Ngày 15-11-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:20 15/11/2014
MỘT TẤM THIỆP CÁM ƠN
N2T

Có một vị mới tốt nghiệp đại học khoa Anh văn tự cho mình nói tiếng Anh rất lưu loát, thế là anh ta gởi đi rất nhiều bảng lý lịch bằng Anh ngữ đến một vài công ty mậu dịch để kiếm việc làm.
Nhưng anh ta nhận lại rất nhiều câu đáp của họ là không cần loại nhân tài ấy, thậm chí trong đó có một công ty viết cho anh ta một bức thư như sau: “Công ty của chúng tôi không thiếu người, nhưng nếu chúng tôi có cần người thì cũng không cần đến anh. Mặc dù anh tự cho mình hiểu tiếng Anh, nhưng từ trong lá thư của anh gởi đến, chúng tôi phát hiện văn chương của anh viết rất tồi tệ, hơn nữa văn phạm cũng viết sai rất nhiều.”
Anh ta đọc thư xong thì rất giận dữ, dự định sẽ viết một bức thư thật độc địa gởi cho đối phương.
Nhưng khi anh ta ngồi thinh lặng thì ý nghĩ của anh chuyển qua hướng tích cực: “Chắc là họ nói đúng đó, có lẽ mình dùng văn phạm và từ ngữ sai mà mình không biết !”
Thế là anh ta viết một tấm thiệp cám ơn gởi đến công ty ấy như sau:
- “Cám ơn các bạn đã sửa chữa cái sai của tôi, tôi sẽ cố gắng thêm nữa.”
Mấy ngày sau, anh ta lại nhận được công văn của công ty ấy gởi đến thông báo: anh có thể đến làm việc.
(Ngôn ngữ kỳ diệu của tâm hồn)

Suy tư:
Khi chúng ta tự cao tự đại thì khó mà lắng nghe lời phê bình góp ý của người khác; khi chúng ta cứ dựa vào tài năng của mình thì khó thấy được cái sai lầm của mình để mà sửa đổi.
Một tấm thiệp cám ơn được viết ra trong lúc hồi tâm suy nghĩ, thì có giá trị hơn cả ngàn lần đem tài năng đi ứng thí, bởi vì tấm thiệp cám ơn được viết ra trong bình tâm suy nghĩ gồm có các yếu tố:
- Lắng nghe lời người ta phê bình về mình.
- Đối chiếu tài năng bản thân với lời phê bình.
- Khiêm tốn nhận ra cái sai của mình.
- Thành thật cám ơn vì lời phê bình góp ý ấy.
Đức Chúa Giê-su dạy các môn đệ của mình nên tìm nơi thanh vắng để nghỉ ngơi và cầu nguyện, bởi vì nơi thanh vắng con người ta thường dễ dàng thấy rõ con người thật của mình (nghỉ ngơi), và cũng rất dễ lắng nghe tiếng Chúa và thánh ý của Ngài (cầu nguyện).

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 33 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:41 15/11/2014
Chúa Nhật 33 THƯỜNG NIÊN
N2T

Tin mừng : Mt 25, 14-30.
“Được giao ít mà anh đã trung thành, hãy vào mà hưởng niềm vui của mình”.


Anh chị em thân mến,
Ân sủng của Thiên Chúa được Đức Chúa Giê-su ví như những nén bạc trao cho con người: người nhận năm nén, người nhận hai nén và người nhận một nén, tùy theo khả năng mà Thiên Chúa trao cho, chứ Ngài không tùy tiện trao năm nén cho người chỉ có khả năng làm lợi hai nén. Nhưng dù mỗi người trong chúng ta dù có nhận bao nhiêu nén đi chăng nữa, thì cũng là đã nhận nén bạc mà Thiên Chúa đã trao cho để với mục đích làm lợi cho chính bản thân mình và mưu ích cho tha nhân.

Đức Chúa Giê-su tùy khả năng của mỗi người mà trao cho họ nén bạc, để họ tùy theo khả năng và nén bạc được trao mà làm sinh lợi cho Ngài thêm những nén bạc khác :
- Có những người được ơn tình nguyện đi phục vụ các bệnh nhân bị nhiễm HIV hoặc phục vụ các bệnh nhân phong cùi ở trại phong, họ đã làm lợi thêm những nén bạc khác bằng hành động phục vụ của mình.
- Có những người tình nguyện vào vùng sâu vùng xa, để đem ánh sáng văn hóa đến cho những trẻ em và những người không có điều kiện đến trường, họ đang làm lợi thêm những nén bạc khác bằng hành động tự nguyện hy sinh của mình.
- Có những người dù đang thiếu thốn, nhưng vẫn cứ vui vẻ chia sẻ những gì mình có cho người không có, họ đang làm lợi thêm những nén bạc khác cho Thiên Chúa...

Có những người lại đem nén bạc mà Thiên Chúa trao cho chôn giấu trong đất, họ là những người không thấy được sự tín nhiệm của Thiên Chúa dành cho mình, họ đem ân sủng chôn vùi trong trong những tham lam hưởng thụ và dục vọng của họ, khi mà chung quanh họ có rất nhiều người đang cần đến “đồng tiền ân sủng” của họ để có chút an vui và hy vọng.

Anh chị em thân mến,
Dụ ngôn nén bạc là cách giảng dạy hiệu quả của ân sủng của Đức Chúa Giê-su cho chúng ta, để cho ai ai cũng hiểu được và trân quý những ân sủng mà Thiên Chúa đã ban cho mỗi người trong chúng ta.

Nhận năm nén, hai nén hoặc chỉ có nhận một nén đều không quan trọng, cái quan trọng là trong cuộc sống hằng ngày chúng ta cần phải nổ lực, chớp thời cơ để làm lợi thêm nén bạc nữa, đó chính là điểm chính yếu mà Đức Chúa Giê-su muốn dạy dỗ chúng ta qua dụ ngôn nén bạc này.

Câu hỏi gợi ý :
1. Có lúc nào bạn nghĩ rằng Thiên Chúa đã trao cho mình năm nén bạc không ?
2. Trong những lúc gặp hoàn cảnh khó khăn, bạn có nghĩ rằng mình là người may mắn nhất vì đang giữ nén bạc của Thiên Chúa trong mình ?
3. Theo bạn hiểu, thế nào là phung phí ân sủng của Thiên Chúa ?

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

------------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:36 15/11/2014
N2T

5. Khi con ưa thích làm việc thiện thì không để người khác biết, kẻo bị người khác làm cho hư không.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong “Cách ngôn thần học tu đức”

-----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần một “Chuyện Rất Ngắn”
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:39 15/11/2014
GƯƠNG MẪU
Trước thánh lễ dành cho thiếu nhi của giáo xứ, cha sở nhìn thấy một số huynh trưởng nam đang đứng bên góc nhà thờ hút thuốc, lại nhìn thấy một vài huynh trưởng đang nạt nộ các em...
Lễ xong, cha sở nói với các huynh trưởng:
- “Các con vất vả hy sinh nhiều cho các em và cho giáo xứ, cha xin các con đừng để hy sinh này uổng phí, nghĩa là cha muốn các con là những huynh trưởng đạo hạnh, đừng hút thuốc trước mặt các em, đừng la lối nạt nộ các em, nhưng hãy làm gương cho các em noi theo, có như thế các em mới vui vẻ đi lễ, đi sinh hoạt, và phụ huynh các em cũng vui lòng đem con mình giao cho các con...”
---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chuyện không tin vẫn xảy ra được: Đền Thánh quốc gia Washington trở thành nơi thờ phượng của người Hồi Giáo
Đặng Tự Do
22:53 15/11/2014
Hôm thứ Sáu 14 tháng 11, các tín hữu Kitô đã được Ban Quản Trị đền thánh mời đi chỗ khác chơi để dành chỗ cho hàng ngàn tín hữu Hồi Giáo tụ tập cầu nguyện theo nghi lễ Hồi Giáo tại Đền Thánh quốc gia Washington.

Điều may mắn là đền thánh ấy là của người Anh Giáo chứ không phải là Đền Thánh quốc gia Hoa Kỳ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội của Công Giáo cách đó 7km.

Đền Thánh quốc gia Washington của Anh Giáo là nơi thường xảy ra những buổi lễ liên quan đến các vị tổng thống Hoa Kỳ. Trong quá khứ, nơi đây đã diễn ra những buổi cầu nguyện đại kết trong đó có sự tham dự của đại diện các tôn giáo khác, trong đó có Hồi Giáo.

Tuy nhiên, bà mục sư Canon Gina Campbell, giám đốc các nghi lễ Phụng Vụ tại đền thánh này đã cho phép 5 nhóm Hồi Giáo trong vùng Washington và phụ cận được cử hành những nghi lễ ngày thứ Sáu Hồi Giáo từ 11:30 đến 13:30 bất chấp những phản ứng dữ dội của các tín hữu Anh Giáo.

Các tín hữu Hồi Giáo không thiếu những nơi thờ phượng của họ. Những ai sống ở Washington DC đều biết là gần đó, trên đường Massachusetts Avenue có một đền thờ Hồi Giáo rất hoành tráng.

Bà mục sư Canon Gina Campbell cho rằng “những buổi cầu nguyện tại một Vương Cung Thánh Đường Kitô giáo chứng tỏ sự thân thiện hơn. Nó thể hiện sự đánh giá cao những truyền thống cầu nguyện của người khác và là một cử chỉ mạnh mẽ hướng đến một quan hệ sâu đậm hơn giữa hai truyền thống Abraham”.

Tưởng cũng nên nói thêm là tại West Java, Nam Dương, hôm Chúa Nhật 9 tháng 11, hàng trăm tín hữu Hồi Giáo đã bao vây giáo xứ Thánh Odilia để ngăn cản các tín hữu Công Giáo cử hành thánh lễ trong nhà thờ của chính họ. Theo thông tấn xã AsiaNews, cha chánh xứ vì lo sợ nhà thờ bị đốt đã dọn hết đồ đạc ra bên ngoài nhà thờ và treo thông cáo nói rằng “sẽ không có thánh lễ nào được cử hành tại đây trong tương lai”.

Trong những năm gần đây đền thánh quốc gia Washington thường là đầu đề cho những tin giật gân trên báo chí Mỹ. Mới đây nhất, hôm 9 tháng Giêng năm 2013, Đền Thánh quốc gia Washington công bố rằng đền thánh được xây cách đây 107 năm, là nơi đầu tiên cử hành hôn nhân đồng tính. Cách đó không lâu, một phụ nữ giải phẩu đổi giống thành đàn ông rồi được phong chức mục sư đã được chào đón tưng bừng tại Đền Thánh quốc gia Washington.

Tại Hoa Kỳ, Anh Giáo có 77 triệu tín hữu so với 78.2 triệu người Công Giáo.
Đền Thánh quốc gia Washington
 
Nhân hội luận liên tôn tại Vatican, tìm hiểu truyền thống Công Giáo về tính bổ túc nam nữ
Vũ Văn An
18:49 15/11/2014
Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin sẽ tổ chức một hội luận liên tôn tại Vatican về tính bổ túc nam nữ trong các ngày 17 tới 19 tháng 11 này. John Paul Shimek gọi hội luận này là một “bàn làm lại” Thượng Hội Đồng Giám Mục hồi tháng Mười vừa qua. “Bàn làm lại” hay mulligan vốn là ngôn từ của môn khúc côn cầu (golf) cho phép cầu thủ chơi lại vì bàn trước dở hay không gặp may mắn gì đó.

Thực ra, theo Giáo Sư Helen Alvaré, sáng kiến này đã có từ lâu và do Đức HY Muller đưa ra, nhằm khảo sát hôn nhân truyền thống, không những theo quan điểm Công Giáo mà còn theo quan điểm của các Giáo Hội anh em và của các tôn giáo hoàn cầu. Cuộc hội luận này sẽ được trực tiếp phát hình trên Internet và được sự hợp tác của các HĐGH về Gia Đình, Đối Thoại Liên Tôn, và Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo.

Đức GH Phanxicô sẽ chủ tọa buổi họp buổi sáng ngày khai mạc và sẽ đọc một bài diễn văn dài 25 phút, trong đó, theo Inés San Martín của Crux, ngài sẽ “nhắc lại những tranh luận đã được THĐ hồi tháng Mười nêu lên, nhưng theo viễn tượng đàn ông và đàn bà tương quan với nhau ra sao”.

Ngoài phía Công Giáo, các tham dự viên khác đại diện cho 14 tôn giáo hoàn cầu sẽ cùng nhau “khảo sát và đề xuất cách mới mẻ vẻ đẹp của mối tương quan giữa người đàn ông và người đàn bà, nhằm hỗ trợ và tăng cường hôn nhân và cuộc sống gia đình cho sự triển nở của xã hội con người”. Chứng từ và các tham luận khác của các học giả Do Thái Giáo, Kitô Giáo, Hồi Giáo, Phật Giáo, Sikh, Jain và nhiều tôn giáo khác sẽ góp phần làm dễ dàng cho công việc của hội luận. Theo trang mạng Humanum của hội luận, các vị tham dự “sẽ rút tỉa từ kho tàng khôn ngoan trong truyền thống tôn giáo cũng như kinh nghiệm văn hóa riêng của họ để chứng thực cho sức mạnh và sinh khí của cuộc phối hợp có tính bổ túc cho nhau giữa người đàn ông và người đàn bà”.

Trong số các đại diện này người ta đọc được tên các vị sau đây: Giáo Sĩ Do Thái người Anh Jonathan Sacks, nguyên Giáo Sĩ Trưởng của Liên Hiệp Các Cộng Đoàn Hípri trong Khối Thịnh Vượng Chung; Nữ Tu Hoa Kỳ Prudence Allen, thuộc Dòng Thương Xót và mới đây được cử vào Ủy Ban Thần Học Quốc Tế của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin; Giám Mục Anh Giáo người Anh N.T. Wright, nguyên giám mục Durham và là một học giả Thánh Kinh nổi tiếng; Tiến Sĩ người Mỹ Russell Moore, Chủ Tịch Đạo Đức và Tự Do Tôn Giáo của Hội Đồng Baptist Miền Nam; Mục Sư người Mỹ Rick Warren, Mục Sư Cao Cấp của Saddleback Church; và cặp vợ chồng người Benin, Phi Châu, Cyrille Seke và Yevette Padonou, sáng lập viên và giám đốc của La Puisance d’Amour. Các vị khác đến từ Ai Cập, Á Căn Đình, Nigeria, Iran, Pakistan, Tô Cách Lan, Tunisia, India, Đài Loan, Nhật Bản, và Morocco… Tất cả đều đã có tiếng nói rõ ràng và thẳng thắn về các vấn đề luân lý.

Xin đơn cử hai thí dụ: theo Francis Rocca của CNS, “Mục Sư Warren là một trong 48 thừa tác viên và học giả Kitô Giáo đã ký vào một thư ngỏ gửi Đức GH Phanxicô và các nghị phụ THĐ hồi tháng Chín, thúc giục các vị bảo vệ hôn nhân truyền thống… bằng cách hỗ trợ các cố gằng nhằm ‘tái lập các điều khỏan luật pháp bảo vệ hôn nhân như sự kết hợp giữa một người đàn ông và một người đàn bà”.

Còn về phần mình, Tiến Sĩ Moore “đã viết một bài trên blog nhằm đáp ứng bản phúc trình giữa khóa gây tranh cãi (của THĐ)… bằng cách gợi ý rằng ‘ta không nên xua đuổi kẻ tội lỗi, nhưng phải tiếp đón và nuôi dưỡng họ hướng về Chúa Kitô’”. Tiến Sĩ Moore cũng nói rằng “Giáo Hội không hề… bao gồm những người không biết ăn năn”.

Trong một bài khác trên blog, Tiến Sĩ Moore cho biết mặc dù ông phê bình Đức Phanxicô nhiều lần, nhưng ông không thể từ chối nói về những vấn đề quan trọng lần này. Bởi thế, ông “sẵn sàng đi bất cứ đâu để làm chứng cho những điều người Thệ Phản tin lành chúng ta tin về hôn nhân và Tin Mừng, nhất là ở thời điểm hôn nhân đang bị lâm nguy về phương diện văn hóa”.

Với các vị giáo phẩm Vatican làm việc chung với các nhà lãnh đạo không Công Giáo như thế này, các vị lên kế hoạch cho hội luận tin rằng nó sẽ tạo ra “một chất xúc tác cho một ngôn ngữ và nhiều dự án sáng tạo cũng như cho tình liên đới hoàn cầu” nhờ thế góp phần vào “công trình luôn luôn tiếp diễn nhằm củng cố mối tương quan vợ chồng, vì cả sự thiện của chính họ và sự thiện của tất cả những ai tùy thuộc họ”.

Tuy nhiên, không phải ai ai cũng cùng một quan điểm như người Công Giáo về tính bổ túc giữa người đàn ông và người đàn bà. Cụ thể là The Council on Biblical Manhood and Womanhood, một hội đồng của Thệ Phản tin lành có trụ sở tại Dallas, Texas, lập ra năm 1987 nhằm bảo vệ quan điểm “bỏ túc” nhưng là thứ bổ túc giữa đầu (đàn ông) và chân tay (đàn bà) chứ không hẳn giữa những chủ thể bình đẳng. Vì thế, để tránh mơ hồ lẫn lộn, thiết tưởng ta cần biết rõ truyền thống Công Giáo hiểu ra sao về khía cạnh rất quan trọng này trong mối tương quan nam nữ. Chúng tôi dựa vào tài liệu của Nữ Tu Prudence Allen, một trong các tham dự viên của hội luận lần này, đăng trên tập san Logos, số mùa Hè, 2006.

Truyền thống Công Giáo về tính bổ túc nam nữ

Mỗi khi mối liên hệ nam nữ mất quân bình trong tư tưởng và thực hành Phương Tây, các nhà tư tưởng chịu ảnh hưởng của Công Giáo đều tìm cách đưa nó trở lại thế quân bình.

Thường thường, khi một trong các nguyên tắc căn bản của mối liên hệ phái tính, tức hai nguyên tắc bình đẳng về phẩm giá và dị biệt đáng kể, mà thiếu, thì mối liên hệ ấy sẽ mất quân bình, rơi vào lý thuyết phân cực giới tính hay độc dạng giới tính (polarity/unisex). Thí dụ, phái chủ trương độc dạng giới tính, chẳng hạn, thì chỉ nhấn mạnh tới bình đẳng về phẩm giá giữa người nam và người nữ, nhưng không chú trọng gì tới các dị biệt quan trọng giữa họ với nhau. Ngược lại, phái truyền thống bênh vực phân cực giới tính thì coi người nam có phẩm giá cao hơn người nữ, và chủ trương có sự dị biệt quan trọng giữa hai giới tính. Chỉ có quan điểm Công Giáo, một quan điểm ta có thể gọi là quan điểm toàn bộ về tính bổ túc giới tính, là nhấn mạnh tới cả hai nguyên tắc này: người nam và người nữ bình đẳng về phẩm giá, và tuy dị biệt đáng kể nhưng dị biệt này có tính bổ túc cho nhau như những chủ thể toàn diện.

Trong bài này, chúng ta sẽ bàn tới hai vấn đề: thứ nhất, tóm lược một số lý thuyết căn bản về mối liên hệ giới tính. Thứ hai, phân tích chi tiết truyền thống Công Giáo về tính bổ túc nam nữ có tính toàn bộ.

I. Các lý thuyết về bản sắc giới tính

Chủ trương độc dạng giới tính, do Plato (428-355 trước CN) đưa ra đầu tiên, bác bỏ bất cứ sự dị biệt hóa quan trọng nào trong khi bênh vực sự bình đẳng nền tảng giữa người đàn ông và người đàn bà. Chủ trương phân cực giới tính, do Aristotle (384-322 trước CN) đưa ra đầu tiên, thì bác bỏ sự bình đẳng nền tảng trong khi bênh vực tính ưu việt của người đàn ông so với người đàn bà. Các chủ trương Tân Plato và trường phái Aristotle tiếp tục quảng bá các bất quân bình này cho tới tận Thánh Augustinô (354-430), Thánh Hildergar đệ Bingen (1033-1109), và Thánh Tôma Aquinô (1224-1274). Các vị này đã cố gắng, bằng những cách khác nhau, trình bày các nền tảng mới của triết học và thần học Kitô Giáo nhằm bênh vực cả sự bình đẳng nền tảng lẫn sự dị biệt hóa quan trọng của người đàn ông và người đàn bà. Dù các trước tác của các ngài không đưa ra được sự nhất quán nào cho tính bổ túc nam nữ, nhưng chúng quả đã đẩy mạnh cuộc thảo luận công cộng hướng về một chủ trương quân bình hơn nhiều về tính bổ túc này.

Sau cuộc du nhập đầy vẻ vang các bản văn của Aristotle vào Tây Âu trong thế kỷ 13, chủ trương phân cực giới tính nhận được sự tăng cường mới, đặc biệt trong các bản văn về y khoa, đạo đức, chính trị và châm biếm. Cuối cùng, đã xuất hiện một trào lưu mới của Công Giáo nhằm bênh vực tính bổ túc nam nữ, qua chủ nghĩa nhân bản Phục Hưng trong các tác phẩm của Christine de Pizan (1344-1430), của Đức HY Nicholas đệ Cusa (1401-1464), Albrecht von Eyb (1420-1475)… Ở đây, các tác giả Công Giáo người Ý, người Pháp và người Đức đã cố gắng đưa ra các nền tảng đa dạng cho tính bổ túc nam nữ trong hôn nhân và trong xã hội nói chung.

Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, xuất hiện chủ trương tạm gọi là phân cực giới tính ngược chiều, nghĩa là với chủ trương này, giữa nam nữ có sự dị biệt quan trọng và điều đáng lưu ý là người nữ ưu việt hơn người nam. Heinrich Cornelius Agrippa (1486-1536) và Lucrezia Marinelli (1571-1653) là những người chủ trương như thế.

Cùng thời gian đó, nhiều phong trào khác ủng hộ các nền tảng mới cho chủ trương độc dạng giới tính. Đó là lúc các bài đối thoại của Plato được dịch sang tiếng La Tinh và được phổ biến rộng rãi. Các tác phẩm này trình bày một luận chứng hữu thể học cho rằng một linh hồn vô giới tính đã được nhập thể vào các loại thân xác khác nhau. Marsilio Ficino (1433-1499), sáng lập viên của Hàn Lâm Viện Plato Tại Florence, cũng ủng hộ một tính bổ túc phân bộ (fractional complementarity); còn Giovanni Pico della Mirandola (1463-1494) thì ủng hộ phương thức trung lập về giới tính. Trong khi phe trung lập về giới tính không lưu ý tới giới tính và sự dị biệt hóa giới tính, thì phe độc dạng giới tính trực tiếp bênh vực chủ trương cho rằng các dị biệt nam nữ là điều không quan trọng.

Một chủ trương khác về trung lập giới tính là của René Descartes (1590-1650) với luận điểm hữu thể học cho rằng tinh thần (mind) không giới tính và không không gian hoàn toàn khác biệt với thân xác vật chất có không gian; còn con người thì phải được nhận diện chỉ bằng tinh thần mà thôi: “tôi suy nghĩ vậy thì có tôi”, chứ không bằng thân xác hay sự kết hợp của tinh thần và thân xác. Phương thức của Descartes đã đem lại tiến bộ ở chỗ đã khuyến khích quyền bình đẳng trong giáo dục và đầu phiếu của đàn bà. Các tác giả thuộc khuynh hướng này phải kể Francois Poullain de la Barre (1647-1723), Mary Astell (1688-1731) và Marquis de Condorcet (1743-1794).

Chủ nghĩa nhị nguyên của Descartes đã đẻ ra một hình thức tạm gọi là bổ túc tính phân bộ, đặc biệt nơi người Thệ Phản, cho rằng nam nữ rất khác nhau, nhưng mỗi bên chỉ là một phần làm thành con người toàn bộ. Người đàn bà được quan niệm là cung cấp nửa phần hoạt động của tinh thần (nghĩa là trực giác, cảm giác, hay phán đoán đặc thù) còn người đàn ông thì cung cấp phần còn lại (nghĩa là lý luận hay phán đoán tổng quát). Hai hoạt động phân bộ của nhận thức này, nếu cộng lại với nhau, lập thành một tinh thần duy nhất. Dưới phương thức này, ta thấy lấp ló phương thức phân cực giới tính với người đàn ông ưu việt hơn người đàn bà. Ta thấy điều này rõ rệt nơi các triết gia như Jean Jacques Rousseau (1712-1778), Immanuel Kant (1724-1804), Arthur Schopenhauer (1788-1860), Frederic Hegel (1770-1831), và Soren Kierkegaard (1813-1855).

Vấn đề ở đây là chủ nghĩa nhị nguyên của Descartes đã tách biệt tinh thần khỏi thân xác, đến nỗi các tác giả Thệ Phản nói trên đã đánh mất nền tảng siêu hình và hữu thể học dựa trên tính thống nhất toàn diện của con người nhân bản. Dù John Stuart Mill (1806-1873) và Harriet Taylor (1807-1858) cố gắng bảo vệ tính bổ túc, họ vẫn rơi vào chủ trương phân bộ vì thiếu nền tảng hữu thể học cho một nền nhân học thoả đáng.

Bất cứ chủ trương bổ túc có tính toàn bộ nào của Công Giáo sau đó còn bị các triết gia vô thần hậu Ánh Sáng bác bỏ. Karl Marx (1818-1883) phát huy phương thức độc dạng giới tính. Còn Sigmund Freud (1856-1939) cổ vũ phương thức phân cực truyền thống. Các nền triết lý của Jean Paul Sartre (1905-1980) và Simone de Beauvoir (1908-1985) rút tỉa từ các nguồn vừa kể để bênh vực một thứ chủ nghĩa hiện sinh vô thần; chủ nghĩa này, vì theo chủ trương phân cực giới tính đã coi trọng người nam hơn người nữ. Chủ nghĩa nhân bản thế tục phản tôn giáo trái lại đã hướng về chủ trương độc dạng giới tính. Cuối cùng chủ nghĩa duy nữ triệt để hậu hiện đại thì lững lờ giữa phương thức phân cực giới tính đảo ngược nhằm đề cao bản chất nữ và phương thức dẹp bỏ việc dị biệt hóa giới tính.

Trước tình thế trên, truyền thống Công Giáo, một truyền thống chủ trương tính bổ túc toàn bộ (integral complementarity), đem lại nhiều tầm nhìn phát xuất từ những nguồn hết sức đáng ngạc nhiên.

II. Các lý thuyết Công Giáo hiện thời về tính bổ túc phái tính

Hai người học trò của Edmund Husserl, cha đẻ của phong trào hiện tượng luận, đã đặt để các nền tảng mới cho tính bổ túc có tính hữu thể học và đầy cảm nghiệm của người nam và người nữ. Đó là Dietrich von Hildebrand (1889-1977) và Thánh Edith Stein (1891-1942). Stein từ Do Thái Giáo trở lại Công Giáo năm 1922, còn Hildebrand trở lại năm 1914 từ Giáo Hội Luthêrô. Nhưng ngay từ năm 1914, cả hai vốn đã là hội viên của Hội Triết Học gồm các học trò của Husserl và Scheler tại Gottingen. Đến năm 1930, Stein đã viết về việc bà cộng tác với Hildebrand trong việc tổ chức một hội nghị tại Salzburg, Áo.

Năm 1923, Hildebrand đọc một bài diễn văn trước công chúng tại Ulm, Đức. Bài diễn văn này sau đó được quảng diễn thêm và được in thành sách tựa là Die Ehe (Về Hôn Nhân), xuất bản năm 1929. Trong tác phẩm này, ông cho rằng “Sẽ là một việc hết sức phiến diện nếu coi sự khác nhau giữa nam và nữ chỉ như một dị biệt có tính sinh học, vì sự khác nhau này cho thấy hai loại bổ túc cho nhau của con người tâm linh”. Hildebrand minh nhiên quả quyết rằng “sự khác nhau giữa đàn ông và đàn bà là một dị biệt siêu hình”; và ông rút ra một loại suy cho ý nghĩa của tính bổ túc nơi họ từ cách các dòng tu sống thực mục đích của họ

.

Chống lại “chủ nghĩa phản nhân vị khủng khiếp” của thời Ông, Hildebrand cho rằng trong hôn nhân, người đàn ông và người đàn bà “tạo nên một sự hợp nhất trong đó họ bổ túc lẫn cho nhau. Tình yêu vợ chồng, bao gồm việc tự hiến chính bản thân mình mà đặc điểm có tính quyết định là để các người phối ngẫu tạo nên một cặp, một hiệp thông anh-em (I-Thou), trong đó toàn bộ nhân cách của người yêu được chiếm hữu một cách mầu nhiệm như một đơn nhất bất chấp các trở ngại bên ngoài, tình yêu này chỉ có thể hiện hữu giữa hai loại người tâm linh, nam và nữ, vì chỉ giữa họ, ta mới tìm được đặc điểm bổ túc này”.

Hildebrand tiếp tục tìm hiểu bản chất của mối liên hệ bổ túc này và năm 1966, trong cuốn Đàn Ông và Đàn Bà: Tình Yêu và Ý Nghĩa Của Thân Mật, ông coi nó “như thế nằm mặt giáp mặt hơn là nằm bên cạnh nhau” để “chính sự dị biệt nhau một cách tổng quát trong bản tính của cả hai giúp cho việc đi vào linh hồn người kia sâu hơn… một liên hệ bổ túc thực sự”.

Để chống lại phương thức độc dạng giới tính, năm 1928, tại Đức, Stein cũng cho rằng “Lúc khởi đầu phong trào duy nữ, thật khó có thể tưởng tượng được việc bàn tới chủ đề này [“Ý Nghĩa Giá Trị Nội Tại Của Phụ Nữ Trong Đời Sống Quốc Gia”]. Vì lúc ấy, cuộc tranh đấu để “giải phóng” [phụ nữ] đang diễn ra; nghĩa là, mục tiêu đang nhắm tới là mục tiêu của chủ nghĩa cá nhân: giúp các nhân cách phụ nữ hành xử một cách tự do bằng cách rộng mở mọi cánh cửa giáo dục và chuyên nghiệp cho họ. Phong trào đòi quyền bầu cử cho phụ nữ sai lầm ở chỗ đã hoàn toàn bác bỏ tính độc đáo của người phụ nữ”.

Triết học về đàn ông và đàn bà của Stein hướng về nền siêu hình của trường phái Tôma đổi mới để dứt khoát bác bỏ chủ nghĩa nhị nguyên của Descartes và các hậu quả của nó. Bà quả quyết sự thống nhất của hợp thể (composite) hồn/xác; và năm 1931, bà cho rằng linh hồn có ưu tiên trong việc dị biệt hóa phái tính: “Việc khăng khăng cho rằng các dị biệt giới tính được ‘kể là do thân xác mà thôi’ là điều đáng nghi vấn căn cứ vào nhiều khía cạnh. 1) Nếu anima = forma corporis (linh hồn là mô thức của thân xác) thì việc dị biệt hóa theo thân xác sẽ tạo nên danh mục dị biệt hóa trong linh hồn. 2) Chất thể phục vụ mô thức, chứ không ngược lại. Điều này mạnh mẽ cho thấy dị biệt trong tinh thần mới là dị biệt đệ nhất đẳng”. Stein cũng theo Hildebrand trong việc đưa ra một phân tích thấu đáo về tình yêu, coi nó như “việc tự hiến bản thân cho nhau”.

Nền tảng siêu hình của phái Tôma đối với tính thống nhất của con người nhân bản cũng được Stein nối kết với cuộc phân tích có tính hiện tượng luận để khám phá ra yếu tính “kinh nghiệm sống của thân xác” nơi người nam và người nữ. Trong cuốn “Các Tiểu Luận Về Phụ Nữ” của mình, dù không dùng chữ “bổ túc”, bà vẫn mô tả chi tiết các cơ cấu nền tảng bổ túc cho nhau của nam/nữ, đực/cái, đàn ông/đàn bà. Tóm lược sau đây sẽ giúp ta định vị được Stein trong các khoảnh khắc có tính lịch sử này của truyền thống Công Giáo.

Trong tính bổ túc nam/nữ, cơ cấu thể xác nữ qui hướng về việc hỗ trợ sự sống mới ngay trong người mẹ trong khi cơ cấu thể xác nam qui hướng về sinh sản qua việc tách mầm sống (seed) ra khỏi người cha. Gốc rễ này dẫn tới một kinh nghiệm sống khác biệt trong đó cơ cấu nữ tiếp nhận thế giới vào bên trong qua các đam mê nhiều hơn, còn cơ cấu nam, vì ít chịu ảnh hưởng của thân xác hơn, nên tiếp nhận thế giới qua trí hiểu. Trí hiểu nữ có khuynh hướng lĩnh hội giá trị của một sự vật hiện hữu trong tính toàn diện của nó trong khi trí hiểu nam có khuynh hướng phán đoán theo lối chia ngăn (compartmentalized); và người nữ có khuynh hướng nhấn mạnh các chọn lựa bản thân và có tính toàn diện (holistic), trong khi người nam có khuynh hướng nhấn mạnh các chọn lựa bên ngoài đã được chuyên biệt hóa. Dựa vào phương pháp hiện tượng luận, Stein nhận diện đặc điểm chuyên biệt có tính yếu tính trong bản sắc độc đáo của người đàn bà như sau:

“Cách nhìn của nàng nhắm vào những sự vật sống động và có tính bản vị hơn là khách quan; … nàng hướng về sự toàn bộ và sự tự lập (self-containment) ngược với lối chuyên biệt hóa một chiều; … [có khả năng] tự trở thành một con người trọn vẹn… với các khả năng được phát triển và cùng hiện hữu một cách hòa hợp;… một con người biết giúp đỡ người khác trở thành những hữu thể nhân bản trọn vẹn; và biết kính trọng trọn vẹn con người nhân bản trong mọi tiếp xúc với người khác… giá trị nội tại của người đàn bà có thể góp phần một cách tích cực cho cộng đồng quốc gia bằng cả các hoạt động của nàng trong gia đình cũng như trong đời sống chuyên nghiệp và công cộng”.

Đôi lúc, nội dung chuyên biệt của Stein về tính bổ túc phái tính có rơi vào chủ trương phân bộ, dù không bao giờ bao hàm tính phân cực rất thường thấy nơi cá lý thuyết trước đó. Ấy thế nhưng, bà cũng lý luận rằng trong tính bổ túc cho nhau giữa người nam và người nữ, ta có thể và nên tổng hợp các khía cạnh nữ và nam của phái tính bổ túc. Việc tổng hợp này bảo vệ người đàn bà hay người đàn ông khỏi những điều thái quá của cả hai xu hướng phái tính. Stein kết luận rằng: Chúa Giêsu Kitô là tấm gương hoàn hảo của việc tổng hợp này…; Thánh Têrêxa thành Avila là một tấm gương khác. Dù Stein là một trong những nhà chủ đạo Công Giáo trong tính bổ túc phái tính, lý thuyết của bà đôi lúc bị yếu đi vì lối giải thích khuôn sáo (stereotypical) về các đặc điểm nam và nữ.

Đầu thập niên 1930, trước khi vào Dòng Cácmen, Stein gặp Jacques Maritain (1892-1973) và Raissa Maritain (1893-1960) trong các hội nghị triết gia Công Giáo ở Pháp. Năm 1906, Raissa, dòng dõi Do Thái Giáo, và Jacques, người trước đó không theo tôn giáo nào, đã chịu phép rửa và gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Năm 1932, Emmanuel Mounier và Jacques Maritain thành lập tại Paris một tập san về chủ nghĩa nhân vị tên là Esprit. Qua năm 1934, Mounier và Maritain thường xuyên gặp gỡ Gabriel Marcel và Nikolai Berdayev trong một nhóm thảo luận triết học. Cùng với nhau, họ công bố “bản Tuyên Ngôn Chủ Nghĩa Nhân Vị”, công khai cho ra đời tân chủ nghĩa nhân vị Công Giáo. Năm 1936, Mounier cho đăng trên Esprit bài báo đầu tiên về mối tương quan giữa thuyết nhân vị và bản sắc phụ nữ, tựa là “La femme aussi est une persone” (Người Đàn Bà Cũng Là Một Nhân Vị).

Những sáng lập viên đầu tiên của phong trào nhân vị đều quyết định kết hôn. Thành thử, nhiều trước tác của họ tập chú vào các năng động tính của mối liên quan bổ túc toàn bộ trong hôn nhân. Năm 1936, Jacques Maritain viết một tiểu luận có tính giáo khoa về “Tình Yêu và Tình Bạn” trong đó, ông phân biệt các loại tình yêu khác nhau. “Tình yêu sủng ái (dilection)… là thứ tình bạn tuyệt đối độc đáo ấy giữa những người kết hôn mà một trong các mục đích yếu tính của họ là tình đồng hành thiêng liêng giữa một người đàn ông và một người đàn bà ngõ hầu họ có thể giúp đỡ nhau chu toàn định mệnh của họ trên trần gian”. Năm 1942, Raissa Maritain cho xuất bản cuốn “Chúng Ta Đã Là Bạn Của Nhau”, trong đó, bà chứng minh tính bổ túc toàn bộ phái tính đã được sống thực nơi vợ chồng. Trong tiểu luận viết năm 1950, tựa là “chủ nghĩa nhân vị và cuộc cách mạng của thế kỷ 20”, Mounier bác bỏ các phê phán đối với hôn nhân của phe thực dụng và duy nữ thế tục. Ông viết: “Người đàn ông và người đàn bà chỉ có thể tìm được sự thành toàn ở nơi nhau, và cuộc kết hợp của họ chỉ tìm được sự thành toàn của nó nơi đứa con; đó chính là thiên hướng nội tại hướng họ về một sự dư dật và đầy tràn, chứ không phải một đích nhắm nội tại và thực dụng”.

Trong thập niên 1960, khi lý luận chống lại mô thức phân cực truyền thống, Dietrich von Hildebrand và Alice von Hildebrand nhấn mạnh rằng mối liên hệ giúp người đàn ông và đàn bà thành toàn đòi hỏi một cách chủ yếu rằng “các người phối ngẫu trong hôn nhân vẫn phải mãi là những con người độc lập”. Nếu thiếu điều này, “theo kiểu nói của Marcel, thay vì có được sự hiệp thông chúng ta (we communion),… thì điều còn lại chỉ là cái tôi thổi phồng, trong trường hợp này là cái tôi của người chồng. Anh ta cư xử với vợ như một đồ sở hữu, một đồ vật; anh ta không còn coi nàng như một con người”. Mô thức bổ túc toàn bộ, vốn đã được chi tiết hoá dưới một hình thức nào đó ở thời đầu của chủ nghĩa nhân vị, đưa ra lý luận cho rằng mỗi người đàn ông và mỗi người đàn bà đều là một con người trọn vẹn, theo nghĩa hữu thể học. Khi họ bước vào các liên hệ liên ngã, thì hậu quả có tính hiệp lực; một điều gì đó xẩy ra trong mối liên hệ không phải chỉ là một phần của người này thêm vào cho người kia; một điều mới mẻ nào đó đã được phát sinh. Trong khi mô thức bổ túc phân bộ có thể được diễn tả bằng công thức ½ + ½ = 1, thì mô thức bổ túc toàn bộ có thể được diễn tả bằng công thức 1+1→3.

Năm 1934, Mounier đã cho công bố một bài báo trên một tập san Ba Lan, tên là Wiadomosci Literackie, nhằm nói về phong trào nhân vị tại Pháp. Tuyên Ngôn Nhân Vị Thuyết được dịch sang tiếng Ba Lan và được lưu hành bí mật tại Ba Lan thời Thế Chiến II. Tháng 5 năm 1946, Mounier được mời diễn thuyết tại ĐH Jagiellonian tại Krakow nơi Karol Wojtyla, lúc ấy mới là một chủng sinh, đang theo học. Nên không lạ gì, vào mùa hè 1947, khi đang học tại Rôma và cư ngụ tại Học Viện Bỉ, Wojtyla đã quyết định qua Pháp để nghiên cứu về phong trào linh mục thợ. Trong cuốn Hồng Ân Và Mầu Nhiệm, Đức Gioan Phaolô II trực tiếp kể cho ta nghe “việc tôi được đào tạo trong chân trời văn hóa nhân vị cũng đã đem lại cho tôi một ý thức sâu sắc hơn về việc mỗi cá nhân đều là một con người độc đáo như thế nào”.

Còn 1 kỳ
 
'Puzo!' Thối lắm , một lời nói đánh động Đức Thánh Cha.
Têrêsa Thu Lan
08:30 15/11/2014


Câu nói cuả Martha "Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày" đã không làm cho Chuá Giêsu lùi bước trong đoạn kinh thánh bất hủ khi Ngài đi tới Betania để làm cho Lazaro chết 4 ngày sống lại.

Ngày nay cũng vậy, "Tôi thối lắm" ("Puzo!")cũng không làm cho một vị Tổng Giám Mục rút lại lời mời ăn tối với một người vô gia cư, và hơn thế nữa, đã đánh động Đức Thánh Cha Phanxicô, người từng tuyên bố "những chủ chiên phải mang lấy mùi cuả đàn chiên."

Đức Thánh Cha đã ra lệnh xây thêm nhiều phòng tắm công cộng ngay bên cạnh quảng trường Thánh Phêrô cho những người vô gia cư.

Hoạ đồ đã thiết kế xong, tiền được trích ra từ quĩ từ thiện cuả Vatican, và việc xây cất sẽ bắt đầu vào đầu năm tới để cung cấp ba phòng tắm và phòng giặt giũ công cộng.



Sáng kiến xây phòng tắm được khởi đầu khi đức tổng giám mục Konrad Krajewski đi dạo trên con đường Via della Conciliazione thì bất ngờ gặp một người đàn ông lếch thếch đáng thương, khoảng 50 tuổi. Roma là một thành phố mà tỷ số người vô gia cư thuộc hạng cao nhất trên Thế Giới.

Đức Tổng Krajewski là vị quan phát chẩn cuả Toà Thánh, một chức vụ có từ thế kỷ 13, chuyên làm các công tác bố thí từ thiện.

Ngài mời anh ta đi ăn tối. Nhưng người đàn ông, tên là Franco, đến từ Sardinia, lắc đầu nguầy nguậy, đáp lại một câu cộc lốc: "Puzo!" ("Tôi thối lắm!".)

"Sau cùng thì tôi vẫn năn nỉ được anh ta đi ăn tối chung," Đức Tổng Giám mục Krajewski nói với báo La Stampa. "Chúng tôi đã đến một tiệm Tầu. Trong bữa ăn, anh giải thích cho tôi là ở Roma, tìm được một cái gì ăn thì không mấy khó, nhưng cái khó thực sự là tìm được một nơi tắm rửa."

Anh Franco đã sống trên đường phố Roma được 10 năm, anh cho biết tuy có một số tổ chức từ thiện Công Giáo như Caritas và Sant' Egidio cung cấp một số phòng tắm, nhưng những nơi đó thì đông nghẹt, không dễ gì chen vào được.

Và vì thế mà thêm vào việc xây cất phòng tắm ở quảng trường Thánh Phêrô, nhiều sáng kiến tương tự cũng đã được tiến hành ở 10 giáo xứ chung quanh điện Vatican.



"Đức Giáo Hoàng trả tiền cho", Đức Tổng Krajewski đã nói với các cha xứ như vậy khi nghe các ngài lo lắng không biết lấy tiền xây dựng từ đâu ra.

Một nhà thầu xây cất đã tình nguyện làm mọi công tác ráp đặt các vòi bông sen và một ca sĩ giọng Tenor nổi tiếng cuả Ý, danh ca Andrea Bocelli, cũng đóng góp thêm vào.

Nhưng tại Roma thì trăm người trăm chuyện, một việc tốt lành mà cũng có lắm kẻ khen người chê !

"Tôi nghĩ đó là một điều tốt," Anh Adrian Sztrajt nói, anh là một thanh niên 27 tuổi đến từ thành phố Chelm của Ba Lan và thường ngủ với một nhóm nửa chục người ở dưới cổng của văn phòng báo chí Vatican bên cạnh Quảng trường Thánh Phêrô "Tôi sẽ đi tắm ở đó."

Nhưng anh Dariusz Puszkarz thì có ý kiến khác, cũng là người Ba Lan đến từ Gdansk và chưa nói được tiếng Ý, anh nói rằng việc tắm rửa thì ít quan trọng hơn là việc tìm được một công việc. Anh chán nản khi thấy nhiều linh mục và Hồng Y đi rảo bộ qua đây mỗi ngày mà không hề dừng lại để giúp đỡ đám người như anh.

"Họ chẳng làm điều gì cả," anh nói bằng tiếng Ba Lan. "Họ nghĩ rằng chúng tôi là một đám lười. Và vì có người trong chúng tôi xông lên mùi rượu, cho nên mọi người cho rằng tất cả chúng tôi là một đám nghiện. Chẳng ai muốn cung cấp việc làm cho chúng tôi cả. "

Đức Tổng Krajewski thì không có ý kiến gì thêm. "Sự việc không phải đơn giản như vậy mà thôi. Việc cung cấp bánh mì cho người ta thì dễ hơn là việc tắm rưả cho họ," Đức Tổng nói. "Chúng tôi cần nhiều tình nguyện viên, khăn, đồ lót..."

Được hỏi liệu cái quang cảnh với nhiều hàng dài cuả những người vô gia cư chờ đợi đi tắm ngay dưới hàng cột nguy nga cuả kiến trúc sư Gian Lorenzo Bernini có thể làm cho du khách tránh xa nơi này không? Đức Tổng Krajewski trả lời: "Trong suốt bề dày lịch sử của Roma, thì luôn luôn có nhiều người nghèo chạy đến tụ tập chung quanh các nhà thờ."

"Lý do tồn tại cuả Vương Cung Thánh Đường là để giữ gìn Thân Thể cuả Chúa Kitô. Chúng ta phục vụ cho cơ thể đau khổ của Chúa bằng cách phục vụ cho người nghèo," Ngài nói, nhắc lại lời tuyên bố cuả Đức Thánh Cha Phanxicô là Giáo Hội phải là một "Giáo Hội nghèo, cho người nghèo. "

Và dường như công tác từ thiện Công Giáo sẽ không dừng lại ở đó. Công việc kế tiếp là hớt tóc. Đức Tổng Krajewski đang liên lạc với các trường dạy nghề tại địa phương để xin họ gửi nhiều tập sinh tới hớt tóc giúp các 'khách hành hương' vô gia cư.
 
Chuyển tiếp đức tin là chuyển tiếp những gì cao quý nhất
Bùi Hữu Thư
10:47 15/11/2014
Huấn từ ngày 14 tháng 11, 2014

ROME, 14 tháng 11, 2014 (Zenit.org) – Đức Thánh Cha kêu gọi hãy ban cho trẻ em “cái gì cao quý nhất”, và đó là “đức tin” được chuyển tiếp bằng “gương sáng”, bằng “đời sống”, không phải bằng “lời nói”. Ngài đã nói như vậy trong bài giảng của Thánh Lễ ngày thứ sáu 14, tháng 14, 2014 tại nhà nguyện Thánh Mác-ta.

Trong Thánh Lễ Đức Thánh Cha Phanxicô cho là “Thánh Lễ cho giới trẻ” với sự hiện diện của một nhóm trẻ em và vị thành niên đến từ một giáo xứ tại Rôma, Ngài đã giải thích rằng khi nhìn giới trẻ, là “nhìn một sự hứa hẹn”, là nhìn “thế giới tương lai”.

Ngài đã nhấn mạnh “trách nhiệm” phải chăm nom các trẻ em: “Một Kitô hữu phải săn sóc cho giới trẻ, cho trẻ em, và chuyển tiếp đức tin cho chúng, chuyển tiếp đời sống, và những gì từ trong trái tim mình.”

Đức Thánh Cha đã mời gọi “đừng quên những mầm non đang nẩy nở”, ngài khẳng định rằng cần phải dậy dỗ cho con em điều Thánh Gioan đã giải thích trong bài đọc một: “là sống trong tình yêu và chân lý (2 Ga 1, 1a.4-9).

Người lớn “có trách nhiệm phải ban cho trẻ em những gì cao quý nhất, và cái gì cao quý nhất là đức tin”. Và đức tin được chuyển tiếp bằng “gương sáng”, bằng “đời sống”: “Bằng lời nói thì không ích lợi gì… trong một thế giới tràn đầy hình ảnh, phải làm gương.”

Người ta cũng chuyển tiếp với “một thái độ của người anh, người cha, người mẹ, người chị, là phải tăng trưởng” và không với một “thái độ thờ ơ: là ‘để cho chúng trưởng thành, trong khi tôi cứ sống đời sống của tôi….’”

Đức Thánh Cha đã đàm thoại thật linh động với giới trẻ, ngài hỏi họ tại sao đi lễ: “để được thấy ngài”, một em trả lời như vậy. Đức Thánh Cha đáp: “Tôi cũng rất vui được gặp các em: “Các em đến để thấy tôi, đúng như vậy… Nhưng cũng là để thấy Chúa Giê-su. Các em đồng ý không? Hay là chúng ta bỏ Chúa Giê-su sang một bên?” Tất cả các em đều la to: “không phải như vậy!”

Đức Thánh Cha đã hỏi những em nào đã được Rước Lễ Lần Đầu và chịu Phép Thêm Sức, ngài nhắc nhở rằng Phép Rửa “mở ra cho chúng ta cánh cửa của đời sống Ki-tô” và khai mạc “một hành trình trong suốt cuộc đời.”

Ngài kết luận: Con đường này phải đi theo “trong chân lý và tình yêu”, như Chúa Giê-su đã sống. Để được như vậy, cần phải “cầu nguyện”, “cầu xin Chúa, cầu xin Đức Mẹ để được trợ giúp trên hành trình này”, “hãy cầu xin Chúa Giê-su trợ giúp chúng ta để có thể tiến bước trong chân lý và tình yêu.”
 
Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc nhớ kỷ niệm 30 năm hiệp ước hòa bình giữa Chile và Á Căn Đình
Lã Thụ Nhân
16:27 15/11/2014
Trong buổi triều yết chung hôm thứ Tư 12/11/2014, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc nhớ kỷ niệm 30 năm hiệp ước hòa bình được Chile và Á Căn Đình ký kết vào ngày 29 tháng 11 năm 1984 tại Vatican.

Vào năm 1978, cả hai quốc gia đang ở bờ vực chiến tranh do tranh chấp lãnh thổ Beagle. Tuy nhiên, Đức Gioan Phaolô II đã làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột và sau nhiều năm đàm phán, hai nước đã thoả thuận được đường biên giới cụ thể.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: "Tôi vui mừng chào đón nhóm các quân nhân Chile. Trong những ngày này chúng ta kỷ niệm 30 năm ngày ký kết hiệp ước hòa bình giữa Á Căn Đình và Chile.

Đường biên giới giữa hai nước hiện nay đã rõ ràng. Chúng ta sẽ không tiếp tục phải chiến đấu tại biên giới; chúng ta sẽ chiến đấu vì những điều khác, nhưng không vì đường biên giới nữa.

Nhưng có một điều tôi muốn lưu ý: điều này được thực hiện nhờ vào thiện chí đối thoại. Chỉ có thiện chí đối thoại mới có thể giải quyết vấn đề. Tôi muốn nêu lên lòng biết ơn Thánh Gioan Phaolô II và Đức Hồng Y Samore, những người đã làm rất nhiều việc để đạt được hòa bình giữa chúng ta. Cầu cho tất cả những người dù phải liên quan đến bất cứ loại xung đột nào, dù là biên giới hay văn hóa, đều có thể được khích lệ giải quyết xung đột trên bàn đối thoại chứ không phải trong sự tàn bạo của chiến tranh".
 
Hành hương kỷ niệm 500 ngày sinh Thánh Têrêsa Avila
Lã Thụ Nhân
16:41 15/11/2014
Thánh Têrêsa Avila là một trong những phụ nữ có ảnh hưởng nhất trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo. Cuộc cải tổ của thánh nữ bắt đầu từ 17 đan viện Dòng Cát Minh đã lan rộng khắp Tây Ban Nha vào thế kỷ 16.

Ông Miguel Ángel García Nieto, Chủ tịch Tổ chức "Những bước chân của Têrêsa" cho biết: "Ngài viết cuốn sách mang tên ‘Các nền tảng’ trong đó ngài mô tả 17 địa điểm ở Tây Ban Nha mà ngài sẽ từng bước thiết lập nên điều ngài gọi là ‘những ngôi nhà chim’. Ngài gọi các nữ tu là ‘bồ câu’".

Thánh nữ Têrêsa sinh ngày 28 tháng Ba năm 1515 tại thành Avila, Tây Ban Nha. Để kỷ niệm 500 ngày sinh của Thánh Têrêsa Avila, 17 thành phố của Tây Ban Nha sẽ cùng nhau cổ vũ cuộc hành hương tôn giáo đồng hành cùng văn hóa.

Sáng kiến này được gọi là "Những bước chân của Têrêsa" và trong số các thành phố tham gia có Ávila, Burgos, Valladolid, Sevilla và Granada.

Ông Miguel Ángel García Nieto cho biết thêm: "Mục tiêu trước tiên là gần gũi Thánh Têrêsa hơn để chiêm ngưỡng ngài. Thứ hai là phải đi qua ít nhất bốn trong số những thành phố và kết thúc tại Ávila, nơi ngài sinh ra, nơi mọi thứ bắt đầu".

Đức Thánh Cha Phanxicô có thể sẽ tông du Ávila để cử hành dịp kỷ niệm này. Cho dù ngài đến thăm Tây Ban Nha hay không, các nhà tổ chức "Những bước chân của Teresa" tin rằng hàng ngàn khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới sẽ đến tận nơi để học hỏi về vị Tiến sĩ Hội Thánh và nhà huyền bí này qua các thành phố mà ngài sinh sống.
 
Nhân hội luận liên tôn tại Vatican, tìm hiểu truyền thống Công Giáo về tính bổ túc nam nữ (2)
Vũ Văn An
18:41 15/11/2014
Năm 1960, linh mục trẻ tuổi Karol Wojtyla cho xuất bản tác phẩm lớn đầu tiên của mình về đạo đức học hôn nhân, tựa là “Tình Yêu và Trách Nhiệm”, trong đó, người ta thấy những gốc rễ mới đối với mô thức bổ túc toàn bộ giữa nam nữ đã được đặt để. Hôn nhân được mô tả như có “một cơ cấu liên ngã rõ rệt”; với những định luật “dẫn khởi từ các nguyên tắc của quy luật nhân vị, vì chỉ bằng cách này, đặc điểm nhân vị chân chính trong cuộc kết hợp của hai con người mới được bảo đảm”. Quy luật nhân vị cho rằng người ta phải cư xử với người khác như một cùng đích trong chính họ chứ không bao giờ chỉ như một phương tiện.

Trong Tình Yêu Và Trách Nhiệm, Wojtyla cũng xem xét điều sẽ trở thành nền tảng sinh học cho cách tiếp cận độc đáo của người đàn bà đối với người khác, tức nhờ việc rụng trứng của người đàn bà từ lúc dậy thì cho tới lúc tắt kinh, nên nàng có chu kỳ hàng tháng sẵn sàng đón chào sự sống mới, dù nàng không có thai. Người đàn ông có một nền tảng sinh học khác cho bản sắc độc đáo làm cha của chàng. Điều quan trọng cần ghi nhận là: đối với Wojtyla, thiên nhiên không xác định ra bản sắc; bản sắc này còn đòi các hành vi của ý chí và trí hiểu nữa. Ngài cho rằng thách đố của người đàn ông là thắng vượt mọi xu hướng thực dụng chỉ sử dụng người đàn bà vì giá trị xác thịt của nàng đối với chàng, và ngược lại, thách đố của người đàn bà là thắng vượt mọi xu hướng thực dụng chỉ sử dụng người đàn ông vì giá trị xúc cảm của chàng đối với nàng.

Tổng hợp (integration), yếu tố then chốt trong mô thức bổ túc toàn bộ, đã được đưa vào đây: tình yêu “không chỉ nhằm tổng hợp ‘bên trong’ con người mà là ‘giữa’ những con người… ‘tổng hợp’ nghĩa là ‘làm thành toàn bộ’,… [và nó]dựa vào các yếu tố đệ nhất đẳng của tinh thần con người, tức tự do và chân lý”. Năm 1966, Wojtyla đưa ra nền tảng siêu hình cho việc tổng hợp này rong cuốn Con Người Hành Động bằng cách lấy lại thuyết mô chất (hylomorphism) của Thánh Tôma Aquinô. Ý định của ngài là “suy nghĩ lại thực tại nhân bản đầy năng động một cách mới mẻ” có trong lý thuyết trung cổ này. Wojtyla cho rằng “tổng hợp bổ túc cho siêu việt và… nhờ thế chúng tạo nên một ‘toàn bộ người và hành động’ (person-action-whole) đầy năng động; nếu không có tổng hợp, siêu việt [tức đi thẳng vào thế giới và tự tạo ra mình bằng các hành vi bản vị] vẫn…bị cầm chân”.

Sau khi đã thiết lập các khởi điểm nhân vị cho các liên hệ nhân bản, năm 1974-1975, Wojtyla trình bày khuôn khổ thần học cho sự hiệp thông chân chính của con người qua hai bài diễn văn “Gia Đình Như Một Hiệp Thông Các Nhân Vị” và “Làm Cha Mẹ Như Một Hiệp Thông Các Nhân Vị”. Ngài nối kết mầu nhiệm cộng đồng nhân bản, vốn được mời gọi nên giống Sự Hiệp Thông giữa Ba Ngôi, với việc tổng hợp các năng động tính sinh học và bản vị của người đàn ông và người đàn bà trong hôn nhân và gia đình.

Trong năm được bầu làm giáo hoàng ( 16 tháng Mười năm 1978), Đức Gioan Phaolô II bắt đầu loạt bài diễn văn lúc triều kiến chung trong đó, ngài phân tích cơ cấu của sự bổ túc nam nữ như đã được mạc khải trong Sáng Thế. Khi quả quyết rằng Thiên Chúa dựng nên người đàn ông và người đàn bà bình đẳng với nhau như những con người nhân bản và bình đẳng với nhau như những nhân vị, ngài muốn bênh vực nguyên tắc đầu tiên của tính bổ túc toàn bộ. Và khi khẳng định rằng người đàn ông và người đàn bà là hai cách thế làm người rất khác nhau, ngài muốn bênh vực nguyên tắc thứ hai của tính bổ túc toàn bộ. Còn khi chứng tỏ rằng một người đàn ông và một người đàn bà đã được Thiên Chúa mời gọi kết hợp yêu thương ra sao trong hôn nhân, ngài quả đã tuyên xưng chiều kích ơn gọi trong tính bổ túc toàn bộ này”.

Đồng thời, Đức Gioan Phaolô II cũng đưa ra một quan điểm về nam tính và nữ tính khác với người đi trước ngài là Edith Stein. Thí dụ, ngài không bao giờ cho rằng người đàn ông có nữ tính hay người đàn bà có nam tính. Ngược lại, ngài cho rằng nam tính là cách hiện hữu và hành động của người đàn ông trong thế giới, và nữ tính là cách hiện hữu và hành động của người đàn bà trong thế giới: “nam tính và nữ tính [là]… hai cách ‘là thân xác’”. Trong phần lớn các phương diện khác, Đức Gioan Phaolô II đi theo các tầm nhìn thông sáng của Edith Stein về bản sắc đàn ông và bản sắc đàn bà. Hình như ngài học được cách tiếp cận hiện tượng luận về bản sắc đàn bà của Edith Stein qua Roman Ingarden, người cùng học với Stein dưới sự dìu dắt của Edmund Husserl và sau này là giáo sư của Đức Gioan Phaolô II tại Kracow. Sau này, trong cuốn Hãy Trỗi Dậy, Ta Đi Nào, Đức Gioan Phaolô II nhắc tới liên hệ của ngài với Roman Ingarden và ở cùng trang, ngài viết thêm: “tôi rất lưu ý tới nền triết học của bà [Edith Stein]. Tôi đọc các trước tác của bà”. Cách tiếp cận của Stein sẽ trở thành nền tảng cho các khai triển sau này của ngài về lý thuyết thiên tài phụ nữ và phong trào tân duy nữ.

Ngài cho rằng ý thức bản thân về kinh nghiệm sống của cơ thể ta trong tư cách đàn ông và đàn bà có nghĩa: nam tính và nữ tính không tương đương như nam và nữ. Ngược lại “nam tính và nữ tính nói lên khía cạnh hai mặt (dual aspect) của cấu trúc thể xác con người… chúng cũng cho biết thêm… ý thức mới về ý nghĩa của chính thân xác ta… Ý thức này… sâu sắc hơn chính cấu trúc thể xác như là nam hay nữ”.

Trong thông điệp “Về Lao Công Nhân Bản” ngài viết năm 1981, Đức Gioan Phaolô II bắt đầu đưa ra một số phân biệt mà sau này vốn được liên kết một cách tổng quát hơn với thiên tài của người đàn ông hay của người đàn bà trong tương quan với cách thế họ làm việc. Ngài cho rằng “kỹ thuật” là chiều hướng khách quan của việc làm và quả quyết rằng nó vốn là đồng minh cực kỳ giá trị đối với các lãnh vực thể lý và tri thức của lao công. Chắc chắn các đóng góp này vào việc thống trị thế giới là kết quả của thiên tài đàn ông trước nhất. Sau đó, ngài cho rằng “con người lao công” là chiều hướng chủ quan của việc làm. Việc làm đưa tới khả thể thăng tiến nhân phẩm qua việc thành toàn bản thân. Đức Gioan Phaolô II, khi dẫn nhập “Luận Điểm Nhân Vị”, đã nói rằng: “Như thế, nguyên tắc coi lao động ưu tiên hơn tư bản là một định đề (postulate) thuộc trật tự luân lý xã hội”. Điều này hóa ra lại liên hệ mật thiết với thiên tài phụ nữ hơn vì thiên hướng của nàng luôn chú ý tới con người nhiều hơn, chứ không mấy chú ý tới hiệu năng hay các mục tiêu thực dụng khác.

Trong Tông Thư Về Phẩm Giá Và Ơn Gọi của Phụ Nữ viết năm 1988 và Tông Huấn Về Thánh Giuse, Giám Hộ Chúa Cứu Thế viết năm 1989, Đức Gioan Phaolô II khai triển hơn nữa các nguyên tắc nền tảng cho ba loại bổ túc toàn bộ: (1) vợ và chồng trong hôn nhân, (2) cha và mẹ trong gia đình, và (3) ơn gọi của đàn ông và đàn bà làm cha mẹ nhân bản và thiêng liêng. Việc khai triển này đã khẳng nhận các nguyên tắc trực tiếp đi ngược lại các nguyên tắc thịnh hành trong các lý thuyết cổ truyền về phân cực và độc dạng giới tính.

Ngược với lý thuyết phân cực, Đức Gioan Phaolô II tái khẳng định nguyên tắc bình đẳng: “Cả đàn ông lẫn đàn bà đều là những hữu thể nhân bản với mức độ bằng nhau”; và “đàn ông là một nhân vị, đàn ông và đàn bà cũng là nhân vị bằng nhau”. Ngược với lý thuyết độc dạng giới tính, ngài nhấn mạnh nguyên tắc dị biệt quan trọng giữa đàn ông và đàn bà: “các tài nguyên bản thân của nữ tính chắc chắn không kém các tài nguyên của nam tính: chúng chỉ khác nhau mà thôi” (MD 10) và “dựa trên nguyên tắc hiện hữu hỗ tương ‘cho’ người khác, trong một ‘hiệp thông’ liên ngã, việc tổng hợp những điều gọi là ‘nam tính’ và ‘nữ tính’ đã được khai triển trong nhân loại, phù hợp với thánh ý Thiên Chúa” (MD 7).

Đi sâu hơn vào nguyên tắc bình đẳng, Đức Gioan Phaolô II coi lý thuyết phân cực là hậu quả của nguyên tội, vì sự cắt đứt giữa đàn ông và đàn bà đã sản sinh ra khuynh hướng của người đàn ông muốn thống trị người đàn bà và khuynh hướng của người đàn bà muốn bám víu lấy người đàn ông trong ý muốn chiếm hữu họ. Ta hãy nghe chính lời lẽ và sự nhấn mạnh của ngài: “Sự ‘thống trị’ này cho thấy một nhiễu loạn và mất hết ổn định trong sự bình đẳng nền tảng mà người đàn ông và người đàn bà vốn sở hữu trong ‘việc cả hai nên một’: và điều này đặc biệt bất lợi cho người đàn bà” (MD 10). Sau đó, ngài đưa ra đề nghị: “Người đàn bà không thể trở thành ‘đối tượng’ cho ‘sự thống trị’ và ‘sở hữu của đàn ông’” (ibid.). Ngài còn viết thêm rằng nhiệm vụ của mọi người đàn ông và mọi người đàn bà trong mọi thế hệ là vượt thắng cái gia tài đó của nguyên tội, bằng cách liên kết với hành động cứu chuộc của Chúa Kitô, vì “trong Chúa Kitô, sự chống đối lẫn nhau giữa đàn ông và đàn bà, vốn là gia tài của nguyên tội, chủ yếu đã được vượt qua” (MD 11).

Đức Gioan Phaolô II nhắc lại nguyên tắc trên nhiều lần, bác bỏ tàn dư lý thuyết phân cực của Aristotle, là lý thuyết cho rằng người đàn bà phải vâng phục chồng mình vì bản chất thấp hèn của nàng, cả tàn dư lý thuyết phân cực của Kitô Giáo, là lý thuyết cho rằng người vợ phải vâng phục chồng mình để đền cái tội của Evà. Thứ nhất, “Tin mừng ‘đổi mới’ yêu cầu các bà vợ và các ông chồng phải hành động trong ‘sự vâng phục hỗ tương vì lòng tôn kính Chúa Kitô” (MD 24). Thứ hai, ngài nhấn mạnh một lần nữa: “Trong mối tương quan giữa chồng và vợ, ‘sự vâng phục’ không một chiều mà phải hỗ tương”. Thứ ba, để độc giả hiểu được tầm quan trọng của nguyên tắc này, ngài mô tả nó như một lời kêu gọi và một nghĩa vụ: “Ý thức cho rằng trong hôn nhân có ‘sự vâng phục’ hỗ tương của cả hai vợ chồng vì lòng tôn kính Chúa Kitô’ chứ không phải chỉ là việc vợ vâng phục chồng, phải dần dần được thiết lập vững vàng trong trái tim, trong ý thức, tác phong và tập quán” của mọi thế hệ (MD 24).

Đi sâu hơn vào nguyên tắc dị biệt ngược với các lý thuyết độc dạng giới tính trong việc làm cha mẹ, Đức Giao Phaolô II khai triển một cách chi tiết các cách thế khác nhau để người đàn bà khám phá ra và chu toàn nữ tính của nàng trong chức phận làm mẹ, và người đàn ông khám phá ra và chu toàn nam tính của chàng trong chức phận làm cha. Tiếp tục dựa vào các nền tảng triết lý trước đây, ngài quả quyết rằng “phận làm mẹ, từ đầu, vốn bao hàm việc cởi mở đặc biệt đối với một con người mới: và đó chính là ‘phần’ của người đàn bà” (MD 18). Ấy thế nhưng, khía cạnh của phận làm mẹ này không hề có tính định mệnh thuyết sinh học, vì “phận làm mẹ được nối kết với cơ cấu bản vị của người đàn bà và với chiều kích bản vị của hồng phúc nơi nàng” (ibid.).

Nhờ nhấn mạnh tới cơ cấu nhân vị của phận làm mẹ, Đức Maria đã được mô tả “ quả là Mẹ Thiên Chúa, vì phận làm mẹ liên quan tới toàn bộ nhân vị, chứ không chỉ thân xác mà thôi, cũng không phải chỉ liên quan tới bản tính nhân loại mà thôi” (MD 4). Hơn nữa, “Đức Maria còn thực thi ý chí tự do của ngài và do đó, đã hoàn toàn tham dự vào chữ ‘tôi’ đầy bản vị và nữ tính của ngài trong biến cố Truyền Tin” (ibid.). Tương tự như thế, phận làm cha của Thánh Giuse cũng là một hành vi có tính bản vị của ý chí tự do trong quyết định tiếp nhận, giám hộ và che chở Đức Maria, và Chúa Giêsu của ngài. Ngài đã thực thi phận làm cha của mình trong một hiến thân toàn diện. Đức Gioan Phaolô II cực lực bênh vực chiều kích nhân vị trong “chức phận làm cha của Thánh Giuse, một chức phận không do việc sinh sản con cái mà có; nhưng nó cũng không có dáng vẻ của một chức phận làm cha chỉ có tính thay thế. Đúng hơn, thánh nhân hoàn toàn tham dự vào chức phận làm cha nhân bản chân chính và vào sứ mệnh của một người cha trong gia đình”.

Ấy thế nhưng đối với chủ trương bổ túc toàn bộ, cách làm cha và cách làm mẹ khác nhau một cách đáng kể, mặc dù họ bình đẳng về phẩm giá và giá trị. Trong một đoạn nổi tiếng, tuy có gây tranh cãi, Đức Gioan Phaolô đã khai triển chi tiết gốc rễ của sự dị biệt đáng lưu ý này:

“Sự tiếp xúc độc đáo với hữu thể nhân bản mới đang phát triển trong nàng [người mẹ] này phát sinh ra một thái độ đối với những hữu thể nhân bản khác, không phải chỉ với đứa con riêng của nàng, mà với mọi hữu thể nhân bản, một thái độ đánh dấu sâu xa nhân cách của người đàn bà. Người ta vẫn thường nghĩ rằng người đàn bà có khả năng hơn người đàn ông trong việc lưu ý tới một con người khác, và chức phận làm mẹ càng phát triển thiên hướng này hơn nữa. Người đàn ông, dù hết sức tham dự vào chức phận làm cha, vẫn luôn ‘đứng ngoài’ diễn trình thai nghén và hạ sinh đứa con; xét theo nhiều cách, chàng phải học chức phận làm cha của chính mình từ người mẹ” (MD 18).

Các chủ trương trên không có tính phổ quát hay tuyệt đối, vì ta biết rất rõ: đôi khi người đàn bà đi ngược lại bản tính của mình bằng cách phá thai, và người đàn ông có khi đại lượng đến độ chào đón và nuôi dưỡng sự sống trẻ em và người lớn. Ấy thế nhưng, trong các chủ trương trên, có một điều gì sâu sắc cho ta biết nguồn gốc bên trong bản sắc phụ nữ; nếu nàng quyết định phát triển nó và chia sẻ nó với những người đàn ông gần gũi nàng, thì đó là một phục vụ vĩ đại đối với Giáo Hội và thế giới.

Đức Gioan Phaolô II quả quyết rằng chức phận làm cha hoặc làm mẹ thiêng liêng nơi các phư nữ tận hiến và nơi các linh mục cũng dự phần vào bản tính tương tự như thế của chức phận làm cha làm mẹ thể lý trong cuộc sống gia đình. Vì mọi hình thức làm cha mẹ đều được thể hiện trong ngữ cảnh, trong đó, các sức mạnh của sự ác sẵn sàng chờ đợi để nuốt trửng đứa con. Ngài kết luận rằng ơn gọi làm cha và làm mẹ của mọi người đàn ông và đàn bà là chìa khóa giải quyết nền văn hóa sự chết. Ngài kêu gọi người phụ nữ vận dụng chiều kích bản thân này bằng cách ý thức rằng “Thiên Chúa ủy thác con người nhân bản cho nàng một cách đặc biệt,… chính là vì nữ tính của nàng… mãi mãi và trong mọi cách thế” (MD 30).

Lời kêu gọi trên được ngỏ với người đàn bà thời nay, thời mà “sự thành công của khoa học và kỹ thuật… và sự tiến bộ đơn phương… [đã dẫn tới] việc mất dần mẫn cảm… đối với những gì chủ yếu là nhân bản” (MD 10). Nhân tiện, ngài dẫn nhập một ý niệm mới nhằm kêu gọi phải giải thoát các hình thức mới trong thiên tài phụ nữ để chúng ăn khớp với và nhân bản hóa sự thành công của thiên tài nam giới:

“Cách riêng, thời đại ta đang chờ mong sự xuất đầu lộ diện của ‘thiên tài’ ấy, một thiên tài vốn thuộc người đàn bà, vì thiên tài này có thể bảo đảm được sự mẫn cảm đối với mọi hữu thể nhân bản trong bất cứ hoàn cảnh nào” (MD 18, 30).

Năm 1995 trong bối cảnh Hội Nghị Thế Giới Lần Thứ Tư về Phụ Nữ do LHQ tổ chức tại Bắc Kinh, Đức Gioan Phaolô II đã viết thêm nhiều về tính bổ túc nam nữ. Năm trước đó, ngài tập chú vào các nguyên tắc của giáo huấn xã hội chính trị Công Giáo. Do đó, điều không lạ là khi nhìn trở lui mối tương quan nam nữ, ngài cũng xét nó dưới khía cạnh xã hội chính trị. Trong Thư Gửi Phụ Nữ, ngài viết rằng: Việc người phụ nữ tham gia nhiều hơn vào xã hội sẽ dẫn tới việc nhân bản hóa các định chế vốn được tổ chức “theo các tiêu chuẩn hiệu năng và năng suất”. Ngài kêu gọi phụ nữ tham gia vào “mọi lãnh vực của giáo dục” nơi “họ biểu lộ một thứ tình mẫu tử đầy cảm giới, đầy chất văn hóa và tâm linh, là thứ có giá trị vô song đối với việc phát triển cá nhân và với tương lai xã hội”. Đức GH nói thẳng với Gertrude Mongella, TTK của Hội Nghị LHQ về Phụ Nữ, rằng thiên tài của phụ nữ trải rộng tới rất nhiều lãnh vực rộng lớn của xã hội và “sự đóng góp của phụ nữ vào phúc lợi và sự tiến bộ của xã hội là điều không thể ước tính được… [và ngày nay càng cần thiết hơn nữa] để cứu xã hội khỏi con vi khuẩn gây tử vong là hạ giá và bạo động, là những thứ càng ngày càng gia tăng”.

Để nguyên tắc tổng quát của ngài trở thành chuyên biệt hơn, Đức Gioan Phaolô II, trong lúc đọc Kinh Truyền Tin ngày 20 tháng 8 năm 1995, đã nói rằng việc hiện hữu lớn hơn của các doanh gia nữ trong các chức vụ chỉ huy nền kinh tế đang “mang lại cho nó một gợi hứng nhân bản mới và cứu nó khỏi cơn cám dỗ thường xuyên của hiệu năng vô cảm do luật lợi nhuận chi phối”. Rồi ngài yêu cầu để thiên tài phụ nữ “được phát biểu trọn vẹn hơn trong toàn bộ đời sống xã hội” và “phải dành thật nhiều chỗ cho phụ nữ trong mọi lãnh vực văn hóa, kinh tế và chính trị”.

Nền tảng siêu hình của tính bổ túc toàn bộ đã được ngài trực tiếp khẳng định trong Thư Gửi Phụ Nữ năm 1995; trong đó, ngài coi nó như một linh hứng Công Giáo ngược với các chủ trương phân cực truyền thống, bổ túc phân bộ và độc dạng giới tính. Ngài lý luận rằng các dị biệt đáng kể giữa đàn ông và đàn bà là các dị biệt hữu thể học, bắt nguồn từ chính hữu thể của họ trong tư cách những con người nhân bản: “Tính đàn bà và tính đàn ông bổ túc cho nhau không chỉ theo quan điểm thể lý và tâm lý, mà còn theo quan điểm hữu thể học nữa”. Thêm vào đó, Bản Tham Luận của Tòa Thánh tại Hội Nghị Bắc Kinh năm 1995 đề xuất bốn phạm trù hoàn hợp với nhau nhờ thế người ta có thể phân tích tính bổ túc hữu thể học giữa người đàn ông và người đàn bà: “Đàn ông và đàn bà là minh hoạ của tính bổ túc sinh học, cá thể, bản vị và tâm linh”. Tính bổ túc này luôn luôn là của một người đàn ông và một người đàn bà như hai hữu thể nhân bản cụ thể của mối tương quan, chứ không như hai phần có tính phân bộ của một người đàn ông và một người đàn bà, những phần, nhờ mối tương quan này, trở thành “một hữu thể nhân bản duy nhất”. Chính vì thế, tính bổ túc hữu thể học của Đức Gioan Phaolô II cũng là tính bổ túc toàn bộ.

Đức Gioan Phaolô II còn du nhập thêm một ý niệm có liên quan tới tính bổ túc toàn bộ, đó là “Tân chủ nghĩa duy nữ”; ngài dùng ý niệm này lần đầu tiên và là lần duy nhất ở số 99 thông điệp Evangelium Vitae (Tin Mừng Sự Sống) năm 1995. Ngài mô tả Tân Chủ Nghĩa Duy Nữ như ơn gọi và bổn phận của phụ nữ Công Giáo. Lời ngài: “Họ cần cổ vũ ‘tân chủ nghĩa duy nữ’” để biến đổi văn hóa. Kể từ đó, một số người nam nữ Công Giáo đã bắt đầu tìm hiểu phương cách nhằm biến đổi văn hóa bằng một chủ nghĩa duy nữ mới.

Điểm chung giữa tân chủ nghĩa duy nữ và chủ nghĩa duy nữ cũ là mục tiêu khắc phục “mọi kỳ thị, bạo lực và bóc lột” phụ nữ, nhưng chúng khác nhau về hai phương diện quan trọng. Thứ nhất là mệnh lệnh tiêu cực: phương pháp của tân duy nữ không được bắt chước điều ngài gọi là “mô thức thống trị của nam giới” nhằm thực hiện các mục tiêu của mình. Hiển nhiên mệnh lệnh này nhắc lại lời kêu gọi phải khắc phục các hậu quả của nguyên tội trong các hình thức chuyên biệt nam giới. Thứ hai là mệnh lệnh tích cực: phương pháp của tân chủ nghĩa duy nữ phải vận dụng thiên tài phụ nữ để quan tâm tới con người trong mọi hoàn cảnh. Mệnh lệnh này cũng nhắc lại lời kêu gọi phải khắc phục các hậu quả của nguyên tội trong các hình thức chuyên biệt nữ giới.

Nhắc lại chủ trương trước đây của ngài cho rằng những người đàn bà nào khám phá ra cội rễ thiên tài nữ giới của mình đều sẽ dẫn người đàn ông tới chỗ khám phá ra tư cách làm cha của họ, Đức Gioan Phaolô II mô tả sứ mệnh độc đáo của người đàn bà trong một thế giới đầy rẫy chủ nghĩa thực dụng và văn hóa chết chóc như sau: “Người đàn bà học trước, rồi dạy người khác rằng các tương quan giữa con người với nhau sẽ chân chính khi họ mở lòng mình ra để chấp nhận một người khác, một người được thừa nhận và yêu thương nhờ phẩm giá phát sinh từ việc làm người, chứ không vì bất cứ xem xét nào khác, như hữu dụng, sức mạnh, thông minh, nét đẹp hay giúp đỡ”. Ngoài ra, ngài còn coi tân chủ nghĩa duy nữ như một “đóng góp nền tảng mà Giáo Hội và nhân loại đang mong chờ nơi phụ nữ”. Ngài kết luận rằng nó là “Điều kiện tiên quyết cho bất cứ kế hoạch thay đổi văn hóa chân chính nào”.

Kết luận

Trên đây là một số dữ kiện lịch sử liên quan tới tính bổ túc nam nữ. Chỉ có quan điểm Công Giáo, với nền tảng siêu hình và hữu thể học, mới đưa ra được một tầm nhìn quân bình giữa bình đẳng và dị biệt giới tính. Nhưng chính quan điểm này cũng không một sớm một chiều được hoàn thiện: nó vốn di chuyển từ một lý thuyết tri thức phát khởi từ mạc khải hiệp thông giữa Ba Ngôi Vị Thiên Chúa tuy bình đẳng nhưng vẫn dị biệt với nhau tới chỗ đưa ra một mệnh lệnh nhằm biến đổi thế giới xuyên qua một cuộc tân phúc âm hóa bằng việc làm có tính hợp tác và thấm nhiễm vào nhau của những người đàn ông và những người đàn bà. Thực thế, trong khi sự bổ túc đàn ông đàn bà là mô thức hàng đầu đối với chủ trương bổ túc toàn bộ, Đức Gioan Phaolô II đã từ mô thức này rút tỉa ra nhiều loại suy rất hữu ích: như tính bổ túc giữa các Giáo Hội Đông và Tây, tính bổ túc của các nền văn hóa khác nhau, tính bổ túc của lý trí và đức tin và tính bổ túc của ba kiểu mẫu ơn gọi: hôn nhân, chức thánh và đời sống tận hiến.

Đức Bênêđíctô XVI, dựa vào những tầm nhìn thông sáng trên, đã khai triển hơn nữa nội tâm của tương quan bổ túc giữa người đàn ông và người đàn bà trong thông điệp Deus Caritas Est (Thiên Chúa Là Tình Yêu) của ngài. Trong việc khai triển cách chi tiết các dị biệt và sự thống nhất giữa các ngôi vị qua 3 hình thức của tình yêu eros, filia agape, Đức Bênêđíctô XVI đã cung cấp thước đo có tính năng động đối với các lực lượng trên thế giới đang tiếp tục tạo áp lực để các tương quan giới tính mất thế quân bình của chúng bằng cách hạ giá cả phẩm giá lẫn giá trị nền tảng hay việc dị biệt hóa có ý nghĩa giữa đàn ông và đàn bà. Giống như chất men, sự bổ túc toàn bộ, trong các hình thức đa dạng của nó, có thể xây dựng nước trời ngay trên trái đất nên giống như sự hiệp thông tình yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa.
 
Công bố chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Sri Lanka và Philippines
Lm. Trần Đức Anh OP
23:12 15/11/2014
VATICAN. ĐTC sẽ viếng thăm Sri Lanka và Philippines từ ngày 12 đến 19-1 năm tới, 2015.

Theo chương trình do Phòng báo chí Tòa Thánh công bố hôm 14-11 vừa qua, ĐTC sẽ rời Roma lúc 7 giờ tối thứ hai, 12-1 và tới phi trường thủ đô Colombo của Sri Lanka lúc 9 giờ sáng hôm sau, 13-1.

Sau nghi thức tiếp đón tại Phi trường, ĐTC sẽ gặp gỡ các GM Sri Lanka lúc 1 giờ 15 phút trưa tại tòa TGM Colombo.

Ban chiều cùng ngày, lúc 5 giờ, ngài sẽ viếng thăm Tổng thống tại Phủ Tổng thống, trước khi tham dự cuộc gặp gỡ liên tôn lúc 6 giờ 15 tại Trung tâm hội nghị quốc tế Bandaramaike Memorial.

- Sáng thứ tư, 14-1, lúc 8 giờ rưỡi, ĐTC sẽ chủ sự thánh lễ phong Hiển Thánh cho chân phước Joseph Vaz, vị tông đồ của Sri Lanka, tại Công viên Galle Face Green cạnh bờ biển.

Ban chiều lúc 2 giờ, ĐTC sẽ đáp trực thăng đến Đền thánh Đức Mẹ Madhu để kính viếng và gặp gỡ các tín hữu vào lúc 3 giờ rưỡi, rồi trở về thủ đô. - Sáng thứ năm 15-1, lúc 8 giờ 15, ngài sẽ kính viếng Nhà Nguyện Đức Mẹ Lanka ở Bolawalana, mạn bắc Colombo, trước khi ra phi trường lúc 9 giờ để đáp máy bay đi Manila, Philippines.

ĐTC sẽ đến sân bay quân sự Villamor ở Manila lúc gần 6 giờ chiều cùng ngày 15-1.

Lễ nghi đón tiếp chính thức sẽ diễn ra tại Phủ Tổng Thống lúc 9 giờ 15 sáng hôm sau, thứ sáu 16-1. Ngài gặp gỡ Tổng thống và các quan chức chính quyền cùng với đoàn ngoại giao.

Ban trưa, lúc 11 giờ 15, ĐTC sẽ cử hành thánh lễ với các GM, LM, trước sự tham dự của các tu sĩ nam nữ tại Nhà Thờ chính tòa Đức Mẹ Vô Nhiễm tại Manila.

Lúc 5 giờ rưỡi chiều cùng ngày ngài sẽ gặp gỡ các gia đình tại Hội trường Mall of Asia Arena.

- Thứ bảy 17-1, ĐTC sẽ rời Manila bay tới thành phố Tacloban và dâng thánh lễ tại Phi trường quốc tế ở địa phương lúc 10 giờ. Sau đó ngài sẽ dùng bữa trưa với một số những người sống sót trong trận cuồng phong Hayan hồi tháng 11 năm 2013.

Ban chiều cùng ngày, lúc 3 giờ, ĐTC sẽ làm phép trung tâm cho người nghèo rồi gặp gỡ các LM, tu sĩ nam nữ và những người sống sót tại Nhà thờ chính tòa Palo, rồi trở về Manila.

- Sáng Chúa Nhật 18-1, ĐTC sẽ gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo ở Đại Học Santo Tomas ở Manila rồi gặp gỡ các bạn trẻ tại Sân thể thao của đại học vào lúc 10 giờ rưỡi.

Ban chiều ĐTC sẽ cử hành thánh lễ lúc 3 giờ rưỡi tại Công viên Rizal Park cũng ở Manila.

- Sáng thứ hai, 19-1, sau nghi thức tiễn biệt tại Sân bay quân sự Villamor, Manila, ngài sẽ đáp máy bay lúc 10 giờ sáng để trở về Roma, dự kiến sẽ tới phi trường Ciampino Roma vào lúc 5 giờ 40 phút chiều cùng ngày 19-1. (SD 14-1-2014)
 
Đức Thánh Cha kêu gọi các bác sĩ Công Giáo
Lm. Trần Đức Anh OP
23:12 15/11/2014
VATICAN. ĐTC Phanxicô mời gọi các bác sĩ Công Giáo chống lại quan niệm ”thương xót giả tạo” ngày nay khiến người ta giúp phá thai, làm cho chết êm dịu và ”sản xuất con cái”.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiếp sáng ngày 15-11-2014 dành cho 5 ngàn tham dự viên cuộc gặp gỡ của Hội bác sĩ Công Giáo Italia nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Hội. Hiện diện tại buổi tiếp kiến cũng có ĐHY Fiorenzo Angelini, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh mục vụ y tế, bà Bộ trưởng sức khỏe của Italia, Beatrice Lorenzin, và nhiều trẻ em, bệnh nhân và thân nhân của họ.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC khẳng định rằng ”Tư tưởng thịnh hành ngày nay nhiều lần đề nghị một thứ ”thương xót giả tạo”: cho rằng phá thai là giúp đỡ phụ nữ, làm cho chết êm dịu là một hành vi hợp với phẩm giá con người, coi như một chinh phục khoa học khi ”sản xuất” một đứa con mà người ta coi là một quyền thay vì đón nhận người con như một món quà, hoặc dùng sinh mạng con người như con vật trong phòng thí nghiệm, gọi là để cứu vớt những sinh mạng khác”.

ĐTC minh định rằng: ”Lòng thương xót theo tinh thần Tin Mừng là lòng từ bi tháp tùng trong lúc cần thiết, tức là lòng từ bi của người Samaritano Nhân Lành, nhìn thấy, cảm thương, lại gần và giúp đỡ cụ thể (Xc Lc 10,33). Sứ mạng của anh chị em như bác sĩ đặt anh chị em hằng ngày tiếp xúc với bao nhiêu hình thức đau khổ: Tôi khích lệ anh chị em hãy trợ giúp những người khổ đau khi những người Samaritano nhân lành, đặc biệt quan tâm săn sóc những người già, bệnh nhân và người tàn tật. Lòng trung thành với Tin Mừng sự sống và tôn trọng sự sống như hồng ân của Chúa, nhiều khi đòi anh chị em những chọn lựa can đảm và đi ngược dòng, và trong những hoàn cảnh đặc biệt, có thể đi tới độ phản kháng lương tâm”. (SD 15-11-2014)
 
Các Giám mục Hoa Kỳ công bố phiên bản trực tuyến của Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo
Lã Thụ Nhân
23:37 15/11/2014
Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ vừa đưa lên mạng lưới điện toán toàn cầu bản dịch Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dày hơn 700 trang, để giúp các tín hữu dễ dàng tiếp cận hơn với những giáo huấn của Giáo Hội.

Với phiên bản trực tuyến mới này, người dùng sẽ có thể lật đến trang mình muốn. Sách có mục lục rất rõ ràng, tiện dụng vào mọi lúc, và cũng có công cụ tìm kiếm có thể tìm mọi thứ liên quan đến một chủ đề cụ thể chỉ trong một vài giây.

Chương trình cũng cho phép đánh dấu các trang và thậm chí tạo các ghi chú ngắn. Người dùng có thể chia sẻ bất kỳ trang nào lên Facebook, Twitter và các trang mạng xã hội khác.

Người dùng có thể đọc Sách Giáo lý bằng tiếng Anh hay tiếng Tây Ban Nha. Phiên bản trực tuyến này là phiên bản sách Giáo lý của người Mỹ, phù hợp cho người Công Giáo tại Hoa Kỳ và được Tòa Thánh chuẩn y.

Sách có thể xem tại đây: http://www.usccb.org/beliefs-and-teachings/what-we-believe/catechism/us-catholic-catechism-for-adults/
 
Tổng thống Áo tặng Đức Giáo Hoàng Phanxicô một CD nhạc của Mozart
Lã Thụ Nhân
23:41 15/11/2014
Hôm thứ Năm 13 tháng 11, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp kiến Tổng thống Cộng hòa Áo Heinz Fischer tại Dinh Tông Tòa Vatican.

Trong buổi gặp gỡ thân mật, hai bên đã thảo luận một số chủ đề bao gồm tự do tôn giáo, nhân quyền, đối thoại liên tôn và liên văn hóa. Tổng thống Heinz Fischer giới thiệu với Đức Giáo Hoàng phu nhân Margit và các thành viên khác của chính phủ ông. Sau đó ông tặng Đức Giáo Hoàng một tác phẩm nghệ thuật là mô hình Nhà thờ Chánh tòa Stephen tại Vienna thu nhỏ và một đĩa CD nhạc các tác phẩm của nhà soạn nhạc người Áo, Wolfgang Amadeus Mozart.

Đáp lại, Đức Giáo Hoàng đã tặng cho ông một huy hiệu đánh dấu năm thứ hai triều giáo hoàng của ngài. Ngài cũng tặng ông một bản Tông huấn "Niềm vui Phúc Âm". Tổng Thống xin Đức Giáo Hoàng ký tặng vào bản Tông huấn.

Đây là cuộc hội kiến đầu tiên giữa tổng thống Áo đương nhiệm và Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
 
Tòa Thánh phát hành bộ sưu tập các bài hát và các bài phát biểu của Cơ Mật Viện
Lã Thụ Nhân
23:51 15/11/2014
Cơ Mật viện là một trong các cuộc họp bí mật nhất trên thế giới. Khi các cánh cửa của Nhà nguyện Sistine khép lại, chỉ có các vị Hồng Y và các bức bích họa của Michel Angelo chứng kiến cuộc bầu chọn Giáo Hoàng.

Giờ đây nhờ có một CD mới, do Đài phát thanh Vatican và Ban hợp xướng Nhà nguyện Sistina phát hành, mọi người có thể nghe âm nhạc, những giai điệu và những bài thánh ca được hát trong những ngày đánh dấu lịch sử của Giáo Hội.

Mirko Gratton, thuộc Universal Music cho hay: "Đây là lần đầu tiên bạn có thể nghe những bản nhạc của Cơ Mật Viện. Dĩ nhiên có bản thánh ca Gregorian, bởi vì đây là truyền thống của Giáo Hội chúng ta, nhưng nó không chỉ có bản thánh ca Gregorian mà thôi".

Với tựa đề 'Habemus Papam' (Chúng ta đã có Giáo Hoàng) hai phần của CD bao gồm những bản nhạc trong Thánh Lễ khai mạc mật nghị bầu Giáo Hoàng, từ khi bước vào Cơ mật viện và thậm chí có cả bài phát biểu nổi tiếng đầu tiên của Đức Giáo Hoàng.

Đức Ông Massimo Palombella là Người chỉ huy Ban hợp xướng của nhà nguyện Sistina nói rằng đĩa CD không chỉ là đĩa nhạc tốt. Về cốt lõi, đó là cách loan báo tin mừng. Đức Ông Massimo Palombella cho biết như sau:

"Ban hợp xướng Nhà nguyện Sistina có một sứ mạng của Giáo Hội. Nếu chỉ chơi nhạc tốt, Tòa Thánh không thể biện minh cho ngân sách để giữ cho ban hợp xướng hoạt động. Cốt lõi của Ban hợp xướng là loan báo Tin Mừng qua âm nhạc".

Hơn thế nữa, bộ sưu tập các bài hát và các bài phát biểu này được mô tả như là tài liệu âm nhạc đầu tiên của Cơ mật viện. Những bản ghi âm được Đài phát thanh Vatican thực hiện trực tiếp, vì vậy người ta có thể nghe thấy tiếng ồn xung quanh, tiếng bấm máy ảnh, và thậm chí cả tiếng máy bay trực thăng lượn nhiều vòng bên trên quảng trường Thánh Phêrô.

Mirko Gratton, thuộc Universal Music nói thêm: "Mang lại bầu khí này cho hàng triệu người là một điều gì đó mà chúng tôi tin là rất đặc biệt."

Việc phát hành này cũng có bản ghi âm chính thức do Ban hợp xướng Nhà nguyện Sistina thực hiện, trong đó bao gồm các bản nhạc được sáng tác nhiều thế ký trước đặc biệt dành cho những cử hành thuộc về Giáo Hoàng. CD này đã phát hành ở Ý và sẽ được phát hành trên toàn thế giới vào ngày 28 tháng 11.
 
Đừng đặt tiền bạc lên trên hết
Lã Thụ Nhân
23:54 15/11/2014
Hôm thứ Sáu 14 tháng 11, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến các tham dự viên của Đại hội Kế toán Thế giới. Nhóm này đại diện cho hơn 2 triệu kế toán chuyên nghiệp từ 124 quốc gia. Hàng trăm người đã đến Rôma để gặp gỡ Đức Thánh Cha Phanxicô.

Trong huấn từ của mình, Đức Thánh Cha nhắc nhở họ rằng nên phục vụ công ích trước khi kiếm tiền. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Tôi yêu cầu tất cả các bạn, nhất là những người mà nghề nghiệp đòi hỏi sự thịnh vượng của hệ thống kinh tế của một quốc gia, hãy thể hiện vai trò tích cực và xây dựng trong công việc hàng ngày của bạn, hãy nhận thức rằng đằng sau mỗi tờ giấy, đằng sau mỗi câu chuyện, là một con người."

Ngài cũng kêu gọi hệ thống kinh tế đừng lợi dụng những người yếu thế và đừng đặt tiền bạc lên trên tất cả mọi thứ. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Kinh tế và tài chính là hai khía cạnh của hoạt động con người. Điều này có thể tạo nên một cơ hội gặp gỡ, thảo luận, hợp tác để công nhận các quyền, các dịch vụ và phẩm giá công việc của một người. Nhưng thật cần thiết để con người và phẩm giá của họ trở thành trung tâm điểm của quá trình này. Phương thức này có thể mất tác dụng khi mà sự năng động có xu hướng tiêu chuẩn hóa tất cả mọi thứ và đặt tiền lên trên hết".

Sau đó Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến sự cần thiết của đạo đức trong kinh tế, tài chính và lực lượng lao động.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm Melbourne mừng bổn mạng.
Trần Văn Minh.
20:21 15/11/2014
Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm Melbourne và Huynh đoàn Đa Minh Thánh Martinô De Porres mừng bổn mạng.

Melbourne, 15/11/2014. Lúc 11 giờ, tại Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (Our Lady) Maidstone. Huynh đoàn Đa Minh Thánh Martin De Porres đã hân hoan mừng kính bổn mạng huynh đoàn. Các đoàn viên trong huynh đoàn đã mặc đồng phục là những bộ áo trắng dòng làm cho Thánh lễ mừng bổn mạng hôm nay thêm phần long trọng.

Thánh lễ do Linh mục Giuse Đinh Trọng Chính thuộc Dòng Đa Minh Việt Nam, đại diện Linh mục Tổng linh hướng dòng, đồng tế cùng với một Linh mục dòng đến từ Tân Tây Lan. Thánh lễ do Ca đoàn Nữ vương Maidstone phụ trách phần Thánh ca.

Xem Hình

Trong phần chia sẻ lời Chúa, qua bài Phúc Âm muối và ánh sáng, Linh mục Đinh Trọng Chính đã tâm tình cùng với quý ông bà đoàn viên, chúng ta sống làm sao, sống thế nào mà được như gương Thánh Martino sống không phải cho chúng ta, mà sống để làm sáng danh Chúa. Sống như muối đất và sống như ánh sáng để soi sáng cho thế gian.

Thánh lễ mừng kính bổn mạng Huynh đoàn Martino, huynh hoàn đã có nghi thức khấn dòng cho 4 đoàn viên, trong đó có một đoàn viên khấn tạm 3 năm và ba đoàn viên khấn trọn đời. Trong ngày mừng vui, Huynh đoàn đã giới thiệu và ra mắt ban phục vụ mới nhiệm kỳ 2014 – 2017.

Sau Thánh lễ, trong một ngày với thời tiết tương đối đẹp. Mọi người được mời qua bên hội trường giáo xứ để chung hưởng niềm vui qua bữa ăn nhẹ, và là dịp gặp gỡ trao đổi giữa các đoàn viên các huynh đoàn bán trong Liên huynh đoàn Đa Minh Victoria.

Trung tâm Công giáo Thánh Vinh Sơn Liêm.

Cùng trong ngày, vào lúc 5.30. Tại Nguyện đường Trung tâm Công giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm. Cộng đoàn đã tổ chức Thánh lễ mừng kính trọng thể Thánh Vinh Sơn Liêm là bổn mạng cộng đoàn, và lễ hội Vinh Sơn Liêm hằng năm.

Xem Hình

Sau tuần tam nhật, để giúp mọi người dọn tâm hồn đón mừng lễ bổn mạng. Tại khuôn viên trung tâm, bên hàng rào lối vào cổng chính, cờ xí phất phới tung bay và một tấm băng rôn màu đỏ nổi bật hàng chữ trắng: Chào mừng ngày lễ hội Thánh Vinh Sơn Liêm 2014. Và thêm một sự khác biệt hơn các năm, để phòng hờ thời tiết xấu, ban tổ chức lễ hội cộng đoàn có một tấm dù lớn, đã được giăng tạm lên trước khán đài để che nắng mưa cho cộng đoàn ngồi tham dự Thánh lễ.

Một điểm nổi bật nữa, năm nay là đoàn lễ sinh rất đông đảo, bao gồm các em chính thức và các em tập sự, với lễ phục áo khoác ngoài mầu đỏ thật nổi, thu hút sự tham gia của các em trẻ trong cộng đoàn. Đúng 5.30 chuông trống reo vang chào mừng ngày lễ hội của cộng đoàn, hai thanh niên đã đại diện cộng đoàn cung nghinh tượng Thánh Vinh Sơn Liêm lên lễ đài, trong lúc vị Chủ tịch cộng đoàn, ông Cao Minh Đức đọc lời suy tôn Thánh bổn mạng. Tiếp theo là ba vị cao niên trong cộng đoàn, với quốc phục Việt Nam lên dâng hương trước tượng Thánh Vinh Sơn Liêm.

Đoàn đồng tế gồm quý cha khách, một vị đến từ Anh quốc, 2 cha Dòng Ngôi Lời, và 3 cha Dòng Thánh Thể, gồm cả Cha Quản nhiệm Giuse Trần Ngọc Tân, tiến lên lễ đài, sau khi xông hương bàn thờ, cha chủ sự đã đến trước bàn thờ Thánh bổn mạng để xông hương lên tượng Thánh Vinh Sơn Liêm. Thánh lễ đã được các ca đoàn phân công phụ trách phụng vụ Thánh lễ mà phụ trách hát lễ là hai Ca đoàn Belem và Babylon.

Cuối lễ, sau khi các linh mục đồng tế ban phép lành xong, Linh mục Quản nhiệm long trọng tuyên bố khai mạc Lễ hội Cộng đoàn Công giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm Năm 2014. Một buổi văn nghệ thật đặc sắc với những hoạt cảnh tử đạo, do các phong trào Cursilo, Ca đoàn Cecilia, các cháu thiếu nhi, và vũ dân tộc do Giáo khu Gioan Bosco trình diễn, với trang phục lính thú, với gươm giáo, và những y phục cổ truyền đẹp mắt, tập luyện công phu, làm cho người xem cũng hòa nhập và hiểu được gương anh dũng bất khuất, lịch sử các Thánh Tử vì Đạo của tiền nhân. Phía dưới sân khấu, mọi người trong cộng đoàn vừa thưởng thức các món ăn, vừa thưởng thức văn nghệ.

Văn nghệ Lễ hội Vinh Sơn Liêm năm nay thật vui, tuy có một chút mưa gió làm cho không khí lành lạnh và ướt át vào phút cuối, nhưng trên nét mặt ai cũng hiện rõ niềm vui trong ngày lễ hội mừng bổn mạng cộng đoàn.

Được biết, đây là lễ bổn mạng và lễ hội cộng đoàn đầu tiên của Linh mục tân quản nhiệm Trần Ngọc Tân SSS.

Trần Văn Minh.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Câu chuyện về một tấm hình
Tuyên Úy Nguyễn & Bảo Phương
00:40 15/11/2014
CÂU CHUYỆN VỀ MỘT TẤM HÌNH

Đáng lẽ ra hai cha con tôi đã bị giết chết vào ngày có tấm hình này. Để hiểu câu chuyện, xin mời quý vị độc giả đi ngược thời gian, đến cả giai đoạn khi tôi chưa được chào đời…

Sau Đệ Nhị Thế Chiến, tất cả những quốc gia trên thế giới còn đang bị chiếm làm thuộc địa bởi một số nước Châu Âu, đã vùng lên đòi độc lập. Vào thời kỳ đó, Việt Nam đang dưới sự đô hộ của người Pháp, do đó, gần như toàn dân đều vùng lên đấu tranh vì Tự Do và Độc Lập của dân tộc. Cha tôi, một nông dân hiền lành, chất phát, cũng tham gia và đã được phát một thanh kiếm (để chống lại quân đội Pháp với súng máy, đại bác, xe tăng và máy bay).

Để chống bị lụt mỗi khi cơn lũ về trên sông Đáy, quê nội tôi đã được bảo vệ bởi hệ thống đê điều khá kiên cố. Bên kia đê, trên một vùng đất khá cao nằm sát và uốn lượn gần như cả 90 độ bên bờ sông là quê mẹ tôi. Bên kia sông là Phủ Quốc Oai thuộc tỉnh Sơn Tây (cũ) mà thi nhân Quang Dũng đã nhắc tới trong hai bài thơ của ông: “Đôi Mắt người Sơn Tây” (Sông Đáy chậm nguồn qua phủ Quốc) và “Đôi Bờ” (Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ). Làng của cha tôi chỉ cách thị xã Hà Đông khoảng chín cấy số (ngày nay toàn tỉnh Hà Đông đã thuộc về thủ đô Hà Nội). Bọn lính Tây, đa số là đám lính đánh thuê, nguyên là những tay đầu trộm đuôi cướp, từ những nước thuộc địa khác của Pháp ở miền bắc của Châu Phi, chúng không đếm xỉa gì đến sinh mạng và tài sản của dân chúng. Thực tế chúng chỉ biết cướp bóc, tàn sát đàn ông, hãm hiếp phụ nữ và tiêu diệt những ngôi làng chưa chấp nhận "sự bảo vệ" của chính phủ Pháp. Thuở ấy gọi là “vào Tề”.

Một lần, cha tôi chỉ với một thanh kiếm trong tay, đã cố vượt qua bờ đê trước khi một đơn vị tuần tra của bọn Pháp đến với những xe bọc thép có bánh xe đằng trước và xích sắt ở sau (Half Tracks). Họ đã định bao vây và trừng phạt làng cha tôi một lần nữa. Thấy ông với thanh kiếm đang cố vượt qua đê không xa trước mặt, bọn chúng đã nã đại liên 30 caliber bắn đuổi theo nhưng rất may, ông không bị trúng đạn. Nếu chẳng may bị bắt chắc chắn chúng sẽ xử tử ông tại chỗ. Đạn tiếp tục đuổi theo và rít chung quanh sau khi ông đã chạy qua được mặt đê, khi đã cách chân đê khoảng trên 300 mét, ông đã nhào xuống một thuở ruộng, cố thu mình nằm bất động trên vũng bùn sát bên bờ ruộng mong manh chỉ cao chừng 3 tấc, thứ duy nhất có thể che chở cho ông. Bọn lính Pháp tiếp tục xả súng vào ông cho đến lúc chúng nghĩ rằng ông đã chết mới thôi và tiếp tục hành trình trên mặt đê. Đó là lần đầu tiên ông bị "ám sát" hụt.

Sau sự kiện đó, các bô lão trong làng đã nài nỉ cha tôi đại diện cho cả làng thương thuyết với người Pháp để tìm bình an cho dân chúng. Có vài lý do khiến cha tôi phải suy tính trước: Hầu hết các làng lân cận đã trở nên “thân thiện” (vào Tề) với Pháp trong khi làng của ông vẫn còn đang trong cảnh trên đe dưới búa, ban ngày thì Pháp lục soát, đêm về Việt Minh ra quấy phá. Nhà của ông bà để lại đã bị bọn Pháp đốt và phá hủy, cha tôi xây dựng lại nhưng một lần nữa nó lại bị phá hủy bởi những kẻ thù đó. Không thể tiếp tục như vậy mãi và quan trọng nhất là ông nhận ra được bản chất thực sự của chủ nghĩa cộng sản là vô thần và tàn bạo. Cuối cùng ông đồng ý trở thành làm “phó lý trưởng”, đại diện cho làng để đương đầu với Pháp. Quyết định này ngay lập tức dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là ông trở thành một trong những mục tiêu chính và là kẻ thù quan trọng nhất của các du kích quân cộng sản trong vùng mà vào thời kỳ đó họ được gọi là Việt Minh.

Sau khi tất cả những ngôi làng nằm trong hệ thống đê trở thành "thân thiện" (Tề), quân đội Pháp xây dựng một bốt canh cho khoảng hai tiểu đội ở ngay khúc quanh của con đê, dọc theo sự uốn lượn của sông Đáy, cách làng tôi khoảng hơn cây số. Ban đêm họ tập trung tất cả lý trưởng và phó lý của những ngôi làng quanh đó vào một căn nhà trong làng cha tôi, trong khi việc giữ an ninh cho ngôi nhà thật lỏng lẻo. Nhận thức được sự nguy hiểm đó, cha tôi đã không ngủ trong ngôi nhà ấy. Chuyện gì phải đến đã đến, một đêm, du kích Việt Minh (sau này trong suốt thời kỳ chiến tranh từ đầu thập niên 60s đến giữa 70s, người ta gọi là họ Việt Cộng – Cộng Sản Việt Nam - viết tắt là V.C. và đọc theo tiếng Anh là Vi-Xi) trang bị súng trường và súng lục đã tới và giết chết nhiều người, trong đó có cả ông lý trưởng của làng cha tôi, bắt cóc những người khác, chỉ một số ít người trong số họ đã trốn thoát.

Sáng hôm sau, lính Pháp từ trên đồn xuống bắt cha tôi cùng những người đã sống sót từ vụ tấn công đêm hôm trước, trói quặt tay họ ra sau và giải họ về đồn trên đỉnh con đê. Họ tố cáo cha tôi và những người kia là thành phần hợp tác với Việt Minh, là những kẻ hai mang, làm việc với Pháp mà vẫn thân Cộng; nếu không, họ tiếp tục trói buộc, cha tôi và những người này đã phải bị giết hay bắt cóc như số phận của những người kia rồi. Tay vẫn bị trói sau lưng, nhóm của cha tôi phải ngồi suốt ngày dưới cái nắng gay gắt của mặt trời mùa hè mà không được ăn hay uống gì. Đến chiều bọn Pháp đã dẫn nhóm của cha tôi ra ngoài hàng rào đồn khoảng trăm mét, ở đó đã có sẵn năm người Việt Nam khác trong tư thế quỳ, tay cũng bị trói về phía sau. Không nói một lời, bọn lính Pháp thay phiên nhau chặt đầu năm người ấy, sau đó họ lạnh lùng nói với nhóm của cha tôi:

“Đây là sự cảnh cáo cho tụi bay, đừng để chúng tao chặt đầu tụi bay như những tên Việt Minh này!”

Việt Minh,viết tắt là V.M., phát âm theo tiếng Pháp là "Vê Em = VEM" mà những người Việt miền Nam đã gọi trại ra là VẸM.

Sau thử thách đó, cha tôi được đưa lên làm Tân Lý Trưởng, nhưng cũng từ đó ban đêm ông vẫn phải ở lại trong đồn Pháp, vì du kích Việt Minh rất lộng hành vào ban đêm. Thời gian đó, mẹ tôi đang mang thai đứa con thứ ba, là tôi, đã được khoảng năm, sáu tháng, mỗi đêm mẹ vẫn phải ẵm người chị thứ hai của tôi đến trú ẩn ở nhà họ hàng hay bạn bè. Đôi khi vì tránh né sự lùng sục của Việt Minh, mẹ tôi đã phải vừa bò, vừa che chở cho đứa con nhỏ, chui vào giữa bụi tre đầy gai. Những áp lực quá sức đó đã làm cho mẹ tôi suýt bị sẩy thai! Khi được chào đời, tôi đã nhỏ bé và ốm yếu như một đứa trẻ suy dinh dưỡng. Nhưng dù sao tôi vẫn là con trai đầu lòng của cha tôi và không điều gì có thể khiến ông tự hào hơn.

Tạ ơn Chúa! Mọi việc dần trở nên yên ổn hơn, cha tôi vẫn tiếp tục làm kẻ hòa giải giữa người dân trong làng và chính quyền Pháp. Một lần ông đã chống lại viên sĩ quan chỉ huy (đúng ra là một hạ sĩ quan cao cấp) ở cái đồn Tây đó vì những đòi hỏi phi lý của hắn ta, kết quả là tên này bị thuyên chuyển đi nơi khác. Nhiều lần cha tôi đã giúp mọi người giải quyết các bất công từ người Pháp. Sau này, ông vẫn tự hào kể lại với tôi rằng:

“Thầy (quê tôi gọi Cha mình là Thầy) chưa bao giờ nhận bất cứ thứ gì của người dân, ngay cả một con gà hay chai rượu đế.” (một loại rượu làm từ gạo của địa phương, với độ cồn ít nhất là 90 proof)

Có một lần, sau khi đã trở thành tiểu đội trưởng dân quân của địa phương, thuở ấy được gọi là Hương Dũng. Cha tôi đã cứu sống một anh Việt Minh! Anh du kích này đã bị bắt bởi lực lượng vũ trang Pháp và đưa về đồn của họ. Nếu không có gì thay đổi, anh này sẽ bị xử tử trong vòng vài giờ, bố mẹ anh ta đã vội vã đến gặp cha tôi và cầu xin giúp đỡ. Sau khi nghe chuyện, ông đã bảo họ mang đến hai con gà và một chai rượu, rồi ông dùng những thứ đó làm quà biếu viên sĩ quan chỉ huy đồn, và nói dối ông ta:

"Qua một trung gian, chàng trai này đã đồng ý với tôi là anh ta sẽ ra hàng. Sáng sớm nay, khi trên đường đến gặp tôi, anh ta đã bị người của các ông bắt. Anh ta thực sự đã đầu hàng chúng tôi".

Cuối cùng viên trưởng đồn Pháp, đã đồng ý cho cha tôi đưa anh du kích về đồn của ông để tiến hành thủ tục đầu hàng. Người thanh niên này không có sự lựa chọn nào khác mà phải làm theo ý cha tôi để bảo vệ mạng sống của anh ta. Ông ấy đã sống đến 1954 và nhiều năm sau nữa.

Trong một lần về thăm nhà, cha tôi đã tâm sự với tôi rằng, “Nghiêm túc mà nói thì người thanh niên đó là kẻ thù của thầy, nhưng anh ta vẫn là người Việt Nam, là con duy nhất trong gia đình mà thầy biết rất rõ về dòng họ của anh ấy”. Cũng có nhiều người bạn, ngoài đạo Công Giáo, của cha tôi, chấp nhận đi kháng chiến với Việt Minh vì họ không còn cách nào khác, đơn giản, họ chỉ muốn đấu tranh giành tự do, độc lập từ chủ nghĩa thực dân ác độc cho nhân dân họ. Và dĩ nhiên nhiều người trong số họ đã đau đớn nhận ra rằng giấc mơ về một Việt Nam mới của họ đã tiêu tan khi bản chất thực sự của Chủ Nghĩa Cộng Sản đã bộc lộ nguyên hình vào năm 1954, khi hiệp định Geneva có hiệu lực và Cộng Sản đã tiếp quản miền Bắc Việt Nam.

Mặc dù đã nỗ lực rất nhiều, cuối cùng Việt Minh vẫn thất bại trong việc bắt giữ mẹ tôi. Họ để lời nhắn lại rằng: "Họ sẽ không làm hại bà, nếu bà chỉ ở trong nhà". Về phần mẹ tôi, bà đã kiệt sức vì phải chạy trốn mỗi đêm nên cũng quyết định giữ vững lập trường và ở nhà đương đầu với họ. Một đêm kia, Việt Minh đến nhà tôi và cố chơi trò tâm lý để thuyết phục mẹ tôi rằng mục tiêu cha tôi đang theo đuổi là sai, là chống lại nhân dân (họ luôn tự đồng hóa đảng của họ với nhân dân) và mẹ tôi nên khuyến khích cha tôi trở về phía nhân dân. Mẹ tôi đã đơn giản trả lời rằng:

"Tôi chỉ là một thai phụ với hai con nhỏ, không biết gì về những việc các ông và chồng tôi làm, các ông hãy nói chuyện trực tiếp với chồng tôi và làm ơn để cho tôi và các con tôi được yên".

Họ đã khó chịu ra mặt khi không thuyết phục được mẹ tôi, lúc đó con chó của chúng tôi thấy người lạ đã sủa lớn tiếng. Họ nổi giận đứng lên và đe dọa theo lối côn đồ:

"Suỵt con chó cho nó im ngay, nếu không, chúng tôi sẽ bắn nó và chị phải đền tiền viên đạn đó". Đó không phải lần duy nhất họ đến thăm "xã giao" với mẹ tôi.

Trong khi đó, vào ban ngày cha tôi vẫn tiếp tục công việc thường nhật giữa nhà mình và đồn Pháp, nhưng phần lớn thời gian là ở ruộng hay làm những công việc hành chính cho dân làng. Một buổi xế chiều, cha tôi và một vị lý trưởng khác có việc về nhà ông ấy trên chiếc xe đạp của cha tôi. Họ chỉ mới rời khỏi đồn vài trăm thước trên con đường đất của mặt đê, thình lình có hai người đàn ông nhảy bổ ra và đạp vào xe của cha tôi! Họ ngã nhào xuống đất và vị trưởng làng kia lăn xuống tận chân đê, cách mặt đê ít nhất 10 mét. Hai tên đó lao theo ông ấy, con mồi dễ nuốt hơn, và liên tiếp đâm ông ta. Vẫn đứng trên mặt đê và không có tấc sắt trong tay, nhưng cha tôi đã nhanh trí, làm bộ để tay trong áo và hét lên:

"Tao sẽ ném lựu đạn"

Nghe vậy, hai người Việt Minh đã thả bạn của cha tôi ra và tẩu thoát. Dù bị đâm đến hơn mười nhát dao nhưng người bạn của cha tôi vẫn sống sót sau vụ tấn công đó. Lúc ấy những người Việt Minh không thể sử dụng vũ khí với bất kỳ tiếng nổ nào trên mặt đê hay dưới ruộng lúa, vì nó sẽ khích động người lính Pháp, đang canh đồn với khẩu đại liên 50 calibers, nã đạn vào tất cả bọn họ chẳng cần phân biệt bạn hay thù.

Vào một sáng sớm khác, cha tôi vừa từ đồn trở về và đưa bò ra ruộng cày. Trời mưa nhẹ, bỗng có hai người đàn ông xuất hiện ở sân nhà, họ cải trang như những nông dân với áo mưa (áo tơi, tự chế bằng những lá khô dài) nhưng mẹ tôi vẫn có thể nhìn rõ được những khẩu súng phía trong. Tuy nhiên, những người này đã không thể đuổi theo cha tôi vì ông đã đi ra đến đồng trống và họ sợ rằng tất cả mọi người sẽ bị quân Pháp bắn chết, nếu họ nã đạn vào ông.

Sau đó, đột nhiên "trò chơi" thay đổi khi chính phủ Pháp quyết định thiết lập lực lượng nhân dân tự vệ địa phương mà thời đó gọi là Hương Dũng. Họ đề nghị cha tôi thôi những công việc hành chính của lý trưởng để phụ trách một trong số hơn mười đồn mới sẽ được xây cất rải rác trong khu vực. Tất nhiên cha tôi sẽ được huấn luyện quân sự cần thiết cho nhiệm vụ mới nhiều phiêu lưu và "lý thú" này. Ít nhất nhờ cơ hội này, cha tôi và những người nông dân chất phát có cơ hội tự bảo vệ bản thân, gia đình và ngôi làng của họ.

Sau khi đảm nhận chức vụ Trưởng đồn của một đồn mới nằm phía bên kia của đồn Pháp và cách làng tôi khoảng một cây số, cũng trên con hương lộ dẫn đến thị xã của tỉnh Hà Đông. Ngay lập tức cha tôi nhận ra một vài điểm chiến lược:

Thứ nhất: hệ thống đê bao quanh nửa tỉnh Hà Đông đã là một thành lũy tự nhiên cho toàn khu vực. Kẻ thù từ phía bên kia sông Đáy có thể cố gắng để xâm nhập vào vùng này với một đơn vị lớn, nhưng nếu họ chậm trễ và phải rút quân sau khi trời sáng, đơn vị của họ sẽ dễ dàng bị tiêu diệt, vì họ phải băng qua một cánh đồng lúa rộng lớn trước khi họ tiếp cận với con đê. Băng qua đê cũng không phải là việc dễ dàng. Sau đó họ còn phải băng qua một đồng lúa khác trước khi đến được dòng sông. Cuối cùng họ phải vượt sông mới vào đến khu vực miền núi tương đối an toàn. Chỉ tương đối an toàn, vì có thể họ vẫn còn phải chịu đựng các cuộc tấn công từ trên không của Không Quân Pháp.

Thứ hai: Vì cuộc tấn công bởi một đơn vị lớn hầu như không thể xảy ra trong khu vực cha tôi đảm nhiệm, nên tất cả công việc ông phải làm sẽ là đối phó với lực lượng du kích địa phương. Do đó, ông đã dành cả ngày và đêm để tuần tra khu vực với số quân đầy đủ của đơn vị, một tiểu đội (12 người). Đôi khi họ cùng hành quân với lực lượng của các đồn khác, hay ngay cả binh lính từ đồn Pháp. Các du kích Việt Minh không thể tập hợp được một lực lượng mạnh hơn để đương đầu với quân Hương Dũng vì vậy họ đã chọn cách tránh né.

Thứ ba, ngay cả trước khi thành lập lưc lượng Hương Dũng, Việt Minh cũng chỉ xuất hiện vào ban đêm, nên câu hỏi ở đây là: "Vậy ban ngày họ đã ở đâu?" Cha tôi sớm phát hiện ra nơi ẩn nấp nấp bí mật của họ. Chủ yếu là ở hai nơi: một đường hầm ở bờ ao, khi có sự cố họ sẽ trượt xuống nước, thở bằng một ống hút hay một ống tre nhỏ đục rỗng bên trong. Nơi khác là một đường hầm cạnh bụi tre, tương tự nơi trước đây không lâu mẹ tôi đã phải ẩn nấp, với những lỗ thông hơi đặt trong giữa bụi rậm.

Sau khi một vài hầm bí mật bị phát hiện, phần lớn các lực lượng du kích trong toàn khu vực đã buộc phải rút lui về phía bên kia sông Đáy. Tinh thế đã hoàn toàn thay đổi mà phần lợi nghiêng về phía Hương Dũng. Thời gian này tương đối bình yên, các làng lại tiếp tục những hoạt động lễ hội truyền thống có từ hàng trăm hay ngàn năm trước đây của họ.

Tuy vậy, điều này vẫn không có nghĩa là cha tôi đã thoát khỏi nguy hiểm. Một buổi sáng, trên đường từ đồn về nhà, ông đã bị phục kích bởi một anh du kích núp trên đống rơm trong vườn nhà người hàng xóm. Nhưng vì cha tôi đã đạp xe quá nhanh (tính ông vốn thế) và anh du kích lại bị dao động mạnh, run tay không nổ súng kịp (sau này anh ta đã nhận như vậy). Một khi cha tôi về tới cửa nhà thì cơ hội thành công của anh Việt Minh chỉ còn được 50 phần trăm vì lúc đó cha tôi có thể đã trang bị (ông thường dắt một khẩu súng ngắn, Colt 12, trong áo). Cuối cùng, anh Việt Minh đã chọn cách im lặng trượt xuống khỏi đống rơm và lẩn mất.

Khi tôi lớn đủ, cha tôi đã tự hào đưa tôi đi nhiều nơi bằng xe đạp, ông luôn để tôi ngồi phía trước vì sợ rằng tôi không đủ sức để ôm lưng ông. Theo phong tục của người Việt Nam, chúng tôi không tổ chức sinh nhật riêng cho từng người nhưng mừng chung vào những ngày Tết âm lịch. Tuy nhiên, vào khoảng sinh nhật lần thứ năm của tôi, cha tôi quyết định là hai bố con xuống thị xã Hà Đông để cùng nhau chụp hình. Không biết rằng nguy hiểm chết người đang rình rập, cha tôi vừa huýt sáo, vừa nhẹ nhàng đạp xe và cố tránh những ổ gà, vì sợ xóc quá sẽ làm con trai trưởng của ông khó chịu trên con đường đất gồ ghề. Giữa đường đến thị xã, trong một căn nhà đổ nát, hai người du kích Việt Minh đang đợi với súng trường đã lên đạn và đang nhắm về hướng chúng tôi. Khi chúng tôi tiếp cận càng lúc càng gần vị trí của của họ, đến khoảng một trăm mét, một người đã sẵn sàng để siết cò. Đột nhiên người Việt Minh lớn tuổi hơn thì thầm:

"Đừng bắn! Chúng ta có thể giết oan thằng bé".

Vậy đó, chỉ cần vài lời ngắn ngủi, họ đã tha và vĩnh viễn thay đổi cuộc sống của hai mạng người. Sau chiến tranh, người du kích này trở về quê và kể lại câu chuyện với người em họ của cha tôi. Trong khi đó hai bố con tôi chẳng biết gì và vẫn vui vẻ tiếp tục hành trình xuống thị xã, chụp chung tấm hình đầu tiên trong đời.

Tại sao người Việt Minh đó đã nghĩ vậy? Chỉ vì tôi hay còn những lý do nào khác? Có thể ông ta cũng đã nghĩ về những sự phi lý trong cuộc chiến này, khi những người anh em giết hại lẫn nhau, bạn chặt đầu bạn. Có lẽ ông ta cũng mệt mỏi với những vụ chém giết hay kết thúc thêm mạng sống của một người nữa, một người bạn đã từng chơi chung khi họ còn là những đứa trẻ, ở trước nhà thờ hay trong sân đình làng. Có thể là tất cả những gì đã nêu trên. Tuy nhiên, điều đó không quan trọng. Với tôi, đây là đặc ân Thiên Chúa đã ban cho hai bố con tôi được sống thêm hơn sáu mươi năm nữa trong cuộc đời này, cho tới hôm nay.

Còn với cha tôi, ông cũng có vài điều hối tiếc trong những năm sôi động của đời ông. Đầu tiên, ông hối tiếc vì đã không cứu sống được một anh Việt Minh, bị Pháp bắt ngay tại cổng làng tôi và bị bắn chết giữa đường trở về đồn của họ. Thứ hai, một lần có hai người du kích Cộng Sản tái xâm nhập vùng này và trốn trong ngôi đình của làng họ. Không may, đám trẻ đã nhìn thấy họ và báo cho chính quyền. Các lực lượng kết hợp gồm đồn của cha tôi và đồn của Pháp đã nhanh chóng bao vây ngôi đình. Chống lại các lực lượng áp đảo của phe đối lập, họ vẫn từ chối đầu hàng và đã chiến đấu dũng cảm. Cuối cùng, người đàn ông đã hy sinh trong chiến đấu, người phụ nữ trẻ, em họ của người đàn ông, đã trườn mình xuống một cái ao gần đó và cố gắng để thở bằng một cái ống. Khi những anh lính Hương Dũng kéo cô ta lên khỏi mặt nước, cô ấy đã sắp chết đuối. Binh lính Pháp đưa cô ta về đồn của họ, nhưng cô ta đã không vượt qua được cơn thử thách.

Hối tiếc lớn nhất của cha tôi là về môt người trong gia đình, em trai của mẹ tôi! Khi người dân cả nước vùng lên chống Pháp, cha tôi và hai người em trai của mẹ tôi cũng tham gia. Sau đó ít lâu, cha tôi rời phong trào Cộng Sản, nhưng hai cậu tôi vẫn ở lại, nhiều khả năng vì làng họ nằm ngoài khu vực bảo vệ của người Pháp, do đó, họ không có sự lựa chọn nào khác hơn là phải ở lại. Sau khi cha tôi trở thành đồn trưởng của Hương Dũng, cậu thứ hai của tôi đã bị lực lượng Pháp, không phải những binh sĩ từ đồn Pháp gần nhà, bắt và đưa thẳng xuống thị xã Hà Đông vào một buổi tối. Khi cha tôi biết tin thì đã khuya, không thể có bất kỳ nỗ lực đàm phán nào. Cha tôi dự định sớm hôm sau, sẽ xuống thị xã và cố tìm cách để cứu cậu. Nhưng thật đáng tiếc, người Pháp đã đi trước cha tôi một bước, họ đã đua cậu đến chỗ ông bị bắt và hành hình.

Nhiều năm qua, tôi đã nghe đi, nghe lại câu nói của cha tôi đến hàng nghìn lần, mỗi lần nhắc lại ông đều nghẹn ngào, với giọng nói đầy cảm xúc và đôi mắt đẫm lệ:

"Thầy có thể cứu được người khác, nhưng lại không thể cứu được chính em trai mình!"

TUYÊN ÚY NGUYỄN và BẢO PHƯƠNG
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ : Dùng iPad để đọc Tin Mừng trong Thánh lễ được không?
Nguyễn Trọng Đa
09:49 15/11/2014
Giải đáp phụng vụ : Dùng iPad để đọc Tin Mừng trong Thánh lễ được không?

Hỏi: Tôi muốn biết liệu tinh thần của “Qui chế Tổng Quát của Sách Lễ Rôma” sẽ cho phép linh mục sử dụng iPad để đọc Tin Mừng được không? Nếu được, sau khi đọc xong, linh mục hôn iPad hay hôn Sách Tin Mừng? - H. A., Lashibi, Ghana

Đáp: Cho đến nay, Giáo Hội hoàn vũ chưa có tuyên bố chính thức nào về việc sử dụng các máy tính bảng điện tử trong phụng vụ. Ít nhất một Đức Hồng Y, khi cử hành thánh lễ trong nhà thờ chính tòa của ngài, đã công khai sử dụng một máy tính bảng thay cho sách lễ, nhưng điều này không tạo ra sự phê chuẩn chính thức. Ngược lại, một tuyên bố gần đây của Hội đồng Giám mục New Zealand nói rằng máy tính bảng không được sử dụng cho Thánh Lễ và các nghi lễ công khai khác.

Do đó những gì tôi nói không có chỗ đứng chính thức nào. Tôi tự giới hạn vào điều tôi xem có liên quan đến các nguyên tắc phụng vụ mà thôi.

Mặc dù tôi sử dụng một máy tính, tôi thừa nhận rằng tôi không ái mộ công nghệ và tự quản lý để tồn tại, mà không bị ràng buộc bởi điện thoại di động hay máy tính bảng.

Liên quan đến việc sử dụng điện thoại hoặc máy tính bảng, tôi không thấy bất kỳ khó khăn lớn nào cho linh mục hay bất cứ ai khác, trong việc sử dụng các thiết bị này để đọc Các Giờ Kinh Phụng Vụ, nhất là khi đi đường xa hoặc du lịch.

Đối với việc sử dụng một máy tính bảng để thay thế cho sách lễ, sách bài đọc và sách Tin Mừng trong Thánh Lễ, tôi sẽ do dự nhiều hơn.

Một mặt, người ta có thể lập luận rằng các sách phụng vụ, giống như bất kỳ cuốn sách nào khác, là một phương tiện lưu giữ và truyền tải thông tin. Trong ý nghĩa này, máy tính bảng thực hiện tốt chức năng tương tự như các trang sách in, nhưng với một số lợi thế gia tăng khác. Ví dụ, máy tính bảng có thể chứa tất cả các sách nghi lễ vào một chỗ, và nó cho phép chủ tế có thể chuyển đổi bản văn từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác khi cần thiết, và điều chỉnh kích cỡ chữ để đọc cách thoải mái nhất.

Mặt khác, có một nguyên tắc, vốn trong khi không cần thiết cho phụng vụ, là nên cân nhắc cẩn thận trước khi sử dụng các công cụ như vậy.

Giáo Hội có truyền thống dành riêng các vật dụng được sử dụng trong phụng vụ cho các chức năng thiêng liêng mà thôi. Do đó, các vật dụng này thường được làm phép, để tách rời chúng ra khỏi tất cả các sự sử dụng khác. Người ta không được dùng chén thánh cho mục đích gia dụng; linh mục cũng không được lái xe xung quanh thị trấn trong bộ áo lễ. Lý do cho điều này là không phải sự phi thực tế của hành động, nhưng bởi vì các vật dụng thánh thiêng được dành riêng cho một thời gian, một địa điểm và một chức năng đặc biệt.

Tương tự như vậy, các cuốn sách được sử dụng trong việc cử hành phụng vụ thường được làm phép và chỉ dành cho việc sử dụng linh thiêng. Chúng cũng được in và bị ràng buộc trong một định dạng, vốn nhấn mạnh mục đích thánh thiêng của chúng.

Tuy nhiên, máy tính bảng, do bản chất của nó, có khả năng đa dụng. Có một cái gì đó phi lý trong việc sử dụng một máy tính bảng như là một sách lễ hoặc sách bài đọc, và ngay sau đó nó được sử dụng nó để trả lời điện thư, lướt web, hoặc tải về máy một bộ phim.

Sách Tin Mừng là một trường hợp, mà trong đó tôi tin rằng các qui tắc hiện hành áp dụng cho vấn đề của chúng ta. “Qui chế Tổng Quát của Sách Lễ Rôma”, số 120D, xác định rằng chỉ có sách Tin Mừng, chứ không phải sách bài đọc, có thể được rước đi trong cuộc rước đầu lễ, đặt trên bàn thờ. Sự phân biệt này chắc chắn có nhắm tới máy tính bảng đa dụng, do đó tôi nghĩ chúng ta có thể nói rằng các qui tắc ấy đã loại trừ việc rước máy tính bảng, đặt nó trên bàn thờ, và xông hương cho nó.

Có thể suy đoán rằng sau này ai đó có thể phát triển một máy tính bảng để sử dụng độc quyền cho phụng vụ, với một thiết kế thích hợp và không có các chương trình khác được cài đặt kèm theo. Lúc ấy, điều đó có thể làm thay đổi cuộc tranh luận về vấn đề này.

Cho đến khi thời gian ấy xảy ra, tôi nghĩ rằng tốt nhất chúng ta nên tránh sử dụng các công cụ này, để duy trì sự nổi biệt thiêng liêng của phụng vụ khỏi sự buồn tẻ của các hoạt động thông thường.

Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như khi một linh mục đi du lịch, tự tìm thấy mình bị bắt buộc và không có sách lễ nào để sử dụng, tôi tin rằng linh mục ấy có thể sử dụng một máy tính bảng để cử hành Thánh Lễ. (Zenit.org 12-6-2012)

Sử dụng iPad như thế nào trong phụng vụ?

Nhiều độc giả viết thư góp ý thêm về bài của tôi ngày 12-6 về việc dùng iPad như một Sách lễ hoặc Sách bài đọc. Thực tế, tất cả đều đồng ý với lập luận rằng truyền thống gìn giữ các đồ vật thánh cho việc phụng vụ mà thôi có thể loại trừ các công cụ như là iPad trong cung thánh. Một độc giả nhận xét: "Tất cả là vì sự thánh thiện, hoặc bây giờ, là thiếu sự thánh thiện. Vì lý do tốt lành, Giáo Hội đã trao cho chúng ta các công cụ thích hợp (trong trường hợp này, là Sách lễ, Sách bài đọc) để sử dụng, và thật buồn để nói rằng có những người muốn làm theo ý riêng họ, bất kể là gì".

Một số độc giả hỏi về việc sử dụng các công cụ này (chẳng hạn iPad) trong các lĩnh vực khác của phụng vụ. Một ca trưởng ở Mỹ nhận xét: "Con muốn nói với cha rằng con có cả một thư viện âm nhạc trong iPad, và con chỉ sử dụng nó độc quyền trong việc cử hành Thánh Lễ, như là một phần của thừa tác âm nhạc. Ngoài ra con không sử dụng iPad này vào việc gì khác. Tuy nhiên, nếu ai đó nói với con rằng nó có thể được linh mục dùng thay sách lễ, con thực sự phải suy nghĩ về điều đó. Nếu nó là một sự lựa chọn duy nhất, Thiên Chúa chắc là muốn Lời Ngài được tuyên bố như thế".

Tôi thấy không có trở ngại nào trong việc các nhạc sĩ và những người khác sử dụng các thiết bị này, chẳng hạn iPad, thay vì phải dùng nhiều sách, tập nhạc và các bản sao.

Mặc dù độc giả trên không nói rõ về điểm này, cần nhắc lại rằng trong khi chức năng phát lại (playback) của các thiết bị này có thể được sử dụng để giúp học các bài thánh ca mới trong khi tập hát, từ lâu Giáo Hội đã cấm sử dụng bất kỳ hình thức âm nhạc nào được thu sẵn trong phụng vụ, và việc cấm này không cho phép sử dụng âm nhạc như thế trong thánh lễ.

Cuối cùng, một độc giả ở bang California, Mỹ, đưa ra vài nhận xét thú vị: "Mặc dù iPad và các phương tiện truyền thông điện tử khác đang ngày càng trở nên đáng tin cậy hơn và thân thiện với người sử dụng, khả năng xảy ra sự cố hoặc lỗi của người sử dụng thiết bị là có thực (tôi nghĩ về các vấn đề micro hú tại một số giáo xứ). Mặc dù các trường hợp này là các vấn đề có thể giải quyết được (pin không được sạc, nhấn sai phím điều khiển, giảm âm lượng), các vấn đề đòi hỏi sự chú ý và một sự đáp trả am hiểu và lanh lẹ. Tôi nghĩ rằng việc sử dụng các phương tiện truyền thông điện tử trong phụng vụ công cộng sẽ có một sự xao lãng và rối trí, có lẽ là một sự xao lãng không phù hợp. Các ca trưởng sử dụng công nghệ chủ yếu là không có vấn đề, nhưng họ không cừ hành Thánh Lễ. Tôi là người mắt kém, nên may mắn sử dụng một iPad khi đi xa. Việc sử dụng một iPad sẽ giúp việc hát các bài thánh ca chưa quen thuộc, nhưng tôi cử hành Thánh lễ thuộc lòng. Tôi đọc trước các bài đọc ở nhà trước Thánh Lễ, trên màn hình máy tính chữ lớn. Do đó, khi tôi nghe các bài đọc trong Thánh Lễ, tôi có thể hiểu hoàn toàn. Xin lỗi cha vì tôi viết dài dóng, nhưng tôi muốn cha biết tôi đánh giá cao công nghệ biết bao trong việc phụng tự của tôi, nhưng tôi thấy nó có thể gây xao lãng".

Tôi cũng nghĩ vậy. Một linh mục mắt kém có thể sử dụng các thiết bị ấy để cử hành Thánh lễ, mặc dầu giáo luật có các giải pháp khác có sẵn (chẳng hạn như cho phép linh mục học thuộc lòng nghi thức một Thánh lễ, và cử hành Thánh lễ mỗi ngày với nghi thức ấy).

Một sự cho phép tổng quát về việc sử dụng thiết bị điện tử (chẳng hạn iPad) trong mọi trường hợp như vậy phải được cân nhắc cẩn thận. Như câu ngạn ngữ pháp lý nói "Trường hợp khó làm luật thành xấu", luật phụng vụ có nhiều sự cho phép trong các trường hợp đặc biệt, vốn được dần dần mở rộng vào sự áp dụng rộng rãi, hoặc thậm chí sự lạm dụng nữa. (Zenit.org 26-6-2012)
 
Thông Báo
Cáo phó: Ông Cố Giuse Nguyễn Văn Quang vừa từ trần
Tang gia GM Nguyễn văn Long
13:07 15/11/2014
CÁO PHÓ
"Chúa Kitô là sự sống và là sự sống mới của chúng ta"

ÔNG GIUSE NGUYỄN VĂN QUANG
Sinh ngày 14 tháng 8 năm 1925 tại Kiên Chính, Bùi Chu, Việt Nam
được Chúa gọi về Thứ Sáu, ngày 14 tháng 11 năm 2014 tại Springvale, Melbourne, Úc.

CHƯƠNG TRÌNH CẦU NGUYỆN VÀ AN TÁNG
Thứ Năm 20/11/2014 tại Tobin Brothers Funerals 505 Princes Hwy, Noble Park
7pm Viếng xác - Cầu nguyện

Thứ Sáu, 21/11/2014 tại St Joseph’s Church, 11 St James Ave, Springvale
8:00 pm Thánh Lễ và Nghi Thức Phát Tang

Thứ Bảy, 22/11/2014 tại St Joseph’s Church, 11 St James Ave, Springvale
10:30 am THÁNH LỄ AN TÁNG

TANG GIA ĐỒNG KÍNH BÁO
Vợ: Nguyễn thị Mừng (Úc)
Trưởng Nữ: Nguyễn thị Ngượi và các con (Úc)
Trưởng Nam: Nguyễn văn Hào, vợ và các con (Hòa Lan)
Thứ Nam: Nguyễn văn Hạo, vợ và con (Hòa Lan)
Thứ Nam: Giám Mục Nguyễn văn Long OFMConv (Úc)
Thứ Nam: Nguyễn văn Nghĩa, vợ và các con (Hòa Lan)
Út Nữ: Nguyễn thị Soi, chồng và các con (Việt Nam)
Út Nam: Nguyễn văn Hiệp và con (Úc)


Xin miễn phúng điếu hay đặt vòng hoa.
 
Phân ưu: thân phụ Đức Cha Nguyễn văn Long vừa từ trần
Lm Gioan Trần Công Nghị
13:13 15/11/2014
PHÂN ƯU
"Chúa Kitô là sự sống và là sự sống lại của chúng ta".
Được tin buồn

ÔNG CỐ GIUSE NGUYỄN VĂN QUANG
Thân phụ của Đức Cha Nguyễn văn Long, Ban cố vấn VietCatholic
Sinh ngày 14 tháng 8 năm 1925 tại Kiên Chính, Bùi Chu, Việt Nam
được Chúa gọi về Thứ Sáu, ngày 14 tháng 11 năm 2014 tại Springvale, Melbourne, Úc.

CHƯƠNG TRÌNH CẦU NGUYỆN VÀ AN TÁNG
Thứ Năm 20/11/2014 tại Tobin Brothers Funerals 505 Princes Hwy, Noble Park
7pm Viếng xác - Cầu nguyện

Thứ Sáu, 21/11/2014 tại St Joseph’s Church, 11 St James Ave, Springvale
8:00 pm Thánh Lễ và Nghi Thức Phát Tang

Thứ Bảy, 22/11/2014 tại St Joseph’s Church, 11 St James Ave, Springvale
10:30 am THÁNH LỄ AN TÁNG
Toàn thể Ban Đều Hành và độc giả VietCatholic khắp nơi xin thành kính phân ưu
cùng Đức Cha và toàn gia quyến.
Xin Chúa là nguồn an ủi và sức mạnh của chúng ta trong lúc thử thách này.

LM Gioan Trần Công Nghị
và toàn Ban VietCatholic