Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật Lễ Lá 13/4 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
00:38 12/04/2025
Kiệu Lá:
BÀI PHÚC ÂM: Lc 19, 28-40
“Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca
Khi ấy, Chúa Giêsu đi trước lên Giêrusalem. Và xảy ra là khi Người đến gần Bếtphagê và Bêtania, giáp núi gọi là núi Cây Dầu, Người sai hai môn đệ đi và bảo rằng: “Các con hãy đến làng trước mặt kia, vừa vào làng, các con sẽ gặp con lừa con cột sẵn đó chưa ai cỡi bao giờ. Các con hãy mở dây mà dẫn về. Và nếu có ai hỏi các con: “Tại sao các ông mở dây?” thì hãy nói thế này: “Vì Chúa cần dùng đến nó”. Hai người được sai ra đi, và gặp lừa con đứng đó như Chúa đã bảo. Hai ông đang mở dây lừa con, thì chủ nó hỏi rằng: “Sao các ông mở dây lừa con?”. Hai ông đáp: “Vì Chúa cần đến nó”. Hai ông dắt lừa về cho Chúa Giêsu, trải áo lên mình lừa và đặt Chúa lên trên. Dọc đàng, người ta trải áo trên lối đi. Khi Người đến gần triền núi Cây Dầu, tất cả đoàn môn đệ hân hoan lớn tiếng ca ngợi Chúa về mọi phép lạ họ đã thấy mà rằng: “Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến, bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời”. Một vài người biệt phái trong đám đông nói cùng Người rằng: “Thưa Thầy, xin hãy mắng các môn đệ Ngài đi”. Chúa Giêsu nói: “Tôi bảo cho các ông biết nếu họ làm thinh, thì những viên đá sẽ la lên”.
Đó là lời Chúa.
Thánh Lễ:
BÀI ĐỌC I: Is 50, 4-7
“Tôi đã không giấu mặt mũi tránh những lời nhạo cười, nhưng tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn”.
(Bài ca Thứ Ba về Người Tôi Tớ Chúa)
Bài trích sách Tiên tri Isaia.
Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn. Mỗi sáng Người đánh thức tôi, Người thức tỉnh tai tôi, để nghe lời Người giáo huấn. Thiên Chúa đã mở tai tôi, mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu; tôi đã không che giấu mặt mũi, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi. Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không phải hổ thẹn; nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 21, 8-9. 17-18a. 19-20. 23-24
Đáp: Ôi Thiên Chúa! Ôi Thiên Chúa! sao Chúa đã bỏ con? (c. 2a)
1) Bao người thấy con đều mỉa mai con, họ bĩu môi, họ lắc đầu: “Hắn tin cậy Chúa, xin Ngài cứu hắn, xin Ngài giải gỡ hắn, nếu Ngài yêu thương”.
2) Đứng quanh con là đàn ưng khuyển, một lũ côn đồ bao bọc lấy con. Chân tay con chúng đều chọc thủng, con có thể đếm được mọi đốt xương con.
3) Phần chúng thì nhìn xem con và vui vẻ, đem y phục của con chia sẻ với nhau, còn tấm áo dài, thì chúng rút thăm… Phần Ngài, lạy Chúa, xin chớ đứng xa con, ôi Đấng phù trợ con, xin kíp ra tay nâng đỡ.
4) Con sẽ tường thuật danh Chúa cho các anh em, giữa nơi công hội, con sẽ ngợi khen Người. “Chư quân là người tôn sợ Chúa, xin hãy ca khen Chúa, toàn thể miêu duệ nhà Giacóp, hãy chúc tụng Người, hãy tôn sợ Người, hết thảy dòng giống Israel!”
BÀI ĐỌC II: Pl 2, 6-11
“Người đã tự hạ mình; vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Người”.
Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.
Chúa Giêsu Kitô, tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ phải giành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong địa ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa để Thiên Chúa Cha được vinh quang.
Đó là lời Chúa.
Câu Xướng Trước Phúc Âm: Pl 2, 8-9
Chúa Kitô vì chúng ta, đã vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu.
Cùng Đi Với Ngài
Nguyễn Trung Tây
04:18 12/04/2025
Cùng Đi Với Ngài
Nguyễn Trung Tây
Nếu Đức Giêsu chỉ ở lại Galilê, tiếp tục sứ vụ rao giảng Tin Mừng nơi vùng đất quen thuộc, có lẽ Ngài đã không phải đối diện với bản án tử. Galilê là quê hương của Ngài, nơi dân chúng quý mến, và cả giới lãnh đạo, dù là La Mã hay Do Thái, đều biết đến Ngài, và đôi khi còn tìm đến để nhờ vả. Chẳng hạn, viên sĩ quan La Mã đã đến xin Ngài chữa lành cho người đầy tớ thân tín, hay ông hội trưởng Giairô hội đường Do Thái cũng đã khẩn cầu Ngài cứu sống con gái mình.
Người dân Galilê, theo tường thuật của bốn sách Tin Mừng, tỏ ra rất nhiệt thành với Đức Giêsu. Sau phép lạ hoá bánh và cá nuôi sống năm ngàn người đàn ông, chưa kể phụ nữ và trẻ nhỏ, họ đã muốn tôn Ngài lên làm vua. Dù giới lãnh đạo Do Thái từ Giêrusalem từng nhiều lần tìm cách bắt bẻ và hãm hại Ngài, nhưng tại Galilê, điều đó không dễ xảy ra, vì Đức Giêsu được cả dân chúng và phần nào cả các lãnh đạo địa phương ủng hộ.
Tuy nhiên, khi Đức Giêsu quyết định rời bỏ Galilê để tiến về Giêrusalem, Ngài biết rõ rằng con đường phía trước là con đường của đối đầu. Tại kinh thành, nơi quyền lực tôn giáo và chính trị giao thoa, giáo lý và hành động của Đức Giêsu bị xem là mối đe dọa nghiêm trọng. Trong mắt các nhà lãnh đạo Do Thái, Đức Giêsu không chỉ phá vỡ những quy tắc khắt khe của Lề Luật, mà còn bị cho là phạm thượng khi dám nhân danh Thiên Chúa theo một cách chưa từng thấy (Đnl 6:5).
Khi xua đuổi những người buôn bán khỏi khuôn viên Đền Thờ, Đức Giêsu không chỉ làm đảo lộn trật tự, mà còn chạm đến quyền lợi kinh tế của giới lãnh đạo tôn giáo bấy lâu nay hưởng lợi từ hệ thống này. Còn dưới lăng kính chính trị, sự hiện diện của Ngài cùng đám đông đi theo có thể bị hiểu nhầm như một phong trào nổi loạn chống lại ách cai trị của đế quốc Rôma. Vì vậy, giới lãnh đạo Do Thái đã quyết tâm loại trừ “cái gai” Giêsu.
Và điều đó đã xảy ra. Sau khi Đức Giêsu tiến vào Giêrusalem trong tiếng hoan hô vang dội của dân chúng vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá, chỉ trong vòng sáu ngày, sứ vụ tại kinh thành đã đưa Ngài lên đồi Golgotha:
- Chúa Nhật Lễ Lá: Đức Giêsu tiến vào Giêrusalem giữa tiếng hô vang “Hosanna!” và những nhành lá dừa của dân chúng tung hô.
- Từ Thứ Hai đến Thứ Tư: Ngài giảng dạy trong Đền Thờ, thẳng thắn vạch trần những bất công và giả hình.
- Thứ Năm Tuần Thánh: Ngài dùng bữa Tiệc Ly với các môn đệ, thiết lập bí tích Thánh Thể và rửa chân cho họ như một dấu chỉ yêu thương phục vụ.
- Đêm Thứ Năm: Giuđa phản bội. Đức Giêsu bị bắt tại Vườn Cây Dầu và bị đưa ra xét xử.
- Sáng Thứ Sáu: Quan Philatô, dưới áp lực của giới lãnh đạo Do Thái, kết án tử hình Ngài.
- Trưa Thứ Sáu: Đức Giêsu bị đóng đinh trên thập giá.
- Ba giờ chiều Thứ Sáu: Ngài trút hơi thở trong đau thương và cô đơn.
Đức Giêsu biết rõ cái chết đang chờ đợi Ngài tại Giêrusalem. Nhưng vì vâng phục Thánh Ý Chúa Cha và vì ơn cứu độ cho nhân loại, Ngài đã hiến dâng mạng sống mình. Ngày hôm nay, Chúa Nhật Lễ Lá, toàn thể cộng đoàn Kitô hữu khắp nơi trên thế giới cùng nhau tưởng niệm giây phút Đức Giêsu tiến vào Giêrusalem giữa cành lá vẫy chào. Nhưng chúng ta không chỉ dừng lại ở việc cầm lá dừa, chúng ta còn được mời gọi cùng đi với Ngài:
Cùng vào thành thánh với tâm hồn khiêm cung.
Cùng thanh tẩy đền thờ nội tâm mình.
Cùng ăn bữa Tiệc Ly và rửa chân cho nhau trong tình huynh đệ.
Cùng cầu nguyện trong nỗi cô đơn như Ngài tại Vườn Cây Dầu.
Cùng vác thập giá, cùng chịu kết án, cùng chịu chết như Ngài.
Cùng được mai táng với Ngài trong nấm mồ.
Và rồi, chúng ta cùng hy vọng, ngôi mộ đời mình cũng sẽ trống như ngôi mộ của Ngài, dấu chỉ cho một sự sống mới, vinh quang và vĩnh cửu.
Nguyễn Trung Tây
Nếu Đức Giêsu chỉ ở lại Galilê, tiếp tục sứ vụ rao giảng Tin Mừng nơi vùng đất quen thuộc, có lẽ Ngài đã không phải đối diện với bản án tử. Galilê là quê hương của Ngài, nơi dân chúng quý mến, và cả giới lãnh đạo, dù là La Mã hay Do Thái, đều biết đến Ngài, và đôi khi còn tìm đến để nhờ vả. Chẳng hạn, viên sĩ quan La Mã đã đến xin Ngài chữa lành cho người đầy tớ thân tín, hay ông hội trưởng Giairô hội đường Do Thái cũng đã khẩn cầu Ngài cứu sống con gái mình.
Người dân Galilê, theo tường thuật của bốn sách Tin Mừng, tỏ ra rất nhiệt thành với Đức Giêsu. Sau phép lạ hoá bánh và cá nuôi sống năm ngàn người đàn ông, chưa kể phụ nữ và trẻ nhỏ, họ đã muốn tôn Ngài lên làm vua. Dù giới lãnh đạo Do Thái từ Giêrusalem từng nhiều lần tìm cách bắt bẻ và hãm hại Ngài, nhưng tại Galilê, điều đó không dễ xảy ra, vì Đức Giêsu được cả dân chúng và phần nào cả các lãnh đạo địa phương ủng hộ.
Tuy nhiên, khi Đức Giêsu quyết định rời bỏ Galilê để tiến về Giêrusalem, Ngài biết rõ rằng con đường phía trước là con đường của đối đầu. Tại kinh thành, nơi quyền lực tôn giáo và chính trị giao thoa, giáo lý và hành động của Đức Giêsu bị xem là mối đe dọa nghiêm trọng. Trong mắt các nhà lãnh đạo Do Thái, Đức Giêsu không chỉ phá vỡ những quy tắc khắt khe của Lề Luật, mà còn bị cho là phạm thượng khi dám nhân danh Thiên Chúa theo một cách chưa từng thấy (Đnl 6:5).
Khi xua đuổi những người buôn bán khỏi khuôn viên Đền Thờ, Đức Giêsu không chỉ làm đảo lộn trật tự, mà còn chạm đến quyền lợi kinh tế của giới lãnh đạo tôn giáo bấy lâu nay hưởng lợi từ hệ thống này. Còn dưới lăng kính chính trị, sự hiện diện của Ngài cùng đám đông đi theo có thể bị hiểu nhầm như một phong trào nổi loạn chống lại ách cai trị của đế quốc Rôma. Vì vậy, giới lãnh đạo Do Thái đã quyết tâm loại trừ “cái gai” Giêsu.
Và điều đó đã xảy ra. Sau khi Đức Giêsu tiến vào Giêrusalem trong tiếng hoan hô vang dội của dân chúng vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá, chỉ trong vòng sáu ngày, sứ vụ tại kinh thành đã đưa Ngài lên đồi Golgotha:
- Chúa Nhật Lễ Lá: Đức Giêsu tiến vào Giêrusalem giữa tiếng hô vang “Hosanna!” và những nhành lá dừa của dân chúng tung hô.
- Từ Thứ Hai đến Thứ Tư: Ngài giảng dạy trong Đền Thờ, thẳng thắn vạch trần những bất công và giả hình.
- Thứ Năm Tuần Thánh: Ngài dùng bữa Tiệc Ly với các môn đệ, thiết lập bí tích Thánh Thể và rửa chân cho họ như một dấu chỉ yêu thương phục vụ.
- Đêm Thứ Năm: Giuđa phản bội. Đức Giêsu bị bắt tại Vườn Cây Dầu và bị đưa ra xét xử.
- Sáng Thứ Sáu: Quan Philatô, dưới áp lực của giới lãnh đạo Do Thái, kết án tử hình Ngài.
- Trưa Thứ Sáu: Đức Giêsu bị đóng đinh trên thập giá.
- Ba giờ chiều Thứ Sáu: Ngài trút hơi thở trong đau thương và cô đơn.
Đức Giêsu biết rõ cái chết đang chờ đợi Ngài tại Giêrusalem. Nhưng vì vâng phục Thánh Ý Chúa Cha và vì ơn cứu độ cho nhân loại, Ngài đã hiến dâng mạng sống mình. Ngày hôm nay, Chúa Nhật Lễ Lá, toàn thể cộng đoàn Kitô hữu khắp nơi trên thế giới cùng nhau tưởng niệm giây phút Đức Giêsu tiến vào Giêrusalem giữa cành lá vẫy chào. Nhưng chúng ta không chỉ dừng lại ở việc cầm lá dừa, chúng ta còn được mời gọi cùng đi với Ngài:
Cùng vào thành thánh với tâm hồn khiêm cung.
Cùng thanh tẩy đền thờ nội tâm mình.
Cùng ăn bữa Tiệc Ly và rửa chân cho nhau trong tình huynh đệ.
Cùng cầu nguyện trong nỗi cô đơn như Ngài tại Vườn Cây Dầu.
Cùng vác thập giá, cùng chịu kết án, cùng chịu chết như Ngài.
Cùng được mai táng với Ngài trong nấm mồ.
Và rồi, chúng ta cùng hy vọng, ngôi mộ đời mình cũng sẽ trống như ngôi mộ của Ngài, dấu chỉ cho một sự sống mới, vinh quang và vĩnh cửu.
Lễ Lá Hành Hương Đường Thương Khó
Lm Nguyễn Xuân Trường
12:22 12/04/2025
LỄ LÁ: HÀNH HƯƠNG ĐƯỜNG THƯƠNG KHÓ
Phụng vụ Lễ Lá dẫn chúng ta bước vào Tuần Thánh cũng là bước theo Chúa Giêsu vào cuộc hành hương đường Thương Khó đầy cảm xúc thương đau lẫn niềm cậy trông phó thác.
1. Hân hoan. Không ai lên đường mà thiếu niềm vui. Dân Do Thái hân hoan reo hò tung hô Đức Giêsu là vua là Chúa long trọng tiến vào thành Giêrusalem. Cũng vậy, ta không thể sống đức tin trong buồn sầu, nhưng phải có một trái tim biết reo vui khi Chúa đến.
2. Hạ mình. Chúa Giêsu tiến lên Giêrusalem không nhằm được “thăng quan tiến chức” nhưng thánh Phaolô đã cho thấy Chúa Giêsu hạ mình vâng lời cho đến chết trên thập giá. Chúa hạ mình xuống tận cùng thân phận nô lệ để nâng loài người sa ngã lên. Khi hạ mình xóa nhòa cái tôi thì cuộc đời sẽ sinh nhiều điều tốt đẹp.
3. Hy sinh. Bài Thương Khó cho thấy con đường cứu độ của Chúa là con đường yêu thương hy sinh. Vì yêu thương mà Chúa gánh lấy tất cả những đau thương của nhân loại vào thân mình: Ngài sẵn lòng chịu phản bội, vu cáo, nhục mạ, nguyền rủa, kết án, đánh đòn, đóng đinh vào thánh giá. Chính khi hy sinh cho đến chết thì lại chứng tỏ một tình yêu lớn nhất như Chúa Giêsu đã tuyên bố.
4. Hy vọng. Giữa lúc hấp hối trên thánh giá, Chúa Giêsu vẫn mở cửa thiên đàng cho người tử tội chịu đóng đinh cùng: “Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng.” Riêng thánh Luca đã ghi lại lời này như một khoảnh khắc rực sáng của hy vọng được trao ban ngay trong lúc tuyệt vọng. Ngay cả khi mọi sự tưởng như chết hết thì hy vọng vẫn sống, vì hy vọng Kitô giáo không dựa trên hoàn cảnh, mà đặt nơi Chúa Phục Sinh.
Quả thật, Lễ Lá dẫn chúng ta bước vào Tuần Thánh cũng là bước vào cuộc hành hương đường Thương Khó – một hành trình nhiều cung bậc của đời sống đức tin: từ hân hoan tung hô Chúa, đến hạ mình khiêm nhường để có thể yêu thương hy sinh quên mình, rồi làm trổ sinh niềm hy vọng cứu rỗi. Amen.
Phụng vụ Lễ Lá dẫn chúng ta bước vào Tuần Thánh cũng là bước theo Chúa Giêsu vào cuộc hành hương đường Thương Khó đầy cảm xúc thương đau lẫn niềm cậy trông phó thác.
1. Hân hoan. Không ai lên đường mà thiếu niềm vui. Dân Do Thái hân hoan reo hò tung hô Đức Giêsu là vua là Chúa long trọng tiến vào thành Giêrusalem. Cũng vậy, ta không thể sống đức tin trong buồn sầu, nhưng phải có một trái tim biết reo vui khi Chúa đến.
2. Hạ mình. Chúa Giêsu tiến lên Giêrusalem không nhằm được “thăng quan tiến chức” nhưng thánh Phaolô đã cho thấy Chúa Giêsu hạ mình vâng lời cho đến chết trên thập giá. Chúa hạ mình xuống tận cùng thân phận nô lệ để nâng loài người sa ngã lên. Khi hạ mình xóa nhòa cái tôi thì cuộc đời sẽ sinh nhiều điều tốt đẹp.
3. Hy sinh. Bài Thương Khó cho thấy con đường cứu độ của Chúa là con đường yêu thương hy sinh. Vì yêu thương mà Chúa gánh lấy tất cả những đau thương của nhân loại vào thân mình: Ngài sẵn lòng chịu phản bội, vu cáo, nhục mạ, nguyền rủa, kết án, đánh đòn, đóng đinh vào thánh giá. Chính khi hy sinh cho đến chết thì lại chứng tỏ một tình yêu lớn nhất như Chúa Giêsu đã tuyên bố.
4. Hy vọng. Giữa lúc hấp hối trên thánh giá, Chúa Giêsu vẫn mở cửa thiên đàng cho người tử tội chịu đóng đinh cùng: “Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng.” Riêng thánh Luca đã ghi lại lời này như một khoảnh khắc rực sáng của hy vọng được trao ban ngay trong lúc tuyệt vọng. Ngay cả khi mọi sự tưởng như chết hết thì hy vọng vẫn sống, vì hy vọng Kitô giáo không dựa trên hoàn cảnh, mà đặt nơi Chúa Phục Sinh.
Quả thật, Lễ Lá dẫn chúng ta bước vào Tuần Thánh cũng là bước vào cuộc hành hương đường Thương Khó – một hành trình nhiều cung bậc của đời sống đức tin: từ hân hoan tung hô Chúa, đến hạ mình khiêm nhường để có thể yêu thương hy sinh quên mình, rồi làm trổ sinh niềm hy vọng cứu rỗi. Amen.
Khôn ngoan toàn bích
Lm Minh Anh
13:42 12/04/2025
KHÔN NGOAN TOÀN BÍCH
“Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự!”.
“Không có Chúa Nhật Phục Sinh nào mà không có Thứ Sáu Tuần Thánh. Đó là sự khôn ngoan toàn bích của Thiên Chúa! Đau khổ và cái chết của Con Một Ngài là một phần không thể thiếu trong tiến trình cứu độ!” - Susan Howatch.
Kính thưa Anh Chị em,
Bước vào Tuần Thánh, Lời Chúa toát lên những mâu thuẫn giàu cảm xúc. Con Thiên Chúa vừa được đón tiếp như một vị vua, vừa bị đối xử như một đại tội nhân chuốc lấy một án tử gớm ghiếc. Vậy mà đó là điều Chúa Cha muốn và là sự ‘khôn ngoan toàn bích’ của Ngài!
Từ góc độ trần thế, những gì sẽ sớm xảy ra sau đó chẳng có ý nghĩa gì ngoài thánh ý Chúa Cha! Chúa Giêsu chuốc lấy khổ đau của Người Tôi Tớ được tiên báo hàng trăm năm trước, “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu” - bài đọc một; Ngài như bị bỏ rơi, “Muôn lạy Chúa, Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao?” - Thánh Vịnh đáp ca; và Phaolô kết luận, “Người hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự!” - bài đọc hai.
Nhưng từ góc độ thần thánh, những gì Chúa Giêsu chịu là khởi đầu của một hành động vinh quang nhất chưa từng được biết đến - vinh quang thập giá! Bởi lẽ, thập giá là ngai mới của Ngài và vinh quang Ngài nhận được khi vào thành thánh sẽ trọn vẹn vào giờ Ngài chịu treo lên trên nó để chiếm lấy Vương Quyền vĩnh cửu.
Trong sự kế hoạch khôn dò của Chúa Cha, đau khổ và cái chết có một mục đích lớn hơn! Thiên Chúa đã chọn cách làm xáo trộn sự khôn ngoan thế gian bằng việc sử dụng việc nhân loại đóng đinh Con Một Ngài. Ấy thế, điều ác lớn nhất hoá nên điều lành vĩ đại nhất. Giờ đây, bởi niềm tin vào hành động này, thánh giá được dựng lên ở trung tâm các nhà thờ và gia đình chúng ta như một lời nhắc nhở thường xuyên rằng, cả những điều xấu xa nhất vẫn không thể vượt qua quyền năng, khôn ngoan và tình yêu của Thiên Chúa! Rằng, Vua Giêsu có chiến thắng cuối cùng cả khi tất cả dường như đã mất! Vị Vua này đã chỉ ra cho những ai đang trên đà hư mất một con đường, một hướng đi; chỉ ra cho những gì tồn tại vốn đã bị tàn phá bởi nghi ngờ, sợ hãi - kể cả tội lỗi - có được một luồng sáng mới, một nguồn sống mới và một nguồn ơn tha thứ mới.
Anh Chị em,
“Hãy nhìn lên Chúa Giêsu trên thập giá và nhận ra rằng chúng ta chưa bao giờ được nhìn bằng ánh mắt dịu dàng và thương cảm hơn, chưa bao giờ nhận được vòng tay yêu thương hơn. Hãy nói, “Lạy Chúa Giêsu, con cảm tạ Chúa. Chúa yêu thương con và luôn tha thứ cho con, ngay cả những lúc con thấy khó yêu thương và tha thứ cho chính mình!”” - Phanxicô. Hãy để Tuần Thánh mang đến cho bạn niềm hy vọng thiêng liêng! Chúng ta thường bị cám dỗ chán nản - tệ hơn - tuyệt vọng. Hãy nhớ, tất cả không mất; không thập giá nào khuất phục được chúng ta nếu bạn và tôi luôn kiên định trong Chúa Kitô, Đấng còn có tên là ‘Khôn Ngoan Toàn Bích’ của Thiên Chúa. “Hãy liên lỉ ghi nhớ những nỗi thống khổ của một tình yêu bị đóng đinh vì bạn, tha thứ cho bạn!” - Phaolô Thánh Giá.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, trong những gì nghiệt ngã nhất của thánh giá đời con, cho con biết, Chúa đang có mặt ở đó và luôn có kế hoạch khôn ngoan tuyệt vời nhất cho con!”, Amen.
( Tgp. Huế)
“Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự!”.
“Không có Chúa Nhật Phục Sinh nào mà không có Thứ Sáu Tuần Thánh. Đó là sự khôn ngoan toàn bích của Thiên Chúa! Đau khổ và cái chết của Con Một Ngài là một phần không thể thiếu trong tiến trình cứu độ!” - Susan Howatch.
Kính thưa Anh Chị em,
Bước vào Tuần Thánh, Lời Chúa toát lên những mâu thuẫn giàu cảm xúc. Con Thiên Chúa vừa được đón tiếp như một vị vua, vừa bị đối xử như một đại tội nhân chuốc lấy một án tử gớm ghiếc. Vậy mà đó là điều Chúa Cha muốn và là sự ‘khôn ngoan toàn bích’ của Ngài!
Từ góc độ trần thế, những gì sẽ sớm xảy ra sau đó chẳng có ý nghĩa gì ngoài thánh ý Chúa Cha! Chúa Giêsu chuốc lấy khổ đau của Người Tôi Tớ được tiên báo hàng trăm năm trước, “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu” - bài đọc một; Ngài như bị bỏ rơi, “Muôn lạy Chúa, Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao?” - Thánh Vịnh đáp ca; và Phaolô kết luận, “Người hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự!” - bài đọc hai.
Nhưng từ góc độ thần thánh, những gì Chúa Giêsu chịu là khởi đầu của một hành động vinh quang nhất chưa từng được biết đến - vinh quang thập giá! Bởi lẽ, thập giá là ngai mới của Ngài và vinh quang Ngài nhận được khi vào thành thánh sẽ trọn vẹn vào giờ Ngài chịu treo lên trên nó để chiếm lấy Vương Quyền vĩnh cửu.
Trong sự kế hoạch khôn dò của Chúa Cha, đau khổ và cái chết có một mục đích lớn hơn! Thiên Chúa đã chọn cách làm xáo trộn sự khôn ngoan thế gian bằng việc sử dụng việc nhân loại đóng đinh Con Một Ngài. Ấy thế, điều ác lớn nhất hoá nên điều lành vĩ đại nhất. Giờ đây, bởi niềm tin vào hành động này, thánh giá được dựng lên ở trung tâm các nhà thờ và gia đình chúng ta như một lời nhắc nhở thường xuyên rằng, cả những điều xấu xa nhất vẫn không thể vượt qua quyền năng, khôn ngoan và tình yêu của Thiên Chúa! Rằng, Vua Giêsu có chiến thắng cuối cùng cả khi tất cả dường như đã mất! Vị Vua này đã chỉ ra cho những ai đang trên đà hư mất một con đường, một hướng đi; chỉ ra cho những gì tồn tại vốn đã bị tàn phá bởi nghi ngờ, sợ hãi - kể cả tội lỗi - có được một luồng sáng mới, một nguồn sống mới và một nguồn ơn tha thứ mới.
Anh Chị em,
“Hãy nhìn lên Chúa Giêsu trên thập giá và nhận ra rằng chúng ta chưa bao giờ được nhìn bằng ánh mắt dịu dàng và thương cảm hơn, chưa bao giờ nhận được vòng tay yêu thương hơn. Hãy nói, “Lạy Chúa Giêsu, con cảm tạ Chúa. Chúa yêu thương con và luôn tha thứ cho con, ngay cả những lúc con thấy khó yêu thương và tha thứ cho chính mình!”” - Phanxicô. Hãy để Tuần Thánh mang đến cho bạn niềm hy vọng thiêng liêng! Chúng ta thường bị cám dỗ chán nản - tệ hơn - tuyệt vọng. Hãy nhớ, tất cả không mất; không thập giá nào khuất phục được chúng ta nếu bạn và tôi luôn kiên định trong Chúa Kitô, Đấng còn có tên là ‘Khôn Ngoan Toàn Bích’ của Thiên Chúa. “Hãy liên lỉ ghi nhớ những nỗi thống khổ của một tình yêu bị đóng đinh vì bạn, tha thứ cho bạn!” - Phaolô Thánh Giá.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, trong những gì nghiệt ngã nhất của thánh giá đời con, cho con biết, Chúa đang có mặt ở đó và luôn có kế hoạch khôn ngoan tuyệt vời nhất cho con!”, Amen.
( Tgp. Huế)
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Giáo Hoàng Phanxicô thực hiện chuyến viếng thăm cầu nguyện đến Vương cung thánh đường Đức Đức Bà Cả trước Tuần Thánh
Vũ Văn An
14:27 12/04/2025

AC Wimmer của Phòng tin tức CNA, ngày 12 tháng 4 năm 2025 tường trình rằng: Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thực hiện chuyến hành hương cầu nguyện đến Vương cung thánh đường Santa Maria Maggiore vào chiều thứ Bảy, tiếp tục hành trình trở lại việc xuất hiện trước công chúng của vị giáo hoàng trước việc cử hành Tuần Thánh.
Theo một tuyên bố của Vatican được công bố vào thứ Bảy, vị giáo hoàng 88 tuổi đã dừng lại để cầu nguyện trước ảnh tượng đáng kính của Đức Trinh Nữ Maria được gọi là "Salus Populi Romani" (Người bảo vệ dân La Mã).
Chuyến viếng thăm này đánh dấu một bước tiến nữa trong sự trở lại thận trọng của Đức Phanxicô với đời sống công cộng sau những thách thức về sức khỏe gần đây của ngài. Đức Giáo Hoàng hầu như không xuất hiện trước công chúng kể từ khi được xuất viện khỏi Bệnh viện Gemelli của Rome cách đây khoảng ba tuần, nơi ngài được điều trị nhiễm trùng đường hô hấp.
Chuyến viếng thăm Vương cung thánh đường Đức Bà Cả vào thứ Bảy diễn ra vào đêm Chúa Nhật Lễ Lá, ngày khai mạc Tuần Thánh trong lịch phụng vụ Công Giáo. Vatican vẫn chưa xác nhận sự tham gia của Đức Phanxicô vào các buổi cử hành Phục sinh sắp tới, với các quan chức cho biết các quyết định liên quan đến vai trò của ngài trong Tam Nhật Thánh sẽ được đưa ra "vào phút cuối".
Theo các bản cập nhật y tế, Đức Giáo Hoàng vẫn đang tiếp tục được điều trị hô hấp và vật lý trị liệu vận động, mặc dù nhu cầu về oxy bổ sung của ngài đã giảm dần.
Đức Hồng Y Leonardo Sandri, phó niên trưởng Hồng Y đoàn, dự kiến sẽ chủ trì Thánh lễ Chúa Nhật Lễ Lá với tư cách là đại diện của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Văn Hóa
Đọc Joseph Ratzinger, Nhà thần học của tính liên tục.Nền tảng Nhân quyền: Đức tin vào Thiên Chúa
Vũ Văn An
15:18 12/04/2025
Sau đây là bài viết chưa từng được công bố của Đức Bênêđíctô XVI, được chúng tôi chuyển qua Việt-Ngữ và đăng trên VietCatholicNews ngày 9 tháng 5, năm 2018:

Như đã loan tin, cuốn sách mới của Đức Bênêđíctô XVI sẽ được nhà xuất bản Cantagalli, Siena, phát hành vào ngày 10 tháng 5 này. Với tựa đề Liberare la libertà. Fede e politica nel terzo millennio (Giải Phóng Tự Do. Đức Tin và Chính Trị trong Thiên Niên Kỷ Thứ Ba), cuốn sách được Pierluca Azzaro và Carlos Granados hiệu đính, Đức Phanxicô viết lời tựa.
Trong cuốn này, có bài mang tên tác giả Joseph Ratzinger, viết ngày 29 tháng 9 năm 2014, cho đến nay, chưa được công bố, nói về nền tảng nhân quyền mà theo ngài một là đặt cơ sở trên đức tin vào Thiên Chúa, Đấng Tạo Dựng, hai là không hề hiện hữu.
Bản văn hết sức sáng sủa, được ngài viết lúc hưu trí tại Vatican, một năm rưỡi sau khi từ nhiệm, để nhận định về một cuốn sách xuất bản năm 2015 dưới tựa đề sau cùng là Diritti umani e cristianesimo. La Chiesa alla prova delle modernità (Nhân Quyền và Kitô Giáo. Giáo Hội Dưới Chứng Nghiệm Hiện Đại) của Marcello Pera, bạn ngài và là một nhà triết học thuộc trường phái cấp tiến và là cựu chủ tịch Thượng Viện Ý.
Trong phần nhận định, Đức Giáo Hoàng Hưu Trí phân tích việc phát triển rầm rộ các nhân quyền trong tư duy thế tục và Kitô Giáo của hậu bán thế kỷ 20, như là một phương thức thay thế cho các nền độc tài đủ loại, bất chấp là vô thần hay Hồi Giáo. Và ngài giải thích tại sao “trong các bài giảng và giáo huấn của tôi, tôi luôn khẳng định tính trung tâm của các câu hỏi về Thiên Chúa”.
Lý do là muốn bảo đảm, các nhân quyền phải đặt nền tảng trên sự thật; không có sự thật, các nhân quyền có thể tăng lên nhưng cũng tự hủy và con người kết cục ở chỗ tự bác bỏ chính mình.
Sau đây là nguyên văn bài viết theo bản dịch tiếng Anh của Matthew Sherry, Ballwin, Missouri, U.S.A. do Sandro Magister phổ biến:
Nếu Thiên Chúa Không Hiện Hữu, Các Nhân Quyền Sẽ Sụp Đổ, Các Yếu Tố để Thảo Luận về Cuốn Sách của Marcello Pera "Giáo Hội, Các Nhân Quyền, và Việc Xa Lìa Thiên Chúa”
Cuốn sách chắc chắn nói lên một thách thức lớn lao cho tư duy hiện thời, và, cách riêng, cho cả Giáo Hội và thần học nữa. Sự bất liên tục giữa các tuyên bố của các vị giáo hoàng thế kỷ 19 và viễn kiến mới bắt đầu với Pacem in Terris khá hiển nhiên và đã có nhiều tranh luận về nó. Nó cũng nằm tại tâm điểm cuộc chống đối của Lefèbvre và các người theo vị này chống lại Công Đồng. Tôi cảm thấy không đủ khả năng đưa ra câu trả lời rõ ràng cho các vấn đề trong cuốn sách của ông; tôi chỉ có thể trình bầy một vài nhận xét mà, theo tôi, có thể quan trọng để thảo luận xa hơn.
1.Chỉ nhờ cuốn sách của Ông, tôi mới được rõ Pacem in Terris đã mở đường ra đến đâu. Tôi vốn biết thông điệp này đã tạo nên hiệu quả mạnh mẽ ra sao đối với nền chính trị Ý: nó đem lại một thúc đẩy có tính quyết định đối với việc mở đường cho Dân Chủ Kitô Giáo nghiêng về phía tả. Tuy nhiên, tôi không được biết đâu là khởi đầu mới được việc này nói lên trong tương quan với nền tảng lý thuyết của đảng này. Và tuy thế, như tôi còn nhớ, vấn đề nhân quyền thực sự chỉ đã chiếm được một vị trí có tầm quan trọng lớn lao trong Huấn Quyền và trong thần học hậu công đồng từ thời Đức Gioan Phaolô II.
Tôi có cảm tưởng này là nơi vị Thánh Giáo Hoàng, đó không hẳn là kết quả của suy tư (dù suy tư không thiếu nơi ngài) cho bằng là hậu quả của kinh nghiệm thực tế. Chống lại chủ trương toàn trị của Nhà Nước Mácxít và ý thức hệ trên đó nhà nước này dựa vào, ngài thấy trong ý niệm nhân quyền một vũ khí cụ thể có khả năng hạn chế được đặc tính toàn trị của Nhà Nước, nhờ thế dành chỗ cho tự do, cần thiết không những để nghĩ tới con người cụ thể, mà còn, và trên hết, cần thiết cho đức tin của các Kitô Hữu và cho quyền lợi Giáo Hội nữa. Theo một công thức dành cho chúng năm 1948, hình ảnh thế tục về nhân quyền, đối với ngài hiển nhiên là một sức mạnh hợp lý tương phản với mọi giả định tổng quát, cả ý thức hệ lẫn thực hành, của nhà nước được xây dựng trên chủ nghĩa Mácxít. Và do đó, trong tư cách giáo hoàng, ngài khẳng định việc nhìn nhận nhân quyền như là một sức mạnh được thừa nhận khắp thế giới bởi lý trí phổ quát chống lại các nền độc tài bất cứ thuộc loại nào.
Hiện nay, sự khẳng định trên không những liên quan đến các chế độ độc tài vô thần, mà còn cả các quốc gia được xây dựng trên căn bản biện minh tôn giáo, mà chúng ta thấy trước hết nơi thế giới Hồi Giáo. Sự hỗn hợp chính trị và tôn giáo trong Hồi giáo, một sự hỗn hợp nhất thiết hạn chế sự tự do của các tôn giáo khác, và do đó cũng hạn chế sự tự do của các Kitô hữu, đi ngược lại tự do tín ngưỡng, một tự do, đến một mức độ nào đó, cũng coi nhà nước thế tục là hình thức đúng đắn của nhà nước, trong đó quyền tự do tín ngưỡng mà các Kitô hữu yêu cầu ngay từ đầu đã tìm được chỗ đứng. Trong vấn đề này, Đức Gioan Phaolô II biết rằng ngài đang ở trong một sự liên tục sâu sắc với Giáo Hội tiên khởi. Giáo Hội này vốn phải đối đầu với một nhà nước tuy biết khoan dung tôn giáo, tất nhiên, nhưng lại khẳng định sự đồng nhất tối hậu giữa nhà nước và thẩm quyền thần linh, một điều các Kitô hữu không thể nào đồng thuận. Đức tin Kitô giáo, vốn công bố một tôn giáo phổ quát cho mọi người, nhất thiết bao gồm việc hạn chế từ nền tảng thẩm quyền của nhà nước vì các quyền lợi và nghĩa vụ của lương tâm cá nhân.
Ý niệm nhân quyền đã không được diễn tả theo cách đó. Đúng hơn, nó đặt việc vâng lời của con người đối với Thiên Chúa làm một giới hạn cho việc vâng lời nhà nước. Tuy nhiên, đối với tôi, xem ra không chính đáng khi định nghĩa bổn phận vâng lời của con người đối với Thiên Chúa như một quyền đối với nhà nước. Và về phương diện này, điều hoàn toàn hợp luận lý, trong việc tương đối hóa nhà nước để có lợi cho quyền tự do được vâng phục Thiên Chúa, là Đức Gioan Phaolô II cho rằng nên coi nhân quyền có trước bất cứ thẩm quyền nhà nước nào. Tôi tin rằng trong chiều hướng này, Đức Giáo Hoàng chắc chắn đã khẳng định một sự liên tục sâu sắc giữa ý niệm căn bản nhân quyền và truyền thống Kitô giáo, dĩ nhiên, ngay cả khi các công cụ tương ứng, cả ngôn ngữ học lẫn khái niệm, thực ra rất xa cách nhau.
2. Theo ý kiến của tôi, trong tín lý con người như được tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa, trong căn bản, có chứa điều được Kant khẳng định khi ông định nghĩa con người như một cùng đích chứ không phải là một phương tiện. Cũng có thể nói rằng nó chứa đựng ý tưởng con người là một chủ thể chứ không phải chỉ là một đối tượng của quyền lợi. Yếu tố cấu thành ý niệm nhân quyền này được phát biểu rõ ràng, đối với tôi, trong Sáng Thế: “Ta sẽ đòi mỗi người phải đền mạng sống của người anh em mình. Ai đổ máu con người, thì máu nó sẽ bị con người đổ ra, vì Thiên Chúa đã làm ra con người theo hình ảnh Thiên Chúa.”(Xh 9: 5tt). Việc được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa bao gồm sự kiện này là sự sống con người được đặt dưới sự che chở đặc biệt của Thiên Chúa, sự kiện này nữa: con người, trong tương quan với luật lệ nhân bản, là chủ nhân của quyền lợi do chính Thiên Chúa thiết lập.
Khái niệm này có tầm quan trọng căn bản vào đầu thời hiện đại với việc khám phá ra Mỹ Châu. Mọi dân tộc mới mà chúng ta gặp gỡ đều không được rửa tội, thành thử có câu hỏi được đặt ra là họ có quyền lợi hay không. Theo quan điểm trổi vượt, họ chỉ trở thành các chủ thể chính đáng của quyền lợi nhờ phép rửa tội mà thôi. Việc nhìn nhận rằng họ giống hình ảnh của Thiên Chúa nhờ sự sáng thế - và họ vẫn còn như vậy cả sau tội nguyên tổ - có nghĩa là trước cả phép rửa tội, họ đã là chủ thể của quyền lợi rồi và do đó có quyền đòi người ta phải tôn trọng nhân tính của họ. Với tôi, dường như đây là một sự nhìn nhận "nhân quyền" có trước việc chấp nhận đức tin Kitô giáo và bất cứ quyền lực nhà nước nào, bất kể bản chất cụ thể của nó là gì.
Nếu tôi không lầm, Đức Gioan Phaolô II hiểu rõ nỗ lực của ngài dành cho nhân quyền liên tục với thái độ mà Giáo Hội cổ thời vốn có đối với nhà nước Rôma. Thực thế, lệnh truyền của Chúa phải làm cho mọi dân tộc trở thành các môn đệ đã tạo ra một tình thế mới trong mối liên hệ giữa tôn giáo và nhà nước. Cho đến lúc đó, không có tôn giáo nào cho rằng mình phổ quát. Tôn giáo là một phần thiết yếu của bản sắc mỗi xã hội. Lệnh truyền của Chúa Giêsu không có nghĩa là ngay lập tức đòi một sự thay đổi trong cơ cấu các xã hội cá thể. Ấy thế nhưng, nó đòi mọi xã hội được trao cho khả thể chào đón sứ điệp của Người và sống phù hợp với nó.
Điều tiếp theo điều trên, trước nhất, là một định nghĩa mới, trên hết, về bản chất của tôn giáo: đây không phải là một nghi thức và tuân giữ tối hậu nhằm đảm bảo danh tính của nhà nước. Thay vào đó, nó là việc công nhận (đức tin), và, chính xác hơn, là việc công nhận sự thật. Vì tinh thần con người đã được tạo dựng cho sự thật, rõ ràng là sự thật có tính ràng buộc, không theo nghĩa đạo đức học duy nghiệm (positivistic) về bổn phận, mà đúng hơn, dựa trên bản chất của chính chân lý, là điều chính bằng cách này, đã làm cho con người thành tự do. Mối liên kết giữa tôn giáo và chân lý này bao gồm quyền được tự do, một điều được phép coi là liên tục một cách sâu sắc với cốt lõi chân chính của học lý về nhân quyền, như Đức Gioan Phaolô II rõ ràng đã chủ trương.
3. Ông đã rất đúng khi coi ý tưởng của Thánh Augustinô về nhà nước và lịch sử là nền tảng, đặt nó làm căn bản cho viễn kiến của ông đối với học thuyết Kitô giáo về nhà nước. Thế nhưng, quan điểm của Aristốt có thể đáng được xem xét nhiều hơn. Theo như tôi có thể đánh giá, nó ít quan trọng trong truyền thống của Giáo Hội Trung Cổ, càng ít quan trọng hơn nữa, sau khi nó được Marsilius thành Padua sử dụng để chống lại huấn quyền của Giáo Hội. Sau đó, mỗi ngày nó mỗi được sử dụng nhiều hơn, bắt đầu từ thế kỷ XIX khi học thuyết xã hội của Giáo Hội đang được phát triển. Lúc ấy, người ta khởi đầu từ một trật tự hai mặt, "trật tự tự nhiên (ordo naturalis)” và "trật tự siêu nhiên (ordo supernaturalis)", nhưng trong đó, “trật tự tự nhiên” được xem là hoàn chỉnh ngay trong chính nó. Người ta minh nhiên nhấn mạnh rằng "trật tự siêu nhiên" là một bổ sung nhưng không (free addition), nghĩa là một ơn thánh đơn thuần không thể dựa vào “trật tự tự nhiên” để mà đòi hỏi.
Với việc xây dựng một "trật tự tự nhiên" có thể nắm bắt một cách hoàn toàn thuần lý, một mưu toan đã được đưa ra nhằm có được một cơ sở luận lý nhờ đó Giáo hội có thể khẳng định chủ trương đạo đức học của mình trong cuộc tranh luận chính trị chỉ cần dựa vào tính thuần lý (rationality) hoàn toàn. Đúng, trong quan điểm này, có sự kiện là: ngay cả sau tội nguyên tổ, mặc dù bị thương tích, trật tự sáng thế đã không bị phá hủy hoàn toàn. Khẳng định rằng chỉ dựa vào yếu tố đích thực nhân bản mà thôi, ta không thể quả quyết được chủ trương đức tin của ta, tự nó, là một khẳng định chính xác. Nó tương ứng với tính tự lập của lĩnh vực sáng thế và sự tự do chủ yếu của đức tin. Theo chiều hướng này, tầm nhìn sâu sắc theo quan điểm của nền thần học về sáng thế, về "trật tự tự nhiên" trong tương quan với học thuyết Aristốt về nhà nước được biện minh, thậm chí còn thực sự cần thiết nữa. Nhưng cũng có những nguy hiểm:
a) Rất dễ quên thực tại của tội nguyên tổ và tiến đến những hình thức lạc quan ngây thơ không phù hợp với thực tại chút nào.
b) Nếu "trật tự tự nhiên" được coi như một tòan bộ (totality) hoàn chỉnh ngay trong chính nó và nó không cần tới Tin Mừng, thì có sự nguy hiểm này là những gì là Kitô Giáo chân chính xem ra chỉ là cấu trúc thượng tầng, cuối cùng sẽ trở thành dư thừa, áp đặt lên điều nhân bản theo tự nhiên. Thực vậy, tôi nhớ rằng có lần người ta trình bày với tôi bản thảo một văn kiện trong đó, cuối cùng, một số công thức rất đạo đức đã được phát biểu, ấy thế nhưng suốt trong toàn bộ diễn trình lập luận, không những Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người không được nhắc đến, mà ngay cả Thiên Chúa cũng không và do đó dường như các Vị đã trở thành dư thừa. Hiển nhiên, ta vẫn tin rằng có thể xây dựng một trật tự hoàn toàn thuần lý về tự nhiên; tuy nhiên, trật tự này không thuần lý theo nghĩa hẹp và mặt khác, liều mình sẽ đẩy những điều đúng là Kitô Giáo xuống lĩnh vực hoàn toàn có tính xúc cảm. Ở đây, ta thấy xuất hiện rõ ràng một cố gắng nhằm hạn chế mưu toan tạo ra một "trật tự tự nhiên” tự cung tự cấp. Cha de Lubac, trong "Surnaturel" (Siêu Nhiên) của ngài, đã cố gắng chứng minh rằng Thánh Tôma Aquinô - người cũng được nhắc đến trong việc bồi đắp mưu toan này - đã không thực sự có ý định làm như thế.
c) Một vấn đề căn bản trong mưu toan trên nằm ở sự kiện này: khi quên học lý về tội nguyên tổ, người ta đặt một sự tin tưởng ngây thơ vào lý trí mà không nhận thức được tính phức tạp thực sự của nhận thức thuần lý trong lĩnh vực đạo đức học. Cuộc tranh luận đầy bi kịch về luật tự nhiên cho thấy rõ ràng rằng tính hợp lý siêu hình, điều mà trong bối cảnh này vốn được giả định, không phải là điều hiển nhiên ngay lập tức. Với tôi, dường như cuối cùng Kelsen đã đúng khi ông nói rằng dẫn khởi một bổn phận từ hiện hữu chỉ hợp lý khi Một Vị nào đó đặt bổn phận ấy trong hiện hữu. Tuy nhiên, đối với ông, luận đề này không đáng để thảo luận. Do đó, với tôi, dường như cuối cùng mọi sự đều phải dựa trên khái niệm Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa hiện hữu, nếu có một Đấng Tạo Dựng, thì hiện hữu cũng có thể nói về Người và chỉ ra một bổn phận cho con người. Nếu không, thì triết lý hành động (ethos) cuối cùng bị giản lược vào chủ nghĩa thực dụng (pragmatism). Đây là lý do tại sao trong sự rao giảng của tôi và trong các trước tác của tôi, tôi luôn khẳng định tính trung tâm của vấn đề Thiên Chúa. Với tôi, dường như đây là điểm trong đó viễn kiến cuốn sách của ông và suy nghĩ của tôi trong căn bản đã gặp nhau. Ý niệm nhân quyền cuối cùng chỉ giữ được tính vững chắc của nó khi đặt cơ sở trên niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng Tạo Dựng. Chính từ đó, nó nhận được câu định nghĩa cho giới hạn của nó và đồng thời câu biện minh cho nó.
4. Tôi có cảm tượng rằng trong cuốn sách trước đây của ông, tức cuốn "Tại Sao Chúng Ta Phải Tự Gọi Là Kitô Hữu", ông đánh giá ý niệm của những nhà cấp tiến vĩ đại về Thiên Chúa một cách khác với cách ông đánh giá trong tác phẩm mới của ông. Trong cuốn sau, xem ra nó là một bước tiến tới việc đánh mất đức tin vào Thiên Chúa. Ngược lại, theo ý kiến tôi, trong cuốn sách đầu tiên của ông, ông đã chứng minh một cách đầy thuyết phục rằng nếu không có ý niệm Thiên Chúa, chủ nghĩa cấp tiến Âu Châu sẽ không thể hiểu được và phi luận lý. Đối với các ông tổ của chủ nghĩa cấp tiến, Thiên Chúa vẫn còn là nền tảng cho viễn kiến của họ về thế giới và con người, đến nỗi, trong cuốn sách đó, luận lý học của chủ nghĩa cấp tiến làm cho việc tuyên xưng Thiên Chúa của đức tin Kitô giáo trở thành cần thiết. Tôi hiểu rằng cả hai việc đánh giá đều được biện minh: một đàng, trong chủ nghĩa cấp tiến, ý niệm Thiên Chúa tự tách mình ra khỏi các nền tảng Thánh Kinh của nó, do đó, dần dần mất đi sức mạnh cụ thể của nó; đàng khác, đối với những nhà cấp tiến vĩ đại, Thiên Chúa là và vẫn là Đấng không thể thiếu được. Có thể nhấn mạnh khía cạnh này hay khía cạnh kia của diễn trình. Tôi tin rằng cần phải nhắc đến cả hai. Nhưng viễn kiến trong cuốn sách đầu tiên của ông vẫn không thể thiếu đối với tôi: tôi muốn nói rằng chủ nghĩa cấp tiến, nếu nó loại trừ Thiên Chúa, sẽ mất hết nền tảng riêng của nó.
5. Ý niệm Thiên Chúa bao gồm khái niệm căn bản về con người, coi họ như chủ thể của lề luật và do đó biện minh và đồng thời thiết lập ra các giới hạn cho việc quan niệm các nhân quyền. Trong cuốn sách của ông, ông đã chứng tỏ một cách thuyết phục và thúc đẩy điều sẽ xảy ra khi khái niệm nhân quyền bị tách biệt khỏi ý niệm Thiên Chúa. Sự nhân thừa các nhân quyền cuối cùng sẽ dẫn đến sự hủy diệt ý niệm quyền lợi và nhất thiết dẫn đến "quyền" hư vô hóa (nihilistic) của con người nhằm phủ nhận chính bản thân họ: phá thai, tự tử, việc sản xuất ra con người như một đồ vật trở thành quyền của con người mà quyền này cùng một lúc sẽ phủ nhận chính họ. Vì vậy, trong cuốn sách của ông, điều xuất hiện một cách đầy thuyết phục là ý niệm nhân quyền, khi bị tách ra khỏi ý niệm Thiên Chúa, cuối cùng không những dẫn đến việc đẩy Kitô giáo ra bên lề mà còn cả sự phủ nhận chính nó nữa. Điều này, một điều, với tôi, dường như là mục đích thực sự của cuốn sách của ông, có một ý nghĩa lớn lao trước sự phát triển tâm linh hiện nay tại Phương Tây, một phát triển ngày càng phủ nhận nền tảng Kitô giáo của mình và quay mặt chống lại chúng.
Joseph Ratzinger
VietCatholic TV
Ukraine công bố video chiến thắng Kurakhove: 4 cánh quân Nga thảm bại. Chiến tranh kinh tế Mỹ-Trung
VietCatholic Media
02:14 12/04/2025
1. Bốn nhóm tấn công của Nga tấn công cùng lúc ở Donetsk—và đụng độ với một bức tường máy bay điều khiển từ xa
Phải mất nhiều tháng giao tranh đẫm máu cho đến tháng 12 vừa qua, quân đội Nga mới chiếm được tàn tích của Kurakhove, một thị trấn pháo đài neo giữ các vị trí của Ukraine ở rìa phía nam của Donetsk ở miền đông Ukraine. Bị đánh tơi tả và kiệt sức—và thiếu xe thiết giáp trầm trọng—quân đội dã chiến của Nga không thể mở rộng quyền kiểm soát của họ thêm vài dặm nữa về phía tây.
Bốn tháng sau, cuối cùng họ đã tập hợp được lực lượng dự bị cho một đợt tấn công mới. “Chúng tôi... dự kiến các hành động tấn công của Nga sẽ mở rộng hơn nữa ở phía nam trong những tháng tới”, Tatarigami, người sáng lập nhóm phân tích tình báo Frontelligence của Ukraine, đã cảnh báo vào hôm Thứ Năm, 10 Tháng Tư.
Trên thực tế, những hành động đó đã bắt đầu từ nhiều ngày trước đó. Hôm thứ Ba, một lực lượng lớn của Nga đã tấn công đồng thời vào một số điểm ở phía bắc Kurakhove và phía nam Sribne. “Trong vòng hai giờ, bốn nhóm kết hợp đã khởi hành từ các hướng khác nhau và vào các thời điểm khác nhau đến khu vực định cư Bohdanivka: bộ binh, trên xe buggy và xe máy, xe thiết giáp, xe chiến đấu bộ binh và xe tăng,” Nhóm Chiến lược-Hoạt động Khortytsia của Ukraine đưa tin.
Mỗi nhóm người Nga đều có nhiệm vụ riêng, nhóm này nói thêm. “Kế hoạch có thể xảy ra của chiến dịch này là đột phá hoặc phá hủy tuyến phòng thủ của Ukraine và chiếm các thị trấn Bohdanivka, Troitske và Horikhove.”
Nhưng phòng tuyến của Ukraine trong khu vực này được Lữ đoàn cơ giới 72 hùng mạnh và một nhóm các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến, cũng như các đội máy bay điều khiển từ xa thông thường trấn giữ. Máy bay điều khiển từ xa giám sát đã nhìn thấy quân Nga đang đến. Máy bay điều khiển từ xa tấn công góc nhìn thứ nhất đã bao vây họ. Cuộc tàn sát sau đó thật kinh hoàng, ngay cả theo tiêu chuẩn khủng khiếp của cuộc chiến tranh kéo dài 38 tháng của Nga với Ukraine.
Máy bay điều khiển từ xa đã vô hiệu hóa các phương tiện và sau đó đuổi theo những hành khách và xa đoàn còn sống sót khi họ nhảy ra khỏi xe. Quá nhiều máy bay điều khiển từ xa tấn công cùng lúc khiến vụ nổ của một máy bay điều khiển từ xa kích hoạt đầu đạn của một máy bay khác bay gần đó. Người Nga mất chân tay và mất máu.
Không một trong bốn nhóm tấn công của Nga nào đến được vị trí của Ukraine, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, tuyên bố trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng Thứ Bẩy, 12 Tháng Tư. Giám sát hậu quả, máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã đếm được 12 xe cơ giới của Nga bị phá hủy bao gồm 2 xe tăng, 2 xe thiết giáp chở quân, 4 xe địa hình, 4 xe máy và 50 người Nga đã tử trận.
Chuẩn tướng Oleksii Hromov nhấn mạnh rằng “Tình hình của quân đội Ukraine vẫn phức tạp, và cán cân tổng thể nghiêng về phía Nga” do Nga có lực lượng dự trữ nhân lực lớn hơn. “Mặc dù vậy, bất chấp những nỗ lực gần đây của Nga nhằm mô tả tình hình của Ukraine là thảm khốc, cho đến nay họ vẫn chưa tận dụng được lợi thế về mặt hoạt động hoặc chiến lược bên trong Ukraine”.
[Forbes: Four Russian Assault Groups Attacked At The Same Time In Donetsk—And Ran Into A Wall Of Drones]
2. Đức cam kết cung cấp hệ thống phòng không, xe tăng, đạn pháo IRIS-T trong gói viện trợ mới cho Ukraine
Hôm Thứ Sáu, 11 Tháng Tư, Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius tuyên bố rằng Đức sẽ cung cấp bốn hệ thống phòng không IRIS-T, 15 xe tăng Leopard 1, máy bay trinh sát điều khiển từ xa và 100.000 viên đạn pháo cho Ukraine như một phần của gói viện trợ quân sự mới.
Bộ Trưởng Pistorius cho biết Đức có kế hoạch gửi thêm các hệ thống IRIS-T trong những năm tới và xác nhận việc sắp tới sẽ chuyển giao thêm 1.100 radar giám sát mặt đất.
Sự hỗ trợ của Đức cũng bao gồm 120 bệ phóng MANPADS, 25 xe chiến đấu bộ binh Marder và 14 khẩu pháo. Pistorius cũng xác nhận rằng 30 hỏa tiễn phòng không Patriot đã được chuyển giao, Interfax-Ukraine đưa tin.
Thông báo này được đưa ra trùng với cuộc họp của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine, gọi tắt là UDCG tại Brussels, do Anh và Đức đồng chủ trì.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Pete Hegseth và Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã tham dự qua đường truyền video.
Đức vẫn là một trong những nhà tài trợ quân sự hàng đầu của Ukraine tại Âu Châu. Vào ngày 19 tháng 3, Bộ Tài chính Đức đã xác nhận rằng sẽ phân bổ thêm 3 tỷ euro, hay 3,3 tỷ đô la, cho Ukraine ngoài 4 tỷ euro, hay 4,36 tỷ đô la, đã được dành cho năm 2025.
Gói hỗ trợ mới nhất của Berlin nhấn mạnh sự ủng hộ quân sự liên tục của Âu Châu dành cho Kyiv trong bối cảnh bất ổn ngày càng gia tăng về các cam kết của Hoa Kỳ.
3. Ông Donald Trump gửi lời cảnh báo tới Trung Quốc: Chúng tôi có những ‘Vũ khí mạnh nhất thế giới’
Tổng thống Trump đã bác bỏ những lo ngại về cuộc chiến thương mại của ông với Trung Quốc leo thang vượt ra ngoài việc áp dụng mức thuế quan cao ngất ngưởng, khi ám chỉ đến kho “vũ khí mạnh nhất thế giới”.
Hàng loạt mức thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump có phạm vi rộng, nhưng tập trung chủ yếu vào Trung Quốc.
Tổng thống đảng Cộng hòa hôm thứ Năm đã công bố lệnh hoãn ba tháng đối với các mức thuế quan “có đi có lại” được công bố vào đầu tháng 4, ngoại trừ Trung Quốc. Mức thuế quan chung 10 phần trăm vẫn được áp dụng, nhưng thị trường tài chính toàn cầu đã nhanh chóng tăng vọt sau tuyên bố của Tổng thống Trump. Tổng thống đã khẳng định vào đầu tuần này rằng ông không có ý định tạm dừng thuế quan.
Tổng thống Trump đã tăng mức thuế từ 104 phần trăm đối với Trung Quốc lên 125 phần trăm vào thứ Tư sau khi Bắc Kinh đáp trả Hoa Kỳ bằng mức thuế bổ sung 84 phần trăm vào đầu ngày.
Trong bài đăng trên mạng xã hội, Tổng thống Trump cho biết mức thuế 125 phần trăm có hiệu lực “ngay lập tức”.
Bộ thương mại Trung Quốc cho biết đầu tuần này rằng họ sẽ “chiến đấu đến cùng” chống lại “bản chất tống tiền của Hoa Kỳ”
Phát biểu tại Phòng Bầu dục hôm thứ Tư, Tổng thống Trump cho biết ông “không lo ngại” về việc xung đột kinh tế với Trung Quốc leo thang hơn nữa, đồng thời gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là “một trong những người rất thông minh trên thế giới”.
“Tôi không nghĩ ông ấy sẽ cho phép điều đó xảy ra”, Tổng thống Trump nói. Hoa Kỳ “mạnh hơn nhiều so với những gì mọi người hiểu”, ông nói thêm.
“Chúng tôi có vũ khí mà không ai biết nó là gì và đó là vũ khí mạnh nhất trên thế giới mà chúng tôi có”, Tổng thống Trump nói với các phóng viên. “Vì vậy, không ai sẽ làm điều đó”.
Không rõ tổng thống muốn ám chỉ điều gì khi đưa ra những nhận xét này.
Tổng thống Trump nói với giới truyền thông rằng ông tin rằng Bắc Kinh và Washington sẽ “cuối cùng đạt được một thỏa thuận rất tốt” có lợi cho cả hai nước. Trong những phát biểu được đăng trên mạng xã hội, tổng thống cho biết hơn 75 quốc gia đã liên hệ với chính quyền Hoa Kỳ để “đàm phán giải pháp” cho thuế quan và “theo đề xuất mạnh mẽ của tôi, không trả đũa theo bất kỳ cách nào, hình thức nào hoặc hình thức nào chống lại Hoa Kỳ”.
Nhà lãnh đạo Tổ chức Thương mại Thế giới, gọi tắt là WTO, Ngozi Okonjo-Iweala, cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Tư rằng “đường lối ăn miếng trả miếng” giữa Bắc Kinh và Washington có thể “gây tổn hại nghiêm trọng đến triển vọng kinh tế toàn cầu”.
Các quan chức an ninh và quốc phòng Hoa Kỳ trong nhiều năm qua coi Trung Quốc là “thách thức về tốc độ” đối với Washington, trong khi chính quyền Tổng thống Trump đã công khai phát tín hiệu về ý định rút sự chú ý của quân đội Hoa Kỳ khỏi Âu Châu để tập trung nhiều hơn vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
[Newsweek: Donald Trump Sends Warning to China: 'Most Powerful Weapons in the World']
4. Tập Cận Bình phá vỡ sự im lặng về cuộc chiến thuế quan với Hoa Kỳ
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã phá vỡ sự im lặng về cuộc chiến thương mại ngày càng sâu sắc với Hoa Kỳ, nói rằng sẽ “không có bên nào chiến thắng”.
Ông cảnh báo Tổng thống Trump rằng Trung Quốc “không sợ” - và ngay sau tuyên bố của ông, Bắc Kinh đã công bố mức thuế đáp trả là 125% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ.
Theo CCTV, một đài truyền hình nhà nước Trung Quốc, Tập Cận Bình phát biểu vào thứ sáu rằng: “Không có bên nào chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại, và việc đi ngược lại thế giới chỉ dẫn đến sự tự cô lập”.
“Trong hơn 70 năm qua, sự phát triển của Trung Quốc dựa trên sự tự lực và làm việc chăm chỉ—không bao giờ dựa vào sự giúp đỡ của người khác, và không sợ bất kỳ sự đàn áp bất công nào.”
Kể từ khi Tổng thống Trump trở thành tổng thống, thuế quan đã trở thành một phần quan trọng trong chính sách của ông và việc ông áp dụng thuế quan đối với Trung Quốc đã làm bùng nổ một cuộc chiến thương mại ngày leo thang.
Trước đó, hôm thứ Tư, Tổng thống Trump đã tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên 104 phần trăm và sau khi Trung Quốc đáp trả bằng cách tăng thuế đối với hàng hóa Hoa Kỳ lên 84 phần trăm, Tổng thống Trump đã tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lên 125 phần trăm.
Điều này diễn ra mặc dù Tổng thống Trump tuyên bố ông sẽ tạm dừng hầu hết các mức thuế đối với các đối tác thương mại của Hoa Kỳ trong 90 ngày.
Tập Cận Bình cho biết ông muốn củng cố mối quan hệ chiến lược với các quốc gia láng giềng. “Chúng ta đang bước vào một giai đoạn quan trọng đan xen sâu sắc với những thay đổi trong động lực khu vực và diễn biến toàn cầu”
Trong khi đó, Trung Quốc cũng phản ứng với mức thuế của Tổng thống Trump bằng cách tuyên bố sẽ giảm số lượng phim Mỹ nhập khẩu.
“Hành động sai trái của chính phủ Hoa Kỳ khi lạm dụng thuế quan đối với Trung Quốc chắc chắn sẽ làm giảm thêm sự ưa chuộng của khán giả trong nước đối với phim Mỹ”, Cục Điện ảnh Trung Quốc, đơn vị kiểm soát việc phân phối phim tại nước này, cho biết hôm thứ Năm. “Chúng tôi sẽ tuân thủ các quy tắc thị trường, tôn trọng sự lựa chọn của khán giả và giảm vừa phải số lượng phim Mỹ nhập khẩu”.
Sau khi Tổng thống Trump tăng thuế, Bộ Tài chính Trung Quốc cũng ra tuyên bố: “Việc Mỹ tăng thuế đối với Trung Quốc là một sai lầm chồng chất sai lầm, xâm phạm nghiêm trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của Trung Quốc và làm suy yếu nghiêm trọng hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ”.
Tổng thống Trump đã nói trong một bài đăng hôm thứ Tư trên Truth Social: “Dựa trên sự thiếu tôn trọng mà Trung Quốc đã thể hiện với Thị trường Thế giới, tôi xin tăng Thuế quan mà Hoa Kỳ áp dụng đối với Trung Quốc lên 125%, có hiệu lực ngay lập tức. Vào một thời điểm nào đó, hy vọng là trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ nhận ra rằng những ngày tháng bóc lột Hoa Kỳ và các quốc gia khác không còn bền vững hoặc chấp nhận được nữa”.
5. Iran đe dọa trục xuất các thanh tra viên hạt nhân vì áp lực của Tổng thống Trump
Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei cho biết Iran có thể trục xuất các thanh tra viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, gọi tắt là IAEA và đình chỉ hợp tác với cơ quan giám sát hạt nhân này nếu các mối đe dọa về hành động quân sự từ Hoa Kỳ và Israel vẫn tiếp tục.
Việc trục xuất các thanh tra viên của IAEA sẽ đóng lại cánh cửa nhìn ra thế giới về chương trình hạt nhân của Iran, mà theo cơ quan này là đang đẩy nhanh quá trình làm giàu uranium lên mức gần với mức cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Những bình luận này phản ánh sự tức giận ngày càng tăng giữa những người theo đường lối cứng rắn ở Iran về các mối đe dọa hành động quân sự chống lại chương trình hạt nhân của Cộng hòa Hồi giáo, mà Tehran cho biết có mục tiêu hoàn toàn là dân sự. Tổng thống Trump đã phát động chiến dịch “gây áp lực tối đa” và các cuộc đàm phán Iran-Hoa Kỳ được lên lịch vào cuối tuần, nhưng Tổng thống Trump đã đe dọa sẽ ném bom Iran nếu không đạt được thỏa thuận.
Ali Shamkhani, một thành viên của Hội đồng Phân định Biện pháp khẩn cấp, cho biết hôm thứ Năm rằng việc tiếp tục các mối đe dọa quân sự của Hoa Kỳ và Israel có thể dẫn đến việc trục xuất các thanh tra viên IAEA và đình chỉ hợp tác với cơ quan hạt nhân của Liên Hiệp Quốc, Hãng thông tấn MEHR đưa tin.
Shamkhani, cố vấn chính trị cao cấp của Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei, đã ám chỉ thêm về khả năng chuyển vật liệu hạt nhân đã làm giàu đến các địa điểm an toàn và không được tiết lộ tại Iran.
Các quan chức Iran đã cảnh báo rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào nước này sẽ phải đối mặt với “phản ứng nhanh chóng”, trong một lời đe dọa trả đũa từ Hoa Kỳ. Các quan chức Israel đã tuyên bố chắc chắn rằng họ sẽ ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.
[Newsweek: Iran Threatens to Expel Nuclear Inspectors Over Trump Pressure]
6. Trung Quốc tăng thuế quan lên 125 phần trăm đối với Hoa Kỳ trong đòn phản công mới chống lại Tổng thống Trump
Hôm Thứ Sáu, 11 Tháng Tư, Trung Quốc đã tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ lên 125 phần trăm, nhằm đáp trả chế độ trừng phạt của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đối với hàng hóa Trung Quốc.
Bộ Tài chính Bắc Kinh cho biết Hoa Kỳ đang có nguy cơ trở thành trò cười lịch sử khi tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên mức 145 phần trăm vào đầu tuần này.
Bộ Tài chính cho biết: “Ngay cả khi Hoa Kỳ tiếp tục áp dụng mức thuế quan cao hơn, điều này sẽ không còn ý nghĩa về mặt kinh tế và sẽ trở thành trò cười trong lịch sử kinh tế thế giới”.
“Ở mức thuế quan hiện tại, hàng hóa của Hoa Kỳ xuất khẩu sang Trung Quốc không được thị trường chấp nhận”, các quan chức kinh tế Bắc Kinh nói thêm. “Nếu Hoa Kỳ tiếp tục chơi trò thuế quan, Trung Quốc sẽ lờ đi. Tuy nhiên, nếu Hoa Kỳ vẫn tiếp tục xâm phạm đáng kể đến lợi ích của Trung Quốc, Trung Quốc sẽ kiên quyết phản công và chiến đấu đến cùng”.
7. Các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đệ trình dự luật trừng phạt hạm đội ngầm của Nga
Một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng Hoa Kỳ đã đưa ra dự luật hôm Thứ Năm, 10 Tháng Tư, nhằm tăng cường thực thi các lệnh trừng phạt đối với đội tàu chở dầu ngầm của Nga, nhằm mục đích trấn áp các chuyến hàng dầu tài trợ cho cuộc chiến của Mạc Tư Khoa với Ukraine, Reuters đưa tin.
Dự luật được đề xuất sẽ cho phép chính quyền Hoa Kỳ tịch thu các lô hàng dầu được vận chuyển bằng các tàu bị Bộ Tài chính đưa vào danh sách đen. Tiền thu được từ việc bán dầu bị tịch thu sẽ được chuyển hướng để giảm nợ quốc gia của Hoa Kỳ.
Bất chấp giá trần và lệnh trừng phạt của G7 và Liên Hiệp Âu Châu, Nga vẫn duy trì được lượng dầu xuất khẩu đáng kể bằng cách dựa vào đội tàu ngầm - những tàu thường hoạt động dưới các cấu trúc sở hữu không rõ ràng, treo cờ tùy ý và trốn tránh sự giám sát của phương Tây.
Dự luật kêu gọi thành lập Quỹ thực thi lệnh trừng phạt Nga trị giá 150 triệu đô la trong Bộ Tài chính để tăng cường nỗ lực giám sát và phá vỡ các mạng lưới buôn bán dầu bất hợp pháp.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Joni Ernst, một trong những người bảo trợ dự luật, cho biết: “Nga đang tiếp tục các hành động xấu xa của mình bằng cách vận hành một 'hạm đội ma' để trốn tránh lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, làm giàu cho cỗ máy chiến tranh của chính mình và thậm chí hỗ trợ hoạt động buôn lậu dầu của Iran”.
Bà nói thêm: “Ngoài việc ngăn chặn những nỗ lực thâm độc của Mạc Tư Khoa nhằm phá hoại luật pháp Hoa Kỳ, dự luật này cũng sẽ trang bị cho quốc gia chúng ta khả năng sử dụng các tài sản bị tịch thu và trả hết nợ của chính mình”.
Dự luật được đề xuất cũng sẽ mở rộng việc chia sẻ thông tin tình báo để giúp theo dõi các tàu tham gia trốn tránh lệnh trừng phạt và tăng cường năng lực thực thi pháp luật để phá bỏ mạng lưới xuất khẩu năng lượng của Mạc Tư Khoa.
Tổng thống Volodymyr Zelenskiy tuyên bố vào ngày 10 tháng 4 rằng Kyiv đang chuẩn bị các lệnh trừng phạt riêng nhằm vào hạm đội ngầm của Nga.
“Có một lý do chính đáng tương ứng từ các dịch vụ đặc biệt; đây là những gói mạnh mẽ,” Tổng thống Zelenskiy nói. “Đây là về đội tàu chở dầu bí mật mà Mạc Tư Khoa sử dụng để tài trợ cho chiến tranh.”
Tính đến tháng Giêng, hơn 200 tàu chở dầu đã bị Hoa Kỳ trừng phạt vì tạo điều kiện vận chuyển dầu của Nga vi phạm các hạn chế quốc tế.
Gói trừng phạt cuối cùng của chính quyền Tổng thống Biden, được đưa ra vào đầu tháng Giêng, nhắm vào 180 tàu - một đội tàu chịu trách nhiệm cho gần một nửa lượng dầu xuất khẩu ngoài khơi của Nga.
Chính quyền Đức đã tịch thu một tàu như vậy, tàu Eventin treo cờ Panama, vào cuối tháng 3. Tàu chở dầu này chở khoảng 100.000 tấn dầu của Nga, đã bị tịch thu.
[Kyiv Independent: US senators submit bill to crack down on Russia's shadow fleet]
8. Ukraine sẽ không chấp nhận bất kỳ giới hạn nào đối với quân đội của mình trong các cuộc đàm phán với Nga, quan chức cho biết
Ông Andriy Yermak, chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, cũng là trưởng đoàn đàm phán về hòa bình Ukraine, trả lời Reuters trong một cuộc phỏng vấn được công bố vào ngày 10 tháng 4 rằng Ukraine sẽ không đồng ý với bất kỳ hạn chế nào về quy mô quân đội hoặc khả năng sẵn sàng chiến đấu trong các cuộc đàm phán với Nga.
“Đây là lập trường nguyên tắc của Ukraine — không ai, và chắc chắn không phải quốc gia xâm lược Nga, có thể ra lệnh cho Ukraine loại quân đội mà Ukraine nên có”, ông nói.
Vị quan chức này khẳng định lại rằng quân đội Ukraine được huấn luyện bài bản vẫn là lực lượng bảo vệ mạnh nhất chống lại sự xâm lược của Nga trong tương lai.
“Tôi có thể đoán được Liên bang Nga đang hướng đến điều gì — có thể họ muốn chuẩn bị, để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho họ trong tương lai, nhưng không. Nhiệm vụ của chúng ta là học thật tốt những bài học của quá khứ”, ông nói.
Theo Yermak, Kyiv đã chính thức truyền đạt lập trường của mình tới Washington.
Những nhận xét này được đưa ra trong bối cảnh lệnh ngừng bắn một phần mong manh liên quan đến các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng và Hắc Hải, được đàm phán do Hoa Kỳ làm trung gian tại Saudi Arabia vào ngày 11 tháng 3.
Kyiv đã đồng ý ngừng bắn hoàn toàn trong 30 ngày, nhưng Mạc Tư Khoa đã bác bỏ đề xuất này vào ngày 13 tháng 3 trừ khi nó bao gồm các hạn chế đối với quân đội Ukraine và chấm dứt viện trợ quân sự nước ngoài.
Putin được cho là vẫn không muốn thỏa hiệp trong các cuộc đàm phán hòa bình, làm phức tạp thêm nỗ lực của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhằm đạt được một giải pháp.
Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết vào ngày 9 tháng 4 rằng Hoa Kỳ sẽ tổ chức các cuộc đàm phán ngừng bắn tiếp theo với Ukraine và Nga trong các cuộc họp riêng biệt vào những tuần tới.
“Tôi tin rằng một số giới hạn thời gian nhất định sẽ tạo cơ hội gây áp lực lên Nga. Nếu bạn có lệnh ngừng bắn trong một khoảng thời gian không rõ ràng — đó là một cuộc xung đột đóng băng”, tổng thống nói.
Tổng thống Trump, người đóng vai trò trung gian, cho biết vào ngày 7 tháng 4 rằng ông “không hài lòng” với việc Nga tăng cường ném bom trên khắp Ukraine.
NBC News đưa tin vào ngày 30 tháng 3 rằng Tổng thống Trump “tức giận” vì thái độ thù địch cá nhân của Putin đối với Tổng thống Zelenskiy, trong khi tờ Telegraph viết vào ngày 23 tháng 3 rằng ông ngày càng tức giận vì Nga từ chối hạ nhiệt chiến tranh.
Mặc dù bày tỏ sự thất vọng, cho đến nay Tổng thống Trump vẫn tránh áp đặt bất kỳ lệnh trừng phạt lớn nào hoặc có hành động trừng phạt nào đối với Mạc Tư Khoa.
[Kyiv Independent: Ukraine won't accept any limits on its army in talks with Russia, official says]
9. Các đồng minh của Ukraine thảo luận về việc gìn giữ một nền hòa bình không tồn tại
Các đồng minh của Ukraine, những người tạo thành liên minh tự nguyện, đã tổ chức các cuộc đàm phán vào thứ năm về cách thành lập một phái bộ an ninh nhằm giám sát bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào với Nga, nhưng cho đến nay vẫn bị cản trở bởi việc Mạc Tư Khoa từ chối ngừng chiến.
“Những gì chúng ta đang đối mặt là một giai đoạn mà chúng ta ít chắc chắn hơn, ít thời gian hơn so với những người lập kế hoạch quân sự mà bạn thường quen thuộc”, Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey, người dẫn đầu hội nghị thượng đỉnh tại Trụ sở NATO cùng với người đồng cấp người Pháp Sébastien Lecornu /sê-bát-siêng lơ-co-nu/, cho biết. “Chúng ta không thể giải quyết trừ khi chúng ta có được hoàn cảnh của một nền hòa bình được đàm phán”.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã tuyên bố chấm dứt chiến tranh, gây áp lực với Nga và Ukraine để đạt được lệnh ngừng bắn một phần, nhưng hai bên vẫn chưa chính thức đồng ý về các điều kiện và giao tranh vẫn tiếp diễn. Nga hiện đang tiến hành một cuộc tấn công lớn đồng thời tấn công các mục tiêu dân sự và cơ sở hạ tầng năng lượng bên trong Ukraine.
Một quan chức phương Tây nói với các phóng viên tuần này rằng thông tin tình báo cho thấy Putin vẫn tin rằng ông có con đường dẫn đến chiến thắng quân sự và tin rằng vị thế mặc cả của ông đang được cải thiện nhờ những thành quả nhỏ trên chiến trường.
Liên minh gồm khoảng 30 quốc gia — không có Hoa Kỳ — đặt mục tiêu xem họ có thể hỗ trợ gì cho Ukraine để ngăn chặn một cuộc tấn công khác của Nga trong trường hợp đạt được thỏa thuận hòa bình hoặc ngừng bắn.
Trong khi đề xuất ban đầu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ yếu là về việc điều động quân trên bộ, thì hiện nay, hỗ trợ trên không và trên biển cũng được đưa ra thảo luận.
Tiến vào các cuộc đàm phán vào thứ năm, các đồng minh đã liệt kê bốn mục tiêu chính: bầu trời an toàn, biển an toàn, hòa bình trên đất liền và quân đội Ukraine mạnh mẽ. Các tham mưu trưởng quốc phòng của Anh và Pháp đã thông báo cho các bộ trưởng quốc phòng về các lựa chọn quân sự sau khi đến thăm Kyiv.
Lecornu nói với các phóng viên sau cuộc họp rằng kế hoạch quân sự sẽ tiếp tục được điều động trong những tuần tới.
“Nhiều quốc gia đang bắt đầu định vị bản thân về mặt đóng góp liên quan đến khả năng thực hiện về mặt chính trị hoặc quân sự. Những quốc gia khác đang đặt ra câu hỏi”, ông nói. “Đây là một giai đoạn quan trọng và phần còn lại sẽ được thực hiện bằng văn bản trong tuần, chúng tôi sẽ đi sâu vào chi tiết về một số điểm nhất định, với báo cáo vào cuối tuần tới”.
Tuy nhiên, sẽ không có thời gian biểu cụ thể cho việc điều động quân sự cho đến khi có lệnh ngừng bắn.
Healey nhấn mạnh rằng nhiệm vụ trấn an sẽ không phải là “lực lượng gìn giữ hòa bình” có thể chia cắt các bên tham chiến. “Cách tốt nhất để củng cố lệnh ngừng bắn là sức mạnh của chính lực lượng Ukraine”, ông nói thêm.
Ông được Kaja Kallas, nhà ngoại giao hàng đầu của Liên Hiệp Âu Châu, đồng tình. “Hiện tại không có hòa bình nào để duy trì”, bà nói. “Các quốc gia thành viên phải cung cấp số lượng quân cụ thể, một số quốc gia thành viên sẵn sàng tham gia, một số thì không, chúng ta hãy thảo luận về điều đó nếu có hòa bình”.
Một sự phức tạp nữa là sự miễn cưỡng của Hoa Kỳ trong việc cung cấp bất kỳ sự hỗ trợ nào trong một nhiệm vụ quân sự cho Ukraine. Nhiều quốc gia cảnh giác với việc tiến lên mà không có sự hỗ trợ hậu cần, phòng không và tình báo từ quân đội Hoa Kỳ.
Kallas cho biết liên minh đang “cố gắng giữ Hoa Kỳ tham gia”.
Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Häkkänen phát biểu với các phóng viên trước cuộc họp: “ Chúng tôi nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ phải là nhân tố chủ chốt trong việc bảo đảm hòa bình ở Ukraine”.
Một nhóm đồng minh khác của Ukraine, Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine, họp tại trụ sở NATO ở Brussels vào thứ sáu. Healey cho biết họ sẽ công bố sự hỗ trợ mới cho Kyiv.
[Politico: Ukraine allies hold talks to secure a non-existent peace]
10. ‘Không phải là lực lượng gìn giữ hòa bình’ — Bộ trưởng quốc phòng Anh làm rõ vai trò của quân đội liên minh sau hội nghị thượng đỉnh
Hôm Thứ Sáu, 11 Tháng Tư, Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healy cho biết quân đội được điều động tới Ukraine để giám sát lệnh ngừng bắn tiềm năng như một phần của “liên minh tự nguyện” sẽ không hoạt động như lực lượng gìn giữ hòa bình truyền thống mà là lực lượng hỗ trợ cho lực lượng của Ukraine.
Liên minh do Anh và Pháp dẫn đầu đã triệu tập hội nghị thượng đỉnh các bộ trưởng quốc phòng tại Trụ sở NATO ở Brussels vào ngày 10 tháng 4. Đại diện từ 30 quốc gia thành viên đã thảo luận về kế hoạch quân sự và khả năng sẵn sàng tác chiến để chuẩn bị cho lệnh ngừng bắn tiềm tàng.
Trong khi 15 quốc gia được cho là đã đồng ý đóng góp quân cho “lực lượng trấn an”, Healy cho biết các đơn vị này không nên được mô tả là lực lượng gìn giữ hòa bình.
“Đây không phải là lực lượng gìn giữ hòa bình sẽ chia cắt các bên đang giao tranh dọc theo giới tuyến”, Healy phát biểu tại một cuộc họp báo ở Brussels.
“Biện pháp ngăn chặn hiệu quả nhất đối với hành động xâm lược mới của Putin, cách tốt nhất để củng cố lệnh ngừng bắn là tăng cường sức mạnh cho lực lượng Ukraine.”
Healy đã phác thảo bốn mục tiêu chiến lược của liên minh sau hội nghị thượng đỉnh: bầu trời an toàn, biển an toàn, hòa bình trên đất liền và quân đội Ukraine mạnh mẽ. Trong những tuần tới, các bộ trưởng quốc phòng có ý định đẩy nhanh quá trình lập kế hoạch trong từng lĩnh vực cụ thể.
Healy thừa nhận rằng việc lập kế hoạch trở nên phức tạp do “những điều chưa biết đã biết” bao quanh các điều khoản chính xác của một giải pháp hòa bình trong tương lai. Hoa Kỳ đã tham gia vào nhiều vòng đàm phán ngừng bắn với Ukraine và Nga, nhưng cho đến nay Âu Châu vẫn bị loại khỏi các cuộc thảo luận này.
“Về mặt đàm phán, đây không phải là vấn đề đàm phán”, Healy nói.
“Vấn đề là phải sẵn sàng cho thời điểm sau các cuộc đàm phán, khi chúng ta có được lệnh ngừng bắn và triển vọng về một nền hòa bình lâu dài hơn. Đối với Ukraine, họ biết rằng sự răn đe tốt nhất của họ và sự bảo đảm tốt nhất cho một nền hòa bình lâu dài chính là sức mạnh của quân đội của họ.”
Healy cho biết việc củng cố quân đội Ukraine là điều cần thiết để bảo đảm hòa bình lâu dài, điều mà Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhiều lần xác định là ưu tiên hàng đầu của chính quyền ông.
Healy cho biết: “Hoa Kỳ đang tìm cách làm trung gian cho một nền hòa bình lâu dài”.
“Bạn sẽ không có được nền hòa bình lâu dài và bền vững trừ khi có sức mạnh răn đe vốn có trong lực lượng Ukraine và đủ để nói với Putin: bạn không thể sử dụng điều này như một cơ hội để khởi động lại và xâm lược.”
Healy cũng thúc giục các đồng minh của Ukraine gây thêm áp lực lên Putin để buộc ông phải đàm phán có ý nghĩa.
Bloomberg đưa tin vào ngày 9 tháng 4 rằng những nỗ lực của liên minh đã bị cản trở bởi việc Washington từ chối cung cấp các bảo đảm an ninh cụ thể cho Ukraine. Trong khi Tổng thống Trump đã loại trừ sự tham gia của Hoa Kỳ vào “lực lượng trấn an”, Pháp và Anh hy vọng sẽ bảo đảm được sức mạnh không quân, hỗ trợ tình báo hoặc giám sát biên giới của Hoa Kỳ như một biện pháp hỗ trợ cho các nỗ lực của liên minh.
Ít nhất 37 quốc gia, bao gồm các quốc gia Âu Châu, Á Châu và Khối thịnh vượng chung, đã tham gia vào các cuộc thảo luận của liên minh. Các thành viên đã cam kết hỗ trợ dưới hình thức quân đội, tình báo, vũ khí và hỗ trợ hải quân.
Quân đội Đồng minh, có thể lên tới từ 10.000 đến 30.000 người, có thể sẽ hoạt động để bảo vệ các cơ sở chiến lược ở hậu phương trong khi lực lượng Ukraine sẽ tiếp tục đóng vai trò là lực lượng răn đe chính đối với hành động xâm lược của Nga.
Healy cho biết: “Lực lượng tương lai mà Ukraine mong muốn thành lập và sự hỗ trợ... mà họ sẽ nhận được từ các quốc gia do Anh và Pháp đứng đầu, như một phần của liên minh tự nguyện, về cơ bản sẽ là một phần của việc ngăn chặn Nga trong tương lai và trao cho người Ukraine chủ quyền, quyền kiểm soát và sự bảo đảm tốt nhất cho hòa bình trong tương lai”.
[Kyiv Independent: 'Not a peacekeeping force' — UK defense minister clarifies role of coalition troops after summit]
11. Đặc phái viên của Tổng thống Trump là Witkoff gặp Putin vào ngày 11 tháng 4, Axios đưa tin
Steve Witkoff, đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về Trung Đông, đã tới Nga để gặp Putin vào ngày 11 tháng 4, Axios đưa tin, trích dẫn nguồn tin của hãng này và dữ liệu của FlightRadar.
Đây sẽ là cuộc gặp thứ ba giữa Putin và Witkoff, người đi đầu trong nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm làm trung gian cho lệnh ngừng bắn giữa Nga và Ukraine.
Chuyến đi diễn ra một tuần sau khi đặc phái viên của Putin, Kirill Dmitriev, gặp Witkoff và các quan chức Hoa Kỳ khác tại Washington và bày tỏ “sự lạc quan thận trọng” về mối quan hệ ngoại giao mới giữa Hoa Kỳ và Nga.
Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov sau đó xác nhận vào ngày 11 tháng 4 rằng Witkoff đã đến Nga, hãng thông tấn nhà nước TASS đưa tin. Ông nói thêm rằng Điện Cẩm Linh sẽ thông báo liệu phái viên Hoa Kỳ có được lên lịch gặp Putin hay không.
Nỗ lực thúc đẩy lệnh ngừng bắn của Tổng thống Trump đã bị đình trệ khi Mạc Tư Khoa bác bỏ lệnh ngừng bắn toàn phần trong 30 ngày do Washington và Kyiv hậu thuẫn và nhiều lần vi phạm lệnh ngừng bắn năng lượng đã được thỏa thuận vào ngày 25 tháng 3.
Những diễn biến này khiến tổng thống Hoa Kỳ ngày càng có thái độ gay gắt với Putin, nói rằng ông “tức giận” và “rất tức giận” với nhà lãnh đạo Nga vì những lời chỉ trích nhắm vào uy tín của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy và làm đình trệ các cuộc đàm phán hòa bình.
Chính quyền Tổng thống Trump đã nhiều lần đe dọa sẽ áp đặt thêm lệnh trừng phạt và thuế quan đối với Nga nếu nước này không ngồi vào bàn đàm phán và giảm bớt các cuộc tấn công vào Ukraine nhưng vẫn chưa thực hiện.
Hoa Kỳ cũng có lập trường cứng rắn đối với Ukraine, tạm dừng mọi hỗ trợ quân sự và tình báo vào tháng 3 và gây áp lực buộc Kyiv ký các phiên bản khác nhau của một thỏa thuận khai thác để trao cho Washington doanh thu từ nguồn tài nguyên khoáng sản của Ukraine.
Các quan chức Hoa Kỳ và Nga đã gặp nhau tại Istanbul vào ngày 10 tháng 4 cho vòng đàm phán thứ hai về hoạt động của đại sứ quán, với việc Ukraine được cho là không có trong chương trình nghị sự. Cùng ngày, hai nước đã thực hiện một cuộc trao đổi tù nhân, với việc Nga thả công dân Mỹ-Nga Ksenia Karelina để đổi lấy công dân Đức-Nga Artur Petrov.
Hai bên cũng đã dẫn đầu hai vòng thảo luận về hòa bình tại Ukraine tại Saudi Arabia.
12. Macron nói rằng việc Tổng thống Trump đình chỉ thuế quan là ‘mong manh’
Hôm Thứ Sáu, 11 Tháng Tư, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết động thái hoãn áp dụng mức thuế trừng phạt cao nhất trong 90 ngày của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chỉ mang lại sự tạm dừng “mong manh” cho căng thẳng - nhưng lại là cơ hội quan trọng cho các cuộc đàm phán.
“Việc tạm dừng một phần thuế quan của Mỹ trong 90 ngày gửi đi một tín hiệu và để ngỏ cánh cửa đàm phán. Nhưng sự tạm dừng này là một sự tạm dừng mong manh”, Macron nói.
“Mong manh, vì mức thuế 25 phần trăm đối với thép, nhôm và xe hơi và mức thuế 10 phần trăm đối với tất cả các sản phẩm khác vẫn được áp dụng. Chúng đại diện cho 52 tỷ euro cho Liên minh Âu Châu! Mong manh, vì lệnh tạm dừng 90 ngày này có nghĩa là 90 ngày bất ổn đối với tất cả các doanh nghiệp của chúng ta, ở cả hai bờ Đại Tây Dương và xa hơn nữa”, ông nói thêm.
Tổng thống Trump đã tuyên bố vào thứ Tư rằng sẽ tạm dừng trong 90 ngày đối với mức thuế quan “có đi có lại” mới nghiêm trọng nhất — lên đến 50 phần trăm — mà ông đã áp dụng một tuần trước đó đối với hầu hết các quốc gia, cộng với Liên minh Âu Châu. Nhưng chế độ thuế quan nghiêm ngặt 10 phần trăm vẫn được áp dụng đối với phần lớn thế giới, tiếp tục làm chao đảo thị trường tài chính, trong khi Tổng thống Trump vẫn tiếp tục theo đuổi Trung Quốc bằng mức thuế trừng phạt 145 phần trăm.
Để đáp lại hành động xuống thang của Tổng thống Trump, Ủy ban Âu Châu cho biết hôm thứ Năm rằng họ cũng sẽ đình chỉ các biện pháp đối phó với Hoa Kỳ trong 90 ngày.
Theo tổng thống Pháp, Âu Châu phải đoàn kết và tiếp tục huy động mọi công cụ có sẵn để tự vệ và khẳng định chủ quyền kinh tế của mình.
“Chúng ta có quyền chiến đấu: việc làm và cuộc sống của cộng đồng chúng ta đang bị đe dọa”, Macron nói.
NewsUKEve12Apr2025
MiG29 vừa chôn vùi bộ chỉ huy Trung Đoàn 81 Nga. Witkoff đòi dâng 4 tỉnh cho Nga. EU tặng Kyiv 21 tỷ
VietCatholic Media
15:10 12/04/2025
1. Chiến đấu cơ của Ukraine phá hủy một hầm trú ẩn kiên cố của Nga, chôn vùi một bộ tham mưu pháo binh
Ném một quả bom dẫn đường chính xác từ khoảng cách có thể lên tới hàng chục dặm, một chiến đấu cơ của không quân Ukraine - có thể là một chiếc Mikoyan MiG-29 được nâng cấp - đã phá hủy một hầm trú ẩn kiên cố của Nga ở tỉnh Kherson, miền nam Ukraine vào hôm Thứ Sáu, 11 Tháng Tư.
Theo Bộ Tổng tham mưu Ukraine tại Kyiv, có tới 30 người Nga trong ban chỉ huy của Trung đoàn Pháo binh Tự hành số 81 đã thiệt mạng. Sau cuộc đột kích ban ngày, một máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã quan sát thấy những người Nga sống sót sau cuộc tấn công đào bới đống đổ nát bằng tay trong một nỗ lực rõ ràng là nhằm cứu sống các chỉ huy của họ.
Đây ít nhất là cuộc đột kích phá hầm trú ẩn kiên cố thứ hai mà không quân Ukraine tiến hành trong những ngày gần đây. Hơn một tuần trước đó, vào ngày 31 tháng 3, một trong những chiếc MiG-29 siêu thanh đã ném một quả bom lượn GBU-62 do Mỹ sản xuất vào một hầm trú ẩn kiên cố phòng không cũ của Liên Xô—cũng ở Kherson—do một nhóm chỉ huy Nga chiếm giữ.
Một cuộc tấn công thành công vào một hầm trú ẩn kiên cố chỉ huy “làm mất đi một nhóm sĩ quan cao cấp ở vị trí chỉ huy cấp quân đoàn cùng với thiết bị”, một blogger người Ukraine giải thích. “Những cuộc tấn công như vậy tước đi quyền kiểm soát rõ ràng của lực lượng địch và cũng làm suy yếu đáng kể tinh thần của đơn vị quân đội”.
Không phải vô cớ mà không quân Ukraine lại tấn công hầm trú ẩn chỉ huy kiên cố của Trung đoàn Pháo binh Tự hành số 81. Trung đoàn này, một phần của Sư đoàn Súng trường Cơ giới số 70—là một phần của Quân đoàn Vũ trang Hợp nhất số 18—cung cấp hỏa lực hạng nặng quan trọng cho lực lượng Nga ở bờ trái của Sông Dnipro rộng lớn chảy qua Kherson.
Hai mươi tám tháng sau cuộc tấn công nhanh chóng của Ukraine giải phóng phần lớn Kherson, quân đội Nga có thể đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công mới của riêng họ. Khi NPR đến thăm một khẩu đội pháo binh Ukraine ở bờ phải của Dnipro gần đây, các xạ thủ Ukraine đã lo lắng về khả năng huy động của Nga trong khu vực.
Một xạ thủ tuyên bố anh ta hoan nghênh một cuộc tấn công của Nga qua Dnipro. “Chúng tôi mong đợi người Nga cố gắng tấn công chúng tôi”, anh ta nói với NPR. “Nó sẽ cho chúng tôi cơ hội tiêu diệt nhiều người hơn nữa”.
Nhưng quân đội Ukraine lại khá mỏng ở Kherson vì bộ tổng tham mưu ở Kyiv tập trung lực lượng hạng nặng tốt nhất ở phía đông, nơi mà quân đội Ukraine cuối cùng cũng đảo ngược được một số thành quả gần đây của quân đội Nga ngày càng mệt mỏi.
Lữ đoàn phòng thủ bờ biển số 34, 39 và 40 của thủy quân lục chiến Ukraine—các đơn vị mới được trang bị phần lớn các xe hạng nhẹ phù hợp cho các hoạt động trên địa hình lầy lội—nắm giữ các tuyến phòng thủ của Ukraine tại Kherson. Nhưng họ bị áp đảo về số lượng bởi hơn một chục trung đoàn và lữ đoàn Nga.
Việc phá hủy các hầm trú ẩn kiên cố chỉ huy và chôn vùi các sĩ quan trong đống đổ nát có thể vô hiệu hóa lợi thế về nhân lực của người Nga—bằng cách tước đi quyền lãnh đạo của lực lượng này.
[Politico: Busting Yet Another Russian Bunker, A Ukrainian Fighter Jet Buried An Artillery Command Staff]
2. Nhà máy sản xuất đạn dược chính của Ukraine bị ‘xóa sổ’ trong cuộc không kích của Nga
Một binh sĩ Ukraine cho biết, cơ sở sản xuất đạn dược “chính” của Ukraine gần biên giới với Nga đã bị “xóa sổ”, khi Nga tăng cường các cuộc tấn công vào khu vực Sumy, đông bắc Ukraine.
Ukraine đã tăng cường đáng kể hoạt động sản xuất quốc phòng kể từ khi xe tăng Nga tràn qua biên giới để bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Mạc Tư Khoa vào tháng 2 năm 2022.
Bộ trưởng Công nghiệp Chiến lược Ukraine Herman Smetanin trả lời tờ Newsweek vào tháng 2 rằng ngành công nghiệp quốc phòng của Kyiv đã tăng năng lực lên gấp 35 lần kể từ tháng 2 năm 2022, giúp Kyiv giảm bớt sự phụ thuộc của mình vào các gói đạn dược của phương Tây mà những người hậu thuẫn nước này đã phải vật lộn để tiếp tục cung cấp.
Hoạt động sản xuất quân sự của Ukraine là mục tiêu chính trong các cuộc không kích của Nga, đặc biệt là các nhà máy sản xuất hỏa tiễn phòng không ở Kyiv.
Một người lính thuộc Lữ đoàn Phòng thủ Lãnh thổ số 104 của Ukraine, có tên là Anton Serbin, đã chia sẻ với tờ báo Pháp Le Monde trong một bài báo được công bố hôm Thứ Năm, 10 Tháng Tư, rằng “cơ sở sản xuất đạn dược quốc gia chính” của Kyiv gần thành phố Shostka của Sumy đã “bị xóa sổ”.
Shostka nằm ở phía tây bắc thủ phủ khu vực Sumy, cách biên giới Nga khoảng 28 dặm. Nơi đây có một nhà máy thuốc súng lớn và một cơ sở sản xuất kíp nổ, đã bị Nga nhắm tới “nhiều lần” vào năm ngoái.
Chính quyền khu vực tại Sumy cho biết vào ngày 31 tháng 12 năm 2024, Nga đã bắn 13 hỏa tiễn vào Shostka trong một cuộc tấn công qua đêm. Mạc Tư Khoa đã bắn bốn hỏa tiễn vào cơ sở hạ tầng không xác định tại Shostka vào khoảng 3 giờ sáng giờ địa phương, tiếp theo là chín hỏa tiễn khác năm giờ sau đó, Volodymyr Artiukh, nhà lãnh đạo chính quyền quân sự khu vực Sumy, nói với tin tức trong nước vào thời điểm đó.
Không quân Ukraine cho biết trong một tuyên bố riêng rằng hỏa tiễn đạn đạo đã tấn công các khu vực ở Sumy và xung quanh thủ đô Kyiv, nhưng không bình luận thêm. Thị trưởng Shostka, Mykola Noha, cho biết trong một tuyên bố rằng “một số cơ sở hạ tầng đã bị phá hủy”, với hàng chục tòa nhà dân cư nhiều tầng và các cơ sở xã hội khác bị hư hại.
Tháng trước, phương tiện truyền thông nhà nước Nga đã đưa tin về bình luận của một quan chức được Nga hậu thuẫn, người này tuyên bố Mạc Tư Khoa đã tấn công các cơ sở sản xuất đạn dược ở Shostka bằng máy bay điều khiển từ xa ném bom. Phương tiện truyền thông nhà nước cũng tuyên bố Nga đã tấn công nhà máy sản xuất kíp nổ bằng sáu hỏa tiễn Kh-59 vào Tháng Giêng năm 2024.
Theo báo cáo của phương tiện truyền thông Pháp, khu vực xung quanh Shostka luôn nằm dưới sự giám sát liên tục của Nga, bao gồm cả việc sử dụng máy bay điều khiển từ xa trinh sát có khả năng thu được thông tin liên lạc di động.
Ukraine đã sử dụng Sumy làm nơi chuẩn bị cho một cuộc tấn công bất ngờ qua biên giới vào khu vực Kursk phía tây của Nga vào tháng 8 năm ngoái. Mạc Tư Khoa đã phải vật lộn trong nhiều tháng để đẩy Kyiv ra khỏi khu vực này, mặc dù một đợt tấn công mới trong những tuần gần đây đã nới lỏng sự kiểm soát của Ukraine đối với biên giới.
Quân đội Nga cũng đã di chuyển trở lại các thị trấn của Ukraine ở Sumy, đồng thời tăng cường ném bom trên không dữ dội vào các làng biên giới. Hàng ngàn cư dân trong khu vực đã được di tản, nhiều người chạy trốn đến thủ phủ của khu vực.
Tổng thống Zelenskiy nói với tờ báo Pháp Le Figaro vào cuối tháng 3 rằng Putin đang câu giờ để phát động một cuộc tấn công mùa xuân tập trung vào Sumy và Kharkiv. Trong một tuyên bố công khai riêng biệt, ông đã thêm khu vực Zaporizhzhia phía nam vào danh sách các địa điểm có khả năng xảy ra các cuộc tấn công mới của Nga.
“Tổng thống hoàn toàn đúng và cuộc tấn công này thực tế đã bắt đầu”, tướng Oleksandr Syrsky, người lính hàng đầu của Ukraine, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với phương tiện truyền thông Ukraine được công bố hôm thứ Tư.
Theo báo cáo của Pháp, Nga không nhắm vào Shostka bằng các cuộc tấn công mặt đất quy mô lớn, nhưng vẫn nằm trong tầm ngắm của các nhóm trinh sát, hỏa lực pháo binh và máy bay điều khiển từ xa.
Một người lính nói với tờ báo rằng Mạc Tư Khoa đang “lên kế hoạch đột phá” quanh thị trấn Hlukhiv, phía đông nam Shostka và rất gần biên giới Nga.
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố vào cuối tuần rằng quân đội của họ đã chiếm được làng Sumy của Basovka. Andrii Demchenko, phát ngôn nhân của Cục Biên phòng Nhà nước Ukraine, nói với hãng tin Ukrainska Pravda rằng Nga đang tham gia vào một “chiến dịch thông tin sai lệch liên quan đến việc chiếm giữ các thị trấn ở Tỉnh Sumy hoặc đột phá biên giới”.
[Newsweek: Ukraine's Main Munitions Plant 'Wiped Out' in Russia Air Strike: Report]
3. Putin đã gặp đặc phái viên Hoa Kỳ Witkoff để thảo luận về Ukraine, Điện Cẩm Linh cho biết
Putin và đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, Steve Witkoff đã gặp nhau vào ngày 11 tháng 4 để thảo luận về con đường khả thi hướng tới giải quyết vấn đề Ukraine, Điện Cẩm Linh cho biết.
Điện Cẩm Linh đã công bố một đoạn video ghi lại cảnh bắt tay giữa Witkoff và Putin.
Witkoff, người dẫn đầu nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm làm trung gian cho lệnh ngừng bắn giữa Mạc Tư Khoa và Kyiv, trước đó đã đến Nga để có cuộc gặp thứ ba với nhà lãnh đạo Nga.
Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov đã giảm bớt kỳ vọng về các cuộc đàm phán sắp tới, gọi đây là sự tiếp nối của những nỗ lực ngoại giao khó có thể mang lại đột phá lớn.
Ông Peskov cho biết một cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Putin có thể sẽ nằm trong chương trình nghị sự.
[Kyiv Independent: Putin met U.S. envoy Witkoff to discuss Ukraine, Kremlin says]
4. Điện Cẩm Linh cho biết Putin, Witkoff thảo luận về ‘các khía cạnh của vấn đề Ukraine’
Đặc phái viên Hoa Kỳ Steve Witkoff và Putin đã kết thúc cuộc hội đàm tập trung vào “giải pháp cho vấn đề Ukraine”, Điện Cẩm Linh cho biết vào ngày 11 tháng 4.
Cuộc hội đàm được tổ chức tại St. Petersburg đánh dấu cuộc gặp trực tiếp thứ ba của Witkoff với Putin.
“Chủ đề của cuộc họp là các khía cạnh của giải pháp cho vấn đề Ukraine”, Điện Cẩm Linh cho biết trong một tuyên bố được công bố sau cuộc hội đàm. Không có thêm thông tin chi tiết nào được cung cấp về nội dung của các cuộc thảo luận.
Đặc phái viên Nga Kirill Dmitriev, người có mặt tại cuộc gặp giữa Putin và Witkoff, đã gọi các cuộc đàm phán là “hiệu quả”. Dmitriev cũng đã có một cuộc họp riêng với Witkoff vào đầu ngày.
Theo dữ liệu theo dõi chuyến bay, Witkoff hiện đã rời khỏi Nga.
Cuộc họp ngày 11 tháng 4 diễn ra sau vòng đàm phán ngoại giao thứ hai giữa các quan chức Hoa Kỳ và Nga tại Istanbul. Các cuộc đàm phán tập trung vào hoạt động của đại sứ quán và cuộc chiến ở Ukraine được cho là không được thảo luận.
Cuộc gặp mới nhất của Witkoff với Putin diễn ra khi Mạc Tư Khoa tiếp tục bác bỏ lời kêu gọi ngừng bắn hoàn toàn giữa Nga và Ukraine của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Nga không chỉ từ chối lệnh ngừng bắn hoàn toàn mà còn tiếp tục tấn công các thành phố của Ukraine và liên tục vi phạm lệnh ngừng bắn một phần được thiết lập vào giữa tháng 3.
Reuters đưa tin ngày 11 tháng 4, trích dẫn hai quan chức Hoa Kỳ giấu tên và năm nguồn tin giấu tên khác, Witkoff đã nói với Tổng thống Trump rằng việc trao cho Nga “quyền sở hữu” bốn khu vực bị tạm chiếm bất hợp pháp của Ukraine sẽ là cách nhanh nhất để đạt được lệnh ngừng bắn.
Theo Reuters, Witkoff đã chuyển đề xuất này tới Tổng thống Trump sau cuộc gặp với Dmitriev vào đầu tháng 4.
Tài phiệt địa ốc Witkoff đã gây tranh cãi khi nhắc lại tuyên truyền của Nga về việc xâm lược bất hợp pháp các tỉnh Donetsk, Luhansk, Zaporishzhia và Kherson của Ukraine.
[Kyiv Independent: Putin, Witkoff discuss 'aspects of Ukrainian settlement,' Kremlin says]
5. Đặc phái viên Hoa Kỳ Witkoff đề xuất trao cho Nga ‘quyền sở hữu’ các khu vực của Ukraine, Reuters đưa tin
Đặc phái viên Hoa Kỳ Steve Witkoff đã nói với Tổng thống Trump rằng việc trao cho Mạc Tư Khoa “quyền sở hữu” bốn khu vực bị tạm chiếm của Ukraine sẽ là cách nhanh nhất để đạt được lệnh ngừng bắn, Reuters đưa tin vào ngày 11 tháng 4, trích dẫn hai quan chức Hoa Kỳ giấu tên và năm nguồn tin không được tiết lộ khác.
Theo Reuters, Witkoff đã chuyển đề xuất này tới Tổng thống Mỹ Donald Trump sau cuộc gặp với đặc phái viên Nga Kirill Dmitriev tại Washington vào đầu tháng 4.
Tin tức này được đưa ra khi Witkoff gặp Putin tại St. Petersburg để thảo luận về con đường có thể hướng tới giải quyết vấn đề Ukraine.
Theo nguồn tin của Reuters, các quan chức chính quyền Tổng thống Trump ngày càng chia rẽ về cách phá vỡ bế tắc trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, khi Witkoff và Đặc phái viên Hoa Kỳ Keith Kellogg không đồng tình về hướng đi tốt nhất trong tương lai.
Kellogg lập luận rằng Ukraine sẽ không bao giờ đồng ý đơn phương nhượng toàn bộ quyền sở hữu lãnh thổ cho Nga, Reuters đưa tin.
Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 3 với nhà bình luận chính trị cực hữu người Mỹ Tucker Carlson, Witkoff đã công khai nhắc lại tuyên truyền của Nga liên quan đến các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm của Ukraine.
Witkoff tuyên bố rằng phần lớn người dân ở các vùng lãnh thổ bị Nga tạm chiếm của Ukraine đã tham gia trưng cầu dân ý và “cho biết họ muốn nằm dưới sự cai trị của Nga”.
“Witkoff phải ra đi, và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio phải thay thế ông ấy”, theo một lá thư ngày 26 tháng 3 từ Eric Levine, một nhà tài trợ lớn của Đảng Cộng hòa, được Reuters trích dẫn. Lá thư, được gửi đến một nhóm bao gồm các nhà tài trợ của Đảng Cộng hòa, được viết sau cuộc phỏng vấn của Carlson và chỉ trích Witkoff vì đã ca ngợi Putin. Tài phiệt địa ốc Witkoff bị cáo buộc đang săn đón cho tư lợi của mình trong các đầu tư tại Nga.
Một số nhà lập pháp Đảng Cộng hòa lo ngại về lập trường ủng hộ Nga của Witkoff trong cuộc phỏng vấn với Carlson và đã gọi cho Rubio và Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz để phàn nàn, theo một trong những nguồn tin.
Trong cuộc phỏng vấn, Witkoff đã đề cập đến cuộc bỏ phiếu giả của Nga về việc sáp nhập các tỉnh Luhansk, Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson của Ukraine được tổ chức vào tháng 9 năm 2022.
Các cuộc “trưng cầu dân ý” được tổ chức vội vã đã được tiến hành dưới họng súng tại các khu vực do Nga kiểm soát, với sự đe dọa cử tri lan rộng và quân đội đi từng nhà với các thùng phiếu.
Cái gọi là “cuộc trưng cầu dân ý” này trái ngược với luật pháp quốc tế, Ukraine và thậm chí là luật pháp Nga và chỉ được hai quốc gia công nhận là Nga và Bắc Hàn, cả hai đều không có nhiều hiểu biết về bầu cử tự do.
Mạc Tư Khoa đã tuyên bố sáp nhập Crimea vào năm 2014, cũng như các vùng Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson bị tạm chiếm một phần tám năm sau đó.
Chính quyền Tổng thống Trump đã ra tín hiệu rằng họ mong đợi Kyiv sẽ nhượng bộ về lãnh thổ như một phần của thỏa thuận hòa bình có thể đạt được, đồng thời gọi việc quay trở lại biên giới trước năm 2014 của Ukraine là “không thực tế”.
[Kyiv Independent: US envoy Witkoff proposes giving Russia 'ownership' of Ukrainian regions, Reuters reports]
6. Von der Leyen hoan nghênh việc thay đổi thuế quan của Tổng thống Trump
Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen cho biết bà đã thở phào nhẹ nhõm trước quyết định tạm dừng áp dụng thuế quan “có đi có lại” trong 90 ngày của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
“Tôi hoan nghênh tuyên bố của Tổng thống Trump về việc tạm dừng áp dụng thuế quan qua lại. Đây là một bước quan trọng hướng tới việc ổn định nền kinh tế toàn cầu”, von der Leyen cho biết.
Bà nói thêm: “Liên minh Âu Châu vẫn cam kết đàm phán mang tính xây dựng với Hoa Kỳ, với mục tiêu đạt được thương mại không có bất kỳ trở ngại nào và cùng có lợi”.
Tổng thống Trump đột ngột thay đổi quyết định vào thứ Tư, tuyên bố tạm dừng trong 90 ngày các mức thuế quan nghiêm ngặt mà ông đã áp dụng đối với các quốc gia trên thế giới chỉ một tuần trước đó.
“Tôi nghĩ rằng mọi người đã nhảy một chút”, ông nói, thừa nhận rằng sự bất ổn của thị trường đã đóng một vai trò trong quyết định rút lui của ông. “Họ đã trở nên hơi lo lắng, hơi sợ hãi”, ông nói thêm.
Trong khi tạm dừng sáng kiến thuế quan rộng hơn của mình — mặc dù vẫn duy trì mức thuế quan “có đi có lại” 10 phần trăm đối với hầu hết các quốc gia, cộng với các biện pháp quyết liệt nhắm vào kim loại — Tổng thống Trump đã tăng thuế quan đối với Trung Quốc lên 125 phần trăm. Động thái đó, ông đăng trên mạng xã hội, dựa trên “sự thiếu tôn trọng mà Trung Quốc đã thể hiện với Thị trường Thế giới”. Bắc Kinh đã trả đũa Tổng thống Trump, áp dụng mức thuế quan lớn của riêng mình đối với hàng nhập khẩu của Mỹ.
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, Thủ tướng Đức được chỉ định Friedrich Merz và Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez cũng thở phào trước sự xuống thang của Tổng thống Trump.
“Hãy tận dụng tối đa 90 ngày tới”, Tusk phát biểu hôm thứ Tư. Theo Merz, các biện pháp mới do Hoa Kỳ công bố cho thấy lợi ích của sự thống nhất Âu Châu, trong khi Sánchez cho biết “có vẻ như mở ra cánh cửa cho đàm phán và do đó là một thỏa thuận giữa các quốc gia”.
Phát ngôn nhân về thương mại của Ủy ban Âu Châu, cho biết: “Ủy ban Âu Châu hiện sẽ dành thời gian cần thiết để đánh giá diễn biến mới nhất này, thông qua tham khảo ý kiến chặt chẽ với các quốc gia thành viên và ngành công nghiệp, trước khi quyết định các bước tiếp theo”.
[Politico: Von der Leyen welcomes Trump’s tariff U-turn]
7. Các đồng minh cam kết cung cấp 21 tỷ euro vũ khí cho Ukraine trong khi lên án các cuộc tấn công của Nga
Hôm Thứ Bẩy, 12 Tháng Tư, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã lên tiếng hoan nghênh quyết định của các quốc gia đồng minh với Ukraine cam kết khoản viện trợ quân sự mới kỷ lục 21 tỷ euro cho Kyiv. Ông cảnh báo rằng hòa bình ở Ukraine “sẽ không thể đạt được trong tương lai gần”.
Pistorius cho biết rằng “Nga cần hiểu rằng Ukraine có khả năng tiếp tục chiến đấu và chúng tôi sẽ hỗ trợ điều đó” sau cuộc họp của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine - một định dạng tổ chức viện trợ quân sự cho Kyiv.
Cam kết hỗ trợ quân sự kỷ lục bao gồm 4,5 tỷ bảng Anh mà Vương quốc Anh đã cam kết trong năm nay, cũng như 11 tỷ euro nữa từ Đức.
Hội nghị thượng đỉnh được tổ chức tại trụ sở NATO ở Brussels, do Đức và Anh đồng đăng cai sau khi Hoa Kỳ từ bỏ vai trò lãnh đạo nhóm này sau khi Ông Donald Trump trở lại Tòa Bạch Ốc.
Bất chấp sự thay đổi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Pete Hegseth vẫn tham gia qua đường truyền video, và Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov khẳng định Hoa Kỳ vẫn được coi là “đối tác chính” trong cuộc chiến chống lại Nga.
Nhưng có mối lo ngại lớn hơn về tương lai vai trò an ninh của Hoa Kỳ ở Âu Châu.
Pistorius nhấn mạnh sự cần thiết của lục địa này là “tự xem xét những gì chúng ta có thể làm” và “cùng với Vương quốc Anh gánh vác nhiều trách nhiệm hơn với tư cách là người Âu Châu”
Tổng thống Trump đã hứa sẽ nhanh chóng chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, nhưng Nga đã không đồng ý ngừng bắn tạm thời, thay vào đó vẫn tiếp tục tấn công Ukraine trong khi phát động một cuộc tấn công mùa xuân lớn hơn.
Chính quyền Tổng thống Trump đang cố gắng khiến Điện Cẩm Linh thay đổi, bằng cách cử đặc phái viên Hoa Kỳ Steve Witkoff tới Mạc Tư Khoa vào hôm thứ Sáu, truyền thông nhà nước Nga đưa tin. Hiện vẫn chưa rõ liệu ông có gặp nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin hay không.
Umerov cho biết Tổng thống Trump muốn ngừng bắn và hy vọng sớm nhận được thông tin cập nhật về cuộc họp.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey cáo buộc Putin “tiếp tục trì hoãn và trì hoãn các cuộc đàm phán” về lệnh ngừng bắn một phần do Hoa Kỳ đề xuất và được Ukraine đồng ý cách đây một tháng.
Healey nói thêm: “Putin nói rằng ông muốn hòa bình, nhưng lực lượng của ông vẫn tiếp tục bắn vào Ukraine, cả mục tiêu quân sự và dân sự”.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh cũng trả lời những lời phàn nàn về việc thiếu rõ ràng trong các kế hoạch bảo đảm an ninh cho Ukraine trong trường hợp có bất kỳ lệnh ngừng bắn nào của một nhóm đồng minh khác trừ Hoa Kỳ - được gọi là liên minh tự nguyện - đã họp tại Brussels vào thứ năm.
Healey cho biết: “Việc chúng tôi lập kế hoạch cho liên minh những người tự nguyện thực sự là có thật, đáng kể và tiến triển tốt”.
Vào thứ năm, Healey nói với các đồng minh rằng nỗ lực gìn giữ hòa bình của họ sẽ tập trung vào việc cung cấp hỗ trợ trên không và trên biển, đồng thời duy trì “hòa bình trên bộ” với trọng tâm là giúp đỡ lực lượng của chính Ukraine, thay vì thảo luận về việc gửi quân bộ từ các nước Âu Châu đến để duy trì hòa bình.
Trước đó, Vương quốc Anh đã đưa ra thông tin chi tiết về khoản hỗ trợ mới trị giá 450 triệu bảng Anh cho Ukraine, trong đó khoảng 350 triệu bảng Anh sẽ do Anh cung cấp, với khoản tài trợ bổ sung từ Na Uy thông qua Quỹ quốc tế do Anh đứng đầu cho Ukraine.
Trong đó bao gồm 160 triệu bảng Anh để sửa chữa và bảo dưỡng các phương tiện và thiết bị mà Anh đã cung cấp cho Kyiv.
Gói tài trợ này cũng bao gồm việc tài trợ cho các hệ thống radar, mìn chống tăng và hàng trăm ngàn máy bay điều khiển từ xa trị giá hơn 250 triệu bảng Anh.
Bộ Quốc phòng Đức cho biết gói hàng của Berlin bao gồm hỏa tiễn dẫn đường cũng như 100.000 viên đạn pháo, 300 máy bay điều khiển từ xa trinh sát, 25 xe chiến đấu bộ binh Marder, 15 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 1A5, 120 hệ thống phòng không mặt đất Manpad và 14 hệ thống pháo.
Đức cũng cam kết hỗ trợ dài hạn, bao gồm 1.100 radar giám sát mặt đất bổ sung và các hệ thống phòng không IRIS-T trong những năm tới.
“Chúng ta cần một nước Ukraine mạnh về mặt quân sự,” Bộ Trưởng Pistorius nói.
[Politico: Allies pledge €21B in weapons for Ukraine while denouncing Russian attacks]
8. Estonia bắt giữ tàu chở dầu Shadow của Nga ở Biển Baltic
Hôm Thứ Bẩy, 12 Tháng Tư, Thủ tướng Kristen Michal cho biết chính quyền Estonia đã lên tàu và bắt giữ ở Biển Baltic một con tàu thuộc hạm đội ngầm của Nga.
Con tàu mà Michal cho biết không treo cờ của bất kỳ quốc gia nào nhưng trước đó đã được ghi danh tại Djibouti theo hồ sơ công khai, đã bị bắt giữ gần Vịnh Tallinn trong một hoạt động có sự tham gia của trực thăng.
“Sáng sớm nay, Hải quân Estonia đã bắt giữ một tàu bị trừng phạt không có quốc kỳ”, Michal cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội. “Các cơ quan chức năng của chúng tôi hiện đang có mặt trên tàu, kiểm tra tình trạng pháp lý và sự an toàn của tàu”.
Theo Đài Phát thanh Công cộng Estonia, gọi tắt là ERR, con tàu đang hướng đến cảng Ust-Luga, một cảng dầu quan trọng của Nga trên biển Baltic.
Mạc Tư Khoa chỉ huy một đội tàu chở dầu xuất khẩu lớn ở Biển Baltic mà nước này sử dụng để né tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây và, theo các đồng minh của Kyiv, giúp tài trợ cho cuộc chiến chống lại Ukraine.
Các tàu ma thường không có cờ - vi phạm luật hàng hải quốc tế - và có giấy tờ đáng ngờ, một số bị nghi ngờ có liên quan đến các hành vi phá hoại dưới đáy biển.
“Không có gì bí mật khi trong năm qua, một số tàu đã xuất hiện ở Vịnh Phần Lan mà không có giấy tờ hợp lệ”, quan chức cảnh sát biên giới Estonia Veiko Kommusaar cho biết, theo ERR. “Và có thể nói khá rõ ràng rằng đây là một phần của hạm đội ngầm”.
Chính quyền phương Tây đã tăng cường nỗ lực tịch thu các tàu chở dầu bất hợp pháp và thậm chí còn cân nhắc đánh chìm chúng. Quốc hội Estonia đã thông qua một luật mới vào thứ Tư cho phép hải quân nước này sử dụng “vũ lực quân sự” đối với các tàu thương mại bị nghi ngờ gây ra “mối đe dọa” đối với cơ sở hạ tầng quan trọng dưới biển của nước này.
Chính quyền Phần Lan đã bắt giữ một tàu chở dầu khác vào tháng 12, nghi ngờ tàu này đã phá hoại đường dây điện ngầm nối liền Estonia với Phần Lan.
[Politico: Estonia seizes Russian shadow tanker in Baltic Sea]
9. Ukraine đưa ra danh sách mong muốn đối với phái bộ gìn giữ hòa bình
Các đồng minh chủ chốt của Ukraine đang tiếp tục thảo luận chi tiết về bất kỳ phái bộ gìn giữ hòa bình nào được cử tới Ukraine trong trường hợp đạt được thỏa thuận hòa bình với Nga.
Các cuộc thảo luận sẽ do Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu và Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey dẫn đầu, những người sẽ gặp gỡ các bộ trưởng quốc phòng khác từ liên minh tự nguyện bao gồm nhiều nước Âu Châu, Canada và Úc nhưng không có Hoa Kỳ tại Trụ sở NATO ở Brussels.
Bộ trưởng Quốc phòng của cả Vương quốc Anh và Pháp đều đã có mặt tại Ukraine vào tuần trước và đã thông báo cho những người đồng cấp của họ vào đầu tuần này, Bộ Quân đội Pháp cho biết.
Các cuộc họp đang giúp làm rõ mong muốn của Kyiv từ một phái bộ gìn giữ hòa bình — điều mà họ coi là quan trọng để ngăn chặn Nga tấn công lần nữa, đặc biệt là khi Hoa Kỳ và các quốc gia khác đã ngăn chặn hy vọng được mời gia nhập NATO của họ.
“ Chúng tôi thảo luận về sự hiện diện của quân đội nước ngoài trên đất liền, trên không và trên biển. Phòng không, cũng như các vấn đề chiến lược tế nhị khác. Các đối tác của chúng tôi hiểu những gì Ukraine cần. Có một số điểm địa lý nhạy cảm mà chúng tôi muốn có sự hỗ trợ”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói với POLITICO tại một cuộc họp báo ở Kyiv vào thứ Sáu tuần trước sau cuộc họp của các nhân viên quân sự Ukraine, Pháp và Anh.
“Chúng tôi không chỉ thảo luận về số lượng quân lính, mà còn về vấn đề nhiệm vụ của những quân lính đó và cả cơ sở hạ tầng. Ngày tháng, hiểu biết về thời điểm đàm phán mà chúng ta thực sự có thể trông cậy vào một nhóm quân, là điều quan trọng đối với tôi,” Tổng thống Zelenskiy nói, đồng thời cho biết thêm rằng ông hy vọng sẽ có được sự rõ ràng trong vòng một tháng.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang gây áp lực buộc cả Ukraine và Nga ngừng giao tranh và đi đến một thỏa thuận hòa bình. Ukraine ủng hộ nhưng Nga đã vi phạm lệnh ngừng bắn một phần mà họ đã đồng ý vào tháng trước và cho đến nay vẫn chưa có hậu quả nào từ tổng thống Hoa Kỳ.
Chánh văn phòng của Tổng thống Zelenskiy, nói với các phóng viên rằng có khoảng chục quốc gia có thể sẵn sàng tham gia liên minh và gửi quân tới Ukraine.
“Cũng có thảo luận về sự tham gia của các nước Baltic và Bắc Âu. Trong mọi trường hợp, điều này có thể được thực hiện thông qua các thỏa thuận song phương với từng quốc gia thành viên của liên minh”, Andriy Yemak nói.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia bao gồm cả Vương quốc Anh vẫn chưa muốn gửi quân đến Ukraine nếu không có sự hỗ trợ nào đó của Hoa Kỳ - được gọi là biện pháp dự phòng - bao gồm hỗ trợ trên không, hậu cần và tình báo, là điều mà khó có thể xảy ra dưới thời Tổng thống Trump.
Trong khi đó, Nga cho biết bất kỳ hành động điều động quân đội đồng minh nào mà không có sự ủy quyền của Liên Hiệp Quốc đều là không thể chấp nhận được.
Cuộc tranh luận giữa các đồng minh Âu Châu của Ukraine là liệu lực lượng mà họ đang nói đến có đủ lớn để ngăn chặn một cuộc tấn công của Nga hay không. Tuy nhiên, Kyiv tin tưởng rằng quá trình này đang diễn ra tốt đẹp.
“Câu hỏi duy nhất là điều này sẽ được điều động theo định dạng nào. Đó là lý do tại sao các cuộc thảo luận hiện đang diễn ra: Có tầm nhìn cơ bản của chúng tôi và có tầm nhìn của các đối tác dựa trên năng lực của họ. Sau khi tất cả các chi tiết được thống nhất, chúng tôi sẽ có thể chuyển sang một cuộc trò chuyện có ý nghĩa hơn”, Yemak cho biết.
“Chúng tôi hiểu rõ rằng để đưa ra những quyết định như vậy, cần phải đồng bộ cả thành phần quân sự và chính trị. Chỉ sau đó, chúng tôi mới có thể tiến lên”, Yemak nói thêm.
Ukraine hiện có một trong những đội quân hùng mạnh và lớn nhất Âu Châu, đây là sự bảo đảm an ninh mạnh mẽ nhất của riêng họ. Nhưng với việc gia nhập NATO bị chặn, họ cần quân đội đồng minh trên bộ để bảo vệ hòa bình và ngăn chặn Nga. Trong trường hợp xấu nhất là một cuộc tấn công của Nga, những người lính đó sẽ tham gia vào bất kỳ cuộc chiến nào trong tương lai.
“ Ukraine có tầm nhìn về việc điều động các lực lượng như vậy sẽ đóng vai trò là người bảo đảm an ninh. Tất cả những vấn đề này vẫn cần được thảo luận, thống nhất và xác minh ở cả cấp độ chính trị và quân sự”, Yemak cho biết.
Ukraine cũng cho rằng bất kỳ quân đội phương Tây nào được gửi tới Ukraine đều sẽ đi kèm với hệ thống phòng không rộng rãi và các biện pháp bảo vệ khác giúp bảo đảm an toàn cho người dân Ukraine.
“Ví dụ, nếu một lữ đoàn Pháp tiến vào một khu vực lãnh thổ nhất định, ngay cả khi được điều động với mật độ tối thiểu — ví dụ, ba binh sĩ trên một km — thì họ vẫn phải cung cấp sự yểm trợ trên không. Đây là tiêu chuẩn của kế hoạch quân sự”, Yemak cho biết. Một lữ đoàn có từ 3.000 đến 5.000 quân.
Và điều đó có nghĩa là nhiều hệ thống phòng không hơn, khả năng tác chiến điện tử hơn, tương tác phối hợp hơn với hàng không, bảo vệ cho mọi lực lượng hải quân nước ngoài, hậu cần đáng tin cậy, v.v.
“Đây là một vấn đề phức tạp đòi hỏi phải lập kế hoạch cẩn thận, tính đến nhiều yếu tố. Đây là những gì hiện đang được thực hiện”, Yemak cho biết.
Một ngày sau cuộc họp liên minh, NATO tổ chức Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine, một nhóm do Mỹ lập ra để tổ chức viện trợ quân sự cho Ukraine. Vương quốc Anh và Đức sẽ chủ trì và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Pete Hegseth sẽ tham gia qua hội nghị truyền hình.
[Politico: Ukraine lays out peacekeeping mission wish list]
10. Nga đã bắn 70 hỏa tiễn, 2.200 máy bay điều khiển từ xa vào Ukraine kể từ đề xuất ngừng bắn ngày 11 tháng 3, Kyiv cho biết
Nga đã phóng 70 hỏa tiễn, 2.200 máy bay điều khiển từ xa loại Shahed và 6.000 quả bom dẫn đường vào Ukraine kể từ khi Kyiv và Washington đồng ý về lệnh ngừng bắn tạm thời vào ngày 11 tháng 3, Ngoại trưởng Andrii Sybiha cho biết vào ngày 11 tháng 4.
Các quan chức Ukraine đã đồng ý với đề xuất của Hoa Kỳ về lệnh ngừng bắn toàn diện trong 30 ngày trong các cuộc đàm phán của họ tại Jeddah, với điều kiện là Nga tuân thủ các điều kiện. Mạc Tư Khoa đã từ chối thỏa thuận trừ khi nó bao gồm các điều kiện làm suy yếu khả năng phòng thủ của Ukraine, cụ thể là ngừng hoàn toàn viện trợ quân sự nước ngoài.
“Từ ngày 11 tháng 3 đến ngày 11 tháng 4, Nga đã bắn vào Ukraine gần 70 hỏa tiễn các loại, hơn 2.200 máy bay điều khiển từ xa Shahed và hơn 6.000 quả bom dẫn đường trên không”, Sybiha cho biết trên X.
“Đây là những phản ứng của Nga đối với các đề xuất hòa bình. Đây là đặc điểm điển hình của Nga: nói dối, thao túng và tiếp tục khủng bố.”
[Kyiv Independent: Russia has fired 70 missiles, 2,200 drones at Ukraine since March 11 ceasefire proposal, Kyiv says]
11. 6 quốc gia sẵn sàng gửi quân đến Ukraine để ‘bảo đảm an ninh’, AFP đưa tin
Hãng AFP đưa tin ngày 10 tháng 4, trích dẫn nguồn tin từ các quan chức Âu Châu giấu tên, cho đến nay chỉ có sáu quốc gia tuyên bố sẵn sàng điều động quân tới Ukraine như một phần của “liên minh quốc tế tự nguyện” trong trường hợp ngừng bắn.
Theo hãng thông tấn này, Anh, Pháp, các quốc gia vùng Baltic và một quốc gia giấu tên khác sẵn sàng gửi quân đội của họ, trong khi các nhà lãnh đạo khác muốn thấy một kế hoạch chi tiết hơn trước khi đưa ra cam kết.
Số liệu của AFP cho thấy số lượng các quốc gia sẵn sàng tham gia thấp hơn nhiều so với báo cáo trước đó. Vào ngày 9 tháng 4, Bloomberg đã viết rằng 15 quốc gia sẵn sàng gửi quân đội của họ.
Cuộc họp của liên minh do Anh và Pháp dẫn đầu tại Brussels vào ngày 10 tháng 4 đã tiết lộ thêm chi tiết về cái gọi là lực lượng trấn an. Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey giải thích rằng quân đội sẽ chủ yếu được giao nhiệm vụ tăng cường quân đội Ukraine thay vì hoạt động như một lực lượng gìn giữ hòa bình truyền thống ngăn cách hai bên tham chiến.
Mặc dù vậy, nhiều nhà lãnh đạo của liên minh gồm 30 thành viên vẫn cần thông tin chi tiết về nhiệm vụ rõ ràng hơn.
“Nhiệm vụ là gì? Chúng ta sẽ làm gì trong các kịch bản khác nhau, ví dụ, nếu có bất kỳ sự leo thang nào liên quan đến Nga?” Bộ trưởng Quốc phòng Hòa Lan Ruben Brekelmans cho biết, theo AFP.
Các thành viên liên minh không muốn điều động quân bộ được cho là đã được yêu cầu cung cấp các loại hỗ trợ khác, bao gồm tình báo, vũ khí hoặc lực lượng hải quân.
Phát biểu với tờ Kyiv Independent tại Brussels vào ngày 11 tháng 4, Brekelmans cho biết các đồng minh “phải cùng nhau xác định rõ ràng vai trò chính xác của sự tham gia của Âu Châu”.
Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania Dovile Sakaliene nói với tờ Kyiv Independent rằng kế hoạch này đang trong giai đoạn tranh luận và lập kế hoạch chính trị và quân sự “căng thẳng”.
Một rào cản lớn khác là sự tham gia của Hoa Kỳ, điều mà Luân Đôn coi là điều kiện cần thiết để răn đe hiệu quả chống lại Nga.
Chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ra tín hiệu về ý định giảm sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ tại Âu Châu và loại trừ khả năng gửi quân như một phần của lực lượng trấn an. Luân Đôn và Paris đang tìm cách thuyết phục Washington ít nhất là cung cấp sức mạnh không quân hoặc hỗ trợ tình báo nhưng cho đến nay vẫn chưa đưa ra được bất kỳ cam kết nào.
Brekelmans nói với tờ Kyiv Independent rằng: “Điều quan trọng là phải có sự tham gia của Hoa Kỳ, họ hiện đang đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán, họ sẽ luôn đóng vai trò quan trọng trong an ninh Âu Châu”.
“Nhưng liên quan đến vai trò chính xác và vị trí chính xác của họ, có nhiều lựa chọn khác nhau và họ cần phải kết nối tốt với kế hoạch chung.”
Sakaliene cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là Hoa Kỳ sẽ giám sát cách thức thực hiện thỏa thuận ngừng bắn, nếu đạt được, vì chúng tôi hiểu rằng Nga chưa bao giờ thực hiện bất kỳ thỏa thuận nào”.
Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã tìm cách làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình ở Ukraine trong khi nối lại các cuộc giao tiếp trực tiếp với Mạc Tư Khoa. Các nỗ lực đàm phán ngừng bắn phần lớn đã bị đình trệ khi Nga từ chối lệnh ngừng bắn toàn bộ 30 ngày do Kyiv hậu thuẫn và liên tục vi phạm lệnh ngừng một phần các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng.
[Kyiv Independent: 6 countries ready to send troops for Ukraine 'reassurance force' so far, AFP reports]