Ngày 20-11-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 21/11: Dâng mình nên thành viên trong gia đình của Chúa – Lm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, CP.
Giáo Hội Năm Châu
02:17 20/11/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Đức Giê-su còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy.” Người bảo kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.”

Đó là lời Chúa
 
Chúa là Vua
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
15:53 20/11/2024
SUY NIỆM LỄ CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ - B
(Ga 18, 33 - 37)
Chúa là Vua

Chu kỳ Năm Phụng vụ mở ra với ngày tháng dần trôi đang từ từ khép lại. Giáo hội nhắc lại cho con cái mình điều cốt yếu : Chúa là Ðấng vinh hiển quyền năng, là An-pha và Ô-mê-ga, là khởi nguyên và tận cùng, làm chủ thời gian và muôn thế hệ. Vì thế, Giáo Hội nhắc lại giây phút vũ trụ chấm dứt hay đạt đến cùng đích là Thiên Chúa, giây phút Chúa Giêsu Kitô trở lại trong vinh quang.

Thật thích hợp trong viễn cảnh này Giáo Hội mời gọi con cái mình chiêm ngắm Chúa Giêsu Kitô là vua vũ trụ. Đấng đã nhập thể làm người trong lịch sử của một dân tộc, qua việc thiết lập Nước Thiên Chúa trong lịch sử loài người. Kể từ giây phút đó, Nước Thiên Chúa được luôn phát triển và mở rộng, cho đến mức thành toàn cuối cùng khi Chúa Giêsu Kitô ngự đến đưa tất cả về cùng Thiên Chúa Cha.

Chúa Giêsu Kitô là Vua không những vì Người đã sinh ra làm người, thuộc dòng dõi vua Đavid, mà hơn nữa vì Người là Con Thiên Chúa, mọi sự nhờ Người mà được sống và hiện hữu. Nhưng trớ trêu thay, Chúa Giêsu Kitô không thiết lập vương quốc của Người như một vương quốc thế trần và bằng những phương tiện phàm nhân. Không, nước Thiên Chúa được Chúa Giêsu thiết lập một cách diệu kỳ bằng hy sinh trên thập giá, để chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa đối với con người.

Chúa Giêsu Kitô là vua. Trong cuộc đời của Chúa Giêsu, biến cố thể hiện vương quyền của Chúa Giêsu là biến cố Chúa lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha trong vinh quang. "Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy" (Mt 26,18). Đó là lời quả quyết của Chúa Kitô Phục Sinh trước khi sai các Tông Đồ ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật.

Ngày nay, khi tại nhiều nơi trên thế giới, hòa bình vẫn còn vắng bóng; trật tự xã hội, chính trị và kinh tế luôn bị chao đảo; và dưới nhiều hình thức, nhiều quốc gia vẫn tiếp tục chối bỏ ánh sáng Tin Mừng. Hơn bao giờ hết, thế giới ngày nay cần chứng tá của chúng ta về Vương quyền của Chúa Kitô trên mọi thụ tạo.

Trong Thông điệp Quas Primas, gợi cho chúng ta nhớ đến lời Đức Giê-su, trước khi về trời, đã tuyên phán với các môn đệ rằng: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất.” (x.Mt 26, 18). Lời tuyên phán này, có thể hiểu một cách gián tiếp rằng, “Đức Giê-su là Vua của thế giới, trị vì giữa các quốc gia”. Đức Giáo Hoàng Pio XI, phân tích : Sự nổi loạn của các cá nhân và quốc gia chống lại quyền bính của Đức Kitô đã tạo ra những hậu quả đáng trách… mầm mống của sự bất hòa gieo rắc khắp nơi; những thù hận cay đắng và sự kình địch giữa các quốc gia, vẫn luôn gây nhiều cản trở đến sự nghiệp hòa bình. Lòng tham vô độ thường được che giấu dưới lớp vỏ tinh thần đại chúng và lòng yêu nước, và gây ra biết bao mối bất hoà riêng rẽ; Sự ích kỷ mù quáng và thái quá, khiến con người không tìm kiếm điều gì khác ngoài sự thoải mái và lợi ích của bản thân, và đo lường mọi thứ bằng thước đo của sự ích kỷ; Thiếu sự hòa bình trong đất nước, bởi vì người dân lãng quên hoặc bỏ bê nhiệm vụ của mình; Sự hiệp nhất và bền vững của gia đình bị xói mòn; Tóm lại, xã hội, bị lung lay đến tận gốc rễ và đang trên đường hủy diệt. Tuy nhiên, chúng ta hy vọng chắc chắn rằng Lễ Chúa Kitô Vua được cử hành hàng năm, có thể đẩy nhanh sự trở lại của xã hội với Đấng Cứu độ yêu thương của chúng ta. (số 24)

Nhưng “quyền lực” của Chúa Kitô Vua hệ tại ở điều gì? Đức cố Giáo hoàng Bênêđictô XVI, trong buổi đọc Kinh Truyền tin vào ngày lễ Chúa Kitô Vua, 22 – 11 - 2009, đã giải thích:

Đó không phải là quyền lực của các vị vua chúa hoặc những người vĩ đại trên trần gian này; Đó là quyền lực thánh thiêng để ban sự sống đời đời, giải thoát khỏi sự dữ, đánh bại ách thống trị của sự chết. Đó là quyền lực của tình yêu có thể lôi kéo điều thiện từ điều ác, có thể làm tan chảy một trái tim chai đá, đem lại hòa bình giữa những xung đột gay gắt nhất và thắp lên hy vọng trong bóng tối dày đặc nhất.

Vương quốc Ân sủng này không bao giờ áp đặt nhưng luôn tôn trọng quyền tự do của chúng ta. Chúa Kitô đến “để làm chứng cho sự thật” (Ga 18, 37), như Người đã tuyên bố với Philatô: ai chấp nhận lời chứng của Người thì phục vụ dưới “ngọn cờ” của Người…. Do đó, mọi lương tâm đều phải đưa ra lựa chọn. Tôi muốn đi theo ai? Thiên Chúa hay ma quỷ? Sự thật hay sự giả dối? Việc chọn Chúa Kitô không đảm bảo thành công theo tiêu chí thế gian, nhưng đảm bảo sự bình an và niềm vui mà chỉ mình Người mới có thể ban cho chúng ta. Qua mọi thời đại, điều này được minh chứng bởi kinh nghiệm của nhiều người nam nữ, những người mà, nhân danh Chúa Kitô, nhân danh sự thật và công lý, đã có thể chống lại những cám dỗ của quyền lực trần thế bằng những chiếc mặt nạ phòng độc khác nhau, đến độ họ đã đóng ấn lòng trung thành của mình bằng sự tử đạo.

Mừng lễ Chúa Kitô Vua, chúng ta được mời gọi để một lần nữa xác tín rằng : Dù sống giữa một thế giới hơn 8 tỷ người, với sự bấp bênh trước bao cảnh đau thương của chiến tranh, hận thù, nghèo đói, thiên tai, và thế lực sự dữ tung hoành khắp nơi, chúng ta vẫn vững niềm trông cậy, vì chỉ có Chúa Giêsu là Vua. Một vị Vua không thiết lập triều đại bằng vũ khí, nhưng bằng cái chết tự hiến trên thập giá. Không cai trị bằng vũ lực, nhưng bằng tình yêu thương, phục vụ. Một vị Vua không có lãnh thổ trên bản đồ thế giới, nhưng nằm sâu trong trái tim con người mới có thể giúp cho con người tìm ra ý nghĩa, lẽ sống của đời mình, mang lại sự bình an, tự do, và hạnh phúc đích thực cho con người, dẫn dắt con người hoàn tất hành trình dương thế để đạt đến cuộc sống trên Vương quốc vĩnh cửu.
 
Maria vâng phục
Lm Minh Anh
15:56 20/11/2024
TÒNG THUỘC
“Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ ở giữa ngươi!”; “Hãy lặng thinh trước nhan Thiên Chúa!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Bài đọc Zacharia được chọn một cách kỹ lưỡng - cho ngày lễ Đức Mẹ Dâng Mình - nêu bật mối quan hệ mật thiết của Israel với Thiên Chúa. Bởi lẽ, chính Thiên Chúa sẽ cư ngụ giữa dân thánh và họ phải ‘tòng thuộc’ vào Ngài.

Thiếu nữ Sion Zacharia nói đến không chỉ là hình ảnh của Israel - dân được chọn - nhưng còn là hình ảnh của Đức Maria, người được Thiên Chúa tuyển lựa. Như đã “ở giữa” Israel, Thiên Chúa “ở cùng” Maria, người ‘tòng thuộc’ tuyệt đối vào Ngài. Để có thể hiểu được hồng ân “ở giữa, ở cùng” này - Zacharia thật sâu sắc - con người phải biết chìm sâu trong Thiên Chúa, “Hỡi mọi xác phàm, hãy lặng thinh trước nhan Thiên Chúa!”.

Tin Mừng hôm nay cũng nói đến ‘sự lặng thinh và chìm sâu vào trong’ này! Mẹ Maria và anh em Chúa Giêsu tìm thăm Ngài; nhưng ngay lúc đó, Ngài đã thốt lên những lời ‘gây sốc’, “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?”. Ngài thường không ngại nói ra những lời vượt quá trí hiểu để những ai không hiểu ‘có thể hiểu’ phải biết lặng thinh khi lời Ngài đã chìm sâu vào trong.

Hẳn đã có một sự im lặng vần vũ giữa đám đông khi họ nghe những lời Chúa Giêsu thốt ra. Nhiều người nghĩ, Ngài khá cứng cỏi. Không phải thế, Ngài muốn Lời phải được nghiền ngẫm; vì sau đó, đưa tay chỉ các môn đệ, Ngài giải thích, “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi!”. Qua đó, Ngài cho biết, quan hệ ‘huyết thống’ đã quan trọng, nhưng quan hệ 'tòng thuộc' vào Thiên Chúa sẽ quan trọng hơn. Như vậy, một ‘Maria vâng phục’, thi hành Lời Chúa sẽ là mẹ của Ngài ‘nhiều hơn’ một ‘Maria máu mủ!’. Hẳn Mẹ đã hiểu điều này hơn ai hết; và tất nhiên, cũng hơn ai hết, Mẹ đầy niềm vui. Thánh Vịnh đáp ca thật sâu lắng, “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!”.

Một người mẹ kia có thói quen lạ thường! Mỗi khi con trai cô có điều gì bất ổn, cô dắt nó vào rừng, đặt nó ngồi trên một tảng đá, bảo nó nhắm mắt lại. Đoạn, lấy cây sáo mang theo, cô thổi cho nó nghe từ ca khúc này đến ca khúc khác, từ trầm buồn đến réo rắt. Cô sẽ thổi cho đến khi nào con trai cô vui trở lại, và nó mỉm cười. Bấy giờ, hai mẹ con mới ra về.

Anh Chị em,

“Hãy lặng thinh trước nhan Thiên Chúa!”. Gioan Phaolô II gọi Maria là “Người Nữ Thánh Thể”. Liệu bạn và tôi có để Mẹ Maria ‘dẫn vào rừng’, chìm sâu vào Thánh Thể Giêsu mỗi ngày, nhất là những khi gặp gian nan? Với Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta sẽ lặng thinh, chìm sâu trong Ngài, trong Lời Ngài. Ở đó, chúng ta chờ đợi thánh ý Chúa như Mẹ đã chờ đợi; lắng nghe tiếng của Thánh Thần như Mẹ đã lắng nghe - thay vì chạy vạy tìm câu trả lời ở những nơi đâu khác. Và từ Thánh Thể, một câu hỏi quan trọng sẽ luôn đặt ra cho chúng ta, dù chúng ta là ai, ở đấng bậc nào, “Con thuộc về ai?”; “Con có ‘tòng thuộc’ vào Đấng đã dựng nên con, cho con tất cả những gì con có, những gì con là?”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Mẹ, dạy con vui thích cầm tay Mẹ ‘vào rừng’ mỗi ngày, hầu con chìm vào ‘vực Giêsu’; nhờ đó, con không con lệ thuộc vào một điều gì khác, một ai khác - ngoài Chúa!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Khởi Sự
Lm Vũđình Tường
20:56 20/11/2024
Lễ Đức Kitô Vua vũ trụ là Chúa Nhật cuối cùng chấm dứt năm phụng vụ. Chấm dứt đây không có nghĩa là hết mà là bắt đầu một năm phụng vụ mới, bắt đầu mùa Vọng, chuẩn bị cho mùa Giáng Sinh, Ngày Đức Kitô xuống thế làm người, mang bình an xuống thế cho tâm hồn thiện tâm. Cuộc đời ai cũng trải qua khi thắng lớn, lúc bại nhỏ. Đáng kể nhất là trận thắng cuối cùng. Trận này mới thực sự phân biệt ai thắng, ai bại. Bao lần Đức Kitô lùi bước trước kẻ cố tình hại Ngài. Rất ít trường hợp Ngài trực tiếp đối diện kẻ tìm cách làm hại Ngài. Với nhân loại trận chiến cuối cùng là sự chết. Chiến thắng cuối đời của Đức Kitô là thắng thần chết, đánh tan sự chết, phá tan bóng tối. Chiến thắng vinh hiển của Ngài là sự Phục Sinh vinh hiển, thắng vượt sự chết, khai mào cho một triều đại mới, triều đại của chiến thắng vinh quang. Đức Kitô chiến thắng thần chết cho biết chết không phải là hết mà là khởi đầu cuộc sống mới, cuộc sống trong Đức Kitô Phục Sinh. Đức Kitô là Đấng duy nhất đánh tan thần chết trở thành vua vũ trụ, vua hoàn vũ. Ngài chia sẻ vinh quang chiến thắng đó cho môn đệ bằng cách cho họ được sống vĩnh cửu trong nước của Ngài.

Trong thời gian tại thế bao lần đám đông tôn vinh Đức Kitô là vua của họ. Đức Kitô từ chối và âm thầm lẩn trốn đi. Một khi đám đông tôn người khác làm vua thì cũng đám đông đó, một ngày nào đó hạ bệ vị vua đó, nếu vị vua đó không chiều theo í họ. Đức Kitô là vua vũ trụ do chính khả năng, công sức của riêng Ngài. Không phải do đám đông ban phát, nhưng tự Ngài tạo dựng, thiết lập; vì thế không phe nhóm nào có thể lấy đi vương quyền Ngài. Vương quyền Ngài tồn tại qua muôn thế hệ. Ngài tạo dựng vương quyền bằng thập giá, mạo gai, lưỡi đòng, toàn thân bầm dập, da thịt rách nát, cạnh sườn đâm thủng, hé lộ con tim thương tích, cộng với máu hoà lẫn mồ hôi nhiểu dài trên đường Ngài còng lưng vác thập giá lên núi Sọ. Thần chết vui mừng được đúng ba ngày. Đức Kitô trỗi dậy từ cõi chết khởi đầu một triều đại mới, triều đại của chiến thắng vinh quang sáng ngời, của bình an, hạnh phúc vĩnh cửu. Triều đại của Ngài mang ấn tín, cờ hiệu: 'Thiên Chúa Là Tình Yêu'.

Nhìn lại cuộc Philatô chất vấn Đức Kitô trong phiên toà bất công, 'Ngài là vua dân Do Thái Sao?'. Đức Kitô đặt vấn đề: Đây là í kiến của riêng cá nhân ông hay ông nghe người ta nói về tôi? Philatô đáp: Tôi không phải là dân Do Thái. Đáp lại, Đức Kitô mặc khải. Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, môn đệ của tôi sẽ chiến đấu để tôi khỏi bị bắt, nhưng nước tôi không thuộc về thế gian này. Câu trả lời trên Đức Kitô mặc khải một vương quốc bình an, một vương quốc lấy tình yêu làm nền tảng cho cuộc sống vì thế vương quốc đó không cần quân hùng, tướng mạnh. Đức Kitô mặc khải một vương quốc khổng lồ sắp được thành lập, vương quốc đó to hơn cả thế gian, lẫn vũ trụ tổng hợp lại; một vương quốc dành riêng cho những ai cổ võ cho hoà bình, đề cao công lí và tranh đấu cho sự thật. Nghe thế, Philatô tuyên xưng: Vậy ông là vua. Đức Kitô đáp, câu hỏi trước ông nghe người ta nói về tôi. Câu hỏi lần này chính miệng ông tuyên xưng tôi là vua. Đúng vậy, tôi là vua, tôi được sinh ra để làm vua. Tôi đến thế gian để làm chứng cho sự thật. Ai nhận biết sự thật thì nghe tiếng tôi. Đáp lại Philatô, Đức Kitô cho biết nước của Ngài không thuộc về thế gian. Thế gian sẽ có ngày qua đi, nước của Ngài tồn tại muôn đời. Nơi trần thế, nước của Đức Kitô khởi nguồn ở trong tâm hồn, tấm lòng con người. Nước đó bắt đầu nơi trần thế nhưng không thuộc về trần thế. Thứ hai, Đức Kitô sống nơi trần thế nhưng không thuộc về trần thế. Câu 'Tôi đến thế gian' cho biết Ngài đến từ ngoài thế gian, từ Thiên Chúa hằng sống. Vì thế những ai tuyên xưng và tin theo Ngài cũng có ngày sống trong nước trời.

Nhiệm vụ trần gian của Đức Kitô là làm chứng cho sự thật. Ai tin vào sự thật thì nghe tiếng Ngài phán dậy. Sự thật đây chính là tin Đức Kitô là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa. Tuyên xưng để tôn thờ Thiên Chúa và thực hành trong cuộc sống ấn tính, cờ hiệu Thiên Chúa là tình yêu. Ai sống trong tin yêu thì lắng nghe, đón nhận Đức Kitô và người đó thuộc về Thiên Chúa.

Nước trời bắt đầu ở trần thế nơi tấm lòng con người, và nước đó được chính Đức Kitô Phục Sinh đón nhận vào nước Thiên Chúa. Ngài xuống trần gian ban bình an cho tâm hồn thiện tâm, khởi sự một triều đại mới, thiết lập nước Thiên Chúa.

TiengChuong.org
 
Vua Giêsu
Lm Thái Nguyên
23:22 20/11/2024

VUA GIÊSU
Chúa Nhật 34 Thường Niên năm B : Ga 18, 33-37
Suy niệm

Đứng trước tòa, quan tổng trấn hỏi cung Đức Giêsu: “Ông có phải là vua dân Do thái không?”. Trước khi trả lời, Đức Giêsu hỏi lại Philatô: “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?”. Qua câu hỏi này, Đức Giêsu muốn cho ông thấy rõ hơn con người của ông: Ông tự đặt vấn đề hay dân chúng đặt vấn đề cho ông? Ông có lập trường không hay bị dư luận xô đẩy? Ông nghe theo lương tâm hay nghe theo người khác? Ông có can đảm làm theo những gì mình biết, hay cũng chỉ là kẻ hèn nhát lo bám níu vào chức vụ, quyền hành?

Philatô chỉ lấp lửng trả lời theo kiểu nghi vấn:“Tôi là người Do thái sao?". Quả là một câu nói khinh thường và vô trách nhiệm. Và phải chăng đó cũng là lối sống và là cách hành động của ông? Xem ra ông là vị quan rất quyền lực, nhưng thực tế cũng chỉ là tay sai và nô lệ cho quyền thế, cố gắng giữ lấy chiếc ghế chứ không muốn xử trí mọi cái theo sự thật hay lẽ phải. Trước thái độ mập mờ của Philatô, Đức Giêsu đã thẳng thắn xác định:“Nước tôi không thuộc về thế gian này...”.

Khi nói“Nước tôi”, Đức Giêsu không phủ nhận mình là Vua, nhưng không phải là Vua theo kiểu người Do thái và Philatô quan niệm. Người là vua theo ý muốn của Thiên Chúa chứ không theo mơ ước của người đời. Rõ ràng là vương quốc của Người không nhắm vào mục tiêu chính trị, càng không sử dụng những phương thế trần gian như vũ khí, bạo lực, quân lực. Đức Giêsu không phải là Đấng Mêsia theo kiểu phàm nhân, lo thực hiện công cuộc giải phóng theo kiểu phàm tục. Thật ra, Philatô biết rằng, chỉ vì ghen ghét mà người Do Thái bắt nộp Đức Giêsu. Nhưng rất tiếc, ông biết một đàng nhưng rồi làm một nẻo.

Tiếp theo đó, Đức Giêsu còn xác định căn tính và sứ mạng của mình: “là để làm chứng cho sự thật”. Đức Giêsu không muốn nói đến sự thật về một sự kiện nào, nhưng là sự thật về Thiên Chúa. Người biết Thiên Chúa trong sự hiệp thông hết sức thâm sâu, trong sự hợp nhất hoàn hảo như là Con với Cha. Cha của Người là Đấng chân thật, vì thế, Nước của Người là Nước của sự thật, Chỉ có sự thật mới giải thoát con người, cho con người được sống trong bình an và hạnh phúc.

Tuy nhiên, không mấy ai mà dám sống thành thật? Kẻ thành thật thường thua thiệt, lại bị coi là dại dột. Sự dối trá quỷ quyệt nhiều khi được coi là khôn ngoan. Khi sự thật bị bưng bít thì tất cả đều ra tối tăm và sự gian ác lan tràn. Chính trong ý nghĩa đó mà Chúa Giêsu mạnh dạn tuyên bố trước Philatô:“Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”. Đó cũng là một lời mời gọi xoáy vào tận tâm não của những ai còn chút lương tri, để họ kịp thời nhận ra chân lý làm người.

Trước câu tuyên bố của Đức Giêsu, Philatô liền lên tiếng hỏi: “Sự thật là gì?”. Nhưng ông lại tránh câu trả lời và phản ứng như một nhà chính trị. Bằng câu hỏi này, hoặc nhằm diễn tả một hoài nghi hoặc một lời chế nhạo, và ông đã cắt đứt cuộc đối thoại. Dù sao, các trao đổi giữa Philatô và Đức Giêsu cho thấy là sứ điệp của Người lúc đầu đã được gửi đến cho dân Do Thái, nhưng họ đã từ khước, nay vượt biên giới tôn giáo để đến với Dân ngoại, đại diện là quan Philatô. Thực ra, dù có biết sự thật là gì thì Philatô cũng không dám làm gì hơn, vì sợ bị liên lụy, có thể mất cả thanh danh và sự nghiệp. Sợ thế nên Philatô đã giao Đức Giêsu cho binh lính hành hình, và cuối cùng giao cho người Do Thái tử hình.

Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy dẫy sự dối trá, vì người ta sợ sự thật, sợ nói thật, sợ sống thật. Sự thật không còn là sự thật, mà sự thật là điều gì có lợi cho tôi. Một định nghĩa thật man trá, nên người ta dối trá một cách trắng trợn, trơn tru, không còn chút áy náy, vì thấy lương tâm không bằng lương thực hay lương bổng. Tiếng lương tâm là tiếng Chúa. Khi lương tâm bị băng hoại thì lòng tin vào nhau bị đổ vỡ, người ta sẽ sống trong sự nghi kị, đối phó, mưu mô... trở thành nạn nhân của chính mình và của một xã hội xây dựng trên sự gian tà.

Mất đi sự thật thì tình yêu chỉ còn là gian dối và là sự lợi dụng lẫn nhau để có được những gì mình ham muốn. Không lạ gì mà bạo lực, hận thù, bất công, nghèo đói... ngày càng gia tăng khắp nơi. Thế lực của sự dữ và tội ác như đang thắng thế. Nước Chúa dù là sự thật và tình yêu thì vẫn là điều xa xôi mịt mờ. Tuy nhiên, chúng ta tin vào sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa, những gì không phải là sự thật thì tự nó sẽ tiêu tan, và tình yêu vẫn là sức hút mãnh liệt, đồng thời là tiếng nói cuối cùng để phân chia đôi bờ thiện ác. Bổn phận chúng ta là góp phần với Chúa để Phúc Âm hóa gia đình và môi trường xung quanh mình, làm cho tinh thần Giêsu thấm nhập vào mọi cơ cấu xã hội, chuẩn bị cho ngày thành tựu viên mãn trong Đức Kitô, Vua muôn đời.

Cầu nguyện

Lạy Cha!
Có phải chăng sau vụ nổ Big-bang,
mà vũ trụ từ đó được khai trương,
để cứ thế càng ngày càng bành trướng,
và khởi xướng ra muôn vạn hành tinh?
Phải chăng trái đất từ hạt bụi nhỏ xíu?
nhưng lại lớn lao và biết bao kỳ diệu,
là hành tinh được Cha quá thương yêu,
đến nỗi đã ban xuống Người Con Một,
sống phận người để cứu chuộc thế nhân,
còn ghi mãi dấu chân trên mặt đất.
Mừng lễ Đức Ki-tô Vua vũ trụ,
chúng con cùng hướng nhìn về trái đất,
nơi có hơn tám tỷ người đang sống,
đang dựng xây và phát triển không ngừng,
nhưng trong đó lan tràn bao tệ nạn,
khiến con người phải khốn khổ lầm than.
Sự dữ và tội ác như thắng thế,
hận thù và bạo lực vẫn gia tăng,
cuộc sống cứ càng ngày càng gian trá,
bởi người ta ham vui thú sa đà.
Xin cho con biết xây dựng thế trần,
với tinh thần của công dân Nước Chúa,
Nước yêu thương và hòa bình chân thật,
nên tín hữu là chứng nhân bất khuất,
để đem lại cho trái đất an lành,
cho tất cả hoàn thành theo ý Chúa.
Xin cho danh thánh Chúa được rạng ngời,
và Nước Chúa càng ngày càng mau tới,
cho đến khi thành tựu ở quê trời,
trong Giê-su Vua ngàn đời vinh hiển. Amen.
 
Sự thật là gì?
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
23:30 20/11/2024
SỰ THẬT LÀ GÌ?
(Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ - Năm B)

Vào Chúa Nhật cuối cùng của năm Phụng vụ, lễ suy tôn Chúa Kitô là Vua vũ trụ, Giáo hội cho chúng ta nghe trích đọc bài Tin mừng tường thuật cuộc đối đáp ngắn giữa Chúa Giêsu và quan Philatô. Khi nghe Chúa Giêsu khẳng định rõ ràng: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”, Philatô đã hỏi lại: “Sự thật là gì?” (x.Ga 18,37-38). Tin mừng không tường thuật câu trả lời của Chúa Giêsu mà ngưng ở đó. Sự thật là gì? Mặc dù có nhiều quan niệm khác nhau về sự thật nhưng vẫn có nét tương đồng căn bản. Sự thật là sự tương hợp hay sự đồng nhất giữa nội dung với hình thức, giữa cái bên trong và cái bên ngoài. Trên bình diện hữu thể thì sự thật là sự đồng nhất giữa thực tại với cái biểu hiện và sự thật chính là sự duy nhất, bất biến và thường tồn của thực tại.

1. Sự thật về Đức Kitô:

Theo viễn kiến này thì duy chỉ có Thiên Chúa là sự thật đúng nghĩa. Người không chỉ là “Đấng có sao, có vậy” (x.Xh 3,14) mà người còn là Đấng là An-Pha và Omêga nghĩa là có từ nguyên thủy và tồn tại đến vạn đại thiên thu (x.Kh 1,8). Chúa Kitô đã từng khẳng định Người là sự thật (x.Ga 14,6). Người là Đấng có sao, có vậy, là nguyên thủy và là cùng đích (x.Ga 8,24; 27; 57). Khi nói với Philatô rằng mình đến thế gian là để làm chứng cho sự thật thì Chúa Kitô muốn minh chứng rằng chính Người là căn nguyên và cùng đích của mọi hiện hữu.

Vũ trụ vạn vật và con người bởi đâu mà ra và rồi sẽ đi về đâu, một câu hỏi đã trở thành vấn nạn khó giải cho nhiều học giả, nhiều triết gia…mọi thời, nay đã có câu trả lời. Các hiện hữu ở đời này, sự hiện hữu của chúng ta trong cõi đời này có nguồn gốc và đích đến là chính Chúa Kitô. Đây chính là một nội hàm của chân lý Chúa Kitô là Vua vũ trụ mà Giáo Hội long trọng tuyên xưng vào Chúa Nhật cuối cùng của năm Phụng vụ. Tuyên xưng Chúa Kitô là vua có nghĩa là tuyên xưng sự lệ thuộc, sự suy phục của mình vào Chúa Kitô. Vì tất cả mọi loài mọi vật “đều do Thiên Chúa tạo dựng, nhờ Người và cho Người” (Col 1,16).

2. Sự thật về con người:

Được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa (x.St 1,27), con người cũng là sự thật khi nên một với Chúa Kitô. Đấng là hình ảnh Thiên Chúa vô hình khi vào trần gian đã tự xưng là Con Người. Thánh Tông đồ dân ngoại đã mạnh mẽ khẳng định chân lý này: “Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng duới đất hữu hình với vô hình” (Col 1,15). Vì là sự thật nên con người phải được yêu quý và tôn trọng cũng như bảo vệ. Dù là một bệnh nhân, dù là một người nghèo khổ, một người thấp cổ, bé phận, dù là một bào thai dị tật… tất thảy đều đáng phải được kính trọng, yêu mến và bảo vệ hơn tất cả những thể chế, luật lệ, nghi thức hay truyền thống… “Ngày Sabat có ra là vì con người, chứ không phải con người có ra là vì ngày Sabat” (Mc 2,27).

Là loài thọ tạo có vẻ mỏng manh và đầy yếu đuối nhưng con người lại được Thiên Chúa đặt lên làm chủ tể mọi loài trên trời dưới đất (x.St 1,26). Con người là chi mà Chúa nhớ đến, loài người là gì mà Ngài phải bận tâm? (Tv 8,5). Tất cả chỉ vì Thiên Chúa đã đoái nhận loài người làm dưỡng tử trong Con Một dấu yêu của Người là Đức Giêsu Kitô (x.Eph 1,5). Mặc dù có điểm khởi đầu, có kinh qua cánh cửa sự chết, nhưng hiện hữu của con người là bất tận, vì “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết nhưng là của kẻ sống” (Mt 22,32).

3. Sự thật về hạnh phúc:

Con người đã được dựng nên là tồn tại mãi mãi. Thế nhưng số phận đời đời của mỗi người là được hạnh phúc viên mãn hay phải trầm luân vĩnh viễn còn tùy thái độ sống của mỗi người khi còn tại thế. Con người chỉ có hạnh phúc đích thật khi là chính mình như thuở ban đầu cuộc sáng tạo đó là trở nên hình ảnh của Thiên Chúa. Chúng ta thực sự là chính mình khi nên một với Đức Kitô, làm môn đệ của Người. Và Chúa Kitô đã khẳng định khi chúng ta yêu mến nhau như Người đã yêu mến chúng ta thì chúng ta sẽ ở trong tình yêu của Người và đích thực là môn đệ của Người (x.Ga 13,35; 14,9-11).

Chính con tim, tấm lòng của chúng ta dành cho tha nhân, nhất là cho những người bé mọn sẽ quyết định về số phận đời đời của chúng ta (x.Mt 25,31-46). Thánh Gioan Tông Đồ đã nói: “Ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa vì Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,7-8).

Năm Phụng Vụ sắp kết thúc nhắc nhủ cho chúng ta sự thật này: cái chung cục mới thật quan trọng. Đảm nhận chức vụ này hay ở địa vị kia, sống bậc sống này hay bậc sống nọ, tất thảy đều hướng đến mục đích cuối cùng là được cứu độ, được hạnh phúc viên mãn. Để có hạnh phúc thật, chắc chắn phải đón nhận Sự Thật là Đức Kitô, vì không một ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Người (x.Ga 14,6). Và dưới gầm trời này chỉ có một Danh mang ơn cứu độ là Giêsu Kitô. Khi đã đón nhận sự thật là Chúa Kitô thì chúng ta cũng sẽ biết được sự thật về con người cũng như con đường để đạt được hạnh phúc muôn đời.

Ban Mê Thuột
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tài Liệu Sau Cùng Của Phiên Họp Thường Lệ Lần Thứ 16 Của Thượng Hội Đồng Giám Mục, Phần IV
Vũ Văn An
03:21 20/11/2024

TÀI LIỆU SAU CÙNG CỦA PHIÊN HỌP THƯỜNG LỆ LẦN THỨ 16 CỦA THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC


Cho một Giáo hội đồng nghị: hiệp thông, tham gia, sứ mệnh



Phần IV - Một mẻ cá dồi dào

Sự hoán cải của các mối liên kết

Các môn đệ khác đi thuyền đến, kéo theo lưới đầy cá…. Simon Phêrô lên thuyền và kéo lưới vào bờ, đầy những con cá lớn, một trăm năm mươi ba con; và mặc dù có rất nhiều, lưới không bị rách. (Ga 21:8,11)

109. Những chiếc lưới thả theo Lời của Đấng Phục sinh đã mang lại một mẻ cá dồi dào. Tất cả các môn đệ cùng nhau làm việc, kéo lưới vào; Phêrô đóng một vai trò đặc biệt. Trong Tin Mừng, đánh cá là một hành động được thực hiện cùng nhau: mỗi người có nhiệm vụ riêng của mình, khác nhau nhưng được phối hợp với những người khác. Đây là Giáo hội đồng nghị đang hoạt động – được thành lập trên các mối liên kết hiệp thông đoàn kết chúng ta và có không gian cho tất cả mọi người và mọi nền văn hóa. Trong thời đại có sự thay đổi lớn đang diễn ra trong cách chúng ta quan niệm về những nơi mà Giáo hội bắt nguồn và hành hương, chúng ta cần vun đắp những hình thức trao đổi hồng phúc mới và mạng lưới các mối liên kết hợp nhất chúng ta. Trong điều này, chúng ta được nâng đỡ bởi thừa tác vụ của các Giám mục trong sự hiệp thông giữa các ngài và với Giám mục Rôma.

Bám rễ vững chắc nhưng vẫn là những người hành hương

110. Việc công bố Tin Mừng đánh thức đức tin trong trái tim của những người nam và người nữ và dẫn đến nền tảng của Giáo hội tại một địa điểm đặc thù. Giáo hội không thể được hiểu tách biệt khỏi nguồn gốc của nó trong một lãnh thổ chuyên biệt, trong không gian và thời gian đó, nơi diễn ra trải nghiệm chung về cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa cứu độ. Chiều kích địa phương này đối với Giáo hội của chúng ta bảo tồn sự đa dạng phong phú của các biểu thức đức tin có nền tảng trong một môi trường văn hóa và lịch sử chuyên biệt. Sự hiệp thông của các Giáo hội địa phương là biểu thức của sự hiệp nhất của các tín hữu trong một Giáo hội. Do đó, sự hoán cải theo tinh thần đồng nghị kêu gọi mỗi người mở rộng không gian của trái tim mình, trái tim là nơi đầu tiên mà tất cả các mối quan hệ của chúng ta cộng hưởng, dựa trên mối quan hệ bản thân của mỗi tín hữu với Chúa Giêsu Kitô và Giáo hội của Người. Đây là điểm khởi đầu và là điều kiện của bất cứ cải cách đồng nghị nào về mối liên kết của sự hiệp thông của chúng ta và các không gian mà chúng ta là Giáo hội. Hoạt động mục vụ không thể chỉ giới hạn trong việc chăm sóc các mối quan hệ giữa những người đã cảm thấy hòa hợp với nhau mà còn khuyến khích sự gặp gỡ giữa mọi người nam và nữ.

111. Trải nghiệm bám rễ có nghĩa là vật lộn với những thay đổi xã hội-văn hóa sâu xa đang biến đổi sự hiểu biết về địa điểm. "Địa điểm" không còn có thể được hình dung theo các thuật ngữ địa lý và không gian thuần túy nữa mà gợi lên, trong thời đại của chúng ta, sự thuộc về một mạng lưới các mối quan hệ và một nền văn hóa có nguồn gốc lãnh thổ năng động và linh hoạt hơn bao giờ hết. Đô thị hóa là một trong những yếu tố chính thúc đẩy sự thay đổi này. Ngày nay, lần đầu tiên trong lịch sử loài người, phần lớn dân số hoàn cầu sống ở các thành phố. Các thành phố lớn thường là những khối đô thị không có lịch sử và bản sắc, nơi mọi người sống một cuộc sống biệt lập. Các mối liên kết lãnh thổ truyền thống đang được xác định lại, làm mờ ranh giới của các giáo phận và giáo xứ. Sống trong bối cảnh như vậy, Giáo hội được kêu gọi xây dựng lại đời sống cộng đồng, để đối diện với các thực thể vô danh và củng cố các mối quan hệ trong môi trường này. Để đạt được mục đích này, chúng ta không chỉ phải tiếp tục coi trọng các cấu trúc vẫn còn hữu ích; chúng ta cũng cần “sáng tạo truyền giáo” để khám phá những hình thức mới của hành động mục vụ và xác định các tiến trình chăm sóc cụ thể. Vẫn còn trường hợp là bối cảnh nông thôn, một số trong đó là vùng ngoại vi hiện sinh thực sự, không được bỏ qua và cần sự quan tâm mục vụ chuyên biệt, cũng như những nơi bị gạt ra ngoài lề và bị loại trừ.

112. Vì nhiều lý do, thời đại của chúng ta được đánh dấu bằng sự gia tăng về tính di động của dân số. Người tị nạn và người di cư thường hình thành các cộng đồng năng động, bao gồm cả thực hành tôn giáo, khiến nơi họ định cư trở nên đa văn hóa. Một số người duy trì mối liên kết chặt chẽ với đất nước gốc của họ, đặc biệt là với sự trợ giúp của phương tiện truyền thông kỹ thuật số, và do đó có thể thấy khó khăn trong việc hình thành các mối quan hệ ở đất nước mới của họ; những người khác thấy mình đang sống mà không có gốc rễ. Người dân của các quốc gia đến cũng thấy việc chào đón những người mới đến là một thách thức. Tất cả đều trải qua tác động do gặp phải nguồn gốc địa lý, văn hóa và ngôn ngữ đa dạng và được kêu gọi xây dựng các cộng đồng liên văn hóa. Không nên bỏ qua tác động của hiện tượng di cư đối với đời sống của Giáo hội. Theo nghĩa này, tình hình của một số Giáo Hội Công Giáo Đông phương là biểu tượng của thực tại này, với số lượng tín hữu ngày càng tăng sống ở nơi xa xứ. Duy trì mối liên kết giữa những người bị phân tán và Giáo hội gốc của họ trong khi tạo ra những giáo hội mới tôn trọng các nguồn gốc tâm linh và văn hóa đa dạng đòi hỏi phải có những cách tiếp cận mới.

113. Sự lan truyền của văn hóa kỹ thuật số, đặc biệt rõ ràng ở những người trẻ tuổi, đang thay đổi sâu xa trải nghiệm của họ về không gian và thời gian; nó ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày, thông đạt và các mối quan hệ liên bản vị, bao gồm cả đức tin. Các cơ hội mà internet cung cấp đang định hình lại các mối quan hệ, mối liên kết và ranh giới. Ngày nay, chúng ta thường cảm thấy cô đơn và bị gạt ra ngoài lề, mặc dù chúng ta kết nối nhiều hơn bao giờ hết. Hơn nữa, những người có lợi ích kinh tế và chính trị riêng có thể khai thác phương tiện truyền thông xã hội để truyền bá các ý thức hệ và tạo ra các hình thức phân cực hung hăng và thao túng. Chúng ta chưa chuẩn bị tốt cho điều này và cần dành nguồn lực để bảo đảm rằng môi trường kỹ thuật số trở thành không gian tiên tri cho sứ mệnh và lời công bố. Các Giáo hội địa phương nên khuyến khích, hỗ trợ và đồng hành với những người tham gia sứ mệnh trong môi trường kỹ thuật số. Các cộng đồng và nhóm kỹ thuật số Kitô giáo, đặc biệt là những người trẻ, cũng được kêu gọi suy gẫm về cách họ tạo ra mối liên kết gắn bó, cổ vũ gặp gỡ và đối thoại. Họ cần cung cấp sự đào tạo giữa những người đồng cấp của mình, phát triển cách thức đồng nghị để trở thành Giáo hội. Internet, được cấu thành như một mạng lưới kết nối, mang đến những cơ hội mới để sống tốt hơn chiều kích đồng nghị của Giáo hội.

114. Những phát triển xã hội và văn hóa này thách thức Giáo hội xem xét lại ý nghĩa của 'địa phương' trong cuộc sống của mình và xem xét lại các cấu trúc tổ chức của mình để chúng có thể phục vụ tốt hơn cho sứ mệnh của mình. Điều cốt yếu là phải hiểu “nơi chốn” như bối cảnh thực sự và thực tế trong đó chúng ta đến để trải nghiệm nhân tính của mình, mà không phủ nhận rằng cũng có chiều kích địa lý và văn hóa đối với điều này. Tại đây, nơi mạng lưới các mối quan hệ được thiết lập, Giáo hội được kêu gọi phát biểu tính bí tích của mình (x. LG 1) và thực hiện sứ mệnh của mình.

115. Mối quan hệ giữa nơi chốn và không gian cũng dẫn chúng ta đến việc suy gẫm về Giáo hội như “ngôi nhà”. Khi không coi đó là một không gian khép kín, không thể tiếp cận, phải được bảo vệ bằng mọi giá, hình ảnh ngôi nhà gợi lên khả năng chào đón, hiếu khách và bao gồm. Chính sáng thế cũng là ngôi nhà chung của chúng ta, nơi các thành viên của một gia đình nhân loại chung sống với tất cả các loài thụ tạo khác. Cam kết của chúng ta, được Chúa Thánh Thần hỗ trợ, là bảo đảm rằng Giáo hội được coi là một ngôi nhà chào đón, một bí tích của sự gặp gỡ và cứu rỗi, một trường học hiệp thông cho tất cả các con trai và con gái của Thiên Chúa. Giáo hội cũng là Dân Thiên Chúa bước đi với Chúa Kitô, trong đó mọi người được kêu gọi trở thành người hành hương của hy vọng. Thực hành hành hương truyền thống là một dấu hiệu của điều này. Lòng đạo đức bình dân là một trong những nơi của một Giáo hội truyền giáo đồng nghị.

116. Giáo hội địa phương, được hiểu là một giáo phận hoặc giáo phận Đông phương, là phạm vi cơ bản trong đó sự hiệp thông trong Chúa Kitô của những người đã chịu phép rửa được tỏ hiện đầy đủ nhất. Là Giáo hội địa phương, cộng đồng được tập hợp lại để cử hành Bí tích Thánh Thể do Giám mục của mình chủ trì. Mỗi Giáo hội địa phương có tổ chức nội bộ riêng, đồng thời vẫn duy trì mối quan hệ với các Giáo hội địa phương khác.

117. Giáo xứ là một trong những đơn vị tổ chức chính trong Giáo hội địa phương hiện diện trong suốt lịch sử của chúng ta. Cộng đồng giáo xứ tập hợp lại để cử hành Bí tích Thánh Thể là nơi ưu tuyển của các mối quan hệ, sự chào đón, sự phân định và sứ mệnh. Những thay đổi trong cách chúng ta trải nghiệm và sống mối quan hệ của mình với địa phương đòi hỏi chúng ta phải xem xét lại cách các giáo xứ được cấu hình. Điểm đặc trưng của giáo xứ là: đây là một cộng đồng không tự lựa chọn. Mọi người tập hợp ở đó từ các thế hệ, nghề nghiệp, nguồn gốc địa lý, giai cấp xã hội và địa vị khác nhau. Đáp ứng những nhu cầu mới của sứ mệnh đòi hỏi phải mở ra những hình thức hành động mục vụ mới, tính đến tính di động của con người và không gian trong đó cuộc sống của họ diễn ra. Bằng cách đặc biệt nhấn mạnh đến việc khai tâm Kitô giáo và cung cấp sự đồng hành và đào tạo, cộng đồng giáo xứ sẽ có thể hỗ trợ mọi người ở các giai đoạn khác nhau của cuộc sống trong việc hoàn thành sứ mệnh của họ trên thế giới. Theo cách này, người ta sẽ thấy rõ hơn rằng giáo xứ không tập trung vào chính mình mà hướng đến sứ mệnh. Lúc đó, giáo xứ được kêu gọi duy trì sự cam kết của rất nhiều người theo nhiều cách sống và làm chứng cho đức tin của họ thông qua nghề nghiệp của họ, trong các hoạt động xã hội, văn hóa và chính trị. Ở nhiều khu vực trên thế giới, các cộng đồng Kitô giáo nhỏ hoặc các cộng đồng giáo hội cơ bản là địa hình nơi các mối quan hệ có ý nghĩa về sự gần gũi và có đi có lại có thể phát triển mạnh mẽ, mang đến cơ hội trải nghiệm tính đồng nghị một cách cụ thể.

118. Chúng tôi nhìn nhận rằng các viện đời sống thánh hiến, các hội đời sống tông đồ, cũng như các hiệp hội, phong trào và cộng đồng mới, có khả năng bám rễ tại địa phương và đồng thời kết nối các địa điểm và môi trường khác nhau, thường ở bình diện quốc gia hoặc quốc tế. Hoạt động của họ, cùng với hoạt động của nhiều cá nhân và nhóm không chính thức, thường mang Tin Mừng đến các bối cảnh rất đa dạng: đến các bệnh viện, nhà tù, nhà dưỡng lão, trung tâm tiếp nhận người di cư, trẻ vị thành niên, những người bị thiệt thòi và nạn nhân của bạo lực; đến các trung tâm giáo dục và đào tạo, trường học và đại học nơi những người trẻ và gia đình gặp gỡ; đến các đấu trường văn hóa và chính trị và phát triển toàn diện của con người, nơi các hình thức chung sống mới được hình dung và xây dựng. Chúng tôi nhìn với lòng biết ơn cũng như đối với các tu viện, nơi tụ họp và phân định, nói về một “quá bên kia” liên quan đến toàn thể Giáo hội và chỉ đường cho Giáo hội. Giám mục hoặc giáo phận có trách nhiệm đặc biệt là làm sống động các cơ quan đa dạng này và nuôi dưỡng các mối dây hiệp nhất. Các viện và hiệp hội được kêu gọi hành động hiệp lực với Giáo hội địa phương, tham gia vào động lực của tính đồng nghị.

119. Đặt giá trị lớn hơn vào các không gian ‘trung gian’ giữa Giáo hội địa phương và Giáo hội hoàn vũ – chẳng hạn như các tỉnh giáo hội và các nhóm Giáo hội quốc gia và lục địa – có thể thúc đẩy sự hiện diện có ý nghĩa hơn của Giáo hội trong thế giới ngày nay. Tính di động và sự kết nối gia tăng làm cho ranh giới giữa các Giáo hội trở nên linh hoạt, đòi hỏi phải có sứ vụ trên một “lãnh thổ xã hội-văn hóa rộng lớn”. Sứ vụ như vậy cần đảm bảo rằng đời sống Kitô hữu “phải phù hợp với đặc điểm và khuynh hướng của mỗi nền văn hóa” trong khi tránh mọi “chủ nghĩa đặc thù sai lầm” (AG 22).

Trao đổi hồng phúc

120. Việc chúng ta cùng nhau bước đi như những môn đệ của Chúa Giêsu tại những nơi khác nhau này, với các đặc sủng và thừa tác vụ đa dạng của chúng ta, trong khi đồng thời tham gia vào việc trao đổi hồng phúc giữa các Giáo hội, là một dấu chỉ hữu hiệu về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa trong Chúa Kitô được đổ tràn trong Chúa Thánh Thần, Đấng đồng hành, nâng đỡ và chỉ đạo hành trình của nhân loại hướng tới Vương quốc của Thiên Chúa. Việc trao đổi hồng phúc này liên quan đến mọi khía cạnh của đời sống Giáo hội. Giáo hội hoàn thành sứ mệnh của mình bằng cách tiếp nhận và khuyến khích “sự giàu có, nguồn lực và phong tục của các dân tộc trong chừng mực chúng tốt lành; và khi tiếp nhận chúng, Giáo hội thanh tẩy, củng cố và nâng cao chúng” (LG 13). Giáo hội làm như vậy vì Giáo hội vừa được thiết lập trong Chúa Kitô như Dân Thiên Chúa từ mọi dân tộc trên trái đất và được cấu trúc một cách năng động trong sự hiệp thông của các Giáo hội địa phương, của các nhóm của họ và của các Giáo hội tự trị (sui iuris) trong một Giáo Hội Công Giáo. Lời khuyên của tông đồ Phêrô: “Như những người quản lý trung tín các thứ ân sủng của Thiên Chúa, anh em hãy phục vụ lẫn nhau với bất cứ ân huệ nào mà mỗi người đã nhận được” (1Pr 4:10) chắc chắn có thể áp dụng cho mỗi Giáo hội địa phương. Mối quan hệ giữa các Giáo Hội Công Giáo Latinh và Đông phương là một ví dụ điển hình và đầy cảm hứng về sự trao đổi ân huệ như vậy. Mối quan hệ này cần được hồi sinh và xem xét lại một cách đặc biệt cẩn thận do những hoàn cảnh lịch sử đã thay đổi và cấp bách. Việc trao đổi hồng phúc và tìm kiếm lợi ích chung trong các khu vực địa lý xuyên quốc gia và liên văn hóa rộng lớn như Amazon, lưu vực sông Congo và Biển Địa Trung Hải đang nổi lên như một ví dụ về sự mới mẻ và hy vọng. Sự trao đổi này bao gồm cam kết đối với các vấn đề xã hội có tầm quan trọng hoàn cầu to lớn.

121. Giáo hội, cả ở bình diện địa phương lẫn nhờ sự hiệp nhất Công Giáo của mình, mong muốn trở thành một mạng lưới các mối quan hệ truyền bá và thúc đẩy một cách tiên tri một nền văn hóa gặp gỡ, công lý xã hội, hòa nhập những người bị thiệt thòi, hiệp thông giữa các dân tộc và chăm sóc trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta. Việc thực hiện cụ thể điều này đòi hỏi mỗi Giáo hội phải chia sẻ nguồn lực của mình trong tinh thần liên đới, không có chủ nghĩa cha chú hay sự phụ thuộc, tôn trọng sự đa dạng và cổ vũ sự hỗ tương lành mạnh. Điều này bao gồm, khi cần thiết, cam kết chữa lành vết thương ký ức và bước đi trên con đường hòa giải. Việc trao đổi hồng phúc và chia sẻ nguồn lực giữa các Giáo hội địa phương thuộc các khu vực khác nhau phát huy sự hiệp nhất của Giáo hội, tạo ra mối liên kết giữa các cộng đồng Kitô giáo có liên quan. Cần tập chú vào các điều kiện cần thiết để bảo đảm rằng các linh mục đến giúp đỡ các giáo hội cần giáo sĩ không chỉ cung cấp một giải pháp chức năng mà còn đại diện nguồn lực cho sự phát triển của cả Giáo hội cử họ đến và Giáo hội tiếp nhận họ. Tương tự như vậy, cần bảo đảm rằng viện trợ kinh tế không thoái hóa thành việc cung cấp phúc lợi đơn thuần, mà còn thúc đẩy tình liên đới truyền giáo đích thực và được quản lý một cách minh bạch và đáng tin cậy.

122. Việc trao đổi hồng phúc có ý nghĩa quan trọng trong hành trình hướng tới sự hiệp nhất trọn vẹn và hữu hình giữa tất cả các Giáo hội và cộng đồng Kitô giáo. Hơn nữa, nó đại diện cho một dấu hiệu hữu hiệu của sự hiệp nhất trong đức tin và tình yêu của Chúa Kitô, cổ vũ cả tính khả tín và tác động của sứ mệnh Kitô giáo (x. Ga 17:21). Thánh Gioan Phaolô II đã áp dụng biểu thức sau đây cho đối thoại đại kết: “Đối thoại không chỉ đơn thuần là trao đổi ý tưởng. Một cách nào đó, nó luôn là ‘trao đổi hồng phúc’”. (UUS 28). Những nỗ lực trước đây và đang diễn ra để nhập thể một Tin Mừng duy nhất của nhiều truyền thống Kitô giáo trong sự đa dạng của bối cảnh văn hóa, hoàn cảnh lịch sử và thách thức xã hội - chú ý đến Lời Chúa và tiếng nói của Chúa Thánh Thần - đã tạo ra nhiều hoa trái dồi dào trong sự thánh thiện, bác ái, linh đạo, thần học, liên đới xã hội và văn hóa. Đã đến lúc phải trân trọng những sự giàu có quý giá này: với lòng quảng đại, chân thành, không có định kiến, với lòng biết ơn Chúa và với sự cởi mở lẫn nhau, trao tặng cho nhau mà không cho rằng chúng là tài sản độc quyền của chúng ta. Gương mẫu của các vị thánh và chứng nhân đức tin từ các Giáo hội và Cộng đồng Kitô giáo khác cũng là một hồng phúc mà chúng ta có thể nhận được, bao gồm cả việc lồng lễ kính nhớ các ngài- đặc biệt là lễ kính nhớ các vị tử đạo - vào lịch phụng vụ của chúng ta.

123. Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đại Imam của Al-Azhar, Ahmed Al-Tayyeb, đã tuyên bố cam kết áp dụng “một nền văn hóa đối thoại như con đường; hợp tác lẫn nhau như quy tắc ứng xử; hiểu biết lẫn nhau như phương pháp và tiêu chuẩn” trong Văn kiện về Tình huynh đệ nhân loại vì Hòa bình thế giới và Chung sống, được ký tại Abu Dhabi vào ngày 4 tháng 2 năm 2019. Đây không phải là một khát vọng không đâu hay điều gì đó tùy chọn trên hành trình của dân Chúa trong thế giới ngày nay. Một Giáo hội đồng nghị cam kết bước đi trên con đường này cùng với những tín đồ của các tôn giáo khác và những người có niềm tin khác ở bất cứ nơi nào Giáo hội đó hiện diện. Giáo hội tự do chia sẻ niềm vui của Tin Mừng và biết ơn đón nhận những hồng phúc tương ứng của họ. Thông qua sự hợp tác này, chúng ta hướng đến mục tiêu xây dựng cùng nhau, như tất cả chị em và anh em, trong tinh thần “hoạt động và hỗ trợ lẫn nhau” (x. GS 40), công lý, liên đới, hòa bình và đối thoại liên tôn. Ở một số vùng, mọi người gặp nhau trong các cộng đồng láng giềng nhỏ bất kể họ thuộc tôn giáo nào. Những cộng đồng này tạo ra môi trường thuận lợi cho cuộc đối thoại ba chiều: cuộc sống, hành động và cầu nguyện.

Mối liên kết hiệp nhất: Các Hội đồng Giám mục và các Phiên họp Giáo hội

124. Nguyên tắc chỉ đạo của mối quan hệ giữa các Giáo hội là quan điểm hiệp thông thông qua việc chia sẻ các ân huệ. Điều này kết hợp sự chú ý đến các mối liên kết tạo nên sự hiệp nhất của toàn thể Giáo hội với sự công nhận và đánh giá cao tính đặc thù về bối cảnh của mỗi Giáo hội địa phương, cùng với lịch sử và truyền thống của họ. Phong cách đồng nghị cho phép các Giáo hội địa phương di chuyển với tốc độ khác nhau. Sự khác biệt về tốc độ có thể được coi là biểu hiện của tính đa dạng hợp pháp và là cơ hội để chia sẻ các ân huệ và làm giàu lẫn nhau. Đường chân trời chung này đòi hỏi phải phân định, xác định và cổ vũ các hoạt động cụ thể cho phép chúng ta trở thành một Giáo hội đồng nghị đang thực hiện sứ mệnh.

125. Các Hội đồng Giám mục phát biểu và thực hiện tính hợp đoàn của các Giám mục nhằm phát huy sự hiệp thông giữa các Giáo hội và đáp ứng hiệu quả hơn các nhu cầu của đời sống mục vụ. Họ là một công cụ cơ bản để tạo ra các mối liên kết, chia sẻ kinh nghiệm và các thông lệ tốt nhất giữa các Giáo hội, và để điều chỉnh đời sống Kitô giáo và việc phát biểu đức tin cho các nền văn hóa khác nhau. Với sự tham gia của toàn thể dân Chúa, họ cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển tính đồng nghị. Dựa trên các kết quả của quá trình đồng nghị, chúng tôi đề xuất như sau:

a) thu thập các thành quả của các cuộc luận bàn về quy chế thần học và pháp lý của các Hội đồng Giám mục.

b) xác định chính xác phạm vi thẩm quyền về tín lý và kỷ luật của các Hội đồng Giám mục. Không làm tổn hại đến thẩm quyền của Giám mục trong Giáo hội được giao phó cho mình hoặc gây nguy hiểm cho sự hiệp nhất hoặc tính Công Giáo của Giáo hội, việc thực hiện thẩm quyền như vậy một cách hợp đoàn có thể thúc đẩy việc giảng dạy đích thực của một đức tin theo cách thích hợp và được văn hóa hóa trong các bối cảnh khác nhau bằng cách xác định thần học phụng vụ, tín lý, kỷ luật, mục vụ và biểu thức linh đạo phù hợp (xem AG 22).

c) một quá trình đánh giá kinh nghiệm về hoạt động cụ thể của các Hội đồng Giám mục, về mối quan hệ giữa các Giám mục và với Tòa thánh để xác định các cải cách cụ thể cần thiết. Các chuyến viếng thăm ad limina Apostolorum có thể cung cấp những dịp thích hợp cho việc này;

d) bảo đảm rằng tất cả các giáo phận đều là một phần của một tỉnh giáo hội và của một Hội đồng Giám mục;

e) chỉ rõ rằng các quyết định do Hội đồng Giám mục đưa ra áp đặt một nghĩa vụ giáo hội cho mỗi Giám mục đã tham gia vào quyết định liên quan đến giáo phận của mình;

126. Trong tiến trình đồng nghị, bảy hội đồng giáo hội lục địa diễn ra vào đầu năm 2023 vừa là một sự đổi mới có liên quan vừa là một di sản mà chúng ta phải trân trọng. Chúng là một cách hữu hiệu để thực hiện giáo huấn của công đồng về giá trị của “mỗi khu vực xã hội-văn hóa lớn” trong việc theo đuổi “một sự thích nghi sâu sắc hơn trong toàn bộ lĩnh vực đời sống Kitô giáo” (AG 22). Để giúp họ có thể đóng góp đầy đủ hơn vào sự phát triển của một Giáo hội đồng nghị, cần phải làm rõ tình trạng thần học và giáo luật của các phiên họp giáo hội, cũng như tình trạng của các nhóm lục địa của các Hội đồng Giám mục. Đặc biệt, các Chủ tịch của các nhóm này có trách nhiệm khuyến khích và duy trì sự phát triển liên tục của tiến trình này.

127. Trong các Phiên họp Giáo hội (khu vực, quốc gia, lục địa), các thành viên thể hiện và đại diện cho sự đa dạng của dân Chúa (bao gồm các Giám mục) tham gia vào quá trình biện phân sẽ cho phép các Giám mục, một cách hợp đoàn, đưa ra các quyết định mà họ có thể đưa ra vì lý do thừa tác vụ của họ. Kinh nghiệm này chứng minh cách thức tính đồng nghị cho phép cụ thể sự tham gia của mọi người (Dân thánh của Chúa) và thừa tác vụ của một số người (Giám mục đoàn) trong quá trình ra quyết định liên quan đến sứ mệnh của Giáo hội. Chúng tôi đề xuất rằng sự phân định có thể bao gồm, theo cách phù hợp với sự đa dạng của các bối cảnh, các không gian để lắng nghe và đối thoại với các Kitô hữu khác và đại diện của các tôn giáo khác, các tổ chức công, các tổ chức xã hội dân sự và xã hội nói chung.

128. Trong các hoàn cảnh xã hội và chính trị chuyên biệt, một số Hội đồng Giám mục gặp khó khăn khi tham gia vào các phiên họp lục địa hoặc các cơ quan giáo hội siêu quốc gia. Tòa thánh có trách nhiệm hỗ trợ họ bằng cách cổ vũ đối thoại và tin tưởng lẫn nhau với các quốc gia, để họ có cơ hội tham gia với các Hội đồng Giám mục khác để có thể chia sẻ các ân huệ.

129. Để thực hiện một “‘sự tản quyền’ lành mạnh” (EG 16) và một sự hội nhập văn hóa đức tin hữu hiệu, không những cần phải công nhận vai trò của các Hội đồng Giám mục, mà còn phải tái khám phá ra định chế của các công đồng đặc biệt, cả cấp tỉnh lẫn toàn thể. Việc cử hành định kỳ các công đồng này là một nghĩa vụ trong phần lớn lịch sử của Giáo hội và hiện được quy định trong giáo luật của Giáo hội Latinh (xem CIC các điều 439-446). Chúng nên được triệu tập định kỳ. Thủ tục công nhận kết luận của các công đồng đặc biệt của Tòa thánh (recognitio) nên được cải cách để khuyến khích công bố kịp thời bằng cách chỉ định thời hạn chính xác hoặc, trong trường hợp các vấn đề hoàn toàn mang tính mục vụ hoặc kỷ luật (không liên quan trực tiếp đến các vấn đề đức tin, luân lý hoặc kỷ luật bí tích), bằng cách đưa ra một giả định pháp lý tương đương với sự đồng ý ngầm.

Việc phục vụ của Giám mục Rôma

130. Tiến trình đồng nghị cũng đã xem xét lại vấn đề về cách thức Giám mục Rôma thực hiện thừa tác vụ của mình. Tính đồng kết hợp các khía cạnh cộng đồng (mọi người), hợp đoàn (một số người) và cá nhân (một người) của các Giáo hội địa phương và của toàn thể Giáo hội. Dưới góc độ này, thừa tác vụ Phêrô đóng vai trò cơ bản trong động lực đồng nghị, cũng như khía cạnh cộng đồng bao gồm toàn thể dân Chúa và chiều kích hợp đoàn của thừa tác vụ giám mục (xem ITC 64).

131. Do đó, chúng ta có thể hiểu được mức độ khẳng định của Công đồng rằng “trong sự hiệp thông giáo hội, có những giáo hội địa phương hợp pháp được hưởng truyền thống riêng của họ, trong khi quyền tối thượng của tòa Phêrô vẫn còn nguyên vẹn, là tòa chủ trì sự hiệp thông bác ái phổ quát và bảo vệ những khác biệt hợp pháp trong khi vẫn quan tâm để những gì đặc thù không những không gây hại cho sự hiệp nhất mà còn dẫn đến sự hiệp nhất” (LG 13). Giám mục Rôma, nền tảng của sự hiệp nhất của Giáo hội (x. LG 23), là người bảo đảm cho tính đồng nghị: ngài là người triệu tập Giáo hội trong Thượng hộ đồng và chủ trì nó, xác nhận kết quả của nó. Là người kế vị Thánh Phêrô, ngài có vai trò độc nhất trong việc bảo vệ kho tàng đức tin và luân lý, bảo đảm để các tiến trình đồng nghị hướng đến sự hiệp nhất và chứng tá. Cùng với Giám mục Rôma, Hội đồng Giám mục có vai trò không thể thay thế trong việc chăn dắt toàn thể Giáo hội (x. LG 22-23) và trong việc cổ vũ tính đồng nghị trong tất cả các Giáo hội địa phương.

132. Là người bảo đảm sự hiệp nhất trong đa dạng, Giám mục Rôma bảo đảm để bản sắc của các Giáo Hội Công Giáo Đông phương được bảo vệ và các truyền thống thần học, giáo luật, phụng vụ, linh đạo và mục vụ lâu đời của họ được tôn trọng. Các Giáo hội này được trang bị các cấu trúc đồng nghị luận bàn riêng của mình: Thượng hội đồng Giám mục của Giáo hội Thượng phụ, Thượng hội đồng của Giáo hội Tổng giám mục Chính (CCEO c. 102. ss., 152), Hội đồng Tỉnh (CCEO can. 137), Hội đồng các Giáo phẩm (CCEO cc. 155, § 1, 164 ss.), và cuối cùng là các Hội đồng Giáo phẩm của các Giáo hội tự trị (sui iuris) khác nhau (CCEO can. 322) Như các Giáo hội tự trị (sui iuris) hiệp thông trọn vẹn với Giám mục Rôma, họ giữ vững bản sắc Đông phương và quyền tự chủ của mình. Trong khuôn khổ của tính đồng nghị, việc cùng nhau xem xét lại lịch sử là điều thích hợp để chữa lành vết thương trong quá khứ và đào sâu cách chúng ta sống hiệp thông. Điều này có nghĩa là xem xét việc điều chỉnh các mối quan hệ giữa các Giáo Hội Công Giáo Đông phương và Giáo triều Rôma. Các mối quan hệ giữa Giáo hội Latinh và các Giáo Hội Công Giáo Đông phương phải được đặc trưng bởi sự trao đổi các ân sủng, sự hợp tác và sự làm giàu lẫn nhau.

133. Để thúc đẩy các mối quan hệ này, Phiên họp Thượng hội đồng đề nghị thành lập một Hội đồng các Thượng phụ, Tổng giám mục chính và Tổng giám mục giáo đô của các Giáo Hội Công Giáo Đông phương do Đức Giáo Hoàng chủ trì, đây sẽ là biểu thức của tính đồng nghị và là công cụ thúc đẩy sự hiệp thông. Hội đồng cũng sẽ đóng vai trò là phương tiện chia sẻ di sản phụng vụ, thần học, giáo luật và linh đạo. Việc nhiều tín hữu Đông phương di cư vào các vùng của Nghi lễ Latinh có nguy cơ gây tổn hại tới bản sắc của họ. Các dụng cụ và chuẩn mực cần được phát triển để tăng cường sự hợp tác càng nhiều càng tốt giữa Giáo hội La tinh và các Giáo Hội Công Giáo Đông phương để giải quyết tình trạng này. Phiên họp Thượng hội đồng khuyến nghị đối thoại chân thành và hợp tác huynh đệ giữa các Giám mục La tinh và Đông phương, để bảo đảm việc chăm sóc mục vụ tốt hơn cho các tín hữu Đông phương không có linh mục theo nghi lễ của riêng họ và để bảo đảm, với quyền tự chủ thích hợp, sự tham gia của các Giám mục Đông phương vào các Hội đồng Giám mục.

Cuối cùng, Phiên họp đề nghị rằng Đức Thánh Cha triệu tập một Thượng hội đồng đặc biệt để thúc đẩy việc củng cố và tái phát triển các Giáo Hội Công Giáo Đông phương.

134. Một suy tư của Thượng hội đồng về việc thực hiện thừa tác vụ Phêrô phải được thực hiện theo quan điểm của “‘tản quyền’ lành mạnh” (EG 16) mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô và nhiều Hội đồng Giám mục mong muốn. Theo Tông hiến Praedicate Evangelium, sự tản quyền này có nghĩa là “giao cho các Giám mục thẩm quyền giải quyết, trong khi thực hiện ‘nhiệm vụ riêng của họ là những người dạy dỗ’ và những mục tử, những vấn đề mà họ quen thuộc và không ảnh hưởng đến sự hiệp nhất về tín lý, kỷ luật và sự hiệp thông của Giáo hội, luôn hành động với tinh thần đồng trách nhiệm là hoa trái và biểu thức của mysterium Communionis tức Giáo hội” (PE II, 2). Để tiếp tục tiến triển theo hướng này, người ta có thể khởi xướng một nghiên cứu thần học và giáo luật có nhiệm vụ là xác định những vấn đề cần trình lên Đức Giáo Hoàng (reservatio papalis) và những vấn đề có thể trình lên các Giám mục trong Giáo hội hoặc nhóm Giáo hội của họ. Điều này nên được thực hiện phù hợp với Tự Sắc Competentias quasdam decernere gần đây (ngày 15 tháng 2 năm 2022). Văn kiện này chỉ định “một số lĩnh vực thẩm quyền liên quan đến các điều khoản của Bộ luật nhằm bảo vệ sự thống nhất kỷ luật trong Giáo hội hoàn vũ và quyền hành pháp trong các Giáo hội địa phương và các tổ chức giáo hội” trên cơ sở “động lực của sự hiệp thông giáo hội” (Lời nói đầu). Ngay cả các chuẩn mực giáo luật cũng nên được phát triển theo phong cách đồng nghị bởi những người có trách nhiệm và thẩm quyền liên quan và nên được phép chín muồi như hoa trái của sự phân định của giáo hội.

135. Tông hiến Praedicate Evangelium đã định hình dịch vụ của Giáo triều Rôma theo nghĩa đồng nghị và truyền giáo. Văn kiện này nhấn mạnh rằng “không được thiết lập giữa Đức Giáo Hoàng và các Giám mục, nhưng phục vụ cả hai, theo các phương thức phù hợp với bản chất của mỗi bên” (PE I, 8). Việc thực hiện văn kiện này phải cổ vũ sự hợp tác lớn hơn giữa các giáo phận và khuyến khích họ lắng nghe các Giáo hội địa phương. Trước khi công bố các văn kiện chuẩn mực quan trọng, các giáo phận được khuyến khích khởi xướng một cuộc tham vấn với các Hội đồng Giám mục và với các cấu trúc tương ứng của các Giáo Hội Công Giáo Đông phương. Phù hợp với lý lẽ minh bạch và trách nhiệm giải trình nêu trên, có thể hình dung ra các hình thức đánh giá công việc của Giáo triều. Đánh giá như vậy, theo quan điểm đồng nghị và truyền giáo, cũng có thể được mở rộng cho các Đại diện Giáo hoàng. Các chuyến viếng thăm ad limina Apostolorum là đỉnh cao của mối quan hệ giữa các Giám mục của các Giáo hội địa phương với Giám mục Rôma và những cộng sự thân cận nhất của ngài tại Giáo triều Rôma. Nhiều Giám mục mong muốn rằng cách thức tiến hành các chuyến viếng thăm này sẽ được xem xét lại để biến chúng thành cơ hội trao đổi cởi mở và lắng nghe lẫn nhau nhiều hơn. Xem xét các nền văn hóa và hậu cảnh đa dạng của họ, điều quan trọng là, vì lợi ích của Giáo hội, các thành viên của Hồng Y đoàn phải hiểu rõ hơn về nhau và thúc đẩy mối quan hệ hiệp thông giữa họ. Tính đồng nghị nên truyền cảm hứng cho sự hợp tác của họ với Thừa tác vụ Phêrô và sự phân định hợp đoàn của họ trong các mật nghị thường kỳ và bất thường.

136. Thượng hội đồng Giám mục xuất hiện như một trong những nơi rõ ràng nhất trong đó tính đồng nghị và tính hợp đoàn được thực hành. Tông Hiến Episcopalis communio đã biến đổi điều này từ một biến cố thành một tiến trình của Giáo hội. Thượng Hội đồng được Thánh Phaolô VI thành lập như một phiên họp các Giám mục được triệu tập để hỗ trợ Giám mục Rôma trong mối quan tâm của ngài đối với toàn thể Giáo hội. Ngày nay, được chuyển thành một tiến trình theo từng giai đoạn, nó thúc đẩy mối quan hệ thiết yếu giữa dân Chúa, Hội đồng Giám mục và Giáo hoàng. Toàn thể Dân thánh của Chúa, các Giám mục được giao phó một phần dân Chúa và Giám mục Rôma tham gia đầy đủ vào tiến trình đồng nghị, mỗi người theo chức năng riêng của mình. Sự tham gia này được tỏ hiện rõ trong thành phần đa dạng của Phiên họp Thượng Hội đồng tập hợp xung quanh Đức Giáo Hoàng, phản ảnh tính Công Giáo của Giáo hội. Đặc biệt, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã giải thích, thành phần của Phiên họp thường lệ XVI này “không chỉ là một sự kiện ngẫu nhiên. Nó thể hiện một cách thực hiện chức vụ giám mục phù hợp với Truyền thống sống động của các Giáo hội và với giáo huấn của Công đồng Vatican II” (Diễn văn tại cuộc họp đầu tiên của Kỳ họp thứ hai của Phiên họp thường lệ thứ XVI của Thượng hội đồng giám mục, ngày 2 tháng 10 năm 2024). Thượng hội đồng giám mục, vẫn duy trì bản chất giám mục của mình, đã thấy và sẽ có thể thấy trong tương lai qua sự tham gia của các thành viên khác của dân Chúa “hình dạng mà thẩm quyền giám mục được kêu gọi thực hiện trong một Giáo hội nhận thức rằng về bản chất là có mối quan hệ và, vì thế, có tính thượng hội đồng” (ibid.) vì sứ mệnh. Trong việc đào sâu bản sắc của Thượng hội đồng giám mục, điều cốt yếu là sự kết hợp giữa sự tham gia của mọi người (Dân thánh của Chúa), thừa tác vụ của một số người (Giám mục đoàn) và chủ trì của một người (người kế vị Thánh Phêrô) xuất hiện và được thực hiện cụ thể trong suốt quá trình thượng hội đồng và trong các Phiên họp.

137. Một trong những thành quả quan trọng nhất của Thượng hội đồng 2021-2024 là cường độ của lòng nhiệt thành đại kết. Nhu cầu tìm ra “một hình thức thực thi Quyền tối thượng [...] mở ra một tình huống mới” (UUS 95) là một thách đố cơ bản đối với cả một Giáo hội đồng nghị truyền giáo và đối với sự hiệp nhất Kitô giáo. Thượng hội đồng hoan nghênh việc công bố gần đây của Bộ Thúc đẩy sự hiệp nhất Kitô giáo Giám mục Rôma: Quyền tối thượng và tính đồng nghị trong các cuộc đối thoại đại kết và trong các phản hồi cho Thông điệp Ut Unum Sint, mở ra những hướng nghiên cứu sâu hơn. Tài liệu cho thấy rằng việc thúc đẩy sự hiệp nhất Kitô giáo là một khía cạnh thiết yếu trong sứ vụ của Giám mục Rôma và hành trình đại kết đã thúc đẩy sự hiểu biết sâu sắc hơn về điều này. Các đề nghị cụ thể mà tài liệu chứa đựng liên quan đến việc đọc lại hoặc bình luận chính thức về các định nghĩa tín điều của Công đồng Vatican I về quyền tối thượng, sự phân biệt rõ ràng hơn giữa các trách nhiệm khác nhau của Giáo hoàng, việc thúc đẩy tính đồng nghị trong Giáo hội và trong mối quan hệ của Giáo hội với thế giới và việc tìm kiếm một mô hình hiệp nhất dựa trên một giáo hội học hiệp thông mang lại triển vọng đầy hứa hẹn cho hành trình đại kết. Phiên họp Thượng hội đồng hy vọng rằng tài liệu này sẽ là cơ sở để tiếp tục suy tư với các Kitô hữu khác, “tất nhiên là cùng nhau”, về việc thực hiện Thừa tác vụ Hiệp nhất của Giám mục Rôma như một “dịch vụ yêu thương được tất cả những người liên quan công nhận” (UUS 95).

138. Sự phong phú trong việc tham gia của các Đại biểu Huynh đệ từ các Giáo hội và Cộng đồng Kitô giáo khác tại Phiên họp Thượng hội đồng mời gọi chúng tôi chú ý nhiều hơn đến các hoạt động đồng nghị của các đối tác đại kết của chúng ta, cả ở phương Đông lẫn phương Tây. Đối thoại đại kết là nền tảng để phát triển sự hiểu biết về tính đồng nghị và sự hiệp nhất của Giáo hội. Nó thúc giục chúng ta phát triển các hoạt động đồng nghị đại kết, bao gồm các hình thức tham vấn và biện phân về các vấn đề cùng quan tâm và cấp bách, như việc cử hành một Thượng hội đồng đại kết về việc truyền giảng Tin Mừng có thể là. Nó cũng mời gọi chúng ta cùng nhau chịu trách nhiệm về con người chúng ta, những gì chúng ta làm và những gì chúng ta dạy. Điều làm cho điều này trở nên khả hữu là sự hiệp nhất của chúng ta dưới một Phép Rửa duy nhất mang đến cho chúng ta động lực của sự hiệp thông, sự tham gia và sứ mệnh và mang lại sự sống cho căn tính của chúng ta là Dân Thiên Chúa.

139. Vào năm 2025, Năm Thánh, chúng ta cũng sẽ kỷ niệm Công đồng Ni-xê-a, Công đồng Chung đầu tiên, tại đó bản tuyên xưng đức tin nhằm hợp nhất mọi Kitô hữu đã được hình thành. Việc chuẩn bị và kỷ niệm chung 1700 năm biến cố này sẽ là cơ hội để đào sâu và cùng nhau tuyên xưng đức tin của chúng ta vào Chúa Kitô và đưa vào thực hành các hình thức đồng nghị giữa các Kitô hữu thuộc mọi truyền thống. Đây cũng sẽ là cơ hội để phát động các sáng kiến táo bạo cho một ngày Lễ Phục sinh chung để chúng ta có thể cử hành Lễ Phục sinh của Chúa vào cùng một ngày, như sẽ xảy ra, một cách quan phòng, vào năm 2025. Điều này sẽ mang lại sức mạnh truyền giáo lớn hơn cho việc công bố về Người, Đấng là sự sống và ơn cứu độ của toàn thế giới.
 
Bài Giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô: Các đặc sủng, những ân huệ của Chúa Thánh Thần để sử dụng chung
Vũ Văn An
13:37 20/11/2024

Theo tin Tòa Thánh, sáng nay, 20 tháng Mười Một, 2024, trong buổi tiếp kiến chung tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phê-rô, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về Chúa Thánh Thần; và hôm nay, ngài nhấn mạnh tới Các đặc sủng, những ân huệ của Chúa Thánh Thần để sử dụng chung. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý tuần này của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp.



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Trong ba bài giáo lý trước, chúng ta đã nói về công trình thánh hóa của Chúa Thánh Thần được thực hiện trong các bí tích, trong lời cầu nguyện và bằng cách noi gương Mẹ Thiên Chúa. Nhưng chúng ta hãy lắng nghe một bản văn nổi tiếng của Công đồng Vatican II nói rằng: “Không những qua các bí tích và các thừa tác vụ của Giáo hội, Chúa Thánh Thần thánh hóa và dẫn dắt dân Chúa và làm cho họ giàu có bằng các nhân đức, nhưng ‘phân phát các ân huệ của Người cho mọi người tùy theo ý Người’” (x. 1 Cr 12:11) (Lumen gentium, 12). Chúng ta cũng có những ân phúc bản thân mà Chúa Thánh Thần ban cho mỗi người chúng ta.

Do đó, đã đến lúc nói về cách thứ hai mà Chúa Thánh Thần hoạt động, đó là hành động đặc sủng. Có hai yếu tố góp phần định nghĩa nên đặc sủng là gì. Tôi sẽ giải thích một hạn từ hơi khó hiểu. Đầu tiên, đặc sủng là món quà được ban tặng “vì lợi ích chung” (1 Cr 12:7), để hữu ích cho mọi người. Nói cách khác, đặc sủng không phải chủ yếu và thông thường được dành cho việc thánh hóa bản thân người ta, mà là để “phục vụ” cộng đồng (x. 1 Pr 4:10). Đây là khía cạnh đầu tiên. Thứ hai, đặc sủng là món quà được ban tặng “cho một người”, hoặc “cho một số người” nói riêng, không phải cho tất cả mọi người theo cùng một cách, và đây là điều phân biệt đặc sủng với ân sủng thánh hóa, với các nhân đức đối thần và với các bí tích, vốn như nhau và chung cho tất cả mọi người. Đặc sủng được ban cho một người hoặc cộng đồng chuyên biệt. Đó là hồng phúc mà Chúa ban cho anh chị em.

Công đồng cũng giải thích điều này. Công đồng nói rằng Chúa Thánh Thần “phân phối các ân sủng đặc biệt cho các tín hữu ở mọi cấp bậc. Nhờ những ân sủng này, Người làm cho họ trở nên phù hợp và sẵn sàng đảm nhận những nhiệm vụ và chức vụ khác nhau góp phần vào việc đổi mới và xây dựng Giáo hội, theo lời của Thánh Tông đồ: “Sự biểu lộ của Chúa Thánh Thần được ban cho mọi người để sinh lợi” (1 Cr 12:7).

Các đặc sủng là “những viên ngọc” hoặc đồ trang trí mà Chúa Thánh Thần ban phát để làm cho Cô dâu của Chúa Kitô trở nên xinh đẹp hơn. Do đó, người ta có thể hiểu tại sao bản văn Công đồng kết thúc bằng lời khuyên sau: “Những đặc sủng này, dù là đặc sủng nổi bật nhất hay đơn giản và phổ biến rộng rãi hơn, đều phải được đón nhận với lòng biết ơn và an ủi vì chúng hoàn toàn phù hợp và hữu ích cho nhu cầu của Giáo hội” (LG 12).

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI khẳng định: “Bất cứ ai xem xét lịch sử của thời kỳ hậu công đồng đều có thể nhận ra quá trình đổi mới thực sự, thường có những hình thức bất ngờ trong các phong trào sống động và làm cho sức sống vô tận của Giáo hội thánh thiện trở nên gần như hữu hình”. Và đây là đặc sủng được ban cho một nhóm, thông qua một người.

Chúng ta phải khám phá lại các đặc sủng, vì điều này đảm bảo rằng việc thăng tiến giáo dân, và đặc biệt là phụ nữ, không những được hiểu là một thực tại mang tính định chế và xã hội học, mà còn theo chiều kích Kinh thánh và tâm linh. Thật vậy, giáo dân không phải là những người nhỏ bé nhất, không, giáo dân không phải là một hình thức cộng tác viên bên ngoài hay đội quân hỗ trợ của giáo sĩ, không! Họ có các đặc sủng và ân huệ riêng để đóng góp vào sứ mệnh của Giáo hội.

Chúng ta hãy nói thêm một điều nữa: khi chúng ta nói về các đặc sủng, chúng ta phải ngay lập tức xóa tan một sự hiểu lầm: đó là đồng nhất chúng với những ân sủng và khả năng phi thường hoặc ngoạn mục; thay vào đó, chúng là những ân sủng bình thường - mỗi người chúng ta đều có đặc sủng riêng - có giá trị phi thường nếu được Chúa Thánh Thần soi sáng và thể hiện bằng tình yêu trong các tình huống của cuộc sống. Một cách giải thích như vậy về đặc sủng là quan trọng, bởi vì nhiều Kitô hữu, khi nghe nói về các đặc sủng, cảm thấy buồn bã hoặc thất vọng, vì họ tin rằng họ không có bất cứ đặc sủng nào và cảm thấy mình bị loại trừ hoặc là Kitô hữu hạng hai. Không, họ không phải là những Kitô hữu hạng hai, không, mỗi người đều có đặc sủng bản thân và cộng đồng riêng. Thánh Augustinô đã trả lời những điều này vào thời của ngài bằng một so sánh rất hùng hồn: ‘Nếu anh chị em yêu thương,’ ngài nói với giáo dân của ngài, “Nếu anh chị em yêu thương, thì không phải là anh chị em không có gì: nếu anh chị em yêu thương sự hiệp nhất, thì bất cứ ai có bất cứ điều gì trong sự hiệp nhất đó cũng có nó cho anh chị em. Trong thân thể, chỉ có mắt nhìn thấy; nhưng có phải chỉ có mắt nhìn thấy không? Nó nhìn thấy cho cả tay và chân, và cho tất cả các chi thể khác”. [1]

Điều này tiết lộ bí mật tại sao đức ái được Thánh Tông đồ định nghĩa là “một cách tuyệt vời hơn nữa” (1 Cr 12: 31): nó khiến tôi yêu Giáo hội, hoặc cộng đồng nơi tôi sống và, trong sự hiệp nhất, tất cả các đặc sủng, không chỉ một số, là “của tôi”, giống như các đặc sủng “của tôi”, mặc dù chúng có vẻ nhỏ bé, đều thuộc về tất cả mọi người và vì lợi ích của tất cả mọi người. Đức ái nhân lên các đặc sủng; nó làm cho đặc sủng của một người, của một cá nhân, trở thành đặc sủng của tất cả mọi người. Cảm ơn anh chị em!

________________________

[1] Thánh Augustinô, Luận về Phúc âm Gioa-an, 32,8.
 
Về vấn đề thanh thiếu niên
Vũ Văn An
14:18 20/11/2024

Francis X. Maier, trên the Catholic Thing, Thứ tư, ngày 20 tháng 11 năm 2024, nhân cơ hội giới thiệu một cuốn sach mới, The Young Adult Playbook: Living Like It Matters, đã nói đến tuổi trẻ thời 1960 và hiện nay. Ông viết:



Vào cuối những năm 1960, Đại học Notre Dame vẫn là một tổ chức toàn nam. Chiến tranh Việt Nam đang diễn ra ác liệt. Các cuộc biểu tình trong khuôn viên trường cũng vậy. Động viên vẫn được áp dụng. Ma túy bất hợp pháp mới bắt đầu xuất hiện. Và mùa đông ở South Bend có tất cả sự quyến rũ của một trại gulag của Liên Xô ở Bắc Cực.

Vào vùng đất hoang vu ảm đạm của tháng 2 năm 1969 - năm thứ ba của tôi - một tia sáng kỳ lạ đến khó tin đã xuất hiện: một hội nghị cốt lõi khiêu dâm tại Notre Dame. Bằng cách nào đó, nó đã xoay sở để được tổ chức mà không bị ban quản lý trường giết chết. Đối với hàng nghìn nam sinh tuyệt vọng, thiếu phụ nữ (bao gồm cả tôi vào thời điểm đó), nó có sức hút từ tính như một chùm tia kéo của Star Trek.

Tuy nhiên, không lâu sau đó. Nó đã bị cảnh sát đột kích bằng bình xịt hơi cay. Sau đó, nó đã bị hủy bỏ.

Trong vài thập niên tiếp theo, tôi đã kết hôn, có con và tìm được một công việc tốt. Và tôi rất ngạc nhiên khi rất nhiều người trong lớp tôi, bất chấp sự hỗn loạn của những năm 1960, thực sự đã trưởng thành thành những người lớn có trách nhiệm và hạnh phúc. Nhưng tất nhiên, chúng tôi không may mắn. Chúng tôi đã được ban phước. Chúng tôi được hưởng lợi khi được đào tạo trong một nền văn hóa vẫn còn lành mạnh và tỉnh táo theo nhiều cách; một nền văn hóa thiên về hôn nhân và gia đình nguyên vẹn; một nền văn hóa có ý thức đạo đức ít nhiều theo Kinh thánh.

Những gì nhóm tuổi của tôi đã làm với nền văn hóa đó lại là một vấn đề khác. Bây giờ chúng ta có một quốc gia mà một thẩm phán Tòa án Tối cao là nữ không thể hoặc không muốn định nghĩa phụ nữ là gì.

Chúng ta hiện đang ở rất xa thời kỳ ngây thơ (tương đối) của những năm 1960. Đó là lý do tại sao một công cụ như The Young Adult Playbook: Living Like It Matters lại có giá trị đến vậy. Chúng ta đang sống trong thời đại hỗn loạn văn hóa dữ dội và tiếng ồn không ngừng. Chính vì lý do đó, Playbook chủ yếu nhắm vào những người trẻ tuổi, đang ở độ tuổi đại học, mặc dù nó cũng là tài liệu đọc thiết yếu đối với các bậc phụ huynh.

Đây thực sự là một lộ trình thực tế để định hình một cuộc sống có ý nghĩa trong một thế giới đầy lo lắng về sự nghiệp, hỗn loạn về cảm xúc và những phiền nhiễu vật chất liên tục. Theo lời của các tác giả, Playbook “mang đến một viễn cảnh đầy hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp và lòng can đảm để bước đi trên một con đường mới;” một con đường trưởng thành và viên mãn hơn là công việc không ngừng nghỉ, ham muốn leo thang nhưng trống rỗng và các mối quan hệ không có sự thân mật. Và họ đã thực hiện lời hứa đó.

Các tác giả biết tài liệu của họ từ kinh nghiệm cá nhân lâu dài. Mỗi người đều là vợ/chồng và cha mẹ. Mỗi người đều là một nhà giáo dục kỳ cựu, trình độ đại học. Anna Moreland là giáo sư của Đại học Villanova và là giám đốc chương trình cấp bằng danh dự của trường. Thomas W. Smith, cựu giáo sư của Villanova và đồng nghiệp của Moreland, hiện là khoa trưởng Trường Nghệ thuật và Khoa học tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ.

Mỗi người đều hết lòng với đức tin Công Giáo, trí tuệ đạo đức và truyền thống trí tuệ của Công Giáo. Mỗi người đều là nguồn lực hùng biện cho Giáo hội địa phương và Tổng giám mục Charles Chaput trong nhiệm kỳ của ngài tại Philadelphia. Và mỗi người đều có kỹ năng truyền đạt những điều quan trọng một cách rõ ràng, đơn giản và hấp dẫn – một món quà được thể hiện trong suốt Playbook và rất quan trọng để duy trì sự quan tâm của độc giả trẻ tuổi.

Về mặt cấu trúc, cuốn sách được chia thành ba lĩnh vực trọng tâm: công việc, giải trí và tình yêu. Những câu hỏi chính nảy sinh: Thành công thực sự là gì? Người ta nên theo đuổi nó như thế nào? Làm thế nào để người ta có thể sử dụng thời gian một cách có chủ đích – cho công việc, nghỉ ngơi và đổi mới – mà không lãng phí nó? Làm thế nào để nuôi dưỡng sự gần gũi thực sự? Các tác giả tiếp cận từng lĩnh vực thông qua “những câu chuyện hấp dẫn, lời khuyên thực tế hợp lý, kỳ vọng cao hơn và thói quen mới”, cùng với các bài tập nhật ký cụ thể.

Nói một cách ngắn gọn, Playbook là một cuốn sách tập huấn ngắn gọn, dễ hiểu và hữu hiệu được thiết kế để giúp những người trẻ tuổi định hướng lại khát vọng và thói quen của họ hướng tới một cuộc sống hạnh phúc thực sự. Nói cách khác, đây là một cuốn sách nhỏ có tác động rất lớn đến những người – mượn một suy nghĩ của tác giả – muốn kết nối với những hy vọng và ước mơ sâu sắc hơn của họ và khám phá ra những gì họ thực sự muốn trong cuộc sống.

Tính cách của người Mỹ có một nét cá nhân sâu sắc. Khi điều đó kết hợp với nền kinh tế tiêu dùng phụ thuộc vào việc tạo ra những ham muốn mới vô tận, chúng ta sẽ có một bài giáo lý 24/7 về tính ham muốn chiếm hữu và sự tập trung vào bản thân; một xã hội luôn bồn chồn. Không gì bán chạy hơn tình dục trong các hoạt động giải trí và trong công việc bán các sản phẩm mới. Vì vậy, giờ đây chúng ta tràn ngập hình ảnh khiêu dâm rõ ràng mà không thể tưởng tượng được vào những năm 1960 - không chỉ trên Internet mà còn trong thương mại và phương tiện truyền thông chính thống của chúng ta. Và kết quả là có thể đoán trước được.

Tỷ lệ cô đơn, sử dụng phim khiêu dâm, bệnh lây truyền qua đường tình dục và rối loạn nhận dạng giới tính ở những người trẻ tuổi tại Hoa Kỳ đều tăng lên. Trong khi đó, hoạt động tình dục thực sự, bằng xương bằng thịt, "có bạn tình" dưới mọi hình thức đều giảm cùng lúc. Những gì chúng ta tạo ra là một nền văn hóa có lợi ích cá nhân bị phá vỡ một cách tinh vi.

Một nền văn hóa coi các mối quan hệ là tạm thời và trẻ em là tốn kém, đáng sợ và đòi hỏi cao. Tất nhiên là chúng như vậy - ngoại trừ việc chúng cũng còn có nhiều thứ hơn thế nữa. Tác động xã hội của tất cả các yếu tố kết hợp này là sự gia tăng lo lắng, tức giận, trầm cảm và các tác động tiêu cực khác đến sức khỏe, cùng với việc lạm dụng ngôn ngữ tràn lan - hãy xem xét các biểu hiện như "quyền sinh sản" - để che giấu thiệt hại đang gây ra.

Bài học ở đây khá đơn giản. Chúng ta không thể làm sai lệch trật tự của Tạo hóa - bản chất của thế giới được tạo ra - mà không có sự phản kháng cuối cùng của thiên nhiên. Và điều đó bao gồm bản chất con người, bao gồm cả tình dục và thiết kế của nó. Theo suy nghĩ của Wendell Berry, tình dục của chúng ta không thể bị bán rẻ cho mục đích thương mại hoặc giải trí - "bán rẻ" là cách Berry cố ý lựa chọn từ ngữ - mà không phá hủy sự lãng mạn, sự tán tỉnh, tình yêu bền chặt, cuộc sống gia đình, sự toàn vẹn của gia đình và thậm chí là sự tôn trọng và lịch sự cơ bản giữa các giới tính.

Việc hạ giá tình dục cũng giống như việc mất giá của một loại tiền tệ. Nó phá hủy mọi giá trị liên quan. Thay vì được giải phóng, chúng ta lại phải đối diện với xung đột và đau khổ. Đây chính là thế giới mà những người trẻ tuổi hiện đang phải đối diện. Thế hệ của tôi đã góp phần định hình nên nó, và giờ đây tất cả chúng ta đều phải giúp những người trẻ tuổi tồn tại, trưởng thành về mặt đạo đức và tính cách, và xây dựng điều gì đó tốt đẹp hơn cho bản thân họ và cuộc sống mà họ tiếp xúc trong tương lai. Cuối cùng, đó là lý do tại sao The Young Adult Playbook lại quan trọng. Đó là lý do tại sao các tác giả đã mang đến cho chúng ta điều gì đó quan trọng.
 
Đức Giáo Hoàng thành lập Ủy ban Giáo hoàng mới cho Ngày Thế giới Trẻ em
Thanh Quảng sdb
16:47 20/11/2024
Đức Giáo Hoàng thành lập Ủy ban Giáo hoàng mới cho Ngày Thế giới Trẻ em

Đức Giáo Hoàng Phanxicô thành lập Ủy ban Giáo hoàng cho Ngày Thế giới Trẻ em, nhằm thúc đẩy Ngày Thế giới và sứ mệnh của Giáo hội trong việc ủng hộ tôn trọng quyền và phẩm giá của trẻ em.

(Tin Vatican - Devin Watkins)

“Ánh mắt của trẻ thơ là ánh mắt ngỡ ngàng và mở ra trước những điều bí ẩn, nhìn thấy những điều mà người lớn thường không nhận ra.”

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nêu bật tầm quan trọng của trẻ em trong Guồng máy (Chirograph) của mình khi thành lập Ủy ban Giáo hoàng cho Ngày Thế giới Trẻ em, được công bố vào thứ Tư (20/11/2024).

Ngài giao phó cho Ủy ban Giáo hoàng mới sứ mệnh “thúc đẩy, tổ chức và làm sôi động Ngày Thế giới Trẻ em.”

Đức Giáo Hoàng đã bổ nhiệm Cha Enzo Fortunato, O.F.M. Conv., làm Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban Giáo hoàng cho Ngày Thế giới Trẻ em.

Các Kitô hữu được kêu gọi trở nên giống trẻ thơ trong sự ngạc nhiên.

Trong cơ chế Giáo hội (Chirograph) của mình, Đức Giáo Hoàng Phanxicô lưu ý rằng địa vị xã hội của trẻ em đã thay đổi rất nhiều trong suốt chiều dài lịch sử của loài người.

“Vào thời Chúa Giêsu, trẻ em không được coi trọng”, ngài nói. “Chúng bị coi là "chưa phải là người" và thậm chí còn bị các giáo sĩ Do Thái tập trung vào việc giải thích những điều bí ẩn của Vương quốc bị coi là phiền toái”.

Đức Giáo Hoàng nói thêm rằng Chúa Giêsu đã làm đảo ngược tâm trạng này và thúc đẩy các môn đồ của Ngài noi theo sự ngạc nhiên mà trẻ em tiếp cận trong cuộc sống.

“Các môn đồ”, Đức Thánh Cha nói, “được kêu gọi phát triển trong sự tin tưởng, từ bỏ, ngạc nhiên và ngỡ ngàng - những phẩm chất mà tuổi tác và sự vỡ mộng thường dập tắt trong nhân loại”.

Vì trẻ em đã được cứu chuộc bởi Máu của Chúa Kitô, nên chúng cũng có giá trị cố hữu trong giai đoạn hiện tại của cuộc sống, không chỉ vì những gì chúng sẽ đóng góp cho Giáo hội và xã hội trong tương lai khi chúng trưởng thành”, ngài nói.

Đức Giáo Hoàng nói, “Gia đình, Giáo hội và Quốc gia tồn tại vì trẻ em, chứ không ngược lại”. “Ngay từ khi sinh ra, mỗi người đều là chủ thể của các quyền bất khả xâm phạm, bất khả xâm phạm và phổ quát”.

Chăm sóc trẻ em là 'bổn phận và thể hiện lòng bác ái'

Sau đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô thúc giục Giáo hội lên tiếng về quyền của trẻ em như bổn phận và như một thể hiện lòng bác ái.

Ngài nói rằng trẻ em có nhu cầu và quyền "được các bà mẹ, ông bố và gia đình công nhận, chào đón và hiểu biết, để có được sự tin tưởng; được bao bọc trong tình cảm và trải nghiệm sự an toàn về mặt cảm xúc, bất kể chúng có sống với cha mẹ hay không, để khám phá ra bản sắc của mình; và có tên, có gia đình và quốc tịch, cùng với sự tôn trọng và danh tiếng tốt, để tận hưởng sự ổn định về mặt cảm xúc trong điều kiện sống và giáo dục của chúng".

ĐTC nói rằng Ngày Thế giới Trẻ em mang đến cơ hội để đưa trẻ em vào trung tâm của hoạt động mục vụ của Giáo hội và đoàn kết các giáo phận trên toàn thế giới để công nhận tầm quan trọng của trẻ em.

Đức Giáo Hoàng cũng cho biết Ngày Thế giới này giúp trẻ em "biết, yêu thương và phục vụ Chúa Giêsu Kitô của chúng trong vai trò là Người bạn và Người chăn chiên nhân lành và củng cố đức tin của chúng trong truyền thống của những đứa con thánh thiện mà Giáo hội trân trọng như một di sản thiêng liêng".

Ưu tiên chăm sóc mục vụ cho trẻ em

Cuối cùng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết Ủy ban Giáo hoàng về Ngày Thế giới Trẻ em sẽ giữ cho sự kiện thường niên này thành một sự kiện cá biệt.

Thay vào đó, ngài cho biết, Ngày Thế giới Trẻ em nên trở thành một nỗ lực bền bỉ để đảm bảo rằng “việc chăm sóc mục vụ cho trẻ em ngày càng trở thành một ưu tiên có trình độ theo các thuật ngữ truyền giáo và sư phạm”.
 
Ai là người đứng sau các cuộc tấn công bạo lực vào Giáo hội?
Đặng Tự Do
17:57 20/11/2024


Philip Lawler của Catholic World News có bài nhận định nhan đề “Who’s behind the violent attacks on the Church?” nghĩa là “Ai là người đứng sau các cuộc tấn công bạo lực vào Giáo hội?”

Tiêu đề Catholic World News hôm nay bao gồm hai báo cáo khác nhau về các cuộc tấn công bạo lực vào giáo sĩ Công Giáo: một ở Tây Ban Nha, một ở Singapore. Trong mỗi trường hợp, kẻ tấn công đều nhanh chóng bị bắt giữ; trong mỗi trường hợp, nghi phạm đều có tiền sử phạm tội liên quan đến ma túy và có vẻ bị rối loạn nghiêm trọng. Trong mỗi trường hợp, chính quyền đều bảo đảm với chúng ta rằng đây không phải là hành động khủng bố.

Vậy phải chăng chúng ta có thể thư giãn, yên tâm rằng sẽ không có cuộc tấn công đồng loạt trên toàn thế giới vào các linh mục Công Giáo và Giáo Hội Công Giáo? Có lẽ là không.

Đôi khi các cuộc tấn công bạo lực vào các mục tiêu Công Giáo (linh mục hoặc tu sĩ, nhà thờ hoặc trường học) rõ ràng được thực hiện bởi những kẻ cuồng tín tôn giáo hoặc ngông cuồng ý thức hệ: những người theo chủ nghĩa Hồi giáo hoặc chủ nghĩa Marx hoặc những người theo chủ nghĩa dân tộc Hindu. Đôi khi chúng có thể là một phần của một chiến dịch chính trị, trong đó những người Công Giáo có liên hệ (đúng hoặc sai) với một trong hai đảng đối địch, như ở Miến Điện hoặc Cộng hòa Dân chủ Congo. Đôi khi các cuộc tấn công có thể được thúc đẩy bởi một mong muốn đơn giản là lợi nhuận tài chính, như trong hàng loạt vụ bắt cóc ở Nigeria. Và đôi khi—như với làn sóng phá hoại ở Canada và Hoa Kỳ—Giáo hội đã trở thành mục tiêu ưa thích của những người chạy theo cuộc cách mạng tình dục.

Vì vậy, có nhiều lý do khác nhau khiến những người tức giận có thể tấn Công Giáo Hội Công Giáo, giáo sĩ và các tổ chức của Giáo hội. Nhưng sự đa dạng về động cơ đó không nhất thiết có nghĩa là các cuộc tấn công không được phối hợp. Đúng vậy, chúng ta không thể truy tìm tất cả các vụ bạo lực đến nguồn gốc từ bất kỳ thẩm quyền nào của con người. Nhưng chúng ta biết rằng Có người ghét Giáo hội, và cuộc chiến lớn nhất của chúng ta luôn là với các thế lực và quyền lực.


Source:Catholic World News

 
Phép lạ Thánh Thể ở HERENTALS BELGIUM, 1412
Đặng Tự Do
17:58 20/11/2024


Trong Phép lạ Thánh Thể ở Herentals, một số Bánh Thánh đã bị đánh cắp trước đó đã được tìm thấy sau tám ngày hoàn toàn nguyên vẹn, mặc dù trời mưa. Các Bánh Thánh được tìm thấy trong một cánh đồng gần hang thỏ, được bao quanh bởi một ánh sáng rực rỡ và được sắp xếp theo hình chữ thập.

Hàng năm, hai bức tranh của Antoon van Ysendyck mô tả phép lạ này được rước đến cánh đồng nơi có một ngôi đền nhỏ được xây dựng – đền De Hegge.

Ở đây một Thánh lễ tưởng niệm được cử hành trước đông đảo mọi người. Hai bức tranh hiện đang được lưu giữ tại Nhà thờ Sint-Waldetrudiskerk ad Herentals.

Vào năm 1412, một người tên là Jan van Langerstede đã đến một khách sạn không xa thành phố nhỏ Herentals để thuê trọ. Người đàn ông chuyên nghiệp này đã đánh cắp các vật linh thiêng từ các nhà thờ và bán chúng trên khắp Âu Châu. Một ngày sau khi đến Herentals, anh ta đã đến thị trấn Poederlee gần đó. Anh ta vào nhà thờ giáo xứ và không bị phát hiện, đã đánh cắp chiếc chén thánh và bình đựng năm Bánh Thánh đã được truyền phép. Khi đang quay trở lại Herentals, tại nơi được gọi là “De Hegge”, nghĩa là “hàng rào”, anh ta cảm thấy như bị một thế lực bí ẩn ghì chặt lại khiến anh ta không thể tiếp tục cuộc hành trình. Nghi ngờ có gì đó bất ổn trong vụ trộm các Bánh Thánh, nên anh ta đã cố gắng vứt bỏ các Bánh Thánh bằng cách ném xuống sông, nhưng mọi nỗ lực của anh ta đều vô ích.

Jan đã ở bờ vực tuyệt vọng khi anh nhìn thấy một cánh đồng không xa lắm với một hang thỏ lớn, nơi anh đã ngay lập tức giấu Bánh Thánh. Nhiệm vụ diễn ra mà không gặp bất kỳ rắc rối nào, và người đàn ông đã có thể bình yên trở về Herentals. Trong khi đó, thẩm phán thành phố, Gilbert De Pape, đã bắt đầu một cuộc điều tra để tìm ra thủ phạm của vụ trộm tại nhà thờ Porderlee. Trong số những nghi phạm cũng có Jan của chúng ta. Cảnh sát đã khám xét hành lý của anh ta và tìm thấy chiếc chén thánh và bình đựng rượu thánh.

Jan sau đó thú nhận mọi thứ ngoại trừ việc anh ta đã vứt bỏ Bánh Thánh. Anh ta sẽ bị treo cổ ngay lập tức, và Jan đã trèo lên đoạn đầu đài khi được vị linh mục khuyến khích thanh tẩy tâm hồn trước khi chết, anh ta đã thú nhận hoàn toàn tội lỗi của mình. Sau đó, thẩm phán đã đình chỉ việc hành quyết và ra lệnh cho Jan chỉ ra chính xác nơi anh ta đã để lại Bánh Thánh. Một đám đông lớn đi theo họ. Ngay khi họ đến cánh đồng, họ thấy tất cả Bánh Thánh đều sáng ngời, được sắp xếp theo hình chữ thập.

Thật kỳ lạ, Bánh Thánh vẫn còn nguyên vẹn, bất chấp thời tiết lạnh lẽo và mưa gió, và chúng ngay lập tức được rước về, một số đến Herentals và một số đến Poederlee, nơi chúng ở lại cho đến thế kỷ 16. Vào ngày 2 Tháng Giêng năm 1441, phép lạ đã được thẩm phán của Herentals tuyên bố là xác thực. Tại nơi tìm thấy Bánh Thánh, một nhà nguyện nhỏ đã được xây dựng, nơi có nhiều giáo sĩ đến thăm, chẳng hạn như Đức Cha Jean Malderus, Giám mục của Anvers năm 1620, và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 XIV năm 1749. Con gái của John xứ Lussembourg, Elizabeth Van Görlitz, đã trả tiền để mở rộng nhà nguyện, sau này được chuyển đổi thành một đền thờ.
 
Hoàn tất giai đoạn giáo phận để phong thánh cho Cha Pedro Arrupe
Đặng Tự Do
17:59 20/11/2024


Ngày 14 tháng 11 đánh dấu sự khép lại giai đoạn giáo phận của tiến trình phong chân phước cho Cha Pedro Arrupe, vị bề trên tổng quyền thứ 28 của Dòng Tên.

Sau hơn năm năm nghiên cứu kỹ lưỡng về cuộc đời, các nhân đức và danh tiếng thánh thiện của vị tu sĩ Dòng Tên người Tây Ban Nha nổi tiếng, người cố vấn và “cha tinh thần” của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, giai đoạn giáo phận của quá trình này đã kết thúc tại Cung điện Latêranô ở Rôma.

Cha Arrupe giữ chức vụ bề trên tổng quyền thứ 28 của Dòng Tên từ năm 1965 đến năm 1983. Vào những năm 1970, ngài nhấn mạnh công lý xã hội là một trong những trọng tâm chính của công tác tông đồ của Dòng Tên.

Kể từ tháng 2 năm 2019, hơn 70 nhân chứng từ Tây Ban Nha, Rôma và Nhật Bản - nơi ngài đã sống trong 27 năm với tư cách là một nhà truyền giáo - đã được tòa án đại diện của Rôma thẩm vấn.

Cha Arrupe đã sống sót sau vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima năm 1945 và tận tụy chăm sóc những người bị thương tại một bệnh viện dã chiến được thành lập trong nhà tập.

Hiện nay, các tài liệu và biên bản do ủy ban lịch sử thu thập sẽ được chuyển giao cho Bộ Tuyên thánh, nơi sẽ đánh giá một phép lạ có thể xảy ra nhờ sự chuyển cầu của ngài, một bước quan trọng hướng tới việc tuyên chân phước cho ngài.

Buổi lễ được tổ chức vào đúng ngày kỷ niệm 117 năm ngày sinh của Cha Arrupe, do Hồng Y tân cử Baldassare Reina, tổng đại diện của Giáo phận Rôma, chủ trì.

Cũng có mặt trong buổi lễ long trọng này là các thành viên của Dòng Tên như bề trên tổng quyền Cha Arturo Sosa Abascal và cáo thỉnh viên án phong thánh, Cha Pascual Cebollada, người đã tuyên thệ sẽ trung thành hoàn thành sứ mệnh của mình và nhấn mạnh đến sở thích của Arrupe “vì người nghèo và đấu tranh cho công lý” thông qua lời cầu nguyện sốt sắng của mình.

Công chứng viên Marcello Terramani cũng có mặt, cũng như các thành viên của tòa án giáo phận; Đức Cha Giuseppe D'Alonzo, đại biểu giám mục; và Cha Giorgio Ciucci, Chưởng lý.

Đức Hồng Y Reina ca ngợi nhà lãnh đạo Dòng Tên, nhấn mạnh những nỗ lực của ngài trong việc đưa Công đồng Vatican II vào thực tiễn cũng như sự vâng phục và lòng trung thành sâu sắc của ngài đối với Giáo hội và các Đức Giáo Hoàng.

Ngài cũng nhấn mạnh sứ mệnh truyền giáo của mình và “lựa chọn ưu tiên” dành cho người nghèo và người có nhu cầu, dẫn đến sự ra đời của Dịch vụ tị nạn Dòng Tên mà ngài thành lập vào năm 1980.

Cha Sosa nhắc đến những giờ dài mà Cha Arrupe dành để cầu nguyện mỗi ngày. Khi được hỏi vị linh mục này lấy đâu ra thời gian để cầu nguyện, ngài thường trả lời rằng “chỉ là vấn đề ưu tiên”.

Buổi lễ được tổ chức tại Rôma cũng phản ánh về đặc sủng và mối quan hệ tốt đẹp của ngài với những người không thuộc Giáo Hội Công Giáo. Những nỗ lực của Cha Arrupe trong việc khiến giáo dân đảm nhận trách nhiệm cũng được nêu bật, cũng như bản chất hiếu khách của ngài.

Sau khi xem xét các tài liệu từ giai đoạn giáo phận, Bộ Vatican sẽ nghiên cứu khả năng tuyên bố Cha Arrupe là “đấng đáng kính”, một tước hiệu mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể ban cho ngài nếu xác định rằng ngài đã sống một cuộc đời thánh thiện và nhân đức.

Nếu điều này xảy ra, bước tiếp theo sẽ là phong chân phước. Điều này đòi hỏi phải có ít nhất một phép lạ được quy cho sự chuyển cầu của ngài. Để được tuyên thánh, một phép lạ thứ hai phải được xác nhận.

Trong cuộc gặp riêng với các linh mục của Dòng Tên trong chuyến đi tới Singapore vào tháng 9 năm ngoái, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bày tỏ mong muốn tuyên thánh cho vị tu sĩ Dòng Tên người Tây Ban Nha này.


Source:Catholic News Agency
 
VietCatholic TV
Sợ Nga trả thù, Tòa Đại Sứ Mỹ đóng cửa. Moscow tuyên bố sẵn sàng đàm phán. Mỹ viện trợ gấp 275 triệu
VietCatholic Media
15:44 20/11/2024


1. ‘Hỏa tiễn sẽ tự nói lên điều đó’, Zelenskiy nói. Vài giờ sau, hỏa tiễn do Hoa Kỳ sản xuất với 6.000 đầu đạn con đã bay về phía Nga.

Hôm Thứ Hai, 18 Tháng Mười Một, tờ New York Times đưa tin rằng chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã cấp phép cho Ukraine bắn hỏa tiễn tầm xa do Mỹ sản xuất vào các mục tiêu ở Nga.

“Hỏa tiễn sẽ tự nói lên điều đó,” Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tuyên bố sau khi tin tức này được đưa ra.

Vài giờ sau, trong bóng tối, một khẩu đội pháo của Ukraine đã bắn sáu quả hỏa tiễn Hệ thống hỏa tiễn chiến thuật của Quân đội nặng 3.700 pound vào một địa điểm lưu trữ hỏa tiễn của Nga tại Karachev, thuộc tỉnh Bryansk, phía tây nước Nga, cách biên giới với Ukraine 60 dặm.

Người Nga đã dự đoán quân Ukraine sẽ phóng ATACMS vào Kursk. Nhưng, trong một động thái dương đông kích tây cú đầu tiên đã rơi vào kho vũ khí Pháo binh và Hỏa tiễn số 67 ở Bryansk.

Rõ ràng là tại sao người Ukraine lại nhắm vào Kho vũ khí của Cục Hỏa tiễn và Pháo binh số 67 ở Bryansk. Trải rộng trên diện tích ít nhất 1,3 dặm vuông, kho vũ khí này là một trong những kho đạn dược lớn nhất của Điện Cẩm Linh. Máy bay điều khiển từ xa của Ukraine trước đó đã nhắm vào kho vũ khí này vào ngày 8 tháng 10.

ATACMS dẫn đường bằng GPS và quán tính gây ra biết bao nhiêu thiệt hại và gieo rắc kinh hoàng cho người Nga.

Trong khoảng một năm kể từ khi tặng hỏa tiễn ATACMS tầm bắn 190 dặm, Tòa Bạch Ốc đã từ chối yêu cầu của Ukraine về việc bắn hỏa tiễn vào các mục tiêu trên đất Nga. Ukraine chỉ có thể bắn ATACMS cổ điển của những năm 1990—mỗi quả có thể rải gần một ngàn quả đạn con cỡ lựu đạn—vào các phi trường, kho tiếp tế và nơi tập trung quân của Nga tại Ukraine bị Nga tạm chiếm.

Chính quyền Tổng thống Biden cuối cùng đã thay đổi chính sách của mình sau khi Bắc Hàn gửi hàng ngàn quân để tăng cường cho quân đội Nga đang tiến hành một cuộc phản công tốn kém—và cho đến nay vẫn chưa thành công—ở Kursk, ngay phía đông Bryansk. Một lực lượng mạnh của Ukraine chiếm giữ một khu vực rộng 1.300km vuông ở Kursk. Có vẻ như Kyiv quyết tâm giữ khu vực tạm chiếm này như một con bài mặc cả có thể có trong bất kỳ cuộc đàm phán ngừng bắn nào trong tương lai.

Kho vũ khí Bryansk chắc chắn là nơi lưu trữ đạn dược cho 50.000 quân Nga đang chiến đấu tại Kursk.

Putin gần đây đã hạ thấp ngưỡng chính thức cho lần đầu tiên Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, một động thái mà một số nhà quan sát cho là phản ứng với chính sách ATACMS mới. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã mô tả một cách vô lý phản ứng quốc tế đối với cuộc xâm lược Ukraine của Nga vào tháng 2 năm 2022 là “cuộc chiến tranh của phương Tây chống lại Nga”.

Chính quyền Tổng thống Biden đã bác bỏ mô tả đó. “Chúng tôi không có chiến tranh với Nga”, Phó Thư ký Báo chí Ngũ Giác Đài Sabrina Singh cho biết. “Bên tiếp tục leo thang cuộc chiến này là Nga, bằng cách đưa một quốc gia nước ngoài khác vào chiến trường”.

Người Nga đã dự đoán được sự thay đổi trong chính sách ATACMS từ một tháng trước—và bắt đầu bổ sung thêm các công sự đất và các cấu trúc bảo vệ khác tại các cơ sở dễ bị tổn thương nhất của họ trong và xung quanh Kursk. “Bằng chứng cho thấy Nga đã củng cố căn cứ không quân Kursk kể từ đầu tháng 10”, Tatarigami, người sáng lập nhóm phân tích Frontelligence Insight của Ukraine, lưu ý.

[Forbes: ‘Missiles Will Speak For Themselves,’ Zelenskiy Said. Hours Later, U.S.-Made Rockets With 6,000 Submunitions Streaked Toward Russia.]

2. Phản ứng chính thức của Điện Cẩm Linh sau khi bị cú ATACMS đầu tiên: Putin sẵn sàng thảo luận về việc đóng băng chiến tranh và ngừng bắn với Tổng thống đắc cử Donald Trump, nhưng sẽ không từ bỏ yêu sách lãnh thổ

Các quan chức Nga cho biết nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin sẵn sàng thảo luận về thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine với Ông Donald Trump, nhưng không từ bỏ các yêu sách lãnh thổ đối với các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm và tiếp tục yêu cầu Ukraine từ bỏ nguyện vọng gia nhập NATO.

Reuters, trích dẫn năm nguồn tin thân cận với quan điểm của Điện Cẩm Linh, cho biết đây là phản ứng mới nhất của Nga sau khi bị cú ATACMS đầu tiên đánh tan tành một tổng kho vũ khí, đạn pháo và hỏa tiễn ở khu vực Bryansk.

Trong báo cáo chi tiết đầu tiên về những gì Putin sẽ chấp nhận trong bất kỳ thỏa thuận nào do Tổng thống đắc cử Donald Trump làm trung gian, năm quan chức Nga hiện tại và trước đây cho biết Điện Cẩm Linh có thể đồng ý ngừng bắn dọc theo giới tuyến.

Theo ba nguồn tin, những người muốn giấu tên để thảo luận về các vấn đề nhạy cảm, có thể có chỗ cho các cuộc đàm phán về việc phân chia chính xác bốn vùng phía đông – Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson. Mạc Tư Khoa tuyên bố rằng bốn vùng này là một phần của Nga.

Tuy nhiên, hai quan chức Nga đã nói rằng Nga có thể sẽ rút quân khỏi các khu vực tương đối nhỏ trên lãnh thổ mà nước này nắm giữ ở tỉnh Kharkiv và Mykolaiv.

Hai nguồn tin cho biết quyết định của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho phép Ukraine phóng hỏa tiễn ATACMS của Hoa Kỳ vào sâu trong lãnh thổ Nga có thể làm phức tạp và trì hoãn mọi giải pháp – đồng thời làm tăng thêm các yêu cầu từ Mạc Tư Khoa.

Cả hai nguồn tin đều tuyên bố rằng nếu không đạt được lệnh ngừng bắn, Nga sẽ tiếp tục chiến đấu.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói: “Putin đã nói rằng đóng băng xung đột sẽ không có tác dụng theo bất kỳ cách nào. Và việc cho phép hỏa tiễn là một sự leo thang rất nguy hiểm từ phía Hoa Kỳ.”

Tổng cộng, Nga đã chiếm hơn 110.000 km2 lãnh thổ Ukraine. Ukraine chiếm khoảng 1.300 km2 tỉnh Kursk của Nga.

Một nguồn tin cho biết Putin có thể coi thỏa thuận ngừng bắn theo đó Nga nắm giữ phần lớn các tỉnh Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson và bảo toàn được cây cầu trên bộ tới Crimea, là một chiến thắng. Những gì ít hơn như thế, sau khi hơn nửa triệu người Nga đã tử trận trên chiến trường, đặc biệt là việc mất Crimea có thể là một tai họa đối với Putin. Ông ta có thể chịu chung cùng một số phận với Đại Tá Muammar Gaddafi, nghĩa là bị dân chúng hành quyết và thi thể bị lôi đi trêb đường phố trong khi đôi mắt mở trừng trừng.

Tất cả các quan chức Nga đều tuyên bố rằng tương lai của Crimea không phải là vấn đề có thể được thảo luận.

Peskov nhấn mạnh rằng phương Tây sẽ phải chấp nhận “sự thật phũ phàng” rằng mọi sự hỗ trợ mà họ dành cho Ukraine đều không thể ngăn cản Nga giành chiến thắng trong cuộc chiến. Đáp lại tuyên bố này, Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Đại Úy Andriy Yusov, nhận định rằng thêm vài cú ATACMS nữa Nga sẽ phải giảm bớt các yêu sách.

[Ukrainska Pravda: Putin is ready to discuss freezing war and ceasefire with Trump, but won't give up territories – Reuters]

3. ‘Putin đang đùa giỡn với nỗi sợ hãi của chúng ta’ - Ngoại trưởng Đức về học thuyết hạt nhân mới của Nga

Putin tìm cách đe dọa phương Tây bằng cách mở rộng các điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân trong học thuyết hạt nhân cập nhật của Nga, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết vào ngày 19 tháng 11.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Ba Lan trong cuộc họp của các Ngoại trưởng Đức, Ba Lan, Pháp và Ý, Baerbock nhấn mạnh rằng Berlin sẽ chú ý đến những cảnh báo từ các nước láng giềng của Ukraine.

“Chúng ta sẽ không để mình bị đe dọa”, bà nói và cho biết thêm rằng đây không phải là lần đầu tiên Điện Cẩm Linh dùng đến các mối đe dọa hạt nhân.

Sự chấp thuận của Putin đối với chính sách răn đe hạt nhân được cập nhật đã được xác nhận thông qua sắc lệnh tổng thống được công bố vào ngày 19 tháng 11.

Học thuyết sửa đổi mở rộng các kịch bản có thể biện minh cho một cuộc tấn công hạt nhân, bao gồm “hành động xâm lược chống lại Liên bang Nga và các đồng minh của nước này bởi một quốc gia phi hạt nhân với sự hỗ trợ của một quốc gia hạt nhân” và các cuộc tấn công phi hạt nhân quy mô lớn, chẳng hạn như các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa.

Baerbock cáo buộc Nga lợi dụng nỗi sợ hãi của phương Tây nhưng lại nhấn mạnh sự thống nhất chưa từng có của Âu Châu.

“Sau tháng 2 năm 2022, chính phủ liên bang tuyên bố sẽ không lặp lại sai lầm này lần thứ hai. Đó là lý do tại sao chúng ta ở đây cùng nhau, hợp tác với tư cách là người Âu Châu và đại diện cho các quốc gia Âu Châu mạnh nhất”, bà nói.

[Kyiv Independent: 'Putin is playing with our fears' — German FM on Russia's updated nuclear doctrine]

4. Hoa Kỳ đóng cửa đại sứ quán tại Kyiv trong một ngày: thông tin nhận được về khả năng xảy ra cuộc tấn công quy mô lớn vào ngày 20 tháng 11

Hoa Kỳ quyết định đóng cửa đại sứ quán tại Kyiv trong một ngày sau khi có thông tin về khả năng xảy ra cuộc tấn công quy mô lớn vào ngày 20 tháng 11 để đáp lại cuộc tấn công bằng ATACMS của Ukraine vào Nga.

Một thông báo từ đại sứ quán cho biết: “Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Kyiv đã nhận được thông tin cụ thể về một cuộc không kích đáng kể có thể xảy ra vào ngày 20 tháng 11. Để đề phòng, Đại sứ quán sẽ đóng cửa và nhân viên Đại sứ quán được hướng dẫn trú ẩn tại chỗ.”

Công dân Hoa Kỳ được khuyến cáo “chuẩn bị trú ẩn ngay lập tức trong trường hợp có cảnh báo trên không”.

Vào ngày 19 tháng 11, hỏa tiễn ATACMS do Hoa Kỳ cung cấp đã được sử dụng trên lãnh thổ Nga sau khi được Hoa Kỳ cho phép.

Các nguồn tin Ukraine tuyên bố rằng cuộc tấn công của ATACMS nhằm vào kho vũ khí của Cục Hỏa tiễn và Pháo binh thuộc Bộ Quốc phòng Nga tại thị trấn Karachev, tỉnh Bryansk. Tổng kho này được dùng để cung cấp cho các lực lượng Nga tấn công tái chiếm lãnh thổ của tỉnh Kursk hiện nằm trong tay quân Ukraine.

[Ukrainska Pravda: US closes embassy in Kyiv for one day: information received about likely large-scale strike on 20 November]

5. Hoa Kỳ sẽ gửi cho Ukraine ít nhất 275 triệu đô la vũ khí mới

Theo báo cáo hôm thứ Ba của The Associated Press, Hoa Kỳ sẽ gửi cho Ukraine ít nhất 275 triệu đô la vũ khí mới.

Hãng AP dẫn lời hai quan chức Mỹ giấu tên cho biết Ngũ Giác Đài sẽ cung cấp vũ khí mới để giúp Kyiv trong cuộc chiến chống lại Nga.

Hãng thông tấn này lưu ý rằng chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang cố gắng giúp đỡ Ukraine nhiều nhất có thể trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào tháng Giêng.

Tin tức về số vũ khí trị giá 275 triệu đô la xuất hiện sau khi Tổng thống Biden cho phép Ukraine sử dụng hỏa tiễn do Hoa Kỳ cung cấp để tấn công sâu hơn vào bên trong nước Nga, một động thái bị Điện Cẩm Linh lên án.

Trước đó vào thứ Ba, Putin đã phê duyệt học thuyết hạt nhân cập nhật để chia sẻ khả năng răn đe hạt nhân của nước này với các đồng minh - phản ánh học thuyết “tấn công vào một thành viên là tấn công vào tất cả” của NATO.

Văn bản của Điện Cẩm Linh, được Bộ Quốc phòng Nga công bố trên Telegram, đã thay thế các sắc lệnh trước đó và nêu rõ rằng lực lượng răn đe hạt nhân của Nga sẽ được thực hiện “chống lại đối phương tiềm tàng” và coi việc sử dụng vũ khí hạt nhân là “biện pháp cực đoan”.

Các quan chức Hoa Kỳ cho biết sự thay đổi trong học thuyết hạt nhân của Nga đã được dự đoán trước, nhưng Mạc Tư Khoa cảnh báo rằng việc Ukraine sử dụng Hệ thống hỏa tiễn chiến thuật do Hoa Kỳ cung cấp, gọi tắt là ATACMS trong lãnh thổ Nga có thể gây ra phản ứng đáng kể.

Một quan chức Mỹ giấu tên trả lời AP cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị điều động vũ khí hạt nhân ở Ukraine.

Khi được hỏi hôm thứ Ba liệu một cuộc tấn công của Ukraine sử dụng hỏa tiễn tầm xa của Hoa Kỳ có thể thúc đẩy việc sử dụng vũ khí hạt nhân hay không, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov đã xác nhận điều đó là có thể. Ông đã tham khảo học thuyết hạt nhân của Nga, cho phép phản ứng như vậy sau một cuộc tấn công thông thường gây ra mối đe dọa đáng kể đến “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” của Nga hoặc đồng minh của nước này, Belarus.

Theo AP, một quan chức Hoa Kỳ báo cáo rằng Ukraine đã phóng khoảng tám hỏa tiễn ATACMS vào Nga vào thứ Ba, trong đó chỉ có hai hỏa tiễn bị đánh chặn. Vị quan chức này cho biết các hỏa tiễn nhắm vào một kho đạn dược ở Karachev, nằm ở vùng Bryansk của Nga.

Theo các quan chức Hoa Kỳ, gói viện trợ mới nhất của Hoa Kỳ dành cho Ukraine bao gồm một loạt các hệ thống phòng không được tăng cường, chẳng hạn như Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao, gọi tắt là HIMARS, cùng với đạn pháo 155ly và 105ly, hỏa tiễn chống tăng Javelin và một loạt các thiết bị và phụ tùng bổ sung.

Các loại vũ khí sẽ được cung cấp theo thẩm quyền rút vốn của tổng thống, cho phép Ngũ Giác Đài nhanh chóng chuyển thiết bị dự trữ trực tiếp đến tiền tuyến của Ukraine.

Trong khi Tổng thống đắc cử Donald Trump chuẩn bị cho khả năng trở lại Tòa Bạch Ốc, chính quyền Tổng thống Biden đang chạy đua để bảo đảm rằng mọi khoản viện trợ dành cho Ukraine đã được Quốc hội phê duyệt đều được chuyển giao, nhằm củng cố vị thế của Kyiv trước những tháng mùa đông.

Chính quyền Tổng thống Biden phải đối mặt với thời hạn gấp rút để đẩy nhanh 7,1 tỷ đô la vũ khí từ kho dự trữ của Ngũ Giác Đài trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Con số này bao gồm 4,3 tỷ đô la được phân bổ trong dự luật viện trợ nước ngoài được thông qua vào đầu năm nay và 2,8 tỷ đô la tiết kiệm được xác định thông qua tính toán lại của Ngũ Giác Đài về các hệ thống đã được điều động trước đó.

Chính quyền cũng đang nỗ lực hoàn tất việc giải ngân khoản vay 50 tỷ đô la cho Ukraine, được tài trợ bằng tài sản bị đóng băng của Nga, trước khi Tổng thống Biden rời nhiệm sở, AP đưa tin, trích dẫn lời hai quan chức cao cấp trong chính quyền.

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã thề sẽ nhanh chóng chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, và nhiều thành viên của Đảng Cộng hòa đã công khai phản đối việc viện trợ thêm cho Kyiv.

[Newsweek: US to Send Ukraine at Least $275 Million in New Weapons: Report]

6. Putin chấp thuận học thuyết hạt nhân mới của Nga

Theo sắc lệnh của tổng thống được công bố trên trang web của chính phủ vào ngày 19 tháng 11, Putin đã phê duyệt các nguyên tắc cập nhật trong chính sách răn đe hạt nhân của Nga.

Học thuyết sửa đổi phác thảo các kịch bản có thể biện minh cho một cuộc tấn công hạt nhân. Nó ngụ ý rằng điều này có thể bao gồm “hành vi xâm lược chống lại Liên bang Nga và các đồng minh của nước này bởi một quốc gia phi hạt nhân với sự hỗ trợ của một quốc gia hạt nhân” và các cuộc tấn công phi hạt nhân quy mô lớn, chẳng hạn như các cuộc tấn công được thực hiện bằng máy bay điều khiển từ xa.

Putin lần đầu tiên đề xuất thay đổi học thuyết hạt nhân trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an về răn đe hạt nhân ngày 25 tháng 9. Ông tuyên bố rằng Nga không cần một cuộc tấn công phòng ngừa như một phần của học thuyết hạt nhân của mình “bởi vì, trong một cuộc tấn công trả đũa, đối phương chắc chắn sẽ bị tiêu diệt”.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết những thay đổi này nên được coi là một “tín hiệu chắc chắn” gửi tới phương Tây.

“Đây là tín hiệu cảnh báo các quốc gia này về hậu quả nếu họ tham gia vào một cuộc tấn công vào đất nước chúng tôi bằng nhiều phương tiện khác nhau, không nhất thiết phải là hạt nhân”, Peskov nói với hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti vào ngày 26 tháng 9.

Kể từ khi tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Nga đã nhiều lần đưa ra lời đe dọa hạt nhân chống lại Ukraine và phương Tây.

Những lời đe dọa đã không thành hiện thực và Nga vẫn tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh toàn diện mà không sử dụng đến kho vũ khí hạt nhân.

Trung Tướng Ben Hodges, nguyên Tư Lệnh quân đội Mỹ ở Âu Châu nói rằng “Đừng sợ. Putin là người giàu nhất thế giới. Một người giầu như thế không dám động đến vũ khí hạt nhân! Yên tâm”.

[Kyiv Independent: Putin approves Russia's updated nuclear doctrine]

7. Cuộc tấn công của Ukraine bằng ATACMS vào Nga là ‘sự leo thang’ của phương Tây, Nga nói

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết rằng cuộc tấn công vào khu vực Bryansk của Nga từ Ukraine, sử dụng hỏa tiễn ATACMS do Hoa Kỳ cung cấp là một tín hiệu cho thấy phương Tây muốn leo thang xung đột ở Ukraine.

Bộ trưởng, người phát biểu tại Rio de Janeiro tại Hội nghị thượng đỉnh G20, nói với các phóng viên: “Thực tế là ATACMS được sử dụng nhiều lần ở khu vực Bryansk vào đêm Thứ Ba, 19 Tháng Mười Một, theo giờ địa phương tất nhiên là một tín hiệu cho thấy họ muốn leo thang”.

Đáp lại, một quan chức Hoa Kỳ nói với Newsweek: “Đây là một lời lẽ vô trách nhiệm tương tự từ Nga mà chúng ta đã thấy trong hai năm qua. Như chúng tôi đã nói với Nga cách đây vài tuần, việc Nga sử dụng binh lính Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên trong các hoạt động chiến đấu chống lại Ukraine cho thấy sự leo thang đáng kể trong cuộc chiến mà họ lựa chọn chống lại Ukraine và chúng tôi đã cảnh báo rằng Hoa Kỳ sẽ đáp trả”.

“Vì chúng tôi không thấy có thay đổi nào trong thế trận hạt nhân của Nga nên chúng tôi không thấy lý do gì để điều chỉnh thế trận hạt nhân của mình để đáp trả.”

“Nếu không có người Mỹ, quân Ukraine không thể sử dụng những hỏa tiễn công nghệ cao này, như Putin đã nhiều lần nói”, Lavrov nói thêm.

Hôm thứ Ba, Nga cho biết Ukraine đã bắn sáu hỏa tiễn ATACMS do Mỹ sản xuất vào khu vực Tây Bryansk của nước này, theo tờ The New York Times trích dẫn nguồn tin từ các quan chức cao cấp của Hoa Kỳ và Ukraine.

Trước đó trong ngày, một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa của Nga vào vùng Sumy phía đông bắc đã khiến bảy người thiệt mạng, trong đó có một trẻ em.

Cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Ukraine diễn ra hai ngày sau khi Tổng thống Biden cho phép Kyiv bắn hỏa tiễn ATACMS vào sâu trong lãnh thổ Nga, đánh dấu sự đảo ngược đáng kể trong chính sách của Mỹ.

Trước đó, Ukraine đã dành nhiều tháng để thúc giục Hoa Kỳ cho phép các cuộc tấn công tầm xa như vậy. Tòa Bạch Ốc đã phản đối vì lo ngại leo thang, nhưng quyết định điều động quân đội Bắc Hàn tới Ukraine của Mạc Tư Khoa được cho là đã thay đổi suy nghĩ của chính quyền.

Thứ Ba, ngày 19 tháng 11 đánh dấu 1.000 ngày Nga xâm lược toàn diện Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã phát biểu tại Nghị viện Âu Châu và trong một video được chia sẻ trên X, ông nói: “Mỗi 'ngày hôm nay' đều là thời điểm tốt nhất để gây áp lực với Nga mạnh hơn.

“Rõ ràng là nếu không có một số yếu tố then chốt, Nga sẽ thiếu động lực thực sự để tham gia vào các cuộc đàm phán có ý nghĩa: nếu không có hỏa hoạn tại các kho đạn dược trên lãnh thổ Nga, nếu không có hậu cần quân sự bị gián đoạn, nếu không có các căn cứ không quân của Nga bị phá hủy, nếu không có khả năng sản xuất hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa bị loại bỏ và nếu không có tài sản của Nga bị tịch thu.”

Ông nói tiếp: “Chúng ta phải làm mọi thứ để chấm dứt cuộc chiến này—một cách công bằng, chính đáng và tất nhiên là cùng nhau. Một ngàn ngày chiến tranh là một thách thức to lớn. Ukraine xứng đáng biến năm tới thành năm hòa bình.”

Các quốc gia thành viên NATO sẽ đưa ra quyết định riêng về việc cho phép Ukraine bắn vũ khí tầm xa vào Nga. Trước cuộc họp của Hội đồng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Liên minh Âu Châu tại Brussels, Mark Rutte, Tổng thư ký NATO nói với các phóng viên: “Quyết định hành động của mỗi đồng minh là tùy thuộc vào từng quốc gia”.

Một số đồng minh NATO đã đưa ra tuyên bố đoàn kết với Ukraine hôm nay, bao gồm Ba Lan, Pháp và Lithuania. Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Brazil, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết động thái của Tổng thống Biden cho phép điều động hỏa tiễn tầm xa là một “quyết định đúng đắn”.

Một tuyên bố thách thức đã được Bộ Ngoại giao đưa ra tại Kyiv khi đất nước này kỷ niệm 1.000 ngày chiến tranh. Tuyên bố nêu rõ: “Ukraine sẽ không bao giờ khuất phục trước quân xâm lược, và quân đội Nga sẽ bị trừng phạt vì vi phạm luật pháp quốc tế”.

[Newsweek: Ukraine's US Missile Attack is Western 'Escalation' Says Russia]

8. Ukraine sẵn sàng bắt đầu nhóm đàm phán gia nhập Liên Hiệp Âu Châu đầu tiên vào đầu năm 2025, Zelenskiy cho biết

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy phát biểu với các nhà lập pháp Ukraine vào ngày 19 tháng 11 rằng Ukraine đang chuẩn bị bắt đầu đợt đàm phán gia nhập đầu tiên với Liên Hiệp Âu Châu vào đầu năm 2025.

“Ukraine nên có quá trình gia nhập nhanh nhất trong Liên Hiệp Âu Châu”, Zelenskiy nói trong khi công bố kế hoạch phục hồi nội bộ của đất nước. Theo tổng thống, Liên Hiệp Âu Châu sẽ sớm hoàn tất việc sàng lọc luật pháp của Ukraine, đây là bước đầu tiên trên con đường hội nhập.

Ukraine đã nộp đơn xin gia nhập Liên Hiệp Âu Châu vài ngày sau khi Nga phát động cuộc chiến toàn diện vào tháng 2 năm 2022 và nhận được tư cách ứng cử viên vào tháng 6 năm đó. Vào tháng 12 năm 2023, các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu đã đồng ý mở các cuộc đàm phán gia nhập với Ukraine, đánh dấu một bước quan trọng trong nỗ lực hội nhập của nước này.

Quá trình gia nhập chính thức bắt đầu vào tháng 6 với các cuộc đàm phán mở tại Luxembourg.

Theo Ủy viên phụ trách Mở rộng Oliver Varhelyi, Ukraine có thể gia nhập Liên minh Âu Châu vào năm 2029 nếu hoàn tất các cải cách cần thiết.

Để thúc đẩy mục tiêu này, Liên Hiệp Âu Châu đã đưa ra các sáng kiến cụ thể, chẳng hạn như “Kế hoạch tăng trưởng” và “Kế hoạch Ukraine”, nhằm đẩy nhanh quá trình cải cách ở Ukraine, Moldova và Tây Balkan. Ukraine đã đệ trình kế hoạch của mình vào ngày 20 tháng 3, nêu chi tiết tầm nhìn của mình về tái thiết, hiện đại hóa và cải cách thiết yếu cho hành trình gia nhập Liên Hiệp Âu Châu của mình.

Ủy ban Âu Châu gần đây đã ca ngợi những tiến bộ của Ukraine trong các cải cách quan trọng, bao gồm những cải cách liên quan đến pháp quyền, hệ thống tư pháp và các biện pháp chống tham nhũng, mặc dù nhấn mạnh rằng vẫn cần phải thực hiện thêm nhiều cải cách nữa.

[Kyiv Independent: Ukraine readies to start 1st cluster of EU accession talks in early 2025, Zelensky says]

9. Cơ quan mật vụ Tiệp đổ lỗi cho Nga về các mối đe dọa đánh bom trường học

Hôm Thứ Ba, 19 Tháng Mười Một, giám đốc cơ quan mật vụ Tiệp Michal Koudelka đã chỉ trích Nga về hàng loạt mối đe dọa đánh bom gần đây nhằm vào các trường học ở Cộng hòa Tiệp và Slovakia.

Vào đầu tháng 9, hàng trăm trường học ở Tiệp và Slovakia đã nhận được cảnh báo khiến các cơ sở này phải đóng cửa trong nhiều ngày trong khi cảnh sát điều tra. Không có mối đe dọa nào xảy ra, không có bằng chứng nào được phát hiện về chất nổ xung quanh khu vực.

Koudelka đã lên án các cuộc tấn công mạng vào các tổ chức của Tiệp tại một hội nghị về hành vi phá hoại của Nga đối với Âu Châu tại quốc hội Tiệp vào thứ Hai.

“Các hoạt động trên không gian mạng cũng liên quan đến các cuộc tấn công trực tiếp vào các thực thể ở đất nước chúng tôi… ví dụ, các email đe dọa vào tháng 9 về việc đặt chất nổ nhắm vào một số trường học ở Cộng hòa Tiệp và Slovakia, đằng sau đó cũng có dấu vết rõ ràng của Nga”, ông nói.

“Chúng ta đang chứng kiến một loại toàn cầu hóa của cái ác, nơi các quốc gia trong trục ma quỷ — Nga, Trung Quốc, Iran và Bắc Hàn — hỗ trợ, bổ sung và giúp đỡ lẫn nhau đạt được mục tiêu của họ. Do đó, chúng ta đang chứng kiến một hiện tượng rất nghiêm trọng và nguy hiểm”, Koudelka nói.

Cộng hòa Tiệp đã chứng kiến nhiều vụ tấn công do các điệp viên tình báo Nga thực hiện trong nhiều năm qua. Năm 2021, nước này đã trục xuất 18 nhà ngoại giao Nga vì vụ nổ chết người năm 2014 sau khi tình báo Tiệp đưa ra bằng chứng cho thấy Nga đứng sau vụ tấn công.

Vào tháng 6, chính quyền Tiệp đổ lỗi cho Nga về vụ tấn công đốt phá bất thành tại một bến xe buýt.

Cộng hòa Tiệp cũng vẫn duy trì tình trạng báo động cao về an toàn trường học sau vụ xả súng tại trường đại học ở Prague vào tháng 12 năm 2023 khiến 14 người chết và 25 người bị thương.

[Politico: Czech secret service blames Russia for school bomb threats]

10. Ngoại trưởng Ba Lan cho biết Liên Hiệp Âu Châu sẵn sàng tăng cường hỗ trợ cho Ukraine nếu Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ

Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski tuyên bố vào ngày 19 tháng 11 rằng các nước Liên Hiệp Âu Châu lớn đã sẵn sàng tăng cường hỗ trợ quân sự và tài chính cho Ukraine nếu Hoa Kỳ giảm sự hỗ trợ dưới chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Sikorski, phát biểu sau cuộc họp của các Ngoại trưởng Âu Châu tại Ba Lan, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Âu Châu phải chịu trách nhiệm lớn hơn về an ninh của mình.

Tạp chí Wprost của Ba Lan trích dẫn lời Sikorski: “Việc tăng cường năng lực phòng thủ của Âu Châu phải song hành với việc duy trì cam kết của Hoa Kỳ trong việc tăng cường an ninh của chúng ta”.

Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều bất ổn về sự ủng hộ của phương Tây dành cho Ukraine vì trước đó Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chỉ trích viện trợ quân sự cho Kyiv và bày tỏ ý định thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình nhanh chóng.

Sikorski cho biết ông và Kaja Kallas, Đại diện cao cấp về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên Hiệp Âu Châu sắp nhậm chức, đã thảo luận về các chiến lược nhằm tăng cường hỗ trợ cho Ukraine.

Ông nói thêm: “Tôi biết ơn sự sẵn sàng của các nước Liên Hiệp Âu Châu lớn nhất trong việc đảm nhận gánh nặng hỗ trợ quân sự và tài chính cho Ukraine trong trường hợp có khả năng Hoa Kỳ sẽ giảm sự tham gia”.

Tổng thống đắc cử Donald Trump phát biểu tại sự kiện Mar-a-Lago ở Florida vào ngày 14 tháng 11 rằng chính quyền của ông sẽ tập trung vào cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Ông đã ám chỉ vào ngày 13 tháng 11 về việc bổ nhiệm một đặc phái viên hòa bình để lãnh đạo các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh, theo Fox News.

[Kyiv Independent: EU ready to step up support for Ukraine if US reduces aid, Polish FM says]

11. Đan Mạch chuyển giao thêm máy bay chiến đấu cho Ukraine

Chính phủ Đan Mạch đã quyết định chuyển giao thêm hai lô máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine. Kyiv đã nhận được sáu máy bay và dự kiến sẽ có tổng cộng 19 máy bay chiến đấu như vậy.

Mette Frederiksen, Thủ tướng Đan Mạch, đã tuyên bố điều này trong một cuộc họp báo chung với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm Thứ Ba, 19 Tháng Mười Một, trong chuyến thăm bất ngờ đến Kyiv.

Bà cho biết Đan Mạch giữ nguyên kế hoạch cung cấp một số lượng máy bay chiến đấu F-16 nhất định cho Ukraine.

[Newsweek: Denmark delivers fighter jets to Ukraine]

12. Người đàn ông chịu trách nhiệm về vụ việc trong chuyến thăm Slovenia của Đệ nhất phu nhân Ukraine đã bị bắt giữ

Một người đàn ông đã bị cảnh sát bắt giữ tại thủ đô Ljubljana của Slovenia sau một sự việc xảy ra trong chuyến thăm của Đệ nhất phu nhân Ukraine Olena Zelenska.

Zelenska được Đệ nhất quý ông Aleš Musar của Slovenia mời đến thăm Slovenia.

Zelenska đã đến thăm Thư viện Quốc gia và Đại học, gọi tắt là NUK ở Ljubljana, nơi bà tặng sách của các tác giả Ukraine và cũng là nơi xảy ra vụ việc.

Một người biểu tình trước tòa nhà thư viện đã hét lên bằng tiếng Anh: “Chiến tranh phải chấm dứt. Nga sẽ chiến thắng!”

Sau vụ việc này, người đàn ông đã bị cảnh sát bắt giữ và khám xét.

“Cảnh sát đã xác định được người đàn ông tại hiện trường. Vụ việc không đe dọa đến tính mạng của bất kỳ ai. Cảnh sát đã được thông báo về cuộc biểu tình và đã thực hiện các biện pháp liên quan đến vấn đề này”, trụ sở cảnh sát Ljubljana cho biết.

Thủ tướng Slovenia Robert Golob bày tỏ sự hối tiếc về vụ việc xảy ra gần tòa nhà thư viện.

Ông nhấn mạnh rằng hành vi của người đàn ông này là không thể chấp nhận được và “không có chỗ cho hành vi đó trong xã hội của chúng ta”.

[Ukrainska Pravda: Man responsible for incident during Ukrainian First Lady's visit to Slovenia detained]
 
Ai đứng sau các cuộc tấn công bạo lực vào GH? Cha Pedro Arrupe. Hồi kết của kẻ ăn cắp bánh thánh
VietCatholic Media
17:56 20/11/2024


1. Ai là người đứng sau các cuộc tấn công bạo lực vào Giáo hội?

Philip Lawler của Catholic World News có bài nhận định nhan đề “Who’s behind the violent attacks on the Church?” nghĩa là “Ai là người đứng sau các cuộc tấn công bạo lực vào Giáo hội?”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thúy Nga.

Tiêu đề Catholic World News hôm nay bao gồm hai báo cáo khác nhau về các cuộc tấn công bạo lực vào giáo sĩ Công Giáo: một ở Tây Ban Nha, một ở Singapore. Trong mỗi trường hợp, kẻ tấn công đều nhanh chóng bị bắt giữ; trong mỗi trường hợp, nghi phạm đều có tiền sử phạm tội liên quan đến ma túy và có vẻ bị rối loạn nghiêm trọng. Trong mỗi trường hợp, chính quyền đều bảo đảm với chúng ta rằng đây không phải là hành động khủng bố.

Vậy phải chăng chúng ta có thể thư giãn, yên tâm rằng sẽ không có cuộc tấn công đồng loạt trên toàn thế giới vào các linh mục Công Giáo và Giáo Hội Công Giáo? Có lẽ là không.

Đôi khi các cuộc tấn công bạo lực vào các mục tiêu Công Giáo (linh mục hoặc tu sĩ, nhà thờ hoặc trường học) rõ ràng được thực hiện bởi những kẻ cuồng tín tôn giáo hoặc ngông cuồng ý thức hệ: những người theo chủ nghĩa Hồi giáo hoặc chủ nghĩa Marx hoặc những người theo chủ nghĩa dân tộc Hindu. Đôi khi chúng có thể là một phần của một chiến dịch chính trị, trong đó những người Công Giáo có liên hệ (đúng hoặc sai) với một trong hai đảng đối địch, như ở Miến Điện hoặc Cộng hòa Dân chủ Congo. Đôi khi các cuộc tấn công có thể được thúc đẩy bởi một mong muốn đơn giản là lợi nhuận tài chính, như trong hàng loạt vụ bắt cóc ở Nigeria. Và đôi khi—như với làn sóng phá hoại ở Canada và Hoa Kỳ—Giáo hội đã trở thành mục tiêu ưa thích của những người chạy theo cuộc cách mạng tình dục.

Vì vậy, có nhiều lý do khác nhau khiến những người tức giận có thể tấn Công Giáo Hội Công Giáo, giáo sĩ và các tổ chức của Giáo hội. Nhưng sự đa dạng về động cơ đó không nhất thiết có nghĩa là các cuộc tấn công không được phối hợp. Đúng vậy, chúng ta không thể truy tìm tất cả các vụ bạo lực đến nguồn gốc từ bất kỳ thẩm quyền nào của con người. Nhưng chúng ta biết rằng Có người ghét Giáo hội, và cuộc chiến lớn nhất của chúng ta luôn là với các thế lực và quyền lực.


Source:Catholic World News

2. Phép lạ Thánh Thể ở HERENTALS BELGIUM, 1412

Trong Phép lạ Thánh Thể ở Herentals, một số Bánh Thánh đã bị đánh cắp trước đó đã được tìm thấy sau tám ngày hoàn toàn nguyên vẹn, mặc dù trời mưa. Các Bánh Thánh được tìm thấy trong một cánh đồng gần hang thỏ, được bao quanh bởi một ánh sáng rực rỡ và được sắp xếp theo hình chữ thập.

Hàng năm, hai bức tranh của Antoon van Ysendyck mô tả phép lạ này được rước đến cánh đồng nơi có một ngôi đền nhỏ được xây dựng – đền De Hegge.

Ở đây một Thánh lễ tưởng niệm được cử hành trước đông đảo mọi người. Hai bức tranh hiện đang được lưu giữ tại Nhà thờ Sint-Waldetrudiskerk ad Herentals.

Vào năm 1412, một người tên là Jan van Langerstede đã đến một khách sạn không xa thành phố nhỏ Herentals để thuê trọ. Người đàn ông chuyên nghiệp này đã đánh cắp các vật linh thiêng từ các nhà thờ và bán chúng trên khắp Âu Châu. Một ngày sau khi đến Herentals, anh ta đã đến thị trấn Poederlee gần đó. Anh ta vào nhà thờ giáo xứ và không bị phát hiện, đã đánh cắp chiếc chén thánh và bình đựng năm Bánh Thánh đã được truyền phép. Khi đang quay trở lại Herentals, tại nơi được gọi là “De Hegge”, nghĩa là “hàng rào”, anh ta cảm thấy như bị một thế lực bí ẩn ghì chặt lại khiến anh ta không thể tiếp tục cuộc hành trình. Nghi ngờ có gì đó bất ổn trong vụ trộm các Bánh Thánh, nên anh ta đã cố gắng vứt bỏ các Bánh Thánh bằng cách ném xuống sông, nhưng mọi nỗ lực của anh ta đều vô ích.

Jan đã ở bờ vực tuyệt vọng khi anh nhìn thấy một cánh đồng không xa lắm với một hang thỏ lớn, nơi anh đã ngay lập tức giấu Bánh Thánh. Nhiệm vụ diễn ra mà không gặp bất kỳ rắc rối nào, và người đàn ông đã có thể bình yên trở về Herentals. Trong khi đó, thẩm phán thành phố, Gilbert De Pape, đã bắt đầu một cuộc điều tra để tìm ra thủ phạm của vụ trộm tại nhà thờ Porderlee. Trong số những nghi phạm cũng có Jan của chúng ta. Cảnh sát đã khám xét hành lý của anh ta và tìm thấy chiếc chén thánh và bình đựng rượu thánh.

Jan sau đó thú nhận mọi thứ ngoại trừ việc anh ta đã vứt bỏ Bánh Thánh. Anh ta sẽ bị treo cổ ngay lập tức, và Jan đã trèo lên đoạn đầu đài khi được vị linh mục khuyến khích thanh tẩy tâm hồn trước khi chết, anh ta đã thú nhận hoàn toàn tội lỗi của mình. Sau đó, thẩm phán đã đình chỉ việc hành quyết và ra lệnh cho Jan chỉ ra chính xác nơi anh ta đã để lại Bánh Thánh. Một đám đông lớn đi theo họ. Ngay khi họ đến cánh đồng, họ thấy tất cả Bánh Thánh đều sáng ngời, được sắp xếp theo hình chữ thập.

Thật kỳ lạ, Bánh Thánh vẫn còn nguyên vẹn, bất chấp thời tiết lạnh lẽo và mưa gió, và chúng ngay lập tức được rước về, một số đến Herentals và một số đến Poederlee, nơi chúng ở lại cho đến thế kỷ 16. Vào ngày 2 Tháng Giêng năm 1441, phép lạ đã được thẩm phán của Herentals tuyên bố là xác thực. Tại nơi tìm thấy Bánh Thánh, một nhà nguyện nhỏ đã được xây dựng, nơi có nhiều giáo sĩ đến thăm, chẳng hạn như Đức Cha Jean Malderus, Giám mục của Anvers năm 1620, và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 XIV năm 1749. Con gái của John xứ Lussembourg, Elizabeth Van Görlitz, đã trả tiền để mở rộng nhà nguyện, sau này được chuyển đổi thành một đền thờ.

3. Hoàn tất giai đoạn giáo phận để phong thánh cho Cha Pedro Arrupe

Ngày 14 tháng 11 đánh dấu sự khép lại giai đoạn giáo phận của tiến trình phong chân phước cho Cha Pedro Arrupe, vị bề trên tổng quyền thứ 28 của Dòng Tên.

Sau hơn năm năm nghiên cứu kỹ lưỡng về cuộc đời, các nhân đức và danh tiếng thánh thiện của vị tu sĩ Dòng Tên người Tây Ban Nha nổi tiếng, người cố vấn và “cha tinh thần” của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, giai đoạn giáo phận của quá trình này đã kết thúc tại Cung điện Latêranô ở Rôma.

Cha Arrupe giữ chức vụ bề trên tổng quyền thứ 28 của Dòng Tên từ năm 1965 đến năm 1983. Vào những năm 1970, ngài nhấn mạnh công lý xã hội là một trong những trọng tâm chính của công tác tông đồ của Dòng Tên.

Kể từ tháng 2 năm 2019, hơn 70 nhân chứng từ Tây Ban Nha, Rôma và Nhật Bản - nơi ngài đã sống trong 27 năm với tư cách là một nhà truyền giáo - đã được tòa án đại diện của Rôma thẩm vấn.

Cha Arrupe đã sống sót sau vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima năm 1945 và tận tụy chăm sóc những người bị thương tại một bệnh viện dã chiến được thành lập trong nhà tập.

Hiện nay, các tài liệu và biên bản do ủy ban lịch sử thu thập sẽ được chuyển giao cho Bộ Tuyên thánh, nơi sẽ đánh giá một phép lạ có thể xảy ra nhờ sự chuyển cầu của ngài, một bước quan trọng hướng tới việc tuyên chân phước cho ngài.

Buổi lễ được tổ chức vào đúng ngày kỷ niệm 117 năm ngày sinh của Cha Arrupe, do Hồng Y tân cử Baldassare Reina, tổng đại diện của Giáo phận Rôma, chủ trì.

Cũng có mặt trong buổi lễ long trọng này là các thành viên của Dòng Tên như bề trên tổng quyền Cha Arturo Sosa Abascal và cáo thỉnh viên án phong thánh, Cha Pascual Cebollada, người đã tuyên thệ sẽ trung thành hoàn thành sứ mệnh của mình và nhấn mạnh đến sở thích của Arrupe “vì người nghèo và đấu tranh cho công lý” thông qua lời cầu nguyện sốt sắng của mình.

Công chứng viên Marcello Terramani cũng có mặt, cũng như các thành viên của tòa án giáo phận; Đức Cha Giuseppe D'Alonzo, đại biểu giám mục; và Cha Giorgio Ciucci, Chưởng lý.

Đức Hồng Y Reina ca ngợi nhà lãnh đạo Dòng Tên, nhấn mạnh những nỗ lực của ngài trong việc đưa Công đồng Vatican II vào thực tiễn cũng như sự vâng phục và lòng trung thành sâu sắc của ngài đối với Giáo hội và các Đức Giáo Hoàng.

Ngài cũng nhấn mạnh sứ mệnh truyền giáo của mình và “lựa chọn ưu tiên” dành cho người nghèo và người có nhu cầu, dẫn đến sự ra đời của Dịch vụ tị nạn Dòng Tên mà ngài thành lập vào năm 1980.

Cha Sosa nhắc đến những giờ dài mà Cha Arrupe dành để cầu nguyện mỗi ngày. Khi được hỏi vị linh mục này lấy đâu ra thời gian để cầu nguyện, ngài thường trả lời rằng “chỉ là vấn đề ưu tiên”.

Buổi lễ được tổ chức tại Rôma cũng phản ánh về đặc sủng và mối quan hệ tốt đẹp của ngài với những người không thuộc Giáo Hội Công Giáo. Những nỗ lực của Cha Arrupe trong việc khiến giáo dân đảm nhận trách nhiệm cũng được nêu bật, cũng như bản chất hiếu khách của ngài.

Sau khi xem xét các tài liệu từ giai đoạn giáo phận, Bộ Vatican sẽ nghiên cứu khả năng tuyên bố Cha Arrupe là “đấng đáng kính”, một tước hiệu mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể ban cho ngài nếu xác định rằng ngài đã sống một cuộc đời thánh thiện và nhân đức.

Nếu điều này xảy ra, bước tiếp theo sẽ là phong chân phước. Điều này đòi hỏi phải có ít nhất một phép lạ được quy cho sự chuyển cầu của ngài. Để được tuyên thánh, một phép lạ thứ hai phải được xác nhận.

Trong cuộc gặp riêng với các linh mục của Dòng Tên trong chuyến đi tới Singapore vào tháng 9 năm ngoái, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bày tỏ mong muốn tuyên thánh cho vị tu sĩ Dòng Tên người Tây Ban Nha này.


Source:Catholic News Agency
 
Thánh Ca
Thánh Ca: Bàn Tay Yêu Thương - Sáng tác: Đức Hoài – Tuấn Cường- Trình bày: Ca Sĩ Kim Thúy
Kim Thúy
22:45 20/11/2024