Ngày 24-12-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Nếu Chúa Giáng Sinh Hôm Nay....
Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng SDB
00:01 24/12/2010
NẾU CHÚA GIÁNG SINH HÔM NAY...



Nhờ sự tân tiến của ngành viễn thông, nên bất luận một biến cố sự việc to nhỏ xảy ra ở bất cứ chân trời góc biển xa xôi hẻo lánh tới đâu đi nữa chỉ trong khoảng khắc khi được tung lên mạng lưới điện toán ‘internet’ là khắp nơi trên thế giới đều biết. Không cần nói tới TV, Radio, mà chỉ cần một chiếc máy điện thoại nhỏ cầm tay hay ngồi trước màn hình điện toán có nối vào internet là cả thế giới bao la được thu nhỏ lại, cung cấp cho chúng ta mọi thông tin và nhiều suy tư chia sẻ của tha nhân từ đông sang tây, từ bắc xuống nam của địa cầu này. Cho có dùng hết cả 24 giờ trong ngày, chúng ta cũng không thể đọc, nghe hay xem hết được...

Trong viễn ảnh đó chúng ta thấy biết được bao cảnh nhiều nhương của thiên tai bão lụt, động đất chiến tranh, âu lo bệnh tật đủ cả!

Là thân phận người tỵ nạn với kinh nghiệm hãi sợ, đói khát, mệt lả trong cuộc vượt thoát hãi hùng, chúng ta mủi lòng trước thảm cảnh của chiếc tàu chở 90 người tỵ nạn, đa số là người Iran và Parkistan bị sóng đánh vào các gềnh đá tại hải đảo Christmas làm chiếc tầu Siev 221 bể tung ngày 17/12 vừa qua. 42 người trong số 90 người tỵ nạn trên chiếc tàu đó được cứu sống, 30 xác chết được tìm thấy, số còn lại vẫn còn bị mất tích đâu đó trong lòng đại dương...

Rồi nhìn vào thế giới năm nay thời tiết bất thường mưa nắng nóng lạnh với những cơn mưa lũ làm ngập chìm nhiều nơi như ngập chìm 1/5 nước Parkistan; lũ lụt tại Việt Nam, Trung Quốc gây nên bao cảnh lầm than màn trời chiếu đất...

Các nước bắc bán cầu như Âu Châu đang bị bão tuyết cực lạnh làm ngưng trệ các chuyến bay cũng như làm tắc nghẽn các phương tiện di chuyển! Còn tại nam bán cầu như nước Úc bình thường mùa này nắng cháy hạn hán thì năm nay mưa nặng hạt làm nhiều vùng ngập lụt... Dân Úc Châu thường mừng Giáng sinh trong bàu khí oi nồng nóng cháy của mùa hè oan nghiệt, thì năm nay mưa nhiều gió lạnh cóng gía như mùa đông vậy!

Nghĩ tới mùa Giáng sinh, chúng ta nghĩ tới tình yêu. Thiên Chúa chính là tình yêu và tình yêu của Ngài được bộc lộ hữu hình qua con người “Đức Giêsu Kitô” và qua tước hiệu “Emmanuel” nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Trong những ngày này ai ai trong chúng ta, tùy hoàn cảnh, dù Thiên Chúa giáo hay không, nghèo hay giầu, Giáng sinh là mùa nhắc nhở chúng ta tới tình yêu thương mà chúng ta lãnh nhận và trao ban. Hòa với phong tục tập quán tốt lành, chúng ta không ít thì nhiều đang sửa soạn những món qùa cho những người thân yêu. Có lẽ chúng ta có cùng một cảm nghiệm là những ai chúng ta càng yêu thương thì lại càng khó mua sắm các món qùa, vì chúng ta muốn gói trọn trái tim tình cảm thương mến trong gói qùa trao tặng ấy.

Thiên Chúa là tình yêu, Ngài hiến tặng cho chúng ta và cho nhân trần chính Người Con Yêu của Ngài, Vì Thiên Chúa này sống cận kề bên chúng ta, song và đồng hành với chúng ta và nên một với chúng ta qua mầu nhiệm Thánh Thể của Ngài; Giống như những người yêu nhau họ dành cho nhau những nụ hôn nồng ấm, giao hòa kết ước nên một với nhau...

Một trong những phương thế tạ ơn là gửi đi những cánh thiệp và đón nhận những tấm thiệp ươm đầy tâm tình thương mến và nguyện chúc cho nhau mọi ơn lành thành công.

Trong đống thiệp tôi nhận năm nay có một phong thư nhỏ, mở ra là một nửa tấm thiệp Giáng Sinh với lời viết từ tâm lòng của một người tù vì tội giết người không cố ý. Anh viết:

Xin chào cha,

Trước hết con xin lỗi vì gửi cho cha có nửa tấm card, là vì tấm card thì to, trong khi bao thư trong tù thì không có, nên sẵn hội từ thiện phát cho hai bao thư có tem in sẵn nên con mới cắt tấm card ra làm đôi cho vừa. Vả lại card chỉ là hình thức thôi, chớ quan trọng là tâm tình nội dung tấm thiệp gói ghém phải không cha?

Rất tiếc bây giờ trại tù không cho nhận sách báo, làm con không còn được đón nhận báo Dân Chúa hàng tháng nữa. Buồn lắm cha ạ! Đối với con báo Dân Chúa như là nguồn suối mát chảy vào tâm hồn. Dạo này con nhận thấy từ lúc con không còn hấp thụ báo Dân Chúa nữa, thì tính tình con trở nên cộc cằn nóng nảy lắm! Đã nhiều lần, chỉ vì những chuyện nhỏ mọn không đâu mà đưa đẩy con mài nhọn những cây sắt, cây gỗ để trả thù... Rất may là mỗi khi bước vào phòng giam của con, nhìn lên chuỗi Mân côi treo trên tường làm lòng con chùng xuống, con bình tĩnh lại và tình Chúa và Đức Maria xoa dịu chữa lành cho con...”


Thật cảm động khi chúng tôi nhận tấm thiệp này và qua những kinh nghiệm xương máu của người tù trẻ này đang nhắc nhớ chúng ta những hồng ân và những ân sủng chúng ta đang lãnh nhận mà chúng ta chưa khám phá và nhìn nhận đó là những hồng ân để chúng ta biết trân qúi và cố đáp trả lại bằng tấm lòng cảm mến tri ơn...

Ngày 16/11 vừa qua cuộc tình giữa công nương Kate và hoàng tử William đã được chính thức công bố khi cặp trai tài gái sắc này trao nhẫn đính hôn cho nhau, chiếc nhẫn mà hoàng thái tử Charles năm xưa đã trao cho công nương Diana.

Công nương Diana và hoàng tử Charles đã chia tay sau một đám cưới đi vào huyền sử... Mặc dù tiền rừng bạc bể, tài sắc nhưng họ đã chia tay và công chúa Diana đã mệnh yểu trong một tai nạn xe hơi ở Paris cùng với người tình mới là Dodi Fayed vào năm 1997.

Thế giới, đặc biệt nước Anh và các nước trong khối thị trường chung Anh quốc tưng bừng loan tin, bình luận về mối tình duyên thơ mộng giữa Kate và William. Báo chí nói nhiều viết nhiều về cuộc tình duyên này và phỏng đoán lúc nào họ sẽ làm lễ thành hôn? Kate sẽ mặc áo cưới ra sao vân vân và vân vân... Chẳng để cho thiên hạ phải đoán gìa đoán non, cặp uyên ương này chỉ vài ngày sau đính hôn đã công bố ngày 29/4 năm sau họ sẽ làm lễ thành hôn với nhau.

Cuộc tình của họ đã khởi đầu từ đâu và diễn tiến ra sao?

Kate và William gặp nhau tại trường Đại học Thánh Anrê ở Scotland vào mùa thu tháng 9 năm 2000, lúc đó họ nhìn nhau như bạn bè và rồi cơ duyên cả hai lại cùng ở nội trú chung một trường với nhau vào năm 2002 cho đến ngày ra trường năm 2005. Người ta thường nói “chọn mặt gửi vàng” chốn đại học hay nơi chốn làm việc thật là lý tưởng. Cặp trai tài gái sắc này âm thầm vun góp yêu thương và chỉ hé mở cho báo giới hay cuộc tình của họ trong một cuộc đi chơi tuyết chung ở Thụy Sĩ năm 2004 và đặc biệt qua cái hôn nồng cháy công khai vào năm 2006... nhưng chẳng bao lâu sau vào năm 2007 hai người chia tay... tưởng chừng như cuộc tình đã gẫy đổ! May mắn thay sóng gió rồi trời lại quang tạnh, tình yêu của họ lại được hàn gắn và cuối cùng họ quyết định đính hôn và sẽ ký kết giao ước chung sống trọn đời vào 29/4/2011.

Nước Anh và thế giới đang nao nức để xem hôn lễ của hoàng tử William và công chúa Kate sẽ ra sao, vĩ đại lộng lẫy thế nào?

Nhìn vào cuộc tình của hoàng gia Anh quốc hôm nay, chúng ta liên tưởng tới cuộc tình của Con Vua Trời năm xưa với nhân trần. Là Con Vua Trời nhưng lại hạ mình sâu thẳm yêu thương chúng ta là những tội nhân! Và Ngài đã giáng sinh không nhà không cửa, sinh ra trong hang bò chiên giữa cánh đồng sương tuyết lạnh gía!

Tin Mừng Thánh Luca ghi lại: “Ngày ấy, có lệnh của hoàng đế Cêsarê Augustô ban ra, truyền cho khắp nơi phải làm sổ kiểm tra. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, thực hiện thời Quirinô làm thủ hiến xứ Syria. Mọi người đều lên đường trở về quê quán mình. Giuse cũng rời thị trấn Nadarét, trong xứ Galilêa, trở về quê quán của Đavít, gọi là Bêlem, vì Giuse thuộc hoàng gia và là tôn thất dòng Đavít, để khai kiểm tra cùng với Maria, bạn người, đang có thai.

Sự việc xảy ra trong lúc ông bà đang ở đó, là Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa, và bà đã hạ sinh con trai đầu lòng. Bà bọc con trẻ trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong hàng quán.”

Nhìn vào thế giới với nhiều nhiễu nhương mà chúng ta đã đề cập ở trên, chúng ta tạ ơn Chúa về cuộc sống an bình sung túc tại xứ Úc này, nhưng chúng ta không quên những người đang bị màn trời chiếu đất thiếu thốn mọi sự vì thiên tai hay chiến tranh..., nhất là với những anh chị em đồng bào chúng ta ở miền trung bão lụt trên quê hương đất nước của chúng ta.

Có rất nhiều anh chị em đã nhận chân ra điều đó và mặc dù cuộc sống ở đây không sang giầu cho lắm nhưng đã quảng đại gửi về cho Dân Chúa Úc Châu nhờ chuyển về hỗ trợ cho bà con thuộc giáo phận Vinh nơi xảy ra những cơn lũ lụt thảm khốc nhất của thế kỷ!

Cá nhân chúng tôi cũng trích từ qũy của Thân Hữu Don Bosco, một ngân qũy dành yểm trợ cho giới trẻ Việt Nam để chia sẻ với các anh chị em kém may lành cấp thiết tại quê nhà. Tổng số tiền chúng tôi đã chuyển về cho giáo phận Vinh là $18,000 đô Úc. Số tiền này cũng kha khá, nhưng so với nhu cầu cấp thiết của các nạn nhân lũ lụt tại quê nhà thì chẳng thấm vào đâu, tuy thế chúng tôi tin tưởng rằng Thiên Chúa nhìn tới thiện tâm của chúng ta và sẽ hỗ trợ các nạn nhân bằng ân huệ của Ngài hầu tăng cường sức mạnh thiêng liêng để họ có thể vác nổi Thánh gía nặng nề đang triũ ghì trên vai của họ.

Mấy hôm trước đây bé Harry mà năm ngoái làm Chúa Hài Đồng trong hoạt cảnh giáng sinh bị té và gãy tay phải vào nhà thương. Tôi vào thăm bé, ngạc nhiên thấy bé hiền khô, không khóc dù tay đau và bó bột thật khó chịu. Tôi nói năm ngoái bé làm Chúa Giêsu và mẹ bé nói “Chúa Giêsu bị gãy tay rồi!” Câu nói đơn sơ nhưng đánh động chúng ta rất nhiều...

Nếu chúng ta sống với nhau như thấy Chúa đang cận kề bên chúng ta qua người thân yêu, bạn hữu có lẽ mối giao hảo của chúng ta khác lắm nhỉ? Nếu Chúa giáng sinh hôm nay Ngài có nơi trọ trong lòng, trong gia đình cộng đoàn chúng ta không nhỉ? Chúng tôi thiết nghĩ rất nhiều người chúng ta chắc chắn sẽ mở rộng lòng đón Thánh tử Giêsu giáng thế trong lòng; nhưng tự hỏi nếu không là Chúa mà là một bé tật nguyền, một trẻ thơ hay một người nghiện ngập, đầu trộm đuôi cướp chắc chúng ta lẩn trốn, cao chạy xa bay, khước từ... Chính vậy sống niềm tin khó thật!

Trong mùa Giáng sinh chúng ta cùng hòa nhập với Giáo Hội Quê Hương mừng và sửa soạn kết thúc Năm Thánh, kỷ niệm 350 năm thành lập hai giáo phận tiên khởi của Việt Nam và 50 năm thành lập Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Ước mong Chúa Giêsu Hài Nhi giáng sinh mang lại nhiều hồng ân sức mạnh cho tâm hồn chúng ta, cho gia đình, cộng đoàn và xứ sở của chúng ta để chúng ta biết lãnh nhận Tin mừng Giáng sinh của Ngài hầu ra đi ban phát cho cuộc sống xã hội ngày nay.

Trong niềm vui mừng Chúa Giáng Sinh và đón mừng Năm Mới 2011, Dân Chúa Úc Châu xin được kính chúc qúi Đức Hồng Y, Giám mục, Đức ông, qúi linh mục tu sĩ và qúi thính gỉa cùng gia quyến muôn hồng ân của Chúa Hài Đồng và của Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu và cũng là Mẹ của mỗi người tín hữu chúng ta.

Chân thành

Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng sdb
 
Ngôi Trường lý tưởng
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
01:28 24/12/2010
Lễ Thánh Gia

Thư mục vụ Giáng Sinh 2010 của Giám Mục Giáo Phận Vinh viết: Bối cảnh tranh tối tranh sáng trộn lẫn giá trị và phi giá trị của xã hội Việt Nam ở thời mở cửa làm cho việc đào tạo con người trở thành một công tác vô cùng khó khăn. Người xưa nói: dạy chữ để dạy người, nhưng nhà trường ở Việt Nam hôm nay dạy chữ thiếu chất lượng mà dạy cách làm người càng tệ hơn. “Nạn phá thai, ly dị, ma túy, mãi dâm, sự gia tăng cách biệt giầu nghèo, tình trạng bất công, bóc lột, tham nhũng, tàn phá môi sinh… tất cả đang có chiều hướng gia tăng và là những dấu hiệu cụ thể của “nền văn hóa sự chết”. Một số người cho rằng khủng hoảng sâu thẳm nhất trong nền giáo dục hiện nay là khủng khoảng về mặt đạo đức và triết lý giáo dục. Vì vậy giáo hội đề cao vai trò của giáo dân và nhấn mạnh đến sứ vụ của gia đình trong việc đào tạo giới trẻ. “Điều rất đáng mong ước là khi dạy con cái biết sống theo lương tâm ngay thẳng, trong liêm chính và chân thật, thì mỗi gia đình Công giáo trở nên trung tâm các giá trị và đức tính nhân bản, một trường dạy đức tin và đức mến đối với Thiên Chúa” (Số 4).

Một trong những lo âu hàng đầu hiện nay của các bậc cha mẹ là lo chạy trường cho con. Làm sao tìm được trường tốt để con cái được học giỏi, được rèn luyện đạo đức, tránh khỏi các tệ nạn xã hội.

Lễ Thánh Gia, Giáo Hội giới thiệu với chúng ta ngôi trường lý tưởng, một mô hình đào tạo thành công. Đó là Thánh Gia. Tấm gương giáo dục giá trị ở khía cạnh tâm linh tâm lý và tình cảm sống. Thánh Gia đã trở thành ngôi trường kiểu mẫu giúp phát triển con người toàn diện về thân xác, trí tuệ và đạo đức.

Nổi bật nhất là Thánh Giuse, vai trò nguời cha trong giáo dục con cái.

Thánh Giuse, người thầm lặng ít nói, tận tuỵ làm việc. Ðây là một điểm tâm lý hết sức cần thiết của phụ huynh, đặc biệt, của các người cha trong vai trò giáo dục.

Vai trò người cha thật quan trọng kiến tạo hạnh phúc đầm ấm cho mỗi gia đình Công giáo. Gia đình Nadarét có Thánh Giuse làm gia trưởng. Dù Ðức Maria và Chúa Giêsu là những người cao quý hơn thánh Giuse, nhưng Thiên Chúa đã đặt hai ngài dưới quyền Thánh Giuse; khi Thiên Chúa muốn nói gì với gia đình này thì Ngài nói với Thánh Giuse; và hai ngài vâng lời Thánh Giuse như vâng lời Thiên Chúa.

Thánh kinh đã ghi nhận vai trò độc đáo của vị gia trưởng Giuse khi đương đầu với bao phong ba xảy đến cho gia đình.

Với tư cách là chủ, Thánh Giuse đã phải hết sức cực nhọc vất vả vì gia đình của mình. Từ khi nhận Maria về nhà, khó khăn cứ dồn dập xảy tới. Đang bình yên thì có lệnh phải đưa Maria đang mang thai đến thời sinh nở từ Nadaret xứ Galilê đến Bêlem xứ Giuđê theo lệnh kiểm tra dân số của Hoàng Đế Augustô. Cuộc hành trình mà theo đường chim bay đã dài tới 120km, và phải đi bằng phương tiện rất thô sơ của những người nghèo thời đó là một con lừa. Rồi một đêm đông lạnh giá giữa đồng hoang vắng, Maria sinh hạ con trẻ Giêsu trong một chuồng bò lừa. Là chủ gia đình, Giuse phải đau lòng lắm. Con trẻ mới sinh chưa được bao lâu thì lại có lệnh của thiên thần phải đưa cả hai mẹ con trốn sang Ai Cập. Chỉ thẳng đường chim bay từ Bêlem tới biên giới Ai Cập thôi đã phải là 100km. Hành trình chạy trốn lần này quá đổi gian lao. Ở nơi đất khách quê người, Giuse làm việc cật lực để nuôi sống gia đình. Khi tạm ổn định thì có lệnh đưa cả nhà về Nazareth. Tại đây, Giuse làm việc miệt mài và tận tuỵ giáo dục con trẻ Giêsu nên người.

Tất cả những khó nhọc vất vả ấy đòi hỏi Giuse phải có rất nhiều tình yêu và nhiều đức tính mới có thể vượt qua một cách tốt đẹp. Ngài thật là một người đàn ông cao cả và là một người chủ gia đình rất gương mẫu. Thiết tưởng bất kỳ người chủ gia đình nào bắt chước Giuse cũng sẽ làm cho gia đình mình yên vui hạnh phúc. Thường thì hạnh phúc và sự êm ấm trong gia đình tùy thuộc vào người chồng nhiều hơn. Thánh Phaolô khuyên rằng: “Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ”. Muốn vợ phục tùng, người chồng cần phải đối xử độ lượng, không cay nghiệt với vợ, biết thông cảm, hy sinh, thường xuyên giúp đỡ vợ trong mọi việc, nổ lực bao bọc che chở vợ mình trong mọi hoàn cảnh. Người vợ có cảm thấy được chồng yêu thương, có cảm phục chồng vì tính quảng đại, cao thượng, bỏ qua mọi lầm lỗi nhỏ nhặt, thì mới dễ dàng phục tùng chồng. Tâm lý chung của mọi phụ nữ là dễ yêu thương những người mà mình nể phục. Làm sao người phụ nữ có thể yêu thương một người mà mình khinh thường vì thấy không có gì đáng nể phục? Do đó, để gia đình hạnh phúc, yếu tố rất quan trọng là người chủ gia đình phải có là lòng độ lượng, bao dung, và tình yêu hy sinh.Có thể nói bản lĩnh, cách hành xử cao thượng, và sự quảng đại trong yêu thương của người đàn ông là nền tảng và là yếu tố đầu tiên cần thiết cho hạnh phúc của cả gia đình. Thiếu nó, gia đình khó có hạnh phúc. Thánh gia rất dễ có hạnh phúc, một phần rất lớn là vì Giuse, người chủ gia đình, có rất nhiều đức tính đáng để Maria kính phục.

Phần đông, nhất là con trai, ít muốn nghe cha mẹ nói nhiều; ngược lại, muốn nhìn thấy cha mẹ, đặc biệt, cha mình làm nhiều. Theo tiến sĩ tâm lý Trần Mỹ Duyệt: Thánh Giuse đã áp dụng tâm lý này một cách hết sức hiệu quả.

1. Giá trị lời nói:

Phần đông phụ huynh mỗi khi nói với con đều nói nhiều và nói dai. Lặp đi lặp lại một vấn đề với quan niệm cho rằng nói nhiều thì sẽ thấm theo kiểu ”mưa lâu thấm đất”, sẽ lọt vào lỗ tai. Nhưng đây là phản ảnh tâm lý tiêu cực, vì hình ảnh nói nhiều của người mẹ hay người cha sẽ chỉ đưa đến một người con ưa nói nhiều và thích nói sau này.

Qua cách thức nói năng với con mình, Giuse và Maria đã để lại cho phụ huynh một bài học tâm lý rất quí báu, đó là cả hai đều nói ít và làm nhiều. Và kết quả là chúng ta thấy Chúa Giêsu sau này cũng phản ảnh tâm lý ấy. Sống ẩn dật 30 năm trong nhà Nazareth và chỉ công khai rao giảng Tin Mừng có 3 năm.

Thánh Giuse tuy không học về tâm lý, nhưng ngài hiểu được ứng dụng của tâm lý về giá trị của lời nói. Ðó là giá trị của lời nói người cha mạnh bằng 5 lần giá trị lời nói của người mẹ. Có lẽ chính vì thế mà ngài thường yên lặng, chỉ nói khi cần phải nói. Trong trường hợp không nói, chắc chắn là ngài đứng sau để hỗ trợ và khuyến khích vợ mình.

2. Cách nói:

Thánh Kinh đã ghi nhận rất ít những câu nói của Giuse và Maria đã nói với con. Nhưng mỗi khi ghi lại, chúng ta đều thấy Maria biểu lộ cách nói của mình qua hình ảnh một người mẹ nhẹ nhàng, từ tốn, và hiểu biết. Biến cố lạc con là một thí dụ: Trước những khó khăn, cực nhọc của hai ông bà suốt mấy ngày đường đau khổ tìm con, khi gặp mặt, Mẹ chỉ nói có một câu: “Này con, sao con làm chuyện này cho cha mẹ. Này cha con và mẹ đau khổ tìm con” (Lc 2,48). Cả Maria và Giuse đều tỏ ra rất bình tĩnh và biết tự kìm hãm. Vẫn biết việc làm của trẻ Giêsu lúc đó là không đúng với mình, và làm bực mình, nhưng cả hai đều đã làm được công việc giáo dục hết sức cần thiết: kìm hãm được những bức xúc và khó chịu của mình.

Trong đời sống giáo dục, rất nhiều lần phụ huynh phạm phải lỗi lầm to lớn này là nhân danh giáo dục, nhân danh tình yêu để la mắng, chửi bởi, hoặc đánh đập con cháu cho thỏa cái nóng nẩy, và cái tôi ích kỷ của mình. Về điểm này Thánh Kinh đã nhắc nhở chúng ta: “Ðừng sửa phạt khi nóng giận”. Là cha mẹ, chúng ta nhiều khi đã hành động vì nóng giận, vì bực tức hơn vì giáo dục, do đó, thái độ bình tĩnh của Maria và Giuse là một bài học cho phụ huynh.

3. Cách hỏi:

Khi con cái khó bảo, hư hỏng, hoặc làm phiền lòng cha mẹ, đa số phụ huynh thường càm ràm, la hét, hoặc chửi bới. Nhưng tất cả những việc này đều đem lại phản ứng tiêu cực đối với tâm lý tuổi trẻ. Cách thức nói chuyện với con cái của chúng ta, nhiều khi chưa hiểu, chưa biết con mình như thế nào, nhưng hễ có chuyện liên quan đến mình là lập tức “quyết đoán”. Tâm lý này làm cho các trẻ em rất bực tức. Ða số các em phàn nàn và cho rằng ba mẹ võ đoán, hoặc “suy bụng ta ra bụng người”, và kết quả là rất nhiều lần la mắng con cái, cha mẹ chỉ la cho thỏa cái tính nóng nảy, thỏa cái tôi của mình mà không hề có một tác dụng giáo dục nào.

Tuy nhiên, khi hỏi con, chúng ta phải hỏi như Maria đã hỏi, tâm lý gọi là những câu hỏi “mở ngõ”, những câu hỏi “muốn nghe sự thật”, chứ không phải những “câu hỏi chết” mà người được hỏi dù trả lời có hay không cũng đều đáng trách cả.

4. Lắng nghe:

Chúng ta thường thấy hiện tượng con cái xỏ tai, xỏ mũi, tóc đinh, nhuộm tóc.. Hoặc tóc tai bù xù, áo quần chim cò, nhưng có bao giờ chúng ta tự hỏi, những việc làm ấy mang ý nghĩa gì không? Câu trả lời là tuổi trẻ muốn chứng tỏ với chúng ta rằng, chúng đã lớn, và chúng muốn ta lắng nghe. Mà bởi vì không được lắng nghe, nên chúng đã dùng thêm những ngôn ngữ bề ngoài như thế.

5. Ðồng nhất trong giáo dục:

Maria đã được Giuse hợp ý và đồng nhất trong việc dạy dỗ trẻ Giêsu. Tuổi trẻ tuy không biết nhiều, nhưng chắc chắn chúng biết giữa cha và mẹ ai chiều mình hơn, và vì thế trở ngại giáo dục nằm ở chỗ “ông nói gà, bà nói vịt”.

Gia đình là ngôi trường đào tạo lương tâm, đức tin, đức ái cho con cái. Xây dựng gia đình theo mô hình Thánh Gia là mọi người trong gia đình cư xử với nhau như ba Đấng Thánh. Người chồng yêu thương và phục vụ vợ con như thánh Giuse đã yêu mến và phục vụ Mẹ Maria. Người vợ yêu thương và săn sóc chồng như Mẹ Maria đã yêu mến và phục vụ thánh Giuse. Cha mẹ yêu mến và chăm lo cho con cái như thánh Giuse và Mẹ Maria chăm lo phục vụ Chúa Giêsu. Con cái trong gia đình hiếu kính mẹ cha, phụng dưỡng cha mẹ như Chúa Giêsu đã làm đối với Đức Mẹ và thánh Giuse. Có như thế, gia đình mới xứng đáng với danh hiệu là thánh gia, xứng đáng với hồng ân đã nhận ngày lãnh bí tích hôn phối, làm cho gia đình trở nên tổ ấm yêu thương hạnh phúc và thánh thiện.

Con Thiên Chúa làm người và thuộc về một gia đình. Đức Giêsu có thể sinh ra như một nhân vật thần kỳ nào đó trong các huyền thoại hay được giáng trần như Thánh Gióng, Tiên Nga… Nhưng Đức Giêsu không muốn làm thế. Ngài muốn có một tổ ấm, một mái gia đình, có cha có mẹ. Chấp nhận làm người là chấp nhận thuộc về một gia đình.

Con Thiên Chúa đã lớn lên trong bầu khí gia đình. Mái nhà là trường học đầu tiên. Cha mẹ là thầy cô căn bản. Đức Giêsu lớn dần về mọi mặt trong Thánh Gia đạo hạnh. 30 năm sông dưới mái nhà Nazareth, Đức Giêsu đã thành một người chính chắn và trưởng thành, sẵn sàng lãnh nhận sứ vụ Chúa Cha trao phó.

Các nhà tâm lý học cho biết rằng: đứa trẻ cần đến sự nâng đỡ của người cha cũng như người người mẹ. Người cha tạo cho con cái hùng, cái nghiêm trang mực thước.Người mẹ ảnh hưởng trên cảm tình con cái về sự tế nhị, dịu dàng, bao dung. Vì thế đứa trẻ mồ côi cha thường sống uỷ mỵ, nhát đảm thiếu cương quyết và nghị lực. Đứa trẻ mồ côi mẹ thường mang tính cứng cỏi, cộc cằn, dể u buồn, thiếu tế nhị vui tươi. Trẻ thơ cần được giáo dục về đời sống tình cảm và lý trí. Tình cảm dễ ảnh hưởng nơi người mẹ. Lý trí thường nhờ cậy người cha.Do đó người Ý có lý khi nhận xét: Người mẹ yêu thương dịu dàng, người cha yêu thương khôn ngoan. Người Anh nhận xét chí lý: Khi còn thơ con cái bú mẹ, lúc lớn khôn chúng lại bú cha. Tục ngữ Việt nam có câu: Mẹ đánh một trăm không bằng cha ngăm một tiếng.

Tôi nhớ đến câu chuyện của Lm Munachi Ezeogu kể. Một cậu bé đón cha mình đi làm về và hỏi: “Bố ơi! bố đi làm được bao nhiêu tiền một giờ?”. Ông bố rất ngạc nhiên và bảo: “Này con, ngay cả mẹ của con cũng chẳng biết, đừng quấy rầy bố vì bố đang mệt.” Cậu bé lại hỏi: “Bố cứ cho con biết, lương của bố mỗi giờ được bao nhiêu tiền?” Cuối cùng thì ông bố bảo rằng: “Mỗi giờ bố được hai mươi đồng”. Cậu bé liền hỏi: “Vậy bố cho con mượn mười đồng”. Ông bố tỏ vẻ giận và mắng con: “Thì ra đấy là lý do con muốn biết tiền lương của bố? Bây giờ đi ngủ đi và đừng quấy rầy bố nữa”. Đêm hôm ấy, ông bố nghĩ lại những điều đã nói với con mình và cảm thấy hối hận. Ông cho rằng có thể con mình đang cần tiền để mua món gì mà nó đang cần. Ông sang phòng của con mình và hỏi: “Con đã ngủ chưa?” Con ông đáp: “Con chưa ngủ”. Ông bố đưa tiền và bảo: “Đây là tiền con hỏi xin lúc nãy”. Nó vui vẻ cám ơn bố, rồi lấy thêm tiền trong gối ra và nói: “ Con đã có đủ rồi! hai mươi đồng. Bây giờ bố bán cho con một giờ của bố.”.

Nền tảng cho việc đào tạo lý trí và tình cảm của một con người là đạo đức. Trên nền móng đạo đức vững chắc, xây một ngôi nhà gia đình hạnh phúc. Nếp sống đạo đức của Thánh gia đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc đời Đức Giêsu. Người thừa hưởng nơi Thánh Giuse và Đức Mẹ lòng yêu mến lề luật, gắn bó với đền Thờ, thói quen siêng năng nghe và đọc Lời Chúa. Người học nơi cha mẹ tâm tình vâng phục thánh ý Chúa, thái độ hiền lành khiêm nhường, tinh thần phục vụ quên mình,sự chuyên chăm làm việc, sự ân cần âu yếm đối với con cái. Gia sản quý báu từ Thánh Gia bàng bạc trong những lời Người giảng dạy, trong đời sống của Người.

Gia đình thật quan trọng. Cha mẹ không chỉ nuôi con bằng cơm bánh vật chất, nhưng còn dạy dỗ, làm gương sáng cho con, còn người con đáp trả bằng tình hiếu thảo và vâng phục. Chính gia đình quyết định tương lai của trẻ thơ. Gia đình là vườn ươm. Hạt giống tuổi thơ lớn mạnh được là nhờ vườm ươm có đầy đủ nước, phân bón và ân cần chăm sóc. Gia đình là bầu khí quyển. Bầu khí có trong lành thì trẻ thơ mới phát triển được mọi mặt. Gia đình là con đường. Đường có ngay thẳng có định hướng thì tương lai trẻ mới tươi sáng không đi vào ngõ cụt cuộc đời. Một năm Chúa Giêsu giảng đạo thì mười năm Người ở với gia đình. Chúa ưu tiên và đề cao tầm quan trọng của gia đình biết bao.

Chúng ta hãy cầu nguyện nhiều cho công việc giáo dục công giáo, cho lý tưởng giáo dục của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam theo đề nghị của sứ điệp ĐHDC 2010 “ Chính quyền Việt Nam mở rộng cánh cửa cho các tôn giáo tham gia vào việc giáo dục học đường và y tế cộng đồng, vì ích lợi của người dân và của cả dân tộc” (số 6).

Lạy Thánh Gia Thất, xin chúc lành cho công việc giáo dục của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam chúng con. Amen.
 
Thiên Chúa làm người vì hạnh phúc của con người
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
01:32 24/12/2010
(Lễ Giáng Sinh)

Cùng với muôn lòng, muôn người trên khắp thế giới vui mừng và cùng với mọi tín hữu Kitô phấn khởi kỷ niệm một sự kiện vĩ đại cách đây hơn hai ngàn năm: Thiên Chúa giáng sinh làm người. Quả thật, ngày lễ Noel, lễ Chúa Giáng Sinh đã trở thành dịp để con người hân hoan và nhất là để tình người nở hoa. Biết bao cánh thiệp, biết bao gói quà, tặng vật được người người trao cho nhau, trao cho người thân, trao cho các trẻ thơ và đặc biệt trao cho những người khốn khổ. Rất, rất nhiều người tình nguyện vào vai ông già tuyết, ông già Noel để đem niềm vui và quà tặng cho các trẻ em dịp này dù rằng trong số họ vẫn có đó nhiều người không biết Đấng giáng sinh là ai. Thống kê cho biết năm 2005 Trung Quốc là nước sản xuất gần 2/3 số hàng hoá phục vụ dịp Noel cho các nước trên thế giới như các cây thông, ruy băng, kim tuyến, trang phục ông già Noel… và một trong những trung tâm sản xuất lớn đó là khu công nghiệp Thẩm Quyến thế mà ở đó có rất nhiều người vẫn không biết Noel nghĩa là gì. Nói gì cho xa, ngay trên quê hương đất Việt chúng ta, vào cái đêm nay, vào cái dịp trọng đại này thì số người vui chơi, đi thưởng ngoạn Noel nhiều nhất là anh em lương dân, bà con khác đạo. Thật vậy con số trên dưới 7% tín hữu Công giáo cùng với anh chị em Tin Lành trên mảnh đất chữ S này chỉ là thiểu số. Thế nhưng, ngay số người khiêm tốn này, ngoài việc tham dự Thánh Lễ hoặc cử hành Phụng Vụ thì việc mừng Lễ Chúa Giáng Sinh phải chăng chỉ dừng lại ở chỗ tiệc tùng, vui chơi, tặng quà như bao anh chị em chưa hoặc không có niềm tin vào Thiên Chúa? Niềm vui nào rồi cũng sẽ qua. Lễ hội nào rồi cũng chấm dứt. Việc mừng mầu nhiệm Chúa giáng sinh sẽ chẳng để lại dư âm gì nơi chúng ta nếu như ta không cảm một chút nào về ý nghĩa của sự kiện trọng đại này, sự kiện Thiên Chúa làm người. Hôm nay xin chia sẻ một thoáng suy tư về mầu nhiệm cao cả này.

Vũ trụ vạn vật, trong niềm tin của chúng ta, dưới ánh sáng của Lời Chúa mạc khải, đó là công trình do Chúa tạo thành vì yêu thương. Thiên Chúa yêu thương muốn thông chia hạnh phúc và vinh quang của Ngài nên đã tạo dựng vũ trụ vạn vật từ hư vô và loài người là loài cao trọng nhất trong các loài thụ tạo hữu hình. Công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa lên đến đỉnh cao với mầu nhiệm Thiên Chúa làm người. Như thế, Chúa làm người để giúp chúng ta biết cách sống như là tạo vật cao cả nhất trong các loài được tạo thành. Chúa làm người để chúng ta biết sống ý nghĩa cao cả của phận người.

Nhìn vào máng cỏ, nhìn vào hang đá thời nay với đèn điện đủ màu muôn sắc, với các đồ trang trí lộng lẫy khiến ta khó hình dung cảnh Chúa Giáng sinh năm xưa. Một Hài nhi bé bỏng bọc trong khăn, nằm trong máng cỏ nghèo hèn giữa cánh đồng vắng lạnh. Đôi tay Hài nhi mở ra như thầm xin sự gì đây? Một nội dung của chương trình “chiếc nón kỳ diệu” đã từng chiếu trên vô tuyến truyền hình đài VTV3 với ô chữ được gợi ý: “Đây là một trong những quyền căn bản của con người”. Ô chữ đã được mở ra với dự đoán đúng của người tham dự cũng như của nhiều người theo dỏi màn hình vô tuyến đó là “Quyền mưu cầu hạnh phúc”. Thật vậy, Thiên Chúa dựng nên con người để cho con người được thông phần hạnh phúc của Ngài. Vì thế mọi người đều có quyền và được quyền mưu cầu hạnh phúc. Không một ai, không một tập thể xã hội chính trị nào có thể làm hạn chế hay tước đi khỏi bất cứ một ai cái quyền căn bản này.

Để có hạnh phúc thì trước hết con người phải được sống. Quyền được sống, được làm người, được chào đời cũng là một quyền quan trọng không kém. Dù hai Đấng Maria – Giuse phải long đong vì đường sá xa xôi của quảng hành trình từ Nadarét về Bêlem để kê khai nhân hộ khẩu, dù các vị phải chịu sự hất hủi của các quán trọ khinh người nghèo thì Hài Nhi Giêsu cũng đã chào đời để làm người. Chúa làm người nhắc bảo chúng ta và mọi chính thể xã hội rằng ta không được phép tước đi quyền sống của bất cứ ai dù đó là một bào thai dị tật, dù đó là một bệnh nhân nan y. Xin Chúa Hài nhi thức tỉnh lòng người dân Việt chúng ta khi mà thông tin báo chí cho chúng ta hay rằng tại các bệnh viện công ở những thành phố lớn nước nhà chúng ta hằng năm có trên hàng trăm ngàn thai nhi bị mẹ cha hay người nhà hay xã hội tước đi quyền sống, không cho chào đời mà trong số những người vô tâm và nhẫn tâm ấy lại có không ít những người mẹ với tuổi đời ở tầm “ăn chưa no lo chưa tới”. Đôi tay Hài Nhi Giêsu vẫn luôn mở ra đó xin chúng ta hãy để cho con người, cho các thai nhi có quyền sống, có quyền chào đời. Đôi tay Hai Nhi Giêsu vẫn còn mở ra để xin chúng ta, xin các nhà cầm quyền biết bảo vệ sự sống, biết xây dựng một nền văn minh tình thương.

Để mưu cầu hạnh phúc thì con người cần được giáo dục. Đây là một nét căn bản giúp con người không chỉ khác mà còn cao cả hơn các loài vật. Trước sự kiện đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam chúng ta một thời đã qua, với sự suy đồi đạo đức của các chàng trai trẻ như Văn Quyến, Quốc Vượng, Quốc Anh…chỉ vì đồng tiền đã đành bán rẻ danh dự quê hương, tổ quốc, thì nhiều người có tâm huyết với tương lai dân tộc đã lên tiếng cảnh báo rằng chúng ta đã quá lo rèn luyện tài năng mà bỏ quên giáo dục nhân cách đạo đức cho con em chúng ta. Nhiều clip học sinh nữ “xử” nhau cách tàn bạo trên mạng lưới thông tin đã làm nhiều người có lương tri lo lắng về nền giáo dục nước nhà. Quả thật đang có nhiều bất cập trong cách hành xữ của chúng ta, nhất là những người có trách nhiệm giáo dục. Vào dịp cuối năm, chúng ta vốn ít nhiều quen thân với chương trình nối vòng tay lớn, một chương trình rất đượm thắm tình người do Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc thực hiện, vì người nghèo trong đất nước chúng ta. Tôi nhớ không lầm nỗ lực của UBMT cùng với đài truyền hình TW vào cuối năm 2005 đã gặt hái kết quả chưa tới hai tỷ đồng. Nếu số người nghèo là 12% theo thống kê của cơ quan Nhà Nước thì cả nước có gần hai triệu hộ nghèo. Chưa tới hai tỷ đồng dành cho hai triệu gia đình nghèo, thì mỗi hộ được hưởng bao nhiêu? Thật không khó để làm con tính chia để thấy mỗi hộ chỉ được chia sẻ khoảng trên dưới một ngàn đồng và dĩ nhiên với điều kiện không bị cắt xén. Mỗi gia đình nghèo được hưởng một nghìn đồng của chương trình nối vòng tay lớn, thế mà trong khi đó, để có một chút vinh quang trên đấu trường Seagame thì cũng vào năm ấy, năm 2005, người ta lại hứa thưởng cho đội bóng đá nam U 23 số tiên 2.3 tỷ nếu đoạt huy chương bạc và nếu đoạt huy chương vàng thì 6 tỷ 2. Một cách nào đó chúng ta vô tình làm cho các tuyển thủ bị loá mắt bởi tiền bạc. Không phải một sớm một chiều các chàng trai trẻ sa ngã trước sức mạnh của đồng tiền mà phải nhìn nhận rằng trước đó đã có một quá trình thiếu vắng sự giáo dục cách chuẩn mực từ gia đình đến xã hội. Một chủ quán nước bên cạnh sân Vinh nhận định rằng chuyện các cầu thủ Sông Lam Nghệ An bị bắt không là bất ngờ với những người dân thành Vinh vì họ mới tí tuổi đầu đã nhuốm phải thói ăn chơi, cờ bạc… (báo Tuổi trẻ ngày Thứ Bảy 24-12-2005 trang 14 ).

Để có hạnh phúc thì con người sinh ra cũng cần có một xã hội đầy tràn công lý và hoà bình và dĩ nhiên không thể thiếu dân chủ và văn minh. Việc Hài nhi Giêsu trong dạ mẹ về quê khai nhân hộ khẩu gợi cho chúng ta ý tưởng này. Con người là con vật có tính xã hội. Đã là xã hội thì phải có nề nếp, quy củ, luật lệ. Một xã hội mà lề luật nghiêm minh, công bình thì các thành viên sẽ an bình sinh sống. Một quốc gia mà có văn minh, dân chủ thì đời sống của nhân dân sẽ thái hoà thịnh vượng. Nhiều người có lòng với vận mệnh quốc gia dân tộc trong những ngày qua trên các diễn đàn lớn nhỏ đã thiết tha mời gọi những người đang nắm trọng trách lớn trong xã hội tích cực làm trong sạch hoá môi trường sống, công khai, dân chủ hoá các chính sách, công bằng hoá hoá các luật lệ… trong mọi lãnh vực của cuộc sống. ….

Mừng Chúa giáng sinh, chúng ta không chỉ cầu mong mà còn phải tích cực góp phần làm cho xã hội chúng ta ngày càng thêm công minh trong một nền dân chủ pháp trị. Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị khẳng định: “sẽ chẳng có hoà bình nếu không có công lý”. Sẽ chẳng có công lý nếu không có sự thật. Và chính Đức Kitô Giêsu trước toà án Philatô đã mạnh mẽ tuyên bố Ngài xuống thế gian này là để làm chứng cho sự thật. Chính sự thật sẽ giải phóng nhân loại chúng ta đúng hơn là sẽ đem lại cho chúng ta hạnh phúc đích thực.

Quý ông bà anh chị em thân mến. Chúa đến thế gian là để ban hạnh phúc cho nhân loại chúng ta. Mừng lễ kỷ niệm mầu nhiệm Chúa giáng sinh hôm nay, thật là đẹp khi mỗi người chúng ta tích cực góp với Chúa một tay để mưu cầu hạnh phúc cho bản thân và tha nhân, một niềm hạnh phúc khởi đi từ quyền được sống, được giáo dục và được sống trong một môi trường, xã hội trong lành đầy tràn công lý và tình thương, đầy tràn văn minh và sự thật. Hạnh phúc ấy không phải là sự gì để chiếm hữu nhưng là điều phải xây dựng. Nỗ lực mưu cầu hạnh phúc cho tha nhân là phương thế xây dựng hạnh phúc cho bản thân vì chính khi trao ban là lúc ta lãnh nhận.
 
Sứ Điệp Giáng Sinh: Làm người là hiện hữu nhờ, Hiện hữu với và cho ai đó
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
01:39 24/12/2010
“Đến nơi, họ (mấy người chăn chiên) gặp bà Maria, ông Giuse cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ.” (Lc 2,16)

Đấng Cứu Độ là Đấng Kitô là Đức Chúa mà Thiên Sứ loan báo đây rồi, ở giữa bà Maria và ông Giuse, nằm trong máng cỏ. Không biết những người chăn chiên thuở ấy đã nhận ra Đấng Cứu Thế và tin nhận ra sao, nhưng Mẹ Người, Bà Maria hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng. Với Mẹ, nhờ Mẹ, chúng ta cùng chiêm ngắm sứ điệp Chúa Giáng Sinh.

Chúa làm người là để cứu độ loài người chúng ta. Cứu độ chúng ta là giúp chúng ta biết cách làm người theo ý Chúa Cha từ thưở ban đầu khi con người được tạo dựng. Nằm trong máng cỏ, Lời đã thành nhục thể trong hình hài một bé thơ. Không một tiếng nói nhưng biết bao nhiêu lời đã cất lên:

1. Làm người là hiện hữu nhờ ai đó: quả thật bởi tình yêu của tiên tổ ông bà, của mẹ của cha mà bé thơ đã chào đời. Gia đình, dòng tộc, tổ tiên, quê hương, đất nước là nơi đã góp phần sinh chúng ta làm người. Và trên hết chính Thiên Chúa đã cho chúng ta hoài thai trong dạ mẹ, cho chúng ta thành người khi trực tiếp phú ban linh hồn.

Đã là người là phải sống biết cội, biết nguồn. Mất gốc, vong bản, bất hiếu là sự vô đạo tận căn và không khác gì loài cầm thú. Chúng ta dễ nhận ra điều này: loài cầm thú càng lớn lên, càng trưởng thành thì chúng càng quên và không phân biệt được bố mẹ, và nhiên chúng chẳng bao giờ biết tổ tiên ông bà. Biết cội, biết nguồn là nền tảng của sự tri ân, thảo hiếu. Biết nhìn nhận Đấng chí tôn là nền tảng của việc phượng thờ.

Người có tâm tình thờ phượng là người biết nhìn nhận những gì mình đang là, đang có là do bởi lãnh nhận từ trên. Và chính vì thế họ biết sống theo lẽ trời chỉ dạy. Người sống có lòng với quê hương, có tình với tổ tiên ông bà cha mẹ thì không chỉ gắn bó với cội nguồn sinh thành dưỡng dục nên mình bằng sự mến yêu, vâng phục mà con biết tìm cách làm rạng rỡ gia phong, làm hiển danh quê hương, dân tộc.

2. Làm người là hiện hữu với ai đó: Nằm đó giữa mẹ giữa cha, bé thơ là người con trong tương quan với các đấng sinh thành, dưỡng dục. Ta chỉ là ta trong tương quan với người. Không có tha nhân thì ta sẽ không thực sự là chính mình. Không có tha nhân thì ta cũng sẽ chẳng có thể làm người cách đúng nghĩa.

Loài vật nếu nhốt nuôi riêng thì lớn lên chúng cũng có thể thành chính nó. Con chó, con mèo, con heo, con gà…mà ta nuôi riêng một mình nó thì khi lớn lên chúng vẫn là gà là heo là chó. Trái lại, ở một mình thì ta không thể phát triển thành người. Chúng ta dễ nhận ra sự thật này qua một vài em bé lạc loài trong rừng được muông thú chăm nuôi. Không có tha nhân, những con người được gọi là “người rừng” ấy không có khả năng nói, không có khả năng giao tiếp như là con người, thậm chí có nhiều trường hợp còn không biết đi theo dáng thẳng đứng.

“Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”. Cố nhạc sĩ họ Trịnh đã thổi cái hồn tính xã hội vào cả các vật vô tri vô giác như muốn cảnh tỉnh sự ích kỷ, cảnh tỉnh tâm lý quy ngã đang lan tràn trong xã hội loài người. Hài Nhi Giêsu nằm đó giữa Bà Maria và ông Giuse là một lời khẳng định: “Con người ở một mình không tốt” (St 2,18).

3. Làm người là hiện hữu cho ai đó: đây là hệ quả tất yếu khi ta nhìn nhận chân lý làm người là hiện hữu nhờ ai đó và với ai đó. Biết mình sống, tồn tại và phát triển là nhờ ai đó thì ngược lại cũng sẽ có ai đó sống, tồn tại và phát triển nhờ chính mình. Biết mình sống là sống với ai đó thì chắc chắn phải có ai đó sống với mình. Như thế làm ngươì là hiện hữu cho ai đó, nghĩa là bất cứ một ai đã xuất hiện trên trần gian này đều mang một sứ mạng nào đó cho tha nhân.

Một hài nhi bé bỏng, một em bé tật nguyền hay một thai nhi dị dạng, tất thảy đều có một chỗ đứng không thể thay thế. Có một gia đình đến gặp tôi xin ý kiến về cái thai dị tật trong dạ người mẹ. Bác sĩ siêu âm cho biết là thai nhi mắc chứng bệnh thuỷ não, sẽ khó sống khi sinh ra và nếu có sống sót cũng không qua khỏi vài ba năm. Tôi bèn chia sẻ rằng bất cứ sự sống nào cũng đều có ý nghĩa. Sự hiện hữu của thai nhi dị tật trong dạ mẹ là một lời mời gọi người mẹ, người cha một tình thương vượt lên trên điều bình thường. Nếu cháu được chào đời thì sự hiện hữu của cháu chính là lời mời gọi con người mở rộng trái tim đang cằn khô vì sự ích kỷ vì sự tham lam. Không một ai tự quyết định cho việc làm người của mình. Và trong niềm tin, thì bất cứ sinh linh nào hiện hữu đều có sự can thiệp của Thiên Chúa. Chính vì thế, không một ai được làm người mà không có một sứ mạng. Gia đình ấy đã yên tâm, giữ lấy bào thai và chờ ngày cháu chào đời.

Đã làm người thì không chỉ phải có danh gì với núi sông, mà trước hết phải có hữu ích cho tha nhân. Một khi chúng ta đáng bị nguyền rủa là đồ vô tích sự thì một cách nào đó chúng ta chưa thực sự làm người cách đúng nghĩa.

Mừng Chúa Giáng Sinh làm người, một lần nữa mong sao chúng ta thấy được ý nghĩa của phận người, ý nghĩa của việc làm người của từng người, của mọi người. Ta làm người là hiện hữu nhờ ai đó, hiện hữu với ai đó và cho ai đó. Có được sự nhận thức này thì cuộc đời sẽ tốt đẹp biết bao. Xin hãy đến bên máng cỏ chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu, Đấng mà sau này khi đi rao giảng thường tự xung là Con Người, con của loài người.
 
Giác ngộ
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
01:42 24/12/2010
( Lễ Giáng Sinh – Lễ Ban Ngày )

“ Bởi vì Chúa ban Lề Luật qua Môsê, nhưng ơn thánh và chân lý thì ban qua

Đức Giêsu Kitô”

Hằng năm vào dịp Lễ Giáng Sinh, thánh Lễ ban ngày, chúng ta được Hội Thánh Mẹ cho nghe bài khời đầu Tin Mừng theo thánh Gioan. Một trong những chủ đề chính mà thánh Gioan giới thiệu đó là Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa chính là ánh sáng thế gian. Dù ràng ánh sáng của cảnh ban ngày không lung linh, rực rỡ như ánh sáng đèn điện trong cảnh trời đêm, nhưng ánh sáng của mặt trời vẫn có tính toàn diện cách nào đó. Xin mượn từ ngữ “giác ngộ” của anh em phật tử để chia sẻ đôi điều nhân dịp chúng ta long trọng mừng kỷ niệm mầu nhiệm Chúa vào đời: Sự Sáng đã vào trần gian.

Tiên tri Isaia nói với chúng ta “Dân tộc đi trong u tôi, đã nhìn thấy sự sáng chứa chan. Sự sáng đã bừng lên trên những người cư ngụ miền thâm u sự chết” (Is 9,2). Bóng tối không chỉ là biểu tượng mà còn như đồng nghĩa với sự chết, sự u mê lầm lạc và cả tình trạng tội lỗi. Với loài hữu hình có lý trí là loài người chúng ta thì có thể nói tội lỗi và cả sự chết thường xuất phát bởi sự lầm lạc u mê. “Thưở xưa, nhiều lần và nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1-2). Trước tòa Philatô Chúa Giêsu đã khẳng định: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhắm mục đích này: làm chứng cho sự thật” (Ga 19,37).

Sự thật là gì hay sự thật gì? Với câu hỏi của Philatô “sự thật là gì?” thì dường như thật khó có được câu trả lời chung nhất, vì theo từng quan điểm, thì cái nhìn về sự thật vốn mang nhiều dị biệt. Đọc Tin mừng theo thánh Gioan, ta không thấy Chúa Kitô trả lời cho Philatô. Tuy nhiên, ta có thể biết một trong những sự thật mà Chúa Kitô đã từng khẳng định. “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Trong niềm tin Kitô giáo, Chúa Giêsu, cuộc đời của Người, các hành vi, lời nói và việc làm của Người chính là sự thật căn bản. Sự thật sẽ giải thoát chúng ta và sẽ dẫn đưa chúng ta đến với nguồn hạnh phúc đích thực là Chúa Cha.

Khi vào đời, làm người trong thân phận một Hài nhi, Chúa Kitô đã mạc khải cho chúng ta hai sự thật căn bản này:

1.Không một ai tự mua sắm cho mình việc làm người của mình. Việc làm người của mỗi người, của mọi người đều là hồng ân được lãnh nhận:

Mọi sự của Chúa Con đều do bởi Chúa Cha. Và khi vào đời Chúa Con đã được Chúa Cha ban cho một thân xác. Vào đời trong thân phận một Hài Nhi, Giêsu Kitô muốn khẳng định với nhân trần rằng sự sống, việc làm người của con người là hồng ân được lãnh nhận. Khi ý thức và chân nhận chân lý này thì không ai có thể tự vênh vang hay lên mặt với kẻ khác. Quả thật nhiều người đã sai lạc trong cung cách hành xử, trong thái độ sống, tiên vàn vì chưa “ngộ” ra chân lý này. Nếu có được tài cao, đang nắm nhiều quyền lớn hay sở hữu lắm của tiền mà ta luôn ý thức sự sống của ta, việc làm người của ta là do được ai đó trao ban thì sẽ không có sự hống hách, cao ngạo, không có sự độc đoán, độc quyền, không có những thái độ, hành vi gian ác, bất công…

Những ai nhìn nhận sự thật này thì sẽ có tâm tình thờ phượng. Sống đức thờ phượng là bày tỏ sự thần phục của mình vào Đấng Tối Cao, khi nhìn nhận sự sống của mình, những gì mình là, mình có đều do Đấng Tối Cao ban tặng và mình chỉ thực sự sống, tồn tại và sống có ý nghĩa khi thực tâm sống theo “thiên ý”.

2.Con người chỉ có thể sống nhờ tình yêu:

Với thân phận bé bỏng của một hài nhi, Giêsu Kitô muốn nói với mọi người rằng không ai có thể sống, tồn tại mà vắng bóng tình yêu. Không có tình yêu của bố hay mẹ, thì Hài Nhi Giêsu sẽ không có thể tồn tại. Các nhà khoa học hiện đại đã khám phá một trong những khiểng của học thuyết tiến hóa khi xem xét khả năng sinh tồn và thích nghi môi trường của con người. Theo hệ luận của học thuyết tiến hóa thì sinh vật bậc càng cao thì khả năng tự sinh tồn và thích nghi môi trường càng hoàn hảo hơn các sinh vật bậc thấp. Thế mà con người, có thể nói là đỉnh cao của quá trình tiến hóa các loài, khi sinh ra thì khả năng tự sinh tồn và thích nghi môi trường kém xa các loài vật bậc thấp. Không nguyên chỉ quá trình quá dài để tự đứng, đi, con người khi chuyển qua trạng thái đứng thẳng thì gây khó khăn cho việc sinh nở cũng như việc thích nghi môi trường.

Con người là sinh vật sống bởi và sống nhờ tha nhân, dĩ nhiên là nhờ tình yêu và sự giúp đỡ của tha nhân. Cũng trong tiến trình ấy, con người hiện hữu là hiện hữu cùng ai đó và cho ai đó. Như thế cuộc đời con người chỉ có ý nghĩa khi hữu ích cho kẻ khác. Và người ta có thể nói rằng con người là hữu thể của tình yêu.

Mừng Chúa Giáng Sinh, không gì hơn hãy chiêm ngắm Hài Nhi trong máng cỏ để giác ngộ nguồn gốc và ý nghĩa của đời người. Ước gì chúng ta ngộ ra chân lý nền tảng đó là sự sống của ta, việc làm người của ta đều là do lãnh nhận. Ước gì chúng ta đừng quên ta không thể tồn tại và phát triển nếu vắng bóng tình yêu của tha nhân và trên hết là tình yêu của Thiên Chúa. Đồng thời xin ta hãy nhớ rằng một ai đó đang cần đến tình yêu của ta. Một Hài Nhi được bọc trong khăn, nằm trong máng cỏ, dù chưa cất tiếng nhưng đã nói đủ đầy với chúng ta chân lý nền tảng mà sau này chính Người sẽ khẳng định bằng lời: “Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi và ngươi phải yêu mến người thân cận như chính mình.” (x.Mc 12,29-31; Mt 22,34-40; Lc 10,25-28).
 
Mái trường gia đình
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
01:45 24/12/2010
(Lễ Thánh Gia Thất)

Vào Hiệp hội Thương Mại quốc tế, đất nước chúng ta càng ngày càng mở cửa ra cho nền kinh tế thị trường phát triển. Thế là bao Công ty, doanh nhân nước ngoài ồ ạt đổ vào Việt Nam kinh doanh buôn bán. Cửa mở thì gió lùa vào. Gió lành lẫn gió độc chen nhau vào. Những người có chút lương tri đều băn khoăn trước những cơn gió độc làm băng hoại các giá trị tinh thần đạo đức. Một trong những cơn gió độc cần chân nhận đó là sự sa sút của nền tảng xã hội đó là gia đình.

Không phải chúng ta quen thói bài ngoại. Nhưng chính một số nhà đạo đức của trời Tây-Mỹ cũng đã từng nhìn nhận thực trạng này trên quên hương của họ. Bác sĩ Benjamin Spack đã có những nhận định về tình trạng trên cùng với những nguyên nhân như sau trong một cuốn sách được hâm mộ của ông. Đó là:

1.Vì thích độc lập, sống riêng rẽ nên các gia đình trẻ mất sự hổ trợ, mất sự đùm bọc yêu thuơng của cha mẹ, anh chị em.

2. Cuộc sống kinh tế nghề nghiệp làm các gia đình hay thay đổi chỗ ở, làm mất tình làng nghĩa xóm (bà con xa không bằng láng giềng gần).

3. Cũng do sinh kế mà cả cha lẫn mẹ đều bôn ba cảnh cơm áo gạo tiền và vì thế thiếu thời giờ dành cho nhau, dành cho con cái.

4. Nạn ly hôn ngày càng phổ biến ảnh hưởng rất tai hại trên con cái, trên sự thiêng liêng của đời gia đình.

5. Óc thượng tôn của cải khiến vật chất thành thước đo giá trị làm cho con người thiếu niềm tin vào các giá trị tinh thần và đạo hiếu là một trong những số phận hẩm hiu ấy.

Hôm nay Hội Thánh mời gọi chúng ta hướng cái nhìn đến gia đình Nagiarét để chiêm ngắm nền tảng tuyệt vời của xã hội là gia đình thánh: Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh cả Giuse. Xin cùng nhau nhớ lại lời dạy của Đức Phaolô VI: “Ước gì Nagiarét dạy chí chúng ta biết ý nghĩa của gia đình là trường học của Tin Mừng. Ở đó có một sự hiệp thông trong tình yêu, một vẻ đẹp khắc khổ nhưng sáng ngời, một sự linh thánh bất khả xâm phạm”. Gia đình chính là mái trường đào tạo con người cách hữu hiệu tuyệt vời mà không có nơi nào có thể sánh ví.

1. Gia đình: nơi huấn luyện con tim. Vì yêu thương hai trái tim chung nhịp đập tìm đến nhau và nên duyên vợ chồng. Tình yêu này trổ sinh hoa trái là những đứa con.

Con nằm giữa cha, con nằm giữa mẹ.

Cuộc đời nằm giữa yêu thương.

Thi sĩ Tế Hanh diễn tả một hình ảnh quen thuộc nhưng rất thân thương. Hài Nhi Giêsu nằm đó trong máng cỏ giữa mẹ Maria và thánh Giuse hẳn gợi nhớ cho chúng ta nhiều điều. Chỉ với tình yêu và trong tình yêu của Đấng Tạo Thành thì người chồng, người cha, người vợ, người mẹ và cả đàn con mới có thể vượt qua nhiều sóng gió cuộc đời. Maria với bào thai trong dạ hẳn mang nhiều trăn trở, nhiều thao thức trước tấm lòng của Giuse, người bạn đã đính hôn với mình, và trước cả cái án tử hình ném đá theo luật hiện hành. Mẹ đã vượt qua, nhờ yêu Chúa và yêu người bạn đời. Giuse không muốn làm hại bạn mình chỉ vì yêu. Và bởi mến Chúa, sau khi được sứ thần báo mộng, ngài đã đón Maria và Hài nhi trong dạ về nhà. Hai trái tim tràn đây tình yêu đã góp phần cho Đấng là Tình Yêu chào đời, dù cho lòng người lúc ấy lắm bạc bẽo. vô tình.

2. Gia đình: nơi đào tạo niềm tin. Đã yêu hẳn nhiên dẫn đến sự tin cậy. Tin tưởng, tín nhiệm nhau là một trong những dấu chỉ của tình yêu. Tin Mẹ Maria, thánh cả Giuse không một lời cật vấn, hỏi han. Tin vào Chúa, dù thánh ý Người chỉ bàng bạc trong giấc mộng, Giuse đã mau mắn thi hành là đón nhận Maria về nhà cũng như sau đó đưa Hài Nhi và Mẹ Người đi lánh nạn sang Ai Cập một thời gian rồi lại trở về quê hương. Đón nhận Ngôi Hai nhập thể bằng tiếng xin vâng là một hành vi quả cảm của cô thôn nữ làng quê Nagiarét. Hành vi ấy chắc chắn được thực hiện nhờ lòng tin vào người bạn đời, Giuse. Sau khi tìm được Giêsu tại đền Thờ trong chuyến lên Giêrusalem hành hương, cả Maria và Giuse dù chưa hiểu câu nói của Chúa Giêsu: “Sao Cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”, thì cả hai ông bà vẫn tin vào con. Chắc chắn với niềm tin của Maria và Giuse đã góp phần dệt nên một Đấng Cứu độ sau này khi đi rao giảng tin mừng thường đòi hỏi lòng tin nơi cử toạ, nơi những người muốn đón nhận ân phúc của Người. Và chúng ta không quên Người đã từng than thở rằng liệu khi Người trở lại còn thấy niềm tin trên mặt đất này chăng.

Niềm tin và tình yêu là hai yếu tố căn bản gìn giữ sự ổn định và phát triển của xã hội loài người. Đó cũng chính là những yếu tố nền tảng giúp con người phát triển và tồn tại. Khi con người không còn yêu thương nhau thì tai hoạ sẽ ập đến, vì lúc bấy giờ người với người là những con thú dữ chỉ biết tranh giành, ăn thua đủ để sống còn. Khi con người không còn tin tuởng nhau thì sẽ không có chuyện gì tốt đẹp tồn tại. Không có niềm tin thì chẳng có hợp đồng, chẳng có thoả thuận… Không có niềm tin thì chẳng có sự chung sống, và cũng chẳng có bất cứ sự cộng tác nào một cách đúng nghĩa.

Mái trường đầu tiên để con người học được chữ tình và chữ tin đó là gia đình. Gia đình đổ vỡ thì xã hội suy tàn và chính con người sẽ bị tận diệt. Mừng kính lễ thánh gia thất Chúa Giêsu, mẹ Maria và thánh cả Giuse hôm nay, một lần nữa thánh ý Chúa và lời dạy của Hội Thánh nhắc bảo chúng ta cần trân trọng giá trị cao quý của mái ấm gia đình, cần nỗ lực bảo vệ các giá trị cao quý của hôn nhân. Một trong những cách thế trân trọng và bảo vệ gia đình đó là hãy biến gia đình chúng ta thành mái trường đích thực, nơi đào tạo tình yêu, nơi huấn luyện niềm tin.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:08 24/12/2010
VÂY CÁNH

N2T


Thời xuân thu, người thứ nhất xưng bá là Tề Hoàn công.

Sau khi Tề Hoàn công làm vua nước Tề thì bổ nhiệm Quản Trọng làm thừa tướng để ông ta coi việc quốc chính, Quản Trọng giúp Tề Hoàn công chỉnh đốn việc nội chính, khai phá tài nguyên, khai thác khoáng sản sắt, chế tạo nhiều công cụ nông nghiệp, đề cao kỹ thuật cày bừa trồng trọt, lại dùng nước biển chế tạo muối rất là đại quy mô, khuyến khích người dân xuống biển đánh bắt cá, làm cho nước Tề càng ngày càng phú cường. Sau đó lại giúp cho Tề Hoàn công không dùng một tên tính tốt nào mà chín lần tập họp được các chư hầu lại, lập ước liên minh, trở thành bá chủ.

Cho nên Tề Hoàn công nói, bởi vì có Quản Trọng giúp đỡ nên ông ta mới có thể ra lệnh cho các chư hầu, xưng bá thiên hạ, giống như chim Hồng Hạc cần phải có lông cánh đầy đủ và hai cánh mạnh mẻ, thì mới có thể tùy ý bay lượn trên không trung.

(Quản tử, bá hình)

Suy tư:

“Vây cánh羽翼” có nghĩa là lông và cánh của chiem đại bàng, hoặc là của chim hồng hạc, chúng nó có hai cái cánh lớn và mạnh mẻ nên mới có thể bay thật cao và bay lượn thỏa thích trên không trung.

“Vây cánh” trong công việc thì cũng giống như thế, hể trong một công ty mà giám đốc hay các ê kíp ban ngành có những người (vây cánh) của mình, thì công việc sẽ rất chạy, công ty nhất định phải phát triển và giàu có, đó là vây cánh có ích lợi vì việc chung; nhưng cũng có loại vây cánh xấu làm hại đất nước, làm hại tập thể, làm hại cộng đoàn và các xông ty xí nghiệp, vây cánh đó không vì mọi người nhưng là vì ích lợi của cá nhân và phe cánh của mình mà thôi.

Trong cộng đoàn giáo xứ, có những “vây cánh” của một vài giáo dân có “máu mặt” làm áp lực cha sở, để ngài làm theo ý mình, hoặc giáo xứ phải làm theo ý họ, thế là cộng đoàn giáo xứ chia rẻ nhau; trong tập thể, có những vây cánh đối chọi nhau, có khi sát phạt nhau vì quyền lợi của “vây cánh” mình, thế là họ dung đủ thứ mưu đồ, âm mưu, để chơi nhau, và để loại nhau.

Tề Hoàn công có Quản Trọng thì giống như thêm vây thêm cánh, nước Tề ngày càng thịnh vượng, vây cánh ấy thật đáng cho mọi người noi theo vậy.

-------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:10 24/12/2010
N2T


8. Đối với cuộc sống của con có hoàn chỉnh hay không, nếu đầy đủ tốt lành thì nên gia tăng xét mình cách chi tiết, coi thử mình cuối cùng đã có tiến bộ hay thụt lùi, giống Thiên Chúa hay không giống Thiên Chúa, khoảng cách gần Thiên Chúa hay xa Thiên Chúa.

(Thánh Bernad)
 
Quang cảnh hang đá Chúa Giêsu giáng sinh
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
07:28 24/12/2010
Quang cảnh hang đá Chúa Giêsu giáng sinh

Thánh sử Luca thuật lại: Chúa Giêsu sinh xuống làm người trong chuồng nuôi súc vật ngòai cánh đồng Bethlehem xứ đất nước Do Thái (Lc 2, 1-14)

Năm 1223 Thánh Phanxicô khó khăn đã xây dựng hang đá Chúa giáng sinh đầu tiên ở Greccio theo như phúc âm thuật kể lại. Theo dòng thời gian người ta chế biến hang đá Chúa giáng sinh theo nhiều kiểu hình thức khác nhau. Nhưng những bức tượng của những nhân vật chủ yếu làm nên hang đá Chúa giáng sinh không thể thiếu

Bây giờ chúng ta cùng xây dựng làm hang đá Chúa gíang sinh theo như tấm lòng thánh kính của chúng ta.

1. Tôi mang tượng đức mẹ Maria đến bày trong hang đá. Các Bạn có biết không, nếu không có đức mẹ Maria, làm sao có cảnh hang đá đầy đủ được?

Đức mẹ Maria là một người phụ nữ còn rất trẻ, nhưng Maria đã đặt hết lòng tin tưởng vào Thiên Chúa. Chính lòng tin tưởng đã mang đến cho Maria sự bình tĩnh và can đảm nhận làm mẹ Chúa Giêsu.

Đức mẹ Maria đã cứu mang, hạ sinh, nuôi dưỡng Chúa Giêsu và cùng chịu đau khổ với Chúa cho tới hết cuộc đời.

2. Hang đá Chúa giáng sinh mà không có Thánh Giuse, thì làm sao đủ bộ hang đá được! Nên tôi mang Thánh Giuse đến đây.

Thánh Giuse không là người cha theo dòng máu mủ của Chúa Giêsu. Nhưng là người được Thiên Chúa tuyển chọn làm cha nuôi Chúa Giêsu. Thánh Giuse là một người đàn ông có cưộc sống trầm lặng ít nói. Giuse tuy ít nói nhưng đã mang hạnh phúc cho đức Mẹ Maria. Vì Giuse đã nói lời ưng thuận nhận Maria là người bạn đường, như thánh ý Chúa sắp định. Giuse còn tỏ ra là một người cha có bản lãnh, làm đầy đủ bổn phận một người trưởng gia đình tốt.

Thiên Chúa hằng trợ giúp Ông. Ngài đã nhiều lần sai Thiên Thần đến nhắn bảo ông trong giấc ngủ.

3. Chúa Giêsu sinh ra trong chuồng súc vật bò lừa, thế nào mà chả có một hay hai ba mục đồng chăn canh giữ đoàn thú vật, cùng ở đó. Họ là những người nghèo, có đời sống đơn giản nay đây mai đó ngoài cánh đồng ngày đêm với đàn thú vật.

Kinh thánh thuật lại: Sau khi hay tin Chúa Giêsu sinh ra, họ hối hả rủ nhau đến thăm viếng hài nhi Giêsu. Và họ tìm được đấng Cứu thề là một em bé sơ sinh nằm quấn trong khăn tã.

Chúa Giêsu sau này đã nói chính Ngài là người chăn chiên nhân lành.

4. Tôi mang chú lừa đặt trong hang đá Chúa giáng sinh.

Chú lừa có mặt trong hang đá không phải là chuyện ngẫu nhiên hay chỉ trang trí cho đẹp đâu. Chú lừa là con vật chuyên mang chở những vật dụng nặng nề cồng kềnh, vượt đường xa đồi núi hẻo lánh khó đi.

Chúa Giêsu là con Thiên Chúa đấng gánh tội trần gian, ngài đã cỡi lừa tiến vào thành thánh Giêrusalem, hy sinh vác thập gía nặng nề cực nhọc cho đến chết.

5. Tôi mang tượng chú bò đặt trong hang đá Chúa bên cạnh chú lừa.

Con bò là con vật khoẻ mạnh; nó phải kéo xe, kéo gỗ nặng nề. Cũng vậy Chúa Giêsu là một người có thân thể và tinh thần rất khoẻ mạnh. Ngài đã gánh tội lỗi của mọi người, để cứu độ trần gian.

6. Tôi mang chú chiên cừu đến đặt trong hang đá. Chiên cừu là con vật hiền lành, nó không chỉ cung ứng thịt, nhưng lông của nó dùng để may dệt quần áo ấm áp bền bỉ nữa.

Thánh Gioan Tẩy gỉa đã gìới thiệu: Chúa Giêsu là con chiên Thiên Chúa.

7. Tượng các Thiên Thần trên cánh đồng Bethlehem

Phúc âm thuật lại, khi Chúa Giêsu sinh ra các Thiên Thần từ trời cao xuất hiện ca hát chào mừng con Thiên Chúa làm người. Một Thiên Thần đã hiện ra báo tin cho các mục đồng và chỉ đường cho họ tới thăm viếng hài nhi Giêsu.

Các Thiên Thần là những Sứ gỉa của Thiên Chúa luôn hằng cùng đồng hành gìn giữ Chúa Giêsu trong suốt đời sống trên trần gian.

8. Ngôi sao hang đá Bethlehem.

Một hang đá Chúa giáng sinh mà không có ngôi sao gắn trên nóc thì sao gọi là đầy đủ được. Ngôi sao đêm hài nhi gíang sinh ở Bethlehem xuất hiện trên nền trời chiếu tỏa ánh sáng cho Ba Vua tìm đường tới thăm viếng thờ lạy vua hòa bình mới sinh ra.

9. Hài nhi Giêsu

Sau hết tôi mang hài nhi Giêsu đến đặt ngay chính giữa hang đá. Hang đá Chúa giáng sinh mà không có hài nhi Giêsu thì đâu có phải là hang đá Chúa giáng sinh nữa!

Hài nhi Giêsu là một em bé sơ sinh yếu đuối, nhưng lại là con Thiên Chúa, Đấng được Thiên Chúa sai đến mang hòa bình xuống cho trần gian: Này ta báo cho anh em một tin mừng, hôm nay đấng cứu thế sinh ra cho anh em. Anh em đừng sợ hãi!

Chúa Giêsu giáng sinh không phải chỉ ngày xưa trong hang chuồng súc vật, nhưng ngài hằng sinh ra trong tâm hồn những ai muốn đón nhận ân đức bình an của Người cho tâm hồn mình.

Lễ Chúa giáng sinh
 
Bài giảng lễ đêm Giáng Sinh của Đức Cha Nguyễn Năng GP Phát Diệm
Linh mục Phêrô Hồng Phúc ghi
21:00 24/12/2010
BÀI GIẢNG LỄ ĐÊM GIÁNG SINH 2010 CỦA ĐỨC CHA GIUSE NGUYỄN NĂNG GIÁO PHẬN PHÁT DIỆM

Anh chị em thân mến,

Chúng ta họp nhau nơi đây để mừng Chúa Giáng Sinh, mừng Thiên Chúa trở nên một con người. Chúng ta dừng lại trong đêm nay để chiêm ngắm một Hài Nhi nằm trong máng cỏ. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay giúp cho chúng ta nhận ra mầu nhiệm cao cả mà chúng ta đang cử hành.

Trong bài đọc thứ nhất, tiên tri Isaia đã công bố cho chúng ta một trẻ thơ chào đời để cứu chúng ta. Một người con được ban tặng cho chúng ta. Người là Thần Linh mạnh mẽ, là Cha muôn thủa, là Hoàng tử Hòa Bình. Bài Phúc Âm cho chúng ta thấy những điều mà từ sáu trăm năm trước đã được ứng nghiệm: Thiên Thần nói với các mục đồng “Hôm nay ta loan báo cho các ngươi một Tin Mừng vĩ đại, đó là Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho chúng ta. Ngài là Đức Chúa”. Phải, Chúa Giêsu chính là ánh sáng chiếu soi cuộc đời tối tăm này. Ngài chính là tình yêu đến tiêu diệt hận thù trong thế giới của chúng ta. Ngài chính là sự sống làm khởi sinh một sự sống mới tiêu diệt sự chết.

Có một điều nghịch lý rất lạ thường, đó là: Thiên Chúa là Đấng cao cả, vĩ đại, là Đấng vô biên, thế nhưng Ngài lại không đến trong cung điện ngọc ngà. Ngài không là một người giàu có, cao sang. Ngài không có địa vị, chức quyền trong xã hội. Nhưng, trái lại, Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Ngài đã đến với chúng ta trong thân phận một em bé, trong thân phận một trẻ sơ sinh bọc tã nằm trong máng cỏ. Cha mẹ nghèo quá, không có tiền để trú trong quán trọ nhưng phải vào sinh con trong một hang thú vật. Tuy nhiên, chính trong cảnh tối tăm nghèo hèn ấy, khi Hài Nhi Giêsu sinh ra thì đã có tiếng Thiên sứ ca hát:

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời
Bình an dưới đất cho loài người Chúa thương”


Các thiên sứ ca hát, và hôm nay, cả chúng ta cũng ca hát. Từ lúc bắt đầu Diễn nguyện Ca Mừng Chúa Giáng Sinh cho tới giờ chúng ta đã ca hát, chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa. Hát mừng Con Thiên Chúa Giáng Sinh làm người. Chúng ta ca hát bởi vì chúng ta ngỡ ngàng và ngạc nhiên. Ngỡ ngàng và ngạc nhiên là bởi vì, chúng ta không hiểu được tại làm sao mà Thiên Chúa lại trở nên một con người giống như chúng ta. Như lời Thánh vịnh đã hát:

“Con người là chi mà Chúa cần nhớ đến
Phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm” (Tv 8,5)


Chúng ta ngạc nhiên và ngỡ ngàng, bởi vì “Tại sao Thiên Chúa lại chọn một đường lối như vậy?”; “Tại sao Thiên Chúa lại trở nên một con người?”. Cứ theo logic bình thường thì Thiên Chúa ngự trên trời cao. Ngài là Đấng quyền năng và vinh quang và để cứu độ chúng ta thì Thiên Chúa cứ ở trên cao, chỉ cần dùng quyền năng, nói một lời là chúng ta được cứu độ. Nhưng mà Thiên Chúa không làm như vậy. Đường lối của Thiên Chúa hoàn toàn mới mẻ và bất ngờ. Thiên Chúa đã đi vào trong lịch sử của nhân loại, đã đi vào thế giới con người của chúng ta. Ngài đã chọn làm người như chúng ta; sống trong thân phận con người như chúng ta; tất cả mọi sự như chính ta, chỉ trừ không có tội lỗi. Tại sao vậy?

-Thưa: bởi vì con người là cao cả;
-Thưa: bởi vì con người được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa.

Phẩm giá của con người chúng ta hết sức là cao cả, đến độ đã được Thiên Chúa chọn và chia sẻ kiếp sống con người với chúng ta và Ngài đã đến để đồng sinh mệnh với chúng ta. Thiên Chúa làm người và hơn nữa lại là một hài nhi bé nhỏ. Ngài đến gần gũi với mọi người và mọi người đều có thể đến gặp Chúa.

Đêm nay, chính Thiên Chúa, Đấng Cứu độ đã sinh ra. Nhưng rất là bi đát, là bởi vì không có chỗ cho người trong quán trọ. Phải, đúng như vậy, không một ai trong thế giới giàu có đã gặp được Chúa. Không một ai trong những bậc tiến sĩ, lề luật, những bậc trí thức ngày xưa đã gặp được Chúa. Không một ai trong địa vị quyền bính đã nhận ra Chúa. Các quán trọ, các hotel, những đô thị phồn hoa, những nhà hàng, vũ trường, những đường phố... ở đó người ta đang vui chơi và vì vậy người ta không gặp được Chúa. Người ta đang say sưa với hạnh phúc giả tạo mà họ đang có. Cho nên, họ đã không gặp được Đấng Cứu Độ. Người ta mừng Noel mà lại không có Chúa. Chỉ có các mục đồng, những người chăn chiên nghèo hèn, những con người đang lao động trong đêm khuya. Chính họ đã gặp được Chúa. Và từ nay thì những người nghèo không còn phải tủi hổ nữa, vì đã được Chúa chọn. Người nghèo là người có phúc vì họ có khả năng để nhận ra Chúa. Phúc Âm mãi mãi nhắc đến những trẻ em chăn chiên đang lao động trong đêm khuya này. Và vì thế, chúng ta cần phải trở nên bé nhỏ, khiêm nhường thì mới có thể nhận ra hài nhi trong máng cỏ là chính Thiên Chúa.

Thưa anh chị em,

Khi chúng ta đón nhận Chúa Giêsu, thì đồng thời chúng ta cũng nhận ra rằng, sự cao cả của con người, không hệ tại ở những gì mình có; không hệ tại ở tiền bạc, địa vị ở kiến thức, ở bằng cấp; không hệ tại ở dáng vẻ đep đẽ ở bên ngoài. Sự giàu có, sự lớn lao bên ngoài nhiều khi đã che dấu cái sự tầm thường của chúng ta. Trái lại, khi chúng ta gặp Chúa, chúng ta sẽ hiểu rằng, sự cao cả vĩ đại của con người là ở chỗ chúng ta được Thiên Chúa yêu thương, ở chỗ chúng ta gặp được Thiên Chúa là lẽ sống là cùng đích của mình.

Trong đêm nay, khi chúng ta nhìn ngắm Hài Nhi Giêsu nằm trong máng cỏ, nhìn ngắm Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người. Làm sao chúng ta lại không nhớ tới những người nghèo đang sống trong các khu ổ chuột, hay là sống dưới gầm cầu, hoặc là bên cạnh các bãi rác hôi hám ?. Làm sao chúng ta lại không thể nhớ tới những người nghèo đang bị bóc lột, áp bức, chà đạp một cách bất công? Làm sao chúng ta, trong đêm nay, lại không nhớ tới những người bị xua đuổi và loại trừ đang lang thang khắp đó đây, không một mái nhà để dừng chân. Phải, chúng ta không được phép quên những người nghèo trên trái đất:

-Chúng ta không quên được những bệnh nhân đang bị lây lất trong vệ đường, bị cuộc đời tẩy chay vì người ta sợ bị lây nhiễm;
-Chúng ta nhớ tới những anh chị em khuyết tật, những người cụt tay cụt chân, những người bị bệnh thiểu não;
-Chúng ta không thể quên được những anh chị em đang phải lao động, lam lũ trong rừng sâu, dưới hầm mỏ, lầm lũi, lặng lẽ bước đi dưới đêm khuya;
-Chúng ta nhớ tới tất cả những người làm nghề – mà bị mọi người coi là thấp kém – bị khinh thường, những anh chị em đang dọn vệ sinh, rác rưởi sau khi những người giàu no nê thừa mứa;
-Chúng ta nhớ tới tất cả các trẻ em còn đang trong bụng mẹ, những con người đã bị giết trước khi chào đời. Người ta nói rằng, trên đất Việt Nam này, chỉ 6 giây thôi, vâng, chỉ 6 giây thì một thai nhi đã bị giết chết trên mảnh đất của chúng ta.

Phải, thưa anh chị em, chúng ta ngắm nhìn Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ, chúng ta nhớ tới tất cả những anh chị em ấy. Khi chúng ta tôn thờ Chúa Giêsu nằm trong máng cỏ thì chính Thiên Chúa cũng tập cho chúng ta biết yêu mến con người. Người nào tin vào Chúa Giêsu thì đồng thời cũng biết yêu mến con người. Chính niềm tin vào Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta biết tôn trọng phẩm giá của con người.

Tin vào Chúa Giêsu không phải là một liều thuốc phiện ru ngủ chúng ta. Không phải làm chúng ta xa rời thế giới. Nhưng tin vào Chúa Giêsu, đó chính là một mái trường để dạy con người biết yêu mến con người; dạy cho con người biết tôn trọng con người, biết dấn thân phục vụ để con người được sống và sống đúng phẩm giá cao cả và đích thực của mình. Kitô giáo dạy cho chúng ta nhận ra những con người ấy, cho dù là những người khuyết tật, cho dù chỉ là một bào thai, nhưng tất cả họ là những con người, dù bên ngoài họ có thể bé nhỏ và tầm thường, nhưng đó là những con người, những con người cao cả và vĩ đại.

Trong thế giới hôm nay, chúng ta thấy, con người đang tâm giết chết con người, Con người đang là bóc lột, áp bức lẫn nhau một cách tàn nhẫn. Con người xua đuổi nhau, chà đạp nhau và loại trừ nhau một cách không thương tiếc. Chúng ta mong muốn xây dựng một thế giới an bình và hạnh phúc. Nhưng, thưa anh chị em, bao lâu chúng ta không biết tôn trọng phẩm giá con người thì kết quả chỉ là bóc lột và lợi dụng. Bao lâu chúng ta chưa biết đối xử với nhau bằng tình thương và chân lý thì cái thế giới an bình và hạnh phúc mà chúng ta vẫn mong ước sẽ không bao giờ đến. Sứ điệp mà ngày Lễ Giáng Sinh hôm nay muốn gửi tất cả mọi người, anh chị em tín hữu cũng như tất cả mọi người thành tâm thiện chí ở trên thế giới này, đó là: Phẩm giá con người chúng ta rất cao cả. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa, con người đáng tôn trọng và đáng yêu mến. Thế giới này chỉ an bình và hạnh phúc khi con người biết tôn trọng con người. Chỉ an bình và hạnh phúc khi con người biết yêu mến con người. Vậy thì chính Chúa Giêsu hôm nay đến với chúng ta. Ngài đến để đổi mới thế giới của chúng ta. Chúa Giêsu đã làm người và làm một con người nghèo hèn bé nhỏ để con người của chúng ta được sống và được sống viên mãn. Để đổi mới thế giới của chúng ta, Chúa Giêsu đã không làm một cuộc cách mạng bằng bạo lực, nhưng mà Ngài đã thắp lên ngọn đuốc ánh sáng của chân lý, và đã đốt lên ngọn lửa của tình yêu. Ánh sáng và tình yêu ấy vẫn tiếp tục bừng lên trong thế giới của chúng ta.

Anh chị em thân mến,

Tôi xin cầu chúc cho tất cả mọi người trong đêm nay cảm nhận được ánh sáng của Chúa Giêsu, cảm nhận được tình yêu của Chúa Giêsu. Anh chị em hãy để cho ánh sáng và tình yêu ấy bừng lên trong cuộc đời của mình. Anh chị em đừng dập tắt ánh sáng và tình yêu ấy. Trong niềm vui của đêm Giáng Sinh, tôi xin cầu chúc một Giáng Sinh an bình, vui tươi và đầy tràn ân phúc của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ loài người đến với từng gia đình, từng cộng đoàn trong anh chị em.

Xin chúc mừng Giáng Sinh. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Sau vụ WikiLeaks, Vatican xuất hiện như một vai trò chủ chốt trên hiện trường quốc tế
Bùi Hữu Thư
04:16 24/12/2010
VATICAN (CNS) – Nếu có một kết luận rõ ràng được rút tiả từ những tiết lộ của WikiLeaks về những vấn đề liên quan đến Vatican, thì đó là Hoa Kỳ hết sức coi trọng Vatican và các hoạt động chính trị của Tòa Thánh.

Qua rất nhiều điện văn trong các năm gần đây, các giới chức của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Tòa Thánh đã báo cáo về Hoa Thịnh Đốn ảnh hưởng của các chuyến tông du, các lời tuyên bố và các văn kiện của Đức Thánh Cha; về các nỗ lực âm thầm của Vatican để ngăn chăn các vụ tranh chấp; về sự biến chuyển của giáo huấn Công Giáo đối với vấn đề luân lý sinh học; và cả về các hậu quả hoàn vũ của các hoạt động đại kết.

Khi một cơ quan của Toà Thánh tổ chức một buổi hội thảo về các thực phẩm bị biến chế về đặc tính di truyền, toà đại sứ Hoa Kỳ đã chú ý. Khi Vatican lên án việc buôn người, các giới chức tòa đại sứ Hoa Kỳ đã họp với các đồng nghiệp tại Vatican để mở rộng các lãnh vực hợp tác và cộng tác trong vấn đề này.

Và khi Đức Thánh Cha Benedict XVI nói vào năm 2007 là "Không có gì tích cực đến từ Iraq, đang bị xâu xé vì những vụ thảm sát liên tục trong khi dân chúng phải trốn chạy,” Tòa đại sứ đã phản đối, và nói với một giới chức cao cấp của Tòa Thánh là Iraq đang có những phát triển tích cực và các nhận xét của Đức Thánh Cha thiếu tính cách xây dựng.

Đọc các điện tín, khó có thể tưởng tượng là trước năm 1984 Hoa Kỳ không có quan hệ ngoại giao với Vatican.

Ngày nay, Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ có năm giới chức ngoại giao và một văn phòng yểm trợ với 14 nhân viên, và được coi là một phái đoàn bận rộn nhất được gửi đến Vatican.
 
Sứ điệp Giáng Sinh của Đức Thánh Cha qua đài BBC
LM Trần Đức Anh OP
11:21 24/12/2010
VATICAN - Hôm 24-12-2010, ĐTC Biển Đức 16 đã gửi sứ điệp qua đài BBC và mời gọi mọi người hãy loan Tin Vui giải thoát của Thiên Chúa cho những người xung quanh.

Trong sứ điệp được truyền đi qua mục “Tư tưởng cho ngày” (Though for the Day) của đài phát thanh BBC 4 lúc 7.45 phút sáng, ngày 24-12-2010, ĐTC nhắc đến cuộc viếng thăm 4 ngày của ngài hồi tháng 9 năm nay tại Vương quốc Anh và ngài gửi lời chào, lời cầu chúc tới các thích giả ở khắp nơi trong lúc chuẩn bị cử hành lễ Giáng Sinh của Chúa Kitô.

Ngài nhận xét rằng thời Chúa Giêsu, ”người ta mong đợi Đấng Messia mà Thiên Chúa đã hứa sai đến, và họ mô tả Người như một đại lãnh tụ sẽ giải thoát họ khỏi ách thống trị của ngoại bang và tái lập tự do cho họ.”

”Thiên Chúa luôn trung tín với lời hứa, nhưng nhiều khi Ngài làm cho chúng ta ngạc nhiên về cách thức chu toàn lời hứa ấy. Hài nhi sinh ra tại Bethlehem đã mang lại sự giải thoát, không những cho những người thời ấy và tại miền ấy, nhưng Ngài còn là Đấng Cứu Độ tất cả mọi người, mọi nơi và mọi thời trong lịch sử. Cuộc giải thoát mà Chúa mang đến không có tính chất chính trị, được thực hiện bằng những biện pháp quân sự: trái lại, Chúa Kitô đã vĩnh viễn tiêu diệt sự chết và canh tân sự sống bằng cái chết ô nhục của Ngài trên thập giá.”

”Mặc dù sinh ra trong cảnh nghèo và âm thầm, xa những trung tâm quyền lực của trần thế, nhưng Người chính là Con Thiên Chúa. Vì yêu thương chúng ta, Người đã mang lấy thân phận phàm nhân, sự mong manh, dễ bị tổn thương của chúngta, và đã mở cho chúng ta con đường dẫn đến cuộc sống sung mãn, đến sự tham dự vào chính đời sống của Thiên Chúa”.

Và ĐTC nhắn nhủ các thính giả rằng: ”Trong khi suy niệm mầu nhiệm cao cả ấy trong lễ Giáng Sinh, chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa vì lòng từ nhân của ngài đối với chúng ta và hãy vui mừng loan truyền cho những người xung quanh, Tin Vui rằng Thiên Chúa trao tặng chúng ta tự do, khỏi tất cả những gì đè nén chúng ta: Ngài ban cho chúng ta hy vọng, sự sống”.

”Các bạn thân mến ở xứ Scotland, Anh và Wales, cũng như ở các nơi trong thế giới nói tiếng Anh, tôi muốn các bạn biết rằng tôi nghĩ đến tất cả các bạn trong kinh nguyện mùa thánh thiêng này. Tôi cầu nguyện cho gia đình, con cái của các bạn, cho các bệnh nhân, cho tất cả những người đang chịu đau khổ vì bất kỳ khó khăn nào thời nay. Tôi đặc biệt cầu nguyện cho những người già và những người đang sắp kết thúc cuộc sống của mình. Tôi cầu xin Chúa Kitô, Ánh sáng muôn dân, đẩy xa mọi đen tối ra khỏi cuộc sống các bạn và ban cho mỗi người trong các bạn ân phúc một lễ Giáng Sinh an bình và vui trơi. Xin Chúa chúc lành cho tất cả các bạn” (SD 23-12-2010)
 
Top Stories
Mgr Hon Tai-fai, premier Chinois nommé à la Congrégation pour l’Evangélisation des Peuples: ''« Je prie pour être un bon instrument entre Ses mains »
Eglises d'Asie
09:41 24/12/2010
Eglises d'Asie, 24 décembre 2010 - La nouvelle a déjà fait le tour des médias et alimente les blogs Internet sur Twitter ou Facebook. Pressentie depuis plusieurs jours, confirmée officiellement jeudi 23 décembre par le Vatican (1), la nomination du P. Savio (Xavier ) Hon Tai fai, professeur de théologie au séminaire de Hong Kong et membre de l’Académie pontificale de théologie, au poste de secrétaire de la Congrégation pour l’Evangélisation des Peuples a fait sensation.

Le salésien de 60 ans, connu pour être un proche du pape Benoît XVI, devient ainsi le premier catholique chinois à prendre de telles responsabilités au sein de la curie romaine. Il sera en tant que « numéro 2 » de la Congrégation, aux côtés d’un autre représentant de l’Eglise d’Asie, le cardinal indien Mgr Ivan Dias. Parallèlement à sa nomination, il a été également élevé à la dignité d’archevêque pour le diocèse de Sila.

La nouvelle intervient alors qu’une nouvelle crise ébranle les relations fragiles établies entre le Vatican et Pékin (2). Selon certains observateurs, la nomination de Mgr Hon Tai-fai pourrait envenimer davantage le conflit, tandis que d’autres penchent davantage pour un apaisement, le nouvel archevêque cumulant les avantages de connaître parfaitement la politique vaticane tout en étant très au fait de la réalité de l’Eglise en Chine.

« C’est un magnifique cadeau pour l’Eglise de Chine qui a tant besoin d’être réconfortée en cette période bien sombre », se réjouit un prêtre de Hong Kong auprès d’Eglises d’Asie.

Né à Hong Kong en 1950, Mgr Savio Hon Tai-fai entre chez les Salésiens en 1975 et est ordonné prêtre en 1982. Après un doctorat en théologie à l’Université salésienne de Rome, il devient le provincial de sa congrégation pour la Chine (qui comprend la Chine continentale, Hong Kong, Macau et Taiwan).

Depuis 2004, il est en outre membre de la Commission théologique internationale, une activité au sein de laquelle il a travaillé avec le cardinal Ratzinger avant que ce dernier ne soit élu pape. On lui doit également la traduction en chinois du Catéchisme de l’Eglise catholique.
Le nouveau secrétaire de la Congrégation pour l’Evangélisation des Peuples, qui tenait aujourd’hui 24 décembre sa première conférence de presse à Hong Kong depuis l’annonce de sa nomination, a déclaré qu’il « priait pour recevoir la grâce de Dieu afin de devenir un bon instrument [entre Ses mains] ».

(1) I-MEDIA, 23 décembre 2010; Zenit, 23 décembre 2010;
(2) Fin novembre et début décembre, l’ordination d’un évêque illégitime (non reconnu par Rome) et la tenue de la 8e Assemblée nationale des représentants catholiques au cours de laquelle les autorités chinoises ont choisi un évêque illégitime pour présider la Conférence épiscopale et un évêque ayant reçu mandat pontifical pour présider l’Association patriotique, ont été sévèrement condamnées par le Vatican. Voir EDA 540, 541, 542.

(Source: Eglises d'Asie, 24 décembre 2010)
 
Pope delivers unprecedented Christmas message on BBC
EarthTimes
09:44 24/12/2010
London - In a first for the Vatican and British broadcaster BBC, Pope Benedict XVI Friday was given a radio slot to deliver a Christmas message to the people of Britain.

The pope, 83, said he remembered his September visit to Scotland and England with "great fondness. "I want you to know that I keep all of you very much in my prayers during this holy season," he said.

The message was broadcast only in Britain, and not on the BBC's World Service network or TV.

Speaking on the importance of Christmas, the pontiff said the birth of Christ had brought liberation - "but not by military or political means."

"God is always faithful to his promises, but he often surprises us in the way he fulfils them," he added.

The pope, who rarely gives interviews or prepares direct contributions to the media, pre-recorded his message in the Vatican earlier this week.

The BBC had been negotiating for months with the Vatican for him to fill the Thought for the Day slot on its domestic radio programme, which has religious representatives from all faiths giving their personal reflections on contemporary issues every morning.

The three-minute slot is controversial, with secular groups arguing that the BBC, as a public broadcaster, should not broadcast such an item within the framework of Today, its daily morning main current affairs programme.

The majority of Britons are of the Anglican faith, while some 13 million are Roman Catholics.

The pope used his September visit to warn of the dangers of growing secularization, in Britain and in other parts of Europe.

Gwyneth Williams, the controller of the BBC's Radio 4 programme, said she was "delighted Pope Benedict is sharing his Christmas message with the Radio 4 audience."

Catherine Pepinster, the editor of Catholic newspaper The Tablet, said the broadcast was unusual.

"This is an unprecedented thing for a pope to do, to do a script for radio, particularly, you know in a country abroad in a language that is not his own so, in that sense, it's unprecedented, and I'm very impressed that that BBC persisted so assiduously and got it."

However, the decision has been criticized by Britain's National Secular Society (NSS), which also strongly opposed the pope's visit.

"I think it's an extraordinarily bad choice for the BBC, and I think it's actually a slap in the face to these tens and hundreds of thousands of child abuse victims," said its executive director, Keith Porteus Wood.

"I think the problem is that the pope, and indeed the Vatican, manages - because of its chameleon status between church and state - to kind of move to a position at any moment that accords it maximum power and the least amount of accountability."
 
Pope Benedict XVI's homily for Christmas Eve Mass
+ Pope Benedict
17:58 24/12/2010
The Vatican's official English-language translation of Pope Benedict XVI's homily, to be delivered in Italian, during Christmas Eve Mass in St. Peter's Basilica.

Vatican

Dear Brothers and Sisters! "You are my son, this day I have begotten you" with this passage from Psalm 2 the Church begins the liturgy of this holy night. She knows that this passage originally formed part of the coronation rite of the kings of Israel.

The king, who in himself is a man like others, becomes the "Son of God" through being called and installed in his office. It is a kind of adoption by God, a decisive act by which he grants a new existence to this man, drawing him into his own being.

The reading from the prophet Isaiah that we have just heard presents the same process even more clearly in a situation of hardship and danger for Israel: "To us a child is born, to us a son is given. The government will be upon his shoulder" (Is 9:6).

Installation in the office of king is like a second birth. As one newly born through God's personal choice, as a child born of God, the king embodies hope. On his shoulders the future rests. He is the bearer of the promise of peace.

On that night in Bethlehem this prophetic saying came true in a way that would still have been unimaginable at the time of Isaiah. Yes indeed, now it really is a child on whose shoulders government is laid. In him the new kingship appears that God establishes in the world. This child is truly born of God.

It is God's eternal Word that unites humanity with divinity. To this child belong those titles of honor which Isaiah's coronation song attributes to him: Wonderful Counselor, Mighty God, Everlasting Father, Prince of Peace (Is 9:6). Yes, this king does not need counselors drawn from the wise of this world. He bears in himself God's wisdom and God's counsel.

In the weakness of infancy, he is the mighty God and he shows us God's own might in contrast to the self-asserting powers of this world. Truly, the words of Israel's coronation rite were only ever rites of hope which looked ahead to a distant future that God would bestow. None of the kings who were greeted in this way lived up to the sublime content of these words.

In all of them, those words about divine sonship, about installation into the heritage of the peoples, about making the ends of the earth their possession (Ps 2:8) were only pointers towards what was to come as it were signposts of hope indicating a future that at that moment was still beyond comprehension.

Thus the fulfillment of the prophecy, which began that night in Bethlehem, is both infinitely greater and in worldly terms smaller than the prophecy itself might lead one to imagine. It is greater in the sense that this child is truly the Son of God, truly "God from God, light from light, begotten not made, of one being with the Father."

The infinite distance between God and man is overcome. God has not only bent down, as we read in the Psalms; he has truly "come down," he has come into the world, he has become one of us, in order to draw all of us to himself. This child is truly Emmanuel God-with-us. His kingdom truly stretches to the ends of the earth.

He has truly built islands of peace in the world-encompassing breadth of the holy Eucharist. Wherever it is celebrated, an island of peace arises, of God's own peace. This child has ignited the light of goodness in men and has given them strength to overcome the tyranny of might.

This child builds his kingdom in every generation from within, from the heart. But at the same time it is true that the "rod of his oppressor" is not yet broken, the boots of warriors continue to tramp and the "garment rolled in blood" (Is 9:4f) still remains. So part of this night is simply joy at God's closeness.

We are grateful that God gives himself into our hands as a child, begging as it were for our love, implanting his peace in our hearts. But this joy is also a prayer: Lord, make your promise come fully true. Break the rods of the oppressors. Burn the tramping boots.

Let the time of the garments rolled in blood come to an end. Fulfill the prophecy that "of peace there will be no end" (Is 9:7). We thank you for your goodness, but we also ask you to show forth your power. Establish the dominion of your truth and your love in the world the "kingdom of righteousness, love and peace."

"Mary gave birth to her first-born son" (Lk 2:7). In this sentence Saint Luke recounts quite soberly the great event to which the prophecies from Israel's history had pointed. Luke calls the child the "first-born." In the language which developed within the sacred Scripture of the Old Covenant, "first-born" does not mean the first of a series of children.

The word "first-born" is a title of honor, quite independently of whether other brothers and sisters follow or not. So Israel is designated by God in the Book of Exodus (4:22) as "my first-born Son," and this expresses Israel's election, its singular dignity, the particular love of God the Father.

The early Church knew that in Jesus this saying had acquired a new depth, that the promises made to Israel were summed up in him. Thus the Letter to the Hebrews calls Jesus "the first-born," simply in order to designate him as the Son sent into the world by God (cf. 1:5-7) after the ground had been prepared by Old Testament prophecy.

The first-born belongs to God in a special way and therefore he had to be handed over to God in a special way as in many religions and he had to be ransomed through a vicarious sacrifice, as Saint Luke recounts in the episode of the Presentation in the Temple. The first-born belongs to God in a special way, and is as it were destined for sacrifice.

In Jesus' sacrifice on the Cross this destiny of the first-born is fulfilled in a unique way. In his person he brings humanity before God and unites man with God in such a way that God becomes all in all. Saint Paul amplified and deepened the idea of Jesus as firstborn in the Letters to the Colossians and to the Ephesians: Jesus, we read in these letters, is the first-born of all creation the true prototype of man, according to which God formed the human creature.

Man can be the image of God because Jesus is both God and man, the true image of God and of man. Furthermore, as these letters tell us, he is the first-born from the dead. In the resurrection he has broken down the wall of death for all of us. He has opened up to man the dimension of eternal life in fellowship with God.

Finally, it is said to us that he is the first-born of many brothers. Yes indeed, now he really is the first of a series of brothers and sisters: the first, that is, who opens up for us the possibility of communing with God. He creates true brotherhood not the kind defiled by sin as in the case of Cain and Abel, or Romulus and Remus, but the new brotherhood in which we are God's own family.

This new family of God begins at the moment when Mary wraps her first-born in swaddling clothes and lays him in a manger. Let us pray to him: Lord Jesus, who wanted to be born as the first of many brothers and sisters, grant us the grace of true brotherhood.

Help us to become like you. Help us to recognize your face in others who need our assistance, in those who are suffering or forsaken, in all people, and help us to live together with you as brothers and sisters, so as to become one family, your family. At the end of the Christmas Gospel, we are told that a great heavenly host of angels praised God and said: "Glory to God in the highest and on earth peace among men with whom he is pleased!" (Lk 2:14).

The Church has extended this song of praise, which the angels sang in response to the event of the holy night, into a hymn of joy at God's glory "we praise you for your glory." We praise you for the beauty, for the greatness, for the goodness of God, which becomes visible to us this night. The appearing of beauty, of the beautiful, makes us happy without our having to ask what use it can serve.

God's glory, from which all beauty derives, causes us to break out in astonishment and joy. Anyone who catches a glimpse of God experiences joy, and on this night we see something of his light. But the angels' message on that holy night also spoke of men: "Peace among men with whom he is pleased." The Latin translation of the angels' song that we use in the liturgy, taken from Saint Jerome, is slightly different: "peace to men of good will."

The expression "men of good will" has become an important part of the Church's vocabulary in recent decades. But which is the correct translation? We must read both texts together; only in this way do we truly understand the angels' song. It would be a false interpretation to see this exclusively as the action of God, as if he had not called man to a free response of love.

But it would be equally mistaken to adopt a moralizing interpretation as if man were so to speak able to redeem himself by his good will. Both elements belong together: grace and freedom, God's prior love for us, without which we could not love him, and the response that he awaits from us, the response that he asks for so palpably through the birth of his son.

We cannot divide up into independent entities the interplay of grace and freedom, or the interplay of call and response. The two are inseparably woven together. So this part of the angels' message is both promise and call at the same time. God has anticipated us with the gift of his Son.

God anticipates us again and again in unexpected ways. He does not cease to search for us, to raise us up as often as we might need. He does not abandon the lost sheep in the wilderness into which it had strayed. God does not allow himself to be confounded by our sin.

Again and again he begins afresh with us. But he is still waiting for us to join him in love. He loves us, so that we too may become people who love, so that there may be peace on earth. Saint Luke does not say that the angels sang. He states quite soberly: the heavenly host praised God and said: "Glory to God in the highest" (Lk 2:13f.).

But men have always known that the speech of angels is different from human speech, and that above all on this night of joyful proclamation it was in song that they extolled God's heavenly glory. So this angelic song has been recognized from the earliest days as music proceeding from God, indeed, as an invitation to join in the singing with hearts filled with joy at the fact that we are loved by God. Cantare amantis est, says Saint Augustine: singing belongs to one who loves.

Thus, down the centuries, the angels' song has again and again become a song of love and joy, a song of those who love. At this hour, full of thankfulness, we join in the singing of all the centuries, singing that unites heaven and earth, angels and men. Yes, indeed, we praise you for your glory. We praise you for your love. Grant that we may join with you in love more and more and thus become people of peace. Amen.

Copyright Vatican Publishing House
 
Clergy Congregation Prefect Writes to Priests
Zenit
21:14 24/12/2010
Urges Priests to Take Time for Silence, Despite Busy Schedules

VATICAN CITY, DEC. 24, 2010 (Zenit.org).- As priests in a particular way feel the busyness of the Christmas season, Cardinal Mauro Piacenza is encouraging them to also find time to pause in silence before the mystery of God's birth.

The prefect of the Congregation for Clergy made this recommendation in a message to priests for Christmas.

"May the diligent work of these days, for which the Lord and the Church are profoundly grateful to you, not impede your pausing in silence and with amazed and profound adoration before that Mystery, on which the salvation of the world and our own priestly existence radically depend," the prefect told them.

Cardinal Piacenza affirmed that he is asking the "Light that is coming into the world for the gift of holy priests for the Church of the third millennium."

And he noted Benedict XVI's Christmas address to the Roman Curia, in which the Pope "stressed in a special way the gift that was the Year for Priests."

Acknowledging the "great troubles" that characterized the year, given the scandal of sexual abuse by clergy, Cardinal Piacenza spoke of the Holy Father's invitation to penance.

The cardinal exhorted the priests: "Kneeling before the cave of Bethlehem, contemplating the Word made flesh and listening to his cry, full of tenderness and at the same time prophetic, we beg, through the intercession of the Blessed Virgin Mary, Queen of the Apostles, and of St. Joseph, her spouse most chaste, that the Lord do great things in his Body, which he always wants young, renewed, resplendent and missionary."
 
Jerusalem Patriarch's Christmas Message ''It Is Time to Commit Ourselves Together for a Genuine, True and Long-lasting Peace''
+ Beatitude Fouad Twal
21:16 24/12/2010
JERUSALEM, DEC. 24, 2010 (Zenit.org).- Here is the text of the Christmas message delivered by the Latin Patriarch of Jerusalem, Beatitude Fouad Twal

Christmas Message 2010

I welcome all of you journalists present here and thank you for your role in providing information and conscience formation, and for your commitment to the truth. The message of the recent Synod recognized your role: "We appreciate the role of the means of social communication, both printed and audio-visual. We thank you journalists for your collaboration with the Church in broadcasting her teachings and activities." (Nuntius 4.4)

To all of you and all the people of Israel, Palestine, Jordan and Cyprus, I wish you a Merry Christmas and a Happy New Year full of surprises at the global, local, and personal levels, and a year of peace and prosperity.

I greet the Bishops here present: Bishop Giacinto-Boulos Marcuzzo, our Patriarchal Vicar in Israel, and our new Auxiliary Bishop and Patriarchal Vicar for Jerusalem and the Palestinian Territories, Bishop William Shomali, who was ordained last May and comes with a new energy to help us in our mission. I also welcome Rev. Fr. David Neuhaus, SJ, our Patriarchal Vicar in Israel for the Hebrew-speaking Catholic community.

Like last year, I would like to present the important events that have happened this year, here in our Patriarchate. I would like to emphasize above all the positive events without, however, excluding the suffering and the concerns that remain.

1 -We thank our Holy Father for having convened the Synod for the Middle East, held in Rome from the 10th to 24th of October 2010. During that time, we were able to put our fingers on our wounds and our fears, and at the same time express our expectations and our hopes. The Synod called on Christians in the Middle East to live as true believers and good citizens, not distancing from public life, but involved in the development of our communities, whether in Arab countries or in Israel. The Synod also stressed the importance of ecumenical and interreligious dialogue. We hope that this dialogue will advance not only within intellectual circles, among scholars and theologians, but be a dialogue of life, for all segments of society. The Synod condemned violence, religious fundamentalism, anti-Semitism, anti-Judaism, anti-Christianity and Islamophobia, and called on religions “to assume their responsibilities in promoting dialogue among cultures and civilizations in our region and in the entire world.” (Nuntius 11)

2 - Religious tourism and pilgrimages in the Holy Land are experiencing record numbers. In November 2010, three million people have visited the Holy Places. This number could still increase to arrive at nearly 3.4 million visitors, a figure never reached before, even in 2000, the Jubilee Year, which recorded very significant results. This reflects the universal dimension of Jerusalem, Bethlehem and Nazareth, the welcoming reception extended to pilgrims by our people and our Churches, and the good work of the Ministries of Tourism in Israel and Palestine.

3 - I wish to highlight the improvement in the process of obtaining visas for religious, seminarians and volunteers. I thank all those who worked to achieve this result. We still have a long way to go.

4 - On December 7th, talks resumed between the Holy See and the Palestinian Authority for the application of the basic agreement signed in 2000. The deliberations focus on religious freedom and fiscal legislation. We pray for the success of these negotiations and those already under way with Israel.

5 - Last November, I had the joy of visiting several countries in Latin America: Chile, Argentina, Colombia, and Honduras. I met with the bishops of these countries, top government and civilian authorities, and especially our faithful living in the ‘diaspora.’ In Chile alone, there are over 400,000 who emigrated between 1900 and 1950, because of poverty and security problems. Now they are all well integrated into the local society, and many have expressed their willingness to support our projects in the Holy Land and come on pilgrimage.

Among the major projects that the Latin Patriarchate is trying to accomplish, I would like to mention: the new pediatric hospital in Bethlehem which will be named after Pope Benedict, the University of Madaba, which will open in October next year, and the new Pilgrims’ Center in Jordan, on the site of the Baptism of Christ.

6 - We were very concerned about the fire that destroyed entire forests in the Haifa area. We offer our condolences to the families of victims, and our admiration for the courage of those who died in the line of duty. This sad event made us experience international solidarity. The fact that the Palestinian Authority made available their team of firefighters was a very significant gesture and may be a beginning of a fruitful collaboration in the future, when peace will be established in this troubled land.

7 - We suffer from the failure of direct peace negotiations between Israel and the Palestinian Authority. This should not lead us to despair. We continue to believe that on both sides, and in the international community, there are men of good will who will work and put their energies together in their commitment for peace. We believe that nothing is impossible with God and we want to carry out the wishes sang by the angels on Christmas night: "Glory to God in the highest and on earth peace to those on whom his favor rests.”(Lk.2: 14) We also wish Europe to play a more significant role in this process.

8 - We were shocked and troubled by the massacre of Christians in Baghdad in the Church of Our Lady of Perpetual Help. These innocent victims are added to the thousands of victims of fundamentalism and violence afflicting our world. Readily, I echo the words of Pope Benedict: "Given the violence that continue to tear the peoples of the Middle East, I would like to renew my urgent appeal for peace. Peace is a gift of God. It is also the result of efforts by men of good will, of national and international institutions, all working together to put an end to all violence! "

Dear friends, let me conclude this message with my good wishes for a reconciliation between our peoples, the Israelis and the Palestinians. It is time to commit ourselves together for a genuine, true and long-lasting peace.

May the joy of Christmas be in our hearts and peace upon all of you. Merry Christmas!
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nghe bản thánh ca bất hủ: Ra Đời
Hải Linh / Hàn Mạc Tử / Ca đoàn Hồn Nước
00:01 24/12/2010
Nghe bản thánh ca Giáng Sinh bất hủ: Ra Đời. Nhạc của Hải Linh. Lời thơ của Hàn Mạc Tử. Ca đoàn Hồn Nước trình diễn

 
Ngày Hội Gia Đình Trẻ TGP Sài Gòn: Yêu Thương là Tha Thứ
Nguyễn Hoàng Thương
07:49 24/12/2010
Ngày Hội Gia Đình Trẻ TGP Sài Gòn: Yêu Thương là Tha Thứ

“Gia đình ơi! hãy trở về” (FC 17) là lời mời gọi tha thiết của Ban Mục Vụ Gia Đình Tổng Giáo Phận Sài Gòn gửi đến các gia đình Công Giáo nhân Năm Thánh 2010 qua việc tổ chức Ngày Hội Gia Đình Trẻ 19/12/2010 và Đại Hội Gia Đình Năm Thánh 26/12/2010. Đó là lời mời gọi hãy trở về với họa ảnh tình yêu ban đầu của Thiên Chúa dành cho con người, tức là trở về với Thiên Chúa Tình Thương để trở thành chứng tích Tình Yêu hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa giữa trần gian. Vì trong ý định Thiên Chúa, gia đình được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi, yêu thương và hiệp nhất. Nhưng qua tội nguyên tổ, sự dữ đã xâm nhập vào thế gian, vào gia đình, vào mỗi con người qua tính đối kháng, bất tuân Thiên Chúa, không khoan nhượng lẫn nhau và từ đó gia đình dần tan vỡ theo cơn lốc sự dữ của thế gian qua dòng lịch sử.

Xem hình

Xã hội hôm nay có lắm vấn nạn liên quan đến gia đình, xuất phát từ gia đình, từ những đổ vỡ của gia đình: bạo hành gia đình, bạo lực học đường, nạn phá thai, ly dị… Nguyên nhân có thể thấy rõ là do những bất hòa, những xung đột trong đời sống vợ chồng, trong đời sống hôn nhân, người chồng, người vợ không làm tròn trách nhiệm với nhau và không làm tròn trách nhiệm đối với con cái. Vì sự cao ngạo, vì tính đối kháng sẵn có từ trong tâm thức nên người làm chồng, làm vợ đã không chấp nhận sự khác biệt của người bạn đời mà điều chỉnh bản thân để gia đình trở nên cái nôi sự sống. Để hóa giải đối kháng trong hôn nhân cần phải nhận biết lỗi lầm và tham gia vào hành trình của sự tha thứ từ cả hai phía, người xin được tha thứ và người tha thứ. “Tha thứ trong đời sống gia đình, trong tương quan vợ chồng” là đề tài mà Ngày Hội Gia Đình Trẻ Tổng Giáo Phận Sài Gòn đã đưa ra phân tích để 104 cặp gia đình trẻ tham dự Ngày Hội được chìm trong bầu khí của chia sẻ, học hỏi, tĩnh tâm nhằm nhận biết cách vun đắp đời sống gia đình được tràn đầy trong Tình Yêu Thiên Chúa.

Chương trình của ngày hội được bắt đầu bằng việc các gia đình trẻ gửi con em mình cho các bạn tình nguyện viên Nhóm Emmanuel chăm sóc suốt từ sáng đến chiều để cha mẹ có khoảng không gian riêng của sự lắng đọng tâm hồn. Sau những lời chúc tụng, ngợi khen Thiên Chúa, cha Louis Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Ban Mục Vụ Gia Đình TGP Sài Gòn đã mời gọi các gia đình chuẩn bị tâm hồn để mừng Chúa Giáng Sinh, ngài cho hay việc quy tụ các cặp gia đình trẻ đến với Ngày Hội là nhằm làm cho các gia đình có thể có được hạnh phúc thâm sâu hơn trong tình yêu Thiên Chúa. Cha đã giới thiệu gia đình anh Hoàng Anh Ngọc và chị Quỳnh Giao chia sẻ đề tài “Tha thứ trong đời sống gia đình, trong tương quan vợ chồng” như là chủ đề xuyên suốt của Ngày Hội với sự hỗ trợ của gia đình anh chị Oanh – Xuyên.

Anh chị Ngọc – Giao đã chia sẻ chân tình bằng kinh nghiệm đời sống gia đình của mình và bắt đầu bằng những câu hỏi: “Cái gì đã làm cho một ngày nào đó có một con người xa lạ đi vào đời tôi và trở nên một cái gì đó không thể thiếu được trong đời tôi?”; “Phẩm chất nào của người vợ, người chồng của tôi, tôi đã từng quý nhất? Người con gái đã làm gì để đi vào đời ta, người thanh niên ấy đã làm gì đi vào đời ta?” “Vậy trải qua bao thăng trầm của đời sống hôn nhân dầu một năm hay 10 năm, phẩm chất ấy bây giờ ra sao?”

Câu trả lời là gia đình mình, vợ mình, chồng mình trước hết là một món quà cho nhau nhưng sau vài năm chung sống với nhau thì lại có cảm giác rằng đời sống vợ/chồng là một gánh nặng, con cái là một trách nhiệm và cuộc sống hằng ngày là cơm áo gạo tiền. Đó là một thực tế nhưng cần phải hiểu rằng trước khi vợ tôi, chồng tôi là một trách nhiệm thì đó là một hồng ân mà Chúa trao ban cho mình. Ban tổ chức Ngày Hội Gia đình trẻ cố tình dành cả một ngày để vợ chồng có không gian riêng cùng bên nhau chia sẻ, học hỏi mà không vướng bận chuyện con cái nhằm kêu gọi hãy cảm nghiệm để rồi vợ chồng cùng đón nhận nhau trở lại như một món món quà mà bao năm trước cả hai đã từng hăm hở, háo hức, rộn ràng đón nhận trong ngày lễ thành hôn tuyên hứa với nhau trước mặt Chúa.

Vấn đề cần đặt ra là đi tìm hiểu những xung khắc, xung đột, những va chạm trong đời sống vợ chồng để tìm ra lối thoát. Mỗi người là một cá thể có những thế giới quan, sở thích, quan niệm riêng về cuộc sống và khi chung sống với nhau sẽ có những va chạm do những khác biệt đó. Có những người nhìn nhận không đúng về xung đột khi chỉ nhìn thấy sự khác biệt giữa vợ chồng dẫn đến xung đột như là một bi kịch của đời sống gia đình và không thể chấp nhận được. Nguyên nhân thường do lý tưởng hóa mối tình ban đầu, kỳ vọng về một tình yêu hòa tan, ước mơ rằng hai vợ chồng hòa tan vào nhau làm một, không còn sự khác biệt nào khác nên không mở lòng ra và nhìn nhận có sự khác biệt và dẫn đến xung đột trong đời sống vợ chồng.

Khuynh hướng sai lệch thứ hai là xem thường, xem nhẹ, né tránh xung đột và có thể được củng cố bằng sự nhường nhịn. Nhưng sự nhường nhịn, nhẫn nhục mà không hiểu thấu nhau có thể gặm nhắm làm chết đi tình yêu vợ chồng. Cần có cái nhìn quân bình về xung khắc, xung đột trong đời sống vợ chồng. Xung đột không có giá trị luân lý, mà giá trị luân lý nằm ở cách nhìn nhận xung đột và giải quyết xung đột.

Bên cạnh những mối bất hòa là những tổn thương nội tâm trong gia đình. Tổn thương nội tâm có thể được cảm nhận như là một nỗi đau, nguyên nhân của nỗi đau chính là sự thiếu vắng, từ thiếu vắng gây ra đau khổ làm tổn thương nội tâm. Có 3 loại tổn thương nội tâm thường hay xảy ra: Tổn thương nội tâm do đời sống gây ra, ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống tương quan vợ chồng, chẳng hạn như những áp lực từ phía gia đình chồng/gia đình vợ; một trong hai người thất nghiệp….; Tổn thương liên quan đến thời thơ ấu: do hấp thụ từ cách giáo dục gia trưởng từ cha mẹ nên có thể phản ứng khi gặp cách đối xử đó hoặc lặp lại cách giáo dục đó một cách khắc nghiệt hơn.; Tổn thương gắn với tội lỗi: tội nguyên tổ và tội của hiện tại. Tội nguyên tổ là trong tự bản chất, trong nội tâm có những rạn nứt, trục trặc, mất đi sự hiệp nhất với Thiên Chúa, với anh em và với bản thân con người mình. Những xúc phạm và tổn thương lẫn nhau phạm đến tình yêu thương xuất phát từ sự ích kỷ, chiếm đoạt, ghen tuông, cứng lòng gây ra những tổn thương đến đời sống vợ chồng.

Hành trình đi vào tha thứ là hành trình đón nhận sự thật về chính con người mình. Bản thân mỗi người không hoàn hảo như lòng mình mong muốn cũng như người bạn đời mong đợi vì bản chất mỗi người là bất toàn. Nhưng cần phải nhìn lại để sửa những thói quen, những chọn lựa để cuộc sống được hòa hợp trong sự khác biệt.

Tha thứ là một hành trình đón nhận sự thật về chính những bất toàn, những khiếm khuyết của nhau. Tha thứ là đi vào trong hành trình của khiêm nhường để nhận ra những sai sót của mình. Dù là nam hay nữ thì rào cản lớn cho hành trình tha thứ chính là sự kiêu ngạo, mối tội đầu tiên trong 7 mối tội đầu, nếu không đi vào hành trình của sự tha thứ được chính là sự kiêu hãnh về con người mình. Tha thứ không phải là cố quên đi, không phải là sự xóa bỏ nhưng là khi không còn đau vì tổn thương mà trở nên tự do, không phải là chối bỏ sự xúc phạm, tha thứ không phải là yếu đuối mà là sự can đảm cả về mặt nhân bản và về mặt tâm linh đối với cả người xin được tha thứ và người tha thứ.

Để học cách tha thứ cần tập tha thứ trong những chuyện nhỏ. Thư Êphêsô khuyên rằng: “Chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn”; “lỗ nhỏ đắm thuyền”. Tình yêu vợ chồng có thể chết đi từ những tổn thương chất chứa theo thời gian, từ những xung đột không được giải quyết, điều hết sức nguy hiểm cho cuộc hôn nhân và cứ thế con thuyền vợ chồng sẽ đắm vào một lúc nào đó. Để tha thứ cần khách quan hóa sự việc để xác định xem sự dữ làm cho đau khổ là gì: ích kỷ, vô trách nhiệm, cộc cằn, ghen tuông…; mức độ sự việc nghiêm trọng đến mức nào và cần từ bỏ không giữ lại hiềm thù, không giữ lại cảm giác nạn nhân.

Có những lúc tha thứ dường như vượt quá sức của bản thân con người, xin tha thứ hay thực hiện hành vi tha thứ đều phải do thiện chí của đôi bên, nhưng lại có lúc người muốn xin tha thứ, người kia lại không muốn tha thứ. Lúc đó hãy tìm đến Thiên Chúa: “Hãy tha thứ cho nhau như chính Thiên Chúa đã tha cho anh em” vì trong lời cầu nguyện và trong bí tích hòa giải chúng ta đón nhận sức mạnh để tha thứ và đón nhận tha thứ.

Hoa trái của sự tha thứ là mầu nhiệm của sự Phục Sinh khi đời sống vợ chồng đối diện với sự dữ, và hành trình tha thứ là hành trình của một cuộc vượt qua để sau khi tha thứ nghĩa là sau khi đón nhận cái tối tăm của người bạn đời thì sẽ đón nhận ánh sáng sự tha thứ trước tiên là của Thiên Chúa và đồng thời là sự tha thứ của nhau để tình yêu trổ hoa phục sinh nhằm nếm lại hạnh phúc của đời sống vợ chồng, của tình yêu đôi lứa. Đó là hoa trái của hành trình tha thứ, đó là viễn cảnh của mầu nhiệm phục sinh mà mỗi cặp vợ chồng được mời gọi sống nơi gia đình mình, nơi con cái mình.

Sau những chia sẻ buổi sáng là giờ Chầu Thánh Thể để các tham dự viên thinh lặng, mọi người lắng lòng lại, dâng tâm tình chiêm ngắm Chúa Giêsu Thánh Thể.

Sau giờ cơm trưa thân mật giữa các gia đình, buổi chiều các tham dự viên được chia ra thành 8 nhóm Nam và 8 nhóm Nữ để chia sẻ thảo luận riêng với nhau về đề tài đã được học hỏi ban sáng và dựa trên 3 câu hỏi thảo luận đã được ban tổ chức đặt ra: Chia sẻ quan điểm về cách xử lý xung đột trong đời sống gia đình? Ý kiến của anh/chị và theo quan điểm của anh/chị đâu là rào cản của sự tha thứ? Hãy chia sẻ cảm nghiệm về hoa quả của sự tha thứ? Sau khi thảo luận, các nhóm trưởng đã trình bày lại các ý kiến của nhóm mình cho ban tổ chức với sự hiện diện của Đức Hồng Y Gioan Baotixita. Rất nhiều nguyên nhân và cách xử lý xung đột cùng rào cản và hoa quả của sự tha thứ được nêu ra.

Các ý kiến của một nhóm thảo luận về câu thứ nhất nói đến sự nhường nhịn trong tương quan qua lại với nhau, sự đối thoại trong đời sống gia đình, sự hiệp nhất, sửa đổi khuyết tật bản thân… Rào cản của sự tha thứ có thể là do cái tôi của mỗi người, những bệnh tật, khó khăn, con cái, thiếu đối thoại, thiếu cầu nguyện, không có đời sống nội tâm, thiếu thinh lặng, thiếu kiến thức, thiếu thông cảm, không chấp nhận hoàn cảnh, không chấp nhận cá tính của người bạn đời. Trải nghiệm hoa quả tha thứ dựa vào bí tích hay sự cầu nguyện để tác động đến đời sống gia đình, đối thoại với nhau để hiểu nhau trong đời sống gia đình.

Sau khi thảo luận các cặp gia đình được chọn lựa một trong các hoạt động: Chầu Thánh Thể, đến với Bí tích hòa giải, đến với các chuyên gia tư vấn tâm lý hoặc các cặp gia đình tìm góc riêng tư để tâm tình chia sẻ sau gần một ngày học hỏi rồi thảo luận nhóm, đây có thể là giờ phút gia đình trao cho nhau những cảm thông, những hứa hẹn cho một bước ngoặc trong đời sống của họ.

Trong Ngày Hội Gia Đình, nói đến các hoạt động của các bậc cha mẹ không thể không nói đến các hoạt động của các em thiếu nhi con em của các cặp gia đình. Các em được chia ra theo các nhóm tuổi: dưới 3 tuổi, từ 3 đến 8 tuổi và từ 9 tuổi trở lên để có những hoạt động phù hợp với từng nhóm tuổi. Các em vui chơi, sinh hoạt vòng tròn, vẽ tranh, tô màu hang đá Giáng Sinh, tập kịch, tập múa, tập hát để chuẩn bị tham dự Thánh Lễ và cả làm quen với việc Chầu Thánh Thể. Riêng các em dưới 3 tuổi được các cô trong nhóm Emmanuel chăm sóc thật cẩn thận bằng kinh nghiệm của những người nuôi dạy trẻ để các em không đòi cha mẹ. Hoa quả của những hoạt động nơi những em thiếu nhi được thể hiện bằng vở kịch diễn lại câu chuyện Giáng Sinh trước giờ bắt đầu Thánh Lễ. Dù chỉ tập dợt trong một buổi nhưng các em đã diễn đạt thật tốt tạo nên những tràng pháo tay của các bậc cha mẹ sau từng lời thoại, từng điểm nhấn của vở kịch. Để đạt được kết quả đó và để tạo thuận lợi cho mọi hoạt động của Ngày Hội, 120 thiện nguyện viên nhóm Emmanuel đã tham gia phục vụ cho ngày hội bằng lòng nhiệt tình với sự chuẩn bị trước đó hơn hai tháng.

Vào lúc 04 giờ chiều, Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đã đến dâng Thánh lễ cầu nguyện cho các gia đình và nhân dịp này ban phép lành Toàn Xá Năm Thánh cho mọi người tham dự Thánh Lễ.

Trong lời nói đầu Lễ, Đức Hồng Y đã nói đến mầu nhiệm Giáng Sinh để đón mừng Chúa Giáng Thế làm người ở giữa chúng ta, chia sẻ phận người để mở ra cho mỗi người, mọi người con đường đi đến sự sống mới bình an, yêu thương hơn, hạnh phúc hơn. Ngài cũng mời gọi các cặp gia đình Tạ ơn Chúa đã ban cho món quà sự sống, và món quà gia đình để trở thành cái nôi vun tưới sự sống phát triển, trở thành mái ấm tình thương, thành mái trường đầu tiên giáo dục con cái thành người hữu ích cho xã hội.

Trong bài giảng Lễ, ngài cho hay nhờ vào niềm tin mãnh liệt, niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa mà Thánh Giuse và Mẹ Maria đã làm theo thánh ý Chúa để tạo điều kiện để Chúa làm người ở giữa chúng ta. Những bất đồng, bất hòa, ít nhiều xung đột trong gia đình có nguyên nhân sâu xa nhất là tính đối kháng trong mỗi người, vốn là hậu quả của tội nguyên tổ ở lại trong mỗi người làm cho gia đình không làm theo ý Chúa, ý Chúa ban cho gia đình trở thành cái nôi của sự sống cho mỗi người, cho nhân loại. Chúa nhập thể làm người để loan truyền Tin Mừng sự sống, con người hợp tác để xây dựng lối sống văn hóa sự sống, Chúa đến công bố luật yêu thương nên con người cần hợp tác để xây dựng văn minh tình thương cho gia đình, cho xã hội, cho đất nước. Chúa đến để mở con đường đi đến sự sống mới, đi đến tình thương mới, nếu mỗi gia đình đi trên con đường đó thì sẽ nhận được sự bình an mà Chúa Giáng Sinh mang đến cho mọi người.

Đa số các cặp gia đình được chọn đến với Ngày Hội nghĩ rằng gia đình mình hạnh phúc rồi nhưng hôm nay trong bầu khí học hỏi, chia sẻ, tĩnh tâm, các các gia đình mới có dịp quay về với sự thật, vì nhiều anh chị cho rằng do muốn gia đình mình không xảy ra xung đột nên nhường nhịn người vợ hoặc người chồng của mình. Sự nhường nhịn quá mức mà không phân tích vấn đề đến nơi đến chốn làm cho mỗi bên cứ nghĩ rằng mình không có lỗi trong sự việc xung đột nên không tha thứ thật lòng mà luôn giữ lại những ấm ứt trong lòng một ít. Sự tích lũy này lâu ngày sẽ trở nên nguy hiểm có thể gặm nhắm mỗi người, và một ngày nào đó sẽ như giọt nước tràn ly, bùng nổ làm đổ vỡ gia đình. Hôm nay đây, đến với bầu khí tĩnh tâm các gia đình mới có dịp nhận ra sự thật, sự khác biệt của nhau để bổ túc cho nhau và đi vào hành trình tha thứ thật lòng, hòa giải cho nhau trong sự hiện diện của Thiên Chúa, quay trở về với bản chất ban đầu của gia đình là yêu thương và hiệp nhất.

Sài Gòn, ngày 22 tháng 12 năm 2010,
 
Món Quà Giáng Sinh: Lãnh nhận để trao ban chính bản thân mình
Nguyễn Hoàng Thương
07:59 24/12/2010
Món Quà Giáng Sinh: Lãnh nhận để trao ban chính bản thân mình

Vào những ngày cuối năm, trong cái vội vã tất bật của còn có niềm vui chuẩn bị đoàn tụ gia đình, họp mặt thân hữu…và từ lâu lắm rồi, Giáng Sinh đã là ngày lễ chung của cả gia đình nhân loại vào dịp cuối năm. Cho dù tin hay không tin có một Thiên Chúa đã nhập thể làm người ở giữa loài người, cho dù tin hay không tin có một trẻ thơ đã chào đời trong cái xó xỉnh mạt hạng để trở nên Đấng Cứu Độ trần gian, thì ai ai cũng cứ hân hoan chào đón ngày lễ Giáng Sinh, chuẩn bị những cuộc vui thâu đêm bên gia đình, bạn hữu trong muôn vàn thanh âm nhộn nhịp, reo vui trong từng sắc màu rực rỡ của những món quà đậm đà ý nghĩa…

Sr. Thanh Nga
Nói đến Giáng Sinh là nói đến quà tặng, các món quà thì muôn hình vạn trạng, nhưng “Món Quà Giáng Sinh” ý nghĩa nhất là gì đối với gia đình nhân loại? Đây chính là đề tài mà Nữ tu Lê Thị Thanh Nga, Dòng Đức Bà, thành viên nhóm Phiên dịch Kinh thánh Các Giờ Kinh Phụng Vụ, đã chọn để thuyết trình tại Trung tâm Mục Vụ TGP. Sài Gòn chiều ngày thứ Bảy 18/12/2010.

Mùa Giáng Sinh là mùa của yêu thương, mùa của tặng quà, những món quà dù người nhận thích hay không thích cũng thể hiện tấm lòng của người tặng quà. Không phải chỉ Lễ Giáng Sinh người ta mới chuẩn bị quà, không phải người Công Giáo mới chuẩn bị quà mà người ta tặng quà trong nhiều dịp khác nhau. Có những món quà được chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng cũng có những món quà hết sức sơ sài. Có những món quà khiến người ta tò mò muốn sở hữu, cũng có món quà thì khó lòng đoán biết để mà thèm thuồng. Có những món quà khi nhận được người ta reo vui và cũng có những món quà người ta mở ra vội vàng để rồi chẳng buồn cất đi. Có những món quà của người nào đó khi mở ra thì những người xung quanh trầm trồ thầm ước mong “phải chi tôi cũng được món quà ấy”…

Có một món quà mà Sr. Thanh Nga đã không thể không tiếp nhận, không thể không mang đến chia sẻ với mọi người trong mùa Giáng Sinh năm nay. Đó là một món quà rất thâm trầm mà tất cả mọi người đã được lãnh nhận từ hơn hai mưa thế kỷ nay, nhưng người ta ít khi nào nghĩ đến, đó chính là món quà Ngôi Lời nhập thể mà Thiên Chúa đã trao tặng cho nhân loại.

Thiên Chúa đã chuẩn bị món quà dành cho nhân loại trong kế hoạch yêu thương của Người. Từ hàng ngàn năm trước, khi dân Israel lâm cảnh khốn đốn, mất niềm tin vào Thiên Chúa, thì chính lúc ấy, lời ngôn sứ Isaia vang lên, khẩn thiết kêu gọi mọi người đừng tin vào thế lực của con người vì là dân riêng của Thiên Chúa, một dân đã tuyên xưng chỉ tin vào một Thiên Chúa mà thôi. Thiên Chúa chuẩn bị cho dân này đón nhận món quà để họ ý thức được mình được Thiên Chúa cứu thoát qua lời ngôn sứ Isaia nói với toàn dân Israel: Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en (Is 7,14). Thiên Chúa sẽ ban cho một dấu riêng để bảo đảm sự tồn tại của Israel, khi ông Isaia báo cho dân này biết rằng ‘Thiên-Chúa-Ở-Cùng-Chúng-ta’, ông đã động viên toàn dân của mình: “Nghe đây, hỡi Israel… đừng sờn lòng, đừng sợ hãi, đừng hoảng hốt, đừng run khiếp…vì Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, là Đấng đi với anh em” (Đnl 20,3-4).

Thiên Chúa sẽ “chẳng bao giờ ruồng bỏ” dân của mình khi Ngôn sứ Giô-en viết: “Các ngươi sẽ biết rằng, giữa Israel có Ta hiện diện, Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa các ngươi, không có Chúa nào khác. Và dân Ta sẽ chẳng bao giờ xấu hổ nữa” (Giô-en 2,27)

Món quà thật lạ lùng tuyệt diệu mà ông Isaia đang loan báo cho dân Israel chính là dấu chỉ ‘Thiên Chúa Ở Cùng Chúng Ta’, thể hiện một Thiên Chúa đi với dân, ở giữa dân, chẳng bao giờ ruồng bỏ họ để họ luôn cảm nghiệm được một sức mạnh rất mạnh mẽ để kín múc. Ông Isaia nhấn mạnh tiếp về món quà mà dân Israel sẽ đón nhận: “…một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta. Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình. Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền hoà bình vô tận cho ngai vàng và vương quốc của vua Đa-vít. Người sẽ làm cho vương quốc được kiên cố vững bền trên nền tảng chính trực công minh, từ nay cho đến mãi muôn đời. Vì yêu thương nồng nhiệt, ĐỨC CHÚA các đạo binh sẽ thực hiện điều đó” (Is 9,5-6).

Món quà ‘Emmanuel’ sẽ “gánh vác quyền bính trên vai”, và được nhìn nhận là con Đấng Thánh, Đấng Tối cao và là vua dân Israel với các danh hiệu: Cố vấn kỳ diệu, Thần linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ lãnh hòa bình. Và “vì yêu thương nồng nhiệt”, Thiên Chúa mời gọi dân Israel đón nhận: “Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xi-on, hò vang dậy đi nào, nhà Ít-ra-en hỡi! Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy nức lòng phấn khởi. Án lệnh phạt ngươi, ĐỨC CHÚA đã rút lại, thù địch của ngươi, Người đã đẩy lùi xa. Đức Vua của Ít-ra-en đang ngự giữa ngươi, chính là ĐỨC CHÚA. Sẽ chẳng còn tai ương nào khiến ngươi phải sợ. Ngày ấy, người ta sẽ bảo Giê-ru-sa-lem: "Này Xi-on, đừng sợ, chớ kinh hãi rụng rời". ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi, Người là Vị cứu tinh, là Đấng anh hùng. Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ, sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới ngươi. Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng như trong ngày lễ hội” (Xp 3, 14-18).

Thiên Chúa đã chuẩn bị món quà cho dân Israel thật chu đáo để người người hân hoan lãnh nhận và chia sẻ. Và người đầu tiên đón nhận đón nhận món quà chính là Đức Maria, thiếu nữ Sion, thiếu nữ thành Giêrusalem, một trinh nữ bình thường như mọi thiếu nữ trong dân Israel thời bấy giờ. Khi nhìn ngắm những gương mẫu nhận món quà này chúng ta sẽ nhìn nhận lại cách mà mình nhận món quà từ Thiên Chúa như thế nào qua biến cố Truyền tin loan báo Chúa Giêsu nhập thể làm người (Lc 1, 26-38):

Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà: Theo Luca, Đức Maria là người được Thiên Chúa sủng ái, được đầy tràn ân sủng vì có Chúa ở cùng. Thiên Chúa đã trân trọng Đức Maria qua lời chào của Sứ thần Gabriel, nên tự trong bản chất lời chào đã là món quà cho Đức Maria. Sức mạnh của Thiên Chúa trong cái tên Gariel là món món quà tiếp nối để chuẩn bị cho Đức Maria đón nhận nội dung của món quà.

Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà. Cả câu thể hiện niềm xác tín của dân Israel xưa Thiên Chúa là Đấng sáng tạo, là Thần Khí tác sinh sự sống cho con người và nay đang tuôn đổ tràn trề trên Đức Maria, trao cho Đức Maria cưu mang mầm sống mới cho nhân loại. Quà tặng quyền năng làm cho Đức Maria trở nên ngôi nhà cho Thiên Chúa cư ngụ, trở nên Hòm Bia cho Giao Ước mới.

Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được: một bà Elisabeth già cả hiếm hoi được Thiên Chúa ban tặng cho một đứa con đã là điều khó hiểu, cho nên khi Đấng sáng tạo làm cho Trinh nữ Maria không chồng mà sinh con trẻ lại càng trở thành vấn nạn lớn cho nhân loại. Nhưng đó lại là “dấu chỉ” quyền năng Thiên Chúa, dấu chỉ mà Isaia đã loan tin “chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en” (Is 7,14).

Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói: Đức Maria đã đón nhận món quà của Thiên Chúa trong khiêm nhu khi lên tiếng xin vâng và nhận mình chỉ là nữ tỳ thấp hèn bằng sự tự do hoàn toàn trong phẩm giá con người. Đức Maria đã can đảm vâng phục theo kế hoạch Thiên Chúa là Đấng Tối Cao, Đấng Sáng Tạo dù phải trả giá bằng danh dự, bằng chính mạng sống mình, dù biết mình có thể sẽ phải chịu sỉ nhục, chịu ném đá tới chết.

Những người sống cùng thời với Đức Maria đón nhận quà tặng này như thế nào. Ngày Lễ Giáng Sinh ở đoạn Lc 2,1-20 cho ta thấy “những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật” đã đón nhận Tin Mừng trọng đại trong vội vã, hối hả lên đường, không chút do dự, để tìm kiếm Hài Nhi. Khi đã tìm gặp được dấu lạ, họ “ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ”.

Trong khi đó, Đức Maria tiếp tục suy đi gẫm lại trong lòng Món Quà Thiên Chúa đã trao ban. Tâm tình hoan ca ngợi khen Chúa trước mặt người chị họ khi đón nhận và cưu mang sự sống nay càng thấm sâu vào tận đáy lòng tĩnh lặng của Đức Maria. Thái độ đón nhận quà này được nối tiếp nơi chân thập giá, khi Đức Maria đứng nhìn thấy cái chết của con mình cũng chính là lúc tiếp tục đón nhận món quà sự sống mà Thiên Chúa muốn trao gởi cho cả nhân loại trong lời cuối cùng của Chúa Giêsu trên thập giá “Này là con bà”. Theo cách diễn tả của Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu đã “trút Thần Khí” nghĩa là chủ động trao sự sống, và Đức Maria tiếp tục lãnh nhận món quà sự sống mà Thiên Chúa ban cho nhân loại qua cái chết của Đức Giêsu.

Bên cạnh tất cả những người đã đón nhận món quà đặc biệt mà Thiên Chúa ban cho con người, các tác giả Tin Mừng cũng nhắc lại thái độ không đón nhận món quà trong nhân loại, nhất là trong dân Israel thời bấy giờ. Tin Mừng Ga 1,9-14 cho biết: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa. Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật”.

Có những người đã không nhận biết, không đón nhận hay chưa đón nhận món quà nhưng tác giả Tin Mừng vẫn khẳng định vinh quang tình yêu của Thiên Chúa, không có sức mạnh nào, thế lực nào có thể hủy diệt, để ai tin và đón nhận thì được sống trong tư cách là con Thiên Chúa. Món quà Giáng Sinh vẫn được tiếp nối từ Bêlem đến Samari qua câu chuyện Chúa Giêsu gặp người thiếu phụ Samari bên bờ giếng Giacóp ở Ga 4,3-26 để khẳng định rằng hễ ai tin thì được đón nhận Tin Mừng sự sống, hễ ai tin thì đón nhận quà tặng của Thiên Chúa.

Tin Mừng Giáng Sinh ở Bêlem diễn ra trong một đêm khuya, nhưng bừng sáng vì đó là tin vui trọng đại. Ở Samaria lại là câu chuyện lúc 12 giờ trưa, là giờ ánh sáng tràn đầy nhất của một ngày, giờ gặp gỡ của một thiếu nữ được xem là chẳng ra gì với Đức Giêsu là một người tầm thường thời bấy giờ. Người thiếu nữ đã chọn giờ thanh vắng đi kín nước để chỉ có một mình vì bà là người có nhiều chồng không ai tiếp xúc. Nhưng chính giờ thanh vắng lại là giờ của huy hoàng khi Chúa đụng chạm vào thâm sâu của lòng bà làm cho bà biến đổi tận căn. Khi người thiếu phụ ngạc nhiên biết được người đối diện cho hay “tôi cho nước mà không phải khát nữa, nước đó là sự sống đời đời” thì bà không cần kín nước nữa mà tức tốc chạy ngay trở về với làng xóm của mình và thuật lại hết tất cả những gì bà đã nghe, đã tiếp cận với Đức Giêsu để mọi người phải biết đến ông ấy.

Những người khác khi nghe bà kể lại đã tuốn đến mà xem, vì vậy, “khi đến gặp Người, dân Samari xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày”. Khi Đức Giêsu ở lại thì một tương quan đã được thiết lập, nơi đó, quà tặng đã được chuyển lưu và tiếp nhận. Tương quan này có được thông qua kinh nghiệm của người thiếu phụ được Chúa Giêsu đụng chạm đến và cảm nhận được chính Chúa Giêsu là lời hằng sống, là mạch nước làm cho bà ta sống đời đời. Dân làng không chỉ tin vì lời người phụ nữ kể mà còn tin vì “đã nghe và biết” chính Đức Giêsu: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian”, qua đó quà tặng đã được đón nhận.

Tất cả những biến cố từ Truyền Tin ở Bêlem đến câu chuyện bên bờ giếng ở Samaria tưởng chừng không thể xảy ra nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị để trao ban cho nhân loại bằng tất cả sự tôn trọng. Món quà Giêsu dành cho tất cả những người tin, dù là kẻ giàu hay người nghèo, Do-thái hay Hy-lạp, đàn ông hay đàn bà, người lớn hay kẻ nhỏ, cao trọng hay bần hèn, ở Bêlem hay Samari. Ơn Cứu Độ không thể thực hiện được nếu biến cố Bêlem chấm dứt, các tác giả Tin Mừng không ngừng kể lại các biến cố để Tin Mừng được rao truyền làm cho người ta mở lòng ra đón nhận quà tặng sự sống của Thiên Chúa và xác tín Đức Kitô là Đấng Cứu Độ, là Đấng giải thoát người ta khỏi vòng nô lệ và cho người ta sống tự do.

Ngày hôm nay chúng ta vẫn đang tiếp tục được đón nhận món quà đó, thời đại chúng ta khó mà tiếp nhận được món quà của đức tin vì người ta cần kiểm chứng, cần xác thực. Nhưng quà tặng Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ ở giữa chúng ta lại đòi buộc chúng ta phải để chính mình được Đấng trao tặng đụng chạm tới, để Thiên Chúa khơi lên lòng khát khao muốn đón nhận quà tặng này. Với lòng tin đón nhận, chúng ta biết được Thiên Chúa ở với chúng ta và làm cho chúng ta trở nên hình ảnh đích thực của Thiên Chúa. Chúa Cha đã gói ghém người Con của mình để trao cho chúng ta. Ngôi Lời đã mang lấy thân phận làm người và chính trong xác phàm, Ngài đã chấp nhận cái chết để trao lại cho chúng ta sự sống. Cha trao tặng Con, Con trao tặng chính bản thân xác phàm Đức Giêsu cho chúng ta. Chúng ta khám phá nơi bản thân mình, sự sống mình đang đón nhận chính là quà tặng quý báu Thiên Chúa đã ban cho chúng ta qua cái chết của Đức Giêsu. Qua Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta thấy Thiên Chúa đã trao tặng cho chúng ta quà tặng quý báu như thế nào về chính bản thân mình.

Cũng giống như Người Con đã được Cha trao tặng cho chúng ta, mỗi người trong chúng ta là những món quà để đem trao tặng. Chúng ta cần khám phá ra quà tặng nơi mình để gói ghém ân sủng này thành quà tặng cho những người khác, liệu chúng ta có dám làm điều đó không? Vượt qua hết tất cả những ồn ào tất bật bên ngoài, chúng ta cần có những giờ phút tĩnh lặng để nghiền ngẫm lại món quà là chính bản thân mình. Chúng ta cần gói ghém như thế nào để đem trao tặng cho người khác, để rồi trong món quà này, người khác lại khám phá ra có một Thiên Chúa ở cùng chúng ta, nghĩa là có một Đức Giêsu mặc lấy xác phàm và đã đụng chạm đến chúng ta để chúng ta được biến đổi. Biến đổi là được yêu thương, tình yêu thương đó cần được chia sẻ cho người khác, đó là những gì mà món quà đích thực mà Thiên Chúa trao ban cho nhân loại trong mùa Giáng Sinh.

Giáng Sinh 2010,

Nguyễn Hoàng Thương
 
Nam Úc - Mừng Chúa Giáng Sinh
Jos. Vĩnh SA
08:59 24/12/2010


Lúc 8 giờ 30’ tối thứ Sáu ngày 24/12/2010 ĐTGM Philip Wilson, TGM giáo phận Adelaide, Nam Úc đã đến Cộng Đồng Việt Nam dâng Thánh Lễ vọng Giáng Sinh. Cùng đồng tế có Đức ông Paul Minh Tâm quản nhiệm và Lm. GB. Nguyễn Viếy Huy Sj phó quản nhiệm Cộng Đồng.

Trước khi cử hành Thánh Lễ ĐTGM Wilson và Đức ông Minh Tâm cùng với đoàn đồng tế rước tượng Chúa Hài Đồng từ cuối hội trường tiến lên bàn thờ và sang nơi hang đá được thiết kế, bên cánh phải của hội trường, đặt Chúa trên máng cỏ trong hang đá, sau đó Ngài làm phép và xông hương hang đá nơi Chúa ngự.

Bài giảng trong Thánh Lễ ĐTGM đã chia sẻ lời Chúa qua bài Phúc Âm sau khi Thánh Giuse và Mẹ Maria nghe tin Hoàng Đế ra lệnh kiểm tra dân số, lúc đó Đức Mẹ đang mang thai sắp tới ngày sanh, thì phải di tản, trốn đi Belem, và Chúa đã mặc khải bản tính nhân loại sinh ra ra trong cảnh nghèo nàn của gia đình Thánh Gia.

Trước khi kết thúc Thánh Lễ Cộng Đồng đã lên tặng quà Giáng Sinh đến ĐTGM Philip Wilson và đoàn đồng tế.

ĐTGM cũng chúc mừng Giáng Sinh đến Cộng Đồng và cảm ơn CĐ đã tặng quà cho Ngài và bật mí cho biết, Ngài sẽ đi Việt Nam với cương vị Chủ tịch HĐGM Úc Châu, tham dự Đại Hội Bế Mạc Năm Thánh tại La Vang miền Trung ngày 04 tháng giêng, năm 2011 do HĐGM/VN mời. Ngài sẽ ôm trọn tình thương của Cộng Đồng VN tại Nam Úc dâng lên Đức Mẹ La Vang, xin Đức Mẹ bầu cử phù trì.

Sau Thánh Lễ mọi người cùng với ĐTGM ra ngoài sân hóng mát cánh buồn, uống cà phê, trò chuyện và chúc mừng Giáng Sinh đến với nhau.

Xem Hình Click Nơi Đây

Thánh Lễ đêm Giáng Sinh ước chừng có khoảng trên 2,000 người đến tham dự chật kín cả hội trường. Nhiều người đã phải đứng ở phía ngoài, hướng vào bên trong hiệp ý dâng Lễ.

Vòng quanh Hội Trường chúng tôi thấy có rất nhiều khuôn mặt lạ, có lẽ họ là những khách ở phương xa, hay từ các tiểu bang khác đến thăm thân nhân và chung hưởng không khí Noel tại Nam Úc.
 
Con đường giáng sinh Xã Đoài
Minh Vũ
09:47 24/12/2010
VINH - Đã 3 năm nay, bà con giáo dân Xã Đoài có phong trào dựng hang đã hai bên đường để mừng đón Giáng sinh. Trên đoạn đường chừng 3 km, tính từ Đại chủng viện Vinh – Thanh đi theo ngả ra thị trấn Quán hành, khách qua đường có thể tham quan gần hai chục hang đá với đủ loại kiến trúc, kết cấu vật liệu.

Điều đáng nói, đây không phải là những hang đá gia đình, nhưng là do sự chung tay của các nhóm, tổ cầu nguyện. Kẻ chút công, người đồng của, ai cũng có phần đóng góp của mình. Bốn năm triệu đồng cho một hang đá có thể là không lớn với nhiều người, và hang đá cũng không hoành tráng như chốn phố thị nhưng quan trọng là nhờ chuyện làm hang đá mà mọi người có dịp chia sẻ với nhau những niềm vui nho nhỏ, thông cảm cho nhau những “vụn vặt” của cuộc sống mưu sinh hằng ngày. Đáng kể hơn khi một số các hang đá này, còn có sự tự nguyện chung tay của anh em lương dân.

Khi bóng tối buông màn thì cả đoạn đường rực lên đủ những sắc màu phát ra từ ánh điện chớp, được giăng mắc, buông thõng trên các tán cây hay trên các hang đá “kỳ dị”. Bên trong các hang đá, các mục đầu đang nghiêm bái Giêsu Hài Đồng trong tiếng “thần nhạc” du dương. Và vì vậy, dù ngày đại lễ chưa đến, nhưng mỗi người đều đã có cho mình những niềm vui của mùa Giáng sinh. Chẳng những thế, con đường mà ngày thường vẫn đầy bụi bặm và hối hả của xe cộ qua lại thì giờ đây, có vẻ như hiền hòa, thân thiện hơn.

Có lẽ cũng không quá cường điệu nếu ai đó nghĩ rằng, đây cũng là một con đường dẫn vào đức tin. Trước hết, với những người làm hang đá, ai cũng muốn công trình của mình thật nổi bật, bắt mắt, có lẽ cũng nhờ chút mong muốn rất người ấy, họ đã mang hương vị Giáng sinh đi vào cuộc sống của mình một cách rất tự nhiên. Sự hứng khởi của anh chị em lương dân, dù có thể chỉ là muốn được có thêm niềm vui, nhưng cũng vì thế mà mùa Noel cũng trở thành một phần trong đời sống tinh thần của họ. Khách qua đường hẳn cũng không đến nỗi quá thờ ơ, mà không ghi lại cho mình những hình ảnh bắt mắt, và dù chỉ một đoạn đường, nhưng không khí ấy cũng đủ lưu luyến cho họ một vài niềm vui, để mỗi khi mùa Noel đến gần, họ có chút đợi chờ.
 
Giáo phận Lạng Sơn rộn ràng không khí chuẩn bị mừng đón Chúa Giáng Sinh
Giuse Trần ngọc Huấn
10:00 24/12/2010
LẠNG SƠN – Chúa đã gần đến! Khắp các vùng miền trong giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng, không khí Giáng sinh đã trở nên rộn ràng và đầy niềm vui. Từ nhà thờ Chính Tòa cho tới nhà thờ các giáo xứ, mọi thành phần Dân Chúa cùng nhau góp công sức của mình để trang hoàng nhà thờ, làm các hang đá nhỏ, tập tành các chương trình văn nghệ… tất cả cho một Đêm Giáng Sinh và Mùa Giáng Sinh chan hòa an bình, niềm vui và ơn thánh.

Xem hình ảnh

Những ngày này, khi tới các nhà thờ giáo xứ trong giáo phận, dù ở thành thị hay những nơi rừng núi biên giới xa xôi nhất, mọi người đều cảm nhận một không khí Giáng Sinh thật rộn ràng. Mọi thành phần, từ các cụ già, đến các em nhỏ, tùy khả năng của mình đều hồ hởi cộng tác vào công việc chung của giáo xứ chuẩn bị cho ngày Giáng Sinh.

Không chỉ chuyên tâm trang hoàng nhà thờ, nhà nguyện hay ngõ xóm, khu phố, các giáo xứ trong Giáo phận còn đẩy mạnh các hoạt động truyền giáo, thăm viếng, động viên và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Đây thực sự là một nét đẹp nơi miền đất truyền giáo, để mọi người cùng đón một mùa Noel trong ấm áp và an lành.

Đức cha Giuse vui mừng cho biết: “Năm nay, một điều đặc biệt đối với Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng là tất cả các nhà thờ, các giáo điểm trong giáo phận đều cử hành Thánh lễ Giáng Sinh, kể cả các nơi xa xôi nhất như Hà Giang, Ngả Hai…”.
________

TÒA GIÁM MỤC GIÁO PHẬN LẠNG SƠN – CAO BẰNG
Số 04 Văn Miếu – Phường Chi Lăng – Thành phố Lạng Sơn, Việt Nam
Đt: 025.3810367 Fax: 025.3810632 Email: tgmls2010@gmail.com; Website: www.giaophanlangson.org


THƯ MỤC VỤ NHÂN DỊP GIÁNG SINH 2010
CỦA ĐỨC GIÁM MỤC GIÁO PHẬN LẠNG SƠN


Lạng sơn, ngày 24 tháng 12 năm 2010

Kính gửi: quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ, quý Chủng sinh,
quý Ông bà anh chị em rất thân mến.

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14). Lời sứ thần loan báo cho các mục đồng về Tin Mừng Ngôi Lời Nhập thể cũng chính là lời mà chúng ta cùng chào nhau, để cùng loan báo cho nhau Tin Mừng Cứu Độ của Chúa trong hành trình sống niềm tin về tình yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại và toàn thể vũ trụ.

Giáo hội Công giáo Việt-nam đang sống những ngày cuối của Năm Thánh 2010 với những kỷ niệm đặc biệt của lịch sử Giáo hội Công giáo Việt-nam: kỷ niệm 350 năm thiết lập hai địa phận tông tòa đầu tiên và 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam trong tâm tình Tạ Ơn, sám hối, cùng nhau canh tân đời sống và xây dựng Giáo Hội theo đúng thánh ý Thiên Chúa.

*Hội Thánh của Chúa Kitô nhập thể và nhập thế:

Trong Sứ điệp của Đại Hội Dân Chúa đã viết:“Trong hơn 4 thế kỷ hiện diện tại Việt Nam, Hội Thánh đã góp phần không nhỏ vào đời sống và sự phát triển của đất nước. Chính những người công giáo đầu tiên đã tạo ra chữ quốc ngữ mà mọi người Việt Nam hiện đang sử dụng. Các trường công giáo đã đào tạo biết bao nhân tài cho đất nước. Cũng chính người công giáo đã đem những giá trị nhân văn thấm vào đời sống xã hội như tôn trọng sự sống và phẩm giá con người, sự bình đẳng, tình bác ái, tinh thần phục vụ, hi sinh”.(Số 4)

Mầu nhiệm Nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa đã biểu lộ một tình yêu đến tận cùng của Thiên Chúa đối với nhân loại chúng ta. Mầu nhiệm Nhập thể và Nhập thế của Chúa Giêsu mời gọi con cái của Chúa trong cuộc sống cũng biểu lộ giá trị đức tin bằng cuộc sống yêu thương và phục vụ làm nên dấu chỉ được sai đến với cộng đồng nhân loại để sống và trình bày giá trị tình yêu thương tuyệt hảo đó.

Với giáo phận truyền giáo Lạng sơn, còn hơn 2 năm nữa đến ngày kỷ niệm 100 năm thành lập Phủ doãn Tông Tòa Lạng Sơn-Cao Bằng (30 tháng 12 năm 1913). Đây chính là thời điểm để chúng ta cùng nhìn lại hành trình Nhập thể và Nhập thế của Chúa Giêsu Kitô qua Hội Thánh của Ngài tại giáo phận truyền giáo này. Lịch sử của Giáo phận đã ghi lại những hành trình truyền giáo và sống giá trị đức tin trải qua những thăng trầm của lịch sử Giáo hội Công giáo tại đây, chính sự thăng trầm của lịch sử giáo phận mà chúng ta càng cảm nhận rõ nét hơn về tình yêu của Ngôi Lời Nhập thể trong hang đá đơn hèn xưa kia tại Belem. Chính tình yêu thương đến cùng của Thiên Chúa qua Ngôi Lời Nhập Thể, mà Giáo hội Chúa Giêsu luôn hiện diện đồng hành với miền đất biên giới phía bắc này.

* Xây dựng Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng như một gia đình:

Từ Sứ điệp của Đại Hội Dân Chúa:“Hội Thánh tại Việt Nam còn phải canh tân chính mình qua nỗ lực xây dựng Hội Thánh như một gia đình, trong đó mọi người hiệp thông với nhau như anh chị em một nhà, bình đẳng với nhau trên nền tảng ơn gọi làm người và làm con Chúa, chia sẻ cùng một sứ mạng và trách nhiệm dù được thể hiện trong những bậc sống và nhiệm vụ khác nhau. Sự hiệp thông này vừa là đòi hỏi vừa là lời chứng cần thiết mà Hội Thánh phải bày tỏ trước mặt mọi người như Chúa Giêsu đã thiết tha cầu nguyện:“Xin cho họ nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong Chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con”

Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng với con số giáo dân thật khiêm tốn và trải dài trên miền đất rộng lớn, nên càng được mời gọi sống tinh thần Gia đình của Chúa nơi mọi thành phần Dân Chúa: từ Giám mục, linh mục, nam nữ tu sĩ, chủng sinh và toàn thể giáo dân. Sự hiệp nhất trong tình gia đình giáo phận, giáo xứ, dòng tu, gia đình như lời mời gọi của Chúa Giêsu sẽ làm nên sức mạnh và cùng trình bày giá trị đích thực của tình yêu Thiên Chúa trong hành trình sống đạo của Giáo phận chúng ta.

Nhìn lại Năm Thánh 2010 của Giáo phận, tuy là một giáo phận truyền giáo bé nhỏ, vừa ít giáo dân vừa thiếu nhân sự, nên chúng ta chưa thể tổ chức những hoạt động hội thảo riêng mỗi giới, hay những chương trình lớn cho Năm Thánh. Tuy nhiên, lời kinh nguyện Năm Thánh mỗi ngày vang lên tại các nhà thờ đã để lại cho mỗi tâm hồn lắng đọng cầu khẩn cùng Chúa; sự tin mến trong tâm tình Tạ Ơn Chúa vì biết bao Ơn lành Thiên Chúa đã ban cho Giáo hội Việt-nam và Giáo phận chúng ta. Cùng biết ơn các vị tiền nhân và các Đấng bậc đã góp phần cho sự hình thành và phát triển giáo phận. Hiểu biết lịch sử để cùng sám hối, và cố gắng canh tân bản thân để xây dựng Giáo phận. Năm Thánh 2010 của Giáo hội Công giáo Việt-Nam đã giúp chúng ta thêm hiểu biết, hiệp nhất, yêu thương đón nhận Ơn Thánh và sống tinh thần gia đình của Chúa nơi gia đình Giáo phận Lạng sơn.

* Hướng tới ngày Bế mạc Năm Thánh 2010

Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Công Giáo Việt-nam sẽ kết thúc với chương trình Bế Mạc kết hợp Đại Hội Hành Hương Đức Mẹ La Vang lần thứ 29 tại Thánh địa La Vang (Tổng Giáo phận Huế) vào các ngày 4-5-6 tháng 1 năm 2011.

Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng sẽ BẾ MẠC NĂM THÁNH 2010 của Giáo hội Công giáo Việt-nam cấp Giáo phận vào ngày đầu năm Dương Lịch 2011, hồi 9h30 sáng thứ Bẩy 01 tháng 01 năm 2011, lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa tại Nhà Thờ Chính tòa của Giáo phận chúng ta.

Ngày lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa mời gọi chúng ta tôn kính, với tâm tình yêu mến Đức Trinh Nữ Maria. Với chức vị là Mẹ Thiên Chúa Nhập Thể, Mẹ luôn hiểu những tâm tình của con cái Mẹ trong hành trình trần thế. Nhân ngày đầu năm Dương lịch, chúng ta cùng dâng một Năm Mới lên Đức Maria Mẹ Thiên Chúa lời cầu khẩn thiết tha, xin Mẹ luôn cầu bầu cùng Thiên Chúa cho giáo phận chúng ta ngày càng yêu thương, hiệp nhất, thể hiện đức tin và loan báo Tin Mừng trong cuộc sống với ơn gọi của mỗi người.

Xin kính chúc quý Cha, quý Tu sĩ Nam nữ, quý Chủng sinh, quý Ông Bà Anh Chị em ngày Đại Lễ Giáng Sinh sốt sáng, Mùa Giáng Sinh 2010 an lành, và Năm Mới 2011 tràn đầy Ơn sủng của Chúa Giêsu Hài Đồng, luôn Hạnh phúc, Niềm vui và An bình.

Thân ái,
+ Giuse Đặng Đức Ngân
Giám mục giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng
 
Giáo xứ Nhân Hòa nhận món Quà Giáng Sinh
LM Phêrô Trần Phúc Chính
10:05 24/12/2010
VINH - Năm Thánh kỷ niệm hai giáo phận Đàng trong và Đàng ngoài 350 tuổi và hàng Giáo phẩm Việt Nam 50 tuổi đang đi vào những ngày cuối. Đáp lại lời kêu gọi của Đại hội dân chúa từ ngày 21 đến 25 năm 2010, Giáo xứ Nhân Hòa dù “phận nhỏ” cũng chung sức chung lòng với mọi người thiện hảo xây đắp nền văn minh tình thương ít nữa là trên quê hương Nhân Hòa.

Đầu tháng 10 năm 2010, cơn bão số 3 một lần nữa thử sức nhân ái của Giáo xứ Nhân Hòa. Khắc phục chưa xong, nạn lụt lịch sử miền trung lại ập tới khủng bố.

Đấng “Emmanuel”-“Thiên Chúa ở cùng chúng ta” đã thúc bách lòng bác ái dấy lên trong nhiều tâm hồn. Xứ Nhân Hòa càng thấy rõ tình cộng đồng nhân loại dưới ánh sángTin Mừng đang như ngọn hải đăng không rú còi inh ỏi mà im lìm chiếu sáng giữa đêm tối cuồng phong bão tố để dẫn đưa tàu thuyền cập bến an toàn. Giáo xứ Nhân Hòa đã ba lần chuyển quà cứu trợ khẩn cấp của giáo phận và của ân nhân trong và ngoài nước đến tận tay các người bị nạn, cụ thể như sự cứu trợ của Trung tâm mục vụ của Dòng CSSR Việt Nam, của bà Maria Đinh Hồng… Giáo xứ cũng nhận 174 triệu VND hỗ trợ giống vụ mùa 2011. Và sắp tới vào ngày 7/1/2011 Dòng anh em hèn mọn Việt Nam sẽ trợ giúp lương thực để hỗ trợ việc cày cấy vụ mùa.

Đáp lại lòng quảng đại của ân nhân, Giáo xứ Nhân Hòa phát động phong trào làm sạch đẹp môi trường trên toàn xứ, khai thông cống rãnh thoát nước… Về tinh thần, phát huy “lá rách ít đùm lá rách nhiều” để chứng tá cho Tin Mừng trong hoạn nạn rủi ro. Đây cũng là tâm tình xuyên suốt Mùa vọng 2010 để có quà dâng lên Chúa Hài Đồng với quyết tâm sau năm thánh mỗi người Nhân Hòa mỗi ngày phải làm được một việc bác ái cho người mình gặp gỡ về tinh thần hoặc vật chất vì Phúc Âm.

Cũng như Đại hội dân chúa đã khẳng định, xứ Nhân Hòa đang “thao thức canh tân” hy vọng tiến tới một giáo xứ “tràn đầy tình thương công lý và bình an”.
 
Giáng Sinh đã về trên giáo họ Đông Vinh Đà Nẵng
Duy Trà Phạm cảnh Đáng
10:29 24/12/2010
Đà Nẵng – Mùa Giáng Sinh 2010 - “Bao mùa Giáng Sinh đã qua đi, nhưng có lẽ năm nay Giáng Sinh mới thật sự về trên Giáo họ Đông Vinh của chúng tôi, vì đây là lần đầu tiên Giáo họ chúng tôi có Cha sở, có Cha là có Chúa ”, đó là những lời tâm sự vừa mộc mạc, chân chất, vừa vui mừng hạnh phúc của một giáo dân Đông Vinh.

Xem hình ảnh

Chúng tôi đến Giáo họ Đông Vinh vào một ngày cận kề đại lễ Giáng Sinh ( 20-12-2010 ), nhưng chỉ thấy một cái cổng chào với cây rừng lá núi, một tấm bảng “Noel” được treo trên cành cây và một căn nhà nguyện vách tôn, bé nhỏ, tạm bợ, âm thầm… khác biệt ngàn lần với khung cảnh Noel rực rỡ, lộng lẫy, sang trọng đang diễn ra ở TP Đà Nẵng.

Nhưng có điều, niềm hân hoan, sung sướng đang hiện rõ trên nét mặt của từng giáo dân; bầu khí vui mừng đang tràn ngập trong cộng đồng Giáo họ. Đội trống dân tộc, mà họ vừa mới học được với anh em Ninh Bình, tuy chưa nhuần nhuyễn, nhưng âm vang rộn rã, tự tin, phấn khích đang vang dội cả núi rừng, để chào đớn ĐGM, quý Linh mục, quý khách mời đến dự bữa tiệc mừng Giáng Sinh đầu tiên của Giáo họ.

Giáo họ Đông Vinh cách TP Đà Nẵng gần 40km về phía tây. Đông Vinh thuộc thôn Hòa Thọ, xã Hòa Phú huyện Hòa Vang, Đà Nẵng, giáp ranh với 2 huyện Đông Giang, Tây Giang của Quảng Nam. Giáo họ Đông Vinh đã có từ rất xa xưa, do một số giáo dân, trốn tránh bách hại, lên trú ẩn nơi thâm sâu cùng cốc này. Trong thời kỳ chiến tranh Việt – Pháp, nhà thờ đã bị phá hủy, giáo dân phải ly tán khắp nơi để tránh bom đạn. Sau khi đất nước hòa bình, giáo dân Đông Vinh mới lần hồi quay về quê Cha đất Tổ là ăn sinh sống, và họ cũng đã góp công góp sức xây dựng lại một ngôi nhà nguyện bé nhỏ, tạm bợ, để có nơi sớm tối đọc kinh cầu nguyện với nhau. Thời trước giáo dân Đông Vinh phải xuống tận Giáo xứ Lệ Sơn để dự lễ Chúa nhật, lễ trọng. Sau này khi có Giáo xứ Thạch Nham thì Đông Vinh trở thành một Giáo họ của Thạch Nham.

Đầu tháng 9 năm 2010 vừa qua, ĐGM Đà Nẵng đã bổ nhiệm Linh mục Jos.M. Đỗ Xuân Hướng, phó xứ Thạch Nham, về làm quản nhiệm ( chuẩn Cha sở ) tiên khởi Giáo họ Đông Vinh.Vì vậy đây là lễ Giáng Sinh đầu tiên của Giáo họ Đông Vinh có Cha tân quản nhiệm. Đông Vinh là một Giáo họ tuy xa xôi, hẻo lánh, nghèo nàn, không có bất cứ một cơ sở vật chất nào, không nhà thờ, không nhà xứ, không nơi sinh hoạt … giáo dân lại quá khó nghèo, cuộc sống nương rẫy, trồng trọt, chăn nuôi… cũng chỉ đủ sống qua ngày. Tuy nhiên Giáo họ Đông Vinh là một Giáo họ đầy hứa hẹn. Hiện Đông Vinh có trên 400 giáo dân. Bên cạnh đó Đông Vinh còn có 2 Giáo họ anh em di dân ở Đông Giang và Tây Giang, gần khoảng 5,6 trăm giáo dân, mà hầu hết là giáo dân ở Ninh Bình vào tìm kế sinh nhai lập nghiệp.

Khi bắt tay từ giã Cha tân quản nhiệm, tôi đã nói với Ngài: Một vài người thân của Cha không vui khi thấy Cha được bổ nhiệm vè nơi khổ cực trăm bề này, nhưng riêng tôi rất cảm phục và kính trọng Cha, vì Cha đã chon cho mình “ phần tốt nhất” đó là sụ tự nguyện của một bậc chân tu. Con tin rằng Chúa sẽ cho Cha, qua sự giúp đỡ của mọi tấm lòng, một Đông Vinh - rất Đông đảo và Vinh phúc.
 
Phóng Sự Giáng Sinh tại Perth, Tây Úc Đại Lợi
Đồng Văn Vượng
11:22 24/12/2010
  • Phóng Sự Giáng Sinh tại Perth đêm 24/12/2010
  • Lời Chúc Giáng Sinh của Linh Mục Nhạc Sĩ Nguyễn Mộng Huỳnh Quản Nhiệm Cộng Đoàn
  • Lời Chúc Giáng Sinh của ông Lê Minh chủ tịch Ban Thường Vụ Cộng Đoàn
  • Lời Chúc Giáng Sinh của nữ tu Minh Du dòng Đa Minh Rosa Lima thay mặt các nữ tu đang du học tại Perth
  • Lời Chúc Giáng Sinh của thầy Sáu Đỗ Huy Nhật Quỳnh
  • Lời Chúc Giáng Sinh của ông bà Nguyễn Văn Hưng
 
Diễn Nguyện và Thánh lễ Vọng mừng Chúa Giáng Sinh tại Nhà Thờ Chính Tòa Lạng Sơn
Giuse trần ngọc Huấn
18:24 24/12/2010
LẠNG SƠN – Giữa tiết trời Đông se lạnh vùng sơn cước biên giới, buổi tối ngày 24 tháng 12, dòng người đông đảo vẫn tuốn về Nhà Thờ Chính Tòa và khuôn viên Tòa Giám mục giáo phận Lạng Sơn, để chia sẻ niềm vui và cùng nhau chào đón một biến cố trọng đại trong lịch sử nhân loại: Con Thiên Chúa Nhập Thể làm người.

Xem hình Diễn Nguyện và Lễ Vọng Giáng Sinh

Từ nhiều năm qua, tại Lạng Sơn – Cao Bằng, ngày lễ Giáng Sinh đã trở nên một ngày hội lớn, không chỉ đối với anh chị em Công giáo hay Tin Lành, nhưng còn có ý nghĩa đối với mọi người không chung niềm tin vào Đức Kitô. Nơi miền đất biên giới xa xôi, vẫn luôn ánh lên những ngọn nến lung linh, những ánh đèn lan tỏa khắp không gian vốn hiu quạnh và vắng lặng. Trong đêm Chúa Giáng Sinh, mọi người quy tụ về các nhà thờ, đặc biệt là nhà thờ Chính tòa của giáo phận, để cùng nhau gặp gỡ và vui đêm Noel hồng phúc. Không phân biệt tôn giáo, chính kiến hay quan điểm, nhưng giờ đây mọi người gặp gỡ nhau trong niềm vui của đêm Giáng Sinh, niềm vui của đêm an bình và hạnh phúc.

Niềm vui hân hoan được Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám mục Lạng Sơn Cao Bằng, diễn tả ngay trong những dòng thư mục vụ Chúc Giáng Sinh của ngài gửi mọi thành phần Dân Chúa trong giáo phận: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14). Lời sứ thần loan báo cho các mục đồng về Tin Mừng Ngôi Lời Nhập thể cũng chính là lời mà chúng ta cùng chào nhau, để cùng loan báo cho nhau Tin Mừng Cứu Độ của Chúa trong hành trình sống niềm tin về tình yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại và toàn thể vũ trụ”.

Chương trình Canh Thức và Diễn Nguyện mừng Chúa Giáng Sinh tại nhà thờ Chính Tòa được bắt đầu vào lúc 20h15 tối. Trong nhà thờ, ngoài hành lang và khắp khuôn viên chật kín mọi người tham dự. Sự tương giao giữa lương – giáo trong tình huynh đệ và hiệp nhất được thể hiện thật sống động nơi vùng đất truyền giáo. Mọi người quy tụ bên nhau, ngồi lại với nhau bên hang đá nhỏ xinh để chiêm ngắm Hài Nhi mới hạ sinh, để cùng nhau dõi lại dòng lịch sử Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa, khởi đi từ việc tạo thành vũ trụ tới biến cố Ngôi Lời Nhập Thể.

Các bạn thiếu nhi và giới trẻ trong giáo xứ Chính Tòa, đã cùng nhau thể hiện chương trình Diễn nguyện đầy tâm tình và sốt sắng. Những bài Thánh ca, những Lời Kinh Thánh, những giai điệu ca kịch hay diễn xuất,… tất cả làm nên một hành trình của lịch sử Ơn Cứu Độ mà Thiên Chúa ban xuống trên con người, mà đỉnh cao là biến cố Nhập Thể. Mọi người hiện diện cùng nhau sống lại hoàn cảnh lịch sử cứu độ, đó là cả một chương trình vĩ đại của tình yêu mà Thiên Chúa Cha muốn loan báo cho toàn thể nhân loại qua người con yêu dấu của Ngài là Đức Giêsu Kitô. Tất cả được mời gọi lắng nghe, mở rộng tâm hồn, cho chương trình cứu độ của Chúa Giêsu Kitô sớm được thực hiện trong tâm hồn mỗi người, và qua mỗi người mà chương trình của Thiên Chúa cũng đến với toàn thể nhân loại.

Sau chương trình Diễn nguyện kéo dài khoảng gần 1 giờ đồng hồ, cộng đoàn hiện diện có những giờ phút thinh lặng để hồi tâm, để cảm nghiệm lại ơn Chúa trong hành trình cuộc đời mình. Sau đó, mọi người lắng nghe Thư Mục Vụ và chúc mừng Giáng Sinh của Đức Giám mục Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng. Đó là những lời tâm tình, những cảm nghiệm sẻ chia và những chỉ dẫn của vị mục tử thật sâu sắc.

Vào lúc 22h00, Đức cha Giuse đã long trọng cử hành Thánh lễ Vọng mừng Chúa Giáng Sinh tại nhà thờ Chính Tòa của giáo phận. Cùng đồng tế với ngài có cha Giuse Lương Văn Long (Cssr). Đông đảo mọi thành phần Dân Chúa và cả anh chị em lương dân đã ngồi chật kín nhà thờ và hành lang xung quanh để tham dự Thánh lễ đặc biệt này.

Đề tài về mầu nhiệm Ơn Thánh trong Đêm Chúa Giáng Sinh, về hành trình Thiên Chúa đến với con người và ở với con người,… đã được Đức cha Giuse chia sẻ thật ý nghĩa trong bài giảng của ngài. Ngài đã quảng diễn về những mầu nhiệm trong biến cố Nhập Thể và trong niềm tin của người Công Giáo vào Đức Kitô cũng như ơn cứu độ của Người.

Trời đất giao hòa. Ngôi lời đã làm người, và ở giữa chúng ta, để rồi Người sẽ đi hết hành trình cuộc sống trần thế của Người, và mang theo tất cả những niềm vui, nỗi buồn và những âu lo trăn trở của một con người giới hạn như chúng ta, để cảm thông với chúng ta, và nhất là để trở nên nguồn Bình An cho chúng ta.

Từ Bê-lem nhỏ bé thuở nào, nay đã trở nên vô cùng to lớn, vì chính nơi đây, Mầu Nhiệm Cứu Chuộc đã khởi công, một Giao Ước mới đã được ký kết giữa dân Thiên Chúa và loài người, mà chính Ngôi Hai Thiên Chúa lại là Đấng Trung Gian duy nhất để chuyển thông, để tiếp nhận thân phận yếu hèn của con người, và cuối cùng đưa con người về với Thiên Chúa là Cha yêu thương trong hạnh phúc viên mãn.

Thánh lễ kết thúc sau lời chào thăm và lời cầu chúc Giáng Sinh an lành – Năm Mới hạnh phúc, mà Đức cha Giuse gửi tới mọi thành phần Dân Chúa cũng như anh chị em lương dân, cùng với Phép lành trọng thể trong Đêm Thánh mừng Chúa Giáng Sinh.
 
CĐCGVN TGP Sydney mừng Đại Lễ Giáng Sinh
Diệp Hải Dung
18:30 24/12/2010
SYDNEY - Tối thứ Sáu 24/12/2010 thời tiết Sydney bổng dưng thay đổi, nhiệt độ xuống thấp trời trở nên hơi lạnh, khác hẳn với mọi năm trời nóng bức. Tại công viên Paul Keating Park Bankstown có khoảng trên 7000 người kể cả những người không Công Giáo đến tham dự Đại Lễ Vọng Giáng Sinh do Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo Phận Sydney tổ chức.

Xem hình ảnh

7 giờ Thánh Ca Mừng Giáng Sinh do Cha Paul Văn Chi điều hợp cùng với 3 Liên Đoàn Trẻ Liên Ca Đoàn Lê Bảo Tịnh, Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Nữ Vương Hòa Bình và Liên Đoàn Thanh Niên Công Giáo Sydney trình diễn với Ban Nhạc Trẻ LBT Melody.

Qua những tiết mục Đơn Ca, Song Ca, Tốp Ca và những Vũ điệu Thiên Thần với các nhạc phẩm bất hủ Đêm Nay Noel Về, Lời Con Xin Chúa, O Come All Ye Faithful, Tiếng Hát Thiên Thần, Bài Thánh Ca Buồn, Niềm Tin, Jingel Bells v..v.. tất cả mọi người cùng thắp sáng ngọn nến trong tay giơ cao hát mừng Chúa Giáng Sinh. Hàng ngàn ngọn nến giơ cao hòa trong tiếng hát ngân vang tạo bầu khí linh thiêng và phấn khởi trong đêm Giáng Sinh.

Ngoài ra còn có thêm tiết mục tiếng Trống Giáng Sinh do Ban Trống Diên Hồng trình diễn rất đặc sắc và linh động. Sau khi chấm dứt chương trình Hát Mừng Giáng Sinh.

Cha Paul Văn Chi ngỏ lời cám ơn 3 Liên Đoàn Trẻ đã đóng góp giúp cho chương trình văn nghệ Thánh Ca Giáng Sinh rất đặc sắc và tất cả mọi người cùng tham dự Thánh lễ Vọng Giáng Sinh với nghi thức rước Chúa Hài Nhi từ cuối công viên lên Hang Đá trên Lễ đài, mọi người cùng với Ca đoàn Ngôi Ba Giáo Đoàn Mt. Pritchard đồng hát lên bài Trời cao hãy đổ sương xuống và Hang Belem...để chúc tụng mừng kính Thiên Chúa giáng trần. Đoàn rước rất long trọng với Thánh Giá nến cao, Thừa Tác Viên Thánh Thể, Thiên Thần, Mục Đồng, Ba Vua, Đức Mẹ bồng Chúa Hài Nhi, Thánh Cả Giuse và quý Cha với phẩm phục màu Vàng.

Sau đó Cha Tuyên úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn xông hương hang đá và ngỏ lời chúc mừng Giáng Sinh đến tất cả mọi người. Thánh lễ cử hành gồm quý Cha Tuyên úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn, Cha Paul Văn Chi, Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Nguyễn Thái Hoạch, Cha Đặng Đình Nên, Cha Nguyễn Ngọc Thế, Cha Lai Thuy Minh Tâm và Cha Trần Hưng Quốc

Trước khi kết thúc Thánh lễ ông Giang Văn Hoan Chủ tịch CĐCGVN TGP Sydney lên ngỏ lời chúc mừng Giáng Sinh, quý Cha, quý Tu Sĩ Nam Nữ, và tất cả mọi người.

Sau đó Cha Tuyên uý Trưởng ngỏ lời chúc mừng Giáng Sinh đến tất cả mọi người an lành trong ơn Thiên Chúa. Đặc biệt Cha cám ơn các vị thành viên trong Hội Đồng Mục Vụ TGP Sydney các Hội đoàn, Đoàn thể đã đóng góp xây dựng Cộng Đồng được phát triển và Cha cũng cám ơn các thiện nguyện viên đã âm thầm đóng góp giúp giữ gìn trật tự cho buổi Lễ được hoàn mỹ tốt đẹp trong đêm mừng Chúa Giáng Sinh. Sau cùng Cha cũng cám ơn Ca Đoàn Ngôi Ba Mt. Pritchard hát rất hay tạo cho Thánh lễ thêm phần sốt sắng và đó Thánh lễ kết thúc với màn bắn Pháo Bông mừng Chúa Giáng Sinh rất ngoạn mục.
 
Giáo xứ Phú Bình Sàigòn với Đêm thánh của an bình và yêu thương
Martin Lê Hoàng Vũ
21:05 24/12/2010
SAIGÒN - Giáng sinh đã về trên khắp hành tinh. Lễ Giáng sinh của Kitô giáo từ lâu đã trở thành thành một ngày lễ hội tươi vui của tất cả mọi người, và của cả những người không phải là Công Giáo. Trong bầu khí rộn ràng của ngày đại lễ Giáng sinh, Hôm nay, thứ sáu, ngày 24.12.2010, tại giáo xứ Phú Bình, hạt Phú Thọ, thuộc TGP. Sài gòn đã có một Đêm mừng Chúa Giáng sinh qua buổi canh thức bằng hoạt cảnh và thánh lễ trọng thể.

Xem hình ảnh

Từ chiều tối hôm nay, trên con đường Lạc Long Quân rẽ vào nhà thờ Phú Bình trở nên nhộn nhịp đông đúc khác thường, bởi có thật nhiều cùng người đi dạo phố, ngắm cảnh quan, ngắm đèn sao, chụp hình với cây thông hang đá và các trang trí xung quanh khuôn viên nhà thờ, và khung cảnh cũng đông vui hơn khi có những hàng quán ăn uống tụ tập.

Khoảng 21g, trong nhà thờ đã có một hoạt cảnh mừng Chúa Giáng sinh. Hoạt cảnh trình bày những nét chính của lịch sử ơn cứu độ, gồm các phân đoạn:

-Thiên Chúa tạo dựng muôn loài muôn vật,và Thiên Chúa tạo dựng con người là hình ảnh Ngài
-A đam và Eva sa ngã, con người sống trong khổ đau và bệnh tật. Đó là hậu quả của việc con người bất tuân phục Thiên Chúa.
- Từ nghìn năm trước Dân Chúa mong đợi Đấng Messia.
- Thiên Thần truyền tin cho Đức Maria, Chúa Giêsu giáng sinh.

Có lẽ phần ấn tượng nhất của đêm canh thức diễn nguyện là side show của các anh chị Huynh Trưởng- GLV gởi đến cộng đoàn qua màn chiếu.Side show nói về hậu quả của việc ông bả nguyên tổ bất tuân phục Thiên Chúa. Cho nên, con người phải sống trong đau khổ, bệnh tật, hận thù, chia rẽ, thiên tai, lũ lụt và trong những cuộc chiến tranh tương tàn, nạn khủng bố bắn giết con người cách vô tội vạ. Vì tội lỗi đã đi vào trong thế giới, đã phá đi sự hài hòa lúc ban đầu trong tương quan giữa con người với nhau và giữa con người với thiên nhiên. Phần trình chiếu cũng nói về thực trạng phá thai, nạn bạo lực gia đình, nạn ly hôn tràn lan và cuối cùng đặt câu hỏi: Chúng ta phải làm gì ?

Kết thúc hoạt cảnh là phân đoạn Trẻ Thơ Giêsu, Con Thiên Chúa chào đời, trong gia đình có cha mẹ là Thánh Giuse và Đức Maria, đã bị chủ quán trọ xua đuổi, nên Chúa Giêsu đã được sinh hạ nơi đồng vắng. Trong Đêm Giáng sinh đầu tiên ấy, các thiên thần đã ca hát nhảy mừng để loan báo một Tin Mừng cho muôn dân.: Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta.

Thánh lễ Đêm Giáng sinh của giáo xứ Phú Bình được cử hành nơi Tượng đài Đức Mẹ, trong khuôn viên nhà thờ. Sau phần diễn nguyện, tượng Chúa Hài Đồng được rước ra ngọn đồi dưới chân tượng đài Đức Mẹ. Đoàn rước có các các em thiếu nhi trong các bộ trang phục theo nhân vật của hoạt cảnh, kế đến là các vị thừa tác viên trao Mình Thánh,ban Lễ sinh và cha chủ tế.

Thánh lễ diễn tiến theo các bài đọc của Phụng vụ lễ đêm Giáng sinh, Sau phần công bố Tin Mừng Giáng sinh, Thầy phó tế chia sẻ với cộng đoàn tham dự thánh lễ. Đại ý bài chia sẻ nói về Chúa Giêsu hôm nay giáng sinh, Ngài là Ánh Sáng cho trần gian. Và đời sống con người là những ngày tháng mòn mỏi đi tìm ý nghĩa của đời sống, sống để làm gì, và sau cuộc sống này chúng ta sẽ đi về đâu. Chúa Giêsu không mang lại cho chúng ta tiền bạc,danh vọng, chức quyền. Chúa Giêsu cũng không phải là một nhà hoạt động chính trị xã hội, nhưng Ngài mang đến cho chúng ta tình yêu thương, sụ chia sẻ và tình liên đới, Ngài đã sinh ra làm người để dạy cho chúng ta sống làm người thật ý nghĩa. Chúng ta hãy mở rộng vòng tay để đón lấy Chúa Giêsu vào trong đời sống của mình, hãy sống cho những những giá trị tinh thần, những giá trị tâm linh, sống để yêu thương và để phục vụ.

Phần Phụng vụ Thánh Thể diễn ra như thường lệ trong các thánh lễ.Trước khi kết thúc thánh lễ, cha chánh xứ Phú Bình cám ơn tất cả mọi người trong những ngày qua đã nhiệt tình làm việc và đóng góp cho việc tổ chức mừng lễ Giáng sinh được thành công tốt đẹp và cha cũng không quên chúc mừng Giáng sinh 2010 và Năm mới 2011 cho cộng đoàn hiện diện, cho các cấp chính quyền, luôn được an bình yêu thương.

Thánh lễ kết thúc vào khoảng 23g30 phút, sau thánh lễ rất đông các bạn trẻ còn nán lại trong khuôn viên nhà thờ để chụp những tấm hình kỷ niệm của Mùa Giáng Sinh năm 2010.
 
Nhạc Giáng Sinh (sáng tác mới): Giọt Lệ Mùa Đông
Hà Đăng Đàm
22:00 24/12/2010
Nhạc Giáng Sinh: Giọt Lệ Mùa Đông

Nhạc: Hà Đăng Đàm