Ngày 03-11-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hạnh Phúc Thật
Phaolô Phạm xuân Khôi
11:50 03/11/2008
Hạnh Phúc Thật

Trong khi hình ảnh những người thân yêu của cộng đồng tôi tử nạn trong chuyến hành hương Missouri còn đang nằm sâu trong tâm trí, thì tuần trước tôi lại đến nhà quàn viếng xác một Giáo Lý viên, cũng là hiền thê của một người bạn. Chị bị bắn chết ngay sau khi rời siêu thị vào ban đêm. Cách đây mấy ngày tôi lại đến nhà quàn một lần nữa để cầu nguyện và hôm qua đã dự Lễ An Táng của một em học sinh Lớp Thêm Sức, vừa tròn 18 tuổi, đã ra đi vì một tai nạn xe hơi giữa ban ngày.

Ở bên ngoài những nhà quàn đó. Người ta vẫn mê mải đi tìm hạnh phúc mà không mấy người nghĩ rằng mình sẽ chết, chết lúc nào, và chết ra sao.

Vì đi tìm hạnh phúc mà người ta phải đau khổ. Đau khổ vì tìm không thấy hạnh phúc. Đau khổ vì chưa tìm thấy hạnh phúc. Đau khổ vì sợ mất hạnh phúc mình đang có. Đau khổ vì đánh mất hạnh phúc mình đã có. Đau khổ vì muốn tìm lại hạnh phúc.

Tại sao có nhiều người giàu có và quyền thế mà không bao giờ có hạnh phúc? Tại sao có những người nghèo khổ xác xơ mà trên môi lúc nào cũng nở nụ cười?

Sở dĩ có người đau khổ vì họ đã hiểu lầm về hạnh phúc và đã tìm một thứ hạnh phúc chóng qua, tạm bợ, dễ đổ vỡ. Còn có người hạnh phúc trong bất cứ hoàn cảnh nào vì họ đã tìm được hạnh phúc thật. Nhưng hạnh phúc là gì và làm sao để tìm được nó?

Hôm nay nhân dịp Lễ Các Thánh và Các Linh Hồn, tôi xin chia sẻ một ít suy tư về hạnh phúc.

Theo định nghĩa thì có bốn loại hạnh phúc ở trên đời.

1. Hạnh Phúc Giác Quan.

Đang đói mà được ăn là thấy hạnh phúc. Đang muốn nhậu mà bạn bè đem rượu và đồ nhắm đến là thấy hạnh phúc. Đang thèm khát tình yêu mà được người ta yêu lại là thấy hạnh phúc. Đang nghèo mạt rệp mà trúng độc đắc là thấy hạnh phúc. Đang lo mất việc mà được chủ gọi lên khen thưởng và tăng lương là thấy hạnh phúc. Đang ngứa mà được người ta gãi đúng chỗ là thấy hạnh phúc. Đang thèm…, mà được thỏa mãn là thấy hạnh phúc…. Tất cả những loại hạnh phúc này là do bên ngoài đem đến. Chúng ngắn hạn, tạm bợ, và dù có đạt được chúng rồi, người ta vẫn chưa được thỏa mãn. Nhiều khi chúng còn đem lại những hậu quả tai hại gấp trăm cái hạnh phúc tạm bợ mà người ta được hưởng. Đang theo đuổi người yêu thì tưởng rằng lấy được người yêu là hạnh phúc. Lấy được rồi lại muốn bỏ đi vì lấy lầm, hay đành “vác thánh giá bùn” suốt đời. Đang nghèo thì muốn giàu. Giàu rồi thì lại sợ trôm cướp…. Thèm khát nhục dục thì đi tìm thỏa mãn bất chính, rồi sau bị lương tâm cắn rứt, và đôi khi bị mang bệnh suốt đời. Nghiện ngập thèm hút sách, hút rồi thấy mình lâng lâng được đôi phút, và sau đó cảm thấy buồn rầu, thất vọng. Đây là một loại hạnh phúc thấp hèn nhất mà có lẽ đa số con người đang theo đuổi.

2. Hạnh Phúc Danh Vọng

Mình thấy hạnh phúc vì được hơn người khác. Có thể vì giàu hơn người; có thể vì có quyền thế hơn người; có thể vì có tiếng tăm hơn người; có thể vì nhan sắc hơn người; có thể vì tài giỏi hơn người; có thể vì đạo đức hơn người… Những người này luôn so sánh mình với người khác. Hơn người thì thấy hạnh phúc. Thua người thì tức tối, ghen tương. Đây là một loại hạnh phúc thiếu vững chắc. Cha ông chúng ta có nói: “trông lên thì chẳng bằng ai, trông xuống thì không ai bằng mình.” Những người tìm hạnh phúc loại này thường tự ái và tự ti mặc cảm khi trông lên. Nhưng khi nhìn xuống thì lại tự cao tự đại. Làm được một lại muốn hai, làm được bao nhiêu vẫn chưa đủ. Trên đời bao giờ mà chẳng có kẻ hơn tôi, thế mà tôi cứ phải chạy đua với họ cho nên tôi không bao giờ cảm thấy hoàn toàn hạnh phúc. Nhưng dù tôi là kẻ ăn xin, vẫn có những người thua tôi vì xin được ít tiền hơn tôi, vì không được những người ăn xin khác kính trọng bằng tôi, nên tôi vẫn có lý do để kiêu hãnh, để khinh người… Loại hạnh phúc này tuy cao hơn loại thứ nhất một chút, nhưng vẫn là hạnh phúc tạm bợ vì:

Cười người chớ khá cười lâu,
Cười người hôm trước, hôm sau người cười
.

3. Hạnh Phúc Cao Thượng

Hạnh phúc cao thượng là loại hạnh phúc của Thánh Hiền, của người Quân Tử, của bậc Bồ Tát. Những người này không còn nghĩ đến mình nữa. Họ sung sướng khi làm điều lành. Họ muốn tìm hết cách để giúp cho người khác bớt đau khổ. Họ tìm ra những phương pháp để diệt khổ. Đức Khổng Tử dạy: “Điều gì mình không muồn ngưởi khác làm cho mình, thì đừng làm cho người” (Luận Ngữ 12:2). Chúa Giêsu dạy: “Hãy làm cho người khác điều mình muôn người ta làm cho mình” (Mt 7:12, Lc 6:31). Đức Phật Thích ca vạch ra con đường Trung Đạo. Ngài nhận ra tội lỗi chính là nguyên nhân của mọi đau khổ trên trần gian. Ngài dạy người ta về Tứ Diệu Đế và Bát Chính Đạo để giúp con người thoát khổ và đạt được cõi Niết Bàn. Chúa Giêsu dạy chúng ta “Tám Mối Phúc Thật” và dạy ta yêu kẻ thù (x. Mt 5:44). Đức Lão Tử cũng dạy chúng ta yêu kẻ thù (x. Đạo Đức Kinh 49). Còn Đức Phật thì dạy chúng ta đối xử với mọi người với lòng từ bi (x. Kinh Pháp Cú 331-333). Như thế các tôn giáo lớn đều dạy người ta ăn ngay ở lành, đều dạy người ta sống cao thượng. Khi con người vượt lên trên dục vọng và danh lợi để sống với một lý tưởng cao thượng, người ta sẽ được hạnh phúc lâu bền hơn. Vì theo luật Nhân Quả, Thiên Chúa sẽ thưởng phạt mỗi người tùy theo việc họ làm khi còn sống trên thế gian (x. Mt 16:27). Tuy nhiên mức độ hạnh phúc con người có thể được hưởng ở đời sau cũng bị giới hạn bởi Tội Nguyên Tổ và những tội cá nhân chúng ta làm ở đời này. Vì thế dù có sống cao thượng đến đâu đi nữa, nếu không có ơn cứu độ, ơn tha thứ và ân sủng của Thiên Chúa thì con người vẫn không được hoàn toàn hạnh phúc.

4. Hạnh Phúc Tuyệt Vời

Con người sở dĩ đạt được mức hạnh phúc thứ ba ở trên vì họ được Thiên Chúa soi sáng để biết một phần chân lý. Nhưng nếu chỉ ở mức này, mà không có sự mặc khải của Thiên Chúa thì giáo huấn của họ vẫn còn pha lẫn nhiều sai lầm. Con người chỉ được hạnh phúc tuyệt vời, được hoàn toàn sung mãn, khi được gặp Thiên Chúa (x. Thánh Augustinô, Tự Thú, I,I,I:PL 32, 669-661), được làm con cái Ngài ở đời này và được hưởng Nhan Thánh Ngài đời sau. Vì con người được tạo dựng cho Thiên Chúa, nên con người chỉ được thỏa mãn hoàn toàn khi được ở cùng Thiên Chúa.

Đức Khổng Tử coi Thiên Chúa như một Đấng Cao Vời mà chỉ Thiên Tử mới có quyền cúng tế. Đức Lão Tử coi Thiên Chúa là “Đạo” mà con người không thể hiểu thấu được (Đạo Đức Kinh 1). Đức Phật thì cho rằng không có Thiên Chúa, đồng thời Ngài cũng dạy các đệ tử đừng thắc mắc gì về về tình trạng của những người đã nhập Niết Bàn ra sao, thế giới từ đâu mà đến…. Vì thắc mắc như thế chỉ làm cho người ta ra điên khùng (Tăng Chi Bộ IV, 77).

Các vị trên dù có thoát tục đến đâu đi nữa thì vẫn chưa hoàn toàn biết được những gì siêu vượt lý trí con người. Các vị ấy cũng chỉ biết lờ mờ về Thiên Chúa và chưa gặp được Ngài.

Chỉ có một mình Đức Kitô là Đấng cho chúng ta biết Chúa Cha vì Người là Con Thiên Chúa, như Thánh Gioan viết: “Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ. Con Một, là Thiên Chúa, và là Ðấng hằng ở trong cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1:18). Khi Chúa Giêsu nói với người Do Thái rằng Người là Bánh từ Trời xuống, Người đã xác quyết rằng: “Không phải ai cũng được thấy Chúa Cha, trừ Ðấng từ Thiên Chúa mà đến; Ðấng ấy đã thấy Chúa Cha” (Ga 6:46). Trước khi tạm biệt các môn đệ Chúa đã bảo đảm với các ngài: “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14:6). Chúa cũng nói rõ mục đích của Người khi xuống thế gian là để cho chúng ta “được sống và sống dồi dào” (Ga 10:10), và Chúa nói rằng chính Người sẽ ban cho chúng ta sự sống đời đời (x Xem Ga 10:28). Như thế các bậc Thánh Hiền ở trên chỉ cho chúng ta con đường để đạt được mức hạnh phúc thứ ba. Còn Chúa Giêsu đến để dẫn chúng ta về cùng Chúa Cha, để được hưởng Hạnh Phúc Tuyệt Vời.

Kết Luận

Vật chất và xác thịt có thể đem lại cho chúng ta một chút hạnh phúc giác quan, nhưng chúng cũng mang theo nhiều tai hại khôn lường nếu chúng ta để chúng làm chủ mình. Tiếng khen, danh vọng, và tiền tài cũng làm cho chúng ta thỏa mãn phần nào những thèm muốn hão huyền, nhưng chúng cũng đem theo hận thù, ghen ghét và tranh chấp là căn nguyên của vô số bất hạnh trên thế gian.

Sống như thánh hiền, như quân tử, sẽ làm cho lương tâm chúng ta yên hàn, và có thể cũng được một phần nào hạnh phúc đời này và đời sau. Tuy nhiên với sự yếu đuối của con người, muốn tự mình tu luyện để trở thành hiền nhân như Đức Phật, Đức Khổng Tử hay Đức Lão Tử dạy không phải là dễ. Đồng thời những hạnh phúc này cũng chỉ có giới hạn. Chúng ta có thể không cảm thấy đau khổ, nhưng nếu thiếu Thiên Chúa thì chúng ta sẽ không bao giờ cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn. Đó là thứ hạnh phúc mà các tôn giáo ngoài Kitô Giáo có thể đem đến cho con người.

Muốn được Hạnh Phúc hoàn toàn thì con người phải qua Đức Kitô. Đức Kitô xuống thế gian không những để chỉ cho chúng ta con đường Hạnh Phúc Tuyệt Vời, mà Người đã chết để đền bù tội lỗi chúng ta và giao hòa chúng ta với Chúa Cha, làm cho chúng ta thành nghĩa tử của Ngài. Người là Con Đường dẫn đến Chúa Cha, nguồn hạnh phúc thật. Không những thế, Người còn là lương thực nuôi dưỡng chúng ta trên Con Đường ấy. Ngoài Người ra, không ai có thể giúp chúng ta đạt được hạnh phúc này.

Lạy Chúa, Chúa là Hạnh Phúc của con, Chúa ơi, Chúa là Hy Vọng đời con. Xin đừng để con bao giờ lìa xa Chúa. Amen
 
Mùa tình yêu hiệp thông
Nữ tu Mai Bảo Linh
11:52 03/11/2008
MÙA TÌNH YÊU HIỆP THÔNG

Tháng 11, nổi bật lên tâm tình của toàn thể Giáo Hội nhớ đến bậc tổ tiên, những người thân yêu đã khuất bóng trên cõi đời nầy...

Ngày 01.11, Lễ trọng kính các Thánh Nam Nữ, Các Ngài đã được vinh hiển nhờ Tình thương của Chúa nhân lành, cho các Ngài được chia sẻ hạnh phúc viên mãn của Chúa. Giờ đây trên trời các Ngài chiêm ngưỡng thánh nhan Chúa đồng thời các Ngài cũng đang cầu bàu cho chúng ta và đang chờ đợi chúng ta..... Các Ngài là Giáo Hội khải hoàn, Giáo Hội vinh thắng sau cuộc chiến ở trần gian.

Ngày 02.11. lễ cầu cho các Linh hồn đang phải thanh luyện trong luyện ngục, toàn thể Giáo Hội dâng thánh lễ, lời cầu nguyện, hy sinh cho các linh hồn đã qua đời, đó là tổ tiên ong bà cha mẹ mà hôm nay chúng ta đang thương nhớ tưởng niệm, hiệp thông, để cầu nguyện trong lòng tin thể hiện niềm thảo kính ấy, vì cầu nguyên cho những người đã qua đời được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh...

Công Đồng Vatican II trong Hiễn chế Vui Mừng và Hy vọng viết:

"Chúa Kitô đã đem lại chiến thắng ấy khi Người sống lại, và nhờ cái chết của Người, Người đã giải phóng con người khỏi sự chết...Đồng thời đức tin còn cho con người khả năng hiệp thông với những người anh em thân yêu đã chết trong Chúa Kitô và làm cho chúng ta hy vọng rằng những người ấy đã được sống thực sự trong Thiên Chúa"(HC về GH số 18b).

Về điều nầy thì chính Thánh Phaolô Tông đồ đã mang cho chúng ta sứ điệp của niềm hy vọng khi Ngài viết cho tín hữu Thesalônica: "Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Kitô đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an nghĩ trong Đức Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Kitô... và những người đã chết trong Đức Kito sẽ sống lại trước tiên, rồi đến chúng ta, là những người đang sống, những người còn lại, chúng ta sẽ được đem đi trên đám mây cùng với họ, để nghênh đón Chúa trên không trung. Như thế, chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi" (1Thes. 4, 14-16).

Việc tưởng nhớ người thân yêu đã qua đời cũng chuẩn bị cho chúng ta nhớ đến quê trời và cảm nghiệm được tình thương của Thiên Chúa: Đấng Hằng Sống và Đấng ban Sự sống cho chúng ta, dù chúng ta chết hay đang sống, vẫn luôn hiện diện trong Chúa và trước thánh nhan Người... Người là Chúa kẻ sống và cũng là Chúa của những kẻ đã qua đời, nên chúng ta hãy sống xứng đáng với Ngài và sống tốt đẹp với nhau.

Chúng ta hãy nghĩ xem, những người đã ra đi đang muốn gởi cho chúng ta sứ điệp nào khi chúng ta dâng lễ, cầu nguyện, thắp hương tưởng niệm khi đứng trước mộ phần người thân, hay đi viếng nghĩa địa, đặc biệt trong mùa báo hiếu nầy?

Phải chăng chúng ta đang đứng trước một huyền nhiệm rất sâu thẳm mà cũng rất hiện thực, sự sống và sự chết không có ranh giới! Cái chết là cánh cửa mở ra cho chúng ta vào cuộc sống mới, sự sống chân thật, sự sống vĩnh cữu... Sự sống mà sau khi chúng ta thoát khỏi ngôi nhà thân xác bụi đất nầy thì chỉ có nơi Thiên Chúa, Thiên Chúa Hằng Sống, mà Thiên Chúa là Tình yêu, tình yêu làm cho con người trở nên bất tử và vĩnh cữu, cả đời nầy lẫn đời sau; đời nầy con người sống trong tình yêu: tha thứ, khoan dung, nhân hậu, tốt lành... thì đời sau, khi bước qua ngưỡng cửa sự chết, con người cũng sẽ ở trong tình yêu sung mãn, trong cung lòng của Đấng mệnh danh là TÌNH YÊU; nên cái chết cũng không làm cho con người quá sợ sệt, khiếp hãi, vì "trong tình yêu không có sợ hãi ", con người đã sống trong tình yêu, trong tương quan mật thiết với chính Đấng Yêu Thương, và vì Tình yêu, Thiên Chúa đã ban CON MỘT NGƯỜI là ĐỨC KITÔ GIÊSU xuống thế, chết và sống lại, để đem con người vào Vương Quốc Tình Yêu với Thiên Chúa. Nên sứ điệp mà chúng ta phải lắng nghe và đón nhận, đó là SỨ ĐIỆP TÌNH YÊU.

Thật là hữu ích cho chúng ta, khi chúng ta đang sắp đi vào tuần cuối của năm phụng vụ A, và cũng là những ngày trong tháng các linh hồn, chúng ta sẽ nghe lại đoạn Tin Mừng về ngày chung thẩm, Thiên Chúa, Đấng xét xử chúng ta theo thái độ việc chúng ta làm đối với tha nhân trong cuộc sống đời thường, chính Chúa đồng hoá mình vào những người anh chị em hèn mọn, bất hạnh và thua thiệt "vì mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta". (Mt 25,40). Vâng, Sứ điệp Tình Yêu là sợi giây xuyên suốt trong tâm tư, hành dộng của đời kitô hữu, hướng dẫn, đồng hành với chúng ta ở cuộc trần nầy và theo ta về bên thế giới hằng sống.

Vậy để đáp trả lại ân sâu nghĩa nặng, cũng như tình yêu mến đối với các bậc tiền bối, Thánh lễ, kinh nguyện và hy sinh, cũng như quyết tâm sống xứng đáng với những di sản và công đức các vị đã để lại; cùng nhau xây dựng đời sống thánh hảo hơn, tài bồi sản nghiệp đức tin công giáo của tình yêu gia tộc ngày thêm vững mạnh, thắm thiết, tình yêu tha nhân ngày thêm mặn mà, đem cho nhau niềm hy vọng và tin yêu vào cuộc sống hơn!

Có như vậy, nén hương chúng ta thắp lên trong Mùa Hiệp Thông Yêu Thương nầy sẽ có ý nghĩa thắm thiết và lòng thành kính đối với những người đã ra đi và những người đang tiếp nối trên bước đương trần gian. Các linh hồn được thanh luyện để về Quê Vĩnh Hằng trước chờ đợi và cầu nguyện cho chúng ta... trong niềm hiệp thông gắn bó yêu thương, củng cố cho chúng ta là giáo hội đang lữ hành được kiên vững trong đức tin mà nổ lực sống thánh thiện, rồi mai ngày chúng ta cũng sẽ được gặp các đấng...

Cầu nguyện cho những linh hồn đã khuất là chúng ta đang làm trọn ĐẠO HIẾU mà các ngài đang mong muốn, khát khao, chờ đợi... để ngày sau, trên quê hương Nước Trời, chúng ta sẽ sum họp cùng các thánh, gia tộc thiêng liêng, những người thương yêu mà ca tụng lòng từ bi lân tuất Chúa muôn đời.

Lời kinh hay nhất, quý trọng nhất, HIỆP THÔNG nhất là lời kinh nguyện Thánh Thể III, Hội Thánh giao chiến ở trần gian, NHỜ - VỚI - TRONG hy lễ Đức Giêsu, sốt sắng "Nguyện xin của lễ hoà giải nầy đem lại bình an và cứu độ cho tất cả thế giới. Xin ban cho Hội Thánh Chúa trên đường lữ thứ trần gian được vững mạnh trong đức tin, đức mến, cùng với ĐTC, các ĐGM chúng con, cùng toàn thể hàng Giám mục và giáo sĩ khắp nơi, và tất cả dân riêng Chúa, xin thương nhận lời cầu của gia đình mà Chúa đã muốn tụ họp trước tôn nhan Chúa đây. Lạy Chúa nhân từ xin thương đoàn tụ mọi con cái Cha đang tản mác khắp nơi. Xin thương cho ông bà, cha mẹ, anh chị em chúng con đã qua đời, và tất cả những ai đã ly trần trong ơn nghĩa Chúa, được vào Nước Chúa, nơi chúng con hy vọng sẽ tới, để cùng nhau tận hưởng vinh quang Chúa muôn đời..."

Hỏi còn Lời kinh nào ĐẸP hơn, HIỆP THÔNG hơn! trọn vẹn Tình Yêu hơn! trong Đại Gia Đình Hội Thánh. - Xin muôn ngàn lần tạ ơn Chúa. Amen
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:45 03/11/2008
TRÁCH NHIỆM

N2T


Sư phụ cùng với một đệ tử đi ra khỏi tu viện, tình cờ gặp quan chấp chánh ở ngoài thôn. Ông ta hiểu lầm cho rằng họ đến để mời ông ta vào trong thôn, nên nói: “Các ông thật là không cần thiết phải đi ngàn dặm đến đón rước tôi.”

Người đệ tử nói: “Đại nhân, ngài hiểu lầm rồi, chúng tôi đang đi du ngoạn bên ngoài, nhưng nếu chúng tôi biết ngài sẽ đến, thì chúng tôi sẽ bất chấp gió sương đến để đón tiếp ngài.”

Sư phụ không nói lời nào cho đến khi trời tối, ông ta mới nói: “Tại sao con nhất định phải nói cho ông ta biết chúng ta không phải đến để đón tiếp ông ta ? Con có thể trông thấy bộ mặt bối rối của ông ta không ?”

- “Chúng ta nên thực tình nói cho ông ta biết, bằng không thì chúng ta có ý lừa dối ông ta sao ?”

Đại sư nói: “Chúng ta không lừa dối ông ta điều gì cả, chính ông ta tự lừa dối mình đấy thôi.”

Suy tư:

Con người ta khi lòng đầy những thỏa mãn thì sinh ra kiêu ngạo, rồi từ đó phát sinh ra nhiều tật xấu khác.

Có những người –trong cuộc sống- thường làm ra vẻ quan trọng hóa bản thân và công việc của mình:

- Có một vài linh mục khi giáo dân đến gặp để trò chuyện với ngài, thì ngài thẳng thừng nói: tôi bận quá không có giờ, nhưng vài tiếng đồng hồ sau thì thấy ngài đang vui vẻ chơi bóng bàn với bạn bè. Ngài đang lừa dối chính mình và lừa dối tha nhân cũng như lừa dối Thiên Chúa.

- Có người khi được làm công việc xem ra có thế giá thì cảm thấy mình sao mà quan trọng, khi bạn bè hỏi chuyện mời uống ly cà phê, thì khoác tay lia lịa nói: tớ bận việc lắm, cơ quan quá nhiều việc. Nhưng vài phút sau thì thấy họ đang nhậu nhẹt tưng bừng ở nhà hàng máy lạnh. Họ đang lừa dối chính mình và bạn bè.

Kiêu ngạo và thỏa mãn thường làm cho con người ta biến tướng, từ người hiền lành dễ thương thành người kiêu ngạo khó ưa; từ người lễ phép lịch sự thành người cộc cằn thô lỗ; từ người dễ than thiện thành người khó gần gủi.v.v…

Tất cả chỉ vì tự mình lừa dối lòng mình mà ra cả.

Ai hiểu được thì suy nghĩ.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:47 03/11/2008
N2T


34. Nếu ai lưu luyến cầu nguyện mà không bao giờ lười biếng, không lúc nào ngơi nghỉ, nhất tâm hướng đến Thánh Ngôn, thì sẽ an nhàn tự tại như đi vào cửa nhà đẹp đẽ, ngửi được mùi thơm thần tính của Thánh Ngôn.

(Thánh Ambrosius)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đầu phiếu bằng lương tâm
Vũ Văn An
01:58 03/11/2008
Đầu Phiếu Bằng Lương Tâm

Chiến dịch vận động để liên danh Obama-Biden không thắng cử lần này xem ra không đạt hiệu quả như ý muốn. Cứ theo kết quả những cuộc thăm dò mới đây, chỉ trừ một phép lạ, liên danh MacCain-Palin khó lòng thắng được. Nhiều người Công Giáo hết sức ngỡ ngàng trước tình huống này, vì mặc dù theo Hiệp Sĩ Tối Cao Anderson, người Công Giáo Hoa kỳ lên tới 69 triệu, từng “giữ chìa khóa không những để vào Tòa Bạch Ốc mà còn nhiều cuộc đua khác nữa” mà vẫn không làm sao đánh bại một liên danh ngang nhiên và minh nhiên ủng hộ phá thai là liên danh Obama-Biden.

Ngày 27 tháng Mười vừa qua, tạp chí “The America” của các cha Dòng Tên có một bài xã luận tựa là “Voting One’s Conscience” khiến ta hiểu được phần nào nguyên nhân của trạng huống đầy bi thảm trên. Tạp chí này cho hay cả hai ứng cử viên tổng thống Mỹ kỳ này đều không hoàn toàn ủng hộ nền đạo đức học xã hội của Giáo Hội. Nền đạo đức học này đã được tài liệu “Forming Consciences for Faithful Citizenship” (Đào tạo lương tâm cho một nền công dân có niềm tin), ấn hành một năm trước đây, trình bầy rõ ràng và đầy đủ.

Trong tài liệu trên, các giám mục Hoa Kỳ nhấn mạnh tới một trong những nguyên tắc đạo đức căn bản nhất đó là phẩm giá của con người và do đó là quyền sống của họ. Cho nên các vấn đề liên quan tới các hành vi trực tiếp tấn công sự sống như phá thai, an tử hay chiến tranh bất chính phải là những vấn đề quan tâm hàng đầu đối với cử tri Công Giáo.

Nhưng, theo Tạp Chí này, cùng một lúc, các giám mục Hoa Kỳ cũng nhắc các tín hữu nhớ tới chiều rộng trong trách nhiệm luân lý của họ: “Giáo huấn Công Giáo về phẩm giá sự sống kêu gọi ta chống đối tra tấn, chiến tranh bất chính, và việc sử dụng án tử hình; ngăn ngừa nạn diệt chủng và việc tấn công những người không chiến đấu; chống lại chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc; và chiến thắng nghèo đói và đau khổ… Các quốc gia được kêu gọi phải bảo vệ quyền sống bằng cách mưu tìm các phương thế hữu hiệu để chống lại sự ác và khủng bố mà không cần tới tranh chấp vũ trang…”

Tạp chí này cho hay quả là sai lầm khi chủ trương rằng bổn phận luân lý trong việc bảo vệ sự sống vô tội của con người không bao giờ cho phép người Công Giáo được bỏ phiếu cho một ứng cử viên ủng hộ phá thai. Ấy thế nhưng các giám mục lại đã nói rõ một số điều kiện theo đó việc bỏ phiếu kia có thể được phép. Khi có những lựa chọn khác nữa, thì việc không ủng hộ một ứng cử viên phò phá thai không có chi là tự động hay phổ quát cả. Dĩ nhiên, không bao giờ được phép bỏ phiếu cho một ứng cử viên phò phá thai nếu “cử tri có ý định ủng hộ lập trường ấy”. Nhưng mặc dù bác bỏ chủ trương phò phá thai của một ứng cử viên, người ta vẫn được phép bỏ phiếu cho ứng cử viên ấy “khi có lý do luân lý thực sự nghiêm trọng”.

Lý do luân lý nào thực sự nghiêm trọng thì tài liệu “Faithful Citizenship” không nói rõ. Và tạp chí The America” cho việc đó là khôn ngoan. Các cử tri buộc phải tự tìm ra qua những câu hỏi đại loại như: có hy vọng giảm thiểu tỷ lệ phá thai hay không? Có đưa ra chiến dịch ủng hộ việc dùng tế bào người lớn để nghiên cứu chứ không dùng tế bào phôi thai hay không? Có chống đối chiến tranh phòng ngừa hay tra tấn hay không? Có cung cấp chăm sóc y tế cho người không có bảo hiểm hay không? Có sẵn sàng tham gia chiến dịch mới của quốc tế ngăn ngừa nạn hâm nóng địa cầu hay không? Có cứu vợt được nền kinh tế của Mỹ hay không?...

Tạp chí này còn lý luận thêm rằng quyền sống, vốn bắt rễ nơi phẩm giá nhân vị, nhất thiết phải bao hàm các quyền được hưởng mọi phúc lợi của cuộc sống nhân bản như hòa bình và an ninh, nhà ở, y tế và công ăn việc làm. Họ viện dẫn lời Đức Bênêđíctô XVI, lúc còn là Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin: “một cam kết chính trị đối với một khía cạnh đơn độc nào đó trong học thuyết xã hội của Giáo Hội không làm người ta hết trách nhiệm đối với ích chung”. Điều ấy, theo tạp chí này, có nghĩa: người Công Giáo không phải là các cử tri tự động chỉ có một vấn đề, bất luận đó là vấn đề gì. Giáo huấn xã hội Công Giáo là một thể thống nhất và phải được áp dụng theo thể thống nhất ấy.

Thiển nghĩ người Công Giáo Mỹ không bao giờ là các cử tri tự động chỉ có một vấn đề là bảo vệ sự sống theo nghĩa chống phá thai. Cũng không một ứng cử viên tổng thống nào là một ứng cử viên chỉ có một vấn đề cả. Huấn luyện lương tâm bao giờ cũng bao hàm việc biết phân biệt điều phải điều trái, điều trái ít điều trái nhiều. Huấn luyện lương tâm bao giờ cũng bao hàm việc nhận ra các lựa chọn ưu tiên. Trong cuộc bầu cử lần này, người Công Giáo Hoa Kỳ đã thấy rõ đâu là những ưu tiên hướng dẫn lương tâm họ. Những bài báo như của tạp chí “The America” chỉ là những hỏa mù nhằm nới rộng biên cương chủ nghĩa tương đối, khiến lương tâm người Công Giáo trở thành mù mờ.

Phản ứng đối với bài báo này quả là phức tạp, cho thấy chiều hướng nguy hiểm không phải là sợ liên danh McCain-Palin không thắng, nhưng là chiều đi xuống của cả một nền giáo lý quá xa vời với huấn quyền Giáo Hội đã được 26 năm triều Giáo Hoàng của Đức Gioan Phaolô II khổ công xây dựng quanh văn minh sự sống và văn minh tình yêu và hiện đang được Đức Bênêđíctô XVI tiếp tục. Dưới đây, chúng tôi xin trình bầy một số phản ứng ấy.

1. Vấn đề quan trọng hơn cả

Michael Hallman cho rằng bài báo trên đã không làm sáng tỏ điều này: các vấn đề về sự sống, vẫn xấu từ bên trong, như phá thai, dùng tế bào phôi thai để nghiên cứu, an tử, kỳ thị chủng tộc, tra tấn…có tầm quan trọng hơn bất cứ vấn đề nào khác. Sự thật này đang bị một số nhà bình luận Công Giáo làm mờ nhạt đi để dọn đường cho lá phiếu hợp lương tâm dành cho Obama phò phá thai, mặc dù, Obama đã công khai hứa hẹn sẽ ký ban hành đạo luật “Freedom of Choice Act” (nôm na là tự do phá thai) và sẽ bổ nhiệm các chánh án tối cao pháp viện để duy trì quyết định giết người “Roe v. Wade”.

Michael cũng cho rằng huấn luyện lương tâm tín hữu không phải chỉ có một tài liệu trên của HĐGM/HK, mà phải liên tục lắng nghe các giám mục tiếp tục khai triển tài liệu ấy qua các bài giảng, thư mục vụ, các bài diễn văn…Qua các hình thức khai triển này, các giám mục đã minh xác rằng người Công Giáo có trách nhiệm luân lý phải nhìn nhận tính nghiêm trọng hết sức lớn lao của vấn đề ngừa thai trong cuộc bầu cử lần này, so với các vấn đề có thể tranh luận được như ai có kế hoạch y tế hay hơn, ai giải quyết tốt nhất về kinh tế hay ai chấm dứt chiến tranh hay hơn. McCain không hẳn là nhất, nhưng bỏ phiếu cho Obama là việc lương tâm Công Giáo không cho phép!

2. Cái nhìn cân bằng

Charles H. Schramm thì khen bài báo trên có cái nhìn cân bằng và nhiều thông tri. Ông cho rằng nhiều người Công Giáo tự bằng lòng với phương thức một vấn đề đối với bầu cử. Ông còn trích dẫn nhà thần học Ái Nhĩ Lan, Donal Dorr trong cuốn “Spirituality and Justice” (Linh đạo và công lý), mà cho rằng có nhiều kiểu ăn năn trở lại: ăn năn trở lại theo tôn giáo, ăn năn trở lại theo luân lý, và ăn năn trở lại theo chính trị. Kiểu cuối cùng đòi phải có một trình độ hiểu biết về cách vận hành trong các hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội, và các hệ thống này cần được phê phán ra sao dưới ánh sáng Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo. Đây là phạm vi nhiều người Công Giáo thiếu sót trầm trọng.

Cứ như thể ý thức chính trị của người Công Giáo non nớt hơn anh ta không bằng!

3. Sẽ gặp Chúa và trẻ thơ vô tội

Robert Langworthy cho rằng khi một đảng nào đó hoàn toàn kiểm soát được chính quyền, thì việc phá thai nửa thai kỳ chắc chắn sẽ lại xẩy ra. Máu trẻ thơ vô tội sẽ tuôn đổ như thác Niagara. Những người thêm tay chân cho đám đông phò phá thai sẽ phải chịu trách nhiệm về việc đó. Và một ngày kia, tất cả chúng ta sẽ gặp lại Người và các trẻ thơ vô tội. Người sẽ chỉ vào các trẻ thơ bị thảm sát đó mà hỏi: “Các NGƯƠI đã làm gì để chấm dứt VIỆC NÀY?”. “Con bỏ phiếu ủng hộ đảng phò phá thai vì con là người rất phóng khoáng” chắc chắn không phải là câu trả lời Người muốn nghe.

4. Đức Hồng Y Ratzinger

Lucius cho rằng tạp chí “The America” đã cẩu thả không nhắc đến lá thư năm 2004 của Đức HY Ratzinger gửi các giám mục Hoa Kỳ về việc người Công Giáo có được bầu cho một ứng cử viên phò phá thai/an tử dù không có cùng quan điểm phò phá thai/an tử với ứng cử viên này hay không? Trong lá thư này, dù Đức Hồng Y có cho rằng trong một số trường hợp, nếu có lý do tương xứng (proportionate reasons), người ta có thể bỏ phiếu như thế, song Ngài nhấn mạnh: án tử hình hay quyết định tuyên chiến không ở cùng một bình diện luân lý như phá thai/an tử. Do đó, người Công Giáo được tự do bất đồng với Giáo Hội trong các vấn đề như thế mà vẫn chịu Lễ được. Nhưng đối với phá thai/an tử thì không như thế. Vậy vấn đề là: liệu có chăng một lý do tương xứng khi bỏ phiếu cho Obama một người không những có kỷ lục 100% ủng hộ phá thai mà còn bỏ phiếu chống lại bất cứ đạo luật nào nhằm bảo vệ các thai nhi dù bị phá thai nhưng đã may mắn thoát chết? Nhiều vị giám mục đã nói rõ: đó không phải là lý do tương xứng!

5. Nhất định bầu cho ứng cử viên phò sự sống

Theo Robert Koch, nếu phải chọn giữa ứng cử viên phò phá thai và ứng cử viên phò sự sống, ông sẽ bỏ phiếu cho người phò sự sống. Tạp chí “The American” không thể thuyết phục ông bỏ phiếu cho người phò phá thai dù với bất cứ lý do gì.

6. Tổng thống phải hành động hợp hiến

Ron Dirks, Sugar Land, TX, cho rằng bài báo trên có cái nhìn cân bằng dựa vào tài liệu của HĐGM/HK. Ông ta phân tích dài dòng lịch sử phán quyết của Tối Cao Pháp Viện về trường hợp “Roe v. Wade” để biện minh rằng phán quyết đó đúng về phương diện hiến pháp. Bởi Tối Cao Pháp Viện không có cách chi xác định được liệu phôi thai có phải là ‘người’ theo ngôn ngữ và ý nghĩa của Tu Chính Án Thứ 14 hay không. Nếu họ xác định được như thế thì Roe đã thua Tiểu Bang Texas rồi… Các nhà tư pháp không phải là các nhà tôn giáo hay triết học, nên họ không thể xác định “tính người” (personhood) của phôi thai… Một khi họ phán quyết hoàn toàn dựa vào Hiến Pháp, thì bất cứ ai tuyên thệ nhậm chức tổng thống, bất kể là Obama hay McCain, đều phải tuân hành phán quyết này, không thể làm khác.

Dirks kết luận: trong tư cách công dân, ta nên bỏ phiếu cho ứng viên tổng thống dựa trên nhiều vấn đề và chính sách của ứng cử viên đó, thay vì chỉ dựa vào một vấn đề là phò phá thai hay không, vì ứng cử viên nào rồi cũng phải “phò phá thai” mà thôi.

Nói như Dirks, chả lẽ các thẩm phán tối cao không thể có quan điểm tôn giáo hay triết lý được sao. Chả lẽ tôn giáo hay triết lý không phải là nguồn của các nguyên lý sống của xã hội hay sao. Tư pháp hay gì gì thì cũng phải dựa vào lương tri chứ. Mà lương tri, như Đức Gioan Phaolô II nói, dạy ta rằng phôi thai nếu không phải là người thì làm sao thành người trưởng thành được! Mặt khác, hiến pháp từng được tu chính, nó đâu phải là một văn bản cứng ngắc, có giá trị trường cửu đến không thể thay đổi được. Dirks cũng phạm sai lầm ở chỗ không ai buộc Obama hoặc McCain, lúc còn là Thượng Nghị Sĩ, phải ủng hộ phá thai. Chán vạn dân biểu và TNS chống phá thai mà vẫn là những dân biểu và TNS có giá trị. Mặt khác, không ai buộc Obama hay McCain, khi đắc cử tổng thống, phải làm quá phán quyết của Tối Cao Pháp Viện. Đàng này rõ ràng Obama sẵn sàng đi hết con đường “phá thai” của ông ta.

7. Chỉ chống phá thai, chuyện khác làm ngơ

Robert Gordon thiên kiến rõ ràng khi cho rằng bài báo trên rất đúng và rất tốt, tuy nhiên không được đa phần giáo dân nghe theo. Lý do vì người ta chỉ nghe các giám mục hô hào không cho các chính trị gia phò phá thai rước lễ, chứ không đề cập chi tới các vấn đề khác như chăm sóc người nghèo, ủng hộ các tiêu chuẩn của cơ quan EPA chống lại ô nhiễm không khí, đất, nước và thực phẩm có hại cho trẻ chưa sinh lẫn mới sinh. Hai vị giáo hoàng liên tiếp lên án chiến tranh Iraq, nhưng hầu như các giám mục HK không đề cập gì tới vấn đề này. Hai vị GH cũng lên án án tử hình, các vị giám mục HK cũng lên án nhưng không mạnh mẽ bằng lên án phá thai.

Không ai không thấy Gordon là người ít đọc báo Công Giáo, chứ đừng nói là năng đi nhà thờ. Anh ta mù tịt về các hành động của các vị Giám Mục Hoa Kỳ. Câu cuối cùng của anh ta nói lên một sự thật: con số nạn nhân của án tử hình làm sao so sánh được với con số nạn nhân phá thai, mặt khác, nạn nhân của phá thai là người hoàn toàn vô tội, và đang bị người ta coi như phiền phức cần loại bỏ bằng bất cứ giá nào, một thứ nạn nhân không người bênh vực!

8. Đi với ma mặc áo giấy

Maryann cho rằng phán quyết “Roe vs Wade” đã trở thành luật. Vấn đề quan trọng là bầu cho ứng cử viên nào chống đối ngừa thai và trước nay vẫn sống cuộc sống hợp luân lý và phục vụ xứ sở. Mẹ bà vẫn khuyên con phải biết chọn bạn mà đi lại giao thiệp: giao thiệp đi lại với ai, sẽ bị phán đoán theo đó. Dĩ vãng đầy bóng tối của Obama khiến người ta phải đặt nhiều câu hỏi bất kể tài ăn nói của anh ta. Bà kết luận: Hãy dùng đầu óc mà bỏ phiếu!

9. Suy luận phi luận lý

Mike Nygra tự hỏi: một người Công Giáo với lương tâm ngay thẳng liệu có thể bỏ phiếu cho một ứng cử viên ủng hộ phá thai trong khi họ được quyền chọn một ứng cử viên khác không phò phá thai không? Ông ta không tin như thế, vì chả có lý do tương xứng nào biện minh được việc giết hại 45 triệu thai nhi trong 35 năm qua qua phá thai. Ông ta cho rnằg bài báo của tờ “The America” kia chỉ là một thứ suy luận phi luận lý dẫn người ta tới tội trọng.

10. Bài tẩy

Andrew J. Russell cho rằng vấn đề phá thai chỉ là một lá bài tẩy giúp ứng cử viên thu phiếu mà quên các vấn đề quan trọng khác. Chứ thực ra, lương tâm Công Giáo đòi buộc người ta phải bỏ phiếu vì nhiều vấn đề khác như chiến tranh phi nghĩa, chính sách di trú bất công, các chính sách kinh tế không công bằng. Nó khiến người Công Giáo cảm thấy an tâm khi bỏ phiếu cho người phò sự sống bất kể các chính sách bất công khác của ứng cử viên này. Theo Russell, nếu các vị giám mục cứ nằng nặc bắt người Công Giáo phải đầu phiếu vì một vấn đề duy nhất là phá thai, thì người Công Giáo sẽ mất tiếng nói tinh thần nơi chính trường. Thí dụ như chính sách ‘lưới an toàn an sinh xã hội’ được F.D. Roosevelt đưa ra thời Đại Suy Thoái sẽ bị bãi bỏ nếu ta chỉ chú trọng tới phá thai. Hay Hoa Kỳ sẽ vướng vào những cuộc chiến phi pháp tại Trung Mỹ, hay các cuộc chiến đánh phủ đầu ở tận mãi nửa vòng thế giới bên kia khi ta tự mãn với việc chống phá thai. Trong khi ấy, phá thai vẫn tiếp tục hợp pháp và nhiều phụ nữ vẫn thấy mình không được hỗ trợ đầy đủ để mà phò sự sống.

Russell tự hỏi: điều nào có tội hơn: bầu cho một ứng cử viên ủng hộ quyền phá thai nhưng chịu xây dựng một xã hội biết chăm sóc cho các bà mẹ đơn chiếc và con cái họ, hay ủng hộ một ứng cử viên chống phá thai nhưng chẳng làm chi để giảm thiểu con số phá thai hay đỡ gánh nặng cho các bà mẹ đơn lẻ.

Người Công Giáo có lương tâm ngay thẳng biết phải trả lời ra sao cho câu hỏi ấy: họ không bao giờ bỏ phiếu cho một ứng cử viên chống phá thai mà lại không đồng thời có những chính sách tốt đẹp khác. Họ không đơn giản và không thụ động về chính sách xã hội. Mọi vấn đề khác đều có thể tranh luận. Nhưng vấn đề bảo vệ sự sống thì không thể tranh luận được. Đừng làm cho vấn đề nào cũng giống vấn đề nào. Đừng cho là Giáo Hội Công Giáo chỉ biết một vấn đề duy nhất là chống phá thai.

Chúng ta đồng ý với ý kiến của André Kenji: Obama có thể làm cho vấn đề phá thai trở nên tồi tệ hơn khi ủng hộ việc dùng quỹ liên bang tài trợ việc phá thai. Ngay như một tổng thống phò sự sống không làm gì được để hủy bỏ phán quyết “ Roe v. Wade”, thì một tổng thống phò phá thai vẫn làm cho vấn đề phá thai thêm trầm trọng hơn.

Mặt khác, các vấn đề chính trị, kinh tế hay xã hội khác có thể giải quyết bằng nhiều lý thuyết hay đường hướng khác nhau. Không một lý thuyết hay đường hướng nào được coi là hoàn toàn có giá trị. Sự sống trái lại chỉ có một đường, chấm dứt nó là chấm dứt vĩnh viễn, không thể mang nó ra “đùa dỡn” như các vấn đề khác được.
 
Các vị giáo hoàng dù đã quá cố vẫn còn gây ảnh hưởng
Phụng Nghi
11:18 03/11/2008
Vatican (CNS) – Mùa thu năm nay, với một loạt những ngày kỷ niệm, Tòa thánh Vatican đã chuyển sự chú ý vào các vị giáo hoàng quá vãng, những người vẫn còn sống động trong ký ức của giáo hội.

Đã có một chuỗi dài liên tiếp những buổi hội nghị, phim ảnh, phụng vụ, diễn từ, sách vở và các bài báo, ở đó 4 vị cố giáo hoàng, đặc biệt là Piô XII, Gioan XXIII, Phaolô VI và Gioan Phaolô II, được tôn vinh, ca ngợi, bảo vệ và, trong một số trường hợp, được để nghị tuyên thánh.

Có những ngày tờ báo L'Osservatore Romano của Tòa thánh Vatican đăng tải nhiều tin về các giáo hoàng đã quá cố hơn về vị giáo hoàng hiện đang ngồi trên ngai tòa Thánh Phêrô lúc này.

Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nổi bật trong các buổi lễ tưởng niệm; ngài đọc diễn từ và cử hành các thánh lễ đặc biệt cầu cho các vị tiền nhiệm, và thường rút ra những bài học từ các lời giáo huấn của những vị đó.

Tại sao giáo hội tiếp tục nhìn về quá khứ?

Giovanni Maria Vian, giám đốc tờ báo của Tòa thánh Vatican trả lời: “Bởi vì truyền thống là căn bản của giáo hội. Chúng ta nhìn lại quá khứ để có thể hướng về tương lai.”

Ông nói: Đối với giáo hội, các điều giảng huấn của những vị giáo hoàng trước không chỉ có giá trị lịch sử, nhưng vẫn còn sinh động.

Giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 10 năm nay là thời gian ghi dấu những kỷ niệm đáng nhớ: 50 năm ngày mất của giáo hoàng Piô XII, ngày tuyển chọn giáo hoàng Gioan XXIII, và 30 năm kể từ 1978 “một năm của 3 giáo hoàng” (năm 1978 xảy ra cái chết của giáo hoàng Phaolô VI, sự đắc cử và cái chết của giáo hoàng Gioan Phaolô I, và năm lên ngôi của giáo hoàng Gioan Phaolô II).

Nhưng hồi tưởng đáng ghi nhớ thực sự bắt đầu vào tháng 7, với ngày kỷ niệm 40 năm thông điệp “Humanae Vitae" (Đời sống Con người) của giáo hoàng Phaolô VI. Đức giáo hoàng Bênêđictô không những chỉ cực lực bảo vệ những giáo huấn của thông điệp này về vấn đề ngừa thai mà còn đi xa hơn nữa với lời khen ngợi lòng can đảm và “viễn kiến nhìn xa trông rộng” của giáo hoàng Phaolô VI khi đề cao một lập trường mà chắc chắn bị nhiều người chỉ trích.

Vào tháng 9, một chiến dịch lớn đã khởi đầu nhằm triển dương đức tính thánh thiện của giáo hoàng Piô XII và bênh vực ngài về những cáo buộc rằng ngài đã không làm đủ để cứu vớt những người Do thái vào hồi Thế chiến II.

Một ủy ban gồm các nhà lãnh đạo Công giáo đã được thành lập để đề cao di sản của ngài, nhiều hội nghị - có hội nghị được cả sự tham dự của người Do thái – được tổ chức, nhiều bài báo xuất hiện trên báo chí Toà thánh Vatican, và một bức chân dung được đem trưng bày gần quảng trường Thánh Phêrô ở Roma.

Đức giáo hoàng Bênêđictô đã cử hành thánh lễ kỷ niệm 50 ngày giáo hoàng Piô XII qua đời, khen ngợi không chỉ những hành động của vị giáo hoàng này trong thời chiến mà còn tán dương tài lãnh đạo đầy sáng kiến trong các lãnh vực phụng vụ, diễn giải Kinh thánh và khoa giáo hội học.

Vào tháng 10, đến lượt giáo hoàng Gioan Phaolô II, với những lễ kỷ niệm, các hội nghị và thông điệp đánh dấu ngày vị giáo hoàng này được tuyển chọn năm 1978, cao điểm là một cuốn phim mới về cuộc đời của ngài được khởi quay tại Vatican.

Cuối tháng 10, Đức giáo hoàng Bênêđictô chủ sự một buổi cầu nguyện tưởng niệm tại ngôi mộ của giáo hoàng Gioan XXIII. Kỷ niệm cuộc đắc cử của ngài năm 1958 được đánh dấu bằng rất nhiều bài báo trên các nhật báo và tạp chí tại Ý, cũng như một cuốn phim mới và chuỗi kịch bản trên đài truyền hình được nhiều khán thính giả hâm mộ.

Hơn nữa, việc tưởng niệm các vị giáo hoàng đã quá vãng còn được làm cho sinh động hẳn lên qua những thỉnh cầu tuyên thánh cho các ngài. Trường hợp của giáo hoàng Piô XII có lẽ được rất nhiều người biết tới và gây tranh cãi nhiều nhất. Hiện nay tiến trình tuyên thánh đó được ngừng lại trong “thời gian suy tư”, nhưng lời thỉnh cầu phong thánh quả thực là một tiến trình tích cực đối với 5 vị giáo hoàng tiền nhiệm.

Giáo hoàng Gioan XXIII được phong chân phước năm 2000. Tiến trình về giáo hoàng Gioan Phaolô I mới đây đã qua được một bước dài, đó là sự chấp thuận giai đoạn điều tra cấp giáo phận. Trường hợp về giáo hoàng Phaolô VI đã được dệ trình lên Tòa thánh Vatican. Và phong trào “santo subito!” (xin tuyên thánh ngay!) đang thúc đẩy mau chóng tiến trình tuyên phong chân phước cho giáo hoàng Gioan Phaolô II.

Sự thúc đẩy trong việc tuyên thánh cho các vị giáo hoàng quá vãng là một khuynh hướng tương đối mới mẻ. Suốt 700 năm qua, chỉ có hai vị giáo hoàng được tuyên thánh. Vậy mà ngày nay, dường như người ta thường nghĩ rằng một vị giáo hoàng sau khi qua đời sớm muộn gì thì cũng được đề nghị phong thánh.

Luigi Accattoli, một nhà báo Ý có thế giá đã tường trình tin tức về Tòa thánh Vatican hàng mấy chục năm, sau khi giáo hoàng Gioan Phaolô II qua đời, ông có viết rằng việc tuyên thánh cho các vị giáo hoàng là “chuyện không cần thiết” và giáo hội nên để sức tìm tòi hầu khám phá ra các vị thánh ít được biết tới.

Ông nói chính giáo hoàng Phaolô VI là người bắn phát súng khai mạc vào “cuộc chạy đua phong thánh” cho các vị giáo hoàng. Vào lúc kết thúc công đồng Vatican II ngài cùng một lúc đưa ra lời thỉnh cầu phong thánh cho hai giáo hoàng Piô XII và Gioan XXIII.

Ông nói: Các vị giáo hoàng mới đây chắc chắn là những người thánh thiện. Nhưng đôi khi vội vã tuyên thánh cho một vị giáo hoàng lại đơn giản chỉ là một cách để “hàng giáo phẩm Roma tự phong thánh cho chính mình”.

Quan điểm của ông không được nhiều người tại Vatican chia sẻ. Lm Dòng Tên Paolo Molinari, mới đây là cáo thỉnh viên vụ phong thánh cho giáo hoàng Phaolô VI, nói rằng đó là một quan niệm sai lạc khi cho rằng “mỗi vị giáo hoàng ngày nay đều được tuyên thánh hết cả.

Cha nói: “Tất cả các giáo hoàng mới đây không phải được đề nghị phong thánh chỉ vì các ngài là giáo hoàng, nhưng là vì người ta công nhận nơi các ngài có một cách sống phi thường của người Kitô hữu.”

Điều kiện tiên quyết khi mở hồ sơ tuyên thánh là "fama sanctitatis", một từ ngữ Latin có nghĩa là “nổi tiếng về thánh thiện”, điều kiện này phải được nhiều người tín hữu công nhận. Một số người có khuynh hướng nghĩ thuận lợi hơn cho các vị giáo hoàng vì các ngài là những người sống trên sân khấu được cả thế giới biết đến.

Nhưng cha Molinari nói rằng nổi danh khắp hoàn cầu, ngay cả đối với các vị giáo hoàng, không bảo đảm rằng đã có được sự nổi tiếng về thánh đức. Điều đó có thể tác động ở cả hai chiều.

Hôm 2 tháng 11, nhân ngày Lễ các Linh hồn, Đức giáo hoàng Bênêđictô đã cầu nguyện dưới hầm đền thánh Phêrô để tưởng niệm các vị tiền nhiệm đã qua đời. Đây là một dấu chỉ nữa cho biết dù các vị giáo hoàng đã qua đi, nhưng các ngài vẫn được tưởng nhớ.
 
Lá rụng về cội
Nguyễn Thông
12:28 03/11/2008
Lá rụng về cội

Kết quả phỏng vấn 500 người Hàlan về sự chết:

  • 4 trong 5 người không nghĩ đến đám tang của mình phải làm như thế nào.
  • 2 trong 3 người không bàn với gia đình về cái chết của mình.
  • 2 trong 3 người không đi hoặc ít khi đi viếng mồ của người chết.
  • 1 trong 2 người không muốn cho trẻ em đi tham dự đám tang.
  • 2 trong 3 người không muốn để quan tài của người chết trong nhà của mình.
  • Phần đông bây giờ thích đốt xác người chết hơn là chôn xuống đất.
  • Phần đông muốn để cho gia đình hoặc bạn hữu lo đám tang hơn là nhờ linh muc, mục sư.
  • 7% muốn để cho nhà an táng lo đám tang cho mình.
  • 3 trong 4 người còn nhớ đến người chết trong dịp sinh nhựt của người chết.
  • 3 trong 4 người còn để hình người chết trong nhà của mình.
  • 16% người còn đi nhà thờ: không còn nhớ đến người chết nữa.
  • 30% người không đi nhà thờ: không còn nhớ đến người chết.
  • 1 trong 2 người còn đi nhà thờ: không thăm viếng mồ của người chết nữa.
  • 3 trong 4 người không đi nhà thờ: không còn viếng mồ của người chết.
  • 1 trong 3 người còn tin vào sự sống đời sau.
  • 1 trong 4 người cảm thấy người chết còn hiện diện với mình trong nhà.
  • 1 trong 2 người còn nói chuyện với người chết của mình được.
  • 1 trong 3 người tin là người chết còn thấy và biết bạn làm gì.
  • 1 trong 3 người tin vào thuyết luân hồi.
  • Chỉ có 8% còn tin là có hỏa ngục.
 
Đa số Kitô hữu không biết, không đọc, và không cầu nguyện với Kinh Thánh
Linh Tiến Khải
21:25 03/11/2008
Đa số Kitô hữu không biết, không đọc, và không cầu nguyện với Kinh Thánh

Một số nhận định của Linh Mục Bruno Maggioni, chuyên viên Kinh Thánh về Kinh Thánh như linh hồn của cuộc sống mục vụ

Trong các ngày từ mùng 5 đến 25 tháng 10 vừa qua Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới kỳ thứ XII về Lời Chúa đã diễn ra tại Roma với sự tham dự của 253 nghị phụ đến từ 118 quốc gia. Đặc biệt cũng có đại biểu của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam là Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, Giám Mục Phó Nha Trang và Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Giám Mục Thanh Hóa. Ngoài ra có một người Việt thứ ba là Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, giáo sư Kinh Thánh tại đại chủng viện Nha trang, trợ tá cho Đức Tổng Giám Mục Tổng Thư Ký đặc biệt Monsengwo Pasinya.

Xét về châu lục số nghị phụ đến từ Âu châu đông nhất với 90 vị, tiếp đến là Mỹ châu 62 vị, Phi châu 51 vị, Á châu 41 vị và sau cùng là 9 vị đến từ châu Đại Dương. Các vị tham dự công nghị này với nhiều danh nghĩa khác nhau: 173 vị được bầu ra, 38 vị do chức vụ, 32 vị do Đức Thánh Cha bổ nhiệm và 10 vị là Bề Trên Tổng Quyền đại diện Liên Hiệp các Bề Trên Tổng Quyền.

Xét về cấp bậc của các nghị phụ, vó 8 Thượng Phụ, 52 Hồng Y, 2 Tổng Giám Mục Trưởng, 79 Tổng Giám Mục và 130 Giám Mục. Nghị phụ cao niên nhất là Đức Hồng Y Nasrallah Sfeir, Thượng Phụ Giáo Chủ Công Giáo Maronít Libăng, năm nay 88 tuổi; vị trẻ nhất 39 tuổi là Đức Cha Anton Leichtfried, Giám Mục phụ tá giáo phận Sankt Poelten, bên Áo.

Tham dự khóa họp cũng có 41 Linh Mục chuyên gia đến từ 21 nước và 37 dự thính viên nam nữ đền từ 26 nước. Ngoài ra còn có 10 đại biểu các Giáo Hội và Cộng Đoàn Giáo Hội Kitô anh em, trong đó có các Giáo Hội Chính Thống, Giáo Hội Armeni Tông Truyền, Giáo Hội Anh giáo, Giáo Hội Kitô Hoa Kỳ và Hội Đồng Đại Kết các Giáo Hội Kitô ở Genève.

Cũng có ba vị được Đức Thánh Cha mời đặc biệt là Rabbi Trưởng Cộng Đoàn Do thái ở Haifa Israel Shear Yashyr Cohen, Mục Sư Miller Milloy, Tổng Thư Ký Liên Hiệp các Hội Kinh Thánh và Thầy Alois, tu viện trưởng Cộng Đoàn Đại Kết Taizé bên Pháp.

Phụ giúp công việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục có 32 Linh Mục trợ tá, các thông dịch viên và nhân viên kỹ thuật.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho chương trình Ý ngữ đài Vaticăng, Linh Mục Federico Lombardi, tổng giám đốc đài phát thanh Vaticăng, kiêm giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết cách đây 3 năm Thượng Hội Đồng Giám Mục đã đào sâu về bí tích Thánh Thể, giờ đây lại đào sâu về Lời Chúa là một suối nguồn khác của cuộc sống Giáo Hội. Theo trường học của Công Đồng Chung Vaticăng II mọi Kitô hữu và các cộng đoàn phải biết lắng nghe Lời Chúa trở lại. Còn rất nhiều điều phải làm để phổ biến giữa lòng cộng đoàn dân Chúa việc quen thuộc với Kinh Thánh và dùng Kinh Thánh để cầu nguyện. Lý do là vì Lời Chúa là nền tảng của việc loan báo Kitô cả trong thế giới tân tiến ngày nay và trong việc đối thoại với các tôn giáo khác. Với Thượng Hội Đồng Giám Mục này về ”Lời Chúa trong cuộc sống và sứ mệnh của Giáo Hội”, Giáo Hội chuẩn bị sống thời gian suy tư và cầu nguyện sâu đậm.

Hiện nay sách Kinh Thánh đã được dịch ra 2.454 thứ tiếng khác nhau trên tổng số 6.000 thứ tiếng trên thế giới, và là cuốn sách được in ấn và phổ biến rộng rãi nhất thế giới. Nhưng số người thực sự đọc và cầu nguyện với Kinh Thánh không tương xứng với số ấn bản Kinh Thánh đã phát hành.

Mới đây tổ chức GFK-Eurisko đã làm một cuộc thăm dò ý kiến dưới sự hướng dẫn của nhà xã hội học Luca Diotallevi, bằng cách thực hiện 13.000 cuộc phỏng vấn người lớn tại Hoa Kỳ, Anh quốc, Hòa Lan, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Italia, Ba Lan và Nga, nghĩa là tại các nước có đông dân theo Kitô giáo và có truyền thống Kitô sâu đậm nhất. Các kết qủa cho thấy tại Italia là quốc gia có 88% theo Công Giáo, và 75% có sách Kinh Thánh trong nhà, nhưng trong suốt 12 tháng qua đã chỉ có 27% đọc Kinh Thánh. Tại Hoa Kỳ có 93% Kitô hữu có Kinh Thánh trong nhà và 75% đã đoc Kinh Thánh trong 12 tháng qua. Số người đọc Kinh Thánh trong thời gian này tại Pháp chỉ được 21%, mặc dù 50% có sách Kinh Thánh trong nhà, và tại Tây Ban Nha số người đọc Kinh Thánh chỉ được 20%.

Kết qủa đó là sự hiểu biết về Kinh Thánh của tín hữu Kitô cũng rất hạn hẹp. Khi được hỏi về Kinh Thánh chỉ có 14% tín hữu Italia trả lời một cách đúng đắn, 17% người Hoa Kỳ, 15% người Đức, 11% người Pháp và 8% người Tây Ban Nha, Ba Lan khá hơn với 20%. Do đó không là điều lạ, khi có người trả lời ngớ ngẩn như Chúa Giêsu đã viết ít nhất một cuốn Phúc Âm, thánh Phêrô và thánh Phaolô là tác giả Phúc Âm và ông Môshê không phải là nhân vật của Cựu Ước.

Liên quan tới số người cầu nguyện với Kinh Thánh tại Italia chỉ có 10%, tại Hoa Kỳ được 37% và Tây Ban Nha chỉ có 8%. Tại Hoa Kỳ số người có Kinh Thánh, đọc Kinh Thánh và cầu nguyện với Kinh Thánh cao, vì đa số là các anh chị em Tin Lành có truyến thống đọc Kinh Thánh. Chính sự ”dốt nát” về Kinh Thánh trên đây khiến cho số người ước mong đem Kinh Thánh vào trong chương trình học rất cao: 63% tại Nga, 62% tại Italia, 56% tại Đức và 24% tại Pháp.

Cũng trong ý hướng tìm hiểu tầm hiểu biết của Kitô hữu đối với Kinh Thánh Nguyệt San ”Gia Đình Kitô” cũng đã thực hiện một cuộc thăm dò ý kiến. Kết qủa cuộc thăm đò cho thấy trong 12 tháng qua chỉ có 27% tín hữu Công Giáo Italia là đã đọc một đoạn trong Kinh Thánh; 65% - kể cả 60% các tín hữu thực hành đạo - đã không bao giờ đọc trọn bốn Phúc Âm trong suốt cuộc đời mình; và 15% chỉ đọc một phần của 4 Phúc Âm. Nhưng có lẽ cũng vì thế mà có tới 63% mong muốn chương trình học đường dành nhiều chỗ hơn cho văn hóa tôn giáo và 35% những người không có lòng tin Kitô cũng mong ước như thế.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một vài nhận định của Linh Mục Bruno Maggioni, chuyên viên Kinh Thánh về ”Kinh Thánh như linh hồn của cuộc sống mục vụ”. Cha Maggioni là một trong các chuyên viên Kinh Thánh nổi tiếng nhất tại Italia, và là giáo sư Kinh Thánh tại đại chủng viện Como, cũng như đã từng là giáo sư tại Phân Khoa Thần Học Bắc Italia.

Hỏi: Thưa cha Maggioni, như là chuyên viên Kinh Thánh và mục tử cha mong đợi gì nơi Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Chúa?

Đáp: Tôi ước mong công việc của các nghị phụ và của Đức Thánh Cha làm cho chúng ta ngày càng nếm hưởng Lời Chúa như là suối nguồn, từ đó phát xuất ra các lựa chọn mục vụ hữu hiệu. Đây đã là viễn tượng mà Hiến Chế về Lời Chúa Dei Verbum đã chỉ định một cách rõ ràng, nhưng chưa được thực hiện một cách tràn đầy trong các cộng đoàn Giáo Hội. Vì thế Thượng Hội Đồng Giám Mục này đến đúng lúc. Ngoài ra Năm Thánh Phaolô cũng là một thúc đẩy mạnh việc áp dụng Lời Chúa vào trong cuộc sống mục vụ của Giáo Hội.

Hỏi: Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Chúa diễn ra 40 năm sau khi kết thúc Công Đồng Chung Vaticăng II. Chúng ta có thể làm một bảng tổng kết thời gian này, từ một quan điểm Kinh Thánh hay không thưa cha?

Đáp: So sánh với thời tiền Công Đồng, chắc chắn là tình hình có tiến triển nhiều hơn. Trong các thập niên qua Kinh Thánh đã đến trong tay tín hữu. Giờ đây cần phải bổ túc công việc làm sao để cho Lời Chúa càng ngày càng linh hứng cho việc rao giảng, dậy giáo lý và công tác mục vụ.

Hỏi: Làm thế nào để cho công việc của Thượng Hồi Đồng Giám Mục được tuôn chảy vào trong cuộc sống của các cộng đoàn giáo xứ và giáo phận thưa cha?

Đáp: Trước hết cần phải tránh nguy cơ ngầm không phải chỉ của Thượng Hội Đồng Giám Mục này về Lời Chúa, mà đối với tất cả mọi Thượng Hội Đồng Giám Mục: đó là coi chúng như là một cuộc hội họp của các chuyên viên chung quanh Đức Thánh Cha, và như thế trong một cách nào đó không chú ý tới chúng vì tưởng chúng không liên hệ gì tới chúng ta. Trái lại các Thượng Hội Đồng Giám Mục liên quan tới từng thành phần Giáo Hội.

(Avvenire 5-10-2008)
 
Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ cầu cho các HY và GM qua đời
LM Trần Đức Anh, OP
21:26 03/11/2008
VATICAN -. Sáng 3-11-2008, ĐTC Biển Đức 16 đã chủ sự thánh lễ cầu nguyện cho 10 HY và 103 GM qua đời trong toàn thể Giáo Hội trong vòng 12 tháng qua.

Đồng tế với ĐTC tại Đền thờ Thánh Phêrô, có gần 40 HY thuộc các cơ quan trung ương Tòa Thánh và các vị về hưu tại Roma, trước sự hiện diện của các GM, lối 1 ngàn tín hữu, cùng với nhiều vị thuộc ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh.

Trong bài giảng, ĐTC đặc biệt nhắc đến tên 10 vị HY đã qua đời trong thời gian qua, đặc biệt là ĐHY Bernardin Gantin, người Bénin, cố niên trưởng Hồng y đoàn, ĐHY Alfonso Lopez Trujillo, người Colombia cố Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về gia đình.

ĐTC cũng dựa vào các bài đọc Sách Thánh để làm nổi bật khía cạnh tích cực của sự chết dưới ánh sáng sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Ngài nói: ”Nếu Chúa gọi một người công chính về với ngài trước thời gian, vì Chúa có một ý định ưu tuyển đối với người ấy mà chúng ta không biết. Sự chết sớm của một người thân yêu của chúng ta trở thành một lời mời gọi chúng ta đừng trì trệ, sống một cách tầm thường, nhưng hãy cố gắng mau lẹ hết sức hướng về cuộc sống sung mãn”.

ĐTC nêu bật sự tương phản giữa quan niệm trần thế với sự khôn ngoan của Thiên Chúa. ”Thế gian thường coi những người sống lâu là được may mắn, nhưng Thiên Chúa nhìn đến tâm hồn ngay thẳng hơn là tuổi tác. Thế gian đề cao những người thông thái khôn ngoan, trong khi Thiên Chúa dành ưu tiên cho những người 'bé mọn'.

ĐTC nói thêm rằng: ”Trong thực tế, sự sống chân thật, sự sống đời đời đã bắt đầu ngay từ trần thế này, dù vẫn còn phải sống giữa những bấp bênh của những biến cố lịch sử; sự sống đời đời bắt đầu theo mức độ chúng ta cởi mở đối với mầu nhiệm Thiên Chúa và chúng ta đón nhận Ngài vào tâm hồn chúng ta. Ngài là Thiên Chúa, Chúa tể sử sống, trong trong Chúa, ”chúng ta sinh sống, cử động và hiện hữu” như thánh Phaolô đã nói tại diễn trường thành Athènes bên Hy Lạp (Cv 17,28).

Vẫn theo lời ĐTC, ”trong viễn tượng sự khôn ngoan của Tin Mừng, chính sự chết trở thành yếu tố mang lại một giáo huấn lành mạnh, vì nó bó buộc con người phải nhìn thẳng vào thực tại; thúc đẩy chúng ta nhìn nhận sự hư nát cũ kỹ của những gì có vẻ là cao cả và mạnh mẽ trước mắt thế gian. Đứng trước sự chết, mọi lý lẽ thúc đẩy con người kiêu hãnh chẳng còn đáng quan tâm nữa và trái lại, chỉ có những gì thực sự có giá trị mới nổi bật lên”. (SD 3-11-2008)
 
Đức Thánh Cha nói các Thánh giống như những bông hoa trong Vườn của Thiên Chúa
Bùi Hữu Thư
22:14 03/11/2008

Đức Thánh Cha nói các Thánh giống như những bông hoa trong Vườn của Thiên Chúa.



VATICAN CITY, ngày 3 tháng 11, 2008
(Zenit.org).-ĐTC Benedict XVI nói các thánh thông công giống như một vườn bách thảo – với bao nhiêu cá tính và đặc sủng khác nhau, nhưng tất cả đều được in dấu của Đấng Tạo Hóa.

ĐTC khẳng định điều này ngày Thứ Bẩy vừa qua khi ngài cầu nguyện kinh Truyền Tin buổi trưa cúng các tín hữu tập trung tại quảng trường Thánh Phêrô nhân dịp Lễ Các Thánh.

Ngài nói, "Khi một người đến thăm một vườn bách thảo, người này sẽ bị hấp dẫn bởi biết bao nhiêu loài cây và loài hoa, và tức thì phải nghĩ đến Đáng Sáng Tạo đã làm cho trái đất trở nên một khu vườn tuyệt đẹp. Cùng một cảm nghĩ bao trùm trên chúng ta khi chúng ta nhìn ngắm khung cảnh của sự lành thánh: Thế giới dường như cũng là một khu vườn nơi Thánh Thần Chúa kêu mời muôn ngàn vị thánh nam và nữ, thuộc đủ lứa tuổi và tình trạng xã hội, đủ mọi ngôn ngữ, dân nước và văn hóa.

"Mỗi vị hoàn toàn khác biệt, với đặc tính duy nhất của một con người, và thuộc về một đặc sủng thiêng liêng riêng biệt. Tuy nhiên, tất cả các thánh đều có ‘dấu ấn’ của Chúa Giêsu, nghĩa là dấu ấn của tình yêu, được biểu hiệu qua đường thập giá."

ĐTC nói rằng mục tiêu của sự thánh thiện mà “tất cả mọi tín hữu đã rửa tội được mời gọi theo đuổi” chỉ có thể đạt tới khi đi theo con đường Tám Mối Phúc Thật.

Ngài nói, "Thật vậy, trong những năm đầu đời, [các thánh] đã nghèo hèn về tinh thần, buồn khổ vì tội lỗi, bần hàn, đói khát sự công chính, có lòng xót thương, có tâm hồn trong sạch, là kẻ kiến tạo hòa bình, và bị áp chế vì công lý. Và Chúa đã cho họ tham dự vào chính nguồn hạnh phúc của Người: Họ được nếm trước hạnh phúc ấy trong thế gian này, và trong thế giới bên kia, họ lại được vui hưởng tràn đầy. Bây giờ họ được an ủi, được thừa kế trái đất, được toại trí thỏa lòng, được tha thứ, được thấy Thiên Chúa. Tóm lại, ‘nước của họ là Vương Quốc Thiên Đàng.'"

ĐTC đề nghị là việc mừng kính các thánh nung đốt lại “sự hấp dẫn của Thiên Đàng."

Ngài nói, "Điều này thúc đẩy chúng ta mau bước trên cuộc hành hương trần thế này. Chúng ta có cảm tưởng như ước muốn được kết hợp mãi mãi với cộng đồng các thánh bừng cháy lên trong tim chúng ta, và ngay bây giờ chúng ta đã có ân sủng để trực thuộc vào cộng đồng này."

ĐTC Benedict XVI kết luận, "Chớ gì khát vọng đẹp đẽ này bừng cháy trong lòng mọi tín hữu và giúp họ vượt thắng mọi trở ngại, mọi nỗi lo sợ, mọi gian khổ trong đời. Các bạn thân mến, chúng ta hãy cùng nhau đặt tay vào bàn tay mẫu tử của Đức Mẹ, Nữ Vương các Thánh, để Mẹ hướng dẫn chúng ta về quê trời, cùng với các thánh của mọi quốc gia, dân tộc và ngôn ngữ. '"
 
Top Stories
Brother Jay Too, SVD and Candlelight Vigil
Populus Dei Magazine in Australia
06:36 03/11/2008
Populus Dei Magazine Interview

Melbourne’s Federation Square on the night of Friday, 10 October 2008 became even more crowded than usual when more than 2,000 Vietnamese Catholics showed up to express solidarity with the Archdiocese of Hanoi and the Vietnamese Catholic Church, which is facing persecution at the hand of the Vietnamese government. Besides Bishop Hilton Deakin, Auxiliary Bishop for the Eastern Region of Melbourne, Mr. Luke Donnellan, representative of the Premier of Victoria, Mr. Hong Lim MP of the Lower House, member for Clayton, we noticed the presence of many other non-Vietnamese people at the Candlelight Vigil organized by the Magazine Populus Dei. One of these supporters is Bro. Jay Too, a member of the Divine Word Missionaries, who attended the Vigil from the beginning until the end. We now invite you to join us for a special interview with Bro Jay, SVD.

Bro Jay Too, SVD
Populus Dei: Hello, we notice that you are not Vietnamese, but thank you for being here with us throughout the Candlelight Vigil, please introduce yourself to the reader.

Br. Jay, SVD: Yes, I am a friend of Vietnamese people. Tonight, in a solemn and prayerful atmosphere I see everybody as my brothers and my sisters in Christ. When I received a burning candle from an old man in front of me, I felt the Holy Spirit coming to me. And when I turned to a young girl who sat beside me, I felt the burning flame of the same Spirit passing on to her, and from her to other people around, creating a river of light which enlightened the whole place. We all were enlightened by and inspired by the same Spirit. It’s a wonderful experience tonight.

I am an SVD brother coming from Indonesia. I have lived here in Australia for over ten years now. I first studied here in Melbourne before going to Thailand and West Africa to work with refugees and internally displaced persons. I just returned from my mission work in Liberia, West Africa. Presently I live and work in Sydney. This weekend I am in town because I am invited by SVD Box Hill to give a recollection on eco-spirituality.

Populus Dei: What do you know about the conflict that happened recently between the Vietnamese Catholics and the Vietnamese Communist government in Hanoi?

Br. Jay, SVD: It has been on the news for a couple of weeks. Some of my friends also forwarded emails to me about what was happening in Hanoi. Our brothers and sisters in Hanoi and in Vietnam in general have been going through a very difficult time. I cannot imagine that in this century, a state using her power to violate and to destroy people’s sacred place. To destroy a church or a church compound is to destroy people’s sacred place. It is a violation of the very basic human rights. People need a sacred place where they can pray, can nurture their spirituality and feel closer to their God, a source of strength and hope in their lives. If you destroy their place of worship, you want destroy their religion, their belief and their spirituality.

One of the biggest crisis we are facing in this century is that people have lost the sense of sacredness. People have disregarded the place of worship.

I keep praying for our brothers and sisters in Vietnam to remain strong in this very difficult time. We shall overcome one day. You are not alone. There are millions of people praying for you. The history of Christianity is full of struggle, being persecuted from time to time. But the amazing thing is that we become stronger and stronger in times of persecution. We cannot be defeated by any secular groups or institutions or states.

Populus Dei: How did you know about the Candlelight Vigil tonight?

Br. Jay, SVD: Oh, just by chance. This afternoon when I arrived from Sydney, Father Michael Quang Nguyen, SVD picked me up from the airport. He told me about the vigil and I told him that I would come. I wanted to express my support to Vietnamese Catholics here in Melbourne who also feel the same pain as their brothers and sisters in Hanoi. I believe in the power of prayers. When we are all united in prayers, like what we are doing tonight, I believe that God is here with us and He will answer our prayers.

Populus Dei: What are your thoughts or feelings about the Candlelight Vigil? Now the Vigil is over, what is your biggest impression about the Vigil?

Br. Jay, SVD: Very well organized. The talks were inspiring. The light of the candles, the procession of the Word of God and Mother Mary were the highlights. Those symbols are very powerful. I really feel that God and mother Mary are with us here tonight. And I believe that God and Mother Mary are with our sisters and brothers in Hanoi.

Populus Dei: If people ask you to describe the Candlelight Vigil in one single sentence, what would you tell them?

Br. Jay, SVD: The atmosphere of the vigil transforms us and it makes us united in common purpose and hope.

Populus Dei: You said you worked for the refugees in Liberia, you know many of the Vietnamese in Australia who came to this land also went through refugee camps in Thailand, Malaysia, and your country Indonesia too. Please share with us the work that you did for the refugees in Liberia.

Br. Jay, SVD: I ran education programs in refugee camps. I realize that education is very important for people in the refugee camps, particularly for children. A refugee camp is usually a very poor place to live with thousands of people trying to survive. Nobody would like to live in a refugee camp or becoming a refugee. It is not a normal place to live. Through education programs, I tried to transform the camp into a kind of normal place to live. I tried to make sure that the camp became a place for children to learn, to get education and a place for adults to learn some basic skills such as tailoring, carpentry, masonry, agriculture, adult literacy, etc. I tried to make sure that while they were in the camps they could learn something useful for their future lives. The kids need to go through a normal schooling. The adults can learn some skills so when they return to their villages they can use that skills to rebuild their new lives.

I also ran a program to help traumatized people, particularly youth. Liberia suffered a long-bitter civil war. Nearly 90 percents of infrastructures were destroyed. Hundreds of thousands of people became displaced. There were thousands killed or injured. People were traumatized. Every day I faced with this traumatized people, particularly the young people. Through education, we tried to help them in dealing with their situation.

The most important thing for me was my presence amongst them. I was there to be with them or to accompany them. It is our call to be with and to journey with them in their difficult time. I hope that with my presence they felt that they were not alone. There were people who cared about them. They have become my friends and they have received me as their friend. When I finished my contract to work in the camp last year, I found it difficult to say good bye to them. I miss them dearly. I keep praying for them for a better life and a better future.

Populus Dei: You said you came from Sydney to Melbourne to give a Recollection Weekend on Eco-Spirituality to the SVDs in Dorish Maru College, Box Hill. We know Buddhist spirituality, or St. Ignatius spirituality, or for sure Christian spirituality, but not Eco-Spirituality, please share with us what is the so called Eco-Spirituality?

Br. Jay, SVD: Eco-spirituality or the spirituality of ecology is basically how we see our planet or our ecology through our Christian perspective. It is about how we relate to our ecology. We, Christians, do not see our planet merely as an object to be exploited in order to satisfy our needs and our wants. We tend to see our planet and its richness as an integral part of God’s creation. Our planet is a living thing and our lives depend on this planet. If we do not take care of our planet and our ecology then we are not going to survive.

When we talk about eco-spirituality we talk about the sacredness of our nature and the connectedness with our nature. We need to learn how to experience the sacred in God’s creation. We also need to discover the beauty and mystery in creation.

Populus Dei: Thanks Bro. Jay for being here tonight with the Vietnamese Catholics. We appreciate your presence with us. Before we end the interview, do you have something else that you would like to share with the reader?

Br. Jay, SVD: I am grateful to God for being able to be with my Vietnamese brothers and sisters during the Candlelight vigil. I felt a strong presence of God throughout the vigil. I pray that the Holy Spirit will strengthen the faith of our sisters and brothers in Hanoi and they will remain strong in this difficult time. I also pray for the change of hearts and minds of the Communist government in Vietnam, so they will honour the church’s rights to its properties and people’s rights to express their faith and spirituality. Thank you.

Populus Dei: Bro. Jay, thanks again. Your presence among the Vietnamese Catholics tonight shows tremendous support. We wish you many blessings and successes with your office of Justice, Peace and Integrity of Creation Coordinator for the SVD. God bless.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ cầu nguyện cho các Linh hồn tại Tây Úc
Lê Minh
06:44 03/11/2008
Thánh lễ cầu nguyện cho các Linh hồn đã qua đời tại Nghĩa Trang Pinnaroo Perth - West Australia.

Khởi hành tháng 11 đặc biệt cầu nguyện cho các Tìn Hữu đã qua đời cũng gọi là mùa báo hiếu, mùa trả lại ân sâu nghĩa nặng, cũng như tình yêu mến đối với các bậc tiền bối.

Cùng đồng hành với Giáo Hội Hòan Vũ đặc biệt để lưu truyền cho thế hệ trẻ Hải ngoại những truyền thống cao quý của Giáo Hội Mẹ Việt Nam tại quê nhà trong những ngày này như tham dự Thánh Lễ, viếng Nhà Thờ, Nghĩa Trang, kinh nguyện và hy sinh, cũng như quyết tâm sống xứng đáng với những di sản và công đức các vị đã để lại; cùng nhau xây dựng đời sống thánh hảo hơn, tài bồi sản nghiệp Đức Tin Công Giáo của tình yêu gia tộc, cộng đòan, giáo xứ… ngày thêm vững mạnh, thắm thiết, tình yêu tha nhân ngày thêm mặn mà, đem cho nhau niềm hy vọng và tin yêu vào cuộc sống hơn.

Cộng Đòan Công Giáo Việt Nam Tây Úc đã tổ chức một Thánh Lễ đặc biệt cầu cho Các Linh Hồn, lúc 10 giờ sáng, ngày 02/11/2008 tại Nghĩa Trang Pinnaroo Valley Memorial Park – Whitfords ave – Padbury. Chủ Tế Linh Mục Phụ Tá Nguyễn Kim Sơn.

Từ 7 giờ sáng các Bác các Anh trong Ban Tổ chức đã đến Trung Tâm rất sớm để sữa sọan các vật dụng cần thiết như các Đồ Thánh, âm thanh, bàn ghế, hoa, đi thuê máy điện…. Đến khỏang 8.30 sáng các anh lo vận chuyển đem xe đến và chuyên chở các đồ đạc lên địa điểm hành lễ. Khỏang 9.15 sáng từng đòan xe giáo dân đi dâng lễ lần lượt kéo đến ẩn hịện qua các bụi cây cành lá trong rất đẹp mắt và vui nhộn hòa lẫn với tiếng nhạc Requiem từ các loa phóng thanh làm tăng thêm bầu khí thật linh thiêng gợi lên tình thắm thiết nối giữa kẻ sống và kẻ chết làm tôi liên tưởng đến kinh tiền tụng cầu cho kẻ qua đời “ …Lạy Chúa, đối với các Tín Hữu Chúa, sự sống thay đổi chớ không mất đi…. “.

Từ đàng xa Vợ chồng Anh Ca Trưởng Thánh Linh ỳ hạch kéo theo một thùng đựng các bài hát cũng hồ hởi đến sớm để sắp xếp chổ ngồi cho các Ca viên. Giáo dân như đã được thông báo, người mang ghế xếp, kẻ cầm bạt trải xuống sân cỏ chung quanh lễ đài. Đứng từ xa nhìn vào địa điểm trước khi hành lễ những hình ảnh tay trong tay, vai sánh vai, mỗi người mỗi việc, chẳng mấy chốc địa điểm hành lễ trở thành hoàng tráng sẳn sàng cho Thánh Lễ khai mạc. Đúng 9.50am Kinh các Thánh Tử Đạo được vang lên

Lời dẫn lễ Anh - Việt giúp Cộng Đòan lắng động tâm hồn. Đúng 10.00am Thánh Lễ cầu cho các Tín Hữu đã qua đời bắt đầu.

Ban Tổ chức cho biết số người tham dự Thánh Lễ sáng nay ước tính có khỏang 500 người trong tâm tình rất sốt sắng, trong đó cũng thấy có một số người Úc đi viếng mộ thân nhân bạn bè vào sáng sớm cũng đến hiệp thông. Đây là lần đầu tiên Cộng Đòan tổ chức tại Nghĩa Trang này, nên Ban tổ chức đã chuẩn bị rất chu đáo từ các nghi thức trong Phụng vụ, trang trí, đọc sách, dâng của lễ, dâng hương đến các em giúp lễ ( Giới trẻ ) tất cả được diễn ra một cách rất nghiêm túc, hài hòa và trang trọng.

Xa xa các anh trong Ban Trật Tự với sự góp tay của Giới Trẻ trong chiếc áo màu sáng rực vẫn chạy ngược xuôi để lo trật tự xe cộ và an ninh cho Giáo Dân cũng như nhựng người đi viếng mộ. Điểm đáng lưu ý không thể bỏ qua trong Thánh lễ hôm nay đó là tiếng hát đặc sắc của các Ca Viên cùng các tay đàn keyboards, guiltars điêu luyện trong Ca đòan Thánh Linh với giàn âm thanh chuyên nghiệp ( chạy bằng máy điện) đã đưa muôn lòng nên một trong lời kinh và tiếng hát.

Trong bài gỉảng Linh mục Chủ Tế Nguyễn Kim Sơn đã nói lên ý nghĩa của ngày lễ cầu cho Các Đẳng và chia sẻ một vài tâm tình mà Ngài đã cảm nghiệm được khi còn niên thiếu tại quê nhà nhân ngày lễ cầu hồn hôm nay.

Được biết hai cuối tuần trước khi tổ chức Thánh lễ hôm nay, sau khi được biết văn phòng điều hành Nghĩa Trang niềm nở chấp thuận cho việc tổ chức Thánh Lễ cầu nguyện cho những người đã khuất. Linh mục PhụTá, anh Trưởng ban, anh đặc trách Âm Thanh và Bác lo đồ Phụng Vụ đã đến tham sát hiện trường để xác định phương hướng và vị trí hành lễ cũng như các bãi đậu xe thụận tiện và an tòan cho Giáo dân.

Nghĩa Trang Pinnaro, Tây Úc, nằm về phía Tây Bắc Trung Tâm Công Giáo Vịệt Nam, hướng Bắc thành phố Perth, nằm gần trục lộ giao thông Mitchell free way, mất khỏang 15 phút chạy xe, nơi có số đông người Việt được chôn cất; một Nghĩa Trang nổi tiếng ở Úc Châu và có tầm vóc Quốc Tế về lối thiết kế và chôn cất xen lẩn vào những cảnh vật thật tự nhiên nhưng đầy sáng tạo như những con suối chảy quanh những lùm cây hoa cỏ dại, có hồ phun nước cao đến 5m-10m, ở giữa có những hòn non bộ được nối bằng những cây cầu thon thon nhiều nhịp nối với đất liền, thỉnh thỏang có những chiếc ghế dài nằm ẩn mình dưới lùm cây bên cạnh những thân cây cao lớn trông rất trữ tình… Các bia mộ được đặt dưới những làn cỏ xanh mịn màng được chăm bón săn sóc hằng ngày. Thọat mới nhìn khung cảnh trông không khác gì một Kings Park nổi tiếng tại Thủ Phủ Tây Úc. Xa xa có những đàn Kankaroo thi nhau nhảy nhót tung tăng bên cạnh những bó hoa còn tươi xinh muôn sắc nằm trên các ngôi mộ như muốn hòa nhịp với lời ca kinh của Dân Chúa đang hướng về người quá cố.

Địa điểm hành lễ hôm nay ngay cận bờ hồ, Ban tổ chức đặt một bàn thờ bên cạnh một cây Thánh giá thật cao to nổi bật trên nền trời xanh biếc với một giải lụa tím vắt lên hai cánh ngang của cây Thánh Giá bay phất phới nhẹ nhàng theo làn gió trông thật uy nghi, tráng lệ và đầy gợi Tình..

Thiên Chúa như Người Cha từ trên cao hai đôi tay vươn ra như đang muốn ôm trọn các người con ngoan trong vòng tay yêu mến của Ngài

Là một Tín Hữu trong Cộng Đòan Dân Chúa Tây Úc, được tham dự một Thánh Lễ có một không hai từ trước tới nay. Làm sao tôi quên được các hình ảnh yêu quý trong ngày đáng ghi nhớ này ! Nơi mà Tình yêu Thiên Chúa được đong đầy trong Tình anh em cùng một Cha chung trên trời như Lời Chúa luôn kêu mời

“ Lạy Cha xin cho chúng con nên một như cha ở trong Con và Con ở trong Cha “

Mùa Báo Hiếu, Perth 2/11/2008
 
Tin học và việc giảng dậy giáo lý
Gioan Lê Quang Vinh
11:47 03/11/2008
TIN HỌC VÀ VIỆC GIẢNG DẠY GIÁO LÝ

Từ ngày được phát minh vào thập niên 1950 cho đến nay, máy tính đã phát triển với tốc độ chóng mặt, không những về phần cứng, các thiết bị ngoại vi và các chương trình phần mềm ứng dụng, mà còn phát triển không ngừng về phạm vi áp dụng thực tế. Có lẽ giáo dục ở Việt nam là lãnh vực ứng dụng chậm nhất của công nghệ này. Ở các trường phổ thông và đại học tại Việt nam trong những năm gần đây, việc đưa máy tính vào ứng dụng trong giảng dạy được cổ vũ và khích lệ mạnh mẽ. Nhưng dường như đa số giảng viên chưa nhiệt tâm lắm với phương pháp giảng dạy mới mẻ này vì nhiều lý do, hoặc nếu có giảng dạy thì cũng chỉ là dùng chương trình Powerpoint trình chiếu dàn bài của bài giảng như một công cụ thay thế phấn trắng bảng đen, chứ ít có giáo viên tận dụng mọi khía cạnh của tin học, trong đó phải kể đến việc thu thập thông tin và sử dụng các phương tiện đa truyền thông (multimedia) để tối ưu hoá bài giảng của mình. Hơn nữa, việc sử dụng máy tính trong giảng dạy đôi khi lại gây tác dụng ngược khi sinh viên quá nhàm với cách trình bày bài giảng đơn điệu, hay nhận thấy bài giảng hài hước đến vô duyên, như ở một đại học nọ, giảng viên chiếu nhầm phim sex khi giảng dạy một môn được coi là kinh điển ở Việt nam. Vị giảng viên này lúng túng đến vài ba phút và loay hoay mãi mới tắt được cái laptop cứng đầu! Trong bối cảnh ấy, việc giảng dạy giáo lý dường như còn để cho tin học đứng ngoài cửa lớp, và giáo lý viên vẫn chưa nghĩ đến việc làm cho giáo lý hấp dẫn hơn xét về mặt sư phạm, bằng việc tận dụng công cụ rất sáng tạo và đầy tiện ích cũng như phù hợp với đà phát triển chung, là máy tính.

I. TẠI SAO SỬ DỤNG MÁY TÍNH TRONG VIỆC DẠY GIÁO LÝ?

Có hai điều mà các nhà giáo dục phải thừa nhận. Thứ nhất là giới trẻ bây giờ rất thành thạo trong việc sử dụng máy tính (ở đây chưa xét đến việc họ thành thạo mức nào và ở khía cạnh nào). Thứ hai là việc tiếp cận thông tin của lớp trẻ ngày càng nhanh nhạy và đa dạng (chúng tôi cũng chưa xét đến loại thông tin gì và lớp trẻ xử lý thông tin ấy ra sao).

Có thể có những vị linh mục hay các bậc phụ huynh lúng túng trong thao tác máy tính, nhưng đa số lớp trẻ thì không thế. Họ sử dụng máy tính đơn giản như cha anh của họ dùng bút mực và sách in ngày nào. Cài đặt chương trình, thậm chí bẻ khoá các chương trình tải xuống từ Internet là điều mà các bạn trẻ thực hiện dễ dàng y như việc dán một nhãn vở! Hãy nhìn vào các tiệm Internet, các bạn trẻ bước vào và tự tin ngồi trước máy, gõ tới gõ lui nhanh nhẹn, không khác các chuyên gia bao nhiêu! Việc tiếp cận thông tin của người trẻ cũng nhanh không kém. Các nguồn thông tin phong phú từ Internet đổ xuống tài khoản của họ hàng ngày, hàng giờ, từ các nguồn tin đáng tin cậy cho đến đủ loại thông tin không ai kiểm chứng được. Bill Gates, khi nói chuyện với giới trẻ Singapore, đã cho rằng “các bạn thuộc Generation I” nghĩa là thế hệ của Internet, thế hệ của một thế giới phẳng, nơi mọi thông tin có thể tải xuống và hiển hiện trên màn hình phẳng, thể hiện một thế giới thu nhỏ và rất gần nhau.

Một lớp trẻ gần gũi và thông thạo với máy tính đến như thế sẽ thấy không hấp dẫn khi ngồi trong một lớp học “thầy đọc trò chép” kiểu học từ chương. Một lớp trẻ như thế, vốn đã mệt mỏi với những lớp học căng thẳng kéo dài từ sáng đến tối mịt mọi ngày trong tuần, sẽ không hứng thú gì khi đến với các lớp giáo lý ngày Chúa Nhật lại cũng phấn trắng bảng đen, anh chị đọc các em chép, rồi lại dò bài thuộc lòng đến từng dấu chấm phẩy! Và một lớp trẻ như thế sẽ mệt nhoài và thậm chí ngủ gật khi cứ phải nghe hoài và nghe mãi một người đứng nói suốt một hai tiếng đồng hồ. Thành ra, việc đưa máy tính vào làm công cụ giảng dạy giáo lý chắc chắn là một nhu cầu cần phải được đáp ứng càng nhanh càng tốt. Lời Chúa là chủ thể của giáo lý, và Lời Chúa tự bản chất là sự sống (x.Ga.1,4). Lời Chúa là

Lời thơ muôn thuở,
Là nguồn cảm hứng dồi dào
(…)
Lời sao huyền diệu làm sao,
Như sâu tim óc, như vào thịt xương

(LM. Nguyễn Xuân Văn, Sứ Điệp Tình Thương).

Nhưng để Lời chân lý đến với con người, Thiên Chúa Quan Phòng qua dòng lịch sử đã dùng đến những con người và những khí cụ tương thích với văn hoá, với nền văn minh và với tâm lý con người qua từng thời đại cụ thể. Mà khí cụ của ngày hôm nay, trong nền văn hoá toàn cầu này và trong tâm thức của người trẻ hôm nay là gì nếu không phải là máy tính?

1. Lớp học sinh động

Trong môn phương pháp giảng dạy tại các trường sư phạm, giáo cụ trực quan hay học cụ (visual aids) được coi là yếu tố không thể thiếu. Lý do thật đơn giản: lớp học sẽ sinh động hơn và học sinh “cảm” được bài học hơn. Giáo cụ truyền thống là bảng đen phấn trắng, hình ảnh, bản đồ, biểu đồ và các sinh vật. Trong việc giảng dạy giáo lý, từ trước đến nay nhiều giáo xứ có chuẩn bị các giáo cụ như trong lớp học ở các trường bên ngoài, nhưng ở nhiều giáo xứ thì vẫn chỉ là phấn trắng bảng đen, có nơi thiếu cả phấn. Những người có trách nhiệm không thể cho rằng cứ rao giảng Lời Chúa đúng và đủ thì không cần đến trợ cụ nào khác, bởi lẽ Thiên Chúa nhập thể là để con người nhận ra Ngài “hic et nunc”, ở đây và trong hoàn cảnh này với mọi phương tiện và cách thức phù hợp với thời đại. Hãy tưởng tượng một bài giáo lý với máy chiếu, dàn bài trình bày rõ ràng, có minh hoạ bằng hình ảnh, đoạn phim và nhạc, lại có cả hình ảnh của các em học viên trên màn ảnh! Chẳng hạn khi giảng bài “Chúa Thánh Thần”, giáo lý viên có thể cho các em thấy hoạt động của Chúa Thánh Thần trong việc hoàn thiện thế giới bằng những hình ảnh đẹp, đầy tình thương và trách nhiệm của con người thời đại. Giáo lý viên có thể chiếu cả những đoạn phim quay các em học viên đang làm việc tốt ở đâu đó. Hẳn là lớp học sẽ sinh động, vui tươi biết bao nhiêu. Lúc đó, chắc chắn lớp giáo lý, xét về mặt con người và xã hội, cũng giúp lôi kéo các em ra khỏi phòng game và các trang web không phù hợp!

2. Học viên dễ nhớ

Hãy nói với tôi, tôi sẽ nhớ vài ngày. Hãy cho tôi chép, tôi sẽ nhớ vài tuần. Hãy cho tôi xem, tôi sẽ nhớ mãi. Người ta thường nói đại ý như thế để chứng minh tầm quan trọng của hình ảnh và các dụng cụ trực quan trong việc giảng dạy. Theo I.Markey, “Các nghiên cứu cho thấy chúng ta tốn quá nhiều thời gian để lắng nghe, nhưng không nhất thiết nhớ hết mọi điều người ta nói. Sau một thời gian ngắn, những bài giảng 10 phút còn đọng lại được một nửa. Sau 48 giờ, người ta chỉ còn nhớ 10 phần trăm”. Và ông nói thêm: “Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng người ta chấp nhận những thông điệp truyền tải không bằng lới nói dễ dàng hơn là các thông điệp được nói ra: bằng lới 10%, âm giọng 35% và các thái độ 55%”. Ở đây chúng ta chưa xét đến đời sống gương mẫu của giáo lý viên mà chỉ muốn chứng minh rằng nếu chỉ giảng bằng lời nói thôi thì sợ rằng tác dụng sẽ không phải là tối đa. Tuổi giáo lý của các em là lứa tuổi phải nhớ bao nhiêu loại thông tin, từ bài vở trường lớp cho đến thông tin từ báo chương tạp chí, truyền hình và cả trên đường phố mỗi ngày. Dĩ nhiên Lời Chúa sẽ đi vào lòng các em và đi vào cuộc sống các em nhờ ân sủng, nhưng sự cộng tác của giáo lý viên cùng những nỗ lực của giáo lý viên là cần thiết trong chương trình của Thiên Chúa.

3. Đào sâu kiến thức

Khi soạn bài, giáo lý viên cần tham khảo tài liệu để đào sâu bài giảng của mình, dĩ nhiên không phải để trình bày bài giáo lý một cách sâu sắc và đầy đủ vượt quá tầm hiểu biết của các em học viên, nhưng việc đào sâu nhằm củng cố kiến thức giáo lý viên, làm cho họ tự tin và trình bày Lời Chúa chính xác và hữu hiệu hơn. Khi sử dụng máy tính trong việc soạn bài, giáo lý viên có thể tham khảo việc chú giải Lời Chúa từ nhiều nguồn phong phú, trong đó có những trang web rất thiết thực và gần gũi với đời sống dân Chúa.

4. Hỗ trợ hoạt động trong lớp học

Nếu được khai thác hợp lý, việc sử dụng máy tính trong giảng dạy giáo lý ngoài những tiện ích đã đề cập, còn giúp giáo lý viên tổ chức các hoạt động trong lớp thiết thực và giúp các em ghi nhớ bài học nhanh chóng. Các hoạt động với sự trợ giúp của máy tính còn giúp phát triển trí sáng tạo của các em ở tuổi vị thành niên. Các chương trình đố vui, các trò chơi giáo lý và việc chú giải hình ảnh sinh động vừa giúp các em tập trung chú ý vừa giúp các em suy nghĩ độc lập. Đó là chưa kể đến việc kết hợp âm thanh, hình ảnh và chữ viết, làm cho các hoạt động lớp học trực tiếp tác động đến trí tưởng tượng của các em, để các em dễ hình dung ra những chân lý trừu tượng đối với lứa tuổi vốn nhanh nhạy với những gì mang tính trực quan và cụ thể.

II. ĐỄ DỰ ÁN THÀNH HIỆN THỰC

Hiển nhiên những điều trình bày trên đây vẫn chưa thích hợp với nhiều giáo xứ, nhất là ở những giáo phận còn khó khăn về mọi mặt. Nhưng việc trang bị đầy đủ cho hoạt động giáo lý hữu hiệu trong thời đại này phải là điều ưu tiên hàng đầu. Người trẻ trong giáo xứ có thể thiếu thốn nhiều thứ, nhưng việc rao giảng Tin Mừng nhất thiết phải được các đấng bậc dồn hết tâm lực để phát triển ngày một hơn. Muốn thực hiện chương trình tin học hoá việc giảng dạy giáo lý, ít nhất chúng ta phải quan tâm đến những điều căn bản nhất.

1. Giáo xứ cần trang bị hệ thống máy tính thích hợp

Dạy giáo lý bằng máy tính mà không có máy tính là điều viễn vông! Để trang bị cho một phòng học giáo lý với máy tính,thì ít nhất phải có một máy tính, một projector (máy chiếu), một màn chiếu và bộ loa. Đầu tư cho một phòng học như vậy đòi hỏi số tiền không nhỏ. Nhưng thiết nghĩ, có lẽ việc đầu tư một lần cho công trình rao giảng quả không phải là điều phung phí. Việc huy động các nguồn lực cần được thực hiện dần dần. Và nếu dân Chúa sẵn sàng đóng góp cho việc xây dựng đền thờ, thì họ cũng sẽ quảng đại để góp phần xây dựng các đền thờ thiêng liêng là chính con em của họ. Các giáo lý viên là những người đã sẵn sàng góp chút công sức và thì giờ của mình, thì chắc việc tìm cách hỗ trợ cũng không phải là điều hoàn toàn không thể. Tuy nhiên, chắc chắn chúng ta không thể đòi hỏi tất cả các phòng học đều được trang bị ngay tức khắc và hoàn hảo.Việc thiết lập vài phòng học tiêu biểu (tạm gọi là phòng lab giáo lý), để giới thiệu tính năng vượt trội của công nghệ trong công việc rao truyền lời của Đấng là nguồn mạch mọi kiến thức, là cha đẻ của mọi công nghệ là điều chúng ta nên nghĩ đến.

2. Giáo lý viên cần thành thạo một số chương trình máy tính

Có những phòng giáo lý lý tưởng với công nghệ hiện đại sẽ là hoang phí nếu giáo lý viên không biết tận dụng công nghệ, không biết sử dụng máy tính trong giảng dạy. Lúc ấy có lẽ phòng lab giáo lý chỉ dùng để nghe nhạc hoặc chiếu phim! Nếu giáo lý viên được định nghĩa là người trợ giúp các vị mục tử trong chương trinh rao giảng Lời Chúa, thì họ cũng phải là những người biết tìm cách hoàn thiện kiến thức của mình về các khoa học thánh, đồng thời cũng phải biết tự tìm tòi để khám phá và ứng dụng khoa học tự nhiên vào trong việc truyền giảng khoa học thánh. Các lớp đào tạo giáo lý viên cũng nên có chương trình đào tạo cách sử dụng máy tính trong giảng dạy. Việc đào tạo này không chỉ giúp các bạn dùng được chương trình máy tính, mà quan trọng hơn, giúp các bạn biết soạn bài giảng phù hợp, biết cách tìm và đưa vào giảng dạy những hình ảnh và tài liệu tương thích. Nếu các giáo xứ, và cả giáo phận, có một ban chuyên về việc giúp đào tạo “giáo lý viên thời thế giới phẳng”, thì dự án này sẽ phát triển nhanh chóng. Thực tế đang có những giáo lý viên thành thạo các chương trình ứng dụng tin học. Họ sẽ là những người giúp đỡ, hướng dẫn, soạn tài liệu, tìm nguồn hình ảnh đồ hoạ và giúp giải quyết các vấn đề khác trong việc giảng dạy.

III. LỜI KẾT

Các ngôn sứ thời Cựu Ước rao giảng trong nền văn minh nhân loại thời sơ khai với những công cụ rao giảng của thời đại mình. Các Tông đồ thời Chúa Giêsu và sau ngày Chúa Lên Trời đi rao giảng một cách dĩ nhiên khác hoàn toàn với thời Cựu Ước. Nếu các ngôn sứ, các Tông đồ đi rao giảng trong thời đại hôm nay, hẳn các ngài cũng sẽ sử dụng xe cộ, điện thoại và máy móc. Máy tính hoàn toàn không phải là xa xỉ hay hoang phí, bởi lẽ mọi ngành nghề và mọi lãnh vực trong đời sống con người đã và đang ứng dụng nó. Là giáo lý viên, chúng ta không có quyền để cho các em nhìn lớp giáo lý như một nơi trình bày Lời Chúa một cách khô cứng và xa rời đời sống thường nhật của các em. Việc tận dụng khí cụ của thời đại phải được coi là đòi hỏi của Tin Mừng, và đồng thời nó còn chứng tỏ việc Giáo Hội quan tâm đến công cuộc giáo dục thánh một cách năng động và tích cực. Người viết bài này có chút kinh nghiệm áp dụng máy tính trong việc giảng dạy tại trường đại học, xin mạo muội viết lên vài ý nghĩ chân thành của mình như một nỗ lực góp phần vào việc canh tân đường hướng huấn giáo. (Các Cha xứ cần chúng con giúp đỡ về vấn đề này có thể liên lạc trực tiếp qua email johnpvinh@yahoo.com. Chúng con có một nhóm anh em có thể giúp các anh chị giáo lý viên các xứ). Nguyện xin Chúa Thánh Linh là nguồn mạch mọi phát minh và canh tân, chúc phúc cho ước nguyện canh tân cách giảng dạy giáo lý của chúng con bằng những phát minh do chính Người hướng dẫn.
 
Lễ cầu nguyện cho chiến sĩ trận vong và đồng bào đã hy sinh vì lý tưởng tự do tại Montreal Canada
Lam Sơn
12:14 03/11/2008
MONTREAL - Buổi lễ cầu siêu tại Đài Tưởng Niệm Từ Sĩ và Thuyền Nhân Vượt Biên Tử Nạn được tổ chức dưới sự chủ tế của Linh mục Đinh Thanh Sơn vào lúc 13 giờ ngày 2 tháng 11 năm 2008 và chấm dứt vào lúc 14 giờ 00 cùng ngày. Tưởng cũng nên nhắc lại, tượng đài được khánh thành vào ngày 21 tháng 06 năm 2008 vừa qua tại Montreal. Được biết ngoài đại diện của một số hội đoàn, buổi lễ đã quy tụ khoảng 200 đồng hương.

 
Thánh Lễ tưởng niệm nhà chí sĩ Ngô Đình Diệm tại Rottenburg-Stuttgart (Đức quốc)
Rosa & LhThanh tóm lược
12:21 03/11/2008
STUTTGART - Ngày thứ bảy 1-11-2008 vừa qua, lúc 15 giờ tại nhà thờ St. Andreas, thành phố Reutlingen, miền Nam Đức nước Đức, khối tinh thần Ngô Đình Diệm tại Đức Quốc đã cùng với cộng đoàn Reutlingen thuộc giáo phận Rottenburg-Stuttgart tổ chức Thánh Lễ tưởng niệm nhà chí sĩ Ngô Đình Diệm, một người quốc gia yêu nước và cũng là vị tổng thống tiên khởi sáng lập ra nền Đệ Nhất Cộng Hoà đã hy sinh phục vụ cho lý tưởng Tự do, đồng thời cũng cầu nguyện cho các chiến sĩ và đồng bào đã vị quốc vong thân, hy sinh vì chính nghĩa quốc gia.

Tuy Đức đã vào Đông nhưng thời tiết hôm nay khá đẹp, có nắng ấm nên số người đến tham dự Thánh Lễ rất đông, gồm đủ mọi thành phần, đặc biệt có sự tham gia của các tôn giáo bạn, trong đó có khá nhiều tín đồ Phật Tử đang sinh sống ở vùng Stuttgart và Reutlingen.

Thánh Lễ hôm nay mục đích mừng kính các Thánh và đặc biệt cùng hợp ý với khối tinh thần Ngô đình Diệm dâng lễ cầu nguyện cho Linh Hồn Gioan Baotixita Ngô đình Diệm, cố Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà và bào đệ của Ngài đã bị giết chết cách nay đúng 45 năm.

Khai mạc Thánh lễ là đoàn rước với Thánh Giá nến cao dẫn đầu, kế đến là đại diện cho 3 thế hệ gồm các cụ, giới trung niên và giới trẻ với 3 cây nhang lớn, ban đại diện cộng đoàn và đại diện khối tinh thần Ngô Đình Diệm, cùng với ban giúp lễ. Linh mục chủ tế Stêphanô Bùi Thượng Lưu là người đầu tiên tiến đến trước bàn thờ cố Tổng thống Ngô Đình Diệm dâng nén hương tưởng nhớ đến công đức và cầu nguyện cho vị Tổng Thống khả kính. Tiếp theo là phần chào mừng các quan khách, đại diện các tôn giáo và các cộng đoàn từ miền bắc, trung Đức đã đến tham dự Thánh Lễ cùng với Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo, cộng đoàn Reutlingen.

Trong phần cuối của Thánh Lễ còn có thêm nghi thức đốt nến hiệp thông với tổng giáo phận Hà Nội và Giáo xứ Thái Hà, và đặc biệt cầu nguyện cho công lý, hòa bình và dân chủ tại Việt Nam.

Lần lượt, đại diện các tôn giáo, ban tổ chức và tham dự viên, mỗi người 1 nén hương lên bàn thờ thắp hương tưởng niệm cố tổng thống.

Nhân dịp này, đại diện khối tinh thần Ngô đình Diệm đã nhắc lại lời của cố Tổng Thống lúc còn sinh thời:

- Khi tôi tiến đồng bào tiến theo tôi
- Khi tôi lùi đồng bào hãy giết tôi
- Khi tôi chết đồng bào hãy noi gương tôi

Và sau cùng, để cho tham dự viên (nếu ai chưa rõ) biết thêm, ông Nguyễn văn Tộ đã giới thiệu sơ lược tiểu sử của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm; ông Vũ kim Quy trình bày cho mọi người rõ hơn về ‘’Đức tính của cố Tổng Thống ‘’; ông Nguyễn văn Năng tóm lược ‘’Lập trường cương quyết bảo vệ quốc gia của chí sĩ Ngô đình Diệm‘’, và cuối cùng ông Trần khắc Lập đã đúc kết, giới thiệu ‘’Thành quả 9 năm của nền Đệ Nhất Cộng Hoà’’ dưới sự lãnh đạo của cố Tổng Thống Ngô đình Diệm.

Trước khi chấm dứt buổi Thánh Lễ, đại diện khối tinh thần Ngô đình Diệm đã lên tiếng chân thành cám ơn linh mục chính xứ Stephanô Bùi Thượng Lưu, ban đại diện cộng đoàn Reutlingen, ca đoàn, các em giúp lễ và những bàn tay, những người đã âm thầm đóng góp để hôm nay có được một Thánh Lễ rất trọng thể.

Cầu mong Thiên Chúa ban bình an cho tất cả mọi người, đặc biệt cho những người có mặt trong Thánh Lễ ngày hôm nay luôn dồi dào sức khoẻ với niềm hy vọng là chúng ta sẽ gặp lại nhau trong tương lai, trong những sinh hoạt tương tự như hôm nay …
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Hà Nội...! Mưa và Lời Kinh Sám Hối!
Nắng Sài Gòn
09:06 03/11/2008
HÀ NỘI..! MƯA VÀ LỜI KINH SÁM HỐI!
(Xin chia sẻ và hiệp thông cùng người dân Hà Nội)

Hà Nội ơi! Nhớ về bao kỷ niệm,
Hồ Gươm ơi! Tình nồng ấm trong tôi.
Xót xa nhìn hạt mưa rơi,
Hồ Tây thương nhớ buông lơi tóc mềm.

Quán cóc ơi ! Gợi bao niềm cảm mến,
Phố cổ thương ! Chầm chậm bước ta về.
Hạt mưa mát dịu đê mê,
Vương đầy vai áo ngô nghê cuộc tình.

Khăn em bay Hồ Tây giăng sắc tím,
Anh đèn vàng phố vắng đếm mưa rơi.
Nụ hôn hờ hững chơi vơi,
Hương tình theo giữa giòng đời tìm duyên.

Mưa Hà Nội ngày xưa lưu luyến,
Mưa hiền hòa như hương tóc em thơm.
Nay Mưa chuyển khúc sầu thương,
Liễu buồn úa rũ dặm trường gian nan.

Mưa tấu khúc nỗi lòng ai oán,
Mưa căm hờn, nỗi khổ dân oan.
Mưa đau, tình nghĩa bẽ bàng,
Mưa sầu trút giận ngỡ ngàng họa tai.

Ai ! Ai ! Ai ! Tạo ra điều ngang trái ?
Ai ! Ai ! Ai ! Tạo nên những bất công ?
Để Mưa nổi trận bão giông,
Đất trời gọi Gió cuồng phong đợi chờ.

Đau lòng Tháp Rùa đang nức nở,
Sông Hồng Hà quặn thắt tái tê.
Lệ mưa đổ khắp sơn khê,
Ngục tù oan trái, dân quê nguyện cầu.

Nỗi nhục nhã, trời thông đất thấu,
Cảnh tham ô, áp bức dân đen.
Hành vi đốn mạt, đê hèn,
Thánh thiêng xúc phạm, thổi kèn tự do.

Thắp ngọn nến hồng bừng lên sáng tỏ,
Tay chắp, gối quỳ, đấm ngực ăn năn.
Cầu Mây hãy ngỏ cùng Trăng,
Xin Mưa bớt giận dịu lành như xưa.
 
Nhờ Truyền thông Nhà nước người ta ý thức hơn: ''Tôn Tôn giáo là cái quyền của con người''
Hương Giang
09:10 03/11/2008
Nhờ Truyền thông Nhà nước tôi ý thức hơn được rằng: "Tôn Tôn giáo là cái quyền của con người"

Kể từ ngày chính quyền thành phố Hà Nội dùng chó nghiệp vụ, công an, dân phòng, dùi cui, hơi cay, roi điện, xe ủi cho san bằng TKS và vùng đất của giáo xứ Thái Hà để làm 2 công viên, và nhất là đêm 20-9 -08 khi Đài Truyền Hình Hà nội đưa tin về TKS và giáo xứ Thái Hà, cắt xén lời phát biểu của Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt để bình luận một cách đầy ác ý để báng bổ và hạ nhục đến giờ người giáo dân vẫn chưa hết nguôi ngoai (biết khi nào mới thôi). Lúc đầu tôi cũng có thái độ như thế, nhưng nay thì khác rồi. Nói được lúc này tôi "thầm cám ơn" các phương tiện thông tin đại chúng và nhất là Đài Truyền Hình Việt Nam, "cám ơn" anh Huy Hoàng không chỉ về nội dung bài bình luận mà còn qua cung cách diễn đạt.

Tại sao tôi lại cám ơn, chúng ta thử đặt câu hỏi nếu thông tin báo chí và đài truyền hình không đưa tin kiểu đó thì tôi thử hỏi quý vị, được mấy người tìm đến bài phát biểu của Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt; được mấy người hiểu được lời phát biểu của của Đức Tổng. Không chỉ người lớn quan tâm, mà các em công giáo ở độ tuổi tiểu học cũng có bài phát biểu của Ngài trong cặp sách của mình. Nhờ vậy, ai ai cũng hiểu được ý chính lời phát biểu của Đức Tổng:"Tôn giáo là quyền chứ không phải là vấn đề xin cho. Nhà nước của dân, do dân, vì dân thì phải lo cái quyền đó cho người dân, chứ không phải là vấn đề xin - cho".

Thế mà, từ trước tới nay tôi cứ nghĩ việc sinh hoạt tôn giáo là do chính quyền ban phát. Vì tôi thấy trong cộng đoàn giáo xứ của tôi hễ có Thánh Lễ gì hơi khác một chút (vd: có thêm tôn nghinh tượng Đức Mẹ xung quanh nhà thờ) là cha xứ phải xin phép; tổ chức lễ quan thầy của một giáo họ, hay lễ chầu lượt tất cả đều phải báo cáo với chính quyền, bằng không sẽ có chuyện. Kể cả cha xứ đi làm lễ ở các giáo họ trong giáo xứ của mình cũng phải xin phép nếu không sẽ có giấy mời, giấy triệu tập... Đó là ở cấp giáo xứ.

Còn cấp giáo phận thì sao? Việc đào tạo giáo sĩ, thuyên chuyển các linh mục trong giáo phận, phong chức linh mục, giám mục, xây dựng nhà trường, nhà phòng, nhà thờ... tất cả đều phải xin phép, nếu không có sự chấp thuận của của chính quyền thì đừng có mà làm. Thậm chí, có nơi linh mục quản xứ xây nhà vệ sinh cũng phải xin phép (Quảng Bình). Chuyện lạ mới xảy ra ở giáo phận tôi, mặc dù khi thành lập xứ, Đức Giám Mục đã có đơn trình bày với chính quyền... và mọi thứ củ hành củ tỏi, giáo dân đã chuẩn bị đâu vào đó, sắp đến ngày Thành lập thì được thông báo của UBDN tỉnh là chưa có quyết định, do đó mọi chuyện phải dừng lại. Giáo dân chán ngán vô cùng, phần thì khách đã mời, hơn nữa mọi thứ đã dọn sẵn rồi làm sao bây giờ... nhưng may Đức Cha của tôi ngài đã kiên vững lập trường, nếu không thì mọi người đều đã phải oa loa oa...

Nhưng từ nay, qua lời phát biểu của Đức Tổng, việc sinh hoạt tôn giáo không còn phụ thuộc vào chính quyền, chẳng cần phải xin phép như trước đây, chẳng cần phải mời mọc nhà ai khi không cần thiết. Vì nói như Đức Tổng: nhà nước thì phải lo quyền đó cho dân. Tìm hiểu sâu hơn thì quyền này Đức Tổng đã trích lại trong bản tuyên ngôn của Liên Hiệp Quốc khi nói về nhân quyền.

Như vậy, không cám ơn thông tin báo chí và Đài Truyền Hình Việt Nam thì cám ơn ai. Ai là người giúp mình hiểu được câu nói của Đức Tổng Kiệt, ai giúp mình hiểu được quyền này là do Liên Hiệp Quốc đề ra mà Đức Tổng đã nói ra thẳng thừng hôm đó.

Các quyền do Liên Hiệp Quốc đề ra, thì các quốc gia đều phải tuân giữ. Nếu quốc gia nào không tuân thủ thì quốc gia đó không được ngồi vào ghế của Liên Hiệp Quốc, không được liên giao, không được viện trợ, thậm chí còn bị cấm vận, để rồi chính quyền cũng như người dân nước đó phải ăn bo-bo, nhổ rau má nấu chung với cám lợn mà ăn cho sướng. Hoan hô, cám ơn thông tin báo chí và Đài Truyền Hình Việt Nam, để từ đây ai cũng hiểu được: "Tôn giáo là cái quyền của con người. Nhà nước vì dân, do dân thì phải lo cái quyền đó cho người dân". Nếu sau này có chuyện gì mà Đức Tổng Kiệt nói ra thì cũng nên đưa tin kiểu đó để người dân được nhờ.

Chưa hết, còn phải cám ơn lần nữa với thông tin báo chí và Đài Truyền Hình Việt Nam về việc cắt xén xuyên tạc lời nói của Đức Tổng. Để chính nhờ việc cắt xén xuyên tạc đầy ác ý này, mà người dân hiểu được thông tin báo chí và Đài Truyền Hình Việt Nam là như thế nào... trắng thì cho là đen, người thì bảo là do khỉ tiến hoá mà thành (nói thì nói vậy, nhưng ai bảo cha mẹ ai đó do khỉ mà thành có nghe được không). Cũng nên kể ra đây cho quý vị nghe câu chuyện mà tôi còn nhớ... Chuyện là thế này: một giáo viên dạy môn sinh vật, buổi học hôm đó, thầy giáo giảng cho học sinh: rắn là một loài bò sát. Có mấy người trong lớp không thích thầy, nên nói ra rằng, hôm nay thầy dạy rằng: rắn là một loài bò... Thế là cả một vùng nhao nhao cả lên. Người có học, có hiểu biết thì nghĩ thầy sẽ không bao giờ dạy như thế; người vô tư thì mặc kệ, kẻ ít học nhưng làm dáng ta đây thì hét ngược lên, đả đảo thầy... Sao ông thầy này lại dạy học sinh như thế. Thậm chí, đòi hạ bệ thầy, và còn tìm đá, kiếm gạch, ném vào nhà thầy. Thông tin kiểu gì vậy mà làm cho người dân nháo nhác cả lên như thế !!! Tôi nghe nói sau vụ việc Đài Truyền Hình đưa tin kiểu thế thì nhiều nơi người ta đã chào và rao bán tivi rồi đó.

Một điều đáng nói ở đây nữa, theo các nguồn thông tin đáng tin cậy thì tôi được biết rất nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước yêu chuộng Công lý và Hoà bình lên án mạnh mẽ về cách đưa tin của báo chí Việt Nam, của Đài Truyền Hình Việt Nam, và cách hành xử của chính quyền Việt Nam, qua vụ TKS, giáo xứ Thái Hà; vụ xét xử nhà báo Việt Chiến...Nếu các bạn muốn đọc, muốn nghe thông tin thì cứ vào những trang Web sau đây: http://dcct.net/ - http://vietcatholic.net/ - http://bbc.co.uk/vietnamese/

Để kết thúc, tôi nhớ lời Chúa Giêsu:"Sự thật sẽ giải thoát các ông". Tôi nghĩ, cuộc đi tìm Công lý và Hoà bình của người công giáo Việt Nam xem ra còn lắm gian truân, nhưng tôi tin rằng với một tinh thần kỉ luật chặt chẽ của Giáo Hội Công Giáo Hoàn Cầu từ trên xuống, với một sự can trường làm chứng cho sự thật, với một đức tin mạnh hơn cái chết của người công giáo, đồng thời với sự trợ giúp của cả những người yêu chuộng Công lý và Hoà bình trong và ngoài nước một ngày gần đây thôi sẽ đem lại cho đất nước Việt Nam một bộ mặt xinh đẹp hơn, giàu có, hạnh phúc, tiến bộ hơn mà vốn đã có nơi truyền thống của người dân Đất Việt.
 
Khi nào Hà Nội mới hết ngập lụt?
BBC
11:30 03/11/2008
Khi nào Hà Nội mới hết ngập lụt?

Hà Nội còn hàng chục khu vực bị ngập, ba ngày sau trận mưa lớn, trong khi quan chức nói rằng ‘chính quyền phản ứng kịp thời, không có chuyện lúng túng’.

Tin cho hay, nhiều điểm úng ngập ở Hà Nội kéo dài hàng trăm mét và sâu tới một mét.

Nhiều hộ kinh doanh vẫn tiếp tục đóng cửa, trong khi giá các mặt hàng thực phẩm tăng.

Ông Phạm Quang Nghị, Bí thư thành ủy Hà Nội cho BBC biết sáng 3/11 rằng trận lụt ở thủ đô đã “đảo lộn sinh hoạt và gây bức xúc cho người dân”.

“Chưa bao giờ Hà Nội gặp phải trận lụt lớn và ảnh hưởng trên diện rộng như thế này. Bản thân tôi đi bằng ôtô là chính, nhưng đôi khi cũng phải di chuyển bằng thuyền để tới các khu vực ngập úng”.

“Tới giờ số người thiệt mạng là 18. Thiệt hại tài sản rất lớn, chắc phải lên tới hàng nghìn tỷ đồng, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp”.

Ba ngày sau khi mưa lớn gây lụt, chính quyền Hà Nội mới cho công bố hàng chục khu vực còn úng ngập tại sáu quận để người dân tránh đi qua.

Về một số ý kiến cho rằng chính quyền phản ứng chưa nhanh chóng, ông Nghị nói: “Tôi nghĩ đấy chỉ là một đánh giá của ai đó thôi”.

“Chính quyền đã xử lý tích cực, kịp thời, không có chuyện chậm chạp hay lúng túng".

'Nhìn lại mình'

Tờ VietNamNet hôm 3/11 đã dẫn lời một số đại biểu quốc hội cho rằng chính quyền Hà Nội “phải tự nhìn lại mình khi để xảy ra ngập lụt, gây thiệt hại nặng nề mấy ngày qua”.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết được trích lời nói: "Cách đây 7-8 năm, thành phố có một dự án cải tạo hệ thống thoát nước được đầu tư rất nhiều tiền. Vậy không hiểu cái dự án hoành tráng kia tiêu tiền vào đâu?”.

Truyền thông trong nước trích lời ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND Hà Nội, cho hay phải mất bốn đến năm ngày nữa mới bơm hết nước ra sông Hồng.

Hiện thủ đô chỉ còn trông vào hoạt động tiêu thoát nước của trạm bơm Yên Sở.

Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị thừa nhận rằng từ trước tới nay “thành phố mới chỉ nghĩ phòng chống ở mức thông thường”.

“Tôi nghĩ sau này cần phải dự liệu cả những tình huống hết sức nghiêm trọng có thể xảy ra”.

Về các dự án thoát nước hàng triệu đôla của Hà Nội, ông Nghị cho rằng hiện “năng lực không tương xứng với yêu cầu xử lý”.

“Cần đầu tư nâng cấp đồng bộ và toàn diện với quy mô lớn hơn nhiều thì mới có thể giải quyết được những tình huống thiên tai nghiêm trọng như năm nay”.

Tới nay, con số thiệt mạng sau gần một tuần lũ lụt ở miền bắc và miền trung Việt Nam là 54 người.

Ý kiến độc giả:

Tuong Tu, Ba Lan: Năm 1998, ở Ba Lan bị lụt rất nặng, ông thủ tướng bấy giờ là Cimosevicz nói rằng, nông dân bị thiệt hại vì không biết mua bảo hiểm - Chỉ thế thôi mà bị dư luận, báo chí đánh cho lên bờ, xuống ruộng. Người ta nói rằng ông ta có thể có lý nhưng giữa lúc nhân dân đang màn trời, chiếu đất, lạnh, đói, khốn khổ, cần đến sự giúp đỡ, động viên của nhà nước, thì thủ tướng không có quyền được nói như vậy. Còn ở VN ta, ông Phạm Quang Nghị lại đổ lỗi cho dân không biết tự lo, chỉ chờ trên xuống! Đúng là chỉ có các quan chức VN mới dám nói ẩu và thiếu trách nhiệm như thế.

Sang: “Thành phố mới chỉ nghĩ phòng chống ở mức thông thường”, đỉnh cao trí tuệ các bác để ở đâu, qua sự việc này mới thấy rõ được các cấp lãnh đạo VN có tầm nhìn ở mức thông thường. Với tầm nhìn hạn hẹp như thế sao quản lý đất nước giàu mạnh đựoc, buồn thay cho đất nước hôm nay có cấp lãnh đạo tầm htường như vậy.

Thang, Hà Nội: Thật đúng như dân gian ta thường nói" Vụng chèo khéo chống" Mưa lớn đã kết thúc được mấy ngày rồi nhưng nhiều địa điểm tại Hà Nội vẫn ngập sâu, hàng chục người thiệt mạng, giá cả hàng tiêu dùng leo thang kỷ lục có những nơi, có những mặt hàng bị tăng giá gần chục lần nhưng chẳng thấy UBND thành phố có phương án nào đề phòng hay phương án nào giải quyết và hỗ trợ những hộ dân nghèo. Hay phải chăng dân Hn đã quá giầu không cần trợ giúp? Vậy mà Ông cũng giám tuyên bố rằng chính quyền phản ứng kịp thời? Trước đây, trận mưa lịch sử năm 1984, chỉ sau khi ngớt mưa một thời gian ngắn là các điểm úng ngập đã được giải quyết. Vậy mà nay, sau khi đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho dự án thoát nước dù rằng lượng mưa trên vẫn chưa vượt mốc lịch sử 1984 vậy mà... Hay phải chăng các Công ty tư vấn như PCI đã làm ăn tắc trách? Liệu triển khai giai đoạn 2 dự án Hà Nội có thành Hà Lội không? Dân chúng tôi đang chờ đợi sự trả lời rõ ràng từ cơ quan chức năng về các phương án nêu trên.

Hưng, Kobe: Tội ngập lụt là Ngọc Hoàng thượng đế không biết HN có hệ thống nước tồi, Ngài cứ tưởng bao nhiêu vốn đầu tư vốn đầu tư hệ thống thoát nước bao năm qua là đúng như kế hoạch và báo cáo. Ngài tính mưa tí cho vui, ai ngờ mưa thì lại “Cháy nhà ra mặt chuột”. Chắc chắn sẽ có mọt buổi họp rút kinh nghiệm làm bài học cho vấn đề này. Còn ông nào nói dân trí VN thấp thì quên đi nhé, 98% dân biết đọc biết viết, cả nước có hơn 16.000 Tiến sỹ, không hề thấp đâu. Người lãnh đạo có đức, có tâm, có tầm chiến thuật - chiến lược, mưu cao kế sâu thì mới làm được đấy, ông chê thì thử lên có lãnh đạo nổi không?

HTD: Thật chán với các phát biểu vu vơ, thiếu trách nhiệm của những ông lớn. Nhưng phải công nhận lỗi hoàn toàn thuộc về người dân, vì dân trí thấp nên đã "đẻ" ra tầng lớp lãnh đạo kém và tất nhiên chúng ta thụ hưởng được cái gì thì ai cũng biết mà... Gieo nhân nào thì gặt quả ấy thôi, đừng vội đổ lỗi cho thiên tai.

Dang HN: Ông Phạm Quang Nghị đúng là bề trên kẻ cả chứ không phải là người của dân. Đến giờ này rồi mà ông vẫn không nhận ra nguyên nhân sâu xa của sự yếu kém về lãnh đạo và thiếu đồng bộ trong quy hoạch?

Nam Viet: Trận lụt tồi tệ khiến công việc kinh doanh của tôi đình trệ, và làm vợ chồng tôi cãi nhau vì bức xức chuyện nước ngập vào nhà. Ai đền bù cho tôi đây? Các ÔNG thành phố lúc nào cũng bảo sẽ cải tạo hệ thống thoát nước, giờ ngập lụt toàn diện thế này mới thấy cam kết hão huyền! Hà 'Lội' ơi...

Tuan Minh, Ha Noi: Sáng nay đọc VNnet, thật không tưởng nổi câu nói của ông Bí thư HaNoi sau 3 ngày Thủ đô lội nước: Dân ta bây giờ ỷ lại vào nhà nước lắm, cứ chờ trên về. Đúng là dân đang mong các ông về cùng lội nước, nhìn cảnh bố mẹ cuống cuồng cõng con về nhà, cảnh các cháu bé mặc đồng phục dắt xe dạp ngập ngang ghi đông, cảnh cháu bé lớp 7 rơi xuống cống mấy chục giờ đồng hồ mới vớt được xác, rồi lại phải nhờ xe cứu hộ mới mang được xác đi. Người dân Hà Nội 1 còn khốn cùng đến vậy, các ông vẫn cho là ỷ lại ư? Sao lại có thái độ ông lớn giữa lúc này? Mấy chục người thiệt mạng rồi? Nguyên nhân chỉ là một trận mưa rào!

(Nguồn: BBC Vietnamese, ngày 3.11.2008)
 
Giáo xứ Vạn Thành tiếp tục thắp nến cầu nguyện cho Hòa bình và Công lý
Phêrô Thành Ngọc
11:40 03/11/2008
VINH: Vào tối thứ bảy, ngày 01/ 11/ 2008, giáo xứ Vạn Thành đã tổ chức buổi thắp nến cầu nguyện trọng thể cho hoà bình và công lý. Đây là lần thứ hai giáo xứ Vạn Thành tổ chức thắp nến cầu nguyện kể từ khi xảy ra vụ việc Thái Hà và Toà Khâm Sứ.

Chúng ta đều biết rằng biến cố Thái Hà và Toà Khâm sứ Hà Nội đã làm dấy lên một làn sóng cầu nguyện mạnh mẽ không chỉ ở tại Việt Nam mà trên khắp toàn thế giới. Riêng Giáo xứ Vạn Thành, mặc dầu chỉ là một xứ đạo nhỏ, lại nằm cách xa trung tâm giáo phận đến cả 100 cây số, nhưng đứng trước lời kêu gọi của Bề trên Giáo hội, họ đã thực sự có những hoạt động thiết thực hiệp thông và cầu nguyện cho hoà bình và công lý thật đáng để chúng ta quan tâm.

Mặc dầu đang trong những ngày mưa lũ, trước lời kêu gọi của Cha xứ và đặc biệt là trước thông tin về 8 người anh em của giáo xứ Thái Hà sắp phải đưa ra "xét xử", giáo dân Vạn Thành đã bày tỏ sự cảm thông rất sâu sắc và họ đã tổ chức buổi thắp nến cầu nguyện trọng thể cho sự cố đặc biệt này.

Đêm nay vì trời mưa nên việc cầu nguyện phải được tổ chức trong nhà thờ. Đúng 6 giờ tối, giáo dân đã kéo đến chật ních cả thánh đường. Ai nấy đều cầm nến sáng trong tay. Những lời phát biểu của cha xứ khai mạc buổi cầu nguyện vang lên thật hùng hồn và cảm động. Ngài nói lên lý do của buổi cầu nguyện như sau: "Tháng Mân côi đã kết thúc, để bày tỏ lòng sùng kính và tri ân của con thảo đối với Mẹ Mân côi; mặt khác trong niềm hiệp thông sâu xa với anh chị em giáo xứ Thái Hà đang phải trải qua những ngày gian nan thử thách, chúng ta hãy hiệp lòng, hiệp ý, sốt sắng khẩn nài Chúa và Mẹ Mân côi đoái thương đến Giáo hội Việt nam, thương đến những ngưới anh em khốn khổ của chúng ta sắp phải đưa ra xét xử, và xin cho hoà bình, công lý sớm được thực hiện trên đất nước Việt nam.. .". Và nhân đây Cha cũng đọc lại thư kêu gọi hiệp thông của HĐGMVN gửi công đồng dân Chúa cho mọi người cùng nghe..

Nhìn đoàn người sốt sắng đứng cầu nguyện, trên tay cầm cây nến sáng rực, trong khi ngoài trời mưa vẫn rơi tầm tã, khiến lòng tôi vô cùng xúc động. Lời Kinh Hoà bình trầm bổng vang lên như bay thấu tận trời cao... Trong khoảnh khắc đặc biệt này tôi bỗng nhớ đến một câu thơ của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Trãi: "Có bão mới hay là cỏ cứng !".

Thật thế, giáo xứ Vạn Thành mặc dầu chỉ là một xứ đạo nhỏ bé, nghèo nàn cả về kinh tế cũng như tri thức. Nhưng qua những ngày vừa rồi, chúng ta mới thực sự thấy được đời sống đức tin của họ vững mạnh như thế nào. Những việc làm của họ trong thời gian vừa qua thật đáng cho chúng ta phải khâm phục!
 
Nỗi buồn mang tên 'lô-cốt''
Anmai, CSsR
12:24 03/11/2008
NỖI BUỒN MANG TÊN “LÔ-CỐT”

Thoạt tiên, ra đường thấy công nhân làm đường, sửa đường gây trở ngại lưu thông thì nhiều người đã cảm thấy khó chịu. Ngày nay, không chỉ làm đường, sửa đường mà người ta đào đường để đặt đủ thứ ống này ống kia xuống dưới đất. Đã một thời đi đâu người ta cũng thấy một cái rãnh bề ngang độ nửa mét, người ta đào đào bới bới và cho xuống đó vài ống nhựa để chứa cáp. Tưởng chừng đó cũng là chuyện gây khó chịu cho người dân nhưng ngày nay hễ bước chân ra đường là đụng phải “lô-cốt”. Những con đường mang tên “Lô-cốt” bây giờ phải nói là nỗi ám ảnh của mọi người, mọi nhà và hầu như cả xã hội khi tham gia giao thông.

Khi phải đối diện với những khó khăn của vấn đề đào đường thì người dân kêu ca. Đã rất nhiều lần người ta cam kết sẽ ngưng đào đường nhưng làm sao mà thực hiện được cái cam kết ấy. Không những là cam kết ngưng đào đường nhưng khi đào được mấy con đường được người ta tái lập như ban đầu khi nó được trải nhựa nóng.

Vấn đề ở đây không phải là đào đường, dựng “Lô-cốt” để xây dựng các công trình phụ, các công trình hạ tầng là xấu. Vấn đề ở đây là những nhà chức trách, những chủ thầu, những đơn vị thi công đã khép lòng mình lại như chiếc “Lô-cốt” vậy.

Thật là buồn cười với những chiếc “Lô-cốt” dựng lên gần như là quanh năm suốt tháng mà trong đó chẳng thi công gì cả hay thi công với tiến độ ì à ì ạch. Những cái “Lô-cốt” quanh con đường kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã làm khổ không biết bao nhiêu người lưu thông qua nó. Chắc có lẽ nỗi khổ ấy cũng chẳng thấm là bao với nỗi khổ của những gia đình ngày đêm phải chung chia khói bụi do “Lô-cốt” cạnh nhà mình gây nên.

Một lần kia, hết sức ngạc nhiên khi Cha giáo dạy môn Tin mừng thánh Matthêu của chúng tôi đến lớp trễ. Hỏi ra thì sự thật là trên đường từ Dòng Đa-minh qua Dòng Chúa Cứu Thế để dạy học thì Ngài phải “vượt Lô-cốt, trèo lên cả hiên nhà người ta” để có thể lớp được (Có nhiều “Lô-cốt” bít cả đường đi, chỉ còn một cách duy nhất là chạy lên cả hiên nhà mới có thể đi được – Đơn cử “Lô-cốt” trên đường Trần Bình Trọng và Điện Biên Phủ). Cha giáo đi qua đi lại nhiều tháng nhiều ngày và hôm ấy Ngài dừng xe lại, nhìn qua cánh cửa của “Lô-cốt” thì thấy anh công nhân đang nằm ngủ trên tấm phản trong cái láng dành cho công nhân ngay trong giờ làm việc. Hoá ra là người ta dựng “Lô-cốt” cho vui chứ chẳng thi công gì cả. Đến lớp, cha giáo kể cho anh em chúng tôi nghe câu chuyện Ngài dựng xe xem “Lô-cốt” anh em chúng tôi cười đau cả ruột vì sự làm ăn lề mề và vô trách nhiệm của những người có trách nhiệm.

Đã tham gia giao thông, ai ai cũng muốn mình đi nhanh về lẹ. Mà cũng đúng thôi, nhất là vào cái thời buổi kinh tế thị trường thì ai ai cũng muốn đi cho mau về cho đúng giờ cả. Nhất là những người đi làm cho công ty nước ngoài, khi họ bị bấm thẻ đúng giờ đúng khắc. Kế đến là phần lớn các em học sinh, đi trễ một chút thì theo quy định của nhà trường các em không được vào lớp. Tội nghiệp cho những ông “Tây” phải tự mình xuống khỏi ta-xi để đi bộ vào sân bay cho kịp giờ chứ không thì ngồi nhìn máy bay cất cánh trong sự nuối tiếc. Sau một hồi chen lấn vào đến sân bay thì bở cả hơi tai vì con đường đến sân bay bị kẹt xe nhuốm đầy khói và bụi.

Đất chật, người đông, mật độ tham gia giao thông bây giờ không còn ở mức báo động đỏ nữa mà nó đã đến mức tê liệt hoàn toàn. Thử ra đường sau một cơn mưa thì sẽ chứng kiến được người và xe chật cứng như nêm.

Đường vốn đã chật nay lại hẹp thêm do mang tên “Lô-cốt”.

Vì khói, vì bụi, vì kẹt xe nên đã gây ra không ít sự bực bội cho con người. Vài ngày thì còn chịu đựng nỗi nhưng khốn nỗi là “chứng bệnh kẹt xe” là chứng bệnh trầm kha của mảnh đất Sài Thành này.

Vì những con đường mang tên “Lô-cốt” mà đã gây nên biết bao nhiêu hậu quả kèm sau đó. Người dân Sài Thành vốn dĩ sống trong hiền hoà, trìu mến nay bỗng dưng trái tính trái nết khi phải dối diện với vấn nạn kẹt xe.

Thiệt hại do những con đường mang tên “Lô-cốt” đã gây tổn hại không biết bao nhiêu về tiền của cho con người và xã hội. Thế nhưng, không chỉ thiệt hại về tiền của mà chúng còn làm tổn hại về tinh thần. Thử hỏi mấy ai trong thành phố này cảm thấy vui vẻ, hứng khởi để dạo mát trên những con đường xưa kia vốn dĩ “có lá me bay” nữa. Ngày nay, hễ bước chân ra đường thì ai ai cũng mang nỗi ám ảnh của sự kẹt xe.

Phải chăng “Lô-cốt” là một trong những nguyên nhân gây bao bực dọc, khó chịu cho nhiều người xưa nay vốn dĩ mang trong mình dòng máu của hiền hoà và dễ mến. Không bực sao được khi mà mọi người cứ tranh nhau vượt lên trước người kia để qua khỏi cái “Lô-cốt” dị hình ngày đêm áng ngữ trước mắt mình.

Thật ra, lỗi không phải là lỗi của những chiếc “Lô-cốt” vô hồn. Phải chăng đó là lỗi của những người dựng “Lô-cốt”, phải chăng đó là lỗi của những người thi công công trình một cách ì à ì ạch.

Thế đấy ! Chỉ vì một chút lợi nhuận, chỉ vì một chút ích kỷ, chỉ vì một chút nhỏ nhen của những người có trách nhiệm đã vô tình hay cố ý dựng nên những “Lô-cốt” trong lòng con người. Ngày nay, thử đi tìm được mấy người chịu khó nhường đường, nhường phần ưu tiên cho anh chị em đồng loại khi phải vất vả di chuyển qua những “Lô-cốt” trên con đường đến trường học, đến nhà thờ, đến sở làm, đến chợ, đến siêu thị, đến bệnh viện ….

Nỗi buồn mang tên “Lô-cốt” ngày nay không còn của riêng ai mà ngày nay nó là nỗi buồn của cả một xã hội, của cả một nền quản lý, của cả một chính sách thi công công trình của đất nước.
 
“Ông Chủ Nhân Dân” thưa chuyện với những “Ngài Nô Bộc” của mình: Bầu Cử: Công cụ giám sát
La Mạnh Dũng
12:33 03/11/2008
Hãy để “Ông Chủ Nhân Dân” thưa chuyện với những “Ngài Nô Bộc” của mình:

Bài 1:: Bầu Cử: Công cụ giám sát

Tại Mỹ, chỉ còn một hai ngày nữa, Ngày 4 tháng 11 sẽ chấm dứt cuộc vận động tranh cử chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ: quyết liệt, hoành tráng, đầy kịch tính suốt 18 tháng của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, McCain với khẩu hiệu “Quốc Gia Trên Hết” và Obama với “Thay Đổi”. Hai đảng và các ứng viên của họ phô diễn lực lượng và tổng lực tung ra tất cả những đường lối chính sách khả thi giải quyết những vấn nạn bức xúc sát sườn, suy thoái kinh tế, thất nghiệp, an sinh xã hội yếu kém, đe dọa khủng bố, thuế má bất hợp lí, năng lượng lệ thuộc, ô nhiễm môi trường, hôn nhân đồng tính, suy giảm uy tín trên chính trường thế giới …

Người dân Mỹ có đầy đủ thông tin, đa dạng đa chiều, những diễn biến xảy ra từng phút được truyền trên các phương tiện truyền thông độc lập. Người dân được trang bị kiến thức, tự do quyết định, và dư thừa điều kiện để sử dụng lá phiếu quyền lực của mình như công cụ chọn cho mình những nô bộc sạch sẽ nhất và đắt ý nhất. Người dân Mỹ có toàn quyền quyết định YES hay NO, nên bất cứ đảng phái nào, thế lực nào áp đặt hoặc mua chuộc bất chính lá phiếu dưới bất cứ hình thức nào đều tự sát. Các ứng viên tổng thống, dân biểu, thượng hạ nghị sỹ, nghị viên, và các quan chức trong hệ thống nhà nước, như những cậu học trò dự thi đại sát hạch bị nhân dân và báo chí, là những giám khảo quay như dế. Mỗi từ, mỗi câu trả lời, mỗi thái độ đều được hệ thống truyên thông báo đài trực tiếp từng giây cho triệu triệu nhân dân Mỹ và toàn thế giới theo dõi. Toàn bộ hệ thống truyền thông báo đài đều sử dụng hết công suất đem từng chi tiết, hành vi nhỏ nhoi nhất của từng ứng cử viên như chuyện hồi nhỏ ăn học làm sao, quay cóp khi thi cử, mua điểm mua bằng như thế nào, có ăn ở có xa hoa phung phí không, có mua nhà mua xe cho bồ nhí không, đến việc thi hành nghĩa vu người công dân có chu toàn không, sử dụng xe công đưa vợ đi “chùa” như thế nào, lợi dụng quyền lực bất chính sa thải người làm việc dưới tay mình hay nhũng nhiễu ăn của đút lót như thế nào, có liên hệ hoặc bạn bè với bọn khủng bố, bọn găng-tơ cướp giật gì không, có lấy tiền của công cho con ăn học ở nước ngoài không, cho đến từng hoạt động, xu hướng, đường lối, thành tích tiêu cực hay tích cực, những trò chơi xấu bẩn thỉu…vv… nhất nhất được soi rọi đến từng ngóc ngách gần suốt 2 năm, người dân biết rõ tư cách tài đức của người mình bầu như biết rất rõ bàn tay của chính mình. Theo dõi diễn tiến bầu cử của họ mới thấy cái quyền làm chủ của người dân Mỹ nó to lớn và tối thưọng như thế nào!

Bà Phạm Chi Lan, Chuyên Viên Kinh Tế Chính Phủ, trong lần trả lời phỏng vấn trước đây, được hỏi về vai trò giám sát của nhân dân trong quản lí nhà nước, đã không dấu diếm rằng luật pháp nhà nước đang rất lúng túng giữa một bên là xây dựng cơ chế giám sát độc lập của nhân dân để lành mạnh hóa cơ quan quyền lực nhà nước và một bên là xây thêm hàng rào luật pháp để cũng cố ngai vị độc tôn quyền lực.

Với thể chế độc đảng chúng ta, tự do bầu cử tuyển cử, tự do ngôn luận, tự do báo chí chính là những công cụ giám sát cần phải có, là yếu tố tất yếu để lành mạnh hóa bộ máy quyền lực, nhưng những hành xử phi dân chủ của những cơ quan quyền lực, và những phát biểu áp đặt của những quan chức cao nhất nước gần đây đã cho thấy cái tiến trình dân chủ hóa xã hội ở Việt Nam chúng ta đang đi thụt lùi, đã cho thấy Đảng và nhà nước ta không còn lúng túng, quyết định nhập thêm nhiều “kẽm gai”. Chính cái động thái ngược ngạo này mới là lộ trình đang dẫn Đảng và nhà nước ta đến tự sát.

Thưa quí ngài lãnh đạo, nếu quí ngài không mạo nhận là nô bộc của nhân dân, thì hãy để nhân dân chúng tôi, là chủ thực sự của quí ngài, thưa chuyện với những nô bộc của mình:

• Thưa ngài ỦVBCT Phạm Thế Duyệt, ngài cho rằng ĐCS có công giành độc lập cho dân tộc, chống xâm lược, toàn bộ đều do ĐCS Việt Nam lãnh đạo, nên ĐCS đương nhiên lãnh đạo đất nước, chẳng cần đa nguyên đa đảng làm gì, chẳng cần bầu bán tuyển cử làm gì, chẳng có ai, có đảng phái nào có đủ tư cách hơn ĐCS để lãnh đạo đất nước ! Thế thì xin ngài cùng với nhân dân chúng tôi xét công và tội sau hơn 70 năm ĐCS lãnh đạo đất nước:

- Cải cách ruộng đất, con tố cha vợ tố chồng, trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ, vụ án Nhân Văn Giai Phẩm vào thập niên 50 đã đưa xã hội miền Bắc xuống đến tận cùng của đau thương, đói khổ và hủy diệt nền tảng luân lí đạo đức.

- Tôn thờ chủ thuyết Cộng Sản tàn độc, tiến hành cuộc chiến tranh ý thức hệ nồi da xáo thịt, hàng triệu người chết, hàng triệu gia đình ly tán tang thương, để lại vết thương hằn sâu trong mỗi người dân Việt, đã là một cái giá quá đắt cho việc thống nhất đất nước sau suốt 3 thập kỷ máu và nước mắt.

- Hèn hạ dâng hiến lãnh thổ, lãnh hải thông qua công hàm công nhận của Thứ Trưởng Ngoại Giao Ung Văn Khiêm 1956, Thủ tướng Phạm Văn Đồng 1958 và hiệp ước nhượng lãnh thổ, lãnh hải của TBT Lê Khả Phiêu, CT Trần Đức Lương 1997-2001 cho người “anh em Trung Cộng”.

- Cải tạo công thương, cải tạo lao động, quản lí kinh tế yếu kém, quản lí nhà nước lạc hậu, tiếp tục đẩy cả dân tộc Việt xuống hạng thấp nhất của tụt hậu, nghèo đói, bất công, tham nhũng hết thuốc chữa, phỉ báng luân lí, đẩy hàng trăm ngàn người dân Việt chết mất xác giữa biển khơi, hàng triệu người dân tha phương nơi đất khách quê người, nhất là quyền làm chủ, quyền làm con người của nhân dân bị tước đoạt.

Thưa ngài Phạm Thế Duyệt, với bấy nhiêu công và tội đó, ĐCS có còn xứng đáng lãnh đạo đất nước nữa không, chắc chắn là không, nếu trong ngài còn chút tự trọng và lương tri. Nhân dân chúng tôi đã có thể từng chọn ĐCS, đảng có khả năng chiến đấu để thống nhất đất nước, và bây gìờ nhân dân chúng tôi cần những đảng phái, những con người có tài kinh bang tế thế để đưa đất nước theo kịp sự tiến bộ của thế giới. Hãy để nhân dân chúng tôi, bằng lá phiếu của mình chọn những nô bộc có đủ đức tài phục vụ dân tộc, đưa đất nước này theo kịp bè bạn năm châu.

• Thưa ngài ỦVBCT Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết, với tư cách người có quyền cao chức trọng, người đứng đầu cả nước (theo nguyên tắc), thì cái gì hoặc áp lực nào có thể ức chế ngài để đến nỗi ngài phải thảng thốt cảnh báo “Dù ai nói ngả nói nghiêng, dù ai có muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp gì đó thì không có chuyện đó. Bỏ cái đó đồng nghĩa với chúng ta tuyên bố chúng ta tự sát, cho nên phải củng cố công tác chính trị tư tưởng, củng cố vai trò của đảng…” Thưa ngài, hiểu theo ngôn từ đầy bức xúc của ngài thì rõ ràng có cái gì đó, thế lực nào đó uy quyền, mạnh mẽ, đông đảo, giàu có hơn hẳn quyền lực của đảng, sức mạnh của ba triệu mốt đảng viên; cũng hiểu như ngài nói thì nếu ĐCS Việt Nam không có lá bùa Điều 4 trong hiến pháp (mặc nhiên để ĐCS lãnh đạo đất nước) thì lập tức ba triệu mốt đảng viên ĐCS Viêt Nam phải đồng loạt treo cổ hoăc uống thuốc rầy tự vẫn hết vì không có đất sống (nếu chọn một trong hai giải pháp, chắc chắn Đảng ta với đầy sáng tạo sẽ chọn giải pháp uống thuốc chuột, tuy có tốn kém, nhưng ít đau đớn và hữu hiệu nhất). Ngài nhìn xa trông rộng nhận biết cái thế lực mạnh hơn đế quốc Pháp, đế quốc Mỹ, các thế lực thù địch ngoại bang, để Đảng ta phải khiếp sợ chính là sức mạnh khát vọng tự do dân chủ của nhân dân. Chỉ có ông chủ nhân dân mới có thẩm quyền đặt để, thay thế, sửa đổi hoặc tước hủy những điều khoản lỗi thời của hiến pháp áp đặt. Chỉ có ông chủ nhân dân mới có quyền bắt nô bộc của mình tuân phục và cũng chỉ có bọn nô bộc phản chủ mới tìm đủ mọi gian mưu quỷ kế để trì hoãn tiến trình dân chủ đó. Thưa ngài, tôi may mắn đã có dịp uống với ngài ly rượu trong những ngày ngài làm lãnh đạo tỉnh Bình Dương, những ngày đó tôi thực sự quí phục ngài, là người dám nghĩ dám làm, và cũng không ít nhân dân Bình Dương nhớ ơn ngài đã mạnh dạn đổi mới trong cung cách làm ăn. Ngài sợ hãi cái khát khao tự do dân chủ của nhân dân, chính là ngài còn gần gũi với nhân dân, ngài thấu rõ sức mạnh của nhân dân nó mãnh liệt như thế nào, ngài hiểu rất rõ đã đến lúc Đảng và nhà nước phải giao lại quyền lực cho chính người chủ chân chính của nó, và tôi tin một cách chắc chắn rằng, ngài sẽ là một trong những nô bộc có đủ dũng khí ủng hộ tiến trình dân chủ hóa.

(Xin xem tiếp bài 2: Báo Chí công cụ sắc bén của ai?)
 
“Ông Chủ Nhân Dân” thưa chuyện với những “Ngài Nô Bộc” của mình: Báo chí, công cụ của Đảng hay của nhân dân?
La Mạnh Dũng
12:36 03/11/2008
Hãy để “Ông Chủ Nhân Dân” thưa chuyện với những “Ngài Nô Bộc” của mình:

Bài 2: Báo chí, công cụ của Đảng hay của nhân dân?

• Thưa ngài ỦVBCT, thường trực Ban Bí Thư Trung Ương Đảng Trương Tấn Sang, trộm nghe ông phát biểu trong buổi đến thăm và làm việc với Hội Nhà Báo Việt Nam sáng 16/6 tại Hà Nội, ông đã nhấn mạnh: "Báo chí cách mạng Việt Nam phải là vũ khí sắc bén của Đảng, là diễn đàn tin cậy của nhân dân", lại nghe một ông Thứ Trưởng Ngoại Giao răn đe nhân vụ hối lộ trong dự án xa lộ Đông Tây: “Việt Nam đã đề nghị phía Nhật Bản trong khi vụ việc đang được điều tra, chưa có kết luận cuối cùng thì các cơ quan truyền thông đại chúng của hai nước đều không nên đưa tin.” Với ngôn từ và cung cách phát biểu này thì rất rõ ràng nó phản ảnh không những tập quán quen thuộc của người phát biểu mà là cái não trạng xơ cứng của Đảng và nhà nước chỉ nhìn truyền thông như công cụ phát ngôn, là vũ khí sắc bén phục vụ cho Đảng, cho các cơ quan, ban nghành đoàn thể trực thuôc, do đó Đảng và nhà nước không cần thiết phải biết cái chức năng đúng nghĩa và vai trò trọng đại của báo chí là gì. Nói theo Ông, thì trọng trách của báo chí và hệ thống truyền thông là lúc nào cũng mài dũa thủ thuật, nghiệp vụ cho sáng bén, sẳn sàng chiến đấu để bảo vệ Đảng, và báo chí là nơi chỉ để cho bọn bồi bút ca tụng Đảng cấm đứa nào nói thẳng nói thực!

Chính quyền và các cơ quan quyền lực tự hiểu và ý thức rằng cái hiểm họa lạm quyền luôn đi song hành với quyền lực, thấy rõ được cái ranh giới mỏng manh mập mờ giữa hai thứ quyền này, mà người đang nắm quyền lực bị che khuất khó nhận biết, chính vì thế cả thể chế quyền lực và nhân dân củng cố kiện toàn luật pháp bảo đảm cho cái cơ chế giám sát của nhân dân, người làm chủ của mình ngồi ở chô cao nhất, dễ dàng quan sát mọi hoạt động của xã hội và mọi vận hành của các cơ quan quyền lực. Người dân, báo chí cùng với đại diện dân cử của mình được hiến pháp và pháp luật bảo vệ tiếp cận và tham gia vào mọi hoạt động của nhà nước giúp nhà nước điều hành hiệu quả và trong sạch hóa bộ máy như một xu hướng tất yếu trong tiến trình dân chủ hóa xã hội thi Đảng và nhà nước Việt Nam ta đang ra sức củng cố bằng nhiều biện pháp áp đặt đi ngược lại tiến trình văn minh đó.

Một thí dụ điển hình còn rất nóng bỏng, là vì muốn bảo vệ Đảng bộ và UBND Hà Nội, báo chí Hà nội với nghiệp vụ đáng hổ thẹn là cắt xén lời nói của Ông Ngô Quang Kiệt để bêu rếu ông Kiệt trên toàn bộ hệ thống truyền thông cả nước. Không may “đồng chí đã bị lộ” lòi ra cho nhân dân đâu đâu cũng thấy sự trí trá, hèn hạ của Đảng bộ, của UBND Hà Nội, và của nguyên hệ thống truyền thông nhà nước. Thưa ngài UVBCT, cái thí dụ kể trên có phải là điển hình mẫu mực cho vai trò truyền thông mà Đảng ta và nhà nước ta mong muốn?

• Thưa ngài ỦVTƯ Bộ Trưởng Bộ Truyền Thông Lê Doãn Hợp, việc đầu tiên, với tư cách cá nhân tôi, rất nể phục ngài ở cái khoản nghệ thuật tự lăng xê mình trên các mạng truyền thông, là chỉ cần vào Google chấm com đánh vài chữ “lề đường bên phải” lập tức có hàng chục trang mạng đăng tên Bộ Trưởng Thông Tin Truyền Thông Lê Doãn Hợp, đáng phục! Chịu khó đọc hết những tuyên bố, những phát biểu của ngài mới thấy tại sao ngài được như vậy, thiên hạ ngày nay hể cứ cái gì lạ, chưa nghe, chưa thấy bao giờ là đổ xô tìm tòi, bàn luận thắc mắc, người bàn thế này người luận thế kia riết rồi thành cái chợ dư luận. Lời phát biểu và cách hành xử của ngài nó lạc điệu, ngộ nghỉnh, tưng tửng, ấu trĩ của người tâm thần và vừa mang giọng điệu ban phát, răn đe của kẻ bề trên, thành thử nó vô cùng xa lạ theo cảm nhận của những con người sống trong xã hội văn minh tự do dân chủ thế kỷ 21. Tôi cũng đã đọc bài “Quản Lí Báo Chí Trong Sự Nghiệp Đổi Mới Đất Nước Hiện Nay” của ngài đăng trên Tạp chí CS số ngày 11/07/2007. Thú thật tôi vô cùng thất vọng, chẳng thấy một lời nào trong đó nói đến vai trò trọng đại đúng nghĩa của truyền thông, của báo chí, là phản ảnh trung thực mọi hoạt đông, sự kiện, ước muốn của đời sống nhân dân, là hướng dẫn dư luận, là cùng với nhân dân giám sát mọi hoạt động của nhà nước, mà chỉ thấy giới hạn ràng buộc và bổn phận phải thực thi của hệ thống truyền thông là phục vụ cho quyền lực của Đảng và nhà nước. Trọng trách của tuyền thông là phục vụ nhân dân, còn cái não trạng cứng ngắt trong đầu của các ngài thì truyền thông là để cũng cố quyền lực đảng cầm quyền. Khác nhau xa lắm! Nói có sách mách có chứng, sau đây 3 sự kiện có thật 100% chứng minh cho ngài thấy là cái “lề đường bên phải” của ngài cũng như cái thảm trạng của hệ thống truyền thông trong chế độ đảng trị của nước ta hiện nay:

- Trước khi Tòa án Nhân Dân Tp Hà Nội xét xử 2 nhà báo và 2 sỹ quan Công An cao cấp Ngày 14/10 và ngày 15/10 thì được lịnh của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng là tòa án phải xử tội danh và án phạt thế này thế kia, và toàn bộ hệ thống truyền thông chỉ được đăng thế kia thế này đúng từng câu chữ. Thưa ngài, đâu là vai trò công minh của Tòa án? Đâu là vai trò phản ảnh trung thực của nhà báo? Hay đó chính là lệ, cái luật để đi đúng “lề bên phải”? Khó tin quá!

- Cũng trong vụ việc trên, ngay sau hôm hai nhà báo Việt Chiến và Văn Hải bị bắt thì ngày 13/5 và 14/5/2008 các nhật báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên và một số tờ báo khác lớn tiếng yêu cầu nhà cầm quyền trả tự do cho hai nhà báo chân chính. Động thái này chắc chắn được một đồng chí “lề đường bên phải” nào đó của Cục Báo Chí gật đầu, nhưng chỉ 2 ngày sau, ngày 15/5, thì không một tờ báo nào và toàn bộ hệ thống truyền thông, dù một chữ, một tiếng, bênh vực hoặc yêu cầu thả hai nhà báo, vậy là sao? Chắc chắn có đồng chí nào đó lắc đầu. Đồng chí đó phải to con bậm trợn hơn đồng chí gật đầu trước đó. Thưa ngài Lê Doãn Hợp, ngài thuộc lề bên phải nào? Có đúng ngài là Đồng Chí “lắc đầu bậm trợn to con” kia không? Nhưng thưa ngài nếu rủi ra có đồng chí khác trong Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng không những to con bậm trợn hơn ngài, còn có thêm mã tấu cầm tay, súng colt 45 lận lưng nữa mà vừa gật vừa lắc thì nhân dân chúng tôi phải làm sao?

Và cuối cùng xin kể hầu ngài câu chuyện rất xưa nhưng cũng rất thật về tự do phát biểu, tự do tư tưởng trong chế độ toàn trị và dĩ nhiên không hề có bóng dáng người chủ Nhân Dân trong đó.

Lý Tư, môn đệ của phái Pháp gia, được Tần Thuỷ Hoàng bổ làm Thượng thư, làm sớ tâu đại khái như sau:

"Từ trước tới nay, thiên hạ sống trong cảnh phân chia, nên tư tưởng bị hỗn loạn... Ngày nay Bệ hạ đã thống nhất sơn hà mà vẫn còn nhiều người ngang nhiên mở trường dạy học, mang ý kiến riêng của mình ra chê bai luật pháp và chính sách của triều đình... Nếu Bệ hạ không mau ngăn cấm thì kỷ cương sẽ sụp đổ từ trên xuống dưới và đảng phái sẽ mọc từ dưới lên trên."

Năm 213 trước Tây lịch, Tần Thuỷ Hoàng nghe theo Lý Tư đốt hết sách vở có phương hại đến đường lối của Tần triều và chôn sống 460 nhà trí thức đối lập. Từ ngày ấy Trung Quốc có một chính phủ duy nhất, một luật pháp duy nhất, nhưng cũng chỉ có một lối nghĩ duy nhất.

Trăm hoa hết đua nở và trăm nhà đều im tiếng!

(Xin xem tiếp bài 3: Sở Đoản Uy Tín, Tham Nhũng Sở Trường và Thói Quen Dao Búa
 
“Ông Chủ Nhân Dân” thưa chuyện với những “Ngài Nô Bộc” của mình: Sở Đoản Uy Tín, Tham Nhũng Sở Trường và Thói Quen Dao Búa
La Mạnh Dũng
12:38 03/11/2008
Hãy để “Ông Chủ Nhân Dân” thưa chuyện với những “Ngài Nô Bộc” của mình:

Bài 3: Sở Đoản Uy Tín, Tham Nhũng Sở Trường và Thói Quen Dao Búa

Thưa ngài UVBCHTUĐ, Chủ tịch UBND Tp Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, nghe đâu trong một diễn tiến chưa bao giờ xảy ra, hôm 15-10 ỦBND Tp Hà Nội mời họp và thông báo với đại diện ngoại giao các nước tại Việt Nam rằng sẽ đề nghị thuyên chuyển Ông Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt ra khỏi Giáo phận Hà Nội, và ông đã giải thích việc thuyên chuyển này là thể theo tâm nguyện chung của người dân, giáo dân thủ đô. Thưa ngài, nghe tin này toàn dân cá độ vỉa hè khu phố Nhà Chung của chúng tôi nháo nhào, ơi ới đặt cược, một ăn mười, một ăn năm mươi, rồi đến một ăn một trăm là nếu Ngài, ông Thảo, chỉ cần mời gọi dụ dỗ cho tiền, thậm chí dọa bỏ tù, khen thưởng huân chương “vì Sự nghiệp của Đảng bộ và UBND Hà Nội”, tăng lương lên chức, 100 giáo dân thực thụ (không đánh tráo, không giả dạng) trong 282,886 giáo dân của Tổng Giáo phận Hà nội, chịu ký vào tâm nguyện thư mong muốn ông Ngô Quang Kiệt thuyên chuyển chổ khác, hoặc ngược lại cũng chỉ cần 100 giáo dân mong muốn ông Nguyễn Thế Thảo tiếp tục làm Chủ Tịch UBND tp Hà Nội thì một ăn một trăm, cá gì cũng cá, cược gì cũng cược, nhưng mãi đến hôm nay chẳng có ma nào dám bắt cược, may ra còn có ngài Chủ Tịch, tiến sĩ kinh tế và lý luận chính trị cao cấp, UV ban chấp hành TƯ Đảng, điếc và liều mạng có thể dám chơi!? Thực ra khi ngài Chủ Tịch sáng tạo ra cái chuyện tâm nguyện của giáo dân và chuyện thuyên chuyển ông Kiệt đi chổ khác thì cả cái khu phố Nhà Chung này từ dân đen như tôi, bác Hứa, Bí Thư Chi Bộ, Tổ Trưởng tổ dân phố cho đến Bí thư Hảo, Chủ tịch phường Huyền ở đây, và dư luận cả nước biết tỏng tòng tong là ngài Chủ Tịch đang thực sự sợ, ăn ngủ không yên. Bà Tươi, thương binh, Hội Phó Hội Phụ Nữ, 69 tuổi, nói cái thằng Thảo nó ngu chứ có thiếu mẹ gì cách, đem cái sở đoản là uy tín của mình đi đánh đấm cái uy tín sở trường của người thì không chột không què mới là lạ. Chỉ cần một chiêu nhỏ của bà bà này thôi cũng đủ: kiếm một cô em sồn sồn được gái một chút, thí cho chừng mươi, mươi lăm triệu là nó tới cổng 42 Nhà Chung mà cầu nguyện khóc lóc “Ới cố Kiệt ơi cố Kiệt sao cố nỡ bỏ em?”, dĩ nhiên là phải lịnh cho đội ngũ truyền thông báo đài túc trực sẳn thu âm chụp hình, sử dụng nghiệp vụ cắt dán ghép và công nghệ thông tin cao cấp, xin duyệt thường trực Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng, làm sao ngay ngày hôm sau tất cả hơn 700 tờ báo, tạp chí, báo mạng, đài truyền hình, đài phát thanh mở hết công suất. Đảm bảo ông Tổng Kiệt, vì sợ nếu tiếp tục ở lại thì xấu hổ cho cả dân tộc này quá tự phải tìm chổ khác mà tu thôi! Cái đó kêu bằng “…cái gì... bất chiến cái gì… tự…tự nhiên thành”, “cái gì …vô độc …cái gì …bất cái gì…bà. .bà bà.”

Thưa ngài Chủ Tịch, cái kế nhỏ này của bà Tươi mà đem khoe với ngài đúng là múa rìu qua mắt thợ, có thể chưa đủ hèn hạ, nhưng biết chừng lại khả thi và vô cùng hiệu nghiệm?!

Thưa ngài Phó Chủ Nhiệm Văn Phòng Chính Phủ, Vụ trưởng vụ Chống tham nhũng Văn Phòng Chính Phủ Nguyễn văn Lâm, hôm nay viết lời này cho ông tôi chắc ông đã yên vị ở vị trí tốt hơn vị trí vào cái ngày mà ông bỏ quên cái Samsonite tiền ở phi trường. Tôi không thắc mắc cái chuyện ông nhận số tiền đó ở đâu và ông đã đem số tiền làm công quả ở đâu. Ở đây tôi mượn lời của ông Nguyễn Đức Dũng, đại biểu QH tỉnh Kon Tum “…Bởi vì bản chất sự việc này ai người ta cũng hiểu những phong bì đó là những phong bì hối lộ. Ở đây mới chỉ là một vài cái phong bì thừa, để ở cặp nên anh quên. Còn có thể có rất nhiều cái anh đút ở những chỗ anh không quên...” và “…Thực tế, Bộ luật Hình sự đã quy định, những tội, hành vi có tính chất hối lộ như thế này, 500.000 đồng đã phải xử lý. Thế mà đây nhiều hơn thế nhiều ( tính ra hơn 10 ngàn Mỹ kim, nghia là gấp hơn 320 lần). Mà cũng mới thấy xử lý về mặt Đảng thôi chứ về chính quyền, tôi cũng không biết có xử lý gì hay không?..” nhân dân bây giờ ho tinh lắm, họ biết hết nhưng họ không nói được như ông Đại biểu Dũng đó thôi. Nhưng cái chuyện làm thế nào, một vụ nhục nhã hổ thẹn động trời tai tiếng ai ai cũng biết, cả thế giới đều biết mà Đảng và nhà nước ta lại có thể “xử lí nội bộ” im re dễ dàng như vậy, cái điều khó hiểu đó cứ đeo đuổi tôi hơn một năm nay vẫn chưa giải tỏa được. Ban cán sự Đảng là cái gì, là tổ chức bảo kê tôi phạm của đảng viên cao cấp hay sao mà chi cần nói một tiếng “Đ/C Lâm thuộc Ban Cán Sự Đảng” thì mọi điều tra tội nhận hối lộ có nhân chứng vật chứng lập tức chấm dứt? “Đ/C Nguyễn Việt Tiến cũng là người của BCS Đảng” thì tội hủ hóa tham nhũng rành rành chuyển từ treo cổ sang vô tội? Lẽ nào ở một đất nước pháp trị như đất nước Việt Nam của chúng ta lại có một thứ quyền lực mafia “Ban Cán Sự Đảng” hoành hành tung tác trên cả quốc pháp?

• Để tạm chấm dứt loạt bài này, xin được thưa chuyện với ngài Thứ Trưởng Nguyễn Quốc Cường.

Thưa ngài, tôi được biết "Nghị quyết về Hiệp định mới về Đối tác và Hợp tác EU-Việt Nam và về Nhân quyền" đã được thông qua với đa số phiếu 479/21 trong phiên họp của Nghị viện châu Âu tại Strasbourg và ngay sau đó bằng một động thái mạnh mẽ, chính phủ Việt Nam đã họp các đại diện Liên hiệp châu Âu để phản đối Nghị quyết của Nghị viện châu Âu ra ngày 22/10 mà đảng và Nhà nước cho là "sai trái", cùng lúc được nghe TTXVN trích lời nói của ngài “..Việc Nghị Viện Âu châu coi nhân quyền là một điều kiện hợp tác phát triển với Việt Nam là một điều áp đặt và lỗi thời trong quan hệ quốc tế cũng nhu trong quan hệ hai bên.”

Thú thật nhân dân chúng tôi bị té ngửa với câu phát biểu “té giếng” của ngài.

Thưa ngài, với tư cách Thứ Trưởng của ngài thì việc triệu tâp các Nghị Viên Âu châu có mặt tại Việt Nam để phản đối hoặc phân bua là việc nên làm nhưng lời phát biểu của ngài đưa chúng tôi từ ngạc nhiên này dến ngạc nhiên khác. Thứ nhất “Nghị Viện Âu châu coi nhân quyền là một điều kiện hợp tác phát triển với Việt Nam là một điều áp đặt và lỗi thời” nghĩa là theo ngài Nghi Viên Âu Châu đòi hỏi cái điều kiện nhân quyền, điều kiện cần có trong hợp tác là điều mà Việt Nam không hề có hoặc không thể có. Đặt điều kiện mà biết rõ đối tác của mình không hề có hoặc không thể có thì rõ ràng là áp đặt! Còn lỗi thời, theo ngài là vì trong cái thời đại kim tiền vật chất, thuận mua vừa bán này mà bày đặt yêu cầu chứng minh nguồn gốc sản phẩm này làm từ nguyên liệu gì có độc hại không, công nhân làm ra sản phẩm này có đủ ăn đủ mặc không, điều kiện làm việc ăn ở của công nhân có quá nóng quá lạnh, có bảo hiểm an toàn hoặc ô nhiễm không thì đúng là lỗi thời!

Thưa ngài, với biểu quyết 479/21 gần như tuyệt đối của nghị viện Âu Châu, đai diện cho 27 nước, cho 492 triệu người dân Âu Châu là lời từ chối mạnh mẽ dứt khoát là nhân dân Âu Châu không cho phép bất cứ thành viên nào của họ làm bạn làm bè, hợp tác, đối tác với với bất cứ quốc gia, tổ chức, công đồng dân tộc nào mà ở đó quyền làm người chưa được tôn trọng.

Nghị viện Âu Châu tôn trọng và thực hiện đúng cái ước muốn, cái phương châm sống của nhân dân họ, đó chính là cách hành xử của những dân tôc văn minh, của những con người văn minh.

Lời phát biểu và cung cách ứng xử của ngài buộc chúng tôi thấy sự liên hệ giữa ngài và những tay anh chị sáng sáng trời còn chập choạng tranh tối tranh sang đứng ở đầu hẻm thu mua, thuận mua vừa bán, những món hàng chôm chỉa, trấn lột đêm qua, không cần biết từ đâu ra của những bọn đầu trộm đuôi cướp xì ke ma túy. Cái lối mòn suy nghĩ đó của ngài, chắc chắn nó đã được thâm nhiễm từ truyền thống gia đình hoặc tập quán môi trường làm việc chuyên chôm chỉa, trấn lột và mua gian bán lậu!?

Thưa các ngài, người xưa có nói “Quan nhất thời, dân vạn đại”, Chúng tôi là nhân dân, là chủ của quí ngài chỉ có một lời khuyên hết sức chân thành với quí ngài là: Mỗi ngày làm việc đến tối, hãy tìm một chỗ yên tĩnh không ánh sáng không âm thanh, một mình gác tay lên trán tự hỏi lương tâm mình, hôm nay mình và đội ngũ của mình đã làm được cái gì cho nhân dân không, có làm cái gì cho nhân dân đau khổ, xấu hổ chưa, được như vậy chính là phúc đức cho nhân dân chúng tôi, là tự hào của tổ tiên dân Việt và là phúc ấm của quí vị dành cho con cái, cho thế hệ mai sau.

Mong thay!

Hà Nội 01/11/2008

(Trong loạt bài này chúng tôi có sử dụng một số tư liệu và ngôn từ của một số tác giả có bài đăng trên trang mạng, xin các tác giả và các chủ biên trang mạng lượng thứ).
 
Chuyện bi hài lụt lội ở Hà 'Lội'
Bình Minh
15:21 03/11/2008
HÀ NỘI - Sáng nay, cơn mưa lớn bất thường khiến các tuyến đường trong Hà Nội đều "chật cứng" xe cộ. Xe lớn, xe nhỏ rồng rắn nối đuôi nhau chết máy đứng thành hàng dài. Nhiều câu chuyện bi hài cũng từ "thảm cảnh lũ về giữa phố" mà ra.

Phải gồi xổm giải quyết công việc (Ảnh: Hoàng Hà)
Đang yên vị ngồi trong phòng làm việc, chị Hương, nhân viên văn phòng, nhận được điện thoại của người quản lý khu trông xe thông báo ô tô của chị đang bị "chết đuối". Tức tốc vác ô xuống chỗ để xe, không tin vào mắt mình khi thấy chiếc xe yêu quý đang "hấp hối", nước vào đến nửa xe. Chị Hương đành phải cùng với mấy nhân viên lội xuống dòng nước ngập đến thắt lưng để đẩy xe lên chỗ cao hơn.

"Lúc tôi ra đến nơi, bên trong xe đầy nước, không thể khởi động được, phải đẩy. Xe ngâm nước thế này chỉ có nước đem vào hãng bảo dưỡng thôi. Tôi chưa biết chiều đi bằng gì về nhà đây, chẳng nhẽ đi bộ?", chị Hương ngán ngẩm.

Gọi điện nhờ người đến sửa nhưng đường tắc và ngập lụt, anh thợ này không tài gì đến cứu chữa được. Không riêng gì chị Hương, nhiều người cũng dỡ khóc dở cười với chiếc xế của mình. Nước lớn dâng lên do không có chỗ thoát, nhiều chiếc xe "nằm im" một chỗ giữa đường. Để mặc xế hộp đang "ngắc ngoải", chủ nhân của nó kiếm tạm chỗ cao ráo đứng gọi điện nhờ cứu viện.

Đường Thái Hà sáng nay tắc kín
Sáng nay, phố Thái Hà, Thái Thịnh, Giải Phóng... bỗng nhiên thành sông lớn. Các xe đành tấp lên lề đường, nằm im, chờ mưa ngớt. Thỉnh thoảng, một quả xe hoành tráng nào đó lao ầm ầm thì lập tức các tài xế bên đường tín thở nhìn theo, ngưỡng mộ, nhưng chỉ cần thầm đếm từ 1 chưa đến 3 thì đã thấy "quả anh hùng" đó ặc ặc, rồi bềnh bồng trong nước. Có bác tài tranh thủ nước đang ngập nửa lốp, cầm ô xuống, lấy giẻ kỳ cọ cho vành xe sáng bóng. Nước duềnh lên, đánh mạnh xe đạp, xe máy ngã lao đao mỗi khi xe buýt hoặc một "hàng khủng" nào đó hùng dũng lao trên "dòng sông". Mọi người thi nhau "bơi", đẩy, vác xe vượt "sông".

Hằng, ngày thường sành điệu với LX vi vu hôm nay chết dở vì không đẩy nổi xe chết máy. Cô tấp vào một quán ăn nhanh bên đường, cầu cứu các vệ tinh: "Em đang ở đường nào mà ngập như sông. Người ta bảo, đường này gần sông nên nước dâng lên rất nhanh. Anh đến đẩy giúp em xe với, không thì phải đến 5-6 giờ chiều mới về được mất". Mới đầu, vừa gọi điện, nàng còn vừa vuốt mái tóc ép thẳng tưng, đến hai tiếng sau, gọi đến vệ tinh thứ 3 hay thứ 4 gì đó mà vẫn chưa thấy "anh hùng nào đến cứu mỹ nhân", nàng tức khí buộc vổng tóc lên, tức tối ngồi nhìn mưa.

Đứng trú mưa dưới hiên, anh Hùng nói như quát vào điện thoại: "Rơi mất điện thoại rồi thì thôi, mò làm gì". Hóa ra, nước to quá, xe lại chết máy, cô bạn gái của anh này luống cuống thế nào lại làm rơi cả điện thoại. Chẳng hiểu điện thoại đã rơi, anh còn quát cho... thủy thần nghe hay sao.

Một lúc sau đã thành sông thế này
Văn phòng công ty mà nước tràn vào ngập tới nửa bánh xe.

Mưa lớn đột ngột làm đảo lộn giao thông, giờ giấc làm việc nhưng lại là dịp "ăn nên làm ra" của các cửa hàng sửa chữa xe máy. Khắp các ngả đường, ngóc ngách, xe chết máy rồng rắn nối đuôi nhau vào các quán sửa. Nhiều anh còn vội vàng làm hẳn tấm biển đặt trang trọng trên vỉa hè với dòng quảng cáo bắt mắt "sửa bugi, tặng tivi". Có vẻ như chẳng quan tâm lắm tới món quà khuyến mại là chiếc tivi, mặc cho trời mưa, dòng người xếp hàng dài chờ tới lượt vào lau bugi với giá 10.000 đồng/lượt.

Đã 18 giờ tối, đang chuẩn bị rời công sở, chị Phương thấy cậu em hớt hải gọi đến "đừng về, nhà ngập hết tầng 1 rồi". "Chắc tối nay phải ngủ cơ quan mất", chị Phương than thở. Đây là cơn mưa lớn kỷ lục trong vòng 24 năm qua ở Hà Nội.
 
Chuyện thường ngày ở thủ đô ngàn năm văn hiến
Hoàng Cúc
15:40 03/11/2008
CHUYỆN THƯỜNG NGÀY Ở THỦ ĐÔ NGÀN NĂM VĂN HIẾN

Những ngày qua, Hà Nội phải gánh chịu một trận lụt hiếm thấy trong lịch sử. Dĩ nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội chịu cảnh lụt lội. Chuyện những con phố như Khâm Thiên, Đội Cấn, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng … bị ngập sau những trận mưa lớn đã thành chuyện thường ngày ở thủ đô ngàn năm văn hiến. Nhưng mức độ ngập gần như ở mức toàn thành phố thủ đô, không do bão lũ hay vỡ đê, trong khi mực nước sông Hồng không quá cao, mà chỉ vì… mưa nhiều, có lẽ là chuyện hi hữu không chỉ ở riêng Việt Nam.

Trong một vài ngày tới, người dân Hà Nội sẽ vẫn phải tiếp tục sống chung với nước. Tôi không muốn đi sâu vào những chi tiết, những thảm cảnh mà người dân thủ đô đang từng ngày phải gánh chịu, mà chỉ muốn đưa ra vài nhận xét nhân trận lụt này.

Bài ca muôn thủa

Rảo qua các diễn đàn trên mạng x-café và các trang điện tử chính thức, có thể thấy những hình ảnh, những nhận xét khá phong phú và đa dạng. Ở diễn đàn x-café, ý kiến của những người được gọi là Hồng Vệ Binh dường như không nhiều lắm. Tuy nhiên, rải rác bên cạnh những hình ảnh dở khóc dở cười như đưa đò qua phố, cất vó trên đường, ngan bơi trong phòng khách…, cũng có những hình ảnh của những trận lụt từng tàn phá những thành phố ở những xứ sở văn minh để chứng minh rằng: chậc, ở đâu mà chẳng có lụt lội.

Nhớ lại cách đây chừng hơn một tháng, cũng trên diễn đàn x-café, sau khi những hình ảnh đàn áp đánh đập giáo dân Thái Hà bằng dùi cui điện và hơi cay được tung lên mạng, lập tức một loạt những hình ảnh cảnh sát ở các nước tự do dân chủ dùng hơi cay và dùi cui điện để vãn hồi trật tự nhằm kiểm soát tình hình những cuộc biểu tình cũng được tung lên để chứng minh rằng đó cũng là chuyện bình thường. Hay khi có những người bới ra những thói hư tật xấu của đảng hoặc các lãnh tụ cộng sản, lập tức một loạt thói hư tật xấu của đảng này đảng nọ, nhân vật này nhật vật kia liền được trưng ra để khẳng định rằng ai mà chẳng có tật xấu, chính thể nào mà chẳng có những khiếm khuyết này nọ! Thói đánh tráo khái niệm dường như đã ăn vào máu thịt của những người tự xưng là khoa học biện chứng.

Một lần, khi nói chuyện với một nhân viên an ninh đã giải nghệ, tôi từng nói rằng bộ trưởng bộ nội vụ trước đây là Trần Quốc Hoàn vốn xuất thân từ một tên lưu manh mạt hạng, rằng Đỗ Mười vốn chỉ là gã hoạn lợn. Anh chàng này lập tức phản ứng rằng chuyện những vĩ nhân có xuất xứ bần hàn đâu phải hiếm trong lịch sử nhân loại. Tôi đã trả lời rằng chuyện đó chính xác, nhưng liệu có thể tin rằng trong một thời điểm cụ thể không dài trong lịch sử Việt Nam, một loạt những vĩ nhân cùng xuất hiện, bởi con số không nhỏ những nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam vốn là những người ít học, thậm chí lưu manh? Vĩ nhân ở đâu mà lắm thế?

Cũng vậy, cái không bình thường là ở chỗ Hà Nội bị lụt lội khủng khiếp chỉ vì mưa nhiều, hệ thống thoát nước quá kém cỏi. Sau bao nhiêu năm kiên trì đường lối sai đâu sửa đấy, càng sửa càng sai, Hà Nội vẫn chịu cảnh cứ mưa là ngập. Thế mà theo kiểu nói của ông Phạm Quang Nghị được trang điện tử Vietnamnet trưng dẫn rằng: “Thiên tai thì không tính trước được” , hiểu theo hoàn cảnh cụ thể tại Hà Nội nghĩa là chuyện trời có thể mưa lớn và kéo dài chưa được đảng ta tính đến! Hoá ra chỉ tại đồng chí Trời không chịu vè vè đi theo lề do đảng vạch ra! Mà sao sau bao nhiêu chỉnh huấn, rồi thanh trừng nặng mùi tử khí, đồng chí Trời vẫn cứ lọt lưới và hình như đang bị các thế lực thù địch lôi kéo xúi giục? Thật ra, với kiểu chất lượng công trình như vườn hoa ở Toà Khâm Sứ cũ, nghĩa là chỉ trong vòng hơn một tháng trời, người ta cứ khởi công, khánh thành rồi sửa lên sửa xuống tới tận lần thứ tư vẫn chưa đâu ra đâu, có thể nhận ra rằng cái lối suy nghĩ tiền thuế, mồ hôi sương máu của dân bỏ ra cũng chỉ là thứ của chùa, tiền chùa, đã ăn thật sâu vào đầu óc những tên đầy tớ bất lương. Chuyện Hà Nội sẽ còn chịu cảnh ngập lụt dài dài sẽ là chuyện thường ngày ở thủ đô ngàn năm văn hiến, sẽ cùng tồn tại với đất nước và dân tộc.

Vậy nên, cũng như muôn vàn chuyện bất bình thường vẫn ngang nhiên tồn tại hằng ngày ở cái quốc gia đã sắp chạm tay vào thiên đường mù, việc giáo dân bị đối xử bằng dùi cui điện và hơi cay, khi họ chỉ cầu nguyện một cách ôn hoà, lại cũng được xem là chuyện thường ngày ở thủ đô ngàn năm văn hiến!

Xem ra bài ca ở đâu mà chẳng vậy, con người ai mà chẳng thế dường như đã thành bài ca muôn thủa, luôn được lôi ra hát mỗi khi cần, với mức độ xuất hiện mỗi ngày càng nhiều hơn! Thế mà không hiểu tại sao khi những Hà Sỹ Phu, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Xuân Nghĩa, Vũ Hùng, Phạm Thanh Nghiên …, chỉ đòi cái quyền đã được ghi chễm chệ trên xấp giấy có tên là Hiến Pháp, bài ca nọ đã bị giấu biệt ở đâu, khi họ bị kết cho cái tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ, cái quyền mà họ mới chỉ đòi chứ chưa hề có!



Dân ỷ lại Nhà nước

Cũng trong cùng bài báo ở trang Vietnamnet kể trên, lời ông Phạm Quang Nghị trong cuộc trả lời phỏng vấn được ghi lại rằng: “Kinh nghiệm tốt nhất vẫn là huy động chính sức dân và huy động tại chỗ. Do đang đi kiểm tra dưới cơ sở nên tôi thấy nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm. Cứ chờ trên về, chờ cung cấp cái này, hỗ trợ cái kia chứ không đem hết sức ra tự làm” .

Hầu như cứ mỗi lần xảy ra biến cố nào đó, trên báo chí chính thức luôn xuất hiện những câu nói ngây ngô ngờ nghệch của giới lãnh đạo cao cấp. Ông Phạm Quang Nghị cứ làm như những kẻ ăn lương của dân, là những tên công bộc không có trách nhiệm gì với quốc kế dân sinh. Nhân dân chứ không phải ai khác sẽ phải tự lo liệu mọi chuyện. Còn những tên đầy tớ của nhân dân, những cán bộ ăn lương của nhân dân chỉ để làm một việc duy nhất là ngồi chơi xơi nước, đánh bạc, chơi gái và nhăm nhe có vụ nọ việc kia để hạch sách, vòi vĩnh, ăn chặn. Làm đầy tớ kiểu ấy thì không những không thể gọi là tử tế, mà phải nói là mất dạy, dĩ nhiên phải hiểu ngầm là họ cũng từng được dạy dỗ như ai.

Ôi, sao cái lẽ đơn giản Nguyễn Trãi từng nói trước đây gần 600 năm rằng kẻ làm quan phải “lo trước điều thiên hạ phải lo, vui sau cái vui của thiên hạ” mới thật xa vời với đất nước ngàn năm văn hiến này, cứ như chuyện chỉ tồn tại trong cổ tích!

Khối tự phát khổng lồ

Trong khi ông Phạm Quang Nghị dạy rằng “nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm” , thì từng ngày, dân nghèo Hà Nội vẫn phải chật vật lo lắng từng mớ rau, bữa gạo, với mức tăng giá hàng chục lần, vẫn phải dùng những con đò qua phố với mức giá 20 ngàn đồng trên 20m. Ra đường, dân phải chống chọi với sóng dữ của các loại ôtô, nhất là hung thần xe buýt. Cũng chính người dân chứ không phải ai khác đã nghĩ ra các kiểu di chuyển hết sức tự phát như thuyền trên phố, đò trên đường, xe ngựa chống lụt, cõng con chống lụt … Với cụ Nghị, những điều dân tự nghĩ ra để đối phó với hoàn cảnh như thế là chưa đủ. Có lẽ người dân phải mỗi người một xô một chậu xúc nước đổ ra sông Hồng, như vậy các quan chức sẽ đỡ phải lo nghĩ chuyện xe của các ngài có thể bị ngập. Mà mỗi chiếc xe có giá cả mấy trăm ngàn Mỹ kim chứ đâu có ít. Gì thì gì cũng xót tiền cướp được của dân lắm chứ. Cái giọng ấy thật giống kiểu kêu quang quác của ả gà mái. Không, so sánh như thế là bất công với ả gà nọ, vì ả kêu quang quác sau khi cho đời một quả trứng. Kiểu nói đó thật sự là của những tên vừa ăn cướp vừa la làng.

Mà đồng chí Nghị thân mến ạ, chuyện kể ra đâu có gì khó. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của đảng ta, hình như đồng chí Hoàng Trung Thông từng hót rằng “Nghiêng đồng đổ nước ra sông / Vắt đất ra nước thay trời làm mưa” . Đồng chí Trời mà không chịu nghe thì ta cưỡng chế, nếu không thì cứ nghiêng cái vèo là nước ở thủ đô sẽ chảy ào ào ra sông Hồng chứ làm gì mà cứ nhặng lên. Nhưng chết. Nhỡ nghiêng cái, mả cụ Hồ xồng xộc chạy tuốt ra sông Hồng, rồi xuôi thẳng về biển Đông, hết chỗ hương khói thì ăn mày cả đám! Vậy nên thôi, ai nấy cứ tự thân vận động là đảng yên tâm nhất.

Kể ra vu cho đồng chí Trời bị các thế lực thù địch lôi kéo xúi giục kể cũng hơi quá. Đồng chí cho đảng ta cơ hội ngàn vàng là có chỗ khai khống. Những công trình bị rút ruột, những thất thoát chưa biết đổ cho ai thì giờ đã có đồng chí Trời chịu trách nhiệm. Tiện nhất là từ xưa đến nay, đồng chí Trời không bao giờ biết tự biện hộ. Như thế là rất tốt, nếu cần đồng chí sẽ nhận được giấy khen. Gì chứ món giấy khen thì đảng ta chỉ thỉnh thoảng mới hà tiện thôi.

Nghĩ ra cũng thật hay, dân Việt Nam ta hiền lành cam chịu. Dù bị oan ức tới mức nào đi nữa cũng chỉ biết im lặng, cắn răng nuốt nỗi đau nỗi nhục vào tim, có phần nào thật giống đồng chí Trời. Để rồi họ sẽ dùng hết khả năng sức lực chạy đôn chạy đáo như bầy ong vỡ tổ, mạnh ai nấy sống, gặp gì làm nấy, thấy gì làm vậy, cốt sao qua cơn bĩ cực. Ông Vương Trí Nhàn có nói tới một xã hội Việt Nam theo kiểu khối tự phát khổng lồ thật không hề sai, nhất là khi ta quan sát những sáng kiến muôn hình muôn vẻ người ta có thể nghĩ ra trong trận lụt lịch sử hiện nay tại Hà Nội. Có điều khi nói như thế e rằng ông đã đánh giá hơi cao sự lãnh đạo sáng suốt tài tình của đảng ta.

Hôm nay, 3-11, khi tôi ngồi viết những dòng này, những cơn mưa có nhỏ hơn, nhưng chưa dứt hẳn, nhiều khu vực vẫn tiếp tục bị cắt điện. Theo dự kiến của báo đài nhà nước, nhanh nhất cũng phải chừng năm ngày nữa Hà Nội mới thoát cảnh ngập lụt. Trong thời gian này, người dân nào muốn sống sót thì tuyệt đối không nên ỷ lại vào Nhà nước. Nhưng không biết tới bao giờ nước Việt Nam mới thoát cảnh coi những chuyện thậm vô lí đến nực cười như là những chuyện thường ngày ở thủ đô ngàn năm văn hiến!

Bàn cờ đã thành rối tinh rối mù. Những kẻ cầm quân cờ trên tay đã không đủ khả năng giải gỡ thế bí, lại cũng không đủ can đảm xoá bàn cờ đi chơi ván khác, mà chỉ kiên trì đánh cù nhầy theo kiểu lũ nhãi ranh hè phố. Tương lai đất nước và dân tộc vẫn tiếp tục chìm trong nước ngập tù đọng, hàm chứa muôn vàn thứ hiểm hoạ bệnh tật và chết chóc!
 
Giới trẻ Đức quốc cầu nguyện cho Hòa bình và Công lý tại Việt Nam
Đan Kim
17:23 03/11/2008
MUNCHEN - Khoảng 700 người đã đến Đan Viện St. Ottilien tham dự Giờ Cầu Nguyện của Giới Trẻ „Jugendvesper“ cho Công Lý-Hòa Bình trên thế giới, đặc biệt cho Việt Nam và Phi Châu vào lúc 19 giờ 30 ngày 03.10.2008. Đây là buổi cầu nguyện thường xuyên, hàng tháng của giới trẻ Đức.

Xem hình ảnh

Đức Tổng Đan Viện Phụ Dòng St. Ottilien OSB
Đan viện St. Ottilien, Dòng Biển Đức nằm trên một ngọn đồi thơ mộng cách thành phố München, thủ đô của bang Bayern, là bang ở miền Nam lớn nhất nước Đức, khoảng 40 km về phiá tây, cách thành phố Augsburg 35 km về phiá Nam.

Đan Viện St. Ottilien được Cha Dòng Biển Đức Andreas Amrhein thành lập năm 1884 tại Reichenbach. Năm 1887 nhà Dòng được dời về làng Emming, nay là l àng St. Ottilien. Năm 1896 nhà Dòng chính thức thiết lập hai tu viện: Tu Viện Nam và Tu Viện Nữ. Năm 1904 Tu Viện Nữ đã dời về Tutzing gần hồ Starnberger See. (Bayern). Vì Tu Viện được thiết lập trong làng Emming có Nhà Nguyện kính Thánh Ottilia nên Đan Viện được vinh dự mang tên thánh nhân.

Dòng Biển Đức Truyền Giáo St. Ottilien hiện đang hoạt động trên toàn thế giới với 31 Đan Viện thuộc 4 châu lục: Âu Châu, Phi Châu, Á Châu, Mỹ Châu với khoảng 1.100 linh mục và đan sĩ trực thuộc dưới quyền Đức Tổng Đan Viện Phụ Jeremias Schröder. Đức Đan Viện Phụ Jeremias Schröder đồng thời là bề trên Đan Viện St. Ottilien. Đan Viện St. Ottilien hiện nay là Nhà trung ương, Nhà Mẹ của Dòng với 130 đan sĩ, sống chiêm niệm, cầu nguyện, truyền giáo, lao động với đủ mọi ngành nghề. Trong “làng Đan Viện” (Klosterdorf) có trường Trung Học Gymnasium, nhà tĩnh tâm, nhà khách, nhà in và xuất bản, nhiều xưởng thợ, vườn trái cây và ruộng nương.

Giới trẻ đức kí thỉnh nguyện thưUy tín và ảnh hưởng của Dòng St. Ottilien OSB rất lớn và lan rộng khắp hoàn cầu. Nhà Dòng đã cống hiến nhiều nhân tài cho giáo hội:

- Trước kia Đức Đan Viện Phụ Andreas Amrhein đã được tấn phong Giám Mục Giáo Phận Regensburg.

- Vào cuối năm 1992 Đức Đan Viện Phụ Dr. Viktor Dammertz đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phao Lô II bổ nhiệm Giám Mục Augsburg.

- Năm 2000, Cha Dr. Notker Wolf, Tổng Đan Viện Phụ Dòng St. Ottilien trong 23 năm dài, đã được bầu vào chức vị Tổng Quản Đan Viện Phụ tất cả các Dòng Biển Đức trên toàn thế giới, coi sóc 7.500 linh mục, đan sĩ cùng với 17.100 nữ tu; trong đó có 238 linh mục, đan sĩ, 57 nữ tu sĩ Việt Nam.

Ngoài các sinh hoạt bình thường, Đan Viện đặc biệt chú trọng tới giới trẻ với nhiều hình thái sinh hoạt khác nhau như học đường, tĩnh tâm, sinh hoạt giới trẻ, cắm trại mùa hè, hành hương…Trường trung học Gymnasium của Đan Viện là trường huấn luyện các học sinh giỏi của tiểu bang. Vì vậy các em sinh viên học sinh ở đây dành cho Đan Viện cảm tình nồng hậu.

Một trong những sinh hoạt độc đáo là giờ chầu thánh thể của giới trẻ. Giờ cầu nguyện tối của giới trẻ „Jugendvesper“ đã khởi sự liên tục cách nay 24 năm, nói chính xác là từ tháng Hai năm 1984, theo sáng kiến của cha Claudius Bals và Cha Wolfgang Öxler, được giới trẻ nhiệt liệt hoan nghinh. Cha Claudius Bals giảng thuyết. Cha Wolfgang Öxler phụ trách thánh ca.

Theo thông lệ mỗi tối thứ sáu đầu tháng lúc 19 giờ 30 giới trẻ Đức quanh vùng Đan Viện tụ hội cầu nguyện, chia sẻ niềm tin, cùng hát những bài thánh ca mới được sáng tác. Giới trẻ tham dự giờ cầu nguyện càng ngày càng đông. Ban đầu giới trẻ cầu nguyện trong nhà nguyện nhỏ. Sau này các buổi cầu nguyện được tổ chức thường xuyên trong nhà thờThánh Tâm Chúa Giê Su, mặc dù vậy nhà thờ vẫn không đủ chỗ cho các bạn trẻ, vì thế đôi khi buổi cầu nguyện được tổ chức ngoài trời nếu trời đẹp vào mùa hè. Thông thường mỗi buổi cầu nguyện có từ 700 đến 1000 người tham dự. Lần cầu nguyện đông nhất lên tới hơn 2000 tham dự viên. Nội dung các buổi cầu nguyện thường là tự phát, kết hợp với các chủ đề thời sự nóng bỏng liên quan đến giáo hội và xã hội.

Sau buổi cầu nguyện là buổi trình diễn thánh ca. Ban Nhạc Trẻ do những sinh viên, học sinh sống quanh vùng đảm trách, giới thiệu các bài thánh ca mới sáng tác. Làn điệu và lời ca của các ca sĩ, nhạc sĩ tuy là nghiệp dư nhưng đã đem lại một sức sống mới, hấp dẫn và lôi cuốn thính giả thanh thiếu niên. Rất nhiều bài nhạc do các cha, các bạn trẻ sáng tác đã trở thành những bài hát „Jugendvesperhits“ được các bạn trẻ nồng nhiệt đón nhận.

Chiều nay (03.10.2008) bước chân vào trong nhà thờ chúng tôi thấy các bạn trẻ Đức đang âm thầm lắp đặt các thiết bị âm thanh và nhạc cụ. Ban Hợp Ca Lisanga (Phi Châu) đang tập dượt lại một số bài Thánh Ca cầu nguyện.

Cuối nhà thờ một số anh chị em người Việt đang chuẩn bị dựng các tấm phông hình ảnh thời sự nóng bỏng liên quan đến Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội, liên quan đến Giáo Xứ Thái Hà vì Việt Nam là một chủ đề chính trong buổi cầu nguyện hôm nay.

Trong thời gian gần đây Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội, Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt, Giáo Xứ Thái Hà trở thành „nổi tiếng“ khắp thế giới, được mọi người biết đến. Đâu đâu cũng có các buổi cầu nguyện cho Việt Nam, cho Hà Nội, cho Thái Hà. Thái Hà = Việt Nam. Vâng, Việt Nam thu nhỏ chính là Giáo Xứ Thái Hà. Trước kia khi Tổng Thống Mỹ J.F. Kennedy viếng thăm thành phố Berlin trong thời điểm cực kỳ sôi động giữa thế giới Tự Do và thế giới Cộng Sản với bức tường Berlin mới được dựng lên, ông đã tuyên bố: „Tôi là người Berlin!“ để lên tiếng bảo vệ thành phố Berlin. Ngày nay rất nhiều người quan tâm đến Việt Nam cũng đã tuyên bố: “Chúng tôi đều là giáo dân Hà Nội“ cả đấy! (Thông Luận số 229, 10-2008)

Giới trẻ Đức kí thỉnh nguyện thư
Buổi Cầu nguyện hôm nay diễn ra lúc 19 giờ 30 ngày 03.10.2008, là ngày lễ Kỷ Niệm Thống Nhất nước Đức, do Đan Viện Biển Đức St. Ottilien OSB và Cơ Quan Truyền Giáo Missio Thành Phố München phối hợp tổ chức để ủng hộ những người tị nạn thuộc „Đệ Tam Thế Giới“, đặc biệt là ủng hộ Việt Nam và Phi Châu. Phụ trách phần thánh ca trong buổi cầu nguyện là Ban Nhạc Trẻ „Band St. Ottilien“, Ban Hợp Ca Lisanga (Phi Châu) và nhóm Công Lý-Hòa Bình Việt Nam (miền Nam nước Đức). Lời nguyện giáo dân được dâng lên Chúa bằng hai thứ tiếng: tiếng Đức và tiếng Việt. Kết thúc buổi cầu nguyện là Bài Hát „Kinh Hòa Bình“ bằng tiếng Việt Nam.

Mới hơn bảy giờ tối mà nhà thờ đã ấm áp hẳn lên vì số tham dự viên càng lúc càng đông. Ai cũng tới sớm vì sợ rằng không còn chỗ ngồi. Bầu khí yên tĩnh, thinh lặng trước buổi cầu nguyện, là một chuẩn bị rất tốt cho mọi người tâm tình hiệp thông. Số người tham dự hôm nay khoảng 600, 700 người.

Buổi Cầu Nguyện của Giới Trẻ Đức cho Việt Nam và Phi Châu

Buổi cầu nguyện này do Thầy Matthäus OSB điều khiển khởi sự đúng 19 giờ 30 phút. Lời kinh rộn ràng, tiếng hát êm dịu thay nhau, chen kẽ dưới ánh nến lung linh đã nâng lòng người tới gần Chúa hơn…

Bài thuyết giảng trong buổi cầu nguyện hôm nay được thay thế bằng lời tường thuật của hai nhân chứng sống: Một nhân chứng đến từ Zimbabwe, Phi Châu, đó là nữ tu Stella Takaza. Chị Stella Takaza trình bày thảm cảnh nghèo đói, chiến tranh đang diễn ra và sẽ còn kéo dài tại Phi Châu, Sơ đã xin mọi người đừng quên dân Phi Châu hiện đang bị một vài quốc gia len lỏi vào nhằm bóc lột tài nguyên và nhân lực. Một trong những nguyên nhân khiến cho người dân trốn khỏi quê hương đi tị nạn chính là vì nơi đó thiếu Công Lý, thiếu Công Bằng, thiếu Nhân Quyền.

Một nhân chứng sống thứ hai: Tu sĩ Dòng Biển Đức St. Ottilien, người Việt Nam, đó là Lm. Augustinus Phạm Sơn-Hà. Lm. Augustinus lược thuật lại cuộc vượt biên của cha cách đây hơn 20 năm trước. Ngài so sánh bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội VN giữa hai thời điểm (thập niên 1980 và hiện nay) và nhận thấy kinh tế VN có khá hơn trước đôi chút nhưng hố sâu cách biệt giữa giới giàu và giới nghèo càng ngày càng thê thảm. Đặc biệt cuộc sống tinh thần của người dân VN vẫn còn nghẹt thở, vẫn chưa có nhân quyền, vẫn chưa có Công Lý, vẫn chưa tôn trọng Sự Thật, chưa có những quyền tự do tối thiểu như tự do tôn giáo, tự do hội họp, tự do ngôn luận… vì vậy tại Việt Nam hiện nay vẫn chưa có hòa bình đích thực. Linh Mục Augustinus Phạm Sơn Hà cũng trình bày sự kiện đang sôi động tại Tổng Giáo Phận Hà Nội, tại Giáo Xứ Thái Hà để xin mọi người hiệp thông cầu nguyện.

Phần cầu nguyện tự phát được nhiều người tham gia. Một số lời nguyện do Albert Smykalla soạn và đọc rất phù hợp với khung cảnh kỷ niệm ngày Thống Nhất nước Đức. Trước khi kết thúc buổi cầu nguyện tất cả anh chị em Việt Nam hiện diện đã cất lên bài „Kinh Hòa Bình“của Thánh Phan Xi Cô để hiệp thông với Đức Tổng Giám Mục Hà Nội và Giáo Xứ Thái Hà, bài hát mà mọi giáo dân Việt Nam đều hát mỗi khi viếng Linh Địa Đức Bà.

Sau khi kết thúc buổi trình diễn Thánh Ca, các bạn trẻ người Đức đã ở lại hàn huyên tâm sự với giáo dân Việt Nam, đồng thời ký tên vào Thỉnh Nguyện Thư gửi Bà Thủ Tướng Dr. Angela Merkel, yêu cầu chính phủ Đức can thiệp với nhà cầm quyền CS Việt Nam.

Theo nhóm Công Lý-Hòa Bình Việt Nam (miền Nam nước Đức) cho biết, kể từ khi phát khởi phong trào ký Thỉnh Nguyện Thư, nhóm đã được Đan Viện St. Ottilien ủng hộ nhiệt tình. Nhiều nhóm giáo dân Đức thuộc các giáo hạt lân cận cũng tham gia phong trào một cách tích cực. Hầu như tất cả các linh mục tu sĩ trong Đan Viện đều ký tên hiệp thông. Đặc biệt Đức Tổng Đan Viện Phụ Jeremias Schröder còn đích thân viết thư riêng kính gửi Bà Thủ Tướng Dr. Angela Merkel. Trong thư đề ngày 27.10. 2008 kèm theo 7.822 chữ ký của những người Việt Nam và người Đức ủng hộ Tổng Giáo Phận Hà Nội và Giáo Xứ Thái Hà, Ngài nêu rõ:

Tôi thỉnh cầu Bà Thủ Tướng dùng mọi phương cách trong thẩm quyền của Bà làm sao để nhà cầm quyền Việt Nam tôn trọng nhân quyền và đặc biệt là đòi hỏi cho được tự do tôn giáo.“

Cùng ngày Ngài cũng gửi một bức thư tới Đức TGM Dr. Robert Zollitsch, đương kim Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Đức:

„..Kính xin Đức Tổng Giám Mục vận động Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Đức ủng hộ lời thỉnh cầu này (ghi chú: can thiệp vụ Tòa TGM Hà Nội, Giáo Xứ Thái Hà), lên tiếng công khai ủng hộ và can thiệp với chính phủ Đức theo tinh thần này.“….

ĐTGM Reinhard Marx hiệp thông cầu nguyện
Ngoài ra, tưởng cũng nên biết vị chủ chăn của Tổng Giáo Phận München-Freising, Đức TGM Dr. Reinhard Marx cũng hưởng ứng ký tên vào Thỉnh Nguyện Thư sau khi lắng nghe lời trần tình của đại diện Nhóm Công Lý-Hòa Bình Việt Nam trong ngày Lễ Các Dân Tộc (Gottesdienst der Nationen) 28.09.2008 tại Nhà Thờ Chính Tòa München. Tích cực hơn nữa Ngài ủy nhiệm cho Đức Ông Wolfgang Huber, (Cha Sở Nhà Thờ Chính Tòa, Giám Đốc Phân Bộ Giáo Hội Hoàn Vũ và đặc trách coi sóc Tuyên Úy các Cộng Đoàn Ngoại ngữ) tiếp tục thu thập tin tức tài liệu, đề ra các phương cách hiệp thông, ủng hộ Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Cầu nguyện: Phương thức bầu cử hữu hiệu nhất
Lưu Hiền Đức
09:44 03/11/2008
CẦU NGUYỆN: PHƯƠNG THỨC BẦU CỬ HỮU HIỆU NHẤT

Không đầy 48 tiếng đồng hồ, công dân Mỹ sẽ dường như chính thức có một Tân Tổng Thống. Tuy hệ thống bầu cử của Mỹ nổi tiếng phức tạp, công khai, và công bằng, nhưng cũng giống như bao cuộc bầu cử nguyên thủ quốc gia khác, kết quả bầu cử không bao giờ làm thỏa mãn tất cả những người đi bầu. Ngay cả gần đây nhất, Cựu Tổng Thống Ronald Reagan là được xem là được đông đảo người Mỹ thương mến cũng vẫn bị xem là kẻ thù của những nhóm khác.

Là người di dân, tị nạn, chúng ta rất hãnh diện vì được nói tiếng nói của mình qua lá phiếu. Nhưng hơn thế nữa, là người Công giáo, chúng ta còn được 1 diễm phúc khác là được thực hành lời Chúa qua lá phiếu của mình ở Hoa Kỳ. Bị ràng buộc bởi Sở Thuế, các vị lãnh đạo Công giáo không được khuyến khích hay kêu gọi con chiên của mình bầu hoặc không bầu 1 ứng cử viên nào, tuy nhiên được Chúa soi sáng, các Ngài cũng đã dùng sự khôn ngoan của mình để liên tục nhắc nhở chúng ta những điều Giáo Hội Công Giáo dạy. Trong các bài viết gần đây, chúng ta cũng biết được các vị tổng thống Hoa Kỳ thật sự không quyết định được vấn đề gì nếu không được lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua. Vì thế, chúng ta cũng không nên tin tưởng tuyệt đối vào những lời nói mị dân của Thượng Nghị sĩ Obama về chính sách giảm thuế hoặc xóa bỏ cách biệt giai cấp. Có thể đã quá trễ để người Công Giáo chúng ta có dịp tranh luận để vận động lẫn nhau bầu cho ứng cử viên tương đối có xu hướng bảo vệ những giá trị nhân bản như chống phá thai, chống hôn nhân đồng tính; nhưng nếu ai trong chúng ta còn cơ hội, xin hãy dành vài phút cầu nguyện trước khi quyết định, xin đừng để trí khôn hoặc con mắt chúng ta nhưng hãy để Chúa Thánh Thần điểu khiển tay chúng ta.

Còn nếu chúng ta đã quyết định rồi, dù đúng hay sai, chúng ta cũng hãy cùng cầu nguyện với Chúa Thánh Thần soi sáng cho những vị chúng ta bầu được sáng suốt và khôn ngoan lãnh đạo đất nước theo dấu chỉ của Thánh Linh chứ không phải của đa số cử tri. Người Công Giáo tòan cầu chỉ chiếm 1/6 dân số thế giới nhưng chân lý vẫn thuộc về Giáo Hội Công Giáo chứ không phải các giáo phái chiếm đa số.

Chúng ta cùng cầu xin Chúa ban cho chúng ta thói quen cầu nguyện khi bầu cử giống như các Đức Hồng Y khi họp để bầu Đức Thánh Cha. Thật vậy, đã có rất nhiều tổng thống bị chỉ trích, nhưng Giáo Hội Công Giáo luôn luôn có các vị Giáo Hoàng đáng kính và đa số đã được phong Thánh hoặc chân phước. Sự khác nhau duy nhất là các Ngài đã được tất cả chúng ta cầu nguyện.
 
Văn Hóa
Lời Cầu Cho Quê Hương
Vọng Sinh
21:24 03/11/2008

THƠ: Lời Cầu Cho Quê Hương



* Hãy thắp sáng lên ngọn nến hồng

Cho niềmTin Mến mãi Cậy Trông

Trời Nam một cõi Tiên Nòi Giống

Máu Thánh Anh Hùng rực Chiến Công.

* Máu Giòng Máu Thánh mãi mênh mông

Chảy suốt trong tôi sục sôi lòng

Máu đỏ thắm da vẫn vàng: Dân Việt

Vẫn nước Sông Hồng nắng Thăng Long.

* Nếu ai hỏi: tôi có là Người Việt?

Thưa: “Đúng rồi! Tôi chính cống Việt Nam”

Trong Tim tôi vẫn Máu Đỏ Da Vàng

Và hơn thế Máu Anh Hùng Tử Đạo.

* Tin Yêu Chúa tôi là Người Công Giáo

Nhưng là Người Công Giáo Việt Nam

Tôi vẫn chung Một Tổ Quốc Huy Hoàng

Và mang mãi Một Hồn Thiêng Đất Việt.

* Có lắm lúc đã thiệt thòi thua thật

Ôm Thập Giá là chấp nhận thương đau

Là cùm gông là xiềng xích… gian lao

Là tra tấn là cực hình… Tử Đạo.

* Bao đau thương giây lát có lớn lao

Nhưng sao sánh Phúc Trường Sinh Bất Diệt.

Người có giết thân xác ta đây

Hồn Thiêng mãi bay về Trời Vĩnh phúc.

* “Lạy Cha xin Cha tha cho chúng

Vì chúng chẳng biết việc chúng làm”

Xin cho Con Dân Nước Việt Nam

Được qua khỏi cơn gian nan khốn khó.

* Cho Quê Hương mãi có Tự Do

Cho Con Dân cơm no áo ấm

Cho Niềm Tin không còn ai ngăn cấm

Cho đó đây Hạnh Phúc mãi dâng đầy.

* Phúc hôm nay, Phúc ngày mai: Vĩnh Phúc.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Những Nụ Cười Hiếm Quý
Josephhoa Phạm
00:16 03/11/2008

NHỮNG NỤ CƯỜI HIẾM QUÝ



Ảnh của Josephhoa Phạm.

Dù cho bệnh tật khổ đau

Đức tin giữ mãi cho nhau nụ cười.

(nđc)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền