Ngày 30-11-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 1/12: Bẻ ra chính mình và trao ban. Kính Thánh Giuse. Lm. Giuse Vũ Hải Đăng, SDD
Giáo Hội Năm Châu
02:12 30/11/2021


PHÚC ÂM: Mt 15, 29-37

“Chúa Giêsu chữa nhiều người và hoá bánh ra nhiều”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu đến gần biển Galilêa, và Người lên ngồi trên núi; dân chúng lũ lượt đến cùng Người, đem theo kẻ câm, mù, què, liệt và nhiều người khác, và đặt họ dưới chân Người. Người đã chữa lành họ. Dân chúng kinh ngạc nhìn thấy kẻ câm nói được, người què bước đi, người đui lại thấy, và họ tôn vinh Thiên Chúa Israel. Còn Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ mà phán: “Ta thương xót đoàn lũ này, vì đã ba ngày, họ ở lại với Ta, nhưng không có gì ăn. Ta không muốn cho họ về bụng đói, sợ họ té xỉu dọc đàng”. Các môn đệ thưa Người: “Chúng con lấy đâu đủ bánh trong hoang địa này mà cho ngần ấy dân chúng ăn no?” Chúa Giêsu nói với họ: “Các con có bao nhiêu chiếc bánh?” Họ thưa: “Có bảy chiếc, và ít con cá nhỏ”. Người truyền dân chúng ngồi xuống đất. Người cầm lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ, các môn đệ đem cho dân chúng. Tất cả đều ăn no, và mảnh vụn còn lại người ta thu lượm được bảy thúng đầy. Số người đã ăn lên tới bốn ngàn, không kẻ đàn bà con nít. Sau khi giải tán dân chúng, Người bước lên thuyền và đến địa phận Magađan.

Ðó là lời Chúa.
 
Vỡ kịch cuộc đời
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
06:40 30/11/2021
VỠ KỊCH CUỘC ĐỜI

Những ngày Mùa Vọng, lại được Hội Thánh dùng lời của Chúa Giêsu: "Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người" (Lc 21, 36) để mời gọi từng cá nhân nhìn lại đời sống, nhìn lại nếp sống, lối suy nghĩ, từ đó có đánh giá lại bản thân, để có thể chuẩn bị tốt nhất cho điều tồi tệ nhất: cái chết có thể thình lình ập đến bất cứ lúc nào, tôi nhận ra cuộc đời của mỗi người như chẳng khác một vỡ kịch.

Với bản thân, già nửa thế kỷ, cảm nhận rất rõ càng lúc càng tiến về phía hoàng hôn đang hạ xuống rất thấp ở phía chân trời... Đôi lúc có dịp nhìn mình trong gương: hết xuân thì, hết vẻ tươi rói, hết làn da căng, hết nét long lanh trên đôi mắt, hết nét tinh anh trong nụ cười, thay vào đó mái đầu đã đẫm màu mây và những dấu chân chim đã hằn lên rõ nét...

Điều cảm nhận nhiều nhất, rõ nét nhất của hôm nay: sự già nua đang tấn công mỗi khi trái gió, trở trời. Không thiếu những lần cái mỏi mệt ào ào ập đến. Không thiếu những lần bước chân chồn, cơ thể nặng như chịu ngàn tấn đá treo. Nhức đau không còn là chuyện xa xôi, bất thường. Sự lẩn thẩn của tâm trí cũng bắt đầu hội tụ...

Có gì đâu! Đổi thay qua mỗi giai đoạn đời người mãi là thứ bình thường của quy luật thời gian.

Đó cũng là nét nghiệt ngã của một trong những loại hình sân khấu. Có khác chăng là sự phân biệt sân khấu nghệ thuật và sân khấu cõi đời. Bởi dù là sân khấu nào, người diễn viên chỉ có thể đứng trên đó một giai đoạn, dẫu diễn viên giỏi hay diễn viên dở, diễn tốt hay diễn tồi.

Trên chiếc sân khấu cõi đời, người đời như những diễn viên. Thiên Chúa là Đạo Diễn cho vỡ kịch cuộc đời. Mỗi diễn viên được Đạo Diễn dành cho một khoảng thời gian diễn xuất trên sân khấu cuộc đời ấy. Diễn xong thì rút lui nhường chỗ cho diễn viên khác bước lên...

Vì thế, điều quan trọng không phải là vai chính hay vai phụ (người cao sang hay chỉ là kẻ tầm thường), và thời gian trên sân khấu dài hay ngắn (sống lâu hay ngắn ngủi).

Nhưng quan trọng trên hết mọi thứ quan trọng, đó là người diễn viên có đóng trọn vai trò của mình đúng ý Đạo Diễn hay không, có hoàn thành sứ mạng mà Thiên Chúa đã giao cho thực hiện trong khoảng thời gian được hiện diện ở cõi đời này hay không.

Một bài học và cũng là kinh nghiệm rút ra từ những ngày tháng làm người, đó là, hạnh phúc không đến tự nhiên nhưng nó phải đến sau nhiều vất vả, chóng chọi, đổ vỡ...

Làm diễn viên trên sân khấu cuộc đời chẳng dễ dàng. Trung thành, tin tưởng, tín thác đi theo đường lối mà Đạo Diễn vạch ra cho mình là cách tốt nhất để sau khi tấm màn nhung của sân khấu cuộc đời khép lại, người diễn viên ra về giữa nỗi niềm thư thái, an nhiên trong vòng tay vị Đạo Diễn của mình.

Dù bây giờ đang ở ngưỡng cửa hoàng hôn, tôi không thể biết vị Ðạo Diễn đời tôi là Thiên Chúa sẽ cho tôi thêm bao nhiêu thời gian. Nhưng tôi biết chắc, Chúa muốn sự có mặt của tôi trên đời sẽ làm cho đời tốt đẹp hơn. Nhất là tuổi càng cao, thì càng dày trải nghiệm để đủ khôn ngoan chọn lựa cái gì hợp ý Chúa, cái gì phải loại ra khỏi sự sống của mình.

Lời khuyên của Vị Đạo Diễn phải luôn là tâm niệm sống cho từng ngày tháng làm người: Đừng mãi lo sẽ ăn gì, uống gì, mặc gì. Cũng đừng lo làm sao kéo dài mạng sống của mình. Trước tiên hãy lo tìm sự công chính và xây dựng Nước Chúa. Rồi mọi sự khác Chúa sẽ lo cho (Mt 6, 31-34).

Một mai khi tôi hết đi vào sân khấu, Vị Ðạo Diễn, Thiên Chúa của tôi sẽ đánh giá đời tôi. Chắc chắn Người không xem thời gian ở trên sân khấu của tôi dài hay ngắn, làm ăn có khá không.



Vị Đạo Diễn sẽ đánh giá xem, tôi đã cộng tác với Hồng ân của Người ra sao? Thời gian mà Người ban cho, tôi có dùng đúng ý Người hay không? Tôi đã nỗ lực hết sức mình để xây dựng Nước của Người, triều đại của Người như thế nào?

Thời gian còn lại là giai đoạn cuối cuộc đời, tôi phải soi mình, không phải như soi gương để thấy cái đẹp, cái xấu, cái già mua trên khuôn mặt, mà là soi trong nội tâm để càng nhận định rõ hơn, thấu đáo hơn: Thời gian ngắn ngủi trên đời sẽ là thước đo định đoạt số phận muôn đời của tôi...
 
Nhà rao giảng của Mùa Vọng
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
06:53 30/11/2021
CN II VỌNG C

Nhà rao giảng của Mùa Vọng

Gioan Tẩy Giả có thể được mệnh danh là “Nhà rao giảng của Mùa Vọng”. Ngài là người dọn đường cho sự xuất hiện của Đức Giêsu; Ngài đến trước để giới thiệu về Đức Giêsu và triều đại Nước Thiên Chúa. Mỗi năm, Phụng vụ lại giới thiệu sứ điệp của ngài cho chúng ta. Gioan Tẩy Giả, một ngôn sứ đầy tràn ơn Thánh Linh. Ngài làm Tiền Hô và là một nhà giảng thuyết di động, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối cầu ơn tha tội.

Thánh sử Luca kể về Gioan con ông Dacaria trong khung cảnh lịch sử của thế giới chính trị và tôn giáo thời bấy giờ cách uy nghiêm và trang trọng. Ơn gọi và hoạt động loan báo sứ điệp của thánh Gioan xảy ra vào năm thứ 15, dưới thời hoàng đế Tibêriô, năm 28, sau Tây lịch, bởi vì hoàng đế lên ngôi năm thứ 14. Quan toàn quyền Giuđêa lúc đó là Phongxiô Philatô. Palestine hồi ấy cũng gồm 3 châu quận do 3 quận vương cai trị là Hêrôđê Antipa, Philipphê và Lysania. Hai thượng tế vào thời này là thượng tế Anna (vào năm thứ 6 đến năm 14 sau công nguyên) và thượng tế Caipha (trị vì từ năm 18 đến năm 36 sau công nguyên).

Qua các sự kiện lịch sử chính trị và xã hội ấy, Thánh sử Luca cố ý nêu lên ý nghĩa thần học của lịch sử. Ngài muốn khẳng định rằng, chính Lời của Thiên Chúa tạo ra lịch sử. Tất cả mọi biến cố, mọi nhân vật, mọi thời đại, cách tiếp nối của các quyền bính và giới lãnh đạo trần gian, chỉ là khung cảnh trong đó Ngôi Lời của Thiên Chúa nhập thể làm người để ban ơn cứu độ cho nhân loại. Lời thánh Gioan Tẩy Giả rao giảng diễn tả trước sứ điệp mà Chúa Giêsu Kitô loan báo sau này: Muốn được ơn cứu độ, con người phải lãnh nhận bí tích rửa tội, sám hối, hoán cải tâm lòng, thay đổi lối sống, canh tân tư tưởng và cung cách hành sự của mình, bởi vì Đấng Thiên Sai đã hiện diện giữa lòng trần gian.

Gioan là cầu nối giữa hai giai đoạn của lịch sử cứu độ. Ngài vừa thuộc nhóm những ngôn sứ của giai đoạn trước,vừa là người đã chạm đến Nước Trời ở giai đoạn sau. Giai đoạn trước của những lời Thiên Chúa hứa,và giai đoạn sau khi Thiên Chúa thực hiện những lời hứa này. Chúa Giêsu là Đấng khai mở giai đoạn sau.Nhưng Người cần Gioan để làm người tiền hô, dọn đường.

Thánh Gioan Tẩy Giả đã sống đời sám hối và đền tạ tội lỗi trong nơi hoang vắng cho đến khi đủ khả năng để rao giảng.Trước khi là một người rao giảng, làm tiền hô, Gioan Tẩy Giả là một chứng nhân. Ngài sống tách biệt cách nhiệm nhặt trong hoang địa để cầu nguyện, ăn năn sám hối. Chính nhờ cuộc sống như vậy mà lời rao giảng của Gioan thực sự có sức hút. Ảnh hưởng của Gioan thật rộng lớn: từ khắp Giêrusalem, Giuđêa và tất cả miền Giođan đều tuôn đến xin ngài làm phép rửa, đồng thời lãnh nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa. Gioan rao giảng điều mình đã thực hiện, đã kinh nghiệm chứ không phải là một lý thuyết suông nào đó xa vời với chính bản thân ngài. Gioan Tẩy Giả thành công trong sứ mạng dọn đường cho Chúa cũng chính vì ngài vừa là chứng nhân vừa là một thầy giảng.

Con đường Gioan mời gọi tu sửa là đường trong lòng người. Con đường nội tâm của mọi người. Sửa con đường nội tâm là thay đổi cõi lòng, thay đổi cuộc sống để xứng đáng đón tiếp Chúa Cứu Thế. Sửa đường theo Gioan là sám hối. Nhìn lại con đường mình đã đi qua, sửa lại những sai lệch nếu có. Những gì cong queo, hãy san cho thẳng. Những gì gò cao cần phải bạt xuống. Lúc đó mới nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa. Sửa cho thẳng, lấp cho đầy, uốn cho ngay, san cho phẳng, bạt cho thấp; đó là sứ điệp Gioan gởi tới chúng ta trong Mùa Vọng này, để chúng ta dọn lòng mình thành đại lộ thênh thang mở ra với Chúa Cứu Thế.

Sửa đường cho Chúa đến là cần thiết và hợp lý. Khi đón tiếp một vị khách quý, người ta thường sửa sang đường sá, làm sạch đẹp nơi vị khách sẽ đến. Như thế là biểu lộ lòng kính trọng đối với vị khách. Khi Đức Giáo Hoàng hay vị nguyên thủ quốc gia đất nước nào muốn đến thăm viếng đất nước khác, vị Đại sứ hay đoàn Sứ giả được cử đến nơi đó hội đàm dọn đường, sắp đặt chương trình cho cuộc viếng thăm, có thể cả hằng năm trước đó.

Thiên Chúa là vị khách cao trọng nhất. Người hạ mình đến thăm và ở lại cùng sống với thần dân của Người. Đó là hạnh phúc tuyệt vời nên cần phải dọn tâm hồn xứng đáng. Như con đường cho Chúa đi qua; như căn nhà cho Chúa ngự tới; Chúa đứng ngoài cửa lòng và gõ cửa, ai mở thì Ngài đi vào. Con đường có thể có chông gai tội lỗi, có nỗi đam mê tiền lợi danh, có những tính hư nết xấu.

Sửa đường là sám hối, không nói suông, không chỉ là đấm ngực, xé áo. Sám hối là nhận ra cái sai của mình và quyết tâm sửa đổi. Sám hối sẽ không là nô lệ cho của cải, tiền bạc, quyền lực; sám hối là sống công bằng, không tham lam nhũng lạm, không dùng quyền để cưỡng đoạt, áp bức người khác. Đường vào tâm hồn có những khúc quanh co: lén lút sống trong vòng tội lỗi, dối lừa. Sách Cách Ngôn có dạy “Thiên Chúa ghê tởm tâm địa quanh co” (Cn 11,20). Cứu cánh của kẻ quanh co là gian ác, cho nên cần phải uốn nắn lòng mình thẳng ngay như sách Cách Ngôn nói: “Đường lối của kẻ gian ác thì quanh co, hành động của người trong sạch thì ngay thẳng” (Cn 21,28). Uốn những quanh co là sống chính trực công minh ngay thẳng ví như tác giả thư Do thái nhấn mạnh: “Thiên Chúa ưa điều chính trực, ghét điều gian ác” (Dt 1,9); Nếu lòng còn mãi quanh co, gập ghềnh, đầy những dối lừa biện minh cho những sai trái của mình… thì làm sao mà sửa đổi được!. Nếu không nhìn nhận mình sai lỗi thì làm sao có lòng thật tâm sửa lỗi. Sám hối đích thực là hoán cải. Hoán cải đòi hỏi phải hành động, phải trả giá, sẵn sàng chấp nhận những hy sinh, mất mát liên quan đến sự an toàn và tiện nghi của bản thân. Chỉ có sám hối và hoán cải cách đích thực thì mới dọn đường tâm hồn xứng đáng để đón Chúa.

Sửa đường còn là tỉnh thức đợi chờ Chúa đi xa trở về. Như năm cô khôn ngoan có sẵn dầu đèn. Như những đầy tớ làm lợi những nén bạc cho chủ. Như người lính canh thành luôn chú ý những biến chuyển chung quanh. Mỗi cá nhân, ai cũng có những tật xấu, những khuyết điểm, vị kỷ kiêu căng tham lam đố kỵ ghen ghét lười biếng hèn nhát… Xã hội nào cũng có bất công, những lạm dụng quyền bính, những hủ tục, những tệ đoan, những điều ấy làm cho con người đau khổ, trì trệ, không phát triển.

Dọn đường căn bản là ở trong nội tâm, sám hối để canh tân, sửa đổi để trở nên tốt lành thánh thiện hơn. Những con đường được làm bằng đất đá, nhựa bê tông.Những con đường trên mặt đất, trên sông trên biển, trên bầu trời là những con đường vật lý. Những con đường tâm lý, con đường tinh thần, con đuờng lòng người mới quan trọng hơn. Nguyễn Bá Học đã nói: đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà chỉ vì lòng người ngại núi e sông.

Sống đạo luôn là một thách đố đầy quyết liệt và phong phú. Hiểu đạo, tin đạo, giữ đạo xem ra khá dễ dàng vì thuộc lãnh vực cá nhân. Còn sống đạo thường khó khăn hơn vì liên quan đến tha nhân, đòi hỏi một sự quên mình, vượt thắng bản thân. Cũng như thực hiện việc dọn đường qua nghi thức sám hối bên ngoài như rửa tội, xưng tội khá dễ dàng, nhưng nếu mà trong lòng không thật tâm sám hối đưa đến canh tân bản thân, thì hành vi sám hối chỉ là việc làm lấy lệ hình thức mà thôi. Chính vì thế, Giáo hội muốn chúng ta sống 4 tuần lễ Mùa Vọng này như sống trong sa mạc: bình tâm hơn, ăn uống đạm bạc hơn, cầu nguyện nhiều hơn để biết rõ ý Chúa.

Sứ vụ của Gioan có hiệu quả chủ yếu bởi vì cuộc đời ngài là sứ điệp của ngài: sống những gì đã rao giảng. Gioan đã giúp người ta sám hối, thú tội và lãnh nhận phép rửa, sửa đường nội tâm. Ngài dọn lòng mình và lòng người khác để Chúa đến. Nếp sống giản dị của Gioan mang tâm tình sám hối, sửa đường. Gioan kêu gọi mọi người dọn tâm hồn để đón Đấng Cứu Thế, và chính Gioan đã sống như con đường thẳng. Gioan mời gọi người ta sám hối, và chính đời ngài đã mang nét sửa chữa bằng tâm tình sám hối tâm thành.

Mùa Vọng cách đặc biệt mời gọi chúng ta hãy ăn năn sám hối, thay đổi tâm can, thay đổi nội tâm và tin vào Chúa Giêsu. “Hãy làm việc lành cho xứng với lòng sám hối”, lòng sám hối đích thực của Mùa Vọng chính là tích cực đổi mới ngay trong đời sống cụ thể. Sống đạo bao giờ cũng đòi hỏi nhiều cố gắng và tỉnh thức.

Mùa Vọng, Giáo hội cho chúng ta chiêm ngắm mẫu gương của Thánh Gioan, vị ngôn sứ luôn sống gắn bó với Thiên Chúa và gần gũi với con người. Như thế mỗi người sẽ sống đạo hôm nay với tất cả niềm vui hạnh phúc cho bản thân và cho tha nhân.
 
Môn Đệ Chân Chính
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:56 30/11/2021
Môn Đệ Chân Chính

Thứ Năm sau Chúa Nhật I Mùa Vọng – Mt 7,21.24-27

Tin Mừng thánh Matthêu suốt ba chương 5, 6 và 7 tường thuật những lời giảng dạy của Chúa Giêsu. Và bài Tin Mừng hôm nay, thứ Năm sau Chúa Nhật I Mùa Vọng tường thuật những lời đúc kết của Người đó là hãy thực thi những gì đã nghe. Quả thật nếu chúng ta nghe Lời Chúa, dù có một vài tâm tình sốt mến hay cả những nhận thức hợp lý hữu tình, nhưng rồi lại để đó mà không đem ra thực hành thì cũng bằng không. Chúa Giêsu đã ví trường hợp hợp này như người xây nhà trên cát, khi mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào thì nhà sẽ sụp đổ tan tành (x.Mt 7,24-25).

Đọc Tin Mừng ba chương này, chúng ta thấy Chúa Giêsu đề cập đến rất nhiều điều, vậy phải thực thi điều nào đây? Xin có một cái nhìn khá xuyên suốt những lời dạy của Chúa Giêsu qua ba mối tương quan như sau:

1. Với Thiên Chúa: Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy có niềm xác tín rằng Đấng dựng nên vũ trụ đất trời, Đấng cho chúng ta từ chốn hư vô hiện hữu trên gian trần này chính là Cha Toàn Năng chí ái. Người chính là căn nguyên và là cùng đích của mọi vật mọi loài, nhất là loài người chúng ta. Đây là điều kiện tất yếu, ắt có để chúng ta có thể tin nhận hạnh phúc đích thật chính là được Nước Trời làm gia nghiệp, được Thiên Chúa xót thương, ủi an, làm cho no thỏa, được nhìn thấy Thiên Chúa (x.Mt 5,1-12). Khi xác tín Thiên Chúa là Cha Toàn Năng thì chúng ta sẽ an tâm tin tưởng vào sự quan phòng của Người để rồi ưu tiên làm rạng Danh Người, tìm sự công chính của Người hơn là lo lắng thái quá về cơm ăn áo mặc như anh em lương dân (x.Mt 6,7-15; 25-34). Và dĩ nhiên chúng ta sẽ chuyên chăm gặp gỡ Người trong việc cầu nguyện với tâm tình con thơ, con thảo (x.Mt 7,7-11).

2. Với tha nhân: Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy biết sống với tha nhân như anh chị em một nhà trong tinh thần yêu thương, hiệp thông, liên đới. Khi nhận nhau là cốt nhục thì trong nghĩa phu thê chúng ta sẽ biết cẩn trọng trước các nguy cơ dẫn đến sự phản bội (ngoại tình) và cảnh chia đàn xẻ nghé (li dị) (x.Mt 5,27-32). Nhận nhau là huynh đệ một nhà thì không thể giận ghét, xét đoán nhau cách bất công, loại bỏ nhau hoặc xem nhau như kẻ thù (x.Mt 5,21-26; 38-48; 7,1-5). Đã là anh chị em cùng huyết nhục thì điều ắt phải có, đó là tích cực thực thi những gì chúng ta muốn tha nhân làm cho mình (x.Mt 7,12).

3. Với bản thân mình: Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng dù chúng ta là con cái Cha trên trời nhưng phận người chúng ta yếu hèn, dòn mỏng, nên vẫn đã có và còn đó những thiếu sót, sai lầm và tội lỗi. Cần phải biết khiêm nhu xin Chúa thứ tha, biết xa lánh dịp tội và quảng đại thứ tha lầm lỗi cho tha nhân (x.Mt 6,12-13). Biết mình yếu đuối thì hãy cẩn trọng với các thiện hảo đời này là của cải, tiền bạc. Thần dữ thường sử dụng chúng làm mồi nhử khiến chúng ta có thể xem chúng như là những vị thần trên đầu trên cổ. Không thể làm tôi hai chủ được (x.Mt 6,24). Để có thể sống yêu thương và ngày càng thăng tiến hơn thì phải biết sống rộng rãi sẻ chia không chỉ những gì mình có mà ngay cả cái mình là, biết hy sinh và nhỏ mình lại. Đây chính là cách thế qua cửa hẹp để được vào Nước Trời (x.Mt 7,13-14).

Có thể nói ba mối tương quan này được gói gọn trong lời kinh duy nhất mà Chúa Giêsu dạy chúng ta: “Lạy Cha chúng con ở trên trời…” (Mt 6,7-15). Xin đề xuất một thiển ý để thực thi lời Chúa Giêsu dạy đó là mỗi ngày hãy đọc Kinh Lạy Cha một lần cách sốt sắng trong tâm tình con thảo, con thơ với Cha trên trời. Đồng thời mỗi ngày hãy tìm và làm một việc tốt cho một ai đó đang cần đến tình yêu Cha trên trời qua chúng ta mà dĩ nhiên có kèm theo sự hy sinh và quảng đại. “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, chọn những bông hoa và những nụ cười…”. Dù không phải là Kitô hữu, nhưng cố nhạc sĩ họ Trịnh như đã thấm nhuần men Tin Mừng cách nào đó. Nếu sống được nội hàm lời ca này thì ngày đến trình diện trước Đấng Tối Cao, nhiều người sẽ được mời vào Nước Trời hưởng hạnh phúc muôn đời (x.Mt 25,31-47). Họ được Chúa Kitô nhận là môn đệ đích thực và là người bạn hữu của Người, vì đã tuân giữ lời Người (x.Ga 15,9-17).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:37 30/11/2021

78. Một linh hồn thanh khiết thì không nên ở ngoài Thiên Chúa và luôn coi trọng mọi sự; nhưng trong tư tưởng, lời nói và việc làm thì nên thoát khỏi tất cả mọi sự vật, chuyên tâm tìm kiếm mục tiêu lý tưởng cực đẹp chí thiện.

(Thánh Nicetius of Besancon)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:41 30/11/2021
25. VỘI VÀNG TIỄN KHÁCH

Chủ nhà không giữ khách lại ăn cơm, đứng dậy tiễn khách ra đến cổng, cố ý làm bộ khách sáo nói:

- “Người xưa nói: “ở xa thì tiễn ba ly”, còn tôi thì phải tiễn mấy bước?”

Chủ nhà sợ khách dừng bước, vội vàng cầm tay áo của khách cùng tiến ra phía cổng, khách cười lớn nói:

- “Chậm chút xíu, chậm chút xíu, tôi không uống được loại rượu vội vàng này !”

(Tiếu Đảo)

Suy tư 25:

Người lịch sự -nếu không vì chuyện tối cần kíp- thì sẽ không đến thăm bạn bè, hoặc đến nhà người khác vào giờ cơm của họ, tức là khoảng 11.30 giờ đến khoảng 1 giờ trưa, và từ 5 giờ đến khoảng 7 giờ tối. Và nếu có đến thăm thì báo trước ngày giờ, đó là lịch sự tối thiểu không làm mất lòng ai, và để cho chủ nhà khỏi phải lúng túng.

Đó là phép lịch sự của con người bày ra.

Nhưng có một hạng người không lúng túng trong việc này, đó là các cha sở, các ngài sẽ sẵn sàng và vui lòng tiếp giáo dân bất cứ lúc nào trong ngày, bởi vì các ngài không phải là công chức làm theo giờ hành chánh, nhưng các ngài là những mục tử luôn ân cần tiếp đón con chiên của mình bất cứ lúc nào, vì các ngài biết rằng, khách chính là Đức Chúa Giê-su; bởi vì các ngài biết rằng mình bỏ đi một bữa cơm không đúng giờ, mình hy sinh một giờ nghỉ trưa nhưng lại đem về cho Chúa một linh hồn, hoặc ít nữa là đem niềm an ủi đến cho khách khi họ cần đến mình, đó là niềm vui của các ngài.

Đức Chúa Giê-su vẫn đợi chờ chúng ta hằng ngày nơi nhà tạm trong các nhà thờ, Ngài không ấn định giờ giấc tiếp khách, nhưng bất cứ lúc nào dù đêm khuya, dù trời giông mưa bão, Ngài vẫn cứ ân cần đợi chờ chúng ta đến với Ngài.

Chúng ta là những môn đệ của Đức Chúa Giê-su, thế nhưng chúng ta có học được bài học quảng đại này nơi Thầy của mình chưa?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ba biểu tượng giúp ta sống Mùa Vọng
Thanh Quảng sdb
04:52 30/11/2021
Ba biểu tượng giúp ta sống Mùa Vọng

(Aleteia - Philip Kosloski)

Giáo hội khuyến khích chúng ta nhìn vào Mùa Vọng như là thời gian chờ đợi, hoán cải và hy vọng.

Văn hóa đương đại khiến chúng ta dễ dàng quên đi mùa Vọng và bỏ qua ngay cả dịp lễ Giáng sinh. Nguy cơ này có thể làm mất đi vẻ đẹp của Mùa Vọng và tính cách thiêng liêng cá biệt của nó.

Phụng vụ cung cấp cho chúng ta ba từ đơn giản có thể hướng dẫn chúng ta qua Mùa Vọng, và biến việc tuân giữ của chúng ta thành một thời gian chuẩn bị đặc biệt. Mùa vọng là thời gian chờ đợi, hoán cải và mong đợi.

1. Chờ đợi: Hồi nhớ lần Chúa đến lần thứ nhất trong khiêm hạ mặc lấy xác thân như chúng ta; giờ đây chúng ta vẫn sống trong thời gian chờ đợi sự xuất hiện cuối cùng, vinh quang của Chúa như Chúa tể của Lịch sử và Thẩm phán toàn cầu.

2. Hoán cải: Phụng vụ trong mùa này được trích từ các ngôn sứ, đặc biệt là Gioan Tẩy Giả kêu mời chúng ta “Hãy sám hối vì nước trời đã gần đến” (Mt 3, 2).

3. Mong đợi: Vui mừng hy vọng rằng ơn cứu độ đã được thực hiện bởi Chúa Kitô (x. Rm 8, 24-25) và Ngài ban ân sủng cho hoàn vũ, nhờ đó chúng ta sẽ được thăng tiến và đạt đến mức thập toàn, nhờ và qua đức tin, “chúng ta được trở nên giống Ngài như chúng ta sẽ xem thấy Ngài.” (Gioan 3: 2).

Nếu chúng ta muốn đào sâu vào mùa Vọng, hãy ghi nhớ ba từ trên trong tâm tư của chúng ta, nó sẽ hướng dẫn chúng ta chuẩn bị cho lễ Giáng sinh thật trang trọng và vinh hiển...
 
Israel cấp phép cho các tín hữu Kitô ở Gaza về Bethlehem tham dự Giáng sinh
Đặng Tự Do
05:48 30/11/2021


Các nhà chức trách Israel hôm thứ Tư cho biết họ sẽ cho phép 500 thành viên của cộng đồng Kitô giáo nhỏ bé của Dải Gaza vào Israel và Bờ Tây để tham dự lễ Giáng sinh.

Trước đây, Israel đã cho phép người Gaza ra khỏi lãnh thổ bị phong tỏa để đón Giáng sinh, mặc dù việc cho phép này đã bị hủy bỏ vào năm ngoái do đại dịch coronavirus.

Việc di chuyển ra khỏi Gaza cũng đã bị hạn chế kể từ cuộc chiến kéo dài 11 ngày vào tháng 5 năm ngoái giữa Israel và những người cầm quyền Hamas của lãnh thổ này. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, Israel đã bắt đầu nới lỏng một số hạn chế, cấp cho hàng nghìn người Gaza giấy phép làm việc bên trong Israel như một phần trong những nỗ lực thầm lặng của Ai Cập nhằm môi giới cho một lệnh ngừng bắn dài hạn.

COGAT, cơ quan quân sự của Israel chịu trách nhiệm về các vấn đề dân sự của Palestine, đã công bố việc cấp giấy phép cho phép người dân đến thăm người thân và các thánh địa ở Israel và Bờ Tây. COGAT cho biết họ cũng đang tăng cường việc thăm viếng Giêrusalem cho các tín hữu Kitô ở Bờ Tây bị chiếm đóng và cho phép khoảng 200 Kitô Hữu Gaza đi qua Israel đến Jordan để ra nước ngoài.

Bethlehem, được các Kitô Hữu tôn kính là nơi sinh của Chúa Kitô, nằm ở Bờ Tây. Thị trấn này phụ thuộc nhiều vào du lịch, nhưng các quan chức lo ngại sẽ có ít du khách trong năm nay do ảnh hưởng của đại dịch kéo dài.

Khoảng 1,000 Kitô Hữu sống ở Gaza, tạo thành một phần rất nhỏ trong số 2 triệu dân của lãnh thổ này. Hầu hết các tín hữu này theo Chính thống giáo Hy Lạp. Người Công Giáo chỉ chiếm khoảng một phần tư trong cộng đồng nhỏ bé 1000 người này.

Phong trào Hamas của các chiến binh Hồi giáo cầm quyền coi các Kitô hữu là một nhóm thiểu số cần được bảo vệ. Đã có một vài cuộc tấn công nhắm vào các tín hữu Kitô bởi những người Hồi giáo cuồng tín trong những năm đầu Hamas cầm quyền, nhưng kể từ đó phong trào Hồi giáo đã đưa ra các biện pháp để bảo đảm những cuộc tấn công như vậy không xảy ra.

Israel và Ai Cập đã duy trì phong tỏa chặt chẽ đối với Gaza kể từ khi Hamas nắm quyền kiểm soát lãnh thổ vào năm 2007. Người dân phải có giấy phép mới được rời khỏi lãnh thổ này.
Source:Crux
 
Những gì chúng tôi biết về biến thể COVID mới được phát hiện ở Nam Phi
Đặng Tự Do
05:49 30/11/2021


Khi mối quan tâm về một biến thể coronavirus mới được phát hiện ở Nam Phi ngày càng tăng, một nhà dịch tễ học hàng đầu của Úc đã tuyên bố rằng còn quá sớm để biết liệu chủng này có khả năng lây truyền nhanh hơn Delta hay không.

Biến thể được đặt tên là Omicron, chữ cái thứ 15 trong bảng chữ cái Hy Lạp.

Được định danh là B.1.1.529, nó đang gây lo ngại vì số lượng đột biến cao và lây lan nhanh chóng.

Và trong khi cả thế giới đang theo dõi, giáo sư dịch tễ học hàng đầu Adrian Esterman nói rằng còn quá sớm để đưa ra các nhận định chính xác.

Ông nói với 7NEWS: “Chúng ta đã chứng kiến một tình huống tương tự vào tháng 8 khi có một biến thể, cũng đến từ Nam Phi. Bây giờ nó chỉ đơn giản là một biến thể đang được WHO giám sát”.

Nhấn mạnh rằng vẫn còn “quá sớm”, Giáo sư Esterman thừa nhận bất kỳ biến thể nào có một số lượng lớn các đột biến trong một protein đều đáng quan tâm.

“Nhưng còn quá sớm để nói liệu nó có khả năng truyền nhiễm nhiều hơn biến thể Delta hay không.”

Đối với vắc xin, ông nói, còn quá sớm để nói liệu các loại thuốc tiêm COVID hiện tại có thể cung cấp sự bảo vệ hay không.

Tuy nhiên, trong trường hợp các vắc xin hiện nay là vô hiệu, ông nói rằng các loại vắc xin mRNA như Pfizer và Moderna có thể điều chỉnh được.

Ông nói: “Các vắc-xin mRNA - rõ ràng là tương đối đơn giản để điều chỉnh chúng một khi bạn biết bộ gen của biến thể, là điều mà chúng ta đã làm”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nam Phi Joe Phaahla cho biết biến thể mới này dường như đang làm gia tăng các trường hợp COVID ở Nam Phi, nơi đã có một sự gia tăng theo cấp số nhân trong vòng 4 đến 5 ngày qua.

Biến thể này cũng đã được tìm thấy ở Botswana và Hương Cảng từ những du khách đến từ Nam Phi.

Tỷ lệ tiêm chủng vẫn còn thấp ở Nam Phi.

Giáo sư Esterman cho biết lý do các biến thể mới xuất hiện ở những nơi như Nam Phi là do tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Ông nói thêm: “Càng nhiều người không được tiêm chủng, càng có nhiều cơ hội phát sinh các biến thể”.

Hiện tại, chỉ có khoảng 41% người trưởng thành ở Nam Phi đã được tiêm chủng.

Thủ tướng Scott Morrison đã trả lời những lo ngại liên quan đến Omicron trong một cuộc họp báo ở Adelaide vào hôm thứ Sáu. Ông nói rằng nó đang được giám sát chặt chẽ.

“Tôi nghĩ tôi nên nhấn mạnh rằng hiện tại, có rất nhiều biến thể “ ông Morrison nói.

“Tôi được khuyên rằng biến thể này vẫn đang được điều tra và không phải là một biến thể đáng lo ngại, nhưng điều đó có thể thay đổi”.

“Chúng tôi theo dõi tất cả các biến thể này và chúng tôi ghi nhận phản hồi của các quốc gia khác và chúng tôi xem xét các phản hồi đó một cách nhanh chóng.”

Australia đang 'chuẩn bị kỹ lưỡng'.

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Greg Hunt nói với giới truyền thông hôm thứ Sáu rằng Australia đã chuẩn bị kỹ lưỡng nếu lời khuyên liên quan đến biến thể mới này thay đổi.

Ông Hunt cho biết: “Tôi đã được thông báo tóm tắt vào sáng nay bởi những người đang điều tra và xem xét biến thể Nam Phi và ở giai đoạn này, thông tin chúng tôi có được là nó có tiềm năng trở thành một biến thể mới”.

“Lời khuyên lúc này là chúng ta phải tham gia với các cộng đồng quốc tế, nhưng chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng và có thể hành động nhanh chóng nếu lời khuyên thay đổi”.

“Và tất nhiên, chúng tôi đã tính đến thực tế là những người Úc được tiêm vắc xin hai lần đang phải quay trở lại với các hạn chế biên giới hiện tại. Không có thay đổi nào đối với những hạn chế đó vào thời điểm này”.

Các chuyến bay bị cấm

Chính phủ Anh đã cấm các chuyến bay từ Nam Phi và năm quốc gia ở miền Nam Phi Châu khác từ hôm thứ Sáu, và bất kỳ ai mới đến từ các quốc gia đó sẽ được yêu cầu làm xét nghiệm coronavirus.

Bộ trưởng Y tế Vương quốc Anh Sajid Javid cho biết có những lo ngại rằng biến thể mới “có thể dễ lây truyền hơn” so với chủng delta đang thống trị và “các loại vắc-xin mà chúng ta hiện có có thể kém hiệu quả hơn” trong việc chống lại nó.

Tulio de Oliveira, từ Mạng lưới Giám sát gen ở Nam Phi, người đã theo dõi sự lây lan của biến thể delta ở Nam Phi, cho biết biến thể mới có một “tổng hợp” của các đột biến.

De Oliveira cho biết: “Số lượng đột biến rất cao là mối quan tâm đối với khả năng phòng tránh và miễn dịch”.

Ông nói: “Biến thể mới này có rất nhiều đột biến, bao gồm hơn 30 loại protein đột biến ảnh hưởng đến khả năng truyền nhiễm”.

“Chúng ta có thể thấy rằng biến thể này có khả năng lây lan rất nhanh. Chúng tôi dự kiến sẽ bắt đầu thấy áp lực trong hệ thống chăm sóc sức khỏe trong vài ngày và vài tuần tới”.

De Oliveira nói rằng một nhóm các nhà khoa học từ bảy trường đại học Nam Phi đang nghiên cứu về biến thể Omicron.

Họ có 100 bộ gen của nó và dự kiến sẽ có nhiều bộ gen nữa trong vài ngày tới.

Ông nói: “Chúng tôi lo ngại về sự tiến hóa tăng vọt trong biến thể này”.

Một tin tốt là nó có thể được phát hiện bằng xét nghiệm PCR, ông nói.

Sau một thời gian lây truyền tương đối thấp, trong đó Nam Phi chỉ ghi nhận hơn 200 trường hợp được xác nhận mới mỗi ngày, trong tuần qua, số ca mắc mới hàng ngày nhanh chóng tăng lên hơn 1,200 vào hôm thứ Tư. Vào hôm thứ Năm, Nam Phi đã chứng kiến 2,465 ca nhiễm.

Trong bối cảnh gia tăng các trường hợp, các nhà khoa học đã nghiên cứu trình tự gen và phát hiện ra biến thể mới.

Hiện họ đang cố gắng xác định xem liệu sự gia tăng trong các trường hợp mới có phải là do biến thể mới gây ra hay không.

Kể từ đầu đại dịch, Nam Phi đã ghi nhận hơn 2.9 triệu trường hợp mắc COVID, trong đó có hơn 89,000 trường hợp tử vong.

Nhóm công tác kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới đã họp vào hôm thứ Sáu để đánh giá biến thể mới và có thể quyết định có đặt tên cho nó từ bảng chữ cái Hy Lạp hay không.
Source:Seven News Australia
 
Nhận định đáng kinh ngạc: Omicron có thể lại là lối thoát cho chúng ta
Đặng Tự Do
17:08 30/11/2021


Biến thể Omicron đang làm thế giới choáng váng vì mức độ lây nhiễm xem ra vượt xa biến thể Delta, và cả những người đã tiêm hai liều vắc xin cũng bị nhiễm.

Bộ trưởng Y tế Greg Hunt của Úc Đại Lợi cho biết ông đã yêu cầu cả Pfizer và ATAGI xem xét khung thời gian đưa ra mũi tăng cường COVID-19 như một 'hành động bổ sung' để giải quyết biến thể Omicron.

Tuy nhiên, tính đến sáng ngày 30 tháng 11, chưa có trường hợp tử vong nào được xác nhận là do biến thể Omicron gây ra. Vì thế, nhiều nhà khoa học cho rằng biến thể Omicron tương đối “hiền hơn” các biến thể khác; và như thế có khi lại là tin tốt lành. Khi nó lây nhanh, nhưng không làm chết ai thì nó lại có tác dụng gây ra miễn dịch cộng đồng.

Đây là những gì đã xảy ra với vi-rút cúm H1N1 và nó có thể giải thích nguồn gốc của một thứ cảm lạnh thông thường mà một số nhà vi-rút học cho rằng có liên quan đến đại dịch cúm Nga chết người vào cuối thế kỷ 19.

Các dấu hiệu ban đầu từ Nam Phi, nơi Omicron dường như đã thay thế Delta trong vai trò là biến thể vượt trội, cho thấy đột biến Omicron hoàn toàn có thể là biến thể SARS-CoV-2 mà các chuyên gia đã chờ đợi.

Nhà dịch tễ học Tony Blakely của Đại học Melbourne cho biết: “Chúng tôi vẫn chưa biết, nhưng có một vài manh mối cho thấy nó có thể ít độc hơn. Mặc dù tất cả mọi người đều hơi căng thẳng vào lúc này, nhưng nó có thể hoạt động có lợi cho chúng ta.”

Nhà dịch tễ học Catherine Bennett của Đại học Deakin, trong một nghiên cứu tương tự, cho biết những bằng chứng được tìm thấy cho đến nay mang lại một sự lạc quan.

Bà nói: “Có khả năng chúng ta đang nhìn thấy một phiên bản virus lây nhanh hơn, nhưng ít độc hại hơn, đây sẽ là một trong những bước tiến trên con đường hạnh phúc hơn để sống chung với virus. Chúng tôi có nhiều tín hiệu cho thấy rằng có thể sẽ ổn mặc dù ngay lúc này có các tín hiệu cho thấy có thể có một chút lo lắng.”

Thế giới chắc chắn đang lo lắng về Omicron. Tổ chức Y tế Thế giới, gọi tắt là WHO, đã mất nhiều tháng để phân loại Delta là một dạng biến thể cần quan tâm, nhưng chỉ 2 ngày sau khi trường hợp đầu tiên được xác nhận, WHO đã nâng Omicron lên tình trạng tương tự.

Đáp lại, Âu Châu, Mỹ và Úc đã cấm du lịch đến và đi từ miền nam Phi Châu. Israel và Nhật Bản đóng cửa biên giới với thế giới và thị trường cổ phiếu toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng.

Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nam Phi Angelique Coetzee, bác sĩ điều trị cho một số bệnh nhân đầu tiên được chẩn đoán mắc chủng vi rút mới, cho biết tất cả các trường hợp mà cô giám sát đều có các triệu chứng tương đối nhẹ. “Chúng tôi chưa phải đưa bất cứ ai vào khu chăm sóc đặc biệt” cô nói với BBC. “Tôi đã nói chuyện với các đồng nghiệp khác của mình; ở chỗ họ cũng tương tự như thế”.

Giáo sư Dror Mevorash, một chuyên gia về COVID-19 tại Trung tâm Y tế Hadassah ở Jerusalem, nói với tờ báo địa phương Haaretz rằng các dấu hiệu ban đầu cho thấy biến thể gây ra bệnh tương đối nhẹ. “Vẫn còn sớm để nói nhưng tình hình không đến mức tồi tệ.”

Bộ trưởng Y tế Liên bang Greg Hunt cũng lạc quan tương tự: “Phần lớn các bằng chứng ban đầu cho thấy một loạt các triệu chứng nhẹ, nhưng chúng ta cần nhiều bằng chứng hơn”.

Liệu Omicron có thể giúp tiêu diệt “quái thú” Delta không?

Lý thuyết cho rằng, nếu một dòng biến thể ít độc hơn chiếm ưu thế ưu thế, sẽ có nhiều người bị nhiễm bệnh hơn nhưng sẽ ít bệnh nhân bị bệnh nặng hơn. Virus, trong khi vẫn còn là một vấn đề, cũng trở thành một phần của giải pháp; Mỗi người hồi phục sau một trường hợp nhẹ sẽ có khả năng miễn dịch chống lại các bệnh nhiễm trùng trong tương lai cao hơn bất kỳ loại vắc-xin nào hiện tại cung cấp.

Thủ hiến Dominic Perrottet của New South Wales đã cảnh báo về phản ứng quỳ gối trước biến thể Omicron.

Theo ông, các đợt bùng phát COVID-19 trong tương lai sẽ gây ít áp lực hơn cho các bệnh viện và hệ thống y tế công cộng so với các vụ dịch Delta mà Melbourne và Sydney đã phải chịu đựng vào mùa đông năm ngoái.

Đây là điều mà Thủ hiến NSW Dominic Perrottet đang quan tâm khi ông cảnh báo về phản ứng quỳ gối trước sự xuất hiện của Omicron.

Ông Perrottet nói: “Thước đo thành công không phải là số trường hợp nhiễm bệnh. Biện pháp thành công là giữ cho mọi người không phải nhập viện, giữ cho mọi người an toàn và đồng thời, mở cửa nền kinh tế để giữ cho mọi người có công ăn việc làm và giữ cho các doanh nghiệp mở cửa.”

Hiện tại, vẫn chưa đủ thông tin về Omicron để nói liệu nó đang ngăn chặn hay đang dọn đường cho chúng ta thoát khỏi đại dịch quỷ quái này.
Source:Sydney Morning Herald
 
Một người đàn ông được tự do sau 4 thập kỷ ngồi sau song sắt vì tội ác mà anh ta không phạm phải
Đặng Tự Do
17:09 30/11/2021


Ủy ban Công lý và Hòa bình của tiểu bang Missouri đã lên tiếng ca ngợi quyết định của tòa án trả tự do cho ông Kevin Strickland và kêu gọi cải thiện quy trình xét xử để tránh các trường hợp kết án oan sai.

Kevin Strickland đã được ra tù sau 43 năm ngồi sau song sắt vì một tội ác mà ông ta không phạm phải. Ông bị kết án một tội danh giết người cấp một và hai tội danh giết người cấp hai trong một vụ án giết người năm 1978.

Ông đã phải nhận bản án chung thân 50 năm không có khả năng được ân xá vì tội ác mà ông luôn cho rằng mình không hề có liên quan.

Ông Strickland, ngày nay phải ngồi trên xe lăn, nói: “Tôi vẫn chưa tin được những điều đã xảy ra”.

“Cảm ơn vị thẩm phán đã xem xét lại từ đầu tất cả các bằng chứng vô tội của tôi. Tôi thực sự đánh giá cao việc ông ấy dành thời gian để lắng nghe và hiểu những gì thực sự đã xảy ra vào năm 1978 và cách tôi là một người dễ dãi đã bị cảnh sát lợi dụng”.

Tất cả các cáo buộc chống lại ông Strickland đã bị bác bỏ trong tháng này sau khi nhóm pháp lý của ông đưa ra bằng chứng và lập luận để minh oan cho ông.

Điều này bao gồm sự thừa nhận từ người sống sót duy nhất trong vụ xả súng chết người là cô ấy có thể đã nhận dạng sai anh ta.

Strickland đã khẳng định mình vô tội trong suốt nhiều năm, nói rằng lúc đó ông mới 18 tuổi, đang ở nhà xem tivi khi vụ giết hại Larry Ingram, 21 tuổi; John Walker, 20 tuổi; và Sherrie Black, 22 tuổi, xảy ra ở Thành phố Kansas.

Ông Strickland cho biết hiện ông muốn tham gia vào việc phát biểu trước công chúng để có thể ảnh hưởng đến luật pháp.

Một tài khoản GoFundMe đã được thiết lập để giúp anh ta bắt đầu lại cuộc sống của mình vì tiểu bang Missouri sẽ không bồi thường cho thời gian ông ở trong tù.
Source:Seven News Australia
 
Một người đàn ông Triều Tiên bị tuyên án tử hình vì phân phối Squid Game
Đặng Tự Do
17:10 30/11/2021


Squid Game, hay “Trò Chơi Sinh Tử”, là một bộ phim truyền hình Hàn Quốc do Hoàng Đông Hách (Hwang Dong-hyuk, 황동혁) viết kịch bản và đạo diễn. Bộ phim kể về một nhóm người mạo hiểm tính mạng trong 6 trò chơi sinh tử để nhận được tổng số tiền 45.6 tỷ Won. Phim được Netflix phát hành trực tuyến vào ngày 17 tháng 9 năm 2021. 456 thí sinh, bao gồm cả một người đào tẩu từ Bắc Triều Tiên, cạnh tranh nhau trong các trò chơi chết người để có cơ hội sống còn. Chỉ có một người duy nhất sống sót, là người nhận được tổng số tiền 45.6 tỷ Won, những người khác phải trả giá bằng mạng sống của mình.

Trò Chơi Sinh Tử đã thu hút hơn 142 triệu gia đình thành viên trong 4 tuần đầu tiên kể từ khi ra mắt, đây là bộ phim được xem nhiều nhất của Netflix cho đến nay.

Một người đàn ông đã bị kết án tử hình ở Triều Tiên sau khi buôn lậu và phân phối các bản sao của bộ phim truyền hình ăn khách Netflix của Hàn Quốc.

Các nguồn tin ở tỉnh Hàm Cảnh (Hamgyong, 함경도), ở phía bắc của Triều Tiên, nói với Đài Á Châu Tự Do rằng người đàn ông này đã mang chương trình này từ Trung Quốc về nước trên ổ USB và bán cho các học sinh trung học.

Hoạt động này đã bị bại lộ khi nhà chức trách bắt quả tang bảy học sinh đang chơi trò chơi này.

Người đàn ông không may này dự kiến sẽ bị xử bắn.

Một học sinh đã mua ổ USB này đã bị kết án tù chung thân, trong khi sáu người khác xem chương trình đã bị kết án 5 năm lao động khổ sai.

Các học sinh bị trừng phạt theo luật Xóa bỏ tư tưởng phản động và xây dựng văn hóa mới của Triều Tiên, đạo luật này giám sát việc xem, lưu giữ hoặc phân phát các phương tiện truyền thông từ các nước tư bản.

Các hình phạt cũng được mở rộng cho nhà trường. Người giáo viên báo cáo câu chuyện này, hiệu trưởng và các nhân viên hành chính khác đã bị sa thải.
Source:Seven News Australia
 
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha cho tháng 12: Cầu nguyện cho các Giáo lý viên
Thanh Quảng sdb
18:25 30/11/2021
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha cho tháng 12: Cầu nguyện cho các Giáo lý viên

Đức Thánh Cha Phanxicô công bố ý cầu nguyện trong tháng 12, mời gọi mọi người hãy cầu nguyện cho các giáo lý viên, “được mời gọi để loan báo Lời Chúa,” xin cho họ “trở thành nhân chứng của Lời Chúa, với lòng can đảm, sáng tạo mạnh mẽ trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, với niềm vui và bình an.”

(Tin Vatican - Christopher Wells)

Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu trong Video ý cầu nguyện tháng 12 rằng: “Các giáo lý viên có sứ mệnh lớn lao với việc truyền bá và thăng tiến đức tin.”

Tháng 12 năm 2021, Đức Thánh Cha xin cầu nguyện “cho các giáo lý viên, được mời gọi để loan truyền Lời Chúa: xin cho họ trở nên những chứng nhân của Lời Chúa, với lòng can đảm, sự sáng tạo, niềm vui và bình an trong quyền năng của Chúa Thánh Thần.”

Ơn gọi và sứ mệnh

Trong thông điệp video, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Chức vụ giáo lý viên giáo dân là một ơn gọi; đó là một sứ mệnh, là cả một chặng đường sinh mệnh...” ĐTC nói Giáo hội cần “những giáo lý viên giỏi, là bạn đồng hành và là thầy.”

Đầu năm nay, Đức Thánh Cha đã chính thức khôi phục lại chức vụ giáo lý viên trong Tông thư “Mầu Nhiệm Xưa” (Antiquum Ministerium), được ban hành dưới dạng thông điệp “motu proprio” theo sáng kiến của chính ngài. Trong video tháng này, Đức Thánh Cha giải thích rằng ngày nay, “tại nhiều giáo phận, trên nhiều châu lục, việc truyền bá Phúc âm căn bản nằm trong tay của các giáo lý viên”.

Rao giảng Tin Mừng bằng cuộc sống

Vì vậy, ĐTC nói, Giáo hội cần “những người sáng tạo, những người loan báo Tin Mừng, nhưng không phải là những người công bố bằng tiếng hay bằng loa, mà là bằng cuộc sống của họ, với sự dịu dàng, trong một ngôn ngữ mới để mở ra những con đường mới.”

Một ví dụ về “ngôn ngữ mới” này về việc dạy giáo lý được thấy trong Video của Giáo hoàng trong tháng 12, cho thấy các giáo lý viên và những người trẻ cùng chung tay làm một bức tranh tường nói về việc Chúa rửa chân.

Một cử chỉ tao nhã

Trong sứ điệp của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tín hữu hãy “cám ơn các giáo lý viên về lòng nhiệt thành nội tâm mà họ sống chứng tá trong sứ vụ này để phục vụ Giáo hội.”

Cha Frédéric Fornos SJ, Giám đốc Quốc tế của Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu của Đức Thánh Cha, nhận xét về ý định của tháng này: “Đức Phanxicô dành sứ điệp cuối cùng này cho các giáo lý viên trong năm mà ngài thiết lập mục vụ giáo dân, trong đó cuộc hành trình đồng nghị bắt đầu 'như dân Chúa hành hương và truyền giáo' là một cử chỉ mang nhiều ý nghĩa."
 
Hôm nay, 1 tháng 12, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, sẽ xem xét vụ phá thai quan trọng nhất trong mấy thập niên qua
Vũ Văn An
22:04 30/11/2021

Trên đây là hàng tít của John Lavenburg trên trang mạng Crux Now ngày 30 tháng 11. Ký giả này có ý nói đến vụ Dobbs v. Jackson Women’s Health Organization (Dobbs kiện Cơ quan Y tế Phụ nữ Jackson), đề cập tới tính hợp hiến của một đạo luật năm 2018 của tiểu bang Mississippi, tức Đạo luật Thai kỳ (“Gestational Age Act”) ngăn cấm phá thai sau 15 tuần thai kỳ ngoại trừ các trường hợp cấp cứu y tế và “bất thường trầm trọng của bào thai”.



Người Công Giáo Mississippi nói riêng và người Công Giáo Hoa Kỳ nói chung mong thấy Tối cao Pháp viện của họ phán quyết vượt quá vụ này để lât đổ phán quyết Roe v. Wade của chính nó năm 1973 chính thức hợp pháp hóa việc Phá Thai, một việc đã sát hại hơn 60 triệu sinh mạng vô tội của trẻ chưa sinh.

Đức Cha Louis Kihneman của giáo phận Biloxi nói với tạp chí Crux: “Chúng ta cần thắng trận chiến này và chúng ta nhất quyết đem nó vào lời cầu nguyện một cách trọng thể như một giáo phận và tôi hy vọng rằng toàn quốc sẽ cầu nguyện để các thẩm phán Tối cao Pháp viện đưa ra phán quyết dựa trên quyền sống”.

Các tòa dưới đã ngăn chặn đạo luật. Nay nó nằm trong tay tòa án cao nhất nước, nó là thách đố lớn nhất vừa đối với Roe v. Wade năm 1973 vừa đối với Planned Parenthood v. Casey năm 1992 vốn ngăn cản tiểu bang ngăn cấm phá thai trước khi có cơ hội sống (viability). Cơ hội sống là thời điểm một bào thai có thể sống sót ở bên ngoài bụng mẹ, khoảng tuần thứ 24 thai kỳ.

Tối cao Pháp viện chưa bao giờ cho phép các tiểu bang cấm phá thai trước lúc bào thai có cơ hội sống. Nhưng theo Lavenburg, không có gì tuyệt đối khi một phán quyết trong vụ này sẽ lật ngược các phán quyết trên. Tòa có thể chỉ chuyên nhất phán quyết về đạo luật của Mississippi.

Tuy nhiên, các chuyên gia luật pháp tin rằng điều đó ít xẩy ra và nếu Tối cao Pháp viện lật ngược phán quyết của tòa dưới, nó sẽ có nhiều hệ luận đối với Roe v. Wade.

Nếu Roe v. Wade bị lật ngược, thì luật phá thai của từng tiểu bang sẽ do lập pháp của tiểu bang quyết định. Nếu Tối cao Pháp viện chấp nhận phán quyết của tòa dưới đối với đạo luật Mississippi, thì nguyên trạng chắc chắn tồn tại.

Chính vì thế, Lavenburg cho hay, Chúa nhật 28 tháng 11 vừa qua, đã có buổi cầu nguyện tại Nhà thờ Quốc tế Chân trời Mới ở Jackson, với sự tham dự của Đức Cha Joseph Kopacz, Giám Mục Jackson. Ngài nói với Crux rằng Thống đốc Mississippi là Tate Reeves cũng có tham dự.

Ngài nói, “[vụ này] đã nhận được nhiều chú ý không những ở thành phố, mà ở toàn tiểu bang và rồi toàn quốc chắc chắn cũng thấy đây là cơ hội bằng vàng để tạo khác biệt liên quan tới thực tại phá thai”.

Các luận điểm chủ chốt

Cơ quan Y tế Phụ nữ Jackson, nguyên đơn của vụ kiện này, là bệnh xá phá thai duy nhất có phép của tiểu bang Mississippi. Bệnh xá này cung cấp dich vụ phá thai cho tới tuần thứ 16 của thai kỳ. Khoảng 100 bệnh nhân mỗi năm đã được phá thai ở đây sau 15 tuần, theo các luật sư đại diện cho bệnh xá trong cuộc điều trần ngày 13 tháng Chín trước Tối cao Pháp viện.

Trong trình bầy của họ, các luật sư sử dụng vụ Casey làm luận điểm chính thúc giục Tối cao Pháp viện bác bỏ đạo luật của Mississippi. Họ cho rằng “nhiều lần, Tòa vốn tái khẳng định rằng điều ‘bắt buộc’ là phải duy trì quyền ‘của người phụ nữ được chấm dứt thai kỳ của họ trước khi bào thai có cơ hội sống còn’”.

Họ cũng lập luận rằng xác nhận phán quyết của tòa dưới là cách duy nhất bảo vệ quyền của phụ nữ được “quyết định có nên tiếp tục thai kỳ trước lúc có cơ sống còn cho đến cuối cùng hay không”, và cho rằng các lập luận của tiểu bang không cung cấp được nền tảng cho việc bác bỏ ranh giới có thể sống còn.

Thomas E. Dobbs, viên chức y tế của tiểu bang, đại diện cho Bộ Y Tế Mississippi, như người đệ đơn trong vụ này. Trong bản góp ý mới nhất nạp cho Tòa ngày 13 tháng 10 do các luật sư ký thay cho ông, họ lập luận rằng Tối cao Pháp viện nên bác bỏ cả Roe lẫn Casey, đề cao Đạo Luật Thai Kỳ, và lật ngược các Tòa Phúc Thẩm Hoa Kỳ trước đây để phán quyết của Tòa Liên bang thứ Năm ngăn cản nó.

Trọng tâm lập luận của họ là quan điểm cho rằng khả thể sống còn là đường phân ranh tùy tiện vốn “không có nền tảng hiến định hay theo nguyên tắc”, cho nên, không nên trở thành qui luật ấn định thời điểm có cơ sống còn.

Vào tháng 7 năm 2020, các giáo phận Công Giáo Jackson và Biloxi đã đệ trình bản góp ý của mình lên Tòa án Tối cao, như Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã làm vào tháng 7 năm 2021.

Các giáo phận, thông qua các luật sư của họ, tập trung lập luận của họ vào nỗi đau của thai nhi. Họ trích dẫn Tiến sĩ Maureen Condic, một giáo sư sinh học thần kinh tại Đại học Utah, người được nhà nước trích dẫn như người đã phát hiện ra rằng “trong khoảng thời gian được quy định bởi [Đạo luật Thai Kỳ], bào thai người có khả năng tri nhận cơn đau có ý thức”.

Bản góp ý lập luận rằng “Việc một đứa trẻ chưa sinh có thể cảm thấy đau khi bác sĩ phá thai hoặc giết nó, điều này rõ ràng có liên quan đến một đạo luật cấm phá thai vào thời điểm khi đứa trẻ chưa sinh ra đã có thể cảm thấy đau đớn”.

Trong khi đó, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, thông qua các luật sư, đã đưa ra lập luận của mình về tính hợp hiến tổng thể của việc phá thai.

Bản góp ý của các ngài viết, “Hiến pháp không tạo ra quyền phá thai một đứa trẻ chưa sinh trước khi em có khả năng sống còn hoặc bất cứ giai đoạn nào khác của thai kỳ. Phá thai, từ nội tại, vốn khác với các loại quyết định bản thân khác mà tòa án này vốn ban quyền bảo vệ hiến định”.

Công Giáo hô hào phò sinh vượt quá đạo luật Mississippi

Bất kể quyết định của Tòa án Tối cao ra sao, cả Đức Cha Kihneman lẫn Đức Cha Kopacz đều thừa nhận rằng vì chính nghĩa phò sinh còn một chặng đường dài để đi, nên việc hô hào cần phải tiếp diễn.

Đức Cha Kopacz nhận định rằng cùng với những lời cầu nguyện cho một kết quả thành công ở bình diện Tòa án tối cao, còn cần phải có "ý thức sâu sắc rằng chúng ta cần phải nhân thừa nỗ lực của mình để hiện diện với những người mang thai ngoài ý muốn".

Ngài nói: “Đó là một thời điểm thuận lợi ở một bình diện và ở một bình diện khác, luôn có nhu cầu phải hoán cải, tôn trọng sự sống hơn. Cần phải thực sự nâng cao phẩm giá sự sống bắt đầu từ trong bụng mẹ và đối với những phụ nữ đang mang thai ngoài ý muốn”.

Đức Cha Kihneman nhấn mạnh tầm quan trọng phải có những cuộc trò chuyện gay go.

Ngài nói, “Quốc gia thực sự cần có một cuộc thảo luận cởi mở và trung thực về toàn bộ chủ đề này, nhất là về sự sống của đứa trẻ. Cho đến khi chúng ta làm được điều đó, tôi nghĩ những chia rẽ mà chúng ta hiện có sẽ tiếp diễn và chúng ta cần phải đi đến một sự đoàn kết nào đó quanh vấn đề sự sống. Nó quan trọng đối với linh hồn của đất nước chúng ta".

Cơ hội Dobbs

Tạp chí The Pillar thì cho rằng các quan sát viên của cả hai bên của vụ kiện đều đồng ý rằng tương lai phá thai ở Hoa Kỳ sẽ ở thế lưng chừng. Tòa có thể bác bỏ hay làm suy yếu các tiền lệ của cả Roe lẫn Casey, 2 vụ đã tạo nền tảng cho chính sách phá thai của Hoa Kỳ, hoặc Tòa có thể bác bỏ đạo luật của Mississippi, và duy trì nguyên trạng của liên bang.

Điều đó có xảy ra chăng? Đây là những gì chúng ta biết:

• Các thẩm phán của Tòa án đã nghị bàn một thời gian dài trước khi quyết định sẽ thụ lý vụ kiện.

• Bang Mississippi đã yêu cầu Tòa án bác bỏ cả Roe lẫn Casey một cách minh nhiên.

• Các cử tri phò sinh đã trải qua nhiều thập niên trong một liên minh chính trị, trong đó phần thưởng, đối với họ, được cho là vào thời điểm này.

• Rõ ràng là ba thẩm phán sẽ bỏ phiếu hoàn toàn chống lại luật Mississippi. Không rõ liệu đa số các thẩm phán còn lại sẽ liên kết lại để lật đổ Roe hay họ sẽ chọn thế ở giữa, tuy có thay đổi các tiêu chuẩn do Roe đặt ra nhưng về nguyên tắc vẫn giữ nguyên quyền hiến định được phá thai.

• Nếu Roe bị đảo ngược, chính sách phá thai sẽ chuyển về các tiểu bang và có thể có tới 26 tiểu bang dự kiến sẽ cấm hoặc hạn chế đáng kể việc phá thai. Nếu Tòa án đặt ra tiền lệ mới thay đổi hoặc thay thế “tiêu chuẩn có thể sống còn”, thì nhiều tiểu bang trong số đó sẽ thông qua các quy định mới về phá thai.

• Quyết định của Tòa án tác động quá việc phá thai. Những gì được quyết định trong vụ Dobbs này cũng có tiềm năng thúc đẩy việc chuyển dịch các liên minh bên trong các đảng chính trị, nhất là Đảng Cộng hòa. Nếu những người phò sinh thất vọng với phán quyết của Tòa án, thì ý tưởng bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa - bất cứ đảng viên Cộng hòa nào - để họ đưa các thẩm phán vào Tòa sẽ khó thành công đối với một số người. Nếu Tòa án lật ngược Roe, những người ủng hộ ông Donald Trump sẽ tuyên bố chiến thắng và điều đó sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử sơ bộ năm 2024.

Lập luận miệng là bước đầu tiên; phán quyết chỉ có thể được công bố vào tháng 6. Nhưng như lịch sử đã cho thấy, các lập luận và câu hỏi do các thẩm phán nêu ra, rất đáng để nghe.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh Lễ Vĩnh Khấn Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm Úc - Việt
Jo Vĩnh SA
00:05 30/11/2021
Thánh Lễ Vĩnh Khấn Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm Úc - Việt
(Oblates of Mary Immaculate viết tắt là OMI)

05 giời 00 chiều Chúa Nhật ngày 28 tháng 11 năm 2021 tỉnh Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm Úc Châu đã tổ chức thánh lễ Vĩnh Khấn cho hai thầy:
1. JB Hà Thành Luân OMI từ Việt Nam sang Úc Châu tu học
2. Joshua Nash OMI người Úc gốc Adelaide, South Australia State

Thánh lễ Vĩnh Khấn đã được cử hành tại nhà thờ Saint David’s, giáo xứ Tea Tree Gully trong thành phố Adelaide, thủ phủ của tiểu bang Nam Úc.
Chủ tế thánh lễ do cha Christian Fini OMI bề trên giám tỉnh dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm Úc Châu cử hành. Cùng đồng tế có cha Andrew Chen OMI giám dốc học viện Dòng OMI Úc Châu và các cha thuộc dòng OMI từ Adelaide và Melborne đến
Được biết Thầy JB Hà Thành Luân OMI là tu sĩ thuộc tỉnh dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm Việt Nam được gửi sang Úc tu học. Thầy Luân được cha Roland Jacques OMI người Pháp, phó bề trên Tổng Quyền OMI đặc trách tu sinh hải ngoại nhờ Hội Ái Mộ Cha Fx Trương Bửu Diệp Nam Úc đứng ra phụ tổ chức Thánh Lễ Vĩnh Khấn và Thánh Lễ Tạ Ơn cho thầy, vì thầy không có thân nhân ở bên Úc.
Cha Roland Jacques OMI nói tiếng Việt rất giỏi (Cha lấy tên tiếng Việt là Dương Hữu Nhân) Cha Roland hiện là Phó Cáo Thỉnh án tuyên thánh cho Cha Fx. Trương Bửu Diệp ở giai đoạn cuối tại Roma
Thầy JB Hà Thành Luân là nghĩa tử của cha Roland Jacques. Vì thế Cha Roland đã nhờ Hội AMCTB Diệp giúp tổ chức thánh lễ Tạ Ơn cho thầy tại nhà thờ Saint Maximillian Kolbe, Gx Ottoway Nam Úc.
-Mời Xem:

-HÌNH LỄ VĨNH KHẤN

-HÌNH THÁNH LỄ TẠ ƠNhttps://photos.app.goo.gl/xubpn4QZhgLLCi7w6
-VIDEO PHỎNG VẤN THẦY LUÂN OMI

Sau mỗi thánh lễ đều có tiệc khoản đãi toàn thể các tín hữu và thân hữu đến tham dự.


 
Nam Úc 28.11.21 Thánh Lễ Vĩnh Khấn dòng Hiến Sĩ OMI tại Adelaide
Jo Vĩnh SA
01:52 30/11/2021
Thánh Lễ Vĩnh Khấn Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm Úc - Việt

(Oblates of Mary Immaculate viết tắt là OMI)







05 giờ chiều Chúa Nhật ngày 28 tháng 11 năm 2021 tỉnh Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm Úc Châu đã tổ chức thánh lễ Vĩnh Khấn cho hai thầy:

1. JB Hà Thành Luân OMI từ Việt Nam sang Úc Châu tu học

2. Joshua Nash OMI người Úc gốc Adelaide, South Australia State

Thánh lễ Vĩnh Khấn đã được cử hành tại nhà thờ Saint David’s, giáo xứ Tea Tree Gully trong thành phố Adelaide, thủ phủ của tiểu bang Nam Úc.

Chủ tế thánh lễ do cha Christian Fini OMI bề trên giám tỉnh dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm Úc Châu cử hành. Cùng đồng tế có cha Andrew Chen OMI giám dốc học viện Dòng OMI Úc Châu và các cha thuộc dòng OMI từ Adelaide và Melbourne đến

Được biết Thầy JB Hà Thành Luân OMI là tu sĩ thuộc tỉnh dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm Việt Nam được gửi sang Úc tu học. Thầy Luân được cha Roland Jacques OMI người Pháp, phó bề trên Tổng Quyền OMI đặc trách tu sinh hải ngoại nhờ Hội Ái Mộ Cha Fx Trương Bửu Diệp Nam Úc đứng ra phụ tổ chức Thánh Lễ Vĩnh Khấn và Thánh Lễ Tạ Ơn cho thầy, vì thầy không có thân nhân ở bên Úc.

Cha Roland Jacques OMI nói tiếng Việt rất giỏi (Cha lấy tên tiếng Việt là Dương Hữu Nhân) Cha Roland hiện là Phó Cáo Thỉnh án tuyên thánh cho Cha Fx. Trương Bửu Diệp ở giai đoạn cuối tại Roma

Thầy JB Hà Thành Luân là nghĩa tử của cha Roland Jacques. Vì thế Cha Roland đã nhờ Hội AMCTB Diệp giúp tổ chức thánh lễ Tạ Ơn cho thầy tại nhà thờ Saint Maximillian Kolbe, Gx Ottoway Nam Úc.

-Mời Xem:

-HÌNH LỄ VĨNH KHẤN

-HÌNH THÁNH LỄ TẠ ƠN

-VIDEO PHỎNG VẤN THẦY LUÂN OMI

Sau mỗi thánh lễ đều có tiệc mừng khoản đãi toàn thể các tín hữu và thân hữu đến tham dự.
 
VIDEO Phỏng vấn thầy JB Hà Thành Luân Dòng Hiến Sĩ OMI
Jo Vĩnh SA
02:11 30/11/2021
 
Văn Hóa
Thời Gian Qua Mau
Lm.Anphong Nguyễn Công Vinh
19:07 30/11/2021
Thời Gian Qua Mau

Thuyền to thì sóng to
Đa mưu thì đa oán
Đông bạn thì lắm phiền
Nhiều tiền thì lắm bạc
Làm ác thì gặp ác
Gieo gió thì gặp bão
Gian xảo thì đa nghi
Từ bi là cội phúc
.

1.Đúng vậy, nó là nét phác của nhân duyên nhân quả trong cuộc đời.

Khi còn trẻ, bạn làm nhiều điều mà không nghĩ tới hậu quả sau nầy: Các việc họ làm đều theo họ về đời sau; Chúa Giêsu đã nói : Đong đấu nào thì sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy ( Mt 7,2); Hay câu chuyện Ngày Phán Xử Cuối cùng khi Chúa tuyên bố với người lành là chiên và người dữ là dê, với câu xác định thời gian “vì ngày trước…nên bây giờ…” ( x. Mt 25,40-46). Một tuổi trẻ không gieo oán sầu, không làm hại ai, thì chắc làm gì có gió bão, bạc ác trong tuổi già. Ngày cuối đời, khi tuổi đã cao, mà không còn vương vấn oán thù, thanh thản ra đi, thì quả là hạnh phúc vô cùng.

2.Tháng ngày qua mau, đời người ngắn ngủi, thoáng chốc đã già…Một cõi đi về đang chờ đó. Qua một ngày là mất một ngày. Sống một ngày vui, làm việc tốt, là được một ngày. Ở đây có đồng hồ điện đánh giờ 5 lần: sáng 6, 9, 12 giờ; chiều 15, 18 giờ. Mỗi lần báo giờ, tôi nói với mình: cuộc đời ngắn mất 3 giờ, 6 giờ… nữa rồi!

3.Tiền không phải là tất cả, nếu dùng tiền mua được sức khoẻ và hạnh phúc thì tại sao không bỏ tiền ra mà mua? Hãy làm chủ đồng tiền, đừng làm tôi tớ cho nó. Biết đủ, biết chấp nhận thì lúc nào cũng vui. Tri túc tiện túc hà thời túc, tri nhàn tiện nhàn hà thời nhàn! Quá nửa đời người dành cho Ơn gọi, cho Giáo Hội, bây giờ thời gian còn lại chẳng bao nhiêu, nên dành cho mình, quan tâm đến bản thân, sống thế nào cho vui thì sống, việc gì muốn làm thì làm, miễn là đừng làm gì tội lỗi, trái với ý Chúa, với lương tâm là được. Cứ sống thật với mình và rộng lượng với người khác sẽ an bình.

4.Lúc về già tuyệt đối không được chủ quan nghĩ rằng mình còn khoẻ, còn sung sức để muốn làm những việc như hồi thanh niên…Đầu hai thứ tóc đừng đi tranh việc với bọn trẻ, có khi nó làm tốt hơn mình! Lúc về già, đừng thích trở về nơi làm việc cũ, xứ cũ, nếu như không phải là trườg hợp đặc biệt và có lời mời trân trọng. Mình cứ đến hoài, người ta nghĩ rằng mình đã đi mà còn nuối tiếc. Đến nhà nầy nhà kia, họ nghĩ mình kiếm ăn. Có người sẽ trách thầm mình về lại, làm cản trở công việc của người sau, đi rồi thì đừng dài tay nữa, để cho người ta làm. Đừng nghĩ rằng, mình đã ở đây nhiều năm, biết rõ tình hình, có uy tín, mình nói gì họ cũng đón nghe. Không đâu, họ không muốn nghe đâu, vì mọi điều mình nói có thể đã lỗi thời rồi, lúc nầy hết đát, hết phê rồi! Ngồi bên dưới họ chăm chú nhìn, gật đầu, rồi vỗ tay, mình tưởng là mình nói hay lắm. Họ làm vậy cho mình vui thôi!

5.Đối với những người dâng mình cho Chúa thì hãy bớt đi bận tâm lo lắng khi đến tuổi già. Mỗi giáo phận đều có Nhà Hưu Dưỡng, ở đó được lo lắng chăm sóc đầy đủ vể vật chất, có nhiều bạn bè đồng nghiệp già, dễ tâm sự và cảm thông với nhau, không lệ thuộc ai, không lệ thuộc con cháu. Khi mình đang làm việc, chẳng giúp đỡ gì cho con cháu, nay đến lúc về già lại nhờ vả đến chúng thì thật là ái ngại, phiền phức. Chưa chắc lúc nầy chúng còn thương mình, kính trọng mình như khi còn khoẻ mạnh, như khi còn có tiền bạc. Trường hợp mình còn tiền thì chúng vui vẻ. Đến lúc hết tiền, tự chúng phải bỏ ra lo cho mình, thì chắc chắn chúng sẽ có thái độ khác liền, không vui mấy đâu! Cuộc đời mà! Nhớ đừng cậy vào con cháu. Đàng khác, cuộc sống của mình từ nhỏ đến giờ đã có nếp riêng, giờ sống nếp sống của những người có gia đình không hợp đâu, sẽ phải chịu đựng nhiều đó! Bên giới nữ thì có nhà hưu ở Dòng, ở Tu viện, có chị có em với nhau là tốt rồi. Đôi khi khó chịu một chút, nhưng hi sinh và bác ái với nhau sẽ tốt đẹp cả. Nhà Dòng nuôi mình, có chết họ cũng lo chôn cất, chẳng phải nhờ đến ai. Người của Chúa thì Chúa và Giáo Hội lo.

Chúa Giêsu đã dặn rồi: “Anh em đừng lo lắng về ngày mai, ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (x.Mt 7,25-34).

(Tản mạn mùa dịch 21)

*Xin chia sẻ cho người khác.
 
VietCatholic TV
Cẩn thận: Những điều cần biết về biến thể Omicron. Cảnh sát Úc tìm kiếm đứa trẻ Việt Nam
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:57 30/11/2021


1. Cảnh sát liên bang Úc tìm kiếm đứa trẻ chập chững biết đi tên Lê Hoàng Vinh được nhìn thấy lần cuối ở Canberra

Trong một diễn biến gây ngỡ ngàng cho nhiều người, cảnh sát liên bang Úc đang nhờ các phương tiện truyền thông quảng bá việc tìm kiếm một đứa trẻ mới biết đi được cho là đang được chăm sóc bởi một người lạ mà cha mẹ cậu bé đã “gặp ở một quán cà phê”.

Trong một tuyên bố chung hôm thứ Sáu, Cảnh sát Liên bang Úc, gọi tắt là AFP, và Tòa án lưu động về Gia đình của liên bang Úc đã yêu cầu cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng người Việt, cung cấp thông tin giúp xác định vị trí của bé Lê Hoàng Vinh, 17 tháng tuổi.

Vinh được cho là đã bị bố mẹ là Lê Hoàng Thanh, 28 tuổi và Đỗ Lyn Kim, 21 tuổi, đưa từ nhà bà ngoại đến Canberra vào ngày 9 tháng Tư.

Mười ngày sau, một tòa án yêu cầu cặp vợ chồng trả lại cậu bé cho bà ấy nhưng AFP cho biết lệnh này “đã không được tuân thủ”.

Trong khi cảnh sát đã tìm được cha mẹ cậu bé và đã bắt vào ngày 20 tháng 5, Vinh vẫn chưa được tìm thấy.

Thay vào đó, cặp vợ chồng này khai với nhà chức trách rằng họ đã giao đứa trẻ cho một người phụ nữ tên Kathy Nguyễn, một người lạ mà họ đã gặp ở quán cà phê một ngày trước đó và đã trả 200 Úc Kim cho cô ấy để chăm sóc cho cậu bé.

Nhưng cảnh sát vẫn chưa thể xác định được danh tính của cô Kathy Nguyễn này và liệu trên đời này có một cô Kathy Nguyễn như thế hay không.

AFP cho biết: “Cha mẹ cậu bé đã không cung cấp đầy đủ thông tin chi tiết để cảnh sát xác định được người mà họ nói là đang chăm sóc cho Vinh”.

“Vị trí của Vinh và danh tính của người chăm sóc cho cậu bé hiện chưa được xác định và các nhà chức trách đang lo lắng cho an sinh của cậu bé.”

Vinh được nhìn thấy lần cuối tại một cơ sở y tế ở ngoại ô O'Connor của Canberra vào ngày 9 tháng 4, khi cậu bé được cho là đã được đưa vào một chiếc ISUZU MU-X Four Wheel Drive màu bạc với biển số CF72YI của New South Wales.

Các nhà chức trách tin rằng đứa trẻ có thể đã được đưa đến Cabramatta, Bankstown, Liverpool, West Wyalong, Temora hoặc Wagga Wagga.

Bất cứ ai có thông tin liên quan đến nơi ở của Vinh được yêu cầu liên hệ với Lực lượng Phòng chống Tội phạm theo số 1800 333 000, trích dẫn số tham khảo của AFP là 6365180.
Source:Seven News Australia

2. Israel cấp phép cho các tín hữu Kitô ở Gaza về Bethlehem tham dự Giáng sinh

Các nhà chức trách Israel hôm thứ Tư cho biết họ sẽ cho phép 500 thành viên của cộng đồng Kitô giáo nhỏ bé của Dải Gaza vào Israel và Bờ Tây để tham dự lễ Giáng sinh.

Trước đây, Israel đã cho phép người Gaza ra khỏi lãnh thổ bị phong tỏa để đón Giáng sinh, mặc dù việc cho phép này đã bị hủy bỏ vào năm ngoái do đại dịch coronavirus.

Việc di chuyển ra khỏi Gaza cũng đã bị hạn chế kể từ cuộc chiến kéo dài 11 ngày vào tháng 5 năm ngoái giữa Israel và những người cầm quyền Hamas của lãnh thổ này. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, Israel đã bắt đầu nới lỏng một số hạn chế, cấp cho hàng nghìn người Gaza giấy phép làm việc bên trong Israel như một phần trong những nỗ lực thầm lặng của Ai Cập nhằm môi giới cho một lệnh ngừng bắn dài hạn.

COGAT, cơ quan quân sự của Israel chịu trách nhiệm về các vấn đề dân sự của Palestine, đã công bố việc cấp giấy phép cho phép người dân đến thăm người thân và các thánh địa ở Israel và Bờ Tây. COGAT cho biết họ cũng đang tăng cường việc thăm viếng Giêrusalem cho các tín hữu Kitô ở Bờ Tây bị chiếm đóng và cho phép khoảng 200 Kitô Hữu Gaza đi qua Israel đến Jordan để ra nước ngoài.

Bethlehem, được các Kitô Hữu tôn kính là nơi sinh của Chúa Kitô, nằm ở Bờ Tây. Thị trấn này phụ thuộc nhiều vào du lịch, nhưng các quan chức lo ngại sẽ có ít du khách trong năm nay do ảnh hưởng của đại dịch kéo dài.

Khoảng 1,000 Kitô Hữu sống ở Gaza, tạo thành một phần rất nhỏ trong số 2 triệu dân của lãnh thổ này. Hầu hết các tín hữu này theo Chính thống giáo Hy Lạp. Người Công Giáo chỉ chiếm khoảng một phần tư trong cộng đồng nhỏ bé 1000 người này.

Phong trào Hamas của các chiến binh Hồi giáo cầm quyền coi các Kitô hữu là một nhóm thiểu số cần được bảo vệ. Đã có một vài cuộc tấn công nhắm vào các tín hữu Kitô bởi những người Hồi giáo cuồng tín trong những năm đầu Hamas cầm quyền, nhưng kể từ đó phong trào Hồi giáo đã đưa ra các biện pháp để bảo đảm những cuộc tấn công như vậy không xảy ra.

Israel và Ai Cập đã duy trì phong tỏa chặt chẽ đối với Gaza kể từ khi Hamas nắm quyền kiểm soát lãnh thổ vào năm 2007. Người dân phải có giấy phép mới được rời khỏi lãnh thổ này.
Source:Crux

3. Những gì chúng tôi biết về biến thể COVID mới được phát hiện ở Nam Phi

Khi mối quan tâm về một biến thể coronavirus mới được phát hiện ở Nam Phi ngày càng tăng, một nhà dịch tễ học hàng đầu của Úc đã tuyên bố rằng còn quá sớm để biết liệu chủng này có khả năng lây truyền nhanh hơn Delta hay không.

Biến thể được đặt tên là Omicron, chữ cái thứ 15 trong bảng chữ cái Hy Lạp.

Được định danh là B.1.1.529, nó đang gây lo ngại vì số lượng đột biến cao và lây lan nhanh chóng.

Và trong khi cả thế giới đang theo dõi, giáo sư dịch tễ học hàng đầu Adrian Esterman nói rằng còn quá sớm để đưa ra các nhận định chính xác.

Ông nói với 7NEWS: “Chúng ta đã chứng kiến một tình huống tương tự vào tháng 8 khi có một biến thể, cũng đến từ Nam Phi. Bây giờ nó chỉ đơn giản là một biến thể đang được WHO giám sát”.

Nhấn mạnh rằng vẫn còn “quá sớm”, Giáo sư Esterman thừa nhận bất kỳ biến thể nào có một số lượng lớn các đột biến trong một protein đều đáng quan tâm.

“Nhưng còn quá sớm để nói liệu nó có khả năng truyền nhiễm nhiều hơn biến thể Delta hay không.”

Đối với vắc xin, ông nói, còn quá sớm để nói liệu các loại thuốc tiêm COVID hiện tại có thể cung cấp sự bảo vệ hay không.

Tuy nhiên, trong trường hợp các vắc xin hiện nay là vô hiệu, ông nói rằng các loại vắc xin mRNA như Pfizer và Moderna có thể điều chỉnh được.

Ông nói: “Các vắc-xin mRNA - rõ ràng là tương đối đơn giản để điều chỉnh chúng một khi bạn biết bộ gen của biến thể, là điều mà chúng ta đã làm”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nam Phi Joe Phaahla cho biết biến thể mới này dường như đang làm gia tăng các trường hợp COVID ở Nam Phi, nơi đã có một sự gia tăng theo cấp số nhân trong vòng 4 đến 5 ngày qua.

Biến thể này cũng đã được tìm thấy ở Botswana và Hương Cảng từ những du khách đến từ Nam Phi.

Tỷ lệ tiêm chủng vẫn còn thấp ở Nam Phi.

Giáo sư Esterman cho biết lý do các biến thể mới xuất hiện ở những nơi như Nam Phi là do tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Ông nói thêm: “Càng nhiều người không được tiêm chủng, càng có nhiều cơ hội phát sinh các biến thể”.

Hiện tại, chỉ có khoảng 41% người trưởng thành ở Nam Phi đã được tiêm chủng.

Thủ tướng Scott Morrison đã trả lời những lo ngại liên quan đến Omicron trong một cuộc họp báo ở Adelaide vào hôm thứ Sáu. Ông nói rằng nó đang được giám sát chặt chẽ.

“Tôi nghĩ tôi nên nhấn mạnh rằng hiện tại, có rất nhiều biến thể “ ông Morrison nói.

“Tôi được khuyên rằng biến thể này vẫn đang được điều tra và không phải là một biến thể đáng lo ngại, nhưng điều đó có thể thay đổi”.

“Chúng tôi theo dõi tất cả các biến thể này và chúng tôi ghi nhận phản hồi của các quốc gia khác và chúng tôi xem xét các phản hồi đó một cách nhanh chóng.”

Australia đang 'chuẩn bị kỹ lưỡng'.

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Greg Hunt nói với giới truyền thông hôm thứ Sáu rằng Australia đã chuẩn bị kỹ lưỡng nếu lời khuyên liên quan đến biến thể mới này thay đổi.

Ông Hunt cho biết: “Tôi đã được thông báo tóm tắt vào sáng nay bởi những người đang điều tra và xem xét biến thể Nam Phi và ở giai đoạn này, thông tin chúng tôi có được là nó có tiềm năng trở thành một biến thể mới”.

“Lời khuyên lúc này là chúng ta phải tham gia với các cộng đồng quốc tế, nhưng chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng và có thể hành động nhanh chóng nếu lời khuyên thay đổi”.

“Và tất nhiên, chúng tôi đã tính đến thực tế là những người Úc được tiêm vắc xin hai lần đang phải quay trở lại với các hạn chế biên giới hiện tại. Không có thay đổi nào đối với những hạn chế đó vào thời điểm này”.

Các chuyến bay bị cấm

Chính phủ Anh đã cấm các chuyến bay từ Nam Phi và năm quốc gia ở miền Nam Phi Châu khác từ hôm thứ Sáu, và bất kỳ ai mới đến từ các quốc gia đó sẽ được yêu cầu làm xét nghiệm coronavirus.

Bộ trưởng Y tế Vương quốc Anh Sajid Javid cho biết có những lo ngại rằng biến thể mới “có thể dễ lây truyền hơn” so với chủng delta đang thống trị và “các loại vắc-xin mà chúng ta hiện có có thể kém hiệu quả hơn” trong việc chống lại nó.

Tulio de Oliveira, từ Mạng lưới Giám sát gen ở Nam Phi, người đã theo dõi sự lây lan của biến thể delta ở Nam Phi, cho biết biến thể mới có một “tổng hợp” của các đột biến.

De Oliveira cho biết: “Số lượng đột biến rất cao là mối quan tâm đối với khả năng phòng tránh và miễn dịch”.

Ông nói: “Biến thể mới này có rất nhiều đột biến, bao gồm hơn 30 loại protein đột biến ảnh hưởng đến khả năng truyền nhiễm”.

“Chúng ta có thể thấy rằng biến thể này có khả năng lây lan rất nhanh. Chúng tôi dự kiến sẽ bắt đầu thấy áp lực trong hệ thống chăm sóc sức khỏe trong vài ngày và vài tuần tới”.

De Oliveira nói rằng một nhóm các nhà khoa học từ bảy trường đại học Nam Phi đang nghiên cứu về biến thể Omicron.

Họ có 100 bộ gen của nó và dự kiến sẽ có nhiều bộ gen nữa trong vài ngày tới.

Ông nói: “Chúng tôi lo ngại về sự tiến hóa tăng vọt trong biến thể này”.

Một tin tốt là nó có thể được phát hiện bằng xét nghiệm PCR, ông nói.

Sau một thời gian lây truyền tương đối thấp, trong đó Nam Phi chỉ ghi nhận hơn 200 trường hợp được xác nhận mới mỗi ngày, trong tuần qua, số ca mắc mới hàng ngày nhanh chóng tăng lên hơn 1,200 vào hôm thứ Tư. Vào hôm thứ Năm, Nam Phi đã chứng kiến 2,465 ca nhiễm.

Trong bối cảnh gia tăng các trường hợp, các nhà khoa học đã nghiên cứu trình tự gen và phát hiện ra biến thể mới.

Hiện họ đang cố gắng xác định xem liệu sự gia tăng trong các trường hợp mới có phải là do biến thể mới gây ra hay không.

Kể từ đầu đại dịch, Nam Phi đã ghi nhận hơn 2.9 triệu trường hợp mắc COVID, trong đó có hơn 89,000 trường hợp tử vong.

Nhóm công tác kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới đã họp vào hôm thứ Sáu để đánh giá biến thể mới và có thể quyết định có đặt tên cho nó từ bảng chữ cái Hy Lạp hay không.
Source:Seven News Australia
 
Tin mừng trọng đại cho Giáo Hội Hoàn Cầu. Phản ứng của các Giám Mục Mỹ trước ý kiến của HY Mahony
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:02 30/11/2021


1. Hy vọng một lễ Giáng Sinh khởi sắc tại Bethlehem có thể tiêu tan vì biến thể COVID-19 mới

Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã gặp các chuyên gia y tế để thảo luận về cách tốt nhất nhằm ứng phó với một biến thể mới của COVID-19 đã được phát hiện ở Nam Phi mà nhiều người cho là dễ lây lan hơn chủng Delta.

“Chúng tôi hiện đang ở bên bờ vực của tình trạng khẩn cấp,” Bennett cho biết hôm thứ Sáu, theo một tuyên bố từ văn phòng của ông.

“Nguyên tắc chính của chúng tôi là hành động nhanh chóng, mạnh mẽ và ngay lập tức.”

Israel đã báo cáo một trường hợp nhiễm chủng B.1.1.529 mới ở một du khách trở về từ Malawi.

Bộ Y tế Israel cho biết thêm hai người nữa đã được xác định là các trường hợp đã nhiễm biến thể mới của COVID-19 và đang chờ kết quả xét nghiệm.

Họ đang được cách ly. Cả ba người đều đã được tiêm phòng hai liều.

Các cuộc điều tra đang được thực hiện để tìm thêm các liên hệ sau khi cả ba người đều trở về Israel từ các chuyến đi nước ngoài.

Hôm thứ Năm, Israel tuyên bố cấm công dân của mình đi du lịch đến miền nam Phi Châu và cấm người nước ngoài nhập cảnh từ khu vực này.

Hôm 1 tháng 11 vừa qua, Israel đã mở cửa biên giới cho những khách du lịch đã được tiêm vắc-xin COVID-19 hoặc có bằng chứng về sự hồi phục trong vòng sáu tháng qua; điều này có nghĩa là khách du lịch cũng sẽ có thể đến được Bethlehem. Nhưng khách du lịch phải đối mặt với một số trở ngại với các tài liệu cần phải điền và các yêu cầu du lịch khác khi ngành du lịch cố gắng bắt đầu hoạt động trở lại.

Việc bùng phát biến thể mới của COVID-19 có thể dập tắt hy vọng một lễ Giáng Sinh khởi sắc tại Bethlehem.
Source:Seven News Australia

2. Tin Vui: Giáo hội sắp có thêm hai vị hiển thánh và năm chân phước

Hôm 25 tháng Mười Một vừa qua, với sự chấp thuận của Đức Thánh Cha, Bộ Phong thánh đã công bố hai sắc lệnh nhìn nhận phép lạ nhờ sự chuyển cầu của hai chân phước và một sắc lệnh nhìn nhận cuộc tử đạo của năm vị tôi tớ Chúa tại Pháp.

Sắc lệnh đầu tiên nhìn nhận phép lạ nhờ lời chuyển cầu của chân phước Tito Brandsma, thuộc Cát Minh người Hòa Lan, sinh năm 1881 và nguyên là Viện trưởng đại học Nijmegen. Cha phê bình ý thức Đức quốc xã, ngay từ trước khi bắt đầu Thế chiến thứ II và Đức xâm lăng Hòa Lan năm 1940. Cha bị bắt năm 1942 và bị giết hại vì sự oán ghét đức tin, vào ngày 26 tháng Bảy năm 1942, khi được 61 tuổi trong tại tập trung Dachau của Đức quốc xã ở miền nam Đức.

Sắc lệnh thứ hai nhìn nhận phép lạ nhờ sự chuyển cầu của nữ chân phước Maria Chúa Giêsu, tục danh là Carolina Santocanale, người Ý, sinh năm 1852 tại Palermo, sáng lập dòng các nữ tu Capuxin Đức Mẹ Vô Nhiễm Lộ Đức, và qua đời năm 1923 tại Cinisi bên Ý, thọ 71 tuổi.

Hai sắc lệnh này mở đường cho việc tôn phong hai chân phước lên bậc hiển thánh.

Thứ ba là sắc lệnh nhìn nhận cuộc tử đạo của cha Henri Planchart, thuộc dòng các tu sĩ thánh Vinh Sơn Phaolô, cha Ladislao Radigue và ba linh mục dòng khác, bị giết vì sự oán ghét đức tin, năm 1871 tại Paris, bên Pháp.

Cuộc tử đạo của năm vị diễn ra trong một bối cảnh lịch sử rất phức tạp. Sau khi Pháp thất trận ngày 04 tháng Chín năm 1870, trong cuộc chiến Pháp-Đức, một nhóm đại biểu quốc hội đảng cộng hòa tuyên bố cáo chung đế quốc của Napoléon II và tuyên bố trở lại chế độ cộng hòa với chính phủ ở Versailles, nhưng Công xã Paris chống lại và đặt một chính phủ đối lập, theo lý tưởng xã hội cấp tiến. Quân đội Pháp bao vây Paris để chấm dứt Công xã và tiến vào thành ngày 21 tháng Năm năm 1871. Cuộc chiến đẫm máu xảy ra trên các đường phố trong một tuần lễ làm cho hàng ngàn người chết, cùng với những vụ đốt phá. Các thành phần Công xã Paris tấn công các binh sĩ, giáo sĩ và công dân bị họ coi là đối lập.

Những kẻ chủ trương Công xã Paris có lập trường oán ghét Giáo Hội Công Giáo và họ bài trừ các nơi thờ phượng và các giáo sĩ. Trong bối cảnh đó, năm linh ục đã bị họ giết chết trong khi thi hành phận sự, mặc dù các vị có thể trốn chạy.

Cùng với hai sắc lệnh trên đây, Bộ Phong thánh còn công bố sáu sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của sáu vị tôi tớ Chúa.

3. Các Giám mục Hoa Kỳ chế nhạo sự can thiệp khó hiểu của Hồng Y Mahony

Trong một cuộc phỏng vấn bất thường được công bố bởi Vatican News trước cuộc bỏ phiếu của các giám mục Hoa Kỳ về tài liệu có tiêu đề “Mầu nhiệm Thánh Thể trong Đời sống Giáo hội”, Đức Hồng Y Roger Mahony, Tổng Giám mục đã nghỉ hưu của Los Angeles, gọi tài liệu này là “hoàn toàn không cần thiết”. Cuộc phỏng vấn này, đã được thực hiện bởi Nữ tu Bernadette M. Reis, người Mỹ thuộc dòng Nữ tử Thánh Phaolô, có tựa đề “Hồng Y Mahony khuyến khích các giám mục Hoa Kỳ thực hiện con đường dẫn đến đối thoại mang tính xây dựng”.

Tờ The Pillar cho biết Hồng Y Mahony đã bị cấm thi hành các thừa tác vụ công khai ở Tổng giáo phận Los Angeles từ năm 2013: thậm chí không được lên tiếng công khai trong các nhà thờ của tổng giáo phận Los Angeles. Chính vì thế mà trong nghi thức khánh thành tượng đài Đức Mẹ Lavang ở Nhà Thờ Kiếng Garden Grove vừa qua, ngài chỉ được hiện diện như một giáo dân, thậm chí, không được đồng tế!

Cha Raymond J. de Souza, chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada, cho rằng sự can thiệp bất ngờ và khó hiểu của Đức Hồng Y Roger Mahony có thể đã khiến các Giám Mục Hoa Kỳ phản ứng lại bằng cách bỏ phiếu ủng hộ một cách áp đảo cho tài liệu mà vị Hồng Y đầy tai tiếng này cho là “hoàn toàn không cần thiết”.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Hoàn toàn có khả năng là cuộc bỏ phiếu áp đảo ủng hộ cho tài liệu mới về Thánh Thể của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, được tạo ra một phần từ phản ứng chống lại cuộc phỏng vấn bất thường Hồng Y Mahony, được công bố bởi Vatican News.

Ở tuổi 85, và đã nhiều năm bị loại bỏ khỏi việc thực thi ảnh hưởng, cũng không được hưởng vinh dự trong Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ, Hồng Y Roger Mahony đã nhanh chóng trở lại tâm điểm vào tuần trước nhân cuộc họp toàn thể của USCCB ở Baltimore.

Hồng Y Mahony đã dùng thế giá của mình để ủng hộ những người phản đối tài liệu “Mầu nhiệm Thánh Thể trong đời sống của Giáo hội”, là tài liệu tái khẳng định giáo lý Công Giáo về bí tích trung tâm của đời sống và đức tin Công Giáo. Ý đồ này của vị Hồng Y đã thất bại.

Tài liệu được thông qua gần như nhất trí, 222 phiếu thuận và chỉ có 8 phiếu chống. Hoàn toàn có khả năng là cuộc bỏ phiếu áp đảo này được tạo ra một phần bởi phản ứng chống lại sự can thiệp bất thường và khó hiểu của Hồng Y Mahony.

Tài liệu về Bí tích Thánh Thể có hai nguồn gốc: thứ nhất, ngày càng có nhiều dữ liệu cho thấy một số rất lớn người Công Giáo không tin những gì Giáo hội dạy về Bí tích Thánh thể, về Sự hiện diện Thực sự của Chúa Giêsu; thứ hai, vấn đề về sự xứng đáng để rước lễ, một câu hỏi lâu đời trong một thời đại mà hầu như tất cả mọi người hiện diện trong Thánh lễ đều lên rước lễ. Việc trúng cử của Tổng thống Joe Biden, một người Công Giáo thực hành đạo mà chính sách ủng hộ phá thai của ông khiến ông mâu thuẫn với giáo huấn Công Giáo về sự thánh thiêng của cuộc sống, đã khiến câu hỏi đó trở nên sắc nét hơn.

Vấn đề thứ hai nhận được nhiều sự chú ý nhất. Liệu các giám mục Công Giáo có nói rõ ràng với Tổng thống Biden rằng ông sẽ không được Rước lễ không? Điều đó chưa bao giờ có trên bàn thảo luận, vì một quyết định như vậy, nếu được đưa ra, thuộc về giám mục địa phương. Hơn thế nữa, giáo luật, liên quan đến các nguyên thủ quốc gia Công Giáo, có thể bảo lưu quyết định đó cho Tòa thánh.

Vì vậy, không có “điều khoản Biden” trong tài liệu Thánh Thể, nhưng tài liệu chỉ là bản trình bày lại giáo huấn lâu đời của Giáo Hội Công Giáo, bao gồm cả về sự xứng đáng để rước lễ. Tài liệu không chỉ ra bất kỳ cá nhân hoặc một chức danh cụ thể nào, nhưng nói rõ rằng việc cổ vũ phá thai không tương thích với việc rước lễ.

Với tất cả những điều đó, thật bất thường khi trang Truyền thông Vatican chính thức đăng một cuộc phỏng vấn với Hồng Y Mahony, tổng giám mục hiệu tòa của Los Angeles, ngay khi cuộc họp toàn thể đang khai mạc. Hồng Y Mahony đã đưa ra một cuộc tấn công tổng lực vào tài liệu, nói rằng các giám mục Hoa Kỳ thậm chí không nên xem xét một tài liệu giảng dạy như vậy, mặc dù đa số các Giám Mục đã ủng hộ sáng kiến này tại cuộc họp cuối cùng vào tháng Sáu.

Tuy nhiên, cuộc phỏng vấn đã xảy ra, thật kỳ lạ là hoạt động truyền thông của Vatican lại tạo cơ hội cho một vị Hồng Y đã nghỉ hưu tấn công một sáng kiến của Hội Đồng Giám Mục, chính ngay khi người kế nhiệm của ngài, là Đức Tổng Giám Mục José Gomez, khai mạc phiên khoáng đại khai mạc.

Rõ ràng là Đức Tổng Giám Mục của Los Angeles nắm được nhịp đập của các giám mục anh em mình hơn là người tiền nhiệm của ngài. Hồng Y Mahony giờ đây thấy mình ở vào tình thế khó xử khi tuyên bố tài liệu ấy là một điều ngu xuẩn trong khi gần như tất cả các anh em của ngài đều thấy là cần thiết, bằng một cuộc bỏ phiếu áp đảo.

Đặc biệt hơn nữa, cuộc phỏng vấn bao cả việc Hồng Y Mahony tuyên bố bản thân mình “cảm động” trước tuyên bố của 60 thành viên Công Giáo ủng hộ việc phá thai trong Quốc hội, tất cả đều là đảng viên Đảng Dân chủ, trong khi tố cáo cuộc bỏ phiếu của các giám mục Hoa Kỳ vào tháng 6 năm 2021. Cũng chính những đảng viên Dân chủ đó trong vòng vài tháng qua đã tiếp tục thông qua các đạo luật ủng hộ phá thai cực đoan nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Thành ra, việc Hồng Y Mahony ca ngợi họ bây giờ là điều cực kỳ quái đản. Nếu ngài có bất kỳ nghi ngờ nào về giá trị của lời kêu gọi “đối thoại” của các đảng viên Dân chủ ở Hạ viện, thì hãy hỏi Đức Cha Robert Barron, Giám Mục Phụ Tá của Los Angeles, là người đã phát biểu vào tháng 6, chỉ ra rằng 60 đảng viên Đảng Dân chủ này thậm chí đã đi xa đến mức không ủng hộ dự luật bảo vệ cuộc sống của những đứa trẻ cách nào đó vẫn sống sót sau một nỗ lực phá thai.

Các giám mục Hoa Kỳ đều quá hiểu về mối quan hệ tế nhị của Hồng Y Mahony với Đức Tổng Giám Mục Gomez. Vào năm 2013, khi các báo cáo điều tra tiết lộ rằng Hồng Y Mahony đã có một thành tích đáng xấu hổ về các vụ lạm dụng tình dục trong nhiều thập kỷ, Đức Tổng Giám Mục Gomez tuyên bố rằng Hồng Y Mahony sẽ không còn bất kỳ “nhiệm vụ quản trị hay công khai” nào ở Los Angeles. Trong khi các giới hạn liên quan đến các các nhiệm vụ công khai của vị Hồng Y không được chính thức hóa - vì chỉ có Đức Thánh Cha mới có thể xử phạt một vị Hồng Y - thì tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Gomez là tuyên bố bất tín nhiệm đầy kịch tính mà người ta có thể mong đợi.

Không chỉ ở Los Angeles, nơi sự hiện diện của Hồng Y Mahony không được hoan nghênh. Năm 2018, ngài được bổ nhiệm làm đặc sứ giáo hoàng trong các lễ kỷ niệm ở Scranton, Pennsylvania. Những người Công Giáo địa phương đã nói rõ rằng họ nghĩ rằng sự hiện diện của Hồng Y Mahony sẽ làm cho buổi lễ buồn tẻ chứ không hề nâng cao tinh thần họ. Giáo phận cũng nghĩ như thế, và, đột nhiên, Hồng Y phát hiện ra mình rất bận rộn, không thể đến được. Trong ký ức sống động, không có một trường hợp nào khác khi một đặc sứ giáo hoàng lại bị những người mà ngài được cử đến với một nhiệm vụ hoàn toàn chỉ có tính cách nghi lễ từ chối thẳng thừng như thế.

Mọi giám mục Mỹ đều biết rằng có một thỏa thuận không chính thức từ các phương tiện truyền thông hàng đầu. Chấp nhận một số quan điểm chính trị cấp tiến, giảm nhẹ các giáo lý của Giáo hội chống lại trào lưu thế tục, tuyên bố bản thân “cảm động” với các chính trị gia Đảng Dân chủ - và bạn sẽ được xí xoá cho các trường hợp lạm dụng tình dục. Đó là lý do tại sao Hồng Y Mahony đã thoát hiểm một cách tương đối bình yên trước tòa án dư luận so với Đức Hồng Y Bernard Law.

Tuy nhiên, ngài không thể thoát khỏi mọi hậu quả, và các giám mục anh em của Hồng Y Mahony có lẽ không ngạc nhiên khi thấy ngài cố gắng trở lại tâm điểm bằng cách ca ngợi những đảng viên Dân chủ ủng hộ phá thai, những người thường xuyên là đồng minh của ngài.

Các giám mục không chút ấn tượng nào về chuyện đó.

Tại cuộc họp tiếp theo của các đảng viên Đảng Dân chủ ở Hạ viện, Hồng Y Mahony chắc chắn sẽ được chào đón. Ngài thậm chí có thể được ca tụng. Nếu có bất kỳ nghị quyết liên quan nào được mang ra xem xét ở Hạ Viện, quan điểm của ngài chắc chắn sẽ nhận được hơn tám phiếu bầu.
Source:National Catholic Register
 
Vui lên anh chị em. Diễn biến mới nhất: Omicron chưa chắc là họa, có thể là lối thoát cho chúng ta
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:07 30/11/2021


1. Nhận định đáng kinh ngạc: Omicron có thể lại là lối thoát cho chúng ta

Biến thể Omicron đang làm thế giới choáng váng vì mức độ lây nhiễm xem ra vượt xa biến thể Delta, và cả những người đã tiêm hai liều vắc xin cũng bị nhiễm.

Bộ trưởng Y tế Greg Hunt của Úc Đại Lợi cho biết ông đã yêu cầu cả Pfizer và ATAGI xem xét khung thời gian đưa ra mũi tăng cường COVID-19 như một 'hành động bổ sung' để giải quyết biến thể Omicron.

Tuy nhiên, tính đến sáng ngày 30 tháng 11, chưa có trường hợp tử vong nào được xác nhận là do biến thể Omicron gây ra. Vì thế, nhiều nhà khoa học cho rằng biến thể Omicron tương đối “hiền hơn” các biến thể khác; và như thế có khi lại là tin tốt lành. Khi nó lây nhanh, nhưng không làm chết ai thì nó lại có tác dụng gây ra miễn dịch cộng đồng.

Đây là những gì đã xảy ra với vi-rút cúm H1N1 và nó có thể giải thích nguồn gốc của một thứ cảm lạnh thông thường mà một số nhà vi-rút học cho rằng có liên quan đến đại dịch cúm Nga chết người vào cuối thế kỷ 19.

Các dấu hiệu ban đầu từ Nam Phi, nơi Omicron dường như đã thay thế Delta trong vai trò là biến thể vượt trội, cho thấy đột biến Omicron hoàn toàn có thể là biến thể SARS-CoV-2 mà các chuyên gia đã chờ đợi.

Nhà dịch tễ học Tony Blakely của Đại học Melbourne cho biết: “Chúng tôi vẫn chưa biết, nhưng có một vài manh mối cho thấy nó có thể ít độc hơn. Mặc dù tất cả mọi người đều hơi căng thẳng vào lúc này, nhưng nó có thể hoạt động có lợi cho chúng ta.”

Nhà dịch tễ học Catherine Bennett của Đại học Deakin, trong một nghiên cứu tương tự, cho biết những bằng chứng được tìm thấy cho đến nay mang lại một sự lạc quan.

Bà nói: “Có khả năng chúng ta đang nhìn thấy một phiên bản virus lây nhanh hơn, nhưng ít độc hại hơn, đây sẽ là một trong những bước tiến trên con đường hạnh phúc hơn để sống chung với virus. Chúng tôi có nhiều tín hiệu cho thấy rằng có thể sẽ ổn mặc dù ngay lúc này có các tín hiệu cho thấy có thể có một chút lo lắng.”

Thế giới chắc chắn đang lo lắng về Omicron. Tổ chức Y tế Thế giới, gọi tắt là WHO, đã mất nhiều tháng để phân loại Delta là một dạng biến thể cần quan tâm, nhưng chỉ 2 ngày sau khi trường hợp đầu tiên được xác nhận, WHO đã nâng Omicron lên tình trạng tương tự.

Đáp lại, Âu Châu, Mỹ và Úc đã cấm du lịch đến và đi từ miền nam Phi Châu. Israel và Nhật Bản đóng cửa biên giới với thế giới và thị trường cổ phiếu toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng.

Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nam Phi Angelique Coetzee, bác sĩ điều trị cho một số bệnh nhân đầu tiên được chẩn đoán mắc chủng vi rút mới, cho biết tất cả các trường hợp mà cô giám sát đều có các triệu chứng tương đối nhẹ. “Chúng tôi chưa phải đưa bất cứ ai vào khu chăm sóc đặc biệt” cô nói với BBC. “Tôi đã nói chuyện với các đồng nghiệp khác của mình; ở chỗ họ cũng tương tự như thế”.

Giáo sư Dror Mevorash, một chuyên gia về COVID-19 tại Trung tâm Y tế Hadassah ở Jerusalem, nói với tờ báo địa phương Haaretz rằng các dấu hiệu ban đầu cho thấy biến thể gây ra bệnh tương đối nhẹ. “Vẫn còn sớm để nói nhưng tình hình không đến mức tồi tệ.”

Bộ trưởng Y tế Liên bang Greg Hunt cũng lạc quan tương tự: “Phần lớn các bằng chứng ban đầu cho thấy một loạt các triệu chứng nhẹ, nhưng chúng ta cần nhiều bằng chứng hơn”.

Liệu Omicron có thể giúp tiêu diệt “quái thú” Delta không?

Lý thuyết cho rằng, nếu một dòng biến thể ít độc hơn chiếm ưu thế ưu thế, sẽ có nhiều người bị nhiễm bệnh hơn nhưng sẽ ít bệnh nhân bị bệnh nặng hơn. Virus, trong khi vẫn còn là một vấn đề, cũng trở thành một phần của giải pháp; Mỗi người hồi phục sau một trường hợp nhẹ sẽ có khả năng miễn dịch chống lại các bệnh nhiễm trùng trong tương lai cao hơn bất kỳ loại vắc-xin nào hiện tại cung cấp.

Thủ hiến Dominic Perrottet của New South Wales đã cảnh báo về phản ứng quỳ gối trước biến thể Omicron.

Theo ông, các đợt bùng phát COVID-19 trong tương lai sẽ gây ít áp lực hơn cho các bệnh viện và hệ thống y tế công cộng so với các vụ dịch Delta mà Melbourne và Sydney đã phải chịu đựng vào mùa đông năm ngoái.

Đây là điều mà Thủ hiến NSW Dominic Perrottet đang quan tâm khi ông cảnh báo về phản ứng quỳ gối trước sự xuất hiện của Omicron.

Ông Perrottet nói: “Thước đo thành công không phải là số trường hợp nhiễm bệnh. Biện pháp thành công là giữ cho mọi người không phải nhập viện, giữ cho mọi người an toàn và đồng thời, mở cửa nền kinh tế để giữ cho mọi người có công ăn việc làm và giữ cho các doanh nghiệp mở cửa.”

Hiện tại, vẫn chưa đủ thông tin về Omicron để nói liệu nó đang ngăn chặn hay đang dọn đường cho chúng ta thoát khỏi đại dịch quỷ quái này.
Source:Sydney Morning Herald

2. Một người đàn ông được tự do sau 4 thập kỷ ngồi sau song sắt vì tội ác mà anh ta không phạm phải

Ủy ban Công lý và Hòa bình của tiểu bang Missouri đã lên tiếng ca ngợi quyết định của tòa án trả tự do cho ông Kevin Strickland và kêu gọi cải thiện quy trình xét xử để tránh các trường hợp kết án oan sai.

Kevin Strickland đã được ra tù sau 43 năm ngồi sau song sắt vì một tội ác mà ông ta không phạm phải. Ông bị kết án một tội danh giết người cấp một và hai tội danh giết người cấp hai trong một vụ án giết người năm 1978.

Ông đã phải nhận bản án chung thân 50 năm không có khả năng được ân xá vì tội ác mà ông luôn cho rằng mình không hề có liên quan.

Ông Strickland, ngày nay phải ngồi trên xe lăn, nói: “Tôi vẫn chưa tin được những điều đã xảy ra”.

“Cảm ơn vị thẩm phán đã xem xét lại từ đầu tất cả các bằng chứng vô tội của tôi. Tôi thực sự đánh giá cao việc ông ấy dành thời gian để lắng nghe và hiểu những gì thực sự đã xảy ra vào năm 1978 và cách tôi là một người dễ dãi đã bị cảnh sát lợi dụng”.

Tất cả các cáo buộc chống lại ông Strickland đã bị bác bỏ trong tháng này sau khi nhóm pháp lý của ông đưa ra bằng chứng và lập luận để minh oan cho ông.

Điều này bao gồm sự thừa nhận từ người sống sót duy nhất trong vụ xả súng chết người là cô ấy có thể đã nhận dạng sai anh ta.

Strickland đã khẳng định mình vô tội trong suốt nhiều năm, nói rằng lúc đó ông mới 18 tuổi, đang ở nhà xem tivi khi vụ giết hại Larry Ingram, 21 tuổi; John Walker, 20 tuổi; và Sherrie Black, 22 tuổi, xảy ra ở Thành phố Kansas.

Ông Strickland cho biết hiện ông muốn tham gia vào việc phát biểu trước công chúng để có thể ảnh hưởng đến luật pháp.

Một tài khoản GoFundMe đã được thiết lập để giúp anh ta bắt đầu lại cuộc sống của mình vì tiểu bang Missouri sẽ không bồi thường cho thời gian ông ở trong tù.
Source:Seven News Australia

3. Một người đàn ông Triều Tiên bị tuyên án tử hình vì phân phối Squid Game

Squid Game, hay “Trò Chơi Sinh Tử”, là một bộ phim truyền hình Hàn Quốc do Hoàng Đông Hách (Hwang Dong-hyuk, 황동혁) viết kịch bản và đạo diễn. Bộ phim kể về một nhóm người mạo hiểm tính mạng trong 6 trò chơi sinh tử để nhận được tổng số tiền 45.6 tỷ Won. Phim được Netflix phát hành trực tuyến vào ngày 17 tháng 9 năm 2021. 456 thí sinh, bao gồm cả một người đào tẩu từ Bắc Triều Tiên, cạnh tranh nhau trong các trò chơi chết người để có cơ hội sống còn. Chỉ có một người duy nhất sống sót, là người nhận được tổng số tiền 45.6 tỷ Won, những người khác phải trả giá bằng mạng sống của mình.

Trò Chơi Sinh Tử đã thu hút hơn 142 triệu gia đình thành viên trong 4 tuần đầu tiên kể từ khi ra mắt, đây là bộ phim được xem nhiều nhất của Netflix cho đến nay.

Một người đàn ông đã bị kết án tử hình ở Triều Tiên sau khi buôn lậu và phân phối các bản sao của bộ phim truyền hình ăn khách Netflix của Hàn Quốc.

Các nguồn tin ở tỉnh Hàm Cảnh (Hamgyong, 함경도), ở phía bắc của Triều Tiên, nói với Đài Á Châu Tự Do rằng người đàn ông này đã mang chương trình này từ Trung Quốc về nước trên ổ USB và bán cho các học sinh trung học.

Hoạt động này đã bị bại lộ khi nhà chức trách bắt quả tang bảy học sinh đang chơi trò chơi này.

Người đàn ông không may này dự kiến sẽ bị xử bắn.

Một học sinh đã mua ổ USB này đã bị kết án tù chung thân, trong khi sáu người khác xem chương trình đã bị kết án 5 năm lao động khổ sai.

Các học sinh bị trừng phạt theo luật Xóa bỏ tư tưởng phản động và xây dựng văn hóa mới của Triều Tiên, đạo luật này giám sát việc xem, lưu giữ hoặc phân phát các phương tiện truyền thông từ các nước tư bản.

Các hình phạt cũng được mở rộng cho nhà trường. Người giáo viên báo cáo câu chuyện này, hiệu trưởng và các nhân viên hành chính khác đã bị sa thải.
Source:Seven News Australia