LẾ THÁNH MATHA
Lời Chúa : Lc 10,38-42

Một hôm, Đức Giê-su vào một làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Ma-ri-a. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói : "Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao ? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay !" Chúa đáp : "Mác-ta ! Mác-ta ơi ! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá ! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi."

Suy Niệm LẾ THÁNH MATHA

Thánh Matha quê ở Bethany. Ngài có em gái là Maria và em trai là Lazarô. Tin mừng kể lại hai biến cố đặc biệt có sự hiện diện của Thánh Matha.

Biến cố thứ nhất, việc Chúa Giêsu và các môn đệ tới thăm nhà của thánh Matha (x. Lc 10,38-42). Biến cố này cho chúng ta thấy lòng hiếu khách và tinh thần phục vụ của thánh nhân. Thánh Nữ đã lo lắng chuẩn bị mọi thứ để đón tiếp Chúa Giêsu và các môn đệ. Chắc chắn Chúa Giêsu rất hài lòng về sự phục vụ này, bởi vị thánh nhân đã họa lại tinh thần của Ngài, như Ngài nói: “Ta đến không phải để được người ta phục vụ nhưng là để phục vụ…” (x. Mt 20,28). Ngài cũng kêu mời các môn đệ luôn phải có tinh thần phục vụ: “Người làm lớn phải là người phục vụ” (x. Mt 20, 25-27). Nhưng trong phục vụ không được ghen tương: "Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao ? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay !"(Lc 10, 40) , mà cần phải có sự khiêm nhường và lòng yêu mến. Mặt khác, người phục vụ luôn cần phải kết hợp với cầu nguyện, cần phải lắng nghe Chúa nói. Chính vì vậy, Chúa Giêsu mới nhắc nhở Matha rằng: "Mác-ta ! Mác-ta ơi ! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi" (Lc 10, 31-42).

Trong thực tế nhiều người trong chúng ta cũng giống như thái độ của Matha “lo lắng nhiều chuyện quá”: Nhiều người quá lo lắng về của cải vật chất, công ăn việc làm, cái ăn cái mặc nhưng quên đi việc cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích; nhiều người cha người mẹ lo lắng vất vả kiếm cho được nhiều tiền, lo chạy trường chạy lớp cho con cái, lo đủ thứ cho con cái...Nhưng lại thiếu trách nhiệm với con cái trong đời sống nhân bản và đức tin. Kết quả sẽ như thế nào? Tôi có gặp một gia đình người Việt đang sống ở Mỹ. Ông bà có năm người con, tất cả đều sinh ra ở Việt Nam. Khi qua Mỹ, chúng đang còn nhỏ và được gửi tới các trường học. Ông bà lo lắng mọi cách để kiếm tiền. Vì công việc cho nên, cha mẹ con cái ít khi gặp nhau. Có khi cả tuần cha mẹ con cái mới gặp nhau được một lần. Không duy trì được thói quen giáo dục nhân bản và đức tin cho con cái như khi trước. Vì thế, tình cảm giữa cha mẹ và con cái càng ngày càng nhạt. Đời sống đạo và các truyền thống tốt đẹp khác nơi con cái cũng nhật dần…Giờ có tuổi rồi, ông bà mới cảm thấy hối hận. Ông bà nói: “giá như khi đó, ít làm việc hơn, dành thời gian nhiều hơn quan tâm tới con cái, đọc kinh cầu nguyện chung với con cái trong gia đình…thì có lẽ bây giờ chắc chắn chúng sẽ tốt hơn”. Nhưng mọi sự đều quá muộn.

Biến cố thứ hai, sự kiện Chúa Giêsu làm phép lạ cho Lazaro đã chết bốn ngày được sống lại (x. Ga 11, 1-44). Qua biến này, cho chúng ta thấy được lòng tin của Thánh Matha vào Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. Nhưng bây giờ con biết: bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy” (Ga 11, 21-22). Không những Matha tin vào việc Chúa Giêsu có thể làm cho kẻ chết sống lại mà Thánh nhân còn tin vào sự sống lại. Chúng ta biết được điều đó qua đoạn trao đổi giữa Thánh Nhân và Chúa Giêsu sau đây: “Đức Giê-su nói: ‘Em chị sẽ sống lại!’ Cô Mác-ta thưa: ‘Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết.’Đức Giê-su liền phán: ‘Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không?’ Cô Mác-ta đáp: ‘Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian’” (Ga 11, 23-27).

Qua hai biến cố trên chứng tỏ sự gắn bó, tin tưởng của Thánh Matha đối với Chúa Giêsu và tinh thần cộng tác, sự phục vụ của thánh nhân đối với công cuộc loan báo Tin mừng. Coi Chúa như là người bạn chân thành. Chúa Giêsu cũng coi gia đình của Thánh Matha là nơi thân quen, nơi để nghỉ ngơi sau những hành trình truyền giáo vất vả. Mỗi người chúng ta hãy học nơi Thánh Nhân, luôn coi Chúa như là người bạn để biết tiếp đón Chúa một cách chân thành: đón tiếp Chúa qua đời sống cầu nguyện; đón tiếp Chúa qua việc suy gẫm Lời Chúa; đón tiếp Chúa qua việc lãnh nhận các Bí tích nhất là Bí tích Thánh Thể; đón tiếp Chúa qua việc từ thiện, bác ái: “Vì khi ta đói các ngươi cho ăn, khi ta khát các ngươi cho uống…” (x. Mt 25, 31-46).

Xin cho tất cả chúng ta luôn biết noi gương thánh nhân về tinh thần phục vụ, sống gắn bó với Chúa, tin tưởng nơi Chúa, nhất là tin vào sự sống lại, vì đó là niềm tin chủ đạo điều khiển cuộc sống của mỗi người kitô hữu chúng ta. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành