Ngày 26-11-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:33 26/11/2024

30. Luôn thực hành việc cầu nguyện, thì trong khi cầu nguyện con sẽ được giúp đỡ để hoàn thành bổn phận mà con đang cần đến.

(Thánh Marcellinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"


----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:36 26/11/2024
3. MUA MŨ QUAN

Trương Nhị là một người lao động khổ cực, đã từng vận chuyển vải vóc của quan địa phương lên kinh thành cho quan bộ hộ.

Theo quan lệ, hể áp giải vận chuyển đều là dùng những người làm tạp dịch, Trương Nhị là người như thế, nhưng các quan viên của bộ hộ nhìn thấy anh ta đội mũ đen của tạp dịch thì chỉ trích:

- “Bản thân ông là quan áp tải, sao lại không đội mũ quan, mau đội mũ quan lại đây gặp, bằng không thì bị đánh đấy !”

Trương Nhị vội vàng đi mua cái mũ cánh chuồn, cười nói:

- “Bản thân mình trong lòng không cầu quan phú quý, sao đem phú quý đến bức người chứ?”

Có người nghe được thì cười mãi không thôi.

(Tuyết Đào Hài Sử)

Suy tư 3:

Có những người không thích lái xe hơi nhưng rồi vẫn có xe để lái đi làm việc; có những người không thích nhận nhiệm vụ lớn lao nhưng rồi lại được cấp trên giao cho trọng trách lớn; lại có những người sống xuề xòa sao cũng được thì lại có đầy đủ hơn người khác...

Ma quỷ là loài quỷ quyệt thường đem những cái mà con người ta hứa từ bỏ để cám dỗ họ, và con người thường rơi vào cạm bẩy của ma quỷ bởi những cái mà mình không thích, tức là những điều mà chúng ta hứa từ bỏ hoặc những cái mà chúng ta không thích.

Các linh mục và các tu sĩ nam nữ là những người đã hứa từ bỏ danh vọng, xác thịt và tiền tài của thế gian (ba lời khấn vâng lời, khó nghèo và khiết tịnh), thì ma quỷ lại dùng ba điều ấy để cám dỗ họ, và có những người trong số họ đã ngã gục trước những điều mà mình đã hứa từ bỏ; những người Ki-tô hữu hứa từ bỏ ma quỷ và những cám dỗ của chúng nó, thì lại bị cám dỗ mất đức tin, sống hưởng thụ và từ từ chối bỏ Thiên Chúa trong cuộc sống của mình...

Khấn hứa từ bỏ thôi thì chưa đủ, nhưng cần phải có quyết tâm và chuyên cần cầu nguyện với chủ đích nhắm vào những lời mình đã khấn hứa, đó là sự khôn ngoan của Thánh Thần ban cho những người đã thề hứa từ bỏ những gì là của ma quỷ, nhưng mấy ai hiểu được chứ...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Ngày 27/11: Kiên trung đến cùng – Lm. Phêrô Trần Ngọc Đức, SDB
Giáo Hội Năm Châu
02:10 26/11/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được. Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.”

Đó là lời Chúa
 
Kiên trì
Lm Minh Anh
17:03 26/11/2024
KIÊN TRÌ
“Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình!”.

Eliza, 16 tuổi, kết hôn với một thợ may 20 tuổi; anh chưa từng đến trường! Với nhiều người, học vấn của anh là một thất bại; nhưng với Eliza thì không! Cô dạy anh đọc, viết và đánh vần. Những ngày đó thật khó khăn nhưng chồng cô tỏ ra là người học giỏi, học nhanh, đến nỗi nhiều năm sau, đắc cử tổng thống! Câu chuyện về tổng thống thứ 17 của Hoa Kỳ - Andrew Johnson và đệ nhất phu nhân Eliza - minh hoạ cho sức mạnh của sự kiên trì! “Bằng sự kiên trì, con ốc sên đã vào được tàu!” - C. H. Spurgeon.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật thú vị! ‘Câu chuyện dài’ “Con ốc sên vào được tàu” gợi hứng cho chúng ta dừng lại với ‘câu nói ngắn’ nhưng khá sâu sắc của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay, “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình!”.

Tại sao sự ‘kiên trì’ lại quan trọng đến thế? Tại sao sự cứu rỗi của mỗi người lại tuỳ thuộc vào việc thực hành nhân đức này? Môn đệ không trọng hơn Thầy, và nếu Chúa Giêsu là dấu chỉ và là kiểu mẫu ‘kiên trì’ của các mâu thuẫn, thì môn đệ Ngài, nhất thiết cũng phải nên như Thầy mình. Đó là những người hăng hái trong cuộc chiến chống lại oán hờn, kẻ thù tâm hồn - “Một cuộc chiến đẹp đẽ nhất vì bình an và tình yêu” - Josemaria Escriva. Vòng nguyệt quế nào cũng có giá của nó, đường dẫn tới thiên đàng không hề dễ. Đó là lý do tại sao không có ‘kiên trì’, nhân đức dũng cảm căn bản, thì những ý định tốt đẹp sẽ không có kết quả. ‘Kiên trì’ là một phần của dũng cảm!

Sự ‘kiên trì’, ở mức độ tối đa, thể hiện trên thập giá. Đây là lý do tại sao nó mang lại tự do bằng cách cho phép bạn và tôi - nên như Chúa Giêsu - hiến dâng chính mình thông qua tình yêu. Điều cứu chúng ta chính là tình yêu, không phải thập giá; chính sức mạnh của tình yêu mang lại cho mỗi người sự ‘kiên trì’ và vui vẻ chấp nhận ý muốn của Thiên Chúa. Sức mạnh này, ngay từ đầu đã làm đảo lộn - như đã xảy ra trên thập giá của Chúa Kitô - ý chí tội nghiệp của con người! “Kiên trì cốt ở việc thanh thản chịu đựng những điều xấu xa đến từ người khác và chịu đựng mà không oán giận kẻ gây ra chúng!” - Grêgôriô Cả.

Anh Chị em,

“Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình!”. “Có quá nhiều hy vọng trong những lời này! Những thử thách và khó khăn là một phần của bức tranh lớn hơn: Thiên Chúa, Chúa của lịch sử, dẫn dắt tất cả đến sự viên mãn. Bất chấp sự hỗn loạn và thảm hoạ làm đảo lộn thế giới, kế hoạch nhân từ và thương xót của Thiên Chúa sẽ được thực hiện! Chủ nghĩa chiến thắng, ‘thắng nhanh’, không phải là Kitô giáo. Hành trình mỗi ngày trước sự hiện diện của Cha là con đường của Chúa Kitô. Bạn và tôi cũng hãy ‘kiên trì’ từng ngày đi trên con đường mang tên Ngài! Như vậy, kiên trì không phải là cam chịu; nhưng vượt xa cam chịu. Thậm chí nhiều hơn thế! Nó không liên quan gì đến thái độ khắc kỷ. ‘Kiên trì’ giúp hiểu rằng, thập giá - trước nỗi đau - thực chất là tình yêu!” - Phanxicô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con thường thích ‘đánh nhanh, thắng nhanh’. Giúp con bền bỉ khiêm tốn như con ốc sên, để một ngày kia, con lần tới được con tàu “Thánh Thiện!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tỉnh thức chờ đợi thế giới mới
Lm Phan Văn Lợi
17:08 26/11/2024
CHÚA NHẬT MÙA VỌNG NĂM C
LC 21,25-28.34-36

25Hôm ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biến gào sóng thét. 26Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. 27Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. 28Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.

34 “Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, 35vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. 36Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người”.


TỈNH THỨC CHỜ ĐỢI THẾ GIỚI MỚI

Hôm nay bắt đầu Mùa Vọng, mở màn Năm Phụng vụ mới. Bài Tin Mừng Chúa Nhật đầu tiên này thường nối ý với các bài Tin Mừng cuối năm phụng vụ, nghĩa là nói về Ngày tận cùng và cuộc Quang lâm của Đức Ki-tô. Bản văn nằm trong một tổng thể lớn hơn, kéo dài từ câu 8 đến câu 36 của chương 21 Lu-ca, và thường được các chuyên gia gọi là “Diễn từ chung luận”.

1. Thế giới mới : hoàn tất lịch sử và canh tân vũ trụ

Bản văn khai mở với lời mô tả “kinh thiên động địa” của Đức Giê-su về Ngày tận cùng. Toàn là những cảnh tượng hùng vĩ và đáng sợ trên trời dưới đất, khiến con người “hồn xiêu phách lạc.” Các hình ảnh đó, như ta biết, đều thuộc lối văn khải huyền từng có trong Cựu Ước (x. Is 13,10; 34,4; Am 8,9). Chúng thường được dùng để diễn tả “Ngày của Đức Chúa”, lúc Thiên Chúa ngự đến xét xử mọi dân tộc.

Chớ nên hiểu những hình ảnh này theo mặt chữ, mà hình dung ra một cuộc tiêu diệt toàn thể vũ trụ hiện tại do bàn tay Thiên Chúa để tạo dựng một thế giới mới lại từ đầu. Thiên Chúa chẳng phải là “Con Tạo” (Hóa Nhi = Tạo Hóa như trẻ con), ưa gì làm nấy, ý thích thất thường. Người không giống như một thằng bé đổ bao công sức xây dựng một tòa lâu đài trên bãi cát bờ biển, để rồi sau đó đưa chân đạp đổ. Đã dựng nên mọi sự (mà ta thấy rất kỳ diệu tốt đẹp), Thiên Chúa chỉ có việc hoàn thành chúng, sau khi đã sửa chữa, điều chỉnh mọi phá hoại do tội lỗi loài người gây ra (“Thiên Chúa viết thẳng trên các đường cong của chúng ta”-Pascal). Cho rằng Người sẽ tiêu diệt tác phẩm của Người chẳng phải là bảo Người đã sai lầm trong kế hoạch sao?

Chính vì thế, thần học không gọi luận đề bàn đến Ngày tận cùng là “Thế mạt luận” song là “Cánh chung luận” (sự hoàn tất cuối cùng). Trong quan niệm Do-thái thời Đức Giê-su, những lối nói ta vừa thấy thuộc các tập văn chương cổ truyền được dùng để diễn tả tầm mức vũ trụ và tính quyết liệt của việc Thiên Chúa can thiệp lần sau hết và tích cực vào lịch sử loài người. Những “xáo trộn” trong vũ trụ và trong lòng người đó chỉ muốn diễn tả ý tưởng, theo kiểu nói của thánh Phao-lô, là “muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8,22), sinh nở một thế giới mới. Thế giới mới đó là chính thế giới đã cũ vì tội lỗi này nhưng được đổi mới nhờ ân sủng, nhờ tác động của Thần Khí bên trong các tâm hồn, nhờ sự cộng tác kiên trì lẫn nhiệt thành của những kẻ chính trực, và ngày “Con Người đến với quyền năng và vinh quang” là lúc đánh dấu sự hoàn thành chung quyết, trọn vẹn. Bởi thế Đức Giê-su mới bảo các môn đệ : “Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc”.

2. Tỉnh thức : giữ vững tình yêu nhờ chuyên tâm cầu nguyện

Vậy là Mùa Vọng của chúng ta được khai mở với những mệnh lệnh chắc nịch của Người : “Hãy đứng thẳng ! Hãy ngẩng đầu ! Hãy đề phòng ! Hãy tỉnh thức ! Hãy cầu nguyện !” Có thể nói đó như là một cuộc đánh thức để tập thể dục ban sáng. Nó quét sạch hình ảnh những Ki-tô hữu tiến bước uể oải hay hãi sợ trong cuộc đời. Họ bước ngẩng cao đầu, tiến về sự khai mở cách tuyệt vời, cách kỳ diệu một thế giới mới : “Thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.”

Dĩ nhiên, đối với Ki-tô hữu, cuộc sống cũng khó khăn cam go như đối với những kẻ khác, cũng pha lẫn hy vọng với tuyệt vọng, thắng lợi với đình đốn. Điểm dị biệt lớn lao, đó là chúng ta biết rằng tất cả những cái ấy có một ý nghĩa tổng quát cho dẫu, trong chi tiết, nhiều chuyện xem ra khó hiểu đối với mình. Chúng ta biết mình từ đâu mà đến và sẽ đi về đâu : được sinh ra do tình yêu, chúng ta sống dưới đôi mắt tình yêu cũng như tập thi thố tình yêu mỗi ngày, và đang tiến về Đấng Tình Yêu, về chốn tình yêu, về cõi mến thương bất tận. Thiên hạ đôi khi nói với chúng ta : “Đức tin các anh thay đổi được gì nào?” Thay đổi tất cả ! Y như mặt trời vậy. Chúng ta sống, chúng ta trải nghiệm cũng những chuyện như họ, nhưng trong ánh sáng : “Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối”, Đức Giê-su bảo (Ga 8,12).

Chúng ta bước đi trong ánh mặt trời của phen Đức Ki-tô đến lần thứ nhất : Giáng lâm. Và chúng ta tiến đến cảnh chói lòa của phen Người đến lần thứ hai : Quang lâm. Giữa hai lần đó, chúng ta hết sức mở đời mình và mở cả thế giới để đón nhận một cuộc giá lâm tiệm tiến, âm thầm hơn : thu lấy từng ngày từng giờ các tư tưởng của Đức Ki-tô, sức mạnh yêu mến của Người và niềm tin tưởng không lay của Người vào Chúa Cha.

Sống trong ánh sáng như thế, đứng vững trong tình yêu và hy vọng như thế, đó là sự thức tỉnh của Ki-tô hữu. Ngày nay, giữa chúng ta đang phổ biến nhiều kỹ thuật giúp thức tỉnh của Đông phương như Yoga, Thiền định (có tu sĩ Biển Đức nọ đã viết một cuốn sách nhan đề “Yoga cho Ki-tô hữu”). Kỹ thuật đó là thở thật sâu, hết sức chú ý đến những gì mình là, “có mặt ở đây và lúc này”, buông xả, thư giãn, cởi mở, sẵn sàng sống mỗi giây phút đến tối đa, tột độ. Sống giây phút hiện tại cách trọn vẹn như Đấng Đáng kính Hồng Y Phan-xi-cô Xa-vi-e Nguyễn Văn Thuận nói trong Đường Hy Vọng. Sao không coi đó như một lời mời gọi gởi đến Ki-tô hữu chúng ta là những người phải luôn tỉnh thức, phải luôn muốn sống đến cùng đức tin của mình?

Có thể mô tả cuộc sống tỉnh thức đó chăng? Có thể ! Mỗi buổi sáng là một cuộc tìm lại Đức Giê-su và Tin Mừng của Người. Qua một Thánh lễ, một đoạn Kinh Thánh, một phút cầu nguyện vắn tắt hay một bài suy gẫm dài, ta lặp lại quyết tâm chú ý tới Thiên Chúa, tới nhiệm vụ mình, tới những con người chúng ta sắp gặp gỡ. (“Một thánh lễ sốt sắng mở đầu cho một ngày sống anh hùng”). Tuy nhiên, cũng sẽ phải thường xuyên theo dõi kẻo “lòng mình ra nặng nề.” Coi chừng, Đức Giê-su nói cách sống sượng, thói “dâm đãng trụy lạc, chè chén say sưa lo lắng sự đời” (la débauche, l’ivrognerie, les soucis de la vie, Bible de Jẻrusalem), những thứ đang rình rập Ki-tô hữu trong xã hội tiêu thụ và nền văn minh duy vật hôm nay.

Đức Giê-su cũng chỉ cho ta phải biết lấy ý chí thức tỉnh ở đâu : “Hãy cầu nguyện !” Hãy sống trong tinh thần cầu nguyện. Ai coi thường mệnh lệnh này, hôm nay phải nhập tâm lời cảnh cáo nghiêm trọng cuối cùng sau đây : “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.” Lời công khai cuối cùng của Đức Giê-su là thế : mời gọi ta trình diện trước Người cách “vững tâm”. Đây là từ chủ chốt diễn tả thái độ Ki-tô hữu. Luôn là những con người đứng thẳng, kiên vững, đĩnh đạc, nhất là trong cơn thử thách. Nhưng để có sức mạnh làm như thế, “hãy cầu nguyện luôn”.

Ngày kia một tập sinh đến hỏi đức viện phụ cao niên của đan viện :
“Thưa cha, xin cha giúp con vài lời khuyên để con thực sự trở thành người của Chúa.”
Vị viện phụ già trả lời : “Con hãy vào phòng đóng kín cửa lại và cầu nguyện. Lời cầu nguyện sẽ dạy con mọi sự.”
Thầy tập sinh lại hỏi : “Thưa cha, đâu là điều kiện chính giúp cầu nguyện đích thực?”
– “Ồ, dĩ nhiên, đó là bầu khí yêu thương. Ai cầu nguyện với tội lỗi và tâm tình thù hận trong lòng thì cũng giống như một người dọn thức ăn thịnh soạn trên một cái bàn bẩn, các dĩa bẩn, hoặc như một người nói hay nhưng có hơi thở hôi thối”
– “Thưa cha, con rất hay chia trí khi cầu nguyện, làm sao để khỏi chia trí đây?”
– “Các chia trí cũng giống như chim sẻ bay ngang trên trời. Con không thể ngăn cản chúng bay ngang qua mái nhà của con chứ? Riêng đối với những tư tưởng xấu xa thì chúng giống như bọn ong bầu, nếu con ngồi yên, chúng sẽ bay đi nơi khác. Nhưng nếu con càng động đậy, chúng sẽ bổ nhào đến hành hạ con.”
– “Tại sao khi cầu nguyện, con hay bị chán nản ngã lòng, thưa cha?”
– “Bởi vì con chưa thấy đích điểm đời mình là khuôn mặt tuyệt vời của Thiên Chúa và thế giới mới kỳ diệu của Người”
– “Thưa cha, cho con hỏi câu cuối cùng : Việc cầu nguyện có quan trọng thật không?”
– “Quan trọng lắm chứ. Bằng chứng là ma quỷ hằng tìm mọi cách để quấy phá và khiến cho việc cầu nguyện trở nên nặng nề. Nó tìm mọi phương thế khiến cho chúng ta ươn lười không muốn cầu nguyện và làm cho chúng ta tin rằng cầu nguyện là vô ích.” (Góp nhặt 6).
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tin Vui: ĐTC đã phê chuẩn việc phong thánh cho các chân phước Pier Giorgio Frassati và Maria Troncatti và Á thánh cho cha Phanixcô Trương Bửu Diệp
Thanh Quảng sdb
02:56 26/11/2024
Tin Vui: ĐTC đã phê chuẩn việc phong thánh cho các chân phước Pier Giorgio Frassati và Maria Troncatti và Á thánh cho cha Phanixcô Trương Bửu Diệp

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phê chuẩn các Sắc lệnh nêu bật chứng tá phi thường về đức tin được thể hiện bởi sáu nhân chứng khác nhau.

(Tin Vatican)

Sáng thứ Hai (25/11/2024), Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, và phê chuẩn các Sắc lệnh nêu bật chứng tá phi thường về đức tin được thể hiện bởi sáu người ứng viên đến từ nhiều hoàn cảnh, quốc gia và thời đại khác nhau.

Đức Thánh Cha đã công bố kết quả được châu phê Phiên họp thường kỳ của các Hồng Y và Giám mục liên quan đến phép lạ được cho là nhờ sự chuyển cầu của Chân phước Pier Giorgio Frassati, một thành viên giáo dân của Dòng Ba Thánh Đaminh, sinh ngày 6 tháng 4 năm 1901 tại Turin (Ý) và qua đời tại đó vào ngày 4 tháng 7 năm 1925, đã được ĐTC châu phê sắc lệnh liên quan phép lạ của Chân phước.

Châu phê các phép lạ khác

Trong cùng một buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha cũng đã ủy quyền cho Thánh bộ công bố các sắc lệnh liên quan đến:

Phép lạ được cho là nhờ sự chuyển cầu của Chân phước Maria Troncatti, một nữ tu của Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ các Giáo Hữu, sinh ngày 16 tháng 2 năm 1883 tại Córteno Golgi (Ý), và qua đời ngày 25 tháng 8 năm 1969 tại Sucúa (Ecuador).

Như vậy hai Chân phước trên sẽ đươc tôn vinh hiển thánh trong tương lai gần.

ĐTC cũng châu phê sự tử đạo của Tôi tớ Chúa Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp, một linh mục giáo phận, sinh ngày 1 tháng 1 năm 1897 tại Tân Đức (Việt Nam) và bị giết vì lòng thù hận vì đức tin vào ngày 12 tháng 3 năm 1946 tại Tấc Sậy (Việt Nam).

Sự tử đạo của Tôi tớ Chúa Floribert Bwana Chui Bin Kositi, một giáo dân, sinh ngày 13 tháng 6 năm 1981, tại Goma (Cộng hòa Dân chủ Congo) và bị giết vì lòng thù hận đức tin tại cùng thành phố vào ngày 8 tháng 6 năm 2007.

Với sự châu phê sự tử đạo trên, hai tôi tớ Lm Trương Bửu Diệp và Floribert Bwana Chui Bin Kosti sẽ đươc tôn vinh lên Chân phước (Á thánh trong một tương lai gần đây.)

Những nhân đức anh hùng của Tôi tớ Chúa Giuseppe Lang, giám mục hiệu tòa của Alabanda và Giám Mục Phụ Tá của Zagreb, sinh ngày 25 tháng 1 năm 1857, tại Lepšić (Croatia), và qua đời tại Zagreb (Croatia) vào ngày 1 tháng 11 năm 1924.

Xác nhận việc châu phê sự thánh thiện của Tôi tớ Chúa Giovanna della Croce

Cuối cùng, Đức Phanxicô đã ủy quyền cho Bộ ban hành sắc lệnh xác nhận việc tôn kính lâu đời của Tôi tớ Chúa đáng kính Giovanna della Croce (tên khai sinh là Giovanna Vázquez Gutiérrez), một nữ tu Dòng Ba Thánh Phanxicô và là viện mẫu của Tu viện “Santa Maria della Croce” ở Cubas, Madrid. Bà sinh ra tại Villa de Azaña (nay là Numancia de La Sagra, Tây Ban Nha) vào khoảng ngày 3 tháng 5 năm 1481 và mất tại Cubas de La Sagra (Tây Ban Nha) vào ngày 3 tháng 5 năm 1534.
 
Không có đất nước nào dành cho người già
Vũ Văn An
13:29 26/11/2024

Randall Smith, trên tạp chí The Catholic Thing, thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024, cho hay: Như bất cứ ai đã từng chăm sóc người già đều có thể nói với bạn, bạn không muốn già và nghèo ở đất nước này. Có lẽ bạn không muốn già và nghèo ở nhiều nơi, nhưng chi phí để già ở đất nước này là vô cùng đắt đỏ. Giá cho dịch vụ chăm sóc người già chỉ ở mức tạm ổn có thể dao động (một cách thận trọng) từ 5,000 đến 12,000 đô la mỗi tháng. Tôi không chắc có bao nhiêu người già có thể chi trả 70,000 đến 144,000 đô la mỗi năm cho tiền thuê nhà và thức ăn — và đó là tiền thuê một căn hộ một phòng ngủ khiêm tốn không có đồ đạc và thức ăn được chế biến trong bếp của một căn bếp định chế. Nhưng tôi biết rằng bạn không muốn chứng kiến điều kiện sống của những người không đủ khả năng chi trả nhiều như vậy.

Đây là tổn thương chồng chất thêm sự xúc phạm đối với người già kể từ "cuộc cách mạng thanh niên" những năm 1960. Người già không còn được tôn trọng nữa, như Kinh thánh đã truyền dạy; thay vào đó, việc già đi ngày càng được đối xử như mắc bệnh phong. Chúng ta đưa người già vào các viện dưỡng lão theo cách mà họ từng đưa những người mắc bệnh phong đến các trại dành cho người mắc bệnh phong – “vì lợi ích của chính họ”. Họ quá chậm chạp; họ cản trở; và họ không có gì “mới mẻ” và “thú vị” để cung cấp cho một nền văn hóa bị ám ảnh bởi những gì “mới mẻ” và “gây hứng chí”. Sự khôn ngoan đến từ tuổi tác và kinh nghiệm là “chiếc mũ cũ”, và không ai đội mũ nữa.

Hãy hỏi bất kỳ người bạn nào đã từng gặp thử thách khi đối phó với cha mẹ già về cách họ giải quyết vấn đề, và họ sẽ nói với bạn rằng họ không làm vậy. Người này đến người khác đều đưa ra cùng một báo cáo buồn: Thật khủng khiếp. Và đáng sợ, bởi vì một ngày nào đó, chúng ta sẽ là người phải chịu đựng.

Nhiều năm trước, tác giả Gilbert Meilaender đã viết một bài báo sâu sắc có tựa đề khiêu khích “Tôi muốn làm gánh nặng cho những người thân yêu của mình”. Ông biết rằng điều này sẽ trái ngược với tình cảm chung: “Tôi không muốn trở thành gánh nặng”. Có rất ít điều nặng nề hơn khi đối phó với một người lớn tuổi cần được giúp đỡ hơn là sự khăng khăng của họ rằng họ không muốn trở thành gánh nặng. Sự khăng khăng cố chấp này trong việc giữ khoảng cách với người khác chỉ khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn gấp nghìn lần. Việc khăng khăng rằng bạn không muốn trở thành gánh nặng khi rõ ràng bạn cần được giúp đỡ là một trong những điều nặng nề nhất mà một người có thể làm.

Meilaender viết: Đây không phải là ý nghĩa lớn nhất của việc thuộc về một gia đình: gánh nặng cho nhau - và gần như kỳ diệu khi thấy rằng những người khác sẵn lòng, thậm chí vui vẻ, mang những gánh nặng như vậy sao? Gia đình sẽ không có ý nghĩa như vậy đối với chúng ta nếu họ không thực sự cho chúng ta quyền đòi hỏi lẫn nhau. Ít nhất là trong lĩnh vực cuộc sống này, chúng ta không đến với nhau như những cá nhân tự chủ tự do ký kết hợp đồng với nhau. Chúng ta chỉ thấy mình bị ném vào nhau và được yêu cầu chia sẻ gánh nặng của cuộc sống trong khi học cách chăm sóc lẫn nhau.

Meilaender viết rằng, khăng khăng không trở thành gánh nặng thường là "nỗ lực cuối cùng để bỏ qua sự phụ thuộc lẫn nhau của cuộc sống con người, mà qua đó chúng ta chỉ đơn giản là và nên trở thành gánh nặng cho những người yêu thương chúng ta". Tình yêu bao hàm gánh nặng. Không có cách nào để yêu và được yêu mà không có gánh nặng. Đó là một bài học của Thập giá.

Những Khoảnh khắc Cuối cùng của Raphael của Henry Nelson O'Neil, 1866 [Bảo tàng & Phòng trưng bày nghệ thuật Bristol]


Theo tôi, tài liệu hay nhất từ Hội đồng Giám mục Hoa kỳ, "Trung thành với cuộc sống: Một suy gẫm về đạo đức", bình luận về Dụ ngôn Người Sa-ma-ri-ta-nô nhân hậu: "Tất cả chúng ta đang trên hành trình từ Giêrusalem xuống Giêricô, và câu chuyện này ám ảnh chúng ta, vì nó hoàn toàn trái ngược với niềm tin mạnh mẽ được chấp nhận rộng rãi ngày nay rằng lòng trung thành và nghĩa vụ của chúng ta chỉ dành cho những người mà chúng ta lựa chọn. Ngược lại, chúng ta nợ lòng trung thành với những người mà chúng ta lựa chọn và, ngoài họ ra, với những người mà chúng ta không lựa chọn. Chính Chúng ta đã được lựa chọn - để đi ra khỏi con đường của chúng ta vì họ".

Chúa Giêsu kể câu chuyện ngụ ngôn này để trả lời cho câu hỏi: "Ai là người lân cận của tôi?" Sau khi kể lại câu chuyện về người Sa-ma-ri-ta-nô giúp đỡ một người lạ, Người hỏi: "Ai là người lân cận của người đàn ông đó?" Hầu hết chúng ta đều cho rằng Người đang hỏi ai là người lân cận của người Do Thái nửa sống nửa chết bị cướp. Câu trả lời: "Người Sa-ma-ri-ta-nô." Nhưng nếu chúng ta đảo ngược câu hỏi và hỏi: Ai là người lân cận của người Sa-ma-ri-ta-nô?" Thì câu trả lời sẽ là: "Bất cứ ai đang cần giúp đỡ."

Hãy xem xét nhu cầu của người cao tuổi. Như "Faithful for Life" đã nói: "Bất cứ người bệnh nào cũng có thể tin rằng 'tự tử có sự hỗ trợ' của họ là giải pháp có trách nhiệm, thậm chí có thể được mong đợi, cho một căn bệnh đau đớn là một bản cáo trạng chống lại một xã hội không yêu thương một số thành viên dễ bị tổn thương nhất của mình. Người bệnh và người già có thể được yêu cầu bảo vệ mạng sống của họ ngay tại thời điểm họ yếu đuối nhất."

Một Giáo Hội Công Giáo nghiêm túc phản đối việc an tử sẽ làm mọi cách có thể để đảo ngược những xu hướng này và giúp mọi người đối diện với những thách thức của tuổi già. Cũng như chúng ta phải có cái nhìn rộng hơn về việc chăm sóc phụ nữ và trẻ em, nếu chúng ta muốn giải quyết những thách thức của phá thai, thì việc chăm sóc người già cũng phải bắt đầu từ rất lâu trước những ngày cuối đời của họ. Hãy đi qua hầu hết các cơ sở chăm sóc người già, và bạn sẽ hiểu ngay tại sao mọi người lại muốn chọn một cái chết nhanh hơn, ít đau đớn hơn, giống như một số phụ nữ bị cám dỗ chọn giải pháp nhanh hơn, ít rắc rối hơn cho vấn đề mang thai của họ.

Sẽ không có công lý xã hội, không tôn trọng sự sống, không chăm sóc người nghèo và người già nếu Giáo hội không đấu tranh mạnh mẽ chống lại văn hóa cá nhân chủ nghĩa tự chủ trong các hoạt động và trong các tổ chức giáo dục của mình.

Như lúc ban đầu với Ađam và Evà, thì bây giờ cũng vậy. Nếu trái cây chín và đủ đẹp, mọi người sẽ bị cám dỗ để lấy nó, ngay cả khi ăn nó có nghĩa là chết về thể xác và tinh thần. Chúng ta có thể khuyến khích mọi người "vác thập giá của mình", nhưng chúng ta không nên yêu cầu họ làm điều đó một mình. Ngay cả Chúa Kitô cũng có Simon thành Xi-rê-nê giúp Người mang thập giá của Người.
 
Thời gian, Hy vọng và Mọi Linh hồn
Vũ Văn An
14:00 26/11/2024

Stephen P. White, thuộc Trung tâm Đạo Đức và Chính sách Công (EPPC), Thứ bảy, ngày 2 tháng 11 năm 2024 nhận định rằng Thiên Chúa, mà tình yêu của Người là vô hạn, yêu một số lượng người hữu hạn. Người có thể yêu tất cả mọi người, nhưng con số đó vẫn hữu hạn.

Tôi đọc ở đâu đó rằng tổng số người đã từng sống ước tính ở đâu đó trên 100 tỷ. Nghĩa là rất nhiều người. Cách người ta ước tính một con số như vậy có phần mơ hồ đối với tôi, nhưng nếu chúng ta coi con số đó là chính xác hợp lý, thì điều đó có nghĩa là khoảng bảy hoặc tám phần trăm những người đã từng sống vẫn còn sống ngày nay.

Cách nào đó, điều trên khiến tôi cảm thấy hơi ngỡ ngàng - giống như cảm giác mà người ta có được lần đầu tiên nhận ra rằng những năm tháng mình đã sống có lẽ nhiều hơn, hoặc ít nhất là cân bằng, những năm tháng còn lại để sống. Không phải là những điều như vậy thực sự là của chúng ta - không phải ngày hay giờ - nhưng việc lái xe đi khắp nơi với một bình xăng đầy sẽ bớt lo lắng hơn. Điều đó mang lại cho người ta sự bình yên tuyệt vời.

Thiên Chúa đã hứa với Ápraham, “Ta sẽ ban phước cho ngươi và làm cho dòng dõi ngươi đông như sao trên trời và cát dưới biển.” Tôi đã kiểm tra (đọc: Tôi đã Google) và rõ ràng là có nhiều hạt cát hơn nhiều so với số người đã từng sống, theo nhiều cấp độ. Và số lượng các vì sao trên bầu trời làm lu mờ số lượng hạt cát. Trong bối cảnh này, 100 tỷ dường như là một con số khiêm tốn.

Không cho rằng Chúa có ý định được coi là chính xác kiểu toán học, có lẽ sẽ có nhiều người hơn nữa trong chúng ta sẽ đến. Có lẽ, một ngày nào đó, nhiều thiên niên kỷ sau, con người sẽ nhìn lại thời đại của chúng ta và tự hỏi cuộc sống sẽ như thế nào khi loài người còn rất nhỏ và rất trẻ. Và có lẽ họ, những người đàn ông tương lai này, sẽ thắc mắc khi nào Chúa cuối cùng sẽ trở lại trong vinh quang. Họ sẽ nghĩ, chắc chắn phải sớm thôi? Hay họ sẽ nghĩ, chắc chắn là không phải trong một thời gian dài?

Cuộc sống của chính chúng ta gần như ngắn ngủi một cách buồn cười. “Bảy mươi là tổng số năm của chúng ta, hoặc tám mươi, nếu chúng ta mạnh mẽ,” Thánh vịnh gia từng viết như thế, và nói thêm, “Hầu hết trong số chúng là công việc khó nhọc và đau buồn; chúng trôi qua nhanh chóng, và chúng ta đã biến mất.” Thời gian ngắn ngủi mà chúng ta có là một hồng phúc. Điều này đúng theo nhiều nghĩa: theo nghĩa cuộc sống là một hồng phúc; theo nghĩa thời gian của chúng ta trên trái đất bị giới hạn là một hồng phúc; và thậm chí theo nghĩa chúng ta trải nghiệm thời gian là một hồng phúc.

Điều trên có vẻ xa vời, nhưng hãy kiên nhẫn với tôi.

Vào cuối câu chuyện Kinh thánh về Sự sa ngã, có một cuộc trò chuyện rất kỳ lạ mà Thiên Chúa đã có với chính Người, một câu chuyện dễ bị bỏ qua. “Bấy giờ, Chúa là Thiên Chúa phán rằng: Kìa! Con người đã trở nên giống như một trong chúng ta, biết điều thiện và điều ác! Bây giờ, nếu nó cũng đưa tay ra hái trái cây sự sống, ăn và sống mãi mãi thì sao?” Chúa trục xuất Ađam và Evà khỏi Vườn Địa đàng như một hình phạt cho sự bất tuân của họ. Cho đến lúc này, thì vẫn tốt thôi.

Ngày lễ các linh hồn của Franz Skarbina, 1896 [Bảo tàng Nhà nước, Berlin, Đức]


Nhưng hình phạt cũng là một hành động thương xót, như chúng ta được nhắc nhở trong Thánh lễ vào các Chúa Nhật Mùa Thường Niên (Kinh Tiền tụng 3):

Vì chúng con biết rằng điều đó thuộc về vinh quang vô biên của Chúa,
Rằng Chúa đã đến giúp đỡ những người phàm bằng thần tính của Chúa
Và thậm chí còn tạo ra cho chúng con một phương thuốc từ chính sự chết.
Để nguyên nhân khiến chúng con sa ngã,
Có thể trở thành phương tiện cứu rỗi chúng con,
Qua Chúa Kitô, Chúa chúng con.


Sự sống là tốt đẹp; một hồng phúc. Nhưng sẽ thật khốn khổ khi bị mắc kẹt trong trạng thái sa ngã này mãi mãi. Sự bất tử trong cuộc sống này sẽ không phải là một phước lành mà là một lời nguyền.

Như tôi đã nói, bản thân thời gian là một hồng phúc. Không chỉ là sự phân bổ riêng biệt về giờ và ngày mà chúng ta có trước khi chết, mà còn là hiện tượng trôi qua trong sự tồn tại mà tất cả chúng ta đều trải qua và chúng ta gọi là "thời gian". Ngay từ khoảnh khắc đầu tiên của hiện hữu, mọi thứ chúng ta trải nghiệm đều diễn ra trong khuôn khổ thời gian không thể tránh khỏi: sự phát triển, sự phát triển mạnh mẽ, sự học hỏi, sự suy nghĩ, sự ghi nhớ, sự lãng quên, sự già đi, sự chết của chúng ta. Tất cả vẻ đẹp và sự mong manh khiến chúng ta trở thành con người đều giả định rằng chúng ta bị giới hạn bởi thời gian.

Điều này trở nên rõ ràng ngay lập tức khi người ta xem xét các thiên thần. Giống như chúng ta, các thiên thần được tạo ra; họ có một khởi đầu. Giống như linh hồn chúng ta, họ bất tử. Giống như chúng ta, họ được tạo ra tự do; một số thậm chí đã sa ngã. Nhưng sự tự do của chúng ta được thực hiện trong thời gian, và điều đó tạo nên tất cả sự khác biệt. Khi một thiên thần sa ngã, sự sa ngã của họ là không thể thay đổi. Vì thời gian, chúng ta có thể trải qua mất mát, đau đớn, đau khổ và cái chết. Nhưng vì thời gian, chúng ta có thể trải nghiệm điều mà ngay cả các thiên thần cũng không thể: sự cứu chuộc.

Không giống như các thiên thần, chúng ta có thể biết hy vọng.

Hôm nay, Giáo hội tưởng niệm các Linh hồn. Giáo hội cầu nguyện cho những linh hồn của những người trung thành đã khuất đang được thanh tẩy để chuẩn bị cho Phúc lành. Chúng ta không biết các Linh hồn nghèo khổ trải nghiệm "thời gian" trong Luyện ngục như thế nào. (Dễ tưởng tượng ra việc thoát khỏi cơ thể hơn là tưởng tượng ra việc thoát khỏi thời gian.) Chúng ta biết rằng họ phải chịu đựng “lửa thanh tẩy”. Chúng ta cũng biết rằng bất kể ngọn lửa này như thế nào, thì nó hoàn toàn khác với hình phạt của những kẻ bị nguyền rủa.

Như chúng ta nghe trong các bài đọc hôm nay: “Vì nếu trước mặt loài người, quả thực họ bị trừng phạt, nhưng hy vọng của họ vẫn tràn đầy sự bất tử; bị trừng phạt một chút, họ sẽ được được ban phước, vì Chúa đã thử thách họ và thấy họ xứng đáng với chính Người.” Đối với các linh hồn trong luyện ngục – một phần vô danh trong số 100 tỷ người chúng ta đã từng ở đó – thời gian để ăn năn và tha thứ đã qua. Cũng như nỗi sợ hãi địa ngục. Những đau khổ đó đã qua. Những gì còn lại ở bên này Thiên đường, phải là hy vọng mãnh liệt nhất, gần như không thể chịu đựng được: một hy vọng “tràn đầy sự bất tử.”

Xin ban cho họ sự an nghỉ đời đời, lạy Chúa.
Và xin ánh sáng nghìn thu chiếu rọi trên họ.
Xin cho linh hồn của tất cả những người trung thành đã khuất,
nhờ lòng thương xót của Chúa, được an nghỉ trong bình an. Amen.
 
Hãy Thực Sự Theo Khoa Học
Vũ Văn An
14:22 26/11/2024

Randall Smith, trên The Catholic Thing,Thứ Ba, ngày 15 tháng 10 năm 2024, cho hay: Nhiều chính trị gia và những người của công chúng khác ngày nay thích nói rằng, "Hãy theo khoa học!" Được rồi, chúng ta hãy làm như vậy. Về mặt khoa học, hoàn toàn không còn nghi ngờ gì nữa, rằng sự sống của con người bắt đầu từ khi thụ thai. Vào thời điểm đó, bộ nhiễm sắc thể đầy đủ tạo nên sự sống của con người đã có mặt. Đó không phải là thằn lằn, tinh tinh hay dê. Đó là con người.



Nhưng mọi người không hiểu được thông điệp, không đối diện với sự thật nghiệt ngã. Phá thai là chấm dứt cuộc sống của con người. Khi bạn đối diện với sự thật, tất cả những lời huyên thuyên về "sức khỏe sinh sản" và "lựa chọn sinh sản" đều trở nên có hại.

Bạn muốn có "quyền" chấm dứt sự sống? Chấm dứt sự sống là "chăm sóc sức khỏe"? Từ khi nào chích thuốc độc vào cơ thể con người lại là "chăm sóc sức khỏe"? Bạn phản đối chích thuốc độc cho những kẻ giết người bị kết án? Tốt. Còn những đứa trẻ vô tội thì sao? Bạn là người ăn chay và ghê tởm việc giết hại động vật? Bạn nghĩ rằng nên có hình phạt nghiêm khắc đối với bất cứ ai giết một con đại bàng, một con nai hoặc một con cá voi con. Nhưng giết một đứa trẻ chưa chào đời thì có sao không? Điều đó diễn ra như thế nào?

Tôi thấy nhiều lời khuyên khác từ nhiều nhà trí thức Công Giáo về việc không nên là cử tri "chỉ quan tâm đến một vấn đề". Tôi không biết ai muốn trở thành "cử tri chỉ quan tâm đến một vấn đề". Hầu hết mọi người thích bỏ phiếu về những vấn đề như kinh tế, thâm hụt ngân sách, chính sách nhập cư, chính sách năng lượng và giáo dục. Nhưng tính mạng con người đang bị đe dọa.

Nhiều năm trước, tôi đã kể với một người bạn về việc Thống đốc Mitch Daniels đã cải tổ Cục phương tiện cơ giới Indiana. Không giống như bất cứ điều gì tôi từng trải nghiệm ở bất cứ nơi nào khác, sau Daniels, bạn có thể vào và ra khỏi văn phòng đó trong vòng chưa đầy mười phút. "Tôi tự hỏi sẽ như thế nào", tôi nói một cách đầy hoài niệm, "nếu các cuộc bầu cử là về chính phủ hiệu quả?" Anh ấy cười và nói: "Đúng vậy, một nửa những điều chúng ta bỏ phiếu là những điều mà chúng ta thậm chí không nên nói đến". Đàn ông có thể là phụ nữ không? Giáo dục giới tính cho trẻ năm tuổi? Giết trẻ sơ sinh trong bụng mẹ?

Hoặc thực tế là thâm hụt ngân sách năm nay gần 2 nghìn tỷ đô la thì sao? Tỷ lệ trẻ em đi học không biết đọc, viết hoặc làm toán cơ bản thì sao? Lưới điện ngày càng mong manh thì sao? Vấn đề người vô gia cư thì sao? Chính sách nhập cư thì sao? Hệ thống An sinh xã hội sắp phá sản thì sao?

Tôi cũng muốn nói về tất cả những điều đó. Nhưng đó không phải là những gì mà phương tiện truyền thông, cùng với các chính trị gia muốn tránh những chủ đề đó, muốn chúng ta nói đến. Vấn đề là ai đã thốt ra một từ hoặc cụm từ có thể bị hiểu là phân biệt chủng tộc? Ứng cử viên nào đáng ghét hơn và ứng cử viên nào vui vẻ hơn? Ai có động lực bầu cử và ai không? Một số người nổi tiếng đã nói gì về điều này hay điều khác?

Không ai muốn trở thành cử tri chỉ quan tâm đến một vấn đề. Nhưng một số người dường như nghĩ rằng luật chống lại việc chấm dứt mạng sống con người là "áp bức". Một số nhà triết học nói những điều như "Đó không phải là người"; những người khác hét lên "Đó là thai nhi!" Nhưng đó là trò chơi ngôn ngữ, không phải khoa học.

Không thể tránh khỏi sự thật rằng phá thai chấm dứt mạng sống của con người.

Nếu bạn giết một cô gái tuổi teen, điều đó không thể chấp nhận được nếu bạn hét lên: "Nó chỉ là một thiếu niên!" Từ bạn sử dụng không thay đổi được thực tại của người đó. Lịch sử cho chúng ta biết rằng rất nhiều người trong quá khứ nghĩ rằng người da đen và người Mexico bản địa là "con người", nhưng không hoàn toàn là "con người". Sự phân biệt đó luôn là một sai lầm và đó là một trong những sai lầm tồi tệ nhất mà chúng ta từng mắc phải.

Không có mục đích nào khác ngoài việc thụ thai khi sinh vật đang phát triển đó "một cách kỳ diệu" trở thành con người. Do đó, không thể tránh khỏi sự thật rằng phá thai chấm dứt mạng sống của con người. Vì vậy, chúng ta chỉ nên trung thực và thừa nhận rằng những gì đang được thảo luận là quyền chấm dứt mạng sống của con người không mong muốn.

Và vì thiên đàng, chúng ta đừng làm rối vấn đề bằng cách nói vòng vo kiểu Orwell như "công lý sinh sản" (trừ khi "công lý" có nghĩa là "đừng giết trẻ sơ sinh vô tội") hoặc "phá thai là chăm sóc sức khỏe" (loại "chăm sóc" trong đó một người luôn chết).

Tờ Wall Street Journal gần đây đã đăng một bài viết về tình thế tiến thoái lưỡng nan của một sinh viên y khoa nghèo khổ, bị áp bức ở Indiana, có tựa đề: "Ở nhà hay chuyển đến nơi phá thai được bảo vệ?" Nơi phá thai được bảo vệ? Còn ở lại Indiana, nơi sinh mạng của những người trẻ tuổi được bảo vệ thì sao?

Trong bài viết, tác giả than thở về "việc xóa bỏ các biện pháp bảo vệ theo hiến pháp đối với phá thai". Liệu đó có phải là các biện pháp bảo vệ "theo hiến pháp" chưa bao giờ hợp hiến, giống như phán quyết Dred Scott chưa bao giờ hợp hiến? (Bạn có biết rằng Abraham Lincoln đã khiến nhiều người xa lánh Liên bang vì họ lo sợ ông sẽ xóa bỏ "các biện pháp bảo vệ theo hiến pháp" đối với quyền sở hữu nô lệ không? Thật kinh hoàng.) Hãy gọi bài viết đó theo đúng bản chất của nó: sự che đậy có chủ đích.

Và sau đó có một sinh viên tại Đại học Louvain nói rằng anh ta không thể tin rằng "trong thế giới hiện đại" Giáo hoàng Phanxicôlại nói rằng "phá thai là giết người". Chẳng phải anh chàng này đã nghe về học thuyết nhập hồn vào thế kỷ thứ mười ba sao? Khoa học hiện đại cho chúng ta biết rằng sự sống của con người bắt đầu khi thụ thai. Nhưng đúng là một số người trong chúng ta vẫn nghĩ rằng cuộc sống con người có phẩm giá vô hạn và bạn nên quan tâm đến người nghèo, trả lương đủ sống và không tính lãi suất cắt cổ. Chúng ta thật "trung cổ". Đã đến lúc chuyển sang thế giới hiện đại, nhóc ạ. Đó là sự sống của con người, một con người, và bạn có nghĩa vụ với sự sống đó cũng giống như bạn có nghĩa vụ với bất cứ người vô gia cư, bất cứ người nhập cư và bất cứ công nhân bị áp bức nào. Vì vậy, đừng nói với tôi rằng bạn sẽ chuyển trời chuyển đất để bảo vệ những người đó nếu bạn không sẵn sàng nhấc một ngón tay để bảo vệ những đứa trẻ bất lực trong bụng mẹ. Bạn không chỉ tự lừa dối bản thân mà còn ủng hộ một nền văn hóa "lựa chọn" cá nhân sẽ không bao giờ giúp mọi người phát triển các đức tính và đặc điểm tính cách cần thiết để bảo vệ tất cả những người mà bạn tuyên bố muốn bảo vệ. Họ sẽ chỉ "có thể vứt bỏ", vô hình và bị lãng quên như đứa trẻ chưa chào đời đó. Nếu bạn không tin tôi, hãy tự hỏi bản thân: Mẹ Teresa ở Calcutta sẽ nói gì? Bạn không giúp những người nghèo nhất trong số những người nghèo bằng cách giết trẻ sơ sinh. Vậy thì hãy đứng về phía bà ấy và Giáo hội hoặc thừa nhận rằng bạn đang ở cùng với những người cho rằng con người không mong muốn là thứ có thể vứt bỏ.
 
Tổng giám mục Ukraine khuyến khích Tổng thống đắc cử Donald Trump đến Ukraine
Đặng Tự Do
17:19 26/11/2024


Một tổng giám mục Ukraine cho biết ngài đã khuyến khích Tổng thống đắc cử Donald Trump đến thăm Ukraine để giúp “xây dựng chính sách cho tương lai”.

Trong một cuộc phỏng vấn vào thứ sáu với người dẫn chương trình “EWTN News In Depth” Catherine Hadro, Đức Tổng Giám Mục Borys Gudziak của Tổng giáo phận Công Giáo Ukraine Philadelphia cho biết ngài đã nói chuyện ngắn gọn với Tổng thống đắc cử Donald Trump trước cuộc bầu cử tại bữa tối Al Smith ngày 17 tháng 10, nơi ngài khuyến khích Tổng thống đắc cử Donald Trump đến thăm Ukraine. Đức Cha Gudziak sau đó đã viết một lá thư cho tổng thống đắc cử với nội dung tương tự.

“Tôi nghĩ nếu ngài ấy đi ngay bây giờ, trước lễ nhậm chức, chẳng hạn, cùng với một nhóm các nhà lãnh đạo tôn giáo trong một sứ mệnh nhân đạo, ngài ấy sẽ tự mình chứng kiến những gì đang diễn ra trên thực địa”, Đức Cha Gudziak giải thích. “Tất cả những người đã đến Ukraine — các Hồng Y, các nhà lãnh đạo chính trị, các nhân viên nhân đạo, những người hoài nghi, những người hiểu biết nhiều — tất cả đều ra về với nhiều hiểu biết hơn, nhiều hơn nữa và hiểu sâu sắc hơn những gì đang diễn ra”.

“Vì vậy, tôi khuyến khích Tổng thống đắc cử Donald Trump đến Ukraine,” Gudziak nói, “để làm “một cơ sở để xây dựng chính sách cho tương lai.”

Ngày 19 tháng 11 đánh dấu 1.000 ngày kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine, khiến hàng trăm ngàn người thiệt mạng và hàng triệu người phải di dời. Hôm thứ Ba, Ukraine đã sử dụng hỏa tiễn của Hoa Kỳ để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga, sau khi Tổng thống Joe Biden cho phép sử dụng như vậy.

Đức Cha Gudziak nói về cột mốc buồn này: “Đây là thời điểm để tang.”

“Có nỗi đau lớn và những vết thương lớn trong người dân chúng ta, trong Giáo hội của chúng ta,” ngài lưu ý. “Đồng thời, có lòng biết ơn lớn lao. Hầu hết các nhà quan sát quốc tế, và đặc biệt là Putin, nghĩ rằng Ukraine sẽ sụp đổ trong vòng ba ngày hoặc ba tuần. Và bây giờ, ba năm sau, người dân vẫn đứng vững, tiếp tục đứng vững, bảo vệ phẩm giá mà Chúa ban cho họ, tự do của họ, nền dân chủ của họ.”

Thiệt hại thảm khốc

Hàng trăm ngàn người đã thiệt mạng do cuộc xâm lược của Nga, với hơn 14 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa. Tổng giám mục lưu ý rằng 4.000 trường học và 2.000 bệnh viện đã bị phá hủy.

“Có rất nhiều đau khổ, chấn thương lớn sẽ kéo dài,” Đức Cha Gudziak nói. “Nhưng cũng có cảm giác can đảm và biết ơn vì ân sủng của Chúa rằng Nga đã không xâm lược toàn bộ Ukraine và đất nước vẫn được tự do.”

Khi được hỏi về tình hình của người Công Giáo ở Ukraine, Đức Cha Gudziak cho biết rằng “đời sống công cộng của Giáo Hội Công Giáo gần như đã bị dập tắt” ở miền Đông Ukraine, nơi Nga đã xâm lược một số phần của ba khu vực.

“Hiện không có linh mục Công Giáo Ukraine nào hoạt động ở đó, và một số linh mục đã bị bắt cóc và tra tấn trong 18 tháng, những người đã được trả tự do vào mùa hè — họ cho thấy những vết sẹo của cuộc sống bị giam cầm ở Nga”, vị tổng giám mục cho biết.

“Đối với người Công Giáo, điều rõ ràng là sự xâm lược của Nga có nghĩa là [sẽ] dập tắt đời sống nhà thờ bình thường của chúng ta,” ngài nói tiếp.

Nhưng Đức Cha Gudziak lưu ý rằng các tổ chức bác ái Công Giáo đã cùng nhau hỗ trợ người dân Ukraine, bao gồm Caritas Ukraine, một tổ chức bác ái Công Giáo tại Ukraine.

“Các giám mục và linh mục đang có mặt, phục vụ mọi người, cử hành các bí tích, loan báo tin mừng, nhưng cũng rất tích cực tham gia vào công tác nhân đạo, giúp đỡ những người mất nhà cửa, tài sản, phân phát quần áo, thực phẩm, thúc đẩy chăm sóc y tế,” ngài nói.

“Điều rất quan trọng là Giáo hội nhắc nhở mọi người về phẩm giá mà Chúa ban cho họ, về sự thật rằng Chúa ở cùng họ, rằng từng sợi tóc trên đầu họ đều được đếm” và rằng đất nước đã trải qua “những trải nghiệm thậm chí còn đau thương hơn”, ngài nói.

“Trong Thế chiến II, giữa Đức Quốc xã và Liên Xô, 6 triệu đến 7 triệu cư dân Ukraine đã bị giết và toàn bộ đất nước bị tàn phá,” Đức Cha Gudziak nói tiếp. “Người dân Ukraine biết rằng họ đã sống qua cuộc đóng đinh và đã phục sinh trong quá khứ. Vì vậy, Giáo hội công bố Kerygma phục sinh này: Chúng ta mang thập giá của mình và Chúa sẽ ban cho chúng ta sự sống.”


Source:Catholic News Agency
 
Tìm hiểu tiến trình tuyên thánh. Trường hợp của Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp
J.B. Đặng Minh An dịch
19:59 26/11/2024


Đức Ông Robert Sarno, chuyên gia phục vụ trong Bộ Tuyên Thánh suốt 38 năm, sau khi đã là linh mục của giáo phận Brooklyn Hoa Kỳ, có bài viết nhan đề “Saints”, nghĩa là “Các Thánh” được đăng trên web site của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Trong năm thế kỷ đầu tiên của Giáo hội, quá trình công nhận một vị thánh dựa trên sự tung hô của công chúng, nghĩa là dựa trên nguyên tắc vox populi, vox Dei - tiếng nói của người dân, tiếng nói của Chúa. Không có quá trình chính thức nào giống với các tiêu chuẩn chúng ta thấy ngày nay. Bắt đầu từ thế kỷ thứ sáu và kéo dài đến thế kỷ thứ mười hai, cần có sự can thiệp của giám mục địa phương trước khi một ai đó có thể được tuyên thánh. Sự can thiệp của Đức Giám Mục bản quyền thường bắt đầu bằng yêu cầu của cộng đồng địa phương xin Đức Giám Mục địa phương công nhận một ai đó là thánh. Sau khi nghiên cứu yêu cầu và tiểu sử viết tay, nếu thấy thuận lợi, Đức Giám Mục thường sẽ ban hành sắc lệnh, hợp pháp hóa nghi lễ phụng vụ và do đó tuyên thánh cho người đó.

Bắt đầu từ thế kỷ thứ mười, án tuyên thánh được tiến hành theo các bước như sau: danh tiếng của người đó lan rộng, có yêu cầu từ người dân xin giám mục địa phương tuyên bố người đó là thánh, và tiểu sử được viết ra để giám mục xem xét. Tuy nhiên, hiện nay, giám mục sẽ thu thập lời khai của những người biết người đó và những người đã chứng kiến phép lạ, và ngài sẽ cung cấp tóm tắt về vụ việc cho Đức Giáo Hoàng để vị mục tử toàn thể Hội Thánh chấp thuận. Sau đó, Đức Giáo Hoàng xem xét nguyên nhân, và nếu chấp thuận, ngài sẽ ban hành sắc lệnh tuyên bố người đó là thánh. Trường hợp đầu tiên được ghi chép về án tuyên thánh do một Giáo Hoàng chuẩn y là khi Đức Giáo Hoàng Gioan 15 vào ngày 31 Tháng Giêng năm 993 tuyên thánh cho Thánh Ulric. Khi Đức Giáo Hoàng Sixtô Đệ Ngũ tổ chức lại Giáo triều Rôma vào năm 1588, ngài đã thành lập Bộ Nghi lễ Thánh. Một trong những chức năng của bộ này là hỗ trợ Đức Giáo Hoàng xem xét các án tuyên thánh. Ngoại trừ một số cập nhật cho phù hợp với giáo luật, từ năm 1588, quá trình tuyên thánh vẫn như vậy cho đến năm 1917 khi Bộ Giáo luật phổ quát được ban hành.

Bộ luật năm 1917 bao gồm 145 điều luật (từ số 1999 đến số 2144) về án tuyên thánh, và yêu cầu phải tiến hành một quá trình giám mục và một quá trình tông tòa. Tiến trình giám mục bao gồm giám mục địa phương xác minh danh tiếng của người đó, bảo đảm rằng có tiểu sử rõ ràng, thu thập lời khai của nhân chứng và các tác phẩm do người đó viết ra. Tất cả những điều này sau đó được chuyển đến Bộ Nghi lễ Thánh. Tiến trình tông tòa bao gồm xem xét các bằng chứng được nộp, thu thập thêm bằng chứng, nghiên cứu án tuyên thánh, điều tra bất kỳ phép lạ nào được cho là đã xảy ra và cuối cùng chuyển án tuyên thánh lên Đức Giáo Hoàng để ngài chấp thuận.

Tiến trình này vẫn có hiệu lực cho đến năm 1983 với việc ban hành Bộ Giáo luật năm 1983 và các chuẩn mực mới cho các nguyên nhân tuyên thánh: Divinus Perfectionis Magister, Normae Servandae in Inquisitionibus ab Episcopis Faciendis in Causis Sanctorum và Sanctorum Mater, hay 2007. Tiến trình sửa đổi vào năm 1983 này cho các án tuyên thánh vẫn có hiệu lực cho đến nay và được trình bày chi tiết bên dưới.

Không có số lượng chính xác những người đã được tuyên thánh kể từ những thế kỷ đầu tiên. Tuy nhiên, vào năm 1988, để đánh dấu 400 năm thành lập, Bộ Tuyên Thánh đã xuất bản “Index ac Status Causarum” đầu tiên. Cuốn sách này và các phần bổ sung sau đó, được viết hoàn toàn bằng tiếng Latin, được coi là chỉ mục chính thức của tất cả các vụ án đã được trình lên Bộ kể từ khi thành lập.

Tiến trình tuyên thánh từ năm 1983 bao gồm các bước sau:

Giai đoạn I – Khảo sát cuộc đời của một ứng viên tuyên thánh ở cấp Giáo phận (hoặc Giáo phận chính thống Đông phương)

Phải mất năm năm kể từ thời điểm ứng viên qua đời trước khi án tuyên thánh có thể bắt đầu. Điều này là để cho phép cân bằng và khách quan hơn trong việc đánh giá trường hợp và để cho cảm xúc của thời điểm người ấy qua đời tan biến. Đức Giáo Hoàng có thể miễn trừ thời gian chờ đợi này.

Giám mục của giáo phận nơi người đó qua đời có trách nhiệm bắt đầu cuộc điều tra. Người thỉnh cầu (có thể là giáo phận, giám mục, dòng tu hoặc hiệp hội tín hữu) yêu cầu giám mục thông qua một người được gọi là Postulator hay cáo thỉnh viên, là người đề nghị mở cuộc điều tra.

Sau đó, giám mục bắt đầu một loạt các cuộc tham khảo ý kiến với hội đồng giám mục, các tín hữu trong giáo phận của mình và Tòa thánh. Sau khi các cuộc tham khảo ý kiến này hoàn tất và ngài đã nhận được ý kiến “nihil obstat”, nghĩa là “không có gì ngăn trở” từ Tòa thánh, ngài sẽ thành lập một tòa án cấp giáo phận cho án tuyên thánh. Tòa án sẽ điều tra về sự tử đạo hoặc cách ứng viên sống một cuộc sống với các nhân đức anh hùng, tức là các nhân đức đối thần về đức tin, đức cậy và đức mến, và các nhân đức cốt yếu về sự khôn ngoan, công bằng, tiết độ và lòng dũng cảm, và những nhân đức khác cụ thể đối với tình trạng sống của ứng viên. Các nhân chứng sẽ được triệu tập và các tài liệu do ứng viên viết và các tài liệu về ứng viên phải được thu thập và xem xét.

Giai đoạn II: Bộ Tuyên thánh

Sau khi cuộc điều tra của giáo phận hoàn tất, tài liệu sẽ được gửi đến Bộ Tuyên thánh. Ứng viên có thể được gọi là “Servus Dei” hay vị “Tôi Tớ Chúa”.

Người thỉnh nguyện cho giai đoạn này, cư trú tại Rôma, dưới sự chỉ đạo của một thành viên trong đội ngũ nhân viên của Bộ. Người thỉnh nguyện sống ở Rôma này cũng được gọi là Postulator hay cáo thỉnh viên ở cấp Tòa Thánh, chuẩn bị một 'Positio', nghĩa là một bản tóm tắt bằng chứng tài liệu từ giai đoạn giáo phận để chứng minh việc thực hành đức hạnh anh hùng hoặc sự tử đạo.

'Positio' trải qua một cuộc kiểm tra của chín nhà thần học bỏ phiếu về việc ứng viên có sống một cuộc sống anh hùng hay chịu tử đạo hay không. Nếu phần lớn các nhà thần học ủng hộ, thì án tuyên thánh được chuyển lên để các Hồng Y và giám mục là thành viên của Hội đồng thẩm định. Nếu phán quyết của các ngài là thuận lợi, thì vị trưởng Hội đồng sẽ trình bày kết quả của toàn bộ quá trình của án tuyên thánh lên Đức Giáo Hoàng, là người sẽ chấp thuận và ủy quyền cho Hội đồng soạn thảo một sắc lệnh tuyên bố một người là Venerabilis – hay Bậc đáng kính nếu họ đã sống một cuộc sống đức hạnh. Trong trường hợp tử đạo, như trường hợp Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp, ứng viên được tuyên bố là một Beatus hay Chân phước.

Giai đoạn III – Phong chân phước

Đối với việc phong chân phước cho một vị đáng kính, cần phải có một phép lạ được cho là do sự chuyển cầu của ngài, được xác minh sau khi ngài qua đời. Phép lạ cần thiết phải được chứng minh thông qua cuộc điều tra giáo luật thích hợp, theo một thủ tục tương tự như đối với các nhân đức anh hùng. Cuộc điều tra này cũng được kết thúc bằng sắc lệnh thích hợp. Sau khi sắc lệnh về phép lạ được công bố, Đức Giáo Hoàng sẽ ban hành lệnh phong chân phước, tức là cho phép việc tôn kính công khai có giới hạn - thường chỉ trong phạm vi quốc gia, giáo phận, vùng hoặc cộng đồng tôn giáo nơi vị chân phước đã sống. Với quyết định này, ứng viên sẽ nhận được danh hiệu Chân phước hay Á Thánh.

Đối với một vị tử đạo, không cần phép lạ. Do đó, khi Đức Giáo Hoàng chấp thuận positio tuyên bố rằng người đó đã tử đạo vì đức tin, thì danh hiệu Chân phước sẽ được ban cho vị tử đạo tại thời điểm đó.

Như thế từ ngày Thứ Hai, 25 Tháng Mười Một, sau khi Đức Thánh Cha nhìn nhận cuộc tử đạo của Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp, ngài được gọi là Chân Phước Tử Đạo Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp.

Giai đoạn IV – Tuyên thánh

Để tuyên thánh, cần có một phép lạ khác cho cả các vị chân phước tử đạo và các vị chân phước đã sống một cuộc đời đức hạnh. Phép lạ này được cho là nhờ sự chuyển cầu của vị chân phước và đã xảy ra sau khi được phong chân phước.

Như thế, trong trường hợp của Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp, cần có một phép lạ xảy ra nhờ lời cầu bầu của ngài sau ngày 25 Tháng Mười Một, 2024.

Các phương pháp để khẳng định phép lạ cũng giống như các phương pháp được áp dụng để phong chân phước. Việc tuyên thánh cho phép Giáo hội hoàn vũ tôn kính vị thánh một cách công khai. Với việc tuyên thánh, vị chân phước sẽ có được danh hiệu là Sanctus hay là Thánh.

Đức Ông Robert Sarno

Bộ Tuyên thánh

Thành phố Vatican



Source:USCBB
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hình ảnh Sinh Nhật quý Thành Viên trong giáo xứ Thánh Vinh Sơn Liêm tháng 11/2024
Tài Liệu - Sưu Khảo
Khuôn mặt Chúa Giêsu trong phúc âm Thánh sử Luca
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
14:34 26/11/2024
Khuôn mặt Chúa Giêsu trong phúc âm Thánh sử Luca

Theo chu kỳ niên lịch phụng vụ trong Giáo Hội, năm phụng vụ 2024-2025 bắt đầu từ Chúa Nhật thứ nhất mùa Vọng, ngày 01.12.2024 đến hết tuần lễ của Chúa Nhật 34. Thường niên năm 2025, phúc âm Chúa Giêsu Kitô trong thánh lễ Misa theo Thánh sử Luca được đọc công bố cùng suy niệm. Như thế phúc âm Chúa Giêsu theo Thánh sử Luca là trọng tâm cho suốt năm phụng vụ chu kỳ năm C.

Nhiều nơi trong các Thánh đường có tượng Thánh Luca tay cầm cuốn sách và dưới chân có hình con bò. Có nơi đàng trước bục đọc sách trong nhà thờ có vẽ hay khắc bốn hình khác nhau theo hình chữ nhật hay hình tròn: một người có cánh, một con sư tử có cánh, một con bò có cánh và con chim phượng hoàng có cánh. Bốn hình ảnh biểu tượng này cũng được khắc vẽ rất nghệ thuật theo mô hình Mosaic vừa to rộng và vừa mầu sắc nổi bật ở bốn góc trên cao bên trong vòm tròn đền thờ Thánh Phero ở Vatican, nơi có bàn thờ đức tin bên dưới vòm hình tròn.

Đây là những hình ảnh biểu tượng cho bốn Thánh sử viết bốn sách Phúc âm về cuộc đời của Chúa Giêsu: Thánh Mattheo, Thánh Marco, Thánh Luca và Thánh Gioan.

Tại sao lại vẽ hay tạc tượng Thánh sử Luca với hình con bò, hay lấy biểu hiệu con bò chỉ về phúc âm Thánh Luca? Và Thánh sử Luca đã viết diễn tả, cũng có ý kiến hiểu cho rằng Thánh Luca là một họa sĩ, đã phác họa vẽ khuôn mặt Chúa Giêsu như thế nào?

Hình ảnh biểu tượng hay ngày nay còn gọi là Logo, muốn nói lên đặc điểm của nơi đó, của người đó, của công trình đó. Chỉ mình phúc âm Thánh Luca thuật lại cảnh sinh ra đời của Chúa Giêsu xuống thế làm người trong chuồng bò lừa giữa cánh đồng Bethlehem thuở xưa cách đây hơn hai ngàn năm ở miền Nam nước Do Thái. Nên hình con bò đã trở thành biệu tượng riêng biệt của Phúc âm Thánh Luca để phân biệt với ba phúc âm của ba Thánh sử khác.

Thánh sử Luca diễn tả Chúa Giêsu là một con người có nơi chốn sinh ra như bao con người khác ở trần gian. Hang chuồng bò lừa, máng cỏ, nơi Chúa Giêsu nằm lúc chào đời, là dấu vết tích lịch sử cụ thể của Chúa Giêsu đã sinh ra, và còn muốn làm nổi bật lên một khía cạnh đời sống khác hơn nữa của Con Thiên Chúa: Chúa Giêsu sinh ra trên trần gian trong hoàn cảnh khó nghèo hèn hạ, có cha mẹ, và đã sống vâng phục lòng hiếu thảo với cha mẹ mình. ( Lc 2,51).

Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng sinh xuống trần gian làm người. Ngài phải sống hoàn toàn lệ thuộc vào ý muốn của Thiên Chúa. Điều này nói lên rõ nét qua những lời cầu xin của Chúa Giêsu với Thiên Chúa Cha, như lời cầu nguyện trong vườn Cây đầu trước lúc chịu khổ hình, ( Lc 22,44), lời than khóc trên thập gía trước lúc chịu chết.

Thánh sử Luca diễn tả Chúa Giêsu là Đấng tràn đầy ân phúc của Thiên Chúa mang đến ân đức cứu chuộc cho trần gian. Những ngôn từ ân phúc, lòng thương xót được Thánh Luca nhắc viết tới 28 lần trong Phúc âm của mình.

Khi Tổng lãnh Thiên Thần Gabriel đến truyền tin cho Đức Mẹ Maria, Thiên Thần chào Đức Mẹ là „đầy ân phúc“ ( Lc 1,28). Hai tiên tri Simeon và Anna đã hân hoan vui mừng vì được “ân phúc” nhìn thấy tận mắt bồng ẵm hài nhi Giêsu trong đền thờ.

Sự trở về, trong dụ ngôn người cha nhân lành, của người con đi hoang ( Lc 15), người thu thuế ( Lc 18) của Ông Zachäus (Lc 19) đều nói lên ân phúc, và lòng thương xót của Chúa Giêsu, Đấng mang đến những điều đó cho trần gian.

Phúc âm Thánh sử Luca viết dẫn đến niềm vui niềm hy vọng. Khởi đầu với bài tường thuật Thầy cả Zacharia vào dâng lễ tế trong đền thờ bị phạt câm, nhưng vẫn ca tụng Thiên Chúa. Maria và chị họ Elisabeth vui mừng ca ngợi Thiên Chúa. Các Thiên Thần hiện đến báo tin vui mừng cho các mục đồng: Chúa Giêsu đấng cứu thế sinh hạ làm người.Và ở cuối phúc âm thuật lại các Tông đồ trở về Giêrusalem với niềm vui mừng hân hoan và ca ngợi Thiên Chúa (Lc 24,52-53)

Sứ mạng mang tin mừng của Chúa Giêsu xưa kia gieo vãi niềm vui mừng lòng nhân lành của Chúa qua đời sống làm người của Chúa Giêsu, và niềm vui mừng đó lan tỏa cho tới chúng ta ngày nay cho tâm hồn con người.

Những ví dụ, những hình ảnh qua dụ ngôn là ngôn ngữ gần gũi dễ hiểu cho người nghe, nhất là về những điều tôn giáo thần bí cao sâu. Xưa nay vẫn thường hiểu cho rằng những dụ ngôn trong Phúc âm. Nhưng cũng có suy tư cho rằng phúc âm trong dụ ngôn. ( Lm. Giuse Nguyễn tầm Thường). Hai cung cách cắt nghĩa đều quy hướng tìm hiểu sứ điệp của Chúa Giêsu không chỉ về số lượng dụ ngôn, mà còn về nội dung ẩn chứa nơi hình ảnh ngôn ngữ của những ví dụ trong đời sống thực tế của con người, mà Ngài dùng để rao giảng.

Rao giảng về nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu dùng nhiều dụ ngôn để cắt nghĩa. Những dụ ngôn cũng được thuật lại nơi ba phúc âm khác. Nhưng có những dụ ngôn hình ảnh của Chúa Giêsu dùng để rao giảng nước Thiên Chúa chỉ đọc thấy trong phúc âm Thánh Luca.

Dụ ngôn người Samari nhân lành (Lc 10,25-37) đầy lòng thương xót cứu giúp người bị đánh trọng thương giữa dọc đường. Dụ ngôn này diễn tả sự quan tâm săn sóc của tình yêu Thiên Chúa với con người và lòng bác ái con người với nhau.

Dụ ngôn về bữa tiệc trọng đại (14,16-24) nói lên ân phúc của Thiên Chúa đối với con người.

Dụ ngôn người giầu có và ông Ladaro nghèo khổ (Lc 16,1-31). Qua dụ ngôn này Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ tuy sống ở trần gian, nhưng đừng quên hướng lòng về ngày mai, về đời sống vĩnh cửu mai sau. Vì tất cả những gì mình xây dựng làm ra ở trần gian đời này, mai lúc từ gĩa trần gian ra đi về đời sau, không mang đi được. Những gì ta tích lũy để dành, mai sau cũng phải để lại. Nhưng chỉ những gì của lòng yêu thương bác ái quảng đại cho đi, ngày sau khi qua đời được nhận lãnh trở lại.

Chúa Giêsu chữa 10 người bị bệnh phong cùi lành mạnh ( Lc 17,11-19), nhưng sau cùng chỉ có một người trở lại cám ơn Chúa Giêsu, Người đã chữa cho ông ta lành bệnh. Dụ ngôn này nói lên sứ điệp: chỉ người có lòng tin mới nhận ra căn nguyên của sự chữa lành ở đâu. Và từ đó sống lòng biết ơn.

Dụ ngôn hình ảnh người Phariseo và người thu thuế vào đền thờ cầu nguyện ( Lc 18,9-14). Hai con người với hai cung cách lối sống lòng tin rất khác biết đối chọi nhau. Một người ( Phariseo) tự cao tự đại cậy vào thành tích đạo đức của mình; còn một người khác (người thu thuế) nhận mình là người tội lỗi cầu xin ơn tha thứ. Thiên Chúa, qua dụ ngôn này, chỉ chấp nhận lòng ăn năn thống hối, cung cách sống lòng chân thành khiêm hạ trước Đấng Tối Cao.

Chúa Giêsu đi tìm gặp kêu gọi ông Giakêu ( Lc 18,9-14) là hình ảnh nói lên Ngài đi tìm những con người yếu hèn tội lỗi, Ngài muốn truyền cảm hứng, cảm hóa trái tim tâm hồn con người này, cùng thu nhận vào hàng ngũ những người tin theo Chúa.

Thánh Luca viết phúc âm về Chúa Giêsu với 24 chương. Chương mở đầu về cảnh Thiên Thần truyền tin sự sinh ra của Thánh Gioan tẩy gỉa, cảnh Thiên Thần truyền tin cho Đức Mẹ Maria về sự sinh ra của Chúa Giêsu xuống thế làm người. Rồi liền sau đó là sự sinh ra, thời thơ ấu của Thánh Gioan Tẩy gìa và Chúa Giêsu.

Những chương thân bài của Phúc âm là trình thuật về hoạt động rao giảng của Chúa Giêsu với những dụ ngôn, bài giảng giáo lý. Và chương sau cùng nói về Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết mang đến niềm hy vọng cho con người. Rồi trước khi trở về trời Chúa Giêsu trao cho các Tông đồ, cho Giáo Hội nhiệm vụ tiếp tục mang tin mừng niềm vui, tình yêu cùng niềm hy vọng, mà Ngài đã mang xuống trần gian cho con người.

Thánh sử Luca, theo như Thánh Hieronimo nghiên cứu tường thuật lại, đã viết phúc âm Chúa Giesu ở Achja và qua đời ở Theben. Như thế thánh nhân sống ở bên Hy lạp. Theo phỏng định Ông viết sách phúc âm Chúa Giêsu vào khoảng giữa những năm 80 và 90.

Thánh Luca viết trình bày lịch sử về Chúa Giêsu như là lịch sử ơn cứu chuộc chữa lành cho con người. Lịch sử đời sống Chúa Giêsu mặc khải khai mở ra viễn cảnh Thiên Chúa chữa lành cứu độ.

Thánh Luca tường thuật biến cố lịch sử thánh thiêng về Chúa Giêsu, lịch sử ơn cứu độ Chúa Giêsu thực hiện cho trần gian. Đây không phải là chuyện thần thoại hoang đường. Nhưng là chuyện hiện thực diễn xẩy ra trong khung lịch sử thời gian ngoài xã hội với lời loan báo nhấn mạnh bằng câu: Xảy ra vào thời…

“Xảy ra vào thời vua Herode cai trị miền Giuđê, có một vị Tư Tế thuộc nhóm Avia, tên là Dacaria, vợ ông là bà Elisabeth thuộc dòng tộc tư tế Aharon…” ( Lc 1,5)

“ Xảy ra vào thời hoàng đế Augustus ra chiếu chỉ, truyền kiểm ta dân số trong khắp cả thiên hạ. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên được thực hiện thời Ông Quirino làm tổng trấn xứ Siria…( Lc 2,1/2)

“ Xảy ra vào thời năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tiberia thời Phongxio Philato làm tổng trấn miền Giuđê, Herode làm tiểu vương Galile, người em là Philipe làm tiểu vương miền Iture và Trakoni, Lyxania làm tiểu vương miền Abilen, Khana và Caipha làm thượng tế, có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Dacaria là ông Gioan trong hoang địa…” ( Lc 3,1/3).

Thánh Luca muốn cùng đóng góp qua những dòng chữ văn chương lồng khung trong chiếc nôi văn hóa thời đại lúc đó của riêng mình, để trình bày chi tiết hơn cùng rõ nét về lịch sử Chúa Giêsu cho con người thời lúc đó và sau này, như Ông viết nơi lời mở đầu:

“ Thưa ngài Thê-ô-phi-lô đáng kính, có nhiều người đã ra công soạn bản tường thuật những sự việc đã được thực hiện giữa chúng ta.2 Họ viết theo những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ lời Chúa truyền lại cho chúng ta.3 Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài,4mong ngài sẽ nhận thức được rằng giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc.” ( Lc 1,1/4)

Thánh Luca bằng những dòng chữ viết tường thuật những biến cố lịch sử thánh đời Chúa Giêsu như những bài giáo lý cho Giáo Hội Chúa thời sơ khai lúc ban đầu, và còn lưu truyền lại trong suốt dọc dòng lịch sử Giáo hội Chúa nơi trần gian từ hơn hai ngàn năm nay. Đây là kho tàng giáo lý thánh thiêng của Giáo Hội, cùng cho cả nhân loại nữa xưa nay.

Kho tàng nội dung Phúc âm Chúa Giêsu theo Thánh sử Luca gợi truyền cảm hứng, năng lượng cho đời sống đức tin vào Thiên Chúa tình yêu nơi khuôn mặt Chúa Giêsu Kitô, Đấng là nguồn ơn cứu độ hôm qua, hôm nay và ngày mai.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Lịch sử Lễ Tạ Ơn
Đinh Văn Tiến Hùng
17:22 26/11/2024
Lịch sử Lễ Tạ Ơn

Lễ Tạ Ơn được cho là bắt nguồn từ lễ kỷ niệm tại Plymouth, Massachusetts, Mỹ – nơi những người hành hương tị nạn tôn giáo Anh đã mời người da đỏ bản địa đến một bữa tiệc thu hoạch sau một mùa vụ mùa bội thu để tỏ lòng biết ơn.

Vụ thu hoạch của năm trước bị thất bát và vào mùa đông năm 1620, một nửa số người hành hương bị chết đói. Những người sống sót may mắn được các thành viên của bộ lạc Wampanoag địa phương dạy cách trồng ngô, đậu, bí đỏ và đánh bắt cá hải sản.

Bữa tiệc được tổ chức kéo dài trong 3 ngày, gồm các món như ngỗng, tôm hùm, cá tuyết và nai.

Vì sao người Mỹ ăn gà tây trong lễ Tạ Ơn?

Tại Mỹ, hơn 50 triệu con gà tây được đưa lên bàn ăn mỗi năm và hầu hết để phục vụ cho lễ Tạ Ơn. Cho tới ngày nay, chưa ai xác định được chính xác vì sao gà tây lại được chọn làm món ăn truyền thống trong ngày lễ Tạ Ơn ở Mỹ, các nhà sử học có một vài giả thiết.

Trong những lá thư của các cư dân tới Mỹ thời kỳ đầu, bữa ăn lịch sử giữa những người khai phá và bộ tộc Wampanoag có thịt bò và một loại thịt gà. Sau này, bữa ăn đó được biết tới như là lễ Tạ Ơn đầu tiên. Tuy không xác định được loại gà nào được sử dụng trong bữa ăn nhưng trong một lá thư của người hành hương Edward Winslow thời ấy có viết về một bữa ăn nổi tiếng vào năm 1621 đề cập đến một cuộc đi săn gà tây trước bữa ăn tối.

Một giả thuyết khác về món gà tây trong lễ Tạ Ơn là món ăn này được truyền cảm hứng từ Nữ hoàng Anh Elizabeth I. Trong thế kỷ 16, Nữ hoàng Elizabeth nhận được tin một đội tàu chiến của Tây Ban Nha đã chìm trên đường tấn công nước Anh, trong khi đang ăn tối, bà vui mừng đến mức đã yêu cầu phục vụ thêm một con ngỗng quay. Một số người cho rằng, lấy cảm hứng từ sự kiện này, những người định cư đầu tiên ở Mỹ đã quay một con gà tây.

Một số khác cho rằng, sở dĩ gà Tây trở thành món truyền thống trong lễ Tạ Ơn bởi gà tây hoang dã có nguồn gốc từ lâu.

Thanksgiving là gì?

Thanksgiving Day hay còn gọi là Lễ Tạ Ơn, đây là ngày mừng thu hoạch được mùa và tạ ơn Thiên Chúa đã cho cuộc sống no đủ. Thanksgiving là ngày nghỉ lễ chính thức của Mỹ và Canada, dành cho những người lao động. Trong suy nghĩ của nhiều người trên thế giới, ngày Lễ Tạ Ơn thường gắn liền với những chú gà tây.

Nguồn gốc của Thanksgiving Day

Lễ Tạ Ơn gắn liền với các lễ hội ngày mùa ở Châu Âu thời xưa. Tại Bắc Mỹ, lễ hội này được tổ chức tại Newfoundland bởi nhóm thám hiểm Frobisher, để tạ ơn chúa đã cho họ sống sót sau hành trình dài nhiều bão tố. Qua các năm, càng có nhiều buổi tiệc tạ ơn diễn ra bởi nhiều nhóm người. Ngày Lễ Tạ Ơn chính thức đầu tiên diễn ra vào năm 1623 để cảm ơn cơn mưa đã kết thúc hạn hán. Đến năm 1789, tổng thống mỹ George Washington đã công nhận Lễ Tạ Ơn là một ngày lễ chính thức của Mỹ. Năm 1863, ngày Lễ Tạ Ơn trở thành ngày nghỉ hàng năm cho người lao động Mỹ. Vào Thanksgiving Days, gia đình và bạn bè sẽ sum họp bên nhau để ăn một bữa ăn đặc biệt. Hoặc dành ngày lễ này để đi du lịch, thăm gia đình, bạn bè.

Sự tích Lễ Tạ Ơn Thanksgiving Day

Khoảng thế kỷ 16 – 17, những người theo Công Giáo và Thanh giáo tại Anh bị hoàng đế bắt cải đạo. Những người này không chấp nhận và bị giam vào tù. Sau một thời gian, họ vẫn không chịu cải đạo theo ý nhà vua. Vì vậy hoàng đế quyết định không giam giữ họ nữa, mà nói với họ rằng nếu không theo đạo của ông thì phải rời khỏi nước Anh. Những người này chấp nhận rời Anh đến Hà Lan sinh sống, được gọi là người Pilgrims. Nhưng họ nhận ra, mình không thể hòa nhập với nơi ở mới và lo sợ con cháu bị mất đi nguồn gốc, vì vậy một nhóm người đã rời Anh đến Châu Mỹ. Những người này đi trên một con thuyền, và đặt chân đến thuộc địa Plymouth khi đang mùa đông.

Thời tiết khắc nghiệt, vừa đói vừa lạnh khiến một nửa số họ không qua được. Đến mùa xuân, họ may mắn gặp được những thổ dân da đỏ tốt bụng cho họ chút lương thực. Người da đỏ dạy họ cách sinh tồn ở vùng đất này. Đến khi họ có thể tự lo được cho bản thân, họ bắt đầu tổ chức một buổi tiệc để tạ ơn Chúa trời vì đã cho họ sống đến ngày hôm nay. Từ đó về sau, con cháu của người Pilgrims luôn tổ chức Lễ Tạ Ơn hàng năm để cảm ơn những điều tốt đẹp trong cuộc sống vừa qua.

Chắc hẳn bạn đã biết Thanksgiving là gì? Vậy Thanksgiving diễn ra vào thời điểm nào? Thanksgiving là ngày lễ truyền thống của nước Mỹ và Canada. Theo văn khố của Mỹ, Tổng thống George Washington đã công bố ngày thứ năm 26 /11/1789 là ngày Thanksgiving toàn quốc đầu tiên ở Mỹ. Sau đó, Thanksgiving tiếp tục được các đời tổng thống Mỹ duy trì tổ chức. Ngày cố định của Thanksgiving được tuyên bố năm 1863, bởi Abraham Lincoln. Theo đó, vị tổng thống này chọn ngày thứ năm cuối cùng của tháng 11 hàng năm để làm ngày Lễ Tạ Ơn. Tuy nhiên, do một số tranh cãi xảy ra, cuối cùng quốc hội Mỹ đã sửa đổi luật ngày Thanksgiving là thứ năm thứ 4 của tháng 11 sẽ là ngày Lễ Tạ Ơn. Thông thường, mọi người sẽ được nghỉ bốn ngày cuối tuần cho ngày lễ này tại Mỹ. Tại Canada, ngày Lễ Tạ Ơn thường được nghỉ vào thứ hai thứ nhì của tháng mười mỗi năm.



Các hoạt độngThanksgiving Day

Thanksgiving Day sẽ được tổ chức như một buổi tiệc tối cùng gia đình và bạn bè. Món ăn chính trong ngày Lễ Tạ Ơn Thanksgiving Day là món gà tây quay. Ngoài ra, còn có các món ăn như khoai tây, nước sốt việt quất, bánh bí ngô, ranh xan

Xá tội gà tây & Diễu hành

Vào Thanksgiving Day, tổng thống Mỹ sẽ chọn một con gà tây xá tội. Con gà này sẽ không bị mang đi làm thịt, mà được đưa đến trang trại nuôi gà để sống hết những ngày tháng còn lại của cuộc đời. Truyền thống này có từ thời tổng thống Lincoln, khi con trai ông viết một lời xá tội dành cho con gà tây sắp được dùng trong bữa ăn của gia đình.



Vào Thanksgiving Day, diễu hành đường phố Thanksgiving Macy’s cũng được diễn ra. Lễ diễu hành sẽ được phát trực tiếp trên cả nước qua kênh truyền hình quốc gia, đi qua quãng được trung tâm New York. Điểm nhấn của cuộc diễu hành này là các bóng bay khổng lồ, với hình thù nhân vật hoạt hình và động vật.

Với những chia sẻ Thanksgiving là gì? Thanksgiving Day diễn ra vào ngày nào? trên đây, mọi người đã nắm rõ hơn về ngày Lễ Tạ Ơn này. Hy vọng những thông tin của JA & Partners sẽ giải đáp được phần nào thắc mắc cho mọi người, và đừng quên thường xuyên truy cập trang web của chúng tôi để có thêm nhiều thông tin thú vị về nước Mỹ nhé.

* Bài ca TẠ ƠN *



- Cảm tạ tình người

-Tạ ơn người đã cho ta,

Những ngày đầm ấm chan hòa nguồn vui,

Tạ ơn tình cảm sáng ngời,

Trong cơn hoạn nạn luôn thời chở che,

Tạ ơn trong lúc xa quê,

Nhận quê hương mới chẳng hề vấn vương.

Tạ ơn xoa dịu buồn thương,

Vượt qua sống gió mở đường dựng xây.

Tạ ơn ngày tháng từ đây,

Cuộc sống hy vọng dâng đầy an vui.

Tạ ơn cùng với tiếng cười,

Tương lai được sống vùng trời tự do.



-Tạ ơn Thượng Đế:

-Tạ ơn Thượng Đế vô cùng,

Bảo toàn cuộc sống trong vòng tử sinh.

Tạ ơn Thượng Đế thương tình,

Hỗ trợ năm tháng giúp mình vươn lên.

Tạ ơn Thượng Đế uy quyền,

Nâng cao đời sống nơi miền hoang vu.

Tạ ơn thoát cảnh lao tù,

Dồi dào lương thực đắp bù khổ đau.

Tạ ơn Chúa nhận lời cầu,

Đơi sống tốt đẹp trước sau vui hòa.

Tạ ơn con cất tiếng ca,

Tình thương Chúa thật bao la nghìn trùng.
 
Lời Tạ Ơn Trong Ngày Lễ Thanksgiving
Văn Duy Tùng
17:35 26/11/2024
Lời Tạ Ơn Trong Ngày Lễ Thanksgiving

Hàng năm vào ngày Thứ Năm tuần cuối cùng của tháng Mười Một, nước Mỹ có một ngày lễ mà tôi cho là ý nghĩa nhất trong tất cả những ngày lễ ở đất nước Hiệp Chủng Quốc này. Ðó là ngày lễ Thanksgiving - ngày lễ Tạ Ơn.

Lễ Tạ Ơn đầu tiên diễn ra vào năm 1621, không lâu sau khi những người Pilgrims từ nước Anh tìm ra và đặt chân xuống đây, rồi chọn vùng đất này để sinh sống - để từ đó; con cháu họ và những thế hệ nối tiếp lập nên một quốc gia hùng cường và giàu có bậc nhất thế giới: Quốc Gia Hoa Kỳ.

Số người tham dự lễ Tạ Ơn đầu tiên ấy chỉ vỏn vẹn có 140 người; gồm 90 người Wampanoag (Người Da Đỏ) và 50 người Pilgrims. Một số người Pilgrims đã bỏ xác dọc đường theo cuộc hành trình khi tìm đến đây và tiếp sau đó, một số khác cũng khá đông đã vùi thân khi chưa kịp thích nghi với khí hậu và phong thuỷ, nhất là bệnh tật luôn chờn vờn vào những buổi đầu sơ khai với mùa đông giá rét. 140 người đó đã dành đúng 3 ngày để tế lễ Tạ Ơn ngay sau khi vụ mùa được thu hoạch.

Ba ngày đó, họ làm gì và tạ ơn ai?

Họ tạ ơn Trời, tạ ơn Thượng Ðế đã giúp họ sống sót khi vượt tuyến đường ngàn dặm và may mắn tìm ra vùng đất màu mỡ này; vùng đất đầy sữa và mật. Họ tạ ơn Thượng Ðế đã chúc phúc cho họ có được vụ mùa gặt bội thu đầu tiên. Họ cũng không quên tạ ơn những thổ dân Da Đỏ đã hướng dẫn biết canh tác và chăn nuôi trong những ngày tháng chân ướt chân ráo… Và hôm nay đây sau hơn 300 năm, người dân Hoa Kỳ - là những thế hệ tiếp nối vẫn đều đặn tái diễn lễ Tạ Ơn vào ngày Thứ Năm tuần cuối cùng của tháng Mười Một mỗi năm, như một nhắc nhở đến con cháu họ phải luôn biết ơn Trời, nhớ ơn người “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây, Uống nước nhớ nguồn” như truyền thống và văn hóa của người Việt Nam đã dạy và nay đã ghi sâu và thấm nhuần trong dòng máu.

Qua câu chuyện The First Thanksgiving (Lễ Tạ Ơn Ðầu Tiên), tôi liên tưởng đến người tỵ nạn Việt Nam chúng ta trên vùng đất Hoa Kỳ này (Hoặc một quốc gia nào khác). Quả thật, chúng ta chẳng khác gì người Pilgrims thuở đó khi bỏ nước ra đi tìm tự do và đất sống. Những chuyến hải trình vượt đại dương của bạn và tôi trên những mảnh thuyền mong manh đã phải đối đầu bao gian khổ, hiểm nguy. Gian khổ và nguy hiểm ấy có thể ngập đến mức 99 % của cái chết bởi sóng gió, bởi đói khát, bởi nạn hải tặc… Thế mà cũng đành chấp nhận đánh đổi để chỉ mong 1 % nhỏ nhoi còn lại của sự sống.

Biết bao trở ngại của những ngày đầu lạ nước lạ cái nơi các trại tỵ nạn, những cách biệt và xa lạ từ ngôn ngữ, tập quán, văn hóa và khí hậu… Thế rồi ngày hôm nay khi ngoảnh lại, tôi cũng như bạn chợt nhớ ra rằng; chúng ta đã mang ơn biết bao người và biết bao điều trong cuộc sống mà thường thì con người hay quên hoặc cố quên những người đã làm ơn tạo phước cho ta trong cuộc đời. Nhất là sau khi bạn và tôi đã công thành danh toại, đã trở nên sung túc trên vùng đất Hoa Kỳ này.

Ðể hiểu rõ chắc chắn hơn cái ý thức của sự vô ơn không nhớ đến những người mà ta đã mang ơn. Xin hãy vào các nhà thờ hay chùa chiền…, chúng ta sẽ thấy và sẽ nghe được toàn là những lời cầu kinh, cầu nguyện: nào là xin này xin nọ của giáo dân, của thiện nam tín nữ mà quên đi sự tạ ơn. Hãy xem thêm tờ thông tin mục vụ ở những nơi đó, nào là chằng chịt những người xin ơn, xin ban, xin cho, xin được, xin có, xin thêm điều này điều nọ mà không thấy một lời, một lễ để tạ ơn, nếu có thì cũng rất giới hạn. Mặc dù sự tạ ơn của chúng ta cũng chẳng có thêm lợi ích gì cho Thượng Ðế. Thế nhưng, Ngài muốn lòng con người ghi nhớ và biết ơn nhau để tình cảm cộng đồng con người được nở hoa và sinh thêm hoa trái, mang lợi ích cho mình cho người, và nhìn thấy mối liên đới và tương quan tốt đẹp trong đời sống chung quanh.

Hôm nay trong ngày lễ Tạ Ơn. Bầu trời ảm đạm của mùa Thu tại vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn (Washington. D.C.) Bầu trời thoảng khói lam chiều ảm đạm thoáng giống như bên quê nhà. Ngoài kia, những cơn gió mơn man hàng cây trùi trụi, những chiếc lá vàng úa rồi rơi rụng. Lá về với lòng đất, về với cội nguồn. Ðời người đâu khác chi chiếc lá: xanh tươi đó, úa tàn đó. Lá sẽ mục nát trong lòng đất hoá chất hữu cơ cho cây được bén rễ để ươm chồi cho ngày mai tiếp nối.

Trên cả mọi điều, chúng ta hãy dâng lời tạ ơn Thượng Ðế vì điều kỳ diệu và tuyệt vời nhất Ngài đã tạo dựng cho chúng ta là hình hài con người, có lương tri và tâm trí mà không phải hình con thú hoặc vật vô tri.

Tạ ơn Ngài đã thổi trong hình hài ta sự sống với lý trí để xét suy điều đúng/sai, lẽ thiện/ác và biết nhận ra con đường Thượng Trí, tìm đến ánh sáng của Chân-Thiện-Mỹ. Ngài còn tạo và đặt vào trong ta một trái tim. Trái tim không chỉ có bổn phận bơm máu nuôi cơ thể, mà còn để hưởng nhận và ban phát yêu thương cùng những rung cảm trong đời sống.

Theo khoa học, bộ phận đầu tiên khi bào thai hình thành là một giọt máu biết đập. Ðó chính là trái tim. Nhờ có trái tim và lý trí mà bản năng con người được kiềm chế, được xoa dịu, nhất là khi phải đối diện với những xung đột và khác biệt trong nhịp sống nơi bản chất của con người.

Vâng, nếu chúng ta chỉ biết hành động theo bản năng thì có lẽ chúng ta đã, đang và sẽ “làm thịt” nhau không ngừng tay. Vì đời nào ai chịu thua ai? Ngài biết rõ bản chất của con người là thế nên đã gắn, đã ban cho mỗi con người có một trái tim và thêm một khối óc để chế phục bản năng.

Khi nói đến trái tim cũng là đề cập đến sự sống, là nói đến sự yêu thương, hạnh phúc, bình an… Nếu mọi quốc gia, mọi dân tộc, mọi gia đình, mọi con người luôn đặt trái tim cạnh lý trí để “xử lý” với nhau trong bất cứ mọi tình huống, mọi hoàn cảnh thì có lẽ thế giới này sẽ thôi chiến tranh, con người sẽ gần lại với nhau, sẽ nâng đỡ và thương yêu nhau, gia đình sẽ hạnh phúc, xã hội sẽ dang rộng cánh tay chào đón tất cả mọi thành phần mà không phân biệt chủng tộc, màu da, giàu nghèo, sang hèn…

Hẳn, Thượng Ðế đã có lý do khi tạo ra trái tim đầu tiên (Giọt máu biết đập) để hình thành con người (Là bào thai) trước cả cái đầu, cái miệng và đôi tay… Vậy, tại sao không mang trái tim của chúng ta ra để quân bình, lý lẽ và phân tích đầu tiên trong mọi tình huống, mọi điều, và mọi việc của đời sống hằng ngày. Thực hiện như thế thì xã hội thôi nhiễu nhương, vơi bất công, thế giới bớt chiến tranh, tránh đầu rơi máu đổ, con người bớt ganh ghét, thù hằn và những xung đột, những tranh chấp… cũng được xoa dịu.

Xin hãy cúi đầu để tạ ơn sự tuyệt diệu của Thượng Đế khi tạo dựng nên vũ trụ bao la và loài người. Ôi! Ðấng Quyền Năng thật Tuyệt Hảo và Vô Song.

Có lẽ bạn và tôi không cùng tôn giáo - không chung niềm tin, nhưng chúng ta không thể phủ nhận sự hiện diện của Thượng Ðế đã tạo dựng nên vũ trụ, sông biển, núi đồi, nắng mưa, cỏ hoa, cầm thú… với mục đích, đó là chỉ vì yêu thương con người, rồi Ngài cho con người được ân hưởng và làm chủ vạn vật. Ngài còn sắp xếp mọi vật thể trong vũ trụ, chuyển mình theo tuần tự trong bàn tay quyền năng và an bài của Ngài.

Bạn cứ tưởng tượng xem nếu ta sống không có ánh sáng trong 24 giờ, hoặc một tuần, một tháng thì sẽ bất tiện đến thế nào? Hoặc những ngôi sao va chạm, rơi rớt hay vũ trụ hỗn loạn thì đời sống con người sẽ ra sao? V..v…

Vậy, tất cả và thậm chí ngay cả ngày và đêm cũng nằm trong lập trình sáng tạo để cho con người có được năng lượng, có ánh sáng của mặt trời và được nhận ra thời gian, năm tháng, ngày và đêm mà tính toán, sắp xếp, nghỉ ngơi và làm việc…

Sau khi tạ ơn Trời, bạn và tôi chắc chắn nghĩ ngay đến gia đình. Ngày lễ Tạ Ơn cũng là ngày quy tụ mọi thành viên trong gia đình. Con cháu từ phương xa trở về với tổ ấm, về để tạ ơn đấng sinh thành, để gặp gỡ và tìm lại hơi ấm của gia đình.

Thượng Ðế đã hình thành xã hội đầu tiên cho loài người đó là người chồng, người vợ và từ đó họ sinh ra con cái. Chung quy lại đó chính là gia đình. Nơi gia đình ta tìm được chỗ nương tựa và yêu thương, được an ủi và vỗ về, được chia sẻ ngọt bùi hay đắng cay, hạnh phúc hay khổ đau trong đời sống. Trọng điểm của ngày lễ Tạ Ơn đối với các gia đình, đó là sự gần gũi và nhất là bữa ăn tối. Ông bà, cha mẹ, con cái và cháu chắt quây quần bên bàn ăn rồi dâng lên lời tạ ơn Thượng Ðế đã ban cho biết bao ân huệ trong năm qua. Tạ ơn đấng sinh thành đã dưỡng dục nuôi nấng ta đến ngày khôn lớn.

Còn gì hạnh phúc và ý nghĩa cho bằng khi có được mọi thành viên gia đình bên bàn ăn trong ngày lễ Tạ Ơn. Những món ăn không buộc phải cao lương mỹ vị mà chỉ là những món ăn đơn giản như khoai, đậu, ngô, bí… đã được chế biến, nhất là món gà tây (Turkey) thì không thể thiếu được. Những món ăn này bắt nguồn từ ngày lễ Tạ Ơn đầu tiên của người Pilgrims và nay đã trở thành món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày lễ này hằng năm.

Chúng ta còn tạ ơn ai nữa không?

Còn, còn nhiều lắm bạn ạ! Này nhé: vào những năm đầu sau năm 1975, có biết bao người Việt Nam bỏ nước ra đi, những ngày tháng lênh đênh trên biển cả, lạc lõng trong rừng sâu. Nếu như không có những chiếc tàu và lòng thương xót của người ngoại quốc cứu vớt, thì xác thân bạn và tôi đã làm mồi cho cá, cho thú dữ rồi phải không? Vì thế chúng ta không thể không biết, không nhớ ơn đến những người đã dang tay cứu vớt những thuyền nhân rồi đưa vào các trại tạm cư, trại tiếp tế, trại tỵ nạn, trại chuyển tiếp như Thái Lan, Mã Lai, Hồng Kông, Phi Luật Tân… Nhờ những trại đó để cho chúng ta có cuộc sống ngắn hạn và tạm thời sau những ngày tháng lênh đênh biển cả hoặc lạc lối rừng sâu trước khi lên đường định cư ở một quốc gia khác.

Ơn cao cả, lòng nghĩa hiệp và bác ái đó là từ tấm lòng nhân đạo của các thuyền trưởng, của Liên Hợp Quốc, của các hội từ thiện: Hội USCC, Hội ICM, các cơ quan bảo lãnh và từ thiện của các tôn giáo: Catholic, Tin Lành…

Làm sao bạn và tôi có thể quay phắt hoặc quên bẵng đi những ân nhân người Mỹ đã bảo lãnh, ra tận phi trường đón và đưa chúng ta về, cho ở trong nhà rồi đối xử, giúp đỡ…, và ân cần như một thành viên trong gia đình của họ.

Sau này nước Mỹ còn có thêm sự bao bọc, giúp đỡ và bảo lãnh những quân nhân cán chính của Việt Nam Cộng Hòa bị tù đày trong các trại cải tạo sau năm 1975 mà chúng ta ai cũng biết. Đó là “Chương Trình H.O.” Sự đọa đày này không chỉ nơi những cá nhân quân nhân cán chính mà còn cả gia đình của họ cũng bị liên lụy suốt bao thời gian.

Ôi! Người Mỹ và Nước Mỹ NHÂN ĐẠO biết bao! Họ có con TIM đúng với ý nghĩa tên gọi của nó! Biết rung cảm, yêu thương; chia sẻ, an ủi và nâng đỡ… để những người này và gia đình của họ lấy lại sự quân bình của cuộc sống, và con cái của họ vươn lên về mọi phương diện trên vùng đấy Hoa Kỳ này.

Tạ ơn đến những người lính canh gác nơi tiền đồn, những chiến sĩ đã hy sinh nằm xuống để gìn giữ quê hương, đất nước; những người cảnh sát, những cơ quan bảo vệ hòa bình, những vệ binh quốc gia chặn đứng và dẹp tan quân khủng bố và những thành phần bất hảo trong xã hội để cho gia đình bạn và tôi, cho tất cả mọi người có giấc ngủ và cuộc sống yên lành.

Liên quan trong đời sống hằng ngày, chúng ta cũng biết ơn đến những vị chức sắc và tu sĩ của các tôn giáo hướng dẫn đường tâm linh, chỉ cho chúng ta nhận ra ánh sáng của sự cứu rỗi trong cuộc đời khổ đau.

Thiên Chúa yêu thương con người và đã ban Ðức Giêsu Kitô xuống thế gian chịu chết vì tội lỗi của nhân loại, rồi qua sự chết của Ngài để cho chúng ta được ơn cứu độ. Sự hy sinh cái chết của Ngài cũng là sự kết nối giữa trời và đất để không còn khoảng cách giữa Thiên Chúa và con người. Cũng thế, Phật Thích Ca đã chua xót khi thấy chúng sanh quá đau khổ, trầm luân, xã hội nhiễu nhương, bất công… Ngài thốt nên lời bi ai: “Ðời Là Bể Khổ” rồi rũ áo hoàng tử và từ bỏ đời sống vua chúa, quyền quý, cao sang lên đường tầm đạo cứu chúng sanh.

Vâng, đời là khổ thật nên luôn cần đến các vị ấy để giúp ta định hướng, tìm được sự sống nơi vĩnh hằng, tìm đến bến bờ của bình an trong cuộc đời trầm kha này.

Ôi, các vị này chính là “Cái Đẹp Cứu Rỗi Thế Giới”

Chúng ta luôn ghi ơn những người Thầy, Cô đã khai sáng mở trí ta để thông suốt sự việc, mang kiến thức để ta phát triển tài năng, dạy cho ta biết luân thường đạo lý để ngày hôm nay ta dùng kiến thức và sự hiểu biết đó mà sống còn và phát triển mọi mặt trong đời sống, để đối diện và giao hảo tốt đẹp, hài hòa với mọi người trong gia đình, bạn bè và xã hội.

Xin cám ơn những Lương Y: Bác Sĩ /Y Tá đã tận tình chữa trị những lúc ta trái gió trở trời, ốm đau, những lúc bị dồi máu cơ tim, bị đột quỵ, bị ung thư và những cơn bệnh nguy kịch khác… Ai là người ra tay để cứu chữa cho bạn và tôi đây?

Nhưng xin bạn và tôi cũng đừng vội quên những người và công việc của họ xem rất tầm thường nhưng ảnh hưởng rất lớn trong đời sống của chúng ta. Từ bác đưa thư, người tài xế, thậm chí cả người đổ rác nữa. Hãy nghĩ xem: chỉ cần 2 tuần thôi nếu những bao rác nơi nhà bạn không được dọn đi, bạn có sống nổi với mùi hôi thối nồng nặc từ đống rác ấy không? Và xin tạ ơn biết bao người liên quan trong đời sống hằng ngày của chúng ta.

Riêng tôi - không quên cảm ơn người bạn đời đã cùng với tôi gầy dựng mái ấm gia đình, đã cùng chịu vất vả và cam nhận những gánh nặng, những gian nan và hoạn nạn…, nhưng vẫn mãi bên cạnh tôi trên con đường lắm thăng trầm của cuộc sống. Ðã vỗ về, an ủi, đã chia xẻ dù niềm vui hay nỗi buồn, dù khổ đau hay sướng vui… Người bạn đời này sẽ còn lại trong những ngày tháng cuối đời của tôi, sẽ gần gũi và đỡ nâng tôi khi già yếu, bệnh tật. Sẽ dìu tôi đến nhà vệ sinh, sẽ nhắc nhở tôi uống thuốc, phủ chăn ấm cho tôi khi đêm về, sẽ thao thức và ân cần với tôi mặc dù lúc đó tôi đã mất trí nhớ của tuổi già… Và, sẽ đau xót, tiếc nuối, khóc thương, rồi hương khói, cầu nguyện cho tôi khi tôi ra đi về bên kia thế giới.

Ôi! Cuộc đời dễ thương và đẹp biết bao khi chúng ta có nhau và biết ơn nhau.

Xin mãi cúi đầu tạ ơn! Tạ ơn Trời, tạ ơn tất cả mọi người đã làm ơn làm phước trong cuộc đời của tôi và của bạn.

Và sau cùng, kính chúc bạn có một ngày lễ Tạ Ơn thật êm đềm và ý nghĩa bên người thân yêu.

Happy Thanksgiving!
 
Văn Hóa
Huấn đạo theo Thánh Kinh, Chương Mười
Vũ Văn An
23:26 26/11/2024

Huấn đạo theo Thánh Kinh


Nguyên tác: Biblical Counseling Manual: A Self Help Counseling Program
Của Adam Pulaski và Steve Lihn
Vũ Văn An chuyển ngữ


Chương 10. Loạt bài Hoa Trái Chúa Thánh Thần

10.1. Yêu thương

Viễn ảnh

(St. 1:26; Ga. 1:12-13; Rm. 8:14,19,28-29; Gl. 5:22-23) Chúng ta được sinh ra từ Thiên Chúa. Khi còn nhỏ, chúng ta phải được Thánh Thần Chúa hướng dẫn, phải vâng phục để phát triển tính chất của Thiên Chúa. Thực hiện ý muốn của Thiên Chúa, chúng ta bắt đầu biểu lộ cá tính, thái độ và tác phong của chính Chúa Giêsu, Đấng là nguồn mạch của con người chúng ta. Chính nhờ hoa trái của mình mà chúng ta được đồng nhất với Chúa Giêsu. Hoa trái của tinh thần đòi hỏi sự siêng năng trau dồi thông qua việc vâng theo lời Người để nhờ đó chúng ta trở thành những người chiến thắng. Như vậy, tình yêu thương là sự chu toàn luật pháp: Vì chính tình yêu thần thiêng đã ban cho chúng ta các điều răn, và chính bởi tình yêu thương mà chúng ta tuân giữ chúng.

Hy vọng

(Mt. 5:44-48; Mt. 10:29-31; Mt. 22:37-39; 1 Ga. 4:18) Hoa trái của tinh thần bắt đầu bằng tình yêu thương. Để yêu thương như Chúa Cha yêu thương, mỗi người con Thiên Chúa phải siêng năng vun trồng và phát triển mối quan hệ yêu thương cá nhân với Cha trên trời. Càng tăng tình yêu của chúng ta đối với Chúa Cha, đến mức độ này, nỗi sợ hãi giảm đi. Yêu Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của bóng tối đặc trưng bởi bệnh tật, áp bức, v.v. Yêu Thiên Chúa là điều quan trọng đối với sức khỏe và hạnh phúc của chúng ta. Thiên Chúa hứa sẽ đáp ứng mọi nhu cầu của chúng ta để chúng ta có thể tự do yêu Thiên Chúa và yêu người. Sợ hãi là đối nghịch với tình yêu vì nó tập trung vào bản thân.

(Dt. 13:5,61; 1 Cr. 13:8; 1 Ga. 4:8; Rm. 8:31) Kết quả của tình yêu thương đối với Đức Chúa Cha giúp con người có thể chinh phục mọi sự. Thiên Chúa là tình yêu, và Thiên Chúa không bao giờ có thể thất bại. Chúng ta càng phát triển tình yêu thương đối với Đức Chúa Cha thì chúng ta càng ít thất bại trong cuộc sống cá nhân của mình.

( Rm. 8:28,37; Ga. 14:21) Gốc rễ của hầu hết các vấn đề đều bắt nguồn từ việc chúng ta không yêu mến Thiên Chúa bằng cách không tuân theo các điều răn của Người. Càng vâng lời, chúng ta sẽ càng chiến thắng được thử thách và càng có nhiều điều mang lại lợi ích cho chúng ta. Thiên Chúa dành cho bản thân tôi. Càng biết Người, tôi càng hiểu rõ rằng kiến thức về việc yêu mến Thiên Chúa là chìa khóa dẫn đến cuộc sống chiến thắng.

Thay đổi

(Mc. 11:22-24; Ga. 5:17-19; Eph. 5:1,3; Dt. 11:5-6) Có đức tin nơi Thiên Chúa có nghĩa là biết Thiên Chúa, và biết Thiên Chúa là trau dồi sự thực hành nhận ra sự Hiện diện của Thiên Chúa ở bên trong: bằng cách phát triển khả năng nhìn thấy Thiên Chúa và kêu cầu danh Người ngay lập tức bất cứ khi nào chúng ta có nhu cầu. Hãy cầu xin Thiên Chúa ban cho bạn lời nói, cách nói và bất cứ hành động nào cần thực hiện. Nhận ra rằng bạn không thể tự mình làm được điều gì.

(1 Ga. 4:4,8; Mt. 14:1-14; Dt. 4:15) Nghĩa vụ đầu tiên của chúng ta trong mọi tình huống là yêu thương. Khi bị cám dỗ không yêu thương, điều này làm chúng ta xa cách hoặc che mờ sự tiếp xúc của chúng ta với Chúa Cha. Hãy làm như Chúa Giêsu đã làm khi bị cám dỗ khi nghe tin tức về Gioan Tẩy Giả: Người đã tách mình riêng ra để cầu nguyện, dành thời gian với Chúa Cha, để có được quan điểm của Người. Sau đó Người đi làm điều yêu thương và có trách nhiệm.

(Gđ. 20-21; Cv. 2:4; 1 Cr. 14:2) Hãy hình dung và phát triển cái nhìn của Chúa Cha, cầu nguyện trong tinh thần khơi dậy tình yêu Thiên Chúa ở bên trong. Hãy sử dụng, vun trồng và thực thi tình yêu thương bất chấp phản ứng của người khác.

(1 Ga. 4:8,12; Ga. 1:1; Mt. 18:15; Ga. 15:13) Phát triển sự Hiện diện của Thiên Chúa, cầu nguyện trong tinh thần đòi hỏi chúng ta phải thực hành một hành động yêu thương. Thiên Chúa là lời nói. Như vậy, tình yêu là thực hành lời Thiên Chúa và vun trồng hoa trái của tình yêu trong cuộc sống chúng ta. Tình yêu đối với Chúa Cha là vun trồng hoa trái của tình yêu bằng cách dành thời gian cho lời nói, cầu nguyện trong tinh thần và thực hiện những hành động yêu thương.

Hãy tìm sự cứu rỗi của bạn : (Pl 2:12-13)

(Các) câu Kinh Thánh để nhớ: 1 Ga. 4:12

Việc sùng kính: Khuôn Khổ Nghiên Cứu Và Áp Dụng Kinh Thánh: 1 Cr. 13:4-8.

Cởi bỏ/Mặc vào: Đọc Phần A.3, “Tình yêu là một hành động”, ghi lại những thất bại và bắt đầu kế hoạch giải quyết những thất bại thông qua Phần A.4, “Bảng câu hỏi Chiến thắng Tội lỗi”.

10.2. Niềm Vui

Viễn ảnh

(1 Pr. 4:12-13; Dt. 12:2-4; Dt. 12:2) Thiên Chúa muốn chúng ta vui mừng ngay cả trong lúc thử thách. Chúng ta không được bất ổn mà phải ổn định. Chúa Giêsu đã bị cám dỗ như chúng ta ngày nay và Người đã trải qua bệnh tật, áp bức, trầm cảm và bắt bớ, nhưng tính cách và tâm tính của Người không bao giờ thay đổi. Nguồn sức mạnh của Người là niềm vui mà Người nhìn thấy bên kia thập giá. Niềm vui đã ban cho Chúa Giêsu sức mạnh để chiến thắng và không phục vụ kẻ thù. Chúng ta hãy nhìn lên Chúa Giêsu, Đấng đã chiến thắng nhờ hoa trái của niềm vui.

(Nkm. 8:10; Gcb. 1:2-4; Tv. 23:1; 2 Pr. 1:3 Is. 12:3; Cn 15:23) Nguồn của sự chịu đựng là niềm vui. Khi chịu đựng, chúng ta sẽ được trọn vẹn, trọn vẹn và không muốn gì cả. Điều này là do đức tin của tôi hoàn toàn tập trung vào Thiên Chúa, Đấng là vạn vật và chu cấp cho vạn vật: an toàn, lành mạnh, giải thoát, bảo tồn và sức khỏe. Niềm vui là chúng ta có thể tiếp cận được những lợi ích của sự cứu rỗi. Thiên Chúa ngự trong lời ca ngợi của chúng ta và trong sự hiện diện của Người là sự hiện diện của niềm vui. Niềm vui không dựa trên cảm xúc hay hoàn cảnh, nó được Thiên Chúa ban tặng và cư trú trong tinh thần chúng ta (Tv. 105:43).

(Rm. 10:17; Ga. 1:12; Ga. 15:10-11; 1 Ga. 1:14; Tv. 19:8; Grm. 15:16;Pl. 1:25) Chúng ta trồng cây Niềm vui trong cuộc sống của chúng ta bằng cách phát triển đức tin của chúng ta, nghĩa là niềm vui, đức tin và lời nói đều có liên quan chặt chẽ với nhau. Chúng ta có thể lấy lại niềm vui đã mất bằng cách tăng lượng thời gian qúi báu mà chúng ta dành cho việc phát triển đức tin của mình. Khi hoạn nạn đến, chúng ta sẽ nhìn chúng bằng con mắt đức tin. Hạnh phúc tùy thuộc vào hoàn cảnh, nhưng niềm vui thì độc lập với mọi hoàn cảnh và tình huống. Niềm vui không phải là không có đau khổ mà là sự hiện diện của Chúa Thánh Thần.

(1 Pr. 1:8) Trước khi có thể cảm nghiệm được niềm vui, trước tiên chúng ta phải tin và thấy, không thấy trước rồi mới tin. Chúng ta phải thấm nhuần hạt giống niềm vui trong tinh thần mình bằng lời Thiên Chúa. Khi đức tin bén rễ, niềm vui sẽ nổi lên trên bề mặt.

Thay đổi

( Pl. 2:17; 1 Tx. 2:19-20; Gióp 42:10; Tv. 126:6; Cn. 12:20; Ga. 3:27-31) Người tín hữu có thể vun trồng hoa trái của niềm vui bằng cách hiến thân cho người khác. Sự ích kỷ bóp nghẹt niềm vui. Trong thời gian thử thách, chúng ta nên tìm đến và giúp đỡ người khác. Điều này sẽ biến sự tủi thân thành niềm vui. Chỉ khi mất đi mạng sống, chúng ta mới có được niềm vui. Chết cho lợi ích và lợi nhuận bản thân làm giảm đi tình cảm với những lợi thế tạm thời và nhấn mạnh vào những giá trị vĩnh cửu.

(Tv. 16:11; Ga. 16:20-22; Tv. 48:1,2) Chúng ta có thể vun trồng hoa trái của niềm vui bằng cách tìm kiếm Sự Hiện Diện của Thiên Chúa. Niềm vui của toàn trái đất là Núi Xion, biểu tượng cho sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúng ta càng siêng năng tìm kiếm sự hiện diện của Ngườbửu i thì niềm vui càng lớn lao.

(Is. 59:2; Gcb. 4:8; 1 Ga. 1:9; Grm. 29:10-14; Tv. 34:8; Gl. 6:7) Cách đầu tiên để tìm kiếm sự hiện diện của Chúa chỉ đơn giản là bằng một hành động ý chí, rửa tay, xưng tội, cầu xin sự tha thứ, ăn năn và chiếm hữu bửu huyết Chúa Giêsu. Toàn bộ sự chú ý của chúng ta phải tập trung vào Thiên Chúa, không chỉ để xoa dịu lương tâm hay để cảm thấy dễ chịu mà còn vì điều đó làm hài lòng Thiên Chúa và tôn vinh Người. Tất cả những điều này bắt đầu ở nhà với vợ/chồng, con cái, các thành viên trong gia đình, cha mẹ, v.v. Sau đó, hãy liên hệ với người hàng xóm của bạn, biểu lộ tinh thần của Thiên Chúa trong tinh thần bạn.

Hãy tìm sự cứu rỗi của bạn : (Pl. 2:12-13)

(Các) câu Kinh Thánh để nhớ: Tv. 16:10

Việc sùng kính: Khuôn Khổ Nghiên Cứu Và Áp Dụng Kinh Thánh: các câu được liệt kê ở trên.

Cởi bỏ/Mặc vào: Những trải nghiệm trong cuộc sống chỉ là cơ hội để chúng ta vượt qua chúng, duy nhất dựa trên lời Thiên Chúa. Chúng ta có được chiến thắng trong Chúa Giêsu và cùng với Người, chúng ta phải nhìn xa hơn những hoàn cảnh và nhìn thấy niềm vui đang chờ đợi. Chúng ta còn hơn cả những người chiến thắng trong Đấng yêu thương chúng ta. Hãy suy gẫm một câu mỗi ngày trong tuần. Đọc tờ này hàng ngày. Hãy nghe những gì câu Kinh thánh nói, hiểu và thấy những gì bạn đã nghe, sau đó hành động theo những gì bạn đã nghe và hiểu.

10.3. Bình an

Viễn ảnh

(Mt. 24:3-8) Chức năng đầu tiên của hoa trái bình an là ngăn ngừa lòng dân Chúa khỏi bối rối. Trách nhiệm của mỗi cá nhân là không bị rắc rối bởi những điều bên ngoài trong cuộc sống. Chúng ta phải chủ động vun trồng hoa trái bình an trong tâm hồn mình.

Hy vọng

(1 V. 9:11-12; 1 Pr. 5:7) Thiên Chúa phán bằng một giọng nhỏ nhẹ êm dịu. Việc chúng ta dành thời gian và nỗ lực để ngồi yên lặng và nghe tiếng Người là tùy thuộc vào chúng ta. Người sẽ thành tính đổ tràn bình an vào tâm trí bối rối của chúng ta để chúng ta có thể nghe được những lời Người đặc biệt dành cho chúng ta.

(Cl. 3:15; Gl. 6:9; Ga 10:10) Tín hữu có quyền 'để' bình an ngự trị trong lòng mình vì bình an phải được phát triển bằng hành động của ý chí thông qua thực hành. Khi trở nên nhạy cảm với sự dẫn dắt của sự bình an của Thiên Chúa, chúng ta sẽ có khả năng nhận biết rõ hơn sự dẫn dắt của Thánh Thần Người.

(Cn. 4:23; Is. 9:6; Eph. 2:13-14,17; Dt. 12:14; Eph. 4:22-24) Thiên Chúa mong muốn chúng ta phát triển thành những người xây dựng bình an. Điều này liên quan đến việc không phản ứng với những tác động bên ngoài của cuộc sống, bảo vệ bản thân và 'các quyền' của mình. Luật báo thù và trả thù bị bãi bỏ dưới thời ân sủng. Chúng ta chỉ nên đáp trả cái ác bằng những hành động yêu thương. Khi vun trồng hoa trái bình an, chúng ta sẽ có sức mạnh để ban tình yêu, phước lành, lòng tốt và lời cầu nguyện cho những người chống lại chúng ta bằng sự ác.

Thay đổi

(1 Tm. 2:1-2; Tv. 122:5-7; Mt. 5:43-45) Chúng ta cầu nguyện cho những người không đồng ý với chúng ta cũng như những người có cùng quan điểm với chúng ta, những người chống đối và hạ thấp chúng ta. chúng ta cũng như những người quý trọng chúng ta. Chúng ta phải ưu tiên cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo chính trị và tinh thần của chúng ta.

(Ga. 15:4-5; Ga. 16:33; Mt. 10:39; Is. 26:3) Khi ở trong Chúa Giêsu, chúng ta vun trồng hoa trái bình an bằng cách liên tục ở trong sự Hiện diện của Người bất kể cảm xúc hay hoàn cảnh của mình. Cuối cùng, chúng ta sẽ chỉ tìm thấy sự bình an trong Người. Sự bất an xảy ra khi chúng ta sống vì lợi ích riêng của mình hơn là vì mục đích của Thiên Chúa dành cho cuộc đời chúng ta.

(Rm. 12:1; Tv. 119:165; Ga. 14:23-24; Cn. 3:1-2) Yêu mến lời Thiên Chúa, các tín hữu vun trồng sự bình an trong cuộc sống. Những tín hữu thiếu sự bình an trong lòng nên tự kiểm tra xem mình có đang làm những gì họ biết phải làm theo lời Thiên Chúa hay không.

(1 V. 22:17; Lv. 26:6; 2 V. 22:20; 1 Sm 25:6; Tv. 37:37; Pl. 4:7; Tv. 55:18) Con cái Thiên Chúa sống theo các điều răn của Chúa sẽ được bình an trong nhà, trong lãnh thổ, trong mồ mả, trong thịnh vượng, trong linh hồn, trong trái tim, trong sự dư thừa, nơi con cái họ và mãi mãi.

Hãy tìm sự cứu rỗi của bạn : (Pl. 2:12-13)

(Các) câu Kinh Thánh để nhớ: Ga. 14:21,27

Việc sùng kính: Khuôn Khổ Nghiên Cứu Và Áp Dụng Kinh Thánh: 2 Cr. 13:11; Tv. 4:8; Gcb. 3:18; Dt. 12:14; Gcb. 2:16; Cv. 10:36.

Cởi bỏ/Mặc vào:

Xử lý Phần A.8, “Thoát khỏi lo âu”, và thiết lập kế hoạch vun trồng thành quả hòa bình và trở thành người kiến tạo hòa bình. Đối với những tình huống khó khăn, bạn có thể cân nhắc việc cầu nguyện như sau:

Cầu nguyện cho kẻ thù

1. Hãy cầu nguyện để tất cả những người xung quanh những người này mở mắt để nhìn tình hình như nó là thực sự.

2. Hãy cầu nguyện để các cộng sự của họ sẽ có cách để nói lên sự thật và rõi ánh sáng lên tình hình.

3. Hãy cầu nguyện để bất cứ quyền lực ma quỷ nào trong những người này hoặc trong những tình huống này tự biểu lộ - để mọi người có thể phân định và nhìn thấy nó một cách rõ ràng.

4. Hãy cầu xin những gì có thể cứu vãn được (trong hoàn cảnh này và trong cuộc sống của kẻ thù của bạn) sẽ được Thánh Thần Thiên Chúa cứu vớt, hạ mình, ban phước:

Hãy cầu nguyện cho sức khỏe, sự toàn vẹn của kẻ thù của bạn. Hãy cầu nguyện để cứu vớt tất cả những gì tốt, đẹp, chân thật bên trong chúng.

10.4. Chịu đựng

Viễn ảnh

(2 Tm. 4:7-8; Gl. 6:9; Mt. 24:3) Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta chạy đua với lòng kiên nhẫn chịu đựng. Chúng ta phải tiếp tục kiên trì khi đối đầu với đau khổ và chống đối. Chúng ta phải nhìn xa hơn tình huống đó và nhìn thấy phần thưởng đang chờ chúng ta ở đích đến. Đừng để điều gì ngăn cản bạn đạt được mục tiêu và phần thưởng đang chờ đợi bạn.

Hy vọng

(Lc. 21:12-19) Những hoạn nạn và bách hại sẽ khiến một số người bỏ cuộc đua nhưng những người đã phát triển được hoa trái của chịu đựng sẽ giữ vững lập trường và không khuất phục trước những hoàn cảnh bất lợi. Thiên Chúa không hứa cho chúng ta một cuộc sống không rắc rối, thay vào đó Người cảnh cáo chúng ta về hoạn nạn và bách hại trong tương lai (Mt. 7:13-14).

(Eph. 4:11-13; Rm. 15:5-6; Cô-lô-se 3:12,13; Gcb. 5:7-9) Chịu đựng là một hành động của ý chí, mỗi tín hữu có trách nhiệm vun trồng nó trong đời sống mình. Hoà bình và hòa hợp không lệ thuộc vào việc không có lỗi lầm nhưng vào sự Hiện Diện của Chúa Kitô. Sự xung đột và chia rẽ giữa các tín hữu không phải do lỗi lầm gây ra, mà là kết quả của sự thiếu kiên nhẫn hoặc chịu đựng giữa các ngườii cùng phục vụ.

(Grm. 12:5; Rm. 5:2-5) Thiên Chúa đang nâng dậy những người sẽ được trang bị về mặt thiêng liêng để ‘chạy với kẻ chạy bộ’, ‘tranh đấu với ngựa’ và đứng vững qua ‘việc nước sông Giócđăng dâng cao’. Ngoài ra, chúng ta phải tránh xung đột trong các Giáo Hội, trong các mối quan hệ, giải quyết các tranh chấp bằng ân sủng của Thiên Chúa và để cho ân sủng của Người được hành động.

Thay đổi

(Dt. 6:12-15; Dt. 10:36; 1 Cr. 13:3; Eph. 6:10-14) Việc vun trồng kết quả của sự chịu đựng sẽ giúp tín hữu nhận được những lời hứa trong lời Thiên Chúa. Việc không nhận được lời hứa có thể là do không rèn luyện được tính kiên nhẫn và sức chịu đựng. Chỉ khi nào chúng ta tin và đứng vững thì chúng ta mới thấy được sự biểu hiện của việc đáp ứng lời cầu nguyện. Đứng vững sẽ sinh ra hoa trái.

(Mc. 11:24; Dt. 6:12; Lc. 8:4-5) Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta phải đứng vững để xem liệu chúng ta chỉ nói hay bày tỏ đức tin. Áp-ra-ham đã sống được 25 tuổi, Ca-lép, 45 tuổi, Nô-ê, 100 tuổi. Khả năng những người này giữ vững lời hứa của Thiên Chúa tỷ lệ thuận với mức độ phát triển hoa trái của sự chịu đựng. Giữ lời Thiên Chúa bất kể cho đến khi trưởng thành được mang lại bởi sự kiên nhẫn.

(Rm. 6:16-18; Eph. 4:22-32) Bí quyết để giữ lời là vâng theo lời đó từ tấm lòng. Khi các tín hữu vâng theo lời Thiên Chúa từ tấm lòng mình, họ trở thành đầy tớ của sự công chính. Một dấu hiệu của sự vâng lời từ trái tim là phản ứng một cách từ bi với một người khó chịu trái ngược với cảm giác khao khát trả thù của bạn.

(Rm. 5:3-5; Gcb. 1:2-4; Is. 40:29-31; 1 Pr. 1:13; Rm. 8:24-25) Chúng ta vun trồng hoa trái của sự chịu đựng bằng cách trải qua những hoạn nạn vốn tạo ra sự kiên nhẫn. Kinh nghiệm tạo ra hy vọng, và hiểu biết về nó khơi dậy tình yêu giữa các cơn thử thách.

(Rm. 8:25) Trong những thời điểm khó khăn, ưu tiên hàng đầu của chúng ta là tìm hiểu xem lời Thiên Chúa tuyên bố là đúng về hoàn cảnh của chúng ta. Hy vọng vào những gì chúng ta không thấy, với sự kiên nhẫn, chúng ta sẽ chờ đợi nó. Hy vọng, kiên nhẫn và nhận được những lời hứa tất cả hòa quyện vào nhau.

Hãy tìm sự cứu rỗi của bạn (Pl. 2:12-13)

(Các) câu Kinh Thánh để nhớ: Dt. 6:11-12

Việc sùng kính: Khuôn Khổ Nghiên Cứu Và Áp Dụng Kinh Thánh: 1 Pr. 3:9; 1 Pr. 2:24; Tv. 31:15; Tv. 68:19.

Cởi bỏ/Mặc vào: Diễn trình Phần A.8, “Không còn lo lắng”. Xem thêm Phần 7.13, “Kiên nhẫn thực sự”.

Còn tiếp
 
VietCatholic TV
Không hề sợ hãi, Ukraine phóng ATACMS phá tan phi trường Nga. Nhà máy hỏa tiễn Putin trong biển lửa
VietCatholic Media
04:21 26/11/2024


1. Ukraine không hề sợ hãi hỏa tiễn Oreshnik, tiếp tục phóng ATACMS tấn công phi trường quân sự Nga

Ukraine đã tỏ ra không chút sợ hãi trước những lời răn đe của trùm mafia Vladimir Putin về loại hỏa tiễn Oreshnik mà ông ta cho rằng không có loại hỏa tiễn nào trên thế giới sánh bằng và cũng có hệ thống phòng không nào có thể ngăn chặn.

Theo Ukranian Pravda, phi trường chiến thuật Kursk-Eastern, còn được gọi là Kursk-Vostochny, đã bị trúng hai hỏa tiễn ATACMS dạng đầu đạn chùm, vào đêm Thứ Hai, 25 Tháng Mười Một. Cuộc tấn công được chia làm 2 đợt. Đầu tiên, một đàn máy bay điều khiển từ xa đã tấn công vào phi trường để thu hút hỏa lực phòng không. Sau đó, 8 quả ATACMS đã lao vào các chiến đấu cơ đang đậu trên phi đạo.

Cuộc tấn công của Ukraine được cho là đã đánh trúng thành công các chiến đấu cơ tại phi trường, là những chiến đấu cơ thường xuyên được dùng để ném bom lượn tấn công quân Ukraine trong khu vực Donbas. Cho đến nay mức độ thiệt hại của Nga vẫn còn đang được làm rõ.

Thống đốc Kursk, Alexei Smirnov, cho biết Ukraine đã phóng tổng cộng 8 hỏa tiễn ATACMS và 7 máy bay điều khiển từ xa. Ông ta tin rằng một hỏa tiễn ATACMS đã bị đánh chặn gần biên giới của Kursk.

Phi trường này, trước đây là một phi trường thương mại, là một trong nhiều phi trường ở miền nam nước Nga bị đóng cửa và trở thành phi trường quân sự sau khi Putin phát động cuộc xâm lược Ukraine bắt đầu vào tháng 2 năm 2022, theo hãng tin Novye Izvestia của Nga.

Ukraine không chỉ tấn công phi trường quân sự đêm qua mà còn tấn công một địa điểm sản xuất hỏa tiễn của Nga, nhà máy Typhoon, ở phía tây nước Nga. Nhà máy này, nổi tiếng với việc sản xuất các bộ phận cho hệ thống phòng không, xe chiến đấu và bộ ven biển, đã bị hỏa tiễn Ukraine không xác định loại tấn công đêm qua.

Đây không phải là lần đầu tiên Ukraine bắn hỏa tiễn ATACMS do Mỹ sản xuất vào Nga. Tuần trước, họ đã nhắm vào một kho đạn dược của Nga ở Tỉnh Bryansk, ngay sau khi Tổng thống Joe Biden cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để tiến hành các cuộc tấn công sâu vào Nga.

Tuần trước, Ukraine cũng đã sử dụng hỏa tiễn Storm Shadow của Anh-Pháp, một loại vũ khí tầm xa khác, để tấn công một khu liên hợp quân sự của Nga tại Kursk, sau đó Nga tuyên bố sẽ đưa ra biện pháp đáp trả “mạnh mẽ hơn”.

Sự cho phép của Tổng thống Biden đã dẫn đến leo thang căng thẳng giữa Nga và Ukraine, và hai nước đã có những cuộc tấn công trả đũa lẫn nhau kể từ tuần trước.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết Nga đã phóng “gần 150 máy bay điều khiển từ xa, bom trên không và hỏa tiễn, nhắm vào hơn 10 khu vực của chúng tôi” vào đêm qua.

Ông nói thêm: “Các hoạt động chiến đấu vẫn đang diễn ra chống lại các mục tiêu trên không vẫn còn trên không”.

Zelenskiy lưu ý rằng Kharkiv, Odesa và Zaporizhzhia đã bị tấn công trong các cuộc không kích của Nga.

[Newsweek: Russian Airfield Hit in ATACMS Strike: Report]

2. Nhà máy sản xuất phụ tùng hỏa tiễn bốc cháy ở Kaluga, Nga sau vụ tấn công

Máy bay điều khiển từ xa đã tấn công nhà máy Typhoon, một phần của tổ hợp công nghiệp quân sự Nga, tại thành phố Kaluga, Tỉnh Kaluga, của Nga.

Andrii Kovalenko, Trưởng Trung tâm Chống thông tin sai lệch của Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia, cho biết như trên.

Kovalenko cho biết nhà máy này sản xuất hệ thống thông tin liên lạc, thiết bị tình báo điện tử và radar, đồng thời sản xuất các phụ tùng cho hệ thống giám sát và dẫn đường được lắp đặt trên thiết bị quân sự.

Typhoon còn sản xuất các bộ phận cho hệ thống phòng không, máy bay và hệ thống hỏa tiễn, cũng như bảo trì và cải tiến thiết bị đang phục vụ trong quân đội Nga.

Ngoài ra, nhà máy còn sản xuất các mô-đun điện tử và thiết bị chuyên dụng cần thiết để tích hợp nhiều hệ thống quân sự khác nhau.

Bối cảnh: Trước đó, các kênh Telegram của Nga đưa tin rằng máy bay điều khiển từ xa đã bị bắn hạ ở Kaluga vào đêm 24 rạng sáng 25 tháng 11. Thống đốc tỉnh Kaluga của Nga cho biết xác của một trong những máy bay điều khiển từ xa đã rơi xuống lãnh thổ của một doanh nghiệp công nghiệp, gây ra hỏa hoạn.

[Ukrainska Pravda: Missile component factory catches fire in Russia's Kaluga after attack – video]

3. Công dân Anh được cho là bị Nga bắt giữ khi đang chiến đấu cho Ukraine

Theo nhiều báo cáo ngày 24 tháng 11, một công dân Anh chiến đấu cho Ukraine đã bị lực lượng Nga bắt giữ tại Tỉnh Kursk.

Một đoạn video ghi lại cảnh một người đàn ông mặc quân phục, tự nhận là cựu nhân viên tín hiệu của quân đội Anh James Scott Rhys Anderson, 22 tuổi, bắt đầu lan truyền trên các kênh Telegram của Nga vào ngày 24 tháng 11.

Trong video, người đàn ông nói giọng Anh cho biết anh đã ghi danh tham gia Quân đoàn Quốc tế Ukraine, một đơn vị gồm các tình nguyện viên nước ngoài, sau khi phục vụ trong quân đội Anh từ năm 2019 đến năm 2023. Thời điểm quay đoạn phim vẫn chưa rõ ràng và tính xác thực của nó không thể được xác minh độc lập.

Người đàn ông này không thể nói chuyện thoải mái vì lời khai của anh đã bị ghi âm khi bị bắt và dường như có sự hiện diện của những người lính Nga.

Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS trích dẫn một nguồn tin quân sự cho biết một “lính đánh thuê Anh” đã bị giam giữ tại Kursk, một khu vực đang có chiến sự trên biên giới với Ukraine. Nga thường coi những người tình nguyện nước ngoài chiến đấu cho Ukraine là “lính đánh thuê” và tuyên bố họ không được bảo vệ như tù nhân chiến tranh.

Bộ Ngoại giao Anh nói với giới truyền thông rằng họ đang “hỗ trợ gia đình của một người đàn ông Anh sau khi có thông tin về việc anh bị bắt giữ”.

Scott Anderson, cha của chàng trai 22 tuổi, nói với tờ Daily Mail rằng ông “hoàn toàn sốc và rơi nước mắt” khi chỉ huy chiến binh gửi cho ông đoạn video.

“Tôi có thể thấy ngay đó là anh ta. Anh ta trông sợ hãi, lo lắng và hoảng loạn,” Scott Anderson nói.

Hai người Anh khác, Aiden Aslin và Shaun Pinner, đã bị lực lượng Nga bắt giữ tại Mariupol vào năm 2022 và bị kết án tử hình trước khi được thả trong một cuộc trao đổi tù nhân.

Nga đã gia tăng áp lực ở Tỉnh Kursk nhằm đánh bật quân đội Ukraine đang giữ các vị trí ở đó kể từ đầu tháng 8.

[Kyiv Independent: UK national reportedly captured by Russia while fighting for Ukraine]

4. Lithuania chuyển lô hàng viện trợ quân sự mới cho Ukraine

Bộ Quốc phòng Lithuania xác nhận một gói hàng tiếp tế khác cho Ukraine đã được chuyển đến trong tuần này.

Theo nguồn tin, máy phát điện, phụ tùng thay thế cho xe thiết giáp chở quân M113, vũ khí và đạn dược đã đến vào tuần này.

Bộ Quốc phòng Lithuania cho biết sự hỗ trợ của Lithuania dành cho Ukraine vào năm 2025 sẽ bao gồm hỗ trợ vũ khí sát thương và không sát thương, đóng góp tài chính, đào tạo và phục hồi chức năng cho binh lính, cũng như tư vấn của chuyên gia.

Lithuania cũng sẽ tài trợ cho liên minh rà phá bom mìn và hỗ trợ kế hoạch đạn dược của Tiệp.

Ngoài ra, Lithuania sẽ mua máy bay điều khiển từ xa và hệ thống chống máy bay điều khiển từ xa từ các nhà sản xuất.

Ukraine đã nhận được 230 xe bán tải và 240 xe dò mìn từ liên minh rà phá bom mìn do Lithuania đứng đầu.

Liên minh rà phá bom mìn bao gồm các thành phần rà phá bom mìn nhân đạo tại các vùng lãnh thổ được giải phóng của Ukraine và rà phá bom mìn chiến đấu tại vùng tiếp xúc với quân đội Nga.

[Ukrainska Pravda: Lithuania transfers new batch of military aid to Ukraine]

5. Đô đốc cảnh báo Nga sẽ giúp Trung Quốc cắt giảm sự thống trị quân sự của Hoa Kỳ

Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ Samuel Paparo gần đây đã đưa ra một số cảnh báo về Trung Quốc và Bắc Hàn khi xuất hiện tại một diễn đàn an ninh, bao gồm cả mối quan ngại lớn về cách Nga có thể giúp Bắc Kinh cắt giảm sự thống trị của hải quân Hoa Kỳ.

Paparo, nhà lãnh đạo Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, gọi tắt là INDOPACOM, cho biết trong lần xuất hiện tại Diễn đàn An ninh Quốc tế Halifax vào thứ Bảy: “Tôi cho rằng Nga sẽ cung cấp công nghệ tàu ngầm cho Trung Quốc, có khả năng chấm dứt sự thống trị dưới nước của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc”.

Ông cũng gợi ý rằng Nga có thể mở rộng hỗ trợ cho Bắc Hàn bằng cách cung cấp công nghệ tàu ngầm cũng như hỏa tiễn cho Bình Nhưỡng.

Trung Quốc vẫn là “thách thức lớn nhất “ đối với Ngũ Giác Đài, nghĩa là trong số tất cả các đối thủ cần phải giám sát của Hoa Kỳ, Trung Quốc đã thu hẹp khoảng cách về khả năng quân sự dễ dàng hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Đầu tuần này, Paparo mô tả chiến trường Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là “chiến trường căng thẳng nhất” do số lượng và phẩm chất đạn dược cần thiết để chống lại Trung Quốc, ông nói, ám chỉ đến cuộc xâm lược Đài Loan được thảo luận và suy đoán nhiều, mà Trung Quốc đã dành nhiều năm để chuẩn bị thực hiện. “Chúng ta phải sẵn sàng hôm nay, ngày mai, tháng tới, năm tới và hơn thế nữa”.

Paparo nói thêm rằng: “Cách một người kiểm soát sự leo thang ngoài ý muốn là thông qua việc nâng cao hiểu biết của mình về môi trường chiến lược hoặc môi trường chiến thuật”, đồng thời lưu ý rằng “chơi trò chơi nguy hiểm trên biển khơi... không khiến tôi phải trằn trọc vào ban đêm”, theo Tạp chí Lực lượng Không quân và Không gian.

Mark Montgomery, một đề đốc đã nghỉ hưu, giám đốc cao cấp của Trung tâm Đổi mới Công nghệ và Không gian mạng, gọi tắt là CCTI và thành viên cao cấp tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ, gọi tắt là FDD, đã trả lời phỏng vấn Newsweek qua điện thoại vào thứ Bảy rằng tàu ngầm của Nga có một số khả năng công nghệ có lợi thế, chủ yếu là công nghệ giảm tiếng ồn, khiến việc phát hiện trở nên khó khăn.

“Có công nghệ làm giảm tiếng ồn của tàu ngầm, một số Công nghệ Hệ thống Chiến đấu tàu ngầm của họ, tốt thứ hai thế giới của chúng tôi, hoặc tốt thứ ba, nếu bạn bao gồm cả Vương quốc Anh. Nhưng sau Hoa Kỳ, có một sự khác biệt đáng kể giữa công nghệ tàu ngầm của Nga và Trung Quốc,” Montgomery nói.

Ông lưu ý rằng mặc dù việc Nga trang bị vũ khí cho tàu ngầm Trung Quốc có vẻ là một canh bạc, hiểu rằng điều này có thể loại bỏ một số đòn bẩy trong tương lai giữa hai quốc gia khi nói đến sức mạnh quân sự, nhưng “điều này khiến Hoa Kỳ lo ngại nhất”.

“Hãy hỏi theo cách này: Putin có thoải mái làm điều gì đó mà ông ta biết thực sự sẽ khiến Hoa Kỳ tức giận không? Câu trả lời của tôi là có. Ông ta đang rất tức giận với chúng ta. Ông ta nghĩ rằng chúng ta nên theo mô hình quốc gia lớn/quốc gia nhỏ và lùi lại và không giúp Ukraine nữa”, Montgomery nói.

Ông nói thêm: “Tôi nói rằng đó là một rủi ro được tính toán: Tôi sẽ hy sinh một chút đòn bẩy của mình đối với Trung Quốc trong tương lai... về đòn bẩy quân sự, hoặc đòn bẩy về thứ gì đó tôi có thể trao đổi với họ trong tương lai mà giờ tôi phải giải quyết. Tôi sẽ hy sinh một số đòn bẩy để có được sự ủng hộ mà tôi cần để duy trì thế thượng phong trước Ukraine ở phương Tây trong cuộc thi đó.”

Bình luận của Paparo vào thứ Bảy đề cập đến vấn đề bổ sung này mà Hoa Kỳ đã nêu bật trong vài năm qua, cụ thể là sự hợp tác ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Nga như một biện pháp chống lại ảnh hưởng và sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ trong bối cảnh an ninh quốc tế.

Trước cuộc xâm lược Ukraine của Nga vào tháng 2 năm 2022, Trung Quốc đã đồng ý mua khoảng 100 triệu tấn than cho “những năm tới”, bảo đảm nguồn sống kinh tế cho Nga khi nước này bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt về mọi mặt, từ nền kinh tế đến thương mại năng lượng.

Thỏa thuận mang tính bước ngoặt đó đã thúc đẩy hợp tác kinh tế sâu rộng hơn nữa, với việc hai cường quốc thế giới tăng cường cam kết với Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, gọi tắt là SCO do Bắc Kinh thành lập và lãnh đạo, cũng như khối kinh tế BRICS.

BRICS - được thành lập giữa Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - mong muốn mở rộng thành viên bằng cách mời thêm các quốc gia như Iran, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ả Rập Xê Út.

Các nhà phân tích coi hội nghị thượng đỉnh BRICS là động thái chiến lược của Mạc Tư Khoa nhằm tăng cường quan hệ với Nam Bán cầu trong bối cảnh căng thẳng leo thang với phương Tây.

[Newsweek: Admiral Warns Russia Will Help China Cut US Military Dominance: Here's How]

6. 50.000 người Nga chuẩn bị tấn công 20.000 người Ukraine ở Kursk. Lữ đoàn Ukraine đang chuẩn bị cho một cuộc chiến ‘to lớn’.

Vào ngày 6 tháng 8, một lực lượng hùng mạnh của Ukraine đã tấn công xuyên biên giới vào Kursk ở phía tây nước Nga và chiếm được một khu vực rộng 1300 km vuông chung quanh thành phố Sudzha. Vào ngày 7 tháng 11, một lực lượng hùng mạnh tương đương của Nga đã phản công—nhằm tiến về Sudzha dọc theo con đường chính chạy từ Zelenyi Shylakh ở rìa phía tây của khu vực nhô ra.

Trong hơn hai tuần giao tranh ác liệt, quân Nga hầu như không đạt được tiến triển nào. Đường Zelenyi Shylakh-Sudzha ngổn ngang bằng chứng về sự thất bại của họ: hàng chục xe thiết giáp bị phá hủy và bỏ lại.

Nhưng người Nga không bỏ cuộc, và động thái lớn nhất của họ có thể sắp xảy ra. Điện Cẩm Linh đã tăng cường quân đoàn gồm khoảng 50.000 người của mình ở Kursk với hàng ngàn quân lính Bắc Hàn cùng với các thành phần của hai sư đoàn Dù, là sư đoàn 76 và 106, cộng với Lữ đoàn Dù 83 và Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến 155 được xây dựng lại. Các đơn vị này và các đơn vị khác đang ở ngay phía tây bắc của con đường qua Zelenyi Shylakh.

Kreigsforscher, một người điều khiển máy bay điều khiển từ xa của thủy quân lục chiến Ukraine, người đã hỗ trợ quân đoàn Ukraine ở Kursk, đã viết: “Trong tương lai gần, chúng tôi mong đợi một cuộc tiến công lớn và theo ý kiến khiêm tốn của tôi Nga có thể thành công ở bên sườn của tôi tại khu vực Kursk”.

Putin đã cho tướng của mình thời hạn đến ngày 20 Tháng Giêng, để trục xuất người Ukraine khỏi miền tây nước Nga. Đó là dịp lễ nhậm chức ngày 20 Tháng Giêng của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump, người đã tuyên thệ sẽ chấm dứt cuộc chiến của Nga với Ukraine có thể dựa trên một lệnh ngừng bắn đóng băng tiền tuyến tại chỗ.

Putin nên vui mừng với bất kỳ lệnh ngừng bắn nào trao cho ông quyền kiểm soát 20 phần trăm Ukraine. Nhưng Putin sẽ không vui khi phải đánh đổi mảnh đất Kursk đó, dù nhỏ đến đâu. Thời gian đang trôi qua. “Hai sư đoàn Dù của Nga, một lữ đoàn Dù và một lữ đoàn thủy quân lục chiến sẽ mở một cuộc tấn công với rất nhiều cuộc không vận”.

Lực lượng 20.000 người Ukraine tại Kursk—được rút ra từ Lữ đoàn cơ giới 41 và 47, Lữ đoàn Dù 82 và 95 và Lữ đoàn cơ giới hạng nặng 17, cùng với các đơn vị khác—đang chuẩn bị cho cuộc tấn công mới của Nga. Lữ đoàn cơ giới hạng nặng 17, một lữ đoàn xe tăng cũ được tổ chức lại, đã giữ vững phòng tuyến ngay phía bắc con đường đến Sudzha.

Những hành động gần đây của lữ đoàn nhấn mạnh đến mức độ bạo lực của cuộc chiến đang leo thang. Việc di chuyển dọc theo tuyến đầu mà không có thiết giáp bảo vệ là cực kỳ nguy hiểm. Vì vậy, Lữ đoàn cơ giới hạng nặng số 17 đã điều động một số trong 60 xe tăng T-64BV của mình làm xe tiếp tế ứng biến.

Trong một nhiệm vụ hỗn loạn vào ngày 16 tháng 11, một trong những chiếc T-64 nặng 42 tấn, chở ba người đã kéo một xe tải thực phẩm đến một đơn vị bộ binh cố thủ—và sau đó ngay lập tức khai hỏa vào những người Nga gần đó bằng khẩu pháo chính 125 ly của nó. Khi chiếc xe tăng đang rút lui về căn cứ trong rừng, một máy bay điều khiển từ xa của Nga đã tấn công, gây hư hại nhưng không dừng được chiếc xe tăng. Lữ đoàn cơ giới hạng nặng số 17 đã báo cáo rằng “Nhiệm vụ chiến đấu đã hoàn thành”.

Mối nguy hiểm đối với quân đội Ukraine sẽ chỉ tăng lên khi cuộc phản công của Nga tăng cường. Nếu có lý do nào để lạc quan giữa những người Ukraine ít hơn về quân số, thì đó là lực lượng Nga trong và xung quanh Kursk phải chịu một chiến dịch tấn công chính xác không ngừng nghỉ của máy bay ném bom của không quân Ukraine và các khẩu đội hỏa tiễn của quân đội Ukraine, lần lượt bắn hỏa tiễn hành trình Storm Shadow do Anh sản xuất và hỏa tiễn đạn đạo Hệ thống hỏa tiễn chiến thuật của quân đội do Mỹ sản xuất.

Hôm thứ Hai, quân đội Ukraine đã tấn công một kho vũ khí rộng lớn của Nga ở phía tây Kursk bằng tám hỏa tiễn ATACM. Vào thứ Tư, họ đã tấn công một sở chỉ huy của Nga ở Kursk bằng 10 hỏa tiễn Storm Shadow. Các cuộc tấn công sâu có thể làm suy yếu các tuyến tiếp tế cho các trung đoàn, lữ đoàn và sư đoàn ở Kursk—và phá vỡ sự chỉ huy và kiểm soát của họ.

Nhưng ngay cả khi thiếu hụt và chỉ huy kém, lực lượng Nga ở Kursk vẫn lớn hơn nhiều so với lực lượng Ukraine. Khối lượng sẽ có ý nghĩa rất lớn trong cuộc đụng độ cơ giới sắp tới.

[Forbes: 50,000 Russians Are Poised To Attack 20,000 Ukrainians In Kursk. Ukrainian Brigades Are Bracing For A ‘Massive’ Fight.]

7. Cảnh báo của Anh: Chiến tranh mạng ‘hung hăng’ của Nga là mối đe dọa đối với NATO

Theo một bộ trưởng cao cấp của Anh, Mạc Tư Khoa đã chuẩn bị phát động một làn sóng tấn công mạng vào các đồng minh NATO, có thể khiến hàng triệu người phải sống trong cảnh mất điện.

Bộ trưởng Văn phòng Nội các Pat McFadden, người có chuyên môn bao gồm an ninh quốc gia, dự kiến sẽ phát biểu với những người tham dự hội nghị an ninh mạng của NATO ở Luân Đôn vào thứ Hai rằng Nga “cực kỳ hung hăng và liều lĩnh trong lĩnh vực an ninh mạng”.

Theo bài phát biểu đã chuẩn bị trước được Bộ của ông chia sẻ trước, ông sẽ nói rằng: “Với quy mô của sự thù địch đó, thông điệp của tôi gửi tới các thành viên ngày hôm nay rất rõ ràng: Không ai được đánh giá thấp mối đe dọa mạng từ Nga đối với NATO”.

Những bình luận này được đưa ra khi căng thẳng giữa NATO và Nga đạt đến một mức cao mới. Tuần trước, Putin đã cảnh báo rằng cuộc chiến ở Ukraine đã mang “tính chất toàn cầu” sau khi Anh, Hoa Kỳ và Pháp cho phép Ukraine sử dụng hỏa tiễn tầm xa để tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga.

McFadden cảnh báo rằng điều đó có nghĩa là Mạc Tư Khoa hiện đã sẵn sàng gây ra “các cuộc tấn công vô cớ vào cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia chúng ta”, bao gồm cả lưới điện, “có thể khiến hàng triệu người mất điện”.

Theo bộ trưởng cao cấp, các nhóm liên kết với nhà nước Nga bao gồm “một đội quân tội phạm mạng và tin tặc không chính thức” đã tăng cường các cuộc tấn công của họ trong năm qua. McFadden sẽ nói rằng các nhóm đó đã chịu trách nhiệm cho “ít nhất chín cuộc tấn công mạng riêng biệt” chống lại các nước NATO chỉ trong năm qua.

Anh và các đối tác phương Tây đang nỗ lực ngăn chặn các cuộc tấn công, ông dự kiến sẽ nói. “Đừng nghi ngờ gì nữa: Vương quốc Anh và những nước khác trong phòng này đang theo dõi Nga. Chúng tôi biết chính xác họ đang làm gì.”

[Politico: UK warning: Russia’s ‘aggressive’ cyber warfare is threat to NATO]

8. Thuốc nổ và dây bẫy: Cảnh sát Ukraine phải đối mặt với hành vi phá hoại

Cảnh sát quốc gia Ukraine, gọi tắt là NPU đã nhận thức được một số trường hợp phá hoại nhắm vào các nhân viên an ninh Ukraine, đặc biệt liên quan đến chất nổ. Phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska cho biết như trên hôm Thứ Hai, 25 Tháng Mười Một.

Trong một vụ việc, một người lính Ukraine đã thiệt mạng trong một vụ nổ. Một gói hàng đã được đặt gần một chiếc xe hơi và một camera gắn trên cây đã phát trực tuyến cảnh tượng đó.

Một người bảo vệ đang tuần tra khu vực đã phát hiện ra gói hàng và khi anh ta tiến lại gần và cúi xuống để kiểm tra thì một thiết bị nổ đã được kích nổ từ xa.

Đại Úy Lyutnytska cho biết đây không phải là vụ việc đầu tiên như vậy. Quân nhân và thường dân được khuyến cáo không chạm vào các vật dụng đáng ngờ và liên hệ với các chuyên gia giải quyết bom bằng cách gọi đến đường dây khẩn cấp của cảnh sát theo số 102.

Một vụ việc khác xảy ra ở Kyiv vào giữa tháng 11 khi cảnh sát nhận được báo cáo từ một người phụ nữ nói rằng cô ấy bị một người đàn ông tấn công trên Pecherskyi Descent. Cô ấy nói rằng cô ấy đã nhốt mình trong phòng tắm và đang yêu cầu giúp đỡ.

Khi cảnh sát đến, họ đã gọi người phụ nữ, người này thông báo rằng cửa căn nhà không khóa và bảo họ vào trong.

Sau khi mở cánh cửa không khóa và vào căn nhà, cảnh sát nghe thấy tiếng lựu đạn nổ và nhanh chóng đóng cửa lại. Một lát sau, một vụ nổ xảy ra ở hành lang của căn nhà. Cảnh sát và những người khác không bị thương.

Người ta xác định rằng cơ chế bẫy bom đã kích hoạt lựu đạn F-1 và không có ai trong căn nhà vào thời điểm đó.

Căn nhà được thuê theo ngày và chủ nhà chưa nhìn thấy người phụ nữ đó.

Đại Úy Lyutnytska nói: “Những điều trên cho thấy hành vi phạm tội có chủ đích nhằm mục đích làm mất ổn định tình hình, đe dọa và phá hoại công việc bình thường của các cơ quan thực thi pháp luật.”

Ngày 22 tháng 11, tại quận Dnipro của thủ đô, một hộp thuốc nổ đã phát nổ trên tay một người đàn ông, khiến anh ta tử vong ngay tại chỗ.

[Ukrainska Pravda: Explosives and tripwires: Ukrainian police officers face sabotage – sources in Ukraine's National Police]

9. Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết Lithuania sẽ tài trợ sản xuất máy bay điều khiển từ xa tầm xa của Ukraine, đặc biệt là hỏa tiễn máy bay điều khiển từ xa Palianytsia

Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết Lithuania sẽ tài trợ sản xuất máy bay điều khiển từ xa tầm xa của Ukraine, đặc biệt là hỏa tiễn máy bay điều khiển từ xa Palianytsia

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umierov cho biết như trên hôm Thứ Hai, 25 Tháng Mười Một.

Bộ Trưởng Umierov đã ký một bản ghi nhớ có liên quan tại Vilnius với người đồng cấp Lithuania Laurynas Kasčiūnas.

Umierov giải thích rằng đây là một thỏa thuận dài hạn trong đó khoản đầu tiên trị giá 10 triệu euro đã được thống nhất.

“Lithuania sẽ phân bổ các khoản tiền này cho việc sản xuất vũ khí tầm xa của Ukraine, đặc biệt là dự án Palianytsia hay hỏa tiễn máy bay điều khiển từ xa phản lực,” Bộ trưởng Quốc phòng cho biết. “Palianytsia”, một loại bánh mì, là một từ tiếng Ukraine mà người Nga thấy khó phát âm đúng. Kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện của Nga bắt đầu, người Ukraine đã sử dụng từ này như một phương tiện để xác định quân đội Nga hoặc những kẻ phá hoại.

Bộ trưởng nhấn mạnh rằng Lithuania đang trong giai đoạn cuối cùng để hoàn tất các thủ tục hành chính cần thiết và đợt hỗ trợ UAV DeepStrike đầu tiên của Ukraine sẽ sớm được chuyển giao.

Cùng với việc ký bản ghi nhớ, các bộ trưởng quốc phòng đã vạch ra những ưu tiên chính cho năm 2025: đào tạo và trang bị cho các lữ đoàn Ukraine, cung cấp đạn dược và hệ thống phòng không, và tăng cường hợp tác trong ngành công nghiệp quốc phòng.

Vào tháng 8, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy tuyên bố lần đầu tiên sử dụng thành công vũ khí mới, hệ thống hỏa tiễn điều khiển từ xa phản lực tầm xa Palianytsia của Ukraine.

Gần như mọi chi tiết về hệ thống hỏa tiễn điều khiển từ xa Palianytsia vẫn được phân loại. Tuy nhiên, nó được biết là có tầm bắn có thể nhắm tới ít nhất hai chục phi trường quân sự của Nga. Hệ thống này có thể được phóng từ một bệ phóng trên mặt đất.

Tuần trước, Umierov tuyên bố Na Uy sẽ tài trợ cho việc sản xuất vũ khí và thiết bị của Ukraine, qua đó tham gia vào mô hình hỗ trợ quân sự của Đan Mạch cho Ukraine.

Tại hội nghị thượng đỉnh Ukraine-Bắc Âu vào tháng trước, thủ tướng Iceland, Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển đã bày tỏ sự quan tâm trong việc hợp tác sâu hơn với ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine.

[Ukrainska Pravda: Ukraine's Defence Ministry says Lithuania will finance production of Ukrainian long-range drones, particularly Palianytsia drone missiles]

10. Cuộc tấn công của Nga vào trung tâm Kharkiv làm 23 người bị thương

Các quan chức cho biết, Nga đã phát động một cuộc tấn công vào khu vực trung tâm của Kharkiv vào sáng ngày 25 tháng 11, khiến ít nhất 23 người bị thương.

Thống đốc tỉnh Kharkiv Oleh Syniehubov đã cho biết có mười ba người đã phải vào bệnh viện.

Ông cho biết các nạn nhân đang ở nơi làm việc hoặc đang đi bộ trên phố.

Quân đội Nga có khả năng đã tấn công một khu dân cư đông đúc ở trung tâm Kharkiv bằng hỏa tiễn S-400, đưa tin trên kênh Telegram của mình.

“Hỏa tiễn đã rơi xuống một sân được bao quanh bởi các tòa nhà nhiều tầng. Các tòa nhà và xe hơi bốc cháy”, thống đốc cho biết ít nhất năm chiếc xe đã bị hư hại, trong khi số lượng các tòa nhà bị hư hại vẫn đang được xác định.

Thành phố Kharkiv ở đông bắc đã hứng chịu các cuộc tấn công liên tục của Nga trong hai năm qua của cuộc chiến toàn diện của Nga. Trong những tháng gần đây, Mạc Tư Khoa đã tăng cường các cuộc không kích, thường nhắm vào các khu dân cư đông đúc.

[Kyiv Independent: Russian attack on central Kharkiv injures 23]

11. Nga đe dọa tấn công Ba Lan, Warsaw đáp trả

Bộ Ngoại giao Nga đã lên án việc mở một căn cứ phòng thủ hỏa tiễn của Hoa Kỳ tại Ba Lan, coi đó là hành động khiêu khích và đe dọa sẽ tấn công cơ sở này. Đáp lại, Warsaw bác bỏ những tuyên bố của Mạc Tư Khoa là không có căn cứ.

Maria Zakharova, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, mô tả việc thành lập căn cứ phòng thủ hỏa tiễn của Hoa Kỳ tại Ba Lan là một hành động khiêu khích, cho rằng nó phù hợp với thông lệ lâu đời là tiếp tục đặt các cơ sở hạ tầng của NATO gần biên giới Nga hơn.

Zakharova tuyên bố rằng việc bố trí này “làm gia tăng mức độ đe dọa hạt nhân nói chung” và Nga coi căn cứ này là mục tiêu ưu tiên và sẽ sẵn sàng tấn công bằng các phương tiện sẵn có “nếu cần thiết”.

Ngoại trưởng Ba Lan, nhấn mạnh rằng căn cứ này chỉ mang tính chất phòng thủ.

“Mục đích của nó là đánh chặn hỏa tiễn đạn đạo, đặc biệt là từ các quốc gia có chính sách dựa trên các mối đe dọa liên tục và tuyên bố về các cuộc xâm lược tiềm tàng. Nếu Nga tiếp tục các mối đe dọa của mình, điều đó có nghĩa là trong tương lai, Hoa Kỳ và NATO sẽ phải tăng cường phòng không dọc theo toàn bộ sườn phía đông để khiến những mối đe dọa như vậy trở nên không thực tế để thực hiện”.

Ông nói thêm rằng những lời đe dọa của Nga dựa trên những giả định và tuyên bố không chính xác rằng căn cứ này chứa vũ khí hạt nhân, “điều này thật vô lý”.

Căn cứ phòng thủ hỏa tiễn của Hoa Kỳ tại Redzikowo, nằm ở tỉnh Pomeranian của Ba Lan, đã chính thức được khánh thành vào ngày 13 tháng 11. Đây là cơ sở thường trực đầu tiên của Quân đội Hoa Kỳ trên đất Ba Lan.

[Ukrainska Pravda: Russia threatens to strike Poland, Warsaw responds]

12. Nga phóng hỏa tiễn tấn công Odessa, 6 người bị thương

Phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska, cho biết vào chiều Thứ Hai, 25 Tháng Mười Một, rằng Nga đã tiến hành một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào khu vực trung tâm của Odessa vào ngày 25 tháng 11, gây ra thương vong.

“Cho đến nay, chúng tôi đã ghi nhận sáu người bị thương. Năm người trong tình trạng nghiêm trọng vừa phải, tính mạng của họ không bị đe dọa. Một người trong tình trạng nghiêm trọng”.

“ Cơ sở hạ tầng dân sự đã bị hư hại, cụ thể là các tòa nhà dân cư”.

Nga đã tiến hành cuộc tấn công vào một khu dân cư đông đúc, nơi không có mục tiêu quân sự, gây thiệt hại cho một trường học và một nhà thi đấu thể thao của trường đại học, Kharlov đưa tin. Không có sinh viên nào bị thương vì họ đang ẩn náu trong các nơi trú ẩn.

Vụ tấn công xảy ra ngay sau khi lực lượng Nga tấn công thành phố Kharkiv, làm ít nhất 23 người bị thương.

“Kể từ tối qua, Nga đã sử dụng khoảng 150 máy bay điều khiển từ xa tấn công, bom trên không và hỏa tiễn nhằm vào hơn 10 khu vực của Ukraine”, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy phát biểu trên Telegram vào ngày 25 tháng 11.

Odesa, nằm trên bờ Hắc Hải ở miền nam Ukraine, là nơi sinh sống của khoảng 1 triệu cư dân. Thành phố cảng này đã nhiều lần bị tấn công trong suốt cuộc chiến toàn diện.

Một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn trước đó vào Odessa vào ngày 18 tháng 11 đã giết chết ít nhất 10 người và làm bị thương hơn 50 người.

[Kyiv Independent: Russia launches missile attack against Odesa, injuring 6]
 
Nổ lớn: Tướng Nga và 18 sĩ quan trúng Storm Shadow, tử trận. Đức nghi Nga đặt bom làm máy bay rơi
VietCatholic Media
15:43 26/11/2024


1. Hỏa tiễn Storm Shadow lấy mạng một vị tướng hàng đầu khác của Nga và 500 quân nhân Bắc Hàn

Một vị tướng NGA và 500 lính Bắc Hàn được cho là đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công chết người bằng hỏa tiễn Storm Shadow của Anh.

Hôm Thứ Ba, 26 Tháng Mười Một, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh xác nhận rằng Trung tướng Valery Solodchuk đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của Ukraine vào hôm thứ Tư tuần trước 20 Tháng Mười Một.

18 sĩ quan của bạo chúa Nga Vladimir Putin cũng đã thiệt mạng, trong khi 18 người khác bị thương.

Tập đoàn Quốc phòng Toàn cầu có trụ sở tại Hoa Kỳ báo cáo rằng 500 binh lính Bắc Hàn chiến đấu cùng quân đội Nga đã thiệt mạng trong vụ nổ.

Ngoài ra còn có thông tin cho rằng một trong những vị tướng của nhà độc tài Bắc Hàn Kim Chính Ân đã bị thương.

Các báo cáo cho biết các hỏa tiễn Storm Shadow được Ukraine dùng để tấn công vào một sở chỉ huy của Putin và cơ sở quân sự ngầm ở khu vực Kursk.

Đây là lần đầu tiên hỏa tiễn của Anh được sử dụng để tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga.

Những tổn thất nghiêm trọng như thế có thể giải thích lý do tại sao Putin lại bắn một hỏa tiễn siêu thanh vào khu vực Dnipro của Ukraine vào ngày hôm sau Thứ Năm, 21 Tháng Mười Một/

Hỏa tiễn Storm Shadow của Anh là cơn ác mộng đối với đối phương vì chúng có khả năng né tránh hệ thống phòng không. Hỏa tiễn Storm Shadow có hai đầu đạn. Đầu đạn thứ nhất dùng để khoan một lỗ cho hỏa tiễn chui vào bên trong. Đầu đạn thứ hai sẽ kích nổ phá tan tất cả những thứ bên trong.

Loại vũ khí trị giá 800.000 bảng Anh này - vốn đã được sử dụng trong lãnh thổ Ukraine - sử dụng GPS để tấn công chính xác mục tiêu và có thể di chuyển với tốc độ 600 dặm/giờ.

Một đoạn clip được chia sẻ trực tuyến ghi lại âm thanh của một số hỏa tiễn bay về phía khu vực Kursk.

Thống đốc khu vực trước đó đã nói rằng có hai hỏa tiễn đã bị bắn hạ, nhưng không nêu rõ loại hỏa tiễn.

Trang tin tức Defense Express của Ukraine cho biết có khả năng rất cao là quân đội Bắc Hàn đang ở bên trong hầm trú ẩn kiên cố này.

[The Sun: VLAD GENERAL KILLED Another top Russian general and 500 North Korean troops ‘killed by British Storm Shadow missiles in deadly strike’]

2. Tại sao chiến đấu cơ F-35 lại “lỗi thời”, theo Elon Musk

Khi Elon Musk tiếp quản Bộ Hiệu quả Chính phủ, gọi tắt là DOGE mới thành lập, được thành lập để tư vấn cho Tòa Bạch Ốc về việc tối ưu hóa chi tiêu liên bang, chương trình máy bay tàng hình F-35 đã trở thành mục tiêu chỉ trích chủ yếu của ông ta.

Vào cuối tuần, Giám đốc Tesla và là người đại diện cho Ông Donald Trump đã chỉ trích chương trình chiến đấu cơ F-35 trên nền tảng mạng xã hội X của mình, gọi nó là lỗi thời và kém hiệu quả so với máy bay điều khiển từ xa.

“Trong khi đó, một số kẻ ngốc vẫn đang chế tạo chiến đấu cơ có người lái như F-35”, Musk đăng, cùng với một video giới thiệu máy bay điều khiển từ xa đồng bộ của Trung Quốc đang hoạt động.

Lời chỉ trích của Musk phù hợp với nỗ lực của ông và đồng lãnh đạo DOGE Vivek Ramaswamy nhằm cải cách chi tiêu liên bang toàn diện. Mục tiêu đầy tham vọng của họ là cắt giảm ít nhất 2 ngàn tỷ đô la từ ngân sách liên bang đã khiến Ngũ Giác Đài phải chịu sự giám sát đặc biệt.

Chiến đấu cơ tấn công chung F-35 Lightning II, do Lockheed Martin phát triển, là chương trình vũ khí đắt đỏ và đầy tham vọng nhất của Bộ Quốc phòng. Mặc dù được ca ngợi là quan trọng đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ, chương trình này đã phải đối mặt với những lời chỉ trích không ngừng vì chi phí tăng cao và sự chậm trễ. Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ Hoa Kỳ ước tính chi phí trọn đời của chương trình là hơn 2 ngàn tỷ đô la, khiến đây trở thành dự án quân sự tốn kém nhất trong lịch sử.

Hôm Thứ Hai, 25 Tháng Mười Một, Musk tiếp tục chỉ trích mạnh mẽ hơn, cho rằng thiết kế của máy bay phản lực này về cơ bản đã có lỗi ngay từ đầu do cố gắng đáp ứng quá nhiều yêu cầu xung khắc với nhau.

“Thiết kế F-35 đã bị phá vỡ ở mức yêu cầu vì nó được yêu cầu phải là quá nhiều thứ đối với quá nhiều người. Điều này khiến nó trở thành một công cụ đắt tiền và phức tạp, có thể làm mọi nghề, nhưng không thành thạo nghề nào. Thành công không bao giờ nằm trong tập hợp các kết quả có thể xảy ra”, Musk nói.

“Chiến đấu cơ có người lái đã lỗi thời trong thời đại máy bay điều khiển từ xa và chỉ gây nguy hiểm cho tính mạng của phi công”, ông nói, nhận được sự ủng hộ từ đồng minh của Tổng thống đắc cử Donald Trump là Matt Gaetz, người đã viết:

“F-35 là một nền tảng thất bại. Đã đến lúc chuyển hoàn toàn sang máy bay điều khiển từ xa.”

Máy bay điều khiển từ xa đóng vai trò quan trọng trong các cuộc xung đột hiện đại, đặc biệt là ở Ukraine, nơi máy bay điều khiển từ xa đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại lực lượng Nga.

Musk, người ủng hộ lâu năm việc thay thế chiến đấu cơ truyền thống bằng máy bay điều khiển từ xa, lập luận rằng máy bay điều khiển từ xa—dù được điều khiển từ xa hay tự động—mang lại độ chính xác cao hơn và loại bỏ những rủi ro mà phi công phải đối mặt. Ông thường chỉ ra vai trò này.

Bất chấp những khẳng định của Musk, chương trình F-35 vẫn có những người bảo vệ. Những người ủng hộ nhấn mạnh hiệu suất của máy bay phản lực trong chiến đấu thực tế, trích dẫn việc sử dụng biến thể F-35I Adir của Israel để tấn công các cơ sở quân sự của Iran và vô hiệu hóa các hệ thống phòng không tiên tiến do Nga sản xuất. Những người ủng hộ cũng lưu ý rằng Trung Quốc, một quốc gia mà Musk ca ngợi về khả năng máy bay điều khiển từ xa của mình, đã dành nhiều năm để cố gắng sao chép công nghệ tiên tiến của F-35.

Phát ngôn nhân của văn phòng chương trình chung F-35 thuộc Ngũ Giác Đài đã bảo vệ giá trị của máy bay.

“Chúng tôi có máy bay có khả năng chiến đấu đang hoạt động ngày nay và chúng hoạt động cực kỳ tốt trước các mối đe dọa mà chúng được thiết kế để chống lại. Các phi công liên tục nhấn mạnh rằng đây là chiến đấu cơ mà họ muốn đưa vào chiến tranh nếu được yêu cầu”, Ngũ Giác Đài cho biết.

Lockheed Martin cũng đồng tình với quan điểm này khi gọi F-35 là “chiến đấu cơ tiên tiến nhất, có khả năng sống sót cao nhất và kết nối nhất trên thế giới” và là nền tảng của các hoạt động chung trên mọi lĩnh vực.

Tuy nhiên, những sai sót của chương trình đã được ghi lại đầy đủ. Một báo cáo của Ngũ Giác Đài mới được giải mật gần đây đã tiết lộ những vấn đề đang diễn ra với độ tin cậy, khả năng bảo trì và tính khả dụng của F-35. Lockheed Martin đã phản hồi bằng cách nhấn mạnh rằng máy bay “luôn đáp ứng hoặc vượt quá các yêu cầu về hiệu suất độ tin cậy mà chúng tôi được ký hợp đồng cung cấp”.

Những người đam mê hàng không đã cân nhắc về nhận xét của Musk, một số người bảo vệ vai trò mang tính biểu tượng và nâng cao tinh thần của chiến đấu cơ có người lái. “Không đứa trẻ nào mơ ước được lái máy bay điều khiển từ xa”, một người dùng bình luận, “nhưng rất nhiều người mơ ước được lái chiến đấu cơ có gắn cờ Mỹ ở đuôi”.

Nhiều người khác chỉ ra rằng tiền lời do việc sản xuất F-35 và bán cho các đồng minh của Hoa Kỳ đã trang trải một phần rất đáng kể trong số chi phí 2 ngàn tỷ đô la.

[Newsweek: Why F-35 Fighter Jets Are “Obsolete”, According to Elon Musk]

3. Máy bay chở hàng rơi ở Lithuania, khiến một người thiệt mạng

Một máy bay chở hàng DHL bay từ Leipzig ở Đức đã bị rơi gần Sân bay Vilnius ở Lithuania vào sáng ngày 25 tháng 11, khiến một thành viên phi hành đoàn thiệt mạng và hai người bị thương, truyền thông địa phương đưa tin.

Chiếc máy bay đã rơi cách đường băng vài km về phía nam và đâm vào một ngôi nhà, bốc cháy. Ba người còn lại trên máy bay sống sót sau vụ tai nạn, và 12 người đã được di tản khỏi ngôi nhà bị hư hại, theo các nhà chức trách.

Các quan chức cho biết chiếc máy bay Boeing 737-476 do nhà thầu Swiftair của DHL vận hành đã bị rơi vào khoảng 5h30 sáng giờ địa phương ở phía nam thủ đô.

Chính quyền Lithuania cho biết vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận về nguyên nhân vụ tai nạn và một cuộc điều tra đang được tiến hành.

Hai chuyến hàng của DHL bay từ Lithuania đến Leipzig đã bốc cháy trong một nhà kho vào đầu năm nay, với các quan chức an ninh phương Tây được cho là nghi ngờ Mạc Tư Khoa có âm mưu phá hoại. Các vụ cháy có thể khiến máy bay chở hàng bị rơi nếu đám cháy xảy ra trong chuyến bay.

Arunas Paulauskas, nhà lãnh đạo Cảnh sát Lithuania, nói với giới truyền thông rằng vụ tai nạn ngày 25 tháng 11 “nhiều khả năng là do lỗi kỹ thuật hoặc lỗi của con người”.

“Máy bay đã hạ cánh và không tới được đường băng, đây là sự thật”, ông nói và nói thêm rằng “không thể loại trừ khả năng khủng bố”.

[Kyiv Independent: Cargo plane crashes in Lithuania, leaving one dead]

4. Belarus phóng chiến đấu cơ giám sát máy bay điều khiển từ xa bốn lần trong 24 giờ

Theo một báo cáo, một số lượng lớn máy bay điều khiển từ xa đã xâm nhập vào Belarus trong vòng 24 giờ, khiến lực lượng không quân của quốc gia Đông Âu này phải điều động máy bay bốn lần.

Khoảng 38 máy bay điều khiển từ xa được xác định là máy bay điều khiển từ xa “kamikaze” Shahed, đã xâm nhập vào Belarus—một đồng minh thân cận của Mạc Tư Khoa, quốc gia láng giềng của cả Nga và Ukraine—trong khoảng thời gian từ ngày 24 đến 25 tháng 11, theo một tài khoản Telegram theo dõi hoạt động quân sự. Công cụ theo dõi cho biết đây là một con số kỷ lục.

Theo tài khoản này, máy bay của lực lượng không quân Belarus đã cất cánh và bay về phía đông nam của đất nước bốn lần trong vòng 24 giờ qua.

“Ít nhất một máy bay điều khiển từ xa cảm tử đã bay tới Mozyr, có hàng chục chuyến bay qua 'hành lang Belarus' và ít nhất ba lần những kẻ đánh bom liều chết đã bay vào khu vực Gomel, tại khu vực cửa khẩu biên giới Novaya Guta”, lực lượng giám sát quân sự cho biết.

“Trong số 38 lần tiếp cận được ghi nhận, chỉ có 9 lần được xác nhận là quay trở lại không phận Ukraine”, báo cáo cho biết thêm.

Máy bay điều khiển từ xa Shahed thường được sử dụng trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, với chiến tranh máy bay điều khiển từ xa đóng vai trò quan trọng trong cuộc xung đột. Các phương tiện điều khiển từ xa được gọi là máy bay điều khiển từ xa kamikaze vì chúng chứa đầy thuốc nổ và bị phá hủy khi va chạm.

Hôm thứ Hai, Kyiv cho biết họ đã bắn hạ 114 máy bay điều khiển từ xa của Nga trong vòng 24 giờ.

Báo cáo này, dựa trên số liệu từ quân đội Ukraine, cũng cho biết rằng Mạc Tư Khoa chịu 1.610 thương vong và mất 22 hệ thống pháo cùng 111 xe trong cùng khoảng thời gian.

Con số này sẽ nâng tổng số máy bay điều khiển từ xa bị mất của Nga kể từ khi cuộc xâm lược năm 2022 bắt đầu lên 19.480. Trong khi đó, Nga tuyên bố đã vô hiệu hóa 36.648 máy bay điều khiển từ xa kể từ năm 2022.

Hôm Chúa Nhật, Bộ Tổng tham mưu Ukraine thông báo rằng lực lượng Kyiv đã tấn công thành công vào hệ thống phòng không tiên tiến của Nga ở khu vực biên giới Kursk.

Theo Kyiv, hoạt động này đã đánh trúng thành phần radar của hệ thống hỏa tiễn đất đối không S-400, làm mù nó trước khi phá hủy toàn bộ hệ thống tương đương với hệ thống phòng không Patriot của quân đội Hoa Kỳ. Mỗi hệ thống S-400 ước tính có giá khoảng 200 triệu đô la, một chuyên gia của tổ chức nghiên cứu quốc phòng Royal United Services Institute có trụ sở tại Luân Đôn trước đây đã nói với Newsweek.

Cuộc tấn công diễn ra ngay sau khi Hoa Kỳ cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do Hoa Kỳ cung cấp để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga, dỡ bỏ các hạn chế trước đó. Quyết định này diễn ra sau các báo cáo cho rằng Bắc Hàn sẽ cung cấp quân đội để hỗ trợ các nỗ lực quân sự của Nga.

Trong một phản ứng rõ ràng, Mạc Tư Khoa đã tiến hành một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn siêu thanh vào thành phố Dnipro ở miền trung Ukraine, nhắm vào một cơ sở quân sự. Cuộc tấn công sử dụng hỏa tiễn siêu thanh Oreshnik thử nghiệm, một vũ khí tầm trung được cho là có khả năng mang đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường.

[Newsweek: Belarus Scrambles Aircraft Against Drones Four Times in 24 Hours: Report]

5. Ngoại trưởng Đức cho biết vụ tai nạn máy bay DHL của Lithuania có thể là hành động phá hoại

Ngoại trưởng Đức cho biết các nhà chức trách phải “nghiêm chỉnh” xem xét liệu vụ rơi máy bay chở hàng ở Lithuania có phải là hành động chiến tranh “hỗn hợp” hay không.

Một máy bay chở hàng của DHL bay từ Leipzig, Đức đến Lithuania đã đâm vào một tòa nhà ở Vilnius và phát nổ thành một quả cầu lửa lớn vào sáng sớm Thứ Hai, 25 Tháng Mười Một, khiến một thành viên phi hành đoàn thiệt mạng và ba người khác bị thương.

Nga đã đẩy mạnh chiến dịch chiến tranh hỗn hợp kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào đầu năm 2022, nhắm vào nhiều quốc gia Liên Hiệp Âu Châu bằng các cuộc tấn công mạng, phá hoại và bạo lực.

Các quan chức Lithuania cho biết họ đang điều tra nguyên nhân vụ tai nạn ở Vilnius nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm thấy bất kỳ dấu hiệu nào của hành động phá hoại.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết: “Thực tế là chúng tôi, cùng với các đối tác Lithuania và Tây Ban Nha, hiện phải nghiêm chỉnh tự hỏi liệu đây có phải là một tai nạn hay, sau tuần trước, một sự việc hỗn hợp khác cho thấy chúng ta đang sống trong thời kỳ bất ổn như thế nào, ngay cả ở trung tâm Âu Châu”.

Bà nói thêm: “Chính quyền Đức đang hợp tác rất chặt chẽ với chính quyền Lithuania để tìm ra sự thật của vụ việc này”.

Cảnh sát trưởng Lithuania Arūnas Paulauskas cho biết vụ tai nạn “nhiều khả năng là do lỗi kỹ thuật hoặc lỗi của con người”, nhưng nói thêm rằng “không thể loại trừ khả năng khủng bố”.

“Đây là một trong những phiên bản về vụ tai nạn sẽ được điều tra và kiểm tra. Có rất nhiều việc phải làm”, Paulauskas cho biết. “Việc thu thập bằng chứng có thể mất cả tuần, sẽ không có câu trả lời nhanh chóng”.

Đầu năm nay, một thiết bị gây cháy được vận chuyển từ Lithuania qua DHL đã gây ra hỏa hoạn tại một trung tâm hậu cần ở Leipzig. Các quan chức tình báo phương Tây đổ lỗi cho Nga về vụ việc đó, theo các báo cáo, trong khi các quan chức chống khủng bố của Anh cũng đang điều tra xem liệu Điện Cẩm Linh có đứng sau vụ đánh bom bưu kiện tại một kho DHL ở Birmingham vào tháng 7 hay không.

[Politico: Lithuanian DHL plane crash could be sabotage, German foreign minister says]

6. Với sự quay lại Tòa Bạch Ốc của Tổng thống Donald Trump, các bộ trưởng quốc phòng Âu Châu muốn đầu tư vào thiết bị quân sự

Hôm Thứ Hai, 25 Tháng Mười Một, Bộ trưởng Quốc phòng Đức và Pháp cho biết điều quan trọng không phải là các nước NATO chi bao nhiêu cho vũ khí và đạn dược mà là họ chi tiêu như thế nào.

“Bất kể ngân sách quốc phòng tăng lên 2, 2,5 hay 3 phần trăm, chúng ta cần phải thu hẹp khoảng cách năng lực, đây là điều quan trọng nhất”, Boris Pistorius của Đức phát biểu với các phóng viên sau khi tiếp đón các đối tác từ Pháp, Ý, Ba Lan và Vương quốc Anh tại Berlin.

Việc đáp ứng các yêu cầu về năng lực của NATO sẽ đòi hỏi phải tăng chi tiêu: “Chúng ta có thể sẽ thảo luận về mức chi tiêu hơn 2 phần trăm, mọi người đều biết điều đó”, ông nói thêm.

Pistorius đã tổ chức cuộc thi với các đối thủ của mình theo một hình thức mới mà Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healy gọi là “E5”.

Cuộc xâm lược Ukraine của Nga cùng nhiều năm gây áp lực của Hoa Kỳ đang gây ra tác động.

Pháp và Đức đã đạt được mục tiêu chi tiêu của NATO là ít nhất 2 phần trăm GDP trong năm nay, mặc dù Ý vẫn chưa đạt được mục tiêu đó. Vương quốc Anh đã vượt ngưỡng đó và Ba Lan, với 4,1 phần trăm GDP, là nước chi tiêu lớn nhất trong NATO.

Có sự đồng thuận ngày càng tăng rằng mục tiêu 2 phần trăm phải được nâng lên, thậm chí còn hơn thế nữa kể từ khi Ông Donald Trump đắc cử. Một chỉ huy cao cấp của NATO nói với POLITICO rằng 3 phần trăm có khả năng trở thành ngưỡng mới.

Bộ trưởng Quân đội Pháp Sébastien Lecornu cho biết: “Paris đang “tăng ngân sách quốc phòng nhưng câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào chúng ta có thể sử dụng số tiền đó một cách hiệu quả nhất để phát triển năng lực quân sự?”

Ông đề cập đến Phương pháp tấn công tầm xa Âu Châu, gọi tắt là ELSA — tập hợp năm quốc gia có mặt tại Berlin cộng với Thụy Điển để phát triển một loại hỏa tiễn hành trình mới — như một ví dụ về cách Âu Châu đang cố gắng thu hẹp khoảng cách năng lực.

Tất cả các bộ trưởng đều nhấn mạnh đến nhu cầu tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine — Healy thậm chí còn kêu gọi “tăng gấp đôi” hỗ trợ.

“Năm người chúng tôi muốn duy trì Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine,” Pistorius nói, ám chỉ nhóm do Hoa Kỳ đứng đầu tổ chức viện trợ quân sự cho Kyiv. Có lo ngại rằng Washington sẽ ngừng gửi vũ khí cho Ukraine sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức.

Tổng thống đắc cử Donald Trump không được nhắc đến tên nhưng sự hiện diện của ông là hữu hình vì các nước Âu Châu dự kiến sẽ phải tranh giành để bảo đảm họ vẫn được ông ưu ái. “Âu Châu sẽ phải hành động ngày càng phối hợp hơn với các mục tiêu bao quát để trở thành đối tác tốt của Hoa Kỳ”, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Władysław Kosiniak-Kamysz cho biết.

[Politico: With Trump looming, European defense ministers want to invest in military equipment]

7. Hỏa tiễn Nga bắn vào Ukraine được tạo ra bởi những kẻ lén lút trốn tránh hiệp ước

Sau khi cảnh báo các quan chức Hoa Kỳ về ý định phóng hỏa tiễn, Nga đã phóng một hỏa tiễn đạn đạo mới bí ẩn vào thành phố Dnipro ở miền đông Ukraine vào sáng sớm thứ năm 21 Tháng Mười Một, gây hư hại cho các tòa nhà và có thể khiến hàng chục người bị thương.

Ban đầu bị nhầm là hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa với tầm bắn lên đến 5470 km, không có đầu đạn hạt nhân cho sáu phương tiện tái nhập độc lập, vũ khí bí ẩn này hóa ra lại là thứ khác: đó là hỏa tiễn đạn đạo tầm trung hay IRBM.

Theo Putin, tên của hỏa tiễn này là “Oreshnik”. Trong tiếng Nga, từ này có nghĩa là “cây Phỉ”.

Cây phỉ hay còn được biết đến với tên tiếng Anh Witch Hazel. Đây là loại cây bụi, ra hoa màu vàng và sinh sống chủ yếu ở vùng Bắc Mỹ. Đây là một loại cây rất kiên cường, có thể sống tại vùng thời tiết khắc nghiệt nhất. Với đặc điểm nắng nóng quanh năm.

Sabrina Singh, Phó Thư ký báo chí Ngũ Giác Đài, mô tả Oreshnik là một biến thể của hỏa tiễn đạn đạo RS-26 của Nga. RS-26 là hỏa tiễn nhiên liệu rắn nặng 40 tấn.

Tùy thuộc vào góc bắn, RS-26 có thể bay xa hơn 5470 km một chút. Điều đó khiến nó trở thành ICBM. Nhưng trong thực tế, có lẽ nó chỉ là IRBM có tầm bắn dưới 5470 km.

Vấn đề đối với các nhà thiết kế RS-26 là cho đến năm 2019, Hoa Kỳ và Nga đều là bên tham gia Hiệp ước cấm phát triển Lực lượng hạt nhân tầm trung, gọi tắt là INF, vào năm 1987, trong đó cấm thử nghiệm và điều động hỏa tiễn có tầm bắn từ 500 km đến 5470 km.

Có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân và cũng có khả năng tấn công với cảnh báo tối thiểu, IRBM có tính bất ổn đặc biệt - do đó có hiệp ước INF này. Nhưng Nga vẫn bí mật tiếp tục phát triển hỏa tiễn trong danh mục này, cuối cùng khiến Hoa Kỳ phải từ bỏ INF - bất chấp một số phản đối từ những người ủng hộ kiểm soát vũ khí - vào năm 2019. Nga cũng sớm làm theo.

Để tránh vi phạm Hiệp ước INF một cách công khai trong quá trình thử nghiệm trước năm 2019, Nga đã điều chỉnh góc bắn của RS-26 để nó vượt qua ngưỡng 5470 km của hiệp ước INF - mặc dù thiết kế của hỏa tiễn này thiên về tầm trung hơn là tầm liên lục địa.

Oreshnik mới rõ ràng là một phiên bản của RS-26. Điều này nhấn mạnh rằng hỏa tiễn Oreshnik là hỏa tiễn tầm trung hay IRBM, chứ không phải là hỏa tiễn liên lục địa hay ICBM.

Cũng vậy, RS-26 gần như chắc chắn không phải là ICBM. Nó là hỏa tiễn tầm trung bị cấm bởi hiệp ước INF, nhưng người Nga gian trá cố tình lách các hiệp ước mà họ đã ký kết.

Hans Kristensen, một chuyên gia về vũ khí hạt nhân của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, cho biết Oreshnik “hơi buồn cười” vì nguồn gốc phức tạp của nó.

Tất nhiên là không ai thực sự cười. Putin rõ ràng đã ra lệnh cho lực lượng của mình phóng Oreshnik vào Dnipro để trả đũa cho các cuộc tấn công sâu của Ukraine nhằm vào các kho vũ khí và sở chỉ huy ở miền tây nước Nga. Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Pháp gần đây đã cho phép Ukraine sử dụng các loại đạn dược tốt nhất của Mỹ, Anh và Pháp trong các cuộc tấn công đó.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tuyên bố rằng việc tấn công vào dân thường bằng một hỏa tiễn đạn đạo có nhiều đầu đạn mạnh thể hiện “sự leo thang rõ ràng và nghiêm trọng về quy mô và mức độ tàn khốc của cuộc chiến này”.

[Forbes: Russia Fired At Ukraine Was Created By Sneaky Treaty-Dodgers]

8. Các đồng minh G7 dự kiến sẽ tăng áp lực lên Trung Quốc vì ủng hộ Nga, Bloomberg đưa tin

Các Ngoại trưởng của nhóm bẩy cường quốc trên thế giới, thường được gọi là G7, dự kiến sẽ đồng thanh tăng cường áp lực ngoại giao lên Trung Quốc vì nước này ủng hộ “cỗ máy chiến tranh” của Nga tại Ukraine, Bloomberg đưa tin vào ngày 25 tháng 11, trích dẫn bản thảo đầu tiên của thông cáo mà cơ quan truyền thông này đã xem.

Bản dự thảo thông cáo, cam kết đưa ra “các biện pháp phù hợp với hệ thống pháp luật của chúng tôi, chống lại các tác nhân ở Trung Quốc và các nước thứ ba khác”, vẫn đang được xây dựng khi các Ngoại trưởng G7 họp tại Ý từ 25 đến 26 tháng 11, Bloomberg đưa tin.

Nếu được thông qua, nội dung của thông cáo sẽ đánh dấu sự leo thang giữa các đồng minh G7, khi thông cáo hồi tháng 4 chỉ đơn giản kêu gọi Trung Quốc “bảo đảm” rằng nước này ngừng hỗ trợ Nga bằng các hàng hóa có mục đích sử dụng kép.

Bản dự thảo thông cáo được đưa ra khi các đồng minh G7 cố gắng tăng áp lực, cũng như hỗ trợ cho Ukraine, trước lễ nhậm chức vào Tháng Giêng của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Ông Donald Trump — người đã nhiều lần chỉ trích viện trợ của Hoa Kỳ cho Ukraine và tuyên bố sẽ đưa Hoa Kỳ “thoát khỏi” cuộc chiến càng sớm càng tốt. Bản dự thảo thông cáo cũng được kỳ vọng sẽ tái khẳng định “cam kết không lay chuyển” của G7 đối với Ukraine.

Giọng điệu leo thang xuất hiện khi các đồng minh phương Tây cáo buộc Trung Quốc hỗ trợ quân sự cho cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine. Reuters đưa tin vào ngày 25 tháng 9, trích dẫn nguồn tin tình báo Âu Châu, rằng Nga đã bí mật thiết lập một chương trình phát triển và sản xuất tại Trung Quốc cho máy bay điều khiển từ xa tấn công để sử dụng trong chiến tranh.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Liên Hiệp Âu Châu Josep Borrell được cho là đã thông báo cho các quốc gia Âu Châu về bằng chứng “thuyết phục” cho thấy Trung Quốc sản xuất “vũ khí sát thương” cho Nga, hãng truyền thông Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung, gọi tắt là FAZ đưa tin vào ngày 15 tháng 11, trích dẫn lời ba quan chức Liên Hiệp Âu Châu.

Theo dự thảo thông cáo, các đồng minh G7 cũng sẽ “tiếp tục gây áp lực đáng kể lên doanh thu của Nga từ năng lượng, kim loại và các mặt hàng khác thông qua việc thực hiện hiệu quả các biện pháp hiện hành và các hành động tiếp theo chống lại 'hạm đội bóng tối' (của Nga)” — ám chỉ những nỗ lực của Mạc Tư Khoa nhằm trốn tránh lệnh trừng phạt đối với mức giá dầu trần 60 đô la một thùng được áp dụng cách đây hai năm.

Trước đó vào ngày 25 tháng 11, Vương quốc Anh đã trừng phạt 30 tàu chở dầu thuộc “đội tàu ngầm” của Nga, những tàu này đã vận chuyển dầu và các sản phẩm từ dầu trị giá hàng tỷ đô la vào năm ngoái.

Bản dự thảo thông cáo thường phải được sửa đổi trước khi bản dự thảo cuối cùng được phê duyệt.

Trung Quốc nhiều lần tuyên bố giữ vị thế trung lập trong cuộc chiến Nga-Ukraine, nhưng đồng thời cũng tăng cường quan hệ kinh tế với Mạc Tư Khoa và ủng hộ nước này chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Đầu tháng 7, Tổng thư ký NATO khi đó là Jens Stoltenberg cho biết các đồng minh đồng thanh rằng Bắc Kinh là “bên tiếp tay quyết định” cho cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine.

[Politico: G7 allies expected to increase pressure on China over support for Russia, Bloomberg reports]

9. Nga cân nhắc điều động hỏa tiễn tới Á Châu

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Mạc Tư Khoa đang cân nhắc điều động hỏa tiễn tầm trung và tầm ngắn tới Á Châu trong trường hợp vũ khí tương tự của Hoa Kỳ xuất hiện trong khu vực.

“Tất nhiên, đây là một trong những lựa chọn cũng đã được nhắc đến nhiều lần. Sự xuất hiện của các hệ thống như vậy của Hoa Kỳ ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới sẽ quyết định các bước tiếp theo của chúng tôi, bao gồm cả trong lĩnh vực tổ chức phản ứng quân sự và kỹ thuật quân sự”, Ryabkov cho biết, theo thông tấn xã TASS của nhà nước Nga.

“Như trước đây, những gì đang xảy ra hoàn toàn phụ thuộc vào lựa chọn mà đối thủ của chúng ta sẽ đưa ra tại thời điểm cực kỳ đáng báo động và nguy hiểm này, cũng như vào con đường mà họ sẽ theo đuổi.”

Sự việc diễn ra trong bối cảnh có thông tin cho rằng Hoa Kỳ đang có kế hoạch điều động hỏa tiễn tới các đảo phía tây nam Nhật Bản và Phi Luật Tân nếu xảy ra một cuộc khủng hoảng lớn giữa Trung Quốc và Đài Loan, hãng tin Kyodo News của Nhật Bản đưa tin hôm thứ Hai.

Đô đốc Samuel Paparo, nhà lãnh đạo Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, tuần trước cũng cho biết Trung Quốc đã dàn dựng cuộc diễn tập quân sự lớn nhất cho cuộc xâm lược Đài Loan mà ông từng chứng kiến trong sự nghiệp của mình trong năm nay.

“Điều này bao gồm một ngày cụ thể có 152 tàu trên biển. Đây là cuộc diễn tập lớn nhất mà chúng tôi từng thấy trong lộ trình hiện đại hóa Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc,” ông phát biểu tại Viện Brookings ở Washington DC

Ryabkov cũng cho biết vào thứ Hai rằng lệnh tạm dừng điều động hỏa tiễn tầm trung và tầm ngắn của Nga phụ thuộc vào hành động của Hoa Kỳ

Ông nói thêm rằng Nga không gặp phải hạn chế nào khi điều động hỏa tiễn đạn đạo tầm trung Oreshnik mới theo các nghĩa vụ hiện có. Vũ khí này đã được bắn vào thành phố Dnipro của Ukraine lần đầu tiên vào tuần trước.

Trong khi đó, Putin trước đó đã cảnh báo Hoa Kỳ rằng họ sẽ bố trí hỏa tiễn ở tầm tấn công của phương Tây nếu điều động hỏa tiễn tầm xa ở Đức từ năm 2026.

“Thời gian bay tới mục tiêu trên lãnh thổ của chúng ta của những hỏa tiễn như vậy, trong tương lai có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân, sẽ là khoảng 10 phút”, Putin phát biểu trong bài phát biểu tại St. Petersburg vào tháng 7.

“ Chúng tôi sẽ điều động các biện pháp tương ứng, có tính đến các hành động của Hoa Kỳ, các vệ tinh của nước này ở Âu Châu và các khu vực khác trên thế giới.”

Tuần trước, Putin cũng cho biết quyết định của Hoa Kỳ vào năm 2019 rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung, gọi tắt là INF là một “sai lầm”.

Theo hãng thông tấn TASS, ông cho biết: “Chúng tôi tin rằng Hoa Kỳ đã phạm sai lầm khi đơn phương hủy bỏ Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung vào năm 2019 với một cái cớ không tưởng”.

Hiệp ước INF, được Hoa Kỳ và Nga ký kết vào năm 1989 vào cuối Chiến tranh Lạnh, cấm các hỏa tiễn có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km, hay 310 đến 3.400 dặm. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Ông Donald Trump, Hoa Kỳ và các đồng minh NATO đã cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước và sau đó Washington đã tuyên bố rút khỏi hiệp ước.

[Newsweek: Russia Considers Deploying Missiles to Asia]

10. Anh nhắm vào “hạm đội bóng tối” của Putin bằng lệnh trừng phạt mới

Vương quốc Anh đang áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với 30 tàu chở dầu thuộc hạm đội ngầm của Nga khi nước này cố gắng ngăn chặn nguồn tài trợ của Vladimir Putin cho cuộc chiến tranh ở Ukraine.

Được coi là gói hỗ trợ lớn nhất của Anh cùng loại, chính phủ Anh cho biết họ hy vọng động thái này sẽ giải tỏa tình trạng giao thông không an toàn trên các tuyến đường vận chuyển và hạn chế “hành vi ác ý” khiến các tàu của Nga vẫn tiếp tục vận chuyển hàng triệu thùng dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ trên khắp thế giới để bán bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây.

Thông báo này được đưa ra khi Ngoại trưởng David Lammy tận dụng cuộc họp của các Ngoại trưởng G7 tại Ý để kêu gọi các đồng minh duy trì áp lực lên Điện Cẩm Linh.

Lammy cho biết trong một tuyên bố: “Doanh thu từ dầu mỏ của Nga đang tiếp thêm nhiên liệu cho ngọn lửa chiến tranh và sự tàn phá ở Ukraine”.

“Tôi sẽ hợp tác với các đối tác G7 và hơn thế nữa để gây áp lực không ngừng lên Điện Cẩm Linh, ngăn chặn dòng tiền chảy vào quỹ chiến tranh của điện Cẩm Linh, làm xói mòn cỗ máy quân sự của điện Cẩm Linh và hạn chế hành vi xấu xa của điện Cẩm Linh trên toàn thế giới.”

Chính phủ cho biết những con tàu này chịu trách nhiệm vận chuyển hàng tỷ bảng Anh dầu và các sản phẩm từ dầu chỉ trong năm ngoái, gây ra “rủi ro đáng kể cho thương mại toàn cầu”.

Hành động này nâng tổng số tàu chở dầu của Nga bị Anh trừng phạt lên 73, so với 39 tàu của Hoa Kỳ và 19 tàu của Liên minh Âu Châu.

Lammy nói với các phóng viên tại G7: “Chúng tôi quyết tâm bảo đảm rằng cả hai con tàu, những kẻ hỗ trợ các con tàu ngăn chặn lệnh trừng phạt của Âu Châu và Anh, đều bị tổn hại vào thời điểm này và chúng tôi bảo đảm rằng những nỗ lực nhằm lách lệnh trừng phạt mà chúng tôi đã áp dụng trước đây và tất nhiên là tránh việc Nga sử dụng doanh thu từ dầu mỏ để tiếp tục tài trợ cho cuộc chiến của mình — rằng chúng tôi sẽ giải quyết những vấn đề đó”.

[Politico: UK targets Putin’s ‘shadow fleet’ with fresh sanctions]

11. Quân đội Ukraine cho biết Ukraine đang phát triển bom dẫn đường trong nước

Ukraine đang tích cực phát triển bom dẫn đường trên không của riêng mình, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết như trên hôm Thứ Hai, 25 Tháng Mười Một.

“Chúng tôi đang tích cực làm việc về vấn đề này. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ đạt được thành công như vậy”, ông nói trong một cuộc gây quỹ bác ái trên sóng phát thanh của Yedyni Novyny.

Barhylevych chỉ ra rằng Nga nắm giữ kho dự trữ bom hàng không lớn nhất được thừa hưởng từ Liên Xô.

Bom dẫn đường là loại đạn dược dẫn đường chính xác có tầm bắn ngắn hơn hỏa tiễn nhưng chi phí sản xuất lại rẻ hơn nhiều.

Khi phóng từ máy bay trong lãnh thổ Nga hoặc vùng lãnh thổ bị Nga tạm chiếm, chúng nằm ngoài tầm với của phòng không Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov cho biết vào ngày 21 tháng 10 rằng Ukraine đã đầu tư hơn 4 tỷ đô la vào hoạt động sản xuất quốc phòng và kêu gọi các đối tác quốc tế đầu tư nhiều hơn nữa, đồng thời nhắc lại những thành công gần đây của các chuyên gia Ukraine trong lĩnh vực sản xuất máy bay điều khiển từ xa.

[Kyiv Independent: Ukraine developing guided aerial bombs domestically, Chief of Ukrainian Armed Forces General Staff says]

NewsUKMor27Nov2024
 
TGM mời Tổng thống đắc cử Donald Trump đến Ukraine cho rõ sự tình. Nhận định của ĐHY Gerhard Muller
VietCatholic Media
17:18 26/11/2024


1. Tổng giám mục Ukraine khuyến khích Tổng thống đắc cử Donald Trump đến Ukraine

Một tổng giám mục Ukraine cho biết ngài đã khuyến khích Tổng thống đắc cử Donald Trump đến thăm Ukraine để giúp “xây dựng chính sách cho tương lai”.

Trong một cuộc phỏng vấn vào thứ sáu với người dẫn chương trình “EWTN News In Depth” Catherine Hadro, Đức Tổng Giám Mục Borys Gudziak của Tổng giáo phận Công Giáo Ukraine Philadelphia cho biết ngài đã nói chuyện ngắn gọn với Tổng thống đắc cử Donald Trump trước cuộc bầu cử tại bữa tối Al Smith ngày 17 tháng 10, nơi ngài khuyến khích Tổng thống đắc cử Donald Trump đến thăm Ukraine. Đức Cha Gudziak sau đó đã viết một lá thư cho tổng thống đắc cử với nội dung tương tự.

“Tôi nghĩ nếu ngài ấy đi ngay bây giờ, trước lễ nhậm chức, chẳng hạn, cùng với một nhóm các nhà lãnh đạo tôn giáo trong một sứ mệnh nhân đạo, ngài ấy sẽ tự mình chứng kiến những gì đang diễn ra trên thực địa”, Đức Cha Gudziak giải thích. “Tất cả những người đã đến Ukraine — các Hồng Y, các nhà lãnh đạo chính trị, các nhân viên nhân đạo, những người hoài nghi, những người hiểu biết nhiều — tất cả đều ra về với nhiều hiểu biết hơn, nhiều hơn nữa và hiểu sâu sắc hơn những gì đang diễn ra”.

“Vì vậy, tôi khuyến khích Tổng thống đắc cử Donald Trump đến Ukraine,” Gudziak nói, “để làm “một cơ sở để xây dựng chính sách cho tương lai.”

Ngày 19 tháng 11 đánh dấu 1.000 ngày kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine, khiến hàng trăm ngàn người thiệt mạng và hàng triệu người phải di dời. Hôm thứ Ba, Ukraine đã sử dụng hỏa tiễn của Hoa Kỳ để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga, sau khi Tổng thống Joe Biden cho phép sử dụng như vậy.

Đức Cha Gudziak nói về cột mốc buồn này: “Đây là thời điểm để tang.”

“Có nỗi đau lớn và những vết thương lớn trong người dân chúng ta, trong Giáo hội của chúng ta,” ngài lưu ý. “Đồng thời, có lòng biết ơn lớn lao. Hầu hết các nhà quan sát quốc tế, và đặc biệt là Putin, nghĩ rằng Ukraine sẽ sụp đổ trong vòng ba ngày hoặc ba tuần. Và bây giờ, ba năm sau, người dân vẫn đứng vững, tiếp tục đứng vững, bảo vệ phẩm giá mà Chúa ban cho họ, tự do của họ, nền dân chủ của họ.”

Thiệt hại thảm khốc

Hàng trăm ngàn người đã thiệt mạng do cuộc xâm lược của Nga, với hơn 14 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa. Tổng giám mục lưu ý rằng 4.000 trường học và 2.000 bệnh viện đã bị phá hủy.

“Có rất nhiều đau khổ, chấn thương lớn sẽ kéo dài,” Đức Cha Gudziak nói. “Nhưng cũng có cảm giác can đảm và biết ơn vì ân sủng của Chúa rằng Nga đã không xâm lược toàn bộ Ukraine và đất nước vẫn được tự do.”

Khi được hỏi về tình hình của người Công Giáo ở Ukraine, Đức Cha Gudziak cho biết rằng “đời sống công cộng của Giáo Hội Công Giáo gần như đã bị dập tắt” ở miền Đông Ukraine, nơi Nga đã xâm lược một số phần của ba khu vực.

“Hiện không có linh mục Công Giáo Ukraine nào hoạt động ở đó, và một số linh mục đã bị bắt cóc và tra tấn trong 18 tháng, những người đã được trả tự do vào mùa hè — họ cho thấy những vết sẹo của cuộc sống bị giam cầm ở Nga”, vị tổng giám mục cho biết.

“Đối với người Công Giáo, điều rõ ràng là sự xâm lược của Nga có nghĩa là [sẽ] dập tắt đời sống nhà thờ bình thường của chúng ta,” ngài nói tiếp.

Nhưng Đức Cha Gudziak lưu ý rằng các tổ chức bác ái Công Giáo đã cùng nhau hỗ trợ người dân Ukraine, bao gồm Caritas Ukraine, một tổ chức bác ái Công Giáo tại Ukraine.

“Các giám mục và linh mục đang có mặt, phục vụ mọi người, cử hành các bí tích, loan báo tin mừng, nhưng cũng rất tích cực tham gia vào công tác nhân đạo, giúp đỡ những người mất nhà cửa, tài sản, phân phát quần áo, thực phẩm, thúc đẩy chăm sóc y tế,” ngài nói.

“Điều rất quan trọng là Giáo hội nhắc nhở mọi người về phẩm giá mà Chúa ban cho họ, về sự thật rằng Chúa ở cùng họ, rằng từng sợi tóc trên đầu họ đều được đếm” và rằng đất nước đã trải qua “những trải nghiệm thậm chí còn đau thương hơn”, ngài nói.

“Trong Thế chiến II, giữa Đức Quốc xã và Liên Xô, 6 triệu đến 7 triệu cư dân Ukraine đã bị giết và toàn bộ đất nước bị tàn phá,” Đức Cha Gudziak nói tiếp. “Người dân Ukraine biết rằng họ đã sống qua cuộc đóng đinh và đã phục sinh trong quá khứ. Vì vậy, Giáo hội công bố Kerygma phục sinh này: Chúng ta mang thập giá của mình và Chúa sẽ ban cho chúng ta sự sống.”


Source:Catholic News Agency

2. Đức Sứ thần Tòa Thánh tại Ukraine: Một ngàn ngày chiến tranh, số người chết ngày càng gia tăng

Đức Tổng Giám Mục Visvaldas Kulbokas, Sứ thần Tòa Thánh tại Ukraine, mô tả thực tại hằng ngày khó khăn của dân Ukraine, nhưng đồng thời cũng nhận ra những yếu tố hy vọng là sự liên đới: sự trợ giúp của những người thiện nguyện tại nước này là những dấu chỉ nhân đạo trong tăm tối của xung đột.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, nhân kỷ niệm một ngàn ngày chiến tranh tại Ukraine, giữa ảo tưởng nơi khả năng giải quyết của các tổ chức quốc tế và sự tín thác qua các hoạt động của một Giáo hội không ngừng vun trồng và phổ biến niềm hy vọng, cũng như gần gũi dân chúng đang đau khổ từ quá lâu vì sự gây hấn của quân Nga. Cuộc phỏng vấn diễn ra hôm trước ngày Nga tấn công ồ ạt trên toàn nước Ukraine bằng các hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa, đánh vào các cơ cấu hạ tầng, và làm cho nhiều người chết và bị thương.

Đức Sứ thần Tòa Thánh nhìn nhận rằng nhiều khi chỉ còn phương thế cầu nguyện là sức mạnh duy nhất, nhưng ngài rất tin tưởng lời cầu nguyện có thể làm phép lạ. Các mục tử ở cạnh các tín hữu của mình và điều này là một hồng ân của Giáo Hội Công Giáo cũng như của các Giáo hội khác, và các cộng đồng tín ngưỡng. Đức Tổng Giám Mục Kulbokas nói: “Tôi đã sống điều đó tại thành Kherson, khi nghe các câu chuyện của các linh mục ở lại với dân, như điểm tham chiếu cho dân chúng và vì thế, dân rất biết ơn các linh mục. Do vậy, việc ở lại với nhau là điều rất quan trọng. Ngoài ra, hoạt động của các linh mục tuyên úy quân đội cũng rất quan trọng, vì các quân nhân không biết ngày mai mình có còn sống hay không, và chính trong những trường hợp đó, câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống là rất quan trọng. Tôi đã nghe kể những người thiện nguyện mang thuốc men cho binh sĩ và thường nghe các quân nhân này nói rằng anh chị đối với tôi giống như Chúa Giêsu, vì anh chị đến tận đây để mang thuốc men cho tôi. Vì thế, tại những nơi đó có một cảm thức tình nhân đạo rất mạnh”.

3. Đức Hồng Y Gerhard Müller: Bảy Tội Chống Lại Chúa Thánh Thần: Một Thảm Kịch Thượng Hội Đồng

Trong một bài luận mạnh mẽ đăng trên tờ First Things với nhan đề “The Seven Sins Against the Holy Spirit: A Synodal Tragedy”, nghĩa là “Bảy Tội Chống Lại Chúa Thánh Thần: Một Thảm Kịch Thượng Hội Đồng”, Đức Hồng Y Gerhard Müller, cựu bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, lập luận rằng ý tưởng về một Giáo hội “đồng nghị” “ít nhất là một phần, nếu không muốn nói là hoàn toàn, là trái ngược với sự hiểu biết của Công Giáo về Giáo hội”.

Vị Hồng Y người Đức cáo buộc:

Các phe phái có động cơ thầm kín đã chiếm đoạt nguyên tắc đồng nghị truyền thống, nghĩa là sự hợp tác giữa các giám mục, hay tính đồng đoàn, và giữa tất cả các tín hữu và mục tử của Giáo hội, dựa trên chức tư tế chung của tất cả những người đã chịu phép rửa tội, để thúc đẩy chương trình nghị sự tiến bộ của họ.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

“Ai có tai, thì hãy nghe điều Thần Khí nói với các Hội Thánh” (Kh 2:11). Đoạn Kinh Thánh này thường được trích dẫn để biện minh cho cái gọi là “Giáo hội đồng nghị”, một khái niệm ít nhất là một phần, nếu không muốn nói là hoàn toàn, trái ngược với sự hiểu biết của Công Giáo về Giáo hội. Các phe phái có động cơ thầm kín đã chiếm đoạt nguyên tắc truyền thống của tính đồng nghị, nghĩa là sự hợp tác giữa các giám mục, hay tính đồng đoàn, và giữa tất cả các tín hữu và mục tử của Giáo hội, dựa trên chức tư tế chung của tất cả những người đã chịu phép rửa tội, để thúc đẩy chương trình nghị sự tiến bộ của họ. Bằng cách thực hiện một bước ngoặt 180 độ, giáo lý, phụng vụ và đạo đức của Giáo Hội Công Giáo sẽ trở nên tương thích với một ý thức hệ thức thời tân ngộ đạo.

Chiến thuật của họ rất giống với chiến thuật của những người theo thuyết Ngộ đạo cổ đại, mà Thánh Irinê thành Lyon, người được Đức Giáo Hoàng Phanxicô phong làm Tiến sĩ Giáo hội, đã viết: “Bằng những suy luận có lý được xây dựng khéo léo của mình, họ lôi kéo tâm trí của những người thiếu kinh nghiệm và bắt họ làm tù binh... Những người này làm sai lệch các lời mạc khải của Chúa và chứng tỏ mình là những người giải thích xấu xa về lời mặc khải tốt lành. Bằng những suy luận có lý và có vẻ hợp lý, họ khéo léo dụ dỗ những người ngây thơ tìm hiểu về một sự hiểu biết đương đại hơn” cho đến khi những người ấy không thể “phân biệt được sự dối trá với sự thật” (Chống lại các tà thuyết, Sách I, Lời tựa). Sự mặc khải trực tiếp của Chúa được sử dụng như vũ khí để khiến cho việc tự tương đối hóa Giáo hội của Chúa Kitô trở nên có thể chấp nhận được, chẳng hạn như nói “mọi tôn giáo đều là con đường dẫn đến Chúa”. Sự giao tiếp trực tiếp giữa Chúa Thánh Thần và những người tham gia Thượng hội đồng được viện dẫn để biện minh cho những nhượng bộ giáo lý tùy tiện, chẳng hạn như “hôn nhân cho tất cả mọi người”; các viên chức giáo dân nắm giữ “quyền lực” của giáo hội; và việc phong chức phó tế nữ như một chiến tích trong cuộc đấu tranh cho quyền của phụ nữ. Họ coi những điều này như là kết quả của một sự hiểu biết sâu sắc hơn, có thể vượt qua mọi sự phản đối từ giáo lý Công Giáo đã được thiết lập.

Nhưng bất kỳ ai, dưới chiêu bài kêu gọi sự soi sáng cá nhân và tập thể từ Chúa Thánh Thần, muốn tìm cách tương đối hóa giáo huấn của Giáo hội cho phù hợp với một ý thức hệ thù địch với mặc khải; và với sự chuyên chế của chủ nghĩa tương đối, đều có tội theo nhiều cách khác nhau, đó là “tội chống lại Chúa Thánh Thần” (Mt 12:31; Mc 3:29; Lc 12:10). Điều này, như sẽ được giải thích dưới đây trong bảy khía cạnh khác nhau, không gì khác hơn là “sự chống đối với chân lý đã biết” khi “một người chống đối chân lý mà anh ta đã thừa nhận, để phạm tội một cách tự do hơn” (Thomas Aquinas, Summa Theologiae II-II, q. 14, a. 2).

1. Tội thứ nhất: Bác bỏ Chúa Thánh Linh như một ngôi Thiên Chúa

Sẽ là tội lỗi đối với Chúa Thánh Thần nếu người ta không tuyên xưng Người là một ngôi Thiên Chúa, là Đấng hiệp nhất với Chúa Cha và Chúa Con, là Thiên Chúa duy nhất, nhưng lại nhầm lẫn Người với một thần tính vô danh của các nghiên cứu tôn giáo tương đối, tinh thần dân gian tập thể của những người theo chủ nghĩa Lãng mạn, chủ nghĩa ý chính chung của Jean-Jacques Rousseau (tiếng Pháp: volonté générale, ý chí của đa số nhân dân) chủ nghĩa thế giới quan của Georg WF Hegel, hay phép biện chứng lịch sử của Karl Marx, và cuối cùng với các chủ nghĩa không tưởng chính trị, từ chủ nghĩa cộng sản đến chủ nghĩa siêu nhân vô thần.

2. Tội thứ hai: Bác bỏ Chúa Giêsu Kitô là sự mạc khải trọn vẹn của chân lý và ân sủng

Sẽ là tội lỗi đối với Chúa Thánh Thần nếu người ta diễn giải lại lịch sử giáo huấn Kitô giáo như một sự tiến hóa của mặc khải, được phản ánh trong các cấp độ nhận thức ngày càng cao trong giáo hội tập thể, thay vì tuyên xưng sự trọn vẹn vô song của ân sủng và chân lý trong Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa đã trở nên xác phàm (Ga 1:14–18).

Để chống lại những người theo thuyết ngộ đạo của mọi thời đại, Thánh Irinê thành Lyon, Tiến sĩ Hiệp Nhất, đã thiết lập một lần và mãi mãi, các tiêu chuẩn của khoa chú giải Kinh Thánh Công Giáo; theo đó, nhận thức luận về thần học phải dựa trên: Thứ nhất là Kinh thánh; thứ hai là truyền thống tông đồ; và thứ ba là thẩm quyền giảng dạy của các giám mục nhờ vào sự kế vị tông đồ.

Theo phép loại suy giữa hữu thể và đức tin, các chân lý được mặc khải của đức tin không bao giờ có thể mâu thuẫn với lý trí tự nhiên, nhưng có thể (và thực sự) xung đột với sự lạm dụng về mặt ý thức hệ của nó. Không có những hiểu biết khoa học mới nào, là những điều luôn luôn có thể sai lầm về nguyên tắc, lại có thể vượt qua các chân lý của sự mặc khải siêu nhiên và luật luân lý tự nhiên, là những điều luôn luôn không thể sai lầm tự bản chất bên trong của chúng. Do đó, Đức Giáo Hoàng không thể thực hiện hoặc làm thất vọng những hy vọng về sự thay đổi trong các học thuyết được mặc khải của đức tin, bởi vì “chức vụ giảng dạy của ngài không cao hơn lời Chúa, nhưng phục vụ lời Chúa, và chỉ giảng dạy những gì đã được truyền lại” (Dei Verbum, 10).

Mô hình duy nhất và vĩnh cửu về mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa luôn luôn vẫn là Ngôi Lời đã trở nên xác phàm, đầy ân sủng và chân lý (Ga 1:14–18). Trái ngược với ảo tưởng về sự vượt trội về mặt trí tuệ của những người theo thuyết ngộ đạo cũ và mới với niềm tin của họ vào sự tự sáng tạo và tự cứu chuộc của con người, Giáo hội khẳng định chung cuộc rằng Chúa Giêsu Kitô là chân lý trọn vẹn của Thiên Chúa trong một “sự mới mẻ” không ai có thể vượt qua (Irenaeus of Lyon, Against Heresies, Book IV, 34, 1). Bởi vì: “Không có sự cứu rỗi trong bất kỳ ai khác, vì dưới gầm trời này, không có danh nào khác được ban cho loài người để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu” (Cv 4:12).

3. Tội thứ ba: Chống lại sự hiệp nhất của Hội Thánh trong Chúa Kitô

Thật là tội lỗi chống lại Chúa Thánh Thần khi sự hiệp nhất của Giáo hội trong việc giảng dạy đức tin bị phó mặc cho sự tùy tiện và sự thiếu hiểu biết của các hội đồng giám mục địa phương, những người được cho là phát triển về mặt giáo lý ở các tốc độ khác nhau, dưới chiêu bài gọi là phi tập trung. Thánh Irênê thành Lyon tuyên bố chống lại những người theo thuyết Ngộ đạo: “Mặc dù bị phân tán khắp thế giới, thậm chí đến tận cùng trái đất... Giáo Hội Công Giáo sở hữu một đức tin duy nhất trên toàn thế giới” (Irenaeus of Lyon, Against Heresies, Book I, 10, 1–3).

Sự hiệp nhất của Giáo hội hoàn vũ “trong cùng một thân thể và một Thánh Linh” được đặt nền tảng trên phương diện Kitô học và Bí tích. Vì: “một Chúa, một đức tin, một phép rửa, một Thiên Chúa là Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Eph. 4:5–6). Và thật là trái ngược với cùng một “sự hiệp nhất của Thánh Linh” (Eph. 4:3) khi lôi kéo những người mang sứ mệnh chung của Giáo hội (giáo dân, tu sĩ và giáo sĩ) vào cuộc đấu tranh giành “quyền lực” theo nghĩa chính trị, thay vì nắm bắt rằng Chúa Thánh Linh thực hiện sự hợp tác hài hòa của họ. Mỗi người chúng ta cần “phải sống sự thật trong tình yêu thương trong mọi cách để vươn tới Đức Kitô, Đấng là đầu” (Eph. 4:15).

4. Tội thứ tư: Bác bỏ chức giám mục như một định chế của quyền thiêng liêng

Đây là tội chống lại Chúa Thánh Thần, Đấng đã bổ nhiệm các giám mục và linh mục làm mục tử của Hội thánh Chúa (Công vụ 20:28), phế truất họ, hoặc thậm chí thế tục hóa họ, hoàn toàn theo ý muốn cá nhân, mà không có một tiến trình giáo luật. Các tiêu chuẩn khách quan để có thể đưa ra các biện pháp kỷ luật đối với các giám mục và linh mục là khi các vị ấy bội giáo, ly giáo, lạc giáo, có hành vi sai trái về mặt đạo đức, lối sống cực kỳ vô thần và rõ ràng là không có năng lực để đảm nhiệm chức vụ. Điều này đặc biệt đúng đối với việc lựa chọn các giám mục tương lai khi ứng viên được bổ nhiệm mà không được xem xét cẩn thận, không “nắm vững lời đáng tin cậy theo giáo huấn (sana doctrina)” (Titus 1:9).

5. Tội thứ năm: Chống lại luật đạo đức tự nhiên và các giá trị không thể thương lượng

Thật là tội lỗi với Chúa Thánh Thần khi các giám mục và nhà thần học chỉ ủng hộ Đức Giáo Hoàng một cách cơ hội công khai khi ngài ủng hộ các sở thích về ý thức hệ của họ. Không ai có thể im lặng khi bảo vệ quyền sống của mỗi cá nhân từ khi thụ thai đến khi chết tự nhiên. Vì giáo hoàng là người giải thích chân thực nhất về luật đạo đức tự nhiên trên trái đất, trong đó lời Chúa và sự khôn ngoan của Chúa chiếu sáng trong sự tồn tại và bản thể của tạo vật (Ga 1:3). Nếu luật đạo đức tự nhiên, hiển nhiên trong lương tâm của mỗi con người (Rô-ma 2:14), không hình thành nguồn gốc và tiêu chuẩn để phán xét các luật lệ của nhà nước, là những điều luôn có thể sai lầm, thì quyền lực chính trị sẽ trượt vào chủ nghĩa toàn trị, chà đạp lên những quyền con người tự nhiên mà lẽ ra phải hình thành nền tảng của mọi xã hội dân chủ và nhà nước lập hiến. Đây là điều mà Đức Giáo Hoàng Piô XI đã tuyên bố trong thông điệp Mit Brennender Sorge, năm 1937, chống lại Luật chủng tộc Nuremberg có hiệu lực pháp lý chính thức của nhà nước Đức: “Chính trong ánh sáng của các lệnh truyền của luật tự nhiên này, mà mọi luật pháp tích cực, bất kể người lập pháp là ai, đều phải được đánh giá theo nội dung đạo đức của nó, và do đó, theo thẩm quyền mà nó nắm giữ trên lương tâm. Luật pháp của con người mâu thuẫn trắng trợn với luật tự nhiên sẽ là một vết nhơ mà không có sức mạnh, không có quyền lực nào có thể tẩy sạch được” (Mit Brennender Sorge, 30).

6. Tội thứ sáu: Phủ nhận Giáo Hội như là bí tích hiệp nhất nhân loại

Thật là tội lỗi với Chúa Thánh Thần khi sự chia rẽ về chính trị và ý thức hệ của xã hội kể từ thời Khai sáng Âu Châu và Cách mạng Pháp được đưa vào triết lý phục hồi hoặc cách mạng về lịch sử; và khi vì đó mà Giáo hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền bị tê liệt bởi sự chia rẽ nội bộ giữa các phe phái “tiến bộ” và “bảo thủ”.

Vì Giáo hội trong Chúa Kitô không chỉ là bí tích của sự hiệp thông mật thiết nhất giữa nhân loại với Thiên Chúa, mà còn là dấu chỉ và khí cụ của sự hiệp nhất nhân loại trong mục đích tự nhiên và siêu nhiên của nó (Lumen Gentium, 1).

Sự phân định về đàng thiêng liêng không được thực hiện với mục đích chính trị, mà là về mặt thần học, liên quan đến chân lý của mặc khải, được trình bày trong giáo lý đức tin bất khả ngộ của Giáo hội. Do đó, tiêu chuẩn khách quan của đức tin Công Giáo là tính chính thống trái ngược với tà giáo, và càng không phải là ý chí chủ quan để bảo tồn hoặc thay đổi các khía cạnh văn hóa ngẫu nhiên.

Với lễ kỷ niệm 1700 năm sắp tới của Công đồng Nicê (năm 325), chúng ta có thể ghi nhớ phương châm sau: Thà đi lưu vong năm lần với Thánh Athanasiô còn hơn nhượng bộ dù chỉ một chút với những người theo thuyết Ariô.

7. Tội thứ bảy: Bác bỏ bản chất siêu nhiên của Kitô giáo, và sử dụng Kitô giáo cho mục đích thế gian

Tội lỗi phổ biến nhất chống lại Chúa Thánh Thần là khi nguồn gốc và bản chất siêu nhiên của Kitô giáo bị phủ nhận để buộc Giáo hội của Thiên Chúa Ba Ngôi phải tuân theo các mục tiêu và mục đích của một dự án cứu rỗi thế gian, dù đó là sự trung hòa khí hậu theo chủ nghĩa xã hội sinh thái hay Chương trình nghị sự 2030 của “giới tinh hoa toàn cầu”.

Bất kỳ ai thực sự muốn lắng nghe những gì Thánh Linh đang nói với Giáo hội sẽ không dựa vào những cảm hứng duy linh và những lời sáo rỗng về ý thức hệ thức thời, nhưng sẽ đặt tất cả niềm tin của mình, trong cuộc sống và cái chết, chỉ vào Chúa Giêsu, Con của Chúa Cha và Đấng được xức dầu của Chúa Thánh Thần. Chỉ một mình Ngài đã hứa với các môn đệ của mình về Chúa Thánh Thần của chân lý và tình yêu cho đến muôn đời: “Những ai yêu mến Ta sẽ giữ lời Ta, và Cha Ta sẽ yêu thương họ, và Chúng Ta sẽ đến với họ và ở với họ.... Nhưng Đấng Bảo Trợ, là Chúa Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Ta, sẽ dạy các con mọi điều, và nhắc nhở các con mọi điều Ta đã nói với các con” (Ga 14:23–26).


Source:First Things