Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
Khi ấy, Chúa Giêsu nhìn lên, thấy những người giàu có bỏ tiền dâng cúng vào hòm tiền. Người cũng thấy một bà goá nghèo khó bỏ vào đó hai đồng tiền nhỏ, nên bảo rằng: "Thầy bảo thật các con, bà goá nghèo khó này đã bỏ vào hòm tiền nhiều hơn mọi người. Vì mọi người kia lấy của dư thừa mà dâng cho Thiên Chúa, còn bà này túng thiếu, bà đã dâng tất cả những gì bà có để nuôi sống mình".
Đó là lời Chúa
“Bà này túng thiếu, lại còn bỏ vào đó tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân!”.
Một người đi lạc trong sa mạc, sắp chết vì khát, anh phát hiện một túp lều. Lê gót tới, anh thấy một bơm nước hoen rỉ. Anh cố vận hành cần bẫy, không một giọt. Tuyệt vọng! Bỗng anh nhìn thấy ở góc lều một chai nước đóng kín, bên ngoài ghi, “Muốn bơm hoạt động, hãy đổ hết vào bơm. Làm đầy nó trước khi rời đi!”. Đắn đo, anh đổ nước vào bơm; và khởi động. Điều kỳ diệu đã xảy ra! Anh uống từng ngụm, chứa đầy các túi. Trước khi rời bước, anh đổ đầy nước vào chai, và không quên ghi thêm, “Tin tôi đi!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Trong Tin Mừng hôm nay, hình ảnh người lữ khách được gặp lại nơi một bà goá liều lĩnh. Họ là những con người ‘liều mất sự sống’ đã ‘kéo dài sự sống’. Với Chúa Giêsu, họ là những con người ‘toả sáng’ vì “Đã bỏ vào đó tất cả những gì mình có để nuôi thân!”.
“Theo một nghĩa nào đó, Giáo Hội như một bà goá đang đợi Phu Quân của mình trở lại. Bà tỏ ra không quan trọng, tên của bà không xuất hiện trên báo chí, không ai biết đến bà. Bà không có bằng cấp, không có gì cả. Bà không toả rạng bằng chính ánh sáng của mình; tương tự như thế, Giáo Hội không toả rạng bằng chính ánh sáng của mình, nhưng Giáo Hội phản chiếu và ‘toả sáng’ ánh sáng đến từ Đức Phu Quân!
Suốt nhiều thế kỷ, khi Giáo Hội muốn có ánh sáng của riêng mình, Giáo Hội đã sai! Giáo Hội nhận nó từ Chúa và tất cả những gì chúng ta làm là giúp Giáo Hội nhận được ánh sáng đó. Khi một buổi lễ thiếu ánh sáng này, thật không tốt, nó khiến Giáo Hội trở nên giàu có, quyền lực, tìm kiếm quyền lực, hoặc lạc lối, như đã xảy ra rất nhiều lần trong lịch sử và điều đó có thể đang xảy ra khi chúng ta muốn có một ánh sáng khác: ánh sáng riêng, mà thực ra không phải là ánh sáng của Chúa.
Nhưng một khi Giáo Hội khiêm nhường và nghèo khó, và ngay cả khi thú nhận những bất hạnh của mình - tất cả chúng ta đều có những bất hạnh đó - thì Giáo Hội vẫn trung thành. Giáo Hội như đang nói, “Tôi tối tăm, nhưng ánh sáng đến với tôi từ đó!”. Và điều này thật tốt lành! Hãy cầu nguyện với bà goá này - người chắc chắn đang ở trên thiên đàng - để bà dạy chúng ta trở nên một Giáo Hội như Chúa muốn, từ bỏ tất cả những gì mình có và không giữ lại bất cứ điều gì cho riêng mình; thay vào đó là trao tặng tất cả cho Chúa, cho người lân cận. Luôn khiêm nhường và không khoe khoang ánh sáng của riêng mình, nhưng luôn tìm kiếm nó từ Chúa và ‘toả sáng’ Ngài!” - Phanxicô.
Anh Chị em,
“Bà đã bỏ vào đó tất cả những gì mình có để nuôi thân!”. Bà goá và người lữ khách đã trở thành những con người ‘kéo dài sự sống’. Cả chúng ta, để kéo dài sự sống Kitô và ‘toả sáng’ Ngài, hãy cho đi! Cho đi của cải lẫn tinh thần, khối óc lẫn con tim, tri thức lẫn lòng thương xót… và nhất là cho đi chính “Giêsu!”. Để được vậy, trước hết, hãy đầy ắp Ngài bằng cách mạo hiểm đánh cược đổ vào ‘đài Giêsu’ những gì chúng ta ‘có’, những gì chúng ta ‘là’. Điều này đôi khi còn đòi hỏi nhiều hơn một “chai nước”; đó là cái tôi, ý riêng và bao ươn hèn! Bởi lẽ, ích kỷ chỉ làm co quắp; quảng đại luôn làm cao thượng!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con trở nên ‘co quắp’ và con chỉ biết ‘phủ tối’; dạy con trở nên ‘cao thượng’ hầu có thể ‘toả sáng’ Chúa!”, Amen.
(Tgp. Huế)
“Nước Tôi không thuộc về thế gian này!”.
“Những kẻ chinh phục thế giới - với những đội quân dũng mãnh và vũ khí khủng khiếp - tìm cách khuất phục nó trong vô vọng! Chúa Kitô chinh phục thế giới với một vũ khí đơn giản - “Tình Yêu”. Tim Ngài tan vỡ, để Ngài có thể ôm lấy những kẻ tan vỡ. Ngài trị vì thế gian, nhưng Vương Quốc Ngài không thuộc về thế gian!” - Dr. Anthony Fortosis.
Kính thưa Anh Chị em,
Long trọng mừng Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, chúng ta tin Ngài là Vua vạn vật, Vua thiên đàng, Vua các linh hồn! Tuy nhiên, trong Tin Mừng hôm nay - trả lời Philatô - Ngài xác nhận, Ngài là Vua, nhưng Vương Quốc Ngài ‘không thuộc về thế gian’. Vậy nó ở đâu?
Trước hết, Ngài không phải là một vị vua thế gian, một người có quyền dân sự. Vì như thế, Ngài là kẻ thù của chính quyền Rôma. Điều này là bất hợp pháp và Ngài sẽ bị trừng phạt đến chết; đang khi Ngài hoàn toàn vô tội, hoàn hảo mọi đàng, kể cả việc tuân giữ mọi lề luật dân sự hợp pháp. Vậy thì Vương Quyền của Chúa Giêsu ở đâu?
Vương Quyền của Ngài ở trong các tâm hồn! Vương Quyền tình yêu, một Vương Quyền được Đaniel tiên báo, “Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong!” - bài đọc một. Đó là một Vương Quyền mà vì nó, “Ngài đã dùng máu Ngài mà rửa chúng ta sạch mọi tội lỗi, và đã làm cho chúng ta trở nên vương quốc và tư tế của Thiên Chúa” - bài đọc hai - hầu mỗi người có thể tuyên xưng “Chúa là vua hiển trị, Chúa mặc oai phong tựa cẩm bào!” - Thánh Vịnh đáp ca. Vì vậy, với tuyên bố, “Nước Tôi không thuộc về thế gian này!”, Chúa Giêsu muốn nói, Vương Quốc của Ngài là Vương Quốc tình yêu; Ngài chiếm lãnh các trái tim bằng tình yêu, với tình yêu. Đó không phải là một đất nước cạnh tranh với chính quyền Rôma hay bất kỳ một cơ quan dân sự nào. Trước điều đó, Philatô tỏ ra lúng túng!
Ngày nay và cho đến muôn đời, Chúa Kitô luôn ước mong Vương Quốc Ngài trị vì khắp mọi nơi, trong mọi người. Ngài bắt đầu công việc này bằng việc chiếm ngự các tâm hồn; Ngài mời gọi chúng ta mở lòng đón tiếp Ngài. Ngài muốn thống trị mọi đam mê, ước muốn, suy nghĩ và hành động của chúng ta. Bên cạnh đó, Ngài còn muốn Vương Quốc phát triển! Điều này có nghĩa là khi trái tim của các nhà lãnh đạo, các bậc cha mẹ, những người đứng đầu ‘được biến đổi’, họ sẽ là những người ủng hộ, cộng tác và xây dựng Vương Quốc. Điều đó có nghĩa là mọi người, không trừ ai, được kêu gọi trở nên những con người xây dựng Nước Chúa ‘ở đây và lúc này’. Đó là những ai được giao cho chúng ta; và đến lượt họ, họ tiếp tục xây dựng Vương Quốc trong môi trường mình.
Anh Chị em,
“Nước Tôi không thuộc về thế gian này!”. “Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ mời gọi chúng ta để Ngài trở thành Vua của mình. Một vị Vua, bằng lời nói, gương sáng và cuộc sống hiến tế trên thập giá để cứu chúng ta khỏi chết, và vị Vua này chỉ ra con đường cho những ai lạc lối, mang ánh sáng mới cho những cuộc sống vốn bị hoen ố bởi nghi ngờ, sợ hãi và những thử thách hằng ngày!” - Phanxicô. Từ đó, noi gương Ngài, chúng ta làm tất cả những gì Chúa muốn và giúp người khác làm điều tương tự cho Vương Quốc.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin trị vì trái tim bất thường của con, giúp con chiến đấu cho Vương Quốc không bằng một sức mạnh nào - ngoài tình yêu và lòng thương xót của Chúa!”, Amen.
(Tgp. Huế)
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Đức Cha Andrey Sheptytsky, người đã qua đời cách đây tám mươi năm vào ngày 1 tháng 11 năm 1944, là một trong những nhân vật nổi bật của Công Giáo thế kỷ XX, người có cuộc sống đáng chú ý và chức thánh anh hùng với tư cách là người lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương kéo dài bốn mươi ba năm, hai cuộc chiến tranh thế giới, năm triều đại giáo hoàng, nạn đói khủng bố của Stalin (“Holodomor”, trong đó ít nhất sáu triệu người Ukraine đã bỏ cho chết đói một cách cố ý), và nửa tá lần thay đổi chính quyền ở các vùng lãnh thổ mà ngài phục vụ. Giữa tình hình hỗn loạn đó, Đức Cha Sheptytsky đã trở thành một nhân vật quan trọng trong việc tinh chỉnh bản sắc dân tộc của Ukraine hiện đại, trong khi các sáng kiến về văn hóa, đại kết, liên tôn và mục vụ của ngài đã dự đoán trước giáo lý của Công đồng Vatican II và Giáo hội của Tân Phúc âm hóa. Vì vậy, vào lễ kỷ niệm tám mươi năm lễ Vượt qua của Đức Tổng Giám Mục Trưởng Andrew đến vị trí cao quý hiện tại của ngài trong Hiệp thông các Thánh, chúng ta cần phải chú ý.
Bá tước Roman Aleksander Maria Szeptycki sinh năm 1865 tại một thị trấn gần L'viv ở Galicia của Áo khi đó trong một gia đình có nguồn gốc từ giới quý tộc Ruthenia và Ba Lan. Trong hơn một thập niên rưỡi, việc học của ngài đã đưa ngài đến L'viv, Kraków và Breslau (ngày nay là Wrocław); ngài cũng đã đi đến Kyiv, Mạc Tư Khoa và Rôma, nơi mà vào năm 1888, ngài đã gặp Đức Giáo Hoàng Lêô XIII. Vài tháng sau cuộc gặp gỡ đó, Sheptytsky, người đã áp dụng cách viết họ của mình theo tiếng Ukraine, đã gia nhập Dòng Basiliô của Thánh Josaphat thuộc Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương, lấy tên thánh là Anrê—anh trai của Thánh Phêrô và là vị thánh bảo trợ vĩ đại của Công Giáo Đông phương. Được thụ phong linh mục vào năm 1892, ngài đã lấy bằng tiến sĩ thần học và vào năm 1898, thành lập một cộng đồng tôn giáo dựa trên quy tắc của Thánh Theodore the Studite, với mục đích cải cách tu viện Công Giáo Hy Lạp Ukraine. Một năm sau, ngài được bổ nhiệm làm giám mục, và vào cuối năm 1900, Đức Lêô XIII đã đồng ý bổ nhiệm ngài làm Tổng giám mục Halych, Tổng giám mục L'viv và Giám mục Kamianets-Podilskyi, những chức vụ mà ngài đảm nhận vào Tháng Giêng năm 1901 ở tuổi ba mươi sáu.
Đức Tổng Giám Mục Trưởng Andrew đã thực hiện một nhiệm kỳ giám mục dài và mạnh mẽ trong những hoàn cảnh vô cùng thách thức, khi Ukraine đấu tranh để tinh chỉnh và bảo vệ bản sắc dân tộc của mình: đầu tiên, trước áp lực của Nga và Ba Lan; sau đó, trong bối cảnh diệt chủng thời Liên Xô; và cuối cùng, trong thời kỳ xâm lược tàn bạo của Đức Quốc xã. Chống lại sự phản đối của các sa hoàng và thường xuyên cải trang, ngài đã nỗ lực xây dựng các Giáo Hội Công Giáo Đông phương tại Đế quốc Nga trước năm 1917. Đồng thời, ngài đã cố gắng kiềm chế sự ganh đua theo chủ nghĩa dân tộc của Ba Lan và Ukraine trong những năm cuối đầy biến động của Đế quốc Áo-Hung trong khi tiếp thêm sinh lực cho Giáo Hội Công Giáo Đông phương tại các lãnh thổ của Hoàng đế Franz Joseph. Trong mọi trường hợp, và đối với tất cả các bên ở các vùng đất Ukraine bị chia cắt bởi phe phái, ngài thúc giục tinh thần bác ái anh em và sự nhạy cảm đại kết, vì các lãnh thổ mà ngày này là Ba Lan và Ukraine - từ lâu đã bị Nga và Áo-Hung chia cắt - đã đấu tranh để thiết lập nền độc lập của họ sau Thế chiến thứ nhất.
Khi bản sắc dân tộc Ukraine hiện đại đang được hình thành vào đầu thế kỷ XX, Đức Tổng Giám Mục Trưởng Andrew đã xây dựng các tổ chức văn hóa để định hình một Ukraine tương lai theo sự tiếp nối nguồn gốc của quốc gia trong lễ rửa tội của người Slav phương Đông tại Kyiv vào năm 988 sau Chúa Giáng Sinh: một chủng viện, các cơ sở giáo dục trung học và đại học, và một bảo tàng quốc gia để bảo tồn và hỗ trợ di sản nghệ thuật của Ukraine. Là một mục tử, ngài đã nỗ lực đào sâu đức tin của người dân thông qua việc dạy giáo lý hiệu quả, khuyến khích mục vụ thanh thiếu niên và đóng góp lâu dài cho đời sống tôn giáo của Ukraine bằng cách hỗ trợ tu viện Studite và mời các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế theo nghi lễ Byzantine vào giáo phận của mình.
Những đòn roi tàn bạo của Liên Xô và Đức Quốc xã đã giáng xuống Đức Tổng Giám Mục Sheptytsky và người dân của ngài một cơn thịnh nộ không thể kiềm chế, và trong khi Đức Tổng Giám Mục Trưởng Andrew lúc đầu hoan nghênh cuộc xâm lược của Đức vào vùng đất Ukraine năm 1941 như một phương tiện để đàn áp chủ nghĩa Stalin, ngài đã sớm nhận ra những tội ác khủng khiếp mà những kẻ xâm lược đang gây ra, viết thư cho Reichsführer-SS Heinrich Himmler vào tháng 2 năm 1942 để phản đối việc tàn sát người Do Thái. Hợp tác với anh trai Klymentiy, một tu sĩ Studite được phong chân phước vào năm 2001, ngài đã cứu hàng trăm trẻ em Do Thái, giấu chúng trong các tổ chức Công Giáo Đông phương, trong khi đích thân ngài cho con trai của một giáo sĩ Do Thái hàng đầu ở L'viv trú ẩn tại nhà riêng của mình. Vào tháng 8 năm 1942, ngài đã viết thư cho Đức Giáo Hoàng Piô XII, mô tả các vụ thảm sát hàng loạt của Đức Quốc xã và thừa nhận rằng ban đầu ngài đã hiểu sai ý định của Hitler ở Ukraine; ba tháng sau, ngài đã ban hành một lá thư mục vụ, “Ngươi không được giết người”, công khai phản đối chế độ khủng bố của Đức và rút phép thông công những kẻ thực hiện. Một trong những người được ngài cứu, David Kahane, sau này trở thành giáo sĩ Do Thái chính của lực lượng không quân Israel.
Di sản của Đức Tổng Giám Mục Trưởng Andrew—lòng mộ đạo sâu sắc, chiều sâu trí tuệ, sự tinh tế về văn hóa, lòng yêu nước trưởng thành, lòng bác ái đại kết và liên tôn—vẫn sống mãi trong sức sống của Giáo Hội Công Giáo Đông phương ngày nay tại Ukraine, do người kế nhiệm xứng đáng của Đức Cha Sheptytsky, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk lãnh đạo. Khi Ukraine đấu tranh cho cuộc sống của mình và tự do của phương Tây, chúng ta nên tôn vinh ký ức về nhân chứng Kitô giáo vĩ đại này và cầu nguyện cho sự chuyển cầu của ngài.
Source:First Things
Thông báo bất ngờ được đưa ra vào lúc kết thúc buổi tiếp kiến chung hàng tuần của Giáo hoàng tại Quảng trường Thánh Phêrô khi Đức Phanxicô kỷ niệm Ngày Thiếu nhi Thế giới.
Theo Giáo phận Assisi, lễ tuyên thánh cho Acutis dự kiến sẽ diễn ra vào Chúa Nhật, ngày 27 tháng 4, lúc 10:30 sáng giờ địa phương tại Quảng trường Thánh Phêrô.
Dưới đây là lời cầu nguyện chính thức cùng Chân Phước Acutis sắp được phong thánh của giáo phận Assisi.
Lạy Chúa là Cha chúng con,
chúng con cảm tạ Chúa đã ban Carlo cho chúng con,
một hình mẫu sống cho những người trẻ tuổi,
và thông điệp yêu thương gửi đến tất cả mọi người.
Chúa đã khiến anh ấy yêu Chúa Giêsu, con Chúa,
biến Bí tích Thánh Thể thành “con đường lên thiên đàng”.
Chúa đã ban cho Carlo Đức Mẹ Maria làm người mẹ yêu dấu,
và Chúa đã đào tạo anh ấy, thông qua Kinh Mân Côi, trở thành
một ca sĩ thể hiện sự dịu dàng của Đức Mẹ.
Xin Chúa thương nhận lời cầu nguyện của ngài cầu bầu cho chúng con.
Trước hết, xin Chúa nhìn đến những người nghèo, những người mà ngài yêu thương và giúp đỡ.
Xin Chúa cũng ban cho con nữa, qua lời chuyển cầu của ngài, ân sủng
mà con cần (nêu ý định của bạn).
Và để cho niềm vui của chúng con được trọn vẹn, xin nâng Carlo lên hàng các thánh trong Giáo Hội của Chúa,
để nụ cười của anh ấy lại tỏa sáng cho chúng con biết tôn vinh danh Chúa. Amen.
Source:Aleteia
Camille Dalmas của tạp chí Aleteia, ngày 24/11/24, cho hay: Vào ngày 15 tháng 12, Đức Phanxicô sẽ bế mạc một hội thảo về "Lòng đạo bình dân ở Địa Trung Hải" trên một hòn đảo nơi các hội đoàn là biểu hiện sống động của đức tin.
Đức Hồng Y François-Xavier Bustillo, giám mục của Ajaccio, đã nói với La Tribune vào Chúa Nhật, ngày 17 tháng 11 rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ đến Corsica vào giữa tháng 12. Mục đích của chuyến đi là để bế mạc một cuộc hội thảo về "Lòng đạo bình dân ở Địa Trung Hải". Vatican hiện đã xác nhận biến cố này.
Giáo phận Ajaccio và giám mục của giáo phận, Đức Hồng Y François Bustillo, đã tổ chức hội thảo, diễn ra từ ngày 14 đến ngày 15 tháng 12. Vị giám mục gốc Basque đã mời hàng chục giám mục và học giả từ Corsica, Sardinia, Tây Ban Nha, Sicily và miền nam nước Pháp chia sẻ kinh nghiệm của họ về các biểu hiện khác nhau của "lòng đạo bình dân", dù là tôn giáo, văn hóa, chính trị hay xã hội. Lòng đạo bình dân ám chỉ các biểu hiện đức tin và lòng sùng kính giữa những người trung thành của Thiên Chúa, chẳng hạn như các cuộc rước kiệu, hoặc các nghi lễ gắn liền với một số vị thánh hoặc biểu tượng nhất định.
Được Đức Hồng Y Bustillo mời một cách kín đáo, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã quyết định đích thân đóng góp vào sự suy tư này. Sự lựa chọn này có thể gây ngạc nhiên, nhưng có thể giải thích được bằng mong muốn liên tục của Đức Giáo Hoàng là đặt dân Chúa vào trung tâm của một Giáo hội thường bị cám dỗ bởi một hình thức chủ nghĩa tinh hoa — mà Đức Giáo Hoàng gọi là chủ nghĩa giáo sĩ trị.
Trong thông điệp mới nhất của mình, Dilexit nos, nói về một biểu hiện của lòng đạo đức bình dân, lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, Đức Giáo Hoàng chỉ trích gay gắt thái độ coi “Thiên Chúa là Đấng quá cao cả, tách biệt và xa cách” và do đó coi “những biểu hiện tình cảm của lòng đạo đức bình dân là nguy hiểm và cần được giáo hội giám sát”. Và ngược lại với xu hướng này, Corsica có thể đối chiếu sức sống của đức tin bình dân của mình.
Các huynh đoàn và tính đa âm
Văn hóa lòng đạo bình dân của Corsica được đặc trưng bởi chiều kích chủ yếu dựa trên làng xã. Nó đã phát triển trong các huynh đoàn, hiệp hội của những người giáo dân phục vụ Giáo hội và đặc biệt gắn bó với vùng đất mang lại cho họ bản sắc.
Người Corsica cũng đã tạo ra một tính đa âm thánh thiêng độc đáo. Nó có nguồn gốc từ ảnh hưởng của các dòng tu hành khất — Dòng Đa Minh và Dòng Phanxicô — đối với công cuộc truyền giáo của hòn đảo và trong văn hóa mục vụ của những người chăn cừu Corsica.
Xung quanh các hội đoàn — hội đoàn đầu tiên ra đời vào thế kỷ 15 — một nền văn hóa lòng đạo phong phú đã phát triển, với các nghi lễ và lễ hội riêng, hợp tác với các giáo sĩ địa phương. Tuy nhiên, vào thế kỷ 20, những truyền thống này đã suy thoái đến mức gần như biến mất.
Đây là hậu quả của quá trình chuyển đổi nhân khẩu học của hòn đảo, với sự suy giảm dân số ở các làng mạc và sự tập trung dân số ở các thị trấn lớn hơn, nhưng cũng là hậu quả của sự mất giá của ngôn ngữ và văn hóa Corsica. Một quá trình mà Giáo hội đã đóng một vai trò, nhà nhân chủng học người Ý Alessandra Broccolini lưu ý, người tin rằng quá trình này đã được "thúc đẩy bởi việc thay thế tiếng Latinh bằng tiếng bản địa sau Công đồng Vatican II", một quá trình áp đặt các bài hát hiện đại bằng tiếng Pháp.
Một lòng đạo gắn liền với lãnh thổ của nó
Tuy nhiên, từ những năm 1980 trở đi, di sản tôn giáo này, vốn là một phần quan trọng của văn hóa Corsica, đã được đổi mới trong giai đoạn khủng hoảng chứng kiến sự xuất hiện của các yêu sách dân tộc chủ nghĩa và tự chủ — một xu hướng được gọi là “riaquistu” (“tái thiết”). Các nhà nghiên cứu tận tụy đã giải mã các bản chép tay đa âm của thế kỷ 15 và khám phá lại các điều lệ của các huynh đoàn cổ thời. Họ đã hồi sinh các hoạt động này với thành công ngày càng tăng, đặc biệt là kể từ khi kết thúc các cuộc đấu tranh bạo lực đánh dấu những năm 1990 và 2000.
Jean-Charles Adami, người sẽ phát biểu tại hội thảo, tin rằng các huynh đoàn đã trở thành động lực thúc đẩy “hình thức hội nhập văn hóa” của đức tin ở Corsica, bao gồm việc tính đến các đặc điểm cụ thể của địa điểm và di sản tôn giáo và văn hóa hiện có.
Sự hội nhập văn hóa này thường được Đức Giáo Hoàng thúc đẩy kể từ khi bắt đầu triều giáo hoàng của ngài, nhưng rất hiếm khi liên quan đến Giáo hội phương Tây thế tục hóa, mà ngài dễ dàng chỉ trích hơn vì có hình thức “cứng ngắc” trong mối quan hệ với các truyền thống.
Adami cũng lưu ý rằng động lực “tái thiết tính thôn dã” do các huynh đoàn thúc đẩy phù hợp với bài phát biểu của Đức Giáo Hoàng về vùng ngoại vi, nhưng cũng thẩm thấu với giáo huấn về sinh thái và xã hội của Laudato si'. Đây là tất cả các chủ đề mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể phát triển trong chuyến thăm của mình đến Ajaccio.
Daniel Payne của CNA, ngày 22 tháng 11 năm 2024, viết rằng Theo dữ liệu từ một nhóm ủng hộ phá thai lớn, số ca phá thai đã giảm mạnh ở Iowa ngay sau khi lệnh cấm phá thai nghiêm ngặt có hiệu lực tại đây.
Dữ liệu từ Viện Guttmacher, công bố hôm thứ Năm, cho thấy trung bình có 400 ca phá thai do bác sĩ lâm sàng thực hiện mỗi tháng tại Iowa trong sáu tháng đầu năm 2024.
Sau khi lệnh cấm kéo dài sáu tuần của tiểu bang có hiệu lực vào ngày 29 tháng 7, "số ca phá thai đã giảm xuống còn khoảng 250 ca vào tháng 8, giảm 38% so với mức trung bình trong sáu tháng đầu năm", Guttmacher cho biết.
Guttmacher cho biết các ca phá thai trong tập dữ liệu “bao gồm cả phá thai thủ thuật cũng như phá thai bằng thuốc được thực hiện qua telehealth” cả trong và ngoài Iowa.
Viện Guttmacher ủng hộ phá thai; tổ chức này chỉ ra rằng dữ liệu cho thấy một số phụ nữ Iowa “có thể đã bị buộc phải tiếp tục [mang thai]” theo luật mới.
Đầu năm nay, Giáo Hội Công Giáo ở Iowa đã ăn mừng phán quyết vào tháng 6 của Tòa án Tối cao Iowa rằng phá thai “không phải là quyền cơ bản theo Hiến pháp Iowa”. Phán quyết đó cho phép luật nhịp tim có hiệu lực.
“Đối với chúng tôi, đây là vấn đề về lợi ích chung và phẩm giá con người. Sự sống của con người là quý giá và nên được luật pháp của chúng tôi bảo vệ ở mức độ lớn nhất có thể”, các giám mục của tiểu bang cho biết.
Các số liệu của Iowa phản ảnh sự sụt giảm tương tự về phá thai trên khắp cả nước sau khi luật phá thai thay đổi.
Các ca phá thai hợp pháp ở Hoa Kỳ đã giảm hơn 6% trong sáu tháng đầu tiên sau khi Tòa án Tối cao Hoa Kỳ bãi bỏ Roe v. Wade vào năm 2022.
Số ca phá thai trung bình hàng tháng đã giảm từ 82,270 ca trong hai tháng trước khi Roe v. Wade bị lật ngược xuống còn 77,073 ca trong sáu tháng sau quyết định này.
Tương tự như vậy, tỷ lệ sinh ở Texas đã tăng lên một lượng đáng kể về mặt thống kê sau khi tiểu bang ban hành luật bảo vệ sự sống, một nghiên cứu của Đại học Houston tiết lộ vào tháng 1.
Một nghiên cứu năm 2023 phát hiện ra rằng lệnh cấm phá thai sáu tuần của Texas đã dẫn đến gần 9,800 ca sinh nở tại tiểu bang này trong khoảng thời gian chín tháng so với dự kiến.
Mặt khác, đầu năm nay, Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ cho biết dữ liệu chỉ ra sự gia tăng đáng kể các nỗ lực phá thai không có sự giám sát từ năm 2021 đến năm 2023.
Các nhà nghiên cứu trong nghiên cứu đó, một số người có quan hệ với Planned Parenthood và ACLU ủng hộ phá thai, đã cáo buộc rằng luật bảo vệ sự sống đã thúc đẩy sự gia tăng đột biến các ca phá thai không có sự giám sát.
AC Wimmer của Phòng tin tức CNA, ngày 24 tháng 11 năm 2024, cho hay: Nhân dịp lễ trọng thể Chúa Kitô Vua và kết thúc năm phụng vụ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chủ trì Thánh lễ tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô vào Chủ Nhật, kêu gọi những người Công Giáo trẻ từ chối sự tung hô hời hợt và đón nhận chứng tá Kitô giáo đích thực.
Cuộc tụ họp bao gồm nghi lễ Ngày Giới trẻ Thế giới thường niên và có sự kiện trao các biểu tượng hành hương — cây thánh giá Ngày Giới trẻ Thế giới, lần đầu tiên được Thánh Gioan Phaolô II trao cho giới trẻ vào năm 1984, và biểu tượng Đức Mẹ, được gọi là Salus Populi Romani (Đức Bà Phù Hộ Dân Rôma) — từ thanh thiếu niên Bồ Đào Nha cho những người anh chị em Hàn Quốc của họ, những người sẽ tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới tại Seoul vào năm 2027.
Khi năm phụng vụ của Giáo hội sắp kết thúc, Đức Giáo Hoàng đã suy gẫm về cách niềm vui và tình yêu Kitô giáo vẫn tồn tại ngay cả trong những thách thức hoàn cầu. “Chỉ trong tình yêu, chúng ta mới có thể sống, phát triển và nở rộ trong phẩm giá trọn vẹn của mình”, Đức Phanxicô nói, nhấn mạnh rằng tình yêu đích thực không thể mua hoặc bán được mà “là miễn phí, đó là tự hiến chính mình”.
Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh đến những gì ngài gọi là “những ngọn đèn nhỏ” mang lại sức mạnh cho chứng tá Kitô giáo: “những ngọn đèn nhỏ này: tình cảm chung thủy của vợ chồng — một điều tuyệt đẹp; niềm vui ngây thơ của trẻ em — đây là một niềm vui tuyệt đẹp; sự nhiệt tình của những người trẻ tuổi — hãy nhiệt tình, tất cả các bạn; và chăm sóc người già”.
“Các bạn trẻ thân mến, hãy cẩn thận đừng để bị cuốn theo ảo tưởng. Hãy cụ thể vì thực tế là cụ thể”, Đức Giáo Hoàng nói trong bài giảng của mình. “Những gì còn lại, như Chúa Kitô dạy chúng ta, thì khác: Đó là những công trình của tình yêu. Đây là những gì còn lại và làm cho cuộc sống trở nên tươi đẹp!”
Đề cập đến áp lực lan rộng của mạng xã hội và sự tung hô của xã hội, Đức Phanxicô đã cảnh cáo: “Đừng trở thành ‘ngôi sao trong một ngày’ trên mạng xã hội hoặc trong bất cứ bối cảnh nào khác! Các con được kêu gọi tỏa sáng trên bầu trời rộng lớn hơn”.
Trong một đoạn văn mạnh mẽ về các cuộc xung đột hiện tại, Đức Giáo Hoàng đã đặt ra những câu hỏi sâu sắc về trách nhiệm giải trình trước Chúa: “Những kẻ áp bức người dân, những kẻ gây chiến, khuôn mặt của họ sẽ như thế nào khi đứng trước Chúa? ‘Tại sao các ngươi lại bắt đầu cuộc chiến đó? Tại sao các ngươi lại phạm tội giết người?’ Họ sẽ phản ứng thế nào?”
Trong bối cảnh những thách thức hoàn cầu này, Đức Phanxicô đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của những người trẻ trong việc làm chứng cho thông điệp hòa bình và hy vọng của Chúa Kitô. Thánh giá Ngày Giới trẻ Thế giới — một cây thánh giá bằng gỗ đơn giản được Thánh Gioan Phaolô II trao tặng cho giới trẻ vào năm 1984 như một biểu tượng cho tình yêu của Chúa Kitô dành cho nhân loại — kể từ đó đã đi khắp thế giới, trở thành một dấu hiệu mạnh mẽ của đức tin và sự hòa giải.
Phát biểu với các đại biểu Hàn Quốc nhận cây thánh giá lịch sử này, Đức Phanxicô nói: “Các bạn, những người Hàn Quốc trẻ tuổi, sẽ nhận được cây thánh giá của Chúa chúng ta, cây thánh giá của sự sống, dấu chỉ của chiến thắng, nhưng các bạn không đơn độc: Các bạn sẽ nhận được nó cùng với Mẹ của chúng ta. Chính Đức Maria luôn đồng hành cùng chúng ta trên hành trình hướng về Chúa Giêsu. Chính Đức Maria là người trong những lúc khó khăn luôn ở bên thập giá để giúp đỡ chúng ta, vì Mẹ là mẹ của chúng ta, Mẹ là Mẹ. Hãy luôn ghi nhớ Đức Maria.”
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh đến lễ phong thánh sắp tới cho Chân phước Pier Giorgio Frassati, một hình mẫu về đức tin và lòng bác ái của tuổi trẻ, người có lòng tận tụy không mệt mỏi với Chúa và phục vụ người nghèo vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ. Lễ phong thánh sẽ diễn ra trong Năm Thánh cho Giới trẻ vào tháng 8 năm 2025, mang đến cho những người Công Giáo trẻ một tấm gương mạnh mẽ về việc sống tình yêu của Chúa Kitô trong hành động.
Thánh lễ kết thúc với việc thanh thiếu niên Bồ Đào Nha trao cây thánh giá WYD và biểu tượng Đức Mẹ Maria cho những người bạn Hàn Quốc của họ, tượng trưng cho hành trình đức tin liên tục hướng đến WYD Seoul 2027.
Sau đó, khi phát biểu trước những người hành hương tụ họp tại Quảng trường Thánh Phêrô để đọc kinh Truyền tin, Đức Phanxicô đã suy gẫm về cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với Pontius Pilate, nhấn mạnh rằng vương quyền của Chúa Kitô hoàn toàn khác biệt với quyền lực thế gian. Đức Giáo Hoàng tập trung vào hai từ khóa trong bài đọc Tin Mừng trong ngày: “vua” và “thế gian”.
“Chúa Giêsu là vua vì Ngài là nhân chứng: Ngài là người nói sự thật,” Đức Giáo Hoàng nói, theo bản dịch chính thức. “Quyền năng của vua Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, nằm trong lời chân thật và hiệu quả của Người, lời biến đổi thế giới.”
Trong khi thế giới của Phi-la-tô là “nơi kẻ mạnh chiến thắng kẻ yếu,” Đức Phanxicô giải thích, “thật vậy, thế giới của Chúa Giêsu là thế giới mới, thế giới vĩnh cửu, mà Chúa chuẩn bị cho tất cả mọi người bằng cách hiến mạng sống mình để cứu rỗi chúng ta.”
Các nguồn tin mật mà ACN liên lạc cho biết tình trạng phân biệt đối xử với các cộng đồng Kitô giáo ngày càng trầm trọng hơn ở hai thị trấn thuộc vùng Mopti của Mali.
Theo thông tin nhận được từ tổ chức bác ái Công Giáo Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, gọi tắt là ACN, một nhóm Hồi giáo cực đoan đang hoạt động trong khu vực gần đây đã áp dụng mức thuế 25.000 CFA Franc (khoảng 40 đô la) đối với tất cả các Kitô hữu trên 18 tuổi tại Douna-Pen, thị trấn theo Kitô giáo lớn nhất ở phía đông Koro, Mopti.
Khoản thanh toán này đã trở thành điều kiện để được tự do thực hành tôn giáo. Những kẻ cực đoan đã nêu rõ yêu cầu của họ và gần đây họ đã thu tiền từ cộng đồng mà không ai dám phản đối, theo các nguồn tin của ACN, những người yêu cầu giấu tên vì lý do an toàn. Những người không thể hoặc không muốn trả tiền đã được cảnh báo rằng phương án thay thế sẽ là đóng cửa cưỡng bức các địa điểm thờ phượng của họ.
Tình hình đáng lo ngại bắt đầu ở làng Dougouténé, nơi người dân đầu tiên được gọi để trả cái gọi là jizya, thuế thánh chiến, một loại thuế tôn giáo. Bây giờ, Douna-Pen đã bắt đầu phải đối mặt với vấn đề tương tự. Người dân địa phương lo sợ rằng tập tục này có thể lan sang các làng khác, đe dọa thêm đến quyền tự do tôn giáo và an ninh địa phương.
Những kẻ cực đoan Hồi giáo trước đây đã yêu cầu đóng cửa cả nhà thờ Tin lành và Công Giáo ở Douna-Pen. Trong một thời gian, trong thời kỳ hòa bình mong manh, người dân được phép thực hành đức tin của mình, mặc dù không được sử dụng nhạc cụ trong khi thờ phượng, trong một hạn chế rõ ràng về quyền tự do tôn giáo của họ.
Một trong những nguồn tin mật đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về sự leo thang của tình hình vốn đã khó khăn này, nói rằng: “Chúng tôi được cho là đang sống trong một nhà nước thế tục, nơi những hoạt động như vậy không nên diễn ra, nhưng thật không may, điều này đang trở thành hiện thực mới của chúng tôi. Nếu chính quyền không hành động, người dân sẽ phải nộp thuế trực tiếp vào kho bạc của những kẻ khủng bố, những kẻ hành động dưới lá cờ thánh chiến ở Cộng hòa Mali.” Nguồn tin nói thêm, “Chúng tôi biết rằng đất nước này rộng lớn và điều tương tự cũng đang xảy ra ở những nơi khác, nhưng nếu không sớm hành động ở khu vực này, hậu quả sẽ rất thảm khốc. Ở đây, người dân bị tàn sát như chuột!”
Douna-Pen nằm ở xã Dioungani và có một cộng đồng Kitô hữu đáng kể. Vụ tống tiền gần đây này là chương mới nhất trong lịch sử bạo lực và đàn áp đã lan rộng khắp khu vực. Tình hình trở nên trầm trọng hơn do thiếu cơ sở hạ tầng cơ bản, chẳng hạn như đường sá và nguồn cung cấp nước, cũng như việc đóng cửa trường học do thiếu an ninh.
Người ta lo ngại rằng những khoản thanh toán bắt buộc này cho các nhóm Hồi giáo cực đoan có thể dẫn đến sự chia rẽ sâu sắc trong dân chúng, làm xói mòn lòng tin vào chính phủ và làm tổn hại thêm sự ổn định mong manh của khu vực. Nhiều cư dân sợ bị nhà nước Mali bỏ rơi.
Nguồn tin kết thúc bằng một yêu cầu chân thành: “Đây là tiếng kêu của một công dân vẫn tin tưởng vào Cộng hòa Mali và các nhà lãnh đạo của nước này, nhưng chúng ta cần hành động ngay lập tức để tránh xung đột tôn giáo xâm chiếm đất nước này. Cầu xin Chúa giúp chúng ta.”
Source:Church In Need
Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #318: Can dogs see demons?”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 318: Chó có thể nhìn thấy quỷ không?”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Tuần trước, tôi đã viết về “những thiên thần bốn chân” của chúng ta và cách Chúa có thể và thực sự sử dụng động vật để trở thành ân sủng cho chúng ta. Tôi đã yêu cầu mọi người chia sẻ câu chuyện của riêng họ, và nhiều người đã vui vẻ làm như vậy. Một câu chuyện đã thu hút sự chú ý của tôi. Một độc giả đã viết như sau:
Nhiều năm trước khi con khoảng 14 tuổi, con đã chơi bảng cầu cơ với một vài người bạn. Chúng con đã yêu cầu nó đưa ra những dấu hiệu cho các câu hỏi xuất phát từ tò mò. Không cần phải nói, nó đã đưa ra những dấu hiệu. Đêm đó con về nhà. Con ngồi xuống sau khi hâm nóng bữa tối, quay lưng về phía cửa sổ với con chó của con, một con chó sục Scotland lai, ở dưới chân con. Đột nhiên con chó của con gầm gừ nhẹ và khi con nhìn xuống nó, nó không nhìn con mà nhìn qua vai trái của con về phía cửa sổ. Tiếng gầm gừ của nó lớn hơn và nó nhe răng. Bản thân con cũng sợ vì không biết tại sao nó lại hành động như vậy. Đột nhiên tóc nó dựng đứng! Ngay lúc đó, con nhớ mình bị ớn lạnh khắp người và con đứng dậy được nửa chừng và nhanh chóng nhìn lại cửa sổ. Những gì con nhìn thấy gần như khiến con sợ hãi. Con thấy một khuôn mặt với chiếc mũi dài, đôi má nhô ra rõ nét và chiếc cằm nhọn với nụ cười toe toét. Con nhảy ra khỏi bàn khi con chó của con lao tới với vẻ hung dữ như thể nó sắp đánh nhau với một con chó khác. Nó nhảy qua con, và sủa dữ dội, nó sủa rất sâu và dữ dội. Con quay lại nhìn và con quỷ đã biến mất. Dù sợ hãi đến thế nào, con vẫn nhớ mẹ con luôn bảo con phải cầu khẩn danh Chúa Giêsu khi sợ hãi. Vì vậy, con cứ nói: “Nhân danh Chúa Giêsu, ta truyền lệnh cho ngươi phải cút ngay” và con chạy ra cửa sau, thả con chó của con ra, lúc này nó đang cào cửa để đi tìm thứ gì đó ở sân sau. Lúc đó khoảng 9 giờ tối. Sân sau có vẻ tối hơn bình thường, đặc biệt là khi con không thể nhìn thấy con chó của mình và tất cả những gì con có thể nghe thấy là tiếng sủa của nó. Nghe có vẻ kinh ngạc, nhưng con cho rằng đó là một con quỷ vì màu da của nó là màu cam đậm. Con biết nhiều người sẽ không tin con về điều này, nhưng da của nó có màu cam đậm. Con chó của con nhìn thấy nó trước, cảnh báo con và sau đó bảo vệ con. Đây là một câu chuyện có thật, con dùng nó để cảnh báo những người trẻ tuổi, đừng bao giờ chơi trò ouiji hay cầu cơ. Con đã học ở một trường Công Giáo và các nữ tu cũng như mẹ con, luôn cảnh báo chúng con không được chơi trò cầu cơ. Nhưng là một đứa trẻ tò mò, con biết điều đó là sai, nhưng con vẫn chơi một lần. Bài học đã học được.*
Câu chuyện này thú vị và bổ ích vì một số lý do. Đầu tiên, việc chơi bói toán, bao gồm cả bảng cầu cơ, là một ý tưởng rất tệ. Đây không phải là trò chơi vô hại và có thể có một số hậu quả tồi tệ mà những người bị quỷ ám được nhóm chúng tôi trừ tà cho đã nhiều lần chia sẻ với chúng tôi. Cô gái này đã làm điều đó một lần và một con quỷ xuất hiện. Chúa đã ban cho cô ấy “ân sủng” để nhìn thấy nó và ngăn chặn việc làm nguy hiểm này. Nếu cô ấy tiếp tục bói toán như vậy, ví dụ như tìm đến các nhà ngoại cảm, bài tarot, những buổi cầu hồn, thì rất có thể cô ấy đã bị quỷ ám.
Trải nghiệm của cô gái về chú chó của mình cũng rất thú vị. Chú chó nhìn thấy con quỷ và nhận ra mối đe dọa. Thật dũng cảm, chú chó lao vào hành động và lao theo nó. Chúng tôi đã có một số trải nghiệm khác về việc những chú chó nhìn thấy quỷ và dũng cảm cố gắng bảo vệ chủ của chúng. Ví dụ, trong một trường hợp ngôi nhà bị quỷ ám, chú chó của gia đình sẽ ngồi ở cửa phòng ngủ để bảo vệ gia đình vào ban đêm. Nó sẽ hú lên với âm vực báo động khi lũ quỷ đến gần. Tôi không biết liệu tất cả những chú chó có thể nhìn thấy quỷ hay không, nhưng tôi hoàn toàn tin rằng một số con có thể và tôi đã có những trải nghiệm thực tế về điều này.
Trong khi chó có thể cảnh báo chúng ta, tôi không thấy chúng thực sự hữu ích trong việc đuổi quỷ. Chó không có sức mạnh như vậy, nhưng Chúa Giêsu thì có. May mắn thay, mẹ của cô gái đã bảo cô bé cầu khẩn danh thánh của Chúa Giêsu khi sợ hãi, và cô bé đã làm vậy. Thật là một lời khuyên khôn ngoan. Con quỷ đã bị đuổi ra.
Source:Catholic Exorcism
Lễ Kính Trọng Thể 24/11
+ Cảm xúc khi đọc ‘Thiên Hùng Sử 117 Hiển Thánh Tử Đạo VN’
* “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay anh em khi vì Thày mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ mọi điều xấu. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em
Trên Trời lớn lao.” (Mt.5: 10- 12 & Lc.6: 22)
Alleluia. Alleluia.
Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ Alleluia.
TIN MỪNG
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca
Khi ấy, Đức Giê-su nói với mọi người: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.
Anh hùng tử đạo Việt Nam ngời sáng,
Đã mở đầu vang dội Bản Hùng Ca,
Ba trăm năm mươi năm không xóa nhòa,
Ấn tích Anh Hùng Tử Đạo còn đó,
Gông cùm, tra tấn, đầu rơi, máu đổ,
Cho hoa muôn màu trổ đẹp hôm nay,
Giáo Hội Việt Nam hy vọng tràn đầy,
Vươn cao mãi trên bầu trời oanh liệt.
Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam ngời sáng,
Lời ngợi ca vang vọng khắp năm châu,
Tiếng Thánh Ca tràn ngập cả tinh cầu,
Của hơn Một Trăm Ngàn Vị Tử Đạo,
Nhận cái chết lòng không hề than oán,
Để chứng minh một Đạo Giáo Tình Yêu,
Dâng cuộc đời làm của Lễ Toàn Thiêu,
Theo gương Chúa Hiến Mình trên Thập Giá.
Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam ngời sáng,
Hùng Sử Thi bất diệt rọi ngàn sau,
Xuyên suốt qua bốn thế kỷ ngẩng đầu,
Không khiếp nhược trước xích xiềng gươm giáo,
Máu tuôn chảy giữa pháp trường tàn bạo,
Tưới nẩy mầm bao hạt giống Đức Tin,
Chuông báo tử chính là chuông Phục Sinh,
Nơi hàng triệu con tim đang thổn thức.
Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam ngời sáng,
Nét oai hùng rạng rỡ vẫn còn đây,
Cả địa cầu lòng ngưỡng mộ dâng đầy,
Vinh Hiển Thánh Một Trăm Mười Tám Vị,
Những Anh Hùng mang tâm hồn tuyệt mỹ,
Xin cúi đầu kính bái và cậy trông,
Phù trợ con yêu cuộc sống Vĩnh Hằng,
Như Các Ngài hân hoan vào Đất Hứa.
Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam ngời sáng,
Đã mở đầu vang dội Bản Hùng Ca,
Ba trăm năm mươi năm không xóa nhòa,
Đây Sở Kiện bảo tàng còn ghi dấu,
Anh hùng Tử đạo muôn đời khoe sắc
Giáo Hội Việt bao biến cố xoay vần,
Vẫn nở hoa hơn tám triệu giáo dân,
Cùng đón nhận hồng ân mừng Chư Thánh.
+ Suy niệm về các Thánh Tử Đạo VN +
Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
SỐNG CHỨNG NHÂN TIN MỪNG
Hôm nay Giáo Hội Việt Nam hân hoan và hãnh diện mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam vì 3 lý do:
– Hân hoan và hãnh diện vì các thánh là người Việt Nam, không gì vui mừng và hãnh diện, tự hào hơn, khi đất nước ta có những vị thánh góp mặt với Giáo Hội toàn cầu.
– Hân hoan và hãnh diện vì số lượng đông đảo các Thánh Việt Nam. Với 117 vị Thánh. Giáo Hội Việt Nam được xếp nhất nhì trong Giáo Hội hoàn vũ về số lượng các Thánh.
– Hân hoan và hãnh diện vì các Ngài là những chứng nhân anh hùng quả cảm.
Đọc lại tiểu sử các Ngài ta không khỏi cảm phục đức tin kiên cường của các Ngài. Vì trung thành với Chúa, các Ngài đã cam chịu thiệt thòi trong đời sống, mất hết chức quyền danh vọng và nhất là phải chịu muôn ngàn khổ hình, chịu mất mạng sống vì đức tin.
Có những vị như thánh Hồ đình Hy, làm quan lớn trong triều đình. Quan Án Phạm trọng Khảm, là những vị có chức có quyền trong xã hội đã thà mất chức quyền, mất danh vọng hơn mất đức tin. Vì Chúa, các Ngài không những đã sẵn sàng từ bỏ mọi quyền lợi trong xã hội mà còn sẵn sàng chịu mất mạng sống.
Có những vị như thánh Lê thị Thành, thân phận phụ nữ yếu ớt, gánh nặng gia đình, nhưng cũng đã sẵn sàng chịu mọi cực hình để minh chứng tình yêu đối với Đức Giêsu Kitô.
Có những vị đầu xanh tuổi trẻ như Tôma Thiện, Phaolô Bột, mười mấy tuổi đầu, tương lai còn dài, đường đời còn nhiều hứa hẹn. Nhưng các Ngài đã cương quyết khước từ tất cả, dâng hiến tuổi thanh xuân cho đức tin chân chính.
Là người Công Giáo Việt Nam. Chắc chắn mỗi khi đọc lại tiểu sử các Ngài, ta cảm thấy một dòng máu hào hùng trào dâng trong huyết quản. Bị cuốn hút bởi cuộc sống và cái chết cao đẹp, anh dũng của các Ngài, có lẽ ta cũng có đôi lần ao ước được như các Ngài: Sống cao đẹp, chết anh dũng.
Làm sao ta có thể có được cái chết cao đẹp như các Ngài. Ngày nay đâu còn cảnh cấm đạo, bắt đạo, giết người có đạo như thời vua quan ngày xưa. Ngày nay ta không còn hy vọng chết vì đạo. Ta chỉ còn một cách bắt chước, noi gương các vị tiền nhân anh hùng, đó là sống vì đạo.
Ngày nay, ta ít gặp những khốn khó như bị bắt bớ giam cầm, giết chết vì đạo. Nhưng để sống đạo trong xã hội hôm nay, ta gặp không ít khó khăn. Xin kể ra 2 khó khăn tiêu biểu.
Khó khăn thứ nhất đó là chủ nghĩa cá nhân ngày càng phát triển. Ai cũng muốn thăng tiến bản thân và gia đình của mình. Ai cũng lo làm ăn. Học hành, xây dựng cho bản thân. Cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Những nhu cầu của bản thân ngày càng nhiều. Rõ ràng là ngày nay người ta kiếm được nhiều tiền hơn trước, có nhiều tiện nghi hơn trước, xe cộ tốt hơn, nhà cửa đẹp hơn. Nhưng chưa bao giờ người ta thấy thỏa mãn, đầy đủ. Vì thế càng ngày người ta càng đóng kín vào bản thân, không có thời giờ nghĩ đến người khác. Trong khi đó những người nghèo thì càng nghèo hơn, những người yếu càng mệt hơn, những người bệnh càng khổ hơn. Họ không đủ sức chạy theo cuộc tranh đua quyết liệt của chủ nghĩa cá nhân. Họ bị đẩy lùi ra phía sau. Họ bị gạt ra ngoài lề xã hội. Để lựa chọn sống theo Phúc Âm, để trung thành với Lời Chúa dạy, ta phải bỏ quên một phần thân mình, gia đình mình để nghĩ đến, giúp đỡ, vực dậy những anh em kém may mắn. Đó là điều không dễ.
Khó khăn thứ hai là kinh tế thị trường ngày càng phát triển. Đồng tiền đang trở thành một thước đo gía trị con người. Đồng tiền đang trở thành một quyền lực chi phối toàn bộ đời sống con người. Ai cũng muốn có nhiều tiền, và để có nhiều tiền, nhiều người đã không từ chối một phương cách nào: lường gạt, lừa đảo, làm hàng gỉa, buôn thuốc phiện, tham nhũng, hối lộ. Tiền bạc quả là một cơn cám dỗ đang làm chao đảo thế giới, tàn phá những giá trị, biến chất con người.
Đứng trước nhu cầu và ham mê tiền bạc, người Công Giáo muốn trung thành với Phúc Âm, muốn sống trọn vẹn đức tin, bắt buộc phải có sự lựa chọn. Thà cam chịu nghèo khổ còn hơn nhận những đồng tiền phi nhân bất nghĩa. Thà cam chịu thiếu thốn còn hơn đánh mất đức tin. Thà lao động cực khổ để kiếm miếng cơm manh áo chân chính hơn là chạy theo những đồng tiền dễ dãi để chối từ Phúc Âm và Luật Chúa.
Quả thực xã hội mới, đang tạo ra những cơn bắt bớ mới. Để trung thành với Chúa, với Phúc Âm ta cũng phải lực chọn quyết liệt. Những chọn lựa đó làm cho chúng ta đau đớn không kém gì những khổ hình. Những hy sinh vì Phúc Âm đó cũng khiến lòng ta rỉ máu không kém gì chịu tử hình. Các Thánh tử đạo chỉ chọn lựa một lần. Còn chúng ta chết mòn mỏi mỗi ngày trong những chiến đấu, những từ bỏ đớn đau. Sống Phúc Âm trong thời đại mới đúng là một cuộc tử đạo liên tục.
Sống vì đạo như thế cũng cao đẹp và anh hùng không kém gì chết vì đạo. Sống vì đạo như thế, ta cũng góp phần làm chứng nhân cho Chúa, cho Phúc Âm không kém gì chết vì đạo.
Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xưa các Ngài đã anh dũng hy sinh cuộc đời, dâng hiến máu đào làm chứng cho Phúc Âm. Xin giúp chúng con hôm nay cũng biết can đảm, hy sinh sống theo Phúc Âm để làm chứng cho Chúa trong đời sống hằng ngày. Amen
+ Phụ dẫn :
*Truyện về Vị Thánh trẻ đứng đầu danh sách Tử đạo VN
Ngày 27 tháng 6
CHÂN PHƯỚC ANRE PHU YEN Thầy Giảng - (1625-1644)
Tiểu sử
Anrê Phú Yên sinh vào khoảng năm 1625 hoặc 1626, gần trị sở dinh Trấn Biên[3], nay thuộc thôn Hội Phú, xã An Ninh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, thuộc giáo phận Quy Nhơn, Việt Nam[4]. Anrê là con út của một người phụ nữ mộ đạo tên thánh là Gioanna.[5]
Năm 1641, linh mục Alexandre de Rhodes đã rửa tội cho ông cùng với 91 người khác. Ông được đặt tên thánh là Anrê. Mẹ đỡ đầu của ông là Quận chúa Maria Mađalêna Ngọc Liên, vợ Trấn thủ Trấn Biên Nguyễn Phúc Vinh. Ông đi theo linh mục Alexandre de Rhodes với vai trò là giáo lý viên (còn gọi là thầy giảng). Năm 1642, ông được linh mục Alexandre de Rhodes đưa ra Hội An để học trường các thầy giảng, trở thành học viên xuất sắc nhất mặc dù còn trẻ.
Ngày 31 tháng 7 năm 1643, cùng với một số đồng bạn, ông phát lời nguyện tận hiến đi phục vụ Giáo hội suốt đời, tức là đi phụ giúp các linh mục truyền giáo và cổ vũ giáo dân. Sau đó, ông cùng các bạn đi truyền giáo ở các tỉnh Thuận Hóa, Quảng Trị, Quảng Nam.
Việc truyền đạo gặp rất nhiều khó khăn do quan niệm của các quan lại ảnh hưởng Tam giáo cho rằng đạo Công Giáo là bàng môn tả đạo cần phải bị diệt trừ. Ngày 25 tháng 7 năm 1644, trong khi truyền đạo ở Quảng Nam, ông bị quan binh sở tại bắt giữ và tống giam vào ngục. Khi đưa ra công đường, quan viên sở tại nhiều lần khuyên ông bỏ đạo để bảo toàn tính mạng, tuy nhiên ông đã từ chối, cương quyết xưng mình là Kitô hữu và là thầy giảng, và sẵn sàng hy sinh mạng sống để trung thành với Chúa Kitô.
Ngày 26 tháng 7 năm 1644, ông bị tuyên án giải giao thị chúng và chém đầu. Ngay chiều hôm đó, ông bị giải qua các phố ở Kẻ Chàm, Quảng Nam. Tương truyền, ông bị đâm nhiều nhát giáo xuyên cạnh sườn rồi bị chém đầu sau đó.[6] Máu của ông đã đổ ra trên mảnh đất Phước Kiều (thuộc Quảng Nam) nên hiện nay Đền Thánh Anre Phú Yên thuộc Giáo xứ Phước Kiều, Giáo phận Đà Nẵng
Đinh văn Tiến Hùng- Tổng hợp
1. Nhà lập pháp Nga cảnh báo Putin có “Mọi quyền” để tấn công các quốc gia NATO
Một nhà lập pháp cao cấp của Nga tuyên bố rằng nhà độc tài Vladimir Putin có lý khi tấn công vào các quốc gia NATO đang hỗ trợ Ukraine, trong bối cảnh căng thẳng leo thang về vấn đề hỗ trợ quân sự cho Kyiv.
Andrey Kartapolov, nhà lãnh đạo ủy ban quốc phòng của Duma Quốc gia Nga, cho biết việc cung cấp vũ khí của phương Tây cho phép tấn công vào lãnh thổ Nga trao cho Mạc Tư Khoa “mọi quyền tấn công các cơ sở quân sự ở các nước NATO” hỗ trợ Ukraine.
“Vladimir Vladimirovich Putin đã đưa ra quyết định mà chúng tôi hoàn toàn ủng hộ”, Chủ tịch Duma Vyacheslav Volodin tuyên bố trên kênh Telegram của mình. Ông mô tả động thái này là “một phản ứng thích hợp và được mong đợi từ lâu”, đồng thời nói thêm rằng Hoa Kỳ và các đồng minh Âu Châu của họ đang “sử dụng hỏa tiễn để tấn công lãnh thổ Nga”.
“Quốc gia chúng tôi có quyền nhắm vào các cơ sở quân sự của các quốc gia tấn công chúng tôi,” Volodin nói tiếp. “Mặc dù phương Tây tuyên bố rằng Nga sẽ không dám hành động, nhưng Nga đã và sẽ làm như vậy—và Nga có mọi quyền để làm như vậy,” ông khẳng định.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi xung đột leo thang dữ dội. Theo các báo cáo, gần đây Ukraine đã sử dụng hỏa tiễn ATACMS do Hoa Kỳ cung cấp và hỏa tiễn Storm Shadow do Anh cung cấp để tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga.
Để đáp trả, Mạc Tư Khoa đã phóng hỏa tiễn siêu thanh “Oreshnik” tấn công vào một cơ sở quân sự ở vùng Dnipro của Ukraine.
Trùm mafia Vladimir Putin mô tả hỏa tiễn Oreshnik, được thử nghiệm lần đầu tiên trong chiến đấu, có tốc độ Mach 10 và có khả năng tránh được các hệ thống phòng thủ tiên tiến của phương Tây. Trong một tuyên bố trên truyền hình, ông cảnh báo rằng bất kỳ hành động khiêu khích nào nữa sẽ dẫn đến hành động quyết đoán.
“Chúng tôi có mọi quyền nhắm vào các quốc gia cho phép sử dụng những vũ khí này chống lại chúng tôi,” Putin nói.
Ngũ Giác Đài xác nhận hỏa tiễn này là loại hỏa tiễn tầm trung mới, đang thử nghiệm dựa trên hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa RS-26 Rubezh.
Các thành viên NATO đã phản ứng thận trọng trước những lời lẽ leo thang của Nga.
Bộ trưởng Quốc phòng Hung Gia Lợi Kristóf Szalay-Bobrovniczky tuyên bố điều động các hệ thống phòng không tiên tiến ở khu vực đông bắc Hung Gia Lợi, gần biên giới với Ukraine. Ông cho biết động thái này là cần thiết để giải quyết “mối đe dọa leo thang lớn hơn bao giờ hết”.
Khi xung đột leo thang, NATO phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng để cân bằng hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong khi tránh các hành động khiêu khích có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã chỉ trích bất kỳ động thái ngoại giao nào với Putin, cảnh báo rằng các cuộc đàm phán mà không có biện pháp quyết định có nguy cơ khiến Mạc Tư Khoa trở nên táo bạo hơn.
Sau khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz kêu gọi quân đội Nga rút quân, Zelenskiy cáo buộc các quốc gia phương Tây chỉ làm lợi cho Putin khi chỉ đối thoại mà không có hành động cụ thể.
“Điều cần thiết là những hành động mạnh mẽ để buộc ông ấy phải chấp nhận hòa bình, chứ không phải ve vãn”, Zelenskiy nói.
[Newsweek: Russian Lawmaker Warns Putin Has 'Every Right' to Attack NATO Nations]
2. Bloomberg cho biết tình báo Hoa Kỳ đã giải mật dữ liệu về các vụ ám sát đối thủ theo lệnh của Putin
Tình báo Hoa Kỳ đã giải mật một phần báo cáo mô tả các vụ ám sát có chủ đích nhằm vào những đối thủ chính trị của trùm mafia Vladimir Putin.
Một báo cáo của Cơ quan Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ tiết lộ rằng một số vụ ám sát đã được Putin trực tiếp ra lệnh. Tài liệu đã được giải mật một phần.
Giám đốc CIA William J. Burns cho biết các hồ sơ được giải mật cho thấy Vladimir Putin điều hành Liên Bang Nga như một trùm mafia hơn là một nhà lãnh đạo quốc gia. Tóm tắt các tài liệu, ông cho biết:
“Đầu tiên là vụ bắn chết chính trị gia người Nga và là nhà phê bình điện Cẩm Linh Boris Nemtsov ở Mạc Tư Khoa. Sau đó là cựu trùm truyền thông của Putin, Mikhail Lesin, đã chết ở Washington, DC. Cảnh sát sau đó cho biết ông đã chết vì chấn thương do vật cùn sau khi ngã nhiều lần trong phòng khách sạn.”
Zelimkhan Yandarbiyev, cựu lãnh đạo Cộng hòa Chechnya Ichkeria, đã bị ám sát tại Qatar vào năm 2004. Vụ ám sát được thực hiện bởi các sĩ quan của Tổng cục Tình báo Nga, gọi tắt là GRU, Anatoly Belashkov và Vasily Bogachev. Một tòa án Qatar đã tuyên án tù chung thân cho họ, nhưng sau đó họ đã bị dẫn độ về Nga. Họ được cho là sẽ thụ án phần còn lại của bản án tại các nhà tù của Nga, nhưng Cục Cải huấn Liên bang đã tuyên bố vào năm 2005 rằng họ không biết tung tích của họ.
Năm 2006, cựu sĩ quan FSB Alexander Litvinenko đã bị đầu độc bằng chất phóng xạ polonium ở Luân Đôn. Các nhà điều tra Anh đã xác định Andrei Lugovoy, một sĩ quan của Cơ quan Bảo vệ Liên bang Nga, người sau này trở thành thành viên của Duma Quốc gia, là thủ phạm trực tiếp của vụ giết người.
Năm 2012, doanh nhân người Nga Alexander Perepelichny đã qua đời tại Anh. Ông được coi là một trong những người cung cấp thông tin quan trọng trong một vụ án liên quan đến hoạt động rửa tiền tiềm tàng của các quan chức Nga và đã qua đời ngay trước khi ông phải ra làm chứng tại tòa. Một tài liệu tình báo Hoa Kỳ tuyên bố rằng ông đã bị đầu độc.
Năm 2015, Alexander Bednov, một chiến binh của tổ chức khủng bố “Cộng hòa Nhân dân Luhansk” do Nga hậu thuẫn, đã bị giết. Chiếc xe buýt bọc thép mà Bednov đang đi đã bị những người đàn ông có vũ trang tấn công.
Tài liệu tình báo Hoa Kỳ cho rằng Bednov và một số nhà lãnh đạo nổi bật khác của lực lượng ly khai thân Nga ở Donetsk và Luhansk đã bị giết theo lệnh của Điện Cẩm Linh nhằm tăng cường sự kiểm soát của Nga trong khu vực.
Tài liệu này cũng lưu ý rằng Mạc Tư Khoa thường xuyên sử dụng các cơ quan tình báo để loại bỏ những người mà họ coi là mối đe dọa đối với chế độ của mình.
Báo cáo tình báo Hoa Kỳ nêu rõ những vụ giết người như vậy có khả năng sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai.
3. Politico đưa tin: Cựu tổng thống Đài Loan kêu gọi Hoa Kỳ ưu tiên viện trợ cho Ukraine hơn là Đài Loan. Ukraine mất Đài Loan sẽ khó giữ
Cựu Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hỗ trợ của Hoa Kỳ đối với Ukraine trong Diễn đàn An ninh Quốc tế Halifax vào ngày 23 tháng 11, kêu gọi Washington ưu tiên giúp đỡ Kyiv bất chấp mối đe dọa ngày càng gia tăng về một cuộc xâm lược Đài Loan của Trung Quốc.
“Họ nên làm bất cứ điều gì có thể để giúp người Ukraine,” Cựu Tổng thống nói, theo báo cáo của Politico. “Chúng tôi ở Đài Loan vẫn còn thời gian.”
Bình luận của nữ Tổng thống được đưa ra sau khi Đô đốc Samuel Paparo, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, thừa nhận rằng việc hỗ trợ Ukraine đã bắt đầu gây áp lực lên năng lực chuẩn bị cho xung đột tiềm tàng ở Á Châu của quân đội Hoa Kỳ. Paparo nhấn mạnh đến sự cạn kiệt của các kho vũ khí quan trọng, bao gồm Patriot và hỏa tiễn không đối không.
Trong bài phát biểu tại Halifax, bà Thái Anh Văn lập luận rằng thành công của Ukraine trước sự xâm lược của Nga sẽ đóng vai trò răn đe toàn cầu.
“Chiến thắng của Ukraine sẽ đóng vai trò là biện pháp ngăn chặn hiệu quả nhất đối với hành vi xâm lược trong tương lai”, bà nói.
Đài Loan đã tăng chi tiêu quốc phòng lên 80% trong tám năm qua, đạt 19 tỷ đô la vào năm 2024. Tuy nhiên, bà Thái đã bác bỏ lời kêu gọi Đài Loan tăng ngân sách quốc phòng lên 10% GDP, một đề xuất của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Ông Donald Trump. “Chúng tôi sẽ gặp một số khó khăn khi chấp nhận một con số tùy ý”, bà nói, theo Politico.
Trong khi chính quyền Tổng thống Biden liên tục bảo vệ khả năng cân bằng giữa việc hỗ trợ Ukraine và chuẩn bị cho xung đột với Trung Quốc, các đồng minh của Tổng thống đắc cử Donald Trump lại lập luận ngược lại. Cựu Tổng thống Thái vẫn thận trọng về chiến lược quốc phòng của Đài Loan dưới thời tổng thống Tổng thống đắc cử Donald Trump, từ chối bình luận về các giao dịch mua vũ khí lớn tiềm năng vào đầu năm 2025.
[Kyiv Independent: Taiwan’s former president urges US to prioritize aiding Ukraine over Taiwan, Politico reports]
4. Đảng Cộng hòa cảnh báo về mục tiêu tiềm năng tiếp theo của Putin: ‘Hung hăng hơn’
Hai Dân biểu đảng Cộng hòa gần đây đã lên tiếng báo động về tham vọng quân sự có thể có của Nga, cảnh báo rằng nếu Putin chiếm Ukraine, điều này sẽ “mời gọi nhiều hành động gây hấn hơn” từ ông ta và khiến các nước Âu Châu khác như Moldova gặp nguy hiểm.
Ukraine đang hướng đến mùa đông thứ ba của cuộc chiến với Nga sau khi Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện vào quốc gia Đông Âu này vào tháng 2 năm 2022. Nga đã chiếm giữ khoảng 20 phần trăm lãnh thổ của Ukraine trong cuộc xung đột, nhưng người Ukraine vẫn không ngừng chiến đấu chống lại sự xâm lược của Nga, với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ và các đồng minh Âu Châu cung cấp viện trợ quân sự quan trọng cho nước này.
Dân biểu Michael McCaul, một đảng viên Cộng hòa Texas, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, đã nói với John E. Herbst, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Ukraine, tại một sự kiện hôm thứ Năm của Hội đồng Đại Tây Dương, một nhóm nghiên cứu về các vấn đề quốc tế ủng hộ chủ nghĩa Đại Tây Dương, rằng nếu Hoa Kỳ để Putin tiếp quản toàn bộ Ukraine, điều đó “sẽ khiến Putin hung hăng hơn”.
“Nó cũng tác động đến Chủ tịch Tập Cận Bình và phép tính của ông ta, khi nhìn vào Đài Loan và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Moldova chắc chắn sẽ sụp đổ trong vòng một ngày, cũng như Georgia. Và sau đó, toàn bộ Đông Âu sẽ bị đe dọa trước đám mây đen xâm lược của Nga,” McCaul nói thêm.
Dân biểu Don Bacon, một đảng viên Cộng hòa của Nebraska, đã chia sẻ một thông điệp tương tự với Jim Sciutto, người dẫn chương trình của CNN và là nhà phân tích an ninh quốc gia hàng đầu, vào thứ sáu.
“Nếu Ukraine sụp đổ, Moldova sẽ là nước tiếp theo. Chúng ta có thể thấy vùng Baltic. Chúng ta có thể thấy Georgia hoặc Azerbaijan, bạn biết đấy, người Nga đã được nuôi dạy để nghĩ rằng họ nên kiểm soát tất cả các quốc gia hậu Xô Viết,” Bacon nói. “Đó là những gì họ gọi là hậu Xô Viết. Nhưng những quốc gia này muốn có nền độc lập của họ.”
Trong khi đó, vào tháng 2, Putin đã nói với Tucker Carlson, cựu người dẫn chương trình của Fox News, rằng Mạc Tư Khoa không có hứng thú xâm lược “Ba Lan, Latvia hay bất kỳ nơi nào khác”.
Tổng thống đắc cử Donald Trump trước đây đã nói rằng nếu ông ngồi vào bàn đàm phán với Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, cuộc chiến giữa hai nước sẽ kết thúc “trong vòng 24 giờ”.
Tổng thống đắc cử Donald Trump chưa giải thích cách ông sẽ nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột đang diễn ra, nhưng Phó Tổng thống đắc cử JD Vance đã phác thảo một đường lối tiềm năng mà Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ thực hiện để chấm dứt chiến tranh Nga-Ukraine trên The Shawn Ryan Show vào tháng 9.
“Tôi nghĩ điều này trông giống như Tổng thống đắc cử Donald Trump ngồi xuống, ông ấy nói với người Nga, người Ukraine, người Âu Châu: Các bạn cần phải tìm ra một giải pháp hòa bình trông như thế nào? Và có lẽ trông giống như đường phân định hiện tại giữa Nga và Ukraine, trở thành một khu phi quân sự”, Vance nói.
Cựu chỉ huy Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, gọi tắt là NATO James Stavridis đã dự đoán một kịch bản tương tự trên chương trình Smerconish của CNN vào đầu tháng này, trong đó Putin “sẽ nắm giữ khoảng 20 phần trăm Ukraine, là phần mà ông ta hiện đang nắm giữ, nhưng phần còn lại của Ukraine, 80 phần trăm, tất cả những nguồn lực đó, phần lớn dân số, họ vẫn dân chủ, tự do.”
Tuy nhiên, Stavridis khi đó đã nói với Newsweek rằng: “Hãy nhớ rằng một giải pháp đàm phán không phải là điều mà Hoa Kỳ có thể áp đặt, mà là điều mà người Ukraine và người Nga phải đồng ý”.
Stavridis tin rằng thỏa thuận sẽ bao gồm khả năng Ukraine gia nhập NATO và có thể là Liên Hiệp Âu Châu, trong khi Vance cho biết Ukraine “không thể gia nhập NATO, không tham gia một số tổ chức đồng minh như vậy” như một phần của thỏa thuận hòa bình tiềm năng.
[Newsweek: Republicans Warn Over Putin's Potential Next Targets: 'More Aggression']
5. Nhà phân tích của Bild tuyên bố hỏa tiễn Oreshnik của Nga có thể không có thuốc nổ và không gây ra nhiều thiệt hại
Hôm Thứ Bẩy, 23 Tháng Mười Một, hãng truyền thông Đức Bild trích dẫn lời nhà phân tích quân sự Julian Ropcke của Bild, đưa tin rằng hỏa tiễn Oreshnik của Nga nhắm vào Dnipro vào ngày 21 tháng 11 có khả năng không mang theo thuốc nổ và không gây ra thiệt hại đáng kể nào.
Ông cho biết hỏa tiễn đạn đạo tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Oreshnik có thể là phiên bản cải tiến của hỏa tiễn RS-26 Rubezh của Nga.
Ropcke đã đi đến kết luận này bằng cách phân tích các cảnh quay có sẵn về cuộc tấn công.
Theo Ropcke, hỏa tiễn RS-26 sẽ không chứa thuốc nổ hoặc đầu đạn và sẽ được trang bị đầu đạn thay thế có cùng kích thước và trọng lượng để mô phỏng hình dạng của đầu đạn hạt nhân.
“Điều này chứng tỏ rằng đó là một hành động tuyên truyền và chính trị chứ không phải là hành động quân sự. Không có đầu đạn hạt nhân hay chất nổ bên trong. Đó là lý do tại sao thiệt hại lại không đáng kể”, Ropcke nói.
Putin trước đó đã tuyên bố trong bài phát biểu vào ngày 21 tháng 11 rằng hỏa tiễn Oreshnik là vũ khí được thiết kế mới và “không có cách nào” có thể chống lại vũ khí này bằng các hệ thống phòng không hiện có của phương Tây.
Putin nói tiếp rằng hỏa tiễn này có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân nhưng hỏa tiễn phóng tại Dnipro là một “vụ phóng thử nghiệm” không có đầu đạn hạt nhân.
Julian Ropcke nhấn mạnh rằng nó đúng là không có đầu đạn hạt nhân, nhưng thậm chí nó cũng chẳng có thuốc nổ. Các vụ thử nghiệm gần đây của Nga đã chứng kiến nhiều trường hợp hỏa tiễn khi được phóng đã không bay lên nhưng nổ ngay tại chỗ. Cố nhiên, nó vẫn có khả năng gây chết người và làm hư hại cơ sở vật chất khi bị một khối sắt khổng lồ nặng 4 tấn lao vào.
[Kyiv Independent: Russia's Oreshnik missile likely had no explosives and didn't cause much damage, Bild analyst claims]
6. Tổng thư ký NATO Mark Rutte gặp Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Ông Donald Trump
Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã gặp Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Ông Donald Trump tại Florida vào ngày 23 tháng 11, liên minh quân sự đưa tin.
Theo thông cáo báo chí, Rutte và Tổng thống đắc cử Donald Trump đã thảo luận về một loạt các vấn đề an ninh mà NATO đang phải đối mặt. Không có thông tin chi tiết nào về các cuộc thảo luận này ngay lập tức.
Rutte cũng được cho là đã gặp Dân biểu Hoa Kỳ Mike Waltz, người được Tổng thống đắc cử Donald Trump chọn làm cố vấn an ninh quốc gia, cũng như các thành viên khác trong nhóm an ninh quốc gia sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Waltz trước đây đã bày tỏ sự dè dặt về viện trợ quân sự của Hoa Kỳ cho Ukraine, tin rằng Âu Châu nên tăng chi tiêu.
Cuộc gặp của Rutte và Tổng thống đắc cử Donald Trump diễn ra trong bối cảnh lo ngại rằng nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể chứng kiến sự ủng hộ giảm sút đối với nỗ lực chiến tranh của Ukraine hoặc thậm chí là vai trò của Hoa Kỳ trong liên minh quân sự này sẽ ít hơn.
Vào tháng 2, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã gây tranh cãi khi trong chiến dịch tranh cử, ông nói rằng Nga có thể làm “bất cứ điều gì họ muốn” đối với các quốc gia thành viên NATO không đáp ứng được tiêu chuẩn chi tiêu quốc phòng 2% của NATO.
Các đồng minh vẫn thận trọng lạc quan rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine và NATO, đặc biệt nếu những nỗ lực này được coi là minh chứng cho sức mạnh của Hoa Kỳ.
Trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo Âu Châu tại Budapest vào ngày 7 tháng 11, Tổng Thư Ký Rutte đã ủng hộ những nỗ lực trước đó của Tổng thống đắc cử Donald Trump nhằm khiến các nước NATO chi nhiều hơn cho quốc phòng, vượt quá mục tiêu 2% GDP hiện tại.
Sau khi chúc mừng Tổng thống đắc cử Donald Trump thắng cử, Rutte đã viết vào ngày 6 tháng 11 trên X rằng “sự lãnh đạo của ông ấy sẽ một lần nữa đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì Liên minh của chúng ta vững mạnh. Tôi mong muốn được hợp tác với ông ấy một lần nữa để thúc đẩy hòa bình thông qua sức mạnh thông qua NATO.”
[Kyiv Independent: NATO Secretary General Rutte meets with Tổng thống đắc cử Donald Trump]
7. Phát ngôn nhân quốc hội Liên Hiệp Âu Châu kêu gọi gửi hỏa tiễn Taurus tới Ukraine
Chủ tịch Nghị viện Liên Hiệp Âu Châu Roberta Metsola ủng hộ việc Đức gửi hỏa tiễn tầm xa Taurus tới Ukraine trước các biện pháp leo thang gần đây của Nga, tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung đưa tin ngày 23 tháng 11.
“Vâng, đó cũng là lập trường của Nghị viện Liên Hiệp Âu Châu,” Metsola cho biết. “Có sự ủng hộ rộng rãi cho yêu cầu này. Chúng tôi sẽ xem liệu có sự thay đổi tương ứng sau cuộc bầu cử liên bang Đức hay không.”
Những lời kêu gọi Đức cung cấp hỏa tiễn tầm xa Taurus cho Ukraine đã được đưa ra sau khi Hoa Kỳ cho phép Ukraine sử dụng hỏa tiễn tầm xa ATACMS chống lại các mục tiêu ở Nga vào đầu tháng 11.
Phát ngôn nhân của chính phủ Đức nói với hãng thông tấn AFP vào ngày 18 tháng 11 rằng Scholz đã “làm rõ lập trường” của mình về vấn đề này sau tin tức từ Hoa Kỳ và sẽ “không thay đổi lập trường nữa”.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nhiều lần phủ nhận khả năng cung cấp vũ khí cho Ukraine vì lo ngại Đức sẽ bị lôi kéo vào cuộc chiến với Nga.
Tuy nhiên, Đức sẽ tổ chức bầu cử vào cuối tháng 2 và ứng cử viên thủ tướng trung hữu CDU/CSU Friedrich Merz đã bày tỏ sự cởi mở của mình đối với việc cung cấp hỏa tiễn Taurus theo một số điều kiện nhất định. Ông nói: “Đầu tiên, chúng tôi sẽ yêu cầu Nga rút lui khỏi Ukraine. Nếu họ không đồng ý, chúng tôi sẽ gởi hỏa tiễn Taurus cho Ukraine.”
[Kyiv Independent: Media: Eu parliament speaker calls for sending Taurus missiles to Ukraine]
8. Lukashenko đe dọa cắt mạng internet trong cuộc bầu cử năm 2025 để ngăn chặn các cuộc biểu tình
Nhà độc tài Belarus Alexander Lukashenko tuyên bố rằng ông có thể đóng cửa hoàn toàn Internet trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2025 nếu các cuộc biểu tình tương tự như năm 2020 nổ ra, hãng thông tấn nhà nước Belta đưa tin hôm Thứ Sáu, 22 Tháng Mười Một.
“Nếu các cuộc biểu tình xảy ra một lần nữa, chúng tôi sẽ cắt hoàn toàn mạng internet”, Lukashenko nói, thừa nhận rằng việc cắt mạng internet trong các cuộc biểu tình năm 2020 đã được thực hiện với sự chấp thuận của ông.
Phát biểu tại Đại học Ngôn ngữ Nhà nước Minsk, ông biện minh cho việc cắt mạng internet năm 2020 bằng tuyên bố rằng điều này là cần thiết để bảo vệ sự ổn định của đất nước, vì các cuộc biểu tình được cho là được tổ chức trực tuyến, đặc biệt là từ nước ngoài.
Lukashenko cũng phủ nhận cáo buộc sử dụng bạo lực với người biểu tình, khẳng định “Không ai giữ hoặc đánh ai cả”, mặc dù có nhiều báo cáo về hành vi tàn bạo của cảnh sát trong các cuộc biểu tình năm 2020.
Lukashenko, nhà lãnh đạo đất nước từ năm 1994 và là đồng minh thân cận nhất của Putin, từ lâu đã bị cáo buộc dàn dựng cuộc bầu cử gian lận ở Belarus.
Năm 2020, trong cuộc bầu cử tổng thống gần đây nhất, Lukashenko vẫn duy trì quyền lực mặc dù nhà lãnh đạo đối lập nổi bật nhất của đất nước, Sviatlana Tsikhanouskaya, nhận được sự ủng hộ của người dân - tuyên bố bà đã giành chiến thắng với 60 phần trăm số phiếu bầu.
Sau kết quả gian lận, cuộc biểu tình quần chúng nổ ra ở Minsk nhưng cuối cùng đã bị dập tắt với sự hỗ trợ của Nga. Theo nhóm nhân quyền Belarus Viasna, hơn 50.000 công dân đã bị giam giữ vì lý do chính trị kể từ cuộc bầu cử năm 2020.
Những phát biểu của ông được đưa ra khi Belarus đang tiến tới cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo, trong bối cảnh quốc tế đang giám sát chặt chẽ 30 năm cầm quyền của ông và đàn áp những người bất đồng chính kiến.
9. Thống đốc cho biết gần 22.000 thường dân đã được di tản khỏi Tỉnh Kharkiv trong 6 tháng qua
Thống đốc tỉnh Kharkiv Oleh Syniehubov cho biết vào ngày 23 tháng 11 rằng gần 22.000 cư dân đã được di tản khỏi tỉnh Kharkiv kể từ tháng 5, với những nỗ lực đang được tiến hành để di tản thêm cư dân khỏi các thị trấn gần tiền tuyến.
“Chúng tôi đang tiếp tục nỗ lực di tản, đưa cả trẻ em và người lớn đến nơi an toàn”, Syniehubov phát biểu trên sóng truyền hình.
Tỉnh Kharkiv đã phải chịu đựng các cuộc tấn công liên tục của Nga trong hơn hai năm rưỡi kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022.
Syniehubov lưu ý rằng các khu vực bị nhắm đến nhiều nhất bao gồm hướng Vovchansk ở quận Chuhuiv, khu vực Lyptsi và hướng Kupiansk. Thành phố Kupiansk đã bị lực lượng Nga chiếm giữ trong thời gian ngắn vào năm 2022 trước khi được quân đội Ukraine giành lại. Giá trị chiến lược của thành phố nằm ở vị trí là trung tâm hậu cần và vận tải quan trọng, với một số xa lộ chính và năm tuyến hỏa xa hội tụ trong thành phố.
Thống đốc cho biết thêm rằng những người di tản đang được cung cấp viện trợ nhân đạo, hỗ trợ tâm lý và hỗ trợ tài chính ở những khu vực tương đối an toàn, bao gồm thành phố Kharkiv, cách biên giới Nga chưa đầy 30 km.
[Kyiv Independent: Nearly 22,000 civilians have been evacuated from Kharkiv in 6 months, governor says]
10. Zelenskiy chỉ trích Brazil và các nhà lãnh đạo G20 vì thể hiện “lập trường yếu kém về chiến tranh”
Hôm Thứ Bẩy, 23 Tháng Mười Một, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã chỉ trích các nhà lãnh đạo nhóm 20 nước trên thế giới, thường được gọi là G20, sau hội nghị thượng đỉnh gần đây nhất tại Brazil, đồng thời nói thêm rằng Tổng thống Brazil Lula da Silva, người hiện đang giữ chức Chủ tịch G20, đã thể hiện “lập trường yếu kém” về cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Nhóm này, bao gồm cả Nga, cũng bao gồm một số quốc gia đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Nga trong suốt cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ.
Bất chấp những chia rẽ đang diễn ra giữa các quốc gia G20 liên quan đến các cuộc chiến ở Ukraine và Trung Đông, các nhà đàm phán đã đạt được sự đồng thuận về thông cáo cuối cùng lên án mạnh mẽ nỗi đau khổ của con người do cả hai cuộc chiến gây ra.
Tuyên bố này đã phải đối mặt với sự chỉ trích vì lập trường yếu kém của nó đối với Nga, tránh lên án trực tiếp các hành động của nước này ở Ukraine. Thay vào đó, các nền kinh tế lớn trên thế giới đã sử dụng ngôn ngữ mơ hồ, chỉ đề cập đến “nỗi đau khổ nhân sinh” do chiến tranh gây ra và không trực tiếp nêu tên Nga.
Bản thông cáo cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh G20 chỉ dành một đoạn cho cuộc chiến ở Ukraine, trái ngược hoàn toàn với bảy đoạn trong tuyên bố năm ngoái của New Delhi. Tuyên bố năm nay không có bất kỳ lời lên án nào về các mối đe dọa hạt nhân liên quan đến Ukraine hoặc lời kêu gọi ngừng các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng thực phẩm và năng lượng.
“ Nếu chúng ta muốn có mối quan hệ tốt đẹp, bình thường giữa các quốc gia, giữa các dân tộc, thì có lẽ trước tiên chúng ta nên ủng hộ người dân, chứ không phải những kẻ xâm lược, những nhà lãnh đạo xâm lược trên thế giới, như Putin, và các quốc gia xl xl như nước Nga hiện đại ngày nay”, Zelenskiy nói.
Zelenskiy nói thêm rằng việc các nhà lãnh đạo G20 không lên án mạnh mẽ và thống nhất đã khiến Putin tấn công Ukraine bằng các loại vũ khí mới, bao gồm cả việc Nga sử dụng loại hỏa tiễn đạn đạo tầm trung, gọi tắt là IRBM mới nhằm vào Dnipro vào ngày 21 tháng 11.
Văn phòng Tổng thống viết trong một thông cáo báo chí rằng: “Nếu không có lập trường rõ ràng từ các nước lớn - Hoa Kỳ, Brazil, các quốc gia Á Châu và Phi Châu - thì các thỏa thuận với Putin sẽ chỉ là chiến thuật trì hoãn và thúc đẩy thêm các hành động đe dọa hơn nữa của Nga”.
[Kyiv Independent: Zelenskiy criticizes Brazil, G20 leaders for showing 'weak position on war']
11. Zelenskiy nói: Nga đã phá hủy hơn 300 cơ sở vật chất hải cảng, 20 tàu nước ngoài trong năm qua,
Hôm Thứ Bẩy, 23 Tháng Mười Một, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết tại Hội nghị quốc tế về an ninh lương thực ở Kyiv rằng Nga đã gây thiệt hại cho 321 cơ sở hạ tầng hải cảng cũng như 20 tàu buôn nước ngoài kể từ tháng 7 năm 2023.
Khi di chuyển dọc theo tuyến đường Hắc Hải, tàu thuyền thường xuyên có nguy cơ bị Nga tấn công. Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh toàn diện, thủy lôi cũng trôi dạt dọc theo tuyến đường thương mại, điều này cũng gây ra rủi ro cho vận tải biển.
Là một quốc gia sản xuất ngũ cốc lớn, Ukraine xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn ngũ cốc mỗi tháng thông qua các cảng dọc Hắc Hải.
Sau lệnh phong tỏa ban đầu khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện, năm ngoái Nga đã đơn phương chấm dứt thỏa thuận ngũ cốc Hắc Hải, buộc Kyiv phải thiết lập một tuyến xuất khẩu mới ở Hắc Hải.
Ban đầu được hình dung là một hành lang nhân đạo cho phép các tàu thuyền bị mắc kẹt ở đó rời đi kể từ khi cuộc chiến tranh toàn diện bắt đầu, nhưng sau đó nó đã phát triển thành một tuyến đường thương mại toàn diện.
Tháng trước, lực lượng Nga đã tấn công một tàu dân sự nước ngoài ở Odesa, khiến một nhân viên cảng người Ukraine 60 tuổi thiệt mạng và làm năm người nước ngoài bị thương.
“Bằng cách tấn công các tàu dân sự, Nga đang cố gắng làm suy yếu nền kinh tế Ukraine và khiến hàng triệu người trên thế giới có nguy cơ chết đói”, Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha viết trên mạng xã hội sau vụ tấn công vào tháng 10.
Phát biểu tại hội nghị Ngũ Cốc từ Ukraine trong một chương trình có sự tham gia của các nhà báo từ 10 quốc gia Phi Châu khác nhau, Zelenskiy cho biết “lượng thực phẩm xuất khẩu của đất nước này cung cấp lương thực cho 400 triệu người ở 100 quốc gia trên toàn thế giới”.
Tổng thống Zelenskiy nói thêm: “Giá thực phẩm ở Ai Cập, Libya, Nigeria và các quốc gia khác ở Phi Châu phụ thuộc trực tiếp vào việc liệu nông dân và các công ty nông nghiệp ở Ukraine có thể hoạt động bình thường hay không”.
Trong nỗ lực tăng cường quan hệ với các quốc gia Phi Châu trong bối cảnh Nga tiếp tục gia tăng ảnh hưởng ở khu vực, Zelenskiy cho biết bảy trong số mười đại sứ quán mà nước này tuyên bố sẽ mở tại các quốc gia Phi Châu vào tháng 12 năm 2022 đã được mở, và ba đại sứ quán khác sẽ được mở trong tương lai gần.
[Kyiv Independent: Russia damaged over 300 port facilities, 20 foreign vessels in the past year, Zelenskiy says]
1. Mali: Nhóm thánh chiến tăng cường đàn áp tôn giáo và đánh thuế “thánh chiến” đối với các tín hữu Kitô
Các nguồn tin mật mà ACN liên lạc cho biết tình trạng phân biệt đối xử với các cộng đồng Kitô giáo ngày càng trầm trọng hơn ở hai thị trấn thuộc vùng Mopti của Mali.
Theo thông tin nhận được từ tổ chức bác ái Công Giáo Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, gọi tắt là ACN, một nhóm Hồi giáo cực đoan đang hoạt động trong khu vực gần đây đã áp dụng mức thuế 25.000 CFA Franc (khoảng 40 đô la) đối với tất cả các Kitô hữu trên 18 tuổi tại Douna-Pen, thị trấn theo Kitô giáo lớn nhất ở phía đông Koro, Mopti.
Khoản thanh toán này đã trở thành điều kiện để được tự do thực hành tôn giáo. Những kẻ cực đoan đã nêu rõ yêu cầu của họ và gần đây họ đã thu tiền từ cộng đồng mà không ai dám phản đối, theo các nguồn tin của ACN, những người yêu cầu giấu tên vì lý do an toàn. Những người không thể hoặc không muốn trả tiền đã được cảnh báo rằng phương án thay thế sẽ là đóng cửa cưỡng bức các địa điểm thờ phượng của họ.
Tình hình đáng lo ngại bắt đầu ở làng Dougouténé, nơi người dân đầu tiên được gọi để trả cái gọi là jizya, thuế thánh chiến, một loại thuế tôn giáo. Bây giờ, Douna-Pen đã bắt đầu phải đối mặt với vấn đề tương tự. Người dân địa phương lo sợ rằng tập tục này có thể lan sang các làng khác, đe dọa thêm đến quyền tự do tôn giáo và an ninh địa phương.
Những kẻ cực đoan Hồi giáo trước đây đã yêu cầu đóng cửa cả nhà thờ Tin lành và Công Giáo ở Douna-Pen. Trong một thời gian, trong thời kỳ hòa bình mong manh, người dân được phép thực hành đức tin của mình, mặc dù không được sử dụng nhạc cụ trong khi thờ phượng, trong một hạn chế rõ ràng về quyền tự do tôn giáo của họ.
Một trong những nguồn tin mật đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về sự leo thang của tình hình vốn đã khó khăn này, nói rằng: “Chúng tôi được cho là đang sống trong một nhà nước thế tục, nơi những hoạt động như vậy không nên diễn ra, nhưng thật không may, điều này đang trở thành hiện thực mới của chúng tôi. Nếu chính quyền không hành động, người dân sẽ phải nộp thuế trực tiếp vào kho bạc của những kẻ khủng bố, những kẻ hành động dưới lá cờ thánh chiến ở Cộng hòa Mali.” Nguồn tin nói thêm, “Chúng tôi biết rằng đất nước này rộng lớn và điều tương tự cũng đang xảy ra ở những nơi khác, nhưng nếu không sớm hành động ở khu vực này, hậu quả sẽ rất thảm khốc. Ở đây, người dân bị tàn sát như chuột!”
Douna-Pen nằm ở xã Dioungani và có một cộng đồng Kitô hữu đáng kể. Vụ tống tiền gần đây này là chương mới nhất trong lịch sử bạo lực và đàn áp đã lan rộng khắp khu vực. Tình hình trở nên trầm trọng hơn do thiếu cơ sở hạ tầng cơ bản, chẳng hạn như đường sá và nguồn cung cấp nước, cũng như việc đóng cửa trường học do thiếu an ninh.
Người ta lo ngại rằng những khoản thanh toán bắt buộc này cho các nhóm Hồi giáo cực đoan có thể dẫn đến sự chia rẽ sâu sắc trong dân chúng, làm xói mòn lòng tin vào chính phủ và làm tổn hại thêm sự ổn định mong manh của khu vực. Nhiều cư dân sợ bị nhà nước Mali bỏ rơi.
Nguồn tin kết thúc bằng một yêu cầu chân thành: “Đây là tiếng kêu của một công dân vẫn tin tưởng vào Cộng hòa Mali và các nhà lãnh đạo của nước này, nhưng chúng ta cần hành động ngay lập tức để tránh xung đột tôn giáo xâm chiếm đất nước này. Cầu xin Chúa giúp chúng ta.”
Source:Church In Need
2. Nhật ký trừ tà số 318: Chó có thể nhìn thấy quỷ không?
Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #318: Can dogs see demons?”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 318: Chó có thể nhìn thấy quỷ không?”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Tuần trước, tôi đã viết về “những thiên thần bốn chân” của chúng ta và cách Chúa có thể và thực sự sử dụng động vật để trở thành ân sủng cho chúng ta. Tôi đã yêu cầu mọi người chia sẻ câu chuyện của riêng họ, và nhiều người đã vui vẻ làm như vậy. Một câu chuyện đã thu hút sự chú ý của tôi. Một độc giả đã viết như sau:
Nhiều năm trước khi con khoảng 14 tuổi, con đã chơi bảng cầu cơ với một vài người bạn. Chúng con đã yêu cầu nó đưa ra những dấu hiệu cho các câu hỏi xuất phát từ tò mò. Không cần phải nói, nó đã đưa ra những dấu hiệu. Đêm đó con về nhà. Con ngồi xuống sau khi hâm nóng bữa tối, quay lưng về phía cửa sổ với con chó của con, một con chó sục Scotland lai, ở dưới chân con. Đột nhiên con chó của con gầm gừ nhẹ và khi con nhìn xuống nó, nó không nhìn con mà nhìn qua vai trái của con về phía cửa sổ. Tiếng gầm gừ của nó lớn hơn và nó nhe răng. Bản thân con cũng sợ vì không biết tại sao nó lại hành động như vậy. Đột nhiên tóc nó dựng đứng! Ngay lúc đó, con nhớ mình bị ớn lạnh khắp người và con đứng dậy được nửa chừng và nhanh chóng nhìn lại cửa sổ. Những gì con nhìn thấy gần như khiến con sợ hãi. Con thấy một khuôn mặt với chiếc mũi dài, đôi má nhô ra rõ nét và chiếc cằm nhọn với nụ cười toe toét. Con nhảy ra khỏi bàn khi con chó của con lao tới với vẻ hung dữ như thể nó sắp đánh nhau với một con chó khác. Nó nhảy qua con, và sủa dữ dội, nó sủa rất sâu và dữ dội. Con quay lại nhìn và con quỷ đã biến mất. Dù sợ hãi đến thế nào, con vẫn nhớ mẹ con luôn bảo con phải cầu khẩn danh Chúa Giêsu khi sợ hãi. Vì vậy, con cứ nói: “Nhân danh Chúa Giêsu, ta truyền lệnh cho ngươi phải cút ngay” và con chạy ra cửa sau, thả con chó của con ra, lúc này nó đang cào cửa để đi tìm thứ gì đó ở sân sau. Lúc đó khoảng 9 giờ tối. Sân sau có vẻ tối hơn bình thường, đặc biệt là khi con không thể nhìn thấy con chó của mình và tất cả những gì con có thể nghe thấy là tiếng sủa của nó. Nghe có vẻ kinh ngạc, nhưng con cho rằng đó là một con quỷ vì màu da của nó là màu cam đậm. Con biết nhiều người sẽ không tin con về điều này, nhưng da của nó có màu cam đậm. Con chó của con nhìn thấy nó trước, cảnh báo con và sau đó bảo vệ con. Đây là một câu chuyện có thật, con dùng nó để cảnh báo những người trẻ tuổi, đừng bao giờ chơi trò ouiji hay cầu cơ. Con đã học ở một trường Công Giáo và các nữ tu cũng như mẹ con, luôn cảnh báo chúng con không được chơi trò cầu cơ. Nhưng là một đứa trẻ tò mò, con biết điều đó là sai, nhưng con vẫn chơi một lần. Bài học đã học được.*
Câu chuyện này thú vị và bổ ích vì một số lý do. Đầu tiên, việc chơi bói toán, bao gồm cả bảng cầu cơ, là một ý tưởng rất tệ. Đây không phải là trò chơi vô hại và có thể có một số hậu quả tồi tệ mà những người bị quỷ ám được nhóm chúng tôi trừ tà cho đã nhiều lần chia sẻ với chúng tôi. Cô gái này đã làm điều đó một lần và một con quỷ xuất hiện. Chúa đã ban cho cô ấy “ân sủng” để nhìn thấy nó và ngăn chặn việc làm nguy hiểm này. Nếu cô ấy tiếp tục bói toán như vậy, ví dụ như tìm đến các nhà ngoại cảm, bài tarot, những buổi cầu hồn, thì rất có thể cô ấy đã bị quỷ ám.
Trải nghiệm của cô gái về chú chó của mình cũng rất thú vị. Chú chó nhìn thấy con quỷ và nhận ra mối đe dọa. Thật dũng cảm, chú chó lao vào hành động và lao theo nó. Chúng tôi đã có một số trải nghiệm khác về việc những chú chó nhìn thấy quỷ và dũng cảm cố gắng bảo vệ chủ của chúng. Ví dụ, trong một trường hợp ngôi nhà bị quỷ ám, chú chó của gia đình sẽ ngồi ở cửa phòng ngủ để bảo vệ gia đình vào ban đêm. Nó sẽ hú lên với âm vực báo động khi lũ quỷ đến gần. Tôi không biết liệu tất cả những chú chó có thể nhìn thấy quỷ hay không, nhưng tôi hoàn toàn tin rằng một số con có thể và tôi đã có những trải nghiệm thực tế về điều này.
Trong khi chó có thể cảnh báo chúng ta, tôi không thấy chúng thực sự hữu ích trong việc đuổi quỷ. Chó không có sức mạnh như vậy, nhưng Chúa Giêsu thì có. May mắn thay, mẹ của cô gái đã bảo cô bé cầu khẩn danh thánh của Chúa Giêsu khi sợ hãi, và cô bé đã làm vậy. Thật là một lời khuyên khôn ngoan. Con quỷ đã bị đuổi ra.
Source:Catholic Exorcism
3. Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ sự gần gũi với Ukraine trong bức thư đánh dấu ngày thứ 1.000 của cuộc chiến
Trong một lá thư gửi cho Tổng giám mục Visvaldas Kulbokas, sứ thần tòa thánh tại Ukraine, vào ngày 19 tháng 11, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bày tỏ nỗi buồn sâu sắc của mình trước nỗi đau khổ của người dân Ukraine, những người đã phải chịu đựng 1.000 ngày chiến tranh kể từ khi cuộc xung đột bạo lực nổ ra ở đó vào năm 2022.
Lá thư được tờ báo Vatican đăng bằng tiếng Ý vào ngày 19 tháng 11.
Phát biểu với Đức Sứ thần Tòa Thánh đại diện của mình tại “Ukraine yêu dấu và đau khổ”, Đức Thánh Cha cho biết ngài muốn “ôm trọn tất cả công dân của Ukraine, bất kể họ ở đâu” và thừa nhận những khó khăn cùng cực mà người dân Ukraine đã phải chịu đựng dưới “cuộc xâm lược quân sự quy mô lớn” trong 1.000 ngày qua.
Đức Giáo Hoàng nói với sứ thần rằng những lời của ngài có ý bày tỏ sự đoàn kết với người dân Ukraine và truyền tải “lời cầu nguyện chân thành tới Chúa”, Đấng mà ngài nói là “nguồn sống, hy vọng và trí tuệ duy nhất, để Người có thể hoán cải trái tim và giúp họ có khả năng bắt đầu con đường đối thoại, hòa giải và hòa hợp”.
Đức Phanxicô trích dẫn Thánh Vịnh 121: “Sự giúp đỡ của tôi đến từ Chúa, Đấng tạo thành trời đất”, nhắc lại cách mà mỗi ngày vào lúc 9 giờ sáng, người dân Ukraine dành “một phút mặc niệm toàn quốc” cho các nạn nhân của cuộc xung đột.
“Tôi tham gia cùng họ, để tiếng kêu lên trời, nơi sự giúp đỡ đến, có thể mạnh mẽ hơn”, Đức Giáo Hoàng nói.
Đức Thánh Cha tiếp tục cầu nguyện rằng Chúa sẽ “an ủi trái tim chúng ta và củng cố niềm hy vọng rằng, trong khi Người thu thập tất cả những giọt nước mắt đã rơi và sẽ yêu cầu giải trình về chúng, Người vẫn ở bên chúng ta ngay cả khi những nỗ lực của con người dường như vô ích và hành động không đủ.”
Đức Giáo Hoàng kết thúc bức thư gửi cho tổng giám mục Sứ thần Tòa Thánh bằng cách giao phó người dân Ukraine cho Chúa và ban phước cho họ, “bắt đầu từ các giám mục và linh mục, những người mà anh, người anh em thân yêu, đã luôn ở bên cạnh những người con trai và con gái của quốc gia này trong suốt 1.000 ngày đau khổ này.”
Source:Catholic News Agency