Ngày 04-11-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Khôn và khờ
Lm. Jos Nguyễn Hữu An
03:19 04/11/2020
KHÔN VÀ KHỜ

CN 32 A

Tỉnh thức và sẵn sàng là điều quan trọng hơn cả, nên Chúa tiếp tục dùng dụ ngôn nhắn nhủ chúng ta. Câu chuyện những cô gái được mời cầm đèn, làm hàng rước danh dự đi đón chàng rể, theo phong tục cưới hỏi, được Chúa dùng để diễn tả một vài khía cạnh của sự sẵn sàng ấy. Đám cưới thường tổ chức vào buổi tối mùa hè, khí trời mát mẻ. Chàng rể đến nhà đàng gái còn phải qua nhiều thủ tục, nhất là chuyện trao của hồi môn, trước khi đưa được cô dâu ra khỏi nhà. Trong khi đó đoàn rước dâu phải chờ. Cô dâu được chú rể rước về nhà trai, người ta nhảy múa ngoài sân cho tới khi đèn cạn dầu mới vào nhà, đóng cửa lại và nhập tiệc.

Chuyện Chúa kể chia 10 cô gái thành hai nhóm khôn và khờ, mỗi nhóm năm cô. Nhóm khôn mang đèn và mang theo dầu dự trữ, nhóm khờ mang đèn mà không mang dầu dự trữ. Chàng rể bị chậm trễ vì thủ tục ở nhà gái nên tới trễ. Cả mười cô cầm đèn danh dự đều ngủ thiếp đi. Nghe tiếng hô bừng dậy thì đèn nào cũng tắt vì cạn dầu. Nhóm khôn có dầu dự trữ thì thắp đèn lên, nhóm khờ đi xin dầu không được, phải đi mua. Nhóm khôn sẵn sàng thì nhập đám rước vào nhà. Nhóm khờ đi mua được dầu về tới nơi thì cửa đã đóng vì tiệc cưới đã bắt đầu. Nhóm khờ bị từ chối không cho vào dự tiệc. Chúa nhắc lại điệp khúc: “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào giờ nào.”

Chúng ta tự hỏi, “dầu dự trữ” ở đây có ý nghĩa gì? Khôn và khờ đều thiếp ngủ cả. Cái khác của nhóm khôn là có mang theo chai dầu dự trữ, nên đèn vẫn sẵn sàng. Nhưng không chia cho nhóm khờ được. Vậy thì “đèn và dầu” ở đây phải là cái gì sâu thẳm trong mỗi người để lúc nào cũng có thể soi sáng con đường mình đi. Việc Chúa chia ra hai nhóm khôn và khờ, nhắc ta đi tìm ý nghĩa trong văn chương khôn ngoan của Cựu Ước. Đặc biệt sách Châm Ngôn, chương thứ chín kể dụ ngôn Đức Khôn Ngoan mở tiệc đãi khách và Mụ Khờ Dại cũng nhái theo, ngồi mời mọc kẻ qua người lại. Khôn Ngoan mời: Hãy đến mà ăn bánh của ta và uống rượu ta pha chế! Đừng ngây thơ khờ dại nữa, và các con sẽ được sống; hãy bước đi trên con đường hiểu biết... Nhờ ta con sẽ được sống lâu và tăng thêm tuổi thọ. Nếu con khôn thì chính con được hưởng, còn con ngoan cố thì gánh chịu một mình.

Còn “thực khách Mụ Khờ Dại mời, lại phải ở trong chốn âm ty sâu thẳm” (Cn 9,1-18). Những lời nhắn nhủ Chúa đưa ra trong bài giảng này và các dụ ngôn đều xoay quanh sự khôn ngoan, sống theo đường lối của Chúa, đừng để bị lừa dối bởi các kitô giả và ngôn sứ giả. Sự khôn ngoan của Tin Mừng được đón nhận và nắm giữ nhờ đức tin, là đèn và dầu của chúng ta. “Kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 24, 13).(x.Tĩnh tâm với sách Tin mừng Matthêu, Lm Giuse Nguyễn Công Đoan. SJ).

Sự khôn ngoan của các cô trinh nữ là luôn tỉnh thức, tay cầm đèn cháy sáng trong tay và mang theo dầu dự trữ. Có thể hiểu “đèn cháy sáng” là luôn sống dưới ánh sáng hướng dẫn của Chúa và “dầu dự trữ” là những việc lành phúc đức như “của gởi về đời sau”.

Dụ ngôn Muời Cô Trinh Nữ được đặt trong bối cảnh chuẩn bị kết thúc năm Phụng Vụ. Chúa Giêsu được mô tả qua dung mạo chàng rể và tiệc cưới là Nước Thiên Chúa. Chàng rể đến chậm và vào lúc bất ngờ. Chúa Kitô quang lâm vào ngày tận cùng của lịch sử là điều không ai có thể đoán trước được. Người Kitô hữu được diễn tả như các trinh nữ đi đón chàng rể. Trong số các trinh nữ đó, có năm cô khôn ngoan và có năm cô khờ khạo. Họ đều là phù dâu nhưng khôn và khờ khác nhau ở chỗ là mang theo dầu dự trữ.

Họ giống nhau ở ba điểm: Tất cả đều mang theo đèn. Tất cả đều nhắm đến một mục đích là đi đón chàng rể. Tất cả đều ngủ thiếp đi vì chàng rể đến chậm. Nhưng họ chỉ khác nhau có một điểm: các cô khôn biết lo xa nên mang dầu đầy đủ, các cô khờ không biết chuẩn bị dầu phòng xa nên đèn tắt. Các cô khôn được theo chú rể vào dự tiệc cưới hạnh phúc. Còn các cô khờ bị đuổi ra ngoài.

Nếu đức tin được ví như đèn, thì đức mến được ví như dầu. Đèn đức tin phải có dầu đức mến. Thiếu dầu đức mến, ngọn đèn đức tin sẽ tắt. Chỉ có dầu tình yêu mới thắp sáng được cây đèn đức tin của người tín hữu. Thánh Gioan viết: “Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu”.Cuộc đời và thế giới này rồi sẽ chấm dứt. Chúa sẽ đến ngày kết thúc đời người và dẫn vào dự tiệc Nước Trời. Mỗi người đều có đèn trong tay. Quan trọng là mình có chuẩn bị để ngọn đèn ấy cháy sáng vào lúc chung cuộc không. Quá muộn nếu đến lúc ấy chúng ta mới vội vã đi mua dầu.

Thiên Chúa muốn đưa con người vào tiệc cưới Nước Trời. Con người cần phải chuẩn bị sẵn sàng. Mỗi người phải chịu trách nhiệm về số phận đời đời của mình. Không ai có thể làm thay cho mình được.

Giờ phút long trọng và quyết định, đó là lúc chàng rể xuất hiện, lúc ấy mỗi người chuẩn bị đèn cháy sáng của mình. Đến lúc này mới thấy là ai khôn và ai dại, ngọn đèn của các cô khôn ngoan vẫn còn cháy sáng, còn ngọn đèn của các cô khờ dại đã tắt từ lâu. Vào phút giây long trọng ấy, không ai có thể giúp mình được. Các cô khờ dại không thể xin dầu của ai được. Người khôn ngoan biết xác định cùng đích cuộc đời của mình và chuẩn bị những gì cần thiết để đạt được cùng đích đó. Người khờ dại không biết phải chuẩn bị những gì.

Ai cũng phải đối diện với ngày cuối cùng cuộc đời là giờ chết, phút giây ấy không ai giúp ai. Mỗi người theo sự khôn ngoan hay khờ dại đón nhận số phận chung cuộc.

Người ta cứ tự hỏi: Bao giờ chàng rể đến? Bình dầu thì cứ vơi dần! Màn đêm buông xuống, đôi mắt cũng nặng trĩu theo! Chờ đợi bao giờ cũng mệt mỏi căng thẳng!

Biết rằng đèn cháy sáng thì dầu cạn dần. Tình yêu chờ đợi mãi cũng mòn mỏi. Lời kinh có đôi khi cũng phôi pha. Hãy kín múc dầu tình yêu nơi suối nguồn yêu thương chính là Bí tích Thánh Thể. Nơi đó, chúng ta không chỉ nhận được dầu tình yêu, dầu ân sủng, mà còn được trao ban chính Mình Thánh Chúa làm của ăn, để chúng ta tỉnh thức mà chờ đợi Người dẫn đưa ta vào tiệc cưới Nước Trời.

Trước khi tắt thở, Thánh Têrêxa Avila môi mấp máy nói lên với Chúa: “Lạy Chúa Giêsu, này là giờ chúng ta gặp nhau”. Thánh Têrêxa Giêsu Hài Đồng thân thưa: “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa” và ngài ra đi bình an. Hai trinh nữ khôn ngoan đã cầm đèn cháy sáng Tin Yêu ra đón Chúa và đã được gặp gỡ “Đấng Tình Quân” muôn thuở của mình.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con niềm tin vững vàng và lòng yêu mến nồng say để tất cả những gì chúng con làm đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.Amen.
 
5/11: Thiên Chúa là Đáng Giàu Lòng Xót Thương. Suy Niệm của Lm. Giuse Nguyễn Xuân Hiếu, CSsR
Giáo Hội Năm Châu
06:14 04/11/2020

Phúc Âm: Lc 15, 1-10

"Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, những người thâu thuế và những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người Biệt phái và Luật sĩ lẩm bẩm rằng: "Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi, cùng ngồi ăn uống với chúng". Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: "Ai trong các ông có một trăm con chiên, và nếu mất một con, lại không để chín mươi chín con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được sao? Và khi đã tìm thấy, người đó vui mừng vác chiên trên vai, trở về nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà nói rằng: "Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!" Cũng vậy tôi bảo các ông: Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải.

"Hay là người đàn bà nào có mười đồng bạc, nếu mất một đồng, mà lại không đốt đèn, quét nhà và tìm kỹ lưỡng cho đến khi tìm thấy sao? Và khi đã tìm thấy, bà mời các chị em bạn và những người láng giềng đến mà rằng: "Chị em hãy vui mừng với tôi, vì tôi đã tìm được đồng bạc tôi đã mất". Cũng vậy, tôi bảo các ông: Các thiên thần của Thiên Chúa sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải".

Ðó là lời Chúa.
 
Suy niệm Chúa Nhật 32A: Tỉnh thức
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
08:54 04/11/2020
CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN: TỈNH THỨC (Kn 6, 13-17; 1Thess 4, 12-17, 13; Mt 25, 1-13).

Ơn khôn ngoan là ơn sủng của Chúa Thánh Thần. Ngày xưa, vua Sôlômon chỉ xin Thiên Chúa cho được ơn khôn ngoan để phân biệt phải, trái và xét xử dân cho công bằng chính trực. Chúa đã ban cho vua được ơn khôn ngoan và mọi ơn cần thiết nữa. Người đời thường nói: Khôn cho người ta dái, dại cho người ta thương, dở dở ương ương cho người ta ghét. Người khôn ngoan là người học biết được lý lẽ ở đời. Biết đường đi nước bước. Biết sự giới hạn của mình. Càng hiểu biết về chính mình thì càng khôn. Chưa chắc người biết nhiều sự ở đời đã là người khôn. Người khôn là biết những gì mình cần phải biết, gọi là trí tuệ. Biết hướng nhìn lên trời cao, nhìn xuống và biết quan sát vạn vật chung quanh. Người khôn nhận biết được nguồn gốc, ý nghĩa và cùng đích của vũ trụ muôn loài và con người.

Sự khôn ngoan giúp chúng ta nhận biết mọi sự đang hiện hữu trong ý nghĩa đích thực của nó. Khôn ngoan cao siêu và sâu thẳm như tình yêu. Sự khôn ngoan thượng trí của Thiên Chúa cao vời tuyệt đối. Từ đời đời, Thiên Chúa đã tạo dựng muôn loài và quan phòng đặt để một trật tự lạ lùng trong vũ trụ. Một vũ trụ diễn tiến không ngừng trong không gian và thời gian. Mọi loài thụ tạo có sự sống đều có khả năng truyền sinh một cách độc đáo tuyệt vời. Khôn ngoan là một ơn và cũng là một nhân đức. Vậy tưởng nhớ đến nó là được khôn sáng vẹn toàn và ai tỉnh thức vì nó, sẽ chóng được an tâm (Kn 6, 15). Chúng ta cần cầu xin ơn khôn ngoan và cũng phải trau dồi học hỏi kinh nghiệm để học khôn. Ca dao Việt Nam có câu: Con ơi, hãy nhớ lời cha: Học khôn học khéo cho tầy người ta, con đừng học thói chua ngoa. Họ hàng ghét bỏ người ta chê cười.

Trong bài phúc âm hôm nay kể câu truyện năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan chuẩn bị đi đón chàng rể: Năm cô khờ dại mang đèn, mà không đem dầu theo. Còn những cô khôn ngoan đã mang đèn, lại đem dầu đầy bình (Mt 25, 3-4). Mỗi ngày, chúng ta gặp gỡ nhiều người. Có những người hiền lành, hòa ái và dễ thương. Có những người dễ tính, thiện cảm, vui vẻ và vồn vã. Có người cộc cằn, thô lỗ và khó chịu. Có người kiêu căng, tự phụ và hống hách, Cũng có những người trầm tư, ít nói và lặng lẽ. Có người sống thiên về lý trí, hiếu học và hiểu biết. Có kẻ sống tình cảm, ủy mị và hay cảm thương. Mỗi người một tính khí khác nhau. Trong câu chuyện có năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan. Sự khờ dại đây không phải là bị chậm trí, kém thông minh mà là sự lơ đễnh, khinh thường và bất cẩn. Họ đã không biết nhìn xa trông rộng để dự liệu. Họ khờ vì họ bị thiển cận thiếu sự chuẩn bị.

Chẳng ai học được chữ ngờ. Luôn luôn có những sự bất ngờ xảy ra trong đời. Những sự cố xảy ra bất ngờ như sấm sét, mưa bão, động đất, sụt lở và sóng thần... Có những tai nạn xảy ra đột ngột do môi trường chung quanh. Có những cái chết bất ngờ trong chiến tranh, tai nạn và bệnh hoạn. Cái gì cũng có thể xảy ra trong mọi nơi và mọi lúc. Làm sao chúng ta có thể chuẩn bị trong tỉnh thức? Trong đời sống, ai ai cũng có những niềm hy vọng và ước muốn cho tương lai. Ai cũng có những dự tính gần hoặc xa. Chúng ta dễ dàng bị lo ra, thiếu xót và lỡ dở chần chừ trong nhiều công việc. Dù biết rằng thần chết có thể đến bất cứ lúc nào, nhưng chúng ta vẫn ỉ y và bình chân như vại. Tự vấn, nếu hôm nay Chúa gọi về, tôi đã chuẩn bị được gì? Con chưa sẵn sàng, Chúa ơi! Người khôn ngoan là người biết dự phòng, lo liệu và luôn sẵn sàng tỉnh thức trong mọi trạng huống cuộc đời.

Là Kitô hữu, chúng ta bước đi trong niềm tin. Niềm tin vào Chúa Kitô đã chết và sống lại, đó là chìa khóa và là bảo chứng ý nghĩa của cuộc đời. Vững tin vào Chúa Kitô là một mối lợi. Chúng ta dõi bước theo lối bước của Chúa sống đức tin mỗi ngày trong khi mong chờ Chúa lại đến. Thánh Phaolô khuyến khích rằng: Vì nếu chúng ta tin Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì cũng vậy, những người đã chết nhờ Đức Giêsu, Thiên Chúa sẽ đến đem họ làm một với Người (1Thess 4, 14). Vinh phúc bất diệt là sự liên kết với Đấng Trung Gian vạn vật. Ơn khôn ngoan giúp chúng ta nhận ra đối tượng tuyệt hảo và phó thác cuộc đời trong sự quan phòng của Chúa. Chúng ta không còn phải sợ hãi, lo âu hay quanh quẩn không cùng đích. Chúa Giêsu đi trước để chuẩn bị chỗ cho chúng ta. Tiệc cưới đã sẵn sàng. Chúng ta hãy cầm đèn cháy sáng trong tay để chung vui tiệc cưới Nước Trời.

Lạy Chúa, mỗi giây phút sống đều là hồng ân. Xin cho chúng con biết quý trọng từng phút giây trong cuộc đời. Cầu xin Chúa ban ơn khôn ngoan để chúng con biết nhận ra ý nghĩa đích thực của sự sống đời này và đời sau để được sống theo thánh ý Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:23 04/11/2020

15. Người không nhiều chuyện thì trong lòng tự nhiên trầm mặc, tự nhiên dễ dàng có ý niệm tốt lành.

(Vô danh)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:27 04/11/2020
73. CẮP BÁT MỜI KHÁCH

Nhà nọ mời khách, thức ăn rất ư là đơn giản, xương nhiều thịt ít, khách nói:

- “Bát thức ăn nhà ngài chắc là đi ăn cắp về phải không?”

Chủ nhân ngạc nhiên kinh sợ hỏi:

- “Tại sao anh lại nói như thế?”

Khách trả lời:

- “Tại tôi nghe người hàng xóm khi gây lộn chửi nhau đều nói: ‘Cắp bát của tôi để mà đựng xương ấy mà !”

(Thời Hưng tiếu thoại)

Suy tư 73:

Thời nay, mời khách cũng có lắm chuyện đáng nói:

-Có người mời khách để xin xỏ ân huệ.

-Có người mời khách để khoe cái giàu sang của mình.

-Có người mời khách để kết bạn.

-Có người mời khách để trả ơn.

-Có người mời khách vì vui mừng con cái thi đổ...

-Có người mời khách để tiễn biệt.

-Có người mời khách vì đoàn tụ...

Tất cả mọi việc mời khách đều có lý do của nó, lý do nào cũng là bày tỏ tình cảm –ít nữa là tình cảm cá nhân của mình- cho nên không lạ gì thường có những lời nói vô ra khi mời khách.

Nhưng cái lạ nhất khi mời khách chính là mời những người nghèo khó đến làm khách quý của mình, khi mà họ không có gì đáng để cho chúng ta nhờ vả, đó cũng là điều mà Đức Chúa Giê-su đã nhắn nhủ chúng ta: khi mời khách thì mời những người không có dịp mời lại mình, mời những người thường mang ơn của mình, đó chính là kiểu mời khách đích thực vậy.

Ai sẽ làm được điều đó, thưa những người Ki-tô hữu đều làm được kiểu mời khách lạ lùng ấy, bởi vì họ biết rằng: khách chính là hình ảnh của Đức Chúa Giê-su đến với gia đình của mình, nhất là những vị khách quê mùa, nghèo khó...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tổng thống Trump tuyên bố chiến thắng và cảnh báo trò gian lận
Đặng Tự Do
03:47 04/11/2020


Lúc 2 giờ sáng theo giờ địa phương Washington DC, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bước những bước nhanh nhẹn lên khán đài để tuyên bố rằng ông đã thắng cuộc bầu cử và tuyên bố rằng việc bỏ phiếu phải dừng lại ngay lập tức, không được thêm bất cứ phiếu bầu nào vì tất cả các tiểu bang trên toàn nước Mỹ đã hết giờ bỏ phiếu.

Vào khoảng gần 1 giờ sáng, cuộc kiểm phiếu đã đột nhiên ngưng lại với kết quả là ông Joe Biden được 238 phiếu đại cử tri và Tổng thống Trump được 213 phiếu đại cử tri. Tuy nhiên, nếu đếm tiếp tục thì tổng thống sẽ nhanh chóng qua mặt ông Joe Biden vì đảng Dân Chủ chỉ có thể thắng thêm ở một vài tiểu bang không đáng kể, cùng lắm là giành được thêm 12 phiếu đại cử tri nữa. Trong khi tổng thống đang trên đà chiến thắng một cách chắc chắn tại Georgia, Wiscosin, Michigan, North Carolina, Pennsylvia và Alaska. Tổng cộng các tiểu bang này sẽ đem lại cho tổng thống Trump 77 phiếu đại cử tri. Như thế, nếu cứ tiếp tục đếm, tổng thống sẽ dành được ít nhất 290 phiếu đại cử tri trong khi chỉ cần 270 phiếu là thắng cử.

Trong tuyên bố với các tham dự viên trong cuộc họp báo, tổng thống cảnh báo rằng ông sẽ yêu cầu Tối Cao Pháp Viện can thiệp.

Ông nói:

“Không nghi ngờ gì đây là cuộc họp báo trễ nhất mà tôi từng có trong đời.

Tôi muốn cảm ơn người dân Mỹ vì sự ủng hộ to lớn của họ. Hàng triệu triệu người đã bỏ phiếu cho chúng ta ngày hôm nay. Nhưng rất đáng buồn, có một nhóm người đang cố gắng tước quyền của những người ủng hộ chúng ta và chúng ta sẽ không để yên cho điều đó xảy ra”

Tổng thống Trump lưu ý những người ủng hộ rằng ông đang trên đà giành chiến thắng thì việc kiểm phiếu bị dừng lại một cách “đột ngột”.

“Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho một buổi tiệc lớn. Chúng ta đang chiến thắng mọi thứ và đột nhiên tất cả dừng lại. Tất cả chúng tôi đều chuẩn bị ra ngoài và ăn mừng một điều gì đó thật đẹp, thật tốt, thật thành công”.

“Đây là một kỷ lục. Chưa bao giờ có bất cứ điều gì giống như thế. Chúng ta đã thắng những tiểu bang mà chúng ta không mong đợi sẽ thắng. Florida - chúng ta đã thắng rất cao. Chúng ta đã giành được chiến thắng tuyệt vời tại tiểu bang Ohio. Chúng ta đã thắng ở Texas, hơn đối phương cả 700,000 phiếu bầu”.

“Rõ ràng là chúng ta đã thắng ở Georgia. Chúng ta đã hơn 117,000 phiếu bầu và chỉ còn 7% phiếu bầu nữa chưa đếm xong. Họ không thể bắt kịp chúng ta. Tương tự như vậy, rõ ràng chúng ta đã thắng ở North Carolina.”

“Chúng ta đang chiến thắng ở Pennsylvania với số lượng phiếu bầu rất lớn. Chúng ta hơn đối phương đến 690,000 phiếu bầu ở Pennsylvania. Họ thua rất xa chúng ta”.

“Đây là một sự xấu hổ đối với đất nước của chúng ta,” Tổng thống nói, trước khi tuyên bố chiến thắng ngay lập tức.

“Chúng ta đã sẵn sàng để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này. Thành thật mà nói, chúng ta đã thắng cuộc bầu cử này”.

“Vì vậy, mục tiêu của chúng tôi bây giờ là bảo đảm sự toàn vẹn cho lợi ích của quốc gia này, đây là một thời điểm rất lớn, đây là một gian lận rất lớn đối với quốc gia của chúng ta. Chúng tôi muốn luật pháp được sử dụng một cách hợp lý.”

“Vì vậy, chúng tôi sẽ đến Tòa án Tối cao Hoa Kỳ. Chúng tôi muốn tất cả việc bỏ phiếu phải dừng lại. Chúng tôi không muốn họ tìm thấy bất kỳ lá phiếu nào vào lúc 4 giờ sáng và thêm chúng vào danh sách, OK?”

“ Đó là một khoảnh khắc rất buồn - đó là một khoảnh khắc rất buồn. Với tôi đây là một khoảnh khắc rất buồn. Và chúng ta sẽ giành chiến thắng. Theo như tôi biết, chúng ta đã giành được nó, vì vậy tôi chỉ muốn cảm ơn sự ủng hộ của các bạn.”


Source:Daily Mail Australia
 
Ðức Hồng Y Tổng Giám Mục Vienna kêu gọi cầu nguyện cho các nạn nhân trong các vụ nổ súng tối thứ Hai 2 tháng 11.
Đặng Tự Do
16:18 04/11/2020


Ðức Hồng Y Christoph Schonborn, Tổng Giám Mục Vienna, đã lên án bạo lực trong các vụ xả súng tại 6 địa điểm khác nhau ở thủ đô Vienna của Áo hôm tối 2 tháng 11 năm 2020 và kêu gọi cầu nguyện cho các nạn nhân.

Theo một rabbi Do Thái là người phụ trách hội đường Do Thái Stadttempel, ông chứng kiến từ một căn nhà trên lầu cao gần đó bọn khủng bố chỉ có một tên duy nhất. Hắn bắt đầu nổ súng vào lúc 8 giờ tối và bị bắn chết vào lúc 8 giờ 9 phút. Vị rabbi này cho biết ý hành động rất chuyên nghiệp, không bắn ngẫu nhiên như các phương tiện truyền thông loan tin, nhưng bắn có chủ ý vào đám đông đang cố hưởng buổi tối cuối cùng trước khi bị cách ly hàng nhiều tháng trời vì sự bùng phát trở lại của coronavirus.

Hung thủ là một thanh niên 20 tuổi có quốc tịch Macedonia và cả quốc tịch Áo. Y từng bị kết án 22 tháng tù vì tội tìm cách sang Trung Đông chiến đấu cho quân khủng bố Hồi Giáo IS, và đã được trả tự do trước thời hạn vào tháng 12 năm ngoái.

Trong 9 phút ngắn ngủi trước khi bị bắn chết, y vừa bắn vừa chạy tạo ra cảm tưởng thủ đô Vienna bị tấn công bởi nhiều tên khủng bố cùng một lúc. 4 người bị y bắn chết tại chỗ và 22 người khác bị thương nặng.

Ðức Hồng Y nhận định: “Dù động lực của các cuộc tấn công ở Vienna như thế nào, thì điều rõ ràng là bạo lực mù quáng không thể được biện minh bằng bất cứ điều gì”.

Trả lời phỏng vấn của hãng tin Công Giáo Áo Kathpress, Ðức Hồng Y cho biết bản thân ngài vô cùng xúc động trước những sự việc mà ngài phải chứng kiến. Ðức Hồng Y đã yêu cầu mọi người cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ tấn công và cho các nhân viên của các dịch vụ khẩn cấp: “Trong những giờ phút bi kịch này, cùng với nhiều người khác đang theo dõi những sự kiện bi thương ở trung tâm thành phố của chúng ta thông qua các phương tiện truyền thông, tôi cầu nguyện cho các nạn nhân và cho các hoạt động cứu trợ khẩn cấp, để không còn những vụ đổ máu nữa.”

Ngài kết luận: “Thực tế là những phát súng được bắn trực tiếp trước hội đường trong thành phố của cộng đồng tôn giáo của người Israel gợi nhớ cho tôi về vụ tấn công đẫm máu vào nguyện đường Do Thái năm 1981. Dù bối cảnh của vụ tấn công lần này là gì, cần phải nói rõ rằng không có gì có thể biện minh cho bạo lực mù quáng.”

Sau vụ tấn công khủng bố khiến 3 anh chị em giáo dân bị thiệt mạng tại Nice, hàng loạt các vụ tấn công vào các nhà thờ Công Giáo và người Công Giáo đã diễn ra tại Áo.

Hôm thứ Bẩy, 31 tháng 10, trên một chuyến xe buýt ở thành phố Graz của Áo, một nữ tu Công Giáo 76 tuổi đã bị một thanh niên Afghanistan 19 tuổi đấm vào mặt. Sơ đã được đưa vào nhà thương. Căn cứ trên video camera gắn trên xe buýt, cảnh sát đã bắt được tên tấn công.

Hai ngày trước đó, hôm 29 tháng 10, khoảng 30 đến 50 thanh niên tấn công vào một nhà thờ Công Giáo ở Vienna-Favoriten vào tối thứ Năm. Theo một số báo cáo của các phương tiện truyền thông, thủ phạm là một nhóm người Thổ Nhĩ Kỳ trẻ tuổi. Những kẻ tấn công đã xông vào nhà thờ giáo xứ Thánh Antôn ở Favoriten, hét lên “Allahu Akbar” và đá vào những băng ghế và các đồ đạc khác trong nhà thờ.

Tổng giáo phận Vienna đã lên án vụ tấn công và kêu gọi các cơ quan thực thi pháp luật “nhanh chóng làm rõ” và bắt những kẻ hây rối phải gánh chịu những “hậu quả.”

Văn phòng Bảo vệ Hiến pháp và Chống Khủng bố của Nhà nước Vienna đã được cha phó của nhà thờ cung cấp các video giám sát.

Một người Afghanistan khác đã bị bắt vào hôm Chúa Nhật khi đang hô to các “khẩu hiệu Hồi giáo” trong nhà thờ chính tòa Thánh Stêphanô của thủ đô Vienna.

Cảnh sát nói với CNA Deutsch, các nhà thờ ở Vienna hiện đang được giám sát chặt chẽ hơn trước các làn sóng gây rối.


Source:Catholic News Agency
 
Hậu quả cuộc bầu cử 2020: Giới truyền thông mất mặt, đảng Dân Chủ thoái trào.
Trần Mạnh Trác
16:37 04/11/2020
Dù cho ai thắng cuộc vào Toà Bạch Cung, thì hậu quả cuả cuộc Bầu cử toàn bộ 2020 này đã thể hiện trong 2 lãnh vực: một là sự mất lòng tin ở hệ thống truyền thông Mỹ, và hai là sự thoái trào cuả đảng Dân Chủ.

1 Thất bại của giới truyền thông:

Tuy chúng ta chưa biết hết toàn bộ những kẻ chiến thắng trong cuộc bầu cử này (chức Tổng thống, tất cả các ghế dân biểu và 1/3 thượng viện) nhưng kẻ thất bại thê thảm nhất thì đã rõ ràng rồi, đó là giới truyền thông và cách riêng là ngành công nghiệp thăm dò dư luận cử tri.

Nhà thăm dò kỳ cựu của đảng Cộng hòa là Frank Luntz nói với Fox News vào sáng thứ Tư rằng "không thể tha thứ được" khi các cuộc điều tra dư luận lại đánh giá thấp sự ủng hộ của ông Trump.

Tệ hơn nữa là lần này, không chỉ các cuộc thăm dò cấp tiểu bang đã sai mà thôi, mà ngay cả con số trung bình trên toàn quốc cũng sai nốt.

Nhớ lại việc thăm dò dư luận đã bị chỉ trích sau chiến thắng lịch sử năm 2016 của ông Trump.

Nhưng dù sao thì cuộc thăm dò cấp quốc gia vào năm 2016 đó đã thực sự đạt được gần tiêu chuẩn. Nghiã là cuộc khảo sát quốc gia cuối cùng mà RealClearPolitics tổng hợp cho thấy bà Hillary Clinton hơn ông Trump 3,2 điểm, mà quả là như thế, bà ta đã giành được một số phiếu phổ thông toàn quốc lớn hơn ông Trump 2,1 điểm. Bà ta chỉ thua vì phiếu Cử Tri Đoàn.

Lần này thì khác, trước cuộc bầu cử hôm thứ Ba, các cuộc khảo sát quốc gia cho thấy ông Biden sẽ thắng với một số điểm khổng lồ là 7,2 điểm. Nhưng với lần kiểm tra vào sáng thứ Tư ngay sau cuộc bầu cử, thì ông Biden đã kém ông Trump1,6 điểm toàn quốc. Dĩ nhiên cuộc kiểm phiếu còn chưa kết thúc và con số ấy có thể thay đổi, nhưng chắc chắn con số sai lầm lên đến 8.8 % (7.2 + 1.6) thì là quá sức tưởng tượng cho những hãng thăm dò mệnh danh là chuyên nghiệp...

Không những thế, các cuộc khảo sát nhỏ ở cấp địa phương cũng vậy, sự sai lầm là quá lớn và đồng loạt, đáng xấu hổ.

Lấy một thí dụ ở Florida làm điển hình, trung bình các cuộc khảo sát công khai cuối cùng trước cuộc bầu cử do RealClearPolitics tổng hợp cho thấy cựu phó tổng thống Biden có lợi thế 9 điểm. Nhưng kết quả chính thức cho thấy ông Trump chiến thắng với lợi thế 3.4. Các cuộc khảo sát đã sai với một con số khổng lồ là 12.4% (9+3.4), một con số không thể nào tha thứ được.

Vậy tại sao các cuộc thăm dò dư luận lại một lần nữa đánh giá thấp sự ủng hộ của Trump?

“Những người thăm dò ý kiến, và sự dàn xếp các câu hỏi, ngụ ý rằng những ai ủng hộ ông Trump là thấp kém. Cho nên những người cuả ông Trump cảm thấy như là một vinh dự khi từ chối hợp tác hoặc “chọc gậy bánh xe” các cuộc phỏng vấn. Do đó, việc đo lường mức độ ủng hộ dành cho ông Trump là một việc khó khăn ”, theo ông Luntz. "Nhưng để cho sai lầm tới hai lần liên tiếp với mức độ quá lớn thì không thể tha thứ."

2 Thời điểm khởi đầu suy thoái cuả đảng Dân chủ

Đêm thứ Ba vừa qua là một lời cảnh tỉnh lớn đối với các đảng viên Dân chủ trong quốc hội và có thể mở màn cho một cuộc chiến đẫm máu trong nội bộ đảng.

Theo ông Matt Gorman thì cho dù người làm chủ toà Bạch Cung là ông Trump hay ông Biden, các đảng viên đảng Dân chủ vẫn sẽ phải đối mặt với một tính toán không giống bất kỳ điều gì họ đã có trong một thế hệ

Với một ngân phiếu chi tiêu nửa tỷ đô la cho những ngày cuối cùng cuả cuộc vận động tranh cử, các đảng viên Dân chủ đã vênh váo huýt sáo khi nghĩ rằng họ sẽ giành lại Thượng viện và tăng thêm đa số ở Hạ viện. Họ tiên đoán sẽ là một “cơn sóng thần màu xanh” tràn ngập khắp nơi đất nước để xây dựng lên một thời đại huy hoàng cấp tiến mới.

Nhưng hôm nay ở khắp khuông viên cuả điện Capitol, cuộc nói chuyện đang trở nên gay gắt về việc như thế nào mà việc giành các ghế dân cử đã bị chùn lại trước những thành công cuả đảng Cộng hòa, đã không lật đổ các ghế Thượng viện và lại mất đi những ghế Hạ viện vốn là cuả Dân Chủ, từ các bang California cho đến Florida, có lẽ sẽ còn hơn thế nữa.

Trên thượng viện, chiến lược của Dân chủ được xây dựng từ một sự tự tin tối cao đến nỗi họ cho rằng chẳng cần phải làm gì cả, trừ việc “chạy cho hết giờ” để có một chiến thắng dễ dàng.

Đối lại, các đảng viên Cộng hòa như Thượng nghị sĩ Susan Collins ở Maine, Thượng nghị sĩ Steve Daines ở Montana, và Thượng nghị sĩ Thom Tillis ở Bắc Carolina đã làm việc không ngừng. Và trong khi các phương tiện truyền thông cấp tiến cho rằng họ không còn lối sống, thì mỗi người trong số họ đã giành được chiến thắng và nhờ đó, đã duy trì được đa số Thượng viện của Đảng Cộng hòa.

Cũng thế tại điện Capitol, cái lo lắng hàng đầu cuả Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã là xắp xếp chức vụ cho các đảng viên Dân chủ mới mà bà mong đợi sẽ chào đón. Nhưng đêm thứ ba lại là một một đêm đầy ác mộng cuả bà ta.

Đảng Cộng hòa đã mạnh mẽ - nhiều người trong số họ là phụ nữ - đã hạ ván các đối thủ Dân chủ, lật được ít nhất là 6 ghế, và có thể nhiều hơn nữa. Một ngạc nhiên thú vị là nữ dân biểu Dân chủ phụ trách việc chia các ghế Hạ viện, bà Cheri Bustos, D-Ill., đang vất vả lo lắng không biết có thể giữ được ghế của riêng mình hay không vào sáng thứ Tư.

Tương lai chính trị cuả đảng Dân chủ

Việc không giành được đa số Thượng viện sẽ là một trở ngại lớn cho ông Biden nếu ông ta thắng. Những lời hứa về cấp quĩ cho phá thai, tăng thẩm phán ở toà án tối cao, bổ nhiệm quan toà và quan chức cấp tiến vv.. sẽ thất bại, tạo ra một chính quyền què quặt.

Nhưng câu hỏi quan trọng hơn sẽ là việc gì sẽ xảy ra cho đảng Dân chủ khi họ thất bại không giành được đa số ở Thượng viện và mất đi nhiều ghế ở Hạ viện?

Chúng ta đã có một kinh nghiệm với đảng Cộng hòa vào những năm 2010 khi họ cũng gặp một hoàn cảnh như thế này, là một cánh gọi là Freedom Caucus đã được hình thành và liên tục tranh chấp với cánh đa số của Cộng hoà. Do đó các nhà lãnh đạo đảng không còn rảnh tay để lo việc quốc sự mà luôn luôn phải bận tâm để cân bằng cả hai cánh trong một cuộc nội chiến trong đảng.

Như vậy, với những thất bại hôm nay, người ta có thể sẽ thấy Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, I-Vt., Và thành viên “biệt đội” là dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez, DN.Y. (AOC), gây áp lực lên các ông Schumer (lãnh tụ thiểu số thượng viện) và bà Pelosi để đưa đảng Dân chủ ngã xa hơn về ‘cánh tả’.

Và một điểm cá nhân cần chú ý (mà không còn là một bí ẩn gì cả) đó là việc AOC đang để mắt vào cái ghế cuả chính ông Schumer vào năm 2022 tới đây. Sự tồn tại chính trị và là ưu tiên số 1 của ông Schumer là phải loại cho bằng được ‘nữ quái’ này.

Đảng Dân chủ sắp có cơ hội tìm hiểu cái cảm giác ‘nội chiến’ này.
 
Bài giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô: Chúa Giêsu, Thầy dạy cầu nguyện
Vũ Văn An
18:07 04/11/2020

Theo tin Zenit, do con số lây nhiễm và tử vong vì Covid-19 lên cao mỗi ngày, khắp thế giới và riêng tại Ý, nơi hàng ngày số người lây nhiễm lên tới 30,000 và 300 người chết, hôm nay, 4 tháng 11, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trở lại hình thức yết kiến trực tuyến, để phát đi bài giáo lý hàng tuần của ngài từ thư viện.

Khởi đầu buổi yết kiến trực tuyến, Đức Giáo Hoàng nói rằng quả là bất hạnh khi không còn được trực tiếp gặp gỡ tín hữu, mà phải hành động có trách nhiệm theo khuyến cáo của các nhà cầm quyền dân sự.

Buổi sáng nay, Đức Giáo Hoàng tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về cầu nguyện và đề cao Chúa Giêsu làm Tôn sư dạy ta cầu nguyện. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài dựa theo bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:



Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!

Thật không may, chúng ta đã phải quay lại với việc tổ chức buổi yết kiến này trong thư viện, để tự bảo vệ trước sự lây nhiễm của Covid. Điều này cũng dạy chúng ta điều này: chúng ta phải hết sức chú ý đến các quy định của các nhà cầm quyền, cả thẩm quyền chính trị lẫn thẩm quyền y tế, để bảo vệ mình chống lại đại dịch này. Chúng ta hãy dâng lên Chúa khoảng cách này giữa chúng ta, vì lợi ích của tất cả mọi người, và chúng ta hãy nghĩ, chúng ta hãy nghĩ nhiều về những người bệnh, về những người đã bị gạt ra bên lề khi họ phải vào bệnh viện, chúng ta hãy nghĩ đến các bác sĩ, các y tá, các thiện nguyện viên, nhiều người đang làm việc với người bệnh vào thời điểm này: họ liều mạng sống nhưng họ làm vậy vì tình yêu đối với người lân cận, như một ơn gọi. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ.

Trong suốt cuộc đời công khai của Người, Chúa Giêsu không ngừng tận dụng sức mạnh của lời cầu nguyện. Các sách Tin Mừng cho chúng ta thấy điều này khi Người lui về những nơi vắng vẻ để cầu nguyện. Đây là những nhận xét đúng mực và thận trọng, giúp chúng ta chỉ hình dung những cuộc đối thoại cầu nguyện đó. Tuy nhiên, rõ ràng chúng chứng tỏ rằng ngay cả những lúc tận tụy hơn trong việc chăm lo cho người nghèo và người bệnh, Chúa Giêsu vẫn không bao giờ bỏ quên cuộc đối thoại thân mật của Người với Chúa Cha. Càng đắm mình phục vụ nhu cầu của người ta, Người càng thấy cần phải dựa vào sự Hiệp thông Ba Ngôi, trở về với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.

Do đó, có một bí quyết trong cuộc đời của Chúa Giêsu, được che giấu đối với đôi mắt phàm nhân, một bí quyết vốn làm điểm tựa cho mọi điều khác. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là một thực tại mầu nhiệm, mà chúng ta rất ít trực giác được, nhưng là điều giúp chúng ta giải thích toàn bộ sứ mệnh của Người theo quan điểm đúng đắn. Trong những giờ phút tĩnh mịch ấy - trước bình minh hoặc vào ban đêm - Chúa Giêsu đã đắm mình trong tình thân mật với Chúa Cha, nghĩa là trong Tình Yêu mà mọi linh hồn đều khao khát. Đây là điều xuất hiện ngay từ những ngày đầu trong sứ vụ công khai của Người.

Thí dụ, vào một ngày Sabát, thị trấn Caphácnaum đã biến thành một “bệnh viện dã chiến”: sau khi mặt trời lặn, họ mang tất cả những người bệnh đến với Chúa Giêsu, và Người chữa lành họ. Tuy nhiên, trước bình minh, Chúa Giêsu biến dạng: Ngài rút lui vào một nơi thanh vắng và cầu nguyện. Simon và những người khác đi tìm Người và khi thấy Người, họ nói: "Mọi người đang tìm kiếm Thầy!" Chúa Giêsu trả lời thế nào? “Chúng ta hãy đi đến các thị trấn kế bên để thầy cũng có thể giảng dạy ở đó; vì thầy ra đi cốt để làm việc đó” (xem Mc 1: 35-38). Chúa Giêsu luôn đi xa hơn một chút, xa hơn để cầu nguyện với Chúa Cha, và xa hơn nữa, đến những làng mạc khác, những chân trời khác, đi và rao giảng cho các dân tộc khác.

Cầu nguyện là bánh lái dẫn đường cho Chúa Giêsu. Không phải thành công, không phải sự đồng thuận, không phải cụm từ quyến rũ “mọi người đang tìm kiếm thầy”, đã chỉ định các giai đoạn trong sứ mệnh của Người. Con đường mà Chúa Giêsu vẽ ra là con đường ít thoải mái nhất, nhưng đó là con đường qua đó Người vâng theo sự linh hứng của Chúa Cha, sự linh hứng mà Chúa Giêsu đã vâng nghe và nghinh đón trong lời cầu nguyện thanh tĩnh của Người.

Sách Giáo lý nói rằng “Khi Chúa Giêsu cầu nguyện, Người đã dạy chúng ta cách cầu nguyện rồi” (số 2607). Do đó, từ gương sáng của Chúa Giêsu, chúng ta có thể rút ra một số đặc điểm của lời cầu nguyện Kitô giáo.

Đầu tiên và quan trọng nhất, nó có địa vị hàng đầu: đó là ước nguyện đầu tiên trong ngày, một điều được thực hiện vào lúc bình minh, trước khi thế giới thức giấc. Nó phục hồi linh hồn trở lại điều mà nếu không có nó sẽ không có hơi sống. Một ngày sống mà không có lời cầu nguyện có nguy cơ bị biến thành một trải nghiệm khó chịu hoặc tẻ nhạt: tất cả những gì xảy ra với chúng ta có thể trở thành một số phận tồi tệ và mù quáng. Thay vào đó, Chúa Giêsu dạy phải tuân theo thực tại và do đó, phải lắng nghe. Cầu nguyện trước hết là lắng nghe và gặp gỡ Chúa. Nhờ thế, những vấn đề của cuộc sống hàng ngày không trở thành các trở ngại, nhưng là các lời kêu gọi của chính Thiên Chúa biết lắng nghe và gặp gỡ những người đang ở trước mặt chúng ta. Vì vậy, những thử thách trong cuộc sống biến thành cơ hội để trưởng thành trong đức tin và đức ái. Cuộc hành trình hàng ngày, bao gồm các gian khổ, nhận được viễn ảnh “ơn gọi”. Cầu nguyện có sức mạnh biến đổi thành tốt đẹp điều, trong cuộc sống, có thể bị lên án; lời cầu nguyện có sức mở rộng tâm trí đón chào một chân trời rộng lớn.

Thứ hai, cầu nguyện là một nghệ thuật cần được thực hành một cách kiên trì. Chính Chúa Giêsu nói với chúng ta: hãy gõ, hãy gõ, hãy gõ mãi. Chính Chúa Giêsu nói với chúng ta: hãy gõ, hãy gõ, hãy gõ mãi. Tất cả chúng ta đều có khả năng cầu nguyện đây đó, xuất phát từ cảm xúc nhất thời; nhưng Chúa Giêsu dạy chúng ta một kiểu cầu nguyện khác: kiểu cầu nguyện có kỷ luật, một thao tác, được thực hiện trong quy tắc sống. Lời cầu nguyện kiên định tạo ra sự biến đổi tiệm tiến, làm chúng ta trở nên mạnh mẽ trong lúc khổ sầu, mang lại cho chúng ta ơn thánh để được nâng đỡ bởi Đấng yêu thương chúng ta và luôn bảo vệ chúng ta.

Một đặc điểm khác trong lối cầu nguyện của Chúa Giêsu là sự tĩnh mịch. Những người cầu nguyện không trốn khỏi thế gian, nhưng thích những nơi vắng vẻ hơn. Ở đó, trong im lặng, nhiều tiếng nói có thể vang lên từng bị chúng ta che giấu trong sâu thẳm nội tâm của mình: những khao khát bị đè nén nhất, những sự thật mà chúng ta cố gắng bóp nghẹt, v.v. Và, trên hết, Thiên Chúa nói trong im lặng. Mọi người cần có một khoảng không gian riêng để có thể vun xới đời sống nội tâm, trong đó các hành động tìm được ý nghĩa. Không có đời sống nội tâm, chúng ta trở nên hời hợt, giao động và lo lắng - lo lắng làm hại chúng ta xiết bao! Đây là lý do tại sao chúng ta phải đi cầu nguyện; không có đời sống nội tâm, chúng ta chạy trốn thực tại, và chúng ta cũng trốn chạy chính mình, chúng ta là những người đàn ông và đàn bà luôn chạy hối hả.

Cuối cùng, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là nơi chúng ta tri nhận được rằng mọi điều đều phát xuất từ Thiên Chúa và trở về với Người. Đôi khi con người chúng ta tin rằng mình làm chủ mọi sự, hoặc ngược lại, chúng ta mất hết lòng tự trọng, chúng ta đi từ phía này sang phía khác. Cầu nguyện giúp chúng ta tìm được chiều kích đúng đắn trong mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa, Cha của chúng ta và với mọi tạo vật. Và lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, cuối cùng, có nghĩa là phó mình trong tay Cha, giống như Chúa Giêsu trong vườn cây dầu, trong cuộc thống khổ đó: “Lạy Cha, nếu có thể… xin cho ý Cha được thực hiện”. Phó mình trong tay Chúa Cha. Điều tốt là khi chúng ta bị giao động, có chút lo lắng, và được Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta từ bên trong và dẫn chúng ta tới việc phó thác trong tay Chúa Cha: “Lạy Cha, xin cho ý Cha được thực hiện”.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy khám phá lại Chúa Giêsu Kitô như Thầy dạy cầu nguyện trong Tin mừng và gia nhập trường dạy của Người. Tôi bảo đảm bảo với anh chị em rằng chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui và bình an.
 
Cầu nguyện là bánh lái dẫn đường cho cuộc đời chúng ta
Thanh Quảng sdb
19:03 04/11/2020
Cầu nguyện là bánh lái dẫn đường cho cuộc đời chúng ta

Tại buổi triều yết chung hàng tuần, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta thấy chúng ta cần phải cầu nguyện sớm hôm, thường xuyên và trong thinh lặng, đồng thời kêu gọi mọi người hãy cầu nguyện cho các nạn nhân Covid-19 và các nhân viên y tế đang nỗ lực chạy chữa cho họ.

(Tin Vatican - Devin Watkins)

Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu buổi Triều yết chung hôm thứ Tư (4/11/2020) rằng ngài lấy làm “tiếc” vì việc triều yết một lần nữa phải phát trực tuyến từ thư viện của Cung điện Tông Tòa, không có sự hiện diện của các tín hữu.

ĐTC gọi đây là một thực hành nhắc nhở cho chúng ta tầm quan trọng của việc tuân thủ các chỉ thị do các cơ quan chính phủ và y tế đề ra.

ĐTC cũng mời gọi mọi người hãy cầu nguyện cho những người bị nhiễm Covid-19 và cho các nhân viên y tế đang hết mình chữa trị cho họ.

"Chúng ta hãy dâng lên Thiên Chúa sự xa cách này giữa chúng ta, vì lợi ích của mọi người, và chúng ta hãy thường xuyên nhớ đến những người ốm đau, những người vốn đã bị coi là bị loại bỏ ra ngoài lề xã hội. Chúng ta hãy nhớ đến các bác sĩ, y tá, tình nguyện viên, và rất nhiều người đang lo cho những người nhiễm bệnh, những người đang dấn thân giúp đỡ các bệnh nhân, tình yêu, ơn gọi của họ, và tình yêu đối với tha nhân… Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ. "

Thực tại bí ẩn

Sau đó, Đức Thánh Cha tiếp tục bài giáo lý của Ngài về gương mẫu cầu nguyện của Chúa Giêsu.

“Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là một thực tại huyền nhiệm, trong đó chúng ta tìm kiếm một điều gì đó, nhưng nó cho phép chúng ta lý giải toàn bộ sứ mệnh của Chúa một cách đúng đắn.”

Đức Thánh Cha giải thích thêm, Chúa Giêsu thường đắm mình trong tâm tình kết hợp mật thiết với Chúa Cha, “trong Tình yêu mà mọi linh hồn khao khát”.

Bánh lái hướng đạo cuộc sống

Đức Thánh Cha Phanxicô tập trung suy tư vào đoạn trong Tin Mừng theo thánh Máccô (1: 32,34-38), trong đó Chúa Giêsu chữa lành nhiều người bệnh tật cho tới khuya, nhưng ngày hôm sau, Người dậy sớm đi đến một nơi vắng vẻ mà cầu nguyện một mình.

Khi các tông đồ thấy Chúa thì nói cho Chúa hay dân làng Caphácnaum đang tìm kiếm Chúa, nhưng Chúa Giêsu cho hay Ngài phải đi rao giảng cho các thành phố khác nữa.

“Cầu nguyện là bánh lái dẫn đường cho Chúa Giêsu.”

Đức Thánh Cha nói, điều này có nghĩa là Chúa Giêsu để cho Đức Chúa Cha hướng dẫn cuộc sống của Ngài, chứ không phải để cho người khác lèo lái.

ĐTC rút ra bốn bài học từ việc Chúa Giêsu cầu nguyện:


Đức Thánh Cha Phanxicô nói, Chúa Giêsu dạy chúng ta trước hết hãy cầu nguyện, đó là “một ước muốn đầu tiên cho một ngày”.

“Một ngày sống mà không có cầu nguyện sẽ có nguy cơ biến thành một ngày đầy thử thách hoặc chán nản: tất cả những gì xảy ra có thể trở thành tồi tệ và đen tối.”

Tuy nhiên, Chúa Giê-su cho thấy sự cần thiết phải vâng lời và lắng nghe, vì lời cầu nguyện trước hết là “cuộc gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa”.

“Do đó, những vấn đề của cuộc sống hàng ngày không trở thành chướng ngại vật, mà là một lời mời gọi từ chính Thiên Chúa, Đấng lắng nghe và hiện diện ngay trong cuộc sống chúng ta.”

Sự bền bỉ

Thứ hai, Đức Thánh Cha nói, Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng cầu nguyện là một nghệ thuật phải được thực hành “với sự kiên quyết.”

Dù một ai đó có thể cầu nguyện không thường xuyên, cho nên Chúa Giêsu nhắc chúng ta rằng cầu nguyện đòi hỏi một sự bền bỉ thực hành và nỗ lực không ngừng.

“Sự cầu nguyện kiên định tạo ra một tiến trình biến đổi, làm cho chúng ta trở nên mạnh mẽ trong lúc hoạn nạn, ban cho chúng ta ân sủng, sự trợ giúp từ Đấng yêu thương chúng ta và luôn bảo vệ chúng ta.”

Đơn độc và thinh lặng

Thứ ba, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu luôn là đơn độc.

"Những người cầu nguyện không chạy trốn khỏi thế tục, nhưng ưa thích những nơi vắng vẻ."

Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong sự im lặng tĩnh mịch của lời cầu nguyện, những ước muốn và chân lý sâu thẳm nhất của chúng ta sẽ được tỏ hiện ra ánh sáng.

Nhưng quan trọng nhất, ĐTC nói, thinh lặng để Chúa nói. “Mỗi người cần một khoảng không gian riêng để có thể trau dồi đời sống nội tâm, nơi đời hoạt động tìm được ý nghĩa.”

Đến và đi trong Chúa

Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, lời cầu nguyện như Chúa Giêsu dạy là nơi mà chúng ta nhận chân ra rằng “mọi sự đều đến từ Thiên Chúa và lại trở về với Ngài”.

ĐTC lưu ý rằng lời cầu nguyện giúp chúng ta khám phá lại “chiều kích đúng đắn cho mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa Cha và với các tạo vật”.

Đức Thánh Cha kết luận hòa bình và niềm vui là những gì chúng ta sẽ đạt được, nếu chúng ta biết noi gương cầu nguyện của Chúa Giêsu.
 
Hậu quả cuộc bầu cử 2020: Những ảnh hưởng với các chính sách Công Giáo
Trần Mạnh Trác
21:03 04/11/2020
Cho tới nay, kết quả kiểm phiếu cho thấy đảng Cộng hòa sẽ giữ quyền kiểm soát Thượng viện với một tỷ số thoải mái như trước, và đảng Dân chủ sẽ giữ đa số ở Hạ viện với một lợi thế giảm đi đáng kể vì mất nhiều ghế dân biểu ở khắp nơi.

Giả thử ứng viên Tổng thống Dân chủ Joe Biden sẽ kiểm soát toà Bạch Cung, những ưu tư cuả Công Giáo về các chính sách công cộng sẽ ra sao?

Về Tư pháp:

Một tổng thống Biden sẽ cần có sự chấp thuận của Thượng viện để bổ nhiệm các thành viên nội các và thẩm phán liên bang.

Các nhà lãnh đạo Cộng hòa ở Thượng viện có thể trì hoãn một số thành viên nội các, và có thể đấu tranh mạnh mẽ chống lại những ứng viên tư pháp ‘quá khích’ để duy trì nguyên vẹn những thành quả mà Tổng thống Trump đã đạt được, gồm có 200 bổ nhiệm vào tòa án liên bang và ba thẩm phán vào Tối cao pháp viện.

Nếu một ghế của Tòa án Tối cao nữa bị bỏ trống, thì cuộc chiến với ứng cử viên có khuynh hướng cấp tiến sẽ rất căng thẳng và có thể xa vào vòng bế tắc. Thông thường ứng viên đó phải rút lui, hoặc Tổng thống có thể đế cử một ứng viên ôn hoà hơn.

Về Lập pháp:

Sẽ tiếp tục là một chính quyền chia rẽ giống như dưới thời cuả ông Trump, sẽ vẫn có những rào cản lập pháp về một loạt các biện pháp, như các gói hỗ trợ và kích thích để ứng phó với đại dịch COVID.

Đối với cả hai bên, việc tài trợ để cứu trợ COVID đợt 2 tuy là một ưu tiên nhạy cảm nhưng các đảng viên Dân chủ trong Quốc hội đã đặt thêm vào việc thúc đẩy các biện pháp ủng hộ phá thai trong bất kỳ biện pháp cứu trợ nào, và do đó vẫn bị trì hoãn cho tới nay.

Việc tài trợ cho các nhóm phá thai qua sự cứu trợ COVID đã được tranh luận ngay từ đầu đại dịch. Vào tháng 3, Đạo luật CARES được thông qua với sự ủng hộ lưỡng đảng với những biện pháp ngăn cấm Planned Parenthood không được nhận các khoản vay khẩn cấp dành cho doanh nghiệp nhỏ. Tuy nhiên, các chi nhánh Planned Parenthood vẫn có thể tiếp cận 80 triệu đô la trong khoản vay PPP.

Với một đa số ở Hạ viện nhỏ hơn, người ta hy vọng bà Pelosi sẽ phải nhượng bộ và đợt cứu trợ COVID thứ 2 này sẽ không còn những đòi hỏi phá thai nữa.

Đạo luật CARES cũng bao gồm các biện pháp bảo vệ của Tu chính án Hyde. Tu chính án Hyde đã được ban hành hàng năm kể từ năm 1976 như một phần đính kèm với các dự luật chi tiêu y tế, và cấm liên bang tài trợ cho các ca phá thai tự chọn ở Medicaid.

Chủ tịch Hạ viện Nacy Pelosi đã từng tuyên bố bà sẽ tìm cách bãi bỏ Tu chính án Hyde. Ông Joe Biden, khi tranh cử tổng thống, cũng nói rằng ông sẽ bãi bỏ Hyde.

Tuy nhiên, với một đa số Dân chủ ít hơn, việc bà Pelosi có thể thực hiện lời hứa cuả mình trở nên khó hơn, ít ra là trong 2 năm tới.

Ông Biden, và đảng Dân chủ cũng ủng hộ một dự luật gọi là Luật Bình đẳng, để bảo vệ các khuynh hướng tình dục và giới tính và ngăn chặn sự phân biệt đối xử trong nhiều lĩnh vực, bao gồm các phòng vệ sinh công cộng, giáo dục, tài trợ liên bang, việc làm, nhà ở, tín dụng và bồi thẩm đoàn. Những người phản đối dự luật - gồm có các giám mục Hoa Kỳ - đã cảnh báo luật này sẽ hủy bỏ các biện pháp bảo vệ tự do tôn giáo và có thể được sử dụng để buộc các bác sĩ thực hiện một số ca phá thai. Nó đã từng được Hạ viện thông qua một lần, và đã bị Thượng viện ngăn chặn vào năm ngoái, vậy thì sau này nó vẫn có thể bị ngăn chặn thêm nữa nếu đảng Cộng hòa còn giữ Thượng viện.

Về các dự luật phò sinh

Các dự luật ủng hộ sự sống — chẳng hạn như luật cấm phá thai 20 tuần và luật bảo vệ những trẻ sơ sinh sống sót sau khi phá thai — sẽ chẳng đi đến đâu trong Hạ viện do Đảng Dân chủ lãnh đạo. Và tại Thượng viện, các thành viên ủng hộ sự sống cũng đành phải bó tay vì họ không có đủ túc số 60 ghế cần thiết để chấm dứt một filibuster mà thúc đẩy một đạo luật từ Thượng viện.

Trước đây các thành viên phò sự sống trong Hạ viện đã cố gắng để buộc một cuộc bỏ phiếu về luật bảo vệ thai nhi bị phá thai mà còn sống (Born-Alive Abortion Survivors Protection Act,) tức là ra hình phạt cho các bác sĩ hoặc chuyên gia đã không cung cấp việc chăm sóc cần thiết cho những trẻ sơ sinh còn sống sót sau khi bị phá thai.

Tuy nhiên, “discharge petition” (kiến nghị thông qua) chỉ nhận được 205 chữ ký – tức là thiếu mất 13 chữ ký để có số 218 cần thiết. Trong số những dân biểu ký tên có 3 dân biểu Dân chủ, nhưng tiếc thay hai người trong số này đã thua trong cuộc bầu cử vừa qua.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo Điểm Truyền Giáo Martino Porres Giáo Phận Ban Mê Thuột Mừng Lễ Quan Thầy
Trương Trí
08:40 04/11/2020
Tu sĩ Nguyễn Văn Phương, tu sĩ Dòng Đa Minh được Bề trên Dòng cử lên mục vụ tại vùng Tây Nguyên, Giáo phận Ban Mê Thuột từ năm 2003. Được thụ phong Linh mục năm 2005 và tiếp tục phục vụ tại Giáo phận Ban Mê Thuột. Từ năm 2015, ngài kiêm luôn Linh hướng Hội Bác ái Phanxico, đó cũng chính là tâm tình của linh mục Phero Nguyễn Văn Phương đối với những mãnh đời bất hạnh, nghèo khó và cô đơn mà ngài luôn canh cánh phải giúp họ vượt qua. Năm 2016, ngài được Bề trên bổ nhiệm Phó Tổng Phụ trách Hiệp hội Thánh Phaolo Tông đồ dân ngoại, nhưng ngài vẫn tiếp tục mục vụ tại Tây nguyên. Năm 2019 được Tòa Giám mục Ban Mê thuột cử làm Quản xứ giáo xứ Hòa Nam, huyện Buôn Đôn, Đắc Lắc. Một giáo xứ với gần 4.000 giáo dân nhưng có đến 1.800 người dân tộc Ê Đê thuộc các buôn làng: Buôn Ky; ba Buôn Niêng 1, 2, 3; Buôn Kdung; Buôn M’Thar.

Xem Hình

Theo những người lớn tuổi cho biết thì một số người dân tộc Ê Đê nơi đây đã được rửa tội từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước. Với một lòng yêu thương những người dân tộc, dù ở xa nhà thờ nhưng họ vẫn luôn một lòng giữ vững Đức Tin. Ngài luôn gần gũi và quan tâm đến đời sống của họ, nhất là về đời sống Đức Tin. Ước mong lớn nhất là có được một ngôi nhà để thờ phượng và tôn vinh Thiên Chúa tại chính Buôn Làng của mình.

Năm 2020, chính quyền địa phương cho phép được hoạt động tôn giáo tại Buôn làng, ngài đã chọn nhà của A Ma Chung tại Buôn Niêng để mượn làm nơi sinh hoạt và dâng Thánh lễ tạm thời vào ngày Chúa nhật và lễ trọng. Một thửa đất rộng 3.000m2 đang dự tính sẽ là nơi xây dựng ngôi nhà thờ, tuy nhiên vẫn đang chờ được cấp phép.

Với tấm lòng yêu thương những người nghèo khổ, nhất là những người dân tộc thiểu số. Ngài chọn Thánh Martino Porres làm quan thầy, Thánh Martino là một người da màu, bị bỏ rơi từ lúc nhỏ, ngài sống trong nhà dòng và trở thành tu sĩ. Ngài cũng là người hết lòng yêu thương những người nghèo khổ, những mãnh đời bất hạnh như chính cuộc đời của ngài.

Sáng 03 tháng 11, lễ kính Thánh Martino, bổn mạng của Giáo điểm truyền giáo mà linh mục Phero Nguyễn Văn Phương chọn và đặt tên cho Giáo điểm này: Giáo họ Martino. Lần đầu tiên một Thánh lễ mừng Quan thầy được tổ chức tại Buôn làng, với sự hiện diện của Hiệp sĩ Đại Thánh giá J.B. Lê Đức Thịnh; nữ tu Maria Vũ thị Ngọc Lan, Bề trên Tổng quyền Hội dòng Đa Minh Rosa Lima; các ân nhân là những người đã và sẽ giúp cho giáo điểm phát triễn và xây dựng nhà thờ.

Lần đầu tiên được tổ chức lễ quan thầy của Giáo điểm, nhẽng người dân tộc Ê Đê hết sức hân hoan tham dự với trang phục truyền thống rạng rỡ thật sốt sắng. Các bài tin mừng được đọc bằng tiếng Ê Đê và tiếng Kinh, ca đoàn do các thiếu nữ Ê Đê hát bằng chính tiếng dân tộc của họ thật duyên dáng hòa tiếng cồng chiêng đặc trưng cất lên ca tụng vinh danh Chúa với lòng tự hào.

Chia sẻ với bà con, Hiệp sĩ Đại Thánh giá J.B. Lê Đức Thịnh hứa sẽ hết lòng với bà con dân tộc, tác động với chính quyền các cấp để sớm có một ngôi nhà thờ khang trang cho bà con các Buôn làng nơi đây sớm hôm thờ phượng Chúa.

Một bữa cơm thân mật tại Giáo xứ Hòa Nam mừng Bổn mạng của Giáo họ Martino với sự tham dự của đại diện chính quyền các cấp. Giáo xứ trao tặng cho Hiệp sĩ Đại Thánh giá bó hoa tươi thắm và Hiệp sĩ xin trao tặng lại cho đại diện chính quyền như là một sự nối kết giữa chính quyền và Giáo hội. Chính sự hiện diện của đại diện chính quyền các cấp và Hiệp sĩ Đại Thánh giá là một sự kết nối để những ước mong của linh mục quản xứ và bà con dân tộc Ê Đê là ngôi Thánh đường sớm được cấp phép xây dựng. Hiện diện trong ngày vui của Giáo họ Martino hôm nay cũng có sự hiện diện của ông Đặng Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng Việt Phú An, ngôi nhà thờ sẽ được thiết kế và xây dựng theo tâm nguyện của bà con.

Trương Trí
 
Các Cộng đoàn Công Giáo tại Giáo phận Orange đã góp thu được trên $170,000.00 Mỹ kim cứu trợ nạn nhân bão lụt Miền Trung
LM Trần Công Nghị
09:31 04/11/2020
NAM CALI - Cha Vincent Phạm Ngọc Hùng, giám đốc Trung tâm Công Giáo thuộc giáo phận Orange vừa cho biết: "Tổng kết sở khởi cho đến nay (ngày 4/11/2020) số tiền thu được tại các cộng đoàn với mục đích cứu trợ nạn nhân bão lụt Miền Trung Việt Nam đã ghi nhận được như sau:

  • CĐ St. Columban: $23,460.00
  • Trung Tâm Công Giáo: $32,414.00
  • Nhà Thờ Chúa Kitô Cứu Thế: $598.00
  • CĐ Westminster: $27,970.10
  • CĐ Huntington Beach: $1,685.00
  • Giáo Xứ La Vang: $13,340.00
  • Giáo Xứ Thánh Linh: $16,649.00
  • CĐ Tam Biên $28,148.00
  • CĐ Tustin: $8,970.00
  • CĐ Thomas More: $5,056.00
  • CĐ Orange: $2,616.00
  • CĐ Anaheim: $6,760.00
  • CĐ Đức Mẹ Vô Nhiễm: $3,900.00

Như vậy chỉ tiêng người Công Giáo tại giá phận Orange: tổng cộng sơ khởi số tiền thu được đã lên tới $171,566.00 mỹ kim.

Cha Giám đốc cũng cho biết thêm là "Ngày cuối cùng để quyên góp cứu trợ sẽ là ngày 9 tháng 11, 2020. Sau đó sẽ tổng kết số tiền thu được và báo cáo về Tòa Giám mục và sau đó Đức Cha phụ tá Nguyễn Thái Thành sẽ gửi về cho Caritas Vietnam".

Ngoài ra chúng tôi cũng được Linh mục Giuse Nguyễn Thanh Châu, chủ tịch Liên Đoàn CGVN tại Hoa Kỳ vừa cho biết Thủ quỹ của Liên Đoàn cũng đã nhận được những đóng góp từ các nơi gửi về và đang làm sổ kế toán. Các Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ nhiều nơi cũng đã có những cuộc quyên góp hầu giúp đỡ đồng bào bão lụt tại Miền Trung mà theo thư kêu gọi của Đức TGM Nguyễn Chí Linh, chủ tịch Hội đồng Giám Mục Việt Nam đã nêu rõ: "Bão lụt tràn về gây cảnh tang thương" do vậy kêu gọi sự giúp đỡ tại quốc nội cũng như tại hải ngoại cho các giáo phận Miền Trung bị ảnh hưỡng trầm trọng do những trận bão lụt năm nay.

Các cộng đoàn Công Giáo Việt Nam, các gia đình và cá nhân nếu muốn góp một bàn tay cứu trợ xin gửi về:

The Federation of Vietnamese Catholics in the USA
Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ
15 W. Par St., Orlando, FL 32804.


Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ là tổ chức "Bất vụ lợi" (Non-Profit Organization), Do vậy số tiền đóng góp của quí vị sẽ được khấu trừ khi khai thuế.

LM John Trần Công Nghị
Trưởng Ban Thông Tin Liên Đoàn CGVN HK

 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Có Thiên Đường, Có Hỏa Ngục Không Vậy?
Nguyễn Văn Nghệ
08:36 04/11/2020
Có Thiên Đường, Có Hỏa Ngục Không Vậy?

Hồi nhỏ chúng tôi thường chơi trò chơi “Thiên đường- Hỏa ngục”(có tôn giáo không gọi Hỏa ngục mà gọi là Địa ngục), hai em đứng đối diện nhau và nắm tay nhau chống lên như một cái cổng, trong đó một em sẽ đại diện là Thiên đường, em kia sẽ đại diện cho Hỏa ngục, nhóm còn lại sẽ sắp hàng một nắm đuôi áo của nhau đi vòng quanh chui qua chui lại cánh cổng ấy và cùng nhau đọc: “Thiên đường- Hỏa ngục là chốn hai quê, ai khéo thì nhờ, ai vụng thì sa. Đêm nằm nhớ Chúa nhớ Cha, đọc kinh cầu nguyện kẻo sa linh hồn, linh hồn phải giữ linh hồn, đến khi giờ chết được lên Thiên đường”. Đến đây hai em làm cổng hạ tay xuống chận lại và em nào đứng trước cổng sẽ được hỏi: Thiên đường hay Hỏa ngục để em ấy lựa chọn và sau khi lựa chọn, em ấy sẽ bước ra khỏi hàng và đứng về phía mình đã chọn và trò chơi được tiếp tục cho đến em cuối cùng bị chặn lại. Sau đó có hình phạt do các em đã thảo luận trước.

Có Thượng đế không? Con người sau khi chết sẽ đi về đâu? Có Thiên đường, có Hỏa ngục không vậy?

Có hai trường phái duy tâm và duy vật. Trường phái duy vật phủ nhận Thượng đế, do đó phủ nhận cả Thiên đường và Hỏa ngục. Chết là hết, là đi vào cõi hư vô. Thiên đường- Hỏa ngục là chuyện hoang đường: “Vị văn khách tự Thiên đường đáo/ Bất kiến nhân tòng Địa ngục lai” (Chưa từng nghe khách tự Thiên đường đến/ Nào thấy ai theo Địa ngục về). Cụ Nguyễn Du cũng hoài nghi về Thiên đường- Địa ngục: “Biết đâu địa ngục, thiên đường là đâu!” (Truyện Kiều, câu 1774, bản chú giải của Bùi Kỷ& Trần Trọng Kim)

Tháng giêng năm Giáp Tý (1804) vua Gia Long ban chiếu chỉ định điều lệ hương đảng cho các xã dân ở Bắc Hà, trong đó có đoạn đề cập đến Thiên đường- Hỏa ngục: “Lại như đạo Da Tô là tôn giáo nước khác truyền vào nước ta, bịa đặt ra thuyết Thiên đường, Địa ngục khiến kẻ ngu phu, ngu phụ chạy vạy như điên, tiêm nhiễm thành quen, mê mà không biết. từ nay về sau, dân các tổng xã nào có nhà thờ Da Tô đổ nát thì phải đưa đơn trình quan trấn mới được tu bổ, dựng nhà thờ mới thì đều cấm”[1].

Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, sau đó kéo quân vào chiếm Gia Định, triều đình Huế mắc kế ly gián của thực dân Pháp và cho rằng những người theo đạo Da Tô làm nội ứng cho giặc. Giáo dân bị quan trên bắt đến công đường: “Tới quan truyền bảo một khi/Hễ bay xuất giáo tao thì tha cho/ Đứa nào cứng cổ cượng co/Dây roi có đó, nọc vồ có đây/Bây đừng quen thói dại ngây/Đạo Ta thời bỏ, đạo Tây lại thờ!/Khá tua cải quá bây giờ/ Bước qua thập tự ngõ nhờ ơn tha”[2]. Hễ ai chịu bước qua thập tự, xin từ bỏ đạo Da Tô thì được tha cho về. Những người không chịu xuất giáo thị bị giam cầm, tra tấn, đánh đập. Nhận thấy việc dùng uy vũ trấn áp đức tin những giáo dân trung kiên không có hiệu quả nên Án sát sứ tỉnh Quảng Nam lúc bấy giờ là Ngụy Khắc Đản đã làm bài “Hoán mê khúc” (Kêu gọi những người mê muội quay về cùng đạo của tổ tiên) trong đó có đoạn nói về Thiên đường- Hỏa ngục: “Ai ai nghĩ đó mà coi/Ở đời ta giữ đạo người là xong/Không tốn của, không mất công/Chẳng ngoài luật pháp mà trong luân thường/Mê chi những sự hoang đường/ Biết đâu hỏa ngục, thiên đường là đâu!/Dẫu rằng muốn sửa thân sau/Chi qua trung tín lẽ mầu thánh nhơn?/Ấy là tánh đạo thiện chơn/Có thiên đường cũng ắt phần đến ta/Tin chi Tây giáo truyền qua/Can vào quốc pháp, can ra tội người”[3].

Theo quan điểm Nho giáo, sanh ra làm con người thì lo giữ đạo làm người, lo giữ luân thường trung hiếu, nếu như “Có Thiên đường cũng ắt phần đến ta”.

Đối với những người tin có ông Trời, có Thượng Đế ắt hẳn là tin có Thiên đường- Hỏa ngục. Trước những lời của Án sát Ngụy Khắc Đản buộc cho giáo dân là những người “bỏ vua, bỏ nước, bỏ ông, bỏ bà” cho nên Đạo trưởng[linh mục] Gioakim Đặng Đức Tuấn(1806-1874) khi ấy đang trốn tránh lệnh bắt đạo của triều đình đã làm bài “Hồi đáp yết thị ca” để phản biện bài “Hoán mê khúc” cho rạch ròi thị phi tà chánh, trong đó phản bác lại vấn đề của Án sát Ngụy Khắc Đản cho rằng Thiên đường- Hỏa ngục là chuyện hoang đường: “Tích thiện, tích ác chi gia/Đố ai bay nhảy lọt qua lưới trời/Vua trị đời định nơi thưởng phạt/Phép khuyến trừng thiện ác hai phương/Huống chi đấng ngự Thiên Hương/Tử sinh không định ương tường không toan/ Ớ người trí thức khôn ngoan/ Chẳng tin lẽ ấy sao an đạo người?/…/Người đời sanh ký tử quy/Dữ lành ắt có chốn đi đã rồi/Vậy ta suy lại mà coi/Hoang đường đâu có nực cười điều chi?”[4]

Ở đời vua còn đặt ra thưởng phạt, “Huống chi Đấng ngự Thiên Hương/ Tử sinh không định, ương tường không toan” cho nên đối với những người tin vào thế giới siêu nhiên thì Thiên đường- Hỏa ngục không phải là chuyện hoang đường!

Voltaire từng nói: “Tôi không tin có Thượng Đế chỉ trên bàn giấy mà thôi, chứ đứng trước cái chết tôi tin có Thượng Đế”. Con người khi còn tuổi trẻ, khí huyết sung mãn, nên “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”, nhưng khi về già và nhất là khi sắp lâm chung thì không thể phủ nhận Thượng Đế, phủ nhận Thiên đường- Hỏa ngục: “Từ đáy sâu tâm hồn, bằng siêu thức, con người thời nào và ở đâu cũng hướng về một Tuyệt đối, một Thần thánh, hoặc một Thượng đế.

“Không một cá nhân nào suốt cuộc đời phủ nhận được thần nhan trong sâu thẳm con người, không tập thể nào phủ nhận được thần nhan trong khát khao của lịch sử dân tộc mình.

“Nếu phủ nhận thần thiêng, người ta phải dựng một cá nhân hoặc một tập thể nào lên làm thần tượng sờ mó được…”[5]

Nguyễn Văn Nghệ

Giáo xứ Cây Vông – Nha Trang

Chú thích

[1]- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 1, Nxb Giáo dục, tr.587

[2][3][4]- Lam Giang& Võ Ngọc Nhã, Đặng Đức Tuấn tinh hoa Công Giáo ái quốc Việt Nam, Tác giả tự xuất bản (In lần thứ nhất), 1970, tr.90; 270; 287

[5]- Lm.JMT. Nguyễn Thế Thoại, Vấn đề Thượng đế (thần lý học), Lưu hành nội bộ, tr. 227
 
VietCatholic TV
Nghi Thức Trừ Tà Trên Đà Gia Tăng, Đặc Biệt Là Sau Những Cuộc Biểu Tình
Giáo Hội Năm Châu
05:22 04/11/2020


Ngày Halloween của người Mỹ trong thời đại bây giờ đã trở thành một trong những ngày lễ hội được nhiều nơi trên thế giới tiếp nhận và thực hiện rộng rãi như một ngày dành cho những trò chơi ma quái và kinh dị, càng đáng sợ bao nhiêu càng được khen ngợi bây nhiêu. Trào lưu tò mò muốn tìm hiểu về “tâm linh, vận số” hay những gì sẽ xảy ra cho con người ở thế giới bên kia đã khiến nhiều người bỏ biết bao công sức, thời giờ và tiền bạc vào những nghi thức mang tính cách mê tín dị đoan như cầu cơ, bói toán, gọi hồn, lên đồng, xin quẻ, coi ngày v.v...

Giáo Hội Công Giáo đã chỉ ra rằng, những hành động thiên về “tâm linh” như thế không hề là phương tiện giao tiếp đúng đắn và phù hợp với “thế giới bên kia”, mà thật ra chỉ được xảy ra dưới ảnh hưởng của ma quỷ muốn lợi dụng sự mềm yếu và tò mò của con người để điều khiển và thao túng theo ý của chúng!

Những gì đang xảy ra trên thế giới, đặc biệt cho giá trị của sự sống con người cũng như cho sự tồn tại của giáo hội và nhân loại hiện nay cho thấy thế giới đang bị thao túng mãnh liệt bởi một thế lực ma quỷ, luôn tìm cách làm con người hoang mang, bất an và đặt nghi ngờ vào sự toàn năng vố đối và bản chất thiện lành của Thiên Chúa.

Những làn sóng của phong trào bạo loạn, cổ vũ phá thai, lạm dụng trẻ em, đòi quyền lợi cho những người muốn đi ngược lại giới răn Chúa dưới vỏ bọc “quyền bình đẳng” đang tràn ngập khắp nơi. Đặc biệt là tại Mỹ, nơi hiến pháp dành cho mọi người quyền tự do ngôn luận và biểu lộ tư tưởng qua hành động hầu như không giới hạn.

Giáo Hội Công Giáo Mỹ, trước những tấn công triền miên và tứ phía, vẫn gắng sức làm những gì có thể để chu toàn sứ vụ rao giảng đức tin và nâng đỡ tinh thần cho giáo dân và tất cả mọi người. Với những hành động xúc phạm thần thánh đang trên đà gia tăng dưới sự bảo trợ và cổ vũ của những chính trị gia đầy tham vọng và bất lương, đã có những vị chủ chăn khôn ngoan muốn nhờ cậy quyền năng Chúa ngăn chận bớt tham vọng điên cuồng ấy qua hình thức trừ tà ở những thành phố lớn hay những nơi xảy ra sự phạm thánh nghiêm trọng.

Cụ thể, trong tháng Mười năm nay, giáo hội Chúa tại hai thành phố từng xảy ra nhiều bạo loạn và phạm thánh nhất là San Francisco và Portland, tiểu bang Oregon của Mỹ đã tiến hành nghi thức trừ tà bằng tiếng Latin do các vị chủ chăn tại địa phương đích thân thực hiện.

Được biết tại San Francisco, lễ trừ tà đã được diễn ra ngay tại địa điểm nơi tượng cha thánh Junipero Serra, vị linh mục người Tây Ban Nha thuộc dòng Phan-xi-cô từng đi tiên phong trong công cuộc truyền giáo tại tân thế giới tức miền Viễn Tây Hoa Kỳ thời thế kỷ 18 đã bị người biểu tình của phong trào Black Lives Matter chủ xướng giật sập và nguyền rủa. Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone chủ tế nghi thức này đã tuyên bố mục đích của các giáo sĩ và giáo dân khi thực hiện nghi thức này là để “cầu xin Chúa thanh tẩy nơi có sự hiện diện của ma quỷ, để Ngài có thể thanh tẩy tâm hồn những ai đã phạm tội báng bổ này”.

Đức cha Cordileone còn nhấn mạnh sự nghiêm trọng của vấn đề qua việc tiến hành nghi thức bằng tiếng Latin vì theo kinh nghiệm của các chuyên gia trừ quỷ, đó chính là ngôn ngữ chính thức của giáo hội mà ma quỷ rất sợ hãi và do đó đem lại hiệu quả tốt đẹp hơn.

Nghi thức trừ tà ở thành phố Portland, Oregon cũng được tiến hành bằng tiếng Latin, trong cùng một ngày với nghi thức ở San Francisco, chỉ khác là do Đức Tổng Giám Mục Alexander Sample chủ tế.

Quan sát những diễn biến nghiêm trọng này, hai chuyên gia về nghi thức trừ tà là các giáo sư môn Tôn giáo học, giáo sư Andrew Chesnut của đại học Virginia Commonwealth University, và cha Pius Pietrzyk của chủng viện St. Patrick’s và đại học University in California đã cho biết trong thời gian gần đây Giáo Hội Công Giáo chưa từng thấy có nghi thức tương tự.

Theo giáo sư Chestnut, vào năm 2015 giáo quyền tại Mễ Tây Cơ cũng đã làm nghi thức trừ tà trên cả nước, nhằm trục xuất ảnh hưởng ma quỷ đã gây ra cho đất nước này qua hình thức bắn giết bừa bãi, phá thai và buôn bán ma tuý lan tràn khắp nơi.

Cũng theo giáo sư, động lực thúc đẩy nhu cầu trừ tà gia tăng kể từ thập niên 1980 được bắt nguồn từ hoạt động của giáo phái Tin Lành Ngũ Tuần vốn nhấn mạnh những xung khắc giữa Chúa Thánh Thần và các thế lực ma quỷ, đặc biệt là ở vùng Châu Mỹ La tinh, Châu Phi và một phần của Á Châu, gồm cả Phi Luật Tân.

Giáo Hội Công Giáo vốn không hề trao quyền trừ quỷ cho các giáo hội Tin Lành. Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô đã công nhận tính chính danh của hội thánh Công Giáo trong việc tiến hành nghi thức quan trọng đầy thách thức này. Toà Thánh cũng đã trao cho đại học Roma trách nhiệm đào tạo linh mục từ khắp nơi trở thành những thừa tác viên chính thức lãnh nhận sứ vụ đặc biệt này.

Tháng Chín năm nay, Đức Phan-xi-cô vừa bổ nhiệm 3 Giám Mục Phụ Tá địa phận Chicago. Một trong ba vị này là Đức cha Jeffrey Grob, một trong những chuyên gia về trừ quỷ hàng đầu trong giáo phận của ngài.

Giáo phận Chicago cũng có Học Viện Giáo Hoàng Leo Đệ Tam, chuyên chú trọng vào công tác đào tạo và giáo dục các linh mục về trừ quỷ. Học viện này mới đây cũng đưa ra tuyên bố trên trang mạng của mình, về những nghi ngại của một số người về nạn quỷ ám và nghi thức trừ tà.

Tuyên bố nói “Nhiều giáo dân Công Giáo nằm trong số những người không tin vào ma quỷ hoặc ảnh hưởng của chúng đối với mình. Điều quan trọng cần nhắc lại là Đức Thánh Cha Phan-xi-cô chưa bao giờ e ngại nói về ma quỷ, và ngài đã nhiều lần cảnh báo về sự ngây thơ trong cuộc chiến chống lại Satan, ngay trong thế kỷ 21 này”.

Một thách thức dai dẳng đối với các nhà trừ tà thời nay, là việc xác định xem một người có khả năng bị quỷ ám có thực sự đang gặp những vấn đề mà lẽ ra nếu được các chuyên gia sức khỏe tâm thần giải quyết thì tốt hơn hay không.

Về vấn đề này, Học viện cho biết chương trình giảng dạy của họ “dành cho tầm quan trọng của việc biết cách phân biệt liệu ai đó có thực sự bị quỷ ám hay không, hoặc liệu họ có mắc bệnh tâm thần hoặc tâm lý nào khác.”

Học viện cho biết, họ đồng ý với những người nói rằng các cuộc trừ tà đã gia tăng trong những năm gần đây, nhưng cho biết thêm rằng “không có nghiên cứu thống kê nghiêm túc về hoạt động này”.

Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã đưa ra một bảng Câu Hỏi và Trả Lời về nghi thức trừ tà trên trang mạng của mình cho mọi người tiện việc tham khảo. Hội đồng hy vọng rằng đây chính là những “thông tin rõ ràng được đưa ra cho một chủ đề vốn bị bao trùm bởi sự huyền bí hoặc thông tin sai lạc”.

Dưới đây là vài điểm chính trong bản hướng dẫn của Hội đồng:

Có hai loại nghi thức trừ quỷ: thông thường và trọng thể. Hình thức thông thường là khi chúng ta được rửa tội làm con cái Chúa. Hình thức trọng thể là khi có ai bị ma quỷ ám và phải nhờ đến một vị giám mục hay linh mục được chỉ định giúp đỡ trục quỷ.

Một người sẽ chỉ được giới thiệu đến một nhà trừ quỷ sau khi đã trải qua một cuộc giám định kỹ lưỡng về y tế, tâm lý và tâm thần.

Trong hoàn cảnh đặc biệt, một linh mục Công Giáo được phép làm nghi thức trừ quỷ cho một nạn nhân ngoài Công Giáo.

Trong những trường hợp có dấu hiệu quỷ ám, danh tính của nhà trừ quỷ sẽ phải được giữ bí mật hoặc chỉ được phép tiết lộ cho những linh mục trong cùng giáo phận để tránh việc ngài bị quấy rầy hoặc chia trí bởi những người tò mò hoặc không liên quan.

Khi nạn nhân là một phụ nữ, giáo luật đòi buộc phải có một phụ nữ đi kèm với linh mục trừ quỷ để công việc của ngài được xem là phù hợp và minh bạch.

Tóm lại, đối với một người bình thường, không hiểu biết nhiều về ảnh hưởng xấu của ma quỷ thì việc tiếp cận với cái gọi là “thế giới tâm linh” rất dễ dàng gây ra những rủi ro và nguy hại khôn lường cho đời sống đức tin của họ. Nếu chúng ta biết và thực hành Điều răn thứ Nhất mà giáo hội đã dạy là chỉ “Thờ phượng và kính mến Chúa trên hết mọi sự”, thì chúng ta mới có thể xác tính được rằng chỉ mình Thiên Chúa mới là Đấng luôn quan phòng mọi sự dù lớn dù nhỏ trong cuộc đời trần thế của chúng ta. Và nếu chúng ta vững tin nơi Ngài thì không thế lực huyền bí nào có thể tách rời chúng ta ra khỏi tình yêu thương che chở của Ngài.

Source:Yahoo News

 
Bế tắc trong cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ. Thanh niên xung phong của đảng Dân Chủ gây bạo loạn khắp nơi
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:16 04/11/2020

1. Bế tắc trong cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ. Thanh niên xung phong của đảng Dân Chủ gây bạo loạn khắp nơi

Như Tổng thống Trump đã cho biết, cuộc kiểm phiếu đã đột nhiên ngưng lại khi ông đang nhanh chóng qua mặt ông Joe Biden vì đảng Dân Chủ chỉ có thể thắng thêm ở một vài tiểu bang không đáng kể, cùng lắm là giành được thêm 12 phiếu đại cử tri nữa. Trong khi tổng thống đang trên đà chiến thắng một cách chắc chắn tại Georgia, Wiscosin, Michigan, North Carolina, Pennsylvia và Alaska. Tổng cộng các tiểu bang này sẽ đem lại cho tổng thống Trump 77 phiếu đại cử tri. Như thế, nếu cứ tiếp tục đếm, tổng thống sẽ dành được ít nhất 290 phiếu đại cử tri trong khi chỉ cần 270 phiếu là thắng cử.

Sau cú ngưng đột ngột này, sau khi cuộc đếm phiếu diễn ra trở lại, hàng trăm ngàn phiếu dồn cho Biden thình lình được tìm thấy ở Wiscosin, và Michigan đẩy Biden lên trước tổng thống Trump. Trong khi đó, tại Pennsylvia, cách biệt giữa Tổng thống Trump và Biden trước đó là 700,000 phiếu nay bất ngờ có thêm 500,000 phiếu bầu cho Biden và trên Twitter Tổng thống Trump đặt câu hỏi: “500,000 phiếu bất ngờ ấy ở đâu ra.”

Mặc dù đã bị cảnh cáo đừng xen vào cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ, Twitter vẫn tiếp tục ngang nhiên cản trở các tweets của Tổng thống Trump.

Đảng Dân chủ và cánh tả có những thành phần trong nội bộ “không chấp nhận kết quả bầu cử nếu không đúng theo ý họ”. Kết quả, bạo loạn bắt đầu càn quét qua các thành phố từ trước đến nay vẫn được xem là “thành trì của Đảng Dân chủ”

Thật vậy, bạo loạn đã bắt đầu nổ ra ở Washington D.C và New York, các thành phố lớn như Los Angeles, San Francisco và Portland đang chuẩn bị cho tình trạng bất ổn hơn sau cuộc bầu cử tổng thống.

Các loại Antifa trùm đen kín đầu đang tung hoành trên đường phố. Tại New York ít nhất 20 cuộc biểu tình đã nổ ra với yêu sách là Tổng thống Trump phải chấp nhận đã thua Biden.

Sau khi Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện là Thượng nghị sĩ Lindsey Graham của Đảng Cộng Hòa, đã làm mọi cách để nhanh chóng thông qua việc xác nhận cho Thẩm phán Amy Coney Barrett vào Tòa án Tối cao, các phương tiện truyền thông cánh tả dự đoán là ông sẽ thất bại thê thảm tại South Carolina. Tuy nhiên, trái với những đồn đoán này, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham đã thắng lớn tại tiểu bang này.

Trong khi đó, tại Louisianna, các cử tri đã bỏ phiếu bác bỏ ý kiến cho rằng phá thai là một quyền hiến định. Đây là một thắng lợi lớn cho chính nghĩa phò sinh.

Tại Đài Loan, tổng thống Thái Anh Văn bày tỏ âu lo là Trung Quốc có thể lợi dụng tình trạng rối ren tại Hoa Kỳ để đánh úp đảo quốc này.


Source:Sky News Australia

2. Thánh lễ tại nhà thờ Đức Bà ở Nice cầu cho ba nạn nhân

Chiều lễ Các thánh, 1 tháng 11 vừa qua, Đức Cha André Marceau, giám mục giáo phận Nice, miền nam nước Pháp, đã chủ sự nghi thức phạt tạ tại Vương cung Thánh đường Đức Bà và cầu nguyện cho ba nạn nhân bị một thanh niên Hồi giáo sát hại bằng dao, hôm 29 tháng 10 vừa qua trong thánh đường này.

Thánh lễ được truyền hình trực tiếp trên đài Kto của Công Giáo Pháp. Đồng tế với Đức Cha Marceau, có tất cả các linh mục tại thành phố Nice, cùng với thị trưởng thành phố Nice và Tỉnh trưởng địa phương, ông Bernard Gonzalez. Có khoảng 150 giáo dân trong giáo xứ tham dự từ bên ngoài.

Trước khi cử hành thánh lễ, có nghi thức thống hối và phạt tạ, như qui luật phụng vụ qui định, vì nhà thờ đã bị xúc phạm trong vụ khủng bố giết người. Lên tiếng tại cửa thánh đường, Đức Cha Marceau nói: “Hành động khủng bố đáng kinh tởm đã làm ô nhiễm mục đích và ơn gọi của nơi này. Nơi này đã bị xúc phạm qua vụ giết hại ba sinh mạng, nhân danh một hình ảnh sai lầm về Thiên Chúa, một ý thức hệ xấu xa, độc hại và sát nhân”.

Ở lối vào thánh đường, có trưng bày hình của ba nạn nhân bị sát hại gồm Simone Barreto Silva, 44 tuổi, một bà mẹ ba con; Nadine Devillers, 60 tuổi; và Vincent Loques, 55 tuổi, ông từ của nhà thờ và là cha của hai đứa con.


Source:Time

3. Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 từ khước gia tài của bào huynh

Đức Ông Georg Ratzinger, phụ trách ca đoàn thiếu nhi nổi tiếng của nhà thờ chính tòa giáo phận Regensburg trong 30 năm, từ năm 1964 đến 1994, và đã qua đời ngày 1 tháng 7 năm nay, hưởng thọ 96 tuổi.

Theo báo “Bild am Sonntag” nghĩa là “Hình ảnh Chúa nhật”, số ra ngày 1 tháng 11 vừa qua, ông Johannes Hofmann, Chủ tịch tổ chức thánh Gioan ở Regensburg, cho biết theo di chúc của Đức Ông Ratzinger, nhà ở của Đức Ông thuộc về tổ chức này. Phần di sản khác gồm các sáng tác nhạc, một thư viện nhỏ và các hình gia đình thuộc về Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16. Tuy nhiên, Đức Bênêđíctô từ khước nên các vật này thuộc về Tòa Thánh.

Tưởng cũng nên nhắc lại, Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã thăm bào huynh của ngài trong 5 ngày từ 18 đến 22 tháng 6. Hơn một tuần sau đó, bào huynh ngài qua đời.

Đức Cha Rudolf Voderholzer, Giám Mục giáo phận Regensburg đã lên tiếng ca ngợi Đức Ông Georg Ratzinger, một nhạc trưởng của dàn hợp xướng nhà thờ chính tòa Regensburg, như một người “anh em linh mục” và một “điểm tham chiếu” cho giáo phận.

Ngài nói: “Nhạc của Đức Ông Ratzinger là một trường cầu nguyện, những giáo huấn về đức tin và các bài giảng đi sâu vào lòng người. Vô số các cử hành phụng vụ trong nhà thờ chính tòa Regensburg và các nhà thờ khác đã có được vẻ đẹp, sự ấm áp và thanh thoát nhờ vào âm nhạc của ngài. Ngài có khả năng biến một phòng hòa nhạc thành một nhà cầu nguyện.”

Đức Cha Voderholzer đã cảm ơn bào huynh của Đức Bênêđíctô thứ 16 vì “sứ vụ linh mục rất đặc biệt” của ngài.


Source:Catholic Register

4. Ðức Hồng Y Tổng Giám Mục Vienna kêu gọi cầu nguyện cho các nạn nhân trong các vụ nổ súng tối thứ Hai 2 tháng 11.

Ðức Hồng Y Christoph Schonborn, Tổng Giám Mục Vienna, đã lên án bạo lực trong các vụ xả súng tại 6 địa điểm khác nhau ở thủ đô Vienna của Áo hôm tối 2 tháng 11 năm 2020 và kêu gọi cầu nguyện cho các nạn nhân.

Theo một rabbi Do Thái là người phụ trách hội đường Do Thái Stadttempel, ông chứng kiến từ một căn nhà trên lầu cao gần đó bọn khủng bố chỉ có một tên duy nhất. Hắn bắt đầu nổ súng vào lúc 8 giờ tối và bị bắn chết vào lúc 8 giờ 9 phút. Vị rabbi này cho biết ý hành động rất chuyên nghiệp, không bắn ngẫu nhiên như các phương tiện truyền thông loan tin, nhưng bắn có chủ ý vào đám đông đang cố hưởng buổi tối cuối cùng trước khi bị cách ly hàng nhiều tháng trời vì sự bùng phát trở lại của coronavirus.

Hung thủ là một thanh niên 20 tuổi có quốc tịch Macedonia và cả quốc tịch Áo. Y từng bị kết án 22 tháng tù vì tội tìm cách sang Trung Đông chiến đấu cho quân khủng bố Hồi Giáo IS, và đã được trả tự do trước thời hạn vào tháng 12 năm ngoái.

Trong 9 phút ngắn ngủi trước khi bị bắn chết, y vừa bắn vừa chạy tạo ra cảm tưởng thủ đô Vienna bị tấn công bởi nhiều tên khủng bố cùng một lúc. 4 người bị y bắn chết tại chỗ và 22 người khác bị thương nặng.

Ðức Hồng Y nhận định: “Dù động lực của các cuộc tấn công ở Vienna như thế nào, thì điều rõ ràng là bạo lực mù quáng không thể được biện minh bằng bất cứ điều gì”.

Trả lời phỏng vấn của hãng tin Công Giáo Áo Kathpress, Ðức Hồng Y cho biết bản thân ngài vô cùng xúc động trước những sự việc mà ngài phải chứng kiến. Ðức Hồng Y đã yêu cầu mọi người cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ tấn công và cho các nhân viên của các dịch vụ khẩn cấp: “Trong những giờ phút bi kịch này, cùng với nhiều người khác đang theo dõi những sự kiện bi thương ở trung tâm thành phố của chúng ta thông qua các phương tiện truyền thông, tôi cầu nguyện cho các nạn nhân và cho các hoạt động cứu trợ khẩn cấp, để không còn những vụ đổ máu nữa.”

Ngài kết luận: “Thực tế là những phát súng được bắn trực tiếp trước hội đường trong thành phố của cộng đồng tôn giáo của người Israel gợi nhớ cho tôi về vụ tấn công đẫm máu vào nguyện đường Do Thái năm 1981. Dù bối cảnh của vụ tấn công lần này là gì, cần phải nói rõ rằng không có gì có thể biện minh cho bạo lực mù quáng.”

Sau vụ tấn công khủng bố khiến 3 anh chị em giáo dân bị thiệt mạng tại Nice, hàng loạt các vụ tấn công vào các nhà thờ Công Giáo và người Công Giáo đã diễn ra tại Áo.

Hôm thứ Bẩy, 31 tháng 10, trên một chuyến xe buýt ở thành phố Graz của Áo, một nữ tu Công Giáo 76 tuổi đã bị một thanh niên Afghanistan 19 tuổi đấm vào mặt. Sơ đã được đưa vào nhà thương. Căn cứ trên video camera gắn trên xe buýt, cảnh sát đã bắt được tên tấn công.

Hai ngày trước đó, hôm 29 tháng 10, khoảng 30 đến 50 thanh niên tấn công vào một nhà thờ Công Giáo ở Vienna-Favoriten vào tối thứ Năm. Theo một số báo cáo của các phương tiện truyền thông, thủ phạm là một nhóm người Thổ Nhĩ Kỳ trẻ tuổi. Những kẻ tấn công đã xông vào nhà thờ giáo xứ Thánh Antôn ở Favoriten, hét lên “Allahu Akbar” và đá vào những băng ghế và các đồ đạc khác trong nhà thờ.

Tổng giáo phận Vienna đã lên án vụ tấn công và kêu gọi các cơ quan thực thi pháp luật “nhanh chóng làm rõ” và bắt những kẻ hây rối phải gánh chịu những “hậu quả.”

Văn phòng Bảo vệ Hiến pháp và Chống Khủng bố của Nhà nước Vienna đã được cha phó của nhà thờ cung cấp các video giám sát.

Một người Afghanistan khác đã bị bắt vào hôm Chúa Nhật khi đang hô to các “khẩu hiệu Hồi giáo” trong nhà thờ chính tòa Thánh Stêphanô của thủ đô Vienna.

Cảnh sát nói với CNA Deutsch, các nhà thờ ở Vienna hiện đang được giám sát chặt chẽ hơn trước các làn sóng gây rối.


Source:Catholic News Agency

5. Lần đầu tiên sau 10 năm một giáo phận của Tây Ban Nha mới có một phó tế được thụ phong.

Sau 10 năm khan hiếm ơn gọi, không có lễ phong chức linh mục hay phó tế nào, hôm Chúa Nhật 25 tháng 10 năm 2020 giáo phận Segovia ở Tây Ban Nha đã cử hành lễ phong chức phó tế cho Álvaro Marín, một chủng sinh 24 tuổi, tại nhà thờ chính tòa của giáo phận.

Thầy tân phó tế Álvaro đã học thần học tại đại học Avila và đại học Giáo hoàng Salamanca.

Trong lễ phong chức phó tế, Ðức Cha César Franco của giáo phận Segovia nói: “Giáo phận Segovia vui mừng về việc phong chức phó tế này. Tạ ơn Chúa cho tân phó tế, cho gia đình đã nuôi dạy thầy trong đức tin, cho giáo xứ thánh Têrêsa nơi thầy đã khám phá ơn gọi của mình, và cho chủng viện nơi thầy đã trưởng thành cho đến giờ phút này. Một ơn gọi là một quà tặng vô cùng lớn lao.”

Ðức Cha nói thêm: “Trong thời gian này, khi mà ơn gọi linh mục là một điều quý hiếm, thầy Álvaro nhìn vào đời sống mới của mình với niềm vui và trách nhiệm, vì biết rằng Chúa luôn hướng dẫn con đường của thầy với bàn tay vững chắc”.

Trong một cuộc phỏng vấn, thầy Álvaro cho biết thầy đã bắt đầu cảm thấy ơn gọi vào năm 15 tuổi. Thầy nói chuyện với cha sở của thầy, và cha đưa thầy đến các buổi họp mặt của tiểu chủng viện và thầy bắt đầu phân định ơn gọi.

Một trong những thời điểm quan trọng trong việc khám phá ơn gọi của thầy là khi bố của thầy qua đời. Biến cố này như một cú đánh, thúc đẩy thầy xem xét nghiêm túc ơn gọi của mình hơn và nhắc nhở thầy thưa “vâng” với Chúa và gia nhập chủng viện.

Theo thống kê năm 2017, giáo phận Segovia có gần 150,000 tín hữu, chiếm 96% dân số khu vực. Giáo phận có 181 linh mục triều và dòng, 339 nam tu và nữ tu, và chỉ có 1 chủng sinh


Source:Herald Malaysia

6. Các thánh đường tại Israel được mở lại.

Từ hôm Chúa nhật 1 tháng 11 năm 2020, các thánh đường ở Israel được mở cửa trở lại, nhờ con số các vụ lan lây Coronavirus tiếp tục giảm bớt.

Một phần nội các của chính phủ Israel, trong phiên họp tối thứ Năm rạng ngày thứ Sáu 30 tháng 10 năm 2020 đã quyết định tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế vì đại dịch. Bộ y tế và thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết trong giai đoạn đầu, mỗi nhà thờ có thể đón nhận mười người. Tuy nhiên, quyết định này còn phải được toàn bộ hội đồng nội các chấp thuận. Ngoài ra, các nhà trọ cũng được mở lại để đón nhận khách, nhưng biện pháp mở lại các cửa tiệm ở các đường phố còn phải chờ quyết định của chính phủ trong tuần tới đây.

Tin của Bộ y tế Israel cho biết, hôm 29 tháng 10 năm 2020, có 564 ca nhiễm mới, và tổng số ca nhiễm tích cực Coronavirus là 11,200 người, và từ đầu đại dịch đến nay có hơn 2,500 người chết.

Cũng liên quan đến Thánh Địa Giêrusalem, sáng 28 tháng 10, ngay trước buổi tiếp kiến chung, Đức Thánh Cha đã trao dây Pallium cho Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa, 55 tuổi, mới được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Thượng phụ Công Giáo Latinh ở Giêrusalem hôm 24 tháng 10.

Trong một nghi lễ đơn sơ được cử hành tại nhà nguyện Santa Marta, sau nghi thức tuyên xưng đức tin, Đức Thánh Cha đã đeo dây Pallium cho Đức Tổng Giám Mục Pizzaballa. Đây là một cử chỉ được xem là hiếm hoi kể từ khi Đức Thánh Cha Phanxicô sửa đổi nghi thức trao dây Pallium vào năm 2015.

Trước năm 2015, đích thân Đức Thánh Cha đeo dây cho các tân tổng giám mục. Nhưng theo nghi thức mới, ngài chỉ làm phép và trao dây Pallium cho các tân tổng giám mục mang về địa phương. Trong Thánh lễ cử hành tại địa phương, vị Sứ thần Tòa Thánh tại quốc gia của vị tân tổng giám mục sẽ đeo dây Pallium cho tân tổng giám mục.


Source:NPR
 
Giáo lý thứ Tư hàng tuần của Đức Phanxicô: Chúa Giêsu, Thầy dạy cầu nguyện
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
23:38 04/11/2020

Bản dịch của Vũ Văn An

Theo tin Zenit, do con số lây nhiễm và tử vong vì Covid-19 lên cao mỗi ngày, khắp thế giới và riêng tại Ý, nơi hàng ngày số người lây nhiễm lên tới 30,000 và 300 người chết, hôm nay, 4 tháng 11, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trở lại hình thức yết kiến trực tuyến, để phát đi bài giáo lý hàng tuần của ngài từ thư viện.

Khởi đầu buổi yết kiến trực tuyến, Đức Giáo Hoàng nói rằng quả là bất hạnh khi không còn được trực tiếp gặp gỡ tín hữu, mà phải hành động có trách nhiệm theo khuyến cáo của các nhà cầm quyền dân sự.

Buổi sáng nay, Đức Giáo Hoàng tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về cầu nguyện và đề cao Chúa Giêsu làm Tôn sư dạy ta cầu nguyện. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài dựa theo bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:



Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!

Thật không may, chúng ta đã phải quay lại với việc tổ chức buổi yết kiến này trong thư viện, để tự bảo vệ trước sự lây nhiễm của Covid. Điều này cũng dạy chúng ta điều này: chúng ta phải hết sức chú ý đến các quy định của các nhà cầm quyền, cả thẩm quyền chính trị lẫn thẩm quyền y tế, để bảo vệ mình chống lại đại dịch này. Chúng ta hãy dâng lên Chúa khoảng cách này giữa chúng ta, vì lợi ích của tất cả mọi người, và chúng ta hãy nghĩ, chúng ta hãy nghĩ nhiều về những người bệnh, về những người đã bị gạt ra bên lề khi họ phải vào bệnh viện, chúng ta hãy nghĩ đến các bác sĩ, các y tá, các thiện nguyện viên, nhiều người đang làm việc với người bệnh vào thời điểm này: họ liều mạng sống nhưng họ làm vậy vì tình yêu đối với người lân cận, như một ơn gọi. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ.

Trong suốt cuộc đời công khai của Người, Chúa Giêsu không ngừng tận dụng sức mạnh của lời cầu nguyện. Các sách Tin Mừng cho chúng ta thấy điều này khi Người lui về những nơi vắng vẻ để cầu nguyện. Đây là những nhận xét đúng mực và thận trọng, giúp chúng ta chỉ hình dung những cuộc đối thoại cầu nguyện đó. Tuy nhiên, rõ ràng chúng chứng tỏ rằng ngay cả những lúc tận tụy hơn trong việc chăm lo cho người nghèo và người bệnh, Chúa Giêsu vẫn không bao giờ bỏ quên cuộc đối thoại thân mật của Người với Chúa Cha. Càng đắm mình phục vụ nhu cầu của người ta, Người càng thấy cần phải dựa vào sự Hiệp thông Ba Ngôi, trở về với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.

Do đó, có một bí quyết trong cuộc đời của Chúa Giêsu, được che giấu đối với đôi mắt phàm nhân, một bí quyết vốn làm điểm tựa cho mọi điều khác. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là một thực tại mầu nhiệm, mà chúng ta rất ít trực giác được, nhưng là điều giúp chúng ta giải thích toàn bộ sứ mệnh của Người theo quan điểm đúng đắn. Trong những giờ phút tĩnh mịch ấy - trước bình minh hoặc vào ban đêm - Chúa Giêsu đã đắm mình trong tình thân mật với Chúa Cha, nghĩa là trong Tình Yêu mà mọi linh hồn đều khao khát. Đây là điều xuất hiện ngay từ những ngày đầu trong sứ vụ công khai của Người.

Thí dụ, vào một ngày Sabát, thị trấn Caphácnaum đã biến thành một “bệnh viện dã chiến”: sau khi mặt trời lặn, họ mang tất cả những người bệnh đến với Chúa Giêsu, và Người chữa lành họ. Tuy nhiên, trước bình minh, Chúa Giêsu biến dạng: Ngài rút lui vào một nơi thanh vắng và cầu nguyện. Simon và những người khác đi tìm Người và khi thấy Người, họ nói: "Mọi người đang tìm kiếm Thầy!" Chúa Giêsu trả lời thế nào? “Chúng ta hãy đi đến các thị trấn kế bên để thầy cũng có thể giảng dạy ở đó; vì thầy ra đi cốt để làm việc đó” (xem Mc 1: 35-38). Chúa Giêsu luôn đi xa hơn một chút, xa hơn để cầu nguyện với Chúa Cha, và xa hơn nữa, đến những làng mạc khác, những chân trời khác, đi và rao giảng cho các dân tộc khác.

Cầu nguyện là bánh lái dẫn đường cho Chúa Giêsu. Không phải thành công, không phải sự đồng thuận, không phải cụm từ quyến rũ “mọi người đang tìm kiếm thầy”, đã chỉ định các giai đoạn trong sứ mệnh của Người. Con đường mà Chúa Giêsu vẽ ra là con đường ít thoải mái nhất, nhưng đó là con đường qua đó Người vâng theo sự linh hứng của Chúa Cha, sự linh hứng mà Chúa Giêsu đã vâng nghe và nghinh đón trong lời cầu nguyện thanh tĩnh của Người.

Sách Giáo lý nói rằng “Khi Chúa Giêsu cầu nguyện, Người đã dạy chúng ta cách cầu nguyện rồi” (số 2607). Do đó, từ gương sáng của Chúa Giêsu, chúng ta có thể rút ra một số đặc điểm của lời cầu nguyện Kitô giáo.

Đầu tiên và quan trọng nhất, nó có địa vị hàng đầu: đó là ước nguyện đầu tiên trong ngày, một điều được thực hiện vào lúc bình minh, trước khi thế giới thức giấc. Nó phục hồi linh hồn trở lại điều mà nếu không có nó sẽ không có hơi sống. Một ngày sống mà không có lời cầu nguyện có nguy cơ bị biến thành một trải nghiệm khó chịu hoặc tẻ nhạt: tất cả những gì xảy ra với chúng ta có thể trở thành một số phận tồi tệ và mù quáng. Thay vào đó, Chúa Giêsu dạy phải tuân theo thực tại và do đó, phải lắng nghe. Cầu nguyện trước hết là lắng nghe và gặp gỡ Chúa. Nhờ thế, những vấn đề của cuộc sống hàng ngày không trở thành các trở ngại, nhưng là các lời kêu gọi của chính Thiên Chúa biết lắng nghe và gặp gỡ những người đang ở trước mặt chúng ta. Vì vậy, những thử thách trong cuộc sống biến thành cơ hội để trưởng thành trong đức tin và đức ái. Cuộc hành trình hàng ngày, bao gồm các gian khổ, nhận được viễn ảnh “ơn gọi”. Cầu nguyện có sức mạnh biến đổi thành tốt đẹp điều, trong cuộc sống, có thể bị lên án; lời cầu nguyện có sức mở rộng tâm trí đón chào một chân trời rộng lớn.

Thứ hai, cầu nguyện là một nghệ thuật cần được thực hành một cách kiên trì. Chính Chúa Giêsu nói với chúng ta: hãy gõ, hãy gõ, hãy gõ mãi. Chính Chúa Giêsu nói với chúng ta: hãy gõ, hãy gõ, hãy gõ mãi. Tất cả chúng ta đều có khả năng cầu nguyện đây đó, xuất phát từ cảm xúc nhất thời; nhưng Chúa Giêsu dạy chúng ta một kiểu cầu nguyện khác: kiểu cầu nguyện có kỷ luật, một thao tác, được thực hiện trong quy tắc sống. Lời cầu nguyện kiên định tạo ra sự biến đổi tiệm tiến, làm chúng ta trở nên mạnh mẽ trong lúc khổ sầu, mang lại cho chúng ta ơn thánh để được nâng đỡ bởi Đấng yêu thương chúng ta và luôn bảo vệ chúng ta.

Một đặc điểm khác trong lối cầu nguyện của Chúa Giêsu là sự tĩnh mịch. Những người cầu nguyện không trốn khỏi thế gian, nhưng thích những nơi vắng vẻ hơn. Ở đó, trong im lặng, nhiều tiếng nói có thể vang lên từng bị chúng ta che giấu trong sâu thẳm nội tâm của mình: những khao khát bị đè nén nhất, những sự thật mà chúng ta cố gắng bóp nghẹt, v.v. Và, trên hết, Thiên Chúa nói trong im lặng. Mọi người cần có một khoảng không gian riêng để có thể vun xới đời sống nội tâm, trong đó các hành động tìm được ý nghĩa. Không có đời sống nội tâm, chúng ta trở nên hời hợt, giao động và lo lắng - lo lắng làm hại chúng ta xiết bao! Đây là lý do tại sao chúng ta phải đi cầu nguyện; không có đời sống nội tâm, chúng ta chạy trốn thực tại, và chúng ta cũng trốn chạy chính mình, chúng ta là những người đàn ông và đàn bà luôn chạy hối hả.

Cuối cùng, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là nơi chúng ta tri nhận được rằng mọi điều đều phát xuất từ Thiên Chúa và trở về với Người. Đôi khi con người chúng ta tin rằng mình làm chủ mọi sự, hoặc ngược lại, chúng ta mất hết lòng tự trọng, chúng ta đi từ phía này sang phía khác. Cầu nguyện giúp chúng ta tìm được chiều kích đúng đắn trong mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa, Cha của chúng ta và với mọi tạo vật. Và lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, cuối cùng, có nghĩa là phó mình trong tay Cha, giống như Chúa Giêsu trong vườn cây dầu, trong cuộc thống khổ đó: “Lạy Cha, nếu có thể… xin cho ý Cha được thực hiện”. Phó mình trong tay Chúa Cha. Điều tốt là khi chúng ta bị giao động, có chút lo lắng, và được Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta từ bên trong và dẫn chúng ta tới việc phó thác trong tay Chúa Cha: “Lạy Cha, xin cho ý Cha được thực hiện”.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy khám phá lại Chúa Giêsu Kitô như Thầy dạy cầu nguyện trong Tin mừng và gia nhập trường dạy của Người. Tôi bảo đảm bảo với anh chị em rằng chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui và bình an.
 
Cuộc bầu cử 2020: Giới truyền thông mất mặt, đảng Dân Chủ thoái trào.
Giáo Hội Năm Châu
23:51 04/11/2020

Dù cho ai thắng cuộc vào Toà Bạch Cung, thì hậu quả cuả cuộc Bầu cử toàn bộ 2020 này đã thể hiện trong 2 lãnh vực: một là sự mất lòng tin ở hệ thống truyền thông Mỹ, và hai là sự thoái trào cuả đảng Dân Chủ.

1 Thất bại của giới truyền thông:

Tuy chúng ta chưa biết hết toàn bộ những kẻ chiến thắng trong cuộc bầu cử này (chức Tổng thống, tất cả các ghế dân biểu và 1/3 thượng viện) nhưng kẻ thất bại thê thảm nhất thì đã rõ ràng rồi, đó là giới truyền thông và cách riêng là ngành công nghiệp thăm dò dư luận cử tri.

Nhà thăm dò kỳ cựu của đảng Cộng hòa là Frank Luntz nói với Fox News vào sáng thứ Tư rằng "không thể tha thứ được" khi các cuộc điều tra dư luận lại đánh giá thấp sự ủng hộ của ông Trump.

Tệ hơn nữa là lần này, không chỉ các cuộc thăm dò cấp tiểu bang đã sai mà thôi, mà ngay cả con số trung bình trên toàn quốc cũng sai nốt.

Nhớ lại việc thăm dò dư luận đã bị chỉ trích sau chiến thắng lịch sử năm 2016 của ông Trump.

Nhưng dù sao thì cuộc thăm dò cấp quốc gia vào năm 2016 đó đã thực sự đạt được gần tiêu chuẩn. Nghiã là cuộc khảo sát quốc gia cuối cùng mà RealClearPolitics tổng hợp cho thấy bà Hillary Clinton hơn ông Trump 3,2 điểm, mà quả là như thế, bà ta đã giành được một số phiếu phổ thông toàn quốc lớn hơn ông Trump 2,1 điểm. Bà ta chỉ thua vì phiếu Cử Tri Đoàn.

Lần này thì khác, trước cuộc bầu cử hôm thứ Ba, các cuộc khảo sát quốc gia cho thấy ông Biden sẽ thắng với một số điểm khổng lồ là 7,2 điểm. Nhưng với lần kiểm tra vào sáng thứ Tư ngay sau cuộc bầu cử, thì ông Biden đã kém ông Trump1,6 điểm toàn quốc. Dĩ nhiên cuộc kiểm phiếu còn chưa kết thúc và con số ấy có thể thay đổi, nhưng chắc chắn con số sai lầm lên đến 8.8 % (7.2 + 1.6) thì là quá sức tưởng tượng cho những hãng thăm dò mệnh danh là chuyên nghiệp...

Không những thế, các cuộc khảo sát nhỏ ở cấp địa phương cũng vậy, sự sai lầm là quá lớn và đồng loạt, đáng xấu hổ.

Lấy một thí dụ ở Florida làm điển hình, trung bình các cuộc khảo sát công khai cuối cùng trước cuộc bầu cử do RealClearPolitics tổng hợp cho thấy cựu phó tổng thống Biden có lợi thế 9 điểm. Nhưng kết quả chính thức cho thấy ông Trump chiến thắng với lợi thế 3.4. Các cuộc khảo sát đã sai với một con số khổng lồ là 12.4% (9+3.4), một con số không thể nào tha thứ được.

Vậy tại sao các cuộc thăm dò dư luận lại một lần nữa đánh giá thấp sự ủng hộ của Trump?

“Những người thăm dò ý kiến, và sự dàn xếp các câu hỏi, ngụ ý rằng những ai ủng hộ ông Trump là thấp kém. Cho nên những người cuả ông Trump cảm thấy như là một vinh dự khi từ chối hợp tác hoặc “chọc gậy bánh xe” các cuộc phỏng vấn. Do đó, việc đo lường mức độ ủng hộ dành cho ông Trump là một việc khó khăn ”, theo ông Luntz. "Nhưng để cho sai lầm tới hai lần liên tiếp với mức độ quá lớn thì không thể tha thứ."

2 Thời điểm khởi đầu suy thoái cuả đảng Dân chủ

Đêm thứ Ba vừa qua là một lời cảnh tỉnh lớn đối với các đảng viên Dân chủ trong quốc hội và có thể mở màn cho một cuộc chiến đẫm máu trong nội bộ đảng.

Theo ông Matt Gorman thì cho dù người làm chủ toà Bạch Cung là ông Trump hay ông Biden, các đảng viên đảng Dân chủ vẫn sẽ phải đối mặt với một tính toán không giống bất kỳ điều gì họ đã có trong một thế hệ

Với một ngân phiếu chi tiêu nửa tỷ đô la cho những ngày cuối cùng cuả cuộc vận động tranh cử, các đảng viên Dân chủ đã vênh váo huýt sáo khi nghĩ rằng họ sẽ giành lại Thượng viện và tăng thêm đa số ở Hạ viện. Họ tiên đoán sẽ là một “cơn sóng thần màu xanh” tràn ngập khắp nơi đất nước để xây dựng lên một thời đại huy hoàng cấp tiến mới.

Nhưng hôm nay ở khắp khuông viên cuả điện Capitol, cuộc nói chuyện đang trở nên gay gắt về việc như thế nào mà việc giành các ghế dân cử đã bị chùn lại trước những thành công cuả đảng Cộng hòa, đã không lật đổ các ghế Thượng viện và lại mất đi những ghế Hạ viện vốn là cuả Dân Chủ, từ các bang California cho đến Florida, có lẽ sẽ còn hơn thế nữa.

Trên thượng viện, chiến lược của Dân chủ được xây dựng từ một sự tự tin tối cao đến nỗi họ cho rằng chẳng cần phải làm gì cả, trừ việc “chạy cho hết giờ” để có một chiến thắng dễ dàng.

Đối lại, các đảng viên Cộng hòa như Thượng nghị sĩ Susan Collins ở Maine, Thượng nghị sĩ Steve Daines ở Montana, và Thượng nghị sĩ Thom Tillis ở Bắc Carolina đã làm việc không ngừng. Và trong khi các phương tiện truyền thông cấp tiến cho rằng họ không còn lối sống, thì mỗi người trong số họ đã giành được chiến thắng và nhờ đó, đã duy trì được đa số Thượng viện của Đảng Cộng hòa.

Cũng thế tại điện Capitol, cái lo lắng hàng đầu cuả Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã là xắp xếp chức vụ cho các đảng viên Dân chủ mới mà bà mong đợi sẽ chào đón. Nhưng đêm thứ ba lại là một một đêm đầy ác mộng cuả bà ta.

Đảng Cộng hòa đã mạnh mẽ - nhiều người trong số họ là phụ nữ - đã hạ ván các đối thủ Dân chủ, lật được ít nhất là 6 ghế, và có thể nhiều hơn nữa. Một ngạc nhiên thú vị là nữ dân biểu Dân chủ phụ trách việc chia các ghế Hạ viện, bà Cheri Bustos, D-Ill., đang vất vả lo lắng không biết có thể giữ được ghế của riêng mình hay không vào sáng thứ Tư.

Tương lai chính trị cuả đảng Dân chủ

Việc không giành được đa số Thượng viện sẽ là một trở ngại lớn cho ông Biden nếu ông ta thắng. Những lời hứa về cấp quĩ cho phá thai, tăng thẩm phán ở toà án tối cao, bổ nhiệm quan toà và quan chức cấp tiến vv.. sẽ thất bại, tạo ra một chính quyền què quặt.

Nhưng câu hỏi quan trọng hơn sẽ là việc gì sẽ xảy ra cho đảng Dân chủ khi họ thất bại không giành được đa số ở Thượng viện và mất đi nhiều ghế ở Hạ viện?

Chúng ta đã có một kinh nghiệm với đảng Cộng hòa vào những năm 2010 khi họ cũng gặp một hoàn cảnh như thế này, là một cánh gọi là Freedom Caucus đã được hình thành và liên tục tranh chấp với cánh đa số của Cộng hoà. Do đó các nhà lãnh đạo đảng không còn rảnh tay để lo việc quốc sự mà luôn luôn phải bận tâm để cân bằng cả hai cánh trong một cuộc nội chiến trong đảng.

Như vậy, với những thất bại hôm nay, người ta có thể sẽ thấy Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, I-Vt., Và thành viên “biệt đội” là dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez, DN.Y. (AOC), gây áp lực lên các ông Schumer (lãnh tụ thiểu số thượng viện) và bà Pelosi để đưa đảng Dân chủ ngã xa hơn về ‘cánh tả’.

Và một điểm cá nhân cần chú ý (mà không còn là một bí ẩn gì cả) đó là việc AOC đang để mắt vào cái ghế cuả chính ông Schumer vào năm 2022 tới đây. Sự tồn tại chính trị và là ưu tiên số 1 của ông Schumer là phải loại cho bằng được ‘nữ quái’ này.

Đảng Dân chủ sắp có cơ hội tìm hiểu cái cảm giác ‘nội chiến’ này.