Ngày 31-10-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tỉnh thức chờ đợi
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
05:47 31/10/2011
CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN, năm A
Mt 25, 1-13

Đời con người là một cuộc chờ đợi mòn mỏi và đợi chờ nào cũng bao hàm tình yêu, cũng bao hàm những mong ước, những đợi chờ. Đợi chờ là một cuộc trắc nghiệm về sự bền bỉ, một thử nghiệm về tình yêu. Bởi vì có yêu thương, có tha thiết mới mong chờ, đợi trông. Chờ đợi người mình mến chuộng, yêu quí, chờ mong người mình thực sự yêu thương hay chờ mong một điều gì tốt, một nguyện ước nào đó, con người mới đem hết lòng đợi chờ. Với ý nghĩa đó, đợi chờ là một cuộc chờ mong sâu xa, tha thiết thực sự.

Thánh Vịnh 87,3 viết :” Lạy Chúa, xin cho lời con cầu nguyện vọng tới Ngài, xin lắng nghe tiếng lòng thổn thức “. Dụ ngôn mười trinh nữ chờ đợi chàng rể đến cho chúng ta hiểu ý nghĩa cao sâu của việc chờ đợi. Năm cô trinh nữ khôn ngoan cầm đèn cháy sáng trong tay theo chú rể vào tiệc cưới. Thực sự mà nói, năm cô trinh nữ khôn ngoan chẳng bao giờ hối tiếc những gì đã qua, chẳng lo âu những điều sẽ tới, nhưng các cô luôn vững tin, luôn gắn chặt với thực tại của gian trần này để rồi họ có sẵn dầu dự trữ và thắp sáng đèn cùng chàng rể sánh bước, hân hoan, vui mừng vào dự tiệc cưới. Các cô khờ dại theo Tin Mừng thánh Matthêu sáng nay, vẫn là những cô chỉ biết bám víu vào quá khứ, những cô không biết tiên liệu, không biết nắm bắt thời gian. Nên, khi chàng rể tới, các cô đã quá muộn để mua dầu vì cửa phòng tiệc đã đóng kỹ.

Chúa Giêsu là dung mạo của chàng rể. Tiệc cưới là Nước Trời, Nước Thiên Chúa.
Chàng rể ở đây luôn đến bất ngờ vào ngày, vào giờ con người không hề biết trước.Cuộc đời trần thế là tạm bợ, mau qua. Không ai biết trước giờ chết ngoại trừ Con Người : Đức Giêsu Kitô. Chúa Kitô sẽ đến phán xét mọi người vào ngày tận thế, vào ngày tận cùng của thế giới, của trần gian này. Giờ đó, nào ai đoán trước, nào ai biết trước được.

Người Kitô hữu luôn phải sẵn sàng, luôn phải sống giây phút hiện tại với tất cả tình yêu, với tất cả lòng mến của mình và như thế, họ luôn tỉnh thức để đón chờ chàng rể đến để cùng vào dự tiệc Nước Trời, dự tiệc Nước Thiên Chúa. Môn đệ của Chúa là người phải luôn sẵn sàng chờ đợi Chúa, họ như năm cô trinh nữ khôn ngoan mang đèn, lại mang dầu theo, chứ không khờ dại như năm cô trinh nữ khờ khạo mang đèn nhưng không mang dầu theo dự trữ. Các cô khờ dại sẽ mãi mãi ở ngoài, trầm luôn suốt cuộc đời của mình.

Các cô trinh nữ khôn ngoan, cầm dầu cháy sáng trong tay. Ánh sáng là đức tin chúng ta đã lãnh nhận ngày chúng ta chịu phép rửa tội. Đức tin sống động là đức tin có việc làm. Người Kitô hữu có đức tin cháy sáng là người Kitô hữu luôn hướng về Chúa, lắng nghe Lời Chúa và thực thi Lời Chúa trong đời sống của mình. Cuộc đời của họ luôn tỉnh thức đợi chờ. Theo Chúa là phải sống đức tin của chính mình, phải sống sự khôn ngoan của Thiên Chúa bởi vì có sống sự khôn ngoan của Chúa, người Kitô hữu mới vượt qua mọi thử thách đời sống của mình để tiến tới sự sông vĩnh cửu, chứ không bị u mê, lầm lạc dại khờ chạy bám theo những cám dỗ của trần gian, chạy theo những thói hư nết xấu làm lu mờ đức tin.
Đèn dầu cháy sáng. Dầu tình yêu, dầu bác ái. Thánh Gioan viết một câu rất chi lý: “Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu “ ( 1 Ga 4, 8 ). Tin yêu, sẵn sàng, tỉnh thức chờ đợi là luôn phó thác nơi Đấng, Mục Tử nhân lành :” Chúa là mục tử chăn dắt tôi. Tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi. Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi “ ( Tv 22, 1-2 ). Tình yêu của Đấng Mục Tử nhân hậu đang hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể. Chúng ta luôn được nuôi dưỡng bằng chính thịt máu Chúa để có sức mà đi trọn cuộc lữ hành trần thế mà tiến vào Nước Trời.

Lạy Thiên Chúa toàn năng và nhân hậu, xin đẩy xa những gì cản bước tiến chúng con, trên đường về với Chúa, để một khi xác hồn thanh thản, chúng con được hoàn toàn tự do thực hiện ý Chúa ( Lời nguyện nhập lễ, lễ Chúa nhật XXXII thường niên, năm A ).

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Năm cô trinh nữ khôn ngoan tượng trưng cho ai ?
2.Năm cô trinh nữ khờ dại thuộc hạng người nào ?
3.Chàng rể trong dụ ngôn này là ai ?
4.Đèn cháy sáng tượng trưng gì ?
5.Đức tin không việc làm là đức tin gì ?
 
Xin đừng quên tôi!
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
08:40 31/10/2011
Xin đừng quên tôi!

1. Forget me not.

Có một loài hoa đẹp tên là Forget me not.
Tên khoa học: Myosotis - Family: Boraginaceae
Tên tiếng Việt: Hoa Lưu Ly
Tên tiếng Anh: Forget me not, Xin đừng quên tôi
Thông điệp: Tình yêu chân thành (True Love) - Hoài niệm (Memories)

Ngày 28/4/1917, Forget me not được chính thức trở thành biểu tượng hoa của tiểu bang Alaska (Mỹ).

Hoa Lưu Ly có tên khoa học là Myosotis Scorpioides từ ý tưởng cánh hoa có hình tai chuột (Myosotic tiếng Latin là "tai chuột") và vì chúng thuộc họ cỏ Bò Cạp (Scorpion Grass) do các cụm hoa đều uốn cong lên giống như đuôi bò cạp. Đây là loài hoa bé nhỏ nhưng đầy sức sống và có hương thơm mát, phân bố tự nhiên ở vùng ôn đới. Forget me not có hoa màu xanh, trắng, tím, hoặc vàng, nhưng phổ biến là màu xanh hay tím violet đặc trưng (ở Đà Lạt). Forget me not thường được cắm chung hoặc làm nền cho các loại hoa khác, đem lại cảm giác trữ tình và êm dịu.

Hoa Lưu Ly thường được gắn với những hoài niệm yêu thương và tình yêu chân thành. Một truyền thuyết của người Đức đã giải thích nguồn gốc tên của loài hoa màu xanh tím nhỏ bé xinh đẹp này, cũng như ý nghĩa của nó trong ngôn ngữ các loài hoa:

Ngày nọ, có một hiệp sĩ trẻ và người yêu đang đi dạo dọc theo bờ sông Danube. Cô gái trông thấy mấy cánh hoa đẹp mọc ở ven bờ, nơi sát mí nước, rất thích, cô bảo người yêu hái chúng cho mình. Nhưng than ôi, trong lúc cố vươn tay với lấy các cành hoa, chàng hiệp sĩ trượt ngã xuống dòng sông đang chảy xiết. Bị vướng víu áo giáp nặng nề, chàng đã không thể vượt qua được bờ sông trơn trượt dù đã cố gắng hết sức. Cảm thấy mình đang nhanh chóng chìm xuống, anh ném hoa lên bờ cho người yêu và bằng tất cả hơi thở tàn của mình trước khi chìm mãi, anh gọi nàng một lời như trăn trối: "Đừng quên nhau nhé !" rồi mất hút trong dòng nước xiết... Người yêu đau khổ đã không bao giờ quên anh, cô cài những cánh hoa ấy trên tóc cho đến khi chết.

Một truyền thuyết khác kể rằng, có một người du hành nọ đang lang thang trong thung lũng hoang vắng thì nhìn thấy một bông hoa lạ mà anh chưa từng gặp bao giờ ngay dưới chân mình. Anh hái bông hoa, ngay lập tức, cạnh dốc núi hé mở ra. Anh bước vào trong và thấy trước mắt mình không biết cơ man nào là vàng và ngọc ngà châu báu. Anh sung sướng và bắt đầu thu nhặt chúng, nhưng lại vô tình đánh rơi bông hoa bé nhỏ. Bông hoa thầm thì một cách yếu ớt: "Xin đừng quên tôi ! Xin đừng quên tôi !" Tuy nhiên, người lữ hành mải lo say sưa với những vật báu trước mặt mà làm ngơ trước lời khẩn cầu đó. Rồi, khe núi bắt đầu khép dần lại, anh ta chỉ còn một chút thời gian ngắn ngủi để chạy thoát. Nhưng, Alas ! Bông hoa nhỏ từng giúp anh mở cái hang châu báu này đã biến mất mãi mãi.

Còn theo một truyền thuyết Công giáo, ngày nọ, Đức Chúa Trời đi ngang qua vườn địa đàng sau khi sáng tạo ra thế giới muôn loài. Người bỗng chú ý đến một bông hoa nhỏ và hỏi nó tên gì. Bông hoa ngượng ngùng thì thầm: "Hic, con sợ rằng con đã quên mất rồi ạ, thưa Chúa" (I am afraid I have forgotten, Lord). Đức Chúa ôn tồn trả lời: "Forget Me Not. Uh, ta sẽ không bao giờ quên con". (nguồn: hoa-forget-me-not.blogspot.com).

2. Nhớ đến tôi

Tháng Mười Một lại về, tháng nhớ đến và cầu nguyện đặc biệt cho mọi tín hữu đã qua đời hiện đang còn thanh luyện trước khi hưởng hạnh phúc vĩnh cửu. Với người Công Giáo, Tháng Mười Một là Mùa Cầu Hồn, mùa nhắc nhở mỗi người nhớ đến người đã “đi trước”, và cũng nhắc nhở mỗi người: “nay anh mai tôi”.

Hoa Forget me not gởi sứ điệp cho mọi người: Xin nhớ đến tôi.

Ai cũng mong ước người khác nhớ đến mình.
Mẹ sửa soạn đi chợ, đứa con nhỏ nũng nịu: mẹ nhớ mua quà cho con nhé.
Con cái đi học đi làm xa, cha mẹ dặn dò: nhớ cầu nguyện hàng ngày nghe con, nhớ thường xuyên gọi điện về nhà nghe con.
Chồng đi làm xa, vợ dặn dò: anh nhớ gọi điện cho em nhé.
Vị linh mục thăm viếng bệnh nhân, khi ra về người bệnh thường nói: Cha nhớ cầu nguyện cho con nhé…
Trên thập giá, người trộm lành thưa với Chúa Giêsu: “Lạy Ngài khi nào vào nước của Ngài, xin nhớ đến tôi”.

Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22,19). Mỗi ngày trong Thánh lễ, Lời Chúa Giêsu được lập lại long trọng trong Lời Truyền Phép: Các con hãy làm việc nầy mà nhớ đến Thầy.

Cuộc sống hằng ngày của mỗi người có bao gian truân vất vả, bao trăn trở ưu phiền. Khi có người gọi điện thoại hỏi thăm, khi nhận được một lá thư, một món quà, lòng tôi ấm lên niềm vui và hạnh phúc. Bởi lẽ, có người nhớ đến gọi điện cho tôi, viết thư cho tôi, tặng quà cho tôi.

“Nhớ đến tôi” là ba chữ ai cũng muốn có trong cuộc đời mình. Nếu không được ai nhớ đến, cuộc đời tôi bất hạnh biết bao!

Những người đã ra đi yên nghĩ trong lòng đất, họ cần điều gì nhất? Họ cần đến lòng thương xót Chúa. Họ cần chúng ta nhớ đến họ. Ông bà cha mẹ, những thân bằng quyến thuộc của chúng ta đã an giấc ngàn thu cần chúng ta cầu nguyện tưởng nhớ đến họ. Nghĩa trang là nơi an bình yên tĩnh. Người đã khuất sống mãi trong trái tim tình yêu, trong lòng nhớ ơn thiết nghĩa của người còn đang sống. Giọt nước mắt khi người ta khóc, chính là những viên kim cương lấy từ trái tim để tặng cho người mình nhớ thương đã an nghĩ.

Nhớ lời một ca khúc “Không Tên” của Nhạc sĩ Vũ Thành An: “Triệu người quen có mấy người thân, khi lìa trần có mấy người đưa?”. Sống mà không được nhớ tới là sống trong lạnh lẽo của mộ sâu. Đau khổ nhất của người đang sống chính là cô đơn, là không được ai nhớ đến.Thiệt thòi lớn nhất của người đã chết là bị quên lãng. Người đã chết chẳng cần ăn mặc, không nói năng, không nổi niềm, không đi đứng. Họ đã bước vào cõi thinh lặng ngàn thu. Họ chỉ cần chúng ta nhớ đến và cầu nguyện. Họ muốn chúng ta cho họ những bông hoa tưởng nhớ, những nụ hoa cầu nguyện, những mật hoa bác ái, những hương hoa hy sinh.

Hãy tặng cho những người đã an giấc những bông hoa Forget me not. Hãy để hương hoa “xin đừng quên tôi” phảng phất xung quanh nấm mồ. Họ cần thứ hoa đó hơn con thơ cần sữa mẹ, hơn thiếu nữ cần tình yêu, hơn khu vườn cần nắng ấm.

Chúa Giêsu dạy lời vàng ngọc: “Hãy làm cho người khác điều mà con muốn người khác làm cho con” (Mt 7,12). Hãy tưởng nhớ đến những linh hồn thân nhân, ân nhân, bạn bè, nếu chúng ta muốn sau này có nhiều người tưởng nhớ đến mình. Tình nghĩa quan trọng hơn bạc tiền. Đời sau giá trị hơn đời này.

Người Công giáo được khuyến khích thực hiện những điều thiết thực, ví dụ như xin Lễ, dự Lễ, đọc kinh cầu nguyện, làm việc lành phúc đức… để “nhớ đến” những người đã ra đi mà còn đang vướng mắc một vài trở ngại nào đó khiến họ chưa hoàn toàn chia sẻ vinh quang và hạnh phúc với Chúa.

Những việc lành phúc đức cho chúng ta một cảm giác hạnh phúc và ý nghĩa bởi vì thân nhân của chúng ta đã và sẽ còn được tưởng nhớ đến mãi.

“Nhớ đến tôi”, đó là ba chữ quan trọng cho người còn sống và cho người đã ra đi. Bao nhiêu tư tưởng cao siêu, bao nhiêu câu chuyện yêu đương đẹp như thần thoại cũng đều gói gọn trong cỗ quan tài. Bao nhiêu khối óc vượt nhân thế, bao nhiêu tính toán siêu vời cũng vỏn vẹn trong chiếc quan tài. Mênh mông như cuộc đời sau cùng cũng im lặng trong lòng đất.

Tôi chết có được người khác nhớ đến hay không? Đó là do cách sống của tôi trước khi chết. Người ta nhớ tôi hay không, là “quyền” của người ta. Nhưng chính tôi có bổn phận nhớ đến người đã khuất. Nhớ đến để cầu nguyện cho họ trong tình liên đới và hiệp thông Kitô giáo trong Chúa.

Sinh thời Chúa Giêsu đã muốn rằng: Người ở đâu, những kẻ Chúa Cha ban cho Người cũng sẽ được ở đó. Chúa dẫn đưa con người về bến bờ sự sống ngang qua sự chết. Trong ý hướng ấy, chúng ta cầu nguyện cho những người đã khuất và tin rằng tấm lòng của mình chạm đến được lòng xót thương của Thiên Chúa.

Tháng 11, nhớ đến những người đã an nghĩ, kinh nguyện và việc lành phúc đức chúng ta dâng chính là “của lễ cho người đi vào cõi sống”.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các vị Thánh và những tiếng chuông
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
08:06 31/10/2011
Các vị Thánh và những tiếng chuông

Ngôi thánh đường nào bên Âu Châu cũng thường có một bộ chuông với nhiều qủa chuông. Có những đại thánh đường nổi tiếng có tới 09 hay nhiều hơn, những qủa chuông to nhỏ khác nhau treo mắc trên tháp thánh đường. Mỗi qủa chuông phát ra âm thanh cũng khác nhau theo cung điệu âm nhạc đã đúc sẵn trong thân thể qủa chuông.

Âm thanh của một qủa chuông phát ra cũng đã thanh thoát, nhưng khi nhiều qủa chuông được lần lượt bấm giật lên, chúng cùng phát ra một dàn âm thanh hòa nhịp theo cung điệu âm nhạc còn thanh thoát hay hơn nữa. Tiếng chuông này hòa lẫn với tiếng chuông khác tạo ra những âm thanh réo rắt ngân vang khắp một khoảng bầu trời không gian rộng lớn.

Tiếng chuông phát ra không chỉ theo cung điệu âm nhạc, nhưng còn như lời kêu gọi, đánh thức, hay như lời nhắc nhở mọi người đến giờ làm việc gì rồi. Tiếng chuông thánh đường mời gọi nhắc nhở mọi người tín hữu tới giờ đến thánh đường dâng lễ làm việc phụng tự.

Tiếng chuông phát ra còn được suy hiểu là tiếng của trời cao kêu mời mang đến cho đời sống niềm vui mừng. Như tiếng chuông ngày lễ giáng sinh báo tin mừng Chúa Giêsu sinh ra. Tiếng chuông ngày lễ Phục sinh loan tin mừng Chúa Giêsu sống lại.

Tiếng chuông cũng là tiếng đánh thức lương tâm, nhắc nhớ con người tỉnh thức về điều việc mình làm.

Khi những tiếng chuông do từ những qủa chuông to nhỏ cùng phát tỏa ngân vang trong không gian, ta nghe được một làn âm thanh hòa điệu đan quyện vào nhau tạo nên một bản hòa tấu vừa vui tươi, vừa hùng vĩ réo rắt, và cũng như sứ điệp bay lan đi khắp không gian.

Nhìn vào các vị Thánh trong Giáo Hội, có những Vị nổi tiếng được biết đến tên tuổi xuất xứ cùng nếp sống của các ngài. Nhưng cũng những vị, mà lại là đại đa số, mà ta không biết gì về đời sống của họ, hay họ không được nhắc đến bao giờ.

Họ là ai? Đời sống của họ ra sao và có để lại dấu vết gì cho đời không?

Thánh Gioan đã diễn tả hình ảnh những vị Thánh trên trời như sau:

„Tôi nghe nói đến con số những người được đóng ấn: một trăm bốn mươi bốn ngàn người được đóng ấn, thuộc mọi chi tộc con cái Ít-ra-en. Sau đó, tôi thấy: kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô: "Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta." ( Sách Khải Huyền 7, 2-4)

Đời sống của tất cả các vị Thánh đều đã trải qua nếp sống với nhiều thử thách, với nhiều hy sinh dấn thân chịu đựng. Đời sống của họ như bao người trên trần gian, đã phải trải qua những giai đọan lên xuống. Họ cũng đã phải chấp nhận đời sống được có tung hô kính trọng thì ít, mà bị khinh miệt lo âu có khi bị làm nhục thì nhiều hơn.

Đời sống của họ không dựa vào tài trí quyền hành sức mạnh. Nhưng con đường đời sống của họ đặt trên nền tảng đức tin vào Thiên Chúa và vào tình yêu đồng loại.

Trong số những vị Thánh vô danh hay ẩn danh này, chúng ta có thể tin rằng có Tổ tiên Ông Bà, Cha Mẹ chúng ta khi xưa lúc còn sinh tiền đã suốt dọc đời sống luôn đặt tin tưởng vào Thiên Chúa tình yêu. Họ đã âm thầm chịu đựng vâng theo thánh ý Thiên Chúa chu toàn bổn phận là người con của Chúa, là cha mẹ sinh thành nuôi dưỡng con cháu nên người về thể xác cũng như tinh thần theo như luật Chúa và Giáo Hội. Con người chúng ta tin tưởng như vậy không là qúa đáng, phóng đại ảo tưởng đâu. Nhưng là lòng hiếu thảo biết ơn người đã làm ơn cho ta. Và xin các ngài bây giờ bên ngai tòa Thiên Chúa trên trời phù hộ cầu khẩn cho ta.

Những hợp chất kim loại bị nung chảy thành chất lỏng trong lò luyện kim, rồi được pha chế, đúc thành hình thù theo khuôn mẫu, mài dũa thành qủa chuông phát ra âm thanh cung nhạc thanh thoát. Cũng thế, đời sống của các vị Thánh cũng bị rèn luyện nhào nặn phải vượt qua những bước khổ ải khó khăn thử thách, để cho trở nên vững mạnh rắn chắc trong nhân đức trung thành làm người cùng làm con Thiên Chúa.

Đời sống các Vị Thánh tựa ví những qủa chuông phát ra bài hòa tấu âm thanh thánh thiện. Qua đời sống anh hùng thánh đức của họ, cùng hòa lẫn với nhau qua những giai điệu cung cách mầu sắc sống khác nhau, chiếu tỏa phát ra làn âm thanh theo với cung nhạc của trời cao:

- Tựa như tiếng cảnh tỉnh, đánh thức lương tâm con người về một đời sống thánh thiện chân chính.
- Truyền lan tỏa đi sứ điệp niềm vui thánh đức nhắn gửi cho con người trần gian: niềm hy vọng vẫn luôn có đó, cho dù những khó khăn thử thách!
- Phát chiếu lời kêu gọi nhắn gửi: Thiên Chúa tình yêu hằng đồng hành hiện diện giữa con người.

Lễ mừng kính các Thánh Nam Nữ
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
 
Argentina: Một linh mục bị phạt do rung chuông nhà thờ
Phạm Kim An
08:07 31/10/2011
Argentina: Một linh mục bị phạt do rung chuông nhà thờ

Buenos Aires - Một thẩm phán ở thành phố Santa Rosa, Argentina, đã phạt một linh mục chánh xứ địa phương, do rung chuông nhà thờ và tạo ra "tiếng ồn khó chịu".

Nữ thẩm phán Alicia Corral nói rằng việc rung chuông nhà thờ ba lần một ngày trong tám phút đã gây ra các khiếu nại từ các người ở gần khu vực nhà thờ. Bà nói thêm rằng nếu linh mục vẫn tiếp tục rung chuông mỗi ngày, chuông sẽ bị tịch thu.

Phát biểu với các phóng viên, linh mục chánh xứ cho biết hình thức xử phạt này là kết quả của "tính hiểm độc, sự thiếu hiểu biết, và cuộc chiến đang diễn ra chống lại Giáo Hội" bởi "một nhóm quan chức địa phương".

Ngài nói rằng các người hàng xóm đã thu thập được hơn 1.000 chữ ký, đòi hỏi rằng các quan chức "chỉ cần rời khỏi Giáo hội”.

Ngài nói thêm: “Và nếu cần, chúng tôi có thể nhận được 30 ngàn hoặc 40 ngàn chữ ký".

Các chức sắc Giáo hội đã kháng cáo phán quyết của thẩm phán. (CNA 28-10-2011)

Phạm Kim An
 
Ấn Độ: một bức tượng của ĐTC Gioan Phaolô II được làm phép tại nhà thờ dâng kính cho Ngài
Nguyễn Trọng Đa
08:09 31/10/2011
Ấn Độ: một bức tượng của ĐTC Gioan Phaolô II được làm phép tại nhà thờ dâng kính cho Ngài

Bangalore – Ngày 25-10, Sứ thần tại Ấn Độ, Đức Tổng Giám mục Salvatore Penncchio, đã làm phép một bức tượng Chân phước Gioan Phaolô II, trước nhà thờ dâng kính Ngài ở K Channasandra Horamavu, vùng ngoại ô của Bangalore.

Tổng Giáo Phận Bangalore là nơi đầu tiên trong cả nước Ấn Độ có một nhà thờ dâng kính cho Chân Phước Gioan Phaolô II, vị Giáo Hoàng truyền giáo, đã được phong Chân phước ngày 1-5 qua.

ĐTC Gioan Phaolô II viếng thăm Ấn Độ hai lần, vào năm 1986 và 1999, đi khắp đất nước từ Bắc đến Nam, và đến viếng đền thờ của Ngài Gandhi.

Bức tượng bằng đồng, cao khoảng 2,6 m và nặng 375 kg. Tượng được đúc ở Bangkok, Thái Lan. Tượng là hình ảnh ĐTC Gioan Phaolô II trong y phục Đức Giáo Hoàng, và dưới chân của Ngài có hai biểu tượng quốc gia, là con công và hoa sen.

Tham dự buổi lễ có Tổng Giám mục Bernard Moras, Tổng Giáo phận Bangalore, tất cả 13 Giám mục bang Karnataka, và Giám mục thuộc các Giáo phận Chikmagalur, Mysore, Belgaum, Bellary, Shimoga, Belthangady, Bhadravathi, Mangalore, Mandya, Puttur, Karwar và Gulbarga. Sứ thần cũng nói Ngài hy vọng rằng tiến trình phong thánh cho ĐTC Gioan Phaolô II sẽ được tiến hành khẩn trương.

Trong bài giảng, Sứ thần nhắc lại dung mạo của ĐTC Gioan Phaolô II: "Đức Giáo Hoàng là nhà truyền giáo; Ngài đã đi thăm nhiều quốc gia và đã hai lần đến Ấn Độ. Lời của Ngài là: Đừng sợ, hãy thả lưới chỗ sâu để có mẻ cá lớn”.

Đức Tổng Giám mục Pennacchio kêu gọi người Ấn Độ đừng sợ đón Chúa Kitô vào cuộc sống của họ, và hãy bắt chước Ngài. Đức Tổng Giám mục Moras được ĐTC Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám mục, lần đầu là Giám mục giáo phận Belgaum và sau đó là Tổng Giám mục Tổng giáo phận Bangalore. (AsiaNews 29-10-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Indonesia: Các bài học âm nhạc dân tộc cho giới trẻ Công giáo Borneo
Nguyễn Trọng Đa
08:11 31/10/2011
Indonesia: Các bài học âm nhạc dân tộc cho giới trẻ Công giáo Borneo



Pontianak – Trong một tuần lễ, giới trẻ Công giáo thuộc tỉnh xa xôi Tây Kalimantan đã tham dự học nhạc và học hát, trong đó họ sáng tác các bài hát Dayak, tức nhạc truyền thống của các dân tộc bản địa của khu vực Đông Nam Á.

Linh mục Karl Edmund Prier, dòng Tên và là một chuyên gia về nhạc phụng vụ thuộc trung tâm Yogyakarta, đã hướng dẫn khoá học cho khoảng 35 thanh niên Công giáo thuộc chín giáo xứ rải rác khắp khu vực Kapuas Hulu (Giáo phận Sintang).

Tại Pontianak, tỉnh lị của tỉnh, nhạc sĩ nổi tiếng Phaolô Widyawan đã tổ chức một khoá học về hát hợp xướng cho hơn 200 thiếu nhi.

Linh mục dòng Tên nói: “Sự đáp ứng của người trẻ là lớn lao, có cái gì đó khá độc đáo. Không ai biết các bài hát truyền thống Dayak, nhưng họ được các ông bà của họ hát cho họ nghe. Từ những bản ghi âm trên điện thoại, họ có thể sáng tác ít nhất 36 bài hát”.

Kết quả thu được trong một tuần lễ học tập vượt ra ngoài mọi dự đoán, bởi vì ngày nay hàng trăm người dân tộc Dayak không biết văn hóa truyền thống của họ.

Hòn đảo Kalimantan - được biết đến nhiều với tên Borneo - không đông dân cư, mặc dù nó lớn gấp năm lần so với đảo Java.

Nhóm người Dayak có hơn 200 phân nhóm dân tộc, với các ngôn ngữ và nền văn hóa khác nhau. Hiện nay, người Dayak là đại đa số Kitô hữu (91%). Số còn lại là người vật linh (7%) và Hồi giáo (2%). (AsiaNews 29-10-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Liên HĐGM Á châu kêu gọi bảo vệ môi sinh
LM Trần Đức Anh OP
11:33 31/10/2011
BANGKOK - Liên HĐGM Á châu đã tổ chức một cuộc hội thảo tại Bangkok, Thái Lan, về trách vụ của Giáo Hội ở đại lục này đối với việc bảo vệ môi sinh và kêu gọi chống lại sự thay đổi khí hậu tai hại.

Trong tuyên ngôn chung kết sau khóa họp hai ngày, các GM và các tham dự viên đã kêu gọi mọi tín hữu ở Á Châu hãy ý thức và dấn thân bảo vệ môi sinh, đứng trước sự thay đổi khí hậu hiện nay với bao nhiêu hậu quả tiêu cực. Các vị nhấn mạnh rằng nghĩa vụ cơ bản của Giáo Hội tại Á châu là ”kêu gọi hoán cải toàn diện, thăng tiến một lối sống khác với hiện nay, một nền văn hóa mới tôn trọng thiên nhiên, sống đơn sơ và điều độ, hy vọng và vui mừng”. Văn kiện đề cao tầm quan trọng của Giáo huấn xã hội Công Giáo trong việc bảo tồn thiên nhiên và nhìn nhận tình trạng nghèo đói trầm trọng do những thay đổi khí hậu mỗi năm gây ra, những thay đổi này cũng có phần trách nhiệm của con người vì hành xử không hòa hợp với thiên nhiên. Sau cùng, Văn kiện mời gọi các HĐGM Á châu đề ra các kế hoạch hành động và tăng cường các chương trình chống thay đổi khí hậu; mời gọi tất cả Giáo Hội địa phương cổ võ lối sống tôn trọng thiên nhiên; kêu gọi các vị hữu trách về chính trị và kinh tế coi việc bảo vệ môi sinh như một vấn đề ưu tiên, và giới hạn thán khí làm cho trái đất bị hâm nóng.

Văn kiện chung kết mang chữ ký của Đức Cha Orlando Quevedo, GM giáo phận Cotabato, Phi luật tân, Tổng thư ký Liên HĐGM Á châu, và Đức Ông Josef Sayer, Chủ tịch điều hành tổ chức bác ái Misereor của HĐGM Đức, là cơ quan đã tài trợ việc tổ chức và tiến hành cuộc hội thảo. Sau đây là nguyên văn tuyên ngôn chung kết này:

Dẫn nhập

Đại diện nhiều HĐGM tại Á châu, các Ủy ban GM về công lý, hòa bình, phát triển nhân bản, và Caritas, Văn phòng Tổng thư ký trung ương và các Văn phòng khác của Liên HĐGM Á châu, chúng tôi, 55 tham dự viên đến từ 16 HĐGM và 2 thành viên kết nạp, trong đó có 14 giáo dân, 4 nữ tu, 14 LM, 21 GM và 2 HY, đã cùng nhau tham dự một cuộc hội thảo rất ý nghĩa tại Bangkok, Thái Lan, từ ngày 19 đến 20-10 vừa qua. Được các chuyên gia quốc tế trợ giúp, chúng tôi đã kiện toàn kiến thức và chia sẻ những kinh nghiệm về đề tàio ”Sự thay đổi khí hậu và ảnh hưởng của nó tại Á châu - những thách đố và câu trả lời của Giáo Hội tại Á châu”. Chúng tôi cám ơn tổ chức cộng tác phát triển Misereor của HĐGM Đức vì đã giúp cho cuộc hội thảo này tiến hành được.

Với mối quan tâm sâu xa đối với các dân tộc Á châu và các thế hệ tương lai, chúng tôi đã quyết tâm giúp bảo vệ và thăng tiến sự toàn vẹn của thiên nhiên do Thiên Chúa dựng nên tại Á châu.

A. Tình trạng mục vụ về sự thay đổi khí hậu

Đại lục Á châu của chúng ta là một món quà cho tất cả mọi người. Đại lục này rất phong phú về các dân tộc, các nền văn hóa cổ kính, các truyền thống tôn giáo và triết lý. Tại đại lục này Đức Giêsu Chúa chúng ta đã sinh ra, đã sống, đã công bố nước Thiên Chúa và làm điều thiện.

Nhưng bi thảm thay đại lục chúng ta cũng là một đại lục có rất nhiều người nghèo đói, tại đây chỉ có một thiểu số người được hưởng những tiến bộ và sự thịnh vượng lớn lao trong khi nhiều người khác phải chịu cảnh thiếu thốn tột cùng. Và chính những người nghèo và túng thiếu là nạn nhân đau khổ nhiều nhất vì những hậu quả của sự thay đổi khí hậu.

Chúng ta đang cảm nghiệm những thay đổi thê thảm của các mùa, những thay đổi tột độ của khí hậu, xảy ra thường xuyên hơn và những cơn bão mạnh mẽ hơn, những trận lụt tàn phá, và nhiều vùng trở nên khô cằn, việc sản xuất thực phẩm giảm sút, sự lan tràn các thứ bệnh liên hệ tới sự thay đổi khí hậu. Chúng ta có những phúc trình về băng tan trên núi Hi mã lạp sơn, về những đe dọa sự sống vì lụt lột tại những vùng lưu vực thấp của sông ngòi, và thậm chí nhiều hải đảo nhỏ vị mất đi vì mực nước biển dâng cao. Tất cả những điều đó chắc chắn làm cho cuộc sống người nghèo trở nên thê thảm hơn. Nhiều tình trạng lên tới mức độ khẩn cấp, dân chúng phải tản cư, số người tị nạn về môi sinh gia tăng, hố chia cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng sâu rộng, và các cuộc xung đột gia tăng vì các tài nguyên, có thể dẫn tới những xáo trộn nghiêm trọng về xã hội, chính trị và kinh tế.

Nhiều chuyên gia nói rằng cách thức sản xuất và các ý thức hệ về sự phát triển mà các nước công nghệ ứng dụng đã góp phần làm cho trái đất bị hâm nóng và khí hậu thay đổi. Nhưng bi thảm thay, cách thức sản xuất gây ra sự thay đổi khí hậu như thế cũng được truyền tới Á châu do sự cấu kết tham ô giữa các nhà phát triển địa phương và quốc tế. Họ khai thác bót lột rừng già ở Á châu và thực hiện công nghệ khai thác quặng mỏ có sức tàn phá, như những hình thức khai thác mỏ ở mức độ rộng lớn, việc làm này đưa tới những lợi lộc kinh tế ngắn hạn, nhưng lại gây thiệt hại cho công ích của tất cả mọi người.

Tại Á châu có nhiều mâu thuẫn này, vừa phong phú và thiếu thốn, yêu cầu của chúng tôi là làm sao có những điều kiện sống chính đáng cho mọi người dân Á châu và cho sự sống còn của các loại sinh vật. Điều này cũng giống như một yêu cầu công lý cho các thế hệ chưa sinh ra; đòi phải sống liên đới và qui hướng về công ích.

B. Suy tư đức tin về sự thay đổi khí hâu

Trong tư cách là Giáo Hội, chúng tôi rất lo âu cho các nạn nhân và những người chịu đau khổ, hiện tại và trong tương lai, vì những hậu quả tai hại của sự thay đổi khí hậu. Dưới nhãn giới đức tin, chúng tôi nhìn thấy những khía cạnh luân lý và tôn giáo của tình trạng mục vụ này ở Á châu.

Thiên nhiên, tình trạng tội lỗi và sự hòa hợp bị phá vỡ

Chúng tôi tin rằng ngay từ đầu Thiên Chúa đã sáng tạo một thế giới hòa hợp và tươi đẹp (St 1,1-31). Nhưng tội lỗi dưới hình thức sự kiêu ngạo của con người, ích kỷ và ham hố, đã phá hủy sự hòa hợp ấy (Xc St. 3,1-7; 4,1-16; 11,1-9). Những quan hệ giữa nhân loại, thế giới và Thiên Chúa bị phá vỡ. Theo kế hoạch của Thiên Chúa, vào thời viên mãn, ngài sẽ tái tạo sự hòa hợp nguyên thủy và an bình đã có lúc ban đầu.

Chúa Giêsu, Nước Thiên Chúa, chữa lành sự tan vỡ vì tội lỗi

Thời kỳ Chúa định đã đến. Thiên Chúa sai Con thần linh của Ngài là Giêsu sinh bởi một trinh nữ khiêm hạ tên là Maria (Lc 2,1-7). Sứ mạng của Người là chữa lành mọi quan hệ bị phá vỡ do tội lỗi. Người công bố nước Thiên Chúa (Mc 1,15) và cuộc sống trọn vẹn, sung mãn, mà Người đến để trao tặng (Ga 10,10). Quyền năng của Nước Thiên Chúa được biểu lộ trong những quan hệ mới và sự hiệp thông mà Chúa Giêsu đã thiết lập, với những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, những người nghèo và bị bỏ rơi, người đau yếu, mọi người đang cần sự cảm thương của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu nhắc nhở mọi người về sự hòa hợp nguyên thủy và vẻ đẹp tự nhiên của công trình sáng tạo bằng cách giải thích Nước Thiên Chúa qua những hình ảnh như hạt giống, vườn nho và cây, đất, chim trời và hoa huệ ngoài động, cá, chiên cừu và các động vật khác, những dấu hiệu trên trời, bóng tối và ánh sáng (Vd Lc 8,4-8; Mt 13,31-32; Lc 8,22-29; Mt 13, 24-30). Trong tất cả những điều ấy, Chúa Giêsu chứng tỏ tình yêu của Người và Chúa Cha cũng như sự quan phòng đối với thiên nhiên và nhân loại.

Thập giá, hòa giải, công lý và hòa bình

Cử chỉ cuối cùng của Chúa Giêsu để chu toàn kế hoạch của Thiên Chúa là cuộc khổ nạn, cái chết và sự sống lại của Người, là biến cố chung kết về ơn cứu độ và hòa giải, qua đó Người lôi kéo mọi người đến cùng Người. Thập giá vinh hiển chính là quyền năng và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, thực hiện sự hòa giải toàn thể nhân loại và vũ trụ với Thiên Chúa. Sự đau khổ ngoại thường và cái chết của Chúa Giêsu nhắc nhở cho chúng ta lời Thánh Phaolô nói với chúng ta về sự rên xiết của thụ tạo trong khi chờ đợi được cứu chuộc và hòa giải trong Chúa Giêsu (Rm 8,19-22).

Chúa Giêsu và sự sáng tạo mới

Nhưng Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta nhiều hơn nữa trong Kinh Thánh - một mầu nhiệm tuyệt vời và sâu xa hơn nữa. Đức Giêsu đã chết như người yếu đuối và hổ nhục cũng chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa. Từ đời đời Ngài là Thiên Chúa (Ga 1,1-2), là Con yêu dấu duy nhất của Thiên Chúa, Đấng đã nhập thể làm người vào thời gian đã định để ở giữa chúng ta (Ga 1,14). Ngài chính là chủ tể tối cao của mọi loài, qua Ngài và nhờ Ngài, mọi thụ tạo được hiện hữu (Ga 1,3; Cl 1,15-19), và toàn thể vũ trụ được phục hồi cho Ngài và được đổi mới nhờ Thần Trí của Ngài. Biển khơi và trời cao, mưa và ánh sáng mặt trời mùa màng và khí hậu đều thuộc về Ngài.

Qua Thập giá, Ngài đổi mới mọi sự. Vạn vật rên xiết đã trở thành một thụ tạo mới nhờ Máu Ngài (2 Cr 5,17-21). Chúa Giêsu là an bình của chúng ta, an bình và hòa hợp của thế giới. Chúa đã tái lập công lý và hòa giải mọi sự với Ngài (Cl 1,20).

Chính trong sự hiểu biết như thế về công trình sáng tạo, cứu chuộc và lịch sử loài người được soi sáng nhờ niềm tin của chúng ta nơi Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, mà chúng ta phân định được những chiều kích sâu xa của sự thay đổi khí hậu, tình trạng tội lỗi gây ra sự thay đổi ấy, những chiều kích tôn giáo và luân lý đạo đức trong đó và sự đe dọa trầm trọng nó gây ra cho nhân loại.

Tiếp tục tuyên ngôn chung kết cuộc hội thảo về sự thay đổi khí hậu do Liên HĐGM Á châu tổ chức, các GM và các tham dự viên khác khẳng định rằng:

C. Những điều cần làm về mục vụ

Vì thế, chúng tôi tin rằng mọi dân tộc ở Á châu, thuộc bất kỳ nền văn hóa, xác tín tôn giáo hay triết lý, tình trạng kinh tế ra sao đều có sứ mạng bảo vệ và thăng tiến sự toàn vẹn của thiên nhiên. Và trong tư cách là Giáo Hội chúng ta bênh vực công lý cho sự thay đổi khí hậu trái đất và cho các thế hệ tương lai, nhất là cho người nghèo.

Một công tác cơ bản của Giáo Hội tại Á châu là kêu gọi hoán cải tận căn, thăng tiến một lối sống khác, một nền văn hóa mới tôn trọng thiên nhiên, lối sống đơn sơ và điều độ, hy vọng và vui mừng. Được hướng dẫn nhờ giáo huấn xã hội như những nguyên tắc và đường hướng hoạt động, Giáo Hội cần cổ võ các kỹ thuật ít thải ra thán khí làm thiệt hại môi sinh, cổ võ sự sản xuất hữu cơ và hợp môi sinh, tiêu thụ trong tinh thần trách nhiệm, và phục hồi, nhờ đó góp phần vào nền công lý giữa các thế hệ khác nhau.

Những lời kêu gọi cấp thiết

Dưới ánh sáng những điều nói trên đây, chúng tôi đồng thanh kêu gọi Liên HĐGM Á châu thiết lập một cơ quan hoặc một văn phòng về việc bảo vệ khí hậu, với nhiệm vụ:

- suy tư thần học về mầu nhiệm và chân lý liên quan tới sự sáng tạo của Thiên Chúa, trách nhiệm luân lý đạo đức của chúng ta về môi sinh;
- thăng tiến những sáng kiến trên bình diện Liên HĐGM Á châu và hỗ trợ các sáng kiến của các Giáo Hội địa phương về việc bảo vệ khí hậu;
- thiết lập những liên lạc thực hành và hữu hiệu với các Liên HĐGM khác, các HĐGM Hoa Kỳ và Canada, Âu châu, cũng như với các Hội nghị của LHQ để đương đầu với thách đố thay đổi khí hậu.

Ngoài ra, chúng tôi kêu gọi các HĐGM ở Á châu đề ra những kế hoạch hoạt động hoặc tăng cường các chương trình chống thay đổi khí hậu;

- Chúng tôi kêu gọi Liên HĐGM Á châu tổ chức một cuộc hội thảo thứ hai vào năm 2013 về sự thay đổi khí hâu để lượng định những bước tiến đã đạt được cho đến bấy giờ cũng như xác định quyết tâm của Liên HĐGM Á châu về tương lai.
- Chúng tôi kêu gọi mọi Giáo Hội địa phương và mọi người hãy sống phù hợp với nguyên tắc trung thành quản lý thiên nhiên cũng như trong việc sử dụng các phương tiện chuyên chở, vẽ kiểu nhà thờ và các công thự tôn giáo;
- Chúng tôi khẩn cấp kêu gọi tất cả những người có trách nhiệm chính trị hay coi việc bảo vệ khí hậu như một nguyên tắc chỉ đảo nòng cốt trong khi đề ra các quyết định.
- Chúng tôi kêu gọi tất cả những người có trách nhiệm kinh tế và các nước công nghệ hãy chia sẻ với chúng tôi tại Á châu kiến thức về những kỹ thuật dài hạn để bảo vệ khí hâu, làm dịu bớt và thích ứng, như một việc phục vụ cho các thế hệ tương lai.
- Chúng tôi kêu gọi mọi chính phủ hãy quyết định giới hạn việc hâm nóng trái đất ở 1,5 độ C.
- Chúng tôi kêu gọi tất cả các chính phủ hãy chấp nhận một kiểu mẫu phát triển hợp với khí hậu và mở rộng những quyết tâm bảo vệ khí hậu tại các nước đang lên.
- Chúng tôi kêu gọi mọi chính phủ hãy đưa hiệp định Kytoo đến một thời kỳ dấn thân thứ hai vào năm 2012, và qua đó bảo tồn hiệp định này như văn kiện duy nhất của LHQ có tính chất bó buộc về pháp lý để bảo vệ khí hậu.
- Chúng tôi kêu gọi thực hiện một sự quản trị chính đáng, trong sạch và minh bạch quỹ Khí Hậu Xanh và chương trình của quỹ này để đảm bảo sự giảm bớt sự tăng trưởng và phát triển từ sự sản xuất thán khí tại các nước có nền kinh tế tăng trưởng mạnh. Chúng tôi kêu gọi những người có trách nhiệm quyết định ở mọi cấp độ hãy cứu xét sự khôn ngoan môi sinh của các dân tộc địa phương và quyền của các dân tộc được tham gia tích cực.

Sau cùng, chúng tôi đề nghị Liên HĐGM Á châu gợi ý cho cơ quan thích hợp của Giáo Hội triệu tập một Thượng HĐGM thế giới về vấn đề thiên nhiên và sự thay đổi khí hâu. Thượng HĐGM này sẽ chứng tỏ mối quan tâm thực sự của ĐGH Biển Đức 16 khi ngài tuyên bố ”Giáo hội có trách nhiệm đốivới thiên nhiên” (Caritas in veritate, 51).

Kết luận

Lập trường của chúng tôi là một lập trường can đảm và hy vọng. Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 có lần đã nói: ”Nhìn về tương lai trong hy vọng, và khởi hành với một nghị lực đổi mới để biến Ngàn Năm mới này thành một thời kỳ liên đới và hòa bình, yêu thương sự sống và tôn trọng công trình sáng tạo của Thiên Chúa” (Pilgrimage to Malta, 8-5-2001).

Trong trách vụ này đối với thế giới, chúng ta lấy hứng và kín múc sức mạnh từ mầu nhiệm và chân lý của Chúa Giêsu trong sứ mạng cứu độ, giải thoát, chữa lành và hòa giải thế giới bị tan vỡ. Nơi các môn đệ Chúa Giêsu, sứ mạng tái tạo mọi sự trong Chúa Kitô, đối với chúng ta là một hồng ân và trách nhiệm. Chúng ta cộng tác với Thánh Linh của Chúa Giêsu, Đấng đổi mới bộ mặt trái đất”.
 
Từ con tầu Noê đến viễn ảnh của tiên tri Isaiah: Hòa Bình và Tự Do
Bùi Hữu Thư
17:16 31/10/2011
Rôma, ngày 28 tháng 10, 2011 (Le Monde vu de Rome) – Trong con tầu của ông Noê, các thú vật sống chung hòa bình, nhưng chúng không có sự lựa chọn. Tiên tri Isaiah đã đề ra một viễn ảnh của hòa bình có được nhờ “sự hiểu biết Thiên Chúa trong nội tâm”. Thầy Rabbi Do Thái Rosen đã đề nghị tại Assisi, một suy niệm về hòa bình và sự tự do của nhân loại được gợi hứng bởi tiên tri Isaiah và những bình luận gia về ngài.

Theo hình ảnh Thiên Chúa

Trong lời cầu nguyện với Đức Mẹ các Thiên Thần, sáng Thứ Năm, thầy cả Do Thái David Rosen, giám đốc quốc tế về Liên Tôn của Ủy Ban Hỗn Hợp Do Thái-Hoa Kỳ (AJC), cũng đã bầy tỏ lòng tri ân đối với hai Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Benedict XVI về sáng kiến của hai vị.

Thầy rabbi đã nhận xét rằng “những gì những người nam và nữ tìm kiếm là một ý tưởng về hòa bình vừa là “một biểu hiệu cao cả của Thánh Ý Chúa” vừa là “hình ảnh thiêng liêng theo đó mỗi con người đều được tạo dựng.”»

Thầy Rabbi Rosen đã trình bầy một suy tư về quan niệm hành hương trong Thánh Kinh: “Một cuộc hành hương theo định nghĩa không chỉ là một hành trình. Theo tiếng Hebrew, người ta dịch chữ hành hương là “aliyah la’regel”, có nghĩa là một “cuộc đi bộ leo núi”. Theo nghĩa đen, đúng như vậy vì người ta phải leo các núi đồi xứ Giuđa để lên Giêrusalem, nơi Đền Thánh. Nhưng biểu tượng thể lý này muốn gợi ý cho tinh thần của khách hành hương là sự cảm nhận nội tâm về một cuộc vượt núi thiêng liêng, để luôn luôn tiến tới gần Thiên Chúa hơn, và như thế là để có một thỏa hiệp với Thánh Ý Chúa và các Giới Răn của Người.”

Từ Giêrusalem, Lời Chúa

Thầy rabbi đã nói nhiều về viễn ảnh hòa bình của tiên tri Isaiah: ”Quan điểm hành hương, vượt núi, là trọng tâm trong viển ảnh tiên tri của sự thiết lập Vương Quốc trên trần gian: viễn ảnh cứu thế của nền hòa bình hoàn vũ. Theo lời tiên tri Isaiah: “Nhiều dân tộc sẽ đến và nói rằng: "Hãy, đến, chúng ta hãy lên núi Chúa và lên nhà của Giacób. Người sẽ dạy chúng ta đường lối của Người, và chúng ta sẽ đi theo ý định của Người: vì luật pháp sẽ ban ra từ Sion, và lời Chúa sẽ phát ra từ Giêrusalem. Người sẽ xét xử các dân ngoại và khiển trách nhiều dân tộc". Họ sẽ lấy gươm mà rèn nên lưỡi cày, lấy giáo rèn nên lưỡi liềm. Nước này không còn tuốt gươm ra đánh nước kia nữa; người ta cũng sẽ không còn thao luyện để chiến đấu nữa. (Is 2,3-4). »

Thầy Rabbi Rosen cũng đọc tiếp lời tiên tri, viễn ảnh lạ lùng về hòa bình hoàn vũ giữa các tạo vật: “Sói sống chung với chiên con; beo nằm chung với dê; bò con, sư tử và chiên sẽ ở chung với nhau; con trẻ sẽ dẫn dắt các thú ấy. Bò con và gấu sẽ ăn chung một nơi, các con của chúng nằm nghỉ chung với nhau; sư tử cũng như bò đều ăn cỏ khô, trẻ con còn măng sữa sẽ vui đùa kề hang rắn lục, và trẻ con vừa thôi bú sẽ thọc tay vào hang rắn độc. Các thú dữ ấy không làm hại ai, không giết chết người nào khắp núi thánh của Chúa. Bởi vì thế gian sẽ đầy dẫy sự hiểu biết Chúa như nước tràn đầy đại dương.” (11,6-9). »

Giữa con tầu và Isaiah, là tự do

Để giải thích ý nghĩa của đoạn KinhThánh Này, thầy rabbi đã trích dẫn lời bình của thầy rabbi Meir Simcha de Dwinsk, một người sống vài thế kỷ trước đây:”Ngài đã nhận xét là viễn ảnh hòa bình này đã có lần được thể hiện trong lịch sử tôn giáo của nhân loại, bên trong con tầu Noê. Trong đó những thú dữ đã phải ăn cỏ, và những con mồi của chúng đã có thể sống bình an. Tuy nhiên, thầy rabbi Meir Simcha cũng ghi nhận là sự khác biệt sâu xa giữa hoàn cảnh trong tầu Noê và viễn ảnh của tiên tri Isaiah là trong con tầu không có sự lựa chọn, đó là cách thức duy nhất cho các thú vật để có thể sống sót qua cơn hồng thủy. Viễn ảnh của Isaiah xuất hiện ngược lại với “sự hiểu biết Thiên Chúa”: đó là một viễn ảnh xuất phát từ sự hiểu biết thiêng liêng sâu xa nhất và ý chí tự do.”

Sau đó thầy rabbi đã đề nghị cách thực hiện cho thế giới ngày nay: “Đối với nhiều người, hoà bình là một nhu cầu thực tế - thật vậy, chúng ta không được làm thuyên giảm bằng bất cứ hình thức nào ơn phúc lành có thể biểu hiệu cho chúng ta một thực tại như vậy. Tuy nhiên, những gì con người nam và nữ có đức tin tìm kiếm và ước muốn, đó là “được trèo lên núi Chúa”, và đó là một ý tưởng về hòa bình cũng như là biểu hiệu cao cả của thánh ý Chúa và hình ảnh thiêng liêng theo đó mỗi con người đều được tạo dựng.”

Thầy rabbi cũng áp dụng cho sáng kiến của Chân Phước Gioan Phaolô II và cũng tri ân Đức Thánh cha Benedict XVI: “Về sự kiện ngài đã biểu hiệu ước muốn này một cách cụ thể ở đây tại Assisi, 25 năm về trước, chúng ta chịu ơn chân phước Gioan Phaolô, và chúng ta phải hết sức tri ân Đức Thánh cha Benedict XVI, đấng kế vị của ngài, vì đã tiếp tục theo đuổi con đường này.”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ Ngân Khánh của LM Anrê Nguyễn văn Tề thuộc TGP San Francisco, tại Viêt Nam
Nguyễn Xuân
19:54 31/10/2011
Lễ Ngân Khánh Linh mục của Linh mục Anrê Nguyễn văn Tề, Tổng giáo phận San Francisco tại quê hương Viêt Nam

Vào lúc 10 giờ sáng 29/10/2011, Đại gia đình giáo xứ Gia Định, quận Bình Thạnh, Tp HCM, đã hân hoan tổ chức Thánh lể Tạ ơn nhân dịp Ngân khánh Linh mục của Linh mục Nguyễn Văn Tề, thụ phong linh mục tại Tổng giáo phận San Francisco USA, năm 1986.

Xem hình

Nếu như mọi người trong họ hàng mừng vui bao nhiêu khi có ai đó trong gia tộc Vinh Qui Bái Tổ, thì hôm nay, gia đình của Cha, hàng xóm, bạn bè thân quen cũng vô cùng hạnh phúc trong ngày trọng đại này.

Nhưng ngay đầu lễ Cha xác định: đối với Cha, điều quan trọng trong ngày hôm nay không phải là thánh lễ Tạ ơn mừng Ngân khánh, vì đã là linh mục thì ngày nào Cha cũng là linh mục, cũng dâng thánh lễ tạ ơn Chúa. Điều chính yếu hôm nay là để cầu nguyện cho ông cố Phêrô Nguyễn Văn Chỉnh, thân phụ của cha nhân ngày giỗ đầu của ông và giỗ 47 năm của bà cố. Do đó hôm nay, Cha về quê nhà, không phải để được chúc tụng nhưng trở về với tư cách người con thảo trong gia đình luôn gắn bó với cội nguồn, về để ôn lại ký ức thời thơ ấu, trong đó có biết bao hy sinh vất vả của một người bố trong cảnh gà trống nuôi con- vì mẹ của Cha mất sớm. Tình thương của một người cha đã từng khó nhọc chắt chiu nuôi dạy con từng ngày, hẳn ai cũng biết dạt dào như thế nào nhưng người cha đó không ích kỷ giữ con lại bên mình mà đã quảng đại dâng con mình cho Chúa. Thiết nghĩ mừng Ngân khánh người con cũng là cũng là cách để tôn vinh bố.

Đầu lễ, linh mục phụ tá Giuse Mai Thanh Tùng, người bạn chí thân của Cha thay mặt Linh mục Chánh xứ Ignatiô Hồ Văn Xuân - bận công tác mục vụ với Đức Hồng Y- chào mừng Quí cha, Quí tu sĩ, Quí hội đồng mục vụ, các đoàn thể, cộng đồng giáo dân và họ hàng thân nhân cùng ân nhân của Cha. Ngài mời gọi mọi người tạ ơn Chúa vì hồng ân cao cả Chúa ban cho riêng gia đình Cha và cộng đoàn giáo xứ đồng thời cầu nguyện cho Cha luôn thăng tiến trên con đường theo Chúa. Cha cũng mời gọi mọi người cầu nguyện cho ông bà cố, cho tất cả những ai còn sống cũng như qua đời đã yêu thương hướng dẫn Cha trên đường tu đức.

Trong thánh lễ có sự hiện diện của Quí cha sinh trưởng tại Gia Định, lớn tuổi nhất là cha Félix Nguyễn Văn Thiện, nhỏ nhất là cha Giuse Cao Minh Triết. Quí cha đã từng giúp xứ Gia định nay đã là Chánh xứ các xứ lớn cũng quay về chúc mừng, cha Quyền tổng đại diện Nha Trang, cha Bề trên dòng Đức Mẹ Lên Trời, đặc biệt có hai cha cùng lớp: cha Aloisiô Tô Minh Quang và cha Giuse Trần Văn Lưu, giảng lễ.

Bắt đầu bài chia sẻ, cha đặc câu hỏi: Linh mục, Người là ai? Chúng ta biết đến linh mục với nhiều mỹ từ, chắc chắn là người được Chúa chọn, là ngọn hải đăng, là đuốc sáng cho dương trần…nhưng hôm nay cha muốn nhắc đến câu xác định của Đức Thánh Cha Bênêđictô, nhân ngày kỷ niệm 60 năm linh mục của ĐTC: Linh mục là bạn của Chúa Giêsu, từ câu trích dẫn Tin Mừng Thánh Gioan “Từ nay Thầy sẽ không gọi các con là tôi tớ, Thầy sẽ gọi các con là bạn hữu” (Ga15,14).

Muốn là bạn của Chúa Giêsu thì phải học biết về Chúa Giêsu và càng yêu mến Ngài hơn qua việc học hỏi Lời Chúa, vâng nghe Lời Chúa. Mỗi ngày làm bạn với Chúa qua việc Phụng vụ Lời Chúa và Thánh Thể để đón nhận thần lương nuôi dưỡng hồn, Năng viếng Chúa Giêsu Thánh Thể để lắng nghe Chúa bảo ban dạy dỗ. Gặp gở Chúa là Đấng Vô hình qua những người bạn hữu hình của Chúa, các linh mục, các giáo dân, giới trẻ, thiếu nhi, bệnh nhân, già yếu, kẻ khổ đau. Và điều quan trọng không được có thời gian nhàn rỗi. Linh mục luôn làm vệc, luôn học hỏi tìm cách phục vụ và đem các con chiên về với Chúa, bằng chính những sáng kiến đường hướng phục vụ ngày càng mới, phù họp với thời đại.

Sau thánh lễ, một đại diện giáo dân chúc mừng kỷ niệm Ngân Khánh và Sinh nhật 60 tuổi của Cha, cầu xin Chúa ban cho Cha dư tràn ân sủng để Cha luôn trung thành với ơn gọi, mãi mãi là vị mục tử như lòng Chúa ước mong. Vị đại diện cũng gợi nhớ về ông cố Phêrô Nguyễn Văn Chỉnh, Trưởng ban bảo trì nhà thờ. Sự tận trung hết lòng của ông trong việc phục vụ Nhà Chúa được Cha sở đánh giá cao và là mẫu gương cho các thành viên khác.

Sau khi chụp hình lưu niệm, mọi người cùng chia sẻ bữa cơm thân mật, cùng hàn huyên tâm sự cùng ôn lại những kỷ niệm đẹp thời xa xưa.

Từ thời lên 8, 9 tuổi cha là một cậu bé “giúp lễ” rất siêng năng, thời đó làm lễ bằng tiếng Latinh, cậu bé đối đáp rất thuộc lòng. Thấy tính tình cậu bé dễ thương Cha cố sở Antôn Phùng Quang Mạnh đã ươm mầm ơn gọi và dìu dắt cậu vào Tiểu chủng viện Thánh Giuse ở Vũng Tàu. Vào chủng viện không bao lâu thì bà cố đột ngột qua đời, ông cố dù phải gà trống nuôi con nhưng luôn cố gắng thay bà cố nuôi dạy các con. Lên Đại chủng viện, thầy có về giúp xứ Gia Định, ai cũng nhớ hình ảnh thầy rất đơn sơ, đặc biệt huynh trưởng và thiếu nhi Thánh Thể- nay đã là phụ huynh- vẫn còn nhớ lại hình ảnh “thầy trợ úy“ sinh hoạt rất vui, các thiếu nhi thường gọi Cha là thầy Zumbalabi …

Nhưng con đường tu đức của Cha gặp không biết bao nhiêu thử thách gian truân. Sau năm 1975, như bao nhiêu chủng sinh khác, Cha trở về nhà lao động rất cực nhọc giúp gia đình trong thời gian khá dài…Và Cha vẫn quyết tâm dấn thân theo Ơn gọi Cuối cùng Cha đã được thụ phong linh mục tại Tổng gíao phận San Francisco. Hai mươi lăm năm trong đời sống linh mục Cha đã nhiệt tình phục vụ giáo xứ và các bệnh nhân trong bệnh viện.

Năm trước, Cha có về thăm ông cố, nhưng vì bận công tác mục vụ cha không thể ở mãi bên ông cố… Chính linh mục Quyền tổng đại diện Nha Trang- hôm nay hiện diện trong thánh lễ - đã thay Cha ban các bí tích cuối cùng cho ông cố.

Cha kể, sáng nay cha đã vào bàn thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp để tìm lại một kỷ vật của ông cố. Đó là tấm bia Tạ ơn Đức Mẹ do ông cố tạc để tạ ơn vì chuyến đi an lành của Cha.

Hôm nay Cha cũng gặp lại những bạn cùng tu, tuy không là linh mục nhưng đời sống đạo đức rât tốt…

Hiếm khi người ta tổ chức tiệc mừng kỷ niệm một ngày vui, một sinh nhật chung với một lễ giỗ nhưng chính hiện tượng 3 trong 1 này là một điều rất có ý nghĩa vì khi chúc mừng sự thành đạt của người con chính là tôn vinh người cha đã có công nuôi dưỡng dạy dỗ con nên người. Chính Cha đã khẳng định “Không có ông cố, tôi không có được ngày hôm nay”. Trong tâm tình kính phục và thương nhớ ông cố, cộng đoàn cầu xin Chúa tưởng thưởng công lao của ông cố và cho ông cố sớm về hưởng Nhan Thánh Ngài.

Buổi họp mặt kết thúc vào lúc 12g30, mọi người bùi ngùi chia tay, không biết bao giờ gặp lại nhau tại Việt Nam.

Dù xa xôi cách trở xin cùng hiệp thông trong kinh nguyện và thánh lễ mỗi ngày.

Nguyễn Xuân
 
Paraguay – Tản mạn Tháng Mân Côi và Truyền Giáo
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.
08:33 31/10/2011
PARAGUAY – TẢN MẠN THÁNG MÂN CÔI VÀ TRUYỀN GIÁO

Những ngày lễ bổn mạng các giáo xứ

Ở Nam Mỹ nói chung và Paraguay nói riêng, người ta không mừng lễ bổn mạng cá nhân như những người Công giáo Việt Nam nhưng lại rất chú trọng đến mừng lễ bổn mạng của các giáo điểm hay giáo xứ. Vì thế, tên gọi các giáo điểm và các giáo xứ là tên của các thánh thường được mừng cách long trọng, và nếu các giáo xứ ở thành phố thì họ mời các linh mục đến dâng lễ theo từng ngày gọi là Tuần Cửu Nhật (la Novena).

Tháng 10, tháng có nhiều vị thánh như thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su, thánh Phan-xi-cô khó khăn, Đức Mẹ Mân Côi, thánh sử Lu-ca… mà người dân ở đây chọn làm thánh quan thầy cho các nhà thờ của họ nên họ đua nhau tổ chức làm Novena (Tuần Cửu Nhật) cho ngày bổn mạng của giáo xứ mình. Tôi được khá nhiều nhà thờ mời giúp bí tích Hòa giải và dâng lễ nên được hiểu biết thêm các nét riêng của những từng nơi trong thành phố. Họ không mấy khác biệt như các giáo xứ ở Việt Nam mình. Chỉ có một vài giáo xứ có các Phong trào như: Canh Tân Đặc Sủng, Con Đường Tân Dự Tòng thì sinh động hơn một tí nhưng lại có vài vấn đề lủn củn nội bộ vì có một số cá nhân muốn phô diễn tài năng. Tôi thấy qua những dịp tổ chức lể bổn mạng là dịp hâm nóng lại tinh thần sống đạo và đây là điều rất đáng làm.

Những lúc ngồi tòa dịp này đã tập cho tôi sự kiên nhẫn, lòng trắc ẩn và sự càm thông hơn khi tôi lắng nghe các hối nhân hòa giải với Chúa. Tôi cũng là một hối nhân và cứ 3 tháng một lần tôi hòa giải với Chúa nên tôi hiểu việc lắng nghe người khác và giúp họ trở về với Chúa là nhiệm vụ rất quan trọng của một linh mục ngồi tòa. Thiếu sự kiên nhẫn, lòng trắc ẩn và sự cảm thông, việc ngồi tòa trở nên vô ích và có lẽ hối nhân sẽ có một ấn tượng xấu dẫn đến việc người ta sợ hay không muốn đến tòa cáo giải nữa. Tôi cảm thấy mình nhận được nhiều hơn là cho khi ngồi tòa nhưng đôi lúc cũng hơi khó chịu một tí vì một vài người đến không phải để hòa giải với Chúa nhưng là để kể công của mình và kể tội người khác.

Vì là tháng Mân Côi nên tôi thường xuyên đến 2 cộng đoàn giáo họ mình phụ trách giúp mọi người hiểu hơn về Kinh Mân Côi và cùng cầu nguyện với họ bằng Chuổi Mân Côi. Chỉ có mấy bà lớn tuổi rất thích cầu nguyện những lời kinh đơn sơ này, còn giới trẻ thì vẫn chưa quen và cũng chẳng mấy thích thú với những vần kinh ê,a này. Tôi không đặt nặng về vấn đề số lượng hay là những cuộc tổ chức hoàng tráng nhưng phương châm của tôi đến giờ vẫn là “Salvar una persona es salvar un mundo entero” (Cứu một người là cứu cả thế giới). Tôi cùng các bà và những người yêu thích cầu nguyện với Kinh Mân Côi ê, a cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo của Giáo Hội vì chúng tôi tin tưởng rằng lời Đức Mẹ đã hứa ban cho những ai đọc Kinh này sẽ trở thành hiện thực.

Khánh nhật truyền giáo

Chiếu thứ Bảy 22/10/2011, áp lễ Khánh Nhật truyền giáo, kênh truyền hình Telefuturo của Quốc gia đến giáo xứ của Dòng Truyền giáo Ngôi Lời tại Paraguay để truyền hình thánh lễ trực tiếp cho mọi người xem nhằm nhắc nhở mọi người cầu nguyện và đóng góp cho công cuộc truyền giáo của giáo hội. Buổi chiều hôm ấy có sự tham dự đông đảo của các tín hữu thuộc giáo xứ của Dòng cũng như các giáo xứ lân cận, các Nữ tu thuộc Dòng Nữ Tỳ Chúa Thánh Linh Truyền giáo- một Hội dòng em của Dòng Ngôi Lời có cùng Đấng Sáng Lập, các Đại chủng sinh của Dòng Ngôi Lời và 5 linh mục của Dòng đồng tế gồm 5 quốc tịch khác nhau là Ấn Độ, Argentina, Ba Lan, Indonesia và Việt Nam. Cha Giám tỉnh của Dòng Ngôi Lời tại Paraguay hiện nay là người Ấn Độ đã mời gọi mọi người cùng nhau truyền giáo. Ngài đã nhắc lại lời của Đức Phao-lô VI trong Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng là: “Giáo Hội, tự bản chất là truyền giáo”, và vì thế, chúng ta là thành phần của Giáo hội, chúng ta không thể lảng tránh hay thoái thác nhiệm vụ này cho người khác được.

Dòng Truyền giáo Ngôi Lời đã hiện diện ở Paraguay hơn 100 năm và đóng góp rất nhiều cho giáo hội địa phương này. Có người cón nói đùa rằng Dòng Ngôi Lời ở Paraguay hiện nay đang đóng góp 1 vị tổng thống cho đất nước Paraguay nữa! Và đúng như thế vì vị tổng thống đương nhiệm của Paraguay từng là giám tỉnh của Dòng Ngôi Lời ở Paraguay vào thập niên 90, rồi sau đó được cất nhắc lên làm giám mục, rồi lại từ nhiệm giám mục để tranh cửa tổng thống và đã thắng cử. Một tháng đôi lần ông vẫn ghé thăm ngôi nhà xưa của Tỉnh Dòng để hàn huyên tâm sự với anh em trong Dòng cũng những dịp đại lễ của Dòng ông vẫn nhớ đến tình xưa, nghĩa cũ và đến tham dự cách tích cực dù công việc của một vị tổng thống với lịch trình dày đặt. Chúng tôi luôn cầu nguyện cho ông và chính phủ của ông biết lo cho đất nước được ấm no hạnh phúc vì đó cũng là lí tưởng và mục đích của những anh em truyền giáo chúng tôi là đến “để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Xc. Ga 10,10).

Trong những ngày này tôi cũng có ghé thăm 2 Chủng sinh khác của Dòng Don Bosco từ Việt Nam mới qua và sẽ trở thành thành viên chính thức của Tỉnh Dòng Don Bosco tại Paraguay sau khi hoàn tất việc học. Kể ra thì có đến 4 anh em trẻ Việt Nam hiện giờ đang ở Paraguay thuộc Dòng Don Bosco trong giai đoạn đào tạo. 2 anh em linh mục Việt Nam thuộc Dòng Ngôi Lời đã làm việc mấy năm nay tại Paraguay. 1 anh em linh mục Việt Nam khác đã có bài sai từ năm ngoái nhưng có lễ vì ngại dấn thân nên chưa dám làm giấy tờ qua đây. Nhiều anh em linh mục trẻ khác đã có bài sai đi các nước từ nhiều năm qua nhưng cũng chưa muốn xúc tiến thủ tục ra đi vì sợ. Có lẽ cũng tại tôi là nguyên do gây nên sự sợ hãi này khi tôi đã chia sẻ các bài viết về truyền giáo. Nếu đúng như thế thì tôi xin lỗi!

Một thánh lễ tạ ơn

Trong những ngày của tháng 10 này tỉnh Dòng Paraguay của chúng tôi có tổ chức kỷ niệm 50 năm linh mục của một thành viên người Đức. Vị linh mục khiêm nhường này mà tôi đã từng có thời gian làm việc chung với nhau hơn 1 năm ở Đại Chủng Viện, và trong thời gian ấy tôi đã học được rất nhiều trong cung cách làm việc và tinh thần truyền giáo của ngài. Từ khi ngài nhận chức linh mục cách đây 50 năm, ngài đã được gởi sang Nhật để làm việc. Sau vài năm truyền giáo bên Nhật Bản, Bề trên Tổng quyền thời ấy lại biệt phái ngài lên đường qua Paraguay để tăng cường cho Tỉnh Dòng non trẻ tại Paraguay lúc đó. Vị linh mục này đã từng nắm những chức vụ cao nhất của Dòng tại Paraguay, nhưng khi mãn nhiệm các trọng trách, ngài trở lại một thành viên bình thường và làm việc cách phi thường không kể giờ giấc. Với tuổi đời 76 như hiện nay nhưng ngài vẫn được nhà Dòng giao trọng trách làm cha xứ của một giáo xứ lớn và là tuyên úy của phong trào Cursillo toàn quốc. Nhìn vào tấm gương của vị linh mục đàn anh khả kính với 56 năm khấn Dòng và 50 linh mục nhưng vẫn kiên cường đến giờ và những nơi ngài từng phục vụ ai cũng quí mến và kính trọng ngài khiến mình cảm phục vô cùng. Tuổi đời cũng như tuổi tu của tôi cũng chỉ là hạng con cháu của ngài nhưng nhiều lúc tôi cảm thấy mình còn nhiều so đo, tính toán quá.

Hôm nay là ngày cuối cùng của tháng Mân Côi và cũng là một ngày đặc biệt trong cuộc đời của tôi- đó là ngày mà 6 bạn đồng môn cùng tôi lãnh nhận tác vụ linh mục tại thành phố biển Nha Trang xinh đẹp. Tôi còn nhớ như in những giờ phút hồi hộp từ một phó tế ăn cơm thầy, đọc kinh cha và mang dây Stola chéo sau hơn 14 tháng nay được cất đi làm kỷ niệm để thay thế cho dây Stola thẳng với chiếc áo lễ vàng rực. Cái giây phút vui mừng khó tả đó mà mỗi lần nghĩ lại vào dịp chịu chức linh mục khiến tôi phải phấn đấu nhiều hơn nữa. Một linh mục đàn anh sau đó có nói đùa với tôi rằng: “Sang ơi! Tình chỉ đẹp khi còn mang dây chéo; đời mất vui khi dây chéo thẳng hàng”. Tôi không biết đời có mất vui hay không nhưng tôi cảm thấy từ cái ngày mà tôi đổi dây từ chéo qua thẳng ấy là một khúc ngoặt lớn trong cuộc đời của tôi. Tôi thấy mình chín chắn hơn, tự tin hơn và nhất là biết mình hơn dù có những lúc trong lòng mình có khuynh hướng nổi loạn.

Tôi nhận thấy dù trong con người bất toàn của mình vẫn còn những Tham-Sân-Si, vẫn có những giây phút bốc đồng, vẫn còn rất đời nhưng tôi vẫn yêu mến ơn gọi này, một ơn gọi đã giúp tôi trở thành con Chúa hơn, một ơn gọi đã mài dủa tôi biết sống có tình hơn. Nghiệm lại những năm tháng qua trong tư cách là một linh mục truyền giáo, tôi cảm thấy không xấu hổ vì mình chưa làm điều gì sai trái hay gây gương mù, gương xấu nhưng tôi vẫn hứa với lòng mình là luôn cố gắng trung thành với ơn gọi này dù có những lúc cơm không lành, canh không ngọt trong cộng đoàn cũng như những cơn bão lòng tưởng chừng như hất tung mình trong vòng xoay cuộc đời. Xin mọi người hiệp ý ‎ cầu nguyện cho tôi.

Paraguay, 31 tháng 10 năm 2011 – Kỷ niệm lễ thụ phong linh mục

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.
 
Thánh Lễ phong Phó Tế Vĩnh Viễn tại Giáo Phận Portland Oregon
Phan Hoàng Phú Quý
08:29 31/10/2011
Portland-Oregon - Thứ Bảy ngày 29 tháng 10 năm 2011 vào lúc 11 giờ sáng Tòa Tổng Giáo Phận Portland thuộc tiểu bang Oregon đã tổ chức thánh lễ phong chức Phó Tế Vĩnh Viễn cho 8 Thầy thuộc mọi sắc dân trong giáo phận , trong số đó có thầy Phao Lô Phạm Hưng Nghĩa
thuộc giáo xứ Đức Mẹ La Vang tại Porland va giáo xứ Anthony tại Tigard.

Xem hình ảnh

Đức Tổng Giám Mục Portland John G. Vlazny đã chủ tế và đặt tay truyèn chức Phó Tế Vỉnh Viễn trên các Thầy với sự chứng giám của quý linh mục đồng tế, quý giáo dân và đặc biệt là những người vợ của quý Thầy Phó Tế.

Trong phần chia sẽ Đức Tổng Giám Mục đã để cao giá tri những người đã hiến dâng cuộc đời mình để phục vụ gíáo hội và tha nhân, nhất là quý Thầy Phó Tế Vĩnh Viễn. Với chức thánh phó tế và với nghề nghiệp riêng để sống, các thầy phó tế vĩnh viễn, có thể chu toàn tốt đẹp vai trò trung gian giữa giáo hội và thế giới, nhất là trong những môi trường của những kẻ đã bị loại ra ngoài lề xã hội, và trong các lãnh vực giảng dạy giáo lý, sinh hoạt phụng vụ và cổ võ phát triển con người. Ngài cũng không quên cám ơn những người vợ của quý Thầy Phó Tế đã hy sinh những hạnh phúc riêng tư để cầu nguyện, khuyến khích và nâng đỡ chồng mình chu toàn tiêng Chúa mời gọi một cách trọn hảo

Một thánh lễ Tạ Ơn cũng được tổ chức tại Giáo Xứ Anthony Tigard Oregon nơi mà Thầy Phao Lô Phạm Hưng Nghĩa đang phục vụ.

Trong niềm hân hoan chúng tôi đến chúc mừng và được Thây chia sẽ như sau :

“Trước hết, tôi xin dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã hoàn tất những gì Ngài đã khởi sự trong tôi sáu năm trước đây. Tôi tạ ơn Chúa vì món quà Ngài đã ban tặng cho tôi đó là phục vụ dân Ngài trong ơn gọi Phó tế, một món quà quá to lớn đối với một đầy tớ bất xứng như bản thân tôi.
Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ trở thành một Phó tế vĩnh viễn cho đến khi tôi nói chuyện với Cha linh hướng của tôi, khi tôi hỏi ý kiến Ngài về việc ghi danh nhập học chương trình cao học Thần Học nhằm thăng tiến việc dạy giáo lý cho giới trẻ tại Giáo Xứ Đức Mẹ Lavang. Cha Phê-rô khuyên tôi nên theo học chương trình phó tế vì các Thầy Sáu cũng phải học chương trình này; và lúc đó là mùa xuân năm 2005. Tạ ơn Chúa thấm thoát đã sáu năm và giờ đây tôi đã hoàn tât chương trình đào tạo phó tế cho tổng giáo phận của Portland.

Tôi tình cờ nghe được nội dung của một câu chuyện rất dể thương trên đài phát thanh Kitô giáo trong khi lái xe: "Thiên Chúa ban cho chúng ta bạn bè trong cuộc sống vào một thời điểm nào đó, vì một lý do nào đó, và một vài người trong họ trở nên bạn tri kỷ suốt cả đời;" câu này có vẻ thích hợp trong trường hợp của tôi với khát vọng được phục vụ dân Chúa qua ơn gọi phó tế. Đôi khi những ước mơ của chúng ta chỉ cho một thời, cho một mùa, hay là vì một lý do nào đó, và có những ước mơ kéo dài cả đời người. Thiên Chúa đã làm tôi mê Ngài bởi một cái gì đó. Ngài đã cho tôi một thời cơ, một động lực và một ước mơ. Tôi tin rằng Ngài đã sử dụng Cha linh hướng của tôi để khuyến khích tôi đi học thầy sáu và vì thế mục tiêu của tôi là trở thành phó tế vĩnh viễn vào tháng mười này; đó là ước vọng của tôi, và là động lực thúc đẩy cuộc sống của tôi. Động cơ chính của khát vọng trở thành thầy phó tế của tôi là gì? Chuyện gì sẽ xảy ra, nếu tôi chết trước khi tôi được thụ phong phó tế, cuộc sống của tôi sẽ chỉ là một sự lãng phí chăng? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Thiên Chúa thay đổi ước muốn của tôi? Cho dù tôi có trở thành một phó tế hay không nếu tôi chết ngày hôm nay, thì ước muốn của tôi là vẫn trở thành hiện thực. Đôi khi những mơ ước của chúng ta thay đổi. Cũng giống như Samuel (1 Samuel 3:10), chúng ta nghe Lời Thiên Chúa khi Ngài muốn nói với chúng ta. Sự mơ ước của chúng ta được chuyển đổi và đạt đến một cấp độ khác. Mơ ước hướng thiện là tâm điểm của linh đạo Kitô giáo. Chỉ bằng con tim chúng ta mới có thể nhận thấy rõ ràng mục đích của những khát vọng chân chính; đó chính là tình yêu đối với Thiên Chúa và phục vụ tha nhân.”

Trên đường trờ về, vừa lái xe vừa suy nghĩ đến những chia sẽ của thầy, chúng tôi cãm nhận được Hồng Ân của Chúa dành cho thầy và ban cho thầy nhiều ơn sủng tuyệt vời.

Tất cả là Hồng Ân
Vâng ! tất cã là hồng ân
Thiên Chúa ban cho con người
Kìa tiếng hót chim trời
Kìa đàn cá ngoài khơi
Hêt mọi loài, ở khắp mọi nơi
Muôn sự vật hiện hữu trong đời
Từng biến cố trong đời
Từng ngày tháng dần trôi
Những nụ cười rạng rỡ bờ môi
Tất cả là Hồng Ân .
 
Giáo xứ Trung Nghĩa: Mùa làm phúc – Mùa Hồng ân
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
08:35 31/10/2011
VINBH - Tờ lịch đầu tiên của tháng 10 năm nay được khai mở. Tiếng chuông Thánh đường reo lên báo hiệu tháng Mân Côi kính Mẹ đã về thì cũng là lúc bắt đầu mùa làm phúc tại giáo xứ Trung Nghĩa.

Cha quản xứ Phao-lô Nguyễn Đức Vĩnh đã hoạch định và lên chương trình làm tuần đại phúc của giáo xứ được chia làm hai đợt. Đợt đầu từ ngày 1/ 10 đến ngày 15/ 10 dành cho hai giáo họ: Trị Sở và Kim Đôi. Với hai tuần lễ diễn ra đầy ý nghĩa và kết quả thu được cũng rất lớn lao. Nhất là ngày cao điểm của tuần đại phúc có Đức Cha Phao-lô Maria về dâng lễ Quan Thầy tại họ Kim Đôi.

Đợt thứ hai từ ngày 16 đến ngày 30/ 10, cha quản xứ cũng tiếp tục phát huy và đúc rút được kinh nghiệm lần trước nên bầu khí tuần làm phúc diễn ra cũng không kém phần sốt sắng và kết quả. Chủ đề của tuần đại phúc cũng xoay quanh đời sống đạo của người tín hữu hôm nay. Tuần đại phúc được bố trí hợp lý cho cảnh nông nghiệp và ngư nghiệp. Buổi sáng thánh lễ, giải tội ; buổi chiều giảng tĩnh tâm và thăm hỏi các gia đình. Buổi tối cắt nghĩa, chầu theo đoàn thể và theo giới. Rất nhiều người xa Chúa nay trở lại xưng tội rước lễ. Nhiều gia đình bất bình mâu thuẫn nay được giải hoà trả lại bình an cho họ.

Giáo họ Trung Cự kết quả thiêng liêng đạt khoảng 95 %, giáo họ Xuân Hải đạt khoảng 9.1 %. Tạ ơn Chúa, cảm ơn Mẹ Tuần đại phúc của mùa làm phúc năm nay, giáo xứ Trung Nghĩa khép lại nhưng đã thu lượm được nhiều kết quả to lớn.

Với 1400 thành viên gia đình Thánh Tâm, gần 5000 thành viên thuộc hội Rô-sa-liên và gần 700 các em thuộc thiếu nhi Thánh Thể ra mắt. Lòng kính thương xót Chúa ngày thêm đông đảo người tham dự vào lúc 3 giờ chiều mỗi ngày. Đặc biệt chiều thứ 4 và thứ 6 cha quản xứ dâng lễ vào lúc 3 giờ chiều. Thật tuyệt vời mùa làm phúc đã trở nên mùa hồng ân của xứ Trung Nghĩa.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Có phải Thế giới đã có 7 tỷ người không? một cái nhìn Công giáo về vấn đề nhân số.
Trần Mạnh Trác
23:01 31/10/2011
Hai quốc gia Á Châu đang tranh cãi xem ai mới thực sư có người số 7 tỷ vừa sinh ra.

Một tổ chức phi chính phủ, "Plan International", tuyên bố một bé gái tên là Nargis sinh ra lúc 7:20 sáng ở vùng nông thôn Uttar Pradesh, Ấn Độ, là người thứ 7 tỷ trên trái đất. Họ căn cứ vào dự đóan của Liên Hiếp Quốc là người thứ 7 tỷ có thể sẽ sinh ra ở vùng này vào ngày thứ Hai 31 tháng 10.

Nhưng chính phủ Phi Luật Tân lập tức cải chánh, một bé gái tên là Danica ở Manilla mới là người thứ 7 tỷ, lý do em được sinh ra vào nửa đêm ngày 31 tháng 10.

Truyền thông thế giới cũng chia làm hai phe, cãi nhau inh ỏi !

Nhưng vấn đề là, người thứ 7 tỷ có thể chưa được sinh ra !

Con số 7 tỷ do Liên Hiệp Quốc chọn ra vào thời điểm này chỉ để...thúc đẩy những nỗ lực của chương trình kiểm sóat dân số.

Theo tính tóan của các chuyên gia của Cục Thống Kê Dân Số Hoa Kỳ, thì số 7 tỷ người có nhiều hy vọng đạt được vào tháng 3 hoặc tháng 4 năm tới. Cũng vậy, Viện Nhân khẩu học ở Vienna Áo quốc cũng đưa ra một ý kiến tương tự là sự kiện này có thể xảy ra giữa tháng Giêng và tháng Bảy năm 2012.

Vì "cửa sổ" 'không chắc chắn' ("window" of uncertainty) là cộng hay trừ 6 tháng, tức là kể từ tháng 10 năm nay cho đến tháng 10 sang năm, các nhân viên họach định chính sách của LHQ đã lợi dụng dùng con số sớm nhất để kết hợp với những chương trình khuyến khích phá thai sắp được tung ra của họ !

Trước những ý đồ bất chánh lấy sự sống của con người phục vụ cho những mưu toan chính trị đó, Đức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng Giám Mục của Mumbai, đã bình luận:

"Mỗi một cuộc sống con người là một món quà quý giá đến từ Thiên Chúa, và là nguồn gốc của phẩm giá con người. phẩm giá này không thể cách ly ra khỏi sự sống của con người, và bình đẳng giữa tất cả mọi người, nó là gốc rễ của tất cả các quyền làm người, là bất khả chuyển nhượng, bất khả xâm phạm và phổ quát. Mỗi trẻ em, đã cũng như chưa sinh ra, đều có những quyền tương tự, bắt đầu với quyền được sống."

Học giả Steven W. Mosher, chủ tịch của Viện Nghiên cứu Dân số ở Front Royal, VA, và là tác giả của nhiều sách nghiên cứu về nhân số, cũng có chung một quan điểm như trên. Trong bài "Bảy tỷ lý do để ăn mừng", ông viết:

Nhìn trên mọi khía cạnh của vấn đề an sinh, từ số tử vong của những trẻ sơ sinh cho tới tuổi thọ của những người già, cho đến trình độ học vấn và số lượng calorie tiêu thụ, sự sống trên hành tinh trái đất đã rõ ràng được cải thiện.

Lấy tuổi thọ làm ví dụ. Năm 1800, lúc đó thế giới chỉ có 1 tỷ người, tuổi thọ chỉ có khoảng 24 năm. Đến năm 1927, khi dân số thế giới đạt 2 tỷ, một người có thể hy vọng sống tới bốn mươi tuổi. Ngày nay, khi chúng ta vượt qua mốc 7 tỷ, tuổi thọ đã đạt đến 69 tuổi và vẫn còn lên cao. Vì người ta sống lâu hơn, dĩ nhiên ta thấy có nhiều người ở xung quanh hơn.

Nhở những cải thiện về y tế và dinh dưỡng, tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh và trẻ em xuống mức rất thấp, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc kéo dài đời sống con người. Vào cuối thế kỷ 19, có 4 trong số 10 trẻ em chết trước khi được năm tuổi. Ngày nay, tỷ lệ tử vong dưới năm tuổi là dưới 6% và vẫn đang tụt xuống ít hơn.

Mặc dù số người ngày càng tăng, cả hai số lượng nông phẩm sản xuất trên một hecta và số lượng tiêu thụ lương thực cho mỗi đầu người tiếp tục tăng cao. Thực phẩm và tài nguyên trên thế giới chưa bao giờ được nhiều hơn bây giờ. Đủ có thức ăn cho mỗi người trên trái đất để tiêu thụ 3.500 calorie mỗi ngày. Không có lý do gì mà một ai đó phải chết đói ở giữa tình trạng dư thừa này.

Trong khi số người tăng, thì số thu nhập cũng tăng mạnh. Dân số có thể đã tăng lên bảy lần trong vòng hai thế kỷ qua, nhưng số thu nhập bình quân đầu người còn tăng nhiều hơn, là 90 lần trong cùng thời gian đó, từ $100 lên đến $9,000. Loài người chưa bao giờ được xung túc như vậy.

Nền kinh tế tiếp tục mở rộng, năng suất tăng, nghèo đói giảm, ô nhiễm giảm và tự do chính trị đang phát triển.

Thế thì, trứơc một hình ảnh thịnh vượng và tiến bộ như thế, điều gì đã làm chúng ta mất vui?

Vấn đề rỏ ràng là chính con người mà thôi.

Nhiều nhóm môi trường cực đoan, chẳng hạn như nhóm Sierra Club, cho rằng con người và thiên nhiên đang bị kẹt trong một cuộc chiến sinh tử, trong đó sự ra đời của một em bé có nghĩa là cái chết của một cái cây. Và họ cương quyết đứng về phía của cây.

Hoặc nói chuyện về cá. Các bạn của tôi ở cơ quan Optimum Population Trust bên Anh quốc mà tôi mới có dịp tranh luận, họ nói rằng nếu chúng ta không kiểm soát tăng trưởng dân số thì các đại dương sẽ hết cá.

Tôi đã nghe nhiều câu chuyện về cá trước đây. Đại lọai câu chuyện như thế này: Chúng ta đang đánh bắt quá mức. Sắp sửa tới mức tuyệt chủng hàng loạt cá có giá trị thương mại. Tất cả chúng ta sẽ chết đói.

Ông Paul Ehrlich đã đưa ra một kịch bản đáng sợ nhất, từ cuốn sách "trái bom dân số" xuất bản năm 1968 của ông. Trong sách ông tưởng tượng có một Hội đồng quản trị về môi trường đã tư vấn với Tổng thống Mỹ vào năm 1979 rằng "hiện nay sự suy giảm thủy sản ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương là không thể đảo ngược được vì ô nhiễm và họ đưa ra đề nghị là phải cưỡng chế ngay lập tức mỗi cặp vợ chồng chỉ có thể sinh ra 1 con, và bắt buộc triệt sản tất cả mọi người có chỉ số thông minh (IQ) ở dưới điểm 90. "

Tôi chưa hiểu ý của ông lắm là lảm thế nào mà chính sách một con, kết hợp với việc ép buộc triệt sản những người "không thích hợp" ở Mỹ sẽ có thể giúp phục hồi trữ lượng cá?

Tôi càng không thể chia sẻ thái độ của Ehrlich là "trước tiên phải kết án con người", thái độ đó dẫn ông ta tới những giả định rằng giải pháp cho tất cả các vấn đề, từ môi trường cho đến các khía cạnh khác, là ở việc giảm nhân số.

Dù cho thủy sản ở đại dương biến mất hoàn toàn, nó sẽ không tạo ra vấn đề thực phẩm lớn. Mặc dù cá là một nguồn cung cấp protein quan trọng, là 7% của tổng số protein, nhưng nó chỉ chiếm một tỷ lệ ít ỏi là 1% calories của thế giới.

Dù thật sự rằng có nhiều lọai thủy sản của thế giới không còn gia tăng được nữa. Ba phần tư trữ lượng cá đang bị đánh bắt tới mức tối đa, hoặc quá giới hạn. Trong số ước tính khoảng 100 triệu tấn mà các đại dương có thể sản xuất, chúng ta đã thu hoạch tới 95%.

Tuy nhiên toàn bộ vấn đề thực phẩm không chỉ dựa vào loài cá hoang dã mà thôi. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, doanh nhân đã chuyển sang nuôi trồng thủy sản, sản xuất 45 triệu tấn vào năm 2005. Đây là lý do tại sao, sản xuất cá trên thế giới tiếp tục lên cao. Quan trọng hơn, tổng sản lượng cá đã tăng lên đến nỗi bình quân số cá cho mỗi đầu người sau những năm 2000 đã đạt nhiếu kỷ lục mới.

Dỉ nhiên các lòai cá hoang dã, đang sống ở đại dương, vẫn có thể được quản lý tốt hơn để đạt được năng xuất tối đa. Như bảo vệ một số loài cá lớn, và thi hành những biện pháp quốc tế hiện có để chống lại sự khai thác quá mức và việc bắt cá con.

Ví dụ về cá ở trên cho thấy, giảm nhân số không trực tiếp làm giảm vấn đề môi trường. Cho nên kiểm soát dân số không phải là phương pháp hiệu quả và nhân đạo để bảo vệ thế giới mà chúng ta đang sống.

Như lới Đức Giáo Hoàng đã nói, cách tốt nhất để bảo vệ môi trường là nhận ra rằng Con Người cũng là một phần không thể thiếu của thiên nhiên và phải nỗ lực bảo vệ nó.
 
Văn Hóa
Tháng các linh hồn
Lm Vũđình Tường
06:20 31/10/2011
Chúng ta chú trọng rất nhiều đến phần rỗi các linh hồn và hầu như ít để ý đến thân xác sau khi chết đi. Điều này xảy ra vì quan niệm ‘xác chết vật hèn’. Hơn nữa Thứ Tư Lễ Tro với lời nhạc. ‘Hỡi người hãy nhớ mình là bụi tro, một mai người sẽ trở về bụi tro’. Khi thân xác nằm xuống thân nhân lo mai táng trong quan tài lộng lẫy và xây cho ngôi mộ kiên cố là xong. Ngày giỗ chạp, ngày kị, cầu nguyện thường nhắc đến linh hồn người đó còn thân xác hầu như bị lãng quên.

Sách Sáng Thế Kí thuật lại con người bởi đất mà ra và khi chết đi con người lại trở về đất bụi. Khi chết đi thân xác chôn vào lòng đất, hoặc thiêu thành tro than để giữ hoặc thả bay trên đất, trên biển. Điều chúng ta cần nhớ là đất bụi đó được Thiên Chúa ban cho sự sống. Thiên Chúa lấy sự sống đi nhưng đất đó đã một thời in hình ảnh Thiên Chúa. Đất đó được thanh tẩy, đất đó lãnh nhận các Bí Tích thánh của Giáo Hội. Đất đó từng nhận sự sống bằng Mình và Máu Thánh Chúa. Đất đó có thời là kho tàng cho đi và lãnh nhận vô vàn ‘tình yêu mến’.

Còn hơi thở, chúng ta dành nhiều ưu tiên cho thân xác. Hơi thở tàn, việc lo cho xác cũng lụi theo. Khi hồn yên xác lạnh, hồn được chăm lo chu đáo, xác dường như bị quên lãng.

Trên dương thế hồn nhờ xác rất nhiều. Việc lành thân xác làm mang phúc lợi cho linh hồn. Việc dữ thân xác làm gây họa cho sự sống trường sinh. Còn hơi thở, xác hồn gắn bó. Chết, xác hồn tạm chia lìa. Tạm chia tay vì còn mối giây ràng buộc. Chúa phán trong Dụ ngôn Ngày Phán Xét: ‘Khi Ta đói, các ngươi cho Ta ăn; khi Ta khát các ngươi cho Ta uống; khi trần truồng các ngươi cho mặc. Hãy vào hưởng gia nghiệp dành cho các ngươi’. Mat 25,36.

Thứ hai, trong Kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng: ‘con tin xác loài người ngày sau sống lại’. Sống lại như thế nào chúng ta không rõ. Niềm tin xác tín, thân xác dù là tro bụi có giá trị, chờ ngày sống lại.

Thứ ba, chết đi là bắt đầu cuộc sống mới. An táng là chờ ngày sống lại vinh quang. Cầu cho các linh hồn, xin nhớ đến phần mộ người thân, tôn kính phần mộ đó. Dù là bụi tro nhưng không phải bụi tro thường mà là bụi tro được thánh hóa.

Những lí do trên mời gọi chúng ta yêu thương, đối xử tốt với nhau, ăn ở hiền hậu theo tinh thần Phúc Âm. Lời nói, việc làm, ý riêng gây đau khổ, dày vò thân xác con người kéo dài đến ngày phán xét.

Lm Vũđình Tường

TiengChuong.org
 
Tháng 11, Mùa Thu, Mùa Tạ Ơn, và Những Kỷ Niệm
Nguyễn Kim Ngân
16:30 31/10/2011
Tháng 11, Mùa Thu, Mùa Tạ Ơn, và Những Kỷ Niệm

Cali trời vừa sang thu, mới chơm chớm thôi. Có lẽ vì còn ảnh hưởng bởi cơn bão bất chợt vừa thổi qua vùng đất này mang theo những ngày mưa gió ướt át sớm hơn thường lệ. Điều này khiến cho những người nhà vườn nơm nớp lo sợ, nhất là vụ nho đang bắt đầu thu hoạch. Còn những ai trồng cà chua thì lo hái vội kẻo hư. Lá vẫn chưa ngả mầu nhiều, nhưng ánh nắng thu vàng đã óng ả rực rỡ lắm rồi. Trong cơn gió mơn man nhẹ nhàng se lạnh, bước thu sang nghe sao dịu dàng đáng yêu đến thế. Cũng như mọi năm, bạn bè đã bắt đầu gửi cho nhau những cảnh thu vàng đỏ tuyệt vời, lồng trong những bài hát và những bản nhạc về thu, mà bao giờ “Autumn Leaves” cũng đứng đầu danh sách. Ai chẳng mềm lòng khi nghe tiếng ca thổn thức “but I miss you most of all, my darling, when autumn leaves start to fall”?

Rồi tháng 11 cũng vừa đến, tháng có những ngày không thể nào quên: sinh nhật, kỷ niệm thành hôn, tưởng niệm những người đã khuất, lễ Tạ Ơn, ôi sao mà đầy đủ ý nghĩa và hương vị cuộc đời đến thế?

Nhân nói về Sinh Nhật

Cứ mỗi lần viết lời mừng sinh nhật ai đó, thì không thể không nhắc tới một câu nói rất bình dị, rất vô thưởng vô phạt, nhưng ngày càng trở nên phổ biến, được trưng dẫn rất nhiều nơi trên thế giới. Tác giả không ai khác ngoài cha cố Larry Lorenzoni, Dòng Don Bosco, hiện cư ngụ tại vùng Cựu Kim Sơn đây, tuổi đã ngoài bát tuần, nhưng tính tiếu lâm và hài hước vẫn còn phong độ. Đó là câu: “Mừng sinh nhật thì tốt cho bạn lắm đó. Thống kê cho biết rằng ai mừng sinh nhật nhiều nhất thì sẽ sống lâu nhất.” Đúng là huề vốn kiểu Ý Đại Lợi!

Mừng một sinh nhật mới, được thêm một tuổi...thọ, cũng có nghĩa là mình đã đến gần khu vực ngày càng phát triển, tức nghĩa trang Oak Hill, hơn một bước. Nhưng sao lại nói..gở thế? Người ta kiêng lắm đấy! Phải, có kiêng mới có lành. Thôi, nói chuyện thực tế và có hậu chắc sẽ vui hơn. Thực tế thì thế này: tuổi già cứ y như là chiếc phi cơ cất cánh trong một ngày giông bão. Nếu bạn đã ngồi nai nịt gọn gàng yên vị trên chuyến bay đang lao vút đi rồi, bạn còn làm gì được hơn nữa? Dẫu sao, mình vẫn có thể lạc quan được chứ! Này nhé, thay vì bảo rằng mình đã ‘già’ hơn, ai cấm mình nói rằng mình đã “chin mùi” hơn? Đó là ý tưởng của cô đào B.B. một thời làm mưa gió trời Âu. Cũng đúng thôi: gừng càng già thì càng cay, rượu càng để lâu càng ngon nồng. Chẳng thế mà cụ tiên điền Nguyễn Công Trứ đã phải thốt lên: ‘càng già, càng dẻo, càng dai.’ Nữ minh tinh Ý Anna Magnani của thế kỷ trước, đã có lần tự trào rằng: “Chớ có động đến những nét chân chim trên mặt tôi, bởi vì phải chờ lâu lắm mới có được nó đấy.” Cũng thấy an ủi chút đỉnh: sắp hết rồi cái ngưỡng cửa hưởng dương, được nhập bọn dung dăng dung dẻ với quý vị hưởng…thọ thì vui biết chừng nào!

Nói đến ‘sinh’ thì phải nói ngay đến ‘tử.’ Không phải chỉ vì trong tháng 11 hàng năm, khi nhớ đến những người quá vãng, thì nhân tiện mình nhớ đến cái chết luôn thể. Không phải chỉ có thế đâu! Cả thế giới vẫn còn đang xúc động trước cái chết “hưởng dương” của tài năng xuất chúng Steve Jobs, cha đẻ của các thứ sản phẩm điện tử đầy sáng tạo hiện đang làm điên đảo thế giới. Ông là một con người rất thâm trầm, chỉ biết làm mà không biết…nổ, ngoại trừ bài diễn văn tuyệt vời của một nhân vật đã bỏ ngang việc học, nhưng nay lại đứng trên bục cao dõng dạc tuyên đọc nhân lễ ra trường năm 2005 cho các sinh viên Stanford trong mũ áo cân đai đàng hoàng nghiêm chỉnh. Chính qua bài diễn văn này mà người ta mới biết thêm được chút ít về một con người khác, đứng nấp đàng sau bóng dáng của nhà sáng chế ra những sản phẩm điện tử để đời. Bài diễn văn đơn giản, chỉ nói lên ba câu chuyện của chính cuộc đời ông. Cả ba câu chuyện đều thấm thía, nhưng đáng nhớ nhất có lẽ là câu chuyện về cái chết mà ông đã linh cảm sau khi khám phá ra căn bệnh ung thư tụy tạng nan y của mình. Ông nói: “Khi lên 17 tuổi, tôi có đọc được một câu trích dẫn đại khái thế này: Nếu mỗi ngày bạn sống như thể hôm nay là ngày cuối cùng của đời bạn, thì một ngày nào đó chắc chắn bạn sẽ đúng.” Ông thú nhận câu nói đó đã ảnh hưởng sâu xa suốt 33 năm trời ròng rã cuộc đời ông. Dường như ông cũng thuộc bài hát: “Nếu chỉ còn một ngày để sống” thì phải? Y như một nhà tu đức (hình như ông là một tín đồ Phật giáo), ông thành thật khai báo rằng sáng nào ông cũng soi gương và tự hỏi: “Nếu hôm nay đúng là ngày cuối cùng của đời tôi, liệu tôi có tiếp tục làm điều tôi đang toan tính hôm nay chăng? Và nếu câu trả lời là ‘không’ cứ tiếp nối trong nhiều ngày, thì tôi biết tôi phải thay đổi.” Tiếp sau đó là những suy tư rất nhân bản, rất đáng trân trọng về mặt tâm linh, không thua kém gì những phát minh mà ông đã cống hiến cho đời trong lãnh vực điện tử. Xin được trích dịch nguyên văn: “Nhớ rằng chẳng bao lâu nữa mình sẽ ra đi đã trở thành thứ dụng cụ quan trọng nhất chưa hề sử dụng, giúp tôi quyết định những chọn lựa lớn trong đời. Bởi lẽ, hầu như tất cả mọi sự--tất cả những hoài vọng bên ngoài, tất cả những huyênh hoang tự đắc, tất cả những nỗi lo sợ vì hoang mang bối rối hay thất bại--tất cả những thứ này đều tan thành mây khói trước cái chết, để chỉ còn lại những điều thật sự hệ trọng. Nhớ rằng mình sắp ra đi chính là cách tốt nhất khiến tôi thoát khỏi cái bẫy cho rằng mình sẽ đánh mất một cái gì đó. Bạn đã trắng tay trần trụi rồi. Đâu còn lý do gì để không chiều theo tiếng nói của con tim mình.”

Kề cận với cái chết, một rình chờ rất thật, chứ không còn là một khái niệm tri thức viễn vông, những tâm sự ‘hiện sinh’ của Steve Jobs đã đánh động rất nhiều người, không kể những sinh viên ra trường được nghe ông nói chuyện trực tiếp ngày hôm ấy. Tưởng không hề thừa thãi, mà còn hữu ích nữa là khác, nếu được phép trích dẫn thêm một chút suy tư về cái chết, được nói bằng một thứ ngôn ngữ khác của nhà phát minh Steve Jobs: “Chẳng ai muốn chết đâu. Ngay cả những kẻ muốn lên thiên đàng cũng chẳng có ai muốn chết. Nhưng chết vẫn là định mệnh tất cả chúng ta cùng chia sẻ. Chưa hề có ai thoát được cái chết. Và phải thế thôi, bởi lẽ Chết rất có thể là phát minh tối hảo duy nhất của Sống. Chết là tác nhân thay đổi của Sống. Nó hủy diệt cái cũ để mở đường cho cái mới.” Thứ ngôn ngữ và suy luận này về cái chết thiết tưởng phải là của một triết gia.

Kỷ Niệm Thành Hôn

Theo “Chứng Ngứa Bẩy Năm” (‘The Seven-Year Itch,’), tựa đề cuốn phim, sản xuất năm 1955, trong đó Marilyn Monroe mặc bộ áo đầm trắng trinh nguyên, đứng gần lò sưởi trong hầm xe điện ngầm, thì sau bẩy năm keo sơn, một trong hai người phối ngẫu sẽ thấy chán chường và toan bỏ đi. Nói một cách khác, sau bẩy năm, thời kỳ trăng mật coi như chấm dứt: cho dù cặp phối ngẫu vẫn còn yêu nhau đấy, nhưng không nhất thiết phải “phấn khởi hồ hởi” với nhau nữa. Cả hai chợt thấy bồn chồn. Khi ngứa, thì tất nhiên và tự nhiên là phải…gãi. Đây là những dẫn chứng: Ashton và Demi (đang làm xôn xao dư luận) đã lấy nhau được 6 năm rưỡi rồi, sắp sửa tới hạn bẩy năm. Reese Witherspoon và Ryan Philippe chia tay nhau sau bẩy năm chung sống. Jennifer Aniston và Brad Pitt ly dị sau bẩy năm làm đám cưới. Dường như con số bẩy này đang ám ảnh những cặp giai nhân tài tử ở Hollywood. Vì xu hướng này mà một vài năm trước, ở Đức, người ta đã dự định cấp giấy chứng hôn chỉ có hiệu lực trong vòng bẩy năm. Ai muốn lâu hơn, thì xin gia hạn thêm bẩy năm nữa. Thế nhưng, gần đây nhất, người ta bảo rằng bẩy năm vẩn còn dài quá, ba năm thôi! ‘Seven-Year Itch’ được thay bằng ‘Three-Year Glitch’ (tạm dịch: Sự Cố Ba-Năm). Trong bối cảnh này mà nói đến Ngân Khánh hay Kim Khánh, Ngọc Khánh Thành Hôn thì quả là quá lỗi thời rồi còn gì nữa! Bỗng chốc thủy chung, trung thành, cam kết dấn thân trở thành không…tưởng. Cứ y như, trong thời buổi cách mạng phái tính này, mà còn nói đến nết na, đức hạnh, đoan trang, đồng trinh, thanh khiết…thì không còn gì lạc giọng và lạc điệu cho bằng! Biết làm sao đây? Thế thời như thế thời phải thế! Một thoáng ngậm ngùi thế nào ấy!

Thấm thoát mà đã hai mươi lăm năm rồi. Cái hôm đám cưới ấy, còn nhớ rõ như in, tại nhà thờ TV, có hai đôi tân hôn cùng bước lên bàn thờ một lúc. Năm ấy được mùa cưới! Thực ra thì một hay hai ba đôi thì cũng chẳng khác chi. Bởi vì “all weddings are similar, but every marriage is different.” Thật đúng như thế: trong hai đôi hôm ấy, một đôi đã rã đám sau khoảng chừng mười năm. Năm mươi phần trăm: cái tỉ lệ còn đúng cho đến hôm nay, tại đất nước này. Chung thủy còn ý nghĩa gì nữa hay chăng? Tại sao hôn nhân là ‘phải lòng’ một người suốt cả cuộc đời? Nữ văn sĩ Hoa Kỳ Amy Bloom cho rằng: “Nhìn thấy nhau lần đầu mà đã yêu nhau ngay thì cũng còn dễ hiểu--tiếng sét ái tình ấy mà-chứ hai kẻ cứ nhìn nhau suốt cả cuộc đời thì phải gọi là phép lạ!” Thế nào gọi là trung thành mãi mãi với nhau mà chỉ sự chết mới có đủ mãnh lực chia lìa đôi ta? Thế nào là cam kết dấn thân, vốn được coi như yếu tố làm nên một con người bản lãnh? Có phải là vui thì ở, buồn thì bỏ đi chăng? Đâu là yếu tố mang lại niềm vui và hạnh phúc cho hôn nhân đây? Tình, tài, tiền, sắc đẹp, quyền hành, hay đức độ? Cái nào cũng đúng, có cái ít hơn, có cái nhiều hơn, nhưng không vị tất, và cũng không có gì bảo đảm cả. Hình như câu trả lời đúng toàn diện chỉ có trên mặt lý thuyết. Trên thực tế, gom lại tất cả các yếu tố, cộng hết lại với nhau, vẫn thấy hụt hẫng thế nào ấy. Có cái gì đó vượt qua và vượt trên cái tổng số lý thuyết ấy. Leo Tolstoy, nhà văn lớn của Nga, đã nói một câu, mà càng nghĩ càng thấy sát với thực tế: “Cái đáng kể nhất trong một hôn nhân hạnh phúc không phải là cặp hôn phối đó hòa hợp với nhau đến mức nào, mà là ở chỗ cặp đó hành xử, ứng biến những cái không tương hợp của hai người như thế nào.” Xem thế, hạnh phúc hôn nhân là một công trình tiệm tiến, vun xới từng bước, ngày qua ngày, rất nhiều khi phải kinh qua những căng thẳng, trong kiên nhẫn lặng thầm, trong hy sinh chịu đựng, và trong sâu kín của một cõi lòng yêu thương chân thành. Trong khi đó, Mark Twain, văn sĩ lừng danh của Mỹ quốc, lại nhấn mạnh đến tính cách “đường trường” của tình yêu hôn nhân: “Tinh yêu cứ ngỡ là nhanh chai lắm, nhưng thực ra lại chậm rề. Chẳng ai, cả nam lẫn nữ, biết được tình yêu tuyệt hảo nó như thế nào cho đến khi họ có cơ may đón mừng kỷ niệm ngân khánh thành hôn của mình.” Cha đẻ công cuộc đấu tranh bất bạo động, Mahatma Gandhi, đã tuyên bố một câu thẳng thừng: “Chính từ trong cuộc sống hôn nhân mà tôi đã thuộc nằm lòng bài học đầu tiên về bất bạo động.” Hôn nhân quả thật là cam go. “Trong hôn nhân, nói đến độc lập thì nam nữ phải bình đẳng; nói đến lệ thuộc thì nam nữ phải tương thuộc; còn nói đến bổn phận thì nam nữ phải hỗ tương,” đó là tuyên bố của một văn sĩ Hoa Kỳ khác: Louis K. Anspacher. Vì gay cấn như thế thành ra rất nhiều người bỏ cuộc. Hôn nhân cứ y như là một cuộc thi chạy ở cự ly maratông. Một trăm người chạy thì một nửa đành phải bỏ cuộc, trước khi về đến đích. Nói tới nói lui, có vẻ như văn sĩ kiêm nhạc sĩ Mỹ Tom Mullen là có lý nhất: “Hôn nhân hạnh phúc khởi đầu khi ta cưới được người ta đã đem lòng thương yêu; và hôn nhân nở hoa khi ta yêu thương người mà ta đã cưới.”

Mừng kỷ niệm thành hôn trong mùa Tạ Ơn thì không thể không nói lên lời “tạ ơn em,” đơn giản là vì bản tango hôn nhân chỉ có thể thực hiện được nếu có hai người. Tạ ơn em, người bạn đời, người-bạn-sống-chết-cả-một-đời, người cuối cùng còn lại trong danh sách những người mình sống không thể thiếu vắng.

Mùa Tạ Ơn Năm Nay

Biết ơn sâu xa tự đáy lòng và thốt ra lời cám ơn trên cửa môi chân thành, đó là thái độ phải có đối với các vị ân nhân, các đấng sinh thành, bè bạn xa hay người láng giềng gần. Nhưng trên hết và trước hết, tâm tình này phải dâng về Thiên Chúa, Đấng “đã chẳng bỏ con không đời đời, mà lại sinh ra con, cho con được làm người…” Tạ ơn Chúa đã cho con làm người, sống giữa ‘thiên đàng hạ giới’ này, cho con một mái nhà, sống an toàn trong một xã hội thượng tôn luật pháp, để mỗi sáng thức dậy, nhìn mặt trời lên, trong tia nắng sớm ban mai—ngày nào cũng như thế, nhưng chẳng ngày nào giống ngày nào--để dâng ngày cho Chúa; và rồi mỗi lúc đêm về, trước khi lên giường ngủ, ngắm bóng trăng soi nghiêng bên thềm, mà dâng lời tạ ơn Chúa, đã cho con một ngày bình an. Phải chăng đó là ý nghĩa của mùa Tạ Ơn, được cử hành rất trang trọng và linh thiêng, tại đất nước này, nơi người ta thần phục Chúa một cách công khai—“In God We Trust”--để rồi được Ngài chúc phúc, ban cho muôn ơn lành tỏ tường, tạo cho nên như một vùng đất hứa, dẫn đầu thế giới dân chủ tự do, cho dù không thoát khỏi cơn suy thoái toàn cầu.

Thực ra, suy trầm là thân phận của kiếp người. Cái hữu hạn của cõi nhân sinh đã cưu mang trong nó những khiếm khuyết cố hữu. Còn nữa, dấu ấn nguyên tội, tức tội tổ tông xưa, vẫn còn đó, gây tác hại khôn lường. Cái nghịch lý giữa lời cảm ơn—vì được Thiên Chúa sinh ra, cho ta được làm người, như lời kinh “Cám Ơn” đã gợi lên—với trào lưu “hạn chế sinh sản,” được ngụy trang dưới chiêu bài “kế hoạch hóa gia đình,” đã thực sự là nguyên nhân đưa đến sự suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay.

“Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất."29 Thiên Chúa phán: "Đây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi.30 Còn đối với mọi dã thú, chim trời và mọi vật bò dưới đất mà có sinh khí, thì Ta ban cho chúng mọi thứ cỏ xanh tươi để làm lương thực. Liền có như vậy."31 Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp! Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ sáu.”

Tường thuật của sách Sáng Thế Ký, Chương 1, trên đây cho thấy lệnh truyền của Thiên Chúa về việc sinh sản thật rõ ràng. Nhưng chưa bao giờ như thời đại hôm nay, thiên hạ không còn tuân giữ lệnh truyền này nữa. Con người đã tách hẳn ý nghĩa truyền sinh ra khỏi hành vi dục tính, thậm chí còn “vô tư” phá bỏ các bào thai vì bị coi là “những vị khách không mời.” Lời tiên tri hãi hùng của Chân Phước Giáo Hoàng (GH) Gioan Phaolô II đang tỏ hiện từng nét, sắc như một nhát chém: “Một nhân loại tiêu diệt hậu duệ của chính mình là một nhân loại không còn tương lai.” Thực ra, lời loan báo đó là tiếng vọng của lời ngôn sứ mà Đức GH Phaolô VI đã gióng lên qua thông điệp Mạng Sống Con Người (“Humanae Vitae,”) cách đây hơn 40 năm. ĐGH Biển Đức XVI đã tóm tắt thế này: căn nguyên của cuộc khủng hoảng chính là do con người không biết tôn trọng sự sống toàn vẹn và phẩm giá con người. Ta quá dễ đổ lỗi cho các phương tiện, trong khi trên thực tế, chính chúng ta là kẻ đã sử dụng chúng một cách tồi tệ. Do đó, cái cần thay đổi không phải là các phương tiện, mà là chính con người. Y khoa, kinh tế, giáo dục, v.v. chỉ là các phương tiện; chính cách thức con người sử dụng chúng đã ban phát cho chúng tính chất đạo đức cần thiết. Khái niệm đúng đắn về nhân vị, về gia đình và dịch vụ thương mại đã xây nên chính nền móng hành động cho đời sống. Đó là gương mặt nhân bản mà thế giới kinh tế phải mang lấy (xem “Family Values: the Solution to Economic Crisis, Says Pope”, zenith.org, ngày 10/19/11).

Rồi đây thế giới này sẽ phải đối đầu với tình trạng thế hệ trẻ đi làm nuôi không nổi con số quý cụ cao niênvề hưu—cho dù tuổi hưu sẽ phải tăng, có thể tới tuổi 67 như đang được đền nghị tại tiểu bang California. Các cụ toàn là trên cỡ thất thập cổ lai hy, sống dài dài trong các viện dưỡng lão, mọc lên khắp nơi, làm cho thế giới này già đi trông thấy. Tre thì già mà măng mọc không kịp. Qúy cụ càng nhiều, thế hệ các vị hưu dưỡng càng đông thì dĩ nhiên các viện dưỡng lão càng vui, nhưng cũng càng hao…tài. Một vị giáo sư địa lý học tại Đại Học Sheffield vừa cho biết rằng “trong vòng 100 năm nữa, dân số thế giới này sẽ ít hơn dân số hiện nay.” Trong khi Văn Phòng Dân Số Liên Hiệp Quốc tiên đoán rằng dân số thế giới sẽ gia tăng từ 7 tỉ hiện nay lên đến 10.1 tỉ vào năm 2100, thì Danny Dorling cho rằng “có một viễn ảnh khác là dân số thế giới đã đạt tới đỉnh điểm, rồi sẽ rơi xuống (xem “Demographer: World Population May Decline In 100 Years,” CWN, ngày 10/21/11).

Bản phúc trình của Viên Nghiên Cứu Xu Hướng Xã Hội—có trụ sở đặt tại Barcelona, Tây Ban Nha và New York, Hoa Kỳ--mới đây đã công bố rằng: Việc có ít trẻ em hơn và con số các cặp hôn nhân đang giảm thiểu lẽ tất nhiên ảnh hưởng rất lớn về mặt phát triển kinh tế và khả năng chính phủ tài trợ các chương trình phúc lợi của dân chúng. Cơ hội kinh tế phát triển lâu dài tăng hay giảm là đều tùy thuộc vào điều gì đang xẩy ra trong các gia đình. Hai trào lưu rất đáng quan tâm: (1) con số quý cụ cao niên đang trên đà gia tăng, trong khi con số những người còn lao động được lại đang dậm chân tại chỗ, thậm chí còn giảm bớt tại nhiều quốc gia đang phát triển; (2) con số giảm sút các con trẻ đang lớn lên trong các gia đình có bố mẹ còn đang sống đời hôn nhân với nhau. Thí dụ cụ thể là nền kinh tế trì trệ của Nhật trong một ít năm gần đây phần nào là do việc hạn chế sinh sản đã được áp dụng từ thập niên 1970. Trung Quốc, nơi mà số sinh thấp hơn số tử, kể từ thập niên 1990, tất sẽ cùng chung số phận: phát triển kinh tế sẽ giảm thiểu trong những thập niên sắp tới, khi nguồn lao động co rút lại.

Đó là chưa nói đến phẩm chất của các trẻ em lớn lên ngoài vòng hôn nhân, vốn chiếm hơn 40 phần trăm, nghĩa là các em có bố mẹ ly dị, cha/mẹ độc thân, sống chung không hôn thú, thường có nếp sống bất ổn định. Riêng tại Thụy Điển, nơi có 55% các trẻ em lớn lên cùng cha mẹ chung sống không kết hôn, thì 75% (so với các em sống trong các gia đình hôn nhân ổn định) sẽ thấy cha mẹ chia tay nhau vào năm 15 tuổi. Trong khi đó hơn một nửa các em—so với các em có đủ cha lẫn mẹ--sẽ gặp những vấn đề tâm lý, nghiện ngập, tự tử, học hành kém, công ăn việc làm không khá…

Mới đây ĐGH Biển Đức XVI, khi tiếp xúc với một nhóm các anh chị em đang trong thời kỳ đính hôn tại Ancona, đã khuyến khích họ vượt qua những thách đố văn hoá về sự thủy chung trong hôn nhân. Ngài nói: “Sự kết hợp vững bền của các con trong bí tích hôn phối sẽ khiến cho con cái mà Thiên Chúa tặng ban biết sống tin tưởng vào sự thiện ích tốt lành của đời sống. Sự thủy chung, bất khả phân ly, và truyền sinh sẽ là những trụ cột cho mỗi gia đình, trở thành một thiện ích chung đúng nghĩa, và là một gia sản qúy giá cho toàn thể xã hội, không chỉ về mặt tôn giáo, mà cả về phương diện kinh tế nữa” (xem ‘Low Fertility and Low Economic Growth—The Importance of Marriage and the Family,’ trong EWTN.com ngày 10/10/11).

Mùa Tạ Ơn về, xin cảm tạ Chúa vì muôn ơn lành hồn xác. Xin cho con biết thể hiện lòng tri ân Chúa qua việc tuân giữ giới răn Ngài. Xin cho thế giới này, khi đang kiệt quệ vì kinh tế suy thoái, biết tin tưởng thi hành mệnh lệnh Chúa truyền: “hãy sinh sôi nẩy nở thật nhiều cho đầy mặt đất,” và giáo dục thế hệ trẻ cho nên người chân chính, hầu tìm lại cơ hội phục hồi kinh tế.

Dường như loài người vẫn còn hoài nghi lắm trước lệnh truyền đầy nghịch lý này. Oái oăm thay, đó lại là đầu mối đưa đến nhiều thứ nguy cơ mà chính loài người đang tự tạo cho mình.

“Lậy Chúa, xin thêm lòng tin cho chúng con.” (Luca 17:5)

Lễ Chư Thánh

11/01/11

Nguyễn Kim Ngân

 
Khi cái chết trở thành phi nhân
Vũ Văn An
18:55 31/10/2011
Chúng ta lại đang giết người đồng loại một lần nữa. Lần này thì tại ngay lãnh thổ mà nhiều người vẫn coi là nơi tọa lạc Vườn Eden xưa, đâu đó giữa hai dòng Tigris và Euphrates. Lần này không tệ hơn muôn vàn những trận thảm sát của thế kỷ trước. Thực tế, nó còn có tính hạn chế hơn là đàng khác. Và người ta bảo rằng làm thế là để tránh giết nhiều người hơn sau này. Điều chắc chắn là: cố ý giết đồng loại mình cũng như giết chính mình vốn là một đặc ơn chỉ dành cho con người mà thôi. Nó là một đặc ân vì con người là sinh vật duy nhất ý thức được cái chết, cái chết của người khác và cái chết của chính mình.

Thi sĩ Đức, Riener Kunze, trong một bài thơ, có viết câu này: “Ngươi không có gì đặc biệt / Ngươi chỉ bám lấy cái đẹp / (Vì) biết rằng một ngày kia ngươi sẽ phải rời bỏ mọi sự”. Cái biết được Kunze nhắc tới bàng bạc mọi khoảnh khắc đời ta. Heidegger đã biến cái biết về sự chết thành chìa khóa giải thích lý thuyết “Dasein” (1). Chỉ khi biết về cái chết ta mới bắt đầu khám phá ra sự sống có nghĩa gì.

Ấy thế nhưng, niềm sợ chết, tuy luôn được giữ kín, đã cô lập mỗi người chúng ta, vì chết không phải là một hành vi tập thể. Mọi người đều phải chết một mình, và bất cứ ai hiểu ra điều đó cũng sẽ không nhìn vào xã hội để có được một ý nghĩa cho cuộc hiện sinh của mình. Vì họ biết rằng một ngày kia họ sẽ lìa bỏ xã hội và xã hội sẽ lìa bỏ họ.

Cái biết về sự chết ấy có tính hết sức lưỡng nghĩa, lưỡng nghĩa đến ngỡ ngàng. Một đàng, nó có khuynh hướng cướp hết ý nghĩa của việc con người làm: mọi điều nhiên hậu sẽ ra vô nghĩa. Đàng khác, cái biết về hữu hạn tính sẽ đem lại cho cuộc hiện sinh cái giá trị vô song của nó. Nếu ta không bao giờ chết, mọi sự sẽ mất hết ý nghĩa của nó.

Mọi sự ta làm hôm nay, ta vẫn có thể làm hoài hoài vào ngày mai. Với những người xây dựng cuộc đời chung trên căn bản tình yêu, 60 năm chỉ là một khoảnh khắc. Họ thức giấc vào hừng đông ngày lễ vàng, vẫn muốn mới thực sự bắt đầu. Nhưng không cùng sao? Điều này hẳn sẽ tức khắc hủy tiêu mọi sự. Biết rằng sẽ có một tận cùng là điều sẽ mở ra cho ta cả một chân trời ý nghĩa…

“Chỉ vì ngươi bám lấy cái đẹp”: đó chính là đặc điểm khác đánh dấu tính nhân bản trong câu thơ của Kunze. Cảm nghiệm cái đẹp nối kết chắt chẽ với cái biết về sự chết. Đây là cảm nghiệm một điều gì đó mà ý nghĩa không phát sinh từ giá trị tự bảo tồn của nó về sinh học, hay từ sự ích lợi của nó đối với người khác, là những người, dù sao, cũng sẽ chết. Ta gọi điều gì đó đẹp vì nó có giá trị ngay trong chính nó. Và trong số những điều đẹp ấy, ta thấy có các cử chỉ và hành động nhân bản, ngay cả khi chúng tỏ ra vô dụng hay bị phí phạm một cách vô tình trên những con người lầm lẫn. Cái đẹp chống lại cơn xóay lốc của phi lý mà việc biết mình sẽ chết đang đe dọa cuốn hút ta vào. Đối với tín hữu, và thực ra đối với cả Platông nữa, nó là tia sáng mờ mờ dự ứng điều gì đó sẽ còn lại sau cái chết.

Xã hội xử lý ra sao với cái chết và diễn trình chết, vốn là cảnh đắm tầu của hữu thể xã hội toàn trị? Ít nhất chính lúc chết, nếu không muốn nói sớm hơn, con người hết còn là thành viên của xã hội như một toàn thể. Nhà nước có thể dùng cái chết để đe dọa, nên không ai mạnh hơn người đã chiến thắng được nỗi sợ chết. Dùng cái chết để đe dọa quả là một thứ vũ khí đáng sợ.

Nhu cầu muốn biến sự đe dọa kia thành thực tại chính là việc đầu hàng (defeat). Văn hóa lễ nghi hóa trong truyền thống Âu Châu về diễn trình chết và chôn cất là một hiện tượng có tính biện chứng giúp xã hội tự tương đối hóa chính nó. Nhờ lồng cái chết vào các hình thức lễ nghi tín ngưỡng (cultic), xã hội đã hội nhập vào nó chính sự vật nó muốn đặt thành nghi vấn. Việc hội nhập này đòi một ý nghĩa tôn giáo. Điều tương đối hóa xã hội cũng sẽ hợp pháp hóa nó. Nhờ nhìn nhận rằng nó không phải là Thiên Chúa, nó cũng có khả năng hiểu ra rằng thẩm quyền của nó là thẩm quyền do Thiên Chúa chế tài.

Niềm tin vào sự sống vĩnh cửu cũng tương đối hóa sự chống đối giữa sự sống và sự chết. Ở Munster, có một con dao lý hình mang hàng chữ: “Khi tôi giơ dao lên, tôi đều chúc người tử tội được sống đời đời”.

Vì thời hiện đại vô thần từ trong cấu trúc, nên họ phải coi sự đối nghịch giữa sống và chết như là tuyệt đối. “Tôi sẽ tiếp tục sống trong con cái tôi” quả là một câu nói trống rỗng đối với một con người tự coi mình như chỉ là một cá thể biệt lập.

Xã hội do đó đã chiến đấu một cách dai dẳng để kéo dài sự sống, chỉ để buộc phải đầu hàng ở cuối đường. Nó thiếu khả năng khai triển ra các nghi lễ thực thụ để tiễn đưa con người ở lúc kết thúc đó vì nó thiếu mọi chân trời cần có để tương đối hóa nó. Hệ quả đầu tiên là khuynh hướng loại cái chết ra khỏi tâm trí. Càng ngày, cái chết càng diễn ra tại một căn phòng khuất nẻo nào đó tại một bệnh viện hay bệnh xá.

Hậu quả là: nỗi sợ chết bị đè nén nhưng thực tế đã gia tăng. Ngày nay, phần lớn người ta đối diện với viễn ảnh về chính cái chết của mình mà chưa hề hiện diện tại cái chết của một người khác. Nhưng rồi lại có một khuynh hướng nữa là muốn âm thầm loại bỏ những người không còn được coi là thành viên của thế giới xã hội nữa.

Hòa Lan là quốc gia đã hợp pháp hóa việc an tử (enthanasia), nhưng đâu có bị loại ra khỏi cộng đồng quốc tế. Trái lại, các bác sĩ nước này tự cho rằng mình mới là các tiền phong trong việc giết người. Và bỗng chốc, dường như sự việc không tiến nhanh đủ.

Định nghĩa mới về sự chết với nghĩa “chết ở não bộ” (brain death) đã giúp người ta quyền được tuyên bố là chết khi một người vẫn còn thở, nhờ thế, tránh được diễn trình chết để người ta còn kịp thu lượm những “phụ tùng” dùng cho người còn sống. Chết không còn xẩy ra ở cuối con đường hấp hối nữa, nhưng do phán quyết của Ủy Ban Harvard, nó xẩy ra ngay ở khúc đầu con đường kia.

Tập quán chôn cất của Do Thái Giáo và Kitô Giáo càng ngày càng bị thay thế bởi thứ tống khứ các xác chết kiểu máy móc như hỏa thiêu chẳng hạn, tránh cái nhìn của công chúng. Và càng ngày, người ta càng tin rằng họ đang làm một việc tốt cho con cái khi họ cắt giảm chi phí bằng cách chôn mình một cách vô danh vào lòng đất. Nghi thức chôn cất người chết, nét đặc trưng cổ xưa nhất dùng để phân biệt con người thông biết tức homo sapiens, đang càng ngày càng biến mất.

Theo ROBERT SPAEMANN, giáo sư triết hưu trí tại Đại Học Munich, Tạp Chí Communio, tháng 10 năm 2003.

Ghi chú

(1) Dasein là thuật ngữ Đức do triết gia Martin Heidegger sử dụng trong tác phẩm “Hữu Thể và Thời Gian” (Being and Time). Chữ hữu thể đây theo nghĩa siêu hình học hay triết học. Thực ra, trước Heidegger, Ludwig Feuerbach cũng đã sử dụng thuật ngữ này rồi, nhưng với nghĩa là hiện hữu, hiện diện. Nó là kết hợp của da-sein, chiểu tự có nghĩa là ở đó.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Anh Hùng Sa Cơ.
Lê Trị
21:41 31/10/2011
ANH HÙNG SA CƠ
Ảnh của Lê Trị
Tớ anh hùng, cậu cũng anh hùng
Bấy lâu luyện tập, tớ muốn khùng
Nay ra trận, tớ giàu sức lực
Lắc lư một phát, cậu té..“đùng”.
(Lê Trị)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
VietCatholic TV
15 năm VietCatholic
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:16 31/10/2011
Kính thưa quý vị và anh chị em,


VietCatholic bắt đầu phát trên mạng lưới điện toán toàn cầu từ ngày Lễ Các Thánh 1 tháng 11 năm 1996. Đến hôm nay là vừa tròn 15 năm. Nhân dịp này chúng tôi xin có vài lời thưa cùng quý vị và anh chị em.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Thông điệp Communio et Progressio cách đây bốn thập niên đã chỉ ra rằng "các phương tiện truyền thông hiện đại đem lại những cách thế mới để đưa con người đối diện với thông điệp của Tin Mừng". Đức Thánh Cha Phaolô VI nói rằng Giáo Hội "có lỗi trước mặt Chúa" nếu không tận dụng các phương tiện truyền thông cho việc truyền bá Tin Mừng.

Thật vậy, trong mọi thời đại, kể cả thời đại của chúng ta, người ta thường hỏi cùng những câu hỏi căn bản: "Tôi là ai? Tôi từ đâu đến và tôi sẽ đi về đâu? Tại sao có sự dữ? Cái gì diễn ra sau cuộc sống này?" Giáo Hội không thể áp đặt những câu trả lời, nhưng Giáo Hội có thể - và phải - công bố với thế giới những câu trả lời mà Giáo Hội đã nhận được; và hôm nay, như luôn mãi, Giáo Hội mang đến một Đấng tối hậu trả lời thỏa mãn những câu hỏi sâu xa nhất về cuộc đời – là Đức Giêsu Kitô, Đấng đã "mạc khải hoàn toàn cho con người về chính Ngài và đưa ra ánh sáng ơn gọi cao trọng nhất của Ngài"

Sự bùng nổ của kỹ thuật thông tin từ cuối thế kỷ vừa qua đã gia tăng khả năng truyền thông của Giáo Hội lên rất nhiều và rất đa dạng. Từ khi bắt đầu phát trên mạng lưới điện toán toàn cầu đến nay, chúng tôi không ngừng tìm kiếm những giải pháp để tận dụng hết cả khả năng multimedia mà các kỹ thuật truyền thông mới đem lại.

Hôm nay, nhân dịp kỷ niệm 15 năm hoạt động, chúng tôi vui mừng loan báo với quý vị và anh chị em về chương trình thời sự hàng tuần Thế Giới Nhìn Từ Vatican. Đây là thành quả của những cố gắng liên tục về kỹ thuật và những vận động ngoại giao với các thông tấn xã Công Giáo trên thế giới trong tinh thần hợp tác chung để rao giảng Tin Mừng.

Qua chương trình thời sự hàng tuần này chúng tôi hy vọng có thể tường thuật sống động bằng những hình ảnh trước hết là giáo huấn của Huấn Quyền Hội Thánh, và bên cạnh đó là những biến cố diễn ra trong đời sống Giáo Hội trên toàn thế giới.

Xin trân trọng kính chào quý vị và anh chị em và xin nâng đỡ chúng tôi qua lời cầu nguyện và những ý kiến đóng góp để anh chị em chúng tôi có thể phụng sự cộng đoàn dân Chúa ngày một tốt hơn.
 
Phỏng vấn Lm. Anthony Nguyễn Hữu Quảng nhân sinh nhật thứ 15 của VietCatholic
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:22 31/10/2011
Kính thưa quý vị và anh chị em,


Với sự trợ giúp của Thiên Chúa, tài năng con người, đặc biệt là trong thời đại chúng ta, đã đưa ra những sáng tạo kỹ thuật diệu kỳ. Thật vậy, từ giữa những năm cuối của thế kỷ qua, chúng ta đã chứng kiến sự bùng nổ của kỹ thuật thông tin mở ra những đại lộ mới cho việc truyền thông dễ dàng tin tức, ý tưởng và các định hướng.

Giáo Hội tìm thấy nơi các phương tiện truyền thông mới một sự trợ giúp quý báu cho việc truyền bá Tin Mừng và các giá trị tôn giáo, cho việc cổ võ đối thoại, sự hợp tác đại kết và liên tôn, và cho cả sự bảo vệ những nguyên tắc cứng rắn thiết yếu cho việc kiến tạo một xã hội tôn trọng phẩm giá con người và chú ý đến thiện ích chung. Giáo Hội cũng tìm thấy nơi các phương tiện truyền thông mới một cơ hội để đưa ra những thông tin về chính mình và mở rộng các biên giới truyền giáo, giáo lý và đào tạo, trong khi xem việc sử dụng chúng như một lời đáp trả cho lệnh truyền của Chúa: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16:15).

Chính vì thế, từ ngày 1/11/1996, VietCatholic đã có mặt trên mạng lưới điện toán toàn cầu. Và hôm nay là ngày sinh nhật thứ 15. Nhìn lại chặng đường dài hơn 15 năm qua, trước hết xin cho phép tôi thay mặt cho Ban Giám Đốc và Ban Biên Tập bày tỏ lòng tri ân sâu xa với các vị ký giả, những người đã hy sinh âm thầm bỏ biết bao nhiêu thời gian và công sức trong việc trước tác và phiên dịch về đủ mọi thể loại để VietCatholic ngày càng trở nên phong phú. Không có các vị ký giả ở khắp năm châu, chắc chắn VietCatholic không thể tồn tại được.

Nhân dịp này chúng tôi xin chân thành cám ơn các vị Hồng Y, Giám Mục, các linh mục, tu sĩ và quý vị độc giả đã nâng đỡ chúng tôi qua lời cầu nguyện, qua những đóng góp ý kiến chân thành và sự hỗ trợ tài chính để có thể trang trải các chi phí.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Ngay từ buổi đầu, VietCatholic đã là một nỗ lực mang tính chất toàn cầu: Ban Giám Đốc và máy móc phát tin được đặt tại Hoa Kỳ, trong khi đó, các chương trình được thảo chương tại Úc, và các ký giả gởi bài về từ khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, trong những năm đầu tiên, những nỗ lực này chỉ giới hạn trong phạm vi người Công Giáo Việt Nam ở hải ngoại và trong nước.

Những cố gắng bênh vực Giáo Hội tại quê nhà trước cộng đồng quốc tế đã dẫn dắt chúng tôi đến với một sự hợp tác ngày càng gắn bó hơn với các cơ quan thông tấn quốc tế trên thế giới. Từ chỗ dịch thuật bài vở của các thông tấn xã Công Giáo quốc tế, VietCatholic đã là nguồn cung cấp tin tức cho hầu hết các cơ quan thông tin của Công Giáo tại Vatican và Hoa Kỳ.

Trong các ngày Quốc Tế Giới Trẻ, chúng ta đã thấy các ký giả của VietCatholic tác nghiệp bên cạnh các ký giả chuyên nghiệp của các hãng thông tấn quốc tế khác.

Nhờ các liên hệ quốc tế đó, giờ đây, nhân kỷ niệm sinh nhật thứ 15 của VietCatholic, chúng tôi vui mừng loan báo với quý vị và anh chị em rằng VietCatholic được phép và được sự hỗ trợ về kỹ thuật và phim ảnh của các cơ quan trung ương Tòa Thánh để phát hình hàng tuần chương trình Thế Giới Nhìn Từ Vatican.

Với những thỏa thuận đã đạt được gần đây, mỗi ngày chúng tôi nhận được các đoạn phim với phẩm chất cao từ Rôma. Từ những đoạn phim này chúng tôi chọn lọc và lồng tiếng.

Trong thời gian qua chúng tôi đã phát hình thử một số chương trình. Quý vị và anh chị em có lẽ đã xem qua một số phim chúng tôi đã thực hiện liên tục từ trước ngày Quốc Tế Giới Trẻ Madrid cho đến nay. Sau thời gian thử nghiệm trong 3 tháng qua, giờ đây chúng tôi thấy yên tâm để có thể công bố chính thức về chương trình này.

Chúng tôi hy vọng rằng chương trình mới này có thể cống hiến cho quý vị và anh chị em qua hình ảnh những tường thuật sống động về giáo huấn của Huấn Quyền Hội Thánh, và những biến cố diễn ra trong đời sống Giáo Hội trên toàn thế giới. Xin quý vị và anh chị em tiếp tục nâng đỡ và ủng hộ chúng tôi.