Ngày 04-10-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chia sẻ với em: KINH MÂN CÔI (tiếp theo)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:25 04/10/2019
NĂM SỰ SÁNG (tiếp theo)

Ngọn đèn dẫn đường cứu rỗi


Em thân mến,

Thánh giáo hoàng Gioan Phao-lô II –được gọi là người con của Đức Mẹ- đã thêm vào Mười Lăm mầu nhiệm kinh Mân Côi: Năm Sự Vui, Năm Sự Thương, Năm Sự Mừng truyền thống của giáo hội thêm một “Sự” nữa, đó là Năm Sự Sáng, có lẽ như nhiều người nói là “để cám ơn Đức Mẹ Ma-ri-a đã cứu ngài khỏi chết bởi cuộc ám sát của một thanh niên người Thổ Nhỉ Kỳ thuộc Hồi giáo cực đoan”.

Và chắc có lẽ chỉ có những ai yêu mến Đức Mẹ Ma-ri-a mới cảm nghiệm được tình yêu của Mẹ dành cho mình, như Đức Giáo hoàng Gioan Phao-lô II.

Năm Sự Sáng là mầu nhiệm Nhập Thế hành động công khai rao giảng tin mừng Nước Trời của Đức Chúa Giê-su, là mầu nhiệm rất phù hợp chó công cuộc truyền giáo hiện nay của Giáo Hội, bởi vì Giáo Hội được Đức Chúa Giê-su thiết lập trên nền tảng các tông đồ, tức là những con người ở trong thế gian, vì thế gian mà loan báo Tin Mừng của Đức Chúa Giê-su.

Năm Sự Sáng –có thể nói- là một chuỗi dài suy tư và truyền giáo của Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II, là một cảm nghiệm rất sâu sắc về vai trò của Đức Mẹ Ma-ri-a trong đời sống của Giáo Hội, qua việc đồng hành với Đức Chúa Giê-su khi Ngài bôn ba rảo bước trên các nẻo đường Palestine để loan báo tin vui cứu độ và chữa lành nhiều bệnh tật, cũng như xua đuổi mà quỷ ra khỏi những người bị nó không chế.

Với tâm tình cảm tạ Thiên Chúa và Đức Mẹ Ma-ri-a, qua người con ưu tuyển của Me là Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II, anh cũng xin chia sẻ với em mầu nhiệm mới này: Năm Sự Sáng.

1. Đức Chúa Giê-su chịu phép rửa tại sông Gio-đan.

Khởi đầu công khai sứ vụ rao giảng tin mừng của Nước Trời, Đức Chúa Giê-su đã làm một việc rất khiêm tốn là xuống sông Gio-đan xin ông Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho mình. Đấng vô tội đã như một tội nhân đến giữa những anh chị em và để chia sẻ thân phận yếu hèn như mọi người, thánh sử Mát-thêu đã thuật lại như sau: >“Bấy giờ Đức Giê-su từ miền Ga-li-lê đến sông Gio-đan, gặp ông Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình.” (Mt 3, 13.)

Hai con người, hai nhân vật của lịch sử ơn cứu độ đang gặp nhau. Một người có tên là Gioan Tẩy Giả đang làm công việc dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến, và một người được Đức Chúa Cha sai đến, là Đấng mà muôn dân trông đợi, người mà ông Gioan Tẩy Giả đang chuẩn bị cho mọi người dọn tâm hồn để đón tiếp Ngài, đó là Đức Chúa Giê-su.

Phép rửa của ông Gioan Tẩy Giả kêu gọi mọi người sám hối, tức là kêu gọi những tội nhân hãy quay trở về với Thiên Chúa, hãy làm lành tránh ác, và hãy sửa mọi ý nghĩ gian tà thành ý nghĩ thánh thiện. Và như lời tường thuật của thánh sử Mát-thêu: “Ông Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn. Bấy giờ, người ta từ Giê-ru-sa-lem và khắp miền Giu-đê, cùng khắp vùng ven sông Gio-đan, kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan”(Mt 3, 4-7) Để được đón nhận sự tha thứ của Thiên Chúa, thì điều kiện trước tiên là phải thật lòng sám hối và thay đổi cuộc sống của mình.

Đức Chúa Giê-su –Con Chiên Thiên Chúa, Đấng vô tội- cũng tự mình đi đến sông Gio-đan xin ông Gioan làm phép rửa, Ngài không nề hà thân phận cao quý của mình, Ngài cũng không bày tỏ mình là Đấng mà ông Gioan đang rao giảng và chuẩn bị tâm hồn mọi người chờ đón Ngài. Chính Ngài đã tự nguyện, như một tội nhân đến xin ông làm phép rửa, nhưng Thánh Thần đã soi mở tâm trí của ông Gioan, và ông đã nhận ra Đấng mà ông đang làm phép rửa chính là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, và ông đã từ chối làm phép rửa cho Ngài, nhưng Đức Chúa Giê-su đã nói: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính.”(Mt 3, 15) sự khiêm tốn giữa hai con người này chính là biểu hiệu của người được Thiên Chúa kêu gọi, bởi vì Thiên Chúa thường

“Hạ bệ những ai quyền thế,

Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư,

người giàu có lại đuổi về tay trắng.”{Lc 1, 52-53}


Đức Chúa Giê-su, trong thân phận con người, khi chịu phép rửa bởi tay ông Gioan Tẩy Giả, Ngài đã thật sự trở nên đồng hình đồng dạng với chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Thế nhưng, dù thời giờ chưa đến, Đức Chúa Cha vẫn cứ làm một dấu lạ để cho mọi người biết Ngài là Đấng từ trời xuống, bởi Cha mà đến, cả ba thánh sử đều có ghi chép lại giây phút quan trọng của lịch sử cứu độ này: “Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.”(Mt 3, 16-17; Mc 1, 9-11; Lc 3, 2-22)

Tiếng Đức Chúa Cha
từ trời vang xuống như một chứng thực Đức Chúa Giê-su là Đấng thiên sai mà loài người trông đợi, trong lời giới thiệu long trọng ấy, Thiên Chúa muốn chúng ta từ nay hãy vâng nghe lời giảng dạy của Đức Chúa Giê-su, lời ban sự sống đời đời cho những kẻ tin vào Ngài.

Phép rửa của ông Gioan Tẩy Giả hướng chúng ta đến bí tích Rửa Tội do Đức Chúa Giê-su lập ra, nơi phép rửa của ông Gioan mời gọi con người sám hối, mà nơi bí tích Rửa Tội thì Đức Chúa Giê-su thứ tha tội lỗi và trả lại cho chúng ta ơn làm con Thiên Chúa, mà do tội nguyên tổ đã đánh mất trong vườn địa đàng.

Mỗi người chúng ta khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội thì cả Ba Ngôi Thiên Chúa hiện diện và ngự trong tâm hồn của mình, đó chính là mầu nhiệm tình yêu cao cả mà Đức Chúa Cha, nhờ sự chết và sống lại của Đức Chúa Giê-su, và nhờ ân sủng thánh hóa của Chúa Thánh Thần đã ban cho chúng ta. Ân huệ cao cả này, tình thương cao cả này vượt qua trí thông minh sáng láng của các thiên thần, vượt qua tất cả sự thông minh của các nhà thông thái trên mặt đất gộp lại, và chỉ có những ai khiêm nhường –nhờ đức tin Chúa ban cho- mới nhận ra và hiểu được mà thôi.

Khi suy niệm mầu nhiệm này, Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II mời gọi chúng ta –những người đã được lãnh nhận bí tích Rửa Tội- hãy luôn nhớ mình là những người con được Chúa yêu thương rất đặc biệt, được Máu Thánh Đức Chúa Giê-su đổ ra để rửa sạch tội lỗi, được Thánh Thần xức dầu thánh hiến để trở nên đền thờ Thiên Chúa Ba Ngôi ngự, do đó mà chúng ta cũng phải luôn sống tâm tình khiêm tốn như thánh Gioan Tẩy Giả như khi ngài giảng dạy cho người Do Thái: “Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh ăn năn sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người.”(Mt 3, 11)

Đức Chúa Giê-su chịu phép rửa nơi sông Gio-đan là Ngài mở một con đường sáng để cho chúng ta đi theo, con đường sáng ấy chính là thái độ khiêm tốn của Ngài khi xuống sông Gio-đan xin ông Gioan Tẩy Giả làm phép rửa. Và chỉ có thái độ và lòng khiêm tốn trong cuộc sống ấy mới có thể làm chúng ta đi trên con đường sáng để đến với Chúa và với tha nhân mà thôi.

2. Đức Đức Chúa Giê-su dự tiệc cưới Ca-na.

Tiệc cưới, là một ngày vui của đôi tân hôn, và là ngày hội vui vẻ của bà con thân thuộc bên họ nhà trai và nhà gái, tiệc cưới là dấu chỉ của yêu thương và hạnh phúc. Do đó, những người khách được mời tham dự tiệc cưới cần phải có tâm hồn yêu thương để chia sẻ hạnh phúc với đôi tân hôn.

Tiệc cưới Ca-na hôm nay, Đức Mẹ Ma-ri-a được mời và Đức Chúa Giê-su cùng các môn đệ của Ngài cũng được mời.

Qua câu chuyện tiệc cưới Ca-na này, chúng ta thấy vai trò của Đức Mẹ Ma-ri-a rất quan trọng, Mẹ không những làm những việc của người nội trợ ở trong bếp, mà còn quan tâm đến những nhu cầu của người khác, nhất là quan tâm đến niềm vui của họ, sự quan tâm này được Phúc Âm của thánh Gioan tông đồ kể lại như thế này: “Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người: ”Họ hết rượu rồi”. Đức Giê-su đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến.” Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.”(Ga 2, 1-5) Khi nói: ”Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”, thì Đức Mẹ Ma-ri-a đã dạy cho chúng ta một bài học vâng lời và phó thác vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, chính Mẹ đã làm gương trước cho chúng ta, Mẹ đã phó thác đôi tân hôn cho Chúa khi xin Ngài làm cho niềm vui của họ được kéo dài, vì họ đã hết rượu, và Đức Chúa Giê-su đã nhậm lời Mẹ xin.

Đức Mẹ Ma-ri-a, Đức Chúa Giê-su và các thánh tông đồ là một gia đình, một khối yêu thương bất khả phân ly trong mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa. Thật vậy, nơi tiệc cưới Ca-na này, sự liên kết hiệp nhất ấy càng nổi bật hơn khi có sự hiện diện của Đức Chúa Giê-su và Đức Mẹ Ma-ri-a cũng như các tông đồ, và chúng ta có thể nói, đó là mô hình của Giáo Hội tương lai mà Đức Chúa Giê-su sẽ thiết lập để đem ơn cứu độ đến cho nhân loại. Là người mẹ của Giáo Hội trong nhiệm thể Chúa Ki-tô, Đức Mẹ Ma-ri-a với tấm lòng mẹ hiền luôn cầu bàu cho Giáo Hội trước tòa Thiên Chúa, và khi được Thiên Chúa đem lên trời cả hồn lẫn xác thì vai trò của Mẹ càng nổi bật hơn trong nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa.

Khi suy ngắm đến việc Đức Chúa Giê-su hiện diện trong tiệc cưới Ca-na, Giáo Hội muốn nhắn nhủ chúng ta những điều sau đây:

- Tha nhân là hình ảnh của Thiên Chúa, và trong Chúa Ki-tô tất cả chúng ta đều là anh em với nhau, họ chính là những Ki-tô khác mà chúng ta gặp hằng ngày trong cuộc sống, do đó mà chúng ta cần phải có những quan tâm cần thiết đến với họ.

- Con người ta, trước mặt Thiên Chúa đều bình đằng như nhau, cho nên cần phải lấy sự công bằng mà tiếp đãi nhau, như tiếp đãi Đức Chúa Giê-su vậy.

- Noi gương Đức Chúa Giê-su và Đức Mẹ Ma-ri-a luôn cố gắng đem niềm vui đến cho mọi người.

Chính vì học theo gương Đức Chúa Giê-su và Đức Mẹ Ma-ri-a khi tham dự tiệc cưới Ca-na, mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II mỗi khi đi thăm viếng mục vụ một quốc gia nào đó, thì việc trước tiên của Ngài làm khi bước xuống máy bay là hôn đất của quốc gia ấy, bày tỏ niềm vui sướng và tình thương mà ngài dành cho họ.

3. Đức Đức Chúa Giê-su rao giảng Nước Trời và kêu gọi sám hối.

Trong Phúc Âm nhất lãm, các thánh sử đều nhắc đến viêc Đức Chúa Giê-su công khai sứ vụ rao giảng tin mừng Nước Trời của Ngài. Thánh Lu-ca, vị thánh sử viết Phúc Âm cho người ngoại đã trở lại, tường thuật lại như sau: “Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. Người giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh.”

Thánh sử Mát-thêu chú trọng viết tin mừng cho người Do Thái vùng Xy-ri-a đã tin vào Đức Chúa Giê-su thì kể rằng: "Khi Đức Giê-su nghe tin ông Gioan bị nộp, Người lánh qua miền Ga-li-lê. Rồi Người bỏ Na-da-rét, đến ở Ca-phác-na-um, một thành ven biển hồ Ga-li-lê, thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Máp-ta-li...Từ lúc đó, Đức Giê-su bắt đầu rao giảng và nói rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.”(Mt 4, 12-17)

Thánh sử Mác-cô viết Phúc Âm cho các tín hữu không phải là gốc Do Thái sống ngoài xứ Palestin kể lại như sau: “Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”(Mc 1, 14-15)

Lời đầu tiên mà Đức Chúa Giê-su rao giảng là kêu gọi mọi người hãy sám hối và tin vào Tin Mừng, sám hối và tin vào Tin Mừng là điều kiện để được cứu rỗi, bởi vì không thể nào sám hối tội lỗi mình thì cũng không thể nào tin vào Tin Mừng, và chỉ nhờ Tin Mừng thì mới có thể nhìn thấy rõ đời sống của mình không phù hợp Phúc Âm để mà ăn năn sám hối.

Dân thành Ni-ni-vê đã nghe lời của tiên tri Giô-na và đã ăn năn sám hối, mặc áo nhặm rắc tro trên đầu, và Đức Chúa đã tha hình phạt cho họ, lòng sám hối chân thành của dân thành Ni-ni-vê đã đụng chạm đến nơi thẳm sâu tình yêu thương nhân từ của Thiên Chúa, bởi vì Ngài là Thiên Chúa thứ tha chứ không phải là Thiên Chúa chấp tội, là Thiên Chúa nhân từ chứ không phải là Thiên Chúa độc ác, là Thiên Chúa luôn quên hết tội lỗi khi con người thật lòng hoán cải quay về nẻo chính đường ngay.

Lòng sám hối và tin vào Đấng đang bị đóng đinh với mình trên thập giá kia của người trộm lành, cũng là một dấu hiệu rất rõ ràng để cho chúng ta thấy rằng, lời rao giảng “hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” của Đức Chúa Giê-su, chính là hé mở hạnh phúc thiên đàng cho chúng ta có niềm hy vọng vào sự sống đời sau.

Chúng ta đang sống trong thời đại mà khoa học phát triển từng ngày từng giờ, thế giới như thu nhỏ lại trong bàn tay, nhưng giữa tâm hồn con người với nhau vẫn cứ có khoảng xa cách vì ý thức hệ, vì thù hận và vì kiêu căng. Và khi con người càng sống dư thừa vật chất, xây dựng được một vài công trình to lớn thì càng trở thành những kẻ chối bỏ Thiên Chúa là Đấng tạo thành vũ trụ và tạo dựng nên con người. Do đó, lời rao giảng “hãy sám hối” của Đức Chúa Giê-su vẫn còn vang dội cho đến ngày nay, đã và đang làm cho nhiều người hoán cải đời sống để trở nên những môn đệ thật sự của Đức Chúa Giê-su Ki-tô.

Sám hối để được tha tội và tin vào Tin Mừng để được cứu rỗi, là hai điều căn bản phải có nơi những người môn đệ của Đức Chúa Giê-su.

4. Đức Đức Chúa Giê-su biến hình trên núi.

Để củng cố đức tin cho các môn đệ, và để cho các ngài “nếm” trước mùi vị ngọt ngào của hạnh phúc trong Nước Trời, Đức Chúa Giê-su đã biến hình sáng láng trên núi, thánh sử Mat-thêu đã tường thuật như sau: “Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục của Người trắng tinh như anh nắng.(Mt 17, 1-2) Biến cố biến hình của Đức Chúa Giê-su là một sự mở con mắt đức tin của ba môn đệ, để các ngài biết rằng, Đấng mà các ngài tin và đi theo đúng là vị tiên tri từ trời xuống. Nhưng điều làm cho các tông đồ ngạc nhiên sợ hãi chính là tiếng Đức Chúa Cha phán ra từ đám mây: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các người hãy vâng nghe lời Người.”(Mt 17, 5b)

Tiếng từ trong đám mây là tiếng của Cha đang giới thiệu Con yêu quý của mình, là lời mạc khải về thiên tính của người Con duy nhất, và là lời chứng thực, chỉ có người Con này mới là Đấng từ trời xuống để thi hành thánh ý của Cha mà thôi.

Đức Chúa Giê-su là Con yêu quý của Đức Chúa Cha, chính Ngài –dù đang mang thân phận con người- vẫn là hình ảnh vô hình của Đức Chúa Cha (Cl 1, 15) đang hiện diện ở trần gian, và chỉ có Ngài mới có đủ tư cách cứu nhân loại khỏi ách thống trị của ma quỷ và tội lỗi, chỉ có Ngài mới là Đấng ban lại cho nhân loại ơn làm con Thiên Chúa mà thôi.

Cuộc biến hình trên núi của Đức Chúa Giê-su là một sứ điệp đức tin cho các môn đệ, những người chỉ tin mà chưa thấy, chỉ nghe mà chưa tường tận, giờ đây, qua cuộc biến hình sáng chói này của Đức Chúa Giê-su và là Thầy của mình, đức tin của các ông như được tăng lên gấp bội.

Suy niệm đến việc Đức Chúa Giê-su biến hình này với lời giới thiệu long trọng của Đức Chúa Cha, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy bước theo Đức Chúa Giê-su để tiếp tục sứ mạng mà Ngài đã giao phó trong ngày chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội, đó là sứ mạng rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho mọi người; Giáo Hội cũng mời gọi chúng ta khi bước theo Đức Chúa Giê-su thì cố gắng liên tục–nhờ ơn Chúa- biến đổi cuộc sống của mình cho phù hợp với những gì mà mình đã tin và đã rao giảng. Đó chính là điều mà mọi người đang chờ đợi nơi chúng ta: những người –nhờ đức tin- mà thấy được niềm hy vọng nơi Đức Chúa Giê-su.

Đức Chúa Giê-su biến hình trên núi, là dịp để chúng ta suy ngắm lại sự sống đời sau của chúng ta, hơn là chúng ta chỉ sống trong ước mơ muốn được thấy Chúa biến hình như ba thánh tông đồ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan.

- Tôi đã thực sự thay đổi cuộc sống của mình chưa, thay đổi hoàn toàn mà không giữ lại những thói quen làm cho mình dễ chịu, nhưng sẽ làm hại linh hồn mình.

- Tôi đã thực sự tin vào Đức Chúa Giê-su chưa, hay là vẫn còn hoài nghi về Ngài, khi mà cuộc sống của tôi chỉ toàn đau khổ mà không thấy vinh quang.

- Tôi đã nghe lời Đức Chúa Cha giời thiệu Đức Chúa Giê-su cho các môn đệ, có lúc nào tôi giới thiệu Đức Chúa Giê-su cho bạn bè, người thân của tôi chưa ?

Cuộc biến hình của Đức Chúa Giê-su và lời giới thiệu của Đức Chúa Cha là ngọn đèn dẫn nhân loại đến con đường cứu rỗi, mà chúng ta –người Ki-tô hữu- chính là những ngọn đèn ấy, lấy cuộc sống gương sáng của mình để chiếu soi Tin Mừng vào trong cuộc sống của tha nhân.

5. Đức Đức Chúa Giê-su lập bí tích Thánh Thể.

Thánh Thể là nguồn sống của Giáo Hội, là lương thực nuôi sống mỗi người Ki-tô hữu. Thánh Thể là mầu nhiệm của sự hiệp nhất giữa các Ki-tô hữu với nhau trong Chúa Ki-tô, bởi đó mà trong tông thư về bí tích Thánh Thể, Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô đã nói: “Giáo Hội sống nhờ Thánh Thể (Ecclesia de Eucharistia vivit). Chân lý này không chỉ diễn tả một kinh nghiệm hằng ngày của đức tin, nhưng dưới hình thức tổng hợp nó còn gồm tóm cả cốt lõi của mầu nhiệm Giáo Hội. Trong hân hoan, Giáo Hội cảm nghiệm dưới nhiều hình thức sự thể hiện liên tục lời hứa: “Và Thầy, Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”

Đức Chúa Giê-su đã lập bí tích Thánh Thể để ban Mình và Máu Thánh của Ngài cho Giáo Hội, để Giáo Hội làm lương thực thần thiêng trên đường lữ thứ trần gian về quê trời. Bí tích Thánh Thể là bí tích cao trọng nhất của Giáo Hội, là dấu chỉ của hiệp thong và yêu thương, và có thể nói, nếu không có bí tích Thánh Thể thì không có Giáo Hội và không có Giáo Hội thì không có bí tích Thánh Thể. Chính Đức Chúa Giê-su thấy rõ và tiên liệu trước cho Giáo Hội của Ngài ờ trần gian nên đã lập bí tích yêu thương này, để qua đó, mà Ngài tiếp tục ở lại với Giáo Hội cho đến ngày tận thế. Tông thư trên cũng đã lập lại lời của công đồng Vatican II: “Công đồng Vaticanô II đã chính thức công bố rằng Hy Tế Thánh Thể là “nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn thể đời sống Kitô hữu.”

Thánh Mát-thêu tường thuật lại việc Đức Chúa Giê-su lập phép Thánh Thể như sau:”Cũng trong bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rôi bẻ ra, trao cho các môn đệ mà nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy. Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: “Tất cả an hem hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giáo Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội.”(Mt 26, 26-28) Ý định của Đức Chúa Giê-su đã rõ rang, các môn đệ cũng hiểu được lời của Đức Chúa Giê-su nói: đây là mình và máu của Thầy, mình và máu này sẽ trở nên lương thực thần thiêng cho Giáo Hội, là sự bảo đảm của ơn cứu rỗi cho những ai tin và tham dự bàn tiệc Thánh Thể.

Giáo Hội hơn hai ngàn năm lịch sử, đã và đang được tiếp tục nuôi dưỡng bằng Thánh Thể, và từ nơi Thánh Thể, Giáo Hội càng ngày càng nhận ra được tình yêu thương của Đức Chúa Giê-su dành cho Giáo Hội và nhân loại, cho nên, Giáo Hội càng thấy mình có thêm một một sứ mạng đặc biệt nữa là rao giảng sự hiệp nhất giữa các Ki-tô với nhau, và giữa những con người với nhau. Giáo Hội, giữa bao thăng trầm của thế giới, giữa bao đau thương mà Giáo Hội phải chịu, thì Thánh Thể chính là nguồn an ủi và là nguồn cảm hứng tràn đầy thánh dược để Giáo Hội tiếp nối tục làm tròn sứ mạng của mình giữa thế gian này.

Mỗi ngày trong thánh lễ, Giáo Hội lại hân hoan cử hành mầu nhiệm Thánh Thể, và Đức Chúa Giê-su Ki-tô vẫn hằng ngày hiện diên trên các bàn thờ trên khắp thế giới, để luôn là niềm khích lệ và là nguồn sống của Giáo Hội và của mỗi người Ki-tô hữu, đó là mầu nhiệm khôn sánh mà nhân loại không thể nào hiểu thấu, nhưng con cái của Giáo Hội Chúa thì vẫn luôn yêu mến và thường xuyên năng đón nhận bí tích yêu thương này, bởi vì Thánh Thể là nguyên nhân của mọi tình yêu và bác ái của họ.

Đức Chúa Giê-su lưu lại cho Giáo Hội Mình và Máu của Ngài, như một bằng chứng yêu thương và quyền năng của Đấng Thiên Chúa làm người giờ đây đã trở lại trong vinh quang Thiên Chúa, và khi tham dự bàn tiệc thiên quốc này ở trần gian, thì Giáo Hội cũng luôn mong mỏi đến ngày được tham dự tiệc thánh trên trời với Đức Chúa Giê-su và các thánh nam nữ, những con người đã luôn yêu mến Thánh Thể khi còn ở trần gian.

Khi suy ngắm đến mầu nhiệm tình yêu này, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy siêng năng tham dự thánh lễ, bởi vì trong thánh lễ, Đức Chúa Giê-su hiện diện thực sự trên bàn thánh để trở nên lương thực nuôi sống linh hồn chúng ta, và trở nên nguồn mạch yêu thương nối kết lòng chúng ta lại với Thiên Chúa và với tha nhân.

Cho nên, Giáo Hội khuyên dạy chúng ta phải có thái độ cung kính, nghiêm trang và yêu mến khi đi tham dự thánh lễ, bởi vì có nhiều con cái của Giáo Hội ngày càng tục hóa các bí tích, coi các bí tích như là những việc làm vô ích mà Giáo Hội bày ra để “hù dọa” thiên hạ, và nguy hiểm hơn, họ coi Thánh Thể như là một trò đùa của Giáo Hội phỉnh gạt những người không hiểu biết.

Có những lúc, chúng ta đi tham dự tiệc Thánh Thể bằng thái độ không nghiêm túc, đi rước lễ chỉ là hình thức che giấu tội lỗi của mình mà thôi. Đó chính là điều mà Đức Chúa Giê-su rất đau buồn, bởi vì khi chúng ta rước Thánh Thể cách bất xứng là chúng ta lại đóng đinh Đức Chúa Giê-su vào thập giá lần nữa, mà lần này thì Chúa đau khổ hơn khi Ngài bị đóng đinh trên thập giá trên đồi Can-vê, bởi vì những kẻ đóng đinh Ngài là chúng ta, những người được Ngài yêu thương và cứu chuộc bằng cái chết nhục nhả của mình. Từng giờ và từng phút, nơi nhà tạm trong nhà thờ, Đức Chúa Giê-su Thánh Thể vẫn chờ đợi chúng ta đến viếng thăm an ủi Ngài, bởi vì từng giay từng phút có rất nhiều người xúc phạm đến Đức Chúa Giê-su Thánh Thể trên khắp thế giới, đó là lý do mà Giáo Hội mời gọi chúng ta luôn viêng Thánh Thể và chầu Thánh Thể.

Ngay từ thời sơ khai của Giáo Hội, thánh Phao-lô tông đồ đã lên tiếng cảnh cáo những người tham dự Thánh Thể cách bất xứng, ngài nói: “Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và máu Chúa.(1Cr 11, 27)

LỜI KẾT

Em thân mến,

Trên đây là những điều anh chia sẻ với em về kinh Mân Côi, anh tin rằng chính em khi lần chuỗi Mân Côi chung hoặc riêng, thì cũng bỏ ra ít phút để suy niệm các mầu nhiệm trong kinh Mân Côi này, bởi vì nếu chúng ta đọc kinh lẩn chuỗi mà lòng trí không suy niệm, thì chẳng ích lợi gì cả cho chúng ta.

Như em đã nói, kinh Mân Côi chỉ là việc đạo đức thì không quan trọng cho lắm, nhưng anh nghĩ rằng, dù nó quan trọng hay không thì vẫn là một việc làm đạo đức rất tốt. Tại sao Đức Mẹ Ma-ri-a chỉ dạy cho chúng ta cách “đi tắt” lên thiên đàng mà ta lại chê không muốn đi ! Tại sao Đức Mẹ Ma-ri-a giúp chúng ta là những kẻ tội lỗi được đến gần Chúa cách dễ dàng hơn thì chúng ta lại không muốn ?

Con người ta thời nay viện rất nhiều lý do để chối bỏ Thiên Chúa, chối bỏ những gì mà họ cảm thấy làm cho sự tự do của họ bị đe dọa, họ muốn lên thiên đàng nhưng phải sống thật tự do thật thoải mái ưa gì làm nấy không bị ràng buộc, viện cớ là Chúa rất tôn trọng tự do của họ nên không “bắt bẻ” họ; họ muốn vừa trở nên thánh nhưng không muốn hy sinh hãm mình, họ lấy lý do là hy sinh hãm mình thì chỉ có Chúa biết là được rồi, nên họ cứ tha hồ ăn uống; họ muốn dấng hiến cuộc sống cho Chúa, nhưng viện cớ là con người nên vẫn còn có nhiều sai phạm và khuyết điểm, thế là họ sẵn sàng mắc phạm từ khuyết điểm này đến khuyết điểm khác.

Chuỗi Mân Côi là phương thế để giúp chúng ta –người Ki-tô hữu- đồng hành với Đức Chúa Giê-su và Đức Mẹ Ma-ri-a cách đơn giản nhất, là cách vắn tắt giúp chúng ta dễ hiểu khi suy ngắm các mầu nhiệm làm người của Đức Chúa Giê-su, và là cách làm đẹp lòng Đức Mẹ Ma-ri-a nhất.

Cho nên, đã là người Ki-tô hữu, thì không ai mà không biết lợi ích và hiệu quả của việc lần chuỗi Mân Côi. Anh có thể nói với em như thế này, những ai cứ viện lý do này lý do nọ để coi thường kinh Mân Côi, thì họ không xứng đáng làm con cái của Đức Mẹ Ma-ri-a. Những người yêu mến đọc kinh Mân Côi, thì dù cho công việc làm ăn chiếm mất thời gian đi chăng nữa, thì họ vẫn luôn tìm cách chia nhiều phần kinh Mân Côi ra để đọc, bởi vì đối với họ, kinh Mân Côi là sự ủi an và nâng đỡ của Đức Mẹ Ma-ri-a.

Anh hy vọng với những lời chia sẻ với em trong dịp tháng Mân Côi này, sẽ giúp em chút gì đó trong đời sống thiêng liêng, nhất là trong việc yêu mến Đức Chúa Giê-su và Mẹ của Ngài qua kinh Mân Côi này.

Xin Thiên Chúa nhờ Đức Mẹ Ma-ri-a chuyển cầu, ban cho em và gia đình được ngày càng yêu mến kinh Mân Côi hơn. Nhớ cầu nguyện cho anh.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

---------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Đức Mẹ Mân Côi
Lm Nguyễn Xuân Trường
15:21 04/10/2019
Đức Mẹ Mân Côi: Máu Chiến, Mến Chúa, Mang Chúa, Mau cười

Mân Côi nghĩa là Kinh Hoa Hồng. Tuy nhiên, nếu Mân Côi viết tắt là MC thì có những hàm nghĩa khá thú vị khi dịch MC là Máu Chiến, Mến Chúa, Mang Chúa, Mau Cười…

1.Máu Chiến. Về lịch sử, Lễ Đức Mẹ Mân Côi là lễ kỉ niệm trận chiến người Công Giáo thắng người Hồi Giáo ngày 07.10.1571 nhờ ơn Đức Mẹ. Thế nên, ban đầu Lễ được gọi là lễ Mẹ Chiến Thắng. Thực sự thì chiến thắng lớn nhất của Mẹ là chiến thắng chính mình trong trận chiến đức tin. Mẹ đã chiến đấu và chiến thắng “cái tôi bản thân” ích kỉ kiêu ngạo để khiêm nhường quảng đại cho Chúa làm chủ cuộc đời Mẹ.

2.Mến Chúa. Mẹ mến Chúa nên Mẹ được đẹp lòng Thiên Chúa. Mẹ sẵn lòng xin vâng thánh ý Chúa qua lời sứ thần truyền tin. Làm theo ý Chúa là Mẹ đã chiều lòng Chúa. Khi đã yêu mến nhau thì luôn mong muốn chiều lòng nhau.

3.Mang Chúa. Mẹ đã cưu mang Chúa trong lòng. Thiên Chúa vô hình đã nên hình nên dạng trong lòng dạ Mẹ. Sự sống và tình yêu Thiên Chúa đã thấm vào máu thịt Mẹ. Để rồi, Mẹ trở thành “Đấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng Mẹ.” Mẹ mang Chúa trong lòng, trong đời mình, để rồi, Mẹ mang Chúa cho nhân loại.

4.Mau Cười. Có Chúa nên Mẹ dạt dào niềm vui. Lời chào đầu tiên của sứ thần khi truyền tin cho Đức Mẹ là “mừng vui lên”. Và chính miệng Mẹ đã thốt lên những lời chan chứa niềm vui: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng.” Mẹ không chỉ vui rạo rực trong lòng, mà mẹ vui hớn hở ra mặt. Nhờ đó mà Mẹ đi đến đâu là đem niềm vui đến đó cho nhà bà Elisabeth, cho tiệc cưới Cana. Hãy nhớ rằng Mầu Nhiệm Mân Côi chỉ có ¼ là Thương, còn có tới ¾ là Vui, Mừng, Sáng láng.

Thế nên, muốn giống Đức Mẹ thì hãy sống hớn hở vui tươi. Vui vì mến Chúa hết lòng và mang Chúa trong lòng. Vui vì chiến thắng được ý mình để sống theo ý Chúa. Amen.
 
Lễ Mân Côi
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:42 04/10/2019
LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI

(Ngày 7 tháng 10)

Tin Mừng: Lc 1, 26-38.

“Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai.”


Anh chị em thân mến,

Hôm nay Giáo Hội mừng kính lễ Đức Mẹ Mân Côi, để kính nhớ cuộc chiến thắng của các chiến thuyền Ki-tô giáo tại vịnh Lepente ngày 7 tháng 10 năm 1571, nhờ sự trợ giúp đặc biệt của Đức Mẹ Ma-ri-a qua lời cầu nguyện bằng chuổi Mân Côi của các tín hữu.

Qua kinh Mân Côi, chúng ta thấy có hai yếu tố quan trọng mà Đức Mẹ Ma-ri-a rất yêu thích, đó chính là sự lặp đi lặp lại kinh Kính Mừng, và suy niệm các mầu nhiệm Nhập Thể của Đức Chúa Giê-su, mà Mẹ có vai trò rất đặc biệt trong chương trình cứu độ nhân loại của Thiên Chúa.

Đức Mẹ Ma-ri-a rất yêu thích những ai đọc kinh Kính Mừng, bởi vì chính thiên thần Ga-bri-en đã cất tiếng chào mừng khi truyền tin cho Mẹ: “Kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà…” lời cầu chúc này đã nói lên sự cung kính của thiên thần đối với một tạo vật là Mẹ được Thiên Chúa chọn làm mẹ Đấng Cứu Thế là Đức Chúa Giê-su.

Khi yêu nhau, đôi bạn nam nữ thường lặp đi lặp lại điệp khúc “anh yêu em” và “em yêu anh” mà không thấy chán, không thấy thừa thải hoặc không thấy mắc cở gượng gùng, bởi vì tình yêu được phát xuất từ tấm lòng chân thật, cho nên họ sẽ sung sướng đón nhận lời lẽ yêu thương ngắn ngọn mà bày tỏ hết cả tấm lòng yêu thương của bạn mình.

Đức Mẹ Ma-ri-a cũng rất yêu thích những ai thành tâm đọc kinh Mân Côi, bởi vì nơi kinh Mân Côi này chúng ta lặp đi lặp lại không những một hai lần kinh Kính Mừng, nhưng là đọc đi đọc lại cả hai trăm lần kinh Kính Mừng như hai trăm đóa hoa hồng dâng kính Đức Mẹ. Hai trăm kinh Kính Mừng là hai mươi biến cố trong cuộc đời của Đức Chúa Giê-su khi Ngài sống ở trần gian, hai mươi biến cố này từ khi Đức Chúa Giê-su sinh ra cho đến khi Ngài lên trời và Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống và Thiên Chúa thưởng ân cho Đức Mẹ Ma-ri-a lên trời cả hồn lẫn xác.

(Hai mươi biến cố này được chia thành bốn nhóm hay là bốn “sự”: năm sự Vui, năm sự Thương, năm sự Mừng, năm sự Sáng. Mỗi sự đều có liên hệ mật thiết với Đức Mẹ Ma-ri-a là Đấng đồng công cứu chuộc loài người.)

Đã có rất nhiều lần chúng ta lần chuỗi Mân Côi mà miệng đọc như cái máy phát thanh, không hề dừng lại để suy ngắm những gì mình đang đọc; có những lúc bạn và tôi đọc kinh Mân Côi mà như sợ người khác giành giựt, cho nên chúng ta vẫn chưa hiểu và chưa yêu mến Đức Chúa Giê-su cho đủ, do đó mà chúng ta trở thành những nghi vấn cho người khác nghi ngờ về đức tin của chúng ta.

Anh chị em thân mến,

Đức giáo hoàng Phao-lô VI khích lệ chúng ta như sau: “Bản chất việc đọc kinh Mân Côi đòi hỏi nhịp điệu phải chậm rãi và có thời gian thư thả, để người ta có thời gian suy gẫm sâu xa về các mầu nhiệm cuộc đời Đức Chúa Giê-su được nhìn qua Trái Tim của Đấng gần gủi nhất với Chúa.” (Marialis Cultus, 47)

Mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi hôm nay, bạn và tôi nên có một quyết tâm khi lần hạt Mân Côi, đó là luôn yêu mến và tin tưởng vào Đức Mẹ Ma-ri-a, để nhờ Mẹ mà chúng ta đến với Đức Chúa Giê-su -là Đấng nhờ sự vâng phục của Đức Mẹ- để nhờ kinh Mân Côi mà chúng ta trở thành những chứng nhân cho Tin Mừng và cho tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc sống của mình.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

---------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Xin thêm lòng tin cho chúng con
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
19:55 04/10/2019
Xin thêm lòng tin cho chúng con

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXVII - Năm C

(Lc 17, 5-10)

Đức tin là chủ đề nổi bật trong phụng vụ Chúa Nhật tuần này này, Chúng ta nghe nói về đức tin trong bài đọc I: “Người công chính sẽ sống nhờ trung tín” (Kb 1,4). Ý tưởng này được Thánh Phaolo lấy lại trong thơ gửi tín hữu Roma khi khuyên môn đệ mình là Thimôthê: “Con hãy lấy những lời lành lẽ phải… làm mẫu mực trong đức tin…” (2Tm 1,13-17). Bài Tin Mừng bắt đầu với lời cầu xin của các tông đồ cùng Chúa Giêsu: “Xin thêm lòng tin cho chúng con!” (Lc 17, 5-6).

Xem video và nghe bài giảng

Thay vì thỏa mãn lòng ao ước của các ông, Chúa Giêsu xem ra muốn làm đức tin lớn mạnh hơn. Người nói: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hột cải, các con có thể bảo cây dâu này 'hãy nhổ rễ và xuống biển mà nằm', nó cũng sẽ vâng lời các con” (Lc 17,6). Chúng ta lấy câu này làm lời cầu xin của mình trong thế giới hôm nay. Chúa Giêsu có ngoa ngữ hay không khi nói đức tin của các môn đệ chỉ bằng hạt cải thôi, cũng có thể làm những điều con người không bao giờ nghĩ tới. Đúng như vậy, người đơn sơ, khiêm tốn nhưng có đức tin mạnh mẽ thì có thể chuyển núi dời non. Chẳng hạn như, một người cha hay một người mẹ, lúc phải đối mặt với những khó khăn nặng nề hay một ai đó đang lâm bệnh rất nặng mà có đức tin, thì những người đến thăm họ sẽ cảm nhận được sự thanh thản và bình an. Quả thật, những người ấy, nhờ đức tin của họ, đã không tự hào về những gì mình làm, nhưng, như Chúa Giêsu bảo họ: "Chúng con chỉ là những người tôi tớ. Chúng con chỉ làm những điều phải làm" (Lc 17,10).

Sống trong thời buổi ngày hôm nay, hỏi bao nhiêu người trong chúng ta có được đức tin mạnh mẽ để làm được những điều cả thể.

Vậy, Đức Tin là gì ?

Đức tin không phải là một vấn đề phức tạp. Những hoàn cảnh vốn phức tạp, nhưng bản thân đức tin lại rất đơn giản. Tin chính là biết Thiên Chúa là ai, biết rằng Ngài hằng yêu thương và muốn giúp đỡ chúng ta, Ngài sẽ thực hiện cho dù sự hiểu biết ấy trái ngược với những hiểu biết thông thường của chúng ta và biết rằng Ngài nghe lời chúng ta cầu nguyện.

Đức tin thì không giao động hoặc hoài nghi. Thiên Chúa biết chúng ta không hoàn hảo. Khi chúng ta có lòng tin, lòng chúng ta sẽ vững vàng, tin tưởng vào Chúa, không bị lay động bởi những tin tức xấu hoặc xu hướng xấu (x. Tv 112,7). Mỗi người tuỳ theo lượng đức tin Thiên Chúa đã phân phát cho (Rm 12,3), vì thế, chúng ta phải cầu xin Thiên Chúa ban cho món quà của Thần Khí là ơn đức tin (x. 1 Cr 12,9). Xin Chúa gia tăng lòng tin nơi chúng ta (x. Lc 17, 5).

Sự cần thiết của Đức Tin

Còn sống là còn cần đến đức tin. Đức tin để tin tưởng và đón nhận Lời được viết; để nghe những Lời từ Thiên Chúa ; để vâng phục và thi hành ý Chúa; tin vào Chúa trong những lúc ngặt nghèo; phó thác mọi sự trong tay Chúa; đương đầu với những thử thách và ngay cả những hoàn cảnh không thể. Tiên tri Khabacuc mô tả người có đức tin, cậy dựa vào Chúa, nhưng bị thử thách quá sức: “Lạy Chúa, con kêu cầu Chúa cho đến bao giờ mà Chúa không nghe? Con phải ức ép kêu lên cùng Chúa, mà Chúa không cứu con sao? Cớ sao Chúa tỏ cho con thấy sự gian ác và lao khổ, cướp bóc và bất lương trước mặt con? Dù có công lý, nhưng kẻ đối nghịch vẫn thắng” (Kb 1,2-3). Chúa bảo: “Người công chính sẽ sống nhờ trung tín” (Kb 1, 5). Đức tin cho ta rất nhiều thứ.

Để hoàn thành kế hoạch của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta, chắc chắn chúng ta phải cần đến đức tin. Làm sao để đức tin của chúng ta lớn mạnh là việc chúng ta phải làm ngay hôm nay. Chúng ta sẽ không có được đức tin để chuẩn bị cho tương lai nếu chúng ta không bắt đầu luyện tập và củng cố thêm đức tin của chúng ta ngay từ bây giờ.

Tháng truyền giáo, tháng Mân Côi

Bước vào tháng Mười, tháng dành riêng cách đặc biệt ngoại thường cho việc truyền giáo, chúng ta nhớ đến các nhà truyền giáo, những người đang hăng say rao giảng và mang Tin Mừng đến cho người khác, họ đã phải vượt qua những khó khăn đủ loại, kể cả trao ban sự sống. Chúng ta cầu xin Chúa ban cho họ ơn can đam, nâng đỡ họ, để họ can đảm, như thánh Phaolo nói với Timôthê: "Con chớ hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta, và cho cha nữa, là tù nhân của Người, nhưng con hãy đồng lao cộng tác với cha vì Tin Mừng, nhờ quyền năng của Thiên Chúa" (2Tm 1,8). Ðiều này tác động hằng ngày đến mỗi người trong chúng ta, có thể làm chứng cho Chúa, với sức mạnh của Thiên Chúa, sức mạnh của niềm tin. Ðức tin của chúng ta nhỏ bé nhưng mạnh mẽ: với sức mạnh đó chúng ta làm chứng cho Chúa Giêsu, là những người Kitô hữu bằng đời sống, bằng chứng ta của chúng ta.

Và làm thế nào để chúng ta có được sức mạnh ấy? Chúng ta có được sức mạnh ấy từ Thiên Chúa trong lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện là hơi thở của đức tin: trong một sự gắn kết với lòng tin tưởng, tình yêu, và cả đối thoại vốn là điều không thể thiếu, và lời cầu nguyện là một cuộc đối thoại với Thiên Chúa.

Tháng 10 cũng là tháng Mân Côi, chúng ta g hiệp ý với nhau để cử hành hành vi đức tin này với Ðức Trinh Nữ Maria Rất Thánh Mân Côi, Mẹ chúng ta, đồng thời xin Mẹ là cô giáo của trường cầu nguyện, trường đức dạy chúng ta trong siêng năng lần chuỗi Mân Côi để cầu cho thế giới được mọi sự lành.

Lạy Mẹ là sao mai, Nữ Vương truyền giáo, cầu cho chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:43 04/10/2019

49. Không làm chủ nhân đứng nhìn bất cứ việc gì của mình, vì ngay cả thân thể và ý chí cũng không phải của mình.

(Thánh Benedict)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:50 04/10/2019
29. QUẬN THỦ KIÊNG KỴ

Có một quận thủ nọ kiêng kỵ rất nhiều điều, vừa mới đến nơi nhiệm sở thì có người tên là Đinh Trường Nhụ đến chúc mừng, bởi vì quận thủ kiêng kỵ chữ “đinh” nên nhiều lần trốn không tiếp khách.

Các gia nhân biết ý của ông ta bèn kêu người ấy đổi họ “Đinh” thành họ “Thiên”, quả nhiên quận thủ vui vẻ tiếp kiến.

Lại một ngày nọ có vụ án lớn đến báo, trong văn tự có viết hai chữ “chết bệnh”, quan sứ biết là ông ta rất sợ thấy, bèn dùng ngón tay che lấp hai chữ ấy lại, quận thú vừa coi thì thấy bị che mất nên không hiểu nghĩa, bèn dùng viết gõ vào ngón tay của quan sứ để ông ta dời tay đi.

Khi ngón tay dời đi thì đột nhiên thấy ông ta hai chữ ấy thì mặt quận thủ biến sắc vội vàng cầm lấy văn thư đến bàn án và xoay tròn cái bàn nhiều lần, miệng thì lẩm bẩm niệm bùa chú trừ hung.

Mọi người trong công đường nín không được nên cười ha ha.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 29:

Tín ngưỡng nhân gian thì có nhiều điều kiêng kỵ vì họ tin nhiều điều dị đoan.

Có những người Ki-tô hữu nổi giận đùng đùng khi có ai đó kêu tên cha mẹ mình vì họ rất kiêng kỵ điều ấy, nhưng lại thờ ơ dửng dưng khi nghe người khác kêu tên Đức Chúa Giê-su ra mà nhạo báng, và có lúc cũng chính họ trong lúc kể chuyện tiếu lâm cho người khác nghe cũng đem tên Đức Chúa Giê-su ra mà cười…

Kiêng kỵ kêu tên cha mẹ ra vì chúng ta trọng kính cha mẹ mình đó là việc làm tốt, nhưng càng tốt hơn khi chúng ta bảo vệ và cung kính trước danh thánh Giê-su, bởi vì điều đó đã được Đức Chúa Giê-su hứa và làm cho chúng ta được vinh danh trước mặt Cha trên trời trong ngày phán xét.

Người Ki-tô hữu không ai đem tên Đức Chúa Giê-su ra để nhạo cười nhưng rất “kỵ rơ” với những ai đem tên Đức Chúa Giê-su ra mà nhạo cười, trái lại, người Ki-tô hữu sẽ nhân danh danh thánh Giê-su để cầu nguyện với Chúa Cha trong cuộc sống của họ…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Phán Quyết Của Chánh Án Weinberg Về Kháng Cáo Của Đức Hồng Y Pell: Kết luận về Cơ sở 1
Vũ Văn An
17:40 04/10/2019
Kết luận về Cơ sở 1

1051 Sau khi lưu ý đến toàn bộ các bằng chứng được đưa ra tại phiên tòa, và sau khi đã nghị bàn rất lâu và gay go về vấn đề này, tôi thấy mình ở vị trí có một mối nghi ngờ thực sự về tội lỗi của đương đơn.

1052 Theo các nguyên tắc được đặt để bởi Tòa án tối cao trong vụ M, nghi ngờ của tôi là một nghi ngờ mà bồi thẩm đoàn cũng phải có. Đó không phải vì tôi nhất thiết phải được coi có khả năng đánh giá tốt hơn các vấn đề sự kiện thuộc loại được nêu ra trong phiên tòa này. Đúng hơn vì Tòa án Tối cao đã nói dứt khoát rằng thông thường, nghi ngờ của tôi là một nghi ngờ mà bồi thẩm đoàn cũng phải có.

1053 Quay sang chi thứ hai của thử nghiệm M, tôi đã xem xét tất cả các lợi thế khác nhau mà bồi thẩm đoàn có được khi đánh giá tầm quan trọng dành cho bằng chứng. Tôi đã so sánh những lợi thế đó, như chúng hiện là trong trường hợp này, với chủ trương của riêng tôi. Tôi đã kết luận rằng những lợi thế đó không làm giảm sự nghi ngờ của tôi.

1054 Nói một cách khách quan, đây luôn là một vụ án gây vấn đề. Các cáo buộc của người khiếu nại chống lại đương đơn, ở mức độ này hay mức độ nọ, là đáng ngờ (implausible). Trong trường hợp biến cố thứ hai, thậm chí điều đó chỉ là một cách nói chưa đủ.

1055 Đó không phải vì lý do người khiếu nại đã cáo buộc rằng ông ta đã bị lạm dụng tình dục, trong quá khứ, bởi một giáo sĩ Công Giáo cao cấp. Đáng buồn thay, như chúng ta đã tiến đến chỗ đánh giá được, không có gì hoàn toàn bất cái nhiên (improbable) về các cáo buộc của loại đó là đúng cả. Đúng hơn, vì lý do các hoàn cảnh chi tiết được cho là đã bao quanh những cáo buộc lạm dụng đó, các hoàn cảnh về thời gian, nơi chốn và cách thức.

1056 Tôi khá không được đệ trình của Ông Boyce thuyết phục rằng bằng chứng của người khiếu nại có sức thuyết phục, cả khi được xem xét một cách tổng thể, lẫn khi lưu ý đến câu trả lời không hài lòng của ông đối với cuộc đối chất mạnh mẽ của ông Richter, đến nỗi tôi nên gạt bỏ tất cả các nhân tố cho thấy trình thuật của ông không đáng dựa vào. Mặc dù tôi không thể kết luận rằng người khiếu nại đã sáng chế ra những cáo buộc này, ít nhất đối với biến cố đầu tiên và không làm như vậy, đó không phải là yếu tố quyết định liệu Cơ sở 1 có thành công hay không.

1057 Trong vụ Palmer, Tòa án Tối cao đã nói rõ rằng trong một trường hợp như trường hợp hiện tại, bên bào chữa không bị đòi hỏi phải chỉ ra bất cứ động cơ nào từ phía người khiếu nại khiến đã bịa đặt ra câu chuyện của ông ta hoặc bà ta. Bên bào chữa cũng không có bổn phận phải đưa ra một lời giải thích về cách thức, hoặc tại sao, người khiếu nại đã tiến đến chỗ đưa ra các cáo buộc của mình. Câu trả lời ngắn gọn cho những câu hỏi này là như một vấn đề pháp luật, chúng không có liên quan. Chúng không ăn uống gì với việc tiến hành thích đáng của một phiên tòa hình sự. Như vụ Palmer đã cho thấy rõ, chúng có xu hướng đảo ngược gánh nặng phải chứng minh, và do đó không bao giờ nên được yêu cầu [258].

1058 Trong trường hợp hiện tại, có một lượng đáng kể các bằng chứng vững chắc đặt nghi ngờ nghiêm trọng lên trình thuật của người khiếu nại, cả về độ đáng tin cậy lẫn độ đáng dựa vào.

1059 Ở thời điểm này, tôi sẽ không duyệt lại 17 'trở ngại vững chắc’ chống lại bản án của ông Richter, cũng như danh sách giảm bớt gồm 13 trở ngại của ông Walker. Tôi sẽ không mô tả đặc tính của tất cả chúng là 'vững chắc', mặc dù, đối với tôi, một số dường như có sức thuyết phục.

1060 Tuy nhiên, tôi sẽ nói một điều xa hơn về khái niệm ‘cộng hưởng các bất cái nhiên’ (compounding improbabilities) mà cả ông Richter, tại phiên tòa, và ông Walker, trước Tòa án này, đặt vào tâm điểm các đệ trình của họ.

1061 Liên quan đến biến cố đầu tiên, ông Richter đã đệ trình rằng mỗi một và mọi điều 'không thể' độc lập đã phải xảy ra trong khoảng thời gian giới hạn như nhau (ông gợi ý 10 phút hoặc gần như thế), nếu trình thuật của người khiếu nại phải được chấp nhận.

1062 Tất nhiên, ngày nay, những lập luận ‘cộng hưởng các bất cái nhiên’ thường được các công tố viên đưa ra [259], và thông thường, hoàn toàn hợp pháp, đưa đến hiệu quả tốt [260].

1063 Trọng điểm của Ông Walker, trong lập luận bằng miệng trước Tòa án này, thực sự là một ứng dụng điều các nhà thống kê gọi là ‘quy tắc tích số’ (the product rule) của lý thuyết xác suất. Quy tắc đó quy định rằng xác suất của việc xảy ra chung của các biến cố độc lập lẫn nhau tương đương với tích số của các xác suất cá thể của mỗi một trong các biến cố [261].

1064 Để trình thuật của người khiếu nại có khả năng được chấp nhận, một số 'điều' được ông Richter trình bầy tại số [840] - trong phần lý do của tôi [262], đã phải diễn ra trong vòng chỉ một vài phút. Trong trường hợp đó, tỷ lệ chống lại trình thuật của người khiếu nại về việc lạm dụng đã xảy ra như thế nào, sẽ rất đáng kể. Các cơ may để ‘tất cả các hành tinh thẳng hàng với nhau’, theo cách đó, ít nhất, cũng đáng bị nghi ngờ. Hình thức ‘phân tích duy xác suất’ này, nếu được áp dụng đúng cách, sẽ gợi ý một cách mạnh mẽ với tôi rằng bồi thẩm đoàn, hành động hợp lý, dựa trên toàn bộ bằng chứng trong trường hợp này, đáng lẽ phải có một sự nghi ngờ hợp lý về tội lỗi của đương đơn.

1065 Tất nhiên, lý lẽ bên bào chữa đã đi xa hơn việc chỉ dựa vào phương thức lý luận này. Như tôi đã nói, trình thuật của người khiếu nại có thể không đứng vững được nếu bằng chứng được đưa ra bởi Portelli, hay Potter, được chấp nhận. Có lẽ còn quan trọng hơn, nó không thể đứng vững ngay cả khi bằng chứng của họ được đánh giá là ‘có thể một cách hợp lý’.

1066 Lý lẽ viết của công tố đã đệ trình rằng không ai trong số 22 nhân chứng được gọi tới phiên tòa, những người đưa ra bằng chứng được cho là ủng hộ bên bào chữa, có thể nói bất cứ điều gì vuợt quá điều mà 'thủ tục thông thường' vốn đã có vào năm 1996, và vào đầu năm 1997, cả hai liên quan đến các di chuyển của chính họ và các di chuyển của những người khác. Với lòng kính trọng, điều đó không phải như vậy, ít nhất là liên quan đến Portelli và Potter, và ở một mức độ nào đó, cả McGlone nữa.

1067 Ông Boyce đệ trình rằng điều quan trọng là không ai trong số các nhân chứng được gọi tới phiên tòa có thể ở vị trí nói được rằng việc bị cáo buộc là vi phạm 'đã không xảy ra' [263]. Thay vào đó, bằng chứng của những nhân chứng này chỉ gợi ý rằng một số khung cảnh nào đó, chẳng hạn như Tổng Giám mục bị bỏ lại một mình, trong Nhà thờ Chính, trong khi mặc áo lễ, là 'không có xác suất’ (unlikely) xảy ra. Sự nhượng bộ, về phía bất cứ nhân chứng nào này, rằng khung cảnh này có thể đã xảy ra được cho là đã khắc phục lý lẽ 'không thể’ của ban bào chữa. Như một hệ luận, đã có đệ trình rằng điều này cung cấp câu trả lời hoàn chỉnh cho cơ sở kháng cáo của đương đơn.

1068 Ông Boyce đã đi xa đến mức đệ trình rằng, ở mức cao nhất, bằng chứng cho bên bào chữa chỉ đơn thuần xác lập rằng có thể có những ‘trở ngại’ (hindrances) để trình thuật của người khiếu nại được chấp nhận, nhưng không hơn thế. Ông đệ trình rằng công tố đã đề cập từng ‘trở ngại vững chắc’ một tại phiên tòa, và bồi thẩm đoàn đã được quyền nhận thấy rằng chúng hoàn toàn không ‘vững chắc’. Do đó, họ được quyền hành động dựa trên bằng chứng của người khiếu nại, dù có thể nó không được hỗ trợ.

1069 Theo ông Boyce, Portelli là nhân chứng duy nhất tuyên bố chuyên biệt cho rằng đã không ngừng ở với đương đơn trong Thánh lễ trọng thể vào Chúa Nhật tại mọi thời điểm liên quan.

1070 Về phương diện đó, ông Boyce đã đệ trình rằng bằng chứng của Portelli đã được bổ nghĩa (qualified) ở một số khía cạnh quan trọng. Thí dụ, ông ta đồng ý rằng có thể đã có một dịp ông ta không thực sự đi cùng với đương đơn để trở lại phòng áo của mình ngay sau Thánh lễ trọng thể vào Chúa Nhật. Portelli nói rằng ông ta không nhớ bất cứ trường hợp nào như vậy, nhưng ông ta chấp nhận rằng nó có thể xảy ra nếu, vì một số lý do, ông ta phải cởi áo trước.

1071 Ông Boyce cũng lưu ý rằng Portelli đã thừa nhận rằng có thể đã có một dịp, mặc dù đã đi cùng đương đơn đến cửa phòng áo, ông đã để ông ta một mình trong một thời gian ngắn, khoảng hai phút hay gần như thế. Portelli nói rằng điều này rất có thể đã xảy ra nếu có một buổi lễ khác trong Nhà thờ Chính tòa vào chiều hôm đó, và ông cần phải quay lại khu cung thánh để đảm bảo rằng mọi thứ đã sẵn sàng cho biến cố đó [264]. Chính xác làm thế nào một hoặc hai phút vắng mặt loại đó lại có thể củng cố lý lẽ của công tố, hoặc cung cấp sự hỗ trợ cho trình thuật của người khiếu nại, điều này không rõ ràng đối với tôi.

1072 Ông Boyce nhận xét rằng Portelli đã khăng khăng rằng ông đã đồng hành cùng đương đơn tới phòng áo của các linh mục sau khi cả hai Thánh lễ long trọng vào Chúa Nhật vào tháng 12 năm 1996. Portelli cho rằng ông có một ký ức thực sự và chuyên biệt đã làm thế, và đây không phải là một sự tái dựng, về phần ông, dựa trên những gì là thực hành bình thường của ông lúc đó. Ông khăng khăng cho rằng ông không biết gì về việc đương đơn có bao giờ bị để ở một mình trong Phòng áo của các Linh mục.

1073 Ông Boyce đệ trình rằng bồi thẩm đoàn có quyền bác bỏ toàn bộ bằng chứng của Portelli về những vấn đề này. Khi được hỏi liệu ông ta có ở cùng đương đơn trong mọi dịp ông ta cử hành Thánh lễ trong cả hai năm 1996 và 1997, Portelli đã dễ dàng đồng ý. Tuy nhiên, khi được hỏi liệu lần đầu tiên đương đơn cử hành Thánh lễ trọng thể vào Chúa Nhật tại Nhà thờ Chính tòa có là ngày 15 tháng 12 năm 1996 hay không, câu trả lời của ông không có gì nhấn mạnh hơn là "có vẻ đúng". Đã có đệ trình cho rằng đó khó là một câu trả lời tự tin, hoặc không hàm hồ, cho câu hỏi. Cũng vậy, khi Portelli được hỏi liệu đương đơn có cử hành Thánh Lễ vào ngày 22 tháng 12 năm 1996 hay không, ông ta chỉ có thể trả lời 'điều đó có thể chính xác'. Một câu trả lời được phát biểu bằng các hạn từ này cũng được cho là gây ra sự nghi ngờ về độ đáng dựa vào trong bằng chứng của Portelli .

1074 Ông Boyce đã tương phản sự không chắc chắn được giả định với lời khăng khăng được lặp đi lặp lại và nhấn mạnh của Portelli, rằng ông đã không ngừng có mặt với đương đơn cả trong hai ngày 15 và 22 tháng 12 năm 1996 và vào ngày 23 tháng 2 năm 1997.

1075 Một cuộc tấn công tiếp theo được thực hiện bởi Ông Boyce chống lại Portelli lưu ý rằng, bất chấp khăng khăng nói rằng ông ta có một ký ức rõ ràng về các biến cô xảy ra từ mãi năm 1996 (bao gồm cả tháng 12 năm đó), khả năng của ông ta trong việc nhớ lại những ngày khác và những dịp khác mà không cần phải nhắc nhở thì ít gây ấn tượng hơn. Do đó, thí dụ, ký ức của Portelli về các biến cố tháng 11 năm 1996 được cho là không gần chính xác như ký ức của ông về hai ngày của tháng 12.

1076 Trong trả lời của mình, ông Walker đã đệ trình rằng ông Boyce đã tạo cho Portelli một sự bất công nghiêm trọng bằng cách đã tấn công bằng chứng của ông ta. Chắc chắn, ông Walker thừa nhận, trí nhớ của Portelli đã được nhắc nhở, tại nhiều thời điểm, bởi luật sư của cả hai bên dưới đây.

1077 Ông Walker đệ trình rằng không có gì tai họa về việc nhắc nhở như vậy. Việc đối chất thường phục vụ mục đích hoàn toàn hợp pháp đó. Hầu như không có gì đáng ngạc nhiên khi Portelli cần phải được nhắc nhở một số chi tiết về các biến cố, dù sao, cũng đã diễn ra hơn 20 năm về trước. Không biến cố nào trong số các biến cố đó có thể có bất cứ điều gì giống như tầm quan trọng đối với Portelli của việc Đức Tổng Giám Mục đã cử hành Thánh lễ trọng thể vào Chúa Nhật đầu tiên của mình sau khi được bổ nhiệm.

1078 Ông Walker đệ trình rằng sự kiện Portelli có thể không có ký ức chi tiết về một số trong những biến cố diễn ra vào tháng 11 năm 1996 một lần nữa là điều khó gây ngạc nhiên. Những vấn đề đó sẽ chỉ quan trọng rất ít đối với ông ta, nhất là để ý đến sự kiện, trong nhiều năm qua, ông ta từng tham dự hơn 100 Thánh lễ với đương đơn.

1079 Thật hợp lý khi nghĩ rằng Portelli sẽ nhớ việc đứng trên các bậc thềm của Nhà thờ Chính tòa sau Thánh lễ với Đức Tổng Giám Mục trong Thánh lễ trọng thể Chúa Nhật đầu tiên của ngài. Tháp tùng Đức Tổng Giám Mục tới cuộc 'gặp gỡ và chào hỏi' của ngài là một phần chính trong vai trò của Portelli. Cả việc không bao giờ để ngài một mình, trong Nhà thờ Chính Tòa, trong khi mặc áo lễ cũng thế.

1080 Ông Walker đã đệ trình rằng việc Portelli sử dụng thành ngữ chung, ‘có thể như thế’ (it would have been) hoặc "Tôi tin như vậy’, đặc biệt khi nói đến việc phác hoạ các vấn đề thực hành, cho thấy ông là một nhân chứng hoàn toàn đáng tin và đáng dựa vào. Không có gì để gợi ý rằng ông ta đã một cách ý thức hoặc tiềm thức tìm cách trợ giúp đương đơn trong việc bào chữa của ngài. Thật vậy, như đã nêu chi tiết trước đây, công tố đã đặc biệt bị thẩm phán xét xử ngăn cản đưa bất cứ đệ trình nào như vậy cho ông. Portelli đã trả lời những câu hỏi đặt ra cho ông về các vấn đề nghi lễ và thực hành bằng các lời lẽ thích hợp với hình thức chúng được hỏi.

1081 Ông Walker đã đệ trình rằng 'sự nhượng bộ' của Portelli đối với ông Gibson rằng 'có thể', đôi khi, đương đơn có thể đã ở trong phòng áo của các linh mục, mà không có Portelli ở đó với ông ta, chỉ đơn giản là một dấu chỉ sự kiện này: ông ta là một nhân chứng hoàn toàn đáng tin, làm hết sức mình để đưa ra bằng chứng xác thực. ‘Khả thể’ mà ông Portelli đã nói đến khi trả lời câu hỏi mà ông Gibson đặt ra tự nó được bổ nghĩa rất cao. Dù sao, nó khó là một loại ‘khả thể’, theo bất cứ cách hợp lý nào, có thể điều chỉnh trình thuật của người bị khiếu nại về các biến cố.

1082 Nói một cách đơn giản, ông Walker đệ trình rằng có mọi lý do để hai Thánh lễ Chúa Nhật đầu tiên của Đức Tổng Giám Mục, và Thánh lễ đầu tiên mà ngài chủ trì vào tháng 2 năm 1997, là các biến cố thực sự có ý nghĩa trong cuộc sống của Portelli. Chúng như được in sâu vào trí nhớ của ông.

1083 Ông Walker tóm tắt chủ trương của bên bào chữa liên quan đến Portelli như sau:

Nhưng điều quan yếu đối với các mục đích của chúng tôi không phải là những điều thực sự có thể, cả tại phiên tòa hoặc tại đây, để luật sư công tố nói những điều này, nói theo kiểu nói của ông bạn tôi, có thể được 'đặt sang một bên', loại bỏ, chúng không thể và chúng thực sự không nên và sẽ không hợp lý để bồi thẩm đoàn không coi ông ta như một nhân chứng, không bị gợi ý nói láo, không bị gợi ý không có ký ức; ông được mời làm điều mà mọi người chúng ta được mong đợi làm như khả năng tối đa của chúng ta về những vấn đề thường ngày được hỏi về khoảng 22 năm trước.
...

Và Đức ông Portelli xứng đáng hơn, xin nói với lòng tôn trọng, xứng đáng hơn so với cách bằng chứng của ông bị chỉ trích và coi thường về tầm quan trọng của nó đối với việc đánh giá độc lập của các Quan tòa đối với tư liệu dùng cho câu hỏi đầu tiên theo vụ M.

1084 Ông Walker nhắc nhở Tòa án này rằng Portelli đã không bị thách thức, trực tiếp hay gián tiếp, về ký ức của ông rằng, vào hai ngày trong tháng 12 năm 1996, ông đã đứng bên cạnh đương đơn, trong một thời gian kéo dài, tại các bậc thềm trước của Nhà thờ Chính tòa.

1085 Ông Boyce cũng chĩa một loạt những lời chỉ trích vào bằng chứng được McGlone đưa ra. Ông ta đệ trình rằng ngay cả khi McGlone được Tòa án này phát hiện là một nhân chứng đáng tin, thì điều ông ta bây giờ cho là mình nhớ dịp đầu tiên đương đơn đã cử hành Thánh lễ long trọng vào Chúa Nhật (chủ yếu dựa vào sự hiện diện của mẹ ông ta và tác phong gây bối rối ngày hôm đó ), vẫn sẽ chỉ cung cấp cho đương đơn một bằng chứng ngoại phạm cho ngày hôm đó. Nó sẽ không bao gồm cả hai ngày [265].

1086 Liên quan đến Potter, ông Boyce đệ trình rằng, theo thỏa thuận, cả hai bên đã đối xử với ông ta một cách nhẹ nhàng. Vì lý do tuổi tác, thẩm phán xét xử đã miễn trừ cho công tố việc phải tuân thủ bất cứ nghĩa vụ đặc thù Browne v Dunn nào liên quan đến Ông. Ông Boyce đệ trình rằng, trong những trường hợp này, bồi thẩm đoàn hoàn toàn có quyền hình thành bất cứ quan điểm nào mà họ cho là thích đáng đối với Potter. Tất nhiên, quan điểm ấy phải đúng. Tuy nhiên, do đó, đề xuất cho rằng các thành viên của Tòa án này có quyền hình thành quan điểm riêng của họ về Potter cũng như thế. Ông Boyce mời chúng tôi hoàn toàn để sang một bên bằng chứng của ông ta, như ông đã làm liên quan đến Portelli. Tôi bác bỏ đệ trình đó.

1087 Theo quan điểm của tôi, Portelli là một nhân chứng đáng tin và đáng dựa vào. Đối với tôi, ông ta rõ ràng đã cố gắng hết sức để nhớ lại các biến cố của nhiều năm trước đây, và đối với tôi, dường như ông ta đã đưa ra được cú phản công (đấm) rất tốt khi làm như vậy. Chỉ riêng bằng chứng của ông ta đã có thể đủ để tạo ra một sự nghi ngờ hợp lý về tội lỗi của đương đơn vì, nếu nó dù chỉ 'có thể một cách hợp lý' vừa đúng sự thực vừa chính xác, thì trình thuật của người khiếu nại phải là 'không thể', ngay cả trong ý nghĩa đầy đủ nhất của hạn từ đó.

1088 Dù lưu ý tới tuổi đời của Potter, và một vài điểm mất trí nhớ rõ ràng, tôi cũng coi ông ta như một nhân chứng trung thực, người đang làm hết sức mình để thẳng thắn với tòa án dưới thế. Tôi cũng coi ông ta như một nhân chứng mà bằng chứng nói chung có thể được chấp nhận là đáng dựa vào khi nói đến các vấn đề thực hành phụng vụ, và vai trò đã hàng thập niên của ông ta như Người coi phòng áo. Cũng như với Portelli, Potter sẽ có lý do tốt để nhớ lại lần đầu tiên đương đơn đã cử hành Thánh lễ trọng thể vào Chúa Nhật tại Nhà thờ Chính Tòa.

1089 Tôi thấy bằng chứng của McGlone, là đáng tin liên quan đến cuộc gặp gỡ mà ông mô tả giữa mẹ ông và Tổng Giám mục. Bằng chứng của ông ta liên quan đến tác phong của mẹ ông ta trong dịp đó có ‘tiếng vang của sự thật” (ring of truth) rất mạnh mẽ về điều đó.

1090 Bằng chứng của Finnigan, liên quan đến việc đương đơn đứng ở các bậc thềm của Nhà thờ Chính tòa sau Thánh lễ trọng thể vào Chúa Nhật, đặc biệt quan trọng. Người ta nhớ rằng ông rời chức vụ giám sát ca đoàn vào Lễ Giáng sinh năm 1996. Nếu, đến lúc đó, đương đơn đã khai triển thực hành đứng ở các bậc thềm phía trước, thì lý thuyết của công tố rằng thực hành 'gặp gỡ và chào hỏi' có thể chưa được khai triển cho đến năm 1997 đã bị chứng minh một cách thuyết phục là không thể đứng vững được.

1091 Nếu trong một khoảnh khắc, tôi có thể quay sang hồ sơ phỏng vấn đương đơn, tôi sẽ nói rằng tôi coi việc ông bác bỏ đã được thực hiện một cách mạnh mẽ và thuyết phục. Cũng cùng một sự xem xét tới điều tôi đã nói tới liên quan đến các nguy hiểm của việc dành quá nhiều tầm quan trọng cho các vấn đề về thái độ ứng xử, đối với tôi, dường như đương đơn bị sốc và tức giận vì bản chất của các cáo buộc được nói cho ông, như tôi hiểu nó, lần đầu tiên trong chi tiết.

1092 Ở một mức độ hạn chế, tôi cũng tính đến lời bác bỏ của cậu bé kia với mẹ mình rằng ông ta đã từng bị lạm dụng tình dục khi còn là thành viên của ca đoàn. Xem xét tới sự miễn cưỡng dễ hiểu của nhiều nạn nhân bị lạm dụng tình dục trong việc phàn nàn với người khác, việc cậu bé kia bác bỏ việc mình bị lạm dụng như thế có thể được cho là đã đi một bước xa hơn việc không có bất cứ khiếu nại nào. Việc bác bỏ đó là một vấn đề cần được xem xét, kết hợp với phần còn lại của toàn bộ bằng chứng, khi quyết định liệu nó có rõ ràng một cách hợp lý để bồi thẩm đoàn được thuyết phục ngoài sự nghi ngờ hợp lý hay không.

1093 Xử lý sau đó với lý thuyết 'người điên', điều rõ ràng là một số kẻ phạm tội tình dục phạm các tội ác của họ theo cách có thể được mô tả đúng là gần như 'nghẹt thở trong tính trơ trẽn của nó'. Người ta từng biết các thầy giáo đã quấy rối tình dục học sinh trong lớp và ngay cả trong khi có mặt của các học sinh khác.

1094 Theo kinh nghiệm của Tòa án này, điều không hề bất thường khi khi đưa ra một đệ trình cho rằng một bản án phải bị bác bỏ như là không hợp lý vì hành vi bị cáo buộc đầy rẫy nguy hiểm đến mức có thể không có thực (improbable) một cách cao độ. Một lập luận chỉ ẩn dưới những hạn từ này, và không có gì hơn, hiếm khi thành công.

1095 Mặc dù vậy, trình thuật của người khiếu nại về biến cố thứ hai, đối với tôi, dường như đã đưa sự trơ trẽn lên một tầm cao mới, một loại mà tôi chưa từng được thấy. Việc sử dụng thuật ngữ ‘điên rồ’ có thể là một kiểu nói bay bướm hùng biện. Nó có thể vô cảm và không thích đáng, mặc dù tòa án hình sự không phải là nơi làm héo úa các bông hoa tím.

1096 Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng bất cứ công tố viên nào cũng sẽ cảnh giác với việc buộc tội thuộc loại nghiêm trọng như thế này chống lại bất cứ ai, dựa trên ý niệm đáng ngờ (implausible) rằng một vụ tấn công tình dục kiểu này xảy ra ở nơi công cộng, và trước sự chứng kiến của nhiều người có tiềm năng làm nhân chứng. Nếu biến cố xảy ra theo cách người khiếu nại cáo buộc, đối với tôi, dường như rất khó có khả năng là không ai trong số nhiều người có mặt nhìn thấy những gì đang xảy ra, hoặc báo cáo theo cách nào đó.

1097 Nếu, theo tôi nghĩ, không rõ ràng để bồi thẩm đoàn được thuyết phục, vượt quá sự nghi ngờ hợp lý, về tội lỗi của đương đơn liên quan đến biến cố thứ hai, thì đó là một nhân tố, thông thường, được dự kiến sẽ tác động đáng kể đến tính khả tín của người khiếu nại nói chung [266]. Nói cách khác, một nghi ngờ về vấn đề đó thường sẽ tạo ra sự nghi ngờ thực sự đối với tính đáng tin và đáng dựa vào của người khiếu nại liên quan đến biến cố đầu tiên.

1098 Tuy nhiên, tôi nhận rằng các điều 44F và 44G của JDA (đã bãi bỏ quy tắc được đặt ra ở New South Wales trong vụ R v Markuleski [267]) phải được ghi nhớ khi đánh giá việc Tòa án này, theo điều 4A của Đạo luật đó, đã lý luận ra sao liên quan đến vấn đề đó. Thành thử, tôi buộc phải tránh coi tính có thể không đúng sự thực (improbability) trong trình thuật của người khiếu nại liên quan đến biến cố thứ hai như có nghĩa là cùng một nghi ngờ mà tôi đã có liên quan đến vấn đề đó nhất thiết phải được áp dụng vào trình thuật của ông ta về biến cố đầu tiên. Điều đó có thể trái với lương tri (counterintuitive) ở một số khía cạnh, nhưng đó là điều, theo tôi, pháp luật dường như đòi hỏi, và nhất quán với hướng trong đó các lời buộc tội phát sinh từ biến cố đầu tiên không được chấp nhận qua lại (cross-admissible) với lời buộc tội phát sinh từ biến cố thứ hai.

1099 Xin nói rõ, như tôi đã chỉ ra trước đây, tôi thấy không có gì nội tại là có thể không đúng sự thật trong cáo buộc rằng một giáo sĩ cao cấp, bất kể thuộc giáo phái nào, lạm dụng tình dục một đứa trẻ. Những phát hiện của Ủy ban Hoàng gia về các Đáp ứng Định chế đối với việc Lạm dụng Tình dục Trẻ em nói lên một bản cáo trạng gây sững sờ về nạn giáo sĩ lạm dụng ở đất nước này.

1100 Tuy nhiên, phải nhớ rằng các cáo buộc của người khiếu nại trong trường hợp này không thể, và không nên, được xem một cách tách biệt với việc mô tả chi tiết của ông ta về các hoàn cảnh trong đó việc vi phạm như thế được cho là đã xảy ra. Không thể nói một cách hợp pháp rằng bất kể trình thuật của người khiếu nại có thể không đúng sự thật bao nhiêu, ít nhất liên quan đến các vấn đề chi tiết, và bất kể bộ bằng chứng gỡ tội đưa ra tại phiên xử xem ra có sức thuyết phục thế nào, thái độ ứng xử của người khiếu nại khi đối đầu với cuộc đối chất kéo dài hẳn cũng luôn phỗng tay trên (trump) các nhân tố thuộc loại đó.

1101 Trong vụ án hiện tại, cũng như trong rất nhiều vụ khác liên quan đến hành vi xâm phạm tình dục đã lâu năm, ma quỷ có ở trong chi tiết. Sẽ sai lầm khi nói rằng mặc dù người khiếu nại có thể đã nhầm lẫn về một số vấn đề xung quanh việc vi phạm các hành vi bị cáo buộc là phạm tội này (như hiển nhiên ông ta sai lầm), bồi thẩm đoàn, hành động hợp lý, có thể đơn giản đặt tất cả những điều đó sang một bên, và gạt bỏ những sai lầm của ông ta như không là gì hơn là những vấn đề ở ngoại vi. Đôi khi một cách tiếp cận loại đó có thể được biện minh. Tuy nhiên, điều đó không miễn trừ Tòa án này khỏi nhiệm vụ thực hiện một cuộc đánh giá đầy đủ và đúng đắn về toàn bộ bằng chứng, bao gồm các vấn đề chi tiết. Dù sao, thường chỉ các chi tiết của một hành vi bị cáo buộc là phạm tội có thể là đối tượng của một cuợc đối chất hữu hiệu. Một lời kết án có tội trong những hoàn cảnh trong đó những vấn đề này không thể được thăm dò, hoặc khám phá, đúng đắn, sẽ là và nên là một một vấn đề đáng quan tâm.

1102 Các vụ án như Palmer (và ở mức độ thấp hơn, có lẽ, cả SKA), cho thấy rõ ràng rằng như một phần của việc 'đánh giá độc lập' toàn diện, phải được đảm nhiệm bởi một tòa án phúc thẩm trung gian, giá trị chứng minh của bằng chứng do người khiếu nại đưa ra phải được cân bằng với sự thuyết phục của bất cứ bằng chứng nào hỗ trợ cho lý lẽ của bên bào chữa, hoặc ít nhất tạo một nghi ngờ đối với lý lẽ của công tố.

1103 Điều quan trọng cần lưu ý là trong cả vụ Palmer lẫn vụ SKA, bằng chứng của người khiếu nại đã được mô tả là ‘đáng tin’. Thật vậy, nó thực sự được hỗ trợ bởi bằng chứng độc lập (hoặc nói theo thuật ngữ cũ, nó đã được chứng thực[corroborated]). Tuy nhiên, khi phải đối đầu với bằng chứng gỡ tội rằng ‘xem ra thuyết phục’, bất chấp sự kiện, tự nó, nó không có tính giải quyết dứt khoát (dispositive), sự đáng tin trong trình thuật của người khiếu nại đã không đủ để duy trì lời kết án trong vụ Palmer, và cuối cùng có thể được chứng minh như vậy, cả trong vụ SKA nữa.

1104 Điều tương tự cũng đúng với vụ án này, mặc dù chắc chắn tôi sẽ không cho rằng bằng chứng của người khiếu nại là bất cứ điều gì giống như có sức thuyết phục so với những người khiếu nại trong vụ Palmer và vụ SKA. Không giống như bằng chứng của những người khiếu nại trong các vụ án đó, bằng chứng của người khiếu nại trong vụ án này không được chứng thực (nếu sử dụng thuật ngữ cũ), thậm chí không được hỗ trợ một cách độc lập. Hơn nữa, công tố trong vụ án này phải đối đầu với một lý lẽ mạnh mẽ của bên bào chữa hơn nhiều so với việc họ đã phải đói đầu trong cả hai phán quyết đó của Tòa án Tối cao.

1105 Công tố đã phải chứng minh tội lỗi của đương đơn quá sự nghi ngờ hợp lý. Bên bào chữa không phải chứng minh gì cả. Tuy nhiên, họ đã chỉ rõ cả một bộ bằng chứng đáng kể rằng, theo họ đệ trình, ít nhất ‘khả thể hợp lý’ cũng đã rõ ràng để các cáo buộc của người khiếu nại không đạt được tiêu chuẩn về bằng chứng cần thiết để kết tội [268]. Theo quan điểm của tôi, đệ trình của ông Walker rằng bên bào chữa đã thành công trong việc làm tốt đề xuất đó nên được chấp nhận.

1106 Trong vụ Chamberlain (số 2) [269], Deane J, người không đồng ý với kháng cáo (nhưng là người, có thể cần được ghi nhận, cuối cùng, mặc dù vì những lý do khác, đã được chứng minh là đúng). Quan tòa nhận xét rằng ‘nguyên cớ liên tiếp chấp nhận phiên xử bởi bồi thẩm đoàn’ không có xác suất hữu dụng bằng cách coi lời kết án có tội của bồi thẩm đoàn là không thể thách thức hoặc không thể kiểm tra được. Làm như thế có thể 'lấy hết nhựa và làm suy yếu thể chế xét xử bằng bồi thẩm đoàn', và phải chịu bị coi là 'công cụ có tiềm năng gây bất công cố thủ'. Như Quan tòa đã nói, nếu bằng chứng đưa ra chống lại bị cáo không xác lập được tội lỗi vượt quá sự nghi ngờ hợp lý, thì có một sự hoài thai công lý nếu người đó bị xét xử là có tội dựa trên bằng chứng đó.

1107 Chánh án Deane nói thêm rằng điều này không y hệt như việc nói rằng người thành công trên cơ sở này đã bị kết tội khi thực tế ông ta vô tội. Nó không có nghĩa gì hơn là người đó đã không bị chứng minh là có tội theo tiêu chuẩn đòi hỏi bởi một nguyên tắc căn bản của việc quản trị công lý hình sự.

1108 Quan tòa tiếp tục bằng cách lưu ý rằng khi phiên xử là bởi bồi thẩm đoàn, và có bằng chứng có khả năng hợp lý được coi như xác lập tội lỗi vượt quá sự nghi ngờ hợp lý, câu hỏi liệu nó có luôn luôn làm như thế hay không là một câu hỏi dành cho bồi thẩm đoàn. Tuy nhiên, câu hỏi được tòa phúc thẩm xem xét là liệu, ngay cả khi có bằng chứng như vậy, việc bồi thẩm đoàn phát hiện ra tội lỗi phải đứng vững mặc dù tòa án phúc thẩm đã được thuyết phục rằng, dựa trên sự đánh giá chứng cứ của mình trước bồi thẩm đoàn, và mặc dù bồi thẩm đoàn kết án là có tội, vẫn còn một nghi ngờ thực sự về tội lỗi của bị cáo.

1109 Chánh án Deane nói rằng ông thấy câu hỏi liệu bằng chứng không thành công trong việc xác lập ngoài sự nghi ngờ hợp lý rằng bà Chamberlain đã giết con gái của mình là một câu hỏi khó khăn. Ông thừa nhận rằng bằng chứng gián tiếp chống lại bà ta có vẻ mạnh mẽ. Ông nói rằng có rất nhiều điều về câu chuyện của ban bào chữa nói về con dingo đã làm ông sững sờ như là ‘cường điệu’ (far-fetched).

1110 Đồng thời, Quan tòa nói rằng lý lẽ của công tố chống lại bà Chamberlain không toàn diện mà bản thân nó cũng không vững vàng. Phần lớn bằng chứng được đưa ra tại phiên tòa là bằng chứng của các chuyên gia mâu thuẫn nhau, và bằng chứng suy diễn từ các sự kiện đã được xác lập. Ông kết luận rằng, cố gắng hết sức, cuối cùng ông tiến tới một quan điểm vững chắc rằng, bất chấp phán quyết có tội của bồi thẩm đoàn, bằng chứng đã không xác lập được tội lỗi của bà Chamberlain, quá sự nghi ngờ hợp lý.

1111 Tôi thấy mình ở trong một chủ trương khá giống với chủ trương đối đầu bởi Dean J. Nói theo ngôn ngữ của Quan tòa, tôi nghĩ, có một ‘khả thể đáng kể’ là đương đơn trong trường hợp này có thể không phạm các tội ác này. Điều này có nghĩa là, theo ý kiến đầy tôn trọng của tôi, các bản án này không thể được phép đứng vững. Trật tự duy nhất có thể được thực hiện một cách thích đáng là đương đơn được trắng án ở từng cáo buộc.

1112 Tất nhiên, quan điểm của tôi là quan điểm thiểu số liên quan đến Cơ sở 1. Tôi bối rối bởi sự kiện này là tôi thấy mình bị buộc phải khác với hai đồng nghiệp của mình, những người mà các ý kiến tôi luôn tôn trọng rất nhiều. Điều đó đã khiến tôi phải suy nghĩ kỹ hơn nữa về kết quả thích đáng của đơn này. Tuy nhiên, sau khi đã làm như vậy, tôi không thể, theo lương tâm tốt, làm gì khác hơn là duy trì sự bất đồng quan điểm của mình.

Kỳ tới: Kết luận về kháng cáo dựa trên cơ sở 2 và 3
 
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ tấn phong Giám Mục ngày 4/10/2019
J.B. Đặng Minh An dịch
23:20 04/10/2019
Lúc 5 giờ chiều ngày thứ Sáu 4 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô, để truyền chức Giám Mục cho các vị sau:

Đức ông Michael Czerny, linh mục Dòng Tên, tổng thư ký phân bộ di cư và tị nạn của Bộ Phục Vụ Phát Triển Con Người Toàn Diện, sinh ngày 18 tháng 7 năm 1946 tại Brno (Cộng hòa Séc), thụ phong linh mục vào ngày 9 tháng 6 năm 1973, được tấn phong Tổng giám mục hiệu tòa Benevento.

Đức ông Paolo Borgia, linh mục của Tổng giáo phận Manfredonia-Vieste-San Giovanni Rotondo (Ý), sinh ngày 18 tháng 3 năm 1966 tại Manfredonia (Ý), được phong chức linh mục vào ngày 10 tháng 4 năm 1999, được bổ nhiệm Sứ Thần Tòa Thánh vào ngày 3 tháng 9 năm 2019 và được tấn phong Tổng Giám Mục Hiệu Tòa Milazzo trong thánh lễ này.

Đức Ông Antoine Camilleri, linh mục của Tổng giáo phận Malta (Malta), sinh ngày 20 tháng 8 năm 1965 tại Sliema (Malta), thụ phong linh mục vào ngày 5 tháng 7 năm 1991, được bổ nhiệm Sứ Thần Tòa Thánh vào ngày 3 tháng 9 năm 2019 và được tấn phong Tổng Giám Mục Hiệu Tòa Skalholt trong thánh lễ này.

Đức Ông Paolo Rudelli, linh mục của Giáo phận Bergamo (Ý), sinh ngày 16 tháng 7 năm 1970 tại Gazzaniga (Ý), thụ phong linh mục vào ngày 10 tháng 6 năm 1995, được bổ nhiệm làm Sứ Thần Tòa Thánh vào ngày 3 tháng 9 năm 2019 và được tấn phong Tổng Giám Mục Hiệu Tòa Mesembria trong thánh lễ này.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Thưa các anh em và các con,

Chúng ta hãy suy nghĩ một chút về trách nhiệm cao cả đối với Giáo Hội mà những anh em của chúng ta nhận lãnh qua việc được tấn phong này. Chúa Giêsu Kitô của chúng ta được Chúa Cha sai đến để cứu chuộc loài người, đến lượt Ngài, đã sai Mười hai Tông đồ đến với thế giới để, với đầy đủ quyền năng từ Chúa Thánh Thần, các ngài loan báo Tin Mừng cho muôn dân, tập hợp loài người dưới một mục tử duy nhất, để thánh hóa họ và dẫn họ đến ơn cứu rỗi.

Để duy trì chức vụ này từ thế hệ này sang thế hệ khác, các cộng tác viên đã được thêm vào nhóm Mười Hai, và qua việc đặt tay, các ngài được truyền lại ân sủng của Thánh Linh nhận được từ Chúa Kitô, ban cho các ngài sự trọn vẹn trong Bí tích Truyền chức. Do đó, qua sự kế thừa không ngừng của các Giám mục trong Truyền thống sống động của Giáo Hội, thừa tác vụ chính yếu này đã được bảo tồn và công việc của Đấng Cứu Độ được tiếp tục và phát triển cho đến thời đại chúng ta. Nơi vị Giám mục, được bao quanh bởi các linh mục của ngài, có sự hiện diện giữa họ của chính Chúa, Đấng là Thầy Cả Thượng Phẩm đời đời.

Thật vậy, chính Chúa Kitô, qua thừa tác vụ Giám mục, tiếp tục rao giảng Tin Mừng cứu độ và thánh hóa các tín hữu, qua các Bí tích đức tin. Chính Chúa Kitô, trong tình phụ tử của thừa tác vụ Giám mục, gia tăng các thành viên mới trong Thân thể của Ngài, là Giáo Hội. Chính Chúa Kitô, trong sự khôn ngoan và thận trọng của Đức Giám Mục, hướng dẫn dân Chúa trong cuộc lữ hành trần thế đến hạnh phúc vĩnh cửu.

Vì vậy, với niềm vui và lòng biết ơn, chúng ta hãy chào mừng những anh em này, những người qua việc đặt tay của chúng ta, ngày hôm nay sẽ được liên kết với Giám Mục Đoàn.

Đối với anh em thân yêu, những người đã được Chúa chọn, hãy suy tư về việc anh em đã được chọn giữa những người nam; anh em đã được tác thành không phải cho bản thân mình, nhưng cho những gì thuộc về Thiên Chúa. “Giám Mục” trên thực tế là danh xưng của một sứ vụ, chứ không phải là một vinh dự, bởi vì các Giám Mục là những người phục vụ chứ không phải những người thống trị, phù hợp với điều răn của Thầy Chí Thánh: “ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ” (Lc 22:26)

Công bố Lời Chúa trong mọi dịp, bất kể thuận tiện hay không. Hãy công bố Lời chân thật, chứ không phải những bài diễn văn tẻ nhạt không ai hiểu được. Hãy công bố Lời Chúa. Hãy nhớ rằng, như Thánh Phêrô đã nói trong sách Tông đồ Công vụ, hai nhiệm vụ chính của Giám mục là cầu nguyện và công bố Lời Chúa (x Cv 6: 4) sau đó là tất cả các nhiệm vụ cai quản khác. Tuy nhiên, hai điều này là trụ cột. Nhờ cầu nguyện và dâng lễ Hy sinh cho dân được ủy thác cho anh em, anh em kín múc từ sự thánh thiện viên mãn của Chúa Kitô các ân sủng thiêng liêng đa dạng.

Trong Giáo Hội được ủy thác cho anh em, anh em hãy là những người giám hộ trung thành và là những người phân phát những mầu nhiệm của Chúa Kitô. Được Chúa Cha đặt lên hàng thủ lãnh trong gia đình của Ngài, anh em hãy luôn theo gương của vị Mục tử nhân lành, Đấng biết các chiên của Ngài và các chiên Ngài biết Ngài và vì họ, Ngài đã không ngần ngại hiến mạng sống mình. Hãy gần gũi với dân của anh em. Ba cách gần gũi của vị Giám mục là: gần gũi với Chúa trong lời cầu nguyện - đây là nhiệm vụ đầu tiên; gần gũi với các linh mục trong linh mục đoàn; và gần gũi với mọi người. Đừng quên rằng anh em đã được chọn, được kêu gọi từ đàn chiên. Đừng quên gốc rễ của anh em, đừng quên những người đã truyền lại đức tin cho anh em, những người đã ban cho anh em bản sắc của mình. Anh em đừng từ bỏ dân Chúa.

Hãy yêu với tình yêu của một người cha và của một người anh em với tất cả những người mà Chúa giao phó cho anh em. Trước hết, là các linh mục và phó tế, là những cộng tác viên của anh em trong sứ vụ; yêu mến người nghèo, những người không được bảo vệ và tất cả những người cần đến sự hiếu khách và giúp đỡ của anh em. Hãy khích lệ các tín hữu hợp tác trong công việc tông đồ và sẵn lòng lắng nghe họ.

Anh em cũng hãy chú ý tâm đối với tất cả những người không thuộc về đàn chiên của Chúa Kitô, bởi vì họ cũng đã được giao phó cho anh em trong Chúa. Hãy nhớ rằng trong Giáo Hội Công Giáo, được quy tụ trong mối giây bác ái, anh em hợp nhất với Giám mục đoàn - đây là sự gần gũi thứ tư - và anh em phải nghĩ đến những người cô đơn trong Giáo Hội, và quảng đại giúp đỡ những người đang quẫn bách. Anh em hãy bảo vệ ân sủng mà anh em sẽ nhận được ngày hôm nay qua việc đặt tay của tất cả các Giám mục chúng tôi.

Anh em hãy trìu mến nhìn đến toàn bộ đàn chiên mà Chúa Thánh Thần đặt để anh em cai quản trong Giáo Hội của Chúa. Hãy gìn giữ Danh Thánh Cha, Đấng hiện diện qua hình ảnh của anh em. Hãy gìn giữ Danh Chúa Giêsu Kitô, Con Ngài, Đấng mà nhờ Người anh em trở thành thầy dạy, linh mục và mục tử; và Danh Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống cho Giáo Hội và nâng đỡ sự yếu đuối của chúng ta bằng quyền năng của Ngài.


Source: Libreria Editrice Vaticana
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Phỏng vấn Đức Tổng Giuse Vũ Văn Thiên trước thềm Đại hội XIV - Hội đồng Giám mục Việt Nam
Giáo phận Hải Phòng
05:47 04/10/2019

 
Bản tin HĐGM Việt Nam trước ngày khai mạc Đại hội XIV tại TTMV Gp Hải Phòng
Giáo phận Hải Phòng
05:49 04/10/2019

 
HĐGMVN: Nhân sự Ban Thường vụ và các Ủy ban nhiệm kỳ 2019 - 2022
HĐGMVN
09:07 04/10/2019
HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM - ĐẠI HỘI LẦN THỨ XIV
BIÊN BẢN


Hội Đồng Giám Mục Việt Nam họp Đại hội lần thứ XIV từ thứ Hai ngày 30/9/2019 đến thứ Sáu ngày 04/10/2019, tại Trung tâm Mục vụ giáo phận Hải Phòng, với sự tham dự đông đủ các giám mục của 27 giáo phận.

Hội Đồng Giám Mục hân hoan chào đón Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski, Đại diện Đức Thánh Cha tại Việt Nam; đồng thời lắng nghe Đức Tổng Giám Mục trình bày Tự Sắc “Các con là ánh sáng thế gian” (Vos estis lux mundi) của Đức Thánh Cha Phanxicô, cũng như thông tin về mối quan hệ song phương giữa Tòa Thánh và Nhà nước Việt Nam, và những thông tin khác.

Đại hội chúc mừng Đức cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh, tân giám mục chính tòa giáo phận Đà Lạt; đồng thời tri ân Đức cha Antôn Vũ Huy Chương, thành viên của Hội Đồng Giám Mục mới được Tòa Thánh chấp nhận đơn từ chức.

Trong dịp Đại hội lần này, Hội Đồng Giám Mục đã thực hiện những việc sau đây:

1. Bầu Ban Thường vụ và Chủ tịch các Ủy ban trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhiệm kỳ 2019 - 2022.

Ban Thường vụ gồm có:

Chủ tịch: Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh
Phó Chủ tịch: Đức cha Giuse Nguyễn Năng
Tổng thư ký: Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Phó Tổng thư ký: Đức Tổng Giám Mục Giuse Vũ Văn Thiên

Các Ủy ban trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gồm có:

1/ Ủy ban Giáo lý Đức tin: Chủ tịch: Đức cha Gioan Đỗ Văn Ngân
2/ Ủy ban Kinh Thánh: Chủ tịch: Đức cha Vinhsơn Nguyễn Văn Bản
3/ Ủy ban Phụng tự: Chủ tịch: Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn
4/ Ủy ban Nghệ thuật thánh: Chủ tịch: Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi
5/ Ủy ban Thánh nhạc: Chủ tịch: Đức cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị
6/ Ủy ban Loan báo Tin Mừng: Chủ tịch: Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long
7/ Ủy ban Giáo sĩ - Chủng sinh: Chủ tịch: Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng:
8/ Ủy ban Tu sĩ: Chủ tịch: Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt
9/ Ủy ban Giáo dân: Chủ tịch: Đức cha Giuse Trần Văn Toản
10/ Ủy ban Truyền thông xã hội: Chủ tịch: Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước
11/ Ủy ban Giáo dục Công Giáo: Chủ tịch: Đức cha Phêrô Huỳnh Văn Hai
12/ Ủy ban Mục vụ Giới trẻ - Thiếu nhi: Chủ tịch: Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên
13/ Ủy ban Văn hóa: Chủ tịch: Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân14/ Ủy ban Công lý - Hòa bình
Chủ tịch: Đức cha Giuse Nguyễn Đức Cường
15/ Ủy ban Mục vụ Gia đình: Chủ tịch: Đức cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh
16/ Ủy ban Bác ái Xã hội - Caritas: Chủ tịch: Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu
17/ Ủy ban Mục vụ Di dân: Chủ tịch: Đức cha Luy Nguyễn Anh Tuấn
18/ Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên đặc trách Đối thoại liên tôn và đại kết.

2. Soạn thảo và công bố Thư Chung gửi cộng đồng dân Chúa về định hướng mục vụ trong ba năm tới (2020-2022).

3. Quyết định Học viện Công Giáo Việt Nam trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và vị Viện trưởng của Học viện do Hội Đồng Giám Mục bổ nhiệm.

4. Thảo luận việc tổ chức kỷ niệm 60 năm thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam (1960 – 2020) và việc khánh thành Vương cung Thánh đường Đức Mẹ La Vang dự kiến vào năm 2020.

5. Chấp thuận cho thử nghiệm ba năm văn kiện “Hướng dẫn việc tôn kính tổ tiên” của Ủy ban Văn hóa.

6. Phê chuẩn bản dịch tiếng K’Ho Sách Các Bài Đọc Thánh lễ Chúa Nhật (Mùa Thường niên) và ba Thánh lễ trọng (Lễ Chúa Ba Ngôi, Lễ Mình Máu Thánh và lễ Thánh Tâm).

7. Trao đổi về việc sáp nhập giáo phận Vinh và giáo phận Hà Tĩnh vào giáo tỉnh Huế.

8. Bàn thảo về tiến trình xin phong thánh cho Đức cha Lambert de la Motte, Đức cha François Pallu, Đức cha Jean Cassaigne cùng với các đấng tử đạo Việt Nam trong hồ sơ của Tòa thánh.

9. Lắng nghe các giáo phận và các Ủy ban trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chia sẻ:

- Ủy ban Giáo sĩ - Chủng sinh trình bày về Hội nghị các Đại Chủng viện Việt Nam;
- Ủy ban Giáo dục Công Giáo trình bày về sinh hoạt của Học viện Công Giáo;
- Ủy ban Loan báo Tin Mừng trình bày hoạt động truyền giáo và việc thành lập các Hội Giáo hoàng truyền giáo tại Việt Nam;
- Ủy ban Mục vụ Di dân xin tiếp tục thử nghiệm văn kiện “Hướng dẫn Mục vụ Di dân” đến năm 2022;
- Ủy Ban Phụng tự thông báo việc in Sách Lễ Rôma và Sách Các Bài Đọc.
- Ủy ban Tu sĩ trình bày việc nghiên cứu “Quy chế hoạt động của các dòng tu”.

Hội Đồng Giám Mục ấn định Hội nghị thường niên kỳ I/2020 sẽ được tổ chức từ ngày 20 đến 24/4/2020.

Đại hội bế mạc trong niềm vui cùng với giáo phận Hải Phòng mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi, Quan Thầy giáo phận, và Khánh thành Trung Tâm Mục Vụ của giáo phận vào sáng thứ Sáu ngày 04/10/2019.

Trung Tâm Mục Vụ giáo phận Hải Phòng, ngày 04/10/2019

Tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
Đã ký
+ Phêrô Nguyễn Văn Khảm


(Nguồn: hdgmvietnam.com)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Thánh Phanxicô Assisi: Người Anh Em Hèn Mọn
Đinh Văn Tiến Hùng
19:48 04/10/2019
Thánh Phanxicô Assisi: Người Anh Em Hèn Mọn

Lễ kính 4/10/19

Theo truyền thuyết, một người lạ đến nhà bảo bà Pica hãy tới một chuồng bò để hạ sinh đứa trẻ tại đó. Là người giàu có sang trọng, bà giật mình vì ý kiến đó. Nhưng sau nhớ lại chính Chúa Ki-tô cũng đã sinh ra nơi chuồng bò, đồng thời có sức nhiệm mầu thúc đấy, nên bà đã thực hiện như lời đề nghị của người lạ. Đó là năm 1182, Phanxicô thành Assisi cất tiếng khóc chào đời tại chuồng bò, cũng như Con Thiên Chúa đã giáng sinh trong máng cỏ nơi hang đá Belem.

Phanxicô lớn lên giữa giàu sang và yêu đời. Ba má rất hài lòng khi thấy chàng ở giữa những cuộc vui chơi vô tội. Chàng rất thích hình ảnh một hiệp sĩ lực lưỡng với khí giới và áo giáp bóng loáng. Do đó, khi được mời tham gia cuộc chiến giữa người Assisi và Perugia, chàng mừng quýnh. Nhưng chẳng may khi giáp trận, bên Assisi bị thua và chàng bị bắt làm tù binh. Khi Phanxicô trong tù, chàng chiêm bao và tiếng nói vô hình cho biết một ngày kia chàng sẽ nổi danh và được yêu mến trên khắp thế giới. Vịn vào giấc chiêm bao đó, Phanxicô nghĩ mình sẽ trở thành chiến sĩ anh hùng. Sau khi được trả tự do, chàng vẫn còn tin tưởng mình sẽ thành một tướng lãnh tài ba. Nên khi cuộc nổi dậy chống đế quốc Đức xâm lăng Ý, chàng liền xin nhập ngũ. Nhưng chỉ sau 1 ngày theo đoàn kỵ binh lên đường, bệnh cũ tái phát. Tiếng nói vô hình lại đến với chàng trong giấc mơ và còn cho hay chàng đã hiểu lầm giấc chiêm bao trước kia, vì chàng đang phục vụ như người đầy tớ chứ không phải ông chủ. Tiếng nói thúc giục chàng trở về chờ đợi đại cuộc sẽ được trao phó. Về nhà, bạn bè cười nhạo chàng vì nói nhiều cũng không làm được việc gì. Phanxicô chỉ cười và cuộc sống chàng bắt đầu thay đổi.

Vốn là người quảng đại, chàng thường mau lẹ giúp đỡ người nghèo khổ. Nhưng lúc này chàng nhận thức được rằng bằng đó cũng chưa đủ và phải làm gì hơn nữa. Chàng cảm thấy phải trao ban chính mình, thời
giờ và sức khỏe, vì chiếm hữu của cải là sự phiền toái. Nên chàng bán mọi thứ mình có rồi phát tiền cho người nghèo khó bệnh hoạn .
Phanxicô hay đến cầu nguyện trước tượng Chúa Chuộc Tội tại nhà thờ thánh Đamiêng, một ngôi nhà thờ cũ nát.
Một hôm, tượng Chuộc Tội từ trên Thánh Giá nói với chàng :
- Phanxicô ơi ! Nhà Cha đang đổ xuống, con hãy xây dựng lại !
Sung sướng vì Chúa phán dạy, chàng trao số tiền còn lại cho cha sở trước sự ngỡ ngàng của ngài. Sau đó, chàng về lấy vải của tiệm cha mang bán. Cha chàng bắt gặp và ông nổi giận vì hành động điên rồ của chàng và từ bỏ chàng.

Phanxicô một thanh niên quí phái giàu có, lúc này trở thành vô gia cư, quần áo rách rưới, đi xin ăn từ nhà này sang nhà khác. Nhưng chưa khi nào chàng cảm thấy hạnh phúc như lúc này, vì tràn ngập tình yêu Chúa và tình yêu thương đồng loại. Chàng yêu cả chim muông, dã thú, cây cối và hoa cỏ đồng nội, yêu gió mưa và yêu ánh sáng vầng dương. Vì tất cả là tạo vật của Thiên Chúa và phô bày sự tốt lành của Ngài. Chàng càng chăm chỉ tận tụy làm việc quên mình để phục vụ tha nhân.

Sau khi hoàn tất việc sửa sang nhà thờ thánh Đamiêng, Phanxicô khởi công tu bổ nhà nguyện thánh Phêrô. Sau đó chàng lại thấy nhà thờ Đức Bà Thiên Thần bị bỏ hoang, chàng tự tay kéo đá trộn hồ sửa sang lại. Khi Thánh lễ đầu tiên dâng trong nhà thờ Đức Bà mới trùng tu, tiếng nói vô hình lại đến với chàng. Lần này lệnh truyền cho chàng hãy đi rao giảng khắp miền thôn quê.

Khi Phanxicô bắt đầu giảng cho dân chúng vùng Assisi người ta nhạo cười chàng. Vì tò mò họ đổ xô ra xem chàng như một người điên, nhưng sau đó họ cảm động với lời chàng, rồi không lâu sau có một số người xin làm môn đệ.
Họ dựng chòi quanh nhà thờ Đức Bà. Hàng ngày họ chia nhau đi làm từng nhóm : làm vườn, đi đổi hàng, đi quyên góp, nhóm rao giảng và dạy dân chúng. Cộng đoàn ngày càng lớn mạnh. Phanxicô viết bản luật dòng thật ngắn gọn để hướng dẫn cuộc sống anh em trong cộng đoàn mà chàng đặt tên là ‘Anh Em Hèn Mọn’

Nhiều lần Thiên Chúa đã làm phép lạ để chứng tỏ Ngài yêu Phanxicô chừng nào. Như lần kia, Phanxicô đang giảng cho dân chúng, thì đàn chim đậu trên các cây gần đó kêu inh ỏi, át cả lời giảng, Ngài hướng về đàn chim xin các ‘chị’ đừng làm ồn để mọi người nghe giảng Lời Chúa. Lập tức đàn chim im tiếng. Chờ đến khi Ngài giảng xong bày chim sà xuống chung quanh, đậu trên vai và cánh tay Ngài. Rồi Ngài giảng cho chúng nghe về tình yêu bao la Thiên Chúa đối với các tạo vật.

Hội dòng Anh Em Hèn Mọn ngày một phát triển, lan rộng và càng đông người xin gia nhập. Các tu sĩ được cử đi truyền giáo tận Phi Châu, Á Châu, nhiều người được diễm phúc tử vì đạo. Phanxicô không chỉ tu bổ những nhà thờ gạch đá, nhưng Ngài tu sửa và xây dựng chính Giáo Hội sau những ngày hoang tàn đổ nát.

Năm 1224, Chúa in 5 Dấu Thánh vào tay chân và cạnh sườn Phanxicô. Hai năm sau Ngài lâm bệnh và bị mù cả hai mắt. Trước giờ chết Ngài khuyên anh em trong hội dòng giữ vững tinh thần Nghèo Khó. Ngài xin anh em để mình nằm chết trên đất, xác phủ bằng chiếc áo dòng cũ, rồi trút hơi thở cuối cùng ngày 4/10/1226.
Chỉ hai năm sau Ngài được phong Hiển Thánh.

Sau đây xin trích dẫn 2 bài ca nổi tiếng nhất của Thánh Phanxicô Assisi :

*KINH HÒA BÌNH.
Bài Kinh phổ biến khắp nơi, đặc biệt là trong các cộng đoàn Công Giáo, thường được hát lên trong Thánh Lễ hay những buổi thắp nến cầu nguyện cho Công Lý và Hòa Bình.

‘Lạy Chúa từ nhân!
Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.
Lạy Chúa! Xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa.
Để con đem yêu thương vào nơi oán thù,
Đem thứ tha vào nơi lăng nhục,
Đem an hòa vào nơi tranh chấp,
Đem chân lý vào chốn lỗi lầm.
Để con đem tin cậy vào nơi nguy nan,
Chiếu trông cậy vào nơi thất vọng.
Để con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm,
Đem nguồn vui đến chốn u sầu.
Lạy Chúa! Xin hãy dạy con,
Tìm an ủi người hơn được người ủi an,
Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết.
Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu,
Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh.
Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân.
Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ.
Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.
Ôi! Thần Linh Thánh Ái! Xin mở rộng lòng con.
Xin ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn An bình.’

*BÀI CA MẶT TRỜI.
Thánh Phanxicô Assisi nổi bật về nhân đức khó nghèo. Ngài còn là một nhà thơ được ca tụng với nhiều áng thơ đặc sắc, trong đó nổi nhất là bài ‘Ca Mặt Trời’. Bài thơ không nhằm ca tụng các tạo vật, nhưng để ca tụng Đấng tạo ra chúng. (Bài thơ này đã được nhạc sư Hải Linh phổ nhạc)

‘Lạy Đấng Tối Cao toàn năng và nhân ái,
Xin ca ngợi, tôn vinh và chúc tụng!
Chỉ mình Ngài xứng muôn lời hoan chúc.
Xướng tên Ngài, nào ai xứng đáng đâu.
Chúc tụng Ngài, lạy Chúa với muôn loài.
Anh Mặt Trời cho ngày đến với tôi,
Chúa nhờ anh soi sáng hết muôn loài,
Anh thật đẹp, thật huy hoàng rực rỡ,
Ý nghĩa này Chúa nhờ anh mang đến.
Chúc tụng Chúa chị Trăng với các Sao,
Chị quí giá, sáng ngời và xinh đẹp.
Chúc tụng Chúa, anh Gió với Mây cao,
Trời bão tố và trời yên bể lặng,
Chúa ban cho để nâng đỡ muôn loài.
Chúc tụng Chúa, vì chị Nước trong lành,
Tuy khiêm tốn mà vô cùng hữu ích.
Chúc tụng Chúa, này anh Lửa soi đêm,
Anh thật đẹp, vui tươi và dũng mãnh.
Chúc tụng Chúa, mẹ Đất của con người,
Nuôi chúng con bằng muôn ngàn cây trái,
Hoa muôn màu và cỏ dại thơm tho.
Chúc tụng Chúa, những ai vì yêu Chúa,
Đã thứ tha và khổ cực đắng cay.
Diễm phúc thay ai xây dựng hòa bình,
Sẽ được Ngài yêu thương vinh thưởng.
Chúc tụng Chúa, vì chị Chết xác thân,
Không buông tha cho bất cứ người nào,
Khốn cho ai chết chìm trong tội lệ.
Phúc cho ai đang thi hành thánh ý,
Họ sẽ không bị chết tới hai lần.
Xin chúc tụng và ngợi khen Thiên Chúa!
Cảm tạ Ngài và khiêm tốn hiến dâng! ‘

*Tâm niệm :
Noi gương Thánh Phan-xi-cô,
Chọn đời nghèo khó không mơ sang giàu,
Tình yêu Thiên Chúa nhiệm mầu,
Trùm phủ vạn vật tinh cầu đẹp thay,
Tình yêu Thiên Chúa đắm say,
Quên mình phục vụ đêm ngày tha nhân,
Cuộc đời ngắn ngủi gian trần,
Tình yêu Thiên Chúa hồng ân tràn đầy

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG

*Ghi chú :
- Trích theo tài liệu ‘ Pocket Catholic Dictionary’ của John A.Hardon,S.J và hạnh tích các Thánh của Raymond Thư, CMC.
- Xin phân biệt 2 vị Thánh cùng tên Phanxixô :
(1) Thánh Phanxicô Assisi người nước Ý, sáng lập dòng ‘Anh Em Hèn Mọn’ hay cũng thường gọi là Dòng Phan Sinh.
(2) Thánh Phanxicô Xaviê người nước Navarra thuộc Pháp, bổn mạng các Xứ Truyền Giáo, đồng sáng lập Dòng Tên cùng với Thánh Inhaxiô (I-Nhã).
 
Tin Đáng Chú Ý
Trước lệnh "cấm bịt mặt" dân chúng Hongkong đọc tuyên ngôn thành lập chính phủ lâm thời
GiangThanh
10:38 04/10/2019
HONGKONG- Chiều nay 4.10.2019, đặc khu trưởng Carrie Lam công bố sử dụng “luật khẩn cấp” để ban lệnh “cấm bịt mặt” trong toàn dân. Ngay lập tức, quần chúng phát động một cuộc tổng phản công quyết liệt trên toàn lãnh thổ Hongkong trước khi lệnh cấm bịt mặt có hiệu lực lúc 00g đêm nay. Họ mạnh tay đốt phá khắp mọi nơi. Họ cùng đọc tuyên ngôn thành lập chính phủ lâm thời. Sau đó dần dần rút lui, tất cả sẽ cần phải thoát khỏi hiện trường trước 24h.

Xem Video

Toàn văn “Tuyên ngôn chính phủ lâm thời Hồng Kông”

“Trong suốt tiến trình phát triển văn minh nhân loại, không thể tránh khỏi việc lật đổ những thứ cũ nát để xây dựng những điều tốt đẹp hơn, đây chính là nền tảng vì sự tiến bộ của nhân loại. Nếu chính quyền cũ không vì nhân dân mà thành lập, không phải vì nhân dân mà điều hành, cũng không vì nhân dân mà phục vụ, thì lập tức chẳng còn lý do gì để nhân dân không lập nên một chính phủ mới. Nay chính phủ đặc khu hành chính Hồng Kông đã không vì dân mà thành lập, mà điều hành, mà phục vụ, thì chúng tôi hôm nay tuyên cáo thành lập chính phủ lâm thời Hồng Kông.

Mọi người sinh ra đều bình đẳng, ông trời ban tặng cho toàn bộ nhân loại những quyền bất khả xâm phạm, bao gồm quyền được sống, quyền tự do, quyền gìn giữ sự tôn nghiêm và quyền mong cầu hạnh phúc. Đây là chân lý và nguyên tắc mà bất kì ai cũng phải thừa nhận và không thể chà đạp.

Nhân dân nếu vì để không tước đoạt và không bị tước đoạt, cho nên ngay từ bây giờ lập ra pháp luật và chính phủ để đảm bảo quyền của chính họ và những người khác. Quyền lực mà chính phủ có được chính là điều mà nhân dân giao phó. Nếu chính phủ làm suy yếu những nguyên tắc trên thì người dân có quyền lật đổ [quyền lực cũ] và thiết lập [quyền lực mới].

Nay chính phủ đặc khu hành chính Hồng Kông đã chịu nhận sự khống chế của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Chính quyền Hồng Kông hôm nay đã bỏ qua Hội đồng Lập Pháp để ban hành ‘Lệnh cấm che mặt’, có ý định tiếp tục trấn áp quyền tổ chức hội nghị, biểu tình của nhân dân, không quan tâm đến ý nguyện của tuyệt đại đa số người dân Hồng Kông.

Chúng tôi cho rằng chính phủ Đặc khu hành chính Hồng Kông theo lẽ tất nhiên đã không còn được người dân tán thành và trao quyền, hôm nay chúng tôi tuyên bố chính phủ Đặc khu hành chính Hồng Kông đã mất đi tính hợp pháp, đặc khu trưởng, tất cả tư cục trưởng lập tức mất đi vị trí chức vụ và quyền lực được giao phó”.

Chính phủ lâm thời Hồng Kông tuyên bố:

1. Tất cả cơ quan phòng ban của chính phủ Đặc khu hành chính Hồng Kông bàn giao cho chính phủ lâm thời quản lý.

2. Trưởng đặc khu, tất cả cục trưởng, cục phó, bộ trưởng, thứ trưởng lập tức tạm thời đình chỉ và rời khỏi chức vụ cho đến khi được chính phủ lâm thời bổ nhiệm.

3. Tất cả phòng ban ngay lập tức ngừng tất cả các chính sách mới do chính phủ Đặc khu hành chính Hồng Kông ban hành từ 2018. Các cấp nhân viên duy trì vị trí và hoạt động vận hành thường ngày cho đến khi có thông tri khác.Mọi người sinh ra đều bình đẳng, ông trời ban tặng cho toàn bộ nhân loại những quyền bất khả xâm phạm, bao gồm quyền được sống, quyền tự do

Mọi người sinh ra đều bình đẳng, ông trời ban tặng cho toàn bộ nhân loại những quyền bất khả xâm phạm, bao gồm quyền được sống, quyền tự do. (Ảnh: DW)

4. Chính phủ lâm thời Hồng Kông sẽ phục vụ trong nhiệm kỳ 5 năm hoặc cho đến khi toàn dân bầu cử, tổ chức tổng tuyển cử chính phủ và người đứng đầu chính phủ (tùy theo cái nào có thời gian ngắn hơn). Chính phủ lâm thời Hồng Kông phải chuẩn bị cho cuộc bầu cử trong vòng một năm kể từ khi thành lập và hoàn thành cuộc tổng tuyển cử trong vòng 3 năm.

5. Người đứng đầu Chính phủ lâm thời Hồng Kông và quan chức ủy nhiệm lâm thời của các bộ ngành, sau khi kết thúc nhiệm kỳ, suốt đời sẽ không được đảm nhiệm bất cứ chức vụ nào trong chính phủ Hồng Kông hay các cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cũng như đảm nhiệm vai trò là những người ra quyết sách hưởng lương.

6. “Pháp luật Hồng Kông” tạm thời bảo lưu, cho đến khi chính phủ lâm thời Hồng Kông ban bố bộ luật mới.

7. Giải tán Hồi đồng Lập pháp Hồng Kông, trong vòng 3 tháng sẽ tổ chức bầu cử Hội đồng Lập pháp lâm thời và trong vòng 1 năm sẽ tiến hành bầu cử lại Hội đồng Lập pháp. Số ghế trong Hội đồng Lập pháp lâm thời là 70 ghế. Trong số đó, đảo Hồng Kông, khu vực Tây Cửu Long tuyển cử 12 ghế, khu vực Đông Cửu Long 10 ghế, Tân Giới Tây và Tân Giới Đông tuyển cử 18 ghế.

__._,_.___
 
Văn Hóa
Thánh Phanxicô Assidi, Sứ giả Hòa Bình
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
06:07 04/10/2019
Ngày 04-10 hàng năm, Giáo Hội kính nhớ một vị thánh được nhắc nhớ, yêu mến và tôn kính nhiều nhất, đó là Thánh Phanxicô Assisi, vị sứ giả hoà bình. Cuộc sống của ngài thật đơn sơ thanh thoát, sống hòa bình, thực thi hòa giải, đã trở thành lý tưởng cho con người của mọi thời đại.

1. Thánh Phanxicô chọn nếp sống nghèo khó

Phanxicô chào đời vào khoảng cuối năm 1182, tại thành Assisi phía bắc Rôma. Cha của ngài là ông Phêrô Bênađônê, một thương gia chuyên nghề bán len dạ. Mẹ là bà Pica, một phụ nữ hiền đức.Cậu Phanxicô rất hào hoa, lại được gia đình giàu có nuông chiều, nên mặc sức ăn chơi phung phí. Mộng công danh thôi thúc, Phanxicô theo bá tước Gauthie de Brienneur đi chinh phục vùng Apulia, gần thành Assisi. Nhưng ý Chúa nhiệm mầu đã khiến Phanxicô đau nặng và bắt buộc phải trở về quê hương.Lần này, tuy vẫn ăn chơi như trước, nhưng Phanxicô cảm thấy những thú vui xưa kia dần dần mất hết ý nghĩa. Thế rồi Phanxicô đi tìm lý tưởng cao đẹp hơn. Một hôm, lúc đang cầu nguyện trong nguyện đường Đamianô nhỏ bé, Phanxicô nghe tiếng Chúa phán ra từ cây Thánh Giá: “Phanxicô, con hãy đi sửa lại ngôi đền thờ của ta đang đổ nát !”. Phanxicô hiểu câu nói này cách nông cạn, nên tình nguyện đi xin từng viên đá đem về sửa lại các Nhà thờ cạnh Assisi. Trong hai năm, ngài đi hành khất, sống ẩn dật và sửa sang ba nhà thờ đổ nát trong miền Assisi: nhà thờ Thánh Đamianô, nhà thờ Thánh Phêrô và nhà thờ Đức Bà Porziuncula.Phanxicô chưa hiểu rằng, ngôi đền thờ mà Chúa muốn nói chính là Hội Thánh.

Ngày 24-2-1208, đang dữ lễ, Phanxicô nghe được đoạn Phúc Âm : “Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng... Các con đừng mang theo tiền bạc, bao gậy...” (Mt 10,10). Phanxicô nhận ra tiếng gọi của Chúa, nên quyết tâm triệt để sống khó nghèo và theo Chúa trên con đường Thập Giá (Mt 19,21 ; Lc 9,1-6 ; Mt 16,24). Phanxicô công khai từ bỏ cha ruột của mình để thuộc trọn về Chúa. Ngài từ bỏ những cuộc vui chơi tiệc tùng với bạn bè để đi giúp những người phung cùi, những kẻ vô gia cư và những người bị xã hội khai trừ.Với tình yêu sự khó nghèo, Phanxicô yêu những người nghèo, những bệnh nhân. Ngài nhìn thấy Chúa Giêsu ở nơi họ. Ngài chỉ muốn giống Chúa Giêsu cách trọn vẹn trong khó nghèo, trong tình yêu, trong sự giảng dạy và trong đau khổ.

Lối sống của ngài thu hút trước tiên hai anh bạn đồng hương: anh Bernađô Cantavalê giàu có và anh Phêrô Catanê, nhà giáo luật. Tiếp đó có 9 anh khác nhập đoàn. Họ trở thành 12 "người đền tội" và lữ hành, không nhà cửa hoặc nơi cư trú cố định. Lúc đầu Phanxicô soạn một ít quy luật sống và đã được Đức Giáo Hoàng Innôxentê III chấp thuận bằng miệng; cuối cùng, ngài viết ra bản Luật Dòng Anh em Hèn mọn và đã được Đức Giáo Hoàng Hônôriô III phê chuẩn năm 1223 bằng sắc dụ.

Phanxicô bị giằng co giữa một đời sống tận hiến cho sự cầu nguyện và một đời sống tích cực rao giảng Tin Mừng. Và ngài đã quyết định theo đuổi đường lối sau, nhưng luôn luôn trở về sự tĩnh mịch bất cứ khi nào có cơ hội. Ngài muốn đến truyền giáo ở Syria và Phi Châu, nhưng trong cả hai trường hợp ngài đều bị đắm tàu và đau nặng. Ngài cũng cố gắng hoán cải các vua Hồi Giáo ở Ai Cập trong lần Thập Tự Chinh thứ năm.

Trong những năm cuối cùng của cuộc đời ngắn ngủi (ngài từ trần khi 44 tuổi) ngài gần như mù và đau nặng. Hai năm trước khi chết, ngài được in năm dấu thánh, là những vết thương của Ðức Kitô ở tay chân và cạnh sườn của ngài.Trong giờ phút cuối cùng, ngài lập đi lập lại phần phụ thêm của Bài Ca Anh Mặt Trời, "Ôi lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì người Chị Tử Thần." Ngài hát Thánh Vịnh 141, và khi đã đến giờ lìa đời, ngài xin cha bề trên cho ngài cởi quần áo ra để nằm chết trần truồng trên mặt đất, giống như Ðức Giêsu Kitô. Ngài qua đời vào ngày 3-10-1226. Đức Giáo Hoàng Grêgôriô IX đã phong ngài lên bậc hiển thánh vào ngày 16-7-1228.

2. Thánh Phanxicô được nhận Năm Dấu Thánh.

“Sáng tinh sương ngày 14 tháng 9 năm 1224, tức là ngày lễ Suy tôn Thánh giá, trên đỉnh Alverna đã xảy ra một phép lạ tân kỳ. Lúc mặt trời gần dãi lên nền trời những tia sáng vàng tươi, Phanxicô quì tựa lưng vào một tảng đá, hướng về phương đông, mắt tuôn đôi hàng lệ, ngài than thở: “Lạy Chúa, trước lúc qua khỏi đời này, con chỉ xin Chúa ban cho con hai ơn: một là, xin Chúa cho tâm hồn cũng như thể xác con cảm thông hết nỗi đau đến thê thảm Chúa chịu trong giờ tử nạn; hai là, xưa kia khi Chúa tử nạn, Chúa yêu loài người tội lỗi chúng con đến độ nào, thì xin cho lòng con cũng được yêu Chúa đến độ ấy”. Bỗng vụt như làn chớp, một thiên thần Chí ái tự trời bay xuống. Sáu cánh chói loà. Hai cánh phủ đầu, hai cánh dương bay và hai cánh khép che toàn thân. Thiên thần hiện xuống đứng trên phiến đá, rõ hình một người chịu đóng đinh vào thánh giá. Thiên thần ấy chính là Chúa Giêsu tử nạn, mặc hình người hiện đến với Phanxicô. Ngài nhìn Phanxicô, đôi mắt như thiết tha, như thiêu cháy cả tâm hồn rồi vụt biến. Phanxicô, quỵ xuống, ngất đi. Khi bừng tỉnh dậy, ngài thấy tay chân đã bị đinh đóng thâu qua. Đầu đinh tròn và đen nổi rõ giữa lòng bàn tay và trên mặt bàn chân. Đinh đóng thâu qua tay chân, mũi đinh quắp lại trên lưng bàn tay và giữa gan bàn chân. Ngực bên phải, cạnh trái tim, dấu một lưỡi đòng đâm qua còn nguyên nét, máu chảy rìn rịt thấm ướt đến tận lớp áo ngoài”.

Phép lạ Năm Dấu là lời đáp trả ân cần của Chúa cho bao nỗi khao khát và bao nỗ lực của Phanxicô để được nên giống với Người trong cuộc thương khó.

Nhìn lên huy hiệu và khẩu hiệu của Dòng Anh Em Hèn Mọn, người ta có thể biết phần nào nền linh đạo Phan sinh. Khẩu hiệu đó là: Caritas (Tình yêu) và huy hiệu là một thập giá với hai cánh tay bắc chéo nhau, một của Chúa Kitô và một của Thánh Phanxicô sau ngày lãnh Năm Dấu. Nghèo khó, khiêm hạ, phục vụ vô điều kiện, yêu mến cách riêng những người nghèo khổ bé mọn … là hậu quả tất nhiên của việc thường xuyên chiêm ngưỡng thánh giá và lòng yêu mến Chúa Giêsu chịu đóng đinh. (Lm Nguyễn Hồng Giáo. ofm)

3. Phanxicô, sứ giả hoà bình

Khi thánh Phanxicô cư ngụ tại Agodio, có một con chó sói hung dữ đã xuất hiện, quấy nhiễu và gieo rắc tai hoạ cho mọi người. Mỗi lần đi ra ngoài, ai ai cũng phải trang bị khí giới sẳn sàng giao chiến với con thú dữ, có người sợ đến nỗi không dám ra khỏi nhà. Thấy vậy, ngày nọ thánh nhân quyết định đến chạm chán với con thú dữ, Ngài làm dấu thánh giá, đặt tất cả tin tưởng vào Chúa, rồi tiến thẳng đến trước mặt con vật. Vừa thấy thánh nhân, con vật nhe răng và chuẩn bị tấn công, nhưng thánh nhân không lùi bước. Ngài tiến lại gần, làm dấu thánh giá và gọi nó lại. Ngài nói với nó như trò chuyện với một con người: - Này anh sói, anh lại đây, nhân danh Chúa Kitô tôi truyền cho anh đừng hãm hại ai nữa.

Như một phép lạ, con chó sói hung dữ ngoan ngoãn khép miệng lại và quấn quýt bên thánh nhân, thánh nhân lại tiếp tục bài giảng : - Này anh sói, anh đã gây ra không biết bao thiệt hại cho vùng này, anh giết hại những tạo vật của Chúa mà không có phép Ngài, anh không những sát hại súc vật mà còn giết hại cả loài người là hình ảnh của Thiên Chúa nữa, anh đáng bị trừng phạt vì tội giết người, ai cũng ca thán kêu ca vì anh. Nhưng tôi, tôi muốn giàn hoà giữa anh và họ để anh không còn hãm hại ai nữa.

Thánh nhân vừa nói xong những lời đó thì con sói vặn mình ra chiều sám hối và chấp nhận đề nghị của Ngài, thánh nhân nói tiếp : - Này anh sói, hẳn anh thích được làm hoà với mọi người. tôi hứa rằng : bao lâu anh còn sống anh sẽ không bị đói khát nữa, anh có hứa với tôi là sẽ không hãm hại bất cứ người và vật nào nữa không ? Con vật cúi đầu như đoan hứa, thánh nhân đặt tay trên nó và đại diện cho thị dân Agodio long trọng cam kết những lời Ngài vừa hứa với con chó sói.

Con chó sói đã được sống 2 năm tại Agodio, ngày ngày ra vào bất cứ nhà nào như chính nhà của nó, nó không làm hại ai mà cũng chẳng ai hãm hại nó, sau 2 năm, con vật qua đời giữa tiếng thương khóc của dân Agodio.

Giai thoại về con chó sói Agodio và bài ca vạn vật của thánh Phanxicô chứng minh ngài là hiện thân của hoà bình, là sứ giả của bất bạo động. Ngài giao hoà với vạn vật, với thiên nhiên, với chim trời, với núi rừng, với không khí, với nước non. Chỉ với một tâm hồn thanh thản và hài hoà với thiên nhiên với con người như thế mới có thể xây dựng hoà bình. Thánh Phanxico chính là vị sứ giả hoà bình.

Tình huynh đệ của Phanxicô không dừng lại nơi loài người, nhưng còn nới rộng ra tới mọi tạo vật, sống động cũng như vô tri vô giác trong vũ trụ. Ngài không coi tạo vật là xấu xa, nguy hiểm phải đề phòng. Ngài cũng không có thái độ chủ nhân ông, nhìn tạo vật chỉ là đối tượng cho mình khai thác tùy thích. Nhưng ngài thiết lập một mối quan hệ thân ái, hài hòa với mọi vật. Ngài đã sáng tác “Bài ca vạn vật” để ca ngợi mọi công trình tạo dựng của Thiên Chúa: mặt trời, mặt trăng, tinh tú, gió, nước, lửa, trái đất với ngàn hoa, cây cỏ và trái trăng. Ngài gọi tạo vật là anh, chị : anh Cá, anh Chim, chị Trăng, chị Nước... không chỉ theo nghĩa thi phú, mà theo một cảm nghiệm sâu xa rằng tất cả đều là công trình của Cha trên trời và mang dấu ấn của tình thương.

Phanxicô muốn người ta quí chuộng thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên; ngài dạy các môn đệ mình khi đốn cây sử dụng theo nhu cầu, thì đừng chặt tận gốc, để cây còn có thể đâm chồi mới. Con người thời đại chúng ta có thể học biết bao nhiêu điều nơi thái độ của thánh nhân. Chắc chắn Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nghĩ như thế khi ban Tông Thư ngày 29-9-1979 công bố thánh Phanxicô là bổn mạng các nhà môi sinh học. Suốt cuộc đời, Thánh Phanxicô luôn quan niệm sống là sống với, sống chung chan hòa với con người và muôn tạo vật.

Lạy Chúa, nhờ lời cầu bầu của thánh Phanxicô, Xin cho chúng con biết yêu chuộng hoà bình, hòa bình với mọi người và nhất là với những người đối nghịch với chúng con. Xin cho lời kinh Hoà Bình mà thánh Phanxicô để lại được thấm vào tim, vào phổi, vào khối óc của chúng con biến chúng con thành người sứ giả hoà bình của Chúa. Amen.


 
VietCatholic TV
Tưởng nhớ Đức Hồng Y Hoa Kỳ William J. Levada
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:18 04/10/2019
Đức Hồng Y Hoa Kỳ William J. Levada, nguyên tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin và tổng giám mục nghỉ hưu của San Francisco và Portland, Oregon, đã qua đời ngày 26 tháng 9 tại Rôma, thọ 83 tuổi.

Khi Đức Hồng Y Joseph Ratzinger được bầu làm Giáo hoàng Bênêđíctô XVI vào năm 2005, ngài đã chỉ định Đức Tổng Giám Mục Levada thay thế ngài đứng đầu Bộ Giáo Lý Đức Tin, cơ quan của Tòa Thánh có trách nhiệm bảo vệ và cổ vũ giáo huấn của Giáo hội về đức tin và luân lý. Đó là lần đầu tiên một vị giám mục Hoa Kỳ đứng đầu Bộ này và Đức Hồng Y Levada đã phục vụ trong cương vị đó cho đến năm 2012.

Trước khi được bổ nhiệm tại Vatican, ngài đã từng là Giám Mục Phụ Tá của Los Angeles từ 1983 đến 1986, tổng giám mục Portland, Oregon từ 1986 đến 1995, và tổng giám mục của San Francisco từ năm 1995 đến 2005.

Trong nhiều thập kỷ, ngài là cộng tác viên thường xuyên với Vatican và với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô tương lai. Ngài từng làm việc tại Bộ Giáo Lý Đức Tin từ năm 1976 đến 1982 và là một giám mục thành viên của Bộ này bắt đầu từ năm 2000. Trong thập niên 1980, ngài làm việc với Đức Hồng Y Ratzinger trong một trong một nhóm nhỏ các giám mục được bổ nhiệm để viết cuốn “Giáo lý Hội Thánh Công Giáo.”

Đức Hồng Y Levada là một nhân vật quan trọng trong các nỗ lực của Giáo hội nhằm chống lại tai ương tội lỗi lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ. Ngài đứng đầu cơ quan Vatican giám sát việc xét xử các vụ lạm dụng tình dục; vào năm 2002, ngài là thành viên của ủy ban Hoa Kỳ-Vatican đã sửa đổi lần cuối cùng các chính sách về lạm dụng tình dục ở Hoa Kỳ, trong đó đưa ra một chính sách xử phạt nghiêm ngặt đối với các trường hợp phạm tội và quy định việc huyền chức trong các trường hợp này.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Irish Catholic vào năm 2013, Đức Hồng Y Levada nói vui rằng: “ Nếu bạn làm việc cho Bộ Giáo lý Đức tin, da mặt bạn sẽ dày hơn một chút để bạn đừng quá nhạy cảm khi bị chỉ trích.” Tuy nhiên, ngài cũng nói thêm rằng Bộ Giáo Lý Đức Tin không phải là cơ quan không ai có quyền chỉ trích.

Trong một quyết định vào năm 2006, được Đức Bênêđíctô thứ 16 phê chuẩn, Đức Hồng Y Levada đã ra phán quyết cấm Cha Marcial Maciel Degollado, 86 tuổi, người sáng lập Dòng Đạo Binh Chúa Kitô, không được thực hiện các thừa tác vụ công khai.

Năm 2009, Đức Hồng Y Levada đã ra lệnh đánh giá về đạo lý đối với Liên Hiệp Các Bề Trên Dòng Nữ tại Hoa Kỳ, gọi tắt là LCWR, một nhóm có trụ sở tại Maryland, thường tuyên bố có khoảng 1,500 thành viên là lãnh đạo của các cộng đồng nữ tu tại Hoa Kỳ. Ba năm sau, ngài đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục J. Peter Sartain của tổng giáo phận Seattle trong việc “đánh giá, hướng dẫn và phê duyệt các công việc” của LCWR.

Việc bổ nhiệm xảy ra cùng ngày với việc Bộ Giáo Lý Đức Tin công bố một tài liệu tám trang “đánh giá tín lý” của LCWR, với lý do đã xảy ra “các vấn đề tín lý nghiêm trọng ảnh hưởng đến nhiều người sống tận hiến, “và công bố một cuộc cải cách tổ chức này để bảo đảm sự tuân phục giáo huấn Công Giáo trong các lãnh vực như phá thai, trợ tử, phong chức cho phụ nữ và đồng tính luyến ái.”

Khi còn là tổng giám mục San Francisco, Đức Hồng Y Levada đã phải đương đầu với vấn đề hôn nhân đồng giới. Năm 2004, ngài đã dẫn đầu một cuộc biểu tình cầu nguyện cho việc bảo vệ và đề cao hôn nhân truyền thống sau khi thành phố quyết định cấp giấy phép kết hôn đồng giới.

Đức Hồng Y William Joseph Levada sinh ngày 15 tháng 6 năm 1936 tại Long Beach, California. Ông cố của ngài đã di cư đến California từ Bồ Đào Nha và Ái Nhĩ Lan vào những năm 1860.

Sau khi hoàn tất chương trình chủng viện ở California, ngài được gửi đến trường Đại học Bắc Mỹ của Rôma, lấy bằng tiến sĩ thần học tại Đại học Giáo hoàng Grêgôriô. Ngài được thụ phong linh mục tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào ngày 20 tháng 12 năm 1961.

Ngài trở về tổng giáo phận Los Angeles và làm việc như một cha phó, giáo viên và cha tuyên úy Đại Học. Năm 1976, ngài trở lại Rôma và làm việc tại Bộ Giáo Lý Đức Tin. Trong sáu năm phục vụ ở đó, ngài tiếp tục giảng dạy thần học bán thời gian tại Đại học Grêgôriô.

Ngài trở lại California vào năm 1982 và được bổ nhiệm làm thư ký của Hội Đồng Giám Mục California. Ngài được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá của Los Angeles vào năm 1983 và được thụ phong giám mục vào ngày 25 tháng 3 năm đó.

Đức Bênêđíctô nâng ngài lên hàng Hồng Y vào năm 2006.




Source:Crux

 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News