Ngày 28-11-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 29/11- Niềm Tin Đích Thực. Linh mục Anthony Nguyễn Hữu Quảng, SDB
Giáo Hội Năm Châu
00:36 28/11/2021

PHÚC ÂM: Mt 8, 5-11

“Nhiều người từ phương đông và phương tây sẽ đến trong nước trời”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu vào thành Capharnaum, thì có một viên đại đội trưởng đến thưa Chúa rằng: “Lạy Thầy, thằng nhỏ nhà tôi đau nằm ở nhà, nó bị tê liệt và đau đớn lắm!” Chúa Giêsu phán bảo ông rằng: “Tôi sẽ đến chữa nó”. Nhưng viên đại đội trưởng thưa Người rằng: “Lạy Thầy, tôi không đáng được Thầy vào dưới mái nhà tôi, nhưng xin Thầy chỉ phán một lời, thì thằng nhỏ của tôi sẽ lành mạnh. Vì chưng, cũng như tôi chỉ là người ở dưới quyền, nhưng tôi cũng có những người lính thuộc hạ, tôi bảo người này đi thì anh đi; tôi bảo người kia đến thì anh đến; tôi bảo gia nhân làm cái này thì nó làm!” Nghe vậy, Chúa Giêsu ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người: “Quả thật, Ta bảo các ngươi, Ta không thấy một lòng tin mạnh mẽ như vậy trong Israel. Ta cũng nói cho các ngươi biết rằng: nhiều người từ phương đông và phương tây sẽ đến dự tiệc cùng Abraham, Isaac và Giacóp trong nước trời. Còn con cái trong nước sẽ bị vứt vào nơi tối tăm bên ngoài, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng”.

Đó là lời Chúa.
 
Thức nhau dậy
Lm. Minh Anh
00:43 28/11/2021
THỨC NHAU DẬY

“Các con hãy tỉnh thức!”.

Herb Caen, một nhà viết kịch bản đã viết trong “Chuyên Mục San Francisco” rằng, “Mỗi buổi sáng ở Phi Châu, một con linh dương thức dậy. Nó biết nó phải chạy nhanh hơn con sư tử nhanh nhất; nếu không, nó sẽ bị giết. Mỗi sáng thức dậy, cũng thế, một con sư tử. Nó biết nó phải chạy nhanh hơn con linh dương chậm nhất; nếu không, nó sẽ chết đói. Không quan trọng các bạn là sư tử hay linh dương; khi mặt trời mọc, các bạn nên ‘thức nhau dậy’ để chạy!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật thú vị, hôm nay, Lời Chúa cũng mời gọi chúng ta ‘thức nhau dậy’ khi chúng ta cùng nhau khai mạc một năm phụng vụ mới của Giáo Hội; đặc biệt, cùng với các Giáo Phận Việt Nam, chúng ta khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới cấp Giáo Phận, cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng khi chúng ta cùng sống mầu nhiệm Giáo Hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ trong ba năm, bắt đầu với Chúa Nhật I Mùa Vọng.

Tại sao bốn tuần trước lễ Giáng Sinh được gọi là “Mùa Vọng?”. Thuật ngữ này bắt nguồn từ tiếng Latin, “Adventus”, có nghĩa là ‘đến’. Khi nói “đến”, chúng ta nghĩ ngay về sự xuất hiện của Chúa Giêsu vào lễ Giáng Sinh, chính xác! Nhưng đó không phải là toàn bộ câu chuyện. Thực tế, sẽ thú vị hơn nhiều, chúng ta có tới ba lần Chúa Giêsu đến; cả ba bài đọc hôm nay đều nói đến điều đó.

Trước hết, bài đọc thứ nhất, Giêrêmia nói về một Đấng Công Chính sẽ đến; Ngài là Vua, Đấng Cứu Độ chúng ta, “Đã đến ngày Ta sẽ làm nảy sinh cho nhà Đavít một chồi công chính”; đó là sự xuất hiện của Hài Nhi Giêsu ở Bêlem mà chúng ta đang chuẩn bị mừng lần đến thứ nhất của Ngài. Tin Mừng thì nói đến ngày tận thế, ngày đáng quan ngại “như chiếc lưới chụp xuống” mà chúng ta phải tỉnh thức và ‘thức nhau dậy’ để đón cuộc tái lâm lần thứ hai của Chúa Giêsu, “Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả”. Giữa hai lần đến đó, tuy nhiên, vẫn còn sự xuất hiện của Ngài vào những lần đến thứ ba, tạo thành một liên kết quan trọng và không thể thiếu giữa hai lần đến trước và lần đến sau. Đó là sự chào đón Chúa Giêsu vào cuộc sống của chúng ta ‘ở đây và lúc này’, đó là điều mà thánh Phaolô nói đến trong bài đọc thứ hai; những cuộc gặp gỡ, chào đón đang diễn ra hàng ngày khi chúng ta đón nhận nhau, “Xin Chúa gia tăng và ban cho anh em tràn đầy lòng thương yêu nhau, và thương yêu mọi người!”. Bằng việc yêu thương đón nhận nhau, chúng ta thừa nhận sự ra đời của Chúa Giêsu tại Bêlem và chuẩn bị cho sự tái lâm của Ngài vào ngày Ngài đến.

Vậy trong tinh thần “hiệp hành”, chúng ta sẽ làm gì suốt Mùa Vọng đặc biệt này? Trước hết, như Phaolô nói, chúng ta đón nhận nhau như đón nhận Chúa Giêsu, cụ thể, chúng ta chăm sóc những ai đang tổn thương tinh thần và thể xác, những ai đang rất khó khăn giữa những ngày dịch bệnh khi đông về và công việc làm ăn lại quá khó khăn; và theo lời Chúa Giêsu, chúng ta sẽ ‘thức nhau dậy’, không để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa. “Say sưa” ở đây không chỉ nhắm đến các đồ ăn thức uống, nhưng còn là những gì làm cho lòng người ra chếnh choáng, những đam mê tội lỗi, những tính hư nết xấu khiến chúng ta xa lìa Thiên Chúa và xa cách anh chị em mình.

Anh Chị em,

“Các con hãy tỉnh thức!”. Không chỉ một mình chúng ta tỉnh thức, chúng ta còn phải ‘thức nhau dậy’, giúp nhau tìm đến với Chúa Giêsu, hiệp thông với Ngài và với nhau trong việc yêu mến và lãnh nhận các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể; cùng nhau lắng nghe Lời Chúa; phân định những soi rọi của Chúa Thánh Thần, cùng nhau lắng nghe không chỉ Chúa Thánh Thần, chúng ta còn phải biết lắng nghe nhau, cùng nhau tìm điều đẹp lòng Chúa nhất để sống và làm theo ý Ngài. Trong tình hình dịch bệnh ngày càng khốc liệt với biến chủng mới, ngày mai sẽ ra sao, biết bao lo âu đang phủ bóng! Hầu như ai ai cũng đang khắc khoải với những tân toan, khó khăn… Thế nhưng, là con cái Thiên Chúa, và biết rằng, Ngài là Cha chúng ta, chúng ta tuyệt đối tin tưởng vào Ngài; hãy đứng lên, ra khỏi những bận tâm tiêu cực đó. Chúa muốn chúng ta đánh thức thế giới, đánh ‘thức nhau dậy’, bằng cách trao ban tình yêu với một thái độ sống đầy tín thác vào Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin đừng để mùa hồng ân này trôi qua một cách vô ích đối với con; cho con và anh chị em con, biết ‘thức nhau dậy’ để cùng hiệp hành vui sống Tin Mừng, chờ ngày Chúa đến!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Hãy Làm Người Trung Gian – Xin Chớ Làm Cò !
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:36 28/11/2021
Hãy Làm Người Trung Gian – Xin Chớ Làm Cò !

(Lễ Kính Thánh Anrê Tông đồ - 30-11)

Người trung gian được hiểu là người thứ ba ở giữa hai đối tác với vai trò chuyển tiếp hoặc làm cầu nối cho một quan hệ, một dịch vụ nào đó. Để thực sự làm người trung gian đúng nghĩa và hữu hiệu thì cần phải hiểu biết cả hai phía mà mình muốn làm trung gian và ít nhiều có chút tình với những người mà mình làm môi giới.

Trong thực tế đời thường có đó nhiều người trung gian vẫn biết rõ đối tác mình làm chiếc cầu nối cho một mối quan hệ chẳng hạn “ông mai, bà mối”. Tác nhân trung gian này xem ra có tấm lòng với những người mình làm trung gian nhưng vẫn còn hạn chế. Một hình thức không mấy đẹp của người trung gian đó là “cò”. Cũng làm trung gian nhưng các tay cò chỉ nhắm đến lợi nhuận là các “phết phẩy” là phần trăm hoa lợi sẽ thu được. Dĩ nhiên cái tình, tấm lòng của mấy anh chị cò này thỉnh thoảng cũng có nhưng chẳng đáng kể so với lợi nhuận muốn đạt. Và vẫn có đó nhiều anh chị cò tìm mọi cách để trục lợi “con mồi” cách nhẫn tâm vô tình.

Trong đức tin Kitô giáo thì Chúa Kitô là Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại. Theo viễn kiến này thì hạn từ “hiểu biết” lại được hiểu theo nghĩa Thánh Kinh là một sự gắn bó thiết thân tự căn tính như hình ảnh nên một xương một thịt của nghĩa tình phu thê. Chúng ta tuyên xưng Chúa Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật, do đó chúng ta nhìn nhận Người là Đấng Trung Gian duy nhất. Và chính Chúa Kitô cũng đã từng khẳng định sự thật này: “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Không ai có thể đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).

Tông đồ Anrê, một người anh em của thánh Phêrô được các bản văn Tin mừng tường thuật như là người trung gian dù không đích thực như Đấng Trung Gian Duy Nhất nhưng có đó nhiều nét mô phỏng. Khi được thầy Gioan tẩy giả giới thiệu, Anrê và một bạn đồng môn khác đã đi theo Chúa Giêsu và ở lại với Người suốt ngày hôm ấy thì trước hết ông đã về giới thiệu cho Phêrô, anh mình rồi dẫn Phêrô đến gặp Chúa Giêsu. Nhờ sự trung gian này, Chúa Giêsu đã tìm được người đứng đầu cho Hội Thánh mà Người sẽ thiết lập (x.Ga 1,35-42). Không thương anh Phêrô và thiếu niềm tin vào Chúa Giêsu nhờ đã đi theo và ở lại với Người ngày hôm trước thì sẽ chẳng có việc trung gian của ngài Anrê (x.Ga 1,35-39).

Trong phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh và cá ra nhiều nuôi trên dưới mười ngàn người no nê thì chính Anrê đã biết có một em bé có mang theo năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá nhỏ rồi dẫn em đến với Chúa Giêsu (x.Ga 6,1-15). Tình yêu, quyền lực và vinh quang của Thiên Chúa đã tỏ hiện. Chắc chắn Anrê không thuộc số người hay xua đuổi trẻ thơ (x.Mc 10,13-16). Phải gần gũi và hòa đồng với nhóm người không đáng kể tên này thì Anrê mới biết rõ là có em nhỏ mang theo năm chiếc bánh và hai con cá. Đã từng chứng kiến Thầy làm cho nước hóa thành rượu ngon tại Cana, đã chứng kiến việc Thầy chữa lành người bất toại ở hồ Bétsaiđa, nên dù có phân vân tính toán như Philipphê nhưng Anrê vẫn tin vào quyền năng của Thầy và đám đông hôm ấy đã hưởng ân lộc no nê.

Dịp Lễ Vượt qua, một số người Hy Lạp muốn gặp Chúa Giêsu, họ đến gặp Philiphê, Philiphê nói với Anrê và hai ông đã giới thiệu họ với Chúa Giêsu (x.Ga 12,20-22). Philipphê vốn cũng đã từng làm trung gian dẫn Nathanael đến với Chúa Giêsu thế mà lần này ông lại phải nhờ đến Anrê. Phải chăng Philipphê hiểu được khả năng trung gian của bạn đồng môn, Anrê? Chính nhờ hai vị trung gian này mà tính phổ quát của ơn cứu độ đã dần hé mở.

Dưới ánh sáng Lời mạc khải, chúng ta tin rằng ngoài tấm linh hồn là quà tặng Thiên Chúa ban trực tiếp cho từng người thì hầu hết các ân ban chúng ta lãnh nhận từ Thiên Chúa đều qua trung gian. Thiên Chúa ban tấm thân xác này qua trung gian tổ tiên ông bà, nhất là cha mẹ chúng ta. Ngay cả ơn đức tin chúng ta cũng đón nhận từ Thiên Chúa qua trung gian mẹ cha và Giáo hội…Dĩ nhiên Thiên Chúa muốn chúng ta trở thành trung gian hữu ích để ơn lành của Người, ơn phần hồn, ơn phần xác, tuôn đổ xuống trên tha nhân.

Mong sao Kitô hữu chúng ta, cách riêng các mục tử trong Giáo Hội biết noi gương ngài tông đồ Anrê để làm trung gian cho tha nhân với Đấng Cứu Độ Giêsu Kitô một cách hết tình trong sự vô cầu vì xác tín rằng mình đã lãnh nhận cách nhưng không thì biết chia sẻ cách nhưng không (x.Mt 10,8b). Xin cho các đấng bậc có được chút tình với chiên trong đàn lẫn ngoài đàn, nhất là các con chiên đau yếu bệnh tật và xin cho chúng ta luôn vững tin vào Đấng đến thế gian không phải để được hầu hạ nhưng để phục vụ con người đến hiến cả mạng sống của mình (x.Mt 20,28).

Hãy làm người trung gian, xin chớ mang kiếp “cò” ân lộc của Thiên Chúa.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 
Năm mới hiệp hành tấn tới
Lm. Nguyễn Xuân Trường
13:49 28/11/2021
NĂM MỚI HIỆP HÀNH TẤN TỚI

Năm Mới người ta thường chúc nhau hơn năm cũ: Làm ăn ngày một tấn tới, học hành tấn tới

Lời Chúa ngày đầu tiên của Năm Phụng Vụ mới cũng khuyên nhủ chúng ta “hãy tấn tới nhiều hơn nữa.” Tấn tới về yêu thương, thánh thiện, và cầu nguyện.

Tấn tới nơi yêu thương: “Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết.”

Tấn tới trong đời sống thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa, “không có gì đáng chê trách trước nhan Thiên Chúa.”

Tấn tới trong đời sống cầu nguyện: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn.”
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cha Sở bị thương trong vụ cướp tha thứ cho những kẻ tấn công, kêu gọi họ từ bỏ tội ác
Đặng Tự Do
02:29 28/11/2021


Ba ngày sau khi ngài bị đánh bằng súng lục và bị cướp, Cha Sở của Giáo xứ Thánh Leo Đại đế ở Little Italy của Baltimore cho biết ngài đã rất xúc động trước sự hỗ trợ từ giáo xứ của mình và cộng đồng rộng lớn hơn khi ngài trải qua thời gian chữa lành vết thương và lắng đọng tâm hồn trước những gì đã xảy ra.

“Thông điệp của tôi dành cho người đàn ông và người đàn bà đã làm ra điều này là họ nên cân nhắc thay đổi cuộc sống và nhìn mọi thứ theo cách khác và nhận ra rằng hành động bạo lực và tội phạm chỉ làm cho tình hình tồi tệ hơn,” Cha Bernard Carman của Pallottine nói.

“Lời kêu gọi của tôi là họ hãy trở nên tốt hơn – hãy trở nên khác biệt và đi theo Chúa cũng như những gì Ngài đã làm,” Cha Carman nói với tờ The Catholic Review, là tờ báo tổng giáo phận Baltimore. “Vào thời điểm tồi tệ nhất của cuộc đời, bị treo trên thập tự giá, Chúa Giêsu không chỉ nói, 'Lạy Cha, xin tha thứ cho họ', mà còn biện minh cho những kẻ hành hình Ngài rằng họ không biết họ đang làm gì.”

Khi vụ tấn công xảy ra, Cha Carman đang trong thời gian hồi phục sau ca phẫu thuật mạch máu trước đó vào ngày 9 tháng 11. Ngài đã đến giáo xứ Thánh Lêô vào khoảng 4 giờ chiều ngày 12 tháng 11. Ngài đến để hỗ trợ một linh mục, và một cặp tân hôn diễn tập đám cưới, theo một kế hoạch đã được dự trù trước cho buổi chiều hôm đó.

Sau khi ra khỏi xe, ngài bị một người đàn ông và một phụ nữ áp sát. Người đàn ông đòi lấy ví của linh mục trước khi dùng súng đập vào đầu ngài. Kẻ tấn công đã cướp chiếc ví trong khi người phụ nữ đồng bọn giật chiếc điện thoại di động của Cha Carman. Trong lúc xô đẩy, vị linh mục này bị ngã và đập đầu vào tường.

“Tôi rất ngạc nhiên khi họ không bắn vì điều đó có thể xảy ra,” Cha Carman nói, lưu ý rằng ngài có khoảng 100 đô la trong ví. “Người đàn ông chĩa súng vào tôi, nhưng thay vì bắn, anh ta lại dùng súng đập vào đầu tôi.”

Cha Carman cho biết những người ngoài cuộc đã hỗ trợ ngài, cùng với cảnh sát. Ngài đã được chăm sóc y tế trên xe cấp cứu và không cần phải nhập viện. Ngài đã báo cảnh sát, nhưng không nhìn rõ được những kẻ tình nghi vì họ đánh ngài tới tấp.

Vị linh mục cho biết ngài đã nhận được hàng chục tin nhắn điện thoại và các bài đăng trên tài khoản Facebook của giáo xứ để cầu chúc sức khỏe cho ngài.

Cha Carman lưu ý rằng đã có một vài vụ việc xảy ra trong khu phố trong những tháng gần đây liên quan đến trộm cướp. Ngài chưa bao giờ bị tấn công trước đây.

Cha Carman cho biết vết thương cơ thể của ngài về cơ bản đã được chữa lành, nhưng ngài vẫn đang vật lộn với trọng lực của những gì đã xảy ra với mình.

“Vết thương trên đỉnh đầu của tôi đã tốt hơn rất nhiều,” vị linh mục nói. “Tôi chỉ cần dành thời gian để lắng đọng và chữa lành”.
Source:Crux
 
Linh mục xin Đức Thánh Cha cho hồi tục tin rằng sẽ đón tiếp ngài với tư cách tổng thống Timor-Leste
Đặng Tự Do
02:30 28/11/2021


Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định hoàn tục cho một linh mục triều ở Timor-Leste, là người có ý định tranh cử tổng thống ở quốc gia đa số theo Công Giáo.

Việc hồi tục đã được công khai trong một thông cáo gửi tới những người Công Giáo vào ngày 21 tháng 11 tại Giáo phận Baucau, nơi trước đây linh mục Martinho Germano da Silva Gusmao phục vụ.

“Qua thông cáo này, kể từ hôm nay trở đi, ông Martinho Germano da Silva Gusmao sẽ sống cuộc đời của mình như một giáo dân bình thường và tiếp tục làm chứng cho đức tin như một giáo dân tốt,” thông cáo cho biết.

Thông báo giải thích rằng việc huyền chức linh mục này là để đáp ứng yêu cầu của Gusmao gởi đến Đức Thánh Cha Phanxicô vào năm ngoái.

Cha Tổng Đại diện Alipio Pinto Gusmao và Cha Phó Chưởng ấn Deonisio Guterres Soares, là hai vị đã ký thông cáo, tuyên bố rằng Gusmao “sẽ sống cuộc đời của mình như một giáo dân bình thường trong xã hội, nhưng bí tích truyền chức thánh mà anh ta đã nhận không thể bị hủy bỏ.”

Họ nói: “Vì vậy, trong trường hợp những người đang trong tình trạng nguy cấp và không có linh mục nào có thể ban bí tích giải tội ngay lập tức, ông Martinho Gusmao có thể thực hiện bí tích giải tội và chính thức xá tội”.

Timor-Leste đã lên lịch bầu cử tổng thống vào tháng 3 và Gusmao cho biết ông sẽ tranh cử với tư cách độc lập

Tổng giáo phận cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với sự phục vụ của Gusmao với tư cách là một linh mục và yêu cầu người Công Giáo cầu nguyện để ông ấy “sẽ vẫn có thể là một giáo dân tốt và tiếp tục làm chứng cho đức tin của mình với tư cách là một Kitô Hữu trong cộng đồng.

Thông báo này theo sau một lá thư được Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc gởi cho Gusmao vào ngày 15 tháng 10.

Linh mục Gusmao đã đệ trình một lá thư từ chức vào tháng Giêng năm 2020 cho giám mục của Baucau, là Đức Cha Dom Basilio Nascimento – là người đã qua đời vào tháng trước - và một lá thư cho Đức Giáo Hoàng vào tháng 2 năm 2020.

Gusmao, người học khoa học chính trị tại Đại học Giáo hoàng Gregôriô ở Rome và trước đây là ủy viên Ủy ban Bầu cử Quốc gia của Timor-Leste, tuyên bố rằng quyết định từ chức của ông là để tham gia vào các vấn đề chính trị, bao gồm cả việc tranh cử tổng thống vào năm tới.

Vị linh mục này cũng là giảng viên tại học viện Thần Học Dili do Công Giáo điều hành. Ông nói với UCANews rằng ông hy vọng có thể đón tiếp Đức Thánh Cha trong tư cách tổng thống quốc gia khi ngài đến thăm đất nước này.
Source:UCANews
 
Tương lai của Giáo Hội Công Giáo Nga
Đặng Tự Do
02:31 28/11/2021


Sự từ chức của Đức Ông Igor Kovalevskij, tổng thư ký Hội đồng Giám mục Nga, đã gây náo động trong giới Công Giáo ở Mạc Tư Khoa và các nơi khác. Ngài đã từ chức để phản đối cấp trên và các đồng liêu của mình. Sứ vụ linh mục của ngài trùng với ba mươi năm “phục hưng tôn giáo” của nước Nga hậu Xô Viết; những câu hỏi mà ngài nêu ra không chỉ về những bất đồng cá nhân, mà còn về một số chiều kích quan trọng trong sứ mệnh của Giáo hội nói chung.

Vào ngày 19 tháng 11, Đức Ông Kovalevsky giải thích quyết định của mình trong một cuộc phỏng vấn dài với cổng thông tin Credo.ru, một nguồn thông tin quan trọng về đời sống tôn giáo ở Nga. Nhiều người cho rằng điều quan trọng hiện nay là phải giải quyết một số vấn đề mà Đức Ông Kovalevsky nêu ra, không sa đà vào tranh cãi, mà là chấp nhận lời kêu gọi của một người anh em và một người bạn, và vì lợi ích của cả cộng đồng.

Vấn đề nghiêm trọng nhất là số phận của các tòa nhà liên kết với nhà thờ hai Thánh Phêrô và Phaolô ở Mạc Tư Khoa, mà Tòa Giám Mục dự định bán đi để bảo đảm thu nhập, thay vì khôi phục nó để làm nơi thờ phượng và các hoạt động mục vụ. Đức Ông Kovalevsky nói, “người ta biết rằng ma quỷ tồn tại chính xác trong kinh nghiệm phục vụ,” nơi người ta được kêu gọi để đưa ra các quyết định vì lợi ích của Giáo hội, nhưng những cám dỗ và yếu đuối của con người lại bộc lộ ra.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Ông Kovalevsky đã bày tỏ âu lo đối với “sự yếu kém về vật chất và tinh thần của Giáo hội ở Nga”. Đây là câu hỏi khiến mọi người quan tâm: liệu Giáo hội nên dựa vào “những dự án đầy tham vọng” hay dựa vào “chủ nghĩa hiện thực”. Sau khi Liên Xô thoát khỏi họa cộng sản, trong giai đoạn đầu, sự nhiệt tình đối với sự tái sinh tôn giáo đã dẫn đến việc mở nhiều công trình kiến trúc, thậm chí trước khi các tín hữu tập trung lại. Tuy nhiên, kinh nghiệm trong 15 năm qua cho thấy cần phải giảm bớt các sáng kiến và chương trình mục vụ. Theo lời của Đức Ông Kovalevskij, cần tìm ra một cách cân bằng giữa “sự hiện diện” của người Công Giáo trong nước và động lực hướng tới “sứ mệnh”.

Việc xây dựng lại Nhà thờ ở Nga đã bắt đầu từ đầu, sau 70 năm bị o ép bởi chủ nghĩa vô thần. Các tín hữu đã và đang rất ít, ngay cả trong Giáo hội Chính thống giáo chiếm đa số, và thậm chí sau 30 năm, nền giáo dục tôn giáo và văn hóa của người Nga vẫn còn rất kém.

Cựu thư ký Hội đồng Giám mục cũng đề cập đến một vấn đề rất nhạy cảm, cái mà ông gọi là chứng dị ứng với người Ba Lan ở Nga. Đó là một vấn đề có nguồn gốc lịch sử rất xa xưa, nhưng có liên quan đến các hình thức hiểu lầm khác, trong chính cộng đồng Công Giáo Nga. Có sự khác biệt giữa những nhà truyền giáo nước ngoài và những nhà truyền giáo từ thế giới Ba Lan-Ukraine, chẳng hạn như Đức Ông Kovalevsky.
Source:Asia News
 
Thông điệp của Đức Thánh Cha cho người dân Síp và Hy Lạp
J.B. Đặng Minh An dịch
06:01 28/11/2021
Giữa các lo âu về một biến thể nguy hiểm của coronavirus là biến thể Omicron, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một video cho người dân Síp và Hy Lạp, thể hiện quyết tâm thực hiện chuyến hành hương theo chân các Thánh Tông Đồ Phaolô và Banaba.

Đức Thánh Cha nói:

Kính gửi các anh chị em Síp và Hy Lạp, kaliméra sas! Chào buổi sáng tốt lành!

Chỉ còn vài ngày nữa là đến cuộc gặp gỡ của chúng ta và tôi đang chuẩn bị hành hương đến những vùng đất của các bạn tráng lệ, được chúc phúc bởi lịch sử, văn hóa và Phúc âm! Tôi đến với niềm vui, đúng hơn nhân danh Phúc Âm, theo bước chân của những nhà truyền giáo vĩ đại đầu tiên, đặc biệt là các Thánh Tông đồ Phaolô và Banaba. Thật là tốt khi trở về nguồn cội và điều quan trọng là Giáo hội phải khám phá lại niềm vui của Tin Mừng. Chính với tinh thần đó tôi đang chuẩn bị cho cuộc hành hương đến các suối nguồn này, và tôi xin mọi người giúp tôi chuẩn bị với những lời cầu nguyện của họ.

Nhờ gặp gỡ các bạn, tôi sẽ có thể làm dịu cơn khát của mình tại những suối nguồn của tình huynh đệ, là điều rất quý giá vào thời điểm chúng ta vừa mới bắt đầu một hành trình đồng nghị toàn cầu. Có một “ân sủng đồng nghị”, một tình huynh đệ tông đồ mà tôi rất ao ước, và vô cùng kính trọng: đó là hy vọng được viếng thăm các vị Tổng Giám Mục kính mến Chrysostomos và Hieronymos, những người đứng đầu các Giáo hội Chính thống địa phương. Là anh em trong đức tin, tôi sẽ có ân sủng được anh chị em đón nhận và gặp gỡ anh chị em nhân danh Chúa Bình an. Hỡi anh chị em Công Giáo thân mến, tôi đến với anh chị em, những người tụ họp trong xứ ấy thành từng đàn chiên nhỏ mà Chúa Cha hết sức yêu thương dịu dàng và Chúa Giêsu Mục Tử nhân lành đã lặp lại: “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ hãi” (Lc 12,32). Tôi đến với tình cảm là mang đến cho anh chị em sự cổ vũ của toàn thể Giáo Hội Công Giáo.

Đến thăm các bạn cũng sẽ cho tôi cơ hội để uống từ những suối nguồn cổ kính của Âu Châu: Síp, là tiền đồn trên lục địa của Thánh Địa Giêrusalem; Hy Lạp, quê hương của nền văn hóa cổ điển. Nhưng ngay cả ngày nay, Âu Châu cũng không thể bỏ qua Địa Trung Hải, vùng biển đã chứng kiến sự truyền bá Tin Mừng và sự phát triển các nền văn minh vĩ đại. Địa Trung Hải [chữ Đức Thánh Cha dùng là Mare Nostrum là tiếng Latinh, nghĩa là là Biển của chúng ta, đó là tên người La mã gọi Địa Trung Hải] nối liền rất nhiều vùng đất, mời gọi chúng ta cùng nhau chèo thuyền, không bị chia rẽ khi theo đuổi những con đường riêng biệt của chúng ta, đặc biệt là vào thời điểm mà cuộc chiến chống đại dịch vẫn còn đòi hỏi những nỗ lực và cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra trên diện rộng.

Biển, nơi đón nhận nhiều dân tộc, với những bến cảng rộng mở nhắc nhở chúng ta rằng nguồn sống chung nằm ở sự chấp nhận lẫn nhau. Ngay bây giờ tôi đã cảm thấy được chào đón bởi tình cảm của các bạn và tôi cảm ơn những người đã chuẩn bị cho chuyến thăm của tôi trong một thời gian. Nhưng tôi cũng nghĩ đến những người, trong những năm gần đây và cho đến tận ngày nay, đã phải chạy trốn khỏi chiến tranh và đói nghèo, đổ bộ lên bờ lục địa và những nơi khác, và không gặp được lòng hiếu khách nhưng là sự thù địch và thậm chí là sự bóc lột. Họ là anh chị em của chúng ta. Bao nhiêu người đã mất mạng trên biển! Ngày nay biển của chúng ta, Địa Trung Hải, là một nghĩa trang lớn. Là một người hành hương đến những nguồn suối của nhân loại, tôi sẽ đến Lesvos một lần nữa, tin chắc rằng những nguồn mạch của sự sống chung sẽ nảy nở trở lại trong tình huynh đệ và sự hòa nhập cùng nhau. Không có cách nào khác và với tầm nhìn này, tôi đến với các bạn.

Anh chị em thân mến, với những tình cảm này, tôi rất mong được gặp tất cả các bạn, tất cả các bạn! Không chỉ tất cả những người Công Giáo! Tôi cầu xin Đấng Tối Cao chúc phúc cho tất cả các bạn, khi tôi mang đến trước mặt Người ngay cả bây giờ khuôn mặt và những kỳ vọng của các bạn, những lo lắng và hy vọng của các bạn. Na íste pánda kalá! Cầu mong bạn luôn khỏe mạnh!
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Huấn dụ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 28 tháng 11
J.B. Đặng Minh An dịch
07:31 28/11/2021
Chúa Nhật 28 tháng 11, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng cũng là Chúa Nhật đầu tiên của Năm Phụng Vụ mới. Bài Tin Mừng theo Thánh Luca có chủ đề là “Giờ cứu rỗi các con đã gần đến”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến. Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con, như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Bài Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay, Chúa nhật đầu tiên của Mùa Vọng, tức là Chúa nhật đầu tiên chuẩn bị cho Lễ Giáng Sinh, nói cho chúng ta biết Chúa sẽ đến vào thời cánh chung. Chúa Giêsu loan báo những biến cố và hoạn nạn hoang tàn, nhưng chính ở điểm này, Ngài mời gọi chúng ta đừng sợ hãi. Tại sao? Vì mọi thứ sẽ ổn thỏa chăng? Không, nhưng chính là vì Ngài sẽ đến. Chúa Giêsu sẽ trở lại, Chúa Giêsu sẽ đến, Ngài đã hứa như thế. Người nói như thế này: “Hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21:28). Thật là vui khi lắng nghe lời khích lệ này: hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, bởi vì chính trong những lúc mọi sự dường như kết thúc, Chúa đến để cứu chúng ta; hãy chờ đợi Người với niềm vui ngay cả trong gian truân, khủng hoảng của cuộc sống và trong những thảm kịch của lịch sử. Hãy chờ đợi Chúa. Nhưng làm sao chúng ta có thể ngẩng cao đầu, không bị đắm chìm trước những khó khăn, đau khổ, thất bại? Thưa: Chúa Giêsu chỉ đường cho chúng ta bằng một lời nhắc nhở mạnh mẽ: “Hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề. Hãy luôn tỉnh thức và cầu nguyện “(câu 34.36).

“Tỉnh thức”, cảnh giác. Chúng ta hãy dừng lại ở khía cạnh quan trọng này của đời sống Kitô Hữu. Từ những lời này của Chúa Kitô, chúng ta thấy rằng sự cảnh giác được liên kết với sự chú ý: hãy chú ý, hãy cảnh giác, đừng để bị phân tâm, tức là hãy luôn tỉnh thức! Cảnh giác có nghĩa là: không để lòng lười biếng, không để đời sống thiêng liêng trở nên tầm thường. Hãy cẩn thận vì anh chị em có thể là một “Kitô Hữu đang ngủ” - và chúng ta biết: có nhiều Kitô Hữu đang ngủ, những Kitô Hữu bị mê hoặc bởi tinh thần thế gian - Kitô Hữu không có lòng nhiệt thành thiêng liêng, không hăng hái cầu nguyện - họ cầu nguyện như vẹt - không nhiệt tình với sứ mệnh, không say mê Tin Mừng. Đó là những tín hữu Kitô luôn hướng nội, không thể nhìn ra chân trời. Và điều này dẫn đến “ngủ gật”: kéo mọi thứ về phía trước theo quán tính, rơi vào trạng thái thờ ơ, thờ ơ với mọi thứ ngoại trừ những gì phù hợp với chúng ta. Và đây là một cuộc sống đáng buồn, cứ tiếp tục như thế này thì không có hạnh phúc ở đó.

Chúa Giêsu nói rằng chúng ta cần phải cảnh giác để không kéo lê ngày tháng trong những thói quen, đừng để lòng ra nặng nề bởi những rắc rối của cuộc sống (xem câu 34); đừng để những muộn phiền của cuộc sống đè nặng chúng ta. Vì vậy, hôm nay là một dịp tốt để tự hỏi: điều gì đè nặng lên trái tim tôi? Điều gì gây gánh nặng cho tinh thần của tôi? Điều gì khiến tôi phải ngồi vào ghế của sự lười biếng? Thật đáng buồn khi thấy các Kitô Hữu “ngồi trên ghế bành”! Đâu là những thứ tầm thường làm tôi tê liệt, những tệ nạn, những thói hư tật xấu nào đè bẹp tôi xuống đất và ngăn cản tôi ngẩng đầu lên? Và đối với gánh nặng trên vai của những người anh em, tôi đang chú ý hay đang thờ ơ? Những câu hỏi này tốt cho chúng ta, bởi vì chúng giúp giữ cho trái tim chúng ta không chây lười. Nhưng, thưa cha, hãy nói cho chúng con biết: chây lười là gì? Thưa: Nó là kẻ thù lớn của đời sống thiêng liêng, thậm chí của đời sống Kitô Hữu. Chây lười là sự lười biếng thâm căn, kết tủa thành nỗi buồn, làm mất đi niềm vui sống và khát vọng hoạt động. Đó là một trạng thái tinh thần tiêu cực, nó là một tinh thần xấu xa đóng đinh linh hồn trong sự bất động, và đánh cắp niềm vui của nó. Nó bắt đầu với nỗi buồn đó, và cứ thế trượt dài đến mức mất đi niềm vui. Sách Châm ngôn nói: “Hãy gìn giữ tim con cho thật kỹ, vì từ đó mà sự sống phát sinh” (Châm ngôn 4:23). Hãy bảo vệ trái tim: điều này có nghĩa là phải cảnh giác, cảnh giác! Hãy tỉnh táo, hãy giữ lấy trái tim của mình.

Và hãy thêm một thành phần thiết yếu: bí quyết để luôn cảnh giác là cầu nguyện. Thật vậy, Chúa Giêsu nói: “Hãy luôn tỉnh thức và cầu nguyện” (Lc 21:36). Lời cầu nguyện giữ cho ngọn đèn của trái tim luôn cháy sáng. Đặc biệt là khi chúng ta cảm thấy lòng nhiệt thành nguội lạnh, thì lời cầu nguyện sẽ khơi dậy nó, bởi vì nó đưa chúng ta trở lại với Chúa, trở lại với trung tâm của mọi sự. Cầu nguyện đánh thức linh hồn khỏi giấc ngủ và tập trung nó vào những gì là quan trọng, vào mục đích chúng ta tồn tại. Ngay cả trong những ngày bận rộn nhất, chúng ta cũng không sao nhãng việc cầu nguyện. Tôi đã thấy trong chương trình “A sua immagine”, nghĩa là “Trong hình bóng Ngài”, một sự phản ánh tuyệt đẹp về lời cầu nguyện: nó sẽ giúp ích cho chúng ta. Lời cầu nguyện của trái tim có thể giúp ích cho chúng ta, ngay cả với những lời khẩn cầu ngắn lặp đi lặp lại. Trong Mùa Vọng, hãy quen với những lời khẩn cầu ngắn, chẳng hạn như: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”. Chỉ cần thành tâm cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”. Thời điểm chuẩn bị cho Giáng Sinh này thật đẹp: chúng ta hãy nghĩ về máng cỏ, hãy nghĩ về Giáng Sinh, và hãy nói từ trái tim: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”. Chúng ta hãy lặp lại lời cầu nguyện này suốt cả ngày, và tâm hồn sẽ luôn tỉnh táo! “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”: đó là lời cầu nguyện mà cùng nhau chúng ta hãy nói ba lần, tất cả cùng nhau. “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”, “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”, “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”.

Và bây giờ chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ: xin Mẹ, Đấng luôn trông đợi Chúa với tâm hồn cảnh giác, đồng hành với chúng ta trên hành trình Mùa Vọng.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Hôm qua tôi đã gặp các thành viên của các hiệp hội và nhóm người di cư và những người, với tinh thần huynh đệ, chia sẻ cuộc hành trình của họ. Họ đang ở đây ở quảng trường này, với lá cờ lớn đó! Chào mừng! Nhưng chúng ta hãy nghĩ đến điều này: có bao nhiêu người di cư phải đối mặt với những nguy hiểm rất nghiêm trọng, ngay cả trong những ngày này, và bao nhiêu người đang mất mạng tại biên giới của chúng ta! Tôi cảm thấy đau lòng vì tin tức về tình hình trong đó rất nhiều người đã chết ở eo biển Anh, những người bị kẹt ở biên giới Belarus, có cả nhiều trẻ em trong số đó; và bao nhiêu những người chết đuối ở Địa Trung Hải. Quá nhiều đau đớn khi nghĩ đến họ. Trong số những người bị buộc hồi hương về lại Bắc Phi, nhiều người đã từng là nạn nhân của những kẻ buôn người, những kẻ biến họ thành nô lệ: họ bán phụ nữ, tra tấn đàn ông... Có những người di cư, mới tuần này thôi, đã cố gắng vượt Địa Trung Hải để tìm kiếm một nguồn nước sống nhưng lại tìm thấy ở đó một ngôi mộ; và bao nhiêu những đau khổ của nhiều người khác. Đối với những người di cư đang ở trong những tình huống khủng hoảng này, tôi xin cam đoan với anh chị em những lời cầu nguyện của tôi, từ thẳm sâu trái tim mình: anh chị em hãy biết rằng tôi luôn gần gũi với anh chị em. Chúng ta hãy cầu nguyện và hành động. Tôi cảm ơn tất cả các tổ chức của Giáo Hội Công Giáo và các nơi khác, đặc biệt là Caritas quốc gia và tất cả những người dấn thân giảm bớt đau khổ của họ. Tôi xin lặp lại lời kêu gọi chân thành đối với những người có thể đóng góp vào việc giải quyết những vấn đề này, đặc biệt là đối với các Chính quyền dân sự và quân sự, cầu xin cho sự thấu hiểu và đối thoại thắng thế hơn bất kỳ hình thức lợi dụng nào; và cầu xin cho họ biết định hướng ý chí cùng các nỗ lực hướng tới các giải pháp tôn trọng phẩm giá của những người này. Chúng ta hãy nghĩ về những người di cư, về sự đau khổ của họ, và cầu nguyện trong im lặng

Tôi chào tất cả anh chị em, những người hành hương đến từ Ý và từ các quốc gia khác nhau: có rất nhiều lá cờ từ các quốc gia khác nhau. Tôi chào các gia đình, các nhóm trong giáo xứ, các hội đoàn. Đặc biệt, tôi chào các tín hữu đến từ Đông Timor - tôi thấy những lá cờ ở đó - từ Ba Lan và Lisbon; cũng như của Tivoli.

Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật an lành và một hành trình Mùa Vọng sốt sắng, một hành trình hướng về Chúa Giáng Sinh, hướng về Chúa. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc một bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt!
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Dấu hy vọng: Các bạn trẻ Công Giáo phục hồi các Tượng Chịu Nạn bên vệ đường khắp Nước Pháp
Vũ Văn An
16:59 28/11/2021

Phong trào Tông đồ SOS Calvaires, thành lập năm 1987 ở miền Tây Nước Pháp, tìm cách bảo tồn các tượng đài, các nguyện đường và nhà nguyện Công Giáo, rải rác khắp Nước Pháp.



Theo Solène Tadié trên National Catholic Register ngày 26 tháng 11, 2021 (https://www.ncregister.com/news/young-catholics-restoring-wayside-crucifixes-across-france), tinh thần truyền giáo của giới trẻ Pháp đang bùng lên nhờ sự thành công đầy ngạc nhiên của hình thức tông đồ nói trên và hình thức tông đồ này đang lôi cuốn sự chú ý của truyền thông.

SOS Calvaires được thành lập năm 1987 tại Maine-et-Loire, tây Nước Pháp. Năm 2015, Hiệp hội tông đồ này được đẩy mạnh khi một nhóm thanh niên Pháp, những người công khai tuyên bố họ “hãnh diện về tôn giáo và di sản của họ”, đảm nhiệm sứ mệnh dưới sự lãnh đạo của Paul Ramé, một người có doanh nghiệp ngành mộc.

Năm 2018, Julien Lepage, anh rể của Ramé, tham gia dự án làm thủ quỹ. Anh từ từ đảm nhiệm vai trò lãnh đạo, đem theo anh một hoài bão lớn.

Lepage nói với hãng tin CNA, “tôi biết sinh hoạt của hiệp hội khi em vợ tôi mời tôi dựng một tượng đài trong vùng của chúng tôi, và việc này gây ấn tượng sâu xa nơi tôi”.

Anh nói thêm, “Thực vậy, phục hồi một tượng đài là điều rất đơn giản. Nhưng tác động của nó lại cực kỳ lớn lao theo nghĩa chứng từ, và tôi lập tức nhìn thấy ngay chiều kích truyền giảng tin mừng của nó”.

Sau đó, chính Lepage đặt thách thức cho đội ngũ của anh mà số thành viên gồm toàn những người dưới 35 tuổi: mỗi tháng phục hồi một tượng đài, thay vì 1 hoặc 2 tượng đài một năm.

Nhờ sự hiện hữu ngày một tăng của các phương tiện truyền thông xã hội, hiệp hội bắt đầu lôi cuốn nhiều người trẻ hơn sẵn lòng phục vụ Chúa Kitô cách này. Họ cũng lôi cuốn được sự chú ý của giới truyền thông Công Giáo và địa phương, cho tới khi một Nhà Youtube nổi tiếng của Pháp khám phá ra họ và mọi sự đã thay đổi hoàn toàn.

Baptiste Marchais cảm phục trước vẻ đẹp và sự thành thật của sứ mệnh hiệp hội. Anh là người nâng cao tiềm lực, giữ kỷ lục ở Pháp trong lãnh vực này. Kênh Youtube “Bench&Cigars" của anh có tới 230,000 hội viên.



Tháng Giêng năm nay, anh cùng các hội viên của SOS Calvaires dựng một tượng đài cao 13 bộ Anh. Cuốn Video anh phát sóng, 1 tháng sau đó, đã mau chóng đạt được 200,000 lần nhìn.

Lepage cho biết, “Cuốn video này đã thành công theo nghĩa thay đổi trò chơi bất ngờ không thể tả được. Chúng tôi nhận được hàng ngàn quyên góp ngay qua đêm và người dân khắp Nước Pháp yêu cầu chúng tôi phục hồi các tượng đài ở vùng của họ”.

Anh giải thích, “Chúng tôi hiểu rằng cần phải làm một điều gì đó và chúng tôi quyết định dấn thân vào một cuộc phiêu lưu toàn quốc, với các văn phòng mới ở các vùng khác nhau của đất nước”.

Lepage lưu ý rằng hiệp hội đã đầu tư rất nhiều tiền bạc để duy trì tính tự lập của mình và có thể sản xuất các cây thánh giá của riêng mình.

Trong vòng sáu tháng, SOS Calvaires đã thành lập 25 văn phòng chi nhánh tại Pháp. Đến nay, nó có khoảng 4,000 nhà tài trợ. Nó cũng có 800 hội viên - tăng từ 15 vào tháng Hai.

Hiện tổ chức này đang khôi phục 10 tượng đài mỗi tháng trên khắp nước Pháp.

Hiệp hội thỉnh thoảng cung cấp các tượng đài tới các mục tử địa phương cho cộng đồng của các ngài. Hiệp hội cũng bán một số cho các công dân tư nhân muốn trồng cây thánh giá trên tài sản của họ.

Lepage nhận xét, “Đó là một cách để người ta biết rằng họ đang bước vào vùng đất Kitô giáo, và chúng tôi khuyến khích những sáng kiến này”.

Anh nói rằng tính hiển thị ngày càng tăng của hiệp hội có sức mạnh truyền bá Tin Mừng rất lớn, nhất là trong giới trẻ. Anh kể lại sau khi Marchais đăng video của anh, các linh mục đã nhận được nhiều cú điện thoại từ những người trẻ tuổi muốn trở về với Giáo Hội.

Sáng kiến này không chỉ mang đến cho những người trẻ cơ hội gặp gỡ nhau. Các nghi lễ đặt tượng đài cũng luôn đi kèm với lời cầu nguyện, các bài hát và các bữa ăn vui tươi.

Lepage cho biết, “Ngày nay, rất nhiều người trẻ cảm thấy lạc lõng, và họ tìm kiếm hành động. Việc khôi phục và thiết lập tượng đài nằm trong khả năng của họ và mang lại cho họ cảm thức thuộc về. Họ có thể tự lên căn tính cho họ bằng một chính nghĩa, và nó mang lại cho họ một hình ảnh tươi sáng hơn về thế giới Công Giáo".



“Nhiều người trong số họ thấy nước Pháp đang suy tàn, sụp đổ, và họ muốn bảo tồn nguồn gốc Kitô giáo của đất nước mình, cho dù họ có theo đạo Công Giáo hay không”.

Tình hình hiện tại ở Pháp, đánh dấu bằng những làn sóng phá hoại và xúc phạm các di tích Công Giáo, đã không làm nhụt nhiệt tình của các tình nguyện viên trẻ của hiệp hội.

Lepage cho rằng, “Cách đây một thời gian, một trong các tượng đài của chúng tôi đã bị vẽ bậy và chúng tôi đã phản ứng bằng cách cảnh báo công khai những kẻ phá hoại rằng đối với mỗi tượng đài bị phá hủy, chúng tôi sẽ tạo ra hai tượng đài và việc phá hoại đã không bao giờ xảy ra nữa”.

Sau khi khuếch trương nhanh chóng, hiệp hội hy vọng sẽ khôi phục 250 tượng đài vào năm 2022 và 1,000 tượng đài mỗi năm vào năm 2024.

Mục tiêu đầy tham vọng trên sẽ được hỗ trợ bởi một ứng dụng được thiết kế giúp các thành viên xác định vị trí địa lý và liệt kê tất cả các tượng đài gặp nguy cơ hoặc đổ nát mà họ gặp phải. Một sự hợp tác với Hiệp hội Hướng dẫn và Hướng đạo Châu Âu cũng đang giúp các thành viên lập bản đồ và tham khảo các tượng đài của cả nước.



Nhưng các thiết kế lớn lao của Hiệp hội không dừng ở đó. Nó cũng đang nhắm việc giáo dục, cung cấp việc giảng dạy tại các trường. Nó coi việc này như cách chuẩn bị cho các hế hệ tương lai luôn giữ cho ngọn lửa đức tin và truyền thống Công Giáo tại Pháp được sống động.
 
Trung Quốc đã suýt mua được hãng hàng không yêu thích của các vị Giáo Hoàng
Đặng Tự Do
17:03 28/11/2021


Italia Trasporto Aereo SpA, có tên thương mại là ITA Airways, là hãng hàng không quốc doanh của Ý. Hãng hàng không cao cấp này của Ý thuộc sở hữu hoàn toàn của Chính phủ Ý thông qua Bộ Kinh tế và Tài chính. Là người kế nhiệm cho hãng hàng không Alitalia, hãng hàng không này được lên kế hoạch tiếp quản phần lớn tài sản của Alitalia. Hãng hàng không mới sẽ hoạt động đến hơn 41 điểm đến trong nước, Âu Châu và một số điểm đến liên lục địa.

Hãng hàng không Alitalia bắt đầu hoạt động từ năm 1946. Nó thuộc sở hữu của chính phủ Ý cho đến năm 2009, khi nó trở thành một công ty tư nhân sau khi tái tổ chức và sáp nhập với hãng hàng không Air One của Ý bị phá sản. Alitalia tái tổ chức một lần nữa vào năm 2015 sau khi nhận được khoản đầu tư từ Etihad Airways, và Tập đoàn Air France-KLM.

Sau nhiều nỗ lực thất bại trong việc tạo ra lợi nhuận, hãng hàng không này đã rơi vào khủng hoảng vào năm 2017 chỉ vài ngày sau khi Etihad Airways rút vốn khỏi Alitalia. Ngày 17 tháng 5 năm 2017, chính phủ Ý ra quyết định quốc hữu hóa hãng hàng không Alitalia và muốn bán hãng hàng không này.

Sau nhiều cuộc đàm phán thất bại với Delta Air Lines, và EasyJet, chính phủ Ý đã có ý định bán Atalia lại cho China Eastern Airlines.

China Eastern Airlines (中国东方航空公司) là một trong 3 hãng hàng không lớn nhất của Trung Quốc có trụ sở tại sân bay quốc tế Hồng Cao (Hongqiao, 虹桥) của Thượng Hải. Về mức thu nhập China Eastern Airlines đứng thứ nhì chỉ sau China Southern Airlines, nhưng trên Air China.

Theo các báo cáo của Bộ Kinh tế và Tài chính Italia, trong thời gian từ năm 1974 đến 2014, là khoảng thời gian Atalia nằm dưới quyền quản lý của chính phủ, chính quyền Ý đã phải tốn khoảng 7.4 tỷ euro trang trải các thâm hụt của hãng hàng không này. Vì thế, tháng Ba, năm ngoái, Ý rất muốn bán hãng hàng không này cho Trung Quốc, bất chấp những chống đối của dân chúng. Tuy nhiên, kế hoạch của họ bất thành. Do hậu quả của đại dịch coronavirus, không chỉ Atalia mà hầu hết tất cả các hãng hàng không trên thế giới đều rơi vào tình trạng thê thảm. Trung Quốc lợi dụng tình hình này đã trả một giá rẻ mạt.

Vào ngày 10 tháng 10 năm ngoái 2020, chính phủ Ý đã ký một nghị định cho phép hãng hàng không được tổ chức lại với tên gọi Italia Trasporto Aereo SpA, hay ITA Airways, với ít máy bay hơn, ít nhân viên hơn.

Vào ngày 26 tháng 8 năm 2021, ITA chính thức bán vé trên trang web mới ra mắt của mình.

Trong năm nay, hãng hàng không mới sẽ bắt đầu bay đến New York, Boston và Miami, và tiếp tục mở rộng các chuyến bay đến Los Angeles và Washington, DC vào năm 2022, và Chicago và San Francisco vào năm 2023.
Source:Wiki
 
Hãng hàng không Alitalia và các vị Giáo Hoàng
Đặng Tự Do
17:04 28/11/2021


Hãng hàng không Alitalia - được biết đến với kỷ lục an toàn gần như hoàn hảo và sự phục vụ khách hàng chu đáo đến mức đáng kinh ngạc – đã chính thức ngừng hoạt động vào ngày 15 tháng 10. Thông báo được đưa ra vào mùa hè vừa qua, đánh dấu sự kết thúc kỷ nguyên của một hãng hàng không được thành lập vào năm 1946.

Sự sụp đổ của hãng hàng không và sự ra đời của hãng hàng không mới mang tên ITA là một câu chuyện kinh doanh mà các phương tiện truyền thông trong vài tuần qua đã bỏ qua góc độ tôn giáo.

Những khách hàng trung thành duy nhất của Alitalia trong những năm qua là các vị giáo hoàng. Năm 1964, khi Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục công du đến Israel, Alitalia đã trở thành hãng hàng không chính thức của các Đức Giáo Hoàng.

Alitalia đã tung mây lướt gió rất nhiều dặm dưới triều đại giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II, hiện đã là một vị thánh, là người đã đến thăm 129 quốc gia trong suốt 27 năm làm chủ chăn Giáo Hội Hoàn Vũ. Chiếc máy bay được Đức Giáo Hoàng sử dụng - được báo chí gọi là Shepherd One như một cách để so sánh nó với chiếc Air Force One của tổng thống Mỹ. Alitalia tiếp tục được sử dụng bởi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI và bây giờ là Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Trên các chuyến bay này, các vị Giáo Hoàng tổ chức các cuộc họp báo và đưa ra các tin tức nóng bỏng.

Alitalia và các vị Giáo Hoàng sẽ mãi mãi gắn bó với nhau. Trong những năm qua, đã có một số bài báo rất hay được thực hiện xoay quanh cách Đức Giáo Hoàng tông du và những tiện nghi mà hãng hàng không Ý dành cho ngài. Một trong những bài báo hay nhất về chủ đề này được thực hiện bởi Philip Pullella, phóng viên lâu năm tại Vatican của Reuters vào năm 2019, sau khi đã thực hiện 140 chuyến đi tháp tùng các vị Giáo Hoàng.

Nhà báo này cho biết như sau:

Không có máy bay dành riêng cho Đức Giáo Hoàng, không có chiếc “Vatican One”. Nhà lãnh đạo của 1.3 tỷ người Công Giáo trên thế giới sử dụng các chuyến bay thuê bao và trong hầu hết các chuyến bay giới báo chí và Đức Giáo Hoàng bay cùng với nhau.

Quay trở lại những năm 1980, chúng tôi gõ lạch cạch trên các máy đánh chữ và phì phèo những điếu thuốc. Khi chúng tôi bay, phi hành đoàn Alitalia từng phát cho chúng tôi mỗi người cả một cây thuốc, 10 gói.

Ngày nay, nội quy mới cấm hút thuốc trên máy bay và không còn những tiếng lách cách của máy đánh chữ nữa.

Trái ngược với các chính phủ khác, những quốc gia sở hữu máy bay để đưa đón các nguyên thủ quốc gia đi khắp nơi, Vatican không sở hữu một chiếc máy bay phản lực có thể bay đường dài. Kể từ sau Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, các chuyến bay đặc biệt chuyên chở Đức Giáo Hoàng đều gắn cờ của Ý, và đều là của hãng Alitalia.

Các chuyến bay Alitalia chở các vị Giáo Hoàng này đều có số hiệu chuyến bay đặc biệt là AZ4000. Đôi khi nó cũng được gọi là Shepherd One, chẳng hạn như khi Đức Phanxicô đến thăm Hoa Kỳ vào năm 2015.

Số chuyến bay từ 4000 trở lên được dành cho các chuyến bay Alitalia đặc biệt, không theo lịch trình. Ví dụ, khi chiếc 777-200ER chở Đức Thánh Cha Phanxicô đến Abu Dhabi trở về Rôma trống rỗng, nó mang số hiệu AZ8033.

Khi bay khoảng cách xa hơn, Alitalia giao các máy bay phản lực thân rộng, hai lối đi của mình cho sứ mệnh của Đức Giáo Hoàng, A330-200 hoặc 777. Khi hạ cánh, phi công mở cửa sổ buồng lái và hiển thị cờ của quốc gia đang đến thăm, cùng với cờ của Vatican.

Khi bay khoảng cách ngắn hơn, Đức Giáo Hoàng bay trên chiếc máy bay Airbus một lối đi của Alitalia, như A320 hoặc A321. Và để bay những khoảng cách thậm chí còn gần hơn, Đức Giáo Hoàng di chuyển trên một chiếc trực thăng do Không quân Ý vận hành, thường xuyên nhất là chiếc Agusta Westland AW139 cũng được các quan chức chính phủ Ý sử dụng.

Năm 2014, Alitalia đưa ra một thông cáo báo chí kỷ niệm 50 năm hợp tác của hãng hàng không với Tòa thánh. Triển lãm tại Sân bay Leonardo da Vinci của Rome có các bức ảnh từ kho lưu trữ của Alitalia cũng như của tờ Quan Sát Viên Rôma, là tờ báo chính thức của Vatican.

Trong một bài đăng trên Crux ngày 24 tháng 8 với tiêu đề, “Mùa thu năm nay, chuyến du lịch của Giáo hoàng sẽ thay đổi với việc đóng cửa hãng hàng không yêu thích của Giáo hoàng.” Tờ này cho biết như sau:

Kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2021, các chuyến bay của hãng hàng không mới toanh ITA sẽ bay trên bầu trời, với hệ thống quản lý mới và biểu tượng mới, cũng như cảm giác mới về hy vọng của công ty sau cuộc đấu tranh tồn tại kéo dài nhiều năm của Alitalia, khiến chính phủ Ý phải tốn khoảng 7.4 tỷ euro từ năm 1974 đến 2014.

Ban đầu ITA sẽ bắt đầu với quy mô nhỏ hơn Alitalia, giảm xuống chỉ còn 60 máy bay thay vì 92, và chỉ có 5,000 nhân viên thay vì 11,000. Tuy nhiên, người ta dự đoán rằng ITA có thể thuê thêm vài nghìn công nhân cũ của Alitalia vào năm 2022, tùy thuộc vào tình hình kinh doanh.
 
Tuyên bố của Ita Airways
Đặng Tự Do
17:04 28/11/2021


Hôm 24 tháng 11 năm 2021, ban giám đốc của hãng hàng không mới toanh Ita Airways, đã ra một tuyên bố như sau:

Rome, ngày 24 tháng 11 năm 2021 - Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cất cánh lần đầu tiên vào ngày 2 tháng 12 với Ita Airways, hãng hàng không quốc gia mới. Chuyến bay của Đức Giáo Hoàng sẽ khởi hành lúc 11:00 từ sân bay quốc tế Fiumicino của Rôma với điểm đến là sân bay quốc tế Larnaca, của quốc đảo Cyprus.

Chuyến bay sẽ được thực hiện bằng máy bay Airbus A320 với hàng chữ kỷ niệm “Chào đời năm 2021”, do ITA Airways để kỷ niệm ngày bắt đầu hoạt động, diễn ra vào ngày 15 tháng 10 vừa qua.

Tại sân bay Fiumicino, Đức Thánh Cha sẽ được Ban Giám Đốc chào đón bao gồm Chủ tịch Điều hành của ITA Airways Alfredo Altavilla, Giám đốc Điều hành Fabio Maria Lazzerini và Giám đốc Thương mại Emiliana Limosani. Theo dự trù, máy bay sẽ hạ cánh xuống sân bay Larnaca lúc 3:00 chiều giờ địa phương.

Tháp tùng Đức Thánh Cha Phanxicô có phi hành đoàn 9 người gồm 3 phi công và 6 tiếp viên hàng không. Người giám sát các hoạt động trên máy bay sẽ là Phi công Riccardo Privitera, Giám đốc điều hành các chuyến bay của ITA Airways với kinh nghiệm 18,000 giờ bay. Cùng với anh ta là phi công trưởng Corrado Di Maria và phi công Michele Altobelli. Cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô, còn có đoàn tùy tùng của Đức Giáo Hoàng, các đại diện báo chí Ý và quốc tế. Đội ngũ ITA Airways chuyên phục vụ các chuyến bay đặc biệt cũng có mặt trên máy bay.

Fabio Maria Lazzerini, Giám đốc điều hành kiêm Tổng Giám đốc của ITA Airways, tuyên bố: “Đối với chúng tôi, đó là một vinh dự và là nguồn tự hào to lớn khi được tháp tùng Đức Thánh Cha trong chuyến tông du đến Síp. và đây có phải là một lý do nữa để vui mừng khi vận chuyển Đức Thánh Cha, người không ngừng nhắc lại những giá trị cao cả của việc phục vụ. Chúng tôi bắt đầu hoạt động chỉ mới hơn một tháng trước và mỗi ngày chúng tôi đều làm việc để trở thành một nhà vận chuyển hiệu quả và sáng tạo, đồng thời đại diện cho đất nước của chúng tôi, trên toàn thế giới”
Source:Ita Airways
 
Đức Thánh Cha gửi thông điệp video trước chuyến tông du đến Síp và Hy Lạp
Thanh Quảng sdb
21:36 28/11/2021
Đức Thánh Cha gửi thông điệp video trước chuyến tông du đến Síp và Hy Lạp

Còn vài ngày nữa trước chuyến tông du đến Síp và Hy Lạp, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp video bày tỏ niềm vui trông chờ đến thăm hai đảo quốc "như một người hành hương đến những vùng đất tráng lệ được chúc phúc bởi lịch sử, văn hóa và Tin mừng". Đức Thánh Cha lên đường đến hai quốc gia này vào Thứ Năm, ngày 2 tháng 12, trong một cuộc tông du kéo dài năm ngày.

(Tin Vatican)

Trong thông điệp video của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ sự vui mừng về chuyến thăm sắp tới đến Síp và Hy Lạp, kéo dài năm ngày. ĐTC nói, chuyến hành hương "Theo dấu chân Tin Mừng" sẽ theo dấu chân của những nhà truyền giáo tiên khởi, đặc biệt các Tông đồ Phaolô và Banaba, như tìm về nguồn của Giáo hội để "khám phá lại niềm vui của Tin Mừng”.

Hành hương đến nguồn nước

Đức Thánh Cha đã xin mọi người cầu nguyện cho ngài chuẩn bị cho cuộc "hành hương đến các nguồn nước". ĐTC nói, những cuộc gặp gỡ của ngài với dân chúng sẽ giúp "làm dịu" cơn khát của tất cả nơi "suối nguồn của tình huynh đệ", vốn được Giáo hội quan tâm và luôn là mục đích của mọi nỗ lực của Giáo hội. Như các Giáo phụ đã từng tập chú vào "Ân điển đồng nghị" bao gồm các chuyến viếng thăm huynh đệ của các thánh Chrysostomos và Hieronymos, những người đứng đầu các Giáo hội Chính thống địa phương. Đức Thánh Cha bày tỏ lòng biết ơn trong tâm tình của “một người anh em trong đức tin”, vì các Ngài đã được phúc đón nhận và gặp gỡ Đấng “là Chúa của Hòa Bình”.

ĐTC cũng đề cập đến "những Giáo hội nhỏ bé" người Công Giáo ở những vùng đất đó, mà ngài ước mong được chia sẻ tình cảm thân thương với họ và mang đến cho họ "sự nâng đỡ của toàn thể Giáo Hội Công Giáo".

Các nguồn nước cổ xưa của Châu Âu

Đức Thánh Cha tiếp tục cho biết chuyến tông du này sẽ cho phép ngài chia sẻ "rượu ngọt từ những nguồn nước cổ của châu Âu", với Cyprus là tiền đồn của lục địa thánh và Hy Lạp là quê hương của một nền văn hóa cổ điển. ĐTC lưu ý, châu Âu cần phải nhận ra tầm quan trọng của Địa Trung Hải, nơi mà Tin Mừng phát triển mạnh mẽ và các nền văn minh vĩ đại được phát sinh. Di sản vĩ đại này trở thành như "nguồn nước" mời gọi chúng ta đoàn kết, đặc biệt khi chúng ta đối mặt với những thử thách đại dịch như ngày nay cùng với nạn khủng hoảng khí hậu.

Hưng thịnh trở lại trong tình huynh đệ và hội nhập

Đức Thánh Cha cho hay trong tình nhiều dân tộc cùng nhau vui sống hòa bình và chấp nhận lẫn nhau trong một vùng đất chung! Ngài cảm ơn những người đã giúp chuẩn bị cho chuyến tông du đầy tình huynh đệ nồng ấm này.

Đồng thời, ĐTC cũng hướng đến những người đang trốn chạy khỏi chiến tranh và nghèo đói, đổ bộ lên bờ biển của những vùng đất này, và sự thù địch hoặc bóc lột mà họ phải chịu trong cuộc di cư... ĐTC nhấn mạnh rằng họ là "anh chị em của chúng ta", rất nhiều người đã bỏ mình trên biển biến Địa Trung Hải trở thành một "nghĩa trang lớn". Đức Thánh Cha nhắc lại rằng ngài sẽ đến thăm đảo Lesvos một lần nữa, "tin rằng các nguồn sống chung sẽ chỉ nảy nở trở lại trong tình huynh đệ và sự hòa nhập: cùng nhau". Đây là con đường duy nhất để tiến tới...

Cuối cùng, ĐTC nói mong được gặp mọi người trong chuyến tông du này và Ngài xin Chúa và Mẹ Maria ban muôn ơn lành cho tất cả, và ngài mong gặp tất cả mọi người.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Nho Giáo Và Chữ Lễ Có Trói Buộc Con Người Không?
Nguyễn Văn Nghệ
21:15 28/11/2021
Nho Giáo Và Chữ Lễ Có “Trói Buộc Con Người” Không?

Vào năm 2016 GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm khẳng định: “Giáo dục hỏng chính là do triết lý giáo dục sai lầm”, ông phân tích: “… chính là do ảnh hưởng của triết lý giáo dục “con ngoan trò giỏi” mà chúng ta đã khôi phục khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” ở khắp nơi, cứ tưởng rằng xã hội lộn xộn thì chỉ cần gò trẻ em vào lễ là xong. Nề nếp do lễ mang lại ở đâu chưa thấy, trong khi ai cũng biết rằng, Nho giáo và chữ Lễ trói buộc con người, không cho sáng tạo thì rất rõ. Không sáng tạo làm sao có phát triển?”[1]

Ngày 21/11/2021 tại Hội thảo giáo dục chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới Giáo dục – Đào tạo” do Ủy Ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội tổ chức, ông Trần Ngọc Thêm đã đề nghị “Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu ‘Tiên học lễ. hậu học văn’ để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo”

Nho giáo và chữ Lễ có trói buộc con người, không cho sáng tạo như nhận định của ông Trần Ngọc Thêm không?

Tác dụng của Lễ trong cuộc sống

Ý nghĩa của chữ “Lễ” rất là rộng, không chỉ gói gọn trong lễ nghi, lễ giáo[2].Nếu ai đã đọc qua phần khái quát chữ Lễ trong tác phẩm Nho giáo của cụ Trần Trọng Kim thì mới thấy chữ Lễ rất là thâm thúy. Lễ đã làm cho tất cả sinh hoạt trong xã hội đều có quy củ: “Đạo đức nhân nghĩa, không có lễ không thành; dạy bảo, sửa đổi phong tục, không có lễ không đủ; xử việc phân tranh kiện tụng, không có lễ không quyết; vua tôi, trên dưới,cha con, anh em, không có lễ không định; học làm quan, thờ thầy, không có lễ không thân; xếp đặt thứ vị trong triều, cai trị quân lính, đi làm quan, thi hành pháp lệnh không có lễ không uy nghiêm; cầu khấn tế tự, cung cấp quỷ thần, không có lễ không thành kính, không trang chính. Bởi thế cho nên quân tử dung mạo phải cung, trong bụng phải kính, giữ gìn pháp độ, thoái nhượng, để làm sáng rõ lễ” (Lễ ký: Khúc lễ thượng)

Lễ khiến cho sự hành vi của con người có chừng mực, để lúc nào cũng hợp với đạo trung: “Cung kính mà không có lễ thì phiền, cẩn thận mà không có lễ thành ra sợ hãi, dũng mà không lễ thì loạn, trực mà không có lễ thành ra vội vã” (Luận ngữ: Thái Bá, XIII).

Nếu không có lễ, lấy gì mà phân biệt nghĩa vua tôi, trên dưới cho có đạo lý?: “Trong những cái của dân cậy mà sinh hoạt thì lễ là to hơn cả. Không có lễ thì không phân biệt ngôi vua tôi, trên dưới, lớn bé; không có lễ thì không có thể phân biệt cái lòng thân của trai gái, cha con, anh em, sự giao tiếp về hôn nhân về người thân hay người sơ” (Lễ ký: Ai công vấn, XXVII)

Những cái tình của con người thì ẩn khuất ở trong lòng không sao biết được, chỉ có Lễ mới ngăn giữ mà thôi: “Cái đại dục của người ta là ở việc ăn uống, trai gái, bao giờ cũng có, cái đại ố của người ta là ở sự chết mất, nghèo khổ, bao giờ cũng có. Cho nên dục, ố là cái mối lớn của tâm vậy, người ta giấu kín cái tâm không thể dò xét được; cái hay cái dở đều ở trong tâm, không hiển hiện ra ngoài. Nếu muốn tóm lại làm một để biết cho cùng mà bỏ Lễ (xả lễ) thì lấy gì mà biết được” (Lễ ký: Lễ vận, IX).

Lễ giống như con đê ngăn lũ: “Phù lễ cấm loạn chi sở do sinh, do phường chỉ thủy chi tự lai dã” (Lễ là sự cấm loạn sinh ra, như đường đê giữ nước không đến vậy – Lễ ký: Kinh giải, XXVI).

Tác dụng của lễ thật là quảng đại, thật là tinh vi, đủ chứng là tâm lý học của Nho giáo sâu xa vô cùng. Tác phẩm “Trung Quốc triết học sử” ghi lời nhận xét của Hồ Thích: “Trong cái nghĩa rộng chữ Lễ có hàm cái tính chất pháp luật, nhưng lễ thì thiên trọng về cái quy củ tích cực, mà pháp luật thì thiên trọng về cái cấm chế tiêu cực. Lễ thì dạy người ta nên làm điều gì và không nên làm điều gì; pháp luật thì cấm không cho làm những việc gì, hễ làm thì phải tội. Người làm điều trái Lễ thì chỉ bị người quân tử chỉ nghị chê cười, chứ người làm trái pháp luật thì có hình pháp xét xử”

Dùng Lễ có lợi hơn là có thể ngăn cấm được việc chưa xảy ra, mà dùng pháp luật thì chỉ để trị cái việc đã có rồi, bởi vậy thánh nhân chỉ trọng Lễ, chứ không trọng hình: “Phàm cái biết của người ta chỉ biết được cái đã có rồi, không biết được cái sắp có. Lễ là để cấm trước cái sắp có, pháp luật là để cấm sau cái đã có rồi… Lễ vậy, lễ vậy, lễ quý là dứt được điều ác từ lúc chưa nảy mầm ra, dấy lòng kính ở chỗ người ta không trông thấy, để cho dân ngày ngày đến gần điều thiện, xa điều tội, mà tự mình không biết”(Đại đái Lễ ký: Lễ tế)[2].

Người xưa dùng đức trị, Lễ trị chứ không muốn dùng pháp chế: “Đạo chi dĩ chính, tề chi dĩ hình, dân miễn nhi vô sỉ. Đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ, hữu sỉ thả cách” (Nếu nhà cầm quyền chuyên dùng pháp chế, cấm lệnh mà dẫn dắt dân chúng, chuyên dùng hình phạt mà trị dân, thì dân sợ mà chẳng dám phạm phép thôi, chớ họ chẳng biết hổ ngươi. Vậy muốn dẫn dắt dân chúng, nhà cầm quyền phải dùng đức hạnh, muốn trị dân, nhà cầm quyền phải dùng Lễ tiết, thì chẳng những dân biết hổ ngươi, họ lại còn cảm hóa và trở nên tốt lành – Luận ngữ: Vi chính, II)

Nho giáo và chữ Lễ không hề trói buộc con người

Ông Trần Ngọc Thêm bảo: “trong khi ai cũng biết rằng, Nho giáo và chữ Lễ trói buộc con người…”có vẻ như võ đoán. Theo tôi không phải “ai cũng biết rằng…”, chỉ có những người nghiên cứu Nho giáo một cách hời hợt và bị ảnh hưởng cách giáo dục theo đường lối cộng sản mới có kết luận về Nho giáo như vậy.

Nhiều người nghiên cứu về Nho giáo một cách hời hợt bảo rằng: Người Âu Mỹ nào có “tiên học lễ” mà vẫn văn minh! Xin thưa là quốc gia, dân tộc nào cũng đều có hấp thụ chữ Lễ cả, nhưng cách thể hiện Lễ thì mỗi nơi mỗi khác. Nếu không có Lễ thì làm sao trong quốc gia của họ lại có tôn ti trật tự được?

Có những học thuyết mới ra đời chỉ mươi năm mà đã bộc lộ những sai lầm một cách rõ rệt, huống chi học thuyết Nho giáo xuất hiện đã hơn hai ngàn năm thì làm sao tránh khỏi những khiếm khuyết! Khi tiếp thu văn hóa ta đón nhận những cái tinh hoa, còn những gì lạc hậu, lỗi thời thì ta loại bỏ. Nhà nghiên cứu Will Durant đã nhận xét về Nho giáo: “Không nên trách Khổng tử về tất cả những nhược điểm ấy. Không ai lại đòi một triết gia phải suy tư cho hai chục thế kỷ. Trong một đời người làm sao có thể tìm được con đường đưa tới tri thức cho hết thảy các đời sau. Mà rất ít người làm nhiệm vụ ấy một cách đầy đủ như Khổng tử. Càng hiểu rõ ông, chúng ta càng ngạc nhiên rằng chỉ có một phần nhỏ trong đạo của ông là không hợp với khoa học, với những sự biến đổi do thời gian. Khi ta nhận thấy rằng ngay ở thời đại chúng ta, ông vẫn còn là người chỉ đường chắc chắn cho chúng ta, thì chúng ta quên những lời đôi khi hơi nhàm của ông và đức độ quá hoàn toàn của ông làm cho ta có lúc chịu không nổi”[3]

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng – Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã luyến tiếc cho truyền thống Nho giáo đã “bị đứt gãy” ở Việt Nam: “ …với đội ngũ hành chính- công vụ ở các nước Đông Bắc Á, tôi thấy truyền thống Nho giáo sâu xa đã giữ gìn được sự liêm sỉ đích thực.

Ở các nước ấy truyền thống Nho giáo liền mạch, chứ không bị đứt gãy như ở Việt Nam. Thời phong kiến xưa, ở Việt nam ta từng có những ông quan sẳn sàng xây dựng kênh rạch tưới tiêu xuyên qua đất của mình. Có liêm chính, có tinh thần phụng sự quốc gia, những người này sẳn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích quốc gia, chứ tuyệt đối không nắn chỉnh kênh rạch thành một “đường cong mềm mại”.

Tất nhiên vào những thời suy, quan lại phong kiến tha hóa, xấu xa không phải là không có, nhưng vào những thời thịnh, số lượng quan thanh liêm là rất nhiều. Sự thịnh trị có được chính là nhờ vào đội ngũ quan lại thanh liêm như vậy.

Bây giờ chúng ta phải tìm cách khơi gợi, nuôi dưỡng trở lại cái tinh thần bị đứt gãy ấy. Lương bổng là cần, nhưng lương bổng chỉ là một nửa của vấn đề. Một nửa còn lại chính là tinh thần, đạo đức, cốt cách và sự liêm sỉ”[4]

Cách nhận định về Nho giáo của ông Trần Ngọc Thêm rất là hời hợt. Trong tác phẩm “Cơ sở văn hóa Việt Nam” của ông có 13 trang viết về Nho giáo và Văn hóa Việt Nam, ông đã đưa ra nhiều dẫn chứng sai lạc về Nho giáo. Ông đã cố ca ngợi ông Hồ Chí Minh: Chính vì đặt nước lên trên mà một người xuất thân từ dòng dõi Nho gia như Hồ Chí Minh dám đi ngược lại giáo huấn của Nho giáo: Dám bỏ lại cha già để đi tìm đường cứu nước tại trười Tây xa xôi( theo Nho giáo thì “phụ mẫu tại bất viễn du” – cha mẹ còn, con không được đi xa)[5].

Cách giải thích như vậy chúng tôi gọi là giải thích theo kiểu “tắc tử”, “nửa vời”. Nho giáo nào cấm khi cha mẹ còn, con không được đi xa. Sách Luận ngữ, ở thiên Lý nhân ghi rõ ràng: “Phụ mẫu tại, bất viễn du, du tất hữu phương” (Trong khi cha mẹ còn sanh tiền, phận làm con chớ có đi chơi xa, như có đi chơi xa thì thưa trước cho cha mẹ biết để cha mẹ an tâm).

Trong câu ấy gồm hai vế, nhưng ông Trần Ngọc Thêm chỉ lấy vế đầu giải thích để đạt được mục đích là cố ca ngợi ông Hồ Chí Minh, để rồi quy kết “Nho giáo và chữ Lễ trói buộc con người”!

Ông Trần Ngọc Thêm nghiên cứu về Nho giáo một cách hời hợt “…khẩu hiệu ‘Tiên học lễ, hậu học văn’ là sản phẩm của nền giáo dục Nho giáo, phục vụ cho mục tiêu đào tạo người thừa hành, coi việc đòi hỏi người dưới phải phục tùng và giữ “lễ” với người trên là yêu cầu số 1”[6]. Có phải “Tiên học lễ đòi hỏi quan hệ một chiều” không? Vua Định công nước Lỗ hỏi Khổng tử: “Vua khiến bề tôi, bề tôi thờ vua phải như thế nào?” Khổng tử đáp: “Vua lấy Lễ mà đãi bề tôi, bề tôi lấy trung mà thờ vua – Luận ngữ: Bát dật, 19). Hoặc Mạnh tử bảo với Tề Tuyên vương: “Vua xem bề tôi như tay chân, thì bề tôi xem vua như bụng như lòng. Vua xem bề tôi như chó ngựa, thì bề tôi xem vua như người lạ trong nước. Vua xem bề tôi như đất như cỏ, thì bề tôi xem vua như giặc như thù – Mạnh tử: Ly lâu, Chương cú hạ 3). Như vậy quan hệ về Lễ trong Nho giáo là quan hệ hai chiều chứ không phải như nhận định của ông Trần Ngọc Thêm!

Do nghiên cứu hời hợt nên ông Trần Ngọc Thêm khẳng định: “Chừng nào còn đề cao chữ “Lễ” thì người học còn bị trói buộc trong quan hệ kính trọng một chiều. chấm dứt sử dụng khẩu hiệu ‘Tiên học lễ, hậu học văn’ sẽ là điều kiện cần để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo” [7]. Tác giả Lê Học Lãnh Vân không quan niệm như ông Trần Ngọc Thêm: “Tư duy phản biện không bị trói buộc bởi quan niệm ‘Tiên học lễ’. Nó bị trói buộc bởi cả một cách tổ chức xã hội, trong đó ngôn luận không được tự do. Khi không có tự do báo chí, thì rõ ràng không có tự do ngôn luận. Khi luật pháp có thể bỏ tù người dân vì ý nghĩ trong đầu của họ thì rõ ràng không có tự do tư tưởng rồi” [8]. Tự do sẽ là chìa khóa cho sự Khai phóng!

Hậu quả của việc bỏ cũ theo mới ở Việt Nam hiện nay

Trong thời gian trước đây, những ai sinh ra và lớn lên được giáo dục dưới mái trường xã hội chủ nghĩa đều bị nhồi nhét tư tưởng cho rằng “Nho giáo là bảo thủ lỗi thời và kiềm hãm sự phát triển của xã hội”. Khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” là “tàn dư tệ hại của Khổng giáo” cho nên “ chúng ta không thể dung hòa được với Khổng giáo và hệ tư tưởng phản động và bảo thủ của nó” và “chúng ta phải kiên trì đấu tranh để quét sạch nó ra khỏi mọi lãnh vực của đời sống xã hội như quét sạch những đống rác bẩn vậy!”[9]

Dân tộc Việt Nam đã trải qua một thời gian dài chịu ảnh hưởng Nho giáo. Khi những người cộng sản Việt Nam nắm chính quyền ở Miền Bắc thì quyết tâm phá bỏ nền văn hóa cũ để xây dựng một nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa. Về đạo đức chỉ dạy “đạo đức cách mạng”. Riêng ở Miền Nam, vào năm 1958, Tổng thống Ngô Đình Diệm ra lệnh thành lập Hội Khổng học trên tất cả các tỉnh thành để tiếp tục duy trì quảng bá đạo đức cương thường của tổ tiên. Về triết lý giáo dục dựa trên nền tảng: Nhân bản- Dân tộc- Khai phóng.

Việc bỏ cũ theo mới được cụ Trần Trọng Kim nhận xét trong “lời phát đoan” của tác phẩm Nho giáo: “Xét ra cho kỹ, sự bỏ cũ theo mới của ta hiện thời bây giờ không phải là không cần cấp, nhưng vì người mình nông nổi, không suy nghĩ cho chín, chưa gì đã đem phá hoại cả đi, thành thử cái xấu, cái dở của mình thì vị tất đã bỏ đi được, mà lại làm hỏng mất cái phần tinh túy đã giữ cho xã hội của ta được vững bền hàng mấy nghìn năm nay. Phàm người ta muốn bỏ cái cũ đã hẩm nát, tất là phải có cái mới tốt hơn, đẹp hơn để thay vào. Nay ta chưa có cái mới mà đã vội vàng bỏ cái cũ đi, thành ra đổ nát cả, mà không có cái gì thay vào được. Ấy là cái tình trạng nước ta ngày nay là thế, khác nào như chiếc thuyền đi ra giữa biển, đánh mất địa bàn chỉ nam, không biết phương hướng nào mà đi cho phải đường, cứ lênh đênh mãi, không khéo lại bị sóng gió va vào đá vỡ tan mất cả. Đó là điều ta nên biết để tìm cách mà chữa lại được chút nào chăng”[10].

Chính do những người cộng sản chủ trương đoạn tuyệt với nền luân lý đạo đức duy lý nhã nhặn mà tổ tiên ta đã hấp thụ qua biết bao nhiêu thế hệ, để chạy theo học thuyết duy lý hung hăng của Đức, Nga mà hậu quả theo kết quả điều tra ở Việt Nam vào năm 2006 cho thấy: Tỷ lệ nói dối cha mẹ ở học sinh cấp Tiểu học là 22%, cấp Trung học Cơ sở là 50%, cấp Trung học Phổ thông là 64%, Sinh viên là 80% [11]

Chữ Lễ không hề trói buộc con người như lập luận của ông Trần Ngọc Thêm. Người Việt Nam ai cũng sợ mang tiếng là “đồ vô lễ”.Con người mà “vô lễ” thì sẽ không từ bỏ bất cứ hành động gian ác nào.

Để ngày càng hoàn thiện trên con đường đạo đức, mỗi người phải luôn tu thân tức là “khắc kỷ phục lễ” (chế thắng lòng tư dục của mình và theo về lễ tiết- Luận ngữ: Nhan Uyên, XII), phải “ước ngã dĩ lễ” (dùng lễ tiết mà ước thúc thân tâm ta – Luận ngữ: Tử Hãn, IX). Tu thân không miễn trừ một ai (Tự thiên tử dĩ chí ư thứ nhân nhất thị giai dĩ tu thân vi bản). Sau khi đã “khắc kỷ phục lễ” thì mọi người sẽ: “ Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động” (không phải lễ thì chớ trông, không phải lễ thì chớ nghe, không phải lễ thì chớ làm – Luận ngữ: Nhan Uyên, XII).

Người giàu sang biết Lễ thì không dâm tàn, không kiêu căng; người bần tiện biết Lễ thì không nản chí, không làm bậy; cán bộ, viên chức mà biết Lễ thì biết cách lo cho dân, cho nước.

Nếu như cán bộ quan chức trong bộ máy đảng và chính quyền nước ta hiện nay biết “khắc kỷ phục lễ”, biết “ước ngã dĩ lễ” thì đâu đến nỗi bà cựu Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Doan phải thốt lên trước bàn dân thiên hạ: “…Cái liều vacxin tiêm cho một cháu lại san ra tiêm cho hai cháu ngay tại Hà Nội. Tôi càng đi càng thấy buồn, “ăn” của dân không từ một cái gì”. Nói theo ngôn ngữ dân gian thì quan tham “ăn tận đáy quần chúng”.

Những gì là tinh hoa văn hóa của nhân loại (không cần phân biệt là “sản phẩm của Nho giáo” hoặc Phật giáo hoặc Ki tô giáo…) thì chúng ta sẳn sàng tiếp nhận để làm cho nền văn hóa của dân tộc ta ngày càng thêm phong phú!

Nguyễn Văn Nghệ

Diên Khánh- Khánh Hòa

Chú thích:

[1]-https://laodong.vn/archived/gstskh-tran-ngoc-them-giao-duc-hong-chinh-la-do-triet-ly-giao-duc-sai-lam-712932.ldo

[2]-Lệ Thần Trần Trọng Kim, Nho giáo quyển thượng (in lần thứ tư) Nxb Tân Việt, Saigon- Việt Nam, tr. 147- 156

[3]-Will Durant, Lịch sử văn minh Trung Hoa (Nguyễn Hiến Lê dịch), Nxb Văn hóa Thông tin, tr. 92-93

[4]-antgct.cand.com.vn/Tro-chuyen-cuoi-thang/Nguyen-pho-chu-nhiem-van-phong-Quoc-hoi-Tien-si-Nguyen-Si-Dung-Phai-khoi-goi-nhung-gia-tri-dut-gay-kien…

[5]-https://nghiencuulichsu.com/2017/05/22/noi-co-sach-mach-co-chung/

[6][7]- mangxahoi.net/kien-nghi-bo-khau-hieu-tien-hoc-le-hau-hoc-van-giao-su-tran-ngoc-them-noi-gi/

[8]- https://baotiengdan.com/.../truyen-thong-tien-hoc-le-va-tư-d.../

[9]-nhavantphcm.com.vn/…duong-van-hoc/ve-khau-hieu-“tien-hoc-le-hau-hoc-van”.htm…

[10]-Lệ Thần Trần Trọng Kim, Nho giáo quyển thượng (in lần thứ tư), Nxb Tân Việt, Saigon- Việt Nam, tr. XV ( Lời phát đoan)

[11]-www.nguoiduatin.vn/ti-le-hoc-sinh-noi-doi-tang-dan-theo-tuoi-a106618.html
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tản Mạn Nhân Đọc Hai Chữ Hiệp Hành
Lm.Anphong Nguyễn Công Vinh
09:54 28/11/2021
Tản Mạn Nhân Đọc Hai Chữ “Hiệp Hành”

Thú thực khi đọc hai chữ Hiệp Hành trên mạng, tôi cũng không hiểu hết ý nghĩa của nó. Sau khi thấy chữ Synodo trên logo và đọc tài liệu Vademecum, mới hiểu rõ ý nghĩa của việc dùng từ Hiệp Hành để diễn tả nội dung : Hiệp thông, Tham gia và Sứ Vụ của Thượng Hội Đồng Giám Mục 2023.

Chữ Synodus có nghĩa là công nghị, là cuộc họp của Giáo Hội. Không thấy có tĩnh từ Thượng trong nguyên ngữ, nhưng vì đây là công nghị gồm các giám mục là cấp cao, nên bản dịch tiếng việt thêm chữ Thượng để nhấn mạnh nét đặc biệt nầy cũng hợp lý, giúp dễ hiểu hơn. Còn chữ Synodalité hoặc Synodality trong tiếng Pháp và tiếng Anh là từ mới của Giáo hội, không có trong tự điển.

Bộ Giáo luật 1983,

-Điều 342: định nghĩa và xác định nội dung từ latinh Synodus Episcoporum: “Thượng Hội Đồng Giám Mục là hội nghị các Giám mục được tuyển chọn từ các miền khác nhau trên thế giới, nhóm họp định kỳ để cổ vũ sự hiệp nhất mật thiết giữa Đức Giáo Hoàng Rôma và các Giám Mục, để góp ý kiến giúp Đức Giáo Hoàng trong việc bảo toàn và thăng tiến đức tin và phong hoá, cũng như trong việc duy trì và củng cố kỷ luật Giáo Hội, và cũng để nghiên cứu các vấn đề liên quan tới hoạt động của Giáo Hội trong thế giới” (bản dịch của HĐGM/VN 2007). Thượng Hội đồng Giám mục không phải là một cơ quan ngang quyền với Đức Giáo Hoàng trong việc điều hành Giáo Hội nhưng là một hình thức biểu lộ tính hiệp thông và tính tập đoàn giữa các giám mục với nhau và với Đức Giáo Hoàng Rôma. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI trong tự sắc Apostolica sollicitudo ban hành ngày 15.9.1965 đã thiết lập cơ chế Thượng Hội Đồng Giám Mục và hơn một tháng sau đã đưa vào Bộ Giáo luật 1983.

-Điều 460 cũng đề cập đến Synodus diaecesana dịch là Công Nghị Giáo Phận: “Công nghị giáo phận là cuộc hội họp các đại biểu linh mục và các Kitô hữu khác nhau của Giáo Hội địa phương nhằm mục đích giúp đỡ Gám mục giáo phận trong việc mưu ích cho toàn thể cộng đồng giáo phận…” (Bản dịch của HĐGM/VN 2007). Công Nghị Giáo Phận lần nầy có mục đích đặc biệt là góp ý kiến với Thượng Hội Đồng Giám mục có tài liệu và dữ kiện cụ thể để làm việc có hiệu quả. Dẫu là như vậy thì dùng từ Thượng Hội Đồng Giám Mục cấp Giáo Phận nghe có vẻ không chuẩn, vì thành phần tham dự không phải là các giám mục, mà chỉ có Giám Mục Giáo Phận là người triệu tập, còn các thành phần khác là đại diện giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân. Vì thế nên bỏ từ Giám Mục. Từ Thượng có thể giữ lại, vì thành phần tham dự là cấp đại diện trong giáo phận, đề nghị gọi là: “Thượng Hội Đồng Giáo Phận” hoặc “Công Nghị Giáo Phận, hướng về Thượng Hội Đồng Giám Mục 2023”

Về hai chữ Hiệp Hành dùng dịch chữ Synodality hay tĩnh từ Synodal thì chúng tôi không phân tích về cách ghép chữ theo chữ Hán, hay chữ Việt, đúng hay sai. Theo từng thời, người ta có thể tạo ra những từ ngữ mới. Nhưng từ ngữ là để diễn đạt ý tưởng, vì thế từ ngữ ấy phải làm sao giúp người đọc hoặc người nghe nắm bắt ngay được một phần nội dung chính yếu. Hai từ Hiệp Hành vắn gọn, súc tích nhưng khá mới lạ, đa số dân Chúa, cũng như những người thuộc các tôn giáo bạn khó lòng hiểu nội dung của nó, nếu không được những người chuyên môn giải thích.

Tiêu đề của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới năm 2023 là: Hiệp Thông, Tham Gia và Sứ Vụ. Chúng ta có thể dùng từ ghép kép : “Hiệp Thông và Đồng Hành” là những từ đã quen thuộc mà ai cũng có thể hiểu được phần nào nội dung muốn nói. Từ Hiệp Hành cũng là từ ghép đơn giản của hai từ Hiệp Thông và Đồng Hành mà thôi! Hiệp Thông nói lên cùng ý tưởng, ước muốn, cùng tham gia,chia sẻ, cùng mục đích, Còn Đồng Hành là cùng đi trên một con đường Sứ Vụ. Giáo Hội Đồng Hành không phải Giáo Hội tách biệt đi một bên dân Chúa, hoặc dân Chúa là đối tượng Giáo Hội cùng đi. Nhưng Giáo Hội chính là dân Chúa và dân Chúa là Giáo Hội; mọi người trong Giáo Hội Lữ Hành cùng hiệp thông một chí hướng và cùng đi với nhau để thực hiện Sứ Vụ Chứng tá cho đức tin. Công đồng Vaticanô II trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội xác định: “Thiên Chúa không muốn thánh hoá và cứu rỗi loài người cách riêng rẽ, thiếu liên kết, nhưng Người muốn quy tụ họ thành một dân tộc, để họ nhận biết Người trong chân lý và phụng sự Người trong thánh hiện” (LG số 8). Dân tộc mà Chúa quy tụ là Hội Thánh, là dân Chúa.

Bản dịch của Nhóm Dịch Thuật HĐGM chắc chắn đã được phê duyệt và lên văn bản chính thức của HĐGM/VN, chúng tôi vẫn tôn trọng cách dùng nầy, nhưng trong tinh thần Hiệp Thông, Tham Gia và Sứ Vụ, chúng tôi góp ý tản mạn như vậy.



 
Văn Hóa
Giọt Sương Đợi Chờ
NT. Maria Mai. SPC
09:45 28/11/2021
Giọt Sương Đợi Chờ

Cảm nhận Mùa Vọng

Trời đông mưa bão gió vần xoay,
Thu qua, Đông tới đếm tháng ngày.
Mây ơi! Sao lại chờ sương xuống?
Không lẽ mong hoài Đấng Thiên Sai?

Chuyện mấy ngàn năm một cuộc tình,
Da diết Đợi chờ Đấng Cứu Tinh.
Hòa bình - Công chính còn trì hoãn,
Vẫn khúc Đoạn trường tiếng điêu linh !

Làm sao quên được nỗi oái ăm !
Khoảng trời nô lệ thuở xa xăm.
Nức nở bên bờ sông hoang vắng !
Đàn treo liễu rũ khóc lặng thầm !

Salem biền biệt mãi hoang tàn,
Dẫu đời dâu bể vẫn nài van.
Trời cao thăm thẳm xin nghe thấu !
Tiếng than hòa giọt lệ chứa chan.

Giọt Sương vơi đầy nỗi nhớ thương,
Thiên Sai ngàn thuở mãi vấn vương
Quay quắt ngày về quê đất tổ,
Đớn đau hằn vết buổi tha hương.

Tóc xỏa khăn buồn gió cuốn bay,
Giọt sương thương nhớ cứ vơi đầy.
Hoang mạc dẫu nghìn năm vọng ước,
Rừng hoa hy vọng nở mai ngày !

Giao ước nghìn năm biết bao giờ?
Chuyện tình huyền nhiệm “Một Trẻ Thơ”.
Lắng đọng cung đàn tơ réo rắt,
Vọng khúc “Giọt sương mãi đợi chờ”.

NT. Maria Mai. SPC
 
VietCatholic TV
Đất nước và Giáo Hội tại Hy Lạp trước thềm chuyến tông du của Đức Thánh Cha
Giáo Hội Năm Châu
00:38 28/11/2021

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du Síp và Hy Lạp từ ngày 2 đến ngày 6 tháng 12. Đây là chuyến tông du thứ 35 của Đức Thánh Cha trong triều Giáo Hoàng của ngài, và là chuyến tông du thứ ba sau khi đại dịch coronavirus bùng phát trên thế giới làm gián đoạn các chuyến tông du của ngài trong 15 tháng.

Tổng quan

Hy Lạp, tên gọi chính thức là Cộng hòa Hy Lạp, là một quốc gia có chủ quyền thuộc khu vực Nam Âu. Hy Lạp nằm ở phía nam của bán đảo Balkan, giáp với Albania, Bắc Macedonia và Bulgaria về phía bắc, Thổ Nhĩ Kỳ và biển Aegea bao bọc phía đông và phía nam đất nước còn biển Ionia nằm ở phía tây. Phần lớn địa hình của Hy Lạp là núi non hiểm trở. Lãnh thổ Hy Lạp có rất nhiều những hòn đảo lớn nhỏ thuộc khu vực biển Địa Trung Hải.

Hy Lạp rộng 131,957 km2 trong đó có 130,647 km2 là đất liền và 1,310 km2 lãnh hải.

Hy Lạp là một trong những nền văn minh rực rỡ nhất của thời kỳ cổ đại, có ảnh hưởng sâu rộng đến các nền văn minh khác xung quanh khu vực Địa Trung Hải cũng như để lại nhiều di sản, thành tựu triết học, tôn giáo, văn hóa, khoa học, nghệ thuật cho nhân loại tới tận ngày nay. Đây là nơi ra đời của nền dân chủ, triết học phương Tây, Thế vận hội Olympic cùng rất nhiều phát minh, sáng chế, nghiên cứu khoa học, nghệ thuật khác. Đến thời kỳ trung cổ, Hy Lạp trở thành một bộ phận của Đế chế Byzantine, rồi sau đó lại nằm trong Đế chế Ottoman trong gần 4 thế kỷ. Năm 1821, người Hy Lạp nổi dậy khởi nghĩa, đấu tranh giành độc lập.

Đất nước Hy Lạp ngày nay là một quốc gia phát triển. Hy Lạp là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, NATO, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Tổ chức Thương mại Thế giới. Năm 1981, Hy Lạp trở thành một thành viên của Liên minh Âu Châu.

Thủ đô của Hy Lạp là Athens hay còn gọi là Nhã Điển. Theo ước tính vào tháng 7 năm nay, Hy Lạp có 10,570,000 dân, trong đó 90% theo Chính Thống Giáo Hy Lạp, và 2% theo Hồi Giáo.

Lịch sử cận đại

Vào khoảng cuối thế kỷ III, Đế chế La Mã phân chia thành hai phần: phía tây và phía đông. Hy Lạp trở thành một phần của Đế chế Đông La Mã, sau này đổi tên thành Đế chế Byzantine. Đế chế Byzantine là một nhà nước trung cổ theo Kitô Giáo, trong đó tiếng Hy Lạp là ngôn ngữ chính thức. Tuy nhiên sau đó, đế chế này đã dần dần bị suy yếu trước những cuộc tấn công của người Hồi giáo và cuối cùng sụp đổ vào năm 1453.

Dưới sự cai trị tàn bạo của Đế chế Ottoman theo Hồi giáo, một bộ phận lớn trí thức người Hy Lạp đã nhập cư vào Tây Âu, đặc biệt là Ý. Họ đã góp phần rất lớn trong Phong trào Phục hưng tại Âu Châu thời trung cổ. Một bộ phận khác thì rời bỏ bán đảo Hy Lạp và đến sống tại những vùng núi hoang vu hẻo lánh hay những hòn đảo trên biển Aegean, nơi mà Đế chế Ottoman không thể áp đặt hệ thống chính trị và tôn giáo của họ lên người Hy Lạp. Những cộng đồng người Hy Lạp được củng cố với nhau do cùng chung cơ sở tôn giáo là Chính thống giáo và tôn giáo đã đóng vai trò khá quan trọng trong cuộc chiến tranh giành độc lập cho Hy Lạp sau này.

Tháng 3 năm 1821, cuộc chiến tranh giành độc lập Hy Lạp chống lại Đế chế Ottoman bùng nổ mạnh mẽ. Cuộc chiến này kéo dài cho đến tận năm 1829, khi nền độc lập của nước Hy Lạp non trẻ chính thức được công nhận tại Nghị định thư Luân Đôn. Năm 1832, Đế chế Ottoman đã phải thừa nhận nền độc lập của Hy Lạp trong Hiệp ước Constantinople.

Ngày 28 tháng 10 năm 1940, nhà độc tài Ý Benito Mussolini gửi tối hậu thư yêu cầu Hy Lạp đầu hàng và cho quân phát xít chiếm đóng lãnh thổ. Người Hy Lạp đã kiên quyết nói không và đứng về phe Đồng Minh chống lại lực lượng phát xít. Ngay lập tức, quân phát xít Ý đã tràn vào chiếm đóng Hy Lạp từ miền nam Albania nhưng đã vấp phải sự kháng cự hiệu quả của quân đội Hy Lạp. Tiếp theo đó là trận đánh tại dãy núi Pinlus đã khiến cho quân Mussolini bị đẩy lùi. Lúc đó, Adolf Hitler mới nhận ra vị trí chiến lược của Hy Lạp và hạ lệnh cho quân phát xít Đức và Bulgaria tràn vào lãnh thổ nước này.

Sự xâm lược của phát xít Đức vào ngày 6 tháng 4 năm 1941 đã hoàn thành việc chiếm đóng toàn bộ lãnh thổ Hy Lạp. Nước này trở thành một chiến trường ác liệt cho đến ngày 12 tháng 10 năm 1944, khi thành phố Athens được quân Đồng Minh giải phóng. Trong thời gian cai trị của phát xít Đức, nhiều người Do Thái tại Hy Lạp đã bị đẩy vào các trại tập trung và giết hại. Nạn đói sau chiến tranh đã giết chết khoảng 300.000 người.

Sau khi được giải phóng khỏi ách cai trị của phát xít Đức, cuộc nội chiến Hy Lạp bùng nổ giữa những người cánh tả và cánh hữu. Cuộc chiến kéo dài từ năm 1946 đến năm 1949, khi lực lượng cánh tả bị đánh bại tại trận Grammos-Vitsi. Trong các thập niên 1950, 1960, Hy Lạp đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và vững chắc do nằm trong Kế hoạch Marshall của Mỹ.

Bắt đầu từ năm 1965, Hy Lạp lâm vào một cuộc khủng hoảng chính trị khiến tình hình đất nước trở nên hỗn loạn và rơi vào một chế độ đậc tài.

Ngày 20 tháng 7 năm 1974, Thổ Nhĩ Kỳ tấn công đảo Síp. Cuộc khủng hoảng sau đó đã dẫn đến sự sụp đổ của chế độ độc tài tại Hy Lạp vào ngày 23 tháng 7 năm 1974.

Ngay sau khi chế độ độc tài sụp đổ, cựu thủ tướng Konstantinos Karamanlis đã từ Pháp trở về Hy Lạp và thành lập Đảng Dân chủ Mới. Chính phủ dân chủ được tái thành lập tại Hy Lạp và bản hiến pháp dân chủ của nước cộng hòa được ban hành vào năm 1975. Chế độ quân chủ ở Hy Lạp chính thức bị giải tán trong một cuộc trưng cầu dân ý cùng năm.

Chính trị

Hy Lạp là một nước cộng hòa theo thể chế dân chủ đại nghị. Tổng thống là người đứng đầu đất nước và được lựa chọn bởi quốc hội với nhiệm kỳ 5 năm. Tuy nhiên sau cuộc sửa đổi hiến pháp vào năm 1986, quyền lực của tổng thống đã bị cắt giảm đáng kể và bây giờ hầu như chỉ mang tính nghi thức. Thủ tướng là người đứng đầu chính phủ Hy Lạp và có quyền lực chủ yếu trong các công việc của quốc gia.

Quốc hội Hy Lạp có tổng cộng 300 ghế. Những cuộc bầu cử quốc hội thường được tổ chức 4 năm một lần tuy nhiên tổng thống có quyền giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử sớm. Từ khi Hy Lạp quay trở về tiến trình dân chủ từ năm 1975, Hy Lạp đã trở thành một quốc gia theo chế độ đa đảng. Hai đảng có vai trò quan trọng nhất trên chính trường Hy Lạp là Đảng Tân Dân chủ và Phong trào Xã hội Chủ nghĩa Hy Lạp.

Tổng thống Hy Lạp ngày nay là bà Katerina Sakellaropoulou, một tín hữu Chính Thống Giáo Hy Lạp, và là phụ nữ đầu tiên làm tổng thống ở quốc gia này. Bà sinh ngày 30 tháng 5 năm 1956, đã giữ chức Tổng thống Hy Lạp kể từ ngày 13 tháng 3 năm ngoái 2020. Trước khi được bầu làm Tổng thống Hy Lạp, Sakellaropoulou từng là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Bà hiện sống với luật sư Pavlos Kotsonis và đã có một con từ cuộc hôn nhân trước đó.

Thủ tướng Hy Lạp là ông Kyriakos Mitsotakis, theo Chính Thống Giáo Hy Lạp, thuộc Đảng Tân Dân Chủ. Kyriakos Mitsotakis sinh ngày 4 tháng 3 năm 1968) là một chính trị gia người Hy Lạp và là Thủ tướng Hy Lạp kể từ ngày 8 tháng 7 năm 2019. Ông là con trai của cựu Thủ tướng Konstantinos Mitsotakis. Trước đó, Thủ tướng Hy Lạp là ông Alexis Tsipras, một người vô thần thuộc Phong trào Xã hội Chủ nghĩa Hy Lạp. Alexis Tsipras nhậm chức Thủ tướng ngày 21 tháng 9 năm 2015 và lập tức tung ra các chính sách chống lại các giá trị truyền thống của Kitô Giáo.

Ngày 23 tháng 7, 2018, một trận hỏa hoạn kinh hoàng đã diễn ra tại các khu vực quanh thủ đô Athens làm hơn 60 người bị thiệt mạng. Nơi bị thiệt hại nặng nhất là Mati, một địa điểm du lịch nổi tiếng của Hy Lạp. Sáng thứ Ba 24 tháng 7, ít nhất 26 thi thể gồm đa số là phụ nữ và trẻ em đã được tìm thấy. Dường như họ đã cố chạy ra biển nhưng ngọn lửa kinh hoàng đã chụp xuống họ. Thi thể của 26 người này trong tư thế như ôm cứng lấy nhau trước khi chết.

Tính chất bất ngờ và kinh hoàng của trận hỏa hoạn đã khiến nhiều nhà bình luận liên hệ biến cố này với thảm họa được mô tả trong Kinh Thánh. Nhiều người cho rằng đó là hậu quả của các đường lối bài Kitô Giáo của Alexis Tsipras. Nhờ đó, chỉ vài tháng sau, Đảng Tân Dân Chủ đã chiến thắng vẻ vang.

Giáo Hội Công Giáo tại Hy Lạp

Năm 1054 đã xảy ra biến cố lớn trong đời sống Giáo Hội là cuộc đại ly giáo Đức Thượng Phụ Michael Celarius, Thượng Phụ Giáo Chủ Constantinople và Đức Thánh Cha Lêo IX đã bất đồng sâu sắc đến mức đôi bên đã ra vạ tuyệt thông cho nhau vì những bất đồng liên quan đến tín lý và đặc biệt là về vai trò lãnh đạo Giáo Hội của Đức Giáo Hoàng, Giám mục Rôma.

Từ đó trên mảnh đất Hy Lạp gần như chỉ có Chính Thống Giáo. Dưới thời Đế chế Ottoman, việc hình thành một cộng đồng Công Giáo theo nghi lễ Đông phương nhưng hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh chỉ có thể thực hiện được sau năm 1829 khi Quốc Vương Mohammed II loại bỏ các hạn chế trước đó.

Một linh mục Công Giáo nghi lễ Latinh, là Cha John Marangos, bắt đầu công việc truyền giáo trong Chính thống giáo Hy Lạp ở Constantinople vào năm 1856 và cuối cùng thành lập được một nhóm rất nhỏ người Công Giáo theo nghi lễ Đông phương. Năm 1878, ngài chuyển đến Athens, nơi ngài qua đời năm 1885, và công việc của ngài tại Constantinople được tiếp tục bởi Cha Polycarp Anastasiadis, một cựu sinh viên tại Trường Thần học Chính thống giáo tại Halki. Vào những năm 1880, các cộng đồng Công Giáo Byzantine cũng được hình thành tại hai ngôi làng ở Thrace.

Năm 1895, các Thừa Sai người Pháp bắt đầu làm việc tại Constantinople, nơi các ngài thành lập một chủng viện và hai giáo xứ Công Giáo Byzantine nhỏ bé.

Vào ngày 11 tháng 6 năm 1911, Đức Giáo Hoàng Piô X đã thành lập một Giáo Hạt Tòng Nhân cho người Hy Lạp ở Đế quốc Ottoman và vào ngày 28 tháng 6 năm đó, bổ nhiệm Cha Isaias Papadopoulos làm giám mục tiên khởi. Ngài được kế vị vào năm 1920 bởi Đức Cha George Calavassy. Nhiệm vụ của ngài là giám sát việc di tản của hầu như toàn bộ cộng đồng Công Giáo Byzantine từ Constantinople sang Athens, và từ hai ngôi làng ở Thrace đến một thị trấn ở Macedonia. Đây là một phần của cuộc trao đổi dân cư chung diễn ra giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu những năm 1920. Năm 1922, Đức Cha Calavassy dời các văn phòng của mình đến Athens, và vào năm 1923, Giáo Hạt Tòng Nhân được nâng lên hàng Miền Phủ Doãn Tông Tòa. Năm 1932, Miền Phủ Doãn Tông Tòa được chia thành hai: Đức Cha Calavassy vẫn ở Athens, trong khi một Giám Mục khác được bổ nhiệm đến Istanbul.

Mặc dù sự hiện diện của người ở Hy Lạp đã làm dấy lên sự giận dữ của hàng giáo phẩm Chính thống giáo địa phương, những người Công Giáo Hy Lạp này vẫn quyết tâm phục vụ đồng hương của họ bằng các công việc bác ái và trợ giúp xã hội. Năm 1944, họ thành lập bệnh viện Pammakaristos ở Athens, được biết đến như một trong những bệnh viện tốt nhất trên toàn quốc.

Giáo Hội Chính thống giáo Hy Lạp vẫn rất thù địch với ý tưởng về sự tồn tại của Giáo Hội Công Giáo tại Hy Lạp, mà họ coi đó là sự sáng tạo vô lý của Giáo Hội Công Giáo trong lãnh thổ Chính thống giáo. Ở Hy Lạp ngày nay, các linh mục Công Giáo vẫn bị cấm mặc các phẩm phục đặc trưng của hàng giáo sĩ. Năm 1975, một giám mục mới được bổ nhiệm cho người Công Giáo Byzantine ở Hy Lạp đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Tổng giám mục Chính thống giáo của Athens.

Cộng đồng Công Giáo Hy Lạp vẫn còn rất nhỏ, chỉ khoảng 6,000 tín hữu. Ở Hy Lạp, hầu hết các tín hữu sống ở Athens, trong khi ở Thổ Nhĩ Kỳ, một giáo xứ nhỏ tồn tại ở Istanbul, hiện không có linh mục. Có bảy linh mục phục vụ Giáo Hội ở Hy Lạp, tất cả đều tuân giữ luật độc thân linh mục và theo nghi thức Latinh.

Ngày 2 tháng 2, 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Cha Manuel Nin, dòng Salêsiêng làm Giám Mục Miền Phủ Doãn Tông Tòa Hy Lạp thay cho Đức Cha Dimitrios Salachas vì lý do tuổi tác. Đức Cha Manuel Nin năm nay 65 tuổi. Đức Cha Dimitrios Salachas 82 tuổi.

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô

Thứ Bảy, 4 tháng 12, Đức Giáo Hoàng sẽ rời Síp để bay đến thủ đô Hy Lạp là Athens, hay còn gọi là Nhã Điển, nơi ngài dự kiến sẽ đến lúc 11:10 giờ địa phương. Lễ nghi tiếp đón chính thức sẽ diễn ra tại Sân bay Quốc tế Athens, sau đó là buổi lễ đón tiếp tại Phủ Tổng thống. Tại đây, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ xã giao với Tổng thống Cộng hòa, và Thủ tướng, và sau đó là cuộc họp với chính quyền địa phương, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn.

Buổi chiều, Đức Thánh Cha sẽ có một chuyến thăm xã giao đến Đức Tổng Giám Mục Hieronymos II, của Athens và Toàn Hy Lạp, tại Tòa Tổng Giám mục Chính thống giáo, tiếp theo là cuộc gặp gỡ của phái đoàn Tòa Thánh và hàng giáo phẩm Chính Thống Giáo Hy Lạp tại “Phòng ngai vàng”.

Cuối ngày hôm đó, ngài sẽ gặp gỡ các giám mục, linh mục, tu sĩ, những người thánh hiến, chủng sinh và giáo lý viên của cộng đồng Giáo hội địa phương tại Nhà thờ Thánh Dionysius ở Athens. Kết thúc buổi tối, ngài sẽ có cuộc gặp gỡ riêng với các linh mục, tu sĩ Dòng Tên tại Tòa Sứ thần Tòa thánh ở Athens.

Sáng Chúa Nhật, Đức Giáo Hoàng sẽ đến Đảo Lesbos của Hy Lạp để thăm những người tị nạn tại “Trung tâm Tiếp nhận và Nhận dạng” ở thị trấn Mytilene. Sau đó, ngài quay trở lại Athens vào buổi chiều để cử hành thánh lễ lúc 16:45 tại “Phòng hòa nhạc Megaron”. Buổi tối, ngài sẽ chào đón chuyến viếng thăm xã giao đáp lễ của Đức Tổng Giám Mục Hieronymos II tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Athens.

Cuối cùng, vào sáng thứ Hai, ngày 6 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tiếp đón Chủ tịch Quốc Hội tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Athens. Sau đó, ngài sẽ gặp gỡ những người trẻ tại Trường Thánh Dionysius do các Nữ tu Dòng Ursula ở Maroussi, Athens điều hành. Sau cuộc gặp gỡ này, Đức Thánh Cha ra sân bay quốc tế Athens. Tại đây sẽ có lễ nghi tiễn biệt. Đức Thánh Cha sẽ khởi hành về Rôma lúc 11:30.
Source:ECPA
 
Cha Sở tha thứ cho bọn cướp, lấy tiền còn đánh bể đầu ngài. Linh mục xin ĐTC ra tranh cử tổng thống
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
02:27 28/11/2021

1. Cha Sở bị thương trong vụ cướp tha thứ cho những kẻ tấn công, kêu gọi họ từ bỏ tội ác

Ba ngày sau khi ngài bị đánh bằng súng lục và bị cướp, Cha Sở của Giáo xứ Thánh Leo Đại đế ở Little Italy của Baltimore cho biết ngài đã rất xúc động trước sự hỗ trợ từ giáo xứ của mình và cộng đồng rộng lớn hơn khi ngài trải qua thời gian chữa lành vết thương và lắng đọng tâm hồn trước những gì đã xảy ra.

“Thông điệp của tôi dành cho người đàn ông và người đàn bà đã làm ra điều này là họ nên cân nhắc thay đổi cuộc sống và nhìn mọi thứ theo cách khác và nhận ra rằng hành động bạo lực và tội phạm chỉ làm cho tình hình tồi tệ hơn,” Cha Bernard Carman của Pallottine nói.

“Lời kêu gọi của tôi là họ hãy trở nên tốt hơn – hãy trở nên khác biệt và đi theo Chúa cũng như những gì Ngài đã làm,” Cha Carman nói với tờ The Catholic Review, là tờ báo tổng giáo phận Baltimore. “Vào thời điểm tồi tệ nhất của cuộc đời, bị treo trên thập tự giá, Chúa Giêsu không chỉ nói, 'Lạy Cha, xin tha thứ cho họ', mà còn biện minh cho những kẻ hành hình Ngài rằng họ không biết họ đang làm gì.”

Khi vụ tấn công xảy ra, Cha Carman đang trong thời gian hồi phục sau ca phẫu thuật mạch máu trước đó vào ngày 9 tháng 11. Ngài đã đến giáo xứ Thánh Lêô vào khoảng 4 giờ chiều ngày 12 tháng 11. Ngài đến để hỗ trợ một linh mục, và một cặp tân hôn diễn tập đám cưới, theo một kế hoạch đã được dự trù trước cho buổi chiều hôm đó.

Sau khi ra khỏi xe, ngài bị một người đàn ông và một phụ nữ áp sát. Người đàn ông đòi lấy ví của linh mục trước khi dùng súng đập vào đầu ngài. Kẻ tấn công đã cướp chiếc ví trong khi người phụ nữ đồng bọn giật chiếc điện thoại di động của Cha Carman. Trong lúc xô đẩy, vị linh mục này bị ngã và đập đầu vào tường.

“Tôi rất ngạc nhiên khi họ không bắn vì điều đó có thể xảy ra,” Cha Carman nói, lưu ý rằng ngài có khoảng 100 đô la trong ví. “Người đàn ông chĩa súng vào tôi, nhưng thay vì bắn, anh ta lại dùng súng đập vào đầu tôi.”

Cha Carman cho biết những người ngoài cuộc đã hỗ trợ ngài, cùng với cảnh sát. Ngài đã được chăm sóc y tế trên xe cấp cứu và không cần phải nhập viện. Ngài đã báo cảnh sát, nhưng không nhìn rõ được những kẻ tình nghi vì họ đánh ngài tới tấp.

Vị linh mục cho biết ngài đã nhận được hàng chục tin nhắn điện thoại và các bài đăng trên tài khoản Facebook của giáo xứ để cầu chúc sức khỏe cho ngài.

Cha Carman lưu ý rằng đã có một vài vụ việc xảy ra trong khu phố trong những tháng gần đây liên quan đến trộm cướp. Ngài chưa bao giờ bị tấn công trước đây.

Cha Carman cho biết vết thương cơ thể của ngài về cơ bản đã được chữa lành, nhưng ngài vẫn đang vật lộn với trọng lực của những gì đã xảy ra với mình.

“Vết thương trên đỉnh đầu của tôi đã tốt hơn rất nhiều,” vị linh mục nói. “Tôi chỉ cần dành thời gian để lắng đọng và chữa lành”.
Source:Crux

2. Linh mục xin Đức Thánh Cha cho hồi tục tin rằng sẽ đón tiếp ngài với tư cách tổng thống Timor-Leste

Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định hoàn tục cho một linh mục triều ở Timor-Leste, là người có ý định tranh cử tổng thống ở quốc gia đa số theo Công Giáo.

Việc hồi tục đã được công khai trong một thông cáo gửi tới những người Công Giáo vào ngày 21 tháng 11 tại Giáo phận Baucau, nơi trước đây linh mục Martinho Germano da Silva Gusmao phục vụ.

“Qua thông cáo này, kể từ hôm nay trở đi, ông Martinho Germano da Silva Gusmao sẽ sống cuộc đời của mình như một giáo dân bình thường và tiếp tục làm chứng cho đức tin như một giáo dân tốt,” thông cáo cho biết.

Thông báo giải thích rằng việc huyền chức linh mục này là để đáp ứng yêu cầu của Gusmao gởi đến Đức Thánh Cha Phanxicô vào năm ngoái.

Cha Tổng Đại diện Alipio Pinto Gusmao và Cha Phó Chưởng ấn Deonisio Guterres Soares, là hai vị đã ký thông cáo, tuyên bố rằng Gusmao “sẽ sống cuộc đời của mình như một giáo dân bình thường trong xã hội, nhưng bí tích truyền chức thánh mà anh ta đã nhận không thể bị hủy bỏ.”

Họ nói: “Vì vậy, trong trường hợp những người đang trong tình trạng nguy cấp và không có linh mục nào có thể ban bí tích giải tội ngay lập tức, ông Martinho Gusmao có thể thực hiện bí tích giải tội và chính thức xá tội”.

Timor-Leste đã lên lịch bầu cử tổng thống vào tháng 3 và Gusmao cho biết ông sẽ tranh cử với tư cách độc lập

Tổng giáo phận cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với sự phục vụ của Gusmao với tư cách là một linh mục và yêu cầu người Công Giáo cầu nguyện để ông ấy “sẽ vẫn có thể là một giáo dân tốt và tiếp tục làm chứng cho đức tin của mình với tư cách là một Kitô Hữu trong cộng đồng.

Thông báo này theo sau một lá thư được Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc gởi cho Gusmao vào ngày 15 tháng 10.

Linh mục Gusmao đã đệ trình một lá thư từ chức vào tháng Giêng năm 2020 cho giám mục của Baucau, là Đức Cha Dom Basilio Nascimento – là người đã qua đời vào tháng trước - và một lá thư cho Đức Giáo Hoàng vào tháng 2 năm 2020.

Gusmao, người học khoa học chính trị tại Đại học Giáo hoàng Gregôriô ở Rome và trước đây là ủy viên Ủy ban Bầu cử Quốc gia của Timor-Leste, tuyên bố rằng quyết định từ chức của ông là để tham gia vào các vấn đề chính trị, bao gồm cả việc tranh cử tổng thống vào năm tới.

Vị linh mục này cũng là giảng viên tại học viện Thần Học Dili do Công Giáo điều hành. Ông nói với UCANews rằng ông hy vọng có thể đón tiếp Đức Thánh Cha trong tư cách tổng thống quốc gia khi ngài đến thăm đất nước này.
Source:UCANews

3. Tương lai của Giáo Hội Công Giáo Nga

Sự từ chức của Đức Ông Igor Kovalevskij, tổng thư ký Hội đồng Giám mục Nga, đã gây náo động trong giới Công Giáo ở Mạc Tư Khoa và các nơi khác. Ngài đã từ chức để phản đối cấp trên và các đồng liêu của mình. Sứ vụ linh mục của ngài trùng với ba mươi năm “phục hưng tôn giáo” của nước Nga hậu Xô Viết; những câu hỏi mà ngài nêu ra không chỉ về những bất đồng cá nhân, mà còn về một số chiều kích quan trọng trong sứ mệnh của Giáo hội nói chung.

Vào ngày 19 tháng 11, Đức Ông Kovalevsky giải thích quyết định của mình trong một cuộc phỏng vấn dài với cổng thông tin Credo.ru, một nguồn thông tin quan trọng về đời sống tôn giáo ở Nga. Nhiều người cho rằng điều quan trọng hiện nay là phải giải quyết một số vấn đề mà Đức Ông Kovalevsky nêu ra, không sa đà vào tranh cãi, mà là chấp nhận lời kêu gọi của một người anh em và một người bạn, và vì lợi ích của cả cộng đồng.

Vấn đề nghiêm trọng nhất là số phận của các tòa nhà liên kết với nhà thờ hai Thánh Phêrô và Phaolô ở Mạc Tư Khoa, mà Tòa Giám Mục dự định bán đi để bảo đảm thu nhập, thay vì khôi phục nó để làm nơi thờ phượng và các hoạt động mục vụ. Đức Ông Kovalevsky nói, “người ta biết rằng ma quỷ tồn tại chính xác trong kinh nghiệm phục vụ,” nơi người ta được kêu gọi để đưa ra các quyết định vì lợi ích của Giáo hội, nhưng những cám dỗ và yếu đuối của con người lại bộc lộ ra.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Ông Kovalevsky đã bày tỏ âu lo đối với “sự yếu kém về vật chất và tinh thần của Giáo hội ở Nga”. Đây là câu hỏi khiến mọi người quan tâm: liệu Giáo hội nên dựa vào “những dự án đầy tham vọng” hay dựa vào “chủ nghĩa hiện thực”. Sau khi Liên Xô thoát khỏi họa cộng sản, trong giai đoạn đầu, sự nhiệt tình đối với sự tái sinh tôn giáo đã dẫn đến việc mở nhiều công trình kiến trúc, thậm chí trước khi các tín hữu tập trung lại. Tuy nhiên, kinh nghiệm trong 15 năm qua cho thấy cần phải giảm bớt các sáng kiến và chương trình mục vụ. Theo lời của Đức Ông Kovalevskij, cần tìm ra một cách cân bằng giữa “sự hiện diện” của người Công Giáo trong nước và động lực hướng tới “sứ mệnh”.

Việc xây dựng lại Nhà thờ ở Nga đã bắt đầu từ đầu, sau 70 năm bị o ép bởi chủ nghĩa vô thần. Các tín hữu đã và đang rất ít, ngay cả trong Giáo hội Chính thống giáo chiếm đa số, và thậm chí sau 30 năm, nền giáo dục tôn giáo và văn hóa của người Nga vẫn còn rất kém.

Cựu thư ký Hội đồng Giám mục cũng đề cập đến một vấn đề rất nhạy cảm, cái mà ông gọi là chứng dị ứng với người Ba Lan ở Nga. Đó là một vấn đề có nguồn gốc lịch sử rất xa xưa, nhưng có liên quan đến các hình thức hiểu lầm khác, trong chính cộng đồng Công Giáo Nga. Có sự khác biệt giữa những nhà truyền giáo nước ngoài và những nhà truyền giáo từ thế giới Ba Lan-Ukraine, chẳng hạn như Đức Ông Kovalevsky.
Source:Asia News
 
Giật mình: TQ và ý đồ mua đứt hãng hàng không chuyên đưa đón các vị Giáo Hoàng. ĐTC sẽ đi hãng nào?
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:00 28/11/2021

1. Trung Quốc đã suýt mua được hãng hàng không yêu thích của các vị Giáo Hoàng

Italia Trasporto Aereo SpA, có tên thương mại là ITA Airways, là hãng hàng không quốc doanh của Ý. Hãng hàng không cao cấp này của Ý thuộc sở hữu hoàn toàn của Chính phủ Ý thông qua Bộ Kinh tế và Tài chính. Là người kế nhiệm cho hãng hàng không Alitalia, hãng hàng không này được lên kế hoạch tiếp quản phần lớn tài sản của Alitalia. Hãng hàng không mới sẽ hoạt động đến hơn 41 điểm đến trong nước, Âu Châu và một số điểm đến liên lục địa.

Hãng hàng không Alitalia bắt đầu hoạt động từ năm 1946. Nó thuộc sở hữu của chính phủ Ý cho đến năm 2009, khi nó trở thành một công ty tư nhân sau khi tái tổ chức và sáp nhập với hãng hàng không Air One của Ý bị phá sản. Alitalia tái tổ chức một lần nữa vào năm 2015 sau khi nhận được khoản đầu tư từ Etihad Airways, và Tập đoàn Air France-KLM.

Sau nhiều nỗ lực thất bại trong việc tạo ra lợi nhuận, hãng hàng không này đã rơi vào khủng hoảng vào năm 2017 chỉ vài ngày sau khi Etihad Airways rút vốn khỏi Alitalia. Ngày 17 tháng 5 năm 2017, chính phủ Ý ra quyết định quốc hữu hóa hãng hàng không Alitalia và muốn bán hãng hàng không này.

Sau nhiều cuộc đàm phán thất bại với Delta Air Lines, và EasyJet, chính phủ Ý đã có ý định bán Atalia lại cho China Eastern Airlines.

China Eastern Airlines (中国东方航空公司) là một trong 3 hãng hàng không lớn nhất của Trung Quốc có trụ sở tại sân bay quốc tế Hồng Cao (Hongqiao, 虹桥) của Thượng Hải. Về mức thu nhập China Eastern Airlines đứng thứ nhì chỉ sau China Southern Airlines, nhưng trên Air China.

Theo các báo cáo của Bộ Kinh tế và Tài chính Italia, trong thời gian từ năm 1974 đến 2014, là khoảng thời gian Atalia nằm dưới quyền quản lý của chính phủ, chính quyền Ý đã phải tốn khoảng 7.4 tỷ euro trang trải các thâm hụt của hãng hàng không này. Vì thế, tháng Ba, năm ngoái, Ý rất muốn bán hãng hàng không này cho Trung Quốc, bất chấp những chống đối của dân chúng. Tuy nhiên, kế hoạch của họ bất thành. Do hậu quả của đại dịch coronavirus, không chỉ Atalia mà hầu hết tất cả các hãng hàng không trên thế giới đều rơi vào tình trạng thê thảm. Trung Quốc lợi dụng tình hình này đã trả một giá rẻ mạt.

Vào ngày 10 tháng 10 năm ngoái 2020, chính phủ Ý đã ký một nghị định cho phép hãng hàng không được tổ chức lại với tên gọi Italia Trasporto Aereo SpA, hay ITA Airways, với ít máy bay hơn, ít nhân viên hơn.

Vào ngày 26 tháng 8 năm 2021, ITA chính thức bán vé trên trang web mới ra mắt của mình.

Trong năm nay, hãng hàng không mới sẽ bắt đầu bay đến New York, Boston và Miami, và tiếp tục mở rộng các chuyến bay đến Los Angeles và Washington, DC vào năm 2022, và Chicago và San Francisco vào năm 2023.


Source:Wiki

2. Hãng hàng không Alitalia và các vị Giáo Hoàng

Hãng hàng không Alitalia - được biết đến với kỷ lục an toàn gần như hoàn hảo và sự phục vụ khách hàng chu đáo đến mức đáng kinh ngạc – đã chính thức ngừng hoạt động vào ngày 15 tháng 10. Thông báo được đưa ra vào mùa hè vừa qua, đánh dấu sự kết thúc kỷ nguyên của một hãng hàng không được thành lập vào năm 1946.

Sự sụp đổ của hãng hàng không và sự ra đời của hãng hàng không mới mang tên ITA là một câu chuyện kinh doanh mà các phương tiện truyền thông trong vài tuần qua đã bỏ qua góc độ tôn giáo.

Những khách hàng trung thành duy nhất của Alitalia trong những năm qua là các vị giáo hoàng. Năm 1964, khi Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục công du đến Israel, Alitalia đã trở thành hãng hàng không chính thức của các Đức Giáo Hoàng.

Alitalia đã tung mây lướt gió rất nhiều dặm dưới triều đại giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II, hiện đã là một vị thánh, là người đã đến thăm 129 quốc gia trong suốt 27 năm làm chủ chăn Giáo Hội Hoàn Vũ. Chiếc máy bay được Đức Giáo Hoàng sử dụng - được báo chí gọi là Shepherd One như một cách để so sánh nó với chiếc Air Force One của tổng thống Mỹ. Alitalia tiếp tục được sử dụng bởi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI và bây giờ là Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Trên các chuyến bay này, các vị Giáo Hoàng tổ chức các cuộc họp báo và đưa ra các tin tức nóng bỏng.

Alitalia và các vị Giáo Hoàng sẽ mãi mãi gắn bó với nhau. Trong những năm qua, đã có một số bài báo rất hay được thực hiện xoay quanh cách Đức Giáo Hoàng tông du và những tiện nghi mà hãng hàng không Ý dành cho ngài. Một trong những bài báo hay nhất về chủ đề này được thực hiện bởi Philip Pullella, phóng viên lâu năm tại Vatican của Reuters vào năm 2019, sau khi đã thực hiện 140 chuyến đi tháp tùng các vị Giáo Hoàng.

Nhà báo này cho biết như sau:

Không có máy bay dành riêng cho Đức Giáo Hoàng, không có chiếc “Vatican One”. Nhà lãnh đạo của 1.3 tỷ người Công Giáo trên thế giới sử dụng các chuyến bay thuê bao và trong hầu hết các chuyến bay giới báo chí và Đức Giáo Hoàng bay cùng với nhau.

Quay trở lại những năm 1980, chúng tôi gõ lạch cạch trên các máy đánh chữ và phì phèo những điếu thuốc. Khi chúng tôi bay, phi hành đoàn Alitalia từng phát cho chúng tôi mỗi người cả một cây thuốc, 10 gói.

Ngày nay, nội quy mới cấm hút thuốc trên máy bay và không còn những tiếng lách cách của máy đánh chữ nữa.

Trái ngược với các chính phủ khác, những quốc gia sở hữu máy bay để đưa đón các nguyên thủ quốc gia đi khắp nơi, Vatican không sở hữu một chiếc máy bay phản lực có thể bay đường dài. Kể từ sau Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, các chuyến bay đặc biệt chuyên chở Đức Giáo Hoàng đều gắn cờ của Ý, và đều là của hãng Alitalia.

Các chuyến bay Alitalia chở các vị Giáo Hoàng này đều có số hiệu chuyến bay đặc biệt là AZ4000. Đôi khi nó cũng được gọi là Shepherd One, chẳng hạn như khi Đức Phanxicô đến thăm Hoa Kỳ vào năm 2015.

Số chuyến bay từ 4000 trở lên được dành cho các chuyến bay Alitalia đặc biệt, không theo lịch trình. Ví dụ, khi chiếc 777-200ER chở Đức Thánh Cha Phanxicô đến Abu Dhabi trở về Rôma trống rỗng, nó mang số hiệu AZ8033.

Khi bay khoảng cách xa hơn, Alitalia giao các máy bay phản lực thân rộng, hai lối đi của mình cho sứ mệnh của Đức Giáo Hoàng, A330-200 hoặc 777. Khi hạ cánh, phi công mở cửa sổ buồng lái và hiển thị cờ của quốc gia đang đến thăm, cùng với cờ của Vatican.

Khi bay khoảng cách ngắn hơn, Đức Giáo Hoàng bay trên chiếc máy bay Airbus một lối đi của Alitalia, như A320 hoặc A321. Và để bay những khoảng cách thậm chí còn gần hơn, Đức Giáo Hoàng di chuyển trên một chiếc trực thăng do Không quân Ý vận hành, thường xuyên nhất là chiếc Agusta Westland AW139 cũng được các quan chức chính phủ Ý sử dụng.

Năm 2014, Alitalia đưa ra một thông cáo báo chí kỷ niệm 50 năm hợp tác của hãng hàng không với Tòa thánh. Triển lãm tại Sân bay Leonardo da Vinci của Rome có các bức ảnh từ kho lưu trữ của Alitalia cũng như của tờ Quan Sát Viên Rôma, là tờ báo chính thức của Vatican.

Trong một bài đăng trên Crux ngày 24 tháng 8 với tiêu đề, “Mùa thu năm nay, chuyến du lịch của Giáo hoàng sẽ thay đổi với việc đóng cửa hãng hàng không yêu thích của Giáo hoàng.” Tờ này cho biết như sau:

Kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2021, các chuyến bay của hãng hàng không mới toanh ITA sẽ bay trên bầu trời, với hệ thống quản lý mới và biểu tượng mới, cũng như cảm giác mới về hy vọng của công ty sau cuộc đấu tranh tồn tại kéo dài nhiều năm của Alitalia, khiến chính phủ Ý phải tốn khoảng 7.4 tỷ euro từ năm 1974 đến 2014.

Ban đầu ITA sẽ bắt đầu với quy mô nhỏ hơn Alitalia, giảm xuống chỉ còn 60 máy bay thay vì 92, và chỉ có 5,000 nhân viên thay vì 11,000. Tuy nhiên, người ta dự đoán rằng ITA có thể thuê thêm vài nghìn công nhân cũ của Alitalia vào năm 2022, tùy thuộc vào tình hình kinh doanh.

3. Tuyên bố của Ita Airways

Hôm 24 tháng 11 năm 2021, ban giám đốc của hãng hàng không mới toanh Ita Airways, đã ra một tuyên bố như sau:

Rome, ngày 24 tháng 11 năm 2021 - Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cất cánh lần đầu tiên vào ngày 2 tháng 12 với Ita Airways, hãng hàng không quốc gia mới. Chuyến bay của Đức Giáo Hoàng sẽ khởi hành lúc 11:00 từ sân bay quốc tế Fiumicino của Rôma với điểm đến là sân bay quốc tế Larnaca, của quốc đảo Cyprus.

Chuyến bay sẽ được thực hiện bằng máy bay Airbus A320 với hàng chữ kỷ niệm “Chào đời năm 2021”, do ITA Airways để kỷ niệm ngày bắt đầu hoạt động, diễn ra vào ngày 15 tháng 10 vừa qua.

Tại sân bay Fiumicino, Đức Thánh Cha sẽ được Ban Giám Đốc chào đón bao gồm Chủ tịch Điều hành của ITA Airways Alfredo Altavilla, Giám đốc Điều hành Fabio Maria Lazzerini và Giám đốc Thương mại Emiliana Limosani. Theo dự trù, máy bay sẽ hạ cánh xuống sân bay Larnaca lúc 3:00 chiều giờ địa phương.

Tháp tùng Đức Thánh Cha Phanxicô có phi hành đoàn 9 người gồm 3 phi công và 6 tiếp viên hàng không. Người giám sát các hoạt động trên máy bay sẽ là Phi công Riccardo Privitera, Giám đốc điều hành các chuyến bay của ITA Airways với kinh nghiệm 18,000 giờ bay. Cùng với anh ta là phi công trưởng Corrado Di Maria và phi công Michele Altobelli. Cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô, còn có đoàn tùy tùng của Đức Giáo Hoàng, các đại diện báo chí Ý và quốc tế. Đội ngũ ITA Airways chuyên phục vụ các chuyến bay đặc biệt cũng có mặt trên máy bay.

Fabio Maria Lazzerini, Giám đốc điều hành kiêm Tổng Giám đốc của ITA Airways, tuyên bố: “Đối với chúng tôi, đó là một vinh dự và là nguồn tự hào to lớn khi được tháp tùng Đức Thánh Cha trong chuyến tông du đến Síp. và đây có phải là một lý do nữa để vui mừng khi vận chuyển Đức Thánh Cha, người không ngừng nhắc lại những giá trị cao cả của việc phục vụ. Chúng tôi bắt đầu hoạt động chỉ mới hơn một tháng trước và mỗi ngày chúng tôi đều làm việc để trở thành một nhà vận chuyển hiệu quả và sáng tạo, đồng thời đại diện cho đất nước của chúng tôi, trên toàn thế giới”
Source:Ita Airways