng được nêu trong Phụng Vụ ngày hôm nay, Đức Giáo Hoàng đã chỉ ra rằng “Chúa Giêsu đã đến Na-da-rét, nơi Người đã lớn lên”. Đức Giáo Hoàng nói thêm: “Người đã xuất thân từ đó trước khi bắt đầu rao giảng”, và có những tiếng nói nổi lên “Nhìn này, đây là con người xuất thân ở đây đang làm phép lạ!” Và tại Na-da-rét mọi người đang chờ đợi để nhìn thấy Ngài và khi Ngài đến mọi người đều chăm chú nhìn Ngài. Tất cả chúng ta đều biết điều gì đã xảy ra trong một ngôi làng khi Ngài quay trở lại, đó là một người đã đi học xa và nay trở lại với bằng cấp, hoặc là anh ta đi xa và may mắn trở về với tiền bạc, giàu có, và dân làng hào hứng: “Đó là một người trong số chúng ta”. Chúng ta đều biết điều này. Và ngày đó ở Na-da-rét “điều này đã xảy ra”.

Đức Giáo Hoàng nói tiếp: Vì thế “người ta đón tiếp Ngài nồng nhiệt, và khi Ngài đến hội đường, họ lắng nghe”. Nhưng “Chúa Giêsu không nói về chính mình một cách trực tiếp: Ngài dùng lời của Thiên Chúa. Bất cứ khi nào Chúa Giêsu muốn nói điều gì đó quan trọng, Ngài luôn dùng lời của Thiên Chúa, như khi muốn thắng ma quỷ - hãy nhớ đến những cám dỗ trong sa mạc – Chúa đã dùng đến lời Thiên Chúa”.

Đức Giáo Hoàng nói tiếp Phúc âm nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu “đọc đoạn này từ tiên tri I-sai-a, nói về thời điểm khi Đấng Cứu Thế được công bố”. Sau đó, Ngài “cuộn lại cuộn giấy, đưa nó cho người giúp việc trong hội đường và ngồi xuống”, như chúng ta đọc thấy trong bài Tin Mừng. Và tất cả “hội đường Do Thái đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người”, Đức Giáo Hoàng giải thích. Vì vậy, như Thánh Luca viết, “Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người”. Đức Giáo Hoàng nói thêm: “Và có lẽ, như vẫn thường xảy ra, có người sẽ nói: ‘Nhìn xem, đây là một trong số chúng ta, nhưng đẹp đẽ đến mức nào. Thiên Chúa sẽ nói với chúng ta!’”.

Luca cũng viết trong bài Tin Mừng của mình: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” Thật ra, Chúa Giêsu không đưa ra một bài giảng nào khác: luôn luôn là lời của Thiên Chúa - Đức Giáo Hoàng nói - Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.”

Nhưng “vào thời điểm này” - Đức Giáo Hoàng chỉ ra – “một lời nói đầu tiên đã bắc cầu từ niềm vui đến một điều khác, từ hòa bình đến chiến tranh”: “Nhưng đây không phải là Con của ông Giuse sao?” Và Chúa Giêsu “đã đón lấy thách đố này và trả lời”: Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình đi! Về bản chất, mọi người đòi hỏi nơi Chúa Giêsu: Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào. Rồi chúng tôi sẽ tin.

Nhưng Chúa Giêsu giải thích cho họ: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình. Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en; thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn. Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi.”

Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành. Như thế, “họ đã thay đổi: hạt giống gieo bởi ma quỷ đã bắt đầu phát triển. Họ đứng dậy, đuổi Ngài đi, họ không phải là người, họ là một đàn chó hoang đang đuổi Ngài ra khỏi thành phố. Họ không nói lý lẽ”.

Tuy nhiên, đối mặt với thái độ này “Chúa Giêsu im lặng. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực.” Và Đức Giáo Hoàng nói thêm, “đoạn Tin Mừng này kết thúc như thế này: “Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.”

Phẩm giá của Chúa Giêsu: với sự im lặng của mình, Ngài chiến thắng sự cuồng dại và biến mất. Bởi vì giờ của Ngài chưa đến.” Và, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói, “chuyện tương tự sẽ xảy ra vào thứ Sáu Tuần Thánh: Những người đã gào lên “đóng đinh nó đi” trước đó đã từng ca ngợi Chúa Giêsu vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá mà rằng: “Chúc tụng Con Vua David”. Họ đã thay đổi. Như thế, ma quỷ đã gieo sự dối trá trong lòng họ, và Chúa Giêsu im lặng.

Điều này dạy chúng ta rằng khi người ta chọn cách hành động này, là không muốn thấy sự thật, hãy im lặng. Ngài giải thích: “Sự im lặng sẽ chiến thắng, nhưng phải qua thập giá. Đó là sự im lặng của Chúa Giêsu. Bao nhiêu lần trong gia đình các cuộc tranh luận về chính trị, thể thao, tiền bạc cuối cùng đã dẫn đến hủy diệt. Trong các cuộc tranh luận như thế chúng ta thấy ma quỷ hiện diện ở đó để hủy diệt. Hãy yên lặng, Đức Giáo Hoàng đề nghị. Vì sự thật thì khiêm tốn, im lặng, và không ồn ào. Những gì Chúa Giêsu đã làm không dễ dàng đâu nhưng ở đó có phẩm giá của Kitô hữu là người bỏ neo trong quyền năng của Thiên Chúa.

Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng: “Với những người thiếu thiện chí, với những người chỉ tìm kiếm những vụ tai tiếng, những người tìm kiếm chia rẽ, những người tìm kiếm sự hủy diệt, ngay cả trong gia đình: hãy im lặng, và cầu nguyện. Sau cùng Chúa sẽ thắng trong cả hai trường hợp, Chúa Giêsu đã thoát khỏi ý muốn xô Ngài xuống vực và Ngài đã vinh quang phục sinh sau khi đã trải qua thánh giá”

Để kết luận, Đức Giáo Hoàng Phanxicô “Cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng để biết phân định khi nào chúng ta nên nói và khi nào chúng ta nên giữ im lặng. Điều này áp dụng cho mọi lúc trong cuộc sống: khi làm việc, khi ở nhà, trong xã hội…. Như thế, chúng ta sẽ là người bắt chước Chúa Giêsu nhiều hơn.”
 
Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng năm 2018: Giới Trẻ, Đức Tin và Biện Phân Ơn Gọi, Phần III Chương II, tiếp theo
Vũ Văn An
20:11 03/09/2018


Bên trong kết cấu văn hóa tuổi trẻ

Đào tạo một nền công dân và chính trị tích cực

156. Một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC đề cập đến sự nhạy cảm của giới trẻ đối với các vấn đề đạo đức xã hội (tự do, công lý, hòa bình, sinh thái, kinh tế, chính trị), và việc này cần được đồng hành, hỗ trợ và khuyến khích. Điều răn yêu thương có một giá trị xã hội cố hữu, trong đó có việc ưu tiên chọn người nghèo và cam kết xây dựng một xã hội ít tham nhũng và công bằng hơn. Sự tham gia xã hội và chính trị là một ơn gọi thực sự, ít nhất đối với một số người, mà sự trưởng thành cũng cần được đồng hành theo quan điểm thiêng liêng. Dù sao, sự biện phân ơn gọi không thể chỉ tập chú vào việc tìm vị trí riêng của mình trong thế giới, mà không xem xét một cách sáng tạo phần đóng góp chuyên biệt vào ích chung mà tất cả chúng ta đều được mời gọi hiến tặng.

157. Qua sự tham gia xã hội của họ, nhiều người trẻ tự hỏi về, và (tái) khám phá ra một sự quan tâm đối với đức tin Kitô giáo. Hơn nữa, sự dấn thân của họ cho công lý và cho người nghèo là một dịp để gặp gỡ và đối thoại với những người không phải tín hữu và những người tuyên xưng các tín ngưỡng khác. Nhiều HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC đang du nhập, hoặc đang đi tìm các cách thức mới để đào tạo người trẻ trong việc họ dấn thân về dân sự, xã hội và chính trị, cách riêng bằng cách kích thích họ tham gia, nhận trách nhiệm và dấn thân đối thoại với các người đồng trang đồng lứa với họ. Tầm quan trọng của một số yếu tố khá nổi bật: nâng cao kỹ năng chuyên nghiệp của người trẻ và các chương trình học thuật, cung cấp cho họ các cơ hội trở thành người chủ đạo; cung cấp cho họ các kinh nghiệm phục vụ và tiếp xúc thực tế với những người bé nhỏ nhất trong các anh chị em của chúng ta và với môi trường xã hội khác với môi trường của họ, trong đó có các kinh nghiệm ở các quốc gia khác và kinh nghiệm chăm sóc môi trường và thiên nhiên; cung cấp các yếu tố để giải thích và đánh giá bối cảnh, bắt đầu từ việc hiểu biết tốt hơn về giáo huấn xã hội của Giáo hội – mà giá trị của nó cũng đã được nhấn mạnh bởi cuộc Gặp Mặt Tiền Thượng Hội Đồng (xem GMTHĐ 3) - và sinh thái toàn diện; tạo điều kiện cho việc thăng tiến một linh đạo công lý, làm nổi bật sự trợ giúp của Thánh Thánh trong việc giải thích các động lực xã hội; hỗ trợ các đường hướng thay đổi lối sống, biết tập chú vào tầm quan trọng của các hành động thường nhật, mà không quên các chiều kích cơ cấu và định chế.

158. Người trẻ cũng thường rất nhạy cảm đối với cuộc chiến đấu chống tham nhũng và vấn đề kỳ thị. Cách riêng, cuộc Gặp Mặt Tiền Thượng Hội Đồng mạnh mẽ phát biểu rằng «Giáo hội có thể đóng một vai trò sinh tử trong việc bảo đảm rằng những người trẻ tuổi này không bị đẩy ra bên lề nhưng cảm thấy được chấp nhận» (GMTHĐ 5), cho thấy việc cổ vũ phẩm giá phụ nữ là phạm vi đầu tiên để dấn thân. Các xã hội đa văn hóa, tức các xã hội có đặc điểm di dân và sự hiện diện của các nhóm thiểu số sắc tộc, văn hóa hay tôn giáo, ngày càng yêu cầu phải đưa ra các biện pháp giúp chống lại sự thiên vị và vượt qua các hình thức kỳ thị chủng tộc hoặc đẳng cấp khác nhau.

159. Một lần nữa, liên quan đến việc dấn thân xã hội và dân sự, cuộc Gặp Mặt Tiền Thượng Hội Đồng cũng nhấn mạnh một số tình huống chúng ta nên tập chú vào. Tình huống đầu tiên liên quan đến những người trẻ đang phục vụ trong lực lượng vũ trang hoặc thi hành pháp luật, những người phải được giúp đỡ để sở hữu một số giá trị nào đó và tích nhập chiều kích phục vụ dân vốn tiềm ẩn trong vai trò của họ, nhất là trong các hoàn cảnh đặc thù (các phái bộ hòa bình, các thiên tai, vv). Thứ hai, tình huống những người trẻ đang tham gia vào các kinh nghiệm phục vụ toàn thời gian, mang nhiều tên khác nhau khắp trên thế giới (nghĩa vụ dân sự, năm nghỉ chuẩn bị vào đại học [gap year], năm tình nguyện làm công tác xã hội, vv); như cuộc Gặp Mặt Tiền Thượng Hội Đồng đã nhấn mạnh, đây thường là thời điểm thuận lợi để biện phân tương lai (xem GMTHĐ 15). Chúng ta phải tránh nguy cơ coi những người trẻ tuổi dấn thân vào các kinh nghiệm này như lao động rẻ tiền, những người nên làm một công việc mà không ai khác có thể làm, hay muốn làm.

Học cách sống trong thế giới kỹ thuật số

160. Một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC, cũng như cuộc Gặp Mặt Tiền Thượng Hội Đồng, thừa nhận sự cần thiết phải mạnh mẽ giải quyết vấn đề đồng hành với người trẻ trong việc sử dụng kỹ thuật kỹ thuật số một cách tỉnh táo. Cuộc Gặp Mặt Tiền Thượng Hội Đồng đã đề nghị cách này: «Đầu tiên, nhờ dấn thân đối thoại với người trẻ, Giáo hội nên thâm hậu hóa cái hiểu của mình về kỹ thuật để giúp chúng tôi trong khi biện phân việc sử dụng nó. Hơn nữa, Giáo Hội nên xem kỹ thuật - đặc biệt là internet - như một nơi màu mỡ để Tân Phúc Âm Hóa. […] Thứ hai, Giáo hội nên giải quyết cuộc khủng hoảng văn hóa khiêu dâm khá rộng rãi hiện nay, trong đó có việc lạm dụng trẻ em trên liên mạng, cũng như việc bắt nạt trên trực tuyến và các thiệt hại do chúng tạo ra cho nhân tính của chúng tôi”(GMTHĐ 4).

161. Nhiều HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC nhìn nhận tiềm năng của Internet như một phương thế để tiếp xúc mục vụ và hướng dẫn ơn gọi, đặc biệt ở những nơi mà vì nhiều lý do khác nhau, Giáo Hội gặp khó khăn trong việc tiếp cận những người trẻ qua các phương tiện khác. Về phương diện này, kỹ năng của những người sinh ra và lớn lên thời kỹ thuật số (digital natives) cũng phải được nâng cao trong Giáo hội. Khái niệm qua đó các phương tiện truyền thông xã hội và vũ trụ kỹ thuật số không phải chỉ là các công cụ được sử dụng trong việc săn sóc mục vụ, cũng không phải chúng đại biểu cho một thực tại ảo trái với thực tại thực, mà thực sự là một nơi sống động có nền văn hóa riêng cần được phúc âm hóa, chưa được chấp nhận hoàn toàn. Chỉ cần nghĩ tới các trò chơi điện tử, vốn là một thách thức lớn đối với xã hội và Giáo hội ở một số quốc gia, vì chúng cổ vũ một viễn kiến đáng tra vấn về con người và thế giới nơi giới trẻ, khuyến khích một phong thái liên hệ có tính bạo lực.

Âm nhạc giữa nội tại tính và sự khẳng nhận căn tính

162. Trong tất cả các ngôn ngữ nghệ thuật, âm nhạc đặc biệt gắn liền với chiều kích lắng nghe và nội tâm tính. Tác động của nó đối với thế giới cảm xúc có thể tạo cơ hội cho sự đào tạo biện phân. Hơn nữa, việc lựa chọn thể loại và các nhạc sĩ là một trong các yếu tố xác định căn tính của người trẻ, đặc biệt là căn tính xã hội của họ. Một không gian được mở ra cho việc sản xuất âm nhạc, một không gian có thể giúp phát triển linh đạo. Chúng ta cũng cần trân trọng việc ca hát và âm nhạc trong các sinh hoạt và hành trình đức tin của cộng đồng chúng ta. Một số người trẻ bị thu hút bởi phẩm chất âm nhạc của các truyền thống Kitô giáo khác nhau (như bình ca Grêgôriêng và kiểu hát của các đan viện Chính thống, hay các ca đoàn phúc âm). Dù vậy, đôi khi, các sản phẩm mô phỏng các ngôn ngữ âm nhạc đương thời có tính thương mại không có lợi cho việc chiêm niệm (recollection) và lắng nghe bên trong. Một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC cho rằng các đề xuất của các giáo phái và tôn giáo khác dường như đang hấp dẫn hơn đối với giới trẻ, kể cả giới trẻ Công Giáo, vì ngôn ngữ của họ đơn giản và trực tiếp hơn, nhờ «âm nhạc sống động và có phẩm chất cao».

163. Cần chú ý đặc biệt đến các biến cố âm nhạc lớn: các cơ hội tái khám phá giá trị lễ hội và xã hội hóa thực sự của âm nhạc cần được cổ vũ, bắt đầu từ các sản phẩm được chính những người trẻ coi là có phẩm chất cao. Ngày Giới Trẻ Thế Giới và các biến cố quốc gia hoặc khu vực lớn có thể cung cấp một cách nhìn khác đối với các cuộc tụ tập như vậy, trong việc tích hợp âm nhạc trong một chương trình gặp gỡ trong giáo hội của giới trẻ.

Thể thao và thi đua

164. Xem xét việc các môn thể thao có ảnh hưởng xiết bao như thế nào, một vài HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC đề nghị cần phải nâng cao chúng cho các mục đích chăm sóc giáo dục và mục vụ. Sự chăm sóc và kỷ luật đối với cơ thể chúng ta, các động lực nhóm vốn làm nổi bật sự hợp tác, giá trị của việc chơi đẹp (fairplay) và việc tôn trọng các quy tắc, tầm quan trọng của tinh thần hy sinh, hào phóng, ý thức thuộc về, niềm đam mê, óc sáng tạo, làm cho thể thao trở thành một cơ hội giáo dục đầy hứa hẹn trên con đường thống nhất hóa bản thân. Thành công và thất bại kích hoạt các động lực xúc cảm; các động lực này có thể trở thành cơ sở huấn luyện việc biện phân. Để việc này xảy ra, người trẻ phải được cung cấp các kinh nghiệm thi đua lành mạnh, một kinh nghiệm vượt quá mong muốn thành công bằng mọi giá, và giúp biến các nỗ lực huấn luyện thành một cơ hội cho sự phát triển nội tâm. Do đó, chúng ta cần câu lạc bộ thể thao nào - đặc biệt là các câu lạc bộ có liên kết với Giáo hội – nhắm mục đích trở thành cộng đồng giáo dục thực sự, chứ không chỉ là những cơ sở cung cấp dịch vụ. Đây là lý do tại sao cần phải cổ vũ việc ý thức được vai trò giáo dục của các huấn luyện viên, nhân viên kỹ thuật và quản lý viên, bằng cách lưu ý tới việc đào tạo họ suốt đời. Vượt quá lãnh vực chỉ có tính đua tranh, cần phải nghĩ tới các cấu hình mới của các địa điểm giáo dục để có thể góp phần vào việc tăng cường sự nhìn nhận lẫn nhau, kết cấu xã hội và dây nối kết cộng đồng của chúng ta, nhất là trong các bối cảnh liên văn hóa.

Tình bạn và việc đồng hành cùng trang lứa

165. Điều quan trọng là nhìn nhận các nhóm cùng trang lứa như các phương thế giải thoát khỏi các bối cảnh gia đình, để củng cố căn tính và phát triển của các kỹ năng liên hệ. Các cơ hội để tăng trưởng trong tình bạn là điều quan trọng nhất, trong thời gian nhàn tản và đi nghỉ chung với nhau, và cả trong các dịp người trẻ trở thành người dìu dắt (mentor) cho người cùng trang lứa hay các em nhỏ, để họ khám phá ra vẻ đẹp của trách nhiệm và sự thỏa mãn phát sinh từ việc phục vụ. Các mối dây của việc sống chung với nhau (communality), chia sẻ ý tưởng, thoải mái trong việc đồng nhất hóa và thông đạt với người khác, đều là các lý do căn bản cho sự thành công của sáng kiến giáo dục đồng trang lứa và “cộng đồng học tập” mà chúng đã tạo ra. Cách riêng, chúng hữu ích khi liên hệ đến các vấn đề mà từ ngữ của người lớn nghe có vẻ xa cách hơn và ít đáng tin cậy hơn (tính dục, phòng chống nghiện ngập, vv) và do đó, ít hữu hiệu hơn trong việc mang lại các thay đổi về tác phong.

Sự gần gũi và hỗ trợ trong các tình huống buồn phiền và bị đẩy qua bên lề

Khuyết tật và bệnh tật

166. Trong cuộc sống của nhiều người trẻ, sự đau đớn ảnh hưởng đến cơ thể và linh hồn họ một cách không thể đoán trước và không thể hiểu được. Đôi khi các căn bệnh và suy yếu về tâm thần, giác quan và thể lý có thể dập tắt hết hy vọng của họ và biến cảm giới và tính dục của họ thành nỗi đau khổ. Như một người trẻ khuyết tật nói trong phần đóng góp Tiền Thượng Hội Đồng của mình, «bạn không bao giờ được chuẩn bị đủ để sống với một khuyết tật: nó nhắc bạn đặt ra nhiều câu hỏi về đời sống của chính bạn, và tự hỏi về tính hữu hạn của bạn». Những người trẻ trải nào trải nghiệm các tình huống này cũng được kêu gọi khám phá ra cách giải thích lời kêu gọi bước vào niềm vui và sứ mệnh - «làm thế nào bạn có thể là người mang niềm vui của Tin Mừng khi đau khổ là chuyện hàng ngày?» - và khám phá ra các sức mạnh bên trong của họ: «Tôi có thể được quyền khóc, nhưng chiến đấu và yêu thương là các bổn phận của tôi». Những người trẻ này đang dựa vào sự giúp đỡ của người đồng trang lứa của họ, nhưng đến lượt họ, họ cũng dạy bạn bè của họ biết đối phó với các giới hạn của họ, giúp họ lớn lên trong nhân tính của họ. Các phong trào và cộng đồng nào biết cách tích hợp các người trẻ bị ảnh hưởng bởi bệnh tật hoặc khuyết tật đều hữu ích một cách đặc biệt, qua việc hỗ trợ gia đình họ và nâng cao sự đóng góp họ có thể hiến cho các người trẻ khác và cho mọi người. Tính sáng tạo mà cộng đồng, khi được sinh động bởi niềm vui Tin Mừng, có thể thay thế cho sự buồn phiền, thì vô tận. Ví dụ, trong một số bối cảnh, nhất là ở châu Phi, các cách sáng tạo để tích hợp các bệnh nhân HIV / AIDS trẻ vào việc chăm sóc mục vụ giới trẻ hiện đang rất phồn thịnh.

Nghiện ngập và các yếu đuối khác

167. Việc sử dụng ma túy, rượu chè và các chất thay đổi ý thức khác, giống như những nghiện ngập cũ và mới, nô lệ hóa người trẻ và đe dọa tính mạng của họ. Một ít người trong số họ, bị rơi vào những tình huống buồn phiền này, có thể gặp được cơ hội tốt để bắt đầu lại, cũng nhờ sự giúp đỡ họ có thể nhận được từ các định chế như các nhà nhận nuôi (foster homes), hoặc các cộng đồng giáo dục và phục hồi. Họ cần được đồng hành để nhận ra các sai lầm của họ và biện phân đâu là các bước khác nhau họ cần phải làm, ngoài việc được trợ giúp để đối phó với việc tái hòa nhập vào một bối cảnh xã hội thường có xu hướng bêu xấu và cô lập họ. Việc làm của một số định chế giáo hội trong trận tuyến này là điều đáng được lưu ý và xứng đáng được hỗ trợ bởi mọi cộng đồng Kitô hữu, họ phải vượt thắng cơn cám dỗ tự rút lui vào chính mình. Việc đào tạo các chuyên gia và tình nguyện viên làm việc trong các cơ sở này là điều cực kỳ quan trọng, từ cả quan điểm tâm linh. Tuy nhiên, việc làm này không thể miễn chước chúng ta khỏi cổ vũ nền văn hóa ngăn ngừa và khỏi đưa ra một lập trường với tư cách Giáo hội trong cuộc chiến đấu chống các lái buôn ma túy và bất cứ ai lợi dụng các cơ chế nghiện ngập.

Với các tù nhân trẻ

168. Việc phục hồi các tù nhân trẻ đòi có sự tham gia của họ vào các dự án được bản vị hóa bằng cách kích thích, qua hành động giáo dục, việc đọc lại các kinh nghiệm quá khứ, thừa nhận các sai lầm quá khứ, hòa giải các chấn thương họ vốn gánh chịu trong quá khứ và thu lượm các kỹ năng xã hội và việc làm để họ có thể tái hòa nhập. Các chiều kích tâm linh và tôn giáo có thể đóng một vai trò rất quan trọng và Giáo Hội rất biết ơn tất cả những ai làm việc nhằm làm cho Giáo Hội hiện diện trong các bối cảnh này (tuyên uý nhà tù, tình nguyện viên, vv), và cung cấp việc đồng hành với các tù nhân. Họ cũng yêu cầu Thượng hội đồng tìm cách bao gồm và đem hy vọng tới các tù nhân trẻ. Cuối cùng, chúng ta không nên quên tầm quan trọng của việc đào tạo nhân bản và chuyên nghiệp, cả đồng hành nữa, cho những người làm việc trong hệ thống nhà tù (các người canh gác nhà tù, các nhà tâm lý học, các nhà giáo dục, vv), tức những người phải đối phó với những tình huống cực kỳ phức tạp và đôi khi khó xử lý.

Trong các tình huống chiến tranh và bạo lực

169. Có rất nhiều người trẻ trên thế giới đang sống trong những tình huống chiến tranh hoặc xung đột vũ trang với các cường độ khác nhau. Một số bị buộc hoặc phỉnh gạt tham gia các nhóm bán quân sự hoặc băng đảng vũ trang, trong khi một số phụ nữ trẻ bị cưỡng hiếp và lạm dụng. Những người sống sót thường chịu các hậu quả tâm lý và xã hội đa dạng. Nói chung, lớn lên trong các bối cảnh bạo lực lớn lao là một trở ngại cho sự trưởng thành bản thân, và điều này đòi phải có việc đồng hành và cố gắng giáo dục cụ thể chuyên biệt, nhất là xây dựng lại các kỹ năng liên hệ và vượt thắng chấn thương quá khứ. Những yếu tố này cũng phải được tính đến trong các nẻo đường biện phân ơn gọi, vì lời kêu gọi bước vào niềm vui cũng được ngỏ với những người trẻ tuổi này. Những con đường hòa giải ở bình diện quốc gia hoặc địa phương cũng không kém phần quan trọng, vì chúng cung cấp một bối cảnh trong đó cuộc sống của những người trẻ từng chịu bạo lực, thậm chí bạo lực phũ phàng, có thể phục hồi và cung cấp năng lực quí giá để thắng vượt chia rẽ, hiềm thù và trả thù.

Các di dân trẻ và nền văn hóa hiếu khách

170. Sự gia tăng liên tục con số di dân và người tỵ nạn, và đặc biệt tình huống các nạn nhân của việc buôn bán và bóc lột người, đòi hỏi phẩm giá và khả năng hành động của họ phải được dành cho một số hình thức bảo vệ pháp lý nào đó và, đồng thời, các nẻo đường hội nhập phải được cổ vũ ở các nước chủ nhà. Đây là lý do tại sao các sáng kiến của nhiều cơ quan giáo hội, và sự tham dự của toàn bộ cộng đồng Kitô hữu là điều hết sức quan trọng. Việc đồng hành với các di dân trẻ thế hệ thứ nhất và thứ hai để họ tìm được đường hướng tới niềm vui và khả thể đóng góp vào việc phát triển xã hội là một thách đố đặc thù về phương diện đồng hành để biện phân ơn gọi, vì nó phải tính đến chiều kích liên văn hóa (interculturality). Cuộc sống của các cặp vợ chồng hỗn hợp về phương diện văn hóa và tôn giáo phải được đồng hành một cách tế nhị và chú ý lớn lao, cũng như các cựu di dân cảm thấy được ơn gọi làm linh mục hoặc đời sống tu trì. Trong các bối cảnh có sự hiện diện của các nền văn hóa khác nhau trong cộng đồng Kitô hữu, mọi việc chăm sóc mục vụ, kể cả việc chăm sóc mục vụ người trẻ, đều được kêu gọi nhằm tránh các hình thức cô lập và cổ vũ các dịp gặp gỡ thật sự.

Đối diện với sự chết

171. Thật không may, cái chết của người trẻ không phải là một trải nghiệm bất thường, và điều này cũng đúng đối với những người trẻ phạm tội giết người. Trong lĩnh vực này, chức phận làm mẹ của Giáo hội và khả năng lắng nghe và đồng hành của Giáo Hội là điều có tính quyết định. Đôi khi, sự chết là kết quả cuối cùng của sự thất bại nơi một thế giới, một xã hội và một nền văn hóa lừa dối, bóc lột và, cuối cùng, vứt bỏ người trẻ; trong những trường hợp khác, đó là cuộc gặp gỡ đau thương với các giới hạn của đời người qua trải nghiệm bệnh tật và mầu nhiệm đau đớn; ngoài ra còn có kinh nghiệm ngỡ ngàng của các vụ tự tử của người trẻ, tạo ra những vết thương khó chữa lành nơi nhiều người; trong các tình huống khác, cái chết của người trẻ vì đức tin của họ, những cái chết đúng là tử vì đạo, đã trở thành chứng từ tiên tri và hữu hiệu của sự thánh thiện. Dù sao, sự chết, và đặc biệt sự chết của giới trẻ, là một nguồn của nhiều câu hỏi tối hậu cho tất cả chúng ta. Nếu, đối với Giáo Hội, kinh nghiệm này luôn là một cơ hội mới mẻ để đề cập đến cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, thì một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC tự hỏi làm thế nào cái chết của những người trẻ thực sự có thể trở thành lý do để công bố và mời gọi mọi người hồi tâm.

Đồng hành và Công Bố

172. Những người hiện đang làm việc trong nhiều lĩnh vực xã hội, giáo dục và mục vụ nơi đồng hành diễn ra, đã làm chứng cho việc hình ảnh của Đấng Tạo Hóa hiện diện một cách không thể xóa nhoà ra sao nơi mọi người trẻ, và Chúa Thánh Thần nói với từng người trong họ thế nào, ngay cả khi họ không có khả năng hoặc sẵn lòng nhìn nhận Người. Giáo hội được kêu gọi góp phần vào việc làm của Thiên Chúa, bằng cách giới thiệu nhiều con đường giúp người trẻ nhìn đời sống như một hồng phúc và chiến đấu chống lại nền văn hóa vứt bỏ và nền văn hóa chết chóc. Sự cam kết này là một phần cấu tạo ra sứ mệnh công bố của Giáo Hội: «Tin Mừng nói về vương quốc của Thiên Chúa (xem Lc 4:43); nó nói về vị Thiên Chúa yêu thương, Đấng đang ngự trị trong thế giới của chúng ta. Bao lâu Người còn thống trị trong chúng ta, đời sống xã hội vẫn sẽ là một khung cảnh cho tình huynh đệ, cho công bằng, hòa bình và phẩm giá phổ quát» (EG 180). Vì lý do này, Giáo Hội không thể chấp nhận mình chỉ là một cơ quan phi chính phủ (NGO) hay một cơ quan từ thiện: các chi thể của Giáo Hội phải công khai tuyên xưng danh Chúa Giêsu (xem EN 22), làm cho việc làm của họ trở thành dấu chỉ hùng hồn của tình yêu của Người, một tình yêu luôn chia sẻ, đồng hành và tha thứ.

173. Mọi cuộc đồng hành đều là cách để giới thiệu lời mời gọi bước vào niềm vui và do đó, có thể trở thành nơi thích hợp để công bố tin mừng Phục Sinh và cổ vũ cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô sống lại: một kerygma (giáo lý sơ truyền) «nói lên tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, vốn đi trước bất cứ nền luân lý và nghĩa vụ tôn giáo nào về phía chúng ta; nó không nên áp đặt sự thật mà là lôi cuốn tự do; nó phải có các đặc điểm: vui tươi, khuyến khích, sống động và cân bằng hài hòa » (EG 165). Đồng thời, mọi phục vụ đồng hành là một cơ hội để lớn lên trong đức tin, cho những người cung cấp nó và cho cộng đồng họ thuộc về. Vì lý do này, đòi hỏi chính đối với một nhà dìu dắt tốt, là phải nếm trải “niềm vui yêu thương” một cách trực tiếp, một điều sẽ lột mặt lạ tính giả tạo của các thoả mãn thế gian và làm trái tim tràn đầy mong ước được truyền đạt nó cho người khác.

174. Sự thao thức có tính phúc âm này giữ chúng ta khỏi cơn cám dỗ muốn đổ lỗi cho người trẻ đã giữ khoảng cách đối với Giáo hội hoặc phàn nàn về việc này trong khi, thay vào đó, chúng ta nên nói - như một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC đã nói – về một “Giáo hội xa cách đối với giới trẻ ” và được mời gọi bước vào các nẻo đường hồi tâm, mà không đổ lỗi cho người khác về việc Giáo Hội thiếu thúc đẩy giáo dục và nhút nhát việc tông đồ. Việc thắng vượt “Hội chứng Giôna”, về nhiều khía cạnh, vẫn còn là một mục tiêu để đạt tới (xem GE 134). Khi vị tiên tri này được sai đi công bố lòng thương xót của Thiên Chúa cho dân cư Ninivê, ông đã bỏ chạy vì trái tim ông không chia sẻ ý định vốn sinh động trái tim Thiên Chúa. Vấn đề thực sự mà tình trạng khó khăn của Giô-na làm nổi bật là vấn đề phúc âm hóa những người truyền giảng phúc âm và phẩm chất Kitô hữu của cộng đồng tín hữu, vì chỉ có một cộng đồng được phúc âm hóa mới có khả năng phúc âm hóa.

Kỳ sau: Phần III, Chương III: Một cộng đồng được phúc âm hoá và đi phúc âm hóa
 
Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô và thái độ thách thức của TGM McCarrick
Đặng Tự Do
07:07 03/09/2018
Cha Raymond J. de Souza, Tổng Biên Tập tờ Convivium của Công Giáo Canada có bài nhận định sau về cuộc khủng hoảng hiện nay.

Nguyên bản tiếng Anh được đăng trên National Catholic Register của hệ thống truyền hình Công Giáo Hoa Kỳ EWTN vào ngày 31 tháng 8, 2018 có thể đọc tại đây:

Vigano’s Testimony; McCarrick’s Defiance - (Chứng từ của Đức Tổng Giám Mục Viganò, thái độ thách thức của McCarrick.)

Thái độ thách thức [của McCarrick] cung cấp một lời giải thích hữu lý đáng được điều tra thêm.

Cha Raymond J. de Souza

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 có đặt ra những biện pháp kỷ luật đối với Hồng Y Theodore McCarrick vào năm 2009 hay 2010, như Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò tuyên bố trong “chứng từ” của ngài không?

Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu các nhà báo đưa ra những phản ứng ban đầu đối với chứng từ của Đức Tổng Giám Mục Viganò. Ngài tuyên bố sẽ “không nói một lời,” và cho đến nay chưa có quan chức cao cấp nào của Vatican đã lên tiếng bảo vệ ngài trước nội dung của các cáo buộc.

Vì vậy, các nhà báo đang bung ra, và vấn đề then chốt được tranh luận sôi nổi sau khi chứng từ của Đức Tổng Giám Mục Viganò được công bố là liệu Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 có thực sự đặt ra những biện pháp kỷ luật đối với Hồng Y Theodore McCarrick hay không? Nếu có, tại sao không có thông báo nào được đưa ra công khai về quyết định này, và tại sao McCarrick lại tiếp tục nghỉ hưu như khi đang làm việc đến mức được mệnh danh là “giám mục sân bay” hàng đầu thế giới?

Đó là một câu hỏi chính đáng. Việc giám định chứng từ của Tổng Giám Mục Viganò phụ thuộc vào câu trả lời cho câu hỏi đó.

Một câu trả lời đơn giản nhất có thể đưa ra là: trong thực tế, không hề có sự trừng phạt này, và rằng Tổng Giám mục Viganò đã hiểu lầm những gì đã được Bộ Giám Mục truyền đạt cho ngài; và người tiền nhiệm của ngài là Sứ Thần Tòa Thánh ở Washington, Tổng Giám mục Pietro Sambi, cũng đã hiểu nhầm luôn khi trao đổi lại với Hồng Y McCarrick.

Tuy nhiên, nếu câu trả lời đơn giản đó là đúng, thì thật là một điều kỳ lạ tại sao Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh – cấp trên của các Sứ Thần Tòa Thánh - hay Bộ Giám Mục không đơn giản đưa ra lời giải thích này để làm cho phần lớn vấn đề biến mất đi.

Chính Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 có thể làm sáng tỏ quan điểm của ngài, như ngài đã từng làm vào đầu năm nay khi vị lãnh đạo truyền thông Vatican, là Đức Ông Dario Viganò, đã cố gắng thao túng vị Giáo Hoàng danh dự trong dịp phát hành một loạt các tập sách nhỏ giới thiệu về thần học của Đức Phanxicô.

Nếu Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô chưa bao giờ trừng phạt McCarrick, ngài có thể làm sáng tỏ điều này còn dễ dàng hơn [trong vụ Đức Ông Dario Viganò].

Chúng ta cũng không được quên là nhân vật chính trong tất cả câu chuyện này là Đức Tổng Giám Mục McCarrick, dù đang sống tách biệt nhưng vẫn chưa chết. Trừ khi ngài có cái thú nghịch ngợm muốn ngồi rung đùi cười khoái trá trên sự đau khổ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, ngài có thể đơn giản là làm rõ sự thật về các biện pháp trừng phạt. Có ai tin ngài không lại là một chuyện khác, nhưng ít ra đó là điều ngài có thể làm được.

Vì vậy, sự im lặng của những người có thể dễ dàng bác bỏ các tuyên bố của Tổng Giám mục Viganò đang khiến cho các nhà báo nghĩ rằng thực sự một số biện pháp trừng phạt đã được đưa ra, nhưng một cách không chính thức, không công khai và không được thi hành triệt để. Điều đó có hợp lý không?

Nói tắt một lời là: có, và là một khả năng đáng được điều tra.

Cần phải nhớ rằng những gì “mọi người” dường như “biết” về sự suy đồi của Tổng giám mục McCarrick trong nhiều năm không phải là yếu tố có thể biện minh cho một hình phạt. Hình phạt phải là kết quả của một tiến trình theo giáo luật. Trong trường hợp của ngài McCarrick, có rất nhiều tin đồn, nhưng không có cáo buộc cụ thể và các nạn nhân cụ thể. Chỉ đến năm 2018 mới có một cáo buộc “đáng tin cậy và được chứng minh”. Các dàn xếp ngoài tòa được thực hiện vào những năm 2005 và 2007 dựa trên cơ sở bảo mật, có nghĩa là các nạn nhân sau khi đã nhận tiền bồi thường phải giữ im lặng, và do đó, không sẵn lòng xuất hiện trước một phiên tòa giáo luật.

Thành ra, khi tai tiếng lạm dụng của McCarrick đến tai Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô, biện pháp mà Đức Hồng Y Ratzinger/ Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô đã làm trong trường hợp của Cha Marcial Maciel, người sáng lập phong trào Đạo Binh Chúa Kitô – là gửi một đặc phái viên đi phỏng vấn các nạn nhân rõ ràng danh tánh để chuẩn bị cho một phiên tòa theo giáo luật - là không khả thi.

Ra lệnh cho một linh mục lui vào sống một cuộc đời cầu nguyện và ăn năn là một hình phạt được đưa ra theo sau một tiến trình giáo luật, mà trong nhiều trường hợp là không thể thực hiện được. Vì vậy, thật là hợp lý khi cho rằng việc truyền đạt các biện pháp trừng phạt đã được thực hiện cách kín đáo. Đó là lựa chọn tốt nhất khả thi trong trường hợp này, nhưng lựa chọn ấy phải phụ thuộc vào thiện chí tuân phục của McCarrick.

Và hoàn toàn hợp lý khi cho rằng khi nhận được những biện pháp trừng phạt không được công bố rộng rãi như thế, Hồng Y McCarrick đơn giản là phớt lờ đi.

Vào mùa xuân năm 2004, các giám mục ở Hoa Kỳ đang xem xét vấn đề liệu có nên dứt khoát cấm không cho các chính trị gia phò phá thai được rước lễ hay không - John Kerry đang tranh cử tổng thống năm đó. Đức Hồng Y McCarrick lãnh đạo ủy ban đặc nhiệm của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về vấn đề này và, trong tư cách đó, ngài đã nhận được một lá thư của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger nói rằng trong những hoàn cảnh như vậy, “phải cấm” các chính trị gia rước Mình Thánh Chúa.

Hồng Y McCarrick giấu biệt tích bức thư đó đi không cho các giám mục anh em của mình biết và nói dối về những gì Đức Hồng Y Ratzinger đã viết [để áp đặt quan điểm liberal của mình]. Chỉ sau đó sự thật mới được đưa ra ánh sáng khi nội dung đầy đủ của bức thư bị rò rỉ ra cho báo chí.

Như thế, chúng ta biết rằng Hồng Y McCarrick có gan dám thách thức cả vị Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin tới mức dám diếm đi một lá thư được gởi cho các giám mục anh em của mình. Và chúng ta biết rằng hậu quả là nhẹ nhàng [vì xảy ra vào năm cuối đời của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II].

Tháng Tư năm sau đó, Đức Hồng Y Ratzinger được bầu làm giáo hoàng. Tôi nhớ lại vào buổi tối của cuộc bầu cử, viên chức báo chí của Tổng Giáo Phận Washington hối hả tập hợp các linh mục và chủng sinh của Washington ở Rôma. Bà cảnh báo họ không được tuyên bố gì với giới truyền thông, vì bà muốn tránh bất kỳ câu chuyện nào có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của Đức Hồng Y McCarrick với vị tân Giáo Hoàng. Có lẽ bà cho rằng việc các Hồng Y bầu cho Đức Hồng Y Ratzinger có nghĩa là ngày tàn của sếp bà đã đến - không phải vì lạm dụng tình dục, mà vì trò ma giáo một năm trước đó.

Đức Bênêđíctô đã đối xử thế nào với McCarrick sau khi lên ngôi Giáo Hoàng? Hồng Y McCarrick đến tuổi 75 vào tháng 7 năm 2005; nếu Đức Bênêđíctô muốn trừng phạt vị Hồng Y một cách nhanh chóng vì trò ma giáo trong cuộc thảo luận năm 2004, ngài có thể ngay lập tức chấp nhận đơn từ chức của đương sự vào tháng 7 năm 2005. Nhưng Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô cho phép McCarrick lưu nhiệm vài tháng nữa cho đến mùa xuân năm sau. Điều đó cũng phù hợp với ý tưởng cho rằng Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô đã thấy nơi Hồng Y McCarrick nhiều vấn đề, nhưng không chọn lựa một thái độ quyết liệt để giữ chút thể diện cho vị Hồng Y.

Tháng 5 năm 2009, tôi đến Thánh địa Giêrusalem để tường trình về chuyến tông du của Đức Bênêđíctô. Lúc đó, tôi nghe một câu chuyện kỳ lạ từ một thành viên cao cấp của đoàn tùy tùng Đức Giáo Hoàng trong khi ở Giêrusalem. Khi chuẩn bị cho chuyến đi, Vatican đã rất rõ ràng với Hồng Y McCarrick, và thông báo cho ngài rằng ngài không được đi cùng Đức Thánh Cha. Vào thời điểm đó, tôi nghĩ đó là vì Toà Thánh đã mệt mỏi vì sự can thiệp quá thường xuyên của Đức Hồng Y trong hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh - McCarrick đến khu vực này ba hay bốn lần một năm. Vì vậy, ngài không được cùng đi.

Trong cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 và vua Abdullah của Jordan, nhà vua ngây thơ nói rằng Hồng Y McCarrick vừa ở đó không lâu, ghé thăm nhà vua để làm công tác chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng. McCarrick đã dám giỡn mặt Đức Bênêđíctô một lần nữa.

Tháng 8 năm 2009, khi Thượng nghị sĩ kỳ cựu của Massachusetts, Ted Kennedy qua đời, Vatican đã quyết định không gởi điện văn chia buồn [vì lập trường của ông này khi sinh tiền không tương hợp với giáo huấn của Giáo Hội]. Đức Hồng Y Sean O'Malley của Boston đã tham dự lễ tang, nhưng rõ ràng để tránh gây gương mù đã tránh không đưa ra bất kỳ lời khen ngợi nào đối với chính trị gia quá cố. Đức Hồng Y McCarrick đã chụp cơ hội này theo ra đến tận nghĩa trang ở Arlington, Virginia, và đọc một lá thư ngụy tạo theo văn phong của Vatican như thể Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã gởi điếu văn cho vị thượng nghị sĩ quá cố. Đó là một hành động thách thức rõ ràng.

Khi Tổng giáo phận New York nhận được lời buộc tội rằng Hồng Y McCarrick đã lạm dụng trẻ vị thành niên vào đầu những năm 1970, tổng giáo phận thông báo cho McCarrick rằng một cuộc điều tra đang được tiến hành, đảm nhiệm bởi các giáo dân trong văn phòng công tố quận và hội đồng xét xử của tổng giáo phận.

Tờ Catholic Herald tường thuật rằng Đức Hồng Y Donald Wuerl, người kế nhiệm Hồng Y McCarrick ở Washington, cũng được thông báo vào năm 2017 và viết thư cho người tiền nhiệm của ngài, yêu cầu rút khỏi các thừa tác vụ công khai trong khi đang bị điều tra. Tuy nhiên, ngay cả khi đang bị điều tra vì lạm dụng trẻ vị thành niên, Hồng Y McCarrick vẫn tỏ một thái độ thách thức khi tiếp tục xuất hiện trước công chúng và dẫn đầu một cuộc hành hương ở nước ngoài để mừng 60 năm linh mục của mình.

Dựa trên bốn lần thách thức này của Tổng Giám mục Theodore McCarrick, trong tư cách một nhà báo tôi sẽ kết luận rằng hoàn toàn hợp lý khi cho rằng McCarrick có thể đã bất chấp lệnh trừng phạt áp đặt lên ngài.

Thái độ thách thức này chưa đủ để nói rằng chứng từ của Đức Tổng Giám Mục Carlo Viganò là đúng. Nó cũng không thể trả lời một cách đầy đủ các câu hỏi về lý do tại sao các biện pháp trừng phạt đã được áp đặt một cách kín đáo và không được thi hành đến nơi đến chốn. Dù thế, nó đưa ra một lời giải thích hợp lý đáng để điều tra thêm.


Source: National Catholic Register - Vigano’s Testimony; McCarrick’s Defiance
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ca đoàn Têrêsa Calcutta giáo xứ Phúc Nhạc mừng kính lễ Quan thầy
Trương Trí
16:19 03/09/2018
Chúa Nhật 2.9 là Chúa Nhật XXII thường niên, Ca đoàn Têrêsa Calcutta giáo xứ Phúc Nhạc long trọng mừng lễ kính Quan thầy: Mẹ Têrêsa Calcutta. Một con người đã hiến dâng cuộc đời mình để phục vụ người nghèo, những con người không nơi nương tựa.

Thánh lễ đồng tế do linh mục Quản xứ chủ tế, cùng đồng tế có các linh mục nguyên Phó xứ và linh mục con em của giáo xứ. Với sự hiện diện của Hiệp sĩ Đại Thánh giá G.B. Lê Đức Thịnh, một người con của giáo xứ đã âm thầm phục vụ Giáo hội và những người khổ đau vì tình yêu của Chúa.

Xem Hình

Ca đoàn Têrêsa Calcutta giáo xứ Phúc Nhạc đã được thành lập từ trên 30 năm nay, tuy nhiên chỉ từ trong vòng hơn một năm, từ con số hơn 20 thành viên nay đã lên đến 56 thành viên. Ngoài công việc hát trong những Thánh lễ, các thành viên trong Ca đoàn noi gương Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta Quan thầy, phục vụ bất cứ việc gì giáo xứ cần đến với một tình yêu dâng hiến.

Như lời linh mục Quản xứ Lôrensô Đỗ Nam Trấn chia sẻ trước khi đi vào Thánh lễ: Hôm nay chúng ta cùng Ca đoàn giáo xứ mừng lễ quan thầy: Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta, một con người bình thường và có thể nói là rất tầm thường, nhưng lại là một con người đặc biệt, Mẹ đã mang tình yêu của Chúa đến tất cả mọi người, nhất là những người nghèo khổ, những con người cùng khổ nhất trong xã hội đang bị người đời ruồng bỏ, những người bênh tật không được chăm sóc. Qua họ, Mẹ đã thể hiện tình yêu của Thiên Chúa vì “Thiên Chúa là tình yêu”.

Chia sẻ trong bài giảng lễ, linh mục Vinh sơn Bùi Duy Thiện, nguyên Phó xứ Phúc Nhạc, nhấn mạnh đến tình yêu của Thiên Chúa, và tình yêu đó được Mẹ Thánh Têrêsa thể hiện qua tinh thần phục vụ đối với mọi người. Mẹ đã dốc hết công việc trong suốt cuộc đời mình vì lòng mến Chúa. Cũng vậy, Ca đoàn Têrêsa Calcutta đã chọn Mẹ làm Quan thầy, những thành viên trong Ca đoàn muốn noi gương Mẹ Thánh để làm những người phục vụ với một tâm tình mến yêu Thiên Chúa, và mang tình yêu của Thiên Chúa đến với những con người đang gặp khó khăn, thiếu thốn.

Sau Thánh lễ, linh mục Quản xứ mời Hiệp sĩ Đại Thánh giá cùng trao bằng khen của Đức Giám Mục Giáo phận cho những anh chị em đã có trên 25 năm phục vụ trong Ca đoàn.

Linh mục Phó xứ Phêrô Nguyễn Thanh Hào, thay mặt Giáo xứ cảm ơn quí linh mục đồng tế, cũng như Hiệp sĩ Đại Thánh giá đã về tham dự Thánh lễ mừng Quan thầy của Ca đoàn giáo xứ. Sự hiện diện quí báu này mang lại sự khích lệ lớn lao cho mỗi một thành viên của Ca đoàn để ngày càng phát triển hơn trong công việc phục vụ.

Trương Trí
 
Văn Hóa
Tâm Tình Và Nguyện Vọng Của Một Tín Hữu
LM Giuse Nguyễn
10:15 03/09/2018
Những ngày vừa qua, quả như là một cơn địa chấn xảy ra ngay trong lòng Giáo Hội Công Giáo nói chung và đặc biệt là trong Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ. “Lạm dụng tính dục” (sex abuse), một sự dữ như là chuyện muôn thuở của kiếp nhân sinh và là chuyện dường như không quá lớn của một thời xa xưa thì nay đã là chuyện lớn, chuyện trầm trọng với cách nhìn của người hôm nay.

Với tư cách là một tín hữu Công Giáo và cũng là một mục tử hạng rốt hết xin có một vài tâm tình và nguyện vọng trước vấn nạn đang xảy ra cho Giáo Hội.

Chúa Kitô lập nên Giáo Hội, theo cái nhìn của Công Đồng Vaticanô II thì trước hết đó là Đoàn Dân Thiên Chúa, “một dân tộc hiệp nhất do sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (GH số 4) và đó cũng là đàn chiên của Thiên Chúa mà Chúa Kitô chính là mục tử nhân lành đích thực (x.GH số 6).

Để ban cho Giáo Hội nhiều vị thông phần vào vai vị mục tử của mình thì Chúa Kitô đã không chọn các Thiên Thần mà đã chọn hầu hết là các anh ngư dân làm thành nhóm 12 Tông đồ, trong số đó có hai chàng được Người gọi là “thiên lôi con” (con của sấm sét) và một vị được gán danh là “kẻ phản bội”. Phêrô, vị đứng đầu nhóm đã từng khẳng khái “bỏ Thầy chúng con biết theo ai, vì Thầy mới có lời ban sự sống đời đời” (Ga 7,68), và cũng đã từng dứt khoát: “Con sẽ thí mạng sống con vì Thầy” (Ga 13,37), thế mà ngài cũng như cả tập thể tông đồ đã bỏ chạy thoát thân khi Thầy bị bắt trong vườn cây dầu và chính ngài đã ba lần chối bỏ Thầy mình, thậm chí trước mặt một nữ đầy tớ.

Khôngphải tín hữu chúng con bao che hay bảo vệ danh dự cho các mục tử của Giáo Hội, nhưng chúng con ý thức rằng các linh muc, các giám mục vẫn là những người phàm hèn, dù được tuyển chọn ngay giữa dân Chúa để chu toàn công việc Thiên Chúa giao phó, chăm sóc đàn chiên của Người, chiên trong đàn lẫn chiên ngoài đàn. Các vị được kêu gọi chuyên chăm luyện tập các đức tính mà xã hội loài người kính chuộng cách chính đáng, như từ tâm, thành thật, dũng cảm, kiên nhẫn, say mê công chính, lịch thiệp… (x.LM số 3), tuy nhiên cần phải thành thật và khiêm nhu nhìn nhận rằng “nhân vô thập toàn”, không một ai là hoàn hảo. Ngay cả thánh Tông đồ dân ngoại Phaolô, ngài cũng đã từng thú nhận rằng dù đã bao lần khẩn xin nhưng vẫn còn có cái dằm nằm trong thân xác ngài khiến thần dữ nhiều lần sỉ nhục ngài để ngài khỏi kiêu ngạo (x.2Cor 12,7).

Nếu đã có và còn đó nhiều sự dữ xảy ra trong Giáo Hội Công Giáo, cách riêng trong hàng ngũ lãnh đạo của Giáo Hội, thiết nghĩ rằng thái độ khiêm nhu chân thành là thái độ đáng có và đáng quý, vì khi ấy quyền năng và ân sủng của Thiên Chúa sẽ tỏ hiện (x.2 Cor 12,9-10). Tuy nhiên điều mà Thiên Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ Giêrêmia thì nay Người cũng khẳng định như vậy. Khốn cho các mục tử chỉ lo vinh thân phì gia cho riêng mình mà làm tản mác và xâu xé đàn chiên của Chúa. Người sẽ xét xử các hành động gian ác của các mục tử ấy và Người nhân danh mạng sống Người mà thề rằng sẽ truất phế các mục tử ấy và rồi sẽ ban cho đàn chiên những mục tử như lòng Người mong ước. (x.Gr 23,1-6). Yêu thương, gắn bó với đàn chiên chính là tiêu chí hàng đầu để có thể đứng vào hàng mục tử. Những mục tử nào thiếu tiêu chí này thì chắc chắn chúng ta cần phải loại bỏ và đó cũng là một cách thực thi thánh ý Thiên Chúa vậy. Dĩ nhiên vì Giáo Hội là một thực thể có tính xã hội nên những vị nào phạm lỗi công khai, gây nên gương mù gương xấu thì cũng cần phải có sự chế tài cách nào đó, vì ích chung,

Làm sao có thể chế tài hay loại bỏ một vài mục tử nào đó bất xứng hay bất trung đây khi mà nói theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô, chủ nghĩa giáo sĩ trị đang hoành hành và trở thành một sức ỳ cho sự thăng tiến, trở thành một thành trì đen tối cho sự dữ tồn tại và phát triển. Theo tôi, cần phải mạnh dạn thay đổi cơ chế và sửa đổi luật lệ thôi.

Công Đồng Vaticanô II đã lật ngược cái hình “kim tự tháp” trong cái nhìn về Giáo Hội nhưng bên cạnh đó vì muốn nhấn mạnh đến nhu cầu phát huy tinh thần phân quyền thì đã đề cao vai vị của hàng giám mục, cách riêng giám mục giáo hội địa phương. Và việc phân quyền ấy xem ra nên được chia sẻ đến hàng linh mục và giáo dân (x.101 Câu hỏi Đáp về Công Đồng Vaticanô II – Chương 9 - Maureen Sullivan, OP).

Ngoại trừ một số nhỏ gọi là “nhóm bảo thủ” thì tín hữu Công Giáo không ai dám to gan phủ nhận hoa trái Chúa Thánh Thần qua Công Đồng Vaticanô II. Thế nhưng bên cạnh những hoa trái tốt lành hữu ích thì chắc hẳn vẫn tồn tại một vài mặt hạn chế nào đó. Một trong những mặt hạn chế ấy đó là sự tập trung quyền lực quá nhiều cho hàng giáo sĩ, cách riêng hàng giáo phẩm và đặc biệt là giám mục giáo phận.

Cơ chế, luật lệ là do con người làm ra. Chúng là những phương thế, vì thế chúng có ra là để phục vụ đàn chiên chứ không ngược lại. Trong Bộ Giáo Luật, ở phần “mục lục phân tích” có nói đến “quyền tư pháp của Giám mục” (Bộ Giáo Luật – Bản Dịch của HĐGM Việt Nam – trang 605). Trong phạm vi giáo xứ, nếu giả như trao một ít “quyền tư pháp” cho đoàn tín hữu hay Hội Đồng Giáo Xứ thì chắc hẳn căn bệnh giáo sĩ trị sẽ được chửa lành và ngăn ngừa. Cũng thế, trong phạm vi giáo phận nếu hàng linh mục được trao cho “quyền tư pháp”một cách độc lập hơn chút nữa thì chắc hẳn sự cố không hay như chuyện của nguyên Hồng Y McCarrick sẽ không tồn tại lâu dài.

Mặt khác, thiết nghĩ rằng cách thế bầu chọn Đấng kế vị thánh Tông Đồ Phêrô để cai quản Giáo Hội toàn cầu nếu được áp dụng một cách tương tự vào việc chọn các Đấng kế vị các thánh Tông đồ để cai quản Giáo Hội địa phương thì chắc hẳn sẽ có mặt tích cực nào đó.

Một chút tâm tình và nguyện vọng trên đây hẳn còn nhiều sai sót và bất cập, tuy nhiên xin được nói lên bằng lời với tấm lòng yêu mến, gắn bó với Giáo Hội và sự tôn kính các Đấng bậc chủ chăn.

Lm. Giuse Nguyễn.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hừng Đông
Joseph Ngọc Phạm
07:45 03/09/2018
HỪNG ĐÔNG
Ảnh của Joseph Ngọc Phạm
Bình minh e ấp giấc đông
Tận miền xa đó mây hồng còn mơ.
(Trích thơ của Dã Tràng Cát)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 03/09/2018: Điện tặc Nga tấn công Tòa Thượng Phụ Constantinope
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
00:33 03/09/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Thêm một linh mục bị giết tại Mễ Tây Cơ

Thêm một linh mục nữa đã bị giết ở Mễ Tây Cơ, thi thể ngài đã được tìm thấy hôm thứ Bảy 25 tháng 8 trong khu vực Tierra Caliente của bang Michoacán, nổi tiếng về tình trạng bất ổn dân sự và là một tâm chấn trong việc sản xuất và buôn bán ma túy tại đất nước này.

Cha Miguel Gerardo Flores Hernández đã biến mất vào ngày 18 tháng 8, và ba ngày sau, giáo phận Morelia đã chính thức tuyên bố ngài bị mất tích. Thi thể của ngài đã được tìm thấy 7 ngày sau tuyên bố này.

Ít nhất 24 linh mục đã bị giết ở Mễ Tây Cơ trong sáu năm qua, phần lớn các vị bị giết vì lên tiếng tố cáo các băng đảng mua bán ma túy. Các băng đảng này coi Giáo Hội Công Giáo là một trở ngại cho công việc kinh doanh của họ.

Đức Cha Herculano Medina Gargias, Giám Mục Phụ Tá giáo phận Morelia tin rằng cha Flores có lẽ bị giết nhầm khi bọn cướp tấn công và cướp đi một chiếc xe tải cho ngài quá giang.

2. Điện tặc Nga tấn công vào Tòa Thượng Phụ Constantinope

Các điện tặc người Nga bị truy tố bởi công tố viên đặc biệt của Mỹ hồi tháng trước đã dành nhiều năm cố gắng ăn cắp thư tín của một số nhà lãnh đạo Chính Thống Giáo tại Constantinople. Associated Press đã cho biết như trên.

Mục tiêu tấn công bao gồm các phụ tá hàng đầu của Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô, người thường được mô tả là người thứ nhất trong số các Thượng Phụ Chính Thống Giáo.

Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô hiện đang cân nhắc liệu có chấp nhận việc cho Ukraine hình thành Giáo Hội Chính Thống độc lập với Nga hay không.

Trong những tháng gần đây, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã tuyên bố ngài hoàn toàn có thẩm quyền ban cấp cho một Giáo Hội Chính Thống tân lập tại Ukraine tư cách “Tomos of Autocephaly” - một Giáo Hội tự trị hoàn toàn, mà chính phủ Ukraine đang mong đợi.

Giáo hội Chính thống Nga cho biết họ không có thông tin gì về những tấn công của nhóm điện tặc Nga có tên là Fancy Bear và từ chối bình luận. Các quan chức Nga nói với AP rằng điện Kremlin không có liên quan gì đến Fancy Bear, mặc dù ngày càng có nhiều bằng chứng ngược lại.

Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô, 78 tuổi, không sử dụng email, các viên chức trong Tòa Thượng Phụ Constantinope nói với AP. Nhưng các trợ lý của ngài thì dùng nhiều loại tài khoản của Google.

Trong số đó có một số quan chức cao cấp gọi là metropolitans, những người gần tương đương với Tổng Giám Mục Công Giáo. Những người này bao gồm Bartholomew Samaras, Emmanuel Adamakis, và Elpidophoros Lambriniadis. Tất cả đều liên quan đến vấn đề Tomos.

Các nhà lãnh đạo thân phương Tây của Ukraine đã từng bước tìm cách di chuyển nước cộng hòa Xô Viết cũ này ra khỏi quỹ đạo của Nga, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của mình năm 2014 và xúi dục một cuộc nổi loạn ở miền đông Ukraine.

Tại Ukraine hiện nay có đến 3 Giáo Hội Chính Thống Giáo. Nhóm đông nhất là nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa. Nhóm thứ hai là Chính Thống Giáo Ukraine và nhóm thứ ba là Chính Thống Giáo Ukraine tự trị với đa số là các vị Chính Thống Giáo Ukraine trở về từ hải ngoại sau khi cộng sản sụp đổ.

Kiev coi nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa là một công cụ để điện Kremlin tác động lên nội tình của Ukraine. Cho đến nay, nhóm này là nhóm Chính Thống Giáo duy nhất tại Ukraine được thế giới Chính Thống Giáo nhìn nhận.

Tháng Tư vừa qua, tại Istanbul, tổng thống Poroshenko đã gặp Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô, lãnh đạo tinh thần của các Kitô hữu Chính thống toàn thế giới, để tìm kiếm sự hỗ trợ trong việc nhìn nhận tính cách hợp pháp của Chính Thống Giáo Ukraine.

Ông Poroshenko đã so sánh việc có một Giáo Hội tự trị với nguyện vọng của Kiev được gia nhập Liên minh châu Âu và NATO, “bởi vì điện Kremlin coi Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga là một trong những công cụ quan trọng ảnh hưởng đến Ukraine.”

3. Tổng thống Nam Dương kêu gọi người Công Giáo hãy giúp bảo tồn tính đa dạng cho xã hội Indo

Tổng thống Joko Widodo đã đến thăm trụ sở của Hội đồng Giám mục Indonesia ở Jakarta ngày 24 tháng 8 để cập nhật về tình hình địa phương của Giáo hội.

Tổng thống Indonesia kêu gọi mọi người Công Giáo của quốc gia này hãy giúp bảo tồn sự đa dạng và tình đoàn kết quốc gia. TT Joko Widodo đã đến thăm trụ sở của Hội đồng Giám mục Indonesia (KWI) ở Jakarta hôm thứ Sáu để cải thiện và phát huy mối quan hệ giữa chính phủ với Giáo hội địa phương và nhấn mạnh tới tầm quan trọng của các tổ chức tôn giáo trong việc bảo tồn và duy trì tính đa dạng trong nước.

TT Widodo, người cầm quyền chính phủ từ năm 2014, được Đức Tổng Giám Mục KWI Ignatius Suharyo, Chủ tịch HĐGM ở Jakarta, và Đức Tổng Giám Mục Antonius Subianto Bunjamin của Bandung, Tổng thư ký, và 8 giám mục khác nghênh đón.

Cuộc họp kéo dài hơn một giờ, mỗi giám mục giới thiệu với tổng thống về các sinh hoạt và ảnh hưởng của giáo phận trong cuộc sống xã hội.

TT cũng cho hay “Trong cuộc họp, tôi đã nói về các vấn đề liên quan đến 5 nguyên tắc của các tiểu bang, cũng như sự đa dạng đặc biệt về mặt tôn giáo, sắc tộc, phong tục và truyền thống mà chúng ta cần tiếp tục duy trì”.

TT nói tiếp: “Chúng ta phải duy trì tình huynh đệ, hòa hợp và đoàn kết,”

Đức TGM Suharyo nói với Thông tấn xã UCANEWS rằng chuyến viếng thăm của Tổng thống Widodo đã “xây dựng tình bằng hữu” chứ không có gì liên quan đến cuộc vận động bầu cử tổng thống sắp diễn ra vào năm tới.

Cuộc bầu cử toàn quốc Indonesia vào ngày 17 tháng 4 năm 2019, và đây là lần đầu tiên tổng thống cũng như các thành viên của Hội đồng Tư vấn Nhân dân sẽ được bầu trong cùng một ngày.

TT Widodo tin tưởng ông sẽ được tái tín nhiệm thêm nhiệm kỳ thứ hai tới này.

Đức TGM Suharyo cho hay: “Không có vấn đề cụ thể nào được đề ra do tổng thống trong cuộc họp này.” “ TT chỉ muốn nghe trực tiếp xem người Công Giáo nói lên những vấn đề họ đang phải đối diện.”

Theo ông, đây là chuyến viếng thăm thứ hai của TT Widodo, vì Ông đã đến thăm trụ sở của Hội đồng Giám mục lần đầu lúc ông còn là thống đốc thủ đô Jakarta từ năm 2012 đến năm 2014.

Đức Tổng Giám Mục Suharyo cũng tiết lộ rằng TT Widodo ngỏ lời muốn viếng thăm Vatican trong tương lai.

“Nếu điều mà TT chia sẻ được xảy ra, thì những giá trị cao quý mà người dân Indonesia sống, sẽ được cộng đồng quốc tế công nhận, nếu các vấn đề đa dạng và chủ nghĩa xã hội được hiến pháp thừa nhận”.

Giám mục Leo Laba Ladjar của Jayapura cho biết tổng thống nhấn mạnh tới sự cần thiết phải duy trì tính đa dạng “bởi vì bản sắc tôn giáo đã trở thành một vấn đề lớn đặc biệt trong cuộc vận động bầu cử tổng thống lần này.”

Indo là một nước lớn nhất thế giới về số các đảo với nhiều các nhóm sắc tộc, tôn giáo, ngôn ngữ, kể cả cây cỏ thực vật và động vật, Indonesia cũng là nơi có dân số Hồi giáo đông nhất thế giới. Quốc gia này từ lâu đã là tấm gương về một xã hội hòa bình, khoan dung và đoàn kết giữa nhiều sắc dân nhờ vào đạo luật Pancasila.

Đại đa số người Hồi giáo tại Indonesia đều là những người Hồi giáo dung hòa chân chính, nhưng hình ảnh về một quốc gia khoan dung đã bị suy yếu bởi chủ nghĩa cấp tiến Hồi giáo và không khoan dung trong vài năm qua, đang đe dọa sự toàn hảo của nó giữa một thực tại đa dạng của nó.

Trong bài phát biểu của mình trước quốc dân nhân dịp Ngày quốc khánh Indonesia ngày 17 tháng 8, TT Widodo đã thúc giục mọi người hãy gìn giữ tinh thần khoan dung. Cha ông chúng ta đã đấu tranh giành độc lập, họ đã chiến thắng vì họ biết loại trừ những khác biệt về chính trị, dân tộc, tôn giáo hay phân biệt giai cấp trong dân chúng.

Vào ngày 18 tháng 8, ngày sau Ngày Độc lập, TT Widodo đã khai mạc Thế vận hội Châu Á lần thứ 18 đang được tổ chức tại Jakarta và Palembang cho đến ngày 2 tháng 9. Các giám mục của Indonesia đã ủng hộ sự kiện thể thao hàng đầu của châu lục này như một cơ hội để xây dựng hòa bình giữa mọi người.

4. Đức Thánh Cha kính viếng hai thánh tượng Đức Mẹ tại hai ngôi thánh đường, khi Ngài về lại Rome

Vào sáng thứ Hai sau khi trở về từ chuyến Tông du thứ 24 của Ngài đến Ireland, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viếng thăm Đền thờ Đức Bà Cả và thánh Đường Thánh Augustinô.

Đức Thánh Cha Phanxicô trở về Rô-ma sau chuyến Tông du hai ngày đến Ireland để tham dự Đại Hội Thế Giới về Gia Đình lần thứ IX.

Đức Thánh Cha về tới sân bay Ciampino Rome vào khoảng 11 giờ đêm Chúa Nhật. Và ngay sáng thứ hai, Đức Thánh Cha đã đến kính viếng Đền Thờ Đức Bà Cả. Ở đó, Ngài cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ Hộ phù dân thành Roma (Salus Populi Romani), và đặt bó bông tạ ơn Mẹ.

Tuy nhiên, trước khi trở về lại Vatican, Ngài đã bất ngờ ghé thăm Nhà thờ Thánh Augustine, nằm ngay gần quảng trường Piazza Navona. Trong một nhà nguyện cạnh, nằm bên trái của bàn thờ chính, nơi chôn cất hài cốt Thánh nữ Monica. Đức Thánh Cha Phanxicô đã quì cầu nguyện trong yên lặng ít phút. Hôm nay, Giáo hội kỷ niệm lễ kính Thánh Monica, mẹ của Thánh Augustinô.

5. Hội nghị gia đình thế giới tiếp theo sẽ được tổ chức tại Rome vào năm 2021

Đức Hồng Y Kevin Farrell, Chủ tịch Bộ Giáo dân tại Vatican cho hay Đại hội Gia đình Thế giới tiếp theo sẽ diễn ra tại Rome vào năm 2021.

Chủ đề và địa điểm tổ chức chưa được công bố. Theo Đức Hồng Y Kevin Farrell, chủ tịch bộ đặc trách về Giáo dân công bố vào chiều Chúa Nhật tại Công viên Phoenix của Dublin, nơi Đức Giáo Hoàng Phanxicô kết thúc lễ bế mạc Đại hội Thế giới lần thứ 9, với nhiều gia đình đến từ khắp đất nước Ireland và nhiều phần đất của thế giới.

Trong bài phát biểu kết thúc của mình, Đức Hồng Y Farrell lưu ý rằng hàng ngàn gia đình đã đến “để chia sẻ niềm vui của Tin Mừng. Họ đến với tinh thần hiệp thông và chia sẻ tình bạn trong Giáo hội”. Đức Hồng Y nói về các kinh nghiệm tham gia các Đại hội Thế giới về Gia đình là nguồn cảm hứng cho các gia đình và con cái của họ, những người sẽ “nhận thức rõ hơn về ý nghĩa của ơn gọi của họ và gia đình của họ trong Giáo hội khi họ trở về lại với cộng đoàn, với giáo xứ của họ “.

Năm 2021 cũng là năm đánh dấu kỷ niệm lần thứ năm của Tông huấn Amoris Laetitia ra đời, Đức Thánh Cha Phanxicô khi nói về niềm vui của tình yêu, Amoris laetitia, đã cung cấp nhiều dữ liệu cho các Đại hội học hỏi suy tư trước cũng như trong Đại hội nghị thế giới về gia đình, nó còn là nguồn cảm hứng cho các chủ đề: “Tin Mừng của Gia Đình: Niềm vui cho Thế Giới”. Hội nghị gia đình thế giới tiếp theo sẽ được tổ chức tại Rome vào năm 2021.

Đức Hồng Y Kevin Farrell, Chủ tịch của bộ Giáo dân tại Vatican cho hay rằng cuộc họp thế giới tiếp theo của gia đình sẽ diễn ra tại Rome vào năm 2021. Địa danh cho Ngày Thế giới Gia đình kế tiếp là một bí mật được bảo mật chặt chẽ, chỉ ít người được biết, kể cả Đức Thánh Cha cũng tuân thủ quyết định của bộ Gia đình và Đời sống, là ủy ban có trách nhiệm tổ chức cho các sự kiện này.

6. Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét: Tôi đã tìm thấy rất nhiều niềm tin tại đất nước Ireland!

Đức Giáo Hoàng Phanxicô chia sẻ những suy tư của ngài về chuyến Tông du Ireland khi ngài chia sẻ với các phóng viên trên chuyến bay trở về Rome vào tối Chúa Nhật.

Theo đó Đức Thánh Cha nhìn lại hai ngày của chuyến Tông du Ireland, Ngài hành hương về miền đất của nhiều Thánh nhân và Học Giả. Đức Thánh Cha nói: “Tôi đã tìm thấy nhiều niềm tin ở Ireland,” “Người Ái Nhĩ Lan đã phải chịu đựng nhiều từ những vụ bê bối, nhưng họ biết phân biệt đâu là sự thật và đâu là sự thật nửa vời”, Ngài nói khi ngài nghe những lời phát biểu của một vị Giám mục mà ngài không biết tên trước đó, cũng như trong quá trình chữa lành đang diễn ra, tôi thấy niềm tin của người Ái Nhĩ Lan thật vững chắc.

Mặc dù Đức Thánh Cha đến Ireland nhằm mục đích chào mừng Đại Hội Thế Giới về Gia Đình, nhưng chủ đề lạm dụng tính dục đã khiến ngài phải đối diện với nhiều khó khăn đau buồn trong chuyến viếng thăm này. Đặc biệt, các phóng viên đang chờ đợi để nghe phản ứng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước những cáo buộc được phơi bày bởi một cựu Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ. Trong một tài liệu được công bố đêm thứ Bảy, Đức TGM Carlo Maria Viganò đặt câu hỏi Đức Thánh Cha sẽ phản ứng ra sao khi ngài tiết lộ việc ngài đề nghị Đức Thánh Cha phải cho Đức Tổng Giám Mục Theodore McCarrick, từ chức Hồng Y trước những cáo buộc “đáng tin cậy” và khả thi “chứng minh” được là Đức Hồng Y lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Các cáo buộc chống lại Đức Hồng Y McCarrick sau đó đã được phơi bày ra bao chí.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trả lời thẳng thắn trước lời cáo buộc của Đức Tổng Giám Mục Viganò: “Tôi nói điều này một cách rất chân thành là các bạn hãy đọc nó một cách kỹ lưỡng và hãy đưa ra phán quyết cho chính bạn. Tôi không bình luận một lời nào về điều này. Tôi tin rằng tài liệu tự nó nói lên những gì cần nói.

Đánh giá các Giám mục theo từng trường hợp

Thay vào đó, Đức Giáo Hoàng đã nói về một số vấn đề phức tạp, bao gồm quá trình xét xử một vị giám mục bị buộc tội lạm dụng. Một cách nhẹ nhàng ngài từ chối trả lời câu hỏi của bà Marie Collins một cựu thành viên của Ủy ban Giáo hoàng về bảo vệ trẻ vị thành niên, Đức Giáo Hoàng nói như khẩu hiện của tòa án (motu proprio) “Come una madre amorevole” Hãy hành xử như một người mẹ chọn điều gì tốt nhất. Nên các giám mục có thể bị một tòa án đặc biệt cứu xét trên cơ sở từng trường hợp. Như Đức Thánh Cha khẳng định và lưu ý tới phiên tòa xét xử Tổng Giám mục Guam được xử lý theo cách này. Đức Thánh Cha cũng nêu ra những thử nghiệm khác đang được tiến hành trong các trường họp tương tự.

Nói ra ngay lập tức!

Khi được hỏi về cách “Người tín hữu” có thể và nên phản ứng sao trước những tệ nạn do các linh mục gây ra, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi các gia đình hãy tin vào con cái... “Khi bạn thấy một cái gì đó, bạn hãy nói ra, phải trình báo ngay lập tức”.

Mặt khác, Đức Thánh Cha cũng chỉ trích các phương tiện truyền thông nhiều khi vô trách nhiệm đã làm lu mờ niềm tin của đại chúng trước các sự kiện, nhiều khi được coi là xác thực và chắc chắn. Như Ngài nêu ra trường hợp ở Granada, một nhóm linh mục đã bị cáo buộc là lạm dụng tính dục và các ngài phẫn nộ với một sinh viên vì đã vu cáo khi viết thư lên Giáo hoàng... Các ngài đã chịu nhiều sỉ nhục cho tới khi các ngài chứng minh được là các ngài bất công bị vu cáo! Các ngài vô tội. Đức Thánh Cha thừa nhận rằng công việc của các nhà báo nhiều khi rất tinh tế - họ phải nói cái gì đó, nhưng Đức Thánh Cha nhấn mạnh hãy “luôn giả định là nạn nhân vô tội chứ đừng chụp mũ và giả định là họ có tội.”

7. Tình hình tự do tôn giáo tại Á Châu càng ngày càng tệ hại

Các quyền tự do tôn giáo đang dần bị xói mòn trên khắp các khu vực lớn ở châu Á và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo đang gia tăng, đặc phái viên của Liên hợp quốc về tự do tôn giáo đã cảnh báo như trên.

“Tự do tôn giáo thường xuyên bị chà đạp trên khắp châu Á”, Ahmad Shaheed phát biểu tại một cuộc họp báo được tổ chức bởi Câu lạc bộ Phóng viên nước ngoài Thái Lan tại Bangkok. “Nói chung, nhân quyền đang thoái lui ở châu Á.”

Shaheed, một nhà ngoại giao người Maldives, là người đảm nhiệm chức vụ đặc phái viên của Liên hợp quốc về tự do tôn giáo vào tháng 11 năm 2016, trích dẫn những trường hợp của các quốc gia cộng sản như Trung Quốc và Việt Nam, nơi tín đồ các tôn giáo thường xuyên bị bách hại. Ông cũng bày tỏ lo ngại về các quốc gia như Miến Điện và Pakistan, nơi các nhóm tôn giáo thiểu số phải đối mặt với sự phân biệt đối xử và các cuộc tấn công bạo lực.

Ở Miến Điện, quốc gia coi Phật giáo là quốc giáo, hàng trăm ngàn người Rohingya Hồi giáo đã bị quân đội lùa sang nước láng giềng Bangladesh trong một nỗ lực mà các nhà quan sát nước ngoài mô tả là cuộc thanh lọc chủng tộc đại quy mô.

Trong khi đó, tại quốc gia Hồi giáo ở Pakistan, các Kitô hữu địa phương và người Hồi Giáo Ahmadis đã phải đối mặt với phân biệt đối xử dai dẳng cũng như những chính sách loại trừ xã hội, chính trị và kinh tế có hệ thống.

8. Khuynh hướng của các Giám Mục Mỹ là yêu cầu mở một cuộc Thanh Tra Tông Tòa

Sau khi Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò, nguyên Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ từ năm 2011 đến 2016, công bố các cáo buộc rất nghiêm trọng của ngài, nhiều Giám Mục Hoa Kỳ đã lên tiếng.

Đức Tổng Giám Mục Viganò cáo buộc 3 vị Giám Mục Hoa Kỳ “thăng tiến rất nhanh” nhờ sự tiến cử của Tổng Giám Mục McCarrick. Ba vị này là Đức Hồng Y Blase Cupich của Chicago, Đức Hồng Y Joseph Tobin của Newark, và Đức Giám Mục Robert McElroy của San Diego. Cả ba vị đều đã đưa ra các tuyên bố phản bác lại các cáo buộc của Đức Tổng Giám Mục Viganò.

Các Giám Mục khác tỏ ra tin tưởng rằng những cáo buộc của Đức Tổng Giám Mục Viganò có những cơ sở nhất định và đòi hỏi Tòa Thánh phải mở một cuộc Thanh Tra Tông Tòa để làm rõ những cáo buộc này.

Dưới đây là toàn văn tuyên bố của Đức Cha Robert C. Morlino, Giám Mục Madison, Wiscosin có thể coi là một phản ứng tiêu biểu của các Giám Mục Hoa Kỳ. Tuyên bố này được đưa ra ngay sau tuyên bố của Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ.

Tuyên bố của Đức Giám Mục Robert C. Morlino ngày 27 tháng 8 năm 2018, liên quan đến khủng hoảng lạm dụng tình dục đang diễn ra trong Giáo hội

(Madison, WI) Trước hết, tôi muốn khẳng định sự đồng tâm nhất trí của tôi với Đức Hồng Y DiNardo và với tuyên bố của ngài thay mặt cho Hội Đồng Giám Mục, đặc biệt trong hai khía cạnh sau: 1) Trong tuyên bố của mình, Đức Hồng Y DiNardo chỉ ra rằng bức thư gần đây của Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò, cựu Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, khiến cuộc thanh tra về sự thất bại đạo đức nghiêm trọng của các Giám Mục càng trở thành một vấn đề “trung tâm và cấp bách”. “Các câu hỏi được nêu ra”, theo Đức Hồng Y, “xứng đáng được có những câu trả lời và kết luận dựa trên bằng chứng. Nếu không có những câu trả lời đó, những người vô tội có thể bị bôi xấu bởi những cáo buộc sai trái và những người có tội có thể ung dung lặp lại những tội lỗi trong quá khứ.” 2) Và, Đức Hồng Y DiNardo viết tiếp, “Chúng tôi lặp lại tình cảm yêu mến của chúng tôi đối với Đức Thánh Cha trong những ngày khó khăn này.”

Tôi thấy mình hoàn toàn đồng tâm nhất trí với những xác tín và tình cảm đó.

Tuy nhiên, tôi phải thú nhận sự thất vọng của tôi rằng trong những phát biểu của ngài trên chuyến bay từ Dublin về Rôma, Đức Thánh Cha đã chọn đường lối “miễn bình luận” đối với bất kỳ kết luận nào có thể rút ra từ những cáo buộc của Tổng Giám mục Viganò. Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp tục nói rõ ràng rằng những kết luận như vậy nên được dành cho “sự trưởng thành chuyên nghiệp” của các nhà báo. Ở Hoa Kỳ và các nơi khác, trên thực tế, sự trưởng thành chuyên nghiệp của các nhà báo là vấn đề đáng đặt nghi vấn hơn bất cứ chuyện nào khác. Sự thiên vị trong các phương tiện truyền thông chính thống là quá rõ ràng và hầu như ai cũng nhận thấy như thế. Chẳng hạn, tôi sẽ không bao giờ gán sự trưởng thành chuyên nghiệp về báo chí cho tờ National Catholic Reporter[1]. (Và, có thể dự đoán trước được, họ đang dẫn đầu một chiến dịch phỉ báng chống lại Đức Tổng Giám Mục Viganò.)

Sau khi lặp lại sự tôn trọng và tình cảm con thảo của tôi đối với Đức Thánh Cha, tôi phải nói thêm rằng trong nhiệm kỳ Sứ Thần Tòa Thánh của ngài, tôi đã biết Đức Tổng Giám Mục Viganò cả về chuyên môn lẫn cá nhân, và tôi vẫn tin tưởng sâu sắc về sự thành thật, trung thành và tình yêu của ngài dành cho Giáo Hội với một sự liêm chính hoàn hảo. Thực tế là Đức Tổng Giám Mục Viganò đã đưa ra một số cáo buộc cụ thể, và thật sự trong tài liệu gần đây của ngài, cung cấp những tên tuổi, ngày tháng, địa điểm và vị trí của các tài liệu hỗ trợ [cho các cáo buộc] - tại Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh hoặc tại Tòa Sứ Thần. Vì vậy, các tiêu chí đối với một cáo buộc đáng tin cậy là quá đủ, và một cuộc điều tra, theo đúng thủ tục giáo luật, chắc chắn là thích đáng.

Tôi có thể nói thêm rằng đức tin của tôi đối với Giáo Hội không bị lung lay chút xíu nào vì tình hình hiện tại. Những tình huống tương tự, và tệ hơn nữa, đã xảy ra trong quá khứ - mặc dù có lẽ không phải ở Hoa Kỳ. Đã đến lúc chúng ta phải canh tân niềm tin của mình trong đoạn cuối cùng của Kinh Tin Kính: Credo… et unum, sanctam catolicam et apostolicam Ecclesiam, nghĩa là, tôi tin Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền. Giáo Hội là nhiệm thể của Chúa Kitô và, như bài Tin Mừng ngày hôm qua đã đặt câu hỏi, “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời?”

Cầu xin Đức Mẹ đầy ơn phúc của chúng ta, Mẹ của Giáo Hội, và Mẹ của các Giám Mục và Linh Mục, cầu bầu cho chúng ta, cùng với Tổng lãnh thiên thần Micae, khi chúng ta tiếp tục cuộc chiến chống lại kẻ thù cổ xưa.

+ Đức Cha Robert C. Morlino,

Giám Mục Madison, Wiscosin