Ngày 05-11-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 6/11: Không ai có thể làm tôi hai chủ - Suy Niệm: Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Giáo Hội Năm Châu
04:16 05/11/2021

PHÚC ÂM: Lc 16, 1-8

“Con cái đời này khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Một người phú hộ kia có một người quản lý; và người này bị tố cáo đã phung phí của chủ. Ông chủ gọi người quản lý đến và bảo rằng: “Tôi nghe nói anh sao đó. Anh hãy tính sổ công việc quản lý của anh, vì từ nay anh không thể làm quản lý nữa”. Người quản lý thầm nghĩ rằng: “Tôi phải làm thế nào, vì chủ tôi cất chức quản lý của tôi? Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Tôi biết phải liệu thế nào để khi mất chức quản lý thì sẽ có người đón tiếp tôi về nhà họ”. “Vậy anh gọi từng con nợ của chủ đến và hỏi người thứ nhất rằng: “Anh mắc nợ chủ tôi bao nhiêu?” Người ấy đáp: “Một trăm thùng dầu”. Anh bảo người ấy rằng: “Anh hãy lấy văn tự, ngồi xuống mau mà viết lại năm mươi”. Rồi anh hỏi người khác rằng: “Còn anh, anh mắc nợ bao nhiêu?” Người ấy đáp: “Một trăm giạ lúa miến”. Anh bảo người ấy rằng: “Anh hãy lấy văn tự mà viết lại: tám mươi”. “Và chủ khen người quản lý bất lương đó đã hành động cách khôn khéo: vì con cái đời này, khi đối xử với đồng loại, thì khôn khéo hơn con cái sự sáng”.

Ðó là lời Chúa.
 
Lễ vật cao quý
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
05:21 05/11/2021


Một ông lão nghèo bước vào nhà một người quyền quý gõ cửa xin ăn. Chủ nhà nhìn ông với vẻ mặt khinh khỉnh, miễn cưỡng rút túi lấy 100.000 đồng, ném vào ông và nói: “Tiền nè!” rồi bực bội quay vào nhà.

Dù đây là một số tiền đáng kể đối với lão ăn xin, nhưng nhìn thái độ hách dịch của người cho, ông cảm thấy cay đắng và oán hận. Ông quay mặt ra đi không thèm lấy.

Ông sang nhà bên cạnh, một căn nhà đơn sơ nghèo nàn, có một bé gái chạy ra, cầm 1.000 đồng với cả hai tay, miệng tươi cười vui vẻ, thưa với ông: “Cháu không có gì nhiều, xin ông nhận lấy thảo.”

Ông lão nhận lấy món quà nhỏ bé của cô gái nhỏ với tấm lòng hân hoan. Ông chưa bao giờ nhận được món quà quý báu đến thế, một món quà nhỏ nhưng được gói ghém với rất nhiều yêu thương.

Của cho không lớn, nhưng cho với tấm lòng yêu thương trìu mến, với thái độ trân trọng, thì giá trị của nó tăng lên cả trăm lần.

Khi Chúa Giê-su quan sát những người bỏ tiền dâng cúng cho đền thờ, Ngài thấy có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền, cũng có một bà goá nghèo bỏ vào hòm tiền hai đồng xu nhỏ, nhưng đó là tất cả những gì bà có để nuôi thân.

Lễ vật của bà tuy bé mọn nhưng gói ghém rất nhiều tình yêu. Chính vì thế, Chúa Giê-su cho rằng bà goá nầy đã dâng cho Thiên Chúa nhiều hơn tất cả những người khác.

Thiên Chúa là Đấng vô cùng giàu có, Ngài chẳng thiếu của gì. Điều Ngài chờ đợi nơi chúng ta là tấm lòng yêu mến. Vì thế, chúng ta hãy dâng cho Ngài những công việc nhỏ bé hằng ngày, được thực hiện với nhiều yêu thương.

Làm việc nhỏ với một tình yêu lớn

Mẹ thánh Tê-rê-xa Calcutta không chủ trương làm những công việc to lớn, nhưng thường xuyên làm những việc nhỏ với tình yêu lớn. Mẹ nói: “Chúng ta không thể làm những việc lớn lao, nhưng chúng ta có thể làm những việc nhỏ với tình yêu lớn lao.”

Trong bức thư gửi cho đấng đáng kính là cố Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận, mẹ Tê-rê-xa viết: “Điều đáng kể không phải là số lượng công việc ta làm, nhưng là mức độ yêu thương mà ta đặt vào trong mỗi công việc.”

Đúng thế, dù làm được cả chục việc lớn để mưu cầu danh lợi… cũng không bằng làm một việc nhỏ bé chỉ vì lòng mến Chúa yêu người.

Thánh Phao-lô dạy: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (I Cr 13, 3).

Cảm hứng từ bức thư trên đây của mẹ Tê-rê-xa Calcutta, đấng đáng kính Fx Nguyễn Văn Thuận quyết tâm “thực hiện từng công việc nhỏ bé hằng ngày, từng cuộc tiếp xúc hằng ngày với tình yêu lớn” và biến những phút sống hiện tại thành những giây phút đẹp nhất cuộc đời. Ngài viết: “Tôi quyết sống từng giây phút hiện tại và đong đầy tình thương vào đó” (Trích: “Năm chiếc bánh và hai con cá”).

Lạy Chúa Giê-su,

Chúng con biết lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp muôn vàn ân huệ Chúa thương ban? Không lẽ chúng con liên tiếp nhận ơn Chúa ban mà không biết báo đền?

Xin cho chúng con mỗi ngày dâng cho Chúa một hy sinh nhỏ bé, nhưng được thực hiện với nhiều yêu thương; đó là lễ vật cao đẹp làm vui lòng Chúa hơn hết. Amen.
 
Đừng đánh giá nhau dựa trên vật chất
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
06:27 05/11/2021
CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN NĂM B

ĐỪNG ĐÁNH GIÁ NHAU DỰA TRÊN VẬT CHẤT

Chúng ta đang sống trong thời buổi kinh tế thị trường. Nền kinh tế này, bây giờ đã đi vào từng nếp sống, nếp nghĩ của mỗi người từ lúc nào không hay, đến nỗi nó làm cho con người ta cuống theo nó như một cái máy, cố làm sao phải tạo được nhiều của cải, càng nhiều, càng tốt, nhưng phải rẻ, bền, đẹp để bán nhanh nhất, đủ sức cạnh tranh, đủ sức tồn tại, để ông chủ có thể đứng vững, không những không bị phá sản mà còn phải giàu, giàu hơn nữa.

Để tạo được những sản phẩm có thể đáp ứng những nhu cầu đó, nghĩa là vật chất làm ra phải tính toán thế nào để nó có giá trị cao, thì ngược lại, số lượng công nhân làm việc phải hết sức giới hạn. Sức lao động phải đứng hàng thứ yếu. Tiền lương dành cho người công nhân càng thấp, càng tốt.

Vì người lao động ít, trong khi sản phẩm đòi phải làm ra nhiều nhằm mang lại thật nhiều lợi nhuận cho chủ, vì thế anh chị em công nhân phải làm thêm, phải tăng ca liên tục.

Về phía anh chị em công nhân, vì đồng lương ít ỏi, nên tự bản thân thấy cần phải làm thêm, hay chấp nhận tăng ca là cách duy nhất khả dĩ có thể giúp họ có thêm thu nhập. Các chủ ông, chủ bà lợi dụng sự cần kiếp này của công nhân để rốc hết sức lực của họ.

Tăng ca, thay vì là sự tự nguyện của người công nhân, bây giờ trở thành giờ quy định và ép buộc phải tăng ca và tăng liên tục. Nếu không chấp nhận như thế, sẽ có những biện pháp phạt, ít là bị đuổi việc. Hóa ra tăng ca không còn là tăng ca nữa, nhưng là kéo dài giờ làm đến khuya khoắt đã trở thành chuyện thường ngày.

Nhưng cuối cùng, tất cả những điều đó nhằm mục đích gì? Nhằm phục vụ sản phẩm, nói cách khác, phục vụ giá trị vật chất, để vật chất đó sẽ đem lại sự giàu có cho ông chủ.

Còn những kẻ làm chủ, nhờ bóc lột sức lao động của công nhân, càng có cơ hội củng cố quyền hành, củng cố vị thế của mình. Khi quyền hành tập trung, tiền của tập trung, họ bắt đầu thao túng, thủ đoạn, mua chuộc những người có quyền khác cần cho sự làm giàu của họ… để càng ngày càng phát triển theo chiều hướng tốt cho họ, dẫu là chà đạp trên sự sống, trên nhân phẩm của công nhân.

Chỉ có anh chị em công nhân là người chịu thiệt thòi nhất. Các chủ đầu tư không ngừng dùng thủ đoạn, ít nữa là biện pháp để khống chế công nhân như sẵn sàng đuổi việc, cách chức, giảm tiền lương, kỷ luật…

Nói lên điều này để thấy rằng, kinh tế thị trường, dĩ nhiên có mặt tốt của nó, nhưng mặt khác, nó đè bẹp giá trị của lao động, của người lao động nói riêng và con người nói chung.

Kinh tế thị trường tạo ra một mâu thuẫn rất lớn giữa con người và vật chất. Nó làm đảo lộn giữa hai nhân tố ấy: nghĩa là giá trị vật chất mới quan trọng, còn con người chỉ đứng hàng thứ yếu. Con người phải phục vụ tối đa cho sản phẩm, cho vật chất mà chính mình tạo ra.

Nói như thế để bạn cùng tôi nhìn lại thái độ của Chúa Giêsu qua Tin mừng hôm nay. Nếu so với các nhà kinh tế, chắc chắn Chúa Giêsu không phải là nhà kinh tế, càng không thể làm kinh tế.

Bởi cái cách đánh giá tiền của Chúa Giêsu bé quá, đánh giá lòng người trọng quá. Chỉ mới nhìn thấy bà góa cùng đinh bỏ hai đồng bạc kẻm vào thùng tiền trong đền thờ, Chúa đã khen lấy, khen để, khen nức, khen nỡ, khen như chưa từng được hai đồng bạc vậy: “Bà này bỏ vào thùng tiền nhiều hơn hết”. Nhiều hơn hết là bao nhiêu? Là hai đồng kẻm, không được ½ xu, chỉ đúng ¼ xu.

Nhưng Chúa có lý do để khen ngợi: Vì “bà đã bỏ vào thùng tất cả những gì mình có để sống”, mặc dù cái có để sống đó quá ít: chưa tới ¼ xu.

Hóa ra Chúa có một tiêu chuẩn đánh giá hoàn toàn khác người. Chúa không đánh giá khi nhìn bề mặt, càng không hề mang nặng thứ tâm lý kinh tế thị trường, chỉ đánh giá hoàn toàn do lòng chúng ta. Người không đánh giá con người dựa trên vật chất, nhưng đánh giá dựa trên tình yêu, và nhìn vào tâm hồn con người mà đánh giá.

Bởi thế, dù chỉ có hai đồng tiền kẽm, nhưng bằng một tâm hồn đầy lòng đạo đức, một đức mến hoàn toàn vô vị lợi, hai đồng tiền kẽm ấy cũng trở nên lớn nhất: nó nhiều hơn tất cả. Lời dạy của Chúa Giêsu còn đó, là bài học cho mọi người, cho bạn và cho tôi.

Ở ngoài xã hội, người ta đánh giá nhau dựa trên giá trị vật chất quá nhiều rồi, và chính chúng ta, không ít lần là nạn nhân của cái tâm lý kinh tế thị trường ấy. Lỡ một lần nào đó, đến một nơi nào đó, người ta thấy mình mặc cái áo đã cũ, hình như sự tiếp đón cũng lạnh nhạt theo chiếc áo cũ ấy.

Kinh tế thị trường đi vào từng ngõ ngách của đời sống, vì thế vô hình chung, nó cũng len lỏi vào trong nếp sống của gia đình. Là mái nhà chung của những người cùng ruột thịt, huyến thống, vậy mà chính nền tảng của xã hội là gia đình lại báo động về sự rạn nứt, bởi những người thân giờ đây nhìn nhau qua lăng kính vật chất, đánh giá nhau dựa trên đồng tiền.

Chẳng hạn có những đứa con trong gia đình làm ra tiền, sắm cái này, mua cái kia, bỗng dưng tiếng nói của đứa con đó có giá trị. Nếu kinh tế gia đình hầu như lệ thuộc hoàn toàn vào đứa con ấy, chắc chắn, không sớm thì muộn, nó sẽ có quyền quyết định trên mọi thứ, mọi vấn đề trong chính gia đình ấy.

Hoặc chồng hay vợ là người làm ra tiền, phải lo gia đình, thì những người lo gia đình ấy, sẽ có lúc tự cho mình có quyền trên mọi người ngay trong chính gia đình của mình.

Hoặc có nhiều gia đình, khi còn sống chật cật, vất vả, đủ ăn hằng ngày, lại chứa chan lòng yêu thương nhau, lại rất hạnh phúc. Rồi một ngày tự dưng trúng số, những người trong gia đình đó “đổi đời”, con cái bắt đầu ăn diện, vợ đi đường vợ, chồng đi đường chồng, hạnh phúc của những ngày nghèo khổ biến mất.

Bạn ạ, cuộc sống có quy luật của nó. Nếu người ta đánh giá nhau dựa trên giá trị vật chất, lấy tiền của để ước lượng nhau, hạnh phúc của họ sẽ không còn, vì hạnh phúc không thể mua bằng tiền.

Người ta chỉ có thể có hạnh phúc khi có tình yêu. Bởi thế, từng người trong gia đình hãy nỗ lực từng ngày biến gia đình mình thành mái ấm thật sự, thành môi trường ấp ủ yêu thương đúng nghĩa nhất.

Xin đừng mang tâm lý kinh tế thị trường vào trong đời sống gia đình để đánh giá nhau. Nghĩa là đừng bao giờ cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em trong nhà nhìn nhau và cân đo nhau theo giá trị vật chất.

Bạn và tôi hãy học lấy tấm gương của Chúa Giêsu mà nhìn nhận nhau dựa trên tình yêu của nhau chứ đừng dựa trên giá trị vật chất.

Học lấy cách đánh giá tuyệt vời của Chúa Giêsu thì mới mong có hạnh phúc trong gia đình, và hạnh phúc ấy sẽ mãi mãi được củng cố bằng tình yêu và sự đón nhận chứ không phải bằng lăng kính vật chất.
 
Sống trao ban sẽ được trao ban
Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
09:58 05/11/2021
Sống trao ban sẽ được trao ban

(Suy niệm Chúa nhật 32 TNB)

Câu chuyện về tờ tiền 1.000 đồng và 500 nghìn đồng

Một ngày nọ, tờ tiền 1.000 đồng và tờ tiền 500.000 đồng gặp lại nhau. Tờ 1.000 đồng hỏi:

– Lâu lắm không gặp cậu, cậu biến đi đâu vậy?

Tờ 500.000 đồng kiêu hãnh trả lời:

– Tớ lang thang mấy sòng bạc, chu du trên biển, dự 10 trận bóng đá, vào ra vài quán bar, vũ trường… mấy thứ đại loại như vậy. Còn cậu đi đâu vậy?

Tờ 1.000 đồng mỉm cười:

– Tớ đi đến những mảnh đời bất hạnh cậu ạ.

1000 đồng tuy nhỏ bé nhưng mang giá trị to lớn

Chỉ là một câu chuyện ngắn được nhân cách hóa cho hai tờ tiền mệnh giá khác nhau, nhưng thông điệp được truyền tải lại mang ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc. Tờ 1000 đồng tuy giá trị nhỏ hơn 500 nghìn đồng nhiều lần nhưng chúng chẳng hề vô dụng chút nào. Và dù cho nó có bị nhàu nát, bị người ta khinh rẻ hay nói những điều tệ hại về nó, thì giá trị của tờ 1.000 đồng vẫn còn nguyên.

Thế nhưng điều đáng buồn là nhiều người vứt nó lăn lóc khắp nơi, vò nhàu nhĩ trong túi quần hay còn không thèm nhận lại 1.000 đồng tiền thừa.

Theo thói đời, chúng ta thường đánh giá con người dựa trên vẻ bề ngoài: áo đồ lộng lẫy, nhà lầu xe hơi, vợ đẹp con ngoan, giàu sang phú quý,...Tuy nhiên, chúng ta quên mất rằng giá trị của một con người không nằm ở vẻ bề ngoài và chỉ dựa trên những ‘sản vật’ mà người đó sở hữu, mà nó nằm ở chỗ là con người đó có tử tế hay không, có nhân bản hay không, có tư cách ứng xử văn minh lịch sự hay không, có biết tôn trọng và yêu thương người khác hay không, có tinh thần quảng đại và sẵn sàng trao ban cho tha nhân, nhất là cho các hoàn cảnh nghèo khổ không? Hôm nay, ngang qua các bài đọc Phụng vụ của Chúa nhật 32 thường niên năm B, chúng ta sẽ được Đức Giê-su cho biết đâu là con người có giá trị đích thực?

1/ Đức Giê-su, con người của sự trao ban

Đức Giê-su, Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người, với hình dạng con người, giống con người mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi để trở nên món quà trao ban cho con người nhằm cứu độ con người. Ngài là món quà vô cùng quý giá mà Thiên Chúa trao ban cho nhân loại. Món quà này không bất động nhưng rất sống động và năng động; không vô cảm nhưng rất giàu lòng vị tha và thương xót tất cả mọi người, nhất là những hoàn cảnh bệnh hoạn tật nguyền, bị loại ra khỏi lề xã hội, bị thiếu thốn đủ bề,…Món quà này đã trở nên sự nối kết thay vì chia cắt và loại trừ. Món quà này đã trở nên nguồn chữa lành cho những người ốm đau và bệnh tật; đã trở nên ánh sáng cho người mù tối; đã trở nên bước chân cho người què quặt; đã trở nên miệng lưỡi và tai nghe cho người câm điếc; đã trở nên sự sống lại cho người chết chóc,…Món quà này hiện diện nơi đâu là ở đó có sự thi ân giáng phúc; hiện diện là trao ban bình an và niềm vui cho muôn người. Món quà này đã trở nên hiền lành và khiêm nhường cho nhiều người học đòi bắt chước. Món quà này đã trở nên chỗ nghỉ ngơi bồi dưỡng cho những ai đang mang gánh nặng nề. Món quà này đã trở nên con đường cho những ai lạc bước, đã trở nên sự thật cho những ai giả dối và sai lầm.

Đức Giê-su Ki-tô, con người của sự trao ban đỉnh cao cho con người khi Ngài sẵn sàng chịu chết trên cây thập tự để cứu chuộc muôn loài. Sự trao ban vô tiền khoáng hậu này chỉ thật sự được thực hiện nơi Đức Giê-su Ki-tô mà thôi. Quả thật, Đức Giê-su đã thật sự trở nên con người của sự trao ban cho tất cả những ai chạy đến với Ngài với lòng thành tâm thiện chí. Ngược lại, Ngài sẽ không trở nên món quà của sự trao ban cho những ai lòng chai dạ đá và khô cứng niềm tin.

2/ Con người cũng được mời gọi sống trao ban

Chúng ta bắt gặp hai hình ảnh bà goá nơi hai bài đọc diễn tả sự trao ban hoàn toàn mà không còn phải đắn đo và suy nghĩ. Nơi bài đọc I, sách các Vua giới thiệu hình ảnh bà goá nghèo đã sẵn sàng trao ban nước và bánh cho ngôn sứ Ê-li-a, người của Thiên Chúa. Mặc dù chỉ vỏn vẹn nắm bột ăn rồi sẽ chết, nhưng vì tin vào lời của ngôn sứ Ê-li-a, bà đã sẵn sàng phục vụ và trao ban cho ông. Kết quả là hũ bột đã không vơi, vò dầu đã chẳng cạn, đúng như lời Đức Chúa đã dùng ông Ê-li-a mà phán. (1V 17,16). Hình ảnh bà goá nơi bài Tin mừng được Đức Giê-su khen ngợi, tại sao vậy? Tin mừng tường thuật bối cảnh người người bỏ tiền vào Đền thờ: người giàu có cũng như người nghèo khó. Nhưng Đức Giê-su đã lên tiếng: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều lấy tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này đã túng thiếu, lại còn bỏ vào đó tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân”. (Mc 12, 43-44).

Quả thật, “ai vui vẻ dâng hiến thì được Thiên Chúa yêu thương” (2Cr 9,7). Đức Giê-su nơi bài Tin mừng yêu thương và khen ngợi tấm lòng vàng của bà goá nghèo vì bà đã sẵn sàng trao ban tất cả những gì bà có cho Thiên Chúa. Bà xác tín rằng cuộc đời của bà là tuỳ thuộc nơi Chúa. Có Chúa sẽ có tất cả, không có Chúa sẽ mất tất cả. Tấm lòng thành của bà goá đã diễn tả tinh thần cho đi hơn là lãnh nhận. Bà biết rằng những gì bà có là do Chúa, là do bà đã lãnh nhận, mà đã lãnh nhận thì sẵn sàng trao ban. Bà không giữ riêng cho chính mình những hoàn toàn cho đi tất cả những gì mình có. Một sự trao ban vô vị lợi.

Là con cái của Chúa, là em Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta được mời gọi hãy biết sống trao ban vì đã được trao ban. Qua hình ảnh hai bà goá trên, mỗi người ki-tô hữu phải luôn xác tín sống là sống với, sống cho và sống vì người khác. Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình. Cho thì có phúc hơn là lãnh nhận (Cv 20,35). Chúng ta không chỉ dừng lại ở việc sẵn sàng đóng góp vào công trình nhà Chúa nhưng tiên vàn và cần thiết, chúng ta phải biết trao ban cuộc sống cho anh chị em đồng loại, nhất là cho những ai đang sống trong khó khăn, gian khổ, buồn phiền, thất vọng, nghèo đói, bệnh tật,…Chúng ta không được phép sống cho chính mình, nhưng biết sống mở ra và bao dung với anh chị em, đặc biệt trong bối cảnh cả nhân loại đang đối diện với đại dịch Covid-19. Vì yêu thương là chu toàn lề luật (Rm 13,10), nên chúng ta không thể sống với Chúa mà không yêu thương anh chị em chung quanh. Vì Đức mến còn lại mãi mãi nên cuộc sống cần có sự sẻ chia và trao ban cho nhau. Đây mới là điều răn mà Đức Giê-su mong muốn: mến Chúa và yêu người.

Thật vậy, là con cái của Thiên Chúa, là người đã đón nhận được sự trao ban từ Thiên Chúa trong và qua Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta không thể giữ riêng cho chính mình, nhưng phải biết trao ban và hiến trọn đời mình để phục vụ cho anh chị em đồng loại. Đây là ý muốn của Thiên Chúa. Hơn nữa, người ta sẽ dễ dàng đánh giá và nhìn nhận chúng ta là ai ngang qua cách sống trao ban và yêu thương của chúng ta. Nơi đời sống đượm tình bác ái yêu thương của chúng ta, nhân loại sẽ nhận ra được Thiên Chúa Tình Yêu. Nơi đời sống biết cho đi và sẵn sàng trao ban của cải cũng như dấn thân phục vụ nơi chúng ta, anh chị em lương dân sẽ được cảm hoá và thu hút. Cũng nhờ đời sống đó, Đạo Chúa sẽ ngày càng lớn mạnh và lan toả trong mọi nơi và cho mọi người. Vì thế, hãy thi hành ngay trong cuộc đời dù bắt từ những chuyện nhỏ nhoi nhưng đầy lòng yêu thương và cảm mến thay vì làm những điều to tát, rùm beng mà lại thiếu khiêm tốn – thiếu tình thương. Hãy học noi gương hai bà goá trong hai bài đọc trên để sẵn sàng trao ban và biết sống cho đi tất cả vì biết rằng Chúa sẽ chúc phúc và sẽ trao ban tiếp tục cho những ai biết sống trao ban.

Câu hỏi suy niệm:

1/ Tôi có ý thức rằng tất cả những gì tôi có là do Chúa ban cho không?

2/ Nếu vậy, tôi có sẵn sàng trao ban cho anh chị em đồng loại không?

3/ Tôi đang sống lối sống: cho đi hay thích lãnh nhận?

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
 
Hoặc vỹ đại hoặc tội ác
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
14:48 05/11/2021
CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM B

HOẶC VỸ ĐẠI HOẶC TỘI ÁC

Dâng cúng vào những nơi thờ tự đã có từ thuở xa xưa. Ngay khi con người xuất hiện trên trái đất, tiêu biểu là hai anh em Cain và Abel, họ đã biết tôn kính và biểu lộ lòng biết ơn Thiên Chúa qua việc dâng cúng.

Cựu Ước quy định mọi con dân phải dâng một phần mười về mọi thu nhập của mình: "Mọi thuế thập phân đánh vào đất, trích từ sản phẩm của đất và từ hoa trái của cây cối, đều thuộc về Đức Chúa" (Lv 27, 30).

Tuy nhiên, từ ngàn xưa, Thiên Chúa vẫn đòi con người đến với Ngài bằng cả tấm lòng: "Ta muốn tình thương chứ không màng hy lễ" (Hs 6, 6. Mt 12, 7).

Đáng tiếc là con người càng ngày càng lạm dụng việc dâng hiến: Thay vì hy sinh cho nhà Chúa nhằm mang lại bình an và niềm vui trong chính tâm hồn mình, họ lại biến nó thành thứ khoe khoang công đức, tự cao, tự đắc, kiêu ngạo, thậm chí gian dối, tà tâm..

Thời Chúa Giêsu, hàng lãnh đạo trong tôn giáo Dothái tệ hại và mục ruỗng đến độ thói đạo đức giả diễn ra thường xuyên, người ta quên mất sự cần thiết của một tâm hồn chân thật, một cõi lòng thanh sạch, đơn sơ khi đối diện với Thiên Chúa.

Bởi còn có việc nào cao quý, thánh thiện cho bằng đọc kinh cầu nguyện? Ấy thế mà, người ta có thể sử dụng nó nhằm "nuốt tài sản của các bà góa".

Người ta biến việc thờ phượng Thiên Chúa thành phương thế không chỉ để làm giàu, mà còn làm giàu trên mồ hôi, xương máu người khác. Người ta biến cầu nguyện thành phương tiện bất công, gian dối và bóc lột.

Xã hội thời nay không khác. Bởi gần đây có quá nhiều lùm xùm từ việc từ thiện. Kẻ thì lợi dụng bệnh tật của người khác cướp tiền bằng hình thức chữa bệnh; kẻ thì lợi dụng quyền lực để làm giàu trên mạng sống của các bệnh nhân khốn cùng nhất, đó là các bệnh nhân ung thư, khi họ phải bỏ thật nhiều tiền để mua những viên thuốc giả...

Biết bao nhiêu kẻ lợi dụng tiếng tăm của mình để kêu gọi cứu trợ khi thiên tai ập đến, nhưng đàng sau đó là gom hàng tỷ tỷ đồng cho bản thân...

Ngay lúc này, trận dịch vẫn đang giết chết vô vàn nhân mạng, lại vẫn không thiếu gì kẻ lợi dụng sự nghiệt ngã của phận người để vơ vét cho đến tận cùng máu xương của anh chị em mình, đồng bào mình...

Khi con người sống bên nhau mà không có tình yêu, không có tấm lòng, cái ác sẽ được dung túng, được che đậy để dâng cao đến cực điểm.

Ngược lại, khi con người biết dành cho nhau yêu thương, san sẻ cho nhau bằng cả tấm lòng, thì việc rất bé cũng nên vỹ đại.

Chỉ một tấm bánh của bà góa Sareptha giúp tiên tri Êlia, giá trị thực có là gì đâu. Hoặc chỉ hai đồng tiền mà giá trị cỡ 1/4 xu tiền Rôma, thì thấm vào đâu!...

Nhưng tất cả chúng được trao bằng tình yêu và trọn tấm lòng, nên chúng được đánh giá là quý nhất, giá trị nhất, lớn lao nhất...

Chúng vỹ đại không phải vì bản thân chúng to, nhưng vì chúng gói trọn con tim vỹ đại. Chúng mang hình dáng của những con người có tình yêu vỹ đại.

Cuộc sống luôn cần nghĩa cử yêu thương xuất phát từ tấm lòng. Là người tin Chúa, bạn và tôi phải tập cho bằng được tình yêu và tấm lòng như tình yêu và tấm lòng của hai người đàn bà được Kinh Thánh vinh danh.

Hơn nữa, chúng ta có một Thiên Chúa đầy lòng yêu thương. Ngài thúc giục ta phải sống yêu thương như Ngài. Hãy luôn luôn là người đẹp lòng Chúa bằng cách thể hiện lẽ yêu đương mọi nơi, mọi lúc.

Hãy nhớ, một khi biết cho đi bằng trọn tình yêu, con người tự làm giàu cho mình về ân phúc, về giá trị làm con Chúa, và sẽ đạt tới giá trị vĩnh cửu nơi lòng Chúa khoan dung. Bởi chính lúc cho đi là lúc lãnh nhận.

Hãy nhớ luôn luôn: Nếu không có lòng yêu thương, có khi hành động bên ngoài rất tốt lại có thể chất chứa vô vàn tội ác.

Chỉ cần có cõi lòng cho một tình yêu, thì dù việc bé bỏng tưởng như chẳng là gì, lại trở nên vỹ đại, trở nên phi thường.
 
Cho thì có phúc hơn nhận
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
18:07 05/11/2021
CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN

Cho thì có phúc hơn nhận

1 V 17,10-16; Hr 9,24-28; Mc 12,38-44

Với Chúa Nhật XXXII thường niên năm B, Giáo Hội mời gọi chúng ta học hỏi và thực hành đức tính quảng đại và tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Giáo Hội nhắc nhở chúng ta rằng như Chúa Kitô quảng đại đã hiến mình vì ơn cứu độ loài người, chúng ta cũng phải biết sống quảng đại với tha nhân. Các bài đọc Chúa Nhật này đều nói về chủ đề này qua hai nhân vật bà góa và mời gọi chúng ta áp dụng vào đời sống hằng ngày.

1- Những tấm lòng vàng

Trong bài đọc I, bà góa thành Xarépta (một thành phố niềm nam Xiđon) được nhắc đến như là mẫu gương về lòng quảng đại và tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa khi đối xử tốt với tiên tri Êlia. Bà là một người nghèo và là nạn nhân của trận đói xảy ra trong vùng do hạn hán kéo dài ba năm liền (Tk. IX Tcn). Theo lời của tiên tri Êlia, đây là hình phạt của Thiên Chúa đối với dân Ítraen vì tội thờ ngẫu tượng thần Baal, dưới thời vua Acáp. Tiên tri Êlia, người của Thiên Chúa đã thử thách lòng quảng đại và niềm tin của bà góa thành Xarépta. Ông xin bà giúp đỡ mình. Dẫu vốn rất nghèo và biết bản thân không thể đảm bảo miếng cơm manh áo cho mình và cho con, nhưng bà quảng đại sẵn sàng giúp đỡ ông.

Êlia biết bà góa rất lo lắng về tương lai của mình và bà lo sợ là rất đúng. Bởi vì bà không có làm chủ được mọi hoàn cảnh khó khăn xảy ra trong thân phận mẹ góa con côi. Vì thế, Êlia bất đầu lên tiếng an ủi bà: “Bà đừng sợ.” Rồi ông nói tiên tri với bà: “Vì Đức Chúa, Thiên Chúa của Ítraen phán thế này: Hũ bột sẽ không vơi, vò dầu sẽ không cạn cho đến ngày Đức Chúa đổ mưa xuống trên mặt đất” (1 V 17,14).

Quả thật, lời tiên tri này được ứng nghiệm cho cuộc sống của bà và nhờ đó bà không còn thiếu ăn nhờ hũ bột không hề vơi. Đức tin, tin tưởng vào Lời Chúa, và dĩ nhiên, vào sự quan phòng Thiên Chúa không làm cho bà phải thất vọng. Hơn thế, cuộc sống bà đã thay đổi và còn tốt hơn cả những gì bà chờ đợi. Với lòng quảng đại, bà đã được Thiên Chúa thưởng công và ban lại cho bà nhiều hơn những gì bà đã cho đi. Lòng quảng đại của Thiên Chúa không bao giờ thua kém lòng quảng đại của con người. Như các thánh thường nói: “Chúng ta chỉ cần một bông hoa, mà Ngài lại ban cả cánh rừng. Chúng ta chỉ cần vài ngụm nước, mà Ngài lại ban cho cả dòng suối. Chúng ta chỉ cần vài hạt cát, mà Ngài lại cho cả bãi biển rộng dài.”

Cũng chủ đề này, bài đọc II làm sáng tỏ sự quảng đại dâng hiến của Chúa Kitô. Với niềm tin vào Chúa Cha, Người quảng đại đã hiến mình như “của lễ thánh thiện và sống động” (Rm 12,1) cho chúng ta xét như là Thượng Tế. Những gì Người đã quảng đại trao ban qua đau khổ và cái chết, thì Người nhận lại qua sự phục sinh và lên trời vinh hiển. Đây là phần thưởng cao quý nhất mà Thiên Chúa Cha ban tặng cho Đức Kitô vì quảng đại và hiến dâng của Người.

2- Nhưng quý ở cách cho

Tương tự với bài đọc I, bài Tin Mừng nói về trường hợp bà góa được Chúa Giêsu ca ngợi vì sự quảng đại của bà. Chúa Giêsu quan sát xem đám đông bỏ tiền vào thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. Còn bà góa nghèo chỉ bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm thôi. Nhưng Chúa Giêsu quả quyết: “Bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả thật, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình” (Mc 12,43-44).

Ở đây, chúng ta cần lưu ý rằng, một mặt, tiêu chuẩn đánh giá của Chúa Giêsu khác với tiêu chuẩn đánh giá của thế gian. Thiên Chúa thường không đánh giá theo số lượng, nhưng theo chất lượng, hay nói cách khác theo mức độ quảng đại, hy sinh và tình yêu mà chúng ta dành cho Người. Mặt khác, khi đặt trọn niềm tin của mình vào sự quan phòng của Thiên Chúa, bà góa nghèo đã quảng đại cho hết, bởi vì bà biết và tin tưởng vào Thiên Chúa mà bà tôn thờ. Nhờ đó, bà đã vượt thắng nỗi sợ hãi về tương lai và tính ích kỷ chỉ vun vén cho bản thân.

Có rất nhiều bài học dành cho chúng ta hôm nay từ các bài đọc. Trước hết, tất cả những nhân vật được nói đến hôm nay là những mẫu gương tuyệt vời về lòng quảng đại và cho đi. Thứ đến, họ là những con người đã một lòng tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Họ nhắc nhở chúng ta về nguyên tắc đơn giản của lòng quảng đại: Hãy biết cho đi, chứ đừng bo bo giữ của vì như Lời Chúa dạy: “Cho thì có phúc hơn nhận” (Cv 20,35). Đặc biệt, họ còn dạy chúng ta cách thế cho đi. Vì cổ nhân vẫn thường nói: “Của cho không quý bằng cách cho.” Của cho không quý bằng tấm lòng người cho.

Trong đời sống, những lúc thiếu thốn là lúc thử thách. Đó là những lúc phải tin vào Thiên Chúa quan phòng. Vì thế, Tobia khuyên chúng ta: “Làm phúc bố thí thì đẹp hơn là tích trữ vàng bạc. Việc bố thí cứu cho khỏi chết và tẩy sạch mọi tội lỗi. Những người làm phúc bố thí sẽ được sống lâu” (Tb 12,8-9).

3- Cho sẽ nhận lại gấp bội

Cuối cùng, như là người Cha hằng yêu thương săn sóc con cái, thánh Phaolô dạy: “Thiên Chúa của tôi sẽ thỏa mãn mọi nhu cầu của anh em một cách tuyệt vời, theo sự giàu sang của Người trong Đức Kitô Giêsu” (Pl 4,19). Người biết những nhu cầu chúng ta và làm sao để đáp ứng. Bổn phận mà tất cả chúng ta cần làm là hãy tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta hãy xin Chúa Kitô ban cho chúng ta một trái tim quảng đại, để biết cho đi mà không tính toán, bởi vì như Lời Chúa nói: “Gieo ít thì gặt ít; gieo nhiều thì gặt nhiều. Mỗi người hãy cho tuỳ theo quyết định của lòng mình, không buồn phiền, cũng không miễn cưỡng, vì ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương” (2 Cr 9,6-7).

Câu chuyện sau đây là một minh họa cụ thể cho những gì chúng ta nói ở trên. Thánh Martinô thành Tours khi còn là một binh sỹ, dầu chưa trở lại đạo nhưng ngài đã tin vào Chúa Kitô và sống như một người tín hữu. Ngài thường giúp đỡ người nghèo và những ai bị bỏ rơi. Một ngày mùa đông nọ, ở cửa thành Amiens, chàng hiệp sỹ trẻ gặp một người ăn xin bên vệ đường rét mướt khố rách áo ôm đang xin ngài bố thí. Ngài nói: Tôi chỉ có áo lính và khí giới. Rồi lập tức, ngài cắt áo choàng ngoài cho người ăn xin. Đêm hôm đó, Martinô thấy Chúa hiện ra mặc nửa chiếc áo và nói với các thiên thần: “Chính Martinô đã mặc cho Ta đó.”

Lạy Chúa Giêsu,

Xin Chúa dạy con biết sống quảng đại.

Biết phụng sự Chúa như Chúa đáng được phụng sự.

Biết cho đi mà không tính toán.

Biết chiến đấu không ngại thương tích.

Biết làm việc không tìm nghỉ ngơi.

Biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào hơn

là được biết con đang thi hành ý Chúa.

Con xin dâng Chúa con người của con

Những gì con có xin dâng lại cho Chúa.

Này là tự do ý chí của con

Này là trí nhớ trí hiểu của con

Mọi sự đều là của Chúa

Xin dùng con theo Thánh Ý Ngài

Xin ban tình yêu và ân sủng Chúa. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An

http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:43 05/11/2021

54. Bí quyết bền lòng bền chí vẫn là siêu thoát thế tục.

(Thánh Sebastiano)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:57 05/11/2021
1. GIÁM SINH ĐỌC SAI CHỮ

Có một giám sinh thường đọc sai chữ.

Một hôm, đang coi truyện “Thủy Hử” thì có bạn đến thăm, bạn hỏi:

- “Lão huynh coi sách gì thế?”

Anh ta trả lời:

- “Thủy Hứa”.

Người bạn rất kinh ngạc, nói:

- “Có rất nhiều loại sách, nhưng sách “Thủy Hứa” thì từ trước đến nay chưa nghe nói qua, xin hỏi trong sach có những nhân vật nào?”

Đáp:

- “Có một tên gọi là Lý Đạt”.

Người bạn hỏi tiếp:

- “Lạ thật, tên của danh nhân thì rất nhiều, nhưng từ trước đến nay chưa nghe nói qua tên Lý Đạt này, xin hỏi ông ta là ai vậy?”

Trả lời:

- “Ông ta trên tay cầm hai đại gia (1), có vạn đàn ông cũng không bằng” (2) .

(Hi đàm lục)

Suy tư 1:

Thời xưa có học trò giám sinh là học trò Quốc tử giám đọc sai chữ, thì ngày nay cũng có những sinh viên đại học không những đọc sai chữ, mà còn đi phô tô cóp pi bài của người khác để làm luận án tốt nghiệp cho mình.

Đời sống đạo của người Ki-tô hữu không lệ thuộc vào việc đọc sai chữ hay đọc đúng chữ, nhưng chính là vào việc đọc Lời Chúa bằng tâm hồn của mình, bởi vì có nhiều người Ki-tô hữu có trí thức bằng cấp đầy mình, nhưng không đọc Lời Chúa bằng tâm hồn, nên họ vẫn cứ coi Lời Chúa như là những điều mê tín; có những người Ki-tô hữu không đọc Lời Chúa bằng tâm hồn, nên cuộc sống của họ vẫn như là thiếu vắng niềm vui đích thực...

Làm người Ki-tô hữu mà không biết đọc Lời Chúa bằng tâm hồn, thì ngay chính bản thân cũng không hiểu được câu Lời Chúa dù mình đọc rất đúng...chính tả, huống chi là nói chuyện rao giảng Lời Chúa cho người khác !

(1) 大斧là cái rìu lớn, nhưng ông ta đọc là đại gia (大爺).

(2) 勇là dũng cảm, nhưng ông ta đọc là đàn ông, người nam (男).

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đại Học Công Giáo lại tổ chức quyên góp cho tổ chức phá thai khét tiếng nhất Hoa Kỳ
Đặng Tự Do
04:24 05/11/2021


Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, có bản tường trình nhan đề “Why is a Planned Parenthood fundraiser being held on this Catholic campus?”, nghĩa là “Tại sao việc gây quỹ cho tổ chức Kế Hoạch Hóa Gia Đình được tổ chức trong khuôn viên Đại Học Công Giáo?”. Bản tường trình này gây đau lòng sâu sắc cho nhiều người. Nhưng chúng ta cần phải biết và vạch mặt những kẻ đâm sau lưng chúng ta. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.

Đại học Loyola Marymount, gọi tắt là LMU, cho biết họ sẽ không ngăn chặn một câu lạc bộ sinh viên tổ chức buổi gây quỹ vào hôm thứ Sáu cho nhà cung cấp dịch vụ phá thai Planned Parenthood, bất chấp một thỉnh cầu nói rằng việc tổ chức sự kiện này trong khuôn viên Los Angeles của một tổ chức Công Giáo là một “vi phạm nghiêm trọng”.

Nhóm sinh viên, có tên “Phụ nữ trong Chính trị”, đang tổ chức buổi gây quỹ vào ngày 5 tháng 11 tại Hội Trường Roski Dining. Câu lạc bộ mô tả sự kiện trên lịch trực tuyến của trường đại học như là “cơ hội để chúng ta quyên góp tiền cho một mục tiêu mà chúng ta thực sự quan tâm và đồng thời có dịp vui vẻ với nhau!”

Trong một tuyên bố, trường đại học nói với CNA rằng họ không tài trợ hay tán thành sự kiện này.

“Các sự kiện, hành động hoặc quan điểm của các tổ chức sinh viên, bao gồm cả nhóm ‘Phụ nữ trong Chính trị’, không được trường đại học phê chuẩn,” tuyên bố viết.

“Tuy nhiên, sự tồn tại của các tổ chức sinh viên này và các hoạt động của họ là những ví dụ sống động cho thấy Đại học Loyola Marymount chấp nhận sứ mệnh, dấn thân và sự phức tạp của ngôn luận tự do và trung thực,” tuyên bố cho biết thêm. Trường đại học nói rằng nó “vẫn cam kết với di sản, giá trị và truyền thống tri thức của Công Giáo, Dòng Tên và Marymount.”

Cuộc gây quỹ trong khuôn viên trường đã khiến một tổ chức có tên là RenewLMU, nghĩa là canh tân LMU, kêu gọi Chủ tịch Đại học Timothy Law Snyder hủy bỏ sự kiện này. Nhóm tự mô tả mình là “một liên minh của sinh viên, cựu sinh viên, giảng viên, nhà tài trợ và những người ủng hộ khác LMU, những người tìm cách củng cố sứ mệnh và bản sắc Công Giáo của LMU”.

Các sinh viên cũng có kế hoạch tổ chức một cuộc mít tinh trong khuôn viên trường để bảo vệ các thai nhi vào ngày thứ Sáu lúc 6:30 chiều.

“Một trường đại học Công Giáo nên tôn trọng và bảo vệ các nguyên tắc của Giáo huấn Xã hội Công Giáo, trong đó trọng tâm là nguyên tắc về phẩm giá con người,” Samantha Stephenson, sinh viên tốt nghiệp Loyola Marymount, người đang dẫn đầu cuộc vận động thỉnh nguyện cho RenewLMU, nói với CNA.

“Một trường Đại học không chỉ cho phép mà còn tổ chức và hỗ trợ tài chính cho một cuộc gây quỹ cho nhà cung cấp dịch vụ phá thai lớn nhất đất nước là điều đáng xấu hổ”.

Stephenson, một nhà phát thanh Công Giáo trên podcast, là người đã có bằng cử nhân thần học và bằng thạc sĩ thần học và đạo đức sinh học của Loyola Marymount, cho biết cô “rất buồn” khi trường đại học từ chối dừng hoạt động gây quỹ này.

Stephenson nói: “Nếu đây là một hoạt động gây quỹ cho KKK, một nhóm tìm cách gạt những người vô gia cư hoặc một nhóm chống nhập cư ra ngoài lề xã hội, thì sẽ không có cách nào được dung thứ,” Stephenson nói. “Thật là đáng lo ngại khi trường Đại học từ chối mở rộng quyền bảo vệ nhân phẩm tương tự cho những đứa trẻ chưa chào đời.”

Bản kiến nghị gọi người sáng lập Planned Parenthoood, Margaret Sanger, một người theo chủ nghĩa ưu sinh và “phân biệt chủng tộc chống người da đen thâm độc,” và nhấn mạnh những lời lên án mạnh mẽ về việc phá thai của Đức Thánh Cha Phanxicô. Đức Giáo Hoàng đã nói: “Có đúng không khi loại bỏ một mạng người để giải quyết một vấn đề? Có đúng không khi thuê một sát thủ để giải quyết một vấn đề? Phá thai là như vậy đó”.

Bản kiến nghị nêu rõ: “Chúng tôi hy vọng bạn có thể hiểu được thông qua những tư duy hợp lý rằng Planned Parenthoood không chỉ dừng lại ở phá thai. Hãy nhớ rằng Mafia cũng sản xuất dầu ô liu.”

Bản kiến nghị kêu gọi câu lạc bộ Phụ nữ trong Chính trị tìm một tổ chức khác để hỗ trợ mà không mâu thuẫn với giáo huấn của Giáo hội. Khoảng 1,800 người đã ký vào bản kiến nghị tính đến chiều thứ Năm và một đợt thỉnh nguyện khác có liên quan đã thu hút thêm hàng nghìn người ủng hộ, Stephenson nói với CNA.

Women in Politics là “một tổ chức được thành lập với mục đích đấu tranh cho quyền bình đẳng của phụ nữ trong và ngoài khuôn viên trường,” theo trang web của câu lạc bộ.

“Chúng tôi cố gắng tập trung mạnh mẽ vào chủ nghĩa nữ quyền giữa các nhóm,” trang web tuyên bố. “Chúng tôi cam kết thực hiện công bằng chủng tộc và các phụ nữ LGBTQ +, những người đồng tính luyến ái, loạn giới và những cá nhân không phải nhị phân trở thành ưu tiên trong cuộc chiến của chúng tôi.” Trang web hiển thị hình ảnh các sinh viên cầm bảng hiệu ủng hộ nạo phá thai. Câu lạc bộ đã không trả lời yêu cầu bình luận của CNA.

Stephenson nói với CNA rằng “một phần sứ mệnh của LMU là giáo dục toàn bộ con người; đây thực sự là một cơ hội bị bỏ lỡ để dạy cho những phụ nữ trẻ này rằng hành động chính trị không nhất thiết phải gây chia rẽ”.

Cô nói: “Họ có thể đã chọn gây quỹ cho bất kỳ những người nhận nào giúp xây dựng cầu nối trong việc hợp tác cùng nhau vì sự tiến bộ của phụ nữ hơn là những kẻ tạo ra sự chia rẽ và tai tiếng”.

Planned Parenthood là nhà cung cấp dịch vụ phá thai lớn nhất ở Hoa Kỳ. Theo báo cáo hàng năm, gã khổng lồ phá thai đã thực hiện 354,871 ca phá thai trong năm tài chính 2019-20.

Philip Zampiello, một sinh viên tốt nghiệp trường Loyola Marymount và là người sáng lập RenewLMU, nói rằng trường đại học phải có lập trường mạnh mẽ để bảo vệ giáo huấn của Giáo hội và những đứa trẻ chưa sinh bị đe dọa bởi phá thai.

“Trong suốt thời gian hoạt động của mình, RenewLMU đã lắng nghe ý kiến từ nhiều sinh viên, phụ huynh, giáo sư và cựu sinh viên, những người cảm thấy bị tẩy chay và bị gạt ra bên lề vì họ hoạt động như là người Công Giáo tại LMU,” Zampiello cho biết trong một tuyên bố với CNA.

Ông nói: “Chúng tôi cố gắng hỗ trợ những người cảm thấy bị tẩy chay và bị gạt ra ngoài lề xã hội với tư cách là người Công Giáo tại LMU, và bất kỳ ai tìm cách khuyến khích LMU trung thành ủng hộ sứ mệnh và bản sắc của mình với tư cách là một trường Đại học Công Giáo.

“Như Đức Thánh Cha Phanxicô, một tu sĩ Dòng Tên, đã nói rõ, phá thai cướp đi một mạng người. Là người Công Giáo, chúng tôi được yêu cầu phải phục vụ và bảo vệ những người ở ngoại vi của xã hội như lời khuyến khích của Đức Thánh Cha Phanxicô”, Zampiello nói.

Ông nói: “Những người dễ bị tổn thương nhất ở ngoại vi của xã hội chúng ta là những đứa trẻ vô tội trong bụng mẹ. “Chúng phải được bảo vệ và không thể bị lãng quên hay vứt bỏ như Đức Thánh Cha Phanxicô đã lập luận một cách thuyết phục.”


Source:Catholic News Agency
 
Tài trợ cho việc phá thai là một vấn đề nghiêm trọng trong ngân sách liên bang được đề xuất, các giám mục Hoa Kỳ nói
Đặng Tự Do
04:24 05/11/2021


Sự hiện diện của một gói khổng lồ tiền tài trợ cho các chương trình phá thai trong ngân sách liên bang đang được đề nghị là không thể chấp nhận được bất kể trong đó có nhiều chương trình trợ giúp người nghèo và những người bị thương tổn. Các giám mục Hoa Kỳ đã đưa ra lập trường trên trong lời kêu gọi khôi phục các giới hạn của Tu chính án Hyde.

“Phiên bản hiện nay của Hạ Viện về Đạo luật Xây Dựng Lại Tốt Hơn là hoàn toàn không thể chấp nhận được vì nó mở rộng việc tài trợ cho các hoạt động phá thai bằng tiền đóng thuế của người dân”, sáu vị đứng đầu các ủy ban thuộc Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt USCCB, đã cho biết như trên trong một bức thư ngày 3 tháng 11 gửi các thành viên Quốc hội.

Các ngài nói: “Chúng tôi kiên định quan điểm của mình và nhắc lại rằng sẽ là một thảm họa nếu các điều khoản quan trọng và mang tính chất sống còn trong dự luật này lại được đi kèm với các điều khoản tạo điều kiện và tài trợ cho việc hủy hoại sự sống của con người chưa sinh. Không thể buộc người Mỹ phải trả tiền cho việc hủy hoại cuộc sống con người thông qua tiền thuế của họ”.

Bức thư của các giám mục là phản ánh của các ngài về Đạo luật Xây Dựng Lại Tốt Hơn của đảng Dân chủ của Quốc hội và Đạo luật Việc làm và Đầu tư Cơ sở hạ tầng của lưỡng đảng, kết hợp lại có thể dẫn đến việc phê duyệt hàng nghìn tỷ đô la chi tiêu.

Các giám mục nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa ra các biện pháp bảo vệ mà theo truyền thống đã được đưa vào Tu chính án Hyde, trong đó ngăn chặn việc lấy tiền của liên bang tài trợ cho hầu hết các ca phá thai. Tu chính án Hyde luôn là một phần của luật ngân sách hàng năm kể từ những năm 1970. Một nhân vật quan trọng trong các cuộc tranh luận về ngân sách liên quan đến việc tài trợ phá thai là Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Joe Manchin. Ông ta là một đảng viên Đảng Dân chủ thuộc khu vực Tây Virginia. Dù ủng hộ phá thai, ông ta cũng kiên quyết cho rằng các dự luật phải bao gồm ngôn ngữ của Tu chính án Hyde. Trong khi đó, hai con chiên ngoan đạo Joe Biden và Nancy Pelosi nhất quyết phải loại bỏ Tu chính án Hyde để tài trợ thả giàn cho các tập đoàn phá thai tại Hoa Kỳ.

Các giám mục cho biết: “Vấn đề cơ bản của việc mở rộng tài trợ cho người đóng thuế cho việc phá thai trong Đạo luật Xây Dựng Lại Tốt Hơn phải được khắc phục trước khi dự luật này được phê chuẩn”.

Các giám mục Công Giáo cũng bày tỏ lo ngại rằng chính quyền không được có các nguồn tài trợ khuyến khích cho trợ tử.

Trong khi ca ngợi các điều khoản tài trợ cho việc đào tạo các chuyên gia y tế về y học giảm nhẹ hoặc chăm sóc giảm đau, các giám mục nhấn mạnh sự cần thiết của ngôn ngữ bổ sung “để bảo đảm rằng nguồn tài trợ này không thể được sử dụng cho việc đào tạo hoặc quảng bá hỗ trợ tự tử.”

Các quy tắc tài trợ mới cũng có thể loại trừ các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em dựa trên đức tin và các chương trình trước tuổi mẫu giáo.

“Cụ thể, trong khi việc mở rộng tiếp cận chăm sóc trẻ em sớm và trước tuổi mẫu giáo sẽ có lợi cho nhiều gia đình lao động, chúng tôi lo ngại rằng các quy định hiện hành là khác với cách tiếp cận trong các chương trình liên bang hiện có - khiến các nhà cung cấp dịch vụ chỉ được nhận hỗ trợ tài chính liên bang nếu tuân thủ các nghĩa vụ mới, rắc rối và phản lại lương tâm.”

Các giám mục cho biết những điều này sẽ “loại trừ một cách có hiệu quả nhiều nhà cung cấp dựa trên đức tin một” và đưa ra những giới hạn đáng kể cho sự lựa chọn của các gia đình.

Những người đứng đầu các ủy ban hội đồng giám mục Hoa Kỳ đã ký lá thư bao gồm Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York, chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo; Đức Tổng Giám Mục Paul Coakley của Thành phố Oklahoma, chủ tịch Ủy ban Công lý quốc nội và Phát triển Nhân văn; Đức Tổng Giám Mục Joseph Naumann của Kansas City, chủ tịch Ủy ban về các hoạt động phò sinh; Đức Cha Mario Dorsonville, Giám Mục Phụ Tá của Washington và là chủ tịch Ủy ban Di cư; Đức Cha Michael Barber của Oakland, chủ tịch Ủy ban Giáo dục Công Giáo và Đức Cha David Konderla của Tulsa, chủ tịch Ủy ban Đề Cao và Bảo Vệ Hôn Nhân.
Source:Catholic News Agency
 
Bốn vị tử đạo trong Nội chiến Tây Ban Nha được phong chân phước
Đặng Tự Do
04:49 05/11/2021

Một Hồng Y của Vatican đã phong chân phước cho bốn vị tử đạo trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha hôm thứ Bảy.

Đức Hồng Y Marcello Semeraro, tổng trưởng Bộ Phong thánh, đã tuyên bố Francesco Cástor Sojo López và ba bạn tử đạo được tuyên Chân Phước trong một thánh lễ vào ngày 30 tháng 10 tại nhà thờ chính tòa Tortosa, Catalonia.

Trong bài giảng của ngài, Đức Hồng Y Semeraro nói: “Các vị không tìm kiếm sự tử đạo, bởi vì người ta không tìm kiếm sự tử đạo, nhưng lại phải chịu đựng điều đó. Tuy nhiên, khi đến lúc phải làm chứng cho Chúa Kitô bằng máu, các ngài không sợ hãi thu mình lại nhưng chấp nhận thập giá với tình yêu mến”.

“Vì vậy, cùng với thủ lĩnh là Chân Phước Francisco Cástor Sojo López, hai vị khác bị giết ngay lập tức và Chân Phước Millán Garde Serrano, đã chịu đựng sự tra tấn với thái độ tha thứ cho thủ phạm và tin tưởng vào Chúa, trước khi chết”.

Ước tính có khoảng nửa triệu người đã chết trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha, giữa những người Quốc gia và người cộng sản từ năm 1936 đến năm 1939.

Trong số các nạn nhân của làn sóng bạo lực này có 13 giám mục, 4,172 linh mục triều và chủng sinh, 2,364 nam tu sĩ và 283 nữ tu.

Hơn 2,000 vị tử đạo trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha đã được phong chân phước và 11 vị được phong thánh. Án tuyên thánh cho 2,000 ứng viên khác đang được xem xét.

Theo tiểu sử chính thức ở Vatican, Cha Francesco Cástor Sojo López sinh tại Madrigalejo, Extremadura, vào ngày 28 tháng 3 năm 1881.

Ngài được thụ phong linh mục vào ngày 19 tháng 12 năm 1903. Ngài gia nhập Huynh đoàn các Linh mục Công nhân Giáo phận của Thánh Tâm Chúa Giêsu, được Chân Phước Manuel Domingo y Sol thành lập vào năm 1883.

Ngài đã phục vụ trong các chủng viện và các trường cao đẳng ở Toledo, Plasencia, Badajoz, Segovia, Astorga, và cuối cùng là Ciudad Real, một thành phố ở miền trung Tây Ban Nha.

Vào ngày 12 tháng 9 năm 1936, ngài bị bắt, bị cầm tù và sau đó bị giết ngay đêm đó bên ngoài Ciudad Real.

Cha Manuel Galcerá Videllet sinh tại Caseras, Andalucia, vào ngày 6 tháng 7 năm 1877. Được thụ phong năm 1901, ngài gia nhập Huynh đoàn Linh mục Công nhân Giáo phận năm 1906.

Ngài đã phục vụ ở Zaragoza, Tarragona, Cuernavaca bên Mễ Tây Cơ, Badajoz, Ciudad Real, Rôma, Valladolid và Baeza.

Ngài bị bắt vào ngày 20 tháng 7 năm 1936 và bị giam giữ tại Baeza, miền nam Tây Ban Nha. Ngài bị giết vào ngày 3 tháng 9 năm 1936.

Cha Aquilino Pastor Cambero sinh ngày 4 tháng 1 năm 1911 tại Zarza de Granadilla, Extremadura. Ngài gia nhập Huynh đoàn Linh mục Công nhân Giáo phận năm 1934 và được thụ phong linh mục vào ngày 25 tháng 8 năm 1935.

Ngài đã phục vụ ở Baeza với tư cách là một nhà lãnh đạo của sinh viên. Khi cuộc nội chiến bùng nổ, ngài trốn cùng Manuel Galcerá Videllet tại một dinh thự ở Baeza, nhưng bị bắt cùng với anh ta và đưa đến nhà tù của thành phố. Ngài bị đưa ra khỏi thành phố vào ngày 28 tháng 8 năm 1936, và bị giết.

Cha Millán Garde Serrano sinh ngày 21 tháng 12 năm 1876 tại Vara del Rey, Castilla – La Mancha. Ngài được thụ phong ngày 21 tháng 12 năm 1901 và gia nhập Huynh đoàn Công nhân Giáo phận năm 1903.

Ngài phục vụ trong các chủng viện ở Badajoz, Valladolid, Salamanca, Astorga, Plasencia và León.

Sau khi chiến tranh bùng nổ, ngài đã thi hành sứ vụ linh mục của mình một cách bí mật. Ngày 10 tháng 4 năm 1938, ngài bị bắt và bị kết án. Ngài bị giam cầm và bị tra tấn dã man ở Cuenca.

Ngài được chuyển đến một tu viện Carmelite Discalced, đã được chuyển thành nhà tù, nơi ngài chết vào đêm ngày 7 tháng 7 năm 1938, do hậu quả của các cuộc tra tấn.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu anh chị em tín hữu cho các vị tân Chân Phước một tràng pháo tay trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 31 tháng 10.

Đức Thánh Cha nói:

“Hôm qua tại Tortosa, Tây Ban Nha, Francesco Sojo López, Millán Garde Serrano, Manuel Galcerá Videllet và Aquilino Pastor Cambero, là các linh mục trong Huynh đoàn Công nhân Giáo phận, các linh mục của Thánh Tâm Chúa Giêsu đã được phong chân phước. Tất cả các ngài đều bị giết vì lòng căm thù đức tin. Những mục tử nhiệt thành và quảng đại đã bị giết trong cuộc bách hại tôn giáo vào những năm 1930, các ngài vẫn trung thành với sứ vụ của mình ngay cả khi phải chịu rủi ro về tính mạng. Ước gì chứng tá của các ngài là một gương mẫu đặc biệt cho các linh mục. Xin anh chị em một tràng pháo tay cho những Chân Phước mới này!”

Đức Hồng Y Semeraro đã thông báo rằng ngày lễ kính các vị tử đạo mới sẽ là ngày 25 tháng 10 hàng năm.

Kết thúc bài giảng của mình tại nhà thờ chính tòa Tortosa, Đức Hồng Y nói: “Xét về cuộc tử đạo của những vị chân phước này, thiết tưởng cũng nên nhắc lại một số ý tưởng của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: 'Tử đạo là cuộc thử thách dứt khoát và triệt để, cuộc thử thách lớn nhất của con người, thách đố của phẩm giá con người trước sự hiện diện của chính Thiên Chúa. Đó là “phiên tòa” của con người diễn ra trước mắt Thiên Chúa, một cuộc xét xử trong đó con người, được trợ giúp bởi quyền năng của Thiên Chúa, giành lại chiến thắng”.

Đức Hồng Y Semeraro nói tiếp: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, nhưng ai vì danh Chúa mà mất mạng sống thì sẽ cứu được”, Chúa Giêsu nói với chúng ta như thế. Trong Chúa Kitô, sự sống không bao giờ bị mất; trái lại, nó được tìm thấy, bởi vì Ngài là Sự sống. Hơn nữa, như Chúa đã nói trong cuộc đối thoại với Mattha Ngài không chỉ là sự sống, mà còn là sự sống lại”.


Source:Catholic News Agency
 
Đức Thánh Cha tông du đến đảo quốc Síp và Hy Lạp vào đầu tháng 12-2021
Thanh Quảng sdb
15:23 05/11/2021
Đức Thánh Cha tông du đến đảo quốc Síp và Hy Lạp vào đầu tháng 12-2021

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thăm thủ đô Nicosia của đảo quốc Síp trong những ngày 2-4 tháng 12, trước khi bay đến thủ đô Athens của Hy Lạp và đảo Lesbos.

(Tin Vatican - Devin Watkins)

Văn phòng Báo chí Tòa Thánh vừa chính thức thông báo hôm thứ Sáu (5/11/2021) cho hay Đức Thánh Cha sẽ bắt đầu chuyến tông du kéo dài 5 ngày đến đảo quốc Síp và Hy Lạp vào đầu tháng Mười Hai.

Từ ngày 2-4 tháng 12, ĐTC sẽ tới Nicosia, thủ đô của đảo quốc Síp, sau đó, ngài sẽ đến Hy Lạp vào ngày 4 tháng 12, viếng thăm Thủ đô Athens và Lesbos cho đến ngày 6 tháng 12, trở về lại Rome.

Lịch trình chi tiết của chuyến tông du này sẽ được công bố trong một tương lai gần...

Chuyến tông du thứ hai của Đức Thánh Cha tới đảo quốc Síp

Nối tiếp bước chân người tiền nhiệm của ngài là Đức Nguyên Giáo Hoàng Benedict XVI, người đã thực hiện chuyến tông du đầu tiên đến đảo quốc Địa Trung Hải này vào năm 2010.

Phần lớn người Síp theo Chính thống giáo Hy Lạp, nhưng quốc gia này có một cộng đồng khoảng 2.400 người, theo nghi thức Latinh nhưng rất sinh động giống như người Công Giáo. Nhiều người có nguồn gốc từ những Thập tự quân, những người đã định cư ở đó sau khi thành thánh Gierusalem thất thủ vào thế kỷ 12.

Thánh Phaolô đã từng dừng chân ở Cyprus vào những ngày đầu rao giảng Tin mừng, và đã cảm hóa được quan Sergius Paulus vào đạo Công Giáo.

Theo truyền thống thì Thánh Lazarus, người được Chúa Giêsu cho sống lại từ cõi chết, đã lảnh trốn sang đảo Síp vì sợ bị lùng bắt! Ngài được các Tông đồ Barnabas và Phaolô tấn phong làm Giám mục Kition. Lăng mộ của ngài được yên nghỉ dưới hầm mộ nhà thờ dâng kính Ngài vào thời Byzantine ở thành phố Larkaka, miền nam nước này.

Viếng thăm thành phố Lesbos

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha tới Hy Lạp là chuyến thứ hai, sau chuyến viếng thăm 1 ngày đến thành phố Lesbos của Hy Lạp vào năm 2016.

Trong chuyến đi đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm trại tị nạn Moria cùng với Thượng phụ của Constantinople, Bartholomew I, Tổng giám mục Athens và Quốc vương Hy Lạp, Ieronymos II.

Trong chuyến viếng thăm ngắn ngủi này, ĐTC đã trở về Vatican cùng với 3 gia đình người tị nạn Syria, tất cả 12 người trong số đó có 6 trẻ em.

Trại tị nạn Moria đã bị đóng cửa vào tháng 9 năm 2020, sau một cuộc hỏa hoạn bộc phát và hầu như phá hủy hầu hết trại!...
 
Truyền thống linh thiêng của các Thánh lễ nghĩa trang
Đặng Tự Do
16:50 05/11/2021


Trong các quốc gia nói tiếng Anh, Allhallowtide, là tam nhật kính nhớ các thánh nhân và những người tội lỗi, bao gồm đêm 31 tháng 10, Ngày Lễ Các Thánh và Ngày Lễ các linh hồn. Trong suốt 3 ngày Allhallowtide, nhiều thánh lễ được cử hành tại các nghĩa trang. Trong tháng 11, Giáo hội đặc biệt lưu ý đến việc tưởng nhớ, tôn vinh và cầu nguyện cho những người đã khuất. Có nhiều truyền thống văn hóa khác nhau liên quan đến thời kỳ này, nhưng một trong những truyền thống được tôn vinh một cách nhất quán là tập tục viếng thăm nghĩa trang.

Một số giáo phận đánh dấu truyền thống này một cách đặc biệt long trọng, bằng cách cử hành thánh lễ Ngày Các Linh hồn tại một nghĩa trang. Giáo Hội có những quy định cụ thể liên quan đến Thánh lễ đặc biệt cho mục đích này, được gọi là “Nghi thức viếng thăm một nghĩa trang”. Cha Stephen Vrazel, Cha Sở tại nhà thờ Đức Bà ở Mobile, Alabama, đã cử hành thánh lễ tại một nghĩa trang trong vài năm qua, kể từ khi ngài được thụ phong linh mục vào năm 2011.

Cha Vrazel nói với CNA rằng theo truyền thống tại chủng viện Đại học Bắc Mỹ ở Rôma, nơi ngài đã từng theo học, hàng năm đều có thánh lễ trong lăng của trường đại học, nơi an nghỉ của các linh mục và chủng sinh người Mỹ đã chết khi ở Rôma và không thể được đưa trở lại Hoa Kỳ.

Cha Vrazel nói rằng ngài “vô cùng xúc động” trước những Thánh lễ này, và khi ngài trở thành linh mục, giám mục của ngài đã yêu cầu ngài giảng trong một Thánh lễ Ngày Các Đẳng Linh Hồn được tổ chức tại Nghĩa trang Công Giáo ở Mobile. Cha cho biết, dù lớn lên ở Mobile nhưng ngài không biết rằng Đức Cha có truyền thống cử hành thánh lễ tại nghĩa trang.

Cha Vrazel nói với CAN rằng những thánh lễ nghĩa trang này “là những trải nghiệm hình thành đối với tôi. Các Thánh Lễ “gây ấn tượng cho tôi về giá trị của Thánh Lễ”

Khi Cha Vrazel được chuyển đến giáo xứ hiện tại của mình, ngài đã hỏi liệu ngài có thể cử hành Thánh lễ trong một nghĩa trang gần đó không, và được cả cha tổng đại diện và những người quản lý nghĩa trang cho phép. Kể từ đó, Cha Vrazel đã cử hành các thánh lễ tại nghĩa trang vào Ngày Các Đẳng Linh Hồn.

“Bởi vì một linh mục được phép cử hành Thánh lễ ba lần trong Ngày Các Đẳng Linh Hồn, trong một vài năm, tôi cũng đã cử hành Thánh lễ tại một nghĩa trang khác,” Cha Vrazel nói.
Source:Catholic News Agency
 
Các giám mục Ba Lan nói không có chủ đề nào là cấm kỵ trong chuyến thăm của ad limina tới Vatican
Đặng Tự Do
16:52 05/11/2021


Các giám mục của Ba Lan đã kết thúc chuyến thăm ad limina của các ngài đến Rôma, thường diễn ra 5 năm một lần, nhưng đã bị trì hoãn do đại dịch.

Trong thời gian ở Rôma, các giám mục đã có các cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng Phanxicô và các cơ quan của Giáo triều Rôma.

“Không có chủ đề nào là cấm kỵ,” Đức Cha Adrian Galbas, Giám Mục Phụ Tá của Ełk, ở đông bắc Ba Lan cho biết như trên.

“Các đề xuất không được đưa ra dưới dạng các câu hỏi trước. Đức Giáo Hoàng sẵn sàng trả lời bất kỳ câu hỏi nào. Đức Giáo Hoàng đã nói với chúng tôi - hãy hỏi bất cứ điều gì anh em muốn, mọi vấn đề quan trọng đối với anh em cũng là vấn đề mà tôi muốn suy nghĩ thấu đáo,” Đức Cha Galbas nói với Crux.

Giáo Hội ở Ba Lan là một trong những Giáo Hội lớn nhất và năng động nhất ở Âu Châu, nhưng một làn sóng gần đây của các báo cáo truyền thông và phim tài liệu đã đưa ra các trường hợp lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ đã đặt các giám mục Ba Lan vào tình trạng lúng túng.

“Trước khi tôi đến Rôma tham dự ad-limina, bạn bè của tôi đã nói với tôi rằng hãy ở lại đừng đi. Họ cảm thấy lo cho tôi, và nhiều người nghĩ rằng ad limina là một phiên tòa hình sự dẫn đến việc hành quyết - nhưng sự việc diễn ra hoàn toàn ngược lại. Bầu không khí huynh đệ trong các văn phòng Vatican rất giống với bầu khí cha con với Đức Thánh Cha.”

Đức Cha cho biết ngài “ngạc nhiên một cách tốt đẹp” về việc các quan chức Vatican biết rõ tình hình của Giáo hội ở Ba Lan như thế nào.

Kể từ tháng 11 năm 2020, mười giám mục, trong đó có một Hồng Y, đã bị Vatican trừng phạt hoặc cách chức vào năm ngoái. Nhiều trường hợp ở Ba Lan vẫn đang được điều tra bởi Bộ Giáo lý Đức tin, là cơ quan của Vatican được giao nhiệm vụ giải quyết các vụ lạm dụng tình dục giáo sĩ.

Nhiều người đang kêu gọi Giáo hội ở Ba Lan thành lập một ủy ban độc lập để điều tra quy mô của vấn đề trong nước, như đã được thực hiện ở Pháp gần đây.

Đức Tổng Giám Mục Wojciech Polak, Giáo chủ Công Giáo Ba Lan, nói với các nhà báo tại Rôma hôm 18 tháng 10 rằng cuộc khủng hoảng tín nhiệm là một trong những thách thức chính mà Giáo hội ở Ba Lan phải đối mặt.

Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki, chủ tịch hội đồng giám mục Ba Lan đã đề cập đến việc trừng phạt các giám mục trong cuộc họp với Hồng Y Marc Oullet, người đứng đầu Bộ Giám mục của Vatican.

Trong nhận xét với KAI, Cơ quan Thông tin Công Giáo Ba Lan, ông đề cập đến việc nói chuyện với người đứng đầu giáo đoàn về “những hình phạt không tương xứng” đối với các giám mục bị cáo buộc che đậy, so với những kẻ lạm dụng bị kết án.

“Nhiệm vụ của chúng tôi là làm việc với Đức Thánh Cha trong việc giải quyết tình trạng hiện tại của nhà thờ, điều đã làm suy yếu lòng tin của một số người,” Tổng giám mục nói với hãng thông tấn Ba Lan sau cuộc gặp với Ouellet.

“Một số (giám mục Ba Lan) đã nhấn mạnh các hình phạt không cân xứng, kéo dài được áp dụng đối với các giám mục sau cuộc điều tra ban đầu, khi tội phạm ấu dâm có thể ra tù sau 5 năm và bắt đầu một cuộc sống mới với một tấm lòng sạch sẽ,” ông nói với KAI, theo báo cáo của Catholic News Service.

“Chúng ta đang nói về cái chết dân sự của một người bị buộc tội không phải là kẻ ấu dâm, người đã bị cách chức, rơi vào tình trạng ô nhục và bị phương tiện truyền thông tiêu diệt một cách hiệu quả. Đức Hồng Y khá ngạc nhiên trước lời nói của tôi. Nhưng ông ấy chấp nhận rằng chúng tôi không gây hấn với Tòa thánh, chỉ đặt câu hỏi liệu tất cả những điều này có tuân theo nguyên tắc tội lỗi và hình phạt tương xứng hay không, “Gądecki nói.

Tomasz Krzyżak, một nhà báo của tờ báo Ba Lan Rzeczpospolita nói với Crux rằng các giám mục nên biết tác hại của việc che đậy hành vi lạm dụng.

“Các giám mục nên biết rằng bề trên của một kẻ bạo hành trong chiếc áo cà sa, bằng cách giấu anh ta và chuyển anh ta đến một giáo xứ khác, đã cho phép anh ta tiếp tục làm hại những người vô tội. Họ nên biết rằng nỗi đau của sự tổn hại đó sẽ ở lại với nạn nhân trong suốt phần đời còn lại của họ, “ông nói.

“Các giám mục nên biết điều đó,” Krzyżak lưu ý, “và một số người trong số họ tất nhiên biết điều đó, nhưng một số, như chúng ta thấy, thì không.”
Source:Crux
 
Ngôi đền nơi bạn có thể gửi một tấm thiệp cho người đã khuất
Đặng Tự Do
16:52 05/11/2021


Hôm 1 tháng 11, tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, có bài nhan đề “The shrine where you can send a card to the deceased”, nghĩa là “Ngôi đền nơi bạn có thể gửi một tấm thiệp cho người đã khuất”.

Đền thờ và vương cung thánh đường Đức Mẹ Montligeon ở Normandy, Pháp, được dành để cầu nguyện cho các linh hồn trong Luyện ngục.

Tháng 11 đang đến với chúng ta, và cùng với đó là sự tập trung đặc biệt vào việc cầu nguyện cho linh hồn của những người đã khuất trong Luyện ngục. Mặc dù ngày chính cho việc này là Ngày Các Linh hồn vào ngày 2 tháng 11, nhưng thông thường người ta sẽ kéo dài thời gian cầu nguyện này trong suốt tám ngày đầu tiên hoặc thậm chí cả tháng. Năm nay, cũng như năm ngoái, Vatican đã mở rộng thời gian nhận Ơn Toàn Xá trong suốt tháng 11. Tuy nhiên, có một nơi mà việc cầu nguyện cho các linh hồn trong Luyện ngục là trọng tâm quanh năm: đó là đền thờ và vương cung thánh đường Đức Mẹ Montligeon, còn được gọi là đền thánh Đức Mẹ Giải thoát.

Ngôi đền xinh đẹp và độc đáo này được tìm thấy ở vùng nông thôn Normandy, cách Paris 93 dặm về phía Tây, nép mình trong vùng nông thôn xinh đẹp của Pháp trong Công viên Thiên nhiên Vùng Le Perche. Được xây dựng trên một ngọn đồi, các ngọn tháp và trụ theo phong cách tân Gothic của nó nổi bật trên nền trời, thu hút cả khách hành hương và khách du lịch. Tuy nhiên, cũng như bao điều đẹp đẽ khác, đền thánh Đức Mẹ này được sinh ra từ một bi kịch. Trang web của đền thờ và trang Wikipedia cung cấp lịch sử của địa điểm linh thánh này.

Một Cha sở tận tâm

Cha Paul-Joseph Buguet sinh năm 1843 và qua đời năm 1918 là một linh mục giáo xứ giản dị, được bổ nhiệm làm cha sở của giáo xứ La Chapelle-Montligeon vào năm 1878. Đó là một thị trấn nhỏ, và cư dân của nó đang bị thất nghiệp và túng thiếu. Trong điều kiện thiếu cái ăn cái mặc như thế, các gia đình đã quen với cái chết và những mất mát - quá quen với việc người đã khuất thường bị lãng quên sớm. Cha Buguet cảm động trước hoàn cảnh tinh thần và vật chất của họ và muốn giúp đỡ họ và linh hồn của những người thân yêu của họ đã ra đi.

Bản thân vị linh mục cũng không lạ gì với nỗi đau buồn. Năm 1876, anh trai của Cha Buguet đã chết khi một chiếc chuông nhà thờ rơi xuống trúng phải ở một giáo xứ lân cận, và hai cháu gái của ngài đã chết sau đó, vì đau buồn trước cái chết của cha mình. Điều này, kết hợp với kinh nghiệm của ngài với đàn chiên đau khổ của mình, đã truyền cảm hứng cho Cha Buguet để thiết lập một công trình dành riêng cho việc cầu nguyện cho các linh hồn trong Luyện ngục.

Nền tảng của hiệp hội

Năm 1884, ý hướng của Cha Buguet chính thức được hình thành khi quy chế của Hiệp hội Giải thoát các linh hồn trong Luyện ngục được thông qua. Cha Buguet bắt đầu quảng bá công việc của lòng thương xót dành cho linh hồn này, đi từ giáo xứ này sang giáo xứ khác để gây quỹ để mang lại sự sống cho tầm nhìn của mình. Đồng thời, ngài thành lập một nhà in nhỏ để xuất bản tài liệu cho hiệp hội của mình, và qua đó cung cấp việc làm cho giáo dân của mình.

Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã phê chuẩn hiệp hội này như một Tổng Hội Tông Đồ - Archconfraternity - vào năm 1893. Vào thời điểm đó, những người hành hương đã đổ xô đến với giáo xứ của Cha Buguet để cầu nguyện với Đức Mẹ Montligeon, còn được gọi là Đức Mẹ Giải thoát, cho những người đã khuất. Nhà thờ giáo xứ không đủ chỗ cho đám đông, nên với phép của Bề trên Giáo hội, Cha Buguet đảm nhận việc xây dựng một nhà thờ và đền thờ lớn hơn.

Vương cung thánh đường

Vào ngày 4 tháng 6 năm 1896, đã xảy ra lễ làm phép và đặt viên đá đầu tiên của nhà thờ tân Gothic tráng lệ. Thánh lễ đầu tiên xảy ra 15 năm sau đó, vào ngày 1 tháng 6 năm 1911; Đức Giáo Hoàng Pius XI đã biến nhà thờ trở thành tiểu vương cung thánh đường vào năm 1928.

Bên cạnh Thánh Thể và bàn thờ chính, tâm điểm của nhà thờ là bức tượng Đức Mẹ Montligeon bằng đá cẩm thạch trắng tinh xảo, đó là tác phẩm của nhà điêu khắc La Mã Giulio Tadolini, được lắp đặt vào năm 1919. Bức tượng cao 12 foot, tức là 3.66m, thể hiện Đức Mẹ Maria đang ôm Hài Nhi Giêsu, với hình ảnh hai người phụ nữ dưới chân Mẹ. Một người đại diện cho một linh hồn trong Luyện ngục; cô ngước nhìn Đức Mẹ cầu xin, và đến lượt Đức Mẹ dang tay ra với cô. Người còn lại, đại diện cho linh hồn được giải thoát khỏi đau khổ và vào thiên đàng, đang nhận vương miện từ Hài nhi Giêsu.

Gửi một thông điệp đến người chết, theo cách Công Giáo

Ngôi đền cung cấp nhiều dịch vụ, bao gồm tĩnh tâm, giải tội, hướng dẫn tâm linh và tư vấn cho những người đau buồn bằng tiếng Pháp, mặc dù họ chào đón các nhóm muốn tổ chức các hoạt động bằng các ngôn ngữ khác. Có lẽ dịch vụ đáng chú ý nhất là ý tưởng “gửi một tấm thiệp” cho người đã qua đời, để nói “cảm ơn” hoặc “Tôi xin lỗi.”

Trang web giải thích cơ sở thần học cho thực hành này, với những trích dẫn từ Huấn quyền. Nói một cách vắn tắt, thực hành này làm nổi bật sự hiệp thông của các thánh và thực tế là những người thân yêu đã khuất của chúng ta đã không biến mất, nhưng họ đã chuyển sang một trạng thái tồn tại mới. Mặc dù chúng ta không thể giao tiếp với họ theo cách mà chúng ta đã làm trước đây, nhưng mối quan hệ của chúng ta với họ vẫn tiếp tục.

Ngôi đền đề nghị viết ra những điều chúng ta muốn nói với những người đã đi trước chúng ta và giao phó cho Chúa để “chuyển tiếp” thông điệp của chúng ta — cảm ơn, tha thứ hoặc cầu xin sự tha thứ — cho người thân yêu đã khuất của chúng ta, cũng như giao phó sự chuyển cầu cho Đức Trinh Nữ Maria đầy ơn phước.

Điều này có thể được thực hiện trực tiếp tại đền thờ, nhưng cũng có thể trực tuyến từ mọi nơi trên thế giới. Trang web cung cấp một mẫu với hướng dẫn để gửi ghi chú trực tiếp tại đền thờ, hoặc gửi nó qua email hoặc “qua thư tín thông thường”.

Quý vị và anh chị em có thể vào đây để gởi thiệp: https://montligeon.org/en/a-thank-you-sorry-card-to-a-deceased-person/
Source:Catholic News Agency
 
Covid-19 và Nhà bếp trên trời của Sơ Miguelez
Vũ Văn An
18:52 05/11/2021

Trời đây không phải thiên đàng, vì thiên đàng cần chi tới bếp núc. Trời đây là tận mây xanh. Mà đúng thật, ở những khu gia cư lụp xụp tồi tàn trên đồi cao ở Lima, Peru, nếu bạn đứng dưới mà nhìn lên, thì quả có những căn bếp ở trên trời thật.



Và “Nhà bếp trên trời” là tên đặt cho sáng kiến của Sơ Isabel Miguelez. Sơ giải thích tình thế khó xử nghiêm trọng đặt ra cho những thành viên nghèo nhất trong giáo xứ của Sơ, một khu vực trước đây do dòng Columban quản lý ở rìa thủ đô Lima của Peru. Làm thế nào bạn giải quyết được tình huống khó xử này? Làm thế nào bạn nuôi sống những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa kép, đặc biệt là khi họ sống ở những vùng cao khó tiếp cận như vậy?

“Đơn giản,” Sơ Isabel nói một cách coi thường rất đặc trưng. “bằng ‘nhà bếp trên trời’ của chúng tôi!” Hầu hết những người này sống còn trong nền kinh tế phi chính thức, sống ngày qua ngày bằng những gì họ có thể bán trên đường phố hoặc kiếm sống như những người lao động ban ngày. Đối với họ, đại dịch là một thảm họa kép. Với chương trình chích ngừa của Peru chậm chạp một cách đáng kinh ngạc, họ là những người có nguy cơ lây nhiễm cao nhất và là những người có trách nhiệm lớn nhất phải tự cách ly khi cần thiết. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc họ không thể ra đường kiếm sinh kế nhỏ nhoi, kết quả là cái đói cho chính họ và gia đình họ.

Đó chính là nơi Sơ Isabel, một Nữ tu Cát Minh từ Tây Ban Nha, đến. Được sự hỗ trợ của nhà dòng, của giáo xứ và của những người ủng hộ như dòng Columban, Sơ đã gặp gỡ các cư dân và kêu gọi họ lập ra một loạt các hợp tác xã nhà bếp (ollas comunes tiếng Tây Ban Nha nghĩa đen là chảo cộng đồng). Sơ bắt đầu bằng việc quyên góp bếp, bình gas, xoong nồi. Những người đàn ông mang những thứ này lên các con đường dốc núi. Những người phụ nữ làm đầu bếp.

Sơ Isabel giải thích hệ thống khi Sơ đưa Cha John Boles, Dòng Columban hiện sống và làm việc tại Anh Quốc, tác giả bài báo này, đi tham quan khu ổ chuột, theo hàng một dọc đường dê đi cao đến chóng mặt. Trong mỗi trường hợp, một ủy ban, thường gồm toàn phụ nữ, được bầu ra. Ủy ban này chọn một địa điểm, thiết lập nhà bếp, mua thực phẩm và thiết lập bảng phân công nấu ăn. Các gia đình muốn tham gia phải đăng ký và sau đó họ nhận được một bữa ăn một ngày, sáu ngày một tuần. Những người tham gia phải trang trải chi phí thực phẩm, nhưng không có tỷ lệ cố định. Mỗi thứ Bảy, họ họp và đặt mức phí cho tuần tiếp theo, theo giá thực phẩm hiện tại và khả năng chi trả của mọi người.

Cũng như khoản đầu tư ban đầu, Sơ Isabel và nhóm hỗ trợ của Sơ bảo đảm việc cung cấp nhiên liệu và bảo trì thiết bị. Sơ đi khắp khu vực mỗi ngày, thăm các bếp ăn, kiểm tra, động viên, chúc mừng, nói chuyện phiếm. Năng lực và sự nhiệt tình của Sơ dường như là vô tận.

Điều khiến Cha Boles có ấn tượng khi cha cố gắng theo kịp Sơ là quy mô của thách thức. Cha nhớ đã nhìn thấy cũng các ngọn đồi này những năm trước khi các cha dòng Columban coi giáo xứ ở đây, lúc ấy chúng còn trơ trụi lắm. Giờ đây, chúng được bao phủ hoàn toàn bằng những ngôi nhà mỏng manh. Sơ Isabel nhấn mạnh rằng trong những năm gần đây, dân số của giáo xứ đã bùng phát, với những người từ nông thôn tràn vào để tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn ở thành phố. Khi nhu cầu về không gian tăng lên, giá đất tăng cao, buộc người nghèo ngày càng lên cao trên các sườn núi.

Đại dịch và sự sụp đổ kinh tế quốc gia sau đó càng góp phần thúc đẩy diễn trình trên. Sơ Isabel cho biết, "Nó giống như xem bánh mì nở phồng trong lò. Những ngôi nhà dường như mọc lên trên những ngọn đồi này chỉ sau một đêm”.

Khi Cha Boles đến thăm, có ba bếp ăn đang hoạt động, cung cấp tổng cộng 270 suất ăn mỗi ngày, quả là một đường sống thực sự cho những gia đình mà nếu không sẽ phải vật lộn để sống còn. Tuy nhiên, như chính Sơ Isabel thừa nhận, đây mới chỉ là bước khởi đầu. Đề án này sẽ cần được mở rộng trong tương lai. Ngay cả khi đại dịch biến đi vào ngày mai, tình trạng kinh tế của Peru sẽ tồi tệ hơn và việc di cư lên các ngọn đồi sẽ tiếp tục. Không phải điều này làm nản lòng Sơ Isabel. Ngược lại mới đúng. Nó dường như càng thúc đẩy Sơ nhiều hơn.

Các nhà hảo tâm như những người ủng hộ của dòng Columban có thể cung cấp tiền cho các dự án đáng giá này, nhưng chính những người như Sơ Isabel mới là nguồn cảm hứng. Loại cảm hứng tạo ra những điều kỳ diệu như những căn bếp trên bầu trời của Sơ. Sr Isabel Miguelez quả đang giúp nuôi sống những cư dân trong khu ổ chuột trên đỉnh núi ở Peru bị tàn phá bởi COVID-19.

Nguồn: https://www.columban.org.au/media-and-publications/the-far-east-magazine/archive/2021/the-far-east-october-2021/kitchens-in-the-sky
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Vĩnh Hòa Sàigòn: Hội Bác Ái mừng bổn mạng ngày 3.11.2021
Văn Minh
09:49 05/11/2021
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Hội Bác Ái mừng bổn mạng ngày 3.11.2021

“Làm việc bác ái với một đức tính khiêm nhường và lòng nhiệt thành mà phục vụ”.

Linh mục (Lm) Gioakim Lê Hậu Hán – Chánh xứ Vĩnh Hòa đã nhắn nhủ các hội viên như thế - khi ngài chủ sự dâng Thánh lễ mừng kính Thánh Martinô Porres – Bổn mạng của hội Bác Ái giáo xứ Vĩnh Hòa diễn ra lúc 17g30 thứ Tư ngày 3.11.2021.

Do dịch Covid-19 còn chưa chấm dứt, nên Thánh lễ có phần hạn chế số người tham dự, chỉ có các thành viên trong Hội Bác Ái và một số các em thiếu nhi chuẩn bị Xưng tội Rước lễ Lần đầu tham dự.

Xem Hình

Trong phần giảng lễ, Lm đã tóm tắt bài Tin Mừng (Lc 14, 25-33) và mời gọi cộng đoàn thực hiện với ba ý sau:

- Thứ nhất: Là bước đi theo Chúa

- Thứ hai: Là làm môn đệ của Chúa

- Thứ ba: Là làm Tông đồ của Chúa

“Mừng ngày lễ hôm nay, cộng đoàn chúng ta nói chung, cách riêng đối với Hội Bác Ái, hãy chiêm ngắm học hỏi nơi thánh nhân sống khiêm nhường, hy sinh giúp đỡ những người nghèo khổ, những người bị bỏ rơi, trong cũng như ngoài giáo xứ. Đồng thời, “Làm việc bác ái với một đức tính khiêm nhường và lòng nhiệt thành mà phục vụ”.

Sau lời nguyện hiệp lễ, vị đại diện thay mặt lên ngỏ lời cảm ơn Lm Chánh xứ, quý vị trong HĐMVGX, Ban Lễ sinh, Ban Truyền thông cùng mọi thành phần dân Chúa đã hiệp dâng Thánh lễ cầu nguyện cho Hội Bác Ái. Đáp từ, Lm Gioakim Chánh xứ thay mặt cộng đoàn cảm ơn và chúc mừng quý Hội Bác Ái được tràn đầy hồng ân bằng một tràng pháo tay giòn giã của cộng đoàn. Nhân dịp này, ngài cũng cảm ơn Hội Bác Ái đã chung tay giúp đỡ cho những người khó khăn trong mùa dịch Covid vừa qua, và giúp đỡ cho các gia đình có hành cảnh khó khăn không phân biệt tôn giáo vào cuối năm. Qua đây, ngài mời gọi có thêm nhiều người hơn nữa tham gia vào Hội Bác Ái, sẵn sàng hy sinh và hăng say giúp đỡ những người kém may mắn trong cuộc sống, không chỉ một lần vào dịp cuối năm mà là nhiều lần khác nữa trong năm.

Thánh lễ khép lại lúc 18g30. Trước khi ra về, Lm chủ tế cùng cộng đoàn ra trước tiền sảnh nơi tượng thánh Martinô cùng nhau đọc một kinh Lạy Cha, ba kinh Kính Mừng, một kinh Sáng Danh, và kinh Thánh Martinô cầu nguyện và dâng lên những tâm tình ước nguyện của mỗi người.
 
Linh Mục Tĩnh Tâm Năm Trong Hoàn Cảnh Dịch Bệnh
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa –
09:51 05/11/2021
Linh Mục Tĩnh Tâm Năm Trong Hoàn Cảnh Dịch Bệnh

Tại giáo triều Rôma thì hằng năm vào dịp Mùa Chay các giáo sĩ từ Đức Giáo Hoàng trở xuống đểu tham dự tuần tĩnh tâm năm. Năm Phụng Vụ sắp kết thúc, để chuẩn bị bước vào một niên lịch Phụng Vụ mới, Nhiều giáo phận tại Việt Nam lại sắp xếp lịch để các linh mục tham dự tuần tĩnh tâm năm theo Giáo Luật trong dịp này. Đây là một luật buộc theo Giáo Luật để giúp các linh mục biết noi gương Chúa Giêsu là cầu nguyện trước khi thi hành sứ vụ. Các linh mục buộc tham dự các cuộc tĩnh tâm, theo qui định của luật địa phương (Điều 276 §4).

Năm nay (2021), vì tình hình dịch bệnh, không thể quy tụ tại Tòa Giám Mục theo thông lệ, nhưng các linh mục vẫn được yêu cầu tham dự tuần tĩnh tâm năm theo từng nhóm nhỏ vài người hoặc nếu điều kiện không thể tụ họp thì từng cá nhân tĩnh tâm trong tình hiệp thông chung và theo dõi sự hướng dẫn (nghe giảng) bằng hình thức trực tuyến. Bỗng nghe một nhận định: “Năm nay, không chỉ trong giáo phận mà các linh mục trên cả nước đã có một kỳ tĩnh tâm ròng rã bốn năm tháng rồi mà! Ái chà chà, một nhận xét xem ra cũng có lý cách nào đó.

Các linh mục vốn hiểu rằng tĩnh tâm là dành riêng một khoảng thời gian tạm ngưng nghĩ các hoạt động mục vụ để chuyên chăm hơn trong việc kết hiệp với Thiên Chúa hầu qua đó xem xét lại nhiều khía cạnh của cuộc đời, nhất là thẩm định và xác định rõ căn tính cũng như sứ mạng của mình. Dĩ nhiên với nhiều mục đích, nhưng thường có mục đích là để điều chỉnh lại cung cách sống và đường lối hoạt động của mình cho phù hợp với thánh ý Thiên Chúa. Không dám to gan khẳng định rằng có đó nhiều linh mục đã lảng phí khoảng thời gian dài gấp ba hay gấp bốn mươi lần tuần tĩnh tâm năm. Cũng không dám mạo phạm bề trên khi cho rằng tổ chức thêm vài ba ngày tĩnh tâm là quá vụ luật, vì các linh mục đã và đang tĩnh tâm dài dài. Chỉ xin có một vài nghĩ suy thiển cận về chủ đề căn tính và sứ mạng của linh mục trong hoàn cảnh được xem là “không bình thường”, là hoàn cảnh dịch bệnh đang xảy ra trên thế giới và trên quê nhà.

Thiết nghĩ rằng đây có lẽ là chủ đề mà nhiều linh mục phải suy tư để có thể chu toàn sứ vụ theo căn tính của mình đúng và đẹp ý Thiên Chúa. Trong tình cảnh nhà thờ, nhà xứ đóng cửa, không có các cử hành Phụng vụ, bí tích tập trung đông người, không có các sinh hoạt hội đoàn, các lớp giáo lý… và các linh mục thì như giam mình giữa các bức tường, các khuôn viên an toàn tránh dịch thì rất có thể làm biến dạng chân dung người mục tử nơi tâm trí đoàn tín hữu. Thậm chí với nhiều anh chị em khác đạo hay bà con lương dân thì các linh mục cũng chỉ là những vị cử hành các lễ nghi tôn giáo. Khi luật cho phép thì làm, khi luật không cho thì nghỉ.

Giáo Hội khẳng định: “Chức tư tế thừa tác hay phẩm trật của các giám mục và linh mục cũng như chức tư tế cộng đồng của các tín hữu đều tham dự vào chức tư tế duy nhất của Chúa Kitô theo cách thức riêng của mình và bổ túc cho nhau” (GLCG số 1547). Tuy nhiên hai chức tư tế khác nhau về bản chất. Và Giáo Hội khẳng định sự khác nhau ở điểm là các vị tư tế thừa tác khi thay mặt Chúa Kitô, thi hành chức vụ thì với tư cách là đầu, là người lãnh đạo (x.GLCG số 1548-1549). Theo viễn kiến này, chúng ta cùng ngẫm suy đôi điều về vai trò của giám mục, linh mục trong hoàn cảnh hiện nay.

Qua tình cảnh dịch bệnh Covid 19 gần cả hai năm nay, chúng ta càng nhận ra tầm quan trọng của người lãnh đạo đối với sự bình an về thể lý và tinh thần của người dân. Ở xã hội nào, quốc gia nào mà có người lãnh đạo vừa có tâm vừa đủ tầm thì người dân được hưởng sự an bình và ổn đinh trong nhiều phương diện. Cũng là hứng phải dịch bệnh như nhau nhưng hậu quả mà người dân gánh chịu không nguyên chỉ về sức khỏe, tính mạng mà cả về tinh thần, tâm lý thì rõ ràng có sự khác nhau giữa các quốc gia, thậm chí là giữa các vùng miền trong một nước. Và nguyên nhân chính là ở những người lãnh đạo qua các chính sách ban bố, áp dụng. Trong hoàn cảnh khó khăn thì chúng ta mới thấy rõ tầm quan trọng của người đứng đầu như cha ông chúng ta thường nói: “mạnh ở tướng, chứ mạnh gì quân”.

Dưới ánh sáng đức tin Kitô giáo, các giám mục, linh mục là những tư tế trong vị trí vai trò lãnh đạo đoàn dân Chúa. Mong sao không chỉ trong vài ba ngày tĩnh tâm mà suốt những ngày phải chấp hành lệnh giãn cách các ngài biết hồi tâm để xác định lại căn tính của mình, nhất là xác định vai trò vị trí của mình trong hoàn cảnh hiện nay đối với chiên trong đàn lẫn chiên ngoài đàn.

Trong vai trò là lãnh đạo các ngài đã thi hành nhiệm vụ ngôn sứ ra sao để để đoàn chiên an bình vừa kháng dịch vừa sống tình liên đới hiệp thông với nhiều nạn nhân của dịch bệnh? Các ngài đã dùng lời ngôn sứ thế nào để góp phần với các vị lãnh đạo ngoài xã hội có được những quyết sách vừa mang tính khoa học vừa đậm tính nhân văn? Và khi cần các ngài có can đảm dùng lời ngôn sứ để phê phán nhiều lãnh đạo xã hội có thể vì thiếu tầm nhìn hoặc vì quá chủ quan, duy ý chí mà ra những quyết sách tắc trách, thiếu tình người? Người dân, đoàn chiên là phận dưới, thấp cổ thì bé miệng, vì thế họ luôn mong có những tiếng nói chân thành và trực ngôn của những vị lãnh đạo.

Trong vai trò lãnh đạo, các ngài, giám mục, linh mục đã thi hành nhiệm vụ thánh hóa thế nào? Phải chăng hằng ngày dâng Thánh Lễ một mình hay với một vài người là đủ phận tư tế? Người giáo dân trong Hội Thánh thi hành chức Tư tế phổ quát khi họ cộng tác dâng thánh lễ, lãnh nhận các Bí tích, cầu nguyện và tạ ơn; khi họ sống chứng tá thánh thiện, khi họ từ bỏ mình mà sống bác ái (x.LG số 10). Còn các vị tư tế thừa tác, ngoài Hy tế Thánh Thể hằng ngày và lời Kinh Thần Vụ, các ngài có thể làm gì để thánh hóa đoàn chiên, thánh hóa nhân trần cách thiết thực? Dĩ nhiên có nhiều cách thế, nhưng chắc chắn phải hiệp thông với Đấng Cứu Độ để hiến dâng bản thân mình làm của lễ giao hòa.

Trong vai trò lãnh đạo, các ngài thi hành nhiệm vụ mục tử thế nào đây? Thiển nghĩ rằng dù khó khăn nhiều mặt nhưng luôn có đó nhu cầu của đoàn chiên cần đáp ứng. Nhu cầu thiết thực của chiên trong lẫn ngoài đàn trong hoàn cảnh hiện nay đó là sự bình an. Có được những mục tử nhiệt thành gắn bó với chiên, nói theo lời của Đức Phanxicô là nhuốm mùi chiên thì chắc chắn đàn chiên sẽ cảm nhận được sự an bình. Các chuyên gia tâm lý cũng như các y bác sĩ đều chân nhận hiện thực này: sự bình an tâm hồn là liều thuốc kháng dịch bệnh trên dưới 50 %. Có đó nhiều nam nữ tu sĩ, linh mục ra tuyến đầu, dù không có chuyên môn cao về y học nhưng các vị đều cảm nhận nhiều điều tích cực cho bệnh nhân qua sự hiện diện của mình.

Hy vọng rằng hình ảnh của vị mục tử nhân lành, Giêsu, không chỉ đón lấy mọi bệnh hoạn tật nguyền của tha nhân mà còn sẵn sàng hy sinh mạng sống vì đàn chiên được tái hiện qua đấng này, tu sĩ nọ, nơi này, nơi kia. Vị cha chung của toàn giáo hội, Đức Phanxicô, tuổi đời đã gần chín mươi, phổi chỉ còn một lá ngay từ thời thanh niên, vẫn miệt mài vuông tròn phận vụ người mục tử. Dù phải khôn ngoan và cẩn trọng, nhưng nếu quá chú trọng đến sức khỏe và an nguy của bản thân thì dường như đang thiếu “tính mục tử” cách nào đó. Tháng 9/2021 vừa qua, sau khi công du từ Slovakia về, người ta báo cho Tòa Thánh biết có một Tổng Giám Mục, người tiếp xúc rất gần với Đức Giáo Hoàng, đã nhiễm virus corona. Thế mà qua thông tin chúng ta vẫn thấy vị cha chung Giáo hội an bình tiếp tục sứ mạng. Không biết Ngài có lo lắng không nhưng bên ngoài thì không thấy hốt hoảng. Và nhất là cánh cửa sổ trước quảng trường vẫn mở trong giờ Kinh Truyền Tin hằng tuần mỗi Chúa Nhật.

Một vài câu tự kiểm cho bản thân. Mình đã làm gì để giúp tha nhân có thêm được chút an bình? Tình liên đới của tôi với tha nhân, nhất là với những người khốn khổ về thể lý cũng như tinh thần trong hoàn cảnh dịch bệnh này như thế nào? Tôi có phải là đối tượng của Lời Chúa qua miệng ngôn sứ Êdêkiel: “Khốn cho các ngươi là những mục tử chỉ biết lo cho an nguy của bản thân?”(x.Ed 34,2-6).

Dù rằng đã và đang “tĩnh tâm” dài dài. Nhưng có được vài ba ngày hồi tâm theo sự sắp xếp của Đấng Bản Quyền thật là quý giá. Mong sao khoảng thời gian gắn bó với Chúa cách mật thiết hơn sinh qua kết trái tốt lành nơi các vị mục tử, các tư tế thừa tác của Giáo hội.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Hoa Nở Không Màu
Lm.Anphong Nguyễn Công Vinh
10:05 05/11/2021
Hoa Nở Không Màu

1.Tôi có một người bạn làm linh mục được 30 năm thì anh bị đột quỵ và sau đó thì phải nghỉ việc vì không chữa lành được, hai chân bị teo lại, không cử động. Biến cố đó đến với anh thật kinh hoàng, khi tuổi đời và tuổi làm việc còn đang lên. Thỉnh thoảng tôi đến thăm anh và tâm sự hàn huyên để anh vơi bớt nỗi buồn. Anh nói với tôi: Bác biết, em làm linh mục nay đã được 30 năm. Đời linh mục em thành công trong mục vụ, xây cất nhà thờ, nhà giáo lý, tượng đài Đức Mẹ, các phong trào đoàn hội em đều hoạt động hăng hái thành công, em chẳng nghĩ đến bản thân mình, chỉ biết hi sinh nhiệt thành phục vụ với chí hướng của một người đã hiến thân cho Chúa. Thời gian ấy em được giáo dân thương mến, ân cần chăm nom. Thế rồi em bị đột qụy, có lẽ do làm việc quá mức, và bây giờ thì ngồi một chỗ trên xe lăn, ở trong phòng hưu dưỡng nầy. Thời gian đầu, kẻ lui người tới thăm hỏi, mang theo nào là cam táo, bánh kẹo, sữa, nước sâm…Nhưng rồi khách thăm thưa dần, cả những đồng nghiệp với em cũng thế…Bây giờ thì chỉ còn một ít người thân. Họ mau quên và vô ơn quá! Nhiều khi nghĩ đến những người mình đã giúp đỡ, phục vụ, mà nay khi em bệnh tật không thấy họ đâu, em buồn quá!

2.Vô ơn là bản chất của cuộc đời mà! Tôi đáp lại. Nghe ra thì chua cay tàn nhẫn nhưng thực đúng vậy. Tôi làm linh mục 46 năm, phụ trách ít nhất là 6 xứ, nay lớn tuổi và chỉ còn ít thời gian nữa thì cũng tìm một chỗ nào đó trong Nhà Hưu. Đầu đời linh mục của tôi từ 1975-1988 là những năm đầy khó khăn, vất vả. Một mình gánh vác việc mục vụ nặng nề, khó khăn bên ngoài, khó khăn bên trong, một chốn đôi quê. Lấy hết sức trẻ, chẳng quản ngại điều gì, luôn tin cậy vào Chúa để duy trì sự tồn tại của giáo xứ và tinh thần hiệp nhất của giáo dân. Nhưng sau khi rời xứ chừng một ít thời gian thì người ta quên ngay những hi sinh vất vả đó. Chú biết không, những người đại diện lên trình với giám mục là suốt thời gian ấy tôi chẳng làm được việc gì cho giáo xứ. Tôi rất buồn vì nhận xét vô ơn ấy và tự hỏi không biết đầu óc họ có bình thường và công bình khi đưa ra kết luận đó không. Theo họ thì khi xây được những cơ sở vật chất thì khi ấy mới làm được việc và làm đúng việc của linh mục. Họ cũng chẳng hiểu hoàn cảnh của từng giai đoạn. Buồn đó, nhưng sau ít thời gian, tôi quyết tâm không còn nhớ đến nó nữa! Khi coi xứ lớn, có chức vụ thì giáo dân tấp nập đến thăm,vì thương mến cũng có, nhưng vì công việc và nhờ vả thì nhiều. Sau khi chuyển xứ khác, năm đầu còn đến thăm, nhưng khi hết tang rồi thì không còn ma nào nữa. Cuộc đời các linh mục đều giống nhau, dầu có xây dựng nhiều công trình đi chăng nữa. Mỗi năm, tôi thấy chỉ có một hai giáo dân xin lễ cho các linh mục đã coi sóc mình qua đời mà thôi. Chú coi, tôi cũng đâu hơn chú, cũng gặp những người vô ơn. Chú đừng chấp nhất làm gì những hạng người ấy cho bận tâm và bệnh thêm nặng. Hãy quên đi và tha thứ cho đầu óc thảnh thơi, để Chúa cho sống thêm ngày nào thì luôn cảm thấy nhẹ nhàng bình an hạnh phúc.

3.Trước nhà xứ, tôi trồng mấy chậu hoa nguyệt quế. Loại hoa nầy lá không có gì đặc biệt, hoa thì 5 cánh, không màu hồng ướt át, không màu vàng quyền lực, không màu tím u buồn, mà chì có trắng. Trắng thì coi như không màu. Người ta không chưng hoa nguyệt quế, vì nó chẳng đẹp. Tuy nhiên, hơn các loài hoa khác, mỗi sáng nó toả mùi hương thơm nhẹ nhàng rất dễ chịu. Hơn một ngày thì hoa tàn rồi, vài ba ngày sau lại ra tiếp. Cứ thế liên tục. Những cánh hoa tàn nhưng vẫn còn mùi hương và làm đậm đà khi nhấp từng ngụm trà ứơp nguyệt quế. Đơn sơ, không màu sắc loè loẹt, rụng rồi lại cứ nở, nhưng cây nguyệt quế lại tượng trưng cho chiến thắng, vinh quang. Hoa ướp trà uống giúp tăng tuổi thọ. Tôi thường gọi nó là loài hoa nở không màu.Chúng mình, những người chọn đời dâng hiến làm linh mục hay tu sĩ là loài hoa nở không màu. Chẳng màu sắc hào nhoáng lôi kéo sự chú ý của người đời, chẳng cần ai đem chưng; chỉ cần mỗi ngày âm thầm toả mùi hương nhẹ nhàng của hi sinh, phục vụ, trong trắng, làm mọi người hạnh phúc là đủ rồi. Cần chi ai biết ơn. Chúa biết là đuợc. Đó chính là sự chiến thắng vinh quang của vòng nguyệt quế. Chú cứ nhớ như vậy, đừng buồn nhá và bỏ qua cho những kẻ vô ơn.

***

“Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” ( Lc 23,34).

-“Một con ếch ngồi chơi bên bờ suối. Một con bọ cạp đến gần và nói:”Anh ếch à, tôi muốn đi qua con suối nhưng tôi là bọ cạp nên không thể bơi được. Anh vui lòng chở tôi trên lưng anh qua suối được không?”

Con ếch trả lời: “Nhưng anh là bọ cạp mà bọ cạp thường chích ếch!”

Con bọ cạp nói:”Tại sao tôi lại chích anh. Tôi chỉ muốn qua bờ bên kia thôi!”

“Thôi được, hãy leo lên lưng tôi để tôi cõng anh sang”.

Mới đi được nửa đường thì con bọ cạp chích con ếch. Con ếch đau đớn oằn xuống và trước khi thở hơi cuối cùng, nó nói:”Tại sao anh làm thế? Bây giờ thì cả hai đều chết đuối!”

Con bọ cạp nói: “Bởi vì ta là bọ cạp mà bọ cạp thường chích ếch!”



***

Hãy coi chừng những con bọ cạp vô ơn. Bọ cạp trứơc sau vẫn là bọ cạp! Nhưng tha thứ thì lúc nào cũng tha thứ và phải cố gắng 70 lần 7.

(Vinh An, mùa dịch 21)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh kho tàng người qúa cố để lại.
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
20:47 05/11/2021
Hình ảnh kho tàng người qúa cố để lại.

Theo tập tục đạo đức lòng hiếu thảo, hằng năm Hội Thánh mời gọi người tín hữu Chúa Kitô tưởng nhớ đến những người đã qua đời, cách riêng trong tháng Mười Một, bắt đầu từ ngày 02 tháng Mười Một.

Tưởng nhớ đến ông bà, cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, con cháu đã qúa cố trong gia đình mình, trong vòng họ hàng, vòng bạn bè thân hữu, những người ngày xưa đã làm ơn cho chúng ta trong đời sống, với lòng ngậm ngùi biết ơn, cùng lòng ngưỡng phục những lời nói giáo dục khuyên nhủ, những công việc gương sống của họ, mà chúng ta đã cùng chung sống trải qua.

Tưởng nhớ tới họ, người thân còn sinh sống trên trần gian đốt thắp những cành bông hoa, ngọn nến dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa nguồn tình yêu, nguồn sự sống cho linh hồn họ, cùng ôn nhớ lại những ân đức, những kỷ niệm còn in dấu vết trong tâm hồn những người còn ở trên trần gian.

Ôn nhớ lại công việc gương sống tốt lành thánh đức, những kỷ niệm của người đã qua đời, khác nào đi tìm kiếm kho tàng. Kho tàng đó không làm cho có thêm về của cải tiền bạc, nhà cửa vật chất. Nhưng kho tàng đó làm cho tinh thần tâm hồn đời sống trở nên phong phú, giầu thêm kinh nghiệm sống thánh đức làm người, cùng là niềm an ủi hãnh diện.

Vậy người đã qua đời để lại kho tàng gì cho ta?

Người qúa cố ngày xưa trong suốt dọc đời sống cũng đã sống làm việc sản xuất, đi tìm kiếm tiền bạc, lương thực của cải vật chất cho đời sống. Vì đó là sứ mạng do Trời cao trao phó cho mỗi người, cùng là điều cần thiết cho đời sống gia đình và xã hội.

Nhưng không phải chỉ có thế, mà họ còn đi tìm kiếm điều cao qúy hơn cho đời sống nữa: những giá trị đạo đức tinh thần.

Người qúa cố ngày xưa cũng đã qúy trọng của cải vật chất giúp xây dựng đời sống. Họ không khinh chê chối bỏ những cần thiết đó. Nhưng họ không đặt những thứ đó là mục đích của đời sống. Họ cho rằng những điều đó là phương tiện cần thiết giúp cho đời sống.

Vì thế họ đặt lòng bác ái, tình yêu thương lên hàng đầu làm mục đích cho đời sống. Họ sống làm việc vì lòng bác ái tình thương yêu.

Người qúa cố tâm niệm rằng, của cải vật chất thay đổi tan biến theo dòng thời gian năm tháng thế kỷ. Nhưng chỉ có tình yêu thương còn tồn tại ghi dấu vết trong tâm hồn con người của gia đình mình, nơi vòng bạn bè và xã hội.

Và người còn sống mỗi khi tưởng nhớ đến người qúa cố của mình, họ ôn nhớ lại những kỷ niệm êm đẹp chan chứa tình yêu thương đó với lòng ngậm ngùi biết ơn kho tàng tinh thần cao qúy vô giá đó đã in dấu vết ghi khắc trong tâm khảm đời sống.

Và người qúa cố xưa kia tin tưởng rằng giá trị tinh thần lòng bác ái yêu thương, như Thánh Phaolô viết xác tín:” Tình yêu lòng bác ái không bao giờ mất được.” ( Thư 1 cor 13,8), và nó được khắc ghi viết vào cuốn sách hằng sống nơi Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa nguồn đời sống cùng nuôi dưỡng cứu độ con người.

Kho tàng mà người qúa cố ngày xưa đi tìm kiếm xây dựng đó rất tương hợp đúng như lời Chúa Kitô Giêsu đã khuyên nhủ:
"Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi.20 Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi.21 Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó.” ( Mattheo 6, 19-21).
Trước di ảnh hay trước nấm mồ người qúa cố, như có tiếng vang vọng lời của họ nhắn gửi lại:

- Tôi ra đi bây giờ nằm sâu dưới lòng đất, hay được thiêu đốt thành tro bụi. Nhưng tôi tin rằng tôi trở về cùng Thiên Chúa, Ðấng sinh thành ra tôi.

- Tôi nằm sâu trong lòng nấm mồ này. Nhưng tôi vẫn hằng hy vọng trông mong Thiên Chúa sẽ cứu độ tôi, và sẽ cho tôi sống lại được hưởng đời sống bất diệt, như Ngài đã cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết.

- Tôi bây giờ nằm chôn sâu trong nấm mồ xây kín bằng xi-măng cát đá, hay thân xác tôi đã được thiêu ra thành tro bụi. Nhưng tôi hằng có tâm tình yêu mến Thiên Chúa của tôi, vì ngài là Cha đời tôi, Ngài hằng yêu mến tôi.

Và tôi tâm niệm rằng:
- Những gì ngày xưa tôi xây dựng làm ra, giờ này tôi phải bỏ lại.
- Những gì ngày xưa tôi thu góp tích lũy để dành, giờ này tôi không mang đi được.
- Nhưng chỉ những gì ngày xưa tôi đã cho đi, bây giờ tôi nhận lãnh trở lại.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Văn Hóa
Khuôn mặt thơ Công Giáo đương đại : Thơ Sơn Ca Linh
Bùi Công Thuấn
10:14 05/11/2021
Khuôn mặt thơ Công Giáo đương đại : Thơ Sơn Ca Linh

Sơn Ca Linh là bút danh ghi dưới tên những bài thơ của Lm Giuse Trương Đình Hiền [1]. Ngài hiện là Tổng Đại diện Giáo phận Quy Nhơn. Tôi cần giới thiệu rõ điều này, bởi vì là một Linh mục, khi diễn ngôn, nhà thơ Sơn Ca Linh sẽ phải tự giới hạn đề tài, phạm vi phản ánh cuộc sống, và thái độ với hiện thực. Linh mục là người của Chúa, là hiện thân của Đức Giêsu giữa đời thường hôm nay, vì thế một nhà thơ Linh mục không thể viết như một người thế tục. Sự chọn lựa đề tài, nội dung, cách thể hiện tư tưởng và nghệ thuật của nhà thơ Linh mục đều kín múc từ Kinh thánh và hướng đến mục đích loan báo Tin Mừng. Nhưng một nhà thơ loan báo Tin Mừng sẽ khác với một Linh mục giảng Kinh thánh trên tòa giảng.

Tôi sẽ chỉ nói đến phẩm chất thi nhân của Sơn Ca Linh trong thơ. Tôi đã đọc hơn 200 bài thơ của Sơn Ca Linh đăng trên trang web của Giáo phận Quy Nhơn. Quả thực thơ Sơn Ca Linh có nhiều điều cuốn hút tôi. Đó là một cánh đồng nghệ thuật thật phong phú sắc màu, trên đó hiện lên khuôn mặt nhà thơ vừa thâm trầm sâu sắc vừa dung dị hồn nhiên và có nhiều đường nét mới lạ.

CÁNH ĐỒNG NGHỆ THUẬT ĐA SẮC MÀU

Phẩm chất thi nhân của một người làm thơ (nhà thơ) được xác định trước hết là ở sự sáng tạo những tứ thơ mới lạ giàu thẩm mỹ, ở những quan sát tinh tế, những xúc cảm mãnh liệt của một trái tim ngân rung tình yêu Con người và ở khả năng làm mới ngôn ngữ để thể hiện Cái Đẹp. Nhà thơ, người sáng tạo Cái Đẹp. Thợ thơ (chữ của Nam Cao), là người làm theo quán tính bắt chước, hô những khẩu hiệu nhạt nhẽo.

Thơ Sơn Ca Linh có những hạt châu ngọc của ca dao. Bài ca dao “Trâu ơi” là một bài ca dân dã rất đẹp cả về hình tượng và tư tưởng. Sơn Ca Linh có bài “Gọi trâu” cũng với vẻ đẹp trân quý như vậy. Sự sáng tạo là ở khả năng khám phá và nâng cao tư tưởng cánh đồng cỏ với con trâu trong thơ ca dân tộc thành cánh đồng truyền giáo.

GỌI TRÂU

(Chút cảm nhận về “Trâu” và “cánh đồng truyền giáo”)

“Trâu ơi ta bảo trâu nầy,

Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta”

Kẻo mùa xuân lại đi qua,

Hạ về đông lại nước ra đầy đồng…

Cây xoan vừa mới trổ bông,

Bờ quê vạn thọ đã hồng môi xinh.

Gió mùa xuân nắng thuỷ tinh,

Luống sâu chân bước có mình với ta.

Bùn lầy nước đọng nẻo xa,

Con chim én liệng reo ca lưng trời.

Bây giờ vất vả đầy vơi,

Mùa lên trĩu hạt… trâu ơi, ngại gì!

Thơ Sơn Ca Linh cũng có những bài mang vẻ đẹp của thơ Lãng mạn: giàu có về nhạc điệu. Tứ thơ đầy sắc màu và cái tôi trữ tình tha thiết mênh mang. Sự khác biệt với thơ Lãng mạn là ở chỗ thơ Lãng mạn đẩy Cái Tôi cá nhân lên mức cực đoan, còn thơ lãng mạn của Sơn Ca Linh lại lấp lánh vẻ đẹp Đời Dâng hiến.

Yên lặng lắm mới nghe lời thỏ thẻ,

Và lắng tai mới rõ tiếng thì thầm.

Có ai qua xin bước dùm bước nhẹ,

Kẻo giật mình mà cỏ lại lặng câm!...

(Lời thì thầm của cỏ)

Mỗi mùa thu trở lại,

Ta nghe rộn ràng những bước đi xa…

Chẳng phải lá vàng, như những khúc tình ca,

Về cội đất như một lần vĩnh biệt.

Chẳng phải sông kia, lời tạ tình tha thiết,

Xa biệt bãi bờ để tan biến giữa đại dương.

Chẳng phải áng mây lãng đãng tím hoàng hôn,

Chợt mất hút cuối chân trời biêng biếc…

(Mùa thu và những chuyến đi xa - Mến tặng các nữ tu qua những lần “chuyển xứ” vào mỗi dịp mùa thu-tháng 9)

Sơn Linh Ca cũng có những bài Đường luật thất ngôn rất chuẩn mực về niêm luật nhưng lại rất mới ở nội dung Kinh thánh. Đường luật cổ điển đầy dẫy điển tích Trung Quốc. Đường luật của Sơn Ca Linh dung dị với những điển ngữ “nhà đạo”.

“Phố thánh vườn thiêng” rạng đỉnh đồi (1),

Trinh nguyên e ấp đoá “Môi Khôi” (2),

Rạng ngời sắc thắm soi muôn cõi,

Bát ngát hương thiêng toả khắp nơi.

“Bốn Sự nhiệm mầu” (3) ơn Cứu độ,

“Mười Kinh thánh đức” (4) phúc Tin Vui.

Hoa hồng muôn cánh dung nhan Mẹ,

Ngập lối linh ân mãi tận trời !

(Đường luật Mân Côi)[2]

Đặc sắc thơ Sơn Linh Ca là những bài thơ tự do. Những bài thơ này phá cách về số câu số chữ nhưng vẫn giữ âm điệu của thể thơ 7- 8 chữ. Bài thơ có cấu trúc lập luận. Có khi là lập luận tương phản: tương phản giữa Kinh thánh và thế tục; có khi là lập luận theo tuyến tính “xưa-nay”; nhiều bài có cấu trúc quy nạp, các luận cứ dẫn đến kết luận ở cuối bài. Sơn Ca Linh kết hợp cấu trúc lập luận với tự sự (kể truyện) và “cảm nhận” vấn đề, vì thế bài thơ được kiến tạo đa tầng: kết nối lịch sử với hiện tại, kết nối Kinh thánh với cuộc đời, kết nối những vấn đề chung với “cảm nhận” riêng của tác giả. Những bài thơ này định vị một phong cách thơ rất riêng của Sơn Ca Linh so với thơ Xuân Ly Băng, Trăng Thập Tự, Lê Đình Bảng.

Sơn Ca Linh cũng khai phá một con đường nghệ thuật mới mẻ so với thể “Diễn ca” và thể “Huấn ca” truyền thống. Con đường này vượt trội so với kiểu “Thơ ca cầu nguyện” mà nhiều tác giả giáo dân hiện nay đang theo đuổi. “Diễn ca” là diễn Kinh thánh (văn xuôi) thành ca vè để dễ học dễ thuộc. “Thơ ca cầu nguyện” cũng diễn ca Kinh thánh, từ đó viết thêm phần cầu nguyện (thường là theo một công thức nhất định). Cả hai lối thơ “Diễn ca” và “thơ ca cầu nguyện” đòi buộc người viết phải giữ trung thực ý và lời của Kinh Thánh, vì đó là Lời Chúa. Nếu viết khác (chẳng hạn, chỉ lấy ý không giữ Lời) thì sẽ là sự xuyên tạc. “Cảm nhận” cho phép nhà thơ hoàn toàn xây dựng hình tượng, kiến tạo tác phẩm theo ý của mình. Sức hấp dẫn của thơ Sơn Ca Linh chính là ở những “cảm nhận” rất riêng, rất mới và những sáng tạo có tính đột phá này. Xin đọc:

ĐÊM, VÀ NHỮNG BƯỚC CHÂN BUỒN !

(Chút cảm nhận Tin Mừng thứ Ba Tuần Thánh : Ga 13,21-33.36-38)

Trang Tin Mừng “Thứ Ba Tuần Thánh”,

Tông Đồ Gioan kể câu chuyện sắp vào đêm:

“Nhóm Mười Hai” với Thầy, bữa cơm chiều ấm êm,

người tựa ngực, kẻ kề vai, chén thù chén tạc…

Đang giữa bữa bỗng mọi người ngơ ngác

“Giữa anh em đang có kẻ nộp Thầy”!

Không lẽ… Không lẽ…. chính là đây?

“Người nhận chính tấm bánh Thầy trao đó!”

Tiếng cười vẫn râm ran, giờ bỏ ngỏ…

Khi Giu-đa vừa lặng lẽ ra đi.

Hoàng hôn đen chợt ùa đến tức thì,

Theo bén gót nhạt nhoà sâu mất hút !

Thế giới muôn nơi, vẫn những đêm dài côi cút,

Những bữa cơm chiều của phản bội, chia xa.

Những bước liu xiu ngập bóng tối lạc loà,

Chồng bỏ vợ, mẹ lìa con, thầy trò chối bỏ…

Chuyện “Bữa cơm chiều” của ngày xưa còn đó,

Bước chân buồn Giu-đa lại trở về!

“Mái ấm Tiệc Ly”, câu chuyện tình duyên nợ!

Nhắc ai đừng chọn “bóng tối chia ly”!

(Thứ Ba Tuần Thánh 2019)

Ba khổ thơ đầu là kể chuyện Kinh thánh (tự sự), là luận cứ thứ nhất. Khổ thơ thứ tư kể chuyện thế giới hôm nay, là luận cứ thứ hai (tuyến tính thời gian “xưa-nay”). Hai câu kết là chủ đề. Luận cứ 1 và luận cứ 2 dẫn đến chủ đề, đó là cấu trúc quy nạp. Nhạc thơ là nhạc của thể thơ 7-8 chữ phá cách. Bút pháp kể chuyện (tự sự) kết hợp với “cảm nhận” tạo nên sự sinh động của nội dung và sâu sắc về tư tưởng. Khổ thơ thứ 3 là một tứ thơ rất mới lạ gây ấn tượng mạnh. Diễn ngôn của thơ là loan báo Tin Mừng (kể lại chuyện Kinh Thánh) và thuyết phục (không phải là giáo huấn kiểu “Huấn ca”) người đọc tin vào Kinh thánh.

Một đặc sắc khác của thơ Sơn Ca Linh là không có sự xuất hiện chủ thể diễn ngôn (“Cái Tôi”) cá nhân. Điều này rất khác với thơ trữ tình. Nhân vật “Tôi” trong thơ trữ tình che khuất cả bài thơ. Nguyễn Bính: “Nắng mưa là bệnh của trời/ Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”. “Tôi” sánh ngang với “trời”. Trong thơ Sơn Ca Linh, nhà thơ (tác giả) hóa thân vào nhân vật, nói tiếng nói của nhân vật. Vì thế tiếng thơ là tiếng nói của đông đảo công chúng. Ta nghe được tiếng của người xưa và tiếng của ngày hôm nay. Thời gian và không gian thơ là một thế giới đồng hiện.

Trong thơ Sơn Ca Linh, khi “Tôi “lên tiếng, có khi là tiếng nói của các tông đồ (Cứ ngỡ là dư ảnh), có khi là tiếng nói của đám đông (Bình minh “ngày thứ nhất trong tuần”), là lời trò chuyện của đôi uyên ương (Thỏ thẻ mùa xuân), là “tụi tui”, một lũ bạn bè lúc nhỏ (Tết và mùi hương hoa cũ; Chuyện kể “Têrêsa nước ra đầy đồng”), là lời của Đức Giêsu (Biết đến bao giờ), lời của “một người khô đạo” (Xin mời Ngài nán lại), lời của bà mẹ buôn gánh bán bưng (Ai sầu hơn ai), lời của công chúng luận tội Giuđa (Nghĩ…tội Giuđa), lời của chậu hoa mãn nguyện vì có một mùa xuân thánh thiện (Tâm sự chậu hoa tết ở nhà thờ), lời của Đức cha Vinc Nguyễn Văn Bản về thăm Làng Sông (Bỗng dưng nghe lời của mẹ); lời của Cái Ta hòa trong nhiều con người (Khúc niệm ca Tuần Thánh; Lời phán xét chiều nay). Cũng có khi Sơn Ca Linh bộc lộ trức tiếp “Cái Tôi trữ tình”, nhưng rất hiếm, nhưng Cái Tôi ấy mang phẩm chất của Đức tin, không phải là “Cái tôi” vị kỷ trong thơ Lãng mạn (Ta mừng tuổi ta; Chiêm niệm; Như cánh hoa vừa rụng; Ta tìm trở lại con đường ấy). Sự đa dạng của “Cái Tôi” trữ tình trong thơ Sơn Ca Linh là một đặc điểm phong cách, tạo nên sự phong phú nghệ thuật của giọng điệu thơ, giọng đa thanh hiện đại.

Xin đọc Dẫu đời anh mang nhiều vết sẹo. Đây là lời tự tình của “Anh” nói với “Em”. Bài thơ xây dựng được hình tượng Đức Giêsu qua một góc “cảm nhận” rất trung thực, nhưng rất lạ. Giọng thơ (giọng của Đức Giêsu) cũng là giọng khác hẳn với những gì người giáo dân quen được nghe Chúa nói trong Kinh thánh (Chúa phán, Chúa nói, Ta bảo thật các ngươi. Người mở miệng dạy họ, Người bảo các ông…): Câu Kinh thánh dùng làm đề từ là: (Rồi Người bảo ông Tô-ma: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin." Ga 20,17)

Chẳng giấu gì em,

Quá khứ đời anh cả một trời bất hạnh,

Long đong nhiều ngay tự buổi mới sinh.

Giữa mùa đông lạnh máng cỏ hôi tanh,

Mẹ mượn đỡ chút hơi lừa sưởi ấm…

Chưa dứt sữa phải lao lung lận đận,

Theo mẹ cha trôi nổi kiếp di cư.

Hết bị người đời truy sát loại trừ,

Lại phải phận nghèo mồ hôi ướt áo…

Tay chai sạn đổi bát cơm hạt gạo,

Sáng cưa chiều đục, mưa nắng dãi dầu

Kiếp thợ nghèo luôn thiếu trước hụt sau,

Thân bèo bọt mãi trầy vi tróc vảy…

Chẳng giấu gì em,

Tuổi 33 mà công chưa thành danh chưa toại,

Hết bị đồng hương ném đá khinh chê,

Người thông luật, giới tăng lữ, kết án đủ bề,

Cả môn sinh cũng hè nhau chối từ phản bội…

Và cuộc đời anh, bây giờ em thấy đó,

Ghi trên thân mình hằn đủ vết thương đau,

Tay chân, cạnh sườn in vết sẹo sâu,

Là chứng tích của câu chuyện dài “Thập Giá” !

Thân xác phục sinh,

Mà mang toàn vết sẹo, quả là chuyện lạ !

Nhưng lại là chứng tích oai hùng của Vượt Qua.

Dấu tình yêu muôn đời và khắp cõi bao la,

Nên em ơi,

Có yêu anh, tin anh,

Em hãy đón nhận anh với muôn ngàn vết sẹo !

(Tuần Bát Nhật Phục Sinh 2019)

Ngôn ngữ trong thơ Sơn Ca Linh là ngôn ngữ hướng về công chúng, có nhiều “khẩu ngữ”, có nhiều trích dẫn và đôi khi là “chơi chữ” dân gian, có tính hài. Khi nhà thơ hướng về công chúng, nói chuyện, chia sẻ với công chúng; kêu gọi, cổ vũ công chúng, hoặc nhắc nhở thân tình, thì nguyên tắc giao tiếp cần có là dùng ngôn ngữ của công chúng, ngôn ngữ đương đại, khẩu ngữ. Đây cũng là đặc trưng nổi trội của thơ ca dân gian. Ngôn ngữ giàu hình ảnh, có sức gây ấn tượng lâu dài. Tuy nhiên, nếu không cẩn trọng, khẩu ngữ sẽ làm mất đi vẻ đẹp ngôn ngữ thơ ca. Điều ấy tùy thuộc vào tài năng của nhà thơ. Bài thơ sau đây, khẩu ngữ được sử dụng rất hay:

“Thích quá đi thôi,

Những cành lá xanh, gần gũi, dung dị tự thuở nào,

Vừa che mát, vừa biểu cảm tâm tình đơn sơ chân chất.

Chúa cũng thích mà,

Chỉ một “chú lừa con”, đâu cần lọng vàng, cờ quạt.

Những cành lá xanh, đủ rồi, cho một cuộc “Giá lâm”!

“Hổng phải sao”, 33 năm trước, nơi hang lừa máng cỏ tối tăm,

Ngài đã đến, đã bỏ ngai trời giáng thế.

Rồi suốt 30 năm,

Cái đục, cái cưa, cái chàng, cái búa…,

Kiếp thợ mộc nghèo, nào “Thượng Đế có từ nan”!

3 năm rao giảng, hết lên bắc lại xuống nam,

Đôi chân đất, nhiều phen đói lòng, khô khát…!

Bên bờ giếng Samari : “Chúa mà xin nước!”

Trên thuyền Phêrô, “ngủ gà ngủ gật”, thấy mà thương!

Chim sẻ trên cây, cánh huệ bên đường,

Hèn chi, Ngài đã mượn làm “dụ ngôn phó thác”!

Vì đã hiểu, quyền lực, giàu sang… chẳng qua là cỏ rác,

Nên Chúa hồn nhiên yêu chuộng kiếp sống nghèo.

Nên đến cuối đường,

phụ nữ, trẻ em, bọn cùng đinh…vung cành lá vang reo:

“Hoan hô Đấng Nhân Danh Chúa mà đến” !...”

(Nét hồn nhiên của Chúa)

NHỮNG VẤN ĐỀ TƯ TƯỞNG

Sơn Ca Linh làm thơ về các mùa phụng vụ, về những sự kiện, những sinh hoạt tôn giáo; hoặc những vấn đề đời thường thách thức lương tâm Công Giáo. Đó là những “cảm nhận” Kinh thánh mùa Giáng sinh, mùa Phục Sinh, về Đức Mẹ, các thánh; các sinh hoạt mục vụ đời thường như Mừng thụ phong Linh mục, Mừng lễ khấn dòng, về Đời dâng hiến, Khai mạc Năm Thánh, Đức Giám Mục thăm mục vụ, Mừng bổn mạng, đưa tiễn người qua đời, Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng thánh đường và các hiện tượng đời sống hàng ngày như bão lụt, dịch Covid, suy tư về thân phận người phụ nữ, …Mỗi bài thơ thường có một câu Kinh Thánh làm đề từ định hướng người đọc về nội dung, chủ đề thơ, từ đó nhà thơ sáng tạo câu chuyện, xây dựng hình tượng, chọn lựa cách viết và khám phá “sứ điệp’ của Tin Mừng.

Nhưng nếu chỉ là vậy thì thơ Sơn Ca Linh sẽ tan vào dòng thơ “diễn ca”, thơ “Huấn ca” truyền thống, không để lại ấn tượng gì. Xin lưu ý rằng, ngay sau nhan đề bài thơ, tác giả thường ghi: “Chút cảm nhận về sứ điệp Tin Mừng”, “Chút cảm nhận Phục Sinh”, “Chút cảm nghiệm về Chúa Thánh Linh”, “Một thoáng suy niệm về Thánh Giuse”, hoặc “Chút suy tư từ chuyện “cách ly mùa Covid” và “tấm lá của A-đam, E-va”; hoặc “Chiêm niệm”, “Chút hoài niệm về…”, “Chút cảm nhận hoài niệm 45 năm “hải chiến hoàng sa”… nghĩa là, thơ Sơn Linh Ca không phải chỉ là “diễn ca”, mà là thơ tư tưởng, là suy tư về những vấn đề tư tưởng.

Vấn đề tư tưởng căn cốt nhất trong thơ Sơn Ca Linh là sự hiện hữu của Đức Giêsu trong thế giới hôm nay. Đức tin Công Giáo dạy chúng ta rằng, Đức Giêsu là đấng Cứu độ duy nhất. Người hiện hữu với chúng ta hàng ngày mãi đến ngày tận thế. Nhưng trong nhận thức xã hội, Đức Giêsu chỉ là con người lịch sử, một nhà sáng lập tôn giáo, một nhà tư tưởng, một nhà cách mạng. Đó là một con người đã sống cách nay hơn 2000 năm, một nhân vật của quá khứ như nhiều nhân vật khác. Sơn Ca Linh đã tập trung khắc họa hình tượng Đức Giêsu đang ở giữa chúng ta, trong mọi cảnh ngộ, chia sẻ mọi nỗi niềm với chúng ta, và đem đến cho chúng ta ơn Cứu rỗi.

Xin đọc

NGÀI ĐI NGANG QUA NƠI ẤY

Thấy Đức Giêsu đi ngang qua… (Ga 136)

Đâu có tình cờ,

Chẳng phải bàng quan,

Hơn một lần “Ngài đi ngang qua nơi ấy”!

Nơi có những chàng trai mộng đời đang dậy,

Có thuyền, có lưới,

có cha mẹ già có cả người yêu…

Ngài đi ngang qua để lại đôi mắt diễm kiều,

“Con mắt có đuôi” mang tia nhìn vẫy gọi!

Ngài đi ngang qua,

Như để có người “bước theo” và đi tới,

Tìm minh quân, tìm ngọc quý, tìm cả kho tàng…

Hay để có người, khước từ cả “nghĩa tào khang”,

Chỉ để được “ở lại với Ngài” mà thọ giáo!

Ngài đã đi ngang qua trên vạn nẻo đường thế giới,

Để người mù trông thấy, để kẻ què đứng lên,

Để những bọn phần thu, cùi hủi… không tên,

có bánh được chia đều, được tiệc tùng rượu mới…

Ngài đã đi ngang qua để sẵn sàng đứng đợi,

Đợi người con tả tơi phóng đảng quay về,

Đợi Lêvi bỏ bàn thu thuế, đợi tiệc của Giakê

Đợi giọt nước mắt ăn năn của cô nàng gái điếm…

Ngài đi ngang qua,

Để chạnh lòng, để bao dung tìm kiếm,

Tìm những con chiên lạc vai vác mang về,

Để trao con trai

Cho những “bà goá mất con” đẫm lệ tái tê,

Và những “thiếu phụ lộn chồng” được phục hồi phẩm giá…

Ngài đã đi ngang qua,

Để Bắc, Trung, Nam không con là những “Samari xa lạ”,

Và trên vạn nẻo “Giêricô”,

ai cũng chợt nhận mình là lân cận anh em!

Để những người công nhân “giờ thứ mười một” vững tin,

lương bổng đủ đầy trong “Vườn Nho Nước Chúa”…

Và Ngài đã đi qua,

Nơi ấy “Canvê” một chiều nắng úa,

Bụi bặm, hỗn hào, thập giá, máu loang…

Nơi ấy “mộ hoang” một sáng huy hoàng,

Đường Giêrusalem ngập “Tin mừng Sống lại”!

Và hôm nay,

Ngài vẫn đi ngang qua những “con đường xưa ấy”,

Vẫn “ánh mắt có đuôi” vang tiếng gọi mời:

“Hãy đến mà xem”,

Xem gì, chẳng nhà, chẳng chỗ, chẳng nơi…

cả “viên đá gối đầu” cũng không,

vâng, chỉ Ngài thôi, Đường, Sự Thật, Sự Sống!

Đọc bài thơ, chúng ta nhận ra Đức Giêsu gần gũi biết bao. “Và hôm nay,/ Ngài vẫn đi ngang qua những “con đường xưa ấy”, vẫn vang tiếng gọi mời chúng ta.

Khả năng tổng hợp Kinh thánh của Sơn Linh Ca thật tuyệt vời; những suy niệm, khám phá, cảm nghiệm của nhà thơ đã khắc tạc một cách sống động hình ảnh Đức Giêsu đang ở bên ta mỗi ngày trên vạn nẻo đường. Hình ảnh này, nghiệm suy này làm phong phú hơn những gì người giáo dân được nghe giảng trong nhà thờ về Đức Giêsu, bởi đây là hình tượng văn học, hình tượng tư tưởng-thẩm mỹ, khác với những tín niệm Thần học, triết học về Đức Giêsu. Xin đọc thêm các bài thơ: Nét hồn nhiên của Chúa, Dẫu đời anh mang nhiểu vết sẹo, Dấu chân Ngài trên bãi bờ cuộc sống, Bước chân của đấng Emmanuel, Ta vẫn đợi chờ con, Thiên thu anh vẫn đợi chờ, Nắm lấy bàn tay con, Biết đến bao giờ, Câu chuyện dòng sông, Lỡ một chuyến đò vui, Con thuyền xưa đã quên đâu, Bản xét mình mùa chay, …

Vấn đề tư tưởng thứ hai xuất hiện nhiều trong thơ Sơn Ca Linh là lẽ tử sinh. Nhà thơ chứng kiến cái chết của nhiều người thân yêu và không cầm lòng được: Cảm nhận về sự chết trong mùa Covid (Chị chết “đẹp” mà ta!), Hạt mầm và bụi tro. Tưởng nhớ 5 linh mục Qui Nhơn liên tiếp qua đời (Bao giờ mới hết mùa “thương”). Ghi niệm ngày cha Phêrô Đặng Son từ giã cõi trần (Anh về). Trong cùng một buổi sáng: Mừng 10 anh em lãnh nhận chức Phó Tế và mừng cha Stêphanô Dương Thành Thăm “về nhà Cha”- Thứ Năm Đầu tháng ngày 1.7.2021 (Đã có một buổi sáng diệu kỳ). Chút cảm nhận về “chuyến về Nhà Cha” của linh mục Luca Nguyễn Huy Kỳ (Mừng anh đã về nhà Cha). Chút cảm nhận về cuộc đời từ sự “qua đời” của cha Hoàng Kym (Một thuở “Hoàng Kim”), Chút cảm nhận về cuộc “ra đi về nhà Cha” của cha Phêrô Hoàng Kym (Một thoáng bây giờ đã thiên thu). Tưởng niệm về anh Gioakim Võ Văn Hào, cựu chức việc - thành viên ban truyền thông giáo xứ Tuy Hoà (Cho một người vừa “đi xa”). Chút suy tư và cảm nhận từ cái chết thương tâm của cô sinh viên tại Điện Biên (Chiếc xương sườn bị đánh cắp). Chia sẻ nỗi buồn của một “Bà Goá Nghèo” vừa mất đứa con trai một tại giáo xứ Hóc Gáo (Lại có một con đường Na-im như thế!), Vọng tưởng những thầy cô đã nằm xuống (Nén hương lặng thầm)…

Từ xưa đến nay, lẽ tử sinh đã là một vấn đề tư tưởng của tôn giáo và triết học. Lẽ tử sinh nằm trong Khổ đế (chân lý thứ nhất) của Phật giáo: “Sinh, lão, bệnh tử”. Câu thơ của Nguyễn Gia Thiều có sức ám ảnh kỳ lạ: “Trăm năm còn có gì đâu/ Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì”. Lẽ tử sinh cũng là suy tư của triết học Hiện sinh. Hiện sinh là hiện sinh quy tử (Being toward Death-Martin Heidegger). Sống là đi về cõi chết. Lẽ tử sinh cũng nằm trong Thiên mệnh của Nho giáo. Người xưa tin rằng “sống chết có số, phú quý do trời”. Nguyễn Du viết: “Gẫm hay muôn sự tại trời” (Đoạn trường tân thanh). Tất cả những suy tư triết học đó đều dẫn đến bế tắc và hư vô. Sơn Ca Linh nhìn lẽ tử sinh theo Thần học Kitô giáo. Chết là “về nhà Cha”, “quê hương chúng ta ở trên trời”, vì thế, đó là niềm vui. Trong cùng một buổi sáng: Mừng 10 anh em lãnh nhận chức Phó Tế và mừng cha Stêphanô Dương Thành Thăm “về nhà Cha”- thì đó là một bi đát hiện sinh. Nhưng tư tưởng của Sơn Ca Linh thanh thoát vô cùng:

Trên cung Thánh mười anh phủ phục,

Nằm mà nghe khúc nhạc êm đềm.

Nghe tiếng Kinh Cầu ơn “Thánh chức”,

Chết cho đời hiến tế con tim…!

Dưới kia bên nhà hưu lặng lẽ,

Linh mục cuối đời thở hơi ra.

Một chút nữa thôi thành của lễ,

“Về quê hương” mừng lễ Vượt Qua!

Một thoáng người đi, người ở lại,

Tre già, măng mọc, chiếc lá rơi…

Dấn bước vào đời em Phó Tế,

Linh mục anh về chốn nghỉ ngơi!

Cũng cuộc hành hương về vĩnh cửu,

Chồi lên xanh nụ, hạt lúa rơi…

Trẻ hát bài ca yêu cuộc sống,

Già vui mục nát giữa cuộc đời!

Nắng vẫn lên, vẫn rừng thay lá,

Cổ lục thêm buổi sáng diệu kỳ!

Mồng một thứ Năm đầu tháng Bảy,

Sống chết chia đều bữa Tiệc Ly!

(Đã có một buổi sáng diệu kỳ)

Điều diệu kỳ là ở chỗ tử sinh là quy luật phát triển của cuộc sống, càng diệu kỳ hơn

chính cái chết của đức Giêsu đem đến sự sống cho nhân loại. Những tư tưởng như thế, triết học không vươn tới được.

“…Và Anh đã ra đi, như ngọn đèn dầu lặng lẽ,

Như cánh chim vừa mất hút cõi trời xa!

Đúng hơn, như một người hành lữ mới về nhà,

Sau một chuỗi lênh đênh biển đời vừa bỏ lại.

Thế tạm mà, có chi là mãi mãi,

Tiễn xác Anh về với cát bụi thời gian…

Và hồn Anh cập bến đỗ thiên đàng,

Mừng Anh đã về nhà, nhà Cha đang đón đợi!”

(Mừng anh đã về nhà Cha-Chút cảm nhận về “chuyến về Nhà Cha” của linh mục Luca Nguyễn Huy Kỳ )

Một vấn đề khác cũng đè nặng trong tim nhà thơ Sơn Ca Linh là vấn đề về thân phận người phụ nữ. Cái nhìn của Sơn Ca Linh là cái nhìn có tầm lịch sử và tư tưởng, cái nhìn của một tấm lòng xót thương âu lo vô bờ (xin đọc: Người phụ nữ Việt Nam da vàng).

Và xin đọc:

CHIẾC XƯƠNG SƯỜN BỊ ĐÁNH CẮP

(Chút suy tư và cảm nhận từ cái chết thương tâm của cô sinh viên tại Điện Biên)

Có phải em,

Vì ngay từ đầu không được tạo nên bằng đất sét?

Mà chỉ là một cái xương sườn,

Xương của một thằng đàn ông bị đánh cắp

Khi đang miệt mài trong giấc ngủ trưa?

Vì thế nên em,

Dẫu quá lời, “chỉ một của dư thừa”,

Là “thứ phẩm” của một thân phận người “nguyên bản”.

Xương sườn mà : thứ bảo vệ của cơ phần nội tạng,

Cho tim gan, phèo phổi an toàn…

Là mái che, phên dậu sẵn sàng,

Để đón lấy những trận đòn, vết đâm, cú đấm…!

Chỉ là xương thôi mà,

Nên cứ phải làm thân cò bán bưng buôn gánh,

Làm con sen, đứa ở, dậy sớm, thức khuya.

Mang nặng, đẻ đau, cay đắng…dư thừa,

Để thằng đàn ông ngẫng đầu dương dương tự đắc.

Là xương,

Nên ở chốn cửa công phải làm thinh im bặt,

Khỏi phải học hành,

xương chỉ cần biết đọc, biết viết đủ rồi!

Lẩn quẩn trong nhà, chỉ kim, bếp núc mà thôi…

Chớ bày đặt nghênh ngang múa rìu đỏng đảnh!

Là xương,

Nên cứ lủi thủi chịu thiệt thòi câm lặng,

Bạo lực gia đình, bị đoạ đày, bị hiếp, bị giết, bất công…

Mà hầu hết là nạn nhân của những thằng đàn ông,

Những “tạo vật”

được vinh dự “mang ảnh hình Thượng Đế”.

Mới đây,

Em, cái xương sườn bị “bỏ quên” giữa những ngày xuân tết,

Lại mấy thằng đàn ông: hiếp, giết, vứt bên đường!

Rồi lại mấy thằng đàn ông sung sướng tưng bừng,

Tự thưởng cho nhau cái trò “thi đua phá án”!

Và rồi, em, mẹ em…

những cái xương sườn bị đánh cắp,

Lại tiếp tục bị đoạ đày,

bị vùi dập trong khổ ải thương đau.

Biết bao giờ, từ đây cho đến mãi ngàn sau,

Những thằng đàn ông,

Học thuộc lời, ứng xử, của một Vị Thầy 2000 năm trước :

“Chị hãy ngẫng cao đầu,

đi bình an trên vạn nẻo đường xuôi ngược,

Bởi vì ta không kết án chị đâu”! (Ga 8,1-11)

Bài thơ đặt vấn đề về thân phận người phụ nữ. Đây là một vấn đề tư tưởng mang tính

nhân loại từ ngàn xưa đến nay và “cho mãi đến ngàn sau”. Từ ngày đầu, họ đã là nạn nhân của Những thằng đàn ông. Họ phải chịu bao nhiêu khổ ải đau thương, biết bao giờ mới hết kiếp nạn? Nguyễn Du đã từng kêu thương cho họ: “Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”(Đoạn trường tân thanh) và ông đưa ra lời giải pháp dựa trên triết học Phật giáo: Nỗi khổ của Thúy Kiều là do “Thân/ Nghiệp”, chỉ có thể giải thoát bằng Tâm, vì “Tâm tức Phật”: “Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Nhà thơ Công Giáo Sơn Ca Linh nhìn rõ những nỗi bất hạnh của người phụ nữ là do tội lỗi của “những thằng đàn ông”(tác giả nhắc lại nhiều lần cụm từ: “Những thằng đàn ông”), và đặt vấn đề, những thằng đàn ông phải học theo Chúa, ứng xử yêu thương với phụ nữ, như Chúa đã xót thương và cứu vớt người đàn bà ngoại tình (Ga 8, 1-11).

Thực ra, nếu cho rằng người phụ nữ ngay từ đầu chỉ là một “cái xương sườn bị đánh cắp”, một vật phụ thuộc, một “của dư thừa”, một “thứ phẩm”, một công cụ, nên “Nên cứ phải làm thân cò bán bưng buôn gánh,/ Làm con sen, đứa ở, dậy sớm, thức khuya./ Mang nặng, đẻ đau, cay đắng…dư thừa”, phải chịu câm lặng, dốt nát tù hãm và đọa đày…thì đó là nguyên nhân gần. Cũng có thể “cái xương sườn bị đánh cắp” là một ẩn dụ hay về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Thực ra, cội nguồn nỗi thống khổ của nhân loại nói chung và người phụ nữ nói riêng là tội lỗi. Sách Sáng Thế Ký, chương 2, câu 16-19 nói rõ điều này. Sau khi Adam và Eva ăn trái cấm, Thiên Chúa nói với họ: “Với người đàn bà, Chúa phán: "Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con. Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi." Với con người, Chúa phán: "Vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng: "Ngươi đừng ăn nó", nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra.Ðất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất."

Một vấn đề tư tưởng khác trong thơ Sơn Ca Linh là sự thách thức lương tâm Công Giáo trước những vấn đề của hiện thực. Đức Giêsu nói với Philatô rằng: “Nước Tôi không thuộc về thế gian này”(Ga 18, 33b-37), nhưng Người cũng nói với các môn đệ: « Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói » (Lc 10, 1-12.17-20). Đó là thực tại đòi buộc nhà thơ phải đối mặt, nói như Nguyễn Du, cuộc sống này là những cuộc bể dâu: “Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Nhà thơ Sơn Ca Linh đã nghe nhịp đập trái tim mình thế nào trước những thách thức lương tâm trong cuộc sống?

Đây là bức tranh thế giới:

Trong cái “hòm tiền bao la” của thế giới,

Hòm tiền “công đức” để nhân danh: dựng xây, phát triển, trừ tà…

Để dán nhãn: thoa dịu, lau khô những giọt nước mắt xót xa,

Và xây lên những chiếc cầu của tương trợ, cảm thông, nhân ái…

Chiếm chỗ nhiều nhất,

Vẫn là những “núi đô-la” của những đại gia lừng lẫy,

Những Bill Gates, Jeff Bezos, Mark Zuckerberg, Jack Ma…

Cùng với những “hợp đồng chằng chịt, ma quái”…bao la,

Mà “võ bọc mĩ miều” luôn mang tên “cứu nhân độ thế”!

Nên, vẫn mãi là những tên nô lệ:

những trẻ con mang súng ở Phi Châu,

Những người mang ma túy ở Mêhicô…

Những cô gái của nạn buôn người đến từ Venezuella, Trung Quốc…



Thế giới hôm nay,

Người ta chỉ thấy những chuyện nhãn tiền trên Twitter, Facebook…

Người ta tôn thờ thần tượng là những “tỉ phú Đô-la”,

“cặp giò miên man” hoa hậu, “chân sút vàng”, “đẳng cấp đại gia”…

Nên, kẻ mạt hạng, cùng đinh,

Mãi ôm phận “quét lá đa” trong thế giới của lặng thầm quên lãng!

(“Trời mới đất mới” và “những đồng xu ten!”)

Và đây là thời mạt pháp:

Tháng Chạp năm nay,

Thế giới bỗng nặng nề

như đêm dài của thuở nào “Hồng thuỷ Nô-e”.

Hận thù chiến tranh,

Những tên lửa xé toạc khoảng trời đêm hoang mạc.

Vỡ vụn tàu bay, mấy trăm thường dân tan xác…

Và rồi, “quê hương chuột túi”

Ngọn hoả hào thiêu rụi điệp trùng muông thú, cỏ cây…

Đêm thôn Hoành, Đồng Xênh chưa kịp sang canh,

Hoả pháo, lựu đạn cay,

gót giày đinh…và những thân người đổ gục.

Nào có phải ai đâu, sao lại cứ phải nồi da xáo thịt?

Như “Cụ Kình”, Bậc trưởng thượng, bóng cả cây cao,

Những ngày cuối năm,

Tưởng đâu được, bên cháu con, nhấp chén rượu đào,

Oái ăm thay, chết không toàn thây,

Bởi cháu con một lũ hổn hào của một thời mạt pháp!

(Bồ câu đã về hay “bóng chim tăm cá:)

Người đọc có thể nghe được tiếng trái tim nhà thơ đau xót trước thực tại những con người thấp cổ bé miệng bị chà đạp, bị hủy diệt. Nhà thơ không thể kềm lòng không lên tiếng trước những nghịch lý, những bất công, những vô luân vô đạo của “thời mạt pháp”. Dù Nước của Chúa không thuộc về thế gian này, nhưng người mục tử của Chúa đang sống giữa thế gian đầy tội ác thì không thể làm ngơ. Dù vậy, Sơn Linh Ca không để mình bị cuốn vào cõi trần tục, mà đặt trái tim mình trong trái tim thương yêu của Chúa. Từ đó nhìn ra “trời mới đất mới” của Kinh thánh.

Ở ngoài kia, nghe nắng xuân đang bước về vội vã,

Mà sao trong hồn vẫn nghe nhịp bâng khuâng?

Xin hãy bay về, Bồ Câu Thánh Linh, cánh én tin xuân,

Để sự sống, để tình yêu, để hoà bình…

Gieo mầm xanh trên mọi nẻo đường thế giới…!

(Bồ câu đã về hay “bóng chim tăm cá)

Nhưng thế giới, “thúng bột trần gian”, men Tin Mừng sẽ dậy,

Bởi những đồng xu,

Vâng, những “đồng xu của cả sự sống, của tình yêu”!

Vũ trụ nầy, thế giới nầy, rồi sẽ nên “trời mới đất mới” mĩ miều,

Bởi những góp nhặt, hy sinh…,

những “đồng xu ten”, tầm thường… rất nhỏ!

(“Trời mới đất mới” và “những đồng xu ten!”)

THAY LỜI KẾT

Còn nhiều điều để viết về thơ Sơn Ca Linh (có thể viết một chuyên luận), bởi thơ Sơn Ca Linh là bước phát triển mới cả về tư tưởng và nghệ thuật so với các nhà thơ Công Giáo đi trước; song trong phạm vi một bài viết, tôi xin tạm kết ở đây.

Nói thực lòng, nếu thơ Sơn Ca Linh không hay, không đặt được những vấn đề căn cốt cuộc sống hôm nay thì không thể cuốn hút tôi đọc nổi hơn 200 bài thơ. Tôi rất thích những bài lục bát ca dao như châu ngọc về tình yêu quê hương [3], những bài mang cảm xúc êm đềm sâu lắng như thơ Lãng mạn [4]; những chuyện kể sinh động, trẻ trung hấp dẫn [5], những khúc tráng ca mang khí phách cổ điển [6], những bài thơ tự do mang đặc trưng cốt cách thơ Sơn Ca Linh. Tất nhiên thơ Sơn Ca Linh cũng có những bài đầy ắp ý tưởng song ngôn ngữ hơi xô bồ, cấu trúc lỏng lẻo dài dòng, tính nghị luận lấn át tính hình tượng thẩm mỹ. Dù vậy, tâm trí tôi đã mở ra nhiều điều khi tiếp cận những “Cảm nhận” Kinh thánh từ những bài thơ của Sơn Ca Linh, và một niềm reo vui hân hoan khi đọc được những bài thơ mà trái tim nhà thơ gắn với cuộc sống này, với anh em, với đồng bào và với cả cộng đồng nhân loại, trái tim Emmanuel.

Những bài thơ ấy giúp người đọc Vượt qua bể dâu để hồn mình an lạc trong niềm tin đầy Ánh sáng.

Tháng 11/ 2021

______________________

[1] Lm. Giuse Trương Đình Hiền sinh ngày 08-7-1952 tại Trà Câu, Quảng Ngãi. Bút danh: Sơn Ca Linh, Cha sở nhà quê.Tác phẩm đã in:

- Ngôn ngữ Tin mừng trong dáng đứng Việt Nam (chủ biên một sưu tập);

- Anrê Phú Yên, rực sáng một vì sao (chủ biên một sưu tập);

- Linh mục, một cuộc đời mắc nợ (thơ, nhạc, ký)

[2] Ghi chú :

(1) “Phố thánh vườn thiêng” : Hình ảnh Giáo Hội, Giêrusalem mới, theo gợi ý từ câu Thánh vịnh 122,3 : “Giê-ru-sa-lem khác nào đô thị, được xây nên một khối vẹn toàn.”

(2) “Môi Khôi” : Tên gọi hoa hồng. Chuỗi Môi Khôi (Rosary) là chuỗi kết bằng những lời kinh như những cánh hoa hồng.

(3) “Bốn sự Nhiệm mầu” : sự “Vui”, sự “Sáng”, sự “Thương”, sự “Mừng”.

(4) “Mười kinh Thánh đức” : Kinh Kính Mừng, với phần đầu “Kính mừng Maria đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phước lạ hơn mọi người nữ và Giêsu Con lòng Bà gồm phước lạ” lấy lại những lời trong Tin Mừng Luca với hai sự kiện “Truyền Tin” và “Thăm viếng” (Lc 1, 28.42)

[3] Những bài Lục bát ca dao: Góc chiều, Cần chi, Gọi trâu, Tràng Mân Côi của mẹ tôi, Một chuyến sang bờ, Chỉ cần một chút tình thôi, Từ đây năm tháng lặng thầm, Nghĩ mà thương chị, Chiêm niệm, Thiên thu anh vẫn đợi chờ …

[4] Cảm xúc thơ Lãng mạn: Bóng trưa, Lời thì thầm của cỏ, Vì em đã mang lời khấn nhỏ, Anh về, Tại sao tôi khóc, Em và “chuyện tình tháng bảy”, Mùi hương tháng Chạp, Mùi hương xuân cũ, Người thiếu phụ không chồng, Dáng chị, Mùa thu và những chuyến đi xa, Chiều xuân này vắng mẹ, Dấu “Trường Thăng” đã khép, Bỗng dưng nghe mùi của mẹ…

[5] Những bài thơ kể chuyện: Huyền thoại chim họa mi ức đỏ, Giọt nước mắt và đóa “hoa hồng tuyết”, Cổ tích “hạt cải”, Chuyện kể “Têrêsa nước ra đầy đồng”, Huyền thoại màu xanh, Chuyện cổ tích “Bà góa, tầm bánh và đồng xu”, Con nợ Mẹ món quà sinh nhật,

[6] Những khúc tráng ca: Chìm theo vận nước cả mùa xuân, Nghe dòng sông kể chuyện, Ta nhớ mãi “tấm áo lông lạc đà” ngày đó…

 
VietCatholic TV
Đau đớn: Đại Học Công Giáo lại tổ chức quyên góp cho tội lỗi khốn nạn nhất
Giáo Hội Năm Châu
04:22 05/11/2021


1. Khốn nạn: Đại Học Công Giáo lại tổ chức quyên góp cho tổ chức phá thai khét tiếng nhất Hoa Kỳ

Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, có bản tường trình nhan đề “Why is a Planned Parenthood fundraiser being held on this Catholic campus?”, nghĩa là “Tại sao việc gây quỹ cho tổ chức Kế Hoạch Hóa Gia Đình được tổ chức trong khuôn viên Đại Học Công Giáo?”. Bản tường trình này gây đau lòng sâu sắc cho nhiều người. Nhưng chúng ta cần phải biết và vạch mặt những kẻ đâm sau lưng chúng ta. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.

Đại học Loyola Marymount, gọi tắt là LMU, cho biết họ sẽ không ngăn chặn một câu lạc bộ sinh viên tổ chức buổi gây quỹ vào hôm thứ Sáu cho nhà cung cấp dịch vụ phá thai Planned Parenthood, bất chấp một thỉnh cầu nói rằng việc tổ chức sự kiện này trong khuôn viên Los Angeles của một tổ chức Công Giáo là một “vi phạm nghiêm trọng”.

Nhóm sinh viên, có tên “Phụ nữ trong Chính trị”, đang tổ chức buổi gây quỹ vào ngày 5 tháng 11 tại Hội Trường Roski Dining. Câu lạc bộ mô tả sự kiện trên lịch trực tuyến của trường đại học như là “cơ hội để chúng ta quyên góp tiền cho một mục tiêu mà chúng ta thực sự quan tâm và đồng thời có dịp vui vẻ với nhau!”

Trong một tuyên bố, trường đại học nói với CNA rằng họ không tài trợ hay tán thành sự kiện này.

“Các sự kiện, hành động hoặc quan điểm của các tổ chức sinh viên, bao gồm cả nhóm ‘Phụ nữ trong Chính trị’, không được trường đại học phê chuẩn,” tuyên bố viết.

“Tuy nhiên, sự tồn tại của các tổ chức sinh viên này và các hoạt động của họ là những ví dụ sống động cho thấy Đại học Loyola Marymount chấp nhận sứ mệnh, dấn thân và sự phức tạp của ngôn luận tự do và trung thực,” tuyên bố cho biết thêm. Trường đại học nói rằng nó “vẫn cam kết với di sản, giá trị và truyền thống tri thức của Công Giáo, Dòng Tên và Marymount.”

Cuộc gây quỹ trong khuôn viên trường đã khiến một tổ chức có tên là RenewLMU, nghĩa là canh tân LMU, kêu gọi Chủ tịch Đại học Timothy Law Snyder hủy bỏ sự kiện này. Nhóm tự mô tả mình là “một liên minh của sinh viên, cựu sinh viên, giảng viên, nhà tài trợ và những người ủng hộ khác LMU, những người tìm cách củng cố sứ mệnh và bản sắc Công Giáo của LMU”.

Các sinh viên cũng có kế hoạch tổ chức một cuộc mít tinh trong khuôn viên trường để bảo vệ các thai nhi vào ngày thứ Sáu lúc 6:30 chiều.

“Một trường đại học Công Giáo nên tôn trọng và bảo vệ các nguyên tắc của Giáo huấn Xã hội Công Giáo, trong đó trọng tâm là nguyên tắc về phẩm giá con người,” Samantha Stephenson, sinh viên tốt nghiệp Loyola Marymount, người đang dẫn đầu cuộc vận động thỉnh nguyện cho RenewLMU, nói với CNA.

“Một trường Đại học không chỉ cho phép mà còn tổ chức và hỗ trợ tài chính cho một cuộc gây quỹ cho nhà cung cấp dịch vụ phá thai lớn nhất đất nước là điều đáng xấu hổ”.

Stephenson, một nhà phát thanh Công Giáo trên podcast, là người đã có bằng cử nhân thần học và bằng thạc sĩ thần học và đạo đức sinh học của Loyola Marymount, cho biết cô “rất buồn” khi trường đại học từ chối dừng hoạt động gây quỹ này.

Stephenson nói: “Nếu đây là một hoạt động gây quỹ cho KKK, một nhóm tìm cách gạt những người vô gia cư hoặc một nhóm chống nhập cư ra ngoài lề xã hội, thì sẽ không có cách nào được dung thứ,” Stephenson nói. “Thật là đáng lo ngại khi trường Đại học từ chối mở rộng quyền bảo vệ nhân phẩm tương tự cho những đứa trẻ chưa chào đời.”

Bản kiến nghị gọi người sáng lập Planned Parenthoood, Margaret Sanger, một người theo chủ nghĩa ưu sinh và “phân biệt chủng tộc chống người da đen thâm độc,” và nhấn mạnh những lời lên án mạnh mẽ về việc phá thai của Đức Thánh Cha Phanxicô. Đức Giáo Hoàng đã nói: “Có đúng không khi loại bỏ một mạng người để giải quyết một vấn đề? Có đúng không khi thuê một sát thủ để giải quyết một vấn đề? Phá thai là như vậy đó”.

Bản kiến nghị nêu rõ: “Chúng tôi hy vọng bạn có thể hiểu được thông qua những tư duy hợp lý rằng Planned Parenthoood không chỉ dừng lại ở phá thai. Hãy nhớ rằng Mafia cũng sản xuất dầu ô liu.”

Bản kiến nghị kêu gọi câu lạc bộ Phụ nữ trong Chính trị tìm một tổ chức khác để hỗ trợ mà không mâu thuẫn với giáo huấn của Giáo hội. Khoảng 1,800 người đã ký vào bản kiến nghị tính đến chiều thứ Năm và một đợt thỉnh nguyện khác có liên quan đã thu hút thêm hàng nghìn người ủng hộ, Stephenson nói với CNA.

Women in Politics là “một tổ chức được thành lập với mục đích đấu tranh cho quyền bình đẳng của phụ nữ trong và ngoài khuôn viên trường,” theo trang web của câu lạc bộ.

“Chúng tôi cố gắng tập trung mạnh mẽ vào chủ nghĩa nữ quyền giữa các nhóm,” trang web tuyên bố. “Chúng tôi cam kết thực hiện công bằng chủng tộc và các phụ nữ LGBTQ +, những người đồng tính luyến ái, loạn giới và những cá nhân không phải nhị phân trở thành ưu tiên trong cuộc chiến của chúng tôi.” Trang web hiển thị hình ảnh các sinh viên cầm bảng hiệu ủng hộ nạo phá thai. Câu lạc bộ đã không trả lời yêu cầu bình luận của CNA.

Stephenson nói với CNA rằng “một phần sứ mệnh của LMU là giáo dục toàn bộ con người; đây thực sự là một cơ hội bị bỏ lỡ để dạy cho những phụ nữ trẻ này rằng hành động chính trị không nhất thiết phải gây chia rẽ”.

Cô nói: “Họ có thể đã chọn gây quỹ cho bất kỳ những người nhận nào giúp xây dựng cầu nối trong việc hợp tác cùng nhau vì sự tiến bộ của phụ nữ hơn là những kẻ tạo ra sự chia rẽ và tai tiếng”.

Planned Parenthood là nhà cung cấp dịch vụ phá thai lớn nhất ở Hoa Kỳ. Theo báo cáo hàng năm, gã khổng lồ phá thai đã thực hiện 354,871 ca phá thai trong năm tài chính 2019-20.

Philip Zampiello, một sinh viên tốt nghiệp trường Loyola Marymount và là người sáng lập RenewLMU, nói rằng trường đại học phải có lập trường mạnh mẽ để bảo vệ giáo huấn của Giáo hội và những đứa trẻ chưa sinh bị đe dọa bởi phá thai.

“Trong suốt thời gian hoạt động của mình, RenewLMU đã lắng nghe ý kiến từ nhiều sinh viên, phụ huynh, giáo sư và cựu sinh viên, những người cảm thấy bị tẩy chay và bị gạt ra bên lề vì họ hoạt động như là người Công Giáo tại LMU,” Zampiello cho biết trong một tuyên bố với CNA.

Ông nói: “Chúng tôi cố gắng hỗ trợ những người cảm thấy bị tẩy chay và bị gạt ra ngoài lề xã hội với tư cách là người Công Giáo tại LMU, và bất kỳ ai tìm cách khuyến khích LMU trung thành ủng hộ sứ mệnh và bản sắc của mình với tư cách là một trường Đại học Công Giáo.

“Như Đức Thánh Cha Phanxicô, một tu sĩ Dòng Tên, đã nói rõ, phá thai cướp đi một mạng người. Là người Công Giáo, chúng tôi được yêu cầu phải phục vụ và bảo vệ những người ở ngoại vi của xã hội như lời khuyến khích của Đức Thánh Cha Phanxicô”, Zampiello nói.

Ông nói: “Những người dễ bị tổn thương nhất ở ngoại vi của xã hội chúng ta là những đứa trẻ vô tội trong bụng mẹ. “Chúng phải được bảo vệ và không thể bị lãng quên hay vứt bỏ như Đức Thánh Cha Phanxicô đã lập luận một cách thuyết phục.”


Source:Catholic News Agency

2. Tài trợ cho việc phá thai là một 'vấn đề nghiêm trọng' trong ngân sách liên bang được đề xuất, các giám mục Hoa Kỳ nói

Sự hiện diện của một gói khổng lồ tiền tài trợ cho các chương trình phá thai trong ngân sách liên bang đang được đề nghị là không thể chấp nhận được bất kể trong đó có nhiều chương trình trợ giúp người nghèo và những người bị thương tổn. Các giám mục Hoa Kỳ đã đưa ra lập trường trên trong lời kêu gọi khôi phục các giới hạn của Tu chính án Hyde.

“Phiên bản hiện nay của Hạ Viện về Đạo luật Xây Dựng Lại Tốt Hơn là hoàn toàn không thể chấp nhận được vì nó mở rộng việc tài trợ cho các hoạt động phá thai bằng tiền đóng thuế của người dân”, sáu vị đứng đầu các ủy ban thuộc Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt USCCB, đã cho biết như trên trong một bức thư ngày 3 tháng 11 gửi các thành viên Quốc hội.

Các ngài nói: “Chúng tôi kiên định quan điểm của mình và nhắc lại rằng sẽ là một thảm họa nếu các điều khoản quan trọng và mang tính chất sống còn trong dự luật này lại được đi kèm với các điều khoản tạo điều kiện và tài trợ cho việc hủy hoại sự sống của con người chưa sinh. Không thể buộc người Mỹ phải trả tiền cho việc hủy hoại cuộc sống con người thông qua tiền thuế của họ”.

Bức thư của các giám mục là phản ánh của các ngài về Đạo luật Xây Dựng Lại Tốt Hơn của đảng Dân chủ của Quốc hội và Đạo luật Việc làm và Đầu tư Cơ sở hạ tầng của lưỡng đảng, kết hợp lại có thể dẫn đến việc phê duyệt hàng nghìn tỷ đô la chi tiêu.

Các giám mục nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa ra các biện pháp bảo vệ mà theo truyền thống đã được đưa vào Tu chính án Hyde, trong đó ngăn chặn việc lấy tiền của liên bang tài trợ cho hầu hết các ca phá thai. Tu chính án Hyde luôn là một phần của luật ngân sách hàng năm kể từ những năm 1970. Một nhân vật quan trọng trong các cuộc tranh luận về ngân sách liên quan đến việc tài trợ phá thai là Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Joe Manchin. Ông ta là một đảng viên Đảng Dân chủ thuộc khu vực Tây Virginia. Dù ủng hộ phá thai, ông ta cũng kiên quyết cho rằng các dự luật phải bao gồm ngôn ngữ của Tu chính án Hyde. Trong khi đó, hai con chiên ngoan đạo Joe Biden và Nancy Pelosi nhất quyết phải loại bỏ Tu chính án Hyde để tài trợ thả giàn cho các tập đoàn phá thai tại Hoa Kỳ.

Các giám mục cho biết: “Vấn đề cơ bản của việc mở rộng tài trợ cho người đóng thuế cho việc phá thai trong Đạo luật Xây Dựng Lại Tốt Hơn phải được khắc phục trước khi dự luật này được phê chuẩn”.

Các giám mục Công Giáo cũng bày tỏ lo ngại rằng chính quyền không được có các nguồn tài trợ khuyến khích cho trợ tử.

Trong khi ca ngợi các điều khoản tài trợ cho việc đào tạo các chuyên gia y tế về y học giảm nhẹ hoặc chăm sóc giảm đau, các giám mục nhấn mạnh sự cần thiết của ngôn ngữ bổ sung “để bảo đảm rằng nguồn tài trợ này không thể được sử dụng cho việc đào tạo hoặc quảng bá hỗ trợ tự tử.”

Các quy tắc tài trợ mới cũng có thể loại trừ các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em dựa trên đức tin và các chương trình trước tuổi mẫu giáo.

“Cụ thể, trong khi việc mở rộng tiếp cận chăm sóc trẻ em sớm và trước tuổi mẫu giáo sẽ có lợi cho nhiều gia đình lao động, chúng tôi lo ngại rằng các quy định hiện hành là khác với cách tiếp cận trong các chương trình liên bang hiện có - khiến các nhà cung cấp dịch vụ chỉ được nhận hỗ trợ tài chính liên bang nếu tuân thủ các nghĩa vụ mới, rắc rối và phản lại lương tâm.”

Các giám mục cho biết những điều này sẽ “loại trừ một cách có hiệu quả nhiều nhà cung cấp dựa trên đức tin một” và đưa ra những giới hạn đáng kể cho sự lựa chọn của các gia đình.

Những người đứng đầu các ủy ban hội đồng giám mục Hoa Kỳ đã ký lá thư bao gồm Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York, chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo; Đức Tổng Giám Mục Paul Coakley của Thành phố Oklahoma, chủ tịch Ủy ban Công lý quốc nội và Phát triển Nhân văn; Đức Tổng Giám Mục Joseph Naumann của Kansas City, chủ tịch Ủy ban về các hoạt động phò sinh; Đức Cha Mario Dorsonville, Giám Mục Phụ Tá của Washington và là chủ tịch Ủy ban Di cư; Đức Cha Michael Barber của Oakland, chủ tịch Ủy ban Giáo dục Công Giáo và Đức Cha David Konderla của Tulsa, chủ tịch Ủy ban Đề Cao và Bảo Vệ Hôn Nhân.
Source:Catholic News Agency
 
Thần học gia: Người Công Giáo nên phản ứng thế nào khi gặp ma? Các GM Tây Ban Nha xin cầu nguyện
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:47 05/11/2021

1. Các giám mục Tây Ban Nha về thăm Tòa Thánh trong bối cảnh có quá nhiều vấn đề

Các giám mục Tây Ban Nha sẽ chia thành bốn nhóm, lần lượt về Roma viếng mộ hai thánh Tông đồ và thăm Tòa Thánh, trong tháng Mười Hai tới đây và tháng Giêng năm 2022.

Hôm 31 tháng Mười vừa qua, Đức Hồng Y Juan José Omella, Tổng giám mục giáo phận Barcelona, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha, cho biết các giám mục miền Catalugna, gồm hai Giáo tỉnh Tarragona và Barcelona, được xếp vào lịch trình viếng thăm, từ ngày 15 đến ngày 19 tháng Giêng năm tới. Lần chót các giám mục về Roma thăm Tòa Thánh cách đây hơn bảy năm, tức là vào năm 2014.

Khi đưa ra thông báo này, Đức Hồng Y Juan José Omella đã lặp lại lời kêu gọi anh chị em giáo dân cầu nguyện cho Giáo Hội tại đây đang phải trải qua nhiều sóng gió.

Tai tiếng gần đây nhất là vụ linh mục Juan Miguel Ferrer Grenesche, Cha sở của nhà thờ chính tòa Toledo, đã phải đệ đơn từ chức sau những cuộc biểu tình liên tục của anh chị em giáo dân vì ngài cho mượn nhà thờ để quay phim làm bối cảnh cho một video ca nhạc, trong đó có những cảnh nhảy múa khiêu gợi và các cử chỉ dâm ô trong nhà thờ.

Trong khi vụ tai tiếng này đã được giải quyết với quyết định từ chức của linh mục Juan Miguel và thánh lễ phạt tạ vào hôm Chúa Nhật 17 tháng 10, một vụ trước đó liên quan đến Giám mục Xavier Novell Gomà vẫn còn tiếp tục gây đau thương cho Giáo Hội.

Giám Mục Xavier Novell Gomà, người đã từ chức Giám Mục giáo phận Solsona vào tháng 8, đã nộp đơn xin kết hôn dân sự với người bạn gái của mình. Cô ta là một người đã ly hôn, tôn thờ Satan và chuyên viết các tiểu thuyết dâm ô kể lại chính cuộc sống thác loạn của mình.

Đại dịch Covid-19 đã làm ngưng các cuộc viếng thăm của các giám mục trong nhiều tháng và chỉ từ đầu tháng Chín mới đây, tiến trình này được mở lại, với ba đoàn giám mục Pháp, rồi trong tháng Mười vừa qua, các giám mục Ba Lan cũng đã chia thành bốn nhóm, gồm các giáo tỉnh khác nhau về Roma thăm Tòa Thánh.

2. Người Công Giáo nên phản ứng thế nào khi gặp ma?

Hôm 31 tháng 10, tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, có bài nhan đề “How should a Catholic react to an encounter with a ghost?”, nghĩa là “Người Công Giáo nên phản ứng thế nào khi gặp ma?”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Điều họ cần là sự giúp đỡ về tinh thần của chúng ta.

Là người Công Giáo, chúng ta tin rằng Thiên Chúa, Đấng sáng tạo ra vạn vật hữu hình và vô hình, đã tạo ra thế giới xung quanh chúng ta với nhiều thứ diễn ra hơn là những gì nằm trên bề mặt. Vào một ngày bình thường, điều này làm ta nhớ đến sự hiện diện của sự chuyển cầu của Chúa hay các thánh. Tuy nhiên, khi ngày lễ Halloween đến gần, Kinh Tin Kính của Công Đồng Nicê khiến chúng ta phải suy ngẫm về hiện tượng vô hình ma quái phổ biến nhất: là hồn ma.

Lịch sử ma

Khái niệm về ma không có gì mới đối với thế giới. Trên thực tế, ngay cả trong thời kỳ Kinh thánh được viết, người ta vẫn quan niệm rằng những linh hồn bất an có thể quay trở lại thế giới vật chất. Trong một bài đăng trên National Catholic Register, Tom McDonald chỉ ra những trường hợp trong Cựu ước và Tân ước nơi các hồn ma được đề cập đến.

Trong Cựu Ước, trong Sách Samuel quyển thứ nhất, Phù thủy Endor triệu hồi linh hồn của Samuel để tiên đoán số phận của Sauul. Trong Tân Ước, sau khi Chúa Phục Sinh, các sứ đồ nhầm Chúa Kitô Phục Sinh là một hồn ma cho đến khi Chúa Giêsu mời Tôma cảm nhận những vết thương trên thân xác của ngài.

Những tài liệu tham khảo này hầu như không có vẻ gì là ma quái, nhưng chúng chứng minh rằng khái niệm về ma là khái niệm mà nhân loại đã vật lộn trong hàng nghìn năm. Vào thời điểm đó, nhiều bộ óc vĩ đại nhất của Giáo hội đã cố gắng giải thích hiện tượng này.

Các Giáo phụ

Thánh Augustinô là một nhà tư tưởng Công Giáo đã thảo luận về chủ đề này và ngài cho rằng cuộc gặp gỡ của Sauul là một thực thể ma quỷ. Theo trang Catholic.com, Thánh Augustinô coi hầu hết những lần nhìn thấy ma quái là những lần nhìn thấy các thiên thần. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là những suy nghĩ của Thánh Augustinô về vấn đề này được viết ra với mục đích lôi kéo các tín hữu tránh xa các tập tục ngoại giáo.

Mặt khác, Thánh Thomas Aquinas cho rằng ma là một thực tại. Trên thực tế, Thánh Thomas Aquinas được cho là đã có vài lần chạm trán với các hồn ma vào thời của mình. Trong một lần ngài cho biết đã được hồn phách của một người bạn thân đến thăm, đó là một người mà ngài không hề biết đã qua đời. Thánh Thomas Aquinas đã viết về những hồn ma như sau:

“Theo sự sắp đặt của ơn Chúa quan phòng, những linh hồn bị chia cách đôi khi xuất hiện từ nơi ở của họ và hiện ra với con người. Cũng đáng tin rằng điều này đôi khi có thể xảy ra với những kẻ bị lên án, và họ được phép xuất hiện với người sống để hướng dẫn và cảnh báo.”

Quan điểm hiện đại

Quan điểm của Công Giáo về ma đã tiếp tục phát triển trong nhiều thế kỷ kể từ khi các Tiến sĩ Hội Thánh viết ra những suy nghĩ của các ngài. Trong thời gian gần đây, giáo sư triết học và thần học Công Giáo Peter Kreeft đã phân loại các loại ma khác nhau. Kreeft cho rằng có ba loại ma:

“Sad, wispy”: Con ma “sad, wispy” – nghĩa là Con ma “buồn bã, mong manh như sương khói” là một linh hồn phải chịu đựng cho đến khi nó được giải thoát khỏi những vương vấn còn lại trên trần thế. Những hồn ma này vẫn ở lại để học một bài học từ những sai lầm của họ trong cuộc sống.

“Những hồn phách độc hại và lừa dối”: Đây là những thực thể đến “từ địa ngục” và thường được gọi lên một cách bừa bãi trong các buổi lễ gọi hồn hoặc trong thuật cầu cơ.

“Sáng sủa, hạnh phúc”: Đó là linh hồn của bạn bè hoặc người thân trong gia đình đã qua đời. Kreeft lưu ý rằng những linh hồn này xuất hiện theo lệnh của Chúa, để mang đến thông điệp về hy vọng và tình yêu.

Tờ US Catholic lưu ý rằng Kreeft lý luận rằng không có mâu thuẫn giữa ma và thần học Công Giáo. Các hồn ma có thể tồn tại trên thiên đường, luyện ngục hoặc địa ngục, và có thể xuất hiện trên trái đất. Kreeft đã đi xa đến mức cho rằng những hồn ma có thể chứng thực cho giáo huấn Công Giáo về thế giới bên kia. Anh viết:

“Các hồn ma xác nhận, thay vì bác bỏ hoặc làm rối loạn thần học Công Giáo về thế giới bên kia. Đặc biệt là sự tồn tại của một cuộc sống sau khi chết, đó là điểm chính mà những người hoài nghi tranh cãi.”

Phản ứng của người Công Giáo

Người Công Giáo có nên tin vào hiện tượng có ma hay không, có lẽ tốt nhất là nên nhờ sự tư vấn của một linh mục. Cha Tim Plavac, thuộc Giáo xứ Thánh Bede của Ohio, nói rằng người Công Giáo thực sự có thể thừa nhận sự tồn tại của ma và linh hồn xung quanh chúng ta. Tuy nhiên, ngài thận trọng lưu ý rằng sự thừa nhận này không bao giờ được dẫn các tín hữu đến các thực hành huyền bí.

Cha Plavac viết:

“Khi chúng ta cảm nhận được sự hiện diện của ma trong nhà và trong cuộc sống, tôi thấy họ là những linh hồn thiếu thốn. Họ trở thành nỗi đau cho chúng ta bởi vì họ đang đau đớn, giống như một người đang bị xáo trộn nội tâm, họ không thể không trở thành nỗi đau trong cuộc sống của người khác. Điều họ muốn và cần là sự giúp đỡ về mặt tinh thần của chúng ta”.

Cuối cùng, Cha Plavac đã chỉ ra một cách sắc sảo rằng, những thứ va chạm trong đêm có thể là những tiếng kêu cứu.

Nếu điều này thực sự là như vậy, thì lời cầu nguyện là công cụ thương xót mà các tín hữu cần làm để đưa những linh hồn đang bồn chồn đau khổ này đến chốn bình an. Khi đối mặt với những ám ảnh có thể xảy ra, cách hành động tốt nhất là cầu nguyện.

Phil Kosloski của Aleteia chỉ cho chúng ta một lời cầu nguyện đúng đắn có thể mang lại ơn giải thoát cho một hồn phách đang gặp khó khăn, được gọi là lời cầu nguyện “Cho sự yên nghỉ muôn đời” với nội dung như sau

Lạy Chúa, xin ban ơn yên nghỉ đời đời cho họ và hãy cho ánh sáng ngàn thu chiếu rọi họ. Xin cho linh hồn các tín hữu đã ra đi, nhờ lòng thương xót của Chúa, được yên nghỉ trong bình an. Amen.


Source:Aleteia

3. Bốn vị tử đạo trong Nội chiến Tây Ban Nha được phong chân phước

Một Hồng Y của Vatican đã phong chân phước cho bốn vị tử đạo trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha hôm thứ Bảy.

Đức Hồng Y Marcello Semeraro, tổng trưởng Bộ Phong thánh, đã tuyên bố Francesco Cástor Sojo López và ba bạn tử đạo được tuyên Chân Phước trong một thánh lễ vào ngày 30 tháng 10 tại nhà thờ chính tòa Tortosa, Catalonia.

Trong bài giảng của ngài, Đức Hồng Y Semeraro nói: “Các vị không tìm kiếm sự tử đạo, bởi vì người ta không tìm kiếm sự tử đạo, nhưng lại phải chịu đựng điều đó. Tuy nhiên, khi đến lúc phải làm chứng cho Chúa Kitô bằng máu, các ngài không sợ hãi thu mình lại nhưng chấp nhận thập giá với tình yêu mến”.

“Vì vậy, cùng với thủ lĩnh là Chân Phước Francisco Cástor Sojo López, hai vị khác bị giết ngay lập tức và Chân Phước Millán Garde Serrano, đã chịu đựng sự tra tấn với thái độ tha thứ cho thủ phạm và tin tưởng vào Chúa, trước khi chết”.

Ước tính có khoảng nửa triệu người đã chết trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha, giữa những người Quốc gia và người cộng sản từ năm 1936 đến năm 1939.

Trong số các nạn nhân của làn sóng bạo lực này có 13 giám mục, 4,172 linh mục triều và chủng sinh, 2,364 nam tu sĩ và 283 nữ tu.

Hơn 2,000 vị tử đạo trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha đã được phong chân phước và 11 vị được phong thánh. Án tuyên thánh cho 2,000 ứng viên khác đang được xem xét.

Theo tiểu sử chính thức ở Vatican, Cha Francesco Cástor Sojo López sinh tại Madrigalejo, Extremadura, vào ngày 28 tháng 3 năm 1881.

Ngài được thụ phong linh mục vào ngày 19 tháng 12 năm 1903. Ngài gia nhập Huynh đoàn các Linh mục Công nhân Giáo phận của Thánh Tâm Chúa Giêsu, được Chân Phước Manuel Domingo y Sol thành lập vào năm 1883.

Ngài đã phục vụ trong các chủng viện và các trường cao đẳng ở Toledo, Plasencia, Badajoz, Segovia, Astorga, và cuối cùng là Ciudad Real, một thành phố ở miền trung Tây Ban Nha.

Vào ngày 12 tháng 9 năm 1936, ngài bị bắt, bị cầm tù và sau đó bị giết ngay đêm đó bên ngoài Ciudad Real.

Cha Manuel Galcerá Videllet sinh tại Caseras, Andalucia, vào ngày 6 tháng 7 năm 1877. Được thụ phong năm 1901, ngài gia nhập Huynh đoàn Linh mục Công nhân Giáo phận năm 1906.

Ngài đã phục vụ ở Zaragoza, Tarragona, Cuernavaca bên Mễ Tây Cơ, Badajoz, Ciudad Real, Rôma, Valladolid và Baeza.

Ngài bị bắt vào ngày 20 tháng 7 năm 1936 và bị giam giữ tại Baeza, miền nam Tây Ban Nha. Ngài bị giết vào ngày 3 tháng 9 năm 1936.

Cha Aquilino Pastor Cambero sinh ngày 4 tháng 1 năm 1911 tại Zarza de Granadilla, Extremadura. Ngài gia nhập Huynh đoàn Linh mục Công nhân Giáo phận năm 1934 và được thụ phong linh mục vào ngày 25 tháng 8 năm 1935.

Ngài đã phục vụ ở Baeza với tư cách là một nhà lãnh đạo của sinh viên. Khi cuộc nội chiến bùng nổ, ngài trốn cùng Manuel Galcerá Videllet tại một dinh thự ở Baeza, nhưng bị bắt cùng với anh ta và đưa đến nhà tù của thành phố. Ngài bị đưa ra khỏi thành phố vào ngày 28 tháng 8 năm 1936, và bị giết.

Cha Millán Garde Serrano sinh ngày 21 tháng 12 năm 1876 tại Vara del Rey, Castilla – La Mancha. Ngài được thụ phong ngày 21 tháng 12 năm 1901 và gia nhập Huynh đoàn Công nhân Giáo phận năm 1903.

Ngài phục vụ trong các chủng viện ở Badajoz, Valladolid, Salamanca, Astorga, Plasencia và León.

Sau khi chiến tranh bùng nổ, ngài đã thi hành sứ vụ linh mục của mình một cách bí mật. Ngày 10 tháng 4 năm 1938, ngài bị bắt và bị kết án. Ngài bị giam cầm và bị tra tấn dã man ở Cuenca.

Ngài được chuyển đến một tu viện Carmelite Discalced, đã được chuyển thành nhà tù, nơi ngài chết vào đêm ngày 7 tháng 7 năm 1938, do hậu quả của các cuộc tra tấn.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu anh chị em tín hữu cho các vị tân Chân Phước một tràng pháo tay trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 31 tháng 10.

Đức Thánh Cha nói:

“Hôm qua tại Tortosa, Tây Ban Nha, Francesco Sojo López, Millán Garde Serrano, Manuel Galcerá Videllet và Aquilino Pastor Cambero, là các linh mục trong Huynh đoàn Công nhân Giáo phận, các linh mục của Thánh Tâm Chúa Giêsu đã được phong chân phước. Tất cả các ngài đều bị giết vì lòng căm thù đức tin. Những mục tử nhiệt thành và quảng đại đã bị giết trong cuộc bách hại tôn giáo vào những năm 1930, các ngài vẫn trung thành với sứ vụ của mình ngay cả khi phải chịu rủi ro về tính mạng. Ước gì chứng tá của các ngài là một gương mẫu đặc biệt cho các linh mục. Xin anh chị em một tràng pháo tay cho những Chân Phước mới này!”

Đức Hồng Y Semeraro đã thông báo rằng ngày lễ kính các vị tử đạo mới sẽ là ngày 25 tháng 10 hàng năm.

Kết thúc bài giảng của mình tại nhà thờ chính tòa Tortosa, Đức Hồng Y nói: “Xét về cuộc tử đạo của những vị chân phước này, thiết tưởng cũng nên nhắc lại một số ý tưởng của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: 'Tử đạo là cuộc thử thách dứt khoát và triệt để, cuộc thử thách lớn nhất của con người, thách đố của phẩm giá con người trước sự hiện diện của chính Thiên Chúa. Đó là “phiên tòa” của con người diễn ra trước mắt Thiên Chúa, một cuộc xét xử trong đó con người, được trợ giúp bởi quyền năng của Thiên Chúa, giành lại chiến thắng”.

Đức Hồng Y Semeraro nói tiếp: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, nhưng ai vì danh Chúa mà mất mạng sống thì sẽ cứu được”, Chúa Giêsu nói với chúng ta như thế. Trong Chúa Kitô, sự sống không bao giờ bị mất; trái lại, nó được tìm thấy, bởi vì Ngài là Sự sống. Hơn nữa, như Chúa đã nói trong cuộc đối thoại với Mattha Ngài không chỉ là sự sống, mà còn là sự sống lại”.


Source:Catholic News Agency
 
Lạ lùng: Ngôi đền tại Pháp nơi bạn có thể gửi một tấm thiệp cho người đã khuất. Gởi online cũng được
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:48 05/11/2021


1. Truyền thống linh thiêng của các Thánh lễ nghĩa trang

Trong các quốc gia nói tiếng Anh, Allhallowtide, là tam nhật kính nhớ các thánh nhân và những người tội lỗi, bao gồm đêm 31 tháng 10, Ngày Lễ Các Thánh và Ngày Lễ các linh hồn. Trong suốt 3 ngày Allhallowtide, nhiều thánh lễ được cử hành tại các nghĩa trang. Trong tháng 11, Giáo hội đặc biệt lưu ý đến việc tưởng nhớ, tôn vinh và cầu nguyện cho những người đã khuất. Có nhiều truyền thống văn hóa khác nhau liên quan đến thời kỳ này, nhưng một trong những truyền thống được tôn vinh một cách nhất quán là tập tục viếng thăm nghĩa trang.

Một số giáo phận đánh dấu truyền thống này một cách đặc biệt long trọng, bằng cách cử hành thánh lễ Ngày Các Linh hồn tại một nghĩa trang. Giáo Hội có những quy định cụ thể liên quan đến Thánh lễ đặc biệt cho mục đích này, được gọi là “Nghi thức viếng thăm một nghĩa trang”. Cha Stephen Vrazel, Cha Sở tại nhà thờ Đức Bà ở Mobile, Alabama, đã cử hành thánh lễ tại một nghĩa trang trong vài năm qua, kể từ khi ngài được thụ phong linh mục vào năm 2011.

Cha Vrazel nói với CNA rằng theo truyền thống tại chủng viện Đại học Bắc Mỹ ở Rôma, nơi ngài đã từng theo học, hàng năm đều có thánh lễ trong lăng của trường đại học, nơi an nghỉ của các linh mục và chủng sinh người Mỹ đã chết khi ở Rôma và không thể được đưa trở lại Hoa Kỳ.

Cha Vrazel nói rằng ngài “vô cùng xúc động” trước những Thánh lễ này, và khi ngài trở thành linh mục, giám mục của ngài đã yêu cầu ngài giảng trong một Thánh lễ Ngày Các Đẳng Linh Hồn được tổ chức tại Nghĩa trang Công Giáo ở Mobile. Cha cho biết, dù lớn lên ở Mobile nhưng ngài không biết rằng Đức Cha có truyền thống cử hành thánh lễ tại nghĩa trang.

Cha Vrazel nói với CAN rằng những thánh lễ nghĩa trang này “là những trải nghiệm hình thành đối với tôi. Các Thánh Lễ “gây ấn tượng cho tôi về giá trị của Thánh Lễ”

Khi Cha Vrazel được chuyển đến giáo xứ hiện tại của mình, ngài đã hỏi liệu ngài có thể cử hành Thánh lễ trong một nghĩa trang gần đó không, và được cả cha tổng đại diện và những người quản lý nghĩa trang cho phép. Kể từ đó, Cha Vrazel đã cử hành các thánh lễ tại nghĩa trang vào Ngày Các Đẳng Linh Hồn.

“Bởi vì một linh mục được phép cử hành Thánh lễ ba lần trong Ngày Các Đẳng Linh Hồn, trong một vài năm, tôi cũng đã cử hành Thánh lễ tại một nghĩa trang khác,” Cha Vrazel nói.


Source:Catholic News Agency

2. Các giám mục Ba Lan nói 'không có chủ đề nào là cấm kỵ' trong chuyến thăm của ad limina tới Vatican

Các giám mục của Ba Lan đã kết thúc chuyến thăm ad limina của các ngài đến Rôma, thường diễn ra 5 năm một lần, nhưng đã bị trì hoãn do đại dịch.

Trong thời gian ở Rôma, các giám mục đã có các cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng Phanxicô và các cơ quan của Giáo triều Rôma.

“Không có chủ đề nào là cấm kỵ,” Đức Cha Adrian Galbas, Giám Mục Phụ Tá của Ełk, ở đông bắc Ba Lan cho biết như trên.

“Các đề xuất không được đưa ra dưới dạng các câu hỏi trước. Đức Giáo Hoàng sẵn sàng trả lời bất kỳ câu hỏi nào. Đức Giáo Hoàng đã nói với chúng tôi - hãy hỏi bất cứ điều gì anh em muốn, mọi vấn đề quan trọng đối với anh em cũng là vấn đề mà tôi muốn suy nghĩ thấu đáo,” Đức Cha Galbas nói với Crux.

Giáo Hội ở Ba Lan là một trong những Giáo Hội lớn nhất và năng động nhất ở Âu Châu, nhưng một làn sóng gần đây của các báo cáo truyền thông và phim tài liệu đã đưa ra các trường hợp lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ đã đặt các giám mục Ba Lan vào tình trạng lúng túng.

“Trước khi tôi đến Rôma tham dự ad-limina, bạn bè của tôi đã nói với tôi rằng hãy ở lại đừng đi. Họ cảm thấy lo cho tôi, và nhiều người nghĩ rằng ad limina là một phiên tòa hình sự dẫn đến việc hành quyết - nhưng sự việc diễn ra hoàn toàn ngược lại. Bầu không khí huynh đệ trong các văn phòng Vatican rất giống với bầu khí cha con với Đức Thánh Cha.”

Đức Cha cho biết ngài “ngạc nhiên một cách tốt đẹp” về việc các quan chức Vatican biết rõ tình hình của Giáo hội ở Ba Lan như thế nào.

Kể từ tháng 11 năm 2020, mười giám mục, trong đó có một Hồng Y, đã bị Vatican trừng phạt hoặc cách chức vào năm ngoái. Nhiều trường hợp ở Ba Lan vẫn đang được điều tra bởi Bộ Giáo lý Đức tin, là cơ quan của Vatican được giao nhiệm vụ giải quyết các vụ lạm dụng tình dục giáo sĩ.

Nhiều người đang kêu gọi Giáo hội ở Ba Lan thành lập một ủy ban độc lập để điều tra quy mô của vấn đề trong nước, như đã được thực hiện ở Pháp gần đây.

Đức Tổng Giám Mục Wojciech Polak, Giáo chủ Công Giáo Ba Lan, nói với các nhà báo tại Rôma hôm 18 tháng 10 rằng cuộc khủng hoảng tín nhiệm là một trong những thách thức chính mà Giáo hội ở Ba Lan phải đối mặt.

Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki, chủ tịch hội đồng giám mục Ba Lan đã đề cập đến việc trừng phạt các giám mục trong cuộc họp với Hồng Y Marc Oullet, người đứng đầu Bộ Giám mục của Vatican.

Trong nhận xét với KAI, Cơ quan Thông tin Công Giáo Ba Lan, ông đề cập đến việc nói chuyện với người đứng đầu giáo đoàn về “những hình phạt không tương xứng” đối với các giám mục bị cáo buộc che đậy, so với những kẻ lạm dụng bị kết án.

“Nhiệm vụ của chúng tôi là làm việc với Đức Thánh Cha trong việc giải quyết tình trạng hiện tại của nhà thờ, điều đã làm suy yếu lòng tin của một số người,” Tổng giám mục nói với hãng thông tấn Ba Lan sau cuộc gặp với Ouellet.

“Một số (giám mục Ba Lan) đã nhấn mạnh các hình phạt không cân xứng, kéo dài được áp dụng đối với các giám mục sau cuộc điều tra ban đầu, khi tội phạm ấu dâm có thể ra tù sau 5 năm và bắt đầu một cuộc sống mới với một tấm lòng sạch sẽ,” ông nói với KAI, theo báo cáo của Catholic News Service.

“Chúng ta đang nói về cái chết dân sự của một người bị buộc tội không phải là kẻ ấu dâm, người đã bị cách chức, rơi vào tình trạng ô nhục và bị phương tiện truyền thông tiêu diệt một cách hiệu quả. Đức Hồng Y khá ngạc nhiên trước lời nói của tôi. Nhưng ông ấy chấp nhận rằng chúng tôi không gây hấn với Tòa thánh, chỉ đặt câu hỏi liệu tất cả những điều này có tuân theo nguyên tắc tội lỗi và hình phạt tương xứng hay không, “Gądecki nói.

Tomasz Krzyżak, một nhà báo của tờ báo Ba Lan Rzeczpospolita nói với Crux rằng các giám mục nên biết tác hại của việc che đậy hành vi lạm dụng.

“Các giám mục nên biết rằng bề trên của một kẻ bạo hành trong chiếc áo cà sa, bằng cách giấu anh ta và chuyển anh ta đến một giáo xứ khác, đã cho phép anh ta tiếp tục làm hại những người vô tội. Họ nên biết rằng nỗi đau của sự tổn hại đó sẽ ở lại với nạn nhân trong suốt phần đời còn lại của họ, “ông nói.

“Các giám mục nên biết điều đó,” Krzyżak lưu ý, “và một số người trong số họ tất nhiên biết điều đó, nhưng một số, như chúng ta thấy, thì không.”
Source:Crux

3. Ngôi đền nơi bạn có thể gửi một tấm thiệp cho người đã khuất

Hôm 1 tháng 11, tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, có bài nhan đề “The shrine where you can send a card to the deceased”, nghĩa là “Ngôi đền nơi bạn có thể gửi một tấm thiệp cho người đã khuất”.

Đền thờ và vương cung thánh đường Đức Mẹ Montligeon ở Normandy, Pháp, được dành để cầu nguyện cho các linh hồn trong Luyện ngục.

Tháng 11 đang đến với chúng ta, và cùng với đó là sự tập trung đặc biệt vào việc cầu nguyện cho linh hồn của những người đã khuất trong Luyện ngục. Mặc dù ngày chính cho việc này là Ngày Các Linh hồn vào ngày 2 tháng 11, nhưng thông thường người ta sẽ kéo dài thời gian cầu nguyện này trong suốt tám ngày đầu tiên hoặc thậm chí cả tháng. Năm nay, cũng như năm ngoái, Vatican đã mở rộng thời gian nhận Ơn Toàn Xá trong suốt tháng 11. Tuy nhiên, có một nơi mà việc cầu nguyện cho các linh hồn trong Luyện ngục là trọng tâm quanh năm: đó là đền thờ và vương cung thánh đường Đức Mẹ Montligeon, còn được gọi là đền thánh Đức Mẹ Giải thoát.

Ngôi đền xinh đẹp và độc đáo này được tìm thấy ở vùng nông thôn Normandy, cách Paris 93 dặm về phía Tây, nép mình trong vùng nông thôn xinh đẹp của Pháp trong Công viên Thiên nhiên Vùng Le Perche. Được xây dựng trên một ngọn đồi, các ngọn tháp và trụ theo phong cách tân Gothic của nó nổi bật trên nền trời, thu hút cả khách hành hương và khách du lịch. Tuy nhiên, cũng như bao điều đẹp đẽ khác, đền thánh Đức Mẹ này được sinh ra từ một bi kịch. Trang web của đền thờ và trang Wikipedia cung cấp lịch sử của địa điểm linh thánh này.

Một Cha sở tận tâm

Cha Paul-Joseph Buguet sinh năm 1843 và qua đời năm 1918 là một linh mục giáo xứ giản dị, được bổ nhiệm làm cha sở của giáo xứ La Chapelle-Montligeon vào năm 1878. Đó là một thị trấn nhỏ, và cư dân của nó đang bị thất nghiệp và túng thiếu. Trong điều kiện thiếu cái ăn cái mặc như thế, các gia đình đã quen với cái chết và những mất mát - quá quen với việc người đã khuất thường bị lãng quên sớm. Cha Buguet cảm động trước hoàn cảnh tinh thần và vật chất của họ và muốn giúp đỡ họ và linh hồn của những người thân yêu của họ đã ra đi.

Bản thân vị linh mục cũng không lạ gì với nỗi đau buồn. Năm 1876, anh trai của Cha Buguet đã chết khi một chiếc chuông nhà thờ rơi xuống trúng phải ở một giáo xứ lân cận, và hai cháu gái của ngài đã chết sau đó, vì đau buồn trước cái chết của cha mình. Điều này, kết hợp với kinh nghiệm của ngài với đàn chiên đau khổ của mình, đã truyền cảm hứng cho Cha Buguet để thiết lập một công trình dành riêng cho việc cầu nguyện cho các linh hồn trong Luyện ngục.

Nền tảng của hiệp hội

Năm 1884, ý hướng của Cha Buguet chính thức được hình thành khi quy chế của Hiệp hội Giải thoát các linh hồn trong Luyện ngục được thông qua. Cha Buguet bắt đầu quảng bá công việc của lòng thương xót dành cho linh hồn này, đi từ giáo xứ này sang giáo xứ khác để gây quỹ để mang lại sự sống cho tầm nhìn của mình. Đồng thời, ngài thành lập một nhà in nhỏ để xuất bản tài liệu cho hiệp hội của mình, và qua đó cung cấp việc làm cho giáo dân của mình.

Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã phê chuẩn hiệp hội này như một Tổng Hội Tông Đồ - Archconfraternity - vào năm 1893. Vào thời điểm đó, những người hành hương đã đổ xô đến với giáo xứ của Cha Buguet để cầu nguyện với Đức Mẹ Montligeon, còn được gọi là Đức Mẹ Giải thoát, cho những người đã khuất. Nhà thờ giáo xứ không đủ chỗ cho đám đông, nên với phép của Bề trên Giáo hội, Cha Buguet đảm nhận việc xây dựng một nhà thờ và đền thờ lớn hơn.

Vương cung thánh đường

Vào ngày 4 tháng 6 năm 1896, đã xảy ra lễ làm phép và đặt viên đá đầu tiên của nhà thờ tân Gothic tráng lệ. Thánh lễ đầu tiên xảy ra 15 năm sau đó, vào ngày 1 tháng 6 năm 1911; Đức Giáo Hoàng Pius XI đã biến nhà thờ trở thành tiểu vương cung thánh đường vào năm 1928.

Bên cạnh Thánh Thể và bàn thờ chính, tâm điểm của nhà thờ là bức tượng Đức Mẹ Montligeon bằng đá cẩm thạch trắng tinh xảo, đó là tác phẩm của nhà điêu khắc La Mã Giulio Tadolini, được lắp đặt vào năm 1919. Bức tượng cao 12 foot, tức là 3.66m, thể hiện Đức Mẹ Maria đang ôm Hài Nhi Giêsu, với hình ảnh hai người phụ nữ dưới chân Mẹ. Một người đại diện cho một linh hồn trong Luyện ngục; cô ngước nhìn Đức Mẹ cầu xin, và đến lượt Đức Mẹ dang tay ra với cô. Người còn lại, đại diện cho linh hồn được giải thoát khỏi đau khổ và vào thiên đàng, đang nhận vương miện từ Hài nhi Giêsu.

Gửi một thông điệp đến người chết, theo cách Công Giáo

Ngôi đền cung cấp nhiều dịch vụ, bao gồm tĩnh tâm, giải tội, hướng dẫn tâm linh và tư vấn cho những người đau buồn bằng tiếng Pháp, mặc dù họ chào đón các nhóm muốn tổ chức các hoạt động bằng các ngôn ngữ khác. Có lẽ dịch vụ đáng chú ý nhất là ý tưởng “gửi một tấm thiệp” cho người đã qua đời, để nói “cảm ơn” hoặc “Tôi xin lỗi.”

Trang web giải thích cơ sở thần học cho thực hành này, với những trích dẫn từ Huấn quyền. Nói một cách vắn tắt, thực hành này làm nổi bật sự hiệp thông của các thánh và thực tế là những người thân yêu đã khuất của chúng ta đã không biến mất, nhưng họ đã chuyển sang một trạng thái tồn tại mới. Mặc dù chúng ta không thể giao tiếp với họ theo cách mà chúng ta đã làm trước đây, nhưng mối quan hệ của chúng ta với họ vẫn tiếp tục.

Ngôi đền đề nghị viết ra những điều chúng ta muốn nói với những người đã đi trước chúng ta và giao phó cho Chúa để “chuyển tiếp” thông điệp của chúng ta — cảm ơn, tha thứ hoặc cầu xin sự tha thứ — cho người thân yêu đã khuất của chúng ta, cũng như giao phó sự chuyển cầu cho Đức Trinh Nữ Maria đầy ơn phước.

Điều này có thể được thực hiện trực tiếp tại đền thờ, nhưng cũng có thể trực tuyến từ mọi nơi trên thế giới. Trang web cung cấp một mẫu với hướng dẫn để gửi ghi chú trực tiếp tại đền thờ, hoặc gửi nó qua email hoặc “qua thư tín thông thường”.

Quý vị và anh chị em có thể vào đây để gởi thiệp: https://montligeon.org/en/a-thank-you-sorry-card-to-a-deceased-person/
Source:Catholic News Agency