Ngày 02-12-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Rót ánh sáng
Lm Minh Anh
14:37 02/12/2024
RÓT ÁNH SÁNG
“Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo!”.

Nhìn xuống Paris - ‘Kinh Thành Ánh Sáng’ - từ một nhà thờ trên đồi Montmartre chiều ngày 15/8/1534, Phanxicô Xaviê Giáo Hội mừng kính hôm nay đã quỳ gối cạnh Ignatiô Loyola và 5 sinh viên khác. Họ tuyên khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời Giáo Hoàng. Đó là ngày sinh của Dòng Tên! Từ ‘Kinh Thành Ánh Sáng’ này, Phanxicô Xaviê sẽ xuống tàu, đến tận Đông và Tây Á để rót ánh sáng Tin Mừng cho hàng vạn người, “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Như các tông đồ xưa đã thực hiện lệnh truyền của Chúa Giêsu, sáu năm sau ngày khấn, linh mục trẻ Phanxicô Xaviê đã xuống tàu đi Ấn Độ, một chuyến đi không bao giờ trở về. Cuộc hải trình suốt 13 tháng trên một tàu buôn thật tàn khốc, vậy mà, Phanxicô - vẫn cứng cáp như một vỏ cây - sẽ đem ánh sáng, ‘rót ánh sáng’, không phải ánh sáng văn minh Âu Châu, nhưng là ánh sáng Chúa Kitô cho Ấn Độ, Nhật Bản và các nước.

Thế nhưng, độc đáo hơn cả, trước hết, Phanxicô đã ‘rót ánh sáng’ này cho những đồng hương Kitô hữu của mình. Đó là những người buôn bán nô lệ. Một tay họ quất ‘những con vật người’ bằng roi, và tay kia, đếm những lần quất bằng tràng chuỗi Mân Côi! Niềm tin vào Chúa Kitô và tình bác ái đối với đồng loại - những nô lệ và những con buôn nô lệ - đã thiêu đốt trái tim con người trẻ Phanxicô.

Trong hơn một thập kỷ, Phanxicô đã thành lập các cộng đoàn thuộc Malaysia; quần đảo Spice, thuộc Indonesia; Cochin và các vùng thuộc Ấn Độ ngày nay; tiếp đến là Sri Lanka. Năm 1548, Phanxicô lên đường đến Nhật Bản, trở thành nhà truyền giáo đầu tiên đặt chân đến vùng đất này. Nhờ nỗ lực của Phanxicô, đã có hơn 300.000 người cải đạo trong vòng 65 năm tiếp theo tuy phải trải qua nhiều thập kỷ bị đàn áp dữ dội và hàng trăm nghìn cuộc tử đạo. Năm 1552, Phanxicô nhận lời mời đi Trung Quốc để mang Phúc Âm đến lục địa này lần đầu tiên. Trong chuyến đi, ngài ngã bệnh và qua đời trên đảo Shangchuan, ngay ngoài khơi bờ biển Trung Quốc ở tuổi bốn mươi sáu.

Trong vòng mười năm, người ta ước tính Phanxicô Xaviê đã đi hơn 61.000 cây số trên bộ và trên biển, là người đầu tiên mang Tin Mừng đến các nước Châu Á, rửa tội khoảng 30.000 linh hồn. Phanxicô rời Âu Châu và gia đình ở tuổi 19 để không bao giờ gặp lại họ nữa. Cuộc đời Phanxicô là một lễ hy tế thực sự. Cuối cùng, thi thể ngài được đưa trở lại Goa, Ấn Độ, nơi nó được chôn cất và tôn kính cho đến ngày nay. Để tôn vinh ngài, cánh tay của Phanxicô đã được cắt khỏi cơ thể vào năm 1614 để đem về Rôma và được tôn kính tại nhà thờ Dòng Tên.

Anh Chị em,

“Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo!”. Phanxicô Xaviê thực sự là một ‘Phaolô khác’ đối với Châu Á. Khi chúng ta tôn vinh vị tông đồ vĩ đại, hãy suy ngẫm về tất cả những gì vị thánh trẻ đã hoàn thành trong mười năm ngắn ngủi. Khi làm vậy, bạn hãy cân nhắc đến mười năm tiếp theo của cuộc đời bạn và tái hiến mình cho sứ mệnh mà Chúa Kitô giao phó. Bạn có dám đi vào thế giới ngày nay - bắt đầu từ những người trong gia đình mình, cộng đoàn mình, môi trường mình - để ‘rót ánh sáng’ Tin Mừng Chúa Kitô trong những ngày đời còn lại?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì ngay hôm nay và trong những năm ‘có thể rất vắn vỏi’ của đời con?”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Dọn đường cho Ơn cứu độ của Thiên Chúa
Lm Phan Văn Lợi
20:46 02/12/2024
CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG NĂM C : LC 3,1-6

1Năm thứ mười lăm triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô, thời Phong-xi-ô Phi-la-tô làm tổng trấn miền Giu-đê, Hê-rô-đê làm tiểu vương miền Ga-li-lê, người em là Phi-líp-phê làm tiểu vương miền I-tu-rê và Tra-khô-nít, Ly-xa-ni-a làm tiểu vương miền A-bi-lên, 2Kha-nan và Cai-pha làm thượng tế, có lời Thiên Chúa phán cùng ông Gio-an, con ông Da-ca-ri-a, trong hoang địa. 3Ông đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa và tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội, 4như có lời chép trong sách ngôn sứ I-sai-a rằng : Có tiếng người hô trong hoang địa : Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho phẳng để Người đi. 5Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. 6Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.

DỌN ĐƯỜNG CHO ƠN CỨU ĐỘ PHỔ QUÁT

Lu-ca là tác giả Tin Mừng về lịch sử cứu độ, ông triển khai lịch sử này thành ba phân cảnh hay thành một bức tam bình, chẳng hạn như trong câu rất cô đặc sau đây : “Cho đến thời ông Gio-an, thì có Lề Luật và các ngôn sứ (Ít-ra-en); còn từ thời đó thì Tin Mừng nước Thiên Chúa được loan báo (Đức Giê-su), và ai nấy đều dùng sức mạnh mà vào (Giáo Hội)” (16,16). Lu-ca cũng thích dựng lên nhiều hàng hiên (trụ lang) qua đó ông đưa chúng ta long trọng đi vào lịch sử. Khi Đức Giê-su sinh ra thì : “Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ…” (2,1). Khi Người khởi sự cuộc sống công khai, với Gio-an Tẩy giả kéo màn, như trong bài Tin Mừng hôm nay, thì “Năm thứ mười lăm triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô, thời Phong-xi-ô Phi-la-tô làm tổng trấn, Hê-rô-đê làm tiểu vương… Kha-nan và Cai-pha làm thượng tế…”

1. Thiên Chúa muốn cứu rỗi mọi người…

Tại sao Lu-ca đã quy tụ cả một loạt nhân vật lịch sử như vậy chung quanh chân trời từ đó Đức Giê-su sắp nổi lên? Đấy là vì ông muốn trình bày cho thấy chúng ta chẳng phải sắp trải qua một kinh nghiệm thần bí, khôn tả và nội tâm, nhưng sắp chứng kiến một sự xâm nhập của Thiên Chúa vào bên trong những năm tháng và những con đường của loài người, nghĩa là vào bên trong lịch sử nhân loại. Trung tâm điểm và độc đáo tính của Ki-tô giáo là thế, sự lạ bất ngờ ta phải loan báo là thế. Như một triết gia Ki-tô giáo Đan Mạch thế kỷ vừa qua Soren Kierkegaard từng viết, hai thế giới của Thiên Chúa và của con người, của trời và của đất trong Đức Ki-tô đã đụng chạm nhau, không phải để nổ tung nhưng là để kết hợp. Hầu thực hiện một công trình vĩ đại là ban bố ơn cứu độ phổ quát.

Quả thế, lời mở đầu với những nhân vật đương thời vừa thấy là tiếng cồng lớn nhất của lịch sử, công bố một chuyện phi thường : “Mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.” Điều mà cụ già Si-mê-ôn đã loan báo cách âm thầm hơn : “Mắt con đã thấy ơn cứu độ Ngài đã bày ra trước mặt muôn dân : Ít-ra-en và dân ngoại.” Chúng ta đã thường quá thu hẹp các chân trời này, lãng quên hạng người đầu, loại bỏ hạng người sau. Và chúng ta luôn liều mình đánh mất, trên các con đường của lịch sử, cái lẽ ra phải là nỗi ám ảnh của chúng ta : Thiên Chúa là Thiên Chúa của mọi người, Người muốn cứu họ tất cả. Như Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô nói trong số 1 Sứ điệp Truyền giáo năm 2024 : “Truyền giáo là hăng hái ra đi đến với mọi người, nam cũng như nữ, để mời gọi họ gặp gỡ Thiên Chúa và sống hiệp thông với Người. Không mỏi mệt ! Là Đấng yêu thương tuyệt vời và giàu lòng thương xót, Thiên Chúa chẳng ngừng ra đi để gặp gỡ mọi người, và kêu gọi họ đến hưởng hạnh phúc trong Nước của Người, ngay cả khi Người phải đối diện với sự dửng dưng và chối từ của họ. Đức Giê-su Ki-tô, Mục tử Nhân hậu và sứ giả của Chúa Cha, đã ra đi tìm kiếm những con chiên lạc nhà Ít-ra-en và Người còn muốn đi xa hơn nữa, để đến được cả với những con chiên xa xôi nhất (x. Ga 10,16). Cả trước và sau khi phục sinh, Người thường xuyên nói với các môn đệ : “Hãy đi !” có ý cho thấy Người cho họ tham gia vào chính sứ vụ của Người (x. Lc 10,3; Mc 16,15). Về phần mình, Hội Thánh trung thành với sứ vụ đã lãnh nhận từ Chúa, sẽ tiếp tục ra đi đến tận cùng trái đất, ra đi rồi lại mải miết ra đi, không bao giờ mệt mỏi hay chán nản trước các khó khăn và trở ngại.”

Thiên Chúa muốn thực hiện tất cả những điều đó nhờ Đấng Mê-si-a (Ki-tô). Dân Do-thái thời ấy nóng lòng chờ đợi vị này tới độ trái tim họ bắt đầu đập khi nhìn nhà ngôn sứ mới, Gio-an Tẩy giả : “Biết đâu ông ta lại chẳng là Đấng Ki-tô” (Lc 3,15). Thế nhưng, sẽ có điều lạ thường hơn nữa ! Rồi đây, nhờ Tin Mừng, nhờ cuộc Phục sinh và nhờ cuộc Hiện xuống, những người Do-thái độc thần cách quyết liệt sẽ thấy mở ra trước mắt cũng như được mời gọi đón nhận điều không thể tưởng tượng : Đấng Mê-si-a, ấy là Đức Giê-su, và Đức Giê-su lại là Thiên Chúa. Và Gio-an Tẩy giả đã phác họa chân dung đầu tiên về Người : “Một Đấng quyền thế hơn tôi đang đến…” (3,16). Nhưng cũng sẽ phải cần các đại thần học gia của những thế kỷ đầu, kinh nghiệm của các thánh, và nhất là Thánh Thần, mới ấp úng được điểu không thể trình bày : Thiên Chúa độc nhất là Cha, Con và Thánh Thần; và Ngôi Con đã nhập thể, dưới triều hoàng đế Au-gút-tô và hoàng đế Ti-bê-ri-ô.

2. … qua việc hoán cải bản thân chúng ta

Mùa Vọng đặt ta lại trước các chân trời bao la ấy của ơn cứu độ, ơn cứu độ dành cho mọi người mà Chúa Cha đã sai Con mình đến với. Nhưng còn phải đón nhận Người Con đó ! Và Gio-an Tẩy giả, con người trần trụi trước đám nhân vật tai to mặt lớn trong thiên hạ đương thời, đã yêu cầu chúng ta chuẩn bị cho Người một con đường, một lời yêu cầu bất khoan nhượng, đầy thách thức. Muốn hiểu con đường này, ta hãy lên lại Bài đọc thứ nhất hôm nay, trong đó ngôn sứ Ba-rúc (5,7), bắt chước I-sai-a, đã viết : “Thiên Chúa đã ra lệnh phải bạt thấp mọi núi cao và gò nổng có tự lâu đời, phải lấp đầy các thung lũng cho mặt đất trở nên phẳng phiu, để Ít-ra-en tiến bước an toàn dưới ánh vinh quang của Thiên Chúa”. Thành thử con đường ấy là con đường thẳng, hướng đến một mục tiêu có ánh sáng tràn ngập. Đó là “con đường thiêng” (thần lộ) mà ở Tây Á cổ vẫn thường được xây dựng trước các đền thờ : chúng phải thật bằng phẳng và thẳng tắp, dấu chỉ sự hoàn hảo và niềm hân hoan.

Đây là một hình ảnh nhắc cho Ki-tô hữu chúng ta nhớ rằng để gặp Đấng Mê-si-a đang đến, gặp ánh sáng của tương lai, gặp niềm vui của tự do trọn vẹn, chúng ta phải mở cho được một con đường thẳng giữa bao chuyển động quanh co của lịch sử, bao mưu toan mờ ám nhằm áp đặt ách toàn trị độc tài; phải kiên trì phá hủy các ngọn núi của chủ nghĩa vô thần hay của thói thờ ngẫu tượng vốn án ngữ chân trời của chúng ta; phải lấp đầy vực sâu của phi lý, của vô nghĩa, của trống rỗng nội tâm tạo nên bởi một não trạng duy vật hưởng thụ. Cụ thể nơi bản thân và trong hoàn cảnh chúng ta, “giải tỏa” và “dọn sạch” thần lộ là làm bay tung những cánh cửa gài then quá chặt vì sợ hãi, chẳng dám công khai lên tiếng trước những quyền lực bất công, là phá hủy những ngọn núi ngập ngừng và vấn nạn, chẳng muốn dấn thân để làm chứng nhân cho chân lý, lý luận rằng chỉ cần làm chứng nhân cho bác ái là đủ, là lấp đầy những hố sâu ích kỷ, chỉ tìm an thân và dễ dãi cho chính mình, tìm ân huệ từ những kẻ nắm quyền lực, bất chấp chuyện anh em mình đang đau khổ vì mất những điều kiện căn bản để làm con người và làm con Chúa. Như Thánh Giáo hoàng Gio-an-Phao-lô II từng nói trong Sứ điệp Truyền giáo năm 2000 : “Chương trình Thiên Chúa là muốn tất cả mọi người kết hiệp với mình, để biến họ thành một dân gồm những anh chị em được giải thoát khỏi những bất công và được sinh động bởi những tâm tình liên đới đích thực.” Đây là một công việc đầy kiên nhẫn và can đảm, vì đòi trả giá bằng mồ hôi và nước mắt; nhưng cuối cùng trên con đường ấy, sẽ đi vào một đoàn người thật đông đảo “thuộc mọi nước, mọi chi tộc, mọi dân và mọi ngôn ngữ”, như Khải Huyền sẽ mô tả (7,9).

Thưa với Chúa Mùa Vọng : “Xin đến cứu hết thảy chúng con !” sẽ là một lời cầu nguyện của kẻ mộng mơ nếu nó không làm ta nhớ tới cái phải được cứu trong mỗi người chúng ta. Nghe một lãnh chúa Tây Ban Nha phàn nàn : “Mọi chuyện ra tồi tệ !” thánh Phê-rô Alcantara (1499-1562) đã trả lời : “Nếu ông tạo cho mình một con tim nhân lành, thì chính một phần của thế giới đã nên tốt đẹp.” Bà Elisabeth Leseur (1866-1914), một nữ giáo dân thần bí người Pháp đã được Giáo Hội đưa lên bàn thờ dưới tước hiệu “Tôi tớ Thiên Chúa”, cũng trong hoàn cảnh tương tự. Chồng bà là một nhà trí thức vô thần hết sức cực đoan. Không làm sao khuyên nhủ được chồng, bà đã cố gắng làm một người vợ hiền thảo và làm một tín hữu rất thánh thiện. Bao nhiêu tâm sự chẳng bày tỏ được với chồng, bà đã bày tỏ với Chúa trong nhật ký. Sau khi bà chết, ông Leseur không khỏi tiếc thương người vợ có tâm hồn quảng đại dịu dàng của mình, và vì muốn “đập cổ kính ra tìm lấy bóng, xếp tàn y lại để dành hơi”, ông đã lục tìm những tập nhật ký của bà để đọc. Ông đã say sưa theo dõi từng hàng chữ tâm sự và đã hiểu ra ước vọng tha thiết của vợ là thấy ông nhìn nhận trở lại tình yêu của Thiên Chúa. Cuối cùng thì ông đã hồi tâm, xin học giáo lý và chịu bí tích Thánh tẩy năm 1915. Không bao lâu sau đó, ông xin vào nhà tập dòng Đa-minh, nơi đây ông thành tâm kiên nhẫn theo đuổi cuộc sống tu trì và được thụ phong Linh mục. Khi gương sống thánh thiện của bà Elisabeth Leseur bắt đầu có ảnh hưởng rộng và sâu sắc trên xã hội thì bề trên dòng đã mạnh dạn chỉ định Linh mục Leseur lên đường đi diễn thuyết nhiều nơi về đời sống gương mẫu của người vợ đã chết trước đây của mình. Lúc đầu, cha Leseur rất e ngại chần chừ, nhưng cuối cùng cha đã vâng lời. Năm 1930, cha soạn cuốn “Hạnh bà Elisabeth Leseur” trong khi tập nhật ký trước đây của bà đã xuất bản tới hàng trăm ngàn cuốn.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Claire de Castelbajac: Tuổi trẻ tìm kiếm sự thánh thiện
Vũ Văn An
13:53 02/12/2024

castelbajac.pl


Dariusz Dudec, trên Aleteia, xuất bản ngày 12/02/24, có bài viết về một thiếu nữ Pháp đang trên đường được phong á thánh tìm được niềm vui trong Chúa. Ông viết:

Claire de Castelbajac là một phụ nữ trẻ người Pháp say mê nghệ thuật. Sau một cuộc khủng hoảng đức tin trong thời gian học tập, cô đã tìm thấy Chúa và do đó, niềm vui sâu sắc.

Claire de Castelbajac sinh ra tại Paris vào ngày 26 tháng 10 năm 1953. Cô có bốn anh chị em lớn hơn nhiều từ cuộc hôn nhân đầu tiên của cha cô là Louis (ông đã góa vợ): John (24), Laurence (22), Pauline (19) và Anna (15). Mặc dù chênh lệch tuổi tác lớn, họ ngay lập tức yêu cô em gái út của mình, người con của người vợ thứ hai của cha họ, Solange Rambaud.

Louis de Castelbajac làm quản lý ngân hàng ở Rabat, Morocco, nơi Claire đã trải qua những năm đầu đời. Sau khi trở về Pháp, họ định cư tại một khu điền trang rộng lớn ở Lauret.

Giữa thiên nhiên, động vật trang trại và ngựa, Claire trẻ tuổi đã phát triển mạnh mẽ, phát triển về mặt nghệ thuật, học thuật và tâm linh. Ước mơ thời thơ ấu của cô đã trở thành... sự thánh thiện.

Claire de Castelbajac trong chiếc váy Rước lễ lần đầu. castelbajac.pl


Đây là cách cô ấy nói về điều đó với cha mình:

- Bố có biết con muốn trở thành gì khi lớn lên không?

- Vâng, bố nghĩ bố có thể đoán được. Con muốn trở thành một nữ tu.

- Không, đó là điều gì đó lớn hơn thế.

- Ồ, bố không biết nữa...

- Con muốn trở thành một vị thánh! Không chỉ là một nữ tu, phải không...?

Do sức khỏe kém và các vấn đề về tiêu hóa và hô hấp tái phát, cô đã học ở nhà.

Ra ngoài thế giới

Cuối cùng, đã đến lúc cô phải kết thúc việc học tại nhà, và Claire bắt đầu học trung học cơ sở tại Trường Sacred Heart ở Toulouse. Sau đó, cô bắt đầu học trung học phổ thông, nơi cô theo học không liên tục vì lý do sức khỏe. Cô hoàn thành năm đầu tiên của mình bằng hình thức học từ xa, học tại nhà ở Lauret. Cô đã dành thời gian này để giúp đỡ người khác, thành lập một dàn hợp xướng thiếu nhi để hát cho người già và người khuyết tật.

Claire de Castelbajac. castelbajac.pl


Trong một lá thư gửi chị gái, cô viết:

Em thấy rằng người ta không chỉ sống cho bản thân mình mà còn sống cho người khác, và mọi người đều sống vì người khác và làm cho họ hạnh phúc. Điều đó vô cùng khó khăn, nhưng khi chị thành công, đó là điều tuyệt vời.

Do phẫu thuật lưng và dưỡng bệnh, Claire đã không vượt qua kỳ thi cuối cấp trung học cho đến tháng 9 năm 1971. Sau đó, cô chọn chuyên ngành lịch sử nghệ thuật tại Toulouse. Tuy nhiên, thực ra cô muốn học về bảo tồn di tích lịch sử ở Rome. Sau nhiều năm sống trong sự an toàn của quê hương Lauret, một mong muốn mới đã thức tỉnh trong cô.

Tự do ở Rome

Đây là cách cô viết về mong muốn của mình với một trong những người bạn của mình:

Vì vậy, tôi chọn trở thành một người theo chủ nghĩa hippie. Tôi luôn bị thu hút bởi điều đó, kể từ khi từ này lần đầu tiên xuất hiện, thông qua cách viết kỳ quặc và âm thanh hấp dẫn của nó. Hãy tưởng tượng: tự do khỏi mọi xiềng xích. (...) Và trong cuộc sống trong mơ này, không cần phải làm gương, và trên hết, được cho là không có sự thù hận giữa những người theo chủ nghĩa hippy, vì không ai lo lắng về việc hàng xóm của mình đang làm gì, và mặt trời chiếu sáng cho tất cả mọi người. Ồ, có thể sống mà không bị cấm làm một số việc với lý do rằng điều đó có thể gây sốc cho ai đó!

Cô hy vọng rằng việc giao tiếp với nghệ thuật sẽ nâng trái tim cô gần hơn với Chúa. Tuy nhiên, cuộc sống ở Rome lại tỏ ra khó khăn. Cô không có bạn bè nào ở đó. Những người quen mới của cô hóa ra lại là những người không có đức tin, và đức tin của cô gái trẻ người Pháp không phù hợp với lối sống của họ. Tuy nhiên, Claire đã gặp hai người đồng hương của mình ở đó, những người mà cô đã trở thành bạn bè.


castelbajac.pl


Thật không may, cuộc sống sinh viên, mặc dù cô gái đã nỗ lực để trung thành với Chúa, nhưng dần dần mối quan hệ của cô với Chúa đã trở nên tầm thường. “bạn sẽ thấy, cô gái tội nghiệp của tôi, bạn sẽ chấp nhận chủ nghĩa vô thần của chúng tôi. Tôi không cho bạn một năm cho đến khi bạn trở nên giống chúng tôi", cô nghe từ một người bạn của mình. Claire đã gần như trượt cả một năm học.

Bước đột phá

Bước đột phá đến vào tháng 9 năm 1974, khi Castelbajac đi cùng một nhóm thanh niên hành hương đến Đất Thánh. Chính tại đó, lang thang trên quê hương trần thế của Chúa Giêsu, Claire đã trở lại với mối quan hệ tràn đầy bình yên với Chúa. Đây là cách cô nhớ lại thời gian đó:

Cuộc sống của tôi đã hoàn toàn thay đổi trong ba tuần đó: ngoài sự gần gũi của tôi với Đức Trinh Nữ Maria, tôi đã khám phá ra tình yêu của Chúa, bao la, tuyệt vời và rất giản dị. (...) Tình yêu của Ki-tô hữu là tình yêu dành cho những người lân cận, bởi vì chính Chúa cũng yêu thương họ. Điều này, cùng với những điều khác, khiến tôi xúc động với niềm vui của Chúa.

Claire de Castelbajac trong quá trình phục hồi bức bích họa Thánh Clare thành Assisi. castelbajac.pl


Sau khi trở về từ Đất Thánh, Claire được trao một suất thực tập để phục hồi các bức bích họa trong Vương cung thánh đường Thánh Phanxicô ở Assisi. Trong số những việc khác, cô chịu trách nhiệm khôi phục hình ảnh vị thánh bảo trợ của mình. Người phụ nữ Pháp trẻ tuổi này sống trong tu viện Benedictine, cầu nguyện với các nữ tu, tham dự Thánh lễ hàng ngày và đọc các tác phẩm của Thánh Charles de Foucauld. Sau khi hoàn thành thời gian học nghề, Claire trở về nhà với niềm vui thầm lặng.

Cái chết của Claire de Castelbajac

“Tôi rất vui vì nếu tôi chết bây giờ, tôi sẽ lên thẳng thiên đường, vì thiên đường là Vinh quang của Chúa và con đã ở trong đó rồi,” Claire nói với mẹ cô vài ngày trước khi cô bị viêm màng não nặng.

Trong kỳ nghỉ, cô đã đến Lourdes cùng cha mẹ và một người bạn. Claire rất thích nơi này và cầu nguyện tại hang động Đức Mẹ. Mẹ cô nhận thấy rằng trong suốt buổi cầu nguyện dài hơn bình thường, có điều gì đó đã thay đổi trên khuôn mặt con gái mình; có điều gì đó đã xảy ra giữa cô và Đức Mẹ.

Vài ngày sau, cô bé ngã bệnh. Lúc đầu, cô bé nghĩ rằng đó chỉ là một cơn cúm thông thường. Tuy nhiên, chẩn đoán hóa ra lại nghiêm trọng hơn nhiều: viêm màng não. Claire đã phải nhập viện và từ từ rơi vào tình trạng hôn mê. Vài ngày trước khi cô qua đời, một linh mục giáo xứ từ Lauret đã đến thăm cô. Cô bé gặp cha và xin được Rước lễ, cầu xin cha, “Xin cha mang đến cho con, xin cha mang đến cho con! Con phải tôn thờ Người!”, sau đó cô bé lại bất tỉnh.

Claire de Castebajac với một chú chim bồ câu. castelbajac.pl


Cô thức dậy lần cuối vào Chúa Nhật, ngày 19 tháng 1. Cô nói rất to: “Kính mừng Maria, đầy ơn phúc.” Mẹ bà tiếp tục cầu nguyện, và Claire động viên bà bằng những lời này: “tiếp tục đi… tiếp tục đi…” Cô qua đời vào ngày 22 tháng 1 năm 1975.

Quá trình phong chân phước cho bà bắt đầu vào năm 1985, và vào năm 2016, positio, một tài liệu cho thấy Claire đã sống các nhân đức Kitô giáo hàng ngày như thế nào, đã được hoàn thành.
 
Từ Zakar đến Anamnesis: Ký ức về ơn cứu rỗi
Vũ Văn An
14:15 02/12/2024

Cha Lawrence OP | Flickr | CC BY-NC-ND 2.0


Daniel Esparza, trên Aleteia, xuất bản ngày 01/12/24, nhận định rằng: Không phải là sự hồi tưởng thụ động, khái niệm về ký ức trong Kinh thánh đòi hỏi phải hành động, tin tưởng và chuyển đổi.

Ký ức là sợi chỉ thiêng liêng chạy qua Kinh thánh, gắn kết quá khứ, hiện tại và tương lai trong kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa. Không phải là sự hồi tưởng thụ động, khái niệm về ký ức trong Kinh thánh đòi hỏi phải hành động, tin tưởng và chuyển đổi. Khám phá các thuật ngữ tiếng Do Thái và tiếng Hy Lạp để chỉ ký ức, zakaranamnesis, cho thấy cách ghi nhớ các công trình của Chúa là trọng tâm của một cuộc sống đức tin.

Zakar: Ghi nhớ và hành động (זָכַר)

Trong Kinh thánh tiếng Do Thái, zakar là từ thường được sử dụng nhất để chỉ "ghi nhớ", nhưng nó mang một chiều sâu vượt xa trí nhớ trong đầu. Sự tưởng nhớ trong Kinh thánh là một phản ứng tích cực, một cách đưa những việc làm của Thiên Chúa vào hiện tại thông qua sự thờ phượng, lòng biết ơn và sự vâng lời. Ví dụ, trong Đệ nhị luật 8:2, Mô-sê khuyên nhủ người Israel: "Hãy nhớ (zakar) cách CHÚA, Đức Chúa Trời của các ngươi, đã dẫn dắt các ngươi suốt chặng đường trong hoang địa." Hành động tưởng nhớ này nhằm mục đích định hình lòng tin của họ vào Thiên Chúa và khuyến khích lòng trung thành khi họ bước vào Đất Hứa.

Chính Thiên Chúa "nhớ" trong Kinh thánh, nhưng điều này không có nghĩa là Người có quên vào một lúc nào đó. Thay vào đó, sự tưởng nhớ của Chúa biểu thị hành động trung thành. Trong Sáng thế 9:15, Chúa phán, "Ta sẽ nhớ (zakar) giao ước của ta giữa Ta với các ngươi và mọi loài thọ tạo", nói về lời hứa của Người là sẽ không bao giờ làm ngập lụt trái đất nữa. Sự tưởng nhớ này đảm bảo với chúng ta về cam kết không lay chuyển của Thiên Chúa đối với dân của Người.

Zakar cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự thờ phượng. Lễ Vượt Qua là một ví dụ điển hình về trí nhớ tích cực, vì người Israel được lệnh nhớ lại ngày giải phóng khỏi Ai Cập thông qua nghi lễ và kể chuyện: “Hãy nhớ ngày này, ngày ngươi ra khỏi Ai Cập” (Xuất hành 13:3). Sự tưởng nhớ này không chỉ mang tính lịch sử mà còn mang tính biến đổi, biến quá khứ thành hiện thực sống động trong mỗi thế hệ.

Anamnesis: Ký ức sống (ἀνάμνησις)

Trong Kinh thánh Hy Lạp, anamnesis đưa khái niệm về ký ức thiêng liêng đi xa hơn nữa. Nổi tiếng nhất là, Chúa Giêsu sử dụng thuật ngữ này tại Bữa Tiệc Ly khi Người nói: “Hãy làm điều này để nhớ đến (anamnesis) Ta” (Lu-ca 22:19). Trong Bí tích Thánh Thể, anamnesis không chỉ là sự phản ảnh — đó là sự tham gia vào sự hy sinh của Chúa Kitô, đưa các sự kiện cứu rỗi của Thập giá vào thời điểm hiện tại.

Ý tưởng này là trọng tâm của đời sống Giáo hội. Như Sách Giáo lý Công Giáo giải thích, “Trong nghi lễ cử hành phụng vụ các sự kiện này, chúng trở nên hiện diện và thực tế theo một cách nào đó” (SGLCGHCG 1104). Bí tích Thánh Thể không phải là sự tái hiện hay chỉ là sự tưởng nhớ; đó là sự tưởng niệm sống động về cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, hiệp nhất các tín hữu qua thời gian và không gian trong thực tại vĩnh cửu của ơn cứu độ.

Anamnesis cũng nhắc nhở chúng ta rằng ký ức định hình nên bản sắc. Cũng như Lễ Vượt Qua định hình nên bản sắc của Israel, Bí tích Thánh Thể định hình nên bản sắc của Giáo hội. Ghi nhớ là thuộc về — Thiên Chúa, giao ước của Người và dân Người.

Ký ức như một lời kêu gọi hành động

Hiểu về ký ức trong Kinh thánh vừa là một hồng phúc vừa là một trách nhiệm. Khi chúng ta nhớ đến những việc làm của Thiên Chúa, chúng ta được kêu gọi đáp lại bằng lòng biết ơn, sự vâng phục và hy vọng. Lời kêu gọi này vang vọng khắp Kinh thánh, như trong Thánh vịnh 77:11: “Tôi sẽ nhớ đến những việc làm của Chúa; vâng, tôi sẽ nhớ những phép lạ của Người từ lâu rồi.”

Ký ức, theo nghĩa Kinh thánh, là sự biến đổi. Nó định hình cách chúng ta sống trong hiện tại và chuẩn bị cho tương lai bằng cách bám rễ vào chân lý về tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa. Bằng cách sống trong sự tưởng nhớ tích cực này, chúng ta liên kết bản thân với câu chuyện cứu rỗi, làm cho các công trình của Thiên Chúa được biết đến “từ đời này sang đời khác” (Tv 145:13).

Sự hiểu biết về ký ức như một hành động thiêng liêng này mời gọi chúng ta sống trong nhận thức liên tục về sự hiện diện của Thiên Chúa, để quá khứ soi sáng hiện tại và hướng dẫn chúng ta đến tương lai. Ghi nhớ không chỉ là suy nghĩ—mà là yêu thương, tin tưởng và hành động.

Bài viết này dựa trên những hiểu biết sâu sắc từ Từ điển từ nguyên của tiếng Do Thái trong Kinh thánh: Dựa trên các bình luận của Samson Raphael Hirsch và Từ điển từ nguyên của tiếng Hy Lạp (2010) của Robert Beekes. Các bình luận được cung cấp thông tin từ các nguồn này nhưng không đầy đủ hoặc mang tính quyết định. Độc giả được khuyến khích tham khảo các văn bản gốc để nghiên cứu sâu hơn và hiểu bối cảnh hơn.
 
Phép lạ Thánh Thể ở Scete Ai Cập
Đặng Tự Do
16:35 02/12/2024


Khi Giáo hội Hoàn vũ hướng đến Năm Thánh 2025 (kỷ niệm 2.025 năm Chúa chúng ta Nhập thể), chúng tôi rất vui mừng được hỗ trợ Đức Thánh Cha trong “sự kiện có ý nghĩa to lớn về mặt tâm linh, giáo hội và xã hội trong đời sống của Giáo hội”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tuyên bố trong lá thư công bố Năm Thánh 2025 vào tháng 2 năm 2022: “Chúng ta phải thổi bùng ngọn lửa hy vọng đã được ban cho chúng ta và giúp mọi người có được sức mạnh và sự chắc chắn mới bằng cách hướng đến tương lai với tinh thần cởi mở, trái tim tin tưởng và tầm nhìn xa trông rộng. Năm Thánh sắp tới có thể đóng góp rất lớn vào việc khôi phục bầu không khí hy vọng và tin tưởng như một bước dạo đầu cho sự đổi mới và tái sinh mà chúng ta vô cùng mong muốn.”

Hy vọng của chúng ta không dựa vào các sáng kiến của con người nhưng dựa vào Chúa, Đấng đã hứa ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế trong bí tích Thánh Thể. Loạt bài về các Phép lạ Thánh Thể này xin giới thiệu với quý vị và anh chị em những phép lạ đã được giáo quyền công nhận minh chứng cho sự hiện diện thực sự của Chúa trong bí tích Thánh Thể.

Trong chương trình này, chúng tôi hân hạnh giới thiệu Phép lạ Thánh Thể tại Scete Ai Cập.

Câu chuyện về phép lạ Thánh Thể này có từ những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo và được tìm thấy trong lời răn của các Giáo phụ sa mạc, những người sống trong sa mạc theo gương của Thánh Anthony, Viện phụ.

Một tu sĩ nghi ngờ về sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong bánh và rượu được truyền phép trong Thánh lễ.

Sau khi làm phép, Chúa Hài Đồng được nhìn thấy trong hình bánh. Ba tu sĩ đồng hành cũng chứng kiến sự xuất hiện tương tự.

Trong những lời nói và việc làm của các Cha Sa mạc, chúng ta thấy mô tả về một phép lạ Thánh Thể cổ xưa. Cha Daniel người Faranite chứng thực: “Cha Arsenius của chúng tôi đã kể cho chúng tôi về một tu sĩ ở Scete, người làm việc chăm chỉ nhưng thiếu sự hướng dẫn về Đức tin. Trong sự thiếu hiểu biết của mình, vị linh mục thường nói: 'Bánh mà chúng ta nhận được không thực sự là Mình Chúa Kitô, nhưng nó là biểu tượng của Mình Chúa mà thôi.' Hai trong số những tu sĩ kỳ cựu đã nghe tuyên bố của ngài và biết rằng ngài là một tu sĩ ngoan đạo tốt đã quyết định nói chuyện với ngài vì họ cho rằng những lời ngài nói là do sự thiếu hiểu biết chứ không phải do ác ý.

Vì vậy, họ thông báo với ngài: 'Những gì ông nói trái ngược với Đức tin của chúng ta.' Bị cáo trả lời: 'Nếu ông không thể cho tôi thấy bằng chứng, tôi sẽ không thay đổi quyết định.' Các tu sĩ lớn tuổi nói với ngài: 'Chúng tôi sẽ cầu nguyện với Chúa về mầu nhiệm này và chúng tôi tin rằng Chúa sẽ cho chúng ta thấy sự thật.'

Một tuần sau vào Chúa Nhật, tất cả mọi người đều đến nhà thờ. Khi vị linh mục truyền phép, thay vì bánh, người ta thấy một cậu bé. Khi linh mục giơ bánh lên, một thiên thần xuất hiện với một thanh kiếm và đâm vào cậu bé và khi linh mục bẻ bánh, máu chảy vào chén thánh. Đến lúc Rước lễ, thiên thần lấy những hạt máu từ cậu bé và mang đến cho các tu sĩ để nhận. Lúc này, người hoài nghi kêu lên 'Lạy Chúa, con tin rằng bánh là thân thể của Chúa và máu của Chúa ở trong chén thánh.' Ngay lập tức, phần thịt đẫm máu mà ngài đang cầm trong tay trở thành bánh như bình thường và ngài đã rước lễ một cách cung kính.


Source:miracolieucaristici.org
 
Nhật ký trừ tà #319: Bị quỷ thao túng
Đặng Tự Do
16:36 02/12/2024


Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #319: Gaslighted by Demons”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà #319: Bị quỷ thao túng”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Những điều kỳ lạ đã xảy ra với máy tính của chúng tôi. Chuyên gia công nghệ thông tin của chúng tôi đang gặp phải những vấn đề bất thường khi cố gắng cập nhật APP của chúng tôi, điều mà anh ta chưa từng gặp phải. Trong các phiên trực tuyến, nhiều điều kỳ lạ hơn đã xảy ra - máy tính đã tắt một cách khó hiểu; pin cạn kiệt mặc dù đã cắm vào ổ cắm trên tường; kết nối internet nhanh của chúng tôi chậm lại như rùa bò, và nhiều hơn nữa.

Sự kiện công nghệ thông tin khó hiểu mới nhất là tôi không thể truy cập trang web của chúng tôi và các trang web liên quan đến Trung tâm Tổng Lãnh Thiên Thần Micae khác, bất kể tôi sử dụng trình duyệt nào, máy tính nào hoặc nhà cung cấp internet nào. Tôi phải đến một quán cà phê địa phương để đăng bài blog cuối cùng, sau đó bài viết đã được đăng mà không gặp trục trặc gì.

Rõ ràng là ma quỷ đang quấy rối chúng ta và cố gắng đóng cửa chức vụ giải cứu trực tuyến của chúng tôi. Và chúng đang cố gắng làm rối trí óc chúng tôi. Chúng đang cố gắng khẳng định quyền kiểm soát, làm chúng tôi bối rối và mất quyền lực, và khiến chúng tôi nghĩ rằng mình hơi điên. Nói tóm lại, chúng đang thao túng chúng tôi. Gần đây khi đã nhận thức được thuật ngữ: “thao túng” có nghĩa là gì,* tôi cho rằng ma quỷ là những kẻ thao túng ban đầu. Chúng đã phát minh ra nó.

Quỷ cũng làm cho khách hàng của chúng tôi bị mê hoặc. Có nhiều người bị bệnh tâm thần và lầm tưởng rằng họ bị quỷ ám. Chúng tôi giới thiệu họ đến các chuyên gia sức khỏe tâm thần. Nhưng cũng có những người không bị bệnh tâm thần nhưng lại bị quỷ ám. Trong quá trình giải thoát, sau nhiều tháng biểu hiện rõ ràng của quỷ ám, một số người đã nói với tôi rằng họ nghĩ rằng họ không bị quỷ ám và họ chỉ “điên”. Một người bị quỷ ám thậm chí còn nói với tôi, có phần mỉa mai: “Quỷ ám nói với tôi rằng tôi không bị quỷ ám và tôi chỉ bị điên”.

Ma quỷ cũng thao túng tâm lý con người để phá vỡ lòng tự trọng và sự tự tin của họ. Chúng gieo rắc sự nghi ngờ và sự bối rối về mặt tinh thần. Chúng cố gắng thiết lập quyền lực và kiểm soát con người. Ma quỷ là bậc thầy của việc thao túng tâm lý và rõ ràng là tác giả ban đầu của nó. Satan là “Cha đẻ của sự dối trá”; hắn cũng là “Cha đẻ của việc thao túng tâm lý”.

Chìa khóa là nhận ra khi nào bạn đang bị ma quỷ thao túng về mặt tinh thần và từ chối nó. Tôi khuyên bạn nên nói 3 chữ R: Tôi từ chối, tôi khiển trách, tôi từ bỏ. Nếu ma quỷ đang làm rối tung công nghệ của bạn, tôi khuyên bạn nên dự phòng. Đôi khi, nhóm của chúng tôi cần nhiều cách để liên lạc với khách hàng bị ma ám; ma quỷ có thể chặn một con đường nhưng không chặn con đường khác. Ngoài ra, việc có các nền tảng công nghệ thông tin dự phòng cũng là chìa khóa. Ví dụ, bài đăng trên blog tuần này được thực hiện trên máy tính dự phòng bằng cách sử dụng điểm phát sóng internet. Máy tính chính và đường truyền internet không hoạt động một cách khó hiểu.

Trên hết, hãy tin cậy vào Chúa Giêsu. Kinh nghiệm nhất quán của chúng ta là ma quỷ chỉ có thể quấy rối chứ không thể phá hủy. Chúng có thể làm cho chức thánh của chúng ta trở nên khó khăn, nhưng chức thánh này là công việc của Chúa và Ngài sẽ cho chúng ta cách để hoàn thành nó. Tương tự như vậy, trong khi ma quỷ có thể làm cho người bị quỷ ám trở nên mù quáng, chúng cũng cần phải hướng về Chúa Giêsu và tin cậy Ngài.

Trái ngược hoàn toàn với thao túnh, Chúa yêu thương, khẳng định, hỗ trợ và khuyến khích. Ngài tôn trọng ý chí tự do mà Ngài đã ban cho chúng ta và không cố gắng kiểm soát hay thao túng. Thay vào đó, Ngài mời chúng ta vào sự chữa lành và tình yêu của Ngài. Thông điệp của Ngài dành cho chúng ta là chúng ta được yêu thương**, chúng ta được tha thứ và chúng ta được tạo ra một cách tuyệt đẹp theo hình ảnh của Ngài.


Source:Catholic News Agency
 
Thiết kế mới của Nhà thờ St. Hedwig ở Berlin nhận được cả lời khen ngợi và chỉ trích
Đặng Tự Do
16:38 02/12/2024


Tổng giáo phận Berlin đã kỷ niệm việc mở cửa trở lại Nhà thờ St. Hedwig vào hôm Chúa Nhật sau hơn sáu năm cải tạo. Nội thất đã được tân trang theo phong cách hiện đại, nhưng không phải ai cũng hưởng ứng nhiệt tình.

Trong bài giảng vào Chúa Nhật, Tổng giám mục Berlin Heiner Koch đã tóm tắt ý định đằng sau thiết kế mới: “Trong quá trình cải tạo Nhà thờ St. Hedwig hiện tại theo thiết kế của kiến trúc sư Peter Sichau và nghệ sĩ Leo Zogmayer, điều quan trọng đối với chúng tôi là người Công Giáo có thể tìm thấy một ngôi nhà tại nhà thờ này và những người không cùng đức tin với chúng tôi cũng cảm thấy được hướng đến bằng ngôn ngữ của kiến trúc và thiết kế nghệ thuật và có thể coi nhà thờ này là nơi để suy ngẫm, trò chuyện và tìm kiếm cởi mở.”

Ulrich L. Lehner, Giáo sư Thần học của Quỹ Warren tại Đại học Notre Dame, trong một bài đăng trên X đã chia sẻ phản hồi của mình về thiết kế của nhà thờ cho rằng nó y chang một đền thờ Hồi Giáo, chỉ cần sửa cây thánh giá trên nóc thành lưỡi liềm Hồi Giáo là xong.

Ông viết rằng: “Đây là những gì 40 triệu người nhận được cho Nhà thờ mới của bạn khi bạn là một Giám mục Công Giáo ở Đức: một bàn thờ vỏ trứng. Dành riêng cho 'đấng tối cao' à? Tòa nhà là một dấu hiệu hữu hình cho Giáo Hội Đức đã chết - đó là một cái vỏ không có sự sống bên trong. Sẽ không có ai cầu nguyện ở đây.”

Một số người bi quan cho rằng trong bối cảnh các Giám Mục đang theo đuổi Tiến Trình Công Nghị, Giáo Hội địa phương bị chia rẽ trầm trọng, mỗi năm cả nửa triệu người bỏ đạo, xây nhà thờ chính tòa hình quả trứng giống như một đền thờ Hồi Giáo là một tính toán hết sức khôn ngoan. Bởi vì, sau này dễ bán lại được cho Hồi Giáo, là tôn giáo đang phát triển rầm rộ ở Đức.

Đức Tổng Giám Mục Koch đã nói về những hy vọng và thất vọng mà mọi người có thể có khi chứng kiến công trình cải tạo, trong bài giảng của mình, ngài nói rằng “thiết kế của Nhà thờ St. Hedwig đề cập đến những trải nghiệm đen tối của nhiều người”.

“ Ví dụ, trong hầm mộ ở cảnh Chúa Giáng Sinh của người Neapolitan, hình ảnh Chúa Giáng Sinh bao gồm cảnh nghèo đói và bi kịch của cuộc chạy trốn của rất nhiều người” “Trên Đường Thánh Giá trong hầm mộ, nơi gánh chịu nỗi đau khổ của nhiều người, là nhà nguyện nơi tội lỗi của Giáo Hội trong suốt 2.000 năm lịch sử của mình và nỗi đau khổ mà Giáo Hội gây ra được thể hiện. Ngoài ra, lịch sử gần đây của chúng ta ở Đức cũng được đề cập, trong đó chúng ta đã thất bại và không giải quyết đầy đủ tình trạng vi phạm nhân phẩm”.

Đức Tổng Giám Mục tiếp tục: “Là các Kitô hữu, chúng ta tin vào Thiên Chúa nhân lành, Đấng nắm giữ cuộc sống, lịch sử và tương lai của thế giới trong tay Người và Đấng đã ban cho chúng ta sự cứu rỗi trong Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta tin vào Thiên Chúa, Đấng dẫn dắt cuộc sống của con người đến sự viên mãn, Đấng đã xé toạc bầu trời và ban cho chúng ta một tương lai lành mạnh, có ý nghĩa và viên mãn, cho phép chúng ta sống cùng nhau và dẫn dắt cuộc sống của chúng ta phát triển.”

Trong bối cảnh này, hầm mộ, ngài nói, “không dừng lại ở những trải nghiệm đen tối của con người, mà cho thấy chính nó là nơi của hy vọng. Ngôi mộ của Chân phước Bernhard Lichtenberg và ngôi mộ của các giám mục chứng minh cho hy vọng phục sinh tràn đầy trong chúng ta.”

Nội thất được thiết kế lại của nhà thờ Berlin thể hiện “lời tuyên xưng của Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế, sự viên mãn và hoàn thiện cuộc sống và tương lai của chúng ta”, Koch giải thích.

“Trung tâm của nhà thờ là bàn thờ như một biểu tượng của Chúa Kitô, của cuộc đời, sự đau khổ, cái chết và sự phục sinh của Người. Nhà thờ tập trung xung quanh bàn thờ và tôn vinh Người trong phụng vụ. Cộng đồng tín hữu tập trung xung quanh bàn thờ cùng với giám mục, người có ngai tòa được đưa vào vòng tròn tín hữu này xung quanh bàn thờ như một dấu hiệu của nhiệm vụ và thẩm quyền của mình để lãnh đạo và giảng dạy giáo phận của mình. Do đó, Thánh Hedwig trở thành biểu hiện của ý tưởng hiệp thông, mà chúng tôi đã đặt vào trung tâm cuộc sống của mình tại Tổng giáo phận Berlin và chúng tôi cam kết phát triển tính đồng nghị của Giáo cộng đoàn tôi: hiệp thông với Chúa và với nhau.”

Trong thời gian làm Hồng Y và Tổng trưởng Thánh bộ Giáo lý Đức tin, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 đã phân loại thiết kế nội thất nhà thờ như vậy bằng những lời sau: “Việc linh mục quay về phía giáo dân giờ đây tạo thành một vòng tròn khép kín. Về mặt hình thức, nó không còn mở ra phía trước và phía trên nữa, mà khép kín vào bên trong chính nó”.

Ngược lại, Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki của Köln cho biết ngài rất vui mừng với nội thất mới của Nhà thờ St. Hedwig. “Khi bước vào phòng, tôi hoàn toàn choáng ngợp. Tôi không nói nên lời trước độ sáng, kích thước và sự tự do mà không gian này mang lại. Thực sự không thể nhận ra khi bạn so sánh nó với căn phòng mà tôi nhớ rất rõ.”

Đức Hồng Y Woelki là Tổng giám mục Berlin từ năm 2011 đến năm 2014.

“Đền Pantheon được đưa từ Rôma đến Berlin,” Đức Hồng Y Woelki cho biết vào Chúa Nhật trong một cuộc phỏng vấn với Đài phát thanh của tổng giáo phận Köln. “Bàn thờ nằm ở chính giữa. Chúa Kitô ở trung tâm, bên cạnh là cây thánh giá, bục giảng, từ đó là lời công bố Lời Chúa và sự giản dị tổng thể. Không gian này mang lại sự tự do, nhưng đồng thời cũng tạo ra sự gần gũi với nhau. Bây giờ mọi người ngồi gần nhau hơn và quỳ gối gần hơn nhiều với sự cứu rỗi diễn ra trên bàn thờ.”

Nhà thờ St. Hedwig có niên đại từ thế kỷ 18. Tòa nhà bị thiêu rụi trong Thế chiến thứ hai. Khi được xây dựng lại, nó đã là một nhà thờ rất hiện đại. Vài thập niên sau, nó được thiết kế lại, khởi xướng bởi Đức Tổng Giám Mục Woelki.


Source:Catholic News Agency
 
Thất bại lớn nhất của Biden ở Gaza
Vũ Văn An
17:38 02/12/2024

Ngoại giao nhân đạo yếu kém đã tiếp tay cho thảm họa như thế nào

Người Palestine đang nhận thực phẩm từ một tổ chức từ thiện, Khan Younis, Gaza, tháng 11 năm 2024. Hatem Khaled / Reuters


Jeremy Konyndyk của tạp chí Foreign Affairs số ngày 2 tháng 12 năm 2024 cho hay: Vào ngày 13 tháng 10, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã gửi một lá thư cho chính phủ Israel. Trong đó, họ bày tỏ mối quan ngại sâu xa về những trở ngại mà Israel đã gây ra đối với dòng viện trợ đến Gaza trong quá trình tiến hành các hoạt động quân sự của Israel. Bức thư nêu rõ rằng luật pháp Hoa Kỳ yêu cầu Hoa Kỳ phải đình chỉ việc bán vũ khí và hợp tác an ninh với các chính phủ cản trở việc cung cấp viện trợ do Hoa Kỳ cung cấp. Và nó đã đưa ra cho Israel thời hạn 30 ngày để thực hiện "các hành động khẩn cấp và bền vững nhằm đảo ngược" cuộc khủng hoảng nhân đạo đang gia tăng ở Gaza, vạch ra một loạt các biện pháp cụ thể mà họ mong đợi Israel sẽ thực hiện, bao gồm tăng mạnh số lượng xe tải có thể vào Gaza, hủy bỏ các lệnh sơ tán đã khiến hàng triệu người phải di dời và dừng luật đang chờ xử lý sẽ ngăn cản các nỗ lực của Cơ quan Cứu trợ và Công trình của Liên hợp quốc dành cho Người tị nạn Palestine ở Cận Đông (gọi tắt là UNRWA) nhằm giúp đỡ thường dân Palestine.

Israel đã không phản ứng thỏa đáng với bất cứ điều kiện nào trong số những điều kiện đó trước thời hạn của bức thư. Khi Refugees International và bảy nhóm viện trợ nổi tiếng khác tiến hành phân tích chi tiết về 19 hành động riêng biệt mà chính phủ Hoa Kỳ đã yêu cầu Israel thực hiện, chúng tôi thấy rằng Israel đã không chứng tỏ hành động có ý nghĩa nào đối với 15 trong số đó và chỉ giải quyết một phần bốn hành động còn lại. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã từ chối áp đặt bất cứ hậu quả nào đối với Israel vì thất bại này, với lập luận rằng các biện pháp nửa vời và những lời hứa mơ hồ đã cấu thành một phản ứng đủ.

Đây có thể là ví dụ rõ ràng nhất về sự thất bại thảm hại của chính quyền Biden trong việc buộc Israel phải chịu trách nhiệm vì đã phớt lờ các nghĩa vụ nhân đạo của mình trong cuộc chiến ở Gaza. Nhưng đây không phải là ví dụ duy nhất. Ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến, Biden và các cố vấn hàng đầu của ông đã nhiều lần kêu gọi Israel bảo vệ các nỗ lực cứu trợ nhân đạo—và sau đó đứng nhìn chính phủ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu di dời gần như toàn bộ dân số Gaza, đẩy nhiều người Palestine vào cảnh chết đói, chặn các nhóm cứu trợ tiếp cận dải đất này và giết chết nhân viên cứu trợ.

Kết quả ở Gaza tự nói lên điều đó: ngày nay, ước tính có 50,000 trẻ em cần được điều trị suy dinh dưỡng. Chỉ có bốn trong số 19 tiệm bánh được Chương trình Lương thực Thế giới hỗ trợ đang hoạt động và chỉ có 17 trong số 36 bệnh viện mà Gaza có trước chiến tranh thậm chí còn hoạt động một phần. UNICEF ước tính rằng 95 phần trăm trường học ở Gaza đã bị hư hại hoặc bị phá hủy và hơn 1.9 triệu người—90 phần trăm dân số Gaza—vẫn phải di dời cưỡng bức.

THỎA THUẬN FAUSTIAN

Cả những rào cản mà Israel đặt ra đối với việc cung cấp viện trợ lẫn những yêu cầu trong bức thư mà Blinken và Austin gửi đều không phải là mới về cơ bản. Trong hơn một năm, Israel đã thực hiện quyền chỉ huy gần như tuyệt đối đối với các điều kiện nhân đạo ở Gaza, kiểm soát các chuyến hàng viện trợ đến và hoạt động của các tổ chức cứu trợ. Lực lượng Phòng vệ Israel từ lâu đã là mối đe dọa lớn nhất đối với sự an toàn của những người làm công tác cứu trợ tại đây; nhiều nhân viên cứu trợ đã thiệt mạng ở Gaza kể từ khi bắt đầu chiến tranh hơn cả phần còn lại của thế giới cộng lại. Một loạt các tuyên bố của các quan chức cấp cao của Hoa Kỳ trong năm qua đã truyền tải mối quan ngại sâu sắc rằng chính phủ Israel đang từ chối thực hiện nhiều bước trong khả năng của mình để giảm bớt tình trạng ngày càng thảm khốc của Gaza.

Ngay từ tháng 2 năm 2024, Samantha Power, giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, đã công khai lên án những nút thắt mà chính phủ Israel đã tạo ra đối với dòng chảy viện trợ và cầu xin rằng những người làm công tác cứu trợ "phải biết rằng họ có thể làm công việc của mình mà không bị bắn và giết". Vào ngày 9 tháng 10 năm 2024, đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hợp quốc, Linda Thomas-Greenfield, đã nói với Hội đồng Bảo an rằng "các hành động của chính phủ Israel", bao gồm việc đóng cửa các cửa khẩu biên giới và các hạn chế hành chánh mới đối với việc cung cấp viện trợ, đã "làm gia tăng [nỗi] đau khổ ở Gaza". David Satterfield, người từng là đặc phái viên nhân đạo của Biden tại Gaza từ tháng 10 năm 2023 đến tháng 4 năm 2024, đã lập luận công khai sau khi rời khỏi vai trò này rằng Israel có đủ phương tiện để giảm bớt đau khổ cho thường dân Gaza nhưng "ý chí" để làm như vậy "chưa bao giờ có". Và vào tháng 9 năm ngoái, ProPublica đưa tin rằng cả USAID lẫn cục tị nạn của Bộ Ngoại giao đã thông báo rõ ràng với Blinken rằng Israel cố tình cản trở viện trợ nhân đạo của Hoa Kỳ.

Bức thư Blinken và Austin gửi đi là sự thừa nhận chính thức, mặc dù ngầm hiểu, về trách nhiệm trực tiếp của Israel đối với các điều kiện vô lương tâm ở Gaza. Nhưng Netanyahu dường như đã - một cách chính xác - cho rằng sẽ không có hậu quả nào nếu Israel không bận tâm tuân thủ các yêu cầu của bức thư. Thực thế, kể từ khi Blinken và Austin gửi thư, cuộc khủng hoảng nhân đạo chỉ trở nên tồi tệ hơn. Cả Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc và Ủy ban Đánh giá Nạn đói của Phân loại Giai đoạn An ninh Lương thực Tích hợp, cơ quan hoàn cầu đưa ra dự báo về nạn đói, gần đây đã đưa ra cảnh cáo mới nói rằng các hoạt động của Israel đang đẩy miền bắc Gaza đến nạn đói sắp xảy ra.

Cả USAID lẫn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đều tuyên bố rõ ràng rằng Israel đang cản trở viện trợ nhân đạo.

Thất bại trong nỗ lực ngoại giao của Hoa Kỳ nhằm cải thiện các điều kiện nhân đạo ở Gaza bắt nguồn từ hai sai sót cơ bản: thứ nhất, trộn lẫn ngoại giao nhân đạo với ngoại giao ngừng bắn ngay cả khi các cuộc đàm phán ngừng bắn đã thất bại; và thứ hai, thiếu ý chí chính trị ở cấp cao nhất của chính quyền để buộc Israel phải chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ nhân đạo của mình theo luật pháp Hoa Kỳ và quốc tế.

Sai sót đầu tiên đã được đưa vào chiến lược của Hoa Kỳ ngay từ rất sớm trong cuộc chiến. Trong bài phát biểu vào tháng 11 năm 2023, cố vấn cấp cao của Biden là Brett McGurk đã bày tỏ quan điểm của Hoa Kỳ: rằng việc đảm bảo lệnh ngừng bắn là điều chính mà chính phủ Hoa Kỳ có thể làm để cải thiện điều kiện nhân đạo ở Gaza—và thực tế là viễn cảnh về việc cải thiện điều kiện có thể khiến Hamas phải nhượng bộ. Ông gợi ý rằng "Việc thả [một] số lượng lớn con tin sẽ dẫn đến việc tạm dừng đáng kể các cuộc giao tranh… và một đợt cứu trợ nhân đạo lớn". Tuyên bố này đã gây ra sự phẫn nộ từ các nhóm cứu trợ và học giả pháp lý, những người chỉ ra rằng việc điều kiện hóa việc tiếp cận viện trợ nhân đạo theo cách này rõ ràng vi phạm luật chiến tranh. Nhà Trắng đã tìm cách rút lại một phần các bình luận, lập luận trong các cuộc trò chuyện riêng với đại diện của nhóm cứu trợ rằng chính quyền chỉ đơn giản là thừa nhận một động thái đã tồn tại: cả hai bên trong cuộc xung đột đều sử dụng cứu trợ nhân đạo như một con bài mặc cả trong các cuộc đàm phán lớn hơn.

Nhưng sự kiện chính quyền Biden đã áp dụng luận lý cứu trợ đổi con tin trong các nỗ lực đàm phán của mình. Các quan chức chính quyền đã tranh luận trong các cuộc thảo luận công khai và riêng tư với các nhóm cứu trợ rằng cách tốt nhất để tăng dòng viện trợ là đảm bảo lệnh ngừng bắn—và do đó, những nỗ lực của họ hướng tới lệnh ngừng bắn thực sự hoạt động như thành phần chính trong hoạt động ngoại giao nhân đạo của họ. Một lệnh ngừng bắn kéo dài chắc chắn sẽ cho phép mở rộng đáng kể các nỗ lực viện trợ nhân đạo. Nhưng tác động đời thực của việc đánh cuộc quá nhiều vào triển vọng đó là một năm mất mát khi Hoa Kỳ trì hoãn việc gây sức ép buộc Israel giảm bớt đau khổ cho Gaza miễn là vẫn còn hy vọng về một lệnh ngừng bắn. Israel vẫn chủ yếu được tự do cản trở việc cung cấp viện trợ cho Gaza, miễn là họ có thể kéo dài chính quyền Biden trong các cuộc đàm phán ngừng bắn kéo dài.

GIẢM ÁP LỰC

Hai mục tiêu xoa dịu cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza và thực hiện lệnh ngừng bắn không bao giờ nên được kết hợp chặt chẽ ngay từ đầu. Luật pháp quốc tế không thể mơ hồ rằng cứu trợ nhân đạo không thể bị từ chối để gây sức ép lên dân thường. Làm như vậy cấu thành hình phạt tập thể và là tội ác chiến tranh rõ ràng. Về mặt pháp lý, một bên tham chiến có nghĩa vụ tạo điều kiện và bảo vệ các nỗ lực cứu trợ cho dân thường bất kể tình trạng của bất cứ cuộc đàm phán ngừng bắn nào, và cả Hamas lẫn Israel đều không có quyền sử dụng phúc lợi của dân thường Palestine ở Gaza làm con bài đàm phán.

Ngoài khía cạnh pháp lý, việc liên kết viện trợ nhân đạo và lệnh ngừng bắn là một sai lầm chiến lược. Đến nay, rõ ràng là việc Israel hạn chế cứu trợ ở Gaza không làm dịu đi lập trường đàm phán của Hamas; nếu có, thì nó đã khuyến khích nhóm khủng bố này bằng cách làm mất tính hợp pháp của Israel trên trường thế giới. Và việc đảm bảo lệnh ngừng bắn đòi hỏi mức độ liên kết ngoại giao không thể đạt được giữa Hamas, mà Hoa Kỳ có ít ảnh hưởng, và Israel, mà Hoa Kỳ vẫn miễn cưỡng chỉ đạo chiến lược chiến tranh. Việc ghép nối hai con đường này đã gắn cứu trợ nhân đạo với vấn đề gai góc hơn nhiều là liên kết cả hai bên tham gia xung đột theo các điều khoản của lệnh ngừng bắn.

Không nhất thiết phải như vậy. Israel vẫn kiểm soát phần lớn các hoạt động cứu trợ nhân đạo ở Gaza và có thể làm nhiều hơn nữa để tạo điều kiện cho dòng viện trợ, bất kể lập trường của Hamas là gì. Chính phủ Hoa Kỳ nên sử dụng đòn bẩy đáng kể của mình với chính phủ Israel để theo đuổi ngoại giao nhân đạo theo các điều khoản của riêng mình, buộc Israel phải chịu trách nhiệm về hành vi cản trở của họ. Toàn bộ thảm kịch của việc chính quyền Biden không muốn triển khai đòn bẩy của mình với Israel có thể được hiểu bằng cách suy gẫm về tác động đáng kể mà nó đã gây ra trong một thời gian ngắn mà nó đã sử dụng một số đòn bẩy đó.

Chiến lược của Hoa Kỳ nhằm liên kết viện trợ nhân đạo và lệnh ngừng bắn là một sai lầm.

Những cải thiện đáng kể nhất đối với các chính sách của Israel về tiếp cận nhân đạo diễn ra sau khi Hoa Kỳ gia tăng áp lực trong những tháng đầu năm nay và tiến trình đã sụp đổ sau khi áp lực đó giảm bớt. Vào tháng 2, Biden đã ban hành một bản ghi nhớ an ninh quốc gia yêu cầu Blinken đánh giá xem Israel có vi phạm luật pháp Hoa Kỳ hay không khi cản trở viện trợ cho Gaza và báo cáo những phát hiện của mình lên Quốc hội vào tháng 5. Dòng viện trợ đổ vào Gaza đã chạm đáy và Ủy ban Đánh giá Nạn đói đã đưa ra cảnh báo đầu tiên về nạn đói sắp xảy ra ở Gaza, khiến việc giám sát của Blinken trở nên cấp bách hơn.

Sau đó, vào ngày 1 tháng 4, một cuộc không kích của Israel đã giết chết bốn nhân viên của World Central Kitchen. Trong một cuộc gọi căng thẳng với Netanyahu ngay sau vụ giết người, Biden đã đưa ra tối hậu thư rằng Israel phải tạo điều kiện cho nhiều viện trợ hơn cho Gaza và thiết lập các biện pháp mới để bảo vệ nhân viên cứu trợ. Ngay ngày hôm sau, chính phủ Israel đã đưa ra những nhượng bộ mà trước đây họ đã phản đối: họ đồng ý mở một cửa khẩu biên giới mới để cho phép viện trợ vào phía bắc Gaza, họ cho phép viện trợ quá cảnh qua cảng Ashdod của Israel và họ đồng ý thiết lập một hành lang viện trợ mới đến Gaza từ Jordan. Những nhượng bộ này đã có hiệu lực nhanh chóng. Vào tháng 4, nhiều viện trợ đổ vào Gaza hơn bất cứ tháng nào khác trong suốt cuộc chiến. Các cuộc phỏng vấn của Refugee International với cả người Palestine và đại diện của các nhóm cứu trợ khác cho thấy những thay đổi này đã cải thiện đáng kể các điều kiện và ngăn chặn được nạn đói dự kiến xảy ra.

Nhưng tiến triển này không kéo dài được lâu. Vào ngày 10 tháng 5, Blinken đã báo cáo với Quốc hội Hoa Kỳ rằng Israel đang tuân thủ các điều kiện trong bản ghi nhớ tháng 2 của Biden và không chặn viện trợ cho Gaza. Khi sự giám sát đó được dỡ bỏ, Lực lượng Phòng vệ Israel đã phát động cuộc tấn công tàn khốc của mình ở Rafah, nơi khi đó đang che chở cho một nửa dân số Gaza. Bất chấp cảnh báo của Hoa Kỳ rằng bất cứ hoạt động nào ở Rafah đều phải bảo vệ các hoạt động nhân đạo và bảo vệ những người Palestine phải di dời, nhưng hoạt động tiếp theo đã không làm được điều đó.

Khoảng một triệu người Palestine đã phải di dời một lần nữa mà không được thông báo trước và không có sự hỗ trợ. Israel đã đóng cửa khẩu biên giới Rafah và khiến cửa khẩu Kerem Shalom hầu như không thể tiếp cận được đối với các nhóm cứu trợ, làm tắc nghẽn các đường ống viện trợ chính của Gaza. Nó cũng buộc các cơ quan cứu trợ phải sơ tán khỏi Rafah, nơi đã trở thành trung tâm hậu cần và nhân sự chính cho các hoạt động cứu trợ trên toàn bộ Gaza.

Cuộc tấn công Rafah đánh dấu một đòn giáng mạnh khiến nỗ lực nhân đạo giúp đỡ người dân Gaza đau khổ không bao giờ phục hồi. Thay vì đe dọa rút hỗ trợ quân sự cho Israel, như đã làm sau cuộc tấn công World Central Kitchen, chính quyền Biden đã từ chối đưa ra lời cảnh báo cứng rắn. Nhà Trắng chuyển hướng trở lại tập trung vào việc đảm bảo lệnh ngừng bắn và các ưu tiên nhân đạo đã lùi vào hậu trường. Sẽ không có động thái lớn nào khác của Hoa Kỳ về các điều kiện nhân đạo ở Gaza cho đến khi lá thư được công bố vào tháng 10.

NĂM MẤT MÁT

Một sự trớ trêu bi thảm là vào năm 2018, một loạt các quan chức tương lai của Biden—bao gồm cố vấn an ninh quốc gia, ngoại trưởng, giám đốc tình báo quốc gia, đại sứ Liên hợp quốc và giám đốc USAID—đã viết một bức thư ngỏ lập luận rằng để buộc một đồng minh ngoan cố của Hoa Kỳ tuân thủ các nghĩa vụ nhân đạo của mình, Hoa Kỳ phải sẵn sàng đình chỉ hỗ trợ quân sự. Bên vi phạm trong trường hợp đó là Ả Rập Xê Út. Bức thư chỉ trích sự ủng hộ "kiểm tra toàn bộ" của Tổng thống Donald Trump đối với chiến dịch quân sự do Ả Rập Xê Út dẫn đầu ở Yemen, vốn đang gây ra một thảm họa nhân đạo; bằng ngôn ngữ kỳ lạ dự đoán trước thái độ tương lai của chính họ đối với Israel, các tác giả đã lên án "sự điên rồ của sự ủng hộ vô điều kiện". Họ viết rằng nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm sử dụng lời hứa về viện trợ quân sự trong tương lai làm "đòn bẩy để thúc đẩy liên minh [Saudi] tuân thủ luật nhân đạo quốc tế" đã thất bại thảm hại.

Nếu các quan chức của Biden nghe theo lời khuyên của chính họ khi nói đến Gaza, họ có thể đã cứu được vô số sinh mạng. Thay vào đó, hiện tại chẳng có gì cản trở được nạn đói ở miền bắc Gaza và sự tàn phá ngày càng sâu xa đang bao trùm phần còn lại của lãnh thổ. Triển vọng của người dân Gaza có thể sẽ tồi tệ hơn khi Trump nắm quyền, vì chính quyền mới của ông đã ra hiệu rằng họ sẽ trao cho Netanyahu quyền tự do hơn nữa. Nhưng việc Biden từ chối đưa trọng lượng thực sự vào lời hùng biện của mình đã lãng phí cơ hội củng cố quyền tiếp cận viện trợ của người dân Gaza trước khi thời điểm này đến. Nỗi đau khổ vô lương tâm của họ sẽ là vết nhơ không thể xóa nhòa trong di sản của ông.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh Lễ Tạ Ơn mừng Tân Thánh Đường và Đài Đức Mẹ La Vang tại Seattle
Nguyễn An Quý
18:30 02/12/2024
Thánh Lễ Tạ Ơn mừng Tân Thánh Đường và Đài Đức Mẹ La Vang tại Seattle.



Tukwila.Giáo xứ CTTĐVN Seattle vừa trải qua một ngày vui trọng đại qua việc Cung Hiến Tân Thánh Đường và Làm Phép Tượng Đài Đức Mẹ La Vang cùng Các Thánh Tử Đạo Việt Nam vào Chúa Nhật Lễ Chúa Kitôn Vua Vũ Trụ vừa qua.

Xem Hình.

Trong niềm vui tạ ơn, hôm nay chiều Thứ Bảy ngày 30 tháng 11 năm 2024 vọng Chúa Nhật I Mùa Vọng, Đức Giám Mục Frank Schuster Phụ Tá Tổng Giáo Phận Seattle đặc trách vùng Miền Nam Tổng Giáo Phận Seattle, đã đến chủ sự Thánh Lễ Tạ Ơn để nối tiếp niềm vui trọng đại của ngày Cung Hiến Tân Thánh Đường. Ngài là một giám mục trẻ và rất quan tâm đến giáo xứ CTTĐVN. Trong dịp Cung Hiến Tân Thánh Đường vừa qua, ngài bận công tác không tham dự được, nên hôm nay Thứ Bảy ngày 30 tháng 11 năm 2024 ngài đến dâng Thánh Lễ Tạ Ơn chung vui với giáo xứ lúc 6 giờ chiều.

Đúng 6 giờ Ca Đoàn hát bài ca nhập lễ, nghi đoàn cùng với Quý Linh mục cung nghinh Thánh Giá tiến lên cung thánh theo tiếng hát của Ca Đoàn.

Mở đầu Thánh Lễ, Cha chánh xứ Đào Xuân Thành ngõ lời chào mừng Đức Giám Frank và cám ơn ngài đã đến với giáo xứ trong Thánh Lễ Tạ Ơn hôm nay.

Sau lời giới thiệu của Cha Chánh Xứ, Đức Giám Mục cử hành nghi thức đốt nến Mùa Vọng. Sau phần đốt nến Mùa Vọng Đức Giám Mục đã công bố Bài Sai bổ nhiệm Cha Chánh Xứ Đào Xuân Thành tiếp tục giữ chức chánh xứ thêm Nhiệm Kỳ 6 Năm từ 2024-2030 với tiếng vỗ tay vui mừng của Cộng Đoàn dân Chúa hiện diện.

Thánh Lễ được bắt đầu qua phần phụng vụ Lời Chúa theo Chúa Nhật I Mùa Vọng. Tin mừng hôm nay Thánh Luca giới thiệu câu chuyện Chúa Giêsu nói về ngày cánh chung với các môn đệ của ngài với đoạn sau: Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến.

Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con, như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!"

Bài chia sẻ của Đức Giám Mục trong Thánh Lễ, ngài nhấn mạnh về niềm tin sống Mùa Vọng, ngài nói: Tin mừng hôm nay gợi lên hình ảnh của ngày cánh chung khi bước vào Mùa Vọng. Chúng ta phải sống với tâm tình cầu nguyện và sẵn sàng tỉnh thức để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến. Mùa Vọng đòi hỏi việc làm bác ái. Trong khuôn khổ của đời sống trong cộng đoàn giáo xứ. Ngoài việc yêu thương nhau trong Cộng Đoàn đức tin của giáo xứ, chúng ta cũng cần quan tâm đến những người chung quanh mình thuộc vùng quanh của ngôi Thánh Đường, đó là cư dân sống chung quanh nhà thờ thuộc địa bàn của thành phố của Quận Hạt, đó là những người anh chị em của chúng ta. Trong tinh thần đức ái, chúng ta cũng cần quan tâm đến họ….ngài kết luận: Sống Mùa Vọng là sống cầu nguyện và tĩnh thức cùng thực hiện đức ái, đó là bổn phận của người Kitô hữu.

Thánh lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Thánh Thể. Trước khi kết thúc Thánh Lễ, cha chánh xứ có lời cám ơn Đức Giám Mục một cách trân trọng. Sau lời cám ơn của cha chánh xứ, Đức Giám Mụ cũng đã chia sẻ niềm vui khi giáo xứ có được ngôi Thánh Đường khang trang tuỳẹt đẹp, ngài chúc mừng cho giáo xứ với tiếng vỗ tay khá dài. Cuối cùng lễ Đức Giám Mục ban phép lành trọng thể kết thúc Thánh Lễ.

Sau Thánh Lễ là Buổi Họp Mặt thân hữu với Buổi tiệc mừng tại Hội Trường có sự tham dự của Đức Giám Mục Frank Schuster. Trong buổi tiệc cha chánh xứ cũng đã trân trọng giới thiệu đại diện các Đoàn Thể hiện diện trong buổi tiệc. Buổi tiệc mừng với phần văn nghệ cây nhà lá vườn trong niềm vui tạ ơn khá phong phú kéo đài đến gần 11 giờ đêm.

Nguyễn An Quý
 
VietCatholic TV
Phép lạ Thánh Thể Scete. Nhật ký trừ tà: Bị quỷ thao túng. Thiết kế gây tranh cãi của nhà thờ Berlin
VietCatholic Media
16:33 02/12/2024


1. Phép lạ Thánh Thể ở Scete Ai Cập

Khi Giáo hội Hoàn vũ hướng đến Năm Thánh 2025 (kỷ niệm 2.025 năm Chúa chúng ta Nhập thể), chúng tôi rất vui mừng được hỗ trợ Đức Thánh Cha trong “sự kiện có ý nghĩa to lớn về mặt tâm linh, giáo hội và xã hội trong đời sống của Giáo hội”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tuyên bố trong lá thư công bố Năm Thánh 2025 vào tháng 2 năm 2022: “Chúng ta phải thổi bùng ngọn lửa hy vọng đã được ban cho chúng ta và giúp mọi người có được sức mạnh và sự chắc chắn mới bằng cách hướng đến tương lai với tinh thần cởi mở, trái tim tin tưởng và tầm nhìn xa trông rộng. Năm Thánh sắp tới có thể đóng góp rất lớn vào việc khôi phục bầu không khí hy vọng và tin tưởng như một bước dạo đầu cho sự đổi mới và tái sinh mà chúng ta vô cùng mong muốn.”

Hy vọng của chúng ta không dựa vào các sáng kiến của con người nhưng dựa vào Chúa, Đấng đã hứa ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế trong bí tích Thánh Thể. Loạt bài về các Phép lạ Thánh Thể này xin giới thiệu với quý vị và anh chị em những phép lạ đã được giáo quyền công nhận minh chứng cho sự hiện diện thực sự của Chúa trong bí tích Thánh Thể.

Trong chương trình này, chúng tôi hân hạnh giới thiệu Phép lạ Thánh Thể tại Scete Ai Cập.

Câu chuyện về phép lạ Thánh Thể này có từ những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo và được tìm thấy trong lời răn của các Giáo phụ sa mạc, những người sống trong sa mạc theo gương của Thánh Anthony, Viện phụ.

Một tu sĩ nghi ngờ về sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong bánh và rượu được truyền phép trong Thánh lễ.

Sau khi làm phép, Chúa Hài Đồng được nhìn thấy trong hình bánh. Ba tu sĩ đồng hành cũng chứng kiến sự xuất hiện tương tự.

Trong những lời nói và việc làm của các Cha Sa mạc, chúng ta thấy mô tả về một phép lạ Thánh Thể cổ xưa. Cha Daniel người Faranite chứng thực: “Cha Arsenius của chúng tôi đã kể cho chúng tôi về một tu sĩ ở Scete, người làm việc chăm chỉ nhưng thiếu sự hướng dẫn về Đức tin. Trong sự thiếu hiểu biết của mình, vị linh mục thường nói: 'Bánh mà chúng ta nhận được không thực sự là Mình Chúa Kitô, nhưng nó là biểu tượng của Mình Chúa mà thôi.' Hai trong số những tu sĩ kỳ cựu đã nghe tuyên bố của ngài và biết rằng ngài là một tu sĩ ngoan đạo tốt đã quyết định nói chuyện với ngài vì họ cho rằng những lời ngài nói là do sự thiếu hiểu biết chứ không phải do ác ý.

Vì vậy, họ thông báo với ngài: 'Những gì ông nói trái ngược với Đức tin của chúng ta.' Bị cáo trả lời: 'Nếu ông không thể cho tôi thấy bằng chứng, tôi sẽ không thay đổi quyết định.' Các tu sĩ lớn tuổi nói với ngài: 'Chúng tôi sẽ cầu nguyện với Chúa về mầu nhiệm này và chúng tôi tin rằng Chúa sẽ cho chúng ta thấy sự thật.'

Một tuần sau vào Chúa Nhật, tất cả mọi người đều đến nhà thờ. Khi vị linh mục truyền phép, thay vì bánh, người ta thấy một cậu bé. Khi linh mục giơ bánh lên, một thiên thần xuất hiện với một thanh kiếm và đâm vào cậu bé và khi linh mục bẻ bánh, máu chảy vào chén thánh. Đến lúc Rước lễ, thiên thần lấy những hạt máu từ cậu bé và mang đến cho các tu sĩ để nhận. Lúc này, người hoài nghi kêu lên 'Lạy Chúa, con tin rằng bánh là thân thể của Chúa và máu của Chúa ở trong chén thánh.' Ngay lập tức, phần thịt đẫm máu mà ngài đang cầm trong tay trở thành bánh như bình thường và ngài đã rước lễ một cách cung kính.


Source:miracolieucaristici.org

2. Nhật ký trừ tà #319: Bị quỷ thao túng

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #319: Gaslighted by Demons”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà #319: Bị quỷ thao túng”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Những điều kỳ lạ đã xảy ra với máy tính của chúng tôi. Chuyên gia công nghệ thông tin của chúng tôi đang gặp phải những vấn đề bất thường khi cố gắng cập nhật APP của chúng tôi, điều mà anh ta chưa từng gặp phải. Trong các phiên trực tuyến, nhiều điều kỳ lạ hơn đã xảy ra - máy tính đã tắt một cách khó hiểu; pin cạn kiệt mặc dù đã cắm vào ổ cắm trên tường; kết nối internet nhanh của chúng tôi chậm lại như rùa bò, và nhiều hơn nữa.

Sự kiện công nghệ thông tin khó hiểu mới nhất là tôi không thể truy cập trang web của chúng tôi và các trang web liên quan đến Trung tâm Tổng Lãnh Thiên Thần Micae khác, bất kể tôi sử dụng trình duyệt nào, máy tính nào hoặc nhà cung cấp internet nào. Tôi phải đến một quán cà phê địa phương để đăng bài blog cuối cùng, sau đó bài viết đã được đăng mà không gặp trục trặc gì.

Rõ ràng là ma quỷ đang quấy rối chúng ta và cố gắng đóng cửa chức vụ giải cứu trực tuyến của chúng tôi. Và chúng đang cố gắng làm rối trí óc chúng tôi. Chúng đang cố gắng khẳng định quyền kiểm soát, làm chúng tôi bối rối và mất quyền lực, và khiến chúng tôi nghĩ rằng mình hơi điên. Nói tóm lại, chúng đang thao túng chúng tôi. Gần đây khi đã nhận thức được thuật ngữ: “thao túng” có nghĩa là gì,* tôi cho rằng ma quỷ là những kẻ thao túng ban đầu. Chúng đã phát minh ra nó.

Quỷ cũng làm cho khách hàng của chúng tôi bị mê hoặc. Có nhiều người bị bệnh tâm thần và lầm tưởng rằng họ bị quỷ ám. Chúng tôi giới thiệu họ đến các chuyên gia sức khỏe tâm thần. Nhưng cũng có những người không bị bệnh tâm thần nhưng lại bị quỷ ám. Trong quá trình giải thoát, sau nhiều tháng biểu hiện rõ ràng của quỷ ám, một số người đã nói với tôi rằng họ nghĩ rằng họ không bị quỷ ám và họ chỉ “điên”. Một người bị quỷ ám thậm chí còn nói với tôi, có phần mỉa mai: “Quỷ ám nói với tôi rằng tôi không bị quỷ ám và tôi chỉ bị điên”.

Ma quỷ cũng thao túng tâm lý con người để phá vỡ lòng tự trọng và sự tự tin của họ. Chúng gieo rắc sự nghi ngờ và sự bối rối về mặt tinh thần. Chúng cố gắng thiết lập quyền lực và kiểm soát con người. Ma quỷ là bậc thầy của việc thao túng tâm lý và rõ ràng là tác giả ban đầu của nó. Satan là “Cha đẻ của sự dối trá”; hắn cũng là “Cha đẻ của việc thao túng tâm lý”.

Chìa khóa là nhận ra khi nào bạn đang bị ma quỷ thao túng về mặt tinh thần và từ chối nó. Tôi khuyên bạn nên nói 3 chữ R: Tôi từ chối, tôi khiển trách, tôi từ bỏ. Nếu ma quỷ đang làm rối tung công nghệ của bạn, tôi khuyên bạn nên dự phòng. Đôi khi, nhóm của chúng tôi cần nhiều cách để liên lạc với khách hàng bị ma ám; ma quỷ có thể chặn một con đường nhưng không chặn con đường khác. Ngoài ra, việc có các nền tảng công nghệ thông tin dự phòng cũng là chìa khóa. Ví dụ, bài đăng trên blog tuần này được thực hiện trên máy tính dự phòng bằng cách sử dụng điểm phát sóng internet. Máy tính chính và đường truyền internet không hoạt động một cách khó hiểu.

Trên hết, hãy tin cậy vào Chúa Giêsu. Kinh nghiệm nhất quán của chúng ta là ma quỷ chỉ có thể quấy rối chứ không thể phá hủy. Chúng có thể làm cho chức thánh của chúng ta trở nên khó khăn, nhưng chức thánh này là công việc của Chúa và Ngài sẽ cho chúng ta cách để hoàn thành nó. Tương tự như vậy, trong khi ma quỷ có thể làm cho người bị quỷ ám trở nên mù quáng, chúng cũng cần phải hướng về Chúa Giêsu và tin cậy Ngài.

Trái ngược hoàn toàn với thao túnh, Chúa yêu thương, khẳng định, hỗ trợ và khuyến khích. Ngài tôn trọng ý chí tự do mà Ngài đã ban cho chúng ta và không cố gắng kiểm soát hay thao túng. Thay vào đó, Ngài mời chúng ta vào sự chữa lành và tình yêu của Ngài. Thông điệp của Ngài dành cho chúng ta là chúng ta được yêu thương**, chúng ta được tha thứ và chúng ta được tạo ra một cách tuyệt đẹp theo hình ảnh của Ngài.


Source:Catholic News Agency

3. Thiết kế mới của Nhà thờ St. Hedwig ở Berlin nhận được cả lời khen ngợi và chỉ trích

Tổng giáo phận Berlin đã kỷ niệm việc mở cửa trở lại Nhà thờ St. Hedwig vào hôm Chúa Nhật sau hơn sáu năm cải tạo. Nội thất đã được tân trang theo phong cách hiện đại, nhưng không phải ai cũng hưởng ứng nhiệt tình.

Trong bài giảng vào Chúa Nhật, Tổng giám mục Berlin Heiner Koch đã tóm tắt ý định đằng sau thiết kế mới: “Trong quá trình cải tạo Nhà thờ St. Hedwig hiện tại theo thiết kế của kiến trúc sư Peter Sichau và nghệ sĩ Leo Zogmayer, điều quan trọng đối với chúng tôi là người Công Giáo có thể tìm thấy một ngôi nhà tại nhà thờ này và những người không cùng đức tin với chúng tôi cũng cảm thấy được hướng đến bằng ngôn ngữ của kiến trúc và thiết kế nghệ thuật và có thể coi nhà thờ này là nơi để suy ngẫm, trò chuyện và tìm kiếm cởi mở.”

Ulrich L. Lehner, Giáo sư Thần học của Quỹ Warren tại Đại học Notre Dame, trong một bài đăng trên X đã chia sẻ phản hồi của mình về thiết kế của nhà thờ cho rằng nó y chang một đền thờ Hồi Giáo, chỉ cần sửa cây thánh giá trên nóc thành lưỡi liềm Hồi Giáo là xong.

Ông viết rằng: “Đây là những gì 40 triệu người nhận được cho Nhà thờ mới của bạn khi bạn là một Giám mục Công Giáo ở Đức: một bàn thờ vỏ trứng. Dành riêng cho 'đấng tối cao' à? Tòa nhà là một dấu hiệu hữu hình cho Giáo Hội Đức đã chết - đó là một cái vỏ không có sự sống bên trong. Sẽ không có ai cầu nguyện ở đây.”

Một số người bi quan cho rằng trong bối cảnh các Giám Mục đang theo đuổi Tiến Trình Công Nghị, Giáo Hội địa phương bị chia rẽ trầm trọng, mỗi năm cả nửa triệu người bỏ đạo, xây nhà thờ chính tòa hình quả trứng giống như một đền thờ Hồi Giáo là một tính toán hết sức khôn ngoan. Bởi vì, sau này dễ bán lại được cho Hồi Giáo, là tôn giáo đang phát triển rầm rộ ở Đức.

Đức Tổng Giám Mục Koch đã nói về những hy vọng và thất vọng mà mọi người có thể có khi chứng kiến công trình cải tạo, trong bài giảng của mình, ngài nói rằng “thiết kế của Nhà thờ St. Hedwig đề cập đến những trải nghiệm đen tối của nhiều người”.

“ Ví dụ, trong hầm mộ ở cảnh Chúa Giáng Sinh của người Neapolitan, hình ảnh Chúa Giáng Sinh bao gồm cảnh nghèo đói và bi kịch của cuộc chạy trốn của rất nhiều người” “Trên Đường Thánh Giá trong hầm mộ, nơi gánh chịu nỗi đau khổ của nhiều người, là nhà nguyện nơi tội lỗi của Giáo Hội trong suốt 2.000 năm lịch sử của mình và nỗi đau khổ mà Giáo Hội gây ra được thể hiện. Ngoài ra, lịch sử gần đây của chúng ta ở Đức cũng được đề cập, trong đó chúng ta đã thất bại và không giải quyết đầy đủ tình trạng vi phạm nhân phẩm”.

Đức Tổng Giám Mục tiếp tục: “Là các Kitô hữu, chúng ta tin vào Thiên Chúa nhân lành, Đấng nắm giữ cuộc sống, lịch sử và tương lai của thế giới trong tay Người và Đấng đã ban cho chúng ta sự cứu rỗi trong Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta tin vào Thiên Chúa, Đấng dẫn dắt cuộc sống của con người đến sự viên mãn, Đấng đã xé toạc bầu trời và ban cho chúng ta một tương lai lành mạnh, có ý nghĩa và viên mãn, cho phép chúng ta sống cùng nhau và dẫn dắt cuộc sống của chúng ta phát triển.”

Trong bối cảnh này, hầm mộ, ngài nói, “không dừng lại ở những trải nghiệm đen tối của con người, mà cho thấy chính nó là nơi của hy vọng. Ngôi mộ của Chân phước Bernhard Lichtenberg và ngôi mộ của các giám mục chứng minh cho hy vọng phục sinh tràn đầy trong chúng ta.”

Nội thất được thiết kế lại của nhà thờ Berlin thể hiện “lời tuyên xưng của Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế, sự viên mãn và hoàn thiện cuộc sống và tương lai của chúng ta”, Koch giải thích.

“Trung tâm của nhà thờ là bàn thờ như một biểu tượng của Chúa Kitô, của cuộc đời, sự đau khổ, cái chết và sự phục sinh của Người. Nhà thờ tập trung xung quanh bàn thờ và tôn vinh Người trong phụng vụ. Cộng đồng tín hữu tập trung xung quanh bàn thờ cùng với giám mục, người có ngai tòa được đưa vào vòng tròn tín hữu này xung quanh bàn thờ như một dấu hiệu của nhiệm vụ và thẩm quyền của mình để lãnh đạo và giảng dạy giáo phận của mình. Do đó, Thánh Hedwig trở thành biểu hiện của ý tưởng hiệp thông, mà chúng tôi đã đặt vào trung tâm cuộc sống của mình tại Tổng giáo phận Berlin và chúng tôi cam kết phát triển tính đồng nghị của Giáo cộng đoàn tôi: hiệp thông với Chúa và với nhau.”

Trong thời gian làm Hồng Y và Tổng trưởng Thánh bộ Giáo lý Đức tin, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 đã phân loại thiết kế nội thất nhà thờ như vậy bằng những lời sau: “Việc linh mục quay về phía giáo dân giờ đây tạo thành một vòng tròn khép kín. Về mặt hình thức, nó không còn mở ra phía trước và phía trên nữa, mà khép kín vào bên trong chính nó”.

Ngược lại, Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki của Köln cho biết ngài rất vui mừng với nội thất mới của Nhà thờ St. Hedwig. “Khi bước vào phòng, tôi hoàn toàn choáng ngợp. Tôi không nói nên lời trước độ sáng, kích thước và sự tự do mà không gian này mang lại. Thực sự không thể nhận ra khi bạn so sánh nó với căn phòng mà tôi nhớ rất rõ.”

Đức Hồng Y Woelki là Tổng giám mục Berlin từ năm 2011 đến năm 2014.

“Đền Pantheon được đưa từ Rôma đến Berlin,” Đức Hồng Y Woelki cho biết vào Chúa Nhật trong một cuộc phỏng vấn với Đài phát thanh của tổng giáo phận Köln. “Bàn thờ nằm ở chính giữa. Chúa Kitô ở trung tâm, bên cạnh là cây thánh giá, bục giảng, từ đó là lời công bố Lời Chúa và sự giản dị tổng thể. Không gian này mang lại sự tự do, nhưng đồng thời cũng tạo ra sự gần gũi với nhau. Bây giờ mọi người ngồi gần nhau hơn và quỳ gối gần hơn nhiều với sự cứu rỗi diễn ra trên bàn thờ.”

Nhà thờ St. Hedwig có niên đại từ thế kỷ 18. Tòa nhà bị thiêu rụi trong Thế chiến thứ hai. Khi được xây dựng lại, nó đã là một nhà thờ rất hiện đại. Vài thập niên sau, nó được thiết kế lại, khởi xướng bởi Đức Tổng Giám Mục Woelki.


Source:Catholic News Agency
 
Thánh Ca
Thánh ca Chúa Nhật II Vọng C
Lm Thái Nguyên
03:16 02/12/2024