Ngày 26-11-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tỉnh táo đề phòng
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
05:01 26/11/2021


Sống cho ra người là điều rất khó.

Trong các sinh vật Thiên Chúa dựng nên trên mặt đất, con người là thụ tạo thượng đẳng, ưu tú, thông minh, tuyệt vời nhất. Tuy nhiên, con người là loài thụ tạo phải đối mặt với nhiều cạm bẫy nhất.

Vô vàn cạm bẫy giương ra với nhiều mồi ngon cuốn hút và nhiều bả độc hấp dẫn như lạc thú, danh vọng, tiền tài, sắc dục, ham muốn xấu xa đê hèn… ngày đêm cám dỗ, lôi cuốn con người vào chỗ chết.

Tự thâm tâm, con người cảm thấy mình được mời gọi vươn lên, vượt lên thú tính để sống cho ra người, sống cao đẹp, tốt lành, thánh thiện, đạo đức… nhưng đồng thời có rất nhiều ma lực xô đẩy con người xuống vực, cố dìm con người xuống bùn đen.

Thân phận con người như chiếc thuyền nan bơi ngược dòng nước xiết, phải luôn kiên vững tay lái tay chèo, vượt qua bao nhiêu ghềnh đá để tiến lên đầu nguồn; bao giờ buông lái, buông chèo thì thuyền bị xô dạt và chìm đắm.

Vì thế, lắm người phải rơi vào vực sâu tội lỗi, không ít người đã chìm đắm trong bùn lầy xấu xa. Tránh xa cạm bẫy để sống cho ra người là điều rất khó.

Cá dễ ươn, thây ma mau thối, con người dễ hư!

Một thực tế đau lòng là so với các đồ vật khác, con người dễ bị hư hỏng suy sụp hơn nhiều. Một ngôi nhà xây dựng sơ sài cũng có thể đứng vững trước giông tố và tồn tại đến cả chục năm. Con thuyền mong manh cũng thách thức được với sóng gió nhiều năm tháng dài. Cái bàn, cái tủ được sử dụng cả vài chục năm vẫn còn tốt... Trong khi con người, tuy là thụ tạo thượng đẳng nhưng rất mỏng giòn yếu đuối, dễ thối dễ hư!

Hằng ngày, các phương tiện truyền thông thuật lại vô số cảnh đời sa đoạ dưới nhiều hình thức: người thì suy sụp vì ma tuý, người thì sa đoạ vì gian dâm, vì men rượu, vì lợi, vì tiền, vì nhiều hình thức đồi truỵ khác...

Mọi lứa tuổi, mọi thành phần, ngay cả một số người có địa vị cao trong xã hội cũng như chức sắc trong các tôn giáo, vì thiếu tỉnh thức nên cũng bị sa ngã, bị lún sâu xuống bùn.

Người ta thường nói: “Khôn ba năm, dại một giờ”, nhưng có khi khôn đến năm mươi, bảy mươi năm rồi cũng hoá dại trong một giờ!

Cá dễ ươn, thây ma mau thối, con người dễ hư. Đáng sợ thay!

Tỉnh táo đề phòng

Chính vì thế, Chúa Giê-su thường nhắc bảo chúng ta: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn!... Hãy đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em…” (Lc 21,34). Còn thánh Phao-lô thì cảnh báo: “Những ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã” trong nay mai (I Cr 10,12).

Vì cạm bẫy giăng đầy khắp nơi và lòng người yếu đuối, nên lời nhắn nhủ của Chúa Giê-su: “Hãy đề phòng… Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn…” là một tiếng chuông cảnh tỉnh luôn luôn cần.

Lạy Chúa Giê-su,

Xin cho chúng con thấy rõ thân phận giòn mỏng, yếu đuối của mình và nhận ra rất nhiều cạm bẫy nguy hại đang vây bủa khắp nơi, để luôn tỉnh táo, đề phòng; nhờ đó, chúng con sống xứng đáng là người con Chúa và không đánh mất phẩm chất cao đẹp của mình. Amen.
 
Mùa Vọng giữa mùa dịch
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
06:08 26/11/2021
MÙA VỌNG GIỮA MÙA DỊCH - ĐIỂM RƠI CẦN THIẾT
CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM C

Mùa Vọng lại về. Sứ điệp mùa Vọng là chính lời Chúa Giêsu lại vang lên: “Tỉnh thức và cầu nguyện” . Sứ điệp ấy quen thuộc như hơi thở của bản thân.

Như hơi thở cần cho sự sống, sứ điệp mùa Vọng “tỉnh thức và cầu nguyện” cần thiết đến vô cùng, để đưa ta vào nếm hưởng hạnh phúc vĩnh cửu. Bởi sống trong đời, biết mình là Kitô hữu mà không tỉnh thức, không cầu nguyện, đồng nghĩa với việc ta chỉ mang danh mà không thực là Kitô hữu.

Tỉnh thức và cầu nguyện là hai chiều kích thánh thiêng bổ sung cho nhau nơi một tâm hồn biết để Chúa chiếm ngự, nơi một tâm hồn thực sự là tâm hồn Kitô hữu. Nói tỉnh thức và cầu nguyện là hai chiều kích thánh thiêng bổ sung cho nhau, là bởi:

1. Tỉnh thức giúp ta cảnh giác thói hư tật xấu, cảnh giác tội lỗi, không để những cái xấu thế trần ảnh hưởng, hoặc làm mất đi sự thánh thiện trong tâm hồn tín hữu. Nói cách khác, sống tinh thần tỉnh thức là biết ăn năn thống hối, biết dọn tâm hồn bằng một đời sống nhân đức để Chúa có thể chiếm ngự tâm hồn, và tâm hồn thuộc về Chúa hoàn toàn.

2. Cầu nguyện là phương thế tốt nhất để gắn kết phàm trần với thiêng liêng, gắn kết con người với Thiên Chúa. Vì thế, chỉ cần ham thích cầu nguyện, tự bản thân của việc cầu nguyện đã đưa ta về phía Chúa, đã là cách ta mở đường để Chúa đến chiếm ngự hồn ta.

Cầu nguyện là ta đi tìm Thiên Chúa, để bắt gặp chính Ngài là Đấng hằng đợi chờ, tìm kiếm ta. Bởi con người, cái phàm trần yếu đuối, đã có thể tìm gặp Thiên Chúa, Đấng thánh tuyệt đối, từ ngàn xưa đã đi tìm loài người. Nhờ thế, cái phàm trần yếu đuối nơi loài người càng được thánh hóa, càng vững mạnh, càng được củng cố, càng lãnh nhận nguồn ơn tuyệt hảo là chính Chúa, sức mạnh vô cùng cho loài người.

3. Một Kitô hữu lại luôn luôn có Chúa làm sức mạnh, làm “côn trượng”, “làm núi đá” nương thân như thế, chắc chắn sẽ là người dễ dàng đứng ngoài vòng vây hãm của cám dỗ, của sự dữ và tội lỗi hơn.

Chính vì thế, tỉnh thức và cầu nguyện luôn bổ sung cho nhau, cần có nhau, tương qua lẫn nhau. Bởi đã cầu nguyện thì người luôn luôn cầu nguyện chắc chắn là người luôn luôn tỉnh thức.

Càng tỉnh thức, người ta càng thấy nhu cầu của sự cầu nguyện là không bao giờ hết, trái lại tỉnh thức bao nhiêu thì đòi sự cầu nguyện càng tăng trưởng bấy nhiêu.

Có tỉnh thức, có cầu nguyện, linh hồn ta có Chúa. Còn có hạnh phúc nào bằng hạnh phúc ta có Chúa chiếm ngự hồn mình. Có Chúa chiếm ngự trong hồn, cánh cửa của hạnh phúc đời đời sẽ không bao giờ đóng lại nhưng đời đời mở ra cho ta, đưa ta vào lối trường sinh, sống trong lòng Thiên Chúa Vĩnh Cửu.

4. Cũng vậy, một khi thực sự sống sứ điệp mùa Vọng: Hãy tỉnh thức và cầu nguyện, chúng ta cũng sẽ trở nên đồng hình đồng dạng hoàn toàn với Chúa Kitô, Chúa chúng ta.

Tỉnh thức và cầu nguyện thực sự bằng cả cuộc đời mình, ta sẽ không còn dễ bị ru ngủ bởi những hoan lạc trần thế. Sẽ không còn một tình trạng trì trệ, nặng nề, say sưa, thói nuông chiều thân xác… lôi kéo xa rời tình yêu của Chúa.

5. Bước vào mùa Vọng là bước vào hành trình chuẩn bị tâm hồn mừng mầu nhiệm Con Thiên Chúa nhập thể làm người. Nhưng trong tình hình dịch tễ nặng nề, nguy cơ bùng phát ngày càng cao, báo trước một lễ Giáng Sinh đìu hiu, kém lộng lẫy hơn, kém xa hoa hơn, kém tấp nập hơn...

Tuy nhiên, trong cái nhìn đức tin, đó lại là cơ may để ta dễ dàng chuẩn bị cho một đời sống tinh thần, biết nội tâm hóa và thiêng liêng hóa hơn.

Chắc chắn sẽ có một lễ Giáng Sinh mà người ta phải: Bớt đi vật chất để dễ nâng cao tinh thần; bớt đi những xôn xao bên ngoài để dễ đi vào lòng mình; bớt đi những kiểu dáng đẹp mắt từ những trang trí để dễ kiểm soát thói hư tật xấu mà chỉnh trang tâm hồn; bớt đi những thanh âm rạo rực để dễ lắng nghe cõi riêng tư; bớt đi những xập xình của thói mừng lễ phồn hoa đô hội để dễ tìm về thế giới của ơn thánh...

Và biết đâu khi phải bớt đi những tụ điểm, những bar, những nhà hàng, những phố đèn đỏ, những loại hình kinh doanh lợi dụng Giáng Sinh hoặc biến Giáng Sinh thành lễ hội, thành chốn tội lỗi... để có thể trả lại cho đêm Giáng Sinh đúng nghĩa của đêm Thánh, đêm An Bình, đêm Tình Trời gặp gỡ lòng người, đêm của ơn Tình Yêu cứu độ...!

Vì thế, mùa Vọng giữa mùa dịch: ĐIỂM RƠI cần thiết hết sức để nhà nhà, người người, bắt đầu từ hôm nay, chuẩn bị cho mình sống một lễ Giáng Sinh, sau đó là một mùa Giáng Sinh đã đầy đủ một tâm thế của những tâm hồn đi qua trọn vẹn sứ điệp của Chúa Giêsu: TỈNH THỨC - CẦU NGUYỆN.
 
Chìa Khóa Vào Nước Trời: Lòng Tin
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa –
09:53 26/11/2021
Chìa Khóa Vào Nước Trời: Lòng Tin

(Thứ Hai sau Chúa Nhật I Mùa Vọng – Mt 8,5-11)

Trong Nghi thức khai tâm Kitô giáo cho người lớn, Giáo hội dạy anh chị em dự tòng rằng đức tin là chìa khóa mở ra con đường đem lại cho họ sự sống đời đời. Tin Mừng hôm nay ngày thứ Hai sau Chúa Nhật I Mùa Vọng tường thuật chuyện một viên đại đội trưởng người Rôma, gốc lương dân, có người đầy tớ bị tê bại, ông đến xin Chúa Giêsu chữa lành. Chúa Giêsu nói là chính Người sẽ đến nhà chữa cho nó. Viên đại đội trưởng đã đáp: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh. Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: Đi!, là nó đi, bảo người kia: Đến!, là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi: Làm cái này!, là nó làm. Nghe vậy, Chúa Giêsu ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng: Tôi bảo thật các ông: Tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế” (x.Mt 8,5-10).

Sau khi nói những lời ấy thì Chúa Giêsu còn cho thấy thêm một sự thật khiến chúng ta phải vửa kinh ngạc vừa phải biết xét đo lòng tin mình: “Tôi nói cho các ông hay: “Từ phương Đông phương Tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Abraham, Isaác và Giacóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó ngừoi ta sẽ phải khóc lóc, nghiến răng”(Mt 8,11-12).

Qua câu chuyện trên và đặc biệt qua những lời khẳng định có tính cách long trọng của Chúa Giêsu với hạn từ mở đầu “Quả thật” (Amen) thì chúng ta xác tín rằng lòng tin không hệ tại ở tôn giáo này hay tôn giáo kia, dân tộc này hay quốc gia nọ…Vì bằng chứng là nhiều người Do Thái giáo thời bấy giờ, dù là dân được Thiên Chúa tuyển chọn, nhưng chưa có lòng tin mạnh mẽ như vị đại đội trưởng gốc dân ngoại kia. Và khi Chúa Giêsu nói người ta từ Đông chí Tây vào dự tiệc Nước Trời thì hẳn Người muốn khẳng định rằng họ đã có lòng tin cách nào đó. Vậy thử hỏi lòng tin là gì? Dựa vào các dữ kiện liên quan đến vị đại đội trưởng chúng ta có thể nhận ra một vài sự thật về lòng tin như sau:

Lòng tin là thái độ sống được kết hợp giữa tình yêu và sự luận lý của trí khôn. Chỉ là một người đầy tớ trong nhà thế mà vị đại đội trưởng đã yêu thương đến nỗi tự mình thân chinh đến gặp Chúa Giêsu để cầu xin ơn chữa lành. Rồi khi nghe Chúa Giêsu nói sẽ đến nhà thì ông đã xin Người khỏi cần đến vì sợ rằng Người sẽ bị lỗi luật Do Thái giáo. Người Do Thái giáo vào nhà dân ngoại là mắc phải ô uế. Ông đã dùng luận lý dựa trên khả năng và quyền hạn nhỏ bé của mình để vững vàng tin vào quyền năng của Chúa Giêsu rồi xin Người khỏi cần đến nhà mà chỉ phán một lời thì đầy tớ ông sẽ lành mạnh. Giáo hội dạy đức tin trên hết là ơn Chúa ban, nhưng phần con người cần đón nhận bằng tấm lòng thành và sự hiểu biết của trí khôn.

Một biểu hiện của lòng tin đó là khiêm nhu nhìn nhận sự hạn chế và bất lực của mình trước nhiều hiện thực của cuộc sống và rồi phó thác cậy trông vào Đấng quyền năng trên mình. Vị đại đội trưởng hiểu rằng dù mình có thể sai bảo thuộc hạ hay gia nhân làm điều này làm điều kia, nhưng ông không chỉ ý thức rõ mà còn chân nhận rằng ông bất lực trước bệnh tật của người đầy tớ. Người có lòng tin không chỉ khiêm nhu nhìn nhận mình không chỉ bất lực trước nhiều thiện hảo đời này mà con bất lực trước hạnh phúc vĩnh cửu mai sau. Từ động thái khiêm nhu này đã và đang có rất, rất nhiều người từ Đông chí Tây, từ Bắc chí Nam biết hướng tâm hồn lên Đấng trên cao với lòng cậy trông, sự khẩn nài. Và lòng thành của họ đã được Thiên Chúa đoái nhận.

“Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh”. Giáo hội lấy lại lời của viên sĩ quan đại đội trưởng xưa để đoàn tín hữu tuyên xưng đức tin trước khi lãnh nhận Thánh Thể. Tuyên xưng đức tin là với cả tấm lòng thành và lý trí suy biết, nhìn nhận Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong bí tích Thánh Thể. Tuyên xưng đức tin là khiêm nhu nhìn nhận mình không đáng rước Chúa ngự vào lòng, nhưng nhờ Chúa đoái thương ngự đến thì mình sẽ nên xứng đáng hơn. Và một nét biểu hiện trở nên xứng đáng hơn, khi Chúa thương ngự đến nhà, như trong trường hợp ông Giakêu đó là biết đổi thay, nghiêm chỉnh sống đức công bình và quảng đại sống đức ái (đền trả gấp bốn cho người bị hại và chia sẻ một nửa gia tài cho kẻ khó) (x.Lc 19,1-10).

Lạy Chúa, con tin, nhưng xin củng cố đức tin còn non kém của chúng con.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Mùa Vọng: Cuộc Gặp Gỡ Tay Bắt Mặt Mừng
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
09:56 26/11/2021
Mùa Vọng: Cuộc Gặp Gỡ Tay Bắt Mặt Mừng

(Chúa nhật I Mùa Vọng năm C 2021)

Thế là Mùa Đông đã trở lại. Với không ít người, Mùa Đông mang về “ấm áp”, những giọt ấm thân thương của mùi ngô nướng hay nồi cũ khoai nóng bên bếp lửa gia đình:

Em có phải đông đã về vang vọng
Khắp phố phường văng vẳng tiếng hàng rong
Nụ cười tươi bên đôi má ửng hồng
Ai ngô nướng cùng nồi khoai nóng hổi.


Và cũng là “mùa” của hy vọng, yêu thương, xua tan những sầu đau băng giá:

Em có phải đông đã về đúng lúc
Ủ ấm lòng khỏi băng giá lẻ loi
Mọi khổ đau sân hận chốn biển đời
Đều tan chảy khi mùa đông chạm ngõ.


Riêng, đối với những người Công Giáo chúng ta, Mùa Đông luôn gắn liền với “Mùa đầu tiên của Năm Phụng vụ” mà âm sắc cũng đong đầy những ý nghĩa: vừa man mác nhớ nhung của đợi chờ như ngôn ngữ Việt nam diễn tả: Mùa Vọng; nhưng cũng vừa ấm áp tin yêu của sự trở về, của người đang đến trong ngữ nghĩa của Phương Tây: Adventus, Avent, Advent… Vâng, Việt Nam thì đang trông Chúa đến (Vọng); còn Tây phương thì Chúa đang đến kìa (Adventus) !

Thật ra, cả hai ý nghĩa “Vọng” và “Đến” đều hòa trộn để làm nên một ý nghĩa duy nhất cho phụng vụ Mùa Vọng: Nhắc lại việc Chúa đã đến qua mầu nhiệm Nhập Thể mà điểm nhấn “đại lễ Giáng Sinh” đang gọi mời dân Chúa đón đợi và loan báo việc Chúa sẽ đến ngày Quang lâm để khơi lên thái độ đón gặp Chúa đang đến giữa cuộc đời. (x. AC 39).

Chính trong hạn từ “Đến” đã nói lên toàn thể nội dung và ý nghĩa mang tính tích cực, năng động của nhịp sống đức tin Kitô hữu, của Năm Phụng vụ Hội Thánh, và của cả một chương trình cứu độ. Thật vậy, đức tin không bao giờ là một “chuyện đã qua”, một kỷ niệm của quá khứ để thỉnh thoảng ngồi ôn lại một cách bâng quơ hờ hững; hay là một con đường mòn quen thuộc, một tập quán đơn điệu, máy móc để mỗi ngày bước đi, mỗi ngày thực hiện như cuộc vận hành của một chiếc máy mù lòa theo quán tính.

Không ! Đức tin Kitô giáo, Đạo của Chúa Giêsu, Thiên Chúa của người Kitô hữu luôn luôn là một hiện thực mới mẻ, tinh khôi, đang đến, và đang hiện diện. Cho nên, ý nghĩa đầu tiên của Mùa Vọng, Mùa “Chúa Đến - Adventus”, phải chăng là thời điểm giúp mỗi người tín hữu chúng ta sống và cảm nhận, thực hiện và bước tới gặp gỡ một Thiên Chúa, một Đức Kitô, một Tin Mừng trong chiều kích đầy hoan vui và hiện thực đó.

Lời Chúa chúng ta vừa nghe công bố hôm nay đã chuyển tải đến chúng ta các nội dung ý nghĩa trên:

Trước hết, trích đoạn ngôn sứ Giêrêmia đã vẽ lên một bức tranh đầy hy vọng về Đấng Mêsia sẽ đến: “Trong những ngày đó và trong thời gian đó, Ta sẽ làm nảy sinh cho Ðavít một chồi công chính, Ngài sẽ xét xử và thi hành công lý trong xứ sở. Trong những ngày đó, Giuđa sẽ được cứu thoát, Giêrusalem sẽ sống yên ổn”. Chúng ta đừng quên, ngôn sứ Giêrêmia đã từng sống trong một giai đoạn mà vương quốc Giuđa bị đế quốc Babylon đè bẹp, Giêrusalem thất thủ; dân Chúa lầm lũi bước đi trong một hoàn cảnh éo le và đầy tăm tối thất vọng của kiếp sống nô lệ, mất nước. Và cũng từ dưới vực sâu tăm tối đó, Thiên Chúa, qua miệng của Giêrêmia, đã loan báo cho dân Chúa một viễn tượng huy hoàng ở cuối chân trời lịch sử: Từ dòng tộc Đavít sẽ phát sinh một chồi công chính, một Đấng Mêsia sẽ đến giải thoát dân Chúa: Và đây là tên người ta sẽ gọi Ngài: “Thiên Chúa, Ðấng Công Chính của chúng tôi”.

Niềm hy vọng đó, sự hứa hẹn đầy lòng xót thương đó, thật ra, không phải chỉ dành riêng cho dân tộc Israel mà cho muôn thế hệ con người muôn nơi muôn thuở. Vâng, thân phận của mỗi một cuộc đời, mỗi một gia đình, hay mỗi quốc gia…, đều phải đi qua những nỗi thăng trầm dâu bể, hụt hẫng, đau thương, vui buồn sướng khổ… như dân Israel, như dân Giuđa; đều phải kinh qua những nẻo đường gian nan của lưu đày, di cư, tha phương, khốn đốn… Và vì thế, tất cả đều cần niềm tin yêu hy vọng để sống, để tồn tại và để hoàn tất sinh mệnh cuộc đời ! Niềm hy vọng về một Đấng Cứu Độ đang đến, một Thiên Chúa tình yêu viếng thăm chính là “kim chỉ nam”, là “ánh sao Bắc Đẩu” để định hướng cho mọi cuộc hành trình dương thế !

Thế nhưng, cũng không ít người lại cho rằng: chỉ những kẻ ngu muội, điên rồ… mới tin vào “những lời tiên tri nhảm nhí đó”. Cho nên, chẳng lấy làm lạ, cách đây 2000 năm, khi Đấng Cứu Thế giáng sinh, khi “Chồi Công Chính của Đavít” xuất hiện thì cả Bêlem, Giêrusalem đang ngủ vùi trong chăn êm nệm ấm; chỉ có mấy mục đông khố rách áo ôm và Ba nhà Đạo sĩ Phương đông lạc loài tìm đến ! Thế giới hôm nay cũng y chang như thế. Đại dịch đã có Vaccine; sức khỏe, bệnh tật đã thuốc men và y bác sĩ…; mọi nhu cầu cuộc sống đã có khoa học kỹ thuật giải quyết…; và người ta tiếp tục “ngủ vùi trong thái độ tự mãn” kiêu căng của mình. Trong khi đó, cũng không thiếu những người khoác trên mình danh hiệu Kitô hữu, nhưng cuộc sống đức tin lại xoay quanh một con đường mòn buồn tênh, lạc điệu; quanh năm suốt tháng chỉ là những “lặp đi lặp lại” nhưng lời kinh đầu môi chót lưỡi, những cử hành lễ nghi vô hồn máy móc, những việc thể hiện đức tin nhuốm màu mê tín dị đoan…

Sứ điệp Mùa Vọng Công Giáo trở về để canh tân tất cả, để mượn lời của Chúa Giêsu trong Tin Mừng gọi mời hết thảy “hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến”. Vâng, thế giới vốn hữu hạn và đầy dẫy bấp bênh; cuộc sống luôn phải đối diện với muôn ngàn gian nan thử thách như cách diễn tả bằng ngôn ngữ khải huyền của Phúc Âm Luca: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển…”. Trong khi đó, con người vốn bất toàn và đầy khiếm khuyết: “Người ta sợ hãi kinh hồn… lòng các con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời…”. Do đó, lựa chọn “hướng về Thiên Chúa” chính là khôn ngoan đích thực, như lời của tác giả Thánh vịnh 24: “Lạy Chúa, con vươn linh hồn lên tới Chúa. Vâng, sự khôn ngoan luôn biết đặt mình trong đường đi, lối bước và chân lý của Chúa: “Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa; xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con…”.

Và câu chuyện của Mùa Vọng lại chính là ở đây, giây phút này. Thật vậy, “Giờ Cứu Rỗi đang ở đây, ngay bây giờ”, một cuộc gặp gỡ kỳ diệu đang và sắp xảy ra: Đức Kitô một lần nữa đang đến với chúng ta trong bàn tiệc Tạ Ơn nầy: Đức Kitô hôm, qua hôm nay và tận cùng vẫn là Đức Kitô của một Mùa Xuân bất diệt; Đức Kitô mới mãi, trẻ mãi, sinh động và đầy ắp yêu thương. Ngài là Mục Tử nhân lành hôm nay trở về để đưa ta vào đồng xanh suối mát. Chúng ta vui mừng cử hành ngày Tân Niên Phụng Vụ trong tâm tình hân hoan, tin tưởng, trong thái độ khiêm tốn tạ ơn. Chúng ta hãy cùng nhau nắm tay mà bước đi trên hành trình Mùa Vọng để tiến vể Đại Lễ Giáng Sinh với tất cả niềm hăng say phấn khởi; đồng thời nỗ lực đổi mới cuộc đời cho đẹp hơn, thánh hơn, hiệp nhất hơn, yêu thương hơn…, một cuộc sống như đang có Chúa “thấp thoáng qua cuộc đời”, có Chúa đang trở về và “gặp gỡ tay bắt mặt mừng” trên muôn nẻo đường cuộc sống. Amen.

Trương Đình Hiền
 
Không nặng nề, cũng chẳng ngổn ngang
Lm. Minh Anh
23:21 26/11/2021

KHÔNG NẶNG NỀ, CŨNG CHẲNG NGỔN NGANG
“Các con hãy giữ mình, kẻo lòng ra nặng nề bởi chè chén say sưa và lo lắng việc đời!”.

B.M. Franklin chia sẻ, “Cuộc sống của tôi chỉ là một bức tranh dệt ‘giữa tôi và Chúa’. Tôi không thể chọn màu, Ngài lo cho nó đều đặn. Ngài thường dệt những nỗi buồn; và tôi ngu ngốc tự hào rằng, tôi đã thấy điều đó. Tôi quên rằng, Ngài nhìn phía trên; còn tôi, chỉ thấy phía dưới. Mãi cho đến khi khung cửi lặng yên, kim thoi ngừng bay, Ngài mở tấm lụa và giải thích tại sao. Các sợi xám xịt thật cần thiết xen giữa sợi vàng sợi bạc trong bàn tay khéo léo của Ngài, theo khuôn mẫu định sẵn!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Có lẽ chúng ta thường chăm nhìn phía dưới ‘bức tranh đời mình’ nên nhiều lúc lòng chúng ta phải chùng xuống. Phải, thế giới vật chất luôn kéo ghì chúng ta xuống phía dưới! Lời Chúa ngày cuối của năm phụng vụ lại nâng chúng ta lên, nhắc chúng ta đừng để mình trở nên ươn lười trong đời sống đức tin, để lòng mình ‘không nặng nề và khỏi ngổn ngang’ bởi “say sưa và lo lắng việc đời”.

“Nặng nề bởi say sưa!”. Điều này trước hết, được hiểu ở cấp độ nghĩa đen; tuy nhiên, “nặng nề” ở đây còn được hiểu ở cấp độ tâm linh, khi chúng ta tìm kiếm một sự thoát ly nhất thời khỏi cuộc sống, vốn chệch khỏi quỹ đạo mà Thiên Chúa là trung tâm. Tất cả những gì khiến trái tim chúng ta mê ngủ; những gì cung cấp cho chúng ta một cảm giác an toàn giả tạo. Có lẽ tôi không nặng nề và say sưa vì chè chén, nhưng có thể tôi đang lang thang tìm kiếm một sự hài lòng và dễ chịu thế tục nào đó; và mỗi khi thoả hiệp với cơn cám dỗ này, đời sống thiêng liêng của tôi trở nên uể oải.

Thứ đến, tôi có thể quá bận tâm với những vấn đề vật chất và lo lắng sự đời vốn rất ngổn ngang, đến nỗi mất niềm tín thác vào Chúa Quan Phòng, Đấng hằng muốn tôi, “Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa; mọi sự khác, Ngài sẽ ban thêm cho”. Chính những lo lắng thái quá này là nguồn gốc của việc quá tải bởi điều này hay điều khác; và khi sự thái quá xảy ra, chúng ta có xu hướng tìm kiếm một lối thoát. Và thông thường, những ‘lối thoát’ ấy lại là thứ khiến chúng ta rũ liệt tâm thần. Cám dỗ thường xuyên này khiến chúng ta đẩy Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống và tự mình chống chọi cho đến khi cạn kiệt sức hơi, đến nỗi mất hết niềm vui và nhuệ khí. Từ đó, chúng ta không thể chu tất bổn phận và trách nhiệm của đấng bậc mình một cách tập trung và đầy nhiệt huyết.

Đang khi cuộc sống của chúng ta là thời gian chuẩn bị, không chỉ cho một tình bạn vĩnh cửu với Thiên Chúa, mà còn cho sự “tấn công” của ba thù và những “gian khổ” phải đến trước. Cuộc chiến tâm linh là có thật, dù nhận thức hay không nhận thức, dù muốn hay không muốn. Chúng ta phải chiến đấu mỗi ngày, nhiều cách; nhưng trận chiến cuối cùng vẫn là trận chiến quan trọng trong sâu thẳm trái tim của mỗi người. Chúa Giêsu muốn chúng ta chiến thắng bằng cách tỉnh thức trong đời sống đức tin để ‘không nặng nề và khỏi ngổn ngang’; vì lẽ, gánh nặng cuộc sống đưa đến việc không nhìn thấy Thiên Chúa ở giữa vạn vật, sẽ khiến chúng ta trở nên bải hoải và chìm vào u mê.

Anh Chị em,

So với đời sau, cuộc sống của chúng ta trên trái đất này chỉ là một giấc mơ; thế nhưng, chính khi nên thánh với những giấc mơ ngắn ngủi ấy, chúng ta nếm trước vĩnh cửu. Hôm nay, thứ Bảy cuối năm phụng vụ, chúng ta ngước nhìn lên Mẹ Maria, một con người hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Giữa bao sóng gió, tân toan và khốn khó, trái tim Mẹ vẫn giữ được niềm vui và sự tự do của người con Chúa. Thử thách, gian truân không chi phối được trái tim Mẹ; không gì ngăn cản Mẹ cất cao lời kinh “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa”. Trái tim Mẹ ‘không nặng nề, cũng chẳng ngổn ngang’; vì lẽ, Mẹ đã hiến dâng mọi sự cho Thiên Chúa, Đấng đầy ắp trong Mẹ. Trái tim Mẹ được điều khiển bởi một điều duy nhất, đó là tình yêu và sự thật vốn cho phép Mẹ chọn điều tốt nhất và từ chối bất cứ điều gì xấu xa vốn có thể phương hại cho ‘bức tranh giữa Mẹ và Chúa’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin dạy con ý thức rằng, thế giới này đang qua đi. Cho con tỉnh thức, hướng về Chúa, và làm đẹp ý Ngài, hầu tim con ‘không nặng nề và khỏi ngổn ngang’ bởi bất cứ một điều gì!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chuyến tông du thứ 35 của Đức Thánh Cha: Giới thiệu đất nước và Giáo Hội tại Hy Lạp
Đặng Tự Do
01:17 26/11/2021


Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du Síp và Hy Lạp từ ngày 2 đến ngày 6 tháng 12. Đây là chuyến tông du thứ 35 của Đức Thánh Cha trong triều Giáo Hoàng của ngài, và là chuyến tông du thứ ba sau khi đại dịch coronavirus bùng phát trên thế giới làm gián đoạn các chuyến tông du của ngài trong 15 tháng.

Tổng quan

Hy Lạp, tên gọi chính thức là Cộng hòa Hy Lạp, là một quốc gia có chủ quyền thuộc khu vực Nam Âu. Hy Lạp nằm ở phía nam của bán đảo Balkan, giáp với Albania, Bắc Macedonia và Bulgaria về phía bắc, Thổ Nhĩ Kỳ và biển Aegea bao bọc phía đông và phía nam đất nước còn biển Ionia nằm ở phía tây. Phần lớn địa hình của Hy Lạp là núi non hiểm trở. Lãnh thổ Hy Lạp có rất nhiều những hòn đảo lớn nhỏ thuộc khu vực biển Địa Trung Hải.

Hy Lạp rộng 131,957 km2 trong đó có 130,647 km2 là đất liền và 1,310 km2 lãnh hải.

Hy Lạp là một trong những nền văn minh rực rỡ nhất của thời kỳ cổ đại, có ảnh hưởng sâu rộng đến các nền văn minh khác xung quanh khu vực Địa Trung Hải cũng như để lại nhiều di sản, thành tựu triết học, tôn giáo, văn hóa, khoa học, nghệ thuật cho nhân loại tới tận ngày nay. Đây là nơi ra đời của nền dân chủ, triết học phương Tây, Thế vận hội Olympic cùng rất nhiều phát minh, sáng chế, nghiên cứu khoa học, nghệ thuật khác. Đến thời kỳ trung cổ, Hy Lạp trở thành một bộ phận của Đế chế Byzantine, rồi sau đó lại nằm trong Đế chế Ottoman trong gần 4 thế kỷ. Năm 1821, người Hy Lạp nổi dậy khởi nghĩa, đấu tranh giành độc lập.

Đất nước Hy Lạp ngày nay là một quốc gia phát triển. Hy Lạp là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, NATO, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Tổ chức Thương mại Thế giới. Năm 1981, Hy Lạp trở thành một thành viên của Liên minh Âu Châu.

Thủ đô của Hy Lạp là Athens hay còn gọi là Nhã Điển. Theo ước tính vào tháng 7 năm nay, Hy Lạp có 10,570,000 dân, trong đó 90% theo Chính Thống Giáo Hy Lạp, và 2% theo Hồi Giáo.

Lịch sử cận đại

Vào khoảng cuối thế kỷ III, Đế chế La Mã phân chia thành hai phần: phía tây và phía đông. Hy Lạp trở thành một phần của Đế chế Đông La Mã, sau này đổi tên thành Đế chế Byzantine. Đế chế Byzantine là một nhà nước trung cổ theo Kitô Giáo, trong đó tiếng Hy Lạp là ngôn ngữ chính thức. Tuy nhiên sau đó, đế chế này đã dần dần bị suy yếu trước những cuộc tấn công của người Hồi giáo và cuối cùng sụp đổ vào năm 1453.

Dưới sự cai trị tàn bạo của Đế chế Ottoman theo Hồi giáo, một bộ phận lớn trí thức người Hy Lạp đã nhập cư vào Tây Âu, đặc biệt là Ý. Họ đã góp phần rất lớn trong Phong trào Phục hưng tại Âu Châu thời trung cổ. Một bộ phận khác thì rời bỏ bán đảo Hy Lạp và đến sống tại những vùng núi hoang vu hẻo lánh hay những hòn đảo trên biển Aegean, nơi mà Đế chế Ottoman không thể áp đặt hệ thống chính trị và tôn giáo của họ lên người Hy Lạp. Những cộng đồng người Hy Lạp được củng cố với nhau do cùng chung cơ sở tôn giáo là Chính thống giáo và tôn giáo đã đóng vai trò khá quan trọng trong cuộc chiến tranh giành độc lập cho Hy Lạp sau này.

Tháng 3 năm 1821, cuộc chiến tranh giành độc lập Hy Lạp chống lại Đế chế Ottoman bùng nổ mạnh mẽ. Cuộc chiến này kéo dài cho đến tận năm 1829, khi nền độc lập của nước Hy Lạp non trẻ chính thức được công nhận tại Nghị định thư Luân Đôn. Năm 1832, Đế chế Ottoman đã phải thừa nhận nền độc lập của Hy Lạp trong Hiệp ước Constantinople.

Ngày 28 tháng 10 năm 1940, nhà độc tài Ý Benito Mussolini gửi tối hậu thư yêu cầu Hy Lạp đầu hàng và cho quân phát xít chiếm đóng lãnh thổ. Người Hy Lạp đã kiên quyết nói không và đứng về phe Đồng Minh chống lại lực lượng phát xít. Ngay lập tức, quân phát xít Ý đã tràn vào chiếm đóng Hy Lạp từ miền nam Albania nhưng đã vấp phải sự kháng cự hiệu quả của quân đội Hy Lạp. Tiếp theo đó là trận đánh tại dãy núi Pinlus đã khiến cho quân Mussolini bị đẩy lùi. Lúc đó, Adolf Hitler mới nhận ra vị trí chiến lược của Hy Lạp và hạ lệnh cho quân phát xít Đức và Bulgaria tràn vào lãnh thổ nước này.

Sự xâm lược của phát xít Đức vào ngày 6 tháng 4 năm 1941 đã hoàn thành việc chiếm đóng toàn bộ lãnh thổ Hy Lạp. Nước này trở thành một chiến trường ác liệt cho đến ngày 12 tháng 10 năm 1944, khi thành phố Athens được quân Đồng Minh giải phóng. Trong thời gian cai trị của phát xít Đức, nhiều người Do Thái tại Hy Lạp đã bị đẩy vào các trại tập trung và giết hại. Nạn đói sau chiến tranh đã giết chết khoảng 300.000 người.

Sau khi được giải phóng khỏi ách cai trị của phát xít Đức, cuộc nội chiến Hy Lạp bùng nổ giữa những người cánh tả và cánh hữu. Cuộc chiến kéo dài từ năm 1946 đến năm 1949, khi lực lượng cánh tả bị đánh bại tại trận Grammos-Vitsi. Trong các thập niên 1950, 1960, Hy Lạp đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và vững chắc do nằm trong Kế hoạch Marshall của Mỹ.

Bắt đầu từ năm 1965, Hy Lạp lâm vào một cuộc khủng hoảng chính trị khiến tình hình đất nước trở nên hỗn loạn và rơi vào một chế độ đậc tài.

Ngày 20 tháng 7 năm 1974, Thổ Nhĩ Kỳ tấn công đảo Síp. Cuộc khủng hoảng sau đó đã dẫn đến sự sụp đổ của chế độ độc tài tại Hy Lạp vào ngày 23 tháng 7 năm 1974.

Ngay sau khi chế độ độc tài sụp đổ, cựu thủ tướng Konstantinos Karamanlis đã từ Pháp trở về Hy Lạp và thành lập Đảng Dân chủ Mới. Chính phủ dân chủ được tái thành lập tại Hy Lạp và bản hiến pháp dân chủ của nước cộng hòa được ban hành vào năm 1975. Chế độ quân chủ ở Hy Lạp chính thức bị giải tán trong một cuộc trưng cầu dân ý cùng năm.

Chính trị

Hy Lạp là một nước cộng hòa theo thể chế dân chủ đại nghị. Tổng thống là người đứng đầu đất nước và được lựa chọn bởi quốc hội với nhiệm kỳ 5 năm. Tuy nhiên sau cuộc sửa đổi hiến pháp vào năm 1986, quyền lực của tổng thống đã bị cắt giảm đáng kể và bây giờ hầu như chỉ mang tính nghi thức. Thủ tướng là người đứng đầu chính phủ Hy Lạp và có quyền lực chủ yếu trong các công việc của quốc gia.

Quốc hội Hy Lạp có tổng cộng 300 ghế. Những cuộc bầu cử quốc hội thường được tổ chức 4 năm một lần tuy nhiên tổng thống có quyền giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử sớm. Từ khi Hy Lạp quay trở về tiến trình dân chủ từ năm 1975, Hy Lạp đã trở thành một quốc gia theo chế độ đa đảng. Hai đảng có vai trò quan trọng nhất trên chính trường Hy Lạp là Đảng Tân Dân chủ và Phong trào Xã hội Chủ nghĩa Hy Lạp.

Tổng thống Hy Lạp ngày nay là bà Katerina Sakellaropoulou, một tín hữu Chính Thống Giáo Hy Lạp, và là phụ nữ đầu tiên làm tổng thống ở quốc gia này. Bà sinh ngày 30 tháng 5 năm 1956, đã giữ chức Tổng thống Hy Lạp kể từ ngày 13 tháng 3 năm ngoái 2020. Trước khi được bầu làm Tổng thống Hy Lạp, Sakellaropoulou từng là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Bà hiện sống với luật sư Pavlos Kotsonis và đã có một con từ cuộc hôn nhân trước đó.

Thủ tướng Hy Lạp là ông Kyriakos Mitsotakis, theo Chính Thống Giáo Hy Lạp, thuộc Đảng Tân Dân Chủ. Kyriakos Mitsotakis sinh ngày 4 tháng 3 năm 1968) là một chính trị gia người Hy Lạp và là Thủ tướng Hy Lạp kể từ ngày 8 tháng 7 năm 2019. Ông là con trai của cựu Thủ tướng Konstantinos Mitsotakis. Trước đó, Thủ tướng Hy Lạp là ông Alexis Tsipras, một người vô thần thuộc Phong trào Xã hội Chủ nghĩa Hy Lạp. Alexis Tsipras nhậm chức Thủ tướng ngày 21 tháng 9 năm 2015 và lập tức tung ra các chính sách chống lại các giá trị truyền thống của Kitô Giáo.

Ngày 23 tháng 7, 2018, một trận hỏa hoạn kinh hoàng đã diễn ra tại các khu vực quanh thủ đô Athens làm hơn 60 người bị thiệt mạng. Nơi bị thiệt hại nặng nhất là Mati, một địa điểm du lịch nổi tiếng của Hy Lạp. Sáng thứ Ba 24 tháng 7, ít nhất 26 thi thể gồm đa số là phụ nữ và trẻ em đã được tìm thấy. Dường như họ đã cố chạy ra biển nhưng ngọn lửa kinh hoàng đã chụp xuống họ. Thi thể của 26 người này trong tư thế như ôm cứng lấy nhau trước khi chết.

Tính chất bất ngờ và kinh hoàng của trận hỏa hoạn đã khiến nhiều nhà bình luận liên hệ biến cố này với thảm họa được mô tả trong Kinh Thánh. Nhiều người cho rằng đó là hậu quả của các đường lối bài Kitô Giáo của Alexis Tsipras. Nhờ đó, chỉ vài tháng sau, Đảng Tân Dân Chủ đã chiến thắng vẻ vang.

Giáo Hội Công Giáo tại Hy Lạp

Năm 1054 đã xảy ra biến cố lớn trong đời sống Giáo Hội là cuộc đại ly giáo Đức Thượng Phụ Michael Celarius, Thượng Phụ Giáo Chủ Constantinople và Đức Thánh Cha Lêo IX đã bất đồng sâu sắc đến mức đôi bên đã ra vạ tuyệt thông cho nhau vì những bất đồng liên quan đến tín lý và đặc biệt là về vai trò lãnh đạo Giáo Hội của Đức Giáo Hoàng, Giám mục Rôma.

Từ đó trên mảnh đất Hy Lạp gần như chỉ có Chính Thống Giáo. Dưới thời Đế chế Ottoman, việc hình thành một cộng đồng Công Giáo theo nghi lễ Đông phương nhưng hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh chỉ có thể thực hiện được sau năm 1829 khi Quốc Vương Mohammed II loại bỏ các hạn chế trước đó.

Một linh mục Công Giáo nghi lễ Latinh, là Cha John Marangos, bắt đầu công việc truyền giáo trong Chính thống giáo Hy Lạp ở Constantinople vào năm 1856 và cuối cùng thành lập được một nhóm rất nhỏ người Công Giáo theo nghi lễ Đông phương. Năm 1878, ngài chuyển đến Athens, nơi ngài qua đời năm 1885, và công việc của ngài tại Constantinople được tiếp tục bởi Cha Polycarp Anastasiadis, một cựu sinh viên tại Trường Thần học Chính thống giáo tại Halki. Vào những năm 1880, các cộng đồng Công Giáo Byzantine cũng được hình thành tại hai ngôi làng ở Thrace.

Năm 1895, các Thừa Sai người Pháp bắt đầu làm việc tại Constantinople, nơi các ngài thành lập một chủng viện và hai giáo xứ Công Giáo Byzantine nhỏ bé.

Vào ngày 11 tháng 6 năm 1911, Đức Giáo Hoàng Piô X đã thành lập một Giáo Hạt Tòng Nhân cho người Hy Lạp ở Đế quốc Ottoman và vào ngày 28 tháng 6 năm đó, bổ nhiệm Cha Isaias Papadopoulos làm giám mục tiên khởi. Ngài được kế vị vào năm 1920 bởi Đức Cha George Calavassy. Nhiệm vụ của ngài là giám sát việc di tản của hầu như toàn bộ cộng đồng Công Giáo Byzantine từ Constantinople sang Athens, và từ hai ngôi làng ở Thrace đến một thị trấn ở Macedonia. Đây là một phần của cuộc trao đổi dân cư chung diễn ra giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu những năm 1920. Năm 1922, Đức Cha Calavassy dời các văn phòng của mình đến Athens, và vào năm 1923, Giáo Hạt Tòng Nhân được nâng lên hàng Miền Phủ Doãn Tông Tòa. Năm 1932, Miền Phủ Doãn Tông Tòa được chia thành hai: Đức Cha Calavassy vẫn ở Athens, trong khi một Giám Mục khác được bổ nhiệm đến Istanbul.

Mặc dù sự hiện diện của người ở Hy Lạp đã làm dấy lên sự giận dữ của hàng giáo phẩm Chính thống giáo địa phương, những người Công Giáo Hy Lạp này vẫn quyết tâm phục vụ đồng hương của họ bằng các công việc bác ái và trợ giúp xã hội. Năm 1944, họ thành lập bệnh viện Pammakaristos ở Athens, được biết đến như một trong những bệnh viện tốt nhất trên toàn quốc.

Giáo Hội Chính thống giáo Hy Lạp vẫn rất thù địch với ý tưởng về sự tồn tại của Giáo Hội Công Giáo tại Hy Lạp, mà họ coi đó là sự sáng tạo vô lý của Giáo Hội Công Giáo trong lãnh thổ Chính thống giáo. Ở Hy Lạp ngày nay, các linh mục Công Giáo vẫn bị cấm mặc các phẩm phục đặc trưng của hàng giáo sĩ. Năm 1975, một giám mục mới được bổ nhiệm cho người Công Giáo Byzantine ở Hy Lạp đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Tổng giám mục Chính thống giáo của Athens.

Cộng đồng Công Giáo Hy Lạp vẫn còn rất nhỏ, chỉ khoảng 6,000 tín hữu. Ở Hy Lạp, hầu hết các tín hữu sống ở Athens, trong khi ở Thổ Nhĩ Kỳ, một giáo xứ nhỏ tồn tại ở Istanbul, hiện không có linh mục. Có bảy linh mục phục vụ Giáo Hội ở Hy Lạp, tất cả đều tuân giữ luật độc thân linh mục và theo nghi thức Latinh.

Ngày 2 tháng 2, 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Cha Manuel Nin, dòng Salêsiêng làm Giám Mục Miền Phủ Doãn Tông Tòa Hy Lạp thay cho Đức Cha Dimitrios Salachas vì lý do tuổi tác. Đức Cha Manuel Nin năm nay 65 tuổi. Đức Cha Dimitrios Salachas 82 tuổi.

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô

Thứ Bảy, 4 tháng 12, Đức Giáo Hoàng sẽ rời Síp để bay đến thủ đô Hy Lạp là Athens, hay còn gọi là Nhã Điển, nơi ngài dự kiến sẽ đến lúc 11:10 giờ địa phương. Lễ nghi tiếp đón chính thức sẽ diễn ra tại Sân bay Quốc tế Athens, sau đó là buổi lễ đón tiếp tại Phủ Tổng thống. Tại đây, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ xã giao với Tổng thống Cộng hòa, và Thủ tướng, và sau đó là cuộc họp với chính quyền địa phương, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn.

Buổi chiều, Đức Thánh Cha sẽ có một chuyến thăm xã giao đến Đức Tổng Giám Mục Hieronymos II, của Athens và Toàn Hy Lạp, tại Tòa Tổng Giám mục Chính thống giáo, tiếp theo là cuộc gặp gỡ của phái đoàn Tòa Thánh và hàng giáo phẩm Chính Thống Giáo Hy Lạp tại “Phòng ngai vàng”.

Cuối ngày hôm đó, ngài sẽ gặp gỡ các giám mục, linh mục, tu sĩ, những người thánh hiến, chủng sinh và giáo lý viên của cộng đồng Giáo hội địa phương tại Nhà thờ Thánh Dionysius ở Athens. Kết thúc buổi tối, ngài sẽ có cuộc gặp gỡ riêng với các linh mục, tu sĩ Dòng Tên tại Tòa Sứ thần Tòa thánh ở Athens.

Sáng Chúa Nhật, Đức Giáo Hoàng sẽ đến Đảo Lesbos của Hy Lạp để thăm những người tị nạn tại “Trung tâm Tiếp nhận và Nhận dạng” ở thị trấn Mytilene. Sau đó, ngài quay trở lại Athens vào buổi chiều để cử hành thánh lễ lúc 16:45 tại “Phòng hòa nhạc Megaron”. Buổi tối, ngài sẽ chào đón chuyến viếng thăm xã giao đáp lễ của Đức Tổng Giám Mục Hieronymos II tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Athens.

Cuối cùng, vào sáng thứ Hai, ngày 6 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tiếp đón Chủ tịch Quốc Hội tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Athens. Sau đó, ngài sẽ gặp gỡ những người trẻ tại Trường Thánh Dionysius do các Nữ tu Dòng Ursula ở Maroussi, Athens điều hành. Sau cuộc gặp gỡ này, Đức Thánh Cha ra sân bay quốc tế Athens. Tại đây sẽ có lễ nghi tiễn biệt. Đức Thánh Cha sẽ khởi hành về Rôma lúc 11:30.
Source:ECPA
 
Di tích của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bị đánh cắp khỏi Vương cung thánh đường lịch sử
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:21 26/11/2021


Hôm Chúa Nhật 21 tháng 11, Cha Jorge Jacek Twarog, Bề trên của Phái bộ Công Giáo Ba Lan tại Á Căn Đình, báo cáo rằng thánh tích của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, được lưu giữ tại Vương cung thánh đường ở Buenos Aires, đã bị đánh cắp.

Thánh tích, được đưa đến Á Căn Đình từ Ba Lan vào năm 2016, bao gồm một giọt máu của Thánh Gioan Phaolô II, được đựng trong một hộp nhỏ hình vuông có khung bằng vàng và được gắn trên một kim loại tượng trưng cho huy hiệu của vị Thánh Giáo hoàng.

Thánh tích đã được Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, tổng giám mục của Krakow trao cho Cha Twarog vào ngày 19 tháng 8 năm 2016, tại Tòa tổng giám mục ở thủ đô cũ của Ba Lan.

Cha sở của Vương cung thánh đường, là Cha Rafael Cáceres Olave và cộng đồng Công Giáo đang thực hiện mọi biện pháp để tìm kiếm lại thánh tích và cầu nguyện rằng thánh tích sẽ sớm được lấy lại.
Source:Catholic News Agency
 
Các quan chức ý thức hệ tại Philadelphia thua kiện, phải trả 2 triệu đô la cho cơ quan Công Giáo sau tranh chấp về chăm sóc nuôi dưỡng
Đặng Tự Do
05:21 26/11/2021


Các quan chức ý thức hệ tại Philadelphia đã huỷ hợp đồng với Dịch vụ Xã hội Công Giáo của tổng giáo phận, gọi tắt là CSS vì cơ quan Công Giáo này không cho phép các các cặp đồng tính nhận con nuôi.

Thành phố cho rằng việc CSS từ chối cho phép các cặp kết hôn đồng giới nhận con nuôi đã vi phạm các điều khoản không phân biệt đối xử trong hợp đồng của CSS với thành phố cũng như các yêu cầu không phân biệt đối xử của Sắc lệnh Thực hành Công bằng trên toàn thành phố.

CSS đã kiện lên Tối Cao Pháp Viện và thắng kiện vào tháng Sáu vừa qua.

Các quan chức ý thức hệ của thành phố Philadelphia giờ đây đã phải đồng ý gia hạn hợp đồng với CSS, và thanh toán các khoản phí pháp lý và các khoản phí khác phát sinh trong vụ kiện tự do tôn giáo đã lên đến tận Tòa án Tối cao. Tổng cộng thành phố phải trả 2 triệu Mỹ Kim cho CSS của tổng giáo phận.

Về phần mình, CSS đồng ý đăng trên trang web của mình một cảnh báo rằng dịch vụ này không hoạt động với các cặp đồng tính và cung cấp giới thiệu đến các cơ quan làm như vậy.

Philadelphia quyết định không tranh chấp pháp lý thêm nữa, vì sợ rằng phán quyết bất lợi của Tòa án Tối cao trong vụ CSS kiện Thành phố Philadelphia sẽ được áp dụng rộng rãi hơn.

Tòa án cấp cao đã phán quyết rằng quyết định của thành phố không ký hợp đồng với CSS, trong việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc nuôi dưỡng trừ khi cơ quan này đồng ý cho các cặp đồng tính nhận con nuôi là vi phạm tự do tôn giáo.

Theo thỏa thuận, thành phố đã trả cho Becket Law, công ty luật tự do tôn giáo đại diện cho CSS, 1.95 triệu đô la phí pháp lý. Theo Philadelphia Inquirer, thêm $56,000 đã được trả cho Dịch vụ Xã hội Công Giáo.

“Là một phần của thỏa thuận dàn xếp, thành phố đã viết vào hợp đồng của CSS rằng cơ quan bác ái Công Giáo sẽ được miễn trừ khỏi sắc lệnh không phân biệt đối xử trên toàn thành phố, cấm các nhà thầu thành phố phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, giới tính hoặc khuynh hướng tình dục. Hợp đồng chăm sóc nuôi dưỡng năm 2022 của cơ quan là 350,000 đô la. Thỏa thuận cũng quy định rằng thành phố làm việc với những phụ nữ có tên trong vụ kiện, Sharonell Fulton và Toni Simms-Busch, cả hai đều là cha mẹ nuôi lâu năm của CSS”.

Ken Gavin, phát ngôn viên của Tổng giáo phận Philadelphia, nói với tờ báo: “Chúng tôi rất biết ơn vì các mục vụ của chúng tôi có thể tiếp tục phục vụ những người trông cậy vào chúng tôi, đặc biệt là những đứa trẻ đang nuôi dưỡng cần một mái ấm tình thương.

Trường hợp này đã có một tác động vượt ra ngoài thành phố Philadelphia. Vào ngày 1 tháng 11, Tòa án Tối cao đã bác bỏ phán quyết của tòa án tiểu bang New York chống lại Giáo phận Albany. Giáo phận đã thách thức quy định của tiểu bang theo đó các bảo hiểm y tế phải bao gồm bảo hiểm phá thai. Khi chuyển vụ việc lên tòa án cấp cao nhất của New York, Tòa án tối cao đã hướng dẫn họ xem xét thêm về vụ CSS kiện Philadelphia như một tiền lệ pháp lý.
Source:Aleteia
 
Cái chết của Frère Jean-Pierre, người cuối cùng trong nhóm các tu sĩ Tibhirine
Đặng Tự Do
05:22 26/11/2021


Vào tháng 12 năm 2018, Frère Jean-Pierre Schumacher đã đến Algeria để tham dự lễ phong chân phước cho những người anh em của mình và các vị tử đạo Kitô khác, bị giết bởi những kẻ khủng bố vào những năm 1990. Đó là lần đầu tiên ngài trở lại đất nước đó, hơn 20 năm sau vụ bắt cóc và thảm sát bảy tu sĩ ở Tibhirine năm 1996. Giờ đây, ngài đã cùng các anh em của mình vào nhà Cha trên Trời.

Vị tu sĩ Dòng Trap đã qua đời hôm Chúa Nhật 21 tháng 11 ở tuổi 97. Ngài là người sống sót cuối cùng trong cuộc thảm sát tàn bạo để lại vết thương rất sâu, không chỉ trong Giáo hội Algeria mà còn cả toàn thể giới.

Khiêm tốn và tốt bụng, kín đáo và hữu ích, Frère Jean-Pierre sống những năm cuối đời trong tu viện Trap ở Midelt, Maroc, nơi, sau nhiều năm im lặng, sự chú ý của thế giới đã khiến ngài trở thành tâm điểm trong thảm kịch tại Algeria.

Bộ phim phi thường của đạo diễn người Pháp Xavier Beauvois đã khơi dậy sự quan tâm đến sự hiện diện thầm lặng và cầu nguyện của các tu sĩ Tibhirine, một sự hiện diện chìm sâu vào bối cảnh xã hội và tôn giáo của nơi này, cho đến khi các ngài phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng.

Đối với Frère Jean-Pierre, trải nghiệm này có phần xúc động vì chỉ sau đó, ngài mới bắt đầu nói, theo cách trầm lặng, không nhấn mạnh hay nghiêm khắc, về các sự kiện trong thời điểm bi thảm khi cộng đồng Tibhirine đã chọn ở lại bất chấp các mối đe dọa khủng bố và thù địch của quân đội.

“Đó là một lựa chọn mà chúng tôi đã cùng nhau thực hiện: ở lại, bất chấp mọi thứ, và tiếp tục là một cộng đồng cầu nguyện bên cạnh những người hàng xóm Hồi giáo của chúng tôi,” ngài nói một cách rất tự nhiên, điềm tĩnh, bất kể đã phải kinh qua một thảm kịch khủng khiếp.

“Chúng tôi không thể rời đi. Sự hiện diện của chúng tôi trong tu viện là một dấu chỉ của lòng trung thành với Phúc âm, với Giáo hội và với người dân Algeria. Chúng tôi không muốn trở thành những người tử vì đạo, nhưng muốn là những dấu chỉ của tình yêu và hy vọng”.

Vào đêm ngày 26 và ngày 27 tháng 3, ngài đang ở trong phòng của mình trong nhà nghỉ của người giữ cửa và giúp việc trong tu viện, đó là lý do tại sao bọn khủng bố không tìm thấy ngài. Một tu sĩ khác, Frère Amedée, là người sống sót khác vì bọn khủng bố nhận được thông tin về sự hiện diện của bảy Sư huynh. Nhưng vào thời điểm đó, có hai du khách hiện diện, tổng cộng là có chín người. Những kẻ bắt cóc đếm đủ 7 người thì bỏ đi mà không cần tìm kiếm thêm.

“Tôi nghe thấy tiếng động. Tôi nghĩ những kẻ khủng bố đã đến để tìm thuốc, như chúng đã từng làm trong những dịp khác. Tôi đã không di chuyển cho đến khi ai đó gõ cửa phòng tôi. Tôi sợ, nhưng tôi đã mở. Đó là một linh mục từ Giáo phận Oran, thành viên của một nhóm đối thoại Hồi giáo-Cơ đốc giáo tên là Ribat el Salaam, nghĩa là “Mối giây Hòa bình”. Ngài đến để nói với tôi rằng anh em tôi đã bị bắt cóc. “

Vào thời khắc đó, không ai tưởng tượng được rằng những kẻ khủng bố sẽ giết chết các tu sĩ. Nhiều người nghĩ rằng họ sẽ đánh đổi họ với một số kẻ khủng bố đang bị giam cầm. Việc giết người của chúng, cho dù là các tín hữu Kitô, cũng khiến nhiều người trong xã hội Algeria khó chịu.

Frère Jean-Pierre không ngừng tự hỏi bản thân: “Nếu tôi nhận thấy rằng các anh em tôi đang bị bắt đi, tôi sẽ ở trong phòng của tôi hay tôi sẽ đi theo anh em của mình?”
Source:Asia News
 
Một vị thánh vừa từ giã chúng ta
Đặng Tự Do
16:25 26/11/2021


Trong Thánh lễ an táng vào hôm thứ Ba 23 tháng 11, nhà lập pháp Công Giáo bị giết, Sir David Amess được nhớ đến như “một người xây dựng cây cầu thực sự”.

Giảng trong Thánh lễ tại Vương Cung Thánh Đường Westminster, Luân Đôn, vào ngày 23 tháng 11, Cha Pat Browne nói rằng ngay cả trong cái chết, thành viên kỳ cựu của Quốc hội đã đưa những người thuộc phe đối lập lại với nhau.

“David là một thợ xây cầu thực thụ. Nhìn thấy Thủ tướng và Thủ lĩnh phe đối lập kề vai sát cánh trong im lặng và cầu nguyện, bày tỏ sự kính trọng của họ ở Southend sau khi ông qua đời, và đưa họ đến trong sự đoàn kết và thông công, là điều mà Quốc Hội không mấy khi được thấy.”

“Cái chết của David là chất xúc tác cho mọi người trong Quốc Hội nhận ra sự hợp nhất của họ với tư cách là một cộng đồng làm việc khác biệt, nhưng cùng nhau, vì lợi ích quốc gia trong thế giới của chúng ta.”

Cha Pat Browne, kinh sĩ của Vương Cung Thánh Đường Westminster nhận định rằng “Một vị thánh vừa từ giã chúng ta.”

Nhà lập pháp David, 69 tuổi, bị đâm chết trong cuộc họp hàng tuần với các cử tri tại Nhà thờ Giám lý Belfairs ở Leigh-on-Sea, Essex, vào ngày 15 tháng 10.

Thánh lễ an táng được truyền trực tiếp do Đức Hồng Y Vincent Nichols của Westminster cử hành. Những người đưa tang có Thủ tướng Anh Boris Johnson, các thành viên Nội các, các cựu thủ tướng John Major, David Cameron, và Theresa May, và Thủ lĩnh phe đối lập, Keir Starmer.

Trong một thông điệp được đọc bởi Đức Tổng Giám Mục Claudio Gugerotti, Sứ thần Tòa thánh tại Vương quốc Anh, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gửi lời “chia buồn chân thành và bảo đảm sự gần gũi thiêng liêng của ngài với gia đình Amess.”

“Đức Thánh Cha nhớ lại với lòng biết ơn những năm tháng cống hiến phục vụ công chúng của Ngài David được hướng dẫn bởi đức tin Công Giáo mạnh mẽ của ngài và bằng chứng là ngài quan tâm sâu sắc đến người nghèo và những người thiệt thòi, cam kết bảo vệ món quà sự sống của Chúa, và những nỗ lực của ngài để thúc đẩy sự hiểu biết và hợp tác với Tòa Thánh trong sứ mệnh phổ quát của mình”. Thông điệp đã do Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh ký thay Đức Thánh Cha Phanxicô, gửi cho Đức Cha Alan Williams của Brentwood, giáo phận quê hương của ngài David.

“Phó dâng linh hồn của ngài David cho lòng nhân từ yêu thương của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Đức Thánh Cha cầu nguyện rằng tất cả những ai tôn vinh và tưởng nhớ đến ngài David sẽ được củng cố trong quyết tâm bác bỏ các hình thức bạo lực, chống lại cái ác bằng điều thiện và giúp xây dựng một xã hội trên nền tảng công lý, tình huynh đệ và sự đoàn kết ngày càng cao hơn”.

Đức Hồng Y Nichols, chủ tịch hội đồng giám mục Anh và xứ Wales, nói rằng Đức Giáo Hoàng đã đưa ra “lời chia buồn sâu sắc và sự ủng hộ cũng như những lời cầu nguyện cho gia đình của ngài David.”

Vị Hồng Y cảm tạ Chúa “về tấm gương mà ngài David đã mang đến cho chúng ta cùng với sự tốt lành,” cầu nguyện “xin lòng thương xót của Thiên Chúa chào đón ngài David về nhà trên trời.”

Ngài David, một nhà đấu tranh phò sinh, từng là Thành viên Quốc hội của đảng Bảo thủ từ năm 1983 cho đến khi qua đời, và đại diện cho Southend West từ năm 1997.

Ngài đã thành lập Nhóm nghị sĩ liên đảng để quan hệ với Tòa thánh vào năm 2006 và là người có công trong việc sắp xếp chuyến thăm lịch sử của Đức Bênêđíctô XVI tới Quốc Hội Anh vào tháng 9 năm 2010.
Source:Catholic News Agency
 
Linh mục Công Giáo Ba Lan bị Đức quốc xã chém được phong chân phước
Đặng Tự Do
16:26 26/11/2021


Một linh mục Công Giáo bị Đức quốc xã chém vào năm 1942 đã được tuyên bố là chân phước vào hôm thứ Bảy 20 tháng 11.

Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh, đã chủ sự lễ phong chân phước cho Cha Jan Macha tại Nhà thờ Chúa Kitô Vua ở Katowice, tây nam Ba Lan, vào ngày 20 tháng 11.

Giảng trong thánh lễ được truyền trực tiếp, vị Hồng Y người Ý nói: “Chứng từ của Cha Jan Franciszek Macha cho Chúa Giêsu là một trang thực sự anh hùng về đức tin và lòng bác ái trong lịch sử của Giáo hội ở vùng Thượng Silesia này.”

“Ngài đã chết, giống như hạt lúa mì: Ngài bị giết bởi một hệ thống Đức Quốc xã đầy thù hận đối với những người đang gieo rắc điều thiện, để cho người dân ngày nay thấy rằng quyền thống trị trên trái đất của các thế lực, dù hùng mạnh đến đâu, đang qua đi, trong khi Vương quốc của Chúa Kitô với luật tối cao là điều răn về lòng bác ái vẫn tồn tại”.

Cha Jan Franciszek Macha, thường được gọi là Hanik, sinh ngày 18 tháng Giêng năm 1914, tại Chorzów Stary, một ngôi làng ở tỉnh Silesia, miền nam Ba Lan. Ngài có hai chị gái và một anh trai.

Năm 1934, ngài vào Chủng viện Thần học Silesian. Ngài được thụ phong linh mục cho Tổng giáo phận Katowice vào ngày 25 tháng 6 năm 1939, chỉ ba tháng trước khi Đức Quốc xã xâm lược Ba Lan.

Sau hai tháng làm cha phó tại giáo xứ quê hương, ngài được bổ nhiệm đến giáo xứ Thánh Giuse ở Ruda Śląska, một thành phố gần Katowice.

Trong thời gian chiếm đóng, ngài đã cung cấp viện trợ cho các gia đình bị mất thành viên trong các cuộc giao tranh. Ngài làm tuyên uý cho một phong trào du kích có mật danh là Konwalia, nghĩa là Hoa huệ của Thung lũng, chuyên giúp đỡ những người gặp khó khăn. Ngài cũng xuất bản tờ báo chui có tên là Świt, nghĩa là Bình minh.

Trong bài giảng của mình, được đọc bằng tiếng Ba Lan, Đức Hồng Y Semeraro nói: “Trong khi bạo lực và chiến tranh hoành hành ở Ba Lan và khắp thế giới, Cha Jan Franciszek Macha hiểu rằng chỉ có đức tin và lòng bác ái mới có thể nhận ra phẩm giá bất khả xâm phạm của mỗi người, được tạo ra. theo hình ảnh Chúa và giống Chúa”.

“Từ những ngày đầu tiên trong chức vụ tư tế, ngài đã đặt mình phục vụ người lân cận, bắt đầu trên con đường anh hùng thực hiện tình yêu, con đường mà sau này sẽ dẫn ngài đến giá phải trả là hy sinh mạng sống của mình.”

“Cha Jan Franciszek Macha đã chăm sóc nhiều gia đình tan tác vì cơn ác mộng chiến tranh. Không có sự đau khổ nào khiến ngài thờ ơ: bất cứ nơi nào có người bị bắt, bị trục xuất, hoặc bị bắn, Cha Jan Franciszek Macha đều mang đến sự an ủi và hỗ trợ vật chất. Và ngài không bao giờ để ý đến sự khác biệt về quốc tịch, hệ phái tôn giáo, hay trình độ xã hội”.

Gestapo, cảnh sát mật của Đức Quốc xã, đã bắt giữ Cha Jan Franciszek Macha vào ngày 5 tháng 9 năm 1941, tại một nhà ga xe lửa ở Katowice. Họ tìm thấy danh sách những người mà ngài và các cộng sự của ngài đã giúp đỡ, cũng như các tài liệu khác cho thấy họ đã thu tiền và trao cho những người cần.

Sau những cuộc thẩm vấn kinh hoàng, vì Cha Jan Franciszek Macha nhất định không khai ra một ai, nên bọn Đức Quốc Xã đã kết án tử hình ngài bằng cách chặt đầu tại một phiên xử ngắn ở Katowice vào ngày 17 tháng 7 năm 1942.

Ngài bị hành quyết bằng máy chém tại nhà tù ở Katowice lúc 12:15 sáng ngày 3 tháng 12 năm 1942, bất chấp những nỗ lực của mẹ ngài xin cho ngài được ân xá.

Khi chết, ngài mới 28 tuổi và mới chỉ phục vụ được 1,257 ngày với tư cách là một linh mục. Cơ thể của ngài cũng biến mất và được cho là đã bị thiêu hủy tại trại tập trung Auschwitz.

Án phong thánh cho Cha Macha được mở vào năm 2013. Sau khi giai đoạn cấp giáo phận được hoàn thành vào năm 2015, án tuyên thánh đã được gửi đến Rôma. Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành một sắc lệnh vào ngày 29 tháng 11 năm 2019, công nhận Cha Macha là một người tử vì đạo, bị giết “in odium fidei”, nghĩa là vì lòng hận thù đức tin.

Việc phong chân phước ban đầu được lên kế hoạch vào ngày 17 tháng 10 năm 2020, nhưng đã bị hoãn lại do đại dịch coronavirus.

Cha Macha là một trong số hàng nghìn giáo sĩ Công Giáo bị giết trong thời kỳ Đức Quốc xã chiếm đóng Ba Lan từ năm 1939 đến năm 1945. Khoảng 1/5 trong số 10,000 linh mục giáo phận của Ba Lan đã thiệt mạng.

Đức Quốc xã đã giết 868 giáo sĩ Công Giáo Ba Lan tại trại tập trung Dachau, nơi từng được mô tả là “nghĩa trang linh mục lớn nhất thế giới”.

Thánh lễ phong chân phước được cử hành bằng tiếng Latinh và tiếng Ba Lan. Sau Kinh Thương Xót, Đức Tổng Giám Mục Wiktor Skworc của Katowice đã chính thức xin Đức Thánh Cha Phanxicô ghi tên Cha Macha vào sổ bộ các vị chân phước của Giáo hội.

Tiểu sử của Cha Macha đã được đọc bởi Cha Damian Bednarski, cáo thỉnh viên án tuyên thánh. Sau đó, một sắc lệnh của Đức Thánh Cha tuyên bố Cha Macha là Chân Phước đã được tuyên đọc.

Đức Hồng Y Semeraro công bố công thức phong chân phước bằng tiếng Latinh và một hình ảnh của Cha Macha đã được công bố.

Các thành viên trong gia đình tân chân phước mang di tích của ngài lên bàn thờ. Các di vật bao gồm bức thư cuối cùng của Macha gửi cho cha mẹ và anh chị em của mình trước khi bị hành quyết, một tràng hạt mà ngài đã làm và một chiếc khăn tay nhuốm máu.

Trước lễ phong chân phước, Đức Hồng Y Semeraro đã đến thăm nhà thờ giáo xứ nơi Cha Macha được rửa tội, cầu nguyện tại giếng rửa tội ở nhà thờ Thánh Maria Mađalêna, ở Chorzów Stary. Ngài cũng đến thăm một chủng viện ở Katowice nơi đào tạo các linh mục ở vùng Silesia.
Source:Catholic News Agency
 
Các Giám mục Hoa Kỳ chế nhạo sự can thiệp khó hiểu của Hồng Y Mahony
J.B. Đặng Minh An dịch
17:31 26/11/2021
Trong một cuộc phỏng vấn bất thường được công bố bởi Vatican News trước cuộc bỏ phiếu của các giám mục Hoa Kỳ về tài liệu có tiêu đề “Mầu nhiệm Thánh Thể trong Đời sống Giáo hội”, Đức Hồng Y Roger Mahony, Tổng Giám mục đã nghỉ hưu của Los Angeles, gọi tài liệu này là “hoàn toàn không cần thiết”. Cuộc phỏng vấn này, đã được thực hiện bởi Nữ tu Bernadette M. Reis, người Mỹ thuộc dòng Nữ tử Thánh Phaolô, có tựa đề “Hồng Y Mahony khuyến khích các giám mục Hoa Kỳ thực hiện con đường dẫn đến đối thoại mang tính xây dựng”.

Tờ The Pillar cho biết Hồng Y Mahony đã bị cấm thi hành các thừa tác vụ công khai ở Tổng giáo phận Los Angeles từ năm 2013: thậm chí không được lên tiếng công khai trong các nhà thờ của tổng giáo phận Los Angeles. Chính vì thế mà trong nghi thức khánh thành tượng đài Đức Mẹ Lavang ở Nhà Thờ Kiếng Garden Grove vừa qua, ngài chỉ được hiện diện như một giáo dân, thậm chí, không được đồng tế!

Cha Raymond J. de Souza, chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada, cho rằng sự can thiệp bất ngờ và khó hiểu của Đức Hồng Y Roger Mahony có thể đã khiến các Giám Mục Hoa Kỳ phản ứng lại bằng cách bỏ phiếu ủng hộ một cách áp đảo cho tài liệu mà vị Hồng Y đầy tai tiếng này cho là “hoàn toàn không cần thiết”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Hoàn toàn có khả năng là cuộc bỏ phiếu áp đảo ủng hộ cho tài liệu mới về Thánh Thể của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, được tạo ra một phần từ phản ứng chống lại cuộc phỏng vấn bất thường Hồng Y Mahony, được công bố bởi Vatican News.

Ở tuổi 85, và đã nhiều năm bị loại bỏ khỏi việc thực thi ảnh hưởng, cũng không được hưởng vinh dự trong Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ, Hồng Y Roger Mahony đã nhanh chóng trở lại tâm điểm vào tuần trước nhân cuộc họp toàn thể của USCCB ở Baltimore.

Hồng Y Mahony đã dùng thế giá của mình để ủng hộ những người phản đối tài liệu “Mầu nhiệm Thánh Thể trong đời sống của Giáo hội”, là tài liệu tái khẳng định giáo lý Công Giáo về bí tích trung tâm của đời sống và đức tin Công Giáo. Ý đồ này của vị Hồng Y đã thất bại.

Tài liệu được thông qua gần như nhất trí, 222 phiếu thuận và chỉ có 8 phiếu chống. Hoàn toàn có khả năng là cuộc bỏ phiếu áp đảo này được tạo ra một phần bởi phản ứng chống lại sự can thiệp bất thường và khó hiểu của Hồng Y Mahony.

Tài liệu về Bí tích Thánh Thể có hai nguồn gốc: thứ nhất, ngày càng có nhiều dữ liệu cho thấy một số rất lớn người Công Giáo không tin những gì Giáo hội dạy về Bí tích Thánh thể, về Sự hiện diện Thực sự của Chúa Giêsu; thứ hai, là vấn đề về sự xứng đáng để rước lễ, đó là một câu hỏi lâu đời trong một thời đại mà hầu như tất cả mọi người hiện diện trong Thánh lễ đều lên rước lễ. Việc trúng cử của Tổng thống Joe Biden, một người Công Giáo thực hành đạo mà chính sách ủng hộ phá thai của ông khiến ông mâu thuẫn với giáo huấn Công Giáo về sự thánh thiêng của cuộc sống, đã khiến câu hỏi đó trở nên sắc nét hơn.

Vấn đề thứ hai nhận được nhiều sự chú ý nhất. Liệu các giám mục Công Giáo có nói rõ ràng với Tổng thống Biden rằng ông sẽ không được Rước lễ không? Điều đó chưa bao giờ có trên bàn thảo luận, vì một quyết định như vậy, nếu được đưa ra, thuộc về giám mục địa phương. Hơn thế nữa, giáo luật, liên quan đến các nguyên thủ quốc gia Công Giáo, có thể bảo lưu quyết định đó cho Tòa thánh.

Vì vậy, không có “điều khoản Biden” trong tài liệu Thánh Thể, tài liệu chỉ là bản trình bày lại giáo huấn lâu đời của Giáo Hội Công Giáo, bao gồm cả về sự xứng đáng để rước lễ. Tài liệu không chỉ ra bất kỳ cá nhân hoặc một chức danh cụ thể nào, nhưng nói rõ rằng việc cổ vũ phá thai không tương thích với việc rước lễ.

Với tất cả những điều đó, thật bất thường khi trang Truyền thông Vatican chính thức đăng một cuộc phỏng vấn với Hồng Y Mahony, tổng giám mục hiệu tòa của Los Angeles, ngay khi cuộc họp toàn thể đang khai mạc. Hồng Y Mahony đã đưa ra một cuộc tấn công tổng lực vào tài liệu, nói rằng các giám mục Hoa Kỳ thậm chí không nên xem xét một tài liệu giảng dạy như vậy, mặc dù đa số các Giám Mục đã ủng hộ sáng kiến này tại cuộc họp cuối cùng vào tháng Sáu.

Tuy nhiên, cuộc phỏng vấn đã xảy ra, thật kỳ lạ là hoạt động truyền thông của Vatican lại tạo cơ hội cho một vị Hồng Y đã nghỉ hưu tấn công một sáng kiến của Hội Đồng Giám Mục, chính ngay khi người kế nhiệm của ngài, là Đức Tổng Giám Mục José Gomez, khai mạc phiên khoáng đại.

Rõ ràng là Đức Tổng Giám Mục của Los Angeles nắm được nhịp đập của các giám mục anh em mình hơn là người tiền nhiệm của ngài. Hồng Y Mahony giờ đây thấy mình ở vào tình thế khó xử khi tuyên bố tài liệu ấy là một điều ngu xuẩn trong khi gần như tất cả các anh em của ngài đều thấy là cần thiết, bằng một cuộc bỏ phiếu áp đảo.

Đặc biệt hơn nữa, cuộc phỏng vấn bao cả việc Hồng Y Mahony tuyên bố bản thân mình “cảm động” trước tuyên bố của 60 thành viên Công Giáo ủng hộ việc phá thai trong Quốc hội, tất cả đều là đảng viên Đảng Dân chủ, trong khi tố cáo cuộc bỏ phiếu của các giám mục Hoa Kỳ vào tháng 6 năm 2021. Cũng chính những đảng viên Dân chủ đó trong vòng vài tháng qua đã tiếp tục thông qua các đạo luật ủng hộ phá thai cực đoan nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Thành ra, việc Hồng Y Mahony ca ngợi họ bây giờ là điều cực kỳ quái đản. Nếu ngài có bất kỳ nghi ngờ nào về giá trị của lời kêu gọi “đối thoại” của các đảng viên Dân chủ ở Hạ viện, thì hãy hỏi Đức Cha Robert Barron, Giám Mục Phụ Tá của Los Angeles, là người đã phát biểu vào tháng 6, chỉ ra rằng 60 đảng viên Đảng Dân chủ này thậm chí đã đi xa đến mức không ủng hộ dự luật bảo vệ cuộc sống của những đứa trẻ cách nào đó vẫn sống sót sau một nỗ lực phá thai.

Các giám mục Hoa Kỳ đều quá hiểu về mối quan hệ tế nhị của Hồng Y Mahony với Đức Tổng Giám Mục Gomez. Vào năm 2013, khi các báo cáo điều tra tiết lộ rằng Hồng Y Mahony đã có một thành tích đáng xấu hổ về các vụ lạm dụng tình dục trong nhiều thập kỷ, Đức Tổng Giám Mục Gomez tuyên bố rằng Hồng Y Mahony sẽ không còn bất kỳ “nhiệm vụ quản trị hay công khai” nào ở Los Angeles. Trong khi các giới hạn liên quan đến các các nhiệm vụ công khai của vị Hồng Y không được chính thức hóa - vì chỉ có Đức Thánh Cha mới có thể xử phạt một vị Hồng Y - thì tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Gomez là tuyên bố bất tín nhiệm đầy kịch tính mà người ta có thể mong đợi.

Không chỉ ở Los Angeles, nơi sự hiện diện của Hồng Y Mahony không được hoan nghênh. Năm 2018, ngài được bổ nhiệm làm đặc sứ giáo hoàng trong các lễ kỷ niệm ở Scranton, Pennsylvania. Những người Công Giáo địa phương đã nói rõ rằng họ nghĩ rằng sự hiện diện của Hồng Y Mahony sẽ làm cho buổi lễ buồn tẻ chứ không hề nâng cao tinh thần họ. Giáo phận cũng nghĩ như thế, và, đột nhiên, Hồng Y phát hiện ra mình rất bận rộn, không thể đến được. Trong ký ức sống động, không có một trường hợp nào khác khi một đặc sứ giáo hoàng lại bị những người mà ngài được cử đến với một nhiệm vụ hoàn toàn chỉ có tính cách nghi lễ từ chối thẳng thừng như thế.

Mọi giám mục Mỹ đều biết rằng có một thỏa thuận không chính thức từ các phương tiện truyền thông hàng đầu. Chấp nhận một số quan điểm chính trị cấp tiến, lờ đi các giáo lý chống lại trào lưu thế tục, tuyên bố bản thân “cảm động” với các chính trị gia Đảng Dân chủ - và bạn sẽ được xí xoá cho các trường hợp lạm dụng tình dục. Đó là lý do tại sao Hồng Y Mahony đã thoát hiểm một cách tương đối bình yên trước tòa án dư luận so với Đức Hồng Y Bernard Law.

Tuy nhiên, ngài không thể thoát khỏi mọi hậu quả, và các giám mục anh em của Hồng Y Mahony có lẽ không ngạc nhiên khi thấy ngài cố gắng trở lại tâm điểm bằng cách ca ngợi những đảng viên Dân chủ ủng hộ phá thai, những người thường xuyên là đồng minh của ngài.

Các giám mục không chút ấn tượng nào về chuyện đó.

Tại cuộc họp tiếp theo của các đảng viên Đảng Dân chủ ở Hạ viện, Hồng Y Mahony chắc chắn sẽ được chào đón. Ngài thậm chí có thể được ca tụng. Nếu có bất kỳ nghị quyết liên quan nào được mang ra xem xét ở Hạ Viện, quan điểm của ngài chắc chắn sẽ nhận được hơn tám phiếu bầu.
Source:National Catholic Register
 
Đức Tổng Giám Mục Paris yêu cầu Đức Thánh Cha Phanxicô quyết định tương lai của ngài
Đặng Tự Do
19:10 26/11/2021
Chiều thứ Sáu 26 tháng 11, Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit đã yêu cầu Đức Thánh Cha Phanxicô quyết định xem liệu ngài có nên tiếp tục làm Tổng giám mục Paris hay không.

Vị tổng giám mục 70 tuổi, đã được bổ nhiệm vào thủ đô của Pháp vào năm 2018, nói với nhật báo Công Giáo La Croix rằng ngài đã viết thư cho giáo hoàng vì những lo ngại liên quan đến việc duy trì sự hiệp nhất của tổng giáo phận Paris.

“Từ ngữ ‘từ chức’ không phải là từ ngữ mà tôi đã sử dụng. Từ chức có nghĩa là từ bỏ chức vụ của mình. Không, trên thực tế, tôi đang giao điều đó cho Đức Thánh Cha vì chính Ngài là người đã trao sứ vụ này cho tôi.”

Ngài nói thêm: “Tôi làm điều đó để bảo tồn giáo phận, bởi vì với tư cách là một giám mục, tôi phải phục vụ cho sự hiệp nhất.”

Đức Cha Aupetit, có ơn gọi linh mục rất muộn ở tuổi 39 sau một thời gian hành nghề bác sĩ y khoa, đã phát biểu như trên sau khi tạp chí Le Point của Pháp xuất bản một báo cáo miêu tả ngài là một nhân vật độc đoán và chia rẽ.

Báo cáo cũng nêu lên những lo ngại về các cuộc tiếp xúc của Đức Cha Aupetit với một phụ nữ vào năm 2012, khi ngài là tổng đại diện của tổng giáo phận Paris.

Đức Cha Aupetit đã khẳng định với tờ Le Point rằng ngài không có quan hệ tình cảm với người phụ nữ.

Ngài nói: “Hành vi của tôi đối với cô ấy có thể có những điều không rõ ràng, do đó nảy sinh ý tưởng rằng giữa chúng tôi tồn tại một mối quan hệ thân mật và quan hệ tình dục, là điều mà tôi mạnh mẽ bác bỏ. Tôi đã quyết định không gặp lại cô ấy và tôi đã thông báo cho cô ấy”.

Đức Cha Aupetit nói với tờ La Croix rằng ngài đã nói chuyện với Đức Hồng Y Marc Ouellet, Tổng trưởng Bộ Giám mục Vatican, về tình hình của ngài, cũng như với Đức Tổng Giám Mục Celestino Migliore, Sứ thần Tòa thánh tại Pháp.

Giải thích về lá thư yêu cầu Đức Thánh Cha Phanxicô quyết định tương lai của ngài, Đức Tổng Giám Mục Aupetit cho biết điều đó không liên quan gì đến người phụ nữ mà báo chí tại Pháp đang khai thác mạnh để câu độc giả. Ngài nói:

“Đây không phải là vì những gì tôi nên hay không nên làm trong quá khứ - nếu có gì sai trái thì tôi đã bị loại từ lâu - vấn đề là tôi muốn tránh gây chia rẽ, nếu chính tôi là nguồn gốc của sự chia rẽ”.

Sau báo cáo đáng kinh ngạc, và đáng nghi ngờ của Jean-Marc Sauvé, trong đó cho rằng có khoảng 216,000 trẻ em bị các linh mục lạm dụng kể từ năm 1950, và hơn 100,000 trẻ em khác bị lạm dụng bởi các nhân viên giáo dân của các cơ sở giáo hội, đang có những cố gắng để thừa dịp này hạ gục luôn Giáo Hội Công Giáo tại Pháp.

Hôm thứ Tư, 24 tháng 11, tờ Le Parisien đã dành hẳn một trang để tấn công Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit của Paris với một cáo buộc rằng ngài có quan hệ với một người phụ nữ.

Cáo buộc đó không có gì lạ, đã được tờ Le Point tung ra vào năm 2012, và Đức Tổng Giám Mục, khi đó còn là một linh mục tổng đại diện của Paris, đã phủ nhận. Tờ Le Parisien chỉ thêm vào một chi tiết cho rằng cáo buộc của tờ Le Point là đúng vì cho đến nay, Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit vẫn chưa được phong Hồng Y. Thực ra, vấn đề phong Hồng Y hay không là do Đức Thánh Cha quyết định, và ngài có cách hành động riêng của ngài. Đức Tổng Giám Mục José Gómez của tổng giáo phận Los Angeles nhậm chức Tổng Giám Mục từ ngày 1 tháng Ba 2011, kế vị Hồng Y Mahony, trước cả Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit, vẫn chưa được tấn phong Hồng Y, mặc dù ngài được các Giám Mục Hoa Kỳ đánh giá rất cao bầu làm Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Mỹ.

Hơn thế nữa, sau cáo buộc vào năm 2012, ngày 2 tháng Giêng 2013, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 mới nâng ngài lên hàng Giám Mục và bổ nhiệm ngài làm Giám Mục Phụ Tá Paris. Ngày 04 tháng Tư 2014, ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm giám mục Nanterre. Ngày 7 tháng 12, 2017, ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Tổng giám mục Paris, kế nhiệm Đức Hồng Y André Vingt-Trois. Tất cả các bổ nhiệm này chứng tỏ cáo buộc năm 2012 là vô nghĩa và bịa đặt.

Lý do người ta nhắm vào Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit cũng dễ hiểu. Ngài là tác giả nhiều tác phẩm y khoa và thần học, và giống như Đức Hồng Y George Pell của Úc, Đức Tổng Giám Mục Paris rất thích tranh luận trong các diễn đàn công khai.
Source:Catholic News Agency

 
Văn Hóa
Hans Urs von Balthasar: Kitô hữu là ai? Chương Hai, Xu hướng Trần thế
Vũ Văn An
17:11 26/11/2021

Xu hướng “Trần thế”

Ở đây, cuối cùng, chúng ta tiến vào tầm cao và trung tâm của vấn đề. Đây là nơi mà cuộc cách mạng có tính quyết định và cứu chuộc được cho là đã diễn ra. Khi loại bỏ xu hướng vô dụng chỉ lo tự bảo tồn mình, khi chịu đột phá và đột nhập vào thế giới, Giáo hội mới được coi là thức tỉnh nhận ra con người thật của chính mình và do đó, cũng biểu lộ việc Kitô hữu thực sự là ai.



Để có thể trình bầy ý tưởng trên một cách rõ ràng hơn, ta cần được hỗ trợ bằng các điển hình lịch sử và được tăng cường bằng các hình ảnh tương phản nhau. Chúng ta vốn biết, trước đây, không hề có điều gọi là thế giới thế tục mà đúng hơn, vũ trụ được tri nhận có tính tôn giáo trong mọi phương diện hoặc, như một số người dám nói, "được thần hóa". Ẩn mình trong một loại ảo tưởng tôn giáo nguyên sơ, con người tri nhận Thần tính như hiện diện ở khắp mọi nơi và gần gũi với họ trong thiên nhiên. Nhưng giờ đây, trong thế giới kỹ thuật và cơ khí hóa hiện đại, với việc nó thống trị thiên nhiên, bức màn ảo tưởng này đã bị xé bỏ một cách tàn nhẫn; thế giới đã được “phi thần hóa” và hoàn toàn “được nhân bản hóa”, và người Kitô hữu được kêu gọi sải bước đi vào thế giới lạnh lẽo và hết ảo tưởng này, một cách không sợ hãi và không dè dặt. Kế tiếp, mức độ nghiêm trọng của thách thức được nhấn mạnh với chúng ta, ở chỗ, một cuộc chạy trốn nào đó, không thể phủ nhận, khỏi thực tại đã diễn ra giữa những người Công Giáo sau Cách mạng Pháp và trong thời kỳ Lãng mạn được phóng đại thành một khuôn mẫu cho mọi thái độ Kitô giáo trong quá khứ. Nhưng nhận định này chắc chắn không công bằng, vì đã có biết bao cởi mở đối với thế giới, không những trong phong trào tông đồ của Giáo hội sơ khai, mà còn cả trong cuộc phiêu lưu nhằm Kitô giáo hóa Đế quốc Rôma và quyền lực trần thế của nó từng bị nhiều nghi vấn và ngày nay bị phán đoán rất khắc nghiệt; trong việc trở lại đạo của những người man rợ, trong việc thuần hóa và văn minh hóa các vùng rừng và đất hoang của họ bởi các đan sĩ và các dòng hiệp sĩ; trong sự hiện diện của thế giới trần thế trong các tác phẩm nghệ thuật, triết học và văn học vĩ đại của phương Tây; trong ảnh hưởng luân lý có tính tạo văn minh đối với các nền văn hóa và vương quốc. Dù sao, những nhà cải cách và những nhà duy thuần túy (purist) ở khắp nơi đều có xu hướng tìm kiếm quá nhiều thay vì quá ít ở đây để hòa nhập qua lại và thích ứng với thế giới!

Rồi, chúng ta được chỉ cho thấy các phong trào khổ hạnh của quá khứ, những phong trào, được người ta kể lại, trước đây sợ thế gian - bắt đầu với việc tầng lớp quý tộc tâm linh trốn vào sa mạc, vào các nơi ẩn tu và đan viện sống theo cộng đoàn (cenobitic), tiếp theo là các tiểu luận [tract] của phong trào đơn tu trung cổ viết về sự khinh miệt thế gian (de contemptu mundi) và sau đó về những làn sóng hiện đại nối tiếp nhau của cuộc sống từ bỏ mình được thể hiện trong các lời khuyên của Tin Mừng. Tuy nhiên, chúng ta được nhấn mạnh rằng với mỗi đợt nối tiếp nhau ấy, các phong trào này, theo một bản năng Kitô giáo mầu nhiệm nào đó, bắt đầu dấn thân ngày càng nhiều hơn vào thế giới. Do đó, việc chạy trốn khỏi thế gian để hoàn toàn chiêm niệm của các đan sĩ đầu tiên đã nhường chỗ cho những người tu sĩ Biển Đức chịu trồng trọt, tiếp theo là các vị giảng thuyết và truyền giảng Tin Mừng. Rồi, với Dòng Tên, những vị này hoàn toàn được miễn lối sống tu kín và lao sâu vào thế giới. Ngày nay, các cộng đồng thế tục (Instituta saecularia) đã đi hết chặng đường và hiện đang sống theo những lời khuyên Tin Mừng giữa thế giới trần tục, không tách biệt với thế giới về bất cứ phương diện nào. Và nếu quả thực những hình thức sống tu trì này đã đại diện từ lâu cho sự hiện diện Kitô giáo ở tuyến đầu, thì cuộc hành trình thế tục đầy ấn tượng này từ những hình thức đan viện lánh đời nhiều nhất qua lối sống hoàn toàn trong thế gian chắc chắn phải là một dấu chỉ rõ ràng của ơn phúc đầy quyền năng của Chúa Thánh Thần. Và do đó, chúng ta không nên ngần ngại rút ra những hậu quả tối hậu từ cuộc hành trình tiến về phía trước không thể cưỡng lại được này – nhất là khi chúng ta thêm tính năng động của thế giới hiện đại vào phương trình. Như thế, điều mọi người tưởng tượng bấy lâu nay như được hiểu theo nghĩa đen trong các lời khuyên Tin Mừng thì nay chắc chắn phải được hiểu, trước hết, theo nghĩa tâm linh. Do đó, tuy vẫn tôn trọng đức đồng trinh bề ngoài, nhưng tinh thần nhân tính trọn vẹn của hôn nhân Kitô giáo cần được nhập thể và được khẳng định không chút sợ hãi, cũng như thực hành bề ngoài của đức khó nghèo kiểu cũ phải được nhân bản hóa thành sự xa cách cao quí của bản thân đối với mọi của cải, và, trên hết, tính trẻ thơ bất tận của đức vâng lời bề ngoài phải đạt đến việc chu toàn bên trong bằng một sự trưởng thành tự do của một Kitô hữu giáo dân hoàn toàn có tinh thần trách nhiệm, sẵn lòng để lương tâm mình mạo hiểm phán đoán giữa thế gian.

Người ta chỉ cần nâng đỡ các tuyên bố trên bằng những lời nói xa gần trong lịch sử về thái độ “Manikêô” [nhị nguyên] giấu mặt, ghét xác thịt nơi các Kitô hữu thời cổ đại và thời Trung cổ — những dấu vết của điều đó dường như vẫn còn rõ ràng một cách đáng buồn trong các điều răn và cấm đoán của Giáo hội đối với hôn nhân; người ta chỉ cần chỉ ra tính dễ phục tùng tự nhiên của một nhân loại vẫn còn như trẻ nít và man rợ một cách không thể dạy dỗ được đối với thẩm quyền cha chú và độc đoán của Giáo hội, một sự phụ thuộc mà giờ đây người ta đã bỏ được, nhờ diễn trình trưởng thành tự nhiên; cuối cùng, chúng ta chỉ cần thêm điều này, trong thời đại chuyên môn hóa như của chúng ta, tài năng ngày càng thuộc về tay các chuyên gia và do đó sẽ ngày càng bị lấy khỏi các thẩm quyền Giáo hội, những thẩm quyền này, do đó, sẽ bị hạn chế trong lĩnh vực thiêng liêng thuần túy, và chúng ta có bức tranh đầy đủ về xu hướng đặc thù này. Do đó, trọng tâm trong Giáo hội đang từ đẳng cấp linh mục và những người sống theo các lời khuyên Tin Mừng chuyển sang hàng giáo dân một cách không thể cưỡng lại được. Vì họ mới là trung tâm thực sự của Vương quốc Thiên Chúa trên trái đất, với điều kiện họ là “Giáo Hội” cởi mở, bám rễ vào thế giới. Mang so sánh, hàng ngũ giáo sĩ chỉ là đẳng cấp nâng đỡ, và lối sống các lời khuyên Tin Mừng chỉ để nhắc nhở giáo dân, một cách ẩn dụ, rằng tự họ, họ không chỉ là “thế gian”; Vương quốc của Thiên Chúa cuối cùng vẫn chưa đến, nhưng thay vào đó, “tương lai” của Chúa sẽ chỉ được biến đổi vào cuối thời gian thành sự hiện diện cởi mở. Và do đó, lối sống từ bỏ mình chỉ là một dấu chỉ, trong khi cuộc sống sở hữu và sử dụng là điều có thật, và cũng như vậy, người chăn chiên chính thức ở đó chỉ vì lợi ích của đoàn chiên và phải đầu tư tất cả sức lực của mình để thấy đoàn chiên này phát triển và nở rộ.

Sau đó, nếu chúng ta mang thuyết biến hóa sinh học và thêm nó vào thế giới quan này - hoàn tất với sự chuyển giao nó một cách ngây thơ vào lĩnh vực lịch sử nhân loại cả tự nhiên lẫn siêu nhiên - thì xu hướng này sẽ trở nên không thể ngưng lại được; vì bây giờ, con người phải tự lãnh lấy trách nhiệm phát triển vũ trụ này và bằng cách lập kế hoạch tâm linh tích cực, không những để lái lịch sử thế giới hướng tới sự thành toàn của nó mà, khi làm thế, còn để chuẩn bị và “đẩy nhanh” tương lai nước Chúa.

Với việc thay đổi nhấn mạnh này, một câu trả lời giờ đây đã nảy sinh, ngoài ý muốn và dường như không được thúc đẩy, đối với câu hỏi chính của chúng ta. Kitô hữu là ai? Trong thí dụ cuối cùng, họ là người bám rễ đời sống Kitô hữu một cách sâu xa nhất vào bản thể của thế giới trần tục; là người “nhập thể” nó một cách trọn vẹn nhất. Vậy thì chúng là gì đối với mọi phương tiện ân sủng đã được cung cấp như Kinh thánh, các bí tích, việc rao giảng, v.v.? Một cách đơn giản không vì lý do nào khác ngoài việc được chuyển dịch thành cuộc sống và hành động; và điều này xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của Kitô hữu, nói cách khác, trong sinh hoạt chung hàng ngày của thế giới này. Bằng cách này, dụ ngôn về men bột và những lời về muối đất, ánh sáng thế gian, đã được ứng nghiệm.



Tất cả những điều đó nghe thật đơn giản và có tính soi sáng, và cũng rất có tính giải phóng (khỏi áp lực của chủ nghĩa giáo sĩ trị và sự kìm hãm của một chủ nghĩa khổ hạnh xa lánh thế giới), vận dụng được mọi năng lực của chúng ta một cách đầy kích thích đến mức sự mơ hồ của xu hướng này gần như bị chôn vùi dưới nhiều lạc quan và hứng khởi. Nhưng nó lập tức tái xuất hiện khi người ta hỏi những linh hồn “dấn thân vào thế giới” này: Thế thì chiều kích Kitô giáo mà các bạn, trong tư cách Kitô hữu, tìm cách nhập thể vào thế giới là gì? Khi định nghĩa một thuật ngữ, người ta không thể sử dụng lại nó trong định nghĩa. Và như thế, như diều gặp gió, các bạn đã có một khái niệm về Kitô hữu là gì (và do đó, Kitô hữu là ai) mà với nó, các bạn hành động để lập kế hoạch tiếp cận thế giới. Vì chắc chắn, các bạn sẽ không muốn gợi ý rằng việc “dấn thân vào thế giới” trong chính nó đã là điều giải đáp được câu hỏi Kitô hữu là ai. Dù sao, bản thân các bạn cũng đã là một phần của thế giới; do đó các bạn không cần phải ngỏ lời với thế giới một cách chuyên biệt. Một việc như vậy tốt nhất nên quy cho Thiên Chúa, Đấng tự trong Người không phải là “thế giới” và như thế, khi hướng về nó, đã ban cho nó một “ân sủng”. Tuy nhiên, đối với các bạn, thuộc “thế giới” là một sự kiện của bản nhiên và bắt nguồn từ sự kiện này, là một nghĩa vụ tinh thần. Hay có lẽ đó là tinh thần cống hiến đầy vui tươi và có trách nhiệm mà với nó các bạn khao khát muốn giúp xây dựng thế giới — đó có phải là tinh thần Kitô giáo mà các bạn muốn đóng góp? Tuy nhiên, tinh thần này, bất kể xuất sắc đến đâu, chắc chắn trong nguyên tắc không vượt quá những gì người ta có quyền mong đợi ở mọi thành viên trong xã hội con người?

Hay các bạn có ý muốn nói rằng chính mức độ đặc thù trong cam kết của các bạn đối với ích chung và sự tận tâm của các bạn đối với đồng loại mới đại diện cho điều chuyên biệt làm Kitô hữu, vì, quả thật, điều này có thể là gì đối với người khác nếu không phải là một phẩm tính nhân bản đặc biệt trong sáng, có tính soi sáng, và hấp dẫn? Các bạn có thể nêu lên những lý do quan trọng để nâng đỡ điều này, như nhận định rằng cách tiếp cận Kitô giáo hệ ở, không phải nơi các thực hành bề ngoài và việc đi nhà thờ, mà đúng hơn ở việc thực hiện mối quan tâm chính của Chúa Kitô, điều mà Người vốn gây ấn tượng mạnh mẽ nơi chúng ta, thí dụ, trong việc rửa chân, là tất cả chúng ta nên là anh em của nhau và giúp đỡ lẫn nhau, giống như Người, Thầy của chúng ta, đã làm. Do đó, điều đó có nghĩa là chúng ta nên phân biệt chúng ta với các thành phần khác của nhân loại, bằng cách tuân giữ các đòi hỏi của nhân tính và tình liên đới chung của chúng ta một cách có ý thức và nhất quán hơn những người khác. Và nếu nhiệm vụ của nhân loại trong thế giới “tối hậu” và hoàn toàn “thế tục” này thực sự phải bao gồm việc xây dựng trí thức và kỹ thuật của thế giới này bởi con người, thì Điều Kitô hữu cần làm là đặt mình lên tuyến đầu của công trình liên đới nhân bản này, dùng gương sáng của chúng ta để chỉ đường. Do đó, thay vì luôn luôn đến quá trễ, vì chúng ta bận ngắm nghía, mơ mộng, chuyện lên thiên đường, trong khi đó bỏ lỡ hết cơ hội này đến cơ hội nọ của lịch sử thế giới, thì cuối cùng chúng ta phải thức tỉnh trước các đòi hỏi tôn giáo của hiện tại và làm gương sáng trong lãnh vực này.

Vậy thì chủ nghĩa cộng sản có cần thiết không, nếu các Kitô hữu lanh lẹ và tỉnh táo đúng lúc? Há mối quan tâm của con người đối với người nghèo và người bị bóc lột không luôn luôn được Kinh thánh Cựu ước và Tân ước in sâu vào chúng ta từ những buổi đầu đó sao? Và há nếu không có mối liên hệ chết người giữa những kẻ bóc lột và Kitô giáo, thì chủ nghĩa vô thần hiện đại đâu có cần thiết đó sao? Ở đây, chúng ta phải đương đầu với sự kiện này là:

“Sự hiện hữu và phong trào vô sản gần như nhất thiết buộc bản thân nó phải vô thần bởi vì, trong những thập niên quyết định việc khởi đầu của nó, Thiên Chúa đã không hiển hiện với nó. Kể từ thời của Chúa Kitô, đáng lẽ Thiên Chúa đã có thể trở thành hiển hiện và hiển nhiên đối với loài người trong những Kitô hữu biết noi gương Chúa Kitô. Nhưng dưới hình thức bằng chứng như thế, Kitô giáo, vốn không nâng đỡ họ như một sắp xếp có tính che chở, nông dân và tư sản của xã hội, hầu như hoàn toàn vắng bóng đối với họ; nhưng lại hiện diện rất mạnh mẽ như một biện minh và vũ khí cho kẻ bóc lột. Đó không phải là một kết luận hợp luận lý mà là một trải nghiệm hiển nhiên cho thấy không có Thiên Chúa.... Chủ nghĩa vô thần cách mạng, từng chứng kiến sự ra đời của phong trào công nhân, trực tiếp do sự vắng mặt Thiên Chúa tạo ra, hay nói cách khác, là do sự vắng mặt của các Kitô hữu” (2).

Đáng lẽ phải như thế nào? Một cảm thức sống động về tình yêu thương huynh đệ thay vì thực hành tôn giáo giả hình [pharisaical], mù quáng trước nhu cầu của thế giới. Vậy thì, đâu là trọng điểm của tính chất trọng đời sau quá mức, khi bổn phận Kitô hữu của chúng ta hiển nhiên một cách không thể tránh né, ngay dưới mũi chúng ta? Và ngày nay chắc chắn không kém hiển nhiên so với thời của Tuyên ngôn Cộng sản? Có bao nhiêu nhu cầu nhân bản sơ đẳng của chúng ta vẫn chưa được đáp ứng bởi vì người ta cho rằng mình không có thời gian cho chúng? Đây là chỗ Kitô hữu có thể bước vào, có thể làm cho tôn giáo của họ nhập thể.

Dù có thể đúng bao nhiêu đi nữa, câu hỏi căn bản nằm ở bên dưới vẫn phải được lặp lại: Điều này có phải có nghĩa là, rốt cuộc, Kitô giáo chỉ là một hình thức mạch lạc của chủ nghĩa duy nhân bản? Nếu đúng như vậy, thì xét cho cùng, nền thần học nghiêm túc và ngay thẳng của Phong trào Ánh sáng và chủ nghĩa tự do là đúng đắn, và Chúa Kitô chỉ là vị thầy cao quý nhất của nhân loại, là khuôn thước và mẫu gương thuần khiết nhất của nó. Nhờ mẫu gương này, chúng ta mới biết tình liên đới và vị tha thực sự nghĩa là gì. Nhưng nếu chúng ta biết thế, thì đâu là trọng điểm của đức tin? Há không đủ hay sao khi chỉ cần nỗ lực để chu toàn các lời khuyên bảo của Bài giảng trên núi, những lời khuyên bảo đơn giản ngay trong chúng dù chúng đòi hỏi toàn bộ sự hiện hữu của chúng ta, và về chúng chắc chắn không có gì là mầu nhiệm hết? Vậy tại sao chúng ta còn cần các mầu nhiệm đức tin? Tình bác ái huynh đệ có thể được nội tâm hóa trong chúng ta; vậy thì tại sao chúng ta cần những “công thức” mà chúng ta phải tuân phục như là chân thật nhưng mãi luôn ở bên ngoài đối với chúng ta? Nếu làm một Kitô hữu có nghĩa là thể hiện một cách thực tiễn, và nếu chúng ta chỉ có thể thể hiện một cách thực tiễn những gì chúng ta hiểu và do đó cam kết với, thì đâu là trọng điểm của điều không thể hiểu được, điều mãi vẫn không thể lĩnh hội và không thể đồng hóa được?

Ở đây, câu hỏi “Kitô hữu là ai” đã được phát biểu một cách rõ ràng nhất. Nếu việc tôi là một Kitô hữu là để phục vụ thế giới thế tục, thì tôi phải có một khái niệm hướng dẫn rõ ràng và dễ hiểu về nó. Tuy nhiên, điều này phải được thích ứng cho phù hợp với lý trí và hành động của con người, và do đó, trong mỗi trường hợp, khi hành động, tôi bắt đầu từ một khái niệm hướng dẫn, chắc chắn nằm vững vàng ở phía sau tôi, như một dữ kiện, mặc dù tại mọi thời điểm nó vẫn nằm trước tôi như một mục tiêu phải được thể hiện bằng thực hành. Đó là giả định ẩn đằng sau xu hướng thứ tư này. Bất kể ý niệm thể hiện thực tiễn có đúng bao nhiêu đi nữa, nhưng nó vẫn dựa trên một phép trừ giấu ẩn, đó là, việc chiều kích Kitô giáo là chiều kích thực sự nhân bản (không hơn).

Có nhiều cách để phần nào che dấu giả định nằm ở bên dưới đó. Một cách là, sau khi đã phi thần hóa thế giới không bao lâu, lại định nghĩa lại nó ngay lập tức bằng các thuật ngữ thần học và nói tới một “thần học về thực tại trần thế”. Tốt nhất, người ta có thể suy diễn khía cạnh cuối cùng này từ nền thần học đó sau khi trình bầy “triết lý” (theo nghĩa của Thánh Tôma Aquinô chẳng hạn) của nó trước đã. Nhưng ngày nay người ta đã hạ giá triết lý, để chạy theo “khoa học chính xác” của các sự kiện thuần túy. Khoa học này sau đó được sử dụng, không qua trung gian triết học, để đối đầu với thần học. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể tạo ra cuộc đối thoại biểu kiến; trong thực tế, nó không hơn gì một hình thức biện chứng bị bóp méo và thoái hóa. “Sáng thế như cứu thế” và “Sáng thế như mầu nhiệm cứu thế” là những chủ đề và tiêu đề phổ biến của các cuốn sách hiện đại, và chúng có một âm sắc đầy hứa hẹn. Nhưng bên dưới có một mạch chập [short circuit], một đánh đồng giữa triết học với thần học, và khi điều này xảy ra, thì thần học luôn phải nhận phần mạch chập.

Trong phép biện chứng này, có thể hòa giải ngay cả những lập trường mâu thuẫn nhất - nhưng chỉ một cách biểu kiến và không có bất cứ sự trung gian thực sự nào. Vì vậy, ngày nay người ta nói, cùng một mạch và cùng một giọng điệu xác tín sâu sắc, về việc thế giới cuối cùng đã được “phi thần hóa” ra sao và trở nên hoàn toàn thế tục và cả về việc thế giới phải được tiếp cận ra sao như một mầu nhiệm thánh thể trong tính toàn bộ của nó, như nhiệm thể đang phát triển của Chúa Kitô, một sự “thần hóa” vũ trụ vượt quá bất cứ điều gì mà suy nghĩ thực tiễn của thời Trung cổ từng hình dung theo đường lối triết học Kitô giáo về thế giới. Trong một công trình sáng thế đã được giải thích, trong cả chiều kích biến hóa của nó, một cách trực tiếp như một mầu nhiệm thần học và bí tích, mọi diễn trình thế tục và trần tục rõ ràng cũng hòa nhập trực tiếp vào diễn trình tâm linh, và điều này bất chấp việc “phi thần hóa” nó trước đó, hay nói ngắn gọn là phải phục tùng tuyệt đối sự sai khiến của con người trong suy nghĩ và lên kế hoạch kỹ thuật của họ. Như thế, thế giới, được phi thần hóa đến mức vô thần, cũng là thế giới được thánh thiêng hóa đến mức thần linh. Nhưng rốt cuộc đây không chỉ là những cụm từ trống rỗng mà với chúng các Kitô hữu tự lừa dối và làm mình ra mù quáng trong thế giới hiện đại, một thế giới vốn có thể sống còn rất tốt mà không cần đến họ. Sau khi bí mật xóa bỏ những sự phân biệt từ trước, quả là vô nghĩa nếu hành động như thể người ta vẫn còn đang duy trì chúng và nói điều gì đó có ý nghĩa Kitô giáo sâu sắc khi gọi trần thế là tâm linh và tâm linh là trần thế.

Chúng ta hãy suy nghĩ một chút về truyền thống Kitô giáo, đã được viện dẫn ở đầu phần này như một nhân chứng hùng hồn, và khiến tâm trí ta có nên buộc tội nó vì tính trần tục quá mức (thần hóa thế giới) hay vì tính trốn tránh thế giới quá mức (phi thần hóa thế giới) của nó. Nếu quyết định này chứng tỏ là bất khả, thì điều phải được coi là rõ ràng là Kitô giáo đã luôn luôn nhìn thấy và phát biểu cả hai khía cạnh của thực tại, mặc dù bằng các khái niệm và cách diễn đạt văn hoá luôn thay đổi. Không ai có thể phủ nhận rằng số phận của vũ trụ nói chung luôn nằm ở trung tâm và trong phạm vi hiểu biết của Kitô hữu về hữu thể. Nói một cách chính xác, các thế giới quan thực tế và mạnh mẽ nhất của chủ thuyết phi vũ trụ hay trốn chạy thế giới có thể ít bị chê trách hơn cả. “Vũ trụ thánh”, tức thế giới, đang lớn lên và trưởng thành qua việc sáng thế, nhập thể, hòa giải và cứu chuộc của Thiên Chúa, nhưng cũng qua việc chu toàn các quy luật hữu thể vốn có trong thế giới và trong con người, thành sự viên mãn cuối cùng của Chúa Kitô, vốn là mối quan tâm thích đáng của những người như Origen và Dionysios thành Areopagite, Boethius và John Eriugena, các bậc thầy của Trường phái Chartres và các Nhà Kinh viện vĩ đại, Albertô, Bonaventure, Tôma; mối quan tâm của Nicholas thành Cusa và các nhà tư tưởng Kitô giáo của thời Phục hưng, từ Florence đến Oxford; mối quan tâm tương tự của phong trào huyền nhiệm baroque của những người như Jakob Böhme và trường phái của ông và tiếp đó Schelling và Baader. Tất cả những người này, ngoại trừ Thánh Augustinô, nên sớm bị khiển trách vì đã trộn lẫn quá nhiều điều thế tục vào điều thánh thiêng, quá nhiều triết học vào thần học. Sự kiện này đặc biệt khiến người ta nghi ngờ việc cáo buộc các phong trào khổ hạnh của chủ nghĩa đơn tu hoặc phong trào chấp nhận khó nghèo thời Trung cổ có quan điểm quá thiên về thế giới bên kia hoặc thậm chí theo chủ nghĩa Manikêô [nhị nguyên], những dấu vết cuối cùng mà thời hiện đại huy hoàng của chúng ta dường như chỉ được coi là thành công nhờ đã xóa bỏ được. Quả thực, có thể các phong trào này đại diện cho một điều gì đó có tính đối trọng đối với một Kitô giáo quá trần tục, vốn đã xâm nhập vào lãnh vực chính trị cũng như vào lĩnh vực triết học. Há chúng, như một đối trọng, đã không có giá trị và sự biện minh của chúng đó sao? Chúng ta có phải giả thiết rằng trước hết, chúng ta phải khám phá ra ai mới thật sự là một Kitô hữu? Vì bốn xu hướng trên đây đã được chứng tỏ là không đơn giản và do đó, có thể là một nguy hiểm? Vì ở mỗi trường hợp, tuy theo những cách khác nhau, đều có việc người ta cho rằng một điều gì đó đã được biết đến mà thực ra vẫn còn bị đặt nghi vấn. Và nếu, ngay trong triết học, không có gì có nhiều hậu quả tai hại bằng các tiền giả định không được cân nhắc, thì trong lãnh vực Kitô giáo điều đó còn tệ hơn thế nữa. Do đó, chúng ta phải quyết tâm xoay quanh và tiếp cận điều dường như ở phía sau chúng ta như một điều ở phía trước chúng ta. Đặt câu hỏi phía trước chúng ta, cùng với nỗ lực trả lời nó, là cách tiếp cận đúng đắn, vì câu trả lời nhất thiết sẽ đến với chúng ta từ nguồn mà từ đó chính cuộc sống Kitô hữu của chúng ta đã được ban tặng, tức là Lời hằng sống của Thiên Chúa.

Ghi chú

(1) Arnold Gehlen, “Das Engagement der Intellektuellen gegenüber dem Staat”, Merkur, 1964, 407.

(2) Walter Dirks, “Bittere Frucht”, trong Das schmutzige Geschäft: Die Politik und die Verantwortung der Christen (Walter-Verlag, 1964), 261.

Kỳ sau: Chương ba: Thiên Chúa ở phía trước chúng ta, hay Kitô hữu là ai?
 
VietCatholic TV
Giữa thanh thiên bạch nhật: Thánh tích Đức Gioan Phaolô II bị đánh cắp khỏi Vương Cung Thánh Đường
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:20 26/11/2021

1. Di tích của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bị đánh cắp khỏi Vương cung thánh đường lịch sử

Hôm Chúa Nhật 21 tháng 11, Cha Jorge Jacek Twarog, Bề trên của Phái bộ Công Giáo Ba Lan tại Á Căn Đình, báo cáo rằng thánh tích của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, được lưu giữ tại Vương cung thánh đường ở Buenos Aires, đã bị đánh cắp.

Thánh tích, được đưa đến Á Căn Đình từ Ba Lan vào năm 2016, bao gồm một giọt máu của Thánh Gioan Phaolô II, được đựng trong một hộp nhỏ hình vuông có khung bằng vàng và được gắn trên một kim loại tượng trưng cho huy hiệu của vị Thánh Giáo hoàng.

Thánh tích đã được Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, tổng giám mục của Krakow trao cho Cha Twarog vào ngày 19 tháng 8 năm 2016, tại Tòa tổng giám mục ở thủ đô cũ của Ba Lan.

Cha sở của Vương cung thánh đường, là Cha Rafael Cáceres Olave và cộng đồng Công Giáo đang thực hiện mọi biện pháp để tìm kiếm lại thánh tích và cầu nguyện rằng thánh tích sẽ sớm được lấy lại.


Source:Catholic News Agency

2. Các quan chức ý thức hệ tại Philadelphia thua kiện, phải trả 2 triệu đô la cho cơ quan Công Giáo sau tranh chấp về chăm sóc nuôi dưỡng

Các quan chức ý thức hệ tại Philadelphia đã huỷ hợp đồng với Dịch vụ Xã hội Công Giáo của tổng giáo phận, gọi tắt là CSS vì cơ quan Công Giáo này không cho phép các các cặp đồng tính nhận con nuôi.

Thành phố cho rằng việc CSS từ chối cho phép các cặp kết hôn đồng giới nhận con nuôi đã vi phạm các điều khoản không phân biệt đối xử trong hợp đồng của CSS với thành phố cũng như các yêu cầu không phân biệt đối xử của Sắc lệnh Thực hành Công bằng trên toàn thành phố.

CSS đã kiện lên Tối Cao Pháp Viện và thắng kiện vào tháng Sáu vừa qua.

Các quan chức ý thức hệ của thành phố Philadelphia giờ đây đã phải đồng ý gia hạn hợp đồng với CSS, và thanh toán các khoản phí pháp lý và các khoản phí khác phát sinh trong vụ kiện tự do tôn giáo đã lên đến tận Tòa án Tối cao. Tổng cộng thành phố phải trả 2 triệu Mỹ Kim cho CSS của tổng giáo phận.

Về phần mình, CSS đồng ý đăng trên trang web của mình một cảnh báo rằng dịch vụ này không hoạt động với các cặp đồng tính và cung cấp giới thiệu đến các cơ quan làm như vậy.

Philadelphia quyết định không tranh chấp pháp lý thêm nữa, vì sợ rằng phán quyết bất lợi của Tòa án Tối cao trong vụ CSS kiện Thành phố Philadelphia sẽ được áp dụng rộng rãi hơn.

Tòa án cấp cao đã phán quyết rằng quyết định của thành phố không ký hợp đồng với CSS, trong việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc nuôi dưỡng trừ khi cơ quan này đồng ý cho các cặp đồng tính nhận con nuôi là vi phạm tự do tôn giáo.

Theo thỏa thuận, thành phố đã trả cho Becket Law, công ty luật tự do tôn giáo đại diện cho CSS, 1.95 triệu đô la phí pháp lý. Theo Philadelphia Inquirer, thêm $56,000 đã được trả cho Dịch vụ Xã hội Công Giáo.

“Là một phần của thỏa thuận dàn xếp, thành phố đã viết vào hợp đồng của CSS rằng cơ quan bác ái Công Giáo sẽ được miễn trừ khỏi sắc lệnh không phân biệt đối xử trên toàn thành phố, cấm các nhà thầu thành phố phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, giới tính hoặc khuynh hướng tình dục. Hợp đồng chăm sóc nuôi dưỡng năm 2022 của cơ quan là 350,000 đô la. Thỏa thuận cũng quy định rằng thành phố làm việc với những phụ nữ có tên trong vụ kiện, Sharonell Fulton và Toni Simms-Busch, cả hai đều là cha mẹ nuôi lâu năm của CSS”.

Ken Gavin, phát ngôn viên của Tổng giáo phận Philadelphia, nói với tờ báo: “Chúng tôi rất biết ơn vì các mục vụ của chúng tôi có thể tiếp tục phục vụ những người trông cậy vào chúng tôi, đặc biệt là những đứa trẻ đang nuôi dưỡng cần một mái ấm tình thương.

Trường hợp này đã có một tác động vượt ra ngoài thành phố Philadelphia. Vào ngày 1 tháng 11, Tòa án Tối cao đã bác bỏ phán quyết của tòa án tiểu bang New York chống lại Giáo phận Albany. Giáo phận đã thách thức quy định của tiểu bang theo đó các bảo hiểm y tế phải bao gồm bảo hiểm phá thai. Khi chuyển vụ việc lên tòa án cấp cao nhất của New York, Tòa án tối cao đã hướng dẫn họ xem xét thêm về vụ CSS kiện Philadelphia như một tiền lệ pháp lý.


Source:Aleteia

3. Cái chết của Frère Jean-Pierre, người cuối cùng trong nhóm các tu sĩ Tibhirine

Vào tháng 12 năm 2018, Frère Jean-Pierre Schumacher đã đến Algeria để tham dự lễ phong chân phước cho những người anh em của mình và các vị tử đạo Kitô khác, bị giết bởi những kẻ khủng bố vào những năm 1990. Đó là lần đầu tiên ngài trở lại đất nước đó, hơn 20 năm sau vụ bắt cóc và thảm sát bảy tu sĩ ở Tibhirine năm 1996. Giờ đây, ngài đã cùng các anh em của mình vào nhà Cha trên Trời.

Vị tu sĩ Dòng Trap đã qua đời hôm Chúa Nhật 21 tháng 11 ở tuổi 97. Ngài là người sống sót cuối cùng trong cuộc thảm sát tàn bạo để lại vết thương rất sâu, không chỉ trong Giáo hội Algeria mà còn cả toàn thể giới.

Khiêm tốn và tốt bụng, kín đáo và hữu ích, Frère Jean-Pierre sống những năm cuối đời trong tu viện Trap ở Midelt, Maroc, nơi, sau nhiều năm im lặng, sự chú ý của thế giới đã khiến ngài trở thành tâm điểm trong thảm kịch tại Algeria.

Bộ phim phi thường của đạo diễn người Pháp Xavier Beauvois đã khơi dậy sự quan tâm đến sự hiện diện thầm lặng và cầu nguyện của các tu sĩ Tibhirine, một sự hiện diện chìm sâu vào bối cảnh xã hội và tôn giáo của nơi này, cho đến khi các ngài phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng.

Đối với Frère Jean-Pierre, trải nghiệm này có phần xúc động vì chỉ sau đó, ngài mới bắt đầu nói, theo cách trầm lặng, không nhấn mạnh hay nghiêm khắc, về các sự kiện trong thời điểm bi thảm khi cộng đồng Tibhirine đã chọn ở lại bất chấp các mối đe dọa khủng bố và thù địch của quân đội.

“Đó là một lựa chọn mà chúng tôi đã cùng nhau thực hiện: ở lại, bất chấp mọi thứ, và tiếp tục là một cộng đồng cầu nguyện bên cạnh những người hàng xóm Hồi giáo của chúng tôi,” ngài nói một cách rất tự nhiên, điềm tĩnh, bất kể đã phải kinh qua một thảm kịch khủng khiếp.

“Chúng tôi không thể rời đi. Sự hiện diện của chúng tôi trong tu viện là một dấu chỉ của lòng trung thành với Phúc âm, với Giáo hội và với người dân Algeria. Chúng tôi không muốn trở thành những người tử vì đạo, nhưng muốn là những dấu chỉ của tình yêu và hy vọng”.

Vào đêm ngày 26 và ngày 27 tháng 3, ngài đang ở trong phòng của mình trong nhà nghỉ của người giữ cửa và giúp việc trong tu viện, đó là lý do tại sao bọn khủng bố không tìm thấy ngài. Một tu sĩ khác, Frère Amedée, là người sống sót khác vì bọn khủng bố nhận được thông tin về sự hiện diện của bảy Sư huynh. Nhưng vào thời điểm đó, có hai du khách hiện diện, tổng cộng là có chín người. Những kẻ bắt cóc đếm đủ 7 người thì bỏ đi mà không cần tìm kiếm thêm.

“Tôi nghe thấy tiếng động. Tôi nghĩ những kẻ khủng bố đã đến để tìm thuốc, như chúng đã từng làm trong những dịp khác. Tôi đã không di chuyển cho đến khi ai đó gõ cửa phòng tôi. Tôi sợ, nhưng tôi đã mở. Đó là một linh mục từ Giáo phận Oran, thành viên của một nhóm đối thoại Hồi giáo-Cơ đốc giáo tên là Ribat el Salaam, nghĩa là “Mối giây Hòa bình”. Ngài đến để nói với tôi rằng anh em tôi đã bị bắt cóc. “

Vào thời khắc đó, không ai tưởng tượng được rằng những kẻ khủng bố sẽ giết chết các tu sĩ. Nhiều người nghĩ rằng họ sẽ đánh đổi họ với một số kẻ khủng bố đang bị giam cầm. Việc giết người của chúng, cho dù là các tín hữu Kitô, cũng khiến nhiều người trong xã hội Algeria khó chịu.

Frère Jean-Pierre không ngừng tự hỏi bản thân: “Nếu tôi nhận thấy rằng các anh em tôi đang bị bắt đi, tôi sẽ ở trong phòng của tôi hay tôi sẽ đi theo anh em của mình?”
Source:Asia News
 
Một vị thánh vừa từ giã chúng ta. Linh mục Ba Lan anh hùng bị quốc xã chém được tuyên Chân Phước
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:23 26/11/2021

1. Một vị thánh vừa từ giã chúng ta

Trong Thánh lễ an táng vào hôm thứ Ba 23 tháng 11, nhà lập pháp Công Giáo bị giết, Sir David Amess được nhớ đến như “một người xây dựng cây cầu thực sự”.

Giảng trong Thánh lễ tại Vương Cung Thánh Đường Westminster, Luân Đôn, vào ngày 23 tháng 11, Cha Pat Browne nói rằng ngay cả trong cái chết, thành viên kỳ cựu của Quốc hội đã đưa những người thuộc phe đối lập lại với nhau.

“David là một thợ xây cầu thực thụ. Nhìn thấy Thủ tướng và Thủ lĩnh phe đối lập kề vai sát cánh trong im lặng và cầu nguyện, bày tỏ sự kính trọng của họ ở Southend sau khi ông qua đời, và đưa họ đến trong sự đoàn kết và thông công, là điều mà Quốc Hội không mấy khi được thấy.”

“Cái chết của David là chất xúc tác cho mọi người trong Quốc Hội nhận ra sự hợp nhất của họ với tư cách là một cộng đồng làm việc khác biệt, nhưng cùng nhau, vì lợi ích quốc gia trong thế giới của chúng ta.”

Cha Pat Browne, kinh sĩ của Vương Cung Thánh Đường Westminster nhận định rằng “Một vị thánh vừa từ giã chúng ta.”

Nhà lập pháp David, 69 tuổi, bị đâm chết trong cuộc họp hàng tuần với các cử tri tại Nhà thờ Giám lý Belfairs ở Leigh-on-Sea, Essex, vào ngày 15 tháng 10.

Thánh lễ an táng được truyền trực tiếp do Đức Hồng Y Vincent Nichols của Westminster cử hành. Những người đưa tang có Thủ tướng Anh Boris Johnson, các thành viên Nội các, các cựu thủ tướng John Major, David Cameron, và Theresa May, và Thủ lĩnh phe đối lập, Keir Starmer.

Trong một thông điệp được đọc bởi Đức Tổng Giám Mục Claudio Gugerotti, Sứ thần Tòa thánh tại Vương quốc Anh, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gửi lời “chia buồn chân thành và bảo đảm sự gần gũi thiêng liêng của ngài với gia đình Amess.”

“Đức Thánh Cha nhớ lại với lòng biết ơn những năm tháng cống hiến phục vụ công chúng của Ngài David được hướng dẫn bởi đức tin Công Giáo mạnh mẽ của ngài và bằng chứng là ngài quan tâm sâu sắc đến người nghèo và những người thiệt thòi, cam kết bảo vệ món quà sự sống của Chúa, và những nỗ lực của ngài để thúc đẩy sự hiểu biết và hợp tác với Tòa Thánh trong sứ mệnh phổ quát của mình”. Thông điệp đã do Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh ký thay Đức Thánh Cha Phanxicô, gửi cho Đức Cha Alan Williams của Brentwood, giáo phận quê hương của ngài David.

“Phó dâng linh hồn của ngài David cho lòng nhân từ yêu thương của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Đức Thánh Cha cầu nguyện rằng tất cả những ai tôn vinh và tưởng nhớ đến ngài David sẽ được củng cố trong quyết tâm bác bỏ các hình thức bạo lực, chống lại cái ác bằng điều thiện và giúp xây dựng một xã hội trên nền tảng công lý, tình huynh đệ và sự đoàn kết ngày càng cao hơn”.

Đức Hồng Y Nichols, chủ tịch hội đồng giám mục Anh và xứ Wales, nói rằng Đức Giáo Hoàng đã đưa ra “lời chia buồn sâu sắc và sự ủng hộ cũng như những lời cầu nguyện cho gia đình của ngài David.”

Vị Hồng Y cảm tạ Chúa “về tấm gương mà ngài David đã mang đến cho chúng ta cùng với sự tốt lành,” cầu nguyện “xin lòng thương xót của Thiên Chúa chào đón ngài David về nhà trên trời.”

Ngài David, một nhà đấu tranh phò sinh, từng là Thành viên Quốc hội của đảng Bảo thủ từ năm 1983 cho đến khi qua đời, và đại diện cho Southend West từ năm 1997.

Ngài đã thành lập Nhóm nghị sĩ liên đảng để quan hệ với Tòa thánh vào năm 2006 và là người có công trong việc sắp xếp chuyến thăm lịch sử của Đức Bênêđíctô XVI tới Quốc Hội Anh vào tháng 9 năm 2010.


Source:Catholic News Agency

2. Linh mục Công Giáo Ba Lan bị Đức quốc xã chém được phong chân phước

Một linh mục Công Giáo bị Đức quốc xã chém vào năm 1942 đã được tuyên bố là chân phước vào hôm thứ Bảy 20 tháng 11.

Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh, đã chủ sự lễ phong chân phước cho Cha Jan Macha tại Nhà thờ Chúa Kitô Vua ở Katowice, tây nam Ba Lan, vào ngày 20 tháng 11.

Giảng trong thánh lễ được truyền trực tiếp, vị Hồng Y người Ý nói: “Chứng từ của Cha Jan Franciszek Macha cho Chúa Giêsu là một trang thực sự anh hùng về đức tin và lòng bác ái trong lịch sử của Giáo hội ở vùng Thượng Silesia này.”

“Ngài đã chết, giống như hạt lúa mì: Ngài bị giết bởi một hệ thống Đức Quốc xã đầy thù hận đối với những người đang gieo rắc điều thiện, để cho người dân ngày nay thấy rằng quyền thống trị trên trái đất của các thế lực, dù hùng mạnh đến đâu, đang qua đi, trong khi Vương quốc của Chúa Kitô với luật tối cao là điều răn về lòng bác ái vẫn tồn tại”.

Cha Jan Franciszek Macha, thường được gọi là Hanik, sinh ngày 18 tháng Giêng năm 1914, tại Chorzów Stary, một ngôi làng ở tỉnh Silesia, miền nam Ba Lan. Ngài có hai chị gái và một anh trai.

Năm 1934, ngài vào Chủng viện Thần học Silesian. Ngài được thụ phong linh mục cho Tổng giáo phận Katowice vào ngày 25 tháng 6 năm 1939, chỉ ba tháng trước khi Đức Quốc xã xâm lược Ba Lan.

Sau hai tháng làm cha phó tại giáo xứ quê hương, ngài được bổ nhiệm đến giáo xứ Thánh Giuse ở Ruda Śląska, một thành phố gần Katowice.

Trong thời gian chiếm đóng, ngài đã cung cấp viện trợ cho các gia đình bị mất thành viên trong các cuộc giao tranh. Ngài làm tuyên uý cho một phong trào du kích có mật danh là Konwalia, nghĩa là Hoa huệ của Thung lũng, chuyên giúp đỡ những người gặp khó khăn. Ngài cũng xuất bản tờ báo chui có tên là Świt, nghĩa là Bình minh.

Trong bài giảng của mình, được đọc bằng tiếng Ba Lan, Đức Hồng Y Semeraro nói: “Trong khi bạo lực và chiến tranh hoành hành ở Ba Lan và khắp thế giới, Cha Jan Franciszek Macha hiểu rằng chỉ có đức tin và lòng bác ái mới có thể nhận ra phẩm giá bất khả xâm phạm của mỗi người, được tạo ra. theo hình ảnh Chúa và giống Chúa”.

“Từ những ngày đầu tiên trong chức vụ tư tế, ngài đã đặt mình phục vụ người lân cận, bắt đầu trên con đường anh hùng thực hiện tình yêu, con đường mà sau này sẽ dẫn ngài đến giá phải trả là hy sinh mạng sống của mình.”

“Cha Jan Franciszek Macha đã chăm sóc nhiều gia đình tan tác vì cơn ác mộng chiến tranh. Không có sự đau khổ nào khiến ngài thờ ơ: bất cứ nơi nào có người bị bắt, bị trục xuất, hoặc bị bắn, Cha Jan Franciszek Macha đều mang đến sự an ủi và hỗ trợ vật chất. Và ngài không bao giờ để ý đến sự khác biệt về quốc tịch, hệ phái tôn giáo, hay trình độ xã hội”.

Gestapo, cảnh sát mật của Đức Quốc xã, đã bắt giữ Cha Jan Franciszek Macha vào ngày 5 tháng 9 năm 1941, tại một nhà ga xe lửa ở Katowice. Họ tìm thấy danh sách những người mà ngài và các cộng sự của ngài đã giúp đỡ, cũng như các tài liệu khác cho thấy họ đã thu tiền và trao cho những người cần.

Sau những cuộc thẩm vấn kinh hoàng, vì Cha Jan Franciszek Macha nhất định không khai ra một ai, nên bọn Đức Quốc Xã đã kết án tử hình ngài bằng cách chặt đầu tại một phiên xử ngắn ở Katowice vào ngày 17 tháng 7 năm 1942.

Ngài bị hành quyết bằng máy chém tại nhà tù ở Katowice lúc 12:15 sáng ngày 3 tháng 12 năm 1942, bất chấp những nỗ lực của mẹ ngài xin cho ngài được ân xá.

Khi chết, ngài mới 28 tuổi và mới chỉ phục vụ được 1,257 ngày với tư cách là một linh mục. Cơ thể của ngài cũng biến mất và được cho là đã bị thiêu hủy tại trại tập trung Auschwitz.

Án phong thánh cho Cha Macha được mở vào năm 2013. Sau khi giai đoạn cấp giáo phận được hoàn thành vào năm 2015, án tuyên thánh đã được gửi đến Rôma. Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành một sắc lệnh vào ngày 29 tháng 11 năm 2019, công nhận Cha Macha là một người tử vì đạo, bị giết “in odium fidei”, nghĩa là vì lòng hận thù đức tin.

Việc phong chân phước ban đầu được lên kế hoạch vào ngày 17 tháng 10 năm 2020, nhưng đã bị hoãn lại do đại dịch coronavirus.

Cha Macha là một trong số hàng nghìn giáo sĩ Công Giáo bị giết trong thời kỳ Đức Quốc xã chiếm đóng Ba Lan từ năm 1939 đến năm 1945. Khoảng 1/5 trong số 10,000 linh mục giáo phận của Ba Lan đã thiệt mạng.

Đức Quốc xã đã giết 868 giáo sĩ Công Giáo Ba Lan tại trại tập trung Dachau, nơi từng được mô tả là “nghĩa trang linh mục lớn nhất thế giới”.

Thánh lễ phong chân phước được cử hành bằng tiếng Latinh và tiếng Ba Lan. Sau Kinh Thương Xót, Đức Tổng Giám Mục Wiktor Skworc của Katowice đã chính thức xin Đức Thánh Cha Phanxicô ghi tên Cha Macha vào sổ bộ các vị chân phước của Giáo hội.

Tiểu sử của Cha Macha đã được đọc bởi Cha Damian Bednarski, cáo thỉnh viên án tuyên thánh. Sau đó, một sắc lệnh của Đức Thánh Cha tuyên bố Cha Macha là Chân Phước đã được tuyên đọc.

Đức Hồng Y Semeraro công bố công thức phong chân phước bằng tiếng Latinh và một hình ảnh của Cha Macha đã được công bố.

Các thành viên trong gia đình tân chân phước mang di tích của ngài lên bàn thờ. Các di vật bao gồm bức thư cuối cùng của Macha gửi cho cha mẹ và anh chị em của mình trước khi bị hành quyết, một tràng hạt mà ngài đã làm và một chiếc khăn tay nhuốm máu.

Trước lễ phong chân phước, Đức Hồng Y Semeraro đã đến thăm nhà thờ giáo xứ nơi Cha Macha được rửa tội, cầu nguyện tại giếng rửa tội ở nhà thờ Thánh Maria Mađalêna, ở Chorzów Stary. Ngài cũng đến thăm một chủng viện ở Katowice nơi đào tạo các linh mục ở vùng Silesia.
Source:Catholic News Agency

3. Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi Đại hội của Giáo hội Mỹ Latinh và Caribê

Đức Thánh Cha Phanxicô khích lệ các tham dự viên Đại hội của Giáo hội Mỹ châu Latinh và quần đảo Caribê trong tiến trình lắng nghe, phân định và tìm hiểu thánh ý Chúa, để ngày càng trở thành các môn đệ thừa sai.

Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây, trong sứ điệp gửi các tham dự viên Đại hội của Giáo hội Mỹ Latinh và Caribê, nhóm tại trụ sở Hội đồng Giám mục Mễ Tây Cơ, từ ngày 21 đến ngày 28 tháng Mười Một, với mục đích đẩy mạnh một Giáo hội đi ra ngoài, đồng hành, khơi dậy tinh thần của Đại hội kỳ 5, hồi năm 2007 của hàng Giám mục Mỹ Latinh, nhóm tại Aparecida, và hướng về dịp kỷ niệm 500 năm Đức Mẹ hiện ra với thánh thổ dân ở Guadalupe, và mừng Năm thánh 2,000 năm cứu độ vào năm 2033.

Tham dự Đại hội này có 1,000 người, gồm 200 giám mục, 200 linh mục và phó tế, 200 nữ tu nam nữ và 400 giáo dân, cùng với những người ở ngoài lề xã hội. Tuy nhiên, vì đại dịch nên chỉ có 50 người tham dự trực diện, phần còn lại tham dự trực tuyến. Tham gia vào tiến trình lắng nghe ý kiến để đi tới Đại hội này có 70,000 người, trong đó 65% là phụ nữ. Tất cả các ý kiến được cô đọng trong một văn kiện để thảo luận trong Đại hội này.

Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha nhận xét rằng Đại hội của Giáo hội Mỹ Latinh này cũng thuộc tiến trình chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám mục vào tháng Mười năm 2023, về chủ đề: “Tiến tới một Giáo hội đồng hành: hiệp thông, tham gia và sứ mạng”. Ngài đề cao việc làm đầu tiên của Đại hội này là “lắng nghe” để đối thoại và phân định. Lắng nghe tiếng Chúa, và tiếng kêu của dân, lắng nghe dân để nhận định thấy trong đó có thánh ý Chúa đang kêu gọi chúng ta.”

Tiếp đến là phân định cộng đồng, đòi phải cầu nguyện nhiều và đối thoại, để có thể cùng nhau đạt tới thánh ý Chúa, và tìm ra những con đường vượt thắng, giúp ngăn cản không để những dị biệt trở thành chia rẽ và phân cực với nhau. Đức Thánh Cha cho biết ngài cầu xin Chúa để các tham dự viên được đầy tình yêu sáng tạo của Chúa Thánh Linh, thúc đẩy chúng ta đi ra ngoài, không sợ gặp gỡ người khác, và linh hoạt Giáo hội để trong tiến trình hoán cải mục vụ, ngày càng trở thành thừa sai truyền giáo hăng say hơn.

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Tôi khích lệ anh chị em hãy sống những ngày Đại hội này, đón nhận với lòng biết ơn và hân hoan đón nhận sự tràn đầy của Thánh Linh nơi dân trung thành của Thiên Chúa, đang lữ hành tại Mỹ châu Latinh và Caribê”.
Source:Crux