Ngày 18-04-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa Giêsu Mục Tử nhân lành
Lm. Thái Nguyên
00:21 18/04/2024


MỤC TỬ NHÂN LÀNH
Chúa Nhật 4 Phục Sinh : Ga 10, 11-18

Suy niệm

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa được gọi là Mục Tử của dân Ítraen, vì dân được tuyển chọn và là dân du mục trên hành trình về Đất Hứa. Trong cuộc hành trình này, Thiên Chúa hướng dẫn, bảo vệ và nuôi dưỡng Dân Người. Mục tử và đoàn chiên trong Kinh Thánh là một hình ảnh nói lên một tương quan gần gũi, thân thiết, sống chết cho nhau, chứ không phải là một tương quan bày đàn mang tính sở hữu của người chủ. Từ đó, hình ảnh người mục tử được áp dụng cho những kẻ Thiên Chúa ủy nhiệm, để thi hành vai trò lãnh đạo dân Người, như Môsê, Đavít, các vua, các tư tế cũng như các thủ lãnh.

Tuy nhiên sau này, kinh nghiệm của Ítraen về các nhà lãnh đạo là một kinh nghiệm đáng buồn, vì gặp những mục tử vô trách nhiệm. Qua các ngôn sứ, Thiên Chúa đã khiển trách họ bằng những lời lẽ nặng nề, vì họ đã không chăm sóc, nuôi dưỡng mà còn bóc lột đoàn chiên,“thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc”, làm cho chúng tán loạn và biến thành mồi ngon cho thú dữ. (Ed 34,2-5). Trước tình cảnh đó, Thiên Chúa hứa sẽ gửi đến cho dân Người một mục tử chân chính, để điều khiển họ trong sự công chính và bình an (x. Ed 34; Gr 23,1-6).

Đức Giêsu đã đến và tự giới thiệu: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho chiên”. Như vậy lời Thiên Chúa hứa đã được hiện thực, vượt quá sự chờ đợi của con người, vì Ngài đến không chỉ cho dân Ítraen, mà còn cho toàn thể nhân loại. Cái chết của Đức Giêsu trên thập giá là cái chết cho mọi người và vì mọi người, như lời Ngài đã phán: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10,16).

Tiếp nối Đức Giêsu, Hội thánh đã sinh sản ra nhiều mục tử tốt lành. Tuy nhiên, vẫn không thiếu những linh mục và tu sĩ sống ích kỷ và tị hiềm nhỏ mọn; không thiếu những tranh chấp quyền hành và địa vị; không thiếu những người sống ù lì, hưởng thụ, mà còn chạy theo tiền bạc, đam mê, danh vọng... Có một số khá hơn thì lại rơi vào tình trạng “linh mục công chức”, làm việc theo khung giờ và cứng nhắc theo thủ tục, chứ không làm với trái tim. Đó là chưa nói tới Giáo Hội Việt Nam, không thiếu những linh mục sống như “ông vua con”, chễm chệ trong dinh cơ của mình, không còn khả năng “đi ra” để chăm sóc đoàn chiên.

Tại sao lại có những tình trạng như thế? Nói theo ngôn ngữ của cha Teilhard de Chardin, thì lửa tình yêu trong trái tim các ngài quá yếu, không đủ nóng và đủ mạnh để sưởi ấm cho đời. Ngày nay có nhiều người trẻ không muốn đi tu, có thể vì họ thấy nơi một số các linh mục và tu sĩ có một kiểu sống khô khan vị kỷ, không quảng đại và vui tươi hồn nhiên, không sống tình bạn hữu thân thương trong đời thường. Chỉ khi họ gặp được linh mục hay tu sĩ nào phản chiếu được sự rạng rỡ của tình yêu, tức khắc chạm đến trái tim họ, để lại một ấn tượng khó phai mờ, và nhờ đó gây nên một chuyển biến trong đời sống của họ.

Việc cầu nguyện cho ơn thiên triệu mời gọi tất cả mọi thành phần của Giáo Hội nhìn lại đời sống mình, để khám phá ra những bóng tối đang che mờ ánh sáng, những chai lì khô cứng đang làm nguội dần ngọn lửa mà Chúa đã thắp lên trong mình, cả những ươn lười và ham hố bên ngoài như những tảng băng làm tắt dần sức nóng... Cứ phải tạo lại cho mình nỗi khát khao sự sống mới; cứ phải nhóm lại ngọn lửa yêu thương trong lòng mình bằng đời sống kết hiệp với Chúa và phục vụ tha nhân mỗi ngày. Nhờ vậy, sự hiện diện của ta trở nên một dấu chỉ tốt lành, để hướng mọi người đến việc phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân.

Cũng với ý nghĩa trên mà Ngày Thế giới Cầu nguyện cho các Ơn gọi lần thứ 61 này (21/4/2024) Đức Phanxicô mời gọi mọi người hãy gieo rắc niềm hy vọng và xây dựng hòa bình: “Chúng ta hãy thức dậy khỏi giấc ngủ, ra khỏi sự thờ ơ, mở những cánh cửa nhà tù mà đôi khi chúng ta tự nhốt mình lại, để mỗi người chúng ta có thể khám phá ra ơn gọi của mình trong Giáo hội và trong thế giới, để trở thành người hành hương hy vọng và là người kiến tạo hòa bình! Chúng ta hãy say mê sự sống và dấn thân vào việc chăm sóc yêu thương những người xung quanh chúng ta và môi trường chúng ta đang sống”.

Với lời kêu gọi trên, sứ điệp năm nay không chỉ nhằm ơn gọi linh mục và tu sĩ, nhưng là của tất cả các ơn gọi, các bậc sống trong Giáo hội, bao gồm cả ơn gọi hôn nhân gia đình. Vì thế, Đức Thánh Cha cho thấy: “Ngày Thế giới Cầu nguyện cho các Ơn gọi mang dấu ấn của tính hiệp hành: có nhiều đặc sủng và chúng ta được mời gọi lắng nghe nhau và cùng nhau bước đi để khám phá chúng và để phân định điều gì Chúa Thánh Thần kêu gọi chúng ta vì lợi ích của tất cả mọi người”.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu Mục Tử nhân lành,
Chúa dẫn con đến đồng xanh suối mát,
đem bình an hạnh phúc cho xác hồn,
chẳng bao giờ chúng con sợ thiếu thốn,
nếu chúng con luôn nghe lời Chúa dạy,
và bước đi trên con đường Chúa dẫn.

Lạy Chúa Giêsu Mục Tử nhân lành,
Chúa đã hy sinh đời mình vì nhân thế,
không như kẻ chăn thuê chỉ yên bề,
không như bao đấng ngồi chễm chệ,
trên ngai tòa để cứu độ sinh linh.

Chúa đã chết cho con đời sống mới,
từ hôm nay và mãi tới muôn đời,
xin cho đoàn chúng con trong mọi lúc,
biết nhận ra ân phúc của đời mình,
để luôn sống trong ân tình của Chúa.

Trong kế hoạch yêu thương và cứu độ,
Chúa vẫn chọn một số trong chúng con,
để nên như mục tử giữa gian trần,
đại diện Chúa để phục vụ tha nhân.

Xin cho các bạn trẻ biết mở lòng,
nghe được tiếng Chúa đang vang vọng,
biết đáp lại tình Chúa vẫn khát mong,
đừng ham mê danh lợi ở đời này,
cũng chỉ là những ảo ảnh cuồng say,
như gió thoảng như mây bay phút chốc.

Xin cho con được một đời như Chúa,
biết hiến thân để phục vụ tha nhân,
biết hướng đến những người đang khốn khó,
biết chăm lo cho kẻ bị bỏ rơi,
để tình Chúa sáng lên trong cuộc đời,
chính là niềm vinh phúc mãi không ngơi. Amen
 
Ngày 19/04: Bí Tích Thánh Thể - Bữa Tiệc Độc Nhất Vô Nhị – Nữ Tu Têrêsa Phùng Thị Yến
Giáo Hội Năm Châu
01:50 18/04/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Khi ấy, người Do-thái tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” Đức Giê-su nói với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.”

Đó là những điều Đức Giê-su đã nói khi giảng dạy trong hội đường, ở Ca-phác-na-um.

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:58 18/04/2024

21. Thiên Chúa nói, chính là thực thi ân sủng.

(Thánh Bernard)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:01 18/04/2024
33. GÁNH NGỰA MÀ CHẠY

Quan công cưỡi con ngựa Xích Thố một ngày có thể chạy ngàn dặm, Chu Thương giúp ông ta gánh cây thanh long đao chạy theo, một ngày cũng chạy được một ngàn dặm.

Quan công thấy Chu Thương đã già mà đi bộ như thế thì trong lòng thật là áy náy, bèn muốn mua một con ngựa để ông ta cưỡi, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì cũng chỉ mua được con ngựa một ngày chỉ chạy được chín trăm dặm mà thôi.

Quan công cảm thấy cưỡi con ngựa này so với đi bộ thì mạnh hơn chút xíu. Ai dè, một con chạy một ngày được một ngàn dặm và một con thì chỉ chạy được chín trăm dặm, một ngày thua một trăm dặm, hai ngày thua hai trăm dặm.

Chu Thương cảm thấy cưỡi ngựa thì không thể theo kịp Quan công, bèn dứt khoát lấy dây thừng cột chặt móng ngựa lại, dùng đại đao nâng dậy và gánh đi cho kịp.

(Tiếu lâm)

Suy tư 33:

Theo lẽ thường thì con người không thể nào chạy nhanh như con ngựa, nhưng nếu con người có quyết tâm và chuyên cần luyện tập chạy bộ thì một lúc nào đó cũng có thể chạy thật nhanh như ngựa, cũng như đã có người ăn khỏe như...voi.

Con ngựa thì cũng giống như các phương tiện khoa học thời nay giúp cho con người làm được rất nhiều điều có ích, như: máy vi tính, truyền hình, video, điện thoại di động.v.v... đều là những phát minh rất gần gủi và cần thiết cho con người, nhờ đó mà con người có thể bước những bước dài hơn và cao hơn trong cuộc sống hàng ngày...

Dù có ngựa để giúp đỡ, nhưng không làm cho mình đạt chỉ tiêu thì cũng vô ích, thà không có ngựa thì hơn. Cũng vậy, mọi phương tiện khoa học là để giúp cho con người đến gần Thiên Chúa hơn, nhưng nếu càng có phương tiện mà càng xa Thiên Chúa thì không ích lợi gì cho linh hồn mình cả, thà không có nó thì hơn...

Không có ngựa mà đi kịp ngựa thì tốt hơn là có ngựa mà đi không kịp ngựa, đó là bí quyết tu đức của các vị thánh vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Có lối thoát nào ra khỏi bẫy Israel-Palestine không?
Vũ Văn An
14:27 18/04/2024

Yuval Noah Harari, sử gia, triết gia và tác giả người Do Thái, nổi tiếng trong những năm gần đây trong giới học thuật, ngày 16 tháng 3 năm 2024 viết trên tờ Financial Times (https://www.ft.com/content/459c1bad-a121-42da-8685-d639d6ca4073) rằng cả hai bên (Israel và Palestine) đều đúng khi sợ bị hủy diệt, nhưng thay đổi không hẳn là chuyện không làm được.



Thực vậy, theo ông, cuộc xung đột giữa Israel và Palestine được thúc đẩy bởi nỗi kinh hoàng về sự hủy diệt lẫn nhau. Mỗi bên lo sợ bên kia muốn giết hoặc trục xuất mình và chấm dứt sự tồn tại của mình như một tập thể quốc gia. Thật không may, đây không phải là những nỗi sợ hãi phi lý sinh ra từ chứng hoang tưởng, mà là những nỗi sợ hãi hợp lý dựa trên những ký ức lịch sử gần đây và sự phân tích tương đối đúng đắn về ý định của phía bên kia.

Sự kiện hình thành nên bản sắc Palestine hiện đại là sự kiện Nakba năm 1948, khi nhà nước non trẻ Israel phá hủy cơ hội thành lập một nhà nước Palestine và đuổi khoảng 750,000 người Palestine ra khỏi quê hương tổ tiên của họ. Trong những thập niên tiếp theo, người Palestine liên tục trải qua các vụ thảm sát và trục xuất dưới bàn tay của người Israel và các cường quốc khác trong khu vực. Ví dụ, vào năm 1982, khoảng 800 đến 3,000 người đã bị tàn sát trong các trại tị nạn Sabra và Shatila bởi lực lượng dân quân Thiên chúa giáo Lebanon, liên minh với Israel, và vào năm 1991, khoảng 300,000 người đã bị trục xuất khỏi Kuwait.

Nỗi sợ hãi của người Palestine về việc bị giết hoặc phải di tản không chỉ là kết quả của những ký ức lịch sử như vậy. Đó là một trải nghiệm đồng hành cùng mọi khoảnh khắc trong cuộc sống của họ. Mỗi người Palestine ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của người Palestine đều biết rằng một ngày nào đó họ có thể bị những người định cư hoặc lực lượng an ninh Israel giết chết, bỏ tù hoặc đuổi khỏi vùng đất của mình.

Khi người Palestine phân tích ý định của người Israel, họ kết luận rằng nếu không có cộng đồng quốc tế, khả năng cao là Israel sẽ chọn trục xuất hầu hết hoặc toàn bộ họ khỏi vùng đất nằm giữa sông Jordan và Địa Trung Hải và thành lập một quốc gia chỉ để phục vụ Người Do Thái. Trong những năm qua, nhiều chính trị gia và đảng phái của Israel - bao gồm cả đảng Likud của Benjamin Netanyahu - đã bày tỏ hy vọng tạo ra "Israel vĩ đại hơn", với việc người Palestine bị tước quyền sở hữu, bị trục xuất hoặc bị giảm xuống tình trạng nông nô. Ngay cả ở đỉnh cao của tiến trình hòa bình Oslo vào những năm 1990, Israel vẫn tỏ ra hoài nghi trước triển vọng về một nhà nước Palestine có thể tồn tại được. Thay vào đó, họ tiếp tục mở rộng các khu định cư của mình ở West Bank, thể hiện mong muốn lâu dài của mình là tước đoạt mọi phần đất của người Palestine.

Cuộc chiến hiện nay đã khẳng định nỗi lo sợ sâu xa nhất của người Palestine. Sau cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7 tháng 10 năm 2023, những lời kêu gọi tiêu diệt hoàn toàn Dải Gaza cũng như giết hại hàng loạt và trục xuất họ đã trở thành thông lệ trên các phương tiện truyền thông Israel và trong một số thành viên trong liên minh cầm quyền của Israel. Vào ngày 7 tháng 10, Phó Chủ tịch Quốc hội, Nissim Vaturi, đã tweet “Bây giờ tất cả chúng ta đều có một mục tiêu chung - xóa bỏ Dải Gaza khỏi bề mặt trái đất.” Vào ngày 1 tháng 11, Bộ trưởng di sản Israel, Amichai Eliyahu, đã đăng “Phía Bắc Dải Gaza, đẹp hơn bao giờ hết. Mọi thứ đều bị lật tung và san phẳng, đơn giản là mang lại cảm giác thích thú cho đôi mắt.” Và vào ngày 11 tháng 11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Israel, Avi Dichter, nói rằng “chúng ta hiện đang thực sự triển khai Gaza Nakba”.

Nếu không có sự phản kháng của Ai Cập và áp lực quốc tế, không phải là không có lý khi tin rằng Israel đã cố gắng đẩy người dân Palestine ở Dải Gaza vào sa mạc Sinai. Theo các quan chức y tế Palestine, lực lượng Israel cho đến nay đã giết chết hơn 31,000 người, bao gồm cả các chiến binh nhưng phần lớn là dân thường, và đã buộc hơn 85% dân số của Dải Gaza - gần 2 triệu người - phải rời khỏi nhà cửa của họ.

Người Israel mang trong mình những tổn thương lịch sử của riêng họ. Sự kiện hình thành bản sắc Do Thái và Israel hiện đại là Holocaust, khi Đức Quốc xã tiêu diệt khoảng 6 triệu người Do Thái và xóa sổ hầu hết các cộng đồng Do Thái ở Châu Âu. Sau đó vào năm 1948, người Palestine và các đồng minh Ả Rập của họ đã thực hiện một nỗ lực phối hợp nhằm tiêu diệt nhà nước non trẻ Israel và giết hại hoặc trục xuất tất cả cư dân Do Thái ở đó. Sau thất bại của họ và những thất bại tiếp theo của người Ả Rập trong các cuộc chiến tranh năm 1956 và 1967, các nước Ả Rập đã trả thù bằng cách tiêu diệt các cộng đồng Do Thái không có khả năng tự vệ của chính họ. Khoảng 800,000 người Do Thái đã bị đuổi khỏi quê hương của tổ tiên họ ở các quốc gia như Ai Cập, Iraq, Syria, Yemen và Libya. Ít nhất một nửa số người Do Thái ở Israel là hậu duệ của những người tị nạn Trung Đông này.

Nỗi lo sợ bị giết và trục xuất của người Do Thái không chỉ là kết quả của những ký ức lịch sử như vậy. Chúng cũng là những trải nghiệm sống tạo nên một phần thói quen hàng ngày của người Israel. Mỗi người Israel đều biết rằng cá nhân họ có thể bị sát hại hoặc bắt cóc bất cứ ngày nào bởi những kẻ khủng bố Palestine hoặc Hồi giáo, dù ở nhà của họ hay khi đi du lịch bất cứ nơi nào trên thế giới.

Khi người Israel phân tích ý định của người Palestine, họ kết luận rằng nếu có cơ hội, người Palestine có thể sẽ giết hoặc trục xuất 7 triệu người Do Thái hiện đang sống giữa sông Jordan và Địa Trung Hải. Các nhà lãnh đạo Palestine và các đồng minh của họ từ Tehran đến New York đã nhiều lần lập luận rằng sự hiện diện của người Do Thái ở vùng đất giữa sông và biển là một sự bất công thuộc địa mà sớm muộn gì cũng phải được “làm cho đúng”.

Mong muốn của Israel nhằm loại bỏ mối đe dọa hiện sinh của người Palestine đặt ra mối đe dọa hiện sinh đối với người Palestine và ngược lại.

Một số người có thể lập luận rằng “sửa chữa sự bất công” không có nghĩa là giết hoặc trục xuất tất cả người Do Thái ở Israel, mà là thành lập một nhà nước Palestine dân chủ, trong đó người Do Thái sẽ được chào đón như những công dân. Tuy nhiên, người Israel thấy điều này cực kỳ khó tin, đặc biệt vì không có bất cứ nền dân chủ Ả Rập lâu dài nào và số phận của cộng đồng Do Thái ở các quốc gia như Ai Cập và Iraq.

Người Do Thái đến bờ sông Nile và Euphrates ít nhất 1,000 năm trước khi người Ả Rập chinh phục Ai Cập và Iraq vào thế kỷ thứ 7 CN. Không ai có thể tranh luận rằng các cộng đồng Do Thái ở Cairo hay Baghdad là nơi cấy ghép của chủ nghĩa thực dân gần đây. Tuy nhiên, sau năm 1948, những cộng đồng này đã hoàn toàn bị xóa sổ. Hầu như không còn ai ở bất cứ quốc gia Ả Rập nào, ngoài 2,000 người Do Thái ở Maroc và 1,000 người Do Thái ở Tunisia. Xem xét lịch sử bạo lực gần đây của người Do Thái và người Ả Rập, có cơ sở nào để tin rằng các cộng đồng Do Thái sẽ có thể tồn tại dưới sự cai trị của người Palestine không?

Cuộc chiến hiện tại đã khẳng định nỗi lo sợ sâu xa nhất của người Israel. Sau khi Israel rút khỏi Dải Gaza, Hamas và các chiến binh khác đã biến nơi đây thành căn cứ vũ trang để tấn công Israel. Vào ngày 7 tháng 10, những kẻ khủng bố Hamas đã giết hại, hãm hiếp và bắt giữ làm con tin hơn 1,000 thường dân Israel. Toàn bộ cộng đồng đã bị phá hủy một cách có hệ thống và hàng trăm nghìn người Israel phải rời bỏ nhà cửa. Nếu bất cứ người Do Thái nào nuôi hy vọng rằng họ có thể sống ở một nhà nước Palestine, thì những gì đã xảy ra với các ngôi làng Do Thái như Be'eri và Kfar Aza cũng như những người tham dự lễ hội âm nhạc Nova đã chứng minh rằng các cộng đồng Do Thái không thể sống còn dưới sự cai trị của người Palestine dù chỉ một ngày.

Phản ứng trước vụ thảm sát trong thế giới Hồi giáo và những nơi khác đã khiến Israel lo sợ bị hủy diệt. Ngay cả trước khi Israel bắt đầu ném bom và xâm lược Gaza, nhiều tiếng nói đã biện minh và thậm chí ca ngợi việc sát hại và bắt cóc thường dân Israel như một bước tiến tới việc giải quyết những bất công lịch sử. Mỗi khi người biểu tình ở London hay New York hô vang “Từ sông ra biển, Palestine sẽ được tự do”, người Israel lại kết luận rằng “họ thực sự muốn tiêu diệt chúng tôi”. Tất nhiên, bản thân Hamas thiếu khả năng quân sự để đánh bại và tiêu diệt Israel. Nhưng cuộc chiến đã chứng minh rằng một liên minh gồm các lực lượng hùng mạnh trong khu vực ủng hộ nó, bao gồm Hizbollah, Houthis và Iran, đặt ra mối đe dọa hiện sinh đối với Israel.

Sẽ là sai lầm nếu đánh đồng hoàn cảnh của người Israel và người Palestine. Họ có lịch sử khác nhau, sống trong những điều kiện khác nhau và đối đầu với những mối đe dọa khác nhau. Quan điểm mà bài viết này đưa ra chỉ là cả hai đều có lý do chính đáng để tin rằng phía bên kia muốn giết hoặc trục xuất tất cả họ. Do đó, họ coi nhau không chỉ là những kẻ thù tầm thường mà còn là một mối đe dọa hiện sinh liên tục lơ lửng trên đầu. Không có gì đáng ngạc nhiên khi cả hai bên đều muốn loại bỏ điều này. Tuy nhiên, mong muốn của Israel nhằm loại bỏ mối đe dọa hiện sinh của người Palestine lại đặt ra mối đe dọa hiện sinh đối với người Palestine - và ngược lại. Có vẻ như cách duy nhất để loại bỏ hoàn toàn nó là loại bỏ phía bên kia.

Bi kịch của cuộc xung đột này là vấn đề nảy sinh không phải từ sự hoang tưởng vô căn cứ, mà từ sự phân tích đúng đắn về tình huống, và từ mỗi bên chỉ biết quá rõ những ý định và tưởng tượng của mình. Khi người Israel và người Palestine nhìn kỹ vào những mong muốn đen tối của chính họ, họ kết luận rằng người kia có đủ lý do để sợ hãi và ghét bỏ họ. Đó là một luận lý quỷ quái. Mỗi bên đều tự nhủ: “Với những gì chúng ta muốn làm với họ, việc họ muốn loại bỏ chúng ta là điều hợp lý - đó chính là lý do tại sao chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc loại bỏ chúng trước tiên”.

Có cách nào thoát khỏi cái bẫy này không? Lý tưởng nhất là mỗi bên nên từ bỏ ảo tưởng loại bỏ đối phương. Một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột là khả hữu về mặt kỹ thuật. Có đủ đất giữa Jordan và Địa Trung Hải để xây nhà, trường học, đường sá và bệnh viện cho mọi người. Nhưng điều đó chỉ có thể thực hiện được nếu mỗi bên có thể thành thật nói rằng, ngay cả khi có quyền lực vô hạn và không có hạn chế nào, họ cũng sẽ không muốn trục xuất bên kia. “Bất kể họ đã gây ra những bất công nào đối với chúng tôi và những mối đe dọa mà họ vẫn đặt ra, chúng tôi vẫn tôn trọng quyền được sống một cuộc sống xứng đáng ở đất nước nơi họ sinh ra”. Một sự thay đổi sâu xa về ý định như vậy chắc chắn sẽ được thể hiện bằng hành động, và cuối cùng sẽ xoa dịu nỗi sợ hãi và hận thù, tạo ra không gian cho hòa bình đích thực.

Chúng ta khó có thể kiểm soát được ý định của người khác, nhưng chúng ta có thể thay đổi suy nghĩ của chính mình.

Tất nhiên, thực hiện được sự thay đổi như vậy là vô cùng khó khăn. Nhưng nó không bất khả. Đã có rất nhiều cá nhân ở cả hai bên mong muốn những điều tốt đẹp cho bên kia. Nếu số lượng của họ tăng lên thì cuối cùng chính sách tập thể sẽ phải thay đổi. Ngoài ra còn có một nhóm quan trọng trong khu vực mà cả tập thể cảm thấy mình là một phần của cả hai bên và không muốn thấy bên nào biến mất: gần 2 triệu công dân Ả Rập của Israel, những người thường được gọi là người Israel gốc Ả Rập hoặc người Israel gốc Palestine.

Khi Hamas phát động cuộc tấn công, họ hy vọng những người Israel gốc Palestine này sẽ nổi dậy chống lại các láng giềng Do Thái của họ. Nhiều người Do Thái lo sợ rằng điều này thực sự sắp xảy ra. Trên thực tế, vào ngày xảy ra vụ thảm sát, nhiều công dân Ả Rập đã đổ xô đến giúp đỡ những người hàng xóm Do Thái của họ. Một số thậm chí còn bị Hamas sát hại vì làm như vậy. Ví dụ, Abed al-Rahman Alnasarah của Kuseife bị sát hại khi cố gắng giải cứu những người sống sót khỏi lễ hội Nova, và Awad Darawshe của Iksal bị giết khi đang chăm sóc những nạn nhân bị thương.

Kể từ đó, mỗi ngày, bất chấp sự thù địch từ nhiều người Do Thái, bao gồm cả các bộ trưởng chính phủ, người Israel gốc Ả Rập vẫn tiếp tục phục vụ trong các tổ chức của Israel từ bệnh viện đến văn phòng chính phủ. Hai chính trị gia Palestine-Israel nổi bật nhất là Ayman Odeh của đảng Hadash và Mansour Abbas của đảng Hồi giáo United Arab List, đã lên án gay gắt vụ thảm sát và kêu gọi tất cả các bên hạ vũ khí và tìm kiếm hòa bình. Người Do Thái bây giờ nên biết rằng người Israel gốc Ả Rập không mơ tưởng đến ngày cuối cùng họ có thể giết hoặc trục xuất tất cả người Do Thái sống giữa Jordan và Địa Trung Hải.

Cho dù phần còn lại trong chúng ta có khó khăn đến mức nào để thay đổi ý định của mình thì tin tốt là: đây là điều mà mỗi bên - thậm chí là mỗi người - đều có khả năng tự mình đạt được. Chúng ta khó có thể kiểm soát được ý định của người khác, nhưng chúng ta có thể thay đổi suy nghĩ của chính mình. Ngay cả những độc giả không phải là người Israel hay người Palestine cũng có thể suy gẫm liệu họ có cầu mong điều tốt đẹp cho cả hai bên hay không, hay liệu họ có ấp ủ hy vọng rằng một trong những nhóm này sẽ đơn giản biến mất khỏi bề mặt Trái đất hay không.
 
‘Chủ nghĩa duy quốc gia Kitô giáo’ và ‘Chuyện Công Giáo’
Vũ Văn An
14:50 18/04/2024

David G Bonagura, Jr.(*) trên The Catholic Thing, ngày 15 tháng 4, 2024 có bài viết về “chủ nghĩa duy quốc gia Kitô giáo”.

Theo ông, “chủ nghĩa duy quốc gia Kitô giáo” đã nhanh chóng trở thành một thuật ngữ được yêu thích của phe cánh tả văn hóa. Ý nghĩa chính xác của nó, như nhiều người đã lưu ý, là cố ý mơ hồ nên nó có thể bôi nhọ càng nhiều Kitô hữu có đức tin càng tốt với những ý định độc hại. Định nghĩa sâu rộng nhất, đã làm rung chuyển Internet trước khi bị rút lại một chút, tuyên bố rằng những người theo chủ nghĩa duy quốc gia Kitô giáo là những người “tin vào quyền của chúng ta trong tư cách người Mỹ và trong tư cách tất cả đều là con người không phát xuất từ bất cứ chính quyền trần thế nào. Chúng không phát xuất từ Quốc hội, từ Tòa án Tối cao, chúng phát xuất từ Thiên Chúa.”

Nghĩa là, những người theo chủ nghĩa duy quốc gia Kitô giáo có tội khi tin vào sự thật trong Tuyên ngôn Độc lập của đất nước chúng ta (“con người đã được Đấng Tạo hóa ban tặng”), một bản văn không phải là một tài liệu của Kitô giáo hay chủ nghĩa duy quốc gia.

Cách mô tả ngớ ngẩn như vậy bộc lộ nỗi sợ hãi dường như hoang tưởng rằng Kitô giáo có thể một lần nữa trở thành lực lượng công chúng định hình luật pháp và phong tục. Theo lời của một người viết quan điểm lâu năm tại một tờ báo được cho là có trách nhiệm, việc khôi phục lại cách thức hoạt động của nước Mỹ trước đây sẽ mở đầu cho “mối nguy hiểm của tương lai thần quyền mà đất nước đang phải đối diện”.

Nói một cách bình tĩnh hơn, “chủ nghĩa duy quốc gia Kitô giáo” liên quan đến vai trò của Kitô giáo trong đời sống công cộng, văn hóa và luật pháp Hoa Kỳ. Những người than thở về nó không quan tâm đến những lời tuyên bố của Kitô giáo về Thiên Chúa Ba Ngôi, Sự ra đời bởi Trinh nữ hay Sự Phục sinh. Họ coi thường những giáo lý đạo đức Kitô giáo phản đối tín ngưỡng của họ về chủ nghĩa cá nhân diễn cảm, coi Cách mạng tình dục là điều khoản đầu tiên.

Kitô giáo, và đặc biệt Công Giáo, là những trở ngại cuối cùng ngăn cản chiến thắng hoàn toàn. Tuy nhiên, từ việc viết lại luật hôn nhân và gia đình cho đến việc vội vã coi IVF là một quyền con người, rõ ràng là chủ nghĩa cá nhân diễn cảm từ lâu đã khiến “chủ nghĩa duy quốc gia Kitô giáo” phải chạy trốn.

Những người theo Kitô giáo thuộc mọi giáo phái bị bao vây, kinh hoàng trước sự suy thoái đạo đức của nước Mỹ, đã và đang tìm nhiều cách khác nhau để ngăn chặn làn sóng này. Đời sống công cộng, văn hóa và luật pháp đều là những biểu thức nói lên một tầm nhìn sâu sắc hơn, dù là tôn giáo hay thế tục, mà mọi người đều có chung.

Để đạo đức Kitô giáo một lần nữa định hướng cuộc sống của người Mỹ, người Mỹ không chỉ cần tự gọi mình là Kitô hữu mà họ còn phải tin vào những gì họ chủ trương. Để làm được điều đó, chúng ta cần công việc truyền giảng Tin Mừng theo kiểu du kích chiến chậm rãi và nghiền nát. Sự áp đặt từ trên xuống của một “chính phủ Kitô giáo” hoặc quyền lực của thế giới bên kia sẽ không có tác dụng.

Thêm vào đó, với sự phản đối ít ỏi sau phán quyết Dobbs của Đảng Cộng Hòa đối với việc phá thai và sự đầu hàng ngay lập tức của nó đối với IVF, những người cấp tiến không cần phải lo lắng: “Những người theo chủ nghĩa duy quốc gia Kitô giáo”, ngoại trừ mấy Twitter khoác lác, không mấy hào hứng với việc tiếp quản chính phủ.

Khởi hành của Trung đoàn N.Y.S.M thứ 69 Thứ ba ngày 23 tháng 4 năm 1861 [Bộ sưu tập của Thư viện Công cộng New York]


Khi nước Mỹ cắt đứt thêm nguồn gốc Kitô giáo của mình, người Công Giáo không cần phải mất hy vọng. Chúng ta đã và đang thực hiện “việc Công Giáo” của mình – sống đức tin phổ quát của chúng ta trong bối cảnh lịch sử cụ thể của nước Mỹ – trong nhiều thế kỷ, và hầu như luôn luôn bị câu thúc. Chúng ta quên rằng ngay cả khi luật pháp và văn hóa Mỹ thể hiện đạo đức Kitô giáo – phá thai là bất hợp pháp, ly hôn dựa vào lỗi lầm, hạn chế nội dung khiêu dâm, ngoại tình bị hình sự hóa – người Công Giáo không hoàn toàn được chào đón ở Hoa Kỳ này vì nền văn hóa thống trị đã bác bỏ những nhạy cảm tôn giáo của họ.

Làm việc trong khuôn khổ pháp luật, người Công Giáo phản ứng bằng cách xây dựng các khu dân cư, nhà thờ, trường học và trường đại học của riêng họ, nơi họ có thể sống đức tin của mình mà không bị cản trở. Đồng thời, người Công Giáo tìm mọi cách để tham gia vào nền văn hóa chung với tư cách là người Mỹ - thông qua nghĩa vụ quân sự, các cơ quan dân sự và công cộng cũng như làm việc trong kỹ nghệ.

Sự phân biệt đối xử tràn lan và tồi tệ, tuy nhiên người Công Giáo đã chiến đấu chống lại sự thù địch với tư cách là một thiểu số sáng tạo. Họ cầu nguyện, họ tưởng tượng, họ xây dựng, họ gắn kết với nhau, họ đối đầu với các đối thủ và họ làm từ thiện cho tất cả mọi người.

“Thiểu số sáng tạo” là thuật ngữ được đặt ra bởi nhà sử học người Anh Arnold Toynbee, người đã công nhận tầm nhìn tinh thần của một nhóm nhỏ có thể thổi sức sống mới vào một nền văn minh đang hấp hối. Hai mươi năm trước, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đã rửa tội cho thuật ngữ này để nói lên một cách tiếp cận nhằm tái truyền giáo cho Châu Âu thế tục. Với tư cách là Giáo hoàng Benedict XVI, ngài đã xác định ba yêu cầu đối với người Công Giáo sống như một thiểu số sáng tạo: đối thoại với những người theo thuyết bất khả tri, giáo dục và bác ái.

Nói cách khác, sự thành công của một thiểu số Công Giáo sáng tạo ngày nay còn phụ thuộc vào việc bắt chước các việc làm của người Công Giáo Mỹ vào đầu thế kỷ XX, với những người theo thuyết bất khả tri ngày nay thay thế những người theo đạo Tin lành ngày hôm qua.

Lúc đó cũng như bây giờ, người Công Giáo Mỹ cảm thấy bất an trên mảnh đất họ yêu quý. Cân bằng giữa “cả/lẫn” (both/and) của việc duy trì một bản sắc Công Giáo mạnh mẽ với việc gắn kết với xã hội phi Công Giáo chưa bao giờ là một việc dễ dàng – sự rút lui vào bên trong hoặc sự đồng hóa hoàn toàn là những cám dỗ lâu năm.

Các người Công Giáo cá thể và các định chế của Giáo hội không phải lúc nào cũng đạt được sự cân bằng hợp lý, nhưng sự trỗi dậy của Công Giáo như một lực lượng sáng tạo – từ Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen trên truyền hình tới sự trỗi dậy của các trường học và đại học Công Giáo tới sự lan rộng của các bệnh viện Công Giáo và các tổ chức từ thiện trên khắp đất nước – làm phong phú thêm nền văn hóa Mỹ. Không phải ngẫu nhiên mà khi Giáo hội Hoa Kỳ sụp đổ sau Công đồng Vatican II, nền văn hóa Mỹ cũng sụp đổ theo đó.

Ngày nay, sau nhiều thập niên cằn cỗi, những hạt giống của mùa xuân Công Giáo đang lớn lên – phải thừa nhận là trên vùng đất cằn cỗi. Trong số một bộ phận nhỏ tín hữu, một bản sắc Công Giáo mạnh mẽ đang được xây dựng lại thông qua việc giáo dục tại nhà và các trường cổ điển, các trường cao đẳng trung thành, các học viện trực tuyến, các linh mục trẻ nhiệt thành và các phụng vụ đạo đức. Giáo hội Hoa Kỳ đã từng thành công về mặt văn hóa quá giấc mơ của những người tiên phong ở thế kỷ 19. Và với bản sắc riêng biệt được khôi phục, Giáo Hội ấy có thể phát triển trở lại với tư cách là một nhóm thiểu số sáng tạo cứu vãn nền văn hóa từ bên trong.

Nếu “chủ nghĩa duy quốc gia Kitô giáo” có nghĩa là người Công Giáo không thể sống công khai tín ngưỡng tôn giáo và đạo đức của mình, hoặc có nghĩa các nguyên tắc Kitô giáo, trái ngược với các nguyên tắc thế tục, không thể hình thành luật pháp và chính sách, thì người Công Giáo phải chống lại sự cuồng tín này. Nhưng nếu “chủ nghĩa duy quốc gia Kitô giáo” có nghĩa là “sự tiếp quản chính phủ” như những người chỉ trích cáo buộc, thì người Công Giáo không quan tâm. Là những người lâu năm đứng ngoài chính phủ và quyền lực của Mỹ, người Công Giáo đã biết cách sống “việc” của mình ở Hoa Kỳ này.

Chúng ta trông cậy vào các bậc tiền bối Công Giáo Hoa Kỳ để tìm những tấm gương, nguồn cảm hứng và sự cầu thay.
_______________________________________________________________________________________________

(*) David G. Bonagura Jr. là giáo sư phụ trợ tại Chủng viện Thánh Giuse và là Thành viên của Hiệp hội Hồng Y Newman nhiệm kỳ 2023-2024 về Giáo dục Thánh Thể. Ông là tác giả cuốn sách Steadfast in Faith: Catholicism and the Challenges of Secularism [Kiên Định Trong Đức Tin: Đạo Công Giáo và Những Thách Thức Của Chủ Nghĩa Thế Tục] và cuốn Staying with the Catholic Church [Ở Lại Với Giáo Hội Công Giáo], đồng thời là dịch giả cuốn Jerome’s Tears: Letters to Friends in Mourning [Nước mắt của Jerome: Thư gửi bạn bè trong tang chế].
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Một số hình ảnh kỳ họp của Tuyên úy đoàn Liên bang Úc châu, Năm 2024 tại Melbourne.
Trần Văn Minh
05:16 18/04/2024
Kỳ họp diễn ra trong ba (3) ngày. Từ 15, 16 và 17 Tháng Tư Năm 2024 tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm, Melbourne, Victoria.
Xem hình
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh người chăn chiên tốt lành
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
03:10 18/04/2024
Hình ảnh người chăn chiên tốt lành

Theo tập tục nếp sống văn hóa bên Tây phương vào dịp lễ mừng Chúa phục sinh những con Thỏ phục sinh làm bằng Sôcôla được trưng bày bán đổ trao tặng nhau. Kinh Thánh không nói đến con Thỏ. Nhưng con Chiên, là con vật nổi bật như „ngôi sao trên sân khấu, sân cỏ“, được nói nhắc đến nhiều. Trong kinh thánh cựu ước nó được nói đến 159 lần, trong tân ước 37 lần.

Chiên cừu là con thú vật giữ vai trò quan trọng trong đời sống dân du mục, và trong nông nghiệp của dân Do Thái cùng những dân tộc tương tự bên vùng Trung đông.

Chiên cừu trong kinh thánh là hình ảnh biểu tượng được dùng để chỉ về dân của Thiên Chúa.

Hình ảnh Chiên cừu nói về con người trong ý hướng tinh thần tâm linh muốn diễn tả sự đi lạc lối. Vì chiên cừu đi ăn trên đồng cỏ thường chạy đi ra phía đàng trước, rẽ sang ngang, rồi lại quay trở lại… có khi vì thế lạc lối, lạc đàn chung. Con người cũng vậy, đôi khi sống không thành thật, khi đối xử không đẹp không tốt với người khác, hay làm tổn thương danh dự tiếng tốt cùng của cải của người khác, hay làm đau lòng người khác qua lời nói không lịch sự tao nhã… Những cung cách tiêu cực như thế kinh thánh gọi tên là sống sai lạc luẩn quẩn, như Ngôn sứ Isaia nói. „Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu lang thang mỗi người một ngả.“ (Isaia 53,6).

Cũng trong ý nghĩa tinh thần thiêng liêng Chúa Giesu không muốn để cho những con chiên phải đi lạc đàn, phải mất, nên Ngài nói chính Ngài là người chăn chiên : „Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta.“

Thế nào là hình ảnh người chăn chiên tốt lành?

Đó đây nhất là bên vùng Trung đông, bên Âu châu nơi vùng thung lũng hay bên sườn đồi núi, nơi có những đồng cỏ xanh tốt, thường thấy những người mục đồng chăn lùa đàn súc vật hằng trăm con chiên cừu đến ăn cỏ, chung quanh chúng có những con chó chạy canh cho chúng khỏi đi chạy lạc xa đàn. Những con chiên cừu thú vật tin tưởng người chăn dắt chúng, nên chúng tuân nghe hiệu lệnh của họ. Vì chúng biết mình được người chăn chiên chăm sóc dẫn tới đồng cỏ xanh tốt cùng có vũng nước uống trong lành an toàn cho đời sống thể xác phát triển tốt.

Chúa Giesu dùng hình ảnh người chăn chiên tốt lành nói về mình, trong cung cách nếp sống lo cho đời sống tinh thần từng người một, quan tâm băn khoăn đi tìm con chiên đi lạc, và khi tìm thấy rất vui mừng hạnh phúc, bồng ẵm bế nó trên vai trở về nhà cho an toàn, sẵn sàng hy sinh tất cả tìm cách cứu giúp.

Qua hình ảnh đó Chúa Giêsu muốn củng cố lòng can đảm con người chúng ta. Ngài luôn đi kiếm tìm chúng ta và quan tâm săn sóc chúng ta.

Tất cả mọi người đều có khát vọng mong ước được quan tâm chú ý đến, đi tìm kiếm khi ta đi lạc đường sai lối. Được nâng đỡ vực dậy, khi ngã té không còn sức tiếp tục đứng dậy. Được bảo vệ gìn giữ, khi gặp sự đe dọa nguy hiểm cho mạng sống. Được an ủi chữa lành, khi vướng vào hoàn cảnh khó khăn tủi nhục.

Chúa Giêsu trong vai trò là người chăn chiên hết mình vì đoàn chiên, chứ không phải là người đi kiểm soát. Vì thế ngài khẳng định:

"Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên. Kẻ làm thuê không phải là chủ chiên, và các chiên không phải là của người ấy, nên khi thấy sói đến, nó bỏ chiên mà trốn. Sói sẽ bắt chiên và làm chúng tản mát. Kẻ chăn thuê chạy trốn, vì là đứa chăn thuê, và chẳng tha thiết gì đến đàn chiên.“ ( Ga10,11-18). Với Ngài mỗi sự sống con chiên, sự sống của mỗi người là một công trình tạo vật cao qúy do Thiên Chúa tạo dựng nên.

Hình ảnh người chăn chiên tốt lành lo cho sự sống của các con chiên, mà Chúa Giêsu dùng nói về chính mình làm liên tưởng đến hình ảnh bàn tay trần đầy tình yêu thương của cha mẹ săn sóc lo cho con cái mình ngay từ khi chúng còn là bào thai trong cung lòng mẹ, rồi ngày mở mắt chào đời và trong suốt dọc đời sống.

Hình ảnh người chăn chiên tốt lành lo cho sức khoẻ các con chiên, mà Chúa Giêsu dùng nói về mình gây niềm cảm xúc nhớ đến những vị Thừa Sai, những người có lòng nhân nghĩa bác ái, xả thân hy sinh đến những với những người nghèo khổ túng thiếu ở những nơi xa lạ có khi còn có sự nguy hiểm đe dọa mạng sống, cùng chia sẻ sống chung ra tay giúp đỡ họ.

Hình ảnh người chăn chiên tốt lành lo cho sự sống tinh thần, niềm an vui bình an của các con chiên, mà Chúa Giesu dùng nói về mình, vọng lại lời kinh khấn nguyện tràn đầy lòng tin tưởng phó thác:
„Chúa lo chăn dắt đời con
Đâu còn thiếu thốn, đâu còn sợ chi.“ (Thánh vịnh 23, 1).

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long



 
VietCatholic TV
Zelenskiy quyết định táo bạo: Kho hỏa tiễn Nga để đánh lớn trúng quả ATACMS tan tành cùng 110 quân
VietCatholic Media
03:00 18/04/2024


1. Đích thân Tổng thống Zelenskiy xác nhận Ukraine tấn công phi trường quân sự Nga ở Crimea

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Zelensky confirms Ukraine struck Russian military airfield in occupied Crimea”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết trong bài phát biểu buổi tối rằng các lực lượng Ukraine đã thực hiện một cuộc tấn công vào sáng sớm ngày Thứ Tư, 17 tháng 4 nhằm vào một phi trường quân sự của Nga ở Dzhankoy ở Crimea bị tạm chiếm.

Zelenskiy cảm ơn Lực lượng vũ trang và Tổng tư lệnh Oleksandr Syrskyi về hoạt động này nhưng không nói rõ về hậu quả.

Các vụ nổ được báo cáo gần phi trường vào đầu giờ ngày 17 tháng 4, với các kênh Telegram địa phương đăng tải cảnh quay về một vụ cháy rất lớn. Số người chết của Nga tiếp tục tăng. Theo các phương tiện truyền thông địa phương của Nga trong khu vực, ít nhất 30 binh sĩ Nga đã tử trận cùng với 80 người bị thương. Sergei Aksyonov, Thống đốc khu vực bán đảo Crimea, do Nga dựng nên, trong nhà cầm quyền xâm lược bất hợp pháp ở Crimea sau đó đã tuyên bố đóng cửa đường cao tốc nối Dzhankoy với làng Pobiedne. Nhóm du kích Atesh tuyên bố động thái này là nhằm che giấu các tổn thất khi quân Nga đưa thi thể của hàng trăm quân nhân Nga đến bệnh viện.

Cuối ngày, nhóm du kích Atesh tuyên bố rằng cuộc tấn công đã đánh trúng hệ thống phòng không S-400 của Nga và một sở chỉ huy quân sự.

“Chúng tôi xác nhận các cuộc tấn công thành công được thực hiện trong đêm trên lãnh thổ phi trường Dzhankoy”, Atesh cho biết, dẫn lời các đặc vụ của họ trong quân đội Nga.

Nhóm này cho biết một bệ phóng của hệ thống S-400 đã phát nổ sau cuộc tấn công, làm hư hỏng phần còn lại của hệ thống. Lực lượng Nga được cho là đã bố trí bệ phóng ngay cạnh kho đạn dược.

Atesh tuyên bố, một vụ tấn công cũng được báo cáo tại sở chỉ huy của một đơn vị thuộc Trung đoàn hỏa tiễn phòng không cận vệ 18 thuộc Sư đoàn phòng không số 31.

Kênh Telegram Crimea cáo buộc rằng cuộc tấn công đã làm hư hại 3 bệ phóng S-400, một hệ thống radar S-400, 2 bệ phóng S-300 và một kho hỏa tiễn. Kênh này cũng công bố một bức ảnh chụp mảnh vỡ của thứ mà họ cho là bệ phóng S-300 bị bắn trúng.

Tờ Kyiv Independent đã liên hệ với cơ quan tình báo quân sự Ukraine và Cơ quan An ninh Ukraine để yêu cầu bình luận nhưng đại diện của các cơ quan này cho biết họ không thể cung cấp bất kỳ thông tin nào vào thời điểm hiện tại.

Chiều Thứ Tư, 17 Tháng Tư, Tư Lệnh lực lượng không quân Ukraine, Trung tướng Mykola Oleshchuk, xác nhận lực lượng phòng không Ukraine đã tấn công căn cứ không quân Dzhankoy. Diễn biến này xảy ra chỉ trong vòng 48 giờ sau khi các lực lượng của ông tấn công vào Bộ Tư Lệnh quân xâm lược ở Crimea và bộ chỉ huy của Lữ Đoàn 810 Thủy Quân Lục Chiến hôm 15 Tháng Tư.

Các blogger quân sự Nga phàn nàn rằng các hệ thống phòng không đã bị rút về bảo vệ cho các nhà máy lọc dầu của Nga khiến cho các căn cứ quân sự và các bộ chỉ huy dễ bị quân Ukraine không kích.

Trong khi đó, một số blogger quân sự Nga khác lớn tiếng hăm dọa là Ukraine sẽ nhận được các phản ứng thích đáng từ phía Nga sau các thương vong kinh hoàng tại căn cứ không quân Dzhankoy.

2. Báo cáo cho thấy cuộc tấn công vào căn cứ không quân Crimea khiến 30 người Nga thiệt mạng, 80 người bị thương

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Crimea Air Base Strike Leaves 30 Russians Dead, 80 Wounded: Report”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo một báo cáo mới, có tới 30 quân nhân Nga có thể đã thiệt mạng và 80 người khác bị thương sau khi xuất hiện những thước phim kịch tính cho thấy vụ nổ tại một căn cứ quân sự của Nga ở phía bắc Crimea trong đêm.

“Khoảng 30 quân nhân Nga đã thiệt mạng và khoảng 80 người bị thương tại phi trường ở Dzhankoy”, kênh Telegram có trụ sở tại Crimea có tên Crimea Wind đưa tin hôm thứ Tư. Crimea Wind là một nhóm giám sát thân Ukraine tập trung vào Crimea và thường cung cấp thông tin rất đáng tin cậy.

Natalia Humenyuk, phát ngôn nhân của lực lượng miền Nam Ukraine, hôm thứ Tư đã mô tả Dzhankoy là mục tiêu quân sự hợp pháp nhưng từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Một blogger quân sự nổi tiếng của Nga, Rybar, cho biết lực lượng Ukraine đã tấn công căn cứ không quân Nga tại Dzhankoy bằng cách sử dụng khoảng chục hỏa tiễn từ Hệ thống hỏa tiễn chiến thuật quân đội, hay ATACMS. Blogger cho biết hỏa tiễn được phóng thành hai đợt.

Đoạn phim được các nguồn tin Nga và Ukraine lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội vào sáng sớm thứ Tư cho thấy những tia sáng và tiếng nổ rực rỡ, phía sau là tiếng còi báo động. Dữ liệu từ Hệ thống quản lý tài nguyên thông tin về hỏa hoạn của NASA, nơi theo dõi các đám cháy trên khắp thế giới, cho thấy sáu đám cháy từ căn cứ không quân Dzhankoy.

Một số kênh Telegram đưa tin về một loạt vụ nổ bắt đầu ngay trước 4 giờ sáng giờ địa phương và cho biết các con đường gần đó đã bị đóng cửa.

Thiệt hại về thiết bị của Nga có vẻ nặng nề. Thông thường, trong các cuộc tấn công như thế máy bay trực thăng Nga sẽ bay lên rất nhiều: một phần để di tản thương binh, và một phần khác là để tránh bị tổn thất cũng như hy vọng có thể hạ gục những thứ đang lao tới. Đã không có chiếc trực thăng nào bay lên.

Sergei Aksyonov, Thống đốc khu vực bán đảo Crimea, do Nga dựng nên, trong nhà cầm quyền xâm lược bất hợp pháp ở Crimea sau đó đã tuyên bố đóng cửa đường cao tốc nối Dzhankoy với làng Pobiedne. Nhóm du kích Atesh tuyên bố động thái này là nhằm che giấu các tổn thất khi quân Nga đưa thi thể của hàng trăm quân nhân Nga đến bệnh viện. Tuy nhiên, cũng không thể loại trừ ý định muốn giành đường giao thông cho việc cấp cứu những người bị thương.

Dzhankoy, phía nam đường giao nhau từ Crimea vào vùng Kherson sáp nhập của Ukraine, là một trung tâm quân sự lớn. Là nơi có một trong những phi trường lớn nhất của Nga ở Crimea, đây là nơi then chốt để duy trì lực lượng Nga trên đất liền. Mạc Tư Khoa sáp nhập Crimea từ Kyiv vào năm 2014.

Hình ảnh vệ tinh trước đây được chụp ở Dzhankoy cho thấy Nga có một số máy bay trực thăng và hệ thống phòng không tiên tiến tại địa điểm này. Đầu tháng này, các nhóm du kích thân Ukraine hoạt động ở Crimea cho biết họ đã phát hiện ra việc “xây dựng” các hệ thống phòng không trên bán đảo, bao gồm cả ở Dzhankoy. Nhóm Atesh cho biết các hệ thống hỏa tiễn phòng không bổ sung xung quanh phi trường Dzhankoy “không được ngụy trang dưới bất kỳ hình thức nào”.

Phát ngôn nhân Bộ Tư Lệnh Phía Nam Nataliya Humenyuk, cho biết hôm thứ Tư: “Rõ ràng đây là một phi trường quân sự, nghĩa là một mục tiêu hợp pháp”. Cô nói trong nhận xét được truyền thông Ukraine đưa tin rằng Nga thường xuyên di chuyển tài sản để bảo vệ chúng khỏi bị hư hại và nói thêm: “Nhưng không phải tất cả các cuộc diễn tập đều thành công”.

Ukraine trước đó đã tiến hành các cuộc tấn công vào các căn cứ không quân của Nga ở Crimea.

Đầu năm nay, lực lượng không quân Ukraine cho biết họ đã tiến hành các cuộc tấn công hỏa tiễn vào phi trường Belbek gần thành phố cảng Sevastopol ở rìa phía tây Crimea.

Vào tháng 8 năm 2022, một chuỗi vụ nổ tại căn cứ không quân Saky ở phía tây Crimea đã làm hư hại nhiều chiến đấu cơ của Nga tại địa điểm này.

3. Johnson cho biết cuộc bỏ phiếu về dự luật viện trợ nước ngoài của Ukraine và Israel sẽ diễn ra vào ngày 20 tháng 4

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson cho biết ông đang tiến tới kế hoạch tổ chức bỏ phiếu về một loạt dự luật viện trợ nước ngoài cho Israel, Ukraine và Đài Loan bất chấp áp lực từ những người theo đường lối cứng rắn.

Johnson nói với các nhà lập pháp Mỹ rằng cuộc bỏ phiếu sẽ được tổ chức vào tối 20 Tháng Tư.

Sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine đã bị chặn trong nhiều tháng, dẫn đến tình hình trên chiến trường xấu đi nhanh chóng.

Trong khi Thượng viện đã thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ Mỹ Kim cho Ukraine, Israel và Đài Loan vào tháng 2, thì trước đó, ông Johnson cho biết ông có kế hoạch tổ chức một cuộc bỏ phiếu về bốn dự luật riêng biệt tại Hạ Viện Hoa Kỳ trong tuần này.

Điều này đã gây ra phản ứng dữ dội từ các thành phần cực đoan trong Hạ Viện Hoa Kỳ. Dân biểu Marjorie Taylor Greene đe dọa sẽ đưa ra kiến nghị loại bỏ Johnson khỏi chức Chủ tịch Hạ Viện của ông ta.

Thomas Massie, một Dân biểu khác, cho biết ông sẽ ủng hộ việc loại bỏ Chủ tịch Hạ Viện nếu Greene kích hoạt nghị quyết.

Các đảng viên Cộng hòa khác nhấn mạnh rằng bất kỳ dự luật viện trợ nước ngoài nào cũng phải bao gồm các biện pháp tăng cường an ninh ở biên giới Mỹ-Mễ Tây Cơ. Điều này có nghĩa là Johnson có thể sẽ cần phiếu bầu của đảng Dân chủ để thông qua dự luật.

Nội dung dự luật viện trợ Ukraine được công bố trên trang web của Hạ viện sau đó vào ngày 17 Tháng Tư. Tương tự như dự luật của Thượng viện, nó phân bổ khoảng 61 tỷ Mỹ Kim hỗ trợ cho Kyiv.

Trong số tiền này, 28 tỷ Mỹ Kim được phân bổ cho các chi phí “vận hành và bảo trì” liên quan đến quốc phòng cho Kyiv, bao gồm 13,8 tỷ Mỹ Kim cho các hợp đồng mới theo Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine và 13,4 tỷ Mỹ Kim để thay thế hoặc sửa chữa các thiết bị được gửi hoặc đã sử dụng.

Khoản tiền bổ sung khoảng 1,6 tỷ Mỹ Kim sẽ được cấp cho Ukraine hoặc các đối tác khác cho đến tháng 9 năm 2025.

Nếu Hạ viện thông qua viện trợ theo hình thức này, các dự luật sẽ phải chuyển trở lại Thượng viện để bỏ phiếu bổ sung trước khi gửi đến Tổng thống Mỹ Joe Biden để ký.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 17 Tháng Tư cho biết ông “ủng hộ mạnh mẽ” đề xuất của Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson về viện trợ nước ngoài cho Ukraine, Israel và các đối tác khác.

Tuyên bố trên trang web của Tòa Bạch Ốc, ông cho biết: “Tôi ủng hộ mạnh mẽ gói này để nhận được sự hỗ trợ quan trọng cho Israel và Ukraine, cung cấp viện trợ nhân đạo rất cần thiết cho người Palestine ở Gaza, đồng thời tăng cường an ninh và ổn định ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

“Hạ viện phải thông qua gói này trong tuần này và Thượng viện sẽ nhanh chóng làm theo. Tôi sẽ ký thành luật ngay lập tức để gửi thông điệp tới thế giới: Chúng tôi sát cánh cùng bạn bè và chúng tôi sẽ không để Iran hay Nga thành công”.

4. Nỗi buồn của người Ukraine: Người mẹ 30 tuổi của Ukraine gia nhập lính bắn tỉa đã hy sinh, được toàn dân kính ngưỡng

Tờ The Sun có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “FOUGHT TILL THE END Ukrainian sniper mum known as ‘Whiskey’ shot dead by Putin’s troops in brave final stand behind enemy lines”, nghĩa là “CHIẾN ĐẤU ĐẾN CÙNG. Người mẹ bắn tỉa của Ukraine được mệnh danh là 'Whiskey' bị quân của Putin bắn chết trong trận chiến cuối cùng dũng cảm đằng sau phòng tuyến của đối phương”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Một bà mẹ bắn tỉa người Ukraine đã bị quân đội của Putin giết chết trong trận chiến dũng cảm cuối cùng phía sau phòng tuyến của đối phương.

Ekaterina 'Whiskey' Shinkarenko, 30 tuổi, đã bị bắn chết hai tháng trước nhưng cái chết của cô đã được xác nhận hôm nay vì hài cốt của cô chỉ mới được tìm thấy.

Người lính bắn tỉa được đánh giá cao này đã được vinh danh bằng Bảo quốc huân chương Ukraine, Huân chương chữ thập vàng của Bộ Tổng tham mưu và Anh dũng bội tinh.

Người mẹ và tay đua xe đạp chuyên nghiệp hiện được Nga tuyên bố là nữ tay súng bắn tỉa người Ukraine thứ sáu thiệt mạng trong cuộc chiến tàn khốc của Vladimir Putin.

Các báo cáo cho biết cô đã chết khi chiến đấu cùng trung đội bắn tỉa của Lữ đoàn 53 cơ giới biệt lập của Ukraine trong Trận Avdiivka mà Nga giành chiến thắng vào tháng Hai. Ekaterina được yêu cầu rút lui nhưng cô đã chọn ở lại chiến đấu cho đồng đội có cơ hội rút lui.

Hãng tin Fakti của Ukraine đưa tin: “Tình hình chiến đấu căng thẳng đến mức thi thể của người phụ nữ và những người anh em của cô ấy vẫn nằm sâu trong phòng tuyến của quân xâm lược Nga, khiến họ không thể đưa họ về nhà”.

Người bạn của gia đình và tình nguyện viên quân sự Yury Slobozhansky rất “đau buồn” khi báo cáo sự mất mát của Ekaterina khi bảo vệ Ukraine và nói rằng cô ấy sẽ “luôn ở tuổi 30”.

Ông nói: “Cô ấy chết vào ngày 22 tháng 2 năm 2024, cùng với nhóm của mình, khi đang đẩy lùi một cuộc đột phá của đối phương, trong quá trình rút quân của chúng tôi khỏi Avdiivka”.

“Chỉ trong tuần này chúng tôi mới đưa họ về nước và hôm qua chúng tôi đã hoàn thành mọi thủ tục nhận dạng chính thức.”

Slobozhansky viết: “Xin gửi lời cảm ơn đặc biệt sâu sắc đến những người đã tham gia vào việc tìm lại thi thể của cô ấy.”

Ekaterina - hay còn gọi là Katy - sinh ra ở Kramatorsk, vùng Donetsk, nhưng sống cùng gia đình ở thành phố Ostroh, vùng Rivne.

Bí danh của cô ấy là 'Whiskey'.

Ekaterina qua đời để lại chồng là Andrey Bozhko, 30 tuổi và con trai Denis, 6 tuổi.

Đoạn phim cuối cùng người ta thấy cô ấy là khi cô tuyên bố qua cửa kính xe hơi: “Vinh quang cho Ukraine. Vinh quang cho các anh hùng.”

Diễn biến này xảy ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy kêu gọi các đồng minh của mình bảo vệ không phận của Israel trong khi đất nước của ông bị quân đội của Putin phá hủy.

Sự chậm trễ trong viện trợ của phương Tây, là điều mà Ukraine tuyên bố là cần thiết để ngăn chặn các cuộc tấn công chết người của Nga, đã ngày càng khiến nước này lâm nguy trong những tháng gần đây.

Viện trợ dành cho Ukraine đã bị chặn lại từ tháng 10 năm ngoái cho đến nay. Nếu Ukraine có đầy đủ đạn dược thị trấn Avdiivka đã không thất thủ, và Ekaterina vẫn còn sống.

5. Thăm dò: Khoảng 70% người Lithuania coi Nga là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia

Bảy trong số mười người dân Lithuania tin rằng Nga là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của đất nước họ, theo một cuộc thăm dò do công ty nghiên cứu dư luận Baltijos Tyrimai thực hiện và được đài truyền hình dịch vụ công LRT của Lithuania công bố ngày 15 Tháng Tư.

Việc Nga xâm lược Ukraine đã làm dấy lên mối lo ngại rằng các quốc gia vùng Baltic, nằm trong số những nước chỉ trích Mạc Tư Khoa nhiều nhất và là đồng minh trung thành nhất của Kyiv kể từ ngày đầu tiên của cuộc xâm lược do Putin phát động, có thể trở thành mục tiêu xâm lược tiếp theo.

Những lo ngại này càng được củng cố bởi những lời đe dọa liên tục của Putin đối với các nước NATO.

Theo cuộc khảo sát, khi được hỏi liệu Nga có phải là mối đe dọa thực sự đối với an ninh quốc gia của Lithuania hay không, 70% công dân được khảo sát nói rằng điều đó chắc chắn là có.

Nhóm người Lithuania duy nhất có ý kiến khác biệt đáng kể là thường trú nhân của đất nước có quốc tịch khác. Trong số đó, 50% không đồng ý rằng Nga là mối đe dọa, trong khi 31% đồng ý.

Cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 15 đến 25 tháng 3. Trong quá trình nghiên cứu, 1.115 người trưởng thành sống trên khắp Lithuania đã được phỏng vấn.

Lithuania vẫn là một trong những quốc gia ủng hộ Ukraine hàng đầu trên toàn cầu xét về tỷ trọng GDP, với viện trợ song phương cho Ukraine đạt 1,5% GDP. Ngoài ra, phần hỗ trợ của Liên Hiệp Âu Châu của Lithuania dành cho Ukraine chiếm thêm 0,5% GDP của đất nước.

Đầu năm nay, Lithuania đã cam kết gói hỗ trợ dài hạn 200 triệu euro cho Ukraine.

6. Zelenskiy đưa ra cảnh báo nghiêm trọng khi Putin đẩy mạnh

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Zelensky Issues Dire Warning as Putin Pushes Forward”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết Nga đã phá hủy một nhà máy nhiệt điện ở Kyiv vì Ukraine đã hết hỏa tiễn để bảo vệ nhà máy này, đồng thời cảnh báo rằng nếu không có thêm viện trợ của Mỹ để chống lại sự gây hấn của Putin, Ukraine sẽ “không có cơ hội chiến thắng”.

Zelenskiy nói với PBS NewsHour rằng việc phá hủy nhà máy nhiệt điện Trypilska vào ngày 11 tháng 4 – khiến công suất phát điện của Centrenergo, một công ty năng lượng mà thủ đô phụ thuộc vào – là kết quả của việc đất nước này “không có hỏa tiễn”.

“Mười một hỏa tiễn đang hướng về phía đó. Bảy hỏa tiễn đầu tiên, chúng tôi đã hạ gục”, ông nói trong cuộc phỏng vấn ngày 16 Tháng Tư. Ông nói thêm rằng bốn hỏa tiễn còn lại đã phá hủy nhà máy. “Tại sao? Thưa: Vì chúng tôi đã hết hỏa tiễn.”

Bình luận của ông được đưa ra sau động thái của Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson nhằm đưa viện trợ Ukraine ra trước Quốc hội trong tuần này sau nhiều tháng bế tắc giữa sự phản đối của một số nhà lập pháp bảo thủ. Viện trợ cho Ukraine là một trong bốn dự luật được đề xuất. Những người khác ủng hộ hỗ trợ cho Đài Loan, các ưu tiên an ninh quốc gia của Hoa Kỳ và viện trợ cho Israel sau các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và hỏa tiễn của Iran.

Đề cập đến cuộc tấn công gần đây của Iran vào Israel, ông Zelenskiy nói: “Israel không phải đơn độc tự vệ”. Ông nói thêm rằng sự giúp đỡ như vậy từ Mỹ và các đồng minh để bảo vệ Israel nên được mở rộng sang Ukraine.

Hợp tác quốc tế để bảo vệ Israel trước các cuộc tấn công của Iran đã làm suy yếu lập luận của những người phản đối việc viện trợ nhiều hơn cho Ukraine rằng điều đó sẽ được coi là Kyiv lôi kéo NATO vào cuộc chiến. Zelenskiy nói: “Israel có phải là thành viên của NATO hay không?”

Khi được hỏi điều gì có thể xảy ra nếu Quốc hội không cung cấp thêm viện trợ, Zelenskiy trả lời: “Thành thật mà nói, tôi có thể nói với bạn rằng nếu không có sự hỗ trợ này, chúng tôi sẽ không có cơ hội chiến thắng”.

“Ngày nay, tỷ lệ đạn pháo của chúng tôi là 1-10. Chúng ta có thể giữ vững lập trường của mình không? Không. Trong mọi trường hợp, với những số liệu thống kê này, họ sẽ đẩy lùi chúng tôi mỗi ngày,” ông nói thêm.

“Điều gì đang xảy ra tại Quốc hội Mỹ? Lẽ ra họ có thể đưa ra quyết định từ lâu. Và tôi hy vọng họ đang lắng nghe chúng tôi và sẽ đưa ra quyết định trong những ngày hoặc tuần gần nhất, nhưng đừng lâu hơn để đưa ra quyết định tích cực.”

Lời đề nghị của Zelenskiy được đưa ra trong bối cảnh Nga đã giành được những thắng lợi đáng kể dọc theo miền đông Ukraine và những lời kêu gọi khẩn cấp của Mỹ từ các nhóm nhân đạo.

Jed Meline, giám đốc chính sách và vận động tại Dự án Hy vọng, cho biết hôm thứ Ba rằng các cuộc tấn công nhằm vào dân thường Ukraine đang gia tăng - chỉ trong tháng 3 đã khiến 604 thường dân thương vong, trong đó có 57 trẻ em.

Meline cho biết, từ đầu năm đến nay, khu vực phía đông Kharkiv đã hứng chịu các đợt pháo kích dữ dội và liên tục của Nga, với 15 thường dân thiệt mạng và 48 người khác bị thương trong thành phố vào tháng Tư.

Meline nói với Newsweek trong một tuyên bố: “Khi Quốc hội của chúng ta tiếp tục hủy bỏ kế hoạch, chiến tuyến hiện đã lan rộng 600 dặm dọc biên giới phía đông Ukraine, nhấn chìm hàng trăm cộng đồng bị tàn phá ở hàng chục thị trấn và thành phố”.

7. Nga tuyên bố ngăn cản được kế hoạch nổ tung tuyến hỏa xa xuyên Siberia nổi tiếng thế giới

FSB vừa tuyên bố họ đã ngăn cản kế hoạch của Ukraine nhằm cho nổ tung tuyến hỏa xa xuyên Siberia nổi tiếng thế giới.

Các sĩ quan vũ trang được cho là đã xông vào một căn nhà ở Yurga - cách Mạc Tư Khoa 2.200 dặm về phía đông - và bắt giữ một người đàn ông 28 tuổi.

Cơ quan Nga cho biết người đàn ông này đã liên hệ với ai đó ở Ukraine và “đồng ý đốt các tủ chuyển tiếp trên một đoạn của Hỏa xa xuyên Siberia” để đổi lấy tiền mặt.

Các cáo buộc của FSB cho biết nghi phạm giấu tên đang chuẩn bị 10 vụ tấn công vào tuyến hỏa xa nối Mạc Tư Khoa với Vladivostok.

Họ nói tiếp: “Các thùng chứa chất lỏng dễ cháy, dụng cụ và bản đồ khu vực hỏa xa bị tịch thu tại nơi ở của bị cáo”.

“Người đàn ông này đã nhiều lần bị truy tố về hàng loạt vụ trộm, cướp và sử dụng ma túy.”

“Sau khi ra tù, để tìm kiếm thu nhập, anh ta đã nhờ một người đưa tin đến gặp những người không quen biết, những người đề nghị đốt thiết bị hỏa xa để lấy tiền thưởng.”

Nếu bị kết án, anh ta có thể phải đối mặt với án tù 10 năm nhưng Nga có kế hoạch tăng luật hiện hành để cho phép mức án tối đa là 35 năm.

Trên mạng xã hội, các blogger quân sự Nga bày tỏ hoài nghi về tuyên bố của FSB. Họ cho rằng sau khi Vladimir Putin thắng cử trong cuộc bầu cử giả mạo, ông ta đang loại bỏ một số nhân vật lãnh đạo cả dân sự lẫn quân sự. Chính vì vậy, FSB cần phải chứng minh cho Putin thấy hiệu quả làm việc của mình. Cũng chính vì thế, Tư lệnh quân đội Ukraine, Đại tướng Oleksandr Syrskyi, mới nói rằng từ sau khi Putin tái đắc cử chiến trường đã sôi động hẳn lên.

Tướng Dù, Trung tướng Arkady Marzoev, Tư Lệnh Quân Đoàn Tổng Hợp số 18 của Nga, đang chiến đấu gần Krynky, ở phía nam Kherson, đã bị cách chức trong cùng một bối cảnh đó. Sĩ quan và binh lính của Quân Đoàn Tổng Hợp số 18 được tường trình là thường xuyên bỏ chạy trong các cuộc giao tranh với quân Ukraine, và đào ngũ hàng loạt dù quân Ukraine đã cạn kiệt đạn dược do viện trợ bị chặn từ Tháng Mười năm ngoái cho đến nay.

8. Thủ tướng Tiệp: Đồng minh ký hợp đồng 180.000 quả đạn pháo đầu tiên cho Ukraine

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Czech PM: Allies contract first 180,000 artillery shells for Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Những người tham gia sáng kiến pháo binh do Tiệp dẫn đầu đã ký hợp đồng mua 180.000 quả đạn pháo đầu tiên trong số 300.000 viên đạn cho Ukraine, Thủ tướng Tiệp Petr Fiala cho biết như trên trong một bài báo trên tờ Financial Times ngày 15 Tháng Tư.

Fiala cho biết: “Những thứ này sẽ được chuyển đến mặt trận Ukraine trong những tháng tới.”

Tổng thống Tiệp Petr Pavel hồi tháng 2 thông báo rằng Cộng hòa Tiệp đã xác định được 500.000 quả đạn pháo 155 ly và 300.000 quả đạn pháo 122 ly bên ngoài Âu Châu có thể được mua và gửi đến Ukraine sau khi được phân bổ kinh phí cần thiết.

Kể từ đó, một số quốc gia, bao gồm Bỉ, Hà Lan, Đức, Thụy Điển, Canada, Ba Lan, Pháp, Đan Mạch và các quốc gia khác, đã đóng góp kinh phí cho sáng kiến này.

Fiala mô tả tình hình ở Ukraine là “nghiêm trọng”, nói rằng Kyiv phải đưa ra “những quyết định khó khăn” mỗi ngày do tình trạng thiếu đạn dược.

Fiala viết: “Điều này khiến việc giữ vững các tuyến phòng thủ của họ trở nên cực kỳ khó khăn – chính các tuyến phòng thủ này sẽ quyết định an ninh và tương lai của toàn bộ Âu Châu”.

Fiala nhấn mạnh sự đóng góp của Đan Mạch và Hà Lan cho sáng kiến này, đồng thời cho biết thêm 20 quốc gia khác cũng đã cam kết hỗ trợ.

Thủ tướng Tiệp cũng cho biết sáng kiến pháo binh không phải là “một hành động chỉ diễn ra một lần”.

Ông nói: “Chúng tôi đang nỗ lực tạo ra một cơ chế cung cấp đạn dược mạnh mẽ để trực tiếp giúp lật ngược tình thế ở tiền tuyến”.

Sáng kiến này có thể cung cấp tới 1,5 triệu viên đạn, Bộ trưởng Ngoại giao Tiệp Jan Lipavsky cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg công bố vào ngày 26 tháng 3.

Trong khi Ngoại trưởng Tiệp từ chối đưa ra mốc thời gian chuyển giao đạn pháo, Tomas Pojar, cố vấn an ninh quốc gia Tiệp, trước đó cho biết lô hàng đầu tiên có thể được gửi đến Ukraine sớm nhất là vào tháng 6.

9. Hà Lan, Đức, Canada gửi máy bay không người lái tới Ukraine

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Netherlands, Germany, Canada to send drones to Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Đức, Hà Lan và Canada sẽ cung cấp máy bay không người lái cho Ukraine, trong khi Lithuania sẽ phân bổ kinh phí bổ sung cho việc sản xuất máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất, Bộ Quốc phòng Ukraine đưa tin hôm 15 Tháng Tư sau cuộc họp với đại diện các nước.

Vương quốc Anh và Latvia đồng lãnh đạo liên minh máy bay không người lái, được thành lập vào Tháng Giêng để củng cố kho vũ khí máy bay không người lái của Ukraine. Bảy quốc gia, ngoài các quốc gia sáng lập, đã tham gia liên minh, bao gồm Đức, Canada, Hà Lan, Lithuania, Thụy Điển, Estonia và Đan Mạch.

Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng, Đức có kế hoạch cung cấp cho Ukraine máy bay không người lái trinh sát Vector 211 mà không nêu rõ số lượng.

Ngược lại, Canada sẽ gửi 450 máy bay không người lái đa nhiệm SkyRanger, trong khi Hà Lan, phối hợp với Đan Mạch và Đức, sẽ cung cấp cho Ukraine máy bay không người lái trinh sát Heidrun RQ-35 trị giá 200 triệu euro hay 213 triệu Mỹ Kim.

Lithuania cũng sẽ phân bổ 3 triệu euro cho việc sản xuất máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất của Ukraine.

“Tình hình ở tiền tuyến thay đổi từng ngày, đối phương tiếp tục tấn công các cơ sở dân sự, đặc biệt là cơ sở hạ tầng năng lượng”, Thứ trưởng Quốc phòng Kateryna Chernohorenko phát biểu trong cuộc họp và cho biết thêm Ukraine cần “công cụ” để đáp trả các cuộc tấn công này.

Chernohorenko nói: “Thời gian thảo luận về các quyết định sắp hết, chúng tôi cần nó ngay bây giờ”.

Bộ trưởng Quốc phòng Latvia Andris Spruds cho biết liên minh máy bay không người lái đang chờ đợi các thành viên mới tham gia và ủng hộ sáng kiến này.

Latvia trước đó đã thông báo rằng họ sẽ sớm cung cấp máy bay không người lái trị giá 1 triệu euro (1,1 triệu Mỹ Kim) cho Ukraine.

Thủ tướng Latvia Evika Silina cho biết hôm 4 Tháng Tư: “Latvia cũng có kế hoạch tiếp tục giúp đỡ Ukraine hơn nữa và chúng tôi đang chuẩn bị gói viện trợ quốc phòng tiếp theo trong tháng này”.