Ngày 11-10-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 12/10: Món quà vượt trội – Lm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, CP.
Giáo Hội Năm Châu
02:12 11/10/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: ‘Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả’, mà người kia từ trong nhà lại đáp: ‘Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được.’? Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó.

“Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
06:09 11/10/2023

23. Đức khiết tịnh là sự đền đáp đặc biệt của khiêm tốn.

(Thánh Ioannes Bosco)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"


------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
06:12 11/10/2023
72. SÁNG KHOE TỐI NHẠO

Con của Vương Nghĩa là Vương Tử Du thích cây trúc, trong vườn trồng toàn là cây trúc.

Lúc Giải Tân Vương làm quan chuyên chở ở Lợi Châu, cũng trồng trong vườn của con quan rất nhiều cây trúc.

Năm nọ, Giải Tân Vương sắp rời chức vụ bèn ra lệnh cho người bán tất cả cây trúc, người thời ấy bèn gọi ông ta là “Giả Tử Du”.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 72:

Có những ông quan khi biết sắp đến ngày về hưu thì đem bán những đồ quý gia trong cơ quan của mình; có những thủ trưởng khi biết mình sắp đổi đi nơi khác thì gian lận sổ sách tẩu tán ngân sách tài chánh…

Những người vô trách nhiệm và có lòng tham đều như thế, bởi vì khi còn tại chức thì họ không coi cơ quan nơi làm việc là của mình mà là của nhà nước, của chung, của đoàn thể, nên họ không hết lòng vì nhiệm vụ, không tận tâm lo lắng cho dân…

Người Ki-tô hữu coi giáo xứ là đại gia đình của mình, nhà thờ là nhà của mình, cho nên họ luôn đối xử với nhau như anh chị em một nhà, luôn gìn giữ và trân trọng nhà thờ của mình, dù cho cha sở này đi hoặc cha sở khác đến thì họ vẫn luôn đối xử như nhau chứ không…đem bán tất cả những gì của cha sở trước để lại cho giáo xứ…

Đức Chúa Giê-su dạy chúng ta rằng: tất cả chúng ta đều là anh em chị em với nhau bởi vì chúng ta có một Cha ở trên trời, cho nên chúng ta phải yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau, chứ không vì cái danh dự hão huyền, không vì cái tự ái nhỏ nhen, không vì “gà tức nhau tiếng gáy” mà đem bán anh em chị em mình với giá…ba mươi đồng bạc rẻ mạt như Giu-đa đã bán đứng Thầy mình vậy…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tình yêu bị từ chối
Lm. Thái Nguyên
06:36 11/10/2023
SUY NIEM VA CAU NGUYEN CN 28 TN A

https://www.youtube.com/watch?v=bByPUCvda0k&t=6s

TÌNH YÊU BỊ TỪ CHỐI

Chúa Nhật 28 Thường Niên năm A: Mt 22, 1-14

Suy niệm

Một ông vua mở tiệc cưới cho con mình và sai các đầy tớ đi mời các quan khách đến dự tiệc. Các đầy tớ đến mời lần thứ nhất, họ không đến. Chủ lại cho nhóm đầy tớ khác đến mời lần thứ hai, nhưng họ không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, còn những kẻ khác lại bắt các đây tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết. Ta có thể gọi tên của dụ ngôn này là “Tình yêu bị từ chối”: Thiên Chúa bị từ chối khi mời gọi con người đến tham dự niềm vui Nước Trời.

Chúng ta dễ có một hình ảnh về Thiên Chúa thật nghiêm khắc, cấm đoán, hay trừng phạt. Ở đây ta bắt gặp một Thiên Chúa tha thiết muốn chia sẻ niềm vui và hạnh phúc cho con người. Ngài cần con người đáp lại lời mời đó để tiến tới sự hiệp thông trọn vẹn. Qua dụ ngôn ta có cảm thấy được nỗi chờ mong của Thiên Chúa khi khách được mời không đến? Ta có cảm được nỗi đau của Thiên Chúa khi con người hờ hững trước bữa tiệc mà Ngài đã đặt vào đó cả tấm lòng?

Dân Do Thái được Thiên Chúa chính thức mời dự tiệc, nhưng họ đã khước từ và giết cả các ngôn sứ được sai đến. Họ không cảm thấy được vinh hạnh mà còn khinh thường và xúc phạm nặng nề, một sự phụ bạc trắng trợn trước tình yêu mà Thiên Chúa dành cho họ. Cũng giống như người Do Thái, chúng ta dễ đưa ra nhiều lý do để thoái thác không muốn đến với Chúa, không muốn đáp lại lời mời gọi tình yêu của Chúa. Các lý do từ chối có thể gom lại 2 loại là lo làm ăn và lo hưởng thụ. Vì mê làm ăn nên ta không còn quan tâm gì đến lời mời gọi của Chúa, vì quá lo hưởng thụ đời này nên ta chẳng còn ham chuộng hạnh phúc đời sau.

Con người thời nào cũng thế, dễ chạy theo lối sống thực dụng, đánh mất tính cách cao quí và khả năng vươn cao tỏa sáng của đời mình. Những lợi lộc trước mắt khiến người ta mờ mắt, không còn thấy được những điều cao trọng Chúa dành cho mình. Thế là bữa tiệc linh thánh vốn dành cho khách quý là những người được tuyển chọn, nay trở thành bữa tiệc dành cho tất cả mọi người không trừ ai, bất luận người tốt hay kẻ xấu, trong đó có chúng ta hôm nay, được mời gọi và gia nhập Hội Thánh Chúa qua Bí tích Rửa tội. Ðược làm con cái Chúa, được sống trong Hội Thánh là một ân huệ trên hết mọi ân huệ, nên trước hết ta phải tận dụng mọi cơ hội để sống thuộc về Chúa.

Tuy nhiên, trên đời sống đạo thực tế, chúng ta cũng dễ thoái thác trước lời mời của Chúa, không muốn đáp lại tình yêu của Ngài, mà chỉ lo được những điều mình muốn được; chỉ lo sống những điều mình muốn sống, mà không biết rằng mình đang chạy theo những cái bóng, chứ không phải thực tại của một khát vọng thâm sâu. Bên ngoài ta thờ phượng Chúa nhưng bên trong vẫn mơ mộng hão huyền. Ta có nhiều thứ ưu tiên nên việc đến gặp Chúa bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Lý do cũng vẫn là danh, lợi, thú. Chúng ta dễ sống với những cái trước mắt và mau qua, mà quên mất tương lai sẽ đến. Nhưng Chúa vẫn kiên trì và tiếp tục gọi mời, để một lúc nào đó ta chợt nhận ra lẽ sống đích thật của đời mình.

Dù Chúa vẫn sẵn lòng chờ đợi ta, nhưng hãy nhớ, thời gian không chờ đợi ai, kẻo một phút sa chân là ngàn đời ân hận. Thật ra, Chúa không trách ta lo làm ăn và phát triển cuộc sống, nhưng lo đời này đến nỗi quên bẵng đời sau; lo những cái phụ thuộc đến nỗi quên điều chính yếu; lo đủ thứ những cái bên ngoài mà quên mất lòng tin mến bên trong, khác nào như năm cô khờ dại đi đón chàng rể lo mang đèn mà không mang dầu, làm trễ mất chuyến xe định mệnh. Ta dễ quên: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6, 33).

Cuối cùng, có điều quan trọng ở cuối bài Phúc Âm mà ta cần hết sức cảnh giác về chính mình. Đó là “y phục lễ cưới”, nghĩa là phải đổi đời như điều kiện phải có để tham dự niềm vui Nước Trời. Có người đã đi vào sự hiệp thông trong Hội Thánh nhưng vẫn không được vào Nước Trời, vì họ đánh mất tấm áo trắng ngày Rửa tội, mất sự sống linh thiêng là Đức Kitô trong lòng mình. Bởi vậy thánh Phaolô căn dặn chúng ta: “Anh em hãy mặc lấy con người mới” (Ep 4,24); “Hãy mặc lấy Đức Kitô” (Gl 3,27), nghĩa là để cho Ngài làm chủ toàn thể cuộc đời mình

Hãy để Đức Kitô chiếm trọn lấy toàn thể đời sống ta, để ta luôn được sống và hành động trong Ngài. Siêng năng kết hợp mật thiết với Chúa trong cầu nguyện, trong thánh lễ, đem lại cho ta sức mạnh linh thiêng để đạt tới chính Chúa, là nguồn hạnh phúc hôm nay và mãi mãi.

Lời nguyện

Lạy Chúa!

Con nào hiểu được lòng Chúa mong,

muốn được cùng con sống hiệp thông,

muốn dành cho con điều cao trọng,

nhưng con chểnh mảng coi như không.

Chúa muốn yêu thương con cả tấm lòng,

muốn cho con niềm vui trọn cuộc sống,

nhưng xem ra con vẫn cứ viễn vông,

vì còn luôn ôm ấp nhiều giấc mộng.

Có ai hiểu được lòng Chúa rất đau,

khi yêu thương mà lại bị từ khước,

khi hiến trao mà lại bị chối từ,

nhưng lòng Chúa vẫn bao dung tha thứ.

Chúa đã mời gọi con dự tiệc thánh,

nhưng con thường lỡ hẹn và né tránh,

vì lòng con còn những nỗi phân tranh,

nên ước mơ của chúa đã không thành.

Con thấy mình là kẻ quá hững hờ,

tâm trí có nhiều lúc quá ngu ngơ,

để bao lần tim Chúa phải trông chờ,

mà đời con thì cứ mãi bơ vơ.

Xin cho con dừng lại những đam mê,

dám buông bỏ những xa hoa phù thế,

dám buông rơi những toan tính lê thê,

dám buông xuống những ham muốn nặng nề,

dám buông xả để trở về bên Chúa,

không màng danh lợi với hơn thua.

Xin cho con hân hoan dự tiệc thánh,

tiệc Ngài ban là sự sống muôn đời,

là điều con khao khát mãi không ngơi,

con quyết tâm đi vào đời sống mới,

để xứng với ân ban được gọi mời,

hưởng Nước Trời niềm hạnh phúc khôn vơi. Amen.
 
Sự quấy rầy dễ thương
Lm. Minh Anh
14:51 11/10/2023

SỰ QUẤY RẦY DỄ THƯƠNG
“Dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần!”.

Một buổi sáng, nhà truyền giáo R. C. Chapman được hỏi ông cảm thấy thế nào. “Sáng nay, tôi thật nặng nề!”. Nhưng vẻ mặt hớn hở của ông lại mâu thuẫn với những gì ông nói. Người hỏi ngạc nhiên, “Ông thực sự nặng nề?”. “Đúng thế, tôi như bị ai quấy rầy, nhưng là một sự quấy rầy dễ thương! Bao ơn lành Chúa đổ xuống trên tôi, mà tôi không thể tìm đủ thời gian hoặc lời nói để cảm ơn Ngài!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Tôi như bị ai quấy rầy, nhưng là một sự quấy rầy dễ thương!”. Đó là một nghịch lý được gặp thấy qua Tin Mừng hôm nay! Tại sao? Vì lẽ, “người bạn bị quấy rầy” giữa đêm khuya của dụ ngôn chính là Thiên Chúa, Đấng thường thích ai đó quấy rầy!

Sau khi dạy các môn đệ cầu nguyện với kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu tiếp tục nhấn mạnh niềm tin và sự kiên trì. Dụ ngôn nói lên sự cần thiết của một lòng tin tuyệt đối và quyết tâm cao độ chúng ta cần có đối với người Cha, người ‘Bạn’ của mình khi cầu nguyện. Trừ khi đó là một người bạn rất thân, chúng ta mới có thể mạo muội đánh thức anh và gia đình anh giữa đêm khuya để hỏi mượn hay xin một ít bánh. Và cả khi rất thân, chúng ta hẳn sẽ rất tần ngần vì sợ làm phiền. Nhưng trong dụ ngôn này, thật tuyệt vời, người bạn bị quấy rầy chính là Thiên Chúa, Đấng lấy làm vui vì ‘sự quấy rầy dễ thương’ này!

Khi kiên trì cầu nguyện và không bao giờ nghi ngờ sự nhân từ rộng lượng của Thiên Chúa, chúng ta sẽ nhận được mọi điều tốt lành từ Ngài. Tất nhiên, nếu cầu xin một điều gì đó vì ích kỷ hoặc không phù hợp với ý muốn của Ngài, thì mọi lời cầu trên thế gian cộng lại vẫn sẽ không hiệu quả. Nhưng một khi chúng ta cầu nguyện với những gì kinh Lạy Cha dạy, hãy tin chắc, lời cầu nguyện trung thành của bạn và tôi vốn đã được tỏ bày trong niềm tin tưởng và bền bỉ cao nhất, sẽ mang lại những món quà tốt lành nhất.

Tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca thật trùng hợp, “Phúc thay người đặt tin tưởng nơi Chúa!”; “Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa”. Đó cũng là điều Malakia đã báo trước trong bài đọc hôm nay, “Đối với các ngươi là những kẻ kính sợ Danh Ta, mặt trời công chính sẽ mọc lên, mang theo các tia sáng chữa lành bệnh!”.

Anh Chị em,

“Để cho người này tất cả những gì anh ta cần!”. Sẽ là một ‘sự quấy rầy dễ thương’ đối với Chúa Giêsu Thánh Thể khi chúng ta đến với Ngài, Đấng đã nói, “Hãy đến với Tôi, tất cả những ai khó nhọc, mang gánh nặng nề; Tôi sẽ nâng đỡ, bổ sức cho!”. Chớ gì bạn và tôi dám đến ‘làm cho Ngài vui’ với những éo le, khổ đau trong cuộc sống mình từ gia đình, con cái, cộng đoàn… đến sức khoẻ, công việc, và cả những đam mê, tính hư nết xấu; thậm chí cả những tội lỗi! Ngài cũng sẽ ‘chỗi dậy’ ít nữa là vì sự quấy rầy mà cho chúng ta tất cả những gì chúng ta cần! Và dễ thương hơn cả, Ngài sẽ ban cho chúng ta quà tặng lớn nhất, Chúa Thánh Thần, Đấng Ngài đã hứa ở cuối dụ ngôn.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con quỵ luỵ khi phải ‘nhón chân kéo chuông’ nhà ai ngoài Nhà Chầu. Chúa lấy làm vui khi con quấy rầy, một sự ‘quấy rầy dễ thương’ Chúa mãi trông!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Chúa mời gọi ta đến dự tiệc cưới
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
15:00 11/10/2023

SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN - A
Chúa mời gọi ta đến dự tiệc cưới
(Mt 22, 1-14)

Tiệc Nước Trời

Lời Chúa qua miệng tiên tri Isaia vang lên thật là vui đối với dân Do Thái khi họ đang sống trong một hoàn cảnh thật đen tối. Chưa bao giờ họ cảm thấy tuyệt vọng như thế. Họ buồn sầu, ứa lệ và thất vọng vì họ không còn đền thờ, không còn quê hương xứ sở, lễ tiến lễ hương cũng chẳng còn. Cảnh lưu đày đã kéo dài bao năm tháng, họ không còn nghĩ đến Giêrusalem nữa, mà có nghĩ đến thì cũng chỉ nghĩ để mà than mà khóc : “Bờ sống Babylon ta ra ngồi nức nở mà tưởng nhở Sion” (Tv 136,1).

Isaia loan báo : “Ngày ấy, Chúa các đạo binh sẽ thết tất cả các dân trên núi này một bữa tiệc đầy thịt rượu, thịt thì béo, rượu thì ngon. Trên núi này, Người sẽ cất khăn tang bao trùm muôn dân và tấm khăn liệm trải trên mọi nước. Người tiêu diệt sự chết đến muôn đời. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt, và cất bỏ khỏi toàn mặt đất sự tủi hổ của dân Người” (Is 25,6-9).

Cảnh hạnh phúc Nước Trời viên mãn tràn đầy trong thời sau hết Isaia đã mô tả là một bữa tiệc có những món ăn cao lương mỹ vị, bê béo, rượu ngon Thiên Chúa chuẩn bị cho hết thảy mọi người không phân biệt ai. Tiệc Nước Trời. Người đến dự chẳng những được thưởng thức những thức ăn ngon, mà còn được cất khỏi mọi buồn sầu tủi hổ, tang chế. Những lời trên thức tỉnh lòng dân.

Kẻ thù lớn nhất của con người là sự chết vì nó lấy đi tất cả những gì con người có. Đối diện với cái chết, con người không thể làm gì khác là đành chấp nhận. Nhưng khi Đấng Thiên Sai tới, Người sẽ đánh bại thần chết, và đem lại sự sống muôn đời cho con người. Lời sấm của Isaia đã bắt đầu được thực hiện khi Chúa cứu dân lưu lạc trở về. Nó được thực hiện thật sự với thời Ðấng Thiên Sai, khi Chúa Cứu Thế đến, và chỉ rõ ràng vào thời sau hết, thời cánh chung.

Thiên Chúa dọn, mời

Thiên Chúa đã mở tiệc khoản đãi mọi dân tộc khi ban ơn cứu độ cho loài người trên mặt đất này. Trước tiên dân Dothái qua việc sai các tiên tri đến mời, nhưng họ từ chối không đến. Ngài lại sai tiếp các tiên tri nữa đến với lời mời trang trọng và tha thiết : "Này ta đã dọn tiệc sẵn rồi, đã hạ bò và súc vật béo tốt rồi, mọi sự đã sẵn sàng: xin mời các ông đến dự tiệc cưới" (Mt 22,4). Nghĩa là ơn cứu độ đã hoàn thành. Chúa có ý nói đến công cuộc cứu thế của Ðức Kitô đã làm xong trên thập giá. Và như vậy chúng ta phải hiểu lớp tiên tri thứ hai được sai đi đây là chính các Tông đồ của thời Tân Ước, những người được sai đi trước là các Tiên tri Cựu Ước. Nhưng như họ đã không nghe Môsê và các tiên tri, thì bây giờ người Do Thái cũng từ chối luôn lời mời của các Tông đồ. Họ viện những lý do thông thường của những kẻ quen sống ích kỷ, không biết tạm hoãn những công việc riêng để đến chia sẻ niềm vui "cả đời mới có một lần" của một gia đình có tiệc cưới. Họ chẳng những không đến, họ còn đập đánh và giết chết nhiều sứ giả Tin Mừng của Ðức Kitô. Và điều này có ý nói rằng : người Do Thái đã bắt bớ và giết hại nhiều Tông đồ của Hội Thánh. Họ tệ hơn cả cha ông họ. Thế nên Thiên Chúa đã phải thịnh nộ cho quân xâm lăng tới, giày xéo thành trì của họ vào năm 70. Chắc chắn thánh Matthêu đã muốn ám chỉ biến cố này khi viết những lời trên. Và rõ ràng người muốn khẳng định rằng : Tin Mừng từ nay sẽ được đem đến rao giảng cho các dân ngoại. Hết mọi dân đều được đưa vào Hội Thánh; và như vậy, lời tiên tri Isaia đã thực sự được thực hiện.

Y phục phải xứng đáng

Có một điều khiến người ta không khỏi thắc mắc và tìm lời giải đáp cho người được mời không mặc y phục lễ cưới, họ vào và bị đức vua ra lệnh: "Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng! " (Mt 22, 13). Họ đang ở ngã ba đường, đầy tớ đức vua tình cờ gặp họ, mời họ vào bất luận họ là ai, sao lại đòi họ phải có y phục lễ cưới?

Áo cưới mà Tin Mừng nói tới ở đây là áo nào? Có phải các bí tích không? Hay là Phép Rửa tội? Vì không chịu phép Rửa tội, không ai có thể đạt tới Thiên Chúa được, nhưng có một số người lãnh nhận phép Rửa tội, không đến cùng Thiên Chúa... Có thể là bàn thờ hay điều người ta lãnh nhận từ bàn thờ không? “Vì kẻ ăn và uống, mà không phân biệt được Thân mình, tức là ăn và uống án phạt cho mình” (1Cr 11, 29). Vậy thì là cái gì? Ăn chay ư? Những kẻ gian ác cũng làm thế. Đi nhà thờ ư? Những kẻ gian ác cũng đi nhà thờ như bao người khác … Vậy áo cưới này là áo nào?

Ở đây, người vào dự tiệc cưới không thụ động, chấp nhận vào thì phải tìm cách thể hiện mình xứng đáng, và đó là áo cưới. Ơn cứu độ là phổ quát, đồng ý để được cứu độ là chấp nhận sống theo những đòi hỏi của Nước Trời, áo cưới vừa thể hiện sự đồng ý, vừa chứng tỏ trách nhiệm của chúng ta.

Đời sống luân lý không phải là điều kiện duy nhất để được cứu độ, Maria Mađalêna, Giakêu và nhiều người khác được mời, họ đã hoán cải để trở nên xứng đáng với Chúa hơn. Áo cưới là những điều tốt, người dự tiệc phải có. Người được mời đến dự tiệc cưới không đơn giản chỉ ăn, nhưng chia sẻ niềm vui với họ hàng hai bên, mừng hạnh phúc cho đôi bạn trẻ, nên phải có y phục xứng đáng.

Áo cưới được hiểu là biểu tượng của sự hoán cải. Sách Khải Huyền nói đến sự thánh và việc lành là chiếc áo bao phủ chúng ta (Kh 19,8). Thánh Giêrônimô thì nói : “Áo cưới, là những thánh chỉ của Chúa, và việc làm được thực hiện theo luật của Tin Mừng là chiếc áo cưới mới”. Áo cưới chính là “Đức Kitô Vị Hôn Phu” thánh Phaolô khuyên : “anh em hãy mặc lấy Ðức Kitô” (Gl 3, 27).

Lạy Chúa, ước gì ân sủng Chúa vừa mở đường cho chúng con đi, vừa đồng hành với chúng con luôn mãi, để chúng con sốt sắng thực hành những điều Chúa truyền dạy. Amen.

 
Mặc lấy Chúa Ki-tô
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
19:31 11/10/2023


Để dạy chúng ta sống xứng đáng là Ki-tô hữu, Chúa Giê-su kể dụ ngôn sau đây: Một vua nọ mở tiệc cưới cho hoàng tử. Ông đã mời nhiều khách đến dự tiệc, nhưng họ khước từ không đến vì đủ mọi lý do.

Thế rồi vua sai tôi tớ đi khắp các ngã đường, gặp bất kỳ ai, bất luận tốt xấu, đều mời vào dự tiệc và thế là phòng cưới chật ních khách mời.

Sau đó, vua rảo qua một vòng quan sát khách dự tiệc, chợt thấy có người không mặc y phục lễ cưới. Vua liền sai tôi tớ bắt trói y lại, tống khứ ra ngoài, vào nơi khóc lóc đau thương...

Vị vua nầy tượng trưng cho Thiên Chúa. Phòng tiệc cưới tượng trưng cho Hội thánh. Mọi người đều là khách quý được Thiên Chúa mời dự tiệc cưới, nghĩa là gia nhập vào Hội thánh của Ngài.

Nhờ ơn Chúa, chúng ta được diễm phúc gia nhập vào Gia đình cao quý thánh thiện nầy, và một khi đã gia nhập, chúng ta phải mặc y phục xứng hợp với tư cách người nhà của Thiên Chúa, là mặc lấy Chúa Ki-tô.

Nếu không đáp ứng điều kiện nầy, chúng ta sẽ bị trừng phạt như nhà vua trừng phạt một khách dự tiệc không mặc y phục lễ cưới trong dụ ngôn trên đây.

Khi mặc đồ tang chế mà đi dự tiệc cưới, người ta nghĩ là bạn bị khùng và xua đuổi bạn tức khắc. Khi bước vào bệ kiến đức vua mà còn mặc nguyên bộ đồ ngủ thì không khỏi bị kết tội khi quân. Khi bước vào quân ngũ mà ăn mặc rách rưới như kẻ bần cùng, thiếu tác phong quân nhân, thì bạn sẽ bị tống cổ ra ngay vì làm ô danh quân đội.

Hội thánh của Chúa luôn mở rộng cửa tiếp nhận tất cả mọi người từ khắp muôn phương, bất luận sang hèn tốt xấu. Nhưng một khi đã gia nhập đại Gia đình nầy, các thành viên phải cởi bỏ tấm áo xấu xa để khoác lên người trang phục xứng đáng, nghĩa là phải có những phẩm chất phù hợp với Tin mừng.

Một con sâu tuy nhỏ nhưng cũng đủ để làm rầu nồi canh. Vài ba giọt mực tuy không nhiều nhưng cũng đủ để làm hư tấm vải trắng. Chỉ một ít tín hữu sống trái nghịch với Tin mừng và giáo huấn Hội thánh, cũng đủ để làm cho khuôn mặt của Giáo hội trở nên méo mó, khó thương.

Vì thế, một khi đã gia nhập Hội thánh mà cách ăn nết ở không phù hợp thì chúng ta sẽ bị Thiên Chúa lên án nặng nề. Đoạn Tin mừng sau đây nhắc nhở chúng ta điều đó:

“Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, mới hỏi người ấy: Nầy bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?” Người ấy câm miệng không nói được gì. Nhà vua liền bảo những người phục dịch: “Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”

Trong ngày lãnh bí tích Thánh tẩy, là ngày chính thức gia nhập Hội thánh, chúng ta cũng được mời gọi mặc lấy Chúa Ki-tô. Bấy giờ, linh mục chủ sự thay mặt Hội thánh trao cho chúng ta tấm áo trắng với lời kêu gọi: “Con đã trở nên tạo vật mới và đã mặc lấy Chúa Ki-tô. Vậy con hãy nhận chiếc áo trắng nầy, hãy mang lấy và giữ nó tinh tuyền cho đến khi ra trước toà Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, để con được sống muôn đời.” Lạy Chúa Giê-su,

Xin giúp chúng con đừng luyến tiếc áo cũ đã hoen ố vì vô vàn thói xấu tật hư. Xin ban thêm sức mạnh để chúng con dứt khoát cởi bỏ nó và quyết tâm mặc lấy áo mới, mang những tâm tình cao đẹp như Chúa, biết thứ tha, yêu thương và phục vụ như Chúa… Nhờ đó, chúng con sẽ được cùng với Chúa dự tiệc vui muôn đời. Amen.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
 
Cần một tấm lòng
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
23:35 11/10/2023
CẦN MỘT TẤM LÒNG

(Chúa Nhật XXVIII TN A)

Một trong những cung cách giảng dạy của các danh sư là dùng các câu chuyện kể. Khi sinh thời, Chúa Giêsu cũng đã từng làm người kể chuyện. Cách kể chuyện của Chúa hẳn rất có duyên khiến cho đám đông thính giả say sưa nuốt từng lời, từng câu nói. Chúa Nhật XXVIII TN A này, Mẹ Hội Thánh cho chúng ta nghe lại câu chuyện Chúa Giêsu kể năm nào: “Nước Trời giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho hoàng tử. Đến hẹn, vua sai gia nhân đi mời quan khách...”.

Ngày xưa, đi dự tiệc cưới của hoàng cung có phải mang theo quà cáp hay phong bì gì chăng? Ngày nay rất nhiều người cứ đến mùa cưới là như trong tư thế sẵn sàng đi trả nợ đời. Cứ mỗi tấm thiệp mời ăn cưới là một tờ giấy báo nợ không hơn cũng chẳng kém. Tìm được lý do hợp lý để thoái thác tham dự một tiệc cưới là kể như lập một chiến công, dù không trọn vẹn, vì cũng phải nhờ người gửi quà biếu, nhưng chí ít cũng tiết kiệm được một buổi công làm. Tuy nhiên hầu hết đây là những trường hợp “được hoặc bị mời”, kiểu phải đáp lễ, ít có liên hệ họ hàng hay thân thuộc.

Trở lại với câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể. Được đức vua mời dự tiệc cưới của hoàng tử quả là một vinh dự to lớn mà nhiều người thời phong kiến hằng ước ao. Không chỉ vì được nhà vua sủng ái mà người được mời còn có nhiều vận hội lớn, mỗi khi được dịp vào hoàng cung. Hơn nữa, ngôn sứ Isaia đã minh nhiên nói rõ sự hào phóng của đức vua: Thịt thì béo, rượu thì ngon mà khỏi phải trả đồng nào (x.Is 25,6; 55,1). Thế mà những người được mời lại hờ hững và từ chối với những lý do không chút gì tương xứng: đi thăm nông trại, đi buôn bán. Có kẻ lại bắt đầy tớ của vua mà hành hạ và giết chết! Đây là chuyện như không tưởng vì là loại trọng tội đáng bị tru di cửu tộc.

Chuyện hình như không thể xảy ra trong đời thường thì lại rất có thể có trong đời sống đức tin, và thực sự đã hiển nhiên với lịch sử đoàn dân được tuyển chọn ngày xưa. Israel được Thiên Chúa ưu ái mời gọi đến hưởng nhận bao ân phúc của Người, dù họ chỉ là một dân nhỏ bé giữa các dân, chẳng có gì xứng đáng. Tất thảy chỉ vì tình Chúa bao la. Chúa sủng ái họ cách đặc biệt hơn các dân. Thế mà khi sai các đầy tớ là các sứ ngôn đến mời gọi thì họ lại chối từ và còn nhẫn tâm hãm hại các ngài. Chính sự vô tình và sự nhẫn tâm của họ đã kết án họ, đã loại họ ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa. Và rồi muôn dân khắp thiên hạ đã được mời vào dự tiệc của Thiên Chúa. Thiên hạ sẽ từ Đông chí Tây, từ Bắc chí Nam đến dự tiệc Nước Thiên Chúa, còn con cái trong nhà sẽ bị loại ra ngoài (x.Lc 13,28-29. Người ta bị loại ra chỉ vì thiếu một tấm lòng.

Chúa Giêsu kể thêm một câu chuyện khác cũng về tiệc cưới của hoàng tử. Khi đức vua vào phòng tiệc thì thấy một người không mặc y phục lễ cưới. Đi dự một đám cưới mà trên người chỉ có chiếc “may – ô” và cái quần cộc hay với bộ đồ đen của “đám tang” thì quả là xấc xược với đôi tân hôn, với chủ tiệc và với cả quan khách. Lại còn ương ngạnh, không thèm trả lời khi được chất vấn, thì quả là người chẳng coi ai ra gì. Đi dự một lễ hội, tiệc tùng hay đình đám thì chuyện mặc y phục gì, kiểu dáng ra sao, màu sắc thế nào…không nguyên là để làm đẹp bản thân mà tiên vàn là để tôn trọng chủ nhà, tôn trọng nội dung, bầu khí buổi lễ, buổi tiệc…Đã là người biết nghĩ, thì không ai ăn mặc hở hang, lòe loẹt đi dự đám tang và cũng chẳng có ai mặc toàn màu đen đi dự đám cưới.

Nguời không biết nghĩ đến kẻ khác thì không xứng đáng dự tiệc nước trời, vương quốc của tình yêu. Vào đạo, gia nhập Hội Thánh…mà chỉ biết lo cho bản thân mà thôi, cho dù là phần rỗi linh hồn mình, thì không xứng đáng lãnh nhận ân tình của Chúa. Chốn khóc lóc và nghiến răng là nơi dành cho những kẻ chỉ biết sống cho riêng mình.

Trước tình cảnh đất nước nhiễu nhương vì nạn tham nhũng, gian dối, bạo lực, bất công… là đồng bào, là người con cùng một dạ mẹ tổ quốc, chúng ta có dừng lại ở một vài xuýt xoa, than thở, tán gẫu vỉa hè…để rồi phủi tay xem như chuyện của người khác phải lo, phải liệu, chứ không phải của tôi? Hiện nay khỏi lữa chiến tranh vẫn còn phủ đầy nhiều quốc gia trên thế giới như ở Nga và Ukraina, Israel và Palestin. Sóng gió vẫn còn bủa vây con thuyền Giáo hội ngay khi Thượng Hội Đồng “hiệp hành” đang diễn ra. Hy vọng rằng sẽ chẳng có ai đóng khung các mối lo toan bằng vòng tay “an phận”của bản thân hay các cánh cửa của mái nhà riêng mình.

Được làm con cái Chúa thì phải lấy danh Chúa làm trọng. Nguyện xin cho danh Cha cả sáng. Được làm tín hữu trong Hội Thánh thì phải mến yêu người mẹ sinh ta trong đức tin. Xin gìn giữ Hội Thánh Chúa trong chân lý và bình an. Được làm con dân nước Việt thì phải đồng hành với dân tộc trong mọi hoàn cảnh lịch sử. Xin cho quê hương được thái bình thịnh vượng trong công lý. Những lời cầu xin cũng là những ý chỉ giúp định hướng cuộc đời chúng ta, hành vi của chúng ta. Tin Mừng cho chúng ta thấy rằng sau mỗi lần cầu nguyện thì Chúa Giêsu không “khoanh tay ngồi chờ” nhưng Người “săn tay áo” lên để nỗ lực thực thi thánh ý Cha trên trời. Sau khi hiểu được cái giá phải trả để thực thi công trình cứu độ thì Chúa Giêsu đã “cương quyết lên Giêrusalem (x.Lc 9,51).

Lạy Chúa xin cho chúng con có một tấm lòng.

(Ban Mê Thuột)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi hòa bình và mời gọi đôi bên hãy kiềm chế …
Thanh Quảng sdb
03:15 11/10/2023
Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi hòa bình và mời gọi đôi bên hãy kiềm chế …

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi hòa bình ở Thánh địa và nói rằng Israel có quyền tự vệ, nhưng khẳng định rằng bạo lực không thể đạt được một nền hòa bình lâu dài!

(Tin Vatican - Devin Watkins)

Phát biểu tại buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư (11/10/2023), Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ “sự đau buồn và quan ngại” đối với cuộc chiến đã nổ ra giữa Israel và Hamas, một tổ chức chiến binh Hồi giáo hoạt động ở Palestine.

Đức Thánh Cha khóc thương nhiều người đã thiệt mạng và bị thương.

ĐTC nói: “Tôi cầu nguyện cho những gia đình đang mừng ngày lễ kỷ niệm biến thành tang thương và tôi mời gọi hãy thả các con tin ngay lập tức”.

Các chiến binh Hamas đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ vào phía nam của nước Israel vào thứ Bảy, khi người Do Thái kỷ niệm ngày lễ Simchat Torah, hay “niềm vui của Kinh Torah”.

Hamas đã bắt giữ hàng chục con tin trong cuộc tấn công vào Israel và đe dọa sẽ xử tử họ nếu chính phủ Israel tấn công vào các khu vực của giải Gaza.

Bạo lực không thể dẫn đến hòa bình

Trong lời kêu gọi, Đức Thánh Cha Phanxicô thừa nhận rằng “những người bị tấn công có quyền tự vệ”.

Tuy nhiên, ngài bày tỏ lo ngại về “cuộc bao vây toàn diện mà người Palestine phải đối diện ở Gaza, nơi có nhiều nạn nhân vô tội”.

Israel tuyên bố "bao vây toàn diện" Gaza, đe dọa sẽ cắt nguồn điện, thực phẩm, nước và khí đốt.

Đức Thánh Cha mời cả hai bên hãy kiềm chế với hy vọng đạt được giải pháp cho cuộc chiến.

ĐTC nói: “Chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan không giúp đạt được giải pháp cho cuộc xung đột giữa người Israel và người Palestine, mà còn khơi dậy hận thù, bạo lực và báo thù, gây ra đau khổ cho cả đôi bên”.

Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc lời kêu gọi hòa bình ở Trung Đông bằng lời kêu gọi tình huynh đệ và đối thoại.

Ngài nói: “Trung Đông không cần chiến tranh mà cần hòa bình, một nền hòa bình được xây dựng trên công lý, đối thoại và lòng can đảm của tình huynh đệ”.
 
Bài Giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô: Niềm đam mê truyền giáo: Thánh Josephine Bakhita: chứng nhân cho sức mạnh biến đổi của ơn tha thứ của Chúa Kitô
Vũ Văn An
13:26 11/10/2023

Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô, sáng thứ tư, ngày 11 tháng 10, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về Niềm đam mê truyền giảng Tin Mừng qua gương sáng của Thánh Josephine Bakhita: chứng nhân cho sức mạnh biến đổi của ơn tha thứ của Chúa Kitô. Sau đây là nội dung bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Trong hành trình dạy giáo lý về lòng nhiệt thành tông đồ - chúng ta đang suy gẫm về lòng nhiệt thành tông đồ -, hôm nay chúng ta muốn được linh hứng bởi chứng tá của Thánh Josephine Bakhita, một vị thánh người Sudan. Thật không may, trong nhiều tháng Sudan đã bị xâu xé bởi một cuộc xung đột vũ trang khủng khiếp mà ngày nay người ta ít nói đến; Chúng ta hãy cầu nguyện cho người dân Sudan để họ được sống trong hòa bình! Nhưng danh tiếng của Thánh nữ Bakhita đã vượt qua mọi ranh giới và đến được với tất cả những người bị chối bỏ danh tính và phẩm giá.

Sinh ra ở Darfur – Darfur bị hành khổ! – năm 1869, ngài bị bắt cóc khỏi gia đình khi mới 7 tuổi và phải làm nô lệ. Những kẻ bắt giữ ngài gọi ngài là “Bakhita”, có nghĩa là “may mắn”. Ngài đã trải qua tám người chủ - người này bán cho người khác... Những đau khổ về thể xác và tinh thần mà ngài phải chịu khi còn nhỏ đã khiến ngài không còn danh tính. Ngài phải chịu đựng sự tàn ác và bạo lực: trên cơ thể ngài có hơn một trăm vết sẹo. Nhưng chính ngài đã làm chứng: "Là một nô lệ, tôi không bao giờ tuyệt vọng, bởi vì tôi cảm nhận được một sức mạnh mầu nhiệm đã nâng đỡ tôi".

Đối diện với điều này, tôi tự hỏi: bí quyết của Thánh Nữ Bakhita là gì? Chúng ta biết rằng người bị thương, đến lượt mình, thường gây thương tổn; người bị áp bức dễ dàng trở thành kẻ áp bức. Thay vào đó, ơn gọi của những người bị áp bức là giải phóng bản thân và những kẻ áp bức họ bằng cách trở thành những người phục hồi nhân tính. Chỉ nơi sự yếu đuối của những người bị áp bức, sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa vốn giải phóng cả hai mới được mạc khải. Thánh Bakhita diễn đạt sự thật này rất hay. Một ngày nọ, người dìu dắt ngài đưa cho ngài một tượng chịu nạn nhỏ, và ngài, vì chưa bao giờ sở hữu bất cứ thứ gì, nên đã khư khư giữ nó như một báu vật. Nhìn tượng, ngài trải nghiệm một sự giải phóng nội tâm bởi vì ngài cảm thấy được hiểu và được yêu và do đó có khả năng hiểu và yêu: đây là sự khởi đầu. Ngài cảm thấy được thấu hiểu, ngài cảm thấy được yêu thương và do đó ngài có khả năng hiểu và yêu thương người khác. Thực vậy, ngài nói: "Tình yêu của Thiên Chúa luôn đồng hành với tôi một cách huyền nhiệm... Chúa đã yêu thương tôi rất nhiều: chúng ta phải yêu thương mọi người... Chúng ta phải có lòng cảm thương!". Đó là linh hồn của Bakhita. Quả thật, thương xót vừa có nghĩa là đau khổ với những nạn nhân của biết bao sự vô nhân đạo đang hiện diện trên thế giới, vừa thương xót những người phạm sai lầm, bất công, không phải biện minh mà là nhân bản hóa. Đây là sự âu yếm mà ngài dạy chúng ta: nhân bản hóa. Khi chúng ta đi vào luận lý đấu tranh, chia rẽ giữa chúng ta, những cảm giác tồi tệ, người này chống lại người kia, chúng ta đánh mất nhân tính. Và nhiều khi chúng ta nghĩ mình cần có nhân tính, cần nhân bản hơn. Và đây là công việc mà Thánh Bakhita dạy chúng ta: nhân bản hóa, nhân bản hóa chính mình và nhân bản hóa người khác.



Thánh Bakhita, người đã trở thành Kitô hữu, đã được biến đổi bởi lời lẽ của Chúa Kitô am ngài vốn suy niệm hàng ngày: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Đó là lý do tại sao ngài nói: “Nếu Giuđa xin Chúa Giêsu tha thứ thì ông ấy đã được thương xót rồi”. Chúng ta có thể nói rằng cuộc đời của Thánh Bakhita đã trở thành một dụ ngôn hiện sinh về sự tha thứ. Thật đẹp biết bao khi nói về một người “bà ấy có khả năng, bà ấy có khả năng luôn tha thứ”. Và quả thực, ngài luôn có thể làm được điều đó: cuộc đời ngài là một dụ ngôn hiện sinh về sự tha thứ. Hãy tha thứ vì khi đó chúng ta sẽ được tha thứ. Đừng quên điều này: sự tha thứ, đó là sự âu yếm của Thiên Chúa dành cho mọi người chúng ta.

Sự tha thứ đã giải phóng ngài. Sự tha thứ trước tiên được nhận bởi tình yêu thương xót của Thiên Chúa, và sau đó sự tha thứ được ban đã làm cho ngài trở thành một người phụ nữ tự do, vui tươi, có khả năng yêu thương.

Bakhita đã có thể trải nghiệm sự phục vụ không phải như ách nô lệ mà như một biểu thức nói lên việc tự hiến tự do. Và điều này rất quan trọng: ngài tự nguyện làm người hầu - ngài bị bán làm nô lệ - rồi ngài tự do lựa chọn trở thành người hầu, mang lên vai gánh nặng của người khác.

Thánh Josephine Bakhita, với tấm gương của mình, chỉ cho chúng ta con đường để cuối cùng thoát khỏi cảnh nô lệ và sợ hãi. Nó giúp chúng ta vạch trần những thói đạo đức giả và tính ích kỷ của mình, vượt qua những oán giận và xung đột. Và ngài luôn khuyến khích chúng ta.

Anh chị em thân mến, sự tha thứ không lấy đi điều gì mà chỉ thêm vào - sự tha thứ thêm gì? – phẩm giá: sự tha thứ không lấy đi của anh chị em bất cứ điều gì nhưng thêm phẩm giá cho con người, nó khiến chúng ta không nhìn chính mình nhưng hướng tới người khác, để thấy họ cũng mong manh như chúng ta, nhưng luôn là anh chị em trong Chúa. Thưa anh chị em, sự tha thứ là nguồn suối của lòng nhiệt thành trở thành lòng thương xót và kêu gọi chúng ta tới sự thánh thiện khiêm nhường và vui tươi, giống như thánh Bakhita
 
Thượng Hội đồng, ngày 9 tháng 10: những người tham gia chuyển sang chủ đề mới
Vũ Văn An
13:46 11/10/2023

Hãng tin Catholic World News, ngày 10 tháng 10 năm 2023, đăng tải bản tin với nội dung như sau về ngày 9 tháng 10 tại Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị:



Vào ngày 9 tháng 10, những người tham gia phiên họp đầu tiên của Thượng Hội đồng Giám mục Thường lệ lần thứ 16 đã hướng sự chú ý của họ đến một chủ đề thảo luận mới: “Làm thế nào chúng ta có thể trở thành một dấu chỉ và công cụ đầy đủ hơn của sự kết hiệp với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất giữa nhân loại?”

Giai đoạn đầu tiên của Thượng Hội đồng (4-7 tháng 10) được dành để thảo luận về đơn vị thảo luận đầu tiên của Thượng hội đồng (Đối với một Giáo hội đồng nghị: Một kinh nghiệm toàn diện). Đơn vị thảo luận thứ hai của Thượng Hội đồng (“Hiệp thông, tham gia, sứ mệnh: Ba vấn đề ưu tiên của Giáo hội Thượng Hội đồng”) được chia thành ba chủ đề:

• B1. Một sự hiệp thông tỏa sáng: Làm thế nào chúng ta có thể trở thành dấu chỉ và khí cụ trọn vẹn hơn của sự kết hiệp với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại?

• B2. Đồng trách nhiệm trong sứ mệnh: Làm thế nào chúng ta có thể chia sẻ tốt hơn các hồng ân và nhiệm vụ phục vụ Tin Mừng?

• B3. Sự tham gia, quản trị và thẩm quyền: Những tiến trình, cơ cấu và tổ chức nào trong một Giáo hội truyền giáo có tính đồng nghị

Thượng phụ Maronite giảng về ‘thu hoạch’ và ‘người lao động’ của Thượng Hội đồng

Vào buổi sáng, những người tham gia tập trung tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô để cử hành Phụng vụ Thánh theo nghi thức Byzantine. Đức Thượng Phụ Youssef Absi, người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Melkite, chủ trì phụng vụ, và Đức Hồng Y Be-chara Boutros al-Rahi, Thượng Phụ của Giáo hội Maronite, đã thuyết giảng.

Suy gẫm lời Chúa dạy “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”, Đức Thượng phụ Maronite nói rằng:

"Mùa gặt thách thức chúng ta với tư cách là một phiên họp thượng hội đồng được nhận diện như sau. Thí dụ, xây dựng một nền hòa bình công bằng nơi có chiến tranh đẫm máu trên hành tinh của chúng ta; chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta trước tình trạng biến đổi khí hậu; chống lại một hệ thống kinh tế gây ra sự bóc lột, bất bình đẳng và lãng phí; hỗ trợ những người bị bách hại thậm chí đến mức tử đạo; chữa lành các vết thương do lạm dụng: tình dục, kinh tế, thể chế, quyền lực, lương tâm; đề cao phẩm giá chung của con người, bắt nguồn từ phép rửa làm cho chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa; đào sâu các mối quan hệ huynh đệ với các Giáo hội và các cộng đồng giáo hội khác; thực hành nền văn hóa gặp gỡ và đối thoại với tín đồ của các tôn giáo khác; bác ái ưu tiên cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật; thúc đẩy việc chăm sóc mục vụ đầy đủ cho những người ly hôn tái hôn; những người trong cuộc hôn nhân đa thê; đặt người trẻ vào trung tâm của các chiến lược mục vụ; đánh giá cao sự đóng góp của người cao tuổi vào đời sống cộng đồng Kitô giáo và xã hội: quả thật mùa gặt rất lớn!

“Chúng ta đọc trong Tài liệu làm việc rằng trong một phiên họp thượng hội đồng, Chúa Kitô hiện diện và hành động, biến đổi lịch sử và các sự kiện hàng ngày, ban Thánh Thần để hướng dẫn Giáo hội tìm ra sự đồng thuận về cách cùng nhau bước đi hướng tới Vương quốc và cách thức để giúp nhân loại tiến lên theo hướng hiệp nhất”, Đức Hồng Y Thượng Phụ al-Rahi nói tiếp. “Những người thợ gặt là các giám mục, linh mục, phó tế, nam nữ thánh hiến, giáo dân đã được rửa tội: mọi người cần được đào tạo theo cách thức tiến hành đồng nghị”.

Đức Hồng Y Hollerich giới thiệu chủ đề thứ hai của Thượng Hội đồng

Sau khi những người tham gia tập trung tại Phòng Yết kiến Phaolô VI, Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, SJ, tổng tường trình viên của Thượng Hội đồng, đã giới thiệu đơn vị thảo luận B1 (“Một sự hiệp thông lan tỏa: Làm thế nào chúng ta có thể trở thành dấu chỉ và công cụ đầy đủ hơn của sự kết hợp với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất của toàn thể nhân loại?”).

Đức Hồng Y Hollerich giải thích rằng thành phần của 35 nhóm làm việc của Thượng Hội đồng đã thay đổi để thảo luận về đơn vị thảo luận thứ hai. “Bạn nhận ra điều này ngay khi ngồi xuống bàn của mình,” ngài nhận xét. “Lần này, các nhóm được thành lập dựa trên các sở thích về cả ngôn ngữ lẫn chủ đề.”

Ngài cũng giải thích rằng các nhóm làm việc khác nhau sẽ xem xét các câu hỏi khác nhau.

Ngài nói: “Không giống như đơn vị thảo luận đầu tiên, các nhóm không đi theo cùng một lộ trình, mà mỗi nhóm chỉ giải quyết một trong năm Bảng Câu Hỏi mà Tài liệu làm việc đặt ra trong Phần B1”. Năm bảng tính được dành cho các chủ đề sau:

• B 1.1 Làm thế nào việc phục vụ bác ái và dấn thân cho công lý cũng như chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta nuôi dưỡng sự hiệp thông trong một Giáo hội đồng nghị?

• B 1.2 Làm thế nào một Giáo hội đồng nghị có thể khiến lời hứa rằng “tình yêu và sự thật sẽ gặp nhau” (Tv 85:11) trở nên đáng tin cậy?

• B 1.3 Làm thế nào mối quan hệ trao đổi ân phúc năng động giữa các Giáo hội có thể phát triển?

• B 1.4 Làm thế nào một Giáo hội đồng nghị có thể hoàn thành sứ mệnh của mình thông qua một cam kết đại kết được đổi mới?

• B 1.5 Làm thế nào chúng ta có thể nhận ra và thu thập được sự phong phú của các nền văn hóa và phát triển đối thoại giữa các tôn giáo dưới ánh sáng của Tin Mừng?

“Chúng ta là những người đầu tiên hiệp thông với Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần,” Đức Hồng Y Hollerich nói. “Chúa Ba Ngôi là nền tảng của mọi sự hiệp thông. Thiên Chúa Ba Ngôi đã tạo dựng nên nhân loại, mỗi con người; và Thiên Chúa này, Đấng là tình yêu, yêu thương toàn thể tạo vật, mọi tạo vật và mọi con người một cách đặc biệt.”

Ngài tiếp tục: “Tình yêu của Thiên Chúa lớn lao đến nỗi quyền năng cứu độ của Người chính là cách mà tình yêu của Người tữ biểu lộ. Là Giáo hội, là dân Chúa, chúng ta đang ở trong tính năng động cứu rỗi này. Và bên trong tính năng động này là nền tảng của sự hiệp nhất giữa nhân loại. Lịch sử bản thân của mỗi người và sự đa dạng của kinh nghiệm nhân loại của chúng ta, được thu thập theo cách thức đồng nghị, giúp chúng ta hiểu rõ hơn các câu hỏi mà Phần B1 của Tài liệu làm việc nêu ra và cố gắng tìm ra câu trả lời”.

Sau khi chia sẻ giai thoại về một gia đình nhập cư châu Phi không cảm thấy được chào đón trong cộng đồng giáo xứ châu Âu, Đức Hồng Y Hollerich nhấn mạnh rằng “tất cả đều được mời trở thành thành viên của Giáo hội”.

Tại Ngày Giới trẻ Thế giới ở Lisbon, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc lại những chữ “todos…todos” [mọi người, mọi người]. Và trong bài giảng của ngài tại Thánh lễ khai mạc Phiên họp của chúng ta: “tutti… tutti” [mọi người, mọi người]. Trong sự hiệp thông sâu sắc với Chúa Cha qua Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu đã mở rộng sự hiệp thông này đến với tất cả mọi tội nhân. Chúng ta có sẵn sàng làm điều tương tự không? Chúng ta có sẵn sàng làm điều này với những nhóm có thể khiến chúng ta khó chịu vì cách sống của họ dường như đe dọa danh tính của chúng ta không? Todos... tutti... Nếu chúng ta hành động giống như Chúa Giêsu, chúng ta sẽ làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa dành cho thế giới. Không làm được như vậy sẽ khiến chúng ta trông giống như một câu lạc bộ có bản sắc riêng.

Điều này có ý nghĩa gì đối với chủ nghĩa đại kết? Làm thế nào chúng ta có thể sống đức tin Công Giáo của mình theo cách mà sự hiệp thông sâu sắc mà chúng ta cảm nhận được trong buổi cầu nguyện trước khi tĩnh tâm không phải là một ngoại lệ đẹp đẽ, mà trở thành thực tại bình thường? Làm thế nào chúng ta có thể sống đức tin sâu sắc trong nền văn hóa của mình mà không loại bỏ những người thuộc các nền văn hóa khác? Làm thế nào chúng ta có thể cùng với những người nam nữ thuộc các truyền thống đức tin khác dấn thân cho công lý, hòa bình và sinh thái toàn diện?

Khi mỗi nhóm làm việc xem xét một trong năm câu hỏi trong Bảng Câu Hỏi, Đức Hồng Y Hollerich khuyên những người tham gia nên đặt ưu tiên vào kinh nghiệm.

Ngài nói: “Chúng ta cần suy nghĩ, chúng ta cần suy gẫm, nhưng sự suy gẫm của chúng ta không nên mang hình thức một chuyên luận thần học hay xã hội học. Chúng ta cần bắt đầu từ những kinh nghiệm cụ thể, kinh nghiệm bản thân của chúng ta và trên hết là kinh nghiệm tập thể của dân Chúa đã lên tiếng qua giai đoạn lắng nghe.”

Suy ngẫm: Cha Timothy Radcliffe và giáo sư Anna Rowlands

Sau đó, những người tham gia Thượng Hội đồng đã nghe “nhập lượng thiêng liêng” từ Cha Timothy Radcliffe, OP, “nhập lượng thần học” từ giáo sư Anna Rowlands, và bốn chứng từ.

Trong suy tư thiêng liêng của mình, Cha Radcliffe, cựu bề trên Dòng Đa Minh (1992-2001), đã nói về cuộc gặp gỡ của Chúa Kitô với người phụ nữ Samaria.

“Làm thế nào để chúng ta trở thành những người đầy nhiệt huyết—đam mê phúc âm, tràn đầy tình yêu thương lẫn nhau—mà không có tai họa?” Cha Radcliffe hỏi. “Đây là câu hỏi căn bản cho việc đào tạo của chúng ta, đặc biệt là đối với các chủng sinh của chúng ta. Tình yêu của Chúa Giêsu dành cho người phụ nữ vô danh này đã giải phóng cô. Cô trở thành nhà truyền giáo đầu tiên nhưng chúng ta không bao giờ nghe nói đến cô ấy nữa”.

“Một Giáo hội đồng nghị sẽ là một Giáo hội trong đó chúng ta được đào tạo cho một tình yêu không chiếm hữu: một tình yêu không chạy trốn người khác cũng như không chiếm hữu họ; một tình yêu không lạm dụng cũng không lạnh lùng,” ngài nói tiếp và nói thêm:

Rất nhiều người cảm thấy bị loại trừ hoặc bị gạt ra ngoài lề trong Giáo hội của chúng ta bởi vì chúng ta đã gán cho họ những nhãn hiệu trừu tượng: ly dị và tái hôn, người đồng tính, người đa thê, người tị nạn, người châu Phi, tu sĩ Dòng Tên! Một ngày nọ, một người bạn đã nói với tôi: ‘Tôi ghét nhãn mác. Tôi ghét mọi người bị nhốt trong hộp. Tôi không thể tuân theo những người bảo thủ này.’ Nhưng nếu bạn thực sự gặp ai đó, bạn có thể trở nên tức giận, nhưng sự căm ghét không thể được duy trì trong một cuộc gặp gỡ thực sự có tính bản thân. Nếu bạn nhìn thoáng qua nhân tính của họ, bạn sẽ thấy người tạo ra họ và duy trì họ tồn tại với tên là TA HIỆN HỮU .

Nền tảng của cuộc gặp gỡ yêu thương nhưng không chiếm hữu của chúng ta chắc chắn là cuộc gặp gỡ của chúng ta với Chúa, mỗi người tại giếng nước riêng của mình, với những thất bại, yếu đuối và ước muốn của chúng ta. Người biết chúng ta như thế nào và cho chúng ta tự do gặp gỡ nhau bằng một tình yêu giải phóng chứ không kiểm soát. Trong sự thinh lặng cầu nguyện, chúng ta được giải thoát.

Trong suy tư thần học của mình, Giáo sư Anna Rowlands của Đại học Durham (Anh) đã nói về sự hiệp thông, “thực tại về sự sống của chính Thiên Chúa, sự hiện hữu của Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Theo nghĩa này, đó là điều có thực nhất: nền tảng của thực tại và nguồn gốc sự hữu thể của Giáo hội”.

Bà nói tiếp: “Việc tham gia vào đời sống hiệp thông là vinh dự và phẩm giá của cuộc đời chúng ta. Hiệp thông là cách chúng ta hiểu mục đích cuối cùng của Thiên Chúa dành cho toàn thể nhân loại: thu hút tạo vật mà Người yêu quý trở nên hoàn thiện hơn bao giờ hết vào cuộc sống của chính Người, trong vòng tay ôm ấp, và qua việc làm đó, để sai chúng ta đi canh tân bộ mặt trái đất.”

Bà nói thêm, sự hiệp thông “là vẻ đẹp của sự đa dạng trong sự hiệp nhất, hiện hữu trong những thực tại cụ thể, hữu hình” và “là sự tham gia gắn kết chúng ta với những người khác xuyên thời gian và không gian.”

Các chứng từ

Sônia Gomes de Oliveira (chủ tịch Hội đồng Giáo dân Toàn Quốc Batây), Tổng Giám Mục Chính thống giáo Job của Pisidia (Đại diện thường trực của Tòa Thượng phụ Đại kết tại Hội đồng Giáo hội Thế giới), Cha Clarence Davedassan (Malaysia), và bà Siu Wai Vanessa Cheng (một giáo dân Công Giáo đến từ Hồng Kông) sau đó đưa ra các chứng từ.

Tổng Giám Mục Job đã vẽ ra một sự tương phản rõ rệt giữa việc thực hành đồng nghị ở phương Đông và Thượng hội đồng mà ngài đang chứng kiến ở Rome (xem bản tin hôm qua trên Vietcatholic: https://vietcatholic.net/News/Html/285315.htm.)

Cha Davedassan nói về kinh nghiệm của Giáo hội tại Châu Á trong bối cảnh có sự đa dạng tôn giáo và sự bất khoan dung ngày càng gia tăng.

Ngài nói: “Trong khi các nỗ lực xây dựng cầu nối và hòa giải đang diễn ra, chúng ta cũng phải đối mặt với tình trạng bất khoan dung về tôn giáo và xã hội ngày càng gia tăng, dẫn đến đàn áp, điều kiện sống của người dân ngày càng tồi tệ và thậm chí là các mối đe dọa đối với mạng sống con người. Giữa những cơ hội và thách thức, những giáo hội bị bách hại này vẫn trung thành với Thiên Chúa theo những cách thức mới mẻ và sáng tạo. Mặc dù sống trong điều kiện thiểu số và đôi khi khắc nghiệt, các giáo hội ở Châu Á nhìn thấy hy vọng cho tương lai và cố gắng trở thành những biểu thức đích thực của sự hiệp thông, sự tham gia và sứ mệnh – đối với một giáo hội đồng nghị”.

Trong lời chứng ngắn gọn của mình, bà Cheng đã suy gẫm về tính đồng nghị và văn hóa châu Á. Bà giải thích:

Đối với người châu Á, nguyên tắc căn bản quan trọng nhất ủng hộ việc “lắng nghe” là TÔN TRỌNG, vì vậy cần có thái độ tôn trọng khi chúng ta lắng nghe và đối thoại, biện phân và quyết định. Nói như vậy, chúng ta cũng phải lưu ý rằng nhiều nền văn hóa châu Á không ủng hộ sự thẳng thắn vì nhiều lý do, chẳng hạn như sợ mắc sai lầm và mất “thể diện”, không được xã hội chấp nhận, bị coi là có vấn đề, thiếu tôn trọng và thách thức trước mọi loại quyền lực, v.v. Kết quả là, nhiều tín hữu có thể có xu hướng giữ im lặng thay vì bày tỏ quan điểm và mối quan tâm của mình. Vì vậy, chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn đến những người im lặng vì một lý do nào đó.
 
Thượng Hội đồng, ngày 10 tháng 10: các tham dự viên thảo luận chủ đề thứ 2, bầu chọn các thành viên chủ chốt
Vũ Văn An
17:34 11/10/2023

Theo bản tin của hãng tin Catholic World News ngày 11 tháng 10 năm 2023, vào ngày 10 tháng 10, những người tham gia phiên họp đầu tiên của Thượng Hội đồng Giám mục thường lệ lần thứ 16 tiếp tục thảo luận về chủ đề thứ hai của Thượng hội đồng: “Làm thế nào chúng ta có thể trở thành dấu chỉ và công cụ đầy đủ hơn của sự kết hiệp với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất của nhân loại?”



Tại một cuộc họp báo, Paolo Ruffini, Bộ trưởng Bộ Truyền thông, cho biết rằng vào ngày hôm trước, những người tham gia Thượng Hội đồng đã bầu ra một số thành viên của hai ủy ban.

Ủy ban Báo cáo Bản Tổng hợp

Theo quy định của Thượng Hội đồng (Điều 14), Ủy ban Báo cáo bản Tổng hợp gồm có Tổng tường trình viên, người chủ trì; Tổng thư ký; Thư ký đặc biệt được ủy quyền giám sát công việc của các Chuyên gia-Thần học, là thư ký của nó; bảy Thành viên do Hội đồng bầu chọn và ba Thành viên khác do Giám Mục Rôma bổ nhiệm.”

Công việc của ủy ban rất quan trọng vì kết quả của phiên họp đầu tiên của Thượng hội đồng (4-29 tháng 10) sẽ hình thành chương trình nghị sự cho phiên họp thứ hai của Thượng hội đồng vào tháng 10 năm 2024.

Các thành viên đương nhiên của ủy ban, được thành lập theo quy định của Thượng Hội đồng, là Đức Hồng Y Jean-Claude Hol-lerich, SJ (chủ tịch), Đức Hồng Y Mario Grech, và Cha Riccardo Battocchio.

Bảy thành viên được bầu chọn bởi những người tham gia Thượng Hội đồng là

• Đức Hồng Y Fridolin Ambongo Besungu (Cộng hoà Dân chủ Congo)
• Đức Hồng Y Jean-Marc Aveline (Pháp)
• Đức Hồng Y Gérald Cyprien Lacroix (Can-ada)
• Đức Tổng Giám Mục José Luis José Luis Azuaje Ayala (Venezuela)
• Giám mục Anthony Mackinlay (Úc)
• Giám mục Mounir Khairallah (Lebanon)
• Cha Clarence Sandanaraj Davedassan (Ma-laysia)

Ba thành viên được Đức Giáo Hoàng Phaxicô bổ nhiệm là

• Đức Hồng Y Giorgio Marengo (Mông Cổ)
• Cha Giuseppe Bonfrate (Ý)
• Sơ Patricia Murray (Ái Nhĩ Lan)

Hãng tin CNA đã công bố hồ sơ tóm tắt của từng thành viên của ủy ban này.

Ủy ban thông tin

Ủy ban Thông tin, theo quy định của Thượng Hội đồng, “bao gồm: Chủ tịch và Thư ký, do Giám Mục Rôma bổ nhiệm; Tổng thư ký; các Phó Tổng thư ký; Tổng tường trình viên; các Thư ký Đặc biệt; Bộ trưởng Bộ Truyền thông; Giám đốc Phòng Báo chí; cũng như bảy Thành viên do Hội đồng bầu ra; mà Giám đốc Truyền thông của văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng được bổ sung vào đó” (Điều 11).

Các thành viên được bầu bởi những người tham gia Thượng Hội đồng là

• Đức Hồng Y Víctor Manuel Fernández (bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin)
• Đức Hồng Y Joseph Tobin (Hoa Kỳ)
• Đức Tổng Giám Mục Andrew Nkea Fuanya (Cameroon)
• Giám mục Pablo Virgilio David (Philip-pines)
• Giám mục Anthony Randazzo (Úc)
• Cha Antonio Spadaro, SJ (Phó tổng thư ký, Bộ Văn hóa và Giáo dục)
• Cha Khalil Alwan (Lebanon)

Họp báo

Những người tham gia cuộc họp báo cho biết các thành viên Thượng Hội đồng đang thảo luận về các chủ đề sau:

• giáo dục
• môi trường
• đa văn hóa
• “đồng hành với những người bị gạt ra ngoài lề xã hội và những người di cư”
• người nghèo
• buôn người
• loại trừ xã hội

Đức Hồng Y Joseph Tobin, CSSR, của New-ark (NJ) nói với các phóng viên rằng tại Thượng Hội đồng, “mọi thứ không đến với chúng ta từ trên cao, nhưng đó là một quá trình bắt đầu từ phía dưới, từ sự tham gia của dân Chúa, và lên đến trên cùng. Tôi không cảm thấy bị bó buộc hay bị còng tay”.

Đề cập đến “cuộc hành hương của những người cảm thấy bị gạt ra ngoài lề xã hội vì xu hướng tính dục của mình”, Đức Hồng Y Tobin dẫn lời một linh mục nói: “Đây là một Giáo Hội đẹp đẽ, nhưng nó đẹp nhất khi các cửa của nó mở ra”.

Đức Hồng Y Tobin cũng chỉ trích “các nhà lãnh đạo dấn thân vào việc xây dựng biên giới” – một tuyên bố đáng chú ý, vì ba ngày trước đó, Hamas đã xâm phạm biên giới Ga-za-Israel và xâm lược Israel.

“Trong một thế giới được đặc trưng bởi chủ nghĩa dân tộc loại trừ, bởi chủ nghĩa bài ngoại, trong đó có những nhà lãnh đạo dấn thânxây dựng biên giới, lựa chọn của Giáo hội là tình huynh đệ, tính đồng nghị, một lựa chọn giúp chúng ta hiểu rằng tất cả chúng ta đều là anh chị em, ” Vatican News viết như thế khi diễn giải nhận xét của Đức Hồng Y. (Theo bài báo bằng tiếng Ý của Vatican News, phần diễn giải chủ yếu bao gồm các trích dẫn trực tiếp, bao gồm cả lời chỉ trích của ngài về “các nhà lãnh đạo dấn thân vào việc xây dựng biên giới.”)

Đức Hồng Y Tobin cũng nói về những hạn chế đối với Thánh lễ Latinh truyền thống. (Vatican News, do Bộ Truyền thông Vatican điều hành, đã bỏ qua bất cứ nhắc nhở nào đến nhận xét của Đức Hồng Y về chủ đề này.)

“Tôi có thể nói rằng cảm giác bị trục xuất là một điều đáng buồn là một phần dấu hiệu của thời đại, không chỉ dành cho những người rất yêu thích Thánh lễ truyền thống,” ngài nói.

Đức Hồng Y Tobin nói thêm:

Đối với những người yêu thích Thánh lễ truyền thống, họ vẫn còn trong điều kiện của hai tự sắc, cũng như các quyết định của Bộ Phụng tự, vẫn có những cơ hội cho nó, nhưng có lẽ không phải là những gì họ đã quen thuộc. Vì vậy, tôi biết nó đã gây ra rất nhiều đau buồn cho những người đặc biệt đồng nhất với Thánh lễ đó, nhưng tôi không nghĩ họ đã bị trục xuất khỏi Giáo Hội Công Giáo.
 
Văn Hóa
Phó Tế Vĩnh Viễn phục vụ cộng đoàn
Pt Phạm Bá Nha
15:07 11/10/2023


PHÓ TẾ VĨNH VIỄN PHỤC VỤ CỘNG ĐOÀN

Cao điểm trong ngày thứ Năm Tuần Thánh khi lập Phép Thánh Thể và chức Linh Mục là Rửa Chân. Chúa Giêsu nói : Vậy, nếu Thày, là Chúa mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau (Ga 13, 13). Căn tính, ơn gọi của Phó Tế Vĩnh Viễn chính là phục vụ.

Ý NGHĨA PHỤC VỤ

Phục vụ là sử dụng khả năng, sức lực, tài khéo của mình làm cho công ích hay giúp người khác thông qua những việc thiết thực. Nhớ đó, con người và cuộc sống được thăng tiến mọi mặt. Hay nói thực tế : phục vụ là giúp đỡ, làm đầy tớ, đồng hành chăm lo cho người khác và quan tâm đến những nhu cầu của họ. Thí dụ : Trong gia đình, ông bà, cha mẹ phục vụ con cháu, hay ngược lại,anh chị em phụng dưỡng lại ông bà, cha mẹ.…Trong cộng đoàn cũng thế.

PHUC VỤ và CHỨC PHÓ TẾ

Phó Tế được định nghĩa theo tiếng Hy Lạp (Diakonos) là người phục vụ :

- Phó Tế là người được giám mục đặt tay trao ban tác vụ thánh để cộng tác với giám mục, linh mục trong việc phục vụ dân Chúa (x. LG 29)
- Thừa tác vụ Phó Tế bắt nguồn từ việc Nhóm Mười Hai tuyển chọn ‘bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và không ngoan’, để đặt tay cầu nguyện và giao cho họ phục vụ việc ăn uống của các tín hữu, đặc biệt các ‘các bà góa Do Thái theo văn hóa Hy Lạp’. Việc làm của họ giúp các Tông Đồ có thời gian để chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Thiên Chúa. (x. Cv 6, 2-6)
(Tự Điển CG, UB GL Đức Tin thuộc HĐGM VN, 2016). (Web side, Lm Giuse Trương Đình Hiền, 3.7.2020)

Danh từ ‘phục vụ’, nhiếu lần, trong nghi thức Phong Chức Phó Tế Vĩnh Viễn, chủ tế dâng lời nguyện :

- Lời nguyện nhập lễ: ‘Lạy Chúa, Chúa đã dạy các thừa tác viên của Hội Thánh Chúa đừng muốn phục vụ nhưng phải phục vụ anh em. Chúng con nài xin Chúa cho các tôi tớ Chúa đây, mà hôm nay được Chúa thương chọn lên chức Phó Tế Vĩnh Viễn, biết khôn ngoan trong hành động, kiên trì trong cầu nguyện và hiền lành trong phục vụ.

- Xin cộng đoàn cầu nguyện: Anh Chị em thân mến, chúng ta hãy khẩn khoản nài xin Thiên Chúa, là Chúa chúng ta, đoái thương đổ tràn ơn phúc lành trên các tôi tớ Chúa đây, là những người mong ước dâng mình phục vụ Hội Thánh.

- Ngỏ lời với các tiến chức Phó Tế Vĩnh Viễn : Các con thân mến, các con sắp lên chức Phó Tế. Chúa đã nêu gương để các con làm theo như Người làm. Vậy, Phó Tế là những thừa tác viên của Chúa Kitô. Đấng ở giữa các môn đệ, như người phục vụ. Các con hết lòng theo thánh ý Thiên Chúa trong lòng mến. Các con hân hoan phục vụ Chúa thế nào thì hãy phục vụ người ta thế ấy.

Trước khi truyền chức, lời trả lời với vị chủ phong của các phu nhân ứng viên lãnh chức :
Bà có bằng lòng cho tôi truyền chức PTVV cho chồng bà không? Thưa, con chấp nhận
Trao quyền chia xẻ Tin Mừng (giảng) trong thánh lễ và dạy Giáo lý
Thày hãy nhận cuốn sách Phúc Âm này của Chúa Kitô,
mà Thày có trách nhiệm rao gỉang
Tin tưởng vững vàng vào lời thày đọc
Hướng dẫn chu toàn những gì thày tin
Và sống đích thực như lời thày dạy.

- Kinh truyền chức Phó Tế Vĩnh Viễn
Lạy Cha là Thiên Chúa toàn năng,
xin nhận lời chúng con. Cha là Đấng ban phát các ơn,
phân phối các phẩm hàm và xếp đặt các chức vụ.
Cha không hề thay đổi mà vẫn canh tân vạn vật.
Từ muôn thưở Cha đã quan phòng xếp đặt mọi sự
Cha đã nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Cha Chúa chúng con,
là lời, là sức mạnh và khôn ngoan của Cha
mà ban phát những điều thích hợp đúng thời đúng lúc.
Thân thể Người là Hội Thánh của Cha được phân biệt bởi nhiều ơn thiêng
và liên kết bởi nhiều chi thể, hiệp nhất cách kỳ diệu nhờ Chúa Thánh Thần.
Cha ban Thân Thể ấy tăng trưởng và triển nở thành Đền Thờ mới mẻ rộng rãi.
Bằng các nhiệm vụ thánh, Cha thiết lập ba cấp bậc thừa tác viên phục vụ Danh Cha,
nhưng Cha đã chọn con cháu Levi từ thuở ban đầu,
để chu toàn thừa tác vụ nơi bàn thánh cũ.
Cũng thế, thời Hội Thánh sơ khai, các Tông Đồ của Con Cha,
được Chúa Thánh Thần tác động, đã chọn bảy người có tiếng tốt giúp đỡ các
ngài trong thừa tác vụ thường ngày,
để các ngài có thể chuyên tâm cầu nguyện
và rao giảng Lời Chúa.
Các ngài đã cầu nguyện
và đặt tay trên đầu những người được chọn ấy,
rồi giao phó cho họ thừa tác vụ bàn ăn.

Lạy Cha, chúng con nài xin Cha
đóai thương cùng nhìn đến các tôi tớ Cha đây
mà chúng con khiêm tốn phong lên chức vụ Phó Tế,
để họ sẽ phục vụ bàn thánh Cha.

LẠY CHA, CHÚNG CON XIN CHA
SAI CHÚA THÁNH THẦN XUỐNG TRÊN CÁC THÀY,
ĐỂ NHỜ NGƯỜI, CÁC THÀY ĐƯỢC BẢY ƠN CHA THÊM SỨC,
SỄ TRUNG THÀNH CHU TOÀN CHỨC VỤ.

Xin cho các Thày được dồi dào các nhân đức Phúc âm:
chân thành yêu thương, lo cho người bệnh và người nghèo,
khiêm tốn thi hành quyền bính, sống đời trong sạch,
tuân giữa kỷ luật đời sống thiêng liêng.
Xin Cha cho nếp sống các Thày chiếu giãi luật Cha để nhờ làm gương về cách ăn nết ở các Thày được dân thánh noi theo.
Và khi nêu bằng chứng lương tâm toát lạnh, các Thày được kiên trì
và vững mạnh trong Đức Kitô, cũng như ở trần gian, noi gương Con Cha là
Đấng không đến được phục vụ nhưng để phục vụ,
các Thày đáng được cùng Người thống trị trên trời.

Người là Đấng hàng sống và hiển trị cùng Cha,
lạy Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần
đến muôn thuở muôn đời. Amen.

Kinh Phụng vụ Thánh Thể:

Vì vậy, lạy Cha, xin khoan hồng chấp nhận lễ vật của chúng con là tôi tớ Cha, và toàn thể gia đình Cha, chúng tôi dâng lên Cha lễ vật này, để có ý cầu cho các tôi Cha đã đoái thương cất nhắc lên chức Phó Tế. Xin khoan dung gìn giữ hồng ân Cha trong các Tân Chức, để những gì các Tân Chức nhận lãnh bởi ơn Cha, sẽ làm cho sinh hoa kết quả siêu nhiên.
(Nghi thức phong chức Phó Tế và Linh Mục. UBGM về Phụng Vụ.
Sai Gòn. 1974. tr 30-64)

Tuyên hứa lại vào lễ Truyền Dầu, thứ Tư tuần Thánh, hàng năm hàng giáo sỹ địa phận đọc lời hứa lại, trong đó có các PTVV :
Con…xin tuyên hứa lại là Phó Tế Vĩnh Viễn, phụ giúp Giám Mục, Linh mục để phục vụ dân Chúa. Dấn thân rao truyền đức tin. Tuân giữ đọc kinh phụng vụ. Thi hành bác ái. (Tờ hát, thức Tư Tuần Thánh, Notre Dame de Paris)

NHÂN ĐỨC CỦA NGƯỜI PHỤC VỤ

Muốn là người phục vụ gương mẫu và tốt cần phải: khiêm nhường, quảng đại, tế nhị, tận tâm, hy sinh quên mình. Như Chúa Giêsu trả lời cho bà mẹ ông Dêbêđê xin cho hai con ngồi bên ngài và nói với các Tông Đồ : ‘Thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân. Những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Ai muốn làm đầu trong anh em phải làm đầy tớ. Cũng như Con Người, đến không phải được phục vụ, mà phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người. (Mt 20, 24-28)


CHÚA GIÊSU CHẤP NHẬN PHỤC VỤ

Từ gia đình Nazareth đến trên Thập Giá, Chúa Giêsu luôn sống trong tinh thần phục vụ, xin trích dẫn 3 trưởng hợp:
- ‘Chúa Giêsu vốn là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận nô lệ, trở nên giống phàm nhân giống như người trần thế. (Pl 2, 6-8)
- Giữa người ngồi ăn và kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai. Hẳn là người ngồi ăn. Thế mà Thày sống giữa anh em như người phục vụ. (Lc 22,27)
- Người còn hạ mình cho đến bằng lòng chịu chết trên thập tự (Pl 2, 8)

GƯƠNG PHỤC VỤ

Trong mùa dịch Covid-19 xin đơn cử 5 trường hợp: 1 linh mục, 1 thày Tiểu Đệ Charles de Foucauld, 1 nữ tu và 2 bác sỹ:

1.Ngày 7.8.2020, Cha Ricardo Antonio Cortez, 43 tuổi, giám đốc ĐCV Oscar Arnulfo Romero của Giáo Phận Zacatecoluca nước Salvador bị ám sát. ĐC giáo phận, Elias Samuel Balanos Evelar tuyên bố ‘đây là cái chết thương tâm’. ĐC khẳng khái lên án và kết tội vụ ám sát đê hèn mà cha gánh chịu. ĐGM mô tả Cha Ricardo là người niềm nở, tận tụy với đoàn chiên cũng như chăm lo giáo dục đào tạo chủng sinh và tín hữu được trao phó. ĐC còn cho hay : cái chết không đúng lúc và tàn bạo của ngài ‘không thể giải thích được’. ĐC nói: máu vô tội của linh mục vô tội tốt lành, một lần nữa thắm gội đất Salvador. Cũng vào dịp kỷ niệm 40 năm Thánh Oscar Arnulfo Romero tử đạo, Ông Cosmo Spessotto và 4 nữ tu bị bắn tại Bắc Mỹ. Một lần nữa giáo phận chúng ta lại chứng kiến đổ máu của mục tử tốt lành tận tụy với đoàn chiên tuôn trào. Đám tang của cha Cortez được cử hành tại nhà thờ Zacatecoluca vào lúc 10g, ngày 8.8.2020.
(Vietcatholic 8.8.2020)

2.Thày Tiểu Đệ Charles de Foucauld, Pierre Rollier Nguyễn văn Thạch (Bỉ 1933 - Việt Nam 2020), người Bỉ, tình nguyện ở lại VN lấy tên VN là Phêrô Nguyễn văn Thạch, qua đời 15.6.2020. Gia đình Anh có 9 người con, có 2 linh mục Dòng Tên, 1 nữ tu Dòng kín và 2 Tiểu Đệ. Chí hướng của Anh là: ‘Tôi muốn rao giảng Tin Mừng không bằng lời nói mà bằng cuộc sống’. Năm 1954, Anh vào nhà tập ở sa mạc El Abiodh, Sahara, Algérie và khấn tạm năm 1955. Năm 1957 Anh qua VN. Năm 1958-1961, Anh học Triết và Thần học ở Toulouse. Anh khấn trọn đời, 1961, ở Farlete, Tây Ban Nha. Năm 1963, Anh trở lại VN, làm việc ở Bến Tàu. Sau 1975, ở Tôn Thất Thuyết, xóm Chiếu, Sài Gòn, đạp xích lô rồi lái xe cần trục, chuyển đồ. Đi làm bằng xe đạp. Anh đã VN hoá, sau 58 năm ở VN. Anh tự cho mình là VN, nói và diễn tả trôi chảy Phúc Âm bằng tiếng Việt. Anh yêu người VN. Mọi người nhớ thương Anh khi dự đám táng. (viết theo Liễu Trương, GXVN, Paris: ‘VN nơi có tiếng gọi của Chúa’)

3. Ngày 19.6. 2020, ĐGH Phanxico đã nhìn nhận Nữ tu Maria Laura Mainetti, người Ý, 60 tuổi, Bề Trên Dòng MTG ở Chivenna, chuyên giúp thanh thiếu niên phạm pháp, bị sát hại là tử đạo vì đức tin Công Giáo. Năm 2008, ĐGH Bênêdictô XVI tán dương sơ đã cống hiến đời và hy sinh mạng sống cầu nguyện cho người sát hại mình.

Ngày 6.6.2020, ba thiếu nữ quen với sơ vì được sơ dạy giáo lý, đã dụ dỗ sơ vào công viên vắng vẻ. Họ thuyết phục sơ, 1 trong ba người cần tâm sự, vì bị hãm hiếp, có thai và phân vân định phá thai. Lúc đầu họ cho vụ giết người này là ‘vì một trò chơi’, nhưng sau đó họ thú nhận họ giết sơ để tế lễ cho ma qủi. Trong công viên, tối, ba cô bắt sơ Mainnetti qùi gối và la hét chửi bới sơ, 1 cô cầm viên gạch đập đầu sơ và rồi liên tục đập đầu sơ vào tường. Đoạn họ dùng dao thay phiên nhau đâm sơ liên tục 19 lần. Trong suốt sát tế đó sơ không ngừng cầu nguyện xin Chúa cho người sát hại mình. Ba cô nhìn nhận lúc đầu muốn giết cha xứ, nhưng khó thực hiện mới nhắm giết sơ Mainnetti. Ba cô mới mãn tù và được tự do. (Vietcatholic 21.6.2020)

4. Ngày 27.7.2020, bác sỹ Mohammed Mashally, 76 tuổi người Ai Cập đã qua đời, vì lao lực và rối loạn tuần hoàn. Ông tốt nghiệp 1967, chuyên bệnh dịch, nhi và nội khoa. Từ ngày ra trường, ông dành trọn đời làm việc tại trung tâm y tế nông thôn tại Tana. Có phòng mạch khám ở bắc Ai Cập. Ông không lấy tiền người nghèo hay ít đồng tượng trưng cho mỗi lần khám. Ông làm việc 15 giờ mỗi ngày. Ông được trao tặng danh hiệu ‘². Công việc của ông được nhiều cơ quan thán phục. Khi còn sống hay yếu sức bác sỹ vẫn tiếp tục làm việc. Nhiều phóng sự và TV, báo chí nói tới hoạt động bác ái của ông. Chính phủ trao tặng ông nhiều huy chương hay bằng danh dự.
Các giáo sư y khoa Ai Cập đã mô tả vị bác sỹ này như là tấm gương cho nhân loại. Bác sỹ đã hiến mình phục vụ bệnh nhân nghèo tới giây phút cuối đời. Trong đám táng rất đông dân chúng tiễn đưa. Các giáo trưởng Hồi Giáo công nhận Bs Mashally xứng đáng công chúng yêu thương và kính phục. (Vietcatholique, 29.6.2020)

5. Ngày 9.7.2020, mục sư Tin Lành Luis Alberto Galiego cùng làm việc và là bạn đã chụp được hình Bác sỹ gây mê Nestor Ramirez Arrieta ở Colombia, đang lần Chuỗi trong góc service sau ca nghỉ ngắn hạn khi làm việc. BS bị áp lực cần thiết của bệnh nhân nhiễm covid-19. Bs thường chọn giờ rảnh đọc Thánh Kinh hay lần Chuỗi để nhân viên bác sỹ nhân viên y tế có can đảm kiên tâm làm việc giúp bệnh nhân Bác sỹ. Bức hình bs Lần Chuỗi lan nhanh trên mạng xã hội. (Vietcatholique, 7.8.2020)

Kết luận bằng lời khuyên của Hai Thánh Tông Đồ:

-Thánh Phêrô : Anh em đã được Thiên Chúa tuyển chọn và mời gọi, thì hãy cố gắng hết mình, để làm các ơn đó nên vững mạnh. Có thế anh em không bao giờ vấp ngã, và nhờ đó con đường rộng mở để đón anh em vào Nước vĩnh cửu của Đức Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng cứu độ chúng ta. (2Pr 1, 10-11)

- Thánh Phaolô: Anh hãy nhớ đến Đức Giêsu Kitô. Đấng đã sống lại từ cõi chết. Đấng xuất thân từ dòng dõi Đavít, như tôi vẫn nói trong Tin Mừng tôi loan báo. Đây là lời đáng tin cậy. Nếu ta cùng chết với Người, ta cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cũng hiển trị với Người. Nếu ta chối bỏ Người, Người sẽ chối bỏ ta. Nếu ta trung tín, Người vẫn một lòng trung tín. Vì Người không thể nào chối bỏ chính mình. (2Tm 2, 8, 11-13)
 
Church Documents
Cẩm Hạnh - News 12 October 2023
VietCatholic Media
20:11 11/10/2023
1. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy giải thích lý do ông bất ngờ có mặt ở Brussels

Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, cho biết ông lo ngại rằng hậu quả của cuộc tấn công của Hamas vào Israel và tình hình chính trị Hoa Kỳ, có thể đe dọa sự hỗ trợ quân sự cho đất nước của ông, khi ông có chuyến thăm bất ngờ tới Brussels, nơi các bộ trưởng quốc phòng NATO gặp nhau vào hôm nay.

Cuộc gặp gỡ của NATO tại Brussels là dành cho các Bộ trưởng Quốc phòng, không phải cho các nguyên thủ quốc gia.

“Tôi muốn thành thật với các bạn, tất nhiên đây là một tình huống nguy hiểm đối với người dân Ukraine,” ông nói trong chuyến thăm đầu tiên tới trụ sở NATO kể từ cuộc xâm lược năm 2022 của Nga.

Zelenskiy nói với các phóng viên tại quốc hội Bỉ:

Nếu trên thế giới còn xảy ra những thảm kịch khác thì chỉ có một lượng hỗ trợ quân sự nhất định để chia sẻ, và Nga hy vọng sự hỗ trợ đó sẽ bị chia cắt.

Sẽ có những thách thức với cuộc bầu cử ở Mỹ, và tôi đã nói chuyện với các đối tác của chúng tôi và họ nói rằng sự ủng hộ sẽ tiếp tục, nhưng ai có thể nói chắc chắn rằng sự ủng hộ sẽ tiếp tục, không ai biết được.

2. Ukraine lên án cuộc tấn công tàn bạo của Nga vào trường học

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Năm 12 Tháng Mười, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska, cho biết cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga đã giết chết bốn người ở một trường học Ukraine.

Số người chết trong vụ tấn công hỏa tiễn của Nga vào một trường học ở thị trấn Nikopol, vùng Dnipropetrovsk, miền trung Ukraine đã lên đến 4 người.

Cô nói “Kết quả của cuộc tấn công của Nga là 4 người chết: một người đàn ông 72 tuổi và ba phụ nữ ở độ tuổi 69, 67 và 60”.

Cô cho biết thêm, hai người bị thương đang được hỗ trợ y tế. Cô cho biết các nạn nhân là nhân viên của cơ sở giáo dục này.

Ngoài ra, ngôi trường bị phá hủy một phần.

Đại Úy Alyona Lyutnytska khẳng định rằng tấn công vào một cơ sở giáo dục là một tội ác chiến tranh.

3. Phó Thủ tướng Ukraine trấn an người dân Ukraine rằng Elon Musk không thể tắt SpaceX

Phó Thủ tướng Ukraine, kiêm Bộ trưởng Chuyển Đổi Kỹ thuật số, Mykhailo Fedorov, khẳng định trong một cuộc phỏng vấn với UkrInform, là thông tấn xã của nhà nước Ukraine, rằng Elon Musk không thể tắt SpaceX; và nói chung, có thể tìm thấy một giải pháp thay thế cho thông tin liên lạc vệ tinh do SpaceX cung cấp, nếu cần thiết. Ông nhấn mạnh rằng có rất nhiều lựa chọn.

Có lẽ tất cả mọi người (hoặc gần như tất cả mọi người) đều biết Elon Musk là ai. Trước hết, Musk là chủ sở hữu của SpaceX, Tesla và mạng xã hội X, trước đây là Twitter. Ông cũng là người đã cắt đứt Starlink ở Crimea vào mùa thu năm 2022, do đó làm gián đoạn hoạt động của Lực lượng vũ trang Ukraine chống lại Hạm đội Hắc Hải của Nga.

Fedorov nhấn mạnh rằng điều quan trọng là phải nhớ lại sự kiện ngày 24 tháng 2 năm 2022, khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine. Khi đó các bộ định tuyến Viasat của Mỹ, nơi cung cấp thông tin liên lạc và Internet ở Ukraine, đã bị tin tặc Nga đánh sập một giờ trước cuộc tấn công.

Hai ngày sau, ngày 26/2/2022, Fedorov đã yêu cầu Elon Musk thông qua Twitter (nay là X) cung cấp các trạm liên lạc vệ tinh Starlink. Musk đồng ý. Trong vòng hai ngày, 500 thiết bị đầu cuối đầu tiên đã có mặt ở Ukraine. Sau đó là 2000 chiếc khác, và cùng với chúng là bộ dụng cụ cung cấp năng lượng tự động. Vào tháng 3 năm 2022, truyền hình Ukraine đã phát sóng nhờ Starlink. Musk cung cấp thông tin liên lạc cho đơn vị hoạt động đặc biệt và cho phép bộ chỉ huy Ukraine liên lạc với Bộ chỉ huy hoạt động đặc biệt chung của Hoa Kỳ.

“Chúng ta gần như bị mù và điếc trong những giờ đầu tiên của cuộc xâm lược của Nga, với khả năng liên lạc rất hạn chế. Musk đã kịp thời cung cấp cho Ukraine quyền truy cập vào Starlink. Điều này giúp có thể phối hợp các hoạt động trên chiến trường và tấn công các mục tiêu quân sự với độ chính xác cao”, Fedorov cho biết.

Chúng ta có nên biết ơn Musk vì điều này không? Tất nhiên là nên. Nhưng cần lưu ý rằng ông ấy cũng được hưởng lợi từ điều này: trên thực tế, cuộc chiến của chúng ta đã trở thành cơ hội để Musk thử nghiệm và cải tiến công nghệ.

“Việc các dịch vụ và thiết bị của Starlink đã giúp ích rất nhiều cho chúng ta là một sự thật. Đơn giản là chúng ta không có thời gian để tìm kiếm các giải pháp phức tạp. Chúng ta cần thực hiện mọi thứ một cách nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm chi phí, và đó chính là mục đích của Starlink.”

Vài tháng sau, thông tin xuất hiện về vấn đề Ukraine truy cập Internet thông qua các thiết bị đầu cuối vệ tinh của Musk. Ukraine không phải là bên làm lộ ra thông tin quan yếu này.

Sau đó, Musk đã ra lệnh cho các kỹ sư của mình tắt Starlink trong phạm vi 100 km tính từ bờ biển Crimea. Kết quả là cuộc tấn công của Ukraine đã thất bại.

“Rõ ràng, 'chiến dịch ở Crimea' không được chuẩn bị với sự phối hợp chặt chẽ với các đối tác Mỹ, nếu không sẽ không có vấn đề gì về liên lạc. Musk nói rằng nếu nhận được yêu cầu từ Tòa Bạch Ốc, Starlink sẽ hoạt động ở Crimea”

Nhiều người quên rằng quan điểm của Musk về “ranh giới đỏ” của Nga đã được các chuyên gia và các nhà ngoại giao Mỹ chia sẻ rộng rãi vào thời điểm đó. Việc chính quyền Mỹ hiện đã thay đổi quan điểm về Crimea và các cuộc tấn công của Ukraine vào lãnh thổ Nga không làm thay đổi sự thật rằng quan điểm của Musk đã phản ánh sự đồng thuận liên quan đến cái gọi là ‘ranh giới đỏ’ của Tòa Bạch Ốc vào tháng 9 năm ngoái”.

Thành ra, cũng không thể đổ lỗi cho Musk về chuyện này. Tuy nhiên, làm thế nào để ngăn chặn tình trạng tương tự xảy ra lần nữa trong tương lai là vấn đề mà chúng ta phải suy nghĩ.

“Sau thông tin về vấn đề của Starlink ở Crimea, đã có sự thay đổi đường lối. Ngũ Giác Đài đã phê duyệt một thỏa thuận với SpaceX để mua thiết bị đầu cuối của Ukraine cho Internet Starlink mà Musk sẽ không thể tắt được,” Fedorov nói.

Ông nhấn mạnh rằng Ukraine đã, đang và sẽ nhận được hàng trăm thiết bị đầu cuối và dịch vụ Starlink mới với sự kích hoạt được bảo đảm và không có khả năng can thiệp của nhà lãnh đạo công ty.

Fedorov cho biết: “Ngũ Giác Đài không tiết lộ các điều khoản cụ thể của hợp đồng này vì lý do an ninh, nhưng chúng ta có thể cho rằng hệ thống ở Ukraine hiện phần lớn nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Mỹ”.
 
VietCatholic TV
Putin sẽ bị buộc phải đầu hàng. Hồi kết vụ Nga chọc quê Israel. Diễn biến cuộc chiến Israel-Hamas
VietCatholic Media
03:14 11/10/2023


1. Nga hào hứng cho rằng xe tăng Israel bị Hamas bắn nổ tung. Nhưng thực chất chiếc xe tăng đó là một chiếc T-90M của chính Nga bị Ukraine phá hủy.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “'Israeli Tank' Blown Up in Propaganda Video Is Actually Russia's T-90M”, nghĩa là “'Xe tăng Israel' nổ tung trong video tuyên truyền thực chất là T-90M của Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các nhà tuyên truyền Nga đã cố gắng truyền đi đoạn phim lan truyền trên mạng xã hội về cảnh một chiếc xe tăng được cho là một chiếc Merkava của Israel bị phiến quân Hamas phá hủy. Đó thực ra là một chiếc T-90M của Nga bị nổ tung trong cuộc chiến ở Ukraine.

Đoạn phim xuất hiện trên Telegram vào cuối tuần qua, cùng thời điểm các chiến binh Hamas đang tấn công Israel từ Dải Gaza. Theo thông tấn xã AP, bạo lực đang diễn ra ở đó đã giết chết khoảng 900 người ở Israel và hơn 600 người ở Gaza.

Đoạn video được các kênh Telegram của Nga chia sẻ vào Chúa Nhật, trong đó có phóng viên chiến trường Andrey Rudenko của VGTRK, người có hơn 270.000 người theo dõi.

Rudenko viết: “Hamas đang đốt cháy từng chiếc xe tăng “tốt nhất” trên thế giới.

Đáp lại, nhà báo Ukraine Yurii Butusov hôm thứ Hai cho biết trên kênh Telegram của mình rằng các nhà tuyên truyền Nga đang cố gắng trình chiếu đoạn video quay cảnh một chiếc xe tăng T-90M của chính Nga bị nổ tung để cho rằng đó là một chiếc Merkava của Israel bị Hamas tiêu diệt.

Ông công bố ảnh chụp màn hình các bài đăng trong đó ông cho biết các nhà tuyên truyền Nga đã chia sẻ video. Một số cơ quan báo chí, bao gồm cả ấn phẩm điều tra độc lập của Nga The Insider, đã đưa tin rằng chiếc xe tăng trong đoạn phim là một chiếc T-90M của Nga ở Ukraine; và đoạn phim đó là do một Lữ Đoàn Dù Ukraine đưa ra cho thấy những người lính Ukraine đã bắn cháy những chiếc xe tăng được xem là “tốt nhất” của Nga như thế nào.

Lực lượng phòng vệ Israel đã sử dụng Xe tăng chiến đấu chủ lực Merkava Mk.4 từ năm 2004.

Thông tấn xã nguồn mở Oryx của Hà Lan cho biết kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine bắt đầu vào tháng 2 năm 2022, Nga đã mất ít nhất 2.362 xe tăng, trong đó 1.542 chiếc bị phá hủy, 132 chiếc bị hư hỏng, 138 chiếc bị bỏ lại và 550 chiếc bị bắt giữ.

Trong khi đó, số liệu do Bộ Tổng tham mưu Ukraine công bố hôm thứ Ba cho biết 6 xe tăng Nga đã bị phá hủy trong 24 giờ qua, nâng tổng số xe tăng Nga thiệt hại kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào năm ngoái lên 4.829 chiếc. Các nguồn độc lập đưa ra những con số bảo thủ hơn Kyiv và Nga không công bố số liệu về tổn thất quân sự của mình.

Ukraine thường xuyên tung ra các đoạn phim quay bằng máy bay không người lái cho thấy cảnh phá hủy các thiết bị và phương tiện quân sự của Nga, trong đó có xe tăng.

Lữ Đoàn Dù số 82 Ukraine đã công bố một đoạn video vào tháng 8, ghi lại khoảnh khắc một chiếc xe tăng T-90 của Nga bị phá hủy trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái sau khi vừa rời khỏi một vách đá ở Ukraine.

2. Putin có thể bị buộc phải đầu hàng. Tại sao?

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin May Be Forced to End Ukraine Invasion Under This Condition”, nghĩa là “Putin có thể bị buộc phải chấm dứt cuộc xâm lược Ukraine vì điều này.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân,

Theo một đánh giá kinh tế liên quan đến khả năng của Nga tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine bằng thu nhập từ giá dầu, Vladimir Putin sẽ không thể tiếp tục cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine nếu doanh thu xuất khẩu của Nga sụt giảm trong bối cảnh ngân sách quân sự tăng vọt.

Với cuộc chiến mà Putin đã khơi mào hơn 19 tháng, Bộ tài chính Nga tiết lộ rằng họ sẽ chi 10,8 nghìn tỷ rúp, tức là 108 tỷ Mỹ Kim, cho quốc phòng vào năm tới, tương đương 29% tổng chi tiêu theo kế hoạch và gấp ba lần số tiền phân bổ cho quân đội vào năm 2021.

Forbes Ukraine đã tính toán rằng chi phí mà Nga phải gánh chịu cho đến nay là khoảng 167 tỷ Mỹ Kim và mặc dù con số này chưa bao gồm một số chi phí quốc phòng, nhưng cuộc chiến này ước tính gây thiệt hại trong khoảng từ 100 đến 120 tỷ Mỹ Kim mỗi năm.

Trong một bài bình luận cho tờ Financial Times, Kirill Rogov, giám đốc tờ Review Russia, cho biết số tiền này phần lớn được bù đắp bởi sự tăng vọt của giá dầu thô, là mặt hàng xuất khẩu chính của Nga do chiến tranh bùng nổ.

Ông viết: “Chính những người mua dầu của Nga, chứ không phải nhà nước Nga, là những người phải trả giá cho cuộc xung đột”. Ông lưu ý rằng, bất chấp các lệnh trừng phạt, xuất khẩu của Nga vẫn đạt 590 tỷ Mỹ Kim vào năm ngoái và 460 tỷ Mỹ Kim trong năm nay - cao hơn mức trung bình hàng năm của thập kỷ trước là 430 tỷ Mỹ Kim khi giá dầu thô Brent trung bình là 67 Mỹ Kim một thùng.

Doanh thu xuất khẩu cao hơn này có nghĩa là cho đến nay, Nga không phải mạo hiểm căng thẳng chính trị bằng cách phân phối lại tiền từ các phần khác của ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, “điều này có thể sắp thay đổi”.

Rogov viết rằng việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng và chi tiêu xã hội sẽ khó khăn như thế nào nếu doanh thu giảm xuống mức của năm 2015 và 2020 khi giá dầu trung bình chỉ là 47 Mỹ Kim một thùng và thu nhập từ bên ngoài nước Nga lần lượt chỉ là 330 tỷ Mỹ Kim và 340 tỷ Mỹ Kim.

“Nếu doanh thu xuất khẩu giảm xuống còn 350 tỷ Mỹ Kim, Putin khó có thể tiếp tục cuộc chiến do gánh nặng kép về chi tiêu quân sự và chi tiêu xã hội cao để duy trì sự ổn định trong nước”.

Trong khi giá một thùng dầu thô Brent là 87 Mỹ Kim vào hôm thứ Hai, thì khí đốt, mặt hàng xuất khẩu năng lượng lớn khác của Nga, đang phải đối mặt với sự sụt giảm.

Tập đoàn năng lượng nhà nước Gazprom cho biết các lệnh trừng phạt đã cắt giảm sản lượng khí đốt trong nửa đầu năm 2023 xuống còn 179,45 tỷ mét khối, với mức giảm hàng năm là 24,7% và nguồn cung khí đốt cho thị trường trong và ngoài nước giảm 26,5%.

Gabrielle Reid, phó giám đốc công ty tình báo chiến lược S-RM, nói với Newsweek rằng con số doanh thu xuất khẩu 350 tỷ Mỹ Kim “là một bước ngoặt cho khả năng Nga tiếp tục nỗ lực ở Ukraine, nhưng thực tế hiếm khi đơn giản như vậy”.

“Mặc dù thu nhập xuất khẩu giảm sút đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến khả năng tài trợ cho cuộc chiến của Nga, nhưng đây là con dao cắt đứt cả hai phía. Giá dầu tăng do các sự kiện gần đây ở Israel gây ra có khả năng mang lại thu nhập xuất khẩu tốt hơn cho Nga, từ đó giúp tài trợ cho cỗ máy chiến tranh của Nga.

“Tương tự, giá dầu có thể ổn định nếu xung đột Israel-Hamas lắng xuống, giảm thiểu những khoản thu nhập này và đưa Nga đến gần hơn với bước ngoặt 350 tỷ Mỹ Kim”. “Nga sẽ tìm cách tận dụng giá dầu tăng cao trong khi có thể, nhưng đó chỉ là chuyện chụp giựt tạm thời, triển vọng dài hạn thì chắc chắn sẽ kém hơn nhiều”.

Việc tiếp tục bán dầu cho Ấn Độ và Trung Quốc và tránh thêm các lệnh cấm vận dầu mỏ có thể khiến Điện Cẩm Linh lạc quan rằng nền kinh tế có thể phục hồi bất chấp các lệnh trừng phạt, nhưng chi tiêu xã hội ít hơn và tăng thuế đối với các doanh nghiệp tư nhân sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế.

Reid nói thêm: “Những yếu tố này có thể dẫn đến tình cảm chống chính phủ ngày càng cao và làm hoen ố hơn nữa danh tiếng của Putin trong giới lãnh đạo doanh nghiệp Nga”.

3. Putin rất hào hứng với những diễn biến ở Trung Đông nhưng vẫn quyết liệt đổ lỗi cho Mỹ về xung đột Israel-Hamas

Ký giả Laura Hülsemann của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “Putin blames US for Israel-Hamas conflict”, nghĩa là “Putin đổ lỗi cho Mỹ về xung đột Israel-Hamas”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Iraq, ông Putin gọi cuộc chiến ở Israel là một “thất bại” của Mỹ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ tay vào Mỹ trước xung đột leo thang giữa Israel và Hamas trong tuyên bố công khai đầu tiên kể từ sau các cuộc tấn công của Hamas ở Israel và các cuộc không kích của Israel ở Gaza.

“Tôi nghĩ rằng nhiều người sẽ đồng ý với tôi rằng đây là một ví dụ sinh động về sự thất bại trong chính sách của Hoa Kỳ ở Trung Đông”, ông Putin nói với Thủ tướng Iraq Mohammed Shia’ Al-Sudani hôm thứ Ba, theo tờ Moscow Times. Putin và Tổng thống Iraq đã gặp nhau tại Mạc Tư Khoa để thảo luận về cuộc xung đột hiện tại giữa Israel và Hamas.

Putin nói thêm: “Mỹ đã cố gắng độc quyền điều chỉnh cuộc xung đột nhưng không may lại không quan tâm đến việc tìm kiếm những thỏa hiệp có thể chấp nhận được cho cả hai bên”.

Putin cho biết, Mỹ đã có sẵn những ý tưởng cụ thể về “cách thức thực hiện” và “gây áp lực cho cả hai bên”. Theo tờ Moscow Times, Putin nói thêm: “Tuy nhiên, lần nào cũng không tính đến những lợi ích cơ bản của người dân Palestine”.

Theo tờ Financial Times, Putin nhấn mạnh rằng, vấn đề trong chính sách của Mỹ là không “tính đến lợi ích cốt lõi của người dân Palestine” và nỗ lực tạo ra một nhà nước Palestine độc lập.

Theo tờ Washington Post, Dmitry Peskov, người phát ngôn của Điện Kremlin, hôm thứ Hai đã kêu gọi một “giải pháp hòa bình càng sớm càng tốt”.

Cuộc chiến, dẫn đến số người chết to lớn và ngày càng tăng, có thể khiến phương Tây chuyển hướng hỗ trợ khỏi Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã lặp lại những quan điểm này hôm thứ Hai, đồng thời chỉ trích “những nhà tuyên truyền Nga”.

Ông Zelenskyy nói: “Nga quan tâm đến việc gây ra một cuộc chiến tranh ở Trung Đông, tạo ra một nguồn đau đớn và đau khổ mới có thể làm suy yếu sự đoàn kết thế giới, gia tăng bất hòa và mâu thuẫn, từ đó giúp Nga phá hủy tự do ở Âu châu”.

Hôm thứ Tư, Peskov đã bác bỏ tuyên bố của Zelenskyy là “hoàn toàn không có căn cứ gì cả”, theo tin tức nhà nước Nga.

4. Tổng thống Zelenskiy nói rằng Nga hy vọng sẽ kích hoạt một cuộc chiến tranh ở Trung Đông để “phá hoại sự thống nhất thế giới” và “hủy hoại tự do ở Âu Châu”.

Trong bài phát biểu gởi quốc dân đồng bào hôm thứ Ba 10 tháng 10, Tổng thống Zelenskiy nói rằng Nga đang tràn trề hy vọng, và đang tác động cho một cuộc chiến tranh ở Trung Đông nhằm “phá hoại sự thống nhất thế giới” và “hủy hoại tự do ở Âu Châu”.

Diễn biến này xảy ra sau khi Israel tăng cường các cuộc không kích ở Dải Gaza và cắt nguồn cung cấp nước, thực phẩm và điện, sau các cuộc tấn công của phiến quân Hamas vào cuối tuần khiến hàng trăm người thiệt mạng. Nó cũng xảy ra sau khi Israel tuyên bố có những bằng chứng rõ ràng rằng Iran đã huấn luyện quân khủng bố Hamas trong vòng một năm trước khi xảy ra biến cố 7 tháng 10 vừa qua. Người ta lo ngại rằng, Israel có thể bất ngờ tấn công Iran. Trong quá khứ, Israel đã tấn công Iran nhiều lần nhưng trong bối cảnh hiện nay có âu lo rằng tình hình thế giới sẽ trở nên phức tạp hơn.

Nga có quan hệ ngoại giao lâu đời với Israel nhưng ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ Iran, một nước hậu thuẫn lớn cho Hamas. Cuộc xung đột xảy ra vào thời điểm phương Tây đang nỗ lực cung cấp đủ đạn dược và tiền bạc cho nỗ lực chiến tranh của Ukraine.

Phát biểu trong bài phát biểu hàng đêm của mình, ông Zelenskiy cho biết tình hình này “có tầm quan trọng cơ bản đối với chúng ta, không chỉ đối với Ukraine mà còn đối với toàn bộ Âu Châu”.

Ông nói thêm: “Theo thông tin hiện có – một thông tin rất rõ ràng – Nga quan tâm đến việc gây ra một cuộc chiến ở Trung Đông, để một nguồn đau đớn và đau khổ mới có thể làm suy yếu sự thống nhất thế giới, gia tăng bất hòa và mâu thuẫn, và do đó giúp ích cho Nga” phá hủy tự do ở Âu Châu.

“Chúng ta thấy các nhà tuyên truyền Nga hả hê. Chúng ta thấy những người bạn Iran của Mạc Tư Khoa công khai ủng hộ những người tấn công Israel”.

“Và tất cả những điều này là mối đe dọa lớn hơn nhiều so với những gì thế giới hiện đang nhận thấy. Các cuộc chiến tranh thế giới trong quá khứ đều bắt đầu bằng sự xâm lược cục bộ.”

“Chúng tôi đang chuẩn bị các bước đi thích hợp. Và quan trọng nhất, chúng tôi đang bảo vệ nhu cầu đoàn kết tối đa trên thế giới.”

“Mọi quốc gia trên thế giới giờ đây phải lựa chọn cách thức bảo vệ luật pháp quốc tế. Phòng vệ! Không đứng sang một bên khi khủng bố cố gắng chiếm lĩnh và khi một khu vực khác trên thế giới có thể sụp đổ trước mắt chúng ta.”

5. Thị trấn tiền tuyến Avdiivka của Ukraine bị 'tấn công pháo binh dữ dội'

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Tư 11 Tháng Mười, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết các lực lượng Nga đã mở các cuộc tấn công quanh thị trấn Avdiivka ở miền đông Ukraine, và đã pháo kích dữ dội từ sáng thứ Ba.

Avdiivka, hiện có ít hơn 2.000 người sinh sống, đang phải hứng chịu một “cuộc tấn công bằng pháo binh nghiêm trọng”.

Avdiivka nằm cách thành trì Donetsk do Nga kiểm soát chưa đầy 6 dặm và từ lâu đã trở thành mục tiêu của lực lượng Mạc Tư Khoa.

Ukraine đã cố gắng bám trụ ở thị trấn tiền tuyến này, bất chấp các cuộc tấn công liên tục khiến phần lớn dân chúng phải chạy trốn.

Ông cho biết quân đội Nga đã tiến hành một cuộc tấn công bằng pháo binh vào buổi sáng và bắn không ngừng. Tuy nhiên, các cuộc tấn công trên bộ đã bị đẩy lui.

Trong 24 giờ qua, 450 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 6 xe tăng, 3 xe thiết giáp, 7 hệ thống pháo, 1 hệ thống phòng không.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 10 Tháng 10, 283.080 quân nhân Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Tổn thất của quân xâm lược còn bao gồm 315 máy bay chiến đấu, 316 máy bay trực thăng, 4.829 xe tăng, 5.207 máy bay không người lái, 9.129 xe thiết giáp, 1.530 hỏa tiễn hàng trình, 6.713 hệ thống pháo, 20 tàu chiến, một tàu ngầm, 808 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 9.125 xe chuyển quân và nhiên liệu, 544 hệ thống phòng không, cùng 961 thiết bị chuyên dụng.

6. Tổng thống Zelenskiy đã tới Bucharest để hội đàm với Tổng thống Klaus Iohannis của Lỗ Ma Ni hay còn gọi là Rumani.

Trong cuộc họp báo tại phủ Tổng thống ở Bucharest, Tổng thống Zelenskiy cho biết hai vị đã thảo luận về hợp tác an ninh, các biện pháp tăng cường phòng không của Ukraine và mối quan hệ với các đối tác khác.

Ông nói: “Ukraine rất biết ơn sự hỗ trợ của Lỗ Ma Ni, giúp củng cố nhà nước của chúng tôi, cũng như sự đoàn kết mang tính xây dựng, cho phép các quốc gia của chúng ta trở thành những nhà bảo đảm an ninh cho thế giới, đặc biệt là về an ninh lương thực”.

“Lỗ Ma Ni là một người bạn đã đến giúp đỡ chúng tôi trong ngày đen tối nhất và sự ủng hộ của họ ngày càng mạnh mẽ hơn theo thời gian. Tôi chắc chắn chuyến thăm này sẽ có lợi cho cả hai nước chúng ta”.

Sau cuộc xâm lược Ukraine, hơn 4,5 triệu người đã chạy trốn qua biên giới sang Lỗ Ma Ni. Trong số đó, hơn 220.000 người vẫn ở đó và được cấp quy chế tị nạn hoặc bảo vệ tạm thời, theo số liệu của Liên Hiệp Quốc.

Trong cuộc gặp gỡ Tổng thống Iohannis cho biết sự hỗ trợ của đất nước ông dành cho Ukraine sẽ không “bị giới hạn về mặt thời gian hay bất cứ điều gì khác”.

Ông nói thêm: “Sự hỗ trợ này, sự giúp đỡ này, sẽ có sẵn miễn là cần thiết – sẽ mất khá nhiều thời gian.”

Tưởng cũng nên biết thêm: Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, tuy nằm trong khối cộng sản Đông Âu, Lỗ Ma Ni có quan hệ cấp Đại Sứ với Việt Nam Cộng Hòa từ ngày 26 Tháng Sáu 1969, cho đến ngày 2 Tháng Bẩy, 1976. Kim Thúy nói lại một lần nữa nhé: cho đến ngày 2 Tháng Bẩy, 1976.

7. Lỗ Ma Ni cung cấp pháo binh và phòng không cho Ukraine

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Ba cho biết ông có “tin tốt” về nguồn cung cấp pháo binh và phòng không sau cuộc hội đàm với Tổng thống Lỗ Ma Ni, Klaus Iohannis, ở Bucharest, nhưng không đưa ra thông tin chi tiết.

Ông cho biết: Tăng cường hợp tác quốc phòng, giải quyết vấn đề an ninh Hắc Hải và củng cố các mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn là những chủ đề trong chương trình nghị sự của chúng tôi.

Ông Zelenskiy nói: “Quan hệ đối tác Ukraine-Lỗ Ma Ni là yếu tố ổn định cho Âu Châu và rộng hơn thế nữa.

Chuyến đi này là chuyến đi đầu tiên của Zelenskiy tới quốc gia thành viên NATO và Liên Hiệp Âu Châu kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine vào tháng 2 năm ngoái.

Cuộc xâm lược toàn diện của Nga liên quan đến các báo cáo thường xuyên về các cuộc không kích vào cơ sở hạ tầng cảng và ngũ cốc của Ukraine, bao gồm cả dọc theo biên giới Lỗ Ma Ni.

Khoảng 220.000 người tị nạn Ukraine được ghi danh ở Lỗ Ma Ni, theo chương trình bảo vệ tạm thời của Liên Hiệp Âu Châu.

Phát biểu với các phóng viên ở thủ đô Bucharest, ông nói:

Quan tâm chính của tôi hôm nay là phòng không. Và tôi rất vui vì Ukraine đã được phía Lỗ Ma Ni lắng nghe.

Zelenskiy cũng cho biết nên làm mọi thứ có thể để ngăn chặn Nga biến một phần Hắc Hải hoặc khu vực sông Danube thành nơi mà ông mô tả là “vùng chết” hàng hải.

Nga đã rút khỏi thỏa thuận bảo đảm an toàn cho việc vận chuyển ngũ cốc của Ukraine qua Hắc Hải và tấn công cơ sở hạ tầng cảng của Ukraine trên sông Danube.

8. Hai bộ trưởng Hamas bị thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel

Hơn 1.600 người đã thiệt mạng kể từ cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào Israel cuối tuần trước. Trong một diễn biến mới nhất các cuộc không kích của Israel đã làm hai bộ trưởng Hamas bị thiệt mạng.

Ký giả Nicolas Camut của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “Israeli air strikes kill two Hamas ministers, IDF says”, nghĩa là “Lực lượng phòng vệ Israel cho biết hai bộ trưởng Hamas bị thiệt mạng trong cuộc không kích của Israel”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Lực lượng Phòng vệ Israel, gọi tắt là IDF, cho biết một cuộc không kích của Israel ở Gaza vào hôm thứ Ba đã giết chết hai bộ trưởng của Hamas.

IDF cho biết trong một tuyên bố rằng: “Một máy bay của IDF tối nay đã giết chết Jawad Abu Shamala, Bộ trưởng Bộ Kinh tế của tổ chức khủng bố Hamas”.

“Zakaria Abu Ma'amr cũng bị giết trong một cuộc không kích khác,” và mô tả người quá cố là một trong những “thành viên cao cấp” của văn phòng chính trị Hamas - là cơ quan quản lý chính của nhóm vũ trang Palestine. Abu Ma'amr được tường trình là “nhà lãnh đạo Bộ Quan hệ Quốc gia tại Văn phòng Chính sách của tổ chức khủng bố Hamas ở Dải Gaza.”

Israel cho biết đã phát động cuộc tấn công vào Gaza để trả đũa các cuộc tấn công của Hamas hôm thứ Bảy khiến hơn 900 người thiệt mạng, trong đó có hơn 100 binh sĩ. Các quan chức Israel cho biết có khoảng 100 đến 150 người đang bị bắt làm con tin ở Gaza.

Theo các cơ quan y tế Palestine, kể từ khi tiến hành các cuộc không kích bên trong lãnh thổ Palestine do Hamas lãnh đạo hai ngày trước, Israel đã giết chết hơn 800 người và làm bị thương 4.250 người Palestine, hầu hết là dân thường. Bên cạnh các cuộc không kích vào vùng lãnh thổ đông dân cư, Bộ trưởng Quốc phòng Israel kêu gọi “bao vây toàn diện” Gaza, hạn chế mọi quyền tiếp cận thực phẩm, nhiên liệu và nước uống của hơn 2 triệu người.

Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền Volker Türk cho biết tại Geneva hôm thứ Ba: “Việc áp đặt các cuộc bao vây gây nguy hiểm đến tính mạng của dân thường bằng cách tước đoạt những hàng hóa thiết yếu cho sự sống còn của họ. Điều này bị cấm theo luật nhân đạo quốc tế”.

Đầu ngày thứ Ba, phát ngôn nhân của quân đội Israel tuyên bố quốc hội dân sự và các bộ của Gaza được coi là mục tiêu hợp pháp.

Hamas đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2006 và nắm quyền ở Gaza từ năm 2007 sau khi giành quyền kiểm soát từ Chính quyền Palestine được phương Tây hậu thuẫn và được quốc tế công nhận. Israel đáp trả sự tiếp quản của Hamas bằng cách hạn chế sự di chuyển của người dân ra vào và phong tỏa trên bộ, trên biển và trên không đối với Gaza kể từ năm 2007, kiểm soát biên giới của nước này.

Chính quyền Palestine vẫn chịu trách nhiệm về các khu vực bán tự trị của Bờ Tây bị Israel chiếm đóng.

9. Nỗ lực của Nga quay trở lại cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc thất bại thê thảm sau cuộc bỏ phiếu

Nga đã thất bại trong cố gắng quay trở lại cơ quan nhân quyền hàng đầu của Liên Hiệp Quốc khi Albania và Bulgaria giành được nhiều phiếu hơn tại đại hội đồng.

Nga giành được 83 phiếu, trong khi Albania nhận được 123 phiếu và Bulgaria được 160 phiếu theo thể thức bỏ phiếu kín.

Cuộc bầu cử được coi là một phép thử quan trọng đối với những nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Mạc Tư Khoa về mặt ngoại giao vì cuộc xâm lược Ukraine. Nga đã bị trục xuất khỏi hội đồng nhân quyền có trụ sở tại Geneva 18 tháng trước.

Việc Nga bị đình chỉ vào năm ngoái đã khiến nước này trở thành thành viên thường trực đầu tiên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bị thu hồi tư cách thành viên khỏi bất kỳ cơ quan nào của Liên Hiệp Quốc.

Một quan chức cao cấp của Nga cáo buộc Mỹ đang triển khai những nỗ lực chưa từng có để bảo đảm Nga phải nằm ngoài hội đồng nhân quyền.

Thông tấn xã RIA dẫn lời Maria Zabolotskaya, phó đại diện thường trực của Nga tại Liên Hiệp Quốc, cho biết: “Hoa Kỳ đã vận động cho Albania.

Bà nói thêm: “Một chiến dịch như vậy nhắm trực tiếp vào chúng tôi là chưa từng có”.

Theo Reuters, giữa một số dấu hiệu cho thấy cuộc chiến ở Ukraine đã “mệt mỏi”, một số nhà ngoại giao trước đó cho biết Nga có cơ hội hợp lý để được bỏ phiếu trở lại hội đồng.

Richard Gowan, giám đốc Liên Hiệp Quốc của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, cho biết: “Cuối cùng mọi chuyện thậm chí còn chưa đến mức gần như vậy”.

“Tôi nghĩ các nhà ngoại giao phương Tây có thể đã phóng đại nguy cơ Nga giành chiến thắng để khiến các thành viên Liên Hiệp Quốc phải cảnh giác”.

10. Tại Liên Hiệp Quốc Nga tìm cách biện minh cho cuộc tấn công vào quán cà phê, nhưng lại dẫn đến những phản ứng bất lợi

Trong cố gắng quay trở lại cơ quan nhân quyền hàng đầu của Liên Hiệp Quốc, Đại sứ Nga tại cơ quan quốc tế này tuyên bố rằng hôm thứ Năm 5 Tháng Mười những người theo chủ nghĩa tân phát xít và những người trong độ tuổi quân sự đã tập trung đưa tiễn một người lính Ukraine..

Cuộc tấn công xảy ra tại một quán cà phê ở làng Hroza, khiến 52 người thiệt mạng, bao gồm cả phụ nữ, trẻ em và trong một số trường hợp là cả gia đình. Số người chết lên tới 15% dân số của làng.

Phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc do Ukraine triệu tập hôm thứ Hai, Vassily Nebenzia cho biết người lính này là “một người theo chủ nghĩa dân tộc cao cấp của Ukraine” và rằng buổi lễ có “rất nhiều đồng phạm của tân Quốc xã tham dự”.

Ông nói thêm rằng “nếu chế độ Kyiv tập trung binh lính ở một nơi nhất định thì họ sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp cho các cuộc tấn công”.

Nga đã nhiều lần tìm cách biện minh cho việc xâm chiếm Ukraine bằng cách nói rằng đất nước này cần phải được “phi Quốc Xã hóa”. Ít nhất một trung đoàn bán quân sự chiến đấu với lực lượng Nga ở Ukraine – là Tiểu đoàn Azov – được biết là có nguồn gốc từ phe cực hữu. Tuy nhiên, những tuyên bố về chủ nghĩa phát xít mới của Nga đã bị mất uy tín rộng rãi trên thế giới.

Một số thành viên Liên Hiệp Quốc đã lên án cách giải thích của Vassily Nebenzia.

Nga đã thất bại trong nỗ lực quay lại hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc, vì chỉ giành được 83 phiếu, trong khi Albania nhận được 123 phiếu và Bulgaria được 160 phiếu theo thể thức bỏ phiếu kín.

11. Cảnh sát Bảo Gia Lợi hay còn gọi là Bulgaria đã bắt giữ 12 người bị cáo buộc xuất khẩu trái phép hàng hóa lưỡng dụng sang Nga có thể được quân đội Nga sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine.

Hãng thông tấn AP đưa tin:

Bộ trưởng Nội vụ, Zhivko Kotsev, nói với các phóng viên hôm thứ Ba rằng các nghi phạm bao gồm công dân Bảo Gia Lợi, Nga và Belarus.

Nhà lãnh đạo cơ quan Plamen Tonchev cho biết, hoạt động bắt giữ các nghi phạm được một số cơ quan thực hiện sau khi cơ quan an ninh quốc gia nhận được thông tin về việc vận chuyển trái phép hàng hóa có thể có mục đích sử dụng kép.

Những mặt hàng xuất khẩu như vậy sang Nga bị cấm theo lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu áp đặt lên Nga sau khi nước này phát động cuộc chiến ở Ukraine.

Tonchev cho biết: “Một mạng lưới quốc tế đã bị vạch trần về việc cung cấp bất hợp pháp hàng hóa có công dụng kép với các ứng dụng dân sự và quân sự từ các nước Âu Châu sang Liên bang Nga”.

Ông nói thêm rằng các chuyến hàng này không dành cho quân đội chính quy của Nga mà dành cho các lực lượng đặc biệt đang chiến đấu ở Ukraine, như nhóm Wagner và đơn vị bán quân sự Akhmat.

12. Bộ Quốc phòng Anh cho biết Nga khó có thể tiến hành bất kỳ đợt huy động bổ sung nào trước cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới.

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết như sau:

Cuộc bầu cử tổng thống Nga sẽ diễn ra vào ngày 17 tháng 3 năm 2024. Vladimir Putin gần như chắc chắn sẽ tái tranh cử dù chưa công bố ý định này. Có suy đoán cho rằng chiến dịch bầu cử của Putin sẽ bắt đầu không chính thức vào tháng 11 năm 2023.

Mặc dù các cuộc bầu cử ở Nga chịu sự can thiệp và kiểm soát của Điện Cẩm Linh nhưng chúng vẫn là công cụ then chốt để hợp pháp hóa chính trị.

Gần như chắc chắn rằng chiến dịch tranh cử của Putin sẽ tập trung vào chủ đề nước Nga là một nền văn minh riêng biệt cần được bảo vệ khỏi những đối phương bên ngoài - một câu chuyện thường được sử dụng để biện minh cho hành động của nhà nước và việc củng cố quyền lực của Putin.

Trong quá trình chuẩn bị cho cuộc bầu cử, Điện Cẩm Linh gần như chắc chắn sẽ tìm cách giảm thiểu những động thái chính sách không được lòng dân. Do đó, rất khó có khả năng bất kỳ làn sóng huy động tiếp theo nào sẽ được thực hiện trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3 năm 2024.
 
Hi hữu: Lính Nga tin dị đoan treo ĐẦU HEO trước xe tăng, nhào lên. 24 giờ mất 91 thiết giáp, 34 tăng
VietCatholic Media
17:11 11/10/2023


1. Lính Nga tin dị đoan đến mức treo đầu heo trước xe tăng gây ra những lời chỉ trích dữ dội

“Max Mad” là một bộ phim của Úc Đại Lợi ra mắt năm 1979 với tài tử chính là Mel Gibson. Bộ phim được xem là bộ phim thu được lợi nhuận lớn nhất trong vài thập kỷ sau đó. Cuốn phi mô tả những cảnh tượng kinh hoàng vượt quá trí tưởng tượng, xảy ra sau khi xã hội văn minh của loài người sụp đổ.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Tanks Fortified with Sandbags, Pig Heads Prompt 'Mad Max' Jibes”, nghĩa là “Xe tăng Nga được trang bị thêm bao cát, đầu heo làm dấy lên những lời chế diễu liên quan đến bộ phim 'Max Mad'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Hình ảnh xe tăng Nga ở Ukraine với một số chi tiết bổ sung bất thường đã gây ra sự chỉ trích từ người dùng mạng xã hội và so sánh với những cảnh trong một bộ phim đen tối nổi tiếng Max Mad.

Kênh Telegram của blogger quân sự thân Nga có tên Voenniy Osvedomitel, nghĩa là, Người cung cấp thông tin quân sự, đã đăng tải hình ảnh được cho là một chiếc xe tăng T-80BV với một quân nhân ngồi trước khẩu súng chính, đăm chiêu nhìn về phía trước, không nhìn vào camera.

Các bao cát được đặt ở hai bên xe tăng cạnh tháp pháo trong khi hai đầu heo được cắm trên các chốt kim loại ở cả hai bên thân xe.

Bài đăng cho biết thêm: Chiếc xe tăng đã được “trang trí bằng nhiều thứ rác rưởi khác nhau để có thêm lớp giáp bảo vệ nó khỏi máy bay trực thăng tấn công và máy bay không người lái của Lực lượng Vũ trang Ukraine”.

Tất cả những trò này chỉ là mê tín dị đoan của lính Nga, bởi vì bao cát và đầu heo đều không làm sao chống nổi với hỏa tiễn phóng từ trên máy bay trực thăng hay từ một khẩu phóng hỏa tiễn vác vai của quân Ukraine. Chúng cũng chẳng có tác dụng gì với máy bay không người lái vì các phi công chỉ thả lựu đạn vào nắp xe, khi tổ lái mở nắp ra hít thở không khí.

Hình ảnh chưa được xác minh từ một địa điểm không được tiết lộ đã được đăng vào hôm Chúa Nhật và tính đến thứ Ba đã nhận được hơn 347.000 lượt xem, đồng thời gây ra một cuộc thảo luận sôi nổi trong phần bình luận.

“Đây là một loại Mad Max nào đó,” một người dùng viết, đề cập đến bộ phim năm 1979 với sự tham gia của Mel Gibson trong vai một cảnh sát chuyển sang làm gác dan ở một nước Úc tương lai trong thời kỳ xã hội sụp đổ.

“Phiên bản T-80 Mad Max,” một người khác bình luận. Những người dùng khác cho rằng nó trông giống thứ gì đó trong trò chơi giả tưởng Warhammer hơn, mặc dù một số lưu ý rằng hoạt cảnh này thể hiện một sự “man rợ” nhất định.

Theo Oryx, một trang web nguồn mở chuyên theo dõi tổn thất của cả hai bên, Nga đã mất 104 chiếc T-80 BVM kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine.

Một người dùng mạng xã hội khác cũng đưa ra một so sánh “Mad Max” với một nhóm xe Nga khác có hình ảnh được đăng trên X (trước đây là Twitter) bởi tài khoản Challenger Tank ở Ukraine, chuyên viết về cuộc chiến.

“Đây không phải là một cảnh trong Mad Max! Đó là Quân đội Nga. 5 chiếc T-62M của Nga và một chiếc BTS-4. Cầu mong tất cả bọn họ đều bị diệt vong nhanh chóng!” Bài đăng cho biết, bên cạnh hình ảnh các phương tiện của Nga được bọc trong lồng được cho là để giúp bảo vệ chúng trước máy bay không người lái. Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để bình luận.

Hình ảnh này xuất hiện khi Ukraine tiếp tục cuộc phản công bắt đầu vào khoảng ngày 4/6, nhằm chiếm lại lãnh thổ bị Nga tạm chiếm. Lực lượng Không quân Ukraine hôm thứ Ba cho biết họ đã chặn được 27 trong số 36 máy bay không người lái kamikaze do lực lượng Nga bắn qua đêm ở các tỉnh Odesa, Mykolaiv và Kherson.

Chính quyền Ukraine hôm thứ Ba cũng cho biết các cuộc tấn công bằng nhiều vũ khí của Nga ở 10 khu vực đã giết chết một thường dân và làm bị thương 11 người khác trong 24 giờ qua.

Thống đốc Oleh Kiper cho biết một cuộc tấn công vào Odesa kéo dài ba giờ, làm cơ sở hạ tầng giao thông bị ảnh hưởng nhưng không có thương vong.

2. Ukraine cho biết Nga mất 91 xe thiết giáp, 34 xe tăng trong một ngày

Quân Nga đang đói khát một chiến thắng. Theo các blogger quân sự Nga, đầu ngày thứ Ba 10 tháng 10, ba tiểu đoàn Dù thiện chiến thuộc Lữ Đoàn Dù 76 của Nga đã tiến đánh Avdiivka đang được Lữ Đoàn 72 Cơ Giới Hóa của Ukraine phòng thủ.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Loses 91 APVs, 34 Tanks in a Day: Ukraine”, nghĩa là “Ukraine cho biết Nga mất 91 xe thiết giáp, 34 xe tăng trong một ngày.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thúy Nga.

Quân đội Kyiv hôm thứ Tư cho biết lực lượng Nga ở Ukraine đã mất 91 xe thiết giáp và 34 xe tăng chỉ trong một ngày, trong một sự gia tăng đáng kể về tổn thất của Nga được báo cáo khi cuộc phản công của Ukraine tiến đến những tháng mùa đông khắc nghiệt hơn.

Trong số liệu thống kê cập nhật được công bố hôm thứ Tư, Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết Mạc Tư Khoa đã mất tổng cộng 9.220 xe thiết giáp tại quốc gia bị chiến tranh tàn phá này kể từ tháng 2 năm 2022. Trước đó, hôm thứ Ba, quân đội Ukraine cho biết Nga chỉ mất có 3 chiếc xe thiết giáp trong 24 giờ trước đó. Nhưng con số được báo cáo vào hôm thứ Tư, đã tăng vọt lên 91 chiếc.

Các chiến binh của Điện Cẩm Linh cũng mất 34 xe tăng trong ngày hôm qua, Kyiv cho biết. Điều này nâng tổng số xe tăng Nga bị thiệt hại lên 4.863.

Cuộc chiến đã khiến cả hai bên thiệt hại đáng kể về trang thiết bị quân sự cũng như sinh mạng. Nhưng thật khó để xây dựng một bức tranh chính xác, độc lập về số lượng xe tăng và phương tiện quân sự mà Nga và Ukraine đã mất trong cuộc xung đột cho đến nay.

Hôm thứ Ba, Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân đội Ukraine đã mất tổng cộng 12.448 xe tăng và xe chiến đấu bọc thép kể từ khi quân đội Nga tiến vào Ukraine vào ngày 24/2/2022. Người ta nghi ngờ quân Ukraine có thể có đến số chiến xa khổng lồ như thế.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Tổng tham mưu Ukraine và Bộ Quốc phòng Nga để yêu cầu bình luận qua email.

Sự gia tăng tổn thất được báo cáo này xảy ra nhiều tháng sau cuộc phản công của Ukraine, vốn đang nỗ lực nhằm giành lại quyền kiểm soát của Nga ở miền đông và miền nam Ukraine kể từ đầu tháng 6. Quân đội Ukraine hy vọng sẽ đạt được nhiều thắng lợi trước khi điều kiện mùa thu và mùa đông khắc nghiệt hơn, lầy lội hơn xuất hiện, nhưng với những bước tiến ngày càng tăng dọc theo các điểm của tiền tuyến, những chiến thắng quan trọng đã chậm thành hiện thực đối với các chiến binh của Kyiv.

Các khu vực phía đông Donetsk và phía nam Zaporizhzhia của Ukraine là những điểm nóng giao tranh, trong đó Ukraine tuyên bố kiểm soát một số thị trấn dọc theo tiền tuyến trong vài tháng qua. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã sáp nhập bất hợp pháp 4 khu vực của Ukraine, bao gồm Donetsk và Zaporizhzhia, vào tháng 9 năm 2022, mặc dù lực lượng của ông không kiểm soát hoàn toàn khu vực nào trong số đó.

Hôm thứ Ba, các quan chức Ukraine cho rằng thị trấn Avdiivka ở Donetsk do Ukraine kiểm soát, gần tiền tuyến phía đông, là tâm điểm của các cuộc tấn công mới của Nga.

Nhà lãnh đạo chính quyền quân sự Avdiivka Vitaliy Barabash nói với Agence France-Presse: “Trong hơn một năm, có nguy cơ (Avdiivka) có thể bị tạm chiếm, nhưng hiện tại tình hình đã trở nên căng thẳng”.

Andriy Yermak, nhà lãnh đạo văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Ba rằng “Avdiivka của chúng tôi đang bị pháo binh và máy bay Nga tấn công hàng loạt”, đồng thời cho biết lực lượng Nga đang tấn công các tòa nhà dân cư trong thị trấn.

Bộ Tổng tham mưu Ukraine hôm thứ Tư cho biết có tới ba tiểu đoàn Nga, cùng với xe tăng và xe thiết giáp, đã tăng cường các hoạt động xung quanh Avdiivka, nhưng cho biết các chiến binh của Kyiv đã “đẩy lùi mọi cuộc tấn công của đối phương và ngăn chặn việc mất các tuyến và vị trí”.

Hôm thứ Tư, Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân đội Mạc Tư Khoa đã phá hủy 3 khẩu súng cối của Ukraine ở Adviivka và các làng xung quanh.

“Các lực lượng Nga đã tiến hành các hoạt động tấn công cục bộ ở khu vực Avdiivka”, Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, của Mỹ cho biết trong bản cập nhật mới nhất. Tuy nhiên, tổ chức nghiên cứu này không thể xác nhận bất kỳ lợi ích nào của Nga xung quanh Avdiivka, mặc dù đã xuất hiện các cảnh quay về các cuộc đụng độ xung quanh thị trấn, ISW cho biết.

ISW cho biết thêm: “Việc bao vây thành công Avdiivka, một trong những khu vực được phòng thủ kiên cố nhất ở tiền tuyến tỉnh Donetsk, rất có thể sẽ cần nhiều lực lượng hơn mức mà Nga hiện đang dành cho nỗ lực của Thành phố Avdiivka-Donetsk”.

3. Tân Tổng Tham Mưu Trưởng Hoa Kỳ đã đến Brussels vào thứ Ba để tham dự cuộc họp hàng tháng về hỗ trợ toàn cầu cho Ukraine

Tướng không quân Charles Q. Brown, người đảm nhận chức Tổng Tham Mưu Trưởng Liên Quân vào tháng trước, đã đến Brussels vào thứ hôm Ba để tham dự cuộc họp hàng tháng về hỗ trợ toàn cầu cho Ukraine, được gọi là Nhóm Liên lạc Ukraine.

Reuters đưa tin, ông sẽ cùng đi với Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Lloyd Austin.

Vị tướng phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là bảo đảm với các đồng minh rằng Mỹ vẫn cam kết hỗ trợ Ukraine, mặc dù Hạ viện, cơ quan nắm giữ chìa khóa viện trợ trong tương lai, không có người lãnh đạo.

Tình hình càng trở nên phức tạp hơn do bạo lực leo thang vào cuối tuần qua ở Trung Đông.

Chính quyền của ông Joe Biden đã nhiều lần nhấn mạnh sự ủng hộ đối với Ukraine và sẽ công bố gói vũ khí mới cho Kyiv trong thời gian các lãnh đạo quân sự có mặt tại Brussels.

Tướng Brown nói: “Trong vài ngày tới, tôi sẽ có các cuộc họp để trấn an các đối tác của chúng tôi.”

“Tôi nhận ra những gì đang diễn ra ở Mỹ, trên đồi Capitol. Đồng minh sẽ có những thắc mắc và quan ngại”, ông nói thêm.

4. Israel dạy cho Putin một bài học về động viên dân chúng. Trong 48 giờ, 300.000 người nhập ngũ.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Israel Gives Putin a Sharp Lesson in Military Mobilization”, nghĩa là “Israel dạy Putin bài học sắc bén về huy động quân sự.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Israel cho biết họ đã huy động thành công con số kỷ lục 300.000 quân dự bị trong 48 giờ - một thành tích khiến Nga phải mất hàng tháng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố huy động một phần dân chúng cho cuộc chiến của ông ta ở Ukraine vào mùa thu năm ngoái.

Lực lượng Phòng vệ Israel, gọi tắt là IDF, công bố kế hoạch huy động lực lượng trong một tuyên bố trên truyền hình sau khi các chiến binh Hamas tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ trên nhiều mặt trận từ Dải Gaza vào miền nam Israel hồi cuối tuần qua.

Phát ngôn nhân quân đội trưởng, Chuẩn đô đốc Daniel Hagari hôm thứ Hai cho biết 300.000 quân nhân dự bị đã được quân đội triệu tập kể từ thứ Bảy. Ông nói thêm rằng Israel “chưa bao giờ điều động nhiều quân dự bị với quy mô như vậy” và “chúng tôi đang tiến hành tấn công”. Newsweek vẫn chưa chứng minh được con số này.

300.000 người này đại diện cho 3% dân số Israel, và theo tờ The Jerusalem Post, đây là cuộc động viên lớn nhất trong lịch sử đất nước.

Đó cũng là số lượng chiến binh mà Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết sẽ được điều động để chiến đấu ở Ukraine như một phần trong lệnh huy động một phần mà ông đã công bố vào mùa thu năm 2022.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết vào ngày 21 tháng 9 năm ngoái rằng Nga sẽ nhắm tới 300.000 quân nhân dự bị và cựu quân nhân có “một số chuyên môn quân sự nhất định và kinh nghiệm liên quan”. Con số này đại diện cho 0,2% dân số Nga.

Điện Cẩm Linh cho biết việc huy động một phần đã hoàn thành vào ngày 28 tháng 10 năm 2022, với hàng chục nghìn người đã được gửi đến tiền tuyến ở Ukraine vào thời điểm đó.

“ Nhiệm vụ huy động 300.000 người mà Tổng thống đặt ra đã hoàn thành. Không có biện pháp tiếp theo nào được lên kế hoạch”, ông Shoigu cho biết vào thời điểm đó và nói thêm rằng, trong số 300.000 quân dự bị được huy động, 218.000 người đang được huấn luyện và 82.000 người đã được triển khai tới Ukraine.

Lệnh động viên một phần của Putin một phần được coi là không thành công do số lượng lớn người Nga trốn ra nước ngoài để tránh bị bắt đi lính. Chỉ vài ngày sau sắc lệnh, hơn 370.000 công dân đã trốn khỏi đất nước kể từ khi có sắc lệnh - nhiều hơn tổng số mà các quan chức quốc phòng cho biết sẽ được gọi nhập ngũ.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để yêu cầu bình luận qua email.

Review Russia, một mạng lưới phân tích và chính sách, đã phát hiện ra rằng chín khu vực tiếp nhận nhiều người di cư Nga nhất từ tháng 2 năm 2022 đến tháng 7 năm 2023 là Kazakhstan, Serbia, Armenia, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên Hiệp Âu Châu, Israel, Montenegro, Georgia và Hoa Kỳ, tờ Economist đưa tin vào tháng 8.

Nga mất nhiều thời gian hơn để huy động 300.000 người vào quân đội so với Israel, mặc dù đưa ra mức lương hấp dẫn cho các tân binh.

Tất cả các chiến binh Nga chiến đấu ở Ukraine đều được Bộ Quốc phòng trao cho khoản tiền một lần là 195.000 rúp, hay 2.080 Mỹ Kim, khi ký hợp đồng ít nhất một năm. Mức lương hàng tháng khác nhau tùy thuộc vào cấp bậc quân đội, vị trí và thời gian phục vụ, nhưng không dưới 204.000 rúp, hay 2.176 Mỹ Kim. Theo phân tích của Not Moscow Speaks, tổ chức do một nhóm nhà báo độc lập của Nga thành lập, các chiến binh cũng nhận được các khoản thanh toán theo khu vực từ chính quyền địa phương. Các khoản thanh toán này khác nhau trên toàn quốc.

Ấn phẩm điều tra độc lập Agentstvo cho biết, ở Israel, lính dự bị không được đưa ra mức lương hấp dẫn như vậy và được trả nhiều nhất là như công việc chính của họ.

Thông tấn xã này nói thêm rằng binh lính Israel nhập ngũ đã tham gia vào các hoạt động chiến đấu ngay sau khi nhập ngũ, trong khi ở Nga, phần lớn được huấn luyện tại các trại quân sự trước khi được đưa vào vùng chiến sự.

5. Phản ứng của Chủ tịch Hạ viện Nga trước tin Israel có thể động viên 300.000 quân dự bị trong 48 giờ sau cuộc tấn công của Hamas.

Chủ tịch Hạ viện Nga, hay Duma quốc gia, cho biết những người Nga rời khỏi đất nước để trốn quân dịch và những người ủng hộ Ukraine nên được gửi đến một khu vực viễn đông nổi tiếng với các trại tù Gulag thời Stalin nếu họ trở về nước.

Cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine vào tháng 2 năm ngoái và chiến dịch huy động sau đó đã khiến ít nhất 370.000 người Nga rời bỏ quê hương khi Putin ra lệnh động viên bán phần vào ngày 21 tháng Chín năm ngoái.

Vyachelav Volodin, Chủ tịch Hạ viện Nga, đã đưa ra lập trường trên sau khi có tin Israel có thể động viên 300.000 quân dự bị trong 48 giờ sau cuộc tấn công của Hamas. Ông nói với các nhà lập pháp hôm thứ Ba rằng những người đã rời Nga và vui mừng trước các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và hỏa tiễn của Ukraine vào đất nước của họ nên biết rằng họ không còn được chào đón ở quê hương nữa.

Volodin đã nói:

Những người đã rời bỏ đất nước và thực hiện những hành vi đê hèn, vui mừng trước những phát súng nổ trên lãnh thổ Liên bang Nga, cầu mong chiến thắng cho chế độ Kyiv đẫm máu của Đức Quốc xã, nên nhận ra rằng không có ai đang chờ đợi họ ở đây.

Nhưng nếu họ quay lại thì Magadan sẽ được cung cấp cho họ.

Đối với người Nga, Magadan đồng nghĩa với gulag - một loạt trại lao động cưỡng bức nơi người Nga bị sử dụng làm lao động nô lệ dưới thời nhà độc tài Liên Xô Joseph Stalin.

6. Phần Lan cho biết NATO sẵn sàng hỗ trợ điều tra đường ống bị hư hỏng do 'hoạt động bên ngoài'

Tổng thống Phần Lan, Sauli Niinistö, cho biết:

“Thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng dưới nước đã được xem xét nghiêm chỉnh và nguyên nhân của nó đã được điều tra kể từ hôm Chúa Nhật. Giới lãnh đạo chính trị đã được thông báo chặt chẽ về tình hình.”

“Nhiều khả năng hư hỏng cả đường ống dẫn khí và cáp dữ liệu là do hoạt động bên ngoài gây ra. Hiện chưa rõ nguyên nhân cụ thể gây ra thiệt hại.”

“Cuộc điều tra sẽ tiếp tục với sự hợp tác giữa Phần Lan và Estonia. Chúng tôi cũng liên lạc thường xuyên với các đồng minh và đối tác của mình. Tôi đã thảo luận với tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm nay. NATO sẵn sàng hỗ trợ cuộc điều tra.”

“Mức độ chuẩn bị của Phần Lan là tốt. Những sự kiện này không ảnh hưởng gì đến an ninh năng lượng của chúng ta.”

Phần Lan gia nhập NATO vào tháng 4 năm 2023 sau khi Nga xâm chiếm Ukraine.

Reuters nhanh chóng đưa tin rằng Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, cho biết họ đang chia sẻ thông tin về thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng dưới nước giữa Estonia và Phần Lan, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ các đồng minh liên quan.

7. Ngoại trưởng Nga sẽ thăm Bắc Kinh để củng cố quan hệ giữa hai nước

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Maria Zakharova cho biết Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ thăm Bắc Kinh trong ba ngày từ 16 đến 18 tháng 10 và hội đàm với Bộ Trưởng Ngoại Giao cộng sản Tầu Vương Nghị.

Trung Quốc và Nga đã công bố mối quan hệ đối tác “không giới hạn” ngay trước khi Nga xâm chiếm Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

Trung Quốc phần lớn đã bỏ phiếu trắng trong các cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc - được thông qua với sự ủng hộ áp đảo của cơ quan gồm 193 thành viên - yêu cầu Nga ngừng bắn và rút toàn bộ quân đội khỏi Ukraine ngay lập tức và vô điều kiện.

8. Nga thực hiện chiến lược vừa đấm vừa xoa

Trong khi Hạ Viện Nga hay Duma quốc gia đang họp để rút khỏi thỏa thuận cấm thử vũ khí hạt nhân. Thứ trưởng Ngoại giao Nga cho biết nước này sẽ chỉ nối lại các vụ thử hạt nhân nếu Mỹ thực hiện trước

Một nhà ngoại giao cao cấp của Nga cho biết Nga sẽ tiến tới hủy bỏ phê chuẩn lệnh cấm thử hạt nhân toàn cầu, nhưng sẽ chỉ tiếp tục các vụ thử hạt nhân nếu Washington thực hiện trước.

Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov nói với các phóng viên rằng Mạc Tư Khoa sẽ hủy bỏ việc phê chuẩn hiệp ước cấm thử hạt nhân. Ông nói thêm rằng nếu Mỹ tiến hành một vụ thử hạt nhân “chúng tôi cũng sẽ buộc phải phản ứng lại điều đó”.

Tuần trước, Vladimir Putin cho biết Mạc Tư Khoa có thể xem xét hủy bỏ quyết định phê chuẩn dự luật năm 2000.

Mỹ đã ký hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện vào năm 1996 nhưng Thượng viện không phê chuẩn. Tuy nhiên, các chính quyền kế nhiệm của Mỹ đã tạm dừng thử nghiệm vũ khí hạt nhân.

Chủ tịch Hạ viện Nga, Duma Quốc gia, đã chỉ ra rằng các nhà lập pháp có thể hủy bỏ việc phê chuẩn lệnh cấm thử hạt nhân.

Hội đồng thiết lập chương trình nghị sự của Hạ viện hôm thứ Hai đã cho ủy ban đối ngoại 10 ngày để chuẩn bị vấn đề để Hạ viện xem xét.

Các quan sát viên nhận định rằng Nga luôn theo đuổi chính sách vừa đấm vừa xoa. Trong khi có những kẻ hô hào tung ra vũ khí hạt nhân thì sẽ có người lên tiếng đừng làm như thế. Tuy nhiên, chớ ăn phải quả lừa: Họ không đối lập với nhau, nhưng là những thành viên của cùng một dàn đồng ca tống tiền hạt nhân thế giới.

9. Đảng Canh Tân Nhật Bản áp lực trục xuất một chính trị gia Nhật Bản thân Nga

Một chính trị gia Nhật Bản thân Nga đã rời đảng đối lập hôm thứ Ba sau khi phải đối mặt với những lời chỉ trích dữ dội vì thực hiện chuyến thăm bất ngờ tới Mạc Tư Khoa và tuyên bố ủng hộ Nga giành chiến thắng trong cuộc chiến ở Ukraine.

Tổng thư ký Fumitake Fujita của Đảng Canh Tân Nhật Bản cho biết Muneo Suzuki, cựu thứ trưởng quốc hội phụ trách các vấn đề ngoại giao, đã đệ đơn từ chức.

Fujita cho biết đảng đã thực hiện các bước để trục xuất anh ta ngay trong khi anh ta đang thực hiện chuyến đi nhưng Suzuki yêu cầu các nhà lãnh đạo cho anh ta được ra đi trong danh dự, nghĩa là anh ta sẽ xin ra khỏi đảng thay vì bị khai trừ.

“Đảng quyết định chấp nhận mong muốn của anh ta,” Fujita nói trong một cuộc họp báo mà không giải thích thêm.

Suzuki sẽ tiếp tục giữ chức vụ thành viên quốc hội, với nhiệm kỳ hiện tại của anh ta kết thúc vào năm 2025, Agence France-Presse đưa tin.

Suzuki đã đến thăm Nga trong chuyến đi kéo dài 5 ngày từ ngày 1 tháng 10 để gặp gỡ nhiều quan chức Nga, trong đó có Thứ trưởng Ngoại giao Andrey Rudenko. Trong chuyến thăm, ông nói với truyền thông Nga rằng ông tin Mạc Tư Khoa sẽ chiến thắng.

Đây là chuyến thăm đầu tiên được biết đến của một nhà lập pháp Nhật Bản tới Nga kể từ khi Mạc Tư Khoa xâm chiếm Ukraine vào năm ngoái.

Nhật Bản đã đứng về phía các đồng minh của mình là Mỹ, Liên Hiệp Âu Châu và các nước khác trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Mạc Tư Khoa về cuộc xâm lược và kêu gọi công dân của họ không đến thăm Nga.

Nhật Bản đang có những tranh chấp về lãnh thổ rất gay gắt với Nga. Thành ra, các cơ quan truyền thông Nhật Bản đã nhanh chóng lên án hành động của Suzuki là phản quốc.

10. Ukraine điều tra gần 100.000 tội ác chiến tranh

Cảnh sát Quốc gia Ukraine cho biết hị đã ghi nhận gần 100.000 tội ác chiến tranh do lực lượng Nga gây ra ở Ukraine.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Tư 11 Tháng Mười, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska cho biết những bằng chứng thu thập được sẽ là cơ sở cho những nỗ lực truy tố thủ phạm trong tương lai.

Cô nói: “Tài liệu về các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn, tội ác của quân đội Nga tại các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm – bạo lực, tra tấn, hãm hiếp. Trong phần lớn các trường hợp chúng tôi ghi lại, điều tra và chuyển giao cho SBU, tức là cơ quan an ninh Ukraine, vì những trường hợp này thuộc thẩm quyền của họ.”

Cô cho biết lực lượng cảnh sát quốc gia Ukraine cho đến nay đã thu thập được bằng chứng về 96.500 tội ác chiến tranh.

Cô nói: “Những tội ác mà Liên bang Nga gây ra, đặc biệt là việc pháo kích vào cơ sở hạ tầng quan trọng của chúng ta, là tội ác diệt chủng đối với đất nước Ukraine. Chúng tôi đang hướng tới việc ghi lại tất cả những sự thật này để chứng thực tội ác của Liên bang Nga là tội ác diệt chủng trước tòa án quốc tế.”

11. Quân đội Nga đối mặt với 'khủng hoảng sức khỏe tâm thần', nhiều người hóa điên vì bị chấn động tâm lý

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Troops Facing 'Mental Health Crisis'—UK”, nghĩa là “Vương Quốc Anh cho biết quân đội Nga đối mặt với 'khủng hoảng sức khỏe tâm thần'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thúy Nga.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết quân đội Nga đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về sức khỏe tâm thần vì quân đội của họ không cung cấp đủ thời gian nghỉ ngơi và luân chuyển khỏi vùng chiến sự.

Các báo cáo cho thấy những người lính bị gọi nhập ngũ để chiến đấu ở Ukraine theo lệnh huy động một phần năm 2022 của Tổng thống Vladimir Putin đang bị cấm xuất ngũ.

Bộ Quốc phòng Anh hôm thứ Tư chỉ ra rằng các nhà tâm lý học Nga đã xác định được khoảng 100.000 quân nhân mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương, gọi tắt là PTSD, vào tháng 12 năm 2022.

Bộ này cho biết trong đánh giá tình báo hàng ngày rằng con số đó gần như chắc chắn cao hơn vì quân đội Nga không cung cấp đủ sự luân chuyển và phục hồi sau chiến trường.

Các quan chức quốc phòng cho biết vấn đề này đã được nhiều chỉ huy Nga nêu ra, trong đó có Thiếu tướng Ivan Popov,là người đã bị cách chức hồi tháng 7.

Các quan chức Anh cho biết: “Có thêm dấu hiệu cho thấy các bác sĩ ở Nga đang gửi quân nhân không đủ khả năng chiến đấu ra mặt trận”.

“Các đơn kháng cáo chống lại ủy ban y tế quân đội Nga vào năm 2023 cao hơn so với năm 2022, với nhiều trường hợp bị từ chối hoặc yêu cầu bồi thường bị hủy bỏ.”

Đánh giá tình báo kết luận: “Với việc thiếu quan tâm đến sức khỏe tinh thần và thể lực chiến đấu của binh lính, hiệu quả chiến đấu của Nga tiếp tục hoạt động ở mức dưới mức tối ưu”.

RAND Corporation, một viện nghiên cứu và cố vấn của Mỹ, cho biết trong một báo cáo hồi tháng 6 rằng quân nhân Nga đang chiến đấu ở Ukraine đã không được phép rời quân đội kể từ sắc lệnh động viên một phần của Putin vào tháng 9 năm 2022. Không ai được phép rời quân đội cho đến khi “ thời gian huy động một phần” được kết thúc bằng một nghị định khác.

“Hiện tại, lối thoát duy nhất - ngoài cái chết trong chiến đấu - là đến tuổi nghỉ hưu bắt buộc, xuất viện hoặc ngồi tù. Một số binh sĩ đã tự giải quyết vấn đề bằng cách đào ngũ”, tổ chức tư vấn cho biết.

“Việc triển khai vô thời hạn, nghỉ ngơi và luân chuyển không đầy đủ do thiếu binh sĩ, đồng nghĩa với việc binh lính Nga phải chịu đựng căng thẳng chiến đấu kéo dài, điều này làm tăng thêm cảm giác phẫn uất và bất lực.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để yêu cầu bình luận qua email.

Tổ chức Y tế Thế giới nhận thấy cuộc chiến tranh khốc liệt cũng đang gây tổn hại đến sức khỏe tâm thần của người Ukraine. WHO cho biết vào tháng 2 rằng gần 10 triệu người Ukraine có thể mắc các bệnh về tâm thần như trầm cảm hoặc lo âu, và gần 4 triệu người có thể mắc các trường hợp ở mức độ trung bình hoặc nặng.
 
Đức Giáo Hoàng nói: Tôi sẽ không bao giờ mệt mỏi khi nói về cuộc tử đạo của Ukraine
VietCatholic Media
17:54 11/10/2023


1. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk: “Tôi sẽ không bao giờ mệt mỏi khi nói về cuộc tử đạo của Ukraine”

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk cho biết ngài đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô trong khuôn khổ Thượng Hội đồng Giáo hoàng được tổ chức tại Vatican. Trong cuộc họp, Đức Thánh Cha đã bảo đảm với Nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương về sự hỗ trợ của ngài đối với Ukraine.

“Tôi sẽ không bao giờ mệt mỏi khi nói về cuộc tử đạo của Ukraine,” Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk.

Đức Hồng Y Sviatoslav một lần nữa bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Thánh Cha Phanxicô về cuộc gặp với Thượng Hội đồng Giám mục Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, diễn ra vào ngày 6 tháng 9 tại Vatican. “Tôi cũng cảm ơn Đức Thánh Cha về bức thư ngài viết cho tôi sau Thượng hội đồng của chúng tôi. Ngài gọi cuộc gặp gỡ của chúng tôi là một mô hình của tính đồng nghị thực sự,” Đức Cha Sviatoslav nói. Nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương xin Đức Thánh Cha tiếp tục nỗ lực hết sức vì một nền hòa bình công bằng ở Ukraine. Đức Thánh Cha Phanxicô quả quyết: “Tôi sẽ không bao giờ mệt mỏi khi nói về cuộc tử đạo của Ukraine”.

Cần phải nói thêm rằng Phiên họp thường kỳ lần thứ XVI của Thượng hội đồng Giáo hoàng sẽ diễn ra tại Vatican từ ngày 3 đến ngày 29 tháng 9. “Vì một Giáo hội có tính đồng nghị: sự hiệp thông, sự tham gia và sứ mạng” là chủ đề chính của cuộc họp thượng hội đồng. Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương được đại diện bởi Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk và các Đức Cha Bohdan Dziurakh và Theodore Martyniuk.

2. Điện tín của Đức Thánh Cha trước sự qua đi của Đức Hồng Y Telesphore Placidus Toppo

Đức Thánh Cha Phanxicô gửi đến Đức Tổng Giám Mục Felix Toppo, của Ranchi, Ấn Độ, về cái chết hôm qua của Đức Hồng Y Telesphore Placidus Toppo, nguyên tổng giám mục hiệu tòa của cùng tổng giáo phận, mang tước hiệu Sacro Cuore di Gesù Agonizzante ở Vitinia:

Điện tín của Đức Thánh Cha viết như sau

Sau khi đau buồn hay tin về sự qua đời của Đức Hồng Y Telesphore Toppo, nguyên Tổng Giám mục của Ranchi, xin vui lòng nhận lời chia buồn chân thành của tôi và tôi cũng xin gửi đến các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân của tổng giáo phận. Cùng với anh chị em, tôi ca ngợi tâm hồn cao quý của ngài, và phó dâng linh hồn ngài cho lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa là Cha trên trời của chúng ta. Tôi nhớ lại với lòng biết ơn sâu sắc những năm cố Hồng Y tận tâm phục vụ linh mục và giám mục cho các giáo hội địa phương Dumka và Ranchi, cũng như những đóng góp của ngài cho giáo hội rộng lớn hơn ở Ấn Độ và Tòa Thánh. Sự phục vụ của ngài luôn được đánh dấu bằng lòng nhiệt thành truyền bá Tin Mừng, lòng sùng kính Thánh Thể và việc chăm sóc mục vụ quảng đại cho người nghèo và những người thiếu thốn. Đối với tất cả những người thương tiếc sự ra đi của Đức Hồng Y Toppo với niềm hy vọng chắc chắn về sự phục sinh, tôi xin chân thành ban phép lành của mình như bảo chứng cho niềm an ủi và bình an trong Chúa.

3. Đại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc kêu gọi bảo vệ và thăng tiến các quyền của trẻ em

Đại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở New York kêu gọi bảo vệ và thăng tiến các quyền của trẻ em và đặc biệt cảnh giác chống nạn lạm dụng, bóc lột trẻ em qua các kỹ thuật mới.

Trong bài tham luận hôm mùng 06 tháng Mười vừa qua, về vấn đề số 69 trong chương trình nghị sự, Đức Tổng Giám Mục Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc khẳng định rằng việc thăng tiến và bảo vệ các quyền của trẻ em không thể tách biệt khỏi những biện pháp hỗ trợ và củng cố gia đình, vốn là đơn vị nền tảng của xã hội. Lập trường của Tòa Thánh là mọi trẻ em đều đáng được quý mến, nuôi dưỡng và bảo vệ; các trẻ em cần được bảo vệ và săn sóc trước và sau khi sinh, và ngài đặc biệt chống lại nạn phá thai và các phương thế nhân tạo về thụ thai và sinh sản.

Riêng về thế giới kỹ thuật số, ngài cảnh giác rằng các kỹ thuật có thể tạo điều kiện dễ dàng cho sự khai thác bóc lột trẻ em, buôn bán, lạm dụng tính dục trẻ em từ xa, và phổ biến những tài liệu dâm ô cho trẻ em. Việc giáo dục dành cho trẻ em cũng như cho cha mẹ và gia đình là điều tối quan trọng để bảo đảm an ninh và bảo vệ cho các trẻ em trên mạng.

Ngài nhấn mạnh rằng: “Thách đố ở đây là ‘bảo đảm cho các trẻ vị thành niên được sử dụng các kỹ thuật này một cách an toàn, đồng thời bảo đảm sự phát triển lành mạnh và thanh thản, bảo vệ các em khỏi những bạo lực hình sự hoặc thiệt hại trầm trọng cho sự toàn vẹn thể lý và tinh thần của các em. Các kỹ thuật này có thể làm cho trẻ em dễ bị khai thác và buôn bán, cũng như những lạm dụng trực tuyến, kể cả về mặt tính dục”. Trong chiều hướng này, Đại diện Tòa Thánh mạnh mẽ lên án việc sản xuất, phổ biến và sử dụng sản phẩm dâm ô trẻ em