Ngày 02-05-2025
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:48 02/05/2025

115. Ai thực hành hoàn thiện một loại đức hạnh, thì tất nhiên cũng có thể có các đức hạnh khác.

(Thánh nữ Birgitta)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"


---------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:52 02/05/2025
31. SỢ RƯỢU NGẬP MÀ CHẾT

Khách đi vào quán mua rượu, uống một ly thì nói một chữ “gò”, vừa uống vừa nói hoài không thôi.

Người bên cạnh hỏi:

- “Muốn uống nhiều rượu nhưng sợ đau bụng à, hay là đi đào cái hố để đại tiện?”

Người nọ chỉ ly rượu nói:

- “Không phải vậy đâu, tôi chỉ muốn có cái gò, để tôi bò lên đó mới không bị cốc rượu này làm ngập chết.”

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 31:

Rượu là thuốc bổ cho người biết tiết chế ăn uống, biết uống rượu điều độ; rượu là thuốc độc hại thân xác và hại tâm hồn của những người nghiện rượu, nếu họ uống rượu không điều độ, như thế mới biết rượu là con dao hai lưỡi có thể cứu sống và có thể giết chết con người ta.

Rượu có thể làm cho con người ta thêm hứng chí để làm những công việc hữu ích, và nó cũng khiến cho con người ta làm những việc xấu xa đồi bại.

Tiệc tân hôn thì cần có rượu, đó là rượu hạnh phúc; và phá tan hạnh phúc gia đình thì cũng chính là rượu, nó chính là rượu bắt đầu thì hạnh phúc và kết thúc trong bất hạnh.

Hãy hỏi những bà vợ có chồng nghiện rượu, họ sẽ nói cho bạn nghe thế nào là bất hạnh khi có ông chồng nghiện rượu; hãy hỏi những trẻ em có ông bố nghiện rượu, nó sẽ nói cho nghe nỗi kinh sợ của nó khi ông bố uống rượu say xỉn về nhà…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
03/05: Thấy Thầy là thấy Chúa Cha – Thánh Philipphê và Giacôbê Tông Đồ – Nữ Tu Têrêsa Phùng Thị Yến
Giáo Hội Năm Châu
02:09 02/05/2025

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Khi ấy, đến giờ lìa bỏ thế gian mà về với Chúa Cha, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người.”

Ông Phi-líp-phê nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.” Đức Giê-su trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha’? Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm. Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha. Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó.

Đó là lời Chúa
 
Chúa chăm lo no lòng thỏa dạ
Lm Nguyễn Xuân Trường
03:46 02/05/2025
Chúa chăm lo no lòng thỏa dạ

Phúc Âm Chúa Nhật này cho chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu phục sinh tỏ mình ra bằng cách cho các môn đệ “no lòng thỏa dạ” qua 2 hành động đầy yêu thương: Chúa cho môn đệ ăn và trao tình yêu sứ mạng.

1. No lòng. Khi Chúa phục sinh hiện ra bên bờ biển, điều đầu tiên Ngài hỏi các môn đệ: “Các con không có gì ăn à?” Một câu hỏi cho thấy lòng Chúa luôn để tâm đến những thiếu thốn của chúng ta. Sau đó, Chúa tìm cách làm cho các môn đệ được no lòng: Chúa hướng dẫn các ông thả lưới bắt được nhiều cá; Chúa trực tiếp nướng bánh và cá cho các ông ăn no nê. Ngày hôm nay, Chúa không chỉ cho chúng ta ăn bánh và cá, mà còn hơn thế nhiều, Chúa cho chúng ta ăn cả Mình và Máu Thánh Ngài nơi mỗi Thánh lễ. Chúa cho chúng ta no lòng cả xác lẫn hồn. Chúa thật thấu hiểu điều con người thường nghĩ: “Có thực mới vực được đạo.”

2. Thỏa dạ. Người ta thường bảo: “Đường đến trái tim đi qua qua dạ dày,” thế nên, khi cho các môn đệ ăn xong, Chúa Giêsu đã hỏi Phêrô 3 lần: “Con có yêu mến Thầy không?” Không phải để gợi lại 3 lần lỗi lầm chối Thầy, mà là để tái lập mối liên hệ tình yêu thực sự giữa Phêrô và Chúa. Khi Phêrô thưa: “Thầy biết con yêu mến Thầy,” Chúa liền trao cho ông sứ mạng: “Hãy chăm sóc đoàn chiên của Thầy.” Như thế, tình yêu là nền tảng và điều kiện tiên quyết để thi hành sứ mạng. Khi yêu thương đủ đầy thì chúng ta sẽ phục vụ Chúa và anh chị em trong niềm vui sướng mãn nguyện thỏa lòng thỏa dạ.

Thiên Chúa luôn muốn cho chúng ta được no lòng trong tiệc Thánh Thể và thỏa dạ trong tình yêu Ngài. Để khi nghe lời mời gọi: “Hãy theo Thầy”, chúng ta có thể bước theo Ngài, sống yêu thương và chăm lo cho nhau được no lòng thỏa dạ như chính Chúa đã sống. Amen.
 
Mỗi Tuần Sống Một Câu Lời Chúa (CN 3 PS)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:07 02/05/2025
CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH

Tin mừng : Ga 21, 1-19

“Đức Chúa Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các môn đệ; rồi cá, Ngài cũng làm như vậy”.


Bạn thân mến,

Đức Chúa Giê-su đã sống lại, đó là niềm tin của chúng ta và đó cũng là một thách đố cho nhân loại ngày xưa cũng như ngày hôm nay, Ngài đã sống lại và đang hiện diện với bạn và tôi trong thánh lễ này trên bàn thờ, khi chúng ta cùng nhau ăn Thịt và uống Máu của Ngài, và đó là dấu hiệu để chúng ta nhận ra chúng ta đều là anh chị em với nhau trong Ngài. Trong niềm xác tín ấy tôi xin chia sẻ với bạn hai điểm sau đây:

1. Bẻ bánh là tuyên xưng Đức Chúa Ki-tô đã sống lại.

Thánh lễ được lập lại mỗi giây mỗi phút trên khắp thế giới, nghĩa là nơi đâu có linh mục công giáo thì ở đó đều có thánh lễ, đó là một bằng chứng cho thấy Đức Chúa Giê-su đã sống lại cách sống động nhất, mà Giáo Hội luôn đề cao và mời gọi các tín hữu sốt sắng tham dự thánh lễ.

Nơi thánh lễ linh mục làm lại cử chỉ mà Đức Chúa Giê-su thường làm với các tông đồ đó là cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông ăn. Cử chỉ này Đức Chúa Giê-su đã làm trước khi chịu chết, và Ngài vẫn làm sau khi từ cõi chết sống lại, và sẽ được Giáo Hội của Ngài –Giáo Hội Công Giáo- tiếp tục làm (bẻ bánh) cho đến ngày Ngài lại đến trong vinh quang, đó là hiến tế tạ ơn –thánh lễ-.

Đức Chúa Giê-su đã sống lại, và tấm bánh mà chúng ta ăn chính là Mình Thánh sống động của Ngài, vì sống động, nên trở thành động lực thúc đẩy những ai ăn và uống Mình Máu Thánh ấy phải trở nên những công cụ sống động phục vụ tha nhân, theo ý muốn của Đấng đã từ cõi chết sống lại là yêu thương và phục vụ lẫn nhau, như Ngài đã rửa chân phục vụ các môn đệ của mình.



2. Phục vụ là tuyên xưng Đức Chúa Ki-tô đã sống lại.

Đức Chúa Giê-su đã sống lại, Ngài nướng bánh và cá để phục vụ bữa ăn cho các môn đệ sau một đêm đánh cá mệt mỏi, Ngài tuy là Thầy và là Chúa, nhưng Ngài đã phục vụ trong cung cách là người bạn chí thiết của các môn đệ: bình dị và đầy yêu thương.

Ở đời có nhiều cách phục vụ: người bán hàng phục vụ khách hàng là vì để “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, họ phục vụ không phải vì yêu thương khách hàng nhưng là vì túi tiền của họ; bác sĩ khám bệnh chăm sóc bệnh nhân với cung cách là nghề bác sĩ; nhà giàu bố thí cho người nghèo khi có dịp lễ hay vận động làm việc từ thiện; các “cò mối” phục vụ khách hàng.v.v... đều là những người vì mình chứ không vì người...

Người Ki-tô hữu có nhiều cách để tuyên xưng Đức Chúa Giê-su sống lại, nhưng cách hữu hiệu nhất là vì tha nhân và vì anh em mà phục vụ như Đức Chúa Giê-su đã làm, bởi vì không một xác chết nào biết phục vụ, nhưng phải là người đang sống mới biết phục vụ người khác. Đức Chúa Giê-su đã chết và đã sống lại, nghĩa là Ngài vẫn đang sống nên Ngài phục vụ trong chúng ta, và qua chúng ta mà mọi người nhận biết yêu mến và kính thờ Ngài...

Bạn thân mến,

Trong giáo xứ của tôi đang phát động chương trình “mỗi ngày mỗi người đọc một kinh Kính Mừng”, nhất là trong Năm Thánh này, đây là một nổ lực lớn để cho mỗi người Ki-tô hữu và đặc biệt là mỗi người trong giáo xứ ý thức về sứ mạng tông đồ của mình.

Từ trong gia đình cha mẹ và con cái “truyền giáo” cho nhau, bằng cách phục vụ lẫn nhau như Đức Chúa Giê-su đã rửa chân phục vụ cho các tông đồ của mình.

Bẻ bánh và phục vụ là hai điều kiện tiên quyết để mọi người nhận ra Đức Chúa Giê-su phục sinh, đang sống động trong công việc hàng ngày của bạn và tôi, do đó mà chúng ta cần có một tâm hồn biết đặt phục vụ lên trên mọi nguyên tắc, để ưu tiên phục vụ những người cần phục vụ, nhất là những người bất hạnh trong xã hội hôm nay.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

-----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Không bao giờ lạc lối
Lm Minh Anh
17:55 02/05/2025
KHÔNG BAO GIỜ LẠC LỐI
“Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống!”.

“Người chọn nơi bắt đầu của một con đường, sẽ chọn nơi nó dẫn đến!” - H. E. Fosdick.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa lễ kính hai thánh Philipphê và Giacôbê tông đồ chứng thực câu nói của Fosdick, “Người chọn nơi bắt đầu của một con đường, sẽ chọn nơi nó dẫn đến!”. Ai chọn Chúa Kitô, người ấy ‘không bao giờ lạc lối’ vì đã chọn đúng tuyệt đối. Ngài nói, “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống!”.

Chúa Kitô là Thiên Chúa, cũng là con người! Vì thế, bước theo Chúa Kitô, bạn tìm thấy đường đến với Thiên Chúa; tin Chúa Kitô, bạn nhận ra lẽ thật là chính Thiên Chúa; chấp nhận Chúa Kitô, bạn có sự sống của Thiên Chúa! Là Kitô hữu, bạn không chỉ tuân theo một số quy tắc, một số tín điều; nhưng là đi theo một Con Người! Fulton Sheen thật gãy gọn khi nói, “Tất cả giáo lý là Chúa Kitô!”. Chúa Kitô là câu trả lời cho mọi vấn đề; vấn đề sự sống, sự chết; vấn đề bên kia cái chết và sự sống vĩnh cửu. Ai chọn Chúa Kitô sẽ ‘không bao giờ lạc lối’ vì đã chọn đúng đường - đúng đích - dẫn đến Thiên Chúa!

Philipphê nói, “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha!”; Chúa Giêsu đáp, “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha!”. Một câu trả lời khá mơ hồ cho một người thực dụng; ấy thế, đó là câu trả lời không thể đúng hơn! Bởi lẽ, không ai thấy Thiên Chúa mà không chết, nên Con Thiên Chúa làm người để ai ‘thấy’ Ngài thì luôn ‘sống!’. Cốt lõi giáo lý về Nhập Thể là - giờ đây - “khuôn mặt” Thiên Chúa đã hiển hiện nơi Chúa Kitô. Thấy Chúa Kitô là thấy Chúa Cha, thấy sự sống, thấy thiên đàng. Rất nhiều điều kỳ diệu đang chờ đợi bên kia cuộc sống, nhưng chúng ta có thể hưởng nếm chúng trước trong Chúa Kitô. Ngài ‘mang trời xuống đất’ khi nhập thể; ‘mang đất lên trời’, khi đem chúng ta về ‘Nhà Cha’. Với tư cách con đường, Ngài đưa chúng ta đến với Chúa Cha; tư cách sự thật, Ngài mặc khải Chúa Cha; và tư cách sự sống, Ngài chia sẻ sự sống của Cha.

Một trùng hợp thú vị khi Phaolô - đến mấy lần - đề cập việc nhìn thấy Chúa Phục Sinh. Chúa Phục Sinh đã hiện ra “với ông Kêpha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt”; Ngài cũng hiện ra “với Giacôbê, với tất cả các tông đồ”; và sau cùng, với Phaolô như “một đứa trẻ sinh non”. Nhờ việc thấy Ngài, các tông đồ mạnh dạn đi đến tận cùng trái đất, rao giảng Tin Mừng Phục Sinh; “Tiếng các ngài vang dội khắp hoàn cầu!” - Thánh Vịnh đáp ca.

Anh Chị em,

“Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống!”. Mỗi ngày, đi trên con đường Giêsu, mỗi bước chân của chúng ta đã “chọn nơi nó dẫn đến” - Chúa Cha! Có Chúa Cha, bạn và tôi có tất cả; có thiên đàng, có sự sống hôm nay, có sự sống vĩnh cửu! Vậy Kitô hữu sẽ không còn gặp bất cứ vấn đề nào nữa sao? Có chứ! Vấn đề cuộc sống vẫn còn đó, nhưng vì Con Thiên Chúa đã đi qua mọi nẻo gian khó của nó, và trên đường, Ngài đã toàn thắng khi đánh bại thần chết; vì thế, Ngài có thể dẫn chúng ta đi, cứu thoát chúng ta ở bất cứ hoàn cảnh nào. Và chắc chắn, Ngài sẽ dẫn chúng ta đến cùng đích!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đường đời muôn hướng nhưng ‘không dẫn đến đâu’. Giúp con chọn đường Giêsu mỗi ngày; vì chọn Ngài, con sẽ ‘không bao giờ lạc lối!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các Hồng Y tranh luận về các vấn đề của thế kỷ 20 trong thế giới thế kỷ 21
Vũ Văn An
15:00 02/05/2025

(Nguồn: Pixabay.)


Charles Collins, giám đốc điều hành của Crux, ngày 2 tháng 5 năm 2025, nhận định: Một trong những câu chuyện xoay quanh mật nghị bầu người kế nhiệm Giáo hoàng Phanxicô – dự kiến khai mạc vào ngày 7 tháng 5 – là sự xa lạ của các Hồng Y cử tri với nhau. Các vị không phải là những người hoàn toàn xa lạ với nhau – không nhất thiết hoặc chủ yếu – nhưng nhiều người trong số các vị không thực sự biết rõ về nhau.

Một số lượng kỷ lục các Hồng Y đủ điều kiện bỏ phiếu bầu giáo hoàng tiếp theo – 135 vị dưới 80 tuổi, mặc dù ít nhất hai vị sẽ không tham dự.

Đức Phanxicô đã bổ nhiệm hầu hết các vị. Nhiều vị đến từ các quốc gia chưa từng có Hồng Y trước đây và những đồng cấp của các vị không thường xuyên đến Rome để gặp gỡ các thành viên khác của câu lạc bộ rất độc quyền này.

Nhưng tôi tự hỏi: Các vị có biết nhau trên Facebook hay Instagram không?

Tôi nghĩ đến điều này khi thấy một bài đăng trên X (trước đây là Twitter).

Bài đăng đó phát đi một cuộc phỏng vấn với Mark Zuckerberg – người sáng lập Facebook – về sự phát triển của Trí tuệ nhân tạo trên mạng xã hội và cách mọi người sử dụng Trí tuệ nhân tạo để hình thành “mối quan hệ bản thân” với những người nhân tạo.

“Tôi nghĩ khi vòng lặp cá nhân hóa bắt đầu và Trí tuệ nhân tạo bắt đầu hiểu bạn hơn, tôi nghĩ điều đó sẽ thực sự hấp dẫn”, Zuckerberg nói.

Zuckerberg trích dẫn một số liệu thống kê theo đó, người Mỹ trung bình sẽ có ít hơn ba người bạn.

“Người trung bình cần một thứ gì đó một cách có ý nghĩa hơn”, Zuckerberg nói, “Tôi đoán là khoảng 15 người bạn hoặc đại loại như thế”. Ông suy đoán rằng người ta quá bận rộn để có hơn ba người bạn.

“Nhưng người trung bình muốn có nhiều kết nối hơn những gì họ có”, ông nói khi giải thích lý do tại sao “bạn bè ảo” ngày càng trở nên phổ biến.

Đây là một vấn đề đã tồn tại từ lâu trước khi Trí tuệ nhân tạo bùng nổ trong hai năm qua. Nhiều người có hàng trăm "người bạn" trên Facebook, nhiều người trong số họ là người thật mà họ chưa từng gặp.

Họ có "tình bạn" với những người này, nhưng cả hai bên đều có thể trình bầy một phiên bản kỹ thuật số được tuyển chọn kỹ lưỡng của chính họ - một phiên bản nhân tạo, nói một cách ngắn gọn - thường tốt hơn nhiều so với thực tại thực, tự nhiên, thực tại của họ (và đôi khi tệ hơn nhiều).

Tôi đã ngoài 30 tuổi khi Facebook ra đời và hiện đã ngoài 50. Tôi đã có thể làm quen lại với nhiều người bạn cũ từ thời trung học và đại học (và rất vui vì điều này), nhưng có một số người mà tôi thực sự không biết, những người có tên trong danh sách "bạn bè" trên Facebook của tôi. (Tôi thừa nhận, tôi thích thuật ngữ "theo dõi" trên Instagram và X hơn.)

Đã có nhiều vụ bê bối trên mạng xã hội, nơi mọi người bị tấn công vì nói những điều bị coi là xúc phạm, nhưng lại tự bảo vệ mình bằng cách tuyên bố "Đó chỉ là một trò đùa!" Họ có thể có lý: Thường thì một người có thể kể một câu chuyện cười với những người bạn thân mà có vẻ rất xúc phạm đối với một người không biết họ và không thể hiểu được bối cảnh của những gì họ nói.

Nhưng trên mạng xã hội, hàng nghìn người có thể "thích" câu nói đó: Một số người vì họ là bạn thực sự của tác giả, những người khác vì họ hiểu bối cảnh và câu chuyện cười, và khá nhiều người vì họ là những kẻ bệnh hoạn. Hàng nghìn người bị xúc phạm vì ngoài bối cảnh, câu nói đó là xúc phạm.

Các thuật toán xác định nội dung mà người dùng nhìn thấy trên các nền tảng mạng xã hội - các thuật toán hiện dường như đang được tích hợp bằng cách nào đó vào những "con người" Trí tuệ nhân tạo mới nổi này - theo dõi các bài đăng và "mức độ tương tác" của cá nhân với các bài đăng của người khác, sau đó hiển thị cho người dùng nội dung mà các thuật toán "nghĩ" rằng người dùng muốn xem, hoặc nếu không, chúng sẽ hiển thị cho họ những thứ mà chúng nghĩ sẽ khiến người dùng tức giận - có một số sự trùng lặp trong các danh mục - về cơ bản, bất cứ thứ gì mà thuật toán xác định có khả năng thu hút được lượt nhấp.

Điều này đưa mọi người vào các phòng vọng âm và đang tạo ra một nền văn hóa bộ lạc mới mà chúng ta với tư cách là một xã hội chưa học được cách giải quyết.

Tuy nhiên, Zuckerberg không chỉ ra những mối nguy hiểm do những người bạn "giả tạo" gây ra. Ông ấy đang ám chỉ rằng họ có vai trò quan trọng.

"Tôi nghĩ rằng rất nhiều điều trong số những điều này mà ngày nay có thể có một chút kỳ thị, tôi đoán rằng theo thời gian, chúng ta sẽ tìm ra vốn từ vựng như một xã hội để có thể diễn đạt lý do tại sao điều đó có giá trị và tại sao những người đang làm những điều này… như tại sao họ lại hợp lý khi làm điều đó và tại sao điều đó có giá trị đối với cuộc sống của họ, nhưng tôi cũng nghĩ rằng lĩnh vực này còn rất sớm", ông nói.

Đọc tin tức - và mea culpa [lỗi tại tôi] vì điều đó - những câu hỏi mà Giáo hội phải đối diện khi chúng ta bước vào mật nghị tập trung vào những người bảo thủ tập chú vào "các giá trị truyền thống" và Thánh lễ La tinh và những người cấp tiến thúc đẩy hôn nhân đồng tính và giáo sĩ nữ. Đây là những cuộc tranh luận của nửa sau thế kỷ 20. Phần đầu tiên của thế kỷ 21 chứng kiến một xã hội đặt câu hỏi về ý nghĩa của việc trở thành con người, với "chủ nghĩa hậu nhân văn" được thúc đẩy bởi các nhà lãnh đạo của nhiều công ty công nghệ.

“Ý tôi là có một số ít công ty đang thực hiện các liệu pháp ảo và có những cô bạn gái ảo và những thứ tương tự, nhưng vẫn còn quá sớm,” Zuckerberg chỉ ra trong cuộc phỏng vấn của mình.

Gọi tôi là một kẻ ngây thơ vô vọng, nhưng tôi nghĩ các Hồng Y sẽ làm tốt khi các vị bước vào mật nghị vào tuần tới để ghi nhớ những lời của Chúa Giêsu Kitô trong Tin mừng theo thánh Gioan:

Đây là điều răn của thầy: Hãy yêu thương nhau, như thầy đã yêu thương các con. Không ai có thể có tình yêu lớn hơn là hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu. Các con là bạn hữu của thầy, nếu các con làm theo những điều thầy truyền dạy. Thầy sẽ không còn gọi các con là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc của chủ; thầy gọi các con là bạn hữu, vì thầy đã cho các con biết mọi điều thầy đã học được từ Cha thầy.

Có lẽ Người không yêu cầu được “Thích” trên mạng xã hội.
 
Nhận định về Chiến Tranh Việt Nam của một nhà báo Công Giáo Hoa Kỳ
Vũ Văn An
15:25 02/05/2025

David Warren, của The Catholic Thing, ngày 2 tháng 5 năm 2025, cho hay: Tôi nhận ra rằng nửa thế kỷ đã trôi qua, trong khi nhiều bản tin khác nhau đang thông báo cho tôi về những thảm họa mới nhất. Tất nhiên, không có mối liên hệ nào giữa bất cứ sự kiện nào trong số này, hoặc giữa bất cứ hai sự kiện nào trên trái đất này.

Và không có thứ gọi là chiến tranh tôn giáo, trái ngược với chiến tranh từ những nguyên nhân hoàn toàn phi tôn giáo. Ngoại trừ, mọi cuộc chiến đều là chiến tranh tôn giáo và luôn như vậy.

Điều này trở nên rõ ràng hơn khi người ta xem xét các cuộc xung đột. Các câu hỏi về nguyên nhân thường được thu hẹp lại ở mức hẹp nhất, bởi vì chúng càng được xem xét rộng rãi thì thực tế càng trở nên quá lớn.

Tôi đã có trải nghiệm thực sự đau đớn này về "vĩnh cửu" chỉ nửa thế kỷ trước, khi xem, vào thời điểm đó thông qua truyền hình phương Tây, sự sụp đổ của Sài Gòn và kết thúc của những gì phương tiện truyền thông đã đóng gói là "Chiến tranh ở Việt Nam".

Thật đáng kinh ngạc khi chỉ có vài năm được thêm vào đống kiến thức của tôi, và thái độ tự do hay hippy của những người trẻ tuổi khi đó đã bị loại bỏ khỏi tâm hồn tôi.

Bởi vì tôi đã từng ở Việt Nam, và liên tục theo dõi một số cuộc chiến tranh này ở cự ly gần; và bởi vì tôi biết rất rõ rất nhiều người đã sống và chết trong cuộc chiến đó, nên đối với tôi, đây đã trở thành sự kiện nền tảng lớn và mang tính quyết định.

Điều này là "có thật" trong một thế giới đang chìm đắm trong sự non nớt và phi thực tại, và tất cả các sự kiện khác của thời đại đó sẽ bị ảnh hưởng bởi sự kiện đáng suy gẫm này.

Tôi không phải là người trung lập, và hợp lý là không thể như vậy, trong suốt những năm tháng tôi nhận thức được cuộc đụng độ khủng khiếp đang diễn ra ở đó, và khi còn là một đứa trẻ đang lớn, tôi đã sống ở một quốc gia Đông Nam Á, nơi có tin tức Việt Nam ngay bên cạnh.

Dù tốt hay xấu, tôi là một thần đồng trong việc đọc báo, tạp chí và sách từ khi còn nhỏ, và có cha mẹ, đặc biệt là một người cha, người quan tâm đến mọi thứ.

Cuộc chiến mà người Việt Nam (tương đối) tự do đang chiến đấu chống lại kẻ thù khủng khiếp – chủ nghĩa cộng sản – đã đủ lớn để có thể nhận ra theo thời gian và ở rất xa.

Đối với tôi, “các cuộc biểu tình chiến tranh” ở Mỹ là những gì trừu tượng. Tuy nhiên, ý tưởng rằng tôi là một kẻ hiếu chiến độc ác, chỉ vì tôi có thể tiếp cận trực tiếp hơn với sự thật, là điều mà tôi đã trực tiếp chứng kiến khi trở về Canada.

Có lẽ toàn bộ cuộc sống sau này của tôi đã bị ảnh hưởng bởi điều đó, cũng như việc tôi đọc lịch sử. Có vẻ như đó là gốc rễ của sự hoài nghi của tôi, vì ngay tại Việt Nam, tôi đã phát hiện ra rằng những nhà báo phương Tây đáng kính nhất lại khá thờ ơ với sự thật, tức là những kẻ nói dối.

Và họ được phương tiện truyền thông phương Tây trả tiền cho những lời nói dối của mình, và được ca ngợi và tôn vinh trong những gì tự cho là xã hội thượng lưu.

Một thành viên của CIA giúp những người di tản leo lên thang để lên trực thăng Air America trên nóc tòa nhà số 22 phố Gia Long, một khách sạn cách Đại sứ quán Hoa Kỳ nửa dặm, ngày 29 tháng 4 năm 1975, [Ảnh của Hubert van Es/Sử dụng hợp lý]


Khi đọc lại, ít nhất là trong thế kỷ mười chín và phiêu lưu hơn nữa, tôi thấy cùng một "thành kiến" lặp đi lặp lại, và hậu quả tàn khốc của khuynh hướng "thế tục, tiến bộ" trơn tru này.

Nó không phải là một con lắc, đung đưa từ bên này sang bên kia; một khoảnh khắc bên này hợp thời trang, khoảnh khắc tiếp theo, bên kia. Bên trái luôn hợp thời trang, và bên phải luôn lỗi thời, cho đến khi bên trái bị đẩy sang bên phải vì những điều được cho là "lý do". (Ví dụ, những kẻ phát xít và Đức Quốc xã ban đầu ở bên trái.)

Việt Nam đã trở thành nơi đào tạo trí tuệ, trên biểu đồ này, và ở một số bình diện không liên quan. Ví dụ, tôi đã học được rằng các Ki-tô hữu chân thành, bất kể quốc tịch và chủng tộc nào - và do đó chắc chắn bao gồm tất cả những người Việt Nam có tôn giáo - về cơ bản là đáng tin cậy và, chủ yếu là "ở bên chúng tôi"; vì những người theo đạo Phật chân thành mà tôi đã giao dịch cũng vậy.

Than ôi, đối với một thế giới mà mọi người đều chân thành, thì cá nhân bị bỏ rơi phải sử dụng phán đoán của mình. (Nói rằng một người không nên phán đoán là nói nhảm; tức là ngu ngốc một cách vô phương tự vệ.)

Nhưng người ta đã khám phá ra rằng, những người cộng sản thực sự là kẻ thù và là bạn của quỷ dữ. Tôi nghĩ rằng bất cứ ai đã sống dưới chế độ cộng sản và không hưởng lợi từ việc trở thành một người cộng sản, sớm hay muộn cũng sẽ đi đến kết luận này; thường là sớm hơn. Điều này không hề tinh tế: "Những người cộng sản không phải là bạn của bạn".

Đúng vậy, thái độ phải được hình thành, và thái độ cơ bản của tôi đến từ Việt Nam, bằng cách suy gẫm về những gì đang xảy ra với đất nước đó. (Lưu ý rằng tôi đã viết, “với”)

Vào thời điểm tôi, một thanh niên đang cố gắng trở thành một nhà báo, có mặt ở đó, tôi nhận ra rằng bộ máy quan liêu của Mỹ đã tiếp quản cuộc chiến, và rằng, là một bộ máy quan liêu, họ sẽ thua bất kể họ được trang bị tốt hơn bao nhiêu.

Đó không phải là một sự sáng suốt đột ngột. Đối với tôi, điều đó có vẻ hiển nhiên, ngay cả khi tôi mới mười bảy tuổi.

Một nhận xét bổ sung: những người cộng sản thì tàn nhẫn, còn người Mỹ thì ngây thơ và hoài nghi. Tôi thường ước người Mỹ có thể tàn nhẫn như người (cộng sản) Việt Nam, những người có mọi thứ trên ranh giới. Và tôi thường ước ao họ có nhiều hơn các sĩ quan với chỉ số IQ ba chữ số.

Nhưng tôi trung thành với phía họ, và thậm chí trung thành hơn, tôi đồng cảm với người Việt Nam. Viễn cảnh tương lai khiến tôi chán nản và gần như tuyệt vọng. Một trong những lý do khiến tôi trở thành người vô thần, vào thời điểm đó, là, có vẻ như những người tốt luôn là kẻ thua cuộc.

Vâng, chắc chắn là Chiến tranh Việt Nam đã không kết thúc tốt đẹp. Vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, quân đội Hoa Kỳ đã từ bỏ cuộc rút lui đầy tự trọng của họ, vì họ đã bị đánh tan tác. Sài Gòn sụp đổ, như độc giả của tôi có thể đã thấy và nhớ, từ những bức ảnh trên báo về những người Việt Nam tuyệt vọng cố gắng chen chúc lên những chiếc trực thăng đông đúc.

Đây là một sự kiện lịch sử lớn. Hoa Kỳ đã thua cuộc chiến một cách rõ ràng, và như tôi đã dự đoán, từ thời điểm đó trở đi, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thua trong các cuộc chiến tranh.

Triều Tiên là cuộc xung đột cuối cùng mà chúng ta bằng cách nào đó đã đạt được kết quả hòa cả làng. Trong ba phần tư thế kỷ, chúng ta đã liên tục thua cuộc, mặc dù được trang bị tốt hơn nhiều.

Đó là một vấn đề tôn giáo. Khi nước Mỹ bắt đầu phi Kitô giáo, lãng phí mục đích sống và niềm tin rằng Chúa sẽ ở bên họ, nước Mỹ chỉ còn là một bộ máy quan liêu.
 
Các Hồng Y lắng nghe báo cáo về tình hình tài chính của Vatican, thảo luận về tình trạng phân cực trong Giáo Hội, và tính đồng nghị
Đặng Tự Do
17:17 02/05/2025


Các thành viên của Hồng Y đoàn đã họp phiên họp chung thứ bảy kể từ khi Đức Thánh Cha Phanxicô qua đời. Tờ Quan Sát Viên Rôma cho biết 181 trong số 252 thành viên của Hồng Y đoàn—bao gồm 124 trong số 133 Hồng Y cử tri—đã tham dự.

Buổi họp kéo dài trong ba tiếng rưỡi, bắt đầu bằng lời cầu nguyện lúc 9:00 sáng và kết thúc bằng việc đọc kinh Regina Caeli hay kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng lúc 12:30.

Theo tờ Quan Sát Viên Rôma, phần đầu tiên của cuộc họp được dành cho các báo cáo tài chính:

Đức Hồng Y Reinhard Marx của Munich, điều phối viên Hội đồng Kinh tế, “đã trình bày cập nhật tổng quan về những thách thức hiện tại và các vấn đề quan trọng, đưa ra các đề xuất hướng tới tính bền vững và nhắc lại tầm quan trọng của các cơ cấu kinh tế tiếp tục hỗ trợ sứ mệnh của Đức Giáo Hoàng một cách ổn định”.

Đức Hồng Y Nhiếp Chính Kevin Farrell đã thảo luận về ủy ban đầu tư mà ngài lãnh đạo.

Đức Hồng Y Christoph Schönborn, chủ tịch Ủy ban Hồng Y giám sát Viện Giáo Vụ, gọi tắt là IOR, đã phát biểu về IOR, thường được gọi là “ngân hàng Vatican”.

Đức Hồng Y Fernando Vérgez Alzaga, nguyên Thống đốc Thành quốc Vatican, đã thảo luận về “một số chi tiết liên quan đến công việc quản trị, đồng thời nói về công việc cải tạo liên quan đến các tòa nhà và sự hỗ trợ dành cho Tòa thánh.”

Đức Hồng Y Konrad Krajewski đã nói về công việc của Thánh bộ Phục vụ Bác ái, nơi ngài là bộ trưởng.

Sau đó, tờ Quan Sát Viên Rôma đã tóm tắt 14 bài phát biểu ngắn hoặc bài phát biểu can thiệp của các thành viên trong Hồng Y đoàn:

Một suy tư về giáo hội học của dân Chúa đã được nêu bật, đặc biệt là về nỗi đau khổ do sự phân cực trong Giáo hội và sự chia rẽ trong xã hội gây ra. Giá trị của tính đồng nghị, được trải nghiệm trong mối liên hệ chặt chẽ với tính đồng đoàn giám mục, như một biểu hiện của sự đồng trách nhiệm khác biệt, đã được nhắc lại nhiều lần.

Vấn đề ơn gọi linh mục và tu sĩ đã được đề cập trong nhiều dịp khác nhau, được xem xét liên quan đến việc đổi mới tinh thần và mục vụ của Giáo hội. Một số can thiệp đã đề cập rõ ràng đến các văn kiện của Công đồng Vatican II, đặc biệt là các Hiến chế Lumen Gentium và Gaudium et Spes.

Vấn đề truyền giáo được thảo luận, nhấn mạnh đến sự gắn kết cần thiết giữa việc công bố Phúc Âm và chứng tá cụ thể của đời sống Kitô hữu.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết cho đến nay có một số Hồng Y cử tri vẫn chưa đến và không có thông dịch viên nào được mong đợi có mặt tại Nhà nguyện Sistina trong suốt cuộc họp kín. Sau đó, ông cũng đã đề cập đến tình hình của Hồng Y Vinko Puljić. Theo lời khuyên của các bác sĩ, ngài có thể phải bỏ phiếu từ nhà trọ Santa Marta thay vì đích thân hiện diện tại nhà trọ Santa Marta.
 
Bắc Kinh can thiệp vào Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng
Đặng Tự Do
17:18 02/05/2025


Trong khi Giáo Hội Công Giáo trên toàn thế giới thương tiếc Đức Thánh Cha Phanxicô và hướng đến các Hồng Y đã đến Rôma để tham dự Cơ Mật Viện bầu Tân Giáo Hoàng, thì các cơ quan của Công Giáo do nhà nước chi phối tại Trung Quốc lại thúc đẩy ý tưởng rằng mọi thứ phải tiếp tục như thể chưa có chuyện gì xảy ra.

Các nguồn tin cho AsiaNews biết rằng tại Thượng Hải, các linh mục cùng một số đại diện của các nữ tu và giáo dân đã được triệu tập để phê chuẩn việc lựa chọn một Giám Mục Phụ Tá mới, diễn ra vào ngày 30 Tháng Tư. Cha Ngô Kiến Lâm (Wu Jianlin, 吴建林) tổng đại diện hiện tại, đã được chọn với chỉ một số ít phiếu chống. Điều tương tự cũng xảy ra vào hôm nay tại Giáo phận Tân Hương (Xinxiang, 新乡), tỉnh Hà Nam với chỉ một ứng cử viên, linh mục Lý Kiến Lâm (Li Janlin, 李建林).

Phương pháp này đã được sử dụng bất chấp thỏa thuận với Tòa thánh về việc bổ nhiệm giám mục.

Dưới danh nghĩa “quyền tự chủ” của Giáo hội tại Trung Quốc, một điểm mà chính quyền nhấn mạnh, Trung Quốc vẫn quyết định tiến hành, khẳng định rằng khoảnh khắc đặc biệt trong lịch sử của Giáo hội hoàn vũ, khi Tòa Thánh trống ngôi Giáo Hoàng, không liên quan đến người Công Giáo tại Cộng hòa Nhân dân.

Giám mục Thẩm Bân của Thượng Hải, người được Đảng Cộng sản Trung Quốc chọn để lãnh đạo cộng đồng Công Giáo địa phương, mà không hề hỏi ý kiến Tòa Thánh, cho biết ông muốn có một Giám Mục Phụ Tá hỗ trợ ông trong chức vụ mục vụ của mình, bao gồm cả chức vụ chủ tịch Hội đồng Giám mục Trung Quốc, là cơ quan không được Tòa thánh công nhận.

Vấn đề là Giáo phận Thượng Hải đã có hai Giám Mục Phụ Tá, đó là Đức Cha Giuse Hình Văn Chi (Xing Wenzhi, 邢文智)62 tuổi, được tấn phong năm 2005 nhưng đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc gạt sang một bên vào năm 2011, và trên hết là Đức Cha Tađêô Mã Đạt Thanh (Ma Daqin, 马达钦) 57 tuổi, vị giám mục đã có động thái chưa từng có là từ chức khỏi Hiệp hội Yêu nước trong lễ tấn phong giám mục của mình vào ngày 7 tháng 7 năm 2012, một động thái khiến ngài hiện đang bị cô lập tại chủng viện Xà Sơn.

Vào tháng 7 năm 2023 - ba tháng sau động thái của Bắc Kinh - Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã miễn cưỡng phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm Bân tại Thượng Hải “vì lợi ích của giáo phận” sau đó, một số người bày tỏ hy vọng rằng Đức Cha Tađêô Mã Đạt Thanh sẽ có thể thực hiện chức thánh của mình, ít nhất là với tư cách là Giám Mục Phụ Tá, đặc biệt là vì ngài đã công khai xin lỗi Đảng Cộng sản Trung Quốc cho cử chỉ của mình vào năm 2016.

Việc bầu Cha Ngô Kiến Lâm cho thấy rõ ràng rằng Bắc Kinh không có ý định cho phép điều đó. Giám Mục Phụ Tá mới là linh mục đã lãnh đạo giáo phận Thượng Hải từ năm 2013 đến năm 2023 và đã là thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc trong nhiều năm.

Không kém phần khó khăn đối với Tòa thánh là cuộc bầu cử giám mục mới của Tân Hương. Trên thực tế, đây là giáo phận này ở Hà Nam đang có một giám mục, là Đức Cha Giuse Trương Vĩ Trụ (Zhang Weizhu, 张伟柱) 67 tuổi, người đã được thụ phong bí mật vào năm 1991 và bị bắt nhiều lần trong những năm gần đây chỉ vì thực hiện chức thánh của mình.

Trong trường hợp này, ứng cử viên duy nhất cho chức giám mục là một người trung thành với đảng. Năm 2018, linh mục Lý Kiến Lâm là một trong những người ký thông tư cấm trẻ vị thành niên tham dự các Thánh lễ ở tỉnh Hà Nam.

Hai cuộc bầu cử này là phép thử của chính quyền Trung Quốc đối với người kế nhiệm Thánh Phêrô, sẽ được bầu tại Cơ Mật Viện khai mạc vào ngày 7 tháng 5.

Đức Giáo Hoàng mới sẽ phải quyết định nên làm gì không chỉ về mối quan hệ chung với Trung Quốc mà còn về hai sự kiện cụ thể này.

Sự việc này xảy ra sau khi không có giám mục nào từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đến Vatican dự tang lễ của Đức Thánh Cha Phanxicô, không giống như những gì đã xảy ra tại các Thượng Hội Đồng Giám Mục.

Trong khi đó, tuyên bố chia buồn ngắn gọn do Hiệp hội Yêu nước đăng tải về sự ra đi của Đức Thánh Cha Phanxicô đã bị gỡ khỏi trang chủ sau bốn ngày, thay thế bằng những tin tức có vẻ cấp bách hơn, như cuộc họp tại tỉnh An Huy giữa những người Công Giáo và Đảng ủy và bản trình bày về kế hoạch 5 năm nhằm Hán hóa Công Giáo tại tỉnh Hồ Bắc.

Tại Giáo phận Ôn Châu (tỉnh Chiết Giang), cuộc đàn áp vẫn tiếp diễn. Trước lễ Phục sinh, Asia News đã đưa tin về vụ bắt giữ thường xuyên của Đức Cha Phêrô Thiệu Chúc Mẫn, vụ việc này đã tiếp tục kéo dài sau khi Đức Giáo Hoàng qua đời, theo các báo cáo mới nhất gửi cho AsiaNews từ các nguồn tin địa phương.

Người ta không biết gì về số phận của vị giám mục sau khi ngài bị bắt vào ngày 10 tháng 4 để ngăn ông cử hành các nghi lễ Tuần Thánh trước công chúng.

Ở Ôn Châu, cảnh sát thậm chí còn ngăn cản các linh mục “được ghi danh chính thức” cử hành Thánh lễ tưởng nhớ Đức Thánh Cha Phanxicô.

Thỏa thuận về việc bổ nhiệm Giám Mục giữa Vatican và Bắc Kinh, mà Đức Hồng Y Pietro Parolin là kiến trúc sư trưởng, đã thu hút sự chỉ trích rộng rãi, không chỉ từ Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, giám mục danh dự của Hương Cảng, và những người Công Giáo Trung Quốc bình thường cam kết trung thành với Rôma, mà còn từ những người Công Giáo nổi tiếng ở Âu Châu và Hoa Kỳ, những người cáo buộc Giáo hội đã bán mình cho Trung Quốc Cộng sản và gây ra hậu quả tàn khốc. Không nao núng, Đức Hồng Y Parolin đã kêu gọi sự kiên nhẫn và không khuất phục trước sự phẫn nộ của công chúng về vấn đề này.

Nhiều người cho rằng quyết định tấn phong Giám Mục trái phép của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong những ngày này sẽ khơi lại cuộc tranh luận và sẽ ảnh hưởng đáng kể đến quyết định của các Hồng Y đang tham dự Cơ Mật Viện bầu tân Giáo Hoàng. Theo nghĩa đó, Trung Quốc đang can thiệp vào Cơ Mật Viện bầu tân Giáo Hoàng.

Ngay trước phiên họp đầu tiên của Đại Hội Đồng, Đức Hồng Y Pietro Parolin cũng đã phải chịu một sự soi mói đánh kể khi Hồng Y Becciu, phụ tá của ngài, đưa ra các tuyên bố gây tranh cãi, khơi lại những nghi ngờ về vai trò của Đức Hồng Y Parolin trong vụ mua bán nhà tại Luân Đôn.

Những diễn biến dồn dập như thế chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến khả năng ngài được bầu làm Giáo Hoàng.


Source:Asia News
 
2 Hồng Y cử tri từ Tây Ban Nha và Kenya sẽ không tham dự Cơ Mật Viện sắp tới
Đặng Tự Do
17:20 02/05/2025


Matteo Bruni, giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, đã tuyên bố rằng hai Hồng Y cử tri sẽ không tham gia Cơ Mật Viện vì lý do sức khỏe. Ông từ chối nêu tên hai vị Hồng Y, nại đến nhu cầu phải tôn trọng tính chất riêng tư của Hồng Y Đoàn.

Tuy nhiên, cuối cùng người ta cũng biết danh tính hai vị Hồng Y không thể tham dự Cơ Mật Viện vì lý do sức khoẻ.

Tổng giáo phận của Hồng Y người Tây Ban Nha Antonio Cañizares; và Tổng giáo phận của Hồng Y người Kenya John Njue đã xác nhận hai vị Hồng Y này sẽ không tham gia Cơ Mật Viện sắp tới để bầu người kế nhiệm Đức Thánh Cha Phanxicô.

Tổng giáo phận Valencia nói với ACI Prensa, rằng Đức Hồng Y Cañizares “sẽ không đến Rôma vì lý do sức khỏe”.

Trong khi đó, các nguồn tin từ Tổng giáo phận Nairobi đã xác nhận với ACI Africa, rằng vì lý do sức khỏe, vị Hồng Y người Phi Châu sẽ không đến Rôma để bầu Đức Giáo Hoàng tiếp theo của Giáo hội.

Sinh năm 1945, Đức Hồng Y Cañizares được thụ phong linh mục vào năm 1970 tại Tổng giáo phận Valencia. Vị giám mục người Tây Ban Nha này đã là tổng giám mục danh dự của Tổng giáo phận Valencia kể từ năm 2022, sau khi phục vụ với tư cách là tổng giám mục tại đó từ năm 2014 đến năm 2022.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã bổ nhiệm Cha Cañizares làm giám mục của Ávila vào năm 1992, nơi ngài giữ chức cho đến khi được bổ nhiệm đến Tổng giáo phận Granada vào năm 1996. Năm 2002, ngài được chuyển đến Tổng giáo phận Toledo của Tây Ban Nha.

Giám mục Cañizares được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 tấn phong Hồng Y trong công nghị Hồng Y tháng 3 năm 2006. Từ năm 2008 đến năm 2014, ngài giữ chức vụ Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích của Vatican từ năm 2008 đến năm 2014 trước khi trở về Tây Ban Nha.

Đức Hồng Y Njue, 79 tuổi, là vị giám mục Kenya thứ hai được nâng lên hàng Hồng Y. Được Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục phong chức linh mục vào năm 1973 tại Đền Thờ Thánh Phêrô cho Giáo phận Meru của Kenya, Cha Njue sau đó đã được tấn phong giám mục vào năm 1986 — ở tuổi 40 — sau khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị bổ nhiệm ngài làm giám mục đầu tiên của Giáo phận Embu, nơi ngài ở lại cho đến năm 2002.

Trước khi được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 tấn phong Hồng Y vào năm 2007, Đức Cha Njue đã phục vụ Giáo hội Kenya với tư cách là tổng giám mục phó của Nyeri và giám quản tông tòa của Isiolo.

Vị giám mục người Phi Châu này cũng đã đảm nhiệm hai nhiệm kỳ làm chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Kenya từ năm 1997 đến năm 2003 và từ năm 2006 đến năm 2015.

Tòa thánh gần đây đã cập nhật ngày sinh của Đức Hồng Y Njue trong Niên giám Tòa Thánh mới nhất là ngày 1 Tháng Giêng năm 1946, có nghĩa là vị tổng giám mục danh dự này có quyền bỏ phiếu trong Cơ Mật Viện Đức Giáo Hoàng cho đến ngày 1 Tháng Giêng năm 2026. Hiện ngài là thành viên của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc.

Với sự vắng mặt của Cañizares và Njue trong Cơ Mật Viện sắp tới, tổng cộng có 133 Hồng Y đủ điều kiện bỏ phiếu trong Cơ Mật Viện.

Giáo hội cần ít nhất 89 phiếu bầu, tức là đa số hai phần ba, để bầu ra Đức Giáo Hoàng mới và người kế nhiệm Đức Thánh Cha Phanxicô để lãnh đạo 1,4 tỷ người Công Giáo trên toàn thế giới.


Source:National Catholic Register
 
Đức Giáo Hoàng tiếp theo cần một chính sách tốt hơn với Trung Quốc
J.B. Đặng Minh An dịch
18:11 02/05/2025

Nina Shea, nhà hoạt động nhân quyền Hoa Kỳ có bài nhận định nhan đề “The Next Pope Needs a Better China Policy”, nghĩa là “Đức Giáo Hoàng tiếp theo cần một chính sách tốt hơn với Trung Quốc”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Cải cách chính sách của Vatican đối với Trung Quốc nên là ưu tiên của Đức Giáo Hoàng tiếp theo. Đường lối hiện tại được định hình bởi thỏa thuận gây tranh cãi năm 2018 của Vatican với Trung Quốc về việc chia sẻ quyền lực với Bắc Kinh trong việc bổ nhiệm các giám mục Công Giáo. Nó làm tổn hại nghiêm trọng đến Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc và làm xói mòn thẩm quyền tôn giáo và đạo đức của Đức Giáo Hoàng.

Đức Hồng Y Pietro Parolin, nguyên Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, là kiến trúc sư của thỏa thuận với Trung Quốc và là người nhiệt tình nhất. Bắc Kinh đã không che đậy khi ám chỉ rằng ngài là lựa chọn hàng đầu của Trung Quốc cho Vị Giáo Hoàng tiếp theo. Tại một cuộc họp báo vào ngày 22 tháng 4—một ngày sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô qua đời—phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiến đã đưa ra viễn cảnh “cải thiện quan hệ Trung Quốc-Vatican” thông qua quan hệ đối tác “tiếp tục”, và không ai trong số các ứng cử viên Giáo Hoàng hàng đầu có nhiều kinh nghiệm làm việc với Trung Quốc hơn Đức Hồng Y Parolin.

Trong một diễn biến có thể gây trở ngại cho mong muốn của Bắc Kinh, tại Thượng Hải và Hà Nam, chính quyền địa phương đã tấn phong Giám Mục trái phép trong thời gian Tòa Thánh trống ngôi Giáo Hoàng cho hai linh mục Ngô Kiến Lâm (Wu Jianlin, 吴建林) và Lý Kiến Lâm (Li Janlin, 李建林). Diễn biến này chắc chắn có ảnh hưởng sâu sắc đến khả năng các Hồng Y cử tri lựa chọn Đức Hồng Y Pietro Parolin vào ngôi Giáo Hoàng. Tuy nhiên, những ai có kinh nghiệm với các nước cộng sản đều không ngạc nhiên trước cảnh trống đánh xuôi kèn thổi ngược giữa trung ương và địa phương. Trái lại, điều đó càng nhấn mạnh đến khó khăn trong việc thực thi các thỏa thuận với Trung Quốc, ngay cả trong trường hợp chính quyền trung ương của nước này thật tình muốn thực hiện các thỏa thuận ấy.

Thỏa thuận này gây nguy hiểm cho các giáo sĩ trung thành ở Trung Quốc. Một lời nhắc nhở rõ ràng về thực tế này đã diễn ra vào tháng trước khi các cơ quan an ninh nhà nước Trung Quốc giam giữ vô thời hạn Đức Cha Thiệu Chúc Mẫn của giáo phận Công Giáo Ôn Châu mà không có thủ tục tố tụng hợp lệ. Đây là lần thứ tám vị giáo sĩ thầm lặng sáu mươi mốt tuổi bị giam giữ trong bảy năm qua.

Ít nhất mười giám mục Công Giáo ở Trung Quốc hiện đang bị giam giữ vô thời hạn hoặc bị hạn chế chức vụ vì phản đối sự kiểm soát của chính phủ đối với Giáo Hội Công Giáo của họ. Vatican âm thầm chấp nhận và che đậy sự đàn áp này và sau thỏa thuận năm 2018, đã rút lại sự ủng hộ của mình đối với Giáo Hội thầm lặng.

Ngoài những giám mục bị gạt ra ngoài lề này, còn có những giám mục đã qua đời trong bảy năm qua và để lại tình trạng trống tòa. Vatican và Trung Quốc chỉ thay thế khoảng một chục vị trong số họ, để lại khoảng ba mươi giáo phận trống tòa. Tuy nhiên, Vatican, giống như Bắc Kinh, khẳng định rằng thỏa thuận đang có hiệu quả và đã gia hạn vào tháng 10 năm ngoái thêm bốn năm nữa.

Trung Quốc ngay lập tức bắt đầu sử dụng thỏa thuận này để gây áp lực buộc các giám mục tham gia Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc, một nhóm do Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ đạo. Các thành viên được yêu cầu phải đưa ra lời cam kết về “tính độc lập” khỏi Đức Giáo Hoàng. Không có Đức Giáo Hoàng nào công nhận hiệp hội này là hợp pháp.

Đức Hồng Y Parolin đã hợp tác thúc đẩy giáo sĩ Công Giáo vào Hiệp hội Yêu nước. Năm 2019, Vatican đã ban hành các hướng dẫn mục vụ thiết lập tư cách thành viên hiệp hội là chuẩn mực mới cho giáo sĩ Trung Quốc, nhưng cũng cho phép phản đối vì lý do lương tâm. Đồng thời, để cho Trung Quốc đi đầu trong việc bổ nhiệm các giám mục.

Kết quả là, các giáo sĩ thể hiện lòng trung thành chính trị với Chủ tịch Tập Cận Bình được chính phủ Trung Quốc ủng hộ, và những người từ chối từ bỏ liên kết tôn giáo với Đức Giáo Hoàng sẽ bị đàn áp. Giáo phận Thượng Hải là một ví dụ điển hình về điều này. Kể từ thế kỷ XVII, Thượng Hải đã là giáo phận lớn nhất và quan trọng nhất của Trung Quốc. Đó là giáo phận của Hồng Y Ignaxiô Cung Phần Mai, giám mục Công Giáo Trung Quốc đầu tiên trên thế giới, người đã phải chịu đựng ba mươi ba năm tù vì từ chối từ bỏ Đức Giáo Hoàng. Nhờ thỏa thuận với Trung Quốc, giáo phận đáng kính này hiện nằm trong tay Hiệp hội Yêu nước, với sự ban phước của Đức Giáo Hoàng.

Trong mười bốn năm qua, hai giám mục được Vatican chấp thuận của Thượng Hải đã bị đàn áp. Đức Cha Giuse Hình Văn Chi đã biến mất một cách bí ẩn khỏi tầm nhìn của công chúng vào năm 2011 sau khi phục vụ với tư cách là Giám Mục Phụ Tá trong sáu năm với sự chấp thuận của chính phủ. Ngài đã mất lòng tin của đảng sau khi tuyên bố rằng ngài sẽ “trung thành phục vụ” Đức Giáo Hoàng tại lễ tấn phong giám mục của mình và sau khi liên tục phản đối tư cách thành viên Hiệp hội Yêu nước. Năm sau, Đức Cha Tađêô Mã Đạt Thanh được bổ nhiệm làm giám mục Thượng Hải với sự chấp thuận của cả Vatican và Bắc Kinh. Tại Thánh lễ tấn phong, ngài đã công khai rời khỏi Hiệp hội Yêu nước, viện dẫn lời của Thánh Ignaxiô: “Chúng ta phải chọn một cách sẽ phục vụ Chúa với vinh quang lớn hơn”. Ngài đã bị quản thúc tại gia vào ngày hôm đó tại một chủng viện, nơi ngài vẫn bị giam giữ mà không có bất kỳ thủ tục hợp pháp nào. Cả quyền tự do của ngài và của Giám Mục Hình Văn Chi đều không nằm trong thỏa thuận của Vatican.

Vào ngày 4 tháng 4 năm 2023, hội đồng giám mục của Hiệp hội Yêu nước đã đơn phương bổ nhiệm Giám mục Giuse Thẩm Bân, chủ tịch của cái Hội Đồng ấy, lãnh đạo giáo phận Thượng Hải. Đức Giáo Hoàng Phanxicô không được nói gì về vấn đề này, nhưng ngài vẫn chấp thuận việc bổ nhiệm Thẩm Bân ba tháng sau đó. Đức Hồng Y Parolin nhanh chóng ca ngợi Thẩm Bân là một “mục tử đáng kính” và tuyên bố sai lệch rằng sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng là “để sửa chữa sự bất thường về giáo luật” vì “lợi ích lớn hơn của giáo phận”. Ngài cũng hy vọng rằng việc hợp tác với Trung Quốc có thể “ủng hộ một giải pháp công bằng và khôn ngoan” cho các Giám mục Giuse Hình Văn Chi và Tađêô Mã Đạt Thanh. Những hy vọng đó đã bị dập tắt khi vào ngày 28 tháng 4 vừa qua, khi chính quyền ở Thượng Hải đã bỏ qua các ngài để chiếm đoạt chức Giám Mục Phụ Tá, trắng trợn lợi dụng thời gian trống ngôi Giáo Hoàng để một lần nữa vi phạm thỏa thuận và “bầu” một linh mục yêu nước làm giám mục mới và đơn phương bổ nhiệm ông ta làm Giám Mục Phụ Tá của Thẩm Bân. Hà Nam cũng hành động tương tự.

Giám mục Thẩm Bân thể hiện lòng nhiệt thành của đảng, với địa vị mới của mình, hứa hẹn sẽ chuyển đổi mạnh mẽ Giáo Hội Công Giáo Trung Quốc. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 8 năm 2023, ông ta kiên quyết rằng đàn chiên của mình phải từ chối thẩm quyền của Giáo Hoàng, khi nhấn mạnh rằng họ phải “tuân thủ nguyên tắc độc lập và tự chủ trong việc điều hành Giáo hội”. Vài tháng trước, Thẩm Bân đã gặp gỡ các giáo sĩ Hương Cảng trong một cuộc họp mà ông mở đầu bằng cách ca ngợi Đại hội toàn quốc lần thứ XX “được tổ chức thành công” gần đây của Đảng Cộng sản Trung Quốc và nói rằng “tinh thần” của đại hội sẽ hỗ trợ cho mục tiêu “Hán hóa” Giáo hội tại Trung Quốc của Hiệp hội Yêu nước. Ông cũng khẳng định “tư tưởng của Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội mang đặc điểm Trung Quốc cho kỷ nguyên mới”, báo hiệu sự pha trộn đáng lo ngại giữa tín lý Công Giáo và ý thức hệ cộng sản khi Đảng Cộng sản Trung Quốc cố gắng điều chỉnh tôn giáo theo học thuyết của đảng. Thẩm Bân đã gây sốc cho các giáo sĩ Hương Cảng, khi tuyên bố: “Cần phải hợp tác cùng với chính phủ thúc đẩy việc dịch và diễn giải Kinh thánh”.

Thượng Hải không phải là ngoại lệ. Kể từ khi có thỏa thuận, các chức vụ giám mục ở các địa phương khác đã được lấp đầy bởi những kẻ cuồng tín của Đảng Cộng sản Trung Quốc, được Vatican chấp thuận, trong khi các giám mục trung thành bị đàn áp. Ví dụ, theo yêu cầu của Bắc Kinh vào năm 2018, Vatican đã yêu cầu Đức Cha Vinh Sơn Quách Hy Cẩm (Guo Xijin - 郭希錦) của giáo phận Mân Đông từ chức để nhường chỗ cho một giám mục bị vạ tuyệt thông, người sau đó đã được Đức Thánh Cha Phanxicô phục hồi và chấp thuận. Vào tháng Giêng, Đức Cha Quách Hy Cẩm được chụp ảnh lần cuối khi bị nhốt trong khuôn viên nhà thờ giáo xứ.

Vatican từ lâu đã áp dụng chính sách Ostpolitik của mình là không chỉ trích Trung Quốc. Nhưng vào năm 2018, khi Giáo triều bắt đầu thúc đẩy thỏa thuận, họ bắt đầu tích cực ca tụng Bắc Kinh. Năm đó, hiệu trưởng Viện Hàn lâm Khoa học Giáo Hoàng đã gây chú ý khi ngài ca ngợi người Trung Quốc vì “là quốc gia trên thế giới thực hiện tốt nhất học thuyết xã hội của Giáo hội”. Hồng Y Parolin đã nhiều lần thúc đẩy tuyên truyền của Trung Quốc. Tại một cuộc họp báo năm 2020, ngài đã thẳng thừng phủ nhận “cuộc đàn áp” Giáo hội tại Trung Quốc, nói rằng chỉ có “các quy định được áp đặt và liên quan đến tất cả các tôn giáo”.

Đức Hồng Y cũng khẳng định sai rằng “Hán hóa” ám chỉ “một cách không nhầm lẫn” đến “hội nhập văn hóa”, tức là hoạt động truyền giáo tiếp nhận nghệ thuật địa phương và các hoạt động văn hóa được chấp thuận trong lòng sùng đạo Kitô. Tuy nhiên, Hán hóa theo Đảng Cộng sản Trung Quốc đòi hỏi các bài giảng phải tập trung vào những câu nói của Tập Cận Bình và trẻ em phải được “bảo vệ” khỏi việc khai tâm tôn giáo. Kể từ ngày 1 tháng 5, người nước ngoài và người Trung Quốc không được phép cùng nhau tham gia các hoạt động tôn giáo, cùng với các hạn chế khác.

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân của Hương Cảng đã cáo buộc Hồng Y Parolin “thao túng” Đức Thánh Cha Phanxicô để phê duyệt thỏa thuận bằng cách tuyên bố sai sự thật rằng Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 đã phê duyệt dự thảo. Trong một bài đăng trên blog vào tháng 10 năm 2020, Hồng Y Hương Cảng đã không ngần ngại nói: “Parolin biết ông ta đang nói dối, ông ta biết rằng tôi biết ông ta là kẻ nói dối, ông ta biết rằng tôi sẽ nói với mọi người rằng ông ta là kẻ nói dối.”

Bắc Kinh đã lợi dụng thỏa thuận này, và Giáo Hội Công Giáo đang phải chịu đau khổ vì điều đó. Chúng ta cần một chính sách tốt hơn—một chính sách không chia sẻ quyền lực quan trọng của Đức Giáo Hoàng trong việc bổ nhiệm lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo với một chính phủ vô thần và ủng hộ việc duy trì Giáo hội thông qua một tổ chức ngầm trung thành. Điều đó đã quá hạn từ lâu.


Source:First Things
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ Thánh Giuse Thợ _Gx Thiên Ân
Gx Thiên Ân
05:14 02/05/2025
GIÁO XỨ THIÊN ÂN MỪNG LỄ THÁNH GIUSE THỢ - BỔN MẠNG GIÁO XỨ - 01 THÁNG 05 NĂM 2025.

Trong niềm hân hoan mừng lễ thánh quan thầy, cũng là dịp đặc biệt mừng giáo xứ chuẩn bị bước vào ngày kỷ niệm 25 năm thành lập giáo xứ vào tháng 12 sắp tới, một thời gian khá dài để cảm nghiệm được biết bao hồng ân của Thiên Chúa ban cho dân Người trên mảnh đất Nhà Thờ Giáo Xứ Thiên Ân từ ngày thành lập cho đến nay. Do công lao xây dựng của Cha Cố Gioan Baotixita Maria Đoàn Vĩnh Phúc chánh xứ tiên khởi Giáo Xứ Thiên Ân.

Hôm nay thật là một ngày hội cho cộng đoàn dân Chúa Giáo Xứ Thiên Ân, mừng lễ thánh quan thầy trong bối cảnh năm thánh 2025 và cũng là 25 năm thành lập giáo xứ, bởi họ được quy tụ nhau trong tình yêu thương của Thiên Chúa, cùng với các vị chủ chăn đã từng hướng dẫn họ từ ngày đầu thành lập nơi mảnh đất này cho đến nay. Một ngày lễ mang ấn tượng tốt đẹp về mái nhà chung Thiên Ân, trải qua 25 năm, cũng là dịp giao lưu, học hỏi lẫn nhau và giúp nhau sống tâm tình tri ân, cảm tạ Thiên Chúa, và cùng phát triển trong Năm Thánh 2025.

Chiều hôm nay tại nhà nguyện sẽ không cử hành thánh lễ, nhằm tập trung cộng đoàn về tham dự Thánh lễ chung tại thánh đường giáo xứ.

Hôm nay cũng là ngày giáo xứ thay mặt Giáo phận cử hành phiên Chầu Thánh Thể từ 07g00 sáng đến 16g00 chiều.

Vào lúc 17g 15 ngày 01.05.2025, cộng đoàn giáo xứ Thiên Ân, hạt Tân Sơn Nhì đã long trọng tổ chức Thánh lễ kính Thánh Giuse Thợ, mừng bổn mạng giáo xứ và Hội đồng Mục vụ, do Linh mục (Lm) Phêrô Nguyễn Văn Tâm, chánh xứ chủ tế. Đồng tế với ngài, có Lm phó xứ Tôma Aquino Bùi Bá Toàn, Lm phó xứ Gioan Trần Đức Toàn.

Mở đầu bằng cuộc rước cung nghinh Thánh Giuse

Trước Thánh lễ, giáo xứ có tổ chức cuộc rước kiệu Thánh Giuse xung quanh các con đường, Lê Cao Lãng, Lê Lộ, Lê Niệm, dẫn vào nhà thờ, với sự tham dự đông đảo giáo dân thuộc các giáo họ trong giáo xứ, cùng các Hội đoàn Công Giáo Tiến hành.

Dâng hoa đầu tháng khai mạc tháng hoa kính Đức Mẹ.

Hôm nay, là đầu tháng Hoa, giáo xứ đã tổ chức dâng hoa, khai mạc tháng Hoa kính Đức Mẹ. Những bài hát, điệu múa được dâng lên, giúp cộng đoàn sốt sắng bước vào cử hành Thánh lễ.

Bước vào thánh lễ Linh mục chánh xứ Phero Nguyễn Văn Tâm thân ái chào cộng đoàn, chúc mừng bổn mạng giáo xứ và Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ. Cảm tạ Thiên Chúa đã thương ban cho Giáo Xứ Thiên Ân 25 năm mừng bổn mạng trong sự quan phòng của Chúa thánh Giuse và Mẹ Maria.

Bài Giảng.

Trong bài giảng, Linh mục Gioan Trần Đức Toàn phó xứ Thiên Ân đã chia sẻ mẫu gương tuyệt vời về thiên chức làm cha của Thánh Giuse

: “Thứ nhất, đó là mẫu gương về sự quảng đại. Thánh Giuse không tiếc bất cứ điều gì trước công trình Cứu độ của Thiên Chúa. Mẫu gương thứ hai, Thánh Giuse là người cha hết mực yêu thương và chăm sóc cho gia đình, cho công trình nhân loại mà Chúa trao gửi, trở thành người bạn đời của Mẹ Maria, thành người cha che chở và dạy dỗ cho trẻ nhỏ Giêsu, Đấng Cứu Thế.”

Nhân ngày bổn mạng, Linh mục Gioan chia sẻ thêm với cộng đoàn về ý nghĩa của việc trùng tu thánh đường giáo xứ đã hoàn thành tốt đẹp nhờ sự đóng góp của các ân nhân và toàn thể cộng đoàn dân Chúa trong cũng như ngoài giáo xứ, từ những tấm lòng nhỏ bé của các em thiếu nhi: “Mừng lễ bổn mạng giáo xứ Thiên Ân, cũng ghi nhận một dấu ấn mới cho ngôi nhà chung của bà con giáo dân, qua sự kiện trùng tu lại ngôi thánh đường đã qua hơn hai 25 năm xây dựng. Việc trùng tu nhà thờ tăng thêm sự tôn nghiêm cách xứng hợp của nhà Chúa và đánh dấu mốc hướng tới ngày ngân khánh 25 năm thành lập giáo xứ.”

Thánh lễ tiếp tục với phần phụng vụ thánh thể.

Trước khi phép lành cuối lễ, vị đại diện Hội đồng Mục vụ giáo xứ lược sơ qua thời gian những năm tháng từ ngày thành lập giáo xứ và đã dâng lời cảm ơn đến linh mục chánh xứ, quý linh mục phó xứ. Còn nhớ cách đây tròn một năm vào ngày lễ bổn mạng giáo xứ 01 tháng năm 2024 công trình trùng tu nhà thờ đã lên kế hoạch, sau khi lễ thánh qua thầy xong ngày 02 tháng 05 khởi công trùng tu nhà thờ và nay đã tròn một năm. Trong thời gian trùng tu, về tài chính của giáo xứ bị hạn chế, nhờ công sức đóng góp của mọi thành phần dân Chúa thật là quý báu nên hôm nay ngôi thánh đường giáo xứ được hoàn thành khang trang tốt đẹp. Xin cám ơn toàn thể cộng đoàn dân Chúa đến tham dự thánh lễ cầu nguyện cho Giáo Xứ ngày bổn mạng Giáo Xứ. Cảm tạ hồng ân Thiên Chúa đã ban cho Giáo Xứ Thiên Ân 25 năm bổn mạng giáo xứ. Xin thánh Giuse luôn gìn giữ và cầu bàu cùng Chúa cho Giáo Xứ Thiên Ân được bình an và phát triển như lòng Chúa mong muốn.

Thánh lễ kết thúc lúc 18g45. Đại diện đoàn thể, các giáo họ, giáo dân, các tu sĩ nam nữ cùng chụp những chung tấm hình lưu niệm và dùng cơm thân mật với quý linh mục tại hoa viên nhân ngày mừng bổn mạng giáo xứ.

Xem Thêm ảnh link bên dưới
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Khuôn mặt tấm áo quan
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
02:15 02/05/2025
Khuôn mặt tấm áo quan

Trong tang lễ an táng đức cố giáo hòang Phanxicô hôm 26.04.2025, hình ảnh nổi bật cùng mang ý nghĩa sâu đậm nhất vừa về đạo đức thần học lẫn đời sống của người qúa cố là tấm áo quan của ngài.

Tấm áo quan bao bọc thân xác của Ðức cố Thánh Cha Phanxicô bằng gỗ giữ y nguyên mầu thiên nhiên không sơn phết pha nhuộm chạm trổ.

Chiếc hòm đựng thân xác ngài lại đóng theo hình chữ nhật góc cạnh bằng phẳng thẳng đứng. Những góc mộng nối các góc đầu gỗ lại với nhau, và những mắt vết cùng đường gân của gỗ còn hiện hình nguyên trạng. Trên mặt tấm áo quan chạm khắc hình cây Thập Gía mầu trắng, huy hiệu Dòng Tên JHS, và cuốn sách Phúc âm mở đặt lên trên.

Quan tài ngài được khiêng rước đặt trên nền đất có một tấm thảm lót bên dưới, trước bàn thờ dâng Thánh lễ và bên cạnh là một cây nến Chúa Phục sinh đang cháy tỏa ánh lửa.

Hình ảnh thật mộc mạc đơn sơ. Nhưng lại đánh động mạnh tâm hồn mọi người có mặt tại chỗ hôm tham dự Thánh lễ an táng, và những người xem qua màn ảnh truyền hình!

Lời ca thấm nhuộm tâm tình suy tư thoát ra từ đáy tâm hồn của cố nhạc sĩ Trịnh công Sơn: „Người chết nối linh thiêng vào đời!“ gợi nhớ lại đời sống cùng lời nói khi xưa của đức cố thánh cha Phanxicô nằm xuôi hai tay trong tấm áo quan bằng gỗ mộc mạc.

Nhìn chiếc áo quan của ngài gợi nhớ đến lời suy tư: Chết không phải là hết, là tan xương nát thịt biến mất hẳn vào hư vô! Nhưng người đã khuất núi vẫn còn hiện diện trong tâm tưởng người còn đang sống trên trần gian.

Hơn 12 năm đức cố Thánh Cha Phanxicô sống là người mục tử hy sinh trọn sức lực thể xác lẫn tinh thần và dồn tất cả mọi thời giờ cho Giáo Hội Công Giáo thế giới và nổi tiếng hầu như ai cũng nghe biết đến ngài. Nhưng khi qua đời lại chọn cho mình „chiếc giường – chiếc áo quan “ đơn sơ bằng gỗ mộc mạc.

Một gương mẫu đời sống hy sinh khiêm nhường không chỉ lúc còn sống mà cả lúc đã chết!

Hơn 12 năm là vị thủ lãnh đạo Công Giáo hoàn cầu có quốc gia Vatican riêng. Nhưng khi khuất núi lại mong muốn được chôn trong trong lòng đất mẹ như tất cả mọi người, không muốn được đặt trong một lăng tẩm bằng đá cẩm thạch nổi trên mặt đất. Phần mộ nằm trong một khe góc ở Vương cung Thánh đường Đức Bà cả thành Roma.

Một đời sống tâm niệm nhìn nhận mình là tạo vật của Ðấng Tạo Hóa: Từ đất bụi con đã được tạo thành. Và giờ đây con cũng trở về với đất bụi.

Hơn 12 năm là người kế vị Thánh Phero, thay mặt Chúa ở trần gian, có đủ mọi quyền hành tháo cởi, trói buộc cao cả. Nhưng khi chết lại mong muốn được khiêng đặt nằm trên nền đất trước bàn thờ Thiên Chúa.

Một đời sống không chỉ lúc còn sống, mà cả lúc xuôi hai tay nằm xuống cũng muốn hằng tuyên xưng: Trong tay Ngài, lạy Chúa, con xin phó thác đời con!

Hơn 12 năm phục vụ Giáo hội vì tình yêu Thiên Chúa và con người. Nhưng lúc chết lại chọn cho mình chiếc áo quan đóng theo một hình chữ nhật phẳng lì, không chạm trổ góc cạnh, sơn phết, không cờ quạt bông hoa bao phủ.

Một đời sống chân thành không muốn để mình bị những lớp hào nhoáng bóng bẩy che lấp, làm lu mờ xa Thiên Chúa và xa con người.

Hơn 12 năm là Giáo hoàng của Giáo hội được kính trọng, được tung hô vạn tuế. Nhưng lúc qua đời lại mong muốn chỉ có cây thập gía Chúa Giêsu đóng gắn trên mặt ván và cây nến Chúa Giêsu Phục sinh duy nhất dựng bên cạnh chiềc quan tài của mình, và huy hiệu Dòng Tên Chúa Giêsu JHS, mà ngài đã dấn thân chọn đời sống tu trì linh đạo trong Dòng Tên Chúa Giêsu.

Một đời sống thấm nhuần đức tin vào thập giá và ánh sáng Chúa Phục sinh không chỉ tuyên xưng lúc còn sống, nhưng cả lúc chết cũng hằng trung tín với Ánh sáng Chúa Phục sinh, Đấng là JHS- Đấng cứu độ trần gian soi đường dẫn lối trong cuộc đời và cũng ánh sáng đó dẫn đưa trở về nhà Cha trên trời.

Hơn 12 năm đi tìm kiếm đến với con người, sống làm chứng cho tình yêu của Chúa, rao giảng niềm hy vọng vào Chúa. Nhưng lúc chết không muốn có một vòng hoa, một dòng chữ băng vải tưởng niệm nào chăng mắc xung quanh quan tài mình. Chỉ có cuốn Phúc âm của Chúa đặt nằm bên trên.

Một đời sống dấn thân hoàn toàn cho Chúa khi còn sống cũng như lúc đã qua đời. Bầu khí không bông hoa đèn nến trướng vải có vẻ khô khan cứng lạnh lùng. Nhưng những trang trí hình thức đó không cần thiết, không thêm gì cho tình yêu Chúa. Phúc âm Lời Chúa mới là nền tảng hướng đi cho đời sống ra khơi truyền giáo làm nhân chứng.

Hơn 12 năm thu hút hấp dẫn con người khắp thế giới, đi sát gần thăm viếng trò truyện với những người bị bỏ rơi ngoài xã hội, những người vô gia cư, những người nghèo, những người dân tỵ nạn, những người bị kết án trong lao tù, những người bị kỳ thị. Nhưng lúc qua đời chỉ có tấm hình Chúa Giêsu sống lại căng trên đỉnh đầu chiếc quan tài.

Một đời sống chỉ biết làm chứng cho Chúa Giêsu phục sinh (xx. Cv 1,22). Chính Chúa phục sinh gây lòng hào hứng phấn khởi cho con người hôm qua, hôm nay và ngày mai. Vị Giáo hoàng chỉ là dụng cụ được Thiên Chúa dùng để sống làm chứng và rao giảng giữa con người về Ngài.

Ðức Thánh Cha Phanxicô đã qua đời rồi mà vẫn muốn gần gũi, muốn sống tình liên đới với thiên nhiên, với con người như khi lúc còn sống. Sức sống chân thành nội tâm đó có sức cảm hóa thu hút lòng người. Ðây là một người, như xưa kia Chúa Giêsu đã nói với Nathanael, „ lòng dạ đơn sơ chân thành ngay thẳng“ ( Ga 1, 47)

„Những gì khắc ghi sâu đậm trong tâm hồn người khác là (đài)kỷ niệm đẹp nhất của một người để lại.“ (Albert Schweitzer)

Trong di chúc để lại, đức cố Thánh Cha Phanxicô viết: Xin Chúa ban phần thưởng xứng đáng cho những ai yêu thương tôi và tiếp tục cầu nguyện cho tôi. Nỗi đau khổ xuất hiện vào cuối đời tôi là lễ vật dâng lên Chúa vì hòa bình thế giới và tình huynh đệ giữa các dân tộc.

Một di chúc với dòng chữ viết chân thành ngắn gọn cô đọng. Nhưng thật cao cả linh thiêng của một tâm hồn có nếp sồng đạo đức và cao thượng. Những lời di chúc này khác gì cử chỉ chúc lành, mà ngài đã ngồi trên xe lăn trước Ban công đền thờ Thánh Phero với hết sức lực cuối cùng, ngày Chúa nhật 20.04.2025 lễ mừng kính Chúa Giêsu phục sinh, cố gượng giơ tay ban phép lành Urbi et Orbi cho lần cuối cùng trước khi qua đời vào sáng ngày hôm sau, 21.04.2025.
Năm 2013 khi được bầu chọn là giáo hoàng, Đức Thánh Cha mới Phanxicô đã trong tư thế khoẻ mạnh tươi cười bước đi ra trước Ban công đền thờ Vatican ban phjép lành Urbi Orbi đầu tiên cho Giáo hội toàn thế giới. Và ngày sau cùng đời sống trên trần gian, hôm 2004.2025 Đức Thánh Cha Phanxicô, dù trong đau yếu bệnh tật, lại cũng ngồi xe đến nơi đây ban phép lành Urbi et Orbi lần sau cùng cho toàn Giáo hội trên thế giới. Ôi hình ảnh cử chỉ đạo đức thân ái chan chứa tình con người của Vị Cha chung Phanxicô thật cao vời thánh đức tuyệt đẹp!
Những bài suy tư, những bài giảng, những thư ngài viết, những câu nói chân thành đạo đức tình người, những thông điệp tông huấn, cử chỉ rửa chân cho các tù nhân trong nhà tù ngày Thứ Năm Tuần Thánh hằng năm, những 47 chuyến tông du đi đến khắp nơi trong Giáo Hội, những nụ cười, những lời nói vui đùa của ngài với hết mọi lớp người trong những cuộc gặp gỡ. Những lời của ngài để lại hướng dẫn chỉ đường, và theo đó con người có thể phác họa một nếp sống đức tin vào Chúa và tình người với nhau.

Ngài để lại một mẫu đài kỷ niệm tuyệt vời: Hình ảnh chiếc quan tài bằng gỗ đơn sơ mộc mạc, trong đó ngài nằm xuôi hai tay!

Hình ảnh ngôi mộ đơn giản không chạm khắc ngôn từ chữ viết mầu sắc dài dòng rườm ra. Nhưng chỉ tên ngài Franziskus trên tấm đá cẩm thạch trắng.

Hai kỷ niệm này ghi khắc sâu đậm mãi mãi trong tâm hồn con người.

Xưa kia ngài đã đi tìm kiếm đến thăm họ. Lúc ngài xuôi hai tay nằm xuống, hàng trăm ngàn người cảm thấy có nghĩa vụ tinh thần đến thăm ngài, đến tham dự Thánh lễ tiễn đưa ngài chật đầy quảng trường Vatican, họ đứng dọc hai bên tuyến đường dài hơn 4 km từ đền thờ Vatican xuyên qua khắp các con đường phố trong thành Roma đến vương cung thánh đường Đức Bà Cà vỗ tay, tung hoa, ngậm ngùi chắp tay cúi đầu, những người lính, cảnh sát giữ trật tự an ninh, đều đứng thẳng cung kính giơ tay nghiêm chào kính tiễn biệt, khi chiếc xe Papamobil chở tấm áo quan ngài đi qua.

Xưa kia ngài giơ vòng tay ra phía trước rộng mở đón chào mọi người. Giờ đây nghe đến tên ngài, nhìn thấy áo quan bao bọc ngài, họ dùng đôi bàn tay vỗ thành tiếng âm vang như muốn gào thét lên: Chúng con xin chào cha! Chúng con nhớ cha luôn mãi! Xin cha chúc lành cầu nguyện cho chúng con!

Xưa kia khi còn sinh tiền ngài đã không mỏi mệt lên tiếng bênh vực cho sự sống nhân phẩm con người, lên tiếng báo động phải bảo vệ gìn giữ ngôi nhà vũ trụ thiên nhiên của Thiên Chúa tạo dựng cho con người, cho hòa bình trên thế giới. Bây giờ đến tiễn đưa ngài, họ viết căng biểu ngữ với dòng chữ mầu xanh: Grazie Papa Francesco! Viva Papa!

Ðức cố Thánh cha Phanxico đã đến với con người, với người những người phải chịu đựng bất hạnh bằng trái tim vui tươi niềm nở, đã nói với họ bằng ngôn ngữ tình yêu đơn giản dễ hiểu.

Bây giờ chết rồi, ngài cũng còn nói bằng ngôn từ dễ hiểu nhất: chiếc quan tài bằng gỗ đơn sơ mộc mạc đặt nằm trên nền đất. Khi tẩm liệm ngài đặt nằm trong tấm áo quan, Giáo hội đã xỏ vào đôi chân ngài chiếc giầy mầu đen. Đôi giầy mầu đen rất quen thuộc gắn liền với bản thân ngài. Với đôi giầy mầu đen xưa kia ngài đã từng đi khắp nơi đến với con người. Bây giờ dù đã qua đời, nhưng đôi giầy mầu đen cũng gắn liền với đôi chân thân xác bất động của ngài. Nó là hình ảnh diễn tả bước chân không biết mỏi mệt của vị giáo hoàng Phanxicô luôn hằng dấn thân ra đi cho việc truyền giáo làm chứng cho tình yêu, sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô giữa lòng xã hội thế giới.

Trong thánh lễ an táng, ngày 26.04.2025, Đức Hồng Y GB. Re, vị niên trưởng Hồng Y đoàn, đã có những lời tâm huyết nói về cuộc đời của vị giáo hoàng quá cố Phanxicô:

“Giàu tình người ấm áp và nhạy cảm sâu sắc với những thách thức của xã hội ngày nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô thực sự chia sẻ những lo lắng, đau khổ và hy vọng của thời đại toàn cầu hóa này. Ngài đã trao tặng chính mình bằng cách an ủi và khích lệ chúng ta bằng một thông điệp có khả năng chạm đến trái tim mọi người một cách trực tiếp và ngay lập tức.

Sức thu hút của ngài về sự chào đón và lắng nghe, kết hợp với cách ứng xử phù hợp với sự nhạy cảm của thời đại ngày nay, đã chạm đến trái tim và tìm cách đánh thức lại sự nhạy cảm về đạo đức và tinh thần. Truyền giáo là nguyên tắc chỉ đạo của triều Giáo Hoàng của ngài. Với tầm nhìn truyền giáo rõ ràng, ngài đã truyền bá niềm vui của Phúc âm, đó là tiêu đề của Tông huấn đầu tiên của ngài, Evangelii gaudium. Đó là niềm vui lấp đầy trái tim của tất cả những ai phó thác mình cho Thiên Chúa với sự tin tưởng và hy vọng.

Sợi chỉ dẫn đường cho sứ mệnh của ngài cũng là niềm tin rằng Giáo hội là ngôi nhà cho tất cả mọi người, một ngôi nhà luôn mở cửa. Ngài thường sử dụng hình ảnh Giáo hội như một “bệnh viện dã chiến” sau một trận chiến mà nhiều người bị thương; một Giáo hội quyết tâm chăm sóc các vấn đề của con người và những nỗi lo lắng lớn lao đang xé nát thế giới đương đại; một Giáo hội có khả năng cúi mình trước mọi người, bất kể đức tin hay tình trạng của họ, và chữa lành vết thương của họ.Những cử chỉ và lời kêu gọi của ngài dành cho người tị nạn và người di cư là vô số. Sự kiên trì của ngài nỗ lực làm việc vì người nghèo là không ngừng.”

Hình ảnh (đài) kỷ niệm này ghi khắc sâu đậm nhất trong lòng người hơn cả.

Đức Giáo Hoàng Phanxico đã ra đi khỏi đời sống trần gian. Thế giới mất đi một tiếng nói tinh thần cao cả bênh vực cho người nghèo khó, người nhỏ bé yếu kém, người bị khinh khi bỏ rơi, người bị kỳ thị… Nhưng chúng ta có thêm một Vị, phải, một Thiên Thần giáo hoàng Phanxicô, bầu cử phù hộ cho con người, cho Giáo Hội trước ngai tòa Thiên Chúa trên trời cao.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
VietCatholic TV
F-16 Ukraine chặn đứng cuộc tấn công trên không vào Kyiv. TT Trump cách chức Waltz, viện trợ trở lại
VietCatholic Media
08:40 02/05/2025


1. Chiến đấu cơ F-16 của Ukraine chặn mục tiêu trên không

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Sáu, 02 Tháng Năm, Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat cho biết các chiến đấu cơ F-16 do Hoa Kỳ sản xuất do Ukraine vận hành đã chặn đứng một cuộc tấn công đang hướng tới Kyiv. Chi tiết này cung cấp cái nhìn hiếm hoi về việc Kyiv sử dụng các máy bay phản lực thế hệ thứ tư mà họ bắt đầu nhận được vào năm ngoái.

Ukraine hiện đang vận hành một số chiến đấu cơ F-16 do Mỹ sản xuất, mặc dù Washington chưa trực tiếp cung cấp các máy bay này cho Kyiv và nhiều máy bay đã cam kết vẫn chưa đến nước này.

Kyiv đã kêu gọi mua máy bay F-16 trong nhiều tháng trước khi các máy bay phản lực do phương Tây sản xuất cuối cùng được điều động tại Ukraine vào cuối mùa hè năm 2024.

Tuy nhiên, bất chấp sự phô trương bao trùm buổi ra mắt, người ta vẫn nghe rất ít về những chiếc máy bay phản lực được mong đợi từ lâu này. Chúng nhanh chóng được đưa vào vai trò phòng thủ nhưng vẫn nằm ngoài tầm ngắm, và có một cảm giác khó chịu rằng chúng chỉ đơn giản là đến quá muộn để tạo ra sự khác biệt thực sự cho nỗ lực chiến tranh của Ukraine.

Ukraine ban đầu dựa vào F-16 để tăng cường khả năng phòng không trước các cuộc tấn công của Nga, một xu hướng có thể sẽ tiếp tục do tình trạng thiếu hụt hệ thống phòng không và hỏa tiễn đánh chặn.

Không quân Ukraine cho biết vào ngày 24 tháng 4 rằng các máy bay F-16 và chiến đấu cơ Mirage do Pháp tài trợ đã tích cực tham gia phòng thủ chống lại các cuộc tấn công kết hợp bằng máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn trong đêm.

Không quân Ukraine cho biết thêm trong một tuyên bố: “Các phi công Ukraine đã bắn hạ hàng chục mục tiêu trên không”.

Lực lượng không quân cho biết, ít nhất hai phi công người Ukraine đã thiệt mạng khi điều khiển máy bay F-16 kể từ mùa hè năm ngoái, bao gồm Pavlo Ivanov, 26 tuổi, người đã tử nạn “khi đang thực hiện nhiệm vụ chiến đấu” trên một chiếc F-16 vào ngày 12 tháng 4.

Một phi công khác, được Ukraine nêu tên là Oleksiy Mes, đã tử nạn khi “đẩy lùi cuộc tấn công kết hợp bằng hỏa tiễn và trên không quy mô lớn của Nga” trên một chiếc F-16 vào cuối tháng 8 năm 2024. Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã xác nhận ngay sau khi chiếc máy bay phản lực bị bắn hạ được Đan Mạch tặng.

Tờ Wall Street Journal đưa tin vào tháng 2 rằng “có khả năng là do hỏa lực của phe mình” đã gây ra cái chết của Mes, trích dẫn nguồn tin giấu tên.

[Newsweek: Ukraine's F-16 Combat Jet Intercepts Aerial Target in Rare Footage]

2. Ông Donald Trump mở vòi bán vũ khí cho Ukraine sau thỏa thuận khoáng sản

Theo một báo cáo mới, chính quyền Tổng thống Trump đã thông báo với Quốc hội rằng họ có ý định bật đèn xanh cho việc xuất khẩu khoảng 50 triệu đô la các sản phẩm liên quan đến quốc phòng sang Ukraine thông qua hoạt động bán hàng công nghiệp của Mỹ trực tiếp cho Kyiv.

Hoa Kỳ và Ukraine hôm thứ Tư đã ký một thỏa thuận được mong đợi từ lâu để chia sẻ lợi nhuận thu được từ việc bán trữ lượng khoáng sản và năng lượng của Ukraine. Đây là một thỏa thuận bị đe dọa bởi các vòng đàm phán căng thẳng, soạn thảo lại và chuyến thăm Tòa Bạch Ốc thảm khốc của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy vào đầu năm nay.

Nhóm của Tổng thống Trump đã nói với các nhà lập pháp vào thứ Tư rằng chính quyền sẽ phê duyệt ít nhất 50 triệu đô la cho việc bán vũ khí quốc phòng cho Ukraine, tờ Kyiv Post đưa tin.

Việc này sẽ được chuyển giao theo một quy trình được gọi là bán hàng thương mại trực tiếp, gọi tắt là DCS; theo đó, Bộ Ngoại giao cấp phép cho một công ty Hoa Kỳ bán trực tiếp cho người mua nước ngoài, thay vì bán hàng thông qua chương trình Bán hàng quân sự cho nước ngoài của Ngũ Giác Đài.

Không rõ 50 triệu đô la sẽ được dùng cho nỗ lực chiến tranh của Ukraine đến mức nào. Tháng trước, Tổng thống Zelenskiy đã đề nghị trả khoảng 15 tỷ đô la cho 10 hệ thống phòng không Patriot đang khan hiếm nhưng có nhu cầu cao. Mỗi tổ hợp Patriot có giá ước tính là 1,5 tỷ đô la, mỗi hỏa tiễn đánh chặn có giá vài triệu đô la.

Một quan chức Bộ Ngoại giao cho biết Hoa Kỳ “bị hạn chế theo luật và quy định của Liên bang trong việc xác nhận tình trạng cấp phép của các công ty hoặc tổ chức Hoa Kỳ hoặc tiết lộ thông tin chi tiết về từng trường hợp cấp phép xuất khẩu quốc phòng”.

Theo Bộ Ngoại giao, từ năm 2015 đến năm 2023, Hoa Kỳ đã bật đèn xanh cho việc xuất khẩu vĩnh viễn hơn 1,6 tỷ đô la thiết bị và dịch vụ quốc phòng sang Ukraine thông qua các giao dịch thương mại trực tiếp, bao gồm 232 triệu đô la đạn dược.

Oleksandr Merezhko, chủ tịch ủy ban đối ngoại của quốc hội Ukraine, cho biết, thông tin về việc bán vũ khí có thể liên quan đến sự hài lòng của các quan chức cao cấp của Tổng thống Trump về tiến độ của thỏa thuận khoáng sản.

Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Yulia Svyrydenko cho biết quỹ đầu tư chung giữa Hoa Kỳ và Ukraine, được thành lập theo thỏa thuận khoáng sản nhằm đóng góp vào công cuộc tái thiết Ukraine, sẽ “thu hút đầu tư toàn cầu” vào nước này.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent gọi việc ký kết thỏa thuận là “lịch sử”.

Svyrydenko cho biết quyền kiểm soát quỹ sẽ được chia “50/50” giữa Washington và Kyiv, trong đó Ukraine sở hữu toàn bộ tài nguyên trên đất Ukraine và vùng biển lãnh thổ của nước này.

Ukraine là nơi có khoảng 5 phần trăm khoáng sản quan trọng của thế giới, chẳng hạn như titan, lithium, uranium và đồng. Quốc gia này được biết là có trữ lượng của 25 trong số 34 nguyên liệu thô được Liên minh Âu Châu xác định là quan trọng, khối này cho biết.

Khoáng sản quan trọng được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, từ quốc phòng đến năng lượng và công nghệ. Căng thẳng thương mại với Trung Quốc, quốc gia khai thác và xuất khẩu nhiều khoáng sản quan trọng của thế giới, bao gồm cả các mỏ đất hiếm, có thể khiến thỏa thuận khoáng sản với Kyiv trở nên hấp dẫn hơn.

Vào tháng 2, Svyrydenko cho biết rằng khoảng 350 tỷ đô la khoáng sản quan trọng của Ukraine hiện đang nằm trong các khu vực do Nga nắm giữ. Tổng thống Zelenskiy nói với Reuters vào đầu năm nay rằng Mạc Tư Khoa kiểm soát chưa đến một phần năm tài nguyên khoáng sản của Ukraine, bao gồm khoảng một nửa trữ lượng đất hiếm.

“Về mặt chính trị, đây là một thỏa thuận tốt cho chúng tôi” và là một thỏa thuận tốt hơn nhiều cho Kyiv so với các bản dự thảo trước đó, Merezhko nói với Newsweek.

Nhưng Merezhko cho biết thỏa thuận này không tính đến các nước Âu Châu - những nước cũng đóng góp viện trợ quân sự đáng kể cho Ukraine - những nước cũng có thể tìm đường lối các khoáng sản quan trọng của Ukraine.

Tổng thống Trump đã định vị thỏa thuận này như một sự bảo đảm an ninh kinh tế cho Ukraine trong bối cảnh các cuộc đàm phán ngừng bắn chậm chạp, mà Kyiv và những người ủng hộ Âu Châu cho rằng phụ thuộc vào các bảo đảm an ninh do Hoa Kỳ cung cấp. Hoa Kỳ đã miễn cưỡng cung cấp một “biện pháp dự phòng” để ngăn chặn các cuộc tấn công mới của Nga sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực.

“ Đầu tư kinh tế vào khai thác tài nguyên không phải là sự bảo đảm an ninh, ngay cả khi được đổi lấy vũ khí; trên thực tế, những cam kết này cũng có thể được tôn trọng bởi bất kỳ ai kiểm soát lãnh thổ Ukraine”.

“Cuối cùng, đây là một thỏa thuận vì lợi ích địa chính trị, phản ánh điểm yếu của Mỹ: Hoa Kỳ cần khoáng sản của Ukraine để chống lại sự phong tỏa của Trung Quốc; đổi lại, Ukraine rất cần nguồn cung cấp vũ khí liên tục”, Golson cho biết.

Svyrydenko cho biết Kyiv vẫn sẽ kiểm soát các công ty nhà nước của mình và nói thêm rằng “thỏa thuận không đề cập đến bất kỳ nghĩa vụ nợ nào của Ukraine đối với Hoa Kỳ”.

Chính quyền Tổng thống Trump đã coi thỏa thuận này là khoản bồi thường cho hàng chục tỷ đô la viện trợ quân sự mà Hoa Kỳ đã gửi cho Ukraine sau khi Mạc Tư Khoa tiến hành cuộc xâm lược vào tháng 2 năm 2022. Kyiv đã phản đối cách mô tả này.

Bộ Tài chính cho biết trong tuyên bố của mình rằng thỏa thuận này công nhận “sự hỗ trợ tài chính và vật chất đáng kể mà người dân Hoa Kỳ đã cung cấp cho việc bảo vệ Ukraine kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga”.

Việc thừa nhận trách nhiệm của Mạc Tư Khoa trong cuộc xâm lược nước láng giềng hơn ba năm trước diễn ra sau khi Tổng thống Trump cáo buộc sai sự thật rằng Tổng thống Zelenskiy đã gây ra cuộc xung đột trên bộ lớn nhất ở Âu Châu kể từ Thế chiến II.

Bessent cho biết: “Để nói rõ hơn, không một quốc gia hay cá nhân nào tài trợ hoặc cung cấp cho cỗ máy chiến tranh của Nga sẽ được hưởng lợi từ việc tái thiết Ukraine”.

Bessent kết luận: “Nhờ những nỗ lực không biết mệt mỏi của Tổng thống Trump nhằm bảo đảm một nền hòa bình lâu dài, tôi vui mừng thông báo về việc ký kết thỏa thuận hợp tác kinh tế lịch sử ngày hôm nay giữa Hoa Kỳ và Ukraine, thành lập Quỹ đầu tư tái thiết Hoa Kỳ-Ukraine”.

[Newsweek: Donald Trump Opens Ukraine Military Sales Tap After Minerals Deal: Report]

3. Tổng thống Trump đề cử Waltz làm đại sứ Liên Hiệp Quốc

Tổng thống Trump tuyên bố ông sẽ đề cử Mike Waltz làm đại sứ Hoa Kỳ tiếp theo tại Liên Hiệp Quốc chỉ vài giờ sau khi có thông tin cho rằng cố vấn an ninh quốc gia này sẽ bị cách chức khỏi vị trí hiện tại.

Việc Waltz bị cách chức và được đề cử cho vị trí khác diễn ra sau một thời gian đầy biến động, bao gồm vụ bê bối rò rỉ tin nhắn trên Signal.

“Từ thời còn mặc quân phục trên chiến trường, trong Quốc hội và với tư cách là Cố vấn An ninh Quốc gia, Mike Waltz đã nỗ lực hết mình để đặt Lợi ích Quốc gia lên hàng đầu”, Tổng thống Trump nói.

Trước đó, Tổng thống Trump đã đề cử Dân biểu Elise Stefanik của Đảng Cộng Hòa đơn vị New York làm đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc nhưng đã rút bà khỏi danh sách xem xét vào tháng 3.

Trong thời gian tạm thời, Ngoại trưởng Marco Rubio sẽ đảm nhiệm hai chức vụ và giữ vai trò cố vấn an ninh quốc gia, Tổng thống Trump nói thêm.

Trước đó, Tổng thống Trump đã hủy đề cử Stefanik vì lo ngại về thế đa số mong manh của đảng Cộng hòa tại Hạ viện. Khi đó, tổng thống đã nói rằng với thế đa số sít sao như vậy, “Tôi không muốn bất kỳ ai khác mạo hiểm tranh cử ghế của Elise”.

Waltz là một trong ba thành viên Hạ viện được Tổng thống Trump bổ nhiệm vào Nội các khi ông chuẩn bị cho nhiệm kỳ thứ hai. Cựu Dân biểu Matt Gaetz — một người Florida — cũng đã rút lui khỏi việc xem xét cho vị trí Bộ Trưởng Tư Pháp trong bối cảnh có nghi ngờ về việc xác nhận ông, nhưng trước đó ông đã từ chức khỏi ghế Hạ viện.

Trong khi đó, Rubio sẽ đi theo bước chân của cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger, người cuối cùng đảm nhiệm cả chức vụ nhà lãnh đạo Bộ Ngoại giao và cố vấn an ninh quốc gia. Tổng thống Trump gọi Rubio là người “phi thường” khi phát biểu từ Vườn Hồng vào thứ năm vài giờ trước thông báo, thể hiện sự tin tưởng ngày càng tăng của ông vào vị ngoại trưởng.

“Khi tôi gặp vấn đề, tôi gọi cho Marco, anh ta giải quyết được vấn đề. Anh ta giải quyết được vấn đề,” Tổng thống Trump nói hôm thứ năm.

Tin tức về việc đề cử Waltz quá đột ngột đến nỗi phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Tammy Bruce không được thông báo về sự thay đổi này trong cuộc họp báo được lên kế hoạch trước của Bộ Ngoại giao vào hôm thứ năm. “Tôi vừa nghe điều này từ bạn”, Bruce nói với một ký giả, khi trả lời một câu hỏi về việc điều chuyển Waltz.

Vị trí cố vấn an ninh quốc gia của Waltz đã đưa ông lên vị trí hàng đầu trong các chính sách an ninh đối ngoại và trong nước của chính quyền Tổng thống Trump. Nhưng vai trò nổi bật này không cần sự xác nhận của Thượng viện.

Với tư cách là đại sứ tại Liên Hiệp Quốc, Waltz sẽ lần đầu tiên phải đối mặt với Thượng viện và có khả năng sẽ bị thẩm vấn về nhiều tranh cãi, bao gồm cả vụ Signalgate, chỉ sau 100 ngày làm cố vấn quan trọng nhất của Tổng thống Trump.

Bản tin tháng 3 của The Atlantic tiết lộ Waltz đã vô tình thêm một nhà báo vào một cuộc trò chuyện nhóm nơi các quan chức cao cấp đang thảo luận về kế hoạch tấn công quân sự chống lại nhóm Houthi ở Yemen. Theo các quan chức cũ và hiện tại, thông tin có trong cuộc trò chuyện nhóm khét tiếng này có khả năng được phân loại là thông tin mật, mặc dù chính quyền đã công khai khẳng định rằng không phải vậy.

Đảng Dân chủ đã chỉ trích Waltz vì vai trò của ông trong Signalgate và phần lớn hoan nghênh vào đầu ngày thứ năm khi có tin ông sắp bị loại khỏi vị trí an ninh quốc gia. Nhưng bất chấp sự chỉ trích dữ dội nhắm vào ông, Tổng thống Trump vẫn hết lòng ủng hộ Waltz và tiếp tục bảo vệ ông khi có nhiều câu hỏi về năng lực của ông cho vị trí này.

Nhưng nhiều Thượng nghị sĩ Cộng hòa ca ngợi Waltz là người mà họ tôn trọng và tin tưởng khi có tin tức cho biết ông sẽ rời khỏi Tòa Bạch Ốc. Điều đó cho thấy Waltz vẫn nhận được sự ủng hộ đáng kể từ các thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa và sẽ không gặp phải vấn đề nghiêm trọng nào trên con đường xác nhận.

“Với tư cách là Cố vấn An ninh Quốc gia, ông đã cung cấp cho Tổng thống Trump những lời khuyên sáng suốt và có cái nhìn sáng suốt về thế giới, cả về bạn bè và đối phương của chúng ta,” Thượng nghị sĩ Lindsey Graham đã đăng lên mạng xã hội ngay sau thông báo của Tổng thống Trump. “Mike hiểu rõ Nước Mỹ trên hết và sẽ là tiếng nói mạnh mẽ tại Liên Hiệp Quốc đại diện cho lợi ích của chúng ta.”

Chức đại sứ tại Liên Hiệp Quốc từ lâu đã là một chức vụ ngoại giao được thèm muốn, cho phép người giữ chức này đối đầu với các đối thủ của Hoa Kỳ tại một trong những diễn đàn toàn cầu được theo dõi nhiều nhất. Những người giữ chức này trước đây đã trở thành cố vấn an ninh quốc gia và Ngoại trưởng. Đại sứ Liên Hiệp Quốc cũng được hưởng quyền sống trong một căn nhà sang trọng ở Manhattan do chính phủ Hoa Kỳ sở hữu.

Nhưng Waltz có thể không còn là thành viên Nội các. Quyết định đưa chức đại sứ lên vị trí cấp Nội các phụ thuộc vào tổng thống, và bài đăng của Tổng thống Trump không chỉ ra liệu Waltz có được hưởng vị thế đó hay không. Stefanik sẽ là thành viên Nội các nếu bà được Thượng viện xác nhận.

Việc Waltz rời khỏi vai trò an ninh quốc gia đánh dấu sự ra đi đầu tiên của một viên chức cao cấp trong chính quyền Tổng thống Trump thứ hai. Phó cố vấn an ninh quốc gia Alex Wong cũng dự kiến sẽ rời khỏi vị trí của mình, POLITICO đưa tin hôm thứ Năm.

Hội đồng an ninh quốc gia của Tổng thống Trump đã chứng kiến những thay đổi khác trong vài tháng kể từ khi chính quyền thứ hai bắt đầu. Các nhà hoạt động như Laura Loomer đã ủng hộ việc sa thải một số quan chức cao cấp và thành viên của hội đồng an ninh quốc gia, bao gồm cả cựu Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia, Tướng Tim Haugh.

Waltz đã nói sau thông báo này rằng: “Tôi vô cùng vinh dự khi được tiếp tục phục vụ Tổng thống Trump và đất nước vĩ đại của chúng ta”.

[Politico: Trump nominates Waltz to be UN ambassador]

4. Nga và Bắc Hàn xây cầu để tạo ra ‘con đường hữu nghị’

Nga và Bắc Hàn mô tả việc xây dựng cây cầu nối liền hai nước là một “sự kiện quan trọng”, củng cố “mối quan hệ hữu nghị” của họ, hãng thông tấn nhà nước Bắc Hàn KCNA đưa tin vào ngày 1 tháng 5.

Cầu đường bộ dài 4,7 km sẽ bắc qua sông Tumen và băng qua biên giới giữa Nga và Bắc Hàn. Cây cầu dự kiến sẽ hoàn thành trong vòng 18 tháng, với một trạm kiểm soát biên giới gần đó để tạo điều kiện thuận lợi cho việc qua lại.

KCNA cho biết: “Việc xây dựng cầu là sự kiện quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai nước”.

Bắc Hàn là một trong những nước ủng hộ Nga mạnh mẽ nhất kể từ khi cuộc chiến toàn diện ở Ukraine bắt đầu. Hợp tác kinh tế và quân sự của họ chỉ ngày càng sâu sắc hơn và hai nước đã phê chuẩn một hiệp ước phòng thủ chung vào tháng 11.

Buổi lễ đánh dấu khởi công xây dựng cây cầu, diễn ra vào ngày 30 tháng 4 tại Khasan và Rason, hai thành phố biên giới của Nga và Bắc Hàn, có sự tham dự của các quan chức cao cấp từ Bình Nhưỡng và Mạc Tư Khoa.

Trong buổi lễ, Phó Thủ tướng Nga Yuri Trutnev đã nhấn mạnh cây cầu này là một “con đường hữu nghị” khác giữa hai quốc gia, hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đưa tin vào ngày 30 tháng 4.

“Hôm nay, mối quan hệ của chúng tôi với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Bắc Hàn đang ngày càng bền chặt hơn. Cây cầu này sẽ là một con đường hữu nghị khác”, Trutnev nói.

Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cũng tham dự lễ khởi công, gọi dự án này là bước đi quan trọng trong việc tăng cường quan hệ giữa hai nước.

Hiện nay, tuyến đường duy nhất kết nối Nga và Bắc Hàn là cầu hỏa xa và dịch vụ pyair.

Quân đội Bắc Hàn đã chiến đấu cùng lực lượng của Mạc Tư Khoa chống lại quân đội Ukraine tại Tỉnh Kursk của Nga kể từ tháng 12 năm 2024, sau khi Kyiv tiến hành tấn công vào khu vực này vào tháng 8 cùng năm.

Tuần trước, Mạc Tư Khoa và Bình Nhưỡng đã chính thức thừa nhận việc điều động quân, khi quân đội Ukraine được cho là đã bị buộc phải rời khỏi hầu hết khu vực, mặc dù Kyiv cho biết một số cuộc giao tranh vẫn đang diễn ra.

Bình Nhưỡng đã điều động khoảng 14.000 quân tới Nga, chủ yếu là đơn vị tác chiến đặc biệt — con số này bao gồm 3.000 quân mà Bắc Hàn đã gửi đến trong năm nay để bổ sung cho số thương vong trên chiến trường, tờ New York Times đưa tin vào ngày 27 tháng 4, trích dẫn lời các quan chức Nam Hàn.

[Kyiv Independent: Russia, North Korea building bridge to create ‘road of friendship']

5. Tổng thống Zelenskiy thúc giục Tổng thống Trump cứng rắn hơn với Putin trong cuộc họp ở Vatican, Axios đưa tin

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã tận dụng cuộc gặp ngắn với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại lễ tang của Đức Thánh Cha Phanxicô để thúc giục lập trường cứng rắn hơn đối với Putin và thúc đẩy lệnh ngừng bắn hoàn toàn ở Ukraine, Axios đưa tin vào ngày 30 tháng 4, trích dẫn các nguồn tin giấu tên được thông báo về cuộc trao đổi này.

Cuộc trò chuyện kéo dài 15 phút diễn ra vào ngày 26 tháng 4 bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau tại tang lễ của Đức Cố Giáo Hoàng. Tổng thống Zelenskiy được cho là đã thúc ép Tổng thống Trump quay lại đề xuất ban đầu của ông về lệnh ngừng bắn vô điều kiện làm điểm khởi đầu cho các cuộc đàm phán hòa bình, một động thái mà Kyiv ủng hộ nhưng Mạc Tư Khoa đã từ chối — yêu cầu dừng hoàn toàn viện trợ quân sự cho Ukraine.

Cuộc thảo luận là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ cuộc gặp căng thẳng tại Phòng Bầu dục vào tháng 2, trong đó Tổng thống Trump và Phó Tổng thống JD Vance chỉ trích gay gắt Tổng thống Zelenskiy về điều mà họ gọi là “sự thiếu biết ơn đối với sự ủng hộ của Hoa Kỳ”.

Tổng thống Trump đã tìm cách làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình giữa Ukraine và Nga, một đề xuất được các nhà phê bình coi là có lợi cho Mạc Tư Khoa trong khi gây thêm áp lực cho Kyiv. Cuộc họp tại Vatican được coi là một sự thiết lập lại có thể xảy ra.

Sau cuộc trao đổi ngày 26 tháng 4, Tổng thống Trump đã đăng bài chỉ trích Putin trên Truth Social, phản ứng trước cuộc không kích quy mô lớn của Nga vào Kyiv.

“Điều đó khiến tôi nghĩ rằng có lẽ ông ấy không muốn dừng chiến tranh, ông ấy chỉ đang lợi dụng tôi và phải đối phó theo cách khác, thông qua ngân hàng hoặc các lệnh trừng phạt thứ cấp?” ông viết trên đường trở về Hoa Kỳ

Nguồn tin cho biết với Axios rằng các cố vấn của Tổng thống Zelenskiy ban đầu đã tranh luận liệu cuộc họp có đáng để mạo hiểm hay không, xét đến hậu quả từ cuộc đối đầu tại Phòng Bầu dục hồi tháng 2. Cuộc trò chuyện tại Vương cung thánh đường không được lên kế hoạch trước nhưng cuối cùng mang tính xây dựng, cả hai bên đều cho biết sau khi cuộc họp kết thúc.

Theo một nguồn tin, Tổng thống Trump đã nói với Tổng thống Zelenskiy rằng ông có thể cần xem xét lại đường lối của mình với Putin và không gây áp lực buộc Kyiv công nhận Crimea bị tạm chiếm là lãnh thổ của Nga, đồng thời làm rõ rằng sự công nhận đó sẽ đến từ Hoa Kỳ, không phải Ukraine.

Nga đã sáp nhập Bán đảo Crimea của Ukraine một cách bất hợp pháp vào năm 2014 sau cuộc trưng cầu dân ý bị lên án rộng rãi được tổ chức dưới sự xâm lược của quân đội và không có sự quan sát của quốc tế. Một đề xuất được báo cáo của chính quyền Tổng thống Trump về việc chính thức công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga đã nhận được những cảnh báo gay gắt từ các quan chức Kyiv và phương Tây.

Nhà lập pháp Ukraine Oleksandr Merezhko nói với tờ Kyiv Independent rằng động thái như vậy sẽ “tệ hơn nhiều so với Munich năm 1938”, ám chỉ đến sự xoa dịu Đức Quốc xã. Ông cho biết sự công nhận chính thức của Hoa Kỳ sẽ tương đương với “vi phạm nghiêm trọng” luật pháp quốc tế và làm suy yếu các chuẩn mực toàn cầu về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Theo Axios, trong cuộc họp tại Vatican, Tổng thống Zelenskiy nhắc lại rằng ông sẵn sàng thỏa hiệp nhưng cần có sự bảo đảm an ninh chắc chắn trước khi đưa ra nhượng bộ.

[Kyiv Independent: Zelensky urged Trump to toughen stance on Putin during Vatican meeting, Axios says]

6. 16 quốc gia yêu cầu Liên Hiệp Âu Châu cung cấp khoản tài chính để chi tiêu lớn cho quốc phòng

Hơn một nửa số quốc gia trong Liên minh Âu Châu có kế hoạch kích hoạt điều khoản khẩn cấp cho phép họ thực hiện các khoản đầu tư quốc phòng vượt quá giới hạn chi tiêu ngân sách của khối.

Theo tuyên bố của Hội đồng, Bỉ, Bulgaria, Tiệp, Đan Mạch, Đức, Estonia, Hy Lạp, Croatia, Latvia, Lithuania, Hung Gia Lợi, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Slovenia, Slovakia và Phần Lan muốn có sự linh hoạt hơn để tăng cường năng lực phòng thủ của chính họ.

Ủy ban cho biết, 12 nước trong số này đã nộp yêu cầu chính thức lên cơ quan điều hành Liên Hiệp Âu Châu.

Quyền miễn trừ này cho phép các quốc gia tăng chi tiêu cho quốc phòng lên tới 1,5 phần trăm tổng sản phẩm quốc nội mỗi năm trong bốn năm mà không vi phạm các quy tắc tài chính của Liên Hiệp Âu Châu.

Đức là nền kinh tế lớn duy nhất của Liên Hiệp Âu Châu có kế hoạch sử dụng điều khoản này. Các quốc gia có ngân sách eo hẹp, như Ý hoặc Pháp, không yêu cầu sự linh hoạt về tài chính để mua sắm thiết bị quân sự — cũng như các quốc gia có tài chính công lành mạnh hơn nhiều, như Hòa Lan hoặc Thụy Điển.

Mặc dù rơi vào nhóm sau, Đan Mạch cũng quyết định tham gia vào yêu cầu gửi một thông điệp chính trị. Bộ trưởng Kinh tế Stephanie Lose cho biết trong một tuyên bố: “Hoạt động của Đan Mạch sẽ giúp gửi tín hiệu đến thế giới bên ngoài rằng các nước Liên Hiệp Âu Châu đoàn kết trong nỗ lực tái vũ trang”.

Cơ quan điều hành Liên Hiệp Âu Châu đã mời các chính phủ quyết định trước ngày 30 tháng 4 để phối hợp chính sách tài khóa trước thị trường và kích hoạt toàn bộ điều khoản vào tháng 7. Tuy nhiên, thời hạn này không mang tính ràng buộc.

Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Carlos Cuerpo cho biết hôm thứ Tư rằng đất nước của ông sẽ đưa ra quyết định “trong những tháng tới”.

Bộ trưởng Tài chính Ý Giancarlo Giorgetti tin rằng chính phủ ở Rôma có thể đạt được mục tiêu 2 phần trăm chi tiêu quốc phòng của NATO bằng cách điều chỉnh kế toán để bao gồm nhiều mục hơn. Quốc gia này sẽ đợi đến hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 6 khi các mục tiêu chi tiêu mới cho tất cả các quốc gia được cho là sẽ được thống nhất — Hoa Kỳ đang thúc đẩy tăng chi tiêu quân sự cho tất cả các thành viên — để có thể xem xét các bước tiếp theo.

7. Báo cáo cho biết Putin để mắt đến phần lớn hơn của Ukraine so với những gì Tổng thống Trump đề nghị

Theo báo cáo, Vladimir Putin muốn Mạc Tư Khoa nắm quyền kiểm soát hoàn toàn bốn khu vực của Ukraine mà ông tuyên bố đã sáp nhập như một phần của bất kỳ thỏa thuận nào nhằm chấm dứt chiến tranh.

Những yêu cầu của Putin được Bloomberg đưa tin là đòn giáng mạnh vào nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm đạt được lệnh ngừng bắn và chấm dứt vĩnh viễn cuộc chiến trong bối cảnh có nhiều đồn đoán rằng tổng thống Hoa Kỳ sẽ rút lui khỏi các cuộc đàm phán nếu không sớm đạt được thỏa thuận.

Báo cáo của Bloomberg cho rằng yêu cầu của Putin còn đi xa hơn những gì đã được nêu trong các cuộc thảo luận giữa tổng thống Nga và đặc phái viên của Tổng thống Trump, Steve Witkoff, trong đó giao tranh sẽ phải dừng lại dọc theo các tiền tuyến hiện tại.

Đề xuất đó sẽ chứng kiến Mạc Tư Khoa kiểm soát trên thực tế một số khu vực Kherson, Zaporizhzhia, Luhansk và Donetsk mà Nga xâm lược nhưng không kiểm soát hoàn toàn.

Thỏa thuận này gây khá nhiều tranh cãi, với những nhượng bộ bao gồm đề xuất công nhận hợp pháp bán đảo Crimea đã sáp nhập, nhưng báo cáo của Bloomberg chỉ ra rằng Putin không lùi bước trước những yêu cầu tối đa của mình, tạo ra thêm một trở ngại nữa cho nỗ lực tìm kiếm một giải pháp nhanh chóng của Tổng thống Trump.

Trích dẫn nguồn tin giấu tên tại Mạc Tư Khoa, Bloomberg cho biết Putin muốn Nga kiểm soát bốn khu vực mà ông tuyên bố đã sáp nhập vào tháng 9 năm 2022, như một phần của bất kỳ thỏa thuận nào nhằm chấm dứt chiến tranh.

Điện Cẩm Linh tuyên bố rằng tình trạng của Kherson, Zaporizhzhia, Luhansk và Donetsk đã được củng cố bằng cách bổ sung các vùng này vào hiến pháp Nga sau cuộc trưng cầu dân ý bị quốc tế lên án là giả mạo.

Trong các cuộc đàm phán tuần trước tại Mạc Tư Khoa, Witkoff đã cố gắng thuyết phục Putin rằng một số khu vực ở phía sau tiền tuyến này có thể được công nhận là do Nga kiểm soát trên thực tế, theo Bloomberg, tờ báo cho biết tổng thống Nga vẫn duy trì lập trường tối đa của mình về lãnh thổ.

Một nguồn tin cho biết hiện tại các cuộc đàm phán có vẻ đã đi vào bế tắc và cần phải có sự liên lạc trực tiếp giữa Putin và Tổng thống Trump để có thể đạt được tiến triển hơn nữa.

Điện Cẩm Linh chưa bình luận, trong khi Phát ngôn nhân Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ James Hewitt cho biết họ không bình luận về các cuộc đàm phán đang diễn ra và rằng tiến triển vẫn đang tiếp tục.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã đăng trên X rằng Kyiv đang chuẩn bị đàm phán với Hoa Kỳ về các lệnh trừng phạt mới có thể thúc đẩy Mạc Tư Khoa hướng tới giải pháp ngoại giao.

Báo cáo này làm dấy lên lo ngại rằng Putin sẽ từ chối nhượng bộ và bám vào các mục tiêu tối đa, bao gồm cả việc cấm Kyiv gia nhập NATO.

Oleksandra Matviichuk, chuyên gia địa chính trị nói với Newsweek rằng ngay cả khi đạt được thỏa thuận hòa bình, Putin cũng sẽ không từ bỏ Ukraine.

Matviichuk cho biết ngay cả khi Ukraine buộc phải nhượng lại một phần lãnh thổ đáng kể, nước này vẫn sẽ có xu hướng Âu Châu hơn, chống Nga hơn và quyết tâm hơn trong việc xây dựng các thể chế dân chủ hoạt động hiệu quả.

Ngay cả khi tư cách thành viên NATO không còn được đề cập, Putin cũng sẽ không hài lòng, bởi vì hướng đi mà người dân Ukraine muốn chính phủ của họ thực hiện rõ ràng sẽ không được ông chấp nhận, bà nói thêm.

[Newsweek: Putin Eyes Bigger Piece of Ukraine Than Trump Offered, Report Says]

8. ‘Đây là quan hệ đối tác kinh tế toàn diện’ - Bộ trưởng Tài chính đề xuất thiết lập lại quan hệ giữa Hoa Kỳ và Ukraine trong bối cảnh thỏa thuận khoáng sản mới được ký kết

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent đã ca ngợi thành công rõ ràng của thỏa thuận khoáng sản “cùng có lợi” được ký kết giữa Ukraine và Hoa Kỳ trong một cuộc phỏng vấn trên Fox Business vào ngày 1 tháng 5, gợi ý về sự thiết lập lại trong quan hệ giữa hai nước.

“Về mặt thỏa thuận, đây là một quan hệ đối tác kinh tế toàn diện. Đây không chỉ là đất hiếm, mà còn là cơ sở hạ tầng, năng lượng, do đó, cả hai bên đều có cơ hội thực sự giành chiến thắng”, Bessent cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Fox Business.

Cả hai bên đã ký một thỏa thuận khoáng sản được mong đợi từ lâu vào ngày 30 tháng 4, theo đó thành lập một quỹ đầu tư chung tại Ukraine.

Việc ký kết thỏa thuận khoáng sản diễn ra sau nhiều tháng đàm phán đôi khi trở nên căng thẳng. Hoa Kỳ và Ukraine đã chuẩn bị ký thỏa thuận vào cuối tháng 2, nhưng kế hoạch đã đổ vỡ sau cuộc tranh cãi khét tiếng tại Tòa Bạch Ốc giữa Tổng thống Volodymyr Zelenskiy và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

Bessent cho biết: “Tôi nghĩ đây là một tín hiệu mạnh mẽ gửi tới giới lãnh đạo Nga và trao cho Tổng thống Trump khả năng đàm phán với Nga trên cơ sở thậm chí còn mạnh mẽ hơn, trái ngược với sự bất đồng trước đây giữa Hoa Kỳ và Ukraine”.

“Bây giờ chúng ta có thể sử dụng những lá bài này và cho giới lãnh đạo Nga thấy rằng không có sự khác biệt nào giữa người dân Ukraine, người dân Mỹ, giữa các mục tiêu của chúng ta,” ông nói thêm.

Mặc dù thỏa thuận hiện tại không bao gồm bất kỳ bảo đảm an ninh nào, Svyrydenko đã nói rằng “ngoài các đóng góp tài chính trực tiếp (cho quỹ), thỏa thuận cũng có thể cung cấp hỗ trợ mới - ví dụ như hệ thống phòng không cho Ukraine”.

“Chúng tôi sẽ thúc đẩy nền kinh tế Ukraine và như tổng thống đã nói, như tôi vẫn luôn nói, an ninh kinh tế chính là an ninh quốc gia, an ninh quốc gia chính là an ninh kinh tế, vì vậy một Ukraine vững mạnh sau cuộc xung đột này sẽ giúp người dân Ukraine duy trì được an ninh quốc gia của họ”, Bessent nói thêm.

Bình luận của Bộ trưởng Tài chính được đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán thỏa thuận hòa bình đang diễn ra do Hoa Kỳ dẫn đầu. Tổng thống Trump được cho là đã trở nên thất vọng với tốc độ đàm phán, trong những ngày gần đây đã ám chỉ rằng Putin có thể “chỉ đang lợi dụng tôi”.

Thỏa thuận hòa bình, vẫn chưa được quốc hội Ukraine phê chuẩn, đã nhận được một số sự hoài nghi từ các nhà lập pháp do thiếu thông tin chi tiết.

Trong khi doanh thu từ giấy phép của Ukraine sẽ được thêm vào quỹ, vẫn chưa rõ chính quyền Tổng thống Trump sẽ khuyến khích khu vực tư nhân của Mỹ đầu tư vào các dự án của Ukraine như thế nào.

Trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 1 tháng 5, Tổng thống Trump cho biết thỏa thuận khoáng sản với Ukraine bảo đảm rằng “chúng ta nhận được nhiều hơn nhiều... so với 350 tỷ đô la” mà Hoa Kỳ đã cung cấp viện trợ - ám chỉ đến tổng số tiền viện trợ của Hoa Kỳ cho Ukraine được Tổng thống Trump liên tục thổi phồng.

Tổng thống Zelenskiy ca ngợi thỏa thuận này là “một mối quan hệ đối tác công bằng” và cho biết nó có thể thu hút thêm sự ủng hộ của Mỹ.

[Kyiv Independent: 'This is a total economic partnership' —Treasury Secretary suggests reset in relations between US, Ukraine amid newly-signed minerals deal]

9. Nền kinh tế Nga đối mặt với mối đe dọa thuế quan của Tổng thống Trump từ Trung Quốc

Các quan chức Nga đã cảnh báo vào thứ Ba rằng nền kinh tế nước này có thể phải chịu áp lực đáng kể nếu Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ để trả đũa mức thuế quan cao do Tổng thống Trump áp đặt trong bối cảnh cuộc chiến thương mại đang leo thang.

Sự đồn đoán ngày càng tăng trên thị trường tài chính rằng Bắc Kinh có thể cắt giảm giá trị đồng nhân dân tệ - có khả năng lên tới 30 phần trăm - để làm dịu đi đòn giáng kinh tế từ thuế quan của Hoa Kỳ. Tòa Bạch Ốc đã leo thang cuộc chiến thương mại với Trung Quốc vào đầu tháng này, tuyên bố rằng nước này phải đối mặt với mức thuế 245 phần trăm đối với một số mặt hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ “do các hành động trả đũa của nước này”.

Kirill Tremasov, cố vấn của thống đốc ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina, cho biết nếu Trung Quốc cố tình phá giá đồng tiền, thị trường Nga có thể tràn ngập hàng hóa Trung Quốc giá rẻ, làm suy yếu các nhà sản xuất trong nước.

“ Nếu các bên Hoa Kỳ và Trung Quốc đi quá xa trong cuộc đối đầu này, kết quả có thể là đồng tiền Trung Quốc suy yếu”, Tremasov nói. “Điều này, đến lượt nó, làm tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc trên các thị trường khác, bao gồm cả thị trường của chúng tôi”.

“Chúng tôi có một phần đáng kể hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Và từ phía này, rủi ro có thể phát sinh đối với các nhà sản xuất Nga. Nếu có một dòng hàng hóa Trung Quốc ồ ạt chảy vào nền kinh tế Nga”, ông nói.

Tremasov cho biết xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc chủ yếu là nguyên liệu thô, “không nhạy cảm lắm” với biến động của đồng nhân dân tệ. “Do đó, tác động đến xuất khẩu sẽ không đáng kể”, ông nói.

Tremasov cho biết điều này “có thể tạo ra những rủi ro nhất định cho nền kinh tế Nga”.

Ông cảnh báo rằng một cuộc chiến thương mại kéo dài có thể dẫn đến sự chậm lại trong hoạt động kinh tế toàn cầu - ảnh hưởng đến nhu cầu về nguyên liệu thô, và do đó làm giảm doanh thu xuất khẩu của Nga, gia tăng áp lực lên đồng rúp và tạo ra “một số rủi ro lạm phát”.

Vào ngày 2 tháng 4, Tổng thống Trump đã áp thuế đối với hơn 180 quốc gia vào ngày 2 tháng 4, gây ra hiệu suất trong một ngày tồi tệ nhất của thị trường chứng khoán kể từ đại dịch COVID. Bắc Kinh đã đáp trả bằng cách tăng thuế đối với hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ lên 125 phần trăm, đồng thời bác bỏ động thái áp thuế của Tổng thống Trump là “một trò đùa”.

Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố vào ngày 11 tháng 4 về các khoản thuế của Tổng thống Trump: “Việc Hoa Kỳ áp đặt mức thuế quan quá cao đối với Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng các quy tắc kinh tế và thương mại quốc tế, đi ngược lại các nguyên tắc kinh tế cơ bản và lẽ thường, và đơn giản là hành động bắt nạt và ép buộc đơn phương”.

Các nhà kinh tế đánh giá rằng Trung Quốc khó có thể mạnh tay cắt giảm giá trị đồng nhân dân tệ để bù đắp tác động từ thuế quan của Tổng thống Trump.

Allan von Mehren, nhà phân tích trưởng tại Danske Bank, nói với Bloomberg trong một bài báo được xuất bản vào ngày 10 tháng 4: “Khả năng phá giá thực sự là khá nhỏ. Trung Quốc không muốn làm tăng thêm sự bất ổn ngay bây giờ. Tôi nghĩ rằng điều đó bị thổi phồng quá mức.”

[Newsweek: Russian Economy Faces Trump Tariff Threat From China: Officials]
 
Tướng Syrskyi: Nga tháo chạy khỏi 115 vị trí. Putin thay đổi chiến lược trước các thất bại liên tục
VietCatholic Media
16:17 02/05/2025


1. Quân đội Ukraine đã giành lại 115 vị trí trong tháng 4, Syrskyi cho biết

Quân đội Ukraine đã giành lại 115 vị trí từ lực lượng Nga trong tháng 4, Tổng tư lệnh Oleksandr Syrskyi báo cáo vào ngày 1 tháng 5.

“Chúng tôi sử dụng chiến thuật phòng thủ tích cực: nhờ những hành động này, binh lính của chúng tôi đã giành lại tổng cộng 115 vị trí trong hơn một tháng”, Syrskyi nói.

Ông nói thêm rằng nhiệm vụ chính của quân đội Ukraine hiện nay là ngăn chặn quân đội Nga ở các “khu vực bị đe dọa”, chủ yếu là Sumy, Kursk, Pokrovsk và Novopavlivsk.

Syrskyi nhấn mạnh đến sự thành công liên tục của pháo binh, hàng không và máy bay điều khiển từ xa. “Vào tháng 4, DeepStrike (máy bay điều khiển từ xa tầm xa) đã tấn công 62 mục tiêu ở Nga, phá hủy các cơ sở quân sự và làm suy yếu tổ hợp công nghiệp-quân sự của kẻ xâm lược Nga”, ông nói.

Ông cũng lưu ý rằng dự án động viên “18-24” đang được tiến triển, cũng như việc chuyển quân từ các đơn vị không chiến đấu sang các đơn vị chiến đấu, với 30.500 binh sĩ chuyển sang vai trò chiến đấu bằng ứng dụng “Army+”.

Ngoài ra, ông cho biết các tội phạm trong quân đội Ukraine đã giảm 43% so với năm 2024.

Trước đó vào ngày 1 tháng 5, Syrskyi cũng đưa tin rằng máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã tấn công và phá hủy hơn 83.000 mục tiêu của Nga vào tháng 4, tăng 8% so với tháng 3.

Syrskyi cho biết thành công ngày càng tăng nhấn mạnh nhu cầu mở rộng hơn nữa hoạt động máy bay điều khiển từ xa.

Ukraine và Nga đều phụ thuộc rất nhiều vào máy bay điều khiển từ xa để giám sát và tấn công.

Kyiv đã nhanh chóng mở rộng sản xuất máy bay điều khiển từ xa trong nước, tích hợp chúng vào các vai trò trinh sát và chiến đấu. Vào ngày 9 tháng 2, Bộ Quốc phòng Ukraine đã khởi động sáng kiến “Drone Line” để đẩy nhanh việc điều động trên chiến trường.

Ukraine cũng đã phát triển các loại máy bay điều khiển từ xa lai hỏa tiễn tầm xa, chẳng hạn như các mẫu Palianytsia và Peklo, sử dụng động cơ phản lực thay thế cho hỏa tiễn hành trình.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã đặt mục tiêu sản xuất ít nhất 30.000 máy bay điều khiển từ xa tầm xa vào năm 2025. Syrskyi nhấn mạnh rằng việc ưu tiên máy bay điều khiển từ xa cho phép Ukraine gây tổn thất cho lực lượng Nga từ xa trong khi vẫn bảo toàn được sinh mạng của bộ binh.

[Kyiv Independent: Ukrainian army retook 115 positions in April, Syrskyi says]

2. Tình báo cho biết Putin có thể đã chuyển mục tiêu chiến tranh sang việc nắm giữ các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm, thúc đẩy nền kinh tế

CNN đưa tin vào ngày 1 tháng 5, trích dẫn lời các quan chức phương Tây nắm rõ vấn đề, rằng thông tin tình báo mới của phương Tây cho rằng Putin có thể đã chuyển mục tiêu chiến tranh trước mắt sang việc bình định các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm của Ukraine cũng như phát triển nền kinh tế đang gặp khó khăn của đất nước.

Đánh giá này, được chia sẻ bởi các quan chức giấu tên của Hoa Kỳ và phương Tây, cho thấy sự thay đổi trong tính toán tình hình của Putin, trong bối cảnh thông tin tình báo trước đó cho rằng động lực của Nga trên chiến trường có thể tạo cơ hội cho Mạc Tư Khoa chiếm toàn bộ Ukraine.

Mặc dù tiếp tục đạt được những tiến triển nhỏ trên chiến trường và chiếm được một số vùng lãnh thổ nhỏ gần tiền tuyến, một quan chức cao cấp của Hoa Kỳ nói với CNN rằng “không có dấu hiệu nào” cho thấy Nga có thể bảo vệ được những vùng đất rộng lớn trong tương lai gần.

“Mục tiêu của Nga là công nhận càng nhiều lãnh thổ càng tốt và có một Ukraine yếu nhất có thể”, một quan chức Hoa Kỳ cho biết, trong khi các cuộc đàm phán hòa bình vẫn đang diễn ra.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh vào ngày 28 tháng 4 rằng việc quốc tế công nhận quyền kiểm soát Crimea, cũng như toàn bộ các tỉnh Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson của Ukraine, là điều kiện để đàm phán hòa bình. Bất chấp những yêu cầu này, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã nhiều lần tuyên bố Ukraine sẽ không công nhận bất kỳ vùng lãnh thổ bị tạm chiếm nào là một phần của Nga theo một thỏa thuận hòa bình tiềm năng trong tương lai với Mạc Tư Khoa.

Hoa Kỳ được cho là đang xem xét việc công nhận về mặt pháp lý quyền kiểm soát của Nga đối với Crimea như một phần của thỏa thuận hòa bình tiềm năng và quyền kiểm soát trên thực tế đối với các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm khác. Đồng thời, các quan chức Hoa Kỳ được cho là đã bác bỏ yêu cầu Ukraine rút quân hoàn toàn khỏi bốn khu vực còn lại.

Sự thay đổi tiềm tàng trong thái độ về các mục tiêu trước mắt của Điện Cẩm Linh cũng diễn ra trong bối cảnh kinh tế nước này ngày càng khó khăn, bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt quốc tế vì chiến tranh.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã tìm cách thiết lập lại quan hệ và có khả năng tăng cường hợp tác kinh tế với Mạc Tư Khoa sau một thỏa thuận hòa bình được đàm phán, nhưng gần đây đã đặt câu hỏi về ý định đạt được hòa bình của Mạc Tư Khoa, cho rằng Điện Cẩm Linh có thể đang “lợi dụng tôi”. Tổng thống Trump đã nói rằng Hoa Kỳ có thể áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Nga nếu lệnh ngừng bắn không đạt được.

Một quan chức cao cấp của Âu Châu am hiểu thông tin tình báo mới nói với CNN rằng Mạc Tư Khoa sẵn sàng “hợp tác” để cải thiện vị thế của mình với Hoa Kỳ, nhưng cũng nói thêm rằng Nga “rõ ràng vẫn chưa từ bỏ mục tiêu chiến tranh tối đa của mình”.

CNN đưa tin, bất chấp sự thay đổi mục tiêu tiềm tàng, các quan chức Hoa Kỳ vẫn hoài nghi về tham vọng lâu dài của Putin ở Ukraine.

Vào tháng 2, đánh giá tình báo chưa được phân loại của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Đan Mạch cho rằng Nga có thể tìm thấy cơ hội để phát động một cuộc chiến tranh quy mô lớn ở Âu Châu trong vòng năm năm.

[Kyiv Independent: Putin may have shifted war objectives towards holding occupied territories, boosting economy, intelligence suggests]

3. Tổng thống Trump được cho là đã thay đổi giọng điệu với Putin sau khi Anh, Pháp gây áp lực ngoại giao

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã cứng rắn hơn trong lập luận đối với Putin sau nhiều tháng nỗ lực ngoại giao của Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, tờ Politico đưa tin, trích dẫn nguồn tin giấu tên từ chính phủ Âu Châu.

Nỗ lực phối hợp do các quan chức cao cấp của Anh và Pháp dẫn đầu nhằm thuyết phục Tổng thống Trump giảm bớt áp lực đối với Tổng thống Volodymyr Zelenskiy và tập trung chỉ trích Putin nhiều hơn, với lý do rằng hành động của Mạc Tư Khoa đang làm suy yếu uy tín của Tổng thống Trump với tư cách là một nhà đàm phán.

Cố vấn An ninh Quốc gia Anh Jonathan Powell và Bộ trưởng Quốc phòng John Healey được cho là đã đóng vai trò quan trọng, hợp tác chặt chẽ với Đại sứ Hoa Kỳ tại Anh Mark Burnett.

Ngoại trưởng Anh David Lammy cho biết ông đã nói chuyện 13 lần trong năm nay với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio, trong khi Starmer và Tổng thống Trump cũng có “gần” số cuộc trò chuyện trực tiếp như vậy.

Một cựu đại sứ Anh, giấu tên, cho biết Luân Đôn và Paris liên tục nhấn mạnh với Tổng thống Trump rằng Putin “không tôn trọng ông ấy bằng cách liên tục phá vỡ lệnh ngừng bắn mà ông ấy tuyên bố đang thực hiện”.

Putin đã đồng ý tạm dừng các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng trong 30 ngày trong cuộc gọi với Tổng thống Trump vào ngày 18 tháng 3, được cho là đã ra lệnh ngừng các cuộc tấn công vào hệ thống năng lượng của Ukraine.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Ukraine Heorhii Tykhyi cho biết vào ngày 16 tháng 4 rằng Mạc Tư Khoa đã vi phạm lệnh ngừng bắn một phần hơn 30 lần.

Tổng thống Zelenskiy đã củng cố thông điệp đó trong một cuộc trò chuyện ngắn với tổng thống Hoa Kỳ tại lễ tang của Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 26 tháng 4, Axios đưa tin. Trong cuộc họp, Tổng thống Trump được cho là đã nói với tổng thống Ukraine rằng ông có thể cần xem xét lại đường lối của mình với Putin.

Tổng thống Trump, người tự định vị mình là người môi giới cho một thỏa thuận hòa bình nhanh chóng giữa Ukraine và Nga, cho đến nay vẫn tránh lên án các cuộc không kích của Nga hoặc đưa ra các biện pháp trừng phạt mới.

Vào ngày 24 tháng 4, sau khi Nga phóng 215 hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa qua Ukraine — giết chết ít nhất 12 thường dân và làm bị thương 87 người ở Kyiv — Tổng thống Trump đã dán nhãn cuộc tấn công là “không cần thiết” và “thời điểm rất tệ”, trực tiếp kêu gọi Putin: “Vladimir, dừng lại!”

Tuy nhiên, ông không nêu rõ hậu quả nào.

Các quan chức Hoa Kỳ đã tăng cường nỗ lực để bảo đảm lệnh ngừng bắn, đồng thời cảnh báo họ có thể rút khỏi hoạt động hòa giải nếu không sớm đạt được tiến triển.

Ukraine đã chấp nhận lệnh ngừng bắn 30 ngày do Washington đề xuất vào tháng 3, nhưng Mạc Tư Khoa vẫn tiếp tục bác bỏ kế hoạch này và tiếp tục tiến hành các hoạt động tấn công.

Các quan chức Âu Châu hiện đang theo dõi chặt chẽ để xem liệu lập trường cứng rắn của Tổng thống Trump đối với Putin sẽ tiếp tục hay sẽ phai nhạt khi sự thiếu kiên nhẫn trong việc hoàn tất một thỏa thuận của ông lại nổi lên.

[Kyiv Independent: Trump reportedly shifts tone on Putin after UK, France apply diplomatic pressure]

4. Tổng thống Zelenskiy cho biết việc ký kết thỏa thuận khoáng sản là kết quả đầu tiên của các cuộc đàm phán với Tổng thống Trump tại Vatican

Trong diễn từ gởi quốc dân đồng bào tối Thứ Năm, 01 Tháng Năm, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết việc ký kết thỏa thuận khoáng sản giữa Hoa Kỳ và Ukraine được mong đợi từ lâu là kết quả cụ thể đầu tiên của cuộc gặp gần đây của ông với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Vatican, đồng thời gọi đây là kết quả “lịch sử” của cuộc trò chuyện ngày 26 tháng 4 của họ.

Cuộc trò chuyện kéo dài 15 phút diễn ra bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô sau khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau tại tang lễ của Đức Cố Giáo Hoàng Phanxicô. Tổng thống Zelenskiy được cho là đã thúc ép Tổng thống Trump quay lại đề xuất ban đầu của ông về lệnh ngừng bắn vô điều kiện làm điểm khởi đầu cho các cuộc đàm phán hòa bình, một động thái mà Kyiv ủng hộ nhưng Mạc Tư Khoa đã bác bỏ.

Cuộc thảo luận đánh dấu cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ cuộc gặp căng thẳng vào tháng 2 tại Phòng Bầu dục, trong đó Tổng thống Trump và Phó Tổng thống JD Vance chỉ trích gay gắt Tổng thống Zelenskiy về những gì họ mô tả là “thiếu lòng biết ơn đối với sự ủng hộ của Hoa Kỳ”.

Tổng thống Zelenskiy cho biết thỏa thuận khoáng sản - thiết lập quỹ đầu tư chung giữa Kyiv và Washington - đã được sửa đổi đáng kể trong nhiều tháng đàm phán để bảo đảm các điều khoản và lợi ích bình đẳng cho cả hai bên.

“ Đây thực sự là một thỏa thuận bình đẳng, mở ra cánh cửa cho đầu tư đáng kể vào Ukraine và cho phép hiện đại hóa đáng kể hoạt động sản xuất trong nước, cũng như quan trọng không kém là nâng cấp các hoạt động pháp lý của chúng tôi”.

Thỏa thuận được Phó Thủ tướng thứ nhất Ukraine Yuliia Svyrydenko và Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent ký ngày 30 tháng 4 tại Washington, tạo ra một quỹ tập trung vào tái thiết hoạt động như một quan hệ đối tác hạn chế giữa Tổng công ty Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ và Cơ quan Hỗ trợ Quan hệ Đối tác Công tư đại diện cho Ukraine.

Quỹ tương lai sẽ được tài trợ độc quyền từ các giấy phép mới. Theo Svyrydenko, năm mươi phần trăm doanh thu từ các giấy phép mới trong lĩnh vực vật liệu quan trọng, dầu khí, được tạo ra sau khi quỹ được thành lập sẽ được chuyển cho quỹ.

Thỏa thuận khoáng sản, hiện đang chờ quốc hội Ukraine phê chuẩn, bao gồm danh sách 57 nguồn tài nguyên chiến lược và bảo đảm tuân thủ luật pháp Ukraine và Liên Hiệp Âu Châu, giải quyết các mối quan ngại trước đó về chủ quyền và xung đột với các thỏa thuận hiện có của Liên Hiệp Âu Châu. Các quan chức Ukraine cũng đã thành công trong việc xóa bỏ mọi nghĩa vụ hoàn trả cho viện trợ quân sự trước đây của Hoa Kỳ.

Nghị sĩ đối lập Yaroslav Zhelezniak cho biết thỏa thuận có thể được bỏ phiếu trong phiên họp quốc hội từ ngày 13 đến 15 tháng 5, nếu mọi thủ tục được hoàn tất đúng thời hạn.

Mặc dù thỏa thuận hiện tại không bao gồm bất kỳ bảo đảm an ninh nào, Svyrydenko đã nói rằng “ngoài các đóng góp tài chính trực tiếp (cho quỹ), thỏa thuận cũng có thể cung cấp hỗ trợ mới - ví dụ như hệ thống phòng không cho Ukraine”.

Tổng thống Zelenskiy ca ngợi thỏa thuận này là “một quan hệ đối tác công bằng” và cho biết nó có thể thu hút thêm sự ủng hộ của Hoa Kỳ. “Chúng tôi mong đợi những kết quả khác từ các cuộc đàm phán (Vatican) của chúng tôi”, ông nói thêm.

[Kyiv Independent: Zelensky says minerals deal signing first result of talks with Trump in Vatican]

5. ‘Tôi không muốn tỏ ra ngớ ngẩn’ - Tổng thống Trump nói rằng Hoa Kỳ ‘nhận được nhiều hơn’ từ thỏa thuận khoáng sản với Ukraine so với số tiền viện trợ mà họ đã đưa ra

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết thỏa thuận khoáng sản với Ukraine bảo đảm rằng “chúng ta nhận được nhiều hơn... so với 350 tỷ đô la” mà Hoa Kỳ đã cung cấp viện trợ, trong bình luận công khai đầu tiên của ông về thỏa thuận này trong cuộc phỏng vấn với NewsNation.

“Tôi muốn được bảo vệ,” Tổng thống Trump nói. “Chúng ta sẽ phải trả 350 tỷ đô la, hoặc gần như vậy… Biden đã trao cho họ 350 tỷ đô la gồm tiền mặt và thiết bị quân sự. Chúng ta chẳng nhận được gì cả.”

“Vì vậy, tôi đã nói, hãy nhìn xem, họ có đất hiếm tuyệt vời… khoáng sản, vật liệu — họ có những thứ mà nhiều nơi không có… Và chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận ngày hôm nay — về mặt lý thuyết, chúng tôi nhận được nhiều hơn 350 tỷ đô la. Tôi không muốn… trông ngớ ngẩn.”

Tổng thống Trump đã nhiều lần thổi phồng số tiền viện trợ của Hoa Kỳ cho Ukraine, trong khi các theo dõi độc lập của Viện Kiel cho thấy con số này chỉ vào khoảng 130 tỷ đô la.

Thỏa thuận khoáng sản được ký vào ngày 30 tháng 4 và được đàm phán trong nhiều tháng, không bao gồm các điều khoản ràng buộc khoản nợ của Ukraine hoặc khoản viện trợ đã nhận trước đó với thỏa thuận này.

Thay vào đó, thỏa thuận này thành lập một quỹ đầu tư chung 50-50 tập trung vào các dự án năng lượng và khoáng sản quan trọng mới.

Theo Phó Thủ tướng thứ nhất Yulia Svyrydenko, quỹ này sẽ thu doanh thu từ các dự án mới được cấp phép, trong khi các dự án hiện tại và thu nhập theo ngân sách vẫn nằm ngoài phạm vi của thỏa thuận.

Khi được hỏi liệu thỏa thuận này có thể cản trở Putin hay không, Tổng thống Trump trả lời rằng “có thể”.

Thỏa thuận này đã được thảo luận trong nhiều tháng và trở thành điểm căng thẳng giữa Tổng thống Volodymyr Zelenskiy và Tổng thống Trump, người đã có một cuộc tranh cãi nảy lửa tại Tòa Bạch Ốc vào ngày 28 tháng 2 khi thỏa thuận sắp được hai nhà lãnh đạo ký kết.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent đầu tháng này cho biết thỏa thuận khoáng sản sẽ nhấn mạnh cam kết của Washington với Ukraine với tư cách là đối tác kinh tế và có thể được sử dụng làm đòn bẩy để khuyến khích Nga đàm phán chấm dứt chiến tranh.

[Kyiv Independent: ‘I didn’t want to look foolish’ — Trump says US ‘gets much more’ from Ukraine minerals deal than it gave in aid]

6. Đường lối đàm phán của Witkoff với Putin gây lo ngại tại Tòa Bạch Ốc, New York Post đưa tin

Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, Steve Witkoff, đang gây lo ngại trong Tòa Bạch Ốc về đường lối phi truyền thống của ông đối với hoạt động ngoại giao có tầm quan trọng lớn với Nga và Iran, tờ New York Post đưa tin vào ngày 30 tháng 4, trích dẫn các nguồn tin giấu tên.

Theo báo cáo, Witkoff, người nổi lên như là đặc phái viên cá nhân của Tổng thống Trump tại Putin và đồng thời giải quyết các vấn đề Trung Đông, đã tham gia các cuộc họp riêng với các nhà lãnh đạo nước ngoài, bỏ qua nghi thức ngoại giao thông thường.

Theo nguồn tin của tờ New York Post, Witkoff thậm chí còn sử dụng phiên dịch viên của Điện Cẩm Linh trong các cuộc thảo luận với Putin — vi phạm thông lệ ngoại giao tiêu chuẩn của Hoa Kỳ.

Một nguồn tin khác mô tả Witkoff là “một tài phiệt tinh quái, nhưng là một thằng ngốc vụng về trong lãnh vực ngoại giao”, đồng thời nói thêm: “Anh ta không nên làm điều này một mình”.

Trước cuộc gặp với Putin vào ngày 25 tháng 4, Witkoff đã chào đón tổng thống Nga một cách không chính thức và không có đoàn tùy tùng gồm cố vấn, quan chức quân sự hoặc chuyên gia thường đi cùng các nhà đàm phán cao cấp của Hoa Kỳ.

Ngược lại, Putin tham gia cùng trợ lý Yuri Ushakov và giám đốc Quỹ đầu tư trực tiếp Nga Kirill Dmitriev.

Thái độ của Witkoff đã khiến các quan chức lo ngại vì ông thường nhắc lại lời kể của Putin trong khi được cho là không hiểu rõ lập trường của Ukraine. Vai trò đặc phái viên cho Ukraine vẫn được giao cho Keith Kellogg.

Sau cuộc họp ngày 11 tháng 4 với Putin tại St. Petersburg, Witkoff cho biết các cuộc thảo luận tập trung vào một thỏa thuận hòa bình tiềm năng liên quan đến “năm vùng lãnh thổ”.

Mặc dù không nêu tên cụ thể, nhưng ông dường như ám chỉ đến Crimea, nơi Nga sáp nhập vào năm 2014, và các vùng Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson bị tạm chiếm một phần, mà Mạc Tư Khoa tuyên bố chủ quyền vào năm 2022.

Witkoff cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Fox News vào ngày 14 tháng 4: “Tôi nghĩ chúng ta có thể đang ở bờ vực của một điều gì đó rất quan trọng đối với thế giới nói chung”.

Tổng thống Trump tuyên bố 5.000 binh lính Nga, Ukraine thiệt mạng mỗi tuần. Đây là những gì các con số nói

Ngoài vai trò trong các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga, Witkoff còn được giao nhiệm vụ làm trung gian cho lệnh ngừng bắn ở Trung Đông và xem xét lại thỏa thuận hạt nhân Iran.

Ông đã giúp bảo đảm lệnh ngừng bắn kéo dài hai tháng giữa Israel và Hamas bắt đầu ngay trước lễ nhậm chức của Tổng thống Trump nhưng không được gia hạn. Tuy nhiên, lý lịch ngoại giao hạn chế của ông đã làm dấy lên nghi ngờ về khả năng giải quyết các cuộc đàm phán quốc tế phức tạp của ông.

“Steve Witkoff chỉ đơn giản là người mà Tổng thống Trump tin tưởng”, Alexandra Filippenko, một chuyên gia về quan hệ Mỹ-Nga, nói với tờ Kyiv Independent. Bà lưu ý rằng mối quan hệ của họ bắt nguồn từ bối cảnh bất động sản Manhattan những năm 1980. “Tổng thống Trump coi trọng lòng trung thành đó”, bà nói.

Filippenko nhấn mạnh rằng vai trò nổi bật của Witkoff trong các cuộc đàm phán nhạy cảm như vậy, mặc dù hoạt động bên ngoài Bộ Ngoại giao, vẫn là “một sự sắp xếp bất thường”.

[Kyiv Independent: Witkoff's negotiation approach with Putin sparks concern in White House, NYP reports]

7. Julie Davis được bổ nhiệm làm nhà lãnh đạo tạm thời của đại sứ quán Hoa Kỳ tại Ukraine

Đại sứ Julie Davis sẽ đảm nhận nhiệm vụ là đại biện lâm thời tại đại sứ quán Hoa Kỳ tại Ukraine bắt đầu từ ngày 5 tháng 5, Đại sứ quán Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố vào ngày 1 tháng 5, sau khi cựu Đại sứ Hoa Kỳ Bridget Brink từ chức.

Theo tuyên bố từ đại sứ quán, Davis sẽ chỉ đạo hoạt động tương tác của đại sứ quán với chính phủ và người dân Ukraine thay mặt cho Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Marco Rubio.

Đại sứ Davis hiện đang giữ chức đại sứ Hoa Kỳ tại Síp và trước đây đã giữ các chức vụ đại sứ và đại diện đặc biệt cho Belarus, phó trợ lý ngoại trưởng phụ trách Tây Âu và Liên minh Âu Châu và phó đại diện thường trực tại NATO.

Bà sẽ giữ chức vụ đại biện lâm thời cho đến khi tổng thống bổ nhiệm đại sứ Hoa Kỳ mới tại Ukraine.

[Kyiv Independent: Julie Davis appointed interim head of US embassy in Ukraine]

8. Nỗ lực hòa bình của Tổng thống Trump bỏ qua hàng ngàn người Ukraine vẫn bị tra tấn trong cảnh giam cầm ở Nga

Oleksandr Merezhko, Chủ tịch Ủy ban Đối Ngoại của Verkhovna Rada, tức là Quốc Hội độc viện của Ukraine, phàn nàn rằng Nỗ lực hòa bình của Tổng thống Trump bỏ qua hàng ngàn người Ukraine vẫn bị tra tấn trong cảnh giam cầm ở Nga.

Khi thi thể của nhà báo Ukraine Viktoriia Roshchyna được trả về từ nơi giam giữ ở Nga với nội tạng bị mất nhằm che giấu bằng chứng tra tấn, tiết lộ này đã gây chấn động khắp thế giới.

Roshchyna qua đời khi bị giam cầm ở Nga vào mùa thu năm 2024, nhưng thi thể của cô chỉ được trả về Ukraine vào tháng 2 và được xác định danh tính chính thức vào tháng 4.

Merezhko cho biết cô là một trong số 16.000 thường dân Ukraine bị Nga bắt giữ.

Công ước Geneva đặt ra những giới hạn nghiêm ngặt về việc giam giữ thường dân trong thời chiến và thiết lập các tiêu chuẩn rõ ràng về việc đối xử nhân đạo với họ. Tuy nhiên, những người Ukraine được giải thoát khỏi sự giam cầm của Nga kể lại rằng họ phải chịu đựng những trận đòn, tra tấn, đói khát và bị chính quyền Nga từ chối chăm sóc y tế thích hợp hàng ngày.

Merezhko nhấn mạnh rằng “Chúng tôi biết có hơn 180 nhà tù ở Nga và các vùng lãnh thổ tạm thời bị tạm chiếm của Ukraine, nơi giam giữ các tù binh chiến tranh và thường dân của chúng tôi”.

“Chính quyền Nga có thể nhắm vào bất kỳ ai (ở các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm) bất kể giới tính, độ tuổi hoặc nghề nghiệp của họ.”

Số phận của hàng ngàn người Ukraine hiện đang bị giam cầm, cũng như những người sống dưới sự xâm lược, vẫn chưa chắc chắn trong bối cảnh Hoa Kỳ đang nỗ lực chấm dứt chiến tranh với Nga.

Theo bản dự thảo bị rò rỉ do Reuters công bố, đề xuất về một thỏa thuận hòa bình được Ukraine và Âu Châu hậu thuẫn, trong đó nêu rõ Nga sẽ trả tự do cho tất cả tù binh chiến tranh, thường dân bị bắt giữ và trẻ em bị trục xuất bất hợp pháp.

Merezhko cảnh báo rằng bản dự thảo bị rò rỉ được chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hậu thuẫn không đề cập đến bất kỳ cuộc trao đổi hoặc thả tù nhân nào.

Kế hoạch của Tổng thống Trump được cho là đề xuất công nhận trên thực tế việc Nga xâm lược một số khu vực của bốn vùng thuộc Ukraine và công nhận trên pháp lý việc Nga sáp nhập Crimea bất hợp pháp.

Đối với người dân Ukraine đang bị tạm chiếm, điều đó có nghĩa là họ vẫn phải tiếp tục đối mặt với nguy cơ bị đàn áp, tra tấn và tử vong.

“Một trong những điều khủng khiếp nhất mà chiến tranh mang lại là sự chia cắt... Chúng ta không thể để bất kỳ người dân, thị trấn và làng mạc nào của mình nằm dưới sự xâm lược của Nga”, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy phát biểu vào tháng 7 năm 2023.

“Bất cứ nơi nào sự xâm lược của Nga tiếp tục, bạo lực và sự sỉ nhục người dân vẫn ngự trị.”

[Kyiv Independent: Trump’s peace effort ignores thousands of Ukrainians still tortured in Russian captivity]

9. Rubio thúc giục Âu Châu ‘tăng cường’ hỗ trợ cho Ukraine trong các cuộc đàm phán với Ngoại trưởng Pháp

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio đã thúc giục các đồng minh Âu Châu cam kết nhiều nguồn lực hơn cho Ukraine trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot, cảnh báo rằng “lời nói là không đủ” để chấm dứt chiến tranh của Nga và bảo đảm một nền hòa bình lâu dài, Bộ Ngoại giao đưa tin vào ngày 1 tháng 5.

Theo thông cáo từ Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Tammy Bruce, Rubio ca ngợi sự lãnh đạo của Pháp trong việc xây dựng sự ủng hộ cho một thỏa thuận hòa bình, nhưng nhấn mạnh rằng các đối tác Âu Châu phải “tăng cường nguồn lực thực sự và ý chí chính trị” nếu họ hy vọng chấm dứt chiến tranh.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về khả năng thực hiện các cam kết quốc phòng của Âu Châu. Theo báo cáo của tờ Times vào ngày 30 tháng 4, các quốc gia Âu Châu có thể gặp khó khăn trong việc cung cấp 25.000 quân cho một “lực lượng răn đe” đa quốc gia được đề xuất cho Ukraine, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 64.000 quân ban đầu do các quan chức quốc phòng Anh đề xuất.

Kế hoạch này, là một phần của cái gọi là 'liên minh tự nguyện' do Anh và Pháp lãnh đạo, nhằm mục đích bảo đảm sự ổn định sau chiến tranh, xây dựng lại quân đội Ukraine và ngăn chặn hành động xâm lược trong tương lai của Nga.

Hiện tại, Hoa Kỳ được cho là đã cung cấp hỗ trợ tình báo và hậu cần nhưng đã từ chối cam kết quân đội. Trong nhiều tuần, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã thúc giục Tổng thống Trump đưa ra cam kết chính thức, cảnh báo rằng sự ủng hộ của Hoa Kỳ là điều cần thiết cho khả năng tồn tại của liên minh.

Theo Viện theo dõi viện trợ Ukraine của Viện Kinh tế Thế giới Kiel, Âu Châu đã vượt qua Hoa Kỳ về tổng viện trợ cho Ukraine: 138 tỷ euro, hay 157 tỷ đô la, so với 115 tỷ euro, hay 131 tỷ đô la, của Washington.

Các nhà nghiên cứu đã nêu bật một số gói viện trợ gần đây của Âu Châu, bao gồm khoản viện trợ lớn nhất từ trước đến nay của Thụy Điển trị giá 1,6 tỷ đô la và sự hỗ trợ mới từ Đức, Anh, Na Uy và Đan Mạch.

[Kyiv Independent: Rubio presses Europe to 'step up' support for Ukraine in talks with French FM]

10. Cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa của Nga vào Zaporizhzhia khiến 1 người thiệt mạng, 14 người bị thương

Các lực lượng Nga đã tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa vào Zaporizhzhia vào đêm Thứ Năm, 01 Tháng Năm, khiến một người thiệt mạng và 14 người khác bị thương, các quan chức địa phương đưa tin.

Thống đốc tỉnh Zaporizhzhia Ivan Fedorov cho biết Nga đã phóng máy bay điều khiển từ xa tấn công vào thành phố, tấn công mục tiêu ít nhất 10 lần và gây ra nhiều vụ hỏa hoạn.

Chính quyền quân sự khu vực sau đó báo cáo rằng một người đàn ông 61 tuổi đã thiệt mạng do vụ tấn công. Vụ tấn công cũng làm bị thương 10 người đàn ông và bốn người phụ nữ, và đưa chín nạn nhân vào bệnh viện, Fedorov cho biết.

Các cảnh quay về hậu quả của vụ tấn công cho thấy nhiều ngôi nhà cũng như một tòa nhà dân cư bị hư hại do vụ tấn công.

Cơ quan Tình trạng Khẩn cấp Nhà nước Ukraine báo cáo rằng các tòa nhà chung cư, một cơ sở giáo dục và một cơ sở hạ tầng đã bị hư hại trong vụ tấn công.

Nằm gần tiền tuyến, Zaporizhzhia, nơi sinh sống của khoảng 710.000 cư dân trước cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào năm 2022, thường xuyên là mục tiêu tấn công của lực lượng Nga.

Các cuộc không kích của Nga vào các thành phố của Ukraine diễn ra khi Kyiv đề nghị tạm dừng 30 ngày các cuộc không kích vào các khu vực dân sự. Mạc Tư Khoa đã ra hiệu sẽ xem xét đề xuất này, nhưng vẫn tiếp tục các cuộc không kích vào các thành phố trên khắp Ukraine.

[Kyiv Independent: Russian drone attack on Zaporizhzhia kills 1, injures 14]

11. Vance cho biết Hoa Kỳ sẽ đưa Ukraine và Nga xích lại gần nhau hơn trong 100 ngày tới

Phó Tổng thống JD Vance cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Fox News Digital rằng chính quyền Tổng thống Trump hiện đang tập trung vào việc làm trung gian cho một “giải pháp lâu dài” cho cuộc chiến Nga-Ukraine trong vòng 100 ngày tới.

Khi được hỏi về tình hình đàm phán hiện tại với Nga và Ukraine, Vance nói với Fox News rằng “bước đầu tiên và cần thiết để giải quyết xung đột Nga-Ukraine là khiến mỗi bên đưa ra một đề xuất hòa bình”.

Vance cho biết, “Chúng tôi đã đưa ra đề xuất hòa bình, và chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức trong 100 ngày tới để cố gắng đưa những người này lại với nhau”, ám chỉ đến Ukraine và Nga.

Nỗ lực làm trung gian hòa bình được đưa ra sau nhiều tháng ngoại giao, bất chấp lời hứa trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump là sẽ chấm dứt chiến tranh trong một ngày.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024, Tổng thống Trump đã nhiều lần tuyên bố sẽ giải quyết cuộc chiến Nga-Ukraine “trong vòng 24 giờ”. Sau khi nhậm chức, ông đã sửa đổi mốc thời gian thành 100 ngày. Hạn chót đó đã trôi qua trong tuần này mà không có thỏa thuận nào được đưa ra và giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn ở tiền tuyến.

Kyiv đã chấp nhận đề xuất ngừng bắn 30 ngày do Hoa Kỳ hậu thuẫn vào tháng 3, nhưng Mạc Tư Khoa đã từ chối, yêu cầu chấm dứt hoàn toàn sự hỗ trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine. Bất chấp các tuyên bố ủng hộ việc giảm leo thang, Nga đã tăng cường các cuộc tấn công trong những tuần gần đây.

Một lệnh ngừng bắn một phần bao gồm cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, được sắp xếp trong cuộc gọi vào tháng 3 giữa Tổng thống Trump và Putin, cũng đã chứng kiến nhiều lần vi phạm từ phía Nga. Vào ngày 16 tháng 4, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết Nga đã vi phạm lệnh ngừng bắn một phần hơn 30 lần.

Vance cho biết cả hai bên hiện đã đệ trình các đề xuất hòa bình chính thức, tuyên bố rằng có “một khoảng cách rất lớn giữa những gì người Nga muốn và những gì người Ukraine muốn”.

Trong một cuộc phỏng vấn với Brizilian O Globo, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết họ sẽ chỉ tham gia các cuộc đàm phán hòa bình sau khi công nhận quyền kiểm soát của họ đối với Crimea và bốn khu vực bị tạm chiếm một phần của Ukraine - Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson. Ông cũng nêu lệnh cấm Ukraine gia nhập NATO, phi quân sự hóa đất nước và những thay đổi đối với luật pháp của Ukraine sẽ khôi phục vị thế của ngôn ngữ, văn hóa và các tổ chức tôn giáo của Nga.

Những yêu cầu được Điện Cẩm Linh lặp lại vào tuần trước cho thấy Mạc Tư Khoa vẫn đang bám vào những yêu cầu tối đa của mình — những điều khoản không thể chấp nhận được đối với phía Ukraine.

Vance nói thêm rằng mặc dù các nhà lãnh đạo Âu Châu không đồng tình với chính sách của Tổng thống Trump, nhưng họ tin rằng Tổng thống Mỹ là “người duy nhất có thể thực sự buộc mỗi bên đưa ra đề xuất hòa bình”, nghĩa là Mạc Tư Khoa và Kyiv.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Liên Hiệp Âu Châu Kaja Kallas trước đây thừa nhận một số chính phủ đang âm thầm cân nhắc việc làm theo Hoa Kỳ nếu nước này ngừng hỗ trợ Ukraine, nhưng cho biết khối này sẽ không công nhận Crimea, nơi bị Nga sáp nhập bất hợp pháp vào năm 2014.

“Về phía Âu Châu, chúng tôi đã nói đi nói lại điều này… Crimea là của Ukraine,” Kallas nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times. “Nhưng tất nhiên, chúng tôi không thể nói thay cho nước Mỹ và những gì họ sẽ làm.”

Vào ngày 23 tháng 4, Axios đưa tin rằng kế hoạch hòa bình do Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đề xuất bao gồm sự công nhận về mặt pháp lý đối với quyền kiểm soát của Nga đối với Crimea, cùng với sự công nhận trên thực tế đối với việc Nga xâm lược các vùng lãnh thổ khác của Ukraine. Kế hoạch này cũng quy định dỡ bỏ các lệnh trừng phạt áp đặt đối với Nga kể từ năm 2014.

Ngược lại, đề xuất của Âu Châu-Ukraine được cho là nhấn mạnh rằng các vấn đề lãnh thổ chỉ nên được giải quyết sau khi ngừng bắn hoàn toàn và bắt đầu từ cơ sở đường kiểm soát.

[Kyiv Independent: US to bring Ukraine, Russia together over the next 100 days, Vance says]
 
03.05 Diễn biến bầu Giáo Hoàng: 7 nét độc đáo của Cơ Mật Viện 2025. Bắc Kinh báo hại ĐHY Parolin
VietCatholic Media
17:15 02/05/2025


1. 7 chi tiết độc đáo về Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng hiện nay

Christine Rousselle của tờ Aleteia liệt kê bảy sự kiện cần biết về các cử tri năm nay khi các ngài chuẩn bị bầu Vị Giáo Hoàng mới.

Thứ nhất, đây là Cơ Mật Viện lớn nhất từ trước đến nay.

Có 133 Hồng Y cử tri sẽ tham gia Cơ Mật Viện năm nay, trong tổng số 135 Hồng Y đủ điều kiện.

Hai vị sẽ không tham dự Cơ Mật Viện là Hồng Y Antonio Cañizares, Tổng giám mục hưu trí của Valencia, Tây Ban Nha, và Hồng Y John Njue, Tổng giám mục hưu trí của Nairobi, Kenya.

Về mặt lý thuyết, số lượng Hồng Y bỏ phiếu bị giới hạn ở mức 120, nhưng Đức Giáo Hoàng Phanxicô, giống như những vị tiền nhiệm của ngài, đã sử dụng con số đó làm mục tiêu chung, không phải là giới hạn nghiêm ngặt.

Khi các cử tri bước sang tuổi 80 hoặc các Hồng Y qua đời, số lượng sẽ tự nhiên giảm dần giữa các công nghị. Có 115 cử tri trong Cơ Mật Viện năm 2013

Điều này đặt ra một câu hỏi khác: Làm thế nào để tất cả các ngài có thể chen chân vào Nhà nguyện Sistine?

115 vị đã bỏ phiếu trong Cơ Mật Viện năm 2013.

133 vị sẽ bỏ phiếu trong Cơ Mật Viện năm 2025.

Người ta sẽ phải kéo dài những chiếc bàn đó, hoặc ép những chiếc ghế đó lại, để có thêm 18 chỗ ngồi.

Thứ hai, Hồng Y cử tri trẻ tuổi nhất sinh năm 1980.

Vị trẻ tuổi nhất trong Cơ Mật Viện năm nay là Hồng Y Mykola Bychok, 45 tuổi. Đức Hồng Y Bychok là một Hồng Y của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương tại Úc Đại Lợi. Ngài bước sang tuổi 45 vào ngày 13 tháng 2, hai tháng và một tuần sau khi được vinh thăng Hồng Y.

Mặc dù Bychok là Hồng Y trẻ tuổi nhất, nhưng ngài không phải là Hồng Y trẻ tuổi nhất từng tham gia Cơ Mật Viện. Người ta tin rằng vinh dự đó thuộc về Hồng Y Alfonso Gesualdo di Conza, người chỉ mới 25 tuổi trong Cơ Mật Viện kéo dài từ 1565 đến 1566.

Đức Giáo Hoàng trẻ tuổi nhất được cho là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ Chín, người khoảng 20 tuổi khi được bầu làm Giáo Hoàng vào năm 1032.

Thứ ba, vị lớn tuổi nhất suýt chút nữa không được vào

Hồng Y cử tri lớn tuổi nhất là Hồng Y Carlos Osoro Sierra, Tổng giám mục hưu trí của Madrid.

Ngài 79 tuổi và sẽ bước sang tuổi 80 vào ngày 16 tháng 5 năm 2025.

Nếu ngài sinh ra sớm hơn một tháng, ngài sẽ quá già để vào Cơ Mật Viện. Điều kiện đủ tư cách của Hồng Y dựa trên độ tuổi của họ tại thời điểm Đức Giáo Hoàng qua đời.

Thứ tư, các Hồng Y cử tri đến từ sáu châu lục

133 Hồng Y cử tri đến từ khắp nơi trên thế giới, nhưng hơn một phần ba đến từ Âu Châu.

Có:

52 Hồng Y đủ tuổi bỏ phiếu từ Âu Châu,

23 từ Á Châu,

20 từ Bắc Mỹ,

17 từ Nam Mỹ,

17 từ Phi Châu và

4 từ Châu Đại Dương.

Mặc dù có một số ít nhà thờ Công Giáo ở Nam Cực, nhưng lục địa này nằm dưới quyền quản lý của một số giáo phận khác nhau và không có giám mục chính thức nào ở Nam Cực.

Thứ năm, Ý có nhiều Hồng Y nhất

Ý có nhiều Hồng Y cử tri nhất trong số các quốc gia, với 17 vị. Con số này không bao gồm Hồng Y Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ La tinh của Giêrusalem, hoặc Hồng Y Giorgio Marengo, giám quản tông tòa của Ulaanbaatar, Mông Cổ, cả hai đều sinh ra và lớn lên ở Ý. Nếu tính chung cả hai vị này, Ý có 19 Hồng Y cử tri.

Hoa Kỳ có số lượng cao thứ hai, ở mức 10, tiếp theo là Brazil với 7.

Ấn Độ và Phi Luật Tân có nhiều Hồng Y cử tri nhất trong số các quốc gia Á Châu, với bốn người, và các Hồng Y của Phi Châu và Châu Đại Dương đều đến từ các quốc gia khác nhau.

Thứ sáu, có năm Hồng Y đã dự Cơ Mật Viện lần này là lần thứ ba

Trong khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm khoảng 80% số Hồng Y cử tri cho Cơ Mật Viện năm nay và các ngài hoàn toàn mới với tiến trình này, năm Hồng Y đang thực hiện chuyến đi thứ ba đến Vatican để bỏ phiếu cho người kế nhiệm Thánh Phêrô.

Các vị này là:

Đức Hồng Y Vinko Puljić, Tổng giám mục hưu trí của Vrhbosna, Bosnia và Herzegovina

Đức Hồng Y Josip Bozanić, Tổng giám mục hưu trí của Zagreb, Croatia

Đức Hồng Y Philippe Barbarin, Tổng giám mục hưu trí của Lyon, Pháp

Đức Hồng Y Peter Turkson, Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học Đức Giáo Hoàng và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Đức Giáo Hoàng

Đức Hồng Y Péter Erdő, Tổng giám mục Esztergom–Budapest, Hung Gia Lợi

Sự kiện đáng lưu ý: Các Đức Hồng Y Bozanić, Barbarin, Turkson và Erdő đều được nâng lên hàng Hồng Y trong cùng một công nghị vào năm 2003.

Thứ bẩy, có 18 dòng tu được đại diện trong Hồng Y đoàn

Tổng cộng có 33 Hồng Y là thành viên của các dòng tu, chiếm gần 25% số Hồng Y cử tri.

Dòng Salêdiêng có nhiều nhất, năm vị, tiếp theo là bốn thành viên của Dòng Anh Em Hèn Mọn và Dòng Tên. Có ba tu sĩ Phanxicô Viện Tu, và hai tu sĩ Đaminh, Lazarist, Dòng Chúa Cứu Thế, và hai thành viên của Dòng Ngôi Lời

Dòng Augustinô, Dòng Capuchin, Dòng Cát Minh Nhặt Phép, Dòng Xitô, Dòng Piô X, Các nhà truyền giáo Consolata, các nhà truyền giáo của Thánh Tâm Chúa Giêsu, các nhà truyền giáo Scalabrinians và Spiritans mỗi dòng đều có một Hồng Y bỏ phiếu.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trở thành tu sĩ Dòng Tên đầu tiên được bầu làm Giáo Hoàng vào năm 2013.

2. Các Hồng Y lắng nghe báo cáo về tình hình tài chính của Vatican, thảo luận về tình trạng phân cực trong Giáo Hội, và tính đồng nghị

Các thành viên của Hồng Y đoàn đã họp phiên họp chung thứ bảy kể từ khi Đức Thánh Cha Phanxicô qua đời. Tờ Quan Sát Viên Rôma cho biết 181 trong số 252 thành viên của Hồng Y đoàn—bao gồm 124 trong số 133 Hồng Y cử tri—đã tham dự.

Buổi họp kéo dài trong ba tiếng rưỡi, bắt đầu bằng lời cầu nguyện lúc 9:00 sáng và kết thúc bằng việc đọc kinh Regina Caeli hay kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng lúc 12:30.

Theo tờ Quan Sát Viên Rôma, phần đầu tiên của cuộc họp được dành cho các báo cáo tài chính:

Đức Hồng Y Reinhard Marx của Munich, điều phối viên Hội đồng Kinh tế, “đã trình bày cập nhật tổng quan về những thách thức hiện tại và các vấn đề quan trọng, đưa ra các đề xuất hướng tới tính bền vững và nhắc lại tầm quan trọng của các cơ cấu kinh tế tiếp tục hỗ trợ sứ mệnh của Đức Giáo Hoàng một cách ổn định”.

Đức Hồng Y Nhiếp Chính Kevin Farrell đã thảo luận về ủy ban đầu tư mà ngài lãnh đạo.

Đức Hồng Y Christoph Schönborn, chủ tịch Ủy ban Hồng Y giám sát Viện Giáo Vụ, gọi tắt là IOR, đã phát biểu về IOR, thường được gọi là “ngân hàng Vatican”.

Đức Hồng Y Fernando Vérgez Alzaga, nguyên Thống đốc Thành quốc Vatican, đã thảo luận về “một số chi tiết liên quan đến công việc quản trị, đồng thời nói về công việc cải tạo liên quan đến các tòa nhà và sự hỗ trợ dành cho Tòa thánh.”

Đức Hồng Y Konrad Krajewski đã nói về công việc của Thánh bộ Phục vụ Bác ái, nơi ngài là bộ trưởng.

Sau đó, tờ Quan Sát Viên Rôma đã tóm tắt 14 bài phát biểu ngắn hoặc bài phát biểu can thiệp của các thành viên trong Hồng Y đoàn:

Một suy tư về giáo hội học của dân Chúa đã được nêu bật, đặc biệt là về nỗi đau khổ do sự phân cực trong Giáo hội và sự chia rẽ trong xã hội gây ra. Giá trị của tính đồng nghị, được trải nghiệm trong mối liên hệ chặt chẽ với tính đồng đoàn giám mục, như một biểu hiện của sự đồng trách nhiệm khác biệt, đã được nhắc lại nhiều lần.

Vấn đề ơn gọi linh mục và tu sĩ đã được đề cập trong nhiều dịp khác nhau, được xem xét liên quan đến việc đổi mới tinh thần và mục vụ của Giáo hội. Một số can thiệp đã đề cập rõ ràng đến các văn kiện của Công đồng Vatican II, đặc biệt là các Hiến chế Lumen Gentium và Gaudium et Spes.

Vấn đề truyền giáo được thảo luận, nhấn mạnh đến sự gắn kết cần thiết giữa việc công bố Phúc Âm và chứng tá cụ thể của đời sống Kitô hữu.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết cho đến nay có một số Hồng Y cử tri vẫn chưa đến và không có thông dịch viên nào được mong đợi có mặt tại Nhà nguyện Sistina trong suốt cuộc họp kín. Sau đó, ông cũng đã đề cập đến tình hình của Hồng Y Vinko Puljić. Theo lời khuyên của các bác sĩ, ngài có thể phải bỏ phiếu từ nhà trọ Santa Marta thay vì đích thân hiện diện tại nhà trọ Santa Marta.

3. Bắc Kinh can thiệp vào Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng

Trong khi Giáo Hội Công Giáo trên toàn thế giới thương tiếc Đức Thánh Cha Phanxicô và hướng đến các Hồng Y đã đến Rôma để tham dự Cơ Mật Viện bầu Tân Giáo Hoàng, thì các cơ quan của Công Giáo do nhà nước chi phối tại Trung Quốc lại thúc đẩy ý tưởng rằng mọi thứ phải tiếp tục như thể chưa có chuyện gì xảy ra.

Các nguồn tin cho AsiaNews biết rằng tại Thượng Hải, các linh mục cùng một số đại diện của các nữ tu và giáo dân đã được triệu tập để phê chuẩn việc lựa chọn một Giám Mục Phụ Tá mới, diễn ra vào ngày 30 Tháng Tư. Cha Ngô Kiến Lâm (Wu Jianlin, 吴建林) tổng đại diện hiện tại, đã được chọn với chỉ một số ít phiếu chống. Điều tương tự cũng xảy ra vào hôm nay tại Giáo phận Tân Hương (Xinxiang, 新乡), tỉnh Hà Nam với chỉ một ứng cử viên, linh mục Lý Kiến Lâm (Li Janlin, 李建林).

Phương pháp này đã được sử dụng bất chấp thỏa thuận với Tòa thánh về việc bổ nhiệm giám mục.

Dưới danh nghĩa “quyền tự chủ” của Giáo hội tại Trung Quốc, một điểm mà chính quyền nhấn mạnh, Trung Quốc vẫn quyết định tiến hành, khẳng định rằng khoảnh khắc đặc biệt trong lịch sử của Giáo hội hoàn vũ, khi Tòa Thánh trống ngôi Giáo Hoàng, không liên quan đến người Công Giáo tại Cộng hòa Nhân dân.

Giám mục Thẩm Bân của Thượng Hải, người được Đảng Cộng sản Trung Quốc chọn để lãnh đạo cộng đồng Công Giáo địa phương, mà không hề hỏi ý kiến Tòa Thánh, cho biết ông muốn có một Giám Mục Phụ Tá hỗ trợ ông trong chức vụ mục vụ của mình, bao gồm cả chức vụ chủ tịch Hội đồng Giám mục Trung Quốc, là cơ quan không được Tòa thánh công nhận.

Vấn đề là Giáo phận Thượng Hải đã có hai Giám Mục Phụ Tá, đó là Đức Cha Giuse Hình Văn Chi (Xing Wenzhi, 邢文智)62 tuổi, được tấn phong năm 2005 nhưng đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc gạt sang một bên vào năm 2011, và trên hết là Đức Cha Tađêô Mã Đạt Thanh (Ma Daqin, 马达钦) 57 tuổi, vị giám mục đã có động thái chưa từng có là từ chức khỏi Hiệp hội Yêu nước trong lễ tấn phong giám mục của mình vào ngày 7 tháng 7 năm 2012, một động thái khiến ngài hiện đang bị cô lập tại chủng viện Xà Sơn.

Vào tháng 7 năm 2023 - ba tháng sau động thái của Bắc Kinh - Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã miễn cưỡng phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm Bân tại Thượng Hải “vì lợi ích của giáo phận” sau đó, một số người bày tỏ hy vọng rằng Đức Cha Tađêô Mã Đạt Thanh sẽ có thể thực hiện chức thánh của mình, ít nhất là với tư cách là Giám Mục Phụ Tá, đặc biệt là vì ngài đã công khai xin lỗi Đảng Cộng sản Trung Quốc cho cử chỉ của mình vào năm 2016.

Việc bầu Cha Ngô Kiến Lâm cho thấy rõ ràng rằng Bắc Kinh không có ý định cho phép điều đó. Giám Mục Phụ Tá mới là linh mục đã lãnh đạo giáo phận Thượng Hải từ năm 2013 đến năm 2023 và đã là thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc trong nhiều năm.

Không kém phần khó khăn đối với Tòa thánh là cuộc bầu cử giám mục mới của Tân Hương. Trên thực tế, đây là giáo phận này ở Hà Nam đang có một giám mục, là Đức Cha Giuse Trương Vĩ Trụ (Zhang Weizhu, 张伟柱) 67 tuổi, người đã được thụ phong bí mật vào năm 1991 và bị bắt nhiều lần trong những năm gần đây chỉ vì thực hiện chức thánh của mình.

Trong trường hợp này, ứng cử viên duy nhất cho chức giám mục là một người trung thành với đảng. Năm 2018, linh mục Lý Kiến Lâm là một trong những người ký thông tư cấm trẻ vị thành niên tham dự các Thánh lễ ở tỉnh Hà Nam.

Hai cuộc bầu cử này là phép thử của chính quyền Trung Quốc đối với người kế nhiệm Thánh Phêrô, sẽ được bầu tại Cơ Mật Viện khai mạc vào ngày 7 tháng 5.

Đức Giáo Hoàng mới sẽ phải quyết định nên làm gì không chỉ về mối quan hệ chung với Trung Quốc mà còn về hai sự kiện cụ thể này.

Sự việc này xảy ra sau khi không có giám mục nào từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đến Vatican dự tang lễ của Đức Thánh Cha Phanxicô, không giống như những gì đã xảy ra tại các Thượng Hội Đồng Giám Mục.

Trong khi đó, tuyên bố chia buồn ngắn gọn do Hiệp hội Yêu nước đăng tải về sự ra đi của Đức Thánh Cha Phanxicô đã bị gỡ khỏi trang chủ sau bốn ngày, thay thế bằng những tin tức có vẻ cấp bách hơn, như cuộc họp tại tỉnh An Huy giữa những người Công Giáo và Đảng ủy và bản trình bày về kế hoạch 5 năm nhằm Hán hóa Công Giáo tại tỉnh Hồ Bắc.

Tại Giáo phận Ôn Châu (tỉnh Chiết Giang), cuộc đàn áp vẫn tiếp diễn. Trước lễ Phục sinh, Asia News đã đưa tin về vụ bắt giữ thường xuyên của Đức Cha Phêrô Thiệu Chúc Mẫn, vụ việc này đã tiếp tục kéo dài sau khi Đức Giáo Hoàng qua đời, theo các báo cáo mới nhất gửi cho AsiaNews từ các nguồn tin địa phương.

Người ta không biết gì về số phận của vị giám mục sau khi ngài bị bắt vào ngày 10 tháng 4 để ngăn ông cử hành các nghi lễ Tuần Thánh trước công chúng.

Ở Ôn Châu, cảnh sát thậm chí còn ngăn cản các linh mục “được ghi danh chính thức” cử hành Thánh lễ tưởng nhớ Đức Thánh Cha Phanxicô.

Thỏa thuận về việc bổ nhiệm Giám Mục giữa Vatican và Bắc Kinh, mà Đức Hồng Y Pietro Parolin là kiến trúc sư trưởng, đã thu hút sự chỉ trích rộng rãi, không chỉ từ Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, giám mục danh dự của Hương Cảng, và những người Công Giáo Trung Quốc bình thường cam kết trung thành với Rôma, mà còn từ những người Công Giáo nổi tiếng ở Âu Châu và Hoa Kỳ, những người cáo buộc Giáo hội đã bán mình cho Trung Quốc Cộng sản và gây ra hậu quả tàn khốc. Không nao núng, Đức Hồng Y Parolin đã kêu gọi sự kiên nhẫn và không khuất phục trước sự phẫn nộ của công chúng về vấn đề này.

Nhiều người cho rằng quyết định tấn phong Giám Mục trái phép của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong những ngày này sẽ khơi lại cuộc tranh luận và sẽ ảnh hưởng đáng kể đến quyết định của các Hồng Y đang tham dự Cơ Mật Viện bầu tân Giáo Hoàng. Theo nghĩa đó, Trung Quốc đang can thiệp vào Cơ Mật Viện bầu tân Giáo Hoàng.

Ngay trước phiên họp đầu tiên của Đại Hội Đồng, Đức Hồng Y Pietro Parolin cũng đã phải chịu một sự soi mói đánh kể khi Hồng Y Becciu, phụ tá của ngài, đưa ra các tuyên bố gây tranh cãi, khơi lại những nghi ngờ về vai trò của Đức Hồng Y Parolin trong vụ mua bán nhà tại Luân Đôn.

Những diễn biến dồn dập như thế chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến khả năng ngài được bầu làm Giáo Hoàng.


Source:Asia News

4. 2 Hồng Y cử tri từ Tây Ban Nha và Kenya sẽ không tham dự Cơ Mật Viện sắp tới

Matteo Bruni, giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, đã tuyên bố rằng hai Hồng Y cử tri sẽ không tham gia Cơ Mật Viện vì lý do sức khỏe. Ông từ chối nêu tên hai vị Hồng Y, nại đến nhu cầu phải tôn trọng tính chất riêng tư của Hồng Y Đoàn.

Tuy nhiên, cuối cùng người ta cũng biết danh tính hai vị Hồng Y không thể tham dự Cơ Mật Viện vì lý do sức khoẻ.

Tổng giáo phận của Hồng Y người Tây Ban Nha Antonio Cañizares; và Tổng giáo phận của Hồng Y người Kenya John Njue đã xác nhận hai vị Hồng Y này sẽ không tham gia Cơ Mật Viện sắp tới để bầu người kế nhiệm Đức Thánh Cha Phanxicô.

Tổng giáo phận Valencia nói với ACI Prensa, rằng Đức Hồng Y Cañizares “sẽ không đến Rôma vì lý do sức khỏe”.

Trong khi đó, các nguồn tin từ Tổng giáo phận Nairobi đã xác nhận với ACI Africa, rằng vì lý do sức khỏe, vị Hồng Y người Phi Châu sẽ không đến Rôma để bầu Đức Giáo Hoàng tiếp theo của Giáo hội.

Sinh năm 1945, Đức Hồng Y Cañizares được thụ phong linh mục vào năm 1970 tại Tổng giáo phận Valencia. Vị giám mục người Tây Ban Nha này đã là tổng giám mục danh dự của Tổng giáo phận Valencia kể từ năm 2022, sau khi phục vụ với tư cách là tổng giám mục tại đó từ năm 2014 đến năm 2022.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã bổ nhiệm Cha Cañizares làm giám mục của Ávila vào năm 1992, nơi ngài giữ chức cho đến khi được bổ nhiệm đến Tổng giáo phận Granada vào năm 1996. Năm 2002, ngài được chuyển đến Tổng giáo phận Toledo của Tây Ban Nha.

Giám mục Cañizares được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 tấn phong Hồng Y trong công nghị Hồng Y tháng 3 năm 2006. Từ năm 2008 đến năm 2014, ngài giữ chức vụ Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích của Vatican từ năm 2008 đến năm 2014 trước khi trở về Tây Ban Nha.

Đức Hồng Y Njue, 79 tuổi, là vị giám mục Kenya thứ hai được nâng lên hàng Hồng Y. Được Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục phong chức linh mục vào năm 1973 tại Đền Thờ Thánh Phêrô cho Giáo phận Meru của Kenya, Cha Njue sau đó đã được tấn phong giám mục vào năm 1986 — ở tuổi 40 — sau khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị bổ nhiệm ngài làm giám mục đầu tiên của Giáo phận Embu, nơi ngài ở lại cho đến năm 2002.

Trước khi được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 tấn phong Hồng Y vào năm 2007, Đức Cha Njue đã phục vụ Giáo hội Kenya với tư cách là tổng giám mục phó của Nyeri và giám quản tông tòa của Isiolo.

Vị giám mục người Phi Châu này cũng đã đảm nhiệm hai nhiệm kỳ làm chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Kenya từ năm 1997 đến năm 2003 và từ năm 2006 đến năm 2015.

Tòa thánh gần đây đã cập nhật ngày sinh của Đức Hồng Y Njue trong Niên giám Tòa Thánh mới nhất là ngày 1 Tháng Giêng năm 1946, có nghĩa là vị tổng giám mục danh dự này có quyền bỏ phiếu trong Cơ Mật Viện Đức Giáo Hoàng cho đến ngày 1 Tháng Giêng năm 2026. Hiện ngài là thành viên của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc.

Với sự vắng mặt của Cañizares và Njue trong Cơ Mật Viện sắp tới, tổng cộng có 133 Hồng Y đủ điều kiện bỏ phiếu trong Cơ Mật Viện.

Giáo hội cần ít nhất 89 phiếu bầu, tức là đa số hai phần ba, để bầu ra Đức Giáo Hoàng mới và người kế nhiệm Đức Thánh Cha Phanxicô để lãnh đạo 1,4 tỷ người Công Giáo trên toàn thế giới.


Source:National Catholic Register

5. Tiến Sĩ George Weigel: Người kế nhiệm... của ai?

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “Successor... to Whom?”, nghĩa là “Người kế nhiệm... của ai?”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Trong những ngày đầu thảo luận tại các Đại hội đồng chuẩn bị cho Cơ Mật Viện sẽ bắt đầu vào ngày 7 tháng 5, một số tường thuật đã nói rằng nhiệm vụ của Cơ Mật Viện là tìm ra “người kế nhiệm Đức Giáo Hoàng Phanxicô”.

Điều đó là đúng, xét về mặt thời gian. Nhưng không đúng về mặt thần học.

Nhiệm vụ của Cơ Mật Viện Hồng Y 2025 không phải là tìm người kế vị Đức Phanxicô mà là người kế vị Thánh Phêrô.

Cơ Mật Viện 2013 không có nhiệm vụ tìm kiếm “người kế nhiệm Đức Bênêđíctô XVI”, không tìm một Đức Bênêđíctô 2.0. Cơ Mật Viện 2005 cũng không có trách nhiệm tìm kiếm “người kế nhiệm Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị” hay Đức Gioan Phaolô 2.0. Nhiệm vụ của mỗi Cơ Mật Viện là tìm người tiếp tục sứ vụ Thánh Phêrô, chứ không phải tìm người sẽ sao chép tốt nhất triều Giáo Hoàng vừa kết thúc.

Trong cuốn sách nhỏ của tôi có tên “The Next Pope: The Office of Peter and a Church in Mission” hay “Vị Giáo Hoàng tiếp theo: Sứ vụ Phêrô và một Giáo Hoàng Truyền Giáo”, tôi đã mô tả những gì có vẻ là một số khía cạnh quan trọng của Sứ vụ Phêrô:

Giống như mọi thứ khác trong Giáo hội, Sứ vụ Phêrô —chức vụ duy nhất do Giám mục Rôma thực hiện—phục vụ cho Phúc âm và công bố Phúc âm. Trong Thánh lễ trước công chúng khai mạc Sứ vụ Phêrô của mình vào năm 1978, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đưa ra một bài học đáng nhớ về chân lý cổ xưa này. Tiếng vang của nó vẫn tiếp tục vang vọng khắp các vùng đất sống động của Công Giáo thế giới.

Vào ngày 22 tháng 10 năm 1978, Giáo hội vẫn còn bàng hoàng trước cái chết bất ngờ của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I sau chỉ mới ba mươi ba ngày tại vị. Nói nhẹ ngàng nhất là thế giới hoài nghi về khả năng lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng. Giáo triều Rôma đã bị choáng váng bởi cuộc bầu cử của Vị Giáo Hoàng đầu tiên không phải người Ý sau 455 năm. Tuy nhiên, vào cuối Thánh lễ của Đức Giáo Hoàng ngày hôm đó, thế giới, Giáo hội và Giáo triều biết rằng có điều gì đó đã thay đổi và đã thay đổi một cách ngoạn mục. Nhà báo người Pháp André Frossard đã nắm bắt được tính chất của khoảnh khắc đó khi ông tường trình cho tờ báo có trụ sở tại Paris của mình rằng “Đây không phải là một Giáo Hoàng đến từ Ba Lan; đây là một Giáo Hoàng đến từ Galilê.”

Đức Gioan Phaolô II đã làm gì trong suốt ba giờ đồng hồ?

Ngài đã thể hiện sức mạnh của Phúc âm trong chính cuộc đời mình, khẳng định không chút do dự rằng Chúa Giêsu Kitô là Chúa, là Đấng duy nhất biết và thỏa mãn những khát vọng sâu xa nhất của trái tim con người. Vì vậy, những lời đầu tiên trong bài giảng của ngài, được truyền đạt ngoài trời trước đám đông lớn tại Quảng trường Thánh Phêrô và trước hàng triệu người trên truyền hình, là sự lặp lại táo bạo lời tuyên xưng đức tin của Simon Phêrô tại Cêsarê Philippê: “Ngài là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống!” (Mt 16:16) Ngài nói rằng đó là lời tuyên xưng đức tin được Chúa soi dẫn mà từ đó Sứ vụ Phêrô ra đời.

Ngài tuyên bố sức mạnh của Phúc âm để mặc khải cả khuôn mặt của Thiên Chúa Cha nhân từ và sự vĩ đại của nhân loại chúng ta. Vì Chúa Kitô đã đưa nhân loại đến gần “mầu nhiệm của Thiên Chúa hằng sống” ngay cả khi Chúa Kitô đã cho chúng ta thấy “chân lý tối hậu và dứt khoát” về chính chúng ta. Và đó là điều mà Giáo hội phải đề xuất với thế giới: “Xin hãy lắng nghe một lần nữa,” ngài yêu cầu.

Ngài giải thích sức mạnh của Phúc âm bằng cách nhắc nhở Giáo hội và thế giới rằng Phúc âm là sức mạnh duy nhất mà Giáo hội sở hữu, và rằng “mầu nhiệm thập giá và sự phục sinh” là sức mạnh duy nhất mà Giáo hội nên mong muốn: “sức mạnh tuyệt đối nhưng ngọt ngào và dịu dàng của Chúa”, một sức mạnh “đáp ứng toàn bộ chiều sâu của con người....”

Ngài thể hiện sức mạnh của Phúc âm bằng cách nhắc nhở Giáo hội rằng sự lãnh đạo Công Giáo là sự lãnh đạo phục vụ theo ý muốn của Chúa Kitô. Đó là điều Chúa Kitô đã dạy các tông đồ khi rửa chân cho họ trong Bữa Tiệc Ly, và đó là điều Chúa Kitô đang dạy các giám mục và Đức Giáo Hoàng ngày nay. Và vì vậy, ngài đã cầu nguyện trước thế giới và Giáo hội, “Lạy Chúa, xin hãy biến con trở thành và vẫn là người tôi tớ của quyền năng độc nhất của Người, người tôi tớ của quyền năng ngọt ngào của Người, người tôi tớ cho quyền năng của Người không biết đến hoàng hôn. Hãy biến con thành người tôi tớ. Thật vậy, người tôi tớ của những người tôi tớ của Người.”

Ngài thách thức thế giới trải nghiệm sức mạnh của Phúc âm, và khi làm như vậy, hãy giải thoát bản thân khỏi nỗi sợ hãi đã đóng chặt trái tim và tâm trí lại với Chúa: “Đừng sợ! Đừng sợ chào đón Chúa Kitô và chấp nhận quyền năng của Người. Và với quyền năng của Chúa Kitô xin giúp con và tất cả những ai muốn phục vụ Chúa Kitô biết phục vụ con người và toàn thể nhân loại. Đừng sợ! Hãy mở rộng cánh cửa cho Chúa Kitô. Đối với quyền năng cứu rỗi của Người, hãy mở ra ranh giới của các quốc gia, hệ thống kinh tế và chính trị, các lĩnh vực rộng lớn của văn hóa, văn minh và phát triển. Đừng sợ.”

Hai thập niên sau, khi bế mạc Đại lễ mừng năm 2000, “Đức Giáo Hoàng từ Galilê” đó đã thúc giục Giáo hội “ra khơi” trong công cuộc Tân Phúc âm hóa. Mệnh lệnh này từ người kế nhiệm thứ 263 của Phêrô đã được ngầm hiểu trong bài giảng đầu tiên của Đức Gioan Phaolô II. Bằng cách lấy lại một kinh nghiệm của Galilê, bài giảng đã đặt ra khuôn mẫu cho sứ mệnh của Giáo hội trong thế kỷ XXI và thiên niên kỷ thứ ba....

Giáo luật 1404 trong bộ luật của Giáo hội nêu rõ rằng “Tòa đầu tiên không thể bị ai xét xử”. Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng, Giám mục của Rôma, người lãnh đạo Tòa đầu tiên với tư cách là Người kế vị Thánh Phêrô, không đứng trên Phúc âm hay Giáo hội. Sứ vụ của Thánh Phêrô trong Giáo hội cũng không thể được hiểu theo cách tương tự như một sa hoàng hay nhà độc tài chuyên chế.

Khi Công đồng Vatican II kết thúc công trình của mình về Hiến chế Tín lý về Giáo hội, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã đề xuất rằng Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium hay Ánh Sáng Muôn Dân nên bao gồm một câu khẳng định rằng Đức Giáo Hoàng “chỉ chịu trách nhiệm trước Chúa mà thôi”. Ủy ban Thần học của Công đồng, bao gồm một số nhà thần học rất lỗi lạc, đã bác bỏ công thức đó. Ủy ban lưu ý rằng “Đức Giáo Hoàng Rôma cũng bị ràng buộc với chính mặc khải, với cấu trúc cơ bản của Giáo hội, với các bí tích, với các định nghĩa của các Công đồng trước đó và các nghĩa vụ khác quá nhiều để có thể đề cập đến”. Do đó, thật là một sai lầm nghiêm trọng khi tưởng tượng Đức Giáo Hoàng là một chức vụ độc đoán mà từ đó ngài có thể đưa ra các quyết định tùy tiện chỉ phản ánh ý muốn của mình. Thay vào đó, Sứ vụ Phêrô là một chức vụ có thẩm quyền, người nắm giữ chức vụ này là người giám hộ của một truyền thống có thẩm quyền. Ngài là người phục vụ cho truyền thống đó, khối tín lý và thực hành đó, chứ không phải là chủ nhân của nó.

Việc thừa nhận cả thẩm quyền to lớn của chức vụ của mình và ranh giới mà thẩm quyền đó phải được thực hiện là một thách thức đối với bất kỳ vị Giáo Hoàng nào.... Một cách để đáp ứng thách thức đó là vị Giáo Hoàng tiếp theo phải chào đón và trả lời những câu hỏi và lời phê bình nghiêm chỉnh, tôn trọng từ những người chia sẻ mối quan tâm và trách nhiệm đối với Giáo hội—và đặc biệt là từ các anh em giám mục của Đức Giáo Hoàng, những người, khi cần thiết, phải triệu tập lòng can đảm để làm cho Phêrô những gì Phaolô đã làm cho Phêrô, như Phaolô đã làm chứng trong Thư Galát 2:11: đưa ra cho ông sự sửa dạy huynh đệ.....

Trong chương hai mươi mốt của Phúc âm thánh Gioan, Chúa Phục sinh đã ba lần thách thức Phêrô: “Con có yêu mến Thầy hơn những người khác không?... Con có yêu mến Thầy không?... Con có yêu mến Thầy không?” (Ga 21,15–17). Thật hấp dẫn khi thấy ở đây một lời đáp trả cho ba lần chối Chúa của Phêrô sau khi Chúa Giêsu bị bắt: sau khi đã chối Chúa ba lần, Phêrô giờ đây phải tuyên xưng đức tin của mình ba lần. Đọc sâu hơn về cuộc gặp gỡ đó gợi ý một điều khác—Phêrô đang được hỏi liệu ông có thể tự hủy mình “ hơn những người khác” để chăn dắt đàn chiên của Chúa như mục tử chính của đàn chiên ấy hay không. Tất cả những người được thụ phong làm linh mục và giám mục trong Giáo Hội Công Giáo đều được yêu cầu tự hủy mình để trở thành Chúa Kitô cho Giáo hội và thế giới. Đoạn văn ngắn trong Phúc âm thánh Gioan gợi ý rằng theo bản chất của Sứ vụ Phêrô, Đức Giáo Hoàng phải tự hủy mình hoàn toàn “hơn những người khác”. Để thực hiện sứ vụ của mình như là “người tôi tớ của các người tôi tớ của Thiên Chúa” (một tước hiệu của Đức Giáo Hoàng bắt đầu từ Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô Cả), Người kế vị Thánh Phêrô phải mở lòng mình để ân sủng của Thiên Chúa hoạt động trong cuộc sống của mình để ngài có thể từ bỏ chính mình càng nhiều càng tốt....

Theo giáo lý Công Giáo, Đức Giáo Hoàng là chứng nhân đầu tiên của Giáo hội về Chúa Kitô và Phúc âm là thánh ý của Chúa Kitô. Thánh ý Chúa Kitô cũng muốn rằng tất cả các môn đệ của Người đều là chứng nhân và tất cả đều là những người truyền bá Phúc âm. Điều đó có nghĩa là, trong khi Đức Giáo Hoàng là chứng nhân đầu tiên của Giáo hội, thì ngài không phải là chứng nhân duy nhất của Giáo hội. Và trách nhiệm của ngài bao gồm làm mọi thứ có thể để khuyến khích những người khác hoàn thành trách nhiệm của họ với tư cách là chứng nhân của Phúc âm và sức mạnh của Phúc âm.

Ngày nay, Đức Giáo Hoàng và triều Giáo Hoàng là trung tâm của trí tưởng tượng Công Giáo. Trước đây không phải lúc nào cũng vậy. Trước thời Đức Giáo Hoàng Piô IX, người giữ chức Giám mục Rôma từ năm 1846 đến năm 1878, hầu hết người Công Giáo không biết “Đức Giáo Hoàng” là ai, càng không biết Đức Giáo Hoàng nói hay làm gì. Nhờ sự phát triển của báo chí đại chúng, nhờ những đau khổ mà ngài phải chịu đựng khi Quốc gia Đức Giáo Hoàng bị Vương quốc Ý mới tước đoạt, nhờ số lượng lễ kỷ niệm mà ngài cử hành trong suốt triều Giáo Hoàng dài của mình (khiến đám đông người hành hương đến Rôma) và nhờ sự kiện Công đồng Vatican lần thứ nhất, Đức Piô IX đã trở thành một nhân vật thực sự đối với nhiều người Công Giáo trên thế giới—Vị Giáo Hoàng đầu tiên có ảnh được người Công Giáo trưng bày tại nhà của họ.... Và từ Piô IX trở đi, Đức Giáo Hoàng và triều Giáo Hoàng ngày càng lớn mạnh trong cả trí tưởng tượng của người Công Giáo và suy nghĩ của thế giới về Giáo hội.

“Sự đóng vai chính của Đức Giáo Hoàng”, như một số người đã mô tả, đã giúp Giáo hội giải phóng sức mạnh của Phúc âm trong hơn một lần. Đó là một lý do tại sao Đức Giáo Hoàng Piô X có thể nhanh chóng định hình lại bối cảnh tâm linh của Công Giáo bằng cách cho phép trẻ em bảy tuổi được Rước lễ; và Đức Giáo Hoàng Piô XI có thể mở rộng và đào sâu học thuyết xã hội của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII trong khi thách thức ba hệ thống toàn trị; và rằng Đức Giáo Hoàng Piô XII có thể thiết lập bối cảnh trí tuệ cho Công đồng Vatican II với các thông điệp Mystici Corporis Christi (Thân thể huyền nhiệm của Chúa Kitô), Divino Afflante Spiritu (Được Chúa Thánh Thần linh hứng) và Mediator Dei (Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và con người). “Sự đóng vai chính của Đức Giáo Hoàng” cũng đã có những tác động trong lịch sử thế giới, đáng chú ý nhất là trong vai trò quan trọng của Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị trong việc châm ngòi cho cuộc cách mạng lương tâm đã giúp tạo nên cuộc Cách mạng chính trị bất bạo động năm 1989 và sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản Âu Châu.

“Sự đóng vai trò chủ chốt của Đức Giáo Hoàng”—Sứ vụ Phêrô ở ngay trung tâm trí tưởng tượng của người Công Giáo—cũng có những tác động không mấy vui vẻ trong Giáo hội.

Nếu các giám mục coi Đức Giáo Hoàng là trung tâm của mọi sáng kiến trong Giáo hội, họ có thể sẽ ít nhiệt tình hơn trong việc đảm nhận trách nhiệm giải phóng sức mạnh của Phúc âm trong dân chúng.

Nếu các giám mục và bề trên của các cộng đồng tôn giáo hiểu “chủ nghĩa Đức Giáo Hoàng” có nghĩa là họ không cần phải thực hiện hành động kỷ luật cần thiết vì lợi ích của giáo phận hoặc cộng đồng của họ vì “Roma sẽ giải quyết vấn đề”, thì các Giáo hội và cộng đồng địa phương đó sẽ phải chịu thiệt hại—và toàn thể Giáo hội cũng vậy.

“ Sự đóng vai trò chủ đạo của Đức Giáo Hoàng” cũng có thể có tác động không vui là ám chỉ - ít nhất là thông qua phương tiện truyền thông và mạng xã hội - rằng những gì Đức Giáo Hoàng làm và nói tóm tắt ý nghĩa, công việc và tình trạng của Giáo Hội Công Giáo tại bất kỳ thời điểm nào. Điều này đơn giản là không đúng. Và nó có thể làm mất sự chú ý khỏi các bộ phận đang phát triển của Giáo hội thế giới nơi sức mạnh của Phúc âm đang được giải phóng. Có bao nhiêu người Công Giáo, và bao nhiêu phương tiện truyền thông thế giới, đã bỏ lỡ sự phát triển phi thường của Công Giáo ở Phi Châu cận Sahara trong những năm sau Công đồng Vatican II - và đã bỏ lỡ sự nở rộ phi thường của Phúc âm vì quá tập trung vào Đức Giáo Hoàng và những tranh cãi xung quanh nó? Có bao nhiêu người Công Giáo ngày nay đáng buồn là không biết về nhiều điều tốt đẹp đang diễn ra trong Giáo hội địa phương của họ và trên khắp Giáo hội thế giới vì họ bị mê hoặc bởi Đức Giáo Hoàng và ám ảnh về những gì Đức Giáo Hoàng nói và làm?...

Đức Giáo Hoàng phải và sẽ vẫn là thẩm quyền tối cao của Giáo hội. Tuy nhiên, thẩm quyền đó phải được thực hiện theo cách tạo điều kiện cho sự lãnh đạo của những người khác, đặc biệt là các giám mục của Giáo hội. Và thẩm quyền tối cao phải yêu cầu, khi cần thiết, rằng các chính quyền địa phương thực hiện trách nhiệm của mình để sức mạnh của Phúc âm có thể được nhìn thấy trong tất cả mọi người của Giáo hội.

Đây sẽ không phải là vấn đề “thu hẹp” chức vụ Giáo Hoàng mà là chức Giáo Hoàng trao quyền cho các môn đệ truyền giáo. Với cấu trúc thẩm quyền độc đáo trong Giáo Hội Công Giáo, một biện pháp “chủ nghĩa Đức Giáo Hoàng” không chỉ là điều tất yếu mà còn là điều mong muốn. Tuy nhiên, nếu Đức Giáo Hoàng hiểu rằng việc củng cố anh em là một trách nhiệm thiết yếu của chức vụ của mình, thì ngài sẽ thực hiện chức vụ của mình theo cách hướng ra ngoài bản thân mình đến Chúa Kitô. Và ngài sẽ lãnh đạo theo những cách nhắc nhở đàn chiên của mình rằng tất cả họ đều là những môn đệ truyền giáo, được kêu gọi làm chứng cho sức mạnh của Phúc âm và làm cho Chúa Kitô được thế giới biết đến.

Các Hồng Y của Cơ Mật Viện Hồng Y 2005 có một nhiệm vụ to lớn trước mắt. Nhiệm vụ đó sẽ được giải quyết theo cách tập trung nhiều hơn vào Phúc âm nếu các Hồng Y cử tri tự nhắc nhở mình rằng mỗi Đức Giáo Hoàng đều mang đến những món quà tinh thần và nhân bản độc đáo cho Sứ vụ Phêrô, và nhiệm vụ của họ không phải là tìm ra Phanxicô 2.0, mà là tìm ra Người kế vị Phêrô, người mà Chúa đã trao cho trách nhiệm “làm cho anh em mình được vững mạnh” (Luca 22:32).


Source:First Things