“Người môn đệ Đức Giê-su yêu mến” đã thấy gì và tin gì? (Ga 20,8)
Có nhiều trình thuật về biến cố Phục Sinh của Đức Giê-su, nhưng trình thuật về “ngôi mộ trống” (Ga 20,1-9) là nổi bật và nền tảng hơn cả và thường được chọn đọc trong Thánh lễ sáng ngày Chúa nhật Phục Sinh. Trong trình thuật này, tác giả đã ghi lại niềm tin của “Người môn đệ Đức Giê-su yêu mến”: “Ông đã thấy và đã tin” (20,8b). Người môn đệ này đã thấy gì và tin gì?
Tác giả lưu ý rằng “cả hai người cùng chạy, môn đệ kia nhanh hơn, chạy trước, và đã đến mộ trước tiên”. Nhiều nhà chú giải lý giải đơn thuần rằng do người môn đệ này trẻ hơn nên chạy nhanh hơn, chạy trước nên đến mộ trước cũng là điều hợp lý. Theo truyền thống thì người “Người môn đệ Đức Giê-su yêu mến” chính là tông đồ Gioan, con ông Dê-bê-đê. Nếu vậy thì lý luận này xem như là hợp lý. Tuy nhiên, ngày nay một số thần học gia đã đưa ra nhiều dẫn chứng cho thấy khó có thể tuyệt đối hóa người môn đệ này với tông đồ Gioan. Họ đưa ra nhiều dẫn chứng có thể đồng hóa với rất nhiều người khác nhau, thậm chí có những người còn xem đó chỉ là một nhân vật văn chương, có ý nghĩa biểu tượng. [xem thêm trong: Lê Minh Thông, Người Môn đệ Đức Giê-su yêu mến trong Tin Mừng thứ tư là ai? (Cà mau: Phương Đông, 2010)]. Như vậy, lý chứng “trẻ hơn, nên chạy nhanh hơn, nên đến trước và thấy trước” mà nhiều nhà chú giải gán cho “Người môn đệ Đức Giê-su yêu mến” xem ra không vững chắc. Vậy, nên chăng ta giả thiết một hướng khác dựa trên bản văn Tin Mừng để có thể dễ chấp nhận hơn!
Có nhiều chi tiết trong bản văn Tin Mừng cho thấy Người môn đệ này chắc chắn có mối tương quan rất gần gũi cách đặc biệt với Đức Giê-su. Ngay trong danh xưng của người môn đệ này đã cho thấy điều đó. Hơn nữa, chi tiết người môn đệ này nằm tựa vào lòng Đức Giê-su (13,23) cho thấy mức độ thân thương, mật thiết của ông với Đức Giê-su. Lối diễn tả này tương tự như lối diễn tả dành cho tương quan giữa Đức Giê-su, Người Con Một, với Chúa Cha: “chính Con Một hằng ở trong cung lòng Chúa Cha” (Ga 1,18). Ngoài ra, lúc Đức Giê-su chịu đóng đinh trên thập giá thì có người môn đệ này hiện diện dưới chân thập giá với Đức Maria (19,25-27). Như vậy, với tương quan ấy, có thể hiểu rằng tất cả những cái “hơn” và “trước” ấy không đơn thuần chỉ thể hiện sức trẻ nhưng là biểu hiện của một nỗi lòng khao khát, gắn bó mật thiết với Thầy mình.
Ngoài chạy trước, đến trước, thấy trước, Ông còn tin trước Phê-rô nữa. Tác giả cho biết: “Ông đã thấy và đã tin” mà không bàn gì đến niềm tin của Phê-rô. Ngoài ra, trong trình thuật về việc Đức Giê-su hiện ra trên bở hồ Ti-bê-ri-a sau Phục Sinh (21,1-19), thì cũng chính người môn đệ này đã nhận ra Đức Giê-su trước và nói với Phê-rô: “Chúa đó!” lúc ấy Phê-rô mới vội “khoác áo vào và nhảy xuống biển”.
Tất cả những chi tiết trên để cho thấy tại sao người môn đệ này “đã thấy và đã tin” cách nhanh chóng như thế trong khi đó Maria Ma-đa-len-na và Phê-rô vẫn chưa có biểu hiện gì về niềm tin. Lý do của tiến trình “thấy và tin” này còn được giải thích mở rộng ra chiều hướng đối tượng của hành động “thấy” và hành động “tin”.
Ông đã thấy gì? Và tin gì?
Trước tiên phải nhìn nhận rằng hành động “thấy” có một ý nghĩa theo chiều hướng thần học Gioan: “thấy” dấu chỉ, “nhận ra” ý nghĩa và dẫn đến Tin. Động từ “thấy” thông thường trong Tin Mừng thứ tư có túc từ đi kèm (tin vào ai hay tin vào điều gì). Ví dụ như trong 14,1 Đức Giê-su nói: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” và trong 16,30: “Giờ đây, chúng con nhận ra là Thầy biết hết mọi sự, và Thầy không cần phải có ai hỏi Thầy. Vì thế, chúng con tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến". Theo tác giả Lê Minh Thông, các kiểu nói “tin vào”, “tin rằng” giới hạn nội dung niềm tin của các môn đệ.
Trong khi đó, hành động “tin” của người môn đệ “Người môn đệ Đức Giê-su yêu mến” trong 20,8 lại không có túc từ. Dấu hiệu này cho thấy có thể hiểu hành động “tin” theo nghĩa rộng nhất hay nghĩa tuyệt đối. Nội dung của niềm tin không bị giới hạn vào một điều cụ thể nào nhưng có thể mở rộng ra mọi khía cạnh. Có thể hiểu người môn đệ này, với tương quan mật thiết với Đức Giê-su đã không những tin vào Đức Giê-su đã sống lại, tin vào những lời Đức Giê-su đã nói, tin rằng Đức Giê-su là Đấng Chúa Cha sai đến, tin Đức Giê-su là Đấng có khả năng ban sự sống đời đời; mà còn tin ở mức độ cao nhất là tin rằng Đức Giê-su là Đức Chúa (ho kurios) và là Thiên Chúa (ho Theos). Có thể nói là người môn đệ này đã đạt đến niềm tin ở mức cao nhất như Đức Giê-su mong muốn (Xc. Lê Minh Thông, Sđd., tr.162-163).
Thiết nghĩ “Người môn đệ Đức Giê-su yêu mến” trong Tin Mừng thứ tư phải có một niềm tin như thế thì mới có thế giá làm chứng cho những điều đã viết ra trong Tin Mừng thứ tư, như lời của soạn giả xác nhận ở 21,24: “Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực.”. Người môn đệ này đã tin vào Đức Giê-su, tin vào tất cả những gì Đức Giê-su đã dạy, đã làm đặc biệt là sự Phục Sinh và làm chứng về tất cả những điều đó và còn rất nhiều điều nữa không thể viết ra hết ở trong Tin Mừng thứ tư(21,25).
Đức tin theo nghĩa tuyệt đối này bắt nguồn từ hành động “thấy” tuyệt đối. Tương tư như động từ “tin”, động từ “thấy” cũng được dùng không có túc từ đi kèm. Nghĩa là, đối tượng của hành động thấy của người môn đệ này được mở rộng ra đến mức tối đa. Gần nhất, người môn đệ đã thấy “những băng vải còn để đó”, thấy ngôi mộ trống, thấy xác Đức Giê-su không còn ở đó; xa hơn là nhận ra ý nghĩa biến cố thập giá khi ông đứng dưới chân thập giá, hiểu ra những gì Đức Giê-su thực hiện trong suốt sứ vụ công khai. “Thấy” theo nghĩa tuyệt đối như vậy thì sẽ tất yếu dẫn đến niềm tin. Các môn đệ khác phải cần thêm những lần Đức Giê-su hiện ra thì mới tin. Đặc biệt riêng Tô-ma thì đòi phải thấy dấu đinh, phải được xỏ ngón tay vào lỗ đinh, phải đặt bàn tay vào cạnh sườn thì mới tin (20,25). Tuy nhiên, như đã biết, khi thấy Chúa hiện ra, thì Tô-ma tin ngay không cần phải thực hiện những điều ông đòi hỏi (20,28). Sau đó Đức Giê-su nói cùng ông Tô-ma, cũng là nói cho tín hữu qua mọi thời đại: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!". Lời chúc phúc này chính “Người môn đệ Đức Giê-su yêu mến” là người được hưởng đầu tiên bởi lẽ ông không cần thấy Đức Giê-su Phục Sinh thì đã tin. Tuy nhiên, như đã nói, sở dĩ niềm tin của người môn đệ này không một xác thực mặt đối mặt với Đức Ki-tô phục sinh vì trước đó ông đã “thấy” (theo nghĩa nhận biết và hiểu) một cách tỏ tường tất cả. Không “thấy” chính Đức Ki-tô Phục Sinh nhưng lại “thấy” rất nhiều về Người.
Kết thúc trình thuật về “ngôi mộ trống” (20,1-9) tác giả lý giải: “Thật ra, họ chưa hiểu lời Kinh Thánh rằng Người phải trỗi dậy từ cõi chết” (20,9). Tác giả Francis J. Moloney cho rằng “Kinh Thánh” ở đây là chính câu chuyện kể của Gioan. Hai môn đệ là những nhân vật trong trình thuật nên “chưa biết” câu chuyện này. Ngược lại, độc giả qua mọi thời đại có khả năng biết “Kinh Thánh” của Tin Mừng thứ tư. Họ có thể không thấy ngôi mộ trống, không thấy Đức Giê-su Phục Sinh, nhưng họ đã có “Kinh Thánh” đặc biệt là câu chuyện của Gioan. (Xc. Francis J. Moloney, The Gospel of John, p.520).
Đây là dữ liệu để họ có thể lãnh nhận lời chúc phúc của Đức Giê-su: “phúc cho những ai đã không thấy mà tin”. Tuy nhiên, muốn đạt được niềm tin như người môn đệ Đức giê-su yêu mến thì giả định độc giả qua mọi thời đại phải “thấy” (hiểu) những gì Kinh Thánh đã nói về Đức Giê-su.
Cám dỗ lớn nhất của tín hữu qua mọi thời đại là phải làm sao nghiệm chứng được Đức Giê-su Phục Sinh. Có thể, họ không mong nhìn thấy Đức Giê-su Phục Sinh hiện ra như Tông đồ Tô-ma, nhưng họ mong thấy Người thể hiện những dấu lạ. Họ dễ tìm đến những dấu lạ được loan truyền đó đây. Còn Sách Thánh, lời của Người luôn ở ngay bên cạnh, thì họ thấy rất xa lạ, khó hiểu, không mấy hấp dẫn. “chưa hiểu” Kinh Thánh là có nguy cơ không cảm nhận được niềm tin tuyệt đối như “Người môn đệ Đức Giê-su yêu mến”.
Chúa Nhật Phục Sinh 2013
Có nhiều trình thuật về biến cố Phục Sinh của Đức Giê-su, nhưng trình thuật về “ngôi mộ trống” (Ga 20,1-9) là nổi bật và nền tảng hơn cả và thường được chọn đọc trong Thánh lễ sáng ngày Chúa nhật Phục Sinh. Trong trình thuật này, tác giả đã ghi lại niềm tin của “Người môn đệ Đức Giê-su yêu mến”: “Ông đã thấy và đã tin” (20,8b). Người môn đệ này đã thấy gì và tin gì?
Tác giả lưu ý rằng “cả hai người cùng chạy, môn đệ kia nhanh hơn, chạy trước, và đã đến mộ trước tiên”. Nhiều nhà chú giải lý giải đơn thuần rằng do người môn đệ này trẻ hơn nên chạy nhanh hơn, chạy trước nên đến mộ trước cũng là điều hợp lý. Theo truyền thống thì người “Người môn đệ Đức Giê-su yêu mến” chính là tông đồ Gioan, con ông Dê-bê-đê. Nếu vậy thì lý luận này xem như là hợp lý. Tuy nhiên, ngày nay một số thần học gia đã đưa ra nhiều dẫn chứng cho thấy khó có thể tuyệt đối hóa người môn đệ này với tông đồ Gioan. Họ đưa ra nhiều dẫn chứng có thể đồng hóa với rất nhiều người khác nhau, thậm chí có những người còn xem đó chỉ là một nhân vật văn chương, có ý nghĩa biểu tượng. [xem thêm trong: Lê Minh Thông, Người Môn đệ Đức Giê-su yêu mến trong Tin Mừng thứ tư là ai? (Cà mau: Phương Đông, 2010)]. Như vậy, lý chứng “trẻ hơn, nên chạy nhanh hơn, nên đến trước và thấy trước” mà nhiều nhà chú giải gán cho “Người môn đệ Đức Giê-su yêu mến” xem ra không vững chắc. Vậy, nên chăng ta giả thiết một hướng khác dựa trên bản văn Tin Mừng để có thể dễ chấp nhận hơn!
Có nhiều chi tiết trong bản văn Tin Mừng cho thấy Người môn đệ này chắc chắn có mối tương quan rất gần gũi cách đặc biệt với Đức Giê-su. Ngay trong danh xưng của người môn đệ này đã cho thấy điều đó. Hơn nữa, chi tiết người môn đệ này nằm tựa vào lòng Đức Giê-su (13,23) cho thấy mức độ thân thương, mật thiết của ông với Đức Giê-su. Lối diễn tả này tương tự như lối diễn tả dành cho tương quan giữa Đức Giê-su, Người Con Một, với Chúa Cha: “chính Con Một hằng ở trong cung lòng Chúa Cha” (Ga 1,18). Ngoài ra, lúc Đức Giê-su chịu đóng đinh trên thập giá thì có người môn đệ này hiện diện dưới chân thập giá với Đức Maria (19,25-27). Như vậy, với tương quan ấy, có thể hiểu rằng tất cả những cái “hơn” và “trước” ấy không đơn thuần chỉ thể hiện sức trẻ nhưng là biểu hiện của một nỗi lòng khao khát, gắn bó mật thiết với Thầy mình.
Ngoài chạy trước, đến trước, thấy trước, Ông còn tin trước Phê-rô nữa. Tác giả cho biết: “Ông đã thấy và đã tin” mà không bàn gì đến niềm tin của Phê-rô. Ngoài ra, trong trình thuật về việc Đức Giê-su hiện ra trên bở hồ Ti-bê-ri-a sau Phục Sinh (21,1-19), thì cũng chính người môn đệ này đã nhận ra Đức Giê-su trước và nói với Phê-rô: “Chúa đó!” lúc ấy Phê-rô mới vội “khoác áo vào và nhảy xuống biển”.
Tất cả những chi tiết trên để cho thấy tại sao người môn đệ này “đã thấy và đã tin” cách nhanh chóng như thế trong khi đó Maria Ma-đa-len-na và Phê-rô vẫn chưa có biểu hiện gì về niềm tin. Lý do của tiến trình “thấy và tin” này còn được giải thích mở rộng ra chiều hướng đối tượng của hành động “thấy” và hành động “tin”.
Ông đã thấy gì? Và tin gì?
Trước tiên phải nhìn nhận rằng hành động “thấy” có một ý nghĩa theo chiều hướng thần học Gioan: “thấy” dấu chỉ, “nhận ra” ý nghĩa và dẫn đến Tin. Động từ “thấy” thông thường trong Tin Mừng thứ tư có túc từ đi kèm (tin vào ai hay tin vào điều gì). Ví dụ như trong 14,1 Đức Giê-su nói: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” và trong 16,30: “Giờ đây, chúng con nhận ra là Thầy biết hết mọi sự, và Thầy không cần phải có ai hỏi Thầy. Vì thế, chúng con tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến". Theo tác giả Lê Minh Thông, các kiểu nói “tin vào”, “tin rằng” giới hạn nội dung niềm tin của các môn đệ.
Trong khi đó, hành động “tin” của người môn đệ “Người môn đệ Đức Giê-su yêu mến” trong 20,8 lại không có túc từ. Dấu hiệu này cho thấy có thể hiểu hành động “tin” theo nghĩa rộng nhất hay nghĩa tuyệt đối. Nội dung của niềm tin không bị giới hạn vào một điều cụ thể nào nhưng có thể mở rộng ra mọi khía cạnh. Có thể hiểu người môn đệ này, với tương quan mật thiết với Đức Giê-su đã không những tin vào Đức Giê-su đã sống lại, tin vào những lời Đức Giê-su đã nói, tin rằng Đức Giê-su là Đấng Chúa Cha sai đến, tin Đức Giê-su là Đấng có khả năng ban sự sống đời đời; mà còn tin ở mức độ cao nhất là tin rằng Đức Giê-su là Đức Chúa (ho kurios) và là Thiên Chúa (ho Theos). Có thể nói là người môn đệ này đã đạt đến niềm tin ở mức cao nhất như Đức Giê-su mong muốn (Xc. Lê Minh Thông, Sđd., tr.162-163).
Thiết nghĩ “Người môn đệ Đức Giê-su yêu mến” trong Tin Mừng thứ tư phải có một niềm tin như thế thì mới có thế giá làm chứng cho những điều đã viết ra trong Tin Mừng thứ tư, như lời của soạn giả xác nhận ở 21,24: “Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực.”. Người môn đệ này đã tin vào Đức Giê-su, tin vào tất cả những gì Đức Giê-su đã dạy, đã làm đặc biệt là sự Phục Sinh và làm chứng về tất cả những điều đó và còn rất nhiều điều nữa không thể viết ra hết ở trong Tin Mừng thứ tư(21,25).
Đức tin theo nghĩa tuyệt đối này bắt nguồn từ hành động “thấy” tuyệt đối. Tương tư như động từ “tin”, động từ “thấy” cũng được dùng không có túc từ đi kèm. Nghĩa là, đối tượng của hành động thấy của người môn đệ này được mở rộng ra đến mức tối đa. Gần nhất, người môn đệ đã thấy “những băng vải còn để đó”, thấy ngôi mộ trống, thấy xác Đức Giê-su không còn ở đó; xa hơn là nhận ra ý nghĩa biến cố thập giá khi ông đứng dưới chân thập giá, hiểu ra những gì Đức Giê-su thực hiện trong suốt sứ vụ công khai. “Thấy” theo nghĩa tuyệt đối như vậy thì sẽ tất yếu dẫn đến niềm tin. Các môn đệ khác phải cần thêm những lần Đức Giê-su hiện ra thì mới tin. Đặc biệt riêng Tô-ma thì đòi phải thấy dấu đinh, phải được xỏ ngón tay vào lỗ đinh, phải đặt bàn tay vào cạnh sườn thì mới tin (20,25). Tuy nhiên, như đã biết, khi thấy Chúa hiện ra, thì Tô-ma tin ngay không cần phải thực hiện những điều ông đòi hỏi (20,28). Sau đó Đức Giê-su nói cùng ông Tô-ma, cũng là nói cho tín hữu qua mọi thời đại: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!". Lời chúc phúc này chính “Người môn đệ Đức Giê-su yêu mến” là người được hưởng đầu tiên bởi lẽ ông không cần thấy Đức Giê-su Phục Sinh thì đã tin. Tuy nhiên, như đã nói, sở dĩ niềm tin của người môn đệ này không một xác thực mặt đối mặt với Đức Ki-tô phục sinh vì trước đó ông đã “thấy” (theo nghĩa nhận biết và hiểu) một cách tỏ tường tất cả. Không “thấy” chính Đức Ki-tô Phục Sinh nhưng lại “thấy” rất nhiều về Người.
Kết thúc trình thuật về “ngôi mộ trống” (20,1-9) tác giả lý giải: “Thật ra, họ chưa hiểu lời Kinh Thánh rằng Người phải trỗi dậy từ cõi chết” (20,9). Tác giả Francis J. Moloney cho rằng “Kinh Thánh” ở đây là chính câu chuyện kể của Gioan. Hai môn đệ là những nhân vật trong trình thuật nên “chưa biết” câu chuyện này. Ngược lại, độc giả qua mọi thời đại có khả năng biết “Kinh Thánh” của Tin Mừng thứ tư. Họ có thể không thấy ngôi mộ trống, không thấy Đức Giê-su Phục Sinh, nhưng họ đã có “Kinh Thánh” đặc biệt là câu chuyện của Gioan. (Xc. Francis J. Moloney, The Gospel of John, p.520).
Đây là dữ liệu để họ có thể lãnh nhận lời chúc phúc của Đức Giê-su: “phúc cho những ai đã không thấy mà tin”. Tuy nhiên, muốn đạt được niềm tin như người môn đệ Đức giê-su yêu mến thì giả định độc giả qua mọi thời đại phải “thấy” (hiểu) những gì Kinh Thánh đã nói về Đức Giê-su.
Cám dỗ lớn nhất của tín hữu qua mọi thời đại là phải làm sao nghiệm chứng được Đức Giê-su Phục Sinh. Có thể, họ không mong nhìn thấy Đức Giê-su Phục Sinh hiện ra như Tông đồ Tô-ma, nhưng họ mong thấy Người thể hiện những dấu lạ. Họ dễ tìm đến những dấu lạ được loan truyền đó đây. Còn Sách Thánh, lời của Người luôn ở ngay bên cạnh, thì họ thấy rất xa lạ, khó hiểu, không mấy hấp dẫn. “chưa hiểu” Kinh Thánh là có nguy cơ không cảm nhận được niềm tin tuyệt đối như “Người môn đệ Đức Giê-su yêu mến”.
Chúa Nhật Phục Sinh 2013