Ngày 18-10-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:54 18/10/2009
SAU KHI PHIÊU BẠT

N2T


Trong thời thế chiến thứ nhất, có một người ngồi trên phao cứu sinh phiêu bạt trên biển hai mươi mốt ngày. Sau khi được cứu, thì có người hỏi cảm tưởng kinh nghiệm như thế nào, anh ta trả lời:

- “Chỉ cần có gì ăn để khỏi đói, cần nhiều nước để giải khát, thì suốt đời tôi sẽ vui vẻ.”

(Bài ca của loài ếch)

Suy tư:

Hãy hỏi những người đi lạc trong rừng sâu điều gì làm cho họ thêm tinh thần, đó là được uống nước và có chút gì đó để ăn; hãy hỏi những người đã từng đói ăn điều gì làm cho họ hạnh phúc nhất lúc ấy, họ sẽ trả lời là được bát cơm để ăn là sung sướng rồi...

Và hãy hỏi một người Công Giáo ngoan đạo điều gì làm cho họ khổ tâm nhất, họ sẽ trả lời là không được tham dự thánh lễ và chịu các phép bí tích.

Con người ta có thân xác và có linh hồn, thân xác cần phải ăn uống mới có thể khỏe mạnh sống mạnh, và linh hồn thì cũng cần phải có lương thực để bồi dưỡng nó, đó chính là Mình và Máu Thánh của Chúa Giê-su, tức là bí tích Thánh Thể, đó chính là đức tin của những người Ki-tô hữu, cuộc sống nếu thiếu mất hai thứ lương thực cần thiết ấy thì sẽ chết: chết phần xác và chết phần linh hồn.

Mục đích sống của những người không tín ngưỡng là ăn uống hưởng lạc cho bản thân mình, nhưng mục đích cuộc sống của người Ki-tô hữu là xây dựng một xã hội đời này tốt đẹp, để ngày sau được tham dự tiệc thiên quốc trên thiên đàng với Thiên Chúa.

-------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:55 18/10/2009
N2T


87. Nếu như kiêu ngạo làm cho thiên thần biến thành ma quỷ, thì chắc chắn khiêm tốn cũng có thể khiến cho ma quỷ biến thành thiên thần.

(Thánh Clement)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:56 18/10/2009
N2T


259. Tư tưởng đối với việc đọc sách thì cũng giống như vận động đối với thân thể vậy. Vận động làm cho con người mạnh khỏe, đọc sách khiến cho con người hiển đạt.

 
Gặt lúa tình yêu
A.P Mặc Trầm Cung
19:37 18/10/2009
Chúa Nhật Truyền Giáo Năm 2009 (Mt 28, 16-20)

Chúa gọi con đi vào thế giới,
Loan báo Tin Mừng đến các chư dân.
Thế giới của con chính là láng giềng gần,
Ngay trước cửa, bên hàng dậu,
Ngay đầu thôn, nơi cuối phố.

Truyền giáo của con:
Là yêu thương người nghèo khổ,
Chia sẻ hạt cơm, chia sẻ cả nụ cười,
Chia sẻ nghĩa tình cho cuộc sống vui tươi.
Truyền thông sự sống để người đời nhận biết,
Đức Kitô chính là đường chân lý.

Truyền giáo của con:
Là thực thi Thánh Ý,
Vác thập giá mình, vượt thắng mọi đam mê.
Vững bước tin yêu dù nghịch cảnh não nề,
Chu toàn bổn phận,
Nêu gương sáng,
Giúp người thân thêm lòng yêu mến Chúa.

Truyền giáo của con:
Nồng nàn như ánh lửa,
Thầm thĩ khẩn cầu lời kinh nguyện hiệp thông,
Cùng Giáo Hội khắp nơi hiệp nhất một tấm lòng.
Cánh đồng truyền giáo,
Bao Thợ Gặt,
Đang lao đao vất vả,
Thu gom mùa lúa mới.

Truyền giáo của con:
Phải là Men là Muối,
Yêu thương ướp mặn đời, Men ủ ấp tình yêu.
Bình minh khúc tri ân,
Hoàng hôn nguyện kinh chiều.
Đời bừng sáng,
Mọi người nhận ra nhau,
Là anh em con một Chúa.

Gió nhẹ chiều nay,
Thổi đưa mùi hương lúa,
Con tất tả lên đường đi gặt Lúa Tình Yêu.
 
Khi Chúa Thương
LM. An Phong Trần Đức Phương
21:23 18/10/2009
KHI CHÚA THƯƠNG

(CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN, NĂM B)

Đọc lịch sử dân tộc Do Thái, chúng ta thấy nhiều lần nước Do Thái đã bị ngoại bang xâm chiếm và mọi người bị bắt đi lưu đầy hàng thế kỷ. Nhưng, trong mọi lúc, từ thế hệ này đến thế hệ kia, họ luôn nhớ thương về quê cha đất tổ của họ, và mong đợi một ngày trở về (Thánh Vịnh 136). Trong những ngày bị lưu đầy làm nô lệ, họ đã nhận ra và ăn năn sám hối lỗi lầm, và Chúa lại thương xếp đặt những biến cố lịch sử lạ lùng, để đưa họ trở về cố hương, và lúc ấy họ rất vui mừng ca tụng lòng từ bi của Chúa như trong Thánh Vịnh 125.

Trong Thánh Lễ An Táng người mới qua đời, chúng ta thường nghe ca đoàn hát bài “Ngày Về” (Kim Long): “Khi Chúa thương gọi tôi về, hồn tôi hân hoan như trong một giấc mơ…” Đó là những lời lấy trong Thánh Vịnh 125, để nhắc nhở và đem lại sự an ủi, lòng cậy trông cho tang gia, và cũng để nhắc nhở mỗi người chúng ta rằng người quá cố đã qua được cuộc đời lưu đày trần gian này để trở về quê hương thật là quê hương Nước Trời (Sinh ký, tử quy).

Trong Thánh Lễ Chúa Nhật này, bài Đáp Ca cũng trích trong Thánh Vịnh 125 để ca tụng lòng Chúa thương xót đã tha thứ tội lỗi, và đưa Dân Chúa trở về từ nơi lưu đày; từ tình trạng tội lỗi, được trở về làm con cái của Chúa.

Bài Đọc I (Gieremia 31: 7-9) cũng diễn tả niềm vui giải thoát đó, và ca tụng tình thương của Chúa là người Cha giàu lòng thương xót, tha thứ tội khiên, và luôn ở với Dân Chúa trên mọi nẻo đường, giải thóat họ khỏi cảnh lưu đày để trở về làm con cái trong gia đình của Chúa.

Tình thương xót vô biên của Chúa đã sai “chính Con Một của Ngài đến trần gian để rao giảng Tin Mừng tình thương và ơn cứu độ nhân loại. Chúa Giêsu khi xuống thế gian làm người, đã sống giữa những con người tội lỗi và khổ đau. Nhưng, với lòng thương xót vô biên, Ngài đã kêu gọi mọi người đến với Ngài để tha thứ tội lỗi và chữa lành cho họ. Sau cùng, Ngài đã chấp nhận cái chết đớn đau trên Thánh Giá để cứu chuộc nhân loại chúng ta.

Qua các thế hệ, Thiên Chúa cũng chọn một số người “vào chức vụ Tư tế để dâng lễ hy sinh thờ phượng Chúa, đền tội cho chính mình và cho toàn dân…” Các vị thay mặt Chúa để ban ơn Thanh Tẩy và tha thứ tội lỗi cho những ai tin tưởng vào lòng thương xót của Ngài mà ăn năn trở về. “Noi gương Chúa, các vị cũng phải thông cảm, thương xót và nâng đỡ những người sa ngã vì yếu đuối con người”. (Bài Đọc II: Thư gởi dân Do Thái 5: 1-6).

Để được hưởng lòng thương xót Chúa, chúng ta cần có lòng tin và trông cậy vững vàng vào tình thương xót của Ngài, dù gặp nhiều khó khăn thử thách. Người mù thành Giericô, dù nhiều người la mắng anh, bảo anh im đi, nhưng anh càng kêu lớn tiếng hơn: “Hỡi Ông Giêsu, xin thương xót tôi!” Khi nghe nói “Người gọi anh đấy!” “Ngay lập tức, anh cởi áo choàng, đứng dậy và đi vội về phiá Chúa Giêsu…” Chúa Giêsu đã chữa anh khỏi mù và nói: “Đức Tin của con đã chữa con!” (Phúc Âm theo Thánh Matcô: 10: 46-32).

Trong Thánh Lễ hôm nay, chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau để mỗi người chúng ta luôn có lòng tin tuyệt đối vào tình thương xót của Chúa, dù chúng ta đã xa lạc Chúa nhiều năm tháng, dù chúng ta đã sa ngã tội lỗi đến đâu, miễn là chúng ta quyết tâm “đứng dậy” và cầu xin Chúa thương cứu chữa như người mù thành Giêricô hôm nay.

Trong “Năm Thánh Linh Mục”, chúng ta hãy tiếp tục hy sinh hãm mình và cầu nguyện cho các Chủ Chăn, các Linh Mục luôn biết noi gương lòng thương xót Chúa, biết xót thương và nâng đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn, đau khổ, những người sa ngã vì yếu đuối, vì “chính các vị cũng là những con người phàm mang đầy những yếu đuối con người… Các vị phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng phải dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy!” (Bài Đọc II, Thư gởi dân Do Thái 5: 1-3).
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tưởng nhớ linh mục công đoàn Đoàn Kết Ba Lan: Jerzy Popiełuszko
Bến Việt
09:56 18/10/2009
Bến Việt (18.10.2009) Ngày mai, người Ba Lan kỉ niệm 25 năm ngày mất linh mục Jerzy Popiełuszko. "Chết bởi đức tin” là lý do Vatican truy xét phong thánh cho vị linh mục quả cảm, bị cán sự độc tài tra tấn và giết chết trước khi vứt ông xuống sông Wisła. Đối với người Ba Lan, đây là sự kiện quan trọng trong lịch sử của họ. Tên tuổi của vị Linh mục Ba Lan này cũng đã trở thành biểu tượng của đàn áp tại Ba Lan những năm 80. Ngài đã từng tuyên bố: "Chúng ta hãy cầu nguyện để gạt bỏ mọi nỗi sợ, chiến thắng những lời hù dọa và trên hết để ta thóat khỏi hận thù, bạo lực

Sinh ngày 14 tháng 6 năm 1947 ở Okopy trong gia đình nhà nông, Jerzy Popiełuszko chỉ là một học trò với học lưc tầm thường nhưng lại rất mộ đạo. Năm 1972 ông thụ phong linh mục, làm mục vụ tại một số nhà thờ, trong đó có nhà thờ Thánh Anna (trước Thành cổ Warszawa) và Giáo xứ Thánh Stanisław Kostko ở Warszawa, nơi giờ đây là mộ yên nghỉ của vị Linh mục này.

Trong những dịp công nhân đình công đầu những năm 80 của thiết quân lập tại Ba Lan cộng sản, linh mục Jerzy Popiełuszko thường chủ sự lễ Mi-sa với tựa "Lễ Mi-sa cho Tổ Quốc” và rao giảng lời dạy của Thánh Phaolô "Đừng để ác xâm lăng, hãy thắng tà bằng thiện” ("Nie daj się zwyciężyć złu, ale zło dobrem zwyciężaj"). Bởi luôn bênh vực kẻ yếu, đứng về phía dân thường, Jerzy Popiełuszko trở thành một trong những linh mục được hâm mộ và kính trọng nhất, vào thời điểm xung đột xã hội với chính quyền cộng sản gia tăng tại Ba Lan. Ông còn là Cha đỡ đầu của phong trào Đoàn Kết. Cùng lúc đó, ông cũng bị chính quyền cộng sản rắp tâm theo dõi, trù dập dưới nhiều hình thức. Báo chí của đảng cộng sản ra sức thóa mạ ông, mô tả các thánh lễ của vị linh mục này là "chuỗi hận thù”. Ông từng nhiều lần bị tra hỏi tại đồn công an, từng bị an ninh cộng sản tới khám nhà và ngụy tạo bằng chứng, tố cáo ông tàng chữ chất nổ và mực in. Ông cũng từng bị tố cáo vi phạm các điều 58 và 194 bộ luật hình sự Cộng Hòa Nhân Dân Ba Lan (gọi tắt là PRL, chế độ cộng sản từng tồn tại tại Ba Lan từ 1945 tới 1989) với tội danh "lạm dụng tự do tôn giáo để bêu rếu rếu chính quyền, chống phá nhà nước PRL”. Ông không bị ra tòa nhưng rồi chính quyền cộng sản đã dành cho ông bản án khắc nghiệt hơn nhiều.

ĐHY Kemp, Jerzy và Lech Wałęsa
Thấy ông bị sách nhiễu quá mức, Giáo chủ hồng y Józef Glem khi đó đề nghị ông đi du học ở Roma tiện thể lánh nạn nhưng linh lục Jerzy Popiełuszko quyết định ở lại trong nước phục vụ người dân vốn đã tin yêu mình.

Ngày 19 tháng 10 năm 1984, linh mục Jerzy Popiełuszko bị mật vụ an ninh chặn xe trên đường về Warszawa sau thánh lễ. Ông bị bắt cóc giữa con đường vắng, chỉ có người tài xế của ông may mắn tẩu thoát nhưng 2 ngày sau mới có điều kiện kêu cứu. Mãi tới ngày 30 tháng 10, người ta mới tìm được xác ông gần con đập tại Wrocławek. Khám nghiệm tử thi cho thấy trước khi chết, ông bị tra tấn dã man. Người ta hiện không biết ông đã bị ném xuống sông Wisła khi đã chết hay bị ném xuống sông khi đang hấp hối.

Trước khi bị bắt cóc, vị linh mục này kết thúc thánh lễ bằng lời nhắn gửi: Linh mục Jerzy Popiełuszko từng là Cha đỡ đầu của phong trào Đoàn Kết tại Ba Lan.

Tang lễ linh lục Jerzy Popiełuszko được cử hành vào ngày mùng 3 tháng 11 năm 1984, trở thành một cuộc biểu tình lớn chưa từng có tại Warszawa.

Dư luận phẫn nộ khiến những cán sự an ninh cộng sản liên quan tới vụ bắt cóc và giết hại linh mục bị tòa án Cộng Hòa Nhân Dân Ba Lan tuyên án từ 15 tới 25 năm tù. Tổng cộng chỉ có 4 người là Grzegorz Piotrowski, Adam Pietruszko, Leszek Pękal, Waldemar Chmielewsk bị tuyên án đã mãn hạn tù năm 1994, 2001 nhờ được cấp trên ân xá năm 1986.

Linh mục từng bị tố cáo vi phạm luật hình sự Cộng Hòa Nhân Dân Ba Lan như "lạm dụng tự do tôn giáo để bêu rếu rếu chính quyền, chống phá nhà nước…”

Cái chết của linh mục Jerzy Popiełuszko và những người chịu trách nhiệm về nó cho tới nay vẫn là đề tài gây bức xúc bởi chưa được làm rõ. Ngược lại, tòa án cộng sản khi đó dù có mở phiên tòa nhưng lại che đậy sự thật. Dư luận muốn những người ra lệnh tra tấn thủ tiêu Linh mục lẽ ra phải bị ra tòa, vậy mà cho tới nay những người này vẫn nằm trong bóng tối. Dư luận tại Ba Lan cũng đồng tình với nhận điểm, rằng những người làm chủ bộ máy bạo hành thời cộng sản như Czesław Kiszczak và tướng Wojciech Jaruzelski phải là những người chịu trách nhiệm về cái chết của vị Linh mục bất khuất Jerzy Popiełuszko.

Tượng đài đầu tiên tưởng nhớ tới linh mục Jerzy Popiełuszko được khánh thành năm 1985, trong sự phản đối kịch liệt của chính quyền cộng sản Ba Lan thời bấy giờ.

Năm 1997, Giáo phận mang tên Thánh Stanisław Kostko khai mở quá trình phong Thánh – tử vì đạo – cho linh mục Jerzy Popiełuszko. Năm 2002 Watykan chính thức công nhận quá trình này và năm 2009, Giáo Hoàng Benedykt XVI chấp nhận cho tiến trình phong thánh Linh mục Jerzy Popiełuszko được tiến hành gấp rút.

Trong những ngày này, người Ba Lan trân trọng kỉ niệm 25 năm ngày vị Linh mục của họ bị bắt cóc rồi thủ tiêu, qua các hoạt động thể thao, tâm linh tại các nhà thờ trên toàn Ba Lan. Ngày mai, đúng 25 năm ngày Linh mục bị bắt cóc, Tổng thống Ba Lan Lech Kaczyński sẽ trao tặng huân chương cao quý nhất của Cộng Hòa Ba Lan – Đại Bàng Trắng – cho linh mục bị giết hại Jerzy Popiełuszko.

Người Ba Lan thì hi vọng lễ kỉ niệm 25 năm ngày mất của ông là lễ kỉ niệm cuối chưa được gọilà Thánh Jerzy Popiełuszko.

(Nguồn: http://www.benviet.org/trong-tam:tuong-nho-popieluszko)
 
ĐTC nhân Khánh nhật Truyền giáo: ''mỗi người Kitô hữu dấn thân loan báo và làm chứng Tin mừng cho tất cả mọi người''
Bình Hòa
12:55 18/10/2009
Kinh Truyền tin chúa nhựt Truyền giáo

Chủ đề buổi cầu nguyện trưa chúa nhựt hôm qua dựa trên ngày thế giới truyền giáo, được cử hành hàng năm vào chúa nhựt áp chót của tháng mười. Vào dịp này, Đức Thánh Cha đã gửi một sứ điệp, được ký ngày 29 tháng 6, với đề tài trích từ sách Khải huyền 21,4: “Các dân tộc sẽ đi dưới ánh sáng của Người”. Năm nay, ngày Thế giới truyền giáo trùng với Thượng hội đồng giám mục bàn về Phi châu, một đại lục đầy hứa hẹn cho công cuộc rao truyền Tin mừng nhưng cũng mang theo rất nhiều khó khăn về chính trị xã hội. Một dịp trùng hợp nữa là 400 năm tạ thế của thánh Gioan Leonardo, một trong những người sáng lập trường Truyền giáo tại Rôma để đào tạo các thừa sai. Ngoài ra không thể nào không nhắc đến nhiều vị thừa sai vẫn còn phải đương đầu với cảnh bách hại và thảm sát, như trường hợp xảy ra cho linh mục Ruggero Ruvoletto, người Ý nhưng hoạt động giữa những người nghèo tại Brasil. Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, chúa nhựt thứ ba trong tháng mười là ngày khánh nhật truyền giáo, một dịp thôi thúc mỗi cộng đoàn giáo hội và mỗi người Kitô hữu dấn thân loan báo và làm chứng Tin mừng cho tất cả mọi người, cách riêng là những người chưa biết Chúa. Trong sứ điệp viết nhân cơ hội này, tôi đã gợi hứng từ đoạn sách Khải huyền, vọng lại một lời tiên báo của ông Isaia: “Các dân tộc sẽ đi dưới ánh sáng của Người” (Kh 21,24). Ánh sáng nói đây là ánh sáng của Thiên Chúa, được tỏ bày nhờ Đấng Thiên sai và phản chiếu trên dung nhan của Hội thánh, được diễn tả như là thành Giêrusalem mới, đô thành tráng lệ chiếu tỏa vinh quang Thiên Chúa. Đó là ánh sáng của Tin mừng, soi dẫn nẻo đường của các dân tộc, và hướng dẫn họ đến việc kiến tạo một đại gia đình, trong công lý và hoà bình, dưới một hiền phụ duy nhất là Thiên Chúa tốt lành và lân tuất. Hội thánh hiện hữu là để loan truyền sứ điệp hy vọng của toàn thể nhân loại, ngày nay “đang chứng kiến nhiều khám phá rực rỡ nhưng xem ra đã đánh mất ý nghĩa của những thực tại tối hậu và của chính sự hiện hữu” (thông điệp Redemptoris Missio 2).

Trong tháng mười, đặc biệt là vào chúa nhựt hôm nay, Hội thánh hoàn vũ nêu bật ơn gọi truyền giáo của mình. Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh, Hội thánh ý thức rằng mình được kêu gọi tiếp tục công trình của Chúa Giêsu qua việc loan báo Tin mừng về Triều đại Thiên Chúa, đó là “công lý, bình an và hoan lạc trong Thánh Linh” (Rm 14,17). Triều đại này đang hiện diện trong thế giới như là sức mạnh của tình yêu, tự do, liên đới, tôn trọng phẩm giá mọi ngươi, và Cộng đoàn Giáo hội cảm thấy thúc bách phải hoạt động sao cho Chúa Kitô được ngự trị hòan toàn. Hết mọi phần tử của Hội thánh hợp tác vào kế hoạch ấy, tuỳ theo bậc sống và đặc sủng của mình. Trong ngày khánh nhật truyền giáo hôm nay, tôi muốn nhắc đến các nhà truyền giáo – linh mục, tu sĩ, giáo dân thiện nguyện – đã hiến dâng cuộc đời để mang Tin mừng cho thế giới, đương dầu với những khó khăn hiểm trở và thậm chí đôi khi những cuộc bách hại nữa. Tôi nghĩ đến cha Ruggero Ruvoletto, linh mục theo dự án fidei donum, mới bị sát hại bên Brasil, cha Michael Sinnot, tu sĩ, mới bị bắt cóc cách đây mấy hôm bên Philippin. Và làm sao không nghĩ đến những gì đang đuợc bàn trong Thượng hội đồng giám mục về châu Phi, có liên quan đến việc hy sinh mạng sống cho Chúa Kitô và cho Hội thánh? Tôi xin cám ơn các Hội Giáo hoàng truyền giáo vì công tác phục vụ việc cổ động và đào tạo cho việc truyền giáo. Tôi xin mời tất cả các Kitô hữu hãy góp phần chia sẻ vật chất và tinh thần để giúp đỡ các giáo hội non trẻ tại các nước nghèo.

Các bạn thân mến, hôm nay ngày 18 tháng mười cũng là lễ thánh sử Luca. Ngoài sách Tin mừng, người còn viết cuốn Công vụ các thánh tông đồ, kể lại việc truyền bá sứ điệp Kitô giáo cho đến tận cùng mặt đất mà người đương thời biết đến. Chúng ta hãy xin thánh nhân chuyển cầu, cùng với thánh Phanxicô Xavier và thánh Terêsa Hài đồng, bổn mạng các nơi truyền giáo, và của Đức Trinh nữ Maria, ngõ hầu Hội thánh tiếp tục truyền bá ánh sáng của Chúa Kitô cho mọi dân tộc. Ngoài ra, tôi cũng xin anh chị em cầu nguyện cho khoá họp đặc biệt của Thượng hội đồng giám mục về Phi châu, đang diễn ra tại Vatican vào những ngày này...
 
Một bác sĩ từng phá thai nói Lòng Thương Xót Chuá là câu trả lời cho thái độ khinh mạn cuả thế gian
Trần Mạnh Trác
21:09 18/10/2009
Washington DC, ngày 17 tháng mười năm 2009 / 08:03 (CNA). - Một bác sĩ từng thực hành phá thai trước đây đã cho biết ông tin rằng Đức Bà Guadalupe đã giác ngộ ông về bản chất phá hoại cuả công việc, thêm vào đó, lòng thương xót cuả Chúa Giêsu đã ảnh hưởng và tha thứ cho ông. Ông nói sự sùng kính Lòng Thương Xót Chuá (Devotion to The Divine Mercy)là câu trả lời cho những bi quan (pessimism), hoài nghi (skepticism), quan niệm tương đối (relativism) và thái độ khinh mạn (cynicism) của thế giới.

BS John Bruchalski, người sáng lập ra Trung tâm (phò sự sống) gia đình Tepeyac tại Virginia vào năm 1994, đả từng thực hiện phá thai trước khi trở về với đức tin Công giáo.

Ông sẽ thuyết trình tại Đại hội Bắc Mỹ sắp tới về Lòng Thương Xót Chuá và đả bàn về việc hoán cải của mình tại website của đại hội.

Vị bác sĩ kể lại rằng vào năm 1987 ông là một "BS chuyên khoa gynecologist điển hình" tin rằng các phương pháp ngừa thai sẽ giải phóng phụ nữ. Trong một chuyến thăm Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Guadalupe, ông cho biết, ông "rất rõ rệt" nghe thấy lời nói "Tại sao con làm tổn thương Mẹ?"

"Đó là một tiếng nói từ trong lòng phát ra. Đó là một giọng nói phụ nữ - rất yêu thương, rất không đe dọa. Rất rõ ràng, nhưng tôi đã không hoàn toàn hiểu được nó. Tôi tin rằng giọng nói đó đã được Đức Bà Guadalupe cố gắng làm cho tôi thấy những gì tôi đang làm. Nhưng cũng phải cần nhiều năm sau nữa trước khi tôi hoàn toàn hiểu được thông điệp đó. "

Trong thời gian thực tập Residency, BS Bruchalski đã làm việc tại một trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm, đó cũng là một trung tâm nghiên cứu phát triển những biện pháp ngừa thai. Mẹ ông đã dẫn ông đi hành hương đến Medjugorje ở Nam Tư, ở nơi đó ông bắt đầu nhận rõ bản chất của các hành động của mình.

Mặc dù ông đã chế tạo các thiết bị ngừa thai và phá thai, ông nhấn mạnh rằng Thiên Chúa "có thể cứu bất kỳ ai trong chúng ta."

"Không có ai là đã quá trễ. Không có ai trong chúng ta là đã mất, ".

"Vâng, lòng thương xót cuả Chúa Giêsu đánh động tôi. Chúa Kitô không nhìn lại quá khứ của tôi. Tôi đã được tha thứ. 'Ăn năn và tin tưởng', lần chuỗi Lòng Thương Xót là rất quan trọng với tôi ".

BS Bruchalski cho biết tất cả mọi người có thể học hỏi từ lòng thương xót, từ nhật ký của thánh Faustina, và từ việc lần chuỗi Lòng Thương Xót Chúa.

"Hãy nhớ rằng: Chúa Thánh Thần thực hiện các công việc khó khăn cho bạn. Tôi biết rằng nếu bạn bỏ thời gian và nhờ cậy vào Chúa Kitô, Ngài sẽ nói chuyện với bạn ".

Vị bác sĩ cho biết Lòng Thương Xót Chuá cần phải được nhấn mạnh bởi vì "xã hội ngày nay đang ở trong vũng lầy."

"Bất kỳ nơi nào bạn nhìn, thì là bi quan, hoài nghi, quan niệm tương đối, và thái độ khinh mạn tràn lan."

"Lòng Thương Xót Chuá ban cho chúng ta hy vọng. Và khi bạn đang ở trong vũng lầy, bạn cần có hy vọng, ".

Quay lại nghề nghiệp của mình, BS Bruchalski giải thích rằng ông đã đặt tên cho Trung tâm gia đình là Tepeyac để nhắc nhở ông tại sao ông đã làm những việc ông làm.

Tepeyac là nơi mà Thánh Juan Diego đã được Đức Bà Guadalupe hiện ra.

Trung tâm chữa người ta "cơ thể, tâm hồn và tinh thần". Vị bác sĩ cho biết rằng ông "tuyệt đối không do dự" để nói về Chúa khi điều trị bệnh nhân, cho dù họ là những người có niềm tin khác.

"Những gì chúng tôi cố gắng làm là để đáp ứng những gì mà họ đang có sẵn. Chúng tôi cố gắng khuyến khích người ta cầu nguyện và suy niệm, họ cần phải làm điều đó, để họ có được sự liên lạc với quyền lực cao hơn.

"Bạn không thể nhồi nhét vào đầu người ta và nói với người ta bằng một ngôn ngữ mà họ không hiểu. Nhưng với thời gian, Thiên Chúa làm được những việc khó khăn ", ông giải thích thêm rằng tất cả các bệnh nhân cuả trung tâm đã cảm kích khi biết rằng họ được cầu nguyện cho.

Vị bác sĩ nói với Đại hội Lòng Thương Xót Chuá rằng ông nhận xét có bốn thái độ tiêu cực cơ bản trong ngành y khoa ngày nay, đó là: sự sợ hãi, lương tâm bị què quặt, thái độ kiêu ngạo đối với đời sống con người, và không có một cái nhìn đúng đắn giữa sức khỏe và tôn giáo.

Người ta sợ mang thai và nạn nhân mãn, cả hai sự sợ hãi này coi con cái như là "một bệnh lây truyền qua đường tình dục". Cũng có sự sợ bị kiện, sự sợ của người nghèo, và sợ của việc làm không đủ tiền.. Còn các bác sĩ Kitô giáo thì sợ họ sẽ không có bệnh nhân nếu họ làm đúng theo đức tin của họ.

BS Bruchalski nhận xét "Câu trả lời cho những lo sợ này là 'Lạy Chúa Giêsu, con tin tưởng vào Ngài',".

Ông giải thích rằng xã hội ngày nay coi con người chỉ là một vật thể không hơn không kém.

"Thí dụ tin Michael Vick đánh nhau với chó đã được báo chí dành cho thời gian nhiều hơn là các cuộc tranh luận vể “partial-birth abortion” (phá thai khi thai nhi sinh bán phần). Các bào thai bị thẩy vòng quanh các phòng thí nghiệm. Để thử nghiệm. Để đông lạnh. Mà rõ ràng, có cuộc sống con người ở đó. "

Trung tâm gia đình Tepeyac và tổ chức đồng hành Lòng Thương Xót Chuá đang nỗ lực sửa chữa những thái độ đó, BS Bruchalski nói.

"Những điều mà y học mang lại là sự tiến bộ; nhưng nó không mang lại ơn cứu chuộc. Người duy nhất mang lại ơn cứu chuộc là Chúa Kitô. Vì vậy, nếu bạn không thể nối kết hai phiá vào với nhau, thì bạn bị lạc lối, "

Đại hội Bắc Mỹ Lòng Thương Xót Chuá sẽ diễn ra Ngày 14 và 15 tháng 11 tại Vương Cung Thánh Đường Quốc Gia Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (Basilica of the National Shrine of the Immaculate Conception) ở Washington DC. Đại hội tập trung vào đề tài Lòng Thương Xót Chuá là nguồn hy vọng, chữa lành và canh tân cho tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo.

Trang web của Đại hội là http://mercycongress.org.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Cộng Đoàn Tây Úc quyên góp cho nạn nhân bão lụt miền Trung
Đồng Văn Vượng
07:34 18/10/2009
Móc tới đồng xu cuối cùng
Xúc động khi xem những slide show trình chiếu thảm cảnh của các nạn nhân cơn bão Ketsana với những thiệt hại nhân mạng và vật chất cứ tiếp tục tăng vùn vụt, anh chị em Công Giáo Việt Nam Tây Úc đã quảng đại tham gia vào chiến dịch quyên góp cho đồng bào ở quê nhà trong các thánh lễ cuối tuần này.

Anh Hoàng Văn Tiêm, trưởng ban tài chính cho phóng viên VietCatholic biết: “Chỉ sau ba thánh lễ chúng tôi đã thu được con số lên đến 9526 Úc Kim.”

Anh cho biết thêm, “So với những lần quyên góp trước con số này thực sự cũng không hơn không kém bao nhiêu. Nhưng trong hoàn cảnh kinh tế suy thoái hiện nay khi rất nhiều thành viên trong cộng đoàn không có công ăn việc làm, chúng tôi thấy rất là khích lệ.”

Nhiều hình ảnh cảm động đã diễn ra trong các buổi quyên góp. Trong ảnh là một trong những hình ảnh chúng tôi chộp được một vị đang cố móc cho tới đồng cuối cùng trong bóp. Bà Toàn vui vẻ nói: “Lá lành đùm lá rách mà anh!”.

Một số sinh viên Công Giáo Việt Nam đang du học cũng tham gia đóng góp cho qũy cứu trợ từ những đồng tiền nhỏ nhoi các em kiếm được thêm trong các shop do người Việt làm chủ. Trước tình hình kinh tế khó khăn, thu nhập của các em sụt giảm rất nhiều nhưng “mình vẫn còn hạnh phúc và may mắn hơn nhiều người ở quê nhà,” cô sinh viên trong ảnh nói với chúng tôi.
 
Khánh nhật Truyền giáo tại giáo xứ chính tòa Phủ Cam - Huế
Trương Trí
10:17 18/10/2009
HUẾ - Sáng chúa nhật 18. 10, ngày THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO, giáo xứ chính tòa Phủ cam-Huế long trọng dâng thánh lễ cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo, loan báo tin mừng cứu độ trên toàn thế giới.

Trước khi đi vào thánh lễ, ban Phụng Vụ đã hướng dẫn cộng đoàn ý cầu nguyện trong thánh lễ: Tham gia cổ võ và hổ trợ cho công cuộc loan báo tin mừng cho mọi dân tộc, để cho cả nhân loại nhận biết và tin vào Phúc âm mang lại sự Bình an, Niềm vui và Hạnh phúc. Cầu xin cho các vị mục tử luôn có một Đức tin vững vàng, sẵn sàng hy sinh, chấp nhận mọi đau khổ hầu có thể đem nhiều người đến với Chúa. Đồng thời cũng cầu nguyện cho các nhà truyền giáo trên thế giới luôn hăng say và trung thành với Chúa Kitô. Cuối cùng cầu nguyện cho cộng đoàn giáo xứ luôn nhiệt thành cầu nguyện, yêu mến Thánh Thể. Nêu gương sáng cho mọi người trong cuộc sống hàng ngày với lòng bác ái yêu thương.

Thánh lễ do linh mục phó xứ F. X. Nguyễn Văn Thương chủ tế tiến lên bàn thờ trong tiếng kèn vang lên bài: ”Đẹp thay !Ôi đẹp thay những bước chân gieo mầm cứu rỗi”với đoàn rước gồm Hội Đồng giáo xứ và đại diện các Ban nghành, Đoàn thể.

Trong bài giảng, linh mục chủ tế nhấn mạnh: “Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã căn dặn các môn đệ: các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họNhân danh Cha và Con và Thánh Thần, giảng dạy cho họ những điều Thầy đã truyền cho các con. Lời Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ đã trở thành SỨ MỆNH của giáo hội qua mọi thời đại và khắp mọi nơi. Hàng năm, giáo hội dành riêng một ngày để cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo trên toàn thế giới, gọi là KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO. Trong ngày này, giáo hội mời gọi mọi người gia tăng cầu nguyện, tham gia cổ võ và hổ trợ tích cực cho công cuộc loan báo Tin Mừng, làm sao cho mọi người nhận biết và tin vào Phúc Âm hầu mang lại An bình, Niềm vui và Hạnh phúc được Chúa Cứư thế trao ban. Đức Maria là nhà truyền giáo mẫu mực, là người thầy dạy Đức tin, xin Mẹ cho mỗi một người chúng ta luôn biết học hỏi và noi gương Mẹ trong mọi lúc mọi nơi của cuộc sống.”

Kết thúc Thánh lễ, linh mục quản xứ Antôn Dương Quỳnh cũng đã nhắc nhở cộng đoàn giáo xứ: "Việt Nam là một xứ truyền giáo, giáo hội luôn hướng về các xứ truyền giáo, trong đó có giáo hội Việt nam chúng ta. Trong Thánh lễ này, chúng ta cầu nguyện và tỏ lòng tri ân đối với các vị thừa sai, cách đây trên 300 năm các Ngài đã đến truyền giáo tại Việt Nam. Các Ngài đã nghìn dặm vượt trùng khơi biển cả, chống chọi với bao hiểm nguy bệnh tật của khí hậu nhiệt đới, chịu khó tìm hiểu phong tục tập quán cũng như học hỏi tiếng nói của từng địa phương hầu dễ dàng rao truyền lời Chúa. Các Ngài đã vượt qua mọi bách hại trong các thời kỳ sát đạo và phân sáp, gánh chịu những cực hình man rợ hành hạ. Các Ngài vẫn kiên trì bám trụ để đem ánh sáng tin mừng đến người dân Việt để hình thành giáo hội công giáo Việt nam vững vàng cho đến hôm nay.
 
Chúa Nhật Truyền Giáo, Giáo Xứ Cồn Cả đón nhận các anh chị em tân tòng
Anthony Trung Thành
10:22 18/10/2009
VINH - Sáng nay, Chúa Nhật Truyền Giáo, tại Nhà Thờ Giáo Xứ Cồn Cả có 5 anh chị em gia nhập đạo Công Giáo. Trước thánh lễ Chúa Nhật Truyền Giáo, khi mọi người đã qui tụ đông đủ trong thánh đường, Cha xứ chủ sự nghi thức rửa tội cho các anh chị em dự tòng:

Hình ảnh thánh lễ có 5 anh chị em gia nhập đạo Công Giáo

1. Maria Trương Thị Quỳnh, sinh năm 1988
2. Maria Trương Thị Mai, sinh năm 1990
3. Maria Lê Thị Hiến, sinh năm 1989
4. Maria Lê Thị Duyên, sinh năm 1990
5. Anrê Lê Văn Đồng, sinh năm 1988

Nghi thức Rửa tội được diễn ra trong bầu không khí thật trang trọng và sốt sắng. Mọi người hiện diện đều hiệp ý cầu nguyện cho các anh chị em dự tòng có những tâm tình xứng đáng để gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Kết thúc nghi thức, không ai bảo ai từng tràng pháo tay chúc mừng anh chị em Tân Tòng rộn lên khắp cả thánh đường. Cử chỉ này nói lên niềm vui của mọi người khi được đón nhận những người con vào gia đình Giáo Hội giống như Chủ đàn chiên tìm thấy con chiên lạc. Cử chỉ đó cũng giúp anh chị em Tân Tòng can đảm, tin tưởng hơn để sống đạo.

Sau khi thức, một đại diện trong số các anh chị Tân tòng bày tỏ niềm vui lớn lao của mình được gia nhập Giáo Hội Công Giáo, đặc biệt lòng biết ơn đối với Cha xứ, và Ban Giáo Lý đã dạy dỗ và hướng dẫn họ trong thời gian qua.

Dạy giáo lý cho người dự tòng là một trong những nhiệm vụ thiết yếu của Ban Giáo Lý nơi đây và là một trong những công việc mục vụ mà Cha xứ quan tâm.

Hằng năm, có rất nhiều anh chị em lương dân nơi đây xin được học giáo lý để trở thành người Công Giáo. Mặc cho mục đích của họ là gì, các lớp giáo lý đều được tổ chức học tập kỹ lưỡng. Nếu là những người trở lại đạo để xây dựng gia đình thì buộc các anh chị phải theo khoá học giáo lý 1 tháng liên tục, còn không phải vì lý do đó thì có thể kéo thời gian học tập dài hơn. Trong thời gian được ghi danh, nhất là khi bắt đầu học giáo lý, ban giáo lý sẽ hướng dẫn những người dự tòng này làm quen với đời sống đạo: cầu nguyện, dự lễ… với châm ngôn “sống đạo trước khi trở thành người kitô hữu”. Sau khi rửa tội, những người này phải ghi danh vào “hội Tân Tòng” của Giáo Xứ. Hằng năm, Hội Tân Tòng được qui tụ ít nhất ba lần: thứ 7 tuần thánh, lễ bổn mạng thánh Phaolô Tông Đồ trở lại và dịp cuối năm âm lịch. Những lần qui tụ này nhằm mục đích: Chia sẻ những khó khăn và thuận lời trong đời sống đạo…Sau đó, Ban Giáo lý và Cha Quản Xứ giúp anh chị em nâng cao trình độ giáo lý qua những bài chia sẻ. Chính vì thế, đa số những người Tân Tòng nơi đây đều có đời sống đạo tốt.

Truyền giáo là bổn phận của Giáo Hội, của mọi người Kitô hữu như lời Chúa nói “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con”.

Ước mong mọi người Kitô hữu đều ý thức được bổn phận đó của mình để bằng hình thức này hay hình thức khác - rao giảng, cầu nguyện hay làm chứng bằng đời sống – góp phần mình trong cộng cuộc mở rộng nước Chúa.
 
Khánh nhật Truyền giáo tại giáo xứ Tân Phước Sài Gòn
Phêrô Nguyễn Quang Ngọc
10:54 18/10/2009
SAIGÒN - “Lạy Chúa xin hãy sai đi, sai đi khắp cõi gian trần muôn ngàn sứ giả trung kiên. Lạy Chúa xin hãy sai đi sai muôn sứ giả tin Mừng để danh Chúa được cả sáng hơn” Tiếng hát nhịp nhàng vút cao cùng 34 ngọn nến thắp sáng tượng trưng 34 năm hát ca ngơi khen Thiên Chúa của ca đoàn Tình Thương rước cha chủ tế bước vào Thánh Lễ Chúa nhật Khánh Nhật truyền giáo hôm nay.

Hình ảnh ca đoàn Tình Thương

Là một ca đoàn của Giáo xứ Tân Phước, TÌNH THƯƠNG đã tròn 34 tuổi. Anh chị em ca viên những người có mặt tại ca đoàn từ ngày mới thành lập đến những ca viên tuổi mới đôi mươi. Những mái đầu điểm sương sánh vai mái đầu xanh cùng dâng lời ca tiếng hát ngợi khen Thiên Chúa, giúp cộng đoàn nâng tâm hồn lên. Được sự yêu thương, động viên của Cha chính xứ Giuse Vũ Minh Danh, các bạn ca viên đều đặn mỗi tuần 2 buổi tối, sau những công việc đời thường, bất kể gió mưa lại tụ tập tại nhà sinh hoạt Giáo xứ để cùng tập hát chuẩn bị cho Thánh Lễ Chúa nhật. Rất nhiều khuôn mặt phục vụ trong khiêm tốn nhưng vẫn toả sáng như những tấm gương cho lớp trẻ. Từ anh Long Thành đã bền bỉ đồng hành với ca đoàn suốt 34 năm với nhiệm vụ đánh đàn, đến Anh Duy Cương ca trưởng nhà từ quận 4 nhưng vẫn có mặt thường xuyên với ca đoàn….

Với truyền thống tình thương, ngoài việc hát Thánh ca, anh em ca viên còn tham gia các hoạt động khác của Giáo xứ như giữ xe, tiếp sức mùa thi.. và hàng năm vào những dịp lễ quan thầy bè nam, bè nữ, anh em của ít lòng nhiều để chia sẻ tình thương với các trẻ em mái ấm Thiên Bình, trẻ em nghèo ở giáo điểm Phước Long.. Chính các bạn đang góp phần của mình trong vai trò người giáo dân thắp thêm ngọn lửa tin yêu trên cánh đồng truyền giáo mênh mông.

“ Này bạn hỡi hãy thắp sáng lên, ngọn lửa yêu thương” Nguyện xin cho lời ca của các bạn như những áng hương trầm toả bay lên thiên nhan Chúa là những lời kinh nguyện sốt sáng nhất, tuyệt vời nhất như lời thánh Augustino “: “Hát thánh ca là cầu nguyện hai lần”
 
Khánh Nhật Truyền Giáo: Giáo phận Xuân Lộc đón nhận 1114 tân tòng
Giuse Khổng Hữu Nguồn
11:09 18/10/2009
HỐ NAI - Sáng Chúa nhật 18.10.2009 bầu trời Hố Nai thật quang đãng mát mẻ, từ sáng sớm, từng đoàn người từ các hướng, Long Khánh, Xuân Lộc, Gia Kiệm, Sài Gòn, Biên Hòa đi về nhà thờ giáo xứ Hà Nội, Hạt Hố Hai để tham dự ngày tổ chức lễ Khánh Nhật Truyền Giáo của giáo phận Xuân Lộc.

Hình ảnh thánh lễ rửa tội Tân Tòng

Trong thời gian tiếp đón, có chương trình ca múa, do một số anh chị em ca sĩ công giáo trình bày và những vũ điệu múa của các Hội Dòng.

Trước lễ, Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục giáo phận Kon tum kiêm chủ tịch Ủy Ban loan báo Tin Mừng của HĐGMVN chia sẻ với cộng đoàn đề tài Truyền giáo.

Chủ sự Thánh lễ, Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, chủ chăn của giáo phận Xuân Lộc, cùng đồng tế có Đức cha Micaen Hoàng Đức Oanh, Giám mục giáo phận Kon tum kiêm chủ tịch Ủy Ban loan báo Tin Mừng của HĐGMVN, Đức cha Toma Vũ Đình Hiệu, Giám mục phụ tá giáo phận Xuân Lộc, Đức ông Vinh Sơn Đặng Văn Tú, Đức ông Giuse Đinh Đức Đại và hơn 50 cha trong giáo phận.

Tham dự lễ có rất đông quý Tu sĩ nam nữ các Dòng Tu trong giáo phận, các Ban hành giáo, các giới, các ban ngành đoàn thể và một số đông khách mời trong giáo phận, 1114 anh chị em Tân Tòng và hơn 2000 người là thân nhân, họ hàng, bạn bè của các Tân Tòng.

Mở đầu Thánh lễ, Đức cha chủ chăn giáo phận chia sẻ với cộng đoàn:

Công đoàn phụng vụ thân mến, Hôm nay chúng ta họp nhau nơi đây dâng Thánh lễ, chúng ta tạ ơn Chúa Ba Ngôi, vì tình yêu thương nhân loại, Chúa đã sai con một xuống trần gian, Ngài đã loan báo cho chúng ta Tin Mừng cứu độ, và Ngài đã lấy chính mạng sống của Ngài để làm giá cứu chuộc chúng ta, để chúng ta hôm nay qua bí tích rửa tội làm con Thiên Chúa.

Trước khi về Trời, Ngài đã trao lệnh đó cho Giáo hội và các Tông đồ: Hãy đi và dậy cho mọi người biết những điều Thầy làm cho các con.

Vâng lệnh Chúa, Giáo hội tiếp tục công cuộc cứu độ của Chúa, đem Tin Mừng cứu độ của Chúa đến cho mọi người.

Trong ngày Khánh Nhật hôm nay, lệnh đó lại một lần nữa nhắc lại cho mỗi người chúng ta, những người đã lãnh nhận bí tích rửa tội, chúng ta có nhiệm vụ phải loan truyền Tin Mừng cứu độ của Chúa cho anh em chung quanh chúng ta, và cụ thể, trong ngày hôm nay giáo phận Xuân Lộc của chúng ta họp nhau nơi đây để cùng với 1114 anh chị em Tân Tòng tạ ơn Chúa vì Chúa đã ban ơn cứu độ cho những anh em đó, để những anh em đó cũng sẽ là những Tác viên Tin Mừng để đem đến cho những người chung quanh, nhất là những người thân thuộc của mình được nhận biết Tin Mừng cứu độ của Chúa để tất cả chúng ta trở thành một đoàn chiên của một chủ chiên là chính Đức Giêsu Kitô”.


Trong bài giảng lễ, Đức cha Toma Vũ Đình Hiệuphụ tá giáo phận chia sẻ với cộng đoàn một vài thông tin.

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ rất thân mến, hiện nay tại quê hương Việt Nam chúng ta, số người công giáo chưa được sáu triệu người, mới chiếm tỷ lệ 7/100 trên tổng số dân cư toàn quốc.

Riêng tại giáo phận Xuân Lộc chúng ta vẫn được nổi tiếng là có giáo dân đông nhất Nước, nhưng tỷ lệ mới được hơn 1/3 so với dân cư toàn Tỉnh Đồng Nai chúng ta.

Một vài con số trên đây cho thấy nhu cầu truyền giáo vẫn luôn là điều rất cấp bách, chính vì thế Sứ điệp truyền giáo năm nay một lần nữa đánh lên một hồi chuông thức tỉnh tâm thức truyền giáo của mỗi người, chúng ta phải nỗ lực dấn thân phục vụ Tin Mừng cho tất cả mọi người chung quanh ta, đặc biệt cho những anh chị em xa quê hương. Có những người khắp nơi đổ về các khu công nghiệp để kiếm công ăn việc làm, trong số đó có rất nhiều bạn trẻ trang lứa với chúng ta, do đó việc đáp ứng nhu cầu truyền giáo cho người di dân cũng là một thách đố rất lớn cho giáo phận Xuân Lộc, nên chúng ta phải dấn thân không ngừng, bằng nguồn nhân lực, vật lực và tài lực cho nhu cầu truyền giáo, hầu ánh sáng của Đức Kito chiếu tỏa khắp nơi”.


Gần hai tiếng, trình tự diễn tiến trong Thánh lễ diễn ra rất tốt đẹp, từ hệ thống âm thanh, các ban trật tự, tiếp tân, phục vụ, y tế, truyền thông, khánh tiết… tất cả phối hợp nhịp nhàng, và chắc chắn Ban hành giáo, giáo xứ Hà Nội đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác chuẩn bị.

Ca đoàn hát lễ rất hay, bằng những bài Thánh ca quen thuộc, chất giọng du dương, âm vang, trầm bổng giúp cộng đoàn sốt sáng nâng tâm hồn lên với Chúa.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, cha Đaminh Trần Xuân Thảo, Giám Đốc đặc trách truyền giáo giáo phận lên dâng lời cảm ơn quý Đức cha, quý Đức ông, quý cha, quý Tu sĩ nam nữ, quý vị Chính quyền, quý chức, anh chị em Tác viên Tin Mừng, các đoàn hội các giới, anh chị em Tân Tòng và hơn hai nghìn anh chị em các Tôn giáo bạn, Công ty âm thanh và ban kèn đồng.

Hòa cùng biết bao niềm vui, những tràng pháo tay to đều vang xa, những bông hoa tươi thắm kính dâng quý Đức cha, những gói quà kỷ niệm trao tay cho các anh chị em Tân Tòng và cũng lúc này, cha đặc trách truyền giáo giáo phận hân hoan phát lệnh cho hơn 1000 anh chị em Tác Viên Tin Mừng “ Hãy sẵn sàng ra khơi, kỷ niệm 50 năm thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam” một tràng pháo tay nữa lại tiếp tục vang dội.

Thánh lễ kết thúc vào lúc 11 giờ, cộng đoàn ra về trong tin yêu bình an và phép lành của Chúa.
 
Đà Nẵng: Giới Trẻ giáo xứ Thanh Đức làm công tác xã hội cứu trợ nạn nhân lũ ở giáo xứ Phú Hương
Paul Maria
11:39 18/10/2009
ĐÀ NẴNG - Hôm nay, 18/10/2009, Chúa nhật Truyền giáo, chúng tôi vinh dự được đại diện cho Giáo xứ Thanh Đức, Gp Đà Nẵng, lên đường về Giáo xứ Phú Hương để chia sẻ tấm lòng cùng bà con nơi đây sau cơn bão số 9. Tham gia Đoàn cứu trợ lần này có Cha Quản xứ Bônaventura Mai Thái, Ông UV Bác Ái - Xã hội, BTV và 62 bạn Trẻ cùng Đội Hạt Cải Giáo xứ.

Hình ảnh giới trẻ hăng say công tác cứu trợ và phục vụ

Giáo xứ Phú Hương nằm trên địa bàn xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng chừng 50 km về hướng Tây - Bắc, trên đường Quốc lộ 14B, nơi có con suối rất đẹp và nổi tiếng: Suối Mơ. Là một Giáo xứ nghèo lại thường gặp thiên tai nên đại đa số Giáo dân rất thiếu thốn. Tuy nhiên, nghèo khó vật chất nhưng lại giàu lòng đạo hạnh. Mỗi dịp lễ Trọng như Giáng sinh, Phục sinh, Chầu Lượt hay Bổn mạng Giáo xứ..., anh chị em ở các Họ Lẻ xa xôi thường về Nhà thờ chính Phú Hương trước một hai ngày để dọn mình mừng lễ. Cha Quản xứ hiện nay là Cha Đaminh Đặng Bá Linh.

Đoàn chúng tôi đến Phú Hương lúc 09 giờ 05. Đập vào mắt chúng tôi là tiền đường và gác chuông Nhà thờ với những dàn giáo dở dang. .. đứng lặng yên trên khu đất ngỗn ngang, hoang tàn, xơ xác đầy nước úng và bùn lầy. Cơn lũ lụt tàn khốc đã qua đi gần nửa tháng, ấy vậy, khi tận mắt nhìn khung cảnh này, lòng chúng tôi không khỏi thương cảm khôn nguôi.

Cha Quản xứ và đại diện HĐGX Phú Hương tiếp chúng tôi ngoài hành lang Nhà xứ, nơi những bức tường còn in đậm mức nước lũ vừa qua. Cha cho chúng tôi biết nước ngập lên đến 1m80 kể từ mặt sân Nhà thờ. Nhà xứ tuy đã nâng nền khá cao, nước vẫn ngập quá 0m80 trong một buổi chiều, qua một đêm và trọn ngày hôm sau mới rút xuống. Nhà dân chung quanh còn thê thảm hơn, nước dâng kín cả các cửa sổ. Thiệt hại lớn nhất là kho chứa ciment, chừng 10 tấn, để sửa chữa lại gác chuông và tiền đường Nhà thờ nay bị nước ngấm ướt hết không thể sử dụng đựoc nữa. Nước lên quá nhanh, Cha xứ lại ở một mình, nên không kịp di chuyển vật dụng, kể cả sổ sách, tài liệu, sách hát... trành lụt, đành đứng nhìn mà lòng đau xót, phó dâng... " Cám ơn Chúa vì nếu nước ngập thêm một vài ngày nữa thì không biết Cha xứ và người dân bây giờ đi... về đâu ? " Cha xứ Phú Hương nói.

Đợt cứu trợ lần này, theo " đề xuất " của Giáo xứ Phú Hương, chúng tôi chuẩn bị 50 phần quà gồm thực phẩm nhu yếu và tiền mặt để chia sẻ với 50 cụ già neo đơn trong Giáo xứ theo tinh thần " Lá rách đùm lá nát ".
Và để giúp dọn dẹp sân vườn, các kho chứa đồ và lau chùi các dụng cụ, đồ dùng đã bị cơn lũ lụt vừa qua vùi dưới đống bùn lầy.

Các bạn Trẻ chia nhau thành 5 nhóm: Nhóm lo phần dọn dẹp mặt sân, Nhóm lo phần xúc hốt đống bùn trước đài Đức Mẹ, Nhóm khác dọn các nhà kho, Nhóm nữa dội nước lau bùn đủ các vật dụng và một Nhóm lo phần "âm thực ". Nhóm nội trợ này phải đi chợ từ hôm qua, nấu sẵn vài món cần thiết trước, các món còn lại mượn bếp của Nhà xứ Phú Hương để chế biến.
Tuy là dân " thành phố ", nhưng mọi người, kể cả hai Cha, lao động rất hăng hái và " chất lượng ". Mệt, nhọc nhằn, nhưng vui và đầy tiếng cười. Không khí chan hòa tình thương mến. Thật đúng như một nhạc sĩ đã viết: " Sống trên đời sống cần có một tấm lòng " là vậy.

Trước lúc chia tay, chúng tôi cùng hiệp dâng ít kinh nguyện trước đài Thánh Giuse.
Cha Quản xứ Thanh đức đã nói: "... Chúng con cám ơn Cha và Giáo xứ Phú Hương đã cho chúng con một cơ hội để chia sẻ tấm lòng cùng đồng bào, đồng Đạo của mình. Quà tặng chỉ là những " lá rách đùm lá nát ", và công sức chỉ là những giờ phút rãnh rang có thể, nhưng đây là dịp để cho các bạn Trẻ của Giáo xứ chúng con học cách sẻ chia với anh em mình. Chỉ khi biết sống hiệp thông với anh em trong mọi hoàn cảnh, chúng con mới sống trọn vẹn là con ngưòi và là con Chúa trong Tin Cậy Mến... ".

Tay nắm tay trong yêu thương, tất cả cùng hát vang bài ca phục vụ là Tâm Niệm Ca của Giới Trẻ Thanh Đức:

"Nào ta tiến bước theo Chúa đi vào đời
Hành trang ta mang trên vai phục vụ mọi nơi...
Phục vụ là trao không
Phục vụ là quên mình
Phục vụ không đòi đền đáp
Phục vụ ơn nghĩa không chờ...
Phục vụ cùng Chúa Kitô
".
 
Ngày thế giới Truyền giáo 2009
VP HĐGMVN
13:01 18/10/2009
WHĐ (18.10.2009) – Hôm nay 18-10-2009, Chúa nhật XXIX thường niên, là ngày cầu nguyện cho việc truyền giáo của Giáo Hội.

Kể từ năm 1926, Đức Giáo hoàng Piô XI mời gọi toàn thể Giáo Hội đẩy mạnh hoạt động truyền giáo, Ngày thế giới truyền giáo đã được tổ chức 83 lần.

Năm nay, Ngày thế giới Truyền giáo lần thứ 83 của Giáo Hội diễn ra với tinh thần được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nêu lên trong Sứ điệp truyền giáo ban hành ngày 29-06 vừa qua: “Các dân sẽ bước đi nhờ ánh sáng của thành” (Kh 21,24).

Trong Sứ điệp này, ĐTC nhắc lại truyền giáo là nhiệm vụ chủ yếu của Hội Thánh: “Tôi nhắc nhở các Giáo Hội kỳ cựu cũng như các Giáo Hội trẻ trung rằng Chúa đã sai họ đi làm muối đất và ánh sáng thế gian. Người kêu gọi họ loan báo Chúa Kitô Ánh sáng muôn dân, cho đến tận bờ cõi trái đất. Họ phải coi sứ mạng truyền giáo cho dân ngoại là công việc mục vụ hàng đầu”.

Đồng thời ngài giải thích sứ mạng truyền giáo là làm cho niềm hy vọng được “lây nhiễm” khắp mọi nơi trên thế giới: “Tương lai công trình sáng tạo mới đã chiếu sáng trong thế giới chúng ta, và làm bừng lên niềm hy vọng cuộc sống mới, tuy vẫn còn những mâu thuẫn và đau khổ. Sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội là làm cho niềm hy vọng ấy được ‘lây nhiễm’ nơi mọi dân tộc”.

ĐTC nhắc đến công cuộc truyền giáo hiện đang gặp thử thách tại nhiều quốc gia: “Đặc biệt tôi muốn nói đến các Giáo Hội địa phương và các vị thừa sai đang làm chứng nhân và mở mang Nước Chúa trong hoàn cảnh bị bách hại, đang bị đàn áp nhiều cách: từ tình trạng bị kỳ thị về mặt xã hội cho đến ngục tù, tra tấn và sát hại. Ngày nay vẫn còn không ít nhà thừa sai bị giết vì “Danh Chúa”.

Nhưng Giáo Hội vẫn trung thành với sứ mạng loan báo Tin Mừng Đức Kitô của mình. ĐTC kêu gọi các tín hữu: “Chúng ta cần có niềm khao khát và say mê soi sáng cho mọi dân tộc bằng ánh sáng của Chúa Kitô, ánh sáng đang chiếu tỏa trên khuôn mặt Giáo Hội, để họ được qui tụ thành một gia đình nhân loại duy nhất trong tình yêu thương phụ tử của Thiên Chúa”.

Riêng tại Việt Nam, trong bàu khí tích cực chuẩn bị Năm Thánh kỷ niệm 350 năm thiết lập hai giáo phận tông tòa Đàng Ngoài và Đàng Trong (1659) và 50 năm thành lập Hàng giáo phẩm tại Việt Nam (1960), sứ mạng truyền giáo được các giám mục Việt Nam xác định là một trong ba chủ đề của Năm Thánh: mầu nhiệm – hiệp thông và sứ vụ.

Vừa qua, trong Hội nghị kỳ II của Hội đồng giám mục Việt Nam tổ chức tại Xuân Lộc, các giám mục Việt Nam đã gửi Thư Công bố Năm Thánh đến cộng đồng Dân Chúa. Trong đó các vị mục tử nhấn mạnh sứ mạng truyền giáo: “Năm Thánh 2010 phải là động lực thúc đẩy chúng ta hăng say chia sẻ niềm vui đức tin với tất cả mọi người dân Việt. Để thực hiện được điều này, cần phải khơi dậy hồng ân đức tin đã lãnh nhận nhưng vì hoàn cảnh khách quan hoặc những yếu tố chủ quan, hồng ân ấy có thể đã bị phai mờ, lãng quên hay mai một. Ngoài ra cần canh tân các phương thức truyền giáo nhằm đáp ứng những biến chuyển nhanh chóng của thời đại; tuy nhiên nên nhớ rằng chứng tá đời sống vẫn luôn là cách thế cụ thể và thuyết phục nhất trong việc làm chứng cho Tin Mừng và giới thiệu Chúa cho người khác. Đồng thời, nhu cầu bao la trong việc truyền giáo đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các thành phần Dân Chúa, giữa các giáo phận với nhau cũng như giữa các giáo phận và các dòng tu” (Thư Công bố Năm Thánh, số 5).

Cũng trong khung cảnh Ngày thế giới truyền giáo 2009, tại Trung tâm Truyền giáo Pleikly, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai (thuộc giáo phận Kon Tum), vào Chúa nhật 11-10 vừa qua, đã diễn ra thánh lễ tạ ơn và kỷ niệm 40 năm Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) truyền giáo tại Tây Nguyên.

Đông đảo tu sĩ nam nữ của các dòng tu đang phục vụ ở Gia Lai cùng với khoảng 5000 giáo dân J’rai, Banar tại 5 trung tâm truyền giáo của DCCT Tây Nguyên đã tham dự tuần tĩnh tâm và cùng dâng thánh lễ tạ ơn tại Pleikly.

Đức cha Micaen Hoàng Đức Oanh, Giám mục giáo phận Kon Tum, chủ tế thánh lễ đồng tế, đã giảng bằng tiếng Việt và tiếng J’rai (Tiếng Việt trước, tiếng J’rai sau). Nói về công cuộc truyền giáo của các linh mục, tu sĩ DCCT tại Tây Nguyên, Đức Cha Micaen nhận định là hồng ân tình thương của Chúa: “Việc Chúa làm thật vĩ đại. Với hơn 30 nghìn giáo dân được thanh tẩy và hơn 20 nghìn dự tòng… thì phải nói rằng đấy là công trình của Chúa Thánh Thần có sự tham gia góp sức chân thành thiết tha của các vị đã tham gia vào công việc này cũng như bao nhiêu thân nhân, ân nhân khác nữa”.

Ngày thế giới Truyền giáo lần thứ 83 như một sự kiện “vọng” Năm Thánh của Giáo Hội tại Việt Nam.

Qua khánh nhật này, các tín hữu tại Việt Nam, bằng việc cầu nguyện, suy niệm về sứ vụ truyền giáo (tại nhiều nơi còn tổ chức đóng góp vào Quỹ Truyền giáo), đang tích cực hướng đến Năm Thánh 2010, năm của Giáo Hội tại Việt Nam – Giáo Hội mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ.

(Nguồn: www.hdgmvietnam.org)
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Trước sự kiện Chính quyền cướp đất của Gx Loan Lý - tình hình vẫn căng thẳng và nóng bỏng
CTV DCCT
19:09 18/10/2009
LĂNG CÔ - Ngày 16/10/2009 giáo dân Loan Lý đã dọn dẹp, san lấp khu đất sau nhà thờ giáo xứ làm chỗ cho thiếu nhi học giáo lý, sau khi ngôi trường giáo lý của giáo xứ bị nhà cầm quyền cưỡng chiếm tháng trước.

Dưới dự chỉ đạo trực tiếp của Huỳnh Đức Hải, PCT Thị trấn Lăng Cô, các nhân viên UBND, cảnh sát, dân phòng, kiểm lâm huyện Phú Lộc và hàng chục người khác, đã đe doạ và ngăn cản giáo dân đang làm việc trên phần đất của giáo xứ.

Hơn nữa, nhà cầm quyền còn chỉ đạo hơn 30 người mang cọc bê tông, vượt hàng rào ngăn cách giáo xứ với khách sạn Hương Giang, sang đóng trên phần đất của giáo xứ, mạo nhận rằng phần đất này của ông Phan Văn Tùng, cán bộ UBND Thị trấn Lăng Cô.

Viên Đại uý Nguyễn Tiến Dũng, đã xông vào đòi đánh một giáo dân tên Thành và một số phụ nữ khi những người này đang cố gắng ngăn chặn hành vi xâm chiếm ngang ngược và bất hợp pháp của các quan tham.

Cũng chính viên đại uý Phó Trưởng CA Thị trấn Lăng Cô trên đây là người đã ra tay đánh người đêm 13 rạng ngày 14/9 khi những người này ngăn cản bạo quyền cướp trường giáo lý của giáo xứ.

Tưởng cũng nên biết khách sạn Hương Giang là cơ sở kinh doanh của một viên chức đầu tỉnh Thừa Thiên-Huế và phần đất của giáo xứ cạnh khách sạn đã một lần bị chiếm dụng bất thành trước sự phản đối kịch liệt của giáo dân và cha xứ Loan Lý khi ấy.

Trước sự phản ứng quyết liệt bằng những lý lẽ thuyết phục của giáo dân, các quan tham không thực hiện được hành vi chiếm đất của mình. Họ rút các lực lượng về ngụ tại mấy căn nhà phía khách sạn Hương Giang, sát đài Đức Mẹ của giáo xứ.

Tuy nhiên, các quan tham đã chuẩn bị cọc bê tông, lưới B40 và rất nhiều cây bạch đàn. Cùng với các lực lượng bạo lực và quần chúng tự phát là các phóng viên đài truyền hình tỉnh Thừa Thiên-Huế vẫn đang túc trực gần hiện trường.

Xem ra nhà cầm quyền đã sẵn sàng đổ bộ sang phần đất của giáo xứ đóng cọc, trồng cây và rào lại bằng lưới B40. Một khi giáo dân ngăn cản sẽ bị quy chụp tội “xâm nhập, phá cây, lấn đất của người khác”, biến nạn nhân thành tội nhân.

Hai ngày hai đêm qua, từ 16 đến 18/10/2009, giáo dân Loan Lý vẫn đang thay nhau canh giữ khu đất của giáo xứ trước sự rình rập xâm chiếm của nhà cầm quyền địa phương.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Mầu Tím Hoa Bèo
Joseph Ngọc Phạm
22:16 18/10/2009

MẦU TÍM HOA BÈO



Ảnh của Joseph Ngọc Phạm.

Phận bèo bao quản nước sa,

Linh đinh đâu nữa cũng là linh đinh.

(Ca dao)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền