Ngày 11-10-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh hiến
Lm Vũđình Tường
05:00 11/10/2011
Chúa nhật 29 thường niên, năm A

Mt 22, 15-21


Xức dầu trong Kinh Thánh là xức dầu thánh hiến. Xức dầu thánh hiến cho vật nào là làm cho vật đó, vật thông thường trở nên đặc biệt, khác với các vật thông thường khác. Vật thông thường được chọn lựa, được nâng lên hàng quan trọng cần phải tôn kính vì đã được xức dầu thánh hiến. Vật đó vẫn còn ở trần gian nhưng không còn thuộc về trần gian như trước nữa vì đã được thánh hiến cho Thiên Chúa. Vật đó từ nay thuộc về Thiên Chúa là Đấng Thánh. Thánh hiến theo nghĩa đó là mang tính từ bỏ những gì thuộc về trần thế để dâng hiến cho Thiên Chúa. Thánh hiến theo nghĩa trên cũng có nghĩa là hy sinh.

Xức dầu thánh hiến cho người nào là làm cho người đó đang từ cuộc sống bình thường trở nên đặc biệt. Đây là hành động tự nguyện, tự hiến để được thánh hiến. Họ cũng phải trải qua thời kì học hỏi và thử thách, học biết trách nhiệm về việc thánh hiến. Sau khi thánh hiến họ tiếp tục sống nơi trần thế nhưng thuộc về Thiên Chúa. Sống nơi trần gian không cho riêng họ mà là tiếp nối công việc của Đức Kitô. Nối tiếp bằng cách rao giảng Lời Chúa; sống thực thi điều rao giảng và tin vào điều rao giảng. Đây chính là một phần lời nguyện cầu trong ngày lễ truyền chức thánh, lúc thi hành nghi thức xức dầu thánh hiến.

Vì thế nghi thức đặt tay và xức dầu trong ngày lễ truyền chức linh mục được hiểu là người đó từ nay thuộc về Thiên Chúa, sống để thực hiện ý Chúa. Họ có chức thánh trong người qua việc đặt tay và xức dầu thánh hiến. Bản tính xác thịt yếu đuối nơi người đó vẫn còn nhưng không vì thế mà được phép lạm dụng giải thích, bào chữa cho việc làm sai trái. Trái lại cần luôn í thức, và hoàn toàn tin tưởng, lệ thuộc vào sự hướng dẫn, chỉ bảo của Thần Linh Chúa trong lời nói, hành động, tư tưởng. Nhờ liên kết với Thánh Thần Chúa mà cuộc sống họ trở nên hữu ích hơn cho xã hội và trung thành hơn trong việc làm chứng nhân cho Chúa giữa đời. Người nào được thánh hiến cũng cố gắng sống đời thánh thiện. Nói là cố gắng vì không phải cố gắng nào cũng thành công, cũng toại nguyện. Họ cần sức mạnh lời cầu nguyện của chính mình và của người khác cầu thêm cho, mới mong hoàn thành điều hứa ngày thánh hiến. Nếu không gương xấu gây đau thương, tai tiếng chung cho Giáo Hội là điều khó tránh.

Người thuộc về Chúa thì cần biết Chúa là đủ vì ơn khôn ngoan Chúa ban dư thừa giúp ta sống cuộc sống trần thế. Có Chúa là có tất cả vì ân sủng Chúa có sức mạnh tạo nên nguồn vui bất tận trong tâm hồn. Một khi cảm thấy đầy đủ thì không còn ước mong sự gì sốt.

Người trần gian cả đời mong gầy dựng một sản nghiệp là vật chất trần thế mà hầu hết cả đời vẫn chưa thoả mãn. Kẻ thánh hiến một khi vững lòng cậy trông vào Chúa sẽ có được ba sản nghiệp. Đó là sản nghiệp của lòng tin, lòng bác ái và lòng mến Chúa. Có được ba sản nghiệp đó thì còn thiếu thốn gì. Muốn đạt được ba sản nghiệp đó thì cần tích trữ những gì thuộc về Chúa. Tích trữ trong Kinh Thánh có nghĩa trái nghịch với trần thế. Nơi trần thế tích trữ là thu góp, gom góp, bóp chắt. Tích trữ theo nghĩa Kinh Thánh là cho đi, từ bỏ. Càng cho đi nhiều, càng từ bỏ nhiều càng nhận lại nhiều những gì thuộc về Thiên Chúa. Cho đi nhiều nhất là cho đi chính mình. Càng nhiều những gì thuộc về Chúa càng coi thường những gì thuộc về trần thế. Thước đo sản nghiệp nước trời chính xác nhất là lòng mến những gì thuộc về trời.

Thánh hiến là thuộc về Chúa cho nên Đức Kitô đã trả lời kẻ thử Người là những gì thuộc về trần thế thì thuộc về trần thế; những gì thuộc về Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa. Mt 22,21. Không thể dùng của Chúa là của thánh để ban cho thế gian cũng như không thể dùng của thế gian để dân lên Thiên Chúa. Lễ phẩm chúng ta dâng Chúa theo nghi thức dâng lễ vật là những vật được chọn lựa với lòng chân thành, với tâm tình cảm mến dâng lên Chúa vì thế lễ phẩm đó không đơn thuần là bông hoa, tấm bánh mà chính là tấm lòng chân thành, yêu mến lại được thánh hoá qua lời Chúa do tay linh mục đại diện cộng đoàn dâng lên Chúa.

Chính vì thế mà ngay đầu thánh lễ có phần xin Chúa xót thương đón nhận tâm tình thống hối ăn năn, xin Chúa xót thương đón nhận lời cầu xin. Xin Chúa thương đón nhận lễ vật do bàn tay lao tác và là sản phẩm, hoa mầu ruộng đất Chúa tạo thành. Những điều này được dâng lên nhờ Thánh Thần Chúa thánh hoá biến chúng thành lễ vật dâng Chúa. Chúng không còn đơn thuần là của cải trần thế nhưng là lễ vật được chọn lựa do tự nguyện, do lòng thành, lòng mến cộng với tâm tình tạ ơn. Mặc dầu không được xức dầu thánh hiến nhưng chúng được thánh hiến qua lòng thành, biết ơn và cảm tạ cho nên chúng thuộc về Thiên Chúa.

Lễ vật hiến dâng theo tinh thần đó sẽ được Chúa đón nhận. Chúng ta cầu xin ơn chân thành hiến dâng trong tâm tình cảm tạ Thiên Chúa.

Lm Vũđình Tường

TiengChuong.org
 
Con đường Tình yêu: Nhận biết Ơn gọi
Trầm Thiên Thu
09:33 11/10/2011
Con đường Tình yêu: Nhận biết Ơn gọi
Theo Thánh Thomas Aquinas, Thánh Inhaxiô, và Chân phước GH Gioan PhaolôII
(tác giả Joseph Bolin)

Đối với người Công giáo, có 2 cách chọn đường đi trong cuộc sống. Người ta có thể bắt đầu bằng suy nghĩ về mục đích sống, và suy nghĩ về điều gì sẽ hữu ích nhất trong việc đạt mục đích đó, hoặc người ta có thể tự vấn về điều Thiên Chúa muốn mình làm trong cuộc sống. Các phương pháp này khác nhau và bổ túc lẫn nhau, nhưng chỉ khi nào sách về ơn gọi áp dụng 2 phương pháp khác nhau cơ bản này. Cuốn sách này nhằm kiểm tra 2 phương pháp cơ bản này đối với vấn đề ơn gọi, những thuận lợi và những nguy hiểm tiềm ẩn của mỗi phương pháp, và đề nghị cách nhìn đơn giản về những ơn gọi tìm cách duy trì những lợi ích của mỗi phương pháp. Không như đa số những sách khác về ơn gọi, sách này không là một luận thuyết thần học hướng dẫn những người trí thức, cũng không là sách hướng dẫn ơn gọi, mà gồm những lời khuyên chi tiết về cách chọn ơn gọi. Hơn nữa, sách này tìm cách đưa ra viễn cảnh sâu xa mà đơn giản và khả dĩ tiếp cận về ơn gọi, cho cả những người tìm kiếm ơn gọi và các vị linh hướng về ơn gọi để có nền tảng vững chắc, có thể hình thành phán đoán tốt về những tình huống đặc biệt mà họ đang xử lý.

Bất kỳ phương pháp nào chúng ta áp dụng cho ơn gọi thì sự tập trung chú ý vẫn phải là tình yêu. Mỗi ơn gọi phải được tập trung xoay quanh tình yêu, vì chính nhờ tình yêu mà chúng ta được kết hiệp với Thiên Chúa, Đấng là Tình yêu, và mọi người tìm thấy sự viên mãn nơi Ngài. Do đó, đời sống chúng ta sẽ hoàn thiện hơn, tới mức mà tình yêu của chúng ta vĩ đại hơn. Yêu cầu cơ bản để sống trong tình yêu là chúng ta tuân giữ các giới răn. Thánh Gioan nói: “Yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ các điều răn của Ngài” (1 Ga 5:3). Thêm vào các giới răn, chúng ta được trao những lời khuyên hữu ích để phát triển trong tình yêu. Nhưng chính tình yêu phải luôn luôn duy trì tiêu chuẩn mà cách chọn lựa của chúng ta được đo lường. Yếu tố quyết định trong ơn gọi là sự hiến dâng để theo đuổi sự phát triển không ngừng trong tình yêu. Cường độ của tính kiên định của sự quyết tâm theo đuổi sự thánh thiện bằng cách dùng phương tiện chúng ta sử dụng, đó là điều rất quan trọng hơn cả phương tiện chúng ta chọn. Chẳng hạn, nên tìm kiếm sự thánh thiện trong hôn nhân toàn tâm toàn ý hơn là tìm kiếm sự thánh thiện trong đời sống tu trì toàn tâm toàn ý. Nhưng khi hiến dâng, chúng ta sẽ phát triển trong tình yêu chắc chắn hơn và mau chóng hơn nếu chúng ta sống theo cách thích hợp với việc phát triển trong tình yêu, chẳng hạn bằng cách sống theo lời khuyên Phúc âm (evangelical counsels).

Khi chọn con đường riêng để sống sẽ dẫn đến tình yêu, phương pháp của thánh Thomas là suy nghĩ về sự tốt lành khách thể và tính khả dĩ của cách sống. Chẳng hạn, ngài nói rằng không cần phải suy nghĩ lâu dài trước khi quyết định đi tù, vì “như thế chắc chắn tốt hơn” và “vì những người đi tu không dựa vào sức mạnh riêng mình”[1] nhưng tin cậy Thiên Chúa ban sức mạnh cần thiết để mình sống ơn gọi đó. Nhưng người ta phải tìm kiếm ý muốn đi tu từ Thiên Chúa, thánh Thomas nói rằng nếu ước muốn đó chân thật, vì ý hướng tốt, đó là từ Thiên Chúa. Không thành vấn đề nếu Thiên Chúa có là nguồn trực tiếp của động thái đó hoặc tìm cách lôi kéo ai đó đi tu hay không. Thậm chí nếu chính ma quỷ là nguồn trực tiếp của ý muốn này thì chính ý muốn đó vẫn tốt, và cuối cùng vẫn từ Thiên Chúa.

Thánh Teresa Avila đã sống và hành động theo các quy luật này của thánh Thomas. Bà thấy điều gì tốt thì nhất quyế làm. “Mặc dù tôi không tiếp tiếp tục có ý muốn làm nữ tu, tôi vẫn thấy đó là cách tốt nhất và an toàn nhất, và cứ dần dần, tôi quyết định bắt mình ấp ủ điều đó”[2] Bà tiếp tục nói về cách mà Thiên Chúa thưởng cho “sự mãnh liệt” như vậy (x. Mt 11:12) với chính điều đó. “Khi tôi đã quen, Thiên Chúa liền cho tôi hiểu và cách Ngài ủng hộ những người ép buộc chính mình trong việc phụng sự Ngài” [3]

Tương phản với thánh Thomas, thánh Inhaxiô Loyola mới đầu coi đó là “tìm kiếm Ý Chúa”. Thánh Inhaxiô đưa ra “3 cách” để người ta có thể chọn cách sống hợp với Ý Chúa: (1) Khi người ta có kinh nghiệm trực tiếp về điều chắc chắn là Ý Chúa, và điều đó hướng dẫn người ta về cách sống; (2) Khi mà nhờ nhiều kinh nghiệm và sự tìm kiếm sự tác động của Chúa Thánh Thần, người ta hiểu rằng Chúa Thánh Thần đang mời gọi hoặc lôi kéo người ta vào cách sống nào đó, hoặc ý muốn đó phát xuất từ Chúa Thánh Thần; (3) Khi bắt đầu bằng một thái độ tách biệt đối với các tạo vật, và nếu có thể, bằng sự yêu thích những gì phù hợp hơn với Ý Chúa, người ta cẩn trọng chọn cách sống đó là cách pụng sự Chúa và cứu rỗi các linh hồn.

Mỗi phương pháp này đều có thuận lợi riêng và nguy cơ riêng. Phương pháp của thánh Thomas có thuận lợi về khách quan hơn, do đó ít có khả năng lừa dối, nhưng cũng có nguy cơ là quá trừu tượng, và do đó quá xa rời thực tế và sống kết hiệp với Thiên Chúa. Phương pháp của thánh Inhaxiô có thuận lợi là riêng tư hơn, nhưng cũng có nguy cơ là ơn gọi sẽ được coi là gánh nặng bắt buộc (obligatory burden) bị Thiên Chúa áp đặt, không là lời mời gọi tự do sống tình yêu lớn lao hơn. Thánh Anphong Ligouri và Von Balthasar có vẻ có sai lầm này, vì quá nhấn mạnh vào đặc tính riêng của ơn gọi.

Nhưng dù 2 phương pháp này có những điểm khác biệt cơ bản, cuối cùng chúng vẫn tương thích. Một mặt nó khách quan tốt hơn để theo Ý Chúa hơn theo ý mình. Một mặt cho thấy khi chúng ta tìm kiếm Ý Chúa, chúng ta sẽ nhận thấy có những cái để xác định Ý Chúa không chỉ đặc biệt mà còn tổng quát và khách quan. Như vậy thánh Anphong, theo phương pháp tổng quát của thánh Inhaxiô, không cói các dấu hiệu của Ý Chúa là điều phải có để người ta nuôi dưỡng ý hướng tu trì; người ta chỉ cần 2 dấu hiệu như thánh Thomas yêu cầu: Ý hướng vừa tốt lành vừa kiên định, và không trở ngại.

Nếu chúng ta áp dụng trường hợp người ta không trở ngại, và dịnh hướng tích cực – phải thích hợp cách sống – rồi chúng tacó những điều kiện chính mà Giáo hội đòi hỏi về ơn gọi. Về yếu tố đầu tiên, ý muốn kiên định và muốn có cách sống đặc biệt (giả sử cách chọn đó hợp pháp và tốt lành), là cần thiết cho ơn gọi, mà thánh Phanxicô Salê nói rằng ước muốn kiên định như thế chính là ơn gọi. Tuy nhiên, đối với sự kiên định của ơn gọi, chúng ta vẫn cần điều kiện thứ ba, nghĩa là sự chấp thuận của Giáo hội. Thiên Chúa không kêu gọi chúng ta tới sự thánh thiện đơn giản là những cá nhân, mà là các thành viên của Giáo hội, Nhiệm Thể Chúa Kitô. Vì thế, nhiệm vụ của Giáo hội là trắc nghiệm và phê chuẩn ơn gọi, nhất là ơn gọi tu trì và linh mục.

Các phương pháp của thánh Thomas và của thánh Inhaxiô không chỉ tương thích về lý thuyết, mà còn liên kết tới một mức nào đó theo phác thảo về ơn gọi của chân phước GH Gioan Phaolô II. Theo mô tả của ngài, ơn gọi luôn bắt đầu với Chúa Kitô, Đấng đến với mỗi cá nhân trong tình yêu, hướng dẫn người đó tìm ra cách sống thích hợp với tình yêu đó. Khi cầu nguyện đối thoại với Chúa Kitô, ngài đã kiểm tra những trường hợp riêng của ngài để tìm ra con đường sống mà ngài có thể biến nó thành tặng phẩm của mình trong tình yêu.

Phương pháp kết hợp này có thể là cách tốt nhất để suy nghĩ về ơn gọi. Mục đích cuối cùng của sự suy nghĩ cân nhắc nên đáp lại tình yêu vĩnh hằng của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Vì thế, ưu tiên việc “tìm kiếm” ơn gọi, hoặc “quyết định” cách sống, chúng ta phải cố gắng ưu tiên thanh luyện tâm hồn mình, để yêu thật và tìm kiếm Chúa trên hết mọi sự, và đưa tình yêu vào việc chọn cách sống. Chỉ khi đó chúng ta mới sử dụng tặng phẩm Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta – khối óc và con tim – để quyết định về cách sống.

Khi tìm kiếm ơn gọi, yếu tố này hay yếu tố khác – khối óc hoặc con tim – có thể giữ vai trò chủ đạo. Mới đầu chúng ta có thể quyết định bằng ý chí: sau khi suy nghĩ và cân nhắc các yếu tố thích hợp, chúng ta có thể biết cái gì là phương tiện tốt nhất để thực hiện tình yêu và phát triển trong tình yêu, và hãy chọn phương tiện đó. Hoặc mới đầu chúng ta có thể quyết định bằng con tim: trong vài cách có thể cái nào cũng tốt để thực hiện tình yêu và phát triển nó trong tình yêu, chúng ta có thể chọn cách mà chúng ta có khuynh hướng nhiều – không theo xu hướng thoáng qua, nhưng là khuynh hướng bền vững, nghĩa là theo tình yêu đích thực.

Khi suy nghĩ và chọn cách sống, chúng ta nên luôn nghĩ rằng con đường chúng ta chọn không là ý muốn riêng mình, mà là thiết kế của Thiên Chúa. Mỗi người trong chúng ta ở một vị trí riêng trong thế giới, cho nên chúng ta có thể chọn con đường riêng để đến với Chúa. Và như vậy, sau khi đã chọn con đường để sống, chúng ta nên tạ ơn Chúa về tình yêu của Ngài, cơ hội và lời mời gọi yêu thương mà Ngài dành cho chúng ta.

Ý muốn kiên định nên theo cách chọn lựa của chúng ta. Ý muốn kiên định này sẽ làm cho chúng ta có thể tận hiến để thực hiện việc yêu mến Chúa và tha nhân theo cách chúng ta đã chọn, và kiên trì trong mọi khó khăn. Ý muốn kiên định này là muốn phụng sự Thiên Chúa theo cách sống mà thường tạo ra sự bình an tâm hồn. Sự bình an tâm hồn liên quan cách chọn riêng là dấu hiệu kiên định của ơn gọi, và có thể được gọi là dấu hiệu của ơn gọi.

Phương pháp trực tiếp này là cách tiếp cận ơn gọi. Giữa cách của thánh Thomas và của thánh Inhaxiô, thực sự có nhiều cách khác mà chúng ta có thể dùng để chọn cách sống. Vấn đề là thanh tẩy tâm hồn chúng ta, chân thành sống vì tình yêu lớn lao hơn, luôn tuân phục các giáo huấn của Giáo hội và tuân theo sự cẩn trọng Kitô giáo, đồng thời cởi mở theo sự tác động của Chúa Thánh Thần, dù Ngài đưa dẫn chúng ta đi đâu. Việc tìm kiếm và theo đuổi ơn gọi không nên là máy móc hoặc xử lý lo âu, mà là sống và vui mừng với Thiên Chúa, vì “Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta, và Người biết hết mọi sự” (1 Ga 3:20).

[1] St. Thomas Aquinas, Summa Theologiae II-II 189:10
[2] St. Teresa of Avila, Autobiography, Ch. 3
[3] Ibid., Ch. 4

(Chuyển ngữ từ PathsOfLove.com)
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:11 11/10/2011
HAI VÉ XEM PHIM
N2T

Có một cặp vợ chồng mới cưới, sau khi tiệc cưới đã xong thì trở về nhà, thấy một bao thư dưới khe hở nơi cửa, lại phát hiện trong bao thư có hai vé xem phim, đó là bộ phim rất nổi tiếng.
Hai vợ chồng rất vui, nghĩ rằng có người bạn nào đó muốn cho họ kinh ngạc chút chơi.
Ngày hôm sau, hai vợ chồng rất thoải mái đi xem bộ phim nổi tiếng ấy, nhưng nào ngờ khi trở về nhà thì cửa nhà đã mở toang, mà tất cả các hộc bàn đều bị lục tung ngổn ngang lộn xộn, té ra là gặp cướp.
Kẻ cướp không những lấy đi tất cả vàng bạc châu báu, mà còn viết để lại trên bàn một tờ giấy chế giễu: “Ông bà bây giờ hiểu rõ chứ ?”

Suy tư:
Ma quỷ như tên trộm không bao giờ đem gian nan khốn khó đến để cám dỗ người ta, nhưng luôn đem sự ngọt ngào, sung sướng, tiện lợi và những thứ làm thỏa mãn tính hưởng thụ của con người đến, để cám dỗ hạ gục con người.
Người Ki-tô hữu được Thiên Chúa ban cho những thứ trân châu quý báu để họ được sự sống đời đời, như: đức tin, các bí tích, ân sủng và nước thiên đàng là những thứ mà họ phải dùng đức tin và ân sủng mới cảm nhận được; nhưng ma quỷ đã chìa ra thành ba tấm vé là tiền tài, danh vọng và xác thịt là những thứ mà con người ta thấy được, nghe được và sờ mó được để cám dỗ con người, và thế là có những người Ki-tô hữu đã mãi mê say đắm hoan lạc trong ba tấm vé ấy, và mất tất cả những trân châu quý báu mà Thiên Chúa ban cho.
Có ba tấm vé để lên thiên đàng là đức tin, cầu nguyện và ân sủng; và cũng có ba tấm vé để đi xuống hỏa ngục là tiền tài, danh vọng và xác thịt.
Chúng ta chọn loại vé nào ?
-----------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:14 11/10/2011
N2T

40. Tất cả của tôi đều thuộc về Đấng sáng tạo tôi, lẽ nào càng không phải thuộc về Đấng cứu chuộc tôi sao ? Cứu chuộc so với sáng tạo thì càng khó hơn. Vì để sáng tạo tôi thì Ngài chỉ ra lệnh là thành; nhưng để cứu chuộc tôi thì Ngài không chỉ ra lệnh mà còn nói rất nhiều lời, giảng rất nhiều đạo lý, chịu rất nhiều đau khổ, làm rất nhiều dấu lạ, Ngài càng chịu nhiều sự thảm khốc ngược đãi mà không chỉ nói một lời là xong.

(Thánh Bernad)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài Nói Chuyện của Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Long về vấn đề Người Tỵ Nạn.
Hoa Cỏ
17:52 11/10/2011
Bài Nói Chuyện của Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Long về vấn đề Người Tỵ Nạn.
ĐGM Vincent Nguyễn Văn Long, GM phụ tá Tổng Giáo phận Melbourne

Buổi nói chuyện về vấn đề tỵ nạn "Asylum Seeker - Is there a Just Solution?" tối ngày 11/10/2011 tại trường Đại học Công giáo Úc (Australian Catholic University) của Đúc Cha Vincent Nguyễn Văn Long OFMConv và cựu Thủ tướng Úc Malcolm Fraser đã thành công rực rỡ, để lại những ấn tượng mạnh mẽ và chấn động sâu xa trong lòng người nghe. Nhiều người kỳ vọng Đức Cha sẽ là một Giám mục tiên tri như Đức Cha Mannix, dám đứng lên với chính quyền để gióng lên tiếng nói cho những người tỵ nạn không có tiếng nói và đấu tranh cho công bằng xã hội.

Cử tọa, gồm nhiều giáo sư và các thành phần trí thức người bản xứ, thuộc nhiều tôn giáo khác nhau, có lẽ lên đến gần 600 người, ngồi chật hai tầng hội trường lớn của trường Đại Học. Nhiều lần những tràng pháo tay cắt ngang bài nói của Đức Cha, và cuối cùng kết thúc bằng một tràng pháo tay dài như không muốn dứt. Bài nói chuyện thật sống động, mạnh mẽ và đầy sức thuyết phục. Tường thuật lại cuộc vượt biển vĩ đại và những thành công và đóng góp lớn lao của người Việt Nam sau khi định cư mà chính bản thân đã trải qua, Đức Cha đã đưa ra những biện chứng hùng hồn về chính sách nhân đạo mà một quốc gia tiên tiến như nước Úc cần phải có đối với người tỵ nạn. Cử tọa được dịp hiểu rõ hơn về hành trình "exodus" đầy máu và nước mắt nhưng cũng đầy vinh quang tự hào của dân tộc Việt Nam. Ông Malcolm Fraser, vị thủ tướng Úc đầu tiên dám giang tay đón nhận người tỵ nạn Việt Nam hàng loạt, đã nhiệt liệt tán thành những quan điểm trình bày trong bài nói chuyện của Đức Cha Long. Với vấn đề người tỵ nạn hiện là một đề tài chính trị nóng bỏng đang thảo luận tại Quốc Hội Úc, ông phát biểu rằng bài nói chuyện này cần được gửi đến tất cả các nghị sĩ Quốc Hội, và những tài liệu họ đang có có thể được bỏ vào thùng rác!

Buổi nói chuyện được thêm khởi sắc với hai bài hát mở đầu và kết thúc của Liên Ca Đoàn Công giáo Melbourne, cũng được cử tọa nhiệt liệt tán thưởng. Khi ca đoàn hát bài kết thúc với những lời ca cám ơn các nước Úc, Mỹ, Canada..., thật hùng hồn, tất cả cử tọa đã cùng đứng lên hòa chung khí thế và vỗ tay tán thưởng.

Đức Cha Long quả là một người "Asylum Seeker" điển hình xuất sắc, xứng đáng là thuyền trưởng để lèo lái con tàu vượt biển của cộng đồng Công giáo Việt Nam tại Úc châu!

Xin Chúa Thánh Linh tiếp tục ban tràn đầy ơn Thánh cho Đức Cha và các cộng đoàn công giáo Việt Nam hải ngoại, để chúng ta luôn sống xứng đáng và không phải hổ thẹn với sự giúp đỡ của các quốc gia đã rộng vòng tay chào đón, và là gương sáng chứng nhân của Đức Kitô.

Hoa Cỏ tuờng thuật.

 
Đức Thánh Cha nói Nam Dương có thể nêu gương trên thế giới về sự hòa điệu giữa các tôn giáo
Bùi Hữu Thư
19:21 11/10/2011
VATICAN (CNS) -- Đức Thánh Cha Benedict XVI nói với các giám mục Nam Dương: Bằng cách cổ võ cho việc đối thoại giữa các tôn giáo và bảo vệ nhân quyền của các nhóm dân thiểu số, người Công Giáo tại Nam Dương sẽ đóng góp cho sự hòa điệu của quốc gia của họ và sẽ là một tấm gương cho các nơi khác trên thế giới.

Đức Thánh Cha nói vói 36 giám mục Nam Dương trong khi họ đến Rôma để thăm viếng Đức Thánh Cha và các giới chức Vatican nhân dịp “ad Limina” ngày 7 tháng 10 để phúc trình về tình hình sinh hoạt của các giáo phận của họ: "Xin hãy tiếp tục làm nhân chứng cho hình ảnh và sự tương đồng với Thiên Chúa trong mỗi người nam, người nữ và trẻ em, bất kể tôn giáo nào, và bằng cách khuyến khích tất cả mọi người mở lòng cho việc đối thoại để phục vụ cho hòa bình và sự hòa điệu.

Người Công Giáo chiếm khoảng 3 phần trăm dân số Nam Dương; người Hồi Giáo chiếm trên 95 phần trăm dân số Nam Dương, và còn có nhiều cộng đồng Tin Lành, Ấn Giáo và Phật Giáo.

Đức Thánh Cha nói với các giám mục: "Bằng cách làm tất cả mọi sự có thể để đảm bảo rằng nhân quyền của các nhóm dân thiểu số tại quê hương quý vị được tôn trọng, quý vị hỗ trợ cho lý tưởng của việc khoan dung và hòa điệu chung tại quốc gia quý vị và tại nước ngoài.”

Nhiều giám mục đã nói với hãng thông tấn Catholic New Services: Trong khi hiến pháp của Nam Dương công nhận quyền tự do tín ngưỡng của tất cả mọi người công dân và quốc gia này có truyền thống về sự hòa điệu giữa các tôn giáo, sự bành trướng của các phong trào căn bản trong 10 năm qua đã đưa đến nhiều tình trạng căng thẳng và ngay cả bạo lực, kể cả việc phá hủy các nhà thờ và đền Hồi giáo.

Đức Thánh Cha Benedict XVI nói với các giám mục: “Xin đảm bảo rằng những ai qúy vị đang chăn dắt phải hiểu biết rằng họ là những Kitô hữu, và là những tác nhân cho hòa bình, kiên trì và bác ái.”
 
Để thả dàn, tự do sẽ trở thành điều ngược lại
Vũ Văn An
00:55 11/10/2011
Sử gia William Durant có lần phát biểu: “Khi tự do trở thành thả dàn, độc tài sẽ ở trước cửa”. Thói quen định nghĩa tự do như muốn làm gì thì làm hay thả dàn (license), thay vì làm điều mình nên làm, từ lâu vốn được những người ủng hộ chủ nghĩa tự do thế tục cho là thứ tự do được nước Mỹ dùng làm căn bản. Nhưng thứ tự do đó đâu phải là tự do. Đúng hơn, điều gọi là “quyền” hay “tự do” làm điều mình muốn mà không cần tham chiếu bất cứ tiêu chuẩn luân lý hay thiên luật nào, tức các nguyên tắc dùng để điều hướng và thống nhất xã hội, chỉ dẫn tới hỗn loạn cho xã hội mà thôi. Và trong cảnh hỗn loạn, bất ổn xã hội ấy, người ta bắt buộc phải cầu cứu tới nhà nước. Tuy nhiên, trong ngữ cảnh thấp kém về tiêu chuẩn luân lý đó, nhà nước sẽ viện cớ loại bỏ sự hỗn loạn, bất ổn của xã hội để diệt trừ mọi tự do của công dân ngõ hầu củng cố quyền lực của mình. Trong số các tự do này, các chính khách ưa diệt trừ tự do tôn giáo nhất.

Trong mấy thập niên qua, chính phủ Mỹ vốn tự hài lòng với việc hạn chế tự do tôn giáo bằng cách ngăn cản; nghĩa là giới hạn các thực hành tôn giáo trong một số điều kiện và tại một số nơi. Năm 1840, chính sách đó được Tocqueville gọi là “nền chuyên chính êm dịu” (soft despotism). Ông viết rằng dưới nền chuyên chính ấy “người ta ít khi bị nó cưỡng chế hành động, nhưng họ không ngừng bị ngăn cản để không hành động được: quyền bính đó không tiêu diệt, nhưng ngăn cản sự hiện hữu; nó không bạo chúa hóa, nhưng nó thu nhỏ (compresses)…”. Tuy nhiên, lúc này đây, qua mệnh lệnh (mandate) mới của liên bang về chăm sóc sức khỏe, kiểu nói lịch sự của chính phủ Obama, Nhà Nước đang mạnh dạn tiến vào vùng đất mới. Nó đang cưỡng bức công dân phải hành động, phải mua một dịch vụ đặc thù và trong trường hợp ta đang bàn ở đây, đang buộc người Công Giáo vi phạm lương tâm của họ.

Thực vậy, dưới qui định mới của liên bang về chăm sóc sức khỏe, chính phủ Obama có nhiệm vụ ra lệnh các kế hoạch bảo hiểm tư phải bảo hiểm trọn vẹn việc triệt sản, việc ngừa thai, và các dịch vụ huấn đạo có liên quan tới chúng. Theo thông cáo báo chí gần đây của Giáo Phận Green Bay, các vị Giám Mục Công Giáo Wisconsin đã viết một lá thư cho Bộ Trưởng Y Tế Và Dịch Vụ Nhân Bản Liên Bang là Kathleen Sebelius, để nói với bà ta rằng các qui định đó không bảo vệ thoả đáng quyền tự do tôn giáo của các định chế, của các chủ nhân, các hãng bảo hiểm, và nhiều người khác. Lá thư qui kết trách nhiệm cho chính phủ Obama thực tế đã cản trở hoạt động tôn giáo bằng cách giảm thiểu quyền tự do tôn giáo của người Công Giáo Wisconsin và cả nước Mỹ.

Lá thư của các vị giám mục sau đó đã nhắc nhở chính phủ Obama nhớ tới bản chất đích thực của quyền tự do tôn giáo: “Thừa tác vụ trong truyền thống Công Giáo không chỉ giới hạn tại các nơi thờ phượng. Biểu thức trọn vẹn của nó là ở chỗ phục vụ người khác. Đức tin mà chúng tôi tuyên xưng và cử hành tại giáo xứ được đem ra thế giới qua các thừa tác vụ công khai của chúng tôi”. Hiểu trong ngữ cảnh đích thực của Kitô Giáo, quyền tự do tôn giáo không những có nghĩa là tự do thờ phượng mà còn đảm bảo cả sự tự do được vâng lời luật lệ của Thiên Chúa và của lương tâm mình. Nó không phải là việc riêng tư mà là vấn đề phát biểu và thực hành công khai. Nhưng với mệnh lệnh chăm sóc sức khỏe mới của liên bang, điều ấy không còn có thể nữa.

Vào thế kỷ thứ 19, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã cảnh cáo thế giới rằng lẫn lộn quyền tự do với lối sống thả dàn là điều hết sức nguy hiểm. Ngài viết trong thông điệp “Về Bản Chất Của Quyền Tự Do Nhân Bản” rằng “Sống thả dàn sẽ lượm được điều quyền tự do đánh mất; vì quyền tự do chỉ có thể tự do và an toàn hơn bao lâu lối sống thả dàn được hạn chế trọn vẹn hơn”. Không gì đúng bằng. Dung túng tội lỗi, vô luân và bất công một cách quá đáng dưới chiêu bài tôn trọng tự do của người ta, cuối cùng, sẽ dẫn tới việc bác bỏ chính tự do. Mà bác bỏ chính tự do thì là tôi mọi và chuyên chính chứ còn là gì nữa?

Đức Lêô XIII còn viết thêm rằng: nếu lối sống thả dàn bừa bãi trong lời nói và bài viết được ban cấp cho mọi người, thì đâu còn gì là thánh thiêng và bất khả xâm phạm; ngay cả những mệnh lệnh cao cả nhất và chân thực nhất của tự nhiên, từng được tuân giữ một cách chính đáng làm gia tài chung và cao quí của nhân loại, cũng sẽ không được kiêng nể. Ta nên ghi nhớ lời nói đầy tiên tri của Đức Lêô XIII vì người ta đã chứng minh rằng nó chân thực trong suốt 120 năm qua.

Ở đây, ta thấy điều nghịch lý lớn lao hơn hết. Điều chủ nghĩa tự do thế tục đòi hỏi cho chính nó, nó đã không ngừng bác bỏ đối với Giáo Hội Công Giáo. Đức Lêô XIII viết tiếp: một đàng, nó đòi cho nó và cho nhà nước lối sống thả dàn, một lối sống mở cửa cho mọi thứ ý kiến đồi trụy; nhưng mặt khác, nó lại ngăn cản Giáo Hội nhiều cách, hạn chế quyền tự do của Giáo Hội vào những giới hạn chật hẹp nhất… Quả thật đó là thế đứng hiện nay của Giáo Hội tại Hoa Kỳ.

Trong cuốn “Christianity and Culture” (Kitô Giáo và Văn Hóa), T. S. Eliot từng viết một điều rất liên quan tới chủ nghĩa tự do thế tục hiện nay. Ông bảo: Xét từ trong bản chất của nó, việc chủ nghĩa tự do có xu thế hướng về một điều khác với chính nó đúng là một khả thể… Nó là một phong trào không được định nghĩa bằng mục đích của nó bao nhiêu, cho bằng bằng khởi điểm của nó; nó tránh xa, chứ không hướng về một điều nhất định”. Phản đối, thách thức và rút chân ra khỏi Kitô Giáo và các nguyên tắc luân lý tuyệt đối của tôn giáo này là điều T.S. Eliot muốn ám chỉ trong câu chủ nghĩa tự do “tránh xa chứ không hướng về một điều nhất định”. Tránh xa một điều gì đó đều nguy hiểm ở chỗ ta không có đôi mắt ở phía sau đầu. Nhất định ta sẽ vấp ngã. Và khi ta bước lùi hay bước khỏi điều làm ta ngại ngùng, thường là mình sẽ rơi vào chỗ tệ hơn lúc khởi hành.

Xem sét mệnh lệnh của liên bang về chăm sóc sức khỏe, cuộc chiến chống khủng bố và nhiều vấn để khẩn trương khác, ta có cảm tưởng như chủ nghĩa tự do đúng hơn đang là nô lệ của nhà nước, và cả của Hồi Giáo nữa, hơn là tự do trong xã hội Kitô Giáo. Có lẽ chính vì thế, Eliot cảnh cáo rằng quyền tự do, khi bị định nghĩa sai lầm như được thả dàn sống bừa bãi, nhất định sẽ dẫn tới điều ngược lại với chính nó tức bạo chúa. Hay, nói theo lối nói của nhà thơ: chủ nghĩa tự do dọn đường cho chính sự chối bỏ nó: tức quyền kiểm soát giả tạo, máy móc hay bạo tàn được coi như thuốc chữa trong thất vọng đối với các hoảng loạn của nó.

Theo Joe Tremblay, CNA 7 tháng 10 năm 2011.
 
Tây Ban Nha: tìm nhà thờ và giờ thánh lễ bằng điện thoại thông minh
Tiền Hô
09:01 11/10/2011
Tây Ban Nha: tìm nhà thờ và giờ thánh lễ bằng điện thoại thông minh

Trang web www.misas.org của Tây Ban Nha đã phát triển một ứng dụng (application) trên điện thoại di động nhằm giúp người dùng tìm kiếm các nhà thờ cũng như giờ Thánh Lễ trên khắp Tây Ban Nha.

Hệ thống này cho phép bạn xác định vị trí các nhà thờ gần nhất, xem lịch trình phụng vụ của các nhà thờ và sơ đồ các tuyến đường tối ưu nhất để đến nhà thờ đó khi đi bộ, lái xe, hoặc đi bằng phương tiện giao thông công cộng. Ứng dụng cũng cung cấp thời gian mở cửa, giải tội... cũng như thông tin dành cho người khuyết tật.

Hệ thống này hoạt động trên các loại điện thoại thông minh (smart phone) như iPhone, BlackBerry, Android, Nokia và các loại máy tính bảng (tablet). Misas.org đã có dữ liệu gần 14.000 nhà thờ ở Tây Ban Nha với hơn 50.000 lịch trình phụng vụ Thánh Lễ. (RomeReports, 9 Tháng Mười 2011)

Tiền Hô
 
Vatican công bố kế hoạch tổ chức 4 cuộc triển lãm lớn trong năm nay
Tiền Hô
09:02 11/10/2011
Vatican công bố kế hoạch tổ chức 4 cuộc triển lãm lớn trong năm nay

- Vatican sẽ kỷ niệm đệ tứ bách chu niên bản dịch Anh ngữ đầu tiên của Thánh Kinh. Bản này thường được gọi là Thánh Kinh của Vua James (King James Bible). Sự kiện này sẽ được mừng bằng một cuộc triển lãm do Liên Hiệp Thánh Kinh Hội Hoa Kỳ tổ chức.

- Phủ Thống Đốc Vatican tuyên bố đang làm việc để tổ chức ba cuộc triển lãm khác nữa. Một là dành riêng cho Antoni Gaudi - kiến trúc sư của Vương cung thánh đường Thánh Gia ở Barcelona (Sagrada Familia) mà Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã đến viếng thăm trong chuyến đi ngắn ngày đến Tây Ban Nha hồi Tháng Năm 2010.

- Thứ hai là triển lãm trưng bày những bí mật của Nhà nguyện Sistine để kỷ niệm 500 năm các bức bích họa trên trần của Michelangelo.

- Cuối cùng là cuộc triển lãm về Thánh Catarina Siena, một trong ba vị thánh quan thầy của Âu Châu, nhân kỷ niệm 550 năm ngài được phong thánh.

Tiền Hô
 
Ấn Độ: Bản dịch Kinh Thánh mới bằng tiếng Kashmiri
Nguyễn Trọng Đa
09:04 11/10/2011
Ấn Độ: Bản dịch Kinh Thánh mới bằng tiếng Kashmiri

Srinagar - Làm cho Lời Chúa trở thành động cơ của truyền giáo; đổi mới các nỗ lực đối thoại và hợp tác với đa số người Hồi giáo: trong tinh thần này và với các ý định này, cộng đồng Kitô hữu nhỏ bé ở Kashmir hoan nghênh việc công bố và giới thiệu chính thức bản dịch Kinh Thánh mới bằng tiếng Kashmiri, trong một buổi lễ với sự chủ tọa của Đức Tổng Giám mục Salvatore Pennacchio, Sứ thần Tòa Thánh tại Ấn Độ

Theo nguồn tin Fides ở Giáo Hội Ấn Độ, Đức Tổng Giám Mục Pennacchio đi đến Kashmir đầu tháng Mười, nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập giáo phận Jammu-Srinagar. Ngài đã gặp các nhà chức trách dân sự, lãnh đạo Giáo Hội và các học giả trong bang gặp nhiều khó khăn này, nơi đây con đường xung đột dường như không hoạt động, nhưng với sự hiện diện của các nhóm khủng bố, người ta sợ rằng xung đột có thể tái bùng nổ.

Công việc dịch cuốn Kinh thánh này là công trình của ông Joseph K. Predhuman Dhar, nhà giáo dục, nhà báo và nhà văn, người đã làm việc tại Jammu trong 16 năm. Hiệp hội Kinh Thánh của Ấn Độ, tại Bangalore đã xuất bản Kinh thánh này. Đức Tổng Giám mục Pennacchio trao tặng dịch giả, một cựu tín đồ Bà la môn đã trở lại Công giáo, một huy chương vàng, ca ngợi sự cống hiến lớn của ông. Tham dự buổi lễ còn có linh mục Jim Borst, một nhà truyền giáo đến từ Mill Hill và là điều phối viên của dự án dịch thuật Kinh Thánh, và Đức Cha Peter Celestine Elampassery, Đức Giám mục giáo phận Jammu-Srinagar.

Nguồn tin Fides lưu ý rằng hiện nay ở Kashmir, chính quyền địa phương và các nhà lãnh đạo tôn giáo cố gắng thúc đẩy một môi trường sống chung hòa bình, giữa đa số người Hồi giáo và các nhóm Kitô giáo và Ấn giáo thiểu số. Chính quyền Jammu và Kashmir đóng góp vào việc tái thiết trường học Kitô giáo bị tấn công và đốt cháy vào ngày 13-9-2010 tại thành phố Phulwama, và nhiều tình nguyện viên Hồi giáo địa phương giúp tái thiết trường học: đây là một dấu hiệu tốt giúp xây dựng việc đối thoại và tình hữu nghị. Ở Kashmir, có khoảng 4 triệu người Hồi giáo, và một thiểu số nhỏ 5.000 Kitô hữu. (Agenzia Fides 10-10-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Pakistan hợp pháp hóa việc áp bức bằng luật báng bổ
Phạm Kim An
09:06 11/10/2011
Pakistan hợp pháp hóa việc áp bức bằng luật báng bổ

Islamabad - Sự ra đời của luật báng bổ nổi tiếng trong năm 1986, thời chế độ độc tài của tướng Zia ul-Haq của Pakistan, đã dẫn đến sự gia tăng theo cấp số nhân các vụ khiếu nại về "xúc phạm kinh thánh Koran" hoặc “báng bổ Tiên Tri Muhammad".

Từ năm 1927 đến năm 1986, khi "bộ luật đen" được phê chuẩn, chỉ có bảy trường hợp kiện tội phạm thượng mà thôi. Tuy nhiên, các nạn nhân kể từ năm 1986 đã tăng đến hơn 4.000 người, và con số này tiếp tục tăng: trong thực tế, từ năm 1988 đến năm 2005, chính quyền Pakistan đã buộc tội 647 người về các tội phạm liên quan đến phạm thượng, nhưng trong những năm gần đây, đã có hàng ngàn trường hợp các Kitô hữu, người Hồi giáo, người Ahmadi, và các thành viên của các tôn giáo khác bị tố cáo bằng lời nói, mà không có chút bằng chứng nào.

Hình phạt của tội phạm thượng là tù chung thân hoặc tử hình. Tuy nhiên, 30 nạn nhân được xác nhận là phạm thượng đã chết như là kết quả của vụ giết người ngoài vòng pháp luật, được gây ra bởi những kẻ cuồng tín, với sự ủng hộ hoặc đồng lõa của chính quyền và lực lượng cảnh sát. Các vụ khiếu nại và giết hại chủ yếu là kết quả của sự ghen tị, thù hằn cá nhân, lợi ích kinh tế hay chính trị, chứ không liên quan gì đến tiên tri Muhammad và Hồi giáo. Vệt máu dài này, bị gây ra bởi các khoản 295 B và C của Bộ luật hình sự Pakistan, là dấu hiệu của "việc Hồi giáo hóa” đất nước, vốn được thành lập năm 1947 trên các nguyên tắc của chủ nghĩa thế tục, quyền bình đẳng và tự do tôn giáo.

Ngày nay, cộng đồng Kitô giáo - khoảng 2% dân số, tập trung chủ yếu ở tỉnh Punjab - được xem như một mối đe dọa với ba lý do cơ bản: Kitô giáo được coi như là một tôn giáo "phương Tây", các thành viên của nhóm thiểu số tôn giáo này được coi là tự do và đại diện một tầng lớp trung lưu - đặc biệt là tín hữu Tin Lành - có học hành, bị gắn liền với sự lãnh đạo của quá khứ thuộc địa, vì vậy những gì được thực hiện để chống lại các Kitô hữu là bị "phóng đại" hoặc đánh giá quá cao.

Trong 20 năm qua, "Bộ Luật đen" đã dẫn đến các cuộc tấn công chống lại nhiều cộng đồng, như đã xảy ra tại Shantinagar và Multan (1997), hoặc trong quá khứ gần đây ở Gojra (2009), với nhiều người thiệt mạng và hàng chục ngôi nhà bị đốt. Kitô hữu Pakistan và xã hội dân sự đã khóc thương ba con người nổi bật, được coi là "tử vì đạo": Đức Giám mục Công giáo John Joseph, người đã tự tử vào năm 1998 để phản đối án tử hình của hai Kitô hữu, thống đốc bang Punjab Salman Taseer, một người Hồi giáo bị ám sát bởi vệ sĩ của ông ngày 4-1 năm nay, Bộ trưởng phụ trách các nhóm thiểu số tôn giáo, ông Shahbaz Bhatti người Công giáo, bị giết bởi một binh lính lực lượng đặc biệt vũ trang vào ngày 2-3 năm ngoái. Hai vị này đã yêu cầu hủy bỏ luật và trả tự do cho Asia Bibi, một phụ nữ Kitô hữu là mẹ của năm người con, bị kết án tử hình theo bộ luật đen.

Nhiều Kitô hữu và người nước ngoài chống lại bạo lực và các vi phạm nhân quyền gây ra theo bộ luật này. Theo ông Basharat Gill, luật báng bổ "bảo vệ các kẻ giết người và kích động bạo lực đường phố", cho thấy "điểm yếu của ngành tư pháp". Ông Nadeem Raphael cho biết thêm rằng "tôn giáo không cho phép bạo lực và sự tàn bạo" đối với những con người khác. Ông Sadaf Saddique nhận xét: "Thật là không đủ cho đạo Hồi là khoan dung, chúng ta cần phải thúc đẩy hòa bình, không phân biệt tín ngưỡng”. Bonnie Mendes cảnh báo rằng "Thật tuyệt đối đúng để ngăn chặn các vụ giết người nhân danh đạo Hồi", nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng "ngay cả những kẻ giết người là sai lầm, trong cố gắng xuất khẩu mô hình của họ về nền dân chủ". (AsiaNews 10-10-2011)

Phạm Kim An
 
Tại sao quân đội Ai Cập tắm máu người Copts? Một âm mưu kéo dài quyền cai trị?
Trần Mạnh Trác
20:50 11/10/2011
Màn kịch diễn ra y hệt như giới quân phiệt đã dự tính. Khi đòan biểu tình của người Kitô giáo Copts phồng lên hơn 10 ngàn người thì không ai có thể kiểm sóat được nữa, những tóan lâu la đâm thuê chém mướn sẽ trà trộn vào đám đông, bắn vào quân đội...và quân đội sẽ lấy cớ tự vệ để nổ súng.

Đây là một dịp bằng vàng cho quân đội ghi công với nhân dân Ai Cập, nhất là trong dịp bầu cử sắp tới, biết đâu những biến động sẽ làm châm trễ việc chuyển giao quyền hành, kéo dài thời gian chấp chánh của các tướng lãnh.

Phần đông người Ai Cập theo Hồi Giáo vẫn coi thiểu số Kitô giáo Copts là một cái gai cần phải nhổ đi. Trước thời Nasser, mặc dù họ chỉ là 10% dân số, chịu 14 thế kỷ cai trị sắt đá, phải đóng thêm một thứ thuế quái gở là thuế ngọai đạo, nhưng họ vẫn cần cù làm việc và sở hữu tới 50% tài sản của quốc gia. Do đó, từ thời Nasser về sau, những âm mưu đè nén nhóm thiểu số này đã được thi hành triệt để, nhất là dưới thời Mubarak: những gì bất công cho người Copts thì chính quyền sẽ làm ngơ, những gì thiệt hại cho người Hồi Giáo thì 'công lý' sẽ được thi hành cách mạnh mẽ, bất cân xứng và tức thời.

Một người Hồi giáo cải đạo qua Copts lập tức bị tòa án của giáo hội tuyên án tử hình, một tin đồn, dù cho đó chỉ là một tin đồn vô căn cứ, rằng có người Copts nào đó bị ngăn cản không được theo đạo Hồi, thì lập tức một cuộc Thánh Chiến dã man sẽ bùng nổ: nhà thờ bị đốt, giáo sĩ bị giết, giáo dân bị tàn sát.

Năm vừa qua, không có mấy tháng mà không có một vụ 'Thánh Chiến' man rợ như thế.

Phải như những người Kitô hữu Copts học theo số phận của người Công Giáo ở Iraq mà chạy nạn qua các xứ Tây Âu, bỏ đất đai và tài sản lại cho dân Hồi, thì mọi sự có lẽ sẽ tốt đẹp! Nhưng khốn nỗi trong khi số Kitô hửu ở Iraq chỉ có khỏang 1.5 triệu người và từ nhiều thế kỷ qua đã có liên hệ với những dân Công Giáo ở các nước Tây Âu nên dễ dàng hội nhập, còn số dân Copts ở Ai Cập là hơn 8 triệu, sinh sống quây quần quanh nơi bản thổ, họ không có cơ hội nào ở nước ngòai.

"Chúng tôi không đi đâu cả, đây là đất của chúng tôi" theo lời tuyên bố của giáo chủ (pope) Shenouda III.

Thực vậy, người Copts là dân khai phá ra đất Ai Cập từ nguyên thủy, là con cháu của Pharaon sáng lập ra nền văn minh nhân lọai. Vì vậy họ sẽ cắm dùi tại phần đất của ông cha để lại.

14 thế kỷ dưới sự cai trị hà khắc, người Ả Rập Hồi giáo vẫn chưa đồng hóa được đám dân cứng cổ này, dù cho họ phải đóng thêm thuế ngọai đạo, không được làm công chức, cấm đi lính, không được cấp thẻ thông hành...không được phép xây nhà thờ.

Vụ một nhà thờ bị đốt ở Aswan và cuộc tuần hành phản đối đêm chủ nhật với 10.000 Kitô hữu là một cơ hội bằng vàng cho những tướng lãnh quân phiệt đang tại chức. Mặc dù các giáo sĩ Copts không khuyến khích, nhiều nhóm thanh niên ồn ào có tên là phong trào 'Maspero Youth Union' nhất định tiến về Cairo để biểu tình trước trụ sở của bộ Thông Tin.

Những gì xảy ra sau đó là một 'bài bản' có ghi trong 'binh pháp chống biểu tình'. "Nhiều người lạ xâm nhập vào đòan biểu tình và khởi động những tội ác, để sau đó đổ lỗi cho người Copts." theo lời khiếu nại chính thức của Giáo Hội Copts.

Đài tuyền hình của nhà nước, trong một hành động bất thường chưa từng thấy ở bất cứ đâu, đã phát đi những hình ảnh thương tích của những chiến sĩ, và liên tiếp kêu gọi "mọi người yêu nước hãy hàng lọat tiến về Maspero để bảo vệ quân đội chống lại bọn phản động Kitô giáo".

Một đài tôn giáo của đạo Hồi còn phao tin nhảm là đám biểu tình đã đốt kinh Koran.

Những tin đồn và lời kêu gọi bất nhân đã đổ thêm dầu vào lửa, tạo ra một cuộc chiến tôn giáo đẫm máu nhất kể từ khi Mubarak bị lật đổ.

Bà Sarah Carr, phóng viên của báo Al-Masry Al-Youm tại Cairo, mô tả cuộc chiến như sau: " hai xe bọc sắt của quân đội...phóng tới như bay và đâm xầm vào đòan biểu tình, đòan người hỏang hốt phóng mình tránh qua hai bên. Một binh lính đứng trên xe chĩa súng xuống đám đông và bắn bừa bãi, như điên dại"

Mô tả quang cảnh trong bệnh viện của người Copts gần đó, bà Carr cho biết đã chứng kiến mọi từng lầu của bệnh viện "dính đầy máu. .. hầu như không còn phòng để chứa người bị thương."

Một đọan phim trên YouTube chiếu cảnh một tên lính đang ba hoa "tao vừa bắn bể ngực một tên Copt." tức thì đám đông đứng gần khen ngợi "Cảm tạ Chúa, mày xứng đáng là một người đàn ông!"

Đám đông Hồi giáo vây quanh la lớn những khẩu hiệu Hồi giáo: "Chúa là cực đại.”

Tin sơ khởi cho biết, 24 người chết, trên 300 người bị thương. Hầu hết nạn nhân là người Copts!

Giáo Hội Chính Thống Copts Ai Cập tuyên bố ba ngày ăn chay và than khóc.

"Đức tin Kitô giáo lên án bạo lực", giáo hội tuyên bố và kêu gọi chính quyền phải giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề "giữa Kitô hữu, Hồi giáo, và cảnh sát. Giáo hội cũng lưu ý rằng dân thiểu số Kitô giáo ở Ai Cập đã "phải chịu thiệt hại hết lần này qua lần khác trong khi những kẻ chủ mưu đã không hề bị trừng phạt."

Trong khi đó, chính quyền buộc tội những người tham gia cuộc biểu tình đã ném đá và chai lọ vào cảnh sát. Chỉ sau khi một số người biểu tình đã giành giựt vũ khí của binh lính, thì quân đội mới sử dụng hơi cay để giải tán.

Để ngăn chặn những tin tức bất lợi, quân đội đã tìm cách ém nhẹm mọi hình ảnh về cuộc biểu tình.

Quân cảnh 3 lần xông vào đài TV dân sự Channel 25 ở quận Maspero để chấm dứt các chương trình truyền hình tại chỗ và tịch thu các phim ảnh có hình ảnh xe bọc sắt đâm vào thường dân không vũ khí.

Không chỉ đài 25 mà thôi, cơ quan thông tín của Mỹ tại địa phương mang tên là Al-Hurra cũng bị bố ráp trong lúc làm phóng sự tại chỗ.

Cho tới nay ban giám đốc của Channel 25 vẫn không đưa ra lời bình luận nào, còn riêng phóng viên của Al-Hurra thì chỉ cho biết họ phải ngưng cuộc phóng sự vì “lý do an ninh.”

Nhưng những hình ảnh lưu truyền trên YouTube thì nhiều vô kể. Những chứng cớ hiển nhiên đã làm cho cộng đồng quốc tế đi đến kết luận là chính quân đội Ai cập chủ tâm gây ra bạo động trứơc.

Điều này khiến cho ông Bộ trưởng Ngọai giao của Đức, ông Guido Westerwelle, nói: ” đã đến lúc những nhà lãnh đạo của Ai Cập phải có hiểu biết về sự quan trọng của khoan dung và đa nguyên tôn giáo.”

Quân đội cho đến nay còn từ chối không cho biết tỷ lệ của hàng trăm người bị thương là thường dân hay binh lính. Tuy nhiên chính phủ đã tuyên bố sẽ thành lập một ủy ban để tìm hiểu sự thật. Riêng Thủ tướng Essam Sharaf thì tuyên bố "đây không phải là một đụng độ giữa người Hồi giáo và Kitô hữu, mà là một âm mưu gây hỗn loạn của những bàn tay ẩn nấp của những phần tử ngọai bang".

Ngọai bang theo ẩn ý của ông là Hoa Kỳ và Do thái.

Nhưng những lý lẽ của chính phủ không làm nguôi cơn thịnh nộ của những người có lương tri.

Ông Hisham Kassem, một chủ nhân phát hành đáng kính của Ai cập nghĩ rằng các luật sư nên khởi tố ông bộ trưởng thông tin Osama Heikal và các đài tuyền hình. Những chương trình TV đêm Chúa Nhật là những chứng cớ rõ ràng rằng hệ thống truyền thông của chính phủ đã tham gia vào âm mưu bạo động.

Cũng vậy, ông Gamal Zahran, một cựu dân biểu, lên tiếng đòi hỏi ông bộ trưởng thông tin phải từ chức.

Ông Mohamed Abu El-Ghar, chủ tịch của đảng Social Democratic Party, thì tuyên bố trong cuộc họp báo cùng với những ứng cử viên Tổng thống rằng các đài truyền hình của chính phủ là “một đám giả hình.”

Ngay cả những nhân viên của đài truyền hình cũng không nén được cảm xúc.

Phát ngôn viên Mahmoud Youssef thanh minh rằng anh ta không có trách nhiệm gì về nội dung chính thức của chương trình truyền hình cả.

Còn cô Dina Rasmy, phóng viên của đài số 2, thì tuyên bố cô ta cảm thấy “xấu hổ” vì đã làm việc cho đài truyền hình công cộng, mà theo cô chỉ là “đám gia nô cho những kẻ cầm quyền.”

Một số bình luận gia đã phỏng đóan rằng, cứ đà này thì, chính phủ sẽ tạm ngưng cuộc bầu cử ngày 28 tháng 11 tới.

Tòa Bạch Cung Hoa kỳ, với sự dè dặt, đưa ra lời kêu gọi "tất cả các bên hãy giữ sự kiềm chế" vì lợi ích của một nước "Ai Cập mạnh mẽ và thống nhất." Quyền lợi của người Copts "phải được tôn trọng, đặc biệt là các quyền phổ quát về biểu tình ôn hòa và tự do tôn giáo."

Tòa Bạch Cung cũng đưa ra lời cảnh báo: ”Những biến động như thế này không thể là rào cản cho cuộc bầu cử đúng hẹn và cho cuộc chuyển giao quyền hành về phía dân sự một cách hòa bình, chính trực và bao gồm mọi thành phần của quốc gia.”

Biến cố hôm Chúa Nhật, và những biến cố ứ đọng từ lâu, tỏ cho thấy chính quyền quân sự của Ai Cập chưa tự tin trong việc cầm quyền và còn rất hồ đồ. Adel Iskandar, một giáo sư Mỹ gốc Ai Cập đang dậy môn truyền thông và văn hóa Ả rập tại Georgetown University cho biết "Có rất nhiều người tin rằng đây là giai đoạn thứ hai của cuộc cách mạng, đó là cuộc đối mặt với đám quân phiệt."
 
Tiến bộ đáng nghi của khoa học hiện đại
Vũ Văn An
20:55 11/10/2011
Thứ Tư tuần qua, tập san Nature thông báo rằng lần đầu tiên, các nhà khoa học đã thành công trong việc tách được các tế bào gốc có tính đặc thù đối với bệnh nhân (patient specific) từ phôi thai người do vô tính tạo ra. Lần mới nhất đây, một công bố như thế đã được nhà nghiên cứu Đại Hàn, Hwang Woo Suk, đưa ra. Trong một bài báo năm 2005 đăng trên tập san Science, nhà nghiên cứu này cho hay nhóm của ông đã sản xuất được tế bào gốc từ các phôi thai người do vô tính tạo ra. Nhưng các cuộc điều tra sau đó đã cho thấy ông ta tạo hoẹt các dữ kiện.

Lần này có khác, tập san Nature công bố rằng nhóm nghiên cứu do Dieter Egli và Scott Noggle, thuộc Quĩ Tế Bào Gốc New York, hướng dẫn đã sử dụng kỹ thuật vô tính (cloning) gọi là chuyển dịch nhân tế bào thân thể (somatic cell nuclear transfer, tắt là SCNT) để tạo ra các phôi thai người cố tình có khuyết tật nặng, mục đích là để lấy các tế bào gốc. Trong kỹ thuật SCNT bình thường, như kỹ thuật từng dùng để sản xuất ra con cừu vô tính Dolly, một noãn sào (oocyte) nữ được lấy nhân đi (enucleated) và nhân của một tế bào khác, tức tế bào thân thể đã trưởng thành, sẽ được chuyển vào đó. Vì phần lớn DNA của ta nằm trong các nhân tế bào, nên lấy nhân tế bào của mình đi có nghĩa là tạo ra một cái túi bào tương noãn sào (oocyte cytoplasm) gần như không có một chất di truyền nào cả. Nhân của tế bào thân thể được chuyển dịch, vốn chứa đủ 46 nhiễm sắc thể, nay trở thành nhân của tế bào vừa được tạo ra. Bào tương noãn sào sẽ làm việc để tái thảo chương DNA trở lại tình trạng hoạt động của một nhân phôi thai. Khi được kích thích để phân chia, cái được tạo ra, gồm một tế bào đang phân chia, chính là một phôi thai, một phôi thai vô tính, với DNA không phải do nguồn cung cấp trứng, mà là từ tế bào thân thể của người hiến tặng.

Nhưng nhóm nghiên cứu ở New York không lấy đi nhân của trứng. Đúng hơn, họ chuyển dịch các nhân của tế bào thân thể, gọi là “nhị bội” (diploid) vì chúng chứa 2 bộ trọn vẹn nhiễm sắc thể, vào thẳng trứng và để nguyên các nhân của trứng tại chỗ. Kết quả là các tế bào với nhân “tam bội” (triploid), nghĩa là, có ba thay vì hai bản sao chất di truyền, cái thứ ba là từ nhân của trứng. Các nhân tam bội sẽ qua một diễn trình tái thảo chương để có được trạng thái đa năng (pluripotency). Việc phân chia tế bào bắt đầu và diễn tiến qua giai đọan phôi bào (blastocyst, khoảng từ 70 tới 100 tế bào). Lúc đó, các nhà nghiên cứu mới diệt các phôi bào để lấy các tế bào gốc của chúng.

Thử hỏi: Các phôi bào có phải là các phôi thai người có sự sống hay không? Một số chuyên gia trả lời là có. Daniel P. Sulmasy, một giáo sư y khoa và đạo đức học tại Đại Học Chicago và là thành viên của ủy ban cố vấn về đạo đức sinh học của Obama, vững tin nói rằng: “Họ đã tạo ra các phôi thai người. Các phôi thai này bất thường, nhưng vẫn là phôi thai người”. Kết luận của ông có vẻ có lý. Cho đến nay, kỹ thuật SCNT từng được thực hiện trên các tế bào người, nhưng chưa thành công. Các khoa học gia đã thành công tạo ra các con cừu, chó, và lừa vô tính. Nhưng khi áp dụng vào con người thì gặp nhiều phức tạp hơn. Việc phân chia của tế bào bị “xì hơi” chỉ sau vài bước đầu, chứng tỏ không có một sinh vật nhân bản sống động nào, nghĩa là không có một phôi thai người nào bước vào hiện sinh cả.

Có hai điều khác biệt với cuộc thí nghiệm mới này. Thứ nhất, các tế bào phân chia tới giai đoạn phôi bào, đã chứng tỏ rằng chúng có được một đường phát triển nội tại và có trật tự theo hướng nhân sinh. Thứ hai, một số em bé, dù không nhiều lắm, sinh ra mà vẫn sống sót với tình trạng tam bội. Tuy nhiên chúng khuyết tật nặng nề và ít khi sống quá được một vài tuần lễ. Nhưng không một ai dám nói rằng chúng không phải là những con người. Thành thử tam bội không nhất thiết là kẻ giết người khi nói tới việc phát triển nhân bản thực sự.

Có ba vấn đề đạo đức học liên quan tới cuộc nghiên cứu này. Vấn đề thứ nhất dĩ nhiên là vấn đề sử dụng các phôi thai người vô tính cho các mục đích buôn bán để thu lượm các tế bào gốc của chúng. Vấn đề thứ hai, các phôi thai bị khuyết tật một cách nặng nề là do ý định của các nhà nghiên cứu tạo ra chúng. Vấn đề thứ ba, nhóm nghiên cứu trả tiền cho các phụ nữ hiến trứng để họ sản xuất càng nhiều trứng càng hay bằng cách dùng những thứ thuốc kích thích nguy hiểm trong khi ích lợi của kế hoạch này chưa được chứng nghiệm. Nhóm nghiên cứu từng sử dụng tới 270 trứng của 16 phụ nữ hiến tặng khác nhau mới đạt được kết quả.

Các nhà bình luận có cảm tình với chương trình nghiên cứu sử dụng tới việc hủy họai phôi thai đang bắt đầu lớn tiếng một lần nữa để ủng hộ việc tạo phôi thai vô tính, việc giết chúng để thu lượm tế bào gốc. Sự trơ trẽn của họ từng bị câm họng một thời gian sau lời tuyên bố hồi tháng 11 năm 2007 rằng các tế bào gốc có đặc tính đa năng, điều mà người ta vẫn thèm muốn nơi các tế bào gốc phôi thai (ESC), đã được lấy ra một cách thành công từ các tế bào da của người. Vì ít nhất 3 lý do, các “tế bào gốc đa năng được dẫn khởi” (iPSC) này đã gây chú ý rất nhiều: thứ nhất, vì chúng không đòi phải hủy diệt các phôi thai người; thứ hai, các tế bào mà từ đó iPSC được rút ra có dư thừa; và thứ ba, iPSC có hể được sản xuất mà không cần tới noãn sào nữ.

Dù cuộc nghiên cứu đối với iPSC đang tiến hành rầm rộ, trong 5 năm qua, các nghiên cứu đã cho thấy nhiều điểm yếu tiềm tàng trong kế hoạch này. Thành thử, các khoa học gia đang bắt đầu lên tiếng ầm ĩ trở lại để ủng hộ việc nghiên cứu tế bào gốc của phôi thai người, chỉ vì chỉ số cao của tính đa năng nơi chúng.

Lời công bố của tập san Nature quả tình có ý nghĩa vì nó cho thấy: việc sinh vô tính để sản xuất ra các tế bào gốc có tính đặc thù đối với bệnh nhân một ngày kia thế nào cũng thành công. Các tế bào gốc gọi là có tính đặc thù đối với bệnh nhân vì chúng sở hữu cùng một nhân DNA như DNA của chính bệnh nhân muốn điều trị. Các tế bào gốc này quí giá ở chỗ khi được chích vào cơ thể bệnh nhân, cơ thể ấy sẽ “nghĩ” rằng đây là chính tế bào của riêng nó, và do đó, tối thiểu hóa được nguy cơ bị từ khước miễn dịch (immunological rejection).

Ít nhất theo nguyên tắc, một cách có thể tạo ra các tế bào gốc có tính đặc thù đối với bệnh nhân là qua kỹ thuật SCNT: chuyển dịch DNA của một người (bệnh nhân) vào một chiếc trứng đã bị lấy mất nhân và kích thích tế bào mới tạo ra này, một tế bào, nếu kỹ thuật này thành công, đã là phôi thai một tế bào, gọi là “Zygote” [hợp tử] để nó tự phân chia tới giai đoạn phôi bào. Khi phôi thai bị hủy diệt, các tế bào gốc lấy được sẽ có mã di truyền của bệnh nhân, chứ không phải của người hiến trứng.

Nhưng hiện nay, chúng ta cần sự rành mạch, tránh hàm hồ: Các nhà nghiên cứu ở New York rõ ràng không sản xuất ra các tế bào gốc có tính đặc thù đối với bệnh nhân, vì các phôi thai để rút tế bào có các nhân tam bội ra không đặc thù đối với bất cứ bệnh nhân nào.

Cuộc nghiên cứu cũng cho thấy: khi sử dụng việc sinh vô tính, nhân của trứng sẽ đóng góp điều gì đó cần thiết cho việc phát triển phôi thai, ít nhất cũng tới giai đoạn phôi bào. Nếu đúng như thế, thì kỹ thuật mới phải bảo đảm để các tế bào này không bao giờ được sử dụng cho các mục đích lâm sàng, ngoại trừ phải nghĩ ra cách để rút được một cách an toàn và trọn vẹn một sao bản DNA nữa lấy từ noãn sào.

Đối với những người quan tâm tới việc khai thác phôi thai người, lời công bố trên cần bị lên án nghiêm khắc. Tạo ra sự sống nhân bản khuyết tật để rồi hủy diệt nó đi hầu có thể nghĩ ra cách trợ giúp người khác lành lặn chỉ là phương tiện xấu để biện minh cho cùng đích tốt: đó chỉ là một bất công triệt để đối với các phôi thai nạn nhân, phá hoại lòng tôn trọng sự sống trong cộng đồng ta và hạ thấp tầm cỡ luân lý của các nhà nghiên cứu. Lòng thèm khát các tế bào gốc có tính đa năng chắc chắn sẽ tiếp tục gia tăng. Những người khôn ngoan và có lương tâm phải cố gắng cổ vũ việc nghiên cứu tìm ra các nguồn thay thế chính đáng khác để lấy các tế bào gốc đa năng.

Theo E. Christian Brugger, Zenit OCT. 10, 2011. E. Christian Brugger là Học Giả Thâm Niên và là giám đốc Chương Trình Học Giả tại Quĩ Văn Hóa Sự Sống; đồng thời là giáo sư luân lý tại Chủng Viện Thần Học John Vianney, Denver, Colorado.
 
Linh mục Lombardi giải thích lợi ích sự hiện diện của Tòa thánh tại LHQ
Nguyễn Trọng Đa
09:07 11/10/2011
Linh mục Lombardi giải thích lợi ích sự hiện diện của Tòa thánh tại LHQ

ROMA - Sự hiện diện của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc có mục tiêu là nhắc nhở cho thế giới tầm quan trọng của “một gia đình của các quốc gia", được linh hoạt bởi một “tình đoàn kết lẫn nhau" và "một mối quan tâm vì lợi ích chung của toàn nhân loại". Đó là điều nhắc lại của linh mục Federico Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa thánh, trong một bài xã luận viết cho tuần san Octava Dies, của Trung tâm Truyền hình Vatican.

Cha Lombardi nêu câu hòi: “Đôi khi chúng ta tự hỏi tại sao một thể chế tôn giáo như là Tòa Thánh tham gia vào một sự đồng thuận toàn cầu, như Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, vì đây thường là sân khấu của các cuộc đối đầu chính trị cứng rắn”.

"Với qui chế của Tòa thánh là qui chế quan sát viên, Tòa thánh không tham gia các cuộc biểu quyết, nên chúng ta muốn hiểu thì cần đọc các bài phát biểu của Đức Tổng Giám Mục Mamberti, Tổng thư ký Ban Đối ngoại của Tòa thánh (tức Ngoại trưởng), trong phiên họp đang diễn ra. Rất dễ dàng nhận ra sự liên tục trong các bài phát biểu lớn của các Giáo hoàng ở New York".

Cha Lombardi nhắc lại: “ĐTC Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh về sự kiện rằng Liên Hiệp Quốc phải là nơi cho các quốc gia tự nhận biết là thành viên của một 'gia đình', được linh hoạt bởi một tình đoàn kết lẫn nhau và mối quan tâm vì lợi ích chung của toàn nhân loại. Trong ánh sáng của tầm nhìn này, ĐTC Biển Đức XVI đã phát triển khái niệm "trách nhiệm bảo vệ" như là một biểu hiện cụ thể của sự quan tâm dành cho những nước yếu nhất”.

Trong bài phát biểu của mình, "Đức Tổng Giám Mục Mamberti khởi đi từ đó bằng cách áp dụng trách nhiệm này cho các cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra - bắt đầu với Vùng Sừng châu Phi - và bảo vệ hòa bình, an ninh và nhân quyền. Sau đó, Ngài nhấn mạnh đến Tự do Tôn giáo, vốn hiện nay bị vi phạm thường xuyên cách rõ ràng, hoặc bị hạn chế cách tinh tế bởi việc đặt tôn giáo ra bên lề cuộc sống xã hội”.

Cha Lombardi nói thêm: “Kế đó, Đức Tổng Giám Mục Mamberti trở về với mối quan hệ giữa đạo đức và kinh tế, vốn là nền tảng của cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay. Ngài nói về phát triển bền vững, mà LHQ sẽ sớm tổ chức một hội nghị quốc tế, và nhắc lại một cách chính xác rằng, sự ý thức mình là thuộc một "gia đình của các quốc gia" sẽ hướng dẫn và hỗ trợ tinh thần trách nhiệm và việc bảo vệ môi trường, và cuộc đấu tranh chống lại việc buôn bán vũ khí".

Đức Tổng Giám Mục Mamberti kết luận: “Gia đình là một cộng đồng dựa trên sự tương thuộc với nhau, tin cậy lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau và tôn trọng nhau cách chân thành. Cần nhắc lại điều này trong lợi ích của mỗi người, để điều này trở sẽ thành hiện thực sống động trong thế giới. Và chính với lý do như thế, Tòa Thánh có mặt tại LHQ ở New York". (ZENIT.org 10-10-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Top Stories
What Is the Holy See Doing at the UN?
Zenit
09:39 11/10/2011
Father Lombardi: Archbishop's Address Reflects Vatican's Key Role

ROME, OCT. 10, 2011 (Zenit.org).- The director of the Vatican press office is the first to admit that one could question why the Holy See participates in U.N. activities.

What are the Vatican's representative doing in a world body such as the U.N. General Assembly, "often a theatre of fierce political debate?" Jesuit Father Federico Lombardi asked in the most recent edition of his Vatican Television editorial.

To see the reasons, "it is enough to read the speech of His Excellency Archbishop Dominique Mamberti, secretary of Relations with States, in the current session," the Jesuit suggested.

Father Lombardi highlighted the continuity of the archbishop's Sept. 27 speech "with the great speeches delivered by the Popes in New York."

"Pope John Paul II insisted on the fact that the United Nations must be a place where nations recognize one another as members of a 'family,' inspired by mutual solidarity and by a concern for the common good of all humanity," the spokesman recalled. "In the light of this vision, Pope Benedict XVI developed the concept of the 'responsibility to protect,' as a concrete expression of concern for the weakest members of society."

Father Lombardi noted how Archbishop Mamberti illustrated these points, showing the responsibility to protect as it applies to ongoing humanitarian crises such as in the Horn of Africa, and to the defense of peace and human rights.

"He insisted, too, on religious freedom, which today is too often either blatantly violated or subtly limited by marginalizing religion from the life of society," Father Lombardi added. "He then turned to the relationship between ethics and economics, which lies at the foundation of the today's global crisis. He talked about sustainable development, the subject of an upcoming U.N. sponsored international conference, recalling that the awareness of being a 'family of nations' guides and supports the sense of responsibility for and protection of the environment, as well as the fight against arms trafficking."

The family "is a community based on interdependence, on trust and mutual aid, in sincere respect," Archbishop Mamberti concluded.

And Father Lombardi affirmed, "It is in the interest of every human person to remember this, so that it might become a living reality in the world. It is for this reason above all that the Holy See is in New York."
 
Cardinal welcomes beginnings of US Ordinariate for 58 former Anglicans received into the Church
Zenit
09:40 11/10/2011
WASHINGTON, D.C., OCT. 10, 2011 (Zenit.org).- An ordinariate will be established in the United States this autumn, according to the cardinal overseeing the process, who on Sunday received into the Catholic Church almost 60 Anglicans who will be among the ordinariate's first members.

Cardinal Donald Wuerl, archbishop of Washington, D.C., affirmed in Scotland last week his hopes that the U.S. ordinariate will be announced "in this calendar year."

Cardinal Wuerl is the Vatican's delegate for the implementation of "Anglicanorum Coetibus" in the United States.

That 2009 document offered a way for groups of Anglicans to enter the Catholic Church through the establishment of personal ordinariates, a new type of canonical structure.

On Sunday, the cardinal received into the Catholic Church the majority of members of St. Luke's Parish, a formerly Episcopal church in Maryland. Their pastor was also part of the group; he is studying for the Catholic priesthood. Another 10 members of the parish were fallen-away Catholics who came back into the Church. A further group is still intending to make the move at a later date.

"Jesus invites us to walk with him through life not just as individuals who have come to know and love him but as members of his family -- his Church," Cardinal Wuerl said in his homily. "All who are anointed in the gift of the Holy Spirit are invited into God's family -- God's new people -- his Church. We speak of Pentecost as the birthday of the Church because it marks the beginning of the ancient Christian community -- the formation of what we recognize today as the Catholic Church spread throughout the whole world."

"Our celebration today is a realization that we are God's family, God's people, the beginning of his kingdom, his Church," the cardinal added. "And we rejoice in the outpouring of the Spirit in the sacraments of initiation. At the same time, we commit ourselves to live out that blessing in the full communion of the Church."

The ordinary of the only ordinariate established so far, Monsignor Keith Newton of the Personal Ordinariate of Our Lady of Walsingham in the U.K., will celebrate the first Catholic Mass at St. Luke's next Sunday.

Thousands

During his time in Scotland, Cardinal Wuerl told the Scottish Catholic Observer that there would be "a time lag between the Holy See announcing that it intends to establish an ordinariate and the actual date of its implementation."

"I am still hopeful that before this year is out an U.S. ordinariate will be established," he added.

The cardinal said at least 100 clergy and several thousand Anglicans "want to come into the Catholic Church as groups."
 
US Hispanic Leaders study how to improve ministry
Hispanic Ministry
09:42 11/10/2011
WASHINGTON, D.C., OCT. 10, 2011- The U.S. bishops convened a group of national and regional Hispanic Catholic organizations to discuss how to continue improving the Church's Hispanic ministry in the United States.

The Sept. 26-28 meeting in San Antonio, Texas, gathered representatives of some 15 organizations.

"Today Hispanic ministry is present in more than 4,500 parishes across the U.S. and 85% of the 195 dioceses in the United States have an organized Hispanic ministry," said Bishop Joe Vasquez of Austin in his welcoming remarks. "There is no doubt that Hispanic Ministry is an expanding reality in the local churches."

Alejandro Aguilera-Titus, director of the national Office of Hispanic Affairs, under the bishops' Secretariat for Cultural Diversity, said that the meeting "marks a new beginning in Hispanic Ministry. Our organizations are committed to closer collaboration and a more strategic organizational development."
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Phủ Lý dâng hoa kính Đức Mẹ Mân Côi
Giuse Phạm Nam
10:09 11/10/2011
Trong không khí hân hoan thiêng thánh của những ngày đầu tháng 10 – Tháng mà Giáo Hội dành riêng để tôn sùng Mẹ Maria qua tràng chuỗi Mân Côi.

Xem hình ảnh

Hòa trong tâm tình đó, ngày 9 tháng 10 năm 2011, nhằm Chúa Nhật 28 thường niên năm A, giáo xứ Phủ Lý đã khai mạc tháng Mân Côi bằng buổi dâng hoa kính Đức Mẹ. Điều đặc biệt buổi dâng hoa được diễn ra trước khuôn viên tượng đài Đức Mẹ mới đang được gấp rút tôn tạo lại.

Đúng 17h30, cha xứ Phêrô đã long trọng tuyên bố khai mạc tháng Mân Côi trước sự tham dự chứng kiến của đông đảo bà con giáo dân trong và ngoài giáo xứ. Tiếp theo, các “ bà hoa, cô hoa, chị hoa” là các hội viên trong Hội mân côi của giáo xứ đã dâng lên Mẹ những điệu múa, lời ca cùng những bông hoa muôn màu, muôn sắc.

Được biết dù nhiều ngày trước đó mưa gió kéo dài nhưng các hội viên đã hy sinh và dành nhiều thời gian để đến nhà thờ giáo xứ luyện tập và hôm nay nhờ ơn Mẹ bầu trời quang đãng và hửng nắng hồng làm cho buổi dâng hoa diễn ra trang nghiêm và sốt sắng thể hiện tâm tình yêu mến Mẹ Maria. Với bầu khí ấy và sự cố gắng nhiệt tình của các bà, các cô, các chị Hội Mân Côi đã làm cho cộng đoàn tham dự vô cùng xúc động.

Cũng nên biết rằng, mặc dù giáo xứ đang tập trung hoàn thiện ngôi Thánh Đường, nhưng để khích lệ lòng sùng kính Đức Mẹ Mân Côi, cha xứ Phêrô đã sắp xếp và tạo mọi điều kiện về mặt bằng để kịp thời dâng hoa kính Đức Mẹ.
 
Văn Hóa
Thêm đức tin chứ đừng thêm mê tín
Tuyết Mai
10:01 11/10/2011
Hàng tín hữu giáo dân thường có rất nhiều người ngày nay còn sống trong mê tín dị đoan, tôi nói thật đấy, và anh chị em cũng thấy chính mắt của mình cơ mà!. Chúng ta sống chung với những anh chị em lương giáo, họ vì tin tưởng vào tín ngưỡng khác thì không nói làm gì. Khi họ có bệnh, gặp xui xẻo, trở thành hai bàn tay trắng, họ đã và sẽ luôn đi tìm kiếm những nơi thờ phượng các ngẫu tượng để được xin chữa bệnh hay cho được tai qua nạn khỏi. Cũng có rất nhiều khi họ cũng đã tìm đến với những nơi linh địa như của cha Trương Bửu Diệp, Đức Mẹ La Vang; vì Chúa thương xót cho họ đã chữa họ khỏi bệnh. Vì để trả lễ những anh em này đã xin được trở lại đạo Công Giáo. Đó là chúng ta nói về những con người ngoại giáo!. Chứ chúng ta là con cái tinh tuyền của Chúa, thiết tưởng không nên còn có những tư tưởng mê tín dị đoan ấy nữa!. Nhất là những anh chị em thương gia, buôn bán, có tiệm quán, v.v….

Sự mê tín dị đoan của chúng ta đã làm cho Thiên Chúa rất buồn lòng, vì đức tin của chúng ta thật chẳng ai có bằng hạt cải, nên đã luôn thờ hai chủ. Chủ Chúa và chủ của mê tín. Chúng ta mở hàng quán cũng phải coi những tờ lịch để xem ngày lành tháng tốt. Mua nhà chúng ta cũng phải mời quý ông bà phong thủy đến để xem nhà và cho ý kiến, thay vì mời cha đến để làm lễ ban phép lành. Đám cưới cũng phải đến ông thầy bói xin cho được ngày lành tháng tốt. Vé số chúng ta cũng phải mua hằng ngày để cầu xin Chúa ban cho trúng, mà phải trúng hàng triệu cơ thì mới linh. Vô tình chúng ta đã làm chẳng những Chúa buồn lòng và giận dữ, mà còn làm cho đạo của chúng ta ra tai tiếng vì sự giữ đạo nửa mùa của chúng ta. Chúng ta tự suy nghĩ xem Chúa dậy chúng ta cờ bạc bao giờ?. Cảnh sống nghèo của gia đình Thánh Gia có phải dựa vào cờ bạc mới có để mà sống hay không?. Vé số, đánh đề, và mọi hình thức tương tự là cờ bạc, thì không được Chúa phù trợ cho đâu, thưa anh chị em!. Chỉ có ma quỷ chúng đang làm cho chúng ta xa cách Chúa mà theo chúng vào xào huyệt tội lỗi của chúng mà thôi nên phải rất cẩn thận!.

Chúa chắc phải buồn lắm với những vị chủ chăn mà có tâm hồn đi thờ phượng và tin vào mê tín dị đoan; cực dị đoan. Thật quỷ ma chúng chẳng chừa ai và bỏ ai bao giờ. Chúng càng làm cho Thiên Chúa phải đau đớn và thất bại, đó là sự chiến thắng của chúng. Tại sao những vị chủ chăn này lại muốn dành sự vinh quang của Thiên Chúa?. Họ có những tư tưởng như thế nào để mà dẫn giắt cả đàn chiên đi lạc Đường Hướng mà Thiên Chúa dậy?. Họ muốn được nổi nang cho ngang bằng Thiên Chúa ư!?. Chắc hẳn là vậy!. Canh Tân Đặc Sủng từ trước đến nay, đã có rất nhiều giáo dân thắc mắc về đường hướng và lối đi của những vị chủ chăn này. Và hiện nay thì những đạo tin lành khác họ cũng đang chúi mũi của họ vào Phong Trào này để mà chỉ trích đạo Công Giáo của chúng ta. Thật phải nếu chúng ta là những con người đang sống trong mê tín dị đoan, thì khó mà phân biệt được Chúa giả và Chúa thật được lắm!.

Như cha Trần Việt Hùng có nhận định về việc chữa lành của phong trào, họ ngã đổ y như hình thức của trò chơi Domino. Là một người ngã đổ thì toàn thể mọi người sẽ bắt chước mà đổ theo. Chứ chẳng Chúa Thánh Linh nào mà đổ nhào mọi người ra như thế!. Tôi được chứng kiến một vài lần như thế, nhưng hình thức té ngã xuống chẳng nói lên điều gì thưa anh chị em. Đó chỉ là hình thức!. Một hình thức xem ra cũng chẳng hại ai, nhưng cách thức đó chẳng khác nào là một sự làm gián tiếp để tiếp tục củng cố cho một việc làm, rất là mê tín, và rất là dị đoan. Chữa lành thì tôi chưa được thấy, nhưng cảm nhận được điều gì đó, không phải và không đúng. Những vị chủ chăn này họ đồng một lòng và có một tổ chức muốn làm được những chuyện gọi là lạ lùng, và muốn được nổi nang, gây ấn tượng, và làm xáo động nơi giáo dân.

Họ muốn được tâng bốc và được khen thưởng?. Nào là họ có bàn tay của Thiên Chúa chữa lành cho biết bao nhiêu người bệnh tật?. Nhưng thực tế chỉ là những lời đồn đại chứ chưa thấy ai lên báo hay làm bằng chứng ai được chữa lành những bệnh nan y nhờ các vị chủ chăn này!.

Mê tín dị đoan là những hình thức của ma quỷ, mà trong cuộc sống cực khổ của chúng ta, đã làm cho chúng ta không đứng vững. Chúng ta đã để cho ma quỷ chúng dẫn dắt mà không cần duyệt xét cả hình thức lẫn nội dung, của nơi hay người mà chúng ta được tiếp xúc. Trước nhất là chúng ta phải được nghe xem những vị chủ chăn này họ đã sống một cuộc đời tốt lành thánh thiện như thế nào?. Thời buổi ngày nay là thời buổi của những quỷ vương ra đời, chúng ta phải thật cẩn thận, và đặt trọn lòng tin vào Thiên Chúa, chứ không phải trên người ta. Hãy đặt Thiên Chúa làm chuẩn mực trong cuộc sống đầy hỗn loạn này!. Hãy kiểm chứng việc làm của họ xem có đúng với Lời Chúa hay không?. Thiên Chúa thì những việc làm của Người sáng láng như chiếc Hải Đăng.

Nếu những nơi mà chúng ta tìm đến để cầu nguyện, mà có những thắc mắc những nghi ngờ, thì nơi ấy chúng ta đừng tìm đến nữa. Kẻo vô tình chúng ta ăn cơm Chúa lại đi tôn thờ chúng ma quỷ thì nguy quá cho linh hồn đời đời của chúng ta. Ngoài sự nói tiếng lạ, sự té ngã, và chữa lành ra thì không còn điều gì khác để đáng trách cả!. Thì PT Canh Tân Đặc Sủng hay tất cả mọi phong trào đều có một mục đích là mọi người cùng tìm đến với nhau để chia sẻ, đọc và học hỏi Lời Chúa, hát Thánh Ca, cầu nguyện và dâng lời Cảm Tạ Người. Một Thiên Chúa Đấng toàn Năng, mà mọi tạo vật cùng mọi sinh linh, phải phủ phục mà tôn vinh danh Người. Amen.
 
Cảnh thu
Jos. Tú Nạc, NMS
10:05 11/10/2011
Trong ngõ suy tư tôi rảo bước
Ngày âm thầm lặng lẽ trong vườn,
Nụ cười tháng Mười sao rũ rượi!
Màu lá xanh trở xám u buồn.
Đoản khúc ngày hè vội về đâu?
Mặt trời đâu ngày dài vắng bóng?
Với thoáng buồn tôi lại ưu tư
Cà nhân loại bao điều tan biến.

Hai tháng trước đây tôi đã thấy
Những niềm vui rộn rã thế gian,
Những đóa hồng thẹn thùng nô nức,
Những cánh nhạn chếnh choáng không gian.
rồi chợt thấy xót xa tròng mắt
Những lá kia giết chết màu xanh.
Tôi khác vẻ mỹ miều tan nát,
Lá lìa cành cây tiếc khóc than.

Tôi đã biết ta phải thế nào,
Khi con người nơi đây trần thế,
Sẽ chỉ là một thoáng xa hoa,
Rồi hẹn hò với lời vĩnh biệt.
Tôi trầm tư khi hoa trái mùa hè,
Những vụ mùa tỏa hương thơm ngát,
Là của cải dự trữ Thiên Đàng,
Vẻ mỹ miều tỏa hương ngào ngạt.

Tôi biết rằng một mối duyên thề,
Một mục đích huy hoàng thiện hảo,
Chúa Trời đã tạo dựng ngày hè,
Và thật vậy nên tôi đã hiểu,
Ta phải sống cuộc đời cao quý
Và yêu thương cảm hứng tràn trề,
Hiến cho đời, khi ta nằm xuống,
Những hướng về hồn ta run rẩy!

Rằng tôi, một con người phải chết
Với cuộc đời thánh thiện trong tôi,
Phải thanh tẩy linh hồn vô giá
thiêng liêng ưu ái của Chúa Trời,
Phải đến với phận người di sản
Của từ tâm và của yêu thương,
Và tạo nên thế giới vô thường,
Một chút giống Thiên Đàng cao cả.

Cuộc chiến này với bất khả xâm,
Vì nhân từ trên đường đắm đuối,
Lối yêu thương, hòa nhã dịu dàng
Trong chốn u mê và giận dữ,
Thân lạy Chúa, tất cả vì tôi,
Tôi biết Người cho tôi ân sủng,
Tôi tin Người kiếp kiếp đời đời,
Mà bảo tôi cách bước theo Người.

Cơn gió thoảng vi vu xào xạc,
Trong hoang tàn trơ trụi cây khô,
Và Thiên Chúa Người cho gió thở
Và Thiên chúa Người làm nên lá,
Đang kể về Tác Phẩm Lừng Danh
Hồi sinh tự tay Người dấu ái,
“Maria mẹ tôi và mẹ bạn,
hãy phân trần, chắc Nàng sẽ thấu!”

Maria vì tất cả tình tôi,
Là của tôi Mẫu Mực, Nữ Hoàng,
Từ tháng Mười và Nàng đã biết
Hạnh phúc biết bao chất trong tôi!
Tôi tin Nàng, và kết tình yêu ấy,
Thật vậy ngày ngắn ngủi đời tôi,
Sẽ như một man na đầy trái
Trợ giúp hồn tôi, giữ Lối này!
 
Mùa thu cho ta
Thanh Sơn
10:05 11/10/2011
Nắng nhạt gió thoảng bước vào thu
Cánh nhạn bay xa đến mịt mù
Ta thả hồn ta theo nhịp bước
Bên suối nước về chốn khiêm nhu

NGÀI cho ta sống một kiếp người
Thì ta phải sống cho xinh tươi
Hãy đi cho đúng con đường sống
Xây đắp tình yêu ở trên đời

Hạ đi thu đến cứ từng thời
Dòng đời trôi chảy cứ như chơi
Thời gian qua rồi không trở lại
Mấy xuân ta đã ở trên đời?

Thu giờ sắp đến cho đời mình
Mấy chục năm rồi có chi xinh?
Có gì để lại cho mùa hạ?
Hay chỉ giữ lấy riêng cho mình?

Hãy hỏi lòng mình có chi vui
Để khi thu đến khỏi ngậm ngùi
Khi cánh lá vàng rơi về cội
Vào bến TÌNH YÊU hưởng ngọt bùi.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Cầu Nguyện - Prayer
Richard Drysdale
22:07 11/10/2011
CẦU NGUYỆN - Prayer
Ảnh của Richard Drysdale
Cầu nguyện cần con tim, hơn miệng lưỡi.

Prayer requires more of the heart than the tongue.
(Adam Clarke)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền