Ngày 24-11-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 25/11: Giêrusalem sẽ bị dân ngoại giày xéo – Lm. Phanxicô Xaviê Vũ Viết Phương
Giáo Hội Năm Châu
02:18 24/11/2021


Giê-ru-sa-lem sẽ bị dân ngoại giày xéo, cho đến khi mãn thời của dân ngoại.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: "Khi anh em thấy thành Giê-ru-sa-lem bị các đạo binh vây hãm, bấy giờ anh em hãy biết rằng đã gần đến ngày khốc hại của thành. Bấy giờ, ai ở miền Giu-đê, hãy trốn lên núi; ai ở trong thành, hãy bỏ đi nơi khác; ai ở vùng quê, thì chớ vào thành. Thật vậy, đó sẽ là những ngày báo oán, ngày mà tất cả những gì đã chép trong Kinh Thánh sẽ được ứng nghiệm. Khốn thay những người mang thai và những người đang cho con bú trong những ngày đó!

"Vì sẽ có cơn khốn khổ cùng cực trên đất này, và cơn thịnh nộ giáng xuống dân này. Họ sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ bị đày đi khắp các dân các nước, và Giê-ru-sa-lem sẽ bị dân ngoại giày xéo, cho đến khi mãn thời của dân ngoại.

"Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc".

Đó là lời Chúa.
 
Làm chứng bằng ân sủng
Lm. Minh Anh
04:06 24/11/2021
LÀM CHỨNG BẰNG ÂN SỦNG

“Các con sẽ có dịp làm chứng!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Hôm nay, Giáo Hội hoàn vũ kính nhớ các thánh Tử Đạo Việt Nam; với chúng ta, đây là ngày đại lễ. Tin Mừng cho thấy cái giá mà người môn đệ Chúa Giêsu phải trả cho việc đi theo Ngài, đó là sự bắt bớ! May thay, Chúa Giêsu kịp trấn an chúng ta, “Các con sẽ có dịp làm chứng!”; làm chứng bằng yêu thương, bằng cầu nguyện, bằng tha thứ; tắt một lời, ‘làm chứng bằng ân sủng’.

Thật ý nghĩa, “tử đạo” trong tiếng Hy Lạp còn có nghĩa là “làm chứng”. Như vậy, một trong những cách tốt nhất để làm chứng là ‘trải nghiệm’ các hình thức tử đạo; trở thành một người tử vì đạo là trở thành một nhân chứng. Ai chịu bắt bớ vì Chúa Kitô; đáp lại sự bách hại theo khôn ngoan và soi dẫn của Thánh Thần, là tử vì đạo thực sự. Nhược bằng, người bị bắt bớ phản ứng với sự tức giận và cay đắng, đáp lại bằng bạo lực thế gian, thì đó không phải là người tử vì đạo; họ chỉ đơn giản trở thành những gì họ đã nhận. Tử vì đạo đòi hỏi việc ôm lấy sự bất công và ngược đãi như Thiên Chúa muốn; và dẫu việc bắt bớ không bao giờ đến từ Thiên Chúa, nó vẫn đem lại cơ hội cho Kitô hữu nên một với Chúa Kitô khi họ ‘làm chứng bằng ân sủng’ theo mời gọi của Ngài.

Thánh Cyprianô nói, “Khi sự bắt bớ xảy đến, các chiến sĩ của Chúa Kitô chịu thử thách, và thiên đàng rộng mở cho các vị tử đạo. Chúng ta không đầu quân vào binh đoàn của Chúa Kitô để nghĩ đến hoà bình và từ chối chiến đấu; hãy xem, Ngài đã chiếm vị trí đầu tên mũi đạn trong cuộc chiến”. Các vị tử đạo thắng quân thù khi họ ‘làm chứng bằng ân sủng’; bằng niềm hy vọng và lòng dũng cảm bền chí; bằng tình yêu và lòng kiên tâm bất tử; bằng trái tim nhân ái và lòng trắc ẩn vô bờ!

Đaniel trong bài đọc thứ nhất đã làm chứng khi khẳng khái nói lên điều Thiên Chúa muốn, dù biết rõ, điều đó có thể khiến ông mất mạng. Ông can đảm đọc lời ‘báo tử’ từ bàn tay hiện ra viết trên tường cho vua Baltassar, “Thiên Chúa đã cân vua trên cán cân, và thấy vua hụt cân”. Ngài là “Đấng đáng ngợi khen và tán tạ tới muôn đời” như lời Thánh Vịnh đáp ca.

Cũng thế, những lời đầy can đảm của thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh năm 1843 khác nào lời của thánh Phaolô tông đồ, “Tôi là Phaolô, đang bị xiềng xích vì Chúa Kitô. Tôi muốn nói cho anh em biết những gian truân tôi đang chịu, để anh em được cháy lửa yêu mến mà hợp với tôi để dâng lời ca ngợi, Chúa yêu thương ta đến muôn đời”; “Ngục thất này quả là một hình ảnh sống động của hoả ngục đời đời. Ngoài gông cùm, xiềng xích, dây thừng, lại còn thêm sự nóng giận, oán thù, nguyền rủa, những lời tục tĩu; những sự gây gổ, những hành vi xấu xa, những thề gian, nói hành; và cả nỗi chán nản, buồn phiền; cả ruồi muỗi và rận rệp. Nhưng Đấng đã giải thoát ba thanh niên khỏi ngọn lửa bừng bừng vẫn luôn ở cùng tôi; Ngài làm cho nó trở nên ngọt ngào”. Rõ ràng, những lời của thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh chỉ có thể là những lời của một người đã ‘làm chứng bằng ân sủng!’.

Thánh Giuse Nguyễn Văn Lựu thì nói, “Đạo đã thấm nhập vào xương tuỷ tôi, làm sao tôi bỏ được!”. Đạo không đơn thuần là một tôn giáo, những điều phải học, phải tin; nhưng là một Con Người, Giêsu. Ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội, chúng ta được dìm trong Ngài, tháp nhập vào Ngài. Ngài trở nên máu thịt, xương tuỷ, cuộc sống, mạng sống, linh hồn và thân xác chúng ta. Ngài là tôi, tôi là của Ngài.

“Không gì, chẳng ai có thể tách được tôi ra khỏi Đức Giêsu”. Ngài chiếm đoạt tôi, tôi dâng hiến cho Ngài. Chính sự dâng hiến ấy sẽ làm chứng cho sự hiện diện của Thiên Chúa và ân sủng của Ngài trên trần gian; và như vậy, Kitô hữu là người ‘làm chứng bằng ân sủng’ đã nhận.

Anh Chị em,

“Các con sẽ có dịp làm chứng!”. Thật là một cơ duyên! Nhưng cơ duyên này chỉ dành cho những ai hoàn toàn trông cậy vào Chúa, chứ không dành cho ‘những chứng nhân’ chỉ biết làm theo đam mê và rối loạn cảm xúc. Người môn đệ Chúa chắc chắn sẽ gặp bắt bớ, ngược đãi lớn nhỏ vào những thời điểm khác nhau, nhiều cách khác nhau, ngay cả từ gia đình mình. Đừng ngạc nhiên! Nếu sống Phúc Âm là dễ dàng, cả thế giới sẽ chỉ có các thánh. Đang khi Tin Mừng thì đòi hỏi; cọ xát với bản chất con người sa ngã; đòi buộc chúng ta, thậm chí, tử đạo cách này cách khác.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin biến mọi tệ bạc người khác dành cho con thành cơ hội để con ‘làm chứng bằng ân sủng’ cho họ; xin cho con chỉ cậy dựa vào sự khôn ngoan và hướng dẫn của Thánh Thần”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ngày Chúa đến
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
04:16 24/11/2021

CN I VỌNG
NGÀY CHÚA ĐẾN

Trong ngày đầu xuân, đầu năm mới người ta chúc nhau phúc lộc thọ khang an. Ai cũng muốn khởi đầu tốt đẹp và may lành. Thật ngạc nhiên khi ngày đầu năm phụng vụ, Lời Chúa lại đề cập đến ngày cuối cuộc đời, ngày chứa chan hy vọng lại tiềm ẩn nỗi truân chuyên. Thời điểm cuối cùng, không phải của một năm, nhưng là của mọi sự. Như thế, điểm tận cùng sẽ trở thành niềm hân hoan, trở thành thời điểm cứu chuộc. Mùa Vọng hướng lòng chúng ta về ngày Chúa đến trong vinh quang bất diệt. Để hướng về thời điểm này, chúng ta được mời gọi sống như người thuộc về Đức Kitô ngay hôm nay.

Có người nghĩ rằng, trong Mùa Vọng phụng vụ phải đọc những bài sách Thánh báo tin Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra. Thế nhưng, những bài sách Thánh và đặc biệt bài Tin Mừng Chúa Nhật I lại báo tin Chúa sẽ đến trong ngày phán xét. Giáo Hội muốn cho chúng ta hiểu ý nghĩa thần học của việc chờ mong Chúa đến.

Bài đọc 1 trích sách Giêrêmia, khơi lên niềm trông đợi; bài đọc 2 thư thánh Phaolô chỉ dẫn một cách cụ thể hơn những thái độ sống đạo chân thực trong Mùa Vọng.

Bài Tin Mừng nằm trong phần diễn từ cánh chung luận của Đức Giêsu. Diễn từ này nói về những sự việc sẽ xảy đến vào những ngày cuối cùng của thế giới dựa trên lời tiên báo về Thành Thánh Giêrusalem sẽ bị sụp đổ và Đền Thờ sẽ bị tàn phá. Đây là như một tai hoạ mang tính biểu tượng cho sự sụp đổ của thế giới này trong ngày tận thế hầu cảnh tỉnh người môn đệ phải tỉnh thức và sẵn sàng.Như thế, ngày tận thế đối với người Kitô hữu lại trở thành ngày đáng mong đợi nhưng cũng đầy yếu tố bất ngờ “như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em”. Do đó, người ta không thể chờ đợi ngày đó cách thụ động mà phải có thái độ sẵn sàng qua việc tỉnh thức và cầu nguyện luôn. Tỉnh thức là “chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời”. Nhờ đó “họ có thể đứng vững trước mặt Con Người” trong ngày cánh chung.

Hàng năm vào Mùa Vọng, Giáo Hội mời gọi con cái mình chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa đến. Thực ra, Chúa đã đến rồi khi giáng sinh tại hang đá Bêlem cách nay hơn hai ngàn năm. Tuy nhiên chúng ta vẫn luôn chờ mong vì Chúa đến hằng ngày và nhất là Chúa sẽ đến trong ngày phán xét. Giáo Hội mời chúng ta hãy hướng nhìn về ngày Ðức Giêsu Kitô sẽ đến trong vinh quang để vĩnh viễn thiết lập Trời Mới Ðất Mới cho loài người.

Mùa Vọng nhắc nhớ lần đến đầu tiên của Chúa Cứu Thế,và chuẩn bị lần đến cuối cùng của Ngài. Giữa hai lần ấy, có biết bao lần Ngài bất ngờ đến. Vì thế chúng ta phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn.

Chúa Giêsu nói đến tư thế của người tỉnh thức là luôn: “đứng thẳng và ngẩng đầu lên”. Đây là tư thế của tâm hồn con người. Chúa cũng nói đến thái độ sống của người tỉnh thức là không để “lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời”, không quá mê mẩn những đam mê hưởng thụ, không quá mê say danh lợi thú.

- “Đứng thẳng”: đây là động thái hiên ngang dũng cảm vượt trên mọi đam mê tội lỗi. Đứng thẳng mới khỏi sa chước cám dỗ và những lôi cuốn mời mọc hấp dẫn trong cuộc đời.Sống công chính ngay thẳng trước mặt Chúa và trước mặt người đời.

- “Ngẩng đầu lên: đây là động thái hướng thượng, vươn mình lên tới những giá trị cao cả. Luôn tìm kiếm những điều thuộc về Thiên Chúa.

-“Không chè chén say sưa”, là đừng quá đam mê những hưởng thụ đời này.

-“Không lo lắng sự đời”, là không quá mê say danh, lợi, thú. Biết chuẩn bị cho đời sau bằng cách vươn tâm hồn lên những chân trời cao thượng. Sống ở đời này nhưng tâm hồn đã hướng về những giá trị tinh thần vĩnh cửu đời sau.

Để trở nên người “đứng thẳng” và “ngẩng cao đầu” với niềm vui sướng và tràn đầy hy vọng khi Chúa ngự đến, chúng ta phải luôn sẵn sàng và sống tỉnh thức. Là luôn “đứng thẳng” trong một nếp sống chân thành, tốt lành và thánh thiện, luôn “ngẩng đầu” hướng về Quê Hương Thiên Quốc, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa Cha.

Người Kitô hữu chờ đợi Chúa đến trong vinh quang ngày quang lâm và chờ đợi Chúa đến trong giờ sau hết đời mình. Vì thế, người Kitô hữu sống cuộc đời hiện tại một cách rất nghiêm chỉnh, họ cố gắng làm phận sự ở đời thật tích cực vì biết rằng đó là Thánh ý của Chúa và vì biết rằng hạnh phúc đời đời của mình đang được chuẩn bị ngay từ bây giờ.

Tỉnh thức để nhận ra mưu mô của ma quỷ, tỉnh thức trước những lôi cuốn của thế gian, tỉnh thức trước những yếu đuối của con người xác thịt.Chúng ta đang sống trong một xã hội có quá nhiều cám dỗ. Một xã hội đầy dẫy các tệ nạn, có nhiều lối sống buông thả. Đó là môi trường là cơ hội thuận tiện cho ma quỷ ẩn núp và tấn công. Cám dỗ ngày càng nhiều và ngày càng tinh vi dưới muôn hình dáng vẻ. Vì thế, lời dặn dò của Chúa Giêsu ngày càng khẩn thiết: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ”. Cơn cám dỗ độc hại nhất mà con người cần phải luôn tỉnh thức canh phòng và trường kỳ chiến đấu bằng mọi cách, chính là lòng ích kỷ, quan niệm sống hẹp hòi, thiển cận của chính mình, chỉ biết có mình mà quên kẻ khác, chỉ biết thu vén lợi ích cho riêng mình mà quên quyền lợi kẻ khác.

Tại các ngã ba ngã tư của đường phố đều có đèn đỏ đèn xanh rõ ràng, nhắc hướng cần đi vào và cấm vượt ranh giới. Trong lương tâm, chúng ta không thấy rõ hệ thống đèn đỏ đèn xanh. Mình phải tự phán đoán, chọn lựa và phân định. Không tỉnh thức là đôi khi mình tự cho phép mình vượt đèn đỏ vô hình, và cũng không đi theo hướng đèn xanh chỉ dẫn. Vài lần thấy quen. Rồi thấy xung quanh vô số người cũng làm như vậy. Thế là thành thói quen phạm lỗi trên hành trình cuộc đời.

Tỉnh thức là thái độ của một gia nhân trung thành. Tỉnh thức và đợi chờ với niềm hy vọng là chủ sẽ trở về.

Tỉnh thức là tâm trạng của một con người luôn bình an, thư thái. Thái độ sống này giúp người Kitô hữu luôn làm cho mọi công việc hàng ngày trở thành lời nguyện tạ ơn chân thành.

Người tỉnh thức là người luôn cố gắng và nhiệt thành, biết thực thi những gì là chân thật, ngay chính và đáng quý chuộng.

Người tỉnh thức sống ở đời này nhưng tâm hồn đã hướng về những giá trị tinh thần vĩnh cửu đời sau. Thời gian hiện tại là thời gian quyết định đối với số phận đời đời của con người. Mỗi giây phút qua đi là không bao giờ trở lại. Thời giờ Chúa cho ta sống ở trần gian là vô cùng quý báu, đây là lúc gieo mầm cho đời vĩnh cửu.

Ngày Chúa đến sẽ khủng khiếp hoặc vui mừng là tùy cách sống hiện tại của mỗi người. Mọi hành động, mọi tư tưởng đều được phơi bày ra trước ánh sáng của công lý, không ai có thể che dấu một chi tiết nào.

Ngày Chúa đến trong vinh quang để xét xử muôn dân sẽ là ngày cứu độ cho những ai tỉnh thức và chuẩn bị sẵn sàng, nhưng sẽ là ngày kinh hoàng cho những ai đang mê ngủ trong đam mê tội lỗi.

Để tỉnh thức và cầu nguyện, chúng ta cần sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và ánh sáng soi dẫn của Lời Chúa.

Sau khi chịu phép Rửa Tội để trở nên một Kitô hữu, chúng ta dấn thân vào đời với nhiều thử thách của niềm tin, phải chịu nhiều cám dỗ của phận người lữ thứ. Nếu chúng ta tin rằng “Thiên Chúa đã tuôn đổ đầy tràn ơn Thánh Thần xuống trên chúng ta, nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng ta” (Tt 3,6) thì hãy vững tâm và tin tưởng tuyệt đối vào quyền năng của Chúa Thánh Thần. Ngài sẽ không bao giờ xa rời chúng ta đâu! Điều quan trọng là chúng ta có thành tâm để cầu xin và nhờ cậy Ngài, hay là không thôi!

Hãy tin tưởng và trông cậy vào Chúa Thánh Thần. Bảy hồng ân của Chúa Thánh Thần luôn trao ban cho người: ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, ơn nhận thức, ơn chỉ bảo, ơn dũng mạnh, ơn thánh thiện và ơn kính sợ Thiên Chúa. Hãy mở rộng tâm hồn đón nhận ơn Chúa Thánh Thần và hăng hái cộng tác với chương trình của Ngài, nhờ đó “Hoa trái của Thần Thần là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5,22-23) sẽ tràn đầy trong tâm hồn và đời sống của chúng ta.

Việc gặp gỡ Chúa Thánh Thần rất dễ dàng. Chỉ cần hồi tâm lại, ý thức Ngài đang hiện diện ngay trong bản thân mình, và muốn được tan hòa vào trong Ngài. Chúa Thánh Thần sẽ mở tung cánh cửa ích kỷ. Ngài sẽ phá tan cánh cửa hẹp hòi. Ngài sẽ ban thêm sức mạnh. Ngài sẽ quét sạch mọi lớp bụi bặm rêu phong. Ngài sẽ đổ tràn vào hồn chúng ta nguồn sống mới giúp chúng ta chiến thắng mọi cám dỗ và hăng hái lên đường.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con đang khao khát đợi chờ ngày Chúa quang lâm; xin nhận lời nài xin của chúng con và giúp chúng con luôn tỉnh thức cầu nguyện, giữ vững đức tin cùng niềm hy vọng cho tới ngày Chúa ngự đến. Amen



 
Quẻ Đầu Năm Mới
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa –
09:58 24/11/2021
Quẻ Đầu Năm Mới

(Chúa Nhật I Mùa Vọng C)

Một năm Phụng vụ mới lại về. Tôi đã từng ví ngày Chúa Nhật I Mùa Vọng như là ngày Tết của đức tin. Với người dân trên hoàn cầu, cách riêng với con dân đất Việt thì những sự kiện, những sứ điệp… trong dịp đầu năm vốn thường mang tính thiêng thánh cách nào đó. Người ta nhận ra điều này qua những tục lệ kiêng cử, kỵ úy hay những tập tục hái lộc, xin xăm…Tín hữu Công Giáo Việt Nam đã quen với việc hái lộc Lời Chúa dịp đầu xuân dân tộc. Có thể nói rằng các bài trích đọc Lời Chúa trong Chúa Nhật I Mùa Vọng không phải là lộc hái mà chính là lộc ban cho đoàn con cái Chúa Công Giáo. Xin được tuần tự mở lộc để không chỉ xem “Thánh phán” mà nhất là còn để thực thi “Thiên Ý”.

Lời Chúa trong sách ngôn sứ Giêrêmia (Gr 33,14-16): “Sấm ngôn của Đức Chúa: Này sẽ đến những ngày Ta sẽ thực hiện điều tốt lành Ta đã phán về nhà Israel và về Giuđa…” (33,14). Điều tốt lành mà Thiên Chúa hứa ban đó là sẽ cho mọc lên một Đấng Công Chính. Đấng ấy sẽ giải cứu dân và cho dân được an cư lạc nghiệp bằng các chủ trương, chính sách, luật lệ đầy chính trực và công minh.

Đây là một quẻ tốt, nói như anh em lương dân. Kitô hữu thì khẳng định đó là một tin vui, một sứ điệp tràn trề hy vọng. Thế nhưng cái quẻ ấy, cái sứ điệp ấy đã ứng nghiệm cách đây hơn hai ngàn năm nơi Đức Giêsu Kitô. Vậy còn gì để mong, còn gì để chờ? Xin thưa vẫn còn. Chúa Kitô đã từng hứa rằng “Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Đấng Công Chính mãi ở cùng nhân loại chúng ta cách huyền nhiệm nơi thánh Phaolô, người đã từng khẳng định: “tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà Chúa Kitô đang sống trong tôi” (Gl 2,20), nơi thánh Gioan Vianey, người được một cụ ông xác nhận trước tòa phong thánh rằng đã thấy Thiên Chúa hiện diện nơi Ngài. Chắc hẳn Chúa Kitô hằng khát mong mỗi người chúng ta góp phần để cho sứ điệp hy vọng ấy được ứng nghiệm trong môi trường, hoàn cảnh và thời đại chúng ta. Mong cho sứ điệp hy vọng được ứng nghiệm là điều tốt, nhưng góp phần làm cho sứ điệp ấy thành hiện thực thì tốt hơn nhiều. Xin đừng quên, mang danh Kitô hữu thì phải có trách vụ làm cho Đức Kitô hiện diện nơi con người và cuộc sống của mình, nghĩa là hãy làm cho mình, cuộc sống của mình trở thành sứ điệp của niềm hy vọng.

Thánh Phaolô tông đồ đã nhìn nhận tình yêu thương, liên đới giữa các tín hữu Thêxalônica. Và Ngài khuyên nhủ họ hãy bền tâm vững chí trong sự thánh thiện, tấn tới nhiều hơn nữa trong việc yêu thương nhau hầu xứng đáng đón chờ Đức Kitô lại đến trong vinh quang. Các nhà chú giải Thánh Kinh cho ta hay thánh Tông đồ dân ngoại thuở ấy những tưởng rằng Chúa Kitô sắp giáng lâm. Giờ ngày Chúa Kitô tái giáng tức là ngày tận thế thì không một ai có thể biết, ngay cả với Chúa Kitô khi còn tại thế (x.Mc 13,32). Tuy nhiên cái ngày giờ mỗi người chúng ta ra khỏi trần gian này thì có thể lường đoán cách nào đó vì nó có giới hạn. Chúa sẽ đến với anh, với chị, với bạn, với tôi không biết khi nào, nhưng chắc chắn là không quá xa. Vấn đề đặt ra là thái độ của chúng ta khi đón Chúa đến. Và thái độ ấy tùy thuộc vào niềm tin của chúng ta.

Bài trích Tin mừng thánh Luca Chúa Nhật này hé mở cho chúng ta về mục đích việc Chúa lại đến. Chúa đến để cứu độ chúng ta, ban hạnh phúc vĩnh cửu cho chúng ta. Chúa Kitô khẳng định sự thật này: “Khi những biến cố ấy (những điềm lạ của thiên nhiên) bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” (Lc 21, 28). Chúa đến để ban ân phúc thì sao ta lại hãi sợ? Trái lại, trong niềm tin thì chúng ta phải hân hoan vui mừng. Tuy nhiên cần phải tỉnh thức, canh chừng chớ để vuột mất ân phúc Chúa ban tặng. Đây chính là sứ điệp Chúa Kitô muốn nhắn gửi chúng ta. Người nhắc bảo chúng ta hãy “đứng thẳng và ngẩng đầu lên”, đừng để “ lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời” và “hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn”. Qua các mệnh lệnh của Chúa Kitô trên đây chúng ta có thể xếp thành hai chuỗi động thái hữu quan như sau:

1.Đứng thẳng: đây là động thái dứt mình khỏi hố sâu tội lỗi, hay những đam mê bất chính mà cụm từ “chè chén say sưa” minh họa. Để có thể đứng thẳng lên, nghĩa là ra khỏi tình trạng tội lỗi thì tiên vàn phải biết mình, một kiểu biết theo ngôn ngữ triết học là phản tỉnh và ngôn ngữ đạo đức là tỉnh thức. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã từng nhận xét rằng cái hiểm họa của con người thời đại hôm nay không phải là phạm nhiều thứ tội mà là không còn ý thức về sự tội. Không ý thức việc mình vấp té thì sẽ không bao giờ có chuyện chỗi dậy. Không biết mình ngã quỵ thì không bao giờ có chuyện đứng lên.

2.Ngẩng đầu lên: Đây là động thái hướng thượng, vươn mình lên tới những giá trị cao cả hơn trong nièm hy vọng. Thiên Chúa dựng nên mọi sự ở trần gian này đều là tốt đẹp (x. St 1). Tuy nhiên thần dữ đã ma mãnh sử dụng những thiện hảo giới hạn, chóng qua để kìm giữ con người không vuơn lên đến với nguồn của mọi thiện hảo. Là người, chúng ta phải chu toàn những sự ở đời này, nhưng đừng để chúng trói buộc chúng ta không cho chúng ta hướng thượng, bay lên. Chúa Kitô đã từng lập luận kiểu so sánh mạng sống với của ăn, thân thể với áo mặc, để dạy bảo chúng ta phải biết kiếm tìm thiện hảo cao hơn và cao nhất là Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người (x.Mt 6,25-34). Và Người đã cảnh tỉnh rằng nhiều khi chúng ta đã để cho cái việc “lo lắng sự đời” trở nên nguyên cớ khiến chúng ta đánh mất vĩnh phúc.

Để có thể thoát khỏi những ràng buộc của những thiện hảo hữu hạn thì không gì hơn là phải biết ngẩng đầu lên. Cầu nguyện chính là cách thế ngẩng đầu lên, chiêm ngắm, gặp gỡ Đấng là nguồn mọi thiện hảo. Gặp được Đấng ban ơn lành thì chúng ta sẽ dễ dàng tự do với các ơn lành. Tiếp xúc với nguồn hạnh phúc đích thật, vĩnh tồn, thì chúng ta cũng sẽ dễ dàng tự do với những thiện hảo hữu hạn và chóng qua.

Sứ điệp đầu năm đã tuyên ban hay nói như anh em lương dân là quẻ đã mở: một sứ điệp tràn trề hy vọng. Không phải ngồi chờ quẻ ứng, Kitô hữu chúng ta đón nhận sứ điệp là phải sống, phải gắng công, nỗ lực làm cho sứ điệp thành hiện thực. Đó là đứng dậy ra khỏi tình trạng tội lỗi, ngẩng đầu lên trong sự hướng thượng, vươn tới những giá trị cao cả, để trở nên một dấu chỉ hy vọng cho tha nhân bằng tình yêu trong sự công mình chính trực hay nói như Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI là bằng “Bác Ái trong Chân Lý”.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Sống Mùa Vọng
LM. Antôn Nguyễn Văn Độ
10:01 24/11/2021
Sống Mùa Vọng

Chúa Nhật I Mùa Vọng - C

(Lc 21, 34-36)

Chúng ta bước vào Mùa Vọng, hay còn gọi là mùa Ad. Mùa Vọng, nguyên nghĩa tiếng Latin là Adventus, (có nghĩa là đến, quang lâm). Thời thánh Giáo hoàng Grêgôriô I, thời gian chuẩn bị đón chờ Chúa đến trước lễ Giáng Sinh kéo dài bốn tuần được gọi là Mùa Vọng.

Hỏi : Chúa đã đến chưa? Chúng ta phải khẳng định với nhau rằng : Chúa đã đến rồi. Vậy chúng ta còn mong chờ Chúa nào nữa?

Mùa Vọng Giáo hội đang sống là sống với hai chiều kích : một là tưởng niệm biến cố Nhập thể làm người của Đức Giêsu Con Thiên Chúa, sinh bởi Ðức Maria Đồng Trinh; hai là chờ đợi Chúa trở lại trong vinh quang để “phán xét kẻ sống và người chết”, như chúng ta vẫn đọc trong kinh Tin Kính. Đó là lý do các từ “chờ đợi” được người ta nhắc nhiều đến trong Mùa Vọng. Các lễ nghi cử hành Phụng vụ trong Mùa Vọng, từ màu sắc, các bài đọc, các bài thánh ca đều diễn tả niềm hy vọng với lời cầu xin tha thiết : « Maranatha – Ngài ơi hãy đến, Ngài đến mau đi », và hơn thế nữa dân Do Thái kêu van : « Xin Ngài xé tầng trời mà ngự xuống ».

Vì sống cả hai chiều kích, nên người kitô hữu phải mặc tâm tình của dân Cựu Ước và của chính mình ngày hôm nay.

Mùa Vọng trong Kinh Thánh

Phụng vụ Lời Chúa trong Mùa Vọng làm chúng ta nhớ lại sự mong chờ Đấng Cứu Thế đến của Dân Do Thái, Đấng mà ngôn sứ đã loan báo : “Từ gốc tổ Giêsê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non...” (x.Is 11, 1-10).

Các bài đọc Cựu Ước trưng dẫn sách các ngôn sứ, nhắc lại lời hứa ban Đấng Cứu Thế và việc dân Do Thái chuẩn bị đón nhận ơn cứu độ.

Các bài đọc Thánh Thư cho thấy lời các ngôn sứ ấy được ứng nghiệm trong Đức Giêsu, và nhấn mạnh đến chiều kích trông đợi Đấng Cứu Thế đến lần thứ hai.

Các bài đọc Tin Mừng đề cập đến các chủ đề “tỉnh thức”, nhất là lời rao giảng chuẩn bị đón Đấng Cứu Thế qua lời của Gioan Tẩy Giả, cụ thể lời kêu gọi : “Hãy dọn đường đón Chúa, quanh co uốn cho ngay, gồ ghề san cho phẳng, hố sâu lấp cho đầy, nơi cao phải bạt xuống”. Các bài Tin Mừng Chúa nhật thứ tư các năm ABC, trích dẫn sự kiện truyền tin cho Đức Maria, thánh Giuse hay cuộc thăm viếng của Đức Maria.

Lời thiên thần Gabriel cho biết Đức Maria cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Thế : “Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu…” (x.Lc 1, 26-38)

Gioan Tẩy Giả, con trai của Êlisabét và là anh em họ với Chúa Giêsu, xuất hiện trước để loan báo việc Con Thiên Chúa đến, kêu gọi mọi người hoán cải và rao giảng rằng : “Có Ðấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi đã làm phép rửa cho anh em nhờ nước; còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần” (Mc 1, 1.8 và Ga 1, 19.28)

Như thế, những việc cử hành thánh trong Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta hoán cải nội tâm, canh tân niềm tin, vững tin vào tương lai và trở lên men giữa lòng thế giới.

Mùa Vọng

Trong lịch phụng vụ Công Giáo, Mùa Vọng kéo dài bốn tuần và mỗi tuần có tên gọi truyền thống đặc thù của nó, gồm những lời đầu tiên của bài thánh ca mở đầu :

- Chúa nhật I Mùa Vọng : Ad Te levavi... (= Con nâng tâm hồn con lên tới Chúa, lạy Chúa…)

- Chúa nhật II Mùa Vọng : Populus Sion... (Này hỡi Dân Sion…)

- Chúa nhật III Mùa Vọng : Gaudete... (= Anh em hãy vui lên trong niềm vui của Chúa…)

- Chủ nhật IV Mùa Vọng : Rorate... (= Trời cao, hãy đổ sương xuống, và làm mưa Đấng Công Chính...)

Đức Giêsu dạy chúng ta sống Mùa Vọng

Đức Giêsu đã đến rồi, nên chiều kích thứ nhất của Mùa Vọng nhắc lại cho chúng ta việc Chúa đến lần thứ nhất, và tỉnh thức sẵn sàng đón Chúa tái lâm là chiều kích thứ hai : “Vì giờ cứu rỗi các con đã đến gần” (x. Lc 21, 25-28, 34-36).

“Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28). Đó là những dấu hiệu báo trước ngày Chúa tái lâm.

Thế giới nói chung đã, đang và sẽ còn trải qua những ngày chết chóc kinh hoàng với đại dịch Covid-19 lây lan phủ kín phần lớn địa cầu khiến mấy triệu người chết, con số vẫn chưa dừng. Người ta thấy nhiều cảnh thật bi ai trên các phương tiện truyền thông. Có người đã chết cô đơn không có người thân tại bệnh viện cũng như tại nhà thờ và nghĩa trang, thậm chí chết không còn đất để chôn, không còn củi để thiêu, khiến người còn sống không khỏi đau lòng. Vì lệnh cách ly tại chỗ để ngăn chặn sự lây lan của virus không cho phép các thành viên gia đình đến chăm sóc người thân đang bị nhiễm bệnh, chết không thể an táng.

Người bệnh mất đi để lại bao người già không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi cút quắt, đến các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế, tình nguyện viên, những người ở tuyến đầu trong tình trạng khẩn cấp chống dịch, một số bị sang chấn tâm lý vì không cứu được người. Trong tình cảnh bi thương hiện nay, khi toàn thế giới chìm trong khổ đau và lo lắng, đất thấm lệ rơi, phải chăng giờ cữu rỗi đã gần đến?

Lời Chúa Giêsu khuyên chúng ta vẫn còn cấp bách : “Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con, như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!” (Lc 21, 34-36).

Thế giới đã kiệt quệ bởi đại dịch vẫn đang tiếp diễn này đòi hỏi mỗi người chúng ta phải cảnh giác và có trách nhiệm. Đức Phanxicô nói : Người Kitô hữu được khích lệ mở các cửa của mình để cùng Chúa Cứu Thế giáng sinh đi gặp gỡ những ai đang đi trên đường. Sách Khải Huyền viết : “Ta đứng ngoài cửa và gõ”. Chúa gõ cửa lòng chúng ta : “Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa chiều với người ấy và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20). Chúa đang chờ đợi chúng ta mở cửa để bước vào đem theo phúc lành cũng như tình thương của Chúa đến cho chúng ta.

Lạy Mẹ từ ái, xin dắt chúng con bước theo Chúa trong hy vọng mọi nơi mọi lúc.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:37 24/11/2021

73. Ngoài việc con người thoát ly thế tục và vui sống trong cảnh nghèo nàn, thì ai ai cũng có thể thân cận với Thiên Chúa.

(Thánh Isaac of Cordova)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:39 24/11/2021
20. TẶNG LỊCH CŨ

Đêm tết, có người tặng quà cho địa chủ, ông địa chủ bèn lấy một quyển lịch cũ tặng lại.

Đầy tớ nhắc chủ nhân:

- “Quyển lịch nầy không dùng được ạ”.

Địa chủ nói:

- “Ta giữ nó lại trong nhà thì cũng không dùng được !”

(Tiểu Đảo)

Suy tư 20:

Đem quyển lịch năm cũ tặng cho người ta trong ngày đầu năm mới, thì giống như có người nọ lấy thức ăn mà mình ăn còn dư đem cho người khác và nói: “Ông (bà) lấy ăn kẻo uổng, bằng không tôi đem cho chó ăn cũng thế...”

Làm việc thiện và bác ái giống như con dao hai lưỡi sắc bén: một lưỡi cắt xén những thói hư tật xấu bản thân, khi mình thành tâm làm việc thiện, và một lưỡi đâm chết linh hồn chúng ta, khi chúng ta làm việc bác ái cách giả hình.

Cho nên, không phải của bố thí nào cũng là thánh thiện, không phải việc bác ái nào cũng là yêu thương !

Hãy coi chừng đấy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Phước lành Ngày Tạ ơn
Sr. Joyce Rupp
22:57 24/11/2021

PHƯỚC LÀNH NGÀY TẠ ƠN

Xin cho lòng biết ơn luôn tràn trề
khi ta nhớ về những gì mình lãnh nhận.

Xin cho tinh thần tạ ơn cháy mãi trong tim,
và vang lên trong lời kinh giờ nguyện.

Xin cho ta biết trở về bên bàn tiệc con tim
lòng trung thành, nhiệt huyết, và bao dung
của những ai luôn thương mến.

Mong ngày mùa của bao việc tốt
Dồi dào đơm hoa kết trái.

Mong ta khám phá kho tàng tiềm ẩn của khôn ngoan
giữa muôn người và bao thế sự
có thể đã mang đến đau khổ và lo toan.

Cầu mong lời chúc lành mang đến cho ta tinh thần phấn chấn
Như bao món quà muôn màu, muôn sắc
và sự phồn vinh đang lớn mãi.

Ước chi tất cả để nuôi dưỡng và tiếp thêm sức mạnh
mang lại sự sung mãn và hy vọng mới cho tâm hồn.

Mong sao ta biết bình thản trước nhịp sống vốn rất vội vã
để quan sát và tận hưởng,
những gì ta dễ dàng đón nhận cách nhưng không.

Xin cho ta luôn cởi mở, sẵn lòng,
và tiếp tục trao ban lời cầu chúc cho nhân thế.

Chẳng bao giờ quên Đấng một mực khoan nhân,
Và hằng thương yêu ta vô bờ vô bến.

Nguồn: Sr. Joyce Rupp
Lm Antôn Phạm Trọng Quang, SVD chuyển ngữ


A Thanksgiving Blessing

May an abundance of gratitude burst forth
as you reflect upon what you have received.

May thanksgiving overflow in your heart,
and often be proclaimed in your prayer.

May you gather around the table of your heart
the ardent faithfulness, kindness and goodness
Of each person who is true to you.

May the harvest of your good actions
bring forth plentiful fruit each day.

May you discover a cache of hidden wisdom
among the people and events
that have brought you distress and sorrow.

May your basket of blessings surprise you
with its rich diversity of gifts
and its opportunities for growth.

May all that nourishes and resources your life
bring you daily satisfaction and renewed hope.

May you slow your hurried pace of life
so you can be aware of, and enjoy,
what you too easily take for granted.

May you always be open, willing,
and ready to share your blessings with others.

May you never forget the Generous One
who loves you lavishly and unconditionally.

 
Tỉnh thức và cầu nguyện
Lm. Thái Nguyên
23:02 24/11/2021
SUY NIEM VA CAU NGUYEN CN 1 MV C

https://www.youtube.com/watch?v=5SzDmfH2JQA&t=114s

TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN

Chúa Nhật I Mùa Vọng năm C: Lc 21, 25-28; 34-36

Suy niệm

Mùa Vọng hướng đến việc Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người, để đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Nhưng quan trọng hơn là hướng chúng ta về ngày Chúa lại đến trong vinh quang. Vì vậy mà đoạn Tin Mừng hôm nay là một phần của diễn từ ngày cánh chung, Đức Giêsu nói tới những việc sẽ xẩy ra vào những ngày sau cùng. Điều quan trọng không phải là sự hiểu biết về ngày ấy như thế nào, mà là một thái độ sống ra sao, để có thể vui mừng đón Chúa đến trong ngày ấy, như Ngài đã căn dặn:“Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn”.

Thế nào là tỉnh thức? Người tỉnh thức là người không có ảo tưởng về bản thân và cuộc đời; không nhầm lẫn mộng tưởng với hiện thực; không sống mơ hồ, nhưng nhận biết mình đang biết: biết về thực trạng của bản thân; biết về thực chất của mọi công việc; biết về thực tại của mọi biến chuyển, để có thể sống thực tâm với Chúa, thực tình với người, và thực tế với đời. Chúa Giêsu nói rất cụ thể, là đừng để “lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo ngày ấy đến như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em”. Thật ra, Thiên Chúa không hành động bất ngờ để bắt chộp ai, vì vẫn luôn có những điềm thiêng dấu lạ để báo trước. Bất ngờ là vì ta đã sống ơ hờ, ươn lười và chểnh mảng (Mt 25, 1-10; 24-28). Nếu ta biết sống thanh thoát và sẵn sàng, thì việc Chúa đến bất ngờ lại là điều rất thú vị.

Người tỉnh thức luôn biết hướng đến Chân, Thiện, Mỹ, để luôn tư tưởng và hành động trong sự khôn ngoan và đạo đức. Người tỉnh thức cũng chính là người sống đẹp từng giây phút hiện tại, nghĩa là sống toàn tâm toàn ý trong từng công việc, từng bổn phận, từng mối quan hệ với tâm hồn đầy yêu mến. Thánh Phaolô nhắc nhớ chúng ta:“Lúc này là lúc thuận tiện. Hôm nay là ngày cứu độ” (2Cr 6, 2). Các thánh đã sống tuyệt hảo giây phút hiện tại theo ý muốn của Thiên Chúa, Đấng chỉ có hiện tại, không có quá khứ hay tương lai.

Tỉnh thức cũng là giác ngộ, vì giác ngộ là tỉnh ra mà thấu rõ chân tướng của của cuộc đời và con người, là thoát khỏi vô minh: không bị ru ngủ bởi những hoan lạc trần thế, không bị đam mê và dục vọng lôi kéo, không bị chìm ngập trong những tính toán lợi lộc, không mong được giàu sang hay sung sướng, mà luôn thuận theo lẽ Trời. Đỉnh cao của việc giác ngộ là đặt Đức Kitô lên trên hết, như thánh Phaolô:“Tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô.” (Pl 3, 8).

Tỉnh thức không chỉ để đón chờ Chúa sẽ đến, mà còn nhận ra Ngài đang đến, và thường đến với ta mọi nơi, mọi lúc, mọi thời khắc (Kh 3, 20). Thiếu tỉnh thức ta sẽ đánh mất nhiều cơ hội gặp gỡ Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Hãy đón nhận từng giây phút đang đến như từng viên ngọc quí mà Chúa trao ban cho ta. Đừng thương tiếc hôm qua, đừng chờ đợi ngày mai, đừng lảng tránh hôm nay.

Tỉnh thức nhưng phải cầu nguyện luôn. Cầu nguyện luôn thì mới có thể sống tỉnh thức, vì tinh thần thì mau mắn nhưng xác thịt nặng nề. Cầu nguyện giúp ta tách mình ra khỏi sự ràng buộc của thế giới vật chất để sống với Chúa nhiều hơn. Cần gặp Chúa hôm nay trước khi gặp Chúa trọn vẹn sau này. Cầu nguyện làm nên phẩm chất, bản lãnh và sức mạnh của đời Kitô hữu, giúp ta thoát khỏi mưu mô và nanh vuốt của tà thần để sống thuộc về Chúa. Ý thức như thế nên R. Tagore đã dâng lời khẩn nguyện:“Lạy Thượng Đế! Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai để nâng hồn lên khỏi những ti tiện hằng ngày. Và xin cho tôi sức mạnh tràn đầy để âu yếm dâng mình theo ý muốn của Người”.

Ngày Chúa đến thật uy nghi như đã báo:“Thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến”. Ngài đến như vị Thẩm Phán xét xử trần gian, nhiều người sẽ khiếp sợ rụng rời trước thánh nhan. Nhưng nếu chúng ta đã tỉnh thức và cầu nguyện, thì đây lại là giây phút hạnh ngộ đã từ lâu mong chờ. Trong tin yêu, chúng ta đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì biết mình sắp được cứu chuộc. Lòng chúng ta tràn ngập hy vọng và hân hoan vui sướng để được sống sung mãn với Đức Giêsu, Vua vinh hiển muôn đời. Muốn vậy, chúng ta hãy sống sâu sát với Chúa ngay từ hôm nay, để không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô, Chúa chúng ta (Rm 8, 35).

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!

Rồi có một ngày Chúa lại quang lâm,

kết thúc mọi diễn biến của cuộc trần,

Ngài uy nghi xét xử khắp muôn dân,

để cân phân thiện ác mọi thành phần,

và đưa tới sự thành toàn mỹ mãn.

Để đón đợi ngày giờ chung quyết ấy,

đòi con đây phải thanh tẩy chính mình,

bằng tâm tình tỉnh thức và cầu nguyện,

bởi Chúa đến vẫn luôn thật bất ngờ,

thiếu tỉnh thức sẽ bàng hoàng kinh sợ,

không thể nào đứng vững trước nguy cơ,

thiếu cầu nguyện con sẽ sống ơ hờ,

dễ sa chìm khi ngày giờ chấm dứt.

Cuộc sống ai cũng phải có trách nhiệm,

có những điều con phải lo,

có những việc con phải làm,

nhưng nhiều khi lo làm không lo sống,

lo bên ngoài đánh mất cả bên trong.

Ngay cả việc làm cho dù là bổn phận,

nhưng nhiều khi chẳng có chút tình thân,

nên sự hiện diện của con hóa khô cằn,

không làm cho cuộc sống thêm tươi tắn.

Xin cho con mau mắn trong tình mến,

với đức tin mạnh mẽ và vững bền,

để chờ ngày Chúa đến vui hợp hoan,

trong ân ban vinh phúc mãi ngập tràn,

ngày hạnh ngộ thật huy hoàng trong Chúa! Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Độc tài Nicaragua trả đũa Giáo Hội Công Giáo, cách chức Niên trưởng Ngoại Giao Đoàn của Sứ thần Tòa Thánh
Đặng Tự Do
04:31 24/11/2021


Một sắc lệnh của tổng thống Nicaragua ảnh hưởng đến Sứ Thần Tòa Thánh tại quốc gia Trung Mỹ này vừa được đưa ra dường như là để trả đũa những bình luận của các nhà lãnh đạo Giáo hội địa phương chỉ trích cuộc bầu cử bịp bợm của Daniel Ortega và bà vợ của ông ta.

Sắc lệnh của nhà độc tài Daniel Ortega được công bố vào hôm thứ Sáu 19 tháng 11 đã tước bỏ chức vụ và vai trò niên trưởng ngoại giao đoàn của Đức Tổng Giám Mục Sứ thần Tòa Thánh tại Managua, là Đức Cha Waldemar Stanislaw Sommertag.

Ở các quốc gia có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh, chức vụ niên trưởng ngoại giao đoàn thường do Sứ thần Tòa Thánh nắm giữ, bất kể ngài đã ở quốc gia đó trong bao lâu.

Đức Tổng Giám Mục Sommertag, người Ba Lan, 53 tuổi, giữ chức vụ này từ năm 2018, đã công khai ủng hộ Giáo hội địa phương trong quan điểm bảo vệ nền dân chủ trong nước.

Công báo chính thức của Nicaragua cho biết thay đổi này hủy bỏ thỏa thuận trước đây với Vatican được thực hiện nhằm tuân thủ một điều khoản của Công ước Vienna năm 1961. Managua cho rằng Công ước Vienna đã tạo ra bất bình đẳng trong đoàn ngoại giao.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao tại Rôma, một nguồn tin của Vatican và một giáo sư luật ngoại giao cho biết rằng không ai thắc mắc về Công ước Vienna, và hành động của bọn cầm quyền Nicaragua chỉ là một đòn trả đũa Giáo Hội Công Giáo.

Ortega, một cựu lãnh đạo du kích theo chủ nghĩa Marx thời Chiến tranh Lạnh, là người đã nắm giữ chức vụ từ năm 2007, đã nhận nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp vào đầu tháng này sau khi bỏ tù các đối thủ chính trị trước cuộc bầu cử bị nhiều người lên án là không được tự do.

Trước thềm cuộc bầu cử, Hội đồng Giám mục Công Giáo Nicaragua đã ra một tuyên bố cho biết đất nước đang thiếu “những điều kiện cơ bản và không thiết yếu để tổ chức bầu cử tự do, công bằng và minh bạch”.

Trước cuộc bầu cử, tổng giáo phận Managua đã ra một tuyên bố tố cáo điều mà họ gọi là vi phạm có hệ thống các quyền chính trị và hiến pháp cũng như “các mối đe dọa đối với Giáo Hội Công Giáo các hành vi phạm tội chống lại các linh mục và giám mục”.


Source:Reuters
 
Giáo Hội Công Giáo ở Ý tổ chức ngày quốc gia cầu nguyện đầu tiên cho các nạn nhân bị lạm dụng
Đặng Tự Do
04:31 24/11/2021


Giáo Hội Công Giáo ở Ý đã tổ chức ngày cầu nguyện quốc gia đầu tiên cho các nạn nhân bị lạm dụng tình dục vào hôm thứ Năm 18 tháng 11.

Đức Tổng Giám Mục Lorenzo Ghizzoni của Ravenna-Cervia, chủ tịch ủy ban bảo vệ trẻ vị thành niên của các giám mục Ý, nói rằng ngày này là một lời mời gọi “cầu nguyện, hỗ trợ các con đường phục hồi nhân bản và tinh thần cho các nạn nhân, cho bất cứ ai họ bị tổn thương, trong hay ngoài Giáo hội, các gia đình và cộng đồng bị ảnh hưởng bởi tội lỗi gây đau buồn cho những người thân yêu của họ”.

Hội đồng Giám mục Ý đã phân phát các lời cầu nguyện và các tài liệu khác trên trang web của mình để các giáo phận và giáo xứ sử dụng trong Thánh lễ hoặc các buổi cầu nguyện khác.

Sáng kiến này nhằm đáp lại lời mời gọi năm 2016 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đưa ra cho các giám mục trên toàn thế giới nhằm thiết lập một ngày cầu nguyện cho những người bị lạm dụng tình dục.

Đề xuất về một “Ngày cầu nguyện chung” đã được một nạn nhân đề nghị với Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên của Vatican, gọi tắt là PCPM.

Theo thông cáo báo chí ngày 17 tháng 11 từ PCPM, “theo kinh nghiệm của các thành viên của chúng tôi, các nạn nhân thường bày tỏ mong muốn cầu nguyện như một yếu tố quan trọng trong quá trình chữa lành của họ.”

Các giáo phận trên khắp nước Ý đã cử hành ngày này theo những cách khác nhau. Tại Tổng Giáo phận Milan, Đức Tổng Giám Mục Mario Delpini đã chủ sự chầu Thánh Thể và cử hành Thánh lễ trong nhà thờ chính tòa trong ngày cầu nguyện 18 tháng 11.

Tại Genoa, Đức Tổng Giám Mục Marco Tasca tuyên bố rằng Tổng giáo phận sẽ cử hành ngày cầu nguyện vào Chúa Nhật, ngày 21 tháng 11, với các giáo xứ cầu nguyện một lời cầu nguyện do hội đồng giám mục viết.

Lời cầu nguyện bắt đầu: “Lạy Cha, nguồn sự sống, với lòng khiêm nhường và nỗi tủi nhục, chúng con xin dâng lên Cha sự xấu hổ và hối hận về những đau khổ đã gây ra cho những người nhỏ bé và dễ bị tổn thương nhất của nhân loại, và chúng con xin Cha tha thứ”.

“Lạy Chúa Giêsu, là Ngôi Hai Thiên Chúa đã đến để mạc khải lòng thương xót của Chúa Cha, chúng con phó thác cho Chúa tất cả những ai đã bị lạm dụng bởi quyền lực, tinh thần và lương tâm, thể xác và tình dục; xin cho vết thương của họ được chữa lành nhờ dầu xoa dịu là Lòng Thương Xót của Chúa và lòng cảm thương của chúng con, cầu mong cho họ tìm thấy sự chào đón và giúp đỡ của tình huynh đệ, cầu cho trái tim họ được bao bọc bởi sự dịu dàng và tràn đầy hy vọng.”

Các giám mục Ý đã chọn ngày 18 tháng 11 vì nó tương ứng với Ngày Âu Châu về Bảo vệ trẻ em chống lại sự bóc lột tình dục và lạm dụng tình dục.
Source:Catholic News Agency
 
Đức Hồng Y Seán OMalley cho rằng báo cáo tại Pháp là đáng ngạc nhiên
Đặng Tự Do
04:32 24/11/2021


Giáo hội không thể sửa chữa những gì mình không nhìn nhận, Đức Hồng Y O'Malley đã cho biết như trên nói về tội lỗi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ.

Thu thập thông tin thành các số liệu thống kê về lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên là một công cụ quan trọng để đánh giá các phản ứng đã được thiết lập và đưa ra các khuyến nghị để khắc phục một hệ thống không thành công, Đức Hồng Y Hoa Kỳ Seán P. O'Malley của Boston, chủ tịch của Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ trẻ vị thành niên cho biết như trên.

“Chúng ta không thể sửa chữa những gì chúng ta không nhận ra. Chúng ta không thể khôi phục lại niềm tin đã đổ vỡ nếu chúng ta không giải quyết trọng tâm của vấn đề. Điều này đòi hỏi sự điều tra trung thực, điều tra độc lập và hành động theo những gì nhận được”, Đức Hồng Y nói trong một thông điệp, được công bố vào ngày 18 tháng 11, Ngày Âu Châu về Bảo vệ trẻ em chống lại bóc lột tình dục và lạm dụng tình dục.

Trong số các trường hợp đã được biết đến, 70% đến 85%, việc bóc lột và lạm dụng tình dục trẻ em được thực hiện bởi một người nào đó mà đứa trẻ biết, tức là một người nào đó “trong vòng tin tưởng của chúng”.

Tổ chức Y tế Thế giới ước tính rằng 1/5 phụ nữ và 1/13 nam giới bị lạm dụng tình dục trước sinh nhật 18 tuổi và ít nhất 60% nạn nhân trẻ em không bao giờ tiết lộ việc bị lạm dụng, Đức Hồng Y O'Malley cho biết trong thông điệp của mình.

“Dữ liệu gần đây nhất mà chúng tôi nhận được về phạm vi lạm dụng tình dục trẻ em trong Giáo Hội Công Giáo cũng không kém phần nghiệt ngã”, ngài nói, trích dẫn những phát hiện gần đây của Ủy ban Độc lập về Lạm dụng Tình dục trong Giáo Hội Công Giáo ở Pháp. Báo cáo đó cho biết ước tính có khoảng 216,000 trẻ em bị các linh mục lạm dụng kể từ năm 1950, và hơn 100,000 trẻ em khác bị lạm dụng bởi các nhân viên giáo dân của các cơ sở giáo hội.

“Tại Úc, 40% vụ lạm dụng tình dục trẻ em diễn ra trong giai đoạn đang được Ủy ban Hoàng gia xem xét xảy ra trong một khu vực liên quan đến Giáo Hội Công Giáo,” vị Hồng Y nói thêm.

“Đây là những thống kê đáng kinh ngạc. Nhưng chúng ta không thể để phản ứng của mình đối với chúng che khuất mục đích của chúng: Chúng ta cần đánh giá các biện pháp mà Giáo Hội thực hiện để điều trị tai họa này và đưa ra tất cả các khuyến nghị hữu ích cho việc chuyển đổi một hệ thống thất bại dựa trên các phân tích định lượng và định tính.”

Giáo Hội phải cởi mở để học hỏi từ xã hội dân sự và giới học thuật “về các mô hình nghiên cứu khoa học để có cách tiếp cận giầu thông tin hơn đối với các chiến lược phòng ngừa và các chính sách bảo vệ của chúng ta.”

Giáo hội cũng phải làm việc với các nạn nhân. Theo Đức Hồng Y, cả ủy ban và Đức Giáo Hoàng Phanxicô đều tin rằng những người nam nữ này “nắm giữ chìa khóa để giúp chúng ta thực hiện các chính sách và thủ tục có ý nghĩa và hiệu quả.”


Source:Boston Pilot

 
Bài Giáo Lý Hàng tuần của Đức Phanxicô: Thánh Cả Giuse trong lịch sử cứu độ
Vũ Văn An
13:37 24/11/2021

Theo Tin Tòa Thánh, trong buổi yết kiến chung ngày 24 tháng 11 năm 2021, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về Thánh Giuse, tập trung vào khía cạnh Thánh Giuse trong lịch sử cứu độ. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh của Tòa Thánh:



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Thứ Tư tuần trước, chúng ta đã bắt đầu một chu kỳ giáo lý về Thánh Giuse - năm dành riêng kính ngài sắp kết thúc. Hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục cuộc hành trình này, tập chú vào vai trò của ngài trong lịch sử cứu độ.

Chúa Giêsu trong các Tin Mừng được gọi là “con ông Giuse” (Lc 3:23; 4: 22; Ga 1:45; 6:42) và “con bác thợ mộc” (Mt 13:55; Mc 6: 3). Thuật lại thời thơ ấu của Chúa Giêsu, các Thánh sử Mátthêu và Luca dành chỗ nói về vai trò của Thánh Giuse. Cả hai thánh sử đều thu thập một “gia phả” nhằm làm nổi bật tính lịch sử của Chúa Giêsu. Ngỏ lời trước hết với những người theo Kitô giáo gốc Do Thái, Thánh Mátthêu bắt đầu từ Ápraham và kết thúc ở Thánh Giuse, được xác định là “chồng của bà Maria, là người mà từ ngài Chúa Giêsu đã sinh ra, Đấng được gọi là Kitô” (1:16). Thánh Luca, mặt khác, đã ngược trở lại tới tận Ađam, bắt đầu trực tiếp với Chúa Giêsu, Đấng “là con trai của Giuse”, nhưng nói rõ hơn: “thiên hạ vốn coi” như thế (3:23). Do đó, cả hai Thánh sử đều trình bầy Thánh Giuse không như cha đẻ, nhưng dù sao, hoàn toàn là cha của Chúa Giêsu. Qua thánh nhân, Chúa Giêsu hoàn thành lịch sử giao ước và cứu rỗi giữa Thiên Chúa và loài người. Đối với Thánh Mátthêu, lịch sử này bắt đầu với Ápraham; đối với thánh Luca, lịch sử này bắt đầu với nguồn gốc loài người, nghĩa là, với Ađam.

Thánh sử Mátthêu giúp chúng ta hiểu rằng con người của Thánh Giuse, tuy bề ngoài có vẻ ở ngoài lề, kín đáo và ở hậu trường, nhưng thật ra là một yếu tố trung tâm trong lịch sử cứu độ. Thánh Giuse sống vai trò của mình mà không bao giờ tìm cách chiếm lãnh khung cảnh. Nếu chúng ta suy nghĩ thì hẳn thấy, “Cuộc sống của chúng ta được dệt nên và duy trì bởi những người bình thường, những người thường bị bỏ qua. Những người không xuất hiện trên hàng tít lớn của báo chí và tập san. … Có biết bao nhiêu người cha, người mẹ, ông bà và thầy cô đang chỉ cho con cái chúng ta, bằng những cách nhỏ nhặt và hàng ngày, biết cách chấp nhận và xử lý cuộc khủng hoảng bằng cách điều chỉnh các thông lệ, nhìn về phía trước và khuyến khích việc thực hành cầu nguyện. Biết bao người đang cầu nguyện, hy sinh và cầu bầu cho thiện ích của mọi người ”(Tông thư Patris corde, 1). Như thế, ai cũng có thể tìm thấy nơi Thánh Cả Giuse, con người không ai lưu ý, con người hiện diện hằng ngày, hiện diện kín đáo và giấu ẩn, một vị cầu thay nguyện giúp, một vị nâng đỡ và hướng dẫn trong những lúc khó khăn. Ngài nhắc nhở chúng ta rằng tất cả những người xem ra bị che giấu hoặc ở “hàng ghế thứ hai” đều là những nhân vật chủ đạo vô song trong lịch sử cứu độ. Thế giới cần những người đàn ông và đàn bà này: những người đàn ông và đàn bà ở hàng ghế thứ hai, nhưng là những người hỗ trợ sự phát triển cuộc sống của chúng ta, của mọi người trong chúng ta, và là những người, bằng việc cầu nguyện và bằng gương sáng của họ, bằng sự dạy dỗ của họ, đang nâng đỡ chúng ta trên nẻo đường cuộc sống.

Trong Tin Mừng thánh Luca, thánh Giuse xuất hiện như là người bảo vệ Chúa Giêsu và Đức Maria. Và vì lý do này, ngài cũng là “Người bảo vệ Giáo Hội”: nhưng, nếu ngài là người bảo vệ Chúa Giêsu và Đức Maria, ngài vẫn làm việc, dù nay ngài đang ở trên trời, và vẫn tiếp tục là người bảo vệ, trong trường hợp này là bảo vệ Giáo hội, vì Giáo hội là sự nối dài của Nhiệm thể Chúa Kitô trong lịch sử, ngay cả tình mẫu tử của Đức Maria cũng được phản ảnh trong tình mẫu tử của Giáo hội. Trong việc tiếp tục bảo vệ Giáo hội, xin anh chị em đừng quên điều này: ngày nay, Thánh Giuse vẫn đang bảo vệ Giáo hội, và bằng cách tiếp tục bảo vệ Giáo hội, ngài tiếp tục bảo vệ cả con lẫn mẹ của con”(sđd, 5). Khía cạnh này trong vai trò bảo vệ của Thánh Giuse là câu trả lời tuyệt vời cho câu chuyện của sách Sáng thế. Khi Thiên Chúa yêu cầu Cain giải trình về mạng sống của Abel, anh ta trả lời: " Con là người giữ em con hay sao?" (4: 9). Với cuộc đời của mình, dường như thánh Giuse muốn nói với chúng ta rằng chúng ta luôn được mời gọi cảm nhận rằng chúng ta là người canh giữ anh chị em của chúng ta, những người bảo vệ những người thân cận với chúng ta, những người mà Chúa đã trao phó cho chúng ta trong nhiều hoàn cảnh của đời sống.

Một xã hội như xã hội của chúng ta, vốn được định nghĩa là “lỏng”, dường như nó không có tính nhất quán… Tôi xin điều chỉnh nhà triết học đã đưa ra câu định nghĩa này bằng cách nói rằng: hơn cả lỏng, nó là khí, một xã hội khí đúng nghĩa. Cái xã hội lỏng và khí này tìm thấy nơi câu chuyện của Thánh Giuse một dấu chỉ rất rõ ràng về tầm quan trọng của mối liên hệ giữa con người với nhau. Thật vậy, Tin Mừng cho chúng ta biết gia phả của Chúa Giêsu, không những chỉ vì lý do thần học, mà còn để nhắc nhở mỗi người chúng ta rằng cuộc sống của chúng ta được tạo nên bởi những mối dây liên kết đến trước và đồng hành với chúng ta. Con Thiên Chúa đã chọn đến thế gian bằng con đường của những ràng buộc như vậy, con đường của lịch sử: Người không xuống thế gian bằng ma thuật, không. Người đã đi theo con đường lịch sử mà tất cả chúng ta đều đi.

Anh chị em thân mến, tôi nghĩ đến rất nhiều người khó tìm thấy mối dây liên kết có ý nghĩa trong cuộc sống của họ, và vì điều này mà họ lao đao, cảm thấy đơn độc, thiếu sức mạnh và dũng khí để tiếp tục bước đi. Tôi muốn kết thúc bằng một lời cầu nguyện để giúp họ, và tất cả chúng ta, tìm thấy nơi Thánh Giuse một đồng minh, một người bạn và một chỗ dựa.

Lạy Thánh Giuse,
ngài là người đã bảo vệ mối liên hệ với Đức Maria và Chúa Giêsu,
xin giúp chúng con biết quan tâm đến các mối liên hệ trong cuộc sống của chúng con.

Xin cho không một ai phải trải nghiệm cảm giác bị bỏ rơi vì cô đơn.

Xin cho mỗi người chúng con được hòa giải với lịch sử của chính chúng con,
với những người đã đi trước,
và nhận ra cả trong các sai lầm đã mắc phải
một con đường qua đó Chúa Quan phòng đã mở ra,
và cái ác không có lời quyết định cuối cùng.

Xin ngài tỏ mình là bạn của những người đang lao đao nhất,
và như ngài từng nâng đỡ Đức Maria và Chúa Giêsu trong những lúc khó khăn,
Xin nâng đỡ chúng con trong cuộc lữ hành của chúng con. Amen.
 
Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ cầu hồn cho danh thủ Maradona
Đặng Tự Do
16:58 24/11/2021


Theo thông báo của Raffaele Auriemma trên các phương tiện truyền thông xã hội, sáng thứ Năm 25 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh lễ cầu hồn cho danh thủ túc cầu Á Căn Đình Maradona tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô có một buổi tiếp kiến riêng với bạn bè và người thân của anh.

Danh thủ Diego Maradona đã qua đời vào ngày 25 tháng 11, năm ngoái tại nhà riêng ở thành phố Tigre, Á Căn Đình, do nghi ngờ bị mắc chứng suy tim mãn tính.

Vatican News cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô tưởng nhớ Diego Armando Maradona trong lời cầu nguyện sau cái chết của nhà vô địch túc cầu Á Căn Đình ở tuổi 60.

Anh sinh ngày 30 tháng 10, 1960 và qua đời vào khoảng 12 giờ trưa giờ địa phương ngày 25 tháng 11, năm ngoái.

Ở tuổi vừa quá sáu mươi một chút, anh để lại một khoảng trống không thể lấp đầy trong thế giới túc cầu, và thế giới đã thương tiếc một thiên tài thể thao mà chúng ta sẽ không bao giờ gặp lại.

Anh đã giúp đội Á Căn Đình đoạt giải Vô địch Túc cầu Thế giới năm 1986, hôn chiếc cúp, nâng niu nó và giơ nó trên cao trong Sân vận động Azteca khổng lồ của Mễ Tây Cơ. Đó là đỉnh cao trong sự nghiệp của Diego Maradona và đó là lúc thể lực của anh đang ở đỉnh cao nhất trong cuộc đời thể thao mình.

Sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó, Diego đã tự vươn lên bằng những chiến tích của mình, mê hoặc các đối thủ và nhận được sự tôn trọng của người hâm mộ thể thao trên toàn thế giới.

Quả bóng như được dán vào bàn chân trái, gọi là bàn chân vàng của anh. Ở đỉnh cao của anh, Diego Maradona không có đối thủ nào sánh bằng.

Nhưng giống như những thiên tài khác, kỹ năng và sự sáng suốt của anh chỉ giới hạn trong một lĩnh vực cụ thể, và anh ấy phải vật lộn một cách khó khăn trong các khía cạnh khác của cuộc sống của mình, bị bủa vây bởi những vấn đề liên quan đến ma túy và rượu, là điều mà anh ấy không bao giờ tìm cách bào chữa hay che giấu, nhưng chiến đấu với chúng bằng tất cả sức lực của mình, và công khai chúng như một lời cảnh giác cho giới trẻ.

Cũng có những khi anh cùng đồng đội đã phải trải qua một số trận chiến không thể thắng được đối phương. Trong những tình huống như thế, chính cách họ dũng cảm chiến đấu đã làm cho chiến công của họ trở nên đáng nhớ.

Trong trận tứ kết giải Vô địch Túc cầu Thế giới năm 1986 đầy huyền thoại đó, anh đã khiến Đội tuyển Anh tức giận với bàn thắng nhờ “Bàn tay của Chúa”, nhưng vài phút sau đó đã khiến họ trải qua từ kinh ngạc này đến kinh ngạc khác, với bàn thắng vĩ đại nhất của mọi thời đại, khi anh chạy lắt léo vượt qua hàng tiền vệ và hàng hậu thủ, đánh bại sáu cầu thủ Anh và ghi bàn trong sự tuyệt vọng của thủ môn Peter Shilton.

Chỉ Diego Armado Maradona mới có thể ghi được bàn thắng đó. Chưa bao giờ có ai có thể ghi bàn trong một tình huống cam go như thế.

Gary Lineker, người đã từng là một ngôi sao và là thành viên của đội tuyển Anh, đã bày tỏ sự tôn kính sau cái chết của Maradona. Anh nói: “Diego là cầu thủ xuất sắc nhất trong thế hệ của tôi và được cho là vĩ đại nhất mọi thời đại”.

Pele, người cạnh tranh với Diego cho vị trí đầu bảng nói: “Tôi đã mất một người bạn tuyệt vời và thế giới đã mất đi một huyền thoại. Một ngày nào đó tôi hy vọng chúng ta có thể chơi bóng cùng nhau trên trời”.

Diego đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô - một người hâm mộ anh - trong một số dịp, đáng chú ý nhất là vào ngày 4 tháng 9 năm 2014 tại Casa Santa Marta, trước một trận đấu để gây quỹ bác ái. Diego đã tặng Đức Giáo Hoàng chiếc áo số 10 nổi tiếng với chữ “Francisco” được thêu trên đó.

Họ gặp lại nhau một năm sau đó, vì các công việc liên quan đến phong trào Scholas Occurrents trên toàn thế giới của Đức Giáo Hoàng dành cho những người trẻ tuổi, những người là niềm hy vọng của thế giới chúng ta.

Năm ngoái, vào ngày 2 tháng 11, Maradona phải nhập viện ở La Plata. Một ngày sau, anh được phẫu thuật não khẩn cấp để điều trị khối máu tụ trong não. Vatican News cho biết Đức Thánh Cha đã cầu nguyện cho anh trong thời gian căng thẳng này. Anh được xuất viện vào ngày 12 tháng 11 sau khi phẫu thuật thành công và được các bác sĩ giám sát như một bệnh nhân ngoại trú. Rồi đột nhiên có tin anh qua đời trong một cơn đau tim.

Sau cái chết của Maradona, một giám mục người Á Căn Đình đã khuyến khích anh chị em giáo dân cầu nguyện cho linh hồn của siêu sao túc cầu này.

“Chúng ta hãy cầu nguyện cho anh ấy, để anh ấy được nghỉ yên muôn đời, xin Chúa đón nhận anh ấy vào lòng, xin Ngài trìu mến nhìn đến anh với tình yêu và lòng thương xót,” Đức Cha Eduardo Garcia, Giám Mục của San Justo nói với El Digital.

Câu chuyện của Maradona là “một tấm gương về sự vượt qua”, vị giám mục nói. Ngài lưu ý về hoàn cảnh khiêm tốn trong cuộc sống ban đầu của anh. “Đối với nhiều trẻ em đang gặp hoàn cảnh khó khăn, câu chuyện của anh khiến họ mơ về một tương lai tốt đẹp hơn. Anh ấy đã làm việc và đã đến những nơi quan trọng mà không quên cội nguồn của mình “.

Đức Cha Garcia ghi nhận công việc vì người nghèo đã chiếm hết thời gian của Maradona trong những năm cuối đời của anh.
Source:TuttoNapoli
 
Đức Tổng Giám Mục Denver chỉ trích hành vi phá hoại tài sản Công Giáo
Đặng Tự Do
16:59 24/11/2021


Đức Tổng Giám Mục Samuel Aquila của Denver tuần này đã chỉ trích sự gia tăng đáng kể và được ghi nhận cụ thể gần đây về các hành vi phá hoại và đốt phá tài sản Công Giáo ở Hoa Kỳ, và gọi các vụ phá hoại có mục tiêu là đáng “kinh hoàng”.

Viết trên tờ Washington Post ngày 18 tháng 11, Đức Tổng Giám Mục Aquila lưu ý rằng các giám mục Hoa Kỳ đã ghi lại ít nhất 100 trường hợp phá hoại, đốt phá và phá hủy tài sản Công Giáo trên toàn quốc kể từ tháng 5 năm 2020.

Các biến cố bao gồm vẽ bậy lên tường nhà thờ, chặt đầu hoặc đập vỡ các tượng Công Giáo, vẽ hình chữ thập ngoặc và đốt phá các bia mộ. Nhiều biến cố khác có thể đã không được thông báo rộng rãi.

Cụ thể, Đức Tổng Giám Mục Aquila đã nêu bật một vụ việc vẽ bậy tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở Denver vào tháng trước, trong đó một phụ nữ đơn độc, một người ủng hộ quyền phá thai, đã vẽ những khẩu hiệu phun sơn như “Satan sống ở đây” trên tường của tòa nhà lịch sử.

Theo Đức Tổng Giám Mục Aquila, “Nó giông như quay trở lại đầu thế kỷ 20 hoặc cuối thế kỷ 19, khi một làn sóng nhập cư những người Công Giáo vấp phải sự phản kháng công khai của một nền văn hóa chủ yếu là Tin lành”.

“Là người Công Giáo, chúng ta nhận ra rằng đây là một cuộc khủng hoảng tinh thần. Chúng ta cầu nguyện cho sự kết thúc của những cuộc tấn công kinh hoàng như vậy và cho tình yêu của Thiên Chúa xua đuổi sự căm ghét trong những kẻ gây án, bất kể họ đã nhắm mục tiêu vào ai. Tuy nhiên, là người Mỹ, chúng ta cũng thấy rõ một cuộc khủng hoảng văn hóa. Những người có thiện chí, dù theo tôn giáo hay không, phải lên án và đối đầu với các xu hướng xã hội khuyến khích các cuộc tấn công vào các nơi thờ phượng - là những xu hướng vượt xa tôn giáo trong cố gắng bóp nghẹt quyền tự do phát biểu của người khác.”.

Kể từ tháng 2 năm 2020, chỉ riêng tại Tổng giáo phận Denver, ít nhất 25 giáo xứ hoặc cứ điểm truyền giáo đã là mục tiêu của các hoạt động phá hoại, đốt phá tài sản hoặc trộm cắp.

Đức Tổng Giám Mục Aquila chỉ ra rằng người Công Giáo không phải là nhóm tôn giáo duy nhất bị nhắm tới trong những tháng gần đây. Các nhà thờ Tin lành của người Mỹ gốc Phi, các ngôi chùa Phật giáo, đền thờ Hồi giáo, hội đường Do Thái và các nghĩa trang đều đã phải hứng chịu nhiều cuộc tấn công khác nhau trong một năm rưỡi qua.

Nhìn chung, tội ác thù hận, bao gồm các cuộc tấn công có động cơ tôn giáo, có thể sẽ lập kỷ lục cao nhất trong 20 năm qua vào năm 2021.

Đức Tổng Giám Mục nhận xét rằng: “Cuộc đối thoại tôn trọng đã nhường chỗ cho sự đối đầu gay gắt. Trước đây, người ta cố gắng thay đổi người khác thông qua sức mạnh của lý lẽ trí tuệ, đạo đức và sự phân định kỹ lưỡng. Ngày nay, đường lối của nhiều người là vũ lực. Nó thường diễn ra dưới các hình thức bạo lực hoặc phá hoại”.

Đức Cha Aquila đã viết rằng khi sự gây hấn là một phản ứng được chấp nhận rộng rãi đối với sự khác biệt về quan điểm, thì “nền dân chủ không thể tồn tại.”

Đức Cha Aquila kết luận rằng: “Mọi người đều có vai trò trong việc đưa nước Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng này. Bất kể niềm tin cá nhân của chúng ta là gì, chúng ta phải lấy lại sự tôn trọng đối với phẩm giá của con người”.
Source:Catholic News Agency
 
Tại sao Indianapolis được chọn làm địa điểm tổ chức Đại hội Thánh Thể? Đức Tổng Giám Mục giải thích
Đặng Tự Do
17:00 24/11/2021


Một nửa nước Mỹ sống cách Indianapolis không quá một ngày lái xe.

Các giám mục Hoa Kỳ hy vọng có tới 100,000 người Công Giáo xuất hiện tại Thành phố Circle trong vòng ba năm kể từ bây giờ cho đại hội Thánh Thể toàn quốc đầu tiên kể từ năm 1976.

“Người dân của chúng tôi rất vui mừng về những gì có thể có ý nghĩa đối với chúng tôi với tư cách là gia đình, cá nhân, giáo xứ, giáo phận, và với tư cách là một Giáo hội trên khắp đất nước,” Đức Tổng Giám Mục Charles C. Thompson của Indianapolis nói với CNA vào ngày 17 tháng 11.

Trước đó cùng ngày, Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã công bố thành phố này là địa điểm của Đại hội Thánh Thể Quốc gia, dự kiến diễn ra từ ngày 17 đến 21 tháng 7 năm 2024. Cuộc họp sẽ đánh dấu đỉnh cao của chiến dịch phục hưng Thánh Thể kéo dài ba năm của các giám mục Hoa Kỳ, bắt đầu từ ngày 19 tháng 6 năm 2022 nhân ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa.

Denver, Atlanta và Indianapolis đều nằm trong danh sách đã được chọn lọc các thành phố có thể đăng cai, Đức Tổng Giám Mục Thompson nói.

Cuối cùng, vị trí trung tâm của thành phố Circle, các cơ sở hội nghị được đánh giá cao và kinh nghiệm tổ chức các sự kiện lớn, bao gồm Super Bowl, vòng loại trực tiếp NBA năm ngoái và Giải vô địch túc cầu đại học 2022 vào ngày 10 tháng Giêng, là các yếu tố đã khiến Indianapolis được chọn.

Đức Cha Thompson lưu ý, trung tâm hội nghị của thành phố, sân vận động Lucas Oil với 70,000 chỗ ngồi và mạng lưới các khách sạn lớn đều được kết nối với nhau, giúp những người tham gia sự kiện dễ dàng di chuyển từ địa điểm này sang địa điểm khác mà không cần ra ngoài trời.

Đức Cha Thompson đã bay về nhà vào ngày 18 tháng 11 để tham dự Hội nghị Thanh niên Công Giáo Quốc gia, được tổ chức tại Indianapolis từ ngày 18 đến 20 tháng 11.

Đã 45 năm kể từ đại hội Thánh Thể cuối cùng của Hoa Kỳ, ở Philadelphia. Vì thế, những người Công Giáo Hoa Kỳ cần được bồi dưỡng về những gì đang thực sự xảy ra.

Nói tóm lại, đây là một cuộc cử hành tập trung coi Bí tích Thánh Thể là trung tâm của đời sống Công Giáo, với các Thánh lễ, giờ chầu, đám rước, và những diễn giả truyền cảm hứng, và các sự kiện khác nữa. Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52 đã diễn ra tại Budapest, Hung Gia Lợi từ ngày 5 đến 12 tháng 9, đã được đánh giá rất cao.

Việc thành phố lựa chọn làm chủ nhà của đại hội năm 2024 sẽ có nghĩa là sẽ có nhiều công việc hơn cho tổng giáo phận, nhưng Đức Cha Thompson nói với CNA rằng ngài tin rằng các nhân viên của mình sẵn sàng đối mặt với các thách thức.

Ngài cho rằng Indianapolis là một lựa chọn phù hợp, vì nhiều lý do.

“Indiana được mệnh danh là ngã tư của nước Mỹ. Khi tôi nghĩ về những ngã tư, tôi nghĩ về cây thánh giá. Và nếu không có thập giá, sẽ không có Thánh Thể. Chúa Giêsu vào đêm Thứ Năm Tuần Thánh đưa ra một gương mẫu tuyệt vời về sự phục vụ, nhưng ngài cũng ban cho chúng ta Mình Máu Thánh của ngài”.
Source:Catholic News Agency
 
Đức Tổng Giám Mục Paris bị bôi nhọ trong mưu toan làm nhục Giáo Hội
Đặng Tự Do
17:19 24/11/2021
Sau báo cáo đáng kinh ngạc của Jean-Marc Sauvé, trong đó cho rằng có khoảng 216,000 trẻ em bị các linh mục lạm dụng kể từ năm 1950, và hơn 100,000 trẻ em khác bị lạm dụng bởi các nhân viên giáo dân của các cơ sở giáo hội, đang có những cố gắng để thừa dịp này hạ gục luôn Giáo Hội Công Giáo tại Pháp.

Hôm thứ Tư, 24 tháng 11, tờ Le Parisien đã dành hẳn một trang để tấn công Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit của Paris với một cáo buộc rằng ngài có quan hệ với một người phụ nữ.

Cáo buộc đó không có gì lạ, đã được tờ Le Point tung ra vào năm 2012, và Đức Tổng Giám Mục, khi đó còn là một linh mục tổng đại diện của Paris, đã phủ nhận. Tờ Le Parisien chỉ thêm vào một chi tiết cho rằng cáo buộc của tờ Le Point là đúng vì cho đến nay, Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit vẫn chưa được phong Hồng Y. Thực ra, vấn đề phong Hồng Y hay không là do Đức Thánh Cha quyết định, và ngài có cách hành động riêng của ngài. Đức Tổng Giám Mục José Gómez của tổng giáo phận Los Angeles nhậm chức Tổng Giám Mục từ ngày 1 tháng Ba 2011, kế vị Hồng Y Mahony, trước cả Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit, vẫn chưa được tấn phong Hồng Y, mặc dù ngài được các Giám Mục Hoa Kỳ đánh giá rất cao bầu làm Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Mỹ.

Hơn thế nữa, sau cáo buộc vào năm 2012, ngày 2 tháng Giêng 2013, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 mới nâng ngài lên hàng Giám Mục và bổ nhiệm ngài làm Giám Mục Phụ Tá Paris. Ngày 04 tháng Tư 2014, ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm giám mục Nanterre. Ngày 7 tháng 12, 2017, ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Tổng giám mục Paris, kế nhiệm Đức Hồng Y André Vingt-Trois. Tất cả các bổ nhiệm này chứng tỏ cáo buộc năm 2012 là vô nghĩa và bịa đặt.

Lý do người ta nhắm vào Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit cũng dễ hiểu. Ngài là tác giả nhiều tác phẩm y khoa và thần học, và giống như Đức Hồng Y George Pell của Úc, Đức Tổng Giám Mục Paris rất thích tranh luận trong các diễn đàn công khai.

Trong các báo cáo từ Pháp, David Abiker của Radio Classique có bài nhận định sau, có tính cách trung dung. Nguyên bản tiếng Pháp có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Tờ Le Parisien sáng nay, thứ Tư 24 tháng 11, đã quay trở lại với những tin đồn của tờ Le Point xung quanh mối quan hệ được cho là mật thiết giữa Đức Tổng Giám Mục Paris Michel Aupetit và một phụ nữ. Một liên kết mà Đức Tổng Giám Mục đã kiên quyết phủ nhận.

Ngài đã là một bác sĩ y khoa cho đến năm 39 tuổi, mới đến với thiên chức linh mục một cách muộn màng.

Trong các bài tranh luận đăng trên tờ Le Figaro, Đức Hồng Y Robert Sarah đã quảng bá cuốn sách mới nhất của mình có nhan đề “Pour l’éternité”, nghĩa là “Cho sự vĩnh cửu” được nhà xuất bản Fayard phát hành, và tuyên bố rằng “đại đa số các linh mục đã trung thành với chức tư tế của các ngài. Nhưng không ai nói về điều đó”. Đó là sự thật, không ai nói về hàng ngàn linh mục này, những người không có gì phải xấu hổ. Báo chí chỉ quan tâm đến những linh mục, những người, giống như những chuyến tàu, không đến đúng giờ. Do đó, có thể hiểu tại sao Tờ Le Parisien dành hẳn một trang sáng nay cho Tổng giám mục Paris, là người vào năm 2012 bị cáo buộc có quan hệ thân mật với một phụ nữ, theo một cuộc điều tra được tờ Le Point công bố trước đó. Đức Tổng Giám Mục mạnh mẽ phủ nhận “sự tồn tại của một mối quan hệ thân mật và quan hệ tình dục”. Và tờ báo hỏi nhà khoa học chính trị Philippe Portier, một chuyên gia về Giáo hội và chủ nghĩa thế tục, câu hỏi này: “Đức Tổng Giám Mục bị nghi ngờ có quan hệ với một phụ nữ, điều đó có nghiêm trọng không?” Anh ta trả lời rằng mọi thứ rất tồi tệ sau khi báo cáo Sauvé được công bố, cho nên tình hình là nghiêm trọng “ngay cả khi những gì được đề cập ở đây là mối quan hệ giữa những người trưởng thành.”

Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Đệ Thấp áp đặt luật độc thân linh mục vào thế kỷ 11

Tuy nhiên, theo Philippe Portier, vụ việc mà Đức Tổng Giám Mục phủ nhận thẳng thừng này, một lần nữa đặt ra câu hỏi về luật độc thân linh mục và sự thanh sạch của các linh mục. Nó cũng mời gọi các bạn có cái nhìn khác và thanh thản hơn về con đường của Đức Tổng Giám Mục Aupetit. Là một bác sĩ đa khoa cho đến năm 39 tuổi, ngài đã chấp nhận chức linh mục muộn, đã thăng lên rất cao trong hàng giáo phẩm nhưng vẫn chưa được làm Hồng Y. Nếu người đàn ông này đã kết hôn hoặc đang ở trong một mối quan hệ thông thường, liệu điều đó có làm thay đổi sự cống hiến và đức tin của anh ta không?

Khi được hỏi về luật độc thân linh mục, nhà khoa học chính trị nhớ lại điều này: trong thiên niên kỷ đầu tiên của kỷ nguyên Kitô Giáo, các linh mục có thể kết hôn. Ở phương Tây, chính Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Đệ Thất là người đã áp đặt luật độc thân linh mục vào thế kỷ 11, nhằm làm rõ vị trí tối cao của sự thánh thiện đối với hàng giáo sĩ, khôi phục kỷ luật trong hàng giáo phẩm và ngăn không cho tài sản của Giáo Hội lọt ra ngoài từ lòng của nhà thờ để làm giàu cho những người thừa kế có thể có của họ. Sự độc thân của các linh mục vì một giáo hội đạo đức hơn là ý định ngay từ đầu. Đối với một số nhà quan sát, luật độc thân linh mục này hiện được coi là một trở ngại cho ơn gọi. 1000 năm đã trôi qua kể từ thời Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Đệ Thất.


Source:Radio Classique
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh thánh sử Luca, tác giả phúc âm Chúa Giêsu
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
18:45 24/11/2021
Hình ảnh thánh sử Luca, tác giả phúc âm Chúa Giêsu

Năm phụng vụ trong nếp sống đạo đức của Giáo Hội Công Giáo bắt đầu vào Chúa nhật thứ nhất mùa Vọng.

Năm phụng vụ mới bắt đầu vào ngày 28.11.2021 và kết thúc vào ngày 26.11.2022.

Năm phụng vụ mới 2021-2022 theo chu kỳ năm C. Trong năm này những bài phúc âm đọc trong thánh lễ Misa theo thánh sử Luca viết.

Vậy đâu là hình ảnh người đã viết phúc âm thứ ba về Chúa Giêsu?

Phúc âm Chúa Giêsu theo thánh sử Luca được sắp xếp thứ tự là phúc âm thứ ba. Vì có tất cả bốn quyển phúc âm viết về Chúa Giêsu: Thánh Mattheo, Thánh Marcô, Thánh Luca và Thánh Gioan.

Và mỗi phúc âm được các vị Thánh sử viết có mục đích, văn phong ngôn ngữ cùng nội dung đặc biệt riêng nhau. Và căn cứ theo đó mỗi phúc âm có hình ảnh biểu tượng riêng biệt nhau.

Sách phúc âm theo thánh sử Luca có hình ảnh biểu tượng là con bò, hay con chiên cừu.

Ngay nơi chương đoạn mở đầu Luca đã viết tường thuật về thầy cả Zacharia đến lượt phụng vụ vào đền thờ Jerusalem dâng lễ vật hiến tế, một con cừu hay chiên, lên Thiên Chúa Giavê, theo luật đạo Do Thái. Và trong lúc thầy cả Zacharia đang dâng lễ tế, Thiên Thần Chúa đã hiện đến báo tin là gia đình ông bà sẽ có con trai nối dõi tông đường: Gioan. (Lc 1,5-25)

Rồi Thánh sử Luca tường thuật chi tiết thi vị sống động cảnh hài nhi Giêsu, con Thiên Chúa, sinh ra ở cánh đồng vùng Bethlehem bên nước Do Thái nơi chuồng xúc vật chiên bò. ( Lc 2,1-20)

Hai bài tường thuật này chỉ có trong phúc âm của Thánh Luca. Vì thế hình ảnh chiên, bò trở thành hình ảnh biểu tượng riêng biệt của Ông.

Trong nghệ thuật văn hóa Kitô giáo, ở các thánh đường, hoặc nơi bục đọc lời Chúa, hay trên đầu chóp cột trong nhà thờ, thường có vẽ hoạc khắc đục chạm hình ảnh biểu tượng bốn vị Thánh sử của bốn phúc âm, trong đó có hình con bò hay con chiên là biểu tượng phúc âm theo Thánh Luca, như trên đỉnh góc chung quanh cung thánh đền thờ Thánh Phero ở Vatican.

Xưa nay theo truyền thống Luca được cho là học trò hay người cùng đồng hành với Thánh tông đồ Phaolo trên bước đường truyền giáo.

Theo các nhà chú giải Kinh Thánh đã nghiên cứu phân tích nhận ra Luca là người thuộc vào tầng lớp trí thức xã hội thời lúc đó. Vì cung cách hành văn của ông viết chải chuốt theo văn chương triết học Hylạp. Và nội dung cùng văn phong của Ông nói lên là người rất am hiểu Kinh Thánh tiếng Hylạp bản Septuaginta.

Luca có thể thuộc vào vòng hội đoàn những người đạo đức có tâm hồn kính sợ Thiên Chúa cùng có cảm tình mật thiết với Do Thái gíao. Luca không là môn đệ trực tiếp của Chúa Giesu Kitô, nhưng thuộc vào thế hệ thứ hai hoặc thứ ba sau những biến cố đã diễn xảy ra trong đời Chúa Giêsu Kitô.

Cũng theo truyền thống Luca là người xuất thân ở Antiochia. Nhưng có nghiên cứu cho rằng Luca xuất thân từ Mazedonia hay Philippi.

Thánh giáo phụ Hieronimus (347- 420)- người đã sống ẩn dật trong một hang động gần sát bên cạnh hang đá Chúa Giêu ngày xưa đã sinh ra ở Bethlehem, gần 40 năm dịch bộ Kinh Thánh từ tiếng Hylạp sang tiếng latinh, bản Vulgata, bản Phổ thông,- đã cho rằng Luca viết phúc âm Chúa Giêsu ở Achaja, và qua đời ở Theben. Như thế Luca đã sinh sống bên Hylạp.

Luca viết phúc âm vào khoảng thời gian từ năm 80 đến 90. Sau Chúa giáng sinh. Ông đã có nhiều hành trình du ngoạn khắp các vùng miền đất nước chung quanh trong đế quốc Roma, và sang cả Jerusalem.

Luca viết hai tác phẩm, một về những biến cố đời Chúa Giêsu: sách phúc âm, và một về lịch sử của Giáo hội thời lúc ban đầu sau khi Chúa Giêsu Kitô trở về trời: Công vụ các tông đồ.

Luca viết thuật lại lịch sử đời Chúa Giêsu theo khung dạng kiểu tường thuật kể chuyện, nên thấm mầu sắc sinh động. Ông tường thuật lịch sử đời Chúa Giêsu như lịch sử cứu độ chữa lành cho con người: Chúa Giêsu mạc khải mình là Thiên Chúa mang ơn cứu độ.

Luca thường viết mở đầu bằng câu: Thời vua…(1,5), Hồi ấy(1,29), Thời ấy ( 2,1)… theo ngôn ngữ dạng thuật kể chuyện cổ tích thần thoại dân gian. Nhưng không vì thế Luca muốn trần tục hóa, nhưng muốn viết về lịch sử thánh nhằm nhấn mạnh đến sự tương quan giữa Thiên Chúa và con người trong xã hội.

Luca viết tường thuật lịch sử Chúa Giêsu Kitô bằng ngôn ngữ Hylạp cho người Hylạp và cho cả người Do Thái, mà lúc thời đó họ rất ưa chuộng văn hóa chữ nghĩa Hylạp.

Như thế Luca đã mặc cho những bài tường thuật của tác phẩm viết về lịch sử thánh đời Chúa Giêsu Kitô bộ y phục văn hóa ngôn ngữ Hylạp, một thứ văn hoá ngôn ngữ triết lý cao sang trong xã hội thời lúc đó.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
VietCatholic TV
Bênh vực dân nghèo: Giáo Hội bị độc tài Nicaragua trả đũa, ra đòn mạnh tay.
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:29 24/11/2021


1. Độc tài Nicaragua trả đũa Giáo Hội Công Giáo, cách chức Niên trưởng Ngoại Giao Đoàn của Sứ thần Tòa Thánh

Một sắc lệnh của tổng thống Nicaragua ảnh hưởng đến Sứ Thần Tòa Thánh tại quốc gia Trung Mỹ này vừa được đưa ra dường như là để trả đũa những bình luận của các nhà lãnh đạo Giáo hội địa phương chỉ trích cuộc bầu cử bịp bợm của Daniel Ortega và bà vợ của ông ta.

Sắc lệnh của nhà độc tài Daniel Ortega được công bố vào hôm thứ Sáu 19 tháng 11 đã tước bỏ chức vụ và vai trò niên trưởng ngoại giao đoàn của Đức Tổng Giám Mục Sứ thần Tòa Thánh tại Managua, là Đức Cha Waldemar Stanislaw Sommertag.

Ở các quốc gia có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh, chức vụ niên trưởng ngoại giao đoàn thường do Sứ thần Tòa Thánh nắm giữ, bất kể ngài đã ở quốc gia đó trong bao lâu.

Đức Tổng Giám Mục Sommertag, người Ba Lan, 53 tuổi, giữ chức vụ này từ năm 2018, đã công khai ủng hộ Giáo hội địa phương trong quan điểm bảo vệ nền dân chủ trong nước.

Công báo chính thức của Nicaragua cho biết thay đổi này hủy bỏ thỏa thuận trước đây với Vatican được thực hiện nhằm tuân thủ một điều khoản của Công ước Vienna năm 1961. Managua cho rằng Công ước Vienna đã tạo ra bất bình đẳng trong đoàn ngoại giao.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao tại Rôma, một nguồn tin của Vatican và một giáo sư luật ngoại giao cho biết rằng không ai thắc mắc về Công ước Vienna, và hành động của bọn cầm quyền Nicaragua chỉ là một đòn trả đũa Giáo Hội Công Giáo.

Ortega, một cựu lãnh đạo du kích theo chủ nghĩa Marx thời Chiến tranh Lạnh, là người đã nắm giữ chức vụ từ năm 2007, đã nhận nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp vào đầu tháng này sau khi bỏ tù các đối thủ chính trị trước cuộc bầu cử bị nhiều người lên án là không được tự do.

Trước thềm cuộc bầu cử, Hội đồng Giám mục Công Giáo Nicaragua đã ra một tuyên bố cho biết đất nước đang thiếu “những điều kiện cơ bản và không thiết yếu để tổ chức bầu cử tự do, công bằng và minh bạch”.

Trước cuộc bầu cử, tổng giáo phận Managua đã ra một tuyên bố tố cáo điều mà họ gọi là vi phạm có hệ thống các quyền chính trị và hiến pháp cũng như “các mối đe dọa đối với Giáo Hội Công Giáo các hành vi phạm tội chống lại các linh mục và giám mục”.


Source:Reuters

2. Giáo Hội Công Giáo ở Ý tổ chức ngày quốc gia cầu nguyện đầu tiên cho các nạn nhân bị lạm dụng

Giáo Hội Công Giáo ở Ý đã tổ chức ngày cầu nguyện quốc gia đầu tiên cho các nạn nhân bị lạm dụng tình dục vào hôm thứ Năm 18 tháng 11.

Đức Tổng Giám Mục Lorenzo Ghizzoni của Ravenna-Cervia, chủ tịch ủy ban bảo vệ trẻ vị thành niên của các giám mục Ý, nói rằng ngày này là một lời mời gọi “cầu nguyện, hỗ trợ các con đường phục hồi nhân bản và tinh thần cho các nạn nhân, cho bất cứ ai họ bị tổn thương, trong hay ngoài Giáo hội, các gia đình và cộng đồng bị ảnh hưởng bởi tội lỗi gây đau buồn cho những người thân yêu của họ”.

Hội đồng Giám mục Ý đã phân phát các lời cầu nguyện và các tài liệu khác trên trang web của mình để các giáo phận và giáo xứ sử dụng trong Thánh lễ hoặc các buổi cầu nguyện khác.

Sáng kiến này nhằm đáp lại lời mời gọi năm 2016 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đưa ra cho các giám mục trên toàn thế giới nhằm thiết lập một ngày cầu nguyện cho những người bị lạm dụng tình dục.

Đề xuất về một “Ngày cầu nguyện chung” đã được một nạn nhân đề nghị với Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên của Vatican, gọi tắt là PCPM.

Theo thông cáo báo chí ngày 17 tháng 11 từ PCPM, “theo kinh nghiệm của các thành viên của chúng tôi, các nạn nhân thường bày tỏ mong muốn cầu nguyện như một yếu tố quan trọng trong quá trình chữa lành của họ.”

Các giáo phận trên khắp nước Ý đã cử hành ngày này theo những cách khác nhau. Tại Tổng Giáo phận Milan, Đức Tổng Giám Mục Mario Delpini đã chủ sự chầu Thánh Thể và cử hành Thánh lễ trong nhà thờ chính tòa trong ngày cầu nguyện 18 tháng 11.

Tại Genoa, Đức Tổng Giám Mục Marco Tasca tuyên bố rằng Tổng giáo phận sẽ cử hành ngày cầu nguyện vào Chúa Nhật, ngày 21 tháng 11, với các giáo xứ cầu nguyện một lời cầu nguyện do hội đồng giám mục viết.

Lời cầu nguyện bắt đầu: “Lạy Cha, nguồn sự sống, với lòng khiêm nhường và nỗi tủi nhục, chúng con xin dâng lên Cha sự xấu hổ và hối hận về những đau khổ đã gây ra cho những người nhỏ bé và dễ bị tổn thương nhất của nhân loại, và chúng con xin Cha tha thứ”.

“Lạy Chúa Giêsu, là Ngôi Hai Thiên Chúa đã đến để mạc khải lòng thương xót của Chúa Cha, chúng con phó thác cho Chúa tất cả những ai đã bị lạm dụng bởi quyền lực, tinh thần và lương tâm, thể xác và tình dục; xin cho vết thương của họ được chữa lành nhờ dầu xoa dịu là Lòng Thương Xót của Chúa và lòng cảm thương của chúng con, cầu mong cho họ tìm thấy sự chào đón và giúp đỡ của tình huynh đệ, cầu cho trái tim họ được bao bọc bởi sự dịu dàng và tràn đầy hy vọng.”

Các giám mục Ý đã chọn ngày 18 tháng 11 vì nó tương ứng với Ngày Âu Châu về Bảo vệ trẻ em chống lại sự bóc lột tình dục và lạm dụng tình dục.
Source:Catholic News Agency

3. Đức Hồng Y Seán O'Malley cho rằng báo cáo tại Pháp là đáng ngạc nhiên

Giáo hội không thể sửa chữa những gì mình không nhìn nhận, Đức Hồng Y O'Malley đã cho biết như trên nói về tội lỗi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ.

Thu thập thông tin thành các số liệu thống kê về lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên là một công cụ quan trọng để đánh giá các phản ứng đã được thiết lập và đưa ra các khuyến nghị để khắc phục một hệ thống không thành công, Đức Hồng Y Hoa Kỳ Seán P. O'Malley của Boston, chủ tịch của Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ trẻ vị thành niên cho biết như trên.

“Chúng ta không thể sửa chữa những gì chúng ta không nhận ra. Chúng ta không thể khôi phục lại niềm tin đã đổ vỡ nếu chúng ta không giải quyết trọng tâm của vấn đề. Điều này đòi hỏi sự điều tra trung thực, điều tra độc lập và hành động theo những gì nhận được”, Đức Hồng Y nói trong một thông điệp, được công bố vào ngày 18 tháng 11, Ngày Âu Châu về Bảo vệ trẻ em chống lại bóc lột tình dục và lạm dụng tình dục.

Trong số các trường hợp đã được biết đến, 70% đến 85%, việc bóc lột và lạm dụng tình dục trẻ em được thực hiện bởi một người nào đó mà đứa trẻ biết, tức là một người nào đó “trong vòng tin tưởng của chúng”.

Tổ chức Y tế Thế giới ước tính rằng 1/5 phụ nữ và 1/13 nam giới bị lạm dụng tình dục trước sinh nhật 18 tuổi và ít nhất 60% nạn nhân trẻ em không bao giờ tiết lộ việc bị lạm dụng, Đức Hồng Y O'Malley cho biết trong thông điệp của mình.

“Dữ liệu gần đây nhất mà chúng tôi nhận được về phạm vi lạm dụng tình dục trẻ em trong Giáo Hội Công Giáo cũng không kém phần nghiệt ngã”, ngài nói, trích dẫn những phát hiện gần đây của Ủy ban Độc lập về Lạm dụng Tình dục trong Giáo Hội Công Giáo ở Pháp. Báo cáo đó cho biết ước tính có khoảng 216,000 trẻ em bị các linh mục lạm dụng kể từ năm 1950, và hơn 100,000 trẻ em khác bị lạm dụng bởi các nhân viên giáo dân của các cơ sở giáo hội.

“Tại Úc, 40% vụ lạm dụng tình dục trẻ em diễn ra trong giai đoạn đang được Ủy ban Hoàng gia xem xét xảy ra trong một khu vực liên quan đến Giáo Hội Công Giáo,” vị Hồng Y nói thêm.

“Đây là những thống kê đáng kinh ngạc. Nhưng chúng ta không thể để phản ứng của mình đối với chúng che khuất mục đích của chúng: Chúng ta cần đánh giá các biện pháp mà Giáo Hội thực hiện để điều trị tai họa này và đưa ra tất cả các khuyến nghị hữu ích cho việc chuyển đổi một hệ thống thất bại dựa trên các phân tích định lượng và định tính.”

Giáo Hội phải cởi mở để học hỏi từ xã hội dân sự và giới học thuật “về các mô hình nghiên cứu khoa học để có cách tiếp cận giầu thông tin hơn đối với các chiến lược phòng ngừa và các chính sách bảo vệ của chúng ta.”

Giáo hội cũng phải làm việc với các nạn nhân. Theo Đức Hồng Y, cả ủy ban và Đức Giáo Hoàng Phanxicô đều tin rằng những người nam nữ này “nắm giữ chìa khóa để giúp chúng ta thực hiện các chính sách và thủ tục có ý nghĩa và hiệu quả.”


Source:Boston Pilot

 
ĐTC cử hành lễ cầu hồn cho danh thủ Maradona. Vị Tổng Giám Mục Mỹ mến mộ Đức Mẹ La Vang
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:56 24/11/2021


1. Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ cầu hồn cho danh thủ Maradona

Theo thông báo của Raffaele Auriemma trên các phương tiện truyền thông xã hội, sáng thứ Năm 25 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh lễ cầu hồn cho danh thủ túc cầu Á Căn Đình Maradona tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô có một buổi tiếp kiến riêng với bạn bè và người thân của anh.

Danh thủ Diego Maradona đã qua đời vào ngày 25 tháng 11, năm ngoái tại nhà riêng ở thành phố Tigre, Á Căn Đình, do nghi ngờ bị mắc chứng suy tim mãn tính.

Vatican News cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô tưởng nhớ Diego Armando Maradona trong lời cầu nguyện sau cái chết của nhà vô địch túc cầu Á Căn Đình ở tuổi 60.

Anh sinh ngày 30 tháng 10, 1960 và qua đời vào khoảng 12 giờ trưa giờ địa phương ngày 25 tháng 11, năm ngoái.

Ở tuổi vừa quá sáu mươi một chút, anh để lại một khoảng trống không thể lấp đầy trong thế giới túc cầu, và thế giới đã thương tiếc một thiên tài thể thao mà chúng ta sẽ không bao giờ gặp lại.

Anh đã giúp đội Á Căn Đình đoạt giải Vô địch Túc cầu Thế giới năm 1986, hôn chiếc cúp, nâng niu nó và giơ nó trên cao trong Sân vận động Azteca khổng lồ của Mễ Tây Cơ. Đó là đỉnh cao trong sự nghiệp của Diego Maradona và đó là lúc thể lực của anh đang ở đỉnh cao nhất trong cuộc đời thể thao mình.

Sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó, Diego đã tự vươn lên bằng những chiến tích của mình, mê hoặc các đối thủ và nhận được sự tôn trọng của người hâm mộ thể thao trên toàn thế giới.

Quả bóng như được dán vào bàn chân trái, gọi là bàn chân vàng của anh. Ở đỉnh cao của anh, Diego Maradona không có đối thủ nào sánh bằng.

Nhưng giống như những thiên tài khác, kỹ năng và sự sáng suốt của anh chỉ giới hạn trong một lĩnh vực cụ thể, và anh ấy phải vật lộn một cách khó khăn trong các khía cạnh khác của cuộc sống của mình, bị bủa vây bởi những vấn đề liên quan đến ma túy và rượu, là điều mà anh ấy không bao giờ tìm cách bào chữa hay che giấu, nhưng chiến đấu với chúng bằng tất cả sức lực của mình, và công khai chúng như một lời cảnh giác cho giới trẻ.

Cũng có những khi anh cùng đồng đội đã phải trải qua một số trận chiến không thể thắng được đối phương. Trong những tình huống như thế, chính cách họ dũng cảm chiến đấu đã làm cho chiến công của họ trở nên đáng nhớ.

Trong trận tứ kết giải Vô địch Túc cầu Thế giới năm 1986 đầy huyền thoại đó, anh đã khiến Đội tuyển Anh tức giận với bàn thắng nhờ “Bàn tay của Chúa”, nhưng vài phút sau đó đã khiến họ trải qua từ kinh ngạc này đến kinh ngạc khác, với bàn thắng vĩ đại nhất của mọi thời đại, khi anh chạy lắt léo vượt qua hàng tiền vệ và hàng hậu thủ, đánh bại sáu cầu thủ Anh và ghi bàn trong sự tuyệt vọng của thủ môn Peter Shilton.

Chỉ Diego Armado Maradona mới có thể ghi được bàn thắng đó. Chưa bao giờ có ai có thể ghi bàn trong một tình huống cam go như thế.

Gary Lineker, người đã từng là một ngôi sao và là thành viên của đội tuyển Anh, đã bày tỏ sự tôn kính sau cái chết của Maradona. Anh nói: “Diego là cầu thủ xuất sắc nhất trong thế hệ của tôi và được cho là vĩ đại nhất mọi thời đại”.

Pele, người cạnh tranh với Diego cho vị trí đầu bảng nói: “Tôi đã mất một người bạn tuyệt vời và thế giới đã mất đi một huyền thoại. Một ngày nào đó tôi hy vọng chúng ta có thể chơi bóng cùng nhau trên trời”.

Diego đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô - một người hâm mộ anh - trong một số dịp, đáng chú ý nhất là vào ngày 4 tháng 9 năm 2014 tại Casa Santa Marta, trước một trận đấu để gây quỹ bác ái. Diego đã tặng Đức Giáo Hoàng chiếc áo số 10 nổi tiếng với chữ “Francisco” được thêu trên đó.

Họ gặp lại nhau một năm sau đó, vì các công việc liên quan đến phong trào Scholas Occurrents trên toàn thế giới của Đức Giáo Hoàng dành cho những người trẻ tuổi, những người là niềm hy vọng của thế giới chúng ta.

Năm ngoái, vào ngày 2 tháng 11, Maradona phải nhập viện ở La Plata. Một ngày sau, anh được phẫu thuật não khẩn cấp để điều trị khối máu tụ trong não. Vatican News cho biết Đức Thánh Cha đã cầu nguyện cho anh trong thời gian căng thẳng này. Anh được xuất viện vào ngày 12 tháng 11 sau khi phẫu thuật thành công và được các bác sĩ giám sát như một bệnh nhân ngoại trú. Rồi đột nhiên có tin anh qua đời trong một cơn đau tim.

Sau cái chết của Maradona, một giám mục người Á Căn Đình đã khuyến khích anh chị em giáo dân cầu nguyện cho linh hồn của siêu sao túc cầu này.

“Chúng ta hãy cầu nguyện cho anh ấy, để anh ấy được nghỉ yên muôn đời, xin Chúa đón nhận anh ấy vào lòng, xin Ngài trìu mến nhìn đến anh với tình yêu và lòng thương xót,” Đức Cha Eduardo Garcia, Giám Mục của San Justo nói với El Digital.

Câu chuyện của Maradona là “một tấm gương về sự vượt qua”, vị giám mục nói. Ngài lưu ý về hoàn cảnh khiêm tốn trong cuộc sống ban đầu của anh. “Đối với nhiều trẻ em đang gặp hoàn cảnh khó khăn, câu chuyện của anh khiến họ mơ về một tương lai tốt đẹp hơn. Anh ấy đã làm việc và đã đến những nơi quan trọng mà không quên cội nguồn của mình “.

Đức Cha Garcia ghi nhận công việc vì người nghèo đã chiếm hết thời gian của Maradona trong những năm cuối đời của anh.
Source:TuttoNapoli

2. Tổng giám mục Denver chỉ trích hành vi phá hoại tài sản Công Giáo

Đức Tổng Giám Mục Samuel Aquila của Denver tuần này đã chỉ trích sự gia tăng đáng kể và được ghi nhận cụ thể gần đây về các hành vi phá hoại và đốt phá tài sản Công Giáo ở Hoa Kỳ, và gọi các vụ phá hoại có mục tiêu là đáng “kinh hoàng”.

Viết trên tờ Washington Post ngày 18 tháng 11, Đức Tổng Giám Mục Aquila lưu ý rằng các giám mục Hoa Kỳ đã ghi lại ít nhất 100 trường hợp phá hoại, đốt phá và phá hủy tài sản Công Giáo trên toàn quốc kể từ tháng 5 năm 2020.

Các biến cố bao gồm vẽ bậy lên tường nhà thờ, chặt đầu hoặc đập vỡ các tượng Công Giáo, vẽ hình chữ thập ngoặc và đốt phá các bia mộ. Nhiều biến cố khác có thể đã không được thông báo rộng rãi.

Cụ thể, Đức Tổng Giám Mục Aquila đã nêu bật một vụ việc vẽ bậy tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở Denver vào tháng trước, trong đó một phụ nữ đơn độc, một người ủng hộ quyền phá thai, đã vẽ những khẩu hiệu phun sơn như “Satan sống ở đây” trên tường của tòa nhà lịch sử.

Theo Đức Tổng Giám Mục Aquila, “Nó giông như quay trở lại đầu thế kỷ 20 hoặc cuối thế kỷ 19, khi một làn sóng nhập cư những người Công Giáo vấp phải sự phản kháng công khai của một nền văn hóa chủ yếu là Tin lành”.

“Là người Công Giáo, chúng ta nhận ra rằng đây là một cuộc khủng hoảng tinh thần. Chúng ta cầu nguyện cho sự kết thúc của những cuộc tấn công kinh hoàng như vậy và cho tình yêu của Thiên Chúa xua đuổi sự căm ghét trong những kẻ gây án, bất kể họ đã nhắm mục tiêu vào ai. Tuy nhiên, là người Mỹ, chúng ta cũng thấy rõ một cuộc khủng hoảng văn hóa. Những người có thiện chí, dù theo tôn giáo hay không, phải lên án và đối đầu với các xu hướng xã hội khuyến khích các cuộc tấn công vào các nơi thờ phượng - là những xu hướng vượt xa tôn giáo trong cố gắng bóp nghẹt quyền tự do phát biểu của người khác.”.

Kể từ tháng 2 năm 2020, chỉ riêng tại Tổng giáo phận Denver, ít nhất 25 giáo xứ hoặc cứ điểm truyền giáo đã là mục tiêu của các hoạt động phá hoại, đốt phá tài sản hoặc trộm cắp.

Đức Tổng Giám Mục Aquila chỉ ra rằng người Công Giáo không phải là nhóm tôn giáo duy nhất bị nhắm tới trong những tháng gần đây. Các nhà thờ Tin lành của người Mỹ gốc Phi, các ngôi chùa Phật giáo, đền thờ Hồi giáo, hội đường Do Thái và các nghĩa trang đều đã phải hứng chịu nhiều cuộc tấn công khác nhau trong một năm rưỡi qua.

Nhìn chung, tội ác thù hận, bao gồm các cuộc tấn công có động cơ tôn giáo, có thể sẽ lập kỷ lục cao nhất trong 20 năm qua vào năm 2021.

Đức Tổng Giám Mục nhận xét rằng: “Cuộc đối thoại tôn trọng đã nhường chỗ cho sự đối đầu gay gắt. Trước đây, người ta cố gắng thay đổi người khác thông qua sức mạnh của lý lẽ trí tuệ, đạo đức và sự phân định kỹ lưỡng. Ngày nay, đường lối của nhiều người là vũ lực. Nó thường diễn ra dưới các hình thức bạo lực hoặc phá hoại”.

Đức Cha Aquila đã viết rằng khi sự gây hấn là một phản ứng được chấp nhận rộng rãi đối với sự khác biệt về quan điểm, thì “nền dân chủ không thể tồn tại.”

Đức Cha Aquila kết luận rằng: “Mọi người đều có vai trò trong việc đưa nước Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng này. Bất kể niềm tin cá nhân của chúng ta là gì, chúng ta phải lấy lại sự tôn trọng đối với phẩm giá của con người”.
Source:Catholic News Agency

3. Tại sao Indianapolis được chọn làm địa điểm tổ chức Đại hội Thánh Thể? Đức Tổng Giám Mục giải thích

Một nửa nước Mỹ sống cách Indianapolis không quá một ngày lái xe.

Các giám mục Hoa Kỳ hy vọng có tới 100,000 người Công Giáo xuất hiện tại Thành phố Circle trong vòng ba năm kể từ bây giờ cho đại hội Thánh Thể toàn quốc đầu tiên kể từ năm 1976.

“Người dân của chúng tôi rất vui mừng về những gì có thể có ý nghĩa đối với chúng tôi với tư cách là gia đình, cá nhân, giáo xứ, giáo phận, và với tư cách là một Giáo hội trên khắp đất nước,” Đức Tổng Giám Mục Charles C. Thompson của Indianapolis nói với CNA vào ngày 17 tháng 11.

Trước đó cùng ngày, Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã công bố thành phố này là địa điểm của Đại hội Thánh Thể Quốc gia, dự kiến diễn ra từ ngày 17 đến 21 tháng 7 năm 2024. Cuộc họp sẽ đánh dấu đỉnh cao của chiến dịch phục hưng Thánh Thể kéo dài ba năm của các giám mục Hoa Kỳ, bắt đầu từ ngày 19 tháng 6 năm 2022 nhân ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa.

Denver, Atlanta và Indianapolis đều nằm trong danh sách đã được chọn lọc các thành phố có thể đăng cai, Đức Tổng Giám Mục Thompson nói.

Cuối cùng, vị trí trung tâm của thành phố Circle, các cơ sở hội nghị được đánh giá cao và kinh nghiệm tổ chức các sự kiện lớn, bao gồm Super Bowl, vòng loại trực tiếp NBA năm ngoái và Giải vô địch túc cầu đại học 2022 vào ngày 10 tháng Giêng, là các yếu tố đã khiến Indianapolis được chọn.

Đức Cha Thompson lưu ý, trung tâm hội nghị của thành phố, sân vận động Lucas Oil với 70,000 chỗ ngồi và mạng lưới các khách sạn lớn đều được kết nối với nhau, giúp những người tham gia sự kiện dễ dàng di chuyển từ địa điểm này sang địa điểm khác mà không cần ra ngoài trời.

Đức Cha Thompson đã bay về nhà vào ngày 18 tháng 11 để tham dự Hội nghị Thanh niên Công Giáo Quốc gia, được tổ chức tại Indianapolis từ ngày 18 đến 20 tháng 11.

Đã 45 năm kể từ đại hội Thánh Thể cuối cùng của Hoa Kỳ, ở Philadelphia. Vì thế, những người Công Giáo Hoa Kỳ cần được bồi dưỡng về những gì đang thực sự xảy ra.

Nói tóm lại, đây là một cuộc cử hành tập trung coi Bí tích Thánh Thể là trung tâm của đời sống Công Giáo, với các Thánh lễ, giờ chầu, đám rước, và những diễn giả truyền cảm hứng, và các sự kiện khác nữa. Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52 đã diễn ra tại Budapest, Hung Gia Lợi từ ngày 5 đến 12 tháng 9, đã được đánh giá rất cao.

Việc thành phố lựa chọn làm chủ nhà của đại hội năm 2024 sẽ có nghĩa là sẽ có nhiều công việc hơn cho tổng giáo phận, nhưng Đức Cha Thompson nói với CNA rằng ngài tin rằng các nhân viên của mình sẵn sàng đối mặt với các thách thức.

Ngài cho rằng Indianapolis là một lựa chọn phù hợp, vì nhiều lý do.

“Indiana được mệnh danh là ngã tư của nước Mỹ. Khi tôi nghĩ về những ngã tư, tôi nghĩ về cây thánh giá. Và nếu không có thập giá, sẽ không có Thánh Thể. Chúa Giêsu vào đêm Thứ Năm Tuần Thánh đưa ra một gương mẫu tuyệt vời về sự phục vụ, nhưng ngài cũng ban cho chúng ta Mình Máu Thánh của ngài”.
Source:Catholic News Agency
 
Thánh Ca
Cuộc Đời Sẽ Qua Đi – Sáng Tác: Đinh Công Huỳnh – Trình Bày: Ca Sĩ Kim Thúy
Kim Thúy
04:12 24/11/2021