GIÁO XỨ LỘC LÂM MỪNG KIM KHÁNH GIÁO XỨ

Chiều Chúa Nhật 20.12.2015, Cộng đoàn Giáo xứ Lộc Lâm, hạt Hố Nai, Giáo phận Xuân Lộc hân hoan tổ chức Lễ Mừng Kỷ Niệm 50 Năm Thành Lập Giáo Xứ.

Xem Hình

Trước lễ là cuộc kiệu rước hài cốt thánh Tử Đạo Đaminh Úy về lễ đài hòa vang tiếng hát tâm tình Tạ ơn Chúa, Tạ ơn Đức Mẹ.

Cùng dâng lễ với Cha xứ Giuse, Cha phó Gioan Bt, có Cha Quản hạt Hố Nai Đaminh Bùi Văn Án, quý Cha Dòng Thánh Thể, quý Cha trong Hạt, Cha Phero Phạm Quốc Thuần (nguyên phó xứ Lộc Lâm), quý Cha đồng hương: Cha Giuse Nguyễn Quốc Hùng, Cha Gioan Bt Bùi Trần Xuân Triết.

Tham dự lễ có đông đảo quý Tu sĩ nam nữ, Quý chức Ban hành giáo của 17 Giáo xứ trong Hạt, Quý khách, quý Cộng đoàn và mọi thành phần trong Giáo xứ.

Mở đầu thánh lễ, Cha Xứ dâng lời chào mừng Cha quản hạt, chào mừng quý Cha, quý Tu sĩ, Quý chức và Cộng đoàn hiện diện.

Ngài bày tỏ niềm vui mừng Kim Khánh thành lập giáo xứ, mốc thời gian để mọi người trong giáo xứ Lộc Lâm dâng lời Tạ Ơn Chúa, là dịp nhớ ơn các vị tiền nhân, quý Cha cố, quý Tu sĩ, Quý vị chức việc, Quý vị ân nhân.

Trong bài giàng lễ, Cha phó Gioan chia sẻ với cộng đoàn Lời Chúa theo thánh Luca (Lc 1,39-45) “Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”.

Chúng con xin hân hạnh gởi đến Quý Vị nội dung bài giảng.

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ.

Tin mừng chúng ta vừa nghe thuật lại 2 cuộc gặp gỡ. Cuộc gặp gỡ giữa 2 người mẹ, Mẹ Maria và Bà Isave, cuộc gặp gỡ giữa hai trẻ nhỏ, Hài Nhi Giêsu và trẻ Gioan Tẩy Giả. Cả hai cuộc gặp này đều diễn tả sự ngỡ ngàng và vui mừng. Gioan tẩy giả khi gặp Đấng Cứu Thế thì vui mừng nhảy múa trong lòng bà Isave. Còn bà Isave khi gặp Mẹ Maria thì vui mừng hớn hở thốt lên: Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa viếng thăm tôi? Bà ngạc nhiên, bà ngỡ ngàng và tự hỏi không hiểu vì sao, lý do nào bà được Mẹ Thiên Chúa viếng thăm như thế.

Hôm nay chúng ta cử hành lễ tạ ơn mừng 50 năm thành lập giáo xứ. Chúng ta đã có cả một năm để nhìn lại hành trình 50 năm thành lập và nếu chúng ta thực sự nhìn lại quá trình hình thành và phát triển giáo xứ, chắc chắn chúng ta cũng phải vui mừng, ngỡ ngàng và thốt lên như bà Isave trong bài hôm nay. Bởi đâu giáo xứ Lộc Lâm được như ngày hôm nay? Bởi đâu các giáo họ, các gia đình và bởi đâu từng người dân Xứ Lộc được như ngày hôm nay?

Câu hỏi của bà Isave chúng ta có thể trả lời, bởi Thiên Chúa yêu thương bà, đã xoá đi nỗi tủi hổ của một người phụ nữ lớn tuổi mà không sinh con. Bà đã cưu mang Gioan Tẩy Giả do sự can thiệp của Thiên Chúa, và hôm nay, bà lại được Mẹ Maria, và Đấng Cứu Thế viếng thăm. Tất cả chỉ vì bà được Chúa thương.

Trả lời câu hỏi của bà Isave, chúng ta cũng có thể trả lời câu hỏi của mỗi người chúng ta. Lộc Lâm có như ngày hôm nay do đâu nếu không phải do tình thương và ân ban của Thiên Chúa. Năm 1965, Lộc Lâm chỉ là nhóm nhỏ những người chạy loạn về miền hố nai, nay đã thành một đàn chiên đông đúc hơn 6000 giáo hữu. Những năm ấy, mảnh đất này chỉ toàn rừng hoang, đồi dốc, sỏi đá, nay đã trở thành một khu dân cư đông đúc. Một chút gợi nhớ thiết nghĩ cũng đủ để chúng ta ngỡ ngàng về sự thay đổi và phát triển của giáo xứ lộc lâm. Đó chỉ có thể là hông ân, tất cả là hồng ân.

Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì muôn ơn lành Chúa đã thương ban cho giáo xứ, các gia đình và từng người trong giáo xứ suốt 50 năm qua.

Tạ ơn Chúa chúng ta cũng tri ân Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời bổn mạng của giáo xứ, tri ân thánh Tử Đạo Bùi Văn Uý, luôn hết lòng yêu thương che trở, vẫn ngày đêm chuyển cầu cho đoàn con xứ lộc trong suốt 50 năm qua.

Và chúng ta cũng không thể không nhắc đến công ơn của các vị tiền nhân, trong đó có cha cố đaminh, các vị cựu chức sắc, các cụ ông cụ bà đã có công khai phá hình thành nên giáo xứ.

Thời lập xứ bao nhiêu công khó.

Thụ ân này, nghi nhớ tiền nhân.

Đó là lý do chúng ta dành cả một năm để nhìn lại, để tạ ơn, và đó cũng là ý nghĩa của ngày lễ tạ ơn hôm nay. Chúng ta biết ơn, tạ ơn bởi nhận ra mình đã nhận quá nhiều ơn. Ơn từ Trời, ơn từ đời, ơn từ mọi người.

Vậy chúng ta phải tạ ơn như thế nào?

Chúng ta cử hành lễ tạ ơn hôm nay để bế mạc năm tạ ơn. Bế mạc năm tạ ơn không có nghĩa là sau lễ tạ ơn này chúng ta không còn tạ ơn nữa nhưng là mở ra một gia đoạn tạ ơn mới. Tạ ơn không còn chỉ dừng lại trên môi miệng, trong ý thức hay qua các nghi thức nhưng được biểu lộ bằng những hành động, bằng đời sống cụ thể.

Ở Nước Nhật, Mỗi buổi sáng, các em học sinh đều làm lễ chào quốc kỳ. Trong đó các em phải tuyên thệ 2 điều:

-Chúng tôi vô cùng biết ơn các bậc tiền nhân, đã hy sinh xương máu và tài lực để xây dựng và vun đắp nước nhật văn minh và hùng cường như ngày nay.

-Chúng tôi thề hứa phải sống thế nào để kiến tạo nước nhật văn minh và hùng cường gấp 100 lần cho thế hệ mai sau.

Tâm tình biết ơn phải biểu lộ bằng hành động cụ thể.

Nhìn lại là bước đầu của lòng biết ơn.

Nhận ra công ơn là chân nhận sự thật về quá khứ.

Sống tốt hiện tại là khởi đầu biểu lộ lòng biết ơn.

Trước lời nguyện kết lễ, Cha xứ dâng lời cảm ơn Cha quản hạt, quý Cha, quý Tu sĩ, Quý cộng đoàn.

Kế đến Cha quản hạt thay mặt quý Cha đồng tế, quý Cha trong hạt dâng lời chúc mừng quý Cha, quý Tu sĩ, Quý chức và Cộng đoàn giáo xứ Lộc Lâm mừng Kim Khánh hôm nay.

Với tâm tình Tri ân, Ông trưởng Đại diện Quý chức và Cộng đoàn giáo xứ lên dâng lời cảm ơn Cha quản hạt, quý Cha, quý Tu sĩ, quý chức Ban hành giáo, Quý khách, quý ân nhân cùng với bó hoa tươi thắm và tráng pháo tay vang dội của cộng đoàn bày tỏ niềm cảm mến tri ân đến quý cha và mọi người.

Nhận phép lành với ơn toàn xá, quý Cha và Cộng đoàn đồng thanh hát vang bài ca dâng Mẹ xứ đạo.

Thánh lễ diễn ra trật tự, nghiêm trang, phần đông ai cũng rước Chúa Giêsu Thánh Thể vào lòng, ca đoàn giáo xứ hát rất hay, giúp cộng đoàn sốt mến tham dự lễ thánh.

Không khí giáng sinh ấm áp, an lành đang rộn ràng lan tỏa ở các Giáo Đường vùng đất Hố Nai, với những ông già Noel, cây thông giáng sinh…đường phố được trang hoàng lộng lẫy, đèn sao lấp lánh... quý Cha và mọi ngươi bước vào tiệc vui tại không gian hoa viên nơi thánh đường và thưởng thức chương trình văn nghệ cây nhà lá vườn hát cho nhau nghe, ai cũng vui, cũng thích.

LỊCH SỬ GIÁO XỨ

Trên trục quốc lộ 1K hướng về Biên Hòa, giáo xứ Lộc Lâm tọa lạc trong một thung lũng nhỏ. Trên bản đồ hành chính, giáo xứ thuộc khu phố 5 và 8, phường Hố Nai, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Với địa hình thấp, trũng, Giáo xứ như đón nhận và chứa đựng muôn vàn ân sủng từ bao đời.

Từ xa mà nhìn, người ta thấy nhà cửa san sát, mái ngói hồng tươi, mái tôn xanh mát, và ngôi Thánh đường với tháp chuông mạnh mẽ vươn cao… Cuộc sống nơi này mang dáng vẻ an bình, no đủ. Mấy ai biết được để có được một hiện tại như hôm nay, người giáo dân Lộc Lâm đã phải trải qua không ít những khó khăn, thử thách trong hành trình xây dựng và phát triển suốt nửa thế kỷ vừa qua. Nhưng, qua bao gian khó, người Lộc lâm vẫn luôn cảm nghiệm ân tình Chúa luôn đồng hành“Từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa”.

I. Tiền thân

Nằm ở ven sông Cầu, tục gọi sông Như Nguyệt, xứ Đạo Ngạn (thuộc giáo địa phận Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) là một giáo xứ được thành lập trong hành trình rao giảng Tin Mừng của các cha thừa sai. Lúc bấy giờ, xóm làng còn thưa thớt, dân cư ít ỏi nên nhiều làng mới hợp thành một Giáo xứ. Xứ Đạo Ngạn bao gồm giáo dân các làng: Đông Tiến, Núi Hiểu, Lạc Sơn, …

Đạo Ngạn đã trải qua nhiều đời cha xứ. Thời mới hình thành, dân xứ được Cha Khâm rồi Cha Cử chăn dắt. Cha Cố Đaminh Phạm Sỹ Khiêm được bài sai làm chánh xứ từ trước năm 1954.

Thuở ban đầu, tuy đời sống Đức Tin còn non trẻ nhưng người giáo dân Đạo Ngạn đã hết lòng kính mến Thiên Chúa và sống cuộc đời đạo hạnh, thánh thiện. Tin theo và vâng phục thánh ý, họ hằng sốt sắng, mến mộ vị Chủ chăn và giữ trọn giới răn Kitô giáo.

II. Hành trình vào Nam

Năm 1954, theo làn sóng di cư của hơn một triệu người dân miền Bắc, giáo dân các làng Đông Tiến, Núi Hiểu, Lạc Sơn đã quyết định vào Nam lập nghiệp.

Hiệp định Genève được ký kết ngày 20 tháng 7 năm 1954 thì ngày 21 tháng 7 năm ấy, cha ông chúng ta đã bàn bạc, thu vén để vào Nam. Một thời gian ngắn sau đó, dưới sự dìu dắt của Cha dòng Đaminh Hoàng Bình Thuận, dân làng đã quyết định khởi hành. Cùng đi còn có Cha Đaminh Hoàng Như Bách.

Nhờ Cha dòng Thuận giúp đỡ, Tổng ủy di cư đã cho xe GMC đón dân làng. Đây là một hành trình dài mà có nhiều người dân mới lần đầu được di chuyển bằng phương tiện cơ giới nên không tránh khỏi bỡ ngỡ. Sau chuyến đi kéo dài gần một ngày đêm, dân làng đến Hà Nội và tập trung ở Trường Chu Văn An (còn gọi là Trường Bưởi).

Hành trang vào Nam, ngoài những của cải vật chất, người giáo dân Đạo Ngạn còn đem theo hài cốt Thánh Đaminh Bùi Văn Úy tử đạo, vị thánh bổn mạng thứ hai của dân làng Đông Tiến. Ông Trùm Nguyễn Văn Côi được vinh dự đeo túi ruột tượng đựng Hài cốt Thánh nhân. Từ đây, Thánh Úy đồng hành với người dân xứ Đạo Ngạn trong suốt cuộc hành trình dài đi tìm quê hương mới.

Sau một thời gian chờ đợi, người dân Đông Tiến, Núi Hiểu, Lạc Sơn được đi Nam bằng máy bay Dakota. Ngày 27/10/1954, sau 4 giờ bay, chuyến bay đã hạ cánh tại phi trường Tân Sơn Nhất. Lại một chuyến đi xe, dân làng được đưa đến tạm cư tại Sài Gòn nhưng phải chia ra ở 3 nơi: Chí Hòa (Giáo xứ Hòa Hưng), Trường Nguyễn Tri Phương - Ngã Sáu và Nhà thờ Xóm Củi. Lúc này, người dân được ở tạm tại các nhà xứ hoặc trường học, tùy theo đặc điểm ở mỗi nơi. Cuộc sống tạm thời còn nhiều khó khăn nhưng có sự hỗ trợ của các giáo xứ và Tổng ủy di cư nên người dân cũng no đủ và an tâm chờ đợi ngày đi định cư tại nơi ở mới. Thời gian này, Hài cốt Thánh Úy được các Cha gìn giữ, tôn kính ở các nhà thờ.

Ba tháng sau, với sự sắp xếp của Tổng ủy di cư, dân làng được chia đến ở xứ Bắc Hà. Nhưng vì từ trước, cha ông chúng ta chỉ quen sống bằng nghề nông (làm ruộng, đánh cá) nên số đông dân làng đồng thuận xin được đến nơi có điều kiện sống phù hợp, chỉ một số ít xin ở lại Bắc Hà. Vì thế, dân làng lại có một cuộc di chuyển lớn bằng thuyền suốt ba ngày đêm mới tới Cầu Ván, huyện Thạnh Phú, Bến Tre. Đến nơi đã thấy có nhà cửa dựng sẵn, chỉ chia nhau vào ở và bắt tay vào công việc làm ăn.

Cuộc sống và công việc tại nơi ở mới này tuy có vất vả khó khăn do thổ nhưỡng, khí hậu, công việc chưa quen nhưng người giáo dân Đạo Ngạn vẫn hết sức cố gắng để hòa nhập. Tuy nhiên, có một khó khăn không nhỏ là bệnh tật. Nhiều người dân bị ngã nước, rồi do muỗi mòng, căn bệnh sốt rét đã khiến một số người chết. Hoang mang, lo sợ, hoảng hốt, người dân kêu xin cùng Đức Mẹ và Thánh Úy tử đạo, tiếng thở than, tiếng kêu khóc thiết tha ai oán:

Muỗi ngày nó đốt trước sau

Ngồi đâu châm đấy, chẳng hầu nghỉ ngơi

Bệnh tật khắp cả mọi nơi

Đau tim, tức ngực cùng đau dạ dày

Đau bụng, nhức óc cả ngày

Đêm nằm chẳng ngủ, ban ngày chẳng yên

Lại còn có sự phiền lo

Trong vòng bát nhật chết co năm người…

Trong lúc đang khốn khó, lao đao, nhà dòng lại cho gọi Cha Thuận trở về nhận công việc mới. Nhưng ơn Chúa qua lời chuyển cầu của Đức Maria và Thánh Úy bổn mạng vẫn chan hòa trên con dân Người. Cha Bách tiếp tục tìm nơi ở mới cho con dân. Lần này, Ngài đưa dân làng đến Trung Mít, Tây Ninh. Ở đây, dân làng gặp lại Cha xứ Đaminh Phạm Sỹ Khiêm, lúc đó đang phục vụ tại giáo xứ Trảng Lớn.

Ở Tây Ninh một thời gian ngắn, Cha Bách lại có lệnh gọi, nhà dòng cử Cha Minh và Cha Thất về giúp dân làng. Lúc ấy, có một khu trù mật mới mở ở Đồng Hiệp, quận Định Quán, tỉnh Biên Hòa, các cha quyết định đưa dân làng về đó định cư. Thời gian này, cộng đoàn được ở tạm trong các lều vải lớn. Thánh Đaminh Úy vẫn đồng hành cùng cộng đoàn. Lúc này, túi ruột tượng đựng hài cốt Thánh nhân được treo trên cột lều để tôn kính.

Cộng đoàn dần quen với nơi ở mới. Nhà cửa dần được dựng lên và cuộc sống cũng từ từ đi vào ổn định. Nhưng rồi các cha dòng phải trở về với công việc nhà dòng. Trước khi đi, cha Thất gợi ý dân làng nên xin Cha Đaminh Phạm Sỹ Khiêm trở về để có một vị chủ chăn chính thức. Vâng lời, dân làng cử các vị đại diện đi mời Cha Khiêm về, gồm: Ông Trùm Điều, Ông Lý Hữu, Ông Chánh Năng. Cha Đaminh vui lòng nhận lời mời và trở về với dân xứ Đạo Ngạn mà Ngài từng phục vụ trước đây.

III. Thuở sơ khai

Đến Đồng Hiệp, Cha xứ vui mừng thấy điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, phong thủy ở đây rất tốt. Khí hậu mát mẻ; tài nguyên thiên nhiên phong phú; đất đai màu mỡ; rừng nguyên sinh trù phú; suối nước trong mát, tôm cá lội từng đàn; cảm giác như được thiên nhiên hào phóng ban tặng, người dân có thể sống nhờ lộc Trời giữa nơi rừng núi này… Giáo xứ Lộc Lâm ra đời từ đó với tên gọi như một sự cảm nghiệm về ân sủng Chúa ban cách dư tràn trên con cái Người. Trong tâm tình đó, Cha Đaminh hoàn toàn tín thác mọi nỗi âu lo về một giáo xứ mới thành lập trong bàn tay yêu thương trợ giúp của Mẹ Maria. Ngài chọn tước hiệu Mẹ Maria Vô nhiễm nguyên tội làm bổn mạng giáo xứ. Khi ấy vào khoảng năm 1958.

Cuộc sống mới ở Đồng Hiệp với công ăn việc làm phù hợp đã tạo cho người giáo dân Lộc Lâm một đời sống vật chất no đủ, thoải mái. Đặc biệt, thửa ruộng Đức Bà được mọi người cùng nhau góp công canh tác, sản xuất để có một công quỹ phục vụ cho các công việc chung. Tất cả những thành tựu vật chất ban đầu đó là điều kiện tốt cho việc thăng tiến đời sống tinh thần. Cha xứ Đaminh Phạm Sỹ Khiêm an lòng để toàn tâm toàn ý tổ chức các hoạt động của giáo xứ. Một ngôi nhà thờ tạm được dựng lên bằng những vật liệu nhẹ làm nơi quy tụ đoàn chiên xứ Lộc. Từ nay mọi sinh hoạt đạo đức đã dần đi vào nề nếp. Hài cốt Thánh Úy tử đạo được thỉnh về, đặt tại gian cung thánh, trang trọng và tôn kính. Dân các làng Bến Lác, Nguyệt Đức cũng tìm về xin nhập xứ.

Cha xứ rất quan tâm đến đời sống Đức Tin của Cộng đoàn. Ngài thành lập các hội đoàn (Đoàn thiếu nhi Thánh Thể, Hội khấn, Ca đoàn, Dòng Ba, Hội con Đức Mẹ - Đạo binh xanh…) và tổ chức các hoạt động tuần tự hàng tháng. Đặc biệt, Ngài chăm sóc đoàn thiếu nhi, ân cần giúp các em dọn mình xưng tội. Ngài huấn luyện đội lễ sinh, chỉ bảo các nghi thức phụng tự. Ngài tập hát cho ca đoàn, cho may đồng phục cho ca viên… Vào tháng Năm hàng năm, đội dâng hoa của xứ lại đi đấu hoa với các xứ lân cận: Thọ Lâm, Phúc Lâm, Phương Lâm, Trà Cổ…

Theo nắng gió và thời gian, ngôi nhà thờ tạm mỗi ngày lại xuống cấp. Cộng đoàn ước ao xây dựng được ngôi nhà thờ mới rộng, đẹp và chắc chắn hơn làm nơi thờ phượng Thiên Chúa. Hiểu được mơ ước này, Cha xứ lập kế hoạch xây dựng nhà thờ làm nơi phụng tự chung cho cả xứ. Được lời như cởi tấm lòng, cả cộng đoàn cùng chung sức đóng góp cho công trình chung mang ý nghĩa tinh thần sâu sắc này: Công quỹ từ thửa ruộng Đức Bà dùng thuê người về làm gạch để xây tường, thuê người vào rừng cưa cây để làm cột, giáo dân gánh gạch, thiếu nhi lấy cát kéo về… Tất cả đều hồ hởi, phấn khởi, náo nức chờ ngày khởi công… Năm 1962, ngôi Thánh đường hoàn tất như trong mơ: Mái lợp tôn, tường xây tô, nền xi măng, hai hàng cột gỗ chắc chắn, những hàng ghế dài xếp ngay ngắn…Thánh đường cao, rộng, thoáng… Tháp chuông cũng được dựng lên với một quả chuông được đặt đúc từ Châu Âu, theo cung Son – Mi – Đồ (Quả chuông lớn). Dịp này, Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, Tổng giám mục Giáo phận Sài Gòn đã về dâng Thánh lễ khánh thành và cung hiến Thánh đường giáo xứ Lộc Lâm, làm phép tháp chuông, chia sẻ niềm vui với cộng đoàn dân xứ. Từ nay, cộng đoàn có ngôi nhà chung khang trang để phụng thờ Thiên Chúa và gặp gỡ nhau trong tình liên đới Kitô giáo.

Năm 1965, tình hình xã hội có nhiều biến động. Cuộc sống và an ninh không bảo đảm, nhiều giáo dân gặp phải những sự cố không vui… Vị Mục tử một lần nữa phải xông pha đi tìm một nơi chốn mới để đoàn chiên mình có chỗ định cư.

IV. Quê hương mới

Tháng 5 năm 1965, Cha Đaminh đã tìm về vùng Hố Nai, thuộc cây số 6, ven quốc lộ 1K. Ngài ở nhờ nhà một giáo dân Hải Dương trong một thời gian ngắn để tìm và chọn đất ở cho cộng đoàn Lộc Lâm. Thời gian này, mỗi sáng Cha dâng lễ tại Đền thánh Tử đạo Hải Dương. Hàng ngày, Cha thăm dò, xem xét thổ nhưỡng, phong thủy của vùng đất này. Đây là một thung lũng với vạt rừng chồi. Đất đai tuy không màu mỡ nhưng hiền hòa, có không khí an bình vui vẻ, bốn hướng đều có gió mát; phía tây bắc là rừng sim, suối nước. Quyết định chọn nơi này làm quê hương mới, Cha xứ sang lại mảnh đất giáp nhà thờ xứ Kẻ Sặt 2 (Bây giờ là xứ Hòa Hiệp) và thuê xe ủi đất khai hoang, san bằng khu thung lũng liền kề chuẩn bị cho cộng đoàn dân xứ về định cư. Hình ảnh Cha xứ ngồi trên xe ủi vỡ hoang mảnh rừng chồi để tạo lập nơi ở mới cho đoàn chiên là một hình ảnh thân thương, gợi nhiều xúc cảm trong lòng người giáo dân Lộc Lâm: Vị mục tử khả kính luôn hết lòng vì đoàn chiên mình.

Ngày 9 tháng 11 năm 1965, sau bao gian khó, cộng đoàn dân xứ Lộc Lâm tìm về vùng đất Hố Nai, chính thức chọn nơi này để khởi nghiệp. Đích thân Cha Cố Đaminh cùng một số vị chức sắc, giáo dân căng dây phân từng lô đất để chia cho dân xứ dựng nhà dựng cửa hầu ổn định cuộc sống mới.

Vạn sự khởi đầu nan, vùng đất mới chưa phải là đất hứa, bao nhiêu công sức, bao giọt mồ hôi đã tuôn đổ trên mảnh đất này. Khai hoang, phá rừng làm rẫy, trồng màu, phóng đường, chia đất, phân lô… Vì là vùng đất mới nên sự hòa nhập cũng không phải dễ. Tuy người dân đã về đây, dựng nhà dựng cửa, tạo dựng cuộc sống mới nhưng tối đến, ai ở nhà nấy, còn chưa dám ra ngoài và trong đêm vẫn còn nghe tiếng thú rừng xôn xao… Khó có thể hình dung hết được những gian truân mà Cha xứ Đaminh và cộng đoàn đã trải qua trong những ngày đầu khai hoang, lập xứ tại đây. Trong gian khó, vị mục tử tốt lành đã luôn vững lòng cậy trông nơi Thiên Chúa và trao gửi mọi mơ ước nơi Đức Mẹ. Nhờ có ơn Chúa, mọi khó khăn buổi đầu cũng dần được khắc phục. Lúc này, dân các làng Mụa, Trung Đồng, Phục Lễ cũng tìm về xin nhập xứ và được sắp xếp định cư ở phía rừng sim, nơi có con đường mòn dẫn ra khe suối nhỏ.

Quả chuông lớn và nếp nhà thờ từ Đồng Hiệp được phân công cho một vài vị chức sắc và một vài giáo dân quả cảm, nhiệt thành tìm cách chuyển về nơi ở mới. Ông Trùm Khoa (Còn gọi là ông Trùm Tít) thuê người bốc dỡ nhà thờ rồi thuê xe chuyển về Hố Nai. Đây là một hành trình đầy gian nan vì trên đường đi đã gặp phải khá nhiều khó khăn. Nhà cửa, nơi ăn chốn ở của dân xứ vừa ổn định thì Cha xứ cũng quyết định dựng lại nhà thờ làm nơi thờ phụng Thiên Chúa. Để phù hợp với nhu cầu mới của giáo xứ, nếp nhà thờ cũ được dựng lại, nới thêm hai chái hai bên và hạ thấp hơn khoảng tám tấc với quy cách 20mx40m, tọa lạc ở phía bên kia con suối nhỏ. Di cốt Thánh Úy được đặt trang trọng nơi bàn thờ, giữa gian cung thánh cho thỏa lòng kính yêu của cộng đoàn.

Tháp chuông cũng được dựng lên bằng vật liệu khung sắt. Lúc này, Cha xứ đặt đúc thêm một quả chuông nhỏ để kết hợp theo cung bậc của quả chuông lớn sẵn có. Từ nay, mỗi sớm, mỗi chiều, tiếng chuông ngân nga lời mời gọi cộng đoàn đến thánh đường dâng lời kinh, tiếng hát thờ phượng, kính mến Thiên Chúa. Mọi sinh hoạt mục vụ được tiến hành đều đặn với các thanh âm thân thiết “Chuông nhất, trống hai” theo lối gọi quen thuộc. Nhà xứ cũng được dựng tạm trên lô đất ở gần nhà thờ làm nơi ở cho Cha xứ, nơi các vị chức sắc có thể gặp gỡ và đàm đạo về công việc phụng tự.

Khi ấy, Cha cố đã tổ chức giáo xứ thành bốn giáo họ đều mang tên các tước hiệu của Đức Mẹ: giáo họ Thánh Mẫu, giáo họ Vô Nhiễm, giáo họ Mẫu Tâm, giáo họ Văn Côi. Ngài cũng cho xây đài, đặt tượng làm nơi thờ kính Đức Maria Vô nhiễm nguyên tội, bổn mạng giáo xứ trên ngọn đồi chếch về phía tây bắc nhà thờ. Các hội đoàn (Đoàn thiếu nhi Thánh Thể, Hội khấn, ca đoàn, Dòng Ba, Hội con Đức Mẹ - Đạo binh xanh…) tiếp tục sinh hoạt theo nề nếp đã có từ Đồng Hiệp. Mọi thành viên đều nhiệt thành hoạt động. Đời sống đạo đức ngày càng tốt lành, thánh thiện hơn.

Thánh đường, tháp chuông, đài Đức Mẹ, việc quy hoạch giáo xứ đều đã xong… Cha xứ trình Đức Giám Mục, xin Ngài về làm phép và khánh thành các công trình chung. Đức Cha Giuse Lê Văn Ấn, giám mục giáo phận Xuân Lộc đã về dâng thánh lễ tạ ơn và thánh hiến các công trình. Ngài còn ban bí tích thêm sức cho các con trẻ đã được học biết giáo lý và đủ điều kiện lãnh nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần.

Ngoài ra, Cha xứ còn rất quan tâm đến việc khai tâm mở trí cho thế hệ tương lai. Ngài cho xây trường mẫu giáo, trường tiểu học và trung học Đaminh Úy ở phía trái đài Đức Mẹ, chếch về phía đông bắc nhà thờ. Đây là nơi đã dạy dỗ bao lớp hậu sinh. (Trường hoạt động được khoảng 10 năm, đến 1975 thì đóng cửa). Để bảo đảm sức khỏe và cuộc sống cho dân xứ, Cha còn cho xây dựng trạm xá ở giáo họ Mẫu Tâm, mở chợ ở phía sau trường Mẫu giáo với các sinh hoạt thường nhật đều đặn…

Cuộc sống mới nhanh chóng đi vào nề nếp nhờ tính cần cù, chịu thương chịu khó của những con người sinh ra đã mang đậm chất nông dân. Người giáo dân Lộc Lâm sinh sống bằng nhiều ngành nghề khác nhau. Đa phần là làm rẫy, trồng màu, chăn nuôi, làm công nhân trong các công sở, buôn bán nhỏ trong phạm vi giáo xứ… Đời sống vật chất bước đầu ổn định trong tinh thần nghèo khó, ăn chắc, mặc bền.

Lúc này, theo nguyện vọng của cộng đoàn và để tiện cho việc mục vụ, Cha xứ cho xây nhà xứ mới, khang trang hơn ở phía bắc nhà thờ.

Đất lành chim đậu, khách thập phương tìm về xin nhập xứ, dân số càng thêm đông. Cha Đaminh càng phải nỗ lực hơn trong sứ mạng mục tử: vừa xây dựng cơ sở vật chất, vừa nuôi dưỡng đời sống đức tin cho đoàn chiên đông đúc.

Năm 1975, đất nước thống nhất, lịch sử sang trang, mở ra một vận mệnh mới đầy thử thách cho đoàn chiên xứ Lộc. Đời sống vật chất, tinh thần gặp nhiều khó khăn: công việc làm ăn bị thay đổi, thu nhập giảm sút, nghề nghiệp bấp bênh; những sinh hoạt phụng tự phải khoác một hình thức khác; một chút lao đao, một chút hẫng hụt…

Những khó khăn đòi hỏi người giáo dân Lộc Lâm phải siêng năng, cần cù và linh hoạt hơn. Công việc làm rẫy, trồng màu, chăn nuôi được phát triển hơn trước đó. Các gia đình còn học thêm được các nghề thủ công như đan lát, làm miến hoặc có người đi buôn chuyến để kiếm thêm thu nhập. Các thanh niên có sức khỏe tốt thì đi thồ củi, thồ bột bán cho dân buôn tận Sài Gòn hoặc đi làm thuê làm mướn kiếm sống. Khó khăn chồng chất khó khăn khi đàn gia súc bị dịch bệnh. Nhiều gia đình đã bị thâm hụt vào đồng vốn ít ỏi nên quyết định đi khai hoang lập nghiệp ở các vùng kinh tế mới như: Xã lộ 25, Phương Lâm, Định Quán, Đồng Hiệp, Bưng Kè – Xuyên Mộc, Bảo Lộc… Trong những ngày tháng khó khăn này, công việc làm ăn khá vất vả, cuộc sống lần hồi, đắp đổi qua ngày…

Rồi mọi khó khăn cũng qua đi. Những công việc mới dần trở nên quen thuộc và nề nếp. Cuộc sống được ổn định cho dù vẫn còn đó những thử thách. Nhưng có một điều đáng quý là dù trải qua bao thăng trầm, sóng gió, người dân xứ Lộc vẫn giữ được các sinh hoạt đạo đức thường nhật, đời sống đức tin vẫn thăng tiến, bao tấm lòng vẫn thiết tha trông cậy và cảm nhận hồng ân Chúa qua những ơn lành hồn xác Chúa trao ban. Đặc biệt, đạo binh Legio Mariae vẫn bền bỉ, nhiệt thành trong mọi công tác để rao truyền niềm tin yêu tuyệt đối nơi Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa.

Năm 1988, sau 30 năm kể từ khi hình thành giáo xứ Lộc Lâm và 23 năm từ khi di chuyển về Hố Nai, Giáo xứ mỗi ngày mỗi lớn mạnh hơn, đời sống tinh thần càng vững vàng thì mái tóc Cha Cố ngày càng bạc trắng đi và đôi vai Ngài hằn nặng dấu ấn thời gian. Vì tuổi già, sức khỏe sút kém, bệnh tật hoành hành, Ngài vẫn vững lòng cậy trông và tín thác vào tình thương của Chúa. Dù con dân Ngài hết lòng chạy chữa, thuốc thang nhưng vẫn chẳng tránh khỏi quy luật của đời người…

Chiều ngày 22/7/1988, lúc 17giờ 30 phút, Cha Cố Đaminh Phạm Sỹ Khiêm buông xuôi đôi tay, vĩnh biệt cộng đoàn dân xứ để theo tiếng Chúa gọi. Ngài trở về cùng Đấng mà Ngài đã dâng hiến đến trót cuộc đời. Tiêng chuông sầu bi não nề vọng ngân suốt ba ngày đêm như tiếng nức nở của đoàn chiên mồ côi không người chăn dẫn. Linh cữu Ngài được quàn tại thánh đường để cộng đoàn có thể từ biệt Vị Chủ chăn khả kính lần cuối cùng.

Ngày 25/7/1988, Cha Cố Đaminh đã cùng Đức Giám Mục và quý Cha đồng tế dâng thánh lễ sau cùng, trong niềm thương tiếc ngút ngàn của bao thân bằng quyến thuộc và cộng đoàn dân xứ Lộc Lâm. Mỗi người giáo dân đều tự nguyện chít lên đầu vành khăn tang trắng để tưởng niệm người Cha Già có công sáng lập giáo xứ và chăn dắt đoàn chiên Chúa suốt 30 năm qua. Tạ từ vị mục tử tốt lành, tạ từ người Cha chung khả kính, những dòng lệ nóng tuôn trào, vành khăn tang trắng như một lời vĩnh quyết đến nao lòng… Ngài an nghỉ giữa đồi cao lộng gió, dưới chân Mẹ Maria, bổn mạng giáo xứ. Dẫu đã qua đi, nhưng công đức và ân tình của Cha Cố thì vẫn sống mãi với không gian, thời gian, với đất trời và trong lòng mỗi chúng ta. Từ đó đến nay, cộng đoàn dân xứ vẫn làm tròn bổn phận con thảo đối với Ngài. Nghi thức dâng hương, dâng hoa, dâng thánh lễ kỷ niệm ngày giỗ, cầu nguyện cho Ngài vẫn được cử hành hàng năm, đều đặn và tôn kính. Trong niềm tin vào Chúa Ki tô phục sinh, chúng ta vững tin rằng Cha Cố Đaminh đã được Chúa đón về hưởng phúc vinh thiên đàng và chắc chắn sẽ phù hộ độ trì cho con dân Ngài.

Trở về với thực tế, cộng đoàn dân xứ vẫn được Thiên Chúa yêu thương, nâng đỡ trong thời gian đau thương, tang chế qua bàn tay Đức Giám Mục giáo phận: Ngày 30/7/1988 Cha Lau-ren-sô Hứa Văn Mỹ được bài sai làm quản nhiệm giáo xứ Lộc Lâm. Với bản tính cẩn trọng, nhân ái, Cha đã vực lại tinh thần cho dân xứ sau cơn đau buồn, mất mát. Mọi sinh hoạt mục vụ lại được tiến hành bình thường; các hội đoàn lại hăng hái hoạt động, mỗi giáo dân lại thêm lòng đạo đức sốt mến như một lời cảm tạ và tri ân.

V. Bước ngoặt mới

Năm 1989, Cha Giuse Phạm Văn Hoàng về làm linh mục chánh xứ. Sáng ngày 27/1/1989, toàn thể cộng đoàn giáo xứ nao nức và hân hoan đón rước cha tân chánh xứ. Hai bên đường từ quốc lộ vào đến nhà thờ, người người hớn hở vui mừng trong tiếng vỗ tay, tiếng pháo, tiếng chuông nhà thờ vang lên báo tin vui từ nay giáo xứ đã có vị chủ chăn mới trẻ trung và năng động.

Tuy thuộc lớp những linh mục trẻ, có quan niệm, suy nghĩ thoáng nhưng Cha xứ mới vẫn có một đời sống chiêm niệm sâu sắc. Ngài nhìn nhận và đánh giá mọi sự việc, mọi vấn đề bằng con mắt đức tin với niềm cậy trông phó thác tuyệt đối nơi Thiên Chúa. Ngài đặc biệt yêu mến Đức Mẹ và Thánh Cả Giuse, luôn lắng nghe và vâng theo Thánh ý. Sau một thời gian tìm hiểu, cân nhắc, Ngài đã bắt tay vào việc xây dựng một giáo xứ Lộc Lâm tốt đạo đẹp đời.

Sức trẻ năng nổ, Cha Giuse mạnh dạn thâm nhập vào đời sống tinh thần của cộng đoàn. Những tổ chức đoàn hội, các giới đã được sắp xếp lại một cách quy củ, nề nếp hơn và đi vào sinh hoạt thường kỳ hàng tháng. Mỗi đầu tháng lại có thánh lễ dành riêng cho các giới. Mỗi thành viên của các giới đều hết sức nhiệt thành, tích cực tham gia mọi sinh hoạt chung trong tinh thần đạo đức với châm ngôn Mến Chúa – Yêu người. Những công việc từ thiện, những sinh hoạt đạo đức, những việc làm bác ái… đã được thực hiện bằng tất cả lòng yêu mến Thiên Chúa và tấm lòng quảng đại. Nhờ đó, những hoạt động này đã có tác dụng tốt trong các mối quan hệ thường nhật và trong đời sống đức tin của cộng đoàn: Nhiều người thêm lòng yêu mến Chúa và sẵn sàng chia sẻ cuộc sống với nhau hơn; Nhiều người thay đổi đời sống Đức tin theo chiều hướng sốt mến hơn….

Ngay những năm đầu, Cha Giuse đã bắt tay vào thực hiện công việc mở mang cho giáo xứ, công việc đầu tiên là sửa sang lại những con đường đã bị sói mòn. Năm 1990, Cha xứ đã huy động nhân công từ cộng đoàn để san lấp lại các con đường. Ngài cho khai mương, kè suối, thông dòng nước chảy để bảo vệ các con đường làng. Trong quá trình thi công, Cha đã trực tiếp giám sát, chỉ bảo để mọi người thực hiện đúng kế hoạch, đúng tiến độ của công việc. Có tận mắt nhìn thấy Ngài lăn xả vào công việc, xắn cao tay áo, cùng mọi người vần tảng bê tông vào đúng vị trí mới cảm nhận hết được tấm lòng vị Chủ chăn kính mến luôn toàn tâm toàn ý cho lợi ích của giáo xứ. Từ những đôi tay lao động miệt mài, những con đường gồ ghề, lồi lõm, đầy những ổ gà trước đây đã trở nên bằng phẳng, sạch thoáng hơn. Hai con đường chính dẫn vào giáo xứ từ độ dốc thẳng đứng đã trở nên thoai thoải, tiện cho việc đi lại. Mương máng hai bên đường được kè bằng đá, vững chắc giúp cho dòng nước chảy hợp lý, không còn cảnh sói mòn, bùn lầy nước đọng như trước. Bộ mặt giáo xứ trở nên khang trang hơn khi những ngôi nhà vách đất, mái tôn được thay thế bằng nhà tường gạch xây tô, nhà lầu đúc.

Lúc này, ngôi nhà thờ, nơi sum họp của cộng đoàn dân xứ đã xuống cấp khá nhiều. Ước mơ chung của tất cả mọi người là xây dựng ngôi thánh đường mới rộng đẹp, khang trang hơn để có chỗ thờ phượng Thiên Chúa cho xứng đáng. Trong thực tế, giáo xứ Lộc Lâm vẫn là một xứ đạo có đời sống khó nghèo, không có ngành nghề truyền thống, không có nhiều nguồn thu nhập. Ngôi thánh đường mơ ước đòi hỏi một sự đồng tâm, nhất trí và sự nỗ lực không ngừng của tất cả mọi người.

Tháng 12 năm 1994, Cha xứ chính thức mời gọi cộng đoàn, các gia đình thực thi tiết kiệm hướng đến công trình xây dựng thánh đường giáo xứ. Mỗi gia đình được trang bị một chiếc hộp tiết kiệm với tiêu chuẩn chung: tiết kiệm chi tiêu để bỏ ống 200 đồng mỗi ngày. Dù cuộc sống còn nghèo khó, bữa ăn còn chưa ngon, dù áo mặc vẫn chưa đẹp nhưng trong cộng đoàn vẫn có những tấm lòng vàng, nhiệt thành và quảng đại nên ống tiền tiết kiệm vẫn được thu hàng tháng, đều đặn, bền bỉ…

Với khoản tiền tiết kiệm ít ỏi và sự hiệp thông của các vị Mạnh thường quân, ngày 27 tháng 9 năm 1995, cha xứ cho tiến hành xây đền thờ kính Thánh Đaminh Bùi Văn Úy trên nền nhà xứ cũ trong thời gian 19 tuần.

Dịp lễ kính Thánh Úy tử đạo năm ấy, cộng đoàn dân xứ đã long trọng khánh thành ngôi đền thờ nhỏ bé, đơn sơ, xinh xắn nhưng không kém phần khang trang, tôn nghiêm, sang trọng. Từ nay, Thánh Bùi Văn Úy đã có nơi thờ kính xứng đáng cho thỏa lòng yêu mến của con dân Ngài bấy lâu.

Ngôi nhà xứ được dựng tạm lui về phía sau Đền Thánh, chếch hướng đông bắc bằng những vật liệu tận dụng. Nơi ở mới này cho thấy đời sống khó nghèo, đức hy sinh và ý chí hướng tới những công trình chung của vị chủ chăn kính mến. Đồng hành và chia sẻ với Ngài, cộng đoàn dân xứ tiếp tục thực hành tiết kiệm để hướng đến việc xây dựng ngôi thánh đường mơ ước.

Để hưởng ứng phong trào giao thông hóa toàn dân. Ngày 15 tháng 08 năm 1999, Cha xứ đã cho khởi công thảm nhựa và bê tông hai con đường chính dẫn vào nhà thờ. Cộng đoàn dân xứ cùng nhau góp công, góp của và với sự hỗ trợ của Cha, con đường giáo xứ trở nên khang trang, sạch sẽ, việc đi lại cũng thuận lợi hơn. Đất đai, nhà cửa nhờ đó cũng được nâng cao giá trị hơn. Sự kiện này đánh dấu một bước phát triển mới về mọi mặt tinh thần cũng như vật chất của giáo xứ.

Con đường được hoàn thành vào ngày 01 tháng 01 năm đúng vào dịp Giáo Hội toàn cầu đón chào năm Thánh mà Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã khởi xướng để tổng kết thế kỷ XX, chào đón thế kỷ XXI. “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta”. Lời Chúa vang vọng trong tâm tưởng của mỗi người dân xứ Lộc. Sửa sang lại con đường đi cũng chính là một hình thức nhắc nhở người giáo dân tu chỉnh lại con đường tâm linh để đón chờ Chúa đến.

Năm Thánh là thời gian để mọi người Thống hối – Hoán cải – Hòa giải – Hiệp thông cùng nhau trong tinh thần Đại kết Ki-tô giáo. Nhờ đó mà đón nhận ân sủng của Thiên Chúa. Ngoài việc hưởng ứng các hoạt động chung của giáo phận, giáo hạt, rất nhiều hoạt động đạo đức được tổ chức và tiến hành đều đặn trong phạm vi giáo xứ. Đặc biệt, Thánh Thể Chúa được tôn kính suốt ngày đêm nơi đền Thánh Đaminh Úy. Ở đó, Thánh Thể luôn mở rộng cung lòng cho mọi cuộc gặp gỡ.

Cũng trong năm Thánh, giờ canh thức chờ đón giao thừa thế kỷ được cử hành trong đêm 31/12/1999 tại Đền Thánh với những suy niệm về ý nghĩa thiêng liêng của thời gian mà Thiên Chúa đã tặng ban cho giáo xứ. Ngày 01/01, ngày đầu tiên của năm Thánh 2000 lại là ngày lễ kính Thánh Mẫu Thiên Chúa. Cùng với Cha xứ, cộng đoàn đã dâng Thánh lễ cầu nguyện cho một năm an lành, thánh đức.

Chiều 01/05/2000, những người lao động trong giáo hạt Hố Nai đã tập trung lại nơi đền Thánh Úy tử đạo để cùng mừng lễ Thánh Giuse lao động.

VI. Công trình thế kỷ.

Tiếp quản một không gian rộng lớn từ quỹ đất mà Cha cố Đaminh để lại, với tầm nhìn rộng, Cha xứ Giuse Phạm văn Hoàng đón nhận một sứ vụ lớn lao và quan trọng. Đó là việc thực hiện ước mơ chung của cộng đoàn dân xứ: Xây dựng lại ngôi Thánh đường mới!

Mười hai năm băn khoăn, hàng ngàn đêm thao thức, những đắn đo cho một mơ ước chung quả là không phải dễ. Nhưng bằng tấm lòng tín thác, cậy trông và với ân sủng của Thiên Chúa, mọi việc đã được quan phòng…

Với ý tưởng xây dựng một phố núi giữa đồng bằng, ngọn đồi phía tây bắc nhà thờ được Cha xứ đưa vào quy hoạch cho ngôi thánh đường và các công trình phụng tự. Tháng sáu năm 2001, bản vẽ thánh đường do kiến trúc sư Phạm Anh Quốc Bảo thiết kế đã hoàn tất. Mô hình nhà thờ mới được Cha xứ giới thiệu để cộng đoàn tham khảo và góp ý. Niềm hạnh phúc như bất chợt òa vỡ - nỗi mong chờ bao tháng ngày giờ đã được định hình, cộng đoàn càng náo nức, nhiệt thành tiết kiệm để thực hiện hoài bão. Ai nấy đều háo hức chờ đợi ngày xúc tiến công việc chung.

Tiếp theo, Cha cho tiến hành di dời tượng đài Đức Mẹ và phần mộ Cha Cố Đaminh để chuẩn bị mặt bằng cho công trình thánh đường. Thánh tượng Mẹ và phần mộ Cha Cố được đặt tạm nơi gian cung thánh nhà thờ cũ để con dân xứ Lộc được tiện việc kính thờ.

Sau bao ngày tháng chuẩn bị, ngày 23/12/2001 Cha xứ và cộng đoàn cử hành lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng thánh đường trên ngọn đồi gió hú. Khó có thể nói hết những cảm xúc trào dâng trong lòng người dân xứ Lộc khi hiệp dâng thánh lễ đặc biệt này. Hàng trăm người, hàng ngàn tấm lòng hảo tâm từ muôn nơi đã tìm về, hưởng ứng, ủng hộ, hỗ trợ, cùng góp công, góp sức với cộng đoàn Lộc Lâm như lòng tin mạnh mẽ của Cha xứ: Không có ngôi nhà thờ nào bị bỏ dở. Cùng một ý tưởng, Cha quản hạt Đaminh Trần Xuân Thảo cũng chia sẻ: Dù ít hay nhiều, dù là công hay của, tấm lòng vàng của mọi người, giáo xứ Lộc Lâm sẽ nhận hết… Tấm lòng rộng mở, sự quảng đại của anh em bằng hữu và tình hiệp thông trong tinh thần Ki tô hữu quả vô cùng đáng quý.

Ngày 26 tháng 12 năm 2001, trong hồng ân Giáng sinh, giáo xứ chính thức khởi công xây dựng các công trình thánh đường, tháp chuông và nhà xứ. Việc thi công do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nguyễn Hưng đảm nhận.

Ngày 11/3/2003, Cha Giuse tiếp tục cho xây dựng lại khuôn viên Đài Đức Mẹ trên nền nhà thờ cũ, việc bố trí tượng Đức Mẹ và mộ Cha cố Đaminh tại gian Cung Thánh từ trước cho thấy sự sắp xếp các công trình của Ngài thật hoàn hảo. Trong thời gian này, mọi sinh hoạt phụng tự đều được cử hành tại Đền thánh Úy với mái vòm dựng tạm. Tuy điều kiện vật chất có phần đơn sơ nhưng tấm lòng yêu mến Thiên Chúa thì không hề phai nhạt. Cộng đoàn luôn vững tin và hy vọng vào thành quả của những nỗ lực chung, những công trình chung.

Tháng 10/2003, công trình tháp chuông đã hoàn tất. Ba cột tháp màu xám trắng vươn cao, mạnh mẽ giữa ngọn đồi như một điểm tựa cho những sinh hoạt đạo đức của cả giáo xứ. Vào lúc 4 giờ 30 sáng Chúa Nhật 12/10/2003, nghi thức làm phép tháp chuông và Thánh lễ tạ ơn được tiến hành. Hình ảnh Cha xứ hai tay kéo hai dây chuông để gióng lên những thanh âm đầu tiên từ cây tháp mới với tất cả sự hào hứng khiến cộng đoàn càng thêm phấn khởi.

Cũng trong dịp này, sau khi lợp mái nhà thờ mới, mái vòm che tạm tại Đền thánh được tháo dỡ. Các hoạt động phụng tự được cử hành tại nhà thờ chính như một bước hoàn thiện đầu tiên cho công trình chung này.

Song song với việc xây dựng thánh đường, công trình nhà xứ cũng được tiến hành. Đây là nơi sinh hoạt, hội họp của Cha xứ, Ban hành giáo và các ban ngành đoàn thể. Nhà xứ mới được xây dựng theo hình chữ Nhất, có hình dáng như ngôi nhà sàn vùng cao. Sắc màu chủ đạo trang trí là hai màu đen, trắng: Trắng của thanh khiết và hiến dâng; Đen của hy sinh và chiêm niệm. Hàng lan can với hình ảnh những trái tim cách điệu giống như hình ảnh cộng đoàn dân xứ quây quần trong ngôi nhà chung với tình liên đới, hiệp thông Ki-tô hữu.

ĐÀI NAZARETH

Mải mê với công trình xây dựng chính, tuy thấm mệt vì sức khỏe nhưng trong suy tư, Cha xứ Giuse vẫn muốn làm một cái gì đó mang đậm dấu ấn cho đời sống gia đình. Và rồi ý tưởng xây một mái ấm Nazareth chợt lóe lên trong đầu.

Ngài muốn thể hiện lại cuộc sống của những đấng Cực Thánh qua hình ảnh gia đình với túp lều tranh, vách lá, chõng tre và những vật dụng quen thuộc của người thợ mộc: Cưa, Búa, Đục…, những phương tiện để nuôi sống gia đình. Cha đã cho tạc tượng gia đình Thánh Gia như những người nông dân việt nam chất phát đặt bên cầu ao, cả nhà chung sức chuẩn bị cho bữa cơm chiều sau một ngày làm việc vất vả. Cả vợ chồng con cái chung tay góp sức xây dựng hạnh phúc gia đình làm tiền đề cho Hạnh Phúc Vĩnh Hằng mai sau. Ai cũng có thể nên thánh từ chính cuộc sống đời thường của mình – Phải chăng đó là lời mời gọi từ gương mẫu Thánh Gia Thất?

DI DỜI TƯỢNG THÁNH ĐAMINH ÚY

Việc bố trí các công trình phần nào đã ổn định. Cha xứ tiếp tục cho di dời tượng Thánh Đaminh Úy lên vị thế cao hơn nằm phía sau lưng đền thánh. Để cho công trình Đền và Đài Thánh nhân được trang trọng, vì Ngài là vị Thánh Bổn mạng thứ hai và đã đồng hành cùng cộng đoàn dân xứ trong suốt cuộc hành trình lữ thứ, Cha xứ đã cho làm thêm phần nhà ngói phía sau lưng đền Thánh, trải dài xuống tới Đài Đức Mẹ để có chỗ che nắng, che mưa khi giáo dân đến cầu nguyện.

Để chuẩn bị mừng 50 năm Kim Khánh Giáo xứ, Ngài cũng cho tu sửa lại đài Thánh Úy với thảm cỏ xanh, dòng thác nước đổ từ trên nững tảng đá to xuống lòng hồ. tạo nên một không gian xanh mát và thơ mộng.

Để tận dụng phần gỗ của nhà thờ cũ, Cha xứ cho dựng tạm xưởng mộc nhỏ và với sự cộng tác của những anh em thợ mộc trong xứ, tất cả số cột kèo gỗ của nhà thờ cũ được đóng ghế cho nhà thờ mới.

Tháng 6 năm 2005, công trình Thánh đường và các công trình nhỏ kèm theo đã hoàn tất. Khó có thể diễn tả hết được niềm hân hoan trong lòng người dân xứ Lộc trước sự kiện trọng đại này. Niềm vui đong đầy trên khóe mắt, làn môi; Nụ cười tươi tắn, rạng rỡ và khuôn mặt tràn trề hạnh phúc. Mọi người đều cảm nhận ân tình Chúa cao vời và bao la vô bờ bến. Nhưng người vui mừng nhất có lẽ là Cha xứ Giuse. Với cốt cách của một nghệ (nhân) sĩ, sự lo lắng của một bậc gia trưởng lớn và trách nhiệm của một mục tử, Ngài đã thổi hồn mình và tất cả tấm lòng yêu mến vào từng chi tiết nhỏ nhất của cả công trình Thánh đường.

Ngày 16-6-2015, sau 12 năm tiết kiệm, 1.271 ngày xây dựng, công trình xây đựng đã hoàn thành trong niềm vui vô tận. Thánh lễ Cung hiến và Khánh Thành Nhà thờ được Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, Giám mục giáo phận Xuân Lộc cử hành long trọng vào lúc 9 giờ 00, đồng tế còn có sự hiện diện của Quý Cha trong hạt Hố Nai, Quý Cha khách và hàng ngàn tấm lòng yêu mến từ khắp nơi. Tinh thần đại kết Ki tô giáo như chưa bao giờ được thể hiện cách nhiệt thành và thắm thiết như trong sự kiện này. Ân sủng quả đã được chan hòa trên giáo xứ Lộc Lâm thân yêu. Hồng ân Chúa bao la, tuôn đổ xuống chan hòa. Tuy tay con nhỏ bé, bao nhiêu cũng không vừa…

Nhân dịp kỷ niệm Biên Hòa – Đồng Nai 310 năm, qua cuộc bình chọn các công trình kiến trúc đẹp, Thánh đường giáo xứ Lộc Lâm được chọn là công trình đẹp nhất trong 10 công trình kiến trúc tiêu biểu của Thành Phố Biên Hòa. Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng nai đã ra quyết định công nhận số 4471/QĐ-UBND ngày 28/12/2008. Đây cũng là niềm tự hào chính đáng về ngôi nhà chung của cộng đoàn dân xứ.

VII. Cuộc sống thường nhật.

Công trình Thánh đường hoàn tất, mọi sinh hoạt chung của giáo xứ trở lại ổn định và ngày càng hoàn thiện hơn. Ban hành giáo, các giới, các hội đoàn, các ban ngành luôn duy trì và phát triển nề nếp sinh hoạt. Mỗi giới, mỗi hội đoàn có một cách thức hoạt động với những đặc trưng công việc riêng biệt nhưng tất cả đều hướng về một tôn chỉ: Mến Chúa, yêu người - sống tốt đời đẹp đạo. Cuộc sống vẫn còn nhiều vất vả khó khăn, đâu đó vẫn còn những mảnh đời bất hạnh nhưng cũng không thiếu những tấm lòng quảng đại, sẵn sàng giúp đỡ, sẻ chia. Thế nên, mối quan hệ cộng đồng trong tinh thần Ki tô hữu luôn đầy ắp tình Chúa, tình người.

Sau hơn 20 năm trong sứ vụ Chủ chăn, sức khỏe của Cha xứ cũng hao mòn theo tháng năm. Hiểu được điều đó, Ngày 02/10/2010. Đức Cha đã sai Cha Phêrô Phạm Quốc Thuần về làm Cha Phó để phụ giúp Ngài trong công tác mục vụ.

Là Cha phó đầu tiên của giáo xứ Lộc Lâm. Ngài đã mau chóng hòa nhập với cộng đoàn, hết lòng quan tâm đến thiếu nhi và công việc huấn giáo, đặc biệt Cha yêu mến phép Tràng Hạt Mân Côi. Mỗi khi gặp gỡ ai đó, nhất là các em thiếu nhi Ngài đều tặng chuỗi Mân Côi với lời nhắn nhủ siêng năng lần hạt mỗi ngày. Với sự năng động, trẻ trung, các sinh hoạt của Giới trẻ cũng được Cha cảm hóa và khích lệ anh chị Giáo lý viên hăng say hơn trong công việc huấn giáo. Sau ba năm học hỏi nơi Cha xứ Giuse và phục vụ giáo xứ cách nhiệt tình và hang hái, tháng 9/2013, Đức Cha đã sai Ngài đến làm chánh xứ Xuân Lâm. Theo chân Ngài đến nhận nhiệm sở mới, cộng đoàn giáo xứ Lộc Lâm không khỏi chạnh lòng đối với vị mục tử thân thương này.

Ngày …/9/2015, Đức Cha tiếp tục sai Cha Gioan Baotixita Vũ Minh Tân đến làm Linh mục phó xứ Lộc Lâm. Tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng Cha phó mới lại có một đời sống khiêm hạ, khó nghèo và chiêm niệm sâu sắc. Với phong cách nhẹ nhàng, thân ái, nụ cười thường trực trên môi, Cha mau chóng tiếp cận cộng đoàn và hòa nhập với mọi công việc mục vụ. Ngài đặc biệt yêu mến và tôn thờ Thánh Thể. Các cuộc cung nghinh, tôn vinh, kính thờ Thánh Thể luôn được Cha quan tâm và mời gọi cộng đoàn tham dự cách sốt sáng.

VIII. Năm Tạ Ơn

Năm 2015 là dịp kỷ niệm 50 năm hình thành và phát triển giáo xứ. Sự kiện này đồng thời trùng hợp với năm Thánh mừng Kim khánh giáo phận Xuân Lộc. Đây là một thuận lợi và cũng là vinh dự của giáo xứ Lộc Lâm thân yêu.

Trong toàn giáo phận, Đức Giám Mục cho tổ chức hoạt động Ngũ niên để hướng đến năm Thánh. Giáo xứ chúng ta cũng vâng theo lời Cha chung thực hiện các hoạt động phụng tự suốt năm năm qua. Ngoài ra, Cha xứ cũng cho thực hiện một số hoạt động riêng hướng đến việc mừng Kim khánh giáo xứ.

Năm 2010, cùng với sự nhiệt thành của ban hành giáo và các vị mạnh thường quân, Cha xứ cho trùng tu nghĩa trang, xây dựng lễ đài và Thánh tượng Mẹ Hồn xác lên trời, bổn mạng giáo xứ tại Đất Thánh. Dịp này, mặt bằng nghĩa trang cũng được quy hoạch lại cho gọn gàng, thoáng đẹp hơn. Đường đi, lối lại được đổ bê tông vừa khang trang, chắc chắn lại vừa thuận lợi, sạch sẽ. Một giếng khoan với hệ thống cấp thoát nước được trang bị để phục vụ cho nhu cầu chung của mọi người mọi nhà nơi Đất Thánh. Các cột đèn được dựng lên để đáp ứng nhu cầu ánh sáng khi cần thiết. Khuôn viên nghĩa trang cũng được xây dựng với hai cổng vào càng thêm phần tôn nghiêm. Từ nay, Đất Thánh được chăm sóc chu đáo hơn, mang bầu khí ấm áp thân thương hơn.

Năm 2011, Cha xứ đổi mới tháng hoa kính Đức Mẹ bằng hình thức dâng hoa cộng đoàn vào các buổi tối Chúa Nhật. 19 giờ tối hàng ngày trong tháng Năm là giờ kinh chung của cả cộng đoàn bên chân tượng đài Mẹ Lộc Lâm. Có biết bao ơn riêng Mẹ đã ban cho từng người, từng gia đình qua giờ kinh chung này. Có biết bao biến đổi thiêng liêng trong tâm hồn mỗi con người biết tìm đến cùng Mẹ trong giờ cầu nguyện này. Cha xứ quả thật đã rất khôn ngoan khi phó dâng đoàn chiên mình trong tấm lòng yêu thương bao la của Đức Mẹ.

Đặc biệt trong năm 2015, giáo xứ long trọng mừng Kim khánh với các hoạt động đạo đức cụ thể, thiết thực, liên lỉ và sốt sắng:

Trong đại lễ mừng kính Thánh Bùi Văn Úy tử đạo ngày 19/12/2014, Cha xứ long trọng tuyên bố khai mạc Năm Tạ Ơn với lời mời gọi và nhắc nhở tâm tình cảm tạ và tri ân Thiên Chúa.

Năm 2015. Chủ đề phụng tự chung của cả giáo phận là Gia đình và giáo xứ sống Mầu nhiệm Thánh Thể, giáo xứ cũng đề ra các chương trình tôn vinh Thánh Thể và các việc đạo đức có liên quan. Thánh Thể được đặt suốt ngày đêm để chầu kính nơi Đền Thánh. Đặc biệt ngày 07/6/2015 Lễ Mình Máu Thánh Chúa, chương trình cung nghinh Thánh Thể được rước chung quanh giáo xứ và các dịp lễ kính bổn mạng các giáo họ, Thánh Thể được cung nghinh và tôn kính tại các giáo họ như một cách thể hiện lòng yêu mến của người dân xứ Lộc.

Xem Hình

Lời kinh năm thánh của giáo phận được Cha xứ cho đọc thêm cụm từ “và giáo xứ” để hiệp thông trong tâm tình tạ ơn và tín thác.

Các thánh lễ đặc biệt được tổ chức tại nghĩa trang trong Năm Tạ Ơn đã nhắc nhở mọi người luôn quan tâm cầu nguyện cho các bậc tiền nhân với tâm tình uống nước nhớ nguồn.

Tối thứ năm tuần Thánh, cuộc cung nghinh Thánh thể từ thánh đường đến đền thánh được tiến hành trọng thể và sốt mến.

Ngày khai mạc và bế mạc tháng hoa kính Đức Mẹ được tổ chức trọng thể với các diễn nguyện và tâm tình yêu mến, tạ ơn.

Ngày 20, 21, 22 tháng 7 năm 2015, lễ giỗ Cha Cố Đaminh được tiến hành trọng thể trong suốt ba ngày với sự nhắc nhở về những công đức, ân tình mà Cha Cố để lại cho cộng đoàn. Đây cũng là dịp để thế hệ trẻ cảm hiểu về một cuộc đời dâng hiến, hy sinh thầm lặng trong Thánh ý.

Dịp 15/8/2015, lễ kính Mẹ hồn xác lên trời, bổn mạng giáo xứ, cộng đoàn Lộc Lâm đã hành hương về nhà thờ giáo hạt để được nhận lãnh hồng ân toàn xá như lời dạy của Đức Giám Mục. Việc Cha xứ và Cha phó cùng hướng dẫn cộng đoàn trong chuyến đi này là một nghĩa cử cao đẹp càng cho thấy tấm lòng vị mục tử luôn hết mình vì đoàn chiên.

Tượng đài Thánh Bùi Văn Úy tử đạo, thánh tượng Nazareth được trùng tu cho khang trang hơn đã thể hiện tâm tình cảm tạ, tri ân của người dân Lộc Lâm trước hồng ân bao la của Thiên Chúa.

Một cách thường xuyên, trong các bài giảng, Cha xứ và Cha phó nhắc nhở, khuyên bảo, chỉ dẫn về lối sống đạo đức, tu dưỡng con người, tập sống quảng đại để cộng đoàn ngày càng thăng tiến trong đời sống đức tin.

Tất cả mọi hoạt động trong Năm Tạ Ơn đều được thực hiện trong tâm tình yêu mến, tri ân, cảm tạ và quy hướng về Tình yêu Thiên Chúa. Trong những ngày cuối năm, gần đến ngày đại lễ, tâm tình ấy càng sốt mến hơn. Mỗi người giáo dân Lộc Lâm cách này hay cách khác đều cảm nghiệm được ân sủng Chúa trong đời sống và những công việc hàng ngày. Thế nên, mỗi phút giây trôi qua, mỗi công việc đều là lời tạ ơn sâu sắc tự đáy lòng.

IX. Thay lời kết

Cuộc sống vẫn diễn ra một cách đều đặn, hành trình đức tin của chặng đường lữ thứ cũng theo đó mà tiếp diễn. Mỗi người giáo dân đều mải miết trong hành trình riêng của mình để rồi khi nhìn lại mới hay thời gian đã dần trôi, mọi việc đã dần thành quá khứ. Nửa thế kỷ đã qua, có những điều, những việc chẳng bao giờ còn trở lại, dẫu nuối tiếc hay thương nhớ thì cũng đã thành hoài niệm.

Viết về lịch sử hình thành và phát triển của một cộng đoàn Dân Chúa thì thật khó có thể viết cho đầy đủ, cặn kẽ. Bởi vì, cuộc sống của mỗi con người, mỗi gia đình trong xứ đã là một trang đầy ắp những sự kiện sống động mà không giấy bút nào có thể kể hết. Chính cuộc sống ấy đã làm nên bộ mặt của giáo xứ hôm nay. Năm mươi năm đã trôi qua. Từ một thung lũng hoang sơ, vắng vẻ buổi ban đầu, nay đã trở thành một nơi đất níu chân người với những điều kiện căn bản về đời sống vật chất để thăng tiến đời sống Đức Tin. Từ đó, người giáo dân Lộc Lâm càng cảm nghiệm cách sâu sắc: Từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa.

Giuse Nguyễn Trường Kỳ