Ngày 22-11-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 23/11: Nỗi Kinh Hoàng. Linh mục Đôminicô Vũ Kim Quyền, SJ
Giáo Hội Năm Châu
03:00 22/11/2021

PHÚC ÂM: Lc 21, 5-11

“Không còn hòn đá nào nằn trên hòn đá nào”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có mấy người trầm trồ về đền thờ được trang hoàng bằng đá tốt và những lễ vật quý, nên Chúa Giêsu phán rằng: “Những gì các con nhìn ngắm đây, sau này sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào mà chẳng bị tàn phá”. Bấy giờ các ông hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, bao giờ những sự ấy sẽ xảy ra, và cứ dấu nào mà biết những sự đó sắp xảy đến?” Người phán: “Các con hãy ý tứ kẻo bị người ta lừa dối: vì chưng, sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến mà tự xưng rằng: “Chính ta đây và thời gian đã gần đến”, các con chớ đi theo chúng. Khi các con nghe nói có chiến tranh loạn lạc, các con đừng sợ: vì những sự ấy phải đến trước đã, nhưng chưa phải là hết đời ngay đâu”. Bấy giờ Người phán cùng các ông ấy rằng: “Dân này sẽ nổi dậy chống lại dân kia, và nước này sẽ chống với nước nọ. Sẽ có những cuộc động đất lớn mọi nơi, sẽ có ôn dịch đói khát, những hiện tượng kinh khủng từ trên trời và những điềm lạ cả thể”.

Ðó là lời Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:44 22/11/2021

71. Anh cho rằng có thể đem sự dịu ngọt trên trời và bụi bặm của trần thế, đem hương thơm của Thiên Chúa và hạnh phúc có độc của trần thế, đem đặc ân của Đức Chúa Thánh Thần và sự hoan lạc của thế tục hỗn hợp với nhau, đó chính là một sự sai lầm rất to lớn.

(Thánh Bernard)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:46 22/11/2021
18. CÙNG NỢ QUÀ TẶNG

Có người tặng quà cho bạn bè, trên gói quà ghi rõ: “Bốn gói quà nhỏ”, phía dưới viết một hàng chữ nhỏ: “Bây giờ tặng hai gói, thiếu nợ hai gói”, thì ra là anh ta chỉ tặng hai gói.

Qua ngày hôm sau, người bạn cũng đem quà tặng cho anh ta, phía trên cũng viết là “bốn gói quà nhỏ”, phía dưới cũng viết một hàng chữ nhỏ: “Khấu trừ lần trước anh nợ tôi hai gói, bây giờ lại thiếu nợ anh hai gói”.

Thì ra là anh ta không tặng gói quà nào cả…

(Tiếu Đảo)

Suy tư 18:

Quà tặng có nhiều loại: quà sinh nhật, quà thôi nôi, quà tân gia, quà cưới, quà khai trương, quà kỷ niệm thăng quan tiến chức.v.v...Nhưng có một loại quà mà ai cũng sợ xanh mặt khi nhắc đến, đó là quà nợ hay cũng gọi là quà hối lộ, không có là không được.

Gọi là quà nợ nên chỉ có một chủ nợ và nhiều con nợ, tức là chỉ có một người nhận và nhiều người tặng, món quà nợ này người nhận thì hả hê còn người tặng thì nghiến răng bực tức, chửi rủa, mạt sát và...tiếc tiền.

Ở đời ai cũng mắc nợ nhau, đó là nợ ân tình, nợ yêu thương, cho nên, trong cuộc sống cần phải đem tình thương để tặng cho nhau, đó là món quà đẹp nhất mà con người ta có thể trao tặng cho nhau trong xã hội có lắm người mắc quà nợ...

Người Ki-tô hữu cũng không ngoài lệ đó, cũng mắc nợ người khác một nụ cười, một cái bắt tay, một lời an ủi, một cử chỉ thân thiện... cho nên càng phải thực hành đức ái nhiều hơn nữa để trả nợ yêu thương ấy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Đứng Thẳng Và Ngẩng Đầu Lên
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
21:56 22/11/2021
Đứng Thẳng Và Ngẩng Đầu Lên

(Thứ Năm sau Chúa Nhật XXXIV TN – Đn 6,11-27; Lc 21,20-28)

Gian truân, khốn khó luôn đeo bám kiếp người đến độ anh em Phật tử cảm nhận “đời là bễ khổ”. Nhiều thi nhân cũng đồng cái nhìn không mấy lạc quan về cõi trần này:

“Thoạt sinh ra, thì đà khóc chóe

Trần có vui, sao chẳng cười khì” (Nguyễn Công Trứ)

Theo nhãn quan đức tin của Kitô hữu thì vũ trụ vạn vật, cách riêng thế giới này được dựng nên vốn tốt đẹp. Tuy nhiên do bởi tội lỗi mà thế giới loài người đã dần biến dạng. Các nỗi khó khăn do quy luật tự nhiên vẫn có đó nhưng chính tội lỗi đã biến chúng thành đau khổ cho con người, loài biết suy tư, phản tỉnh. Bên cạnh đó chính do việc lạm dụng tự do, con người lại gây đau khổ cho nhau đủ điều dưới nhiều hình thức độc tôn, độc quyền, chiến tranh, bóc lột, đàn áp…

Bài đọc thứ nhất trích sách Đanien tường thuật sự độc tôn của Đariô, vua Ba Tư. Theo sự nịnh hót, tâng bốc của các quan thuộc quyền, Đariô tìm mọi cách để bắt dân chúng tôn thờ mình như một vị thần. Không riêng gì các vua chúa ngày xưa mà ngay cả hôm nay, một khi đã nắm quyền cao thì người ta muốn giữ mãi sự độc quyền và một trong những cách thế xem ra hiệu quả đó là bắt thần dân suy tôn mình như vị lãnh tụ thần thánh. Ngôn sứ Đanien là một trong những người hứng chịu hậu quả do sự độc tôn của vua Đariô mà sách thánh tường thuật là do âm mưu thâm độc của các quan đại thần ganh tương đố kỵ. Trong cơn hoạn nạn Đanien vẫn kiên trì cậy trông vào Thiên Chúa. Thế dáng đứng thẳng là biểu tượng của sự bền bĩ, kiên tâm. Đầu ngẩng lên là biểu tượng của tấm lòng luôn giữ vững niềm hy vọng.

Bài Tin Mừng tường thuật những lời tiên báo của Chúa Giêsu về những nỗi khốn cùng mà dân Chúa xưa, cách riêng dân thành Giêrusalem sắp phải chịu do bởi ngoại bang là đế quốc Rôma. Cục diện thế sự của nước Israel thời bấy giờ khiến Chúa Giêsu có một cái nhìn về tương lại gần thật ảm đạm. Qua sự sụp đổ của thành Giêrusalem, Chúa Giêsu nói đến ngày chung tận của thế giới này. Và Người cho chúng ta biết những dấu chỉ báo trước cái ngày ấy đó là sự xáo trộn, hỗn độn trong thiên nhiên và xã hội.

Trước những hiện tượng tai ương bất thường thì tâm lý của con người là hoảng loạn, sợ hãi. Vì sợ hãi và hoảng loạn thì chúng ta rất có thể có những hành vi thiếu suy xét, thậm chí là khờ dại vì tuyệt vọng. Chúa Giêsu hiểu rõ điều ấy nên Người căn dặn: “Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” (Lc 21,28).

Làm thế nào để giữ được sự kiên tâm là thế dáng đứng thẳng và niềm hy vọng là việc ngẩng đầu lên khi gặp phải các tai ương hoạn nạn? Thiết tưởng rằng chìa khóa giải đáp vấn nạn chính là lòng tin. Chính nhờ lòng tin vào Đấng Quyền Năng không bao giờ bỏ rơi người tín trung nên ngôn sứ Đanien đã vượt qua móng vuốt của sư tử. Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy vững lòng tin tưởng rằng khi Chúa đến trong ngày tận cùng của thế giới hay trong ngày cuối đời mỗi người thì Chúa sẽ như ông chủ đặt chúng ta vào bàn và thắt lưng, đi lại hầu hạ chúng ta, dĩ nhiên với điều kiện là chúng ta biết tỉnh thức và sẵn sàng (x.Lc 12,35-37).

Để giúp nhau có được chút lòng tin này thì ước gì Kitô hữu chúng ta hãy là một Đức Kitô khác sẵn sàng hiện diện và đồng hành với những anh chị em đang gặp khốn khó, đau thương. Những khi gặp cảnh bỉ cực gian nan mà được ai đó thực tâm đồng hành, sẻ chia, nâng đỡ thì chúng ta sẽ dễ dàng hơn để đứng thẳng và ngẩng đầu lên. Sự hiện diện của các tình nguyện viên với bệnh nhân Covid - 19 tại các bệnh viện là một minh chứng cho hiện thực này.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Đừng sợ
Lm. Minh Anh
23:53 22/11/2021
“ĐỪNG SỢ!”

“Những gì các con nhìn ngắm đây, sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Những ngày cuối năm phụng vụ, Lời Chúa nói đến sự tàn phá và mất mát! Đaniel nói về sự chia cắt các quốc gia; Chúa Giêsu nói về sự sụp đổ của Giêrusalem và những sự kiện đen tối khác trong thiên nhiên và trong thế giới. Thế nhưng, qua đó, thật ủi an, Ngài dạy chúng ta, “Đừng sợ!”.

Với giấc mơ của vua Nabucôđônôsor, Đaniel tiên báo sự chia cắt lãnh thổ của các nước; để sau đó, một Vương Quốc ngàn năm còn mãi ra đời, “Thiên Chúa trên trời sẽ khiến một nước dấy lên, đời đời sẽ không hề bị tàn phá…; nó sẽ đứng vững muôn kiếp”; từ đó, thần dân của Vương Quốc Ngài có thể “Xin dâng lời khen ngợi suy tôn muôn đời” như lời Thánh Vịnh đáp ca.

Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói, “Sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào!”. Theo nghĩa đen, lời tiên đoán này đã trở thành hiện thực vào năm 70 cho Giêrusalem, vốn là một trong bảy kỳ quan của thế giới vào thời Chúa Giêsu. Sau khi báo trước số phận mai ngày của thành, Chúa Giêsu cảnh báo các môn đệ về các hỗn loạn sẽ xảy đến; sẽ có tiên tri giả, chiến tranh, động đất, nạn đói và dịch bệnh, với “Những hiện tượng kinh khủng từ trời và những điềm lạ cả thể”. Vậy tại sao Chúa Giêsu nói tiên tri về tất cả những điều này?

Câu trả lời rất đơn giản là, Ngài không cố làm cho chúng ta sợ hãi. Ngài báo trước để không ai trong chúng ta trở nên lầm lạc hoặc run sợ khi những sự việc xảy ra. Ngài nói, “Đừng để mình bị lừa dối!”, và “Đừng sợ!”. “Cuộc sống không phải là một bát anh đào!”. Đúng thế, chúng ta đang sống trong một thế giới sa ngã, hỗn loạn, nhầm lẫn, lừa dối, lạm dụng, tai tiếng, xung đột và những thứ tương tự đang xảy ra…; trước những điều ấy, chúng ta rất dễ bị cám dỗ để sợ hãi, tức giận hay tuyệt vọng. Đó có thể là xung đột gia đình, bất ổn dân sự hoặc thậm chí, chia rẽ trong chính Giáo Hội. Chúa Giêsu trấn an, Ngài muốn chúng ta cố giữ lấy bình an và tin cậy tuyệt đối vào Ngài.

Chuyện kể về một người cha và con gái đang đi dạo trên một thảo nguyên mênh mông. Từ xa, họ bỗng nhìn thấy một ngọn lửa cuối chân núi; người cha nhận ra rằng, lửa sẽ sớm nhấn chìm hai cha con. Ông biết, chỉ có một cách thoát thân: họ phải nhanh chóng phóng hoả ngay tại nơi họ đang đứng và đốt cháy một mảng cỏ lớn nhất có thể. Khi lửa đến gần, họ đã ở trong phần đất đã cháy. Ngọn lửa tiếp cận, cô gái vô cùng hoảng sợ, nhưng người cha đã trấn an, “Đừng sợ! Lửa không thể đến được với chúng ta. Chúng ta đang đứng trong vùng an toàn, nơi lửa đã bùng lên!”.

Anh Chị em,

Người cha dũng cảm và khôn ngoan đó chính là hình ảnh của Chúa Giêsu. Giữa cuộc đời ô trọc ví tựa bể khổ, Ngài đã có mặt bên mỗi người chúng ta. Nhờ mầu nhiệm Nhập Thể, Tử Nạn và Phục Sinh, Ngài đã thiết lập cho chúng ta một vùng an toàn; để chúng ta có thể sống trong tình trạng ân sủng của con cái Thiên Chúa. Ngài đến, một đời cho đi; nhưng, cuối cùng, bị bắt, bị buộc tội, bị kết án tử hình và bị đóng đinh… nhưng vượt qua tất cả, Chúa Giêsu đã toàn thắng, vì biết rằng, mọi khổ đau Ngài chịu sẽ trở thành căn nguyên ơn cứu độ, phát sinh một sự sống mới. Nếu Thiên Chúa là Cha, Đấng có thể mang lại điều tốt nhất từng được biết đến qua việc Con Yêu Dấu của Ngài bị ‘đốt cháy’ một cách tàn bạo, thì chắc chắn, Thiên Chúa cũng có thể làm điều tương tự với tất cả chúng ta. Hãy tin tưởng mọi lúc, mọi hoàn cảnh, Đấng Toàn Năng cũng có thể mang lại điều tốt lành từ mọi sự. Sự sống mới của Đấng Phục Sinh sẽ vọt lên từ những hư nát, kể cả thân xác của chúng ta, vốn từng là thức ăn cho giun dế. “Đừng sợ!”; đây không phải là lời khuyên suông của một ai đó bất toàn nhưng là lời của một Đấng từng bị đóng đinh vào thập giá và đã sống lại vì tình yêu. Đấng ấy là Vua vũ hoàn. Như Ngài, chúng ta hãy sống hiên ngang và chết hiên ngang, với tư cách là con cái của Thiên Chúa, là người môn đệ của vị Vua có tên Giêsu!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin ban cho con ân sủng phục sinh của Thánh Thần, để con can trường giữa mọi nghịch cảnh. Con tin, Chúa có thể đem cho con điều tốt nhất từ những gì nghiệt ngã nhất!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tài xế taxi đã ngăn chặn vụ đánh bom tại Liverpool cho rằng Đó là một phép lạ hoàn toàn
Đặng Tự Do
05:10 22/11/2021


Hôm 17 tháng 11, tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, ghi lại một câu chuyện thật anh hùng, và thật cảm động trong đó hai vợ chồng một tài xế taxi can đảm ngăn chặn được một vụ đánh bom kinh hoàng tại Anh. Cả hai vợ chồng đều xác tín rằng Chúa đã cứu người tài xế taxi anh hùng này.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy

Rachel Perry, vợ của người tài xế, nói rằng “anh ấy chắc chắn có một số thiên thần hộ mệnh gìn giữ mình”.

Rachel là vợ của anh David Perry, người tài xế taxi anh hùng, đã ngăn chặn một vụ tấn công khủng bố ở trung tâm Liverpool vào hôm Chúa Nhật vừa qua.

Một hành khách lên xe của David đã yêu cầu anh ta chở đến Nhà thờ Liverpool, nơi đang tổ chức Lễ tưởng niệm Chiến Sĩ Trận Vong vào hôm Chúa Nhật. Buổi lễ nhằm tri ân các cựu chiến binh, bao gồm một số người gần đây đã phục vụ tại Afghanistan và Iraq. Các giao thức an ninh đã hạn chế dòng xe cộ gần địa điểm xảy ra sự kiện đã tạo ra một vụ tắc nghẽn giao thông lớn trên toàn thành phố. Vì thế, cuối cùng, người hành khách này đã yêu cầu Perry quay lại và đưa anh ta đến Bệnh viện Phụ nữ Liverpool.

Đó là khi Perry lần đầu tiên nghi ngờ hành khách có thể đang có ý định tấn công khủng bố. Người tài xế trẻ phản ứng nhanh: khi họ đến bệnh viện, anh ta đã nhốt hành khách trong xe. Tấm nhựa ngăn cách giữa anh và người hành khách là phương thế bảo vệ duy nhất của Perry, và chỉ còn vài giây nữa là tên khủng bố sẽ tiến hành vụ tấn công liều chết. Perry cố gắng thoát ra khỏi xe trong tích tắc trước khi chiếc xe phát nổ.

Rachel Perry, vợ của người lái xe anh hùng, đã đăng một thông điệp trên Facebook một ngày sau vụ tấn công. Tin nhắn, ban đầu chỉ gửi cho bạn bè và người quen của họ, cũng được chia sẻ bởi công ty One Call Taxi, nơi chồng cô làm việc. Trong đó, cô khẳng định mình tin rằng Chúa đã giữ chồng cô an toàn: cô viết “vụ nổ có thể xảy ra khi anh ấy đang ở trong xe và cách anh ấy trốn thoát được là một điều kỳ diệu hoàn toàn. Anh ấy chắc chắn đã có một số thiên thần hộ mệnh giữ gìn mình.”

“Một phép lạ hoàn toàn”

Trong thông điệp của mình, Rachel Perry cũng gửi lời cảm ơn tới tất cả các nhân viên chuyên nghiệp đã chăm sóc cho chồng cô, khi anh nhận được sự chăm sóc y tế và bảo vệ ngay lập tức từ các viên chức cảnh sát: “Tôi muốn cảm ơn những nhân viên, bác sĩ và y tá tuyệt vời tại bệnh viện; tất cả các bạn đều tuyệt vời. Và cả các viên chức cảnh sát và thám tử, những người đã chăm sóc chúng tôi. Chúng tôi rất biết ơn”.

Bài đăng trên Facebook của cô cũng bao gồm một yêu cầu ngắn gọn đối với các phương tiện truyền thông: “Đối với các phóng viên đã gõ cửa nhà tôi lúc 10 giờ tối qua: hãy tôn trọng! Điều không thể hiểu nổi nhất đã xảy ra với chúng tôi và chúng tôi chỉ muốn có thể đối phó với tình huống này tốt nhất có thể”

Một lời cầu nguyện

Rachel Perry đã kết thúc thông điệp của mình rất có ý nghĩa bằng một lời cầu nguyện đơn giản nhưng đầy ý nghĩa để “điều này không xảy ra với bất kỳ ai khác”.

Tờ Daily Mail cho biết thêm chi tiết sau:

Sau khi người hành khách yêu cầu David Perry quay xe theo hướng ngược lại, để đến Bệnh viện Phụ nữ Liverpool, anh ta bắt đầu sinh nghi nên thường xuyên nhìn vào kính chiếu hậu và phát hiện người hành khách đang nối các dây điện vào quả bom. Anh tấp vào lề ở một khúc đường vắng vẻ. Nhảy ra khỏi xe, bấm remote control để khoá cửa xe, rồi vừa chạy vừa la làng. Tên khủng bố biết không xong, đã cho bom nổ. Sức công phá mạnh đến mức chiếc xe nổ tan tành, và một lực rất mạnh đập vào lưng anh, xô anh ngã sấp mặt xuống lề đường.
Source:Aleteia
 
Các tín hữu Kitô tại Lahore âu lo sau khi thủ lĩnh của nhóm cực đoan Tehreek-e-Labbaik Pakistan được trả tự do
Đặng Tự Do
05:10 22/11/2021


Hafiz Saad Hussain Rizvi, người đứng đầu tổ chức Hồi Giáo cực đoan Tehreek-e-Labbaik Pakistan, gọi tắt là Tlp, đã được thả hôm 19 tháng 11 khỏi nhà tù Kot Lakhpat ở bang Punjab theo quyết định của Tòa án Tối cao. Khi về đến nhà thờ Hồi giáo Rehmatul Lil Alameen, trụ sở của đảng Hồi giáo cực hữu, hắn ta đã hàng trăm thành viên nhiệt liệt chào đón.

Rizvi, con trai của người sáng lập tổ chức, đã bị bắt vào ngày 12 tháng 4 năm nay với cáo buộc khủng bố. TLP đã tổ chức các cuộc biểu tình bạo lực để buộc chính phủ trục xuất đại sứ Pháp khỏi đất nước sau khi Pháp trình chiếu một số phim hoạt hình châm biếm tiên tri Mohammed. Hai ngày sau, chính quyền ra lệnh cấm nhóm cực đoan này.

Để phản đối, vào ngày 22 tháng 10, LTP bắt đầu một cuộc tuần hành hướng tới Islamabad dọc theo một trong những con đường huyết mạch chính của đất nước, yêu cầu trả tự do cho nhà lãnh đạo của họ và thả những người bị giam giữ khác.

Trong các cuộc đụng độ diễn ra ở Lahore và Gujranwala ít nhất 7 cảnh sát thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Theo thỏa thuận giữa chính phủ Pakistan và Tlp, vào đầu tháng, khoảng 2 nghìn thành viên của đảng này đã được trả tự do; lệnh cấm tham gia chính trị cũng được gỡ bỏ.

Bộ Nội vụ Punjab cho biết: Vào ngày 10 tháng 11, Rizvi và chính Tlp đã được loại bỏ “với hiệu lực ngay lập tức” khỏi danh sách chống khủng bố mà họ đã được chính phủ đưa vào trước đó.

Javed Maish, mục sư của Nhà thờ Chúa Cứu thế ở Essa Nagri, nói với AsiaNews: “Tlp đã bị cấm vì lý do hợp lý. Tehreek-e-Labbaik có tội về cái chết và thương tích của các nhân viên thực thi pháp luật và những người vô tội tình cờ đi ngang qua chứng kiến cuộc biểu tình. Rizvi đã bị bắt để ngăn chặn bạo lực, giết người và thiệt hại tài sản. Tôi không thể làm gì khác ngoài việc cầu nguyện cho hòa bình và hòa hợp cho đất nước này” vị giáo sĩ nói thêm, không dấu được nỗi âu lo.
Source:Asia News
 
Các giám mục Hoa Kỳ chấp thuận việc thay đổi tên gọi chương trình khai tâm Kitô Giáo
Đặng Tự Do
05:11 22/11/2021


Nghi thức Khai tâm Kitô Giáo trước đây gọi là The Rite of Christian Initiation for Adults, thường được gọi là RCIA, sẽ được đổi tên thành Order of Christian Initiation for Adult, hoặc vắn tắt là OCIA. Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã quyết định như trên trong phiên khoáng đại mùa thu vừa diễn ra tại Baltimore.

Nhiều người giải thích rằng Rite trong tiếng Anh có nghĩa là một nghi thức diễn ra trong một buổi lễ. Order mang tính chất một quá trình gồm nhiều bước được hoạch định theo một trật tự phù hợp. Tuy nhiên, có lẽ các Giám Mục Hoa Kỳ muốn dùng từ “Order of Christian Initiation for Adult” để dịch sát cụm từ Latinh “Ordo Initiationis Christianae Adultorum”.

Việc thay đổi tên gọi này áp dụng cho cả quá trình một người được đón nhận vào Giáo Hội cũng như cuốn sách có chứa văn bản nghi lễ và lời cầu nguyện cho các bước đó.

Theo xu hướng cập nhật tất cả các văn bản phụng vụ để phản ánh sự trung thực hơn với nguyên bản tiếng Latinh, các giám mục Hoa Kỳ, nhóm họp tại Baltimore trong phiên khoáng đại mùa thu hàng năm của các ngài, đã phê duyệt vào ngày 17 tháng 11 một ấn bản tiếng Anh sửa đổi Tiến trình Khai tâm Kitô Giáo. Phiên bản tiếng Anh đã được thông qua với tỷ lệ gần như tuyệt đối với 215 phiếu thuận, không có phiếu chống, và có 2 phiếu trắng.

Hành động này vẫn cần sự chấp thuận của Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích của Vatican trước khi có hiệu lực.

Vào ngày 7 tháng 5 năm 2001, Thánh Giáo Hoàng Đức Gioan Phaolô II đã xuất bản Liturgiam Authenticam, một tài liệu về việc sử dụng các ngôn ngữ địa phương trong việc xuất bản các sách Phụng vụ Rôma. Tài liệu này bắt đầu một nỗ lực dịch thuật nhằm bảo tồn cách diễn đạt gần nhất của phụng vụ Latinh. Anh chị em giáo dân có thể thấy rõ cách thức những nỗ lực này ảnh hưởng đến việc dịch Thánh Lễ.

Từng sách một, các hội đồng giám mục của mỗi ngôn ngữ đã dịch các phiên bản cập nhật của các nghi thức khác nhau trong Giáo hội, ví dụ như tại Hoa Kỳ, Nghi thức Sám hối trước đây gọi là Rite of Penance, nay được đổi thành Order of Penance, cho sát với tiếng Latinh “Ordo paenitentiae”.

Đây là cuốn sách mới nhất trải qua nỗ lực dịch thuật. Bởi vì RCIA cũng là cái tên phổ biến liên quan đến quá trình giảng dạy giáo lý cho các tân tòng, việc đổi tên có thể khiến mọi người tự hỏi liệu có điều gì thay đổi trong quá trình này hay không.

Trong một bản sửa đổi nhỏ, cách phân loại truyền thống các tân tòng sắp được chấp nhận hoàn toàn vào Giáo hội đã được thay đổi. Bản sửa đổi mới bao gồm bốn nhóm: nhóm thứ nhất gọi là catechumen, tiếng Việt là dự tòng, bao gồm những người trưởng thành chưa được rửa tội); nhóm thứ hai là unbaptized infants, tức là trẻ sơ sinh chưa được rửa tội; nhóm thứ ba là baptized non-Catholic Christians, bao gồm những người đã được rửa tội bởi các hệ phái Kitô không phải Công Giáo; và nhóm cuối cùng là baptized Catholics in need of confirmation, bao gồm những người Công Giáo đã được rửa tội cần được xác nhận, trong trường hợp có nghi vấn về phép Rửa Tội trước đó.

Tháng 8 năm ngoái 2020, Bộ Giáo lý Đức tin đã ban hành một chỉ dẫn giáo lý quan trọng cảnh báo Giáo Hội trên toàn thế giới rằng phép Rửa tội không có giá trị nếu trong đó một từ, hoặc một số từ nào đó đã bị thay đổi. Cụ thể, việc nói “Chúng tôi rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” khiến bí tích rửa tội không thành sự. Đúng hơn, các thừa tác viên phải để Chúa Giêsu nói qua họ rằng “Tôi rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.”

Khi làm sáng tỏ điều này, Thánh Bộ viện dẫn Công đồng Vatican II. Công đồng đã xác định rằng không ai “dù là linh mục, có thể thêm, bớt hoặc thay đổi bất cứ điều gì trong Phụng Vụ theo thẩm quyền của mình.”

Cho đến nay, ít nhất hai linh mục tại Mỹ đã phải rửa tội lại sau khi phát hiện ra phép Rửa Tội của mình là không hợp lệ. Đùng một cái, từ một linh mục Công Giáo trở thành “nothing”. Về mặt kỹ thuật, các ngài thậm chí không phải là một người Công Giáo.

Hai vị linh mục đã được rửa tội lại, thêm sức và lãnh nhận Bí tích Thánh Thể. Sau khi tĩnh tâm, các ngài được thụ phong phó tế, và sau đó thụ phong linh mục.
Source:Catholic News Agency
 
Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức đã chọn ra lãnh đạo mới quyết liệt đòi phong chức cho phụ nữ
Đặng Tự Do
16:04 22/11/2021


Các thành viên của Ủy ban Trung ương những người Công Giáo Đức, gọi tắt là ZdK, đã bầu Irme Stetter-Karp làm chủ tịch mới của họ vào ngày 19 tháng 11 với 149 phiếu thuận trong tổng số 190 phiếu tại một hội nghị toàn thể ở thủ đô Berlin của Đức.

Người đàn bà 65 tuổi này sẽ kế nhiệm Thomas Sternberg, 69 tuổi, là người đã quyết định không ra tranh cử nữa sau sáu năm tại vị.

CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA, báo cáo rằng trong bài phát biểu vận động tranh cử của mình, Stetter-Karp nói rằng bà muốn làm việc “nhiệt tình” cho sự đoàn kết trong xã hội và những thay đổi trong Giáo hội đã được đề xuất từ “50 năm trước”.

“Cải cách là tất yếu và đã quá lâu. Nếu các cải cách ấy thành công, ít nhất chúng ta sẽ có cơ hội xây dựng lại niềm tin đã mất,” bà ta nói.

Bà nói thêm rằng bà ấy đại diện cho một “Giáo hội tác vụ, cho sự công nhận quyền con người và sự công nhận tính đa dạng.”

Stetter-Karp dự kiến sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh Tiến Trình Công Nghị gây tranh cãi của Đức đến chỗ thành công.

Tiến Trình Công Nghị là một quá trình kéo dài nhiều năm, quy tụ các giám mục và giáo dân để thảo luận về bốn chủ đề chính: cách thức thực thi quyền lực trong Giáo hội; luân lý tình dục; chức tư tế; và vai trò của phụ nữ.

Quá trình này đã được ZdK và hội đồng giám mục Đức đồng khởi động vào tháng 12 năm 2019 và dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2023.

Hội đồng Công Nghị, cơ quan ra quyết định tối cao cho Tiến Trình Công Nghị, bao gồm 230 thành viên, bao gồm các giám mục Đức, 69 thành viên của Zdk, và đại diện của các bộ phận khác trong Giáo hội ở Đức.

Stetter-Karp đã tham gia vào diễn đàn dành riêng cho “Cuộc sống trong các mối quan hệ thành công - Tình yêu sống động trong Tình dục và Quan hệ Đối tác”.

Trong vai trò mới của mình, cô có khả năng hợp tác chặt chẽ với Beate Gilles, người được bầu làm nữ tổng thư ký đầu tiên của hội đồng giám mục Đức vào tháng 2, kế nhiệm Cha Hans Langendörfer, linh mục dòng Tên đã giữ chức vụ này khá lâu.

Sinh ra ở Ellwangen, tây nam nước Đức, Stetter-Karp được đào tạo như một nhà giáo dục và nhân viên xã hội. Bà là người mẹ hai con đã kết hôn, lãnh đạo Caritas của Giáo phận Rottenburg-Stuttgart trước khi nghỉ hưu vào tháng 9 năm 2020.

Người tiền nhiệm của bà, Thomas Sternberg, đã là một người có tầm ảnh hưởng cao sau cuộc bầu cử của ông vào năm 2015. Ông ta là một trong những gương mặt nổi bật nhất của Tiến Trình Công Nghị, cùng với Đức Cha Georg Bätzing, chủ tịch hội đồng giám mục.

Vào tháng 3 năm nay, Sternberg đã chỉ trích việc Vatican từ chối việc chúc phúc cho các kết hiệp đồng giới.

Vào tháng 5, ông đã gây tranh cãi khi rước lễ trong một buổi lễ tại một nhà thờ Tin lành trong một sự kiện đại kết lớn.

Đức Cha Bätzing chúc mừng người kế nhiệm Sternberg vào ngày 19 tháng 11, bày tỏ lòng biết ơn về “mối quan hệ tốt đẹp và hiệu quả” giữa ZdK và hội đồng giám mục.

Ông viết: “Chúng ta đang trải qua một trong những cuộc khủng hoảng sâu sắc nhất của Giáo hội ở Đức, nhưng chúng tôi không nản lòng.

“Đó chính xác là điều mà Tiến Trình Công Nghị muốn làm: là góp phần vào việc đổi mới Giáo hội vượt ngoài Phúc âm, để góp phần tạo nên uy tín và sự tin cậy mới.”

ZdK bắt nguồn từ năm 1848, khi Charles, Hoàng tử của Löwenstein-Wertheim-Rosenberg, thành lập Hiệp hội Công Giáo Đức. Hội được đổi tên thành Ủy ban Trung ương của những người Công Giáo Đức vào năm 1952.
Source:Catholic News Agency
 
Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tân thị trưởng Rôma Gualtieri. Năm Thánh cũng là một trong những chủ đề của cuộc họp
Đặng Tự Do
16:05 22/11/2021


Một tháng sau khi nhậm chức ở Campidoglio, thị trưởng Rôma Roberto Gualtieri đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến. Đây là cuộc họp đầu tiên tại Tòa thánh với tư cách thị trưởng chính thức.

Ông Roberto Gualtieri cho biết: “Tôi đã nhân cơ hội này để bày tỏ lòng trìu mến và kính trọng đối với Đức Thánh Cha, là người đã có những lời dạy sâu sắc về việc chăm sóc ngôi nhà chung, tình huynh đệ và tình bạn xã hội, đặc biệt quý giá trong việc giải quyết các vấn đề lớn của thời đại chúng ta, và giúp củng cố các liên kết của thủ đô với Giáo Hội hoàn vũ”. Cựu thị trưởng Virginia Raggi cũng đã nhiều lần diện kiến Đức Giáo Hoàng, để duy trì mối quan hệ tuyệt vời với Ngai Tòa Thánh Phêrô.

Tuy nhiên, lần này, cuộc thảo luận được làm phong phú hơn bởi một chủ đề cơ bản cho cả hai bên: việc tổ chức Năm Thánh 2025. Một câu hỏi đã được giải quyết trong cuộc họp hôm nay. Hai ngày trước, trong cuộc họp thượng đỉnh giữa Roberto Gualtieri và Thủ tướng Mario Draghi tại Palazzo Chigi, Năm Thánh cũng đã nổi lên như một trong những chủ đề quan trọng, đặc biệt là về phía chính quyền trung ương, các khía cạnh tài chính, hoặc các nguồn lực cần thiết để thích ứng mạng lưới giao thông công cộng. Mặt khác, bốn năm thời gian không phải là nhiều và Gualtieri phải đẩy nhanh các tiến độ với tất cả những người đối thoại có liên quan.

“Rất vui và hào hứng khi được triều yết Đức Giáo Hoàng Phanxicô sáng nay. Ngài là một nhân cách phi thường có khả năng khiến mọi người cảm thấy thoải mái và đồng thời luôn đưa ra những suy tư sâu sắc. Sự dạy dỗ của ngài về dấu chỉ của hy vọng, hòa bình và tình anh em là một điểm tham chiếu cơ bản cho tất cả mọi người khi đối mặt với những thách thức lớn của thời đại chúng ta. Chúng tôi cũng nói về Rome và sự độc đáo của nó: đây sẽ là những năm cộng tác tuyệt vời với Tòa Thánh, cho Năm Thánh 2025 và trong cam kết chung để hỗ trợ những người nghèo nhất và yếu nhất. Bởi vì, như chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết, 'Rôma sẽ sống ơn gọi phổ quát của mình, chỉ khi nó ngày càng trở thành một thành phố huynh đệ'“.
Source:Italy News
 
Đức Thánh Cha Phanxicô có nên điều trần trong phiên tòa xét xử vụ bê bối tài chính ở Vatican hay không?
Đặng Tự Do
16:05 22/11/2021


Hôm thứ Tư 17 tháng 11, phiên tòa xét xử Hồng Y Becciu về vụ mua bán tòa nhà số 60 đường Sloane, ở London đã xảy ra một bước ngoặc quan trọng. Các luật sư bào chữa cho rằng Đức Giáo Hoàng đã biết về vụ mua bán này và ngài phải điều trần cách nào đó trong phiên tòa này, nếu không đây không thể được coi là một phiên tòa công bằng. Liệu Đức Thánh Cha có nên ra điều trần hay không? Edward Condon, chủ biên của The Pillar có bài nhận định nhan đề “Should Pope Francis testify in the Vatican financial scandal trial?”, nghĩa là “Đức Thánh Cha Phanxicô có nên điều trần trong phiên tòa xét xử vụ bê bối tài chính ở Vatican hay không?”

Các phiên điều trần trước khi xét xử ở Thành phố Vatican đã có một bước ngoặt bất ngờ vào hôm thứ Tư, khiến Đức Thánh Cha Phanxicô có thể phải cân nhắc về phiên tòa xét xử vụ bê bối tài chính của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Các luật sư bào chữa đã đặt Đức Thánh Cha Phanxicô ngay lập tức ở giữa vụ án, và thậm chí đưa ra ý tưởng đưa Đức Giáo Hoàng ra như một nhân chứng, trong khi thúc giục một thẩm phán bác bỏ phiên tòa hình sự, vì các vấn đề về thủ tục và bằng chứng đã cản trở giai đoạn sơ bộ của nó trong nhiều tháng qua.

Hôm 17 tháng 11, các luật sư bào chữa cho các bị cáo trong phiên tòa cho biết họ muốn được biết những gì Đức Giáo Hoàng đã nói với các công tố viên, khi ngài trao đổi với họ, và thông tin đó đã được sử dụng như thế nào để các công tố viên thu thập bằng chứng chống lại những thân chủ của họ.

Các luật sư thậm chí còn đưa ra ý tưởng yêu cầu Đức Giáo Hoàng ra làm chứng trong vụ án - một đề xuất có vấn đề về mặt pháp lý và mang tính chính trị rất cao. Nhưng đó có phải là điều mà Đức Phanxicô nên cân nhắc không?

Tại phiên tòa ngày 17 tháng 11, các luật sư bào chữa khai thác mạnh một vài giây âm thanh trong số hàng giờ ghi âm cuộc phỏng vấn nhân chứng được các công tố viên trình lên trước tòa.

Trong đoạn clip, người ta có thể nghe thấy người đứng đầu cơ quan công tố của Vatican là ông Alessandro Diddi đang cắt ngang lời Đức Ông Alberto Perlasca, từng là phó của Hồng Y Angelo Becciu tại Văn phòng Bộ Ngoại giao, khi Perlasca đưa ra một bản tường trình về thảm hoạ mua bán tài sản ở London.

Trong khi Đức Ông Perlasca đang giải thích trên đoạn băng ghi âm về cách thức Vatican đã thông qua kế hoạch mua một bất động sản ở London vào năm 2018 - kế hoạch được cho là đã chứng kiến Vatican mất đi hàng trăm triệu Mỹ Kim - Diddi nói với anh ta “Này Đức Ông, những gì ngài đang nói không liên quan gì đến điều đó. Chúng tôi đã đến gặp Đức Thánh Cha và hỏi ngài điều gì đã xảy ra”.

Các luật sư lập luận hôm thứ Tư rằng đoạn clip ngắn đó cho thấy rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã được các công tố viên phỏng vấn với tư cách là nhân chứng. Vì không có hồ sơ nào về cuộc phỏng vấn của Đức Giáo Hoàng được nộp để làm bằng chứng, các luật sư bào chữa cho rằng các bị cáo đã bị từ chối quyền bào chữa cho mình.

Diddi nói với các thẩm phán hôm thứ Tư rằng Đức Giáo Hoàng không phải là nhân chứng trong vụ án, và các công tố viên chưa bao giờ thẩm vấn ngài. Diddi nói rằng anh ta đang đề cập đến các tuyên bố của Đức Phanxicô trong cuộc họp báo trên chuyến bay năm 2019, khi Đức Phanxicô nói về cách thức cuộc điều tra ban đầu đã được tiến hành và nói rằng anh ta đã ủy quyền cho các công tố viên đột kích văn phòng của các quan chức tại Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và tại Cơ quan Thông tin Tài chính của Vatican, gọi tắt là AIF.

Các luật sư bào chữa lập luận rằng điều này đơn giản là không phù hợp với những gì Diddi được nghe thấy trên băng ghi âm. Họ nói hoặc các công tố viên đang giữ lại lời khai quan trọng từ Đức Giáo Hoàng, hoặc họ đã khiến cho Đức Ông Perlasca tin rằng Đức Giáo Hoàng đã nói chuyện với họ, như một cách để đe dọa vị linh mục phải làm sai lạc bằng chứng - theo cách nào đó. Vì thế, các luật sư bào chữa cho rằng vụ án nên được hủy bỏ.

Không ai có thể đoán được những gì mà các thẩm phán sẽ quyết định khi các phiên điều trần tiếp tục vào ngày 1 tháng 12. Nhưng có một người có thể giải quyết vấn đề, và đó là chính Đức Giáo Hoàng.

Không ai biết chắc Đức Giáo Hoàng đã hiểu hay đã chấp thuận cơ chế của thỏa thuận London đến mức nào hoặc những thông tin nào mà ngài đã không được cho biết, nhưng những câu hỏi đó xem ra rất có liên quan: chúng ta biết Đức Phanxicô đã tiếp kiến riêng gia đình Gianluigi Torzi, người bị buộc tội nắm quyền kiểm soát tòa nhà để tống tiền, đúng vào thờ điểm Torzi được cho là đang tống tiền Vatican.

Với tư cách là thẩm quyền tuyệt đối, Đức Phanxicô không thể bị bắt buộc phải làm chứng trong một phiên tòa được ngài uỷ quyền cho tòa án Vatican, là tòa án nhân danh ngài, truy tố. Nhưng các luật sư đề nghị hôm thứ Tư rằng ngài có thể được yêu cầu, một cách tôn trọng, cho phép các thẩm phán được tiếp kiến để làm rõ mọi chuyện.

Đức Giáo Hoàng có thể sẽ có một bản năng mạnh mẽ để tránh tham gia cá nhân vào phiên tòa - và rất nhiều điều tệ hại có thể xảy ra. Trong khi các luật sư bào chữa cho rằng bằng chứng của Đức Ông Perlasca không thể tin cậy được bởi vì, với tư cách là một giáo sĩ, ngài sẽ không nói bất cứ điều gì trong lời khai của mình, có thể cho thấy Đức Giáo Hoàng đã không hoàn toàn thẳng thắn tiết lộ về những gì Đức Giáo Hoàng đã biết và đã chấp thuận, và như thế có lý do để tin những người khác đang phải đối mặt với cáo buộc, như Đức Hồng Y Angelo Becciu, cũng sẽ có những dè dặt tương tự.

Toàn bộ phiên tòa xét xử tài chính, kéo dài hai năm, và độ tin cậy của chương trình cải cách tài chính của Đức Thánh Cha Phanxicô có thể sụp đổ thành một trò hề nếu các bị cáo cuối cùng chứng minh được Ngài thực ra đã ủy quyền cho họ trong vụ mua bán lộn xộn mà họ đang bị buộc tội.

Mặt khác, ngay cả khi Đức Giáo Hoàng không bao giờ nói chuyện với các thẩm phán, ngài đã xoay bánh xe công lý để làm cho phiên tòa này diễn ra - một sự can dự vừa lộn xộn vừa thiết yếu.

Các cuộc đột kích do Đức Giáo Hoàng ủy quyền vào năm 2019, bao gồm các văn phòng của AIF, bị coi là vi phạm tính độc lập và thẩm quyền của cơ quan này. Các vụ đột kích ấy đã gây ra sự từ chức của một số nhân vật cấp cao của AIF và khiến tổ chức này bị đình chỉ hoạt động khỏi Tập đoàn Egmont, một mạng lưới cơ quan tình báo tài chính quốc tế. Nhưng các vụ đột kích ấy cũng dẫn đến các cáo buộc hình sự đối với chủ tịch và giám đốc của cơ quan này.

Các cuộc phỏng vấn với Perlasca, cuộc phỏng vấn cuối cùng được ghi lại vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9 năm ngoái, cũng khiến các công tố viên triều yết Đức Giáo Hoàng một lần nữa vào tháng 9 năm 2020, nơi họ đưa ra một loạt bằng chứng chống lại Đức Hồng Y Becciu. Đức Giáo Hoàng cuối cùng đã yêu cầu Hồng Y Becciu từ chức, cả chức tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh lẫn các đặc quyền trong tư cách là một Hồng Y.

Vì hành động này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phải đối mặt với những lời chỉ trích từ bạn bè của Hồng Y Becciu và những người chống chế cho vị Hồng Y trên báo chí, những người đã coi động thái này là thứ summary justice, hay công lý sơ sài, không đến nơi đến chốn, của Đức Giáo Hoàng, và nói rằng Đức Giáo Hoàng đã tuyên bố Hồng Y Becciu có tội trước khi có bất kỳ cáo buộc chính thức nào chống lại vị Hồng Y.

Tuy nhiên, khi yêu cầu một bộ trưởng nội các đối mặt với cáo buộc hình sự liên quan đến lạm dụng chức vụ phải từ chức, Đức Phanxicô được cho là chỉ làm những gì mà bất kỳ người đứng đầu chính phủ đáng tin cậy nào cũng nên làm trong những trường hợp tương tự. Quan trọng hơn, việc buộc Hồng Y Becciu từ bỏ các đặc quyền Hồng Y là một bước pháp lý quan trọng để vị Hồng Y phải ra hầu tòa, một điều cần thiết được nhấn mạnh bởi một số thay đổi tiếp theo đối với bộ luật hình sự của Vatican được Đức Giáo Hoàng đưa ra trong 12 tháng qua.

Có thể các thẩm phán sẽ quay lại khi phiên điều trần tiếp tục vào tháng tới, yêu cầu chấm dứt các tranh cãi trước xét xử và quyết định đã đến lúc xét xử với các bằng chứng. Nhưng ngay cả khi họ làm như vậy, nó sẽ không xua tan được câu hỏi về những gì Đức Giáo Hoàng biết, và khi nào thì ngài biết.

Hơn nữa, các luật sư bào chữa có thể sẽ tuyên bố điều này chỉ cho thấy không có gì đáng gọi là thủ tục tố tụng hoặc một phiên điều trần công bằng tại tòa án Thành phố Vatican – và trong trường hợp có người bị kết tội, tùy thuộc vào việc người đó là ai, có thể có hậu quả thực sự đối với mối quan hệ giữa Tòa Thánh và Italia.

Mặc dù rủi ro phải tham gia sâu hơn là có thật, nhưng Đức Giáo Hoàng vẫn có thể quyết định rằng ngài đã tham gia rất cá nhân vào quá trình này và uy tín của ngài với tư cách là một nhà cải cách gắn liền với kết quả của phiên tòa, và rằng việc dốc toàn lực và tự mình nói chuyện với các thẩm phán là lựa chọn tốt nhất của ngài.

Giải pháp khác đi có thể khiến phiên tòa sụp đổ, cùng với tất cả niềm tin vào những cải cách mà ngài đã đặt ra cho triều đại giáo hoàng của mình.


Source:Pillar Catholic
 
Bi ai: Hoa Kỳ treo cờ rũ. Tuyên bố của TGP sau khi xe hơi lao thẳng vào đoàn rước Công Giáo
Đặng Tự Do
20:22 22/11/2021


Tổng giáo phận Milwaukee cho biết ít nhất 5 người đã thiệt mạng và 48 người bị thương sau khi một chiếc SUV lao vào các linh mục và anh chị em giáo dân, hầu hết là trẻ em, đang tham dự cuộc diễn hành mừng Mùa Giáng Sinh hàng năm tại Waukesha.

Giám đốc truyền thông của tổng giáo phận, Sandra Peterson, cho biết: “Những lời cầu nguyện của chúng tôi dành cho những người đã bị thương và thiệt mạng trong sự cố bi thảm ở Waukesha”.

“Xin hãy cùng chúng tôi cầu nguyện cho tất cả những người có liên quan, gia đình của họ và những người bị tổn thương do chứng kiến cảnh tượng khủng khiếp này.”

Cộng đồng Công Giáo Waukesha, bao gồm bốn giáo xứ là các giáo xứ Thánh William, Thánh John Neumann, Đức Maria và Thánh Giuse đang diễn hành trên đường phố chính của vùng ngoại ô Milwaukee ngay trước 4:40 chiều ngày 21 tháng 11. Video được đăng trên các phương tiện truyền thông xã hội cho thấy một chiếc SUV màu hạt dẻ đang bị cảnh sát rượt đuổi đã lao thẳng vào đoàn người diễn hành, và chạy ngược chiều với họ, gây ra những khoảnh khắc hết sức kinh hoàng.

5 người được báo cáo đã chết ngay ở hiện trường. Trong số 48 người bị thương, ít nhất 11 người lớn và 12 trẻ em đã được đưa đến các bệnh viện địa phương. Những người khác được bạn bè và gia đình chăm sóc.

Phản ứng của Cộng đồng Công Giáo Waukesha

Cộng đồng Công Giáo Waukesha đã tổ chức một buổi cầu nguyện được truyền trực tiếp vào ngày 22 tháng 11 tại Nhà thờ Thánh William, và cho biết họ đang có kế hoạch tư vấn và hỗ trợ cho các giáo dân sau thảm kịch.

“Chúng tôi tiếp tục theo dõi tác động của sự kiện bi thảm này và chăm sóc mục vụ cho những giáo dân bị thương của chúng tôi và bất kỳ ai có mặt ở đó”.

“Trong những giờ phút khó khăn nhất, chúng ta, với tư cách là một cộng đồng, hướng về Chúa của chúng ta để được nương tựa, kín múc sức mạnh và tình yêu. Hãy tham gia với chúng tôi và với cộng đồng của anh chị em trong lời cầu nguyện”.

Bốn giáo xứ Công Giáo của thành phố đã phát trực tiếp việc lần chuỗi Mân Côi và chầu Thánh Thể hàng đêm.

Phản ứng của Đức Tổng Giám Mục Jerome Listecki

Đức Tổng Giám Mục Jerome Listecki đã gọi thảm kịch ở Waukesha là một “hành động vô nghĩa” trong một tuyên bố bằng video hôm thứ Hai.

Đức Cha Listecki đã lặp lại những thông tin mà Tổng giáo phận Milwaukee đã xác nhận vào đêm qua, như một linh mục cũng như nhiều giáo dân và học sinh Công Giáo bị thương.

“Khi đối mặt với cú sốc và nỗi đau mà các anh chị em của chúng ta gặp phải ở Waukesha, điều quan trọng là chúng ta phải hướng về đức tin của mình, điều quan trọng là đức tin mang lại cho chúng ta sự hiện diện và an ủi yêu thương của Chúa,” Đức Cha Listecki nói.

“Tôi biết rằng mọi người thuộc mọi tín ngưỡng và truyền thống sẽ kêu gọi cộng đồng của họ hiệp nhất lại với nhau và dâng lên Chúa cảm giác tin tưởng vào khả năng của Ngài để hướng dẫn chúng ta vượt qua giai đoạn khó khăn này, đồng thời mang đến hy vọng và sự chữa lành”.

Sở cảnh sát Waukesha cho biết kẻ gây ra tai nạn khủng khiếp này là Darrell Brooks Jr. 39 tuổi. Tên này đã trốn thoát khỏi hiện trường. Như một biện pháp đề phòng, các trường học đã được yêu cầu đóng cửa trong 2 ngày thứ Hai và thứ Ba.

Phản ứng của Thống đốc Tony Evers

Thống đốc Tony Evers ra lệnh treo cờ rũ trong toàn tiểu bang. Ông tuyên bố về thảm kịch này vào sáng sớm thứ Hai như sau:

“Tôi và Kathy đang cầu nguyện cho Waukesha tối nay và tất cả những đứa trẻ, gia đình và các thành viên cộng đồng bị ảnh hưởng bởi hành động vô nghĩa này. Tôi biết ơn những người phản ứng đầu tiên và những người đã nhanh chóng hành động để giúp đỡ và chúng tôi đang liên hệ với các đối tác địa phương khi chúng tôi chờ đợi thêm thông tin.”

Tuyên bố của sở cảnh sát thành phố Waukesha

Cảnh sát trưởng thành phố Waukesha là ông Dan Thompson xác nhận rằng Darrell Brooks Jr. là người bị buộc tội lái chiếc xe. Các nhà điều tra biết được rằng anh ta đã tham gia vào một vụ “cãi vã trong gia đình” trước khi lái xe vào tuyến đường diễn hành.

Thompson cho biết có một cuộc rượt đuổi của cảnh sát, nhưng ông không tin là vì bị cảnh sát đuổi mà hung thủ hấp tấp càn vào những người diễn hành. Cảnh sát trưởng cũng nói thêm rằng không có dấu hiệu cho thấy sự kiện này là một hành động khủng bố. Ông nghĩ rằng hung thủ đã hành động như thế vì nóng giận.

Theo cảnh sát trưởng Dan Thompson, Brooks đã từng bị buộc tội ba lần trong vòng chưa đầy hai năm vì lái xe liều lĩnh gây nguy hiểm cho sự an toàn của người khác, gần đây nhất là vào ngày 2 tháng 11. Một phụ nữ khai với cảnh sát là sáng ngày 2 tháng 11, Brooks đã cố tình dùng xe đâm vào cô ấy khi cô đang đi bộ qua một bãi đậu xe của trạm xăng sau khi anh ta chạy theo cô sau một cuộc ẩu đả.

Theo đơn tố giác của người phụ nữ, Brooks đã gõ cửa phòng một người phụ nữ đang ở khách sạn American Inn vào ngày 2 tháng 11 trong khi la hét và dùng những lời lẽ thô tục. Khi cô mở cửa ra, đi ngang qua mặt anh ta, Brooks đã giật điện thoại của cô và lái xe đi.

Người phụ nữ sau đó đang đi bộ trên Đại lộ West Appleton ở Milwaukee về phía một trạm xăng trên khu 7300 của West Capitol Drive thì bị Brooks chạy theo bên cạnh và yêu cầu cô lên xe.

Cô từ chối, và Brooks đáp lại bằng cách đấm vào mặt cô.

Sau đó, người phụ nữ đi qua bãi đậu xe của trạm xăng cho đến khi Brooks dùng xe đâm thẳng vào người cô ấy.

Đơn khiếu nại cho biết người phụ nữ phải nhập viện trong tình trạng bị thương, và các viên chức nhìn thấy một vết lốp xe trên quần của cô ấy.

Chiếc xe hắn đang lái được mô tả là chiếc Ford Escape đời 2010 màu hạt dẻ.

Brooks bị buộc trọng tội cấp độ hai do liều lĩnh gây nguy hiểm cho sự an toàn. Hắn ta đã đóng tiền bảo lãnh tại ngoại hầu tra 1,000 đô la vào ngày 11 tháng 11, và vì thế được tạm tha khỏi Nhà tù Hạt Milwaukee vào ngày 16 tháng 11.

Tội nghiêm trọng như thế mà chỉ cần đóng 1,000 đô la để được tại ngoại khiến nhiều người kinh ngạc. Hơn thế nữa, anh ta còn bị buộc tội vào tháng 7 năm 2020 với hai tội danh cấp độ hai do lái xe liều lĩnh gây nguy hiểm cho sự an toàn của người khác, và sử dụng vũ khí nguy hiểm trái phép.

Năm 2011, Brooks cũng từng tham gia vào một vụ gây rối, trong đó một cảnh sát Milwaukee phải nhảy vào trong xe của Brooks vì nghĩ rằng anh ta sắp bị y cán qua.

Viên cảnh sát này cho biết tháng 3 năm 2011, Brooks đã bị dừng xe vì không thắt dây an toàn. Ban đầu, Brooks khai báo cho cảnh sát một cái tên giả, và khi cảnh sát yêu cầu anh ta xác định danh tính một lần nữa, Brooks đã nhào vào xe và lái đi.

“Vì sợ bị cáo cố gắng dùng xe cán qua”, viên chức cảnh sát nhảy vào trong xe của Brooks, tranh quyền kiểm soát tay lái khi chiếc xe đang lao xuống đường, suýt tông vào một chiếc xe đang đậu.

Cuối cùng, nhân viên cảnh sát này đã có thể rút chìa khóa xe và dừng phương tiện.

Sau đó, Brooks đã bỏ chạy và ẩn náu bên trong một ngôi nhà vui chơi dành cho trẻ nhỏ trên cùng khu nhà. Cảnh sát đã dùng súng Taser khống chế ý khi họ bắt anh ta vào tù.

Tổng thống Biden phát biểu phản ứng về tai nạn diễn hành Giáng sinh

Tổng thống Joe Biden đã gửi lời an ủi và lời chia buồn của ông vào hôm thứ Hai tới các nạn nhân của báo cáo hôm Chúa Nhật tại cuộc diễn hành đón Giáng Sinh của Waukesha.

Ông nói: “Đêm qua, người dân Waukesha đã tụ tập để ăn mừng sự khởi đầu của một mùa đầy hy vọng và đoàn kết. Sáng nay, tôi và Jill cùng toàn bộ gia đình Biden cầu nguyện rằng chính tinh thần đó sẽ bao trùm và nâng đỡ tất cả các nạn nhân của thảm kịch này, mang lại niềm an ủi cho những người đang hồi phục sau những vết thương và bao bọc gia đình của những người đã chết trong sự hỗ trợ của cộng đồng.”

Một số sự kiện và chi tiết về vụ việc vẫn chưa được biết, ông nói.

Ông nói: “Cả một cộng đồng đang phải vật lộn để đối phó với hành động bạo lực khủng khiếp”.

Ông cảm ơn những người phản ứng đầu tiên, cơ quan thực thi pháp luật và nhân viên phòng cấp cứu vì “công việc phi thường... suốt ngày đêm của họ.”

Ông nói, chính quyền Biden đang theo dõi tình hình chặt chẽ.
Source:Catholic News Agency

 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Bảo Trợ Ơn Thiên Triệu tại San Jose
Thái Phạm
15:40 22/11/2021
 
Đoàn Liên Minh Thánh Tâm Seattle mừng lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ 2021.
Nguyễn An Quý
19:38 22/11/2021
Đoàn Liên Minh Thánh Tâm Seattle mừng lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ 2021.

Tukwila : Chúa Nhật 34 cuối năm phụng vụ, giáo hội mừng lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ. Đoàn Liên Minh Thánh Tâm giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Tổng Giáo Phận Seattle long trọng mừng lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ Bổn mạng của Đoàn vào lúc 9:30 sáng Chúa Nhật ngày 21 tháng 11 năm 2021. Thánh lễ được cử hành trọng thể do linh mục chánh xứ cũng là tuyên uý Đoàn là cha Gioakim Đào Xuân Thành chủ tế, Ca đoàn Tin Yêu hát lễ. Đúng 9:30 lời kinh dâng ngày trước lễ vừa dứt, anh em đoàn Liên Minh Thánh Tâm cùng với nghi đoàn và cha chủ tế cung nghinh thánh giá tiến lên bàn thánh theo tiếng hát của bài ca nhập lễ do ca đoàn Tin Yêu hát lễ.

Xem Hình

Mở đầu thánh lễ, cha chủ tế chào mừng cộng đoàn dâng lễ, ngài nói: hôm nay cùng với Giáo Hội chúng ta mừng Chúa Nhật cuối năm phụng vụ lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, Chúa là Vua trên hết các Vua, đặc biệt Đoàn Liên Minh Thánh Tâm mừng lễ Chúa Kitô Vua bổn mạng của Đoàn, chúc mừng toàn thể các thành viên của Đoàn Liên Minh Thánh Tâm trong ngày trọng đại này, xin cho một tràng pháo tay để cùng chào đón nhau( tiếng vỗ tay kéo dài khá lâu).

Thánh lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Lời Chúa. Bài Đọc 2 theo sách khải huyền của Thánh Gioan Tông Đồ có đoạn giới thiệu về Đức Kitô như sau : Đức Chúa là Thiên Chúa phán : “Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Đấng hiện có, đã có và đang đến, là Đấng Toàn Năng.”

Bài tin mừng theo Thánh Gioan đã tường thuật việc đối đáp giữa Philatô và Chúa Giêsu để xác minh Chúa Giêsu là Vua : Khi ấy, Philatô hỏi Chúa Giêsu rằng: "Ông có phải là Vua dân Do-thái không?" Chúa Giêsu đáp: "Quan tự ý nói thế, hay là có người khác nói với quan về tôi?"

Philatô đáp: "Ta đâu phải là người Do-thái. Nhân dân ông cùng các thượng tế đã trao nộp ông cho ta. Ông đã làm gì?" Chúa Giêsu đáp: "Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do-thái, nhưng mà nước tôi không thuộc chốn này".

Philatô hỏi lại: "Vậy ông là Vua ư?"

Chúa Giêsu đáp: "Quan nói đúng. Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi".

Bài chia sẻ tin mừng của Cha chủ tế khá ngắn gọn nói lên ý nghĩa của tin mừng hôm nay, ngài nhấn mạnh : xin cho chúng ta tin thật vững vàng Chúa Giêsu là Vua của vũ trụ càn khôn, chúng ta hãy tin tưởng vào quyền năng của Chúa để kiên vững theo Chúa trong cuộc hành trình nơi trần thế… Khi đề cập đến ngày lễ bổn mạng của đoàn Liên Minh Tâm ngài nói: "Đoàn Liên Minh Thánh Tâm luôn hăng say trong công tác phụng vụ và giúp nhiều công tác khác của giáo xứ, đa số là thành phần gia trưởng của các gia đình, xin cho anh em Đoàn Liên Minh Thánh Tâm luôn sẵn sàng theo chân Chúa Kitô Vua hầu mang lại sự yêu thương trong gia đình cũng như gia đình giáo xứ..."

Thánh lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Thánh Thể.

Sau lời nguyện kết lễ, cha chánh xứ ngỏ lời chúc mừng anh em Đoàn Liên Minh Thánh Tâm, ngài nói: mời tất cả anh em đoàn Liên Minh Thánh Tâm đứng dậy và ngài tiếp : anh em Đoàn Liên Minh Thánh Tâm là những thành viên trụ cột của từng gia đình đã đảm trách nhiều công tác giúp giáo xứ như lo việc phụng vụ thánh lễ, và nhiều công tác khác, chúc mừng anh em Liên Minh Thánh Tâm trong ngày mừng bổn mạng, xin Chúa chúc lành cho tất cả đoàn viên Liên Minh Thánh Tâm và gia đình với phép lành trọng thể và kết thúc bằng lời ca chúc tụng Chúa: “Đến muôn đời con cảm tạ ơn Chúa. Đến muôn đời con ngợi khen danh Chúa. Đến muôn đời, muôn muôn đời con ca vang tình thương Chúa. Và mãi mãi con nhớ công ơn Người.” Khúc ca kết thúc với tiếng vỗ tay dài.

Thánh Lễ kết thúc lúc 10 giờ 40 phút, mọi người chia tay ra về trong tâm tình tạ ơn.

Nguyễn An Quý
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Sống Đạo: Câu Chuyện Dài Muôn Thuở-Nt Lucia Nguyễn Thi Thư
Nữ Tu Lucia Nguyễn Thị Thư
09:27 22/11/2021
Sống Đạo: “Câu Chuyện Dài Muôn Thuở”

(Một chút suy tư và cảm ngiệm về việc chăm sóc mục vụ giáo dân và giới trẻ hôm nay)

Dẫn nhập:

Hiện tình “sống đạo” của người giáo dân là điều mà giáo hội toàn cầu cũng như giáo hội địa phương luôn đặt sự ưu tư và mối bận tâm cách đặc biệt. Bởi người giáo dân có vai trò và sứ mạng quan trọng trong Hội Thánh. Công đồng Vatican II đã đề cao vai trò, sứ mạng, ơn gọi của giáo dân và đưa ra một chỉ dẫn cũng như một định mức mà Giáo hội cần đạt tới. Đó là: “Giáo hội chưa được thiết lập thực sự, chưa sống đầy đủ, cũng chưa là dấu chỉ tuyệt hảo của Chúa Kitô giữa loài người nếu như chưa có hàng giáo dân đích thực và nếu hàng giáo dân này chưa cùng làm việc với Hàng Giáo Phẩm. Thật vậy, Phúc âm không thể đi sâu vào tinh thần, đời sống và sinh hoạt của một dân tộc nếu không có sự hiện diện linh hoạt của giáo dân. Do đó, ngay khi thiết lập, Giáo hội phải hết sức chú tâm đến việc đào tạo một hàng ngũ giáo dân Kitô giáo trưởng thành”.

Như vậy, hàng giáo dân đích thực góp phần quan trọng để thiết lập nên Giáo hội, và giúp làm cho Phúc âm đi sâu vào tinh thần, đời sống và sinh hoạt của con người. Thế nhưng khi nhìn lại hiện tình “sống đạo” của người giáo dân hôm nay, phải chăng tất cả đều là những giáo dân đích thực theo nghĩa mà Giáo Hội đã nói hay chỉ là một con số ít ỏi nào đó. Việc lượng giá về hiện tình “sống đạo” của người giáo dân là điều cần thiết; vì qua đó chúng ta có thể nhận thấy nhu cầu cần thăng tiến đời “sống đạo” một cách thực tế của người giáo dân. Để việc “sống đạo” mang lại một lợi ích nhất định chúng ta cần phải sống đúng cũng như giúp cho người anh chị em giáo dân hiểu và sống chức Tư Tế Cộng Đồng do bí tích Rửa Tội và Thêm Sức mang lại.

Trong giới hạn về sự hiểu biết, về tầm nhìn cũng như về đức tin người viết xin đưa ra vài điểm lượng giá về hiện tình “sống đạo” của người giáo dân Việt Nam nói chung và tại giáo phận Qui Nhơn nói riêng. Từ đó cũng xin mạo muội đưa ra những phương thế để thăng tiến chính mình cũng như giúp cho người giáo dân, đặc biệt là các bạn trẻ hiểu và sống chức Tư Tế Cộng Đồng cách thiết thực hơn.

1. Hiện tình “sống đạo” của giáo dân hiện nay (Giáo Hội Việt Nam nói chung và giáo phận Qui Nhơn nói riêng).

Đức tin Kitô giáo luôn đặt con người đứng trước ngưỡng cửa của sự chọn lựa; không phải chọn giữa cái mới hay cái cũ nhưng là chọn thái độ tin hay không tin. Điều này cũng có thể được hiểu là “sống đạo” hay là “chối đạo”. Trong ngôn ngữ đời thường, người tín hữu hay đồng hóa việc “sống đạo” với “có đạo”, “theo đạo” hay “giữ đạo”. Tuy nhiên, các hạn từ trên diễn tả các thái độ tin khác nhau. Có thể dựa trên các yếu tố này để lượng giá về hiện tình “sống đạo” của giáo dân.

“Có đạo”

Đây là một cách diễn tả sự thụ động trong đời sống đức tin. Trở nên người có đạo là nhờ bởi người đi trước để lại: sinh ra trong gia đình có đạo, được đem đi rửa tội, được ghi tên vào sổ rửa tội của giáo xứ bởi một thừa tác viên nào đó… Mỗi ngày họ lớn lên, “có đạo” trở thành điều gì đó đương nhiên và không ai bàn cải được. Nhưng đời sống đức tin của họ chỉ dừng lại ở đó mà thôi. Họ không ý thức mình cần phải có trách nhiệm trong đời sống đức tin, trách nhiệm làm triển nở ơn gọi làm con Thiên Chúa…; ngoài “cái nhãn hiệu” được người khác gắn cho, họ không có gì hơn những người chưa có đức tin. Họ không sống đúng với cái “có” đích thực mà Thiên Chúa ban cho. Thành phần này trong Giáo hội hiện nay không phải là ít ! Vì thế, không lạ lẫm gì, khi chúng ta thấy nơi một số giáo xứ: con số giáo dân trên sổ sách thì nhiều mà con số giáo dân tham gia cử hành phụng vụ và sinh hoạt chung của giáo xứ thì chẳng bao nhiêu. Tại giáo phận Qui Nhơn: số bạn trẻ đi lễ đang giảm dần, nhiều bạn trẻ coi việc đi lễ là một bổn phận nặng nề. Họ đến nhà thờ là do cha mẹ thúc giục, không đi thì không được thôi thì đi cho yên chuyện. Họ mang danh nghĩa là có đạo nhưng dường như họ không ý thức mình là người Kitô hữu đích thực.

“Theo đạo”

Xét trên hạn từ thì đây là một trạng thái chủ động trong đức tin. Tìm hiểu, ý thức và bước theo. Nhưng đức tin của họ chưa bám rễ sâu và rất dễ lung lay. Nói đến từ “theo đạo” thì người ta thường nghĩ ngay đến những người ngoại đạo kết hôn với người Công Giáo; hoặc những người mộ mến đạo cách nào đó nên theo. Thành phần này trong Giáo hội cũng khá nhiều. Điều đặc biệt là đời sống đức tin của họ phụ thuộc rất nhiều vào người khác. Chẳng hạn đức tin người chồng được nâng đỡ nhờ người vợ Công Giáo; đức tin người tân tòng có thể được triển nở nhờ người đỡ đầu gương mẫu…; và dĩ nhiên, lối sống đức tin “theo đạo” nầy khá bấp bênh; có thể phụ thuộc vào đời sống thuận buồm xuôi gió hay bão táp bấp bênh. Lúc thành công thì sốt sắng lúc thất bại tỏ ra thờ ơ, lạnh nhạt đối với đời sống tôn giáo.

“Giữ đạo”

Đây là lối sống đức tin một cách hình thức và gò bó, việc diễn tả đức tin chưa mang tính sống động. Mọi “ứng xứ đức tin” chỉ đơn giản là để giữ cho đúng những gì mà Giáo Hội yêu cầu: đi lễ mỗi ngày Chúa nhật, xưng tội rước lễ một năm ít là một lần…; những gì mang tính cách quy định của giáo xứ thì cố giữ để không bị mang tiếng hay bị dèm pha…, còn những gì mang tính “dấn thân tự nguyện” thì họ không tha thiết. Thành phần này chiếm con số không nhỏ trong Giáo hội. Họ luôn ở trong trạng thái “rán nhịn”, “cố giữ”, đôi khi phải gồng mình. Thế nên, khi xã hội phát triển, con người có những quan điểm mới, cuộc sống có nhiều thứ để quan tâm hơn..., nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, họ mang tư tưởng sống thoáng, không quan tâm đến cái nhìn của người khác mà họ đánh đồng là “cổ lổ xỉ”; chỉ cần giữ đạo trong lòng hoặc cho rằng không cần giữ đạo nữa, chỉ giữ cái gì họ cho là thiết thực hơn. Đã có không ít người, vì tiến thân trong công việc hoặc địa vị xã hội, đã sẵn sàng từ chối việc giữ đạo cách công khai, dù chỉ là một tờ khai sơ yếu lý lịch. Thậm chí, có người không dám trang hoàng bàn thờ trong nhà khi ở trong khu phố có nhiều Đảng viên, khi ăn không dám “làm dấu” sợ người khác biết “mình có đạo”…!

“Sống đạo”

Có lẽ đây là hạn từ biểu lộ rõ nét hơn cả về đời sống của người tín hữu. Họ không loại trừ các yếu tố trên nhưng bao gồm tất cả, có đạo vì đã được rửa tội, theo đạo vì sự mộ mến, giữ đạo vì đó là luật, và hơn cả là “sống đạo” vì ý thức được mình là con cái Thiên Chúa, con cái của Cha trên trời. Họ luôn nghiêm túc trong đời sống đức tin: trung thành đến với Chúa nơi thánh lễ, các bí tích; phấn khởi tham gia hội đoàn… Trong những khoảnh khắc vui buồn hay thăng trầm của cuộc sống, họ tìm đến với Thiên Chúa như chỗ dựa tinh thần, như nguồn sức mạnh đỡ nâng... Đối với họ, “sống đạo” trở thành một hành động hiếu thảo như con cái đối với cha mẹ. Trong giáo hội Việt Nam nói chung và cách riêng tại giáo phận Qui Nhơn, hy vọng thành phần này, nếu chưa chiếm đa số, nhưng không phải là quá ít.

Nhìn chung, hiện tình sống đạo của giáo dân Việt Nam cũng như giáo phận Qui Nhơn, không nhiều thì ít, đang bị tác động bởi những khủng hoảng chung và trào lưu tục hóa của thế giới. Giáo dân “có đạo”, “theo đạo”…, theo con số thống kê, vẫn chiếm đa số so với các tôn giáo khác. Tuy nhiên, số giáo dân “sống đạo” theo đúng kích thước và đòi hỏi của Tin Mừng, của ba nhân đức Tin, Cậy, Mến… thì vẫn còn hạn chế, nhất là các bạn trẻ.

Nơi nhiều giáo xứ, nhà thờ hôm nay, bóng dáng các bạn trẻ tham dự Thánh Lễ hằng tuần như thưa thớt dần. Một số giáo xứ thì rất ít người trẻ đi học giáo lý; nếu có đi lễ thì cũng cắt xén bớt phần nào: đi trể về sớm hoặc ngồi ngoài xe hút thuốc, bấm điện thoại; và nếu có đi học giáo lý thì cũng “kéo gai qua trổ”, làm bôi bác cho qua chuyện... Phải chăng, chính vì xem nhẹ đời sống Phụng vụ, Giáo lý, nên trong cuộc sống đời thường, người tín hữu mất đi sức sống của người chứng nhân. Dĩ nhiên, còn nhiều nguyên nhân khác gây ra tình trạng này như: hệ tư tưởng duy vật, vô thần trong môi trường giáo dục, những thách đố trong cuộc sống mưu sinh, những biểu hiện tiêu cực trong cộng đoàn địa phương, những giới hạn về phía những người có trách nhiệm…; bên cạnh đó, không thể bỏ qua những khủng hoảng và gương mù gương xấu trên Giáo Hội hoàn cầu…

Nhưng “Giáo Hội là như thế” ! Một thửa ruộng không chỉ có những cây lúa tốt và còn đầy dẫy cỏ lùng cỏ dại (Mt 13,24-30) ! Vì thế, chúng ta không nên có thái độ phê bình, lảng tránh nhưng cần phải tích cực xây dựng Giáo Hội trong vị thế của mình. Trước hết là thăng tiến chính mình, tiếp đến là giúp cho người khác.

2. Vài giải pháp mục vụ:

Thăng tiến chính mình:

“Không ai cho cái mà mình không có”. Cái mà bản thân ta cần có để rồi cho người khác không phải là tiền bạc hay chức quyền… Thăng tiến trong đời sống đức tin là điều cần thiết; học hỏi cho thật thâm sâu cũng rất quý, nhưng liệu rằng không có kinh nghiệm về Chúa ta có thể “sống tốt đạo đẹp đời” và diễn tả cho người khác hay không? Kinh nghiệm về Chúa ta có thể có được nhờ học hỏi nơi người khác, hoặc từ những cảm nghiệm trong kiếp sống nhân sinh: những vui buồn, đớn đau, thành công hay thất bại... của ta và của anh chị em xung quanh.

Giúp anh chị em giáo dân, nhất là giới trẻ sống chức “Tư Tế Cộng Đồng”:

Danh hiệu Giáo dân có nghĩa là tất cả các Kitô hữu không thuộc thành phần chức thánh hay bậc tu trì được Giáo Hội công nhận; nghĩa là các Kitô hữu đã được rửa tội sáp nhập vào thân thể Chúa Kitô, được nhập tịch dân Chúa, được trở thành kẻ tham gia theo cách của mình vào chức vụ Tư tế, chức vụ rao giảng Lời Chúa và chức vụ Vương giả của Chúa Kitô. Họ là những người thi hành sứ mệnh của toàn dân Kitô giáo trong Giáo Hội và giữa trần thế theo nhiệm vụ riêng của mình. Họ cần phải được hiểu, đón nhận và sống kho tàng phong phú bao la và lạ lùng của bí tích Thánh Tẩy và Thêm Thức mà họ đã lãnh nhận, cũng như những trách nhiệm phát xuất từ các Bí Tích đó. Ơn thiêng không tách họ khỏi thế gian để làm những việc gì cao siêu, nhưng Bí Tích Thánh Tẩy và Thêm Sức trao phó cho họ một ơn gọi liên quan mật thiết với tình trạng của họ giữa thế giới. Nhờ ơn Chúa soi dẫn, họ hành động như hạt muối, nắm men, để thánh hóa thế giới bằng việc thực thi các nhiệm vụ của mình. Như thế họ có thể đem Chúa Kitô đến cho người khác bằng chính đời sống chứng tá ‘‘sống đạo’’ của mình. Đức Piô thứ XII đã quả quyết: ‘‘Các tín hữu nói một cách rộng hơn, là các giáo dân là kẻ đứng ở mặt trận tiền phong trong đời sống của Giáo Hội’’. Để có thể đưa tất cả giáo dân vào tuyến đầu của việc truyền giáo, hẳn nhiên phải cần có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Giáo dục đức tin:

Trước hết là giúp cho người giáo dân có được một tâm thức sống đạo và khám phá ơn gọi Kitô hữu. Đây không phải như một bổn phận đòi hỏi và không thể lẫn tránh, nhưng như một dấu chỉ tình yêu vô biên của Chúa Cha là Đấng đã tái sinh họ trong đời sống thánh thiện. Cần phải giúp họ khám phá ngày một rõ ràng hơn ơn gọi của cá nhân họ và giúp họ sẵn sàng để sống ơn gọi đó trong việc chu toàn sứ vụ riêng của mình. Ơn gọi đó bắt nguồn từ phép Rửa Tội.

Những người có trách nhiệm trên cộng đoàn cần lưu tâm đến việc giáo dục đức tin để giúp người giáo dân và đặc biệt là giới trẻ hiểu và sống chức Tư Tế Cộng Đồng một cách hiệu quả. Bởi “vô tri bất mộ”; chưa hiểu thì chưa thể sống được, hoặc hiểu sai sẽ dẫn đến sống sai, thấy cần thì sẽ cố gắng để sống. Đặc biệt nếu thấy đó là một quyền lợi và trách nhiệm thì sẽ sống hết mình… Tuy nhiên, nếu chỉ dạy trên lý thuyết thì liệu rằng có được kết quả như mong muốn ! Ba sứ vụ gắn liền với đời sống Kitô hữu phải được thực hiện ngay trong môi trường gia đình rồi mới có thể biểu hiện ra ngoài xã hội. Môi trường đó phải là môi trường có nhiều chứng nhân. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI xác quyết: “Ngày nay, người ta tin vào những chứng nhân hơn là thầy dạy”. Điều đó có nghĩa là trong lãnh vực sống và truyền bá đức tin, rất cần có các chứng nhân cụ thể, sống động, nhiệt tình. Người giáo dân nhất là bạn trẻ sẽ chịu ảnh hưởng và thu hút bởi các gương sống đạo, từ môi trường gia đình và môi trường cộng đoàn.

Gia đình, môi trường giúp thi hành sứ vụ tư tế và ngôn sứ:

Gia đình Kitô-giáo, như là “Giáo Hội tại gia”; gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp các bạn trẻ sống đức tin một cách sung mãn; trong đó, giáo dục đức tin cho các thế hệ trẻ phải khởi sự từ lứa tuổi thiếu nhi. Quả thật trong một gia đình đạo đức, từ những bước chập chững đầu đời, đứa trẻ đã học được cách gần gũi Thiên Chúa như một người Cha. Điều này được thể hiện qua cách chúng được cha mẹ yêu thương, dạy dỗ trong chính gia đình. Học được cách thờ phượng Thiên Chúa qua sự hướng dẫn cùng tham gia phụng vụ với gia đình…

Sách youcat cho thiếu nhi có viết:

“Chúng tôi xác tín rằng nơi trọng yếu để truyền đạt đức tin không phải là nơi lớp học, thậm chí cũng chẳng phải là trong nhà thờ. Nơi ấy có thể là góc phòng của con cái, một cái ghế xếp trên bãi biển, một cái ghế dài trong vườn nhà hay bên cạnh giường ngủ. Không gì có thể thay thế cuộc trò chuyện của những người thương nhau, tin tưởng nhau, chỉ trong không gian gần gũi và yêu thương người ta mới có thể sẻ chia, bày tỏ hay khám phá ra kho tàng đức tin. Chúng ta có thể cởi mở nêu ra những câu hỏi, cùng học với nhau và từ nơi nhau”.

“Anh chị em đừng mệt mỏi với những câu hỏi hay với việc chia sẻ đức tin cho con cái mình. Đừng làm thinh khi con cái mình nêu ra những câu hỏi, nhưng hãy luôn luôn mạnh mẽ để truyền đạt đức tin cho chúng, đức tin mà chính anh chị em cũng đã từng lãnh nhận nơi cha mẹ của mình. Hãy là một chuỗi xích sống động, để từ thế hệ này sang thế hệ khác, Tin Mừng luôn luôn hiện diện trong các gia đình, trong các cộng đoàn và trong Giáo Hội của chúng ta”.

Đây cũng là cách giúp cho con cái có chút kinh nghiệm về Chúa đầu tiên và cũng là nền tảng cho việc sống đạo về sau. Được cha mẹ truyền đạt đức tin, và rồi chúng sẽ nhận ra mình có trách nhiệm truyền đạt cho người khác, đó cũng là một khía cạnh trong vai trò ngôn sứ.

Môi trường cộng đoàn và sứ vụ vương đế:

Thánh Phaolô Tông Đồ đã nhấn mạnh: “Hỡi anh chị em, mỗi người hãy ở trước mặt Chúa, trong vị thế mình đang ở khi được kêu gọi” (1 Cr 7, 24). Cần giúp cho anh chị em giáo dân hiểu điều này là họ đang ở vị thế là người Kitô hữu giáo dân, đang sống giữa cộng đoàn, xã hội và mang trong mình sứ mạng vương đế của Chúa Kitô. Thân phận của họ gắn liền và mang đầy đủ ý nghĩa trong Đức Giêsu Kitô. Quả vậy, Đức Kitô đã đích thân chia xẻ tình liên đới nhân loại. Người thánh hóa những mối liên hệ của con người, nhất là những liên hệ gia đình là ngưồn gốc phát sinh những liên hệ xã hội. Người đã tự nguyện tuân theo luật lệ quốc gia của Người. Người đã muốn sống cuộc sống như những người đương thời trong quê hương mình. Đây cũng là lý do chúng ta hướng dẫn người giáo dân cần hội nhập sâu xa và tham gia toàn diện vào sự sống của thế giới, của cộng đồng nhân loại; nhưng nhất là nói lên nét mới mẻ và độc đáo của một sự hội nhập và tham gia để phổ biến Tin Mừng Cứu Độ. Người giáo dân “sống giữa đời’’ nghĩa là dấn thân trong những điều kiện thường nhật của đời sống gia đình và xã hội. Đó là những con người đang sống một đời sống thông thường giữa thế giới, đang học hành, đang làm việc, đang tạo nên những tình bạn, những tương giao xã hội … vì ngoài cộng đoàn không thể có đời sống Kitô hữu đích thực.

Nơi xã hội người giáo dân sống như bao người nhưng ơn gọi Kitô hữu và những kinh nghiệm về Chúa nơi họ giúp cho người khác cảm được sự hiện diện yêu thương của Chúa như lời mời gọi của thánh Phêrô ‘‘Anh em phải nên thánh trong mọi tác phong của mình” (1Pr 1,15).

Mục đích sau cùng của sứ vụ vương đế là dẫn đến đức ái. Nói cách khác, bác ái chính là hình ảnh diễn nghĩa cho vai trò vương đế. Vì vậy, cộng đoàn là môi trường thích hợp để mọi thành viên làm gương sáng cho nhau về niềm tin và lòng yêu thương bác ái… Cần phải giúp cho người giáo dân nhất là các bạn trẻ có thói quen tham gia các sinh hoạt của cộng đoàn. Phải làm cho họ cảm nhận và kinh nghiệm về Chúa như vậy họ sẽ sống hết mình với Chúa và hết tình với anh em.

Kết:

Tóm lại, đứng trước hiện tình “sống đạo” của người giáo dân Việt Nam nói chung và giáo phận Qui Nhơn nói riêng, chúng ta không khỏi ưu tư và lo lắng khi nhận ra đó đây những tình trạng mỏi mệt nếu không nói là xuống dốc trong nhịp sống đức tin nhất là trong sứ mệnh làm chứng và loan báo Tin Mừng. Nhưng dù sao, ở giữa các cọng đoàn giáo xứ, giáo họ, vẫn còn có những tâm hồn đạo đức, trung thành với Chúa, như những “hạt cải nhỏ âm thầm”, những “bà góa nghèo” chỉ có những “đồng xu ten nhỏ xíu”... Họ sống với Chúa bằng chính kinh nghiệm được Chúa yêu, và sống với nhau bằng kinh nghiệm yêu Chúa. Gương sống đạo của họ vẫn còn đó bên cạnh chúng ta mỗi ngày và mỗi nơi. Trong niềm hy vọng tốt đẹp đến từ Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi hãy thăng tiến chính mình, và giúp đỡ anh chị em giáo dân đặc biệt là các bạn trẻ sống đúng căn tính của mình trong sứ mạng mà Chúa Kitô trao ban qua các Bí Tích mà họ lãnh nhận.

“Sống Đạo”, đúng là một “câu chuyện dài muôn thuở” ! Ước gì, một chút suy tư trên đây (tuy rất khô khan, chưa phong phú và trình bày chưa logic …) có thể diễn tả được phần nào sự khao khát của người viết muốn được góp phần xây dựng Giáo Hội bằng cách “sống đạo” trong xã hội hôm nay.

Lucia Nguyễn Thị Thư (Hội Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương)
 
Văn Hóa
Hans Urs von Balthasar: Kitô hữu là ai? Chương Hai
Vũ Văn An
00:41 22/11/2021
Chương Hai: Có Chúa đứng sau chúng ta — Phê bình các xu hướng hiện nay

Sự lưỡng nghĩa của Điều Cần thiết

Một cuộc xem xét thấu đáo toàn bộ kho vũ khí của Giáo Hội đang được tiến hành. Như thường diễn ra trong những dịp như vậy, người ta bắt gặp một mảng gỉ sét trên một vũ khí cũ kỹ, và khuyết điểm rõ ràng này khiến đôi mắt ta tìm những khuyết điểm khác, ít thấy hơn; chẳng bao lâu sau đó, toàn bộ kho vũ khí, với tất cả các thiết bị liên quan, bắt đầu trông có vẻ cũ kỹ, và cuối cùng, toàn bộ sưu tập được dọn sạch và lên kế hoạch cho hệ thống mới. Điều này liên hệ đến rất nhiều hoạt động, và ở đâu có hoạt động, dường như ở đó có sự sống, sáng kiến, có ý hướng mục đích. Ta cũng thấy điều đó trong các định chế vốn có tiếng không được linh động cho lắm. Ai mà không thấy sự cải tiến đó, sự cập nhật đó, tự nó là một hoạt động đáng khen ngợi hay không thấy ngày nay, trong quá trình đổi mới này, một loạt những điều tốt đẹp và thực sự rất quan trọng, đáng khen ngợi, nếu không muốn nói là không thể thiếu, đang xảy ra? Và cũng giống như mùa dọn dẹp tuyệt vời nhà cửa vào đầu năm hiếm khi trôi chẩy mà không có một tinh thần Dionysiô (hăng say) nào đó nơi các bà nội trợ và phụ nữ dọn dẹp, nên người ta có thể kể công các Kitô hữu ngày nay đã có một tâm tư được nâng cao tương tự; thậm chí có nơi, với các giáo sĩ trẻ, ngày lễ dám biến thành Đại hội mừng thần Saturn thực sự, trong đó bất cứ điều gì phá vỡ được trật tự buồn nản lâu đời dường như đều được phép và được kêu gọi, miễn là nó hoàn toàn có tính hiện đại và cởi mở.

Chứng kiến sự “phá hủy” và “dọn dẹp” đầy sáng tạo như trên, người ta không cần phải nhạy cảm lắm mới nêu ra câu hỏi: thực sự, mọi thứ tiền giấy này được hỗ trợ bởi loại vàng tiêu chuẩn nào. Chắc chắn, trong đời sống Giáo Hội, việc dọn dẹp như vậy luôn được liên kết với một cuộc thanh tẩy nội tâm, hay sự hoán cải, và sự hoán cải này càng chà xát sâu bao nhiêu thì nó càng làm đau đớn bấy nhiêu; nếu không, có thể người ta sẽ nghĩ nó chỉ là những lời nói suông. Và nếu thế, chúng ta sẵn sàng chi trả bao nhiêu cho sự cải cách của mình? Không những chỉ ở những thứ ít quan trọng đối với chúng ta, chẳng hạn như uy tín lịch sử, mà còn ở những thứ đã ăn sâu vào chính da thịt của chúng ta? Hay chúng ta tưởng tượng chúng ta có thể thoát nạn chỉ bằng một vài thích nghi dễ dãi? Đối với việc tiếp cận các công trình mới này, xem ra sẽ chỉ là một quan điểm vụng về, khi toàn bộ xu hướng dường như được tóm tắt bằng khẩu hiệu: bằng mọi giá, phải thoát khỏi sự cô lập lớn lao mà người ta bắt đầu cảm thấy khó chịu, và chào đón việc sáp lại gần nhau, việc huynh đệ hóa, việc leo xuống khỏi ngai vàng và bệ tượng, việc hợp đoàn hóa, việc dân chủ hóa, việc nới lỏng, việc san bằng, cập nhật hóa và hiện đại hóa bất cứ khi nào có thể, hướng tới mọi thứ xem ra là của hôm nay, của ngày mai và của ngày sau đó.

Ai có thể phủ nhận rằng trong lần leo xuống này, lần từ bỏ những đỉnh cao quá khứ này, chúng ta đang, trong nhiều trường hợp, thậm chí có lẽ hầu hết các trường hợp, tựu chung và muộn màng chỉ làm và bắt kịp những điều từng được chờ đợi từ lâu, quá hạn từ lâu, hay hướng đi này thực sự có tính độc đáo và là một hướng đi thực sự có tính Tin Mừng cần tiếp nhận? Chắc chắn, “người lớn nhất trong anh em” phải trở thành đầy tớ của mọi người, vì há Chúa Kitô không luôn luôn bác bỏ cách rõ ràng mọi tước vị (chẳng hạn như “Thầy” hoặc “Cha”..., v.v) và, mặc dù Người chính là Thầy của chúng ta, vậy mà Người đã hạ mình trở thành nô lệ của mọi người đó sao? Chừng nào việc leo xuống này thực sự liên hệ đến việc bắt kịp những gì đã quá hạn từ lâu, dù sau một thời gian trì hoãn khá khó hiểu, chúng ta chắc chắn có thể tự chúc mừng mình, cho dù cùng một lúc, chúng ta không thể không tự hỏi xem lý do là gì, mà đến phải vội vàng vào phút chót như thế.

Dường như, để tỏ ra đáng tin cậy, Giáo hội cũng phải thuộc “thời đại của mình”. Điều này, nếu xem xét một cách nghiêm túc, có khi có nghĩa là Chúa Kitô cũng đã thuộc “thời đại của Người” khi vào lúc đó, Người đã hoàn thành sứ mệnh của Người, một điều đối với người Do Thái và người ngoại giáo là một tai tiếng và điên rồ, và chết trên Thập giá. Chắc chắn, vụ tai tiếng này đã xảy ra “đúng lúc”, trong hoàng thời (kairo) của Đức Chúa Cha, trong thời viên mãn, chính vào lúc Israel đã chín muồi và sẵn sàng nở rộ như một trái cây và khi các quốc gia đã chín muồi để gieo hạt giống trong các luống rãnh đã dọn sẵn của họ. Nhưng Chúa Kitô đã không bao giờ và sẽ không bao giờ trở thành “hiện đại”. Cả Người lẫn các môn đệ của Người là Phaolô và Gioan đều không nói một lời nào mang lại khích lệ cho thời hiện đại chính trị hoặc ngộ đạo. Như thế, khá đơn giản, kết quả phải là điều này: động cơ hợp lệ duy nhất cho mọi phong trào khác nhau của chúng ta chỉ có thể là loại bỏ thế giới của những vụ tai tiếng giả dối, phi Kitô giáo để vụ tai tiếng đích thực, vốn nằm ở tâm điểm sứ mệnh của Giáo hội, có thể xuất hiện một cách rõ ràng tuyệt đối. Điều này hữu ích cho phần rỗi xiết bao!

Như thế, giờ đây, chúng ta như có một tiêu chuẩn để biện phân các tinh thần - những tinh thần, mà dưới bề mặt, có khả năng thông tri và làm sinh động xu hướng hiện nay trong Giáo hội. Và sau cùng, khi các Kitô hữu nhận thấy rằng phong trào đấu tranh hiển nhiên này, chính vì nó hiển nhiên, đang rất cấp thiết đối với cuộc khủng hoảng Kitô giáo, rằng nó đụng đến cả hai cách và có thể được nhìn theo hai cách và do đó có thể nguy hiểm đến mức nó dám cho là mình đã sở hữu “điều duy nhất cần thiết” và do đó, xoa dịu tiếng lương tâm, biến việc hoán cải đã nói trên đây trở nên không cần thiết, lúc ấy, có lẽ trận chiến đã thắng hơn một nửa rồi. Vì cuộc khủng hoảng không xảy ra trước cũng như không theo sau sáng kiến của các Kitô hữu nhưng nằm ở chính trái tim họ. Nó liên tục thách thức và nghi vấn mọi sáng kiến này với câu hỏi đơn giản này: Chúng dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa hay rời xa Người? Thiên Chúa đang ở trước chúng ta, trong tầm nhìn tìm kiếm của chúng ta, hay Người ở đàng sau chúng ta, ở sau lưng chúng ta?

Có Chúa ở đàng sau họ có nghĩa là, trong trường hợp chuyên biệt của các Kitô hữu chủ trương cải cách này, họ đã biết về Thiên Chúa, về sự mặc khải của Người, nội dung và phạm vi của nó, về Giáo hội, về việc làm Kitô hữu. Và như vậy, được trang bị bằng kiến thức sẵn có này, họ có thể ra ngoài để gặp gỡ thế giới, thế giới của những người đồng đạo, của những Kitô hữu đồng đạo, của những người không phải là Kitô hữu, của những người chống Kitô hữu. Tất nhiên, kiến thức mà những người này mang theo với họ là kiến thức chắc chắn và thỏa đáng, mặc dù ở dạng tóm tắt, được rút gọn thành một số khái niệm chính.

Sự rút gọn trên thực sự có thể chính đáng, dưới góc độ cuộc gặp gỡ có dự tính với thế giới hiện đại hoặc với thế giới trần thế ngày nay, như các nhà thần học của chúng ta muốn nói với chúng ta, một cách trang trọng và với một nụ cười đầy ý nghĩa,. Như thế, họ biết tất cả về Thiên Chúa và sự mặc khải, và câu hỏi dành cho họ chỉ đơn giản là: Tôi phải nói với con cái mình ra sao? Họ phát xuất từ Thiên Chúa và vươn ra thế giới trần thế; họ có Thiên Chúa phía sau họ và thế giới trần thế phía trước họ. Họ sẽ không phủ nhận việc để được Chúa Kitô sai vào thế gian, trước tiên người ta phải dành đủ thời gian với Người. Họ đã có điều đó ở đằng sau họ rồi, họ nghĩ vậy. Bây giờ họ đang ở trong giai đoạn hành động, và họ cho rằng, một cách thật lòng đối với bản thân và những người khác, thời gian chiêm niệm của họ đã qua rồi. Và nếu lương tâm của họ có thỉnh thoảng nhắc nhở họ rằng họ chưa đạt được bằng trung học về chiêm niệm hoặc họ đã trượt kỳ thi vào đại học về chiêm niệm, thì lương tâm này nhanh chóng được an ủi bằng khẩu hiệu contemplativus in actione có nghĩa đại khái là: người hành động là người chiêm niệm rồi, vì không có cách nào khác để chứng tỏ mình đã trưởng thành, đã đến tuổi trưởng thành bằng là qua hành động.

Khẩu hiệu trên là khẩu hiệu của rất nhiều Kitô hữu hiện đại, cả giáo sĩ lẫn giáo dân, những người mà người ta rất sợ họ đã khoác cái tên “truyền giáo” như một hình thức ngụy trang cho Tin Mừng, để che dấu việc họ rời xa Thiên Chúa. Ở đây chúng ta thấy mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng trong đó xu hướng hiện thời trong Giáo hội, về phương diện tập thể và cá nhân, đang hiện diện. Cuộc khủng hoảng này không có nghĩa nên bác bỏ một xu hướng như vậy, như một kế hoạch, một phong trào, một hậu quả; đúng hơn, có nghĩa là nó phải được đánh giá lại liên tục theo quan điểm Kitô giáo, vì trong mọi biến cố, sự rõ ràng biểu kiến của nó thường che giấu một sự mơ hồ ở bên dưới. Việc từ Thiên Chúa bước vào thế giới có thể là một sứ mệnh Kitô giáo chân chính, là việc chu toàn nghĩa vụ Kitô hữu của chúng ta đối với thế giới; nhưng nó cũng có thể là việc trốn chạy khỏi Thiên Chúa, sợ tai tiếng Thập giá, phản bội Chúa Kitô. Mọi điều đều có mặt tối của chúng; chỉ có Chúa Kitô là không có mặt tối nào cả.

Xu hướng Kinh thánh

Việc hướng về Lời Chúa được nhiều người ca ngợi trong thế giới Công Giáo ngày nay như là một dấu hiệu hy vọng đẹp nhất, không thể nhầm lẫn và chắc chắn điều này thực sự là như vậy. Không cần phải nói ở đây rằng bằng cách gạt qua một bên mọi bức màn vốn che khuất một tầm nhìn rõ ràng về các nguồn gốc Kitô giáo, chúng tôi có ý nói đến mọi công thức giáo điều và giáo lý cắt xén và khô khan sau này trong Giáo Hội về mạc khải, chúng ta có thể tiếp cận trực tiếp với chân lý của Thiên Chúa và Chúa Kitô. Qua hành động này, Kitô hữu mong muốn có thể “nghe, nhìn và chạm” vào Lời Sự Sống, mà giờ đây cuối cùng họ đã được phép làm như vậy. Chúng ta ngạc nhiên nhìn lại những ngày đen tối trong quá khứ, khi có quá nhiều dây thép gai quấn quanh bản văn thánh thiêng đến nỗi bất cứ ai chạm vào nó có thể bị điện tuyệt thông giật, đúng hơn, giống như dân Israel không dám đến gần chân Núi Sinai vì sợ phải chết. Cả bức tường Vulgate [Bản Kinh Thánh Phổ Thông] đã có cả ngàn năm nay, một bức tường, trong nhiều năm sau khi các nhà duy nhân bản miệt mài nghiên cứu bản văn gốc, vẫn tiếp tục ngăn chặn quyền truy cập bản văn này, ngày nay bức tường ấy cũng đã sụp đổ. Hiện nay có rất nhiều bản dịch và bình luận để đáp ứng nhu cầu hiểu biết của vô số người, những người lần đầu tiên đặt chân đến Miền đất hứa của bản văn gốc. Và chắc chắn, Giáo Hội sẽ dốc hết sức lực để thỏa mãn cơn khát Lời này và giữ cho Lời luôn sống động và tinh khiết, chính Giáo Hội bây giờ cũng chỉ mới bắt đầu hợp tác với việc nghiên cứu của thế giới không Công Giáo và không Kitô giáo, để phân tích bản văn theo các nguyên tắc phê bình lịch sử và văn học hiện đại.

Niềm vui của việc khởi đầu mới mẻ này không nên bị làm cho cụt hứng, nhưng chắc chắn nó phải khiêm hạ khi nhận ra rằng phong trào Kinh thánh Công Giáo hiện đại nợ sự hiện hữu của nó, không phải như phong trào của Luther, ở sự khao khát sơ đẳng đối với lời nguyên thủy của Thiên Chúa sau những năm dài của Chủ nghĩa Kinh viện và tín lý của Giáo hội, nhưng phần lớn, ở việc các học giả chú giải nhận ra rằng nền bác học Kinh thánh của Công Giáo không thể tiếp tục như từ trước đến nay mà không trở thành trò cười cho khắp thế giới học thuật. Với nỗ lực vô tận và miệt mài, con thuyền chú giải tí hon đương thời đã phải lèo lái giữa Scylla và Charybdis đầy những kết án sẵn sàng được Giáo hội đưa ra, thậm chí cho đến tận những thời điểm rất gần đây, trước khi cuối cùng tới đuợc các vùng nước tương đối an toàn của nghiên cứu tự do và hợp pháp. Không còn nghi ngờ gì nữa, khi nền bác học xuất hiện giữa bầu không khí trong lành, ngọn lửa âm ỉ bùng lên thành ngọn lửa giải thoát giữa các vòng tròn rộng lớn, và đổi lại điều này đã có tác dụng khích lệ, kích thích đối với việc nghiên cứu. Tuy nhiên, không nên quên hoàn cảnh đầy khiêm hạ của việc khởi đầu của nó, tức sự kiện người Công Giáo chúng ta đã mất quá nhiều thời gian để khai triển điều vốn là mối quan tâm đúng đắn nhất của chính chúng ta, tụt hậu so với những người khác, bên ngoài Giáo hội của chúng ta, những người đã nâng nó lên từ lâu thành đặc điểm riêng, khác biệt của họ.

Và vì mọi điều khác ngoài Chúa Kitô đều có mặt tối của chúng, nên hầu như hiển nhiên, phong trào Kinh thánh cũng không phải là không có bóng tối của nó. Vì một đàng, cuộc tìm về nguồn của Công Giáo không thẳng thừng như vậy. Giữa hai cuộc Thế chiến, khẩu hiệu vang lên xung quanh chúng ta là: canh tân các Giáo phụ, từ phía sau phái (tân) Kinh viện đầy tính học thuật cứng ngắc. Tuy nhiên, đối với nhiều người, “Mùa Xuân giáo phụ” này chỉ có tính trang điểm; nó không đủ tính phê phán để tồn tại lâu dài. Ngày nay, thay vào đó, chúng ta đã quay trở lại với mùa thu của các giáo phụ từ lâu, dọn đường cho một “mùa xuân Kinh thánh”, và ít có người có khuynh hướng duy trì toàn bộ truyền thống diễn giải, cả của các giáo phụ (đầu tiên là xu hướng Platông hóa, sau đó là xu hướng chính trị hóa kiểu Constantinô) lẫn của Kinh viện, bị nghi ngờ là ý thức hệ sâu xa, trong yếu tính không khác cách mà Luther chê bai là “con điếm”. Nhưng rồi, họ quên không cân nhắc việc những người biết suy nghĩ cũng đã bắt đầu triết lý rất nhiều và những người không khảo sát trước nhất các giả định nằm dưới suy nghĩ của họ, càng dễ dàng hơn xiết bao trở thành nạn nhân của một ý thức hệ thô thiển, như khái niệm “con người hiện đại ", chẳng hạn. Bên cạnh đó, điều này cũng phản ảnh sự kiện cuộc thao diễn của Công Giáo trong cố gắng trở về nguồn, hiện đang gặp phải một cuộc thao diễn hối hả của Thệ Phản theo hướng ngược lại, từ Kinh thánh tiến về phía trước, về phía hiện tại, và đã dừng lại ở "con người hiện đại” lấy họ làm chân trời và tiêu chuẩn của mình và chọn“ triết học hiện đại ”(Heidegger) làm công cụ thông diễn của mình. Bất cứ điều gì “con người hiện đại” có thể hiểu, bất cứ điều gì họ có dây trời [antenna] đề dò bắt, bất cứ điều gì giúp họ về phương diện tôn giáo và tỏ ra thoải mái với họ, thì đó là điều phải được công bố; phần còn lại phải bị bãi bỏ coi như chuyện hoang đường. Bản chất mơ hồ của một chủ trương như thế có thể được nhìn thấy từ cách xa cả hàng dặm, vì nó có thể chứa đựng trong chính nó điều tồi tệ nhất và, một lần nữa, sự thôi thúc hướng tới điều tốt nhất. Điều tồi tệ nhất, vì “con người hiện đại” (thực sự là một người khổng lồ trong hoang đường!) được coi như thước đo điều Lời Chúa có thể hoặc không thể nói, có thể hoặc không thể mong đợi hoặc yêu cầu nơi con người; điều tốt nhất, vì nó đòi chúng ta tiếp cận toàn bộ mạc khải, trải nghiệm nó, suy gẫm về nó và biến nó thành của riêng chúng ta, như một điều mới mẻ và độc đáo đối với mọi thời đại. Và do đó, cuộc thao diễn của Công Giáo trong cố gắng trở về nguồn không tiến vào lãnh thổ chưa khai phá nhiều hơn dân Israel khi họ vào Đất Canaan. Vì “người Canaan đã ở trong đất ấy rồi... ”. Điều đó không có nghĩa là đã có chiến tranh ngay lập tức nhưng có nghĩa là, sau hiệp định hòa bình, việc chung sống với cộng đồng dân cư ban đầu trở nên khó khăn hơn, nhiều hậu quả quan trọng hơn.

Nói một cách tổng quát, khó khăn bất ngờ giữa cuộc hành quân chinh phục chiến thắng này là hoàn toàn lành mạnh, vì nó bắt buộc mỗi người chúng ta phải coi Lời Chúa như chính nó, nghĩa là, một lời kêu gọi phải quyết định tuyệt đối... "Ai không ở với Ta, là chống lại Ta, và ai không thu góm với Ta là phân tán". Trong tính trung lập bác học, cùng lắm, người ta chỉ có thể vất vả ở bên lề, và những người nấn ná quá lâu ở bên lề dường như một là tránh né quyết định hai là quyết định một cách tiêu cực và che đậy sự kiện bằng hoạt động bác học.

Kỳ tới: Xu hướng Phụng vụ
 
How Weird
Sơn Ca Linh / Maria Lệ Hằng
19:32 22/11/2021
HOW WEIRD

(Contemplating on Jesus’ Lament for Jerusalem and His Cleansing of the Temple – Luke 19, 41-44, 45-46)

About two years now

Since the winter 2019

“The death scythe of COVID”

Killed more than five millions lives. (1)

And around the world,

Panic, worry, crisis, sorrow…

People rush to find the best treatment!



The White House, Kremlin Palace, London… are like put on fire!

Arguments and blames

In the United States, in Italy, or in Wuhan, Beijing…

And then, they try to best to find vaccine

Stand for their country, they all want to be the best

That “we are leading in protecting humans’ lives.”



Let’s think, how weird!

Our world in such two years,

There were nearly one hundred million abortions. (2)

One hundred million unborn babies

One hundred million humans who are shaping themselves,

One hundred million lives,

They cannot reach the sun

But not because of “the death scythe of COVID”!





Yes, there were fifty million unborn babies killed every year

By the “executioner” who were mothers, fathers, judges, doctors, politicians…

Who hid themselves behind their masks,

They are declamatory and mouth-filling

over their speech about “human rights, living rights”!



Let’s think, how weird!

He who made COVID virus will be judged

But he who killed unborn babies won’t!

Money and equipment, as much as they can,

They give to saving lives of COVID’s patients

And funding for abortions around the world.



Let’s think, how weird!

Human’s life is “God’s Temple”

Is there a stage of life that is less sacred than others?

And is there an age we are without a soul?

No.

So why are unborn babies killed and thrown away?

While adults and the elderly… are saved?



But actually nothing surprising!

When the “Body of God” was crucified by men

Then, “physical temples or shrines” will be destroyed like “Jerusalem…”

And “they will not leave one stone upon another within you…”



Yes, nothing weird

When men become great “killers”

And become “materialist merchants” over “human temple”,

With hope,

Maybe only “whip from Heaven” and only “Wrath of God” can do cleansing!



So, just keep praying “Maranatha”

“Jesus, please come.”

(Author: Sơn Ca Linh; English translation: Maria Lệ Hằng)

Notes:

(1) According to the statistics carried by worldometers.info, as of 22:00, November 18, 2021 (Vietnam time zone), the world recorded a total of 255,994,083 cases of COVID-19, including 5,143,233 deaths.

(2) According to Worldometer, every year the world has around 40-50 million abortions, equivalent to an average of 125,000 abortions per day.

NGHĨ CŨNG LẠ !

(Cảm nhận việc Chúa Giêsu than khóc và thanh tẩy đền thờ Giêrusalem – Lc 19,41-44; 45-46)

Đã gần hai năm,

Tạm tính từ những ngày “cuối Đông 2019”

“Lưỡi hái của Tử thần Covid”,

Đã cắt gọn gàng hơn 5 triệu sinh linh (1).

Và thế giới khắp nơi,

Hoang mang, lo sợ, khủng hoảng, khiếp kinh,

Đua nhau cuống cuồng tìm phương cứu chữa !

Tòa Bạch Ốc, Điện Cẩm Linh, Luân Đôn… như bị phỏng lửa !

Lời qua, tiếng lại, đổ thừa…

Tại Mỹ, tại Ý, hay tại cái “nhà Vũ Hán, Bắc Kinh…”?

Và rồi, đua nhau tìm kiếm phát hiện đủ loại vác-cine…

Nước nào cũng xưng bá xưng hùng

“ta đây đi đầu bảo vệ sự sống” !

Nhưng, nghĩ cũng lạ !

Thế giới trong cùng ấy năm “ não nề bi thống”,

Đã có gần 100 triệu ca nạo phá thai (2).

Một trăm triệu thai nhi,

Một trăm triệu đứa con chưa mang đủ hình hài,

Một trăm triệu sinh linh,

Chẳng nhìn thấy ánh mặt trời,

Hoàn toàn không phải do “lưỡi hái lão tử thần Covid” !

Vâng, mỗi năm khoảng 50 triệu bào thai bị giết (2),

Bởi những “tay đao phủ”

Là mẹ, là cha, là quan án pháp đình,

Là bác sĩ, là chính khách… mang “chiếc mặt nạ giả hình”,

Những kẻ “mồm loa mép giải”

Không ngớt rao truyền “quyền con người, quyền sự sống”.

Nghĩ cũng lạ !

Ai làm ra con Covid giết người cũng đều bị lên án,

Thế mà “giết thai nhi” lại được phép ngang nhiên !

Và người ta đổ ra không biết bao nhiêu phương tiện, bạc tiền,

Để cứu chữa nạn nhân Covid,

Và cũng để viện trợ

cho việc giết thai nhi khắp trên mọi miền thế giới.

Nghĩ cũng lạ !

Mạng sống con người “Đền thờ của Thượng Đế”,

Có giai đoạn sống nào mà kém vẻ thánh thiêng?

Có độ tuổi nào mà không có linh hồn thiêng liêng?

Sao thai nhi lại vứt bỏ,

Mà kẻ lớn, người già… lại được chăm nom bảo vệ?

Thì ra cũng chẳng lạ gì !

Khi “Thân thể Chúa Trời”

mà còn bị con người đóng đinh thập giá,

Thì “những đền thờ, thánh điện mang xác đất vật hèn”,

Cũng sẽ bị tàn phá như “Giêrusalem…”

Để “không còn hòn đá nào trên hòn đá nào” hoang phế !

Vâng, chẳng lạ gì,

Khi con người đã trở thành những tay đồ tể,

Những “lái buôn duy vật” trên “thánh điện con người”,

Thì may ra, chỉ có “ngọn roi từ trời”

Chỉ với cơn “Thánh Nộ” mới hòng ra tay thanh tẩy !

Nên chỉ biết khẩn cầu “Maranatha” (1 Cr 16,22) !

“Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến” (Kh 22,20) !

Sơn Ca Linh (19.11.2021)

Ghi chú:

(1) Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 18/11 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 255.994.083 ca COVID-19, trong đó có 5.143.233 ca tử vong.

(2) Theo Worldometer, hàng năm thế giới có khoảng từ 40 triệu đến 50 triệu ca phá thai, tương đương trung bình có 125.000 ca phá thai mỗi ngày.
 
VietCatholic TV
Tường thuật các diễn biến quan trọng Ngày Giới Trẻ Thế Giới 21/11/2021 tại Vatican
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:18 22/11/2021

1. Diễn từ của Đức Thánh Cha ngày Giới Trẻ Thế Giới 2021, Lễ Chúa Kitô Vua

Hàng năm, ngày Giới Trẻ Thế Giới cấp giáo phận được diễn ra vào Chúa Nhật Lễ Lá. Tuy nhiên, do tình trạng diễn biến phức tạp của đại dịch coronavirus, đây là lần đầu tiên ngày Giới Trẻ Thế Giới cấp giáo phận được dời vào ngày Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ.

Trong bối cảnh đó, lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật 21 tháng 11, tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Lễ Chúa Kitô Vua, và có một diễn từ cho các bạn trẻ của giáo phận Rôma và toàn thế giới.

Ngài nói:


Hai hình ảnh rút ra từ lời Chúa mà chúng ta đã nghe, có thể giúp chúng ta tiếp cận Chúa Giêsu với tư cách là Vua của Vũ trụ. Bài thứ nhất, trích từ Sách Khải Huyền và được tiên tri Đanien tiên báo trong bài đọc đầu tiên, được mô tả bằng những từ, “Con Người đến trong đám mây trên trời” (Kh 1: 7; Dn 7:13). Tham chiếu này đề cập đến sự tái lâm vinh hiển của Chúa Giêsu là Chúa vào cuối lịch sử. Hình ảnh thứ hai là từ Tin Mừng: Chúa Kitô đứng trước mặt Philatô và nói với ông: “Tôi là Vua” (Ga 18:37). Các bạn trẻ thân mến, thật tốt khi dừng lại và suy nghĩ về hai hình ảnh này của Chúa Giêsu, khi chúng ta bắt đầu hành trình hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 tại Lisbon.

Chúng ta hãy suy ngẫm về hình ảnh đầu tiên: Chúa Giêsu, Đấng đến giữa những đám mây. Hình ảnh này gợi lên sự quang lâm trong vinh quang của Chúa Kitô vào ngày cánh chung; nó làm cho chúng ta nhận ra rằng lời chung cuộc trên cuộc đời của chúng ta sẽ thuộc về Chúa Giêsu, chứ không thuộc về chúng ta. Vì thế, Kinh thánh cho chúng ta biết Ngài là Đấng “cưỡi trên mây” (Tv 68: 5), có quyền trên trời dưới đất (xem sđd, câu 34). Ngài là Chúa, là mặt trời ló dạng từ trên cao và không bao giờ lặn, là Đấng trường tồn trong khi mọi thứ qua đi, là niềm hy vọng chắc chắn và vĩnh cửu của chúng ta. Ngài là Chúa. Lời tiên tri hy vọng này soi sáng những đêm đen của chúng ta. Nó cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa thực sự đang đến, rằng Người hiện diện và đang làm việc, hướng dẫn lịch sử của chúng ta về phía chính Người, hướng tới mọi điều tốt lành. Ngài đến “với những đám mây” để trấn an chúng ta. Như muốn nói: “Thầy sẽ không bỏ các con một mình khi giông tố ập đến cuộc đời. Thầy luôn ở bên các con. Thầy đến để mang lại bầu trời tươi sáng”.

Mặt khác, tiên tri Đanien nói với chúng ta rằng ông đã nhìn thấy Chúa đến trong những đám mây trên trời trong một thị kiến ban đêm “đã ngắm nhìn và đã thấy” (Dn 7:13). Đó là những thị kiến ban đêm: Chúa cũng đến trong đêm, giữa những đám mây đen thường tụ tập trên cuộc đời chúng ta. Tất cả chúng ta đều biết những khoảnh khắc như vậy. Chúng ta cần phải có khả năng nhận ra Người, nhìn xa hơn màn đêm, ngước mắt lên để có thể nhìn thấy Người giữa bóng tối.

Các bạn trẻ thân mến, cầu mong các bạn cũng “ngắm nhìn những thị kiến trong đêm”! Điều đó có nghĩa là gì? Thưa: Nó có nghĩa là để cho đôi mắt của các bạn vẫn sáng ngay cả trong bóng tối. Đừng bao giờ ngừng tìm kiếm ánh sáng giữa bất kỳ bóng tối nào mà chúng ta có thể thường mang trong lòng hoặc nhìn thấy xung quanh mình. Hãy nâng tầm mắt của các bạn từ đất lên trời, không phải để chạy trốn thực tại mà là để chống lại sự cám dỗ bị giam cầm trong nỗi sợ hãi của chúng ta, vì luôn có nguy cơ rằng nỗi sợ hãi sẽ thống trị chúng ta. Đừng đóng cửa thu mình vào bản thân và vào những lời phàn nàn của chúng ta. Hãy nâng mắt lên! Đứng dậy! Đây là lời khích lệ mà Chúa nói với chúng ta, là lời mời gọi chúng ta hãy ngước mắt lên, hãy đứng dậy, và tôi muốn lặp lại điều đó trong Sứ điệp của tôi dành cho các bạn cho năm đồng hành cùng nhau này. Các bạn đã được tin tưởng giao cho một nhiệm vụ thú vị nhưng cũng đầy thách thức: đó là hãy đứng trên cao trong khi mọi thứ xung quanh chúng ta dường như đang sụp đổ; hãy chuẩn bị để là những tuần canh có thể nhìn thấy ánh sáng trong các thị kiến ban đêm; hãy trở thành những người xây dựng giữa nhiều tàn tích của thế giới ngày nay; hãy có khả năng mơ ước. Điều này rất quan trọng: một người trẻ không thể mơ ước thì thật đáng buồn là người ấy đã trở nên già trước tuổi! Hãy có khả năng ước mơ, bởi vì đây là những gì những người mơ ước làm: họ không ở trong bóng tối, nhưng thắp sáng một ngọn nến, một ngọn lửa hy vọng báo trước bình minh sắp đến. Hãy mơ ước, hãy vội vàng và dũng cảm nhìn về tương lai.

Tôi muốn nói với các bạn một điều: chúng ta, tất cả chúng ta, đều biết ơn các bạn khi các bạn mơ ước. “Nhưng có đúng thế không? Tuổi trẻ ước mơ, đôi khi họ gây ra lắm chuyện….” Hãy cứ ồn ào, bởi vì tiếng ồn của các bạn là kết quả của những giấc mơ của các bạn. Khi các bạn biến Chúa Giêsu trở thành giấc mơ của cuộc đời mình, và đón nhận Chúa Giêsu với niềm vui và lòng nhiệt tình dễ lây lan, điều đó có nghĩa là các bạn không muốn sống trong bóng đêm. Điều này tốt cho chúng ta! Cảm ơn các bạn vì những lúc các bạn dũng cảm làm việc để biến ước mơ thành hiện thực, khi các bạn luôn tin vào ánh sáng ngay cả trong những khoảnh khắc tăm tối, khi các bạn dấn thân nhiệt huyết để làm cho thế giới của chúng ta tươi đẹp và nhân bản hơn. Cảm ơn các bạn vì tất cả những khoảng thời gian đó khi các bạn nuôi dưỡng ước mơ tình huynh đệ, làm việc để chữa lành các vết thương gây ra trên những gì đã được Thiên Chúa tạo dựng, khi các bạn chiến đấu để bảo đảm việc tôn trọng phẩm giá của những người dễ bị tổn thương và lan tỏa tinh thần đoàn kết và chia sẻ. Cảm ơn các bạn trên tất cả, bởi vì trong một thế giới chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt, có xu hướng bóp nghẹt những lý tưởng vĩ đại, các bạn đã không đánh mất khả năng ước mơ trong thế giới này! Đừng sống cuộc sống của mình một cách tê liệt hoặc ngủ quên. Thay vào đó, hãy mơ và sống. Điều này giúp ích cho người lớn chúng ta và cả Giáo hội. Vâng, Giáo hội cũng vậy, chúng ta cần ước mơ, chúng ta cần nhiệt huyết tuổi trẻ để trở thành những nhân chứng luôn trẻ trung của Thiên Chúa!

Hãy để tôi nói cho các bạn một điều khác: nhiều giấc mơ của các bạn cũng giống như những giấc mơ của Phúc âm. Tình huynh đệ, đoàn kết, công lý, hòa bình: đây là những ước mơ chính Chúa Giêsu dành cho nhân loại. Đừng ngại gặp gỡ Chúa Giêsu: Ngài yêu ước mơ của các bạn và giúp các bạn biến chúng thành hiện thực. Đức Hồng Y Martini đã từng nói rằng Giáo hội và xã hội cần “những người mơ mộng luôn mở lòng ra đón nhận những điều bất ngờ của Chúa Thánh Thần” (Conversazioni notturne a Gerusalemme, Sul rischio della fede, p. 61). Hãy là những người mơ mộng, những người luôn mở lòng đón nhận những điều bất ngờ của Chúa Thánh Thần. Điều này là đẹp! Tôi hy vọng và cầu nguyện rằng các bạn sẽ là một trong những người mơ ước này!

Bây giờ chúng ta đến với hình ảnh thứ hai, là Chúa Giêsu, Đấng đã nói với Philatô: “Tôi là Vua”. Chúng ta bị đánh động bởi quyết tâm của Chúa Giêsu, lòng can đảm của Ngài, sự tự do tột đỉnh của Ngài. Chúa Giêsu bị bắt, bị điệu đến công đường, bị thẩm vấn bởi những người có quyền có thế, bị kết án tử hình. Trong một tình huống như vậy, Chúa Giêsu có mọi quyền để tự bảo vệ mình, và thậm chí “dàn xếp” bằng cách đi đến một thỏa hiệp. Thay vào đó, Chúa Giêsu không che giấu thân phận, không che giấu ý định của mình, hay lợi dụng cơ may mà chính Philatô cũng để lại cho Ngài. Với lòng can đảm xuất phát từ từ sự thật, Ngài trả lời: “Tôi là Vua”. Ngài nhận trách nhiệm về cuộc đời mình: Tôi có một sứ mệnh và tôi sẽ thực hiện nó để hoàn thành việc làm chứng cho Nước của Cha tôi. “Vì điều này”, Ngài nói, “Tôi sinh ra, và vì điều này, tôi đến trong thế gian, để làm chứng cho sự thật” (Ga 18:37). Đây là Chúa Giêsu, Đấng đã không quanh co khẳng định rằng Ngài đến để công bố bằng đời sống của mình rằng Vương quốc của Ngài khác với các vương quốc trên thế giới; rằng Thiên Chúa không trị vì để gia tăng quyền lực của mình và để đè bẹp người khác; Thiên Chúa không trị vì bằng vũ lực. Vương quốc của Ngài là Vương quốc của tình yêu: “Tôi là Vua”, nhưng là Vua của Vương quốc tình yêu; “Tôi là Vua” của Vương quốc của những người hiến mạng sống của mình để cứu người khác.

Các bạn trẻ thân mến, sự tự do của Chúa Giêsu lôi kéo chúng ta. Chúng ta hãy để sự tự do của Chúa Giêsu vang vọng trong chúng ta, trong những thử thách chúng ta; và đánh thức trong chúng ta lòng can đảm sinh ra từ chân lý. Chúng ta hãy tự hỏi mình điều này: Nếu tôi ở vị trí của Philatô, nhìn vào mắt Chúa Giêsu, tôi sẽ xấu hổ về điều gì? Đối diện với sự thật của Chúa Giêsu, sự thật là Chúa Giêsu, đâu là những cách tôi lừa dối hoặc ngụy tạo, những cách tôi làm Chúa Giêsu phật lòng? Mỗi chúng ta sẽ tìm ra những điều như thế. Hãy vạch chúng ra, loại bỏ chúng. Tất cả chúng ta đều có những thứ quanh co này, những thứ thỏa hiệp này, những “dàn xếp lắt léo mọi thứ” để thập tự giá biến mất. Thật tốt khi đứng trước Chúa Giêsu, Đấng là sự thật, để thoát khỏi những ảo tưởng của chúng ta. Thật tốt khi thờ phượng Chúa Giêsu, và kết quả là được tự do trong nội tâm, nhìn cuộc sống như thật, và không bị lừa dối bởi thời trang hiện tại và những phô trương của chủ nghĩa tiêu dùng gây lóa mắt, nhưng cũng có thể gây chết người. Các bạn ơi, chúng ta ở đây không phải để bị mê hoặc bởi tiếng còi của thế giới, mà để nắm lấy mạng sống của mình, để “lấy ra điều gì đó từ cuộc sống”, để sống trọn vẹn!

Bằng cách này, với sự tự do của Chúa Giêsu, chúng ta tìm thấy lòng can đảm mà chúng ta cần để bơi ngược dòng đời. Tôi muốn nhấn mạnh điều này: bơi ngược dòng đời, có dũng khí mới có thể bơi ngược dòng. Đó không phải là cơn cám dỗ hàng ngày xúi giục chúng ta chống lại người khác, như những nạn nhân thường xuyên của thuyết âm mưu và những người theo thuyết ấy, là những người luôn đổ lỗi cho người khác. Trái lại, bơi ngược dòng đời ở đây là chống lại xu thế ích kỷ, chống lại tư duy khép kín và cứng nhắc của chúng ta, vốn thường tìm kiếm các nhóm cùng chí hướng để tồn tại. Bơi ngược dòng đời là để trở nên giống Chúa Giêsu hơn. Vì Ngài dạy chúng ta chỉ nên đối phó với điều ác bằng sức mạnh nhẹ nhàng và khiêm hạ của điều thiện. Không đi tắt, không gian dối, không quanh co. Thế giới của chúng ta, bị bao vây bởi quá nhiều tệ nạn, không cần thêm bất kỳ thỏa hiệp mơ hồ nào nữa, không cần những con người tiến lùi như thủy triều – trở cờ đón gió xoay theo chiều nào có lợi cho họ - hoặc xoay sang phải hoặc trái, tùy thuộc vào những gì thuận tiện nhất; chúng ta không cần những người lưng chừng “ngồi trên hàng rào”. Một Kitô Hữu như thế dường như là một “người theo chủ nghĩa cân bằng” hơn là một Kitô Hữu. Họ là những người luôn thực hiện động tác giữ thăng bằng, tìm cách tránh làm bẩn tay mình, để không làm tổn hại đến tính mạng, không làm tính mạng lâm nguy. Hãy sợ trở thành những người trẻ như thế. Thay vào đó, hãy sống tự do và đích thực, hãy là lương tâm phê phán xã hội. Đừng ngại chỉ trích! Chúng tôi cần sự chỉ trích của các bạn. Chẳng hạn, nhiều người trong số các bạn chỉ trích ô nhiễm môi trường. Chúng tôi cần cái này! Hãy tự do trong những lời chỉ trích. Hãy say mê chân lý, để với ước mơ của mình, các bạn có thể nói: “Đời tôi không bị giam cầm bởi suy nghĩ của thế gian: Tôi được tự do, bởi vì tôi trị vì với Chúa Giêsu vì công lý, tình yêu và hòa bình!” Các bạn trẻ thân mến, hy vọng và lời cầu nguyện của tôi là mỗi người trong số các bạn có thể vui vẻ nói: “Với Chúa Giêsu, tôi cũng là một vị vua”. Tôi cũng trị vì: như một dấu chỉ sống động về tình yêu của Thiên Chúa, về lòng trắc ẩn và sự dịu dàng của Người. Tôi là một người mơ mộng, bị chói mắt bởi ánh sáng của Phúc Âm, và tôi nhìn với hy vọng trong những thị kiến ban đêm. Và bất cứ khi nào tôi gục ngã, tôi lại khám phá ra nơi Chúa Giêsu lòng can đảm để tiếp tục chiến đấu và hy vọng, can đảm để tiếp tục ước mơ. Ở mọi giai đoạn trong cuộc đời.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana


2. Huấn dụ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 21/11/2021

Chúa Nhật 21 tháng 11, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật Lễ Chúa Kitô Vua cũng là Chúa Nhật cuối cùng của Năm Phụng Vụ. Tuần tới, Giáo Hội sẽ bắt đầu Năm Phụng Vụ mới với Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng. Bài Tin Mừng theo Thánh Gioan của Phụng Vụ hôm nay lên đến đỉnh điểm là lời xác nhận của Chúa Giêsu với quan Philatô: “Quan nói đúng: Tôi là Vua”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Philatô hỏi Chúa Giêsu rằng: “Ông có phải là Vua dân Do-thái không?” Chúa Giêsu đáp: “Quan tự ý nói thế, hay là có người khác nói với quan về tôi?” Philatô đáp: “Ta đâu phải là người Do-thái. Nhân dân ông cùng các thượng tế đã trao nộp ông cho ta. Ông đã làm gì?” Chúa Giêsu đáp: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do-thái, nhưng mà nước tôi không thuộc chốn này”. Philatô hỏi lại: “Vậy ông là Vua ư?” Chúa Giêsu đáp: “Quan nói đúng. Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi”.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Bài Tin Mừng trong Phụng vụ hôm nay, Chúa nhật cuối cùng của Năm Phụng vụ, lên đến đỉnh điểm là lời khẳng định của Chúa Giêsu: “Tôi là vua” (Ga 18:37). Ngài nói những lời này trước mặt Philatô, trong khi đám đông hò hét lên án tử hình Ngài. Chúa nói: “Tôi là Vua”, và đám đông hét lên để kết án tử hình Ngài: thật là một sự tương phản tuyệt vời! Giờ quan trọng đã đến. Trước đây, dường như Chúa Giêsu không muốn mọi người tôn vinh Người là vua: chúng ta nhớ lần đó sau khi làm phép hóa bánh và cá ra nhiều, Người rút lui một mình vào nơi thanh vắng để cầu nguyện (x. Ga 6, 14-15).

Sự thật là vương quyền của Chúa Giêsu rất khác so với vương quyền của thế gian. “Chúa Giêsu nói với Philatô rằng Vương quốc của tôi không thuộc thế gian này” (Ga 18:36). Ngài không đến để thống trị, nhưng để phục vụ. Ngài không đến với các dấu chỉ quyền lực, nhưng với sức mạnh của các dấu chỉ. Ngài không mặc những phù hiệu quý giá, nhưng ở trần trên thập tự giá. Nhưng chính trong dòng chữ được đặt trên thập giá, Chúa Giêsu được xác định là “Vua” (x. Ga 19:19). Vương quyền của Ngài thực sự vượt quá các thông số của con người! Chúng ta có thể nói rằng Chúa Giêsu không phải là một vị vua như những người khác, nhưng Ngài là một vị vua cho những người khác. Chúng ta hãy nghĩ lại điều này: Chúa Giêsu Kitô, trước mặt Philatô, nói Ngài là vua khi đám đông chống lại Ngài, ngược lại khi họ theo Ngài và tung hô Ngài, thì Ngài lại tránh xa sự tung hô này. Có nghĩa là, Chúa Giêsu cho thấy mình có quyền tối thượng, thoát khỏi ham muốn danh vọng và vinh quang trần thế. Và chúng ta - chúng ta hãy tự hỏi mình - chúng ta có biết cách bắt chước Ngài về điều này không? Chúng ta có biết cách kiểm soát xu hướng liên tục muốn được tìm kiếm và tung hô, hay chúng ta lại làm mọi cách để được người khác quý trọng? Trong những gì chúng ta làm, đặc biệt là trong việc dấn thân theo Chúa Kitô, tôi tự hỏi mình: điều gì quan trọng? Tiếng vỗ tay là đáng giá hay sự phục vụ mới là đáng giá?

Chúa Giêsu không chỉ tránh xa mọi cuộc tìm kiếm sự vĩ đại trên trần gian, mà còn làm cho tâm hồn những người theo Ngài được tự do và tự chủ. Anh chị em thân mến, Ngài giải thoát chúng ta khỏi sự khuất phục sự dữ. Vương quốc của Ngài là giải phóng, Vương quốc ấy không có gì là áp bức. Ngài đối xử với mọi môn đệ như những người bạn, không phải như một ông chủ. Mặc dù Chúa Kitô là Đấng Tối Cao, Ngài không vạch ra ranh giới ngăn cách giữa mình và người khác; thay vào đó, Người muốn mọi người cùng chia sẻ niềm vui với Người (x. Ga 15:11). Theo Chúa Giêsu, chúng ta không mất gì, không mất gì cả, nhưng được phẩm giá. Bởi vì Chúa Kitô không muốn bao quanh mình với những sự phục dịch, nhưng muốn giải phóng con người. Và - bây giờ chúng ta hãy tự hỏi - tự do của Chúa Giêsu đến từ đâu? Chúng ta tìm hiểu bằng cách trở lại lời khẳng định của Ngài trước Philatô: “Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này chỉ để làm chứng về Chân lý” (Ga 18,37).

Sự tự do của Chúa Giêsu đến từ sự thật. Chính sự thật của Người đã giải thoát chúng ta (x. Ga 8,32). Nhưng chân lý của Chúa Giêsu không phải là một ý tưởng, một điều gì đó trừu tượng: chân lý của Chúa Giêsu là một thực tại, chính Người tạo ra chân lý bên trong chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi những hư cấu, khỏi những giả dối mà chúng ta có bên trong, khỏi thói nói một đàng làm một nẻo. Khi sống trong tình thân mật với Chúa Giêsu, chúng ta sống trong sự thật. Cuộc sống của một Kitô Hữu không phải là một vở kịch mà anh chị em có thể đeo chiếc mặt nạ phù hợp với mình nhất. Bởi vì khi Chúa Giêsu ngự trị trong trái tim, Người giải phóng trái tim chúng ta khỏi thói đạo đức giả, giải thoát nó khỏi những thứ thấp hèn, khỏi sự giả tạo. Bằng chứng tốt nhất cho thấy Chúa Kitô là vua của chúng ta là khả năng chúng ta có thể tách rời khỏi những gì làm ô nhiễm cuộc sống, những gì khiến nó trở nên mơ hồ, mờ đục, buồn bã. Khi cuộc sống mông lung, một chút ở đây, một chút ở đó, thật buồn, thật buồn. Tất nhiên, chúng ta phải luôn đối mặt với những hạn chế và khiếm khuyết: tất cả chúng ta đều là những người tội lỗi. Nhưng, khi sống dưới vương quyền của Chúa Giêsu, chúng ta không trở nên hư hỏng, không trở nên giả dối, không có khuynh hướng che đậy sự thật. Không có cuộc sống hai mặt. Hãy nhớ kỹ: chúng ta là những kẻ tội lỗi, đúng như thế, tất cả chúng ta đều là những kẻ có tội! Tội thì có, nhưng băng hoại thì không bao giờ. Xin Đức Mẹ giúp chúng ta mỗi ngày đều biết tìm kiếm chân lý của Chúa Giêsu, Vua vũ trụ, Đấng giải thoát chúng ta khỏi nô lệ trần gian và dạy chúng ta kềm chế những tệ nạn của mình.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, lần đầu tiên vào ngày Lễ trọng của Chúa Kitô Vua, Ngày Giới trẻ Thế giới được cử hành tại tất cả các Giáo hội địa phương. Vì lý do này, bên cạnh tôi có hai thanh niên đến từ Rôma, những người đại diện cho tất cả tuổi trẻ của Rôma. Tôi nhiệt liệt chào mừng các chàng trai và cô gái của Giáo phận chúng ta, và tôi hy vọng rằng tất cả những người trẻ trên thế giới sẽ cảm thấy mình là một phần sống động của Giáo hội, là những nhân vật chính trong sứ mệnh của các Giáo phận. Cảm ơn vì đã đến! Và đừng quên rằng cai trị nghĩa là phục vụ. Anh chị em thấy thế nào? Cai trị là để phục vụ. Tất cả cùng nhau hãy hô vang: Cai trị là để phục vụ. Như Vua của chúng ta dạy chúng ta. Bây giờ tôi sẽ để các bạn trẻ này chào anh chị em.

Cô gái nói: Chúc mừng Ngày Giới trẻ Thế giới đến tất cả các bạn!

Chàng trai: Chúng tôi làm chứng rằng tin vào Chúa Giêsu là điều tuyệt vời!

Đức Thánh Cha nhìn ra quảng trường Thánh Phêrô với đông đảo các cờ xí, và nói tiếp: Hãy nhìn kìa: đẹp quá! Cảm ơn.

Hôm nay cũng là Ngày Thủy sản Thế giới. Tôi chào tất cả ngư dân và cầu nguyện cho những người sống trong hoàn cảnh khó khăn hoặc đôi khi không may phải sống trong cảnh bị lao động cưỡng bức. Tôi khuyến khích các tuyên úy và các tình nguyện viên của Stella Maris tiếp tục phục vụ mục vụ cho những người này và gia đình của họ.

Và vào ngày này, chúng ta cũng nhớ đến tất cả các nạn nhân tai nạn giao thông: chúng ta hãy cầu nguyện cho họ và chúng ta hãy cam kết ngăn chặn tai nạn.

Tôi cũng muốn khuyến khích các sáng kiến đang được tiến hành tại Liên Hợp Quốc nhằm mang lại sự kiểm soát tốt hơn đối với việc buôn bán vũ khí.

Hôm qua tại Katowice, Ba Lan, linh mục Giovanni Francesco Macha đã được phong chân phước. Ngài bị giết vì hận thù đức tin vào năm 1942, trong bối cảnh chế độ Đức Quốc xã đàn áp Giáo Hội. Trong bóng tối bị giam cầm, ngài tìm thấy nơi Chúa sức mạnh và sự bình an để đối mặt với thử thách đó. Cầu chúc cho gương sáng tử đạo của ngài là một hạt giống hy vọng và hòa bình mang lại nhiều hoa trái. Xin anh chị em một tràng pháo tay chúc mừng vị tân Chân Phước!

Tôi chào tất cả anh chị em, những tín hữu đến từ Rôma và những người hành hương từ nhiều quốc gia khác nhau, đặc biệt là những người đến từ Ba Lan và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Tôi chào các hướng đạo sinh của Tổng giáo phận Braga ở Bồ Đào Nha. Một lời chào đặc biệt dành cho cộng đồng Ecuador ở Rôma, nơi kỷ niệm Virgen de El Quinche. Tôi chào các tín hữu của giáo xứ Thánh Antimo, ở Napoli và anh chị em ở Catania; các chàng trai vừa được Thêm sức ở Pattada; và các tình nguyện viên của Ngân hàng Thực phẩm, những người đang chuẩn bị cho Ngày thu gom thực phẩm, vào thứ Bảy tới. Cám ơn rất nhiều! Và cám ơn anh chị em, những người con của Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật vui vẻ. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc một bữa trưa ngon miệng và xin tạm biệt!
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Phép lạ nhãn tiền: Tài xế taxi anh hùng liều lĩnh cứu nhiều người, tin rằng Chúa đã che chở cho anh
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:08 22/11/2021


1. Tài xế taxi đã ngăn chặn vụ đánh bom tại Liverpool cho rằng “Đó là một phép lạ hoàn toàn”

Hôm 17 tháng 11, tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, ghi lại một câu chuyện thật anh hùng, và thật cảm động trong đó hai vợ chồng một tài xế taxi can đảm ngăn chặn được một vụ đánh bom kinh hoàng tại Anh. Cả hai vợ chồng đều xác tín rằng Chúa đã cứu người tài xế taxi anh hùng này.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy

Rachel Perry, vợ của người tài xế, nói rằng “anh ấy chắc chắn có một số thiên thần hộ mệnh gìn giữ mình”.

Rachel là vợ của anh David Perry, người tài xế taxi anh hùng, đã ngăn chặn một vụ tấn công khủng bố ở trung tâm Liverpool vào hôm Chúa Nhật vừa qua.

Một hành khách lên xe của David đã yêu cầu anh ta chở đến Nhà thờ Liverpool, nơi đang tổ chức Lễ tưởng niệm Chiến Sĩ Trận Vong vào hôm Chúa Nhật. Buổi lễ nhằm tri ân các cựu chiến binh, bao gồm một số người gần đây đã phục vụ tại Afghanistan và Iraq. Các giao thức an ninh đã hạn chế dòng xe cộ gần địa điểm xảy ra sự kiện đã tạo ra một vụ tắc nghẽn giao thông lớn trên toàn thành phố. Vì thế, cuối cùng, người hành khách này đã yêu cầu Perry quay lại và đưa anh ta đến Bệnh viện Phụ nữ Liverpool.

Đó là khi Perry lần đầu tiên nghi ngờ hành khách có thể đang có ý định tấn công khủng bố. Người tài xế trẻ phản ứng nhanh: khi họ đến bệnh viện, anh ta đã nhốt hành khách trong xe. Tấm nhựa ngăn cách giữa anh và người hành khách là phương thế bảo vệ duy nhất của Perry, và chỉ còn vài giây nữa là tên khủng bố sẽ tiến hành vụ tấn công liều chết. Perry cố gắng thoát ra khỏi xe trong tích tắc trước khi chiếc xe phát nổ.

Rachel Perry, vợ của người lái xe anh hùng, đã đăng một thông điệp trên Facebook một ngày sau vụ tấn công. Tin nhắn, ban đầu chỉ gửi cho bạn bè và người quen của họ, cũng được chia sẻ bởi công ty One Call Taxi, nơi chồng cô làm việc. Trong đó, cô khẳng định mình tin rằng Chúa đã giữ chồng cô an toàn: cô viết “vụ nổ có thể xảy ra khi anh ấy đang ở trong xe và cách anh ấy trốn thoát được là một điều kỳ diệu hoàn toàn. Anh ấy chắc chắn đã có một số thiên thần hộ mệnh giữ gìn mình.”

“Một phép lạ hoàn toàn”

Trong thông điệp của mình, Rachel Perry cũng gửi lời cảm ơn tới tất cả các nhân viên chuyên nghiệp đã chăm sóc cho chồng cô, khi anh nhận được sự chăm sóc y tế và bảo vệ ngay lập tức từ các viên chức cảnh sát: “Tôi muốn cảm ơn những nhân viên, bác sĩ và y tá tuyệt vời tại bệnh viện; tất cả các bạn đều tuyệt vời. Và cả các viên chức cảnh sát và thám tử, những người đã chăm sóc chúng tôi. Chúng tôi rất biết ơn”.

Bài đăng trên Facebook của cô cũng bao gồm một yêu cầu ngắn gọn đối với các phương tiện truyền thông: “Đối với các phóng viên đã gõ cửa nhà tôi lúc 10 giờ tối qua: hãy tôn trọng! Điều không thể hiểu nổi nhất đã xảy ra với chúng tôi và chúng tôi chỉ muốn có thể đối phó với tình huống này tốt nhất có thể”

Một lời cầu nguyện

Rachel Perry đã kết thúc thông điệp của mình rất có ý nghĩa bằng một lời cầu nguyện đơn giản nhưng đầy ý nghĩa để “điều này không xảy ra với bất kỳ ai khác”.

Tờ Daily Mail cho biết thêm chi tiết sau:

Sau khi người hành khách yêu cầu David Perry quay xe theo hướng ngược lại, để đến Bệnh viện Phụ nữ Liverpool, anh ta bắt đầu sinh nghi nên thường xuyên nhìn vào kính chiếu hậu và phát hiện người hành khách đang nối các dây điện vào quả bom. Anh tấp vào lề ở một khúc đường vắng vẻ. Nhảy ra khỏi xe, bấm remote control để khoá cửa xe, rồi vừa chạy vừa la làng. Tên khủng bố biết không xong, đã cho bom nổ. Sức công phá mạnh đến mức chiếc xe nổ tan tành, và một lực rất mạnh đập vào lưng anh, xô anh ngã sấp mặt xuống lề đường.
Source:Aleteia

2. Các tín hữu Kitô tại Lahore âu lo sau khi thủ lĩnh của nhóm cực đoan Tehreek-e-Labbaik Pakistan được trả tự do

Hafiz Saad Hussain Rizvi, người đứng đầu tổ chức Hồi Giáo cực đoan Tehreek-e-Labbaik Pakistan, gọi tắt là Tlp, đã được thả hôm 19 tháng 11 khỏi nhà tù Kot Lakhpat ở bang Punjab theo quyết định của Tòa án Tối cao. Khi về đến nhà thờ Hồi giáo Rehmatul Lil Alameen, trụ sở của đảng Hồi giáo cực hữu, hắn ta đã hàng trăm thành viên nhiệt liệt chào đón.

Rizvi, con trai của người sáng lập tổ chức, đã bị bắt vào ngày 12 tháng 4 năm nay với cáo buộc khủng bố. TLP đã tổ chức các cuộc biểu tình bạo lực để buộc chính phủ trục xuất đại sứ Pháp khỏi đất nước sau khi Pháp trình chiếu một số phim hoạt hình châm biếm tiên tri Mohammed. Hai ngày sau, chính quyền ra lệnh cấm nhóm cực đoan này.

Để phản đối, vào ngày 22 tháng 10, LTP bắt đầu một cuộc tuần hành hướng tới Islamabad dọc theo một trong những con đường huyết mạch chính của đất nước, yêu cầu trả tự do cho nhà lãnh đạo của họ và thả những người bị giam giữ khác.

Trong các cuộc đụng độ diễn ra ở Lahore và Gujranwala ít nhất 7 cảnh sát thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Theo thỏa thuận giữa chính phủ Pakistan và Tlp, vào đầu tháng, khoảng 2 nghìn thành viên của đảng này đã được trả tự do; lệnh cấm tham gia chính trị cũng được gỡ bỏ.

Bộ Nội vụ Punjab cho biết: Vào ngày 10 tháng 11, Rizvi và chính Tlp đã được loại bỏ “với hiệu lực ngay lập tức” khỏi danh sách chống khủng bố mà họ đã được chính phủ đưa vào trước đó.

Javed Maish, mục sư của Nhà thờ Chúa Cứu thế ở Essa Nagri, nói với AsiaNews: “Tlp đã bị cấm vì lý do hợp lý. Tehreek-e-Labbaik có tội về cái chết và thương tích của các nhân viên thực thi pháp luật và những người vô tội tình cờ đi ngang qua chứng kiến cuộc biểu tình. Rizvi đã bị bắt để ngăn chặn bạo lực, giết người và thiệt hại tài sản. Tôi không thể làm gì khác ngoài việc cầu nguyện cho hòa bình và hòa hợp cho đất nước này” vị giáo sĩ nói thêm, không dấu được nỗi âu lo.
Source:Asia News

3. Các giám mục Hoa Kỳ chấp thuận việc thay đổi tên gọi chương trình khai tâm Kitô Giáo

Nghi thức Khai tâm Kitô Giáo trước đây gọi là The Rite of Christian Initiation for Adults, thường được gọi là RCIA, sẽ được đổi tên thành Order of Christian Initiation for Adult, hoặc vắn tắt là OCIA. Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã quyết định như trên trong phiên khoáng đại mùa thu vừa diễn ra tại Baltimore.

Nhiều người giải thích rằng Rite trong tiếng Anh có nghĩa là một nghi thức diễn ra trong một buổi lễ. Order mang tính chất một quá trình gồm nhiều bước được hoạch định theo một trật tự phù hợp. Tuy nhiên, có lẽ các Giám Mục Hoa Kỳ muốn dùng từ “Order of Christian Initiation for Adult” để dịch sát cụm từ Latinh “Ordo Initiationis Christianae Adultorum”.

Việc thay đổi tên gọi này áp dụng cho cả quá trình một người được đón nhận vào Giáo Hội cũng như cuốn sách có chứa văn bản nghi lễ và lời cầu nguyện cho các bước đó.

Theo xu hướng cập nhật tất cả các văn bản phụng vụ để phản ánh sự trung thực hơn với nguyên bản tiếng Latinh, các giám mục Hoa Kỳ, nhóm họp tại Baltimore trong phiên khoáng đại mùa thu hàng năm của các ngài, đã phê duyệt vào ngày 17 tháng 11 một ấn bản tiếng Anh sửa đổi Tiến trình Khai tâm Kitô Giáo. Phiên bản tiếng Anh đã được thông qua với tỷ lệ gần như tuyệt đối với 215 phiếu thuận, không có phiếu chống, và có 2 phiếu trắng.

Hành động này vẫn cần sự chấp thuận của Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích của Vatican trước khi có hiệu lực.

Vào ngày 7 tháng 5 năm 2001, Thánh Giáo Hoàng Đức Gioan Phaolô II đã xuất bản Liturgiam Authenticam, một tài liệu về việc sử dụng các ngôn ngữ địa phương trong việc xuất bản các sách Phụng vụ Rôma. Tài liệu này bắt đầu một nỗ lực dịch thuật nhằm bảo tồn cách diễn đạt gần nhất của phụng vụ Latinh. Anh chị em giáo dân có thể thấy rõ cách thức những nỗ lực này ảnh hưởng đến việc dịch Thánh Lễ.

Từng sách một, các hội đồng giám mục của mỗi ngôn ngữ đã dịch các phiên bản cập nhật của các nghi thức khác nhau trong Giáo hội, ví dụ như tại Hoa Kỳ, Nghi thức Sám hối trước đây gọi là Rite of Penance, nay được đổi thành Order of Penance, cho sát với tiếng Latinh “Ordo paenitentiae”.

Đây là cuốn sách mới nhất trải qua nỗ lực dịch thuật. Bởi vì RCIA cũng là cái tên phổ biến liên quan đến quá trình giảng dạy giáo lý cho các tân tòng, việc đổi tên có thể khiến mọi người tự hỏi liệu có điều gì thay đổi trong quá trình này hay không.

Trong một bản sửa đổi nhỏ, cách phân loại truyền thống các tân tòng sắp được chấp nhận hoàn toàn vào Giáo hội đã được thay đổi. Bản sửa đổi mới bao gồm bốn nhóm: nhóm thứ nhất gọi là catechumen, tiếng Việt là dự tòng, bao gồm những người trưởng thành chưa được rửa tội); nhóm thứ hai là unbaptized infants, tức là trẻ sơ sinh chưa được rửa tội; nhóm thứ ba là baptized non-Catholic Christians, bao gồm những người đã được rửa tội bởi các hệ phái Kitô không phải Công Giáo; và nhóm cuối cùng là baptized Catholics in need of confirmation, bao gồm những người Công Giáo đã được rửa tội cần được xác nhận, trong trường hợp có nghi vấn về phép Rửa Tội trước đó.

Tháng 8 năm ngoái 2020, Bộ Giáo lý Đức tin đã ban hành một chỉ dẫn giáo lý quan trọng cảnh báo Giáo Hội trên toàn thế giới rằng phép Rửa tội không có giá trị nếu trong đó một từ, hoặc một số từ nào đó đã bị thay đổi. Cụ thể, việc nói “Chúng tôi rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” khiến bí tích rửa tội không thành sự. Đúng hơn, các thừa tác viên phải để Chúa Giêsu nói qua họ rằng “Tôi rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.”

Khi làm sáng tỏ điều này, Thánh Bộ viện dẫn Công đồng Vatican II. Công đồng đã xác định rằng không ai “dù là linh mục, có thể thêm, bớt hoặc thay đổi bất cứ điều gì trong Phụng Vụ theo thẩm quyền của mình.”

Cho đến nay, ít nhất hai linh mục tại Mỹ đã phải rửa tội lại sau khi phát hiện ra phép Rửa Tội của mình là không hợp lệ. Đùng một cái, từ một linh mục Công Giáo trở thành “nothing”. Về mặt kỹ thuật, các ngài thậm chí không phải là một người Công Giáo.

Hai vị linh mục đã được rửa tội lại, thêm sức và lãnh nhận Bí tích Thánh Thể. Sau khi tĩnh tâm, các ngài được thụ phong phó tế, và sau đó thụ phong linh mục.
Source:Catholic News Agency
 
Phải chăng là quá xúc phạm khi các luật sư bào chữa đòi ĐTC phải ra điều trần vụ HY Becciu?
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:01 22/11/2021

1. Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức đã chọn ra lãnh đạo mới

Các thành viên của Ủy ban Trung ương những người Công Giáo Đức, gọi tắt là ZdK, đã bầu Irme Stetter-Karp làm chủ tịch mới của họ vào ngày 19 tháng 11 với 149 phiếu thuận trong tổng số 190 phiếu tại một hội nghị toàn thể ở thủ đô Berlin của Đức.

Người đàn bà 65 tuổi này sẽ kế nhiệm Thomas Sternberg, 69 tuổi, là người đã quyết định không ra tranh cử nữa sau sáu năm tại vị.

CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA, báo cáo rằng trong bài phát biểu vận động tranh cử của mình, Stetter-Karp nói rằng bà muốn làm việc “nhiệt tình” cho sự đoàn kết trong xã hội và những thay đổi trong Giáo hội đã được đề xuất từ “50 năm trước”.

“Cải cách là tất yếu và đã quá lâu. Nếu các cải cách ấy thành công, ít nhất chúng ta sẽ có cơ hội xây dựng lại niềm tin đã mất,” bà ta nói.

Bà nói thêm rằng bà ấy đại diện cho một “Giáo hội tác vụ, cho sự công nhận quyền con người và sự công nhận tính đa dạng.”

Stetter-Karp dự kiến sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh Tiến Trình Công Nghị gây tranh cãi của Đức đến chỗ thành công.

Tiến Trình Công Nghị là một quá trình kéo dài nhiều năm, quy tụ các giám mục và giáo dân để thảo luận về bốn chủ đề chính: cách thức thực thi quyền lực trong Giáo hội; luân lý tình dục; chức tư tế; và vai trò của phụ nữ.

Quá trình này đã được ZdK và hội đồng giám mục Đức đồng khởi động vào tháng 12 năm 2019 và dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2023.

Hội đồng Công Nghị, cơ quan ra quyết định tối cao cho Tiến Trình Công Nghị, bao gồm 230 thành viên, bao gồm các giám mục Đức, 69 thành viên của Zdk, và đại diện của các bộ phận khác trong Giáo hội ở Đức.

Stetter-Karp đã tham gia vào diễn đàn dành riêng cho “Cuộc sống trong các mối quan hệ thành công - Tình yêu sống động trong Tình dục và Quan hệ Đối tác”.

Trong vai trò mới của mình, cô có khả năng hợp tác chặt chẽ với Beate Gilles, người được bầu làm nữ tổng thư ký đầu tiên của hội đồng giám mục Đức vào tháng 2, kế nhiệm Cha Hans Langendörfer, linh mục dòng Tên đã giữ chức vụ này khá lâu.

Sinh ra ở Ellwangen, tây nam nước Đức, Stetter-Karp được đào tạo như một nhà giáo dục và nhân viên xã hội. Bà là người mẹ hai con đã kết hôn, lãnh đạo Caritas của Giáo phận Rottenburg-Stuttgart trước khi nghỉ hưu vào tháng 9 năm 2020.

Người tiền nhiệm của bà, Thomas Sternberg, đã là một người có tầm ảnh hưởng cao sau cuộc bầu cử của ông vào năm 2015. Ông ta là một trong những gương mặt nổi bật nhất của Tiến Trình Công Nghị, cùng với Đức Cha Georg Bätzing, chủ tịch hội đồng giám mục.

Vào tháng 3 năm nay, Sternberg đã chỉ trích việc Vatican từ chối việc chúc phúc cho các kết hiệp đồng giới.

Vào tháng 5, ông đã gây tranh cãi khi rước lễ trong một buổi lễ tại một nhà thờ Tin lành trong một sự kiện đại kết lớn.

Đức Cha Bätzing chúc mừng người kế nhiệm Sternberg vào ngày 19 tháng 11, bày tỏ lòng biết ơn về “mối quan hệ tốt đẹp và hiệu quả” giữa ZdK và hội đồng giám mục.

Ông viết: “Chúng ta đang trải qua một trong những cuộc khủng hoảng sâu sắc nhất của Giáo hội ở Đức, nhưng chúng tôi không nản lòng.

“Đó chính xác là điều mà Tiến Trình Công Nghị muốn làm: là góp phần vào việc đổi mới Giáo hội vượt ngoài Phúc âm, để góp phần tạo nên uy tín và sự tin cậy mới.”

ZdK bắt nguồn từ năm 1848, khi Charles, Hoàng tử của Löwenstein-Wertheim-Rosenberg, thành lập Hiệp hội Công Giáo Đức. Hội được đổi tên thành Ủy ban Trung ương của những người Công Giáo Đức vào năm 1952.


Source:Catholic News Agency

2. Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tân thị trưởng Rôma Gualtieri. Năm Thánh cũng là một trong những chủ đề của cuộc họp

Một tháng sau khi nhậm chức ở Campidoglio, thị trưởng Rôma Roberto Gualtieri đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến. Đây là cuộc họp đầu tiên tại Tòa thánh với tư cách thị trưởng chính thức.

Ông Roberto Gualtieri cho biết: “Tôi đã nhân cơ hội này để bày tỏ lòng trìu mến và kính trọng đối với Đức Thánh Cha, là người đã có những lời dạy sâu sắc về việc chăm sóc ngôi nhà chung, tình huynh đệ và tình bạn xã hội, đặc biệt quý giá trong việc giải quyết các vấn đề lớn của thời đại chúng ta, và giúp củng cố các liên kết của thủ đô với Giáo Hội hoàn vũ”. Cựu thị trưởng Virginia Raggi cũng đã nhiều lần diện kiến Đức Giáo Hoàng, để duy trì mối quan hệ tuyệt vời với Ngai Tòa Thánh Phêrô.

Tuy nhiên, lần này, cuộc thảo luận được làm phong phú hơn bởi một chủ đề cơ bản cho cả hai bên: việc tổ chức Năm Thánh 2025. Một câu hỏi đã được giải quyết trong cuộc họp hôm nay. Hai ngày trước, trong cuộc họp thượng đỉnh giữa Roberto Gualtieri và Thủ tướng Mario Draghi tại Palazzo Chigi, Năm Thánh cũng đã nổi lên như một trong những chủ đề quan trọng, đặc biệt là về phía chính quyền trung ương, các khía cạnh tài chính, hoặc các nguồn lực cần thiết để thích ứng mạng lưới giao thông công cộng. Mặt khác, bốn năm thời gian không phải là nhiều và Gualtieri phải đẩy nhanh các tiến độ với tất cả những người đối thoại có liên quan.

“Rất vui và hào hứng khi được triều yết Đức Giáo Hoàng Phanxicô sáng nay. Ngài là một nhân cách phi thường có khả năng khiến mọi người cảm thấy thoải mái và đồng thời luôn đưa ra những suy tư sâu sắc. Sự dạy dỗ của ngài về dấu chỉ của hy vọng, hòa bình và tình anh em là một điểm tham chiếu cơ bản cho tất cả mọi người khi đối mặt với những thách thức lớn của thời đại chúng ta. Chúng tôi cũng nói về Rome và sự độc đáo của nó: đây sẽ là những năm cộng tác tuyệt vời với Tòa Thánh, cho Năm Thánh 2025 và trong cam kết chung để hỗ trợ những người nghèo nhất và yếu nhất. Bởi vì, như chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết, 'Rôma sẽ sống ơn gọi phổ quát của mình, chỉ khi nó ngày càng trở thành một thành phố huynh đệ'“.


Source:Italy News

3. Đức Thánh Cha Phanxicô có nên điều trần trong phiên tòa xét xử vụ bê bối tài chính ở Vatican hay không?

Hôm thứ Tư 17 tháng 11, phiên tòa xét xử Hồng Y Becciu về vụ mua bán tòa nhà số 60 đường Sloane, ở London đã xảy ra một bước ngoặc quan trọng. Các luật sư bào chữa cho rằng Đức Giáo Hoàng đã biết về vụ mua bán này và ngài phải điều trần cách nào đó trong phiên tòa này, nếu không đây không thể được coi là một phiên tòa công bằng. Liệu Đức Thánh Cha có nên ra điều trần hay không? Edward Condon, chủ biên của The Pillar có bài nhận định nhan đề “Should Pope Francis testify in the Vatican financial scandal trial?”, nghĩa là “Đức Thánh Cha Phanxicô có nên điều trần trong phiên tòa xét xử vụ bê bối tài chính ở Vatican hay không?”

Các phiên điều trần trước khi xét xử ở Thành phố Vatican đã có một bước ngoặt bất ngờ vào hôm thứ Tư, khiến Đức Thánh Cha Phanxicô có thể phải cân nhắc về phiên tòa xét xử vụ bê bối tài chính của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Các luật sư bào chữa đã đặt Đức Thánh Cha Phanxicô ngay lập tức ở giữa vụ án, và thậm chí đưa ra ý tưởng đưa Đức Giáo Hoàng ra như một nhân chứng, trong khi thúc giục một thẩm phán bác bỏ phiên tòa hình sự, vì các vấn đề về thủ tục và bằng chứng đã cản trở giai đoạn sơ bộ của nó trong nhiều tháng qua.

Hôm 17 tháng 11, các luật sư bào chữa cho các bị cáo trong phiên tòa cho biết họ muốn được biết những gì Đức Giáo Hoàng đã nói với các công tố viên, khi ngài trao đổi với họ, và thông tin đó đã được sử dụng như thế nào để các công tố viên thu thập bằng chứng chống lại những thân chủ của họ.

Các luật sư thậm chí còn đưa ra ý tưởng yêu cầu Đức Giáo Hoàng ra làm chứng trong vụ án - một đề xuất có vấn đề về mặt pháp lý và mang tính chính trị rất cao. Nhưng đó có phải là điều mà Đức Phanxicô nên cân nhắc không?

Tại phiên tòa ngày 17 tháng 11, các luật sư bào chữa khai thác mạnh một vài giây âm thanh trong số hàng giờ ghi âm cuộc phỏng vấn nhân chứng được các công tố viên trình lên trước tòa.

Trong đoạn clip, người ta có thể nghe thấy người đứng đầu cơ quan công tố của Vatican là ông Alessandro Diddi đang cắt ngang lời Đức Ông Alberto Perlasca, từng là phó của Hồng Y Angelo Becciu tại Văn phòng Bộ Ngoại giao, khi Perlasca đưa ra một bản tường trình về thảm hoạ mua bán tài sản ở London.

Trong khi Đức Ông Perlasca đang giải thích trên đoạn băng ghi âm về cách thức Vatican đã thông qua kế hoạch mua một bất động sản ở London vào năm 2018 - kế hoạch được cho là đã chứng kiến Vatican mất đi hàng trăm triệu Mỹ Kim - Diddi nói với anh ta “Này Đức Ông, những gì ngài đang nói không liên quan gì đến điều đó. Chúng tôi đã đến gặp Đức Thánh Cha và hỏi ngài điều gì đã xảy ra”.

Các luật sư lập luận hôm thứ Tư rằng đoạn clip ngắn đó cho thấy rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã được các công tố viên phỏng vấn với tư cách là nhân chứng. Vì không có hồ sơ nào về cuộc phỏng vấn của Đức Giáo Hoàng được nộp để làm bằng chứng, các luật sư bào chữa cho rằng các bị cáo đã bị từ chối quyền bào chữa cho mình.

Diddi nói với các thẩm phán hôm thứ Tư rằng Đức Giáo Hoàng không phải là nhân chứng trong vụ án, và các công tố viên chưa bao giờ thẩm vấn ngài. Diddi nói rằng anh ta đang đề cập đến các tuyên bố của Đức Phanxicô trong cuộc họp báo trên chuyến bay năm 2019, khi Đức Phanxicô nói về cách thức cuộc điều tra ban đầu đã được tiến hành và nói rằng anh ta đã ủy quyền cho các công tố viên đột kích văn phòng của các quan chức tại Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và tại Cơ quan Thông tin Tài chính của Vatican, gọi tắt là AIF.

Các luật sư bào chữa lập luận rằng điều này đơn giản là không phù hợp với những gì Diddi được nghe thấy trên băng ghi âm. Họ nói hoặc các công tố viên đang giữ lại lời khai quan trọng từ Đức Giáo Hoàng, hoặc họ đã khiến cho Đức Ông Perlasca tin rằng Đức Giáo Hoàng đã nói chuyện với họ, như một cách để đe dọa vị linh mục phải làm sai lạc bằng chứng - theo cách nào đó. Vì thế, các luật sư bào chữa cho rằng vụ án nên được hủy bỏ.

Không ai có thể đoán được những gì mà các thẩm phán sẽ quyết định khi các phiên điều trần tiếp tục vào ngày 1 tháng 12. Nhưng có một người có thể giải quyết vấn đề, và đó là chính Đức Giáo Hoàng.

Không ai biết chắc Đức Giáo Hoàng đã hiểu hay đã chấp thuận cơ chế của thỏa thuận London đến mức nào hoặc những thông tin nào mà ngài đã không được cho biết, nhưng những câu hỏi đó xem ra rất có liên quan: chúng ta biết Đức Phanxicô đã tiếp kiến riêng gia đình Gianluigi Torzi, người bị buộc tội nắm quyền kiểm soát tòa nhà để tống tiền, đúng vào thờ điểm Torzi được cho là đang tống tiền Vatican.

Với tư cách là thẩm quyền tuyệt đối, Đức Phanxicô không thể bị bắt buộc phải làm chứng trong một phiên tòa được ngài uỷ quyền cho tòa án Vatican, là tòa án nhân danh ngài, truy tố. Nhưng các luật sư đề nghị hôm thứ Tư rằng ngài có thể được yêu cầu, một cách tôn trọng, cho phép các thẩm phán được tiếp kiến để làm rõ mọi chuyện.

Đức Giáo Hoàng có thể sẽ có một bản năng mạnh mẽ để tránh tham gia cá nhân vào phiên tòa - và rất nhiều điều tệ hại có thể xảy ra. Trong khi các luật sư bào chữa cho rằng bằng chứng của Đức Ông Perlasca không thể tin cậy được bởi vì, với tư cách là một giáo sĩ, ngài sẽ không nói bất cứ điều gì trong lời khai của mình, có thể cho thấy Đức Giáo Hoàng đã không hoàn toàn thẳng thắn tiết lộ về những gì Đức Giáo Hoàng đã biết và đã chấp thuận, và như thế có lý do để tin những người khác đang phải đối mặt với cáo buộc, như Đức Hồng Y Angelo Becciu, cũng sẽ có những dè dặt tương tự.

Toàn bộ phiên tòa xét xử tài chính, kéo dài hai năm, và độ tin cậy của chương trình cải cách tài chính của Đức Thánh Cha Phanxicô có thể sụp đổ thành một trò hề nếu các bị cáo cuối cùng chứng minh được Ngài thực ra đã ủy quyền cho họ trong vụ mua bán lộn xộn mà họ đang bị buộc tội.

Mặt khác, ngay cả khi Đức Giáo Hoàng không bao giờ nói chuyện với các thẩm phán, ngài đã xoay bánh xe công lý để làm cho phiên tòa này diễn ra - một sự can dự vừa lộn xộn vừa thiết yếu.

Các cuộc đột kích do Đức Giáo Hoàng ủy quyền vào năm 2019, bao gồm các văn phòng của AIF, bị coi là vi phạm tính độc lập và thẩm quyền của cơ quan này. Các vụ đột kích ấy đã gây ra sự từ chức của một số nhân vật cấp cao của AIF và khiến tổ chức này bị đình chỉ hoạt động khỏi Tập đoàn Egmont, một mạng lưới cơ quan tình báo tài chính quốc tế. Nhưng các vụ đột kích ấy cũng dẫn đến các cáo buộc hình sự đối với chủ tịch và giám đốc của cơ quan này.

Các cuộc phỏng vấn với Perlasca, cuộc phỏng vấn cuối cùng được ghi lại vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9 năm ngoái, cũng khiến các công tố viên triều yết Đức Giáo Hoàng một lần nữa vào tháng 9 năm 2020, nơi họ đưa ra một loạt bằng chứng chống lại Đức Hồng Y Becciu. Đức Giáo Hoàng cuối cùng đã yêu cầu Hồng Y Becciu từ chức, cả chức tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh lẫn các đặc quyền trong tư cách là một Hồng Y.

Vì hành động này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phải đối mặt với những lời chỉ trích từ bạn bè của Hồng Y Becciu và những người chống chế cho vị Hồng Y trên báo chí, những người đã coi động thái này là thứ summary justice, hay công lý sơ sài, không đến nơi đến chốn, của Đức Giáo Hoàng, và nói rằng Đức Giáo Hoàng đã tuyên bố Hồng Y Becciu có tội trước khi có bất kỳ cáo buộc chính thức nào chống lại vị Hồng Y.

Tuy nhiên, khi yêu cầu một bộ trưởng nội các đối mặt với cáo buộc hình sự liên quan đến lạm dụng chức vụ phải từ chức, Đức Phanxicô được cho là chỉ làm những gì mà bất kỳ người đứng đầu chính phủ đáng tin cậy nào cũng nên làm trong những trường hợp tương tự. Quan trọng hơn, việc buộc Hồng Y Becciu từ bỏ các đặc quyền Hồng Y là một bước pháp lý quan trọng để vị Hồng Y phải ra hầu tòa, một điều cần thiết được nhấn mạnh bởi một số thay đổi tiếp theo đối với bộ luật hình sự của Vatican được Đức Giáo Hoàng đưa ra trong 12 tháng qua.

Có thể các thẩm phán sẽ quay lại khi phiên điều trần tiếp tục vào tháng tới, yêu cầu chấm dứt các tranh cãi trước xét xử và quyết định đã đến lúc xét xử với các bằng chứng. Nhưng ngay cả khi họ làm như vậy, nó sẽ không xua tan được câu hỏi về những gì Đức Giáo Hoàng biết, và khi nào thì ngài biết.

Hơn nữa, các luật sư bào chữa có thể sẽ tuyên bố điều này chỉ cho thấy không có gì đáng gọi là thủ tục tố tụng hoặc một phiên điều trần công bằng tại tòa án Thành phố Vatican – và trong trường hợp có người bị kết tội, tùy thuộc vào việc người đó là ai, có thể có hậu quả thực sự đối với mối quan hệ giữa Tòa Thánh và Italia.

Mặc dù rủi ro phải tham gia sâu hơn là có thật, nhưng Đức Giáo Hoàng vẫn có thể quyết định rằng ngài đã tham gia rất cá nhân vào quá trình này và uy tín của ngài với tư cách là một nhà cải cách gắn liền với kết quả của phiên tòa, và rằng việc dốc toàn lực và tự mình nói chuyện với các thẩm phán là lựa chọn tốt nhất của ngài.

Giải pháp khác đi có thể khiến phiên tòa sụp đổ, cùng với tất cả niềm tin vào những cải cách mà ngài đã đặt ra cho triều đại giáo hoàng của mình.


Source:Pillar Catholic