Ngày 03-10-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 04/10: Maria đã chọn phần tốt nhất – Kính Thánh Phanxicô Assisi - Lm. Giuse Lăng Kinh Luân
Giáo Hội Năm Châu
02:48 03/10/2022


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, Đức Giê-su vào một làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Ma-ri-a. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” Chúa đáp: “Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị lấy đi.”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:22 03/10/2022

19. Tình yêu thanh cao của Thiên Chúa sẽ hủy diệt tất cả những gì không phải là của Thiên Chúa, và đem chúng biến thành tình yêu.

(Thánh Francis of Sales)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:27 03/10/2022
15. MUA NGÀN MÕM LỢN

Huyện quan nọ viết chữ rất nguệch ngoạc, nhưng vẫn tùy tiện múa bút. Có một lần chuẩn bị tiệc mời khách, bèn viết tên những món ăn và đưa cho người giúp việc đi mua, trong đó chữ “lưỡi舌” (1) của lưỡi lợn (豬舌) viết rất là dài, nên người giúp cho rằng mua một ngàn cái mõm lợn.

Khi đến chợ, làm gì mà có nhiều như thế, nên đi về quê tìm mua mà cũng chỉ mua được năm trăm cái mõm (miệng) lợn, người giúp việc nóng ruột quay vòng không biết làm thế nào để báo cáo cho tốt, nên cuối cùng chỉ biết gồng cứng đầu trở về bẩm báo.

Huyện quan cười lớn nói:

- “Ta bảo mua lưỡi lợn, làm thế nào mà lại đi mua ngàn cái mõm lợn?”

Thư lại chợt tỉnh ngộ thầm kêu khổ, nói với huyện quan:

- “Từ nay về sau nếu muốn mua ngỗng (鵝), tiên vàn xin ngài viết ngắn một chút, đừng viết thành mua “chim” của tôi". (2)

(Giải Uẩn Thiên)

Suy tư 15:

Có hai loại nghề nghiệp phải viết chữ cho đẹp, hoặc ít nữa viết cho đàng hoàng, đó là nghề thầy giáo và nghề bác sĩ. Nhưng trong thực tế của thời nay, có những thầy giáo viết chữ sai chính tả và viết nguệch ngoạc, và bác sĩ viết chữ trên toa thuốc thì đố ai mà đọc được, kỳ thật.

Người lãnh đạo, người làm lớn, những người có trách nhiệm dạy dỗ đều cần phải nói rõ ràng không một lời nhiều ý, bởi vì khi nói một lời nhiều ý thì dễ dàng gây ra sự hiểu lầm cho cấp dưới, và do đó dễ sinh ra sự hổn độn.

Linh mục, tu sĩ mà nói một lời nhiều ý thì giáo dân không hiểu, và do đó dễ trở thành kẻ giảo hoạt và lời giảng dạy của các ngài sẽ bớt đi sự nghiêm túc; cha mẹ dạy con mà cứ nói xa nói gần nhiều ý thì đừng trách là con cái không hiểu ý mình, nhưng luôn lấy tình thương mà phân tích rõ ràng để dạy con cái.

Vì viết cẩu thả chữ “lưỡi舌” mà huyện quan làm khổ viên thư lại đi mua ngàn cái mõm lợn.

Linh mục, tu sĩ ăn nói không nghiêm túc thì không những làm khổ giáo giáo dân mà còn gây mất uy tín của mình, và có khi gây hiểu lầm ấn tượng xấu cho giáo dân.

(1) 舌 là lưỡi, nếu phân ra trên là chữ千ngàn, dưới là chữ口 miệng.

(2) 鵝 nghĩa là con ngỗng, nếu phân ra làm hai thì chữ trước là chữ tôi我, chữ sau là chữ chim 鳥 phát âm là “dieo” giống chữ 屌 cũng phát âm là “dieo” nghĩa là “chim”. Hai chữ này nghĩa là “chim của tôi 我鳥”.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Về cuộc chiến tranh ở Ukraine, triều Giáo Hoàng của Đức Phanxicô gần Trung Quốc hơn Phương Tây
Vu Van An
18:36 03/10/2022

Như các hãng thông tấn đã loan báo: Chúa nhật vừa qua, lần đầu tiên trong triều đại ngài, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phá lệ đọc kinh truyền tin, nghĩa là không dẫn giải bài Tin Mừng trong ngày, mà nói về cuộc chiến tranh tàn khốc tại Ukraine, với lời kêu gọi thiết tha đặc biệt gửi tới “Tổng thống Liên bang Nga [không nêu đích danh]: khẩn khoản xin ông chấm dứt cơn lốc bạo lực và chết chóc này, cũng vì chính nhân dân của ông”.

Điều đáng lưu ý là liền sau đó, Đức Giáo Hoàng cũng gửi lời kêu gọi của ngài tới Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskyy, “cởi mở đối với các đề nghị nghiêm túc cho hòa bình”. Tóm lại, theo Đức Giáo Hoàng, hòa bình ở Ukraine không hẳn chỉ là Nga ngưng chiến mà Ukraine phải bước vào đối thoại với Nga.

Thái độ của Đức Phanxicô và của Tòa Thánh dưới triều Giáo Hoàng của ngài đối với cuộc chiến tranh ở Ukraine mang nặng sắc thái trung lập dù về mặt chính thức vẫn gọi đó là cuộc chiến tranh xâm lược.



Trong một bài báo với tựa đề hơi lạ “Reactions to Ukraine show the era of Pope as NATO chaplain is over” (Các phản ứng đối với Ukraine cho thấy thời đại Đức Giáo Hoàng làm tuyên úy cho NATO đã qua hẳn), John Allen của tạp chí CruxNow cho rằng sau vụ Nga sáp nhập 4 vùng của Ukraine, sau đây là phản ứng của phát ngôn viên một định chế hoàn cầu lớn, một định chế khiến nhiều người chỉ trích vì thái độ lừng chừng [ambivalent] đối với cuộc chiến của Putin:

Phát ngôn viên cho hay, “Chúng tôi tin rằng mọi quốc gia đáng được tôn trọng đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của họ, các mục tiêu và nguyên tắc của hiến chương Liên Hiệp Quốc nên được tuân thủ, an ninh hợp pháp liên quan tới bất cứ quốc gia nào cũng nên được coi trọng, và nên ủng hộ mọi cố gắng dẫn tới việc giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng.

“Chúng tôi hy vọng các bên liên hệ sẽ thích đáng giải quyết các dị biệt qua đối thoại và tham khảo. [Chúng tôi] sẵn sàng làm việc với các thành viên của cộng đồng quốc tế để tiếp tục đóng một vai trò xây dựng trong các cố gắng xuống thang”.

Allen cho rằng trong tuyên bố trên, hoàn toàn vắng bóng việc kết án thẳng thừng hành động của Nga, trái lại còn mặc nhiên nhìn nhận một mức độ hợp pháp nào đó cho quan tâm an ninh của Putin, người vốn cho rằng lý do tiến hành cuộc chiến là để bảo vệ an ninh của đất nước ông. Tuyên bố của phát ngôn viên nhấn mạnh tới đối thoại và hòa bình hơn là qui lỗi hay đứng về phe nào.

Mặc dù tất cả các điều trên vốn là đặc điểm bình luận về Ukraine của Đức Phanxicô và của Tòa Thánh, gần đây nhất, Đức Giáo Hoàng cũng đã phát biểu những điều tương tự trong câu truyện với các tu sĩ Dòng Tên tại Kazakhstan, trong trường hợp này không phải là phát ngôn viên của Vatican đã trích dẫn trên đây mà là Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Hôm Thứ Sáu, khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc xem xét một đề nghị của Hoa Kỳ lên án việc sáp nhập, 10 quốc gia bỏ phiếu ủng hộ trong khi 4 quốc gia bỏ phiếu trắng: Trung Quốc, Ấn Độ, Ba Tây và Gabon. Vatican không có chân trong Hội Đồng Bảo An, nhưng nếu có, chắc chắn sẽ bỏ phiếu trắng.

Lẽ dĩ nhiên, các tính toán chính trị, kinh tế và chiến lược từng dẫn Trung Quốc tới chủ trương pha trộn về Ukraine rất khác xa với các xem xét luân lý và nhân đạo của Đức Phanxicô, nhưng sự kiện vẫn là lập trường thực chất của Vatican về cuộc chiến ở Ukraine xem ra gần gũi với lập trường của Bắc Kinh hơn là với lập trường của Hoa Thịnh Đốn, chẳng hạn, hay về vấn đề này, với lập trường của Ý.

Về phần mình, tân thủ tướng của Ý, Giorgia Meloni, đã công bố một tuyên bố nhức nhối vào hôm Thứ Sáu, mô tả cuộc trưng cầu dân ý ở 4 khu vực sáp nhập như “trò hề” và các vụ sáp nhập như “không hề có giá trị pháp lý hay chính trị”; bà nói thêm rằng thái độ của Putin là thái độ “tân đế quốc chủ nghĩa với sắc thái Nga”. Không ai ở Vatican nói gần một điều như thế.

Sự kiện Đức Phanxicô và các đồng minh Vatican của ngài đôi khi nghe hao hao giống Trung Quốc, hay Ấn Độ, hơn là các đối tác lịch sử của các vị ở Phương Tây, lẽ dĩ nhiên, là một lý do khiến một số nhà phê bình Công Giáo không vui vẻ mấy.

Thế nhưng, theo Allen, ta nên tạm gác chuyện đúng sai qua một bên và cố gắng hiểu tình huống theo các điều kiện lịch sử của nó. Theo một quan điểm nào đó, người ta có thể lập luận rằng phản ứng của triều Giáo Hoàng này với cuộc chiến ở Ukraine là hậu quả tự nhiên của chuyển dịch nhân khẩu học và văn hóa ồ ạt trong đạo Công Giáo của đa phần thế kỷ 20.

Khi Liên Minh Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được thành lập năm 1949, trong các giới Công Giáo, người ta đôi khi đùa giỡn nói rằng Đức Giáo Hoàng hồi đó, tức Đức Piô XII, nên được cử làm tuyên úy cho nó. Một phần, đó là hậu quả nhân khẩu học của đạo Công Giáo: Năm 1950, chỉ có trên 400 triệu người Công Giáo khắp thế giới, mà khoảng phân nửa sống tại Âu Châu vốn lệ thuộc nặng nề vào cây dù an ninh của Hoa Kỳ chống lại điều vốn được tri nhận như đe dọa của chiến trận Âu Châu và cả các chính sách chống tôn giáo của Liên Bang Xô Viết.

Đến năm 2022, bộ mặt đức tin đã thay đổi hết sức đáng kể.

Ngày nay có khoảng 1.3 tỷ người Công Giáo trên thế giới, mà hết 2 phần 3 sống tại Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latinh nghĩa là ở bên ngoài các biên giới truyền thống Tây Phương. Về phương diện thống kê, người Công Giáo điển hình trong thế giới ngày nay chắc chắn là người da mầu và nghèo hơn là người da trắng và trung lưu và chắc chắn sống ở những khu xóm trong đó các nhân đức được coi là của Hiệp Chúng Quốc và đồng minh Tây Phương không còn là phương châm nữa.

Nhiều Kitô hữu khắp Trung Đông vẫn còn nghi ngờ chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ sau cuộc chiến ở Iraq, một quan điểm được hâm nóng bởi việc nước này bỏ rơi A Phú Hãn. Ở Châu Mỹ Latinh, nhiều người vẫn còn nhớ như in lịch sử chìm nổi của Hoa Kỳ trong vùng. Ngay ở Châu Phi, nhiều thường dân ngày nay vẫn tương phản một cách đầy thuận lợi chính sách đầu tư và cam kết của Trung Quốc với điều họ coi như làm ngơ nói chung của Hoa Kỳ.

Đức Phanxicô là vị Giáo Hoàng đặt một bộ mặt lên các xu hướng trên, là vị Giáo Hoàng đầu tiên xuất thân từ nam bán cầu, vị Giáo Hoàng đầu tiên xuất thân từ Châu Mỹ Latinh và là vị Giáo Hoàng đầu tiên phát xuất từ bên ngoài Châu Âu kể từ những thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội. Một cách nào đó, chúng ta như thể trở về nguồn, theo nghĩa vị Giáo Hoàng thứ nhất, Thánh Phêrô, sinh tại Bethsaida thuộc Israel ngày nay, vào một dân tộc cũng khá hoài nghi đối với các đế quốc đương thời.

Hiển nhiên, không một hậu cảnh nào trên đây đề cập tới đường lối của Đức Giáo Hoàng đối với Ukraine, một đường hướng sẵn để người ta tranh luận một cách hợp pháp, ngay những quan niệm sâu rộng nhất về quyền vô ngộ của Đức Giáo Hoàng cũng không bao gồm lập trường của ngài về địa chính trị. Hơn nữa, chính Đức Phanxicô cho rằng ngài không bận tâm tới các lời phê bình, khi nói với các tu sĩ Dòng Tên, “Giáo Hoàng không giận khi bị hiểu lầm, vì tôi biết rõ các đau khổ ở phía sau”.

Thế nhưng, như Auguste Comte, cha đẻ của khoa xã hội học hiện đại, từng nói “Nhân khẩu học là định mệnh”.

Bởi các luật chữ đó ấy, người Công Giáo Hoa kỳ và Châu Âu có lẽ phải làm quen với việc nghe các nhận định phát xuất từ Vatican vốn không phù hợp với sách vở giáo khoa của NATO, bởi vì các vị Giáo Hoàng ngày nay là bất cứ điều gì khác, nhưng xem ra các ngài không có đó để làm tuyên úy cho liên minh Bắc Đại Dương nữa.

Allen cũng muốn có thêm một nhận định nữa đó là việc Đức Phanxicô có đủ lý do để không buồn lòng khi bị tri nhận là bằng hữu của Trung Quốc vào ngay lúc này, lúc Tòa Thánh muốn thấy thoả thuận với Bắc Kinh về việc bổ nhiệm các Giám Mục được tái tục. Về mặt trận này, ngài có thể được khích lệ bởi một điều khác được phát ngôn viên ngoại giao nói vào hôm Thứ Sáu để trả lời cho một câu hỏi về thoả thuận:

Phát ngôn viên Mao Ning nói rằng, “Vì Trung Quốc và Tòa Thánh ký thoả thuận tạm thời về việc bổ nhiệm các Giám Mục, thoả thuận đã được thực thi cách thành công nhờ các cố gắng của cả hai bên. Hai bên sẽ tiếp tục với công trình liên hệ phù hợp với nghị trình đã thỏa thuận”.

Điều ấy thực sự có bất cứ ý nghĩa nào đi chăng nữa, thì điều chắc chắn vẫn là nó không chứa bất cứ chữ “không” thẳng thừng nào.
 
Ý cầu nguyện tháng 10 của Đức Thánh Cha: Một Giáo hội hiệp hành
Thanh Quảng sdb
20:52 03/10/2022
Ý cầu nguyện tháng 10 của Đức Thánh Cha: Một Giáo hội hiệp hành

Đức Thánh Cha Phanxicô công bố ý cầu nguyện tháng 10, trong đó ngài cầu xin cho Giáo hội hiệp hành, nghĩa là cùng nhau bước đi trên cùng một con đường.

(Tin Vaticann - Francesca Merlo)

Theo thông lệ, vào mỗi đầu tháng, Đức Thánh Cha công bố ý cầu nguyện. Trong tháng 10 này, ĐTC mời gọi cầu nguyện cho: “Một Giáo hội rộng mở cho tất cả mọi người”.

Trong Video Đức Thánh Cha tự hỏi "'Hiệp hành' có nghĩa gì?", Trước khi chúng ta tự trả lời, ĐTC cho hay đó là đi cùng bước đi: synod. Ngài giải thích rằng trong tiếng Hy Lạp, từ hiệp hành có nghĩa là đi cùng nhau, và cùng đi trên một con đường.

Đức Thánh Cha nói tiếp, đây là "điều mà Thiên Chúa mong đợi cho Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba này – một Giáo hội nhận thức lại việc trở thành một dân tộc trên đường hành trình cùng nhau".

ĐTC nói thêm rằng một Giáo hội với phong cách hiệp hành này là một Giáo hội lắng nghe, với ý thức rằng lắng nghe với chiều sâu chứ không chỉ là nghe xuông.

"Nó có nghĩa là lắng nghe lẫn nhau trong sự đa dạng và mở rộng cửa cho những người ngoài Giáo hội. Nó không phải là để thu thập ý kiến, cũng không phải tổ chức một hiệp hội. Thượng hội đồng không phải là một cuộc khảo sát; mà là lắng nghe tiếng mời gọi của Chúa Thánh Thần.

Đoạn video dài hai phút cho thấy hình ảnh mọi người cùng đồng hành, cầu nguyện và cùng nhau học hỏi và ĐTC kết thúc bằng mời gọi chúng ta "hãy tận dụng cơ hội này để trở thành một Giáo hội gần gũi, như Chúa chính là - sự gắn bó", Ngài cũng mời gọi chúng ta "hãy tạ ơn với toàn dân Chúa, cùng lắng nghe, và đang tiến bước trên con đường của Thượng hội đồng".

Cuối cùng, Đức Thánh Cha nói: "chúng ta hãy cầu nguyện để Giáo Hội, luôn trung thành với Tin Mừng và can đảm rao giảng Tin Mừng, hầu sống trong bầu khí hiệp hành ngày càng gắn kết, trở thành một cộng đồng đoàn kết, huynh đệ và rộng mở đón chào".
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tổng Giáo Phận Hà Nội chào đón Đại hội Hội Đồng Giám Mục Việt Nam lần thứ XV
BBT - TGP Hà Nội
09:28 03/10/2022
Tổng Giáo Phận Hà Nội chào đón Đại hội Hội Đồng Giám Mục Việt Nam lần thứ XV

Thứ Hai ngày 03/10/2022, Tổng Giáo Phận (TGP) Hà Nội hân hoan chào đón quý Đức Tổng Giám Mục (TGM), quý Đức cha thuộc 26 Giáo phận trên cả nước về tham dự Đại hội Hội đồng Giám mục (HĐGM) Việt Nam lần thứ XV. Cách riêng, Đại hội cũng hân hoan chào đón sự hiện diện của Đức TGM Marek Zalewski, Đại diện Toà thánh không thường trú tại Việt Nam.

Xem Hình

Đại hội HĐGM Việt Nam được tổ chức 3 năm một lần để bầu chọn các Giám mục đứng đầu HĐGM Việt Nam và các Ủy ban trực thuộc nhiệm kỳ tiếp theo. Đồng thời, đây là dịp để các vị chủ chăn của Giáo hội Việt Nam đưa ra định hướng mục vụ cho 3 năm kế tiếp, hướng dẫn dân Chúa một cách cụ thể và có hiệu quả hơn. Năm nay TGP Hà Nội vinh dự là nơi tổ chức kỳ Đại hội lần thứ XV.

Tại tiền sảnh của Trung tâm Mục vụ TGP Hà Nội, cha Tổng Đại diện Antôn Nguyễn Văn Thắng vui mừng chào đón quý Đức TGM. Ngay sau đó, tại phòng khách tầng I của Trung tâm, Đức TGM Giuse đã đón tiếp quý Đức cha trong bầu khí thân mật. Trong giờ tiếp đón buổi chiều, các vị lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đến chúc mừng quý Đức cha trong kỳ Đại hội HĐGM VN.

Vào lúc 18h30, tại phòng tiệc, Đức TGM Giuse cùng đại diện các thành phần dân Chúa của TGP Hà Nội chào đón Đức Hồng Y, quý Đức cha, quý Cha trong tiếng hát hân hoan.

Mở lời, Cha Tổng Đại diện Antôn Nguyễn Văn Thắng gửi lời chào và lời cảm ơn đến Đức Hồng Y, quý Đức cha và quý Cha. Ngài bày tỏ niềm vui khi công trình Trung tâm Mục vụ đã được hoàn thiện và có thể phục vụ Đại hội. Kết lời, Cha Antôn hy vọng Đại hội HĐGM Việt Nam lần thứ XV sẽ thành công tốt đẹp.

Đáp lời, Đức cha Chủ tịch HĐGM Việt Nam Giuse Nguyễn Chí Linh chia sẻ tâm tình khi được trở về Giáo phận thủ đô. Ngài khẳng định Hà Nội vẫn là trung tâm hành hương với nhiều kỷ niệm linh thiêng của Giáo hội. Đức cha cũng dành lời chúc mừng Đức TGM Giuse đã hoàn thành công trình Trung tâm Mục vụ TGP Hà Nội.

Vào lúc 20h00 cùng ngày, quý Đức cha sẽ chính thức bước vào giờ chầu khai mạc Đại hội HĐGM Việt Nam lần thứ XV.

Chúng ta cùng hiệp thông trong lời cầu nguyện cho Đại hội HĐGM Việt Nam sẽ gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp, dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần.

Mọi thông tin về Đại hội HĐGM Việt Nam lần thứ XV sẽ được Truyền thông HĐGM Việt Nam (https://www.hdgmvietnam.com)

và Truyền thông TGP Hà Nội (https://www.tonggiaophanhanoi.org) liên tục cập nhật.

BBT
 
VietCatholic TV
Bao nhiêu lính Nga mở đường máu chạy thoát? Thừa thắng, Ukraine đánh lớn, 24h Nga mất 49 chiến xa
VietCatholic Media
03:49 03/10/2022


1. Lyman thất thủ là do những lời nói dối từ trên xuống. Trong 5,000 quân Nga bị bao vây, bao nhiêu người chạy thoát?

Trong bản báo cáo sáng thứ Hai 3 tháng 10, khi được hỏi có bao nhiêu binh sĩ Nga chạy thoát được khỏi thành phố Lyman, phát ngôn nhân Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine nói “không bao nhiêu” và từ chối đưa ra con số chính xác để bảo mật các tin tức quốc phòng. Trước đó, có thông tin cho rằng có từ 5,000 đến 5,500 quân Nga bị vây. Thành phố này chỉ có một con đường độc đạo để ra vào. Quân Ukraine không cần phục kích, họ dùng HIMARS pháo kích vào đoàn xe Nga đang tẩu thoát. Do đó, con số binh sĩ Nga đầu hàng và bị loại khỏi vòng chiến được dự đoán là rất cao. Chính vì thế, trên các mạng xã hội, ngày càng có nhiều những chỉ trích liên quan đến thảm bại tại Lyman. Thậm chí, người ta bắt đầu thấy có những lời kêu gọi hô hào bắt Putin giao nộp cho người Ukraine để tái lập hòa bình và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây đang làm kinh tế Nga xuống dốc.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin's Lyman Loss Due to Lies From 'Top to Bottom': Ret. Russian Commander”, nghĩa là “Cấp chỉ huy Nga về hưu cho rằng thất bại của Putin ở Lyman là do những lời nói dối từ trên xuống”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một cựu chỉ huy quân đội Nga gần đây cho biết việc Mạc Tư Khoa không giữ được thành phố Lyman là do một loạt những lời nói dối từ “trên xuống dưới”.

Andrey Gurulyov trước đây phục vụ trong quân đội Nga cho đến năm 2019 trước khi chuyển sang hoạt động chính trị, giữ chức phó thống đốc vùng Transbaikal và hiện là thành viên của Duma, tức là Hạ Viện Nga. Xuất hiện trên một chương trình phát sóng tin tức nhà nước sau khi Ukraine tái chiếm được Lyman, chính trị gia này đã bất ngờ có lập trường nghiêm khắc và nghiêm túc về việc các chỉ huy Nga ở Lyman đã có ý định đầu hàng các lực lượng Ukraine từ đầu. Julia Davis, người tạo ra Russian Media Monitor, đã chia sẻ một đoạn clip về sự xuất hiện của ông ấy trên Twitter hôm thứ Bảy.

“Thành thật mà nói, từ quan điểm quân sự, tôi không thể giải thích điều đó,” Gurulyov nói với người dẫn chương trình. “Có lẽ đây là một cột mốc mang tính bước ngoặt, không chỉ về mặt quân sự, mà còn về mặt chính trị. Thực lòng tôi không thể hiểu tại sao sau ngần ấy thời gian họ không thể đánh giá chính xác tình hình, tại sao họ không đưa ra quyết định tăng cường quân số cho lực lượng đang bảo vệ Lyman”.

Lyman là một thành phố lớn ở vùng Donetsk, miền Đông Ukraine, là một phần của vùng Donbas ly khai, từng là tâm điểm của cuộc xâm lược của Nga. Thành phố được cho là đóng vai trò là trung tâm hậu cần và vận chuyển chính cho các lực lượng Nga đang chiếm đóng.

Hôm thứ Bảy, các quan chức Nga thông báo rằng các lực lượng trong thành phố đã rút lui sau một cuộc phản công thành công của Ukraine. Các báo cáo sau đó xuất hiện rằng khoảng 5.000 quân Nga trong thành phố đã bị bao vây bởi các lực lượng phòng thủ Ukraine. Bất chấp thất bại quân sự lớn này, Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây tuyên bố ông đang sáp nhập bất hợp pháp khu vực này - cùng với các khu vực Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson - sau khi các cuộc trưng cầu dân ý bỏ phiếu để gia nhập Nga được tổ chức ở đó vào tuần trước.

Khi được đưa ra bình luận, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nhắc tới Newsweek những lời của Bộ trưởng Antony Blinken, người mà khi có kết quả cuối cùng, đã bác bỏ chúng là “cuộc trưng cầu dân ý và thôn tính giả tạo”, đồng thời cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden “sẽ áp đặt thêm các biện pháp nghiêm khắc và nhanh chóng các lệnh trừng phạt đối với Nga”.

Trong cùng một cuộc phỏng vấn, Gurulyov phỏng đoán rằng việc rút lui khỏi Lyman có thể là kết quả của các báo cáo không chính xác từ chiến trường đã cố gắng vẽ nên một bức tranh tích cực về tình hình. Ông nói, điều này có thể được thực hiện bởi lãnh đạo quân đội, do bản chất của hệ thống hiện hành.

“Dù họ đã chiến đấu anh dũng đến đâu, vẫn có một tính toán sơ đẳng về khả năng quân sự, cho thấy liệu Lyman có thể bị thất thủ hay không,” Gurulyov tiếp tục. “Vấn đề mà chúng tôi gặp phải là liên tục đưa ra các báo cáo rất hay, mà bạn có thể gọi nó là những lời nói dối liên tục. Hệ thống này không đi từ dưới lên trên, mà từ trên xuống dưới.”

Khi Gurulyov đang thực hiện đánh giá này, nguồn cấp dữ liệu Skype của ông ấy đột nhiên bị cắt. Theo Davis, cuộc thảo luận của ông ấy sau đó đã được tái tục, nhưng ông không còn thảo luận về những thất bại trong hàng lãnh đạo quân sự Nga ở Ukraine như trước đó.

Newsweek đã liên hệ với các quan chức Nga để đưa ra bình luận.

2. Nga mất 23 xe tăng, 26 xe bọc thép và 6 máy bay không người lái chỉ trong một ngày duy nhất

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Loses 23 Tanks, 26 Armored Vehicles and 6 Drones in Single Day: Kyiv”, nghĩa là “Kyiv cho biết Nga mất 23 xe tăng, 26 xe bọc thép và 6 máy bay không người lái chỉ trong một ngày duy nhất.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo các quan chức Ukraine, Nga đã mất hàng chục xe tăng, xe bọc thép và máy bay không người lái chỉ trong một ngày giao tranh.

Trong bản báo cáo hôm thứ Hai 3 tháng 10, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết trong ngày Chúa Nhật 2 tháng 10, 23 xe tăng, 26 xe bọc thép chiến đấu, 8 đơn vị pháo và 6 máy bay không người lái đã bị phá hủy trong vòng 24 giờ. Diễn biến này xảy ra chủ yếu trong vùng Donetsk sau khi quân Ukraine đã tái chiếm thành phố quan yếu Lyman.

Theo Kyiv, Nga hiện đã mất 2.377 xe tăng, 4.975 phương tiện chiến đấu bọc thép, 1.405 đơn vị pháo và 1.015 máy bay không người lái kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào ngày 24/2.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết thêm khoảng 60,110 binh sĩ Nga đã bị loại khỏi vòng chiến kể từ khi Vladimir Putin ra lệnh cho quân đội của mình xâm lược Ukraine. Kim Thúy xin mở ngoặc để nói thêm như sau:

Theo Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine Ukraine, con số này là 52,500 vào ngày 10 tháng 9, sau khi quân Ukraine tái chiếm được thành phố Izium. Sự khác biệt giữa hai con số này có thể giúp hình dung ra mức độ tổn thất của quân Nga trong trận Lyman.

Nga đã mất rất nhiều quân và trang thiết bị, nhưng trong hoàn cảnh chiến tranh rất khó để xác minh một con số chính xác.

Các quan chức Nga không thường xuyên chia sẻ về tổn thất quân sự của mình và lần cuối cùng đưa ra bản cập nhật vào tháng 3 khi nước này cho biết 1.351 quân của nước này đã thiệt mạng.

Tuyên bố của Ukraine được đưa ra khi các lực lượng của họ tiếp tục phản công vào các khu vực bị Nga chiếm đóng.

Hôm thứ Bảy, lực lượng của Kyiv đã tái chiếm thành phố Lyman ở vùng Donetsk, miền đông Ukraine.

Trung tướng Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov xác nhận các lực lượng của nước này đã rút lui khỏi Lyman.

Nhưng ông cũng nói thêm rằng 200 quân nhân Ukraine đã bị tiêu diệt trước khi họ rút lui.

Bộ Quốc phòng Nga hôm Chúa Nhật cũng cho biết họ đã phá hủy 310 máy bay Ukraine, 155 máy bay trực thăng, 378 hệ thống hỏa tiễn phòng không, 5.281 xe tăng và phương tiện chiến đấu bọc thép ở Ukraine kể từ ngày 24/2, theo RIA Novosti.

Việc giải phóng Lyman tiêu biểu cho một thất bại lớn đối với Putin. Chỉ vài giờ trước đó, ông ta tuyên bố Donetsk, Kherson, Luhansk và Zaporizhzhia sẽ gia nhập Liên bang Nga sau cuộc trưng cầu dân ý ở các vùng lãnh thổ.

Ukraine, các đồng minh NATO và Liên minh Âu Châu tuyên bố các cuộc trưng cầu dân ý là một trò giả mạo và đã tái khẳng định lập trường của họ rằng các khu vực này vẫn là lãnh thổ của Ukraine.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để đưa ra bình luận

Trong khi quân đội Nga đã bị đẩy lùi khỏi vùng đất rộng lớn của Ukraine, Phó Tổng thư ký NATO Mircea Geoana cảnh báo Mạc Tư Khoa vẫn có thể là một kẻ thù nguy hiểm.

Ông nói: “Cuộc chiến của Nga nhấn mạnh tầm quan trọng của khả năng răn đe và phòng thủ mạnh mẽ. Nga bị suy yếu, nhưng vẫn nguy hiểm. Và chúng ta không thể mất cảnh giác. Chúng ta không thể cho rằng Nga sẽ không tấn công nước khác”.

“Nhiều người đã từng cho rằng Nga sẽ không phát động một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine. Họ đã sai lầm”.

Bình luận của ông được đưa ra sau khi bốn vụ nổ xảy ra tại đường ống Nord Stream 1 và 2 gần Đan Mạch và Thụy Điển.

Trong khi các quan chức Liên minh Âu Châu không đổ lỗi trực tiếp cho Mạc Tư Khoa, họ cho thấy sự hoài nghi về sự tham gia của Nga. Putin đã phủ nhận trách nhiệm về các vụ nổ, thay vào đó đổ lỗi cho các đối thủ phương Tây.

3. Nhận định của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng về thất bại của Putin tại Lyman

Lyman là một trung tâm vận tải và hậu cần quan yếu của quân xâm lược Nga. Thành phố này chỉ có một con đường độc đạo để ra vào. Các hình ảnh kinh hoàng xác các chiến xa Nga cùng với binh lính bị tử trận khi rút lui khỏi thành phố này gây ra các phản ứng bất lợi đối với nhà độc tài Vladimir Putin.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin's Lyman Defeat a Major Setback as Undermanned Forces Lose City: U.K.”, nghĩa là “Anh Quốc Nhận Định Rằng Thất Bại Của Putin Ở Lyman Là Một Thất Bại Lớn Khi Lực Lượng Không Đủ Quân Số Mất Thành Phố Này.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo Bộ Quốc phòng Anh, thất bại của Nga tại thành phố Lyman chiến lược của Ukraine là một “thất bại chính trị đáng kể”.

Việc Nga mất Lyman, nằm ở vùng Donetsk và đang được sử dụng làm trung tâm vận tải và hậu cần, giáng một đòn mạnh vào Tổng thống Nga Vladimir Putin khi ông leo thang chiến tranh bằng cách sáp nhập 4 vùng của Ukraine.

Hãng thông tấn nhà nước Nga RIA đưa tin, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận rằng họ đã “rút lui về các giới tuyến có lợi hơn”.

Trong một cuộc họp báo thông tin tình báo hàng ngày vào hôm Chúa Nhật, Bộ Quốc phòng Anh cho biết Lyman “có khả năng được bảo vệ bởi các đơn vị không đủ quân số của các Quân khu miền Tây và Trung tâm của Nga, cũng như lực lượng dự bị được huy động tự nguyện”.

“Lực lượng Nga có thể đã trải qua thương vong nặng nề khi nó rút lui theo con đường duy nhất ra khỏi thành phố vẫn nằm trong tay Nga”.

Báo cáo cho biết, thành phố này rất quan yếu vì nó có “một con đường quan trọng băng qua sông Siversky Donets, phía sau con sông này Nga đang cố gắng củng cố hệ thống phòng thủ của mình”.

Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh lưu ý rằng việc Nga rút khỏi Lyman “cũng thể hiện một thất bại chính trị đáng kể do nó nằm trong vùng Donetsk, một khu vực mà Nga cho là muốn 'giải phóng' và đã cố gắng thôn tính bất hợp pháp.”

Việc Mạc Tư Khoa rút khỏi Lyman đã thúc đẩy những chỉ trích mạnh mẽ hơn về khả năng lãnh đạo quân sự của Nga.

“Việc mất thêm lãnh thổ tại các vùng bị chiếm đóng bất hợp pháp gần như chắc chắn sẽ dẫn đến việc gia tăng những chỉ trích công khai và gia tăng áp lực lên các chỉ huy cấp cao”

Các lực lượng Ukraine đã chiếm lại những vùng lãnh thổ rộng lớn trong một cuộc phản công bắt đầu vào tháng 9.

Trước những tổn thất ngày càng gia tăng, Putin đã ra lệnh động viên một phần và sáp nhập 4 khu vực của Ukraine, bao gồm cả Donetsk.

Hôm thứ Bảy, cảnh các binh sĩ Ukraine treo cờ của họ ở ngoại ô Lyman, nơi bị Nga chiếm đóng từ tháng 5, đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.

“Quốc kỳ Ukraine đã có ở Lyman,” Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiyy cho biết trong bài phát biểu hàng đêm.

“Trong tuần qua, đã có thêm nhiều lá cờ Ukraine ở Donbas. Trong một tuần nữa sẽ còn nhiều hơn thế nữa”.

Điều đó diễn ra một ngày sau khi Putin tuyên bố sáp nhập 4 khu vực của Ukraine sau khi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý ở các khu vực bị chiếm đóng của Ukraine, gây ra sự lên án toàn cầu.

“Nga đang vi phạm luật pháp quốc tế, chà đạp lên Hiến chương Liên Hiệp Quốc và tỏ ra khinh thường các quốc gia hòa bình ở khắp mọi nơi”, Tổng thống Joe Biden cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu.

“Đừng nhầm lẫn: những hành động này không có tính hợp pháp. Hoa Kỳ sẽ luôn tôn trọng các đường biên giới được quốc tế công nhận của Ukraine “.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga và Bộ Quốc phòng Ukraine để đưa ra bình luận.

4. Quan chức quân sự hàng đầu của Ukraine thảo luận về nhu cầu với Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ

Hôm Chúa Nhật 2 tháng 10, Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang của Ukraine cho biết ông đã thảo luận về nhu cầu quân sự với Tổng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ.

Valerii Zaluzhnyi, Tổng tư lệnh Các lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết qua Telegram rằng ông đã có cuộc trò chuyện qua điện thoại với Tướng Mark Milley, Tổng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ và “đã thảo luận về các vấn đề cung cấp nhu cầu của Lực lượng Phòng vệ của Ukraine trong việc đẩy lùi quân xâm lược vũ trang Nga “.

Nhà lãnh đạo quân đội Ukraine cũng cho biết ông “chân thành biết ơn toàn thể nhân dân Mỹ và các nhà lãnh đạo của nước này vì sự ủng hộ nhất quán và vững chắc cho Ukraine trong thời gian khó khăn này.”

Cuộc điện đàm diễn ra vài ngày sau khi Hạ viện Mỹ bỏ phiếu cung cấp khoảng 12 tỷ Mỹ Kim cho Ukraine. Hạ viện cũng yêu cầu Ngũ Giác Đài báo cáo về việc đô la Mỹ đã được chi tiêu vào đó như thế nào.

Khoản tài trợ bổ sung 12 tỷ USD cho Ukraine cung cấp tiền để Mỹ tiếp tục gửi vũ khí bổ sung cho kho dự trữ của Mỹ đã được gửi đến nước này trong suốt 7 tháng qua trong thời gian xung đột đang diễn ra.

Để tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine chống lại cuộc tấn công của Nga, dự luật phân bổ thêm 3 tỷ USD cho Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine. Số tiền lớn này cho phép Mỹ mua sắm vũ khí từ các ngành công nghiệp và gửi chúng cho Ukraine, thay vì rút trực tiếp từ kho vũ khí của Mỹ.

Dự luật cũng cho phép bổ sung thêm 3,7 tỷ đô la tài trợ cho cơ quan quản lý rút tiền của tổng thống, cho phép Mỹ gửi vũ khí trực tiếp từ kho dự trữ của Mỹ và 1,5 tỷ đô la được bao gồm để “bổ sung kho thiết bị của Mỹ” cung cấp cho Ukraine, một tờ thông tin từ Đảng Dân chủ ở Thượng viện cho biết như trên.

5. Ngoại trưởng Phần Lan cho rằng Putin đối mặt với các bất đồng đang 'sủi bọt' ở Nga, các nước trung lập 'lo lắng'

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Facing 'Bubbling' Dissent in Russia, 'Nervous' Neutrals: Finnish FM”, nghĩa là “Ngoại trưởng Phần Lan cho rằng Putin đối mặt với các bất đồng đang 'sủi bọt' ở Nga, và các nước trung lập 'lo lắng'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang ở trong một trò chơi sinh tử khi lực lượng của ông phải chịu thêm thất bại trên chiến trường Ukraine, trong khi các đối tác phương Tây của Kyiv tìm cách tăng cường hỗ trợ để đáp lại việc Mạc Tư Khoa sáp nhập các khu vực bị chiếm đóng.

Phát biểu với Newsweek bên lề Diễn đàn An ninh Helsinki ở thủ đô Phần Lan hôm Chúa Nhật, Ngoại trưởng Pekka Haavisto cho biết nhà độc tài Nga đang phải đối mặt với cả sự bất đồng trong nội bộ Nga và sự không bất định giữa các quốc gia trung lập đang lo ngại về các cuộc khủng hoảng hạt nhân và lương thực đang rình rập, cộng với “trò giả tạo của Điện Cẩm Linh trong cái gọi là trưng cầu dân ý trên đất Ukraine bị chiếm đóng”.

“Nhiều quốc gia có thể không quá lo ngại về cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, nhưng bây giờ họ rất lo ngại về phương pháp này mà Nga bắt đầu dùng để thay đổi biên giới bằng cách trưng cầu dân ý,” Haavisto nói, phản ánh về các cuộc trò chuyện gần đây với những người đồng cấp tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng Chín.

Ông nói thêm: “Nhìn vào bản đồ, bạn có thể thấy nhiều dân tộc thiểu số, bạn có thể thấy nhiều biên giới có thể bị thách thức với các phương pháp tương tự. Sử dụng loại phương pháp này trên phạm vi quốc tế sẽ tạo ra một mớ hỗn độn lớn. Tôi nghĩ rằng nhiều quốc gia không thể chấp nhận việc thay đổi biên giới bằng các cuộc trưng cầu dân ý, bất kể nó được thực hiện như thế nào”.

“Các cuộc trưng cầu dân ý đang buộc các nước phản ứng, hoặc ít nhất là không công nhận các đường biên giới mới. Tôi nghĩ sẽ không có nhiều quốc gia dám công nhận các đường biên giới mới, thông qua kiểu trưng cầu dân ý sai lầm như thế này”.

Tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc gồm 15 thành viên vào cuối tuần, Nga đã sử dụng quyền phủ quyết của mình để ngăn chặn dự thảo nghị quyết lên án việc sáp nhập 4 khu vực của Ukraine. Trung Quốc và Ấn Độ bỏ phiếu trắng thay vì bỏ phiếu chống lại nghị quyết do Mỹ đưa ra, Gabon và Brazil cũng vậy. 10 quốc gia còn lại đều bỏ phiếu ủng hộ.

Theo Haavisto, mối nguy hiểm của các cơ sở điện hạt nhân ở Ukraine, việc Nga nhiều lần đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân và tác động của cuộc chiến đối với nguồn cung lương thực toàn cầu đang gây ra lo ngại cho các quốc gia mà đến nay không dám đứng hẳn về phía Ukraine vì sợ Nga.

Hôm thứ Bảy, lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov đề nghị Nga nên sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để đáp trả việc Ukraine tái chiếm thành phố trọng điểm Lyman. “Những tuyên bố kiểu này đang khiến các quốc gia ngày càng lo lắng hơn,” Haavisto nói.

Lệnh động viên “một phần” của Putin hiện đang được thực hiện. Điện Cẩm Linh hy vọng rằng việc gửi hàng trăm nghìn binh sĩ mới đến tiền tuyến có thể ngăn chặn bước tiến của Ukraine trong mùa đông tới.

Haavisto cho biết chiến thắng nhanh chóng của Ukraine ở miền Kharkiv là một trong hai “thất bại lớn” đối với Nga kể từ tháng Hai, lần đầu tiên là thất bại ở phía bắc Kyiv. Tuy nhiên, ngoại trưởng cảnh báo rằng khó có thể có kết luận nhanh chóng.

“Ở Phần Lan, chúng tôi luôn nói rằng chúng tôi nên chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài,” Haavisto nói.

“Như chúng ta thấy bây giờ, thông qua lệnh động viên Putin có khả năng huy động nhiều người hơn ra mặt trận. Tất nhiên họ không được huấn luyện đầy đủ, họ có thể không được trang bị đầy đủ, nhưng khả năng thực hiện lệnh động viên này cho thấy rằng Nga có thể tiếp tục và kéo dài cuộc chiến”.

Lệnh điều động đã khiến khoảng 200.000 người Nga chạy khỏi đất nước. Hàng nghìn người đã bị bắt - và một số người được cho là sau đó đã bị giam giữ trong các cuộc biểu tình ở các thành phố lớn của Nga, bao gồm cả Mạc Tư Khoa và Saint Petersburg.

Tình trạng bất ổn là đáng kể nhất kể từ những ngày đầu của cuộc chiến. Haavisto nói rằng bất đồng nội bộ có thể định hình kết cục của cuộc chiến.

Ông nói: “Nga có thể thay đổi. Tôi rất cẩn thận xem xét các tiếng nói đối lập khác nhau... có những người dũng cảm và thể hiện bản thân một cách công khai,” vị ngoại trưởng nói thêm, lưu ý công việc của nhà vận động bị bỏ tù Alexei Navalny và những bất đồng công khai gần đây từ ngôi sao ca nhạc Alla Pugacheva.

“Nó cho thấy rằng những bất mãn đang sủi bọt bên dưới,” Haavisto nói. “Rất khó nói nó sẽ nhanh như thế nào. Rất khó để biết thời gian biểu của sự thay đổi.”

Trong khi đó, Putin và những người bên trong của ông ấy đang tham gia vào một “trò chơi sinh tử”, Haavisto nói. “Putin có tất cả các quân bài trên bàn vào lúc này.”

“Rõ ràng là Nga luôn thay đổi, như chúng ta đã thấy trong 100 năm qua. Nó luôn đến một thời điểm đột phá, và có một cái gì đó mới xuất hiện. Tất nhiên, bi kịch là chúng ta không biết liệu nó diễn ra tốt hơn, hay tệ hơn, hay vẫn giống nhau”.

“Chúng tôi là hàng xóm của nhau, và chúng tôi phải chuẩn bị cho tất cả các loại thay đổi. Nhưng sự thay đổi thường không suôn sẻ”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để đưa ra bình luận.
 
Quá đáng: Giám Mục cấp tiến bắt HY Tổng Trưởng Vatican xin lỗi vì nói lên chân lý đức tin
VietCatholic Media
05:21 03/10/2022


1. Giám mục Georg Bätzing yêu cầu Đức Hồng Y Kurt Koch xin lỗi về một số phát biểu của ngài và phải làm như vậy ngay lập tức.

Một cuộc tranh cãi nghiêm trọng trong Giáo Hội đã nổ ra trên một số tờ báo Công Giáo Đức có thể phải cần đến sự can thiệp của Vatican. Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, Georg Bätzing, đã lên tiếng chỉ trích Đức Hồng Y người Thụy Sĩ Kurt Koch, Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Hiệp nhất Kitô giáo, và đòi ngài ngay lập tức phải đưa ra lời xin lỗi công khai sau khi vị Hồng Y đặt một số vấn đề về Tiến Trình Công Nghị Đức, có liên quan đến một câu chuyện diễn ra vào thời kỳ của chủ nghĩa Quốc xã.

Nếu Đức Hồng Y Koch không xin lỗi, Giám Mục Bätzing sẽ trình bày khiếu nại chính thức lên Đức Thánh Cha Phanxicô. Đức Cha Bätzing, giám mục của Limburg và đồng thời là chủ tịch của Hội Đồng Giám Mục Đức, cho biết như trên vào cuối kỳ họp toàn thể mùa thu của Hội đồng Giám mục ở Fulda.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Tagespost của Công Giáo Đức, Đức Hồng Y Koch lo ngại về các nguồn mạc khải mới được cho là đang được thảo luận trong Giáo Hội Đức. Cụ thể, vị Hồng Y đã so sánh các cuộc tranh luận hiện nay trong Tiến Trình Công Nghị Đức với một hiện tượng tồn tại dưới thời Quốc Xã, và nhận xét rằng những “Kitô hữu Đức” đã nhìn thấy một mạc khải mới trong sự trỗi dậy của nhà độc tài Adolf Hitler.

“Tiến Trình Công Nghị” của Đức là một quá trình tập hợp giáo dân và giám mục để thảo luận về bốn chủ đề chính: quyền lực được thực thi như thế nào trong Giáo Hội; luân lý tình dục; chức tư tế; và vai trò của phụ nữ. Họ tìm cách giải thích lại mạc khải để thay đổi giáo huấn về đồng tính luyến ái và xa hơn là nhiều vấn đề rộng lớn về tính dục. Chiêu thức này cũng đã từng xảy ra dưới thời Đức Quốc Xã khi Hitler tìm cách thuyết phục các Kitô Hữu Đức phủ nhận phẩm giá của người Do Thái và tán thành các nguyên lý đẫm máu của chủ nghĩa Quốc Xã.

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng, Deutsche Christen, tức là các Kitô Hữu Đức, cần nhớ lại một mục trên Wikipedia nhan đề “Đạo Tin lành và hệ tư tưởng Đức Quốc Xã” trong đó ghi nhận rằng “phong trào Tin lành mạnh nhất trong các hệ phái Tin lành, là phong trào dân tộc chủ nghĩa và bài Do Thái, phát sinh ở Đức Quốc xã sau cuộc bầu cử năm 1932. Việc bảo vệ các nguyên tắc của chủ nghĩa Quốc xã đã dẫn đến một cuộc ly giáo trong 23 trong số 28 Landeskirchen, hay Giáo Hội khu vực, và là nền tảng phát sinh một Giáo Hội đối kháng vào năm 1934.”

Đáp lại, Đức Cha Bätzing nói rằng những bình luận của Đức Hồng Y Koch là một “sai lầm hoàn toàn không thể chấp nhận được”, đồng thời nói thêm rằng “Phiên khoáng đại của Hội Đồng Giám Mục Đức đã phản ứng kinh hoàng với tuyên bố này, và Đức Hồng Y Koch đã tự loại mình ra khỏi cuộc tranh luận thần học. Những tuyên bố của Đức Hồng Y Koch phản ánh ‘nỗi sợ hãi thuần túy’ rằng một điều gì đó sắp thay đổi trong Giáo Hội Công Giáo. Nhưng điều gì đó sẽ thay đổi.” Tuyên bố của Đức Cha Bätzing có phần phóng đại vì nhiều Giám Mục Đức đồng ý với Đức Hồng Y Koch, như Đức Cha Rudolf Voderholzer của Regensburg và nhiều Giám Mục khác.

Đức Hồng Y Kurt Koch, đã chỉ trích đường lối của Tiến Trình Công Nghị Đức “bởi vì các nguồn mạc khải mới do Tiến Trình Công Nghị Đức được chấp nhận ngoài những nguồn mạc khải của Kinh Thánh và truyền thống”. Trong một cuộc phỏng vấn với Die Tagespost, Đức Hồng Y Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Cổ Vũ Hiệp nhất Kitô giáo cho biết ngài đã bị sốc bởi thực tế là ở Đức có những cuộc nói chuyện về các nguồn mạc khải mới. Ngài nói “Hiện tượng này đã tồn tại trong chế độ độc tài Quốc Xã, khi những người được gọi là Kitô hữu Đức nhìn thấy mạc khải mới của Chúa trong máu và trong sự trỗi dậy của Hitler”.

Đức Hồng Y Koch nói thêm rằng trong các tuyên bố của mình như Tuyên ngôn Thần học năm 1934 ở Barmen, Giáo Hội đã cực lực phản đối đặc biệt luận điểm nguy hiểm nhất cho rằng: “Giáo Hội, cùng với và ngoài những mạc khải của Kinh Thánh và Truyền Thống, có thể và nên sử dụng các sự kiện và lực lượng, số liệu và sự thật khác làm nền tảng cho việc rao giảng, nhận biết nơi chúng các đặc tính mạc khải của Thiên Chúa.”

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng đúng là “các dấu chỉ của thời đại phải được quan sát cẩn thận và xem xét một cách nghiêm túc. Nhưng chúng không phải là nguồn mạc khải mới. Trong ba giai đoạn của sự tin tưởng tri thức - nhìn thấy, phán đoán và hành động - các dấu chỉ của thời đại thuộc về việc nhìn thấy và không thể xem là các nguồn mạc khải.”

Ngài giải thích rằng có một mối nguy hiểm “rằng sự thật và tự do không còn được nhìn thấy cùng nhau nữa mà bị xé nát. Trong thần học Đức ngày nay có một khuynh hướng mạnh mẽ coi tự do là giá trị cao nhất của con người và từ đó phán xét điều gì vẫn có thể được coi là chân lý của đức tin và điều gì sẽ bị ném xuống biển”.

Đức Cha Bätzing thường được các phương tiện truyền thông và giới Công Giáo cấp tiến Đức gọi là “Neuer Papst” hay “Tân Giáo Hoàng”. Không biết ngài có tự huyễn hoặc mình để tin như vậy hay không. Nhưng trong chuyện bắt một vị Hồng Y xin lỗi vì những nhận xét thần học của ngài, người ta thấy Bätzing có vẻ đang hành động như một “Tân Giáo Hoàng”.

Âu lo thực tế của nhiều người là tất cả các đề xuất trong Tiến Trình Công Nghị Đức như chúc lành và công nhận các kết hiệp đồng tính, phong chức linh mục cho phụ nữ, bãi bỏ luật độc thân linh mục, thay đổi giáo huấn về tính dục, giải thích lại Kinh Thánh về đồng tính luyến ái đều là những vấn đề đã được anh em Tin lành chấp nhận nhưng tỷ lệ bỏ đạo còn cao hơn.

Hơn thế nữa, các đề xuất của các Giám Mục Đức hiện nay sẽ tạo ra những kỳ vọng nào đó đối với một số thành phần giáo dân Đức. Một khi những kỳ vọng này trở thành thất vọng, mà chắc chắn sẽ là như thế, người ta sẽ chứng kiến một làn sóng lũ lượt rời bỏ Giáo Hội.

2. Rắc rối to tại San Salvador sau những bình luận của Đức Tổng Giám Mục liên quan đến việc tái ứng cử của tổng thống

Tờ Crux có bài tường trình nhan đề “San Salvador archbishop under fire for presidential reelection comments”, nghĩa là “Đức Tổng Giám Mục San Salvador bị chỉ trích vì những bình luận của ngài liên quan đến việc tái ứng cử của tổng thống.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Đức Tổng Giám Mục của San Salvador thấy mình đang trong một cuộc tranh luận vì dường như ngài ủng hộ các nỗ lực tái tranh cử của tổng thống Salvador, mặc dù hiến pháp của đất nước giới hạn chức vụ này trong một nhiệm kỳ duy nhất mà thôi.

Đức Tổng Giám Mục José Luis Escobar Alas cho biết: “Mọi người đã thất vọng, và bây giờ họ nhìn thấy ánh sáng ở con đường phía trước,” đó là lý do tại sao nhiều người muốn tổng thống tái tranh cử, Đức Tổng Giám Mục José Luis Escobar Alas cho biết trong một cuộc họp báo ngày 25 tháng 9, trong đó các bình luận của ngài được đưa ra như một sự ủng hộ ngầm dành cho Tổng thống Nayib Bukele.

Chính quyền của Bukele đã nhanh chóng phổ biến các bình luận của Đức Tổng Giám Mục qua mạng xã hội, đăng chúng vào ngày hôm sau trên trang nhất của một tờ báo do chính phủ điều hành với ảnh và dòng chữ của Đức Tổng Giám Mục trong trang nhất.

Phản ứng nhanh chóng.

Mọi người “muốn” nhiều thứ, nhưng nếu họ đi ngược lại những gì hiến pháp quy định, thì điều đó không hợp pháp, Paulita Pike, một người Công Giáo hoạt động tại Tổng giáo phận San Salvador, lập luận. Cô đã hỏi tổng giáo phận trên Twitter rằng liệu điều đó có áp dụng cho mọi thứ, bao gồm cả việc phá thai, mà Hiến pháp Salvador cấm hay không.

Đức Cha Escobar Alas cũng bình luận về tính hợp pháp của việc Bukele tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai, nói rằng Tòa án tối cao của đất nước đã đưa ra phán quyết “giải thích hiến pháp theo cách có thể tái đắc cử.”

Tuy nhiên, vào năm 2021, chính quyền của Bukele đã sa thải Bộ trưởng Tư pháp và một nhóm thẩm phán hàng đầu tạo nên Tòa án tối cao, đưa vào một nhóm thẩm phán khác là những người đưa ra cách giải thích có lợi cho tổng thống trong việc tìm kiếm một nhiệm kỳ thứ hai.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và các nhà lập pháp như Dân biểu Massachusetts Jim McGovern đã bày tỏ lo ngại về nền dân chủ đang bị rạn nứt của El Salvador, nói rằng sự nổi tiếng cao ngất trời của Bukele đối với người dân Salvador không biện minh cho sự xói mòn nhân quyền. McGovern cho biết Mỹ muốn trở thành đối tác và cung cấp viện trợ kinh tế để giúp đỡ đất nước, nhưng các nhân quyền cơ bản và các nguyên tắc dân chủ phải được tuân thủ, McGovern cho biết trong phiên điều trần Quốc hội ngày 12 tháng 9.

“Đối với những người phản đối lại những lời chỉ trích đối với chính phủ Salvador bằng cách nói rằng hành động của Tổng thống Bukele được dân chúng ủng hộ và xếp hạng chấp thuận của ông ấy rất cao, chúng tôi muốn nói rằng sự ưa chuộng đó không biện minh được những hành vi bất hợp hiến,” McGovern nói.

Trong một chương trình buổi sáng tại Salvador ngày 26 tháng 9, người dẫn chương trình Julio Villagran đã phỏng vấn Cha Juan Vicente Chopin về nhận xét của Đức Tổng Giám Mục. Người dẫn chương trình cho biết tổng giám mục dường như đang bất chấp hiến pháp khi nêu bật “những gì mọi người muốn” thay vì những gì hiến pháp quy định.

Cha Chopin cho biết có một câu nói phổ biến ở El Salvador: “Một người trở thành bậc thầy của những gì người ta giữ cho riêng mình và nô lệ của những gì người ta nói ra.”

“Khi Đức Tổng Giám Mục bày tỏ ý kiến với những lời như thế, ủng hộ việc tái đắc cử, ngài đã xen vào lịch sử”.

Cha Chopin nói rằng “với tư cách là mục tử... chúng ta được kêu gọi phải thận trọng.”

Ngày hôm sau cuộc họp báo, vị tổng giám mục đã phát hành một đoạn video ghi lại cảnh ngài đang đọc một “lời giải thích”, nói rằng “Tôi không hề phát biểu” chấp thuận hoặc không chấp thuận sự tái đắc cử của Bukele, “bởi vì tôi không có trách nhiệm làm như vậy.” Ngài nói rằng ngài đang nói rõ sự thật: rằng đa số người dân Salvador muốn Bukele tái tranh cử và tòa án tối cao đã dọn đường cho việc tái đắc cử.

Những lời chỉ trích liên tục ập đến và bị cộng thêm bởi những bình luận công khai từ một nhóm biểu tình bên ngoài nhà thờ chính tòa San Salvador. Những người biểu tình đã yêu cầu Đức Tổng Giám Mục tố cáo việc giam giữ hàng loạt do chính phủ Bukele thực hiện.

Những cuộc bắt giữ đã bắt đầu vào cuối tháng Ba sau khi xảy ra 62 vụ giết người liên quan đến các nhóm băng đảng trong một ngày cuối tuần. Chính phủ đã tuyên bố một cuộc trấn áp, trong khoảng thời gian 30 ngày, với các vụ bắt giữ hàng loạt và đình chỉ các quyền tự do cá nhân, từ chối tiếp cận với cố vấn pháp lý, và nói rằng cần phải kiểm soát bạo lực. Chính phủ cho biết chỉ những thành viên băng đảng mới bị bắt.

Các biện pháp đã được thực hiện ròng rã trong sáu tháng và kết quả là, theo thống kê của chính phủ, cho đến nay là 53,465 trường hợp bị giam giữ.

Chính phủ gọi những người bị bắt giữ là “những kẻ khủng bố”, nhưng thừa nhận rằng có lẽ “1%” những người bị bắt có thể vô tội. Những người chỉ trích nói rằng các nhà chức trách đang bắt ngẫu nhiên những người họ nghi ngờ.

Đức Tổng Giám Mục Escobar Alas đã gọi các trại giam là “liều thuốc đắng”, được coi là cần thiết để ngăn chặn mức độ bạo lực.

Sau các cuộc biểu tình, Đức Tổng Giám Mục vẫn không bình luận gì về việc giam giữ. Thay vào đó, tổng giáo phận đã công bố một thông cáo báo chí về chuyến thăm sắp tới của phái đoàn Salvador triều yết Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào ngày 14 tháng 10 tại Vatican, để tạ ơn về việc phong chân phước vào tháng Giêng cho Cha Rutilio Grande và hai người bạn đồng hành của ngài, cũng như việc phong chân phước cho Cha Cosme Spessotto.
 
Hai thành phố sắp thất thủ vào tay quân Ukraine. NATO đề phòng Nga đánh Ba Lan để chặn đường tiếp tế
VietCatholic Media
15:45 03/10/2022


1. Ukraine tuyên bố kiểm soát hoàn toàn Lyman

Ukraine đã nắm toàn quyền kiểm soát trung tâm hậu cần Lyman ở phía đông đất nước. Đó là thành tựu chiến trường quan trọng nhất của Kyiv trong nhiều tuần qua, mà một quan chức cấp cao cho biết có thể cung cấp một cơ sở để tăng thêm các chiến thắng ở phía đông.

Hôm Chúa Nhật 2 tháng 10, trong một video, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói:

“Vào lúc 12:30 (09:30 GMT), Lyman đã hoàn toàn được giải phóng, tất cả mọi ổ kháng cự đã bị dập tắt”.

Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Bảy cho biết họ đang rút quân khỏi khu vực “vì một mối đe dọa bị bao vây đang được tạo ra”. Từ khi bắt đầu cuộc xâm lược vào Ukraine hôm 24 tháng Hai đến nay, đây là lần đầu tiên Bộ Quốc Phòng Nga thừa nhận một thất bại quân sự. Họ không giấu diếm được vì tầm vóc của thất bại này lớn quá.

Lyman là một trung tâm vận tải và hậu cần quan yếu của quân xâm lược Nga. Thành phố này chỉ có một con đường độc đạo để ra vào. Các hình ảnh kinh hoàng xác các chiến xa Nga cùng với binh lính bị tử trận khi rút lui khỏi thành phố này chắc chắn sẽ gây ra các phản ứng bất lợi đối với nhà độc tài Vladimir Putin. Trong số hơn 5,000 quân Nga bao nhiêu người có thể rút lui an toàn như tuyên bố của Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov? “Ít lắm, không bao nhiêu,” phát ngôn nhân Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết.

Sự thất bại mới nhất còn nhức nhối hơn đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin vì nó diễn ra chỉ vài giờ sau khi ông tuyên bố sáp nhập vào Nga 4 khu vực chiếm gần 15% lãnh thổ Ukraine vào hôm thứ Sáu, bao gồm cả Lyman.

Kyiv và phương Tây đã lên án tuyên bố này là một trò hề phi pháp.

Các lực lượng Nga đã chiếm được Lyman từ Ukraine vào tháng 5 và sử dụng nó làm trung tâm hậu cần và vận tải cho các hoạt động của lực lượng này ở phía bắc khu vực Donetsk.

Mất nó là tổn thất chiến trường lớn nhất của Nga kể từ cuộc phản công chớp nhoáng của Ukraine ở khu vực đông bắc Kharkiv vào tháng trước.

Serhiy Hayday, thống đốc khu vực Luhansk, láng giềng của Donetsk, cho biết quyền kiểm soát đối với Lyman có thể giúp Ukraine giành lại vùng lãnh thổ đã mất trong khu vực của ông, mà Mạc Tư Khoa đã công bố việc chiếm toàn bộ vào đầu tháng 7 sau nhiều tuần giao tranh.

Hayday viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram hôm Chúa Nhật: “Việc giải phóng thành phố này ở vùng Donetsk là một trong những yếu tố quan trọng để tiếp tục phá bỏ sự chiếm đóng của Nga trong vùng Luhansk”.

2. Nhà phân tích Nga cảnh báo về tình huống 'nguy cấp' khi Ukraine đẩy nhanh các cuộc tiến công

Người Nga tiếp tục phản ứng bàng hoàng trước thảm bại ở Lyman với mối âu lo rằng 5,000 quân Nga bị vây ở thành phố này có thể không còn bao nhiêu người sống sót khi rút lui trên con đường nhỏ hẹp duy nhất ra vào thành phố này. Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Analyst Warns of 'Critical' Situation as Ukraine Presses Advance”, nghĩa là “Nhà phân tích Nga cảnh báo về tình huống 'nguy cấp' khi Ukraine đẩy nhanh các cuộc tiến công.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Một nhà phân tích người Nga đã lặp lại cảm xúc tồi tệ của những người khác sau khi Ukraine chiếm lại thành phố Lyman trong một cuộc phản công mạnh mẽ, và cảnh báo rằng Mạc Tư Khoa đang phải đối mặt với một “tình huống nguy cấp”.

Boris Rozhin, một blogger chiến tranh người Nga có trụ sở tại Crimea, đã đăng một bản cập nhật về những nỗ lực của Nga lên tài khoản Telegram của mình vào hôm Chúa Nhật. Theo báo cáo của Francis Scarr, một nhà báo chuyên đưa tin về truyền thông Nga cho BBC, bản tóm tắt của Boris Rozhin về tình hình hiện tại là rất tồi tệ, lưu ý rằng các lực lượng Ukraine đang tập trung quân vào các vị trí của Nga gần hai khu vực phía nam.

“Đến tối ngày 2 tháng 10, tình hình theo hướng Nikopol trở nên tồi tệ hơn,” Rozhin viết. “Quân Ukraine đang tiến về phía nam tới Berislav qua Golden Balka. Tình hình có thể trở nên nguy kịch trong thời gian tới”.

Nikopol là một thành phố nằm dọc theo sông Dnipro ở miền Nam Ukraine, gần biên giới của các vùng Kherson và Zaporizhzhia. Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Sáu tuyên bố sáp nhập hai khu vực này, cùng với Donetsk và Luhansk về phía đông, bất chấp tổn thất ngày càng gia tăng ở Ukraine. Berislav nằm ở Kherson, xuôi dòng từ Nikopol.

Trong một bài đăng khác hôm Chúa Nhật, Rozhin nói rằng các lực lượng Ukraine sở hữu “ưu thế đáng kể về nhân lực” và “giao tranh tiếp tục diễn ra dọc theo toàn bộ giới tuyến” khi quân đội của họ tiến xa hơn về phía nam.

Hôm thứ Bảy, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận rằng quân đội của họ đã rút lui khỏi Lyman, một thành phố ở vùng Donetsk mà các lực lượng của nước này đang sử dụng làm trung tâm vận chuyển và hậu cần. Đây là một trong những chiến thắng quan trọng nhất của quân đội Ukraine trong việc đẩy lùi quân xâm lược; và đã khiến các tướng lãnh Nga vấp phải sự chế nhạo và chỉ trích từ các nhân vật truyền thông Nga.

“Không gian thông tin của Nga - bao gồm các nhà bình luận quân sự, chuyên gia và các nhà tuyên truyền của Điện Cẩm Linh - ghi nhận thất bại là kết quả của việc bộ chỉ huy quân đội Nga không gửi quân tiếp viện kịp thời, đồng thời công khai chỉ trích những thất bại quan liêu lặp đi lặp lại trong quá trình huy động”, một báo cáo hôm thứ Bảy từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, cho biết.

Những quan điểm tương tự cũng được Andrey Gurulyov, một chính trị gia và cựu chỉ huy quân đội, chia sẻ trên một kênh tin tức nhà nước của Nga hôm thứ Bảy. Gurulyov cáo buộc các nhà lãnh đạo trong quân đội Nga đã ngăn cản việc triển khai đủ quân tiếp viện cho Lyman bằng cách đưa ra các báo cáo lúc nào cũng tích cực trong một nỗ lực làm cho mọi việc có vẻ như đang diễn ra tốt đẹp.

“Thực lòng tôi không thể hiểu tại sao sau ngần ấy thời gian họ không thể đánh giá chính xác tình hình, tại sao họ không đưa ra quyết định củng cố các đơn vị đang bảo vệ Lyman,” Gurulyov nói. “Dù họ đã chiến đấu anh dũng đến đâu, vẫn có một tính toán sơ đẳng về khả năng quân sự, cho thấy liệu Lyman có thể bị thất thủ hay không. Vấn đề mà chúng tôi gặp phải là người ta liên tục đưa ra các báo cáo rất hay, hay bạn có thể gọi nó là sự liên tục nói dối. Hệ thống này không đi từ dưới lên trên, mà từ trên xuống dưới “.

Newsweek đã liên hệ với các quan chức Nga để đưa ra bình luận.

3. Thượng nghị sĩ Mỹ bày tỏ lo ngại về một cuộc tấn công có thể xảy ra của Nga trong lãnh thổ NATO

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa Marco Rubio của Florida cũng bày tỏ lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc tấn công trên lãnh thổ NATO của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc phỏng vấn hôm Chúa Nhật với Dana Bash của CNN.

“Tôi nghĩ rất có thể cuối cùng ông ta có thể tấn công một số đầu mối tiếp liệu, nơi các nguồn cung cấp đang đi qua, bao gồm cả bên trong Ba Lan. Người ta nói nhiều về hạt nhân, nhưng tôi nghĩ điều tôi lo lắng nhất là một cuộc tấn công của Nga bên trong lãnh thổ NATO, chẳng hạn nhằm vào các sân bay ở Ba Lan hoặc một số điểm phân phối khác,” ông nói.

Khi được hỏi liệu NATO có đáp trả hay không, ông cho biết điều đó sẽ “phụ thuộc” vào bản chất, quy mô và phạm vi của một cuộc tấn công. Rubio cho rằng nguy cơ bị Putin tấn công hạt nhân “ngày hôm nay cao hơn một tháng trước” nhưng ông lo ngại hơn về các bước “trung gian” mà Putin có thể thực hiện trước khi tung ra cuộc tấn công hạt nhân.

Rubio cũng cho rằng Nga phải chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công vào đường ống dẫn khí đốt Nord Stream vào tuần trước.

“Tôi nghĩ điều đó khá rõ ràng - ai đã làm điều này, và những người duy nhất trong khu vực đó có cả động cơ và khả năng để làm điều đó, là Nga hoặc các lực lượng của Nga. Vì vậy, tôi nghĩ đối với tôi, chẳng phải là vấn đề tình báo vào thời điểm này. Chỉ cần một nhận thức thông thường cũng có thể thấy điều đó” ông nói.

4. Hoa Kỳ “rất khích lệ” trước việc Ukraine chiếm được thành phố Lyman

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin cho biết việc Ukraine chiếm được thành phố Lyman là “quan trọng” và Mỹ “rất khích lệ” bởi những gì họ đang nhìn thấy từ quân đội Ukraine ngay bây giờ.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết các lực lượng Nga đã rút lui khỏi Lyman, một thành phố chiến lược cho các hoạt động của họ ở phía đông, Bộ Quốc phòng Nga cho biết hôm thứ Bảy, chỉ một ngày sau khi Mạc Tư Khoa sáp nhập khu vực này, bất kể những phản đối của Ukraine và thế giới.

“Lyman nằm trên đường tiếp tế của người Nga. Và họ đã sử dụng những con đường đó để vận chuyển các binh sĩ và khí tài chiến tranh xuống phía nam và phía tây. Và nếu không có những tuyến đường đó họ sẽ gặp khó khăn rất lớn. Vì vậy, điều này đưa ra một loại tình thế tiến thoái lưỡng nan cho người Nga trong tương lai,” Austin nói với các phóng viên trong cuộc họp báo tại Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ ở Honolulu, Hawaii.

Tuy nhiên, các ký giả bày tỏ âu lo rằng tiến bộ của Ukraine trên chiến trường có thể dẫn đến lo ngại về khả năng leo thang chiến tranh, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

“Điều đó có nghĩa là gì về khả năng leo thang, tôi sẽ không suy đoán về điều đó. Nhưng điều có ý nghĩa đối với chiến trường là người Ukraine tiếp tục đạt được tiến bộ và họ tiếp tục mang lại cho người Nga những vấn đề mà họ sẽ phải giải quyết. Và một lần nữa, tất cả chúng ta phải được khích lệ bởi những gì chúng ta đang thấy,” ông nói.

Austin nói với CNN's Fareed Zakaria hôm thứ Sáu rằng mặc dù Putin có thể chuyển sang sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy ông ấy đang đi theo hướng đó vào lúc này.

“Ở Nga, không có ai khống chế Putin. Giống như việc ông ấy đưa ra quyết định vô trách nhiệm khi xâm lược Ukraine, bạn biết đấy, anh ta có thể đưa ra một quyết định khác. Nhưng tôi không thấy điều gì có thể khiến tôi tin rằng anh ấy đã đưa ra quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân,” Austin nói.

5. Tổng thống 9 nước NATO ủng hộ việc Ukraine trở thành thành viên và kêu gọi tăng cường hỗ trợ quân sự

Chiến thắng oanh liệt của Ukraine tại Kharkiv và sau đó tại Lyman đã gây ra một làn sóng phấn khích cực độ tại các quốc gia Trung và Đông Âu. Các đài phát thanh loan tin chiến thắng với những bài hùng ca như một phản ứng trực tiếp đối với những đau khổ mà các quốc gia này đã phải chịu trong thời Liên Xô, và cả ngày nay khi giá khí đốt tiếp tục tăng vọt, lạm phát và âu lo về chiến tranh hạt nhân.

Trong bối cảnh đó, các vị tổng thống của 9 quốc gia NATO từ Trung và Đông Âu hôm Chúa Nhật đã ra tuyên bố chung lên án việc Nga sáp nhập các vùng lãnh thổ của Ukraine và kêu gọi NATO tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Tuyên bố lưu ý rằng các nhà lãnh đạo của các nước này “đã đến thăm Kyiv trong thời gian diễn ra chiến tranh và tận mắt chứng kiến ảnh hưởng của hành động xâm lược của Nga”.

“Chúng tôi nhắc lại sự ủng hộ của chúng tôi đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Chúng tôi không công nhận và sẽ không bao giờ công nhận những nỗ lực của Nga nhằm thôn tính bất kỳ lãnh thổ nào của Ukraine “, tuyên bố viết.

Tổng thống Cộng hòa Tiệp, Estonia, Latvia, Lithuania, Bắc Macedonia, Montenegro, Ba Lan, Slovakia và Romania bày tỏ sự ủng hộ vững chắc đối với “quyết định của Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Bucharest năm 2008 liên quan đến tư cách thành viên tương lai của Ukraine trong Liên minh.”

“ Chúng tôi ủng hộ Ukraine trong việc phòng thủ chống lại sự xâm lược của Nga, yêu cầu Nga ngay lập tức rút khỏi tất cả các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và khuyến khích tất cả các Đồng minh tăng đáng kể viện trợ quân sự của họ cho Ukraine”, tuyên bố viết.

Tuyên bố cũng kêu gọi “tất cả những kẻ phạm tội xâm lược” và “những kẻ phạm tội ác chiến tranh” phải chịu trách nhiệm và phải bị đưa ra trước công lý.

6. Việc giải phóng Lyman cho thấy “người Ukraine đang đạt được tiến bộ rất lớn” trong cuộc chiến với Nga, người đứng đầu NATO nói

Việc giải phóng thành phố Lyman ở miền đông Ukraine cho thấy “người Ukraine đang đạt được tiến bộ”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết hôm Chúa Nhật.

Thành tựu này của Ukraine “chứng tỏ rằng Ukraine đang đạt được tiến bộ rất lớn, có thể đẩy lùi các lực lượng Nga”, Stoltenberg nói với NBC's “Meet the Press” trong một cuộc phỏng vấn.

Các bình luận của ông được đưa ra sau cuộc rút lui của lực lượng Nga khỏi thành phố Lyman, miền đông Ukraine, đánh dấu tiến bộ đáng kể nhất của Ukraine kể từ cuộc phản công thành công ở khu vực đông bắc Kharkiv vào tháng trước.

Stoltenberg nói thêm đây là kết quả của “lòng dũng cảm của họ, lòng yêu nước, kỹ năng của họ, và những vũ khí tiên tiến mà Hoa Kỳ và các đồng minh khác đang cung cấp”.

Truyền thông nhà nước Nga Russia-24 hôm thứ Bảy đưa tin lý do Nga rút quân là vì “kẻ thù sử dụng cả pháo binh do phương Tây sản xuất và thông tin tình báo từ các nước liên minh Bắc Đại Tây Dương.”

7. Đức, Đan Mạch và Na Uy đã cung cấp một loạt vũ khí tầm xa cho Ukraine

Bộ quốc phòng Đức vừa công bố cung cấp 16 pháo kéo Zuzana-2 của Slovakia cho Ukraine. Diễn biến này theo sau những lời kêu gọi từ Ukraine về các loại vũ khí hạng nặng hơn dựa trên những thành công gần đây trên chiến trường.

Loại súng này, có thể bắn 6 viên đạn một phút trên khoảng cách 40 km, sẽ được chế tạo tại Slovakia. Ba nước sẽ chi 92 triệu euro cho hệ thống này.
 
Quân Nga quá ác: Lời kể của nhân viên Caritas. Độc tài Ortega mắng chửi các ĐGM Nicaragua và cả ĐGH
VietCatholic Media
17:03 03/10/2022


1. ĐỊA NGỤC CHIẾN TRANH CỦA TÔI: Tôi đã bị quân đội Nga giam giữ - những kẻ tra tấn của Putin đã chích điện gây tê, thực hiện cuộc hành quyết giả và chích điện hai chiều và một chiều không ngừng nghỉ

Ký giả Adrian Zorzut của tờ The Sun có trụ sở ở London có bài tường trình về những đau khổ một nhân viên cứu trợ của Caritas Anh đã phải chịu. Bài viết có nhan đề “MY WAR HELL I was held captive by Russian troops – Putin’s torturers tasered me, performed mock execution & blasted AC/DC non-stop”, nghĩa là “ĐỊA NGỤC CHIẾN TRANH CỦA TÔI: Tôi đã bị quân đội Nga giam giữ - những kẻ tra tấn của Putin đã chích điện gây tê, thực hiện cuộc hành quyết giả và chích điện hai chiều và một chiều không ngừng nghỉ”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Một nhân viên cứu trợ của Caritas Anh đã kể về cuộc tra tấn mà anh ta phải chịu đựng dưới bàn tay của quân đội Nga ở Ukraine - những người đã chích điện gây tê anh ta, thực hiện các vụ hành quyết giả và chích điện hai chiều, một chiều không ngừng nghỉ.

Dylan Healy, 22 tuổi, bị phục kích trong khi thi hành một sứ vụ viện trợ nhân đạo ở Ukraine và bị buộc phải ở nhiều tuần trong phòng giam tồi tàn của Nga, nơi anh ta bị đánh đập và tra tấn hàng ngày.

Anh ta và Paul Urey, 45 tuổi, cũng là một nhân viên cứu trợ đang làm việc với Caritas Ukraine, đang đi từ Odessa đến Zaporizhzhia thì đoàn xe của họ bị chặn lại tại một trạm kiểm soát của Nga và buộc phải quỳ bên vệ đường trong khi lính Nga nổ súng để thực hiện một trò hành quyết giả nhằm dọa cho họ sợ hãi.

Những người Anh dũng cảm, những người đang thực hiện công việc cứu trợ quan trọng, sau đó bị tống vào các phòng giam có kích thước chỉ bằng một tấm nệm và chịu sự tra tấn không thể tả xiết.

Dylan có thể sống sót trong cuộc hoán đổi tù nhân nhưng đáng buồn là anh Paul đã chết dưới tay những kẻ bắt giữ anh ta vào ngày 10 tháng 7.

Dylan, sau khi được trả tự do, nói với Sunday Mirror rằng anh và Paul bị la hét mỗi khi họ ngủ say và thường xuyên bị lôi ra ngoài vào lúc nửa đêm và bị bắn xung quanh trong các vụ hành quyết giả bệnh hoạn.

“Tất cả những gì các tay súng này phải làm là bóp cò và chúng tôi biến mất,” anh nói với tờ báo.

“Chúng tôi đã im lặng. Người lính Nga hỏi chúng tôi xem chúng tôi có bất kỳ lời cuối cùng nào mà chúng tôi chưa nói không. Sau đó anh ta bắn một phát vào bùn, vào giữa hai chúng tôi. Paul đã nói, “Hắn ta bắn trong một cự ly rất gần, chỉ một tích tắc sai lầm là chúng tôi đi đời nhà ma”.

Những kẻ bắt giữ Paul viện dẫn “căng thẳng và lý do y tế” cho cái chết của Paul, nhưng phía Ukraine cho thấy cơ thể của anh ta có dấu hiệu bị tra tấn.

Dylan cho biết anh và Paul đã bắt đầu hành trình 460 dặm từ Odessa đến Zaporizhzhia để giải cứu một bà mẹ và hai đứa trẻ khi họ bị bắt vào tháng Năm.

Họ còn cách điểm đến 30 phút thì bị một lính Nga chặn lại sau khi đi qua một trạm kiểm soát của Nga.

Anh ta và Paul bị yêu cầu rời khỏi xe, bị còng, đội túi lên đầu và đưa đến một nhà tù gần Mariupol.

Họ bị giam trong các phòng giam riêng biệt và bị tra tấn trong nhiều ngày liên tục bởi FSB, tức là cơ quan mật vụ của Nga.

“Không có hoảng sợ, tôi đã cam chịu. Tôi không muốn khóc vì nó sẽ không thay đổi được,” Dylan giải thích.

“Họ hét vào mặt bạn nếu bạn ngủ. Họ đã đánh tôi như cái mền. Họ đặt tôi lên bàn, nhét giẻ vào miệng và đổ nước vào cho đến khi tôi bị sặc”.

“Khi tôi nói chuyện với Paul, anh ấy nói rằng điều này không xảy ra với anh ấy. Họ muốn biết làm thế nào chúng tôi lại đứng sau ranh giới và tại sao - và liệu chúng tôi có phải là gián điệp của Anh hay không.”

“Có những trận đòn thường xuyên, mỗi ngày. Họ có dùi cui cảnh sát kiểu cũ và xương sườn của tôi đã bị gãy”.

Anh cho rằng người Nga có “sự yêu thích cảm giác mạnh” và sẽ cắm những chiếc ngạnh dài vào da của họ.

Hai tuần sau, họ được chuyển đến một nhà tù ở Makiivka, nơi họ được cho bàn chải đánh răng và được phép xem túc cầu - đó cũng là nơi họ gặp những người đồng nghiệp bị bắt là Aiden Aslin và Shaun Pinner.

Họ đã ở đó khi Aiden và Shaun bị kết án tử hình.

“Tôi biết chúng tôi đang ở trong một tình huống tồi tệ và các phán quyết không có gì đáng ngạc nhiên,” Dylan nói.

“Shaun là một người tốt cố gắng và hợp lý hóa mọi thứ. Giống như tôi, anh ấy không thực sự khóc. Chúng tôi đã vượt qua với sự hài hước khuôn mẫu của người Anh”.

Vào ngày 8 tháng 7, Dylan và Paul bị đuổi ra khỏi phòng giam và buộc phải ký vào bản thú tội giả để “giảm thiểu rủi ro cho bản thân”.

Dylan được cho biết anh ta đã nhận 14 năm tù và án tử hình, trong khi Paul phải đối mặt với 7 năm và bị tra tấn trên đường trở về phòng giam của họ.

“Họ đã làm điều gì đó để khiến anh ấy hét lên trong 10 đến 20 giây,” Dylan nói.

“Tôi không nghĩ mình sẽ lại nghe thấy ai đó hét lên như vậy. Đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy Paul còn sống “.

Hai ngày sau, Paul bắt đầu ho và nghẹt thở.

“Tại thời điểm đó, người ta nói, 'Paul đã chết',” Dylan nói.

“Tôi không thể chấp nhận được. Anh ấy là một người bạn rất tốt.”

Vào tháng 9, Dylan đã bị “còng, và bịt miệng” và buộc phải ngồi trên xe cùng 30 người khác trong 18 giờ.

Anh ta lo sợ cuối cùng mình sẽ bị hành quyết và bất ngờ khi thấy mình tại một đường băng của Nga được chào đón bởi các đại diện từ Ả Rập Xê-út, những người nói với anh ta rằng anh ta an toàn.

Anh ta đã được được sang Ả Rập Xê Út đến Heathrow và đoàn tụ với cha mẹ.

Anh ấy vẫn đang phải điều trị về tâm lý và thể lý sau những thử thách của mình.”

2. Độc tài mắng chửi các Đức Giám Mục và cả Đức Giáo Hoàng

Trong một bài diễn văn nóng nảy đánh dấu kỷ niệm 43 năm thành lập lực lượng Cảnh sát Quốc gia, Ortega gọi Giáo Hội Công Giáo là “chế độ độc tài hoàn hảo”.

Tổng thống Nicaragua, Daniel Ortega cáo buộc các nhà lãnh đạo Công Giáo là “một băng nhóm giết người”, tuyên bố rằng các giám mục ở Nicaragua đã kêu gọi những người biểu tình giết ông ta trong các cuộc biểu tình năm 2018. Ông cũng khinh bỉ lời kêu gọi đối thoại trong nước của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Trong một bài phát biểu quan trọng đánh dấu kỷ niệm 43 năm thành lập Cảnh sát Quốc gia, Ortega gọi Giáo Hội Công Giáo là “chế độ độc tài hoàn hảo”: “Ai đã bầu chọn các giám mục, giáo hoàng, Hồng Y? Họ nói về dân chủ với thẩm quyền đạo đức nào? Mọi thứ trong Giáo Hội đều bị áp đặt. Đó là một chế độ độc tài, một chế độ độc tài hoàn hảo. Đó là một chế độ chuyên chế, một chế độ chuyên chế hoàn hảo.”

Ortega, người luôn xưng mình là người Công Giáo, đã thắng trong cuộc bầu cử năm 2021 sau khi bỏ tù tất cả các ứng cử viên đối lập. Kể từ đó, chế độ của ông đã đàn áp các linh mục và giám mục đứng ra bảo vệ nhân quyền và các thể chế dân chủ. Trên thực tế, Giáo Hội Công Giáo ở Nicaragua đã trải qua hơn 190 cuộc tấn công và khủng bố, bao gồm vụ hỏa hoạn ở Nhà thờ Managua, trục xuất các nữ tu Thừa Sai Bác ái, cấm tổ chức các buổi lễ lớn và các đám rước truyền thống, và việc quản thúc tại gia liên tục rất bất thường đối với hàng giáo phẩm. Đức Cha Rolando Álvarez, bị tên độc tài cáo buộc phạm “tội ác chống lại tâm linh.” Các linh mục bị bắt cùng với ngài đbị giam giữ trong nhà tù El Chipote, nơi chế độ giam giữ các tù nhân chính trị. Trung tâm Nhân quyền Nicaragua đã nhiều lần tố cáo cơ sở này là một trung tâm tra tấn tâm lý.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rằng ngài tin chắc rằng đối thoại có thể thiết lập cơ sở cho sự chung sống và giao phó ý định này cho Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, được gọi ở Nicaragua là “Đức Mẹ Thanh khiết nhất”, Purísima.

Đức Giáo Hoàng đã đưa ra lời kêu gọi trên sau khi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật ở Rôma vào ngày 21 tháng 8 vừa qua.

Tôi đang theo dõi sát sao, với sự lo lắng và buồn bã, hoàn cảnh ở Nicaragua liên quan đến con người và các tổ chức. Tôi muốn bày tỏ niềm tin và hy vọng rằng, thông qua một cuộc đối thoại cởi mở và chân thành, cơ sở cho một sự chung sống hòa bình và tôn trọng vẫn có thể được tìm thấy.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa, qua sự chuyển cầu của Đức Mẹ Purísima, khơi dậy trong lòng mọi người ý chí cụ thể này.

3. Sứ điệp của Đức Thánh Cha gửi Tổ chức Lương nông Quốc tế

Trong sứ điệp gửi Tổ chức Lương nông Quốc tế, gọi tắt là FAO, hôm 29 tháng Chín vừa qua, nhân Ngày Thế giới chống nạn phung phí lương thực, Đức Thánh Cha Phanxicô tố giác tình trạng bất công xã hội khiến cho khoảng một phần ba dân số thế giới không có đủ lương thực, và ngài kêu gọi thu thập để tái phân phát lương thực, và đừng sản xuất để phung phí.

Trong sứ điệp gửi ông Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu), Tổng giám đốc tổ chức FAO, Đức Thánh Cha nhận định rằng “một vấn đề chúng ta không thể cho phép mình làm ngơ, mà ngày hôm nay muốn nêu bật, đó là nạn phung phí lương thực. Sự phung phí này có nghĩa là phung phí con người. Hiện nay, trong thế giới có sự chênh lệch sâu rộng giữa những người sống trong sung túc thừa thãi, và những người còn phải chịu đau khổ hoặc chết vì đói. Chúng ta không thể chỉ giới hạn vào những lời nói, điều cấp thiết là đáp lại một cách hữu hiệu tiếng kêu xé lòng của những người đói đang đòi hỏi công lý”.

Đức Thánh Cha cũng tố giác rằng “thật là điều đáng xấu hổ khi vứt bỏ thức ăn... Sử dụng thức ăn một cách không thích hợp, phung phí hoặc làm thất thoát chúng, đó là sống theo nền văn hóa ‘dùng rồi vứt bỏ’, tỏ ra không quan tâm đến điều có giá trị cơ bản”.... “Ý thức rằng rất nhiều người không có lương thực thích đáng hoặc không có những phương thế để kiếm lương thực, - vốn là quyền căn bản và ưu tiên của mỗi người, vì thế thật là điều đáng xấu hổ và đáng lo khi thấy lương thực bị vứt bỏ vào thùng rác hoặc bị hư hỏng vì thiếu những phương thế cần thiết để đưa lương thực tới nơi những người cần sử dụng. Do đó, “Chúng ta phải thu thập để tái phân phối, không sản xuất để phung phí. Điều tôi đã nói trong quá khứ và không ngừng nhắc lại: đó là “Phí phạm lương thực có nghĩa là phung phí chính con người!”.

Đức Thánh Cha nêu nhận xét về tình trạng nghịch lý trong thế giới ngày nay, đó là có đủ lương thực trên thế giới để không ai phải đi ngủ với bao tử trống rỗng! Nguồn lương thực được sản xuất trên thế giới quá đủ để nuôi sống tám tỷ người, thế mà nạn đòi vẫn không bị bài trừ. Điều bị thiếu ở đây chính là công bằng xã hội, hay đúng lớn đó là cách thức điều hành việc phân phối tài nguyên và sự phân phát chúng. Ngoài ra, lương thực không thể là đối tượng của nạn đầu cơ. Thật là điều gương mù khi những nhà sản xuất lớn khuyến khích tiêu thụ để họ làm giàu, mà chẳng chú ý tới nhu cầu thực sự của con người. Cần phải chấm dứt nạn đầu cơ lương thực. Chúng ta cần phải ngưng đối xử với lương thực như một món hàng trao đổi giữa thiểu số người, vì lương thực chính là thiện ích căn bản của tất cả mọi người”.

Theo thống kê của tổ chức FAO, hơn ba tỷ người trên thế giới không được lương thực lành mạnh, và khoảng 828 triệu người đói. Vì thế, việc giảm bớt sự phung phí lương thực là điều thiết yếu. Vẫn theo FAO, có tới 17% lương thực, tức là khoảng 900 triệu tấn, bị phung phí trong giai đoạn bán lẻ và do những người tiêu thụ.
 
Thảm bại Lyman: Người Nga sợ đến mức cho rằng Kyiv có thể ném bom Moscow. Nhận định của Tướng Mỹ
VietCatholic Media
23:38 03/10/2022


1. Trung tướng Mỹ nhận định quân đội Nga đang ở 'Điểm đột quỵ' sau thất bại Lyman của Putin

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Army at 'Breaking Point' After Putin's Lyman Defeat: Lieutenant General”, nghĩa là “Vị Trung tướng nhận định rằng Quân đội Nga đã đến 'Điểm đột quỵ ' sau thất bại ở Lyman của Putin”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Trung tướng quân đội Mỹ đã nghỉ hưu McMaster cho biết hôm Chúa Nhật rằng quân đội Nga có thể đang ở bờ vực “sụp đổ” sau khi đối mặt với thất bại ở Lyman - thành phố quân Ukraine đã tái chiếm, sau khi lực lượng Nga phải rút chạy vào hôm thứ Bảy.

Tổn thất ở Lyman, nơi được sử dụng như một trung tâm giao thông trong bối cảnh Nga xâm lược, được coi là một thất bại lớn đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người chỉ một ngày trước đó đã tuyên bố sáp nhập bất hợp pháp 4 vùng của Ukraine bao gồm Luhansk, Kherson, Zaporizhzhia và Donetsk, bao gồm cả Lyman.

Hôm thứ Bảy, quân đội Ukraine đã buộc quân đội Nga phải rút lui khỏi thành phố sau khi bao vây tới 5.000 quân ở vị trí chiến lược. Bộ Quốc phòng Nga sau đó xác nhận rằng quân đội “rút lui về các tuyến có lợi hơn”.

Xuất hiện trên Face the Nation của CBS, người dẫn chương trình Margaret Brennan đã hỏi McMaster về chiến thắng gần đây của Ukraine.

“Trung tướng thấy điều gì đang xảy ra, và Trung tướng dự báo động thái tiếp theo của Vladimir Putin là gì?” Brennan hỏi.

Trung tướng McMaster cho biết ông tin rằng thành công hôm thứ Bảy của Ukraine “có thể biến thành một loạt thất bại liên tiếp của các lực lượng Nga,” và nói thêm rằng “những gì chúng ta có thể ở đây là ở bờ vực của sự sụp đổ hoàn toàn của quân đội Nga ở Ukraine, một sự suy sụp về tinh thần. Tôi nghĩ rằng họ thực sự đã ở một điểm đột quỵ”.

Ông nói tiếp: “Chỉ cần nhìn vào con số thương vong, nhìn vào một khu vực rộng lớn mà họ đang cố gắng bảo vệ, chúng ta có thể dự đoán điều gì sẽ xảy ra. Tất nhiên bây giờ, Nga đang cố gắng điều động lính nghĩa vụ và gửi họ ra mặt trận mà chưa qua đào tạo. Và tôi nghĩ cũng cần hiểu rằng trong những lực lượng đang rút lui hoàn toàn khỏi Lyman, thực sự cũng có thể có những người thuộc đợt huy động đầu tiên.”

“Hãy nhớ lại khi Putin đang cố gắng tuyển dụng ngày càng nhiều người với mức lương trả gấp ba lần mức lương trung bình để có được những người được gọi là tình nguyện viên, những lực lượng đó đã được đào tạo vội vã, bị ném vào mặt trận đó, và đây là những lực lượng đang sụp đổ,” McMaster nói.

Vào tháng 6, các quan chức quân đội Nga bắt đầu cung cấp cho người Nga mức lương cao gấp 3 lần mức lương trung bình quốc gia để tham gia cuộc chiến ở Ukraine, và bắt đầu thành lập các đơn vị tuyển dụng lính đánh thuê trên khắp đất nước.

Tháng trước, Putin tuyên bố “điều động một phần” đất nước - một nỗ lực để đưa thêm 300.000 người Nga được huấn luyện quân sự vào chiến trường. Nhà lãnh đạo Nga cho biết biện pháp này là cần thiết “để bảo vệ chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Nga.”

Trong những bình luận tương tự hôm Chúa Nhật, tướng quân đội Mỹ đã nghỉ hưu và cựu giám đốc CIA David Petraeus nói rằng những thất bại của Putin trong cuộc chiến là “không thể đảo ngược”.

Petraeus nói trên ABC's This Week: “Không có sự huy động náo loạn nào, là cách duy nhất để mô tả lệnh động viên của Putin, không có sự thôn tính nào, không có các mối đe dọa hạt nhân thẳng thừng nào, có thể thực sự giúp anh ta thoát khỏi tình huống cụ thể này”.

Newsweek đã liên hệ với các bộ quốc phòng Ukraine và Nga để đưa ra bình luận.

2. Truyền hình Nhà nước Nga, choáng váng trước cuộc rút lui khỏi Lyman, nói rằng Kyiv có thể ném bom Mạc Tư Khoa

Lyman là một trung tâm vận tải và hậu cần quan yếu của quân xâm lược Nga. Thành phố này chỉ có một con đường độc đạo để ra vào. Các hình ảnh kinh hoàng xác các chiến xa Nga cùng với binh lính bị tử trận khi rút lui khỏi thành phố này gây ra các phản ứng bàng hoàng tại Nga. Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian-State TV Stunned by Lyman Retreat, Say Kyiv May Bomb Moscow”, nghĩa là “Truyền hình Nhà nước Nga, choáng váng trước cuộc rút lui khỏi Lyman, nói rằng Kyiv có thể ném bom Mạc Tư Khoa”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Trong một chương trình phát sóng gần đây trên kênh truyền hình nhà nước Nga, các chuyên gia đã bàng hoàng trước việc Ukraine giải phóng thành phố Lyman, một số choáng váng đến mức bày tỏ lo ngại rằng tiếp theo Kyiv có thể ra lệnh ném bom vào Mạc Tư Khoa.

Trung tướng Igor Konashenkov thuộc Bộ Quốc phòng Nga xác nhận việc rút lui của quân đội Nga chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố hôm thứ Sáu rằng thành phố và khu vực miền Đông Ukraine do nước này kiểm soát, đã được sáp nhập vào.

Việc tái chiếm Lyman, nằm ở vùng Donetsk và đang được sử dụng làm trung tâm vận tải và hậu cần, thể hiện một sự bối rối lớn đối với Putin, người đã tổ chức một lễ kỷ niệm lớn ở thủ đô của Nga để chào đón các vùng lãnh thổ mới được sáp nhập như một phần của đất nước.

Tuy nhiên, Ukraine và các đồng minh NATO không công nhận việc sáp nhập và đã nhiều lần nói rằng các khu vực Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson, cũng như Crimea, là những vùng lãnh thổ phải được trao trả cho Ukraine.

Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Fedorov là một trong số các chuyên gia bày tỏ lo ngại về thất bại nhục nhã và cho rằng Ukraine có thể ném bom Mạc Tư Khoa.

Trong một video được đăng lên Twitter hôm thứ Bảy do Julia Davis, người sáng lập Russian Media Monitor, Fedorov cho biết: “Những thay đổi căn bản đang diễn ra bởi vì Nga đã chiếm đóng, hay nói đúng hơn là sáp nhập các khu vực này và vì lý do đó, Ukraine đang bắt đầu một cuộc chiến để giải phóng các lãnh thổ này. Không phải một loại hoạt động đặc biệt nào cả, mà là một cuộc chiến tranh”.

Trả lời câu hỏi về hành động tiếp theo của Ukraine, Fedorov nói rằng các quan chức Kyiv có thể mở một cuộc tấn công trực tiếp vào sâu trong lãnh thổ Nga.

Khi được hỏi liệu Mạc Tư Khoa có thể bị tấn công hay không, Fedorov trả lời: “Tất nhiên là hoàn toàn có thể.”

Kể từ khi chiến tranh bùng nổ vào cuối tháng Hai, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã không đe dọa ném bom Mạc Tư Khoa.

Có những người khác trong cuộc hội thảo đã đặt câu hỏi về cách giải quyết vụ thôn tính. Nhà bình luận Maxim Yusin nói thêm: “Hãy hỏi bất kỳ ai ở đây khi họ đang ở trong phòng trang điểm. Tôi nghĩ rằng bất cứ ai cũng sẽ thành thật thừa nhận rằng họ không biết liệu lệnh động viên có giúp chúng ta thay đổi được tình hình của các hành động quân sự hay không. Tôi không nhớ tiền lệ nào trong lịch sử thế giới khi những vùng lãnh thổ mà chúng ta thậm chí không kiểm soát được lại có thể bị sáp nhập”.

Anh ta nói tiếp: “Cho đến nay, mọi thứ không diễn ra tốt đẹp như vậy. Thật dễ dàng để nói: 'sau khi Zaporizhzhya được giải phóng'. Nhưng, hãy thử giải phóng nó xem, theo cách mà mọi thứ đang diễn ra.”

Việc giải phóng Lyman cũng khiến nhà lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov đặt câu hỏi liệu có nên sử dụng vũ khí hạt nhân để duy trì quyền kiểm soát quốc gia Đông Âu này hay không.

Trong một bài đăng trên Telegram ngày 1 tháng 10, Kadyrov viết: “Theo ý kiến cá nhân của tôi, cần thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn, bao gồm việc tuyên bố thiết quân luật ở các khu vực biên giới và sử dụng vũ khí hạt nhân tầm ngắn. Không nhất thiết phải thực hiện mọi quyết định với sự chú ý của cộng đồng Tây Mỹ - họ đã nói như vậy và đã làm rất nhiều điều chống lại chúng ta.”

Newsweek đã liên hệ với Điện Cẩm Linh, văn phòng của tổng thống Zelenskiy và Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, để đưa ra bình luận.

Trong khi đó, Ukraine đã chiếm lại nhiều vùng lãnh thổ của mình như một phần của cuộc phản công lớn hơn bắt đầu vào tháng trước. Những thành tựu đáng kể đã buộc Putin phải ra lệnh động viên bán phần 300.000 quân dự bị trong một nỗ lực tuyệt vọng để giữ các khu vực ở miền Đông Ukraine dưới sự kiểm soát của ông ta.