Ngày 22-04-2025
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:07 22/04/2025

106. Con phải chú ý bản thân mình trước, rồi sau đó mới có thể đi giúp người khác.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"


--------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:10 22/04/2025
22. BỒN TẮM QUÁ LỚN

Có hai người ngoài tỉnh gặp nhau, cùng nhau kể những chuyện lạ của địa phương mình.

Người thứ nhất nói:

- “Ở quê tôi có một cái bồn tắm lớn cực kỳ, có thể chứa được một ngàn người tắm ở trong nó.”

Người thứ hai nói:

- “Như thế có gì là lạ, quê tôi có một cây tre dài, trên thì chọc thủng trời xanh, dưới thì chống đỡ đất. Trên không vì không mọc dài được nữa cho chỉ có cách là mọc đâm vào trong đất mà thôi.”

Hỏi:

- “Xì, trên đời này làm gì có cây tre dài như thế hở?”

Đáp:

- “Nếu không có cây tre dài ấy của tôi, thì làm sao có thể đan được cái bồn tắm to lớn ấy của anh chứ?”

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 22:

Phải có cây tre cao tới trời thì mới có thể đan được cái bồn tắm rất lớn chứa được một ngàn người tắm trong nó, đúng là chuyện tiếu lâm…hợp tình mà không hại ai cả.

Phải có đức tin mạnh mẻ mới có thể vui vẻ đón nhận tất cả những thử thách xảy đến trong cuộc sống của người Ki-tô hữu.

Phải có sự cầu nguyện kiên trì mới có thể đón nhận những ân huệ lớn lao của Thiên Chúa ban cho, bởi vì ân huệ của Thiên Chúa không phải là những đồ dùng giá mười đồng bạc.

Phải có một tâm hồn thật quảng đại mới có thể tha thứ cho những người vì ghen ghét mà tìm cách hại mình cách này hay cách khác.

Phải có một quả tim yêu thương của Thiên Chúa mới có thể yêu thương người khác như chính mình, nhất là những người luôn chống đối chúng ta…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Ngày 23/04: Niềm Tin vào Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh – Lm. Giuse Vũ Ngọc Tuyển, CSsR
Giáo Hội Năm Châu
03:10 22/04/2025

Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.

Một hôm, ông Phê-rô và ông Gio-an lên Đền Thờ, vào buổi cầu nguyện giờ thứ chín. Khi ấy, người ta khiêng đến một người què từ khi lọt lòng mẹ. Ngày ngày họ đặt anh ta bên cửa Đền Thờ gọi là Cửa Đẹp, để xin kẻ ra vào Đền Thờ bố thí. Vừa thấy ông Phê-rô và ông Gio-an sắp vào Đền Thờ, anh liền xin bố thí. Hai ông nhìn thẳng vào anh, và ông Phê-rô nói: “Anh nhìn chúng tôi đây!” Anh ta chăm chú nhìn hai ông, tưởng rằng sẽ được cái gì. Bấy giờ ông Phê-rô nói: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giê-su Ki-tô người Na-da-rét, anh đứng dậy mà đi!” Rồi ông nắm chặt lấy tay mặt anh, kéo anh trỗi dậy. Lập tức bàn chân và xương mắt cá của anh trở nên cứng cáp. Anh đứng phắt dậy, đi lại được; rồi cùng với hai ông, anh vào Đền Thờ, vừa đi vừa nhảy nhót và ca tụng Thiên Chúa. Toàn dân thấy anh đi lại và ca tụng Thiên Chúa. Và khi nhận ra anh chính là người vẫn ngồi ăn xin tại Cửa Đẹp Đền Thờ, họ kinh ngạc sững sờ về sự việc mới xảy đến cho anh.

Đó là lời Chúa
 
Câu chuyện lớn hơn
Lm Minh Anh
15:22 22/04/2025
CÂU CHUYỆN LỚN HƠN
“Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông”.

Anh trộm bị đóng đinh thủng cả hai tay để không thể làm gì cho Chúa; một cái đinh xuyên hai bàn chân để anh không thể chạy vặt cho Ngài. Vậy mà Chúa Kitô đã tặng anh món quà cứu rỗi. Ngài ném cho anh tấm hộ chiếu và anh vào thiên đàng! Câu chuyện tuy gãy gọn nhưng nó là một ‘câu chuyện lớn hơn’ câu chuyện một đời bôn tẩu của bạn và tôi!

Kính thưa Anh Chị em,

Cùng với câu chuyện của anh trộm lành, Lời Chúa hôm nay là những câu chuyện thật đẹp! Chuyện anh què ngồi ăn xin bên cửa đền thờ, chuyện hai môn đệ Emmaus nhận ra người khách lạ đồng hành, cũng là người sẽ kể cho họ một ‘câu chuyện lớn hơn!’.

Trước hết câu chuyện anh què, rồi đây sẽ khá rắc rối! “Ngày ngày, họ đặt anh bên cửa Đền Thờ”; ở đó, anh xin bố thí. Phêrô và Gioan “nhân danh Đức Giêsu Kitô”, tặng anh món quà ‘đôi chân mới’ và “anh vào đền thờ, vừa đi vừa nhảy nhót mà ca tụng Thiên Chúa” - bài đọc một. Câu chuyện anh què chứng tỏ một ‘câu chuyện lớn hơn’ về Đấng Phục Sinh, Đấng mà rồi đây, Phêrô rao giảng, khiến “3.000 người trở lại”. Và mọi người ngợi khen Chúa, “Tâm hồn những ai tìm kiếm Chúa, nào hoan hỷ!” - Thánh Vịnh đáp ca.

Câu chuyện thứ hai - Emmaus - hấp dẫn hơn! Emmaus - phía tây, so với Giêrusalem - phía đông. Hai môn đệ đi về phía mặt trời lặn, phía đêm tối, chết chóc và tuyệt vọng. May thay, ở đó, Chúa Phục Sinh kịp có mặt, dù lúc ẩn lúc hiện. Ngài đồng hành và lòng họ cháy lên; Ngài lắng nghe họ, trách họ ‘vô tín’. Đoạn, kể cho họ một ‘câu chuyện lớn hơn’, “Bắt đầu từ Môsê, giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh”. Thật hồi hộp với phần kết! Khi gần tới làng, hai người “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn”. Để khi ngồi ăn, “Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người”, Đấng buộc họ quay lại Giêrusalem, phía mặt trời mọc!

Nhân loại cần nghe câu chuyện vĩ đại đó! Ai sẽ kể về Chúa Kitô cho thế giới nếu không phải bạn và tôi? Nhưng trước hết, câu chuyện lớn nhất là bạn và tôi phải được Chúa Phục Sinh biến đổi! Từ đó, chúng ta mới có thể đồng hành với những ai đang trên ‘đường Emmaus’ đời họ, kể cho họ về Giêsu, Đấng Cứu Độ họ, cứu độ thế giới, hầu mắt họ cũng sáng ra mà ‘quay về phía Mặt Trời’.

Anh Chị em,

“Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông”. “Có lẽ toàn bộ lịch sử của Chúa Giêsu nằm trong chuỗi cử chỉ này! Ngài ‘cầm lấy’ chúng ta, ‘chúc lành’ chúng ta, ‘bẻ’ cuộc sống chúng ta - vì không có tình yêu nào mà không có hy sinh - và tặng nó cho người khác, cho mọi người. Cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với hai môn đệ Emmaus cho biết rằng, cộng đồng Kitô hữu không thể bị nhốt trong một thành trì kiên cố, nhưng đúng hơn là một hành trình dọc theo môi trường thiết yếu nhất của mình, đó là con đường - trên đó - Kitô hữu trao tặng Lời Sự Sống, chứng tá của một tình yêu trung thành cho đến cùng. Và như vậy, trái tim của mọi người bừng cháy hy vọng!” - Phanxicô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xô con trở lại phía mặt trời mọc; con sẽ kéo theo anh chị em con, kể cho họ ‘câu chuyện lớn hơn’ rằng, Chúa đã thương xót con và luôn thương xót họ!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Sắc lệnh của Tổng thống Trump treo cờ rũ để tôn vinh Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Đặng Tự Do
03:18 22/04/2025
Hôm Thứ Hai, 21 Tháng Tư, sau khi nhận được tin Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã qua đi, Tổng thống Trump đã đưa ra tuyên bố sau.

Tuyên bố

Ngày 21 tháng 4 năm 2025

Bởi Tổng thống Hoa Kỳ

Để tỏ lòng tôn kính tưởng nhớ Đức Thánh Cha Phanxicô, với thẩm quyền được trao cho tôi với tư cách là Tổng thống Hoa Kỳ theo Hiến pháp và luật pháp của Hoa Kỳ, tôi ra lệnh rằng cờ Hoa Kỳ sẽ được treo rủ tại Tòa Bạch Ốc và trên tất cả các tòa nhà và khuôn viên công cộng, tại tất cả các đồn quân sự và trạm hải quân, và trên tất cả các tàu hải quân của Chính phủ Liên bang tại Quận Columbia và trên khắp Hoa Kỳ và các Lãnh thổ và thuộc địa của Hoa Kỳ cho đến khi mặt trời lặn, vào ngày an táng. Tôi cũng chỉ thị rằng cờ sẽ được treo rủ trong cùng khoảng thời gian tại tất cả các đại sứ quán, công sứ quán, văn phòng lãnh sự và các cơ sở khác của Hoa Kỳ ở nước ngoài, bao gồm tất cả các cơ sở quân sự, tàu và trạm hải quân.

ĐỂ LÀM CHỨNG, tôi đã ký vào đây ngày hai mươi mốt tháng Tư, năm hai ngàn hai mươi lăm theo lịch Chúa chúng ta, và năm Độc lập của Hoa Kỳ là năm hai trăm bốn mươi chín.

TỔNG THỐNG DONALD J. TRUMP


Source:White House
 
Đức Tổng Giám Mục Charles J. Chaput: Giáo Hội Sau Đức Phanxicô
J.B. Đặng Minh An dịch
03:21 22/04/2025
Đức Tổng Giám Mục Charles J. Chaput, Tổng Giám Mục danh dự của Philadephia vừa có bài nhận định nhan đề “The Church After Francis”, nghĩa là “Giáo Hội Sau Đức Phanxicô”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Tôi có những kỷ niệm cá nhân về Đức Giáo Hoàng Phanxicô mà tôi rất trân trọng:, chẳng hạn như mối quan hệ làm việc thân thiện và hào phóng tại Thượng hội đồng về Mỹ Châu năm 1997 khi cả hai chúng tôi đều là những tổng giám mục mới được bổ nhiệm; sự chào đón nồng nhiệt và thân tình của ngài tại hội nghị Humanum năm 2014 của Rôma; và thành công phi thường của chuyến thăm Philadelphia năm 2015 của ngài cho Hội nghị Gia đình Thế giới lần thứ Tám. Ngài đã tận tụy phục vụ Giáo hội và dân chúng theo những cách mà ngài cảm thấy thời đại đòi hỏi. Là một người anh em trong đức tin và là người kế vị Thánh Phêrô, ngài xứng đáng nhận được những lời cầu nguyện liên tục của chúng ta cho cuộc sống vĩnh hằng của ngài trong sự hiện diện của Thiên Chúa mà ngài yêu mến.

Sau khi đã nói như vậy, chúng ta cũng cần nhớ rằng thời kỳ giữa các Đức Giáo Hoàng là thời điểm cần sự thẳng thắn. Việc thiếu sự thẳng thắn, xét đến những thách thức ngày nay, là quá tốn kém. Theo nhiều cách, bất kể thế mạnh của nó là gì, triều đại Giáo Hoàng Phanxicô vẫn chưa đủ để giải quyết những vấn đề thực sự mà Giáo hội đang phải đối mặt. Ngài không tham gia trực tiếp vào Công đồng Vatican II và dường như không hài lòng với di sản của những người tiền nhiệm trực tiếp của mình; những người đã làm việc và chịu đựng để đưa những giáo huấn của công đồng vào đời sống Công Giáo một cách trung thành. Tính cách của ngài có xu hướng nóng nảy và độc đoán. Ngài phản đối ngay cả những lời chỉ trích trung thành. Ngài có kiểu nói mơ hồ và buông thả, gieo rắc sự nhầm lẫn và xung đột. Trước những rạn nứt văn hóa sâu sắc về các vấn đề hành vi và bản dạng tình dục, ngài lên án ý thức hệ giới tính nhưng dường như lại hạ thấp “thần học về thân xác” rất hấp dẫn của Kitô giáo. Ngài thiếu kiên nhẫn với giáo luật và các thủ tục thích hợp. Dự án đặc trưng của ngài, tính đồng nghị, nặng về quy trình và thiếu sự rõ ràng. Mặc dù có sự tiếp cận đầy cảm hứng đến các nhóm thiểu số của xã hội, triều đại Giáo Hoàng của ngài lại thiếu lòng nhiệt thành truyền giáo tự tin và năng động. Sự xuất sắc về mặt trí tuệ để duy trì chứng tá cứu rỗi (chứ không đơn thuần là chứng tá đạo đức mà thôi) của Kitô giáo trong một thế giới hiện đại đầy hoài nghi cũng không có.

Điều mà Giáo hội cần để tiến lên là một nhà lãnh đạo có thể kết hợp sự giản dị cá nhân với niềm đam mê hoán cải thế giới theo Chúa Giêsu Kitô, một nhà lãnh đạo có trái tim can đảm và trí tuệ sắc sảo để phù hợp với điều đó. Bất cứ điều gì ít hơn sẽ không hiệu quả.


Source:First Things
 
Lễ tang của Đức Thánh Cha Phanxicô được ấn định vào sáng thứ Bảy 26 Tháng Tư.
Đặng Tự Do
05:52 22/04/2025
Hôm Thứ Ba, 22 Tháng Tư, Vatican cho biết trong quyết định đầu tiên của Hồng Y Đoàn, tang lễ của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ diễn ra vào sáng thứ Bảy 26 Tháng Tư, lúc 10 giờ sáng theo giờ địa phương Rôma, tức là 3 giờ chiều cùng ngày theo giờ Việt Nam.

Điều này phù hợp với tông hiến Universi Dominici Gregis, nghĩa là “Đoàn Chiên Phổ Quát của Chúa”, do Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố ngày 22-02-1996. Tông hiến này quy định tang lễ của một vị Giáo Hoàng phải diễn ra trong vòng từ 4 đến 6 ngày sau khi ngài qua đời.

Lễ tang của Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ được tổ chức tại quảng trường Thánh Phêrô. Buổi lễ sẽ do Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, 91 tuổi, người Ý, là niên trưởng Hồng Y đoàn chủ sự.

Tòa Thánh cho biết thánh lễ an táng Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ được tổ chức theo các quy định của Ordo Exsequiarum Romani Pontificis hay Nghi Thức An Táng Các Vị Giáo Hoàng Rôma, từ số 82 đến 109.

Vào cuối Thánh lễ, sẽ diễn ra nghi thức phó dâng và tiễn biệt. Thông thường, các vị Giáo Hoàng sẽ được chôn cất bên trong khu hầm mộ của Đền Thờ Thánh Phêrô. Cho nên, sau thánh lễ an táng, linh cữu của vị Giáo Hoàng quá cố sẽ được đưa từ quảng trường Thánh Phêrô vào Đền Thờ Thánh Phêrô và đưa đến khu hầm mộ.

Trường hợp Đức Giáo Hoàng Phanxicô có hơi khác. Theo di nguyện của ngài, ngài muốn được chôn cất tại Đền Thờ Đức Bà Cả. Thành ra, linh cữu của ngài đầu tiên sẽ được đưa vào bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô; rồi từ đó sẽ được đưa đến Đền Thờ Đức Bà Cả để chôn cất theo đúng di nguyện của ngài.

Một loạt các nhà lãnh đạo thế giới và các chức sắc nước ngoài sẽ tham dự tang lễ tại quảng trường Thánh Phêrô, bao gồm Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy được cho là có rất nhiều khả năng sẽ tham dự. Ông Zelenskiy có những hồi ức rất đẹp với Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Một số nguồn tin Ukraine cho rằng điều duy nhất hơi phiền là ông không muốn gặp mặt Tổng thống Trump.

Putin — người đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC ra lệnh bắt giữ vì tội ác chiến tranh ở Ukraine — không có kế hoạch tham dự tang lễ, phát ngôn nhân của ông cho biết hôm thứ Ba. Ý là một bên tham gia ICC và có nghĩa vụ bắt giữ Putin nếu ông đặt chân lên đất Ý.

Tổng thống Trump cho biết ông chắc chắn sẽ tham dự tang lễ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tổng thống trong nhiệm kỳ thứ hai của mình.

“Melania và tôi sẽ đến dự tang lễ của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Rôma. Chúng tôi rất mong được đến đó!”

Tổng thống Trump và Đức Giáo Hoàng đã có mối quan hệ căng thẳng trong thập niên qua. Tuy nhiên, hai người đã gặp nhau vào năm 2017 trong chuyến đi đến Vatican. “Ngài là một người tuyệt vời. Chúng tôi đã có một cuộc gặp gỡ tuyệt vời”, Tổng thống Trump nói sau đó.

Tổng thống Trump đã ra một sắc lệnh yêu cầu treo cờ rủ “như một dấu hiệu tôn trọng đối với ký ức về Đức Thánh Cha Phanxicô.”

Trước khi có tin Đức Giáo Hoàng qua đời, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Trump dự kiến sẽ là chuyến thăm tới Saudi Arabia vào tháng 5.
 
New York Times: Đức Phanxicô và sự kết thúc của chế độ Giáo hoàng đế quốc
Vũ Văn An
15:07 22/04/2025

Nguồn...Franco Origlia/Getty Images


Ross Douthat, người giữ mục Ý Kiến của tờ New York Times, một người trở lại Công Giáo đã lâu, ngày 21 tháng 4 năm 2025, có bài về Đức Phaxicô, có cả khen lẫn chê:

Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người đã qua đời vào sáng sau lễ Phục sinh ở tuổi 88, là một phiên bản của giáo hoàng tự do mà nhiều người Công Giáo đã tha thiết mong muốn trong suốt triều đại dài của Đức Gioan Phaolô II và triều đại ngắn hơn của Đức Bê-nê-đic-tô XVI — một người có thế giới quan được định hình và xác định bởi Công đồng Vatican II và triều đại giáo hoàng của ngài đã tìm cách đổi mới cuộc cách mạng của mình, một cuộc hiện đại hóa vĩ đại hơn nữa của Giáo Hội Công Giáo.

Theo một cách nào đó, ít nhất, ngài đã thành công. Trong nhiều thế hệ, những người theo chủ nghĩa hiện đại đã than thở về quyền lực quá lớn của giáo hoàng, sự lỗi thời của một chính quyền quân chủ trong thời đại dân chủ, cách mà khái niệm về sự bất khả ngộ của giáo hoàng đã đóng băng các cuộc tranh luận của Công Giáo ngay cả khi thế giới đang tiến về phía trước. Về lý thuyết, Đức Phanxicô cũng chia sẻ những mối quan tâm đó, hứa hẹn một giáo hội hợp đoàn và theo chiều ngang hơn, theo kiểu đồng nghị hơn, theo thuật ngữ của nền hành chánh Công Giáo. Trên thực tế, ngài thường sử dụng quyền lực của mình theo cùng một cách như những người tiền nhiệm, để kiểm soát và ngăn chặn những hành vi đi chệch khỏi thẩm quyền của mình — ngoại trừ lần này, mục tiêu là những người bảo thủ và truyền thống bất đồng chính kiến thay vì những người cấp tiến và hiện đại hóa.

Nhưng chỉ bằng cách tạo ra hình thức xung đột mới lạ đó, trong đó những người Công Giáo vốn quen ở cùng phe với Vatican đột nhiên thấy mình đối lập với thẩm quyền của giáo hoàng, Đức Phanxicô đã giúp phi huyền bí thẩm quyền của chức vụ của mình và làm suy yếu những tuyên bố áp đặt nhất của chức vụ đó.

Đó là bởi vì những người bảo thủ mà ngài làm lung lay niềm tin là những người cuối cùng tin vào chế độ giáo hoàng đế quốc, những người bảo vệ sự huyền bí của sự bất khả ngộ. Và bằng cách khuấy động nhiều người trong số họ nghi ngờ và bất tuân, ngài đã đá bay trụ cột chính cuối cùng hỗ trợ cho một chế độ giáo hoàng mạnh mẽ và để lại văn phòng của Thánh Phê-rô ở cùng vị trí với hầu hết các tổ chức khác của thế kỷ 21: được ban cho quyền lực nhưng thiếu uy tín, nổi lên nhờ sức lôi cuốn mà không có tính hợp pháp cơ bản, với các hành động được hiểu theo nghĩa là phần thưởng cho bạn bè và hình phạt cho kẻ thù.

Hai cuộc nổi loạn, nói riêng, minh họa cho sự thay đổi này. Cuộc nổi loạn đầu tiên là sự phản kháng liên tục đối với nỗ lực của giáo hoàng nhằm đàn áp, nhân danh sự hiệp nhất của Công Giáo và tinh thần của Công đồng Vatican II, Thánh lễ La tinh truyền thống của đức tin. Sau Công đồng Vatican II vào cuối những năm 1960, khi Đức Giáo Hoàng Phaolô VI làm lại phụng vụ của giáo hội, ngài đã tranh thủ đủ sự tuân theo để có thể nhanh chóng đẩy Thánh lễ mà mọi người Công Giáo trên thế giới đã lớn lên cùng vào chỗ tương đương với các hầm mộ — vào tầng hầm nhà thờ, phòng khách sạn và nhà nguyện ly giáo.

Trong khi khi Đức Phanxicô mưu toan một cuộc đàn áp tương tự, đảo ngược các quyền được Đức Bê-nê-đic-tô ban cấp, chỉ có các giám mục trung thành nhất của ngài thực sự đồng ý, và tác động chính là khơi dậy sự phản kháng và khiếu nại, thu hút sự chú ý của giới truyền thông mới đối với Thánh lễ La tinh cũ và tăng thêm uy tín của chủ nghĩa truyền thống trong số những người Công Giáo trẻ tuổi.

Cuộc nổi loạn đáng chú ý thứ hai là trong số các giám mục, sau động thái thận trọng của Vatican hướng tới việc cho phép một số loại phước lành cho các cặp đồng tính. Đó là động thái cấp tiến rõ ràng cuối cùng của Đức Phanxicô, những nỗ lực của ngài nhằm sử dụng thẩm quyền truyền thống để phục vụ cho các mục tiêu cấp tiến. Và nó đã trở thành một trường hợp điển hình về giới hạn quyền lực của giáo hoàng — vì nó đã gây ra sự từ chối đáng chú ý từ các giám mục châu Phi, giáo hội bảo thủ của thế giới đang phát triển từ chối chủ nghĩa cấp tiến của thế giới phát triển, điều này buộc Rome phải rút lui vào sự mơ hồ phòng thủ.

Vì tôi thường chỉ trích cách quản lý của Đức Phanxicô, hãy cho phép tôi đọc những thay đổi này theo thuật ngữ của thuyết quan phòng. Chế độ giáo hoàng hùng mạnh được tạo ra bởi hai thế lực lớn của thế kỷ 19: công nghệ di chuyển nhanh và truyền thông giúp tập trung hóa việc ra quyết định ở Rome dễ dàng hơn và sự mất đi quyền lực chính trị của Công Giáo, khiến các chính phủ thế tục mất hứng thú trong việc gây ảnh hưởng đến việc quản lý nội bộ giáo hội. Nó đã dần dần bị phá vỡ bởi một loạt các thay đổi hiện đại khác, từ phát minh ra thuốc tránh thai đến sự trỗi dậy của internet — với hậu quả của Công đồng Vatican II và nỗi thống khổ của cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục như những chất xúc tác đặc biệt.

Những gì Đức Phanxicô đã làm, bằng cách làm sáng tỏ các nỗ lực giải quyết giáo lý của các giáo hoàng trước đây và những người bảo thủ gây bất ổn như tôi, là thêm một chất xúc tác khác vào quá trình này, đưa chúng ta nhanh hơn vào bối cảnh của sự yếu kém về mặt định chế, thậm chí là bất lực, mà có lẽ cuối cùng chúng ta sẽ đạt được ngay cả dưới thời các giáo hoàng bảo thủ hơn.

Sự yếu kém đó không tốt cho việc quản lý Công Giáo, cho khả năng của các giám mục trong việc đưa ra sự hướng dẫn về mặt đạo đức và yêu cầu các nhà lãnh đạo thế tục chịu trách nhiệm, cho cảm thức thống nhất về giáo lý đang được cho là định nghĩa giáo hội Rôma.

Nhưng nó cũng mở ra những khả năng khác cho chứng ngôn của Ki-tô giáo và Công Giáo. Khi tôi nhìn xung quanh những sự khuấy động gần đây về mối quan tâm tôn giáo ở thế giới phương Tây, những cuộc trở lại đạo và những cuộc trở lại đạo tiềm năng, điều đáng chú ý là các cuộc tranh luận lớn về chiến tranh văn hóa trong 50 năm qua dường như đã lắng xuống và các mô hình lâu đời của cuộc cách mạng cấp tiến và sự phản kháng bảo thủ dường như không còn quan trọng đối với thời điểm hiện tại.

Trong trường hợp Công Giáo, mọi người không đột nhiên trở thành người Công Giáo vì những điều mà giáo hoàng đã làm hoặc đã nói, nhưng họ cũng không từ chối Công Giáo vì họ từ chối các sắc lệnh của giáo hoàng hoặc mong muốn thay đổi giáo lý. Thay vào đó, điểm yếu rõ ràng của Công Giáo như một định chế, sự phá vỡ các ranh giới về thẩm quyền và sự tôn kính, dường như đã khiến một số người dễ dàng coi Công Giáo như một tôn giáo, một lối sống và tìm thấy lối vào nhỏ bé của họ.

Vì vậy, có lẽ loại giải cấu trúc đã xảy ra dưới thời Đức Phanxicô, mặc dù không hoàn toàn theo cách mà nhiều người theo chủ nghĩa cấp tiến hy vọng, là điều cần thiết theo sự quan phòng để tạo nên bối cảnh này — một bối cảnh mà thẩm quyền cuối cùng sẽ cần được xây dựng lại nhưng, hiện tại, một bối cảnh mà một số trở ngại đối với thông điệp của Ki-tô giáo dường như đã được loại bỏ.

Việc bầu Đức Phanxicô trở nên khả thi nhờ sự từ chức của Đức Bê-nê-đic-tô, vốn là một động thái hiện đại hóa của một giáo hoàng bảo thủ, theo cách riêng của nó gợi ý về một chức vụ giáo hoàng được phi huyền bí, mang tính đoàn thể [corporate] hơn là tính gia phụ (paternal).

Là một người ngưỡng mộ Đức Bê-nê-đic-tô và là người chỉ trích Đức Phanxicô, tôi vô cùng hối hận về quyết định đó; với tư cách là người quan sát mô hình lớn hơn của lịch sử gần đây, tôi tự hỏi liệu khi từ bỏ gánh nặng của mình một cách vội vã, Đức Bê-nê-đic-tô có khởi động một kỷ nguyên mới kỳ lạ nào đó không.

Nhưng bất kể sự thật của điều đó nghĩa là gì, điều rất quan trọng là Đức Phanxicô đã không từ chức, rằng ngài đã để mình chết trong chức vụ, rất nhiều trước công chúng, thể hiện sự yếu đuối của mình, thậm chí cho đến phút cuối cùng. Bất kể những lựa chọn của ngài có ý nghĩa gì đối với vai trò định chế của giáo hoàng, ngài đã đóng vai trò của người cha là Phê-rô cho đến cuối cùng. Xin Chúa ban phước cho ngài vì điều đó, và xin cho Đức Phanxicô được yên nghỉ.
 
Xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng được yên nghỉ
Vũ Văn An
18:40 22/04/2025

Xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng được yên nghỉ.

JD Flynn, trên the Pillar, ngày 22 tháng 4, viết:

Xin chào mọi người,

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã qua đời, trước hết xin bắt đầu như vậy.

Tối qua tại Rome, Đức Hồng Y Kevin Farrell đã giám sát việc niêm phong các căn hộ chính thức của Đức Giáo Hoàng tại Điện Tông tòa của Vatican.

Cánh cửa được niêm phong của căn hộ giáo hoàng tại Điện Tông tòa của Vatican.


Ngay sau đó, ĐHY Farrell đã giám sát việc niêm phong các cánh cửa tại dãy phòng của Đức Giáo Hoàng trong nhà khách Santa Marta:

(Nguồn: Vatican Media).


Trên khắp Rome và cách xa thành phố, tiếng chuông ngân vang trên các tháp nhà thờ.

Trong các vương cung thánh đường của Giáo hội, những chiếc dù umbrellino — biểu tượng cho sự lãnh đạo hoàn cầu của giáo hoàng — đã được đóng lại một cách lặng lẽ, để báo hiệu chiếc ghế giáo hoàng đang bỏ trống tại Rome.

Và các linh mục, tại các bàn thờ của nhà thờ ở hầu hết mọi quốc gia trên hành tinh, đã có trải nghiệm kỳ lạ khi cầu nguyện theo kinh điển mà không nhắc đến giáo hoàng ở Rome — đối với nhiều người được thụ phong trong thập niên qua, đây là lần đầu tiên họ cầu nguyện theo cách đó.

Đức Giáo Hoàng qua đời gần một tháng sau khi xuất viện từ Bệnh viện Gemelli, nơi ngài đã dành nhiều tuần trong phòng chăm sóc đặc biệt, với thế giới được cập nhật hàng ngày về cách ngài ngủ, cách ngài ăn, cách ngài thở.

Khi rời bệnh viện, ngài dường như đang lấy lại sức, rời khỏi phòng trên xe lăn để cầu nguyện tại Vương cung thánh đường Thánh Phê-rô, gặp vua, hoàng hậu và phó tổng thống, chào đón trẻ em và cha mẹ ngạc nhiên của chúng, và sau đó, vào Chúa Nhật Phục sinh, được đưa đi một vòng cuối cùng quanh Quảng trường Thánh Phê-rô, vẫy tay yếu ớt với những người hành hương.

Có lẽ những người thân thiết nhất với ngài biết rằng đó là hồi kết, nhưng đối với nhiều người Công Giáo, có vẻ như mọi thứ đang trở nên tốt đẹp hơn đối với vị giáo hoàng, rằng ngài có thể vẫn còn sống được nhiều tháng nữa, rằng căn bệnh của ngài đã qua.

Và rồi ngài qua đời, vào sáng Thứ Hai Phục Sinh — ngài bị đột quỵ, rồi tim ngài suy sụp.

Thi hài của ngài hiện được quàn tại nhà nguyện nơi ngài cầu nguyện:

(Nguồn: Vatican Media).


Người ta nói rằng họ sẽ chôn cất Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào thứ Bảy tại Vương cung thánh đường Đức Bà Cả, Nhà thờ Rôma mà ngài yêu thích nhất.

Hiện tại không có ứng viên sáng giá nào cho chức giáo hoàng, như năm 2005, khi ứng viên được yêu thích nhất được bầu, và năm 2013, khi các ứng viên được yêu thích nhất trở về nhà vẫn nguyên là Hồng Y, và Đức Phanxicô lên ngôi giáo hoàng.

Hồng Y đoàn bị chia rẽ, các Hồng Y đã nói với tôi rằng họ biết rất ít đồng nghiệp của mình, và rằng Hồng Y đoàn sẽ tìm kiếm người lãnh đạo trong những tuần tới.

Sau khi Đức Giáo Hoàng được chôn cất, các Hồng Y sẽ họp trong nhiều ngày, sẽ có các bài phát biểu, trò chuyện trong giờ nghỉ uống cà phê và hình thành tình bạn. Vào thời điểm họ bước vào mật nghị - được cho là vào ngày 5 tháng 5 - có thể sẽ có sự đồng thuận ngày càng tăng, hoặc vẫn có thể là cuộc bầu cử bất cứ ai.

Do cách thức hoạt động của các quy tắc, mật nghị có thể sẽ diễn ra trong thời gian ngắn và thiên vị rất nhiều cho các Hồng Y nổi tiếng nhất, đặc biệt là những người làm việc tại Vatican.

Trước mật nghị, các nhà tiên tri sẽ cho bạn biết những ứng viên khả thi nhất, theo quan điểm của họ - một số có quan điểm sáng suốt, một số chỉ là dự đoán.

Và ngay cả ở The Pillar, chúng tôi sẽ cho bạn biết một số điều về các Hồng Y mà chúng tôi nghĩ sẽ được thảo luận trong những tuần tới.

Tên của Parolin sẽ xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông. Tương tự như vậy là những cái tên Zuppi, Grech, Erdo, Tagle, Pizzaballa. Tôi sẽ khuyên bạn không nên bỏ qua những Hồng Y ít được biết đến hơn có thể xuất hiện trong cuộc trò chuyện, như Hồng Y You Heung-sik, hoặc các nhà lãnh đạo giáo hội nhận được sự tôn trọng ở xa Rome, như Hồng Y Ambongo của Kinshasha.

Đức Hồng Y Robert Sarah đã trở thành chủ đề thịnh hành trên mạng xã hội, trở thành ứng viên kiểu meme, mặc dù khả năng ngài được bầu là khá thấp. Pizzaballa cũng đang có một khoảnh khắc như một papabile của giới truyền thông, mặc dù không rõ liệu ngài có đặc biệt nổi tiếng trong Hội đồng Hồng Y hay không.

Tóm lại, hầu hết chúng ta đều biết rất ít về những gì sẽ xảy ra trong mật nghị, và chúng ta có thể dự đoán rất ít. Trong những tuần tới, chúng tôi sẽ cho bạn biết những gì chúng tôi đang nghe và những xu hướng nào dường như đang thu hút sự chú ý ở Rome, và sau đó chúng ta sẽ cùng chờ xem ai sẽ trở thành Giám mục Rôma.

Trong thời gian làm giáo hoàng, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã nhấn mạnh rằng việc lựa chọn không phải là không thể sai lầm — rằng con người chọn giáo hoàng và có thể đưa ra những lựa chọn tốt hoặc xấu. Đúng là chính trị đóng một vai trò. Đúng là liên minh bộ lạc định hình các cuộc trò chuyện. Và đúng là việc lựa chọn giáo hoàng rất quan trọng — rằng chức giáo hoàng là một chức vụ thực sự quan trọng đối với sứ mệnh của Giáo hội trên thế giới.

Nhưng cách chúng ta hiểu và trải nghiệm về giáo hoàng đang thay đổi — và đã thay đổi kể từ khi các quốc gia giáo hoàng sụp đổ — và việc lựa chọn giáo hoàng tiếp theo sẽ định hình nó nhiều hơn nữa.

Chúng ta đã thấy trong các triều giáo hoàng gần đây có xu hướng xem hoặc đóng khung giáo hoàng giống như một tổng thống, với các ưu tiên chính sách và một cương lĩnh và các sáng kiến được yêu thích — một chương trình nghị sự — thay vì chủ yếu là người quản lý các mầu nhiệm, người có nhiệm vụ phục vụ như một điểm thống nhất, một sự bảo vệ chân lý và một bản lề cho các truyền thống của Giáo hội. Gần đây, các vị giáo hoàng được cho là hiện thân của một loại "ngôi vị giáo hoàng đế quốc", mặc dù Đức Benedict XVI, trong tám năm của mình, dường như đã đẩy lùi điều đó, hết mức có thể.

Khi các Hồng Y tập hợp cho mật nghị, họ phải đối mặt với những câu hỏi thực sự về những gì họ nghĩ giáo hoàng nên là, và loại người nào có thể thực hiện được điều đó.

Họ cũng phải đối mặt với thực tế của một Giáo hội bị chia rẽ sâu sắc sau thời kỳ giáo hoàng Phanxicô, với giai đoạn 12 năm hỗn loạn và bất đồng sâu sắc, được khuếch đại bởi tính cách phức tạp của Phanxicô và mong muốn thường xuyên chóng mặt của ngài là "làm rung chuyển mọi thứ", mà không phải lúc nào cũng có ý thức rõ ràng về việc ngài đang rung chuyển chúng để làm gì.

Trong khi Đức Phanxicô thường nói về những vùng ngoại vi bên ngoài Giáo hội, ngài đã để ngỏ những câu hỏi thực sự về sức mạnh của việc đẩy ra bên lề và tư duy nhóm trong đời sống giáo hội — việc tháo gỡ thời kỳ giáo hoàng của ngài có thể có nghĩa là thừa nhận những vết thương ngài để lại. Và ngoài bản thân Đức Phanxicô, đại dịch và cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục đã gieo rắc sự ngờ vực sâu sắc ở một số nơi, và các giám mục dường như không chắc chắn về cách ứng phó với điều đó, hoặc thậm chí thừa nhận nó.

Các quyết định của các Hồng Y về chức vụ Phê-rô được đưa ra trong bối cảnh có sự thay đổi rộng lớn hơn — điều mà Đức Phanxicô mô tả đúng là sự thay đổi của thời đại — khi truyền thông hoàn cầu tức thời định hình lại văn hóa, chính trị, tài chính và cộng đồng của con người.

Chúng ta vẫn chưa biết điều đó có ý nghĩa gì đối với tiếng nói và cuộc sống của Giáo hội, mặc dù chúng ta biết rằng những suy tư của những năm 1960 về "Giáo hội trong thế giới hiện đại" dường như chủ yếu đề cập đến thời đại đã qua, chứ không phải thế giới mà chúng ta thực sự đang sống.

Chúng ta cũng biết rằng vị giáo hoàng tiếp theo, bất kể ông giúp Giáo hội điều hướng sứ mệnh công bố Vương quốc như thế nào, cũng có những trách nhiệm cấp bách sẽ không chờ đợi — đặc biệt là thâm hụt ngân sách ngày càng tăng, ngân khố ngày càng cạn kiệt và xếp hạng tín dụng nguy hiểm của Vatican.

Theo thời gian, chúng ta có thể coi hoàn cảnh đó là sự quan phòng và là chất xúc tác cho cuộc cải cách và đổi mới vĩ đại — nhưng trong ngắn hạn, cuộc khủng hoảng tiền mặt cấp tính báo hiệu khó khăn.

Vậy chúng ta đang ở đâu?

Dù bạn nghĩ gì về Đức Phanxicô, hầu hết độc giả của Pillar sẽ thừa nhận rằng 12 năm qua không hề dễ dàng đối với Giáo hội.

Một số Hồng Y dường như thừa nhận điều đó.

Một số người nhìn thấy ở Đức Phanxicô — họ sẽ nói riêng — chiến thắng cuối cùng của một nền thần học thích nghi không có tác dụng trong việc hoán cải hoặc củng cố đức tin.

Nhưng những người khác dường như tin rằng Đức Phanxicô là hình mẫu cho sự lãnh đạo trong một thế giới đang thay đổi, rằng "sự thay đổi mô hình" của ngài là đúng đắn cho sứ mệnh của Giáo hội và rằng khó khăn trong 12 năm qua xuất phát từ sự phản kháng — đối với Đức Phanxicô và Chúa Thánh Thần.

Những vấn đề cấp bách khác đang nổi lên. Nhưng các Hồng Y sẽ chọn một giáo hoàng trong một quyết định được coi rộng rãi là cuộc trưng cầu dân ý về những câu hỏi này — Đức Phanxicô có phải là một giáo hoàng tốt không? Đường hướng của ngài có đúng không? Hay đã đến lúc phải điều chỉnh lộ trình?

Dù có chuyện gì xảy ra, điều đáng ghi nhớ là Chúa Kitô đã sống lại. Người đã chiến thắng sự chết. Người đã thành lập Giáo hội như là bí tích cứu rỗi. Tại các bàn thờ trên khắp thế giới, Người thực sự hiện diện.

Và trong những thời đại tốt và xấu đối với Giáo hội và sứ mệnh của Giáo hội, Người kêu gọi chúng ta nên thánh.

Ngay sau khi cái chết của Đức Giáo Hoàng được công bố, Edgar Beltran của chúng ta đã đến Quảng trường Thánh Phê-rô.

Hơn một giờ trước khi bắt đầu đọc kinh Mân Côi cầu nguyện cho linh hồn Đức Giáo Hoàng, Edgar thấy những người đưa tang đã đến xen kẽ với dòng xe cộ bình thường trong ngày thường ở quảng trường — khách du lịch chụp ảnh tự sướng và những người tham quan xếp hàng đến Nhà thờ Thánh Phê-rô, vẫn chưa nhận ra chuyện gì đã xảy ra.

Cuối cùng, hàng ngàn người sẽ có mặt để tiếc thương. Nhưng Edgar đã có mặt để hỏi một số người đến đầu tiên xem Đức Giáo Hoàng có ý nghĩa gì đối với họ. Một người tiếc thương— một tu sĩ dòng Capuchin đến từ Brazil — đã nói với The Pillar rằng ngài đã ảnh hưởng đến việc ông trở lại Công Giáo như thế nào.

“Đối với cá nhân tôi, Đức Giáo Hoàng từng có nghĩa mọi điều. Tôi xuất thân từ một gia đình Tin lành, nên (từng nghĩ) Đức Giáo Hoàng chính là Quái thú của Khải huyền, người chịu trách nhiệm cho mọi tà giáo trên thế giới.”

“Nhưng tôi đã trở lại đạo cách đây sáu năm và cảm giác này đã thay đổi từ sự căm ghét sâu sắc đối với hình ảnh người kế vị Thánh Phêrô thành cảm giác yêu thương, trìu mến và tôn kính sâu sắc. Quy tắc của dòng tôi nói rằng chúng ta phải luôn ở dưới chân Giáo hội Rôma Thần thánh, và đó là Đức Giáo Hoàng, ngài đại diện cho toàn thể Giáo hội,” ông nói thêm.

Một linh mục khác, đến từ Bờ Biển Ngà, đã tóm tắt những cảm xúc lẫn lộn mà những người khác bày tỏ với Edgar.

“Tôi đã được thụ phong một tháng sau cuộc bầu cử ngài,” Cha Alati đến từ Bờ Biển Ngà nói với The Pillar. “Vì vậy, ngài là giáo hoàng của tôi, ngay cả khi tôi không gần gũi với ngài về mặt thần học…
 
‘Ngài là giáo hoàng của tôi’ - Tại Nhà thờ Thánh Phêrô, những người hành hương thương tiếc Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Vũ Văn An
19:15 22/04/2025

Edgar Beltrán của The Pillar, ngày 22 tháng 4 năm 2025, tường trình: Sau khi có thông báo về cái chết của Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào ngày 21 tháng 4, hàng trăm người hành hương đã đổ xô đến Quảng trường Thánh Phêrô để cầu nguyện cho linh hồn của Đức Thánh Cha và cho Giáo hội.

Quảng trường Thánh Phêrô ngày 21 tháng 4, sau khi cái chết của Đức Giáo Hoàng được công bố. Tín dụng: Edgar Beltrán/The Pillar


Mặc dù khu vực xung quanh Quảng trường Thánh Phêrô có sự hiện diện đông đảo của cảnh sát và phương tiện truyền thông, nhưng trong những giờ ngay sau khi cái chết của Đức Giáo Hoàng được công bố, quảng trường không hoàn toàn chật kín — trông giống như vào một ngày xuân thường đông đúc.

Hàng nghìn du khách chụp ảnh tự sướng tại quảng trường, ngồi trên cầu thang và vào Vương cung thánh đường Thánh Phêrô để chiêm ngưỡng những kỳ quan nghệ thuật của quảng trường, dường như không hề biết đến tầm quan trọng của cái chết của Đức Giáo Hoàng.

Nhưng trên quảng trường cũng có hàng trăm người hành hương đang cầu nguyện, nhiều người rưng rưng nước mắt hoặc quỳ gối cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Một số người vừa mới đến hành hương khi nghe tin, những người khác sống ở Rome và những người khác sắp rời đi sau khi trải qua Tuần lễ Thánh tại Thành phố Vĩnh cửu - nhưng hầu hết đều không ngờ rằng Đức Giáo Hoàng sẽ qua đời khi họ ở trong thị trấn.

Tại sao họ lại vội vã đến Quảng trường Thánh Phêrô để cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng chỉ vài giờ sau khi cái chết của ngài được công bố?



"Là một linh mục, ngài là cha của tôi, ngài luôn thách thức tôi với tư cách là một linh mục", Cha James Searby thuộc Giáo phận Arlington nói với tờ The Pillar.

Cha James Searby cùng một số người hành hương. Tín dụng: Pillar Media/Edgar Beltrán


"Có những lúc tôi cảm thấy ngài làm tôi bối rối, nhưng ngài đã làm tôi hồi hộp. Giống như nghệ thuật tuyệt đẹp, khi bạn đến một vương cung thánh đường tuyệt đẹp, nghệ thuật ở đó đập vào mắt bạn, khiến bạn phải dừng lại", Cha Searby, người vừa mới đến Rome hôm nay cùng với một nhóm người hành hương.

“Đức Giáo Hoàng Phanxicô và lời dạy của ngài có cùng tác dụng, đó là nghệ thuật ‘poverello’, giống như Thánh Phanxicô, người cùng tên với ngài. Ngài là người nhỏ bé nghèo khổ, ngài lay động chúng ta và khiến chúng ta nhìn vào những người mà chúng ta thường không nhìn, và làm cho họ trở nên đẹp đẽ trong mắt chúng ta,” cha kết luận.

Cái chết của Đức Giáo Hoàng xảy ra chỉ một ngày sau một lần xuất hiện ngắn ngủi trước công chúng, khiến nhiều người sửng sốt.

“Thật hơi ngạc nhiên vì chúng tôi vừa cử hành Thánh lễ hôm qua như một cao đẳng [Cao đẳng Thánh Phêrô], vì vậy chúng tôi đã nhìn thấy Đức Thánh Cha khi ngài đi qua Quảng trường Thánh Phêrô,” Jonas, một chủng sinh người Đức tại Collegium Germanicum et Hungaricum, cho biết.

“Có một số cảm xúc lẫn lộn, vì chúng tôi đang trong tang lễ nhưng chúng tôi cũng đang sống trong niềm vui của Lễ Phục sinh. Vì vậy, có hai cảm xúc trong tâm hồn chúng tôi, nỗi buồn về cái chết của Đức Thánh Cha yêu dấu của chúng tôi và niềm vui về sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô,” ông nói thêm.

Jonas cho biết, theo quan điểm của ông, sự gần gũi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với mọi người sẽ vẫn là một trong những di sản bền bỉ nhất của ngài.

“Có một câu nói ở Rome, đó là mọi người đến Rome để gặp Đức Gioan Phaolô II, để lắng nghe Đức Benedict XVI và để chạm vào Đức Phanxicô. Ngài đại diện cho phong cách gần gũi này của một giáo hoàng, và ngài là người ủng hộ chính cho hòa bình. Thật tuyệt khi những lời phát biểu công khai cuối cùng của ngài hôm qua lại là lời kêu gọi hòa bình trên thế giới”, ông kết luận.

Đối với một số người, Đức Giáo Hoàng Phanxicô có tác động bản thân hơn.

“Đức Giáo Hoàng Phanxicô đại diện cho sự tha thứ, chấp nhận”, Claudia, một người Rôma, nói với The Pillar, cố kìm nước mắt.

“Ngài rất tuyệt khi chấp nhận những người trẻ tuổi và những người cô đơn và bị thiệt thòi nhất trong xã hội”, cô nói, trong khi mẹ cô cũng nhìn cô trong nước mắt.

“Một trong những điều đầu tiên ngài nói là ngài không được phán xét mọi người, và ngài đã đưa chúng tôi trở lại với cốt lõi của đức tin theo đúng nghĩa trọn vẹn nhất của nó”, cô nói thêm.

Những người khác, chẳng hạn như Fra Angelo, một tu sĩ dòng Capuchin người Brazil đang học tại Rome, đã nói với The Pillar rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ảnh hưởng đến việc họ trở lại Công Giáo.

Fra Angelo cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng tại Quảng trường Thánh Phêrô (The Pillar/Edgar Beltrán)


“Đối với bản thân tôi, Đức Giáo Hoàng từng có nghĩa mọi điều. Tôi xuất thân từ một gia đình Tin lành, nên (từng nghĩ) Đức Giáo Hoàng chính là Quái thú của Khải huyền, người chịu trách nhiệm cho mọi tà giáo trên thế giới.”

“Nhưng tôi đã trở lại đạo cách đây sáu năm và cảm giác này đã thay đổi từ sự căm ghét sâu sắc đối với hình ảnh người kế vị Thánh Phêrô thành cảm giác yêu thương, trìu mến và tôn kính sâu sắc. Quy tắc của dòng tôi nói rằng chúng ta phải luôn ở dưới chân Giáo hội Rôma Thần thánh, và đó là Đức Giáo Hoàng, ngài đại diện cho toàn thể Giáo hội,” ông nói thêm.

Di sản của Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể sẽ gây tranh cãi. Nhiều người Công Giáo không đồng tình với những điểm nhấn thần học hoặc cách tiếp cận của ngài đối với các vấn đề mục vụ.

Nhưng ngay cả trong số những người thấy mình xa rời thần học của ngài, vẫn có tình cảm và sự tôn trọng đối với sự nhấn mạnh của ngài về lòng thương xót.

“Tôi được thụ phong một tháng sau cuộc bầu cử của ngài,” Cha Alati từ Bờ Biển Ngà nói với The Pillar. “Vì vậy, ngài là giáo hoàng của tôi, ngay cả khi tôi không gần gũi với ngài về mặt thần học, vì tôi có lẽ gần gũi hơn với Đức Benedict XVI.”

“Nhưng sự cởi mở của ngài với những người bên ngoài Giáo hội rất cảm động, cũng như cách ngài tiếp cận mọi người. Vì vậy, tôi thực sự tôn trọng và yêu thích cách ngài nhấn mạnh rằng chúng ta nên tiếp cận những người bên ngoài Giáo hội và đối xử với họ bằng lòng thương xót hơn", ông nói thêm.

Phó tế Fernando Castro, LC, vừa đến Rome để chuẩn bị cho lễ thụ phong linh mục của mình sau 12 ngày nữa thì nghe tin Đức Giáo Hoàng qua đời.

"Đức Giáo Hoàng luôn mang đến cho chúng ta rất nhiều hy vọng trong thời điểm thử thách này. Tôi sẽ luôn mang theo bên mình lời nhắc nhở liên tục của ngài rằng các linh mục phải là những người chăn chiên có mùi của chiên, là linh mục cho mọi người", ông nói thêm.

Castro đã đến Quảng trường Thánh Phêrô cùng một nhóm những người hành hương trẻ tuổi đã sống qua Tuần Thánh ở Rome.

"Tôi cảm thấy vừa đau đớn vừa hy vọng", Eduardo, đến từ Brazil, nói với The Pillar. "Tôi rất yêu Đức Giáo Hoàng Phanxicô, và ngài đã để lại rất nhiều lời dạy cho chúng ta như các Ki-tô hữu và cho thế giới", ông nói thêm.

"Ngài đã đưa Giáo hội vào một kỷ nguyên mới và đến những nơi mà trước đây Giáo hội chưa từng đến. Đó là vị giáo hoàng đầu tiên tôi sống khi đã trưởng thành, bạn biết không?,” Matteo, từ Rome nói thêm.

Phó tế Fernando Castro cùng một nhóm người hành hương từ Mỹ Latinh Ảnh: Edgar Beltrán/Pillar Media


“Vì vậy, tôi đến đây vì tôi muốn đi cùng ngài và cảm ơn ngài vì tất cả những gì ngài đã cống hiến cho Giáo hội và cầu nguyện rằng Chúa Thánh Thần sẽ ban cho chúng ta một vị giáo hoàng thánh thiện khác, giống như ngài,” anh kết luận.

Các sinh viên từ Đại học Ave Maria, đang học một học kỳ tại Rome, cũng đã đến quảng trường để cầu nguyện sau khi nghe tin tức.

“Tôi đang ra ngoài mua cà phê và nghe tin về giáo hoàng vài phút sau khi thông báo và chạy ngay đến,” Caroline Ventura, một trong những sinh viên, nói với The Pillar.

“Ngài là cha của chúng tôi, tôi đã cầu nguyện cho ngài trong mọi Thánh lễ trong suốt cuộc đời mình và giờ đây việc ngài đột ngột ra đi thật là sốc,” cô nói thêm.

“Chúng tôi chạy ra đây nhanh nhất có thể để cầu nguyện cho ngài,” Monica Patti, một sinh viên khác, nói với The Pillar. “Ngài là cha của chúng tôi, ngài là người kế nhiệm của Thánh Phêrô, chúng ta thực sự cảm thấy sự vắng mặt của ngài khi chúng ta không thể trông cậy vào ngài để được hướng dẫn về mặt tâm linh mà ngài đã ban cho Giáo hội.”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nghi thức thứ 6 tuần thánh và ngắm nguyện táng xác, Calgary
Lm JB Nguyễn Đức Vượng o.p
08:08 22/04/2025
Nghi thức thứ 6 tuần thánh và ngắm nguyện táng xác, Calgary

Nghi thức T6:

Ngắm & táng xác:
 
Lễ vọng Phục Sinh gx Thánh Vinh Sơn Liêm Calgary Canada
Lm JB Nguyễn Đức Vượng o.p
08:35 22/04/2025
 
Thánh lễ Tiệc ly 2025 tại giáo xứ CTTĐVN Seattle
Nguyễn An Quý
15:49 22/04/2025
Thánh lễ Tiệc ly 2025 tại giáo xứ CTTĐVN Seattle

Tukwila. Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Seattle cùng với Giáo Hội hoàn vũ bắt đầu cử hành Tam Nhật Vượt Qua với thánh lễ Tiệc Ly vào thứ Năm ngày 17 tháng 4 năm 2025. Trong những ngày Tam Nhật Thánh mỗi ngày giáo xứ đều có 2 lễ như 2 Thánh Lễ Tiệc Ly và nghi thức phụng vụ Tôn kính Thánh Giá đều được cử hành vào lúc 5 giờ và 7 giờ 30 tối. Hôm nay Thánh Lễ 7 giờ 30 tối, Phần phụng vụ do các em Thiếu Nhi Thánh Thể phụ trách
.
Xem Hình

Đúng 7 gìờ 30, Ca đoàn hát bài ca nhập lễ và nghi đoàn gồm các em Thiếu Nhi Thánh Thể cung nghinh Thánh Giá và ba bình Dầu Thánh tiến lên cung thánh, cha chánh xứ Gioakim Đào Xuân Thành chủ tế Thánh Lễ. Trước thánh lễ là phần nghi thức giới thiệu các loại Dầu Thánh do 3 đại diện tiến lên đặt vào vị trí trang trọng gồm:
Dầu dự tòng OS (Oleum Sanctum hay Oleum Catechumenorum): được dùng trong bí tích rửa tội cho người lớn hay trẻ em. Dầu Dự Tòng được xức cho các dự tòng trước khi Rửa Tội, để qua việc xức dầu này, Hội Thánh xin Chúa ban sức mạnh cho các dự tòng biết chống lại tội lỗi và sự ác, tựa như người lực sĩ được xoa bóp dầu trước khi lên võ đài.

Dầu thánh hiến SC (Sanctum Chrisma): được dùng trong các bí tích rửa tội, thêm sức và truyền chức thánh (linh mục, giám mục) và thánh hiến bàn thờ, nhà thờ.

Dầu bệnh nhân OI (Oleum Infirmorum): được dùng khi cử hành bí tích sức dầu bệnh nhân.
Tưởng cũng nên biết, tất cả ba loại dầu này được Đức Giám Mục Giáo phận làm phép mỗi năm một lần trong thánh lễ gọi là Lễ Dầu đã đựợc cử hành trước hoặc Thứ Năm Tuần Thánh để dùng cho nhu cầu mục vụ suốt năm tại các Giáo Xứ trong Giáo Phận. Tuy nhiên vì lý do nhu cầu mục vụ cần thì linh mục cũng được phép làm phép dầu thánh ngoài thánh lễ đặc biệt nêu trên.

Sau phần giới thiệu các lại dầu, Thánh Lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Lời Chúa. Tin mừng hôm nay thánh Gioan kể lại câu chuyện về quang cảnh buổi tiệc ly mà Chúa Giêsu đã trao đổi với các tông Đồ theo Ngài trong giờ phút chuẩn bị cho cuộc khổ nạn của Ngài, nhất là khi Ngài nói đến việc Ngài làm với cử chỉ rửa chân cho các Tông Đồ trong buổi tiệc ly như sau:"...Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ra, lấy khăn mà thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy Người đến chỗ Simon Phêrô, ông này thưa Người rằng: "Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư?" Chúa Giêsu đáp: "Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu". Phêrô thưa lại: "Không đời nào Thầy sẽ rửa chân cho con". Chúa Giêsu bảo: "Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy". Phêrô liền thưa: "Vậy xin Thầy hãy rửa không những chân con, mà cả tay và đầu nữa". Chúa Giêsu nói: "Kẻ mới tắm rồi chỉ cần rửa chân, vì cả mình đã sạch. Tuy các con đã sạch, nhưng không phải hết thảy đâu". Vì Người biết ai sẽ nộp Người nên mới nói: "Không phải tất cả các con đều sạch đâu..."
Sau phần phụng vụ Lời Chúa là nghi thức của buổi Tiệc Ly được diễn ra một cách trang trọng. Mở đầu linh mục chủ tế đã đề cập đến ý nghĩa của việc Chúa đã rửa chân cho các môn đệ của Ngài đã diễn ra trong buổi Tiệc Ly. Đoàn Chúa Hài Đồng đảm nhận vai 12 tông đồ tham dự nghi thức rửa chân.

Nghi thức rửa chân được diễn ra sau bài giảng lễ ngắn gọn của linh mục chủ tế phụ trách giảng lễ. Cha chánh xứ Đào Xuân Thành chủ tế thánh lễ thực hiện việc rửa chân diễn lại quang cảnh xưa kia thầy trò của Chúa Giêsu đã ăn lễ Vượt Qua một cách thân mật trong một bữa ăn tối. Tất cả những gì mà Chúa đã trao đổi với 12 Tông Đồ trong bửa tiệc ly là Chúa muốn mời gọi các Môn đệ của Chúa : "hãy yêu thương nhau". Khi rửa chân cho các môn đệ, Chúa cũng đã giải thích cho các Tông Đồ theo Ngài: "Ta là Thầy, là Chúa mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau ". Linh mục Chủ tế đóng vai Chúa Giêsu đã diển tả một cách sinh động khi rửa chân cho các đại diện đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể trong đoàn 12 Tông đồ, ngài đã thân thương dùng khăn lau chân cho từng người sau khi rửa chân.

Nghi thức rửa chân kết thúc và thánh lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Thánh Thể.
Sau Thánh lễ là cuộc rước kiệu Thánh Thể trọng thể. Cha chánh xứ chủ sự cuộc rước kiệu Thánh Thể, ngài cầm Bình Thánh Thể có phong du do các em Thiếu Nhi Thánh Thể hầu Mình Thánh. Đoàn kiệu tiến về phía cuối nhà thờ và kiệu quanh một vòng trong nhà thờ rồi tiến về vị trí đặt nhà chầu trong nhà thờ một cách trang trọng. Giờ chầu được cử hành trọng thể. Mở đầu là giờ chầu chung của giáo xứ, do các em Thiếu Nhi Thánh Thể phụ trách phần dẫn nguyện có sự hiện diện của đông đảo giáo dân tham dự. Đến 9 giờ 30 phút, các hội đoàn thay phiên nhau chầu cho đến 12 giờ mới chấm dứt. Đoàn Liên Minh Thánh Tâm phụ trách phần dẫn nguyện giờ chầu từ 11 giờ 30 đến 12 giờ một cách sốt sắng cùng với sự hiện diện của Giáo Đoàn La Vang, Hội Ái Hữu Tổng Giáo Phận Huế và nhiều giáo dân ở lại chầu cho đến giờ phú cuối.

Đúng 12 giờ khuya, cha chánh xứ chủ sự bế mạc kết thúc đêm canh thức chầu Thánh Thể của đêm Thứ Năm Tuần Thánh và ngài đã cung thỉnh Mình Thánh Chúa vào nơi yên tỉnh trong phòng Thánh, trả lại sự yên lặng của ngôi giáo đường để chuẩn bị bước vào ngày thứ sáu, ngày tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa. Suốt hơn 3 tiếng đồng hồ, đông đảo giáo dân của từng Giáo Đoàn, Hội Đoàn, Ca Đoàn đã sốt sắng cầu nguyện bên nhau trước Mình Thánh Chúa, tất cả đã thật sự đến với Chúa trong tâm tình cầu nguyện của đêm Cực Thánh, đêm canh thức sau buổi tiệc ly mở đầu đi vào Tam Nhật Vượt Qua Năm 2025 tại giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Tổng Giáo Phận Seattle.
Nguyễn An Quý


 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Khuôn mặt Chúa Giêsu sống lại: một sáng tạo mới!
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
15:51 22/04/2025
Khuôn mặt Chúa Giêsu sống lại: một sáng tạo mới!

50 ngày từ ngày lễ Chúa Phục sinh đến ngày lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, Giáo Hội mừng kính Tin Mừng mầu nhiệm Chúa phục sinh. Sau khi Chúa Giêsu bị đóng đinh chết trên thánh gía, được chôn táng trong mồ dưới lòng đất, Ngài đã không nằm yên cho bị tan xương nát thịt thành tro bụi trong đó. Nhưng Thiên Chúa đã làm phép lạ cho Ngài sức mạnh quyền năng chiến thắng thần chết tội lỗi, chỗi dậy ra khỏi nấm mồ.

Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa đã sống lại từ cõi chết âm u. Sự sống lại của Người đem lại cho con người sự sống mới. Đây là mầu nhiệm ơn cứu độ, mà trong suốt mùa phục sinh 50 ngày, được đọc nhắc nhớ lại qua các bài tường thuật trong Phúc âm.

Trong ngày Chúa nhật lễ mừng kính mầu nhiệm Phục sinh Chúa sống lại, Phúc âm thuật lại quang cảnh Maria Madalena gặp Chúa Giêsu sống lại nơi nấm mồ lúc tảng sáng tinh sương. Nhưng Maria Madalena lại nghĩ tưởng là ngưòi thợ làm vườn.

Sự hồ nghi hay nghĩ tưởng của Maria Madalena không trái ngược với hoàn cảnh thiên nhiên. Trái lại có thể giúp suy niệm sâu xa hơn về ý nghĩa Chúa Giêsu phục sinh.

Theo Phúc âm thuật lại, Maria Madaena nhìn nấm mồ thấy mồ chôn Chúa trống trơ trọi lẩn trong khu vườn. Rồi chị ta nghĩ ngay người đang đứng nói chuyện với mình là người làm vườn đã thu dọn cỏ cây trong vườn, và có thể ông ta biết kẻ đã chết ở đây bị đưa đi đâu rồi, nên mồ mới trống rỗng như thế này!

Các Thánh Giáo Phụ đã có suy niệm về hình ảnh ngưòi thợ làm vườn này là hình ảnh nói về Thiên Chúa. Thiên Chúa cũng là người thợ làm vườn trong khu vườn sáng tạo. Khi Ngài sáng tạo trời đất đã lập nên khu vườn địa đàng thuở ban đầu, như trong sách Sáng thế ký thuật lại.

Trong khu vườn địa đàng, Thiên Chúa cho con người đầu tiên Adong và Evà có đời sống bằng an hài hòa với thiên nhiên, với Thiên Chúa. Khu vườn địa đàng là ngôi nhà của con ngưòi như ý Thiên Chúa muốn cho họ.

Nấm mộ chôn Chúa Giêsu trong một khu vườn giờ đây đã trống không. Vì Ngài đã sống lại, như Phúc âm thuật lại, cũng ăn khớp với hình ảnh khu vườn địa đàng sự sống ngày xưa. Và bây giờ là khu vườn sáng tạo sự sống mới. Nhờ sự chết và sống lại của Chúa Giêsu, sự sáng tạo mới cho một trang sử sự sống mới được tạo dựng mở ra cho con người.

Khu vườn nào cũng có hoa thơm cỏ đẹp, cây cối xanh tươi tốt. Khu vườn nào cũng được dọn dẹp sạch sẽ có hàng rào, có đường lối đi lại, có luống đất thành hàng trồng cây, và cây cối được chăm sóc bón phân tưới nước đều đặn.

Khu vườn có thể nói là hình ảnh công sức tình yêu của người làm vườn đầu tư vào nơi đó. Người làm vườn bỏ công sức mồ hôi thời giờ, và nhất là ý thích tình yêu cho khu vườn. Và người làm vườn cũng nhận lại được phần thưởng là sự phát triển sinh hoa kết trái từ khu vườn. Điều này mang đến cho người làm vườn, cùng cho người đến thăm khu vườn, hay cho người sống trong đó sự thư thái bình an hạnh phúc.

Trong hoàn cảnh thời sự đang diễn xảy ra nơi nhiều vùng đất nước trên thế giới tình trạng chiến tranh bom đạn tàn phá, rồi sự biến đổi khí hậu nắng nóng ngày càng nhiều hơn, nước mưa từ trời cao toả xuống rất cần thiết cho nền đất cho sức sống ngày thưa thớt ít đi… khiến những vùng đất, những khu rừng, khu vườn bị khô héo như tàn lụi, vì nạn hạn hán. Nên cây cối, sự sống không phát triển lên được, nạn đói và sự chết là mối đe dọa hoành hành thắng vượt trội. Trong tình trạng đó nước mưa, sự hoà bình là niềm hy vọng mang đến sự giải thoát ra khỏi vùng khô cằn, vùng sự đói khát nghèo đói. Nước mưa, sự hoà bình là nguồn mạch sức sống mang lại cho thiên nhiên, cùng con người, các thú sinh vật được phục hồi phát sinh triển nở trở lại.

Sự sống lại là nhu cần luôn cần thiết cho con đường đời sống thiên nhiên và tâm linh siêu nhiên.

Mầu nhiệm Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết là khởi đầu sự trở về khu vườn địa đàng mới. Không phải sự chết là tiếng nói cuối cùng đời con người. Nhưng Thiên Chúa, Đấng sáng tạo nên đời sống muốn con người có sự sống.

Sự sống sáng tạo mới Thiên Chúa đã gieo trồng khởi sự từ ngày chúng ta lãnh nhận làn nước bí tích rửa tội trong tâm hồn đời sống con người. Và ngày sau cùng đời sống Ngài sẽ làm cho hoàn thành trong nước Chúa.

Đó là cùng được sống lại với Chúa Giêsu phục sinh.

Mừng lễ Chúa Phục sinh

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Chút tâm tình nhớ về Cha qúa cố Giuse Nguyễn văn Tịnh
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
21:33 22/04/2025
Chút tâm tình nhớ về Cha qúa cố Giuse Nguyễn văn Tịnh

Ngày Chúa nhật, 20.04.2025, ngày mừng đại lễ Chúa Giesu Kito phục sinh, Cha cố Giuse Nguyễn Văn Tịnh đã được Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa vũ trụ và con người, gọi trở về quê hương trên trời, nơi là nguồn bình an, sau hơn 94 năm hành trình trên trần gian (* 1931+ 20.04.2025), và sau gần 68 năm ( 1957-29.06. 2025) đã được Thiên Chúa kêu gọi là Linh mục dấn thân cho việc mục vụ trên cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội Chúa ở trần gian.

Cha cố Giuse Nguyễn văn Tịnh là linh mục triều gốc Phát Diệm, Việt Nam. Nhưng sau đó cha thuộc Linh mục đoàn Giáo Phận Đà Nẵng. Sau biến cố 1975 cha làm việc mục vụ bên giáo phận San Jose, Hoa kỳ, rồi sau đó cha đã phục vụ việc mục vụ nơi Giáo Phận Aachen, nước Đức. Cha cũng đã lo việc mục cho người Công giáo Việt Nam vùng Aachen, Moenchengladbach, Krefeld và Viersen từ 1994-2004. Sau khi nghỉ hưu cha trở về bên Hoa kỳ sống cuộc đời buổi xế chiều trong thinh lặng và cầu nguyện cho tới ngày được Chúa gọi ra đi trở về với Ngài.

Cha cố Giuse Văn Tịnh đã ra đi khỏi cuộc sống trần gian. Nhưng những hình ảnh kỷ niệm ngày xưa với cha cố Giuse Tịnh, nhất là tính chất hiền hòa, cung cách lối sống của một người trí thức, nhưng tràn đầy đức tính đạo đức lòng khiêm nhường cùng chăm chỉ mẫn cán làm việc mục vụ, trí óc minh cần mẫn cởi mở của ngài, như những đoạn cuốn phim giờ đây quay hiện ra lại trong trí khôn tâm hồn những người giáo dân Công giáo ở vùng những Cộng đoàn Công giáo Việt Nam bên giáo phận Aachen với lòng ngậm ngùi nhớ nhung cùng biết ơn.

Họ trong dòng nước ngậm ngùi đau buồn tang tóc, từ nơi khung trời xa xôi bên nước Đức chia ly từ biệt người cha tinh thần của mình, mà từ hơn thập niên đã qua cha con đã cùng chung sống thực hành con đường sống đạo, gìn giữ phát triển nếp sống đức tin vào Thiên Chúa nguồn tình yêu thương.

Những cộng đoàn Công giáo Việt Nam bên giáo phận Aachen trở thành quê hương, là gia đình tinh thần đức tin của Cha cố Giuse Tịnh:

nơi đây cha cùng với những người giáo dân đã sống gắn bó trải qua những bước đường đời sống đạo, cũng như tình người với những buồn vui thăng trầm,

nơi đây cha con đã cùng nhau trải qua những giờ phút căng thẳng lo âu, cũng như niềm hy vọng, niềm vui mừng hạnh phúc trong nụ cười tình thân ái,

nơi đây cha con đã gặt hái thu lượm được bao kinh nghiệm qúi báu cho đời sống đạo, dù có những khác biệt trong suy nghĩ, trong hành động và trong lời nói trao đổi với nhau.

Và trong không khí gia đình thiêng liêng đức tin đó, cha con trong suốt hành trình đã cùng nhau đọc kinh cầu nguyện, dâng thánh lễ Misa cử hành các nghi lễ Bí tích thờ phượng Thiên Chúa tình yêu.

Cha cố Giuse Tịnh vào những năm tháng từ khi đi nghỉ hưu buổi tuổi đời xế chìều cho tới ngày qua đời sức khoẻ trở nên yếu kém dần. Vì bệnh nạn, bệnh tim mạch phải giải phẫu có nhiều đau đớn liên lỷ, giây thanh quản yếu kém phải giải phẫu làm cho tiếng nói không rõ ràng, bệnh đau yếu con mắt làm cho sức lực thân thể bị ảnh hưởng hao mòn. Nhưng cha luôn bình tĩnh âm thầm cố gắng chịu đựng vượt qua mong chu toàn việc bổn phận với lòng nhiệt thành của một người mục tử đầy nhiệt huyết chu toàn trách nhiệm lo việc tinh thần đạo đức mục vụ cho giáo dân.

Có lẽ trong thời gian chịu đựng bệnh nạn, cha cố Giuse đã suy nghĩ nhiều nhớ đến những đôi bàn tay trong đời mình.

Cha nhớ đến đôi bàn tay chan chứa tình yêu thương của cha mẹ ngày xưa đã sinh thành, nuôi dưỡng săn sóc dẫn dắt cha lớn lên đi vào đời, mà giờ đây các ngài đã qúa vãng thành người thiên cổ từ hằng bao chục năm nay, với lòng biết ơn sâu thẳm.

Cha nhớ đến đôi bàn tay Giáo Hội đã phong chức cho trở thành linh mục của Chúa cách đây gần 68 năm. Đôi bàn tay ân đức của Chúa ban cho cha chức thánh trở thành hiện thân của Chúa Kitô để tế lễ ban các Bí Tích trong Giáo Hội. Nhớ đến trong niềm vui mừng biết ơn cùng lòng khiêm nhường, vì được Chúa kêu gọi sai đi làm việc phục vụ cho dân Chúa.

Cha nhớ đến những đôi bàn tay của những người giáo dân trong các xứ đạo từ bên ViệtNam, sang tới Hoa kỳ, bên nước Đức đã cùng hằng đồng hành cộng tác lo việc sinh hoạt mục vụ sống đạo. Nghĩ nhớ tới với niềm vui mừng hãnh diện cùng lòng cảm kích cám ơn. Chính nhờ có những đôi bàn tay cùng cộng tác đó, công việc nếp sống mục vụ mới trôi chảy phát triển có kết qủa tốt đẹp.

Là con người trong lúc đau bệnh phải cố gắng trong âm thầm chịu đựng, cha nhiều lúc như chới với không biết bám víu vào đâu. Nhưng như có tiếng thầm thĩ an ủi nhắn nhủ vang lên trong tâm hồn: „Con hãy nắm lấy tay Ta. Ta là Đấng sinh thành ra con, đã nuôi sống đời con, đã kêu gọi con trở thành linh mục cho Ta. Ta sẽ cứu giúp con, sẽ dẫn đưa con đến bờ bến bình an vĩnh cửu…“

Có lẽ trong tâm hồn Cha cố Giuse Tịnh của chúng ta nhiều khi cũng đã nghe tiếng Thiên Chúa nói điều gì đó với mình… Và cha hằng cầu khấn kêu xin Thiên Chúa tình yêu nhờ lời bầu cử của Thánh cả Giuse, bổn mạng của cha, xin Thiên Chúa ban ơn chúc lành trợ giúp cho chính bản thân mình, cho giáo dân nơi các xứ đạo mà cha đã dấn thân phục vụ, cho anh chị em con cháu gia đình mình, cho bạn bè cùng những người đã làm ơn cho mình trong đời sống.

Cha cố Giuse Văn Tịnh đã yên nghỉ ra đi về đời sau. Về phần thân xác cha trở thành người thiên cổ. Nhưng linh hồn được Thiên Thần Chúa dẫn đưa vào quê hương nguồn đời sống trên trời cao, trở về với Thiên Chúa, Đấng sinh thành, nuôi dưỡng và kêu gọi cha trở thành người thợ phục vụ trong khu vườn Giáo Hội Chúa trên trần gian.

Ngày xưa cách đây gần 68 năm lúc còn tuổi thanh niên trẻ trung trong vui mừng rộn rã hân hoan, cha đã cầm ngọn nến cháy sáng bước tiến lên bàn thờ Chúa nhận lãnh chức thánh Linh mục với tâm nguyện lòng khiêm nhượng:“ Lạy Chúa, này con đây. Này con xin đến để thi hành thánh ý Cha!”

Bây giờ sau hơn 94 năm lữ hành trên trần gian cha nằm xuôi hai tay chân bất động, không còn hơi thở nhịp tim đập trên giường bệnh, rồi được bao bọc trong cỗ áo quan đóng kín... Thảm cảnh u buồn này gây ra không khí đau buồn tang tóc cho người còn đang sống trên trần gian. Nhưng lại truyền cảm hứng của sứ điệp tràn đầy lòng tin tưởng cậy trông trong đời sống cha “ Trong tay ngài, lạy Chúa con xin phó thác hồn con!Chúa là gia nghiệp đời con!”

Có lẽ trong giờ phút sau cùng đời sống, có thể cha cố Giuse Tịnh trong tâm hồn nhận biết mình đang tiến gần tới ngưỡng cửa sự sống vĩnh cửu bên Thiên Chúa, nguồn đời sống, và có thể cha cũng có tâm tình: „Lạy Chúa, con xin dâng tâm tình tạ ơn Chúa đã kêu gọi con trở thành linh mục cho Chúa ở trần gian. Con xin phó dâng những người thân yêu trong gia đình con, các học trò, những bạn bè người quen biết, trong bàn tay chan chứa tình yêu thương của Chúa, và cả những người đã làm ơn cho con trong đời sống, cho các giáo phận, xứ đạo con đã được đến phục vụ việc mục vụ sống đức tin…

Đến đây con không còn có thể tiếp tục được nữa. Con đã kiệt hết sức lực rồi. Xin Chúa hoàn tất những gì Chúa đã khởi sự ngày con lãnh nhận làn nước Bí Tích rửa tội đức tin vào Chúa năm xưa cách đây 94 năm, ngày con được nhận chức thánh Linh mục năm xưa cách đây 68 năm.

Lạy Thiên Chúa tình yêu, con xin trao gửi đời con trong đôi bàn tay nhân lành của Chúa, cùng tất cả những gì con đã lãnh nhận, những gì con có. Ngày xưa từ cung lòng mẹ con đi vào đời sống trên trần gian với hai bàn tay không. Bây giờ nghe tiếng Chúa kêu gọi, con trở về bên Chúa cũng với hai bàn tay không. Xin Chúa tha thứ những lỗi lầm khiếm khuyết tội lỗi con đã vấp phạm, và xin đón nhận con. Con là con của Chúa. Con là đứa đầy tớ vô dụng…“

Và trong thâm tâm lúc cuối cùng đời sống trên trần gian cha cũng đã có suy niệm tâm tình:

Tôi xin cám ơn sự nâng đỡ cùng tấm lòng yêu thương qúi mến, sự nâng đỡ mọi người đã dành cho tôi trong suốt dọc đời sống của tôi trên trần gian.

Tôi vui mừng hạnh phúc được phục vụ cùng sống đạo đức tin Công giáo với anh chị em giáo dân Việt Nam ở các xứ đạo bên Việt Nam, bên Hoa kỳ và bên nước Đức.

Tôi cũng vui mừng từ hằng chục năm nay được cùng đồng hành sống tình nghĩa gia đình anh chị em linh mục tu sĩ nam nữ Việt Nam ở nước Việt Nam, nước Hoa Kỳ và nước Đức. Đức tin vào Thiên Chúa, ơn kêu gọi nếp sống tu trì liên kết chúng ta lại với nhau, thật đẹp tuyệt vời và cao cả!

Tôi xin mọi người tha thứ cho tôi. Vì những lỗi lầm khiếm khuyết qua lời nói cũng như qua hành động việc làm, mà tôi đã vô tình vấp phạm gây ra sự xích mích hay hiểu nhầm làm phiền lòng mọi người.

Xin mọi người cầu nguyện cho linh hồn tôi được Thiên Chúa ban ơn tha thứ, cứu chuộc cho về sống trên nước Chúa hằng sống!

Vâng, thưa cha Cố Giuse, chúng con những người giáo dân, những học trò của cha cố, xin cúi đầu trong dòng nước mắt nghẹn ngào từ gĩa chào biệt Cha cố, cùng dâng lời kinh vực sâu cầu nguyện nhớ về Cha cố Giuse yêu kính của chúng con.

Bên ngai Thiên Chúa xin cha cố là trạng sư cầu nguyện cho chúng con, những người còn đang trên đường lữ hành ở trần gian.

Cha cố Giuse đã nghe tiếng Thiên Chúa gọi ra đi về đời sau nơi xa xôi bên nước Hoakỳ, chúng con những người gíao dân Việt Năm và học trò bên nước Đức, rất buồn không thể đến tham dự lễ an táng tiễn biệt cha cố của chúng con. Nhưng lòng chúng con luôn hằng nhớ tới hình ảnh, tính tình lời nói gương sống của Cha Cố với lòng biết ơn.

Chúng con xin nghẹn ngào cúi đầu dâng lời kinh vực sâu, thắp sáng ngọn nến cầu nguyện cùng Thiên Chúa, nguồn ơn cứu độ ban cho cho linh hồn Cha cố sự tha thứ ơn bình an và ánh sáng phục sinh trên nước Chúa..

Xin thành kính phân ưu cùng thân nhân gia đình Cha qúa cố Giuse Nguyễn Văn Tịnh.

„Nhục thể ly trần lưu cát bụi

Hồn thiêng thoát tục nhập thiên cung."

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

Cậu học trò cũ của cha cố Giuse Nguyễn Văn Tịnh
 
Thông Báo
THÔNG TẤN XÃ VIETCATHOLIC THÀNH KÍNH PHÂN ƯU
Khanh Lai
08:12 22/04/2025
 
VietCatholic TV
Ukraine: Chiêu trò ngừng bắn của Putin là để tấn công Kharkiv. Typhoon Anh truy cản Su-khoi Nga
VietCatholic Media
03:10 22/04/2025


1. Nga tiến hành cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa hàng loạt vào Odessa trong bối cảnh Kyiv kêu gọi ngừng bắn cơ sở hạ tầng dân sự

Chính quyền địa phương cho biết Nga đã tiến hành một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa hàng loạt vào thành phố cảng Odessa của Ukraine trong đêm 21 tháng 4, khiến ít nhất ba người bị thương.

Cuộc tấn công nhắm vào một tòa nhà dân cư trong một khu dân cư đông đúc, Thị trưởng Odessa Hennadii Trukhanov cho biết. Đám cháy bùng phát khi va chạm và một số căn nhà bị hư hại.

Thống đốc khu vực Oleh Kiper cho biết có ba người bị thương và đang được điều trị y tế.

Cuộc tấn công vào Odessa diễn ra trong bối cảnh Ukraine đang chờ phản hồi về lệnh cấm tấn công tầm xa nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự. Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết vào ngày 21 tháng 4 rằng lệnh cấm vẫn còn trên bàn và Kyiv mong đợi một “câu trả lời rõ ràng” từ Mạc Tư Khoa.

Tổng thống Zelenskiy lần đầu tiên đề xuất lệnh ngừng bắn một phần vào ngày 20 tháng 4, trong những giờ cuối cùng của “lệnh ngừng bắn Phục sinh” ngắn ngủi của Nga. Trong khi Ukraine ghi nhận hơn 3.000 lần Nga vi phạm lệnh ngừng bắn tạm thời, Tổng thống Zelenskiy cho biết báo động không kích đã im ắng trên khắp cả nước vào lễ Phục sinh.

Sau đó, tổng thống đề xuất lệnh ngừng bắn đối với “bất kỳ cuộc tấn công nào bằng máy bay điều khiển từ xa tầm xa và hỏa tiễn vào cơ sở hạ tầng dân sự trong thời gian ít nhất là 30 ngày với khả năng gia hạn”.

Putin tuyên bố vào ngày 21 tháng 4 rằng ông sẵn sàng thảo luận về đề xuất này và có “thái độ tích cực đối với bất kỳ sáng kiến hòa bình nào”, nhưng chưa thực hiện lệnh cấm.

Cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa nhằm vào dân thường ở Odesa là “câu trả lời rõ ràng” duy nhất từ Nga cho đến nay.

[Kyiv Independent: Russia launches mass drone attack on Odesa amid Kyiv's call for civilian infrastructure ceasefire]

2. Chiến đấu cơ của Anh chặn hai máy bay Nga gần sườn phía đông của NATO

Chính phủ Anh cho biết hôm Chúa Nhật rằng các chiến đấu cơ của Anh đã chặn hai máy bay Nga trong vòng 48 giờ gần không phận NATO dọc theo sườn phía đông của liên minh.

Sáu máy bay phản lực Typhoon của Anh và gần 200 nhân viên đã đến căn cứ không quân Malbork ở miền đông Ba Lan vào cuối tháng 3 để thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên không tăng cường của liên minh cùng với thành viên mới nhất của NATO là Thụy Điển.

Hoạt động tuần tra trên không của NATO bao phủ một số khu vực, bao gồm các quốc gia vùng Baltic và sườn phía đông của Âu Châu nói chung. NATO đã điều động hoạt động tuần tra trên không tăng cường sau khi Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine vào năm 2014. Sáng kiến này được thiết kế để ngăn chặn Nga tấn công các thành viên của liên minh.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết hôm Chúa Nhật, hai máy bay phản lực Typhoon của Không quân Hoàng gia, gọi tắt là RAF đã chặn một “máy bay không xác định” rời khỏi vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga, bay qua gần không phận NATO vào thứ Năm.

Chính phủ Anh cho biết các máy bay phản lực đã được điều động từ căn cứ không quân Malbork, gần Kaliningrad.

Hai ngày trước đó, hai máy bay Typhoon của Anh đã rời căn cứ không quân này để chặn một máy bay tình báo Ilyushin Il-20M của Nga trên Biển Baltic, Bộ này cho biết. Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để xin bình luận qua email.

Kaliningrad nhìn ra Biển Baltic, kẹp giữa các thành viên NATO là Ba Lan và Lithuania. Biển Baltic — đôi khi được gọi là “hồ NATO” — phần lớn được bao quanh bởi các thành viên NATO hiện nay khi Phần Lan và Thụy Điển đã gia nhập liên minh xuyên Đại Tây Dương.

NATO đang giám sát chặt chẽ hoạt động của Nga quanh Biển Baltic, bao gồm việc tăng cường sự hiện diện của hải quân để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng sau khi ít nhất 11 tuyến cáp ngầm bị hư hại kể từ mùa thu năm 2023.

Trung tướng Jürgen-Joachim von Sandrart, cựu chỉ huy Quân đoàn đa quốc gia Đông Bắc của NATO có trụ sở tại tây bắc Ba Lan, phát biểu với Newsweek vào tháng 11 rằng Nga coi khu vực Biển Baltic là “ưu tiên quan trọng”.

Các vụ đánh chặn này là lần đầu tiên máy bay phản lực của Anh được điều động theo lệnh luân phiên ở Ba Lan, được gọi là Chiến dịch Chessman. Việc điều động này là lần đầu tiên Thụy Điển đóng góp vào hoạt động tuần tra không phận của NATO ở nước ngoài.

Thụy Điển chính thức gia nhập NATO cách đây hơn một năm. Thụy Điển và Phần Lan đã chấm dứt nhiều thập niên không liên kết ngay sau khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào đầu năm 2022. Nga chỉ trích nặng nề động thái này.

Không quân Hoàng gia Anh đã thực hiện hoạt động tuần tra trên không ở Rumani vào tháng 4 năm 2024, sau đó là một đợt ở Iceland vào tháng 8 năm ngoái như một phần của nhiệm vụ tuần tra trên không ở High North, một khu vực căng thẳng gia tăng giữa NATO, Nga và Trung Quốc. Máy bay phản lực của Anh cũng thực hiện hoạt động tuần tra trên không của NATO ở Vương quốc Anh

Chiến đấu cơ F-16 của Bồ Đào Nha đã đến Estonia vào cuối tháng trước để thay thế cho một đội máy bay F-35 của Hòa Lan, trong khi máy bay phản lực của Ý đã thay thế lực lượng không quân Tây Ban Nha thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên không ở Rumani.

[Newsweek: UK Fighter Jets Intercept Two Russian Planes Near NATO's Eastern Flank]

3. Quân đội Israel cho biết cuộc điều tra về vụ giết hại các nhân viên cứu trợ ở Gaza đã phát hiện ra ‘những sai sót về mặt chuyên môn’

Hôm Thứ Hai, 21 Tháng Tư, phát ngôn nhân Lực Lượng Phòng Vệ Israel, Đề Đốc Daniel Hagari, tuyên bố rằng một cuộc điều tra nội bộ về vụ giết hại 15 nhân viên y tế và nhân đạo ở Gaza đã phát hiện ra “một số lỗi chuyên môn, vi phạm lệnh và không báo cáo đầy đủ về vụ việc”.

Trong những tuần gần đây, quân đội Israel đã phải đối mặt với sự chỉ trích gay gắt từ các nhà lãnh đạo quốc tế vì đã giết chết 15 nhân viên cứu trợ nhân đạo và nhân viên y tế vào ngày 23 tháng 3, chôn họ trong những ngôi mộ nông cạn và báo cáo sai lệch thông tin chi tiết về vụ việc sau đó.

Thi thể của những người lao động được nhân viên của Liên Hiệp Quốc và Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine tìm thấy một tuần sau đó.

Trong khi quân đội Israel tuyên bố rằng họ “lấy làm tiếc về những tổn hại gây ra cho những thường dân không liên quan”, họ lập luận rằng binh lính của mình đang thực hiện một “nhiệm vụ quan trọng” nhắm vào những kẻ khủng bố Hamas và nhắc lại tuyên bố rằng Hamas sử dụng cơ sở hạ tầng y tế và nhân đạo “cho mục đích khủng bố, bao gồm cả việc sử dụng xe cứu thương để vận chuyển những kẻ khủng bố và vũ khí”.

Báo cáo cho biết “nhìn chung” không có nỗ lực che giấu sự kiện này, mặc dù thừa nhận những người lính đã chôn xác và nghiền nát xe cứu thương, khẳng định rằng hành động sau “là sai”.

Quân đội đầu tiên tuyên bố rằng binh lính đã nổ súng vào những chiếc xe không có đèn hoặc vạch kẻ tiến đến trong bóng tối. Nhưng sau khi một đoạn video thu được từ điện thoại di động của một trong những người thiệt mạng cho thấy những chiếc xe cứu thương được đánh dấu rõ ràng với đèn bật sáng, quân đội đã thay đổi lời khai của mình.

Trong báo cáo cuối cùng về sự kiện này, quân đội Israel cho biết quân đội đã nổ súng vào những “nghi phạm” bước ra khỏi xe cứu hỏa và xe cứu thương “sau khi nhận thấy mối đe dọa tức thời và rõ ràng”.

Khi các xe đang tiến đến nhanh chóng, phó chỉ huy đánh giá các xe này là xe của lực lượng Hamas và ra lệnh nổ súng.

Báo cáo cho biết: “Do tầm nhìn ban đêm kém, ban đầu phó chỉ huy không nhận ra những chiếc xe này là xe cứu thương”, “chỉ sau đó, khi tiếp cận và kiểm tra các xe, người ta mới phát hiện ra rằng đây thực sự là các đội cấp cứu”.

Ngay sau vụ việc, quân đội cũng đã nổ súng vào một xe của Liên Hiệp Quốc do “lỗi tác chiến”, báo cáo cho biết thêm rằng điều này xảy ra do “vi phạm mệnh lệnh trong bối cảnh chiến đấu”.

Báo cáo cho rằng sáu trong số mười lăm nạn nhân đã được xác định là thành viên Hamas.

Sau cuộc điều tra, một phó chỉ huy sẽ bị cách chức và một sĩ quan chỉ huy sẽ bị khiển trách.

[Politico: Israeli military says review into its killing of Gaza aid workers found ‘professional failures’]

4. Quân đội Ukraine cho biết Nga sử dụng lệnh ngừng bắn Phục sinh để chuẩn bị tấn công vào khu vực Kharkiv

Hôm Thứ Hai, 21 Tháng Tư, phát ngôn nhân của Lữ đoàn Vệ binh Quốc gia số 13 Khartiia của Ukraine nói với Suspilne rằng lực lượng Nga đã sử dụng lệnh ngừng bắn tạm thời vào dịp lễ Phục sinh để củng cố các vị trí và chuẩn bị cho các cuộc tấn công mới ở Tỉnh Kharkiv.

Bộ phận báo chí của lữ đoàn cho biết Nga “đã tích cực sử dụng cái gọi là lệnh ngừng bắn lễ Phục sinh để tập hợp quân số”.

“Có khả năng rất cao là họ sử dụng sự tạm dừng này làm cái cớ để tiếp tục các hoạt động tấn công tích cực.”

Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Ukraine cáo buộc Nga nhiều lần vi phạm lệnh ngừng bắn lễ Phục sinh, trong khi Mạc Tư Khoa cũng tiếp tục bác bỏ thỏa thuận ngừng bắn rộng hơn được Kyiv và Washington ủng hộ.

Mặc dù hỏa lực pháo binh của Nga đã giảm, phát ngôn nhân lưu ý rằng các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa vào các vị trí của Ukraine đã tăng cường.

Putin đã ra lệnh ngừng bắn nhân dịp lễ Phục sinh vào ngày 19 tháng 4. Điện Cẩm Linh coi lệnh ngừng bắn, có hiệu lực từ 6 giờ chiều giờ Mạc Tư Khoa ngày 19 tháng 4 đến nửa đêm ngày 21 tháng 4, là một cử chỉ “nhân đạo”.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết Nga đã lợi dụng lệnh ngừng bắn trong kỳ nghỉ lễ để thực hiện gần 3.000 vụ vi phạm lệnh ngừng bắn, trích dẫn thông tin từ Tổng tư lệnh Oleksandr Syrskyi.

Các hành vi vi phạm được tường trình bao gồm 96 cuộc tấn công trên bộ, gần 1.900 cuộc pháo kích và điều động hơn 950 máy bay điều khiển từ xa góc nhìn thứ nhất.

Theo Lữ đoàn Khartiia, các đơn vị Ukraine ở Tỉnh Kharkiv vẫn duy trì thế phòng thủ nghiêm ngặt, chỉ phản ứng trước các cuộc tấn công trực tiếp của Nga để bảo vệ quân đội và giữ vững phòng tuyến.

Phát ngôn nhân nói với Suspilne rằng: “Lực lượng của chúng tôi chỉ nổ súng để đáp trả các cuộc tấn công của Nga”.

Nga đang thúc đẩy một cuộc tấn công mùa xuân mới ở đông bắc Ukraine, khi Tổng thống Zelenskiy cảnh báo đầu tháng này rằng các cuộc tấn công vào tỉnh Kharkiv và Sumy là một phần trong kế hoạch lớn hơn nhằm chiếm giữ các vùng lãnh thổ rộng lớn.

“Họ không thay đổi kế hoạch của mình”, ông nói, đồng thời lưu ý rằng Nga vẫn tiếp tục tập trung vào các tỉnh Donetsk, Luhansk và Zaporizhzhia.

Theo Tổng thống Zelenskiy, những thành tựu chiến thuật lớn nhất của Nga diễn ra vào cuối năm 2024 nhưng đã bị đình trệ do tổn thất ngày càng gia tăng.

Đã hơn một tháng kể từ khi Nga bác bỏ lệnh ngừng bắn toàn diện trong 30 ngày do chính quyền Hoa Kỳ đề xuất. Kyiv vẫn khẳng định họ sẵn sàng ngừng bắn hoàn toàn nếu Mạc Tư Khoa đồng ý đáp lại.

[Kyiv Independent: Russia using Easter ceasefire to prepare assault in Kharkiv sector, Ukrainian military says]

5. Ukraine kêu gọi cấm các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn tầm xa trong 30 ngày

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết vào ngày 20 tháng 4, Kyiv đang đề xuất lệnh ngừng bắn trong 30 ngày đối với các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn tầm xa nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự.

Đề xuất của Tổng thống Zelenskiy được đưa ra vào hôm Chúa Nhật Phục Sinh, trong bối cảnh cái gọi là “lệnh ngừng bắn Phục Sinh” được Putin khởi xướng vào ngày 19 tháng 4. Mặc dù Putin đã hứa sẽ dừng mọi hoạt động chiến đấu trong kỳ nghỉ cuối tuần, Mạc Tư Khoa được cho là đã vi phạm lệnh ngừng bắn tạm thời nhiều lần.

Trong khi Putin có kế hoạch để lệnh ngừng bắn hết hiệu lực vào nửa đêm ngày 21 tháng 4, Tổng thống Zelenskiy lại thúc giục Nga ban hành lệnh cấm các cuộc tấn công trên không vào các mục tiêu dân sự.

“Ukraine đề xuất từ bỏ mọi cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa tầm xa và hỏa tiễn vào cơ sở hạ tầng dân sự trong thời gian ít nhất 30 ngày với khả năng gia hạn”, Tổng thống Zelenskiy phát biểu qua Telegram vào ngày 20 tháng 4.

“Nếu Nga không đồng ý với bước đi như vậy, điều này sẽ chứng minh rằng họ chỉ muốn tiếp tục làm những việc hủy hoại cuộc sống của người dân và tiếp tục chiến tranh.”

Tổng thống Zelenskiy cho biết các báo cáo tiền tuyến từ Tổng tư lệnh Oleksandr Syrskyi chỉ ra rằng Nga đã vi phạm lệnh ngừng bắn Phục sinh hơn 2.000 lần.

Tuy nhiên, Tổng thống Zelenskiy cho biết báo động không kích đã im ắng trong suốt Chúa Nhật Phục Sinh.

“Vì vậy, đây là hình thức im lặng đã đạt được và dễ tiếp tục nhất.”

Trong những ngày trước lễ Phục sinh, Nga đã tiến hành các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn đạn đạo chết người vào các thành phố của Ukraine trong các ngày lễ lớn của Chính thống giáo. Một cuộc tấn công vào trung tâm thành phố Sumy vào Chúa Nhật Lễ Lá đã giết chết 35 người và làm bị thương hơn 100 người. Chưa đầy một tuần sau, hỏa tiễn của Nga đã tấn công Kharkiv vào Thứ Sáu Tuần Thánh, giết chết một người và làm bị thương 120 người.

Sau tuyên bố ngừng bắn của Putin vào ngày 19 tháng 4, Tổng thống Zelenskiy đã kêu gọi Mạc Tư Khoa kéo dài lệnh ngừng bắn lên 30 ngày - phù hợp với đề xuất của Hoa Kỳ về lệnh ngừng bắn tạm thời mà Ukraine đã ủng hộ kể từ tháng 3.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ra tuyên bố vào ngày 20 tháng 4, nhắc lại cam kết của Washington về “lệnh ngừng bắn toàn diện và đầy đủ” và cho biết họ “hoan nghênh (lệnh ngừng bắn) kéo dài sau Chúa Nhật”.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết vào ngày 20 tháng 4, Putin không đưa ra lệnh gia hạn lệnh ngừng bắn.

Lời kêu gọi ngừng bắn tạm thời của Mạc Tư Khoa được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đe dọa sẽ rút sự ủng hộ của Hoa Kỳ khỏi các cuộc đàm phán hòa bình nếu Nga hoặc Ukraine khiến tiến trình này trở nên “khó khăn”.

[Kyiv Independent: Ukraine calls for 30-day ban on long-range drone and missile strikes]

6. ‘Không cho Ukraine gia nhập NATO, Hoa Kỳ công nhận việc sáp nhập Crimea’ — Washington đang chờ phản ứng của Kyiv đối với đề xuất ngừng bắn, Wall Street Journal đưa tin

Tờ Wall Street Journal đưa tin vào ngày 20 tháng 4, trích dẫn một tài liệu có được, rằng Ukraine đang chịu áp lực phải phản hồi trong tuần này đối với đề xuất của Hoa Kỳ về việc chấm dứt chiến tranh với Nga, bao gồm khả năng Washington công nhận việc Mạc Tư Khoa sáp nhập Crimea vào năm 2014 và cấm Ukraine gia nhập NATO.

Các đề xuất, được các quan chức cao cấp trong chính quyền Tổng thống Trump nêu ra trong cuộc họp bí mật với các đối tác Ukraine và Âu Châu tại Paris vào ngày 17 tháng 4, đã được các quan chức phương Tây xác nhận với Wall Street Journal.

Tin tức này được đưa ra khi Washington tỏ ý sẵn sàng hủy bỏ nỗ lực ngừng bắn trong những ngày tới nếu không đạt được tiến triển.

Phản hồi của Ukraine dự kiến sẽ có tại cuộc họp tiếp theo ở Luân Đôn vào cuối tuần này. Nếu có sự thống nhất giữa Kyiv, Washington và các đồng minh Âu Châu, các đề xuất có thể được chính thức trao cho Mạc Tư Khoa.

Trong số các yếu tố gây tranh cãi nhất là đề xuất rằng Hoa Kỳ có thể chính thức công nhận việc Nga sáp nhập Crimea bất hợp pháp. Ngoài ra, việc Ukraine gia nhập NATO sẽ bị loại trừ theo đề xuất hiện tại.

“NATO không phải là vấn đề được bàn đến”, Đặc phái viên Hoa Kỳ tại Ukraine Keith Kellogg cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Fox News vào ngày 20 tháng 4.

Ukraine trước đây đã tuyên bố sẽ không công nhận các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm là của Nga như một phần của bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào. Động thái công nhận Crimea dưới sự cai trị của Nga cũng trái ngược với sự đồng thuận lưỡng đảng kéo dài hàng thập niên ở Washington và luật pháp quốc tế.

Năm 2018, Ngoại trưởng Mike Pompeo khi đó đã tái khẳng định sự phản đối của Hoa Kỳ đối với việc sáp nhập, gọi đó là mối đe dọa đối với “nguyên tắc quốc tế nền tảng được các quốc gia dân chủ chia sẻ: không quốc gia nào có thể thay đổi biên giới của quốc gia khác bằng vũ lực”. Quốc hội Hoa Kỳ cũng đã thông qua luật phản đối bất kỳ sự công nhận nào đối với yêu sách của Nga đối với Crimea.

Ukraine trước đây cũng đã từ chối các hạn chế về việc gia nhập các liên minh và tổ chức quốc tế—cụ thể là NATO và Liên Hiệp Âu Châu—như một phần của một thỏa thuận hòa bình tiềm năng. Tổng thư ký NATO Mark Rutte gần đây đã nói rằng con đường hướng tới tư cách thành viên của Kyiv vẫn là “không thể đảo ngược” nhưng nói thêm rằng vấn đề này sẽ không phải là một phần của giải pháp hòa bình cuối cùng.

Phái đoàn Ukraine tại Paris bao gồm Andriy Yermak, chánh văn phòng của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, cùng với Ngoại trưởng Andrii Sybiha và Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov. Theo Wall Street Journal, nhóm Tổng thống Trump, bao gồm Kellogg và đặc phái viên Steve Witkoff, cũng sẽ có mặt tại cuộc họp ở Luân Đôn.

Witkoff sau đó dự kiến sẽ đến Mạc Tư Khoa, Wall Street Journal đưa tin. Với tư cách là đặc phái viên chính thức cho Trung Đông, Witkoff đã dẫn đầu hoạt động ngoại giao của Tổng thống Trump tới Nga, gặp Putin ba lần, gần đây nhất là vào ngày 11 tháng 4.

Trong bình luận gửi tới Wall Street Journal, một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao nhấn mạnh rằng các ý tưởng được đưa ra như là “các lựa chọn tiềm năng” chứ không phải là tối hậu thư, mặc dù Kyiv dự kiến sẽ nhanh chóng đưa ra lập trường cứng rắn.

Một đề xuất khác liên quan đến việc thiết lập một vùng trung lập xung quanh Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia bị Nga tạm chiếm, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Âu Châu, có khả năng đặt nhà máy này dưới sự kiểm soát của Hoa Kỳ.

Trong cuộc gọi trước đó với Tổng thống Zelenskiy, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump được cho là đã gợi ý rằng Hoa Kỳ mua lại các tài sản năng lượng của Ukraine, mà ông cho rằng có thể là “biện pháp bảo vệ tốt nhất cho cơ sở hạ tầng đó”.

Trong khi các đề xuất của Hoa Kỳ không chính thức công nhận Nga về mặt pháp lý đối với việc sáp nhập bốn vùng miền đông Ukraine bị tạm chiếm một phần, họ cũng không kêu gọi Nga rút quân khỏi những khu vực đó.

Kể từ năm 2022, Mạc Tư Khoa đã tuyên bố bất hợp pháp các tỉnh Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson của Ukraine là một phần của Liên bang Nga, đưa chúng vào Hiến pháp và yêu cầu quân đội Ukraine rút lui hoàn toàn khỏi biên giới hành chính của 4 khu vực này.

Chính quyền Tổng thống Trump không loại trừ khả năng hỗ trợ quân sự song phương cho Ukraine hoặc hỗ trợ các quốc gia Âu Châu đóng góp lực lượng cho “lực lượng trấn an”, một vùng đệm tiềm năng chống lại sự xâm lược trong tương lai. Tuy nhiên, vẫn chưa có bảo đảm an ninh cụ thể nào được đưa ra như một phần của thỏa thuận được đề xuất.

Điều này trái ngược với yêu cầu của Nga về việc ngừng hoàn toàn hỗ trợ quân sự cho Ukraine, mà Điện Cẩm Linh đã nêu ra như một điều kiện tiên quyết cho lệnh ngừng bắn 30 ngày do chính quyền Tổng thống Trump đề xuất hơn một tháng trước. Trong khi Ukraine đã chấp nhận lời đề nghị nếu Nga đáp lại, Mạc Tư Khoa vẫn chưa ủng hộ ý tưởng này. Trong những tuần gần đây, Nga đã tăng cường các cuộc tấn công vào dân thường ở các thành phố của Ukraine.

Trong các cuộc đàm phán với đại diện Hoa Kỳ tại Ả Rập Xê Út, các quan chức Điện Cẩm Linh được cho là đang tìm cách xóa bỏ lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và khôi phục quan hệ thương mại, những nỗ lực này do đặc phái viên của Putin là Kirill Dmitriev dẫn đầu.

Văn phòng của Tổng thống Zelenskiy chưa bình luận công khai về các chi tiết trong đề xuất của Hoa Kỳ. Vào ngày 19 tháng 4, các quan chức Ukraine đã tái khẳng định sự cởi mở đối với lệnh ngừng bắn chung trong 30 ngày, mặc dù họ cáo buộc Mạc Tư Khoa vi phạm lệnh ngừng bắn tạm thời trong kỳ nghỉ lễ Phục sinh vào ngày 20 tháng 4.

[Kyiv Independent: 'No NATO, US recognizing annexation of Crimea' — Washington awaits Kyiv's response to ceasefire pitch, WSJ reports]

7. Tòa án Mạc Tư Khoa phạt Google vì tiết lộ dữ liệu về những người lính Nga thiệt mạng ở Ukraine

Một tòa án ở Mạc Tư Khoa đã phán quyết Google, thuộc sở hữu của tập đoàn công nghệ khổng lồ Alphabet của Mỹ, có tội tiết lộ dữ liệu cá nhân của những quân nhân Nga thiệt mạng ở Ukraine, hãng thông tấn nhà nước TASS của Nga đưa tin vào ngày 21 tháng 4.

Phán quyết này được cho là xuất phát từ một video trên YouTube tiết lộ số liệu thương vong và thông tin cá nhân của những người lính Nga thiệt mạng trong cuộc xâm lược toàn diện.

Tòa án tuyên Google có tội theo Điều 13.41(2) của bộ luật hành chính Nga, bao gồm “vi phạm các thủ tục hạn chế quyền truy cập vào thông tin phải bị hạn chế theo luật pháp Nga”. Theo phán quyết của tòa án, công ty đã bị phạt 3,8 triệu rúp (khoảng 45.000 đô la).

Nga từ lâu đã gây áp lực với các nền tảng công nghệ nước ngoài để xóa nội dung mà họ coi là bất hợp pháp, bao gồm cả những gì họ mô tả là “giả mạo” về cuộc chiến ở Ukraine. Các nhà chức trách thường xuyên đưa ra các khoản tiền phạt - thường tương đối nhỏ nhưng dai dẳng - đối với các công ty mà họ cáo buộc là không tuân thủ.

Putin trước đây đã cáo buộc Google hoạt động như một công cụ chính trị của Hoa Kỳ. Vào tháng 12, ông tuyên bố nền tảng này đã được chính quyền của Tổng thống Joe Biden khi đó sử dụng để “ghi điểm chính trị”.

Vào tháng 4, một cơ quan truyền thông độc lập của Nga, Mediazona, đã hợp tác với BBC tiếng Nga để xác nhận danh tính của 101.833 quân nhân Nga thiệt mạng ở Ukraine.

Báo cáo mới nhất của Mediazona bao gồm giai đoạn từ ngày 24 tháng 2 năm 2022 đến ngày 7 tháng 4 năm 2025. Kể từ lần cập nhật cuối cùng vào cuối tháng 3, đã có thêm 1.882 quân nhân Nga thiệt mạng.

[Kyiv Independent: Moscow court fines Google for disclosing data on Russian soldiers killed in Ukraine]

8. ‘Thỏa thuận ngừng bắn lễ Phục sinh’ của Vladimir Putin gây ra phản ứng dữ dội: ‘chiêu trò quan hệ công chúng ‘

Theo Ukraine, Nga vẫn chưa dừng các cuộc tấn công bằng pháo binh và tấn công dọc theo tiền tuyến, mặc dù đã tuyên bố “ngừng bắn lễ Phục sinh” vào thứ Bảy, gây ra sự chỉ trích gay gắt về tuyên bố tạm dừng giao tranh được coi là “hoạt động quan hệ công chúng”.

Putin tuyên bố hôm thứ Bảy rằng Mạc Tư Khoa sẽ dừng các cuộc tấn công cho đến sáng thứ Hai, nhanh chóng vấp phải sự hoài nghi từ các quan chức Kyiv và các nhà phân tích phương Tây. Ukraine cho biết hôm thứ Bảy rằng các cuộc không kích của Nga vẫn tiếp tục bất chấp thông báo này.

Hôm thứ sáu, Hoa Kỳ cho biết họ sẵn sàng từ bỏ lời cam kết làm trung gian hòa giải để chấm dứt cuộc xung đột trên bộ lớn nhất Âu Châu kể từ Thế chiến II nếu rõ ràng là không thể đạt được thỏa thuận ngừng bắn trong những tuần tới.

Hơn một tháng trước, Ukraine đã đồng ý lệnh ngừng bắn toàn diện trong 30 ngày do Hoa Kỳ làm trung gian, trong khi Điện Cẩm Linh vẫn chưa đồng ý mặc dù đặc phái viên của Tổng thống Trump, Steve Witkoff, đã có ba chuyến đi tới Nga.

Mạc Tư Khoa chỉ đồng ý một lệnh ngừng bắn một phần bao gồm Hắc Hải khi một loạt lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. Điều này vẫn chưa có hiệu lực.

Cả hai bên đều cáo buộc nhau vi phạm lệnh cấm tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng do Hoa Kỳ làm trung gian.

Điện Cẩm Linh cho biết họ sẽ dừng “mọi hoạt động quân sự” trong 30 giờ từ 6 giờ chiều giờ Mạc Tư Khoa, hay 11 giờ sáng giờ miền Đông, vào thứ Bảy cho đến nửa đêm sang sáng thứ Hai.

Putin, phát biểu trong một cuộc họp khá gay gắt với Tướng Valery Gerasimov, chỉ huy lực lượng Nga tại Ukraine, cho biết Điện Cẩm Linh cho rằng Kyiv sẽ “làm theo tấm gương của chúng tôi”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết vào tối thứ Bảy rằng lực lượng của Mạc Tư Khoa vẫn tiếp tục pháo và tấn công vào “một số khu vực tiền tuyến”. Andriy Kovalenko, một quan chức của hội đồng an ninh và quốc phòng quốc gia Ukraine, cho biết Nga vẫn đang bắn “theo mọi hướng”.

“Không có sự tin tưởng vào những lời nói đến từ Mạc Tư Khoa,” Tổng thống Zelenskiy nói.

Trung tâm Truyền thông Chiến lược do chính phủ Ukraine hậu thuẫn cho biết vào Chúa Nhật rằng lệnh ngừng bắn đơn phương “chỉ là một hoạt động quan hệ công chúng nhằm vào phương Tây, không có thực chất”.

Trong tuyên bố mới vào sáng Chúa Nhật, 20 Tháng Tư, nhà lãnh đạo Ukraine cho biết từ 6 giờ chiều thứ Bảy đến nửa đêm, Nga đã pháo kích vào nước ông 387 lần, tiến hành 19 cuộc tấn công và sử dụng máy bay điều khiển từ xa gần 300 lần.

“Tính đến sáng lễ Phục sinh, chúng tôi có thể tuyên bố rằng quân đội Nga đang cố gắng tạo ra ấn tượng chung về một lệnh ngừng bắn, trong khi ở một số khu vực vẫn tiếp tục các nỗ lực riêng lẻ nhằm tiến công và gây tổn thất cho Ukraine”, Tổng thống Zelenskiy nói.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết vào cuối ngày thứ Bảy rằng họ đã chiếm lại một thị trấn ở vùng Kursk phía tây của mình và chiếm Shevchenko, một thị trấn ở vùng Donetsk phía đông Ukraine đang bị bao vây. Một phát ngôn viên của nhóm Khortytsia của lực lượng Ukraine hoạt động ở phía đông nói với truyền thông Ukraine rằng Kyiv đang trả đũa “chỉ đối với các cuộc tấn công và hành động tấn công của đối phương, cũng như đối với hỏa lực của chúng vào các vị trí của chúng tôi”.

Tuyên bố ngừng bắn được đưa ra một ngày sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio cho biết Washington có thể đánh giá trong vài ngày tới liệu các nhóm đàm phán của Hoa Kỳ có thể đạt được thỏa thuận ngừng bắn trong vài tuần tới hay không.

Rubio cho biết: “Chúng tôi sẽ không tiếp tục bay khắp thế giới và họp hết cuộc này đến cuộc khác nếu không có tiến triển nào được thực hiện”, đây là một trong những chỉ báo rõ ràng nhất về sự thất vọng ngày càng tăng của chính quyền Tổng thống Trump đối với tốc độ chậm chạp trong việc hoàn thành một mục tiêu chính sách đối ngoại quan trọng.

Sau đó, Tổng thống Trump nói với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc rằng: “Nếu vì lý do nào đó, một trong hai phía gây khó khăn, chúng tôi sẽ chỉ nói rằng 'các người là đồ ngốc, đồ tồi tệ' và chúng tôi sẽ bỏ qua”.

Kyiv, dưới áp lực dữ dội từ Washington, đã đồng ý trong các cuộc họp ở Saudi Arabia vào tháng trước về một thỏa thuận ngừng bắn do Hoa Kỳ đề xuất. Đề cập đến thỏa thuận này, Tổng thống Zelenskiy cho biết hôm thứ Bảy rằng “Ukraine đã phản ứng tích cực, nhưng Nga đã phớt lờ”.

“Nếu lệnh ngừng bắn hoàn toàn thực sự có hiệu lực, Ukraine đề xuất kéo dài lệnh này sau lễ Phục sinh ngày 20 tháng 4”, Tổng thống Zelenskiy nói thêm. “Đó là điều sẽ tiết lộ ý định thực sự của Nga”.

Ukraine và nhiều đồng minh đã cáo buộc Nga phá hoại các cuộc đàm phán ngừng bắn, và Tổng thống Trump ngày càng bày tỏ sự thất vọng với Mạc Tư Khoa mặc dù Tòa Bạch Ốc đã theo đuổi sự xích lại gần với Điện Cẩm Linh.

Thiếu tướng quân đội Úc đã nghỉ hưu Mick Ryan nhận xét mỉa mai rằng: “Đây là việc Putin cung cấp cho chính quyền Tổng thống Trump một ít đường”.

Ukraine cho biết hôm thứ Sáu rằng Nga đã đánh dấu Thứ Sáu Tuần Thánh bằng các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn đạn đạo và hỏa tiễn hành trình, và bằng cách điều động máy bay điều khiển từ xa ném bom Shahed do Iran thiết kế. Ít nhất một người đã thiệt mạng và hơn 100 người bị thương trong các cuộc tấn công vào thành phố Kharkiv ở đông bắc, theo Kyiv.

Một người đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa vào thành phố Sumy ở phía đông bắc. Tuần trước, Nga đã phóng hỏa tiễn đạn đạo vào thành phố khi người dân đi dự lễ nhà thờ mừng Chúa Nhật Lễ Lá, khiến ít nhất 35 người thiệt mạng và khoảng 129 người khác bị thương.

Điện Cẩm Linh đã tuyên bố một lệnh ngừng bắn ngắn hạn vào Tháng Giêng năm 2023 để kỷ niệm Giáng Sinh Chính thống giáo, nhưng lệnh này nhanh chóng tan vỡ vì Ukraine chỉ trích gay gắt là vỏ bọc cho quân đội Nga tiến quân.

[Newsweek: Vladimir Putin's 'Easter Truce' Sparks Backlash: 'PR Stunt']
 
Lịch trình thánh lễ an táng ĐGH Phanxicô. Hiện tượng lửa thánh lạ lùng tại Mộ Chúa đã xảy ra
VietCatholic Media
16:22 22/04/2025


1. Lễ tang của Đức Thánh Cha Phanxicô được ấn định vào sáng thứ Bảy 26 Tháng Tư.

Hôm Thứ Ba, 22 Tháng Tư, Vatican cho biết trong quyết định đầu tiên của Hồng Y Đoàn, tang lễ của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ diễn ra vào sáng thứ Bảy 26 Tháng Tư, lúc 10 giờ sáng theo giờ địa phương Rôma, tức là 3 giờ chiều cùng ngày theo giờ Việt Nam.

Điều này phù hợp với tông hiến Universi Dominici Gregis, nghĩa là “Đoàn Chiên Phổ Quát của Chúa”, do Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố ngày 22-02-1996. Tông hiến này quy định tang lễ của một vị Giáo Hoàng phải diễn ra trong vòng từ 4 đến 6 ngày sau khi ngài qua đời.

Lễ tang của Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ được tổ chức tại quảng trường Thánh Phêrô. Buổi lễ sẽ do Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, 91 tuổi, người Ý, là niên trưởng Hồng Y đoàn chủ sự.

Tòa Thánh cho biết thánh lễ an táng Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ được tổ chức theo các quy định của Ordo Exsequiarum Romani Pontificis hay Nghi Thức An Táng Các Vị Giáo Hoàng Rôma, từ số 82 đến 109.

Vào cuối Thánh lễ, sẽ diễn ra nghi thức phó dâng và tiễn biệt. Thông thường, các vị Giáo Hoàng sẽ được chôn cất bên trong khu hầm mộ của Đền Thờ Thánh Phêrô. Cho nên, sau thánh lễ an táng, linh cữu của vị Giáo Hoàng quá cố sẽ được đưa từ quảng trường Thánh Phêrô vào Đền Thờ Thánh Phêrô và đưa đến khu hầm mộ.

Trường hợp Đức Giáo Hoàng Phanxicô có hơi khác. Theo di nguyện của ngài, ngài muốn được chôn cất tại Đền Thờ Đức Bà Cả. Thành ra, linh cữu của ngài đầu tiên sẽ được đưa vào bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô; rồi từ đó sẽ được đưa đến Đền Thờ Đức Bà Cả để chôn cất theo đúng di nguyện của ngài.

Một loạt các nhà lãnh đạo thế giới và các chức sắc nước ngoài sẽ tham dự tang lễ tại quảng trường Thánh Phêrô, bao gồm Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy được cho là có rất nhiều khả năng sẽ tham dự. Ông Zelenskiy có những hồi ức rất đẹp với Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Một số nguồn tin Ukraine cho rằng điều duy nhất hơi phiền là ông không muốn gặp mặt Tổng thống Trump.

Putin — người đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC ra lệnh bắt giữ vì tội ác chiến tranh ở Ukraine — không có kế hoạch tham dự tang lễ, phát ngôn nhân của ông cho biết hôm thứ Ba. Ý là một bên tham gia ICC và có nghĩa vụ bắt giữ Putin nếu ông đặt chân lên đất Ý.

Tổng thống Trump cho biết ông chắc chắn sẽ tham dự tang lễ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tổng thống trong nhiệm kỳ thứ hai của mình.

“Melania và tôi sẽ đến dự tang lễ của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Rôma. Chúng tôi rất mong được đến đó!”

Tổng thống Trump và Đức Giáo Hoàng đã có mối quan hệ căng thẳng trong thập niên qua. Tuy nhiên, hai người đã gặp nhau vào năm 2017 trong chuyến đi đến Vatican. “Ngài là một người tuyệt vời. Chúng tôi đã có một cuộc gặp gỡ tuyệt vời”, Tổng thống Trump nói sau đó.

Tổng thống Trump đã ra một sắc lệnh yêu cầu treo cờ rủ “như một dấu hiệu tôn trọng đối với ký ức về Đức Thánh Cha Phanxicô.”

Trước khi có tin Đức Giáo Hoàng qua đời, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Trump dự kiến sẽ là chuyến thăm tới Saudi Arabia vào tháng 5.

2. Hiện tượng lửa thánh lạ lùng tại Mộ Chúa ở Giêrusalem đã xảy ra

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trưa Thứ Bẩy, 19 Tháng Tư, tức là ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh của cả Công Giáo và Chính Thống Giáo, thế giới Chính Thống Giáo đã dán mắt vào các màn hình TV và computer để hồi hộp theo dõi hiện tượng lửa thánh lạ lùng tại Mộ Chúa ở Giêrusalem.

Những lo âu liên quan đến đại dịch coronavirus tuy đã có phần giảm bớt, nhưng lại có những âu lo về sự mở rộng và leo thang chiến tranh tại Ukraine. Trong các diễn biến mới nhất, quân Nga pháo kích vào thành phố Sumy vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá giết chết 35 người và làm bị thương 119 người. Đây là cuộc tấn công chết chóc nhất nhắm vào thường dân Ukraine từ năm 2023. Trong vụ tấn công khủng bố này, Nga đã dùng hỏa tiễn đạn đạo có gắn đạn chùm để tăng mức độ sát thương. Vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, quân Nga lại tung ra một đòn tương tự tại thành phố Kharkiv làm 1 người thiệt mạng và 127 người bị thương. Theo Thống Đốc khu vực Kharkiv, Oleh Syniehubov, con số thương vong có lẽ còn cao hơn gấp 10 lần nếu các nhà thờ trong khu vực không cử hành trễ hơn một tiếng như một biện pháp dự phòng.

Cuộc xâm lược Ukraine của Nga cũng được phản ảnh rất rõ rệt trong số những người tham dự tại đền thờ Mộ Chúa ở Giêrusalem. Các tín hữu Chính Thống Giáo Nga là lực lượng tham dự đông đảo nhất trước cuộc xâm lược vào Ukraine năm nay gần như vắng mặt hoàn toàn, ngoại trừ lác đác một vài giáo sĩ Chính Thống Giáo Nga thường trú tại Giêrusalem.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Được đi lại trên chính con đường thương khó Chúa đã đi qua là một kinh nghiệm sâu sắc thay đổi cuộc đời biết bao người hành hương đến Giêrusalem. Cho nên, các tín hữu Chính Thống Giáo có lòng mộ đạo đã cố gắng đến Giêrusalem trong thời gian này. Tuy nhiên, bộ Du Lịch Israel cho biết con số tín hữu Chính Thống Giáo đến Thánh Địa trong năm nay giảm bớt rất nhiều. Trước hết, các biện pháp trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu đã gây ảnh hưởng đáng kể đến thu nhập của người Nga, là nhóm hành hương đông nhất. Nhiều người, có thể vẫn còn khả năng nhưng không biết tương lai ra sao nên cũng không thể đi.

Thứ hai, một trở ngại khó vượt qua hơn nữa là máy bay Nga không được phép bay qua các không phận của Liên Hiệp Âu Châu. Thành ra, giá vé máy bay đến Giêrusalem tăng vọt như hỏa tiễn.

Bên cạnh những trở ngại của người Nga, người Palestine ở dải Gaza cũng không được phép đến Giêrusalem để tham dự Tuần Thánh Chính Thống Giáo.

Ngoài ra, một tác động còn kinh hoàng hơn thế nữa, là cuộc tấn công lớn chưa từng có của quân khủng bố Hamas nhắm vào Israel vào ngày 7 Tháng Mười, năm 2023. Chiến cuộc đã bùng phát kể từ đó cho đến nay.

Thành ra, khung cảnh rất khác vắng vẻ, và âu lo. Vẫn có những người đến được nhưng không đông đảo như các năm trước. Nhà thờ Mộ Thánh ở Giêrusalem đã mở cửa cho công chúng vào ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh để cho phép các tín hữu tham dự nghi thức đón lửa thánh tại địa điểm Chúa Giêsu đã bị đóng đinh và đã phục sinh. Dù vắng vẻ hơn mọi năm, bầu không khí cử mừng vẫn tràn ngập khu vực này khi các tín hữu đi qua cánh cửa gỗ khổng lồ của nhà thờ.

Trong mấy năm trở lại đây, năm 2000 là một lễ Phục sinh vắng lặng, không có bao nhiêu người được tham dự trong bối cảnh nhà thờ Thánh Mộ cửa đóng then cài. Năm 2021 và 2022, tình hình tốt hơn nhiều, cánh cửa rộng mở khiến các tín hữu cảm thấy hy vọng rằng mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Năm 2023 là tưng bừng nhất. Năm nay, xem ra chỉ khá hơn năm 2000 một chút.

Nhà thờ Thánh Mộ - Holy Church of the Holy Sepulchre là danh từ của Công Giáo, người Chính Thống Giáo và Giáo Hội Armenia Tông Truyền gọi là nhà thờ Phục sinh – Holy Church of Resurrection - nằm phía bên trong bức tường than khóc trong khu vực cổ thành Giêrusalem, kế cận với đồi Golgotha. Theo truyền thống, nhà thờ đã được xây dựng trên khu mộ Chúa Giêsu đã được táng xác.

Trong những thời kỳ sơ khai của Giáo Hội, đây được xem là nơi thánh thiêng bậc nhất của Kitô Giáo. Thế nhưng đến thế kỷ thứ hai, hoàng đế Hadrianus đã cố ý cho đổ đất lấp hết những dấu tích của Kitô giáo, rồi xây đền thờ nữ thần Aphrodite, là một thứ nữ thần sắc đẹp như kiểu thần Vệ Nữ.

Sau khi đón nhận đức tin Công Giáo, năm 325, Đại Đế Constantine đã truyền phá hủy đền thờ nữ thần Aphrodite và cho đào bới khu vực này để tìm lại các dấu tích thánh thiêng của Kitô Giáo. Mẹ nhà vua là nữ hoàng Helena đã hiện diện từ năm 326 tại địa điểm này để đích thân giám sát các cuộc khai quật và xây dựng nhà thờ mới.

Theo thỏa ước Nguyên Trạng do Hoàng Đế Thổ Nhĩ Kỳ Osamn Đệ Tam đưa ra vào năm 1853, Công Giáo nghi lễ La Tinh, Chính Thống Giáo Hy Lạp, Chính Thống Giáo Coptic, Chính Thống Giáo Syria và Giáo Hội Armenia Tông Truyền đều có quyền ngang nhau trong việc coi sóc và cử hành các lễ nghi Phụng Vụ tại đây.

Truyền thống Chính Thống Giáo tin rằng hiện tượng Lửa Thánh là một phép lạ xảy ra hàng năm vào ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh theo lịch Chính Thống Giáo. Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Hy Lạp tại Giêrusalem được tin tưởng là nhận được lửa từ trời xuống bên trong ngôi mộ Chúa.

Lúc 10 giờ sáng ngày Thứ Bẩy, 19 Tháng Tư, theo truyền thống, cảnh sát Do Thái đã vào trong Edicule, là ngôi đền nhỏ bên trong đền thờ Thánh Mộ, bao bọc khu hầm mộ Chúa, lục soát để bảo đảm rằng bên trong không hề có vật dụng gì có thể tạo ra lửa.

Đúng 11 giờ, thanh tra cảnh sát Do Thái niêm phong Edicule.

Nghi thức bắt đầu lúc 12 giờ trưa với kinh cầu Các Thánh. Đức Thượng Phụ Chính Thống Hy Lạp và các Giám Mục của Giáo Hội Chính Thống Giáo Hy Lạp đến trước Edicule. Ngài cởi bỏ phẩm phục bên ngoài và chịu sự khám xét của cảnh sát Do Thái để chứng minh rằng ngài không hề mang theo bất cứ vật dụng nào có thể tạo ra lửa. Sau đó, chỉ một mình ngài được vào trong Edicule, hai tay cầm hai bó nến.

Đức Thượng Phụ qùy cầu nguyện trước tấm đá cẩm thạch bao bọc chiếc giường bằng đá nơi thi thể Chúa được an táng. Các tín hữu Chính Thống Giáo hiệp thông qua các phương tiện truyền thông hồi hộp theo dõi, lo sợ hiện tượng này không xảy ra trong năm nay.

Sử sách ghi lại năm 1101, là năm hiện tượng này không xảy ra, và đó là năm đại dịch kinh hoàng.

Một lúc sau, ánh lửa bắt đầu phát ra từ bên trong ngôi mộ của Chúa Kitô. Các tín hữu Chính Thống Giáo trên toàn thế giới thở phào nhẹ nhõm, chứa chan hy vọng chiến tranh sẽ sớm chấm dứt.

Đức Thượng Phụ tiến ra với hai bó nến được thắp sáng. Hai người phải kè hai bên ngài để dìu ngài đi. Có lẽ sức nặng tâm lý đã khiến ngài bước đi không nổi.

Đền thờ Thánh Mộ đã được thắp sáng với những ánh nến huy hoàng.

Những người hành hương và hàng giáo phẩm Chính Thống Giáo cho biết trong 33 phút đầu tiên lửa này không hề làm phỏng họ nếu họ giơ tay trên ngọn lửa.

Theo truyền thống Lửa Thánh sau đó được rước đến Bethlehem, nơi Chúa xuống thế làm người.

Trong những năm trước, chính quyền Do Thái đã dàn xếp các chuyến máy bay đặc biệt để đưa lửa thánh đến các quốc gia Chính Thống Giáo như Nga, Ukraine, Hy Lạp, Rumani. Các nhà lãnh đạo Chính Thống Giáo và cả các nhà lãnh đạo dân sự ra tận sân bay đón nhận. Năm nay, do ảnh hưởng của chiến sự, lửa thánh đã không được đưa đến Ukraine.

3. Đức Tổng Giám Mục Charles J. Chaput: Giáo Hội Sau Đức Phanxicô

Đức Tổng Giám Mục Charles J. Chaput, Tổng Giám Mục danh dự của Philadephia vừa có bài nhận định nhan đề “The Church After Francis”, nghĩa là “Giáo Hội Sau Đức Phanxicô”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Tôi có những kỷ niệm cá nhân về Đức Giáo Hoàng Phanxicô mà tôi rất trân trọng:, chẳng hạn như mối quan hệ làm việc thân thiện và hào phóng tại Thượng hội đồng về Mỹ Châu năm 1997 khi cả hai chúng tôi đều là những tổng giám mục mới được bổ nhiệm; sự chào đón nồng nhiệt và thân tình của ngài tại hội nghị Humanum năm 2014 của Rôma; và thành công phi thường của chuyến thăm Philadelphia năm 2015 của ngài cho Hội nghị Gia đình Thế giới lần thứ Tám. Ngài đã tận tụy phục vụ Giáo hội và dân chúng theo những cách mà ngài cảm thấy thời đại đòi hỏi. Là một người anh em trong đức tin và là người kế vị Thánh Phêrô, ngài xứng đáng nhận được những lời cầu nguyện liên tục của chúng ta cho cuộc sống vĩnh hằng của ngài trong sự hiện diện của Thiên Chúa mà ngài yêu mến.

Sau khi đã nói như vậy, chúng ta cũng cần nhớ rằng thời kỳ giữa các Đức Giáo Hoàng là thời điểm cần sự thẳng thắn. Việc thiếu sự thẳng thắn, xét đến những thách thức ngày nay, là quá tốn kém. Theo nhiều cách, bất kể thế mạnh của nó là gì, triều đại Giáo Hoàng Phanxicô vẫn chưa đủ để giải quyết những vấn đề thực sự mà Giáo hội đang phải đối mặt. Ngài không tham gia trực tiếp vào Công đồng Vatican II và dường như không hài lòng với di sản của những người tiền nhiệm trực tiếp của mình; những người đã làm việc và chịu đựng để đưa những giáo huấn của công đồng vào đời sống Công Giáo một cách trung thành. Tính cách của ngài có xu hướng nóng nảy và độc đoán. Ngài phản đối ngay cả những lời chỉ trích trung thành. Ngài có kiểu nói mơ hồ và buông thả, gieo rắc sự nhầm lẫn và xung đột. Trước những rạn nứt văn hóa sâu sắc về các vấn đề hành vi và bản dạng tình dục, ngài lên án ý thức hệ giới tính nhưng dường như lại hạ thấp “thần học về thân xác” rất hấp dẫn của Kitô giáo. Ngài thiếu kiên nhẫn với giáo luật và các thủ tục thích hợp. Dự án đặc trưng của ngài, tính đồng nghị, nặng về quy trình và thiếu sự rõ ràng. Mặc dù có sự tiếp cận đầy cảm hứng đến các nhóm thiểu số của xã hội, triều đại Giáo Hoàng của ngài lại thiếu lòng nhiệt thành truyền giáo tự tin và năng động. Sự xuất sắc về mặt trí tuệ để duy trì chứng tá cứu rỗi (chứ không đơn thuần là chứng tá đạo đức mà thôi) của Kitô giáo trong một thế giới hiện đại đầy hoài nghi cũng không có.

Điều mà Giáo hội cần để tiến lên là một nhà lãnh đạo có thể kết hợp sự giản dị cá nhân với niềm đam mê hoán cải thế giới theo Chúa Giêsu Kitô, một nhà lãnh đạo có trái tim can đảm và trí tuệ sắc sảo để phù hợp với điều đó. Bất cứ điều gì ít hơn sẽ không hiệu quả.


Source:Firtt Things
 
Diễn biến mới: Putin đòi đàm phán thẳng với Ukraine, không cần Mỹ. Căng thẳng giữa Ba Lan và Belarus
VietCatholic Media
16:39 22/04/2025


1. Nga sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Ukraine, Putin tuyên bố

Putin sẵn sàng đàm phán song phương với Ukraine để thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn, Điện Cẩm Linh cho biết vào ngày 21 tháng 4.

Không có cuộc đàm phán trực tiếp nào giữa Nga và Ukraine kể từ ngay sau khi Mạc Tư Khoa tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào tháng 2 năm 2022.

Nga sẵn sàng thảo luận về bất kỳ sáng kiến hòa bình nào được đề xuất, Putin nói với một nhà báo truyền hình nhà nước Nga ngay sau khi tuyên bố rằng Mạc Tư Khoa đã nối lại các hoạt động thù địch sau “thỏa thuận ngừng bắn Phục sinh” ngắn ngủi.

“Chúng tôi luôn nói về điều này, rằng chúng tôi có thái độ tích cực đối với bất kỳ sáng kiến hòa bình nào. Chúng tôi hy vọng rằng các đại diện của chế độ Kyiv cũng sẽ cảm thấy như vậy”, Putin nói.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov sau đó đã làm rõ rằng Putin đang thể hiện mong muốn đàm phán trực tiếp với đại diện từ Ukraine.

“Khi tổng thống nói rằng có thể thảo luận vấn đề không tấn công các mục tiêu dân sự, kể cả song phương, tổng thống đã nghĩ đến các cuộc đàm phán và thảo luận với phía Ukraine”, Peskov nói với hãng thông tấn Interfax.

Bình luận của Điện Cẩm Linh được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đề xuất lệnh ngừng bắn chung trong 30 ngày đối với các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn tầm xa và máy bay điều khiển từ xa nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự. Mặc dù tuyên bố cởi mở với “các sáng kiến hòa bình”, Nga vẫn chưa đồng ý áp dụng lệnh cấm.

Ngày 21 tháng 4, Tổng thống Zelenskiy cho biết ông vẫn đang chờ câu trả lời liên quan đến lệnh ngừng bắn được đề xuất.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cũng đã tăng cường áp lực lên Ukraine và Nga để bảo đảm lệnh ngừng bắn trong những ngày tới. Sau khi đe dọa vào ngày 18 tháng 4 sẽ rút hoàn toàn sự ủng hộ của Hoa Kỳ khỏi tiến trình hòa bình, Tổng thống Trump đã nói với các phóng viên vào ngày 21 tháng 4 rằng có “khả năng rất cao” về một thỏa thuận ngừng bắn sớm.

“Tôi sẽ cung cấp cho bạn đầy đủ thông tin chi tiết trong ba ngày tới, nhưng chúng tôi đã có những cuộc họp rất tốt về Ukraine, Nga”, Tổng thống Trump nói. “Có một cơ hội rất tốt (để đạt được lệnh ngừng bắn)”.

“Cơ hội rất tốt” của Tổng thống Trump có thể phải trả giá bằng những nhượng bộ đau đớn cho Ukraine. Theo các tài liệu mà tờ Wall Street Journal có được, kế hoạch chấm dứt chiến tranh của Hoa Kỳ bao gồm việc công nhận việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014 và bảo đảm rằng Ukraine sẽ không gia nhập NATO.

Đây là những yêu cầu quan trọng của Điện Cẩm Linh mâu thuẫn với cả ranh giới đỏ mà Ukraine đã nêu và luật pháp quốc tế.

Các đại diện của Ukraine sẽ gặp gỡ các quan chức từ Hoa Kỳ, Anh và Pháp để tham gia vòng đàm phán hòa bình tiếp theo tại Luân Đôn vào ngày 23 tháng 4. Các cuộc đàm phán tại Luân Đôn là sự tiếp nối của các cuộc đàm phán gần đây vào ngày 17 tháng 4 tại Paris, nơi các thành viên cao cấp của chính quyền Tổng thống Trump lần đầu tiên trình bày đề xuất ngừng bắn của Hoa Kỳ với các quan chức Ukraine và Âu Châu.

Tổng thống Zelenskiy trước đó đã nói rằng ông sẵn sàng gặp trực tiếp Putin nếu điều đó giúp chấm dứt cuộc chiến toàn diện của Nga chống lại Ukraine.

[Kyiv Independent: Russia open to direct talks with Ukraine, Putin claims]



2. Tổng thống Trump hy vọng Nga, Ukraine ‘sẽ đạt được thỏa thuận trong tuần này’, hứa hẹn ‘làm ăn lớn’ với Hoa Kỳ

Nga và Ukraine sẽ có thể “làm ăn lớn” với Hoa Kỳ nếu họ đạt được thỏa thuận hòa bình vào tuần tới, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết như trên hôm 20 tháng 4.

Bình luận của Tổng thống Trump được đưa ra ngay sau khi ông đe dọa sẽ rút hoàn toàn sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với tiến trình hòa bình nếu Nga hoặc Ukraine khiến các cuộc đàm phán bị đình trệ.

“Hy vọng Nga và Ukraine sẽ đạt được thỏa thuận trong tuần này”, Tổng thống Trump nói.

“Cả hai sau đó sẽ bắt đầu làm ăn lớn với Hoa Kỳ, một quốc gia đang phát triển thịnh vượng, và kiếm được một khoản tiền lớn.”

Tổng thống Trump đưa ra lập trường trên vào Chúa Nhật Phục Sinh, trong bối cảnh được cho là lệnh ngừng bắn tạm thời trong cuộc chiến của Nga với Ukraine. Putin đã tuyên bố “lệnh ngừng bắn Phục Sinh” vào ngày 19 tháng 4, hứa sẽ dừng mọi hoạt động chiến đấu cho đến nửa đêm ngày 21 tháng 4.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết Nga đã vi phạm lệnh ngừng bắn hơn 2.000 lần.

Ukraine và Hoa Kỳ đều kêu gọi Putin gia hạn lệnh ngừng bắn sau lễ Phục sinh và áp đặt lệnh ngừng bắn hoàn toàn trong 30 ngày. Theo Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov, Putin không đưa ra lệnh nào như vậy.

Sau đó, vào ngày 20 tháng 4, Tổng thống Zelenskiy đã đề xuất lệnh cấm trong 30 ngày đối với các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn tầm xa và máy bay điều khiển từ xa nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự, lưu ý rằng Nga đã không tung ra các cuộc tấn công trên không nhằm vào Ukraine vào lễ Phục sinh.

Một số nhà lãnh đạo Âu Châu bày tỏ sự hoài nghi về lệnh ngừng bắn vào lễ Phục sinh của Putin. Ngoại trưởng Tiệp Jan Lipavsky gọi đó là “chiêu trò truyền thông” nhằm xoa dịu Tổng thống Trump ngày càng mất kiên nhẫn.

Nỗ lực thúc đẩy hòa bình của Tổng thống Trump ở Ukraine thực chất là vì mục đích kinh doanh — và Putin biết điều đó

Tổng thống Trump nói với các phóng viên vào ngày 18 tháng 4 rằng ông đã sẵn sàng “từ bỏ” các cuộc đàm phán về một giải pháp hòa bình giữa Nga và Ukraine.

“Nếu vì lý do nào đó một trong hai bên khiến mọi việc trở nên rất khó khăn, chúng tôi sẽ chỉ nói: 'các người thật ngu ngốc, các người thật ngu ngốc, các người thật kinh khủng', và chúng tôi sẽ bỏ qua. Nhưng hy vọng chúng tôi sẽ không phải làm như vậy”, ông nói.

Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio cho biết Washington sẽ từ bỏ các nỗ lực đàm phán trong những ngày tới nếu không có tiến triển nào trong việc đạt được thỏa thuận.

Những bình luận này thể hiện sự thay đổi đột ngột của chính quyền Tổng thống Trump, vốn đã coi thỏa thuận hòa bình Ukraine-Nga là ưu tiên kể từ lễ nhậm chức ngày 20 tháng Giêng. Tổng thống Trump đã dành nhiều tháng trước khi đắc cử để hứa sẽ chấm dứt chiến tranh trong vòng 24 giờ và liên tục khoe khoang về khả năng bảo đảm một thỏa thuận.

Lợi ích kinh doanh đóng vai trò quan trọng trong đường lối của Tổng thống Trump đối với cả Ukraine và Nga.

Kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức, Washington đã có những bước đi để bình thường hóa quan hệ với Mạc Tư Khoa, nhấn mạnh vào việc tăng cường quan hệ kinh tế. Sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và Putin vào ngày 18 tháng 3, Điện Cẩm Linh cho biết các nhà lãnh đạo quan tâm đến việc phát triển “hợp tác cùng có lợi” trong một số lĩnh vực. Tòa Bạch Ốc sau đó đã ca ngợi tiềm năng cho “các thỏa thuận kinh tế to lớn” giữa hai nước.

Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Karoline Leavitt cho biết vào ngày 15 tháng 4 rằng “quan hệ đối tác kinh tế” với Hoa Kỳ có thể đóng vai trò là động lực để Nga chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.

Chính quyền Tổng thống Trump cũng đang theo đuổi một thỏa thuận khoáng sản với Kyiv, theo đó Hoa Kỳ sẽ có quyền kiểm soát rộng rãi đối với doanh thu từ tài nguyên thiên nhiên của Ukraine — điều mà Washington tuyên bố là xứng đáng để đổi lấy viện trợ quân sự cho Kyiv. Hoa Kỳ duy trì thỏa thuận này sẽ giúp bảo vệ Ukraine trước sự xâm lược của Nga, mặc dù không bao gồm bất kỳ bảo đảm an ninh nào.

[Kyiv Independent: Trump hopes Russia, Ukraine 'make a deal this week,' promises 'big business' with US]

3. Các cửa khẩu biên giới Ba Lan-Belarus vẫn đóng cửa, quan chức Ba Lan cho biết

Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan Tomasz Siemoniak cho biết Ba Lan “không có khả năng” mở lại các trạm kiểm soát biên giới với Belarus.

Vào ngày 5 tháng 4, Biên phòng Ba Lan và phương tiện truyền thông Ba Lan đưa tin rằng cuộc khủng hoảng người di cư ở biên giới Ba Lan-Belarus đang leo thang với “mức độ tàn bạo ngày càng tăng”. Belarus và Nga đã nhiều lần phối hợp đưa người di cư tìm kiếm tị nạn đến biên giới phía đông Liên Hiệp Âu Châu.

Siemoniak lưu ý rằng Ba Lan muốn mở biên giới với Belarus, nhưng cho biết biên giới sẽ vẫn đóng cửa chừng nào Belarus còn đe dọa đến an ninh biên giới của Ba Lan.

“Chúng tôi muốn... các cửa khẩu này được mở, để chúng hoạt động bình thường. Tuy nhiên, chừng nào Belarus còn cư xử theo cách này đối với Ba Lan, tôi không thấy có khả năng nào có thể thay đổi bất cứ điều gì trong khu vực này.”, Siemoniak nói.

Vị quan chức Ba Lan lên án Belarus vì đã gửi người di cư đến biên giới Ba Lan và lên án hành động khiêu khích của Belarus đối với lực lượng biên phòng Ba Lan.

“Về phía Belarus, chúng tôi đang giải quyết vấn đề sử dụng người di cư, các tình huống gây chú ý, gần đây, một sĩ quan mặc đồng phục đã ném đá vào lính biên phòng và xe của chúng tôi,” ông nói.

Siemoniak nhấn mạnh Ba Lan cần bảo vệ biên giới của mình với tư cách là thành viên của NATO ở sườn phía đông và lưu ý trách nhiệm của Warsaw trong việc bảo vệ biên giới bên ngoài của khu vực Schengen.

“Đây không chỉ là biên giới của Ba Lan mà còn là biên giới của Liên minh Âu Châu, khu vực Schengen và NATO,” ông nói.

Cuộc chiến tranh toàn diện của Nga chống lại Ukraine vào tháng 2 năm 2022 đã làm xấu đi mối quan hệ giữa Belarus và các quốc gia phương Tây do sự a dua của Minsk trong cuộc chiến của Nga.

Tất cả các trạm kiểm soát biên giới của Ba Lan với Belarus, ngoại trừ một trạm, đã đóng cửa đối với hành khách.

Ba Lan báo cáo có sự gia tăng đột biến số lượng người xin tị nạn tại biên giới với Belarus vào ngày 5 tháng 4.

“Tối nay đã có rất nhiều nỗ lực vượt biên, có lẽ khoảng 300 nỗ lực, nhưng tất cả đều bị ngăn chặn”, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Vladyslav Kosinyak-Kamysh cho biết vào ngày 5 tháng 4.

“ Mục đích của nó là tấn công Ba Lan, không phải là tìm nơi trú ẩn. Vượt biên trái phép là vi phạm pháp luật”, ông nói thêm.

[Kyiv Independent: Poland-Belarus border crossings to remain closed, Polish official says]

4. Bắc Hàn nói Tổng thống Trump đang mở rộng chiến tranh toàn cầu

Truyền thông nhà nước Bắc Hàn cáo buộc Hoa Kỳ “mở rộng chiến tranh” sau khi Tổng thống Trump ký sắc lệnh hành pháp nhằm nới lỏng các quy tắc và quy định về xuất khẩu vũ khí.

Bắc Hàn sở hữu vũ khí hạt nhân thường lên tiếng chỉ trích các chính sách của Washington, bao gồm cả những chính sách không liên quan trực tiếp đến Bán đảo Triều Tiên. Nhà lãnh đạo nước này, Kim Chính Ân, trước đây đã đổ lỗi cho Hoa Kỳ kéo dài Chiến tranh Nga-Ukraine bằng cách ủng hộ Kyiv.

Vào ngày 9 tháng 4, Tổng thống Trump đã ban hành một sắc lệnh hành pháp có tên “Cải cách việc bán vũ khí cho nước ngoài để cải thiện tốc độ và trách nhiệm giải trình”, trong đó kêu gọi nới lỏng các quy tắc và quy định liên quan đến việc bán vũ khí cho nước ngoài để “bảo đảm phù hợp với các mục tiêu chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ”.

Hôm Thứ Ba, 22 Tháng Tư, hãng thông tấn trung ương Bắc Hàn, gọi tắt là KCNA đã đăng một bài bình luận, nói rằng biện pháp nới lỏng các quy định xuất khẩu vũ khí của chính quyền Tổng thống Trump “có nghĩa là mở rộng chiến tranh”, nhằm mục đích hỗ trợ hiện thực hóa chính sách đối ngoại “tìm kiếm bá quyền” của nước này.

Bài bình luận đề cập đến các cuộc chiến ở Ukraine và Gaza, nói rằng Hoa Kỳ đã dùng đến biện pháp cung cấp “vũ khí chiến tranh” với lý do cải thiện an ninh cho các đồng minh, trong khi phần lớn vũ khí xuất khẩu chảy vào tay những “kẻ cuồng chiến tranh” ở Âu Châu và Trung Đông.

Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm đưa tin vào tháng 3 rằng Ukraine là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới từ năm 2020 đến năm 2024, trong khi Hoa Kỳ chiếm 43% lượng xuất khẩu vũ khí toàn cầu trong cùng kỳ, trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới.

Vũ khí mà Hoa Kỳ cung cấp cho Ukraine và Israel trong các cuộc chiến tranh bao gồm từ hỏa tiễn đến bom cho đến chiến binh. Tổng thống Trump đã ra lệnh tạm dừng viện trợ quân sự cho Ukraine sau cuộc họp thảm họa với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tại Tòa Bạch Ốc.

Việc bán vũ khí của Mỹ đã truyền thứ mà Hãng thông tấn Trung ương Bắc Hàn gọi là “sức sống” vào “những người phục vụ cho các hành động quân sự liều lĩnh”, kêu gọi cộng đồng quốc tế không nên bỏ qua “nỗ lực khiến thế giới trở nên bất ổn hơn” của Washington.

Tổng thống Trump cho biết trong sắc lệnh hành pháp rằng việc cải cách hệ thống bán vũ khí cho nước ngoài sẽ tăng cường năng lực an ninh của các đồng minh và thúc đẩy nền tảng công nghiệp quốc phòng của Hoa Kỳ.

[Politico: North Korea Says Trump Expanding Global Wars]

5. Các cuộc đàm phán hạt nhân Iran sẽ bước vào ‘giai đoạn tiếp theo’ sau các cuộc đàm phán tại Rôma

Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi cho biết các cuộc đàm phán giữa Iran và Hoa Kỳ sẽ chuyển sang “cấp chuyên gia” vào tuần tới, sau vòng đàm phán gián tiếp thứ hai với trưởng đoàn đàm phán của Tổng thống Trump là Steve Witkoff tại Rôma vào thứ Bảy.

Các cuộc đàm phán hôm thứ Bảy đánh dấu sự tiến triển của các cuộc đàm phán cao cấp giữa các quan chức Iran và Hoa Kỳ, khi Tổng thống Trump tìm cách bảo đảm một thỏa thuận mới nhằm ngăn chặn chương trình phát triển hạt nhân của Iran - một giải pháp thay thế mà ông cảnh báo có thể dẫn đến hành động quân sự.

Ngoại trưởng Iran cho biết các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp tục, nói rằng các cuộc đàm phán sẽ chuyển sang giai đoạn tiếp theo với các cuộc đàm phán kỹ thuật được tổ chức ở “cấp chuyên gia” vào thứ Tư. Araghchi nói thêm rằng ông và Witkoff sẽ tiến hành vòng đàm phán gián tiếp thứ ba vào thứ Bảy tuần tới sau khi bắt đầu các cuộc thảo luận kỹ thuật trong tuần này.

Phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao xác nhận hôm thứ Bảy rằng cả hai bên đã đồng ý tiếp tục đàm phán vào tuần tới.

“Hôm nay, tại Rôma trong hơn bốn giờ trong vòng đàm phán thứ hai của chúng tôi, chúng tôi đã đạt được tiến triển rất tốt trong các cuộc thảo luận trực tiếp và gián tiếp. Chúng tôi đã đồng ý gặp lại vào tuần tới và biết ơn các đối tác Oman đã tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán này và các đối tác Ý đã tiếp đón chúng tôi hôm nay”, phát ngôn nhân cho biết.

Đại diện từ Oman đã đóng vai trò trung gian cho các cuộc đàm phán gián tiếp, chuyển tiếp các thông điệp qua lại giữa Witkoff và Araghchi. Vào cuối phiên họp tuần trước tại Muscat, kéo dài hơn hai giờ, Witkoff và Araghchi đã nói chuyện trực tiếp trong thời gian ngắn, cả hai bên cho biết.

Phát biểu trên đài truyền hình nhà nước Iran, Araghchi cho biết “các cuộc đàm phán đang tiến triển” và nói thêm rằng hai quan chức đã có thể đạt được “sự hiểu biết tốt hơn về một loạt các nguyên tắc và mục tiêu”.

Một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Oman đóng vai trò trung gian đã nêu rõ thêm chi tiết về các cuộc đàm phán.

Tuyên bố của Oman nêu rõ: “Hai quan chức “đã đồng ý bước vào giai đoạn tiếp theo của các cuộc thảo luận nhằm đạt được một thỏa thuận công bằng, lâu dài và ràng buộc, bảo đảm Iran hoàn toàn không có vũ khí hạt nhân và lệnh trừng phạt, đồng thời duy trì khả năng phát triển năng lượng hạt nhân hòa bình”.

Trong một bài đăng riêng, Ngoại trưởng Oman Badr Albusaidi đã cảm ơn Witkoff và Araghchi vì “đường lối mang tính xây dựng cao” của họ đối với các cuộc đàm phán, ông nói rằng: “Các cuộc đàm phán này đang thu hút được động lực và giờ đây ngay cả điều không tưởng cũng trở thành có thể”.

Tháng trước, Tổng thống Trump đã gửi một lá thư cho Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei, đưa ra tối hậu thư 60 ngày để đạt được tiến triển trong các cuộc đàm phán hạt nhân, nếu không Iran sẽ phải đối mặt với hậu quả quân sự. Tổng thống — người đã từ bỏ hiệp ước hạt nhân năm 2015 với Iran trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình để ủng hộ chiến dịch trừng phạt “gây áp lực tối đa” — đã nhiều lần cảnh báo rằng Iran “không thể có vũ khí hạt nhân”.

Kể từ đó, Iran đã tăng cường đáng kể hoạt động phát triển hạt nhân, trong khi các chuyên gia cảnh báo rằng nước này đang ở rất gần nguy cơ hạt nhân.

Witkoff dường như đã tạm thời đi chệch khỏi đường lối cứng rắn của chính quyền trong tuần này, ám chỉ với Fox News vào thứ Hai rằng Hoa Kỳ chỉ tìm cách hạn chế chương trình làm giàu uranium của Iran chứ không phải xóa bỏ nó. Đặc phái viên sau đó đã rút lại, nhắc lại lập trường của Tổng thống Trump rằng “Iran phải dừng lại và xóa bỏ chương trình làm giàu và vũ khí hạt nhân của mình”.

Cuộc hội đàm tuần trước, nơi Witkoff và Araghchi trò chuyện trực tiếp, đánh dấu sự tham gia trực tiếp đầu tiên được biết đến giữa các quan chức Iran và Hoa Kỳ dưới thời chính quyền Tổng thống Trump.

[Politico: Iran nuclear talks to enter ‘next phase’ after negotiations in Rome]

6. Macron được mời đến thăm cấp nhà nước Anh vào tháng 5 — trước Tổng thống Trump

Vua Charles III của Anh đã mời Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến thăm cấp nhà nước vào tháng 5, vài tháng trước chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump dự kiến diễn ra vào tháng 9, tờ The Sunday Times đưa tin.

Chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của nhà lãnh đạo Pháp đang được lên kế hoạch trong bối cảnh Thủ tướng Anh Keir Starmer đang nỗ lực tái khởi động quan hệ với Liên minh Âu Châu nhiều năm sau Brexit, trong khi các đồng minh lịch sử của Anh tại Mỹ đang dần xa lánh và hướng nội dưới thời Tổng thống Trump.

Trong những tháng gần đây, Macron và Starmer đã lãnh đạo một “liên minh tự nguyện” gồm các nước Âu Châu tìm cách thống nhất về các bảo đảm an ninh cho Ukraine trong trường hợp đạt được lệnh ngừng bắn với Nga.

Trong khi Macron trò chuyện với nhà vua tại Lâu đài Windsor, Anh và Liên Hiệp Âu Châu dự kiến sẽ ký một hiệp ước quốc phòng và an ninh tại hội nghị thượng đỉnh ở Luân Đôn vào ngày 19 tháng 5 để thúc đẩy chi tiêu quân sự trên khắp Âu Châu.

Quốc phòng đóng vai trò là bước đệm đầu tiên trong nỗ lực tái thiết quan hệ Liên Hiệp Âu Châu-Anh. Tác động của nó đối với thương mại vẫn rất lớn, vì hiệp ước này có thể mở đường cho các cuộc đàm phán tiếp theo như thỏa thuận về tiêu chuẩn nông sản thực phẩm nhằm giảm bớt tình trạng quan liêu trong thương mại và các kế hoạch của Liên Hiệp Âu Châu như cải thiện khả năng di chuyển cho giới trẻ và sinh viên.

Trên thực tế, hiệp ước quốc phòng phụ thuộc vào việc liệu Vương quốc Anh có nhượng bộ quyền đánh bắt cá ở vùng biển Anh cho các đội tàu Liên Hiệp Âu Châu hay không.

Cả hai bên dự kiến sẽ sử dụng cuộc họp vào tháng tới để đạt được sự hiểu biết chung về những vấn đề sẽ nằm trong chương trình tái khởi động quan hệ Anh - Liên Hiệp Âu Châu rộng lớn hơn của Starmer.

Ở bên kia Đại Tây Dương, Tổng thống Trump gần đây đã gợi ý rằng ông sẽ đến thăm Anh vào tháng 9, sau khi Starmer gửi lời mời của Vua Charles trong chuyến thăm Washington vào tháng 2.

Trong những tuần gần đây, Tổng thống Trump đã áp thuế quan nặng nề đối với các quốc gia trên thế giới, bao gồm thuế 10 phần trăm đối với các sản phẩm của Anh và Liên Hiệp Âu Châu trên quy mô lớn. Tổng thống Hoa Kỳ đã nhấn nút tạm dừng các mức thuế quan có đi có lại nặng nề khác để tạo không gian đàm phán các thỏa thuận thương mại mới.

[Politico: Macron invited to UK state visit in May — ahead of Trump]

7. Belarus hoan nghênh lệnh ngừng bắn lễ Phục sinh, hy vọng ‘giảm leo thang’, Bộ ngoại giao tuyên bố

Bộ Ngoại giao Belarus cho biết nhà độc tài Belarus Alexander Lukashenko đã hoan nghênh lệnh ngừng bắn nhân lễ Phục sinh giữa Ukraine và Nga.

Nga tuyên bố lệnh ngừng bắn tạm thời vào lễ Phục sinh từ ngày 19 tháng 4 đến nửa đêm ngày 21 tháng 4 mặc dù sau đó đã vi phạm lệnh ngừng bắn nhiều lần, theo Tổng thống Volodymyr Zelenskiy và binh lính ở tiền tuyến Ukraine. Chính quyền Belarus đã lặp lại những câu chuyện của Điện Cẩm Linh và ủng hộ Nga khi nước này tiếp tục tiến hành cuộc chiến chống lại Ukraine.

Lukashenko cho biết “Động thái này được thực hiện vào đêm trước lễ Phục sinh, điều này làm cho nó đặc biệt có ý nghĩa và mang tính biểu tượng”.

Lukashenko đã lặp lại những câu chuyện của Nga. Nói rằng Ukraine, Belarus và Nga là “các quốc gia anh em”, một ý tưởng được nhồi sọ mạnh mẽ trong thời Liên Xô và được coi là làm suy yếu bản sắc riêng biệt của người Ukraine và người Belarus.

Lukashenko cũng bày tỏ hy vọng có một “giải pháp ngoại giao” để chấm dứt cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine.

Ông nói: “Chúng tôi hy vọng rằng lệnh ngừng bắn sẽ dẫn đến việc giảm căng thẳng và cho phép tiến tới một giải pháp ngoại giao”.

Mạc Tư Khoa đã cho thấy dấu hiệu không muốn tiến tới thỏa thuận hòa bình với Ukraine. Chính quyền Nga đã liệt kê các yêu cầu tối đa trong các cuộc đàm phán ngừng bắn với Ukraine và Hoa Kỳ

Ukraine đã đồng ý với lệnh ngừng bắn toàn diện trong 30 ngày do Hoa Kỳ đề xuất, tuyên bố vào ngày 11 tháng 3 rằng Kyiv đã sẵn sàng nếu Nga cũng đồng ý với các điều khoản. Cho đến nay, Mạc Tư Khoa đã từ chối.

“Hy vọng Nga và Ukraine sẽ đạt được thỏa thuận trong tuần này”, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump viết trong bài đăng trên mạng xã hội vào ngày 20 tháng 4.

[Kyiv Independent: Belarus welcomes Easter truce, hopes for 'de-escalation,' foreign ministry claims]

8. Von der Leyen cảnh báo X, Meta, TikTok phải tuân thủ luật lệ ở Âu Châu — bất kể ai là CEO

Chủ tịch Ủy ban Âu Châu trả lời tờ POLITICO rằng các công ty công nghệ lớn bao gồm X, Meta, Apple và TikTok nên biết rằng khối này sẵn sàng thực thi toàn bộ bộ quy tắc kỹ thuật số của mình bất kể ai là nhà lãnh đạo các công ty này hoặc họ ở đâu.

Ursula von der Leyen cho biết như trên khi trả lời các câu hỏi về cam kết của Liên Hiệp Âu Châu đối với các quy tắc kỹ thuật số của mình: “Các quy tắc do các nhà đồng lập pháp của chúng tôi bỏ phiếu phải được thực thi”.

“Đó là lý do tại sao chúng tôi mở các vụ kiện chẳng hạn như các vụ kiện chống lại TikTok, X, Apple, Meta. Chúng tôi áp dụng các quy tắc một cách công bằng, cân xứng và không thiên vị. Chúng tôi không quan tâm công ty đến từ đâu và ai điều hành công ty đó. Chúng tôi quan tâm đến việc bảo vệ mọi người”, bà nói thêm.

Những nhận xét này chỉ ra quyết tâm của Liên Hiệp Âu Châu trong việc thực thi một gói quy tắc kỹ thuật số mở rộng đang vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ các thành viên cao cấp trong chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

Phó tổng thống Mỹ James David Vance đã dẫn đầu cáo buộc chống lại các luật của Âu Châu như Đạo luật dịch vụ số, gọi tắt là DSA quản lý nội dung, hoặc Đạo luật AI, với lập luận rằng chúng kiểm duyệt quyền tự do ngôn luận và kìm hãm sự đổi mới ở Âu Châu.

Hai tháng trước cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, Vance đã chỉ ra mối liên hệ trực tiếp giữa việc Washington tiếp tục tham gia NATO và bộ quy tắc kỹ thuật số của Âu Châu, nói rằng Hoa Kỳ có thể rút khỏi liên minh nếu Liên Hiệp Âu Châu áp dụng các quy tắc đối với các nền tảng.

Áp lực như vậy đã dẫn đến lo ngại rằng Liên Hiệp Âu Châu có thể sẽ không thực thi luật pháp của mình để tránh chọc giận chính quyền Tổng thống Trump, đặc biệt là trong bối cảnh các cuộc thảo luận căng thẳng về thuế quan thương mại của Hoa Kỳ nhắm vào Âu Châu.

Sự chậm trễ rõ ràng đối với các khoản tiền phạt được mong đợi từ lâu, cụ thể là việc thực thi Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số - nhằm bảo đảm một thị trường kỹ thuật số công bằng - và DSA đã củng cố những lo ngại như vậy, với một số quan chức phàn nàn công khai về sự “chính trị hóa” rõ ràng trong việc thực thi Công nghệ lớn.

Việc Von der Leyen khăng khăng rằng Liên Hiệp Âu Châu sẽ duy trì quy tắc của mình đối với bất kỳ công ty nào “bất kể ai điều hành” đã phản bác lại những lời chỉ trích như vậy. Elon Musk, chủ sở hữu nền tảng công nghệ X, là một trong những người ủng hộ chính của Tổng thống Trump và đóng vai trò trong chính quyền của ông với tư cách là nhà lãnh đạo Bộ Hiệu quả Chính phủ.

Ủy ban Âu Châu hiện đang cân nhắc các khoản tiền phạt tiềm năng đối với X sau khi kết thúc cuộc điều tra đối với nền tảng này vào tháng Giêng. Tờ New York Times đưa tin vào đầu tháng 4 rằng Brussels sẽ áp dụng khoản tiền phạt lên tới 1 tỷ đô la — mặc dù tuyên bố đó đã bị phát ngôn nhân của Ủy ban phủ nhận.

[Politico: Von der Leyen warns X, Meta, TikTok to play by the rules in Europe — no matter who’s CEO]

9. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Hoa Kỳ muốn Putin kéo dài lệnh ngừng bắn lễ Phục sinh sau Chúa Nhật

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Hoa Kỳ đặt mục tiêu bảo đảm “một lệnh ngừng bắn toàn diện và đầy đủ” ở Ukraine ngoài lệnh ngừng bắn tạm thời vào dịp lễ Phục sinh.

Putin đã đơn phương tuyên bố lệnh ngừng bắn tạm thời vào dịp lễ Phục sinh từ 6 giờ chiều giờ Mạc Tư Khoa ngày 19 tháng 4 cho đến nửa đêm ngày 21 tháng 4. Nga đã vi phạm lệnh ngừng bắn nhiều lần, theo Tổng thống Volodymyr Zelenskiy và binh lính ở tiền tuyến Ukraine.

“Chúng tôi đã thấy Tổng thống Putin tuyên bố ngừng bắn tạm thời do lễ Phục sinh. Chúng tôi vẫn cam kết đạt được lệnh ngừng bắn toàn diện và đầy đủ”, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Tammy Bruce nói.

“Khi chúng tôi đánh giá mức độ nghiêm trọng của trường hợp này, chúng tôi mong muốn nó sẽ kéo dài đến sau Chúa Nhật.”

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết vào ngày 20 tháng 4, Putin không đưa ra lệnh gia hạn lệnh ngừng bắn.

Ukraine sẵn sàng kéo dài lệnh ngừng bắn thêm ít nhất 30 ngày, Tổng thống Zelenskiy cho biết vào ngày 19 tháng 4. Tổng thống đã đáp lại tuyên bố của Putin bằng cách mời Nga chấp nhận lệnh ngừng bắn vô điều kiện trong một tháng.

“Điều này sẽ cho thấy ý định thực sự của Nga, vì 30 giờ là đủ cho các tiêu đề, nhưng không đủ cho các biện pháp xây dựng lòng tin thực sự. Ba mươi ngày có thể mang lại cơ hội cho hòa bình”, ông nói.

Tổng thống Zelenskiy cho biết Ukraine sẽ tuân thủ lệnh ngừng bắn miễn là Nga tuân thủ, nhưng sẽ đáp trả nếu bị tấn công.

Hoa Kỳ ban đầu đề xuất lệnh ngừng bắn hoàn toàn trong 30 ngày giữa Nga và Ukraine vào tháng 3, trong các cuộc đàm phán với Kyiv và Mạc Tư Khoa tại Saudi Arabia. Ukraine đã chấp nhận đề xuất ngay lập tức và cho biết sẽ ban hành lệnh ngừng bắn khi Nga đồng ý với các điều khoản tương tự.

Nga liên tục bác bỏ lời kêu gọi ngừng bắn rộng rãi hơn, từ chối đề xuất của Hoa Kỳ trừ khi Ukraine có hành động làm suy yếu khả năng phòng thủ của mình, bao gồm cả việc ngừng mọi viện trợ quân sự nước ngoài.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ngày 18 tháng 4 đã đe dọa sẽ rút khỏi tiến trình hòa bình Nga-Ukraine nếu một trong hai bên “làm cho việc đạt được thỏa thuận trở nên rất khó khăn”. Putin đã tuyên bố “lệnh ngừng bắn” kéo dài 30 giờ vào ngày hôm sau.

Các nhà lãnh đạo Âu Châu đã phản ứng một cách hoài nghi trước động thái của Nga, gọi đó là “chiêu trò truyền thông” và kêu gọi Putin tuyên bố ngừng bắn vô điều kiện.

Trong khi đó, những người lính chiến đấu trên tiền tuyến của Ukraine cho biết họ không thấy dấu hiệu nào cho thấy phía Nga đã có lệnh ngừng bắn vào lễ Phục sinh.

[Kyiv Independent: US wants Putin to extend Easter truce beyond Sunday, State Department says]
 
Toàn văn Di Nguyện cuối cùng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Bầu tân Giáo Hoàng: Hồng Y Đoàn hiện nay
VietCatholic Media
17:29 22/04/2025


1. Di nguyện của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Như chúng tôi đã loan tin, Đức Thánh Cha Phanxicô đã được Chúa gọi về vào lúc 7:35 sáng ngày 21 tháng 4 năm 2025, theo giờ địa phương Rôma hay 12:35 trưa giờ Việt Nam, sau một thời gian dưỡng bệnh vì nhiễm trùng đường hô hấp nghiêm trọng. Cái chết của ngài, được Đức Hồng Y Kevin Farrell, là nhiếp chính thông báo trực tiếp từ nhà nguyện Casa Santa Marta vào khoảng 9:53 sáng, hay gần 3 giờ chiều giờ Việt Nam, đánh dấu sự kết thúc của một triều đại Giáo Hoàng kéo dài 12 năm có ảnh hưởng sâu sắc.

Hôm nay, Vatican đã công bố di nguyện của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Miserando atque Eligendo – Thấp hèn nhưng được chọn nhờ vào lòng thương xót

Nhân danh Chúa Ba Ngôi Chí Thánh. Amen.

Khi tôi cảm nhận được hoàng hôn của cuộc sống trần thế đang đến gần, và với niềm hy vọng vững chắc vào cuộc sống vĩnh hằng, tôi muốn nêu ra những mong muốn cuối cùng của mình chỉ liên quan đến nơi chôn cất tôi.

Trong suốt cuộc đời tôi, và trong suốt sứ vụ của tôi với tư cách là một linh mục và giám mục, tôi luôn phó thác bản thân mình cho Mẹ của Chúa chúng ta, Đức Trinh Nữ Maria. Vì lý do này, tôi cầu xin cho hài cốt của tôi được nghỉ ngơi — chờ đợi ngày Phục sinh — tại Đền Thờ Đức Bà Cả.

Tôi mong muốn cuộc hành trình trần thế cuối cùng của tôi sẽ kết thúc chính xác tại đền thánh Đức Mẹ cổ kính này, nơi tôi luôn dừng lại để cầu nguyện vào đầu và cuối mỗi chuyến Tông du, tin tưởng phó thác những ý định của mình cho Đức Mẹ Vô Nhiễm, và tạ ơn sự chăm sóc dịu dàng và đầy tình mẫu tử của Mẹ.

Tôi yêu cầu ngôi mộ của tôi được chuẩn bị trong hốc chôn cất ở lối đi bên giữa Nhà nguyện Pauline, là nơi có ảnh Đức Bà Là Phần Rỗi của dân thành Rôma; và Nhà nguyện Sforza của đền thờ, như thể hiện trong sơ đồ đính kèm.

Ngôi mộ phải nằm dưới lòng đất; đơn giản, không có đồ trang trí đặc biệt, chỉ có dòng chữ: Franciscus.

Chi phí chuẩn bị tang lễ sẽ được chi trả bằng một khoản tiền do một nhà hảo tâm cung cấp, số tiền này tôi đã sắp xếp để chuyển đến Đền Thờ Đức Bà Cả. Tôi đã đưa ra những chỉ dẫn cần thiết liên quan đến việc này cho Đức Hồng Y Rolandas Makrickas, Ủy viên đặc biệt của đền thờ Liberia.

Xin Chúa ban phần thưởng xứng đáng cho tất cả những ai đã yêu thương tôi và tiếp tục cầu nguyện cho tôi. Những đau khổ đã đánh dấu phần cuối cuộc đời tôi, tôi dâng lên Chúa, cho hòa bình trên thế giới và cho tình huynh đệ giữa các dân tộc.

Santa Marta, ngày 29 tháng 6 năm 2022

Phanxicô

Chú thích:

a. Đền Thờ Đức Bà Cả còn được gọi là đền thờ Liberia để vinh danh Đức Giáo Hoàng Liberiô. Ngài đã cai quản Giáo Hội từ năm 352 đến 366.

Theo truyền thuyết, một trận tuyết rơi mùa hè kỳ diệu, được báo trước trong giấc mơ cho cả Đức Giáo Hoàng Liberiô và một cặp vợ chồng người Rôma giàu có và ngoan đạo, là những người đã quyết định trao tặng tất cả tài sản trần thế của họ cho Giáo Hội nhằm phục vụ những mục đích chính đáng. Tuyết đã rơi vào ngày 5 tháng 8 tại địa điểm mà Đức Giáo Hoàng Liberiô sau đó đã dựng lên một nhà thờ cho Đức Mẹ vào năm 358.

Đức Giáo Hoàng Liberiô cũng là một chiến binh kiên cường chống lại tà giáo Ariô, phủ nhận thần tính của Chúa Giêsu Kitô trong con người của Ngài.

b. Đức Hồng Y Rolandas Makrickas được nhắc đến trong di nguyện của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là một giáo sĩ người Lithuania. Ngài sinh ngày 31 Tháng Giêng năm 1972. Ngài là phó giám quản Đền Thờ Đức Bà Cả từ năm 2024. Ngài làm việc trong ngành ngoại giao của Tòa thánh từ năm 2006 cho đến năm 2021, khi ngài được giao trách nhiệm tổ chức lại hoạt động quản trị của Đền Thờ Đức Bà Cả. Ngài được phong tổng giám mục vào năm 2023 và được Đức Giáo Hoàng Phanxicô phong Hồng Y vào năm 2024.


Source:Vatican News

2. Sắc lệnh của Tổng thống Trump treo cờ rũ để tôn vinh Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Hôm Thứ Hai, 21 Tháng Tư, sau khi nhận được tin Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã qua đi, Tổng thống Trump đã đưa ra tuyên bố sau. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Tuyên bố

Ngày 21 tháng 4 năm 2025

Bởi Tổng thống Hoa Kỳ

Để tỏ lòng tôn kính tưởng nhớ Đức Thánh Cha Phanxicô, với thẩm quyền được trao cho tôi với tư cách là Tổng thống Hoa Kỳ theo Hiến pháp và luật pháp của Hoa Kỳ, tôi ra lệnh rằng cờ Hoa Kỳ sẽ được treo rủ tại Tòa Bạch Ốc và trên tất cả các tòa nhà và khuôn viên công cộng, tại tất cả các đồn quân sự và trạm hải quân, và trên tất cả các tàu hải quân của Chính phủ Liên bang tại Quận Columbia và trên khắp Hoa Kỳ và các Lãnh thổ và thuộc địa của Hoa Kỳ cho đến khi mặt trời lặn, vào ngày an táng. Tôi cũng chỉ thị rằng cờ sẽ được treo rủ trong cùng khoảng thời gian tại tất cả các đại sứ quán, công sứ quán, văn phòng lãnh sự và các cơ sở khác của Hoa Kỳ ở nước ngoài, bao gồm tất cả các cơ sở quân sự, tàu và trạm hải quân.

ĐỂ LÀM CHỨNG, tôi đã ký vào đây ngày hai mươi mốt tháng Tư, năm hai ngàn hai mươi lăm theo lịch Chúa chúng ta, và năm Độc lập của Hoa Kỳ là năm hai trăm bốn mươi chín.

TỔNG THỐNG DONALD J. TRUMP


Source:White House

3. Hồng Y Đoàn hiện nay

Theo tông hiến Universi Dominici Gregis, từ 15 cho đến 20 ngày sau khi một vị Giáo Hoàng qua đời, Hồng Y Đoàn sẽ họp tại Nhà nguyện Sistina để tổ chức Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng mới. Đức Bênêđíctô đã sửa lại quy tắc cho phép Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng mới diễn ra sớm hơn 15 ngày sau khi Tòa Thánh trống ngôi Giáo Hoàng.

Về lý thuyết, bất kỳ nam giới Công Giáo nào đã rửa tội đều đủ điều kiện trở thành Giáo Hoàng, nhưng trong 700 năm qua, Giáo Hoàng luôn được chọn từ Hồng Y Đoàn.

Phần lớn trong số 266 Giáo Hoàng được bầu trong suốt lịch sử đều là người Âu Châu. Đức Thánh Cha Phanxicô, là Giáo Hoàng đầu tiên không phải người Âu Châu sau 1.300 năm.

Không giống như trong chính trị thông thường, các ứng cử viên cho chức Giáo Hoàng không công khai vận động cho vị trí này. Những người theo dõi Vatican đã coi những Hồng Y có cơ hội trở thành Giáo Hoàng là papabile /pa-pa-bi-lê/, nghĩa là “có thể trở thành Giáo Hoàng”.

Chỉ những Hồng Y dưới 80 tuổi mới đủ điều kiện bỏ phiếu, thường được gọi là Hồng Y cử tri. Hiện nay, Hồng Y Đoàn có 252 vị Hồng Y, trong đó có 137 vị Hồng Y cử tri, 109 vị do Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong. 23 vị được nâng lên hàng Hồng Y bởi Đức Bênêđíctô. 5 vị được nhận mũ đỏ từ tay Đức Gioan Phaolô II. Số Hồng Y cử tri hiện nay vượt qua đáng kể ngưỡng 120 Hồng Y do Đức Phaolô Đệ Lục đặt ra trong Tông Hiến Romano Pontifici Eligendo ngày 1 tháng 10, Năm 1975. Điều đáng tiếc là Giáo Hội Việt Nam không có Hồng Y cử tri.

Các Giáo Hoàng gần đây luôn thể hiện sự linh hoạt nhất định đối với ngưỡng 120 Hồng Y cử tri. Vào ngày 21 tháng 2 năm 2001, khi Đức Gioan Phaolô II tấn phong 42 Hồng Y, 38 trong số các vị là Hồng Y cử tri: điều này đã nâng số Hồng Y cử tri lên 136. Một lần nữa ngưỡng 120 bị vượt qua là vào lần tấn phong Hồng Y cuối cùng của ngài, vào ngày 21 tháng 10 năm 2003. Điều đó đã nâng con số lên 135 Hồng Y cử tri trong Hồng Y Đoàn.

Tổng cộng, Đức Gioan Phaolô II đã vượt ngưỡng ba lần, Đức Bênêđíctô XVI hai lần, và Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã vượt ngưỡng trong mọi dịp tấn phong Hồng Y.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho đến nay đã triệu tập 10 công nghị tấn phong Hồng Y. Lần cuối cùng là ngày 7 Tháng Mười Hai, 2024. Ngài đã tấn phong cho 163 Hồng Y từ 76 quốc gia, trong đó có 25 quốc gia chưa bao giờ có Hồng Y.

Các Hồng Y đã bị phế truất

Liên quan đến việc tham gia Cơ Mật Viện, Tông Hiến năm 1996 quy định rõ rằng “Các Hồng Y đã bị phế truất về mặt pháp lý hoặc những người được sự đồng ý của Giáo Hoàng Rôma đã từ bỏ đặc quyền Hồng Y thì không có quyền này. Hơn nữa, trong khoảng thời gian trống tòa, Hồng Y Đoàn không thể thu nhận lại hoặc phục hồi tư cách Hồng Y của họ. “

Những trường hợp rút khỏi Hồng Y Đoàn này rất hiếm nhưng trong lịch sử gần đây cũng có một số trường hợp. Năm 1927, Hồng Y người Pháp Louis Billot từ bỏ chức Hồng Y vì bất đồng với Đức Piô XI về việc lên án Action Française, và ngài qua đời với tư cách là một linh mục Dòng Tên giản dị.

Nhiều thập kỷ sau, vào năm 2018, cựu Tổng Giám mục Washington Theodore McCarrick bị mất chức Hồng Y vì liên quan đến lạm dụng trẻ em. Ông ta vẫn còn sống, nhưng hiện đã bị hạ xuống tư cách giáo dân.

Hồng Y Keith O'Brien, một cựu tổng giám mục của Edinburgh, người cũng liên quan đến lạm dụng tình dục, nhưng không lạm dụng trẻ vị thành niên, đã từ bỏ việc tham gia Cơ Mật Viện năm 2013 và sau đó chính thức từ bỏ các quyền và đặc quyền của Hồng Y vào năm 2015, mặc dù ông được giữ lại danh hiệu.

Cuối cùng, Hồng Y Becciu đã bị tước bỏ các đặc quyền của mình với tư cách là Hồng Y cử tri Hồng Y vào năm 2020 do cáo buộc tham nhũng liên quan đến vụ mua bán địa ốc ở London. Vị cựu Phụ Tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh sẽ không thể tham gia Cơ Mật Viện nếu được tổ chức ngay bây giờ, nhưng, giống như các Hồng Y trên 80 tuổi, ngài vẫn giữ được danh hiệu Hồng Y. Hồng Y Becciu có thể giành lại quyền bỏ phiếu nếu được trắng án khi kết thúc thủ tục pháp lý hiện tại. Khả năng phục hồi sẽ lại là đặc quyền cá nhân của Giáo Hoàng.