SOLOMON - Lãnh tụ dân quân tại quần đảo Solomon ở Nam Thái bình dương, ông Harold Keke vừa ra đầu thú trước lực lượng gìn giữ hòa bình do Úc dẫn đầu tại đây.

Ông bị bắt cùng với ba ủng hộ viên khác vì các cáo trạng tội cướp bóc. Ngoại trưởng Úc, ông Alexander Downer, cho biết những cáo giác ông này về tội giết người cũng sẽ được điều tra.

Lực lượng đa quốc gia tới quần đảo Solomon cách đây gần ba tuần nhằm ổn định lại tình trạng bất ổn xã hội không còn kiểm soát nổi và tình trạng suy thoái kinh tế.

Việc bắt giữ ông Keke là một bước khai thông lớn đối với lực lượng gìn giữ hòa bình do Úc dẫn đầu tại quần đảo Solomon.

Vị lãnh tụ dân quân này đã ra đầu thú gần căn cứ quân sự của ông tại bờ biển Weather xa xôi sau khi hội đàm với người đứng đầu sứ mệnh quốc tế, ông Nick Warner. Ba người tuỳ tòng thân cận của ông Keke cũng bị bắt giữ.

Những người này sẽ bị đưa tới thủ đô Honiara, trên chiến hạm HMAS Manoora của Úc.

Sáu linh mục bị bắt cóc

Ngoại trưởng Úc, ông Alexander Downer, nói với quốc hội tại Canberra rằng một cuộc điều tra đầy đủ những tội ác trong đó có cả tội giết người, mà người ta cáo buộc ông Keke đã phạm sẽ được tiến hành.

Ông Downer nói các hoạt động của ông Keke đã gây tình trạng lo lắng và sợ hãi ở người dân tại Solomon. Hàng trăm người đã bỏ chạy khỏi làng mạc của mình ở bờ biển Weather trong những tuần gần đây để trốn chạy lãnh tụ dân quân này và những người đi theo ông ta.

Ông Keke bị tình nghi là đã thực hiện một loạt những vụ tàn sát. Hồi đầu tháng ông nói với các binh lính gìn giữ hòa bình rằng sáu nhà truyền giáo người bản xứ mà ông bắt làm con tin đã chết. Không có giải thích nào từ phía lực lượng gìn giữ hòa bình về bối cảnh dẫn tới cái chết của những người này.

Ông Harold Keke là một cựu sĩ quan cảnh sát, người bắt đầu công cuộc đấu tranh vì quyền của người bản xứ tại Guadalcanal vào cuối những năm 90.

Một cuộc chiến sắc tộc tàn bạo với những người định cư từ hòn đảo láng giềng Malaita đã diễn ra tiếp sau đó.

Vị lãnh tụ dân quân này sau này tách khỏi các đồng nghiệp của ông và từ chối không chịu ký một thỏa thuận hòa bình do Úc đứng ra dàn xếp cách đây ba năm. (bbc)