Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Sự hiện hữu của các thiên thần hộ thủ không phải là kết quả của một đầu óc giàu trí tưởng tưởng nhưng các ngài thật sự là bạn đồng hành mà Thiên Chúa đặt để trong cuộc hành trình dương thế của chúng ta. Đức Thánh Cha Phanxicô đã giảng như thế trong thánh lễ sáng thứ Năm 02 tháng 10 tại nhà nguyện Santa Marta, nhân lễ kính Các Thiên Thần Hộ thủ.
Đức Thánh Cha nói rằng trong bài đọc hôm nay chúng ta thấy hai hình ảnh: thiên thần và trẻ em. Thiên Chúa đặt một thiên thần bên cạnh chúng ta để trông nom chúng ta. Nếu ai tự phụ cho rằng mình có thể độc hành trong cuộc sống thì họ sẽ mắc sai lầm. Họ sẽ rơi vào cái bẫy của sự kiêu ngạo, tự phụ. Chúa Giêsu đã dạy các tông đồ hãy trở nên như trẻ thơ. Các môn đệ tranh luận về việc ai là người lớn nhất trong số họ và đã xảy ra một sự tranh chấp nội bộ. Nơi các ông có thể đã manh nha sự ham hố quyền bính?
Các tông đồ là những vị giám mục tiên khởi cũng đã bị cám dỗ về quyền lực. “Tôi muốn lớn hơn anh …” Các giám mục đầu tiên đã không làm gương tốt trong chuyện này, đó là một thực tế rõ ràng. Chúa Giêsu dạy họ phải có thái độ của một đứa trẻ: ngoan ngoãn, cậy dựa, cần sự giúp đỡ, bởi vì trẻ em là hình ảnh cho thấy cần sự giúp đỡ, để có thể bước đi. Thái độ của một đứa trẻ là đến gần và chiêm ngưỡng Chúa Cha. Chúng lắng nghe tiếng nói của các thiên thần hộ thủ bằng trái tim rộng mở và ngoan ngoãn.
Theo truyền thống Giáo Hội, mỗi người chúng ta đều có một thiên thần hộ thủ. Các ngài bảo vệ chúng ta, giúp chúng ta nghe tiếng Chúa: Tôi nên làm điều này, tôi không nên làm điều kia, đó là điều không đúng, hãy cẩn thận … Tiếng nói ấy vang lên thường xuyên. Đó là tiếng nói của người bạn đồng hành với chúng ta trong cuộc sống. Hãy vững tin rằng thiên thần sẽ dẫn dắt chúng ta đi trọn cuộc hành trình, luôn cố vấn cho chúng ta. Và như vậy, chúng ta lắng nghe tiếng nói của các ngài, đừng nổi loạn chống lại tiếng nói ấy. Vì khi nổi loạn chính là muốn tự quyết, đó là thái độ kiêu ngạo, như chính sự kiêu ngạo của Adam xưa trong vườn địa đàng. Đừng bao giờ nổi loạn nhưng hãy lắng lời khuyên bảo của các thiên thần.
Không ai muốn độc hành trên suốt hành trình. Đồng hành luôn là điều cần thiết. Khi chúng ta không muốn nghe lời khuyên của các thiên thần, giống như là chúng ta xua đuổi ngài “đi đi! Nguy hiểm biết bao nếu ta xua đuổi người bạn đồng hành, bởi vì sẽ không còn ai có thể tư vấn cho ta. Tôi có thể đưa ra lời khuyên cho người khác, nhưng không làm được như thế cho chính mình. Chúa Thánh Thần khuyên tôi, thiên thần khuyên tôi. Đây là lý do tại sao chúng ta cần đến các thiên thần. Sự hiện hữu của các Thiên thần hộ thủ không phải là kết quả của đầu óc giàu trí tưởng tưởng nhưng là bạn đồng hành mà Thiên Chúa đặt để trong cuộc hành trình dương thế của chúng ta.
Chúa Giêsu nói rằng Thiên Chúa phán như sau: “Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt con để bảo vệ con, đồng hành cùng con trên hành trình để con khỏi vấp ngã”.
Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng như sau:
“Hôm nay chúng ta hãy tự chất vấn mình câu hỏi này: Tôi liên hệ ra sao với thiên thần hộ thủ của tôi? Tôi có nghe theo tiếng ngài không? Tôi có nhớ đến ngài vào mỗi mai thức dậy không? Tôi có xin ngài canh chừng giấc ngủ của tôi không? Tôi có thưa chuyện với ngài không? Tôi có xin ngài cho lời khuyên không? Ngài luôn ở bên cạnh tôi. Hôm nay, chúng ta hãy trả lời câu hỏi này: mối liên hệ của chúng ta với các thiên thần như thế nào? Thiên Chúa đã gửi các thiên thần để chăm nom ta, đồng hành với ta trên hành trình dương thế và các ngài luôn luôn chiêm ngưỡng dung nhan Thiên Chúa, Đấng ngự trên trời.”
2. Chúng ta mở lòng đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa hay đóng chặt con tim với các giới luật do con người đặt ra?
Chúng ta mở lòng đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa, hay chúng ta muốn bám vào sự an toàn nơi các giới luật do con người tạo ra? Đó là câu hỏi mà Đức Thánh Cha Phanxicô đặt ra trong bài giảng Thánh Lễ sáng thứ Sáu, 03 tháng 10 tại tại nhà nguyện Santa Marta.
Mong ước duy nhất của Thiên Chúa là cứu độ con người nhưng nhiều lần chúng ta thiết đặt những quy luật cho ơn cứu độ của chính chúng ta. Đây là thảm kịch mà Kinh Thánh nói đến rất nhiều. Và hôm nay ta nghe thấy những lời quở trách nặng nề của Chúa Giêsu trong Tin Mừng.
Trình bày những suy tư về bài Tin Mừng trong ngày, Đức Thánh Cha nói về nỗi buồn của Chúa Giêsu khi bị chính dân tộc mình từ chối và khước từ. “Khốn cho ngươi, hỡi Khoradim! Khốn cho ngươi, hỡi Bétxaiđa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xiđon, thì từ lâu họ đã mặc áo vải thô, ngồi trên tro để tỏ lòng sám hối rồi.”
Cũng giống như các ngôn sứ đi trước đã từng bị từ chối và bị giết chết bởi chính dân tộc của mình, Chúa Giêsu cũng chịu một hoàn cảnh tương tự. Và đó chính là những nhà lãnh đạo Do Thái, những người đã kháng cự lại trước ơn cứu độ mà Chúa Giêsu trao ban.
Các giai cấp lãnh đạo Do Thái đã đóng cửa lại trước ơn cứu độ của Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu dùng những từ rất nặng dành cho họ như vậy. Họ tranh luận, cài bẫy để bắt Ngài vì họ chống lại lời mời gọi đón nhận ơn cứu độ. Chúa Giêsu nói với họ: “Ta không hiểu các ngươi! Các ngươi giống như những đứa trẻ nói với đám trẻ khác “Tại sao chúng tôi thổi sáo mà các bạn không nhảy múa; chúng tôi hát bài đưa đám, mà các bạn không tiếc thương. Các bạn muốn gì?” Họ muốn chính mình tự cứu lấy mình và đóng cửa trước ơn cứu độ của Chúa.
Thái độ này khác xa so với thái độ của những người hiểu và đón nhận ơn cứu độ mà Chúa Giêsu mang đến cho họ. Các nhà lãnh đạo đã làm suy giảm ơn cứu độ bằng cách thực hiện 613 giới luật mà chính họ đã dùng trí óc và suy tư của mình mà nghĩ ra.
Những nhà lãnh đạo không tin vào lòng thương xót và sự tha thứ nhờ vào cuộc hiến tế của Chúa Giêsu. Họ muốn tất cả mọi thứ được phân loại rõ ràng và đó là thảm kịch chống lại ơn cứu độ. Mỗi người chúng ta, nhìn vào thảm kịch này và tự chất vấn mình: Làm cách nào để tôi được cứu độ? Có phải cậy dựa vào sức tôi không? Có phải cậy dựa vào một nền linh đạo, tuân giữ giới luật cách chặt chẽ, cứng ngắc và như thế là an tâm không? Hay là tôi phải bước theo chân Chúa Giêsu, Đấng luôn luôn làm tôi ngạc nhiên, mở rộng tâm hồn mình trước mầu nhiệm lòng thương xót và tha thứ nơi Thiên Chúa?
Nếu tôi không bước theo Chúa Giêsu mà tự mình đi tìm kiếm nơi các bậc thầy khác và tìm sự bảo đảm nơi các giới luật do con người tạo ra, tôi có thể cảm thấy an toàn nhưng sự thật là tôi đang mua ơn cứu độ, thay vì ơn cứu độ là quà tặng nhưng không từ Thiên Chúa ban cho tôi.
3. Câu chuyện về Bài Ca Đức Mến của Thánh Phaolô:
Thấy ai đói rách thì thương,
Rách thường cho mặc, đói thường cho ăn.
Thương người như thể thương thân,
Người ta phải bước khó khăn đến nhà.
Đồng tiền bát gạo mang ra,
Rằng đây "cần kiệm" gọi là làm duyên.
Đó là những lời trong văn chương bình dân Việt Nam đề cao đức mến là một nhân đức được người Việt Nam quý trọng.
Đức mến còn vươn tới một chiều kích cao cả hơn trong niềm tin Kitô, bởi vì Chúa Giêsu đã từng nói: “Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi! Ngươi hãy yêu tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”.
Trong chương trình hôm nay, Như Ý xin giới thiệu với quý vị và anh chị em một trong những áng văn chương tuyệt tác trong Tin Mừng thường được các nhà thần học gọi là Bài Ca Đức Mến của Thánh Phaolô.
Đức mến là từ ngữ thông dụng nhất trong thần học thánh Phaolô. Trong toàn bộ những thư của ngài, thánh Phaolô sử dụng 236 lần từ ngữ “đức mến” trên tổng số 320 lần trong Kinh thánh. Thuật từ này chuyển ngữ từ agapê trong cổ ngữ Hy lạp. Không có thánh thư nào mà thánh Phaolô không nói đến đức mến. Trong thư thứ 1 gửi Hội thánh Thêxalônica, thánh Phaolô viết:
‘‘Còn về tình huynh đệ, anh em không cần ai viết cho anh em, vì chính anh em đã được Thiên Chúa dạy phải thương yêu nhau’’ (1Tx 4,9).
Trong thư gửi tín hữu Philipphê, ngài viết: ‘‘Để có thể đạt được đồng tâm nhất trí, ‘‘trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo.’’ (Cl 3,14-15).
Những trích đoạn trên đây là tiền đề đưa đến chung khúc ‘‘Bài ca đức mến’’ diễn tả đầy đủ hai giới răn: yêu Chúa và yêu người. Thánh nhân viết
Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng.
Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì.
Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.
Ðức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.
Ðức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả.
Ðức mến không bao giờ mất được.
Ơn nói tiên tri ư? Cũng chỉ nhất thời.
Nói các tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ hết.
Ơn hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng còn.
Vì chưng sự hiểu biết thì có ngần, ơn nói tiên tri cũng có hạn.
Khi cái hoàn hảo tới, thì cái có ngần có hạn sẽ biến đi.
Cũng như khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con.
Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt.
Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi.
Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.
4. Tôi có hài lòng với những đặc sủng Chúa ban?
Thiên Chúa ban cho Giáo Hội tràn đầy các ơn của Chúa Thánh Thần và các đặc sủng khác nhau để sinh ích lợi cho tất cả mọi người, để cho toàn cộng đoàn Kitô lớn lên hài hòa trong đức tin và tình yêu của Người như một thân thể duy nhất của Chúa Kitô.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với các tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 1 tháng 10 tại quảng trường thánh Phêrô.
Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý: “Các đặc sủng: khác biệt trong hiệp nhất”. Ngài nói: Ngay từ đầu Chúa đã làm tràn đầy Giáo Hội với các ơn của Thần Khí Ngài, và như thế khiến cho Giáo Hội luôn sống động và phong phú. Trong các ơn đó có vài ơn đặc biệt quý báu cho việc xây dựng và con đường của cộng đoàn Kitô: đó là các đặc sủng. Vậy trong bài giáo lý hôm nay chúng ta muốn tìm hiểu đặc sủng là gì? Làm sao nhận ra nó và đón nhận nó? Và nhất là sự kiện trong Giáo Hội có nhiều đặc sủng khác nhau và sự khác biệt và đa diện đó của các đặc sủng bị coi là điều tốt đẹp hay là một vấn đề.
Trong ngôn ngữ chung, khi nói tới “đặc sủng” người ta thường hiểu nó là một tài năng, một sự khéo léo tự nhiên. Vì thế, đứng trước một người đặc biệt tài giỏi và hấp dẫn người ta thường nói: “Đó là một người có đặc sủng”. “Nó có nghĩa là gì?”. “Tôi không biết, nhưng họ là người đặc sủng”. Chúng ta nói như vậy. Tuy không biết nhưng chúng ta nói như thế: “Đó là một người đặc sủng”.
Tuy nhiên, trong viễn tượng Kitô, thì đặc sủng cao hơn một đức tính cá nhân, một bẩm tính mà người ta có thể có; đặc sủng là một ơn thánh, một ơn do Thiên Chúa Cha rộng ban, qua hoạt động của Chúa Thánh Thần. Và nó là một ơn được ban cho ai đó không phải vì họ giỏi hơn những người khác hay xứng đáng hơn, nhưng đó là một món qùa Thiên Chúa ban cho, để với chính sự nhưng không và tình yêu thương họ có thể dùng để phục vụ toàn cộng đoàn, cho thiện ích của tất cả mọi người. Một cách nhân loại thì người ta nói như thế này: Thiên Chúa ban cho đặc tính này, đặc sủng kia cho người này nhưng không phải cho cá nhân họ, mà là để phục vụ toàn cộng đoàn.
Hôm nay trước khi ra quảng trường tôi đã tiếp kiến biết bao nhiêu trẻ em tàn tật trong đại thính đường Phaolô VI, đông lắm. Có một hiệp hội tận hiến cho việc săn sóc các trẻ em này: là cái gì vậy? Hiệp hội này, các người nam nữ này có đặc sủng săn sóc các trẻ em tàn tật. Đó là một đặc sủng.
Cần phải nhấn mạnh ngay một điều quan trọng là sự kiện một người không thể tự mình hiểu mình có một đặc sủng hay không và đặc sủng nào. Biết bao nhiêu lần chúng ta đã nghe có người nói: “Tôi có phẩm chất này, tôi biết hát hay lắm”, và không ai có can đảm nói với họ: “Tốt hơn là bạn nên im đi, bởi vì bạn hành hạ tất cả chúng tôi khi bạn hát!” Không ai có thể nói tôi có đặc sủng này. Chính bên trong cộng đoàn nảy nở ra các ơn mà Thiên Chúa Cha ban tràn đầy cho chúng ta. Và chính trong lòng cộng đoàn mà người ta học và nhận ra các đặc sủng như là một dấu chỉ tình yêu thương của Người đối với mọi con cái Người. Vì thế thật là tốt, nếu từng người trong chúng ta tự hỏi: “Chúa có khơi dậy nơi tôi đặc sủng nào không, trong ơn thánh của Thần Khí Người, và các anh em tôi trong cộng đoàn Kitô đã nhận biết ra và khích lệ? Và tôi đã có cung cách hành xử như thế nào đối với đặc sủng đó: tôi có sống quảng đại bằng cách dùng nó để phục vụ mọi người hay không, hay tôi lơ là với nó và cuối cùng quên nó? Hay nó lại trở thành cớ cho tôi kiêu ngạo, đến độ luôn luôn than vãn về người khác và yêu sách rằng trong cộng đoàn người ta phải làm theo kiểu của tôi?” Đó là các câu hỏi mà chúng ta phải đưa ra. Nếu có một đặc sủng trong tôi, nếu đặc sủng đó được Giáo Hội thừa nhận, và nếu tôi có bằng lòng với đặc sủng đó hay tôi hơi ghen tương các đặc sủng của người khác và muốn có đặc sủng đó... Không, đặc sủng là một ơn. Chỉ có Thiên Chúa mới ban tặng cho mà thôi.
Tuy nhiên, kinh nghiệm đẹp nhất là khám phá ra biết bao nhiêu đặc sủng khác nhau và biết bao ơn của Thần Khí, mà Thiên Chúa Cha đã ban tràn đầy cho Giáo Hội. Đức Thánh Cha giải thích sự khác biệt của các đặc sủng như sau:
Điều này không được coi như là một lý do của sự lẫn lộn, khó chịu: tất cả là các món qùa Thiên Chúa Cha tặng ban cho cộng đoàn Kitô, dể nó có thể lớn lên hài hoà, trong đức tin và tình yêu của Người, như một thân thể duy nhất, thân mình của Chúa Kitô. Cùng Thần Khí, Đấng ban sự khác biệt của các đặc sủng, làm thành sự hiệp nhất của Giáo Hội: cùng Thần Khí. Do đó, đứng trước sự đa diện này của các đặc sủng, con tim chúng ta phải rộng mở cho niềm vui và phải nghĩ: “Đẹp biết bao! Biết bao nhiêu ơn khác nhau, bởi vì chúng ta tất cả đều là con cái Thiên Chúa và đều được yêu thương một cách duy nhất”.
Vì vậy, khốn cho chúng ta nếu các ơn này trở thành lý do của ghen tương và chia rẽ! Như thánh tông đồ Phaolô nhắc nhớ trong thư thứ I gửi tín hữu Côrintô chương 12, mọi đặc sủng đều quan trọng dưới mắt Thiên Chúa, đồng thời không có ai là không thể thay thế được. Điều này có nghĩa là trong cộng đoàn Kitô chúng ta cần nhau, và mỗi ơn nhận lãnh được thể hiện tràn đầy, khi được chia sẻ với các anh em khác, cho thiện ích của tất cả mọi người. Đó là Giáo Hội! Và khi Giáo Hội, trong sự đa diện của các đặc sủng, được diễn tả ra trong sự hiệp thông, thì không thể sai lầm: đó là vẻ đẹp và sức mạnh của ý thức đức tin, của ý nghĩa siêu nhiên của đức tin, do Chúa Thánh Thần ban để chúng ta tất cả cùng nhau bước vào trọng tâm của Tin Mừng và học đi theo Chúa Giêsu trong cuộc sống.
Hôm nay Giáo Hội mừng nhớ thánh nữ Terexa Hài Đồng Giêsu. Chị thánh qua đời năm 24 tuổi và đã rất yêu thương Giáo Hội, muốn làm thừa sai, muốn có mọi đặc sủng và nói: “Không, tôi muốn làm cái này cái nọ”, và muốn có mọi đặc sủng. Chị đã cầu nguyện và cảm thấy đặc sủng của mình là tình yêu và đã nói câu hay đẹp này: “Trong lòng Giáo Hội con sẽ là tình yêu”. Và đặc sủng này tất cả chúng ta đều có: đó là khả năng yêu thương. Hôm nay chúng ta hãy xin thánh nữ Terexa Hài Đồng Giêsu khả năng yêu thương Giáo Hội biết bao này, yêu thương Giáo Hội nhiều và chấp nhận mọi đặc sủng với tình yêu thương của con cái Giáo Hội, của Mẹ Thánh Giáo Hội phẩm trật.
Các bạn thân mến, đó là điều Chúa xin chúng ta hôm nay: nhận biết các đặc sủng với niềm vui và lòng biết ơn, các đặc sủng mà Chúa phân phát trong cộng đoàn, và dấn thân cho nhau, theo các sứ vụ và phục vụ mà chúng ta được mời gọi. Như thế Giáo Hội lớn lên với ơn thánh của Chúa và trong mọi thời và mọi nơi, trở thành dấu chỉ đáng tin cậy và là chứng tá sống động cho tình yêu của Thiên Chúa.
5. Mỗi gia đình cần có những cuốn Kinh Thánh
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 5 tháng 10, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng mọi gia đình đều cần có những cuốn Kinh Thánh.
Ngài nói:
Lời Chúa hôm nay giới thiệu hình ảnh của vườn nho hệt như biểu tượng của dân mà Thiên Chúa đã tuyển chọn. Như một vườn nho, dân riêng đòi hỏi rất nhiều sự quan tâm, đòi hỏi một tình yêu tín trung và kiên nhẫn. Các mục tử được kêu gọi để lo lắng cho dân Người, phải quan tâm đến các gia đình như thể một cách thức lao tác cho vườn nho của Thiên Chúa, để dân Chúa có thể sản sinh hoa trái cho Vương quốc Thiên Chúa. (Mt 21, 33-43)
Nhưng để gia đình có thể tự mình bước đi tốt đẹp, cùng với niềm tin và sự hy vọng, họ cần được bổ dưỡng bởi Lời Chúa. Chính vì điều này thật là một sự trùng hợp hạnh phúc trong ngày hôm nay, khi những anh em Dòng thánh Phaolô đã muốn thực hiện việc phân phát sách Kinh Thánh cách rộng rãi, nơi Quảng trường này và tại nhiều nơi khác. Chúng ta cám ơn những anh em Dòng thánh Phaolô của chúng ta. Anh em đã thực thi việc này nhân dịp 100 năm thành lập Dòng, bởi chân phước Giacomo Alberione, một tông đồ vĩ đại về truyền thông. Vì thế, hôm nay, vào lúc khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình, cùng với sự trợ giúp của anh em dòng Thánh Phaolô, chúng ta có thể nói rằng: một cuốn Kinh Thánh dành cho mỗi gia đình! Và cuốn Kinh Thánh, không phải là để đặt nó nơi giá sách, nhưng phải giữ và mang chúng nơi đôi tay, để đọc nó thường xuyên, để hiện diện cùng với nó một cách cá vị, vợ và chồng, cha mẹ và con cái, đều đặn mỗi tối, đặc biệt là ngày Chúa Nhật. Như thế thì gia đình mới tăng trưởng, và vững bước cùng với ánh sáng và sức mạnh của Lời Chúa! Đây là cuốn Kinh Thánh mà anh em dòng Thánh Phao lô trao cho các bạn, mỗi gia đình một cuốn.
Cha mời gọi tất cả mọi người hãy trợ giúp những công việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục qua lời cầu nguyện, khẩn khoản nài xin sự chuyển cầu từ mẫu của Đức Nữ Trinh Maria. Giờ phút này, chúng ta hiệp thông cách thiêng liêng cùng với nhiều người, đang ở Thánh địa Pompei, dâng lên Đức Mẹ Mân Côi lời kinh “Supplica” truyền thống. Lời kinh ban bình an cho tất cả gia đình và toàn thể thế giới.