2.4 Tính đồng nghị trong sự năng động của hiệp thông Công Giáo

58. Tính đồng nghị là một biểu thức sống động của tính Công Giáo của Giáo Hội như một hiệp thông. Trong Giáo Hội, Chúa Kitô hiện diện như là Đầu hợp nhất với Thân Thể Người (Ep 1: 22-23) một cách đến nỗi Giáo Hội nhận được từ Người sự viên mãn của các phương tiện cứu rỗi. Giáo hội là Công Giáo cũng bởi vì Giáo Hội được sai đến mọi người, để tụ họp toàn bộ gia đình nhân loại trong sự phong phú đa nguyên của các hình thức văn hóa, dưới quyền Chúa Tể của Chúa Kitô và trong sự hợp nhất của Thánh Thần Người. Con đường đồng nghị phát biểu và cổ vũ tính Công Giáo của Giáo Hội theo hai cách: nó cho thấy cách năng động, trong đó sự trọn vẹn của đức tin được chia sẻ bởi mọi thành viên của Dân Thiên Chúa và hỗ trợ việc chuyển giao nó cho mọi người và mọi dân tộc.



59. Giáo hội, vì là Công Giáo, nên làm cho phổ quát thành địa phương và địa phương thành phổ quát. Tính đặc thù của Giáo Hội ở một nơi được nên trọn tại trung tâm của Giáo Hội phổ quát và Giáo Hội phổ quát được tỏ hiện và làm thành hiện thực trong các Giáo Hội địa phương, và trong sự hiệp thông của họ với nhau và với Giáo Hội Rôma.

"Mỗi Giáo hội cá thể nếu tự ý cắt đứt khỏi Giáo hội phổ quát sẽ đánh mất mối liên hệ của họ với kế hoạch của Thiên Chúa ... Nhưng, cùng một lúc, Giáo hội nào toto orbe diffusa (tản mác khắp địa cầu) sẽ trở nên trừu tượng nếu giáo hội ấy không lấy thân xác và sự sống qua các Giáo hội cá thể. Chỉ có sự chú ý liên tục đến hai cực này của Giáo hội mới giúp chúng ta cảm nhận được sự phong phú của mối liên hệ này "[69].

60. Sự tương quan nội tại qua lại của hai cực này có thể được phát biểu như là cách phổ quát và địa phương hiện diện trong nhau trong Giáo Hội của Chúa Kitô. Trong Giáo hội như là Công Giáo, sự đa dạng không chỉ là sự đồng hiện hữu mà là sự gắn kết trong sự liên hệ qua lại và lệ thuộc lẫn nhau: một perichoresis [đồng tương tại] có tính giáo hội học, trong đó sự hiệp thông Ba Ngôi thấy sự phản chiếu của mình nơi Giáo Hội. Sự hiệp thông của các Giáo hội với nhau trong một Giáo hội phổ quát làm sáng ý nghĩa giáo hội học của " cái chúng ta" có tính hợp đoàn trong hàng giám mục tập hợp trong sự hợp nhất cum Petro et sub Petro (với Phêrô và dưới Phêrô).

61. Các giáo hội địa phương là các chủ thể cộng đoàn làm cho dân Chúa duy nhất hiện thực một cách mới lạ trong các bối cảnh văn hóa khác nhau, và họ chia sẻ các ơn phúc của họ trong một cuộc trao đổi qua lại nhằm cổ vũ "mối liên kết hiệp thông chặt chẽ" [70]. Sự đa dạng của các Giáo hội địa phương - với các kỷ luật giáo hội, nghi thức phụng vụ, di sản thần học, các ơn phúc thiêng liêng và các quy tắc giáo luật của riêng họ - "là bằng chứng tuyệt vời cho tính Công Giáo của Giáo hội không chia rẽ" [71]. Thừa tác vụ của Thánh Phêrô, centrum unitatis [tâm điểm hợp nhất], "bảo vệ các dị biệt hợp pháp, đồng thời đảm bảo rằng những các dị biệt này không cản trở sự hợp nhất mà đúng hơn đóng góp cho sự hợp nhất này" [72]. Thừa tác vụ Phêrô có đó để phục vụ sự hợp nhất của Giáo hội và bảo đảm tính cách riêng biệt của mỗi Giáo hội địa phương. Tính đồng nghị mô tả con đường phải theo để cổ vũ tính Công Giáo của Giáo hội bằng việc biện phân các con đường phải theo với nhau trong Giáo hội hoàn vũ và phải theo khác nhau trong mỗi Giáo hội địa phương.

2.5 Tính đồng nghị trong truyền thống hiệp thông tông đồ

62. Giáo hội là tông truyền theo ba nghĩa: vì Giáo Hội đã và tiếp tục được xây dựng trên nền tảng các Tông đồ (xem Ep 2: 20); vì, với sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội bảo tồn và chuyển giao các giáo huấn của các ngài (xem Cv 2,42; 2 Tm 1,13-14); vì Giáo Hội tiếp tục được các Tông đồ dẫn dắt qua Giám mục Đoàn, những người kế vị các ngài và là Mục tử trong Giáo hội (Cv 20: 28) [73]. Ở đây, chúng ta đang tập chú vào mối liên hệ giữa sinh hoạt đồng nghị của Giáo hội và thừa tác vụ tông truyền được làm cho hiện thực trong thừa tác vụ của các Giám mục trong sự hiệp thông hợp đoàn và phẩm trật với nhau và với Giám mục Rôma.

63. Lumen Gentium dạy rằng Chúa Giêsu cử nhiệm Nhóm Mười Hai "theo cách của một hợp đoàn (collegium) hoặc một nhóm ổn định (cœtus), trên đó Người đặt Phêrô được chọn trong số họ" [74]. Hiến chế này khẳng định rằng việc kế vị tông đồ diễn ra qua việc thánh hiến các Giám mục, một việc trao ban cho các ngài sự trọn vẹn của Bí tích Truyền Chức và kết hợp họ vào sự hiệp thông hợp đoàn và phẩm trật với người đứng đầu và các thành viên của Hợp Đoàn [75]. Do đó, Hiến Chế tuyên bố rằng thừa tác vụ của các Giám mục, tương ứng và dẫn khởi từ thừa tác vụ của các Tông đồ, có tính hợp đoàn và phẩm trật. Hiến chế minh họa mối liên hệ giữa tính bí tích của hàng giám mục và tính hợp đoàn giám mục, vượt qua lối giải thích muốn tách thừa tác vụ giám mục ra khỏi gốc gác bí tích của nó và làm suy yếu chiều kích hợp đoàn của nó, một điều được Thánh Truyền xác nhận [76]. Nhờ cách này, trong bối cảnh giáo hội học hiệp thông và hợp đoàn, nó bổ sung cho tín lý của Vatican I về Giám mục Rôma như "nguyên tắc và nền tảng hữu hình của sự hiệp nhất của cả các Giám mục lẫn tín hữu" [77].

64. Có thể đi sâu hơn vào nền thần học đồng nghị dựa vào học thuyết cảm thức đức tin (sensus fidei) của dân Chúa và tính hợp đoàn bí tích của hàng giám mục trong hiệp thông phẩm trật với Giám mục Rôma.

Viễn kiến giáo hội học này mời gọi chúng ta nói rõ sự hiệp thông đồng nghị của "mọi người", của "một số người" và của "một người". Ở nhiều bình diện khác nhau và dưới nhiều hình thức khác nhau, như các Giáo hội địa phương, các nhóm Giáo hội địa phương và Giáo hội hoàn cầu, tính đồng nghị liên quan đến việc thực thi cảm thức đức tin của universitas fidelium (mọi tín hữu), thừa tác vụ lãnh đạo của đoàn Giám mục, mỗi vị với linh mục đoàn của mình (một số người), và thừa tác vụ hợp nhất của Giám mục Rôma (một người). Do đó, sự năng động của tính đồng nghị nối kết khía cạnh cộng đồng, tức khía cạnh bao gồm toàn thể dân Chúa, chiều kích hợp đoàn, tức phần thi hành thừa tác vụ giám mục, và thừa tác vụ giáo chủ (primatial) của Giám mục Rôma.

Mối tương quan qua lại này cổ vũ singularis conspiratio (sự hợp tác độc đáo) giữa các tín hữu và các Mục tử của họ [78], một sự hợp tác vốn là hình tượng của sự hợp tác vĩnh cửu sống động nơi Ba Ngôi Thiên Chúa. Do đó, Giáo hội "không ngừng tiến về phía sự viên mãn của sự thật thần thiêng cho đến khi lời của Thiên Chúa đạt được sự thành toàn trọn vẹn trong Giáo Hội" [79].

65. Sự đổi mới đời sống đồng nghị của Giáo Hội đòi hỏi chúng ta phải khởi diễn các diễn trình tham khảo ý kiến của toàn thể dân Chúa. "Thực hành tham khảo các tín hữu không phải là điều mới lạ trong đời sống Giáo hội. Trong Giáo hội thời Trung cổ, một nguyên tắc của luật Rôma đã được sử dụng: Quod omnes tangit, ab omnibus seamari et acceptbari debet (những gì ảnh hưởng đến mọi người nên được thảo luận và chấp thuận bởi mọi người). Trong ba lãnh vực của đời sống Giáo hội (đức tin, bí tích, quản trị), 'truyền thống kết hợp một cơ cấu có phẩm trật với một chế độ lập hội và thỏa thuận cụ thể', và được coi là một thủ tục hoặc truyền thống tông truyền"[80 ]. Không nên hiểu châm ngôn này theo nghĩa duy công đồng ở bình diện giáo hội học hoặc theo nghĩa duy nghị viện ở bình diện chính trị. Sẽ hữu ích hơn khi suy nghĩ theo nghĩa thực thi tính đồng nghị tại tâm điểm của hiệp thông giáo hội.

66. Trong viễn kiến Công Giáo và tông truyền về tính đồng nghị, có một mối tương quan hỗ tương giữa communio fidelium (hiệp thông các tín hữu), communio episcoporum (hiệp thông các giám mục) và communio ecclesiarum (hiệp thông các giáo hội). Khái niệm đồng nghị rộng hơn khái niệm hợp đoàn vì nó bao gồm sự tham gia của mọi người trong Giáo hội và của mọi Giáo hội. Theo nghĩa chặt chẽ, tính hợp đoàn chỉ việc khẳng quyết và nói lên sự hiệp thông của dân Chúa trong hàng ngũ Giám mục, nói cách khác, trong hợp đoàn các Giám mục cum Petro et sub Petro (cùng Phêrô và dưới Phêrô), và - qua đó - sự hiệp thông giữa mọi Giáo hội. Khái niệm đồng nghị ngụ hàm tính hợp đoàn và ngược lại, vì cả hai, tuy khác nhau, nhưng hỗ trợ và xác nhận lẫn nhau. Giáo huấn của Vatican II về tính bí tích của hàng giám mục và về tính hợp đoàn là tiền đề thần học căn bản cho một nền thần học chính xác và đầy đủ về tính đồng nghị.

2.6 Sự tham gia và quyền bính trong sinh hoạt đồng nghị của Giáo hội

67. Giáo hội đồng nghị là Giáo hội tham gia và đồng trách nhiệm. Trong khi thực thi tính đồng nghị, Giáo Hội được mời gọi nói lên sự tham gia của mọi người, theo ơn gọi của mỗi người, vào thẩm quyền được Đức Kitô ban cho hợp đoàn Giám mục do Đức Giáo Hoàng đứng đầu. Sự tham gia dựa trên sự kiện này: mọi tín hữu đều có tư cách và được kêu gọi phục vụ lẫn nhau qua các ơn phúc họ đã nhận được từ Chúa Thánh Thần. Thẩm quyền của các Mục tử là đặc sủng của Thánh Thần Chúa Kitô, Đấng là Đầu, để xây dựng toàn bộ Cơ thể, chứ không phải là một chức năng được ủy nhiệm và đại diện cho người ta. Về điểm này cần làm rõ hai điều.

68. Điều đầu tiên là về ý nghĩa và giá trị của việc tham khảo mọi người trong Giáo hội. Việc phân biệt giữa các lá phiếu thảo luận và tham vấn (deliberative and consultative) không cho phép chúng ta đánh giá thấp các ý kiến được đưa ra và các phiếu bầu được thực hiện trong các phiên họp thượng hội đồng và công đồng khác nhau. Kiểu nói votum tantum consultivum (lá phiếu chỉ có tính tham vấn), cho thấy sức nặng các đánh giá và đề xuất trong các phiên họp đáng kính này, sẽ không thỏa đáng nếu nó được hiểu theo mens (tâm tư) của luật dân sự trong nhiều biểu thức khác nhau của nó [81].

Tham vấn diễn ra trong các phiên họp thượng hội đồng thực sự rất khác, bởi vì các thành viên của dân Chúa tham gia vào đó đang đáp trả lời triệu tập của Chúa, lắng nghe như một cộng đồng những điều Chúa Thánh Thần đang nói với Giáo hội qua Lời của Thiên Chúa đang vang dội trong hoàn cảnh của họ, và giải thích các dấu chỉ thời đại bằng con mắt đức tin. Trong Giáo hội đồng nghị, toàn thể cộng đồng, trong sự đa dạng tự do và phong phú của các thành viên, được mời gọi cùng nhau cầu nguyện, lắng nghe, phân tích, đối thoại, biện phân và cống hiến lời cố vấn về việc đưa ra các quyết định mục vụ tương ứng bao nhiêu có thể với ý muốn của Thiên Chúa. Vì thế, đến lúc phải đưa ra quyết định của riêng mình, các Mục tử phải lắng nghe cẩn thận các mong muốn (vota) của các tín hữu. Bộ Giáo Luật quy định rằng, trong một số trường hợp, các ngài chỉ nên hành động sau khi đã tìm hiểu và nhận được các ý kiến khác nhau theo các thủ tục được thiết lập hợp pháp [82].

69. Minh xác thứ hai liên quan đến chức năng cai quản của riêng Mục Tử [83]. Không có khoảng cách hoặc tách biệt giữa cộng đồng và các mục tử của nó - những vị được kêu gọi hành động nhân danh Vị Mục Tử duy nhất - nhưng là một sự phân biệt giữa các nhiệm vụ trong tính tương hỗ của hiệp thông. Một công nghị (synod), một hội nghị (assembly), một công đồng (council) không thể đưa ra quyết định mà không có các mục tử hợp pháp của nó. Diễn trình đồng nghị phải diễn ra tại trung tâm của một cộng đồng có cơ cấu phẩm trật. Chẳng hạn, trong một giáo phận, cần phân biệt giữa diễn trình ra quyết định (decision-making) thông qua việc thực hành biện phân, tham khảo và hợp tác chung, và nhận quyết định (decision-taking), vốn thuộc năng quyền của Giám mục, người bảo lãnh tính tông truyền và tính Công Giáo. Giải quyết sự việc là một nhiệm vụ có tính đồng nghị; quyết định là trách nhiệm có tính thừa tác. Một việc thực thi chính xác tính đồng nghị phải góp phần vào việc nối kết (articulation) tốt hơn thừa tác vụ thi hành thẩm quyền tông truyền bản thân và hợp đoàn với việc thi hành đồng nghị sự biện phân của cộng đồng.

70. Tóm lại, dưới ánh sáng các nguồn quy phạm và nền tảng thần học của nó, mà chúng ta đã nhắc đến ở các chương 1 và 2, chúng ta có thể kết luận bằng một mô tả chính xác về tính đồng nghị như một chiều kích chủ yếu của Giáo hội.

a. Trước hết và trên hết, tính đồng nghị chỉ phong cách đặc thù làm đặc điểm cho đời sống và sứ mệnh của Giáo hội, nói lên bản chất của Giáo Hội như là dân Chúa đang cùng nhau lữ thứ và tụ họp nhau thành cộng đoàn, được Chúa Giêsu triệu tập trong quyền năng của Chúa Thánh Thần để loan báo Tin Mừng. Tính đồng nghị phải được phát biểu trong cách sống và làm việc thông thường của Giáo hội. Modus vivendi et operandi (cách sống và hành động) này hoạt động thông qua cộng đồng biết lắng nghe Lời Chúa và cử hành Bí tích Thánh Thể, tình anh em hiệp thông và đồng trách nhiệm và sự tham gia của toàn thể Dân Thiên Chúa vào đời sống và sứ mệnh của nó, trên mọi bình diện và phân biệt giữa nhiều thừa tác vụ và vai trò khác nhau.

b. Theo một nghĩa chuyên biệt hơn, một nghĩa được xác định theo quan điểm thần học và giáo luật, tính đồng nghị chỉ các cơ cấu và diễn trình giáo hội trong đó bản chất đồng nghị của Giáo hội được phát biểu ở bình diện định chế, nhưng một cách loại suy ở nhiều bình diện khác nhau: địa phương, miền và hoàn vũ. Các cơ cấu và diễn trình này chính thức phục vụ Giáo hội, một việc phục vụ phải khám phá ra con đường tiến lên bằng cách lắng nghe Chúa Thánh Thần.

c. Cuối cùng, tính đồng nghị chỉ chương trình các biến cố đồng nghị trong đó Giáo hội được triệu mời với nhau bởi thẩm quyền có năng quyền theo các thủ tục chuyên biệt do kỷ luật của giáo hội đặt ra, liên quan đến toàn thể Dân Thiên Chúa nhiều cách khác nhau trên bình diện địa phương, khu miền và hoàn vũ, được chủ tọa bởi các Giám mục hiệp thông hợp đoàn với Giám mục Rôma, để biện phân cách tiến lên phía trước và các vấn đề đặc thù khác, cũng như đưa ra các quyết định và hướng đi đặc thù nhằm mục đích hoàn tất sứ mệnh rao giảng Tin Mừng.

Kỳ sau: Chương Ba: Thực Thi Tính Đồng Nghị